Nắng đỗ sân chùa

Mặt trời chưa qua khỏi đỉnh núi. Ánh sáng buổi sớm băng ngang con đường nhựa, đổ xuống xóm nhà dưới chân núi. Đâu đó tiếng gà gáy muộn lẫn tiếng xe cộ vọng lại, cũng không làm cho con đường nhựa đi lên tu viện mất đi sự yên vắng của nó. Con đường vẫn âm thầm, uốn khúc theo vách núi, lặng lẽ nằm nhìn ngày tháng và bốn mùa đi qua, không có chút gì phải lo âu, phàn nàn. Mấy năm trước đây con đường đã được đổ lại lớp nhựa mới, nó càng sạch sẽ, tươm tất nhiều so với mấy năm đầu của tu viện Lộc Uyển, con đường đầy ổ gà. Chắc bây giờ nó sung sướng lắm, đứng ngồi thong dong, tươi mát hơn, tha hồ sáng trưa chiều nhìn thành phố, nhà cửa ẩn hiện qua những tàng cây chạy dài xa tít dưới kia.

image014Cách đây mấy tuần, mùa Xuân lại trở về. Sáng nay có nắng ấm hơn rất nhiều. Hai bên đường nhựa, hai hàng cỏ lau màu tím nở đầy chen chúc nhau. Cỏ lau như được người ta trồng xuống đất ở vị trí rất đều đặn dọc hai bên đường. Thỉnh thoảng đứt đoạn bởi tảng đá, hay bụi bông cỏ dại. Cỏ lau xếp hàng, giơ tay như những ngọn cờ, đứng đợi để làm nhiệm vụ chào mừng khách thập phương đến tu viện. Dường như buổi sáng này chúng có vẻ vui hơn, đứng san sát, trò chuyện thật vui vẻ. Tiếc là mình không nghe và hiểu được chúng nói gì với nhau. Hoa dại đủ màu sắc chen chúc nhau như giành nở cho kịp, nhô ra cho được ngoài đường để có chút gì khoe khoang nơi hoang dã này chúng tôi vẫn hạnh phúc và tươi đẹp.

Con đường thật vắng vẻ. Ngưng xe lại bước ra ngoài, thời tiết mát lạnh của mùa Xuân với cánh rừng lốm đốm cây hoa Lilac màu tím. Cảnh vật này đã giữ mình lại đây, không vội gì vào xóm Trong Sáng làm việc vào những buổi sáng như hôm nay. Bao nhiêu mệt mỏi, lo âu, thăng trầm dưới kia trong một tuần qua, trong thành phố ngày ngày vật lộn với cuộc sống, tất cả đều ngưng bặt ngay lúc này, nơi khung cảnh tươi mát ở đây. Hạnh phúc tràn ngập từ bên trong lan ra ngoài núi đá, hoa cỏ…Cuộc đời hay sự tu tập làm sao nhận ra và tiếp thu được một cách liên lủy cho thân tâm mình một trạng thái như thế này thôi, chắc là đủ? Chắc là vậy và chỉ có thế?  
Ngoài những ngày quán niệm, các khóa tu đầy ắp người và xe cộ ồn ào đến tu viện tu tập, hoặc đến chơi, nhất là những lúc có Sư Ông ở tu viện. Sự yên tịnh, vắng lặng, thật êm đềm của những lúc như bây giờ và ở đây, đó là hoa trái của Lộc Uyển cống hiến cho mọi người, nuôi dưỡng được tình người với thiên nhiên. tu viện Lộc Uyển không giống như cái chùa trong tâm tưởng của nhiều người, phải có cây kiểng, cây trái, bông hoa trồng tỉa thật tươm tất, các lối đi phải được lát đá hay xi măng thật sạch sẽ. Chắc có lẽ Lộc Uyển quá lớn và núi đá, rừng cây khắp nơi, nên không đủ sức sửa sang cho đúng như một cảnh chùa. Vô tình để cho Lộc Uyển có vẻ đẹp tự nhiên và hoang sơ của nó.

