TÍNH ƯU VIỆT CỦA PHẬT PHÁP“DUNG NẠP, KHÔNG DUNG CHỨA, DUNG DƯỠNG”

Đạo Phật có câu: “Như đại dương bao la, dung nạp muôn trùng pháp”. Có nghĩa là tất cả các pháp trên thế gian dù Hữu vi hay Vô vi đều được dung nạp bởi tính “Từ bi, vô ngã, vị tha” của Phật pháp “Tất cả các Pháp đều là Phật pháp”. Thế nên từ khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo vô thượng Bồ đề cho đến suốt quản đời du hóa độ sanh, Ngài đi thuyết giáo khắp nơi tại xứ Ấn độ thời bấy giờ và đã từng tuyên thuyết “Không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ, trong giọt nước mắt cùng mặn, mỗi người sinh ra đều có Phật tính và có thể thành Phật”.

Vì tính “Ưu Việt” của Đạo: “Mọi người sống trên cuộc đời mang thân nghiệp khác nhau, hình tướng bên ngoài khác nhau, phân chia thành nam nữ, già trẻ, trí ngu, thiện ác... nhưng trên chân lý tất cả mọi người hoàn toàn bình đẳng trong trạng thái giải thoát của tâm, không hề tồn tại ý thức phân biệt già trẻ, trí ngu, thiện ác... cái giỏi, cái tốt cuả con người hiển nhiên không nhứt định dành riêng cho ai. Bất cứ ai đạo đức thông minh, mang an vui, lợi ích cho mọi người, họ là mẫu người tiêu biểu cho sự cao quí, thánh thiện”.

Khi một chúng sanh đã “giác ngộ” trở về với chính mình thì đều được Phật giáo “dung nạp”, dù chúng sanh đã từng tích thiện hay hành ác, đạo Phật cũng đều dung nạp “Quay đầu là bờ”.

Thế nhưng, trong quá trình tu học của hành giả, nếu không chịu tịnh hóa thân tâm, không hướng đến mục tiêu tối hậu, không hướng đúng chân lý đạo Phật thì đạo Phật không bao giờ “dung chứa và dung dưỡng”. Tại sao lại như thế ? Bởi vì đức Phật đã bao lần khẳng định “Ta không bao giờ ban ơn hay giáng họa cho bất cứ ai” chỉ do chúng sanh tạo nghiệp “Thiện” hay “bất thiện” tự chiêu cảm “Thiện báo” hay “ác báo”. Trong Kinh Pháp Cú, phẩm Song Yếu có dạy: “

Trong các Pháp tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác tất cả. Nếu đem tâm thanh tịnh nói năng hay hành động thì thiện báo sẽ theo ta như bóng theo hình”.

Ngược lại:

“Trong các Pháp tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác tất cảû. Nếu đem tâm ô nhiễm nói năng hay hành động thì ác báo sẽ theo ta như bánh xe lăn theo chân con vật kéo xe”.

Đạo Phật vạch ra tôn chỉ và đường hướng rõ rệt, đồng thời giúp cho con người từ phàm phu biết hướng đến con đường Chơn, Thiện, Mỹ, xa lìa những ác bất thiện pháp. Đạo Phật là đạo “Từ bi”, cũng là đạo “Trí tuệ” đã thể hiện từ những lời Phật dạy, những việc Phật làm. Nhưng đặt biệt từ bi phải có trí tuệ. Đức Phật đã từng dạy chúng đệ tử “không sợ người làm ác, chỉ sợ người không biết phục thiện”.

