LÀM THẾ NÀO ĐỂ HOẮNG PHÁP CHO THANH THIẾU NIÊN TRỞ THÀNH PHẬT TỬ THUẦN THÀNH VÀ KIÊN TRUNG GIỮ ĐẠO P

 

Hoằng pháp là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của Phật giáo nước ta trong giai đoạn hiện nay.Việt Nam là một quốc gia có nhiều tôn giáo song song tồn tại. Nhà nước có chính sách về tín ngưỡng và tôn giáo là : “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào”; Nhà nước tạo điều kiện cho tất cả tôn giáo hoạt động tín ngưỡng theo đúng quy định của pháp luật.

Điều kiện để một tôn giáo phát triển là phải tập hợp và không ngừng phát triển số lượng tín đồ thường xuyên tu học, hành trì giới luật, kiên trung giữ đạo, làm cho tôn giáo của mình vững mạnh. Nếu không thực hiện được sứ mạng Hoằng pháp như thế thì lâm vào thế suy thoái.Vì thế, trong những năm gần đây, các tôn giáo không ngừng đẩy mạnh hoạt động truyền giáo, tổ chức nhiều hoạt động để thu hút người chưa biết đạo và cả những người đã có đạo khác “cải đạo” để theo tôn giáo của mình. Để thu hút đông đảo tín đồ mới, một vài tôn giáo ngoài đạo Phật đã dùng nhiều hình thức không được chân chính để thu hút tín đồ như dùng kinh tế để tác động, buộc phải cải đạo mới được làm phép thành hôn với người mình yêu, tổ chức các hoạt động vui chơi mang tính chất truyền đạo cho trẻ con để tạo dần nhận thức cho trẻ về tôn giáo của họ ….

Thanh thiếu niên chưa có đạo và Phật tử là đối tượng được các tôn giáo này chú ý nhiều nhất. Điều này khiến chúng ta phải tự hỏi “ Làm thế nào để hoằng pháp cho thanh thiếu niên trở thành Phật tử thuần thành và kiên trung giữ đạo”.

Thật vậy, thanh thiếu niên luôn là đối tượng cần quan tâm nhiều nhất. Vì sao ?

Một là thanh thiếu niên là thế hệ trẻ, thế hệ tương lai, tràn đầy sức sống. Từ thế hệ thanh thiếu niên hiểu và tin sâu Phật pháp, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng đạo Phật sẽ có nhiều Phật tử hết lòng vì đạo pháp.

Hai là thanh thiếu niên với năng lực sáng tạo, khát khao tìm hiểu là lực lượng làm cho Phật giáo không ngừng phát triển và đổi mới.

Ba là thanh thiếu niên là lớp người chưa vướng bận bụi trần, có nhiều điều kiện xuất gia tu học trở thành Tăng sinh, tu sĩ.

Bốn là thanh thiếu niên Phật tử, nếu không xuất gia mà ở tại thế làm cư sĩ cũng là người cha người mẹ trong gia đình định hướng cho con em mình theo Phật pháp.

Năm là thanh thiếu niên là lực lượng xung kích, có tiềm năng đẩy mạnh mọi hoạt động của Phật giáo vào trong cuộc sống.

Thanh thiếu niên có vai trò quan trọng như thế nên các tôn giáo khác không ngừng tác động làm cho thanh thiếu niên Phật tử hay chưa theo đạo bằng cách này hay cách khác cải đạo, tức là bỏ đạo thờ ông bà tổ tiên hay Phật để tin theo đạo khác. Cụ thể như là lợi dụng hoàn cảnh nghèo túng, khó khăn để giúp đỡ rồi rủ họ theo đạo; hoặc là buộc phải rửa tội học giáo lý mới làm phép hôn phối; hay là dùng nhiều phương tiện dụ dỗ thanh thiếu niên theo đạo.

Hiện nay trên thế giới có 4 tôn giáo lớn, gồm Kitô giáo với 2,1 tỉ tín đồ; Hồi giáo với 1,5 tỉ tín đồ; Ấn Độ giáo với 900 triệu tín đồ; Phật giáo với khoảng 350 triệu tín đồ ngoài ra còn các tôn giáo khác với số tín đồ vài mươi triệu hay dăm ba triệu tín đồ. Còn ở Việt Nam có 6 tôn giáo lớn gồm : Phật giáo khoảng 10 triệu tín đồ, Công giáo khoảng 6 triệu tín đồ; Tìn lành khoảng 1 triệu tín đồ; Hồi giáo khoảng 70 ngàn tín đồ; Cao Đài khoảng 2,3 triệu tín đồ; Hoà hảo khoảng 1,2 triệu tín đồ.

