Pho Tượng “Nhất Thế Tam Thân” Và Vị Thiền Sư Nổi Tiếng Thời Lý

...Tượng ngồi ở tư thế Thiền định, mắt nhắm như đang buông thả tư duy vào chốn hư vô. Đầu đội mũ thất phụng (bảy con phượng), giữa vùng hoành cách mô trên bụng là vòng tròn thái cực, hai chân xếp chéo trên một bông sen nở. Những cánh sen bao lấy toàn thân đồng thời là cái bệ đỡ toàn bộ pho Tượng trong một tư thế vừa vững chãi, vừa thoải mái. Theo cách gọi của nhà nghiên cứu Dương Quảng Châu: “Đây là một pho Tượng nhất thể tam thân.” Đầu đội mũ thất phụng Tượng trưng cho việc Thiền sư tham gia triều chính ở phẩm trật cao trong cung đình, đồng thời cũng phản ánh Nho giáo ở nước ta đã bắt đầu có địa vị xã hội quan trọng trong tầng lớp trí thức thời Lý. Vòng tròn thái cực ở bụng Tượng trưng sự uyên bác của giáo chủ Đỗ Đô về Đạo giáo cùng vị trí có tính phổ biến của nó trong xã hội. Ngồi trên bệ tòa sen tượng trưng cho cấp tu hành của Đỗ Đô ở địa vị Bồ Tát mà không phải Thiền sư nào đương thời cũng có cương vị ấy, đồng thời cũng phản ánh đạo Phật thời Lý được coi như nền tảng của ý thức xã hội.

Pho Tượng “Nhất Thế Tam Thân” Và Vị Thiền Sư Nổi Tiếng Thời Lý

Nguyễn Tiến Đoàn

Ngôi đền Thượng thuộc thôn Hội, xã Song Lãng, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình theo sách cổ chép là được xây trên nền hành điện cũ của Vua Lý Thánh Tông khi Vua về Kinh lý vùng đất này. Hiện ở hậu cung có một pho Tượng thiếp vàng có nhiều nét độc đáo. Theo nhận xét của các nhà nghiên cứu khảo cổ học trong tỉnh như Bùi Duy Lan, Vũ Đức Thơm, cho rằng pho Tượng có những nét chạm khắc mang dấu ấn và phong cách nghệ thuật thời Mạc. Pho Tượng cao khoảng 90cm ở tư thế ngồi đặt trong khám, có cửa kính bảo vệ, khách thập phương thời trước và thậm chí ngay cả nhân dân xã Song Lãng không mấy người được vào đó xem. Đó là Tượng Thiền sư Đỗ Đô thời Lý mà nghệ nhân địa phương tạc lại để thờ, dựa theo tiểu sử và hành trang Thiền sư qua ý kiến của bộ lễ trong triều và các nhà Nho uyên bác của Song Lãng điều lý thực hiện.

Tượng ngồi ở tư thế Thiền định, mắt nhắm như đang buông thả tư duy vào chốn hư vô. Đầu đội mũ thất phụng (bảy con phượng), giữa vùng hoành cách mô trên bụng là vòng tròn thái cực, hai chân xếp chéo trên một bông sen nở. Những cánh sen bao lấy toàn thân đồng thời là cái bệ đỡ toàn bộ pho Tượng trong một tư thế vừa vững chãi, vừa thoải mái. Theo cách gọi của nhà nghiên cứu Dương Quảng Châu: “Đây là một pho Tượng nhất thể tam thân.” Đầu đội mũ thất phụng Tượng trưng cho việc Thiền sư tham gia triều chính ở phẩm trật cao trong cung đình, đồng thời cũng phản ánh Nho giáo ở nước ta đã bắt đầu có địa vị xã hội quan trọng trong tầng lớp trí thức thời Lý. Vòng tròn thái cực ở bụng Tượng trưng sự uyên bác của giáo chủ Đỗ Đô về Đạo giáo cùng vị trí có tính phổ biến của nó trong xã hội. Ngồi trên bệ tòa sen tượng trưng cho cấp tu hành của Đỗ Đô ở địa vị Bồ Tát mà không phải Thiền sư nào đương thời cũng có cương vị ấy, đồng thời cũng phản ánh đạo Phật thời Lý được coi như nền tảng của ý thức xã hội.

