Côn Sơn Với Thiền Phái Trúc Lâm

thaptotruclam.JPG...Vào thế kỷ thứ 13, ở Yên Tử xuất hiện một Thiền phái mà pháp chủ là người Việt Nam, đạo Phật mang màu sắc Việt Nam. Đó là Vua Trần Nhân Tông với Thiền phái Trúc Lâm.

...Thời Trần, Yên Tử là một trung tâm tu hành của Phật giáo khá sầm uất. Yên Tử tên cũ là núi Voi, có đỉnh núi cao nhất vùng Đông Bắc nước ta (1068m), với những rừng trúc, rừng thông bạt ngàn, không khí trong lành, khung cảnh yên tĩnh, thơ mộng, rất phù hợp cho những người muốn lánh đời, thoát tục. Tương truyền tử thế kỷ thứ 10, đạo sĩ Yên Kỳ Sinh đã tu và đắc đạo ở đây. Ngôi Chùa được gọi là Chùa Ông Yên.

...Huyền Quang về sau trụ trì ở Chùa Thanh mai sáu năm, lại đến ở Chùa Côn Sơn, lập Cửu phẩm liên hoa. Ngày 23 tháng Giêng năm Giáp Tuất (1334). Huyền Quang viên tịch tại Côn Sơn. Vua Trần Minh Tông cấp ruộng để thờ cúng, cúng 10 lạng vàng, sai đệ tử Tăng ni xây Tháp mộ phía chân núi sau Chùa, đặc phong là Huyền Quang Tôn giả.

Côn Sơn Với Thiền Phái Trúc Lâm

Nguyễn Phúc Lai biên soạn

Bài viết này được giữ lại vì: Huyền Thoại Sông Hương, riêng phần Đạo Phật không biết soạn giả căn cứ vào đâu mà có nhiều điểm khá lạ ? (chú thích bởi người gởi)

Đạo Phật

Đạo Phật có nguồn gốc từ Ấn Độ, trở thành Tôn giáo chính ở châu Á và nhiều nước trên thề giới. Phật giáo có nhiều tông phái, nhưng ảnh hưởng sâu rộng nhất là Thiền tông, mà người khai sáng là Đức Thích ca Mâu Ni. Theo lịch sử Phật giáo, xứ Ấn Độ ngày đó gồm nhiều vương quốc nhỏ. Thích Ca Mâu Ni là con Vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma Da, trị vì vương quốc ở phía bắc Ấn Độ, dưới chân dãy núi Hymalaya. Hoàng hậu đến bốn mươi nhăm tuổi mới có thai. Theo tục lệ, đến gần ngày sinh, Hoàng Hậu trở về nhà Cha Mẹ là Vua A nậu Thích Ca, nước Câu Ly. Một buổi sớm, Hoàng Hậu dạo chơi trong vườn hoa và sinh hạ Thái tử ở đấy. Thái tử được đặt tên là Tất Đạt Đa, theo tục lệ Ấn Độ lấy họ Mẹ là Thích Ca. Thái tử “có ba mươi hai quý tướng và tám mươi vẻ đẹp”, tư chất thông minh, đức độ, trở thành một trang thanh niên văn võ song toàn. Nhưng đặc biệt hơn cả ở Thái tử là tình cảm đối với đồng loại, với dân làng đang sống trong một xã hội đầy những cảnh xung đột, chết chóc, đói khổ, dịch bệnh, bất công… và Người luôn suy nghĩ tìm cách cứu khổ, cứu nạn cho dân. Để làm khây lòng con, Vua Tịnh Phạn dựng riêng cho Thái tử một cung điện thật nguy nga, bày đủ các trò vui, cưới vợ cho Thái tử là một người tuyệt thế giai nhân, sinh hạ được một con trai. Thế nhưng Thái tử vẫn không khây khỏa được nỗi buồn khổ của cõi đời. Năm mười chín tuổi, Thích Ca Tất Đạt Đa bỏ lại tất cả, nửa đêm trốn khỏi cung đình, cắt tóc, vào rừng sâu tu hành tìm phương pháp cứu độ chúng sinh. Thời gian đầu Người tìm học các đạo sĩ danh tiếng, vào ở ẩn trong núi Tuyết Sơn. Tu luyện khổ hạnh sáu năm chưa thu được kết quả mong muốn. Thân hình gầy khô se sắt. Sau đó, Thích Ca rời núi Tuyết Sơn tìm đến núi Tượng Đầu. Sau khi tắm rửa tẩy chay, Người uống bát cháo sữa do cô thôn nữ dâng cúng, rồi Người đến dưới một gốc cây Bồ đề ngồi Thiền định ở đó và thề rằng “Nếu ta ngồi đây mà không chứng được đạo quả, thì dù thịt nát xương tan, ta quyết không bao giờ đứng dậy!” Thích Ca ngồi Thiền định dưới gốc cây bồ đề đến ngày thứ bốn mươi chín, vào lúc sao mai vừa mọc thì bỗng nhiên Người cảm thấy mình thấu hiểu hết (đại ngộ), hiểu rõ được chân lý của vũ trụ và nguồn gốc sinh tử của con người. Từ phút ấy, Người thành Phật.

Sau khi đắc đạo, Thích Ca Mâu Ni dành bốn mươi chín năm đi chu du khắp mọi nơi truyền đạo cho các đệ tử và mọi lớp ngưòi, không phân biệt tuổi tác, nam, nữ, giàu, nghèo, chủng tộc, đem sự hiểu biết cao siêu và lòng từ bi hỷ xả giáo hóa chúng sinh. Năm 544 trước Công Nguyên, đức Thích Ca 80 tuổi. Nhận thấy ý nguyện của mình đã được thực hiện, Người cho mắc chiếc võng ở giữa hai cây Ta La và gọi các đệ tử lại gần, ban những lời di chúc, rồi đức Phật bình thản giã từ trần thế về cõi Niết bàn.

