Kết tập kinh điển lần thứ nhất

Các bộ luật đề cập đến Đại hội kết tập kinh điển lần thứ nhất:

1/ Luật Ma-ha-tăng-kỳ (Mahāsāṃghika Vinaya): Bản tiếng Hán: Đại chánh tân tu Đại tạng kinh (Đại chánh), T 1425 tr. 489 c26 – 493 a 20 do Tạm tạng Phật-đà Bạt-đà-la và Sa môn Pháp Hiển dịch; Bản tiếng Việt: Mục 500 Tỷ-kheo kết tập, quyển 33, luật Ma Ha Tăng Kỳ, do Hòa thượng Thích Phước Sơn dịch.

2/ Luật Tứ phần (Dharmaguptaka Vinaya): Bản tiếng Hán: Đại chánh, T 1428 tr. 966a16 – 968c 17, do Tam Tạng Phật-đà-da-xá và Trúc Phật Niệm dịch; Bản tiếng Việt: Chương Ngũ bách kết tập, quyển 6, luật Tứ phần do Tỳ-kheo Thích Đỗng Minh và Thích Đức Thắng dịch, Tỳ-kheo Thích Nguyên Chứng (Thầy Tuệ Sỹ) hiệu đính và chú thích.

3/ Luật Pāli (Pāli Vinaya): Bản tiếng Anh: Vinaya Pitaka Vol. V (Cullavagga), do I. B. Horner (tr.), London: Luzac & Company Ltd., 1971, tr. 393-406; Bản tiếng Việt: Chương XI, Liên quan đến năm trăm vị, thuộc Tiểu phẩm, do Tỳ-kheo Indacanda Nguyệt Thiên dịch.

4/ Luật Thập tụng (Sarvāstivāda Vinaya): Bản Hán: Đại chánh, T 1435, tr. 445c 13 – 453b 12, do ngài Phất-nhã-đa-la (弗 若 多羅) và La-thập dịch.

5/ Luật Căn Bản Nhất Thiết Hữu Bộ (Mūlasarvāstivādin Vinaya): Bản Hán: Đại chánh T 1457, tr. 523c 02 – 524c 29 (?), do ngài Nghĩa Tịch dịch.

Trong thời kỳ lịch sử bộ phái Phật giáo tại Ấn Độ, luật Ma-ha-tăng-kỳ là bộ luật do Đại chúng bộ kết tập, truyền tụng và hành trì; luật Tứ phần do Pháp tạng bộ kết tập, truyền tụng và hành trì; luật Pāli do Thượng tọa bộ (Theravāda) kết tập, truyền tụng và hành trì; luật Thập tụng do Nhất Thiết Hữu bộ kết tập, truyền tụng và hành trì; luật Căn bản Nhiết Thiết Hữu bộ (Căn bản) do Căn bản Nhất thiết hữu bộ kết tập, truyền tụng và hành trì. Ngày nay, luật Tứ phần được hành trì phổ biến tại các nước Phật giáo Bắc tông, như: Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, v.v…; luật Pāli được hành trì phổ biến tại các nước Phật giáo Nam tông, như: Sri Lanka, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cambodia, v.v…; luật Căn bản được hành trì phổ biến tại các nước Mật tông, như: Tây Tạng, Bhutan, Nepal, v.v… Tuy nhiên, ở đây, chúng tôi chỉ trình bày nội dung Đại hội kết tập kinh điển lần thứ nhất theo những tường thuật trong Ma-ha-tăng-kỳ, Tứ phần và Pāli (Theravāda); bởi lẽ, luật Tứ phần và luật Pāli (Theravāda) đang được hành trì phổ biến trong hai truyền thống Nam và Bắc tông tại Việt Nam và luật Ma-ha-tăng-kỳ là bộ luật được nhiều học giả[1] đánh giá có niên đại sớm nhất và là bộ luật của Đại chúng bộ, một bộ phái đóng góp nhiều trong việc phát triển Phật giáo Mahāyāna (Đại thừa) tại Ấn Độ. Chúng tôi cũng trình bày một số dị biệt giữa các nguồn tài liệu và dịch sang tiếng Việt: những phân tích và đánh giá về Kỳ kết tập kinh điển này của học giả E. Lamotte.

Để có cái nhìn khách quan, chúng tôi xin trình bày đầy đủ những nội dụng tường thuật về Đại hội kết tập kinh điển này của ba bộ Luật trên và trình bày lập lại một số nội dung được đề cập trong cả ba bộ luật này.

Luật tạng của Đại chúng bộ tường thuật[2]:

Tôn giả Đại Ca-diếp, trong lúc tọa thiền tại hang Tân-bát-la trên núi Kỳ-xà-quật (Gṛdhrakūta), suy nghĩ biết được Thế Tôn đã xả thọ mạng, và niết-bàn. Và bằng thiền quán, Tôn giả biết đức Thế Tôn đã niết-bàn tại thành Câu-thi-na (Kusinara). Ngài liền triệu họp tăng chúng quanh vùng, cùng đi đến Câu-thi-na để đảnh lễ kim thân đức Thế Tôn lần cuối và dự lễ trà tỳ. Trên đường đi đến thành Câu-thi-ca, Tôn giả Đại-ca-diếp và Tăng chúng đi qua một thôn xóm, gặp một vị tỳ-kheo lớn tuổi đang thọ thực. Tôn giả Đại Ca-diếp bảo vị tỳ-kheo này nhanh sắp y bát để cùng đi chúng Tỳ-kheo đến thành Câu-thi-na. Nhưng khi nghe tin đức Thế Tôn đã niết-bàn, tỳ-kheo già này tỏ vẻ vui mừng và hớn hở nói với các vị tỳ-kheo khác rằng, từ này, ông được tự do, không bị giới luật do đức Thế Tôn thuyết chế, muốn làm gì thì làm tùy theo sở thích. Nghe những lời nói phi giới. phi luật như vậy, Tôn giả Đại Ca-diếp cảm thấy buồn, và liền dùng thần lực khiến vị tỳ-kheo già khoảng sợ và bỏ chạy. Tôn giả Đại Ca-diếp cùng đại chúng tiếp tục bộ hành đến thành Câu-thi-ca.

Khi Tôn giả Đại Ca-diếp đến nơi tôn trí kim thân của đức Thế Tôn, từ trong kim quan, đức Thế Tôn đưa hai chân của Ngài ra khỏi kim quan. Tôn giả Đại Ca-diếp đảnh lễ dưới chân đức Thế Tôn. Sau khi đảnh lễ dưới chân đức Thế Tôn, Tôn giả Đại Ca-diếp thưa với Đại chúng Tỳ-kheo: “Tôi là trưởng tử của đức Thế Tôn, nên để tôi châm lửa thiêu”. Đại Tăng chấp thuận để tôn giả Đại Ca-diếp châm lửa hỏa táng kim thân đức Thế Tôn.

Sau đại lễ trà tỳ, Tôn giả Đại Ca-diếp nhớ lại lời phát biểu của vị tỳ-kheo già kia, liền thưa với Đại tăng: việc phân chia xá lợi và xây tháp cúng dường hãy để cho quốc vương, trưởng giả, Bà-la-môn, cư sĩ làm; việc Đại tăng phải làm là kết tập lại pháp tạng của đức Thế Tôn. Sau một lúc thảo luận, Đại chúng đồng thuận chọn thành Vương Xá để kết tập pháp tạng của đức Thế Tôn, vì tại đây, có vua A-xà-thế, con bà Vi-đề-hi, có tín tâm kiên định nơi Tam bảo.

Tôn giả A-nan phải ở lại Câu-thi-na sắp xếp việc cúng dường xá-lợi Phật, nên không đi cùng Đại chúng Tỳ-kheo đến thành Vương Xá. Sau khi đến thành Vương Xá, Đại Ca-diếp cùng với 1000 Tỳ-kheo chuẩn bị những nhu yếu cần thiết trong bốn tháng và chọn hang Sát Đế làm giới trường để kết tập kinh luật. Trong hang Sát Đế, các Tỳ-kheo trải giường mệm, tôn trí pháp tòa của đức Thế Tôn chính giữa, pháp tòa của Tôn giả Xá-lợi-phất bên trái và pháp tòa của Tôn giả Mục-kiền-liên bên phải pháp tòa của đức Thế Tôn; và lần lượt đến Tôn giả Đại Ca-diếp… Trong số 1000 Tỳ-kheo, Đại tỳ-kheo tăng chọn ra 499 Tỳ-kheo đã chứng đắc Tam minh và Lục thông (A-la-hán). Sau khi an vị trên pháp tòa, Tôn giả Đại Ca-diếp sai bảo trưởng lão Lê-bà-đề, đệ tử thân cận của Tôn giả Mục-kiền-liên, bay lên cõi trời Tam thập Tam cung thỉnh một số tỳ-kheo A-la-hán hạ giới tham gia kết tập pháp tạng của đức Thế Tôn. Nhưng khi nghe tin đức Thế Tôn nhập diệt, các Tỳ-kheo A-la-hán này đều lần lượt nhập hỏa quang tam muội mà niết-bàn. Nghe tin như vậy, Tôn giả Đại Ca-diếp bảo ngưng thông tin và mời thêm các Tỳ-kheo A-la-hán đang du hóa trên các cõi trời, vì sợ rằng, khi nghe tin đức Thế Tôn nhập diệt, họ cũng sẽ lần lượt vào niết-bàn; như thế, phước điền của thế gian này sẽ trống không. Mặc dù số tỳ-kheo A-la-hán vẫn chưa đủ túc số 500 Tỳ-kheo và đã có lời đề nghị nên mời ngài tôn giả A-nan tham gia kết tập pháp tạng, vì ngài là đệ tử thân cận đức Thế Tôn, nhưng Tôn giả Đại Ca-diếp vẫn không chấp nhận cho ngài A-nan tham gia Đại hội và còn nói lời khiển trách ngài A-nan thiếu tinh tấn trong việc tu tập.

