NGUYỄN DU VÀ ĐẠO PHẬT QUA CÁC BÀI THƠ CHỮ HÁN

 

Tư tưởng Phật giáo của Nguyễn Du qua Truyện Kiều đã được rất nhiều người nghiên cứu, song tư tưởng Phật giáo của Nguyễn Du qua những bài thơ chữ Hán của Ông vẫn còn là một vấn đề ít được đề cập đến. Bài viết này sẽ tìm hiểu nội dung tư tưởng Phật giáo của Nguyễn Du được thể hiện qua những bài thơ của Ông trong Thanh Hiên Thi tập, Nam Trung Tạp Ngân và Bắc Hành Tạp Lục, từ đó tiến tới khẳng định rằng nền tảng tư tưởng của Nguyễn Du chính là Phật giáo và chính bản thân Ông cũng vốn là một Phật tử thuần thành.

MỘT TẤM LÒNG TỪ BI BAO LA THƯƠNG YÊU TẤT CẢ CHÚNG SANH

Nhà nghiên cứu Nguyễn Lộc trong quyển Văn học Việt Nam nữa cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX (tập 2, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1978) có nhận định như sau về Nguyễn Du “… Truyện Kiều giống như một dòng sông lớn, còn thơ chữ Hán của Nguyễn Du lại là những con suối nhỏ, nhưng tất cả đều đổ vào đại dương mênh mông của chủ nghĩa nhân đạo của nhà thơ”. Nhận định này có thể coi là đúng nhưng chưa phải là hoàn toàn, bởi gọi tấm lòng của Nguyễn Du trong thơ chữ Hán là lòng nhân đạo là phiến diện, mà chính xác hơn phải là lòng từ bi, từ bi theo đúng nghĩa Phật giáo. Rộng hơn chủ nghĩa nhân đạo, cao hơn chủ nghĩa nhân đạo, Nguyễn Du không chỉ yêu thương con người mà Ông yêu thương tất cả chúng sinh. Yêu thương con người, Nguyễn Du vô cùng đau đớn trước cảnh bốn mẹ con gười ăn xin sắp chết (bài Sở kiến hành – Những điều trông thấy).

“Mẫu từ bất túc tuất

Phủ nhi tâm đoạn trường

Kỳ thống tại tâm đầu

Thiên nhật giai vị hoàng”

Nghĩa:

Mẹ chết không đáng tiếc

Vỗ về con già càng đứt ruột

Lòng đau xót vô cùng

(Trông lên) mặt trời úa

Gió lạnh bổng đâu ào tới

Khách qua đường cũng thấy thương tâm.

Trong bài Thái bình mại ca giả (Người hát ở trong thành Thái Bình), Nguyễn Du đã xúc động sâu xa trước nỗi khốn khổ của một lão già mù hát rong, Ông đã thốt lên “Ngã sạ kiến chi, bi thả tâm” (Ta thấy lòng đau khôn xiết).

Thấy một người kéo xe dưới trời trưa nắng gắt, Nguyễn Du cũng bày tỏ sự thương cảm thống thiết như vậy. Thái độ này chúng ta có thể bắt gặp ở nhiều bài thơ khác nữa của Nguyễn Du, chẳng hạn như bài Trở Binh hành (bài hành về việc binh đao làm nghẽn đường) khi Ông viết vài những người dân nghèo bị nạn đói ở Hồ Nam. Cần phải nhấn mạnh rằng, Nguyễn Du đã viết những dòng thơ trong khi Ông đang là một quan Chánh sứ, có như vậy chúng ta mới thấy được tất cả ý nghĩa lớn lao của tấm lòng từ bi của Ông.

Như đã nói, tình thương của Nguyễn Du không phải chỉ dừng lại ở giới hạn con người, mà Ông yêu thương tất cả muôn loại chúng sinh bằng tấm lòng từ bi quảng đại. Trước cảnh một con chó chết, Nguyễn Du cũng bồi hồi thương cảm (bài Điệu khuyến – thương con chó chết), thấy một con ngựa ốm bị bỏ rơi, Ông cũng chạnh lòng (bài Thành hạ khí mã – con ngựa bỏ ở chân thành), Ông viết:

“Thành gia lão mã khí thanh âm

Mao ám bi can sấu bất câm”

Nghĩa:

Con ngựa già nhà ai bỏ ở chân thành

Lông sạm da khô, gầy quá chừng.