Tại sao người viết lại nhấn mạnh tính “ƯU VIỆT CỦA PHẬT PHÁP DUNG NẠP, KHÔNG DUNG CHỨA, DUNG DƯỠNG”. Bởi vì đây là Hội thảo Hướng dẫn Phật tử…. Nhưng nói đến Phật tử phải được hiểu đúng nghĩa hai chữ “Phật tử” của Phật giáo là những vị học Phật mong cần vượt ra biển khổ sanh tử (Đàn Việt hay Đàn na). Ý nghĩa xa hơn Phật tử chính là đệ tự của Phật, nhằm chỉ cho hàng xuất gia và tại gia. Một là đệ tử xuất gia học Phật luôn vâng giữ giới luật, học và hành trì Giáo lý của đức Phật Thích Ca Mâu Ni và truyền bá, thắp sáng ngọn đèn chánh trí tại thế gian, đó chính là những người con của đức Như Lai “Vào Nhà Như Lai, Mặc áo Như Lai và ngồi tòa Như Lai” thứ nữa là Phật tử tại gia ngoài việc “Tu nhân học Phật” còn phải lo bổn phận ủng hộ Phật pháp và lo cho gia đình được an vui và hạnh phúc.

Mặc dù được Ban Tổ chức Hội thảo gợi ý nhiều đề tài xoay quanh tập trung cho Hội thảo lần này về ý nghĩa Hội thảo Hướng dẫn Phật tử, nhưng người viết muốn gởi đến chư Tôn Giáo phẩm cùng quí Đại biểu nhân dịp Hội thảo những điều tâm đắc trong những năm tháng hành giả tu học và thọ trì.

Là thành viên của Ban Giáo dục Tăng, Ni THPG Tp Cần Thơ, chúng con kính được bày tỏ về ý nghĩa thù thắng. Đức Phật dạy NĂM ĐIỀU VI DIỆU CỦA CHÁNH PHÁP trong Kinh Di Lan Đà, năm điều “vi diệu” này đã thể hiện tinh thần “PHẬT PHÁP DUNG NẠP, KHÔNG DUNG CHỨA, DUNG DƯỠNG”.

Thứ nhứt: Chánh pháp đạo Phật cao thượng, thù thắng, những người không ý chí, không trí tuệ không theo nổi.

Thứ hai: Chánh pháp đạo Phật trong sạch, không tỳ vết, như lá sen không thấm nước. Người vào đạo đi ra như nước tuột khỏi lá sen.

Thứ ba: Chánh pháp đạo Phật thanh tịnh không dung chứa kẻ tội lỗi, như biển không chứa thây chết, thây chết phải dạt vào bờ.

Thứ tư: Chánh pháp đạo Phật cao sâu như đích khó trúng, đối với một người bắn tên dở.

Thứ năm: Giới luật đạo Phật rất khó giữ, nên kẻ yếu đuối không thể theo.

Thông qua năm điều vi diệu của Phật giáo cho thấy, là đệ tử Phật cần phải nắm vững và thực hành đúng tinh thần đạo Phật mới xứng danh là “Phật tử”. Tại sao người viết lại nhấn mạnh tính “ƯU VIỆT CỦA PHẬT PHÁP DUNG NẠP, KHÔNG DUNG CHỨA, DUNG DƯỠNG”. Vì Phât giáo thâu nạp tất cả mọi người, nhưng không bao giờ chấp nhận mọi người làm tổn hại nhân sinh. Từ đó Phật pháp sẽ không dung chứa và dung dưỡng những ai không tuân thủ theo tôn chỉ của đạo Phật. Điều này không có nghĩa là đạo Phật xô đuổi hay dùng hình phạt, mà chính là những hành vi tạo tác của chúng sanh hướng đến điều bất thiện, thì tự họ lánh xa Phật pháp hoặc không có nhân duyên tiếp cận với Phật pháp.

Qui luật tự nhiên của Đại dương đã khẳng định “Đại dương không bao giờ dung nạp tử thi”. Cũng vậy, Lòng đại dương không không giờ dung chứa những nhơ bẩn của cuộc đời, chỉ thuần nhất nước trong và thuần vị mặn Còn đối với “Biển Phật pháp không bao giờ dung chứa người phá giới phạm trai”. Nếu không thì chúng sanh sẽ bị “Trôi dạt vào bờ” bất an, đau khổ không bao giờ an vui, giải thoát. Vì biển Phật pháp chỉ thuần một vị giải thoát.

