Trọng trách người giữ gia tài của Phật

 

Đọc lại từng lời di chúc khi đức Thế Tôn sắp nhập Niết Bàn chúng ta không khỏi bùi ngùi xúc động trước những lời gọi con tha thiết “Này các Tỳ kheo! ” để giao phó lại gia tài vô giá mà người cha đã dày công tìm được và giữ gìn nguyên vẹn. Thế mới biết, Tỳ kheo đúng là người mà đức Thế Tôn tin tưởng sẽ duy trì ngọn đuốc của chánh pháp rực cháy mãi giữa cõi đời vô minh và uế trược này.

Lời phó chúc của đức Thế Tôn là như thế, nhưng hàng Tỳ kheo sẽ làm gì để thực hiện những lời di chúc ấy?

Gia tài của Phật là một kho tàng vô giá mà Ngài đã lặn lội trong ba cõi, đi khắp sáu đường chúng sinh, trải qua vô lượng kiếp mới tích lũy được. Gia tài ấy là tuệ giác vô thượng. Tuệ giác này có năng lực đưa chúng sanh thoát ly khổ đau sanh tử; an trú hạnh phúc trong cảnh giới tịch diệt. Người mang trọng trách giữ gìn gia tài nhất định phải biết rõ hết những thứ trân bảo có trong gia tài đó từ giá trị đến vị trí và cả cách sử dụng. Cũng thế, trọng trách của hàng Tỳ kheo khi đón nhận gia tài của Phật là phải thấu đạt và thực hiện được những phương pháp thành tựu quả vị tối thượng, đưa chúng sanh thoát ly sanh tử. Nói cách khác, một Tỳ kheo đích thực thì hạnhgiải nhất định phải tương ưng. Người được mệnh danh là Trưởng tử, giữ gìn gia tài của Phật trước hết phải là một Tỳ kheo đúng pháp, tức là phải thành tựu được bản thể thanh tịnh. Bản thể này phải được giữ gìn trân trọng trong suốt thời gian tu tập giải thoát. Nghĩa là Tỳ kheo không bao giờ được vượt ra khỏi những giới điều mà đức Phật đã ngăn chế nhất là bốn giới Ba la di để bảo tồn bản thể Tỳ kheo. Bản thể Tỳ kheo không bị hư hủy thì Tỳ kheo mới có đủ tư cách và năng lực thay thế Phật tuyên dương giáo pháp. Tỳ kheo phải thâm nhập được giáo pháp của đức Phật. Tức là ngoài việc hiểu tận tường bốn thánh đế, mười hai nhân duyên... cho đến bát nhã, nhất Phật thừa, Tỳ kheo phải thực sự sống được với chân lý mầu nhiệm đó, phải thực sự an trú trong chánh pháp của Như Lai. Tỳ kheo là Trưởng tử của Như Lai, là thầy của trời, người thì khi truyền dạy giáo lý siêu diệu của đức Phật nhất định phải bằng những kinh nghiệm tu chứng. Một vị hướng đạo không thể chỉ biết lặp lại những lời của đức Phật đã truyền đạt mà thực tế chưa từng đi trên lối ấy. Người đang bị trói đương nhiên không thể mở trói cho người khác được. Muốn dẫn dắt một chúng sanh bị đắm chìm trong dòng khổ, Tỳ kheo ấy phải biết nguyên nhân của khổ và cách thoát khổ. Tỳ kheo đó phải thực sự không còn đau khổ và có hạnh phúc. Tỳ Kheo có hạnh phúc là Tỳ Kheo có thực nghiệm được giáo lý của đức Phật mà ta thường nói đó là chất nhựa sống được tiêu hóa từ những thực phẩm tri kiến. Cho nên phải biết rằng thân giáo quan trọng hơn khẩu giáo. Ba đời chư Phật, chư Tổ hay những bậc tiền bối đều nói những gì mà các Ngài đã làm được. Nói thì rất dễ, tiếp xúc với nó thì không dễ chút nào như câu chuyện của cư sĩ Bạch Cư Dị và Ô Sào Thiền Sư là một thí dụ điển hình. Quan thị Lang Bạch Cư Dị là một thi hào nổi tiếng thời Đường. Một hôm đi ngang qua cổng chùa, thấy Thiền Sư đang ngồi vắt trên cành cây, mới đến hỏi đại ý Phật Pháp. Thiền Sư đáp :

Các điều ác chớ làm

 Vâng làm các điều lành

Tự thanh lọc ý mình

Đó là lời Phật dạy.

