Buồn Vui “Hòa Thượng Nhí”

 

Nhanh lên ! Nhanh lên! Mấy huynh đệ ơi! Vào tắm rửa nhanh lên, rồi mặc áo tràng qua bên “ Trường Hạ” dự lễ Trai Tăng!

Tiếng giục giã nóng hổi và hồ hởi của Tiểu Hùng làm cho gần năm mươi đứa chúng tôi phấn khởi quá! Quăng gàu. Quăng thùng. Quăng cuốc. Quăng chổi.  Quăng cả tập, cả mỏ, cả chuông… vội vã chạy vào. Gác lại mọi công tác. Mạnh ai nấy hoàn tất cho mình.

Đi liền và đi hết hả huynh? Mấy giờ rồi? Có trễ không?... Cả huynh đệ chúng tôi tranh nhau hỏi.

Đi liền! Đi liền! Nhanh hơn nữa đi! Thế là không kịp tắm rửa, mà cần gì tắm với rửa. Con nít thì biết đâu dơ với sạch! Miễn được qua Đại Tự dự Trai Tăng là nhất rồi. Đời “HÒA THƯỢNG NHÍ ” mấy khi được dự Trai Tăng. Thế nên khi nghe “MỜI” kiểu đó, chúng tôi cũng chả chấp nhất gì. Đồng loạt kéo qua dưới cái nắng gần 11 giờ trưa của ngày hè oi ả.

Thật ra thì có những buổi Trai Tăng mang tính chất phổ đồng, chúng tôi đều hân hạnh được mời dự hẳn hoi. Nhưng thỉnh thoảng thôi. Tôi muốn nói thỉnh thoảng ở đây là ít ỏi đấy mà. Lâu rồi chưa có ai mời thỉnh. Chùa chúng tôi gần Đại Tự nên chứng kiến cảnh ĐẠI HỘI TRAI TĂNG cũng thường. Những lúc ấy, tuy không được mời thỉnh nhưng chúng tôi cũng lén sang chơi. Đông vui dễ hấp dẫn lòng con trẻ vốn hiếu kỳ. Mục đích dạo vòng vòng, ngắm cảnh, ngắm người, ngắm xe, ngắm cộ … vui biết chừng nào! Thôi thì ở nhà trù quý cô và Phật Tử tất bật xắc, gọt , luộc, chiên, xào, nấu … với khói bếp cay xè, nực nội. Nơi Trai Đường mấy chục Thầy, Cô tới lui bưng dọn. Trai Đường rộng có cả ngàn người thì cái việc tới lui mỏi chân, toát mồ hôi ấy là điều tất yếu. Chúng tôi chả giúp được gì. Và ai dám để chúng tôi giúp, dù thật tâm trong chúng tôi có vị dư sức nhiệt tình. Khi mộc bảng “Qúa Đường” vang lên, cũng là lúc tiếng Thầy xướng ngôn khởi thỉnh và ban cung nghinh đón rước mới đẹp làm sao! Một rừng vàng y khoan thai, nghiêm túc, từ tốn tiến về Trai Đường. Chúng tôi ngây người đứng ngắm mà ước ao. Chúng tôi đăm đăm đứng nhìn mà mong mỏi. Mong mỏi một ngày mai. Ước ao thời gian đến. Vì rằng ngày mai nầy chúng tôi cũng sẽ lớn lên. Cũng thành Thầy, thành Hòa Thượng, trịnh trọng, trang nghiêm và vĩ đại thế nầy. Trần Tử Ngang đã nói:

                   “Ai người trước đã qua

                      Ai người sau sẽ tới …”

Tôi chỉ thích hai câu đó thôi. Không muốn thêm vào hai câu cuối. Thêm hai câu nữa là mất đi sự hồn nhiên và niềm mơ ước đẹp đẽ nầy. Hãy để cho chúng tôi đầy ắp những ước mơ sáng trong và mong mỏi cái dại khờ tinh khiết. Nhưng sao cái ngày mai kia xa lơ xa lắc đến vậy kìa! Và hiện tại chúng tôi chỉ là những chú Điệu ngây ngô mà ai cũng xem nhẹ như lông hồng. “Ồ ! Mấy Điệu nhóc con đi chơi chỗ khác cho quý Thầy làm việc”. Buồn ghê và tự ái quá trời!

