Thọ trì y Ca-Thi-Na

 

Mỗi năm, 3 tháng mùa Hạ là thời gian Đức Phật ấn định chư Tăng phải tùng chúng tu học, thúc liễm thân tâm để củng cố tính thanh tịnh và hòa hợp của đoàn thể Tăng sau một khoảng thời gian dài 9 tháng bận rộn công tác hoằng hóa. Sau 3 tháng an cư đó, một trong những phận sự mà Tăng cần phải làm là thọ trì y Ca-thi-na. Ngọn nguồn của ngày lễ này có từ thời Đức Phật còn tại thế, khởi từ sự kiện Tăng chúng cùng nhau may y cho Trưởng lão A-na-luật. Câu chuyện này được kể lại như sau:

catina-1.jpg

Trưởng lão A-na-luật nhờ tôn giả A-nan cung thỉnh những Tỳ kheo khác cùng may hộ y cho mình bởi vì ba y của ngài đã rách nát mà mắt của ngài thì không nhìn thấy. Tôn giả A-nan đi thỉnh mời tất cả các Tỳ kheo trong tinh xá. Đức Phật biết được sự việc nên hỏi A-nan vì sao không mời ngài tham dự. A-nan cung thỉnh Phật và Ngài chấp nhận. Ngay hôm ấy, Phật đã cùng với 800 Tỳ kheo may xong 3 y cho Trưởng lão A-na-luật, Đức Phật làm người thợ cả. Khi 3 y đã được may xong, Đức Phật dạy Trưởng lão A-na-luật giảng về công đức của y Ca-thi-na. Kế đến Đức Phật ấn chứng lời của Trưởng lão A-na-luật và khuyên các Tỳ kheo nên thọ trì y Ca-thi-na. Kể từ đó, thọ trì y Ca-thi-na trở thành một truyền thống được tổ chức ngay sau ngày mãn Hạ.

Ca-thi-na là dịch âm từ Kahina trong tiếng Phạn, Trung Quốc thường phiên âm là Ca-hi-na, có ý nghĩa là thể tánh kiên cố, vì y này biểu hiện sự kiên cố của bản thể Tăng già, sự kiên cố này được thể hiện qua hai tính chất căn bản của Tăng đó là thanh tịnh và hòa hợp. Thọ trì y Ca-thi-na là một lần nữa xác nhận tính thanh tịnh và hòa hợp đó sau khi chư Tăng đã trải qua thời gian an cư.

Lại nữa, giới luật của người xuất gia rất nghiêm ngặt, những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống có khi vì thế mà trở nên thiếu thốn; cho nên, việc thọ trì y Ca-thi-na còn được xem như là một sự tưởng thưởng đối với các Tỳ kheo sau 3 tháng an cư. Sự tưởng thưởng đó chính là 5 lợi ích mà một vị Tỳ kheo thọ y Ca-thi-na được hưởng. 5 điều lợi ích ấy là:

- Được chứa vải dư trong nhiều ngày.

- Lìa y ngủ qua đêm mà không mất y.

- Nhóm họp nhiều Tỳ kheo thọ trai ở nhà cư sĩ mà không phạm lỗi tách chúng ăn riêng.

- Được ăn nhiều lần ở nhiều nơi trong một ngày.

- Đi ra khỏi trú xứ mà không cần thông báo cho các Tỳ kheo khác.

Với 5 điều lợi ấy cho nên y Ca-thi-na cũng còn được gọi là y công đức.

catina-2.jpg

Phật tử Thái Lan dâng y lên chư Tăng

Trong truyền thống Nam tông, lễ thọ y Ca-thi-na được tổ chức thành lễ dâng y và xảy ra đều đặn sau mỗi mùa an cư. Ở nước ta, vì nhiều nguyên do, lễ thọ y Ca-thi-na trong truyền thống Bắc tông đã không được thực hiện đều đặn như tinh thần của giới luật đề ra mà chỉ mới được tổ chức vài lần. Lịch sử gần đây, lễ thọ y Ca-thi-na lần đầu đã được cố Hòa thượng khai sơn tu viện Quảng Hương Già Lam tổ chức tại bổn viện vào năm 1983, tuy nhiên, thời gian sau đó lại bị gián đoạn.

Những năm gần đây, ở nước ta, các chùa Bắc tông cũng bắt đầu tổ chức lễ dâng y, tuy nhiên, việc thọ trì và ý nghĩa của y Ca-thi-na, là tinh túy của lễ dâng y, lại không được nhắc đến hoặc chưa được hiểu rõ. Nhìn chung các chùa chỉ tổ chức lễ dâng y như một hình thức cúng dường tứ sự bình thường mà không mang ý nghĩa của y Ca-thi-na.