Cái nhìn của Nguyễn Du đối với muôn vật rõ ràng là sự thể hiện sinh động trong văn học, tinh thần bất hủ của kinh Pháp Hoa “Từ nhãn thị chúng sinh”.

Xuất phát từ lòng từ bi, Nguyễn Du mạnh mẽ lên án những cuộc chiến tranh phi nghĩa, giết hại sinh linh. Trong bài Pháo đài (tập thơ Nam Trung Tạp ngâm), Ông đã viết:

“… Hán đoạt Tần tranh sự dĩ không

Tạo giả đại khuy sinh vật đức

Nhĩ lai bất quý sát nhân công”

Nghĩa:

Nhà Hán nhà Tần tranh giành nhau, chuyện đã qua

Trước kia thương tổn rất nhiều đến cái đức muốn cho sinh vật đều sinh tồn

Giờ đây không quý cái công giết người nữa.

(Theo chú thích của Lê Thước và Trương Chính trong tập thơ chữ Hán Nguyễn Du, NXB Văn Học, Hà Nội 1978 thì Hán Tần ở đây chỉ cho Trịnh Nguyễn)

Trong bài Kỳ Lân mộ (trong tập Bắc Hành tạp lục), cũng giống như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du đã chỉ trích bản chất tàn ác của Minh Thành tổ, người đã giết hại vô số sinh linh:

“Hà huống Yên đệ hà như nhân

Đoạt diệt tự lạp phi nhân quân

Bạo nô nhất sinh di thập tộc

Đai bổng cự hoạch phanh trung thần

Ngũ niên sở sát bách dư vạn

Bạch cốt thành sơn địa huyết ân”

Nghĩa:

Phương chi Yên vương địa là người như thế nào?

Cướp ngôi của cháu, hắn không phải là bậc nhân quân

Khi nổi giận hắn giết hại mười họ người ta

Đánh trượng và nấu vạc người trung thần

Chỉ trong năm năm hắn giết hơn trăm vạn nhân mạng

Xương trắng chất thành núi, máu thắm đỏ đất.

Trong bài Phản chiêu hồn, Nguyễn Du đã đứng ở phía đối diện với tội ác sát sinh mà lên tiếng:

“Bất lộ trảo nha dữ giác độc

Giảo tước nhân nhục cam như di”

Nghĩa:

Họ không để lộ vuốt nanh sừng và nọc độc

Nhưng cắn xé thịt người ngọt xớt như đường.

Với lòng từ bi, Nguyễn Du đã đau khổ với nỗi đau của những kiếp người và cả những kiếp thú bất hạnh. Từ đó, Ông đã phê phán mạnh mẽ những kẻ đã gây nên đau khổ.

DƯỚI CÁI NHÌN CỦA NGUYỄN DU, BẢN CHẤT CỦA CUỘC ĐỜI LÀ VÔ THƯỜNG VÀ KHỔ NÃO

Cuộc đời, theo quan điểm của Phật giáo là đầy dẫy đau khổ và luôn luôn biến động, thay đổi. Quan điểm này đã được thể hiện trong hầu hết những tác phẩm của Nguyễn Du từ Truyện Kiều, Văn Chiêu hồn cho đến các bài thơ chữ Hán.

Trải qua một cuộc bể dâu

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng

Đó là một trong những lời thơ mở đầu Truyện Kiều và đó cũng là một trong những nội dung chính của các bài thơ trong Thanh Hiên Thi tập, Nam Trung Tạp ngâm và Bắc Hành Tạp lục. Đọc ba tập thơ này, chúng ta dễ dàng tìm thấy những câu thơ viết về lẽ vô thường của cuộc thế. Trong bài Tái Thế Nguyên vận (họa lại nguyên vần), Nguyễn Du đã với một ý tương tự câu Kiều dẫn trên:

“Phù thế kỷ kinh tang lỗ biến”

Nghĩa:

