Hạnh Nhẫn Nhục của một Ẩn Sĩ

Trong khi trú tại tinh xá Kỳ Viên, đức Thế Tôn kể câu chuyện này về một Tỳ-kheo có tính khí nóng giận. Đức Thế Tôn hỏi Tỳ-kheo này:

- Này Tỳ-kheo, tại sao thầy lại nóng giận khi đã xuất gia theo giáo pháp của Như Lai, người không bao giờ biết đến nóng giận là gì. Bậc hiền trí thuở xưa, mặc dầu bị đánh một ngàn cái; tay chân, tai mũi bị xẻo, vẫn không tức giận người khác.

Nói vậy xong, Ngài kể một câu chuyện đời quá khứ.

* * *

Thuở xưa, ở thành Ba-la-nại, có vị vua tên là Ca-lam-phù (Kalābu) trị vì vương quốc Ca-thi (Kāsi). Bấy giờ, Bồ-tát sanh vào một gia đình Bà-la-môn có tài sản tám mươi triệu đồng tiền vàng. Lúc thiếu thời, Bồ-tát có tên là Khôn-đạt-già-khố-mã-lạp (Kuṇḍaka kumāra). Khi đến tuổi trưởng thành, Ngài đến Xoa-thi-la (Takkasilā) để học các kiến thức về khoa học và sau đó trở thành một vị gia chủ.

Khi cha mẹ của Ngài qua đời, nhìn vào số tài sản để lại, Ngài nghĩ: “Người thân của ta tích lũy số tài sản này nay đã ra đi mà không mang theo được một thứ gì, bây giờ ta sở hữu số tài sản này và một ngày nào đó rồi cũng đến lượt ra đi.” Thế rồi Ngài cẩn trọng chọn lựa những người có hạnh bố thí - xứng đáng được nhận số tài sản của mình và bố thí tất cả cho họ, rồi sau đó vào Tuyết Sơn xuất gia làm ẩn sĩ. Ngài trú ở đấy một thời gian dài, sống nhờ vào trái cây rừng. Sau đó, để kiếm muối và giấm, Ngài đi xuống những vùng có dân chúng sống và dần dần đi đến Ba-la-nại. Ở đấy, Ngài trú trong ngự viên của nhà vua. Ngày kế tiếp, Ngài đi quanh kinh thành để khất thực cho đến khi đến trước nhà một vị tướng quân. Hoan hỷ trước oai nghi của ẩn sĩ, vị tướng quân đã đưa Ngài vào nhà và mời Ngài dùng thức ăn được chuẩn bị sẵn cho mình, rồi sau đó đưa Ngài trở lại ngự viên.

Một hôm nọ, trong cơn phấn khích do rượu nồng gây ra, vua Ca-lam-phù bằng một nghi thức long trọng, đã cùng với một đám vũ công đi đến ngự viên. Rồi vua cho đặt long sàng trên một chỗ ngồi bằng đá và nằm kê đầu lên người một cung phi mà ông yêu thích nhất, trong khi các vũ nữ điêu luyện về đàn hát và ca múa thì trình diễn mua vui. Vẻ nguy nga tráng lệ của vua thì tuyệt diệu như Thiên chủ Đế thích (Sakka). Và rồi nhà vua ngủ thiếp đi. Thấy thế các tỳ nữ nói:

- Chúng ta biểu diễn âm nhạc là vì đức vua, nay đức vua đã ngủ thì chúng ta cần gì phải trình diễn nữa.

Thế là họ vứt bỏ đàn sáo đây đó và bắt đầu đi dạo vườn. Ở đấy, bị quyến rũ bởi đám cây cối đang ra hoa trổ trái nên họ cứ mãi miết vui chơi.

Bấy giờ, Bồ-tát như một con voi chúa hùng dũng, đang ngồi dưới gốc cây sa-la đang trổ hoa trong khu vườn này, hưởng thọ phước lạc của một người từ bỏ thế tục. Thế rồi khi dạo quanh vườn và trông thấy Ngài, các nữ tỳ này nói:

- Này các chị, hãy đến đây và ngồi xuống nghe vị ẩn sĩ đang ngồi tại gốc cây này thuyết giảng, đợi khi nào đức vua thức dậy thì trở lại.

Thế là họ đi đến chỗ Bồ-tát, ngồi xuống xung quanh Ngài và nói:

- Thưa Tôn giả, xin giảng cho chúng tôi những điều đáng nghe.

