Kinh tăng nhất A-hàm, Bốn pháp, phẩm 25-31

BỐN PHÁP

25. PHẨM TỨ ĐẾ

KINH SỐ 1 [1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các tỳ-kheo:

“Nên tu tập pháp bốn đế. Những gì là bốn? Thứ nhất là Khổ đế, mà nghĩa không thể tận, nghĩa không thể cùng, thuyết pháp vô tận. Thứ hai là Khổ tập đế, mà nghĩa không thể tận, nghĩa không thể cùng, thuyết pháp vô tận. Thứ ba là Khổ tận đế, mà nghĩa không thể tận, nghĩa không thể cùng, thuyết pháp vô tận. Thứ tư là Khổ xuất yếu đế, mà nghĩa không thể tận, nghĩa không thể cùng, thuyết pháp vô tận.

“Thế nào là Khổ đế? Khổ đế, là khổ bởi sanh, khổ bởi già, khổ bởi bệnh, khổ bởi chết, khổ bởi buồn lo phiền não, khổ bởi oán ghét gặp nhau, khổ bởi ân ái bị chia lìa, khổ bởi những gì cầu mà không được, nói tóm lại là khổ bởi năm thủ uẩn [2]. Đó gọi là sự thật về khổ.

“Thế nào là Khổ tập đế? Tập đế, là ái tương ưng với dục, tâm thường nhiễm đắm. Đó gọi là khổ tập đế.

“Thế nào là Khổ tận đế? Tận đế, là dục ái bị diệt tận không còn tàn dư, không tái sanh khởi. Đó gọi là Khổ tận đế.

“Thế nào là Khổ xuất yếu đế? Khổ xuất yếu, là tám phẩm đạo Hiền thánh. Nghĩa là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh hành, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh tam-muội. Đó gọi là Khổ xuất yếu đế.

“Đó gọi là, này Tỳ-kheo, có bốn đế này là thật hữu, không hư dối, là điều mà Thế Tôn nói, cho nên gọi là đế. Trong các loài chúng sanh hai chân, bốn chân ở cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc, hữu tưởng, vô tưởng, Như Lai là tối thượng, đã thành tựu bốn đế này, nên gọi là bốn đế.

“Đó gọi là, này các Tỳ-kheo, có bốn đế mà do không giác tri nên sống chết xoay vần mãi trong năm nẻo. Nay Ta do đạt được bốn đế này, từ bờ này đến bờ kia, thành tựu [631b01] nghĩa này, đoạn trừ cội gốc sinh tử, như thực biết rằng không còn tái sinh nữa.”

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:

Nay có pháp bốn đế,

Nếu không như thật biết,

Luân hồi trong sinh tử,

Quyết không được giải thoát.

Như nay có tứ đế,

Đã giác, đã hiểu rõ,

Nên đoạn gốc sinh tử,

Cũng không còn tái sinh.

“Nếu có chúng bốn bộ nào không được đế này, không giác, không tri, sẽ đọa vào năm nẻo. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện thành tựu bốn đế này. Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 2

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các tỳ-kheo:

“Có bốn pháp này, lợi ích nhiều cho mọi người. Những gì là bốn? Pháp thứ nhất là nên gần gũi thiện tri thức. Thứ hai là nên nghe pháp. Thứ ba là nên biết pháp. Thứ tư là nên phân minh pháp và pháp tướng. [3]  Đó gọi là, này Tỳ-kheo có bốn pháp này, lợi ích nhiều cho mọi người.

“Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện thành tựu bốn pháp này. Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 3 [4]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo A-nan:

“Nếu khi Như Lai xuất hiện ở đời, khi ấy có bốn pháp vị tằng hữu [5] xuất hiện ở đời. Những gì là bốn? Các loài chúng sanh này bị nhiều đắm nhiễm. Nếu khi nói pháp không đắm nhiễm, chúng cũng vâng lãnh, niệm tưởng tu hành, tâm không xa lìa. Đó là pháp vị tằng hữu thứ nhất xuất hiện ở đời, nếu khi Như Lai xuất hiện ở đời, có bốn pháp vị tằng hữu này xuất hiện ở đời.

“Lại nữa, A-nan, chúng sanh này luôn luân chuyển không dừng trong năm nẻo. Giả sử Ta muốn nói pháp, chúng cũng vâng lãnh, tâm không xa lìa. Nếu khi Như Lai xuất hiện ở đời, có pháp vị tằng hữu thứ hai này xuất hiện ở đời.

“Lại nữa, A-nan, chúng sanh này thường ôm lòng kiêu mạn, không rời đầu mối tâm. Giả sử Ta nói pháp, chúng cũng vâng lãnh, tâm không xa [631c01] lìa. Này A-nan, chúng sanh này thường ôm lòng kiêu mạn, không bỏ chốc lát nào. Giả sử khi Ta nói pháp, chúng cũng vâng lãnh. Đó gọi là pháp chưa từng có thứ ba xuất hiện ở đời.

“Lại nữa, A-nan, chúng sanh này bị vô minh che kín. Giả sử khi Ta nói pháp minh, chúng cũng vâng lãnh mà không quên mất. Lại nữa, này A-nan, nếu khi Ta nói pháp minh, vô minh này, mà tâm ý chúng nhu hòa luôn thích tu hành; đó gọi là, này A-nan, khi Như Lai xuất ở đời, có pháp vị tằng hữu thứ tư này xuất hiện ở đời.

“Nếu lúc Như Lai [6] đang hiện tại, khi ấy có bốn pháp vị tằng hữu này xuất hiện ở đời. Cho nên, này A-nan, hãy phát tâm hoan hỷ hướng về Như Lai. A-nan, hãy học điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 4 [7]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nay Ta sẽ nói về gánh nặng, cũng sẽ nói về người mang gánh nặng, cũng sẽ nói về nhân duyên của gánh nặng, và cũng sẽ nói về sự buông gánh nặng. [8] Các Tỳ-kheo, hãy lắng nghe, hãy lắng nghe, suy nghĩ kỹ. Nay Ta sẽ nói.”

Các Tỳ-kheo thưa:

“Kính vâng, Thế Tôn!”

Các Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy như vậy. Thế Tôn bảo:

“Thế nào là gánh nặng? Đó là năm thủ uẩn. Những gì là năm? Sắc, thọ*, tưởng, hành, thức ấm. Đó gọi là gánh nặng.

“Thế nào là người mang gánh? Người mang gánh, đó là thân người, tự gì, tên gì, sinh như vậy, thức ăn như vậy, thọ khổ lạc như vậy, tuổi thọ ngắn dài như vậy. Đó gọi là người mang gánh.

“Thế nào là nhân duyên của gánh nặng [9]? Nhân duyên của gánh nặng, đó là nhân duyên bởi ái trước câu hữu với dục, tâm không xa lìa. [10] Đó gọi là nhân duyên gánh.

“Thế nào là buông gánh nặng? Ái kia đã khiến bị diệt tận không còn tàn dư, đã trừ, đã nhổ ra. Đó gọi là buông gánh nặng.

“Như vậy, Tỳ-kheo, nay Ta đã nói về gánh nặng, đã nói về nhân duyên của gánh nặng, đã nói về người mang gánh nặng, đã nói về buông gánh nặng. Những gì Như Lai cần làm, nay Ta đã làm xong. Hãy ở dưới cây, chỗ nhàn tịnh, ngồi ngoài trời, hằng niệm tọa thiền, chớ có buông lung.”

Bấy giờ Thế Tôn liền nói bài kệ:

Hãy niệm bỏ gánh nặng,

Chớ tạo gánh mới nữa.

 [631c29] Gánh là bệnh thế gian,

Buông gánh, lạc đệ nhất.

Ái kết cũng đã trừ,

Phi pháp hành cũng xả;

Vĩnh viễn xa ly đây,

Không còn tái sinh nữa.

“Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện buông xả gánh nặng. Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 5

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có bốn loại sinh. Những là bốn? Sinh từ trứng, sinh từ thai, sinh từ ẩm, sinh từ hóa. [11]

“Thế nào là sinh từ trứng? Sinh ra từ trứng, các loại như gà, chim, quạ, bồ câu, khổng tước, rắn, cá, kiến; thảy đều là sinh trứng. Đó gọi là sinh trứng.

“Thế nào là sinh từ thai? Người cùng súc sinh, đến loài vật hai chân. Đó gọi là sinh từ thai.

“Thế nào là sinh từ nhân duyên [12]? Những con trùng được sinh từ trong thịt rữa, trùng trong nhà xí, trùng trong thây chết; thảy đều được gọi là sinh từ nhân duyên.

“Thế nào là sinh từ hóa? Đó là các loại trời, địa ngục, ngạ quỉ, hoặc người, hoặc súc sanh. Đó gọi là sinh từ hóa.

“Đó gọi là, này Tỳ-kheo, có bốn loại sinh này. Các Tỳ-kheo lìa bỏ bốn loại sinh này, hãy tìm cầu phương tiện thành tựu pháp bốn đế. Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 6 [13]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Tôn giả Xá-lợi-phất, Tôn giả Mục-kiền-liên ở Ca-lan-đa, trong vườn Trúc, thành La-duyệt.

Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất bảo các Tỳ-kheo:

“Thế gian có bốn hạng người này. Những gì là bốn? Thứ nhất, người có kết tiềm phục; bên trong có kết mà không biết như thật có. [14] Hoặc người có kết tiềm phục; bên trong có kết mà biết như thật có. Hay người không có kết sử tiềm phục; bên trong không có kết mà không biết như thật là không có. Hoặc người không có kết sử tiềm phục; bên trong không kết mà biết như thật là không có.

“Các Hiền giả nên biết, hạng người thứ nhất có kết tiềm phục; bên trong có kết mà không biết; trong hai người có kết này, người này rất thấp hèn. Người thứ hai có kết tiềm phục; bên trong có kết mà biết như thật [632b01] có, người này thật là tối ưu. Người thứ ba không có kết tiềm phục; bên trong không có kết mà không biết như thật; trong hai người không có kết, người này rất là thấp hèn. Người thứ tư không có kết sử tiềm phục; bên trong không kết mà biết như thật; trong người không có kết, thì người này là thật là đệ nhất.

“Các Hiền giả, nên biết, thế gian có bốn hạng người này.”

Bấy giờ Tôn giả Mục-kiền-liên hỏi Xá-lợi-phất:

“Vì lý do gì người cùng có kết tiềm phục, mà một người thì thấp hèn, một người thì tối ưu? Lại vì lý do gì, hai người không kết tiềm phục này, một người thì thấp hèn, một người thì tối ưu?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Người có kết tiềm phục, không biết như thật bên trong có kết, người kia nghĩ thầm, ‘ta đang có tưởng tịnh.’ Người ấy tư duy có tưởng tịnh. Lúc đang có tưởng tịnh, tâm dục khởi. Khi tâm dục khởi, người ấy mạng chung với tâm tham dục, sân nhuế, ngu si. Người ấy đã không tìm cầu phương tiện diệt tâm dục này, mà mạng chung với tâm sân nhuế, ngu si.

“Mục-liên nên biết, giống như có người đến chợ mua được đồ đồng, bụi bặm bám bẩn, rất là bất tịnh. Người kia không tùy thời chịu lau chùi, không tùy thời rửa sạch, đồ đồng kia càng ngày càng thêm ố bẩn, rất là bất tịnh. Người thứ nhất này cũng như vậy, cáu bẩn bám theo, bên trong có kết mà không biết như thật. Người kia nghĩ thầm: ‘Ta sẽ tư duy tưởng tịnh.’ [15] Khi tư duy tưởng tịnh, tâm dục sinh. Khi tâm dục sinh, không tìm cầu phương tiện diệt tâm dục này, người ấy mạng chung với tâm tham dục, sân nhuế, ngu si.

“Người thứ hai kia có kết tiềm phục, mà biết như thật bên trong có kết. Người ấy nghĩ: ‘Nay ta sẽ xả bỏ tưởng tịnh, tư duy tưởng bất tịnh.’ Người kia xả bỏ tưởng tịnh, tư duy tưởng bất tịnh. Khi tư duy tưởng bất tịnh, tâm dục không sinh, tìm cầu phương tiện chứng đắc những gì chưa chứng đắc, đạt được những gì chưa đạt được, thành tựu những gì chưa thành tựu, bèn không còn tham dục, sân nhuế, ngu si. Người ấy mạng chung mà không có kết.

“Giống như có người từ trong chợ mua được đồ đồng dính bám bụi bẩn. Người kia tùy thời lau chùi, tẩy rửa sạch sẽ. Người này cũng như vậy, có kết tiềm phục, mà biết như thật bên trong có kết. Người này liền bỏ tưởng tịnh, tư duy tưởng bất tịnh. Khi tư duy tưởng bất tịnh, người ấy tìm cầu phương tiện chứng đắc những gì chưa chứng đắc, đạt được những gì chưa đạt được, [632b29] tác chứng những gì chưa tác chứng. Người này mạng chung với tâm không dục, không sân nhuế, không ngu si. Này Mục-liên, đó gọi là có hai hạng người có kết tiềm phục này, một người hèn hạ, một người tối ưu.”

Mục-liên nói:

“Lại vì lý do gì khiến hai hạng người không có kết tiềm phục này, một người hèn hạ, một người lại tối ưu?”

Xá-lợi-phất nói:

“Hạng người thứ ba không có kết tiềm phục kia, mà không biết như thật bên trong không có kết. Người ấy không tự tư duy rằng: ‘Ta tìm cầu phương tiện chứng đắc những gì chưa chứng đắc, đạt được những gì chưa đạt được, tác chứng những gì chưa tác chứng.’ Người kia mạng cung với tâm bị trói buộc bởi dục, sân nhuế, ngu si.

“Giống như có người đến chợ mua đồ đồng không [16] bị dính bụi bẩn, nhưng không tùy thời lau chùi, cũng không tùy thời tẩy rửa. Người thứ ba này cũng như vậy, không có kết tiềm phục, mà không biết như thật bên trong không kết, cũng không học điều này: ‘Ta nên tìm cầu phương tiện diệt trừ các kết này.’ Người ấy mạng chung với tâm tham dục, sân nhuế, ngu si.

“Hạng người thứ tư không câu hữu với kết, mà biết như thật bên trong không kết. Người kia tự tư duy tìm cầu phương tiện chứng đắc những gì chưa chứng đắc, đạt được những gì chưa đạt được, tác chứng những gì chưa tác chứng. Người kia mạng chung mà không có kết này.

“Giống như có người đến chợ mua được đồ đồng tốt, rất là tinh sạch, lại thêm tùy thời chăm sóc lau rửa đồ này. Bấy giờ, đồ kia lại càng sạch đẹp. Người thứ tư này lại cũng như vậy, không có kết tiềm phục, biết như thật bên trong không kết. Người kia tự tư duy tìm cầu phương tiện chứng đắc những gì chưa chứng đắc, đạt được những gì chưa đạt được, tác chứng những gì chưa tác chứng. Người kia thân hoại mạng chung không có kết sử tham dục, sân nhuế, ngu si. Này Mục-liên, đó gọi là có hai hạng người này, không có kết tiềm phục, (mà biết nó như thật bên trong không kết,) [17] nhưng một người thì cao quí, một người thì hèn hạ.”

Bấy giờ, Tôn giả Mục-liên hỏi Xá-lợi-phất:

“Vì sao gọi là kết [18]?”

Xá-lợi-phất nói:

“Mục-liên, nên biết, pháp ác bất thiện, khởi các tà kiến, đó gọi là kết. [19]

“Hoặc lại có người nghĩ như vầy, ‘Mong Như Lai hỏi nghĩa ta trước, sau đó mới nói pháp cho các Tỳ-kheo. Chứ Như Lai không hỏi nghĩa Tỳ-kheo khác, mà nói pháp cho các Tỳ-kheo.’ Nhưng lại có lúc Thế Tôn nói với Tỳ-kheo khác mà thuyết pháp, chứ không nói với Tỳ-kheo kia. (Người ấy bèn nghĩ) [20] [633a01] ‘Như Lai thuyết pháp. Nhưng Như Lai không nói với ta mà lại thuyết pháp cho các Tỳ-kheo.’ Do vậy, hoặc có bất thiện, hoặc có tham dục. Đã có bất thiện lại có tham dục, cả hai đều bất thiện. [21]

“Hoặc lại có lúc Tỳ-kheo nghĩ như vầy: ‘Mong khi vào thôn khất thực ta thường đi phía trước các Tỳ-kheo. Chớ để Tỳ-kheo khác đi phía trước các Tỳ-kheo khi vào thôn khất thực.’ Nhưng có lúc Tỳ-kheo khác đi phía trước khi vào thôn khất thực, không để Tỳ-kheo kia đi phía trước các Tỳ-kheo khi vào thôn khất thực. (Tỳ-kheo ấy bèn nghĩ:) ‘Ta không đi phía trước Tỳ-kheo khi vào thôn khất thực.’ Đã có bất thiện, lại có tham dục, cả hai đều bất thiện.

“Mục-liên, nên biết, hoặc có lúc Tỳ-kheo nghĩ như vầy: ‘Mong ta ngồi phía trước Tỳ-kheo, nhận nước trước, được thức ăn trước; chớ để Tỳ-kheo khác ngồi trước Tỳ-kheo, nhận nước trước, được thức ăn trước.’ Nhưng lại có Tỳ-kheo khác ngồi phía trước Tỳ-kheo, nhận nước trước, được thức ăn trước, không để Tỳ-kheo kia ngồi trước các Tỳ-kheo, nhận nước trước, được thức ăn trước. (Tỳ kheo ấy bèn nghĩ:) ‘Ta không ngồi phía trước Tỳ-kheo; không nhận nước trước, không được thức ăn trước.’ Đã có bất thiện lại có tham dục, cả hai đều bất thiện.

“Hoặc lại có lúc Tỳ-kheo nghĩ như vầy: ‘Mong khi ăn xong, ta nói pháp cho đàn việt. Chớ để Tỳ-kheo khác nói pháp cho đàn việt sau khi ăn xong.’ Nhưng có lúc Tỳ-kheo khác nói pháp cho đàn việt sau khi ăn xong, chứ không để cho Tỳ-kheo kia nói pháp cho đàn việt sau khi ăn xong. (Tỳ-kheo ấy bèn nghĩ:) “Ta không được thuyết pháp cho đàn việt sau khi ăn xong.’ Đã có bất thiện lại có tham dục, cả hai đều bất thiện.

“Hoặc lại có lúc, Tỳ-kheo nghĩ như vầy: ‘Mong ta đến nói pháp cho trưởng giả, bà-la-môn ở trong vườn. [22] Chớ để cho Tỳ-kheo khác đến nói pháp cho trưởng giả, bà-la-môn ở trong vườn. Nhưng có lúc Tỳ-kheo khác đến trong vườn nói pháp cho trưởng giả, bà-la-môn, không để Tỳ-kheo ấy đến trong vườn nói pháp cho trưởng giả, bà-la-môn. (Tỳ kheo ấy bèn nghĩ:) ‘Ta không đến trong vườn nói pháp cho trưởng giả, bà-la-môn.’ Đã có bất thiện, lại có tham dục, cả hai đều bất thiện.

“Hoặc có lúc Tỳ-kheo nghĩ như vầy: ‘Nay ta phạm giới. Cầu mong các Tỳ-kheo không biết ta phạm giới.’ Nhưng lại có lúc Tỳ-kheo kia phạm giới, mà các Tỳ-kheo biết Tỳ-kheo này phạm giới. Đã có bất thiện lại có tham dục, cả hai đều [633b01] bất thiện.

“Hoặc có lúc Tỳ-kheo nghĩ như vầy: ‘Nay ta phạm giới. Chớ để Tỳ-kheo khác nói rằng ta phạm giới.’ Nhưng lại có lúc, Tỳ-kheo ấy phạm giới, Tỳ-kheo khác nói Tỳ kheo ấy phạm giới. (Tỳ-kheo ấy nghĩ rằng:) ‘Các Tỳ-kheo khác nói ta phạm giới.’ Đã có bất thiện lại có tham dục, cả hai đều bất thiện.

