Tiểu Sử Thiền Sư Phật Ý Linh Nhạc

Thiền sư Linh Nhạc, Huý Phật Ý, thuộc phái Thiền Lâm Tế, đời thứ 35, sanh năm Ất Tị (1725), viên tịch năm Tân Tị (1821) chưa biết rõ tên thật và quê quán. Thiền sư Linh Nhạc qui y thọ giáo với Hoà thượng Thành Đẳng trụ trì Chùa Đại Giác tại. Năm Giáp Ngọ (1744) Thiền sư Linh Nhạc vâng lời Thầy, theo lớp dân di cư từ Đồng Nai xuống Bến Nghé để hoằng dương Phật pháp, an ủi và phổ độ cho những người này về mặt tinh thần. Trên đường di, Thiền sư Linh Nhạc gặp một Tăng sĩ cùng lứa tuổi (chưa biết pháp danh và Tông phái kết làm huynh đệ và cùng nhau đến làng Tân Lộc, huyện Tân Bình, lo khai phá rừng làm rẫy và cất Am tranh tu hành, như các người dân di cư. Hai huynh đệ chia phiên nhau: cứ nửa tháng ra rừng làm rẫy, đốn củi hái rau…, nửa tháng sau ở nhà lo sửa sang Am thờ Phật, đóng bàn ghế, tủ thờ…; đêm đến hai huynh đệ cùng nhau tụng Kinh, tham học Kinh sách và Thiền định...Ngày 20 tháng 11 năm Tân Tỵ (1821), niên hiệu Minh Mạng nguyên niên, Đại lão Hòa Thượng Phật Ý Linh Nhạc viên tịch ở Chùa Từ Ân, thọ 97 tuổi. Khi Đại lão Hòa Thượng viên tịch có mùi hương thơm bát ngát tỏa khắp Chùa, chứng tỏ Ngài đắc thành Chánh Giác. Đồ chúng và quan chức Gia Định Thành làm lễ an táng vô cùng trọng thể, lập Tháp thờ trong khuôn viên Chùa Từ Ân (trong công viên Tao Đàn ngày nay).

Tiểu Sử Thiền Sư Phật Ý Linh Nhạc (1725-1821)

Hiền Đức (Cử nhân Sử học)

Thiền sư Linh Nhạc, Huý Phật Ý, thuộc phái Thiền Lâm Tế, đời thứ 35, sanh năm Ất Tị (1725), viên tịch năm Tân Tị (1821) chưa biết rõ tên thật và quê quán.

Thiền sư Linh Nhạc qui y thọ giáo với Hoà thượng Thành Đẳng trụ trì Chùa Đại Giác tại

Đại phố Đồng Nai, Dinh Trấn Biên (nay là xã Hiệp Hoà, Thành Phố Biên Hoà).

Năm Giáp Ngọ (1744), Chúa Võ Vương (Nguyễn Phước Khoát) tổ chức lãnh thổ Đàng Trong thành một nước riêng, không chịu thần phục vua Lê và Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài nữa. Chúa cho mở rộng lãnh thổ Đàng Trong, phát động phong trào di cư đông đảo vào vùng đất mới thuộc huyện Tân Bình, Phủ Gia Định (nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh). Dân chúng từ các địa phương miền Trung nước Việt và vùng Đồng Nai, gồm người Việt và người Trung Hoa (dân nhà Minh không chịu thần phục nhà Thanh bỏ xứ qua Đàng Trong xin thần phục chúa Nguyễn) di cư đến huyện Tân Bình, tập trung đông đảo ở vùng Bến Nghé- Sài Gòn (Sài Gòn- Gia Định sau này).