Thiền sư Đỗ Đô có đạt những tiêu chuẩn cao về Nho, Đạo, Thích như pho Tượng thể hiện không? Chúng tôi cố gắng bước đầu tìm câu trả lời ấy cùng bạn đọc.

Theo cuốn “Yên Tử cựu lục”, một tác phẩm của Hàn Lâm viện Đông Các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) triều Lê Anh Tông, cuốn “Đạt Mạn Thiền sư bảo lục khảo chính” do Cồ Mai Cao Sĩ Doãn Cảnh Tinh, con tiến sĩ Doãn Khuê, một văn thân yêu nước người xã Song Lãng biên soạn. Ông khảo cứu từ cuốn “Yên Tử cựu lục” nói trên và viết vào tháng giêng năm Tân Sửu (1901). Lại thêm cuốn “Lý triều Hoàng Giang tông thái Đỗ Linh thông tôn Thánh Ngọc Phả. Khảm chi đệ nhị bộ thượng đẳng quốc tế linh thần” đã sao chép tự nhà thờ đại tôn họ Tô ở xã Bình Đắng huyện Bạch Hạc, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Sơn Tây, vào tháng 12 năm Tự Đức thứ ba (1850) đưa về hiện để thờ ở đền Thượng. Ngoài ra còn bi ký, sắc phong, thơ và câu đối... nói về vị Thiền sư này, cùng các tài liệu điều tra dân tộc học ở các địa phương trong tỉnh và ngoài tỉnh...

Các nguồn thư tịch trên cho biết: Đỗ Đô sinh ngày mồng 9 tháng giêng năm Nhâm Ngọ (1042) tức là năm Minh Mạo thứ nhất Lý Thái Tông ở phường Hoàng Giang trấn Hải Dương giáp đạo Đông Triều và Yên Tử. Sau Cha Mẹ ông chuyển cư về trang Ngoại Lãng, hương Mần Đề (nay là xã Song Lãng huyện Vũ Thư). Cha ông là Đỗ Hoằng, Mẹ là Đào Thi Cao. Cụ Hoằng vốn là một nhà Nho kiêm phù thủy đạo giáo cao siêu thuộc giáo phái Hoàng Giang nhưng rất ngưỡng mộ đạo Phật, cụ muốn các con mình hiểu đạt về cung kiếm, đỗ đạt cao và hiểu sâu về đạo thuật. Khi Đỗ Đô lên mười thì ba anh trai ông đã là những người giỏi võ nghệ và đạo thuật.

Gia đình ông Hoằng rất nghèo, song rất chăm chút cho Đỗ Đô ăn học. Ngay từ nhỏ Đỗ Đô gắng sức học tập, có trí thông minh khác thường. Được theo học cụ Tĩnh Trai Công, một danh Nho thời bấy giờ, rất được Thầy học quý mến, lại được tiếp thu kiến thức của Cha về phù thuỷ, ma thuật, chân truyền của phái Hoàng Giang do Tổ tiên để lại. Do vậy chẳng mấy năm đã nổi tiếng văn chương, tỏ ra có tài thao lược, nhiều mặt vượt cả các anh mình.

Tính cách ông rất phóng khoáng, thương người nghèo khó. Trước cảnh nhà nghèo túng ông vẫn tươi vui, quyết chí học tập. Thường đeo bầu quyện với gió trăng, đêm khuya vẫn một mình bên đèn sách.

