Tin tức Phật giáo Thế giới (tuần thứ 3, tháng 02, 2011)

 

Di tích Phật giáo tại Khu G-12 của Islamabad - Photo: Zulfiqar Ali Kalhoro
Di tích Phật giáo tại Khu G-12 của Islamabad - Photo: Zulfiqar Ali Kalhoro

 

 

PAKISTAN: Phát hiện thêm một di tích Phật giáo tại thủ đô Islamabad 

 

Một di tích Phật giáo đã được phát hiện tại Khu G-12 ở Meharabad thuộc thủ đô Islamabad. Đây là một gò cao 10 feet, có thể từng là một bảo tháp vì trên gò có những mảnh gốm được xem là thuộc thời kỳ Phật giáo.

 

Người dân ở Meharabad nói rằng những kẻ săn tìm kho báu đã đào xới đỉnh và sườn của bảo tháp này với hy vọng tìm được bảo vật, và rằng một số hiện vật đã được tìm thấy trên đỉnh gò.

 

Bảo tháp ở Meharabad (G-12) được phát hiện gần đây là một trong số các di tích Phật giáo bên trong và xung quanh Islamabad.

 

Hiện nay di tích Phật giáo này nằm giữa các cánh đồng nông nghiệp. Phần lớn khu vực đã được đưa vào canh tác. Những mảnh gốm và một số mảnh nồi nấu ăn nằm rải rác trên bề mặt, cả trên gò lẫn trên phần đất đã trồng trọt. 

 

Các cơ quan chức năng cần thực hiện việc khai quật tại địa điểm này và cứu lấy những hiện vật còn nằm chôn lấp khỏi bị phá hoại thêm. Họ cũng cần phải rào quanh gò để nó không bị lấn chiếm thêm. Nếu không có hành động kịp thời, có khả năng là phần còn lại của di tích cũng sẽ bị người dân của Meharabad đưa vào canh tác.

 

(The Express Tribune - February 18, 2011)

 

TRUNG QUỐC: Triển lãm các tác phẩm điêu khắc bằng bơ tại Tu viện Taer 

 

Tu viện Taer, một tu viện nổi tiếng ở tỉnh Thanh Hải của Trung quốc, đã tổ chức cuộc triển lãm thường niên những tác phẩm điêu khắc bằng bơ.

 

Để chiêm bái các tác phẩm điêu khắc tinh tế mô tả Đức Phật, các truyền thuyết Phật giáo và lịch sử Tây Tạng này, khoảng 150.000 Phật tử và du khách trong và ngoài nước đã đến tham quan tu viện cổ Taer.

 

Hơn 40 nhà sư đã làm việc 70 ngày trong cái lạnh buốt người để hoàn thành tất cả 7 tác phẩm điêu khắc. Được tạo tác bằng thủ công bằng bơ bò Tây Tạng, các tác phẩm cân nặng hàng nghìn kg này được treo trên những giàn gỗ cách mặt đất 20 m và có thể được bảo quản đến một năm trong các phòng máy lạnh.

 

Vào năm 2006, Hội đồng Nhà nước đã xếp hạng tác phẩm điêu khắc bằng bơ là một di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia.

 

(Xinhua - February 18, 2011

 

ẤN ĐỘ: Triển lãm "Kho báu của Trung Hoa cổ xưa" tại New Delhi 

 

Ngày 19-02-2011, Viện Bảo tàng Quốc gia Ấn Độ ở New Delhi đã khai mạc một cuộc triển lãm về "Kho báu của Trung Hoa cổ xưa".

 

Sự kiện này kéo dài đến ngày 20-03-2011, được tổ chức bởi Ban Nghiên cứu Khảo cổ Ấn Độ, phối hợp với Cục Quản lý Nhà nước về Di sản Văn hóa Trung quốc và Triển lãm Nghệ thuật Trung quốc.

 

Có 95 cổ vật được trưng bày, đại diện cho nền văn hóa Trung Hoa từ thời kỳ đồ đá mới (khoảng 10.000 năm trước Công nguyên) đến thời nhà Thanh - được làm bằng đá, kim loại, ngọc bích, sứ, gốm sứ v.v.

 

Từ 2 thiên niên kỷ qua, Ấn Độ và Trung quốc đã tương tác và cùng có ảnh hưởng đến châu Á và cả thế giớ, tạo nên sự đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực nghệ thuật và văn hóa.

