1000 NĂM THĂNG LONG HÀ NỘI VÀ PHẬT GIÁO THỜI LÝ TRẦN

 

 

Phật giáo Việt Nam đã hòa cùng dòng chảy lịch sử của dân tộc Việt Nam, chung chịu những bước thăng trầm của nước nhà hơn suốt 4.000 văn hiến. Cho nên có thể nói lịch sử của Phật giáo Việt Nam gắn liền với lịch sử dân tộc Việt Nam như nước hòa với sữa. Điều này hiển nhiên như ánh mặt trời mặt trăng, không ai có thể phủ nhận được.

Có mặt và luân chuyển theo dòng thời gian ấy, biết bao triều đại quân vương nối tiếp nhau nắm giữ vận mệnh quốc gia, để cho hồn nước muôn thuở vẫn thiêng liêng trong lòng dân tộc. Có triều đại ngắn ngủi, nhưng cũng có những triều đại thọ mệnh dài lâu, uy quang rạng rỡ, hào khí ngất trời, điểm lên trang sử Việt những nét son rực rỡ, mãi mãi không phai mờ. Trong đó, chói tỏa nhất có thể nói là hai triều đại Lý và Trần.

Lý Thái Tổ là một ông vua Phật tử, nổi tiếng thuần hậu nhân đức, nhờ phúc ấm ấy mà vương triều nhà Lý kéo dài trên 200 năm. Lịch sử Việt Nam đã ghi chép rất rõ về Lý triều Thái Tổ, nhà vua hội ngộ với đạo Phật như một nhân duyên đã định. Để từ ấy Phật giáo trở thành nguồn sống tinh thần không thể thiếu của triều đại nhà Lý, và vì thế hơi thở của thiền sư cũng chính là hơi thở của nhà vua. Luân lý đạo đức của Phật giáo cũng chính là nền tảng luân lý đạo đức mà các vua triều Lý đã đưa vào sách lược trị nước an dân trong suốt hơn 200 năm tại vị.

Sinh ra và lớn lên tại chùa Lục Tổ làng Cổ Pháp, Lý Thái Tổ được các thiền sư nhận làm con nuôi, trực tiếp giáo huấn, nên mặc nhiên trở thành con Phật thuở mới nằm nôi. Sư Vạn Hạnh nhìn thấy ở ông từ lúc trẻ thơ, “đứa bé này không phải người thường, sau này lớn lên át có thể giải nguy gở rối, làm bậc minh chủ trong thiên hạ”. Xung quanh việc lên ngôi của Lý Công Uẩn cũng phủ đầy những huyền thoại, sấm ký. Tất cả sự kiện ấy đều được Thiền sư Vạn Hạnh giải thích là điềm báo nhà Lý sẽ thay thế nhà Lê. Qua đó cho thấy vai trò của Thiền sư Vạn Hạnh và Phật giáo trong cuộc vận động Lý Công Uẩn lên ngôi vua là điều không thể phủ nhận.

Lý Công Uẩn thông minh có chí lớn khác thường. Ông đến kinh đô hoa Lư làm quan nhà tiền Lê, do tài năng và đức độ nên được phong đến chức Điện tiền chỉ huy sứ, còn gọi là quan Thân Vệ. Đến đời vua Lê ngọa triều, nhà tiền Lê đi vào con đường suy thoái, Lê ngọa triều hoang dâm vô độ, quan lại tham ô, dân chúng lầm than thống khổ. Và như một quy luật tất yếu, khi đất nước rên xiết, toàn dân uất ức thì mệnh lệnh lịch sử lên tiếng, ra lệnh thay ngôi đổi chủ. Đây chính là nguyên nhân để đưa Lý Công Uẩn lên ngôi vua vào ngày 22 tháng 11 năm Kỷ Dậu tức ngày 21-11-1009 tại kinh đô Hoa Lư.

