KHAI MẠC HỘI THẢO NGHI LỄ PHẬT GIÁO TOÀN QUỐC LẦN THỨ 2 TẠI TP. NHA TRANG, TỈNH KHÁNH HOÀ

Vào lúc 8 giờ ngày 16 tháng 10 năm 2010, tại khu lịch Vinpearl – Hòn Tre, Tp. Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà, Ban Nghi lễ Trung ương trọng thể tổ chức khai mạc Hội thảo Nghi lễ Phật giáo toàn quốc lần thứ 2.

Hội thảo dưới sự chứng minh của HT. Thích Phổ Tuệ - Pháp Chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam; HT. Thích Thiện Nhơn – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS; chư Tôn giáo phẩm Phó Chủ tịch HĐTS; HT. Thích Thiện Bình - Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Khánh Hoà; HT. Thích Trí Tâm – Trưởng Ban Nghi lễ Trung ương; chư Tôn giáo phẩm Ban Nghi lễ TW, Ban Trị sự, Ban Nghi lễ các tỉnh, thành hội Phật giáo trong cả nước; quý vị học giả, nhà nghiên cứu, nhân sĩ trí thức Phật giáo và hàng ngàn Tăng Ni, Phật tử tham dự.

Buổi lễ hân hạnh đón tiếp ông Lê Trung Kiên - Vụ Phật giáo Ban Tôn giáo Chính phủ; ông Phạm Minh Chánh - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa; bà nguyễn Thị Thu Hằng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa; ông Bùi Hữu Thành - Phó giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Khánh Hòa, quý ông, bà đại diện các Bộ, ngành Trung ương; Sở, ban ngành tỉnh Khánh Hoà, Tp. Nha Trang.

Được biết, trong suốt chiều dài lịch sử 2.000 năm Phật giáo Việt Nam, nghi lễ là một trong những chuyên ngành đã góp phần không nhỏ trong việc truyền bá Chánh pháp. Từ đó, nghi lễ là một thành tố không thể thiếu đối với Tăng Ni, Phật tử Việt Nam. Năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, nghi lễ là một trong 10 Ban, Viện Trung ương. Qua gần 6 nhiệm kỳ hoạt động, Ban Nghi lễ Trung ương và các tỉnh, thành đã tích cực xây dựng và phát triển bền vững ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đặc biệt kể từ sau Hội thảo nghi lễ Phật giáo toàn quốc lần thứ 1, đại hội VI Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Nghi lễ Trung ương và các tỉnh, thành tiến hành triển nhiều Phật sự trọng đại như cơ bản biên soạn bộ kinh Nhựt tụng bằng tiếng Việt, đang xúc tiến biên soạn giáo trình nghi lễ giảng dạy tại các trường Phật học, hình thành nhiều Tiểu ban đặc trách của Ban Nghi lễ như Nam tông, Khất sĩ, Người Hoa, tham gia và tổ chức thành công Đại lễ Phật đản, Đại lễ tưởng niệm 700 ngày Đức Vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn, Đại lễ Phật giáo Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Đại lễ tưởng niệm, cầu siêu anh hùng liệt sĩ trên khắp các Tỉnh, Thành từ Điện Biên đến Cà mau, Hải đảo và nhiều công tác Phật sự quan trọng khác được Ban Nghi lễ Trung ương triển khai, thực hiện.

Từ buổi bình minh của nhân loại cho đến hôm nay, con người luôn dành nhiều công sức và thời gian để cải thiện, làm cho cuộc sống thăng hoa từ vật chất đến tinh thần. Trong suốt chiều dài lịch sử tồn tại và phát triển của nhân loại, có những giai đoạn đời sống tinh thần được quan tâm, cũng có giai đoạn đời sống vật chất được đặc biệt chú trọng, do đó, đã tạo nên sự mất cân bằng trong cuộc sống. Vào giai đoạn nữa cuối thế kỷ 19, thế kỷ 20 và thập niên đầu thế kỷ 21, với sự phát triển vượt bậc của khoa học và công nghệ, đời sống vật chất được nâng cao, nhưng hiện tượng suy thoái đạo đức đã bộc phát trong một bộ phận quần chúng tại nhiều nơi trên thế giới.

Từ ý nghĩa đó, thông qua Hội thảo lần này, Ban Nghi lễ Trung ương sẽ nhận được nhiều ý kiến quý báu trong việc phát huy và bảo tồn nền văn hóa Phật giáo đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần vào sự nghiệp phát triển bền vững Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong thế kỷ 21 và những thế kỷ tiếp theo.

Để tiếp tục phát huy những thành quả đạt được và tìm giải pháp khắc phục các công tác Phật sự chưa đạt được, đồng thời để tiếp tục lắng nghe những ý kiến đóng góp thiết thực của chư Tôn đức và quý Đại biểu, được sự thống nhất của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, sự quan tâm giúp đỡ của Cơ quan chức năng các cấp, sự đồng thuận của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Khánh Hòa, sự hoan hỷ hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, sự ngoại hộ của quý vị mạnh thường quân ân nhân và đồng bào Phật tử gần xa, Ban Nghi lễ Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam trọng thể tổ chức Hội thảo Nghi lễ Phật giáo toàn quốc lần thứ 2 với chủ đề “NGHI LỄ PHẬT GIÁO TRONG ĐỜI SỐNG TÂM LINH”.

alt

Sau các phần nghi thức tôn giáo, Hoà thượng Thích Trí Tâm – Trưởng Ban Nghi lễ Trung ương Giáo hội đọc diễn văn khai mạc Hội thảo Nghi lễ Phật giáo toàn quốc lần thứ 2:

“Hôm nay, trong tinh thần đoàn kết hòa hợp với ý nghĩa trang nghiêm đạo pháp, phát huy sức mạnh của toàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong thời kỳ hội nhập, phát triển bền vững của đất nước, nhất là hòa vào niềm vui chung của dân tộc, Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước hân hoan chào mừng, hướng về các ngày đại lễ kỷ niệm của đất nước và của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đặc biệt Đại lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, thay mặt Ban Nghi lễ Trung ương, Ban Tổ chức Hội thảo Nghi lễ Phật giáo toàn quốc lần thứ 2 xin nhiệt liệt chào mừng chư Tôn giáo phẩm, chư Tôn đức Tăng Ni, chư vị khách quý và toàn thể Phật tử thân lâm tham dự Hội thảo, xin gởi đến chư Tôn giáo phẩm và quý Liệt vị lời chúc mừng an lành và trân trọng nhất.