Thiền sư Linh Nhạc vâng lời Thầy, theo lớp dân di cư từ Đồng Nai xuống Bến Nghé để hoằng dương Phật pháp, an ủi và phổ độ cho những người này về mặt tinh thần. Trên đường di, Thiền sư Linh Nhạc gặp một Tăng sĩ cùng lứa tuổi (chưa biết pháp danh và Tông phái kết làm huynh đệ và cùng nhau đến làng Tân Lộc, huyện Tân Bình (nay thuộc quận nhất, Thành Phố Hồ Chí Minh), lo khai phá rừng làm rẫy và cất Am tranh tu hành, như các người dân di cư. Hai huynh đệ chia phiên nhau: cứ nửa tháng ra rừng làm rẫy, đốn củi hái rau…, nửa tháng sau ở nhà lo sửa sang Am thờ Phật, đóng bàn ghế, tủ thờ…; đêm đến hai huynh đệ cùng nhau tụng Kinh, tham học Kinh sách và Thiền định.

Người dân di cư sống xa quê hương, ở vùng đất lạ, giữa rừng rậm hoang vắng, đầy thú dữ, rắn rít độc…Ban ngày, ở giữa rừng, khai phá rừng làm ruộng rẫy vừa nặng nhọc, vừa nguy hiểm, vừa sống trong cảnh bất trắc trước những tai hoạ do ác thú gây ra như: cọp beo ăn thịt, voi, gấu, rắn, cá sấu…Đêm đến, sống trong cảnh âm u hoang vắng giữa rừng rậm, con người cảm thấy nhỏ bé, yếu đuối trước thiên nhiên bao la huyền bí. Trước những tai hoạ do ác thú gây ra, hoặc tai nạn khi phá rừng, hoặc những trường hợp chết chóc vì khí thiêng nước độc…Làm cho con người thấy rõ được cảnh vô thường của cuộc đời, nay còn mai mất, và trước những việc huyền bí, mầu nhiệm…con người cảm thấy tin tưởng vào những sự hộ trì của Phật Trời và cần đến an ủi tinh thần của các Tăng sĩ, nên họ tìm đến Chùa chiền. Vì thế, dân chúng trong vùng tìm đến Am tranh của Thiền sư Linh Nhạc để cầu nguyện nghe thuyết giảng về Phật Pháp, tụng Kinh, lễ sám, nhất là những đêm 14, Rằm, 30, mồng Một (ngày Sóc,Vọng).

Sau khi cuộc sống của hai huynh đệ ở Am tranh được ổn định, người bạn đạo của Thiền sư Linh Nhạc cũng cất thêm một Am tranh mới cách Am cũ vài trăm thước để thuận tiện cho việc tu Thiền. Sau hơn mười năm lao động vất vả, nặng nhọc và nguy hiểm, cuộc sống cuả người dân di cư mới được ổn định, ruộng rẫy khai khẩn trồng trọt đã thu hoạch được hoa lợi, đời sống được thoải mái, ổn định, số người đến Am tranh lễ cúng càng đông, một số xin qui y thọ giới với Thiền sư Linh Nhạc.

Năm Nhâm Thân (1752) Thiền sư Linh Nhạc với sự hộ giúp của bổn đạo địa phương, dỡ Am tranh cũ, xây dựng một ngôi Chùa mới khang trang, rộng rãi với đủ Chánh Điện, Nhà Tổ, Nhà Giảng, Nhà Khách, Chùa được đặt tên là “Từ Ân”, ngụ ý là nhờ ân huệ và lòng từ bi của đức Phật mà bá tánh được bình an, tạo được cuộc sống ấm no nơi vùng đất mới, cũng như tạo được một ngôi Chùa để truyền giảng Phật pháp cho bá tánh.