Cuộc đời trải bao phen nương dâu hóa ruộng muối

Đức Phật dạy: “Tất cả những gì trong thế gian đều biến đổi, hư hoại đều là vô thường”, bằng các bài thơ chữ Hán, Nguyễn Du đã khẳng định lời dạy đó bằng hình tượng văn học đặc sắc. Dưới đây là một số câu thơ tiêu biểu:

“Cổ kim vị kiến thiên niên quốc”

(Xưa nay chưa từng thấy triều đại nào đứng vững nghìn năm)

(Bài Quân doanh vị hoàng)

“Lục xích câu ni trường dịch dịch

Tứ thời phao trịch thái thông thông”

(Sáu thước tấm thân lao lực mãi

Bốn mùa tấc bóng vội vàng không)

(Bài Ngẫu hứng 2)

“Trần thế bách niên khai nhãn mộng”

(Cõi trần trăm năm chỉ là giấc mơ mở mắt)

(Bài Ngồi một mình trên nước các sông La Phủ)

“Kim lai cổ vãng Lư sinh mộng Hạc khứ lâu không Thôi Hạo thi”

(Cuộc đời xưa nay như giấc mộng chàng Lư

Hạc đi lầu vắng chỉ còn lời thơ Thôi Hạo)

(Bài Lầu hoàng hạc)

Cuộc đời vô thường như thế cho nên tất cả cái vẻ hào nhoáng của cuộc đời đều chỉ là ảo ảnh mà thôi. Nguyễn Du đã thấy rõ điều đó và Ông đã lặp đi lặp lại ý này rất nhiều lần:

“Phù thế công danh khan điểu quá”

(Công danh ở cõi đời như cánh chim bay qua)

“Phù lợi vinh danh chung nhất tán”

(Danh lợi hão huyền cuối cùng sẽ tiêu tan hết)

(Bài cuối xuân cảm hứng)

“Phù thế công danh tẩu hác xà”

(Công danh trên cõi đời trôi nổi tuột mất như rắn vào hang)

(Bài tiễn Nguyễn Sĩ Hữu về Nam)

Trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du, chúng ta thường bắt gặp hình ảnh “phù vân” (mây nổi). Đó là một hình ảnh tượng trưng cho cái nhìn của Ông về cuộc đời vô thường và vô định.

Phật giáo xem cuộc đời là

“Thần lâu hải thị” (Lầu sò chợ bể), Nguyễn Du xem cuộc đời là “Thương hải tang điền” .

“Thành quách suy di nhân sự cải

Kỳ xứ tang điền biến thương hải”

(Thành quách đổi dời, việc người cũng khác

Bao nơi nương dâu thành biển cả)

(Bài bãi nương dâu)

Đó là âm hưởng chủ đạo của Thanh Hiên thi tập, Nam Trung tạp ngâm, Bác Hành tạp lục, đó cũng là âm hưởng chủ đạo của Truyện Kiều và của Văn Chiêu hồn. Các nhà nghiên cứu văn học hiện nay tại Hà Nội cũng công nhận như vậy: “…cái ý mà ta thường gặp trong thơ Nguyễn Du, tức là mọi vật đều biến đi, thế sự phù trần, bãi biển biến thành nương dâu” (Thơ chứ Hán Nguyễn Du. Lời giới thiệu, NXB Văn Học, Hà Nội 1965, trang 26).

Thấy sự vô thường của cuộc đời, Nguyễn Du cũng đã nhiều lần khẳng định trong các bài thơ của mình rằng cuộc đời chỉ là đau buồn, vô nghĩa. Ông viết trong bài Uống rượu (Đối tửu):

“Thế sự phù vân chân khả ai”

(Thế sự như mây nổi thật đáng buồn)

Trong bài Cảm hứng lan man (Mạn hứng), Ông lại viết:

“Bách tuế vi nhân bi thuấn tức”

(Cuộc đời trăm năm buồn thay chỉ là là chốc lát)

Hay như trong bài Qua giang đình cảm xúc làm thơ (Giang đình hữu cảm):

“Bách niên đa thiểu thương tâm sự

Cận nhật Trường An dĩ đại phi”

(Cuộc đời trăm năm có biết bao nhiêu chuyện thương tâm

Gần đây Trường An đã đổi khác lắm rồi)

Đến đây, chúng ta có thể khẳng định một lần nữa rằng quan điểm về cuộc đời của đạo Phật quả thắm nhuần trong lời thơ của Nguyễn Du.

