Chữ Nôm và sự nghiệp Việt hóa Phật giáo (Phần II)

Nhu cầu cuộc sống cùng thời đại đã sản sinh những áng văn chương chữ Nôm bất hủ. Đồng thời diễn tiến theo từng giai kì cho thấy sự hoàn bị trong sáng tạo thể loại. Một trong những đặc sắc của văn chương chữ Nôm nói chung và văn chương chữ Nôm Phật giáo nói riêng là mặt thể loại. Nếu văn chương chữ Hán bó hẹp trong các thể thơ Đường cùng với đối ngẫu của phú thể thì sự phong phú của thơ Nôm khiến cho đa dạng trong sáng tác và thể hiện ngôn ngữ người Việt

Chữ Nôm và sự nghiệp “Việt hóa” Phật giáo (Phần II)

Chữ Nôm và sự nghiệp Việt hóa Phật giáo (Phần I)

Phong Phạm Tuấn

“…Nhu cầu cuộc sống cùng thời đại đã sản sinh những áng văn chương chữ Nôm bất hủ. Đồng thời diễn tiến theo từng giai kì cho thấy sự hoàn bị trong sáng tạo thể loại. Một trong những đặc sắc của văn chương chữ Nôm nói chung và văn chương chữ Nôm Phật giáo nói riêng là mặt thể loại. Nếu văn chương chữ Hán bó hẹp trong các thể thơ Đường cùng với đối ngẫu của phú thể thì sự phong phú của thơ Nôm khiến cho đa dạng trong sáng tác và thể hiện ngôn ngữ người Việt…”

Lâm Tế tông phát triển rồi kéo theo sự phục hồi thiền phái Trúc Lâm, Chân Nguyên Thiền sư là điển hình cho tác giả văn học Phật giáo thời Lê. Sống cuối thế kỉ XVII đầu thế kỉ XVIII, Chân Nguyên là đệ tử đời thứ 3 dòng Lâm tế Đại Việt, chính ông đã viết nhiều tác phẩm Nôm, biên soạn lại hệ thống thư tịch của Tam tổ Trúc Lâm. Ông đã để lại nhiều tác phẩm Nôm như: Tôn Sư Pháp Sách Đăng Đàn Thọ Giới, Nghênh Sư Duyệt Định Khoa, Thiền Tông Bản Hạnh, Nam Hải Quan Âm Bản Hạnh, Thiền Tịch Phú, Đạt Na Thái Tử Hạnh, Hồng Mông Hạnh….

Riêng sách Thiền tông bản hạnh, kể về sự tích Thiền tông và cuộc đời tu hành của các vua từ Trần Thái Tông đến Trần Nhân Tông. Văn bản Thiền Tông bản hạnh được in cùng các tác phẩm như Cư trần lạc đạo phú, Vịnh Hoa yên tự phú, Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca vào năm 1745 tại chùa Liên Hoa bởi Sa di ni Diệu Thuần. Thiền tông bản hạnh với văn phong đơn giản nhưng thấm nhuần ngôn ngữ Phật giáo, đồng thời thể hiện tinh thần nhập thế của tác giả một nhà tu hành. Vua chúa công hầu được trích dẫn như đề từ cho thời đại của bản diễn Nôm:

Bụt sinh Hoàng giác Lê gia
Thánh chúa vỗ trị gần xa lai hàng
Bốn phương gió tắt lửa lang
Phong điều vũ thuận dân khang thái bình

Văn phong thể hiện một thời thịnh trị thái bình dưới sự cai quản của vua Lê Hi Tông và chúa Trịnh. Đạo pháp dân tộc cùng hướng đến:

Tiêu dao khoái lạc chẳng âu
Bất sinh bất diệt ngồi lầu toà sen

Ngoài Hương Hải, Chân Nguyên các tác gia văn học khác cũng là những người thấm nhuần thời đại, hiểu lẽ vô thường của nhân sinh. Phạm Thái ban đầu là nhà Nho, sau xuất gia ở chùa Tiêu Sơn - Quế Võ - Bắc Ninh, lấy đạo hiệu Phổ Chiêu thiền sư, ông đã viết nên những áng văn chương đau buồn về thời thế và cuộc đời, thấm nhuần tư tưởng Trí Bi của đạo Phật trong tác phẩm Văn triệu linh, đặc biệt là Sơ kính tân trang:

Tu hành nhờ đức Thế tôn,
Ắt say sưa đạo lại buồn bồng duyên
Lọ là khấn vái tiên thiên
Cậy quan âm với Mục Liên xót tình….
Ối nao ôi! khổ tu hành
Biết Tây phương có dạng hình nay không.

Cùng thời, Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều, được coi là áng văn chương bất hủ, thấm nhuần tư tưởng Phật giáo. Trong tác phẩm, là sự dung hoà tình yêu, cuộc sống và lẽ vô thường của kiếp người, nhân sinh và thế giới quan bi phẫn thời cuộc của tác giả, thể hiện cuối cùng cái thiện, mối lương duyên cũng ràng buộc con nguời đến những điều tốt đẹp. Ngoài truyện Kiều bằng văn Nôm, Nguyễn Du còn sáng tác Văn chiêu hồn ca khúc bi thương cho thập loại cô hồn thoát khỏi tầng diêm la địa ngục:

Đoạn Quý nữ liều thân:

Lên lầu cao xuống dòng nước chảy
Phận đã đành trâm gãy bình rơi
Khi sao đông đúc vui cười
Mà khi nhắm mắt không người nhặt xương

Có thể nói, văn chương chữ Nôm của Nguyễn Du là những khúc bi thương cho thân phận con người. Ông đã kết lại tinh thần Phật giáo trong văn chương Nôm giai đoạn cuối Lê triều và mở ra thời kì mới văn chương triều Nguyễn. Nhưng chính ông là mạch nối gắn kết hai giai đoạn, mà ảnh hưởng từ tác phẩm của ông còn mãi về sau.

Lê triều là thời kì văn chương chữ Nôm rực rỡ, tác gia phong phú. Trong đó, các sáng tác gắn với hệ tư tưởng hoặc văn phong Phật giáo cũng rất nhiều, bao gồm các văn nhân, nhà sư, vua chúa. Văn chương còn lại đến nay ghi tên tác giả, hoặc khuyết danh. Nhưng tinh thần chung của văn phong thời kì này là tính chất thời đại. Lê triều, thời đồng hành vua chúa và đều tiêu dao chốn am mây chùa vắng, ngắm cảnh tiêu dao. Các chúa như Trịnh Tráng, Trịnh Sâm, Trịnh Cương, Trịnh Doanh, Trịnh Cán… thường vui thú yên hà, đi đây đi đó, ban bố ân huệ sắm sanh chùa chiền. Các vị chúa nay còn nhiều tác phẩm thơ văn Nôm truyền đến ngày nay. Trong đó, Trịnh Sâm còn khá nhiều tác phẩm, ông đến danh lam thắng cảnh nào cũng vạch đá đề thơ. Chúa Trịnh Cương thì viết cả tập Lê triều Ngự chế Quốc âm thi, trong đó phần nhiều là thơ ngao du chơi thăm thắng cảnh chùa chiền:

Bài thơ 15:

Nguyệt đường tự thi
(Thơ chùa Nguyệt Đường)
Danh lam từng trải đã hay danh,
Trình độ này âu hợp chuẩn trình.
Pháp giới chăm chăm tuyên diệu pháp,
Kinh lâu rỡ rỡ diễn chân kinh.
Công nhiều nhờ bởi công vô lượng,
Thế hợp vầy nên thế hữu tình.
Ngăn tục mựa cho mùi tục luỵ,
Lòng thiền tu cẩn chốn thiền quynh.

