Giới thiệu sách mới: sách Chùa Việt Nam in lần thứ tư

Giới thiệu sách mới: Sách Chùa Việt Nam in lần thứ tư

Điểm nổi bật của lần xuất bản này là chùa trong cả nước đã được phủ kín ở 61/63 tỉnh trong toàn quốc ( Còn 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu chưa phát hiện được chùa), đặc biệt thêm hai dạng chùa mới ít thấy xuất hiện là: chùa miền núi và chùa miền hải đảo.

Kính mừng Đại lễ ngàn năm Thăng Long – Hà Nội, Nhà xuất bản Thế giới vừa phát hành cuốn Chùa Việt Nam của các tác giả: Hà Văn Tấn – Nguyễn Văn Kự – Phạm Ngọc Long. Biên tập: Lê Văn Lan – Nguyễn Duy Chiếm. Chỉ trong một năm sách sau lần in trước, sách đã được tái bản lần thứ tư với nhiều chỉnh lý bổ sung, khổ sách 22x26cm, dày 536 trang với trên 1000 bức ảnh, bản vẽ, bản đồ (1).

bia_sach_Chua_Viet_Nam-_Xb_2010

Những ngôi chùa cổ nhất ở Việt Nam đã xuất hiện ở những thế kỷ đầu Công nguyên – hai nghìn năm trước. Chùa là trung tâm tâm linh của cộng đồng làng xã Việt Nam, là nơi hội tụ những sinh hoạt văn hóa lễ hội ở các vùng miền đất nước, đồng thời cũng là nơi tinh kết các giá trị kiến trúc nghệ thuật dân gian. Qua lịch sử, ta thấy rõ là ở mỗi thời kỳ, các ngôi chùa, ngọn tháp đều có một kiểu dáng riêng biệt. Bao giờ cái truyền thống cũng gắn liền với cái cách tân. Ngoài chùa của người Kinh, còn có chùa của một số dân tộc anh em khác ở Việt Nam, như chùa của người Mường làm bằng tranh tre đơn giản, chùa của người Khmer được xây dựng đẹp với bộ mái mang ảnh hưởng của chùa Cămpuchia và chùa Thái Lan. Chùa của người Hoa cũng có sắc thái kiến trúc riêng.

Phần mở đầu sách là bài dẫn luận nghiên cứu công phu của Giáo sư Hà Văn Tấn giúp cho người đọc có thể nắm bắt về toàn cảnh các ngôi chùa Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử, và trong đời sống văn hóa cộng đồng. Tác giả đã làm rõ những đặc điểm Phật giáo và văn hóa tâm linh của dân tộc được thể hiện ở các ngôi chùa Việt Nam như thế nào. GS Hà Văn Tấn viết: “Khảo sát những ngôi chùa đó, chúng ta không những thấy được đặc điểm của Phật giáo Việt Nam, đặc điểm của tôn giáo và tín ngưỡng Việt Nam mà còn giúp chúng ta hiểu được một mặt quan trọng của lịch sử văn hóa và tư tưởng Việt Nam”

Phần tiếp theo, các tác giả đưa bạn đọc đến với 118 ngôi chùa tiêu biểu trên khắp mọi miền đất nước qua các thời kỳ: Từ đầu Công nguyên, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần, nhà Nguyễn đến những ngôi chùa mới phục dựng gần đây như chùa Non (Hà Nội), chùa đang trong giai đoạn hoàn thiện như chùa Bái Đính (Ninh Bình), chùa Thanh Long (Bình Phước)...

Các chùa được sắp xếp từ sớm đến muộn, từ Bắc vào Nam. Mỗi ngôi chùa đều có bài và ảnh về lịch sử hình thành, phát triển, về kiến trúc, cảnh quan, nội thất, tượng Phật, đồ thờ…

Với trên 1000 bức ảnh nghệ thuật rất đẹp của các tác giả: Nguyễn Văn Kự, Phạm Ngọc Long, với sự cộng tác của các tác giả khác, đặc biệt là ảnh của Thượng tọa Thích Minh Hiền, trụ trì chùa Hương Tích, Hà Nội, đưa bạn đọc đến những “ngôi chùa đang sống thật sự giữa các cộng đồng làng xã Việt Nam”