Tôn giả A-nan, sau khi chu toàn mọi việc sau lễ trà tỳ của đức Thế Tôn, đi đến thành Xá-vệ. Tại đây, Tôn giả A-nan nghe được lời khiển trách của Tôn giả Đại Ca-diếp; và nghĩ rằng, Tôn giả Đại Ca-diếp muốn ta nỗ lực và tinh tấn hơn trong việc tu tập để chứng đắc thánh quả A-la-hán nên mới nói những lời như thế. Đêm ấy, ngài A-nan suốt nửa đêm thiền quán nhưng vẫn chưa chứng được quả vô lậu A-la-hán. Đến gần rạng sáng, phần thì mỏi mệt, phần thì cảm nhớ Thế Tôn, A-nan định nằm nghĩ lưng một chập, và ngay trong tư thế nghiên người nằm xuống, Tôn giả đã chứng quả vô sanh, đạt Tam minh, chứng Lục thông. Sau khi chứng quả vô sanh, Tôn giả A-nan liền vận dụng thần lực bay đến thành Vương Xá, vào trong Sát-đế, đứng ngoài giới trường, đọc kệ thông tri đến Đại tỳ-kheo Tăng. Liền đó, Đại Ca-diếp giải thích những lời khiển trách của ngài cũng chỉ muốn tốt cho ngài A-nan và mời A-nan vào trong, an tọa trên pháp tòa đã dành sẵn cho ngài.

Đại tỳ-kheo tăng tác bạch và yết-ma kết tập Kinh tạng trước và sai Tôn giả A-nan đọc tụng lại tạng kinh. Tôn giả A-nan lần lượt đọc tụng tất cả kinh điển đã nghe và ghi nhớ từ những bài pháp của đức Thế Tôn, mỗi bài kinh đều bắt đầu bằng phần duyên khởi: “Tôi nghe như vầy, một thưở nọ, đức Thế Tôn cư ngụ tại…”; và Đại tỳ-kheo tăng yết-ma tán thuận những kinh điển mà Tôn giả A-nan đã tụng đọc. Kinh tạng được kết tập thành bốn bộ A-hàm và một Tạp tạng. Những bài kinh dài kết tập thành Trường A-hàm; những bài kinh trung bình kết tập thành Trung A-hàm; những bài kinh có nội dung căn tạp, lực tạp, giáp tạp, đạo tạp kết thành Tạp A-hàm; những bài kinh có số tăng dần từ 01 đến 100 kết tập thành Tăng Nhất A-hàm; những kinh như bản sanh, tự thuyết, duyên khởi… kết tập thành Tạp tạng.

Tôn giả Upāli được Tăng sai đọc tụng Luật tạng. Đầu tiên, Tôn giả Upāli tụng đọc lại Ngũ tịnh pháp: 1. Hạn chế tịnh; 2. Phương pháp tịnh; 3. Giới hạnh tịnh; 4. Trưởng lão tịnh và 5. Phong tục tịnh. Kế đến, tôn giả Upāli lần lượt tụng đọc 9 pháp: 1. Ba-la-di; 2. Tăng-già-bà-thi-sa; 3. Hai pháp bất định; 4. Ba mươi pháp Ni-tát-kỳ; 5. Chín mươi hai pháp Ba-dạ-đề; 6. Bốn Ba-la-đề Đề-xá-ni; 7. Pháp chúng học; 8. Bảy pháp Diệt tránh; 9. Pháp tùy thuận. Bắt đầu mỗi giới luật, Tôn giả Upāli trình bày duyên khởi đức Phật chế giới, chế giới ở đâu và ai phạm giới đó đầu tiên…

Kế đến, Tôn giả Upāli nêu lên 7 vấn đề liên quan đến Tôn giả A-nan trong suốt thời gian hầu cận đức Thế Tôn, mà theo Tôn giả Upāili, là những sai phạm (phạm tội Việt-tỳ-ni) cần bị khiển trách và sám hối.  Đó là: 1. Thỉnh cầu đức Thế Tôn cho phép người nữ xuất gia vào trong Tăng đoàn; 2. Không thỉnh đức Phật trụ thế; 3. Dùng chân dẫm đạp lên y Tăng-già-lê của Thế Tôn trong lúc giặt y; 4. Đức Thế Tôn đã ba lần sai bảo A-nan đi lấy nước uống, nhưng A-nan vẫn không làm theo; 5. A-nan không thưa thỉnh những giới luật nhỏ nhặt cần bỏ cho phù hợp với từng địa phương; 6. Khi Phật bát-niết-bàn, A-nan đã cho Tỳ-kheo ni xem mã âm tàng của đức Phật; 7. Khi đức Phật niết-bàn, A-nan đã không ngăn những người lão mẫu, để họ khóc và rơi nước mắt làm bẩn chân Phật. Tuy nhiên, Tôn giả A-nan chỉ chấp thuận sám hội 5 sai phạm từ 3 đến 7 và không cảm thấy sai phạm ở lỗi thứ 1 và 2, vì lẽ, chư Phật quá khứ đều gồm đủ tứ chúng đệ tử, nên ngài thỉnh Phật cho phép người nữ xuất gia vào trong Tăng đoàn là phù hợp truyền thống của chư Phật và sở dĩ, ngài không thỉnh Phật trụ thế thêm thời gian là tại vì lúc đó bị ma chướng che mờ tâm tánh của ngài.

Và sau khi 500 Tỳ-kheo A-la-hán kết tập xong kinh luật, Tôn giả Đại Ca-diếp gọi 1000 Tỳ-kheo bên ngoài vào và tuyên kết kinh luật đã được 500 Tỳ-kheo A-la-hán kết tập. Sau đó, đại chúng tỳ-kheo thảo luận về những giới điều nào được xem là nhỏ nhặt mà trước khi niết-bàn đức Phật đã cho phép lượt bỏ tùy vào từng địa phương. Tuy nhiên, sau một lúc thảo luận, tôn giả Đại Ca-diếp kết luận, những gì đức Thế Tôn thuyết chế phải tuân giữ, những gì không được đức Thế Tôn thuyết chế không được thêm vào.

Sau cùng, bộ luật này đưa ra một danh sách các Luật sư truyền thừa Luật tạng.

Đại hội kết thúc bằng bài kệ khuyên dạy chúng tỳ-kheo phải đọc tụng, hành trì và truyền thừa pháp tạng mà đức Thế Tôn đã truyền dạy để chánh pháp được trường tồn.

Luật tạng của Pháp tạng bộ tường thuật[3]:

Đức Thế Tôn niết-bàn tại rừng cây sa-la, thuộc bộ tộc Mạt-la (Malla), thành Câu-thi-na (Kusinara). Sau khi bộ tộc Mạt-la tẩm liệm kim thân đức Thế Tôn bằng những mãnh lụa quý, dầu thơm và gỗ trầm hương, tộc tưởng và dân làng Mạt-la lần lượt châm lửa để hỏa táng kim thân Thế Tôn, nhưng ngọn lửa vẫn không bắt cháy. Dân làng thưa hỏi Tôn giả A-na-luật mới biết, chư Thiên đã ngăn không để ngọn lửa bốc cháy, vì biết Tôn giả Đại Ca-diếp cùng với 500 tỳ-kheo đang trên đường đến thành Câu-thi-na và có ý niệm muốn chiêm bái kim thân đức Thế Tôn trước khi trà tỳ.

Tôn giả Đại Ca-diếp cùng 500 đại tỳ-kheo đang trên đường từ nước Ba-bà đến thành Câu-thi-na, thì gặp một tín đồ Ni-kiền-tử trên tay cầm một nhành hoa và đang đi ngược chiều. Đại chúng tỳ-kheo hỏi thăm Ni-kiền-tử này mới biết đức Thế Tôn đã vô dư niết-bàn 7 ngày trước. Khi nhận được tin đức Thế Tôn niết-bàn, Tôn giả Đại Ca-diếp không vui và một số tỳ-kheo chưa chứng quả vô lậu A-la-hán buồn sầu, khóc than. Tuy nhiên, tỳ-kheo Bạt-nan-đà Thích tử[4] tỏ vẻ vui mừng và phát ra những lời bất kính đối với đức Thế Tôn và nói lên những lời phi giới, phi luật. Nghe những lời này, Tôn giả Đại Ca-diếp không vui, liền bảo các tỳ-kheo nhanh nhóng đi đến thành Câu-thi-na để dịp chiêm bái kim thân đức Phật trước khi trà tỳ.