Ngành Giáo dục Tăng, Ni Phật giáo nói chung và Ban Giáo dục Tăng, Ni Phật giáo Cần Thơ nói riêng, nhân dịp Hội thảo Hướng dẫn Phật tử các Tỉnh, Thành miền Đông và miền Tây Nam bộ lần này, có thể nói là một thắng duyên để cho hàng học Phật có cơ hội trao đổi, thảo luận, hội đàm, và bày tỏ tâm tư của mình đến với lời Phật dạy, kiểm lại những gì tu tập của những người con Phật, không ngoài mục đích khơi lại ngọn lửa Phật pháp , ngỏ hầu làm hàng trang trên hành trình hướng đến giải thoát.

Phật giáo Cần Thơ so với các Tỉnh, Thành Phật giáo khác thì chùa không nhiều, Phật tử cũng không đông. Nhưng hình ảnh của những vị thành viên của Ban giáo dục Tăng, Ni Cần Thơ và xa hơn là hình ảnh của những vị Tăng, Ni trẻ tại Phật giáo Cần Thơ, cần được thắp sáng niềm tin Phật pháp cho “Phật tử”. Đây là nhu cầu thiết thực, hiện tại và mãi mãi, thật chất hình ảnh và sự tu tập của những vị trong Ban giáo dục Tăng, Ni Cần Thơ là những viên kim cương chiếu tỏa màu sắc ĐẠO HẠNH khắp nơi, là sự hướng đến nội tâm, thanh lọc những triền phược, xả ly những kiến chấp, là chiếc chìa khóa trí tuệ mở cửa kho tàng Phật pháp, vun trồng những bông hoa giới hạnh làm ngát hương giải thoát cho đời.

Phật giáo Cần Thơ đang cần không phải là sự túc trí đa văn, mà chính là sở hành như thật được hiển bày từ HƯƠNG GIỚI HẠNH của mỗi vị.

Trong kinh Pháp Cú, đức Phật dạy:

“Hương các loại hương thơm

Không bay ngược chiều gió

Nhưng hương người ĐỨC HẠNH

Ngược gió khắp tung bay”

Như vậy, được khẳng định nhiệm vụ của Ban Giáo dục Tăng, Ni là tấm gương thanh khiết, thuần nhất để làm ngọn đèn rực sáng hướng dẫn chư Thiện Nam, tín nữ Phật tử ngoài việc bôn ba tìm kiếm vật chất, toan lo gánh nặng gia đình, làm tròn bổn phận người cha, người mẹ, người con, người chồng, người vợ v.v... Phật tử còn hành trì học Phật và làm tròn trách nhiệm “Ủng hộ Phật pháp xương minh”. Nếu hình ảnh của Tăng, Ni không là điểm tựa, là sự kỳ vọng, là Thánh thiện, là niềm tin, là con đường “Niết bàn” tại nhân gian, dành thắng duyên cho Phật tử bước vào ngôi nhà “An lạc”. Sự hiện hữu của Ban Giáo dục Tăng, Ni Phật giáo Cần Thơ không phải là niềm vinh hạnh cho sự tài cao vọng trọng, mà là niềm vinh hạnh cho những vị luôn thực hành hạnh vô ngã, lợi tha, làm chiếc thuyền từ phổ độ nhân sinh, là nhịp sống sinh động trợ giúp hàng triệu trái tim của những sinh linh đang trông chờ, cứu giúp.

Thế nên, đã từ lâu miền đất Tây đô hay nói khác hơn là Phật giáo Cần Thơ đã luôn âm thầm che chở và bảo vệ mọi người, nhứt là hàng đệ tử học Phật dù tại gia hay xuất gia. Con người Cần Thơ rất chất phát, hiền hòa, Tu sĩ Cần Thơ hoan hỷ và bình dị, dòng sông Cần Thơ êm ả và sâu lắng, chưa bao giờ cuốn trôi làng mạc hay làm tổn thương đến đời sống của loài người nơi đây.