Thiền tông là một tông phái chủ yếu của đạo Phật, với phương pháp tu hành căn bản là tham Thiền, nhập định, vẫn gọi là Thiền định. Chữ Thiền là từ chữ “Thiền na”, tiếng Phạn, là tư duy tịnh lự (tĩnh trí). Tĩnh trí tức là để cho tâm tư yên tĩnh không chút vướng bận, được sáng tỏ. Chữ Định tiếng Phạn có nghĩa là tập trung tư tưởng vào một đối tượng duy nhất, không cho phân tán, để tâm trí được yên tĩnh, sáng tỏ, mạnh mẽ, dễ quan sát, suy nghiệm tìm ra chân lý.

Đạo Thiền với những tư tưởng của đức Thích Ca và các đệ tử của Người phát triển thêm, khởi nguyên là một trường phái triết học cổ đại với một hệ thống vũ trụ quan và nhân sinh quan hết sức trừu tượng, “ siêu phàm!” Chúng tôi không có tham vọng lý giải, mà chỉ sơ bộ giới thiệu vài nét về tiểu sử của đức Phật Thích Ca để giúp cho việc tìm hiểu về Thiền phái Trúc Lâm.

Ở đây cũng xin được nói thêm rằng: mặc dù tư tưởng Phật giáo là duy tâm, chủ quan, bi quan, yếm thế, nhưng với tính hướng thiện sâu sắc, coi trọng việc tu tâm, tu thân, nên đạo Phật vẫn là một đức tin, đã và đang có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần, tâm linh của nhân dân ta. Đức Thích Ca nói rằng: “Mỗi người sinh ra đều có Phật tính và đều có thể thành Phật!.” Muốn hiểu về con người Việt Nam, về văn hoá dân tộc, chúng ta không thể không nghiên cứu để hiểu biết ít nhiều về đạo Phật.

Thiền Phái Trúc Lâm (Ông Vua Đầu Nhà Trần Đã Bỏ Triều Đi Tu)

Đạo Phật được du nhập vào nước ta khoảng thế kỷ thứ hai, thứ ba sau Công Nguyên. Bằng hai ngả: đường biển từ phía Nam lên, do các nhà sư Ấn Độ truyền giáo; đường bộ, từ phía Bắc xuống, do các nhà sư Trung Quốc truyền đạo. Cho đến thời Lý, Chùa chiền đã được xây dựng ở khắp nơi, Phật Giáo phát triển đến mức cực thịnh, trở thành “Quốc giáo.” Tăng ni trở thành một tầng lớp khá đông trong xã hội, những vị cao Tăng có uy tín với triều đình được phong là “Quốc sư.” Đến nhà Trần, từ Vua, Hoàng hậu đến các vương hậu, tướng lĩnh đề sùng đạo, đạo Phật đã thấm khá sâu trong nhân dân. Song đến thời kỳ này Khổng giáo và Lão giáo từ Trung Quốc qua tầng lớp Nho sĩ cũng đã được truyền bá khá rộng và tranh giành ảnh hưởng. Giáo lý nhà Phật không còn được thuần chất như xưa mà đã xen lẫn các yếu tố mê tín dị đoan của các “tà giáo.” Thời Trần với ba lần chiến thắng quân Nguyên vô cùng hiển hách, ý thức độc lập, tự cường dân tộc được đề cao hơn bao giờ hết, triều đình càng chăm lo và củng cố “Quốc giáo” đạo Phật, tạo một chỗ dựa tinh thần vững chắc cho vương triều của mình. Triều Trần cũng là một triều đình của một dòng họ với tinh thần gia tộc quốc gia được đề cao đến mức cực đoan. Chẳng hạn trai gái chỉ được kết hôn với người trong hoàng tộc, Vua truyền ngôi cho Thái tử khi vừa khôn lớn, còn mình thì giữ vai trò “Thượng hoàng” và xuất gia tu hành. Để giữ được kỷ cương ấy, có khi xảy ra những chuyện đau lòng trong hoàng tộc, đó cũng là lý do trực tiếp thúc đẩy các Vua Trần tìm đến cửa Thiền để thoát tục. Ngay từ vị Vua đầu tiên là Trần Thái Tông đã như vậy. Vợ Trần Thái Tông là Hoàng hậu Lý Chiêu Hoàng, sau mười năm chưa có con, chú ruột nhà Vua là quan Thái sư Trần Thủ Độ đã bắt ép Trần Liễu (là anh ruột Vua) phải nhường vợ mình là Lý Thị đang có mang làm vợ Vua, giáng Hoàng hậu Lý Chiêu Hoàng xuống hàng cung phi, để ngôi Vua sau này có người kế nghiệp. Buộc phải làm một chuyện loạn luân. Vua Trần Thái Tông buồn khổ đang đêm cùng tuỳ tùng bỏ kinh thành Thăng Long, trốn lên Yên Tử để tu hành. Thái sư Trần Thủ Độ cùng quan quân đuổi theo ra Yên Tử, hết lời can ngăn, mời Vua hồi triều, nhưng nhà Vua không thuận. Trần Thủ Độ liền tuyên bố: “Xa giá nhà Vua ở đâu tức là triều đình ở đấy!” rồi sai quân cắm mốc chăng dây để xây dựng cung Vua phỏng theo kích thước của cung điện ở kinh đô. Trước tình thế ấy, Quốc sư trụ trì Chùa Phù Vân ở Yên Tử cầm lấy tay nhà Vua mà thưa rằng: “Hễ làm đấng Vua người thì phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy bụng thiên hạ làm bụng của mình. Nay thiên hạ muốn đón Vua về, nhà Vua không về sao được!... Bệ hạ nên sớm quay loan xa giá về kinh đô, không nên để họ làm hại đến núi rừng của đệ tử này…” Trần Thái Tông buộc phải trở về Thăng Long tiếp tục công việc triều chính, song vẫn để tâm nghiên cứu, soạn sách, truyền giảng đạo Phật.

