Chùa Dâu trong sự chuyển biến tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam

http://anbinhtravel.com/uploads/Bac%20ninh%20-%20chua%20dau.JPGTóm tắt: Chùa Dâu là một trong những ngôi chùa nổi tiếng ở Việt Nam. Đây cũng là nơi mà rất nhiều các nhà khoa học nghiên cứu đến tìm hiểu và nghiên cứu. Mặc dù đã có không ít bài viết và tác phẩm viết về chùa Dâu, nhưng đề tài: “chùa Dâu trong bước chuyển biến tín ngưỡng và tôn giáo ở Việt Nam” là một sự tiếp cận mới mà trước đó chưa có công trình nào nghiên cứu. Với đề  tài này người nghiên cứu không chỉ cho người đọc  thấy được bao quát về những đặc điểm chùa Dâu, Phật giáo dưới góc độ  lịch sử, văn hóa,  lâu đời  từ khi phật giáo bắt đầu du nhập vào nước ta cho tới tận ngày nay, mà còn tổng hợp, phân tích quá trình chuyển biến giữa tín ngưỡng bản địa từ khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam.  Đây là một vấn đề có ý nghĩa rất lớn khi chúng ta đang sống trong một đất nước mà hầu như không có sự xung đột  tôn giáo và sắc  tộc, nghiên cứu vấn đề này vừa có ý nghĩa khẳng định nền văn hóa Việt Nam là rất đậm đà bản sắc dân tộc những cũng luôn “mở” để đón nhận những yếu tố văn hóa mới một cách hết sức linh hoạt. Chính sự tiếp nhận linh hoạt đó đã không ngừng làm mới mà không mất đi bản chất của văn hóa Việt Nam đồng thời cũng là một yếu tố tích cực để chống lại những yếu tố văn hóa lạc hậu cổ hủ.

Sự chuyển biến tín ngưỡng tôn giáo là một quá trình  lâu dài, nó diễn ra liên tục và thay đổi   về cách  thức cùng với sự  thay đổi của  lịch sử. Sự chuyển biến  tín ngưỡng  tôn giáo sẽ không dừng  lại cho đến khi các  tôn giáo,  tín ngưỡng không còn  tồn  tại hoặc  sự phát  triển của sự vật  là độc  lập với nhau. Nhưng  thực  tế  thì điều này không và chưa  thể diễn ra, như thế nó càng khẳng định sự chuyển biến tín ngưỡng tôn giáo là một quá trình vận động liên tục với nhiều hình thức và cách thức khác nhau. Ở Việt Nam, sự chuyển biến, sự ảnh hưởng lẫn nhau giữa các tôn giáo và tín ngưỡng là  rất phổ biến,  trong đó quan  trọng hơn cả  là sự chuyển biến ảnh hưởng  lẫn nhau giữa Phật giáo - một yếu  tố văn hóa ngoại nhập với các yếu  tố văn hóa  tín ngưỡng bản địa.

Chùa Dâu là một trong những nới tiếp nhận đầu tiên của Phật giáo, chính vì vậy đây cũng là  nơi  đầu  tiên  diễn  ra  sự  chuyển  biến  tín  ngưỡng  tôn  giáo  giữa  Phật  giáo  với  các  tín ngưỡng bản địa, mở đầu cho sự chuyển biến trên toàn cõi Việt Nam. Sự chuyển biến đó đã đặt  ra  cho  chúng  ta  những  câu  hỏi  rằng  những  cơ  sở  nào  để  Phật  giáo  và  các  tín ngưỡng bản địa có thể chuyển biến với nhau và chuyển biến như thế nào? Để trả lời cho câu hỏi ấy ta cần tìm hiểu những vấn đề sau:

- Đặc điểm chùa Dâu

- Đặc điểm Phật giáo

- Những biểu hiện của sự chuyển biến tín ngưỡng tôn giáo.

1. Đặc điểm chùa Dâu 

Đặc điểm thứ nhất là ở chùa dâu là thờ các hiện tượng tự nhiên. Nói đến chùa ai không nghĩ đến  thờ phật, ở  chùa Dâu người  ta  cũng  thờ phật, nhưng phật ở đây không phải là một Thích ca như thường lệ, ít ai đến chùa Dâu mà có thể bắt gặp được một hình tượng của phật Thích ca, thậm chí nếu có thì cũng chỉ được thờ ở ban phụ. Ở đây người ta đã hình tượng hóa những hiện tượng của tự nhiên như mây, mưa, sấm, chớp thành những con người cụ thể và tạc tượng để thờ. Các hiện tượng tự nhiên này đã được nhân dân thần điệu hóa cùng với sự cộng hưởng của Phật giáo khi được du nhập vào Việt Nam thì các hiện  tượng  tự nhiên này bỗng chốc  trở  lên có hình khối, có  tính cách và được nhân dân tôn thờ như một con người cụ thể.

