ĐỐI TƯỢNG “TIỀN PHẬT TỬ” PHẢI LÀ PHẬT TỬ CHÍNH THỐNG


Phật giáo du nhập vào Việt Nam gần 2.000 năm lịch sử và đã trở thành tôn giáo của dân tộc, với mối liên hệ bất khả phân ly đã đồng cam cộng khổ, suốt chiều dài lịch sử thịnh suy của dân tộc. Tiếp nối truyền thống đó, chư Tôn Thiền đức Tăng Ni và Phật tử phấn đấu phát huy nội lực, phụng sự Tổ quốc trên tiêu chí “hộ quốc dân an”:

“Như bông hoa tươi đẹp

Có sắc lại thêm hương

Lời hay cũng như thế.

Do làm có kết quả”

(Kinh Pháp Cú)

Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương đã tổ chức hội thảo Hướng dẫn Phật tử miền Đông và miền Tây Nam Bộ. Với mười chủ đề tham luận trong hội thảo, sẽ là một cách nhìn tổng quát, sâu sắc. Từ đó có một kế hoạch hoạt động hữu hiệu hơn trong những năm kế tiếp của Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương nói riêng và GHPGVN nói chung.

Là thành viên trong cấu trúc tứ chúng đồng tu, chúng tôi nhận thấy vai trò, bổn phận của người Phật tử trong thời kỳ mới rất quan trọng. Người cư sĩ Phật tử phải là cánh tay đắc lực của Tăng già, góp phần làm tăng số lượng tín đồ Phật giáo khắp mọi vùng miền của tổ quốc. Vì thế trong bài tham luận này với tất cả tâm thành, con xin trình bày quan điểm của mình về việc phát triển tín đồ Phật giáo Việt Nam với tiêu đề: Đối tượng “tiền Phật tử” phải là Phật tử chính thống.

1- NHỮNG CON SỐ:

Theo thống kê của Ban Tôn giáo chính phủ năm 2005, Phật giáo có gần 10 triệu tín đồ. Nhưng theo thống kê của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phật giáo có gần 45 triệu tín đồ đã quy y Tam bảo. Như vậy, so với dân số Việt Nam là gần 86 triệu (2009) tín đồ Phật giáo chiếm 52,3% dân số Việt Nam. So với các tôn giáo khác trên nước Việt Nam, tín đồ Phật giáo có phần khá hơn. Tuy nhiên với chiều dài lịch sử gần 2000 năm có mặt, Phật giáo đã hòa quyện trong nền văn hóa dân tộc và đã trở thành mạch sống của dân tộc, được thể hiện qua câu thơ:

“Mái chùa che chở hồn dân tộc

Nếp sống muôn đời của tổ tiên”

Với chiều dài lịch sử như thế, có lẽ chúng ta chưa cam lòng với con số tín đồ đang có. Thực ra Phật giáo không đặt nặng con số tín đồ như các tôn giáo khác. Nhưng mục đích của Phật giáo là độ tận chúng sanh. Bởi mục tiêu xuất hiện của Đức Phật trên cuộc đời là: “Ta ra đời vì hạnh phúc cho số đông, vì an lạc cho số đông…”.

Nhìn vào con số 86 triệu dân Việt Nam, trong đó tín đồ Phật giáo chiếm 52,3%, còn lại là tín đồ của Thiên Chúa giáo, Tin lành, Cao đài, Hòa Hảo, Hồi giáo,... và một số là không tôn giáo. Bên cạnh đó còn có sự tăng dân số hàng năm. Số công dân này có số là con Phật tử, con tín đồ các tôn giáo khác và con của số người không tôn giáo. Theo số liệu của Ban Dân số Việt Nam, chiến lược dân số 2001-2010 được Chính phủ phê duyệt Quyết định 147/2000 QĐ-TTg ngày 22/12/2000. Qua 5 năm thực hiện (2001-2005) dân số Việt Nam tăng như sau:

- Năm 2.000 là 77,6 triệu dân.

- Năm 2005 là 83,12 triệu dân.

Bình quân mỗi năm tăng 1,1 triệu người. Đây là số công dân lý tưởng, người chủ nhân tương lai của Việt Nam. Trong số này có Đối tượng “tiền Phật tử” mà tham luận xin được nêu ra.

2- “TIỀN PHẬT TỬ”:

Y học cho biết trên phần da của con người có một loại Vitamin có tên là tiền Vitamin D. Chỉ cần có ánh sáng mặt trời chiếu vào thì tiền Vitamin D sẽ thành Vitamin D có lợi cho cơ thể con người. Nếu ánh sáng mặt trời không chiếu vào, tiền Vitamin D mãi mãi là tiền Vitamin D và dần hư mất.

Số người thuộc diện không tôn giáo, số dân tăng hàng năm thuộc diện con Phật tử, con của số người không tôn giáo. Tham luận này gọi là “tiền Phật tử”. Bởi họ có chất liệu để trở thành Phật tử. Nếu có một tác động tích cực, Phật giáo gọi là duyên, thì số “tiền Phật tử” này sẽ trở thành Phật tử chính thống. Ngược lại, số “Tiền Phật tử” này sẽ mãi mãi là “Tiền Phật tử” hoặc theo một tôn giáo khác. Số “Tiền Phật tử” này rất lớn, nếu để mất đi thật là đáng tiếc.

