Đọc Một Thoáng Thiên Thu Để Chấp Cánh Thương Yêu

 

Dòng xúc cảm thơ ca luôn bắt nguồn từ trái tim thanh bạch và lòng nhiệt thành miệt mài sáng tác, đã giúp cho T.K.Thiện Hữu có một sức sống nội tâm vững chãi, đã trở thành đóm than hồng nhen nhúm trong khoảng không bất tận, tưởng như đã lịm tắt trước bão tố phong ba của cuộc đời. Để từ những tia sáng của đóm lửa nhỏ này, từ những cảm xúc bồng bềnh bé bỏng này, từ những đêm hoang vắng trong bóng tối cuộc đời, thi sĩ đã tạo thành Một Thoáng sống động siêu cùng.

Trong toàn thi tập, bạn đọc sẽ tự cảm nhận những hương thơm của các loài hoa miệt vườn, nhưng chan chứa niềm lạc quan yêu đời của hương đồng cỏ nội, có sức cuốn hút mảnh liệt lạ kỳ trong nếp sống hiện tại nhiệm mầu đang phảng phất đâu đây. Vẫn những chất thơ hào sảng tâm thiền và tầm nhìn Phật học, vẫn những nụ cười lạc quan tha thiết reo vui, vẫn những áng thơ chứa đựng trọn vẹn tình yêu thương nhân loại. Để rồi, thi sĩ lại tiếp tục lao nhanh vào cuộc thế vừa thê lương, vừa đau thương, vừa dễ thương này một cách quyết liệt hơn. Tuy âm thanh thơ ẩn đầy nỗi niềm ray rức với cuộc sống mỏi mệt can trường, nhưng không quá tầm thường bi luỵ, đã tạo thành những dòng nhạc bi hùng, trộn lẫn buồn vui. Dù ngôn ngữ thơ dung chứa cả một cuộc lữ hành đắng cay khó nhọc mà cuộc đời đã một lần hay nhiều lần in dấu, nhưng, bên cạnh đó, lại phát ra những ngôn từ bao phủ cả khối ân tình cao dịu, tiết ra những áng thơ bay tận chân trời tĩnh thức.

Hơn nữa, chính vì sống động, nên chất thơ vẫn đầy ắp tình người, tình thương yêu nhân loại, tấm lòng hỷ xã thứ tha, trái tim rộng mở luôn chấp nhận những thiệt thòi nơi mình. Những dưỡng chất thân thiết này, những yếu tố quan trọng này, đã thắp lên ngọn lửa yêu thương cuộc đời, thắp sáng niềm tin nhân loại, mặc dù, nhân loại đang sống trong một thế giới đầy nhiễu nhương, đau thương, nghi kỵ. Chiến tranh, hận thù, chết chóc đang lan tràn khắp nơi trên hành tinh thân yêu này. Vì thế, hơn bao giờ hết, tại cuộc sống này, con người cần phải thiết lập những niềm vui, dù chỉ là niềm vui bé nhỏ tạm thời; cần phải có cuộc sống an bình, dù sự an bình đó chỉ vỏn vẹn trong đôi phút; cần phải có  ánh sáng trí tuệ dẫn đường, dù ánh sáng ấy chỉ loé lên trong khoảnh khắc mong manh. Tất cả những yếu tố đó, lại là nền tảng quan trọng thiết thực nhất, để thiết lập nguồn hạnh phúc chân thật, để thắp sáng lại những nơi đang tăm tối vì hiểu lầm, để trao cho con người một niềm tin Thiên Thu miên viễn.

Chính khoảnh khắc thiên thu này, sẽ gắn bó, trở thành những giọt máu nguyên sinh, hoá hiện ra dòng sinh thể ngọt ngào, để bao thứ tình thương yêu nhân loại tuông chảy không ngừng. Dòng sinh thức tâm linh mảnh liệt này sẽ thay những tiếng nói đau thương, cất lên khúc hát tạ từ, biến những khổ đau, thù hận phiền não của thế tình, thành nguồn hạnh phúc tịch như viên đảnh. Để rồi, người thơ như tự mình phát nguyện đại thừa, vác lên vai những đại hạnh bi hùng, tiếp tục ung dung dấn thân cất bước. Một ngày, một phút hay một khoảng khắc thoáng qua của cuộc đời tác giả, T.K.Thiện Hữu  tự động trở về tự tánh, dâng trọn câu hát tình người, thành tâm cúng dường đức Như lai ngàn thuở:

……………………………..

