Phương pháp tu Thiền

Thảo luận tư tưởng thiền tông Việt Nam.

Điều hành viên: binh

Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Phương pháp tu Thiền

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

Hình ảnh

PHƯƠNG PHÁP TU THIỀN
(Trích sách: Tự Gia Bảo - Chương: Tín Tâm Minh -
Thích Thanh Từ giảng giải, trang 60 - 75, xuất bản: Thiền Thất Chơn Không, Montréal,
Québec, Canada - 1994)


Tu Thiền là lối tu hướng thẳng vào nội tâm, dẹp sạch vọng tưởng suy tính của mình. Muốn dẹp sạch vọng tưởng cũng có chia phương tiện và cứu cánh.

Phương tiện của Thiền là "dùng trí tuệ dẹp tình cảm". Tức là nhìn thẳng vào sự vật quan sát phân tích để thấy sự tạm bợ giả dối của chúng, khiến lòng lạnh nhạt không còn phiền rộn say mê. Do đó, hành giả dụng công tu tập tâm để được an định.

Thiền có nhiều phương pháp khác nhau, có thiền ngoại đạo, thiền Phật giáo. Trong thiền Phật giáo đại loại chia làm hai: Thiền đối trị và Thiền tuyệt đối.

  • THIỀN ĐỐI TRỊ:
Tùy theo sự đắm nhiễm của chúng sanh, Phật dạy phương pháp đối trị, như theo bệnh cho thuốc. Nếu hành giả có bệnh gì nặng, vị Thiện tri thức phải biết rõ để chỉ dạy pháp tu đối trị đúng bệnh. Song phải khéo ứng dụng phương tiện của Thiền, sự tu hành mới mong đạt kết quả như nguyện.

Phương tiện của Thiền đối trị là, nhìn thẳng trên hình tướng sự vật thấy rõ nó sanh diệt vô thường và biết thật do nhân duyên hòa hợp mà có. Dùng trí tuệ quán sát vạn vật vô thường, duyên hợp, không có cái gì lâu bền và nguyên thể. Lòng đắm nhiễm nhơn đó từ từ lắng dịu. Tiếp sau, chúng ta mới ứng dụng lối tu đối trị.

Pháp tu đối trị có nhiều môn, hành giả nặng về bệnh gì thì dùng môn đó đối trị. Như người nhiều vọng tưởng dùng "Sổ tức quán" đối trị, người nặng sắc dục dùng "Bất tịnh quán" đối trị, người thường nóng giận dùng "Từ bi quán" đối trị, người quá ngu si dùng "Giới phân biệt quán" đối trị v.v... Trong những phương pháp đối trị đều dùng đề mục để tham cứu quán sát lâu ngày thuần thục tâm an định. Ở đây chỉ đơn cử một pháp phổ thông nhất là "Sổ tức quán".

Nếu người nhiều vọng tưởng nên tu pháp thiền "Sổ tức". Sổ tức là đếm hơi thở. Đây là pháp tu thông dụng nhất trong giới tu thiền. Vì vọng tưởng là bệnh chung của tất cả chúng sanh, muốn ngăn chận nó trước phải nhờ phương pháp đếm hơi thở. Hơn nữa, người mới tập tu thiền trước phải điều hòa hơi thở, hơi thở là mạch sống thiết yếu nhất của con người. Điều hòa được hơi thở là bước thành công đầu của sức khỏe và an tâm. Thân khỏe mạnh tâm an ổn, hành giả mới nỗ lực tiến thẳng vào pháp môn thâm diệu được.

Pháp sổ tức là tên pháp đầu của "Lục diệu pháp môn". Trong sáu pháp môn nhiệm mầu này, đầu tiên là Sổ tức (đếm hơi thở), kế Tùy tức (theo hơi thở), Chỉ (dừng lại một chỗ), Quán (quán sát), Hoàn (xem xét trở lại), Tịnh (lóng lặng trong sạch). Hành giả ứng dụng pháp thiền "đếm hơi thở" phải tu từ thô đến tế, đầy đủ sáu pháp mới được viên mãn. Sáu pháp này có công hiệu dừng lặng mọi vọng tưởng một cách thần diệu, nên gọi là Lục Diệu Pháp Môn. Ở đây chỉ giải thích đơn giản sáu pháp như sau:

- Sổ tức: Hành giả sau khi ngồi ngay thẳng đúng pháp và sử dụng lối nhập thiền đầy đủ, liền ứng dụng pháp đếm hơi thở để trụ tâm. Hành giả hít hơi vô cùng, thở ra sạch, đếm một. Hít vô cùng thở ra sạch đếm hai. Mãi thế, đến mười bỏ, đếm trở lại một. Nếu giữa chừng tâm tán loạn quên số phải đếm lại một. Phải chú tâm vào số và hơi thở một cách tinh tế, tâm vừa xao lãng liền chỉnh lại ngay. Nếu tâm xao xuyến khó kềm, nên dùng cách đếm nhặt hơn. Hít hơi vô đến cùng đếm một, thở ra sạch đếm hai. Đếm đến mười bỏ, trở lại một, như cách đếm ở trên. Đến khi nào ngồi nửa giờ, một giờ mà đếm không lộn, không quên hơi thở, là tâm đã tạm yên. Liền tiến lên pháp khác.

- Tùy tức: Hành giả bỏ không đếm số nữa, chỉ chú tâm theo hơi thở. Hơi thở vào đến đâu biết đến đó, hơi thở ra cũng biết rành rõ. Hơi thở dài, ngắn, lạnh, nóng đều biết rõ mồn một. Theo dõi hơi thở, như người chủ nợ theo dõi con nợ vậy. Khi ngồi thời gian bao lâu, tâm cũng chỉ duyên theo hơi thở không xao lãng, tức là tâm an định. Cần chuyển lên pháp kế.

- Chỉ: Hành giả không theo hơi thở vô ra nữa, tâm dừng trụ tại mũi để xem hơi thở ra vào. Tâm an trụ một chỗ không xao động, hằng thấy hơi thở ra vào không lửng quên. Suốt thời gian ngồi, tâm vẫn an trụ, không loạn động, nên tiến lên pháp kế.