 

Bạch Cư Dị nghe xong, trề môi :

 

- Những điều ông vừa đáp, con nít lên ba nói cũng được.

Thiền Sư mỉm cười :

- Con nít lên ba nói cũng được, nhưng ông lão 80 chưa chắc đã làm xong. 

Đức Phật chỉ đơn giản dạy các đệ tử của Ngài nên làm các điều lành, chừa bỏ những việc ác và tự thanh lọc ý của mình nhưng đó là một công phu tu tập rất lớn. Công phu này đòi hỏi hành giả mất nhiều thời gian. Bản tính con người đã bị nhiễm ô ngay từ niệm vô minh ban đầu, trải qua vô lượng kiếp trầm luân sinh tử đến nay đã huân ướp biết bao cấu uế phiền não, muốn thanh lọc ý thức để thực hiện  những điều lành, lánh xa việc ác quả thật tám mươi năm của kiếp người cũng khó có hy vọng hoàn chỉnh được.

Cổ đức thường trách: “Năng thuyết bất năng hành” – Nói được mà làm không được. Nói đúng chân lý của đức Phật hay nói một câu pháp vừa phù hợp với hoàn cảnh, vừa phù hợp với căn cơ giúp một chúng sanh thoát ly mê muội cũng là một công trình khó nhọc, huống chi nói là lặp lại lời của Phật của những bậc tu chứng thì không thể giúp cho mình có được tuệ giác hay giải thoát. Tuệ giác ấy chỉ hiện hữu với những hành giả đang miệt mài đấu tranh chống lại những quân ma phiền não, chống lại những cám dỗ của năm dục, sáu trần. Tỳ kheo là một hành giả. Một hành giả mang sứ mạng giữ gìn kho báu mà đức Thế Tôn đã gầy dựng không để cho hao tổn đòi hỏi phải có một tư lương khá vững chãi. Tư lương ấy là khả năng kinh nghiệm bản tâm không để cho vọng động dấy khởi và quay về sống với tà niệm. Trong hoàn cảnh hôm nay, thời gian cách Phật ra đời quá xa, hơn hai ngàn rưỡi năm, Phật Pháp đang rơi vào thời kỳ cuối cùng, người tu không hiếm mà người chứng ngộ tìm không ra. Nguyên nhân có thể trách hoàn cảnh quá cấu nhiễm, năm dục sáu trần ngày càng có điều kiện phát sinh và hưng thịnh đến độ thác loạn. Nhưng điều quan trọng là hành giả đã bỏ quên ý niệm thoát ly sanh tử ban đầu, lấy phương tiện làm cứu cánh, vội vã "hòa quang đồng trần" khi thực tế trên mình chưa trang bị một thứ áo giáp hay trên tay trơ trọi không có một món binh khí nào. Như vậy gia tài của Phật làm sao bảo trì được đây !

Một sứ giả trong giai đoạn hiện nay đòi hỏi trước tiên vẫn là gìn giữ được bản thể thanh tịnh Tỳ kheo. Kế đó, phải có một trình độ kiến giải khá vững vàng, nếu trí lực có thừa thì kiêm ưu luôn cả ngoại điển vì như thế mới có thể bắt kịp theo nhịp phát triển tiến bộ trong hoàn cảnh xã hội tiến bộ đương thời. Nhưng điều chính yếu vẫn phải chuẩn bị một bộ tiêu hóa thật tốt để hấp thụ giáo lý của đức Phật. Phải làm như Phật đã làm, phải sống như Phật đã sống thì dù một đời chưa có thể thành Phật mà niệm niệm hằng an trú trong chánh pháp của Như Lai thì sợ gì không duy trì được gia tài Phật Tổ và không hy vọng sang đến bờ bên kia giác ngộ.

 

HT.Thích Minh Thông


Theo: "Theo Dấu Chân Xưa"