Bao đau thương cất tiếng nói tạ từ

Nguồn hạnh phúc vẫn tịch như viên đảnh

Vác lên vai những bi hùng đại hạnh

Mang vào lòng chút hiu quạnh trần ai

Trong đêm khuya tìm đến bóng Liên đài

Dâng câu hát của Như lai tịch chiếu!! (Viên Đảnh Bi Hùng)

Chính những đột phá tâm linh bằng trái tim nguyên vẹn này là tất cả cứu cánh giải thoát, đưa con người và cuộc đời vượt khỏi mọi phiền não xót xa, đau khổ. Sau đó, biến thành những khúc thiên nhạc dâng lên đức Phật. Đây cũng là khúc du ca của người cùng tử với bao kiếp sống phong trần hiến dâng cuộc đời. Để rồi, chàng cùng tử đến lúc quay về, trong đêm khuya tĩnh mịch quỳ dưới bóng liên đài tuyệt thế, hôn lên chốn cũ cội nguồn, nơi không còn những buồn đau thất vọng, không có bóng dáng của hờn giận hơn thua, tỵ hiềm. Bởi vì, đối với tác giả, những tình cảm âm tính nặng nề đoạ đày này, đã thoát thai, trở thành những hạt minh châu vô giá, đang lấp lánh chiếu soi tận cõi lòng người lãng tử.

Hơn nữa, theo tâm thái của người thơ, những thứ nhọc nhằn trong cõi lòng hay nơi cõi Ta bà đầy thương yêu này, lại chính là những tố chất diệu kỳ, đầy nét diễm kiều, chan chứa khắp cùng, mầu nhiệm lóng lánh trước mắt mọi người, giống như một toà bửu châu chân lý. Toà bửu châu chân lý này tưởng chừng như mất dạng ngàn xưa, trong cuộc bể dâu thương hải, nhưng nay lại được T.K.Thiện Hữu  tìm lại, nối kết trong trái tim và tâm hồn chưa hề xứt mẻ:

……………………….

Sao không về chốn cũ

Rong chơi với Di Đà

Bao trần gian huyễn hoặc

Chấp cánh phương trời xa!! (Chốn Cũ)

Suốt lộ trình đi đến an lạc giải thoát, dòng cảm quan của thi sĩ cũng chính là những hạt bụi nhỏ long lanh, lấp lánh ẩn chứa nhiều sắc màu độc đáo hy hữu. Bởi lẽ, khi tâm hồn con người thật sự an bình, thật sự rong chơi với tự tánh Di đà, thì lúc đó, những huyễn hoặc của trần gian sẽ chấp cánh thơ bay, trở về  phương trời vô trụ của tự tánh thanh tịnh Niết bàn.

Trở về chốn cũ, cũng chính là trở về với quê hương tâm thức muôn đời của vũ trụ vạn hữu, sự trở về không cần kèn trống hay khúc khải hoàng, mà là sự trở về trong yên ả tâm hồn.

Khi đó, những cơn thịnh nộ cuồng si của kiếp người, những nỗi đớn đau riêng tư của cuộc sống, sẽ dần dà tan biến, để thay vào một tâm thái như như, an vui tự tại trước những biến thiên của cuộc lữ. Từ đó, người thơ sẽ hoà nhập vào thế giới thường chân, chấp mười ngón tay thành đoá sen hồng, đồng nhất tâm khấn nguyện:

………………………

Chấp tay cùng khấn nguyện

Thế giới một đường về

Bao nhiêu khê huyễn hoặc

Chảy thành giọt Tào Khê… (Trăng Sáng Ngàn Năm)

Bao nhiêu khê huyễn hoặc sẽ chảy thành giọt Tào khê chỉ khi nào thế giới này chung một đường về, chung một tâm thái, chung một tâm thức phục vụ nhân sanh.

