Hợp Đồng Lạ Lùng Ở Liên Hoan Phim Cannes 2006

Báo chí viết về Liên hoan phim (LHP) Cannes (Pháp) ngày 23-5-2006 chộn rộn hẳn lên vì sự kiện "giật gân": Thiền sư người Việt mảnh khảnh Nhất Hạnh và các đệ tử áo nâu sòng của ngài xuất hiện uy nghi, nụ cười bình thản giữa tầng lớp nghệ sĩ điện ảnh xiêm y lộng lẫy, đồ trang sức vương giả. Các vị xuất gia cũng để tâm buông lung đến nỗi không thoát khỏi sự cuốn hút ma mị, phù phiếm của nàng tiên Bảy chăng? Không đâu, chính nàng tiên Bảy xiêu lòng trước tuệ giác và trái tim của thiền sư, hoà thượng Nhất Hạnh và tăng đoàn Làng Mai được mời đến Cannes để ký hợp đồng với nhà tỷ phú Ấn Độ Bhupendra Kuman Modi cho phép kiệt tác Đường xưa mây trắng (ĐXMT) của thiền sư được quay thành phim...

tỷ phú người Ấn hỏi tác giả của kiệt tác Đường Xưa Mây Trắng: Xin Thầy cho biết tôi phải trả bao nhiêu tiền cho tác quyền?

Tác giả trả lời: Tôi xin được hiến tặng tác phẩm này và không lấy của quý vị một đồng xu. Tôi chỉ muốn những người làm phim, các nhà văn viết kịch bản, nghệ sĩ, diễn viên, nhà tài trợ, nhà sản xuất cùng chung sống với nhau tại Làng Mai một thời gian để có đủ điều kiện lột tả hết tuệ giác của Đức Bụt qua nghệ thuật điện ảnh. Đó là món quà chúng ta sẽ hiến tặng cho thế hệ tương lai, là thông điệp của tình thương và sự hiểu biết. Giúp cho người trẻ đủ sức vượt qua những hận thù, bạo động, hiểu lầm,... và chung sống với nhau trong tình huynh đệ. Trong tương lai, sau khi phát hành, nếu có lời, tôi chỉ xin 1% tiền lời đó để hiến tặng cho trẻ em nghèo khổ tại Ấn Độ mà thôi.

