Huế - Vững một niềm thương

Xóm Thượng, 09/10/10

Hôm nay là ngày làm biếng, sư em có rất nhiều thì giờ để ngồi đây và viết thư cho sư anh. Trong buổi ngồi thiền sáng hôm qua sư em có rất nhiều niềm vui. Theo dõi hơi thở được một lúc thì không biết tại sao mà những hình ảnh về chùa tổ cứ trở về gợi lên cho sư em rất nhiều niềm thương.

“Bốn mùa thay lá thay hoa” nhưng ở chùa tổ thì đều là màu xanh, một màu xanh ngọc bích. Thỉnh thoảng trên lối đi thiền hành có một vài chiếc lá vàng, lá đỏ và sư em thường nhặt nó lên và cầm chơi trong suốt buổi thiền hành. Có khi sư em đem về để trên bàn học và tập mỉm cười với sự nhiệm mầu của nó. Con đường từ cây hoa ngọc lan đi lên lăng viện có rất nhiều lá đẹp. Ít khi mình quét con đường đó nên con đường đầy cả những lá khô. Đi trên con đường đó sư em có cảm tưởng như là được đi vào rừng. Dẫm trên những chiếc lá khô và nghe được những tiếng gãy giòn của chúng.

13. Hoa Mai ben vuon nho tai Xom Moi

Cứ lâu lâu sư em lại thèm nhìn thấy núi. Núi rất vững chãi khiến cho sư em cảm thấy thật bình an. Vườn chùa mình có nhiều cây quá. Cây cho nhiều bóng mát nhưng lại che khuất cả tầm mắt. Có những hôm vào buổi sáng ngày làm biếng. Sư em đi bộ dọc theo con đường bên hông chùa Thuyền Lâm lên tượng Phật đứng. Con đường vắng người nên thực tập thiền hành rất dễ. Con đường đó cho sư em có nhiều không gian, có núi, có đồi, có sương mù và những ngôi nhà mái đỏ.

 Mấy cây hoa sư anh trồng năm ngoái bây giờ đã ra hoa chưa nhỉ. Sư em nhớ là có cả hoa osaca, hoa điệp vàng và mấy gốc mân nữa. Mấy cây đó ra hoa thì đẹp lắm, mà nếu chưa ra hoa thì có lẽ bây giờ nó đã ra lá xanh tốt rồi. Sư em nhớ có một gốc mân mình đem về trồng bên hồ sao hôm nhưng khoảng một tháng sau đó nó trụi hết lá, không còn một chiếc lá nhỏ nào trên cây hết. Sư em hơi lo vì không biết nó sống được không. Dùng móng tay bẹo một miếng vỏ nhỏ trên thân thì thấy nó vẫn còn màu xanh. Sư em mừng thầm là còn hy vọng. Suốt cả mấy ngày đi thiền hành cùng đại chúng qua đó sư em đều đưa mắt nhìn xem thử có chiếc lá nào không. Lòng cứ bồn chồn, chờ mong. Nhưng may quá, một buổi sáng đi qua đó sư em thấy có hai ba chiếc lá non đang lú nhú đâm ra. Có một chiếc lá to bằng ngón tay út. Vậy là chút hy vọng cuối cùng vẫn còn sức sống để vương dậy. Lòng sư em vui suốt buổi thiền hành còn lại. Hồi đó, trong huynh đệ cũng có một hai anh em mà sự thực tập còn yếu kém nên tâm bồ đề bị lung lay. Mình không còn thưởng thức được những bước chân vững chãi, khuôn mặt thật tươi của các huynh đệ đó nữa. Ngày qua ngày, mình vẫn giữ niềm tin. Một tuần, hai tuần, một tháng, hai tháng rồi lại ba tháng trôi qua. Rồi bỗng nhiên sáng hôm đó  đi ngồi thiền và mình thấy người huynh đệ đã có mặt ở trong thiền đường rồi. Chỉ cần chừng đó thôi mà lòng mình hạnh phúc chi lạ và cố nhiên là buổi ngồi thiền hôm đó mình sẽ rất hạnh phúc. Không cần cố gắng ngồi cho hay gì hết, chỉ ý thức là lâu lắm rồi người huynh đệ đó mới đi ngồi thiền trở lại và niềm tin của mình được đền bù xứng đáng.