Dòng Tào Khê năm nào vẫn đang tuông chảy trong lòng mọi người. Dòng chân lý tuyệt vời chảy vào cuộc đời một cách êm ả bình đẳng, không mải mai phân biệt bất cứ quốc gia, chủng tộc hay tôn giáo nào. Dòng chân lý nhiệm mầu hiện hữu muôn đời, như những đại dương mênh mông bất tận, chấp nhận những cặn bã của các con sông, ôm vào lòng những thứ xấu xa từ cống rảnh của cuộc đời. Nhưng, nước biển đại dương vẫn luôn trong xanh bát ngát và lòng của biển vẫn dạt dào thương mến, cất cao tiếng hát ân tình muôn thuở.

Những giọt nước tình thương đang âm thầm chảy vào những mảnh đời đau khổ, bật ra những âm thanh quen thuộc. Âm thanh của những bé thơ đang vô tư giởn đùa bên cuộc đời nóng cháy hay bên hiêng nhà trống vắng. Tiếng thở than của các cụ già nhớ cháu thương con lúc tuổi xế chiều. Âm thanh của chuông chùa ngân nga vang vọng trong không gian tĩnh mịch. Tiếng kêu gào của những thành phần thấp cùng trong xã hội đang rên rĩ khóc than vì cuộc đời đang thiếu dần những hơi ấm tình người. Tất cả đều trở thành pháp âm vi diệu, khơi nguồn cho dòng chảy Tào Khê. Chính những giọt Tào khê tưởng như khô cạn nơi kiếp nhân sinh, nay lại được những tia nắng của mặt trời chân lý sưởi ấm, trở thành giọt nước cam lồ, tưới vào cuộc đời, nở thêm những bông hoa tươi thắm. Những đoá hoa tươi thắm thiên tình, đáng trân quí này, là sáng tác của thiên nhiên chứa đầy sức sống, là khám phá mới bên  đường dơ bụi cát của kiếp người, mà chính nhà thơ đã chiêm nghiệm trong quá trình thực nghiệm:

…………………………………

Thênh thang những nơi được-mất

Nghe câu diệu mật diễm kiều

Trần gian trăm điều thượng diệu

Giờ cùng chấp cánh thương yêu… (Trên Đường Bụi Cát)

Trên mọi nẽo đường bụi cát mênh mông của dòng sanh tử luân hồi, trong sự sống chứa đầy hơn thua, được mất, T.K.Thiện Hữu vẫn thấy rõ những thứ khách trần phiền não này chẳng qua chỉ trong một khoảnh sát na. Nhưng, nếu chịu khó tận mắt nhìn kỷ, chú tâm quán sát cho kỳ cùng, thì chính lúc này, con người sẽ thấy tỏ tường, là trong bụi cát cuộc đời, vẫn chứa ngàn thương diệu mật. Trong những hệ luỵ trần gian được mất, vẫn vun đắp trăm điều thương yêu. Trong những ly tan tiễn biệt, vẫn chung chấp cánh đại đồng. Rồi tất cả sẽ bay vào thế giới vô ngã Niết bàn, hoà quang không một tiếng lòng vọng động.

Chính bụi cát sẽ làm phấn hoa thượng diệu, sẽ tái tạo những chiếc Kim tự tháp kiêu hùng, sẽ là những kỳ quan thế giới huyền diệu lung linh, chỉ rõ một chân lý bất diệt  bất sinh, đó là tình thương yêu vô hạn của lòng người. Tình thương yêu đối với tất cả, gồm thâu cả con người, thiên nhiên và cuộc đời sẽ trộn lẫn vào nhau,  đủ đầy màu sắc, dùng nét mựt vô tâm để phác hoạ một bức tranh thuỷ mạc, tươi mát  thơ mộng và tràn đầy sức sống.

Chính tình thương yêu này, sẽ hoá thành niềm chân phúc vô biên trong lòng thi hữu xa gần, để cất lên tiếng nói cao khiết Giã Từ:

…………………………………

Thôi từ giã những lê thê huyễn hoặc

Bước chân lên những cao ngất trinh tường

Mỗi trùng quang là mỗi nét yêu thương

Viên đá nhỏ cũng mười phương pháp giới!! (Tiếng Giã Từ)

Nhân gian đã cho con người quá nhiều cuộc giã từ, nhưng, không có cuộc chia ly nào, không có tiếng giã từ nào như tiếng từ giã chân thật này.