Ngay sau khi lên ngôi, Thái Tổ đã nghĩ phải chọn cho đất nước một kinh đô xứng đáng. Có thể nói, đây là tầm nhìn thong suốt và chiến lược nhất của vua, để 1.000 năm sau Việt Nam có được một Thăng Long – Hà Nội bước vào tuổi thiên niên, rực rỡ hương sắc thanh tân mà vẫn phưởng phất cái bản sắc cố đô thuở xa xưa. Kinh đô Hoa Lư dưới triều Đinh và Tiền Lê chật hẹp, giao thông không thuận lợi, chưa xứng đáng là nơi hội tụ của quốc gia nên vua Lý quyết định dời đô ra đất Đại La.

Đại La là một thành lũy lớn, dân cư đông, tương lai sẽ là một trung tâm kinh tế đầy triển vọng. Đại La lại có núi Tản Viên, tam Đảo án ngự tạo thành đất đế vương theo quan điểm phong thủy. Vị trí, điều kiện tự nhiên và tiến trình lịch sử đã cho thấy Đại La hoàn thiện nhất để đóng vai trò kinh đô của đất nước thời kỳ phục hưng. Cống hiến lớn lao của vua Lý Thái Tổ là nhận thức được điều đó, tự tin ở sức mạnh của toàn dân và đi đến quyết đoán lịch sử. Những ý tưởng và suy tính của nhà vua được trình bày ngắn gọn trong văn kiện Chiếu dời đô, cho thấy tầm nhìn xa rộng, thâm thúy và có tính chiến lược của nhà vua lúc bấy giờ, mà chắc hẳn trong đó có sự đóng góp của Thiền sư Vạn Hạnh.

Bài “Chiếu dời đô”, tự tay nhà vua viết được xem là một văn kiện lịch sử danh bất hư truyền, đồng thời có giá trị văn chương kiệt xuất. Chiếu viết:

“Ngày xưa, nhà Thương đến đời Bàn Canh năm lần dời đô, nhà Chu đến Thành Vương ba lần dời đô, há phải các vua thời Tam đại ấy theo ý riêng, tự dời đô xằng bậy đâu.Làm như thế cốt để mưu nghiệp lớn, chọn ở chỗ giữa, làm kế cho con cháu muôn vạn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu có chỗ tiện thì dời đổi cho nên vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh. Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng, coi thường mệnh trời, không noi theo việc cũ Thương, Chu cứ chịu yên đóng đô nơi đây, đến nội thế đạo không dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ tổn hao, muôn vận không hợp. Trẫm rất đau đớn, không thể không dời.

Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn, hổ ngồi, chính giữa Nam, Bắc, Đông, Tây tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng và bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ vì thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt, đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô khinh sư mãi muôn đời. Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà định nơi ở, các khanh nghĩ thế nào?”

Câu hỏi sau cùng của nhà vua đã chứng tỏ Lý Thái Tổ là bậc minh quân nhân đức, khiêm tốn, biết tôn trọng ý kiến của thần dân, tuy là mình rồng trên ngôi cữu trùng nhưng không tự mãn kêu hãnh, mà biết cúi xuống lắng nghe kẻ bề tôi. Quần thần nghe thế, ai mà chẳng đồng thuận vâng theo? Cho nên tả hữu đều thưa: “Bệ hạ vì thiên hạ lập kế dài lâu, trên cho nghiệp đế được thịnh vượng lớn lao, dưới cho dân chúng được đông đúc giàu có, điều lợi như thế, ai dám không theo”. Vua cả mừng. (Đại Việt sử ký toàn thư).

Sử ghi lại khi thuyền ngự đến Đại La thì có rồng vàng xuất hiện. Rồng bay lên và kinh đô Đại Việt được nhà vua đặt tên là Thăng Long. Lý Thái Tổ quả thật là vị minh quân, là nhà tổ chức vĩ đại của triều Lý, một hoàng đế văn võ song toàn, thân chinh dẹp loạn, đánh đâu thắng đó. Đối với nhân dân, Thái Tổ hết lòng vì dân, được chính sử đánh giá là “khoan thứ, nhân từ, tinh tế, hòa nhã, có lượng đế vương”. Âu cũng là nhờ ảnh hưởng tinh thần Phật giáo vậy. Các vua nhà Lý được đào tạo và chuẩn bị lên ngôi đều theo tinh thần đó.