Thời tiết của bốn mùa đi ngang qua Lộc Uyển hàng năm như những thời khóa tập thể dục cho người tới Lộc Uyển lưu lại đó ngắn hạn hay cho các thiền sinh thường trú, hay nhiều nhất cho quý thầy, quý sư cô, thực tập cái thân chịu đựng mạnh mẽ hơn, ít bị cảm cúm hơn. Nhìn quý sư cô của khu vực hồ bơi, người mỏng như tờ giấy vẫn tươi tắn ngày qua ngày thì đủ để chứng minh !!! Nhiều ngày mùa Hè gió nóng, thời tiết như thiêu đốt. Nhớ tới một sáng sớm mình có mặt ở Lộc Uyển để tiếp tay cùng nhau xây cho xong tháp của Thầy Giác Thanh. Trời nóng khiếp quá, ôm những bao đất từ trên đỉnh Yên Tử đi xuống chỗ xây tháp, đi lên đi xuống, như vậy mồ hôi đổ như tắm, không biết bao nhiêu nước uống cho đủ, dù ở trên cao, nhưng không khí như nấu nước sôi thổi vô mặt. Đến 11 giờ sáng thôi mọi người đã chịu không nổi nữa, đều đồng ý nghỉ làm. Mình thở một hơi dài, mừng trong bụng và theo đường tắt đi xuống núi. Có những buổi chiều mùa Hè, sau một ngày làm việc, thong thả đi bộ lên xóm quý Thầy để cất lại dụng cụ. Lộc Uyển rất vắng lặng, mặt trời đã qua bên kia núi, gió rất nhẹ và thời tiết mát lại rất nhiều, bầu trời xanh thẳm không một đám mây. Bóng núi phủ mát cả con đường nhựa, con đường bây giờ trở nên thênh thang lặng tiếng. Dù có chút hơi mệt nhưng mình cứ đi chậm rãi, buổi chiều thật êm ái, cái quần jean dầy cộm và đôi giầy làm việc nặng nề trở nên nhẹ nhõm, chỉ còn có sự thong dong với bước chân. Mình thấy thời gian không còn lẽo đẽo đi theo mình nữa, đầu óc thảnh thơi như chưa bao giờ có được một lần. Ngõ quẹo vào xóm Vững Chãi đã hiện ra trên đó, nhưng ngay lúc này mình chỉ mong sao con đường nhựa này đi thẳng mãi, mình không phải đến đâu hết, không có gì gấp gáp. Phải chăng Sư Ông, quý Thầy Cô và nhất là hoa trái tâm linh của Lộc Uyển đã tặng cho mình hôm nay một niềm vui và nguồn hạnh phúc trong lòng như bất tận. Đây mới  chính thực là Lộc Uyển?  Nếu chỉ cần bao nhiêu thôi chắc cũng đủ để mình gắn bó với Lộc Uyển. Dẹp đồ đạc xong mình còn chưa chịu về, đi ra sân trước thiền đường Thái Bình Dương bắc ghế ngồi chơi, mình định là đợi nắng tắt hẳn, bóng tối bắt đầu đổ xuống rồi sẽ đi về. Lộc Uyển chiều nay yên vắng lạ thường, mấy Thầy Cô và mọi người đã rút vào phòng uống trà, hay trò chuyện, đọc sách hay làm những việc cá nhân. Quang cảnh thật êm đềm, tĩnh lặng, khó tìm thấy ở đâu khác. “Bao quanh bốn núi vạn cây rừng” chỉ cần năm phút lái xe thôi, đi vào Đại Ẩn Sơn, Lộc Uyển Tự, ngay lập tức bỏ lại sau lưng sự ồn ào, thăng trầm của thành phố dưới kia. Mình đã đánh đổi được ngày tháng và những giây phút. Thình lình tiếng ồn ào phá tan sự thanh vắng, đàn vịt trời xếp hàng thành một đường bay thẳng như thước kẻ, bắt đầu từ đỉnh núi phía ngoài tu viện bay về hướng Bắc, ngang qua phía ngoài thiền đường. Tiếng kêu rất lớn giữa không gian rất yên tĩnh của buổi chiều Lộc Uyển làm buổi chiều thêm huy hoàng. Rất cảm xúc trước một khung cảnh tuyệt vời như chiều nay. Làm mình nhẹ cười một mình. Đẹp lắm! Mình lại thấy mình rất yếu kém, không đủ khả năng ghi lại thật trọn vẹn sự biến chuyển tâm tình và vẽ lại được hết quang cảnh một buổi chiều thanh tịnh và an vui nhất. Nhớ những ngày lang thang trong rừng đồi núi Lộc Uyển với Thầy Pháp C và quý thầy, nhìn từng lùm cây, ngồi nghỉ trên những tảng đá thật cao trên núi, hơi thở dồn dập khi leo, cẩn trọng từng bước chân sợ đạp nhầm mấy chú rắn thì khổ cả hai, dưới kia Lộc Uyển: Thiền đường, mấy xóm nhà còn lại có chút xíu. Xa thật xa biển hiện ra trong tầm mắt. Mình yên lặng thừa hưởng quang cảnh êm đềm này thấy hạnh phúc bện thành từng cánh hoa dại theo từng nơi mình đến.