Cả cuộc đời lam lũ của con người hầu như chỉ tập trung vào những cuộc đua tranh quyền lực, hay những cuộc sanh nhai cho thoả mãn tánh hiếu kỳ, nhưng, có mấy ai dám hy sinh thời gian, dám bỏ qua những mảnh đời tươi trẻ để chấp nhận kiếp sống tha phương.

Con người đã quá dễ dàng chấp nhận từ giã những đứa trẻ mồ côi bị bỏ rơi ngoài xã hội, dễ chấp nhận từ giã những trẻ tật nguyền dị dạng vì chiến tranh bạo tàn, dễ chấp nhận từ giã những cụ già đang thiếu vắng tình thương yêu đùm bọc của thân nhân và xã hội, dễ chấp nhận từ giã  những thành phần đang bị áp bức bởi một thế lực nào đó… để tìm cho  mình những thoải mái, những dễ dãi trong mọi nhu cầu sống. Nhưng, có bao nhiêu người dễ dàng từ giã từ những lê thê huyễn hoặc của cuộc lữ, để thương yêu một viên đá nhỏ bên đường. Ở đây, thi sĩ đã sống và đã thể hiện được điều đó. Để rồi, trong tận đáy lòng của người  thi sĩ, T.K.Thiện Hữu lại phát ra một thứ âm thanh êm dịu, rơi rụng trên từng trang thơ huyền nhiệm của mình, lưu lại khắp nẻo đường gió bụi những ân tình  thiết tha chân thật của kiếp người. Từ đó, thế giới thơ của thi sĩ luôn lung linh huyền ảo, luôn ẩn hiện trong từng nhịp đập của tha nhân, tạo thành tiếng nói nụ cười reo vui muôn thuở, kết tụ nơi miền chân không tĩnh lặng, một niềm thơ thiên thu:

………………………………………

Có một miền chân không tĩnh lặng

Pháp thân chiếu diệu mọi nơi (Tuyệt Vời)

Tóm lại, sau bao năm tháng trầm mình trong thế giới ngã nhân, trong vòng lẩn quẩn của được mất bại thành, T.K.Thiện Hữu đã thấy một lẽ thường chân tuyệt vời, nên nhà thơ  tiếp tục lên đường, tiếp tục dấn thân, biến những khoảnh khắc của lòng mình thành thi phẩm thiên thu. Việc làm này, đòi hỏi nơi người thơ một tâm hồn thong dong, một nội lực hùng hậu, một nội quan  trầm lắng thiết tha trước những thuận nghịch của cuộc đời, trước những đổi thay của thời tiết, trước những sắc màu luôn biến dạng của thiên nhiên.

Có được những dòng cảm quan thơ như thế, thiết nghĩ, thi sĩ nhất thiết phải là người đã gắn bó với những bước thăng trầm của cuộc thế, nhưng tâm hồn vẫn giữ nét minh nhiên trong mọi biến đổi, để dâng hiến những niềm vui chân phúc cho tha nhân.

Cuối cùng và hơn hết, không ai ngờ rằng, chỉ Một Thoáng chóng qua của thời gian, tác giả có thể chuyển tải được nỗi niềm cảm xúc sâu kín nhất và những ước mơ cao thượng nhất trong tâm hồn mình một cách dễ dàng. Đây là việc làm không phải ai cũng có thể thực hiện được. Bởi vì, khi trái tim con người không may bị khô cằn vì hạn hán của tình thương, thì làm sao rung động trước nỗi khổ đau của tha nhân, làm sao xúc cảm trước những vẻ đẹp của đời sống và làm sao bất động  trước những biến thiên của vũ trụ bao la này. Chỉ khi nào, trái tim và tâm hồn con người thật sự hỷ lạc, vượt lên trên mọi khái niệm Có-Không, thì tất cả sẽ hiển lộ, sẽ phô bày một cách chân xác, sống động nhất:

…………………………

Bồ đề hỷ lạc viên niên

Vượt lên Ngũ uẩn của miền Có-Không

Lặng yên trinh khiết tâm hồng

Toàn chân hiển lộ hết lòng hát ca!! (Toàn Chân Hiển Lộ)

Chùa Giác Ngộ

Tháng 10 năm 2008

Tỳ Kheo Thích Nhật Từ