ĐÔI DÒNG VỀ ALBUM CD “SƯƠNG BAY TRÊN PHÍM CUNG ĐÀN”

(CD CỦA HÀN LONG ẨN SẮP ĐƯỢC RA MẮT VÀO THÁNG 4 TẠI SAN JOSE)

“Cõi thi ca không chỉ là những khám phá hời hợt bên ngoài, mà còn có tham vọng đi sâu vào cõi vô thủy vô chung với những nốt lặng của một bản trường ca chưa hoàn tất. Chính cái dở dang đó đã chắp cánh cho hồn thơ thoát đi, bay bổng, phiêu diêu, không có gì có thể ngăn chặn được.”

Đi vào cõi thơ và dòng nhạc của Hàn Long Ẩn cũng là đi vào cái điệp khúc ngàn đời đó của nhân loại. Album CD “Sương bay trên phím cung đàn” là tập hợp những bài hát được trích từ tập thơ “Cát bụi đường bay” của tác giả. Những vần thơ thiền vị này được chắp cánh ca từ thanh thoát trong những nốt nhạc trầm bỗng sâu lắng nhất, hòa quyện giữa đạo và đời, giữa hư và thực, giữa mộng và tỉnh, giữa tình và thiền... Hãy nghe nhà văn Vĩnh Hảo nhận định: “Nếu được-mất, vinh-nhục, khen-chê, vui-buồn là những cặp vừa tương khắc vừa tương sinh, thì tình và thiền ở đây cũng là một cặp song hành. Nói thế không có nghĩa trong tình tất có thiền, hay trong thiền tất có tình. Chỉ là nói theo thể cách thiền-tình đề huề của Hàn Long Ẩn qua thi phẩm này. Tình yêu thi hóa tâm thiền. Tâm thiền tịnh hóa tình yêu. Hai ngọn gió này, lúc quyện lấy và nâng đỡ nhau, lúc lại lấn lướt loại trừ nhau, trên cuộc đăng trình về chốn miên viễn.”

Chắp tay niệm Phật Di Đà

Trang kinh nở một đóa hoa nghê thường

Mai về bên ấy Tây phương

Còn vương suối tóc bụi đường tơ bay?

(Bụi Đường Tơ Bay)

Hàn Long Ẩn đến với cõi thi ca bằng một tâm thái bình dị, ung dung, thanh thản, không vướng bận bởi những hình tướng của thế gian, những hệ lụy đăm chiêu huyền ảo của kiếp phù du. Vì rằng, thi ca là thái độ sống, là một cuộc lịch nghiệm của dòng chảy tâm thức con người. Nhà văn Trần Kiêm Đoàn trong bài “Rồng ẩn chùa tre” có đoạn viết: “Thơ lục bát của Hàn Long Ẩn mượt mà và đầy nhạc tính như tiếng vọng của cá nghe kinh. Nhà thơ là tu sĩ nhưng hồn thơ trôi chảy phóng khoáng, tứ thơ phiêu lãng miên man, không e dè trong một giới hạn cảm xúc hay hình tướng nào cả. Tình yêu, tình đạo, tình đời… sống thực và có mặt đậm nét hay bàng bạc khắp nơi.

Ta so dây dạo cung ngà

Điệu buồn ru khúc Ta Bà về say

Tình chung cát bụi đường bay

Tình chung hoa nắng vàng lay giấc hồ.

(Quảy Gót Hài)

Nhà thơ không lẫn trốn hay 'diệt' bất cứ một đối tượng cảm xúc nào hiện hữu mà tha thiết nắm bắt và mỉm cười với tất cả. Rồi từ đó, hóa giải hết thảy cánh rừng trùng trùng cảm xúc đầy biên kiến, xung đột bằng năng lực tỉnh thức và niệm lực tĩnh lặng như một sự gieo mầm hay hòa tan trong biển an hòa của từ bi và trí tuệ. Hồn thơ vẫn lai láng. Đường tu vẫn rỡ ràng. Thơ là lời kinh; là phương tiện thiện xảo của biến pháp giới, không chấp trước, 'siêu việt nhị biên'. Tùy duyên mà hóa độ.”