Kể từ sau Hội thảo Nghi lễ Phật giáo toàn quốc lần thứ 1 được tổ chức vào ngày 11, 12 tháng 5 năm 2004 (nhằm ngày 23, 24 tháng 3 năm Giáp Thân) tại thành phố biển Nha Trang, Ban Nghi lễ Trung ương đã nỗ lực triển khai và thực hiện bản đúc kết của Hội thảo gồm 9 điểm, đã đạt được những thành quả tốt đẹp. Tuy nhiên, do một vài yếu tố chủ quan và khách quan, nên một số công tác trọng tâm đã được triển khai nhưng hiệu quả đạt được còn khá khiêm tốn. Đối với Việt Nam, từ thời đại các Vua Hùng cho đến hôm nay, nhân dân Việt Nam luôn ý thức, mong muốn đất nước được phồn vinh, thịnh vượng. Để đạt được điều này, thì trong cuộc sống phải có sự cân bằng hài hòa giữa hai yếu tố vật chất và tinh thần. Cho nên, khi đạo Phật được truyền bá tại Việt Nam, trên cơ sở những tín ngưỡng bản địa, Nghi lễ Phật giáo đã dung hợp và tạo nên một đời sống tâm linh cho người dân Việt Nam ở mọi vùng miền mang đậm nét văn hóa dân tộc. Nếu nghiên cứu Nghi lễ Phật giáo ở góc độ giải thoát, hay văn hóa tín ngưỡng thì Nghi lễ Phật giáo là một trong những nhân tố cấu thành văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo. Nhìn chung, Nghi lễ Phật giáo bao hàm những giá trị tích cực đưa cuộc sống đến chân thiện mỹ, tạo sự dung hòa và cân bằng giữa yếu tố vật chất, yếu tố tinh thần trong cuộc sống.

Đất nước Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng với thế giới, khoa học công nghệ đang phát triển mạnh, đời sống vật chất được nâng cao, nhiều loại hình văn hóa tích cực lẫn tiêu cực tràn vào Việt Nam, một bộ phận giới trẻ nói chung có dấu hiệu xa rời truyền thống đạo đức dân tộc, đạo đức Phật giáo, tạo nên những hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Trước thực trạng đó, các ngành chức năng, các tầng lớp nhân dân đã, đang ra sức tìm biện pháp khả thi để có sự hài hòa giữa vật chất và tinh thần, củng cố và xây dựng một đời sống lành mạnh hơn. Ban Nghi lễ Trung ương tổ chức Hội thảo Nghi lễ Phật giáo toàn quốc lần thứ 2 này, là một việc làm hết sức cần thiết và kịp thời để đề ra giải pháp, một hướng đi thích hợp chung cho mọi người trong xã hội, đó là: “Vật chất phát triển nhưng yếu tố tâm linh vẫn được coi trọng, đạo đức và văn hóa dân tộc luôn được giữ gìn và phát huy.

Với tinh thần trách nhiệm đối với Đạo pháp và Dân tộc, trang nghiêm Giáo hội, xây dựng một xã hội Việt Nam hiền thiện, Tôi tin tưởng rằng những ý kiến phát biểu, tham luận của chư Tôn đức, chư vị khách quý tại Hội thảo lần này sẽ đóng góp cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Nghi lễ Trung ương để bộ môn Nghi lễ Phật giáo được phát huy theo hướng: “NGHI LỄ PHẬT GIÁO TRONG ĐỜI SỐNG TÂM LINH”, vật chất và tâm linh là hai yếu tố không thể thiếu của một đời người, nếu nghiêng về một phía sẽ làm cho cuộc sống mất cân bằng. Thông qua Hội thảo, Tăng Ni, Phật tử, các nhà nghiên cứu sẽ hiểu thêm những giá trị trong sáng, những yếu tố tâm linh trong cuộc sống qua Nghi lễ Phật giáo”.

alt

Tiếp theo, HT. Thích Minh Nghĩa – Phó Trưởng ban kiêm Chánh Thư ký Ban Nghi lễ Trung ương Giáo hội thông qua báo sơ kết công tác Phật sự giữa nhiệm kỳ VI (2007 - 2010):

“BÁO CÁO CÔNG TÁC PHẬT SỰ GIỮA NHIỆM KỲ VI (2007 - 2012)

& CÔNG TÁC TỔ CHỨC HỘI THẢO NGHI LỄ PHẬT GIÁO TOÀN QUỐC LẦN THỨ II

I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH:

Chương trình hoạt động Phật sự của Ban Nghi Lễ Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Nhiệm kỳ VI (2007 - 2012) đã đi qua được hơn nữa chặng đường với những thành quả đạt được như tham gia công tác tổ chức Đại Lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc; giảng dạy nghi lễ tại các khóa An cư Kiết hạ, khóa Bồi dưỡng Trụ trì; Đàn lễ Quy y cho Phật tử; Đại lễ Phật giáo Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; Đại lễ cầu siêu anh linh các anh hùng liệt sĩ, đồng bào tử nạn trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất tổ quốc tại các nghĩa trang liệt sĩ; tưởng niệm, an vị Thánh tượng Bồ tát Quảng Đức, tưởng niệm chư Thánh tử đạo, chư Tôn đức Trưởng lão tiền bối hữu công đã có nhiều công đức đóng góp cho Đạo pháp và Dân tộc qua các thời kỳ khác nhau của lịch sử; tổ chức và viếng Lễ tang chư Tôn giáo phẩm, quý đạo hữu trong Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự đã viên tịch; tham gia công tác từ thiện xã hội và một số công tác khác mà Trung ương Giáo hội tín nhiệm giao phó.

