Tính tùy duyên của Nghi lễ Phật giáo

Trong lúc chuẩn bị cho bài viết này, chúng tôi rất vui mừng khi bắt gặp được bài phỏng vấn về Nghi lễ do tác giả Lê Việt Nhân thực hiện. Vâng, xin thành thật cảm ơn tác giả đã giúp chúng tôi xoá tan nỗi trăn trở, suy tư về vấn đề Nghi lễ trong Phật giáo. Nói chung là dòng nghi lễ của Phật giáo Việt Nam phát triển từ Bắc đến Trung và vào Nam.

Riêng ở miền Trung có được nét đặc biệt là trong thời kỳ Trịnh-Nguyễn phân tranh, được các Tổ sư ở Trung Hoa sang đã cải cách những nghi lễ vốn đang được sử dụng khiến cho nghi lễ miền Trung mang đậm nét cung đình; còn nghi lễ từ Phú Yên trở vào thì mang đậm tính dân gian hơn. Nhưng phải nhìn nhận là nghi lễ của Phật giáo miền Nam phong phú hơn vì được thừa hưởng tất cả những dòng nghi lễ trên và nhờ vào những giọng điệu, âm điệu vốn có của người miền Nam nên đã tạo thành những phong cách riêng rất đa dạng và đặc sắc. Chẳng hạn, mỗi một bài “tán” ở miền Nam đã mang một điệu khác, không còn mang những nét nguyên thủy của Bình Định mà đã theo tiếng nhạc riêng của miền Nam.” (1)

Đây chính là tính cách tuỳ duyên của nghi lễ, bởi nó chuyển tải được tâm tư, tình cảm, tập quán cùng cách sống hài hoà của vùng đồng bằng Nam bộ. Riêng tại Sóc Trăng, là một tỉnh vùng ven gần cuối miền đất nước, được xây dựng và phát triển với 3 sắc dân tộc: Kinh – Hoa – Khmer. Vì thế, Ban nghi lễ Phật giáo Sóc Trăng ít nhiều cũng ảnh hưởng đến những cung bậc nhẹ nhàng thanh thoát như mây trôi nước chảy… của Phật giáo người Hoa. Cùng với nhịp điệu giản đơn bình dị với phong thái tự nhiên của Phật giáo Nam tông Khmer đã toát lên ý nghĩa “bản thể như nhiên.”

Từ sự đồng thuận với quan điểm của tác giả Lê Việt Nhân, người viết xin ghi đậm 4 điểm để nói lên tính tùy duyên của Nghi lễ “Nghi lễ Phật giáo trong đời sống văn hoá tâm linh.”

01. Những yếu tính cần thiết của người hành trì: Người hành trì là tác nhân chủ yếu có thể làm tăng vẻ trang trọng cho pháp hội hay ngược lại. Vì yếu tính của nghi lễ là tác động đến tâm thức của người nghe, do vậy muốn cho nghi lễ làm hay thì người hành trì nghi lễ phải có đời sống nội tâm (tâm linh) cao. Người có đời sống tâm linh cao chừng nào thì hành trì nghi lễ hay chừng ấy. Hơn thế nữa, nghi lễ chỉ hay khi người hành trì hòa mình vào các nhạc khí và giọng điệu của mình để đánh vào tâm thức người nghe. Những điệu “tán,” “tụng” chỉ có tác dụng thu hút mọi người khi người hành trì nghi lễ tập trung tâm trí của mình vào việc hành lễ. Trái lại, nếu người nào chỉ biết tán tụng mà không có đời sống nội tâm cao thì việc hành lễ sẽ chẳng thu hút được mọi người, chỉ khiến cho họ điếc tai mà thôi. Cũng giống như trong hát dân ca, người nghệ sĩ phải nhập vai mới thu hút được người xem, và phải gửi gắm tâm tư tình cảm vào bài hát mình trình diễn.

Lâu nay, có người không hiểu vai trò đó, nên chỉ chú trọng luyện giọng cho tốt, không chú trọng đến định lực, chánh niệm nên cuối cùng không chuyển tải được tác dụng nào về mặt hoằng pháp cả. Do đó, muốn hành trì nghi lễ hay cần phải hội đủ 4 yếu tố sau:

(a) Phải có chánh niệm, định lực;

( b) Phải tham cứu giáo lý khi ứng dụng khoa nghi, phù hợp với khoa học;

(c) Phải có nghệ thuật điêu luyện đúng mức về giọng điệu;

(d) Phải mang tính quần chúng, đậm nét văn hóa Phật giáo và Dân tộc.

Thiếu một trong 4 yếu tố trên, người hành trì nghi lễ không thể đem nghi lễ phổ cập được, nhất là làm giảm lược ý nghĩa tôn quý của nghi lễ Phật giáo.

02. Nghi lễ ảnh hưởng không nhỏ cho việc phát triển Phật giáo: Nếu như người hành trì nghi lễ không chịu học giáo lý, không chú tâm vào đời sống tâm linh và sử dụng nghi lễ như một phương tiện kiếm sống... thì đồng nghĩa với việc ngăn trở bước phát triển của Phật giáo. Cụ thể như các nước: Trung Hoa, Đài Loan, Nhật Bản... nghi lễ phát triển song hành với mọi sinh hoạt của Phật giáo. Cũng thế, Phật giáo Việt Nam có một giai đoạn phát triển vào giữa thế kỷ 19, trong đó có sự góp mặt của Nghi lễ Phật giáo. Câu nói rất gần gũi của Phật giáo là “tùng sự hiển lý.”

