Thử Tìm Hiểu Đôi Nét Về Phong Cách Tượng Phật Giáo Việt

dieukhacrongtamcapnhatran.jpgĐạo Phật vào nước ta từ rất sớm. Hiện nay nhiều người nghĩ rằng, đạo Phật đến đất Việt trước khi đến Trung Hoa. Thuỷ kinh chú của Trung Hoa đã cho biết vào thế kỷ thứ III trước công nguyên đạo Phật đã vào nước Việt, với sự kiện là vua Acoka cho dựng ở núi Nêlê thuộc Kiến An - Hải Phòng một ngôi tháp Phật. Thời kỳ cuối đời Đường (thế kỷ VIII và IX) mặc dù đạo Phật đã phát triển khá mạnh, có nhiều tông phái, song kiến trúc và tượng Phật hầu như cũng không còn dấu vết. Chỉ tới thời tự chủ, ít nhiều dấu tích liên quan tới ngôi chùa mới thấy còn tồn tại.

Càng về sau này do sự phát triển của Phật giáo cùng với sự chi phối của hoàn cảnh lịch sử và xã hội, nên mỗi thời tượng chùa có nhiều biến đổi khác nhau. Nói về tượng Phật giáo ở chùa Việt thì có nhiều phong cách như: tượng Phật thời Lý, tượng Phật giáo thế kỷ XVI, thời Lê Trung hưng (thế kỷ XVII), thế kỷ XVIII, thời Tây Sơn, thế kỷ XIX...

Trong một chừng mực nào đó, có thể nghĩ chùa và tượng của người Việt là một trong những nơi giáo dục lòng yêu quê hương xứ sở, về tình người, và là một di sản văn hóa quý báu để đời sau gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Với tinh thần đó người Việt Nam hầu như ít nhiều đã chịu ảnh hưởng tinh thần Phật đạo để giờ đây như được thể hiện cụ thể qua những việc xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, tinh thần tương thân tương ái, cứu trợ đồng bào gặp thiên tai...

Thử Tìm Hiểu Đôi Nét Về Phong Cách Tượng Phật Giáo Việt

Lan Phương (1)

Đạo Phật vào nước ta từ rất sớm. Hiện nay nhiều người nghĩ rằng, đạo Phật đến đất Việt trước khi đến Trung Hoa.

Thuỷ kinh chú của Trung Hoa đã cho biết vào thế kỷ thứ III trước công nguyên đạo Phật đã vào nước Việt, với sự kiện là vua Acoka cho dựng ở núi Nêlê thuộc Kiến An - Hải Phòng một ngôi tháp Phật. Thời kỳ cuối đời Đường (thế kỷ VIII và IX) mặc dù đạo Phật đã phát triển khá mạnh, có nhiều tông phái, song kiến trúc và tượng Phật hầu như cũng không còn dấu vết. Chỉ tới thời tự chủ, ít nhiều dấu tích liên quan tới ngôi chùa mới thấy còn tồn tại.

Càng về sau này do sự phát triển của Phật giáo cùng với sự chi phối của hoàn cảnh lịch sử và xã hội, nên mỗi thời tượng chùa có nhiều biến đổi khác nhau.

Nói về tượng Phật giáo ở chùa Việt thì có nhiều phong cách như: tượng Phật thời Lý, tượng Phật giáo thế kỷ XVI, thời Lê Trung hưng (thế kỷ XVII), thế kỷ XVIII, thời Tây Sơn, thế kỷ XIX... Song, chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa của tượng Phật giáo Việt Nam qua bốn phong cách chính sau đây:

- Phong cách tượng Phật giáo thời Lý: chủ yếu từ thế kỷ XI đến thế kỷ XII.

Xét về phong cách tượng, chủ yếu chúng tôi dựa vào tượng đức Giáo chủ Bổn sư ở chùa Phật Tích (tuy phần đầu của tượng đã làm lại). Và một tượng Phật khác ở chùa Chương Sơn (ý Yên - Nam Định). Đây là những điển hình của nghệ thuật điêu khắc Việt Nam, là những pho tượng Phật sớm nhất của nước ta. Tượng được bố cục tỉ lệ gần như “toạ tứ” nên điều trước hết được biểu hiện ra là sự cân xứng trong thế vững chãi. Không riêng gì tượng “Giáo chủ Bổn sư” mà tất cả các tượng Phật giáo khác ở thời Lý hầu như đều được làm theo bố cục và tỉ lệ như vậy.