Mở đầu sách là chùa Dâu, thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Đất này, xưa kia gọi là Luy Lâu. Đó là trung tâm cổ xưa nhất của Phật giáo Việt Nam. Rồi đến những chùa cổ ở bắc sông Đuống (Bắc Ninh): Chùa Tiêu Sơn, Chùa Phật Tích, Chùa Dạm. chùa cổ ở Đại La (Hà Nội): Chùa Trấn Quốc, chùa Kiến Sơ, Chùa Một Cột, chùa Kim Liên, chùa Lý Quốc Sư, chùa Tảo Sách,… Ở vùng Tây Bắc, tỉnh Hòa Bình có chùa Thông huyện Kim Bôi, xây dựng từ đời Trần. Chùa Khánh huyện Cao Phong của người Mường không thờ Phật mà thờ đá. Đó là những tảng đá thiêng, tự nhiên, hình giống người, được cuốn vải đỏ để hở đầu mà theo đồng bào thì đó là Ngọc Hoàng, vợ ông và hai con gái của ông bà được đặt lên những chiếc ngai thờ. Tỉnh Sơn La có chùa Chiền Viện ở huyện Mộc Châu, xây dựng từ thế kỷ XVIII, bị đổ nát năm 1947. Ở đây có nhiều tượng Phật và mang phong cách tượng Lào. Ở Miền Trung với chùa Thiên Mụ, chùa Từ Đàm (Huế), chùa Hang ở đảo Lý Sơn,… Chùa ở các tỉnh Tây Nguyên, chùa Việt, chùa Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh, chùa Khmer Nam Bộ... Mỗi ngôi chùa đều có một sắc thái riêng.

Trong sách còn có một số bản vẽ bình đồ, sơ đồ một số chùa của các học giả Louis Bezacier, Trần Huy Bá… và bản vẽ vị trí cơ bản của tượng Phật trong chùa cổ Bắc Bộ. Sơ đồ bài trí tượng thờ tại chính điện chùa cổ ở Bắc Bộ, chùa Thiên Mụ ở thành phố Huế, chùa Giác Lâm ở thành phố Hồ Chí Minh.

Phần cuối cung cấp cho bạn đọc một danh sách để dễ dàng tra cứu 730 ngôi chùa được Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di tích Lịch sử Văn hóa (tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2009).

Nhận xét về công trình này, Giáo sư Cao Xuân Phổ viết: “ Trong tập sách Chùa Việt Nam xuất bản lần này, người xem, người đọc đã cảm thấy ấm lòng sáng dạ tự hào về đời sống tâm linh phong phú, thắm đượm Phật đạo của cộng đồng các dân tộc chung sống trên dải đát chữ S này từ ngót 2000 năm nay. Mong đợi và hy vọng, sẽ còn được xem, được đọc những tác phẩm tiếp nối về Chùa Việt Nam của các tác giả để hiểu thấu, hiểu sâu hơn về đạo Phật Việt Nam xưa cũng như nay”.

Hà Nội, ngày 9 tháng 9 năm 2010
BAN BIÊN SOẠN 
SÁCH CHÙA VIỆT NAM
o0o

Con người tìm hiểu đạo Phật cứ như là đi mênh mông trên biển cả, không biết đâu là bờ đâu là bến. Chợt thấy một hòn đảo nhỏ giữa đại dương, vội tấp thuyền vào bờ. Một cảnh quan mới lạ đập vào mắt in trong tâm, vui sướng hân hoan. Rồi từ đó, dấn thân đi mãi đi mãi ra biển khơi. Bao nhiêu là ốc đảo, cụm đảo. Bao nhiêu là điều mới lạ, kỳ thú. Ba tác giả Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự, Phạm Ngọc Long (nay đã từ giã cõi tục thế để về với đất Phật) đã có những cuộc viễn du như vậy trên đất nước Việt Nam, suốt từ Bắc vào Nam, từ đồng bằng qua trung du lên đến miền sơn cước dọc dải đất chữ S này để tìm hiểu các chùa Phật, vốn là biểu tượng cái tâm Vô ngã - Vị tha của người Việt.

