Bodhgaya một ngày

 
Một ngày ở Bodhgaya, là sự ghi chép, miêu tả về đôi điều hay dăm sự việc nào đó, trong một không gian và thời gian nhất định. Còn, nói rằng, Bodhgaya,một ngày, thì lại là cái mong muốn chiếm lĩnh cả chiều sâu không - thời - gian chứa đựng trong Lời (âm thanh và những rung động của… vũ trụ!). Tham lam như thế, là không nhìn thấy được những giới hạn, là sẽ dẫn đến bế tắc…

 

Nguyễn Đông Nhật

Giác Ngộ

Thôi vậy, cứ để cho Ý sẽ đẩy đưa Từ, như một "định mệnh" còn mù mờ hình dạng.

Mà, vì sao như vậy? Có lẽ là vì cái màu lá xanh sâu thẳm bên cội bồ đề , nơi Sa môn Cồ Đàm hiển lộ chân lý tối thượng, 2.600 năm trước.

chuong.gif

Đại hồng chung Hoà bình của Việt Nam tại Bodhgaya - Ảnh: T.Hải

 

Sáng xanh

Cái sắc xanh sâu xa và huyền bí ấy, từ bóng lá êm đang trùm xuống quanh tôi, từ cả bầu không khí buổi sáng cứ lờ mờ lãng đãng sương sương khói khói, làm sao lại không gợi liên tưởng đến điều mà hàng mấy mươi năm trước, cả thế giới đã nhắc đến như một lời ca ngợi?

Ấy là cuộc cách mạng xanh ở đất nước này. Màu xanh ấy là một… tất yếu, "ra đời" từ… cái sắc đen đủi đến não lòng trên thân thể của hàng triệu những con người đói rách: Ấn Độ, những năm trước thập niên 50 của thế kỷ XX triền miên chìm trong đói nghèo và những tập tục kỳ lạ. Hai mươi năm sau, xứ sở của sử thi vĩ đại Mahabharata 48.000 câu thơ, "nơi không có gì của Ấn Độ mà không có trong trường ca này" đã thực hiện được ước mơ ngàn đời: đủ cái ăn cho một đất nước có gần một tỉ người. Khoảng hơn mươi năm sau nữa (1995), Ấn Độ xuất khẩu gạo. Và hiện nay, Ấn Độ đang dẫn đầu thế giới về xuất khẩu gạo và sản lượng sữa. Nhưng rồi, với mức tăng dân hơn 150 triệu người trong mười năm, cuộc cách mạng xanh lần thứ hai phải xuất hiện mà một nội dung "sống chết" là: đời sống tốt hơn và bình đẳng hơn cho nông dân.

Tốt hơn, bình đẳng hơn, có nghĩa là… chưa bình đẳng và chưa tốt lắm. Đúng thế: bên ngoài dãy hàng rào khu vực Bodhgaya này, có quá nhiều trẻ em da bọc xương, mắt trắng dã chìa tay van lơn du khách. Và, trong hai tuần lễ đi qua gần 5.000km trên một phần Bắc Ấn, đâu đâu cũng vẫn những cảnh tượng ấy!

Nhưng, cũng đâu đâu, là những cánh đồng bạt ngàn xanh. Điều ấy thật lớn lao, nếu biết rằng, từ khi con người xuất hiện đến nay, đó là cuộc cách mạng thứ hai (mà Mexico và Ấn Độ thực hiện thành công nhất), sau cuộc Cách mạng đồ đá mới (Neolithic revolution) đã đưa những bộ tộc nguyên thủy trên lưu vực sông Dương Tử (Trung Hoa) tách khỏi thời kỳ săn bắt - hái lượm… Cuộc cách mạng xanh thực sự là… cách mạng: lần đầu tiên trên phạm vi thế giới, ra đời hai tổ chức nghiên cứu quốc tế: đó là Trung tâm Cải tạo giống ngô và lúa mì ở Mexico (CIMMYT) và Viện Nghiên cứu về lúa ở Philippines (IRRI) và Ấn Độ (IARI).