Mặc dù, kim thân đức Thế Tôn đã được quàng liệm và đưa lên giàn gỗ thơm chờ giờ hỏa táng, nhưng khi Tôn giả Đại Ca-diếp đến trước kim thân, hai chân đức Phật từ trong kim quan hiện ra; Đại Ca-diếp đảnh lễ dưới chân Phật, nhiễu quanh kim quan 7 vòng, rồi châm lửa hỏa táng kim thân đức Thế Tôn.

Sau lễ trà tỳ, Đại Ca-diếp thưa với Đại tăng rằng, trên đường đến thành Câu-thi-na, khi nghe tin đức Thế Tôn niết-bàn, tỳ-kheo Bạt-nan-đà Thích tử đã nói với các tỳ-kheo là, từ nay, họ được tự do, không có bị ràng buộc vào những lời chỉ dạy của đức Thế Tôn; có thể làm những gì muốn làm và không làm những gì không muốn làm. Vì để tránh sự biếm nhẽ của ngoại đạo và ngăn chặn những tư tưởng xấu ác trong Tăng đoàn, tôn giả Đại Ca-diếp thưa Đại chúng tỳ-kheo nên chọn ra những vị tỳ-kheo A-la-hán đa văn, trí tuệ để tham dự kết tập pháp tạng tỳ-ni. Đại chúng tỳ-kheo chọn được 499 Tỳ-kheo A-la-hán đa văn, trí tuệ. Các tỳ-kheo đề nghị nên chọn ngài A-nan, mặc dù ngài chưa phải là tỳ-kheo A-la-hán, nhưng ngài là bậc trí đa văn, hầu cận nhiều năm bên đức Phật, đã nghe và ghi nhớ tất cả bài pháp đức Thế Tôn giảng dạy. Lúc đầu, Tôn giả Đại Ca-diếp từ chối, không chấp nhận cho ngài A-nan tham dự kết tập kinh luật, vì cho rằng, A-nan còn là bậc hữu học, còn có tham ái, sân nhuế và si muội, không thể tham dự việc trọng đại cùng các bậc vô học này được; nhưng sau hai lần đề nghị của chúng Tăng, Tôn giả Đại Ca-diếp chấp thuận, cho phép Tôn giả A-nan tham gia kết tập kinh luật. Đại Tăng tiến hành yết-ma chọn thành Vương Xá làm nơi kết tập pháp tạng và tỳ-ni.

Trên đường đến thành Vương Xá, Đại chúng tỳ-kheo đi ngang qua thành Tỳ-xá-ly và nghĩ đêm tại thành này. Trong đêm nghĩ lại tại thành Tỳ-xá-ly, Tôn giả A-nan suốt đêm thiền quán, đến khi rạng sáng, định nằm xuống nghĩ lưng và trong tư thế nghiên mình nằm xuống, Tôn giả đã chứng quả A-la-hán. Bấy giờ, Đại chúng tỳ-kheo hội đủ túc số 500 Tỳ-kheo A-la-hán. Sau đó, Đại Tăng tiếp tục đến thành Vương Xá và tiến hành yết-ma kết tập pháp tạng tỳ-ni.

Sau khi Tôn giả Đại Ca-diếp tác bạch để tiến hành pháp yết-ma kết tập pháp tạng tỳ-ni, Tôn giả A-nan thưa bạch với Đại tăng là, trước khi niết-bàn, đức Phật có căn dặn, chúng tỳ-kheo có thể lượt bỏ những giới tiểu tiết. Tuy nhiên, Tôn giả A-nan không thưa hỏi đức Thế Tôn cụ thể những giới nào là giới tiểu tiết. Nên, Tôn giả Đại Ca-diếp thưa với Đại chúng tỳ-kheo cùng lập quy ước: những gì đức Thế Tôn không cấm chế thì không được cấm chế, những gì đức Thế Tôn đã cấm chế thì không được hủy bỏ.

Tiếp đến, Tôn giả Đại Ca-diếp nêu lên một số sai phạm của Tôn giả A-nan, mà theo ngài Ca-diếp, là những sai phạm (đột-kiết-la) cần nên sám hối. Đó là: 1. Thỉnh cầu đức Thế Tôn cho phép người nữ xuất gia trong Tăng đoàn; 2. Phải đợi đức Thế Tôn yêu cầu đến lần thứ ba, A-nan mới chấp nhận làm thị giả đức Thế Tôn; 3. Dùng chân đạp lên y Tăng-già-lê của đức Thế Tôn trong khi may vá; 4. Không thưa thỉnh đức Thế Tôn trụ thế thêm một kiếp; 5. Trong một lần, đức Thế Tôn bảo A-nan đi lấy nước uống, nhưng A-nan không đi lấy; 6. A-nan không thưa hỏi đức Thế Tôn những giới nào là giới tiểu tiết; 7. Sau khi đức Thế Tôn niết-bàn, với bổn phận là thị giả, nhưng A-nan không ngăn người nữ, để họ làm bẩn chân Phật.

Tuy nhiên, Tôn giả A-nan tự cảm thấy không có lỗi. Tôn giả A-nan giải thích: Điều thứ 1, ngài không cố ý thỉnh Thế Tôn cho phép người nữ xuất gia trong Tăng đoàn, nhưng vì Thánh mẫu Ma-ha Bà-xà-bà-đề là dưỡng mẫu của Thế Tôn, có công nuôi dưỡng đức Thế Tôn; điều thứ 2, vì làm thị giả đức Thế Tôn là việc rất khó làm, nên A-nan nói là ngài không thể làm, chứ không có ý gì khác; điều thứ 3, không phải A-nan có tâm khinh thường y của đức Thế Tôn, nhưng vì lúc đó, không có ai phụ giúp ngài, nên ngài phải đạp lên y đó để may vá; điều thứ 4, vì do ma ám tâm A-nan, khiến ngài không nhớ đến việc thỉnh cầu đức Thế Tôn trụ thế thêm nữa, chứ không có ý gì khác; điều thứ 5, không phải A-nan không vâng lời đức Thế Tôn, nhưng vì lúc đó, có 500 cỗ xe đi ngang qua dòng sông gần đó, làm nước sông vẩn đục, không thể dâng nước cấu bẩn lên đức Thế Tôn, nên A-nan không đi lấy nước; điều thứ 6, vì lúc ấy A-nan ưu sầu, nên không nhớ để thưa hỏi cụ thể những giới tiểu tiết; điều thứ 7, do vì tâm người nữ yếu mềm, khi kính lễ chân Phật, khóc lóc và nước mắt rơi xuống chân Phật, làm bẩn chân Phật. Tất cả bảy điều được nêu lên, Tôn giả A-nan không thấy có lỗi, nhưng vì kính tín Tôn giả Đại Ca-diếp nên xin sám hối.

Sau đó, Tôn giả Đại Ca-diếp tác bạch yêu cầu Tăng chấp thuận Tôn giả Upāli đọc tụng tỳ-ni. Được Tăng sai tụng tỳ-ni, Tôn giả Upāli bắt đầu trùng tụng giới Ba-la-di, rồi lần lược trùng tụng đọc tất cả luật tạng. Bắt đầu mỗi giới, Tôn giả Upāli nêu lên phần duyên khởi: đức Phật nói giới đó ở đâu, do ai phạm giới đó đầu tiên… Tất cả kết thành Luật Tỳ-kheo, Luật Tỳ-kheo ni, những Kiền độ.

Kết thúc phần tụng đọc tỳ-ni của Tôn giả Upāli, Tăng sai Tôn giả A-nan tụng đọc pháp tạng. A-nan lần lượt tụng đọc tất cả pháp tạng và đại tăng yết-ma kết tập pháp tạng. Những kinh dài kết thành Trường A-hàm, những kinh trung kết thành Trung A-hàm, những kinh có số tăng dần kết thành Tăng Nhất A-hàm, những kinh liên quan đến Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, Phạm thiên, Đế thích kết thành Tạp A-hàm; những kinh Bổn sanh, Phương đẳng, Vị tằng hữu, v.v.. kết thành Tạp tạng. Và những vấn đề có nạn hay không có nạn ràng buộc tương ưng nhau, kết thành A-tỳ-đàm tạng.

Như vậy, Đại hội đã kết tập pháp tạng tỳ-ni thành Ba tạng: Kinh, Luật, Luận.