Có hiện  tượng  thờ các hiện  tượng  tự nhiên như vậy  là do mây, mưa, sấm, chớp  là những  yếu  tố không  thể  thiếu đối với những người dân nông nghiệp. Đó  là bốn  yếu  tố quan trọng biểu hiện khi trời có mưa, mà mưa thì có nước tưới cây trồng. Họ thờ các hiện tượng trên  tức họ đã hiểu được  rằng nguồn nước  là  rất quan  trong đồi với sự sống. Với một nền nông nghiệp  còn  sơ khai  thì điều kiện  “mưa  thuận gió hòa”  là  rất quan  trọng.

Không chỉ  thờ các hiện  tượng  tự nhiên như  trên mà nhân dân nới đây  còn  thờ  thần đất thông qua hình tượng của một Thạch Quang phật. Đất đai là yếu tố quan trọng hàng đầu của một cuộc sống định cư và làm nông nghiệp lúa nước. Thờ các hiện tượng tự nhiên như trên đó là một điểm khác biệt quan trọng của chùa dâu, đồng thời nó cũng thể hiện sự gần gũi giữa con người với tự nhiên.

Đặc điểm thứ hai là việc thờ tự ở chùa dâu thiên về nữ tính. Có lẽ ít có một dân tộc nào  có đối  tượng  tín ngưỡng  là phụ nữ  nhiều như ở Việt Nam. Đi  suốt  từ Bắc  chí Nam, gần như ở địa phương nào cũng có một đền thờ Bà hoặc Cô. Đầu tiên phải kể đến hệ thống Tứ Pháp ở miền Bắc thờ Bà Pháp Vân (bà dâu), Pháp Vũ (bà đậu), Pháp Lôi (bà tướng), Pháp Điện  (bà dàn). Sau đó  là Cửu Thiên Huyền Nữ, đến Bà Chúa Liễu Hạnh, Diêu Trì Thánh Mẫu, Bà Chúa Ba, Bà Đá, Bà Đanh. Ở Nha Trang người ta thờ Bà Thiên Yana, ở Sài Gòn người ta thờ Ngũ hành Nương Nương, rồi Bà Đen ở Tây Ninh, Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc… Đâu đâu chúng  ta cũng  thấy các Bà, các Bà ở đây đều  là những biểu tượng linh thiêng nên không phải là những cô gái trẻ đẹp mà đều là những người lớn tuổi, quyền uy, có năng  lực  làm cho mùa màng  tươi  tốt, giúp cho các gia đình con đàn cháu đống,  hay  ban  cho  những  đứa  con  hiếm muộn. Đối  với một  nền  văn  hóa  nông  nghiệp thuần túy, hiện tượng này cũng dễ hiểu. Đối với ngư nghiệp thì người ta cũng có một đối tượng tôn thờ, như ở Long Hải có Dinh Cô hàng năm lễ hội cũng rất đông.

Thật ra, người Việt Nam xem tất cả các thần linh là các bà, khuynh hướng đề cao nữ tính ấy  hoàn  toàn  phù  hợp  với  nền  văn minh  nông  nghiệp  sau  khi  đã  kết  hợp  nhuần nhuyễn thuyết âm dương. Các bà đã có một vị trí linh thiêng trong lòng người dân, tất cả đều xem các bà như mẹ, và nhân dân đã nâng lên gọi là đạo Mẫu. Từ nền tảng này, bất kỳ một  tín  ngưỡng  ngoại  nhập  nào  vào  đến Việt Nam  đều  được  bản  địa  hóa  và  thành  tín ngưỡng Việt Nam. Bồ tát Quán Thế Âm trở thành Phật Bà cũng từ lý do đó.

Như vậy việc thờ các phật là nữ là hình thức được nâng cao lên từ tư tưởng trọng nữ, thờ thần nữ vốn rất phổ biến và cổ xưa của dân tộc Việt Nam mà chùa Dâu là một trong những  số đó. Đó cũng  là  lý do  sự chuyển biển giữa Phật giáo với  các  tôn giáo bản địa không  chỉ diễn  ra ở vùng Dâu  (Thuận Thành, Bắc Ninh ngày nay) mà  còn diễn  ra phổ biến khắp toàn cõi Việt Nam.

2. Cơ sở của phật giáo

Thứ  nhất, đạo Phật là một tôn giáo cho nên không tránh khỏi những yếu tố tự nhiên thần bí. Trong đạo Phật cũng tồn tại những phép lạ, tồn tại những nhân vật có sức mạnh siêu nhiên. Đây cũng  là điểm nổi bật của các  tôn giáo nhằm  thu hút mọi người, nó  làm cho mọi người tin rằng họ sẽ được bảo hộ bởi một đấng siêu nhiên nào đó.

Thứ hai, đạo Phật tôn trọng con người và không phân biệt đối xử với phụ nữ. Đây là một đặc điểm rất phù hợp với quan niệm sống của dân tộc Việt Nam, chính vì vậy mà khi Phật giáo vào Việt Nam đã nhanh chóng nhận được sự đón nhận của nhân dân Việt Nam.

Thứ ba, đạo Phật chỉ cho con người  ta phải sống gấn gũi  thương yêu, giúp đỡ  lẫn nhau.

