VU LAN - LỄ HỘI VĂN HÓA TÌNH NGƯỜI

Ngày nay, lễ Vu lan không còn đơn thuần chỉ có ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng mang tính cầu nguyện dành cho những người quá vãng, mà đã trở thành "Lễ hội Văn hóa tình người" với bất cứ ai đang hiện hữu trên cõi đời này.

Thực tế, con người được sinh ra, lớn lên, trưởng thành ở đời đều bắt đầu từ sự yêu dấu của cha, lời ru ngọt ngào của mẹ. Tại đây, hạnh phúc đầu tiên và cuối cùng của con người hầu như được thiết lập bằng chất liệu yêu thương của tình mẫu tử, phụ tử keo sơn đậm đà. Rõ ràng, dòng suối hiếu hạnh tuôn chảy đến đâu, sự tuơi mát trong lành tình người thẩm thấu tại đó. Con người cứ thế mà hóa hiện tấm lòng cao đẹp của các đức tính từ bi hỷ xả, vô ngã vị tha, trung với nước, hiếu với dân, nghĩa tình với tất cả là đồng bào.

Xem ra, gương hiếu hạnh năm xưa của ngài Mục Kiền Liên thành tâm kiền thỉnh chư Phật và Thánh chúng để nguyện cầu cho mẹ thoát khỏi tam đồ, thì ngày nay chính tinh thần hiếu đạo ấy đã đi vào lòng người như là thông điệp nhân sinh, có giá trị giúp cho con người gần gũi nhau nhiều hơn và yêu thương nhau thật sự.

Thế nên, cứ đến ngày rằm tháng Bảy âm lịch mỗi năm, hàng Phật tử lên chùa lễ Phật, thành tâm thiết lễ trai tăng cúng dường thập phương Tam bảo và chư Hiền Thánh Tăng, làm các thiện sự, suy cho cùng là tưởng niệm và báo đáp thâm ân đối với đấng sinh thành. Và ai dám khẳng định chỉ có người theo đạo Phật mới biết thể hiện tấm lòng hiếu hạnh với tổ tiên ông bà, cha mẹ nhân ngày Ðại lễ Vu lan? Nhưng có một điều tin chắc rằng: đã là con người, bất luận là ai, dù theo tôn giáo nào, thậm chí chẳng chịu khoác cho mình một chiếc áo tín ngưỡng nào hết, thì trong tâm khảm của mỗi người, họ vẫn đến "ngôi chùa" ở tận chiều sâu "cõi lòng" để hướng nguyện. Chính họ là người đốt một nén hương, thắp sáng cõi lòng, cầu nguyện cho cha mẹ, ông bà và thân nhân quá vãng của mình trong ý niệm ân tình nghĩa cảm. Ðơn giản và dễ hiểu nhất, tự thân mỗi cá thể ai ai cũng có tổ tiên ông bà cha mẹ của mình.

Tại đây, Lễ hội Vu lan - Báo hiếu nghiễm nhiên trở thành Lễ hội Văn hóa tình người. Nói như Ðức Phật từng xác chứng trong kinh Tương Ưng: "Vô thỉ luân hồi! Này các Tỳ kheo, không dễ gì tìm được một chúng sanh trong một thời gian dài này lại không một lần nào làm mẹ, làm cha!". Với tất cả ý niệm thiêng liêng, cao cả của triết lý tình người, mỗi lần tâm niệm chí thành hướng về tổ tiên ông bà, cha mẹ, thực chất con người hướng tâm về các giá trị truyền thống được kết tinh, hun đúc qua bao nhiêu thế hệ của cha ông, từ trong hiện thực cuộc sống, để con cháu đời nay, đời sau thực thi và vận hành. Hay nói một cách sâu sắc hơn, từ trong các giá trị gia phong truyền thống, chúng được nâng lên thành các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc được thể hiện qua nếp sống "văn hóa ứng xử" - "đạo lý làm người" cao quý nhất. Trong ý nghĩa đó, tự thân mỗi cá nhân sẽ thấy rõ vai trò và trách nhiệm của cá nhân đối với cá nhân, cá nhân với gia đình, cộng đồng xứ sở, cá nhân với môi trường sống để làm thăng hoa các giá trị đời sống đem lại từ đời sống vật chất cho đến thế giới tâm linh con người trải nghiệm.