Đầu tượng Phật thường có những cụm tóc xoắn ốc nhỏ vòng xoắn được nhiều nhà nghiên cứu coi như một dạng nghệ thuật hóa của chớp, một biểu hiện về sự dung hội tín ngưỡng dân dã cổ truyền của nhiều cư dân trên thế giới với tạo hình Phật giáo. Sọ trên nở, hàm dưới thon, mắt, mũi, mồm, tai đều mang nét bình dị của người thường song rất chuẩn mực theo nguyên tắc của nhà Phật. Cụ thể, tai tượng lớn dài biểu hiện sự cao quý. Mắt khép hờ nhìn xuống, nhằm xem xét để trừ diệt nguồn gốc của mọi dục vọng... Cách nhìn xuống đó là một biểu hiện soi rọi nội tâm. Lông mày cong hình vành trăng lưỡi liềm nên cũng gọi là nguyệt mi, là vẻ đẹp thiên thần trong quan niệm á Đông. Sống mũi thẳng biểu hiện về chính nhân quân tử, một hình thức gần gũi với phong cách của tượng Hy La - ấn Độ. Miệng mím nhẹ như mỉm cười nhằm ý cảm thông và cứu độ chúng sinh. Áo của bất kể tượng nào cũng đều bó sát thân để hằn nổi các bộ phận của cơ thể bên trong. Các nếp áo chưa được thể hiện là nếp gấp của vải, mà là những gân nổi tròn một nửa chạy trên thân theo những nguyên tắc nhất định.

Nhìn chung, tượng Phật của thời Lý và các tượng khác ít nhất có sự kết hợp của ba dòng nghệ thuật khác nhau:

- Dòng nghệ thuật bản địa: Được biểu hiện ra bằng sự ấm áp trữ tình, hướng nội, dù to lớn cũng không mang tính hoành tráng. Nghệ thuật của người Chăm và nhiều nước Đông Nam á thường có tính hướng ngoại. Nhiều khi tượng của người Chăm nhỏ bé nhưng thần thái toả ra thường có tính “động”, còn tượng của người Việt thì có tính “tĩnh” nhiều hơn.

- Dòng nghệ thuật phong cách Lý ít nhiều có chịu ảnh hưởng của nghệ thuật Chăm và Trung Hoa, chủ yếu ở trình độ tạo tác và một số ý tưởng liên quan tới Phật đạo.

- Dòng nghệ thuật điêu khắc Gandhâra (tên đô thành của vua Kanishka, một vị vua sau thời Asoka, có công lớn trong việc hoằng dương Phật pháp. Thành này thuộc đất Peshwar - Pakistan, nơi đã ảnh hưởng mạnh của nghệ thuật tạo hình Hy Lạp La Mã, rồi tự phát triển thành một nền mỹ thuật riêng, gọi là mỹ thuật Gandhâra, được biểu hiện bằng dáng tượng, đặc biệt là đường gân nếp áo.

Nhìn chung tượng Phật vào thời Lý ít chi tiết vụn vặt, không rườm rà, các đường nét mềm mại dứt khoát, mặt nào cách tạo tác còn mang tính quy phạm... Các tượng Phật đều được đặt ngồi trên bệ, tượng nào bệ nấy, để trở thành những tác phẩm hoàn chỉnh.

- Phong cách kế thừa Lý, thời Mạc (thế kỷ XVI). Về nguyên tắc, tượng Phật và Bồ Tát vẫn tuân thủ những quy định của tượng Phật giáo như sọ to, hàm thon, khuôn mặt đầy chất nhân bản mang nét chân dung. Người ta có cảm giác rằng chi tiết trên mặt gần như chuẩn mực, mang khuôn mặt của người phụ nữ Việt Nam. Tượng vẫn có vai nở, bụng thon, áo bó sát người, nếp áo đã chuyển sang là nếp gấp của vải, tuy nhiên các nếp gấp ấy chưa nhiều và vẫn còn để cơ thể bên trong hằn ra ngoài áo. Một đặc điểm nổi bật là hầu như chỉ thời Mạc mới có cánh sen nổi khối, nửa đầu cánh sen nhô hẳn ra (ở các thời khác, các mũi cánh sen dưới thường úp vào lưng các cánh sen trên) khiến tính chất điêu khắc đạt giá trị rất cao. Một đặc điểm rõ rệt là trên mặt các cánh sen đó đều chạm những biểu tượng thuộc lực lượng tự nhiên với hình khối nổi hẳn lên. ở một số tượng Bồ Tát, tính chất hằn khối còn rõ nét bởi các chi tiết ở mũ của tượng. Cụ thể với hình trang trí ở “tấm che” trên đỉnh thóp, rồi ở vành mũ với những hoa sen được tỉa kỹ càng (nếu như đầu tượng to bằng đầu người thì bông sen có thể to bằng quả trứng gà). Đối với các tượng Quan Âm, thường có đôi tay kết ấn Liên hoa đặt trước ngực thì bao giờ cũng có vạt áo phủ qua cánh tay rồi buông lửng nhẹ, khiến cho mũi nhọn của vạt áo chỉ khoảng trên dưới 60o. Trong thời kỳ này ít nhiều như còn chịu ảnh hưởng của tư duy thương mại nên nghệ thuật tạo hình Phật giáo đã thoáng có nét hoành tráng mang tính hướng ngoại và phần nào đã chú ý đến tính khúc chiết, gồ ghề, hằn khối.

