KINH TRUNG A-HÀM

MỤC LỤC KINH TRUNG A-HÀM

PHẨM 1: BẢY PHÁP PHẨM 11: LÂM
PHẨM 2: TƯƠNG ƯNG NGHIỆP PHẨM 12: ĐẠI
PHẨM 3: TƯƠNG ƯNG XÁ-LỢI-PHẤT PHẨM 13: BÀ-LA-MÔN (I)
PHẨM 4: PHÁP VỊ TẰNG HỮU PHẨM 14: BÀ-LA-MÔN (II)
PHẨM 5: TƯƠNG ƯNG TẬP PHẨM 15: CĂN BỔN PHÂN BIỆT
PHẨM 6: TƯƠNG ƯNG VƯƠNG (I) PHẨM 16: TÂM
PHẨM 7: TƯƠNG ƯNG VƯƠNG (II) PHẨM 17: SONG
PHẨM THỨ 8: TRƯỜNG THỌ VƯƠNG PHẨM 18: ĐẠI
PHẨM 9: UẾ PHẨM PHẨM 19: BÔ-ĐA-LỊ
PHẨM 10: NHÂN PHẨM 20: PHẨM LỆ

東晉孝武及安帝世隆安 元年十一月至二年六月了於東亭寺

罽賓三藏瞿曇僧伽提婆譯 道祖筆受

 

KINH TRUNG A-HÀM

 Hán Dịch:

Đông Tấn, đời Hiếu Vũ và An Đế,

Long an năm đầu tháng 11 đến năm thứ hai tháng 6 tại chùa Đông đình

Tam Tạng người Kế-tân Tăng-già-đề-bà (Saṅghadeva) dịch

Đạo Tổ bút thọ

 Việt dịch:

Tuệ Sỹ

Nguồn: phatviet.com

Phẩm 1: Bảy pháp

PHẨM 1: BẢY PHÁP

TỤNG NGÀY THỨ NHẤT

善法晝度樹  

城水木積喻

善人往世福

日車漏盡七

 Kệ tóm tắt:

Thiện pháp, Trú độ thọ,

Thành, Thủy, Mộc tích dụ,

Thiện nhân vãng, Thế phước,

Nhật, Xa, Lậu tận bảy

1. KINH THIỆN PHÁP

 [421a13] Tôi nghe như vầy:

Một thời Thế Tôn trú tại [1] tại nước Xá-vệ, ở trong rừng Thắng Lâm [2] vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Tỳ-kheo nào thành tựu bảy pháp tất được hoan hỷ an lạc trong pháp Hiền Thánh, thẳng tiến đến lậu tận. Bảy pháp đó là gì? Đó là biết pháp, biết nghĩa, biết thời, biết tiết độ, biết mình, biết chúng hội và biết sự hơn kém của người [3].

(1) “Thế nào gọi là Tỳ-kheo biết pháp? Nghĩa là Tỳ-kheo biết chánh kinh, ca vịnh, ký thuyết, kệ-tha, nhân duyên, soạn lục, bản khởi, thử thuyết, sanh xứ, quảng giải, vị tằng hữu và thuyết nghĩa [4]. Ấy là Tỳ-kheo biết pháp.

Nếu Tỳ-kheo không biết pháp, tức không biết chánh kinh, ca vịnh, ký thuyết, kệ tha, nhân duyên, soạn lục, bản khởi, thử thuyết, sanh xứ, quảng giải, vị tằng hữu và thuyết nghĩa. Tỳ-kheo như vầy là không biết pháp.

Tỳ-kheo nào khéo biết rõ pháp, đó là biết chánh kinh, ca vịnh, ký thuyết, kệ tha, nhân duyên, soạn lục, bản khởi, thử thuyết, sanh xứ, quảng giải, vị tằng hữu và thuyết nghĩa. Ấy là Tỳ-kheo khéo biết rõ pháp.

(2) “Thế nào gọi là Tỳ-kheo biết nghĩa? Nghĩa là Tỳ-kheo biết nghĩa của giáo thuyết này hay giáo thuyết kia, biết điều này có nghĩa như thế kia, biết điều kia có nghĩa như thế này. Đó là Tỳ-kheo biết nghĩa.

Nếu Tỳ-kheo không biết nghĩa tức là Tỳ-kheo không biết nghĩa của giáo thuyết này hay giáo thuyết kia; không biết điều này có nghĩa như thế kia, điều kia có nghĩa như thế này. Tỳ-kheo như vậy là không biết nghĩa.

Tỳ-kheo nào khéo biết rõ [421b] nghĩa, đó là biết nghĩa của giáo thuyết này hay giáo thuyết kia, biết điều này có nghĩa như thế kia, biết điều kia có nghĩa như thế này. Đó là Tỳ-kheo khéo biết rõ nghĩa.

(3) “Thế nào gọi là Tỳ-kheo biết thời? Đó là Tỳ-kheo biết thời nào nên tu phương pháp thấp, thời nào nên tu phương pháp cao, thời nào nên tu phương pháp xả [5]. Ấy là Tỳ-kheo biết thời.

Tỳ-kheo nào không biết thời tức là không biết thời nào nên tu phương pháp thấp, thời nào nên tu phương pháp cao, thời nào nên tu phương pháp xả. Tỳ-kheo như vậy là không biết thời.

Tỳ-kheo nào khéo biết rõ thời, đó là biết thời nào nên tu phương pháp thấp, thời nào nên tu phương pháp cao, thời nào nên tu phương pháp xả. Ấy là Tỳ-kheo khéo biết rõ thời.

(4) “Thế nào là Tỳ-kheo biết tiết độ? Đó là Tỳ-kheo biết tiết độ trong việc ăn, uống, đi, đứng, ngồi, nằm, nói năng, im lặng, giảm bớt ngủ nghỉ, tu tập chánh trí. Ấy là Tỳ-kheo biết tiết độ.

Tỳ-kheo nào không biết tiết độ tức là Tỳ-kheo không biết tiết độ trong việc ăn, uống, đi, đứng, ngồi, nằm, nói năng, im lặng, đại tiểu tiện, giảm bớt ngủ nghỉ, tu tập chánh trí. Tỳ-kheo như vậy là không biết tiết độ.

Tỳ-kheo nào khéo biết rõ sự tiết độ, đó là biết tiết độ trong việc ăn, uống, đi, đứng, ngồi, nằm, nói năng, im lặng, giảm bớt ngủ nghỉ, tu tập chánh trí. Ấy là Tỳ-kheo khéo biết rõ sự tiết độ.

(5) “Thế nào là Tỳ-kheo biết mình? Tỳ-kheo tự biết mình có mức độ ấy tín, giới, thí, tuệ, biện, A-hàm và sở đắc [6]. Tỳ-kheo như vậy là biết mình.

Tỳ-kheo nào không biết mình tức là không tự biết mình có mức độ ấy tín, giới, văn, thí, tuệ, biện, a-hàm và sở đắc. Tỳ-kheo như vậy là không biết mình.

Tỳ-kheo nào khéo tự biết rõ mình, đó là biết mình có mức độ ấy tín, giới thí, tuệ, biện, a-hàm và sở đắc. Tỳ-kheo như vậy là khéo biết rõ mình.

(6) “Thế nào là Tỳ-kheo biết chúng hội? Tỳ-kheo biết đây là chúng hội Sát-lị, đây là Bà-la-môn, đây là chúng hội Cư sĩ, đây là chúng hội Sa-môn. Ở nơi các chúng hội ấy, ta nên đi như vậy, đứng như vậy, ngồi như vậy, nói như vậy, im lặng như vậy. Ấy là Tỳ-kheo biết chúng hội.

Tỳ-kheo nào không biết chúng hội tức là không biết đây là chúng hội Sát-lị, đây là chúng hội Bà-la-môn [7], đây là chúng hội Cư sĩ, [8] đây là chúng hội Sa-môn. Ở nơi các chúng hội ấy, ta nên đi như vậy, [421c] đứng như vậy, ngồi như vậy, nói như vậy, im lặng như vậy. Tỳ-kheo như vậy là không biết chúng hội.