Hợp Đồng Lạ Lùng Ở Liên Hoan Phim Cannes 2006

Cẩm Vinh

1. Báo chí viết về Liên hoan phim (LHP) Cannes (Pháp) ngày 23-5-2006 chộn rộn hẳn lên vì sự kiện "giật gân": Thiền sư người Việt mảnh khảnh Nhất Hạnh và các đệ tử áo nâu sòng của ngài xuất hiện uy nghi, nụ cười bình thản giữa tầng lớp nghệ sĩ điện ảnh xiêm y lộng lẫy, đồ trang sức vương giả. Các vị xuất gia cũng để tâm buông lung đến nỗi không thoát khỏi sự cuốn hút ma mị, phù phiếm của nàng tiên Bảy chăng? Không đâu, chính nàng tiên Bảy xiêu lòng trước tuệ giác và trái tim của thiền sư, hoà thượng Nhất Hạnh và tăng đoàn Làng Mai được mời đến Cannes để ký hợp đồng với nhà tỷ phú Ấn Độ Bhupendra Kuman Modi cho phép kiệt tác Đường xưa mây trắng (ĐXMT) của thiền sư được quay thành phim. Tờ Hollywood Reporter hoan hỉ đưa tin, đây là lần làm phim đầu tiên của doanh gia truyền thông người Ấn có tài sản 2,4 tỷ Mỹ kim đang sở hữu 1 hý viện 8 màn ảnh ở Bắc Ấn Độ. Nội dung cuốn phim nói tiếng Anh này dựa theo tác phẩm ĐXMT, cuốn sách viết về cuộc đời của Siddhartha Gotama (Phật Thích Ca Mâu Ni), nhà triết học và lãnh đạo tôn giáo người Ấn Độ sống trong thế kỷ 500 trước Công nguyên. Tuy theo Ấn Độ giáo nhưng tiến sĩ B.K. Modi rất kính trọng Đức Phật Thích Ca, một nhân vật có thật trong lịch sử. Vượt qua sự cản trở của gia đình và các đạo hữu Ấn Độ giáo, nhà tư bản Modi vẫn ôm ấp giấc mộng làm phim về cuộc đời Đức Phật từ nhiều năm nay. Ông từng nhận được nhiều bản thảo của các nhà Phật học viết về nhân vật huyền thoại này theo truyền thống Bắc tông lẫn Nam tông nhưng duyên lành mới đến cách đây 2 năm, khi ông Modi được đọc ĐXMT bằng tiếng Hindu. Ông bộc bạch với phóng viên tờ Hollywood Reporter "Sau nhiều năm nuôi khát vọng làm cuốn phim về Buddha, nay tôi mới có thể thực hiện mộng ước của mình. Tôi tìm được cuốn ĐXMT từ 2 năm nay, cuốn sách đã thay đổi đời tôi và nay tới lượt tôi phải chia sẻ hạnh phúc với thế giới". Sự "chia sẻ hạnh phúc" này rất đắt giá, chi phí dự trù ban đầu là 120 triệu Mỹ kim, con số phá kỷ lục về đầu tư cho sản xuất một bộ phim ở Ấn Độ. Nhà sản xuất phim Michen Shane bày tỏ: "Cuộc đời Đức Phật đầy cảm hứng và là câu chuyện tuyệt vời cần được kể lại. Chúng tôi mong đợi phim này sẽ là một anh hùng ca cho các thời đại, như phim Lawrence of Arabia cộng với Gladiator". Đặc biệt, Đức Đạt Lai Lạt Ma, vị lãnh đạo Phật giáo Quốc tế đã ban phúc lành và ngài đã nhận nhiệm vụ cố vấn cho bộ phim. Khi cuốn phim chính thức khởi quay vào 11-9-2006 ngài sẽ có mặt tại Hollywood. Cuốn phim sẽ được quay tại các nước Mỹ, Nhật Bản, Trung Hoa, Thái Lan, Ấn Độ với sự tham gia nhiệt thành của các tài tử thượng thặng trong thế giới điện ảnh quốc tế.

2. Đám Mây Trắng tâm thức của thiền sư Nhất Hạnh cùng tăng thân Làng Mai bay trên bầu trời Trung tâm Festival Cannes đem lại sự yên tĩnh nội tâm cho tao nhân mặc khách có mặt tại LHP, nhiều nghệ sĩ nối gót tăng nhân thực tập những bước chân an lạc theo sự hướng dẫn của thiền sư. Lúc ký kết hợp đồng với đoàn làm phim, Đám Mây Trắng tâm thức vẫn thơ thới trước "cỗ máy tiền bạc" Xin trích dẫn cuộc thương thảo kỳ lạ, hiếm có trong lịch sử điện ảnh thế giới theo tường thuật của Hollywood Reporter: "Doanh gia truyền thông, tỷ phú người Ấn hỏi tác giả của kiệt tác ĐXMT:

- Xin Thầy cho biết tôi phải trả bao nhiêu tiền cho tác quyền?

Tác giả trả lời:

- Tôi xin được hiến tặng tác phẩm này và không lấy của quý vị một đồng xu. Tôi chỉ muốn những người làm phim, các nhà văn viết kịch bản, nghệ sĩ, diễn viên, nhà tài trợ, nhà sản xuất cùng chung sống với nhau tại Làng Mai một thời gian để có đủ điều kiện lột tả hết tuệ giác của Đức Bụt qua nghệ thuật điện ảnh. Đó là món quà chúng ta sẽ hiến tặng cho thế hệ tương lai, là thông điệp của tình thương và sự hiểu biết. Giúp cho người trẻ đủ sức vượt qua những hận thù, bạo động, hiểu lầm,... và chung sống với nhau trong tình huynh đệ. Trong tương lai, sau khi phát hành, nếu có lời, tôi chỉ xin 1% tiền lời đó để hiến tặng cho trẻ em nghèo khổ tại Ấn Độ mà thôi.