Thời Trần, Yên Tử là một trung tâm tu hành của Phật giáo khá sầm uất. Yên Tử tên cũ là núi Voi, có đỉnh núi cao nhất vùng Đông Bắc nước ta (1068m), với những rừng trúc, rừng thông bạt ngàn, không khí trong lành, khung cảnh yên tĩnh, thơ mộng, rất phù hợp cho những người muốn lánh đời, thoát tục. Tương truyền tử thế kỷ thứ 10, đạo sĩ Yên Kỳ Sinh đã tu và đắc đạo ở đây. Ngôi Chùa được gọi là Chùa Ông Yên, Yên Tự, sau gọi chệch đi là Yên Tử. Nhiều nhà sư thời Lý, thời Trần đã lên đây dựng Chùa, lập Am tu hành. Từ kinh đô Thăng long đến Yên Tử là một hệ thống các Chùa chiền, Tăng viện như Siêu Loại, Vĩnh Nghiêm (Hà Bắc); Côn Sơn, Thanh Mai (Hải Dương); Quỳnh Lâm rồi Yên Tử (Quảng Ninh)… Chúng ta đã biết Thiền Tông cũng có những giáo phái khác nhau (mà hai giáo phái chính là Tiểu thừa và Đại thừa). Pháp chủ của mỗi dòng ban đầu là các nhà sư người Ấn Độ hoặc người Trung Quốc sang ta truyền đạo, rồi các đệ tử là Sư ta tiếp tục truyền bá, nối dòng.

Vào thế kỷ thứ 13, ở Yên Tử xuất hiện một Thiền phái mà pháp chủ là người Việt Nam, đạo Phật mang màu sắc Việt Nam. Đó là Vua Trần Nhân Tông với Thiền phái Trúc Lâm (Trúc Lâm: rừng trúc). Khi hướng theo đạo Phật, Trần Nhân Tông chịu nhiều ảnh hưởng của các vị tiền nhân, như Vua Trần Thánh Tông và nhất là Tuệ Trung thượng sĩ, người thuộc tôn thất nhà Trần, một vị cao Tăng tu ở Yên Tử. Tuệ Trung đi tu nhưng có công trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông. Đất nước thái bình, ông trở về Yên Tử tu hành và viết tập “Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục”, một tác phẩm có giá trị cho các nhà Thiền học. Tư tưởng Thiền học của Tuệ Trung không câu nệ vào các giới, luật. Giới, luật của nhà Phật không sát sinh, nhưng việc đánh đuổi diệt giặc ngoại xâm, gìn giữ đất nước không coi là mâu thuẫn với lý tưởng của đạo. Một hôm về triều, trong bữa cơm, em gái ông là Thái hậu Thiên Cảm thấy anh ăn thịt, liền hỏi: “Anh bàn chuyện Thiền mà lại ăn thịt, sao thành Phật được?” Tuệ Trung thản nhiên đáp: “Phật là Phật, anh là anh, anh không muốn làm Phật, Phật không muốn làm anh. Bậc tu xưa đã nói: Văn Thù là Văn Thù, giải thoát là giải thoát.” Do ảnh hưởng của Tuệ Trung thượng sĩ, Trần Nhân Tông, rồi Pháp Loa, Huyền Quang và các môn đệ của phái Trúc Lâm không quá câu nệ vào các nghi thức rườm rà của việc hành đạo, không trọng lối tu luyện pháp thuật, trừ tà ma, mà coi trọng tu tâm, truyền “tâm ấn” linh nghiệm: “Phản quan tự kỷ bản phận sự, bất tòng tha đắc” (nghĩa là: quay về xét việc làm bổn phận của riêng mình, không nên theo người khác được). “Phật tâm khước dữ ngã tâm hợp” (nghĩa là: ý thức vũ trụ là tâm Phật. Tâm Phật với tâm ta vốn hợp). Thiền phái Trúc Lâm lấy sự giác ngộ tâm Bồ đề là cái biết tối cao của Thích Ca Mâu Ni khi đắc đạo dưới gốc cây Bồ đề làm cơ bản thực nghiệm cho con người vũ trụ hoá, nghĩa là hợp nhất con người và thiên nhiên. Có thể hiểu một cách giản dị, tu hành của phái Trúc Lâm là phương pháp “tu ẩn sĩ”, tư tưởng chủ đạo là “đạo học tâm linh”, trong đó có sự kết hợp triết học siêu nhiên của Phật giáo với nhân sinh quan của Nho giáo và vũ trụ quan của Lão giáo.