Lúc bấy giờ, Trưởng lão Phú-lâu-na[5] cùng 500 Tỳ-kheo đang trên đường du hóa, nghe tin tôn giả Đại Ca-diếp cùng các Tỳ-kheo A-la-hán đang kết tập pháp tạng tỳ-ni. Trưởng lão Phú-lâu-na cùng 500 Tỳ-kheo đến thành Vương Xá, ngõ ý muốn dự nghe lại pháp tạng tỳ-ni mà chúng Tăng đã đọc tụng. Tôn giả Đại Ca-diếp triệu họp Tăng chúng và cầu thỉnh Tăng chúng tụng đọc lại toàn bộ pháp tạng tỳ-ni để Trưởng lão Phú-lâu-na và 500 tỳ-kheo nghe lại. Đại thể, Trưởng lão Phú-lâu-na tán thuận những gì chúng Tăng kết tập, chỉ trừ tám việc liên quan đến giới điều ẩm thực, mà theo ngài, chính ngài nghe được từ kim khẩu của đức Thế Tôn. Tôn giả Đại Ca-diếp giải thích, tại vì hoàn cảnh dân chúng lúc đó đói khổ, vì lòng bi mẫn, đức Thế Tôn mới cho phép tám việc đó; đến lúc, dân chúng nơi đó hết đói khổ, đức Phật liền cấm không cho làm tám việc này. Trưởng lão Phú-lâu-na lại thưa rằng, đức Thế Tôn là bậc nhất thiết trí, không bao giờ cấm rồi lại mở, mở rồi lại cấm. Tôn giả Ca-diếp lại nói rằng, chính vì đức Thế Tôn là bậc nhất thiết trí, nên mới cấm rồi mở, mở rồi cấm. Và Tôn giả Ca-diếp lập chế ước rằng, những gì đức Thế Tôn không cấm chế thì không nên cấm chế, những gì đức Thế Tôn cấm chế thì không nên hủy bỏ.

Luật Tạng của Thượng tọa bộ tường thuật:

Lúc bấy giờ[6], Trưởng lão Đại Ca-diếp thưa với Đại chúng tỳ-kheo rằng, trong lúc ngài và 500 vị tỳ-kheo đang trên đường từ thành Pāvā đến thành Kusināra, khi nghe tin đức Thế Tôn đã niết-bàn tại thành Kusināra (Câu-thi-na) 7 ngày trước từ một tín hữu đạo Lõa thể, một số tỳ-kheo chưa đoạn tận ái dục khóc kể thảm thiết. Tuy nhiên, trong chúng, có tỳ-kheo tên là Subhadda, xuất gia khi tuổi đã già (tỳ-kheo già), thốt ra những lời xấu ác và tỏ vẻ vui mừng khi nghe tin đức Thế Tôn niết-bàn. Vị tỳ-kheo già này nói với các tỳ-kheo khác rằng, có gì mà phải đau buồn khóc kể như vậy, nên vui mừng mới phải, vì từ nay, không còn bị đức Thế Tôn làm khó và có thể làm những thích làm, không làm những gì không thích làm. Để ngăn chặn những điều phi pháp phi luật có thể phát triển và lớn mạnh, Trưởng lão Đại Ca-diếp đề nghị chúng Tăng nên tuyển chọn các Tỳ-kheo A-la-hán tiến hành trùng tụng pháp và luật.

Chúng Tăng tuyển chọn ra 499 tỳ-kheo A-la-hán và đề nghị tuyển chọn thêm Tôn giả A-nan, mặc dù A-nan còn là bậc hữu học, nhưng không thể nào bị chi phối bởi tham, sân, si và là tỳ-kheo hầu cận nhiều năm bên đức Thế Tôn và nghe và ghi nhớ nhiều pháp và luật từ đức Thế Tôn. Thuận theo yêu cầu của chúng Tăng, Trưởng lão Đại Ca-diếp mời Tôn giả A-nan tham dự đại hội kết tập pháp và luật.

Chúng Tăng thảo luận và đồng thuận chọn thành Vương Xá để kết tập pháp và luật. Sau đó, Trưởng lão Đại Ca-diếp bạch nhị yết-ma chọn thành Vương Xá làm Đại giới để tiến hành kết tập pháp và luật trong mùa an cư và đề nghị tất cả các Tỳ-kheo không có phận sự không được an cư tại thành Vương Xá.

Trước một ngày chúng Tăng kết tập pháp và luật, Tôn giả A-nan tự nghĩ, ngày hôm sau, chúng Tăng tiến hành yết-ma kết tập pháp và luật, ngài còn là bậc hữu học, mà tham dự đại pháp sự này cùng chúng Tỳ-kheo vô học là không phù hợp. Đêm ấy, Tôn giả nỗ lực tu tập bằng pháp quán niệm thân. Khi trời gần hừng sáng, Tôn giả cảm thấy mệt, định nằm nghĩ, và khởi lên ý niệm “nằm xuống, nằm xuống”, ngay tư thế nghiên người ấy, ngài đoạn tận các lậu hoặc, chứng đạt thánh quả A-la-hán.

Thời gian thích hợp đã đến, Trưởng lão Đại Ca-diếp tác bạch yết-ma và tiến hành kết tập luật tạng trước, pháp tạng sau. Tôn giả Upāli được Tăng sai trùng tụng luật tạng. Tôn giả bắt đầu tụng đọc các pháp Ba-la-di, lần lượt tụng đọc tất cả giới luật của cả Tỳ-kheo và Tỳ-kheo ni.

Chúng Tỳ-kheo A-la-hán kết tập luật tạng xong, Trưởng lão Đại Ca-diếp, thay lời chúng Tăng, sai Tôn giả A-nan trùng tụng giáo pháp. Tôn giả A-nan bắt đầu bằng bài kinh Phạm võng (Brahmajāla) và lần lượt tụng đọc lại tất cả năm bộ Nikāya. Tiếp đến, Tôn giả A-nan thưa với Trưởng lão Đại Ca-diếp rằng, trước khi Vô dư Niết-bàn, đức Thế Tôn cho phép chúng Tăng có thể lượt bỏ những giới điều nhỏ nhặt và ít quan trọng. Tuy nhiên, Tôn giả A-nan không hỏi đức Thế Tôn, những giới điều nào được xem là nhỏ nhặt và ít quan trọng. Sau một hồi thảo luận, Đại Tăng không nhất thống những giới điều nào là nhỏ và ít quan trọng. Vì vậy, Trưởng lão Đại Ca-diếp tác bạch hỏi Đại Tăng. Đại Tăng đồng thuận lời tác bạch bằng cách im lặng. Nên Trưởng lão Đại Ca-diếp tiến hành yết-ma rằng, chúng tỳ-kheo không nên quy định thêm điều chưa được quy định và không bỏ những điều đã được quy định, chúng Tăng nên thọ trì và đọc tụng những điều đã được quy định.

Tiếp đến, các Tỳ-kheo trưởng lão nêu lên những điều, mà theo các vị này là sai phạm (tội tác ác- dukkata), liên quan đến Tôn giả A-nan cần phải sám hối. Những điều đó là: 1. Không thưa hỏi đức Thế Tôn cụ thể những giới điều nhỏ nhặt và ít quan trọng; 2. Đạp lên y tắm mưa của đức Thế Tôn trong lúc may vá; 3. Cho người nữ đảnh lễ nhục thân của đức Thế Tôn trước tiên và để nước mắt họ rơi làm bẩn thân Phật; 4. Không thỉnh cầu đức Thế Tôn trụ thế thêm một kiếp; 5. Thỉnh cầu đức Thế Tôn cho phép người nữ xuất gia vào Tăng đoàn.

Tôn giả A-nan tự cảm thấy không có lỗi và thưa lại với chúng Tăng rằng: Điều thứ 1, vì không lưu ý nên không thưa hỏi đức Thế Tôn những giới điều nhỏ nhặt và ít quan trọng; 2. không phải không kính trọng đạp lên y tắm mưa của đức Thế Tôn mà may; 3. vì người nữ phải về nhà trước khi trời tối, nên A-nan cho phép họ đảnh lễ nhục thân Phật trước tiên; 4. chỉ vì ác ma ảm ảnh, nên A-nan không thỉnh Phật trụ thế; 5. vì Ma-ha Bà-xà-ba-đề là dưỡng mẫu và có công nuôi lớn đức Thế Tôn, nên A-nan mới thỉnh Phật cho bà và những phụ nữ khác xuất gia. Tuy nhiên, vì niềm tin đối với các vị trưởng lão nên A-nan xin sám hối.

Lúc bấy giờ, Trưởng lão Purāṇa (Phú-lâu-na) cùng 500 vì tỳ-kheo đang du hành ở Dakkhiṇāgiri, phía nam thành Vương Xá. Nghe tin chúng Tăng đang kết tập thánh điển, Trưởng lão Purāṇa đến tịnh xá Trúc Lâm (Veluvana), thành Vương Xá, nơi chúng Tăng kết tập pháp và luật. Và chúng tăng nói với Purāṇa nên hành trì và đọc tụng những gì Đại tăng đã kết tập. Đại thể, Trưởng lão Purāna chấp thuận tất cả những gì đã được kết tập, tuy nhiên, Purāṇa nói rằng, trưởng lão chỉ ghi nhận những gì chính trưởng lão nghe từ kim khẩu của đức Thế Tôn.

Kết thúc Đại hội kết tập, Tăng sai Tôn giả A-nan cùng với 500 tỳ-kheo đến Kosambi đem hình phạt Phạm thiên áp dụng đối với tỳ-kheo Channa[7]. Sau khi bị chúng tăng áp chế hình phát Phạm thiên, tỳ-kheo Channa tinh tấn tu tập và chứng quả A-la-hán một thời gian ngắn sau đó.