Tỳ-kheo nào khéo biết rõ chúng hội, đó là biết đây là chúng hội Sát-lị, đây là Bà-la-môn, đây là chúng hội Cư sĩ, đây là chúng hội Sa-môn. Ở nơi các chúng hội ấy, ta nên đi như vậy, đứng như vậy, ngồi như vậy, nói như vậy, im lặng như vậy. Ấy là Tỳ-kheo khéo biết rõ chúng hội.

(7) “Thế nào là Tỳ-kheo biết sự hơn kém của người [9]? Đó là Tỳ-kheo biết có hai hạng người: có tín và có bất tín, người có tín là hơn, người bất tín là kém.

Người có tín lại có hai hạng: Thường đến gặp Tỳ-kheo và không thường đến gặp Tỳ-kheo. Người đến gặp thấy Tỳ-kheo là hơn, người không thường đến gặp Tỳ-kheo là kém.

Người thường đến gặp Tỳ-kheo lại có hai hạng: có lễ kính và không lễ kính. Người có lễ kính là hơn; người không lễ kính là kém.

Người có lễ kính lại có hai hạng: có hỏi Kinh và không hỏi Kinh. Người có hỏi Kinh là hơn, người không hỏi Kinh là kém.

Người có hỏi Kinh lại có hai hạng: nhất tâm nghe Kinh và không nhất tâm nghe Kinh. Người nhất tâm nghe Kinh là hơn, người không nhất tâm nghe Kinh là kém.

Người nhất tâm nghe Kinh có hai hạng: nghe rồi thọ trì pháp và nghe rồi không thọ trì pháp. Người nghe rồi thọ trì pháp là hơn, người nghe rồi không thọ trì pháp là kém.

Người nghe rồi thọ trì pháp lại có hai hạng: nghe pháp có quán sát nghĩa và nghe pháp không quán sát nghĩa. Người nghe pháp có quán sát nghĩa là hơn, người nghe pháp không quán sát nghĩa là kém.

Hạng nghe pháp quán sát nghĩa lại có hai: biết pháp, biết nghĩa, hướng đến pháp tùy pháp, [10] tùy thuận pháp, thực hành đúng như pháp; và hạng không biết pháp, không biết nghĩa, không hướng về pháp và thứ pháp, tùy thuận pháp và thực hành đúng như pháp.

Người biết pháp, biết nghĩa, hướng về pháp và thứ pháp, tùy thuận pháp, thực hành đúng như pháp là hơn; người không biết pháp, không biết nghĩa, không hướng đến pháp tùy pháp, không tùy thuận pháp, không thực hành đúng như pháp là thấp kém.

Hạng biết pháp, biết nghĩa, hướng đến pháp tùy pháp, tùy thuận pháp, thực hành như pháp lại có hai hạng: Tự làm ích lợi cho mình và cũng làm ích lợi cho người khác, làm ích lợi cho mọi người, xót thương thế gian, [422a] cầu nghĩa lợi và lợi, an ổn khoái lạc cho trời và người; và hạng không tự làm lợi ích cho mình và cũng không làm lợi ích cho người, không xót thương thế gian, không cầu nghĩa lợi và lợi, an ổn khoái lạc cho trời và người.

Nếu người nào tự làm lợi ích, cũng làm lợi ích cho người, làm lợi ích cho mọi người, xót thương thế gian, cầu nghĩa lợi và lợi, an ổn và khoái lạc cho trời người, người ấy là bậc nhất, là lớn, là trên, là tối cao, là hơn hết, là tôn quí, là tuyệt diệu giữa mọi người khác.

Ví như từ bò có sữa, từ sữa có lạc, từ lạc có sinh tô, từ sinh tô có thục tô, từ thục tô có tô tinh [11]. Tô tinh là thứ bậc nhất, là lớn, là trên, là tối cao, là hơn hết, là tôn quí, là tuyệt diệu đối với những loại kia. Cũng vậy, nếu người nào tự làm lợi ích cho mọi người, xót thương thế gian, cầu nghĩa lợi và lợi, an ổn khoái lạc cho trời người, trong hai hạng người như trên đã nói, đã phân biệt, đã thi thiết, người ấy là bậc nhất, là lớn, là trên, là tối cao, là hơn hết, là tôn quí, là tuyệt diệu. Ấy là Tỳ-kheo biết sự hơn kém của người.

Phật thuyết như vậy. Các vị Tỳ-kheo sau khi nghe những điều Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

2. KINH TRÚ ĐỘ THỌ

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại nước Xá-vệ, ở tại Thắng Lâm Lâm trong vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Phật nói với các Tỳ-kheo:

“Nếu lá cây Trú độ [12] ở Tam Thập Tam Thiên úa vàng [13], lúc đó thiên chúng ở Tam thập thiên vui mừng hớn hở, cho rằng lá cây Trú độ chẳng bao lâu nữa sẽ rụng.

“Rồi thì lá cây ở Tam Thập Tam Thiên đã rụng. Lúc đó Chư Thiên ở Tam Thập Tam Thiên vui mừng hớn hở cho rằng lá cây Trú độ chẳng bao lâu nữa sẽ mọc lại.

“Rồi thì lá cây Trú độ ở Tam Thập Tam Thiên đã mọc lại, lúc đó Chư Thiên ở Tam Thập Tam Thiên vui mừng hớn hở cho rằng cây Trú độ chẳng bao lâu nữa sẽ kết ra mạng lưới [14].

“Rồi thì cây Trú độ ở Tam Thập Tam Thiên đã kết mạng lưới.

Lúc đó Chư Thiên ở Tam Thập Tam Thiên vui mừng hớn hở cho rằng cây Trú độ chẳng bao lâu nữa sẽ nở nụ giống như mỏ chim [15].

“Rồi thì cây Trú độ ở Tam Thập Tam Thiên đã nở nụ giống như mỏ chim.

“Lúc đó Chư Thiên ở Tam Thập Tam Thiên cho rằng cây Trú độ chẳng bao lâu nữa sẽ nở hoa giống như cái bát [16].

 [422b] “Rồi thì cây Trú độ ở Tam Thập Tam Thiên đã nở hoa như cái bát. Lúc đó Chư Thiên ở Tam Thập Tam Thiên hớn hở cho rằng cây Trú độ chẳng bao lâu hoa sẽ nở tròn trịa. Khi cây Trú độ nở hoa tròn trịa, nó chiếu ra ánh sáng, màu sắc và tỏa ra mùi thơm trong chu vi trăm do-tuần [17]. Lúc bấy giờ vào tháng tư mùa hạ, các vị Tam Thập Tam Thiên vui đùa với năm món dục lạc cõi trời. Đó là Tam Thập Tam Thiên tập trung dưới cây Trú độ mà hưởng thọ sự hoan lạc.

“Theo ý nghĩa như thế, vị Thánh đệ tử cũng vậy. Khi suy nghĩ đến việc xuất gia, lúc đó vị Thánh đệ tử như là chiếc lá úa vàng, cũng giống như lá cây Trú độ ở cõi Tam Thập Tam Thiên vàng úa.

“Lại nữa, khi vị Thánh đệ tử cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, với chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, học đạo; lúc đó vị Thánh đệ tử được gọi là lá rụng, như lá cây Trú độ ở Tam Thập Tam Thiên rụng xuống.

“Lại nữa, khi vị Thánh đệ tử ly dục, ly pháp ác bất thiện, có tầm có tứ [18], có hỷ và lạc phát sinh do viễn ly [19], thành tựu và an trụ [20] Sơ thiền; lúc đó vị Thánh đệ tử được gọi là sanh trở lại như lá cây ở Tam Thập Tam Thiên sanh trở lại.

“Lại nữa, khi vị Thánh đệ tử tầm và tứ đã dứt, nội tĩnh, nhất tâm không tầm không tứ, có hỷ lạc do định sanh [21] thành tựu và an trụ Nhị thiền. Lúc đó Thánh đệ tử được gọi là sanh màng lưới như cây Trú độ ở Tam Thập Tam Thiên sanh mạng lưới.