Vị Tổ Thứ Nhất: Trúc Lâm Điều Ngự Trần Nhân Tông (1258 -1308)

Trần Nhân Tông tên tục là Trần Khâm, sinh năm 1258, được truyền ngôi năm 1279, làm Vua được 14 năm, lãnh đạo quân dân nhà Trần đánh thắng hai lần quân xâm lược Nguyên Mông (lần thứ hai, thứ ba). Đất nước thái bình, ông nhường ngôi Vua cho con người anh là Trần Anh Tông, còn mình làm Thái thượng hoàng, vừa tiếp tục công việc của triều đình, vừa chăm lo nghiên cứu đạo Phật. Ông đi nhiều nơi đến các Chùa chiền, Tăng viện thuyết pháp, giảng kinh, khuyên dân chúng làm 10 điều thiện. Thời đó giao thông còn nhiều trắc trở mà Trần Nhân Tông đã đến tận vùng Bố Chính (Quảng Bình), lập Am “Tri kiến”, sang cả nước Chăm Pa giao hảo với nước này, hứa gả công chúa Huyền Trân cho Vua Chăm Pa lúc đó là Chế Mân. Ban đầu Trần Nhân Tông chọn hành cung Vũ Lâm (Yên Khánh, Ninh Bình) làm nơi tu hành. Sau ông đã lên Yên Tử lấy Thiền hiệu là Hương Vân Đầu Đà, Trúc Lâm Điều ngự. Yên Tử trở thành “Thủ đô” của Phật giáo thời ấy. Với sự quyên cúng của các triều thần và Phật tử. Điều ngự Trần Nhân Tông cho xây dựng ở đây nhiều Chùa chiền, Am Tháp, có quy mô và giá trị về kiến trúc. Những di tích còn lại ngày nay ở Yên Tử là những chứng tích vô giá về cuộc sống tu hành ẩn dật, siêu thoát, khổ hạnh nhưng cũng nhiều chất thơ của Trúc Lâm đại sĩ và các đệ tử của ông. Trần Nhân Tông đã soạn nhiều sách Thiền học, sáng tác nhiều thơ Thiền, như các tập: “Trúc Lâm hậu lục”, “Thượng sĩ hành trang”, “Tăng già toái sư”, “Đại vương Hải ấn thi tập”… Ông đã nói những lời thật là thống thiết với các môn đệ trong một buổi giảng Kinh ở Tăng viện Kỳ Lân (Côn Sơn) về bổn phận của Phật tử:

“Hỡi các người! Quang âm qua mau chóng, đời người trôi không ngừng. Tại sao các người ăn cháo cơm lại không tìm hiểu cái bát, cái thìa?”

Tư tưởng Thiền và tâm hồn thi sĩ của Trần Nhân Tông đã gửi gắm ở nhiều bài kệ, bài thơ, vừa sâu sắc, vừa tinh tế, thanh cao.

Đây là bài kệ Trần Nhân Tông đề ở Chùa Cổ Chân (Hà Bắc):

“Thế số nhất sách mịch

Thời tình lưỡng hải ngân

Ma cung hồn quản thậm

Phật quốc bất thắng xuân.”

Dịch:

“Thế số một hơi tàn

Thời tình đôi mắt bạc

Cõi chết vây bố gấp

Nước Phật vẫn đang xuân.”

Bài Sớm Xuân:

“Thụy khởi khai phong phi

Bất tú quân dĩ quy

Nhất song bạch hồ điệp

Phách phách xấn hoa phi.”

Dịch:

“Ngủ dậy mở cửa sổ trông ra

Không ngờ mùa Xuân đã về

Một đôi bướm trắng song song

Vỗ cánh phấp phới trên các bông hoa.”

Tư tưởng Thiền của Điều ngự Trần Nhân Tông mang tinh thần yêu nước, thương dân, gắn việc đạo với sự sống còn của xã tắc, nhân sinh. Lịch sử còn ghi hai câu thơ nổi tiếng của Vua Nhân Tông đề ở Chiêu Lăng (Lăng mộ của Vua cha):

“Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã

Sơn hà thiên cổ diện kim âu.”

Dịch:

“Xã tắc hai phen chồn ngựa đá

Non sông muôn thuở vững âu vàng.”

Bài Xuân Nhật Yết Chiêu Lăng (Ngày xuân viếng Chiêu Lăng)

“Trượng Vệ thiên môn túc

Y quan thất phẩm thông

Bạch đầu quân sĩ tại

Vãng vãng thuyết Nguyên phong.”

Dịch:

“Nghi vệ dàn hàng đủ

Quần thần đủ mặt đông

Lính già đầu tóc bạc

Nhắc nhở chuyện Nguyên phong.”

Ở Yên Tử nay vẫn còn Tháp Thiền định, nơi hàng ngày Điều ngự Trần Nhân Tông ngồi tham Thiền, nhập định dưới bóng thông, hoàn toàn tĩnh mặc, chỉ có mây vờn và gió núi. Ông viên tịch ngày 3 tháng 11 năm 1308, tại Yên Tử. Trước khi qua đời, ông nhờ các đệ tử dìu lên đỉnh Ngọa Vân như muốn đến gần cõi thiên giới hơn nữa, nhìn lại rừng trúc, rừng thông, dặn các đệ tử rằng: “Các người hãy về lo việc tu hành, đừng coi sinh tử là việc nhàn…”

Ở Yên Tử, trước Chùa Hoa Yên là Tháp Huệ Quang, thờ Trần Nhân Tông, có pho tượng ông bằng đá, là một di tích lịch sử văn hoá rất có giá trị.

