Nhân Hội trại Tuổi trẻ - Phật giáo lần thứ 5: Hội tụ khát vọng…


Nói đến tuổi trẻ là nhắc đến những cụm từ như lý tưởng, khát vọng, ước mơ, cống hiến… Người trẻ thời nào cũng vậy, cũng cần có lý tưởng và khát vọng sống có ích. Khát vọng chính là kim chỉ nam để mình men theo, định hình con người tương lai và lối sống hiện tại cho mỗi người. Lịch sử đã ghi nhận, tất cả những người anh hùng, họ đã tỏa sáng nhờ những khát vọng tuổi trẻ.

 

hoitrai.jpg

Khát vọng là…

Khát vọng được đánh giặc giữ nước nên Trần Quốc Toản đã "bóp nát quả cam", rồi ông cũng trở thành một trong những tướng tài của nhà Trần. Khát vọng tìm ra con đường cứu nước cho dân, cho nước nên chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã dám vượt trùng dương với hai bàn tay trắng vào năm 1911. Và vì khát vọng đổi đời mà biết bao chàng trai, cô gái đã miệt mài với từng trang sách, "lai kinh ứng thí" trong mùa thi vừa khép lại cách đây không lâu… Những ví dụ ấy, những con người ấy đã mang khát vọng nơi trái tim mình để rồi chính nó đã thôi thúc cho họ hành động, tìm cho mình con đường sáng để đi và đi đến những đích tốt đẹp.

Tôi đọc lại cuốn sách "Nói với tuổi 20" của Thiền sư Nhất Hạnh và thích thú với cách Thiền sư nói về lý tưởng: "Tôi muốn định nghĩa lý tưởng là ước vọng, và là nhu cầu đạt tới sự thực hiện những ước vọng của một người hoặc một nhóm người. Vậy thì lý tưởng là một cái gì phải có đối với con người, bởi vì ít nhất và cạn nhất con người cũng muốn có cơm ăn khi đói, áo mặc khi rét. Xa hơn, con người còn muốn được thương yêu khi cô độc, được khám phá khi óc tò mò bị kích thích…". Và tôi hiểu từ khát vọng được hội tụ lâu ngày sẽ hình thành nên lý tưởng để mình đeo đuổi suốt đời, ai cũng cần điều này. Ngược lại, khi có lý tưởng sống thì khát vọng thực hiện lý tưởng ấy đồng thời sẽ thôi thúc con người bước đi theo hướng mà con người định hình.

Tôi lại nghĩ đến lời nguyện vãng sanh, một trong những yếu chỉ của pháp môn niệm Phật. Làm việc gì cũng cần "kiềng ba chân" là tín - hạnh - nguyện. Tín là niềm tin; hạnh là việc thực tập, làm việc mà mình đã tin; còn nguyện chính là phát nguyện, thể hiện khát vọng, mong muốn của mình đạt được điều mình đang làm. Nếu tuổi trẻ thiếu khát vọng có nghĩa là thiếu một lời nguyện cho hành trang đi về phía tương lai. Vậy khát vọng chính là một trạng thái tâm lý tốt, giúp mình có thêm nghị lực để làm việc, học tập, cũng như định hướng tương lai cho mình theo những chiều hướng nào đó…

Bạn có khát vọng không?

Tôi đã gặp nhiều người trẻ, có những vị tôn túc đã xuất gia và cả những thanh niên bình thường. Hỏi: quý thầy (và bạn) có khát vọng không? Có. Đó là câu trả lời không cần suy nghĩ. Nhưng, đó là khát vọng gì? Khát vọng cũng có cái chân chính và không chân chính. Khát vọng đi trên con đường giác ngộ, giải thoát như quý thầy, sư cô đã, đang đi là một khát vọng đẹp, là "Bồ đề tâm" thôi thúc một người từ bỏ ái, danh, sắc, tài… để đi trên con đường của Tăng thân. Nhưng, cũng rất nhiều người có khát vọng không chính đáng hoặc không dựa trên cơ sở của năng lực mình đang có. Nổi tiếng, giàu có, thành đạt… ai mà chẳng khát khao, nhất là đối với người trẻ? Thế nhưng làm giàu như thế nào, con đường đi tới thành đạt, nổi tiếng nhiều khi các bạn lại không chuẩn bị hoặc không hình dung được nội dung mình sẽ tạo dựng cho mình. Chính vì vậy nhiều bạn trẻ chênh vênh khi đeo đuổi khát khao, lý tưởng mang tính… ảo tưởng của mình.