“Lại nữa, khi vị Thánh đệ tử lìa hỷ dục, an trụ xả vô cầu [22]với chánh niệm chánh trí, thân cảm giác lạc; điều mà Thánh nói [23] là an trú lạc có xả, và niệm, [24] thành tựu an trụ Tam thiền. Lúc đó Thánh đệ tử được gọi là nở nụ như mỏ chim, cũng như cây Trú độ ở Tam Thập Tam Thiên nở nụ như mỏ chim.

“Lại nữa, khi Thánh đệ tử diệt lạc, diệt khổ; ưu và hỷ từ trước cũng đã diệt, không khổ không lạc, xả và niệm thanh tịnh [25] thành tựu an trụ Tứ thiền. Vị Thánh đệ tử lúc đó được gọi là nở hoa như cái bát vậy, cũng như cây Trú độ ở Tam Thập Tam Thiên nở hoa như cái bát.

“Lại nữa, khi Thánh đệ tử các lậu đã được diệt tận, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ngay trong đời hiện tại này mà tự tri, tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ; vị ấy biết một cách như thật rằng ‘Sanh đã hết, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã xong, không còn tái sanh nữa [26]’. Lúc đó vị Thánh đệ tử được gọi là hoa nở tròn trịa, cũng giống như cây Trú độ ở Tam Thập Tam Thiên nở hoa tròn trịa.

Đó là vị Tỳ-kheo lậu tận A-la-hán được Tam Thập Tam Thiên tập hội tại chánh điện Thiện pháp hỏi han khen ngợi rằng: ‘Vị Thánh đệ tử tôn quý đó, ở tại thôn [422c] ấp kia, đã cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, học đạo, các lậu đã hết, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ngay trong đời hiện tại này tự tri, tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ, biết một cách như thật rằng, sự sanh đã hết, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Đó là sự tập hội của các A-la-hán lậu tận, như chư thiên Tam Thập Tam Thiên cùng tập hội dưới cây Trú độ vậy”.

Phật thuyết như vậy, các vị Tỳ-kheo sau khi nghe những điều Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

3. KINH THÀNH DỤ

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú nước Xá-vệ, ở trong Thắng Lâm Lâm vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Như vương thành ở biên giới có đầy đủ điều kiện [27] và bốn thứ lương thực sung túc dễ tìm không khó; do đó vương thành không bị ngoại địch đánh phá, ngoại trừ tự phá hoại từ bên trong.

“Những gì là bảy điều kiện mà Vương thành có đầy đủ? Đó là vương thành ở biên giới xây cất vọng gác [28], đắp đất cho chắc không thể phá vỡ, để bên trong được an ổn, chế ngự oán địch bên ngoài. Đó là việc đầy đủ thứ nhất của vương thành.

“Lại nữa, vương thành ở biên giới, đào hào vét ao cho thật sâu rộng, sửa sang cụ bị để có thể nương tựa, làm cho bên trong được an ổn, chế ngự oán địch bên ngoài. Đó là việc đầy đủ thứ hai của vương thành.

“Lại nữa, như đường giao thông chung quanh vương thành ở biên giới được dọn dẹp cho bằng phẳng, rộng rãi, để bên trong được an ổn, chế ngự oán địch bên ngoài. Đó là việc làm đầy đủ thứ ba của vương thành.

“Lại nữa, như ở vương thành biên giới tập trung bốn binh quân: quân voi, quân ngựa, quân xe, quân bộ, để bên trong được an ổn, chế ngự oán địch bên ngoài, đó là việc làm đầy đủ thứ tư của vương thành.

“Lại nữa, như vương thành ở biên giới dự bị binh khí, cung, tên, mâu, kích, để bên trong được an ổn, chế ngự oán địch ở bên ngoài. Đó là việc làm đầy đủ thứ năm của vương thành.

 “Lại nữa, như vương thành ở biên giới lập vị đại tướng trấn thủ, sáng suốt, thao lược, cơ trí, tháo vác, dũng mãnh, cương nghị, giỏi mưu chước, người lành thì cho vào, kẻ không lương thiện thì ngăn cấm, để bên trong được an ổn, chế ngự oán địch bên ngoài. Đó là việc làm đầy đủ thứ sáu của vương thành.

“Lại nữa, như vương thành ở biên giới xây đắp tường cao cho thật kiên cố, trét bùn, tô đất, để bên trong được an ổn, chế ngự oán địch bên ngoài. Đó là việc làm đầy đủ thứ bảy của vương thành.

“Bốn thứ lương thực [29] dễ tìm không khó là gì? Đó là vương thành ở biên giới nước, cỏ, [423a] củi, gỗ có sẵn, có dự bị, để bên trong được an ổn và chế ngự oán địch bên ngoài. Đó là loại lương thực thứ nhất sung túc, dễ tìm không khó ở vương thành.

“Lại nữa, như vương thành ở biên giới thu nạp nhiều lúa gạo và chứa cất lúa mạch, để bên trong được an ổn và chế ngự oán địch ở bên ngoài. Đó là loại lương thực đầy đủ, dễ kiếm không khó ở vương thành.

“Lại nữa, như vương thành ở biên giới chứa nhiều đậu niêm, đại đậu, tiểu đậu [30] để bên trong được an ổn và chế ngự oán địch bên ngoài. Đó là loại lương thực thứ ba sung túc, dễ tìm không khó ở vương thành.

“Lại nữa, như vương thành ở biên giới, chứa để dầu bơ, mật, đường mía, cá, muối, thịt khô, tất cả đầy đủ, để bên trong được an ổn và chế ngự oán địch bên ngoài. Đó là loại lương thực thứ tư sung túc, dễ tìm không khó ở vương thành.

“Như vậy, Vương thành bảy việc đầy đủ, bốn thứ lương thực sung túc, dễ tìm không khó, nên không bị ngoại địch đánh phá, chỉ trừ bên trong tự phá hoại.

“Cũng vậy, nếu Thánh đệ tử cũng được bảy thiện pháp và bốn tăng thượng tâm [31], dễ được không khó, vì thế Thánh đệ tử không bị ma vương lung lạc [32] cũng không theo pháp ác bất thiện, không bị ô nhiễm bởi phiền não, không còn thọ sanh trở lại.

“Bảy thiện pháp mà Thánh đệ tử có được là những gì? Đó là Thánh đệ tử có tín kiên cố, tin sâu nơi Như Lai [33], tín căn đã vững, trọn không tin theo Sa-môn, Bà-la-môn, ngoại đạo, cũng như Thiên ma, Phạm thiên, và các hạng thế gian khác. Đó là Thánh đệ tử được thiện pháp thứ nhất.

“Lại nữa, Thánh đệ tử luôn sống biết tàm [34], điều đáng xấu hổ thì biết xấu hổ, xấu hổ pháp ác bất thiện, phiền não  cấu uế, là thứ khiến thọ các ác báo, gây nên gốc rễ sanh tử. Đó là thiện pháp thứ hai mà Thánh đệ tử có được.

 “Lại nữa, Thánh đệ tử luôn sống biết quý [35], điều đáng xấu thẹn biết xấu thẹn, xấu thẹn pháp ác bất thiện, phiền não  cấu uế là thứ khiến thọ các ác báo, tạo gốc sanh tử. Đó là thiện pháp thứ ba mà Thánh đệ tử có được.

“Lại nữa, Thánh đệ tử thường thực hành tinh tấn [36], đoạn trừ các ác bất thiện pháp, tu các thiện pháp, luôn gắng sức bền chí, chuyên nhất kiên cố, làm các điều thiện, không bỏ phương tiện [37]. Đó là thiện pháp thứ tư mà Thánh đệ tử có được.

“Lại nữa, Thánh đệ tử học rộng nghe nhiều, ghi nhớ không quên, tích lũy sự học rộng. Các pháp nào là toàn thiện ở khoảng đầu, toàn thiện ở khoảng giữa, toàn thiện ở khoảng cuối, có nghĩa có văn, thanh tịnh trọn đủ, phạm hạnh hiển hiện [38], học rộng nghe nhiều các pháp như vậy; học đến cả ngàn lần, chú ý chuyên tâm quán sát, thấy rõ hiểu sâu. Đó là thiện pháp thứ năm mà Thánh đệ tử có được.

“Lại nữa, Thánh đệ tử luôn sông với chánh niệm, thành tựu chánh niệm; những điều đã học tập từ lâu, [423b] đã từng nghe từ lâu, nhớ luôn không quên. Đó là thiện pháp thứ sáu mà Thánh đệ tử có được.