- Quán: Hành giả không an trụ yên lặng, khởi quán sát hơi thở. Hơi thở vô rồi ra không dừng trụ, tức là vô thường. Thân mạng nương hơi thở mà sống, nên cũng đồng là vô thường. Hơi thở ra vào thời gian thật ngắn ngủi, thân mạng tựa vào hơi thở cũng chợt có chợt không. Hơi thở vào không có chỗ nơi, hơi thở ra không xứ sở. Chỗ nơi xứ sở không thì, hơi thở làm gì thật có. Thân mạng nương hơi thở mà còn, thật quá tạm bợ giả dối. Quán sát như thế thì tâm chấp thật ngã tan biến. Đã không còn chấp thân là thật là lâu dài, cần phải sang pháp khác.

- Hoàn: Hành giả chiếu soi lại tâm hay quán sát trước, xem nó ra sao và ở đâu? Soi tới soi lui vẫn không thấy hình bóng nó. Hằng chiếu soi lại tâm năng quán, tâm này tự lặng lẽ, tức là an định. Đến đây phải tiến nấc chót.

- Tịnh: Hành giả buông cả chiếu lại tâm năng quán, chỉ còn một tâm thanh tịnh tỉnh sáng. Không loạn tưởng, chẳng hôn trầm, thuần một tâm lặng lẽ tỉnh sáng. Hằng sống với cái tỉnh sáng này, tức là chỗ cứu kính của Lục Diệu Pháp Môn.

Đến đây dòng ý thức sanh diệt đã tan biến, những vọng nghiệp do ý thức gây tạo cũng trong sạch, còn gì phiền rộn lôi cuốn hành giả đi vào đường luân hồi.

Hành giả khéo ứng dụng đúng mức Lục Diệu Pháp Môn là đầy đủ hiệu dụng thoát khỏi luân hồi sanh tử. Song lúc tu hành ắt còn gặp nhiều khó khăn trở ngại và những tướng trạng lạ phát hiện, hành giả cần được thầy có thực nghiệm - hướng dẫn, mới hy vọng tu tiến dễ dàng.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Phương pháp tu Thiền

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

  • THIỀN TUYỆT ĐỐI
Pháp Thiền này do Phật Thích Ca ở trong hội Linh Sơn đưa cành hoa lên, Tổ Ca Diếp cười chúm chím rồi được truyền tâm ấn. Truyền thừa mãi đến vị Tổ thứ hai mươi tám là Bồ Đề Đạt Ma, Ngài sang Trung Quốc truyền cho Tổ Huệ Khả, lan dần sang Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản và tiếp tục đến hiện nay. Đến Trung Quốc, Tổ Đạt Ma dõng dạc tuyên bố pháp này là: "Giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhơn tâm, kiến tánh thành Phật" (Truyền ngoài giáo lý, chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật.) Qua câu tuyên bố của Ngài, chúng ta thấy rõ tánh cách tuyệt đối của nó.

Thiền này tạm nói có hai lối tu: hoặc từ KHÔNG vào CÓ, hoặc từ CÓ ra KHÔNG. Từ Không vào Có là, trước biết rõ tất cả pháp giả dối không thật, sau nhận ra chân tâm chân thật là thực thể tuyệt đối bất sanh bất diệt, hằng sống với nó là đạt đạo. Từ Có ra Không là, trước nhận ra ông chủ chân tâm, sau nhìn ra các pháp đều hư giả tạm bợ, thường sống với ông chủ của mình là thấy tánh thành Phật.

  • - Từ Không vào Có
Hành giả dùng trí tuệ Bát Nhã soi thấy sự vật do duyên hợp mà có, tự tánh là không, không có thật tánh, chỉ có giả tướng duyên hợp. Nhìn trên giả tướng thấy rõ tự tánh của nó là không, tánh không nên duyên hợp giả có. Duyên hợp tạm gọi là sanh, duyên tan tạm gọi là diệt. Sanh diệt không có thực thể, chỉ là việc duyên hợp duyên tan. Sanh không thật, diệt không thật thì khắp nhân gian còn vật nào thật đâu? Hằng dùng trí tuệ chiếu soi như thế, thấy tất cả sự vật quả là cái bóng hòn bọt, tự thể là không. Thế nên, cửa thiền người đời gọi là cửa KHÔNG.

Nương cửa Bát Nhã tiến vào trong nhà thấy được ông chủ là thành công. Tức là từ cái giả nhận ra lẽ thật, dứt sạch vô minh ngàn đời, sống với trí tuệ viên mãn là giác ngộ giải thoát. Lầm lẫn những giả tướng cho là thật, bỏ quên cái thật muôn đời là vô minh. Giả tướng thì sanh diệt, thực thể chẳng hề sanh diệt, nên nhận ra và sống được với thực thể, là giải thoát luân hồi sanh tử. Đây là "chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật". Tánh là chỉ thực thể sẵn có nơi mọi chúng sanh, không do tạo tác thành không do tu tập được. Người khéo biết mọi cái giả rồi, tự nhận ra thực thể này, hằng sống với nó là "thấy tánh thành Phật" hiển bày rành rõ nơi đây vậy.

Song nói pháp này mà không có pháp, vì nó không còn đối đãi đối trị, nên nói "pháp vốn không pháp" (pháp bản vô pháp). Không còn khuôn trong hình thức nào. Nên không có cách "nhập, trụ, xuất", như các pháp thiền khác. Đọc hết các tập sách nói về thiền này, chúng ta không tìm đâu thấy một phương thức tu tập thứ tự. Vì thế, đừng đòi hỏi một phương thức tu tập, hành giả cần tận dụng chiếc gươm Bát Nhã dọn sạch khu rừng kiến chấp thì Bảo sở hiện bày. Băn khoăn tìm kiếm phương pháp tu tập, chúng ta sẽ hoàn toàn thất vọng... Hãy nghe câu hỏi của Tổ Huệ Khả cầu xin nơi Tổ Đạt Ma:

- Tâm con chẳng an, xin Hòa thượng dạy con phương pháp an tâm?

