Phạm Âm Vang Rền Trong Đại Lễ Phật Giáo Kỷ Niệm 1000 Năm Thăng Long Hà Nội

 

Hòa chung vào không khí cả nước chào mừng Đại Lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Nói Chung, Ban Nghi Lễ Phật Giáo của ba miền Bắc Trung Nam nói riêng đã dồn hết tâm lực trí huệ của mình để thể hiện tấm lòng của con dân Đại Việt và Phật Giáo Đại Việt tri niệm “Tứ Trọng Ân”, Tổ Quốc, Dân Tộc, Đạo Phật và Liệt vị Tổ Tông.

Phật Giáo tại Đại Lễ Phật Giáo 1000 năm Thăng Long Hà Nội thể hiện rõ nét tính chất kế thừa truyền thống Phật Giáo Lý Trần, phát huy tinh thần “Trụ tích trấn vương kỳ” của Vạn Hạnh Thiền Sư, góp phần xây dựng một đất nước Việt Nam Đạo đức, thanh bình, giàu đẹp trên ý tưởng của Pháp Thuận Thiền Sư “Trời Nam ôm thái bình, Đạo đức ngự cung điện, muôn xứ hết đao binh”.

Kế thừa Tinh thần lễ nhạc Phật Giáo Đại Việt Lý Trần, Lễ nhạc Phật Giáo truyền thống Việt Nam thời hiện đại nói chung, nghi lễ tán tụng ba miền Bắc Trung Nam nói riêng một lần nữa khẳn định vai trò và vị trí quan trọng của mình trong nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam và âm nhạc truyền thống Phật Giáo Thế Giới. Nghi lễ Tán tụng Phật Giáo có nguồn gốc từ âm nhạc truyền thống Ấn Độ chịu sự ảnh hưởng của lối tụng Vệ Đà của Ấn Độ Giáo.

Cũng có thuyết cho rằng nghi lễ tán tụng Phật Giáo có nguồn gốc từ những ca từ điệu khúc của Chư Thiên tán thán Đức Phật sau những lần Đức Thế Tôn thuyết pháp gọi là Phạm Âm, cho nên âm nhạc Phật Giáo là thể loại âm nhạc dùng trong các nghi thức tôn giáo để tán thán khen tụng chứ không phải dùng để biểu diễn mua vui, cho nên từ giọng điệu cho đến cách thức đều mang đậm tính cách trang nghiêm, thanh tịnh, chậm rãi, du dương, thiền vị, sâu lắng, trong Kinh [Trường A Hàm] chép Phạm Âm có 5 loại:

1/ Âm thanh Chánh trực.

2/ Hòa nhã.

3/ Trong sạch tinh khiết.

4/ Viên mãn sâu lắng

5/ Biến hết cùng khắp xa gần đều có thể nghe.

Tính chất thanh tịnh của Phạm Âm làm cho người lắng nghe có thể hòa quyện vào thế giới của chư Phật, có thể chứng đắc quả vị “Vô Lượng Âm Thinh Vương Phật” vì âm nhạc Phật Giáo khi tấu lên có mục đích và năng lực để cho người nghe theo đó mà tu hành đạt đến Giải thoát và Giác ngộ. Trong [Du Già Diệm Khẩu Khoa Nghi] có câu: “Pháp nhạc tấu khúc vô sanh, Phạm âm diễn lời tối thượng”.

Âm nhạc Tán tụng truyền thống Phật Giáo Việt Nam được truyền trực tiếp từ Ấn Độ. Trong [Việt Nam Phật Giáo Sử Luận] Nguyễn Lang chép: “… người Giao Châu biết đến Đạo Phật…Họ phụng thờ Xá Lợi, đốt hương trầm, đọc thuộc một vài đoạn Kinh Nhân Quả…” trên đây là nguồn cội của nghi lễ, tán tụng của phật Giáo Việt Nam. Phụng thờ Xá Lợi là nguồn gốc của tín ngưỡng Thờ cúng, Nghi lễ, Nghi thức.

Đọc thuộc một vài đoạn Kinh Nhân Quả, họ đọc theo lối nào tất nhiên là không phải âm điệu của người Việt cổ, mà phải đọc tụng theo lối tán tụng của của các nhà truyền giáo Ấn Độ những người đầu tiên đem đạo Phật đến Việt Nam. Đến đầu Công Nguyên thế kỷ thứ nhất trở đi nước Việt Nam chúng ta bị người phương Bắc xâm chiếm và Bắc thuộc trong 1000 năm, đây là thời kỳ mà Văn Hóa Dân Tộc cũng như Phật Giáo chịu sự ảnh hưởng văn hóa Phương Bắc. Phật Giáo truyền vào Trung Quốc có thuyết cho rằng sau Việt Nam, vì trung tâm Phật Giáo Luy Lâu của Việt Nam có trước hai trung tâm Phật Giáo Lạc Dương và Bành Thành Trung Quốc.