Tượng Phật Chùa Chiền Viện, Mộc Châu, Sơn La. Ảnh. Nguyễn Văn Kự

Tượng Phật Chùa Chiền Viện, Mộc Châu, Sơn La. Ảnh. Nguyễn Văn Kự

Thế hệ nối tiếp thế hệ, xây chùa dựng tượng là niềm hân hoan thành kính nhất của người Việt. Có lẽ ít nơi trên thế giới lại có nhiều chùa Phật như ở Việt Nam. Sử cũ có ghi : tháng 3 năm 1033, vua Lý Thái Tông từ Hoan Châu về Thăng Long sai làm 950 cảnh chùa; đến tháng Tám làm xong, mở hội. Rồi Lý Nhân Tông, năm 1088 chia chùa làm 3 hạng đại - trung - tiểu danh lam, có điền nô, kho chứa đồ vật, cử quan Đề cử cai quản đền chùa. Lại đến năm 1115, cho làm hơn 100 cảnh chùa (Đại Việt Sử ký Toàn Thư).

Đây là tập sách - ảnh thứ tư (1) của các tác giả giới thiệu về chùa Việt Nam. Mà rồi không biết còn đến cuốn thứ mấy nữa, vì trong tư liệu của nhà nhiếp ảnh Nguyễn Văn Kự  có không ít hơn 8.000 ảnh về các chùa chiền và vẫn đang tiếp tục được bổ sung.

Sách  Chùa Việt Nam, chủ yếu là một tập ảnh được lý giải. Ngay trên tấm bìa lót ở đầu sách, các tác giả đã vận dụng rất điệu nghệ màu sắc đặc trưng của đạo Phật Việt Nam: vàng - nâu đậm tính dân tộc. Nền của tấm bìa, suốt từ trước ra sau, đều một màu nâu khiêm ái, ấm cúng trên đó nổi lên chữ chùa màu vàng nghệ của tấm cà sa Phật đạo và lốm đốm đây đó màu đỏ của hòm công đức, của khách tham quan đang soi bóng dưới hồ nước. Mái chùa màu vàng - đỏ chở che cho Phật bà Quan Thế  Âm Đại từ Đại bi quán suốt trần gian, nghe xét các âm thanh của chúng sinh trong trần thế mà hiện sức thần thông cứu vớt. Bên mái chùa, những cành cây đại đang đâm chồi nảy nụ báo trước một mùa Vu Lan cứu nạn cứu khổ cho chúng sinh ở cõi Ta bà này (Saha). Màu nâu, vàng, vàng - nâu là đặc trưng cho chùa Việt và sư tăng người Việt như có thể thấy được thể hiện trên tượng chư vị Phật, Bồ tát và đặc biệt là trên đạo bào của các tăng ni trong những ngày đại lễ như tác giả đã thể hiện trên các tấm ảnh ở chùa Yên Tử, chùa Quán Sứ, chùa Linh Vân... khiến cho người đọc cảm nhận được tính sôi động trong trang nghiêm của đạo Thiền trên đất Việt.

Thienvientruclamdalat

Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt. Ảnh: Nguyễn Văn Kự

Vẻ rộn ràng của hai thiên thần đàn ca trên lưng chim thần ở trang 2 của bìa như muốn dẫn người đọc thoát ra cõi tục thế đến chiêm ngưỡng đức Adiđà ngồi nhập thiền vững vàng bất động trên tòa sen (trang IV) để rồi vào bái yết đức Quan Âm nghìn mắt nghìn tay an tọa vững vàng giữa biển khơi sẵn sàng cứu độ chúng sinh (trang 1).

Từ đây, khách sùng đạo hay người tục thế đều được hai Thị giả Ngọc Nữ và Kim Đồng kính trọng đón tiếp vào bái yết chư Phật chư Bồ tát (tr.59).

Duyên ngộ thay, thiện nam tín nữ trước khi vào bái yết chư Phật, chư vị Bồ tát trên Thượng điện của chùa đã được Giáo sư Hà Văn Tấn giới thiệu cặn kẽ súc tích về chùa Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử, trong đời sống văn  hóa cộng đồng trên 56 trang liền (tr.2 đến tr.58).