Thư  tư,  đạo  Phật  rất  tôn  trọng  sự  sống. Không  sát  sanh,  ăn  chay,  là  những  điều tượng  trưng  cụ  thể  cho đặc điểm  ấy. Đạo Phật xem  sự  sống  là  trên  tất  cả,  cho nên  tôn trọng sự sống không chỉ bằng cách giúp đỡ nhau để sống mà còn phải hy sinh sự sống để bảo vệ sự sống.

Thứ năm,  đạo Phật  chỉ  thấy  và  chỉ  nói  những  sự  thật mà  sự  vật  có,  không  thêm không bớt. Đạo Phật cấm đoán những tín ngưỡng và những hành động không phát sinh từ sự kém hiểu biết của con người.

Thứ sáu của đạo Phật là xác nhận "người là trung tâm điểm của xã hội loài người". Trên thế giới loài người này không có gì tự nhiên sinh ra hay từ hư không rơi xuống, mà đều do năng  lực hoạt động của con người  tạo  thành. Năng  lực hoạt động của con người tạo tác chi phối tất cả. Tất cả khổ hay vui, tiến hóa hay thoái hóa, là đều do con người dã man hay văn minh.

Thứ  bảy  là  đạo  Phật  dạy  phải  "tự  lực  giải  thoát". Con  người mới  là  phải  tự  rèn luyện, để hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn. Với một số những đặc điểm trên của Phật giáo cho chúng ta thấy rắng giữa Phật giáo và các tín ngưỡn bản địa là rất gần gũi với nhau, cùng hướng đến để xây dựng một cuộc sống con người tốt đẹp hơn, văn minh hơn.

3. Những biểu hiện của sự chuyển biến tín ngưỡng tôn giáo.

Với những đặc điểm như trên của chùa Dâu và Phật giáo cho chúng ta thấy chúng có một sự  tương đồng  lớn. Chính sự  tương đồng ấy đã  làm cho các  tin ngưỡng và  tôn giáo này cùng  tồn  tại  trong một bầu văn hóa chung ở Việt Nam. Sự chuyên biến giữa chúng không chỉ diễn ra ở vùng Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh) mà còn diễn ra trên toàn đất nước Việt Nam.

v    Phật giáo với các phong tục tập quán

Phong  tục  tập quán  thể hiện đặc  sắc và  tính đặc  thù về văn hoá  của mỗi dân  tộc. Thông qua việc tìm hiểu phong tục tập quán, người ta tìm lại được những giá trị văn hoá mang bản chất truyền thống của các dân tộc. Đối với người Việt Nam, những phong tục tập quán chịu ảnh hưởng Phật giáo khá nhiều. Sự ảnh hưởng ấy thể hiện ở một số tập tục phổ biến sau:

Về ăn chay, hầu như  tất cả người Việt Nam đều chịu ảnh hưởng của nếp sống văn hoá này. Ăn chay hay ăn lạt là xuất phát từ quan niệm từ bi của Phật giáo. Phật giáo với quan điểm  là  không  sát  sinh hại vật, mà  trái  lại phải  thương  yêu mọi  loài. Trong hành động lời nói, nếp nghĩ phải  thể hiện  từ bi. Để đạt được mục đích đó con người phải ăn chay. Ở  Việt  Nam  ngoài  những  người  xuất  gia  ăn  chay  thì  người  dân  cũng  ăn  chay. Nhưng họ ăn chay theo những ngày nhất định, tuần nhất định hoặc là tháng nhất định tuỳ vào mỗi người. Theo  thiền  sư Đinh Lực  và  cư  sĩ Nhất Tâm  “ăn  chay  rất  phù  hợp  với phong cách ăn uống Á Đông, chú trọng ăn ngũ cốc nhiều hơn tực phẩm động vật, vả lại ăn chay giúp cho cơ thể được nhẹ nhàng, trí óc dược minh mãn sáng suốt”

Ăn chay và thờ phật là hai việc đi đôi với nhau của người Việt Nam. Việc thờ phật trong dân gian cũng có nhiều thú vị. Người phật tử mộ đạo thờ phật đã đành, nhiều người không  phải  phật  tử  cũng  dùng  tượng  phật  hay  tranh  ảnh  có  yếu  tố  phật  giáo  để  chiêm ngưỡng và trang trí cho cảnh nhà thêm đẹp và trang nghiêm.

Cũng xuất phát từ tinh thần từ bi của đạo Phật, tục lệ phóng sinh đã ăn sâu vào đời sống sinh hoạt của quần chúng. Đến các ngày rằm và mùng một, người Việt Nam thường hay mua cá, mua chim… đem về chú nguyện sau đó đem đi phóng sinh. Đây là yếu tố thể hiện lòng từ bi bác ái như đạo Phật vậy. Mối quan hệ giữa con người và tự nhiên luôn gần gũi và gắn bó, nó thể hiện một sự tác động qua lại nhất định. Người Việt Nam cũng thích làm phước bố thí và sẵn sàng giúp kẻ nghèo khó hoạn nạn, nhất là vào các ngày hội, họ thường tập chung về chùa và tại đây ít nhiều thì ai cũng bỏ chút ít tiền bạc để gọi là lòng thành, và cũng là để góp sức giúp đỡ cho những người nghèo khó. Tuy nhiên trong xã hội

