Ai trọng nam khinh nữ ?

Cái nhìn của Đạo Phật soi tỏ pháp-thế-gian (sammuttisacca) thuộc về hiện-tượng-pháp; và chân-nghĩa-pháp (paranutthasacca) thuộc về bản-thể-pháp. Vì thế, đối với chân lý tương đối là những qui ước thế gian, tầm nhìn của Phật giáo không bị vướng vào đấy, không bị mắc cạn nơi đấy. Nam hay nữ, đàn ông hay đàn bà là tên gọi thuộc về qui ước thế gian, còn cốt lõi của những chúng sanh nầy là sắc pháp và tâm pháp. Mỗi người có 27 sắc pháp, chỉ khác nhau là nam thì có sắc tính nam (purisabhāvarūpa) và nữ thì có sắc tính nữ (itthībhāvarūpa). Về tâm thì nam hay nữ cũng đều có 45 tâm (12 bất thiện + 17 vô nhân + 8 thiện + 8 quả thiện) và 52 tâm sở (13 tợ tha + 14 bất thiện + 25 tịnh hảo).

Sự tu tập là quá trình huấn luyện tâm và tâm sở, rèn luyện cho thiện-tâm vững chắc và tiến hóa:

Pháp cú 2:

Tâm dẫn đầu các pháp

Tâm chủ, tâm tạo tác

Nếu nói hay hành động

Với tâm ý thiện lành

An lạc liền theo sau

Như bóng không rời hình

Còn nếu không đi con đường lành thì tâm dẫn dắt vào đau khổ và suy thoái:

Pháp cú 1:

Tâm dẫn đầu các pháp

Tâm chủ, tâm tạo tác

Nếu nói hay hành động

Với tâm ý bất thiện

Khổ não liền theo sau

Như xe theo chân vật kéo.

Pháp-thành của sự tu tập nằm trong trạng thái tâm địnhtuệ. Hai trạng thái nầy không bị sắc tính nam hay sắc tính nữ chi phối.

Đạo Phật có cái nhìn bình đẳng và nhân văn về con người, không bị những qui ước xã hội như: đẳng cấp, giai cấp, chủng tộc, mẫu hệ, phụ hệ, ý thức hệ, …v...v… khống chế.

Cái nhìn xuyên suốt hiện tượng và bản chất, cái nhìn làm hiển lộ hiện tượng và bản chất một cách rõ ràng, minh bạch, không chút nhầm lẫn hay lẫn lộn như vậy đã đưa Phật giáo đến việc công nhận bình đẳng nam nữ chỉ là thái độ tôn trọng sự thật hiển nhiên, không thể sai khác mà thôi.

Trưởng lão Thánh Ni Somā, sau khi chứng thánh quả Alahán, đã đến cư trú trong thành Savatthi trong niềm hạnh phúc giải thoát. Một ngày kia, sau khi thọ thực, tôn giả Somā vào khu rừng Andha ngồi thiền dưới gốc cây cổ thụ, Ma vương xuất hiện, cốt ý phá sự thanh tỉnh của Tôn giả. Ma vương nói:

-     “Vị trí đó (thánh quả Alahán) thật khó tới được, chỉ có bậc đại trí mới đến được mà thôi. Phụ nữ với chút ít trí làm sao tới được?”

Tôn giả Alahán Somā trả lời:

-     “Nữ tánh gây hại gì khi tâm nhập định, khi trí tuệ chứng đắc được đạo quả của pháp vi diệu?” [1]

Tôn giả Somā giải thích thêm:

-     “Khi một người phụ nữ có tâm vững chắc và tri kiến cao thượng thì giới tính nữ có ảnh hưởng gì đến quyền tìm hiểu giáo pháp? Những ai còn ôm ấp mối hoài nghi về câu hỏi: trong những vấn đề nầy (vấn đề tu tập, giải thoát, chứng thánh quả Alahán), ta là đàn bà, ta là đàn ông hay ta là gì khác?... thì những kẻ ấy thích hợp nói chuyện với Ma vương ác tâm.” [2]