Ngôi Am tranh của vị Sư gần đó cũng được dựng thành Chùa trang nghiêm với tên là “KHẢI TƯỜNG”, ngụ ý “mở rộng phước lành” cho mọi người. Chùa Khải Tường ở góc đường Trần Quý Cáp và Lê Quý Đôn thuộc khu đất Trường Đại học Y Khoa (nay là Phòng Triển lãm Tội ác chiến tranh). Chùa Từ Ân ở vị trí Chợ Đuổi, thuộc khu công viên Tao Đàn, Quận 3, Thành Phố Hồ Chí Minh. Sau một thời gian hoằng hoá, vị sư trụ trì Chùa Khải Tường viên tịch, Thiền sư Linh Nhạc trụ trì luôn cả hai Chùa Từ Ân và Khải Tường. Nhờ tài đức và nhiệt tâm hoằng pháp nên hai Chùa này trở thành hai Chùa nổi tiếng nhất ở phủ Gia Định thời đó. Hai Chùa ngày càng hưng thịnh và phát triển, Thiền sư Phật Ý Linh Nhạc được sự phụ giúp của Thủ Toạ Thiệt Thành Liễu Đạt. Ngoài ra, Thiền sư Linh Nhạc cũng đào tạo được một số đệ tử có tài và đức hạnh để lo việc trong Chùa:

1.  Thiền sư Tổ Tông Viên Quang là trưởng tử, giữ chức Điển Toạ phụ trách việc giảng giải Kinh điển cho đồ chúng trong Chùa, sau được trụ trì Chùa Giác Lâm, một Chùa lớn khác ở Gia Định thời đó.

2.  Thiền sư Tổ Đạt Trí Tâm, giữ chức tri khách, sau này là vị khai sơn Chùa Long Thạnh ở Bà Hom (Gia Định).

3.  Thiền sư Tổ Ấn Mật Hoằng được cử làm trụ trì Chùa Đại Giác, một Chùa lớn ở Biên Hoà, sau được vua Gia Long cử làm Tăng Cang Chùa Thiên Mụ, rồi trụ trì Chùa Quốc Ân ở kinh đô Huế.

4.  Thiền sư Tế Chánh Bổn Giác, đệ tử của Thủ Toạ Liễu Đạt, được giao chức Tri Sự, sau cũng được vua cử làm Tăng Cang Chùa Thiên Mụ (Huế).

Năm Mậu Tuất (1778), tàn quân của Chúa Nguyễn ở Gia Định tôn cháu của Chúa là Nguyễn Phước Ánh làm Đại Nguyên Soái lãnh đạo quân Nguyễn chống lại quân Tây Sơn. Trải qua những cuộc chiến đấu gian khổ, nhiều khi thua trận phải bôn đào khắp nơi, nhiều lần phải vào ẩn trốn trong các Chùa nhờ sự giúp đỡ của các Tăng sĩ mới thoát nạn. Từ năm 1788, Nguyễn Vương mới khôi phục lại được Gia Định.

Trong thời gian 1788 - 1801, Nguyễn Vương, cùng Hoàng gia và Triều thần đóng bản dinh ở Chùa Từ Ân, Cung phi ngụ ở Chùa Khải Tường. Năm Tân Hợi (1791), Thứ Phi họ Trần sanh Hoàng tử Đãm tại Chùa Khải Tường.

Năm 1801, Nguyễn Vương đánh chiếm lại đô thành Phú Xuân và sau đó chiếm luôn Cố Đô Thăng Long, dẹp tan nhà Tây Sơn.

Năm 1802, Nguyễn Vương lên ngôi lấy hiệu là Gia Long, đặt tên nước là Việt Nam. Nhớ ơn sự giúp đỡ của các Chùa ở miền Nam, vua Sắc tứ và cho trùng tu lại các Chùa đã giúp vua trong thời chống Tây Sơn:

Sắc Tứ cho Chùa Từ Ân và Khải Tường thành Chùa “Sắc Tứ Từ Ân” và Chùa “Quốc Ân Khải Tường”, cấp lương tiền cho Tăng chúng và mọi chi phí sinh hoạt của Chùa. Hai Chùa này và vài Chùa khác ở Huế (như Chùa Thiên Mụ…) được coi như Chùa của Nhà nước, người thường gọi đó là “Chùa Quan.” Thiền sư Phật Ý Linh Nhạc được phong làm Hòa Thượng.