Nối tiếp thời đại, Nguyễn triều chấm hết thời phân tranh, cũng kết thúc thời phong kiến và gắn liền thời đại chữ Quốc ngữ. Nhưng văn chương chữ Nôm vẫn âm ỉ tồn tại trong lòng cuộc sống dân tộc đến giữa những năm 50 của thế kỉ XX. Đây là thời đại thống nhất toàn vẹn lãnh thổ dân tộc.

Thư tịch Hán và Nôm ngày nay còn lại phần nhiều là của thời Nguyễn, hoặc in hoặc sao lại. Nhiều văn bản Lê triều còn tồn tại đến ngày nay là do công quả của văn nhân sĩ phu Nguyễn triều. Thống nhất đất nước, nhưng đa dạng trong văn hoá tông giáo. Thời Nguyễn Đạo Phật phát triển nối tiếp hệ phái triều Lê, văn phong và hệ tư tưởng chịu sự chi phối quán xuyến.

Các thiền sư Nguyễn Triều thành danh nhất đã vượt qua cuộc sát hạch dưới thời Minh Mệnh năm 1835 để ban giới đao độ điệp. Trong đó, đáng kể nhất là danh tăng Phúc Điền Hoà thượng. Ông sinh cuối thế kỉ XVIII và cuối thế kỉ XIV mới viên tịch. Gần trăm năm, qua mấy đời vua, Phúc Điền hiểu nhất sự vận chuyển của thời đại và kiếp nhân sinh. Ông dốc mình biên dịch kinh sách chữ Nôm cũng như nhiều thư tịch Hán Nôm khác để quảng bá. Bao gồm các loại sách, kinh sách, lịch sử Phật giáo diễn Quốc âm như: Khoá hư lục Quốc âm, Kim Cương Quốc âm, Thái Căn đàm, Hộ pháp luận, Trúc song tuỳ bút, Tam giáo Nhất Nguyên, Thái căn đàm, Sa di luật nghi giải nghĩa, .... Phúc Điền đã thành công trong việc truyền bá và rộng mở đạo pháp trong thời Nguyễn, văn chương của ông dễ hiểu và thuần phong cách ngôn ngữ Phật giáo.

Ngoài Phúc Điền Hoà thượng còn nhiều tác gia khác biện dịch văn chương chữ Hán thành chữ Nôm như Kiều Oánh Mậu chú giải và in lại Truyện Kiều và diễn âm Hương sơn Quan Thế Âm chân kinh tân dịch, Nguyễn Trãi Vũ Đức Huân diễn âm Giới sát phóng sinh, Chu Mạnh Trinh với Hương sơn nhật trình ca, Nguyễn Khắc Thuyết diễn Nôm truyện Từ Đạo Hạnh…. Đã tạo nên một thời kì thịnh trị nhất về văn chương chữ Nôm Phật giáo trong dòng văn học Việt Nam. Tuy ngôn ngữ văn chương chữ Nôm Phật giáo giai đoạn này không hàm súc, phong phú như Lê triều, nhưng phát triển đa chiều đa dạng, không chỉ về thể loại mà còn về cả hình thức. Đồng thời, giai đoạn cuối Nguyễn triều, Phật giáo dung hoà trong tín ngưỡng thờ Mẫu, tạo nên một hệ thống văn chương chữ Nôm thấm nhuần văn hoá bản địa giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian.