Phật giáo đã du nhập vào nước ta vào khoảng thế kỷ thứ II trước công nguyên và cực thịnh vào thời Lý Trần (Thế kỷ X đến thế kỷ XIV), có một thời gian dài Phật giáo là quốc giáo. Sau giai đoạn cực thịnh, Phật giáo ở nước ta đã dần dần bị Khổng giáo lấn lướt. Khi thực dân, đế quốc xâm lược nước ta, đạo Phật càng lâm vào thoái trào. Số đồng bào Phật tử bị giảm sút. Chiến tranh tàn phá đất nước, các thế lực cầm quyền thời Pháp, Mỹ đã tạo điều kiện cho đạo Công giáo, Tin lành phát triển . Tuy con số 10 triệu tín đồ Phật tử chiếm tỉ lệ cao song chúng ta cũng cần hết sức bình tĩnh con số này sẽ giảm đi nếu chúng ta không có biện pháp hoằng dương chính pháp, làm cho Phật pháp đến với mọi người và làm cho Phật tử kiên trung giữ đạo trước những cám dỗ của đạo khác.

Hoằng pháp là đem chân lý, ánh sáng Phật pháp soi rọi tâm hồn, làm cho con người tin tưởng tuyệt đối vào lời dạy của đức Phật và làm theo Chánh pháp.

Hoằng pháp cho thanh thiếu niên cần quan tâm đến đặc điểm tâm sinh lý của tuổi trẻ. Đó là về hình thức phải làm sao cho thanh thiếu niên thích thú, cảm hứng hướng về đạo pháp. Muốn thế hoằng pháp phải có những tổ chức hoạt động vui chơi, tập hợp được các em vào đoàn thể gia đình Phật tử hay đạo tràng. Hình thức hoằng pháp phải tận dụng được những phương tiện thông tin hiện đại như biểu ngữ, bích chương, tranh vẽ, thư pháp, đĩa hình, đĩa pháp thoại, internet … Hình thức là phương tiện đầu tiên để đưa thanh thiếu niên bước đầu tìm hiểu Phật pháp.

Để giúp thế hệ trẻ kiên trung giữ đạo cần làm cho thanh thiếu niên hiểu rõ lợi ích của Phật pháp mang lại cho chính mỗi người. Khi trả lời cho báo Le Point (Pháp quốc) về câu hỏi “Ngài có suy nghĩ gì khi biết có hơn một triệu người Pháp bỏ đạo Thiên chúa để theo đạo Phật”, Đức Đạt Lai Lạt Ma nói :” Những người này đã suy nghĩ cẩn thận và cân nhắc kỹ lưỡng và thấy Phật giáo mang lại một cái gì đó nhiều hơn so với Thiên chúa giáo nên họ mới theo Phật giáo”.

Đúng vậy, chính những lợi ích mà đạo Phật mang lại cho mỗi người là điều cốt lõi để cho thanh thiếu niên kiên trung giữ đạo. Đạo Phật là đạo giải thoát, từ bi, hỉ xả, lợi chúng quần sanh. Giáo lý đạo Phật dựa trên nền tảng khoa học. Đạo Phật không dạy con người ta mê muội, tin tưởng vào những điều phản khoa học. Đạo Phật không dùng hình ảnh của một thế lực siêu hình để ban phước hay gieo họa cho con người. Đạo Phật luôn luôn khuyên dạy, chỉ dẫn con đường cho con người tu tập để tiến đến giải thoát mọi khổ đau trong chốn luân hồi. Đó là con đường “ Tứ điệu đế”, con đường “Bát chánh đạo”, con đường giác ngộ xa bến mê để về bờ giác, tự mình giải thoát cho chính mình, tìm an lạc trong hiện tại.

Giáo lý đạo Phật là chân lý mang lại lợi ích cho nhân loại nói chung và thanh thiếu niên nói riêng là không bàn cãi, vấn đề là làm sao thanh thiếu niên có đầy đủ bản lĩnh để nói không với những cám dỗ hay những áp lực buộc mình phải “cải đạo”.

Nhiều thanh thiếu niên “cải đạo” xuất phát từ những tác động như kinh tế khó khăn được người có đạo giúp đỡ, vượt qua khó khăn nên cảm nhận ơn đức mà đi theo đạo. Có thanh niên “cải đạo” vì bị ép buộc của tôn giáo như không được làm phép hôn phối cho người chưa vào đạo. Những hình thức ép buộc như thế đã đạt được mục đích, song đã tạo nên nhiều bi kịch cá nhân, bi kịch gia đình.