“Hoặc lại có lúc Tỳ-kheo kia nghĩ như vầy: ‘Nay ta phạm giới. Mong Tỳ-kheo thanh tịnh nói với ta; không để Tỳ-kheo không thanh tịnh nói với ta.’ [23] Nhưng lại có lúc Tỳ-kheo không thanh tịnh nói Tỳ-kheo kia rằng Tỳ-kheo kia phạm giới. Đã có bất thiện lại có tham dục, cả hai đều bất thiện.

“Hoặc có lúc Tỳ-kheo nghĩ như vầy: ‘Nay ta phạm giới, nếu có Tỳ-kheo nào nói với ta, nên ở nơi khuất kín, không ở giữa đại chúng.’ Nhưng lại có lúc, Tỳ-kheo kia phạm giới, bị nói tội ở giữa đại chúng, không ở nơi khuất kín. Đã có bất thiện lại có tham dục, cả hai đều bất thiện.

“Mục-liên, nên biết, gốc của các pháp này khởi dậy các hành vi này, gọi là kết sử.

“Mục-liên, lại nên biết, những ai trong chúng bốn bộ mà phạm các hành vi, mọi người đều nghe, đều biết phạm, tuy người đó có nói rằng tôi hành a-lan-nhã, sống ở nơi nhàn tịnh, và ngay dù có khoác y năm mảnh, thường hành khất thực không lựa giàu nghèo, đi không thô tháo, qua lại, đi dừng, nằm ngồi, động tịnh, nói năng, im lặng. Nhưng Tỳ-kheo ấy lại nghĩ như vầy: ‹Mong Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-tư, các vị phạm hạnh luôn đến cung kính cúng dường ta.› Tỳ-kheo ấy tuy có nghĩ vậy, song cũng không được chúng bốn bộ tùy thời cung kính cúng dường. Vì sao? Vì Tỳ-kheo kia có ác, bất thiện hành chưa được trừ, mà mọi người đều thấy, đều nghe, đều niệm, đều biết. Giống như người có đồ đồng thật sạch sẽ; lại đựng đầy đồ bất tịnh trong bình đồng, rồi dùng đồ khác phủ lên rồi mang đi vào quốc giới. Mọi người thấy hỏi người kia rằng: ‹Anh mang vật gì vậy? Chúng tôi muốn được thấy qua.› Khi ấy mọi người vốn đã đói kém, kêu lên rằng: ‹Ồ! Đây là đồ ăn thức uống ngon.› Rồi họ mở nắp đậy ra, mọi người đều trông thấy đồ bất tịnh. Ở đây, Tỳ-kheo cũng lại như vậy. Tuy có hành a-lan-nhã, tùy thời khất thực, mặc y năm mảnh, chánh thân chánh ý, buộc niệm ở trước. Người ấy tuy có ý nghĩ này: ‹Mong sao các vị phạm hạnh tùy thời đến cung kính cúng dường.’ Nhưng [633c01] các vị phạm hạnh lại không tùy thời cung kính cúng dường. Vì sao? Vì Tỳ-kheo kia có pháp ác, bất thiện, kết sử, mà chưa diệt tận.

“Mục-liên, nên biết, những Tỳ-kheo nào không có pháp ác, bất thiện; kết sử đã diệt tận, mà mọi người đều thấy, đều nghe, đều niệm, đều biết; vị ấy dù sống bên thành ấp cũng vẫn là người trì pháp. Hoặc được người thỉnh mời, hoặc nhận được sự cúng dường của các gia chủ. Nhưng Tỳ-kheo ấy không có tưởng tham dục này. Khi ấy chúng bốn bộ và các đồng phạm hạnh đều đến cúng dường. Vì sao? Vì hành vi của Tỳ-kheo kia thanh tịnh, mà mọi người đều thấy, đều nghe, đều niệm, đều biết.

“Giống như người có bình đồng tốt, đựng đầy đồ ăn thức uống, mùi vị rất thơm, lại lấy nắp đậy lên, rồi mang đi vào quốc giới. Mọi người thấy, hỏi người kia rằng: ‹Đây là vật gì? Chúng tôi muốn được xem qua.’ Rồi sau đó mở ra xem, thấy đồ ăn thức uống, cùng lấy ăn. Ở đây cũng như vậy, Tỳ-kheo được thấy, được nghe, được niệm, được biết, tuy đi ở bên thành ấp nhận sự cúng dường của gia chủ, nhưng không nghĩ: ‹Mong sao các đồng phạm hạnh đến cúng dường.’ Tuy vậy, các đồng phạm hạnh đều đến cung kính cúng dường. Vì sao? Vì Tỳ-kheo kia có ác bất thiện hành đã được tận trừ. Cho nên, Mục-liên do các hành này, nên gọi là kết sử.”     
Bấy giờ, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên khen:

“Lành thay, lành thay, Xá-lợi-phất! Sự việc như vầy. Xưa kia tôi trú tại Ca-lan-đà, trong Trúc lâm, thành La-duyệt này; đến giờ, tôi khóac y ôm bát vào thành La-duyệt khất thực, đến nhà thợ làm xe kia, đứng im lặng ở ngoài cửa. Lúc ấy, người thợ kia tay cầm búa đẽo gỗ. Bấy giờ lại có người thợ già, có chút việc đến nhà người thợ này. Khi người thợ kia đang sửa bản gỗ thì người thợ già này nảy sinh ý nghĩ: ‹Người thợ trẻ đẽo gỗ này như ý ta chăng?› Nay ta phải xem qua. Lúc ấy, những chỗ không vừa ý người thợ kia đã được người thợ này đẽo hết. Người thợ già kia rất lấy làm hoan hỷ, nghĩ rằng: ‹Hay thay, hay thay! Bạn đẽo gỗ thật là vừa ý ta.› Ở đây cũng như vậy, các Tỳ-kheo mà tâm không nhu hòa, bỏ hạnh Sa-môn, ôm lòng gian ngụy, không theo pháp Sa-môn, tánh hạnh thô tháo, không biết tàm quý, mặt trơ chịu nhục mà làm hành vi thấp hèn, không có dũng mãnh, hoặc hay quên lãng nhiều, không nhớ những gì đã làm, tâm ý không định, hành động [634a01] nhầm lẫn, các căn không định; nhưng vị ấy nay được Tôn giả Xá-lợi-phất quán sát tánh hạnh mà sửa chữa.

“Có nhiều vị thiện gia nam tử, do lòng tin kiên cố, xuất gia học đạo, rất cung kính giới, không bỏ pháp Sa-môn Hiền thánh, không có huyễn ngụy, không hành thô tháo, tâm ý nhu hòa, nói luôn nở nụ cười, không tổn thương ý người, tâm thường nhất định, không có thị phi, các căn không loạn; những vị ấy nghe Tôn giả Xá-lợi-phất nói xong, liền tự vâng lãnh, cũng không để quên sót.

“Giống như, hoặc có người nam hay người nữ nào xinh đẹp vô song, tự tắm gội, mặc y phục mới, dùng hương thoa người. Lại có người đem hoa ưu-bát đến tặng cho. Người kia được hoa, liền đội lên đầu, vui mừng hớn hở không tự chế được. Ở đây cũng lại như vậy, nếu có vị thiện gia nam tử nào, do lòng tin kiên cố, xuất gia học đạo, đối với giới cung kính, không để mất pháp Sa-môn, không có huyễn ngụy, không hành thô tháo, tâm ý nhu hòa, nói luôn nở nụ cười, không tổn thương ý người, tâm thường nhất định, không có thị phi, các căn không loạn. Người ấy nghe Tôn giả Xá-lợi-phất nói những lời này rồi, lòng thật vui mừng không tự chế được, mà vâng lãnh lời dạy này. Như vậy, Ngài nói giáo pháp này cho các vị thiện gia nam tử.”

Các Hiền giả mỗi người sau khi nghe những gì đã được nói, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 7

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có bốn loại trái này. [24] Những gì là bốn? Hoặc có trái sống mà tựa chín, hoặc có trái chín mà tựa sống, hoặc có trái chín mà tựa chín, hoặc có trái sống mà tựa sống. Đó là, này Tỳ-kheo thế gian có bốn loại trái này. Cũng lại như vậy, thế gian có bốn hạng người này. Thế nào là bốn? Hoặc có người sống mà giống chín, hoặc có người chín mà giống sống, hoặc có người chín mà giống chín, hoặc có người sống mà giống sống.

“Thế nào là người sống mà giống chín? Hoặc có người qua lại, đi bước không hành thô tháo. Mắt nhìn ngó phải thuận theo pháp giáo. Đắp y, mang bát cũng lại theo pháp. Bước đi, nhìn xuống đất, không liếc nhìn hai bên. Nhưng lại phạm giới, không theo chánh hạnh; thật chẳng phải sa-môn mà giống sa-nôm; không hành phạm hạnh mà tự nói hành phạm hạnh; bại hoại Chánh pháp; là loại mà rễ đã mục. Người này [634b01] gọi là sống mà giống chín. [25]

“Thế nào là người chín mà giống sống? Hoặc có Tỳ-kheo tánh hạnh có vẻ quê mùa, nhìn ngó không ngay, cũng không đi đúng theo pháp, hay liếc ngó hai bên. Nhưng lại tinh tấn nghe nhiều, tu hành pháp thiện, thường giữ giới luật, không mất oai nghi, thấy điều phi pháp tí ti liền ôm lòng sợ hãi. Người này gọi là chín mà giống sống.

“Thế nào là người sống mà giống sống? Hoặc có Tỳ-kheo không giữ giới cấm, không biết lễ tiết bước đi, cũng lại không biết ra vào đi lại, cũng lại không biết đắp y, mang bát, các căn thác loạn, tâm đắm trước sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Người ấy phạm giới cấm, không hành Chánh pháp, không là sa-môn mà giống sa-môn, không hành phạm hạnh mà giống phạm hạnh; là người mà rễ đã mục không thể cứu chữa. Người này gọi là sống mà giống sống.

“Thế nào là người chín mà giống chín? Hoặc có Tỳ-kheo giữ gìn giới cấm, ra vào, đi bước, không mất thời tiết, nhìn ngó không mất oai nghi, lại rất tinh tấn tu hành pháp thiện, mọi oai nghi lễ tiết đều thành tựu, thấy điều phi pháp tí ti liền ôm lòng sợ hãi huống chi là to lớn. Người này gọi là chín mà giống chín.

“Này Tỳ-kheo, đó gọi là thế gian có (bốn) hạng người như bốn loại trái này. Hãy học người quả chín. Này các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 8

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Hôm nay, không trung có gió lốc xoáy. Nếu như có con chim nào lại bay đến đó, như ô thước, hồng hộc, gặp gió này thì đầu, não, lông cánh, mỗi thứ mỗi nơi. Ở đây, một Tỳ-kheo cũng lại như vậy, bỏ giới cấm rồi sống đời bạch y. Khi ấy, sáu vật tùy thân như ba y, bình bát, ống đựng kim, v.v.., thuộc mỗi thứ ở mỗi nơi, giống như gió lốc xoáy thổi chết chim kia. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy tu hành phạm hạnh. Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Sau khi nghe những gì đức Phật dạy, các Tỳ-kheo hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 9

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Tỳ-kheo nên biết, có bốn loại chim này. Những gì là bốn? Hoặc có chim tiếng hót hay mà hình thì xấu. Hoặc có chim hình [634c01] đẹp, mà tiếng hót thì dở. Hoặc có chim tiếng hót dở mà hình cũng xấu. Hoặc có chim hình đẹp, tiếng hót cũng hay.

“Thế nào là chim có tiếng hót hay mà hình thì xấu? Đó là chim câu-sí-la. [26] Chim này tiếng hay mà hình thì xấu.

“Thế nào là chim hình đẹp mà tiếng hót dở? Đó là chim chí. [27]Chim này có hình đẹp mà tiếng hót dở.

“Thế nào là chim có tiếng hót dở mà hình thì đẹp? Đó là chim cú. Chim này có tiếng hót dở hình cũng xấu.

“Lại có chim gì tiếng hót hay hình cũng đẹp? Đó là chim công. Chim này có tiếng hót hay hình cũng đẹp.

“Tỳ-kheo, đó gọi là có bốn loại chim này, mà mọi người đều biết. Ở đây cũng vậy, thế gian cũng có bốn hạng người như chim, mà mọi người đều biết.

“Những gì là bốn? Ở đây, hoặc có Tỳ-kheo nhan sắc đoan chánh, ra vào đi lại, đắp y mang bát, co duỗi, cúi ngước, oai nghi thành tựu, nhưng lại không thể đọc tụng được những pháp mà khoảng đầu thiện, giữa thiện, cuối thiện; không thể vâng lãnh giáo pháp, cũng lại không thể khéo đọc tụng. Đó là người này có hình đẹp mà tiếng không hay.

“Lại có những người nào mà tiếng hay nhưng hình xấu? Hoặc có Tỳ-kheo, ra vào, đi lại, co duỗi, cúi ngước, đắp y mang bát, mà không thành tựu oai nghi; nhưng hằng thích nói rộng. Người ấy lại siêng năng trì giới, nghe pháp, có khả năng biết những điều học, nghe nhiều những pháp mà khoảng đầu thiện, giữa thiện, cuối thiện, nghĩa lý sâu xa, tu phạm hạnh đầy đủ. Hơn nữa, đối pháp kia, khéo thọ trì, khéo đọc tụng. Người này gọi là có tiếng hay mà hình xấu.

“Lại có những người nào có tiếng dở mà hình cũng xấu? Hoặc có người phạm giới, không siêng năng, không nghe nhiều, những gì đã nghe liền quên. Cần phải đầy đủ phạm hạnh ở trong pháp này, nhưng người không vâng lãnh. Người này gọi là tiếng dở mà hình cũng xấu.

“Lại có những người nào có tiếng hay, hình cũng đẹp? Hoặc có Tỳ-kheo tướng mạo đoan chánh, ra vào, đi lại, đắp y, mang bát, không nhìn ngó hai bên; rồi lại siêng năng tu hành thiện pháp, giới luật đầy đủ, thấy điều phi pháp nhỏ còn luôn ôm lòng sợ hãi huống nữa là lớn, cũng lại nghe nhiều, ghi nhận không quên; lại tu hành tốt đẹp những pháp mà khoảng đầu thiện, giữa thiện, cuối thiện. Người ấy khéo thọ trì, đọc tụng pháp như vậy. Pháp như vậy khéo đọc tụng. Người này gọi là tiếng hay thân cũng đẹp.

“Đó gọi là thế gian có bốn hạng người này ở đời, mà mọi người đều biết. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy học tiếng hay, hình cũng đẹp. Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Sau khi nghe những gì đức Phật dạy, các Tỳ-kheo hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 10

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có bốn loại mây. [28] Những gì là bốn? Hoặc có mây, sấm mà không mưa. Hoặc có mây, mưa mà không sấm. Hoặc có mây, vừa mưa vừa sấm. Hoặc có mây cũng không mưa cũng không sấm. Đó gọi là bốn loại mây.

“Thế gian có bốn hạng người giống như mây. Những gì là bốn hạng người? Hoặc có Tỳ-kheo sấm mà không mưa. Hoặc có Tỳ-kheo mưa mà không sấm. Hoặc có Tỳ-kheo cũng không mưa cũng khộng sấm. Hoặc có Tỳ-kheo cũng mưa cũng sấm.

“Thế nào là Tỳ-kheo sấm mà không mưa? Hoặc có Tỳ-kheo lớn tiếng tập tụng Khế kinh, Kỳ dạ, Thọ quyết, Kệ, Bổn mạt, Nhân duyên, Dĩ thuyết, Sanh kinh, Tụng, Phương đẳng, Vị tằng hữu pháp, Thí dụ; những pháp như vậy khéo đọc tụng, không mất nghĩa nó, nhưng không rộng nói pháp cho người khác. Người này gọi là sấm mà không mưa. [29]

“Thế nào là Tỳ-kheo mưa mà không sấm? Hoặc có Tỳ-kheo có tướng mạo đoan chánh, oai nghi ra vào, đi lại, tới dừng đều biết tất cả, tu tất cả pháp thiện không mảy may để mất; song không nghe nhiều, cũng không lớn tiếng đọc tụng, lại không tu hành Khế kinh, Kỳ dạ, Thọ quyết, Kệ, Bổn mạt, Nhân duyên, Thí dụ, Sanh kinh, Phương đẳng, Vị tằng hữu pháp, song theo người khác vâng lãnh cũng không quên mất, thích cùng theo với thiện tri thức. Nhưng cũng thích nói pháp cho người khác. Người này gọi là mưa mà không sấm. [30]

“Thế nào là Tỳ-kheo cũng không mưa cũng lại không sấm? Hoặc có người tướng mạo không đoan chánh, oai nghi ra vào, đi lại, tiến dừng tất cả đều thiếu sót, không tu các pháp thiện, mà lại không nghe nhiều, cũng không lớn tiếng đọc tụng, lại không tu hành Khế kinh cho đến Phương đẳng, cũng lại không vì người khác nói pháp. Người này gọi là cũng không mưa cũng không sấm.

“Thế nào là Tỳ-kheo cũng mưa cũng sấm? Hoặc có người tướng mạo đoan chánh, oai nghi ra vào, đi lại, tiến dừng biết rõ tất cả, ưa thích học vấn, những gì đã nhận không quên, cũng thích nói pháp cho người khác. Khuyến khích người khác khiến họ vâng lãnh. Người này gọi là cũng sấm cũng mưa.

“Tỳ-kheo, đó gọi là thế gian có bốn hạng người này. Cho nên, Tỳ-kheo hãy học điều này.”

Sau khi nghe những gì đức Phật dạy, các Tỳ-kheo hoan hỷ phụng hành.

Kệ tóm tắt:

Đế, nhiêu ích, A-nan,

Gánh nặng, bốn sanh, kết;

Bốn quả, gió lốc xoáy,

Bốn chim, sấm sau cùng. [31]

26. PHẨM BỐN Ý ĐOẠN

KINH SỐ 1

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Giống như núi sông, vách đá, trăm cỏ, ngũ cốc, đều nương trên đất mà được tăng trưởng lớn mạnh. Vì vậy, đất này là tối tôn tối thượng. Ở đây cũng vậy, các pháp đạo phẩm thiện, trụ trên đất không phóng dật, khiến các pháp thiện được tăng trưởng lớn mạnh. Tỳ-kheo không phóng dật tu bốn chánh đoạn, [32] tu tập nhiều bốn chánh đoạn. Những gì là bốn? Ở đây, Tỳ-kheo, pháp tệ ác chưa sanh, tìm cầu phương tiện khiến không cho sanh, tâm không rời xa, hằng muốn khiến nó không sanh [33]. Pháp tệ ác đã sanh, tìm cầu phương tiện khiến diệt [34], tâm không xa lìa, hằng muốn khiến diệt. Pháp thiện chưa sanh, tìm cầu phương tiện khiến sanh. Pháp thiện đã sanh, tìm cầu phương tiện khiến tăng nhiều, không để thoái thất, tu hành đầy đủ, tâm ý không quên.