“Lại nữa, Thánh đệ tử tu hành trí tuệ, quán sát pháp hưng suy [39]. Do có trí như vậy, bằng sự phân biệt tỏ tường và thấu suôt của trí tuệ bậc Thánh [40] mà chân chánh diệt tận khổ. Đó là thiện pháp thứ bảy mà Thánh đệ tử có được.

“Những gì là bốn tăng thượng tâm, dễ được không khó mà Thánh đệ tử đạt được? Đó là Thánh đệ tử ly dục, ly pháp ác bất thiện, có tầm có tứ, có hỷ và lạc phát sinh do viễn ly, thành tựu và an trụ Sơ thiền. Đó là tăng thượng tâm thứ nhất dễ được không khó mà Thánh đệ tử đạt đến.

“Lại nữa, Thánh đệ tử tầm và tứ đã dứt, nội tâm tịch tịnh, không tầm không tứ, có hỷ lạc do định sanh, thành tựu và an trụ Nhị thiền. Đó là tăng thượng tâm thứ hai dễ được không khó mà Thánh đệ tử đạt đến.

 “Lại nữa, Thánh đệ tử lìa hỷ dục, an trụ xả vô cầu với chánh niệm chánh trí, thân cảm giác lạc; điều mà Thánh nói là an trú lạc có xả, và niệm, thành tựu an trụ Tam thiền. Đó là tăng thượng tâm thứ ba dễ được không khó mà Thánh đệ tử đạt đến.  

“Lại nữa, Thánh đệ tử diệt lạc, diệt khổ; ưu và hỷ từ trước cũng đã diệt, không khổ không lạc, xả và niệm thanh tịnh, thành tựu an trụ Tứ thiền. Đó là tăng thượng tâm thứ tư dễ được không khó mà Thánh đệ tử đạt đến.

 “Như vậy, Thánh đệ tử được bảy thiện pháp, đạt đến bốn tâm tăng thượng dễ được không khó, không bị Ma vương lung lạc, cũng không theo pháp ác bất thiện, không bị nhiễm bởi nhiễm ô, không còn thọ sanh trở lại.

 “Như vương thành ở biên giới xây cất vọng gác, đắp đất cho chắc không thể phá vỡ, để bên trong được an ổn và chế ngự oán địch bên ngoài. Cũng vậy, Thánh đệ tử có tín kiên cố, tin sâu nơi Như Lai, tín căn đã lập, trọn không theo Sa-môn, Bà-la-môn, Ngoại đạo, cũng như Thiên ma, Phạm thiên và các hạng thế gian khác. Đó là Thánh đệ tử có vọng gác tín tâm để trừ ác và bất thiện, tu các thiện pháp.

“Như Vương thành ở biên giới đào hào vét ao thật sâu rộng, sửa sang thật vững chắc, để có thể nương tựa, làm cho bên trong được an ổn, và chế ngự oán địch bên ngoài. Cũng thế, Thánh đệ tử luôn sống biết tàm, điều đáng xấu hổ biết xấu hổ, xấu hổ pháp ác, bất thiện, phiền não  cấu uế, là thứ khiến thọ các ác báo, tạo gốc rễ sanh tử. Đó là Thánh đệ tử có hồ ao tàm sỉ, trừ ác và bất thiện, tu các thiện pháp.

“Như vương thành ở biên giới dọn dẹp những con đường nối liền chung quanh cho bằng thẳng rộng rãi để bên trong được an ổn và chế ngự oán địch bên ngoài. Cũng vậy, Thánh đệ tử luôn sống [423c] biết quý, điều đáng thẹn biết thẹn, thẹn pháp ác, bất thiện, phiền não  cấu uế là thứ khiến thọ các ác báo, tạo gốc rễ sanh tử. Đó là Thánh đệ tử có con đường bằng thẳng hổ thẹn để trừ ác và bất thiện, tu các thiện pháp.

 “Như vương thành ở biên giới tập trung bốn binh chủng: tượng quân, mã quân, xa quân, bộ quân, để bên trong được an ổn và chế ngự địch quân ở bên ngoài. Cũng vậy, Thánh đệ tử thường thực hành hạnh tinh tấn, đoạn trừ ác bất thiện, tu các thiện pháp, luôn gắng sức bền chí, chuyên nhất kiên cố, làm các điều thiện, không bỏ phương tiện, đoạn trừ ác bất thiện, tu các thiện pháp, hằng tự sách tấn, chuyên nhất, kiên cố, làm các gốc rễ thiện, không bỏ phương tiện. Đó là Thánh đệ tử có quân lực tinh tấn để trừ ác và bất thiện, tu các thiện pháp.

“Như vương thành ở biên giới, chuẩn bị binh khí, cung tên, mâu kích, để bên trong được an ổn, và chế ngự oán địch bên ngoài. Cũng vậy, Thánh đệ tử học rộng nghe nhiều, ghi nhớ không quên, tích lũy sự nghe rộng. Các pháp nào là toàn thiện ở khoảng đầu, toàn thiện ở khoảng giữa, toàn thiện ở khoảng cuối, có nghĩa có văn, thanh tịnh trọn đủ, phạm hạnh hiển hiện, học rộng nghe nhiều các pháp như vậy; học đến cả ngàn lần, chú ý chuyên tâm quán sát, thấy rõ hiểu sâu. Đó là Thánh đệ tử có binh khí đa văn, để trừ ác và bất thiện, tu các thiện pháp.

“Như vương thành ở biên giới lập vị đại tướng trấn thủ sáng suốt, thao lược, cơ trí, tháo vác, dũng mãnh, cương nghị, giỏi mưu chước, người hiền thì cho vào, kẻ bất lương thì ngăn cấm, để bên trong được an ổn và chế ngự oán địch bên ngoài. Cũng vậy, Thánh đệ tử luôn sống chánh niệm, thành tựu chánh niệm, những gì đã từng thực tập từ lâu, đã từng nghe từ lâu, nhớ luôn không quên. Đó là Thánh đệ tử có đại tướng trấn thủ niệm để trừ ác và bất thiện, tu các thiện pháp.

“Như vương thành ở biên giới xây đắp tường cao cho thật kiên cố, trét bùn tô đất, để bên trong được an ổn, và chế ngự oán địch bên ngoài. Cũng vậy Thánh đệ tử tu hành trí tuệ, quán pháp hưng suy. Bằng Thánh tuệ phân biệt tỏ tường và thấu suốt mà chân chánh diệt tận khổ. Đó là Thánh đệ tử có bức tường trí tuệ, để trừ ác và bất thiện, tu các thiện pháp.

“Như vương thành ở biên giới có chuẩn bị sẵn nước, cỏ, củi, gỗ, để bên trong được an ổn và chế ngự oán địch bên ngoài. Cũng vậy, Thánh đệ tử ly dục và ác bất thiện pháp, có tầm có tứ, có hỷ lạc do viễn ly, thành tựu an trụ Sơ thiền, sống an lạc không thiếu thốn, an ổn khoái lạc, tự mình đi đến Niết-bàn.

“Như vương thành ở biên giới thu nạp nhiều lúa gạo và chứa nhiều cây lúa mạch, để bên trong được an ổn và chế ngự oán địch bên ngoài. Cũng vậy, Thánh đệ tử đã dứt tầm tứ, nội tĩnh nhất tâm, không tầm không tứ, hỷ lạc do định sanh, [324a] thành tựu an trụ Nhị thiền, lạc trụ không thiếu thốn, an ổn, khoái lạc, tự mình đi đến Niết-bàn.

“Như vương thành ở biên giới chứa nhiều niêm đậu, đại đậu, và tiểu đậu, để bên trong được an ổn và chế ngự oán địch bên ngoài. Cũng vậy, Thánh đệ tử lìa hỷ dục, an trụ xả vô cầu với chánh niệm chánh trí, thân cảm giác lạc; điều mà Thánh nói là an trú lạc có xả, và niệm, thành tựu an trụ Tam thiền, sống an lạc không thiếu thốn, an ổn khoái lạc, tự mình đi đến Niết-bàn.