- Đem tâm ra, ta an cho.

- Con tìm tâm không được.

- Ta đã an tâm cho ngươi rồi.

Tổ Huệ Khả lãnh hội yếu chỉ.

Đọc đoạn sử này, chúng ta hoàn toàn vô vọng, tìm đâu ra "pháp an tâm". Lời cầu xin tha thiết của Tổ Huệ Khả, đáp lại bằng câu nửa hư nửa thực của Tổ Đạt Ma, khiến chúng ta bối rối khó hiểu. Song ngay lúc đó, Tổ Huệ Khả lãnh hội được. Thật là việc lạ đời ít có.

Trong lúc tọa thiền bị vọng tưởng dấy khởi nhiễu loạn khiến tâm bất an. Băn khoăn tìm kiếm một phương pháp an tâm là một điều tối cần yếu. Cho nên nghe ở đâu có bậc thiện tri thức tu thiền, liền khăn gói lên đường đến cầu pháp an tâm. Nếu học được pháp này hay pháp nọ để an tâm, rốt cuộc cũng chỉ là lấy nóng trừ lạnh, dùng sáng đuổi tối mà thôi. Tất cả thứ đối đãi ấy đều là tướng giả dối không thật. Tổ Đạt Ma không dạy theo lối ấy, chỉ bảo "Đem tâm ra, ta an cho". Nhìn thẳng lại cái tâm nhiễu động lăng xăng kia, nó biến mất không còn tăm dạng. Tổ Huệ Khả đành thưa "Con tìm tâm không được". Tổ Đạt Ma chỉ cần nói thêm một câu: "Ta đã an tâm cho ngươi rồi". Tổ Huệ Khả liền thấy lối đi.

Từ thuở nào, chúng ta cứ tin rằng cái tâm suy nghĩ lăng xăng là thật có, hôm nay tìm lại không thấy bóng dáng, mới biết nó là không. Biết nó không thì nó đâu còn khả năng lôi cuốn quấy nhiễu chúng ta nữa. Chúng dấy lên, ta không theo, tâm chẳng an là gì? Sở dĩ tâm ta chẳng an, vì vọng vừa dấy lên ta tùy thuận theo chúng, nghĩ việc này chưa xong, tiếp đến việc khác, chạy mãi không dừng. Nay đây, chúng vừa dấy lên, ta biết là không, không theo, tự nó lặng mất, quả là "Diệu thuật an tâm". Không nương một pháp, chẳng mượn một tướng, nhìn thẳng mặt vọng tưởng tự nó biến tan như mây khói, đây là trực chỉ không nương phương tiện. Ai khờ gì đuổi theo cái hư giả, cũng không khờ gì cố tình trừ diệt, chỉ cần biết nó hư ảo không theo là đủ. Yếu chỉ an tâm của Tổ Đạt Ma là ở chỗ đó.

Có vị Tăng hỏi Thiền sư Tông Mật (Khuê Phong): Thế nào là tu? Sư đáp: "Biết vọng tức là tu". Thật là đơn giản mà quá đầy đủ. Biết vọng không theo, tâm tự yên lặng, là diệu thuật của môn thiền này. Tuy nói tu mà không tu, vì có trừ có dẹp, có bồi bổ gì đâu? Chẳng qua dùng trí tuệ soi thấu cái giả dối, tâm tự lặng lẽ tạm gọi là tu.

Pháp tu không tu này, mở màn bằng trí tuệ, chung cuộc sống với tâm thể nhất như. Thiền sư Duy Tín đời Tống nói: "Trước ba mươi năm, tôi thấy núi sông là núi sông. Sau gặp thiện hữu tri thức chỉ dạy, tôi thấy núi sông không phải núi sông. Nay được chỗ dứt sạch, thấy núi sông là núi sông".

Trước ba mươi năm là lúc Sư chưa biết tu thiền, cái nhìn của Sư cũng như tất cả cái nhìn của phàm phu khác: Thấy núi là thật núi, thấy sông là thật sông, thấy người là thật người... Sau khi được thiện hữu tri thức chỉ dạy, Sư nhìn núi sông không còn thật núi sông nữa, mà là hợp thể giả dối do các duyên chung hợp, tự tánh rỗng không. Sư mở mắt trí tuệ nhìn mọi vật, mãi đến nay mọi nhiễm ô dính mắc đều dứt sạch, chỉ hiện bày lồ lộ một tâm thể thanh tịnh nhất như. Đến đây, Sư nhìn núi sông là núi sông, vì đã dứt sạch mọi kiến chấp, mọi phân biệt. Quả là kẻ đi đến đích của quãng đường chim vậy.

Chúng ta sẽ thấy lối tu này cụ thể hơn, qua lời thầy Tri Viên hỏi Thiền sư Duyên Quán:

- Khi giặc nhà khó giữ thì thế nào?

- Biết được chẳng phải oan gia.

- Sau khi biết được thì sao?

- Biếm đến nước vô sanh.

- Nước vô sanh đâu không phải chỗ y an thân lập mạng?

- Nước chết không chứa được rồng.

- Thế nào là nước sống chứa rồng?

- Dậy mòi chẳng thành sóng.

- Bỗng khi đầm nghiêng núi đổ thì thế nào?

Sư bước xuống giường thiền, nắm đứng thầy Tri Viên bảo:

- Chớ nói ướt góc ca sa của lão Tăng.

Giặc nhà khó giữ là vọng tưởng do sáu chú giặc (lục tặc) dẫn vào. Biết vọng tưởng là giả dối, nó không hại ta được, trái lại ta đã điều phục chúng. Sau khi biết nó, tự nó dừng lặng, càng lâu càng lặng là an trụ chỗ vô sanh. Nhưng đừng thấy đây là cứu kính, mà phải chết chìm trong ấy, cần phải phấn phát tỉnh giác, hằng tỉnh sáng đầy đủ diệu dụng mà không động, mới thật nước sống chứa rồng. Đến đây dù trời nghiêng đất sụp cũng không lay động tâm thiền giả, đó là "không ướt góc ca sa của lão Tăng".

