Cách lập đàn và tụng kinh Dược Sư cầu an đảo bệnh

Khi bị tai nạn hoặc lâm bệnh nặng, có nghĩa là người đau đã đến lúc gần đất, xa trời, nhọc mệt hôn trầm, cơm cháo không muốn ăn, thuốc thang không hiệu lực. Người trong gia đình cần phải hết sức bình tĩnh và nên :

_Ðón thầy thuốc chuyên môn về căn bệnh mà trị liệu.

_Khuyên người đau phải bình tâm niệm Phật.

_Người trong gia đình cũng phải tổ chức niệm Phật trợ duyên.

_Tổ chức lễ đàn Dược sư diên thọ để cầu tai qua nạn khỏi, bệnh sớm bình phục.

Về phương pháp chữa bệnh thường có hai phương thức :

_Dùng dược lực điều trị

_Dùng sức tin tưởng mà điều trị

Khi dùng dược lực tức là cần mời các vị Bác sĩ minh y xem bệnh, cho thuốc.

Khi dùng sức tin tưởng tức là tụng kinh, niệm Phật để có một động lực huyền diệu vô hình hổ trợ. Trong cái động lực huyền diệu vô hình này cũng có hai duyên:

A)_Nội duyên_Tức là tự mình cầu Phật và niệm Phật,tin tưởng nơi đức Phật hộ trì, mặt khác niệm Phật thì tự tâm trong lặng, không khởi lên dục vọng thất tình, bệnh tất mau lành.

B)_Ngoại duyên_Tưc là do những người trong gia đình tụng kinh, lễ bái giúp vào. Hoặc thỉnh chư Tăng, chư thiện hữu trợ duyên lễ Phật, tụng kinh để đem tâm tưởng tha lực phù trì, hiệp cùng tự lực, tất nhiên có được một năng động lực mạnh mẽ mà khiển bệnh tình chóng dứt.

Muốn đạt được sự lý dùng sức tin tưởng trị liệu, người Cư sĩ cần phải biết rõ nghi thức tụng kinh Dược sư, tụng thường hay tụng hội.

NGHI THỨC TỤNG KINH DƯỢC SƯ

A)_Tụng thường_Nghiã là đối trước bàn Phật mà đem kinh Dược sư ra tụng, nhất tâm cầu nguyện hồi hướng công đức để cho người bệnh chóng được bình phục.

Việc tụng này có thể tổ chức ngay tại trong gia đình hay cầu thỉnh một vị Tăng tụng cho ở chùa cũng được, điều cốt nhất là người cầu tụng cũng như người tụng đều phải chí thành. Gia chủ tín thành nhưng thầy tụng có tính cách là sự tụng thuê, miễn sao xong việc thì thôi, thì không có công hiệu. Ngược lại người tụng kinh chí thành mà người gia chủ coi là một sự bất đắc dĩ phải chiều ý mà tổ chức tụng chứ không thật tâm muốn tụng, hoặc cố tổ chức cho có tiếng vang đối với bạn bè, hàng xóm v.v...nghĩa là có tính cách cầu danh thì cũng không lợi lạc.

Về cách trang biện lễ vật thì cứ tùy tâm biện lễ, cốt được thanh tịnh là hơn.

B)_Tụng hội_Tức là tổ chức lễ đàn Dược sư có bảy vị ngồi tụng hoặc có bảy khu, mỗi khu có bảy vị gọi là đàn Dược sư thất khu.

Việc tụng kinh Dược sư hội cần nên chú ý mấy điểm sau đây:

1._THIẾT LẬP ÐÀN TRÀNG_Ðàn Dược sư có thể thiết lập tại nhà cũng như tại chùa chia làm 7 khu có 7 hình tượng Phật, có tràng phan, bảo cái:

THẤT PHẬT TRỢ TUYÊN DƯƠNG

_Nam mô Tỳ Bà Thi Phật

_Nam mô Thi Khí Phật

_Nam mô Tỳ Xá Phù Phật

_Nam mô Câu Lưu Tôn Phật

_Nam mô Câu Na Hàm mâu ni Phật

_Nam mô Ca Diếp Phật

_Nam mô Thích Ca Mâu ni Phật

BÁT ÐẠI BỒ TÁT GIÁNG CÁT TƯỜNG

_Nam mô Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát

_Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát

_Nam mô Ðắc Ðại Thế Bồ Tát

_Nam mô Vô Tận Ý Bồ Tát

_Nam mô Bảo Ðàn Hoa Bồ Tát

_Nam mô Dước Vương Bồ Tát

_Nam mô Dược Thượng Bồ Tát

_Nam mô Di Lặc Bồ Tát

THẬP NHỊ DƯỢC XOA ÐẠI TƯỚNG

_Cung Tỳ La Ðại tướng

_Phạt Triết La Ðại tướng

_Mê Xí La Ðại tướng

_An Ðể La Ðại tướng

_Án Nể La Ðai tướng

_San Ðề La Ðại tướng

_Nhân Ðạt La Ðại tướng

_Ba Di La Ðại tướng

_Ma Hồ La Ðại tướng

_Thân Ðạt La Ðại tướng

_Chiêu Ðỗ La Ðại tướng

_Tỳ Yết La Ðại tướng

Bảy khu được phân định ra: Trung Ương _ Thượng phương _ Hạ phương _ Ðông phuong _ Nam phương _ Tây phương _ Bắc phương.