Y Ca-thi-na thực chất là chiếc y mang tính biểu tượng, nó tượng trưng cho công đức tu tập của Tăng trong 3 tháng an cư. Do vậy, sau khi làm lễ Tự tứ xong, tất cả Tăng cùng tập họp tại giới trường và tác pháp thọ y. Tăng sẽ cử một Tỳ kheo đại diện trì chiếc y Ca-thi-na, nhưng mọi người tham dự tác pháp đều được hưởng 5 công đức đã nói trên. Và như thế, thọ y Ca-thi-na chính là thọ nhận 5 công đức đó chứ không phải chỉ gói gọn ở chiếc y được may thành.

Về người trì y, luật Thập Tụng quy định, Tỳ kheo hội đủ năm đức tính sau đây mới đáng được Tăng sai làm người trì y:

- Không thiên ái,

- Không dễ nóng giận,

- Không sợ hãi,

- Không si,

- Biết đã thọ và chưa thọ.

Mặt khác, năm hạng người sau đây không được phép làm người trì y: không tuổi hạ, phá hạ, hậu an cư, bị tẫn xuất và biệt trú.

 

Người hưởng công đức y Ca-thi-na, tức là hưởng 5 quyền lợi do hiệu lực của y công đức, cũng phải đúng pháp. Luật quy định có 11 hạng Tỳ kheo không được hưởng 5 điều lợi ích này (theo Hành sự sao tư trì ký, Đại 40, tr. 252a):

- Người gởi dục, tức Tỳ kheo không hiện diện.

- Người có nạn, tức bị vua chúa hay giặc cướp bắt đi.

- Người không có đại y, tức không có y Tăng-già lê.

- Người thuộc về trú xứ khác, tức không cùng sống chung một đại giới của trú xứ an cư.

- Người trung và hậu an cư.

- Người mà hạ đã bị phá.

- Người không đồng kết giới, nghĩa là các Tỳ kheo thuộc phạm vi đại giới khác muốn cùng thọ hưởng công đức của y nhưng không giải đại giới cũ của trú xứ mình để kết chung thành một giới.

- Người phạm Tăng tàn.

- Người đang hành biệt trú.

- Người học hối, tức Tỳ kheo được dữ học pháp.

- Người bị tẫn xuất.

Về thời gian thọ trì y Ca-thi-na, theo luật Tứ Phần giải thích, ngày 15 tháng 7 âm lịch là Tự tứ, ngày 16 thọ y Ca-thi-na, và hiệu lực của 5 điều lợi ích kéo dài 5 tháng đến ngày 15 tháng 12 âm lịch là chấm dứt.

Như thế, thọ y Ca-thi-na là một nghi thức của Tăng, có tác pháp yết ma chứ không phải là lễ dâng y bình thường do đàn việt tổ chức. Đó cũng là điểm then chốt cần lưu ý khi tổ chức nghi thức thọ y Ca-thi-na.

catina-3.jpg

Nói tóm lại, y Ca-thi-na là y công đức, nó mang tính ân thưởng. Nhưng trên tất cả, ý nghĩa của Ca-thi-na là thể hiện tinh thần hòa hợp của Tăng. Bởi vì như khởi nguyên của nó, toàn thể Tăng chúng gồm cả Đức Phật và 800 Tỳ kheo cùng chung sức may 3 y cho Trưởng lão A-na-luật. Đó là một việc làm toát lên sự hòa ái của tình cảm thầy trò mà chỉ cần nghĩ đến cũng đủ khiến cho người ta cảm động.

Chuyện ngày xưa đã vậy. Còn ngày hôm nay, Phật giáo chúng ta trên bước đường hòa nhập vào dòng chảy phát triển của xã hội, hơn bao giờ hết, những giá trị tâm linh, tinh thần thanh tịnh và hòa hợp của những người con Phật nói chung, của những người lãnh đạo Phật giáo nói riêng càng cần phải được củng cố và nêu cao. Thiếu hai tinh thần ấy, Phật giáo chỉ là một tổ chức kềnh càng và Tăng già chỉ là một tập thể ô hợp gắn kết vì những mục đích nhỏ bé. Chúng ta thường nói: "Hạnh phúc thay chư Phật ra đời, hạnh phúc thay giáo pháp cao minh, hạnh phúc thay Tăng già hòa hợp!". Nói như thế để thấy, tinh thần thanh tịnh và hòa hợp là kết tinh của Tăng già, và y Ca-thi-na cũng gói ghém tinh thần ấy.

Tìm hiểu thêm về ý nghĩa của y Ca-thi-na, hy vọng sau mỗi mùa hạ, chúng ta có thể tổ chức những buổi lễ Thọ y công đức theo đúng ý nghĩa của nó.

 

Thanh Hòa (Nguyệt San Giác Ngộ số 171)