Những ai còn vướng mắc trong nữ giới và nam giới là còn vướng mắc vào pháp tục đế; vướng mắc vào quan kiến phụ hệ, mẫu hệ là còn vướng mắc vào thế gian pháp. Trong khi tu tập giải thoát lại thuộc về pháp chân đế: chúng sanh được giải thoát hay còn luân hồi là do tâm ý đã dứt trừ lậu hoặc hay còn ô nhiễm. Tâm ý thiện hay bất thiện đâu có lệ thuộc vào sắc tính nam hay sắc tính nữ - Đạo quả Alahán không có giới tính - Đạo Phật không dành riêng cho nam giới hay nữ giới, không dành riêng cho chủng tộc nào, cho giai cấp nào, cho quốc gia nào:

-     “Đây chẳng phải giáo lý dành cho một làng, cũng chẳng phải dành cho một thành phố, cũng chẳng phải giáo lý dành cho một gia đình  Đây chính là giáo pháp áp dụng cho toàn cõi chư thiên cũng như toàn cõi chúng sinh. Đó chính là “mọi sự chỉ là vô thường thôi.” [3]

Chúng sinh nào do năng lực tu tập thiền tuệ mà trực nhận được thực-tính-pháp (vô thường, khổ, vô ngã) của pháp hữu vi, thấm nhuần được tứ diệu đế, thành tựu được bát chánh đạo trong tâm thì gánh nặng thế gian được đặt xuống, chủng tộc phàm phu được cắt đứt, lậu hoặc dứt sạch. Chánh kiến hay tuệ giải thoát trong tâm của bậc vô nhiễm chỉ thấy ngũ uẩn, đâu thấy nam nữ. Nam hay nữ gì cũng là ngũ uẩn:

-     Sắc uẩn (rūpakkhandhā) thì bao gồm 27 sắc pháp. Thân nam hay thân nữ gì cũng là sắc tứ đại và 23 sắc y đại sinh-chỉ khác nam có sắc tính nam và nữ có sắc tính nữ.

-     Thọ uẩn (Vedanākkhandhā)

là nhóm sở hữu thọ

-     Tưởng uẩn (Saññākkhandhā)

là nhóm sở hữu tưởng

-     Hành uẩn (Saṅkhārakkhandhā)

là nhóm 50 sở hữu khác

-     Thức uẩn (Viññakkhandhā)

là nhóm 89 tâm

Thiện hay bất thiện có mặt trong tâm của nam hay nữ gì thì cũng đều là trạng thái tâm trong sạch hay ô nhiễm mà thôi. Trạng thái nầy không lệ thuộc vào sắc tính nam hay sắc tính nữ mà lệ thuộc vào nghiệp do sở hữu tư (cetanā cetasika) đã gieo trồng. Sở hữu tư nầy thuộc về danh pháp. Còn sắc pháp nơi mỗi chúng sinh được tạo thành do tâm quả tục sinh tức là do danh pháp sinh ra, tạo ra. Luân hồi hay giải thoát là do danh pháp. Danh pháp là cốt lõi. Sắc pháp là vỏ bọc, là vật chứa. Sự tu tập giải thoát nằm trong cái được chứa đựng, không nằm trong vật chứa:

-     “Đức Phật không coi rẻ phẩm giá mà chỉ ghi nhận bẩm chất yếu đuối của người phụ nữ - Ngài nhìn nhận rằng bên trong cả hai giới, nam và nữ có những bẩm tánh tốt đẹp và trong giáo huấn, Ngài đặt mỗi giới vào đúng vị trí của nó. Nam hay nữ không phải là một trở ngại cho việc thanh lọc thân tâm. Nam hay nữ không phải là một trở ngại trong công trình phục vụ độ tha.” [4]