Thế nên, khả tính tình yêu vô hạn của con người nhờ đó mà được nhân lên và tuôn chảy vào đời sống hiện thực. Các mối quan hệ của con người nhân đây mà được thiết lập rộng rãi và chặt chẽ hơn bao giờ hết. Sự tương quan, tương tác giữa tình và tài, tình và nghĩa, tình và lý sẽ được điều chỉnh, trở thành thực thể thống nhất trong mỗi cá nhân để đến với nhau trong ý nghĩa chung một tấm lòng, cùng một ý hướng.

Rõ ràng, Lễ hội Vu lan - Báo hiếu là một lễ hội ở đó con người gặp gỡ, đối thoại giao lưu giữa thế hệ này với thế hệ khác, giữa đời này và đời sau. Tại đây, con người trải lòng thân thiện, không còn sự phân biệt đối đãi, duy chỉ có một tấm lòng, một khát vọng mong cầu hạnh phúc và dập tắt khổ đau cho nhau. Bởi lẽ, tự thân ai cũng có thể hiểu "không dễ gì tìm được một chúng sanh trong một thời gian dài này lại không một lần nào làm mẹ, làm cha" như Ðức Phật từng dạy.

Xem ra, một tiếng kinh cầu cất lên trong ngày lễ hội là một âm vọng vang lên giữa đất và trời, ở đó văn hóa tình người lại được hóa hiện ngay giữa cuộc đời. Tâm hiếu thảo hóa thành tâm Phật để con người phát nguyện sống theo lý tưởng Bồ tát độ đời và cứu đời. Các việc làm thể hiện hạnh hiếu là hạnh Phật như bố thí, trì giới, tinh tấn, thiền định, trí tuệ được cụ thể hóa ngay trong đời sống thực tiễn, đi vào từng ngõ ngách con tim của từng cá thể trên khắp các nẻo đường của ý.

Mỗi khi suối nguồn tình thương được tuôn chảy và chuyển hóa thành chất liệu - thể tính của từ bi hỷ xả, vô ngã vị tha, chúng đi vào đời sống từng cá nhân con người thì ở đó mọi người được an lạc, nhà nhà hưởng phúc bình an, xã hội đầy ắp thái bình, quốc gia trở nên hưng thịnh, phú cường. Người ta thật hãnh diện và tự hào trong ngày lễ hội khi được cài trên ngực mình một bông hồng đỏ thắm để minh chứng cho bản thân bao giờ vẫn còn mẹ và cha. Ðây chính là nguồn sống để mọi người an trú trong hiện tại, chắp cánh cho tương lai con cháu mai sau.

Trong ý nghĩa thiêng liêng cao quý này, ngày hội Vu lan - Báo hiếu thật sự trở thành ngày lễ hội văn hóa của cả dân tộc. Ngày ấy cũng là ngày mọi người dân cùng nhau tôn vinh các giá trị truyền thống cha ông, các giá trị văn hóa tình người trong ý niệm tất cả là "đồng bào", là cha, là mẹ, là anh chị em, bà con quyến thuộc. Ngày đó là ngày nối kết "trực tuyến" truyền thanh, truyền hình giữa hai bến bờ sinh tử và Niết bàn, giữa người còn và kẻ mất trong ý niệm nguyện cầu giải thoát khổ đau, an bình hạnh phúc.

Ô hay! Không có gì hoan hỷ hơn cả, ngày ấy họ được tiếp nhận nguồn năng lực đại trí, đại bi, đại nguyện của "chín phương trời, muời phương Phật" cứu độ cho tất cả. Ngay cả những người quá vãng, nằm yên trong lòng đất cũng được mỉm cười dưới suối vàng vì chính họ biết rằng ngày đó là ngày "Xá tội vong nhân", hóa giải tất cả khổ đau mà thân phận con người gánh chịu cho những nghiệp nhân nghiệp quả đã gây tạo.

Trên hết, mọi người được ăn ngon mặc đẹp, được tự do quây quần bên cạnh những người thân, gia đình, tận hưởng sự an lành, phúc lạc lan tỏa của ngày Phật hoan hỷ, chư Tăng tự tứ sau ba tháng an cư tịnh giới trong không khí lễ hội tưng bừng.

Và như thế, dù bạn là ai, theo tín ngưỡng nào, hay không có tín ngưỡng đi nữa, Vu lan - Báo hiếu thật sự là Lễ hội Văn hóa tình người thắp sáng niềm tin và lẽ sống. Con người thật sự hạnh phúc, giải thoát khi các giá trị tình người được bảo lưu, tôn vinh và  tuôn chảy trong dòng sống tương tục.

Nguồn: Báo Giác Ngộ 238 Số đặc biệt Vu Lan Báo Hiếu PL2548 ra ngày 26-8-2004