Ninh Bình: Một di tích quý đang bị lãng quên

Nằm ngay tại thị xã Tam Điệp (Ninh Bình) song cụm di tích độc đáo hang Phật - tấm bia đá cổ - đình làng Quang Hiển ở thôn Quang Hiển, phường Tân Bình đang bị xuống cấp trầm trọng và có nguy cơ bị lãng quên.

 

alt
Tượng Phật bị kẻ gian đục đẽo để tìm vàng, bệ thờ đầy phân dơi, chuột...

Nằm ở cuối làng, giáp với đầm nước rộng, phía trước là những dãy núi đá vôi, đình làng Quang Hiển tọa lạc trên một khuôn đất có phong thủy đẹp. Theo bản “Thần tích làng Quang Hiển” được viên quan tên Nguyễn Bính thuộc Hàn lâm Viện Đông các Đại học sĩ biên soạn năm 1572 thì đình làng Quang Hiển được xây dựng để thờ 3 vị tướng thời Hùng Vương: Uất Hiển quận Hoàng Tín Hùng lược Đại vương, Đương cảnh thành hoàng Hoàng Đại Anh nghị Đại vương và Đương cảnh thành hoàng Hoàng Thống Hộ quốc Đại Vương.

 

alt
Đế cột đá cổ nằm lăn lóc dưới đầm nước, cạnh con thuyền nan.

 

Cụ Nguyễn Mạnh Hoàn, người trông giữ ngôi đình làng, cho biết: “Hầu hết phần nóc đình vẫn còn nguyên vẹn với những hoa văn cổ đặc trưng được chạm khắc. Hiện ngôi đình này đang bị xuống cấp trầm trọng. Nhưng thật may mắn, dân làng chúng tôi còn lưu giữ nguyên vẹn 12 bản sắc phong qua nhiều triều đại trước đây”.

 

Ngay tại sân đình và dưới mép đầm nước, những cột đá, bệ đá trăm năm tuổi bị vứt lăn lóc hoặc trở thành những viên đá lát đường tạm. Phần mái đình trải qua hàng trăm năm với biết bao những biến cố lịch sử cũng đã bị võng xuống, có phần xập xệ.

 

Thuộc địa phận thôn Quang Hiển, dưới chân núi Ông vẫn còn nguyên vẹn một tấm bia đá lớn được gắn ngay vào chân núi từ thế kỷ 16, thời kỳ đầu nhà Lê Trung Hưng. Trên tấm bia có ghi lại lịch sử lập làng, những mốc đổi thay phát triển của làng,… Trải qua nhiều thế kỷ, những đường nét được chạm khắc trên bia vẫn còn rõ nét, nhiều hoa văn rất tinh xảo có giá trị.

 

alt
Tấm bia đá cổ qua mấy trăm năm vẫn rõ chữ

 

Đáng tiếc là quả núi ngay bên cạnh núi Ông đã bị cày nát để cung cấp đá cho những nhà máy xi măng xung quanh. Cụ Hoàn cho biết những dấu vết của ngôi đền thờ ba vị thành hoàng xưa kia bên ngọn núi không còn nữa. Đáng nói là điểm khai thác đá hiện tại chỉ cách khu vực tấm bia cổ vài trăm mét, khiến những người có tâm huyết với làng rất lo lắng cho sự an nguy của “di chỉ” quý giá này.

 

Di tích thứ ba của làng Quang Hiển là hang Phật. Hang nằm lưng chừng một ngọn núi thấp, ngắn và hẹp, người lớn vào hang phải khom lưng. Hang có một cửa thông ra hướng chính Nam cao và rộng, cũng là hướng bức tượng Phật trong hang nhìn về phía làng.

 

Pho tượng Phật được tạc rất tinh tế, nổi trên vách đá, cao 0,75m. Phật ngồi xếp chân theo kiểu kiết giá, hai bàn tay để ngửa lên nhau đặt trong lòng, đầu đội mũ có chỏm nhọn, tay đeo vòng, khuôn mặt trầm tư. Phật ngồi trên một tòa sen, trong tư thế tĩnh tọa nhập thiền giữa hang lạnh âm u, huyền bí.

 

Cụ Nguyễn Văn Nam, một cao niên trong làng, nói: “Chúng tôi chỉ biết từ ngày mới sinh ra đã được các cụ chỉ cho hang Phật này. Không có ai trong làng biết ai là người đã tạc nên tượng Phật”. Vì chưa có công tác bảo tồn mà pho tượng Phật này đã bị xâm hại nghiêm trọng. Cụ Hoàn chỉ những chỗ kẻ xấu đục đẽo thân tượng để tìm vàng mà xót xa.

 

Trao đổi với chúng tôi về những di tích quý đang bị lãng quên, ông Tống Đức Thuận - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin thị xã Tam Điệp - cho biết: “Hiện tại, phòng Văn hóa đang gấp rút hoàn thành hồ sơ đề nghị công nhận di tích cấp tỉnh cho cụm di tích tại thôn Quang Hiển. Riêng tại khu vực bia đá cổ sẽ không thể cho khai thác đá xâm lấn đến di tích. Ngay khi có thể, chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp trùng tu, tôn tạo và bảo vệ với từng di tích”.

Thế Cường (DT)