Phật giáo giải phóng phụ nữ ra khỏi quan-kiến phụ-hệ giới hạn và thiên lệch, ra khỏi ý hệ nặng nề về giai cấp. Cho nên, Đức Phật thành lập Tăng đoàn và thành lập Ni đoàn. Đức Phật có đệ tử xuất gia và đệ tử tại gia đủ đầy nam nữ, đó là tứ chúng: chư tăng, chư ni, cận sự nam, cận sự nữ. Tất cả đều được học pháp, được hành pháp và được thành tựu pháp. Tứ chúng của Đức Phật có đủ hạng người trong xã hội, đủ thành phần trong xã hội, đủ trình độ văn hóa trong xã hội nhưng khi đã đến với Phật pháp thì tất cả đều được hưởng như nhau: được cùng đi trên con đường thiện đạo, đều được tiến hóa tâm linh cho đến ngày viên mãn.

Hạnh phúc thay cho người nữ có được giáo pháp thâm sâu và quãng đại để tu học, có được tứ chúng làm bạn đồng hành và có ni đoàn hòa đồng trong đạo pháp để nương tựa.

-     “Trong Ni đoàn nầy, các bà hoàng hậu, các công chúa, các tiểu thơ trong hàng quý tộc, các mệnh phụ phu nhân, những bà mẹ khổ đau, những người phụ nữ thân cô, chí đến hạng gái giang hồ, bất luận ở đẳng cấp nào trong xã hội, đều tụ họp nhau lại, ôn hòa và vui vẻ cùng nhau đồng hưởng và đồng hấp thụ không khí tự do bình đẳng, khác hẳn với nếp sống lầu son gác tía và cung vàng điện ngọc. Có rất nhiều người, theo lẽ thông thường ắt phải mãi mãi bị lãng quên trong bóng tối, đã tỏ ra lỗi lạc và đã thành tựu mục tiêu giải thoát sau khi tìm nương tựa nơi Ni đoàn. ” [5]

Những người nữ viên-thành quả vị Alahán trong thời Đức Phật tại thế không phải là ít. Trong Tiểu Bộ Kinh, tập “Trưởng Lão Ni Kệ” đã lưu lại được 74 bài kệ. Trong đó bao gồm: 72 bài kệ của 72 Tôn giả Thánh Ni, 1 bài chung cho 30 Tôn giả Thánh Ni và 1 bài chung cho 500 Tôn giả Thánh Ni. Tổng cộng là 74 bài kệ của 602 Tôn giả Thánh Ni Alahán.

Trong số chư Tôn giả nầy, Đức Bổn Sư đã khen tặng:

-     Tôn giả Thánh Ni Mahā Pajāpatī Gotamī là vị Thánh Ni có kinh nghiệm bậc nhất.

Tôn giả Thánh Ni Mahā Pajāpatī Gotamī chứng đạo quả Alahán với:

Trí tuệ trực giác,
Tứ vô ngại giải,
Bát giải thoát,
Tam minh, và Thần thông.

Do phẩm hạnh và tâm nguyện phi thường, tôn giả Mahā Pajāpatī Gotamī trở thành đại đệ tử lỗi lạc (mahātiyo sāvikā) và là bậc lãnh đạo lỗi lạc (mahātiyo sāvikā) trong hàng Ni giới.

-     Tôn giả Thánh Ni Khemā được Đức Bổn Sư khen tặng là đệ nhất trí tuệ trong hàng Ni giới.

Là bậc Ni trưởng coi sóc, dìu dắt Ni đoàn (Bhikkhunīsaṇgha).

Tôn giả Khemā có tài diễn giải Phật pháp, phân tích nguyên nhân, giỏi phân tích Tứ thánh đế, tinh tế và hùng biện.

Tôn giả chứng đạo quả Alahán:

    Do phân định rõ nhân duyên,
    vượt qua bốn thác ghềnh bộc lưu.
    Đạt tứ vô ngại giải.
    Đạt thần thông.