Trong các Phật sự nêu trên, nổi bật nhất là công tác tổ chức Hội thảo Nghi lễ Phật giáo toàn quốc. Đây là lần thứ hai Ban Nghi lễ Trung ương tổ chức Hội thảo. Trong nhiệm kỳ V (2002 - 2007), Ban Nghi lễ Trung ương đã tổ chức thành công Hội thảo Nghi lễ Phật giáo toàn quốc lần thứ nhất (2004) tại chùa Long Sơn – Trụ sở Văn phòng Tỉnh hội Phật giáo Khánh Hòa; Năm nay, Ban Nghi lễ Trung ương tổ chức Hội thảo cũng tại tỉnh Khánh Hòa với chủ đề “Nghi lễ Phật giáo trong đời sống Văn hóa Tâm linh”, để chào mừng Đại lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, đồng thời thiết thực hóa chương trình hoạt động chuyên ngành của Ban Nghi lễ Trung ương.

Các hoạt động Phật sự mà Ban Nghi lễ thực hiện, đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực của các thành viên trong toàn Ban Nghi lễ Trung ương cũng như Ban Nghi lễ các Tỉnh, Thành hội Phật giáo trong cả nước.

II. CÁC THÀNH QUẢ HOẠT ĐỘNG :

1. Tổ chức:

a. Nhân sự:

Nhiệm kỳ V, nhân sự Ban Nghi lễ Trung ương là 37 thành viên, nhiệm kỳ VI nhân sự đã được nâng lên thành 47 thành viên chính thức. Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự ký quyết định số 055/QĐ.HĐTS ngày 22/02/2010, bổ sung và điều chỉnh nhân sự Ban Nghi lễ Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ VI (2007 – 2012) từ 47 thành viên chính thức lên 57 thành viên chính thức và 13 thành viên dự khuyết.

b. Văn phòng:

- Thực hiện Nghị quyết Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VI ngày 14/12/2007, Trung ương Giáo hội đã có văn thư trình Ban Tôn giáo Chính phủ và Bộ công an xin khắc dấu cho các Ban, Viện Trung ương Giáo hội. Tổng cục Cảnh sát (C11) Bộ Công an đã chấp thuận cho phép khắc các loại dấu tại công văn số 5021/C11 ngày 21/10/2008, qua đó, tại Hội nghị Ban Thường trực Hội đồng Trị sự giữa năm 2009, Trung ương Giáo hội đã trao con dấu cho Ban Nghi lễ Trung ương.

- Sau khi công trình dãy nhà Đông lang Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội - Thiền viện Quảng Đức được đưa vào sử dụng, ngày 10/3/2010 Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đã trao chìa khóa phòng làm việc cho Ban.

- Ban Nghi lễ Trung ương đã tổ chức nhiều phiên họp tại Văn phòng làm việc để kiểm tra và tổng kết các Phật sự đạt được và các Phật sự chưa đạt được trong nhiệm kỳ để đôn đốc thực hiện, nhằm góp phần thành tựu các Phật sự chung của Giáo hội.

- Chuẩn bị cho công tác tổ chức Hội thảo Nghi lễ Phật giáo toàn quốc lần thứ 2, Ban Nghi lễ Trung ương đã tổ chức nhiều phiên họp tại Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội để thông qua kế hoạch, chương trình và các văn kiện liên quan đến Hội thảo. Phiên họp được đặt dưới sự chủ trì của HT. Thích Trí Tâm – Trưởng ban Nghi lễ Trung ương GHPGVN cùng chư Tôn đức trong Ban Thường trực Ban Nghi lễ Trung ương.

2. Đại lễ Phật đản:

Thực hiện tinh thần thông bạch hằng năm của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, hướng dẫn tổ chức Đại lễ Phật đản, Ban Nghi lễ Trung ương và Ban Trị sự, Ban Nghi lễ các Tỉnh, Thành hội Phật giáo đã tích cực tổ chức Đại lễ Phật đản trang nghiêm, trọng thể với các hoạt động như thiết kế lễ đài, vườn Lâm Tỳ Ni, diễu hành xe hoa, kiệu hoa, thuyền hoa rước Phật đản sinh, lễ hội hoa đăng, chương trình văn nghệ, triển lãm, thuyết pháp v.v…

Nhìn chung, Đại Lễ Phật đản được Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội, Ban Đại diện Phật giáo các Quận, Huyện, Thị, Thành phố thuộc tỉnh, các Tự viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật đường tổ chức Đại Lễ Phật đản một cách trang nghiêm, thể hiện lòng tôn kính đối với Đức Phật, tạo được sự phấn khởi trong lòng quần chúng và Phật tử cả nước. Đại lễ Phật đản mang đậm nét văn hóa Phật giáo.

3. An cư Kiết hạ:

Y cứ Tỳ Ni Luật tạng, thực hiện tinh thần thông bạch hướng dẫn tổ chức An cư kiết hạ của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Ban Nghi lễ Trung ương cũng như Ban Nghi lễ các Tỉnh, Thành hội Phật giáo tham gia tổ chức nghi lễ khai hạ tại các Trường hạ; đồng thời, thỉnh cử chư Tôn đức thành viên Ban Nghi lễ tham gia ban giảng huấn tại các trường hạ, thuyết giảng và hướng dẫn về một số nghi lễ Phật giáo áp dụng cho các buổi lễ. Ngoài ra, các thành viên Ban Nghi lễ còn tham gia Ban Giảng huấn khóa bồi dưỡng nghiệp vụ Trụ trì do Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo tổ chức nhân mùa an cư kiết hạ qua phần trình bày về Nghi lễ Phật giáo.