Mùa Hè sắp hết ở Lộc Uyển cũng thường là lúc chấm dứt chuyến hoằng pháp của Sư Ông và Tăng đoàn ở Miền Tây Hoa Kỳ. Sinh hoạt của tu viện Lộc Uyển trở lại chậm rãi, để chuẩn bị vào mùa An Cư. Cái nóng của mùa Hè giảm dần để mùa Thu có cái không khí và làn gió như mùa gần Tết ở Việt Nam. Nhìn cây lá trong rừng dường như chúng cũng đang chuẩn bị tồn trữ năng lượng để an nghỉ đi vào An Cư Kiết Đông. Lá sồi vàng cứng rơi xuống nhiều hơn mọi khi, gây những tiếng lóc cóc trên sân nhựa trước nhà ăn của xóm Trong Sáng như tiếng guốc của cô bé gái chạy giỡn lăng xăng. Sư Ngoại đã lớn tuổi, nhưng còn rất khỏe mạnh, hàng ngày thường hay quét lá trong sân. Nơi này quét vừa sạch, tới đằng kia thì ở đây lác đác lá đã đổ xuống. Lặng lẽ, kiên trì quét lá, kéo thùng nước uống tới những nơi cần. Sư Ngoại âm thầm vẽ được một cảnh chùa tuyệt đẹp trong tâm tưởng của người Phật Tử. Mùa Thu sương mù rất nhiều, có những buổi sáng sớm mình lên tu viện, ngừng xe lưng chừng dốc, thành phố biến mất dưới màn sương thật dầy, xa xa các ngọn núi nhô lên như hòn đảo. Lộc Uyển như bồng bềnh, bao quanh bởi mây, quang cảnh rất thanh thoát. Mình say sưa ngắm đợi sương tan, nhưng lâu quá, đợi không được nên phải lên chùa. Có lần vừa vào nhà bếp, mình nói chơi với Thầy Pháp H. Lộc Uyển đã trôi ra biển rồi Thầy có biết không? Tíc tắc đầu Thầy có vẻ ngạc nhiên, có vẻ như chưa biết gì, sau đó Thầy cười.

Những buổi chiều tối mùa Đông rất lạnh vắng, các phòng ngủ lên đèn rất sớm, ánh đèn lấp lánh sau những lùm cây sồi, tưởng chừng như cảnh đồng quê Việt Nam. Cả nhà ngồi quây quần bên ngọn đèn dầu kể chuyện vui cười đây đó. Thường thì một tuần lễ trước mùa Đông có Lễ Đếm Thẻ để bắt đầu mùa An Cư Kiết Đông. Thời tiết bắt đầu lạnh rồi. Có đêm lạnh lắm, sáng thật sớm thức dậy, mang cả hai đôi vớ, mặc áo lạnh đi tuyết (snow jacket), đầu đội nón len và quấn khăn choàng, bịt cả mũi và miệng, mang găng tay (hand gloves), trời còn rất tối, từ phòng ngủ (dormitory) đi xuống thiền đường để ngồi thiền buổi sáng. Ôi thôi ! Vẫn run vì cái lạnh của núi đá Lộc Uyển. Nghĩ thấy mình còn dở hơn mấy Sư Cô từ xóm Trong Sáng còn xa hơn tí, vẫn chậm rãi và thong thả tới thiền đường. Nghĩ rằng Lộc Uyển đổi tên là Trung Tâm Huấn Luyện Thân và Tâm chắc cũng vui lắm. Mùa Đông lại là mùa có những lễ lớn như Lễ Tạ Ơn, Lễ Giáng Sinh và nhất là Tết Nguyên Đán. Tổ chức đón mừng (celebration) lễ của các truyền thống khác, làm cho Lộc Uyển hay nói khác đi (other words) đặc biệt pháp môn Làng Mai không giống các chùa chiền tu tập khác tại Tây phương hay tại Á Châu nơi các quốc gia có đạo Bụt. Những buổi văn nghệ, khóa tu, rước nến (candle light) làm hòa hợp các thiền sinh có tiếng nói khác nhau.