Mỗi khu được đặt 1 cái bàn và 7 ghế ngồi, nếu là tụng 49 vị và mỗi bàn 1 ghế ngồi, nếu chỉ có 7 vị ngồi tụng.

Về việc bày bàn nên xếp đặt theo 2 phương thức tùy theo vị trí chỗ thiết lập:

_ Xếp ngang _ bày bàn cùng hướng lên một hướng song song ngang nhau, hoặc giữa 3 bàn và 4 bàn lui xuống một chút.

_ Xếp theo phương hướng _  Trung Ương 3 bàn, rồi 4 bàn 4 phía đâu vào.( Nhìn thấy 5 bàn một hàng ngang , 3 bàn một hàng dọc ).

Trung Ương đàn nên được bày biện nguy nga hơn hết và đó là chỗ vị Sám chủ ngồi tụng, nếu được ngoảnh mặt về phương Ðông thì tốt hơn hết.

2._ VẬT PHẨM TRANG TRÍ .

_ Về thức vật bày biện phải có đủ mỗi bàn:

a/Ðầy đủ

_Một tượng Phật

_Một bát hương

_Hai cây nến    (đăng)

_Hai bình hoa

_Hai mâm quả( Năm thứ quả, có năm mầu )

_Trà

_Thực( thực vật ăn được như oản khảo hay oản nếp hoặc xôi chè  v.v...

Về vật phẩm cúng dàng nên y theo lục cúng tức là ở món chay tịnh

b/Giản tiện

_Một bát hương

_Một cây nến

_Một bình hoa

3._ VIỆC THỈNH NGƯỜI TỤNG KINH .

_ Trong hội Dược sư ít nhất cũng nên có một vị Ðại Ðức Tăng chủ lễ, nếu được 7 vị Tăng hoắc Ni chia ra đứng chủ mỗi bàn thì càng quí hóa. Trường hợp không thỉnh được vị Tăng thì cũng có hàng cư sĩ có đức hạnh đáng tôn làm chủ lễ. Tất cả những vị trong đàn đều phải ăn mặc tề chỉnh (có áo tràng) và nếu có thể nên được chay tịnh ba ngày hay một ngày trước khi vào đàn.

Những vị tham dự tụng kinh Dược sư hội nên giữ những điều cấm sau đây:

_Không nên ăn trầu trong khi tụng kinh

_Không nên hút thuốc

_Không nên chuyện trò, cười nói trong lúc tụng kinh cũng như trước khi tụng kinh

_Không nên vừa tụng kinh vừa quạt phì phà, phì phạch hoặc vặn mình nghiêng   bên  nọ, ngã bên kia.

Ðối với gia chủ phải giữ tuyệt đối những điều răng cấm sau đây:

_Không sát sanh.

_Không mời thầy bùa chú nguyện.

_Không cầu ma đảo quỉ, tin thầy yêu nghiệt.

Phải thực tâm hồi hướng bằng cách làm các việc phúc đức:

_Ấn tống kinh sách

_Làm việc bố thí

_Tổ chức phóng sanh

Ðối với người đau,cũng phải luôn luôn niệm câu :

“Nam mô Dược Sư Phật”.

Hoặc nếu tâm linh còn minh mẫn có thể chuyên tụng bài chú sau đây:

“Nam mô Bạc Già Phạt đế, bệ sắc xã, lũ rô, bệ lưu ly bát lạt bà, hát ra xà dã, đát tha yết đa dã, a ra hát đế tam miểu, tam bột đà da. Ðát điệt tha. Án,bệ sắc thệ, bệ sắc thệ, bệ sắc xã, tam một yết đế sa ha.” Càng nhiều càng có lợi lạc.

Tuy nhiên, dù là tụng thường, dù là tụng hội, nên có ý niệm chân xác là phương pháp tụng kinh cốt ở ý thành, về lễ lạt càng giản dị càng tốt, trong hoàn cảnh nghèo chỉ cần một nén hương thơm, một chén nước trong cũng đủ.

Tranphuocdien