HÔN NHÂN GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ

Trong xu thế phát triển và hội nhập của đất nước. Phật giáo Việt Nam đóng một vài trò quan trọng và thiết thực. Ban Hướng dẫn Phật tử chính là những người luôn ý thức cùng với xã hội hòa nhập, sát cánh cùng dân tộc trong sự phát triển và đổi mới đó.

Trà Vinh là một tỉnh lẻ, điều kiện phát triển còn nhiều hạn chế. Hơn hai nhiệm kỳ của tỉnh hội, Ban Hướng dẫn Phật tử đã hiệp lực, hoà chung một tâm niệm với chư tôn Đức và Phật tử chung lo cho ngôi nhà Phật pháp, đặc biệt là đưa giáo lý Phật Đà vào sâu trong quần chúng nhằm hướng dẫn Phật tử đi vào đời sống an vui phúc lạc.

Trong tỉnh hiện nay có 46 đạo tràng, Phật tử tham dự trên 4000 người, qua thống kê, đánh giá tình hình sinh hoạt tu học của Phật tử thì đây là một tính hiệu khả quan của Phật giáo nói chung, Trà Vinh nói riêng. Hôm nay trong hội thảo Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương, Ban HDPT Trà Vinh xin được chia sẽ đôi điều qua công tác Phật sự này, cũng chính là mong mỏi của chúng con gửi đến hội thảo, hầu mong giúp cho người Phật tử được nhiều an vui trong đời sống: “Hôn nhân gia đình hạnh phúc của người Phật tử”.

Hôn nhân dễ hiểu hơn là nói về người nam, người nữ đến tuổi trưởng thành bước vào cuộc sống mới, kết hôn hai người với nhau thành một gia đình, cũng là mở đầu cho trang sách mới quan hệ giữa vợ chồng, cha mẹ, anh chị em, con cái, gia tộc. Quyển sách có lật đến trang cuối cùng và có hậu hay không còn tuỳ vào sự hiểu biết và cách sống của hai nhân vật chính.

Gia đình là cái nôi đầu tiên cho em bé và sẽ còn tiếp nối cái nôi trong suốt cuộc sống của mỗi con người. Nếu gia đình bền vững, hạnh phúc thì con cái sẽ có chỗ dựa vững chắc. Nếu gia đình bị lệch hướng, xáo trộn sẽ ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ thơ và từ đó gây bất ổn cho xã hội.

Vì vậy, xây dựng gia đình hạnh phúc, an vui là mong ước chính đáng của con người. Tuy vậy, không phải ai cũng vun đắp và tạo dựng cho mình một tổ ấm như ý nguyện. Thực tế, con người luôn đối diện với những trạng thái căng thẳng thì hạnh phúc gia đình càng trở nên mong manh, dễ vỡ. Chuyện hôn nhân gia đình không là đề tài mới lạ, trên thế gian này có hàng vạn sách báo bày viết, có biết bao nhà tư vấn,v.v... nhưng vẫn có hàng ngàn trường hợp đổ vỡ, đến nỗi Nhà nước phải có Pháp luật Hôn nhân Gia đình để bảo vệ những ai bước vào đời sống chung.

Thiết nghĩ, để xây dựng một đời sống hôn nhân gia đình hạnh phúc, thiết nghĩ điều cơ bản đầu tiên, người Phật tử cần sống theo nếp sống căn bản là thực hành Tam Quy Ngũ Giới.

* Tam quy là quay về nương tựa: Phật – Pháp – Tăng:

- Quay về nương tựa Phật là quay về nương tựa bậc Giác ngộ, hướng cho ta sống an lạc hạnh phúc trong cuộc đời.

- Quay về nương tựa Pháp là quay về với con đường của trí tuệ và từ bi, nghĩa là con đường của hiểu biết và thương yêu.

- Quay về nương tựa Tăng là quay về nương tựa một đoàn thể của những người đang thực tập theo con đường trí tuệ, từ bi và sống trong tỉnh thức.

* Trì Ngũ giới là thực hành theo 5 điều:

- 1. Là ý thức được những nỗi đau do sự xác hại gây ra, nên con xin học theo hạnh đại bi để bảo vệ sự sống của mọi người, mọi loài. Con nguyện chẳng tự giết hại sinh mạng, chẳng tán thành sự giết chóc và chống lại kẻ khác giết hại dù là trong tâm tưởng hay cách sống hàng ngày.

- 2. Là ý thức được những khổ đau do lường gạt trộm cướp gây ra, nên con học hạnh đại từ để đem niềm vui sống và an lạc cho mọi người, mọi loài, chia sẽ với tất cả bằng năng lực và tài vật con có. Con nguyện không lấy làm tư hữu bất cứ một của cải nào không phải do mình tạo ra, con nguyện tôn trọng quyền tư hữu của kẻ khác, nhưng cũng nguyện ngăn ngừa kẽ khác không cho họ tích trữ và làm giàu một cách bất lương trên sự đau khổ của con người và của nhân loài.