Cuộc thi Vietnam Idol đang diễn ra và chúng ta dễ dàng cười đến đau bụng khi xem những đợt sơ khảo của cuộc thi. Rất nhiều thí sinh có khát vọng trở thành thần tượng trong lòng mọi người nhưng… không có thực lực. Những màn trình diễn tự tin nhưng không thể không nhịn cười được vì quá lố, quá buồn cười của những bạn trẻ đã cho thấy một sự thật: người trẻ bây giờ có khát vọng lớn nhưng lại thiếu thực tế nên trở thành tham vọng hão huyền. Lằn ranh giữa khát vọng chính đáng và tham vọng thực sự rất mong manh, nếu thiếu kiểm soát thì các bạn dễ dàng đánh mất mình, mà cụ thể là đã có những cuộc đổi chác tiền, tình để được nổi tiếng. Và cuối cùng những người trẻ non nớt, thích đi nhanh và ảo tưởng về chính mình đã phải "tiền mất tật mang".

Những ngày gần đây, dư luận cảm thấy "đắng lòng" khi sau kỳ thi tuyển sinh đại học 2010 một học sinh giỏi, Trường chuyên Lê Khiết (Quảng Ngãi) đã tự tử vì nghĩ rằng mình không làm bài được, không vào được Trường ĐH Y Dược - một ngôi trường nằm trong khát vọng của bạn. Cái chết của bạn học sinh ấy cho thấy một suy nghĩ cực đoan về sự thành, bại. Hay vì quá áp lực? Mổ xẻ nguyên nhân thì có nhiều nhưng không thể không nhắc đến chuyện cuồng trong suy nghĩ, tự đẩy mình vào chân tường để rồi tìm đến cái chết của nhiều người trẻ - một trào lưu đang lây lan trong xã hội hiện đại, gần đây Hàn Quốc nổi lên như một điểm nóng của tự tử.

Thiết nghĩ, những thông tin về những hành động tiêu cực ấy còn dài, nhưng điều tựu trung trong những hành động ấy chính là sự cực đoan, thái quá trong việc đeo theo khát vọng mà thường đó là những khát khao có dính đến những món dục của thế gian như danh, sắc, tài… Chính vì vậy mà những người tu theo Phật sẽ làm theo lời Phật dạy: cần có lý tưởng buông bỏ những cái thuộc về ái dục, danh vọng… Ban Tổ chức Hội trại Tuổi trẻ - Phật giáo lần 5 (Báo Giác Ngộ) lấy chủ đề "Khát vọng hội tụ" ngõ hầu tập hợp tất cả những người trẻ cùng chung về một điểm và trao truyền cho các bạn một khát vọng tuổi trẻ: là phải biết hiến tặng tình thương, sống tỉnh thức, sống chậm… thông qua những thực tập về thiền, hát thiền ca, tụng kinh, cầu nguyện và cả những kỹ năng sống.

Nét đặc sắc của hội trại do Phật giáo tổ chức cũng chính là những điều như thế, như một tiếng chuông chánh niệm để các trại sinh được dừng lại, thở thật nhẹ và mỉm cười để nhận chân khát vọng nào cần nuôi dưỡng, tưới tẩm và khát vọng nào cần được nhận diện là nó mang nhiều độc tố, không mang lại hạnh phúc…

 

hoitrai-2.jpg

HT.Thích Trí Quảng

Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN,Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ:

"Tuổi trẻ luôn mang trong mình hoài bão về tương lai tươi sáng, hạnh phúc cho bản thân gia đình và đất nước. Đất nước chúng ta đang ở giai đoạn hội nhập và phát triển, chính vì thế trong sự giao lưu với thế giới, người trẻ bao giờ cũng nhạy bén và biết cách tô bồi thêm hoài bão để tiếp cận và học hỏi các nền văn minh tiến bộ. Đó là nhu cầu chính đáng, nếu được các thế hệ đi trước quan tâm, chia sẻ thì chắc chắn sẽ đạt được.

Hội trại Tuổi trẻ - Phật giáo là dịp để những người trẻ khắp mọi miền đất nước gặp gỡ và giao lưu trong môi trường thánh thiện. Tôi hy vọng rằng ngoài sự vui chơi, hòa nhịp vào các hoạt động của trại, các em cũng nên làm quen, trao đổi và xây dựng nên hoài bão chung, tạo cơ duyên để cùng giúp đỡ nhau trên bước đường đi đến tương lai".

LƯU ĐÌNH LONG