Những dị biệt giữa các bộ:

- Điểm dị biệt thứ nhất: Truyền thống Đại chúng bộ cho rằng Tôn giả Đại Ca-diếp chỉ chấp nhận cho phép Tôn giả A-nan tham gia kết tập kinh điển sau khi chứng A-la-hán. Nhưng hai truyền thống Pháp tạng bộ và Thượng tọa bộ lại cho rằng thuận theo yêu cầu của Đại tăng, Tôn giả Đại Ca-diếp đã chấp thuận cho phép Tôn giả A-nan tham gia Đại hội trước khi ngài chưa chứng quả A-la-hán.

Mặc dù cả ba truyền thống luật tạng đều đồng ý là Tôn giả A-nan đoạn tận lậu hoặc và chứng thánh quả A-la-hán trước khi tham gia Đại hội kết tập kinh điển tại thành Vương Xá. Tuy nhiên, sự chấp thuận cho phép tôn giả A-nan trước và sau khi chứng quả A-la-hán đã thể hiện hai quan điểm của hai truyền thống này. Trường hợp thứ nhất có quan điểm rằng, mặc dù Tôn giả A-nan chưa đoạn tận lậu hoặc, nhưng ngài không thể nào bị chi phối bởi tham, sân, si và ngài là bậc đa văn đệ nhất trong hàng đệ tử đức Thế Tôn, thường hầu cận nhiều năm bên đức Thế Tôn, nghe và ghi nhớ nhiều Pháp tạng từ đức Thế Tôn, nên phải được mời tham gia kết tập pháp tạng và tỳ-ni tạng. Trường hợp thứ hai có quan điểm rằng, không thể chấp nhận một tỳ-kheo còn lậu hoặc, còn có tham, sân, si tham dự sự kiện quan trọng này cùng chúng Tỳ-kheo A-la-hán vô lậu, vô tham, vô sân, vô si.

Cũng liên quan đến vấn đề tu chứng của Tôn giả A-nan, theo truyền thống Thượng tọa bộ, Tôn giả A-nan, tuy, được Tăng chấp thuận cho phép tham gia Đại hội, nhưng, tự thấy mình không xứng đáng cùng chư vị Thánh Tăng A-la-hán kết tập kinh luật, nên đã nỗ lực thiền quán trong một đêm và đã chứng quả vô lậu trước khi tham dự Đại hội. Tuy nhiên, theo truyền Đại chúng bộ, Tôn giả A-nan phải nhờ vào những lời khiển trách rất nặng của Trưởng lão Đại Ca-diếp mới nỗ lực thiền quán và cũng đã chứng đắc Thánh quả vô lậu trước khi tham dự Đại hội kết tập này. Như vậy, một bên có quan điểm cho rằng, phải nhờ những lời khiển trách của Tôn giả Đại Ca-diếp, Tôn giả A-nan mới tinh tấn tu tập và chứng quả, tức là phải nhờ người khác trợ duyên; còn một bên cho rằng, Tôn giả A-nan tự cảm thấy không xứng hợp để tham dự sự kiện lớn này cùng chư Thánh Tăng nên suốt đêm thiền quán và chứng quả vô lậu, tức tự mình nỗ lực tu tập. Những khác biệt này, có thể phản ảnh hai quan điểm dị biệt giữa hai truyền thống trong lịch sử bộ phái Phật giáo. Có thể chấp nhận một quan điểm trung hòa hơn, rằng: phần việc của chúng Tăng cần phải bằng cách nay hay cách khác khiến tấn Tôn giả A-nan mau tu tinh tấn và phải chứng Thánh vô lậu trước khi tham dự Đại hội và còn phần việc của Tôn giả A-nan tự biết mình không thể với tư cách là người còn lậu hoặc mà có thể cùng chư vị Thánh Tăng đọc tụng thánh điển của đức Thế Tôn, nên đã nỗ lực thiền quán và đã chứng Thánh quả trước khi tham gia kết tập thánh điển với tư cách là người trùng tụng tất cả các bộ A-hàm hoặc Nikāya? Là thành viên của Tăng đoàn, phải nhờ Tăng đoàn sách tấn trong việc tu tập và cũng phải tự mình tu tập thì mới thành tựu quả vị giải thoát.

Chúng tôi cũng xin trình bày thêm một số quan điểm liên quan đến câu hỏi: tại sao Tôn giả A-nan chỉ có thể chứng quả A-la-hán sau khi đức Thế Tôn niết-bàn. Có quan điểm cho rằng, tại Tôn giả A-nan là bậc đa văn, lo nhiều việc văn tuệ, nên sự đa văn đó đã làm trở ngại việc tu chứng của ngài. Lại có quan điểm cho rằng, Tôn giả A-nan không muốn chứng thánh quả A-la-hán khi đức Thế Tôn còn tại thế. Vì rằng, Tôn giả A-nan là thị giả đức Thế Tôn, không thể một vị A-la-hán thị giả cho một vị A-la-hán (theo các tư tưởng trong kinh bộ A-hàm và Nikāya, đức Phật là một bậc Đại A-la-hán, quả chứng giải thoát của Ngài cũng giống với tất cả các vị Thánh Tăng A-la-hán). Cũng có quan điểm cho rằng, vì Tôn giả A-nan dành nhiều thời giờ cho việc ghi nhớ những bài pháp do đức Thế Tôn giảng dạy hơn thời giờ tu tập, nên đã chậm trễ trong việc tu chứng Thánh vị. Và những người có quan điểm này giải thích rằng, Tôn giả A-nan hy sinh sự an lạc và giải thoát chính mình, để giúp nhiều được an lạc và giải thoát. Vì rằng, nếu Tôn giả A-nan không chú tâm vào lãnh vực văn tuệ, không chú tâm ghi nhớ những gì đức Phật giảng dạy, thì ai sẽ là người trùng tụng kinh tạng để chúng Tăng tiếp  truyền, ghi chép và lưu hành đến ngày nay. Nên nếu phải hy sinh sự an lạc và giải thoát của chính mình, mà mang lại lợi ích cho số đông, thì việc nên lắm. Nhưng khi phận sự của một phàm Tăng đã xong và cần làm tiếp phận sự của một Thánh tăng, Tôn giả A-nan có thể chứng đắc Thánh quả A-la-hán chỉ trong một đêm thiền quán sau khi Thế Tôn niết-bàn.

- Điểm dị biệt thứ hai: Luật tạng của Đại chúng bộ đề cập đến một sai phạm, mà theo chúng tôi rất khó hiểu, là việc Tôn giả A-nan cho phép tỳ-kheo-ni xem mã âm tàng của đức Thế Tôn. Trong khi, luật tạng của Pháp tạng bộ và Thượng tọa bộ không đề cập đến sai phạm này.

Chúng tôi vẫn chưa hiểu lý do tại sao Tôn giả A-nan phải cho tỳ-kheo-ni xem mã âm tàng của đức Thế Tôn. Đành rằng, theo quan điểm đức tướng của Phật giáo và văn hóa Ấn Độ nói chung, tướng mã âm tàng là một trong những hảo tướng của những bậc Đại nhân. Nhưng đâu nhất thiết phải cho tỳ-kheo-ni xem hảo tướng mã âm tàng của đức Thế Tôn, còn nhiều hảo tướng khác để chiêm bái mà. Phải chăng, chi tiết này, do người sau của Đại chúng bộ thêm vào? Và thêm vào chi tiết này để làm gì?

Cũng liên quan đến những điều được cho là sai phạm của Tôn giả A-nan, Luật tạng của Đại chúng bộ cho rằng, trong 7 lỗi được nêu, Tôn giả A-nan cảm thấy có 5 lỗi và xin sám hối; trong khi, Pháp tạng bộ và Thượng tọa bộ lại cho rằng, Tôn giả A-nan không tự cảm thấy có lỗi nhưng chỉ vì kính tín Đại chúng tỳ-kheo mà chấp nhận sám hối. Việc Tôn giả A-nan tự thấy có lỗi và xin sám hối mang một ý nghĩa hoàn toàn khác với việc Tôn giả A-nan không tự thấy có lỗi, nhưng vì kính tín Tôn giả Đại Ca-diếp hoặc Đại chúng mà sám hối.

- Điểm dị biệt thứ ba: Truyền thống Luật tạng của Đại chúng bộ không đề cập đến trường hợp Trưởng lão Phú-lâu-na đến Đại hội đề nghị được nghe lại toàn bộ pháp tạng và tỳ-ni và bày tỏ một vài giới điều không đồng tình với Đại hội như hai truyền thống Luật tạng của Pháp tạng bộ và Thượng tọa bộ ghi lại.

- Điểm dị biệt thứ tứ: Hai truyền thống luật Tạng của Đại chúng bộ và Pháp tạng bộ không đề cập đến pháp sự mà Đại tăng yết-ma sai Tôn giả A-nan cùng 500 tỳ-kheo đến Kosambi áp chế hình phạt Phạm thiên đối với tỳ-kheo Channa như truyền thống Luật tạng của Thượng tọa bộ ghi lại.