Một vài "dẫn trưng" như thế, không gì khác hơn là để "dẫn dắt" đến sự thực này: Bên dưới bao nhiêu lời lẽ hoa mỹ, vẫn là phận người lầm than; và, nhân loại đã đi những bước thật chậm trong việc kéo lại gần hơn khoảng cách giữa xa hoa - đói nghèo.

 

Thoảng hương trầm

Trong màu xanh Bodhgaya, thoảng có nét hương trầm. Rất thoảng, vì dường như những người đến đây hạn chế được cái thói quen thắp nhang từng bó lớn… như ở Việt Nam. Bởi vì, không ai có thể làm ảnh hưởng đến bầu khí thanh sạch quanh gốc cây bồ đề, dù việc thắp nhang là để bày tỏ lòng thành kính. Phải chăng, đấy cũng là một dạng thức của sự thức tỉnh (1): không quá câu nệ vào những hình tướng? Chính từ nỗ lực phá chấp triệt để mà Sa môn Cồ Đàm đã tìm ra chân lý: sự vượt qua chính bản thân mình. Nơi đây, nơi trái tim của văn hóa Phật giáo này, làm sao không nhớ về Huyền Trang, người đến đây vào thế kỷ thứ VII và đã trở nên bất tử qua "Tây du ký" của Ngô Thừa Ân. Trước đó ba thế kỷ, là Pháp Hiển, người tu sĩ Trung Hoa đã có những ghi chép đầu tiên về chốn thiêng này.

Thoáng hương trầm trong gió lại dẫn dắt cái đầu bất trị về với những liên tưởng… vô ích: câu thơ của Quách Tấn: Khánh Hòa là xứ trầm hương / Non cao biển rộng người thương đi về mà tên loài gỗ quý này đã được khắc vào Nhân đỉnh và Cao đỉnh của triều đình nhà Nguyễn, hiện còn trước điện Thái Hòa tại Huế. Nhưng, cứ lan man mãi, rồi, cũng trở về lại với nơi này, khi thời khắc dần cao về buổi trưa, khi cái bóng của tháp Đại Giác Ngộ (di sản văn hóa thế giới được công nhận vào năm 2002) đang dần thu ngắn lại. Nơi đây, vào khoảng 250 năm trước Tây lịch, hoàng đế Asoka (vua A Dục) đã cho dựng một ngôi đền ghi dấu nơi giác ngộ của Đức Phật nhưng hiện không còn dấu tích. Đền Mahabodhi hiện nay là công trình xây dựng bằng đá, do các Phật tử Miến Điện thực hiện nên mang phong cách kiến trúc - điêu khắc của xứ sở này với bốn tháp góc phủ đầy những hốc tượng Phật.

Ngồi dưới cội bồ đề, lại nhớ về một sự thực: không có gì tồn tại mãi mãi: cội cây này mới chỉ "sống lại" được 247 năm. Còn gốc cây nguyên thủy vốn từng chở che cho 49 ngày Đức Phật nhập định thì đã bị triệt hạ từ khi Thổ Nhĩ Kỳ tấn công vào Ấn Độ. Trước đó, vào thế kỷ thứ XIII, một cành cây chiết được đưa sang Sri Lanka, trở thành cổ thụ và cội bồ đề ngày nay đang tỏa bóng tại Bodhgaya được chiết cành lại từ đó, do một người Anh mang về, trồng ở chính vị trí gốc cây đầu tiên.