Trong nhân gian vẫn còn nhiều truyền thuyết về ông. Truyện kể rằng: Đỗ Đô hồi nhỏ đi học, không có lương ăn phải sang hàng xóm vay. Biết ông họ Đỗ lại đi vay đỗ, hàng xóm liền cho ông vế đối:

“Trong nhà để đỗ, ngoài sân phơi đỗ. Anh vay đỗ, lão giao đỗ. Thi vân: Đãi đỗ bất diệt lạc hồ!”

Đỗ Đô nghĩ một lát và đối lại:

“Trên cay có hoa, dưới gốc vung hoa. Ông vinh hoa, tôi thám hoa. Có viết: Trùng hoa thử chi vị dã!”

Xóm làng phục tài ông từ đó.

Năm 18 Tuổi Cha Mẹ ông qua đời, cảnh nhà thêm nghèo túng không có tiền ăn học. Qua 3 năm cư tang, ông từ giã gia đình ra đi gạt nước mắt mà than rằng: “Cha Mẹ sinh thành nuôi dưỡng ta, nay chưa một chút báo đền. Cây muốn lặng gió chẳng muốn dừng. Cố nhân vẫn thường than như vậy, nếu sau này ta thành đạt có đến “vạn chung, cửu đình” thì còn ai mà phụng dưỡng. Ta thường nghe trước là báo đền công ơn Cha Mẹ, sau là cứu độ thế. Xem như đạo Nho, đạo Lão đều lấy nhân ái, yêu thương người thân, yêu thương mọi người làm mục đích. Con đường cứu đời có khác nhau mà cùng về một đích. Và nhà ta vốn dòng đạo pháp, làm nhiều việc nghĩa đã lâu, thời nào cũng nối tiếp được trung hiếu vẹn toàn. Đúng như lời Thánh nhân đã dạy, trung hiếu là cái gốc của con người.”

Ông theo vị Tăng lão gốc quán Hoàng Giang dìu dắt, phát nguyện Tu hạnh đầu đà ở Chùa Yên Tử. Qua năm, sáu năm được sư phụ truyền đạo Thiền, đạo Lão, nhập định, ngộ không, dứt hết lục căn, thông suốt ngũ uẩn (2).

Đỗ Đô tự thấy tai mắt, tinh thần ngày một sảng khoái, có một sức mạnh kỳ diệu hàng long phục hổ, muôn hình vạn trạng phép kỳ, người thường khó mà hiểu được, làm được.

Ông thường đọc bài kệ rằng:

Diệu Tuyển long xà địa khả cư

Dã tình chung nhập lạc vô dư

Hữu thời trực thượng cô phong đỉnh

Trường tiếu nhất thanh hàn thái hư. (3)

Từ đó thần thông diệu pháp, người đã mở ra bờ bến cho Nguyễn Chí Thành (tức Thiền sư Nguyễn Minh Không) tiếng tăm ông lừng lẫy bốn phương. Người đương thời suy tôn ông là bậc thần tiên giáng thế.

Năm Bính Ngọ, Thái Bình thứ 12 (1066) triều Lý Thánh Tông, Đỗ Đô được các Thiền sư cử đi Bắc Quốc dự khoa thi Bạch Liên với tài năng xuất chúng ông đỗ đầu khoa ấy. Các bạn đồng đạo đương thời trong và ngoài nước, nhà Vua và triều đình đều biết tiếng tăm ông. Ban đầu ông nhận thứ bậc trong hàng Tăng đạo. Vua Lý Thánh Tông mời ông tham dự triều chính tới bậc Vệ đại phu, một chức quan nội thần hàng văn triều Lý.