“Tỳ-kheo, tu bốn chánh đoạn như vậy. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện tu bốn chánh đoạn. Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Các Tỳ kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 2

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Tỳ-kheo nên biết, có nhiều túc tán quốc vương [35] và các đại vương cùng đến phụ cận Chuyển luân Thánh vương. Đối với họ, Chuyển luân Thánh vương là tối tôn tối thượng. Ở đây cũng vậy, trong các thiện của ba mươi bảy pháp đạo phẩm, pháp không phóng dật là tối đệ nhất. Không phóng dật, Tỳ-kheo tu bốn chánh đoạn, tu nhiều bốn chánh đoạn? Ở đây, Tỳ-kheo, pháp tệ ác chưa sanh, tìm cầu [635c01] phương tiện khiến không cho sanh, tâm không rời xa, hằng muốn khiến nó không sanh*. Pháp tệ ác đã sanh, tìm cầu phương tiện khiến diệt*, tâm không xa lìa, hằng muốn khiến diệt. Pháp thiện chưa sanh, tìm cầu phương tiện khiến sanh. Pháp thiện đã sanh, tìm cầu phương tiện khiến tăng nhiều, không để thoái thất, tu hành đầy đủ, tâm ý không quên. Như vậy, các Tỳ-kheo tu bốn chánh đoạn như vậy. Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Các Tỳ kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 3

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các tỳ-kheo:

“Trong những ánh sáng tinh tú, ánh sáng mặt trăng là tối thượng đệ nhất. Ở đây cũng như vậy, trong những công đức thiện của ba mươi bảy pháp đạo phẩm, hành không phóng dật là đệ nhất tối tôn tối quý. Không phóng dật, Tỳ-kheo tu bốn chánh đoạn, tu nhiều bốn chánh đoạn. Ở đây, Tỳ-kheo, pháp tệ ác chưa sanh, tìm cầu phương tiện khiến không cho sanh, tâm không rời xa, hằng muốn khiến nó không sanh*. Pháp tệ ác đã sanh, tìm cầu phương tiện khiến diệt*, tâm không xa lìa, hằng muốn khiến diệt. Pháp thiện chưa sanh, tìm cầu phương tiện khiến sanh. Pháp thiện đã sanh, tìm cầu phương tiện khiến tăng nhiều, không để thoái thất, tu hành đầy đủ, tâm ý không quên. Như vậy, các Tỳ-kheo tu bốn chánh đoạn như vậy. Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Các Tỳ kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 4

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Trong các loại hoa như hoa chiêm bặc, [36] hoa tu-ma-na [37] trên chư thiên giữa loài người, hoa bà-sư [38] là tối đệ nhất. Ở đây cũng lại như vậy, trong những công đức thiện của ba mươi bảy pháp đạo phẩm, hành không phóng dật là đệ nhất tối tôn tối quý. Không phóng dật, Tỳ-kheo tu bốn chánh đoạn, tu nhiều bốn chánh đoạn? Ở đây, Tỳ-kheo, pháp tệ ác chưa sanh, tìm cầu phương tiện khiến không cho sanh, tâm không rời xa, hằng muốn khiến nó không sanh*. Pháp tệ ác đã sanh, tìm cầu phương tiện khiến diệt*, tâm không xa lìa, hằng muốn khiến diệt. Pháp [636a01] thiện chưa sanh, tìm cầu phương tiện khiến sanh. Pháp thiện đã sanh, tìm cầu phương tiện khiến tăng nhiều, không để thoái thất, tu hành đầy đủ, tâm ý không quên. Như vậy, các Tỳ-kheo tu bốn chánh đoạn như vậy. Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Các Tỳ kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 5 [39]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc thắng xe lông chim ra khỏi thành Xá-vệ đến tinh xá Kỳ-hoàn muốn hầu Thế Tôn. Theo pháp thường, các vua có năm thứ nghi trượng. Vua bỏ hết sang một bên, đến trước Thế Tôn, đảnh lễ sát chân rồi ngồi qua một bên. Bấy giờ, Thế Tôn bảo vua:

“Đại vương nên biết, thế gian có bốn hạng người xuất hiện ở đời. Những gì là bốn? Hoặc có người trước tối sau sáng. Hoặc có người trước sáng sau tối. Hoặc có người trước tối sau tối. Hoặc có người trước sáng sau sáng. [40]

“Thế nào là người trước tối sau sáng? Ở đây, hoặc có người sinh vào nhà ti tiện, như dòng Chiên-đà-la, dòng hàng thịt, [41] dòng thợ thuyền, hoặc sinh nhà dâm dật, hoặc không mắt, hoặc không chân tay, hoặc thường gót chân trần, [42] hoặc các căn thác loạn. Nhưng thân, miệng hành pháp thiện, ý nghĩ pháp thiện. Người này gặp sa-môn, bà-la-môn, các bậc trưởng giả, thường niệm lễ bái, không mất thời tiết, đứng dậy nghinh đón, đứng dậy tiễn đưa, trước cười sau nói, tuỳ thời cung cấp. Hoặc có lúc, gặp người ăn xin, hay sa-môn, bà-la-môn, người đi đường, người nghèo thiếu, nếu có tiền của thì đem giúp cho họ. Nếu không có của cải, người đó đến nhà trưởng giả cầu xin giúp đỡ cho. Hoặc gặp người khác giúp đỡ liền sinh lòng hoan hỷ hớn hở không tự chế. Người thân hành pháp thiện, miệng tu pháp thiện, ý nghĩ pháp thiện, thân hoại mạng chung sẽ sinh cõi thiện, trên trời. Giống như có người từ đất lên giường, từ giường lên ngựa, từ ngựa cỡi voi, từ voi vào giảng đường. Do vậy, nay Ta nói, người này trước tối sau sáng. Đại vương, như vậy, người này gọi là trước tối sau sáng.

“Thế nào là người trước sáng sau tối? Ở đây, hoặc có người sinh vào gia tộc lớn, hoặc dòng sát-lợi, dòng trưởng giả, [43] dòng bà-la-môn, nhiều của, nhiều báu vật vàng bạc, trân bảo, xa cừ, mã não, thuỷ tinh, lưu ly, tôi tớ, nô tì không thể kể hết; voi, ngựa, heo, dê, tất cả đầy đủ. Tướng mạo người này xinh đẹp như màu hoa đào, nhưng người này lại thường ôm lòng tà kiến, tương ưng với biên kiến, có kiến chấp như vầy: ‹Không có bố thí, không có thọ nhận, không có vật cúng thí cho tiền nhân, [44] cũng không có quả báo thiện ác, cũng không có đời này đời sau, cũng không có người đắc đạo, đời không A-la-hán đáng thờ kính, đời này đời sau có thể tác chứng.› [45].  Nếu gặp Sa-môn, Bà-la-môn, họ liền nổi sân hận, không lòng cung kính. Nếu thấy người khác bố thí, lòng họ không vui vẻ; những tạo tác của thân, miệng, ý không quân bình. [46] Do tạo các hành vi phi pháp, người này thân hoại mạng chung sinh vào địa ngục. Giống như có người từ giảng đường xuống voi, từ voi xuống ngựa, từ ngựa xuống giường, từ giường xuống đất. Vì thế,  nên Ta nói người này như vậy Đại vương, nghĩa là người này trước sáng sau tối.

“Thế nào là người từ tối đến tối? Có người sinh nhà ti tiện, hoặc nhà Chiên-đà-la, hoặc nhà hàng thịt, hoặc nhà cùng cực thấp hèn. Người này đã sinh vào đây, có khi các căn ắt không đủ, tướng mạo xấu xí, mà người này lại thường ôm tà kiến, có kiến chấp như vầy: ‹Không có đời này, đời sau, không Sa-môn, Bà-la-môn, cũng không người đắc đạo, cũng không A-la-hán đáng thờ kính, cũng không đời này đời sau có tác chứng.› Nếu gặp sa-môn, bà-la-môn, họ liền nổi sân hận, không lòng cung kính. Nếu thấy người đến bố thí, lòng không vui vẻ, những tác hành của thân, miệng, ý không bình đẳng, phỉ báng thánh nhân, huỷ nhục Tam tôn [47]. Người đó đã không giúp tự mình bố thí, thấy người khác bố thí, lòng rất sân hận. Vì đã tạo hành sân nhuế, nên thân hoại mạng chung sinh vào địa ngục. Giống như người từ tối đến tối, từ lửa bừng đến lửa bừng, bỏ trí tới ngu. Do vậy mà nói, người này có thể gọi là trước tối sau tối. Đại vương nên biết, cho nên gọi người này là từ tối đến tối.

“Thế nào là người từ sáng đến sáng? Hoặc có người sinh vào nhà vọng tộc, hoặc dòng sát-lợi, hoặc nhà quốc vương, hoặc nhà đại thần, nhiều của, lắm vật báu không thể kể hết, mà người kia tướng mạo lại xinh đẹp như màu hoa đào, người này thường có chánh kiến, tâm không thác loạn. Người ấy có những chánh kiến này: ‹Có thí, có phước, có người nhận, có báo quả thiện ác, có đời này đời sau, có Sa-môn, Bà-la-môn.› Vả lại, người này, nếu gặp sa-môn, bà-la-môn khởi lòng cung kính, vui hiện nhan sắc. Tự thân thường thích bố thí, lại cũng khuyên người khiến thực hành bố thí. Nếu ngày nào bố thí thì lòng thường hớn hở không kiềm chế được. Họ thân hành thiện, miệng hành thiện, ý hành thiện, nên thân hoại mạng chung sinh về cõi thiện. Giống như có người từ giảng đường đến giảng đường, từ cung đến cung. Do vậy mà nói, nay Ta nói người này từ sáng đến sáng. Đại vương, đó là thế gian có bốn hạng người này.”

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:

Vua nên biết, người nghèo

Có tín, thích bố thí;

Gặp Sa-môn, Bà-la,

Cùng những người đáng thí;

Thường đứng dậy đón, tiếp;

Lại khuyên bảo chánh kiến;

Lúc thí, thật vui mừng;

Không trái điều người xin.

Người kia là bạn tốt,

Quyết không làm hạnh ác,

Thường thích hành chánh kiến,

Hay nghĩ cầu pháp thiện.

Đại vương như người kia,

Lúc chết, nơi sinh về,

Quyết sinh trời Đâu-suất.

Trước tối mà sau sáng.

Như người hết sức giàu,

Không tín, hay sân hận,

Lòng tham lam, khiếp nhược,

Tà kiến mà không đổi;

Gặp sa-môn, bà-la-môn,

Cùng những người ăn xin,

Thường chửi mắng, nhiếc móc;

Tà kiến, nói không có;

Thấy thí, nổi sân giận;

Không muốn có người thí;

Người kia hành rất tệ,

Tạo mọi nguồn gốc ác.

Những người kia như vậy,

Đến khi mạng sắp chết,

Sẽ sinh vào địa ngục:

Trước sáng mà sau tối.

Như có người bần tiện,

Không tín, hay sân hận;

Tạo mọi hành bất thiện;

Tà kiến không chánh tín;

Nếu gặp vị sa-môn,

Cùng người đáng thừa sự,

 [637a0]Mà luôn khinh huỷ họ;

Xan tham không tín tâm;

Lúc cho mà không vui;

Thấy người cho cũng vậy.

Hành vi người kia làm,

Không dẫn đến an vui.

Những hạng người như vậy,

Cho đến khi mạng chung

Sinh vào trong địa ngục:

Trước tối sau cũng tối.

Như người rất có của;

Có tín, thích bố thí,

Chánh kiến, không niệm quấy,

Thường thích cầu pháp thiện.

Nếu thấy các đạo sĩ,

Những người đáng bố thí,

Đứng dậy cung kính đón,

Học tập theo chánh kiến,

Khi cho thật hoà vui,

Thường niệm tưởng bình đẳng;

Bố thí không tiếc lẫn,

Không trái với lòng người.

Người ấy sống [48] lương thiện,

Không tạo mọi phi pháp.

Nên biết người như vậy,

Đến khi mạng sắp chết

Quyết sinh chỗ tốt lành:

Trước sáng mà sau sáng.

“Cho nên Đại vương, hãy học trước sáng mà sau sáng, chớ nên học trước sáng mà sau tối. Đại vương, nên học điều này như vậy.”   
Sau khi vua Ba-tư-nặc đã nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 6

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, tôn giả A-nan đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân rồi đứng qua một bên. Sau đó không lâu lại lấy hai tay sờ chân Như Lai, rồi dùng miệng hôn lên chân Như Lai, mà nói như vầy:

“Thân thể của đấng Thiên Tôn vì sao thế này? Thân nhăn quá vậy! Thân Như Lai không như xưa.”

Thế Tôn bảo:

“Thật vậy, A-nan, như những gì ông nói. Nay thân Như Lai, da thịt đã nhăn, thân thể hiện tại không như xưa. Sở dĩ như vậy là vì, phàm có thân thể là bị bệnh thúc ép. Đáng bệnh, chúng sanh bị bệnh vây khốn; đáng chết, chúng sanh bị chết bức bách. Nay Như Lai tuổi đã suy vi, đã hơn 80.”          
A-nan nghe những lời này, buồn khóc nghẹn ngào không tự nén được lời liền nói lời này:

“Than ôi! Sự già đã đến đây rồi!”

Bấy giờ, đã đến giờ, Thế Tôn khóac y mang bát vào thành Xá-vệ khất [637b01] thực. Thế Tôn đi khất thực, lần hồi đến cung vua Ba-tư-nặc. Trong lúc đó, trước cửa của vua Ba-tư-nặc có vài mươi chiếc xe hư cũ bị bỏ một bên. Tôn giả A-nan thấy những cỗ xe bị vất ở một bên như vậy, liền bạch Thế Tôn:

“Đây là những chiếc xe của vua Ba-tư-nặc. Ngày xưa, lúc mới làm thật là tinh xảo, nhưng ngày nay trông chúng cũng như màu gạch đá.”

Thế Tôn bảo:

“Thật vậy, A-nan, như những gì ngươi đã nói. Những chiếc xe như đang được thấy đây, xưa kia thật là tinh xảo, làm bằng vàng bạc. Ngày nay đã hư hỏng, không thể dùng được nữa. Vật bên ngoài còn hư hoại như vậy, huống chi là bên trong.”           

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:          

Ôi! Già, bệnh, chết này,

Hoại người sắc cực thịnh.

Lúc đầu tâm hoan lạc,

Nay bị chết bức bách.

Dù tuổi thọ trăm năm

Đều qui về cái chết.

Không ai thoát khổ này;

Hết thảy về đường này.

Những gì có trong thân,

Bị chết rượt đuổi đi.

Bốn đại ở bên ngoài

Đều quay về gốc không.

Cho nên cầu không chết,

Chỉ có về Niết-bàn;

Nơi không chết không sinh

Đều không các hành này.

Bấy giờ, Thế Tôn liền tới chỗ vua Ba-tư-nặc. Vua Ba-tư-nặc bày biện đồ ăn thức uống cúng dường Thế Tôn. Thấy Thế Tôn đã ăn xong, vua liền lấy một ghế nhỏ ngồi trước Như Lai, bạch Thế Tôn:

“Sao vậy, Thế Tôn, hình thể của chư Phật đều là kim cương, mà cũng phải chịu già, bệnh, chết sao?”

Thế Tôn bảo:

“Thật vậy, Đại vương, như lời Đại vương. Như Lai cũng phải có sinh, già, bệnh, chết. Nay Ta cũng là người, cha tên Chân Tịnh, mẹ tên Ma-da, thuộc dòng Chuyển luân Thánh vương.”

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:

Phật hiện giữa loài người,

Cha tên là Chân Tịnh,

Mẹ tên Cực Thanh Diệu,

Dòng sát-lợi quyền quý.

Đường chết thật là khốn

Đều không xét tôn ti.

Chư Phật còn không khỏi,

Huống chi lại phàm phu.

 [ 637c01]Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ này cho vua Ba-tư-nặc:

Tế tự: tế lửa nhất;

Thi thơ: tụng tối tôn;

Nhân gian: vua là quý;

Các sông: biển là đầu;

Các sao: trăng trên hết;

Ánh sáng: mặt trời nhất.

Tám phương, trên, dưới, giữa

Nơi thế giới vận hành,

Trời cùng người thế gian:

Như Lai là tối tôn

Muốn cầu phước lộc kia

Hãy cúng dường Tam-Phật. [49]

Thế Tôn nói kệ này rồi, từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi, trở về tinh xá Kỳ-hoàn, đến chỗ ngồi mà ngồi.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có bốn pháp được người thế gian ái kính. Thế nào là bốn? Tuổi trẻ tráng niên được người thế gian ái kính; không có bệnh đau được người ái kính; tuổi thọ được người ái kính; ân ái tụ hợp được người ái kính. Tỳ-kheo, đó gọi là có bốn pháp được mọi người thế gian ái kính.

“Lại nữa Tỳ-kheo, lại có bốn pháp không được người thế gian ái kinh. Thế nào là bốn? Tỳ-kheo nên biết, tuổi trẻ tráng niên đến lúc già bệnh, người đời không thích; người không bệnh sau lại mắc bệnh, người đời không thích; được tuổi thọ mà sau lại mạng chung, người đời không thích; ân ái hội hợp sau lại chia lìa. Đó là những điều người đời không thích. Tỳ-kheo, đó gọi là có bốn pháp cùng đời xoay chuyển. Chư thiên, người đời cho đến Chuyển luân Thánh vương, chư Phật, Thế Tôn cùng có pháp này. Tỳ-kheo, đó là thế gian có bốn pháp này cùng đời xoay chuyển. Nếu không biết bốn pháp này, phải chịu lưu chuyển trong sinh tử, xoay tròn trong năm đường. Thế nào là bốn? Giới Thánh hiền, tam muội Thánh hiền, trí tuệ Thánh hiền, giải thoát Thánh hiền. Tỳ-kheo, đó là có bốn pháp này mà ai không giác tri, thì phải thụ nhận bốn pháp trên. Nay Ta cùng các ngươi nhờ giác tri bốn pháp Thánh hiền này mà đoạn gốc sinh tử không còn tái sinh đời sau. Như nay thân thể Như Lai suy già, phải chịu báo suy hao này. Cho nên, các Tỳ-kheo, hãy tìm cầu Niết-bàn vĩnh tịch này, không sinh, không già, không bệnh, không chết; ân ái biệt ly, thường niệm tưởng biến dịch vô thường. Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”        

Các Tỳ kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, [638a01] hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 7

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc ra lệnh quan phụ tá sửa soạn xe lông chim. Vua muốn ra xem đất, giảng đường, ngoài thành Xá-vệ. Trong lúc đó, mẹ vua [50] Ba-tư-nặc vừa qua đời. Bà sống đến một trăm tuổi, rất là suy yếu, vua rất tôn kính nhớ thương chưa từng rời mắt. Lúc đó, bên cạnh vua Ba-tư-nặc có đại thần tên Bất-xà-mật, tài cao cái thế, được mọi người tôn trọng. Đại thần suy nghĩ: “Mẹ của vua Ba-tư-nặc này vừa đúng tuổi trăm, hôm nay mạng chung. Nếu nghe được vua rất lo sầu, quên ăn bỏ uống mà bị bệnh nặng. Nay ta phải tìm cách nào khiến vua không lo sầu cũng không bị bệnh.”

Bấy giờ, đại thần chuẩn bị năm trăm voi trắng, năm trăm ngựa tốt; lại cách đặt năm trăm lính bộ, năm trăm kỹ nữ, năm trăm lão mẫu, năm trăm bà-la-môn, và có năm trăm sa-môn; lại chuẩn bị năm trăm bộ y phục, năm trăm thứ trân bảo làm cỗ quan tài lớn đẹp cho người chết, vẽ vời thật là tinh xảo; treo phướn lọng, trổi kỹ nhạc, không thể kể hết được, rồi đưa ra khỏi thành Xá-vệ. Lúc đó, vì có chút việc, vua Ba-tư-nặc trở vào lại trong thành. Từ xa, vua nhìn thấy có người chết, hỏi tả hữu:

“Đây là ai mà cúng dường đến thế?”

Bất-xà-mật tâu:

“Trong thành Xá-vệ này có mẹ Trưởng giả vô thường. Đó là vật dụng của họ.”

Vua lại hỏi:

“Những voi, ngựa, xe cộ này lại dùng để làm gì?”

Đại thần tâu:

“Năm trăm lão mẫu này, dùng để dâng lên vua Diêm-la để chuộc mạng.”

Vua liền cười và nói:

“Đây là cách của người ngu. Mạng cũng khó mà giữ, làm sao có thể đổi được? Như có người rơi vào miệng cá ma-kiệt, muốn mong thoát ra lại thật khó được. Ở đây cũng vậy, đã rơi vào chỗ vua Diêm-la, muốn cầu ra khỏi thì thật khó có thể được.”

“Năm trăm kỹ nữ này cũng dùng để chuộc mạng.”

Vua bảo:

“Điều này cũng khó được.”

Đại thần tâu:

“Nếu những kỹ nữ này không thể được, thì sẽ dùng cách khác để chuộc.”

Vua bảo:

“Điều này cũng khó được.”

Đại thần tâu:

“Nếu điều này không thể được, thì phải dùng năm trăm trân bảo để chuộc.”
Vua bảo:

“Điều này cũng khó [638b01] được.”

Đại thần tâu:

“Nếu điều này không thể được, thì dùng năm trăm y phục để chuộc.”
Vua bảo:

“Điều này cũng khó được.”