Nhớ lại ngày đầu tiên của Lộc Uyển mình và mấy người bạn, cùng Sư Cô Trụ Trì, Sư Cô Th. Nghiêm lên được tới xóm Vững Chãi, thấy nhà cửa tan nát, điêu tàn, đi một vòng quan sát, không có phòng nào dám bước vào sợ rắn rít hay mùi asbestos (Microscopic fibers become airborne and can be inhaled into the lungs, where they can cause significant health problems). tu viện chưa có chỗ ở cho quý Thầy Cô, nhưng quý Thầy Cô lại nghĩ phải có chỗ tu tập trước, cho nên thiền đường Trăng Đầu Non đầu tiên được tiến hành sửa sang. Đúng là người tu. Chưa quét dọn và làm được gì trong ngày đầu tiên ấy ở xóm Vững Chãi, chiều lại mấy sư cô rủ mang theo thức ăn còn lại vào buổi trưa, leo núi nhìn mặt trời lặn. Thế là vừa làm việc, vừa vui chơi và đây cũng là lần đầu tiên dân Lộc Uyển lên chinh phục ngọn núi phía trên Lộc Uyển.

Lúc ấy chưa có thời khóa rõ ràng, Lộc Uyển đang thời kỳ sửa sang, tân trang nhà cửa. Vào hai ngày cuối tuần, bốn chúng họp nhau làm việc rất vui. Đôi khi mình phải lấy thêm ngày nghỉ lên Lộc Uyển để giúp quý thầy, quý sư cô thực hiện cho xong công trình nào còn lỡ dở. Có lúc ngồi nghỉ tay, bất chợt thấy sư cô Th. Nghiêm đi ngang, bước chân thoăn thoắt, mà đều đặn của Sư Cô, đôi mắt dường như rất chú  tâm đến bước đi, mình nghĩ thiền hành với sự vắng bặt của sự suy nghĩ mang tới những năng lực bồi dưỡng rất nhiều cho thân và tâm. Những buổi trưa sau khi ăn cơm xong, có lúc Thầy Giác Thanh không nghỉ trưa, thường xuống kêu mình tới ngồi nói chuyện, thầy hay kể những kỷ niệm và nhất là kinh nghiệm trong đời sống tu tập của thầy. Thầy dạy một cách rất cụ thể. Dường như Thầy muốn chỉ cho mình tu, thầy rất thẳng thắn và sẵn lòng làm mình cảm thấy rất gần gũi thầy. Có một lần mình lười biếng, đứng thẳng người, không chịu cúi xuống, lấy chân sửa lại tọa cụ, Thầy bắt gặp, Thầy đến ngay mình sửa sai lập tức, mình cảm thấy mình đội ơn Thầy nhiều hơn. Có lúc mình đi với Thầy ra ngoài làm Phật sự, về đến Lộc Uyển đã gần 1 giờ sáng, đưa Thầy lên cốc Sư Ông để nghỉ, trong đêm tối Thầy vừa đi vừa hát làm mình hết cả buồn ngủ.

Ngày tháng qua Lộc Uyển đã chuyển mình khang trang hơn, rồi có thiền đường Thái Bình Dương, thiền đường xóm Trong Sáng… Và rồi đây sẽ có một ni xá mới cho quý sư cô. Từ một nơi hoang tàn, từng là trường tập bắn súng của giới cảnh sát nay trở thành một Trung Tâm tu tập tâm linh. Từ một nơi bị bỏ phế, tu viện Lộc Uyển đã thắp thêm được một ngọn đèn Phật pháp tại Miền Tây Hoa Kỳ, hay nói một cách khiêm nhường hơn tại California, cho mọi người thuận tiện tới tu học hàng tuần, hàng tháng. Từ một chỗ ít khi nào trước đây chưa có Lộc Uyển mình lên Escondido này làm gì, bây giờ thì hàng tuần mình đều thường lên tu viện Lộc Uyển đây chơi.

Nắng đã lên cao, nhiêt độ trở nên ấm áp thêm, ngày thứ bảy ít người lên tu viện, con đường nhựa hiền hòa, vắng lặng hơn, không có tiếng hú của những chiếc xe leo dốc. Buổi ăn sáng đã xong từ lâu, giờ này chắc quý Thầy, quý Sư Cô đang làm việc. Mình phải đi vào trong xóm thôi. Mình bắt đầu một ngày cuối tuần lên tu viện vừa chơi, vừa làm việc. Niềm vui có mặt khắp mọi nơi, mình chắc chưa bắt gặp thôi, nó từ giọt sương chưa kịp tan trong bóng thật mát lạnh của Rừng Sồi, còn đọng lại trên ngọn lá từ đêm qua, cho đến ánh nắng chang chang trên đỉnh núi Yên Tử.
Thanh Lương