4. Đại lễ Phật giáo kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội:

Đại lễ Phật giáo kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, tổ chức tại khu Di tích Hoàng Thành, trong hào khí trang nghiêm và thành kính, được xem là Lễ hội tâm linh thể hiện văn hóa truyền thống dân tộc, thể hiện lòng thành kính tri ân công đức đối với các bậc Tiên đế, Cha ông trong lịch sử, khơi dậy hồn thiêng sông núi và niềm tự hào dân tộc.

Chương trình Đại lễ Phật giáo Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và tuần Văn hoá dân tộc hướng về Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, gồm các chương trình như: Tổ chức lễ rước Long vị Quốc vương nhà Lý và lịch đại Tổ sư từ Đền Lý Bát Đế qua chùa Tiêu Sơn và về an vị tại Di tích Hoàng thành Thăng Long; Cử hành nghi thức cung nghinh ngọc Xá lợi Phật từ chùa Quán Sứ - Trụ sở Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam về tôn trí tại lễ đài Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội để lập đàn cầu nguyện Quốc thái dân an, thế giới hoà bình, chúng sanh an lạc; tổ chức các khoá lễ cầu an và cầu siêu, do Ban Nghi lễ ba miền Bắc, Trung, Nam thực hiện. Các thành viên Ban Nghi lễ được phân công phụ trách đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần cho sự thành công của Đại Lễ.

5. Đại lễ Vu Lan – Báo Hiếu:

Trên tinh thần tri ân, báo ân của người con Phật và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, thực hiện tinh thần thông bạch của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, V/v tổ chức Đại lễ Vu lan - Báo hiếu, dưới sự chỉ đạo của Ban Thường trực Ban Trị sự, Ban Nghi lễ các Tỉnh, Thành hội Phật giáo đã hướng dẫn Tăng Ni, các cơ sở Tự viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật đường tổ chức Đại lễ Vu lan - Báo hiếu một cách trang nghiêm, trọng thể, đầy đủ ý nghĩa trong tinh thần đền ơn đáp nghĩa đối với những người đã khuất và những người còn sống, bằng các hoạt động cụ thể, thiết thực như: Tổ chức lễ cầu siêu bạt độ chư hương linh, chẩn tế, lễ dâng pháp y, cúng dường trai tăng, tổ chức lễ cài bông hồng, thuyết giảng ý nghĩa Vu lan - Báo hiếu, hội thảo, tọa đàm, chiếu phim, văn nghệ với chủ đề “Vu lan - Báo hiếu, suối nguồn phụ mẫu”; tổ chức ẩm thực chay; ủy lạo chiến sĩ biên phòng, hải đảo, thương bệnh binh, gia đình Liệt sĩ, người già neo đơn, tàn tật, nhà Dưỡng lão, trại tâm thần, bệnh viện và đặt vòng hoa tưởng niệm tại các nghĩa trang, đài liệt sĩ và các tượng đài v.v….

6. Tổ chức Giới đàn:

Để duy trì mạng mạch của Như Lai với tinh thần “Tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức”, trong thời gian qua, Ban Nghi lễ Trung ương, Ban Nghi lễ các Tỉnh, Thành hội Phật giáo đã tham gia công tác Nghi lễ cũng như tư vấn và hỗ trợ công tác Nghi lễ tại các Giới đàn do Ban Trị sự các Tỉnh, Thành hội Phật giáo tổ chức, góp phần cho các Đại giới đàn thành công viên mãn, giới tử giới thể châu viên.

7. Lễ Cung nghinh Xá lợi Phật và Thánh Tăng, trưng bày Phật ngọc:

Có thể nói, từ năm 2008 đến nay, Ban Nghi lễ Trung ương và Ban Nghi lễ các Tỉnh, Thành hội Phật giáo đã tham gia công tác tổ chức nhiều Đại lễ cung nghinh Ngọc Xá Lợi Phật và Thánh Tăng như: Đại Lễ Cung nghinh 3 viên Xá lợi Phật và 6 viên Xá lợi Thánh tăng từ Bồ Đề Đạo Tràng bang Bihar - Ấn Độ về tôn thờ tại chùa Bái Đính – Ninh Bình; Đại lễ cung nghinh Ngọc Xá Lợi Phật và Thánh Tăng từ Chùa Giác Quang, quận 8, Tp. Hồ Chí Minh về tôn thờ tại chùa Quán Sứ - Hà Nội và chùa Bái Đính tỉnh Ninh Bình; tham dự Lễ hội trưng bày Phật Ngọc vì Hòa bình thế giới; Phật Ngọc Quan Thế Âm cho tình thương nhân loại; Lễ cung nghinh Ngọc Xá Lợi, tượng Phật và Bồ tát bằng đá cẩm thạch, do Liên đoàn Phật giáo Thế giới hiến tặng cho Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Tấn Dũng, sau đó Ngài Thủ tướng và Văn phòng Chính phủ đã cúng lại cho Giáo hội để tôn trí và an vị tại chùa Đảo Trường Sa.

8. Đàn Lễ Quy y:

Để hướng dẫn cho đồng bào Phật tử có điều kiện tu tập, Ban Nghi lễ các Tỉnh, Thành hội Phật giáo đã tham gia công tác tổ chức Quy Y cho đồng bào Phật tử, nhất là đồng bào Phật tử các tỉnh Tây nguyên và các tỉnh khu vực phía Bắc, như:

+ Đại lễ Quy y cho hơn 4000 đồng bào dân tộc tỉnh Kon Tum;

+ Phú Thọ: Tổ chức quy y Tam bảo cho 9.097 Phật tử.