Đại thần tâu:

“Nếu y phục này không thể được, thì phải dùng chú thuật của năm trăm bà-ma-môn này làm chú thuật để lấy lại.”

Vua bảo:

“Điều này cũng khó được.”

Đại thần tâu:

“Nếu năm trăm bà-la-môn này không thể được, thì lại phải đem những vị sa-môn tài cao thuyết pháp này để chuộc.”

Vua bảo:

“Điều này cũng không thể được.”

Đại thần tâu:

“Nếu thuyết pháp không thể được, thì sẽ tập họp binh chúng gây trận đánh lớn để chiếm lại.” 

Lúc này, vua Ba-tư-nặc cười lớn mà nói:

“Đây là cách của người ngu, vì đã rơi vào miệng cá ma-kiệt, thì quyết không thoát được.”

Vua nói tiếp:

“Ngươi nên biết, có gì sinh mà không chết ư?”

Đại thần tâu:

“Điều này thật không thể được.”

Vua bảo:

“Thật không thể được, chư Phật cũng dạy: ‹Phàm có sinh thì có chết, mạng cũng khó được.›”

Lúc đó, Bất-xà-mật quỳ tâu vua:

“Cho nên, Đại vương chớ quá sầu lo. Tất cả chúng sanh đều qui về cái chết.”
Vua bảo:

“Sao ta phải sầu lo?”

Đại thần tâu vua:

“Vua nên biết, hôm nay, mẹ Đại vương đã mất.”

Cho nên, vua Ba-tư-nặc nghe những lời này xong, thở dài tám chín lần, rồi bảo đại thần:

“Lành thay, như những gì ông nói, là hay biết dùng phương tiện khéo léo.”

Sau đó, vua Ba-tư-nặc trở vào thành, sắm sửa các thứ hương hoa cúng dường vong mẫu. Cúng dường vong mẫu xong, liền trở lại xe, đến chỗ Thế Tôn. Đến nơi, đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi qua một bên. Bấy giờ, Thế Tôn hỏi:

“Đại vương, vì sao người dính đầy bụi bặm?”

Vua bạch Thế Tôn:

“Mẹ con qua đời, vừa đưa ra ngoài thành. Nay con đến chỗ Thế Tôn để hỏi lý do ấy. Lúc còn sống, mẹ con trì giới tinh tấn, thường tu pháp thiện, tuổi vừa một trăm, nay đã qua đời, nên đến chỗ Thế Tôn. Nếu con phải đem voi để mua mạng được, con cũng sẽ dùng voi để mua. Nếu phải dùng ngựa để chuộc mạng được, con cũng sẽ dùng ngựa để chuộc. Nếu phải dùng xe cộ để chuộc mạng được, con sẽ dùng xe cộ để chuộc. Nếu phải dùng vàng bạc trân bảo để chuộc được, con cũng sẽ dùng vàng bạc trân bảo để chuộc. Nếu phải dùng nô bộc, tôi tớ, thành quách, đất nước để chuộc mạng được, thì con cũng sẽ dùng nô bộc, tôi tớ, thành quách, đất nước để chuộc. Nếu phải dùng nhân dân đất nước Ca-thi [51] để [638c01] chuộc mạng được, con cũng sẽ dùng nhân dân đất nước Ca-thi để chuộc, không để cho mạng mẹ con mất”

Thế Tôn bảo:

“Đại vương, chớ quá lo sầu, vì tất cả chúng sanh đều qui về cái chết. Tất cả mọi pháp đều biến dịch. Cho nên, nếu muốn không biến dịch, quyết không có việc này. Đại vương nên biết, pháp của thân người giống như nắm tuyết, tất sẽ tan chảy. Cũng như nắm đất, rồi cũng vỡ vụn, không thể giữ lâu; Cũng như quáng nắng, [52] huyễn hoá, hư nguỵ không thật; cũng như nắm tay không, dùng để gạt con nít. Cho nên, Đại vương, chớ mang sầu lo, trông cậy vào thân này. Đại vương nên biết, có bốn điều rất sợ hãi này, sẽ mang đến thân này không thể ngăn che được, cũng không thể dùng ngôn ngữ, chú thuật, thuốc men, phù thư để có thể trừ khử. Những gì là bốn? Một là già làm bại hoại tráng niên khiến không nhan sắc. Hai là bệnh làm bại hoại hết người không bệnh. Ba là chết làm bại hoại hết mạng căn. Bốn là vật hữu thường trở về vô thường.

“Đại vương, có bốn pháp này không thể ngăn che được, không dùng sức để hàng phục. Đại vương nên biết, giống như bốn hướng có bốn núi lớn, từ bốn hướng dồn ép đến chúng sanh, chẳng phải sức để loại bỏ. Cho nên, này Đại vương, chẳng phải vật kiên cố, không thể nương tựa. Do đó, Đại vương nên dùng pháp để cai trị, chớ nên dùng phi pháp. Vua cũng không còn bao lâu sẽ đến biển sinh tử. Vua cũng nên biết những người dùng pháp để cai trị, thân hoại mạng chung sẽ sinh về nơi thiện, trên trời. Nếu người nào dùng phi pháp để cai trị, thân hoại mạng chung sẽ sinh vào địa ngục. Cho nên, này Đại vương, nên dùng pháp để cai trị, chớ nên dùng phi pháp. Đại vương, hãy học điều này như vậy.”

Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc, bạch Thế Tôn:

“Pháp này có tên là gì? Nên phụng hành thế nào?”

Thế Tôn bảo:

“Pháp này tên là trừ sầu ưu.”   
Vua bạch Phật:

“Thật vậy, Thế Tôn, sở dĩ như vậy, vì con nghe pháp này rồi, mọi sầu lo có được hôm nay đã trừ. Thế Tôn, việc đất nước bề bộn, con muốn trở về cung.”
Thế Tôn bảo:

“Nên biết đúng thời.”

Vua Ba-tư-nặc liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân, rồi lui đi.

Vua Ba-tư-nặc sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 8

 [639a01] Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nay Ta không những chỉ tối tôn trong hàng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Thanh tín sĩ, Thanh tín nữ, mà còn tối tôn đến cả trong loài người. Nay có bốn pháp mà Ta, ở giữa chúng bốn bộ, chư thiên và loài người, tự mình giác tri, tự thân tác chứng. Những gì là bốn? Một là, tất cả các hành đều vô thường, mà Ta, ở giữa chúng bốn bộ, chư thiền và loài người, tự mình giác tri, tự thân tác chứng. Hai là, tất cả các hành khổ. Ba là tất cả các hành vô ngã. Bốn là Niết-bàn tịch tĩnh, mà Ta, ở giữa chúng bốn bộ, chư thiền và loài người, tự mình giác tri, tự thân tác chứng. Này Tỳ-kheo, đó gọi là bốn pháp mà Ta, ở giữa chúng bốn bộ, chư thiền và loài người, tự mình giác tri, tự thân tác chứng.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ làm theo.

KINH SỐ 9

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ, cùng với chúng năm trăm đại Tỳ-kheo. Lúc ấy, Thế Tôn muốn đến thành La-duyệt hạ an cư. Xa-lợi-phất cũng muốn đến thành La-duyệt hạ an cư, và một nghìn hai trăm năm mươi đệ tử đều muốn thành La-duyệt hạ an cư. Nhưng Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên hạ an cư xong sẽ nhập Niết-bàn.

Sau khi Thế Tôn dẫn các Tỳ-kheo Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên v.v… đến Ca-lan-đà trong vườn Trúc, thành La-duyệt, hạ an cư xong. Bấy giờ, Thế Tôn bảo Xá-lợi-phất:

“Nay một nghìn hai trăm năm mươi đệ tử vì các ông mà hạ an cư nơi này. Nhưng Tỳ-kheo Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên sắp diệt độ. Thế nào, Xá-lợi-phất, thầy có thể vì các Tỳ-kheo nói diệu pháp không? Ta nay đau lưng, muốn nghỉ một chút”

Xá-lợi-phất thưa:

“Kính vâng, Thế Tôn!”

Bấy giờ, Thế Tôn tự mình gấp tăng-già-lê [53], nằm nghiêng hông phải, hai bàn chân chồng lên nhau, để tâm nơi ánh sáng. Khi ấy, Tôn giả Xá-lợi-phất bảo các Tỳ-kheo:

“Lúc tôi mới thọ giới, trải qua nửa tháng, chứng đắc bốn biện tài, tự thân tác chứng, đầy đủ nghĩa lý. [54] Nay tôi sẽ phân biệt nói rõ ý nghĩa cho các thầy biết, phân biệt rõ ràng. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ!”

Các Tỳ-kheo thưa:

“Thưa vâng!”

Các Tỳ-kheo vâng theo lời của Xá-lợi-phất. Xá-lợi-phất hỏi:

“Những gì là bốn biện tài tôi đã chứng được? Đó là nghĩa biện, tôi do đây mà chứng được; [55] là pháp biện, [56] tôi do đây mà chứng được; là ứng biện, [57] tôi do đây mà chứng được; là tự biện, [58] (tôi do đây mà chứng được). [59]

“Nay tôi sẽ phân biệt rộng nghĩa của chúng. Nếu chúng bốn bộ có ai hồ nghi, bây giờ có thể hỏi tôi nghĩa của chúng. Nếu các Hiền giả đối với bốn thiền mà có ai hồ nghi, hoặc các Hiền giả đối với bốn vô lượng tâm* mà có ai hồ nghi có thể hỏi, nay tôi sẽ nói. Nếu các Hiền giả đối với bốn chánh đoạn mà có ai hồ nghi có thể hỏi tôi về nghĩa, nay tôi sẽ nói; hoặc đối với bốn thần túc, bốn niệm xứ*, bốn đế mà có ai hồ nghi, nên đến hỏi tôi về nghĩa, nay tôi sẽ nói. Nay nếu không ai hỏi, sau có hối cũng vô ích. Nay cũng nên hỏi tôi về những pháp sâu xa, cùng những sở của Thế Tôn Vô sở trước, Đẳng chánh giác, tôi sẽ nói cho. Nếu không hỏi, sau chớ có hối.”

Bấy giờ, Tôn giả đại Mục-kiền-liên, đã đến giờ, đắp y, cầm bát vào thành La-duyệt khất thực. Các phạm-chí chấp trượng [60] từ xa trông thấy Mục-liên đến, bảo nhau rằng: “Đây là một trong những đệ tử Sa-môn Cù-đàm, không ai hơn người này. Chúng ta cùng nhau bao vây đánh chết đi.” Các phạm-chí kia liền bao vây, dùng gạch đá đánh chết rồi bỏ đi. Thịt xương thân thể không nơi nào không nát hết, đau đớn khổ não quá không thể kể được. Khi Đại Mục-kiền-liên nghĩ thầm: “Các phạm-chí này vây ta, đánh xương thịt nát nhừ rồi bỏ ta mà đi. Nay thân thể ta không nơi nào không bị đánh, vô cùng đau nhức, lại không còn khí lực sao trở về Trúc viên được. Nay ta có thể dùng thần túc trở về tinh xá.” Rồi Mục-liên liền dùng thần túc trở về tinh xá, đến chỗ Xá-lợi-phất, ngồi xuống một bên. Tôn giả đại Mục-kiền-liên nói với Xá-lợi-phất:

“Các phạm-chí chấp trượng này vây tôi đánh xương thịt nát hết, thân thể đau nhức thật không thể chịu được. Nay tôi muốn vào Niết-bàn nên đến từ giả thầy.”

Xá-lợi-phất nói:

“Trong đệ tử Thế Tôn, thầy thần túc đệ nhất, có đại oai lực. Sao không dùng thần túc mà tránh?”

Mục-liên đáp:

“Hành vi mà tôi đã làm trước kia thật là sâu nặng, khi đòi hỏi phải thọ báo thì quyết không thể tránh. Không phải ẩn trong hư không mà có thể tránh được báo ứng này. Hôm nay, thân thể tôi thật là đau nhức, nên đến từ giả thầy để nhập Niết-bàn.”           
 [639c01] Xá-lợi-phất nói:

“Những Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào mà tu bốn thần túc, phần nhiều diễn rộng nghĩa của nó, theo ý người đó muốn, trụ lại một kiếp hay hơn một kiếp, cho đến không diệt độ. Vì sao thầy không trụ, mà diệt độ?”

Mục-kiền-liên nói:

“Thật vậy, Xá-lợi-phất, Như Lai dạy, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào tu bốn thần túc, muốn sống thọ trải qua nhiều kiếp, cũng có thể được. Nếu Như Lai chỉ trụ một kiếp, tôi cũng trụ vậy. Nhưng hiện tại Thế Tôn không còn bao lâu sẽ nhập Bát-niết-bàn. Thọ mạng các loài chúng sanh rất ngắn. Lại nữa, tôi không nỡ khi nhìn Thế Tôn vào Bát-niết-bàn. Bây giờ thân thể tôi thật là đau đớn, nên tôi muốn nhập Bát-niết-bàn.›”

Bấy giờ, Xá-lợi-phất nói Mục-liên:

“Nay thầy chờ một chút, tôi sẽ diệt độ trước.”  

Mục-liên im lặng không đáp. Lúc đó Xá-lợi-phất đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên. Xá-lợi-phất bạch Thế Tôn:

“Nay con muốn diệt độ. Cúi xin cho phép.”

Lúc đó, Thế Tôn im lặng không đáp. Xá-lợi-phất ba lần bạch Thế Tôn:

“Nay là lúc thích hợp, con muốn nhập Bát-niết-bàn.”

Bấy giờ, Thế Tôn bảo Xá-lợi-phất:

“Tại sao, nay thầy không trụ một kiếp hay hơn một kiếp?”

Xá-lợi-phất bạch Thế Tôn:

“Tự thân con nghe, tự thân vâng lãnh lời của Thế Tôn, rằng thọ mạng các loài chúng sanh rất ngắn, thọ nhất bất quá trăm năm. Vì thọ mạng chúng sanh ngắn nên tuổi thọ Như Lai cũng ngắn. Nếu tuổi thọ Như Lai sẽ một kiếp, tuổi thọ của con cũng sẽ một kiếp.”       

Thế Tôn bảo:

“Như lời Xá-lợi-phất, vì mạng chúng sanh ngắn, nên thọ mạng của Như Lai cũng ngắn. Nhưng điều này cũng lại không thể luận bàn. Sở dĩ như vậy là vì, a-tăng-kỳ kiếp lâu xa về trước, có Phật tên Thiện Niệm Thệ Nguyện Như Lai, Chí Cchơn, Đẳng chánh giác xuất hiện ở đời. Tuổi thọ con người vào lúc bấy giờ là tám vạn năm, không có ai chết yểu giữa chừng. Đức Như Lai Thiện Niệm Thệ Nguyện kia ngay lúc thành Phật, liền hôm đó hoá làm vô lượng Phật, an lập vô lượng chúng sanh hành theo ba thừa, có người trụ vào địa vị bất thối chuyển; lại an lập vô lượng chúng sanh nơi bốn chủng tánh; lại an lập vô lượng chúng sanh vào cung Tứ thiên vương, Diễm thiên, Đâu-suất thiên, Hoá tự tại thiên, Tha hoá tự tại thiên, Phạm-ca-di thiên, Dục thiên, Sắc thiên, Vô sắc thiên, và cũng ngày hôm đó ở trong Vô dư Niết-bàn giới mà nhập Bát-niết-bàn. [640a01]. Nhưng nay, Xá-lợi-phất nói vì tuổi chúng sanh ngắn nên thọ mạng Như Lai cũng ngắn.

“Thế nào, Xá-lợi-phất, thầy nói rằng ‘Như Lai trụ một kiếp hay hơn một kiếp, con cũng trụ một kiếp hay hơn một kiếp.’ Nhưng chúng sanh lại không thể biết thọ mạng Như Lai ngắn hay dài. Xá-lợi-phất nên biết, Như Lai có bốn sự không thể nghĩ bàn, chẳng phải điều mà Tiểu thừa có thể biết. Thế nào là bốn? Thế giới không thể nghĩ bàn; chúng sanh không thể nghĩ bàn; long cung không thể nghĩ bàn; cảnh giới Phật độ không thể nghĩ bàn. Này Xá-lợi-phất, đó gọi là có bốn việc không thể nghĩ bàn.”

Xá-lợi-phất thưa:

“Thật vậy, Thế Tôn! Có bốn sự không thể nghĩ bàn: thế giới, chúng sanh, long cung, Phật độ, thật không thể nghĩ bàn. Nhưng trong một thời gian dài con nghĩ rằng Phật Thích-ca Văn cuối cùng không trụ một kiếp. Lại nữa, chư thiên đến chỗ con, bảo con rằng: ‘Phật Thích-ca Văn không ở đời lâu dài, khi tuổi vào tám mươi.’ Vậy nay, Thế Tôn không còn bao lâu sẽ nhập Niết-bàn. Nay con không cam nhìn Thế Tôn nhập Bát-niết-bàn. Vả lại, chính con nghe từ Như Lai dạy rằng: ‘Các đệ tử thượng túc của chư Phật quá khứ, tương lai, hiện tại đều nhập Bát-niết-bàn trước, sau đó Phật mới nhập Bát-niết-bàn, và đệ tử cuối cùng cũng nhập Bát-niết-bàn trước, sau đó không lâu Thế Tôn sẽ diệt độ.’ Nguyện xin Thế Tôn cho phép con diệt độ.”

Thế Tôn bảo:

“Nếu thời gian thích hợp.”

Xá-lợi-phất liền ngồi trước Như Lai, chánh thân, chánh ý, buộc niệm ở trước mà vào sơ thiền. Từ sơ thiền khởi, lại vào nhị thiền. Từ nhị thiền khởi, lại vào tam thiền. Từ tam thiền khởi, lại vào tứ thiền. Từ tứ thiền khởi, lại vào không xứ, thức xứ, vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ. Từ hữu tưởng vô tưởng khởi, vào diệt tận định. Từ diệt tận định khởi, vào phi tưởng phi phi tưởng xứ. Từ phi tưởng phi phi tưởng xứ khởi, vào vô sở hữu xứ, thức xứ, không xứ. Từ không xứ khởi, vào đệ tứ thiền. Từ đệ tứ thiền khởi, vào đệ tam thiền. Từ đệ tam thiền khởi, vào đệ nhị thiền. Từ đệ nhị thiền khởi, vào sơ thiền. Từ sơ thiền khởi, vào đệ nhị thiền. Từ đệ nhị thiền khởi, vào đệ tam thiền. Từ đệ tam thiền khởi, vào đệ tứ thiền. Khi Tôn giả Xá-lợi-phất từ tứ thiền khởi, bảo các Tỳ-kheo:

“Đây gọi là định sư tử phấn tấn.”

Lúc này, các Tỳ-kheo khen ngợi rằng:

“Chưa từng có, thật là kỳ [640b01] diệu. Tôn giả Xá-lợi-phất nhập định nhanh chóng như vậy!”

Bấy giờ, Xá-lợi-phất từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Thế Tôn, rồi lui đi. Khi ấy, có số đông Tỳ-kheo đi theo sau Xá-lợi-phất. Xá lợi-phất quay lại bảo:

“Chư Hiền, các vị muốn đi đâu?”

Các Tỳ-kheo đáp:

“Chúng tôi muốn được cúng dường xá-lợi Tôn giả.”

Xá-lợi-phất bảo:

“Thôi, thôi, các Hiền giả! Vậy gọi là cúng dường rồi. Tôi đã có Sa-di đủ để cúng dường rồi. Các vị hãy về lại chỗ mình, tư duy hoá đạo, khéo tu phạm hạnh, hết sạch khổ nạn. Như Lai ra đời rất khó gặp được. Thật lâu mới hiện, giống như hoa Ưu-đàm-bát thật lâu mới nở. Như Lai cũng lại như vậy, ức kiếp mới hiện ra. Thân người cũng lại khó được. Có tín thành tựu lại cũng khó được. Muốn mong xuất gia học pháp Như Lai cũng lại khó được. Muốn cho tất cả các hành không diệt tận, điều này cũng khó được. Hãy diệt tận ái dục, không còn dư tàn, Niết-bàn diệt tận.