- 3. Là ý thức được những khổ đau do thói tà dâm gây ra, con xin học theo tinh thần trách nhiệm để giúp bảo vệ tiết hạnh, sự an toàn của mọi người và mọi gia đình trong xã hội. Con nguyện không ăn ở với những người không phải là vợ hay chồng của con. Con ý thức được rằng những hành động bất chính sẽ gây ra những đau khổ cho kẽ khác và cho chính con. Con biết muốn bảo vệ hạnh phúc của mình và của kẻ khác thì phải biết tôn trọng những cam kết của mình và của kẽ khác. Con sẽ làm mọi cách có thể để bảo vệ trẻ em không cho nạn tà dâm gây nên sự đổ vỡ gia đình, của cuộc sống đôi lứa.

- 4. Là ý thức được những khổ đau do lối nói thiếu chánh niệm gây ra, nên con xin học theo hạnh ái ngữ và lắng nghe để dâng tặng niềm vui cho người, làm vơi bớt khổ đau của người. Biết rằng lời nói có thể đem lại hạnh phúc hoặc khổ đau cho người, con chỉ nói những lời tạo thêm sự tự tin, an vui, hi vọng, những lời chân thật có giá trị xây dựng sự hiểu biết và hóa giải. Không nói sai sự thật, gây chia rẻ tạo nên sự bất hòa trong gia đình và đoàn thể. Không nói những lời có thể làm tan vở gia đình và đoàn thể.

- 5. Là ý thức được những khổ đau do rượu, ma túy hay các chất độc tố gây ra. Nên con không uống rượu, ma túy hay sử dụng các chất độc tố có hại cho thân tâm mình, gia đình và xã hội. Vậy nên, người Phật tử giữ và thực hành đúng 5 điều này thì đã xây dựng được nền tảng vững chắc cho gia đình hạnh phúc. Cũng như xây nhà cao tầng cần có nền móng vững chắc tạo kiên cố vừng bền.

Nhưng hạnh phúc không thể do một cá thể con người xây dựng nên, do đó cần thiết lập hạnh phúc từng thành viên trong gia đình, cần tu dưỡng để thương yêu, chuyển hóa lẫn nhau, đồng thời làm tròn trách nhiệm và bổn phận của chính mình. Bằng kinh nghiệm và tuệ giác của Đức Phật đã chỉ dạy cho chúng ta những phương pháp thiết lập hạnh phúc gia đình qua “kinh Thiện sanh”(Trường A Hàm).

Theo “kinh Thiện sanh”, yếu tố đầu tiên phải thành tựu là sự kính thuận, tôn trọng và quy kính lẫn nhau, hòa hợp đồng lòng tìm ra được tiếng nói chung trong suy nghỉ và hành động. Bất cứ một gia đình, dòng tộc hay đoàn thể, cộng đồng nào, nếu các thành viên biết kính thuận lẫn nhau, chắc chắn họ sẻ vui, hòa hợp. Đức Phật dạy người nam khi lập gia đình với đạo làm chồng đối với vợ có năm điều: “Lấy lễ đối đãi với nhau, oai nghiêm đỉnh đạc; ăn mặc tùy thời, trang sức họp thời, giao phó việc nhà; thương vợ thì không khó nhưng tôn kính vợ như khách quý thì không phải dễ, vì người chồng luôn thấy mình là trụ cột trong gia đình. Ngoài ra, nhân cách và hình thức cũng rất quan trọng, cách ăn mặc cũng phải phù hợp trong đời sống chung và đặc biệt là lòng tin đối với vợ, sắp xếp việc nhà, nuôi dạy con cái, quản lý tài sản gia đình v.v…” .

Còn người nữ cũng cần hoàn thiện 5 điều: “Dậy trước ngủ sau; nói lời hoà nhã; kính nhường từ thuận; sớm nhận lãnh ý chồng”. Đảm đang siêng năng và tháo vát, là những tố chất của người vợ hiền. Phụ nữ thường nặng về khẩu nghiệp, ưa buôn chuyện và nói năng theo cảm tính. Vậy nên phải nói lời nhã nhặn, dịu dàng, tươi mát, xoá tan tất cả mệt mỏi cho chồng, người vợ còn biết kết nối yêu thương, biết hy sinh, nhường nhịn để tạo nên không khí thuận hoà cho cả gia đình, cộng thêm sự thông minh, nhạy cảm, tinh tế để nhận biết ý chồng, quán sát cử chỉ, vẽ mặt để nhận ra những điều khó nói hoặc chưa nói của chồng nhằm ứng xử thích hợp.

Vợ chồng ngoài thương kính nhau, còn có trọng trách thương yêu giáo dưỡng con cái. Xã hội ngày nay tuy tiến bộ, nam nữ bình đẳng trên mọi lĩnh vực, ngoài xã hội hay trong gia đình, nhưng thực tế để đời sống hôn nhân gia đình hạnh phúc được bền vững, an vui thì đừng quên những lời Đức Phật đã dạy cho người Phật tử khi bước vào đời sống gia đình./.

 

(Trích tham luận Hội thảo Hướng dẫn Phật tử năm 2010 tại Tp. Cần Thơ)

Ban Hướng Dẫn Phật Tử tỉnh Trà Vinh

(giaohoiphatgiaovietnam.vn)

alt