+ Hòa Bình: Nhân Đại lễ Phật đản đã quy y cho 700 Phật tử.

+ Thanh Hóa: Trên 1000 Phật tử Quy y.

+ Lạng Sơn: 300 Phật tử Quy y.

+ Quảng Trị: 400 Phật tử Quy y vào Lễ Đức Phật Xuất gia và Vía Đức Quán Thế Âm.

9. Đại lễ tưởng niệm, cầu siêu anh linh các anh hùng liệt sĩ:

Ban Nghi lễ Trung ương, Ban Nghi lễ các Tỉnh, Thành hội Phật giáo đã tham gia công tác tổ chức Đại lễ Cầu siêu anh linh anh hùng Liệt sĩ tại các Nghĩa trang huyện đảo Phú Quốc tỉnh Kiên Giang, huyện đảo Trường Sa tỉnh Khánh Hòa, huyện Côn Đảo tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, đường Trường Sơn tỉnh Quảng Bình, tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Tp. Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Điện Biên Phủ, Tây Ninh, Cà Mau, Bạc Liêu, Lạng Sơn, Kon Tum, Gia Lai, Bến Tre, Tiền Giang ...

10. Lễ Tưởng niệm:

- Tham dự Đại lễ Kỷ niệm 700 năm ngày Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn, một trong những vị vua anh minh bậc nhất của triều Trần trong lịch sử Việt Nam; một nhà thơ, nhà văn hóa nổi tiếng; người sáng lập và lãnh đạo Thiền phái Trúc Lâm của Phật giáo Việt Nam, hiện thân của sự kết hợp giữa Đạo và Đời để bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

- Tham dự và thực hiện phần Nghi lễ nhân Lễ Kỷ niệm Bồ tát Quảng Đức vị pháp thiêu thân được Trung ương Giáo hội trọng thể tổ chức tại Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội – Thiền viện Quảng Đức, Tp. Hồ Chí Minh.

- Tham dự Lễ an vị tượng đài Bồ tát Quảng Đức tại Quảng trường Bồ tát Quảng Đức, đường Nguyễn Đình Chiểu – CMT8, quận 3, Tp. Hồ Chí Minh, do Thành ủy, HĐND, UBND, Sở Văn hoá – Thể thao & Du lịch, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức.

- Lễ tưởng niệm Bồ tát Quảng Đức tại Chùa Long Sơn, Nha Trang -  Trụ sở Tỉnh  hội Phật giáo Khánh hoà và tại Tượng đài Bồ Tát Thích Quảng Đức; và tại 14 Chùa mà Bồ Tát Thích Quảng Đức đã khai sơn, đại trùng tu trong những năm Bồ Tát hành đạo tại Khánh Hoà, đều đã tổ chức long trọng lễ tưởng niệm Bồ Tát, có đông đảo Tăng, Ni Phật tử tham dự.

- Nhân kỷ niệm 310 năm ngày mất của Ngài Thượng Đẳng Thần Nguyễn Hữu Cảnh, Trung ương Giáo hội phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Bình và Ban Quản trị Tổ đình Vĩnh Nghiêm tổ chức Lễ hội kỷ niệm 310 năm ngày mất của Ngài vào ngày 02, 03/5/2010 tại Lăng mộ của Ngài, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.

- Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Bắc Ninh phối hợp với cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức lễ tưởng niệm các vị vua nhà Lý.

Ngoài ra, để tưởng nhớ đến các bậc tiền bối hữu công, chư Thánh tử vì đạo, Chư Sơn Thiền đức Hội đồng Trưởng lão của các tổ chức Giáo hội, Hệ phái Phật giáo Việt Nam, chư Tôn đức tiền bối hữu công, chư Tôn Đức giáo phẩm thành viên Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự GHPGVN tại Văn phòng Trung ương Giáo hội, Văn phòng Ban Trị sự các Tỉnh, Thành hội Phật giáo trong cả nước đã trọng thể tổ chức Lễ tưởng niệm, thể hiện trọn vẹn tinh thần tri ân và báo ân của người con Phật.

11. Lễ tang:

- Ban Nghi lễ Trung ương, Ban Nghi lễ các Tỉnh, Thành hội Phật giáo viếng lễ tang chư Tôn giáo phẩm Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, chư Tôn đức Tăng Ni, Cư sĩ thành viên Ban Trị sự tại các Tỉnh, Thành hội Phật giáo. viên tịch.

12. Các ngày Lễ vía trong Phật giáo :

Ngoài nhu cầu vật chất, nhu cầu về đời sống tâm linh cũng không thể thiếu. Để đáp ứng nhu cầu tâm linh của người Phật tử, Ban Nghi lễ Trung ương, Ban Nghi lễ các Tỉnh, Thành hội Phật giáo, các cơ sở Tự viện đã tổ chức nghi lễ cầu an đầu xuân – tết Nguyên đán, lễ cúng rằm tháng giêng, tháng mười, lễ Vu lan Báo hiếu ngày rằm tháng 7 – ngày xá tội vong nhân, ngày đền ơn đáp nghĩa, Lễ Phật xuất gia, Thành đạo, nhập Niết bàn, Lễ vía Đức Phật A Di Đà, Lễ vía Bồ tát Quán Âm v.v… tạo được niềm tin Chánh tín trong giới đồng bào Phật tử tại các địa phương.