“Nay có bốn pháp mà Như Lai đã nói. Những gì là bốn? Tất cả các hành vô thường, đó gọi là pháp thứ nhất mà Như Lai đã nói. Tất cả các hành là khổ, đó gọi là pháp thứ hai mà Như Lai đã nói. Tất cả các hành vô ngã, đó gọi là pháp thứ ba mà Như Lai đã nói. Niết-bàn là vĩnh tịch, đó gọi là pháp thứ tư mà Như Lai đã nói.

“Này các Hiền giả, đó gọi là bốn pháp mà Như Lai đã nói.”

Bấy giờ, các Tỳ-kheo đều cùng rơi lệ:

“Xá-lợi-phất, nay sao diệt độ nhanh như vậy!”

Tôn giả Xá-lợi-phất bảo các Tỳ-kheo:

“Thôi, thôi, các Hiền giả chớ lo sầu. Pháp biến dịch mà muốn khiến không biến dịch, thì việc này không thể. Núi Tu-di còn có biến đổi vô thường, huống là cái thân hạt cải. Tỳ-kheo Xá-lợi-phất mà thoát khỏi tai hoạn này sao? Thân kim cương của Như Lai không bao lâu cũng sẽ nhập Bát-niết-bàn, huống chi là thân tôi. Vậy các thầy hãy tu hành pháp này thì sẽ được hết khổ.”

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất về đến tinh xá, đến rồi thu cất y bát, ra khỏi Trúc viên trở về nơi sinh quán. Tôn giả Xá-lợi-phất khất thực lần hồi đến nước Ma-sấu. [61] Lúc này, Tôn giả Xá-lợi-phất về sống tại Ma-sấu nơi Ngài đã sinh ra, thân mang bệnh tật thật là đau nhức. Khi ấy, chỉ có Sa-di Quân-đầu [62] hầu hạ, trông nom dọn dẹp các thứ bất tịnh, đem lại sạch sẽ. Bấy giờ, Thích Đề-hoàn Nhân biết tâm niệm Xá-lợi-phất, khoảnh khắc giống như co duỗi cánh tay của lực sĩ, biến mất khỏi trời Tam thập tam, xuất hiện trong tinh xá Xá-lợi-phất. Đến nơi, đảnh lễ sát chân, rồi dùng hai tay sờ chân Xá-lợi-phất, tự xưng tên họ mà nói rằng:

“Tôi là Đế Thích, vua của Trời.”

Xá-lợi-phất nói:

“Vui sướng thay, cầu mong Thiên Đế thọ mạng vô cùng!”

Thích Đề-hoàn Nhân đáp:

“Nay tôi muốn cúng dường xá-lợi Tôn giả. [63]”

Xá-lợi-phất nói:

“Thôi, thôi, Thiên Đế! Vậy là cúng dường rồi. Cầu mong chư thiên thanh tịnh, A-tu-la, rồng, quỷ cùng chúng chư thiên cũng vậy. [64] Nay tôi đã có Sa-di, đủ để sai khiến.”

Thích Đề-hoàn Nhân lần thứ ba bạch Xá-lợi-phất:

“Nay tôi muốn tạo phước nghiệp, chớ làm trái nguyện. Nay muốn cúng dường xá-lợi Tôn giả.”

Xá-lợi-phất im lặng không trả lời. Thích Đề-hoàn Nhân đích thân đổ phẩn, không từ hiềm khổ. Ngay đêm hôm đó Tôn giả Xá-lợi-phất nhập Bát-niết-bàn. Bấy giờ, mặt đất này chấn động sáu cách, có âm vang lớn. Chư thiên mưa hoa, trổi lên kỹ nhạc. Chư thiên đầy khắp hư không. Chư thiên thần diệu cũng rải hoa câu-mâu-đầu, hoặc dùng hương bột chiên-đàn rải lên trên. Lúc này, Tôn giả Xá-lợi-phất đã diệt độ, chư thiên ở giữa hư không đều bi thương, khóc lóc không kiềm chế được. Cũng lại như vậy, bấy giờ, Dục thiên, Sắc thiên, Vô sắc thiên ở giữa hư không, tất cả đều rơi lệ giống như mưa phùn, hoà xướng mùa xuân: “Nay Tôn giả Xá-lợi-phất nhập Bát-niết-bàn sao mà chóng thế!”

Bấy giờ, Thích Đề-hoàn Nhân gom góp tất cả các loại hương mà thiêu thân Tôn giả Xá-lợi-phất; cúng dường các thứ xong, thâu nhặt xá-lợi, cùng y bát trao lại Sa-di Quân-đầu và bảo:

“Đây là xá-lợi cùng y bát của Thầy Ông. Hãy đem dâng Thế Tôn. Đến nơi, đem nhân duyên này bạch đầy đủ Thế Tôn. Nếu Ngài có dạy điều gì thì cứ theo đó mà làm theo.”

Quân-đầu đáp:

“Thật vậy, Câu-dực.”

Sa-di Quân-đầu mang y bát cùng xá-lợi đến chỗ A-nan, bạch A-nan:

“Thầy con đã diệt độ. Nay mang y bát cùng xá-lợi đến dâng lên Thế Tôn.” Sau khi thấy, A-nan liền rơi lệ và nói:

“Ông với ta [641a01] cùng đến chỗ Thế Tôn, đem nhân duyên này cùng bạch lên Thế Tôn. Nếu Thế Tôn dạy điều gì thì chúng ta sẽ làm theo vậy.”

Quân-đầu đáp:

“Thưa vâng, Tôn giả.”

Rồi A-nan dẫn Sa-di Quân-đầu đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, bạch Thế Tôn:

“Sa-di Quân-đầu này đến chỗ con, thưa con rằng: ‘Thầy con đã diệt độ. Nay đem y bát dâng lên Như Lai.’ Hôm nay tâm ý con phiền não, tánh chí hoang mang, không còn biết gì. Nghe Tôn giả Xá-lợi-phất nhập Bát-niết-bàn, con thương tâm buồn bã.”

Thế Tôn bảo:

“Thế nào, A-nan, Tỳ-kheo Xá-lợi-phất nhập Bát-niết-bàn với thân giới ư?”

A-nan thưa:

“Chẳng phải vậy, Thế Tôn.”

Thế Tôn bảo:

“Thế nào, A-nan, diệt độ với thân định, thân tuệ, thân giải thoát, thân giải thoát sở kiến sao?” [65]

A-nan bạch Phật:

“Tỳ-kheo Xá-lợi-phất không diệt độ với giới thân, định thân, tuệ thân, giải thoát thân, giải thoát sở kiến thân. Nhưng Tỳ-kheo Xá-lợi-phất thường hay giáo hoá, thuyết pháp không biết chán, và giáo giới cho các Tỳ-kheo cũng không biết chán. Nay con nhớ ân sâu quá nhiều này của Xá-lợi-phất, cho nên ưu sầu vậy.”

Thế Tôn bảo:

“Thôi, thôi, A-nan! Chớ ôm lòng sầu ưu. Vật không thường, muốn còn mãi, việc này không thể. Phàm có sinh thì có chết. Thế nào, A-nan, chư Phật quá khứ đều chẳng phải diệt độ sao? Giống như cây đèn, dầu hết thì tắt. Như từ Bảo Tạng Định Quang đến nay, bảy Phật cùng các đệ tử đều chẳng phải nhập Bát-niết-bàn sao? Cũng vậy, Bích-chi-phật như Thẩm Đế, Cao Xưng, Viễn Văn, Ni-sa, Ưu-ni-bát-sa, Già-la, Ưu-bát-già-la, [66] các Bích-chi-phật nơi đây đều chảng phải đã diệt độ sao? Thánh vương đầu tiên của đại quốc tên là Thiện Duyệt Ma-ha-đề-bà thuộc hiền kiếp, cũng như Chuyển luân Thánh vương hiện tại, há chẳng phải đều nhập Bát-niết-bàn sao?”

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:

Tất cả hành vô thường.

Có sinh tất có chết.

Không sinh thì không diệt;

Diệt này tối đệ nhất. [67] * [68]

Thế Tôn bảo A-nan:

“Nay ngươi mang xá lợi của Xá-lợi-phất lại phải không?”

A-nan thưa:

“Thật vậy, Thế Tôn!”

Bấy giờ, A-nan trao xá-lợi đến tay Thế Tôn. Thế Tôn tay cầm xá-lợi rồi bảo các Tỳ-kheo:

“Đây là xá-lợi của Tỳ-kheo Xá-lợi-phất, bậc trí tuệ, thông minh, tài cao trí lớn, ngần này loại trí: trí không thể cùng, trí không bờ đáy, có trí nhanh nhạy, có trí nhẹ nhàng, có trí sắc bén, có trí thật sâu, có trí thẩm sát. [69] Đó là người ít muốn, biết đủ, thích nơi nhàn tịnh, ý chí dõng mãnh, việc làm không loạn, tâm không khiếp nhược, thường nhẫn nhục, trừ bỏ pháp ác, thể tánh nhu hoà, không thích tranh tụng, thường tu tinh tấn, hành tam-muội, tập trí tuệ, niệm giải thoát, tu hành thân tri kiến giải thoát.

“Tỳ-kheo nên biết, giống như đại thọ mà không có cành. Nay trong Tăng Tỳ-kheo, Như Lai là đại thọ. Tỳ-kheo Xá-lợi-phất đã diệt độ, Ta giống như cây không cành. Nếu Tỳ-kheo Xá-lợi-phất đi đến địa phương nào, địa phương đó gặp được đại hạnh, nói rằng ‘Xá-lợi-phất nghỉ lại ở địa phương này.’ Sở dĩ như vậy là vì, Tỳ-kheo Xá-lợi-phất thường hay luận đàm cùng với các dị học ngoại đạo, không ai mà không bị hàng phục.”

Đại Mục-kiền-liên sau khi nghe Xá-lợi-phất diệt độ, liền dùng thần túc đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, đứng qua một bên, rồi Đại Mục-kiền-liên bạch Thế Tôn:

“Tỳ-kheo Xá-lợi-phất, nay đã diệt độ. Nay con cũng muốn từ giã Thế Tôn để diệt độ.”

Bấy giờ, Thế Tôn im lặng không trả lời. Như vậy, tôn giả lại bạch Thế Tôn lần thứ ba:

“Con muốn diệt độ.”

Bấy giờ, Thế Tôn cũng lại im lặng không trả lời. Mục-liên thấy Thế Tôn im lặng không trả lời, liền lễ sát chân Thế Tôn rồi lui đi, về đến tinh xá thâu cất y bát, ra khỏi thành La-duyệt, tự về nơi [641c01] sinh quán. Khi ấy, có số đông Tỳ-kheo theo sau Tôn giả Mục-liên đến thôn Ma-sấu. Khi trú tại đây, Mục-liên mang trọng bệnh.

Bấy giờ, Mục-liên tự thân trải toà giữa đất trống mà ngồi, nhập sơ thiền. Từ sơ thiền khởi, nhập đệ nhị thiền. Từ đệ nhị thiền khởi, nhập đệ tam thiền. Từ đệ tam thiền khởi, nhập đệ tứ thiền. Từ tứ thiền khởi, nhập không xứ. Từ không xứ khởi, nhập thức xứ. Từ thức xứ khởi, nhập vô sở hữu xứ. Từ vô sở hữu xứ khởi, nhập phi tưởng phi phi tưởng xứ. Từ phi tưởng phi phi tưởng xứ khởi, nhập tam-muội hoả quang. Từ tam-muội hoả quang khởi, nhập tam-muội thuỷ quang. Từ tam-muội thuỷ quang khởi, nhập định diệt tận.

Từ định diệt tận khởi, nhập tam-muội thuỷ quang. Từ tam-muội thuỷ quang khởi, nhập tam-muội hảo quang. Từ tam-muội hoả quang khởi, nhập định hữu tưởng vô tưởng. Từ định hữu tưởng vô tưởng khởi, nhập vô sở hữu xứ. Từ vô sở hữu xứ khởi, nhập thức xứ, không xứ, tứ thiền, tam thiền, nhị thiền, sơ thiền.

Từ sơ thiền khởi, bay lên giữa hư không, ngồi nằm, kinh hành. Thân trên ra lửa, thân dưới ra nước; hoặc thân trên ra nước, thân dưới ra lửa, tạo ra mười tám cách biến hoá thần túc. Sau đó, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên xuống lại chỗ cũ ngồi kiết già, chánh thân chánh ý, buộc niệm ở trước. Lại nhập sơ thiền. Từ sơ thiền khởi, nhập đệ nhị thiền. Từ đệ nhị thiền khởi, nhập đệ tam thiền. Từ đệ tam thiền khởi, nhập đệ tứ thiền. Từ tứ thiền khởi, nhập không xứ. Từ không xứ khởi, nhập thức xứ. Từ thức xứ khởi, nhập vô sở hữu xứ. Từ vô sở hữu xứ khởi, nhập phi tưởng phi phi tưởng xứ. Từ phi tưởng phi phi tưởng xứ khởi, nhập tam-muội hoả quang. Từ tam-muội hoả quang khởi, nhập tam-muội thuỷ quang. Từ tam-muội thuỷ quang khởi, nhập định diệt tận.

Từ định diệt tận khởi, nhập thuỷ quang, hảo quang, phi tưởng phi phi tưởng xứ, vô sở hữu xứ, thức xứ, không xứ, tứ thiền, tam thiền, nhị thiền, sơ thiền.

Lại từ sơ thiền khởi, nhập đệ nhị thiền. Từ đệ nhị thiền khởi, nhập đệ tam thiền. Từ đệ tam thiền khởi, nhập đệ tứ thiền. Từ tứ thiền khởi, và diệt độ ngay lúc đó.

Khi Đại Mục-liên diệt độ, lúc này mặt đất chấn động rất mạnh. Chư thiên cùng bảo nhau hiện xuống, hầu thăm Đại Mục-kiền-liên, mang [642a01] các thứ đến cúng dường Tôn đức, hoặc các loại hương hoa đến cúng dường. Chư thiên giữa hư không trổi kỹ nhạc, gẩy đàn, ca múa đề cúng dường lên Tôn giả Mục-kiền-liên.

Sau khi Tôn giả đại Mục-kiền-liên đã diệt độ rồi, lúc ấy khoảng một do tuần trong thôn Na-la-đà [70] đầy kín chư thiên trong đó. Khi ấy, lại có nhiều Tỳ-kheo mang các thứ hương hoa rải lên thi thể Tôn giả Mục-kiền-liên.

Bấy giờ, Thế Tôn từ thành La-duyệt tuần tự khất thực, dẫn năm trăm Tỳ-kheo du hoá nhân gian, đi đến thôn Na-la-đà cùng với năm trăm Tỳ-kheo. Khi Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên diệt độ chưa bao lâu, bấy giờ Thế Tôn ngồi im lặng nơi đất trống, quan sát các Tỳ-kheo. Sau khi im lặng quán sát các Tỳ-kheo xong, Thế Tôn rồi bảo các Tỳ-kheo:

“Nay Ta quán sát trong chúng này có sự mất mát quá lớn. Sở dĩ vậy là vì trong chúng này nay không có Tỳ-kheo Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên. Nếu địa phương nào Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên đến, địa phương đó không trở thành trống rỗng, mà nghe rằng, ‘Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên nay ở địa phương này.’ Sở dĩ như vậy là vì Tỳ-kheo Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên có thể hàng phục ngoại đạo ở đây.”

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Những gì chư Phật đã làm thì thật là kỳ diệu, có hai đệ tử trí tuệ, thần túc này nhập Bát-niết-bàn; nhưng Như Lai không có sầu ưu. Ngay dù hằng sa Như Lai quá khứ, cũng có đệ tử trí tuệ, thần túc này, và ngay đến chư Phật xuất hiện ở tương lai, cũng sẽ có đệ tử trí tuệ, thần túc này.

“Tỳ-kheo nên biết, thế gian có hai thí nghiệp. Thế nào là hai? Tài thí, pháp thí. Tỳ-kheo, nên biết, nếu luận về tài thí, hãy tìm cầu từ Tỳ-kheo Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên. Nếu muốn cầu pháp, hãy tìm cầu từ nơi Ta. Sở dĩ như vậy là vì, nay Như Lai, Ta không có tài thí. Hôm nay, các ngươi có thể cúng dường xá-lợi Tỳ-kheo Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên.”

Bấy giờ, A-nan bạch Phật:

“Chúng con cúng dường xá-lợi Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên như thế nào?”

Thế Tôn bảo:

“Nên gom góp các loại hương hoa, ở ngã tư đường dựng lên bốn tháp. Sở dĩ như vậy là vì nếu có dựng chùa tháp, [71] phải là bốn hạng người này mới đáng dựng tháp. Thế nào là bốn? Là Chuyển luân Thánh vương xứng đáng được dựng tháp, A-la-hán lậu tận xứng đáng được tháp, Bích-chi-phật [642b01] xứng đáng được tháp, và Như Lai xứng đáng được tháp.”

Lúc này, A-nan bạch Thế Tôn:

“Vì nhân duyên gì Như Lai đáng dựng tháp? Lại vì nhân duyên gì Bích-chi-phật, A-la-hán lậu tận, Chuyển luân Thánh vương xứng đáng được dựng tháp?”

Thế Tôn bảo:

“Nay các ngươi, nên biết, Chuyển luân Thánh vương tự hành thập thiện, tu mười công đức; cũng lại khuyên dạy người hành thập thiện, công đức. Thế nào là mười? Tự mình không sát sinh, lại khuyên bảo người khác không sát sinh. Tự mình không trộm cắp, lại dạy người khác khiến không trộm cắp. Tự mình không dâm dật, lại dạy người khác khiến không dâm dật. Tự mình không nói dối, lại dạy người khác khiến không nói dối. Tự mình không ỷ ngữ, lại dạy người khác khiến không ỷ ngữ. Tự mình không ganh ghét, lại dạy người khác khiến không ganh ghét. Tự mình không tranh tụng, lại dạy người khác khiến không tranh tụng. Tự mình chánh ý, lại dạy người khác khiến ý không loạn. Tự mình chánh kiến, lại dạy người khác khiến hành chánh kiến.

“Tỳ-kheo, nên biết, Chuyển luân Thánh vương có mười công đức này, cho nên đáng cho dựng tháp.”

A-nan bạch Thế Tôn:

“Lại vì nhân duyên gì đệ tử Như Lai xứng đáng được dựng tháp?”

Thế Tôn bảo:

“A-nan nên biết, A-la-hán lậu tận, không còn tái sinh nữa, sạch như vàng trời, ba độc, năm sử vĩnh viễn không còn hiện khởi nữa. Vì nhân duyên này đệ tử Như Lai đáng được dựng tháp.”

A-nan bạch Phật:

“Vì nhân duyên gì Bích-chi-phật đáng được dựng tháp?”

Thế Tôn bảo:

“Các Bích-chi-phật không thầy mà tự ngộ, đoạn trừ các kết sử, không còn tái sinh nữa, cho nên đáng được dựng tháp.”

A-nan bạch Thế Tôn:

“Lại vì nhân duyên gì Như Lai đáng cho dựng tháp?”

Thế Tôn bảo:

“A-nan, ở đây Như Lai có mười lực, bốn vô sở uý, hàng phục những ai chưa được hàng phục, độ những ai chưa được độ, khiến chứng đắc những ai chưa đắc đạo, khiến Bát-niết-bàn những ai chưa được Bát-niết-bàn; mọi người khi gặp, trong lòng cực kỳ hoan hỷ.

“Đó gọi là, này A-nan, Như Lai đáng được dựng tháp. Đó gọi là Như Lai đáng được dựng tháp.”

A-nan sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 10.