Mọi sự đều thay đổi, vậy mà, con người vẫn cứ ôm giữ những ham muốn, kể cả sự sùng bái đối với tôn giáo mà họ theo đuổi. Sao lại không nhớ lời của nhà bác học A. Einstein (mà nào có khác gì khai thị của các bậc đạo sư từ hàng ngàn năm trước): Ảo tưởng là nhà tù đối với con người, khiến họ bị trói buộc trong những ham muốn riêng tư và chỉ yêu thương những gì thân thiết nhất, trong khi điều cần làm là mở rộng sự hiểu biết và lòng bác ái để ôm trọn mọi người và vẻ đẹp thiên nhiên.

buddhist-leaders-lrg.jpg

 

Những tiếng trong chiều

Rời Bồ Đề Đạo Tràng trong hai giờ để trở về ăn trưa, rồi trở lại với cội cây thiêng này, vì biết, sẽ không còn được tắm mình trong bóng xanh nơi đây lần thứ nhì. Trời rất nóng, dù đã tháng Mười. Trước đó vài tháng, Ấn Độ đã từng chịu đựng cơn nắng nóng khủng khiếp. Cái nóng ở miền Bắc Ấn Độ đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm dân thường. Mùa hè năm 2010 được xem là nóng nhất tại Ấn Độ từ cuối những năm 1800 đến nay. Trong cái nóng này, mới hiểu vì sao sau khi chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, Đức Phật đã dành bảy ngày hướng về cội bồ đề, tạ ơn cây đã chở che Người. Cây, như thế, không hề là vật vô tri, mà là một sinh mệnh sống động, như sau này, thi hào Tagore từng ca ngợi: Trong sân chầu vũ trụ / chiếc lá cỏ bình thường / cũng ngồi chung một thảm / với ánh mặt trời và sao sáng trong đêm. Điều ngỡ như bình thường hoặc nhuốm màu sắc thơ ca ấy, thực ra, có nguồn gốc từ quan niệm sâu thẳm của Ấn Độ giáo, cũng như mọi nền minh triết phương Đông: thế giới này là sự phô bày của một thực thể khác mà tự tánh của nó là Một, cao hơn mọi dạng thức của những hiện tượng. Đó là Brahman của đạo Hindu, là Đạo của Lão Tử, là Pháp thân của Phật Thích Ca Mâu Ni…

Rồi cái nóng cũng dịu dần, và gió bắt đầu xao những tán lá đang dần sẫm lại trong bóng chiều. Gió, phải chăng là tiếng hát nhớ - quên của thời gian? Và thời gian có phải là nơi ẩn chứa - khắc ghi - bôi xóa? Như để trả lời câu hỏi thầm ấy, tiếng nhạc kinh Aum mani padme hum rộng rãi lan xa như những cơn sóng không bờ. Đấy là âm thanh vũ trụ, trong cái nhìn của Mật giáo Tây Tạng. Đó cũng là điều không thể "phiếm bàn", nếu chưa từng tự thân trải nghiệm. Và, ấy chính là điều mà triết gia cổ đại Hy Lạp Plato từng nhắc: Sự thống nhất giữa cái Đẹp và cái Tốt. Hay "lan man" thêm, là điều mà Áo Nghĩa Thư (Upanishad) đã hiển lộ: Linh hồn bên trong con người và vũ trụ bên ngoài không khác gì nhau…

***

Hết một ngày Bodhagaya. Tôi không biết mình đã thu nhận được gì, nơi đây. Nhưng ánh sáng và mùi hương, những tiếng động và những thanh âm… từ khoảnh khắc đầu ngày đến khi trời tối hẳn, tôi biết, sẽ còn ghi bên lòng một ánh không phai. Với riêng mình, tôi gọi đó là Hạnh phúc. Tôi muốn chia sẻ điều ấy, với người khác. Bởi, "Hạnh phúc thật sự không đến từ việc chăm lo cho sự an nhiên của riêng ta hay những người gần gũi ta, mà đến từ tình thương và lòng bác ái đối với tất cả mọi hữu tình" (Đức Dalai Lama thứ 14).

Và, tiếng chim buổi sáng trên vách đá mù sương của cao nguyên Dharamsala miền Bắc Ấn lại đưa tôi về với những sáng - chiều Kim Sơn (2) mùa đông cũ tại quê nhà.