Suối Giải Oan

Lên thăm Yên Tử du khách sẽ được chiêm ngưỡng các di tích ghi dấu chặng đường Vua Trần Nhân Tông rời kinh đô xuất gia lên núi tu hành, trong đó có Chùa Giải Oan bên suối Giải Oan. Tương truyền, khi Nhân Tông ra đi, cả đoàn các vương hầu, cung tần, mỹ nữ đi theo, níu kéo nhà Vua trở lại. Khi đoàn người tới suối Hổ Khuê, bên kia là rừng trúc rồi các đỉnh núi cao dần. Nhà Vua ngăn lại, lệnh cho tất cả quay về rồi Người qua suối. Khi bóng nhà Vua khoát áo cà sa khuất vào rừng trúc thì tiếng kêu vang, khóc lóc càng thảm thiết. Tuyệt vọng vì bị bỏ rơi, các cung nữ nhảy xuống suối tự vẩn để tỏ lòng trung chính với nhà Vua. Trần Nhân Tông cho dựng Chùa bên suối để độ trì cho những linh hồn oan uổng, gọi là Chùa Giải Oan. Suối Hổ Khuê chảy gấp khúc lượn dưới chân Yên Tử từ ấy được mang tên là suối Giải Oan.

Vị Tổ Thứ Hai: Thiền Sư Pháp Loa (1284 - 1330)

Tên tục của Thiền Sư Pháp Loa là Đồng Kiên Cương. Ông sinh năm 1284, tại thôn Đồng Hòa, hương Cửu La, nay thuộc xã Ái Quốc, huyện Nam Sách. Tương truyền bà Mẹ là Vĩ Thị sinh tám lần đều là con gái. Đến khi có thai lần thứ chín, mấy lần bà tìm thuốc phá thai nhưng đều vô hiệu. Do đó đến khi sinh con trai, bèn đặt tên là Đồng Kiên Cương. Khi Đồng Kiên Cương ra đời mùi hương thơm đầy nhà, mãi lâu mới tản đi. Lớn lên, Đồng Kiên Cương đã mộ đạo, có chí hướng tu hành. Trong một chuyến Điều ngự Trần Nhân Tông đi chu du thuyết pháp, qua hương Cửu La, Đồng Kiên Cương đến bái yết và xin được xuất gia. Trần Nhân Tông nói: “Người này có mắt đạo, sau này ắt có pháp khí”, bèn nhận làm đệ tử và ban cho tên là Thiện Lai. Thiện Lai tu hành chăm chỉ, hiểu sâu giáo lý nhà Phật, được Điều Ngự quý mến, thường cho sư hầu bên cạnh mỗi khi lên đàn truyền đạo. Năm 1306, tại Tăng viện Kỳ Lân (Côn Sơn) Điều Ngự truyền cho giới Thanh Văn là Bồ Tát. Thiện Lai lĩnh hội đầy đủ. Điều Ngự ban cho Thiền hiệu là Pháp Loa. Tại Am Ngọa Vân ở Yên Tử, Điều Ngự lấy y bát cùng bài kệ tâm thư trao cho Pháp Loa. Ngày mồng 1 tháng Giêng năm Hưng Long thứ 16 (1308), tại Chùa Siêu Loại (Hà Bắc), Điều Ngự Trần Nhân Tông làm lễ trao quyền nối dòng thừa kế cho Pháp Loa, có sự chứng kiến của Vua Trần Anh Tông và đông đảo các quan cùng Tăng ni. Pháp Loa trở thành vị tổ thứ hai của Thiền phái Trúc lâm, khi đó ông mới 25 tuổi. Tháng mười một năm ấy Điều ngự Trần Nhân Tông mất ở Yên Tử. Pháp Loa hộ tống Xá Lợi (tro xương) của Điều ngự về cung Vua ở kinh đô Thăng Long.

Hơn hai chục năm chủ trì Thiền phái Trúc Lâm, Thiền sư Pháp Loa đã xây dựng được nhiều Chùa chiền, đúc chuông, tạc tượng, độ được hàng nghìn Tăng ni, trong đó nhiều vị đắc pháp được in vào đồ tịch của nhà Phật. Pháp Loa cũng chủ trì hoàn thành in bộ Kinh Đại Tạng đi thuyết pháp ở nhiều nơi. Những công trình do Pháp Loa xây dựng hồi ấy, như Chùa Tháp ở Côn Sơn, Chùa Thanh Mai, Hồ Thiên, nhất là Chùa Quỳnh Lâm (Đông Triều) là một Tăng viện lớn.

Tháng 2 năm 1330, Pháp Loa về viện Quỳnh Lâm dưỡng bệnh. Tại đây Pháp Loa lấy áo cà sa của Điều ngự Trần Nhân Tông cùng với bài kệ tả tâm trao cho Huyền Quang, thừa kế nối dòng Thiền phái Trúc Lâm. Thượng Hoàng Trần Minh Tông về Quỳnh Lâm cùng quan thái y thăm bệnh Pháp Loa. Nửa đêm ngày 1 tháng 3, bệnh nhà sư thêm nặng. Đệ tử đến thưa rằng: “Người xưa lúc sắp mất đều có lời kệ chỉ bảo, tại sao Thầy một mình không?” Pháp Loa quở mắng, đuổi ra. Lúc sau ông ngồi dậy, vê bút viết bài kệ còn truyền đến ngày nay:

“Vạn duyên tiệt đoạn nhất thân nhàn

Tứ thập dư niên mộng ảo gian

Trân trọng chư nhân hưu tá vấn

Na biên phong nguyệt cánh mai khoan.”

Nghĩa là:

“Muôn duyên cắt đứt được thân nhàn

Hơn bốn chục năm mộng mơ màng

Nhắn nhủ mọi người đừng viếng hỏi

Bên này trăng gió cũng mênh mang.”

