26. Tương Ưng tám chúng [2] Kinh 888-905

TỤNG VI. TÁM CHÚNG [1]

26. TƯƠNG ƯNG TÁM CHÚNG [2]

KINH 888. NIỆM TAM BẢO [3]

 [254c2]Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật du hành trong nhân gian, từ nước Bạt-kỳ đến nước Tì-xá-li, trú tại giảng đường Trùng các, bên ao Di hầu.

Bấy giờ có nhiều khách buôn người nước Tì-xá-li đi đến nước Đát-sát-thi-la, [4] phương tiện trang nghiêm. [5] Các khách buôn nghe Thế Tôn đang du hành trong nhân gian từ nước Bạt-kỳ đến nước Tì-xá-li, đang trú ở giảng đường Trùng các, bên ao Di hầu. Nghe vậy, họ đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi xuống một bên. Phật vì những khách buôn nói pháp, chỉ dạy, soi sáng, làm cho hoan hỷ, rồi Ngài ngồi im lặng. Các khách buôn rời chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, đảnh lễ chấp tay bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, chúng con là những khách buôn, phương tiện trang nghiêm, muốn đi đến nước Đát-sát-thi-la. Kính xin Thế Tôn cùng đại chúng sáng mai nhận sự cúng dường của chúng con.”

Bấy giờ, Thế Tôn im lặng nhận lời. Các khách buôn biết Thế Tôn đã nhận lời cầu thỉnh, từ chõ ngồi đứng dậy đảnh lễ sát chân Phật. Mỗi người trở về nhà mình sửa soạn các thứ đồ ăn thức uống thơm ngon tinh khiết, xếp đặt giường ghế, an trí nước sạch. Sáng sớm cho người đến bạch Phật đã đến giờ. Bấy giờ, Thế Tôn cùng với đại chúng khóac y, ôm bát đi đến chỗ các khách buôn, ngồi trên chỗ ngồi đã dọn. Các khách buôn đem đồ ăn thức uống thơm ngon, thanh khiết tự tay cúng dường. Ăn xong, rửa bát rồi, các khách buôn đặt những cái ghế nhỏ thấp ngồi trước đại chúng nghe Phật thuyết pháp.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các khách buôn:

“Các Ông sắp vào nơi hoang mạc, sẽ gặp nhiều khủng bố, tâm kinh hoàng dựng đứng cả lông, lúc ấy nên niệm Như Lai sự: ‘Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, ... cho đến Phật, Thế Tôn.’ Niệm như vậy thì mọi khũng bố đều tiêu trừ. Lại niệm Pháp sự: ‘Chánh Pháp Luật của Phật, được thấy kết quả hiện tại, khiến xa lìa sự thiêu đốt, không đợi thời tiết, được thấu suốt, được thân cận, duyên vào tự mình mà giác tri.’ Lại niệm Tăng sự: ‘Đệ tử của Thế Tôn thiện hướng, chánh hướng. ... cho đến là ruộng phước của thế gian.’ Niệm như vậy, thì mọi sự khủng bố đều được tiêu trừ.”

Thời quá khứ, Trời và A-tu-la đánh nhau. Lúc ấy Thiên đế Thích bảo các chúng trời:

“Trong khi các ngươi cùng chiến đấu với bọn A-tu-la, nếu ai sinh sợ hãi hãy niệm đến ngọn cờ của ta gọi là ngọn cờ Chiên thắng. [6] Khi niệm đến ngọn cờ này thì khủng bố liền tan. Nếu ai không niệm đến ngọn cờ của ta, hãy niệm đến ngọn cờ của Thiên tử Y-xá-na. [7] Nếu không niệm đến ngọn cờ của Thiên tử Y-xa-na, hãy niệm đến ngọn cờ của Thiên tử Bà-lưu-na. [8] Khi niệm đến [255a] ngọn cờ ấy, khủng bố liền tiêu trừ.”

“Cũng vậy, các khách buôn, các ông ở nơi hoang mạc, khi bị khủng bố, hãy niệm Như Lai sự, niệm Pháp sự, niệm Tăng sự.”

Thế Tôn vì các khách buôn Tì-xá-li nói kệ tùy hỷ cúng dường:

Cúng dường Tăng Tỳ-kheo,

Đồ ăn uống tùy thời;

Chuyên niệm chánh tư duy,

Chánh tri mà hành xả.

Tịnh vật, ruộng phước tốt,

Các Ông đều đầy đủ.

Duyên công đức lợi này,

Lâu dài được an vui.

Khởi tâm mong cầu gì,

Các lợi đều ứng ngay.

Người vật thảy an ổn,

Đường sá qua lại tốt;

Đêm ngày đều an ổn,

Xa lìa mọi điều ác.

Như ruộng đất màu mỡ,

Thuần chủng hạt giống tốt;

Thường vun tưới thấm nhuần,

Thu hoạch không thể kể.

Tịnh giới ruộng phước tốt,

Chủng tử thật tốt lành;

Cùng tùy thuận chánh hạnh,

Trọn thành tựu diệu quả.

Cho nên người bố thí,

Muốn cầu đủ công đức;

Phải hành theo trí tuệ,

Tự nhiên đủ các quả.

Đối bậc Minh hạnh túc,

Chánh tâm tận cung kính;

Vun trồng các gốc lành,

Trọn được phước lợi lớn.

Biết  thế gian như  thật,

Chánh kiến được đầy đủ;

Chánh đạo thấy vẹn toàn,

Hoàn toàn mà tiến lên;

Xa lìa mọi trần cấu,

Chóng đắc đạo Niết-bàn.

Cứu cánh được thoát khổ,

Gọi là đủ công đức.

Thế Tôn sau khi thuyết pháp cho các khách buôn ở Tì-xá-li, chỉ dạy soi sáng, làm cho hon hỷ, rời chỗ ngồi đứng dậy mà đi.

KINH 889. CÂY PHỨƠN [9]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Tỳ-kheo ở nơi vắng vẻ, dưới bóng cây, trong nhà trống, đôi khi bỗng khởi lên lòng sợ hãi, kinh hoàng đến độ lông dựng lên, khi ấy hãy niệm Phật, Pháp, Tăng, nói rộng như trước. Khi niệm đến Như Lai sự, Pháp sự, Tăng sự, mọi sự sợ hãi tự tiêu trừ.

“Này các Tỳ-kheo, thời quá khứ, [255b]Thich Đề-hoàn Nhân cùng đánh nhau với A-tu-la. Lúc ấy Đế Thích nói với các vị Tam Thập Tam thiên rằng: ‘Các Nhân giả, khi chư thiên đánh nhau với A-tu-la, nếu có ai sanh lòng sợ hãi, kinh hoàng đến độ lông dựng đứng lên, các vị nên niệm đến ngọn cờ hàng phục quân địch của ta. [10] Khi niệm đến ngọn cờ này, mọi sự sợ hãi đều tiêu trừ.’ Cũng vậy, Tỳ-kheo nếu ở nơi vắng vẻ, dưới bóng cây, hoặc ở trong nhà trống mà sinh lòng sợ hãi, kinh hoàng đến độ lông dựng đứng lên, hãy niệm Như Lai rằng: ‘Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác ... cho đến Phật, Thế Tôn.’ Đương lúc niệm Phật, sự sợ hãi liền tiêu trừ. Vì sao? Thiên đế Thích kia vẫn còn giữ lòng tham, sân, si, đối với sinh, già, bệnh, chết, lo, buồn, não, khổ, không được giải thoát, kinh hoàng sợ hãi  bỏ chạy, mà còn dặn lại chư thiên Tam thập tam nên niệm đến ngọn cờ hàng phục quân địch của ông ấy. Huống chi Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác đã lìa tham, sân, si, giải thoát sinh, già, bệnh, chết, lo buồn, khổ não, không có điều sợ hãi, trốn tránh, há không có thể khiến cho người niệm đến Như Lai trừ hết mọi sợ hãi?”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 890. A-NAN XÁ-LỢI-PHẤT (1) [11]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong rừng An-xà-na [12] tại nước Sa-chỉ. [13] Bấy giờ Phật bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Đối với pháp, Ta có thể lược nói và nói rộng, nhưng người hiểu thì khó.”

