Tin tức Phật giáo Thế giới (tuần thứ 3 tháng 7 năm 2010)

 

Một cảnh trình diễn từ lễ hội 5-ngày về 'beompae', diễn ra tại Nhà Hát Quốc gia Hàn quốc vào năm 2004 - Photo: Korea Times file
Một cảnh trình diễn từ lễ hội 5-ngày về 'beompae', diễn ra tại Nhà Hát Quốc gia Hàn quốc vào năm 2004 - Photo: Korea Times file

 

HÀN QUỐC: Beompae - tụng ca Phật giáo

 

'Beompae' là những bài tụng và bài hát lấy cảm hứng từ lời dạy của Đức Phật. Được trình diễn tại các đền thờ Phật giáo trong các nghi lễ đặc biệt, những bài tụng ca này có mục đích đạt được sự hoà hợp với lời Phật dạy qua các động tác cơ thể và ngôn ý.

 

Có một số luận thuyết về nguồn gốc của Beompae: Nó có thể bắt nguồn từ nhạc kinh Bồ tát tại cuộc họp ở Linh Thứu Sơn. Nó cũng có thể là sáng tác của Tsao Chih (192 - 232), người được xem là đã lấy cảm hứng từ âm thanh siêu nhiên mà ông nghe được khi đang ở Ngư Sơn.

Những bài tụng và đạo ca này được truyền lại từ một số người cho các thế hệ sau, như từ các tác giả Zhigian và Kang Seng-hui của Trung Hoa. Sau đó 'beompae' được truyền bá tại Triều Tiên bởi đại sư Jingam của phái Seon. Ông là nhà sư của Vương quốc Silla (Triều Tiên), tu học tại Trung Hoa vào thời nhà Đường. Khi trở về Silla, ông đã dạy beompae tại Chùa Ssanggye và được đông đảo tăng sĩ nhiệt tình thọ giáo.

Trong beompae, âm nhạc hoà hợp với phần hát và tụng, và các giọng lĩnh xướng trao đổi với nhóm hợp ca. Xưa kia beompae có rất nhiều bài nhưng ngày nay chỉ còn lại một ít. Và những phiên bản hiện nay thì ngắn hơn những bài xưa, mà số tăng sĩ dành thời gian để học loại nghệ thuật cổ này cũng ít hơn.

Tuy vậy, beompae được trình diễn thường xuyên hơn trên sân khấu trong thời gian gần đây.

Từ những bản gốc bằng tiếng Hán và tiếng Phạn, ngày nay có một số được chuyển sang tiếng Triều Tiên.

(The Korea Times - July 18, 2010)

MÃ LAI: Lễ Cúng dường Đại Tăng già Quốc gia lần thứ 20 

Penang, Mã Lai - Ngày 18 - 7, lễ Cúng dường Đại Tăng già Quốc gia lần thứ 20 đã được Hội Phật giáo Mã Lai Yayasan Belia (YBBM) tổ chức tại Quảng trường Penang Times.

Khoảng 300 tăng sĩ từ khắp đất nước đã tham dự lễ. Hơn 1.000 tín đồ Phật giáo đã cúng dường tiền và vật phẩm cho các nhà sư.

Đây là sự kiện cúng dường thực phẩm, thuốc men và các nhu yếu phẩm khác cho một nhóm người vô gia cư đã được truyền giới, đã từ bỏ thế tục, được gọi là Tăng đoàn.

Trong bài thuyết trình của mình, chủ nhiệm YBBM là ông Datuk Ong Ka Chuan nói rằng: Những ai cúng dường cho các nhà sư trên đường phố là đang gián tiếp làm những hành động xấu. Những nhà sư thường được thấy đi xin của bố thí hoặc bán vật dụng Phật giáo tại các khu bán thực phẩm, quán cà phê và chợ thật ra là những người thất nghiệp.

Hành động của các nhà sư giả mạo như thế đã làm giảm đi hình ảnh cao quý của tăng sĩ rất nhiều.

Ông chủ nhiệm YBBM kêu gọi công chúng dừng cho những nhà sư đi xin bố thí trên đường phố, vì việc giúp những sư giả mạo này thì giống với việc làm những điều xấu.

Ông nói, "Việc cúng dường chư tăng hầu hết được thực hiện tại chùa chiền hoặc những địa điểm qui định. Việc này không được thực hiện ở chợ hoặc dọc đường".  

(The Star - July 20, 2010)  

PAKISTAN: Thực trạng của di sản Gandhara ở Thung lũng Swat

Swat, Pakistan - Thung lũng Swat là cái nôi của các nền văn minh cổ, kể cả Phật giáo.

Phần lớn các di tích cổ ở Swat vẫn giữ nguyên trạng, nhưng các cuộc khai quật của các nhà khảo cổ học người Ý đã tìm thấy 450 phế tích bao gồm những bảo tháp và tượng Phật cổ.

Trước đây, những phế tích này được bảo vệ và bảo tồn, và Viện Bảo tàng Swat được xây vào năm 1959 đã trở thành nơi lưu giữ một số các bộ sưu tập đẹp nhất của nền văn minh Gandhara - kể cả các tác phẩm điêu khắc Đức Phật lộng lẫy.