Bởi lẽ, mới có ca dao:

“Cần Thơ gạo trắng nước trong

Ai đi đến đó lòng không muốn về”.

Phật giáo Cần Thơ luôn dang rộng đôi tay tiếp nhận “Dung nạp” người con Phật, muốn tìm về “Bến giác”. Nhưng Có thể rồi đây không bao giờ “Dung chứa và dung dưỡng” những tâm hồn không chịu rời khỏi “Bến mê”.

Ban Giáo dục Tăng, Ni Phật giáo Cần Thơ khi hướng về phía trước vẫn thấy chính sự chất phát, hiền hòa hay sự hoan hỷ và bình dị nơi đây đã khiến cho phần tử hiểu nhằm về tinh thần giáo lý của Phật giáo của “Người con Phật”. Có thể Hội thảo Phật tử lần này tại PG Cần Thơ để có dịp cho thành viên của Ban Giáo dục Tăng, Ni Phật giáo Cần Thơ bày tỏ tâm tư, tình cảm của mình trong lĩnh vực thành đạt và cũng là cơ hội để tìm ra bài học quí giá cần quan tâm hơn trong vấn đề bàn đến “Hướng dẫn Phật tử”, nhứt là Phật tử trẻ.

Tình hình thực tế hiện nay với số lượng những vị xuất gia và Phật tử đi chùa ngày càng đông, hiện nay những vị xuất gia ngoài việc tu học, phải hòa nhập với xã hội phải trau giồi kiến thức Phật học cũng như thế học, đây là dấu hiệu Phật pháp ngày được trường tồn, nhưng còn phần tử Tăng, Ni chưa thật sự thể hiện đúng tinh thần “Mặc áo Như Lai”. Làm ảnh hưởng chung niềm tin Phật pháp đối với Phật tử. Bởi vì “Chiếc áo không làm nên người tu” Còn lĩnh vực Phật tử thì tham gia tu khóa Bát Quan trai, Niệm Phật, học các lớp Giáo lý dành cho Phật tử, cũng nói lên sự vượt trội và tinh tấn tu học của người Phật tử tại gia trong thời kỳ hội nhập này. Tuy nhiên Ban Giáo dục Tăng, Ni Phật giáo Cần Thơ xin gởi vài lời chia sẻ cùng với Phật tử cần trang bị cho mình ngọn đèn “Chánh kiến” nếu không sẽ rơi vào tình trạng “Mê tín dị đoan”, đừng xem Phật giáo là chỗ dựa, chỉ cầu nguyện thì Phật sẽ ban bố Phước lành, mà Phật tử được định nghĩa theo tinh thần Phật giáo là “Đàn na, Đàn Việt” có nghĩa là người có chí nguyện mang dâng phẩm vật cúng dường Tam Bảo, ủng hộ Phật pháp nhưng “không cầu phước báu Nhân, Thiên” chỉ cầu “Vượt khỏi sanh tử luân hồi”. Nếu không như thế sẽ làm ảnh hưởng tôn chỉ của đạo Phật, sẽ không thật sự trở thành “Phật tử”. Phật giáo nói chung và Phật giáo Cần Thơ nói riêng cần phải quan tâm đến sự “tồn vong của Phật pháp”. Vì thế trách nhiệm này rất cần sự quan tâm của Ban Hoằng Pháp và sự hướng dẫn tu học đúng chánh pháp chính từ Ban hướng dẫn Phật tử./.

 

(Trích tham luận Hội thảo Hướng dẫn Phật tử năm 2010 tại Tp. Cần Thơ) 

Sư cô Thích nữ Như Hương

Phó Ban Giáo dục Tăng, Ni THPG Tp Cần Thơ.

(giaohoiphatgiaovietnam.vn)


alt