LỊCH SỬ CHÙA LÝ TRIỀU QUỐC SƯ

Chùa tọa lạc tại số 50 phố Lý Quốc Sư quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Xưa kia đây vốn thuộc thôn Tiên Thị, tổng Tiên Túc, huyện Thọ Xương với tên gọi đền Lý Quốc Sư hay đền Tiên Thị. Đền được xây từ thời Lý để thờ Quốc Sư Minh Không. Ngài họ Nguyễn, húy Chí Thành, sinh ngày 14 tháng 8 năm Bính Ngọ, niên hiệu Long Chương Thiên Tự thứ nhất triều Lý Thánh Tông (1066) tại Làng Điềm Xá, Phủ Trường Yên (nay thuộc thôn Quốc Thanh, xã Gia Thắng huyện Gia Viễn tỉnh Ninh Bình)...Một di vật còn lại cũng có niên đại thời hậu Lê là cột trụ đá trước sân, trên đỉnh nóc an trí tượng Bồ Tát Quán Thế Âm cùng Thiện Tài, Long Nữ. Thời gian gần đây, khi đào đến độ sâu 1m ở chân móng tòa chính điện, đã phát hiện được khá nhiều những viên gạch vồ lớn, màu đen giống với loại gạch vồ thời Lê ở một số di tích khác có niên đại thế kỷ XVII.

LỊCH SỬ CHÙA LÝ TRIỀU QUỐC SƯ

Thích Bảo Nghiêm

Chùa tọa lạc tại số 50 phố Lý Quốc Sư quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Xưa kia đây vốn thuộc thôn Tiên Thị, tổng Tiên Túc, huyện Thọ Xương với tên gọi đền Lý Quốc Sư hay đền Tiên Thị. Đền được xây từ thời Lý để thờ Quốc Sư Minh Không. Ngài họ Nguyễn, húy Chí Thành, sinh ngày 14 tháng 8 năm Bính Ngọ, niên hiệu Long Chương Thiên Tự thứ nhất triều Lý Thánh Tông (1066) tại Làng Điềm Xá, Phủ Trường Yên (nay thuộc thôn Quốc Thanh, xã Gia Thắng huyện Gia Viễn tỉnh Ninh Bình).

Năm 11 tuổi (1077) Ngài từ biệt song thân dốc lòng xuất gia tu Phật, cầu đạo với Thiền sư Từ Đạo Hạnh, được Thầy khen tài giỏi thông minh ấn chứng sau trở thành bậc “Pháp khí” trong Thiền môn, ban pháp danh Minh Không, đời thứ 13 dòng Thiền Tỳ Na Đa Lưu Chi. Qua thời gian dài theo Thầy học đạo, chứng ngộ chân không bát nhã, Ngài về trụ trì Chùa Giao Thủy (Nam Định).

Không chỉ là bậc đại sư thông tuệ Phật pháp, được giới Tăng ni ngưỡng vọng, danh tiếng của Ngài còn được vang xa và được quốc vương kính trọng; tháng 5 năm 1131, đích thân Vua Lý Thần Tông sai dựng nhà cho Ngài (Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1 – NXBKHXH. H, 1983 Tr 322). Ngôi nhà là nơi quốc sư thường nghỉ lại trong những lần về kinh chữa bệnh cho Vua, quan và bách tính cũng chính là vị trí của ngôi đền Tiên Thị sau này.

Tương truyền lúc còn đang học đạo, trong khi dạo chơi ở khu rừng, Thiền Sư Đạo Hạnh hóa hổ dọa, Ngài nói: “Nếu Thầy muốn vậy, sau này chắc sẽ phải chịu quả báo như thế.” Từ Đạo Hạnh hối hận: “Xưa kia đức Thế Tôn tạo quả viên thành còn chịu báo kim sương, mã mạch, huống chi ta sinh thời mạt pháp đâu có thể tránh được, đời sau sẽ làm quốc chủ và sẽ chịu báo này, ông với ta có nhân duyên Thầy trò lúc đó sẽ cứu ta.” Sau khi Thiền sư Đạo Hạnh hóa, đầu thai là Dương Hoán con Sùng Hiền Hầu, được Vua Nhân Tông yêu quý lập làm Hoàng Thái tử và kế vị ngai vàng tức Lý Thần Tông hoàng đế. Lê ngôi không được bao lâu, tháng 3 năm 1136 Vua Lý Thần Tông bênh nặng, lông lá mọc khắp cơ thể, gầm thét như hổ suốt ngày, các danh y tài giỏi được triệu đến chữa bệnh nhưng không thuyên giảm, chính đại sư Minh Không là người chữa khỏi bệnh cho Vua Sau khi khỏi bệnh, cảm phục tài năng, Vua Lý Thần Tông phong Ngài là Quốc sư, tha thuế dịch cho vài trăm hộ. Trong quốc sử còn ghi rằng: “Tục truyền khi sư Từ Đạo Hạnh sắp trút xác, trong khi ốm đem thuốc niệm thần chú rồi giao lại cho học trò Nguyễn Chí Thành tức Minh Không, dặn rằng 20 năm sau nếu thấy Quốc Vương bị bệnh là thì đến chữa ngay, có lẽ là việc này.”