* Theo luật tạng của Pháp tạng bộ và Thượng tọa bộ (thuộc truyền thống Trưởng lão bộ), ta thấy rằng giữa Tôn giả Đại Ca-diếp và Tôn giả A-nan đã có quan điểm khác biệt về những điều liên quan đến Tôn giả A-nan, mà theo Tôn giả Đại Ca-diếp được cho là sai phạm cần phải sám hội, trong khi Tôn giả A-nan không cảm thấy sai phạm. Và cũng theo quan điểm luật tạng của Pháp tạng bộ và Thượng tọa bộ, ta thấy rằng giữa Tôn giả Đại Ca-diếp và Tôn giả Phú-lâu-na có một số dị biệt về một số giới điều nhỏ nhặt và ít quan trọng. Nếu những thông tin này là chính xác, thì rất có thể, những dị biệt này gián tiếp dẫn đến những dị biệt giữa những đệ tử của Tôn giả Đại Ca-diếp, Tôn giả A-nan và Tôn giả Phú-lâu-na?[8] Và những quan điểm dị biệt trong số đệ tử của ba Tôn giả này có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến những quan điểm dị biệt về một số giới điều ít quan trọng đã xảy ra và dẫn đến đại hội kết tập kinh điển lần II giữa những tỳ-kheo thành Tỳ-xá-ly, thường được gọi là những tỳ-kheo phía Đông, địa phương được cho là có tư tưởng cải cách hơn và các tỳ-kheo phía Tây, địa phương được cho là có tư tưởng bảo thủ hơn, mà đại biểu là trưởng lão Da-xá, khoảng 100 năm sau ngày đức Thế Tôn niết-bàn. Nhưng nếu, những quan điểm dị biệt giữa các Đại Tỳ-kheo này là một trong những nguyên nhân gián tiếp để các tỳ-kheo thành Tỳ-xá-ly thêm bớt một số giới điều ít quan trọng thì tại sao những quan điểm dị biệt này chỉ được ghi lại trong hai bộ luật thuộc Trưởng lão bộ, mà không thấy tường thuật trong luật tạng của Đại chúng bộ, một bộ phái thường được/bị xem là hậu thân của những tỳ-kheo ly giáo thành Tỳ-xá-ly, những tỳ-kheo thường được cho là xao lãng giới luật hơn? Họ phải ghi nhận thông tin này như là một chứng liệu cho việc thêm bớt một số giới điều mà theo họ là nhỏ nhặt và ít quan trọng? Và họ cũng phải có cùng quan điểm cho rằng, Tôn giả A-nan được Đại Tăng mời tham gia kết tập kinh điển trong lúc chưa chứng A-la-hán như là một biện minh cho một kỳ kết tập khác của họ, gồm số đông những tỳ-kheo trẻ, chưa chứng Thánh quả, tại thành Hoa Thị (Pataliputta) sau khi bất đồng quan điểm về 10 điều bị các vị Trưởng lão ở địa phương phía Tây cho là phi giới luật chứ? Vậy, Đại chúng bộ có phải là một bộ phái hậu thân của các tỳ-kheo thành Tỳ-xá-ly? Chúng tôi sẽ trình bày và thảo luận vấn đề này trong một bài khác liên quan đến Đại hội kết tập kinh điển lần thứ II tại thành Tỳ-xá-ly và những nguyên nhân phân phái đầu tiên của Tăng đoàn Phật giáo Nguyên thủy.

Những phân tích và nhận định của học giả Etienne Lamotte[9]:

Để đánh giá chính xác nhất về Đại hội kết tập kinh điển này, việc cần thiết, không chỉ khảo cứu những ghi chép của một truyền thống Theravāda mà phải so sánh, đối chiếu những ghi chép từ nhiều truyền thống khác, dựa vào những văn bản còn lưu lại đến ngày nay và phân loại chúng.

Tất cả các truyền thống Phật giáo đều ghi nhận thời gian diễn ra Đại hội kết tập này trong năm đức Phật Niết-bàn, nhưng tường thuật khác nhau về địa điểm kết tập và số Tỳ-kheo tham dự. Ngoài thành Vương Xá (Rājagṛha) được chọn làm giới trường kết tập, chúng ta cũng tìm thấy thêm một số địa điểm khác mà các kinh sách ghi nhận: thành Câu-thi-na (Kuśinagara – T 5); một địa điểm phía Bắc thành Sāṃkāśya thuộc nước Ma-kiệt-đà  (T 2026); và một địa điểm ít được lưu ý hơn, Sahaloka (T 2060). Và nếu đại hội diễn ra tại thành Vương Xá, thì kinh sách cũng ghi nhận nhiều địa điểm khác nhau trong thành Vương Xá: hoặc Tinh xá Trúc Lâm (Veṇuvana), hoặc núi Linh Khứu (Gṛdhrakūta) hoặc hang Kṣatriya (Sát Đế) hoặc động Thất Diệp (Saptaparaṇa). Còn về số Tỳ-kheo tham dự Đại hội, nhìn chung, phần nhiều kinh sách ghi nhận có 500 Tỳ-kheo tham dự đại hội, nhưng cũng có vài kinh sách ghi nhận là 1000 (T 1509) và 3000 (T 4) Tỳ-kheo tham dự đại hội.

Có một sự không cân xứng giữa việc trọng đại kết tập kinh điển của Đại chúng Tỳ-kheo và duyên cớ được ngài Ca-diếp (Skt. Kāśyapa) trình bày để triệu tập đại hội kết tập kinh điển. Duyên cớ là vì, những thái độ vui mừng khi nghe tin đức Phật niết-bàn và những phát biểu phi giới, phi luật của tỳ-kheo, tên là, Subhadra hoặc một vài nguồn khác, tên là, Upananda. Thái độ và những lời phát biểu của vị tỳ-kheo này được ghi lại trong kinh Đại Niết-bàn (Mahāparinirvāṇasūtra – Dīgha, II, p. 165, Waldschmidt, MPS, pp. 422-3), nhưng không ghi nhận những phản ứng của các Tỳ-kheo về thái độ và lời phát biểu của tỳ-kheo này. Bản kinh Sanskrit này tường thuật là chỉ ngài Ca-diếp thấy nghe những thái độ và lời phát biểu của vị tỳ-kheo này.

Chi tiết tỳ-kheo Pūrṇa đến cung Śirīṣa mời A-la-hán Gavāmpati tham dự Đại hội chỉ được ghi chép trong những bản kinh; hầu hết các bản Luật không ghi chép thông tin này. Gavāmpati được mô tả trong các kinh là một nhân vật huyền thoại và J. Przyluski tin rằng Gavāmpati là một vị thần có phận sự hô mưa, gọi gió.

Chi tiết ngài A-nan đến trước vài phút trước khi đại hội kết tập kinh điển bắt đầu không còn nghi ngờ là bị ảnh hưởng quan điểm: phải kiểm chứng quả vị tu chứng hoặc chuộc tội của người tham dự trước khi cho phép tham gia kết tập pháp tạng. Đây là một công thức tường thuật được lập lại nhiều lần trong lịch sử kết tập kinh điển: Ngài A-nan là đại biểu cuối cùng, thứ 500, trong kỳ kết tập kinh điển tại thành Vương Xá (Rājagṛha); cũng theo cách đó, ngài Kubjita là tỳ-kheo cuối cùng, thứ 700, trong kỳ kết tập kinh điển tại Tỳ-xá-li (Veśalī) (T 1435, 1451) và Tôn giả Thế Hữu (Vasumitra), là tỳ-kheo đến muộn và cuối cùng, thứ 500, trong kỳ kết tập kinh điển tại Kashmir (dưới triều đại vua Kaniṣka – T 2087, ch. 2, tr. 886c). Trong đại hội kết tập tại Vương Xá, Tôn giả Ca-diếp hoặc Đại chúng đã khiển trách Tôn giả A-nan sai phạm một số lỗi trong suốt những năm hầu cận đức Phật; mặc dù, sự khiển trách này, chỉ để nhằm làm cho cộng đồng Tỳ-kheo thanh tịnh hơn, nhưng có gì đó thiếu tế nhị khi khiển trách một Thánh tăng A-la-hán. Thật ra, những khiển trách này, trong những tường thuật của các truyền thống, cũng không thống nhất về thời gian và số lỗi bị khiển trách: hoặc trước hoặc giữa hoặc sau khi kết tập kinh luật và hoặc 2, hoặc 5, hoặc 6, hoặc 7 lỗi sai phạm.

