Trái tim người mẹ

alt

 

 

Kinh Báo ân cha mẹ, kinh Vu Lan… đều nói lên ân đức cao sâu của cha mẹ và phận làm con phải đáp đền. Đặc biệt, kinh Vu Lan được Phật thuyết do duyên khởi là tấm lòng hiếu thảo của ngài Mục Kiền Liên. Câu chuyện ngài Mục Kiền Liên cứu mẹ thì trong giới Phật tử ai cũng biết, kể cả các em nhỏ thuộc tuổi "oanh vũ"… Tôi cũng thế, lúc còn nhỏ được xem phim "Mục Kiền Liên cứu mẹ" do điện ảnh Đài Loan sản xuất, đã đọng lại trong ký ức những ấn tượng không phai mờ.

 

Ấn tượng đầu tiên là hình ảnh Mục Kiền Liên cô đơn băng rừng vượt suối trên con đường tu tập. Một mình một bóng dưới mưa ngàn nắng quái. Ánh mắt xa xăm hướng về chân trời mờ tỏa khói sương và khi bình minh đến, ngài đoan thân thiền tọa dưới một chòi tranh, chung quanh là gió mưa vần vũ.

 

Hình ảnh thứ hai gây cho tôi sự sợ hãi khi bà Thanh Đề trơ gầy xương da, đói khát lạnh lẽo đầu đội chậu lửa rên rỉ hòa cùng tiếng la hét kêu gào của chúng sanh cùng thọ báo trong địa ngục. Tôi nghĩ rằng bà ta ác lắm mới thọ quả báo như thế và chắc hẳn không riêng tôi, rất nhiều người đều nghĩ như thế.

 

Sau nhiều tháng ngày nghiền ngẫm, tôi có những phát kiến mà từ đó tin chắc rằng mẹ ngài Mục Kiền Liên không ác độc như sự hiểu biết của mình thời thơ dại. Bà Thanh Đề đọa địa ngục và ra khỏi đó đều có nguyên cớ và sự vận hành của nhân quả.

 

Thứ nhất, bà Thanh Đề là người có phước báo rất lớn chứ không phải "ác nhân thất đức". Lý do rất đơn giản. Kinh Nhân quả dạy: "Dục tri tiền thế nhân, kim sanh thọ giả thị. Dục tri lai thế quả, kim sanh tác giả thị" (Muốn biết nhân đời trước, thì nhìn vào kết quả thọ báo hiện tại. Muốn biết kết quả thọ báo của đời sau, thì nhìn vào những tạo tác của hiện tại).

 

Có thể nói Thanh Đề là một trong ba người mẹ phước đức nhất thế gian; mẹ của Thái tử Tất Đạt Đa, mẹ của ngài Xá Lợi Phất và mẹ của ngài Mục Kiền Liên.

 

Một người gieo nhân cực kỳ cao quý mới có thể hoài dưỡng thánh nhân. Nếu bà Thanh Đề từng làm nhiều việc ác trong kiếp trước thì không thể nào có một người con xuất chúng; một đại đệ tử, một trợ thủ đắc lực của Đức Thế Tôn trong công việc hoằng hóa chúng sanh, "Thần thông đệ nhất chúng trung tôn Mục Kiền Liên tôn giả".

 

Thứ hai, khi đọc đoạn văn trong kinh Vu Lan: "Tay tả che đậy hữu hầu bốc ăn/Lòng bỏn sẻn tiền căn chưa dứt/Sợ chúng ma cướp giật của bà/Cơm đưa chưa đến miệng đà/Hóa thành than lửa nuốt mà đặng đâu" (HT.Thích Huệ Đăng dịch).