- Phong cách nghệ thuật tượng Phật thế kỷ XVII. Là sự kế thừa gần gũi của thế kỷ XVI, song phần nào chịu ảnh hưởng mạnh hơn của nghệ thuật Trung Hoa, đồng thời xuất hiện khá nhiều ngôi chùa kiểu trăm gian có sự hỗ trợ của tầng lớp trên, dẫn tới tượng của thời này như có phong cách riêng. Cụ thể là nhìn đại thể tượng vẫn theo nguyên tắc như tượng của thế kỷ XVI. Song, các bộ phận và chi tiết đã có sự thay đổi. Về chi tiết sọ vẫn nở, hàm đã bạnh hơn, biểu hiện về quyền uy, đôi khi mắt đã có hình thức xếch, mũi không thay đổi nhưng gò má cao hơn, nổi khối, miệng nhỏ lại nhưng môi dày lên, hai bên mép tạo nét hằn khá sâu... làm cho mặt tượng ít có nét chân dung, có phần xa cách nhưng lại biểu hiện về quyền uy, sang trọng. Đối với tượng Bồ Tát, bông sen trên thành mũ (của khuôn mặt to bằng mặt người) có khối lượng nhỏ đi tới khoảng 4 lần so với thời Mạc. Vạt áo phủ tay tượng được kéo dài, chảy xuống tới tận quá gối với tượng đứng, hoặc phủ lên bệ với tượng ngồi, bụng tượng phía trên to hơn để thể hiện sự cao quý của tầng lớp trên. Cánh sen đã úp lại.

Phong cách thế kỷ XIX: nghệ thuật tạo tượng nhiều khi vượt ra ngoài không gian nông thôn, với sự tham gia của nhiều thành phần xã hội khác, khiến cho tượng có nhiều nét “tuỳ tiện”, kể cả trong cách bài trí. Ở thế kỷ này do sự suy thoái của Phật giáo nên tượng có phần ngày càng vượt ra ngoài tính quy định truyền thống. Nói chung các tượng Phật giáo Việt Nam cho tới cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đều còn làm bằng các chất liệu quý, thể hiện tính linh thiêng, như đá, gỗ mít, đất, đồng. Cả bốn chất liệu này đều mang tính truyền thống và tính linh bắt nguồn từ tín ngưỡng hàng ngàn năm trước.

Vào giữa thế kỷ XX về sau do kinh tế thương mại tràn vào cõi linh thiêng với ý thức “thánh một cân trần một yến” người ta đã sử dụng cả xi măng, sắt thép để làm tượng.

Tóm lại, đạo Phật vào Việt Nam, trải qua các thời kỳ lịch sử đã góp phần vào việc giáo dục đạo đức cho con người mà trọng tâm là giáo dục về tính thiện, tính nhân bản. Trong một chừng mực nào đó, có thể nghĩ chùa và tượng của người Việt là một trong những nơi giáo dục lòng yêu quê hương xứ sở, về tình người, và là một di sản văn hóa quý báu để đời sau gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Với tinh thần đó người Việt Nam hầu như ít nhiều đã chịu ảnh hưởng tinh thần Phật đạo để giờ đây như được thể hiện cụ thể qua những việc xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, tinh thần tương thân tương ái, cứu trợ đồng bào gặp thiên tai... Tuy nhiên một mặt khác do ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường mà nhiều khi ngôi chùa Phật lại vô tình hay hữu ý trở thành nơi “buôn thần bán thánh” của một số phần tử tiêu cực.

Ngày nay ...ý thức trách nhiệm của người dân, nhất là những người làm công tác bảo quản, tôn tạo di tích sẽ góp được phần nào công sức cho công cuộc vừa đổi mới vừa tiếp thu có chọn lọc nền tinh hoa của văn hóa nhân loại mà vẫn bảo vệ được, phát huy được những giá trị truyền thống do ông cha ta ngàn xưa để lại.

Chú thích:

Bảo tàng Mỹ thuật – tp. Hồ Chí Minh