Nhà Vua thấy ông là người cực tinh diệu về Phật giáo, đạo giáo lấy lễ đãi ngộ ông. Vua Vạn Lý Thánh Tông ngự ban cho ông đạo hiệu là Đạt Mạn Thiền sư mà không gọi tên để tỏ lòng kính trọng. Ông là bạn đồng đạo của Không Lộ và Đạo Hạnh, thường vẫn du các chấn. Đến đâu là dựng Tháp, sửa Chùa, tô Tượng, đúc Chuông. Ông thường hộ giá nhà Vua tuần du các địa phương xem xét tình hình đời sống nhân dân. Một hôm ông cùng nhà Vua đi thuyền xuống phương Nam, đến trang Ngoại Lãng, thương Mần Đề, Tổng Vô Ngại, huyện Thư Trì (nay là xã Song Lãng huyện Vũ Thư), Vua xem xét phong cảnh, thấy vùng này đất đai mầu mỡ, dân chúng thuần phác, địa thế bằng phẳng, sông ngòi quanh co, có nhiều gò đống lớn hình dáng như rồng hổ, bao quanh cây cối xanh tươi, cảnh như tranh vẽ. Ông tâu với Vua xin lập hành điện tại đây, được Vua phê chuẩn. Ông lại tâu Vua xem xét các công việc triều chính, giảm bớt các loại thuế, các chế độ tô để khoan dân, làm điều lợi trừ mối hại, khuyến hoá nông trang làm kế sâu rễ bền gốc lâu dài. Nhà Vua nhất trí với những đề nghị của ông đã lưu lại nơi đây xem xét những việc ông làm. Phía trái hành điện có xây viện đọc Kinh, đặt tên là Phúc Thắng Tự.

Sau khi đánh Chiêm Thành về, Vua Lý Thánh Tông bị ốm cho mời Thiền sư đến chữa bệnh. Qua một thời gian Vua bình phục ngồi dự triều chính. Thiền sư tâu với Vua rằng: “Thánh cung nay tuy tạm bình phục song ngày về chẳng còn bao xa. Thần không tiếc sức mình, nhưng sao cưỡng nổi số trời.” Nghe xong Vua cười nói với ông rằng: “sinh mệnh con người ta là có hạn, đó là luật thường của tạo hoá. Sau khi ta trăm tuổi Thiền sư phải hết lòng phò giúp con ta, chớ sai lời dặn.” Nói đoạn Thiền sư bái lạy Vua trở về Chùa Phúc Thắng. Hơn tháng sau, Vua Lý Thánh Tông ốm nặng, cho lời nói của ông đúng và thành thực, liền cho triệu riêng Thái tử Kiền Đức đến bên giường bệnh dặn dò các việc: “Ta rất quý trọng bậc Thượng nhân đích Tông Hoàng Giang phái, vừa có tài, vừa có đức. Người ấy sẽ giúp con phụ chính, con phải mời người ấy làm bậc Thầy, lấy lễ đối xử, không được sai mệnh Trẫm.” Nói dứt lời Vua băng hà. Hôm ấy là ngày Canh Dần, tháng giêng năm Nhâm Tý, niên hiệu Thần Võ thứ tư (1072). Triều đình chưa kịp sai xứ đến mời thì Thiền sư đã biết tin Vua sắp qua đời, kịp đến Kinh đô trông nom giúp Thái tử (tức Vua Lý Nhân Tông mọi công việc triều chính với tư cách cố vấn. Vua Lý Nhân Tông đối xử với ông như bậc Thầy).