Tại các Tỉnh, Thành hội Phật giáo, Ban Nghi lễ địa phương đã phối hợp với Ban Trị sự tổ chức Đại Lễ cầu siêu, trai đàn chẩn tế, truy niệm anh linh anh hùng Liệt sĩ, đồng bào tử nạn, chư hương linh quá cố tại các nghĩa trang Liệt sĩ, các Tự, Viện; đặt vòng hoa tưởng niệm tại nghĩa trang, đài liệt sĩ, tượng đài các anh hùng liệt sĩ một cách trang nghiêm, trân trọng vào những ngày Lễ lớn của dân tộc và Phật giáo.

13. Công tác tổ chức Hội thảo Nghi lễ Phật giáo toàn quốc lần thứ II:

Được sự chấp thuận của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự tại công văn số 242/CV.HĐTS Ngày 07/7/2010, công văn số 575/TGCP-PG ngày 20/7/2010 của Ban Tôn giáo Chính phủ và công văn số 4452/UBND ngày 24/8/2010 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa, Ban Nghi lễ Trung ương đã có thông báo số 001 ngày 06/8/2010, đến các thành viên Ban Nghi lễ Trung ương và các Tỉnh, Thành hội Phật giáo, V/v tổ chức Hội thảo Nghi lễ Phật giáo toàn quốc lần thứ II.

Để công tác tổ chức Hội thảo Nghi lễ Phật giáo toàn quốc lần thứ II được viên mãn, dưới sự chủ trì của Hòa thượng Trưởng ban, Ban Nghi lễ Trung ương đã tổ chức nhiều phiên họp tại Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội, tại Văn phòng Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Khánh Hòa, dưới sự chứng minh của HT. Thích Thiện Bình, phiên họp đã triển khai, rà soát các bộ phận liên quan công tác tổ chức như: Thành lập kế hoạch tổ chức Hội thảo, triển lãm, văn nghệ chào mừng Hội thảo, hình thành khung nhân sự Ban Tổ chức và các Tiểu ban.

Với chủ đề Hội thảo “Nghi lễ Phật giáo trong đời sống Tâm linh” và 10 chủ đề phụ, Ban Tổ chức đã nhận được các bài tham luận của chư Tôn đức Ban Trị sự, Ban Nghi lễ Trung ương và các Tỉnh, Thành.

Hội thảo Nghi lễ Phật giáo toàn quốc lần thứ II được sự quang lâm chứng minh của chư Tôn giáo phẩm Hội đồng Chứng minh, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Văn phòng Trung ương Giáo hội, Ban Thường trực Ban Trị sự các Tỉnh, Thành hội Phật giáo; sự tham dự của quý vị đại diện Chính quyền, Ban ngành, Sở tỉnh Khánh Hòa, các Phòng, Ban Tp. Nha Trang và phường sở tại; quý Đại biểu là thành viên Ban Nghi lễ Trung ương, Ban Nghi lễ Tỉnh, Thành hội Phật giáo.

- Triển lãm về Nghi lễ Phật giáo gồm hình ảnh, pháp khí, pháp bảo tại số 7 Trần Phú, phường Vĩnh Nguyên, Tp. Nha Trang. Lễ cắt băng khánh thành được diễn ra vào lúc 18giờ 30 phút ngày 15/10/2010.

- Chương trình văn nghệ chào mừng Hội thảo được trình diễn vào lúc 18giờ 30 phút ngày 16/10/2010, tại Hội trường, số 7 Trần Phú, phường Vĩnh Nguyên, Tp. Nha Trang.

III. NHẬN XÉT:

1. Ưu điểm :

- Được sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

- Đã được Ban Thường trực Hội đồng Trị sự - Văn phòng Trung ương Giáo hội giao phòng làm việc. Ban Nghi lễ Trung ương đã tổ chức được 03 phiên họp tại Văn phòng làm việc để triển khai các công tác của Ban.

- Bằng tinh thần đoàn kết, hòa hợp và trách nhiệm, Ban Nghi Lễ Trung ương, Ban Nghi lễ Tỉnh, Thành hội Phật giáo trong cả nước, đã tích cực trong tất cả các mặt hoạt động chuyên ngành Nghi lễ, góp phần thành công cho các Phật sự của Giáo hội trong nhiệm kỳ VI (2007 - 2012) thành tựu viên mãn.

2. Khuyết điểm :

Bên cạnh những thành quả mà Ban Nghi lễ Trung ương đạt được, nhưng vẫn còn một vài công tác mà Ban chưa thực hiện hoàn tất như việc tu chỉnh và in ấn phát hành, phổ biến rộng rãi giáo trình, giáo án về Nghi lễ để giảng dạy cho các Trường Phật học và các Trường hạ; quyển Kinh Nhật tụng bằng tiếng Việt đến nay chưa tiến hành in ấn và phổ biến.

Do một số Ban Nghi lễ tại các Tỉnh, Thành hội không báo cáo về Văn phòng nên bộ phận Thư ký không cập nhật được các hoạt động Nghi lễ tại địa phương. Do đó, chưa chuyển tải hết các hoạt động Phật sự tại địa phương.

VI. CHƯƠNG TRÌNH HOẠT ĐỘNG ĐẾN NĂM 2012:

Căn cứ chương trình hoạt động toàn nhiệm kỳ (2007 - 2012), chương trình hoạt động của Ban Nghi lễ Trung ương đến năm 2012 như sau:

1. Tiếp tục chỉnh đốn, thẩm duyệt lại Bộ Kinh Nhật tụng bằng tiếng việt tựa đề “Kinh Nhật tụng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam” trình Ban Thường trực Hội đồng Trị sự duyệt lại và thực hiện in ấn.

2. Có văn thư gửi đến các Ban Nghi lễ Tỉnh, Thành hội Phật giáo mời chư Tôn đức và nhân sĩ trí thức có kiến giải về nghi lễ cùng tham gia sưu tầm, biên soạn chuyên đề Nghi lễ tại các Tỉnh, Thành.