Nhìn con người thật, cũng như đọc những bài thơ tuyệt tác của Hàn Long Ẩn ta mới thấy được phong cách thong dong, tự tại rất “con người” của thi sĩ. Hàn Long Ẩn luôn tự xem mình nhỏ bé như hạt bụi bay trong gió, như giọt sương ban mai, như quáng nắng chiều tà, như chiếc lá mùa thu nhẹ rơi trong đêm thầm lặng. Nhưng chính những điều khiêm nhường đó lại kết nên phong thái đĩnh đạc của một nhà thơ lớn. Hàn Long Ẩn không gò ép để tận diệt mọi cảm xúc dấy lên từ bản năng, mà phóng thích tâm hồn mình phiêu du qua mọi cung bậc để rồi quán chiếu và tự mình vượt qua. Rất nhiều đoạn thơ của tác giả vẫn còn nhắc về những giai nhân, gót ngọc, nhưng cảm thức đã vượt thoát ra ngoài cái hệ lụy của kiếp phù sinh.

Ta về thắp nến nguyện cầu

Búp tay sen nở nhiệm mầu tặng em

Quan Âm hiện bóng Mẹ hiền

Cam lồ giọt nước an nhiên nụ cười.

(Giọt Cam Lồ)

Dòng thơ nhạc của Hàn Long Ẩn là một cuộc đi về của ngàn năm phương mộng lênh đênh.

Về thôi cát bụi đá vàng

Về thôi cuộc mộng non ngàn phù vân

Đêm nay buốt giá phiêu bồng

Lặng nghe chiếc lá bạt dòng sương bay.

(Sương Bay Trên Phím Cung Đàn)

Bước đột phá của Hàn Long Ẩn trong thể loại nhạc Phật giáo là nét phóng khoáng, tự do trong suy nghĩ, không ràng buộc bởi bờ này bến nọ. Chính điều đó có lúc như là cơn sóng mạnh dội vào tâm thức làm bung vỡ cái vỏ tự ti, mặc cảm để mở ra một khoảng trời thăm thẳm mênh mông, rỗng không và tĩnh lặng.

Đọc kinh bỏ ý quên lời

Bản lai diện mục nụ cười vô ngôn

(Nụ Cười Vô Ngôn)

Ngón tay chỉ là ngón tay, ngón tay không phải là mặt trăng. Con thuyền vẫn chỉ là con thuyền, con thuyền không phải là bờ giác. Tất cả chỉ là phương tiện để đạt đến cõi bình yên miên viễn.

Ngón tay điểm bóng trăng huyền

Qua bờ hư ảo thả thuyền sông trôi

Ngàn năm mây nước bên trời

Thiên thu tự tánh vỡ lời hư không.

(Ngộ)

Đức Phật trải qua 49 năm thuyết pháp chỉ nói với ta một điều rằng, Phật chưa hề nói điều gì cả. Điều ít ai ngờ tới là, chân lý lại nằm ở chỗ “không hề nói” đó. Nói rất ít mà nói rất nhiều. Nói rất nhiều mà quy hồ như chẳng nói gì hết.

Cũng vậy, “Vạn pháp quy nhất, nhất quy hà xứ?” Hạt bụi là vũ trụ, vũ trụ chính trong hạt bụi. Vạn pháp là không thực tánh, là bóng câu qua cửa sổ.

Ngẫm câu cát bụi đời ta

Thì thôi nhân thế cũng là bóng câu.

(Chỉ Là Bóng Câu)

Thơ của Hàn Long Ẩn giàu tính nhân văn, thanh thoát bởi nét đẹp của ngôn ngữ thiền ca kết hợp với những tiết tấu điêu luyện, âm giai chấn động lòng người của nhạc sĩ Quý Luân, đã nâng cảm xúc người nghe bay vút vào khoảng không bao la, bát ngát của suối nguồn an nhiên, tịch tịnh tâm hồn. Cảm giác đó như gã Cùng tử hạnh phúc khi tìm lại được hạt minh châu trong chéo áo của mình.

Tác phẩm “Sương bay trên phím cung đàn” được sự hòa âm, phối khí rất tài tình của nhạc sĩ Quý Luân, thể hiện qua những giọng ca thật thiền vị, sâu lắng của các ca sĩ nổi tiếng như: Hiếu Nghĩa, Xuân Phú, Vân Khánh, Chế Phong, Trung Hậu, Quý Luân, Thùy Dương, Thanh Ngọc và Hạnh Nguyên.

Bình Nhất Phương

Liên lạc để đặt CD:

Chùa Thiên Trúc

1083 South 7th St

San Jose, CA 95112

Tel: 408 217 9602

Email: [email protected]

Web: www.thientruc.org