Bài kệ cho thấy tư tưởng của Pháp Loa vẫn tiếp dòng Thiền của Trúc lâm Điều ngự Trần Nhân Tông, nhưng có phần tha thiết về giải thoát, thuần tuý hướng nội tâm linh.

Viết xong bài kệ, Pháp Loa ngồi yên mà mất, thọ 47 tuổi. Các đệ tử đặt thi hài ông vào áo quan đưa về an táng tại Chùa Thanh Mai (Chí Linh) ở chỗ nhà sư lúc sinh thời đã chỉ dẫn. Mộ Tháp của Pháp Loa ở Chùa Thanh Mai được Thái Thượng Hoàng Trần Anh Tông đặt tên Tháp Viên Thông. Trải bao năm tháng, Tháp mộ rêu phong, là di tích vô cùng giá trị về Pháp Loa. Cùng với Tháp Viên Thông ở Chùa Thanh Mai hiện còn bia đá cổ “Tam tổ thực lục”, ghi khắc công tích của ba vị tổ Thiền phái Trúc Lâm.

Huyền Thoại: Sự Tích Sông Hương

Đồng Kiên Cương có chí hướng tu hành từ thời trẻ. Tương truyền, ông từ Đồng Hoà sang bên Tiền Hải (thuộc xã Ái Quốc ngày nay) dựng một ngôi Chùa nhỏ trên khoảng đất hoang vu xa làng xóm, ven một con sông. Chùa dựng xong, tượng chưa khô sơn thì tên trang chủ cùng bọn thuộc hạ phi ngựa tới. Tên trang chủ hoạnh hoẹ:

“Ai cho phép nhà ngươi dựng Chùa trên đất của ta?”

Rồi hắn ra lệnh cho tay chân phá Chùa. Pháp Loa chắp tay lạy Phật, rồi cầu khẩn xin hắn đừng phá Chùa. Nếu Chùa bị phá, nhà sư xin được chết theo.

Tên trang chủ bỗng nảy ra một kế độc để thách thức nhà sư.

Hắn nói: “Ta ra hai điều kiện, tuỳ nhà ngươi lựa chọn. Hoặc phá Chùa trả đất cho ta. Hoặc phải ăn thịt con chim kia. Bằng không, Chùa sẽ cháy ra tro, ngươi sẽ là hòn than khô trong đó.

Pháp Loa nén giận nhận lời. Tên trang chủ giương cung, bắn rơi một con chim nhỏ, rồi hắn nhặt lên bắt nhà sư phải ăn sống con chim! Nhà tu hành chỉ ăn chay niệm Phật, không sát sinh, sát sinh là phạm Giới luật. Tên trang chủ bắt nhà sư phải ăn sống con chim, tức là bắt sư làm điều ô uế, sỉ nhục. Thế nhưng để giữ ngôi Chùa, Pháp Loa đã nhận con chim còn chưa nguội máu và bỏ vào miệng, ông không nhai mà nuốt chửng!

Tên trang chủ kinh sợ lên ngựa ra về. Pháp Loa vào Chùa đốt lên mười cặp nến lớn, tụng Kinh niệm Phật thâu đêm. Sáng hôm sau, khi mặt trời vừa mọc, nhà sư bước ra cửa Chùa vươn vai, há miệng. Con chim đã nuốt trong bụng bỗng cựa mình bay ra, vừa vỗ cánh vừa ríu rít gọi đàn. Hàng vạn con chim đủ giống đủ loại từ khắp mọi miền bay về đông rợp trời. Rồi nhà sư ung dung ra bến sông, hai tay thoăn thoắt rút ruột ra khỏi miệng. Ông Lộn trái ruột ra, dùng chổi bằng rễ cây thanh hao kỳ cọ rửa ruột cho đến hết đồ dơ! Con sông nhỏ dâng nước nổi sóng cuốn đi. Khi tan sạch mùi hôi, bỗng gan ruột nhà sư tỏa hương thơm nức, mùi thơm hòa vào nước sông, làm cả dòng sông ngào ngạt hương thơm.

Từ đó, ngôi Chùa có tên là Chùa Hương Hải (biển thơm), con sông cũng mang tên là sông Hương. Khi chải ruột xong, chỗ Pháp Loa ném cái chổi ra, cây thanh hao mọc lên dần thành cả một vùng bãi rộng. Bến sông nhà sư rửa ruột, được gọi là bến Chải. Nơi chim hội tụ, gọi là Vườn chim. Tất cả dấu tích vẫn còn đến ngày nay.

Vị Tổ Thứ Ba Thiền Sư Huyền Quang (1254 - 1334)

Huyền Quang tên thật là Lý Đạo Tái, thuộc dòng dõi quan lại nhà Lý, quê ở xã Vạn Tự, huyện Gia Định, nay thuộc Gia Lương (Hà Bắc). Cha là Tuệ Tổ, có công đánh giặc Chiêm Thành sang ta quấy nhiễu, được nhà Trần bổ làm quan nhưng không nhận, thích sống cảnh điền viên, xem sách hay, truyện lạ. Bà vợ năm ba mươi tuổi sinh hạ Lý Đạo Tái. Lý Đạo Tái tướng mạo kỳ dị, nhưng có chí hướng và học hành rất thông minh. Năm mười chín tuổi thi Hương, năm sau thi Hội, đỗ đầu (Tiến sĩ). Lúc còn niên thiếu cha Mẹ có dạm hỏi vợ nơi này nơi khác cho Lý đạo Tái nhưng đều bị từ chối. Nhưng khi thi đỗ thì các nhà quyền quí nhắn gọi gả con gái, cả Vua Trần cũng muốn gả công chúa Liễu cho, nhưng ông đều khước từ. Người đời có câu ca dao:

“Khó khăn thì chẳng ai nhìn

Đến khi đỗ trạng tám nghìn nhân duyên!”