Tôn giả Xá-lợi-phất bạch Phật:

“Xin Thế Tôn nói pháp, hoặc lược nói, hoặc rộng nói. Thật sự có người hiểu pháp.”

Phật bảo xá-lợi-phất:

“Nếu có chúng sanh nào ở trong thân có thức của mình, và trong tất cả tướng của cảnh giới bên ngoài mà không có ngã, ngã sở, ngã mạn, kết sử ràng buộc, cho đến ngay trong đời hiện tại tự biết tác chứng, thành tựu và an trụ với tâm giải thoát, tuệ giải thoát; vị ấy do ở nơi thân có thức này, và trong tất cả tướng của cảnh giới bên ngoài sẽ không có ngã, ngã sở, ngã mạn, kết sử ràng buộc, cho nên ngay trong đời hiện tại tự biết tác chứng, thành tựu và an trụ với tâm giải thoát, tuệ giải thoát. [14]

“Này xá-lợi-phất, Tỳ-kheo kia, ở trong thân có thức này, và trong tất cả tướng của cảnh giới bên ngoài, mà không có kiến chấp ngã, ngã sở, ngã mạn, kết sử ràng buộc, ngay trong hiện tại tự biết tác chứng, thành tựu và an trụ  với tâm giải thoát, tuệ giải thoát; Tỳ-kheo ấy do ở trong thân cóthức này, và trong tất cả tướng của cảnh giới bên ngoài mà không có kiến chấp ngã, ngã sở, ngã mạn, kết sử ràng buộc, nên ngay trong đời hiện tại tự biết tác chứng, thanh tựu an trụ với tâm được giải thoát, tuệ giải thoát.

“Này Xá-lợi-phất, [255c] nếu lại có Tỳ-kheo ở trong thân có thức này và trong tất cả tướng của cảnh giới bên ngoài, mà không có kiến chấp ngã, ngã sở, ngã mạn, kết sử ràng buộc, hiện tại tự biết tác chứng, thành tựu an trụ với tâm giải thoát, tuệ giải thoát; Tỳ-kheo ấy, do ở trong thân có thức này, và trong tất cả tướng của cảnh giới bên ngoài không có kiến chấp ngã, ngã sở, ngã mạn, kết sử ràng buộc, cho nên  hiện tại tự biết tác chứng, thành tựu an trụ với tâm được giải thoát, tuệ giải thoát.

“Xá-lợi-phất, đó gọi là Tỳ-kheo đoạn ái phược, kit sử, hiện quán ngã mạn,  rốt ráo biên tế của khổ. [15]

“Xá-lợi-phất, đối với điều này Ta có nói thêm khi giải đáp câu hỏi của Ba-la-diên Phú-lân-ni-ca. [16]

Thế gian số sai biệt,

An ổn gặp bất động;

Tịch tĩnh lìa các trần,

Bứt rễ, không hy vọng [17];

Vượt qua biển ba Hữu,

Không còn lo già chết. [18]

Phật nói kinh này xong, Tôn giả Xá-lợi-phất sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ tùy hỷ, rời chỗ ngồi đứng dậy làm lễ mà lui.

KINH 891. A-NAN XÁ-LỢI-PHẤT (2) [19]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả A-nan cũng ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ, một mình ở chỗ vắng tư duy như vầy: “Nếu có người suy nghĩ như vầy: ‘Ta ở trong thân có thức này và trong tất cả tướng của cảnh giới bên ngoài, mà không có kiến chấp ngã, ngã sở, ngã mạn, kết sử ràng buộc; do ngay trong đời hiện tại tự biết tác chứng, thành tựu an trụ với  tâm được giải thoát, tuê giải thoát nào mà ở trong thân có thức này và trong tất cả tướng của cảnh giới bên ngoài mà không có kiến chấp ngã, ngã sở, ngã mạn, kết sử ràng buộc, ta sẽ ở nơi đó mà  hiện tại tự biết tác chứng, thành tựu an trụ với tâm được giải thoát, tuệ giải thoát ấy.’”

Chiều hôm ấy sau khi từ thiền tịnh dậy, Tôn giả A-nan đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lễ sát chân, ngồi xuống một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, một mình ở chỗ vắng con tư duy như vầy: Nếu có người nói như vấy: ‘Ta ở trong thân có thức này và trong tất cả tướng của cảnh giới bên ngoài, …, cho đến, tự biết tác chứng, thành tựu an trụ với tâm được giải thoát, tuệ giải thoát ấy.’”

Phật dạy Tôn giả A-nan:

“Đúng vậy! Đúng vậy! Nếu có người suy nghĩ như vầy: ‘Ta ở trong thân có thức này và trong tất cả tướng của cảnh giới bên ngoài, mà không có kiến chấp ngã, ngã sở, ngã mạn, [356a] kết sử ràng buộc; do ngay trong đời hiện tại tự biết tác chứng, thành tựu an trụ với  tâm được giải thoát, tuê giải thoát nào mà ở trong thân có thức này và trong tất cả tướng của cảnh giới bên ngoài mà không có kiến chấp ngã, ngã sở, ngã mạn, kết sử ràng buộc, ta sẽ ở nơi đó mà  hiện tại tự biết tác chứng, thành tựu an trụ với tâm được giải thoát, tuệ giải thoát ấy.’ A-nan, Tỳ-kheo đó ở trong thân có thức này và trong tất cả tướng của cảnh giới bên ngoài, mà không có kiến chấp ngã, ngã sở, ngã mạn, kết sử ràng buộc, và do ngay trong đời hiện tại tự biết tác chứng, thành tựu an trụ với  tâm được giải thoát, tuê giải thoát nào mà ở trong thân có thức này và trong tất cả tướng của cảnh giới bên ngoài mà không có kiến chấp ngã, ngã sở, ngã mạn, kết sử ràng buộc, ta sẽ ở nơi đó mà  hiện tại tự biết tác chứng, thành tựu an trụ với tâm được giải thoát, tuệ giải thoát ấy.’

“Này A-nan, nếu lại có Tỳ-kheo ở trong thân có thức này và trong tất cả tướng cảnh giới bên ngoài ... cho đến tự biết tác chứng, an trụ đầy đủ; đó gọi là Tỳ-kheo đoạn ái phược, kết sử, hiện quán ngã mạn,  rốt ráo biên tế của khổ.

“Này A-nan, ở đây Ta còn nói thêm khi đáp lại câu hỏi của Bà-la-diên Ư-đà-da. [20]

Đoạn tận tưởng ái dục,

Ưu khổ cũng đều lìa;

Tỉnh giác không say ngủ,

Diệt trừ trạo hối cái.

Xả tham, nhuế, thanh tịnh,

Hiện tiền quán sát pháp;

Ta nói trí giải thoát,

Diệt trừ màn vô minh. [21]

Phật nói kinh này xong. Tôn giả A-nan sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ , tùy hỷ, làm lễ mà lui.

KINH 892. ÁI (1) [22]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nay Ta nói sẽ ái là lưới, là chất keo, là dòng suối, là rễ sen. [23] Những thứ này thường làm chướng ngại chúng sanh, che lấp, dính chặt, giữ chắt, che phủ, đóng kín, bế tắc, tối tăm, như ruột chó, như cỏ rối, như tơ, từ đời này sang đời khác, từ đời khác đến đời này, lưu chuyển qua lại, không lúc nào ngừng.