hiện nay thì sự tập chung này đã bị thu hẹp nhưng không vì thế mà tinh thần giúp đỡ lẫn nhau của nhân dân bị suy giảm. Ngược lại tinh thần giúp đỡ lẫn nhau vẫn đựơc phát huy hơn bao giờ  hết. Mỗi  khi gặp  thiên  tai  lũ  lụt…  thì mọi người  lại  cùng nhau  chung vai chung sức, quyên góp của cải để giúp đỡ cho những ngươi bị nạn. Truyền thống ấy có thể bị  thay đổi về hình  thức  làm việc  thiện nhưng nó không bao giờ mất và vẫn đang ngày càng dày nên cùng với bề dày của lịch sử dân tộc. Và tinh thần giúp đỡ lẫn nhau đã được nhân dân đúc kết  thành những câu ca, câu  thơ để mọi người có  thể dễ dàng chuyền cho

nhau từ đời này sang đời khác:

Lá lành đùm lá rách

Hay

Bầu ơi thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.

Ấy há chẳng phải là tinh thần từ bi bác ái của đạo Phật đó ư. Cho đến ngày nay khi quay nhìn lại cũng khó có thể phân biệt rạch ròi, chi li một yếu tố này là của Phật giáo hay yếu tố kia là văn hoá bản địa.

Hoà vào văn hoá truyền thống thì tập tục cúng rằm mùng một vẫn diễn ra một cách khá phổ biến. Tại địa bàn huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh nơi mà người nghiên cứu đã từng sống và quan sát  thì vào các ngày như vậy nhân dân nơi đây  thường mua hoa quả hay làm một mâm cơm để cúng lễ. Trong những buổi cúng lễ, họ cầu nguyện để mời ông bà tổ tiên – những người đã khuất về dự cùng bữa cơm sum họp với con cháu.

Theo  thiền sư Đinh Lực và sư sĩ Nhất Tâm  thì “tập  tục cúng rằm mùng một  là  tập tục cúng sóc vọng, túc là ngày mặt trời mặt trăng thông suốt nhau, cho nên thần thánh tổ tiên có thể liên lạc, thông thương với con người. Sự cầu nguyện sẽ đạt đến sự cảm ứng với các cõi giới khác và  sự cảm  thông  sẽ được  thiết  lập,  là ngày  trong sạch để các vị  tăng kiểm điểm hành vi của mình gọi là ngày bồ tát và ngày sám hối, người tín đồ về chùa để tham dự ngày sóc vọng là những ngày trường tịnh, sám hối, ăn chay là xuất phát từ ảnh hưởng của Phật giáo Đại Thừa”. Vào tuần rằm và mùng một thì chẳng những phật tử mà nhân dân địa phương, họ cũng đi chùa để sám hối, họ cũng ăn chay, cũng niệm phật.                                                  Như vậy, đó chính là sự ảnh hưởng lẫn nhau giữa Phật giáo và các tín ngưỡng Việt Nam. Bên cạnh việc đi chùa sám hối vào ngày rằm mùng một, người Việt Nam còn có tập tục khác là đi lễ chùa viếng chùa vào những ngày hội lớn như ngày rằm tháng giêng, rằm tháng tư (Phật đản), rằm tháng bảy (lễ Vu Lan). Đây là những tập tục dường như gắn liền với đời sống của người dân Việt Nam. Việc lên chùa vào những ngày này lại tuỳ vào mục đích của mỗi người, có người lên chùa để thắp hương cầu nguyện, nhưng có những người lên chùa chỉ là để thăm vãn cảnh chùa. Nhưng dù với bất cứ mục đích nào thì chỉ cần đó là một mục đích chân chính, nhà chùa  lúc nào cũng mở rộng cánh của chào đón đối với thập phương bá  tánh, nhất  là các ngày  lễ hội  lớn của Phật giáo và của dân gian. Những hình ảnh mà mọi người lên chùa đó đã góp phần tạo nên bản sắc và nét đẹp văn hoá của dân  tộc Việt Nam. Họ hội nhập vào bầu không khí  trang nghiêm và cũng  thấy mình  trở nên an định hơn. Đây cũng là yếu tố làm cho đạo Phật trở nên gần gũi với nếp sống của người dân. Đó  là yếu  tố  riêng có của văn hoá Việt Nam, hiếm có một nơi nào mà Phật giaó lại gần gũi với cuốc sống của người dân như vậy.