Lý Đạo Tái làm việc ở Viện Hàn Lâm, soạn thảo văn thư, giao tiếp với sứ Tàu, viện dẫn Kinh nghĩa, đối đáp trôi chảy, rất được kính phục. Một hôm ông theo Vua Trần Nhân Tông đến Chùa Vĩnh Nghiêm, gặp lúc Quốc sư Pháp Loa đang thuyết pháp. Lý Đạo Tái tâm đắc với đạo Phật. Ông dâng biểu từ quan và xin xuất gia tu hành, được Vua thuận tình. Năm 1305, Lý Đạo Tái bắt đầu tu hành ở Chùa Lễ Vĩnh, làm môn đệ của Bảo Phác, một đệ tử giỏi của Pháp Loa, rồi trụ trì ở Chùa Vân Yên (cũng gọi là Hoa Yên) trên núi Yên Tử.

Giáo lý của ông uyên bác, sâu rộng, nên các Tăng ni theo học rất đông. Pháp Loa đặt pháp hiệu cho ông là Huyền Quang. Điều ngự Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang thường du ngoạn khắp trong nước, cho phép Huyền Quang lên tòa giảng Kinh để thu nạp đệ tử. Nhà Vua xuống sắc yêu cầu Huyền Quang soạn các sách giảng Kinh, sách giáo khoa Phật, cho in nhiều bản khắc, truyền bá trong dân. Vua Trần khen: “Các sách vở nói về đạo Phật do chính Huyền Quang viết ra thì không nên thêm bớt một chữ nào.”

Huyền Thoại Về Sư Huyền Quang Với Nàng Điểm Bích

Trước một vị cao Tăng toàn tâm toàn ý cho việc tu hành, Vua Trần Anh Tông rất kính phục, vì nể. Một hôm Vua nói với các quan và các vị sư nỗi băn khoăn của mình:

Người ta sinh ra ở đời, cõng khí âm mà ôm khí dương, ăn của ngon, yêu sắc đẹp, người nào cũng có tính dục ấy. Chúng ta vì dốc lòng học đạo mà phải ức chế, nhưng chỉ ức chế một phần tính dục ấy mà thôi. Nay xét lão Tăng Huyền Quang sinh ra sắc sắc, không không, yên lặng như nước, không sóng, trong sáng như gương không bụi, như vậy là sư ấy ức chế được tính dục, hay không có tính dục?

Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi liền tâu:

“Hoạ hổ, họa bì nan hạ cốt, tri nhân, tri diện, bất tri tâm. (vẽ hổ vẽ da khó vẽ được xương, biết người biết mặt không biết được lòng dạ). Hãy thử xem thì mới biết hay dở.”

Nhà Vua nghe theo. Vua ngầm sai chọn nàng Điểm Bích, một cung nữ mười chín tuổi, khôn khéo, có sắc đẹp quyến rũ, có tài văn thơ mở miệng thành chương để đi thử đức chân tu của Huyền Quang! Nhà Vua dặn Điểm Bích rằng: “Nhà sư này vốn không có sắc dục, tính chất cứng rắn, giới hạnh cao lắm…Mi đi thử thách nhà sư, nếu xem còn động lòng tình dục, quyến luyến, thì dụ nhà sư lấy nén vàng làm bằng chứng. Nếu lừa dối sẽ có tội….”

Điểm Bích vâng lệnh Vua lên đường đi Yên Tử, mang theo một đầy tớ nhỏ tuổi. Nàng nhờ bà sư già cùng quê ở Chùa Vân Yên thưa với Huyền Quang xin được xuất gia tu hành tại Chùa. Bà sư thường sai Điểm Bích bưng trà lên hầu Huyền Quang. Huyền Quang thấy vị Ni cô trẻ từ khóe nhìn đến dáng điệu đi đứng có thái độ trăng gió không phải là Phật tử cầu đạo, liền quở trách bà sư già và sai đuổi Điểm Bích về nhà đi lấy chồng, làm ăn, chờ đến tuổi về già hãy trở lại Chùa tu hành học đạo. Điểm Bích thấy khó có thể dùng sắc dục để làm lây chuyển giới hạnh của Quốc sư, bèn nảy ra mưư kế dựng lên câu chuyện thương tâm để lợi dụng lòng từ bi cứu khổ, cứu nạn của nhà sư. Điểm Bích đến khóc lóc với bà sư già, kể lể rằng mình là con nhà gia thế ở huyện Đường An. Cha làm huyện thừa, đem vàng lên kinh nộp thuế vào kho, đi đường bị kẻ gian lấy mất sạch, may được quan trên thương tình, cho khất năm sau phải nộp đủ số vàng đã mất. Nếu không nộp đủ sẽ phải tịch thu gia sản, bắt bỏ tù. Vì thế bố con nàng mới đi van xin các nơi, cầm bán gia tài điền sản nhưng vẫn chưa đủ số vàng phải nộp. Vì thế nàng mới đến đây trông cậy công đức của nhà Phật, may được phát tâm giúp đỡ, thoát nạn phần nào…Bà sư già cùng các Tăng ni nghe nói đều ứa nước mắt thương tình, liền vào bạch với Quốc sư xin công đức số vàng để cứu tính mệnh cho nhà Điểm Bích. Huyền Quang nghe chuyện trầm ngâm suy nghĩ rồi nói:

Xưa có Vua Hán văn nghe lời của Đề Oanh mà Vua cảm động bỏ nhục hình. Ta nên vì nàng lên kinh đô tâu bày việc này, hoạ may cảm động được đức hiếu sinh của nhà Vua?