“Này các Tỳ-kheo, thế nào ái là lưới, là chất keo ... cho đến lưu chuyển qua lại, không lúc nào ngừng? Nghĩa là có ngã: ta tồn tại, ta ước muốn, ta như vầy, có ta, không ta, khác ta, ta sẽ tồn tại, ta sẽ không tồn tại, ta sẽ ươc muốn, ta sẽ như vầy, ta sẽ khác khác, mong ta ước muốn (tồn tại nơi đây), mong ta như vậy, mong ta khác, mong ta đung như vậy, mong ta muốn như vậy, mong ta khác. Mười tám ái hành [24] như vậy, phát khởi từ bên trong.

“Tỳ-kheo nói rằng ta tồn tại nơi những gì đang có, rằng ta muốn, ta như vậy [25]... cho đến mười tám ái hành, khởi lên từ bên ngoài. Tổng cộng với mười tám ái hành kia như vậy, tất cả là ba mươi sáu [256b] ái hành. Hoặc nói quá khứ khởi, hoặc vị lai, hoặc hiện tại khởi lên như vậy cộng lại là một trăm lẻ tám ái hành. Cho nên gọi đó là lưới, là chất keo, là dòng suối, là rễ sen hay làm chướng ngại chúng sanh, che lấp, dính chặt, giữ chắt, che phủ, đóng kín, bế tắc, tối tăm, như ruột chó, như cỏ rối, như tơ, từ đới này sang đời khác, từ đời khác đến đời này, lưu chuyển qua lại, không lúc nào ngừng.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo, nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 893. ÁI (2) [26]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có khi từ ái sinh ra ái, [27] từ ái sinh ra nhuế, từ nhuế sinh ra ái, từ nhuế sinh ra nhuế.

“Thế nào là từ ái sinh ra ái? Có người [28] có hỷ, có ái, có niệm, có khả  ý đối với chúng sinh kia. Mọi người khác đối với chúng sanh kia cũng có hỷ, có ái, có niệm, có khả  ý. Người ấy tự nghĩ: ‘Ta có hỷ, có ái, có niệm, có khả  ý đối với chúng sinh kia. Những người khác đối với chúng sanh kia cũng có hỷ, có ái, có niệm, có khả  ý. [29] Cho  nên ta lại sinh yêu mến mọi người khác.’ Đó gọi là từ ái sinh ra ái. 

“Thế nào là từ ái sinh ra nhuế? Có một người có hỷ, có ái, có niệm, có khả  ý đối với chúng sinh kia. Nhưng mà những người khác không có hỷ, không  có ái, không  có niệm, không  có khả  ý đối với chúng sinh kia. Nó nghĩ rằng: ‘Ta có hỷ, có ái, có niệm, có khả  ý đối với chúng sinh kia. Nhưng những người khác lại không có hỷ, không  có ái, không  có niệm, không  có khả  ý với chúng sanh kia. Cho nên ta sinh ra sân nhuế đối với mọi người kia.’ Đó gọi là từ ái sanh ra nhuế.

“Thế nào là từ nhuế sinh ra ái? Có một người không có hỷ, không  có ái, không  có niệm, không  có khả  ý đối với chúng sinh kia.  Những người khác lại cũng không có hỷ, không  có ái, không  có niệm, không  có khả ý đối với chúng sinh kia. Do đó … nên ta đối với những người khác  sinh ra ái niệm. [30] Đó gọi là từ nhuế sinh ra ái.

“Thế nào là từ nhuế sinh ra nhuế? Có một người đối với chúng sinh kia không có hỷ, không  có ái, không  có niệm, không  có khả  ý. Mọi người khác đối xử với người này lại có hỷ, có ái, có niệm, có khả  ý. Nó  nghĩ rằng: ‘Ta đối với chúng sanh kia không có hỷ, không  có ái, không  có niệm, không  có khả  ý. Nhưng mà người khác đối với người kia lại có hỷ, có ái, có niệm, có khả  ý. Do đó ta [356c] sinh lòng sân nhuế đối với nười khác ấy.’ Đó gọi là từ nhuế sinh ra nhuế.

“Tỳ-kheo ly dục, lìa pháp ác bất thiện, có tầm có tứ ... cho đến thành tựu an trụ sơ thiền, cho đên nhị thiền, tam thiền, tứ thiền; ái từ ái sinh, nhuế từ nhuế sinh, nhuế từ ái sinh,ái từ nhuế sinh, tất cả đều được đoạn, được biến tri. Đoạn tận cội gốc của nó như chặt đứt ngọn cây đa-la, không thể mọc lại nữa, ở đời vị lai trở thành pháp bất sinh. Tỳ-kheo dứt sạch hữu lậu, tâm vô lậu giải thoát, tuệ giải thoát, ngay đời hiện tại tự biết tác chứng, tự biết ‘Ta, sự sainh đã dứt, Phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, không còn tái sinh đời sau nữa.’ Chính lúc này không bốc lên, không chống trả, [31] không nổi bụi, không thiêu đốt, không hiềm người. [32]

“Thế nào là bị bốc lên? Thấy sắc là ngã, sắc khác ngã, ngã trong sắc, sắc trong ngã; đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Đó gọi là bị bốc lên.

“Thế nào là không bị bốc lên? Không thấy sắc là ngã, sắc khác ngã, sắc ở trong ngã, ngã ở trong sắc; và thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Đó gọi là không bị bốc lên.

“Thế nào là chống trả? Đối với người mạ lỵ thì mạ lỵ lại; đối với người sân giận thì sân giận lại, đối với người đánh thì đánh lại; đối với người xúc phạm thì xúc phạm lại. Đó gọi là chống trả .

“Thế nào là không chống trả? Đối với người mắng chưởi thì không mắn chưởi lại; đối với người sân giận thì không sân giận lại; đối với người đánh thì không đánh lại; đối với người xúc phạm thì không xúc phạm lại. Đó gọi là không chống trả lại.

“Thế nào là nổi bụi? Có ngã, ngã dục, ... cho đến mười tám thứ ái. [33] Đó gọi là nổi bụi.

“Thế nào là không nổi bụi? Không có ngã, không có ngã dục, ... cho đến mười tám thứ ái không khởi. Đó gọi là không nổi bụi.

“Thế nào là thiêu đốt? Có ngã sở, ngã sở dục, ... cho đến mười tám ái hành bên ngoài. Đó gọi là thiêu đốt.

“Thế nào là không thiêu đốt? Không có ngã sở, không có ngã sở dục, ... cho đến  không có mười tám ái hành bên ngoài. Đó gọi là thiêu đốt.

“Thế nào là hiềm người? Thấy ngã chơn thật, mà khởi lên ngã mạn, ngã dục, ngã sử;  không đoạn, không biến tri. [34] Đó gọi là hiềm người.

“Thế nào là không hiềm người? Không thấy ngã là chơn thật, đối với ngã mạn, ngã dục, ngã sử đã đoạn, đã biến tri. Đó gọi là không hiềm người.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 894. HAI SỰ KHÓ ĐOẠN [35]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có hai sự đoạn tuyệt khó duy trì. Những gì là hai? Nếu nơi người thế tục, nơi phi nhơn, mà duy trì sự đoạn tuyệt đối với những nhu cầu của cuộc sống như cơm ăn, áo mặc, giường nằm v.v... thì đó là việc làm khó. Lại nữa, Tỳ-kheo là người xuất gia, không nhà, đoạn trừ tham ái. Duy trì sự đoạn tuyệt ấy cũng là một việc làm rất khó.”

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:

Thế gian có hai việc,

Trì đoạn thì khó làm.

Đó là lời chân thật,

Những gì Phật đã biết.

Tại  gia tiền thu chi,

Cơm áo mọi vật dụng,

Tham ái bởi thế gian,

Muốn đoạn rất khó khăn.