-     Tôn giả Thánh Ni Uppalavaṇṇā được Đức Bổn Sư khen tặng là đệ nhất thần thông lực trong hàng Ni giới. Tôn giả đã thực hiện song thông trước sự chứng kiến của Đức Bổn Sư và chư tăng tại Sāvatthi.

Tôn giả Thánh Ni Uppalavaṇṇā chứng đạo quả Alahán với:

    Tứ vô ngại giải,
    Lục thông.

Cũng như tôn giả Khemā, tôn giả Uppalavaṇṇā được Đức Bổn Sư đặt vào hàng Ni trưởng coi sóc và dẫn dắt Ni đoàn .

-     Tôn giả Thánh Ni Dhammadinnā được Đức Bổn Sư khen tặng là đệ nhất thuyết pháp, có biệt tài giảng giải giáo pháp lưu loát, khúc chiết. Là bậc trí tuệ.

Tôn giả Thánh Ni Dhammadinnā chứng đạo quả Alahán với:

    Tứ vô ngại giải,
    Có thần thông.

-     Tôn giả Thánh Ni  Baddā Kāpilānī được Đức Bổn Sư khen tặng là đệ nhất về túc mạng thông trong hàng Ni chúng.

-     ……………… Và còn nữa, còn rất nhiều bậc Thánh Ni sáng ngời minh hạnh trong “Trưởng Lão Ni Kệ ”.

Con số 602 Tôn giả Thánh Ni thời Đức Phật chứng đắc đạo quả Alahán là con số đủ sức thuyết phục để Ngài Acāriya Dhāmmapāla, người chú giải “Trưởng Lão Ni Kệ ” kết luận rằng:

-     “Họ (chư vị Thánh Ni) chứng đắc giải thoát toàn bộ nhờ tuệ giác (Suvimuttapañño), nhờ am hiểu được chính mình và đã loại bỏ được tham, sân và si. ” [6]

Bất cứ ai có đủ phẩm chất như lời kết luận nêu trên cũng đều là bậc vô lậu. Có gì để phải vướng mắc về nam nữ?

Đức Bổn Sư đã xác chứng pháp thành của người nữ khi Ngài Anan hỏi:

-     “Bạch Đức Thế Tôn, sau khi rời nhà, xuất gia, sống không nhà trong Pháp và Luật đã được Đức Như Lai công bố, người nữ có khả năng chứng đạt quả vị Nhập Lưu, hoặc quả vị Nhất Lai, hoặc quả vị Bất Lai, hoặc quả vị Alahán hay không?

-     “Này Ānanda, sau khi rời nhà, xuất gia, sống không nhà trong Pháp và Luật đã được Đức Như Lai công bố, nữ nhân có khả năng chứng đạt quả vị Nhập Lưu, hoặc quả vị Nhất Lai, hoặc quả vị Bất Lai, hoặc quả vị Alahán.” [7]

Về giới luật, Đức Bổn Sư qui định:

-     Tỳ kheo thọ 227 giới,

-     Tỳ kheo ni thọ 311 giới.

Đức Phật đã truyền cụ túc giới nầy cho nam nữ đệ tử xuất gia là như vậy.

Ni thọ nhiều hơn Tăng 84 giới.

Giới luật giúp ngăn pháp ác. Giới luật giúp phân ranh thiện đạo và ác đạo. Giới luật có năng lực đóng kín 4 đường khổ, 4 cõi ác thú. “Chúng sanh được giàu sang cũng nhờ giữ giới. Chúng sanh được sanh thiên cũng nhờ giữ giới. Chúng sanh đắc đạo quả cũng nhờ giữ giới”. Giới luật là nền tảng cho sự tiến hóa tâm linh.