“Như vương thành ở biên giới chứa cất bơ, dầu, mật mía, đường, cá, muối, thịt khô, tất cả đầy đủ. Để bên trong được an ổn và chế ngự oán địch bên ngoài. Cũng vậy, Thánh đệ tử diệt lạc, diệt khổ; ưu và hỷ từ trước cũng đã diệt, không khổ không lạc, xả và niệm thanh tịnh, thành tựu an trụ Tứ thiền, sống an lạc không thiếu thốn, an ổn khoái lạc, tự mình đi đến Niết-bàn”.

 Phật thuyết như vậy. Các Thầy Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

4. KINH THỦY DỤ(1)

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, ở trong Thắng Lâm Lâm vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Ta sẽ giảng cho các ngươi nghe về bảy hạng người ở dưới nước. Các ngươi hãy lắng nghe, lắng nghe, và khéo suy nghĩ!”

Bấy giờ các Tỳ-kheo vâng lời lắng nghe.

Đức Phật dạy:

“Những gì là bảy? Hoặc có người nằm mãi dưới nước. Hoặc có một hạng người ngoi lên khỏi nước rồi chìm trở lại. Hoặc có người ngoi lên khỏi nước rồi trụ, trụ rồi nhìn quanh. Hoặc có người ngoi lên khỏi khỏi nước rồi trụ, trụ rồi nhìn quanh, nhìn rồi lội qua. Hoặc có người ngoi lên khỏi khỏi nước rồi trụ; trụ rồi nhìn quanh; nhìn rồi lội qua; lội qua rồi đến bờ bên kia. Hoặc có người ngoi lên khỏi khỏi nước rồi trụ; trụ rồi nhìn quanh; nhìn rồi lội qua; lội qua rồi đến bờ bên kia; đến bờ bên kia rồi được gọi là người đứng trên bờ [41].  

“Cũng vậy, Ta sẽ giảng cho các ngươi nghe về bảy hạng người như ví dụ về nước. Các ngươi hãy lắng nghe, và khéo suy nghĩ”.

Bấy giờ các Tỳ-kheo vâng lời lắng nghe.

Phật nói:

“Những gì là bảy? Hoặc có người nằm mãi dưới nước. Hoặc có một hạng người ra khỏi nước rồi chìm trở lại. Hoặc có người ra khỏi nước rồi đứng. Hoặc có người ngoi lên khỏi nước rồi trụ, trụ rồi nhìn quanh. Hoặc có người ngoi lên khỏi khỏi nước rồi trụ, trụ rồi nhìn quanh, nhìn rồi lội qua. Hoặc có người ngoi lên khỏi khỏi nước rồi trụ; trụ rồi nhìn quanh; nhìn rồi [424b] lội qua; lội qua rồi đến bờ bên kia. Hoặc có người ngoi lên khỏi khỏi nước rồi trụ; trụ rồi nhìn quanh; nhìn rồi lội qua; lội qua rồi đến bờ bên kia; đến bờ bên kia rồi được gọi là Bà-la-môn đứng trên bờ [42]. Đó là Ta nói vắn tắt về bảy hạng người theo ví dụ về nước. Như đã nói, đã giảng giải trên, các ngươi có biết ý nghĩa gì? Phân biệt gì? Có nhân duyên gì?

Bấy giờ các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn rằng:

“Thế Tôn là gốc của pháp. Thế Tôn là Pháp chủ, pháp do Thế Tôn. Kính mong Thế Tôn nói ra, để chúng con sau khi nghe rồi sẽ hiểu biết rộng rãi ý nghĩa”.

Phật dạy:

“Các ngươi hãy lắng nghe, lắng nghe, và khéo suy nghĩ! Ta sẽ phân biệt ý nghĩa ấy cho các ngươi”.

Bấy giờ các Tỳ-kheo vâng lời lắng nghe.

Phật nói:

“Thế nào là hạng người nằm mãi [43]? Hoặc có những người bị pháp bất thiện che lấp, bị nhiễm bởi nhiễm ô, thọ quả báo của ác pháp, tạo gốc rễ sanh tử. Đó là hạng người nằm mãi dưới nước. Cũng như người chìm lĩm, nằm luôn dưới nước, Ta nói người kia cũng giống như vậy. Đó là hạng người thứ nhất của ví dụ về nước, thế gian quả thực có hạng người như vậy.

“Thế nào là hạng người ngoi lên khỏi nước rồi chìm lại? Đó là người đã làm trỗi lên tín tâm nơi thiện pháp, trì giới, bố thí, đa văn, trí tuệ, tu tập thiện pháp. Người ấy sau đó lại mất tín tâm, không kiên cố, mất sự trì giới, bố thí, đa văn, trí tuệ, không kiên cố. Đó là hạng người ngoi lên rồi chìm lại. Như người chìm trong nước, đã ngoi lên được rồi lại chìm. Ta nói người kia cũng lại như vậy. Đó là hạng người thứ hai của thí dụ về nước. Thế gian quả thực có hạng người như vậy.

“Thế nào là hạng người ngoi lên rồi trụ? Đó là người đã trỗi tín tâm nơi thiện pháp, trì giới, bố thí, đa văn, trí tuệ, tu tập thiện pháp. Người đó về sau tín tâm vẫn kiên cố, chắc chắn không mất, trì giới, bố thí đa văn, trí tuệ đều kiên cố, không mất. Đó là hạng người ngoi lên khỏi nước rồi trụ. Như người chìm trong nước, ngoi lên khỏi nước rồi trụ. Ta nói người kia cũng lại như vậy. Đó là hạng người thứ ba của thí dụ về nước. Thế gian quả thực có hạng người như vậy.

“Thế nào là hạng người ngoi lên rồi trụ; trụ rồi nhìn quanh? Đó là người làm trỗi dậy tín tâm nơi thiện pháp, trì giới, bố thí, đa văn, trí tuệ, tu tập thiện pháp. Người đó về sau tín tâm kiên cố vẫn không mất, trì giới, bố thí đa văn, trí tuệ vẫn kiên cố không mất; trụ trong thiện pháp; biết như thật về Khổ, biết như thật về Khổ tập, Khổ diệt và Khổ diệt đạo. Người kia biết như vậy, thấy như vậy, ba kết liền dứt sạch, đó là thân kiến, giới thủ và nghi. Ba kết đã dứt sạch liền chứng Tu-đà-hoàn, không đọa ác pháp, quyết định thẳng đến [424c] chánh giác, đời sau thọ sanh tối đa bảy lần, [44] qua lại bảy lần trong nhân gian, thiên thượng; rồi chứng đắc biên tế của sự khổ [45]. Đó là hạng người ngoi lên rồi lại trụ, trụ rồi nhìn quanh. Ta nói người kia cũng lại như vậy. Đó là hạng người thứ tư của thí dụ về nước. Thế gian quả thực có hạng người như vậy.

“Thế nào là người ra rồi trụ; trụ rồi nhìn quanh; nhìn quanh rồi lội qua. Đó là người trỗi được tín tâm nơi thiện pháp, trì giới, bố thí, đa văn, trí tuệ, tu tập thiện pháp. Người đó về sau tín tâm vẫn chắc chắn không mất, trì giới, bố thí, đa văn, trí tuệ đều đã kiên cố không mất, trú trong thiện pháp. Biết như thật về Khổ, về Khổ tập, về Khổ diệt, về Khổ diệt đạo. Biết như vậy, thấy như vậy, ba kết liền dứt sạch. Đó là, thân kiến, giới thủ, nghi; ba kết đã dứt sạch. Dâm, nộ, si [46] vơi mỏng. Còn phải một lần vãng lai trong nhân gian, thiên thượng. Sau khi qua lại một lần đó rồi liền diệt tận biên tế khổ. Đó là người ngoi lên rồi trụ, trụ rồi nhìn quanh, nhìn rồi lội qua. Như người chìm trong nước, ngoi rồi trụ, trụ rồi nhìn quanh, nhìn rồi đi qua; Ta nói người kia cũng lại như vậy. Đó là hạng người thứ năm của ví dụ về nước. Thế gian quả thực có hạng người như vậy.