 Sư em thường gọi cái đó là niềm thương ban đầu. Niềm thương ban đầu rất đẹp, có sự kính trọng, có tha thứ và không đòi điều kiện. Điều này thì trong đời thường mình hay quên lắm. Cũng giống như người huynh đệ kia. Ban đầu khi người ấy đi ngồi thiền đều đặn trở lại thì mình hạnh phúc. Nhưng sau đó một thời gian mình bắt đầu có sự đòi hỏi. Mình muốn người huynh đệ đó không chỉ là đi ngồi thiền thôi mà còn phải đi cho đúng giờ, thực tập cho nghiêm túc, đừng có ngủ gục,…., nếu không thì mình lại bắt đầu có sự trách móc và có một chút giận. Vậy thì niềm thương ban đầu của mình nó chạy đi đâu mất rồi? Cũng có thể mình mong muốn như vậy cũng chỉ là để cho người huynh đệ đó có thêm nhiều tiến bộ hơn trong sự thực tập, nhưng xin đừng có đánh mất đi cái niềm thương ban đầu. Sư em nghĩ nếu giữ được cái niềm thương ban đầu này thì mình có nhiều hạnh phúc lắm. Dù chiếc áo của mình đã bạc màu, chiếc bình bát kia đã sờn vì năm tháng nhưng cái lần đầu tiên mình được tiếp nhận nó mình đã có rất nhiều hạnh phúc.

 Sư em nhớ có một lần Sư Thúc đã kể cho anh em mình nghe một câu chuyện về Sư Cố làm sư em nhớ mãi. Đó là trong một lễ Đại giới đàn, Sư cố được mời dùng cơm chung với ba vị Hòa thượng khác. Ban đầu thì Sư cố từ chối vì Người không phải trong hàng Tam sư. Nhưng vì mâm cơm đã dọn sẵng bốn cái chén nên Sư cố bị mời ngồi ăn cơm chung. Có thể đây là đại giới đàn ở Huế vì trên mâm cơm có một vài đĩa bánh lọc, bánh nậm và bánh chợ cầu. Các vị Hòa thượng ăn rất tự nhiên, bóc bánh lọc ăn còn lá thì bỏ qua một bên để mấy điệu thị giả được ăn mày công đức dọn dẹp. Sư cố dáng người nhỏ bé, Người từ tốn mở từng cái bánh ra ăn và xếp những chiếc lá  trở lại như cũ rồi để trên một cái đĩa đã hết thức ăn. Hình ảnh này khiêm cung quá. Các vị Hòa thượng cũng như các điệu thị giả có mặt trưa hôm ấy rất hoan hỷ về đức tính này nơi Sư cố. Sư cố không muốn làm phiền lòng ai dù việc nhỏ ấy Người không cần phải làm. 

Sư em nhớ thời anh em mình còn làm điệu, hồi đó chùa mình chưa ăn cơm khất thực bằng bình bát như bây giờ. Nhưng sau mỗi bữa ăn, dù là ăn trong chùa hay ăn tại nhà cư sĩ, sau khi ăn xong mình đều sắp lại chén bát, sửa lại  cho đẹp những đĩa thức ăn dư. Mình không để một hạt cơm hay một trái ớt nào trên bàn để khỏi làm phiền lòng người dọn dẹp. Sư em nghe nói, một lần nọ có một vài anh em đi ăn cơm ở quán chay, khi sắp ra về thì cô phục vụ mới nói, trên bàn còn mấy đĩa bánh lọc,  nếu dùng không hết thì quý Thầy có thể đem về. Các huynh đệ đó chỉ cười mà không nói năng chi. Thực ra đó chỉ là những chiếc lá mà không còn bánh bên trong. Các huynh đệ xếp khéo quá nên cô phục vụ không phát hiện ra, chắc cô đã ngạc nhiên lắm.