Thành quả của lối tu này, không phải được thần thông mầu nhiệm, biến hóa tự tại, mà quí ở chỗ tám gió (bát phong) thổi chẳng động. Tám gió là:

  • Lợi: Được tài lợi tâm không xao xuyến.
    Suy: Gặp suy hao lòng vẫn thản nhiên.
    Hủy: Bị hủy nhục lòng không bực tức.
    Dự: Được công kênh tâm vẫn như không.
    Xưng: Được ngợi khen tâm vẫn bình thản.
    Cơ: Bị chê bai lòng không biến đổi.
    Khổ: Gặp đau khổ lòng vẫn an nhiên.
    Lạc: Được việc vui tâm không xao động.
Cho đến, dù đối đầu với hoàn cảnh nào, gặp việc khó khăn gì, tâm vẫn như như bất động, đây là thành công viên mãn của người tu thiền.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Phương pháp tu Thiền

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

  • - Từ Có ra Không
Do nhận được chân tánh nơi mình, nhìn ra vạn vật đều là tướng giả dối do nhân duyên hòa hợp. Chân tánh là thật tướng mà không tướng, rời cả nhân duyên và tự nhiên, giác không tăng, mê cũng chẳng giảm, còn nói gì là thường hay vô thường. Linh minh tỉnh sáng, hằng có mặt nơi mọi chúng sanh, mà chúng sanh tự bỏ quên, chúng sanh nhận được, gọi là Phật. Chúng ta hãy nghe Thiền sư Đại An hỏi Tổ Bá Trượng:

- Con muốn cầu biết Phật, thế nào là phải?

- Thật là người cỡi trâu tìm trâu.

- Sau khi biết thế thì thế nào?

- Như người cỡi trâu về đến nhà.

- Chẳng biết trước sau gìn giữ thế nào?

- Như người chăn trâu cầm roi dòm chừng, không cho nó ăn lúa mạ của người.

Sư lãnh hội ý chỉ.

Chúng ta đã có Phật mà không dám tự nhận, mãi chạy đi thưa hỏi, như người cỡi trâu tìm trâu. Nhận được chân tánh nơi mình, không còn băn khoăn tìm kiếm, như người cỡi trâu về đến nhà. Biết được chưa phải xong việc, cần bền chí chăm nom bảo vệ cho nó thuần phục, như chú mục đồng cầm roi chăn trâu. Đây là yếu chỉ tu hành của người trước nhận ra ông chủ.

Sau này, Thiền sư Đại An dạy chúng:

"Cả thảy các ngươi đến Đại An này tìm cầu cái gì? Nếu muốn làm Phật, các ngươi tự là Phật. Sao lại gánh Phật sang nhà bên cạnh tìm, luống tự nhọc nhằn. Ví như con nai khát nước mà chạy theo ánh nắng, biết bao giờ được khế hợp.

Cả thảy các ngươi mỗi người có hòn ngọc quí vô giá, từ cửa con mắt phóng quang soi sáng núi sông cây cỏ, từ cửa lỗ tai phóng quang nhận lãnh phân biệt tất cả âm thanh lành dữ, sáu cửa ngày đêm hằng phóng quang sáng, cũng gọi là phóng quang tam-muội. Các ngươi tự chẳng biết, lại nhận bóng thân tứ đại. Nó là vật do trong ngoài giúp đỡ không dám chinh nghiêng, như người gánh nặng đi qua cây cầu khỉ, dè dặt sợ sảy chân".

Qua hai đoạn dạy chúng của Thiền sư Đại An, chúng ta thấy Phật tánh đã sẵn nơi mình, khéo nhận là được, đừng chạy tìm cầu bên ngoài, càng tìm càng nhọc nhằn vô ích. Phật tánh hiển lộ đầy đủ nơi sáu căn chúng ta, cần nhìn lại là thấy. Khổ nỗi, chúng ta không khi nào dám nhận nó, mà hằng nhận thân tứ đại này là mình. Thân tứ đại do duyên trong, ngoài giúp đỡ, thiếu duyên là nó hoại liền, như người gánh nặng đi qua cây độc mộc kiều, hớ hênh là té nhào. Quên cái chân thật, nhận cái giả dối thì phút giây nào cũng lo âu sợ sệt, ngại cơn vô thường bất chợt đến với nó. Nhận được cái chân thật bất biến, mọi sợ sệt lo âu đều tan mất, thì còn cái gì hại được chân tánh này, quả là Niết bàn hiện tại trần gian.

Có vị Tăng hỏi Thiền sư Thạch Cựu:

- Thế nào là hạt châu trong tay Địa Tạng?

- Trong tay ông lại có chăng?

- Con chẳng hội.

- Chớ dối đại chúng.

Sư nói tụng :

  • Bất thức tự gia bảo
    Tùy tha nhậm ngoại trần
    Nhật trung đào ảnh chất
    Cảnh lý thất đầu nhân.


    Dịch:

    Báu nhà mình chẳng biết
    Theo người nhận ngoại trần
    Giữa trưa chạy trốn bóng
    Kẻ soi gương mất đầu.
Chúng sanh một bề chạy theo ngoại cảnh quên bẵng bản tâm. Chỉ cầu hỏi hạt châu trong tay Bồ tát Địa Tạng, quên lửng trong tay mình sẵn có hạt châu. Hạt châu ấy theo dõi chúng ta như bóng theo hình, mặc dù ta lăn lộn sáu đường, lang thang trong tam giới, hạt châu hằng có mặt trong túi áo chúng ta. Chúng ta si mê bỏ quên nó, như chàng Diễn Nhã xem gương thấy bóng đầu mặt hiện trong gương, úp gương lại bóng đầu mặt mất đi, hoảng la lên "Tôi mất đầu". Chàng ta phát cuồng ôm đầu chạy la "Tôi mất đầu". Tất cả chúng ta cũng thế, hằng ngày cứ chạy theo vọng tưởng suy tính, có nó là có mình, một khi vọng tưởng lặng xuống, hoảng la "mất mình". Vọng tưởng là cái chợt sanh chợt diệt, không cội gốc nơi chốn, mà chấp là thật mình. Khi vọng tưởng lặng xuống, mọi công dụng thấy nghe hiểu biết vẫn nguyên vẹn, mà nói "mất mình". Thử hỏi ai là kẻ biết mất mình? Khéo nhận ra ông chủ mới khỏi bị khách trần lừa gạt.