Tỳ-kheo đã lìa tục,

Tín xuất gia, không nhà;

Diệt trừ các tham ái,

Trì đoạn cũng khó làm.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 895. HAI PHÁP [36]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Ta y chỉ, an trụ thường xuyên nơi hai pháp. Những gì là hai? Đó là, đối với các pháp thiện Ta chưa từng biết đủ; đối với việc đoạn pháp ác Ta chưa từng lìa bỏ. Vì đối với pháp thiện không biết đủ, và đối với việc đoạn trừ pháp ác chưa từng lìa bỏ, nên dù đến da khô thịt tiêu, gân liền với xương, trọn không lìa bỏ cố gắng siêng năng, không bỏ thiện pháp; không được những điều chưa được thì quyết không dừng nghỉ; đối với tâm yếu kém chưa từng sinh vui mừng, lúc nào cũng ưa thích tiến lên, vượt lên đạo cả. Vì sống tinh tấn như vậy nên mau đạt Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Đối với hai pháp này, Tỳ-kheo, hãy y chỉ, an trụ thường xuyên. Đối với các pháp thiện không sinh ý tưởng thoa mãn. Y chỉ trên những đoạn trừ chưa từng lìa bỏ, ... cho đến da khô, thịt tiêu, gân liền với xương, siêng năng nổ lực không ngừng mới có thể tu tập pháp thiện. Cho nên, Tỳ-kheo, đối với các điều hạ liệt chớ nên [37] sinh ý tưởng hoan hỷ, hãy nên lúc nào cũng sống, tu tập thăng tiến hơn nữa. Tu tập như vậy, không bao lâu sẽ nhanh chóng diệt tận các lậu, vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ngay trong hiện tại mà tự biết tác chứng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, Phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, không còn tái sinh đời sau nữa.’”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 896. ĐẾ THÍCH (1) [38]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Trúc, Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ Thích Đề-hoàn Nhân, với hình sắc tuyệt diệu, vào lúc cuối đêm [257a] đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, rồi đứng qua một bên. Do oai lực của thân trời, ánh sánh chiếu khắp vườn Trúc, Ca-lan-đà. Khi ấy, Thích Đề-hoàn Nhân bạch Phật:

“Thế Tôn! Thế Tôn đã từng ở trong hang đá núi Cách giới [39] nói rằng: ‘Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào tâm khéo giải thoát với vô thượng ái tận giải thoát, vị ấy đã cứu cánh biên tế, cứu cánh ly nhiễm, cứu cánh phạm hạnh.’ [40] Thế nào là Tỳ-kheo đã cứu cánh biên tế, cứu cánh ly nhiễm, cứu cánh phạm hạnh?”

Phật bảo Đế Thích:

“Tỳ-kheo nào biết như thật khi tiếp nhận những cảm giác có được hoặc khổ hoặc lạc, hoặc không khổ không lạc; biết như thật các thọ tập, thọ diệt, thọ vị, thọ hoạn, thọ xuất ly. Biết như thật, quán sát thọ kia vô thường, quán sinh diệt, quán ly dục, quán diệt tận, quán xả bỏ. Sau khi đã quán sát như vậy, chắc chắn đi đến tận cùng, cứu cánh biên tế, cứu cánh ly nhiễm, cứu cánh phạm hạnh.

“Này Câu-thi-ca, đó gọi là Tỳ-kheo ở trong chánh Pháp Luật, cứu cánh biên tế, cứu cánh ly nhiễm, cứu cánh phạm hạnh ... cho đến Thiên đế Thích sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ, tùy hỷ, làm lễ mà lui.

KINH 897. ĐẾ THÍCH (2) [41]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Trúc, Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đang ở trong núi Kỳ-xà-quật, cuối đêm dậy kinh hành, trông thấy có ánh sánh chiếu khắp vườn trúc Ca-lan-đà. Thấy vậy, liền nghĩ: ‘Đêm nay hoặc có đại lực quỷ thần đến chỗ Thế Tôn nên mới có ánh sáng này.’

Bấy giờ vào lúc sáng sớm, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân, rồi ngồi xuống một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, cuối đêm qua con ra khỏi phòng kinh hành, trông thấy ánh sáng chói lọi chiếu khắp vườn Trúc Ca-lan-đà. Thấy vậy con nghĩ thầm: Chắc có vị đại lực quỷ thần nào đến chỗ Thế Tôn nên có ánh sáng này.”

Phật bảo Đại Mục-kiền-liên:

“Cuối đêm qua Thích Đề-hoàn Nhơn đến chỗ Ta cúi đầu đảnh lễ, rồi ngồi xuống một bên…” Nói rộng như kinh trên ... hoan hỷ , tùy hỷ làm lễ mà lui.

KINH 898. LỘC TRÚ (1) [42]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Trúc, Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, sáng sớm, Tôn giả A-nan khóac y, ôm bát đi đến thành Xá-vệ, lần lượt khất thực, đến nhà Ưu-bà-di Lộc Trụ. [43] Ưu-bà-di Lộc Trụ từ xa trông thấy Tôn giả A-nan vội vàng sửa soạn chỗ ngồi, và mời Tôn giả A-nan an tọa. Sau đó, Ưu-bà-di Lộc Trụ cúi đầu lễ sát chân Tôn giả A-nan, rồi đứng qua một bên, bạch Tôn giả A-nan:

“Thưa Tôn giả, [257c] pháp của Thế Tôn cần được hiểu như thế nào? Cha của con là Phú-lan-na [44] trước kia tu phạm hạnh, ly dục, thanh tịnh, không đeo hương hoa, xa lìa những thứ phàm tục thô bỉ. [45] Còn chú con là Lê-sư-đạt-đa [46] không tu phạm hạnh nhưng ông biết đủ. Cả hai người đều qua đời, mà Thế Tôn đều ký thuyết hai người sinh một nơi, cùng thọ sinh như nhau, đời sau đồng đắc Tư-đà-hàm, sinh về cõi trời Đâu-suất, một lần trở lại thế gian, cứu cánh biên tế của khổ.

“Tại sao, thưa A-nan, người tu phạm hạnh và người không tu phạm hạnh lại cùng sinh một nơi, cùng thọ sinh như nhau, và đời sau của họ cũng giống nhau?”

A-nan đáp:

“Này Chị, Hãy thôi đi! Chị không thể biết được căn tánh sai biệt của chúng sanh thế gian. Như Lai tất biết rõ căn tính ưu, liệt của chúng sanh thế gian.”

Nói như vậy xong, rời chỗ ngồi đứng dậy ra đi.

Tôn giả A-nan trở về tinh xá, cất y bát, rửa chân, rồi đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Phật, ngồi xuống một bên, đem những gì Ưu-bà-di Lộc Trụ nói bạch hết lên Thế Tôn.

Thế Tôn bảo Tôn giả A-nan:

“Ưu-bà-di Lộc Trụ làm sao có thể biết được căn tính ưu, liệt của chúng sanh thế gian. A-nan, Như Lai tất biết rõ căn tánh ưu, liệt của chúng sanh thế gian. Này A-nan, hoặc [47] có một hạng người phạm giới. Người ấy không biết như thật đối  tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Nhưng sự phạm giới mà người ấy khởi lên đã diệt không còn, đã chìm mất không còn, dục hết không còn. Hoặc có một hạng người phạm giới, do biết như thật tâm giải thoát, tuệ giải thoát, sự phạm giới mà người ấy khởi lên đã diệt không còn, đã chìm mất không còn, dục hết không còn. Đối với những hạng người này mà  so sánh mà nói rằng: ‘Người này cũng có pháp như vậy, người kia cũng có pháp như vậy, thì ở đây cả hai phải cùng sinh một chỗ, đồng thọ sinh như nhau và đời sau cũng như nhau.’ Người nào so sánh như vậy, thì sẽ khổ lâu dài, không nghĩa, không lợi ích.

“Này A-nan, người phạm giới, đối với tâm giải thoát, tuệ giải thoát mà không biết như thật, nhưng sự phạm giới mà người ấy khởi lên đã diệt không còn, đã chìm mất không còn, dục hết không còn. Nên biết người này sẽ thối đọa, không phải thăng tiến. Ta nói người này thuộc hạng thối đoạ.