Hôm nào vinh dự được đi dự lễ là quý phái lắm rồi! Là cao cả biết bao! Dù ngồi ở những chiếc bàn tròn nơi hành lang mà vẫn cao sang như cung trời Đế Thích. Thường những lúc ấy chúng tôi ngồi yên. Chờ đợi và lắng nghe quý Thầy cử hành nghi lễ. Nào tác bạch, đáp từ, dâng cúng, cám ơn v…v… đủ thứ việc. Chỉ khi nào mấy chiếc loa ở bốn góc Trai Đường vang lên : “Cung thỉnh chư tôn thụ trai” là hạnh phúc dâng tràn. Cứ thế chúng tôi hồn nhiên, thoải mái mà “THỌ TRAI” đâu cần giữ ý tứ hay khép nép gì . Khép nép thì nghẹt thở quá đi! Ý tứ lại mất đi cái ung dung của tuổi đời “HÒA THƯỢNG NHÍ”. Vả lại chẳng ai chấp nhất gì chúng tôi. Chấp nhất chi những “Thiên Thần” nơi của Phật. Có hôm không được mời nhưng chúng tôi cũng sang. Và cũng được mời “thọ trai” lịch sự bởi lòng thương mến “Thiên Thần” của quý Sư Cô phụ trách.

Hôm nay sao mà đông quá! Tăng Ni Phật Tử có hơn mấy ngàn người. Tiểu Hùng đâu rồi nhỉ?  Chả biết ai mời thỉnh mà Hùng kêu gọi chúng tôi quá cấp bách thế này? Thây kệ ! Hùng chả biết lẫn vào nơi đâu? Đông quá đố tìm cho ra! Hơn nữa TIỂU HÒA THƯỢNG cũng thường được mời cấp bách để chữa cháy thế nầy không gì lạ. Có lẽ hôm nay cũng không ngoài thông lệ đó. Hoan hỷ thôi! Có gì đâu! Còn nhớ mời “TIỂU” là ưu ái đời con trẻ lắm rồi. Vì thế mà sự giục giả của Tiểu Hùng và chúng tôi kéo ào qua một lúc là điều dễ hiểu.

Nhưng hôm nay quả thật là đông. Qúy Tăng Ni và Phật Tử sao mà nhiều thế? Năm trăm vị . Một ngàn người. Ngàn rưỡi  hay hai ngàn. Đúng rồi ngày mai ra Hạ. Hôm nay đại lễ cúng dường. Hôm qua chẩn tế đây mà! Đông là phải. Đông ngoài dự định hơn ba trăm người. Chúng tôi loáng thoáng nghe quý Thấy, quý Cô trong Ban tổ chức thì thầm như thế. Đó là chuyện của người lớn, chả dính dáng đến mình. Chỉ có những chiếc bàn tròn ngoài hành lang kia mới thật là dễ thương, hấp dẫn và chẳng có thì thầm nhỏ to chi cả. Chúng tôi biết phận mình tìm đến chốn bình yên đó.

Nào ngờ ngồi chưa được năm phút. Thiếu chỗ. Mời mấy Điệu về! Chờ dịp khác! Lỡ làng! Chốn bình yên mà chẳng bình yên mới thật là đáng ghét!  Phủ phàng! Xúc phạm! Ta cũng là con Phật, là Hòa Thượng đây mà! Chỉ có điều là “NHÍ” và cũng chẳng có ai mời, nên về là phải phép.

Vâng, “NHÍ” cũng là Hòa Thượng. Duy có TU mà chưa HÀNH được gì. Đôi khi và cũng đã lắm khi “Hành” thầy, “Hành” chúng cực khổ với mình: Tắm rửa, giặt giũ, ăn uống, ốm đau, nghịch ngợm, ngủ, lì, lười tụng kinh , biếng học… Đúng là chưa bồi công lập đức. Thiếu chỗ! Đi về ! Dành cho quý Sư có tu đàng hoàng, không có “ HÀNH” như chúng tôi, thật là phải đạo.

