Cúi đầu tỏ lộ biết ơn

Đây là bài tựa của Melvin Mc Leod chủ bút SHAMBHALA SUN viết cho chủ đề THÍCH NHẤT HẠNH của số báo ra tháng 7 năm nay, gồm một bài phỏng vấn do chính vị Chủ bút thực hiện dưới tựa đề tiếng Việt là : Tình thương và giải thoát (Love & Liberation). Và một bài nói về cuộc đời của vị thiền sư người Việt Nam nổi tiếng thế giới của ký giả Andrea Miller mà chúng tôi đã chuyển ngữ dưới tựa tiếng Việt là: An lạc từng bước chân (Peace in Every Step: Thich Nhat Hanh's Life of Courage and Compassion).

 

altTình thương nhiều khi chỉ là một ý niệm thật mơ hồ, không cụ thể. Các tôn giáo lớn đều dạy về tình thương, và người tín đồ nào cũng ao ước đạt tới một tình thương sâu sắc lớn rộng như là kết quả của sự thực tập trong đời sống tâm linh của mình. Ban đầu thì ai cũng thấy rõ như vậy. Nhưng sau đó thì nó lại trở thành một cái gì có vẻ mơ hồ. Cái tình thương cao cả ấy mà tất cả chúng ta đều ao ước, thật ra nó là cái gì ? Tình thương ấy được cảm nhận ra làm sao, làm thế nào để chế tác nó, nuôi dưỡng nó ? Làm thế nào cho nó xuất hiện ?

 

Những điều tôi sẽ nói đây có thể làm cho bạn sửng sốt, nhất là khi tôi nói về ông thầy tu 83 tuổi, phạm hạnh, một vị thầy Phật giáo có tầm cở lớn. Tôi muốn nói thầy Thích Nhất Hạnh là hiện thân cho tình thương lớn, đó là một người có khả năng thương yêu vô bờ. Nhìn thầy giảng dạy đệ tử tôi cảm nhận được trực tiếp tình thương ấy và tôi thấy không cách nào để diễn tả được cái kinh nghiệm này của tôi khác hơn là : tình thương của một người yêu vĩ đại. Một người yêu đã thoát xa sự vướng mắc và tình yêu của người đã ôm lấy được tất cả mọi loài.

 

Tôi ngồi trong thiền đường và thực tập thiền theo sự hướng dẫn của thầy. Thầy chỉ cho chúng tôi tiếp xúc với em bé bị thương trong mỗi chúng tôi : “Bé ơi, tôi biết bé đang có thương tích đầy mình. Bé không có lỗi gì cả.Tôi đang ôm lấy bé để bé có cơ hội trị liệu mhững vết thương”. Giọng thầy êm dịu, nhẹ nhàng và thấm thía một cách dị thường.

 

Thầy đem tình thương vĩ đại của thầy để gây cảm hứng cho chúng tôi, để cho chúng tôi có thể trở về chấp nhận và thương yêu lấy bản thân mình, để rồi có thể thương yêu mọi người khác.

 

Tình thương này không gì gọi là mơ hồ cả. Đó là một thứ tình thương rất thực, có thể sờ mó, có thể tiếp xúc được. Rất êm dịu, rất thiết tha, đầy xúc cảm. Vừa sâu sắc vừa cảm động không khác gì tình yêu của một người cha, của một người mẹ, của một người con, hay của một người yêu.

 

Tình yêu tâm linh có khác xa với tình yêu lãng mạn không ? Thầy Nhất Hạnh cũng đã từng yêu, cũng đã từng kinh nghiệm về tình yêu với một thiểu nữ hồi thầy còn trẻ tuổi. Bốn năm trước đây tôi có cơ hội tới phỏng vấn thầy ở Tu Viện Lộc Uyển. Thầy đã nói với chúng tôi lúc ấy rằng mối tính đầu ấy vẫn còn sống mãi nhưng nó đã được nuôi dưỡng cho lớn lên để có thể ôm được tất cả mọi loài, chứ không còn chỉ để dành cho một người duy nhất.