Đất nước đang thanh bình, một vị Vua anh minh, nhân từ có nhiều chủ trương sáng suốt: khoán giảm hình luật, coi trọng nghề nông, mở mang việc học, chú ý củng cố và tăng cường việc phòng thủ đất nước góp phần làm cho xã hội phong kiến triều Lý tiến nhanh đến giai đoạn cực thịnh, bỗng chốc qua đời là một tổn thất lớn của dân tộc. Nhà Tống coi đây là một dịp thuận lợi, một thời cơ tốt, liền phái Thầm Khởi gấp rút chuẩn bị binh mã để bất ngờ đánh chiếm nước ta. Quốc gia Đại Việt thật sự ở vào thời điểm Tổng động viên sẵn sàng chuyển sang thời chiến chống lại quân xâm lược của nhà Tống. Thiền sư Đỗ Đô cùng với các đồng đạo của mình chăm lo công cuộc chuẩn bị kháng chiến, phò giúp ấu chúa (Vua Lý Nhân Tông bấy giờ mới 6 tuổi). Ông cùng với Thái phó Bình chương quận quốc trọng sư Lý Đạo Thành và đại tướng Lý Thường Kiệt chăm lo công việc nội chính, quân cơ. Vốn là người am hiểu binh pháp của giáo phái Hoàng Giang truyền lại cho ba phép báu (Tam bảo pháp) Sát phỉ, Sát lỉ và Sát xa. Ông cùng bộ tham mưu quân sự đề ra công việc trước mắt là huấn luyện quân sĩ theo một phương pháp thống nhất, tăng cường luyện tập các phép tác chiến. Đặc biệt là các hình thứ chiến đấu trong hai phép trú chiến tức là chiến đấu phòng ngự và tác chiến tức là chiến đấu tiến công, được tăng cường trong các đơn vị thuỷ binh và bộ binh. Triều đình cũng hết sức quan tâm đến công việc điều động, tích trữ binh lương. Tiến hành việc trưng mua ngũ cốc trong cả nước, xây thêm nhiều kho chứa lương thảo ở những nơi thuận tiện giao thông thuỷ bộ. Trong nhân dân việc sửa sang hệ thống đê điều, khơi sông mở rộng diện tích canh tác vẫn được xúc tiến với nhịp độ khẩn trương tích cực. Ở Thái Bình, quê hương Thiền sư, trong dân gian có câu: “Cơi đê sông Hoàng. Phá toan sông Luộc. Móc ruột sông Sinh. Cắt phình sông Hoá.” Phản ánh công cuộc trị thuỷ, công tác thuỷ lợi mà Thiền sư Đỗ Đô đã cùng với nhân dân, các bạn đồng đạo của ông góp phần cống hiến.

Ông được các phái đạo thuật thời ấy suy tôn làm Giáo chủ Giáo phái Hoàng Giang, đứng đầu cả ba đại đội Nhất Thanh động (tức Thái Thanh động), Nhị Thanh động (tức Thái Hư động) và Tam Thanh động (tức Thái Không động).

Nội dung giáo lý pháp thuật phái Hoàng Giang do Đỗ Đô làm giáo chủ quy tụ lại ở ba pháp báu: Sát phỉ, Sát lỉ, Sát xa.

1) Sát phỉ tức là trừ giặc giã, dập tắt chiến tranh.

2) Sát lỉ là trừ yêu ma, quỷ quái cướp mất linh hồn con người.

3) Sát xa là trừ mọi bệnh tật, bảo vệ sứ khỏe cho con người.

Ba phép báu nói trên, Thiền sư Đỗ Đô đã thâu tóm và đem thực hiện từ thời Lý. Xét về nguồn gốc của ba phép, nó là tài sản của dân tộc mà giáo phái Hoàng Giang thuộc đạo giáo phù thuỷ ma thuật từ cổ xưa để lại. Riêng phép Sát lỉ nó phối hợp cả với đạo giáo phù thuỷ Thái Thượng lão quân (Trung Quốc) với các phép luyện Hathayoga, Prànayoga của Ấn Độ truyền sang. Song gốc gác xuất xứ của ba phép là một sản phẩm rất đáng quý của nền văn hoá Việt (Âu Việt và Lạc Việt) cổ xưa để lại.