Vậy tại sao người nữ không được thọ cụ túc giới khi Đức Phật đã cho phép rồi không có Kinh điển nào xác nhận rằng Đức Bổn Sư nói rằng quyết định nầy được đổi thay hoặc chấm dứt?

Trong Tạng Luật, Đại Phẩm I, Mahāvagga I, đã ghi rõ:

-     Sau khi chấp nhận cho bà Mahā Pajāpatī Gotamī được xuất gia, Đức Thế Tôn nhân lý do ấy, nhân sự kiện ấy đã thuyết pháp thoại rồi bảo chư Tỳ khưu rằng:

-     “Nầy các tỳ khưu, ta cho phép các Tỳ khưu ni được tu lên bậc trên với các Tỳ khưu.” [8]

Sự “cho phép” nầy được kết tập lại trong Tạng Luật cùng với các Luật khác. Đại hội kết tập lần I trùng tụng Pháp và Luật trong mùa an cư tại thành Rājagaha gồm 500 vị Arahant, do Ngài Mahā Kassapa lãnh đạo, đã thống nhất “giữ nguyên luật”, không thêm bớt, không thay đổi:

-     “Hội chúng không quy định thêm điều chưa được quy định và không bỏ đi điều đã được quy định, hội chúng thọ trì và thực hành các điều học theo như đã được quy định. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc nầy là như vậy.” [9]

Thọ cụ túc giới là tác ý cực kỳ mạnh mẽ của chúng sinh xác định quyết tâm hướng thượng và sống đời phạm hạnh của mình. Vậy tác ý nầy là trong sạch và cao thượng hay nhiễm ô và thấp hèn mà bị ngăn trở?

Ai ngăn trở? Ai đủ tư cách để ngăn chặn, để làm lụi tàn một chúng của Đức Phật?

Ma vương luôn tìm cơ hội để thỉnh cầu Đức Phật nhập diệt, có lần Đức Phật trả lời:

Nầy Ma Vương tâm đầy tội lỗi, bao giờ đệ tử Như Lai là Tỳ khưu, Tỳ khưu ni, cận sự nam và cận sự nữ là người hiểu thông Tam Tạng, có thể hộ trì Phật pháp theo Pháp Luật và thay ta giảng dạy Phật tử sau nầy, để nhân loại và chư Thiên đắc được đạo quả Niết bàn, truyền bá Phật pháp được sâu rộng trong thế gian nầy, khi ấy Như lai mới nhận lời ngươi yêu cầu nhập diệt.” [10]

Đức Phật đã dày công dạy dỗ tứ chúng và đặt niềm tin vào sự thành tựu pháp học, pháp hành và pháp thành của tứ chúng. Nay vì lý do gì mà làm cho lụi tàn, cho khuyết đi một trong tứ chúng của Đức Phật?

Đức Phật trãi lòng từ ái và bi mẫn đến khắp chúng sinh, giúp chúng sinh hướng thượng và tiến hóa tâm linh, nay vì lý do gì mà ngăn trở Ni chúng không được thọ đại giới để hành phạm hạnh, để tiến hóa tâm linh?

Thọ đại giới để sống đời phạm hạnh là pháp lành cao thượng, là tâm thiện trí. Sự thật là như vậy. Nếu pháp lành cao thượng nầy bị phủ nhận, bị từ chối, bị ngăn chặn thì pháp gì đang đối kháng, đang làm lực phản với pháp lành cao thượng vậy? Tâm gì đang cố sức đẩy lui, đang ngăn chặn, đang phản đối, đang trái nghịch lại tâm thiện trí vậy?

Người con Phật, con gái hay con trai của Phật, khi bước vào chánh pháp là đi vào đại lộ chánh đạo, tâm quãng đại sáng suốt mở ra, xa lần bóng tối của đường tà, tách ra khỏi những ngõ cụt chật hẹp đưa vào hạ liệt.

Người con Phật đi trên con đường thiện đạo luôn giữ tâm lành minh mẫn.