118 ngôi chùa được giới thiệu trong tập sách “Chùa Việt Nam” lần này (2010) có nhỉnh hơn 19 ngôi so với  tập “Chùa Việt Nam” xuất bản năm 2009.

19 ngôi chùa này - mà ngay trong danh sách thống kê chùa Phật của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công bố vào quý IV năm 2009 cũng chưa thấy nhắc đến, đã đem lại cho tập sách “Chùa Việt Nam” xuất bản lần này (quý III năm 2010) một sắc thái mới đa dạng hơn để tìm hiểu về Tâm Phật trong 54 tộc người chung sống trên đất nước Việt Nam.

Như chùa Chiền Viện ở tỉnh Sơn La, do người Thái xây dựng, là một ngôi chùa  lớn ở Tây Bắc, có đến 68 pho tượng, hầu hết đều bằng đồng và một tượng nhỏ bằng ngà. Lễ hội chùa Chiền Viện hàng năm rất được dân chúng sùng mộ. Lễ hội xin nước, cầu mưa tắm tượng là những  “Chính tiệc” (tr.296).

Rồi chùa Hương Nghiêm ở tỉnh Tuyên Quang trong hang đá. ở đây có tấm bia dựng năm 1537 kể công đức các vị Chánh, Phó Hiến sát sứ, các quan lại và nhân dân xứ Tuyên Quang, là nơi đã cất giấu, lắp ráp, sửa chữa chiếc máy bay đầu tiên của không quân Việt Nam (tr.288).

Truyền thống và Hiện đại, miền múi và miền xuôi; Tâm Phật gắn với dân tộc là như vậy.

Ngay trong tập trước (xuất bản năm 2009) và được nhắc lại trong tập này, các tác giả cũng như gợi mở ra đặc trưng này của chùa Việt Nam. Như chùa Bác ái ở tỉnh Kon Tum. Trên thượng điện có đủ các Thần Phật tiêu biểu của các đạo Nho - Phật - Lão - Mẫu, mà đặc biệt là tượng Phật Bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay (Thiên thủ thiên nhãn) ở ngay trên chính điện. Các tượng trong chùa đều được tạc bằng gỗ mít vốn là một loại cây đặc trưng của vùng nhiệt đới này, mà đặc biệt là trong người Việt. Vào Chùa trên cao nguyên xa xôi này, người Việt cảm thấy yên lòng tấc dạ dưới sự bảo trợ che chở của Đức Phật Bà, như đã luôn luôn hiện hữu khắp nơi sẵn sàng cứu độ chúng sinh.

Rồi chùa Tân Bảo ở tỉnh Lào Cai. Trong cảnh quan thiên nhiên đủ cả núi - non - sông - nước, ngôi chùa vừa ở vị thế đắc địa lại vừa có kiến trúc đẹp một cách huyền bí và tôn nghiêm. Hẳn vì thế mà hàng năm chùa Tân Bảo “thường xuyên thu hút được rất nhiều thiện nam tín nữ, du khách trong và ngoài nước đến thắp hương lễ Phật và tham quan nghiên cứu” (tr.296).

Cũng như chùa Khải Đoan trên cao nguyên Đắc Lắc là “sự phối hợp của nghệ thuật tôn giáo với kiến trúc đặc trưng của Tây nguyên... Cổng tam quan có hai tầng tháp, nhìn từ phía trong chùa sẽ thấy rõ nghệ thuật kiến trúc chùa thời Nguyễn qua kiểu thức mái chồng diêm và đỉnh nóc có hình Lưỡng Long chầu nguyệt. ở hai góc mái chùa lại nhô ra như hai mái nhà rông, “có các bậc thang ở hai bên đường lên chính điện như kiểu nhà rông”. Rồi có tượng Quan  m đứng giữa hồ nước có cầu bắc qua. Vào các dịp lễ, tăng ni Phật tử và khách thập phương thả cá, rùa để xá tội” (tr.341). Vừa có vẻ xa lạ lại vừa rất gần gũi đối với mọi người dân Việt. Ai lên chùa, đứng trước cảnh trí này, dường như đều cảm nhận được một tinh thần hòa đồng dân tộc miền xuôi - miền ngược, không phân biệt người thượng bạn - hạ bạn. Đó chính là sự thể hiện cái Tâm không phân biệt đặc trưng của nhà Phật.