Như vậy là giữa Phật giáo và phong tục tập quán của người Việt dường như đã gắn bó với nhau. Chúng tồn tại cùng nhau nhưng vẫn không làm mất đi cái bản chất riêng có của nó. Các phong  tục  tập quán của người Việt như ăn uống,  lễ  tết… ngoài chịu  sự  tác động của một nền nông nghiệp sâu sắc  thì nó cũng bị các yếu  tố của Phật giáo  tác động mạnh mẽ. Trong Phật giáo ngoài  thờ Phật  thì cũng có bàn  thờ ông bà  tổ  tiên hay những người  không  phải  là  phật  tử  nhưng  cũng  lên  chùa  thăm  viếng. Chính  sự  tác  động  ảnh hưởng qua lại lẫn nhau đó giữa Phật giáo và các phong tục tập quán đã làm cho chúng bớt phần “đơn điệu” và cũng góp phần làm phong phú thêm cho bản sắc văn hoá Việt.

v    Phật giáo với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên

Hình  thức  thờ cúng  tổ  tiên đó  là  tín ngưỡng nhớ đến người đã khuất. Đó  là  truyền thống ăn quả nhớ kẻ  trồng cây của nhân dân Việt Nam. Những người được  thờ cúng  là những người có công lao đặc biệt trong các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, hay những người có công khai phá đất đai, mở rộng lãnh thổ. Và gần gũi hơn đó là những người có công sinh thành dưỡng dục. Đó là những bậc ông bà, cha mẹ. Vì vậy mà nhân dân đã có câu:

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Tưởng nhớ đến người đã khuất, đó là một đạo lý của người Việt Nam. Chính đạo lý ấy đã góp phần hoàn thiện “mặt người” của con người. Chỉ trong thế giới của con người mới hình thành được cái yếu tố nhớ về cội nguồn. Nhớ về cội nguồn, thờ cúng người đã khuất chẳng là một cái mốc quan trọng để con người nguyên thuỷ thoát khỏi loài vượn đó sao! Đó là yếu tố đánh dấu sự phát triển của bộ óc, đánh dấu sự phát triển của  tư duy.

Con người Việt Nam ngay từ khi sinh ra đã được sự giáo dục của người đi trước là phải có lòng biết ơn, ghi nhớ những gì người đi trước đã xây đắp mà bây giờ các thế hệ con cháu đang thừa hưởng. Đó là nền tảng để mỗi con người Việt biết nhớ về cội nguồn.

Có  thể nói con người Việt Nam ngay  từ khi sinh ra cho đến khi chết đi, con người Việt Nam đã được sống trong truyền thống thờ cúng tổ tiên. Truyền thống này ngày càng được củng cố thêm qua các thế hệ của dân tộc Việt Nam.

Truyền thống thờ cúng tổ tiên cũng là một yếu tố làm chất xúc tác để cho tính cộng đồng,  tính  dân  tộc  thêm  bền  chặt. Nhờ  đó mà  người Việt Nam  thêm  đoàn  kết,  nhất  là những lúc đất nước gặp nguy hiểm, họ sẵn sàng đoàn kết nhau lại trở thành một khối với sức mạnh to lớn. Vì vậy, kẻ thù dù nguy hiểm đến đâu cũng bị đánh bại. Giai cấp phong kiến phương Bắc sau hơn ngàn năm đô hộ nhưng không thể đồng hoá được nhân dân Việt Nam. Truyền  thống  thờ cúng  tổ  tiên “đậm đặc” của dân  tộc  là một đặc  trưng của người Việt.

Phật giáo, một tôn giáo có giáo lý từ bi bác ái hướng con người đến cuộc sống bình yên,  rất  phù  hợp  với  yếu  tố  “uống  nước  nhớ  nguồn”  của  nhân  dân. Người Việt Nam thường thắp hương cầu nguyện ông bà tổ tiên phù hộ cho cuộc sống của họ được bình yên vô sự. Như vậy, Phật giáo chẳng phải rất phù hợp với tín ngưỡng cổ truyền đó sao! Khi làm lễ táng cho người đã khuất, những người sống đã ra các chùa mời các vị sư về cầu cho linh hồn người chết nhanh chóng được giải thoát. Cầu cho linh hồn trên đường về “suối vàng” được thuận lợi. Trong việc thờ cúng ông bà tổ tiên của người Việt thì trên bàn thờ ngoài bát hương dành cho ông bà tổ tiên, thông thường còn có một bát hương cho Phật và thông thường cũng là Phật bà quan âm. Trong tất cả các buổi cúng lễ tuần, năm… người Việt Nam trong cầu nguyện hay đọc rằng “nam mô A-di-đà Phật”. Câu nói ấy hẳn là một bằng chứng xác thực chứng minh rằng sự chuyển biến lẫn nhau giưa đạo thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam và Phật giáo. Người Việt Nam thờ Phật hoặc có những hoạt động  nghi  lễ  thờ  Phật  nhưng  họ  không  hẳn  là  những  người  theo  Phật  giáo. Họ  chỉ  là nhưng người dân bình thường nhưng có lòng hướng Phật, hướng theo cái đạo lý từ bi của Phật giáo. Ngược lại, Phật giáo là một tôn giáo nên có giáo lý riêng của mình nhưng khi vào Việt Nam, nó phải mở  rộng giáo  lý  của mình để đón  nhận  các  yếu  tố bản địa  của

người Việt. Một trong số các yếu tố đó là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên như đã phân tích ở trên. Trong thờ cúng, thì các vật phẩm dùng để thờ cúng cũng khó có thể phân biệt rạch ròi là cái nào vốn có của Phật giáo và cái nào vốn có của bản địa. Điều đó nói lên sự hoà đồng các yếu tố bản địa và các yếu tố ngoại lai. Trong chùa ngoài  thờ cúng Phật còn có thờ cúng những anh hùng có công với đất nước. Tại nhà  thì người Việt Nam ngoài  thờ cúng tổ tiên còn có thờ cúng Phật.

v    Phật giáo với đạo Mẫu

Tín  ngưỡng  thờ mẫu  là một  tín  ngưỡng  bản  địa  của  người Việt. Ngay  từ  nguyên thuỷ, khi mà khoa học còn chưa phát  triển,  tự nhiên còn chi phối cuộc sống con người.