Như đã nói, nhà vua có nhân duyên đối với đạo Phật, là con của Phật nên một lòng quy ngưỡng Tam bảo. Để tưởng nhớ lại công đức nuôi dưỡng và huấn dục của thầy tổ, Thái Tổ xây dựng rất nhiều chùa trong nước, cho người sang Trung Quốc thỉnh kinh. Có thể nói trong thời nhà Lý, Phật giáo giữ vai trò tham mưu trong hệ tư tưởng và đời sống tinh thần của xã hội. Hai thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông tiếp tục phát triển, thêm thiền phái mới là Thiền phái Thảo Đường. Các vua Lý và nhiều quý tộc, thân vương đều tôn sùng đạo Phật, bỏ tiền của xây dựng chùa khắp nơi, cúng ruộng cho chùa. Nhà chùa trở thành trung tâm văn hóa chính trị trong xã hội, nhiều chùa có đến hàng trăm, hàng ngàn tăng Ni. Phật giáo thời Lý phát triển trong sự gắn bó với lợi ích và vận mạng dân tộc.

Một số vua tu Phật như Lý Thái Tông thuộc thế hệ thứ bảy của phái Vô Ngôn Thông. Vua Lý Thánh Tông thuộc thế hệ thứ nhất, Lý Anh Tông thuộc thế hệ thứ ba, Lý Cao Tông thế hệ thứ năm của phái Thảo Đường. trong triều đình, bên cạnh các quan chức văn võ, nhà lý vẫn duy trì quan chức Phật giáo thời Đinh, tiền Lê, đứng đầu là Tăng thống, Tăng lục. Những nhà sư có tài năng và uy tín được nhà vua phong làm Quốc sư như Quốc sư Viên Thông (1080 -1151), Quốc sư Thông Biện (?-1134).

Về phương diện văn hóa, Thăng Long trở thành trung tâm hội tụ và đào nhân tài của cả nước. Đế đô của triều Lý với nhiều hoàng đế tài đức như Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, nhiều tướng soái kiệt xuất mà tiêu biểu là thái úy Lý Thường Kiệt. Đây cũng là nơi có trường Quốc Tử Giám được xây dựng từ năm 1070, tức năm Thần Vũ thứ 2 đời Lý Thánh Tông, là nơi mở những khoa thi tuyển chọn nhân tài, đào tạo đội ngũ trí thức cho đất nước. Đồng thời đây cũng là một trung tâm Phật giáo với tên tuổi nhiều cao tăng siêu xuất như Thiền sư Vạn Hạnh, Minh Không, Thông Biện…

Thăng Long không những tập trung những cung điện của triều đình, mà còn có nhiều chùa tháp nổi tiếng, tiêu biểu là chùa Diên Hựu (chùa Một Cột), chùa Sùng Khánh Báo Thiên (chùa Báo Thiên). Trong bốn công trình nghệ thuật được coi là “An Nam Tứ Đại Khí” của thời Lý - Trần, thì 2 công trình mang niên đại Lý trên đất Thăng Long chuông Qui Điền (năm 1080 tại chùa Diên Hựu) và tháp Bảo Thiên (năm 1057 tại chùa Báo Thiên). Trong những thập kỷ gần đây, khảo cổ học tìm thấy trong lòng đất Hà Nội nhiều di tích và di vật đời Lý, trong đó có những gạch ngói, đồ gốm sứ đạt trình độ kỷ thuật và thẩm mỹ cao.

Xưa cũng như nay, Thăng Long luôn là trung tâm qui tụ, kết tinh tài năng, trí tuệ dân tộc, tạo nên phong cách và truyền thống văn hóa thủ đô, để từ đây tỏa chiếu ảnh hưởng ra cả nước. Định đô Thăng Long năm 1010 là cột mốc lơn mở đầu lịch sử Thăng Long – Hà Nội, đánh dấu bước ngoặt của lịch sử đất nước. Thăng Long – Hà Nội giữ vai trò kinh đô lâu dài nhất trong lịch sử dân tộc và cũng xếp hạng vào những kinh đô có bề dày lịch sử nhất trên thế giới. Thật xứng đáng với sự lựa chọn và tiên liệu của vua Lý Thái Tổ, “thượng đô của kinh sư muôn đời”.