3- NHỮNG HẠN CHẾ:

Câu “con Vua thì được làm Vua” có phần đúng nhưng con Phật tử chưa hẳn là Phật tử, đã có xảy ra trên cuộc đời này. Phải chăng ta đã tưới tẩm quá ít niềm tin, niềm tôn kính Tam Bảo ở các em. Có lẽ ta chỉ nuôi các em bằng những loại sữa đắc tiền mà thiếu đi sữa “Phật pháp”. Vì thế các em được lớn lên khỏe mạnh, được tung tăng trong vùng trời tri thức của học đường, được thừa hưởng những thành quả tiến bộ của khoa học. Các em đã có tất cả, duy các em chỉ thiếu một thứ, một thứ rất cần cho các em trên cuộc đời này và chuyến đi dài trên con đường sinh tử. Đó là đức tin kiên định vững chải nơi Tam Bảo. Thế nên khi đến tuổi hôn nhân, các em sẵn sàng theo lý tưởng tôn giáo của người mình yêu. Đây là một sự thật, một sự thật đau cả lòng, nhói cả tim, khi mà chúng con biết được các con em của Phật tử, đã trở thành tín đồ ngoan đạo của tôn giáo khác.

Thêm vào đó, khi nhìn vào thực trạng các đạo tràng tu học, những ngày sám hối, lễ lớn… đa phần chỉ thấy phụ nữ, người lớn tuổi. Nam giới, thanh thiếu nhi chỉ là con số rất khiêm tốn. Mặc dù có những đạo tràng lớn như chùa Hoằng Pháp, chùa Phổ Quang… thu hút đủ thành phần Phật tử. Nhưng đây chỉ là con số quá ít, thật đáng lo ngại. Ta cũng hiếm thấy các ngày sám hối, lễ lớn… mà cả nhà Phật tử cùng đi lễ chùa.

4- PHÁT TRIỂN TĂNG THƯỢNG DUYÊN:

Nêu lên những hạn chế, bài viết không nhằm phủ nhận các mặt tích cực to lớn của Giáo hội – Ban Hướng dẫn Phật tử, Ban Hoằng pháp, chư Tôn đức Tăng Ni, Phật tử trong suốt chiều dài truyền bá đạo Phật. Bởi vạn pháp do duyên sinh. Những mặt hạn chế chẳng qua là hiện tượng của sự thiếu duyên. Khi thấy được nguyên nhân, dựa vào tâm huyết, ý chí, sự đồng tâm hiệp lực của đại chúng sẽ tạo nên một tăng thượng duyên, góp phần đưa số tín đồ Phật giáo tăng cao hơn nữa, xứng đáng với vị trí của một tôn giáo đã tồn tại hàng nghìn năm trên đất nước này. Tăng thượng duyên ở đây sẽ là một chủ trương kế hoạch lớn, lâu dài của Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương. Những người thực hiện là chư Tăng Ni và Phật tử Việt Nam.

Qua hạn chế nêu ở mục 3. Truy tìm nguyên nhân có lẽ phải nói đến Phật hóa gia đình chưa cao, chưa trọn vẹn. Do đó, khắc phục hạn chế phải khắc phục chủ điểm Phật hóa gia đình. Nói đến Phật hóa gia đình là nói đến kế hoạch lớn của Ban Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương. Bằng cả tấm lòng thành, hạn hẹp trong bài tham luận, con xin góp một hạt cát nhỏ vào sa mạc bao la ấy.

Phật hóa gia đình phải bắt nguồn từ các gia đình của Phật tử. Trước nhất các bậc cha mẹ phải là tấm gương tu tập tinh tấn, mẫu mực trong cuộc sống. Phải có trách nhiệm với con cái, nhất là trách nhiệm về tu tập của các em. Thường xuyên chăm sóc, tưới tẩm đức tin, sự tôn kính Tam Bảo cho các em. Biết rằng, đạo Phật là tự giác không bắt buộc, nhưng tuổi các em còn nhỏ, có những việc các em chưa đủ sức hiểu là tốt, là có lợi. Trách nhiệm chúng ta là phải khéo léo hướng dẫn các em vào nề nếp tu tập. Điển hình như việc học ở trường, khi còn nhỏ các em không biết học là có ích, không tự nguyện đi học mà do ta bắt buộc các em học. Thế thì việc tu học, vì lợi lạc cho các em, đôi khi ta cũng phải bắt buộc các em tu tập, không thể để cho các em giữ nhà, đi chơi, chỉ có ba mẹ đi chùa. Phải tạo điều kiện, thậm chí “bắt” con cùng đi chùa để trẻ được sống trong môi trường đạo đức, được lễ Phật tụng kinh nghe Pháp, tăng trưởng đức tin tôn kính Tam Bảo. Gia đình phải là lớp Phật pháp vỡ lòng cho các em. Nhà chùa tiếp theo là lớp học Phật Pháp nâng cao dần trình độ Phật học và đức tin nơi các em. Được sự dạy dỗ chăm chút thứ lớp như thế, các em sẽ có đức tin tôn kính Tam Bảo vững chắc.