Năm 1804 (có sách viết là năm 1814), vua Gia Long cử đệ tử của Hòa Thượng Linh Nhạc và Thiền sư Tổ Ấn Mật Hoằng làm Tăng Cang đầu tiên của Chùa Thiên Mụ ở kinh đô Phú Xuân (Huế). Năm 1817, vua lại cử thiền sư Thiệt Thành Liễu Đạt làm Tăng Cang Chùa Thiên Mụ, thay thế cho Tăng Cang Hoằng Mật trụ trì Chùa Sắc Tứ Quốc Ân.

Hòa Thượng Linh Nhạc có tài đức, tu hành chân chính, có thể là bậc giác ngộ. Vào khoảng năm 1820, Hòa Thượng đang ở Chùa Từ Ân mà như biết được việc xảy ra ở tận kinh đô Phú Xuân: Hòa Thượng nói với đệ tử là thiền sư Viên Quang (trụ trì Chùa Giác Lâm) là thiền sư Liễu Đạt có thể bị duyên trần ràng buộc khi hoằng hóa ở Hoàng Cung. Quả thực, thiền sư Liễu Đạt bị Hoàng Cô, pháp danh tế Minh Thiên Nhựt thương mến, cố kết nghiệp duyên oan trái, đến nỗi phải tự thiêu.

Ngày 20 tháng 11 năm Tân Tỵ (1821), niên hiệu Minh Mạng nguyên niên, Đại lão Hòa Thượng Phật Ý Linh Nhạc viên tịch ở Chùa Từ Ân, thọ 97 tuổi. Khi Đại lão Hòa Thượng viên tịch có mùi hương thơm bát ngát tỏa khắp Chùa, chứng tỏ Ngài đắc thành Chánh Giác. Đồ chúng và quan chức Gia Định Thành làm lễ an táng vô cùng trọng thể, lập Tháp thờ trong khuôn viên Chùa Từ Ân (trong công viên Tao Đàn ngày nay).

Năm 1859-1861, quân pháp đánh chiếm tỉnh Gia Định, Chùa Từ Ân bị đốt cháy, trụ trì là thiền sư Tiên Tín Chánh Trực chạy giặc chỉ lấy được một số đồ vật nhỏ. Quân pháp lấy Chùa Khải Tường làm đồn, đại úy Barbe’ là trưởng đồn nên gọi là đồn  Barbe’ (sau đại úy Barbe’ bị phục kích chết ở gần Chùa Từ Ân).

Sau khi Hòa Thượng Linh Nhạc tịch hơn một thế kỷ, vào một buổi sáng đầu năm Quý Hợi (1923), một bà lão đến Chùa Giác Lâm (còn được gọi là Chùa Cẩm Đệm), gặp một vị sư, bà cung kính hỏi: Bạch Thầy, đây có phải là Chùa Cẩm Đệm không? (bà hỏi như thế là vì bảng tên Chùa là “Giác Lâm”). Vị sư đáp: Thưa phải. Bà lão nói tiếp: Trong Chùa có vị sư nào pháp danh là Hồng Hưng không? Vị sư vừa cười vừa đáp: Hồng Hưng là tôi đây, Sư Hồng Hưng mời bà vào Nhà khách tiếp chuyện, bà lão kể rằng: Đêm hôm qua tôi nằm chiêm bao, thấy một vị Phật bảo tôi vào Chùa Cẩm Đệm, cho sư Hồng Hưng biết là Tháp của Tổ Phật Ý ở Chùa Từ Ân đã bị sụp đổ rồi, sư mau ra thỉnh cốt Xá Lợi về Chùa Cẩm Đệm thờ. Sư Hồng Hưng nghe nói kinh hồn. Sau đó Sư tổ chức lễ rước hài cốt của Tổ sư Phật Ý Linh Nhạc về nhập Tháp ở Chùa Giác Lâm để phụng thờ.

Trích tuần báo giác ngộ 22/ 10/ 1991