Tán tụng Phạm Bối của Phật Giáo Trung Quốc có nguồn gốc từ đời nhà Ngụy (220-280) theo [Thích Thị Yếu Lãm] chép: “con của Ngụy vương Tào Tử Kiến dạo chơi ở Ngư Sơn, bỗng nghe trên không trung có tiếng Phạm Âm thanh tịnh, du dương, réo rắc. Âm thinh làm cho người nghe phải động tâm, một mình lắng nghe rất lâu, sau đó mô phỏng âm tiết, viết thành Phạm Bối, tuyển văn chế thành âm luật, truyền cho đời sau.

Đây là nguồn gốc của phạm Âm Tán Bối vậy.” Phạm Bối là hình thức âm nhạc đặc thù riêng biệt của Phật Giáo Bắc Truyền và chỉ riêng Phật Giáo Bắc Truyền mới có thể loại âm nhạc này, trong [Thích Thị Yếu Lãm] định nghĩa về tán tụng chép: “Tiếng Phạm xưng là Bối Nặc, Hoa ngôn gọi là Chỉ Đoạn. Do là việc bên ngoài đã dừng và đã dứt, bấy giờ hoàn toàn tịch tịnh, chỉ chuyên tâm làm chuyện pháp sự…

Chư Thiên nghe Phạm Bối, tâm vui hoan hỷ, cho nên tán tụng gọi là Phạm Bối.”. Rất sớm trong Tăng Đoàn Phật Giáo có vị chuyên tu về Pháp môn Tán Bối, trong [Thập Tụng Luật] chép về một vị Tỳ Kheo chuyên tu về khoa đàn tán tụng cúng kiến: “ Tỳ Kheo Bạc Đề, là người giỏi nhất trong việc Tán Bối.”.

Nghi lễ, cúng kiến, đám sám, Đàn Tràng, tán tụng trong Phật Giáo khởi đầu là những pháp môn tự tu của hành giả Phật Giáo, chứ không dùng để siêu độ hay cầu an. Nhưng vì tự mình tu hành có bao nhiêu công đức lại hồi hướng cho chúng sanh, chứ không phải tự mình cầu phước báo. Vì khi có người cần tu phước báo để hồi hướng cho thân bằng quyến thuộc của mình, cầu an hay cầu siêu, hoặc là hồi hướng cho những loài chúng sinh có liên quan, cho nên cần những người tu hành có phước báo để làm phép hồi hướng, chính vì thế mà trong Phật Giáo xuất hiện một Pháp môn chuyên tu về Phạm Bối, chuyên lo về việc cúng kính tụng Kinh hồi hướng công đức cho các Phật Tử giải quyết các vấn đề như.

- Lễ Cầu An giúp cho Phật Tử thể hiện sự quan tâm của mình và nhớ ơn đối với người đang sống.

- Lễ Cầu Siêu thể hiện lòng thành kính của mình đối với thánh thần và hoài niệm công ơn của người đã mất, và các hành giả tu tập pháp môn Phạm Bối sau này trở thành các thầy Kinh sư trong Phật Giáo Bắc Truyền.

Nghi Lễ Phật Giáo Bắc Truyền trãi qua hơn hai nghìn năm hình thành và phát triển cho đến ngày nay, Pháp Môn Phạm Bối của Phật Giáo Bắc Truyền đã trở thành biểu tượng văn hóa, nghệ thuật của Phật Giáo hàm lượng hết thảy tư tưởng tinh thần Đại Thừa, thể nhập vô số tín ngưỡng thờ cúng dân gian trên quan niệm tùy duyên bất biến, hòa mình vào hầu như tất cả các thể loại âm nhạc của thế gian nơi nào có hình bóng của Đạo Phật, đưa Thế nhạc trở thành Phật nhạc, hóa khúc bi tình thành giải thoát âm, đem nhạc lâm ly về chốn an lạc như tiếng Ca Lăng Tần Già tấu khúc Tây Phương.

altalt

Nghi lễ Phật Giáo Miền Bắc trên tinh thần là cội nguồn của nghi lễ của Phật Giáo Việt Nam, trãi qua hơn 2000 năm vẫn giữ nguyên bản sắc, âm điệu của tuồng chèo hòa nguyện với câu ca quan họ của đất tổ ngàn xưa. Chiếc Ca Sa Đàn của Chư tôn đức Tăng Sám Chủ Miền Bắc đắp trong Trai Đàn vẫn còn đậm nét Đường Y với Thành y và Điều Y không cùng một sắc, thể loại Ca Sa này trên Thế Giới chỉ còn Chư Tăng Việt Nam và Nhật Bản sử dụng.