Thiền sư Pháp Diễn nói:

- Ta có một vật chẳng thuộc phàm chẳng thuộc thánh, chẳng thuộc tà chẳng thuộc chánh, muôn việc khi đến tự nhiên hiệu lệnh...

Ông chủ của chính mình là thực thể tuyệt đối, không còn thấy có hai bên phàm thánh, chánh tà đối đãi. Tuy không có niệm phân biệt đối đãi, song xúc duyên chạm cảnh liễu tri rành rõ. Ông chủ này chưa từng sanh chưa từng diệt, nên gọi là pháp thân bất diệt. Bởi không sanh diệt, nên chân thật thường hằng, mà không có tướng trạng, thường ví như hư không. Từ Pháp thân nhìn ra thân tâm vạn vật đều thấy tạm bợ giả dối, không có bằng mảy tơ sợi tóc nào chân thật, nên nói: như bọt, bóng, sương mù, điện chớp... Đi đứng nằm ngồi đều sống với ông chủ này là tu thiền Vô sanh.

Thiền sư Sư Nhan ngồi một mình trên tảng đá, thỉnh thoảng gọi: "Ông chủ nhân!" Tự đáp: "Dạ!" Bảo: "Phải tỉnh tỉnh đừng để người lừa!"

Tự gọi tự đáp dường như việc đùa cợt chơi. Chính là lối tu tự nhắc mình không quên ông chủ. Đừng để ngoại cảnh đánh lừa, hằng tỉnh sáng với ông chủ ngàn đời của mình. Quả là pháp tắc muôn đời cho những người biết sống trở lại mình. Biết trở lại mình là về quê hương, là đến Bảo sở, là Cùng tử được cha trao sự nghiệp, là Niết bàn, là giác ngộ, là giải thoát... Trăm ngàn danh từ khác nhau đều chỉ một việc "trở về với mình". Đúng với câu "Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn". Bởi vì trở về được với mình, là muôn việc bên ngoài đều theo đó giải quyết xong.

Pháp thiền này có đặt thời khóa tu tập cố định không?

Thiền này không đặt nặng thời khóa, chỉ tùy hoàn cảnh thuận tiện mà chú trọng tâm niệm. Trong tất cả thời, mọi hoạt động đi đứng ngồi nằm, làm việc nghỉ ngơi, cần thấy rõ từng tâm niệm của mình, để không theo, hoặc hằng sống với ông chủ, không bị ngoại duyên lôi cuốn. Những phút giây nào quên lửng tâm niệm mình, coi như phạm tội buông lung đáng trách. Cho nên nói "đi đứng, nói nín, hái củi, lặt rau, thổi lửa, nấu cơm đều là thiề". Người tu thiền này, mới nhìn dường như họ thong thả lơi lỏng, thật ra họ miên mật từng tâm niệm. Thiền này là cội gốc thành Phật tác Tổ.

Một hôm, Vương Thường Thị vào thăm Thiền viện của Tổ Lâm Tế, đến nhà Đông sang nhà Tây, thấy chúng đông đảo, ông hỏi Tổ Lâm Tế:

- Chúng đông đảo thế này, có dạy tụng kinh, tọa thiền chăng?

- Không.

- Dạy họ làm gì?

- Dạy họ làm Phật làm Tổ.

Đấy là pháp tu tinh tế vi mật trong tâm niệm, không thuộc hình thức bên ngoài. Tổ Lâm Tế cũng nói: "Kẻ ngu cười ta, người trí biết ta". Kẻ phàm ngu khó hiểu nổi lối tu này, bậc trí giả khả dĩ thông suốt. Lối tu này không có cấp bậc phương tiện, chỉ một bề sống với lý tánh chân thật. Lý tánh không có tướng mạo, nên người tu khó nhận, khó thấy sự tiến bộ của mình. Do đó, đòi hỏi người tu phải lập chí sắt đá, mới mong có ngày thành công.

Tuy nhiên, cũng có những người học lóm pháp thiền này, ngoài miệng nói bô bô, mà trong tâm không khi nào biết thúc liễm, chỉ mượn lời Phật Tổ nói, để che lỗi của mình. Bọn này là kẻ trộm trong Phật pháp mắc tội không nhỏ.

  • BIỆN MINH


Đọc phần Thiền tuyệt đối ở trên, đa số độc giả sanh nghi:

- Đạo Phật chủ trương Vô ngã, ở đây bảo trở về "Ông chủ của mình" là có ngã, tức trái hẳn giáo lý?

- Trong kinh Phật hằng quở chấp Thường chấp Đoạn của ngoại đạo, ở đây nói "Ông chủ thường hằng không biến đổi" đâu không đồng chấp Thường của ngoại đạo?

Chúng tôi theo thứ tự giải quyết hai nghi vấn này:

- Đạo Phật chủ trương vô ngã, là vô ngã ngay nơi thân ngũ uẩn này. Bởi vì Bà la môn căn cứ vào thọ tưởng hành thức chấp làm ngã, Phật biết rõ nó là tướng vô thường sanh diệt nên nói vô ngã. Phật chia nó làm bốn thứ, đặt câu hỏi: Nếu chấp thọ làm ngã thì tưởng hành thức là cái gì? Ngược lại, các thứ kia cũng thế. Nhằm trên năm uẩn chấp làm ngã, thật sai lầm đáo để. Năm thứ này là tướng duyên hợp, vô thường sanh diệt, chấp nó là "ta" làm sao khỏi luân hồi sanh tử. Vì thế, kẻ chấp năm uẩn làm ngã, Phật bảo là vô minh, Ngài phản đối và nói là vô ngã.