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ở vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. [642c01] Bấy giờ, Tôn giả Bà-ca-lê [72] thân mắc bệnh nặng, nằm trên đại tiểu tiện, ý muốn cầm dao tự sát, nhưng không có sức để có thể tự ngồi dậy. Tôn giả Bà-ca-lê bảo thị giả:

“Ông hãy mang đao đến. Ta muốn tự sát. Sở dĩ như vậy là vì như trong hàng đệ tử của Phật Thích-ca Văn hôm nay, người có tín giải thoát không ai vượt hơn ta. Nhưng hôm nay ta tâm không giải thoát khỏi hữu lậu. Sở dĩ như vậy là vì như đệ tử của Như Lai khi gặp phải khổ não, cũng lại tìm dao tự sát. Nay ta với mạng sống này mà không thể từ bờ này đến bờ kia.”
Bấy giờ, đệ tử của Bà-ca-lê vì xuất gia chưa lâu, chưa biết đời này đời sau, không biết từ bờ này đến bờ bên kia, cũng lại không biết chết đây sinh kia, nên liền trao dao cho. Lúc Bà-ca-lê tay cầm đao rồi, với tín kiên cố, cầm dao tự đâm.

Bà-ca-lê vừa cầm dao tự đâm, suy nghĩ: ‹Trong hàng đệ tử của Phật Thích-ca Văn, ai đã làm những việc phi pháp, sẽ mắc lợi ác, chẳng được lợi thiện. Ở trong pháp Như Lai, đã không được thủ chứng mà lại mạng chung!› Bấy giờ, Tôn giả Ba-ca-lê liền tư duy về năm thủ uẩn: đây là sắc, đây là tập khởi của sắc; đây là sự diệt tận của sắc. Đây là thọ*, tưởng, hành, thức; đây là tập khởi của, tưởng, hành, thức; đây là sự diệt tận của thọ*, tưởng, hành, thức. Ông tư duy thuần thục năm thủ uẩn này. Các pháp có sinh đều là pháp tử. Biết vậy rồi, tâm liền được giải thoát khỏi hữu lậu. Bấy giờ, Tôn giả Bà-ca-lê nhập Niết-bàn trong vô dư Niết-bàn giới.

Thế Tôn bằng thiên nhĩ, nghe Tôn giả Bà-ca-lê đòi cầm đao tự sát. Thế Tôn bảo A-nan:

“Hãy tập họp các Tỳ-kheo tại thành Xá-vệ lại một chỗ. Ta muốn dạy bảo.”

Tôn giả A-nan vâng lời Thế Tôn dạy, tập họp các Tỳ-kheo tại giảng đường Phổ tập, [73] rồi trở về bạch lại Thế Tôn:

“Nay Tỳ-kheo đã vân tập về một chỗ.”

Bấy giờ, Thế Tôn dẫn Tỳ-kheo Tăng vây quanh trước sau đến tinh xá Tỳ-kheo Bà-ca-lê kia. Trong lúc đó, tệ ma Ba-tuần muốn biết được thần thức Tôn giả Bà-ca-lê đang ở tại chỗ nào: tại loài người hay phi nhân, trời, rồng, quỷ thần, càn-đạp-hoà, A-tu-la, ca-lưu-la, ma-hưu-lặc, dạ-xoa? Nay thần thức này cuối cùng đang ở đâu, sinh nơi nào mà [643a01] không thấy Nó tìm kiếm khắp mọi nơi, bốn phía đông, tây, nam, bắc, trên dưới, đều không biết chổ của thần thức. Lúc bấy giờ, thân thể ma Ba-tuần rất là mỏi mệt, mà vẫn chẳng biết ở đâu.

Khi Thế Tôn dẫn Tỳ-kheo Tăng vây quanh trước sau đến tinh xá kia, bấy giờ, Thế Tôn quan sát, thấy ma Ba-tuần muốn biết thần thức đang ở đâu. Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Các ngươi nghe trong tinh xá này có tiếng lớn không? Lại có ánh sánh quái dị nữa?”

Các Tỳ-kheo thưa:

“Thật vậy, Thế Tôn, chúng con đã thấy.”

Thế Tôn bảo:

“Đó là tệ ma Ba-tuần này, muốn được biết thần thức của Bà-ca-lê đang ở đâu.”

Tôn giả A-nan bạch Thế Tôn:

“Cúi xin Thế Tôn cho biết thần thức Tỳ-kheo Bà-ca-lê đang ở đâu?”

Thế Tôn bảo:

“Thần thức Tỳ-kheo Bà-ca-lê không còn trụ vào bất cứ đâu. Thiện gia nam tử kia đã Bát-niết-bàn. Hãy ghi nhận như vậy.” [74]

Tôn giả A-nan bạch Thế Tôn:

“Tỳ-kheo Bà-ca-lê này đã đắc bốn đế này khi nào?”

Thế Tôn bảo:

“Đã đắc bốn đế này trong ngày hôm nay.”

A-nan bạch Phật:

“Tỳ-kheo này vốn là người phàm, đã mang bệnh từ lâu.”

Thế Tôn bảo:

“Thật vậy, A-nan, như những lời ngươi nói. Nhưng Tỳ-kheo này chịu khổ rất lâu. Trong các đệ tử của Phật Thích-ca Văn có tín giải thoát thì người này là tối thắng, nhưng vì tâm chưa được giải thoát khỏi hữu lậu, nên suy nghĩ: ‹Nay ta muốn cầm dao tự đâm mình.› Trong lúc Tỳ-kheo này sắp tự đâm mình, liền tư duy đến công đức Như Lai. Ngày bỏ tuổi thọ, tư duy năm thủ uẩn: đây là sắc tập; đây là sắc diệt tận. Khi Tỳ-kheo này tư duy như vậy, các pháp tập khởi đều được diệt tận, Tỳ-kheo này Bát-niết-bàn.”

A-nan sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Kệ tóm tắt:

Pháp thuộc bốn chánh đoạn,

Bốn ám, pháp già suy,

A-di, pháp bản mạt,

Xá-lợi, Bà-ca-lê.

27. PHẨM ĐẲNG THÚ BỐN ĐẾ

KINH SỐ 1 [75]

Tôi nghe như vầy:

 Một thời, đức Phật trú trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Các Tỳ-kheo, pháp mà Ta thường nói, đó là bốn đế; bằng vô số phương tiện mà quán sát pháp này, phân biệt ý nghĩa, quảng diễn cho mọi người. Những gì là bốn? Đây là pháp khổ [643b01] đế. Ta bằng vô số phương tiện mà quán sát pháp này, phân biệt ý nghĩa, quảng diễn cho mọi người. Bằng vô số phương tiện diễn nói Tập, Tận, Đạo đế mà quán sát pháp này, phân biệt ý nghĩa, quảng diễn cho mọi người.

“Tỳ-kheo các ngươi, hãy thân cận Tỳ-kheo Xá-lợi-phất, và thừa sự cúng dường. Sở dĩ như vậy là vì Tỳ-kheo Xá-lợi-phất kia dùng vô số phương tiện mà diễn thuyết bốn đế, quảng diễn cho mọi người. Khi Tỳ-kheo Xá-lợi-phất phân biệt ý nghĩa, quảng diễn cho mọi người, cho các chúng sanh và chúng bốn bộ, khi ấy có nhiều chúng sanh không thể kể đã sạch hết mọi trần cấu, được mắt pháp thanh tịnh.

“Tỳ-kheo các ngươi, hãy thân cận Tỳ-kheo Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, và thừa sự cúng dường. Sở dĩ như vậy là vì Tỳ-kheo Xá-lợi-phất là cha mẹ sinh ra chúng sanh. Đã được sanh, rồi người dưỡng cho lớn khôn là Tỳ-kheo Mục-kiền-liên. Sở dĩ như vậy là vì Tỳ-kheo Xá-lợi-phất đã vì mọi người nói pháp yếu, thành tựu bốn đế; Tỳ-kheo Mục-kiền-liên đã vì mọi người nói pháp yếu, thành tựu đệ nhất nghĩa, và thành tựu hành vô lậu. Vì vậy các ngưoi hãy thân cận Tỳ-kheo Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên.”

Thế Tôn, sau khi nói những lời này, trở về tịnh thất. Sau khi Thế Tôn đi chưa lâu, Xá-lợi-phất bảo các Tỳ-kheo:

“Ở đây, có ai đắc pháp bốn đế, người đó nhanh chóng được lợi thiện. Những gì là bốn? Đây là khổ đế, mà ý nghĩa được quảng diễn bằng nhiều phương tiện.

“Thế nào là khổ đế? Sinh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, buồn lo thương xót khổ, oán gặp nhau khổ, ân ái chia lìa khổ, cầu mà không đạt được là khổ. Nói tóm, năm thủ uẩn là khổ. Đó gọi là khổ đế.

“Thế nào là khổ tập đế? Đó là ái kết.

“Thế nào là tận đế? Tận đế là ái dục kết diệt tận không còn dư tàn. Đó gọi là tận đế.

“Thế nào là đạo đế? Đó là tám đạo phẩm Hiền thánh: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh tinh tấn, chánh mạng, chánh nghiệp, chánh niệm, chánh định. Đó gọi là đạo đế. Chúng sanh này vì có được lợi thiện nên mới được nghe pháp bốn đế này.”

Trong lúc Tôn giả Xá-lợi-phất đang nói pháp này, vô lượng chúng sanh không thể kể hết, khi nghe pháp này, sạch hết mọi trần cấu, được mắt pháp thanh tịnh.

“Chúng ta cũng vì được lợi thiện, nên Thế Tôn nói pháp cho chúng ta, đặt chúng ta vào chỗ phúc địa. Cho nên chúng bốn bộ hãy tìm cầu phương tiện hành bốn đế này.

“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Các [643c01] Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.   

KINH SỐ 2 [76]

Tôi nghe như vầy:                    

Một thời, đức Phật trú trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.

Bấy giờ, số đông các Tỳ-kheo vào thành Xá-vệ. Khi ấy, số đông các Tỳ-kheo này suy nghĩ: ‹Chúng ta đi khất thực, trời còn sớm quá. Chúng ta hãy đi đến thôn dị học ngoại đạo để cùng luận nghị.› Rồi các Tỳ-kheo liền đi đến trong thôn ngoại đạo; đến nơi, sau khi cùng nhau hỏi thăm, các vị rồi ngồi qua một bên.

Bấy giờ, các dị học hỏi đạo nhân rằng:

“Sa-môn Cù-đàm nói pháp này cho đệ tử: ‹Tỳ-kheo các ngươi, tất cả phải học pháp này, tất cả phải hiểu rõ. Đã hiểu rõ rồi, nên cùng nhau phụng hành.› Chúng tôi cũng vậy, nói pháp này cho đệ tử: ‹Các ngươi tất cả phải học pháp này, tất cả phải hiểu rõ. Đã hiểu rõ rồi, nên cùng nhau phụng hành.› Sa-môn Cù-đàm cùng chúng tôi có những gì sai khác, có gì hơn kém nào? Nghĩa là Sa-môn nói pháp, ta cũng nói pháp. Sa-môn dạy bảo ta cũng dạy bảo!” 
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những lời này, không nói đúng, cũng không nói sai, từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi. Rồi các Tỳ-kheo tự bảo nhau rằng: ‹Chúng ta hãy đem nghĩa này đến bạch Thế Tôn.›

Các Tỳ-kheo sau khi vào thành Xá-vệ khất thực, ăn xong thu cất y bát, lấy ni-sư-đàn vắt lên vai trái, đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên. Khi ấy, các Tỳ-kheo đem nhân duyên này bạch hết lên Thế Tôn. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nếu ngoại đạo kia hỏi vậy, các ngươi nên đem lời này đáp họ: ‹Có một cứu cánh, hay có nhiều cứu cánh?› [77] Hoặc phạm-chí kia mà nói một cách bình đẳng, [78] họ phải nói: ‹Một cứu cánh, chứ không phải nhiều cứu cánh.›

“Cứu cánh ấy [79] là cứu cánh liên hệ dục, hay là cứu cánh không dục? [80] Cứu cánh kia, phải nói [81] là cứu cánh vô dục.

“Lại hỏi, cứu cánh của ấy, là cứu cánh liên hệ sân hay là cứu cánh không sân? Phải nói cứu cánh là cứu cánh không sân; chứ không phải cứu cánh liên hệ sân.

“Thế nào, cứu cánh ấy liên hệ si, hay cứu cánh không si? Phải nói, cứu cánh ấy là cứu cánh không si.

“Thế nào, cứu cánh ấy là gì, là cứu cánh liên hệ ái, hay cứu cánh không ái? [82] Cứu cánh ấy, phải nói là cứu cánh không ái.

“Thế nào, cứu cánh ấy [644a1] là cứu cánh có chấp thủ hay cứu cánh không có chấp thủ? [83] Cứu cánh ấy là cứu cánh không chấp thủ.

“Thế nào, cứu cánh ấy là cho người trí hay là người chẳng phải trí? Đó là cứu cánh của người trí.

“Cứu cánh ấy là cứu cánh của người phẫn nộ, hay cứu cánh của người không phẫn nộ? [84] Cứu cánh ấy, phải nói là cứu cánh của người không phẫn nộ.

“Này Tỳ-kheo, có hai loại kiến này. Hai loại kiến ấy là gì? Kiến chấp hữu và kiến chấp vô. [85] Những sa-môn, bà-la-môn nào do không biết gốc ngọn của hai kiến này nên có tâm dục, có tâm sân nhuế, có tâm ngu si, có tâm ái, có tâm chấp thủ [86]. Họ là những kẻ vô tri. Họ có tâm phẫn nộ, [87] không tương ưng với hành. [88] Người kia không thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, sầu ưu, khổ não, chua, cay, muôn mối khổ không thoát được.

“Những sa-môn, bà-la-môn nào biết điều đó như thật, họ không có tâm sân nhuế, ngu si, hằng tương ưng với hành, nên thoát khỏi được sanh, già, bệnh, chết. Nay nói về nguồn gốc của khổ như vậy.

“Tỳ-kheo, có diệu pháp này, đó gọi là pháp bình đẳng. Những ai không hành pháp bình đẳng thì đọa vào năm kiến.

“Nay sẽ nói về bốn thủ. [89] Bốn thủ ấy? Dục thủ, kiến thủ, giới thủ, ngã thủ. Đó gọi là bốn thủ. Nếu có sa-môn, bà-la-môn nào biết hết tên của dục thủ; tuy họ biết tên của dục thủ, nhưng lại không phải người tương ưng. [90] Họ biết phân biệt hết tên của các thủ, nhưng chỉ phân biệt được tên của dục thủ trước, mà không phận biệt được tên của kiến thủ, giới thủ, ngã thủ. Sở dĩ như vậy là vì những sa-môn, bà-la-môn kia không có khả năng phân biệt được tên của ba thủ này. [91]

“Cho nên, hoặc có sa-môn, phân biệt được hết các thủ, nhưng họ chỉ phân biệt được dục thủ và kiến thủ, chứ không phân biệt được giới thủ và ngã thủ. Sở dĩ như vậy là vì những Sa-môn, Bà-la-môn kia không thể phân biệt được hai thọ này.

“Hoặc khiến Sa-môn, Bà-la-môn có thể phân biệt hết các thủ, nhưng lại cũng không đầy đủ. Họ có thể phân biệt được dục thủ, kiến thủ và giới thủ còn không phân biệt được ngã thủ. Sở dĩ như vậy là vì những sa-môn, bà-la-môn kia không thể phân biệt được ngã thủ.

“Cho nên, có những sa-môn, bà-la-môn tuy phân biệt hết các thủ, nhưng lại không đầy đủ. Đây gọi là bốn thủ. Chúng có những nghĩa gì? Làm sao phân biệt? Bốn thọ là do ái sinh. Như [644b01] vậy, Tỳ-kheo có diệu pháp này cần được phân biệt. Nếu ai không hành các thủ này, ở đây không được gọi là bình đẳng. Sở dĩ như vậy là vì nghĩa của các pháp khó tỏ, khó bày. Nghĩa phi pháp như vậy không phải là những lời dạy của Tam-da-tam-Phật. [92]

“Tỳ-kheo, nên biết, Như Lai hay phân biệt hết tất cả các thủ. Vì hay phân biệt tất cả các thủ nên cùng tương ưng, và hay phân biệt dục thủ, kiến thủ, ngã thủ, giới thủ. Cho nên khi Như Lai phân biệt tất cả các thủ, thì cùng tương ưng với pháp không chống trái nhau.

“Bốn thủ này do gì sinh? Bốn thủ này do ái mà sinh, do ái mà lớn, và thành tựu thủ này. Đối với ai mà các thủ không khởi, vì các thủ không khởi, nên người ấy không có sự sợ hãi. Do không có sự sợ hãi nên Bát-niết-bàn, biết rõ như thật rằng, sinh tử đã hết, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sinh đời sau.

“Như vậy, Tỳ-kheo, có diệu pháp này, như thật mà biết, thành tựu đầy đủ các pháp, căn cản của pháp hành. Sở dĩ như vậy là vì pháp kia thật là vi diệu, được chư Phật tuyên thuyết, cho nên đối với các hành không có sự thiếu sót.

“Tỳ-kheo, ở trong đây [93] có đệ nhất Sa-môn, đệ nhị Sa-môn, đệ tam Sa-môn, đệ tứ Sa-môn, không có Sa-môn nào nữa vượt khỏi trên đây, thù thắng hơn đây. [94] Hãy rống tiếng rống sư tử như vậy”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 3 [95]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, trưởng giả Cấp Cô Dộc [96] đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên. Bấy giờ, Thế Tôn hỏi trưởng giả:

“Thế nào, Trưởng giả, nhà ông thường hay bố thí phải không?”

Trưởng giả bạch Phật:

“Nhà con nghèo [97] mà thường hành bố thí. Nhưng đồ ăn thô dở, không đồng như thường.”

Thế Tôn bảo:

“Nếu khi bố thí, dù ngon hay dở, dù nhiều hay ít, mà không dụng tâm ý, lại không phát nguyện, và không có tín tâm; do hành báo này mà sinh nơi nào nơi ấy không có được thức ăn ngon, không có được ý ham cầu lạc, cũng không có được ý ham cầu mặc y phục đẹp, cũng không có được ham cầu nghiệp nông tốt đẹp, tâm cũng không có được ham cầu trong ngũ dục. Giả sử, có được tôi tớ, kẻ chạy tin, chúng cũng không chịu vâng lời. Sở dĩ như vậy là vì do trong lúc bố thí không dụng tâm, nên thọ nhận [644c01] báo này.

“Này Trưởng giả, nếu khi bố thí, dù ngon hay dở, dù nhiều hay ít, hãy chí thành dụng tâm, chớ có thêm bớt, xây dựng cầu đò đời sau, mà sinh nơi nào, nơi ấy có đồ ăn thức uống tự nhiên, bảy loại tài sản đầy đủ, tâm hằng có được hoan lạc trong ngũ dục. Giả sử có tôi tớ, kẻ chạy tin, chúng hằng vâng lời. Sở dĩ như vậy là vì trong lúc bố thí mà phát tâm hoan hỉ.

“Trưởng giả nên biết, thời quá khứ xa xưa có phạm chí tên Tỳ-la-ma [98] nhiều của báu, trân châu, hổ phách, xa cừ, mã não, thuỷ tinh, lưu li, lòng ham thích bố thí. Khi bố thí, ông đem tám vạn bốn nghìn bát bạc đựng đầy vàng vụn, lại đem tám vạn bốn nghìn bát vàng đựng đầy bạc vụn, để bố thí như vậy.

“Lại đem tám vạn bốn nghìn cái bình rửa bằng vàng bạc ra bố thí. Lại đem tám vạn bốn nghìn con bò đều dùng vàng bạc bịt sừng, để bố thí như vậy. Lại đem tám vạn bốn nghìn ngọc nữ bố thí với y phục được mặc. Lại đem tám vạn bốn nghìn ngoạ cụ đều được phủ lên bằng thảm đệm có thêu thùa văn vẻ mà bố thí. Lại đem tám vạn bốn ngàn áo xiêm mà bố thí. Lại đem tám vạn bốn ngàn voi lớn, [99] thảy đều được trang sức bằng các thứ vàng bạc, mà bố thí. Lại đem tám vạn bốn ngàn con ngựa, thảy đều được đóng yên cương bằng vàng bạc, mà bố thí. Lại đem tám vạn bốn ngàn cỗ xe mà bố thí. Ông bố thí lớn như vậy.

“Lại bố thí tám vạn bốn ngàn phòng xá. Ông lại bố thí ở trong bốn cỗng thành; những ai cần thức ăn thì cho thức ăn; cần áo thì cho áo; cần chăn, màn, ẩm thực, giường chõng, đồ trải nằm, thuốc trị bịnh các thứ. Thảy đều cung cấp hết.