Thế rồi Bồ-tát thuyết pháp cho họ. Trong khi đó vị cung phi được sủng ái kia trong khi cử động thân thể đã đánh thức nhà vua dậy. Khi thức dậy và không nhìn thấy các nữ tỳ đâu cả, nhà vua bèn hỏi nàng cung phi này:

- Bọn nữ tỳ đi đâu cả rồi?

Cô này đáp:

- Thưa hoàng thượng, họ bỏ đi và đang ngồi hầu hạ vị ẩn sĩ ở đằng kia.

Nhà vua tức giận, nắm lây thân gươm vội vã ra đi và nói:

- Ta sẽ cho vị ẩn sĩ giối trá này một bài học.

Khi thấy nhà vua tức giận đi đến như vậy, những tỳ nữ được yêu mến nhất bèn đến nắm lấy thân gươm ở nơi tay nhà vua và làm cho vua nguôi giận. Nhà vua đến đứng bên cạnh Bồ-tát và hỏi:

- Này Sa-môn, ông đang thuyết giảng gì vậy?

- Thưa đại vương, tôi đang thuyết giảng về hạnh nhẫn nhục.

- Hạnh nhẫn nhục là gì? Nhà vua hỏi.

- Là không tức giận khi bị người khác phỉ báng, lăng mạ hay đánh đập.

- Bây giờ ta muốn thấy hạnh nhẫn nhục của ông thực sự thế nào.

Nhà vua nói và cho gọi vị đao phủ đến. Vị này theo nhiệm vụ của mình, cầm lấy một cây rìu, một sợi dây gai, mặc y phục màu vàng, đeo một tràng hoa màu đỏ, đi đến khấu bái nhà vua và hỏi:

- Thưa đại vương, ngài muốn con làm gì?

Nhà vua bảo:

- Hãy túm lấy và kéo gã ẩn sĩ giối trá đê mạt này đi, ném y xuống đất, dùng dây gai của ngươi đánh vào phía trước, phía sau và hai bên người y; đánh cho y một ngàn cái.

Khi gã đao phủ ra tay xong, da trong da ngoài của Bồ-tát đều bị tuốt khỏi thịt, máu chảy ướt đẫm khắp thân. Nhà vua lại hỏi:

- Này Sa-môn, ông thuyết giảng điều gì?

Bồ-tát trả lời:

- Thưa đại vương, tôi giảng về hạnh nhẫn nhục. Nhưng ngài chớ tưởng hạnh nhẫn nhục của tôi chỉ nằm ở nơi da. Nó không chỉ nằm ở nơi da mà nằm tận ở nơi tim tôi, chỗ ngài không thể nhìn thấy.

Tên đao phủ lại hỏi:

- Thưa đại vương, đại vương muốn con làm gì?

Nhà vua nói:

- Hãy chặt lìa hai bàn tay của tên ẩn sĩ dối trá này ra.

Thế là gã đao phủ xách rìu, đặt nạn nhân vào trong vòng tử tội và chặt hai bàn tay của Ngài. Rồi nhà vua lại bảo:

- Chặt hai chân của ông ta ra.

Hai bàn chân của Bồ-tát lại bị chặt. Máu từ chân và tay chảy ra giống như sữa chảy ra từ một chiếc bình bị thủng. Nhà vua lại hỏi Ngài thuyết giảng điều gì, và Bồ-tát đáp:

- Thưa đại vương, tôi giảng hạnh nhẫn nhục. Nhưng ngài chớ tưởng hạnh nhẫn nhục của tôi nằm ở nơi hai bàn tay và hai bàn chân của tôi. Nó không phải ở đó, nó nằm sâu ở nơi khác.

Nhà vua nói:

- Hãy xẻo mũi và tai của ông ta.

Tên đao phủ đã làm như vậy. Toàn thân của Ngài bây giờ nhuốm đầy máu. Nhà vua lại hỏi Ngài thuyết giảng điều gì, và Bồ-tát lại nói:

- Ngài chớ nghĩ hạnh nhẫn nhục của tôi nằm nơi chóp mũi và vành tai tôi. Hạnh nhẫn nhục của tôi nằm tận trong tim tôi.

Nhà vua nói:

- Này Sa-môn dối trá kia, hãy nằm xuống đó mà ca tụng hạnh nhẫn nhục của ngươi.

Nói vậy xong, ông dẫm chân lên ngực Bồ-tát và bỏ đi. Khi nhà vua đi rồi, vị đại tướng quân đi đến lau máu me nơi thân Bồ-tát, băng bó tay chân, tai mũi cho Ngài, sau đó nhẹ nhàng đặt Ngài lên một chỗ ngồi, đảnh lễ Ngài rồi ngồi xuống một bên và nói:

- Thưa Tôn giả, nếu Ngài căm giận kẻ gây tội ác cho Ngài thì hãy căm giận nhà vua chứ đừng căm giận ai khác.