Ông chủ của thiền này nói, cũng ngay nơi thân năm uẩn này, song là thể chẳng sanh chẳng diệt lặng ngầm trong ấy. Thể này, khi thọ tưởng hành thức lặng mất, nó mới hiện bày đầy đủ. Nó chẳng rời thọ tưởng hành thức, nhưng khi các thứ này hoạt động, tìm nó không ra. Ông chủ này là thể tịch tĩnh giác tri chưa từng xao động biến hoại. Chúng ta thử nghiệm xem, khi ngồi thiền hay ngồi một mình chỗ vắng, thọ tưởng hành thức lặng mất không hoạt động, ta vẫn tỉnh sáng mắt tai... vẫn tri giác như thường. Cái gì chịu trách nhiệm tri giác trong lúc này, nếu không phải tánh giác tịch tĩnh thường còn bên trong. Thế nên, ở đây nói "ông chủ" vẫn không trái với chủ trương vô ngã của đạo Phật. Có sống thật, chúng ta mới thấy rõ điều này, đừng mắc kẹt trên văn tự cãi lẽ suông vô ích.

- Ngoại đạo chấp "thường" cũng căn cứ trên thân năm uẩn mà chấp. Thân năm uẩn vốn là tướng sanh diệt vô thường, cái vô thường mà chấp là Thường, nên bị Phật quở trách. Ông chủ ở đây nói, là thực thể chưa từng động, chưa từng sanh diệt, không có tướng mạo, vượt ngoài đối đãi hai bên, nói "thường hằng không biến đổi" là gượng gạo mà nói thôi. Vì thực thể tuyệt đối, còn dùng ngôn ngữ đối đãi nào phô diễn nó được. Có nhận thấy tánh giác này, chúng ta mới tin lẽ "thường hằng" của nó. Phàm cái gì có tướng mạo, có sanh diệt đều vô thường, tánh giác thoát ngoài tướng mạo, sanh diệt làm sao bắt nó vô thường. Nếu không có tánh giác này, cái gì chứng A la hán, cái gì thành Phật, sau khi thọ tưởng hành thức đều lặng mất? Vì lẽ đó, ở đây nói "Ông chủ thường còn chẳng biến hoại", không trái với lý vô thường của Phật nói, cũng không thuộc chấp "thường" của ngoại đạo, mà là chủ yếu của Phật giáo.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
TuDragon76
Bài viết: 354
Ngày: 28/09/11 00:16
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Thành phố Hồ Chí Minh

Re: Phương pháp tu Thiền

Bài viết chưa xem gửi bởi TuDragon76 »

Tôi chuẩn bị xin thầy Viên Giác dạy cho ngồi thiền :D Nhưng thấy bà mợ Bảy của tôi ngồi làm mẫu 2 chân bắt tréo lên, tôi bắt chước làm theo thì ôi thôi, 1 chân còn khó nói chi đến 2 chân ! Sao mà các bác tập được hay vậy ?

Nam Mô A Di Đà Phật !


Nam Mô A Di Đà Phật
Nam Mô Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát Ma Ha Tát
Nam Mô Đại Lực Đại Thế Chí Bồ Tát Ma Ha Tát
Nam Mô Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát Ma Ha Tát
Nam Mô Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát Ma Ha Tát
Con nguyện được tâm thanh tịnh, thân không bệnh khổ và vãng sanh về nơi Cực Lạc Quốc Độ !
Hình đại diện của người dùng
Thánh_Tri
Điều Hành Viên
Bài viết: 3851
Ngày: 21/12/07 21:02

Re: Phương pháp tu Thiền

Bài viết chưa xem gửi bởi Thánh_Tri »

Tuỳ theo thiền. Có thiền dạy ngồi. Nhưng có thiền thì không cần ngồi.

Tu hành là tại Tâm chứ không tại Toạ.


"Tri Kiến Lập Tri Tức Vô Minh Bổn
Tri Kiến Vô Kiến Tư Tức Niết Bàn"

- Kinh Thủ Lăng Nghiêm
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Phương pháp tu Thiền

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

Thánh_Tri đã viết:Tuỳ theo thiền. Có thiền dạy ngồi. Nhưng có thiền thì không cần ngồi.

Tu hành là tại Tâm chứ không tại Toạ.
tangbong

Nhưng khi học thiền, điều trước tiên phải biết ngồi thiền cái đã, ngồi được rồi thì sau đó không chấp ngồi nữa mà trong tất cả thời gian, tất cả oai nghi đều dụng tâm thiền. Thầy nói như vậy người ta không hiểu, đọc xong rồi nói thiền dễ như vậy thì cần gì ngồi.

Tôi tham dự khóa tu hôm thứ bảy tuần rồi, thấy mọi người ai cũng ngồi thiền cả, có người ngồi kiết già như bác Tú nói, có người ngồi bán già, và ngồi tự nhiên, chứ không thấy ai nói thiền không cần ngồi :D. Nhất là mấy bác lớn tuổi ngồi kiết già rất hay (như bác Tú nói), trong khi mấy người trẻ ngồi không được, than mỏi, nhức lưng, chân v.v... nên tâm bị động luôn, còn mấy bác ngồi kiết già rất đẹp, không thấy nhúc nhích, ngồi hết giờ rồi xả thiền, thân cảm thấy thư thái, tâm cảm thấy an lạc.