Trong những lần chùa có việc và có chư tôn túc đến dùng cơm, thì để đẹp lòng chư vị nên tất cả các loại bánh có lá mình đều bóc vỏ ra hết. Sư em thấy tiếc quá. Giá như mình được để lá như vậy thì hay biết mấy. Mình sẽ có cơ hội được thấy lại hình ảnh ngày xưa của Sư cố. Sư em thấy đức tính khiêm cung là một đức tính rất đẹp. Mỗi khi làm lễ xuất gia, Sư ông đều nhắn nhủ quý sư chú, sư cô thực tập hạnh khiêm cung. Sau khi xuất gia rồi thì con người mình nó khác xưa nhiều lắm. Nó dễ thương và đằm thắm hơn và người cư sĩ sẽ đem lòng quí mến và kính trọng, nhưng nếu không có sự khiêm cung để đáp lại thì mình sẽ đánh mất nhiều hạt giống tốt ở trong lòng.

Suốt mấy tuần nay sư em không được đi ra khỏi xóm, do công việc nhiều và thời khóa khá kín. Sáng nay sư em được thả bộ xuống Xóm Trung, đi vòng qua Chùa Sơn Hạ rồi leo lên con đường Tùng trở về lại Xóm Thượng. Đi ra từ sáng sớm cho nên khí trời rất mát và con đường rất bình yên. Sư em thấy ở đâu cũng vậy, có một con đường bình yên để đi là một điều kiện hạnh phúc. Ban đầu con đường đó chỉ là một lối đi nhỏ, một ai đó thích quá nên cứ đi hoài mỗi ngày nên trong khu vườn đã có một lối mòn. Lối mòn chỉ vừa vặn để một người đi nhưng vì con đường quá đẹp cho nên càng ngày càng có thêm nhiều người đi. Từ mười người rồi đến một trăm, hai trăm, bốn trăm, bốn trăm hơn, cứ như vậy mà con đường cứ rộng thênh thang. Và vì đi có nhiều niềm vui, hạnh phúc cho nên mình yêu quý con đường đó.

 
Sau một tuần có nhiều công việc và thời khóa, hôm nay sư em đang đi từng bước và cảm nhận được sự bình an đang có mặt trong mình. Đó là những giây phút rất hạnh phúc. Và sư anh biết gì không ? Trong những giây phút hạnh phúc như vậy thì sư em thường nghĩ đến một cái, đó là Tâm Bồ Đề của mình. Sư em nghĩ là làm sao để mình tiếp tục có thêm những hạnh phúc như vậy trong cuộc sống của mình, và câu trả lời của sư em là phải giữ gìn tâm bồ đề cho trọn vẹn. Bởi vì chỉ có sống trong tăng thân, được tăng thân che chở thì mình mới dễ dàng có được những hạnh phúc như vậy. Cứ lúc nào hạnh phúc là sư em lại nghĩ đến cái tâm ban đầu đó của mình. Mỗi khi đi thiền hành có hạnh phúc thì sư em cũng nghĩ đến nó, nâng một bát cơm lên ăn mà lòng tràn ngập lòng biết ơn thì sư em cũng nghĩ đến nó, nghắm trăng có hạnh phúc sư em cũng nghĩ đến nó. Nghĩ đến nó cũng có nghĩa là sống một đời sống cho đẹp.

 Sư em nghe nói ở Huế bây giờ đã là mùa mưa rồi, hiếm khi có trăng khuya để chơi. Nhưng thế nào rồi cũng có, không lẽ trời cứ mưa hoài sao. Trăng khuya ở chùa tổ chắc chắn là đẹp không thua gì trăng ở Phương Bối ngày xưa đâu. Sư anh nhớ đừng quên đi thiền trăng nhé. Mỗi bước chân đi qua sẽ làm rộng lớn thêm con đường mà huynh đệ mình đang đi.

Chúc sư anh có nhiều vững chãi.

Mùa Thu 2010

 

Thầy Minh Hy

(langmai.org)