 

Con đường tơ lụa và sự truyền bá đạo Phật từ Ấn Độ sang Trung Hoa là một số liên kết quan trọng, tạo nên sự phát triển bước ngoặt về hợp tác. Thương nhân và tăng sĩ của nước này vẫn luôn sang nước kia. Một số nhà du hành Trung Hoa quan trọng từng đến Ấn Độ  như Pháp Hiển, Huyền Trang và Ai Trang (vào thế kỷ thứ 4, thứ 7 và thứ 10 sau Công nguyên) đã để lại những cuốn du ký tạo thành các nguồn tư liệu cơ bản quan trọng đối với lịch sử Ấn Độ. Các nhà sư Ấn Độ là Kasyapa Matanga và Dharmaraksha đã cưỡi ngựa trắng, mang kinh Phật đến Trung hoa vào năm 68 sau Công nguyên và thành lập ngôi đền Phật giáo đầu tiên tại Trung Hoa - cụ thể là Đền Bạch Mã ở Lạc Dương, kinh đô của Trung hoa thời bấy giờ.

 

Cuộc triển lãm "Kho báu của Trung Hoa cổ xưa" hiện nay nhằm làm mới các cuộc đối thoại văn hóa, và nhờ đó tăng cường tình hữu nghị giữa 2 nước cộng hòa lớn của châu Á bằng cách thiết lập mối quan hệ của 2 dân tộc.

(pib.nic.in - February 19, 2011)  

 

TRUNG QUỐC: Đại Lễ hội Đèn lồng

 

Lễ hội Đèn lồng, còn gọi là Lễ hội Nguyên Tiêu, vào ngày 15 tháng Giêng âm lịch (năm nay nhằm ngày 17-02 dương lịch) đánh dấu sự kết thúc Lễ hội Mùa Xuân (Năm Mới Trung Hoa).

 

Từ thời Tây Hán (năm 206 trước Công nguyên đến năm 25 sau Công nguyên), nó đã trở thành một lễ hội có ý nghĩa rất lớn. Suốt thời nhà Hán (từ năm 206 trước Công nguyên đến năm 220 sau Công nguyên), Phật giáo phát triển mạnh ở Trung Hoa. Một vị hoàng đế nghe nói rằng vào ngày rằm tháng giêng âm lịch các tăng sĩ thường chiêm bái xá lợi của Đức Phật và thắp sáng đèn lồng để cúng Phật. Do đó ông ra lệnh thắp sáng đèn lồng trong hoàng cung và chùa chiền để tỏ lòng kính Phật vào ngày này.

 

Về sau, nghi thức Phật giáo ấy đã phát triển thành một lễ hội lớn trong dân chúng, và ảnh hướng của nó lan rộng từ các đồng bằng miền trung đến toàn cõi Trung Hoa. Ngày nay, Lễ hội Đèn lồng vẫn được tổ chức khắp đất nước Trung quốc.

 

(Jamaica Gleaner - February 21, 2011) 

 

 

1

Đèn lồng được trưng bày tại Lễ hội Đèn lồng Trung quốc - Photo: Jamaica Gleaner 

 

ĐÀI LOAN: Võ sư phái Thiếu Lâm và bộ sưu tập vũ khí truyền thống 

 

Được đào tạo từ khi còn bé tại Tung Sơn Thiếu Lâm Tự ở Trung quốc, võ sư Đài Loan Hsiao Chuan-yi đã thành lập hội kungfu Thiếu Lâm đầu tiên của Đài Loan để giúp mọi người học võ thuật. Nơi ở của ông cũng trưng bày bộ sưu tập gồm trên 1.000 vũ khí võ thuật.

 

Sau khi từ Trung Hoa đại lục trở về Đài Loan, ông Hsiao bắt đầu thực hiện hoài bão đưa Thiếu Lâm đến với quốc đảo này của mình, và ông đã thành lập một hội. Môn đệ của ông gồm cả các huấn luyện viên võ thuật của cảnh sát và quân đội. Ông đã dạy tổng cộng gần 10.000 học viên.

 

Hiện nay, các kế hoạch cho một "Phòng Triển lãm Văn hóa Vũ khí Võ thuật và Học viện Võ thuật Thiếu Lâm Tự của Trung Hoa Dân Quốc" của ông đang tiến triển, để mọi người được thấy tận mắt những điều mà hầu hết chỉ thấy trong các phim võ thuật.

 

(Liberty Times - February 21, 2011

Diệu Âm lược dịch

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo haitrieuam.com