Mẹ! Gia tài của tôi

Lần đầu tiên tôi tham dự trọn vẹn khóa tu Người Trẻ tại Làng Mai suốt một tuần nên tôi còn nhiều bỡ ngỡ lắm. Mặc dù tôi đã đến đây nhiều lần rồi, những chỉ sáng đến chiều về thôi. Trong khóa tu có một ngày đặc biệt dành riêng cho phái nữ, chúng tôi đùa với nhau là ngày “no men day”.  Chúng tôi được sư cô Diệu Nghiêm giảng về chủ đề tình yêu đích thực và giới thứ 3 trong năm giới dành cho người cư sĩ. Buổi chiều có pháp đàm về đề tài này, chúng tôi đã đưa ra câu hỏi để định hướng cho buổi chia sẻ đúng chủ đề. Câu hỏi thứ nhất được đưa ra:  “Ai là người phụ nữ mà bạn hâm mộ nhất?”. Câu thứ hai: “Những lúc nào bạn cảm thấy mình nữ tính nhất?”

Khi ấy, tôi chẳng có ý tưởng gì để chia sẻ cả, cho đến khi sư cô S.N chia sẻ về chiếc áo nhật bình màu nâu của các sư cô mà mấy người bạn thiền sinh thường chêu đùa là giống “bao khoai tây”, thì sư cô lại thấy mình thật bình dị. Và chính trong cái “bao khoai tây” đó sư cô cảm thấy mình thật sự tự do và nữ tính. Nhiều lúc sư cô cảm giác có một khoảng cách nào đó ngăn cách giữa người cư sĩ với người xuất sĩ mà sư cô muốn phá tung. Sư cô nói điều này làm tôi thật sự xúc động và cũng đúng với tâm tư của tôi. Từ lúc đến Làng tôi đã tự đặt câu hỏi này vì tôi cũng có cảm về rào chắn vô hình này. Nghe sư cô nói, trong tôi vỡ òa một cảm xúc khâm phục. Đó là một động lực rất mạnh mẻ khiến tôi xin chia sẻ. Chiếc áo nhật bình màu nâu mà các sư cô mặc từ ngàn năm không thay đổi, nó đơn giản nhưng thể hiện tình thương rất lớn. Khi đã có tình thương rồi thì đâu còn rào cản nữa, mọi ngôn từ cũng trở nên không cần thiết.

dscn6790

Tình thương mà tôi cảm nhận được ở nơi đây cũng giống như thứ tình thương mà tôi cảm nhận được trong gia đình của tôi. Ở nơi ấy, tôi được đón nhận tình thương từ cụ ngoại, bà ngoại và người mẹ kính yêu của tôi. Đó là những người phụ nữ mà tôi thương yêu và kính phục nhất trên đời. Tôi thấy mình thật là may mắn. Cả ba người đều là mẹ của tôi, cả ba người đều chăm sóc tôi bằng tất cả trái tim mình. 

Hồi ấy tôi còn nhỏ, mẹ tôi được cơ quan cử đi học xa, bố tôi bận rộn suốt ngày, tôi ở nhà sống trong tình yêu thương của cụ ngoại và bà ngoại. Khi tôi lớn lên thì tôi lại đi học xa nhà. Tôi không được ở bên mẹ nhiều nhưng mỗi khi được ở gần hay chỉ cần nghĩ về mẹ là trong tôi lại tràn ngập cả một trời bình yên. Mẹ không chỉ là một người mẹ hết sức ngọt ngào mà còn là một người bạn tri kỷ của tôi. Tôi có thể kể cho mẹ nghe mọi chuyện.