“Trưởng giả nên biết, tuy Tỳ-la-ma này làm việc bố thí như vậy, nhưng không bằng dựng một phòng xá đem bố thí chiêu-đề Tăng. [100] Phước này không thể kể hết. Giả sử người ấy bố thí như vậy, cùng lập phòng xá để bố thí chiêu-đề Tăng, cũng không bằng tự thân thọ ba quy y Phật, Pháp, Thánh chúng. Phước này không thể kể hết. Giả sử người ấy bố thí như vậy, cùng tạo phòng xá, lại thọ tam tự quy, dù có phước này, vẫn không bằng thọ trì năm giới. Giả sử người ấy bố thí, cùng tạo phòng xá, thọ tam tự quy và, thọ trì năm giới, dù có phước này, nhưng vẫn không bằng chỉ trong khoảnh khắc khảy móng tay mà có từ tâm đối với chúng sanh. Phước này, công đức không thể kể hết. Giả sử người ấy bố thí như vậy, tạo phòng xá, thọ tam tự quy, [645a01] vâng giữ năm giới, cùng khoảnh khắc khảy móng tay mà có từ tâm đối với chúng sanh, dù có phước này, vẫn không bằng trong chốc lát mà khởi tưởng thế gian không khả lạc. Phước này, công đức không thể lường được. Song, những công đức người kia đã làm, Ta chứng minh hết. Tạo dựng Tăng phòng, Ta cũng biết phước này. Thọ ba tự quy, Ta cũng biết phước này. Thọ trì năm giới, Ta cũng biết phước này. Trong khoảnh khắc bằng khảy móng tay mà có từ tâm đối với chúng sanh, Ta cũng biết phước này. Trong chốc lát mà khởi tưởng thế gian không khả lạc, Ta cũng biết phước này.”

“Bấy giờ, bà-la-môn kia đã tạo đại thí như vậy, há phải là ai khác ư? Chớ tưởng như vậy. Sở dĩ như vậy là vì, người chủ thí bấy giờ chính là thân Ta vậy.    
“Trưởng giả nên biết, quá khứ lâu xa Ta đã tạo ra công đức, tín tâm không dứt, không khởi tưởng đắm trước. Cho nên, này Trưởng giả, nếu khi muốn bố thí dù nhiều hay ít, dù ngon hay dở, nên hoan hỷ bố thí, chớ có khởi tưởng đắm trước. Hãy tự tay bố thí, chớ sai người khác. Phát nguyện cầu báo, sau cầu thọ phước. Trưởng giả nên biết, được phước vô cùng.

“Này Trưởng giả, hãy học điều này như vậy.”

Trưởng giả sau khi nghe những gì đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 4

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ở vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Khi mặt trời vừa lên, mọi người cùng nhau làm ruộng, trăm chim hót vang, trẻ thơ la khóc. Tỳ-kheo nên biết, nay Ta lấy đây làm thí dụ, hãy hiểu nghĩa của nó. Nghĩa này phải hiểu làm sao? Khi mặt trời mới mọc, đây dụ Như Lai ra đời. Người dân khắp nơi cùng làm ruộng, đây dụ cho đàn-việt thí chủ tùy thời cung cấp y phục, đồ ăn thức uống, giường nằm, ngoạ cụ, thuốc men trị bệnh. Trăm chim hót vang, đây dụ cho Pháp sư cao đức, có thể vì chúng bốn bộ mà thuyết pháp vi diệu. Trẻ thơ khóc la, đây dụ cho tệ ma Ba -tuần.

“Cho nên, các Tỳ-kheo, như mặt trời mới mọc, Như Lai ra đời trừ bỏ bóng tối, không nơi nào là không chiếu sáng.

“Các Tỳ-kheo, hãy học những điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 5

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ở vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Bồ-tát Di-lặc đến chỗ Như Lai, đảnh lễ sát chân, rồi [645b01] ngồi qua một bên. Bấy giờ, Bồ-tát Di-lặc bạch Thê tôn:

“Bồ-tát Ma-ha-tát thành tựu bao nhiêu pháp để hành đàn ba-la-mật, đầy đủ sáu ba-la-mật, nhanh chóng thành Đạo [101] Vô thượng Chánh chơn?”

Phật bảo Bồ-tát Di-lặc:

“Nếu Bồ-tát Ma-ha-tát hành bốn pháp bổn, đầy đủ sáu ba-la-mật, sẽ nhanh chóng thành Vô Thượng Chánh Chơn Đẳng Chánh Giác. Sao gọi là bốn? Ở đây Bồ-tát huệ thí từ Phật, Bích-chi-phật xuống cho đến người phàm thảy đều bình đẳng không lựa chọn người, thường nghĩ vầy: ‘Tất cả do ăn mà tồn tại, không ăn thì tiêu vong.’ Đó gọi là Bồ-tát thành tựu pháp thứ nhất này, đầy đủ sáu độ.

“Lại nữa, Bồ-tát khi bố thí đầu, mắt, tủy não, nước, của, vợ con, vui vẻ bố thí không sinh tưởng đắm trước. Như người đáng chết, đến khi chết thì sống lại, vui mừng hớn hở không tự kềm chế được. Bấy giờ, Bồ-tát phát tâm vui thích cũng lại như vậy; bố thí thệ nguyện không sinh tưởng đắm trước.

“Lại nữa, Di-lặc, Bồ-tát lúc bố thí khắp đến tất cả, không tự vì mình, mà vì để thành Đạo Vô thượng Chánh chơn. Đó gọi là thành tựu ba pháp này đầy đủ sáu độ.

“Lại nữa, Di-lặc, Bồ-tát Ma-ha-tát lúc bố thí tự tư duy, ‘Trong các loài chúng sanh, Bồ-tát là đứng đầu trên hết, đầy đủ sáu độ liễu đạt gốc của các pháp. Vì sao vậy? Vì các căn tịch tĩnh, tư duy cấm giới, không khởi sân nhuế, tu hành tâm từ, dõng mãnh tinh tấn, tăng trưởng pháp thiện, trừ pháp bất thiện, thường hằng nhất tâm, ý không tán lọan, đầy đủ pháp môn biện tài, hoàn toàn không vượt thứ lớp, khiến cho các thí này đầy đủ sáu độ, thành tựu đàn ba-la-mật. Nếu Bồ-tát Ma-ha-tát nào hành bốn pháp này, nhanh chóng thành tựu Vô thượng Chánh chơn Đẳng chánh giác. Cho nên, này Di-lặc, Bồ-tát Ma-ha-tát lúc muốn bố thí, nên phát thệ nguyện đầy đủ các hạnh này.

“Này Di-lặc, hãy học điều này như vậy.”

Di-lặc sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 6 [102]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ở vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Như Lai ra đời có bốn vô sở úy. [103] Như Lai được bốn vô sở úy này, nên không bị dính trước bất cứ điều gì trên thế gian, ở trong đại chúng rống tiếng rống sư tử, chuyển Phạm luân [104]. Sao gọi là bốn? Nay Ta đã thành tựu pháp này, cho dù ở trong đại chúng hoặc sa-môn, bà-la-môn, Ma hoặc Ma thiên cho đến loài bọ bay, cựa quậy, nói rằng Ta không thành tựu pháp này, không có trường hợp này. Ở trong đó Ta đắc vô sở úy. Đó là vô sở úy thứ nhất. [105]

“Như hôm nay, Ta các lậu đã diệt tận, không còn tái sinh nữa. Nếu có sa-môn, bà-la-môn, chúng sanh nào, ở trong đại chúng nói rằng Ta các lậu chưa diệt tận, không có trường hợp này. Đó gọi là vô sở úy thứ hai. [106]

“Nay Ta đã lìa pháp si ám, mà muốn khiến trở lại pháp si ám, [107] hoàn toàn không có việc này. Nếu lại có Sa-môn, Bà-la-môn, Ma hoặc Ma thiên, chúng sinh nào, ở trong đại chúng nói Ta đã trở lại pháp si ám, việc này không đúng. Đó gọi là vô sở úy thứ ba của Như Lai. [108]

“Pháp xuất yếu của các bậc Hiền thánh để sạch hết bờ khổ mà muốn nói đó không là xuất yếu, hoàn toàn không có việc này. Nếu có sa-môn, bà-la-môn, Ma hoặc Ma thiên, chúng sanh nào, ở trong đại chúng nói, Như Lai chưa tận cùng biên tế khổ, không có trường hợp này. Đó gọi là vô sở úy thứ tư của Như Lai. [109]

“Như vậy, này Tỳ-kheo, với bốn vô sở úy, Như Lai ở trong đại chúng có thể rống tiếng rống sư tử, chuyển bánh Phạm luân. Cho nên, này Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện thành tựu bốn vô sở úy.

“Các Tỳ-kheo, hãy học những điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 7 [110]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ở vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nay có có bốn hạng người thông minh, dũng mãnh, thông suốt xưa nay, thành tựu pháp tùy pháp. [111] Sao gọi là bốn? Tỳ-kheo đa văn thông suốt xưa nay, ở trong đại chúng thật là đệ nhất. Tỳ-kheo-ni đa văn, thông suốt xưa nay, ở trong đại chúng thật là tối đệ nhất*. [112] Ưu-bà-tắc đa văn, thông suốt xưa nay, ở trong đại chúng thật là đệ nhất*. Ưu-bà-di đa văn, thông suốt xưa nay, ở trong đại chúng thật là đệ nhất*.

“Này Tỳ-kheo, đó gọi là có bốn hạng người ở trong đại chúng thật là đệ nhất.”

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:

Dũng mạnh, không sợ hãi, [113]

Đa văn, hay thuyết pháp [114],

Trong chúng là sư tử

Hay trừ pháp khiếp nhược.

Tỳ-kheo, thành tựu giới;

Tỳ-kheo-ni đa văn;

 [646a01]Ưu-bà-tắc có tín;

Ưu-bà-di cũng vậy;

Trong chúng là đệ nhất*.

Hoặc hay hòa thuận chúng.

Muốn biết được nghĩa này,

Như lúc trời mới mọc.

“Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy học thông suốt việc xưa nay, thành tựu pháp tùy pháp.

“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 8

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ở vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có bốn loại chim cánh vàng [115]. Những gì là bốn? Có chim cánh vàng sinh bằng trứng, có chim cánh vàng sinh bằng thai, có chim cánh vàng sinh do ẩm, có chim cánh vàng sinh do biến hóa. Đó là bốn loại chim cánh vàng.

“Cũng vậy, Tỳ-kheo, có bốn loài rồng. Những gì là bốn? Có rồng sinh bằng trứng, có rồng sinh bằng thai, có rồng sinh do ẩm thấp, có rồng sinh do biến hóa. Này Tỳ-kheo! Đó gọi là bốn loài rồng.

“Tỳ-kheo nên biết, khi chim cánh vàng sinh bằng trứng kia muốn ăn rồng, nó phải lên trên cây thiết xoa [116] tự lao mình xuống biển. Nhưng nước biển kia ngang dọc hai mươi tám vạn dặm, dưới có bốn loại cung rồng. Có rồng loại trứng, có rồng loại thai, có rồng loại ẩm thấp, có rồng loại biến hóa. Khi ấy loài chim cánh vàng loại trứng dùng cánh lớn quạt nước rẽ hai bên, bắt loại rồng trứng ăn, nếu gặp phải loài rồng bằng thai, thân chim cánh vàng sẽ bị chết ngay. Bấy giờ, chim cánh vàng quạt nước bắt rồng, nước còn chưa hoàn lại, nó đã trở lên trên cây thiết xoa.

“Tỳ-kheo nên biết, khi chim cánh vàng sinh bằng thai muốn ăn rồng, nó phải lên trên cây thiết xoa, tự lao mình xuống biển. Nhưng nước biển kia ngang dọc hai mươi tám vạn dặm. Nó quạt nước, xuống đến gặp loài rồng thai, nếu gặp loài rồng trứng cũng có thể bắt chúng, ngậm đem ra khỏi nước biển. Nếu gặp loài rồng sinh ẩm thấp, thân chim chết ngay.

“Tỳ-kheo nên biết, khi chim cánh vàng sinh do ẩm thấp muốn ăn rồng, nó lên trên cây thiết xoa, tự lao mình xuống biển. Nếu nó gặp loài rồng sinh bằng trứng, rồng sinh bằng thai, rồng sinh do ẩm thấp, đều có thể bắt chúng. Nếu gặp phải rồng hóa sinh, thân chim chết ngay.

“Này Tỳ-kheo, khi chim cánh vàng do hóa sinh muốn ăn rồng, nó lên trên cây thiết xoa, tự lao mình xuống biển. Nhưng nước biển kia ngang dọc hai mươi tám vạn dặm. Nó quạt nước xuống, đến gặp phải rồng trứng, rồng thai, [646b01] rồng ẩm thấp, rồng hóa sinh, đều có thể bắt chúng. Khi nước biển chưa hoàn lại, đã trở lên trên cây thiết xoa.

“Tỳ-kheo nên biết, khi Long vương đang thừa sự Phật, chim cánh vàng không thể ăn thịt được. Vì sao vậy? Như Lai thường hành bốn vô lượng tâm*, vì vậy cho nên chim không thể ăn rồng. Sao gọi là bốn vô lượng tâm? Là Như Lai thường hành tâm từ, thường hành tâm bi, thường hành tâm hỷ, thường hành tâm xả*. Này Tỳ-kheo, đó gọi là Như Lai thường có bốn vô lượng tâm này; có gân sức mạnh, dõng mãnh lớn, không thể ngăn và hoại được. Vì vậy, nên chim cánh vàng không thể ăn rồng. Cho nên các Tỳ-kheo phải hành tâm tứ vô lượng.

“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 9

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ở vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.

Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nếu lúc thiện tri thức bố thí, có bốn sự công đức. Sao gọi là bốn? Biết thời mà bố thí chứ không phải không biết thời. Tự tay huệ thí không sai người khác. Bố thí thường trong sạch, chẳng phải không trong sạch. Bố thí thật vi diệu, không có vẩn đục. Thiện tri thức khi bố thí có bốn công đức này. Cho nên, này các Tỳ-kheo, thiện nam tử, thiện nữ nhân lúc bố thí nên đủ bốn công đức này. Do đủ công đức này, được phước nghiệp lớn, được sự tịch diệt của cam lồ. Nhưng phước đức này không thể đo lường, nên nói sẽ có ngần phước nghiệp như vậy mà hư không không thể dung chứa hết. Giống như nước biển không thể đong để nói là một hộc, nửa hộc, một lẻ [117], nửa lẻ. Nhưng phước nghiệp này không thể trần thuật đầy đủ. Như vậy, thiện nam tử, thiện nữ nhân đã tạo ra những công đức không thể kể, được phước nghiệp lớn, được cam lồ tịch diệt, nên nói sẽ có ngần ấy phước đức như vậy. Cho nên, này Tỳ-kheo, thiện nam tử, thiện nữ nhân nên đủ bốn công đức này.

“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Sau khi các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 10

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ở vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.

Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nay có bốn hạng người đáng kính, đáng quý, là ruộng phước thế gian. Sao gọi là bốn? Là tùy tín hành [118], [646c01] tùy pháp pháp, [119] thân chứng, [120] kiến đáo [121].

“Sao gọi là người tùy tín hành? Hoặc có một người lãnh thọ sự giáo giới của người khác, có tín tâm chí thiết, ý không nghi nan; có tín tâm nơi Như Lai Chí chơn, Đẳng chánh giác, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên Nhân sư, hiệu là Phật Thế Tôn, cũng có tín nơi lời dạy của Như Lai, cũng có tín nơi lời dạy của đồng phạm hạnh [122]; hằng có tín nơi lời người khác, không tùy theo trí của mình. Đó gọi là người trì tín.

“Sao gọi là người tùy pháp hành? Ở đây, có người phân biệt ở nơi pháp, không tin người khác; quán sát pháp rằng, ‘Có chăng? Không chăng? Thật chăng? Hư chăng?’ Rồi người ấy nghĩ thầm: ‘Đây là lời Như Lai, đây là lời đồng phạm hạnh*.’ Vì biết đây là pháp ngữ của Như Lai, người ấy liền phụng trì. Nếu là những lời của ngoại đạo, người ấy xa lìa. Đó gọi là người tùy pháp pháp.

“Sao gọi là người thân chứng? Ở đây, có người tự thân tác chứng, cũng không tin người khác, cũng không tin lời Như Lai và, những ngôn giáo của các Tôn túc đã dạy lại cũng chẳng tin, chỉ theo tính mình mà chứng nhập. [123] Đó gọi là người thân chứng.

“Sao gọi là người kiến đáo? Ở đây, có người đoạn ba kết, thành pháp bất thối chuyển Tu-đà-hoàn. Người ấy có kiến giải này: ‘Có bố thí, có người nhận, có báo thiện ác, có đời này, có đời sau, có cha, có mẹ, có A-la-hán v.v.’ Người ấy vâng lời dạy, tin vào tự thân tác chứng mà tự chứng nhập. [124]

Đó gọi là, này Tỳ-kheo, có bốn hạng người này. Hãy niệm trừ ba hạng người đầu. Hãy niệm tu pháp thân chứng.

“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành. [125]

  


 [1] Tham chiếu Pāli, S. 56. 21 Vijjā (R. v. 431).

 [2] Ngũ thạnh ấm 五盛陰, tức năm thủ uẩn (Pāli: pañca-upādānakkhandha).

 [3] Cf. Tập dị 6 (T26n1536, tr. 393a11), Pháp uẩn 2 (T26n1537, tr. 458b26), bốn Dự lưu chi 預流支: thân cận thiện sỹ 親近善士, thính văn chánh pháp 聽聞正法, như lý tác ý 如理作意, pháp tùy pháp hành 法隨法行. Pāli, D 33 Saṅgīti (R.iii. 227 ): cattāri  sotāpattiyaṅgāni– sappurisasaṃsevo, saddhammassa-vanaṃ, yonisomanasikāro, dhammānudhammappaṭipatti.

 [4] Tham chiếu Pāli, A IV 127 Adbhūtadhammā (R.ii. 131).

 [5] Vị tằng hữu pháp. Pāli 未曾有法: adbhūtadhamma.

 [6] Trong bản: Đa-tát-a-kiệt .多薩阿竭.

 [7] Tham chiếu Pāli, S.22. 22 Bhāra (R. iii. 25).

 [8] Dẫn bởi Câu-xá 30 (T29n1558, tr. 155a27): trọng đảm 重擔 (Pāli: bhāra), hà trọng đảm 荷重擔 (Pāli: bhārahāra), xả trọng đảm 捨重擔 (Pāli:  bhāranikkhepana).

 [9] Pāli: bhāranidāna.

 [10] Pāli, định cú: yāyaṃ taṇhā ponobhavikā nandīrāgasahagatā tatratatrābhinandinī seyyathidaṃ– kāmataṇhā, bhavataṇhā, vibhavataṇhā, ái đương lai hữu, câu hữu với hỉ tham, mong ước ta sẽ ở đây, ta sẽ ở kia, tức là, dục ái, hữu ái, phi hữu ái.

 [11] Cf. M 12 Mahā-Sīhanādasuttaṃ (R.i. 73): catasso yoniyo: aṇḍajā yoni, jalābujā yoni, saṃsedajā yoni, opapātikā yoni.

 [12] Nhân duyên sinh 因緣生. Tức thấp sinh kể trên.

 [13] Tham chiếu Pāli, M. 5 Anaṅgaṇasuttaṃ (R. i. 24); Hán, Trung 22 kinh 87 (T1n26, tr. 566a13).

 [14] Pāli, ibid., sāṅgaṇova (…) ajjhattaṃ aṅgaṇan’ti yathābhūtaṃ nappajānāti, có ô uế, nhưng không như thực biết rằng ta bên trong có ô uế.

 [15] Pāli: subhanimittaṃ manasi karissati, nó sẽ tác ý đến dấu hiệu tinh sạch.

 [16] Để bản nhảy sót. Tham chiếu Pāli, ibid.; Trung 22, dẫn trên.

 [17] Câu này nghi để bản chép dư, nên cho vào ngoặc.