Trong tập Sách “Chùa Việt Nam”, hai hình tượng được tác giả tô đậm nét nhất là : Thích ca sơ sinh (không ít hơn 20 ảnh) và Quán Thế Âm (không ít hơn 45 ảnh).

Thích ca sơ sinh được thể hiện là một em bé đứng một mình hoặc đứng dưới tán 9 con rồng, được gọi là Tòa Cửu Long. Theo Phật thoại, em bé đứng đó một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất mà nói : “Thiên thượng địa hạ, Duy ngã độc tôn” (trên có trời dưới có đất, chỉ có Ngã (Ta) là độc tôn). Độc tôn ở đây được hiểu là thấu triệt được cái Ngã Ba la mật (chữ Phạm là Paramita : qua tới bờ bên kia, đáo bỉ ngạn), có nghĩa là qua khỏi đường mê này mới tới cõi giác kia).

chuasunulinhphongdalatlamdong

Chùa Sư Nữ Linh Phong, Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.Ảnh.Nguyễn Văn Kự

Đạt tới cõi giác là đạt được Đại Bát Niết Bàn của Phật Như Lai gồm 4 đức : Thường (không biến đổi, không sanh không diệt). Lạc (vui thú yên hoài), Ngã (Chân ngã, Đại Ngã, không phải cái Giả ngã, Vọng ngã). Tịnh (trong sạch, giải thoát hết mọi ô nhiễm). Đó là cái Ta (Ngã) rộng lớn của nhà Phật đối lập với cái Ta ích kỷ, vụ lợi nơi tục thế. Hẳn là với cái Ta (Ngã) đó mà dân tộc Việt Nam có đủ sức mạnh để chiến thắng những kẻ địch hùng mạnh ở các thời đại (quân Nguyên Mông, quân Pháp, Mỹ,…). Đó chính là cái Ngã mà đậm tinh thần Vô ngã đặc trưng của dân tộc Việt Nam trong lịch sử dựng nước và giữ nước.

Hình tượng Quán Thế Âm có mặt ở hầu khắp các chùa Phật từ Bắc chí Nam, được thể hiện chủ yếu dưới dạng Thiên thủ Thiên nhãn (nghìn tay, nghìn mắt), có thể nhìn thấy suốt cõi tục luỵ nghe hết các âm thanh của chúng sinh trong cảnh Pháp giới để hiện sức thần thông mà cứu vớt họ.

Tiêu biểu nhất trong Phật điện chùa Việt là pho Thiên thủ Thiên nhãn mà tác giả đã có tâm có ý đặt lên đầu sách ở ngay trang 1. Và pho thứ hai hoành tráng chiếm cả trang sách (tr.258), tay bắt ấn Vô thượng Bồ đề (uttarabodhi) vốn là ấn đặc trưng của đức Đại Nhật Như Lai (Vairocana) vị Phật tối thượng trong Mật giáo.

Rất đáng lưu ý là có hơn 15 pho Bạch y Quan Âm (tr.350 - 461) nổi lên giữa rừng cây xanh um tùm hay trước mái chùa vàng - nâu, mắt dõi theo sóng biển vỗ bờ, một tay cầm hồ lô rưới nước Cam Lỗ, một tay bắt quyết hoằng pháp (vitarkamudra) đem nguồn an ủi động viên đến cho chúng sinh. Tấm ảnh Bạch y Quan Âm đứng bên hẻm núi đá trước biển rộng dưới trời cao xanh; tĩnh đấy mà thật là sinh động (tr.351). Con người tục thế trước khi xông pha ra ngoài biển cả trùng dương cảm thấy yên lòng tấc dạ khi cắm nén hương trước tượng Bà.