3. Biên soạn Giáo trình, Giáo án Nghi lễ để đưa vào chương trình giảng dạy tại các Lớp Sơ cấp, Trung cấp và Cao đẳng Phật học.

4. Triển khai bản đúc kết Hội thảo Nghi lễ Phật giáo toàn quốc lần thứ II”.

alt

HT. Thích Trí Quảng – Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban Phật giáo quốc tế, thay mặt Ban Thường trực HĐTS, chư Tôn giáo phẩm chứng minh ban đạo từ chỉ đạo Hội thảo:

“Hôm nay, một lần nữa chư Tôn đức Ban Trị sự và Ban Nghi lễ các Tỉnh, Thành hội Phật giáo đồng vân tập về tại thành phố xứ Trầm Hương, Khu du lịch Vinpearl – Hòn tre, Trúc Lâm Tịnh Viện và tại số 09 Hoàng Diệu, Tp. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa tham dự Hội thảo Nghi lễ Phật giáo toàn quốc lần thứ hai do Ban Nghi lễ Trung ương tổ chức. Thay mặt, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, tôi xin gửi đến chư Tôn giáo phẩm, chư vị khách quý, quý Đại biểu và Phật tử lời chúc mừng trân trọng nhất, kính chúc Hội thảo Nghi lễ Phật giáo lần thứ 2 thành công tốt đẹp.

Trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển của Phật giáo Việt Nam, Nghi lễ luôn là một trong những nhân tố quan trọng để xương minh Phật pháp, bảo tồn và phát huy văn hóa Phật giáo trong lòng dân tộc. Trong các sinh hoạt của Tự, Viện, Tăng Ni và Phật tử, nhất là đời sống tâm linh, Nghi lễ luôn có vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng. Chính những bài pháp ngữ, những bài tán tụng v.v… đều hàm chứa những tinh hoa Phật học, những yếu nghĩa giải thoát, đồng thời qua các lễ nghi được thực hiện đã chuyển tải nội dung giáo dục hoàn thiện đạo đức cá nhân cũng như đạo đức xã hội, nhằm mục đích xây dựng một cuộc sống an lạc, hạnh phúc, hiền thiện theo truyền thống Phật giáo và Dân tộc qua các giai đoạn của lịch sử, nhất là trong xu thế hội nhập toàn cầu của Giáo hội và đất nước.

Sau Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VI, các Ban, Viện Trung ương đã tiến hành tổ chức lễ ra mắt nhân sự và hoạch định chương trình hoạt động Phật sự theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đã đề ra. Đặc biệt là kể từ sau Hội thảo Nghi lễ Phật giáo toàn quốc lần thứ 1, Ban nghi lễ Trung ương và các Tỉnh, Thành đã tích cực triển khai nhiều công tác thiết thực, hình thành nhiều Tiểu ban đặc trách của Ban Nghi lễ như Nam tông, Khất sĩ, Người Hoa, tham gia và tổ chức thành công Đại lễ Phật đản, Đại lễ tưởng niệm 700 ngày Đức Vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn, Đại lễ Phật giáo Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Đại lễ tưởng niệm, cầu siêu anh hùng liệt sĩ trên khắp các Tỉnh, Thành từ Điện Biên đến Cà mau, Hải đảo và nhiều công tác Phật sự quan trọng khác được Ban Nghi lễ Trung ương triển khai, thực hiện.

Để tiếp tục phát huy những thành quả đạt được và khắc phục những hạn chế trong các nhiệm kỳ qua, nhiều Ban Trung ương đã tiến hành tổ chức Hội thảo như: Ban Giáo dục Tăng Ni, Ban Hoằng pháp, Ban Hướng dẫn Phật tử, Ban Văn hóa, Ban kinh tế Tài chính Trung ương tại Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, miền Trung, Cao nguyên Trung phần và miền Tây; hôm nay, nơi thành phố biển Nha Trang, Ban Nghi lễ Trung ương phối hợp với Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Khánh Hòa tổ chức Hội thảo Nghi lễ Phật giáo toàn quốc lần thứ 2, là một chứng minh hùng hồn và cụ thể cho chương trình hoạt động của Ban Nghi lễ Trung ương nhiệm kỳ VI (2007 - 2012).

Hội thảo Nghi lễ Phật giáo toàn quốc lần này là một việc làm hết sức cần thiết, mang ý nghĩa vô cùng quan trọng. Theo chủ đề chính của Hội thảo “NGHI LỄ PHẬT GIÁO TRONG ĐỜI SỐNG TÂM LINH” đề ra, vì đây là tiền đề để chúng ta xây dựng chương trình hoạt động của ngành Nghi lễ, vừa phù hợp với truyền thống, vừa phù hợp với những đặc thù của từng vùng miền, từng Hệ phái; bảo tồn và phát huy văn hóa phi vật thể Phật giáo trong xu thế hội nhập và phát triển của đất nước, của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong thế kỷ 21 và những thế kỷ tiếp theo.

Qua Diễn văn khai mạc, báo cáo sơ kết công tác giữa nhiệm kỳ VI (2007 - 2012) của Ban Nghi lễ Trung ương, chúng tôi đánh giá rất cao những thành quả đạt được của Ban Nghi lễ và những nỗ lực của Ban Tổ chức. Trung ương Giáo hội xin chia sẻ những khó khăn của Quý Ban và tin tưởng rằng, từ đây những dị đồng trong nghi lễ của từng vùng, miền, của Hệ phái sẽ được khắc phục bằng tinh thần đoàn kết hòa hợp, cùng nhau chung lo Phật sự để không ngừng hoàn thiện tổ chức và phát triển từ nội dung đến hình thức của ngành Nghi lễ trong đại gia đình Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Trung ương Giáo hội vô cùng hoan hỷ, đó là những khó khăn, những vấn đề cần được hỗ trợ giải quyết đã được Quý Ban nhận ra, phân tích nguyên nhân, thẳng thắn góp ý trong tinh thần xây dựng, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ, sự chỉ đạo, lãnh đạo của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, sự ủng hộ của các Ban, Viện Trung ương, của chư Tôn đức Tăng Ni, các nhân sĩ trí thức để đề ra phương hướng hoạt động cụ thể, những biện pháp khả thi, tính thống nhất và đồng bộ trong các hoạt động của ngành Nghi lễ sẽ được chư Tôn đức đại biểu, các học giả, nhà nghiên cứu thảo luận và góp ý.