 

Ở đây nói về "lòng bỏn sẻn tiền căn chưa dứt". Bà bỏn sẻn là chuyện đương nhiên, vì bà Thanh Đề là người phàm chứ không phải thánh nhân. Thuộc tính tham, sân và si vẫn còn đầy đủ trong tâm thức, nhưng đây không phải là nguyên nhân chính để bà vào địa ngục. Nếu chỉ vì bỏn sẻn không thôi mà đọa địa ngục thì mọi người không trừ một ai xả bỏ thân mạng này thì cũng đều bị đọa. Cho nên không thể nói lòng bỏn sẻn là nguyên nhân khiến bà đọa địa ngục!

 

Nhà văn Mỹ Jack London, đã cho nhân vật của mình lạc trên hoang đảo -bản năng sinh tồn khiến anh ta ăn bất cứ thứ gì có thể… Sau đó, được một chiếc tàu cứu hộ, anh ta đã làm ngạc nhiên, thú vị cho thủy thủ đoàn bằng cách ăn bất cứ cái ăn được và cất giấu bánh mì khắp trong áo quần chăn mền, trong phòng ở, nơi nào có thể anh ta đều chứa thức ăn để dự trữ dù đã ở trên tàu hơn một tháng… Cái đói hành hạ khiến con người đau đớn và trải qua những kinh nghiệm đó mới biết được nó khủng khiếp thế nào. Thế thì, mẹ ngài Mục Kiền Liên bị đói khát dày vò nhiều ngày như thế, một tay che bát, một tay bốc cơm là điều bình thường.

 

Tôi nghĩ rằng bà Thanh Đề không keo kiệt hơn chúng ta. Vì nếu keo kiệt, tham lam thì thọ báo nghèo nàn, khốn khổ, trong khi bà lại sở hữu một gia tài đồ sộ lại được sinh vào giai cấp Bà la môn. Tôi tin bà đã gieo nhân thí xả nhiều đời, mới thọ phước báo sang giàu như thế!

 

Cũng trong kinh Vu Lan, Phật dạy rằng: "Đại Mục Kiền Liên/Thân mẫu tôn giả/Gốc rễ tội chướng/Kết đã quá sâu/Không phải năng lực/Một mình tôn giả/Có thể giải cứu!!"(HT.Trí Quang dịch)

 

Vậy nguyên nhân nào đẩy mẹ ngài Mục Kiền Liên vào địa ngục? Và năng lực nào đã khiến bà Thanh Đề cùng rất nhiều chúng sanh hôm ấy được thoát khỏi địa ngục?

 

Theo tôi, căm hận cùng phỉ báng Phật và Tăng chúng chính là "Gốc rễ tội chướng/Kết đã quá sâu". Đây là nguyên nhân chính yếu nhất đẩy bà vào địa ngục. Bà vào địa ngục vì trái tim người mẹ.

 

Mục Kiền Liên là một thanh niên tuấn tú, sinh ra trong một gia đình thượng đẳng Bà la môn, kết thân với Tôn giả Xá Lợi Phất, cũng là một thanh niên trí thức của giai cấp Bà la môn, hưởng tất cả đặc quyền đặc lợi của xã hội Ấn Độ thời bấy giờ. Chúng ta có thể hình dung ngài là một đại công tử, trí thức, nhân hậu, tuấn tú, quyền uy… Rồi một sớm mai kia gặp Đức Phật, một bậc thầy tôn quý, ngài đã giã từ tất cả để theo Phật. Mục Kiền Liên là lẽ sống của mẹ, bà Thanh Đề. Bà ta đặt kỳ vọng vào sự thành đạt của đứa con duy nhất, tuấn tú, mẫn tuệ, nhân từ của bà. Những tưởng Mục Kiền Liên sẽ chóng trở thành một đạo sĩ Bà la môn thông thái, người đời trọng vọng. Vậy mà, "vì theo Phật" Mục Kiền Liên thay đổi đến thương tâm, làm khất sĩ một bát cơm ngàn nhà...