“A-nan, có kẻ phạm giới, do biết như thật tâm giải thoát, tuệ giải thoát, nên sự phạm giới mà người ấy khởi lên đã diệt không còn, đã chìm mất không còn, dục hết không còn; nên biết người này thăng tiến chứ không thối đọa. Ta nói người này thuộc hạng thăng tiến. Nếu chẳng phải Như Lai, thì ai có thể biết rõ sự gián cách giữa hai hạng người này?

 [258a] “Cho nên, này A-nan, chớ nên so sánh người này với người kia mà thiên  chấp người. Chớ  so sánh người này với người kia gây bệnh người. Chớ so sánh người này với người kia thì tự chiêu lấy tai hại. Chỉ có Như Lai mới biết rõ người này với ngưòi kia mà thôi.

“Như hai hạng người phạm giới, hai hạng người trì giới cũng vậy. Người kia không biết như thật tâm giải thoát, tuệ giả thoát, nhưng sự trì giới mà người ấy khởi lên thì đã diệt, không còn.

“Hoặc người trạo cử tháo động, [48] không biết như thật đối với tâm giải thoát, tuệ giải thoát, nhưng sự trạo cử của người ấy đã diệt không còn.

“Hoặc  người kia sân hận, không biết như thật đối với tâm giải thoát, tuệ giải thoát, nhưng tâm sân hận của họ đã diệt không còn.

“Hoặc người khổ tham, [49] không biết như thật đối với tâm giải thoát, tuệ giải thoát, nhưng sự khổ tham của họ đã diệt không còn.”

Ô uế, và thanh tịnh, cũng được nói như trên.  ... cho đến

“Chỉ có Như Lai mới biết rõ người này với ngưòi kia mà thôi.”

“Này A-nan, Ưu-bà-di Lộc Trụ ngu si, trí kém, nên sinh tâm hồ nghi đối với pháp nhất hướng mà Như Lai đã thuyết. Thế nào, A-nan, những gì Như Lai dạy có phải là hai hướng không?”

A-nan bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Phật bảo A-nan:

“Lành thay! lành thay! Như Lai nói pháp, nếu là hai thì điều này không thể có. Này A-nan, nếu Phú-lan-na trì giới, Lê-sư-đạt-đa cũng là người trì giới, mà chỗ thọ sinh, là điều Phú-lan-na không thể biết được, rằng Lê-sư-đạt-đa  sinh nơi nào, thọ sinh thế  nào, đời sau thế nào? Nếu Lê-sư-đạt-đa thành tựu trí tuệ, và Phú-lan-na cũng thành tựu trí tuệ này, thì Lê-sư-đạt-đa cũng không thể biết Phú-lan-na sẽ sinh nơi nào, thọ sinh thế nào, đời sau thế nào? A-nan, Phú-lan-na trì giới hơn, còn Lê-sư-đạt-đa trí tuệ hơn, nếu cả hai mạng chung, Ta nói hai người cùng sinh một nơi, cùng thọ sinh như nhau, đời sau cùng đắc Tư-đà-hàm, sinh lên cõi trời Đâu-suất, chỉ một lần sinh trở lại nơi này cứu cánh biên tế của khổ.

“Giữa hai người này, nếu chẳng phải Như Lai, thì ai có thể biết được? Cho nên A-nan, chớ nên so sánh người này với người kia. Nếu so sánh người này với người kia thì tự sinh tổn giảm. Chỉ có Như Lai mới có thể biết rõ người.”

Phật nói kinh này xong, Tôn giả A-nan nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 899. LỘC TRÚ (2) [50]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật hạ an cư  tại ấp Lưu-lị [51] trong thành Di họ Thích. Bấy giờ có Tỳ-kheo hạ an cư trong vườn Cấp Cô Đôc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Sáng sớm Tỳ-kheo kia khóac y, ôm bát [258b] vào thành Xá-vệ khất thực, lần hồi đi đến nhà Ưu-bà-di Lộc Trụ. Ưu-bà-di Lôc Trụ từ xa trông thấy Tỳ-kheo, vội vàng sửa soạn chỗ ngồi, rồi mời Tỳ-kheo an tọa. Nói giống như kinh A-nan ở trước. Bấy giờ, Tỳ-kheo ấy nói với Ưu-bà-di Lộc Trụ:

“Này cô, hãy thôi đi! Cô làm sao biết được căn tính ưu, liệt của chúng sanh. Này cô, chỉ có Như Lai mới có thể biết được căn tính ưu, liệt của chúng sanh.”

Nói như vậy xong Tỳ-kheo liền rời chỗ ngồi đứng dậy ra về.

Tỳ-kheo kia sau ba tháng hạ an cư, may y xong, khóac y mang bát đi đến ấp Lưu-lị, thành Di của họ Thích. Sau khi cất y bát, rửa chân xong, Tỳ-kheo đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, ngồi xuống một bên, đem những lời đàm luận giữa Tỳ-kheo cùng Ưu-bà-di Lộc Trụ trình hết lên Thế Tôn.

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Ưu-bà-di Lộc Trụ làm sao có thể biết được căn tính ưu, liệt của chúng sanh thế gian. Chỉ có Như Lai mới có thể biết rõ căn tính hơn kém của chúng sanh ở thế gian thôi. Kẻ chẳng lìa sân hận, kiêu mạn, luôn khởi pháp tham, không lãnh thọ pháp, không học hỏi đa văn, ở nơi pháp không điều phục kiến chấp, không thể hằng thời khởi tâm giải thoát.

“Này Tỳ-kheo, nếu có một người không lìa sân hận, kiêu mạn, luôn khởi pháp tham, nhưng người ấy nghe pháp, tu học đa văn, đối với kiến chấp khéo điều phục, hằng thời có thể khởi tâm pháp giải thoát. Nếu suy xét về chúng, rằng ‘Người này có pháp như vậy, người kia có pháp như vậy, thì ở đây họ cùng một nơi, cùng thọ sinh như nhau, và đời sau như nhau.’ Người nào so sánh như vậy thì thường chịu khổ, không nghĩa, không lợi ích.

“Này Tỳ-kheo, lại có người không lìa sân hận, kiêu mạn, luôn khởi pháp tham, không lãnh thọ pháp, không học hỏi đa văn, ở nơi pháp không điều phục kiến chấp, không thể hằng thời khởi tâm giải thoát; Ta nói người này là kẻ hẹp hòi nhỏ mọn, thấp kém.

“Này Tỳ-kheo, lại có người không lìa sân hận, kiêu mạn, luôn khởi pháp tham, nhưng người ấy nghe pháp, tu học đa văn, đối với kiến chấp khéo điều phục, hằng thơi có thể khởi tâm pháp giải thoát; Ta nói người này là thắng diệu bậc nhất.

“Giữa hai người này, nếu chẳng phải tự Như Lai, thì ai có thể phân biệt, biết rõ? Cho nên, này Tỳ-kheo, chớ nên so sánh người này với người kia ... cho đến Như Lai mới có thể biết căn tính ưu, liệt.

“Này Tỳ-kheo, lại có người không lìa sân, mạn, lúc nào cũng khởi ác hành nơi miệng…” Còn lại, nói như trên đã nói.

“Lại nữa, có người hiền thiện, an vui, cùng sống vui thích minh trí, người tu phạm hạnh thích ở chung, nhưng người kia chẳng thích nghe pháp ... cho đến không thường được tâm giải thoát; [258c] nên biết người này trụ nơi đất hiền thiện, mà không thể thăng tiến. Chỗ đất hiền thiện đó là cõi trời, người.

“Lại nữa, có người căn tính hiền thiện, cùng ở chung, được an vui, ưa thích phạm hạnh, lấy làm bạn hữu, ưa nghe chánh pháp, học tập, đa văn, khéo điều phục kiến chấp, thường được tâm pháp giải thoát, nên biết người này ở chỗ hiền thiện, có thể thăng tiến, nên biết người này có đủ khả năng vào dòng chánh pháp, có chỗ kham năng.