Qua các ý kiến phát biểu, chúng tôi có một số gợi ý như sau:

1. Chúng ta có thể tĩnh lược đi từ thống nhất Nghi lễ ba Miền, chỉ thống nhất Nghi lễ, chương trình các lễ trọng trong Phật giáo như: Phật đản, Vu lan, Thành đạo, Phật hoàng Trần Nhân Tông, Bồ tát Quảng Đức, Lễ húy kỵ Đức Pháp chủ, Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự nhiệm kỳ I GHPGVN, nghi lễ Đại hội Phật giáo, tấn phong v.v...

2. Duy trì Nghi lễ truyền thống từng vùng, từng miền, Môn phái, Hệ phái để tiện bề soạn thảo nghi lễ theo đặc thù của từng địa phương, hệ phái mà không làm ảnh hưởng đến nghi lễ chung của GHPGVN.

3. Hỗ trợ các Hệ phái hoàn thiện nghi lễ, chương trình nghi lễ theo biệt truyền, đây là sắc thái đặc biệt của GHPGVN.

4. Mở lớp đào tạo thế hệ Tăng Ni trẻ kế thừa về Nghi lễ do Ban Nghi lễ Trung ương kết hợp địa phương tổ chức tại một, hai hoặc ba điểm thuận tiện nhất trong cả nước.

5. Biên soạn giáo trình giảng dạy về nghi lễ tại các Trường Phật học, các khóa An cư Kiết hạ.

6. Mỗi năm, các ngày Lễ lớn của Phật giáo nên xuất bản Đặc san Nghi lễ, do Ban Nghi lễ Trung ương làm chủ biên.

7. Kết hợp Ban Tăng sự chấn chỉnh Nghi lễ hình thức các Đại Giới đàn, tham gia một cách tích cực trong công tác tổ chức các Đại Giới đàn, và có ý kiến quyết định mang tính hiệu lực về vấn đề Nghi lễ Phật giáo Việt Nam.

8. Ấn hành và phổ biến rộng rãi trong cả nước về quyển Nghi thức tụng niệm bằng tiếng Việt sau khi đã hiệu đính xong.

9. Phối hợp với Ban Giáo dục Tăng Ni, Ban Tăng sự để thống nhất cho Tăng Ni các trường Phật học được nghỉ học vào những ngày lễ của Giáo hội như: Kỷ niệm ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tưởng niệm Phật hoàng Trần Nhân Tông, Bồ tát Quảng Đức, Lễ Húy kỵ Hòa thượng Pháp chủ, Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN nhiệm kỳ I.

10. Kết hợp với Ban Giáo dục Tăng Ni, Ban Tăng sự để có quyết định cụ thể hay tu chỉnh phần y phục của Tăng Ni trong Nội quy Ban Tăng sự Trung ương cho rõ ràng và có tính hiệu lực.

Tôi tin tưởng với sự đoàn kết hoà hợp, sự đồng tâm hợp lực, trí huệ tập thể, sự hỗ trợ của Giáo hội và của các Ban, Viện Trung ương, Ban Trị sự, Ban Nghi lễ các Tỉnh, Thành hội Phật giáo, Ban Nghi lễ Trung ương sẽ hoàn thành nhiệm vụ được giao và mục tiêu đã đề ra. Về phần mình, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự sẽ lưu tâm và hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các hoạt động của ngành Nghi lễ đạt được kết quả hữu hiệu trong nhiệm kỳ VI và những nhiệm kỳ tiếp theo”.

Hội thảo tiếp tục thảo luận theo chủ đề chính và các chủ đề thảo luận trong 2 ngày.

alt

Chư tôn giáo phẩm Lãnh đạo GHPGVN và Ban tổ chức Hội thảo Nghi Lễ lần thứ 2

chụp ảnh lưu niệm với Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa

alt

HT. Thích Trí Tâm tuyên bố khai mạc Triển lãm và văn nghệ đêm 15 tháng 10 năm 2010

alt

Chư tôn giáo phẩm và quý quan khách tham dự buổi khai mạc triển lãm và văn nghệ

alt

alt

Chư tôn giáo phẩm Lãnh đạo GHPGVN và Ban tổ chức Hội thảo Nghi Lễ lần thứ 2

đặt vòng hoa và thắp hương tưởng niệm tại Tháp trầm hương Tp. Nha Trang

alt 

alt

alt

Cung nghinh chư tôn giáo phẩm quang lâm hội trường

alt

Chư tôn đức Chứng minh và chủ tọa

alt

Quý Đại biểu tham dự hội thảo

alt

alt

Tặng hoa chúc mừng

alt

alt

alt

TT. Thích Minh Châu phát biểu

alt

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng phát biểu

alt

HT. Thích Thiện Pháp đọc Quyết định trao Bằng công đức

alt

HT. Thích Thiện Nhơn trao Bằng công đức

alt

HT. Thích Thiện Pháp tặng quà lưu niệm

alt

HT. Thích Trí Tâm tặng quà lưu niệm

alt

TT. Thích Ngộ Tánh cảm tạ

 

Tin và ảnh: Cộng tác viên tại Nha Trang

(giaohoiphatgiaovietnam.vn)