Nền nông nghiệp lúa nước là yếu tố sản xuất đầu tiên, là cơ sở để tồn tại của con người. Nền nông nghiệp cũng đã phụ thuộc vào yếu  tố đó là đất, nước… vì vậy mà mẹ đất, mẹ nước đã hình thành. Cuộc sống buổi đầu phải phụ thuộc vào các nguồn thức ăn mà họ săn bắt được từ rừng và thế là mẹ rừng xuất hiện (mẫu thượng ngàn). Như vậy, thờ mẫu là họ quan niệm đến một sự sinh sôi nảy nở. Mẫu có  thể  là những  thành  tố của  tự nhiên như một số yếu tố kể trên nhưng có thể là một con người cụ thể như mẫu Liễu Hạnh hay Man Nương trong truyền thuyết cổ về chùa Dâu..

Thế nhưng với  sự du nhập và phát triển của Phât giáo, đạo Mẫu đã nhanh chóng dung hoà và  tiếp nhận những yếu  tố của Phật giáo. Trong hầu hết các đền  thờ Mẫu của Việt Nam, thì ngoài việc thờ mẫu vẫn dành riêng một phần cho thờ Phật. Yếu tố Phật giáo gần như bị bản địa hoá hoà nhập vào với đạo Mẫu mà ít có một dân tộc nào trên thế giới có sự hoà nhập như vậy.

Trong khi các nước khác trên thế giới, thì sự phát triển của các tôn giáo dường như là độc lập và cạnh tranh nhau. Ở Việt Nam thì đó là sự phát triển xen kẽ. Trong các chùa thờ Phật thì vẫn thờ các cô, các cậu. Đó là tín ngưỡng thờ Mẫu. Thậm chí, các Phật trong chùa Việt Nam cũng thiên về nữ tính. Theo Trần Ngọc Thêm thì: “các vị Phật Ấn Độ xuất thân vốn là đàn ông, sang Việt Nam biến thành Phật ông - Phật bà, bồ tát Quán thế âm đã được biến thành Phật bà quan âm với nghìn mắt, nghìn tay, là vị thần hộ mệnh của cư dân khắp vùng sông nước Đông Nam Á. Ở một số vùng ngay cả Phật  tổ Thích ca cũng được coi là phụ nữ. Người Việt còn tạo ra Phật bà riêng của mình. Đứa con gái của Man Nương, tương truyền sinh vào ngày 8/4, được xem là Phật tổ Việt Nam. Bản thân bà Man Nương trở thành Phật mẫu”. Việc đạo Phật  có  ảnh hưởng đến đạo  thờ Mẫu  còn  thể hiện qua hàng  loạt  tên  các chùa như  chùa bà Dâu, chùa bà Đậu,  chùa bà Tướng… không những vậy mà người  đi chùa theo quan sát của nhóm nghiên cứu tại địa bàn chùa Dâu, Thuận Thành, Bắc Ninh và các chùa trong hệ thống chùa Tứ Pháp thì người đi chùa cũng chủ yếu là phụ nữ và các bà

già. Thật đúng theo tinh thần “trẻ vui nhà, già vui chùa”. Tại chùa Dâu và hệ thống chùa Tứ Pháp ở Bắc Ninh,  thì  người  trực  tiếp  trông  chùa,  chịu  trách  nhiệm  bảo  vệ  dọn  dẹp chùa cũng đều  là các bà  tại địa phương. Các bà với kinh nghiệm của mình đã được Sở Văn hóa Thông tin giáo cho trách nhiệm trông chùa và hướng dẫn du khách tham quan và đi lễ chùa.

Tất cả những điều như trên cho thấy tư tưởng trọng nữ của người dân Việt Nam đã có tác động mạnh đến đạo Phật như thế nào. Có những đặc điểm như vậy là do Phật giáo Việt Nam thiên về nữ tính mà nguồn gốc sâu xa của nó là đạo thờ Mẫu.

v    Phật giáo với lễ hội văn hoá ở chùa Dâu

Lễ hội cổ truyền là một hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian có lịch sử rất lâu đời và mang tính dân tộc vô cùng sâu sắc. Cùng với lịch sử phát triển nhân loại, lễ hội cũng trải qua những biến đổi thăng trầm. Có những thời kỳ hình thức sinh hoạt văn hoá này hầu như bị lãng quên, thậm chí bị bài xích, cho rằng lễ hội mang màu sắc mê tín dị đoan. Sở dĩ có hiện  tượng đó  là vì  lễ hội vốn  là  loại hình  rất phức  tạp, bao gồm nhiều đặc điểm, nhiều tính chất và nhiều phương diện. Thoạt nhìn, tưởng như chúng trái ngược nhau, mâu thuẫn nhau. Trong lễ hội ta thấy sự nghiêm trang, kính cẩn, mực thước của các nghi lễ và nghi  thức  khá  chặt  chẽ,  đồng  thời  lại  có  những  trò  diễn,  trò  chơi  dân  gian  hết  sức  vui nhộn, những trò chơi đặc biệt độc đáo mà ai đó thử một lần thì chắc sẽ khó quên.