Thỉnh cầu vậy xong, ông đọc lên bài kệ:

Mũi tai Ngài kẻ nào tùng xẻo

Tay chân Ngài kẻ ấy chặt đi

Bậc anh hùng hãy giận kẻ ấy

Cõi đời này xin chớ giận chi.

Bồ-tát nghe vậy thì đọc lên bài kệ thứ hai:

Cầu nhà vua sống lâu muôn tuổi

Người ra tay tàn hại thân ta

Bậc thanh tịnh như ta dầu vậy

Không hận thù việc đã xảy ra.

Còn nhà vua khi vừa rời khỏi ngự viên, mới ra khỏi tầm mắt của Bồ-tát, thì mặt đất rắn chắc dày hai trăm bốn mươi dặm liền nứt ra làm hai. Lửa từ dưới đất phun lên, và như một chiếc hoàng bào bằng len đỏ bền chắc đã trùm lên túm chặt lấy người ông. Như vậy, nhà vua bị nhấn chìm vào trong lòng đất ngay tại nơi cổng ngự viên và bị giam hãm dưới đại ngục A-tỳ. Bồ-tát vào ngày hôm đó cũng đã qua đời. Những người hầu của nhà vua và dân chúng mang nước hoa, vòng hoa và nhang trầm đến làm tang lễ cho Bồ-tát.

Người ta nói bậc thánh đời trước

Biểu lộ lòng can đảm cao nhất

Chịu nhẫn nhục trước điều ngang trái

Đã bị vua Ca-thi giết mất.

Ôi món nợ mỗi khi vay mượn

Vị vua kia sẽ phải trả thôi

Khi bị đọa vào trong ngục thẳm

Tháng ngày dài hối hận không vơi.

* * *

Kết thúc pháp thoại này, đức Thế Tôn tuyên thuyết các Thánh đế. Kết thúc thời pháp, thầy Tỳ-kheo nóng giận chứng được quả Nhất lai, trong khi nhiều thầy khác chứng được quả Dự lưu. Rồi Thế Tôn nhận diện Tiền thân:

- Vào thuở đó, Đề-bà-đạt-đa là vua Ca-lam-phù nước Ca-thi, Xá-lợi-phất là vị tướng quân, còn ta chính là vị ẩn sĩ - người thuyết giảng hạnh nhẫn nhục.

(Tiền thân Khantivādi, số 313, dịch từ bản tiếng Anh)

 

Lời bàn:

Nhẫn nhục (ksānti) là một trong những hạnh tu căn bản của hành giả tu tập theo lời dạy của đức Phật. Phật giáo Nguyên thủy hay Phật giáo Đại thừa đều xếp nhẫn nhục vào một trong những Ba-la-mật (Pāramita). Khi nói đến nhẫn nhục là nói đến sự nhịn chịu mọi ô nhục, khổ hại; chịu đựng những hoàn cảnh ngang trái mà không sinh lòng hờn oán, thù hận. Người tu nào khi gặp cảnh ngang trái mà giữ được tâm tỉnh táo, không sinh lòng hận thù thì người ấy được xem là đang thực hành nhẫn nhục Ba-la-mật.

Nói thì dễ nhưng thực hành được hạnh nhẫn nhục Ba-la-mật là một điều vô cùng khó khăn. Hạnh nhẫn nhục chỉ được thực hành một cách rốt ráo khi nào hành giả thấu rõ và thực chứng được lý vô ngã. Nếu tu tập nhẫn nhục mà cái “Tôi” còn quá lớn thì không thể nào được. Cái Tôi càng nhỏ thì thực hành nhẫn nhục càng dễ. Như vậy, các pháp tu đều luôn có sự hỗ tương lẫn nhau.

Đọc câu chuyện Tiền thân trên, chúng ta vô cùng cảm phục trước hạnh nhẫn nhục của vị ẩn sĩ - Tiền thân của đức Phật Thích-ca. Phẩm hạnh ấy của Ngài dầu chúng ta chưa thể thực hành theo hết được, nhưng học tập và noi theo hạnh đó sẽ giúp cho chúng ta rất nhiều ở tại cuộc sống này, một cuộc sống có không ít bất công và ngang trái. Thực hành hạnh nhẫn nhục sẽ giúp cho chúng ta giàu lòng nhân ái, biết khoan dung với mọi người; và hơn hết là giúp chúng ta đoạn trừ đi lòng chấp thủ tự ngã, để từ đó đạt đến an lạc và giải thoát tối hậu.

 

Quang Sơn


alt