Thiền là phương tiện căn bản để đạt kiến tánh. Người đã kiến tánh rồi cũng còn phải tu như hòa thượng Thanh Từ nói "Kiến tánh khởi tu" chứ chưa phải ngộ.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Phương pháp tu Thiền

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

TU THIỀN CÓ ĐIÊN KHÔNG
(Sách Tư Gia Bảo, Thiền thất Chơn Không, Montréal, Canada, trang 413 - 416)


Khi dạy thiền, chúng tôi thường nói "Không biết tu thiền điên, tu thiền không điên". Tại sao? Bởi vì những người không biết mà tập tu thiền sai lạc nên phát điên, người biết tu thiền đúng đắn làm sao điên được. Nếu tu thiền điên thì đức Phật, chư Tổ điên hết rồi sao? Phật, Tổ do tu thiền đạt đạo, chúng ta ngày nay tu thiền điên là tại sao? Đây không phải là tại không biết tu, lầm lẫn nên điên. Thế thì tu thiền điên là tại không biết tu, chớ không tại tu thiền. Hơn nữa, người tu thiền cấm kỵ nhất là mừng và sợ. Hiện nay một số hành giả tu thiền, khởi tâm vọng cầu tướng lạ, khi tướng lạ hiện đúng sở cầu, liền khởi "mừng" không kềm chế được, phát điên. Hoặc khi tướng lạ hiện khác sở cầu, sanh sợ hoảng lên, phát điên. Đó là tại mong thấy tướng lạ, như mong thấy Phật hiện, mong thấy hoa sen... Hoặc người tu mong được thần thông, khi ấy quỉ thần thấy tâm mong cầu của mình, nó đến theo sở thích của hành giả, hiện mọi thứ thần thông, hành giả liền bị nó mê hoặc. Sau đó, hành giả trở thành điên cuồng, khờ khạo. Còn lắm chuyện khiến hành giả phát điên, song đều do nguyên nhân vọng cầu mà ra.

Người tu thiền chân chánh theo Thiền tông thì "gặp ma giết ma, gặp Phật giết Phật". Câu này có hai ý nghĩa. Nghĩa thứ nhất khi tu thiền hành giả chẳng những buông xả tâm xấu ác, tâm hiền thiện cũng xả bỏ luôn. Còn một niệm dù là niệm lành cũng xả bỏ luôn. Còn một niệm dù là niệm lành cũng là bệnh, như nói "mạt vàng tuy quý rơi vào mắt cũng khó chịu". Bỏ niệm xấu ác là giết ma, bỏ niệm lành là giết Phật. Nghĩa thứ hai, hành giả trong lúc tu thiền dù thấy Phật hay ma hiện đều không chấp nhận. Bởi vì tất cả tướng bên ngoài đều không thật, hư giả, không chấp nhận thì tâm mừng, sợ đều không, sự tu hành mới an định. Chúng ta nghe câu chuyện này:

Thiền sư Văn Hỷ (Giải Thoát) đi hành hương Ngũ Đài Sơn, đến hang Kim Cang lễ bái Bồ tát Văn Thù, gặp Văn Thù mà Sư không biết. Sau này Sư ngộ đạo ở Ngưỡng Sơn. Một hôm Sư nấu cháo, thấy Văn Thù hiện lên trên nồi cháo. Sư lấy cậy dầm quậy cháo đập, nói: "Văn Thù tự Văn Thù, Văn Hỷ tự Văn Hỷ". Văn Thù nói kệ:

  • Khổ qua liên căn khổ
    Điểm qua triệt đới điểm
    Tu hành tam đại kiếp
    Khước bị lão tăng hiềm.


    Dịch:

    Dưa đắng gốc vẫn đắng
    Dưa ngọt rễ cũng ngon
    Tu hành ba đại kiếp
    Lại bị lão tăng đòn.
Qua hình ảnh này thấy rõ ý nghĩa gặp Phật giết Phật, gặp Ma giết ma của thiền sư vậy. Nếu hành giả tu thiền gặp tất cả ngoại cảnh đều không chấp, chỉ sống một tâm thanh tịnh, còn có lý do gì khiến phải điên.

Tuy nhiên gặp ma hiện không chấp nhận là dễ, thấy Phật, Bồ tát hiện không chấp nhận, phải gan dạ lắm mới làm được. Người tu ít lầm ma, trái lại thường lầm Phật. Do đó, ma lợi dụng lòng quý kính Phật của hành giả, nó hiện thân Phật, nói pháp v.v... làm hành giả dễ bị chúng dẫn đi. Bởi chúng ta chưa có thiên nhãn làm sao phân biệt ma, Phật để khỏi lầm lẫn. Chính ngày xưa Tổ Ưu Ba Cúc Đa vẫn còn lầm:

Một hôm ma Ba Tuần đến quấy nhiễu Tổ Ưu Ba Cúc Đa, Tổ dùng đạo lực trị chúng. Cuối cùng ma Ba Tuần xin quy y với Tổ. Tổ quy y cho ma Ba Tuần xong, bảo nó: "Khi xưa đức Thế Tôn tại thế, ngươi thường trông thấy, nay ngươi hiện thân Phật và một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ kheo cho ta xem". Ma Ba Tuần hứa nhận, thưa: "Khi con hiện thân Phật, xin Hòa thượng đừng lễ bái, con tổn phước". Tổ nhận lời. Ma biến mất. Giây lát, thấy từ mé rừng đức Phật đi trước ôm bình bát hào quang sáng rở, theo sau một ngàn hai trăm năm mươi chúng Tỳ kheo oai nghi trang nghiêm, đi đến trước mặt Tổ. Bất giác, Tổ cúi mình đảnh lễ. Ma liền biến mất.

Ngài là một vị Tổ thứ tư ở Ấn Độ, trong khi ma hiện hình Phật, trước đã giao hẹn với ngài, thế mà ngài vẫn đảnh lễ. Huống nữa, bọn phàm phu chúng ta gặp những cảnh trạng như vậy làm sao khỏi hết lòng quy ngưỡng. Ma hiện mà chúng ta quy ngưỡng thì nhất định phải rơi vào đường ma. Chỉ một điều duy nhất, chúng ta không chấp nhận mọi cảnh bên ngoài, một bề buông xả vọng tưởng là trên hết.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
TuDragon76
Bài viết: 354
Ngày: 28/09/11 00:16
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Thành phố Hồ Chí Minh

Re: Phương pháp tu Thiền

Bài viết chưa xem gửi bởi TuDragon76 »

Mấy hôm tập gác từng bàn chân 1 lên vế, có đau nhưng cũng chịu đươc chừng 1 biến lần chuỗi. Hôm nay bặm gan phát nguyện "có gãy hay sái chân ta cũng phải gác được cả 2 bàn chân lên 2 vế" (1 điều không tưởng trước giờ), ai ngờ nghiến răng làm 1 phát được luôn ! :D Nhưng mà đau ! Đau quá ! :(( Chịu được chưa đến 1 phút là phải bung chân ra, mà lúc bung cũng khó nữa !