Một môn đệ hầu bên liền bạch rằng:

Luật pháp là chung cho cả nước. Kẻ kia không giữ gìn cẩn thận dẫn đến phạm tội với quan trên, đấy là phạm luật công. Nay ta có tiền vàng làm công đức là ơn huệ riêng. Làm vậy không phương hại đến pháp luật chung, như thế có nên không?

Huyền Quang cho là vị sư nói phải, bèn đem một lạng vàng cho Điểm Bích trở về chuộc tội cho cha. Các Tăng ni cũng đem tiền của ra bố thí!

Điểm Bích được vàng rồi, trở về triều tâu với Vua dựng lên một chuyện hoàn toàn khác với sự thật. Điểm Bích nói:

Thiếp vâng mệnh đến Yên Tử, lên Chùa Vân Yên tự xưng là con gái nhà dân đến xin học đạo Tôn sư. Bà sư già thường sai thiếp bưng nước trà lên hầu sư, trong vòng hơn một tháng, sư chưa đoái nhìn, hỏi han. Một buổi tối sang đến canh ba, đêm khuya, các Tăng ni đã đi ngủ, thiếp bèn đến bên phòng của Quốc sư, thấy Quốc sư còn thao thức và ngâm bài kệ rằng:

“Vằng vặc trăng mai ánh nước

Hiu hiu gió trúc ngâm sênh

Người hòa tươi tốt cảnh hòa lạ

Mâu Thích Ca nào thú hữu tình?”

Sư ngâm đi ngâm lại ba lần. Thiếp bèn đánh bạo vào phòng Tăng, cáo từ nhà sư để trở về quê thăm cha Mẹ, chờ năm sau trở lại học đạo. Sư bèn giữ thiếp lại một đêm… rồi cho thiếp một lạng vàng.

Nhà Vua nghe xong, bực mình thốt:

Nếu việc ấy có thực thì ta đã đạt được mưu kế giăng lưới bắt chim. Nếu việc ấy không có thì sư ấy cũng không tránh khỏi sự nghi ngờ “đi qua ruộng dưa mà sửa giày.”

Vua Anh Tông liền sai mở hội Vô già ở phía Tây đô thành và sai sứ đi Yên Tử mời Huyền Quang về làm án pháp. Đến hội đàn thấy cảnh bày biện mộc vàng, lụa, các món tạp vật, Huyền Quang biết là mình đã bị thử thách. Sư ngẩng lên trời thở dài, lên đàn ba lần, rồi xuống đàn ba lần, bái vọng ra mười phương Thánh hiền. Bỗng có đám mây đen từ phía Đông Nam xuất hiện, gió nổi to, các bàn tạp vật đều bay đi hết, chỉ còn lại đèn nhang án và đồ cúng. Vua thấy Quốc sư đạo pháp thông thấu đến trời đất, liền vái tạ lỗi Huyền Quang và bắt phạt Điểm Bích không cho làm cung nhân, mà đi quét Chùa Cảnh Linh trong cung điện.

Huyền Quang về sau trụ trì ở Chùa Thanh mai sáu năm, lại đến ở Chùa Côn Sơn, lập Cửu phẩm liên hoa. Ngày 23 tháng Giêng năm Giáp Tuất (1334). Huyền Quang viên tịch tại Côn Sơn. Vua Trần Minh Tông cấp ruộng để thờ cúng, cúng 10 lạng vàng, sai đệ tử Tăng ni xây Tháp mộ phía chân núi sau Chùa, đặc phong là Huyền Quang Tôn giả.

Kể thêm: Chuyện nàng Điểm Bích với sư Huyền Quang và Huyền Quang làm án pháp ở hội Vô già chỉ là chuyện dã sử lưu truyền. Không có căn cứ lịch sử, nhằm đề cao đức chân tu của Huyền Quang. Song điều đáng chú ý là trong Vũ Trung tùy bút của Phạm Đình Hổ, ông đã ghi lại câu chuyện khi còn nhỏ tuổi được nghe kể có mộ nàng Bích nương ở làng Hoạch Trạch (thuộc huyện Bình Giang ngày nay). Đầu năm Cảnh Hưng (1740) có kẻ đào lên thì thấy áo quan vẫn còn sơn son y nguyên. Mở ra xem thì trong quan đầy nước trong veo, hương thơm ngát mũi, liền đậy lại. Người đời có thơ rằng:

“Tăng hướng tiêu phòng khoa yểu điệu

Khước lai sơn tự bạn không Thiền.”

Nghĩa là:

“Phòng khuê thuở trước từng khoe đẹp

Chùa núi sau này tựa cảnh không.”

Ngày nay đến thăm di tích Côn Sơn, ta thấy mộ Tháp Huyền Quang ở sau Chùa. Đó là Tháp mộ bằng đá, được dựng sau này. Tháp mộ đầu tiên bằng đất nung, có hoa văn rất đẹp, được phục chế thu nhỏ trong nhà trưng bày ở Côn Sơn. Ngoài soạn kinh sách, Huyền Quang còn làm nhiều bài kệ, và thơ. Thơ ông mang đậm thi hứng Thiền, nhưng uyên bác, trang nhã, giàu lòng nhân ái, cùng văn thơ của Trần Nhân Tông, Pháp Loa là những di sản văn học rất có giá trị thời Trần.

Tháng 8/1996