Lễ Hằng thuận là lễ thành hôn nơi cửa Phật của Phật tử. Người khởi xướng là ông Đồ Nam Tử (Nguyễn Trọng Thuật 1883-1940) quê Hải Dương. Bác sĩ Tâm Minh - Lê Đình Thám đã tổ chức lễ này đầu tiên cho con gái đầu lòng là Lê Thị Hoành và Hoàng Văn Tâm năm 1930 tại chùa Từ Đàm - Huế. Tiếp tục chư vị Tôn đức Tăng Ni cũng đã tổ chức lễ thành hôn nơi cửa Phật khi Phật tử có nhu cầu. Đến năm 1971, Hòa Thượng Thích Thiện Hòa đã dùng hai chữ “Hằng thuận” để chỉ cho việc kết hôn nơi cửa Phật. Từ đó đến nay, Phật tử một số nơi thỉnh thoảng đến chùa xin tổ chức lễ này.

Tuy lễ Hằng thuận không phải là truyền thống của Phật giáo, nhưng xét thấy đây là nét đẹp trong đời sống hôn nhân của Phật tử. Khi được đối trước Tam Bảo kính lễ và phát nguyện sống chung hạnh phúc theo năm nguyên tắc cơ bản của Phật giáo. Được chư Tôn đức Tăng Ni dạy bảo bổn phận làm vợ, chồng, cha, mẹ… Những nguyên tắc sống hạnh phúc mà Phật đã dạy trong kinh Thi - Ca- La - Việt. Từ đây sẽ tạo nền tảng tâm linh hướng thượng của các em, với lời hứa trước Tam bảo cũng tạo nên một sức mạnh, giúp các em vượt qua những chướng ngại, khó khăn, trắc trở thường có sau hôn nhân. Căn bản là một Phật tử lại được trang bị đạo đức, bổn phận trong buổi lễ Hằng thuận. Các em sẽ có cuộc sống hạnh phúc, đức tin Tam bảo ngày càng kiên định. Do đó thế hệ con các em sẽ được giáo dưỡng tốt trong môi trường đạo đức Phật giáo. Như thế những “Tiền Phật tử” này sẽ là Phật tử chính thống.

Hôn nhân nơi cửa Phật - Lễ Hằng thuận là nét đẹp trong hôn nhân Phật tử và cũng là chiến lược tăng số lượng tín đồ Phật giáo.

6- KIẾN NGHỊ:

Để Phật hóa gia đình đạt kết quả tốt, nhằm giữ gìn và phát triển “tiền Phật tử” (đối tượng con Phật tử) thành Phật tử chính thống. Nơi tham luận này, con xin kiến nghị:

- Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương nên soạn thảo nghi thức lễ Hằng thuận – cách tổ chức lễ. Về nội dung: Thâm sâu ý nghĩa; về hình thức: Văn minh tiến bộ. Để từ đó, từng lúc phổ biến và đưa vào từng gia đình cư sĩ Phật tử, dần dần tạo nên lễ thành hôn nơi cửa Phật cần phải có của Phật tử.

- Ban cần soạn thảo những tập sách giáo lý cơ bản thống nhất cả nước. Tập sách này được soạn thảo theo lứa tuổi nhi đồng và thanh thiếu niên. Nội dung ngắn gọn, dễ đọc, dễ hiểu.

- Ban cần soạn thảo nghi thức tụng niệm cho đối tượng thanh thiếu niên và nhi đồng thống nhất cả nước.

- Về việc in ấn sách giáo giáo lý, nghi thức tụng niệm nên gọn - đẹp.

* Qua vấn đề đặt ra: Đối tượng “tiền Phật tử” (đối tượng con của Phật tử, những người không tôn giáo và con của họ) phải là Phật tử chính thống.

Với sự hiểu biết hạn hẹp của mình, chúng tôi đã cố gắng trình bày những quan điểm nhằm đưa đối tượng “tiền Phật tử” (con của Phật tử) trở thành Phật tử chính thống. Có thể sẽ còn rất nhiếu ý kiến hay cho vấn đề này. Xin được tiếp nhận để tăng thượng duyên cho Phật sự này được thành tựu như ý. Còn lại “tiền Phật tử” (Đối tượng người không tôn giáo và con của họ) xin được thỉnh ý chư Tôn đức Tăng Ni và Phật tử cả nước góp phần tăng thượng duyên, để Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương xây dựng kế hoạch khả thi giúp đối tượng này thành Phật tử chính thống. Nâng cao số lượng tín đồ Phật giáo, nhằm thực hiện tốt sứ mạng độ sanh của người con Phật./.

 

(Trích tham luận Hướng dẫn Phật tử năm 2010 tại Tp. Cần Thơ)

Cư sĩ Minh Hải

Thư ký Phân ban Hướng dẫn CSPT Tỉnh Bến Tre

http://www.giaohoiphatgiaovietnam.vn

alt