Cũng như Bạch y Quan âm đứng trong vườn chùa Tam Bảo tỉnh An Giang (tr.459). Giữa vườn cây xanh dưới vòm trời cao lãng đãng mây trắng, một hình dáng nhỏ bé đứng yên bình mà dường như đã chế ngự được mọi cây cối, mây trời bao quanh. Nếu như Quan âm ở chùa Linh Phong tỉnh Lâm Đồng đã hùng dũng trấn ngự được cả không gian trong trời đất thì Quan Âm ở  tỉnh An Giang lại hòa mình vào cây cối mây trời để khẳng định cái tâm Từ Bi Hỉ Xả của nhà Phật.

Tuongquanamtongtuchuatayanhtinhangiang

Tượng Quan Âm Tống Tử Chùa Tây An, tỉnh An Giang

Một pho tượng về Quan Âm hiếm thấy trên các sách giới thiệu Phật điện Chùa là Quan Âm Tổng tử. Đứng trước pho Quan Âm Tổng tử ở chùa Tây An tỉnh An Giang (tr.436) thiện nam tín nữ như cảm thấy hiện lên một bà mẹ hiền hậu hai tay âu yếm ẵm em bé đưa lên áp vào tim, mặt mỉm cười đôn hậu, mắt cúi xuống trìu mến dõi theo mọi quẫy đạp của em bé. Hiếm có một pho tượng Phật nào thể hiện được cái tâm Đại từ Đại bi của Quan Âm như thế này trong các chùa Việt trên khắp nước Việt Nam.

Và còn bao nhiêu điều lý thú và bất ngờ khác nữa mà độc giả ắt sẽ cảm nhận được khi lần dở từ trang đầu đến trang cuối.

Trong tập “Chùa Việt Nam” xuất bản lần này, với 536 trang sách các tác giả đã giới thiệu với bạn đọc 118 ngôi chùa qua 1020 tấm ảnh màu và đen trắng, 9 bản vẽ (bình đồ, sơ đồ một số chùa). Người xem, người đọc đã cảm thấy ấm lòng sáng dạ, tự hào về đời sống tâm linh phong phú, thắm đượm Phật đạo của cộng đồng các dân tộc chung sống trên dải đất  chữ S này từ ngót 2000 năm nay.

Ấy vậy mà trong kho tư liệu của tác giả Nguyễn Văn Kự đã có lưu trữ đến hơn 8.000 ảnh về các chùa Phật trên đất Việt.

Mong đợi và hy vọng sẽ còn được xem, được đọc những tác phẩm tiếp nối về Chùa Việt Nam của các tác giả để hiểu thấu, hiểu sâu hơn về đạo Phật Việt Nam, xưa cũng như nay.

Ngày Lập thu, tháng 6 năm Canh Dần
7 - 8 - 2010
Phó Giáo sư Cao Xuân Phổ

(Hội nghiên cứu Đông Nam Á)

-------

(1) Chùa Việt Nam, Hà Văn Tấn - Nguyễn Văn Kự - Phạm Ngọc Long. Nxb Khoa học Xã hội, in lần thứ nhất (song ngữ Anh-Việt), 1992, In lần thứ hai : Nxb Thế giới, 2008 (tiếng Anh, có chỉnh lý bổ sung); In lần thứ ba: Nxb Thế giới, 2009 (tiếng Việt có chỉnh lý bổ sung). In lần thứ tư: Nxb  Thế giới, 2010 - Khổ sách 22 x 26cm, dày 536 trang với trên 1.000 bức ảnh. Ngoài số ảnh chủ yếu của Nguyễn Văn Kự, Phạm Ngọc Long còn có một số tác giả khác, đặc biệt là ảnh của Thượng tọa Thích Minh Hiền trụ trì chùa Hương Tích - Hà Nội.

Thông tin:

  • Địa chỉ tác giả: PGS. Cao Xuân Phổ

P.205, C16 Thanh Xuân Bắc, Hà Nội

ĐT: 0904 328 646 - 38541946

  • Địa chỉ Ban Biên tập: Số 8 A/17/378 Lê Duẩn, Hà Nội

ĐT: 0903265331 - 8521820. Email: [email protected]

Chùa Việt Nam - Giá 469.000đ/cuốn - chuyển đến tận nhà miễn phí (trong nước)