Bát cơm mùa hạ

Làn gió mát đầu thu gợi cho chúng ta nhớ bát cơm mùa hạ muôn thuở. Bát cơm chí hiếu của Tôn giả Mục Kiền Liên dâng mẹ sau khi Ngài chứng đạo. Lòng hiếu hạnh của Ngài đã để lại cho hậu thế một tấm gương sáng : Gương báo hiếu, lòng biết ơn hai đấng sanh thành.

Từ đó đến nay, đã hơn hai ngàn năm trôi qua, với biết bao thăng trầm lịch sử, biết bao dâu bể tang thương, biết bao đổ nát, điêu tàn, vậy mà mỗi lần nhắc đến, bát cơm mùa hạ lại làm dâng trào trong lòng ta một niềm cảm xúc mãnh liệt, nó chứa chan hương vị ngọt ngào của mảnh đất tâm hiền hòa. Ta đã bao lần tay bưng bát cơm mà lòng cảm thấy rung động dạt dào. Và ta đã bao lần được nếm cái hương vị thơm lừng của lúa mới, mà chạnh lòng cho cái thân làm khách lữ rong rêu trong ba cõi ? Mỗi lần hạ đến, ta lại bùi ngùi khi nặng oằn tay, nâng bát cơm được kết tinh từ mồ hôi và nước mắt của bao người mà thầm quán tưởng: “Kể công nhiều ít so với chỗ kia đem đến; Xét đức hạnh của mình đủ hay thiếu mà thọ của cúng dường; Ngừa tâm xa lìa các tội lỗi: tham, sân, si là cội gốc; Chính là vị thuốc hay để chữa lành bệnh khô gầy; Vì thành đạo nghiệp nên thọ cơm này”.

Bát cơm tuy đơn sơ nhưng lại chứa đầy càn khôn, vũ trụ, nhẹ tựa lông hồng mà cũng nặng tựa Thái Sơn. Ôi, bát cơm của con đường đi lên bậc Thánh.

Rồi ta lớn lên trong ngôi nhà Chánh pháp, suốt cuộc đời nâng chén cơm đàn na thí chủ mà trưởng dưỡng đạo tâm, trau giồi giới đức. Từng giọt mồ hôi nào chan chứa trong hạnh nguyện của người mang nặng lý tưởng giác ngộ giải thoát, con đường mà hơn 2500 năm trước, Ðức Bổn Sư đã vì chúng sanh mà khai sáng đạo mầu, cùng với :

Nhất bát thiên gia phạn

Cô thân vạn lý du

Kỳ vi sanh tử sự

Giáo hóa độ xuân thu.

Con đường Ðức Từ Phụ đã đi, ta đang đi, không có hoa và bướm, không có kẻ rước người đưa, không có những đoàn tuøy tùng theo hầu hạ, mà là con đường của ánh sáng chân lý tối thượng, với kẻ độc hành tay ôm bình bát thô sơ và ba mảnh y vàng giải thoát... Hình ảnh cao vời bất tuyệt ấy mãi mãi in đậm trong tâm trí của mỗi chúng ta.

Ðôi khi, vì bận bịu với bao nhiêu “khách trần phiền não, bao nhiêu trần lao nghiệp chướng” mà ta không nghĩ đến những điều tưởng chừng như đơn giản ấy. Ta cứ nghĩ rằng công lao tu hành của ta đáng được hưởng phước phần ấy, và người Phật tử tại gia với bổn phận và trách nhiệm của một người “hộ pháp an Tăng” thì phải có nghĩa vụ như vậy. Nhưng ta lại quên rằng, ta thọ bát cơm của đàn na tín thí ngõ hầu trưởng dưỡng đạo tâm, nuôi sống cái xác thân tứ đại này để tiếp nối ngọn nguồn mạng mạch của Như Lai mà hoằng dương chánh pháp, chứ nào phải đâu vì ham muốn dục lạc để hưởng thụ. Tuy rằng con đường đi lên bậc Thánh hiền muôn vàn gian khó, nhưng với bổn hoài làm người Tăng sĩ, làm bậc thầy mô phạm thì chắc hẳn không ai dám thờ ơ với sự thọ dụng này. Bởi một khi ta đi lệch ra ngoài quỹ đạo này thì kẻ mang lông đội sừng cũng là ta vậy...

Từng mùa hạ lại lần hồi đi qua trong cuoäc sống, biết bao lần ta bưng bát cơm đàn na mà lòng hiện lên nỗi suy tư dạt dào cảm xúc. Bát cơm đi vào cánh cổng “Không môn” nào có đâu sơn hào hải vị, mà chỉ là những cọng rau, tương dưa đạm bạc nhưng chứa đầy phẩm vị giải thoát thanh cao của Thánh hiền.

Kính lạy đức Thế Tôn, bậc cha lành của nhân loại !

Cuộc đời của Ngài như vầng nhật không môn, chúng con không thể lấy ngôn ngữ phàm tình mà phô diễn hết được. Nhưng chúng con biết rằng, chúng con cũng có Phật tánh, cũng có sẵn Như Lai tàng Viên giác Diệu tâm tràn đầy sáng suốt, cho nên chúng con xin được thọ dụng bát cơm này, và không bao giờ tự ti, mặc cảm từ bỏ những hạnh nguyện cao cả của mình maø thối thất nơi quả vị Vô thượng Bồ đề. Chúng con sẵn sàng noi theo dấu chân Ngài vượt biển trầm luân, mang ánh sáng cao cả của chân lý tối thượng soi đường hậu thế, ngõ hầu không phụ bổn hoài tâm nguyện xuất trần của chúng con, và không hổ thẹn là hàng đệ tử của Ngài. Nguyện Ngài thùy từ gia hộ cho chúng con vững bước trên con đường đi vào Thánh trí.