Nhưng sau khi khu vực Swat sáp nhập với Pakistan vào năm 1969, các phế tích và tượng, tháp trở thành nạn nhân thường trực của sự bỏ bê, xâm hại đến di sản lịch sử quý giá này.

Một trong những tác phẩm điêu khắc Phật giáo nổi tiếng nhất trong khu vực là tượng Phật ở Jehanabad, là một biểu tượng của di sản Gandhara, mà theo nhiều người thì chỉ đứng thứ hai về kích thước sau các tượng Phật ở Bamiyan (Afghanistan).

Nhưng sau khi phiến quân cố thủ tại Swat, pho tượng lớn và có tầm quan trọng về lịch sử này đã bị hư hại nặng.

Ngoài ra, các di tích cũng là mục tiêu của những vụ khai quật trái phép và trộm cắp cổ vật.

Nhiều di tích có tầm quan trọng về lịch sử khác như bảo tháp Saidu Sharif đã trở thành sân chơi của các bé trai. Bảo tháp này còn bị đe doạ bởi sự xâm phạm các phế tích do mafia đất tại địa phương gây ra. 

 

ẤN ĐỘ: Đức Đạt Lai Lạt Ma hoan nghênh sự quan tâm về Phật giáo đang tăng tại các vùng thuộc Hi Mã Lạp Sơn

Nubra, Ladakh - Ngày 21 - 7, tại Tu viện Samtenling, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã có buổi nói chuyện trước hơn 5.000 tín đồ Phật giáo đến từ các vùng khác nhau của Ladakh. Ngài hoan nghênh sự quan tâm đang tăng lên trong các cộng đồng tu viện lẫn thế tục tại các vùng của Hi Mã Lạp Sơn trong việc nghiên cứu Phật giáo.

Ngài đã ca ngợi nhân dân Hi Mã Lạp Sơn về sự phát triển nhận thức không chỉ trong việc niệm kinh, mà quan trọng hơn là trong việc nghiên cứu những lời dạy của Đức Phật và các vị tôn sư Phật giáo.

Ngài cũng ca ngợi sự phát triển các trường học và các trung tâm giáo dục hiện đại trong khu vực.

Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng bày tỏ niềm hạnh phúc của mình khi được gặp gỡ bạn bè tinh thần từ các nước như Anh, Nga và Hàn quốc với sự quan tâm hơn nữa về nghiên cứu Phật giáo - mặc dù đó không phải là tôn giáo của tổ tiên họ.

Vào xế chiều cùng ngày, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã thăm Trường Samgon Jamtse Thosam, một chi nhánh của Viện Nghiên cứu Phật giáo Trung ương. Trong chuyến thăm này, Ngài đã theo dõi cácc học sinh tham gia vào cuộc tranh luận về tôn giáo.

(nvnews.com - July 21, 2010)   

 

ÁI NHĨ LAN: Ngôi đền Phật giáo đầu tiên tại Ái Nhĩ Lan sẽ được xây ở hạt Cork

Trung tâm Tĩnh tâm Dzogchen Beara (Đại Viên mãn - tiếng Tây Tạng) sẽ xây một đền thờ Phật giáo có một vòm bằng đồng truyền thống Tây Tạng trên khuôn viên của mình.

Một ngôi đền cao 14,5 mét sẽ được xây bên cạnh trung tâm trai tịnh này, trên các vách đá ở Garranes gần Allihies, tại bờ biển phía tây hạt Cork. Trung tâm được thành lập vào năm 1992, có diện tích 150 mẫu Anh. Mỗi năm có 300 người đến viếng trung tâm để được tĩnh tâm vào cuối tuần, học nghệ thuật và thiền.

Công trình xây dựng ngôi đền sẽ theo thiết kế các Tây Tạng và sẽ tốn khoảng 1 triệu Bảng. Công trình được hy vọng là sẽ tiến hành vào cuối năm nay, và ngôi đền sẽ hoàn thành trong vòng 18 tháng.

Giám đốc trung tâm là Matt Padwick nói, "Chúng tôi cần quyên tiền trước khi có thể bắt đầu. Hiện giờ chúng tôi chỉ quyên được trên 100.000 Bảng. Xét theo vài phương diện, đây là thời gian khó khăn nhất để quyên tiền do tình hình kinh tế, và chúng tôi đang gặp một thử thách. Nhưng cho đến nay chúng tôi đã có được một sự hưởng ứng rất tích cực". Ông nghĩ rằng với sự phát triển của ngôi đền, trung tâm sẽ có được một tương lai rất tươi sáng.

Ông nói, "Chúng tôi chào đón mọi người, từ mọi tầng lớp và của bất cứ tín ngưỡng nào hoặc không tín ngưỡng, và giới thiệu nhiều cách khác nhau để viếng Dzogchen Beara".

 

(IrishCentral.com - July 22, 2010)

 

Diệu Âm lược dịch

(haitrieuam.com)