Lý Thái Tổ quả thật xứng đáng là vị vua khai sáng triều đại nhà Lý anh minh lỗi lạc, một Phật tử chân chánh thuần thành. Cuộc đời ông gắn bó với Phật giáo, đạo tình son sắc đã thành tựu cho đế nghiệp của ông và con cháu đời sau cửu trụ dài lâu. Trong đó Thăng Long – Hà Nội là một minh chứng hùng hồn và sâu sắc nhất, để cho dân tộc và Phật tử Việt Nam luôn tự hào và giữ gìn bản sắc muôn thuở của mình.

Nhà Trần kế thừa sự nghiệp lơn lao của nhà Lý, đúng theo quy luật duyên sinh của các pháp. Cuối đời nhà Lý, Chiêu Hoàng lên ngôi rồi nhường lại cho chồng là Trần Cảnh, tức Trần Thái Tông mới có 8 tuổi, nên mọi việc trong nước đều do thái sư Trần Thủ Độ quán xuyến cả. Bài chiếu nhường ngôi, theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, ban hành ngày 21 tháng 11 năm 1225 đã ghi như sau:

“Từ xưa nước Đại Việt đã có các bậc đế vương trị vì thiên hạ. Riêng nhà Lý ta vâng chịu mệnh trời, làm chủ bốn biển, các vị thánh vương truyền nối đã hơn 200 năm. Chẳng mai đức Thượng Hoàng mắc bệnh, không có người nối dõi, thế nước nguy khốn, đành sai trẫm nhận minh chiếu, gượng lên ngôi vua. Thật là từ xưa tới nay chưa có việc như thế bao giờ!

Than ôi, trẫm là nữ chúa, tài đức đều kém, lại thiếu người giúp đỡ, mà giặc cướp thì nổi lên như ong, làm sao có thể giữ gìn ngôi vị quá nặng đó được?

Trẫm những thức khuya dậy sớm, chỉ sợ gánh vác không nổi; lòng thường cần mong có bậc hiền nhân quân tử, cùng giúp chính sự. Ngày đêm trẫm vẫn canh cánh nghĩ về việc đó.

Nay trẫm một mình suy đi nghĩ lại, duy có Trần Cảnh là người văn chất rõ ràng, phong thái đúng là bậc hiền nhân quân tử, uy nghi trầm mặc, lại có tư chất của đấng văn võ thánh thần, dù Hán Cao Tổ, Đường Thái Tông cũng không hơn được. Trẫm đã sớm suy nghĩ, nghiệm xét từ lâu nên nhường lại ngôi lớn để yên lòng trời, để thỏa ý trẫm, có vậy mới mong ai nấy đồng lòng gắn sức, phù trì vận nước lâu dài, để cùng chung hưởng hạnh phúc thái bình. Nay bá cáo cùng thiên hạ cùng nghe biết”.

Việc thay đổi đế nghiệp của cả một triều đại diễn ra như vậy là khá êm đẹp, tuy cũng có chút đau lòng cho hậu duệ nhà Lý. Nhưng xét cho cùng đó là phúc ấm mà nhà Trần xứng đáng được thừa hưởng từ nhà Lý, bởi nhà Trần có những nhà chính trị kiệt xuất, những bậc dũng tướng uy phong lẫm liệt, đầy đủ bản lĩnh để lãnh đạo toàn dân đứng trước vận hội vô cùng khó khăn của đất nước, đối đầu với giặc ngoại xâm hung hãn vào bậc nhất thế giới là quân Nguyên Mông. Nếu không phải là các vua quan thời Trần thì làm gì nước Đại Việt ta đã có một thời uy danh lừng lẫy, làm cho giặc ngoại xâm phải hồn siêu phách lạc, lân bang kính nể, không dám dòm ngó đến bờ cõi phương Nam.

Hàng loạt nhân vật lịch sử sáng chói của Việt Nam vào thời Trần như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, Trần Minh Tông nối nhau ra đời như một sứ mệnh thiêng liêng mà dân tộc và đất nước đã giao phó. Đặt biệt trong thời này, có Hưng Đạo đại vương là một nhà quân sự kiệt xuất của Đại Việt đã làm cho cả năm châu bốn bể phải khiếp phục, không dám xem thường dân tộc ta. Uy dũng là thế, nhưng sáng chói hơn vẫn là đức độ bao dung, tha thứ rất đáng khâm phục của vua tôi nhà Trần.