Tuy biết thế, nhưng bị mời về giữa cuộc lễ to và đông người. Chúng tôi thấy lòng tự ái tổn thương. Trời nắng chang chang. Chạy một mạch về đến nhà , cùng nhau cằn nhằn trách móc: Tiểu Hùng vô duyên, vô cớ , nhiều chuyện!... Hùng khóc! Chúng tôi chạnh lòng! Không ai bảo ai, cũng im lặng dắt nhau xuống bếp. Mỗi đứa tự bới cho mình tô cơm với nhiều dưa cải chua và dành cho Hùng nhiều tàu hủ, như tỏ bày lòng hối hận, cảm thông.

Trời đã vào thu. Gíó heo may se lạnh. Chúng tôi lại cùng nhau sang chơi bên Đại Tự. Mãn Hạ, quý Sư đã về chùa cũ. Ngôi Đại Tự vẫn oai hùng, to lớn , sừng sững , hiên ngang giữa Rừng Tòng Thánh Địa… Không còn đông đảo quý sư trang nghiêm trong những thời khóa tụng kinh, lễ cúng, kinh hành. Bỗng nhiên lòng thấy thương nhớ, tiếc nuối ! Ước gì cứ mãi mãi an cư! Cứ mãi mãi Hạ về!

Nhưng rồi mùa Vu Lan lại đến. Nhộn nhịp khách hành hương với “hoa hồng cài áo”. Những bài ca tình mẹ, ân cha lại vọng về theo gió từ những dĩa CD phát ra nơi khách đường, nghe sao tha thiết đến bùi ngùi. Nhớ nhà, nhớ mẹ, buồn ghê! Buồn vui khó rạch ròi, khó diễn tả nơi đáy hồn bé bỏng.

Chúng tôi rong chơi khắp khuôn viên Đại Tự. Đôi chân tí xíu rả rời. Đang cao hứng đâu muốn quay về cho uổng tiếc. Không phải lúc nào chúng tôi cũng rong chơi như thế. Khi ham vui, không được phép cũng lén lén dò sang. Lúc không thích, dù có mời cũng không tơ tưởng. Chúng tôi là thế. Là những “Hòa Thượng con con” đói ăn, khát uống, buồn khóc, vui cười… Bình thường và đơn giản như chuyện xưa rồi, của trái đất thật xa xưa.

Lại có đám TRAI TĂNG. Không đông như lần trước.

VU LAN BÁO HIẾU về, Hòa Thượng lớn được thỉnh đám tứ bề. Đắn đo, sắp xếp, chả biết phải đi đâu. Đi chỗ nầy, bỏ chỗ kia. Mất lòng. Giận trách. Thế là thiếu người, “Hòa Thượng Nhí” được lên ngôi! Đường bệ, đàng hoàng ở một dãy bàn dành riêng phía góc.

Thật ra khi được lệnh “Dự Trai Tăng”, trong chúng tôi có người vì dư âm hôm trước. Do dự, ngại ngần, chẳng muốn đi! Có huynh vẫn hồn nhiên, quên rồi bao tổn thương ngày cũ. Đi liền không chần chừ, đo đắn. Hoan hỷ tất. Nhớ chi chuyện cũ cho đau lòng, mà có nhớ quái gì! Mười phút. Mười lăm phút. Nửa tiếng đồng hồ. Ngủ một đêm đến sáng là ánh hồng bừng tỏa đón đợi “đức” vô tư.

Vô tư là lẽ sống nhiệm mầu. Là “hạnh anh nhi” đáng quý! Là niềm thông cảm đáng yêu! Là tuổi dại khờ đáng mến! Không toan tính thiệt hơn. Không thích điều rắc rối. Vô tư tất cả. Không nhớ điều đáng tiếc xảy ra . Chỉ vương vấn nơi lòng ai đó: phải chăng làm “ Hòa Thượng Nhí”  là để điền vào chỗ trống cho không khuyết một góc, đỡ xấu mặt trai đường? Hay khỏi loang lỗ một niềm tin?

Rồi đây “HÒA THƯỢNG NHÍ” sẽ khôn lớn ở ngày mai. Trưởng thành trong sắp tới. Không còn buồn vui, hụt hẫng đơn giản ở một góc TRAI ĐƯỜNG. Có thể nhiều hụt hẫng buồn vui ở những góc đời không đơn giản khác./.

                                                                             Viết tại Phước Khánh , ngày 12-9-2007

                                                                                    TN. HẠNH NGHIÊM

daitonglam.net