Để thanh thiếu niên kiên trung giữ đạo Phật, chúng ta cần tạo cho thanh thiếu niên và phật tử những vấn đề sau :

Một là Tôn Kính Phật: đức Phật Thích Ca với sự hy sinh rũ bỏ ngai vàng, cung điện, vợ đẹp, con ngoan để tìm đường tu học giải thoát là hình ảnh cao đẹp tuyệt vời. Hình ảnh thanh thoát, ung dung tự tại với ba mươi hai tướng đẹp, tám mươi vẻ uy nghi là hình ảnh cao cả. Phải làm cho hình ảnh đức thế tôn luôn ngự trị trong tim mỗi người.

Hai là Luôn nghe Pháp : Pháp là giáo lý,là con đường tu học, con đường đi đến giải thoát. Mỗi ngày mỗi lúc cần làm cho lời Phật dạy đến với thanh thiếu niên. Pháp đến thanh thiếu niên qua hình ành, kinh sách, băng đĩa pháp thoại, sinh hoạt mạn đàm, đối thoại… làm sao cho giáo lý cơ bản đến với mọi người. Vì sao các tôn giáo khác có “thánh kinh” để nhật tụng hàng ngày. Còn đạo Phật chúng ta có quá ít “Phật kinh’ để thanh thiếu niên, Phật tử tìm đọc hàng ngày. Việc tụng kinh hàng ngày của các chùa với âm Hán Việt mà nhiều thanh thiếu niên không hiểu nghĩa có thật sự mang lại lợi ích gì cho họ không? Hãy biên soạn kinh bằng tiếng Việt để thanh niên” hiểu rõ kinh tạng” rồi mới có “trí tuệ như biển” được.

Ba là Gần gũi Tăng: Tăng là người xuất gia tu học, thay mặt Phật để giáo hóa quần chúng, đem ánh sáng Phật pháp đến mọi người. Người thầy (gồm Tăng và Ni) phải thực sự có đạo đức, phẩm hạnh trong sáng, hết lòng vì đạo pháp, không đua tranh, bon chen, không ích kỷ, nhỏ nhen, luôn vì mọi người. Quý thầy cần phải có phẩm hạnh cao cả, trí tuệ sáng suốt, là chỗ dựa tinh thần của Phật tử. Phật tử tôn trọng đạo Phật qua hình ảnh các thầy, do đó, các thầy cần luôn là hình ảnh mẫu mực cho Phật tử.

Bốn là Sống hội đoàn: Thanh thiếu niên Phật tử phải quy tụ vào tổ chức hội đoàn để giúp nhau. Gia đình phật tử là một tổ chức lâu đời của thanh thiếu niên Phật tử cần được tiếp tục duy trì và phát triển. Tập thể và dư luận tập thể sẽ giúp thanh thiếu niên rất nhiều trong kiên trung giữ đạo.

Hoằng pháp cho thanh thiếu niên trong thời gian qua đã có nhiều mô hình tốt mang lại hiệu quả cao. Trong đó những buổi sinh hoạt hội trại, văn nghệ Phật giáo, khóa tu học mùa hè ở các chùa cho thanh thiếu niên đã tạo ra cách làm tốt cần phát huy và nhân rộng. Một vài chùa đã chú trọng đem ánh sáng Phật pháp đến thiếu nhi qua tranh vẽ, truyện hoạt hình Phật giáo. Nhiều chùa lập mạng thông tin, trang web Phật giáo trên mạng internet phổ biến nhiều bài pháp thoại, kinh kệ… Đó là những tín hiệu rất đáng mừng. Tuy nhiên, sinh hoạt cộng đồng, tập thể của gia đình Phật tử ở từng chùa chưa có nhiều đổi mới, chưa thu hút nhiều thanh thiếu niên Phật tử cũng là điều cần rút kinh nghiệm để chấn chỉnh và làm tốt hơn.

Một người Phật tử luôn tôn kính Tam bảo và được tập thể (gia đình phật tử, đạo tràng) tư vấn và giúp đỡ kịp thời sẽ giúp thanh thiếu niên Phật tử kiên trung giữ đạo./.

 

Trích tham luận Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc năm 2011)

Hòa thượng Thích Đạt Đạo

 

Theo giaohoiphatgiaovietnam.vn