Một hành sử cao đẹp đến không ngờ của vua Trần Nhân Tông là khi quân dân ta đánh thắng giặc Nguyên, tịch thu được tráp có sớ đầu hàng của các quan, nhà vua không cho truy cứu, mà bảo đốt sạch. Từ đó về sau trong triều ngoài nội, trên từ thượng quan dưới đến vạn thứ lên dân, không ai không theo về, Đủ thấy nhà vua dùng dức hiếu sinh đãi người, dùng tâm Phật để chiết phục và chuyến hóa kẻ phản thần. Nếu không có khí lượng của bậc đại nhân thì làm sao được thế!

Về văn hóa, kinh tế, chính trị, đây cũng là triều đại sản sinh cho lịch sử những nhân vật kỳ tài như các vua đầu nhà Trần và các thân vương sáng giá như Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Nguyên Đán… Tuy nhiên, trên hết vẫn là vì sao sáng Trần Nhân Tông. Một minh quân, một thiền sư, một trái tim Bồ tát đã đến và đi trong cuộc đời như có như không, như chưa từng đến cũng chưa từng đi.

Tất cả pháp chẳng sanh,

Tất cả pháp chẳng diệt,

Nếu hay hiểu như thế,

Chư Phật thường hiện tiền.

Nào có đến đi gì?

Nhà vua Thiền sư Việt Nam có mặt rồi phất áo ra đi như Tuệ Trung Thượng sĩ, đẹp như vầng trăng ngự giữa trời không, thong dong, tự tại, thống khoái giữa muôn trùng biến động vô thường, để lại cho dân tộc Việt Nam một sức sống hồn hậu quật cường, cho Phật giáo Việt Nam một thiền phái Trúc Lâm bi trí tròn đầy, mang mạch sống thiền tuôn chảy đến vô cùng.

Nhân Tông là con của Thánh Tông, cháu của Thái Tông, đệ tử của Thượng sĩ Tuệ Trung. Kết tinh từ ba vì sao sáng ấy, nên Trần triều có được một Điều Ngự Giác Hoàng khí lượng thâm trầm, tỉnh tại của một thiền sư hơn là bậc đế vương. Ngài đứng trên đỉnh Phù Vân mà trông chừng Anh Tông ở chốn kinh kỳ, dạy con việc nước việc nhà, việc tu việc sống ở đời. Tư chất này, phẩm lượng này âu cũng từ Thượng sĩ mà nên.

Khi còn là thái tử, Nhân Tông đã được Tuệ Trung trao cho cẩm nang vào đạo “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc”. Từ đó nhà vua có được một con đường sống, dù ngồi trên ngai vàng mà tâm đã ở nơi cửa Phật. Cương lĩnh của dòng thiền Trúc Lâm được Điều Ngự nêu lên rất rõ trong bài phú Cư Trần Lạc Đạo:

Ở đời vui đạo hãy tùy duyên,

Đói đến thì ăn mệt ngủ liền,

Trong nhà có báu thôi tìm kiếm,

Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền.

Thật ra, kiến giải và tâm chứng này, các vua Trần đã được Thiền sư Viên Chứng trên đỉnh Yên Tử khai mở từ khi Trần Thái Tông bỏ ngôi vua, trốn lên núi tìm Phật. “Trong núi vốn không có Phật. Phật chỉ có ở trong tâm. Tâm lặng mà biết, đó đích thị là Phật”. Tuệ Trung Thượng sĩ thì nói: “Khi mê không biết ta là Phật, khi ngộ thì ra Phật là ta”. Chính những câu nói này đã đánh thức nguồn mạch tâm linh vô tận của các vua Trần, đem đến một sức sống mạnh mẽ và sáng suốt cho Phật giáo thời Trần. Một thời đại Phật giáo với những con người siêu xuất thế gian mà vẫn trụ tại thế gian, để thực hiện trọn vẹn xứ mệnh đạo pháp và dân tộc của mình, vì lợi ích nhân sinh mà phụng sự quên mình.