Một điểm đặc biệt của lễ hội Việt Nam là lễ hội thường được tổ chức tại chùa. Việc tổ chức như vậy cho thấy ngay được mối quan hệ giữa yếu tố văn hoá dân gian và lễ hội với Phật giáo. Lễ hội chùa Dâu từ lâu đã đi vào tâm trí của của người dân nơi đây, nó như một món ăn tinh thần mà hàng năm vào ngày 8-4 mọi người từ khắp mọi nơi đều tụ họp về đây để chẩy hội chùa.

Dù ai ăn đâu làm đâu

Tháng tư ngày tám hội Dâu thì về

Dù ai xuôi ngược trăm bề

Tháng tư ngày tám nhớ về hội Dâu.

Hằng  năm  đến  ngày  8  tháng  4,  nhân  dân  Tổng Khương  xưa  và  nhân  dân  Thuận Thành ngày nay đều tổ chức lễ hội chùa Dâu để tưởng nhớ Man Nương và Tứ Pháp và hội Dâu  đi  vào  lòng  nhân  dân  từ  thủa  ấy. Vào  ngày  6-4  hằng  năm  là  các  xã  thuộc  huyện Thuận Thành vào đám. Thứ tự tổ chức ngày hội: Ngày 6-4, làm lễ hạ bệ để phong áo các tượng, riêng có mẫu tổ là không hạ, chỉ phong áo. Ngày 7-4, rước đức Pháp Vân về đình Công Hà, rước đức Pháp Vũ về đình An Khao, rước đức Pháp Lôi về đình Luỹ, rước đức Pháp Điện về đình Văn Quan, bốn bà được thờ tại các đình đã kể trên một đêm, sáng ngày mùng 8-4 thì rước từ các đình trở về chùa Dâu, qua hành động rước Phật qua lại như vậy cho ta thấy quan hệ giữa đạo Phật với tục thờ Thành hoàng. Đình là nơi sinh hoạt chung cho cả làng nên thường gọi là đình làng, nơi dùng thờ tự những người có công với làng, với đất nước hoặc nhiều nơi đình cũng là nơi thờ Thành hoàng làng. Và như thế giữa việc thờ Thành hoàng làng và thờ Phật đều đã có ảnh hưởng lẫn nhau. Đó là một nét đặc trưng của văn hoá Việt Nam.

Trong  tín ngưỡng dân gian  tôn  thờ các hiện  tượng  tự nhiên,  liên quan đến sản suất nông nghiệp, người Việt  cúng  trời đất,  tôn  thờ  các hiện  tượng  tự nhiên như mây, mưa, sấm, chớp. Lễ hội Tứ Pháp là sự mô phỏng lại quá trình sinh ra mưa của trời đất. Nhưng tại chùa Dâu, cụ thể là tại thôn Khương Tự, hội chùa Dâu được giải thích rõ là: “ngày hội con đưa mẹ nuôi về thăm mẹ đẻ”. Hội  chùa Dâu ngoài việc  rước  tượng Tứ Pháp để  cầu mưa giống như một  số nơi. Ngày hội ở chùa Dâu còn có điểm khác với một số nơi, đó là trở thành ngày hội kết chạ giữa các làng quê (là việc giao lưu giữa các làng này với làng khác).

Như vậy, hội chùa Dâu vừa thể hiện yếu tố Phật giáo là hội chùa, nhưng đồng thời nó cũng chất chứa nhiều yếu  tố văn hoá dân gian như kéo co, hát, múa… Hội chùa Dâu còn mang tình chất cộng đồng sâu sắc, mỗi dịp lễ hội là mỗi dịp mọi người cùng nhau lên chùa, cùng nhau vui chơi. Những bầu không khí đẹp như vậy càng trở nên cần thiết hơn trong bối cảnh ngày nay khi mà môi trường công nghiệp đang ngày càng phát triển, mọi người làm việc có tính chất độc lập hơn so với sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy mà cơ hội gặp gỡi chuyện  trò để hiểu nhau cũng  ít diễn  ra. Do vậy, những ngày hội  là những ngày mọi người có cơ hội tập chung, có cơ hội gần gũi nhau để từ đó thắt chặt thêm tình đoàn kết dân tộc.