Từ đây, có thể khẳng định được vai trò của ngành Nghi lễ Phật giáo. Chẳng hạn, trong lần Hội thảo đầu tiên với bao nhiêu dự tính, phương hướng tốt đẹp được nêu ra, giờ kiểm lại chúng ta đã thực hiện được những gì… từ việc thành lập Tiểu ban soạn thảo giáo án, giáo trình cho đến việc thống nhất những Lễ hội lớn từ trung ương đến địa phương. Ở đây, chúng tôi xin nêu lên một yêu cầu bức thiết, kính mong các ngành Giáo dục, Hoằng pháp, Văn hoá… hiểu và hỗ trợ cho Ban nghi lễ thể hiện được vai trò của mình, sau đó chúng ta mới có thể bàn đến việc phát triển Phật giáo.

03. Nghi lễ đồng hành với đời sống tu học của Tăng Ni: Có thể khẳng định rằng nghi lễ hiện nay đang bị bỏ quên, không có một phương hướng đào tạo cụ thể. Nếu có thì chỉ truyền dạy theo lối Tổ truyền và chỉ đi sâu vào những điệu “tán,” “tụng” chứ không chú trọng về tâm thức khi hành lễ. Ngày xưa, các vị Tổ sư đã dạy rằng: “Học kinh ba tháng, học tán ba năm.” Thế mà hiện nay, đối với Phật giáo Việt Nam vai trò của nghi lễ vẫn chưa được nhận thức đúng. Trong khi ở các nước Phật giáo trên thế giới thì môn học đầu tiên của các Tăng Ni khi vào chùa là phải học nghi lễ. Bởi họ quan niệm rằng “Tôn giáo mà không có nghi lễ sẽ trở thành học thuyết suông.”

Vâng, điều này luôn diễn ra hàng ngày trong sự sinh hoạt của Tăng Ni, là một sự thực đáng cần quan tâm - vấn đề vẫn là rất cần sự hợp tác của các ban ngành.

04. Nghi lễ cần phải sớm khôi phục và phát triển: Cần phải có một cái nhìn đúng về nghi lễ! Không chỉ Tăng Ni mà tất cả mọi người phải nhìn nhận rằng “Nghi lễ của thiền gia để hành trì chứ không phải để làm đám”... Cần loại trừ những tệ hại phát sinh từ nghi lễ. Muốn được như thế, thiết tưởng không thể không nhờ đến ngành Tăng sự, để sớm thanh lọc những tệ hại phát sinh từ nghi lễ, để mọi người nhìn thấy rằng đây cũng là một pháp môn như bao pháp môn khác cần tu tập. Nhất là cần được phổ biến truyền tụng cho tất cả Tăng Ni để mọi người ai cũng phải biết hành trì nghi lễ. Tuy rằng không chuyên, nhưng phải biết để thấy giá trị thật sự của nghi lễ, “Phật giáo còn thì Nghi lễ còn”.

Thật ra, không chỉ người Tây phương mà ngay cả những người Ðông phương, cho đến một số các Phật tử chính thống cũng quan niệm một cách lệch lạc về ý nghĩa lễ nghi và sự cầu nguyện trong Phật giáo. Trường hợp hiểu lầm việc cầu Phật, lạy Phật, cúng Phật để được Ngài ban bố tài lợi là một chuyện rất thường xảy ra trong giới Phật tử; chỉ biết Phật mà không có cơ hội học hỏi Phật pháp, không hiểu rõ nghĩa lý sâu xa của những biểu tượng lễ nghi và cầu nguyện trong Phật giáo. Ðây là nguyên nhân để cho một số người đứng ngoài Phật giáo vội kết luận rằng hình thức lễ nghi và cầu nguyện trong Phật giáo là một hình thức lỗi thời, lạc hậu, bày tỏ lòng yếu đuối, vọng cầu, thiếu tinh thần tự lực và tự giác ngộ. Nếu hiểu chính xác ý nghĩa cầu nguyện thì cầu nguyện là một phương pháp tu tập, có giá trị tương đương với phương pháp thiền định, quán chiếu tự tâm. (2)

Tóm lại, Nghi lễ là một phương tiện thiện xảo cho tinh thần nhập thế của Phật giáo. Hay nói cách khác, Nghi lễ Phật giáo là một phương pháp tu tập “tùng sự hiển lý,” qua những bài kệ, thơ văn… chuyển tải hành trạng tu tập của các bậc Tổ sư, chư vị Bồ tát… Kính mong chư Tôn đức quan tâm đúng mức để sớm khôi phục, làm sáng lại những công đức và đạo nghiệp của các bậc tiền nhân, nhất là mở lối cho người sau hiểu đúng, nhận rõ những giá trị muôn đời ấy.

Ban Nghi lễ Phật giáo tỉnh Sóc Trăng

Chú thích:

(1) Lê Việt Nhân - Nét đặc thù của nghi lễ Phật giáo Việt Nam.

(2) Nghi Lễ có phải là Tín ngưỡng không - Hoà thượng Thích Tịnh Từ.