Quả là sự kiện chưa từng có đối với ông tỷ phú Modi cũng như nhà sản xuất phim Shane. Tình thương và tuệ giác của thiền sư Nhất Hạnh đã làm mềm trái tim của nhà doanh nghiệp, ông Modi tiếp lời thiền sư:

- Thưa Thầy, vậy thì phần tôi, tôi sẽ hiến 1% cho trẻ em đói khổ ngoài nước Ấn Độ chúng tôi... (ngập ngừng, xúc động) như Việt Nam chẳng hạn.

Thế là hợp đồng "bất bình thường" đã được hoàn tất hôm thứ ba, 23-5-2006 tại LHP Cannes, một trong những LHP Quốc tế hàng đầu".

3. Khi viết tác phẩm ĐXMT, thiền sư Nhất Hạnh sống trong tâm trạng tràn đầy phúc lạc, nên ông tin rằng người đọc cũng sẽ tràn ngập phúc lạc khi dõi theo bước chân của Con Người Đại Hùng - Đại Lực - Đại Bi nhưng cũng từng mang trái tim đau như mọi thường nhân vì ngài không phải là đấng thần linh. Xuất bản lần đầu tiên bằng tiếng Việt năm 1988, ĐXMT lập tức thuộc vào sách bán chạy nhất tại Bắc Mỹ, Á, Âu trong 20 ngôn ngữ khác nhau. Tờ báo chuyên điểm sách Library Journal nhận định: "Đó là cuốn sách tác giả viết bằng trái tim của mình, dùng các nguồn tài liệu quan trọng (bằng tiếng Phạn và tiếng Hán) về cuộc đời Đức Phật. Văn phong mới mẻ, đầy chất thơ của ông có thể làm say mê các độc giả sơ cơ cũng như Phật tử thuần thành".

Xếp ĐXMT vào bậc thứ 12 trong danh sách 40 tác phẩm đỉnh cao có giá trị nhất của thế kỷ XX, nhà phê bình văn học Mỹ Paul William diễn tả cảm xúc xáo trộn của ông khi thưởng thức cuốn sách: "Tôi có thể nói rằng khó có ai đọc ĐXMT mà không cảm thấy lòng ngây ngất say vì những tình cảm cao thượng cứ rạt rào từ trang này sang trang khác như những đợt sóng. Suốt cả tác phẩm là một thiên anh hùng ca bày tỏ lòng ngưỡng mộ chân thành trước lối sống gương mẫu đầy những hành vi và mục đích cao cả, đọc thấy rất cảm động vì trong văn chương thời nay điều này ít ai đề cập đến. Đọc xong cuốn sách này tôi thấy mình bị thu hút mãnh liệt bởi nhân cách vĩ đại của Bụt qua cái nhìn và ngòi bút của thầy Nhất Hạnh. ĐXMT là mối tình nồng nàn giữa thầy và Đức Bụt... ĐXMT được viết nhẹ nhàng, lôi cuốn, dễ đọc vì người viết đã không viết nó với tư cách một giảng sư, thầy mời chúng ta gặp bậc giác ngộ qua sự hướng dẫn của chú bé chăn trâu dễ thương, hồn nhiên, người may mắn được gần gũi Bụt trước và sau khi ngài thành đạo cho đến khi ngài nhập diệt 45 năm sau"

Đúng như "tiên tri" của P.William, độc giả B.K. Modi đã "ngây ngất say" ngay từ những trang đầu, dòng đầu của ĐXMT, ngài tỷ phú mời gọi nàng tiên Bảy biến ước mơ của mình thành hiện thực. May thay, Thiền sư từng quán chiếu nghệ thuật thứ bảy với cái nhìn thiện cảm, trong khóa tu của giới điện ảnh Hollywood tại tu viện Lộc Uyển (Mỹ), sư ông nhẹ nhàng khuyên bảo: “Quý vị có phương tiện rất hữu hiệu trong tay, vậy quý vị hãy dùng các phương tiện sẵn có của mình để giúp cho tâm thức cộng đồng khắp nơi chuyển đổi, để thế giới có thể hết hận thù và bạo động thì hành động đó cũng không khác gì hành động của vị Bồ Tát". Thế là, như những người tri kỷ, nhà tỷ phú thấu hiểu và quyết thực hiện ước nguyện của Thiền sư: "Bụt có thể không vui, vì bị thần thoại hóa quá nhiều trong những thế kỷ qua. Cuốn phim này có thể giúp cho ngài thành một con người như chúng ta"