Một đất nước đã có độc lập về chính trị, Kinh tế, quân sự, ngoại giao, tất phải tiến đến một độc lập về ý thức hệ. Khi còn sống, Lý Thánh Tông đã nhận thấy điều đó. Nhà Vua muốn xây dựng một ý thức hệ mới với phái Thiền Thảo Đường mà Chùa Một Cột là tiêu biểu vật chất còn lại. Nhưng cố gắng của nhà Vua về mặt này không thành công mỹ mãn, mà phải đến thời Trần, Trần Nhân Tông mới làm được, mới thực hiện được nhiệm vụ một lịch sử: sáng tạo ra một hệ ý thức độc lập, thống nhất cho cả nước: phái Trúc Lâm. Tuy nhiên phái Thảo Đường mà lý Thánh Tông sáng lập đã truyền được 5 đời với 17 vị Thiền sư mà Đỗ Đô thuộc đời thứ ba, Tổ thứ 11 đứng sau Không Lộ Thiền sư và Lý Anh Tông. Điều quan trọng có ý nghĩa đặc sắc khác với các đồng đạo đương thời của Thiền sư Đỗ Đô, các vị sáng lập ra phái Thiền Trúc Lâm sau này nhận ông làm bậc Thầy đi trước. Bởi một lẽ Đỗ Đô đã tước bỏ, thay đổi một phần nội dung tiêu cực của đạo Phật. Theo ông: người theo đạo Phật không phải là người vô vi, mà là nhập thế tích cực như các ông Đỗ Pháp Thuận, Khuông Việt đại sư, Ngô Chân Lưu, Nguyễn Vạn Hạnh đã làm nhưng không luyến thế, công thành thân thoái, không cần vinh hoa phú quý, đúng với tinh thần vô ngã vị tha của đức Phật, sự xuất thế chỉ tìm thấy ngay trong dòng nhập thế. Nhập thế mà không luyến thế chính là xuất thế vậy. Còn dẫu có tìm đến nơi thâm sơn cùng cốc để lánh xa cuộc đời đó thì chỉ là sự yếm thế. Như hoa sen tìm thấy ở trên bùn, nước được tìm ngay trong sóng. Đỗ Đô có ý thức tự mình phân biệt với Thiền Tông ở Trung Quốc, biểu lộ tính độc lập dân tộc cao. Sau mười năm phụ chính cho Vua Lý Nhân Tông, Thiền sư Đỗ Đô trở về Chùa Phúc Thắng, trang Ngoại Lãng làm thuốc chữa bệnh, đồng thời truyền Phật pháp cho các Tăng Ni, Phật tử tham gia các công việc khuyến khoá nông trang cho dân chúng quanh vùng. Năm 1086 triều đình mở khoa thi minh Kinh bác học, Thiền sư ứng thí và đỗ vào loại ưu. Do vậy tiếng tăm đại sư ngày càng lừng lẫy, có uy tín từ trong triều đình đến dân dã. Vua Lý đương thời phong ông làm thượng phụ quốc sư, Thiền sư có tuổi thọ rất cao, ngoài trăm hai chục tuổi, từ khi sinh đến khi hoá tất cả qua năm triều Vua (từ Lý Thái Tông đến Lý Anh Tông, chưa rõ cụ thể mất năm nào).

Sách “Mạn Thiền sư bảo lục” chép: “Sau 10 năm cố vấn bên Vua, Thiền sư trở về Chùa cũ Yên Tử siêu hoá không thành. Rồi Ngài lại trở về Chùa Phúc Thắng, trang Ngoại Lãng. Cuối đời, Ngài lập đàn Chay tụng “ảo hóa Kinh” ba ngày, hoá thân. Nhà Vua được tin, ngự xa giá về trang Ngoại Lãng làm lễ tế Thiền sư, gia phong là Đại Vương, cho Trang Ngoại Lãng dựng đền thờ (nay là đền Thượng) ngay trên nền hành điện cũ. Tuân theo đúng đạo hiệu của Vua Lý Thánh Tông đã ngự ban, tạc Tượng Thiền sư để hương lửa phụng thờ.”

Việc phụng thờ Đỗ Đô ngay từ thời Trần đã được các nhà Nho ca tụng công đức ông như sau:

“Phong vũ hậu minh đăng nhật nguyệt

Đổng lương phục khởi tráng kiền khôn.”