 

Mái tóc xanh ngày nào của Mục Kiền Liên được xông ướp hương thơm quý giá bây giờ thả xuống chân đời bay theo gió bụi. Tấm thân đẹp đẽ mới hôm nào được khoác lên thứ y phục tốt đẹp nhất bây giờ thì chỉ còn mảnh y hoại sắc. Đôi chân trần đi về trên sỏi đá, xưa kia từng được bảo vệ bởi những đôi giày nhung gấm thêu kết ngọc ngà. Giờ đây làm đệ tử Đức Phật, Mục Kiền Liên chối bỏ tất cả đặc quyền đặc lợi của giai cấp, không ngó ngàng đến gia tài đồ sộ của gia đình, sống đạm bạc, xả ly như Phật và Tăng chúng.

 

Khuyên răn con không được, bao hy vọng sụp đổ khiến bà Thanh Đề không còn biết bám vào đâu để làm lẽ sống. Một tương lai mịt mờ tuyệt vọng trong sự cô đơn, giận con không nghe lời nên bao nhiêu oán hờn bà trút lên Đức Phật và Tăng chúng.

 

Có thể bà đã nguyền rủa Đức Thế Tôn và Tăng chúng, nhất là xem Đức Phật như là kẻ thù đã cướp đi đứa con tài hoa thông thái nhất của bà nên chưa một lần bà tỏ ra thân thiện với Phật và Tăng đoàn, chưa bao giờ thanh tịnh cúng dường chúng Tăng, cho dù Mục Kiền Liên, đứa con yêu dấu của bà đang sống lục hòa cộng trụ trong đó.

 

Đây mới chính là nguyên nhân có sức mạnh đẩy bà thọ báo địa ngục.

 

Khi bà mẹ đang khổ đau trong địa ngục, Mục Kiền Liên đã làm theo lời Phật dạy thiết trai cúng dường chúng Tăng sau ngày Tự tứ. Đặc biệt, trong lễ cúng trai tăng này, Đức Phật dặn dò Tăng chúng: "Trước hết chú nguyện cho người trai chủ, chú nguyện cho đến cha mẹ bảy đời, định ý chú nguyện rồi mới thọ thực" (HT.Trí Quang dịch).

 

Trong hoàn cảnh khổ đau cùng cực của chốn địa ngục, sức chú nguyện bi thiết của Đức Phật và chúng Tăng đã khiến bà Thanh Đề sực tỉnh cơn mê. Sự si ám bởi định kiến xấu về Phật và chư Tăng trước kia lạch làu, thay vào đó là niềm tin thanh tịnh và lòng tri ân vô hạn đối với Đức Phật và chúng Tăng.

 

Nguyên nhân thọ báo địa ngục bị phá vỡ, bao nhiêu phước báo đã gieo trồng từ kiếp trước cùng với phước báo cúng dường Tăng chúng hiện hành kết tập, tạo một lực lớn đưa bà ra khỏi địa ngục để sanh Thiên… Đây cũng chính là lý do giải thích tại sao hôm đó rất nhiều chúng sanh trong địa ngục được thoát khổ mà không phải là toàn thể.

 

Số còn lại là những chúng sanh chưa từng gieo một chút duyên lành với Tam bảo trong quá khứ, lại tạo tác những ác nghiệp sâu dày, vì thế dù Phật và chư Tăng có chú nguyện tha thiết thế nào thì cũng không chiêu cảm họ được. Những chúng sanh ra khỏi địa ngục hôm đó cùng với mẹ Mục Kiền Liên chắc chắn đã từng gieo duyên với Tam bảo, nên trong tạng thức sâu thẳm vẫn lưu giữ hạt giống lành. Có sự tác động của Phật và chư Tăng, những hạt giống lành đó thức tỉnh khiến họ hoan hỷ hướng về thiện giới, lập tức địa ngục không còn giam giữ tâm thức nữa. Họ ra khỏi đó để tùy nghiệp mà thọ báo tốt đẹp hơn!

 

 

Thích Trung Đạo