MỘT VÀI NÉT VỀ HÒA THƯỢNG NHẤT ĐỊNH

đại tạng kinh Việt NamHòa thượng húy là Tánh Thiên, tự là Nhất Định. Hòa thượng Nhất Định người làng Trung Kiên, tổng Bích La, huyện Đăng Xương, Tỉnh Quảng Trị. Ngài vốn là người họ Nguyễn, xuất gia khi còn ấu thơ. Ban đầu Ngài xuất gia ở Chùa Báo Quốc Huế. Năm mười chín tuổi, Ngài được Hòa thượng Phổ Tịnh thế độ cho, và được thọ giới với Hòa thượng Mật Hoằng. Niên hiệu Gia Long thứ 13 (1814), Ngài được Hòa thượng Phổ Tịnh truyền trao pháp...

Một trong những hạnh xúc động nhất ở hành trạng Ngài Nhất Tịnh mà đến nay, người dân Huế ai cũng biết, là Ngài thờ mẹ già rất có hiếu. Tuy đã thế độ xuất gia, Ngài vẫn giữ trọn đạo thần hôn chưa từng thiếu xót.

 

MỘT VÀI NÉT VỀ HÒA THƯỢNG NHẤT ĐỊNH (1784 -1847)

VỊ TỔ KHAI SƠN CHÙA TỪ HIẾU HUẾ
NGUYỄN LÊ CHÂU
(Trích “Tập văn Vu lan”, PL.2539) 

Hòa thượng húy là Tánh Thiên, tự là Nhất Định. Hòa thượng Nhất Định người làng Trung Kiên, tổng Bích La, huyện Đăng Xương, Tỉnh Quảng Trị. Ngài vốn là người họ Nguyễn, xuất gia khi còn ấu thơ. Ban đầu Ngài xuất gia ở Chùa Báo Quốc Huế. Năm mười chín tuổi, Ngài được Hòa thượng Phổ Tịnh thế độ cho, và được thọ giới với Hòa thượng Mật Hoằng. Niên hiệu Gia Long thứ 13 (1814), Ngài được Hòa thượng Phổ Tịnh truyền trao pháp. Bài kệ phó pháp của Hòa thượng Phổ Tịnh trao cho Ngài như sau:

“Nhất định chiếu quang minh

Hư không nguyệt mãn viên

Tổ tổ truyền phó chúc

Đạo minh kế tánh thiên”.

Dịch:

“Nhất Định rực rỡ thay

Hư không trăng tròn đầy

Tổ đạo truyền trao pháp

Đạo Minh nối dõi đây”.

Năm Minh Mệnh thứ 14 (1834) chư Sơn môn Đại đức cử Ngài giữ chức vụ trụ trì Chùa Linh Hựu. Ngài cố từ chối, mà chẳng được. Năm Minh Mệnh thứ 20 (1840), Ngài được triều đình sắc phong giữ chức Tăng canh Chùa Giác Hoàng. Năm Thiệu trị thứ ba (1843), Ngài được hồi hưu. Ngài Nhất Định có hai câu thơ nổi danh nói lên ý chí siêu thừa của Ngài, đắc ý hồi hưu, như sau:

“Hạnh phùng tấu đắc nhưng hồi lão

Nhất bát cô thân vạn lý du”.

Dịch:

“Già rồi may được vua thương

Một thân một bát rộng đường vân du”.

Rồi thì, sau đó Hòa thượng Nhất Định giao phó việc điều hành Chùa Báo Quốc lại cho pháp đệ của Ngài là Ngài Nhất Niệm Tánh Chiếu coi sóc.

Vân du khắp nơi tìm danh sơn, Ngài đến núi Dương Xuân bên cạnh một cái hồ nhỏ, Ngài bèn lập một am tranh để tu hành. Ngài đặt tên cho thảo am của mình là: An Dưỡng Am. Và chính Ngài viết câu đối treo ở thảo am, như sau:

“Thân đới quan châu nhàn tuế nguyệt

Thủ trì tích trượng nhạo vân sơn”.

Dịch:

“Thân suốt ngọc đeo năm tháng lửng

Tay cầm gậy trượng núi mây vui”.

Một trong những hạnh xúc động nhất ở hành trạng Ngài Nhất Tịnh mà đến nay, người dân Huế ai cũng biết, là Ngài thờ mẹ già rất có hiếu. Tuy đã thế độ xuất gia, Ngài vẫn giữ trọn đạo thần hôn chưa từng thiếu xót.

Nội viện Thái giám lúc bấy giờ có xin phép dâng cúng để xây dựng Chùa, thay am tranh, nhưng Tổ không hứa cho.

Đến năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) ngày mùng 7 tháng 10 năm Đinh Tỵ, Tổ thị tịch, thọ 64 tuổi, 46 tuổi hạ lạp.