“Giữa hai người này, nếu chẳng phải tự Như Lai, ai có thể pân biệt, biết rõ? Cho nên, Tỳ-kheo, chớ nên so sánh người này với người kia. Nếu so sánh người này với người kia thì sẽ chuốc lấy tai hại. Chỉ có Như Lai mới có thể biết rõ người mà thôi.

“Này Tỳ-kheo! Ưu-bà-di Lộc Trụ vì ngu si, trí kém…” Nói như kinh trên.

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 900. PHƯỚC ĐIỀN [52]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ trưởng giả Cấp Cô Độc đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, ngồi xuống một bên,  bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, thế gian có bao nhiệu loại ruộng phước?”

Phật bảo gia chủ:

“Thế gian có hai loại ruộng phước. Những gì là hai? Đó là hữu học cùng vô học.”

và nói kệ:

Đời có Học, Vô học,

Đại hội thường kính thỉnh;

Tâm ngay thẳng chân thật,

Thân, miệng cũng như vậy.

Đó là ruộng phước tốt,

Người thí được quả lớn.

Phật nói kinh này xong, trưởng giả Cấp Cô Độc nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành. [53]

KINH 901. GIA NHÂN [54]

 [340a20]Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Trưởng giả Cấp Cô Độc, đến chỗ Phật, cúi đầu lễ sát chân Phật, ngồi xuống một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, nếu ai ở nhà con đều có tín thanh tịnh. Khi những người ở nhà con mạng chung, họ đều được sinh lên trời?”

Phật dạy:

“Lành thay! Lành thay, Trưởng giả! Đây là câu hỏi thâm diệu về việc thọ báo, ở giữa đại chúng rống lên tiếng sư tử, nói rằng: ‘Người ở nhà con đều có tín thanh tịnh. Khi mạng chung họ đều được sinh lên trời.’ Vậy đã có Tỳ-kheo đại đức thần lực nào đã nói với ông: ‘Bất cứ người nào ở trong nhà ông, mà mạng chung thì cũng đều sinh lên cõi trời chăng?’”

Gia chủ bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Lại hỏi:

“Hay có Tỳ-kheo ni nào, chư thiên nào đã nói; hay ông đã nghe trực tiếp từ Ta?”

Gia chủ bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, không.

“Thế nào, Trưởng giả, hay ông dựa vào tri kiến của mình, mà biết những người nhà ông sau khi mạng chung đều được sinh lên cõi trời?”

Gia chủ bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, Không.”

Phật bảo Gia chủ:

“Ông đã không nghe từ vị Tỳ-kheo đại đức thần lực, không phải từ Tỳ-kheo ni, không phải từ chư thiên, lại không phải đã có mặt trước chỗ Ta nghe nói, lại cũng không phải dựa vào tri kiến của mình để biết: ‘Ở nhà con ai mạng chung đều được sinh lên trời.’ Vậy do đâu, hôm nay ông nói lên những lời thâm diệu như vậy về việc thọ báo, ở giữa đại chúng rống lên tiếng sư tử, nói rằng: Bất cứ người nào ở trong nhà con, khi mạng chung đều được sinh lên trời?”

Gia chủ bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, không có Tỳ-kheo đại đức thần lực nào đến nói với con. Nói đầy đủ như trên, … cho đến đều sinh lên trời. Bạch Thế Tôn, nhưng khi con thấy có người mang thai, con liền chỉ bày họ nên vì con mình quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tỳ-kheo Tăng. Sau khi đứa bé ra đời, con dạy nó về Tam quy. Đến khi nó hiểu biết, lại dạy nó trì giới. Giả sử tôi tớ hạ tiện, người ngoài nào có mang và sinh con, con cũng chỉ bày như vậy. Nếu có người bán nô tỳ, con liền đến nói với họ rằng: ‘Hiền giả, tôi muốn mua người, nhưng anh nên quy y Phật, quy y Pháp, quy y Ty-kheo Tăng, thọ trì cấm giới. Theo lời tôi dạy, mau thọ trì năm giới, sau đó tuỳ giá mà mua. Nếu không theo lời chỉ dạy của tôi thì không chịu mua.’ Hoặc có khách trọ hay người làm thuê, trước tiên con cũng yêu cầu thọ tam quy, ngũ giới, rồi sau đó con mới nhận họ. Hoặc lại có người đến xin làm học trò, hay đến xin vay lấy lãi, con cũng đều yêu cầu thọ tam quy, ngũ giới, sau đó mới chịu nhận. Lại nữa, khi nào nhà con cúng dường Phật và Tỳ-kheo Tăng, bấy giờ con đọc tên cha mẹ, anh em, vợ con, thân thuộc quen biết, quốc vương đại thần, chư thiên, long thần, hoặc kẻ còn người mất, Sa-môn hay Bà-la-môn, nội ngoại quyến thuộc, dưới cho đến nô bộc, đều đọc tên họ, vì họ chú nguyện. Lại nữa, con được nghe từ Thế Tôn dạy, nhờ duyên xưng tên chú nguyện nên những người ấy đều được sinh lên trời. Hoặc nhân bố thí ruộng vườn, nhà cửa, giường nằm; hoặc nhân thường bố thí, hoặc bố thí cho người đi đường, nhỏ cho đến bố thí cho chúng sanh một nắm nhỏ, nhờ những nhân duyên này thảy được sinh lên trời.”

Phật bảo:

“Lành thay! Lành thay, Trưởng giả! Ông nhờ tín nên nói ra được như vậy. Như Lai đối với điều đó có tri kiến vô thượng, nên biết rõ mọi người ở nhà ông mạng chung đều sinh lên trời.”

 [340c]Trưởng giả Cấp Cô Độc sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tuỳ hỷ đảnh lễ Phật ra về.

KINH 902. CUNG KỈNH TRỤ [55]

Tôi nghe như vầy: Một thời đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Hãy sống cung kính. Hãy thường buộc tâm. Hãy thường cẩn thận sợ hãi. Hãy phục tùng các bậc tu phạm hạnh thượng, trung, hạ toạ. Vì sao? Tỳ-kheo sống không cung kính, không buộc tâm, không cẩn thận sợ hãi, không phục tùng các bậc tu phạm hạnh thượng, thung, hạ toạ khác mà muốn được đầy đủ các oai nghi, không hề có trường hợp đó. Nếu không đầy đủ oai nghi mà muốn học pháp viên mãn, không hề có trường hợp đó. Học pháp không viên mãn mà muốn có giới thân, định thân, giải thoát thân, giải thoát tri kiến thân đầy đủ, không hề có trường hợp đó. Giải thoát tri kiến thân không đầy đủ mà muốn đạt được Vô dư Niết-bàn cũng không hề có trường hợp như vậy. Như vậy, Tỳ-kheo cần phải cung kính, buộc tâm, cẩn thận sợ hãi, theo đức lực các vị tu phạm hạnh thượng, trung, hạ tọa khác thì oai nghi đầy đủ, điều này có thể xảy ra. Oai nghi đã đầy đủ, việc học pháp sẽ đầy đủ, việc này có thể xảy ra. Học pháp đã đầy đủ rồi, giới thân, định thân, tuệ thân, giải thoát thân, giải thoát tri kiến thân đầy đủ, việc này có thể xảy ra. Giải thoát tri kiến thân đã đầy đủ rồi, đạt được vô dư Niết-bàn, việc này có thể xảy ra. Cho nên, Tỳ-kheo, cần phải cung kính, buộc tâm, cẩn thận sợ hãi, theo đức lực các vị tu phạm hạnh khác thì oai nghi được đầy đủ, … cho đến đạt được Vô dư Niết-bàn, cần phải học như vậy.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 903. TÀM QUÝ [56]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Có hai pháp tịnh có thể hộ trì thế gian. Những gì là hai? Đó là tàm và quý. Giả sử thế gian không có hai pháp tịnh này, thì thế gian cũng không biết có cha mẹ, anh em, chị em, vợ con, thân quyến, sư trưởng, tôn ty, trật tự, điên đảo hỗn loạn như hàng sức sanh. Nhờ có hai pháp tịnh tàm và quý cho nên thế gian biết có cha mẹ, … cho đến sư trưởng, tôn ty, trật tự, và không hỗn loạn như hàng súc sanh.”

Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:

 [341a]Nếu thế gian  không có,

Hai pháp tàm và quý;

Vượt trái đạo thanh tịnh,

Hướng sinh, già, bệnh, chết.  

Nếu thế gian thành tựu,

Hai pháp tàm và quý;

Thì tăng đạo thanh tịnh,

Đóng kín của sinh tử.

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 904. THIÊU NHIÊN PHÁP [57]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà,  nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có pháp đốt cháy [58] và pháp không đốt cháy. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ngươi mà giảng nói.

“Thế nào là pháp đốt cháy? Nếu người nam hay người nữ nào hành pháp ác bất thiện, phạm giới; thân thành tựu ác hành; khẩu, ý thành tựu ác hành; về sau, khi họ đau ốm, bị khốn khổ, nằm liệt giường, chịu nhiều đau đớn. Lúc bấy giờ, tất cả những việc làm ác trước kia họ đều nhớ lại hết. Giống như bóng núi lớn che ánh mặt trời tây; cũng vậy, chúng sanh trước kia đã tạo ra mọi điều ác, những pháp ác bất thiện do thân, khẩu, ý nghiệp, đến lúc lâm chung tất cả đều hiện ra, tâm sinh hối hận: ‘Than ôi! Than ôi! Vì trước kia không tu thiện, chỉ làm ác nên ta sẽ đoạ vào đường dữ, chịu  nhiều khổ đau.’ Sau khi nhớ lại rồi, tâm bị đốt cháy, tâm sinh hối hận.Do tâm hối hận nên tâm không được an lành, mạng chung qua đời sau tâm bất thiện cũng tiếp tục sinh nữa. Đó gọi là pháp đốt cháy.

“Thế nào gọi là pháp không đốt cháy? Nếu người nam hay người nữ nào thọ trì tịnh giới, tu pháp chơn thật, thân thành tựu nghiệp thiện, khẩu, ý thành tựu nghiệp thiện; những người ấy khi lâm chung tuy thân gặp phải khổ nạn, nằm liệt trên giường bệnh, thân thể chịu nhiều đau đớn, nhưng tâm họ nhớ lại trước kia đã tu pháp thiện, thân, khẩu và ý đã thành tựu thiện hành. Lúc bấy giờ, họ duyên vào những pháp thiện, nghĩ rằng: ‘Thân, khẩu, ý ta đã tạo ra thiện hành như vậy, không làm mọi điều ác, ta sẽ sinh về đường thiện, không đoạ vào đường dữ. Tâm không có gì hối hận; cho nên người ấy mạng chung với tâm thiện, qua đời sau thiện vẫn tiếp tục. Đó gọi là pháp không đốt cháy.”

Bất giờ, Thế Tôn liền nói kệ:

Đã gieo nghiệp đốt cháy,

Sống nương vào phi pháp;

Theo đó làm nghiệp ác,

Ắt sinh vào địa ngục.

Đẳng Hoạt và Hắc Thằng,

Chúng Hợp, hai Khiếu Hô;

Thiêu Nhiên, Cực Thiêu Nhiên,

Vô Trạch đại địa ngục.

Tám đại địa ngục ấy,

Cực khổ khó vượt qua;

 [341b]Vì ác nghiệp nhiều thứ,

Mười sáu nơi khác nhau.

Mở bốn cửa bốn bên ,

Khoảng cách chúng bằng nhau;

Bốn bên bằng vách sắt,

Bốn cánh cửa cũng sắt.

Đất sắt lửa cháy bùng.,

Ngọn lửa rực khắp nơi;

Ngang dọc trăm do tuần,

Hừng hực không đoạn dứt.

Chế ngự kẻ hành ác,

Khảo trị kẻ cang cường;

Càng đau đớn lâu dài,

Khổ này khó thể thấy.

Người thấy sinh sợ hãi,

Run sợ lông dựng đứng;

Khi đọa địa ngục này,

Chúc đầu xuống chân lên.

Ngăn [59] người tu phạm hạnh

Tâm nhu hoà bậc Thánh,

Đối với Hiền Thánh này,

Khinh tâm khởi phi nghĩa.

Và sát hại chúng sanh,

Đọa địa ngục nóng này.

Quằn quại ở trong lửa,

Giống như cá nướng lửa.

Thống khổ kêu, la hét,

Như tiếng đàn voi chiến.

Lửa lớn tự nhiên sinh,

Đó do nghiệp của chúng.

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 905 . ÁC HÀNH [60]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Người nào bỏ ác hành nơi thân, có thể đoạn trừ ác hành nơi thân. Người nào không đạt được sự đoạn trừ ác hành nơi thân, Ta không nói người đó xả bỏ ác hành nơi thân [61]. Do vì có thể dứt được thân hành ác hành, cho nên Ta nói người đó bỏ được thân hành ác hành. Người nào thân hành ác hành, người đó không tạo nghĩa lợi an lạc. Chúng sanh nào lìa bỏ thân hành ác hành, người đó tạo nghĩa lợi,được an lạc. Cho nên Ta nói người đó đã bỏ được thân hành ác hành. Khẩu, ý hành ác hành cũng nói như vậy.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

 


 [1] Quốc dịch, quyển 29-31. Túng vi. gồm 6 tương ưng.

 [2] Tương ưng tám chúng, gồm các kinh Đại chánh, kinh 980-992 (phần sau quyển 35). Ấn Thuận, Hội biên “ 48. Tương ưng Tạp” thuôc Tụng 7. Như lai sở thuyết.

 [3] Đại chánh, kinh 980. Không thấy Pāli tương đương.

 [4] Đát-sát-thi-la 怛剎尸羅. Pāli: Takkasīlā, trung tâm thương mại và giáo dục đươc nhắc nhiều trong các Jātaka, nhưng không hề được nói đến trong các kinh Pāli.

 [5] Phương tiện trang nghiêm 方便莊嚴.

 [6] Hán: Tồi phục tràng 摧伏幢. Xem kinh Đại chánh 981.

 [7] Y-xá-na 伊舍那天子幢. Xem kinh Đại chánh 981. Tham chiếu, S.11.3: Pajāpatissa devarājassa dhajaggaṃ: chóp ngọn cờ của Thiên vương Pajāpati (Sinh Chủ)

 [8] Bà-lưu-na 婆留那天子幢. Xem kinh Đại chánh, 981. Tham chiếu, S.11.3 : Varuṇassa devarājassa dhajaggaṃ: chóp ngọ cờ của Thiên vương Varuṇa.

 [9] Đại chánh, kinh 981. Pāli, S.11.3. Dhajagga. Cf. No 125(24.1).

 [10] Phục địch chi tràng 伏敵之幢. Kinh 980: tồi phục tràng 摧伏幢. Pāli: dhajaggaṃ ullokeyyātha, các ngưoi hãy nhìn lên đỉnh ngọn phướn.

 [11] Đại chánh, kinh 982. Pāli, A. 3.32.2. Sāriputta.

 [12] An-xà-na 安闍那. Pāli: Añjana-vana, khu rừng nai ở Sāketa.

 [13] Sa-chỉ 娑枳國. Pāli: Sāketa.

