Đăng cai Vesak 2008-Niềm tự hào của Phật giáo Việt Nam

“Là một phật tử đã tu hành nhiều năm, chứng kiến những thăng trầm của đất nước cũng như của Phật giáo Việt Nam, chưa bao giờ tôi thấy vui và tự hào như năm nay, khi Việt Nam đăng cai Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc”, Thượng toạ Thích Gia Quang mở đầu câu chuyện về sự kiện lớn nhất thế giới phật giáo này.

Đăng cai Vesak 2008-Niềm tự hào của Phật giáo Việt Nam


“Là một phật tử đã tu hành nhiều năm, chứng kiến những thăng trầm của đất nước cũng như của Phật giáo Việt Nam, chưa bao giờ tôi thấy vui và tự hào như năm nay, khi Việt Nam đăng cai Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc”, Thượng toạ Thích Gia Quang mở đầu câu chuyện về sự kiện lớn nhất thế giới phật giáo này.

Thượng toạ nhận định rằng, với tầm vóc là một sự kiện quốc tế của Liên Hợp Quốc về tôn giáo và văn hóa, Vesak lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam sẽ là dịp đặc biệt để tôn vinh đạo Phật ở nơi mà nó đã có bề dày hơn 2.000 năm tuổi với trên 10 triệu tín đồ.

“Sự đồng thuận cao từ chính quyền, người dân và hệ thống tổ chức phật giáo các cấp trong nỗ lực để Vesak 2008 đạt kết quả viên mãn đã thêm một lý do để người ta nhìn nhận đúng đắn hơn về đạo Phật, vốn vẫn được tôn trọng nhưng cũng đã trải nhiều thăng trầm”, Thượng toạ bày tỏ.

Trên cương vị Phó Tổng Thư ký của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam - một trong ba cơ quan chính chủ trì tổ chức sự kiện này cùng với Nhà nước và Uỷ ban Tổ chức quốc tế Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc (IOC) - Thượng toạ Thích Gia Quang cũng cho rằng, việc Vesak được tổ chức tại Việt Nam còn góp phần quan trọng nâng cao vị thế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đặc biệt là trong con mắt của bạn bè quốc tế.

Theo Thượng tọa Thích Gia Quang, “dù còn những hạn chế về tổ chức, trí tuệ nhưng Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn được Nhà nước ủng hộ, hỗ trợ nên đã có được một vị trí tốt trong xã hội”. Với tư cách là tổ chức đại diện duy nhất cho một tôn giáo lớn nhất Việt Nam, Giáo hội được thành lập năm 1981 và hiện có tới 15.000 cơ sở thờ tự trên cả nước, 40.000 chức sắc và nhà tu hành; có nhiều đóng góp tích cực vào sự ổn định và phát triển của đạo Phật cũng như đời sống tôn giáo nói chung ở Việt Nam.

Ngay sau khi được Nhà nước chấp thuận đề nghị đăng cai tổ chức Vesak, Giáo hội đã ráo riết vào cuộc chuẩn bị nội dung của Đại lễ, chuẩn bị cho việc đón tiếp khoảng 3.500 đại biểu về dự lễ, trong đó có 2.000 đại biểu đến từ 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, bao gồm các vị cao tăng đại diện các truyền thống Phật giáo hoặc các quốc gia, các học giả Phật giáo thế giới, đại biểu IOC.

Các vị cao tăng thuộc Giáo hội đều nhận định rằng, Chính phủ và các cơ quan, các địa phương đã hỗ trợ rất tích cực cho việc tổ chức Vesak, như lời thượng toạ Thích Gia Quang: “Tôi cảm nhận sự thống suốt từ trên xuống dưới trong quá trình chuẩn bị tổ chức Vesak”.

Nhà nước đã quyết định và tạo thuận lợi để Đại lễ được mở rộng ở 54 trong tổng số 64 tỉnh, thành trên cả nước. Các địa phương hiện cũng đã sẵn sàng cho Đại lễ này. Đặc biệt, ngoài Hà Nội là nơi diễn ra hầu hết các hoạt động chính của Đại lễ từ 13-17/5, tại Quảng Ninh và Ninh Bình không khí chuẩn cũng rất rậm rộ để nghênh đón các đại biểu về thăm các thắng tích Phật giáo và di sản thiên nhiên Vịnh Hạ Long.

Cũng theo Thượng toạ Thích Gia Quang, những nỗ lực của Việt Nam để tổ chức thành công Vesak 2008, dù tình hình kinh tế đang còn khó khăn, đã cho thấy sự cởi mở, hữu nghị và tôn trọng trong chính sách tôn giáo của Việt Nam.

TTXVN