Phật giáo đời Trần là nền Phật giáo nhập thế, đưa Phật giáo vào tận hang cùng ngõ hẻm của xã hội, thiết lập một chuẩn mực đạo đức cho đời sống nhân dân. Tuệ Trung Thượng sĩ với tư tưởng “hòa quang đồng trần”, chính là cái xương cốt của nền Phật giáo nhập thế này. Đúng như lời của vua Trần Nhân Tông ca ngợi: “Thượng sĩ sống giữa dòng thế tục, hòa ánh sáng mình trong cuộc đời bụi bặm, trong mọi tiếp xúc. Thượng sĩ luôn luôn giữ thái độ hòa ái nên chưa bao giờ gặp phải những trường hợp phiền nghịch”. Thượng sĩ thong dong tự tại, không bị ràng buột bởi hình thức nào:

“Sâu thì xoắn áo chừ cạn thì nhón gót,

Dùng thì phô ra chừ bỏ thì ẩn tàng,

Buông bốn đại chừ đừng nắm bắt,

Tỉnh một đời chừ thôi chạy quàng.

Phóng cuồng ngâm.

Các thiền sư Việt Nam thời Trần đã thể hiện trọn vẹn nhất cốt tủy của đạo Phật qua mạch sống thiền. Và vì thế Phật giáo thời Trần đã được đánh giá là thời kỳ vàng son nhất của Phật giáo Việt Nam, đsong góp cho đất nước và dân tộc Việt Nam một nền móng đạo đức vững vàng. Từ đó nâng cao, ổn định và giữ thăng bằng đời sống tâm linh của con người, đưa nước nhà đi lên trong mọi lĩnh vực, đem đến nguồn an vui hạnh phúc cho muôn nhà. Quả thật đây là một triều đại thía bình thịnh trị, trãi qua 13 đời vua, kéo dài 175 năm (1225 – 1400).

Tuy nhiên, sẽ thấu đáo hơn khi chúng ta nhận ra rằng hơi thở của Phật giáo Việt Nam sâu lắng, tròn đầy và sung mãn nhất là nhờ vào các vị vua Phật tử hiền đức của cả hai triều đại Lý – Trần. Nếu như triều Lý các bậc đế vương gieo hạt ươm mầm cho chủng tử Phật đi vào đời thì đến triều Trần, quân vương cũng chính là pháp vương nuôi dưỡng vun bồi, cho hạt giống Bồ - đề ấy ra hoa kết quả. Đức vua Trần Nhân Tông được tôn xưng là Phật hoàng Trần Nhân Tông. Ngài đã rũ bỏ vương quyền, lợi danh để xuất gia vào lúc đang ở đỉnh cao vinh hoa phú quý. Và cuối cùng Ngài đã thành tựu được đạo nghiệp cao cả, làm tiêu bảng cho hành giả tu thiền Việt Nam, sớm tỉnh thức và mãnh tiến trên con đường Phật đạo.

Triều Lý không có triều Trần và những triều đại tiếp nối theo sau, thì liệu ngày nay Việt Nam có được 1000 năm Thăng Long – Hà Nội nồng ấm trái tim thủ đô? Và Phật giáo Việt Nam có được một Thiền phái Trúc Lâm bất diệt, với những thiền sư là bậc quân vương xem ngai vàng như đôi dép rách, ung dung trên đỉnh Yên Tử sơn, mặc cho tuế nguyệt tròn khuyết vơi đầy chẳng bận lòng, mà bờ cõi muôn thuở vẫn vững âu vàng!

Có thể nói đây chính là niềm tự hào nhất của dân tộc Việt Nam nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng. Và đây cũng chính là linh hồn, là nguồn mạch nuôi dưỡng một sức sống vương lên, vươn lên mãi của ngàn năm Thăng Long – Hà Nội trong trái tim Việt Nam.

 

HT. Thích Nhật Quang

Trụ trì Thiền viện Thường Chiếu

Trưởng Ban Thiền học VNCPHVN

(giaohoiphatgiaovietnam.vn)