Được ! Ta đã thắng mi rồi nhé, mỗi ngày ta sẽ cố gắng chịu đựng lâu hơn, lâu hơn. Và rồi sẽ đến lúc ta hết thấy đau và đi học thiền :))

Nam Mô A Di Đà Phật !


Nam Mô A Di Đà Phật
Nam Mô Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát Ma Ha Tát
Nam Mô Đại Lực Đại Thế Chí Bồ Tát Ma Ha Tát
Nam Mô Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát Ma Ha Tát
Nam Mô Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát Ma Ha Tát
Con nguyện được tâm thanh tịnh, thân không bệnh khổ và vãng sanh về nơi Cực Lạc Quốc Độ !
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Phương pháp tu Thiền

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

Hi, hi! Bác Tú nói vui quá, rốt cuộc rồi cái đau cũng chịu thua ý chí sắt đá của Bác! Chúc Bác thành công, nhưng đừng nói ra nhé! :))

Hôm qua tôi có xem trên Ti vi bên này, họ chiếu hình một bà lão già cỡ 80 dạy thiền Yoga cho mọi người, bà ấy biểu diễn thế ngồi kiết già, rồi nằm ngửa ra cong lưng đưa cái bàn tọa với hai bàn chân chéo vào nhau lên xuống nhiều lần, xong bà ấy ngồi dậy vẫn trong tư thế kiết già, chống hai bàn tay thẳng xuống sàn nâng người lên rất lâu, mọi người xem đều lắc đầu nể phục. :D


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
TuDragon76
Bài viết: 354
Ngày: 28/09/11 00:16
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Thành phố Hồ Chí Minh

Re: Phương pháp tu Thiền

Bài viết chưa xem gửi bởi TuDragon76 »

Con đường luyện tập còn dài lắm bác ơi ! ./..,., Nghe nói 1 lần thiền phải tối thiểu 1/2h, mà tôi thì 1 phút còn chưa chịu được ./..,.,

Nhưng mà tôi làm được việc mà tôi nghĩ chắc phải lâu lắm mới làm được :D Khả quan rồi đây !

Nam Mô A Di Đà Phật !


Nam Mô A Di Đà Phật
Nam Mô Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát Ma Ha Tát
Nam Mô Đại Lực Đại Thế Chí Bồ Tát Ma Ha Tát
Nam Mô Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát Ma Ha Tát
Nam Mô Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát Ma Ha Tát
Con nguyện được tâm thanh tịnh, thân không bệnh khổ và vãng sanh về nơi Cực Lạc Quốc Độ !
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Phương pháp tu Thiền

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

Thấy Bác có vẻ thích ngồi thiền, cũng là điều tốt. Tôi nói nghiêm túc bằng kinh nghiệm của tôi chia sẻ với Bác.

Cái thế ngồi kiết già thật không dễ lúc ban đầu, nó gây khó chịu nhức nhối chỗ hai ống xương chân (gần mắt cá) gác chéo lên nhau. Lúc mới ngồi chừng năm ba phút là đau chịu không nổi, phải bỏ chân xuống cho hết đau rồi làm tiếp... Thời gian chịu đựng tăng dần từ năm phút lên mười phút.. Mỗi ngày ngồi hai thời, sáng sớm khi thức dậy và khuya trước khi đi ngủ, thời gian là 15 phút, khi đã quen với cơn đau tại chỗ đó rồi tăng thời gian nhiều hơn. Đến một ngày nào đó, khoảng hai tuần thì tự nhiên cảm giác đau không còn xuất hiện nữa, thì biết mình đã có chút công phu. Rồi từ đó muốn ngồi bao lâu cũng được.

Cần nhất là mình phải biết theo dõi và điều chỉnh những cử động sái phép của thân mình trong khi ngồi như: lưng không thẳng, hai đầu gối không bám sát xuống sàn nhà, ngồi hơi nghiêng qua bên trái hay bên phải, xương vai hơi nhô lên, cổ thụt xuống, mắt không ngó nơi đầu chót mũi mà lại nhìn sang phía khác (cái này nguy lắm đấy, đó là mình bị vọng tưởng dắt đi phiêu lưu vì cặp mắt hay bị động...) v.v... Nếu mình không điều chỉnh những sự cử động sái phép đó thì sau này sẽ gây ra đau nhức nhiều nơi như: sau ót dọc theo xương cổ, sau lưng nơi hai xương bả vai, nhức lưng vì lưng không thẳng, đau bắp vế và hai đầu gối vì ngồi nghiêng qua một bên.

Khi bác đã ngồi một cách an lạc thì sẽ có nhiều phép lạ xảy ra trong ngũ tạng, lục phủ trong khi ngồi thiền, việc này không dám nói vì sợ bị chê cười... Nhưng đó cũng là việc xảy ra tự nhiên để điều hoà thân tâm mình, làm tăng sức khỏe bền bĩ hơn, chứ không phải là thần thông đâu.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
truyenphuong
Bài viết: 23
Ngày: 26/05/12 03:26
Giới tính: Nữ
Đến từ: TP HCM
Nghề nghiệp: tu tại gia

Re: Phương pháp tu Thiền

Bài viết chưa xem gửi bởi truyenphuong »

Chào quý độc giả
Tôi là thành viên mới tham gia vào diễn đàn, tỗi cũng đang tập ngồi thiền, và cũng như bác battinh chỉ mà sao tâm tôi vẫn lao sao, không ngồi được lâu? xin ngài chỉ rõ chô tôi được không ạ?
NAM MÔ HOAN HỈ BỒ TÁT MA HA TÁT


Nghe lại điều mình thấy những ngày
Suy đi nghĩ lại kỹ càng hay
Chớ tìm chi thức trong cơn mộng
Có thể mới hay nhận được thầy
Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.171 khách