altalt

Nghi lễ Phật giáo miền Bắc tại Đại lễ

Mão Thất Phật Liên Hoa là Tăng Mão đặc biệt của riêng Phật Giáo Việt Nam có nguồn gốc từ mão Ngũ Phật Bảo Quan của Mật Tông, nhưng đặc biệt nhất là Phật vũ lục cúng của Chư Tăng Miền Bắc, theo ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu khoa học về Vũ điệu Phật Giáo trong nước cũng như nước ngoài, cho rằng đây là một trong những vũ điệu cổ xưa của Phật Giáo có nguồn gốc từ Ấn Độ và cũng chỉ còn có ở Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Nghi Lễ Phật Giáo Miền Trung trong niềm tự hào của đất Thần Kinh một thuở, áo gấm màu vàng Quan Mão trang nghiêm, sắc phục Tăng Cang tăng thêm nét Thăng Long Đế Đô một thuở, Nhã Nhạc Cung Đình như tái hiện lại cảnh thiết đại triều của lịch đại Tiên vương. Phạm Bối du dương Tán Giới Định thế cho khúc Nghê Thường, Giọng điệu Huế buồn lắng sâu vào bài Nhất Điện, âm thanh ray rức trong điệp khúc thỉnh Cô Hồn, thanh nhạc trầm hùng trong bài chú Bách Tự.

altalt

Nếu như nói Vũ Điệu Lục Cúng của Phật Giáo Miền Bắc là cội nguồn của vũ điệu Phật Giáo Việt Nam thì Nhạc Vũ Lục Cúng Hoa Đăng của Phật Giáo xứ Huế là tinh hoa của vũ đạo Phật Giáo vì Vũ điệu Lục Cúng của miền Bắc chỉ có vũ đạo và âm nhạc thì ở Lục Cúng Hoa Đăng của Huế kết hợp giữa âm nhạc, vũ đạo và tán tụng, đặc biệt hơn nữa là sự điêu luyện và thành thục của các vũ sinh Phật Giáo Huế đều là Tăng Sinh nhưng thể hiện vũ khúc này không thua gì các vũ công chuyên nghiệp của Nhã Nhạc Cung Đình Huế.

altaltalt

Nghi lễ Phật giáo miền Trung tại Đại lễ

Nghi Lễ Phật Giáo Miền Nam với tinh thần tiếp thu và phát triển, nếu như nói nghi lễ Phật Giáo Miền Bắc là cội nguồn, Miền trung là mầm lộc, Miền Nam là thân cành với tán lá xum xuê, những gì là tinh hoa của hai miền Trung và Bắc đều là chất liệu làm cho cành lá nghi lễ Miền Nam được đâm chồi nảy lộc, người Miền Nam tính chất của người đi mở cõi chất phát, thật thà, nghĩ sao nói vậy, có gì làm nấy miễn là hết ý được rồi, lắm khi quá thật thà làm mích lòng người khác.

Cho nên tán tụng Miền Nam giọng điệu rộn rã, âm nhạc vui nhiều buồn ít, vũ điệu thì tổng hợp của cả ba miền nhiều khi cho là chưa đủ lại nghiên cứu thêm Tâm Pháp Hoa Đàn của lịch đại Tổ Tông Mật Giáo.

altalt

Thăng Long 1000 năm nhưng Gia Định Thành chỉ mới hơn 300 trăm năm, cho nên lần này còn cháu Miền Nam về miền đất tổ, cúng cho ông bà mình nên không nệ công sức. Làm rạng rỡ nòi giống Tiên Rồng nên không ngại khó khăn, trên dưới một lòng hết tâm lo lắng.

Sợ liệt vị Tổ Tông không nhận ra mình nên cả đoàn đều đắp Ca Sa Đàn may theo lối Cà Sa của Miền Bắc. Chứng tỏ sự trưởng thành nên đội mão Hiệp Chưởng Tăng Quan. Sợ chốn tổ lễ nghi truyền thống nên theo phép xưa con cháu ở xa về nên bái yết cha ông, nơi chùa Lý Triều Quốc Sư lễ Ngài Khuông Việt, lên núi Tiêu Sơn bái yết Vạn Hạnh Thiền sư.

altaltalt

Nghi lễ Phật giáo miền Nam tại Đại lễ

Không quên công ơn Tiên Triều Đế Chúa dựng nước giữ nước nên tại Hoàng Thành làm lễ tế liệt vị Quân Vương. Từ Bi tế độ là cốt lõi của tinh thần Đại Thừa Phật Giáo, nên thiết Vô Giá Pháp Hội tế độ vong nhân, chẳng những độ cho vong nhân đất Việt, mà vận tâm bình đẳng phổ độ cho lịch đại các vong hồn chiến sĩ các nước tham chiến trên toàn lãnh thổ Việt Nam từ quá khứ cho đến thời hiện đại, thể hiện lòng từ bi vô hạn.

Đàn Tràng trong thiết Trung Đài Bát Diệp thể nhập bi trí tánh Quán Âm, Ngoài thiết Tu Di cung điện hiện tướng Ngũ Thể Như Lai tỏ bày Ngũ Trí, Địa Tạng tiếp độ ở bên ngoài, Diện Nhiên thống lãnh Lục Đạo Pháp Giới. Ai chưa thấy cho đây là mới lạ, người học nhiều hiểu hết mọi nguồn chơn, là miền xa nhất trong ba miền nên không sao tránh điều sơ thất chỉ có một tấm lòng hướng về cội nguồn đất tổ 1000 năm.

 

Thích Tâm Mãn

(chuaminhthanh.com)