Người con Phật chỉ có con đường tiến hóa tâm linh là cuộc hành trình phải đi đến chỗ thành tựu.

Đường thiện đạo thênh thang, bạn lành đồng hành hoan hỉ.

Con đường của pháp chân đế không hề vướng bận thế gian mà trái lại soi tỏ thế gian, vén áng mây mờ nơi tâm thức, rạng ngời vầng nhật nguyệt tuệ giác trong tâm.

TPHCM, ngày 26 tháng 12 năm 2009

Thích nữ Tâm Tâm

Theo vidieuphap.vn

Chú thích:

[1]   Trích trong Chú Giải Trưởng Lão Ni Kệ - Paramatthadīpanī Therīgāthā Aṭṭhakathā, bản tiếng Pāli: Acāriya Dhāmmapāla - bản Anh ngữ: William Pruit - bản Việt ngữ: Tỳ khưu Siêu Minh. NXB Tổng Hợp TP. HCM, 2008, trang 164.

[2]   Trích trong Đức Phật và Phật Pháp - The Buddha and His Teachings, bản Anh ngữ: Nārada Mahā Thera - bản Việt ngữ: Sunanda Phạm Kim Khánh. NXB Tôn Giáo, 2007, trang 298.

[3]   Lời kệ của Trưởng lão Thánh Ni Kisā - Gotami, trích trong Chú Giải Trưởng Lão Ni Kệ, trang 406.

[4]   Trích trong Đức Phật và Phật Pháp, chương 16, mục Phật giáo và hàng phụ nữ, trang 295.

[5]   Trích trong Đức Phật và Phật Pháp, trang 296.

[6]   Trích trong Chú giải Trưởng Lão Ni Kệ, trang 651.

Trong Tạng Luật, Tiểu Phẩm II, Culllavagga II, trang 493, 494:

Đức Thế Tôn dạy: “Này Gotamī, bà nên biết rằng các pháp nào (có đặc tính như vầy): Các pháp này đưa đến ly tham ái mà không đưa đến tham ái, đưa đến sự thoát khỏi ràng buộc mà không đưa đến sự ràng buộc, đưa đến sự không tích lũy mà không đưa đến sự tích lũy, đưa đến sự ham muốn ít mà không đưa đến sự ham muốn nhiều, đưa đến sự hoan hỷ mà không đưa đến sự bực bội, đưa đến sự đơn độc mà không đưa đến sự hội tụ, đưa đến sự khởi công tinh tấn mà không đưa đến sự biếng nhác, đưa đến sự dễ nuôi dưỡng mà không đưa đến sự khó nuôi dưỡng; này Gotamī, bà nên xác định dứt khoát rằng: “Điều này là Pháp, điều này là Luật, điều này là lời giáo huấn của bậc Đạo Sư”.

[7]   Trích trong Tạng Luật, Tiểu Phẩm II, Cullavagga II, bản Việt ngữ: Tỳ khưu Indacanda. NXB Tôn Giáo, 2005, trang 481.

[8]   -  Tiểu Phẩm II, Culllavagga II, trang 489.

-   Đại Phẩm I, Mahāvagga, trang 111, 112, 113:

Tu lên bậc trên: Đức Thế Tôn trả lời các đạo sĩ bện tóc: Uruvelakassapa, Nadīkassapa và Gayākassapa khi các vị nầyxin xuất gia tu lên các bậc trên với Ngài, như sau:

-  “Nầy các Tỳ kheo, hãy đến. Pháp đã được khéo thuyết giảng, hãy thực hành phạm hạnh một cách đúng đắn để chấm dứt khổ đau. Chính điều này là sự tu lên bậc trên của các đại đức ấy.”

[9]   Trích trong Lịch sử Đức Phật tổ Cồ Đàm, soạn giả Maha Thong Kham Medhivongs, NXB Thành Hội Phật Giáo TP. HCM, 1996, trang 557.