 [14] Cf. Pāli: yañca cetovimuttiṃ paññāvimuttiṃ upasampajja viharato ahaṅkāra-mamaṃkāramānānusayā na honti, tañca cetovimuttiṃ paññāvimuttiṃ upasampajja viharati, (tỳ kheo) do chứng đắc và an trụ tâm giải thoát tuệ giải thoát nào mà ở đó các tùy miên của phức cảm tác thành ý niệm về ta và của ta không tồn tại, thì (tỳ kheo ấy) chứng và an trụ tâm giải thoát, tuệ giải thoát ấy.

 [15] Cf. Pāli: acchecchi taṇhaṃ vivattayi samyojanaṃ sammā mānābhisamayā antam akāsi dukkhassa, vị ấy đã cắt đứt khát ái, bứt bỏ kết sử, chân chánh hiện quán các mạn, đã tận cùng biên tế của khổ.

 [16] Ba-la-diên Phú-lân-ni-ca sở vấn 波羅延富鄰尼迦所問. Pāli: pārāyane puṇṇakapañhe. Cf. Sn.5.4. Puṇṇakamāṇava-pucchā.

 [17] Vô hy vọng 無悕望, bản Thánh: vô minh. Pāli: nirāso.

 [18] Kệ Pāli, Sn. 1048.

 [19] Đại chánh, kinh 983. Pāli, A. 3.32. Ānanda-Sāriputta.

 [20] Bà-la-diên Ư-đà-da sở vấn 波羅延憂陀耶. Páli: Sn. 5.14. Udayamānava-pucchā.

 [21] Kệ Pāli, Sn. 1106-1107.

 [22] Đại chánh kinh 984. Pāli, A. 4.199. Taṇhā.

 [23] Pāli: jāliniṃ saṃsaritaṃ visataṃ visattikaṃ: cái lưới đươc di chuyển, được bủa rộng, làm dính chặt.

 [24] Thập bát ái hành: hữu ngã, dục ngã, nhĩ ngã, hữu ngã, vô ngã, dị ngã, đương ngã, bất đương ngã, dục ngã, đương nhĩ thời, đương dị dị ngã, hoặc dục ngã, hoặc nhĩ ngã, hoặc dị, hoặc nhiên, hoặc dục nhiên, hoặc nhĩ nhiên, hoạc dị. 十八愛行:有我.欲我.爾我.有我. 無我.異我.當我.不當我.欲我.當爾時.當異異我.或欲我.或爾我.或異.或然.或欲然.或欲然.或爾然.或異. So sánh Pāli: atthārasa taṇhā-vicaritāni: asmīti sati, itthasmī ti hoti, evasmīti hoti,.aññthasmīti hoti, asatasmīti hoti, satasmīti hoti, santi hoti, itthaṃ santi hoti, evaṃ santi hoti, aññathā santi hoti, api ha santi hoti, api itthaṃ santi hoti, api evaṃ santi hoti, api aññathā santi hoti, bhivissanti hoti, itthaṃ bhavissanti hoti, evaṃ bhavissanti hoti, aññathā bhavissanti hoti: 1. Tôi hiện hữu, 2. tôi hiện hữu  ở đây, 3. tôi hiện hữu như vầy, 4.tôi hiên hữu khác vầy, 5. tôi không thường hằng, 6. tôi thường hằng, 7. tôi đang tồn tại, 8. tôi đang tồn tại ở đây, 9. tôi đang tồn tại như vầy, 10. tôi đang tồn tại khác như vầy, 11. ước gì tôi đang tại, 12. ước gì tôi đang tồn tại ở đây, 13. ước gì tôi đang tồn tại như vầy, 14. ước gì tôi đang tồn tại như thế khác, 15. tôi sễ hiện hữu, 16. tôi sẽ hiện hữu ở đây, 17. tôi sẽ hiện hữu như vầy, 18. tôi sẽ hiện hữu như thế khác.

 [25] Pāli: imināsmī ti sati, iminā itthasmī ti hoti, iminā evaṃsmī ti hoti: với những cái này tôi hiên hữu; với những cái này tôi tồn tại ở đây; với những cái này tôi như vầy...

 [26] Đại chánh, kinh 985. A. 4.200. Pema.

 [27] Pāli: pemā pemaṃ jāyanti, thân yêu sanh ra thân yêu.

 [28] Pāli: puggalo puggalassa iṭṭho hoti, một người này là khả ái đối với môt người kia.

 [29] Pāli: yo kho myāyaṃ puggalo iṭṭho… taṃ pare iṭṭhena… samudācaranti, người mà đối với ta là khả ái, người ấy được mọi người đối xử một cách khải ái.

 [30] Tức là, sinh ái niệm đối với những ai không ưa người mà mình không ưa.

 [31] Hán: bất hoàn cử 不還舉. bản Hán thiếu. Theo văn dưới bổ túc.

 [32] Hán: bất tự cử, bất khởi trần, bất xí nhiên, bất hiềm bỉ 不自舉不起塵不熾然不嫌彼. Pāli: neva usseneti na paṭisseneti na dhūpāyati na pajjati na sampajjhāyati: không bị lôi cuốn, không bị kháng cự, không bị xông khói, không bốc cháy, không khô cằn.

 [33] Xem kinh 984 trên.

 [34] Pāli: asmimāno pahīno na hoti, không đoạn trừ phức cảm (mạn) về ý tưởng “ Tôi hiện hữu.”

 [35] Đại chánh, kinh 986. Không thấy tương đương.

 [36] Đại chánh, kinh 987..

 [37] Nguyên Hán sót phủ định từ. Theo nội dung, thêm vào.

 [38] Đại chánh, kinh 988. Pāli, S.40.10. Sakka.

 [39] Cách giới sơn 隔界山. Xem kinh 505: Giới cách sơn界隔山. Có lẽ hang Indasālagūha; cf. D 21, No 1(14), No 26(134).

 [40] Xem Xem kinh 505; cf. D 21, No 1(14), No 26(134).  

 [41] Đại chánh, kinh 989. Xem kinh Đại chánh 988.

 [42] Đại chánh, kinh 990. Pāli, A.10.75. Migasālā.

 [43] Ưu-bà-di Lộc Trụ 鹿住優婆夷. Pāli: Migasālā upāsikā.

 [44] Phú-lan-na 富蘭那. Pāli: Pūraṇa.

 [45] Hán: phàm bỉ 凡鄙. Pāli: ārācārī virato methunā gāmadhammā, là người ẩn dât, sông xa lánh các pháp dâm dục thấp hèn.

 [46] Lê-sư-đạt-đa 梨師達多. Pāli: Isidatta.

 [47] Pāli: có 10 hạng người này hiện diện trong thế gian.

 [48] Hán: trạo động 掉動, hay trạo cử. Pāli: uddhata.

 [49] Khổ tham 苦貪. Pāli: tibbarāgo, ham muốn rất kịch liệt.

 [50] Đại chánh, kinh 991. Pāli, A. 6.44. Migasālā.

 [51] Thích thị Di thành Lưu-lợi ấp 釋氏彌城留利邑.

 [52] Đại chánh, kinh 992. Pāli, A.2.4.4. Dakkhiṇeyyā. Biệt dịch, No 26(127).

 [53] Bản Hán, hết quyển 35.

 [54] Đại chánh, quyển 47, kinh 1241. Ấn Thuận Hội biên, tụng VII. Như Lai sở thuyết, 48. Tương ưng Tạp.

 [55] Đại chánh, kinh 1242.

 [56] Đại chánh, kinh 1243.  Pali: A.2.9 Cariya; It. 42 Dhamma.

 [57] Đại chánh, kinh 1244.

 [58] Thiêu nhiên pháp 燒燃法.

 [59] Nguyên bản: Chỉ  ; bản Tống: chánh

 [60] Đại chánh, kinh 1245. Pāli: A.3. 17. Pāṇika.

 [61] A.3. 17: Ba pháp khiến tự hại, hại người, hại cả hai (attavyābādhāyapi … paravyābādhāyapi … ubhayavyābādhāyapi saṃvattati); đó là, ác hành nơi thân, miệng, ý.