 

Trong số báo Shambhala Sun đặc biệt này về thầy, có một bài phỏng vấn trong đó thầy chỉ cho chúng ta thấy sự khác biệt lớn giữa tình yêu tâm linh mở rộng và thứ tình yêu mà phẩn lớn chúng ta đã đi qua trong liên hệ lứa đôi. Thầy nói rằng thường thường tình yêu của người thế gian được dựa trên những nhu yếu cá nhân và sự lệ thuộc, chúng ta cần một người yêu như cần một người cha hay người mẹ để chăm sóc cho chúng ta và để cho chúng ta nương tựa – trong khi đó thì tình yêu đích thực được phát sinh trên nền tảng của một sự mãn ý mãn nguyện sâu xa, không phải là một nhu yếu đi tìm của một tâm hồn thiếu thốn và yếu kém. Tình yêu đích thực ấy tỏa chiếu ra chung quanh một cách bình đẳng, không phân biệt và tuyệt đối không cần sự đền đáp. Vị thiền sư có hai cái lỗ tai lớn này có những cái thấy làm cho mình sửng sốt về tâm lý học hiện đại mà ông ta đem sử dụng trong khi giảng dạy về giáo lý truyền thống của đạo Phật. Vậy mà đạo Phật của ông giảng dạy vẫn còn hoàn toàn chính thống, không hề biến chất.

 

Trong số báo này, tôi cũng học hỏi được về một mặt khác của cuộc đời thầy nhờ bài viết của ký giả Andrea Miller. Đây là một bài viết về cuộc đời hành đạo của thầy. Nó cho ta thấy ngoài con người tâm linh nội hướng, thầy còn là một con người của hành động. Điều này làm cho tôi sửng sốt không kém. Đạo Phật của Thầy rất thâm sâu, rất uyên bác, nhưng không phải là một thứ đạo Phật khép kín trong tu viện. Từ khi còn là một ông thầy tu trẻ tuổi, thầy đã can trường hành động với rất nhiều từ bi, làm đủ mọi việc để canh tân đạo Phật, để cứu trợ nạn nhân chiến tranh và bất công xã hội, và chấm dứt một cuộc chiến giai dẵng kinh hồn. Vì những hạnh nguyện ấy mà thầy đã phải bị lưu đày tới bốn mươi năm. Và khi được trở về nước lần đầu thì lập tức thầy bắt tay vào hành động để trị liệu những thương tích do chiến tranh gây nên, để nâng cao chỗ đứng của người phụ nữ trong đạo Phật truyền thống và để xiểng dương thiền tập như trái tim của Phật giáo. Trong quá khứ cũng như trong hiện tại, cả hai giới bảo thủ và cố chấp đều nhìn thầy như là một sự đe dọa cho họ.

 

Thầy là một người của đại bi. Thầy là một người của đại hạnh. Tôi biết khi tôi nói câu này, có người sẽ cho rằng tôi đang ví thầy Nhất Hạnh với James Bond. Nhưng giữa một nhà hiệp sĩ và một bậc thầy tâm linh, có thể là không có cái khoảng cách mà ta tưởng tượng. Cũng như khi Chogyam Trungpa Rimpoche giảng dạy về Shambhala, thầy Nhất Hạnh đúng là một con người chiến sĩ trên con đường hành đạo lâu dài và thành đạt mà thầy đã đi qua, mỗi bước chân đều để lại dấu tích của sư can trường và tâm bình an.

 

Bài phỏng vấn thầy đăng trong số báo này đã được tôi thực hiện trong một khóa tu năm ngày tại Miền Đông Bắc Mỹ Châu. Tôi đã có cơ duyên được tham dự trọn khóa ấy do thầy hướng dẫn. Qua khóa tu tôi đã thực sự được chuyển hóa. Tôi nhận thấy các bài pháp thoại của thầy trình bày được giáo lý căn bản của Phật một cách tuyệt vời. Chưa bao giờ tôi được nghe giảng giáo lý đạo Phật một cách rõ ràng và thấm thía như thế. Ngồi nghe thầy giảng, tôi có thể nghĩ rằng các sự thật của giáo pháp được trình bày một cách rõ ràng hết sức, hợp lý hết sức, không thể nào không chấp nhận được, và tôi ước gì hàng triệu người sẽ có cơ hội được nghe thầy giảng. Tôi là một kẻ may mắn đã từng được học với nhiều vị thầy lớn và thầy là một trong những vị ấy. Tôi xin nghiêng mình kính lễ để tỏ lộ sự biết ơn của tôi.

 

 Melvin Mc Leod chủ bút SHAMBHALA SUN

Chuyển ngữ từ: A Bow in Gratitude by Melvin McLeod

Theo phusaonline.free.fr