Như vậy, Phật giáo từ khi vào Việt Nam đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi người dân Việt Nam. Phật giáo đã thâm nhập vào tâm hồn, nếp nghĩ, lối sống của dân tộc Việt và đã trở thành bản sắc của dân tộc. Trong bài xã luận của tạp chí “Phật giáo Việt Nam” đã viết: “Trong tâm hồn dân tộc Việt Nam thật đã có sẵn mầm mống tinh thần Phật giáo. Hèn gì mà đạo Phật với dân  tộc việt Nam  trong gần 2000 năm nay, bao giờ cũng  theo nhau như bóng với hình. Đã là viên đá nền tảng cho văn hóa dân tộc, cố nhiên Phật giáo Việt Nam vĩnh viễn phải  là một yếu  tố bất  ly của cuộc sống  toàn diện. Ngày nay những hào nhoáng của một nền văn minh vật chất đã làm mờ mắt một số đông người, nhưng nền tảng cơ bản cảu nền văn hóa Việt Nam vẫn đang còn bền chặt, khiến cho người Việt Nam dù có bị  lôi cuốn phần nào  trong một  thời gian rồi cũng quay đầu  trở  lại với cội nguồn yêu dấu ngày xưa”.

Đạo Phật đã ảnh hưởng đến mọi sinh hoạt của người Việt Nam từ triết lý tư tưởng, đạo đức văn hóa, nghệ thuật cho đến phong tục tập quán. Càng tìm hiểu và càng suy ngẫm ta càng thấy nhận định trên đúng đắn. Từ nhân sinh quan, thế giới quan đạo lý  thẩm mỹ cho  đến  những  lời  hay  ý  đẹp,  tục  ngữ  chẳng  hạn  “Ở  hiền  gặp  lành”  cũng  đâu  đó  bắt nguồn từ triết lý nhân quả của đạo Phật, rồi đến các ngày rằm, mồng một, lễ tết, lễ hội… mọi người đều bận rộn nhưng vẫn bớt chút thời gian lên chùa có thể là đi lễ cầu nguyện, song cũng có thể là chỉ đi thăm viếng bình thường, chung vui lễ hội hoặc là để  tìm hiểu những nơi linh thiêng ấy. Chùa làng cho đến ngày nay vẫn giữ một vị trí quan trọng trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng của cư dân Việt Nam nhất là những vùng nông nghiệp như tại địa phận huyện Thuận Thành là nơi có chùa Dâu tọa lạc. Tại đây từ các cụ ông, cụ bà hay thanh niên trai gái đều không quên lên chùa mỗi khi lễ hội hay các ngày rằm lễ tết.

Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có không ít kẻ đã lợi dụng Phật giáo, bày ra những điều mê  tín dị đoan,  làm ảnh hưởng đến hình ảnh  tốt đẹp của Phật giáo  trong  lòng nhân dân.

Do đó chúng ta cần phải có một sự nhận thức đúng đắn, cần phát huy những mặt tích cực, đồng  thời cũng  loại bỏ những yếu  tố hủ  tục  lạc hậu, để  làm cho Phật giáo  thêm “trong sạch” và phát  triển phù hợp với xu  thế của  thời đại. Nhất  là  trong bối cảnh ngày nay xu thế hội nhập đang diễn ra mạnh mẽ, các nền văn hóa ngoại nhập đang tràn vào Việt Nam một cách ồ ạt, vì vậy cần phải có một nhận thức đúng đắn, biết gạn lọc tiếp thu những cái tốt và giải  trừ những cái xấu. Do đó việc xây dựng một nền văn hóa  lành mạnh đậm đà bản sắc dân tộc với những tư tưởng truyền thống tốt đẹp cũng là cơ sở giúp có thể nhận định, sàng lọc tìm ra những yếu tố văn hóa tiên tiến,   mới mẻ, phù hợp với yêu cầu phát triển của xã hội Việt Nam. Sự chuyển biến tín ngưỡng tôn giáo đã tạo nên một sự hoà hợp giữa tín ngưỡng bản địa và Phật giáo trong lịch sử, đó chính là sự thích nghi “tuyệt hảo” giữa yếu  tố bản địa và yếu  tố ngoại nhập. Ngày nay Việt Nam vẫn còn  tín ngưỡng  thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng thờ mẫu, tín ngưỡng và nghi lễ nông nghiệp… nhưng Việt Nam vẫn có Phật giáo. Đó chính là nét riêng có trong văn hoá Việt Nam.

Trần Tiến Đạt

Ảnh internet

Tài liệu tham khảo:

1. Năm 2003, Tạp chí nghiên cứu Phật học, số 3.

2. Thiền sư Đinh Lực, cư sĩ Nhất Tâm  (2003), Tôn giáo và  lịch sử văn minh nhân loại – Phật giáo Việt Nam và thế giới, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

3. Trần ngọc Thêm (1998), Cơ sở Văn hoá Việt Nam, Nxb Giáo Dục, Hà Nội.

4. Nguyễn Hữu (2007), Chùa Dâu lịch sử và truyền thuyết, Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội.

5. Nguyễn Lang (1994), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập1,Văn học,Hà Nội.

6. Nguyễn Mạnh Cường  (2003), Chùa Dâu –  Tứ  pháp  và  hệ  thống  các  chùa  Tứ pháp, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.