Nghĩa là: sau gió mưa (chỉ sau thời kỳ Bắc thuộc và chiến tranh phá Tống, bình Chiêm). Ông xứng đáng là ngọn đèn sánh với trăng sao. Rường cột được dựng lại, làm cho đất nước vững mạnh.

Đáng chú ý và cụ thể hơn là câu:

“Chiếm Bạch Liên khoa. Lý thế nhược tông suy thượng phụ

Diễm Hoàng Giang phái, Trúc Lâm tam Tổ nhận Thiền sư.”

Nghĩa là: đỗ khoa Bạch Liên, Lý Thánh Tông và Nhân Tông suy tôn ông là bậc thượng phụ. Diễn giảng giáo lý phái Hoàng Giang, ba vị Tổ phái Trúc Lâm nhận ông là bậc Thầy đi trước.

Lại có thơ ca ngợi ông:

Phật bí, Nho tinh dữ Lão thông

Uyển nhiên giáo chủ ký phương Tung

Công cao trí trạch truyền thanh sử

Túc tích điển hình ức cổ phong

Dịch thơ:

Tam giáo tinh thông Đạo, Thích, Nho

Vẻ vang giáo chủ bậc Thiền sư

Phò dân giúp nước ghi trong sử

Gương sáng điển hình nhớ nếp xưa.

Các triều đại sau, triều đại nào cũng có sắc phong cho Thiền sư. Nay xin giới thiệu một bản sắc phong đã được Viện Đông Phương bác cổ dịch in và đem triển lãm tờ sắc này tại Paris ngày 23-7-1948 nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập viện này:

“Sắc cho vị Đỗ công Đại vương nguyên phong là An quốc phù tộ, diễn phúc hồng ân, Tuy lộc kiến mưu, khuông bích chương nhân, khiêm cung trợ thắng dương uy, cương chính hộ dân tế thế, thần võ thông đoán, thông minh hùng tài đại độ, diện cách phù hưu đốc thực.”

Quang nhạc đức thiêng, kiền khôn gây tốt, điện dụng giúp công thượng đỗ. Ai biết ẩn vi, bảo vệ sức khoẻ, giữ yên nhân dân, thật nhờ phù hộ. Tiếng khen truyền mãi ngày nay, phong tặng cho theo phép cũ.

Ví tự vương phong lên ngôi vương, Thiền sư tới Kinh đô phụ chính để tôn phù tông miếu xã tắc, làm bền chặt cơ đồ lớn, thì cần đăng trật (Tăng bật). Vậy nên phong thêm Mỹ tự. Phong thêm cho làm: “Ấn quốc phù tộ, diễn phúc hồng ân, tuy lộc kiến mưu, khuông bích chương nhân, khiêm cung trợ thắng dương uy, cương chính hộ dân tế thế, thần võ thông đoán, thông minh vũ lược hùng tài đại độ, diệu cách phù hưu đốc thực, anh quả cương đoán Đỗ công đại vương.”

Nay sắc cho, ngày mồng 8 tháng 5 Cảnh Hưng thứ 22 (1767) (Trần Hàm Tấn, trợ bút Viện Bác Cổ Hà Nội dịch).

Nhân dân xã Song Lãng ngày nay theo lệ cũ cứ hai năm một lần mở hội Chùa vào ngày 6 tháng giêng, kết thúc ngày 12 tháng giêng với nhiều nghi lễ phong phú, có nghi lễ cúng khoa “khai bát thông hành tịnh truỳ khoa” khác biệt với tất cả các Chùa khác trong tỉnh và phạm vi cả nước. Nhân dân địa phương và các tỉnh bạn nô nức kéo về dự hội đông có tới hàng vạn người trong suốt yuần lễ, chứng tỏ lòng tưởng niệm và ngưỡng mộ công đức vị Thiền sư này với đất nước rất sâu sắc và đã trở thành một nếp sống văn hoá cổ truyền của nhân dân Thái Bình.

Thái Bình, Tháng 6-1998.

(Trích tập văn Phật Đản, PL. 2533- 1989)