BẢN THÂN NGUYỄN DU LÀ MỘT PHẬT TỬ VÀ ÔNG LUÔN LUÔN NUÔI ƯỚC VỌNG XUẤT GIA TU HÀNH

Đây cũng là điều mà chúng ta có thể khẳng định một cách dứt khoát trong thơ Ông, Nguyễn Du đã nhiều lần nói một cách trực tiếp, rõ ràng.

Trong bài Đề động Nhị thanh, Ông đã bàn đến triết lý Thiền tông ca ngợi đức Phật và nói lên sự gắn bó với đạo pháp của mình:

“Nhất lạp càn khôn khai tiểu thiên

Mãn cảnh giai không hà hữu tướng

Thử tâm thường định bất ly Thiền

Đạo sư vô ý diệc vô tâm”

(Một hàn càn khôn nở ra cảnh trời nhỏ (1)

Khắp cõi đều là không thì làm gì có tướng (2)

Lòng này thường định, không xa đạo Thiền

Đức Phật không tâm cũng không ý)

Chúng ta có thể thấy được dấu ấn sâu đậm của Phật giáo Thiền tông nơi Nguyễn Du qua bài Đạo ý (Nói ý mình):

“Trạm trạm nhất phiến tâm

Minh nguyệt cố tỉnh thủy”

(Tấm lòng trong vắt

Như ánh trăng sáng, như nước giếng xưa)

Và Nguyễn Du đã hơn một lần nói lên ước vọng đi tu trong thơ của mình:

“Hà năng lạc phát quy lâm khứ

Ngọa thính tùng phong hưởng bán vân”

(Những ước cạo đầu vào núi ẩn

Đàn thông nằm lắng tiếng lưng trời)

Mơ ước lánh xa cõi trần tục lụy và đau khổ là mơ ước lớn nhất của Nguyễn Du:

“Na đắc khiêu ly phù thế ngoại

Trường tùng thu hạ tối nghi nhân”

(Ước gì thoát được vòng trần tục

Ngồi dưới gốc tùng thú biết bao nhiêu)

(Bài Sơn thôn – Xóm núi)

Nhưng, như chúng ta đã biết, trong suốt cuộc đời, Nguyễn Du đã không thực hiện được ước vọng đó, và do vậy mỗi khi viếng chùa gặp sư, Ông hay thẹn với mình và tự trách. Ông đã viết trong bài Vọng Thiên Thai tự (Trông chùa Thiên Thai):

“Tiên triều tăng lão bạch vân trung

Khả liên bạch phát cung phu dịch

Bất dữ thanh sơn tương thủy chung”

(Vị sư triều trước già trong mây trắng

Thương mình đầu bạc còn phải lận đận

Không được cùng núi xanh trọng nghĩa thủy chung)

Tưởng cũng cần nói thêm ở đây, trong thơ Nguyễn Du, hình ảnh nhà sư bao giờ cũng là một hình ảnh đẹp, lý tưởng.

Nhà nghiên cứu văn học Trương Chính trong lời giới thiệu quyển Thơ chữ Hán Nguyễn Du in năm 1978 có cho biết rằng trong thời gian sống dưới chân Hồng Lĩnh “Nguyễn Du thường lui tới các cảnh chùa, đàm đạo với các nhà sư, trong đó có một nhà sư tên Huyền Hư Tử”.

Chú thích:

(1) Kinh Duy Ma có câu trong hạt cải chứa đựng cả quả núi Tu Di.

(2) Lý kinh Bát Nhã.

Sách tham khảo:

1. Nguyễn Lộc, Văn Học Việt Nam nữa cuối thế kỷ XVIII nữa đầu thế kỷ XIX tập II, NXB Đại học và Trung học Chuyên nghiệp, Hà Nội, 1978.

2. Lê Trí Viễn và nhiều tác giả, Lịch sử Văn Học Việt Nam tập III, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1978.

3. Thơ chữ Hán Nguyễn Du, NXB Văn Học, Hà Nội, 1973.

Theo giaohoiphatgiaovietnam.vn