Còn lúc mà tôi còn cảm thấy mình nữ tính nhất ư? Đó là lúc bác sĩ trao em tôi vào tay tôi. Mẹ vẫn còn nằm trên bàn mổ. Bế em trong tay mà nước mắt tôi trào ra, vẫn chưa biết tình hình mẹ trông ra sao. Mẹ phải mổ cấp cứu vì thai to, đã bắt đầu bị nhiễm độc thai nghén. Tôi lúc đó tôi mới 16 tuổi. Mẹ lên bàn mổ chỉ kịp gọi điện nhắn đồng nghiệp về lấy áo quần em bé hộ mẹ (ngày đó chưa có điện thoại di động). Mẹ lên bàn một một mình mà vẫn thản nhiên. Em tôi sinh ra nặng 5kg, là trẻ sơ sinh nặng nhất bệnh viện từ 50 năm qua. Lúc đó tôi sợ lắm, lo mẹ làm sao. Mẹ được đưa vào phòng hồi sức tôi mới trút được gánh nặng. Tôi thấy mình lớn hẳn lên, bế em trong tay như một trách nhiệm mới, một cảm giác khác lạ xâm chiếm tôi. Sau này tôi mới biết đó chính là tình thương. Có em tôi trở nên vui vẻ và đỡ ích kỷ hơn nhiều. Em tôi ra đời đã giúp tôi mở cánh cửa trái tim tôi, chỉ cho tôi thấy được tình thương mạnh mẽ tới nhường nào.

Những ngày mẹ nằm viện, có một lần tôi dỗ em bú mẹ. Mẹ vẫn chưa ôm em được do vết mổ chưa lành nên phải có người dỗ em để em úp vào ngực mẹ. Tôi cũng chưa bao giờ thấy kiểu cho bú nào kỳ lạ như vậy. Lúc đó tôi vụng về chạm mạnh em vào bụng mẹ, tôi thấy mẹ nghiến răng lại và nước mắt trào ra, may sao vết mổ không bật máu. Tôi hối hận vô cùng. Cho đến tận bây giờ, em tôi đã 14 tuổi, nhưng mỗi khi nhớ lại hình ảnh ấy tôi lại thấy quặn thắt trong lòng vì thương mẹ, như thể vết thương ấy đang đau buốt trong thân thể tôi. Nghĩ tới nước mắt tôi lại lã chã tuôn rơi. Không có ai giỏi như mẹ tôi đâu.

Xa mẹ hơn 10.000km, mỗi khi gọi điện về nhà, chỉ cần được nghe mẹ nói là tôi đã thấy đủ lắm rồi. Tôi thấy mình lại tràn trề sinh lực, mẹ tôi dũng cảm thế cơ mà, mẹ có một sức chịu đựng dẻo dai và kín đáo như thép mỏng, không có gì bẻ gẫy nổi. Mẹ thường nói, sức mạnh của mẹ là chúng tôi. Của cải của mẹ, hạnh phúc và tình yêu của mẹ là chúng tôi. Mẹ nói: Mẹ yêu chúng tôi nhất trên đời. Và mẹ cũng vậy, mẹ là kho báu của chúng tôi. Tôi đã nói với mẹ thế rồi. Chúng tôi đã nói chúng tôi yêu mẹ. Chúng tôi thưởng thức từng giây phút bên nhau. Tôi thấy sung sướng lắm, tôi vẫn được cài hoa hồng trên áo. Tôi vẫn còn được gọi điện về nhà cho mẹ. Và tôi vẫn còn được nghe mẹ kể chuyện giàn mướp nhà mình có bảy quả chuột ăn hết mất năm. Mẹ ăn thừa được lại của con chuột nửa quả. Rau muống ở nhà mọc nhanh lắm, hái không kịp, mẹ phải cho hàng xóm bớt đi. Rau sạch ở Hà Nội quý lắm. Rồi thì chuyện con chó nhà hàng xóm cứ thích ngày nào cũng sang nhà tôi, thích thú nghếch cái mõm lên bậc cửa nhìn vào nhà một lúc rồi về. Những chuyện như vậy kể ra thật tầm phào, nhưng giọng cười của mẹ quý giá vô cùng làm tôi có cảm giác đang được ở nhà với mẹ, được ăn mướp chuột ăn của mẹ. Mẹ làm tất cả để chúng tôi hạnh phúc và mẹ đã thành công. Chúng tôi hạnh phúc đơn giản là mẹ vẫn còn đó như một dòng sông thương yêu và che chở. Chúng tôi thực ra chẳng bao giờ xa nhau cả. Chúng tôi là sự tiếp nối của mẹ mà.

Hoàng Anh

(langmai.org)