“Thế nào là người ngoi lên rồi trụ, trụ rồi nhìn quanh, nhìn quanh rồi lội qua, qua rồi đến bờ bên kia? Đó là người đã làm trỗi dậy được tín tâm nơi thiện pháp, trì giới, bố thí, đa văn, trí tuệ, tu tập thiện pháp. Người đó về sau tín tâm vẫn chắc chắn, không mất. Trì giới, bố thí, đa văn, trí tuệ đều vẫn kiên cố, không mất, trụ trong thiện pháp. Biết như thế, thấy như thế, năm hạ phần kiết dứt sạch. Đó là tham dục, sân nhuế, thân kiến, giới thủ, nghi. Năm hạ phần kiết dứt sạch rồi, sanh vào cõi ấy [47], rồi nhập Niết-bàn, chứng pháp bất thối, không trở lại thế gian này nữa. Đó là người ngoi lên rồi trụ; trụ rồi nhìn quanh; nhìn rồi lội qua; lội qua rồi đến bờ bên kia. Như người chìm trong nước ngoi lên rồi trụ, trụ rồi nhìn quanh, nhìn quanh rồi đi qua, đi qua rồi đến bờ bên kia; Ta nói người kia cũng lại như vậy. Đó là hạng người thứ sáu của ví dụ về nước. Thế gian quả thực có hạng người như vậy.

‘Thế nào là người ngoi lên rồi trụ, trụ rồi nhìn quanh, nhìn quanh rồi lội qua, qua rồi đến bờ bên kia; đến bờ bên kia rồi được gọi là người Bà-la-môn đứng trên bờ? Đó là người đã làm trỗi dậy được tín tâm nơi thiện pháp, trì giới, bố thí, đa văn, trí tuệ, tu tập thiện pháp. Người đó [425a] về sau tín tâm vẫn chắc chắn không mất, trì giới, bố thí, đa văn, trí tuệ, tu tập thiện pháp, biết như thật về Khổ, về Khổ tập, về Khổ diệt, về Khổ diệt đạo. Biết như vậy, thấy như vậy, tâm giải thoát khỏi dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu. Giải thoát rồi liền biết mình đã giải thoát và biết một cách như thật rằng: Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa. Đó là người ngoi lên khỏi nước rồi trụ, trụ rồi nhìn quanh, nhìn rồi đi qua, qua rồi đến bờ bên kia, đến bờ bên kia rồi được gọi là vị Bà-la-môn đứng trên bờ. Như người chìm trong nước, ngoi lên rồi trụ, trụ rồi nhìn quanh, nhìn rồi đi qua, qua rồi đến bờ bên kia, đến bờ bên kia rồi gọi là người đứng trên bờ; Ta nói người kia cũng lại như vậy. Đó là hạng người thứ bảy của thí dụ về nước. Thế gian quả thực có hạng người như vậy.

“Ta trước có nói sẽ giảng về bảy hạng người chìm trong nước cho các ngươi nghe. Vì vậy, Ta đã nói xong”.

Phật thuyết như vậy, các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết hoan hỷ phụng hành.

5. KINH MỘC TÍCH DỤ

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại Câu-tát-la [48], trú giữa nhân gian và có đại chúng Tỳ-kheo đi theo.

Bấy giờ Thế Tôn đang đi giữa đường, chợt thấy có đống cây lớn [49] ở một nơi kia đang bùng cháy dữ dội. Thế Tôn thấy vậy, liền bước xuống bên đường, đi đến một cây khác, trải ni-sư-đàn [50], kiết già mà ngồi. Thế Tôn ngồi rồi bảo các Tỳ-kheo:

“Các ngươi có thấy đống cây lớn đằng kia đang bùng cháy không?”

Khi đó các Tỳ-kheo trả lời:

“Bạch Thế Tôn, chúng con có thấy”.

Thế Tôn lại bảo các Tỳ-kheo:

“Các ngươi nghĩ sao, với đống cây lớn phựt cháy hừng hẫy đó mà hoặc ôm, hoặc ngồi, hoặc nằm; hay là, với người con gái của dòng Sát-lị, Bà-la-môn, Cư sĩ, hay thợ thuyền, [51] đang độ tuổi cường thạnh, tắm gội, xông hương thơm, mặc y phục sạch sẽ, dùng tràng hoa chuỗi ngọc, trang sức thân thể, hoặc ôm, hoặc ngồi, hoặc nằm; việc nào vui sướng hơn?”

Lúc ấy các Tỳ-kheo thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, với đống cây lớn đang phựt cháy hừng hẫy hoặc ôm, hoặc ngồi, hoặc nằm thì rất khổ. Bạch Thế Tôn, hoặc có người con gái dòng Sát-lị, Bà-la-môn, Cư sĩ hay thợ thuyền, đang độ tuổi cường thạnh, tắm gội, xông hương thơm, mặc y phục sạch sẽ, dùng tràng hoa chuỗi ngọc, trang sức thân thể, mà tới hoặc ôm, hoặc ngồi, hoặc nằm thì rất vui sướng. Thế Tôn!”

 [425b] Thế Tôn bảo:

“Ta sẽ nói cho các ngươi biết, không để cho các ngươi Sa-môn mà lại mất đạo Sa-môn. Các ngươi nếu muốn thành tựu phạm hạnh vô thượng thì thà ôm đống cây lớn đang phừng cháy hừng hẫy, hoặc ngồi, hoặc nằm. Việc ấy mặc dù vì thế mà phải chịu khổ sở, hoặc chết. Nhưng không phải do đó mà thân hoại mạng chung phải thẳng đến ác xứ hay sanh vào địa ngục. Nếu người ngu si phạm giới và không tinh tấn, sanh ra ác pháp bất thiện; không phải là phạm hạnh mà gọi là phạm hạnh, không phải là Sa-môn mà gọi là Sa-môn, hoặc ôm người con gái dòng Sát-lị, Bà-la-môn, Cư sĩ hoặc thợ thuyền, đang độ tuổi cường thạnh, tắm gội, xông hương thơm, mặc y phục sạch sẽ, dùng tràng hoa chuỗi ngọc trang sức thân thể, hoặc ngồi, hoặc nằm; người ngu si kia vì vậy mà lâu dài không thiện, không nghĩa [52], thọ quả báo ác pháp, khi thân hoại mạng chung thẳng đến cõi xấu, sanh vào địa ngục. Do đó, các ngươi hãy quán sát nghĩa này, quán sát nghĩa kia, quán sát cả hai nghĩa, và hãy suy nghĩ như thế này: ‘Ta xuất gia học đạo không phải vô ích, không phải luống không, mà có quả, có báo, có sự an lạc cùng cực, được sanh vào các thiện xứ để được trường thọ. Ta tiếp nhận áo chăn, đồ ăn uống, giường nệm, thuốc thang của người tín thí, làm cho các thí chủ được phước đức, đại quả báo, đại quang minh. Hãy nên học như vậy”.

Thế Tôn lại bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Các ngươi nghĩ sao, như có lực sĩ lấy sợi dây thừng bằng lông bền chắc cột siết bắp chân [53] cho đến bứt da; bứt da rồi bứt thịt; bứt thịt rồi bứt gân; bứt gân rồi bứt xương; bứt xương cho tới tủy mới thôi. Hoặc nếu từ những người Sát-lị, Bà-la-môn, Cư sĩ hay thợ thuyền mà nhận sự tín thí, rồi sờ mó thân thể, chi tiết, tay chân. Điều nào vui sướng hơn?”

Bấy giờ các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, nếu có lực sĩ lấy sợi dây thừng bằng lông bền chắc cột siết bắp chân cho đến bứt da; bứt da rồi bứt thịt; bứt thịt rồi bứt gân; bứt gân rồi bứt xương; bứt xương cho tới tủy mới thôi. Rất khổ, bạch Thế Tôn. Nếu từ người dòng Sát-lị, Bà-la-môn, Cư sĩ, thợ thuyền mà được cúng thí, rờ rẫm thân thể, chi tiết, tay chân; thì rất vui sướng, Thế Tôn!”