Tất cả truyền thống luật tạng đều cho rằng 500 Tỳ-kheo A-la-hán trùng tụng và ghi nhớ những kinh luật, nội dung mà các thế hệ sau biên chép và lưu giữ; nhưng trong những kinh luật này, có nhiều bài kinh chứa nội dung diễn ra sau ngày Phật Niết-bàn và tường thuật những kỳ kết tập kinh điển sau này. Một số kinh, như kinh Madhurā (Trung Bộ II, tr. 83; Đại chánh, T 99, ch. 20, tr. 142a),  kinh Ghoṭamukha (Trung bộ II,  tr. 157), and kinh Gopakaṁoggallāna (Trung bộ III, tr. 7; Đại chánh, T. 27, ch. 36, tr. 653c) được giảng nói sau ngày đức Phật niết-bàn; kinh Nārada (Tăng chi bộ III, tr. 57; Đại chánh, T. 125, ch. 24, p. 679a)  được giảng nói trong triều đại vua Muṇḍa, cháu nội của vua Ajātaśatru (A-xà-thế); kinh Assalāyana (Trường bộ II, tr. 147; Đại chánh T 26, ch. 37, p. 663b; Đại chánh, T. 71, 876b) đề cập đến Yona-Kamboja của vương triều Graeco-Bactrian (Hy Lạp-Ba Tư), and Yueh-chid (Nguyệt Chi) của vương triều Kuṣāna. Do đó, nếu những kinh này được kết tập trong Đại hội kết tập lần thứ I, thì chắc chắn, những kinh này không đề cập đến những thông tin có niên đại về sau, những thông tin mà ngày nay chúng ta tìm thấy trong các kinh này.

Hơn nữa, các nguồn tài liệu này không đồng ý với nhau về nội dung những gì được kết tập trong kỳ kết tập tại thành Vương Xá và mỗi tông phái đều cho rằng kinh điển của họ là những kinh điển được tụng lại và ghi nhớ trong kỳ kết tập lần thứ I. Thực sự, kinh điển của các tông phái, những kinh sách mà chúng ta biết và có đề cập về đại hội kết tập kinh điển này, cho thấy sự thiếu nhất quán trong việc phân loại các kinh trong các bộ A-hàm (Āgama) và vị trí của các bộ A-hàm trong kinh tạng, nội dung của Luật tạng và có hay không có kết tập Luận tạng. Và một sự vô lý nữa là các tông phái đều cho rằng kinh điển của tông phái họ là kinh điển nguyên thủy nhất, thời gian mà, chính các tông phái này chưa được thành lập.

Thêm nữa, những kinh điển này (Tam tạng kinh điển) không được biên chép cho đến nhiều thế kỷ sau này. Tại Ceylon (Sri Lanka), trong suốt thế kỷ thứ V TL., vẫn còn một số tranh luận về việc phân loại và biên chép Tam tạng Pāli (Pāli Tipiṭaka), và kết quả của những lần tranh luận này thừa nhận một số tác phẩm, chẳng hạn như Kathāvatthu (Thuyết luận sự), không được biết đến cho đến năm 236, sau ngày đức Phật niết-bàn. Như sẽ được trình bày ở dưới đây, một nghi vấn được đặt ra, rằng, các tông phái đã từng sở hữu hay chưa từng sở hữu đầy đủ những kinh điển đã được kết tập trong kỳ kết tập tại thành Vương Xá?

Chúng ta được biết, 500 Tỳ-kheo A-la-hán đã đọc tụng lại kinh luật rất cẩn trọng và chính xác; bằng cách, hỏi ngài Upāli và Ānanda đã nghe đức Phật giảng nói bài kinh đó hay giới luật đó ở đâu, và cho ai. Nói cách khác, mỗi giới luật và một bài kinh được cho rằng đều nêu lên phần Duyên khởi (nidāna) để xác định nơi chốn, đối tượng và chủ đề của những kinh luật được đức Phật giảng dạy. Tuy nhiên, nếu chúng ta so sánh phần duyên khởi (nidāna) trong mỗi tông phái, chúng ta cũng thấy rằng không có sự đồng nhất giữa các tông phái. Lấy ví dụ, kinh Phạm võng (Brahmajālasutta) theo trích thuật trong luật Tạng Pāli (II, tr. 287), được cho là đã được đức Phật thuyết giảng tại lâu đài của Ambalaṭṭhikā, trên đường du hóa từ thành Vương Xá đến Nalanda. Thông tin này phù hợp với bài kinh Phạm võng Pāli, nhưng không phù hợp với cùng bài kinh này được dịch sáng Hán văn: kinh Phạm động (Đại chánh, T 1, ch. 14, tr. 88b 13) và kinh Phạm võng lục thập nhị kiến (Đại chánh, T 21, tr. 264b 1). Theo bản Hán dịch Phạm động, đức Phật giảng nói kinh này tại Tinh xá Trúc Lâm (Veṇuvana) và theo bản Hán dịch Phạm võng, đức Phật giảng nói kinh này tại giảng đường Kareri (迦梨羅) gần tinh xá Kỳ Hoàn (Jetavana), thành Xá Vệ (Śrāvastī). Rất có thể, nguyên bản của nó, những kinh này không nhất thiết phải đầy đủ phần Duyên khởi (nidāna), phần duyên khởi này có thể được thêm vào khi có những yêu cầu về tính xác thực và bằng chứng cho bài kinh. Kinh Mahāparinirvāṇasūtra, bản kinh được biên chép sau này, được đề cập trong Đại trí độ luận (Đại chánh, T 1059) có ghi lại rằng, trước khi vào niết-bàn, đức Phật căn dặn Tôn giả A-nan khi kết tập kinh luật phải bắt đầu bằng câu: “Evaṃ mayā śrutam ekasmin samaye: Một thuở nọ, đức Phật cư trú tại chỗ như vầy, nước như vầy, khu rừng như vầy…”, và dạy rằng, chư Phật quá khứ, cũng bắt đầu tất cả những bài kinh bằng cách này. Tuy nhiên, công thức này đáng ngờ, vì rằng, những bản kinh Parinirvāṇasūtra sớm hơn không có phần duyên khởi này.

Trong những ghi chép về kỳ kết tập này của luật tạng Pāli, có một chi tiết dường như để biện bộ cho tính chính xác của nguồn tài liệu này, rằng:  trưởng lão Purāna, người không thừa nhận những quyết định của đại hội này, đã giữ lại những giới luật mà theo Purāna (Phú-lâu-na), chính Purāna nghe được từ kim khẩu của đức Phật. Hiển nhiên, tài liệu này (Cullavagga của luật tạng Pāli)  không quan tâm đến bằng chứng cho thấy có những quan điểm bất đồng trong kỳ kết tập kinh điển tại thành Vương Xá. Nói cách khác, theo nguồn Pāli, Purāna chấp nhận tất cả những kinh luật mà thánh chúng A-la-hán đã kết tập, ngoài trừ một vài điều nhỏ nhặt: cất giữ thức ăn trong nhà và ăn thức ăn ở đó, v.v…Sự im lặng về những giới luật nhỏ nhặt và ít quan trọng cũng đã kích thích sự hiếu kỳ của những thế hệ sau, trong đó, một số được thảo luận trong luật tạng Pāli (I, pp. 210-215).

Tài liệu văn học Pāli có một vị trí quan trọng trong số các tài liệu đề cập đến Đại hội kết tập lần thứ I. Nguồn tài liệu này được trích dẫn lại trong nhiều kinh, nhiều luật, nhiều Avadāva (Thí dụ), nhiều tác phẩm lịch sử, nhiều truyện ký của các nhà chiêm bái Trung Quốc và nhiều sớ giải. Tuy nhiên, theo các nguồn trích dẫn khác nhau này, dường như, một cách ngẫu nhiên, những thông tin được trích dẫn, lại được trình bày trong nhiều phía cạnh khác nhau và với những mục đích riêng biệt.

Sự kiện kết tập kinh điển lần thứ nhất cũng được đề cập nhiều trong các kinh điển của cả kinh điển Tiểu thừa (Hīnayāna) và Đại thừa (Mahāyāna), mặc dầu những kinh sách này không được phân loại và sắp xếp vào trong các kinh tạng A-hàm (Āgama) hoặc Nikāya.

Trong số những kinh sách riêng của truyền trống Tiểu thừa, chúng ta có thể đề cập các kinh Kāśyapasaṃgīti (迦 葉 結 經, Đại chánh, T2027, tr. 4b-7a) được cho là do ngài An Thế Cao dịch sang Hán trong khoảng năm 148 đến 170 TL; hai bản kinh Phật Bát Niết-bàn (Đại chánh, T 5, ch. 2, tr. 175a 25-c 21) và kinh Niết-bàn (Đại chánh, T 6, ch. 2, tr. 190c 28-191a), bài kinh trước do ngài Bạch Pháp Tổ dịch trong khoảng năm 290 đến 306 TL, bài kinh sau không biết tên dịch giả, được dịch sang Hán văn trong khoảng năm 317 đến 420; và tác phẩm Tường thuật về kỳ kết tập tam tạng thánh điển và tạp tạng (Đại chánh T 2026, tr. 1-4a), không biết dịch giả, được dịch sang Hán văn trong khoảng năm 317 đến 420.