 [18] Kết 結; đây hiểu là “bẩn”; Trung 22 nói là uế 穢. Pāli nói là aṅgaṇa (vết bẩn).

 [19] Cf. Trung 22: “Vô lượng pháp ác bất thiện phát sinh từ dục, đó gọi là uế.” Pāli: pāpakānaṃ akusalānaṃ icchāvacarānaṃ adhivacanaṃ yadidaṃ aṅgaṇan ‘ti, ác, bất thiện, cảnh giới của dục, là những từ đỗng nghĩa của cáu bẩn.

 [20] Trong ngoặc, không có trong Hán dịch, nhưng được thêm vào cho rõ nghĩa.

 [21] Cf. Trung 22, ibid.: “Vị ấy liền sinh ác tâm. Khi tâm sinh ác và tâm sinh dục, thảy đều bất thiện.” Cf Plia, ibid., so kupito hoti appatīto. kopo yo ca appaccayo– ubhayametaṃ aṅgaṇaṃ, vị ấy phẩn nộ và bất mãn. Phẩn nộ và bất mãn, cả hai đều ô uế.

 [22] Viên 園, tức trong tăng già lam, hay tăng viện. Pāli: ārāma.

 [23] Hán dịch có sự nhầm lẫn. Tỳ-kheo không thanh tịnh không được nói tội Tỳ-kheo khác. Cf. Vin.i. 170. Tham chiếu, Trung 22: “Ta phạm giới, mong người hơn ta chỉ tội, chứ không phải người không bằng ta chỉ tội.” Pāli: sappaṭipuggalo maṃ codeyya, no appaṭipuggalo’ti.

 [24] Cf. A IV 105 Ambasuttaṃ (R.ii. 106): Có bốn loại xoài (amba: am-ma-lặc).

 [25] Pāli, ibid. “Hạng người tới lui, cúi ngước, co duỗi, v.v., thảy đều đoan chánh, nhưng không như thực biết đây là khổ, đây là tập, v.v. : sống mà có màu sắc như trái chín.”

 [26] Câu-sí-la 拘翅羅. Chưa rõ chim gì. Skt. (Pāli): kokila, chim cuốc.

 [27] Chí điểu 鷙鳥; một loại diều hâu, chim dữ.

 [28] Cf. A IV 102 Dutiyavalāhakasuttaṃ (R.ii. 103).

 [29] Pāli, ibid. “Thông suốt Khế kinh (sutta), Ứng tụng (geyya), v.v., nhưng không như thực biết đây là khổ, đây là tập, v.v.: sấm mà không mưa”

 [30] Pāli, ibid., “Không thông suốt Khế kinh, Ứng tụng, v.v., nhưng như thực biết đây là khổ, đây là tập, v.v.: mưa mà không sấm.”

 [31] Bản Hán, hết quyển 17.

 [32] Tứ ý đoạn 四意斷 . Cf. Tập dị 6 (T26n1536, tr. 391c06): Tứ chánh đoạn giả 四正斷者. Pháp uẩn 3 (T26n1537, tr. 467c24): Tứ chánh thắng 四正勝. Đại trí độ 19 (T25n1509, tr. 197b20): Tứ chánh cần 四正懃. Pāli, D 33 Saṅgīti (R. iii. 221): cattāro sammappadhānā. Skt. samyak-prahāna/ samyak-pradhāna.

 [33] Nguyên Hán: Linh diệt 令滅. Có sự nhầm lẫn. Nên sửa lại, vì đấy đối với pháp chưa sanh.

 [34] Nguyên Hán: Linh bất sanh 令不生. Có sự chép nhầm. Nên sửa lại.

 [35] Túc tán quốc vương 粟散國王. Chỉ các Tiểu vương, chư hầu. Skt. koṭa-rāja, lãnh chúa tại một địa phương (Skt. pradeśa-rāja).

 [36] Chiêm-bặc 瞻蔔. Skt (Pāli). campaka, một loại hoa vàng, hoàng hoa, kim sắc hoa.

 [37] Tu-ma-na 須摩那. Skt. (Pāli) sumanas (sumanā): tố hương, hảo ý hương.

 [38] Bà-sư 婆師. Skt. vārṣika (Pāli: vassika), ha gian hoa, hạ sinh hoa, một hoa nở mùa hè.

 [39] Pāli, S 3. 21 Puggalasutta (R.i. 93). Hán, No 127 Tứ nhân kinh.

 [40] Pāli, ibid., tamotamaparāyano, tamojotiparāyano, jotitamaparāyano, jotijotiparāyano, từ bóng tối đi đến bóng tối, từ bóng tối đi đến ánh sáng, từ ánh sáng đi đến bóng tối, từ sáng đi đến sáng.

 [41] Đạm nhân 噉人, nghĩa đen, “ăn thịt người (?)” Có lẽ chỉ người bán thịt. No 127: Khôi khoái gia 魁膾家.

 [42] Hán: Lõa tiển 裸跣.

 [43] Trưởng giả chủng 長者種, đây chỉ đẳng cấp thứ ba, phệ-xá hay cư sĩ.

 [44] Hán diễn ý thay vì dịch từ tương đương Pāli: huta: phẩm vật hiến tế; xem D. i. 55, thuyết đoạn diệt (uccheda) của Ajitakesakambala.

 [45] Thuyết của Ajitakesakambala, D. 2 Samaññaphala (R.i. 55).

 [46] Hán: Bất bình quân 不平均; đoạn dưới: bất bình đẳng 不平等. Nên hiểu là “Không chân chánh.”

 [47] Tam tôn 三尊, tức Tam bảo.

 [48] Hán: thọ mạng 受命; được hiểu là “chánh mạng”, sống bằng nghề nghiệp lương thiện.

 [49] Tam-Phật 三佛, phiên âm, Pāli = Skt. Sambuddha.

 [50] Cf. Tạp (Việt) 1031: Tô mẫu (bà nội). Pāli, S. 3 22: ayyakā.

 [51] Ca-thi 加尸. Pāli: Kāsi, thời Phật, thuộc quyền cai trị của vua Ba-tư-nặc.

 [52] Hán: dã mã 野馬.

 [53] Tăng-ca-lợi 僧迦利, tức y tăng-già-lê.

 [54] Bốn biện tài 四辯才, cũng nói là bốn vô ngại biện hay bốn vô ngại giải. Pāli: Cf. A IV 172 Vibhattisuttaṃ (R. ii. 160).

 [55] Nghĩa biện 義辯, hay nghĩa vô ngại giải. Pāli, ibid. atthapaṭisambhidā sacchikatā odhiso byañjanaso, do từng trường hợp, y theo văn, tôi tác chứng nghĩa vô ngại giải.

 [56] Pháp biện 法辯. Pāli: dhammapaṭisambhidā.

 [57] Ứng biện 應辯, tức từ vô ngại giải. Pāli: iruttipaṭisambhidā, giải thích từ nguyên thông suốt.

 [58] Tự biện 自辯, hay biện (tài) vô ngại giải. Pāli: paṭibhānapaṭisambhidā.

 [59] Trong ngoặc, nhảy sót trong để bản, nên thêm vào cho đủ văn.

 [60] Chấp trượng phạm chí 執杖梵志, nhóm ngoại đạo cầm gậy. Tỳ-nại-da tạp sự 18 (T24n1451, tr. 287a26): Nhóm ngoại đạo tà mạng, cầm gậy và bện tóc, đón đường đánh chết Mục-kiền-liện. Tỷ-nại-da 2 (T24n1464, tr. 857c27): nhóm phạm chí chấp trượng, cầm gậy có hình như đầu người. Truyền thuyết Pāli, Ngài bị giết bởi nhóm Nigaṇṭha.

 [61] Ma-sấu 摩瘦. Cf. Tây vực ký 4 (T51n2087, tr. 890a28): Mạt-thố-la 秣菟羅, tại đó có tháp thờ di thân của Xá-lợi-phất. Phiên âm của Mathurā hay Madhurā (Skt., Pāli đồng).

 [62] Quân-đầu Sa-di 均頭沙彌. Pāli: Cunda Samaṇuddesa. Cf. S. 47. 13 Cundasuttaṃ (R.v. 161)

 [63] Để bản: Cúng dường Tôn giả xá-lợi 供養尊者舍利. Hoặc nói đủ là “Cúng dường Tôn giả Xá-lợi-phất.” Ý Đế Thích muốn phục vụ nuôi bệnh ngài Xá-lợi-phất.

 [64] Không thể phục vụ người bịnh, vì dơ bẩn.

 [65] Cf. S 47 ibid. : Xá-lợi-phất y trên giới uẩn ( sīlakkhandhaṃ ādāya), hay y trên định uẩn (samādhikkhandhaṃ vā ādāya), tuệ uẩn (paññākkhandhaṃ), giải thoát uẩn (vimuttikkhandhaṃ), giải thoát tri kiến uẩn (vimuttiñāṇadassanakkhandhaṃ) mà nhập Niết-bàn (parinibbuto)?

 [66] Danh sách các Bích-chi-phật, xem phẩm 38 kinh 7 dưới. Pāli, cf. M 116 Isigili (R.iii. 68): Ariṭṭho; Upariṭṭho; Tagarasikhī; Yasassī; Sudassano; Piyadassī;  Gandhāro; Pinḍolo; Upāsabho; Nīto; Tatho, Sutavā; Bhāvitatto.

 [67] Pāli, D 16 Mahāparinibbānasuttaṃ (R.ii. 157): aniccā vata saṇkhārā, uppādavaya-dhammino; uppajjitvā nirujjhanti, tesaṃ vūpasamo sukho.

 [68] Bản Hán, hết quyển 18.

 [69] Các loại trí của Xá-lợi-phất, cf. Pāli, S 8.7 Pavāraṇāsuttaṃ (R.i. 191): paṇḍito (bác huệ), mahāpañño (đại huệ), puthupañño (quảng huệ), hāsapañño (tật huệ), javanapañño (tiệp huệ), tikkhapañño (lợi huệ), nibbedhikapañño (quyết trạch huệ).

 [70] Na-la-đà thôn 那羅陀村. Pāli: Nālaka, một ngôi làng Bà-la-môn gần Vương xá, sinh quán của Xá-lợi-phất. Theo truyến thống Pāli, sinh quán Mục-kiền-liên tại Kolita, cũng ngôi làng gần Vương xá.

 [71] Hán: Tự thâu-bà 寺偷婆. Skt. stūpa (Pāli: thūpa).

 [72] Bà-ca-lê 婆迦梨. Pāli: Vakkali. Cf, S.22. 87 Vakkalisuttaṃ (R. iii. 119). Hán. Tạp  (Việt) kinh 1279: Bạt-ca-lê 跋迦梨.

 [73] Phổ Tập giảng đường 普集講堂: Hội trường của các Tỳ-kheo trong mỗi tinh xá. Cũng gọi là cần hành đường, hay thị giảng đường. Pāli: upaṭṭhāna-sālā.

 [74] Pāli, ibid., appatiṭṭhitena ca viññāṇena vakkali kulaputto parinibbuto, thức của Vakkali vô trụ mà nhập Niết-bàn.

 [75] Tham chiếu Pāli, M141 Saccavibhaṅgasuttaṃ (R. iii. 247). Hán, Trung 7 kinh 31(T1n26, tr. 467a28).

 [76] Tham chiếu Pāli, M 11 Cūḷa-Sīhanādasuttaṃ (R. i. 63). Hán, Trung 26 kinh 103 (T1n26, tr. 590b5).

 [77] Pāli, ibid., ekā niṭṭhā, udāhu puthu niṭṭhā’ti?

 [78] Bình đẳng thuyết; được hiểu là “trả lời chân chánh, hay chánh xác.” Pāli: sammā byākaramānā.

 [79] Hán: Bỉ cứu cánh 彼究竟, được hiểu là “cứu cánh là một ấy.”

 [80] Pāli: sā niṭṭhā sarāgassa udāhu vītarāgassā’ti? Đó là cứu cánh cho người có tham, hay cho người ly tham?

 [81] Pāli: sammā byākaramānā, trả lời chân chánh.

 [82] Pāli: sā niṭṭhā sataṇhassa udāhu vītataṇhassā’ti, đó là cứu cánh cho người có khát ái, hay cho người không còn khát ái?

 [83] Thọ 受, đây nên hiểu là chấp thủ. Pāli: sā niṭṭhā sa-upādānassa udāhu anupādānassā’ti? Đó là cứu cánh cho người có chấp thủ, hay cho người không còn chấp thủ?

 [84] Hán: Nộ giả sở cứu cánh 怒者所究竟; nên hiểu là không bất mãn với hoàn cảnh. Pāli: sā niṭṭhā  anuruddhappaṭiviruddhassa udāhu ananuruddha-appaṭiviruddhassā’ti? Đó là cứu cánh cho người thuận tùng (lạc quan) hay người vi nghịch (bi quan), hay không thuận tùng, không vi nghịch?

 [85] Hữu kiến, vô kiến 有見無見. Pāli: bhavadiṭṭhi vibhavadiṭṭhi.

 [86] Thọ 受, đây hiểu là chấp thủ. Pāli: upādāna.

 [87] Xem cht. 17 trên; cuối cùng trong các trả lời về cứu cánh đoạn trên. Pāli: te anuruddhappaṭiviruddhā, họ là những người có lạc quan, có bi quan.

 [88] Bất dữ hành tương ưng 不與行相應. Pāli: te papañcảāmā, họ là những người ưa hý luận.

 [89] Tứ thọ 四受. Pāli: cattārimāni pādānāni: kāmupādānaṃ, diṭṭhupādānaṃ, sīlabbatupādānaṃ, attavādu-pādāna, có bốn thủ này: dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ, ngã luận thủ..

 [90] Pāli: “Một số Sa-môn Bà-la-môn tự tuyên bố (paṭijānamānā) là chủ trương biến tri tất cả dục thủ (kāmupādānapariññāvādā) nhưng họ không chỉ thị ra được (paññapenti) sự biến tri tất cả thủ một cách chân chánh.”

 [91] Cf. Trung 26, ibid. “Họ thi thiết (=chủ trương) đoạn dục thọ (=dục thủ), nhưng không thi thiết đoạn ba thọ kia. Vì họ không biêt ba trường họp này một cách như chơn.”

 [92] Tam-da-tam-phật 三耶三佛, Pāli: sammāsambuddha (Skt. samyak-sambuddha), Phật Chánh đẳng Chánh giác.

 [93] Ư thị 於是, ở đây, chỉ ở trong Phật pháp.

 [94] Cf. Trung 26: Thử hữu (…) thử ngoại cánh vô Sa-môn 此有 … 此外更無沙門, chỉ trong đây (trong Phật pháp), ngoài đây ra (ngoài Phật pháp) không có Sa-môn (…). Pāli:idheva samaṇo, suññā parappa-vādā samaṇebhi aññehī’ti, chính nơi đây mới có Sa-môn (đệ nhất…đệ tứ). Các giáo thuyết khác trống không, không có Sa-môn.

 [95] Tham chiếu Pāli, A. IX. 20 Velāma (R. iv. 392). Hán, Trung 39 kinh 125 (T1n26, tr. 677a8).

 [96] A-na-bân-để 阿那邠邸.

 [97] Bấy giờ, gia sản Cấp Cô Độc bị khánh kiệt. Cf. Sớ giải Pháp cú, DhA. iii. 11.

 [98] Tỳ-la-ma 毘羅摩, Pāli: Velāma.

 [99] Hán: Long tượng 龍象.

 [100] Chiêu-đề Tăng 招提僧; Tăng du hành bốn phương, không trú xứ nhất định. Pāli: catuddisā-saṅgha.

 [101] Đạo , dịch từ bodhi (bồ-đề).

 [102] Tham chiếu Pāli, A IV 8 Vesārajjasutta (R. ii. 9).

 [103] Bốn vô sở úy 四無所畏. Pāli: cattārimāni tathāgatassa vesārajjāni, bốn điều tự tín của Như Lai. Cf. Câu-xá 27 (T29n1558, tr. 140c17).

 [104] Phạm luân 梵輪. Pāli: brahmacakka.

 [105] Cf. Câu-xá, dẫn trên: Chánh đẳng giác vô úy 正等覺無畏, Skt. sarva-dharmābhisaṃbodhi-vaiśāradya, tự tin, không do dự, khi tuyên bố tự thân chứng giác tất cả các pháp.

 [106] Cf, Câu-xá, ibid., lậu vĩnh tận vô úy 漏永盡無畏, Skt. sarvāsrava-kṣaya-jñāna-vaiśāradya, tự tin, khi tuyên bố tự thân biết rõ tất cả các đã diệt tận.

 [107] Pāli: antarāyikā dhammā vuttā, những pháp được nói là chướng ngại. Bản Hán có thể đọc Skt. andharakāra-dharmā (Pāli: andhakāra-dhammā): Pháp u ám, thay vì Skt. anatarāyika-dharmā (Pāli: antarāyika-dhammā): Pháp chướng ngại.

 [108] Câu-xá, ibid., thuyết chướng pháp vô úy 說障法無畏. Skt. anatarāyikadharmānyathātva-niścita-vyākaraṇa-vaiśāradya, tự tin khi tuyên bố xác nhận quyết định không thay đổi những gì là pháp chướng ngại đạo.

 [109] Câu-xá, ibid., thuyết xuất đạo vô úy 說出道無畏. Skt. sarvasampad-adhigamāya nairyāṇikapratipat-tathāva-vaiśāradya, tự tin khi tuyên bố không thể đổi khác con đường hành trì dẫn đến chứng đắc.

 [110] Tham chiếu Pāli, A IV 7 Sobhanasutta (R. ii. 8).

 [111] Pháp pháp thành tựu.

 [112] Pāli: Saṅghaṃ sobhenti, những người ấy làm sáng chói Tăng.

 [113] Vô sở úy 無所畏; Pāli: Visārada, tự tin, không do dự.

 [114] Thuyết pháp 說法. Pāli: Dhammadhara, trì pháp.

 [115] Kim sí điểu 金翅鳥. Pāli: Garuḷa (Skt. garuḍa). Xem Trương 19, kinh Thế ký, phẩm Long điểu.

 [116] Thiết xoa thọ 鐵叉樹. Trường ibid., Cứ-la thiểm-ma-la. Pāli: simbala (Skt. śimbala).

 [117] Mười lẻ là một thưng.

 [118] Nguyên Hán: trì tín 持信. Tùy tín hành 隨信行, thấp nhất trong bảy bậc Thánh của Thanh văn. Cf. Tập dị 16 (T26n1536, tr. 435b15): Thất bổ-đặc-già-la 七補特伽羅. Pāli: saddhānusārī; cf. M. 70 Kīṭāgirisutta (M. i. 479)

 [119] Nguyên Hán: phụng pháp 奉法; tùy pháp hành 隨法行, hàng thứ hai từ thấp trong 7 bảy bậc Thánh Thanh văn; cf. Tập dị, ibid. Pāli: dhammānusārī, cf. Kīṭgiri, ibid.

 [120] Thân chứng 身證; hàng thứ năm từ dưới, nhảy hàng ba và tư. Trong liệt kê này, Hán dịch nhảy sót hàng thứ ba: tín thắng giải (Pāli: saddhāvimutto). cf. Tập dị, ibid. Pāli, ibid. kāyasakkhi.

 [121] Kiến đáo 見到; hay kiến chí見至, hàng thứ tư, Hán dịch thứ tự nghịch đảo. Cf. Tập dị, ibid. Pāli, ibid., diṭṭhippatto

 [122] Phạm chí ngữ 梵志語, ở đây nên hiểu là lời của các đồng phạm hạnh (Pāli: sabrahmacarī), tức những bạn đồng tu.

 [123] Cf. Tập dị, ibid., “Đã tự thân tác chứng nơi tám giải thoát, nhưng chưa được huệ giải thoát, đó gọi là Thân chứng.” Tức vị A-na-hàm khi chứng đắc diệt tận định, được gọi là vị Thân chứng.

 [124] Cg. Tập dị, ibid: “Hạng tùy pháp hành, khi chứng đắc đạo loại trí, xả địa vị tùy pháp hành, trở thành Kiến chí.”

 [125] Bản Hán, hết quyển 19.