Ngày 1 tháng 8 niên hiệu Đại Định thứ 2 (1141) sau khi phó chúc môn đồ, Quốc sư an nhiên ngồi hóa tại Chùa Giao Thủy, thọ 76 tuổi. Không chỉ khi còn tại thế mà cả khi đã thác hóa, Ngài vẫn luôn hộ quốc cứu dân, Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng: “Quốc sư Minh Không rất linh ứng. Phàm khi có tai ương hạn lụt, cầu đảo đều nghiệm cả.” Để ghi nhớ công ơn, Vua Lý Anh Tông và nhân dân đã lập đền thờ Ngài tại làng Tiên Thị, (nguyên là Tinh xá Vua Thần Tông ban cho Ngài). Trải qua gần 9 thế kỷ, nhân dân vẫn hương khói phụng thờ, cầu đảo linh ứng.

Năm 1930 Hòa thượng Thích Thanh Định tự Quang Huy đến trụ trì đã tôn trí thêm tượng Phật, Bồ Tát và đổi thành Chùa “Lý Triều Quốc Sư.”

Cùng với những biến động của lịch sử, thời gian trôi qua làm cho ngôi đền không còn giữ được dáng vẻ của buổi khởi nguyên và đã được nhiều thế hệ tiền bối bảo quản, giữ gìn. Hiện còn thấy dấu vết của hai lần sửa chữa lớn, đó là vào mùa Xuân năm Giáp dần niên hiệu Dương Đức thứ 3 (1674) thời hậu Lê mà các di vật tiêu biểu còn để lại là hệ thống tượng chân dung tượng tạc bằng đá rất đẹp gồm tượng Phụ Mẫu Quốc Sư Minh Không, tượng Thiền Sư Từ Đạo Hạnh và Thiền Sư Giác Hải. Đây là những tác phẩm điêu khắc quý giá không chỉ ở trong Chùa mà còn là những tác phẩm tiêu biểu cho loại tượng này trong kho tàng nghệ thuật điêu khắc Việt Nam.

Một di vật còn lại cũng có niên đại thời hậu Lê là cột trụ đá trước sân, trên đỉnh nóc an trí tượng Bồ Tát Quán Thế Âm cùng Thiện Tài, Long Nữ. Thời gian gần đây, khi đào đến độ sâu 1m ở chân móng tòa chính điện, đã phát hiện được khá nhiều những viên gạch vồ lớn, màu đen giống với loại gạch vồ thời Lê ở một số di tích khác có niên đại thế kỷ XVII.

Lần trùng tu lớn thứ 2 của đền Tiên Thị vào năm 1855. Ở lần này đền được xoay lại hướng Đông như cũ và mở rộng quy mô kiến trúc với 3 gian tiền tế, 5 gian hậu cung, 2 dãy giải vũ mỗi dãy 3 gian, xây thêm tam quan phía trước và sơn thếp lại tượng thờ trong đền, tạc lại tượng Quốc sư Nguyễn Minh Không. Trong lần trùng tu này, để ghi nhớ công lao của gia đình quan huyện Thọ Xương họ Phan – gia đình đã có nhiều công sức trong việc sửa chữa đền, nhân dân đã tạc tượng họ và thờ trong đền. Đây là những pho tượng Hậu mà theo một số nhà nghiên cứu mỹ thuật cho rằng là tượng 4 công chúa và 3 quan đại thần nhà Lý; Vừa qua khi dời các pho tượng ra khỏi vị trí để tu sửa Chùa đã tìm thấy những dòng chữ ghi rõ họ tên, quê quán và năm tạc tượng ở sau lưng các pho tượng. Tất cả cứ liệu đó đều đúng với nội dung ghi trong tấm bia đá năm 1855 và bia đồng năm 1954 hiện còn lưu giữ tại Chùa.

Trải qua 145 năm tồn tại (tính từ năm 1855 cho đến nay) các hạng mục công trình đều đã bị mối mọt, hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng cần được thay thế. Từ năm 1992 được sự đóng góp của các Phật tử và nhân dân, Chùa dần dần được sửa chữa các hạng mục như nhà Tàng Kinh, Điện Mẫu, Tổ Đường…..

Ngày 5 tháng 6 năm 2000 đã chính thức trùng tu Đại Hùng Bảo Điện. Lần tu sửa này, những đặc điểm kiến trúc, trang trí kiến trúc….. vốn có của Chùa đều được giữ nguyên. Đặc biệt phần trang trí trên kiến trúc được chú ý, vẫn là các đề tài “Tứ Linh”, “Tứ Quý” nhưng đều được chạm khắc rất tỷ mỉ, công phu bởi những người thợ có tay nghề cao trong làng chạm khắc nổi tiếng vùng Nam Định.

Ngày 13/11/2000 (tức 18 tháng 10 năm Canh Thìn) nhân dân địa phương cùng nhà Chùa đã chính thức làm lễ cắt băng khánh thành Đại Hùng Bảo Điện Chùa Lý Triều Quốc Sư. Đây là một trong những công trình được gắn biển “Công trình chào mừng kỷ niệm 990 năm Thăng Long – Hà Nội.”