Đại hội này cũng được đề cập đầy đủ hoặc một phần trong các kinh Phương đẳng và các bộ luận của Đại thừa như: Luận Phân biệt công đức (Đại chánh T 1507), không biết tên dịch giả, được dịch trong khoảng năm 25 đến 220; luận Đại Trí Độ (Đại chánh, T 1509, ch. 2, tr. 67a-70a), do ngài Cưu-ma-la-thập dịch trong khoảng năm 402 đến 405; kinh Bồ-tát Tùng nhi thuật Thiên long thần mẫu thai thuyết quảng phổ (Đại chánh, T 384, ch. 7, tr. 1058), do ngài Trúc Phật Niệm dịch trong khoảng năm 384 đến 417, và kinh Đại Bi (Đại chánh, T 380, ch. 5, tr. 971b) do ngài Na-liên-đề-da-xá (Narendrayaśas dịch trong khoảng nửa cuối thế kỷ thứ V TL.

Những kinh luận này có những nội dung đặc trưng khác nhau. Và nội dung mỗi kinh luận đều cho rằng kinh luận đó là những tác phẩm cổ và có thẩm quyền. Chúng mang hơi hướng huyền thoại và gần như tất cả những tác phẩm này đều đề cập đến việc mời Gavāmapati, một nhân vật huyền thoại, không được đề cập trong lịch sử, tham dự đại hội kết tập kinh luật. Tuy nhiên, có điểm đáng chú ý ở đây là, như tường thuật trong luận Đại Trí Độ (T 1509, ch. 15, tr. 173c; và ch. 100 p. 756b), ngoài Đại hội kết tập kinh điển tại thành Vương Xá, Tôn giả A-nan cùng một số Đại Bồ-tát cũng kết tập kinh điển Đại thừa trong núi Thiết Vi (Vimalasvabhāva)[10].

Lời thưa thêm thay lời kết:

Những gì chúng tôi thuật lại và trình bày ở trên hoàn toàn không có ý niệm “vạch lá tìm sâu”, hay gợi lại nếp buồn giữa những người con Phật về những lần phân phái và tranh chấp bộ phái trong lịch sử Phật giáo nói chung. Chúng tôi chỉ muốn trình bày để trao đổi với những ai quan tâm đến lịch sử Phật giáo Ấn Độ, đặc biệt là lịch sử phân phái các bộ phái Phật giáo tại Ấn Độ. Và chúng tôi cũng muốn trao đổi với một số người có cái nhìn quá câu chấp và thiếu khoan dung về một số kinh điển Phật giáo nói chung. Như chúng tôi đã trình bày, trong cùng một sự kiện kết tập thánh điển, diễn ra sau ngày đức Thế Tôn niết-bàn, của Phật giáo Nguyên Thủy, các bộ phái đã lưu giữ những thông tin khác nhau và trình bày dưới nhiều nhìn khác nhau. Điều này để nói rằng, lịch sử Phật giáo trải qua hàng ngàn năm, giữa các bộ phái có những khác biệt trong việc sử dụng ngôn ngữ và các hình thức ngôn ngữ là việc không sao tránh khỏi và là việc đương nhiên. Hiện nay, nếu chúng ta quá câu chấp vào một loại ngôn ngữ và một hình thức ngôn ngữ nào đó thì chúng ta không thể hiểu hết và cảm nghiệm hết những lời dạy của đức Thế Tôn. Vì vậy, chúng tôi thiết nghĩ, chúng ta không nên quá câu chấp vào ngôn ngữ và hình thức diễn đạt ngôn ngữ, để rồi, cho rằng chỉ có những kinh điển lưu giữ bằng loại ngôn ngữ và hình thức ngôn ngữ này mới là thánh điển lưu giữ đúng và tất cả những lời đức Thế Tôn đã dạy; còn những kinh điển khác được lưu giữ bằng những ngôn ngữ và hình thức diễn đạt ngôn ngữ khác là không ghi lại đúng những lời đức Thế Tôn đã dạy và thậm chí, có người còn cho là, kinh điển đó không phải Phật dạy. Và cũng có người cứ luôn cho rằng, những kinh điển này và pháp môn này mới là cao, còn những kinh điển khác và pháp môn khác là thấp. Trong pháp hành, tranh qua luận lại kinh điển này là do Phật dạy hay kinh điển kia không do Phật dạy; pháp môn này là cao, còn pháp môn kia là thấp chỉ làm trở ngại con đường tu tiến của chúng ta thôi. Trong pháp hành, chúng ta nên xét đến khía cạnh an lạc và giải thoát của các pháp môn được lưu giữ trong kinh điển của các truyền thống. Những kinh điển và pháp môn nào mà lịch sử đã chứng minh có mang lại an lạc, giải thoát cho số đông tu theo Phật giáo thì chúng ta có thể kết luận những pháp môn đó, kinh điển đó là đúng theo chân ý những lời đức Thế Tôn đã dạy.

Nguyên Lộc



[1] Các giáo sư Andre Bareau, W. Pachow, Hofinger, Erich Frauwallner, và Gustav Roth khảo cứu niên đại các bộ luật bằng nhiều phương pháp khác nhau. Giáo sư Anbra Bareau dùng phương pháp đối chiếu các giới điều trong Pháp chúng học giữa các luật tạng. Giáo sư W. Pachow dùng phương pháp so sánh toàn bộ nội dung của các bộ luật. Giáo sư Honfinger dùng phương pháp đối chiếu những tường thuật về đại hội kết tập kinh điển lần thứ II của các bộ luật. Giáo sư E. Frauwallner dùng phương pháp phân tích nội dung trong phần Skandhaka (Tạp sự hoặc Hợp phần) giữa các bộ luật. Và giáo sự G. Roth so sánh ngôn ngữ và ngữ pháp của các bộ luật. Tất cả họ đều có cùng một kết luận rằng, luật Ma-ha-tăng-kỳ là bộ luật có niên đại sớm nhất. Kết luận này cũng phù hợp với kết luận của ngài Pháp Hiển, nhà chiêm bái người Trung Quốc (và là dịch giả của tác phẩm luật Ma-ha-tăng-kỳ sang Hán văn) (Charles S. Presbish, “Śaiksa-dharmas revisited: further considerations of Mahāsāṁghi origins” trong tạp chí Buddhism, Critical Concepts in Reliuous Studies, Vol. II do Paul Willians chủ biên, in tại London và New York, NXB: Routledge, năm 2005, tr. 189)

[2]Tham khảo chính yếu trong bản dịch của Hòa thượng Thích Phước Sơn.

[3] Tham khảo chính yếu trong bản tiếng Việt.

[4] TT Nguyên Chứng chú thích: Bạt-nan-đà Thích tử, người được đề cập rất nhiều trong các nhân duyên Phật chế giới. Nhưng, Vin.ii. 184 nói: Subhadda, một tỳ-kheo xuất gia khi tuổi đã già, nói lên điều này. Đây không phải là Subhadda (Tu-bạt), người Bà-la-môn được Phật độ cuối cùng, mà nguyên là một người thợ hớt tóc. Một số điều luật Phật chế do việc làm sai trái của ông này.

 

[5] Thầy Tuệ Sỹ chú thích: Phú-la-na 富羅那. Vin. ii. 289: bấy giờ, Trưởng lão Purāṇa cùng với 500 tỳ-kheo từ Nam sơn (Dakkhiṇāgiri) về Vương-xá để tham dự kết tập. Vị Trưởng lão này không được đồng nhất với Tôn giả Phú-lâu-na Di-đa-la-ni Tử, cũng gọi là Mãn Từ Tử (Skt. Pūrṇa-maitrāyani-putra, Pali: Puṇṇa-Mantāni-putta), 1 trong 10 Đại đệ tử. Xin chú thích thêm: Theo kinh Giáo giới Phú-lâu-na (Trung bộ), Tôn giả Phú-lâu-na (Mãn Từ Tử) niết-bàn trước đức Thế Tôn.

[6] Sau lễ trà tỳ kim thân đức Thế Tôn tại thành Câu-thi-na.

[7] Tỳ-kheo Channa (thường được gọi là Sa-nặc) cậy ỷ là người hầu đức Phật trong lúc Ngài còn là Thái tử, nên đã có những hành vi và lời nói khinh khi Tăng chúng và bạn đồng tu.

[8] Khi đức Thế Tôn còn tại thế, những dị biệt của hai thầy Tỳ-kheo tại thành Kosambi, một chuyên về Luật, và một chuyên về Pháp, cả hai Thầy đều là những Tỳ-kheo được mọi người tôn kính, đã dẫn đến những dị biệt giữa những tỳ-kheo ủng hộ quan điểm Thầy này hoặc Thầy kia. Và kết quả, kết quả là cộng đồng Tăng đoàn Kosambi bị chia thành hai. Đức Thế Tôn phải bằng nhiều cách khác nhau mới có thể hòa giải sự bất hòa này.

[9] Chúng tôi không hoàn toàn đồng ý tất cả những nhận định của học giả E. Lamotte.

[10] Bồ-tát Văn Thừ Sư Lợi, Bồ-tát Di Lặc cùng chư Đại Bồ-tát đưa Tôn giả A-nan lên núi Thiết Vi để trùng tụng lại kinh điển Đại thừa mà đức Phật đã phó chúc cho A-nan (Cuốn 100, phẩm Chúc lụy, luận Đại Trí Độ, Hòa thượng Thiện Siêu dịch)