Bảo Tháp của Ngài được xây dựng ở bên cạnh thảo am.

Về sau Viện Thái giám dựng lập thành Chùa ở địa điểm thảo am ấy. Triều đình sắc phong danh hiệu: Chùa TỪ HIẾU từ đó.

Đệ tử nối pháp của Hòa thượng Nhất Định có 41 vị.

Sau đây chúng tôi thành kính trích dẫn và phụng dịch một số thơ kệ phó pháp tiêu biểu của Hòa thượng Nhất Định, trích từ Hàm Long Sơn Chí quyển thứ nhất.

Bài kệ phó pháp cho vị đệ tử thứ nhất là Đại sư Hải Thiệu tự là Đoan Trang như sau:

Đoan Trang học địa tịnh đồng băng

Tham cứu Thiền cơ liễu thượng thăng (thừa)

Kiên cố tín tâm vô sai biệt

Nhất đăng truyền điểm bách thiên đăng.

Dịch:

Đoan Trang học vị đồng băng tuyết

Tham cứu công phu liễu thượng Thiền

Kiên cố tín tâm không dị biệt

Một đèn tiếp nối trăm nghìn đèn.

Bài kệ phó pháp cho đệ tử Hải Trạch tự Thiền Hoa như sau:

Thiền Hoa chánh phát sắc hương hưng

Dụng lực tài bồi nhật nhật tân

Tăng biến Bồ Đề vô thối chuyển

Xuân lai kết quả khí phương phân.

Dịch:

Thiền Hoa rực rỡ đang hương sắc

Dùng sức vun trồng ngày tháng đơm

Tăng tiến cội nguồn không thoái chuyển

Xuân về trái kết khí nồng thơm.

Kệ phó pháp cho Đại sư Hải Thuận tự Lương Duyên như sau:

Lương duyên hội ngộ giới châm đầu

Đạo hợp tâm truyền xứng sở cầu

Phước huệ song tu vô gián đoạn

Tiên dương Tổ ấn vĩnh trường lưu.

Dịch:

Lương Duyên hội ngộ cải duyên kim

Gộp đạo truyền tâm xứng đáng tìm

Phước huệ song tu không cách hở

Trước nêu Tổ ấn vốn triền miên.

Kệ phó pháp cho Đại sư Hải Phong tự Vĩnh Mậu như sau:

Vĩnh Mậu sâm la vạn cổ hằng

Như như bổn tánh đoạn trần căn

Tuy vân cựu các nhàn điền địa

Nhất lộ danh lai đạo nhất Tăng.

Dịch:

Vĩnh Mậu sum sê, vạn tượng bền

Như như bổn tánh dứt căn trần

Tuy rằng gác cũ an nhàn lắm

Mỗi độ dinh cầu mỗi độ tăng.

Kệ phó pháp cho Đại sư Hải Trường tự Pháp Lữ như sau:

Pháp Lữ đồng vi xứ xứ hoan

Vô tâm vật lụy tiện khinh an

Trực tu nhật dạ thường tinh tiến

Bảo sở cao đăng dã bất nan.

Dịch:

Bạn lứa đồng đi khắp thế gian

Không thêm tâm vật đặng khinh an

Thẳng nên ngày tháng hằng tinh tiến

Bảo sở rồi ra chẳng khó khăn.

Hòa thượng Nhất Định là vị Tổ thế hệ thứ 5 thuộc dòng Thiền Liễu Quán ở Huế. Chùa Từ Hiếu là một trong những ngôi Chùa cổ nổi tiếng của Cố đô Huế. Ngày nay ôn lại đôi nét về hành trạng và thơ kệ của vị Tổ khai sơn, chúng ta đốt nén tâm hương chân thành tri âm tưởng niệm vị chư Tổ. Và, cũng là để, như có ai đó có đạo duyên, khi về thăm Cố đô Huế, nhớ tới tấm lòng Từ Hiếu của Ngài Nhất Định, một lần ghé tới viếng Chùa Từ Hiếu, nhìn bóng mình soi xuống mặt hồ xinh đẹp trước Chùa, thiết tưởng cũng quên đi được cái vội vàng cách biệt của cuộc sống bên ngoài, để trở về với tịch mịch chính mình chỉ trong khoảnh khắc thôi, cũng đủ để ai đó đã nói một câu bất hủ: “Con đường trở về với chính mình là con đương ngắn nhất để ta có thể đi vòng quanh vũ trụ” (keyserling (1880- 1946)

Huế tháng 6. 1995

Chú thích:

Hành trạng và Thơ kệ của Ngài Nhất Định trích từ Hàm Long Sơn Chí.

Các bài kệ đều do Phật tử Nguyên Hạnh phụng dịch.

(Luy lâu sửa)