Cơ bản thư tịch chữ Nôm văn học Phật giáo còn đến ngày nay là kinh, sách. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hệ loại tư liệu liên ngành như, văn bia, hương ước, văn khế, điạ bạ… viết bằng chữ Nôm liên quan đến chùa chiền hoặc tín ngưỡng Phật giáo. Riêng hệ thống bia chí chữ Nôm hiện nay tính trong các tỉnh miền Bắc có khoảng hơn 104 chiếc, trong đó văn bia chùa chiền hoặc hang động gắn với chùa là 67 bia, chiếm 64, 42% tổng số bia Nôm. Trong đó đáng kể là 18 bia Nôm ở chùa Phật giáo xã Vĩnh Quỳnh huyện Thanh Trì - Hà Tây. Tác giả trong hệ thống bia Nôm ở chùa hiện nay khảo sát được chủ yếu thời Nguyễn. Tuy nhiên, một điều đặc biệt là tác giả vua chúa chiếm đến gần 23, 19% tổng số bia trên. Như vậy, tư liệu chữ Nôm về Phật giáo hiện nay rất phong phú và vẫn chưa được khai thác trên nhiều khía cạnh văn học. Sự đa dạng này vượt qua những chuẩn định của văn bản Hán khi áp chế trong văn học quna phương người Việt thời Phong kiến. Chữ Nôm là sản phẩm của người Việt, và đa dạng trong hình thức thể hiện cũng chính là sản phẩm của người Việt.

Nhu cầu cuộc sống cùng thời đại đã sản sinh những áng văn chương chữ Nôm bất hủ. Đồng thời diễn tiến theo từng giai kì cho thấy sự hoàn bị trong sáng tạo thể loại. Một trong những đặc sắc của văn chương chữ Nôm nói chung và văn chương chữ Nôm Phật giáo nói riêng là mặt thể loại. Nếu văn chương chữ Hán bó hẹp trong các thể thơ Đường cùng với đối ngẫu của phú thể thì sự phong phú của thơ Nôm khiến cho đa dạng trong sáng tác và thể hiện ngôn ngữ người Việt. Diễn tiến theo lịch sử cho thấy những tác phẩm văn học chữ Nôm về Phật giáo như: Cư Trần lạc đạo, Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca… là những chuẩn mực về sử dụng sử dụng thể văn biền ngẫu. Đối trong phú Nôm tạo nên những đặc sắc mà văn học Hán không có được. Diễn Nôm khiến cho ngôn ngữ diễn tả được nhiều hơn, cụ thể hơn. Cư Trần lạc đạo là một trong những bài phú kinh điển trong sử dụng chữ Nôm vào sáng tác văn chương. Thơ chữ Nôm với nhiều tác phẩm, trong đó thể thơ 6 chữ nối kết thơ Nôm thời Lê sơ như Hồng Đức quốc âm thi tập, Bạch Vân quốc ngữ thi tập… Trong đó đáng kể các bài kệ của Trần Thị Ngọc Am, cũng như thơ các vua Lê chúa Trịnh, như Trịnh Doanh, Trịnh Sâm, Trịnh Cương….

Nét đặc sắc nhất của văn chương Phật giáo viết bằng chữ Nôm về mặt thể loại có lẽ chính là các bài phú Nôm, bài kệ Nôm, thơ lục bát chữ Nôm, song thất lục bát chữ Nôm…. Đây là những thể loại mang đậm màu sắc người Việt. Như Truyện Kiều của Nguyễn Du viết bằng thơ Lục bát, trong khi Văn Chiêu Hồn của ông viết bằng thể song thất lục bát. Điều này cho thấy tác giả văn học được thả mình trong thể loại để sáng tác theo cảm hứng thích hợp.

Chữ Nôm ra đời đáp ứng nhu cầu thực tế xã hội và ngôn ngữ người Việt. Nghìn năm trôi qua, văn chương chữ Nôm vẫn đang được khám phá và nghiên cứu. Sự ra đời của chữ Nôm đã đáp ứng được nhu cầu của dân tộc trong sự phát triển văn hoá, góp phần nâng cao địa vị tiếng Việt. Văn chương Phật giáo viết bằng chữ Nôm có ý nghĩa thiết thực trong sự phát triển ăn hoá dân tộc mà ngày nay dư âm mãi còn vang vọng. Văn bản vẫn còn, hình tích chưa phai. Chữ Nôm mãi mãi là đứa con tinh thần của người Việt, gắn liền với truyền thống nghìn năm đã qua và về sau.

Phong Phạm Tuấn