Thế Tôn bảo rằng:

“Ta sẽ nói cho các ngươi biết, không để cho các ngươi học Sa-môn lại mất đạo Sa-môn. Các ngươi nếu muốn thành tựu vô thượng phạm hạnh thì thà để cho lực sĩ đem sợi dây thừng bằng lông, cột siết bắp chân cho tới bứt da, bứt da rồi bứt thịt, bứt thịt rồi bứt gân, bứt gân rồi bứt xương, bứt xương tới tủy mới thôi. Việc ấy mặc dù như vậy mà các ngươi thọ khổ hoặc chết, nhưng không do đó mà thân hoại mạng chung đi đến ác xứ hay sanh [425c] vào địa ngục. Nếu người ngu si phạm giới, không tinh tấn, sanh ra pháp ác và bất thiện, không phải phạm hạnh mà xưng là phạm hạnh, không phải Sa-môn mà xưng là Sa-môn; từ người dòng Sát-lị, Bà-la-môn, cư sĩ, thợ thuyền thọ nhận sự tín thí, rồi rờ rẫm thân thể, các chi tiết và tay chân. Người ngu si đó vì vậy mãi mãi không thiện, không nghĩa, thọ quả báo ác pháp, khi thân hoại mạng chung thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Vì thế các ngươi hãy quán sát nghĩa này, quán sát nghĩa kia, quán sát cả hai nghĩa. Hãy suy nghĩ thế này: Ta xuất gia học đạo không vô ích, không luống không, mà có quả, có báo, có sự an lạc cùng cực, sanh vào các thiện xứ, để được trường thọ. Ta tiếp nhận áo chăn, đồ ẩm thực, giường nệm, thuốc thang của người tín thí, làm cho các thí chủ được phước đức lớn, được quả báo lớn, được quang minh lớn. Nên học như vậy”.

Phật lại bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Các ngươi nghĩ sao, nếu có lực sĩ đem con dao đã mài giũa sắc bén chặt đứt ngang đùi; hay là từ nơi người dòng Sát-lị, Bà-la-môn, Cư sĩ, thợ thuyền, để thọ nhận sự tín thí, lễ bái, cung kính, đón rước; điều nào sung sướng hơn?”

Bấy giờ các Tỳ-kheo bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, nếu có lực sĩ đem con dao đã mài giũa sắc bén chặt đứt ngang đùi, thì rất khổ. Thế Tôn, còn từ người Sát-lị, Bà-la-môn, Cư sĩ, hay thợ thuyền mà thọ nhận sự tín thí, lễ bái, cung kính, đón rước thì rất vui sướng”.

Thế Tôn bảo rằng:

“Ta sẽ nói cho các ngươi biết, không để cho các ngươi học Sa-môn mà mất đạo Sa-môn. Các ngươi nếu muốn thành tựu phạm hạnh vô thượng thì thà để cho lực sĩ đem dao bén đã mài giũa chặt đứt ngang đùi. Việc ấy dù do đó mà chịu sự đau khổ, hoặc chết, nhưng không vì vậy mà khi thân hoại mạng chung đi thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Nếu người ngu si phạm giới không tinh tấn, sanh ra ác pháp bất thiện, chẳng phải phạm hạnh xưng là phạm hạnh, chẳng phải Sa-môn xưng là Sa-môn; rồi từ người Sát-lị, Bà-la-môn, cư sĩ hay thợ thuyền, mà thọ nhận sự tín thí, lễ bái, cung kính, tiếp đón. Người ngu si kia vì thế mãi mãi không được thiện, không được nghĩa, thọ quả báo ác pháp, sau khi thân hoại mạng chung thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Do đó, các ngươi nên quán sát nghĩa này, quán sát nghĩa kia, quán sát cả hai nghĩa. Nên nghĩ thế này: Ta xuất gia học đạo không phải vô ích, không luống không, mà có quả, có báo, có sự an lạc cùng cực, sanh đến các thiện xứ, để được trường thọ, tiếp nhận áo chăn, thực phẩm, giường chiếu của người tín thí, làm cho các thí chủ được phước đức lớn, được quả báo lớn, được quang vinh lớn, nên học như vậy”.

Thế Tôn lại bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Các ngươi [426a] nghĩ sao? Hoặc có lực sĩ đem lá đồng sắt đốt cháy hừng hực, rồi quấn quanh thân thể; hoặc từ người Sát-lị, Bà-la-môn, Cư sĩ, thợ thuyền, mà nhận sự tín thí y phục của người; cái nào vui sướng hơn?”

 Các Tỳ-kheo bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, nếu có lực sĩ đem lá đồng sắt đốt cháy hừng hực rồi quấn quanh thân thể thì rất khổ. Nếu từ người Sát-lị, Bà-la-môn, cư sĩ, thợ thuyền mà thọ lãnh tín thí, y phục của người, thì rất vui sướng”.

Thế Tôn bảo rằng:

“Ta sẽ nói các ngươi biết, không để các ngươi học Sa-môn mà mất đạo Sa-môn. Các ngươi nếu muốn thành tựu phạm hạnh vô thượng thì thà để cho lực sĩ đem lá đồng sắt đốt cháy hừng hực rồi quấn quanh thân thể. Dù việc đó vì thế sẽ chịu sự khổ, nhưng không do vậy mà khi thân hoại mạng chung phải thẳng đến ác xứ, sanh trong địa ngục. Nếu người ngu si, phạm giới, không tinh tấn, sanh ra pháp ác bất thiện, chẳng phải phạm hạnh xưng là phạm hạnh, chẳng phải Sa-môn xưng là Sa-môn; rồi từ người Sát-lị, Bà-la-môn, Cư sĩ, thợ thuyền thọ lãnh sự tín thí, y phục của người. Người ngu si kia, vì thế mãi không thiện, không nghĩa, thọ quả báo ác pháp. Sau khi thân hoại mạng chung thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Do đó, các ngươi quán sát nghĩa này, quán sát nghĩa kia, quán sát cả hai nghĩa. Nên nghĩ thế này: Ta xuất gia học đạo không phải vô ích, không luống không, mà có quả có báo, có sự an lạc cùng cực, sanh đến các thiện xứ để được trường thọ. Ta nhận lãnh y phục, chăn mền, đồ ẩm thực, giường chiếu, thuốc thang của người tín thí là làm cho các thí chủ được phước đức lớn, được quả báo lớn, được quang minh lớn. Nên học như vậy”.

Thế Tôn lại bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Các ngươi nghĩ sao, hoặc có lực sĩ đem kềm sắt nóng, kéo cho hả miệng ra rồi lấy viên sắt đốt cháy hừng hực quăng vào trong miệng. Viên sắt nóng đó đốt môi; đốt cháy môi rồi đốt cháy lưỡi; đốt lưỡi rồi đốt lợi; đốt lợi rồi đốt cổ; đốt cổ rồi đốt tim; đốt tim rồi đốt bao tử và ruột; đốt bao tử và ruột rồi rơi xuống dưới. Hoặc từ người Sát-lị, Bà-la-môn, Cư sĩ, thợ thuyền, thọ nhận sự tín thí, đồ ăn, vô lượng mùi vị. Việc nào vui sướng hơn?”

Các Tỳ-kheo bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, nếu có lực sĩ đem kềm sắt nóng kéo cho hả miệng, rồi lấy viên sắt đã cháy hừng hực bỏ vào miệng. Viên sắt nóng ấy đốt môi, đốt môi rồi đốt lưỡi, đốt lưỡi rồi đốt lợi, đốt lợi rồi đốt cổ, đốt cổ rồi đốt tim, đốt tim rồi đốt bao tử và ruột, đốt bao tử và ruột rồi [426b] rơi xuống dưới. Việc ấy rất khổ, bạch Thế Tôn, nếu từ người Sát-lị, Bà-la-môn, Cư sĩ, thợ thuyền để lãnh thọ sự tín thí, đồ ăn, vô lượng mùi vị; việc ấy rất vui sướng”.

Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Ta sẽ nói cho các ngươi biết, không để các ngươi học Sa-môn mà để mất đạo Sa-môn. Các ngươi nếu muốn thành tựu phạm hạnh vô thượng thà để lực sĩ đem kềm sắt nóng kéo cho hả miệng ra rồi đem viên sắt đã đốt cháy hừng hực quăng vào trong miệng, viên sắt nóng ấy đốt môi, đốt môi rồi đốt lưỡi, đốt lưỡi rồi đốt lợi, đốt lợi rồi đốt cổ, đốt cổ rồi đốt tim, đốt tim rồi đốt bao tử và ruột, đốt bao tử và ruột rồi rơi xuống. Điều ấy dù do vậy mà phải chịu đau khổ, hoặc chết, nhưng không vì thế mà khi thân hoại mạng chung thẳng đến ác xứ hay sanh vào địa ngục. Nếu người ngu si phạm giới, không tinh tấn, sanh ra ác pháp bất thiện, chẳng có phạm hạnh xưng là phạm hạnh, chẳng phải Sa-môn xưng là Sa-môn; từ người Sát-lị, Bà-la-môn, Cư sĩ, thợ thuyền mà nhận lãnh sự tín thí, đồ ăn, vô lượng mùi vị. Người ngu si đó vì thế mà mãi mãi không thiện, không nghĩa, chịu quả báo ác pháp, sau khi thân hoại mạng chung thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Vì thế các ngươi nên quán sát nghĩa này, quán sát nghĩa kia, quán sát cả hai nghĩa. Nên nghĩ thế này: Ta xuất gia học đạo không phải vô ích, không luống không, mà có quả có báo, có sự an lạc cùng cực, sanh đến các thiện xứ để được trường thọ. Ta nhận lãnh sự tín thí, y phục, chăn mền, đồ ẩm thực, giường chiếu, thuốc thang của người là làm cho các thí chủ được phước đức lớn, được quả báo lớn, được quang minh lớn. Nên học như vậy”.

Thế Tôn lại bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Các ngươi nghĩ sao, nếu có lực sĩ đem giường sắt hay đồng đốt cháy hừng hực, rồi cưỡng bức người kia phải nằm ngồi trên đó; hoặc là từ các người Sát-lị, Bà-la-môn, Cư sĩ, thợ thuyền mà thọ lãnh sự tín thí, giường chõng hay ngọa cụ của người; việc nào vui sướng hơn?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn, nếu có lực sĩ đem giường sắt hay đồng đốt cháy hừng hực rồi cưỡng bức người kia phải nằm ngồi trên đó thì rất khổ. Bạch Thế Tôn, nếu theo các người Sát-lị, Bà-la-môn, Cư sĩ, thợ thuyền mà thọ lãnh sự tín thí, giường chõng, ngọa cụ của người; thì rất vui sướng”.

Thế Tôn bảo rằng:

“Ta sẽ nói cho các ngươi biết, không để các ngươi học Sa-môn mà mất đạo Sa-môn. Nếu các ngươi muốn thành tựu phạm hạnh vô thượng, thì thà để cho lực sĩ đem giường đồng hay sắt đốt cháy hừng hực rồi cưỡng bức phải nằm ngồi trên đó, việc đó vì thế mà chịu sự khổ sở hoặc chết. Nhưng không vì thế mà khi thân hoại mạng chung thẳng đến [426c] ác xứ hay sanh vào địa ngục. Nếu người ngu si phạm giới, không tinh tấn, sanh ra ác pháp bất thiện, chẳng phải phạm hạnh xưng là phạm hạnh, chẳng phải Sa-môn xưng làm Sa-môn, rồi từ những người Sát-lị, Bà-la-môn, Cư sĩ, thợ thuyền để thọ lãnh sự tín thí, ngọa cụ, giường chõng của người; người ngu si đó vì thế mãi mãi không thiện, không nghĩa, thọ quả báo ác, sau khi thân hoại mạng chung thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Vì thế các ngươi nên quán sát nghĩa này, quán sát nghĩa kia, quán sát cả hai nghĩa. Nên nghĩ thế này: Ta xuất gia học đạo không phải vô ích, không phải luống không, mà có quả báo, có sự an lạc vô cùng, sanh đến các thiện xứ để được trường thọ. Ta nhận lãnh sự tín thí, áo mền, đồ ăn uống, giường nằm, thuốc thang của người là làm cho các thí chủ được phước đức lớn, được quả báo lớn, được quang minh lớn. Nên học như vậy”.

Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Các ngươi nghĩ sao, nếu có lực sĩ đem cái nồi lớn bằng sắt hay đồng đốt cháy hừng hực, rồi túm lấy người kia ném ngược vào trong đó; hoặc là từ các người Sát-lị, Bà-la-môn, Cư sĩ, thợ thuyền để thọ lãnh sự tín thí, nhà cửa được tô trét đất bùn, cửa sổ và cửa lớn kín và chặt; có lò sưởi ấm áp. Đằng nào vui sướng hơn?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn, nếu có lực sĩ đem cái nồi lớn bằng sắt hay đồng đốt cháy hừng hực, rồi túm lấy người kia ném ngược vào trong đó; thế thì rất khổ. Bạch Thế Tôn, nếu từ các người Sát-lị, Bà-la-môn, Cư sĩ, thợ thuyền mà thọ lãnh sự tín thí, nhà cửa được tô trét đất bùn, cửa sổ và cửa lớn kín và chặt; có lò sưởi ấm áp; thế thì rất vui sướng”.

Thế Tôn bảo rằng:

“Ta sẽ nói cho các ngươi biết, không để cho các ngươi học Sa-môn mà mất đạo Sa-môn. Các ngươi nếu muốn thành tựu phạm hạnh vô thượng thì thà để cho lực sĩ đem nồi lớn bằng đồng hay sắt đốt cháy hừng hực rồi tóm giở ngược lên quăng vào trong nồi, mặc dù vì như thế mà chịu đau khổ hoặc chết, nhưng không vì vậy mà khi thân hoại mạng chung thẳng đến ác xứ hay sanh vào địa ngục. Nếu người ngu si phạm giới, không tinh tấn, sanh ra ác pháp bất thiện, chẳng có phạm hạnh xưng là phạm hạnh, chẳng phải Sa-môn xưng là Sa-môn, rồi từ người Sát-lị, Bà-la-môn, cư sĩ thợ thuyền để nhận lãnh sự tín thí, nhà cửa được tô trét đất bùn, cửa sổ và cửa lớn kín và chặt; có lò sưởi ấm áp của người. Người ngu si đó vì thế mà mãi mãi không thiện, không nghĩa, thọ quả báo ác, sau khi thân hoại mạng chung, thẳng đến ác xứ, hay sanh vào địa ngục. Vì thế các ngươi nên quán sát nghĩa này, quán sát nghĩa kia, quán sát cả hai nghĩa. Nên nghĩ thế này: Ta xuất gia học đạo không phải vô ích, không phải luống không mà có quả có báo, có sự an lạc cùng cực, sinh đến thiện xứ, [427a] được trường thọ. Ta nhạn lãnh sự tín thí, áo mền, đồ ẩm thực, giường nệm, thuốc thang của người, là làm cho các thí chủ được phước đức lớn, được quả báo lớn, được quang minh lớn. Nên học như thế”.

Khi dạy bài pháp này, sáu mươi vị Tỳ-kheo dứt sạch các lậu, giải thoát kiết sử. Sáu mươi Tỳ-kheo xả giới hoàn tục. Sao vậy? Vì sự giáo huấn của Thế Tôn rất sâu, rất khó, sự học đạo lại rất sâu rất khó.

Phật dạy như thế. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành. [54]

6. KINH THIỆN NHÂN VÃNG

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm Lâm Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Ta sẽ nói cho các ngươi biết về bảy nơi mà bậc thiện nhân đi đến và Vô dư Niết-bàn [55]. Các ngươi hãy lắng nghe và hãy suy nghĩ kỹ!”

Bấy giờ các Tỳ-kheo vâng lời lắng nghe.

Phật dạy:

“Những gì là bảy? Tỳ-kheo nên thực hành như vầy: ‘Ta không có ta, cũng không có cái của ta. Trong tương lai không có ta, cũng không có cái của ta. [56] Cái có thì được đoạn trừ [57].’ Sau khi đoạn trừ, vị ấy đạt được xả. Có lạc mà không nhiễm, hiệp hội mà không đắm trước [58]. Thực hành như thế, sẽ do tuệ mà thấy được đạo lộ tịch tĩnh vô thượng [59], nhưng vẫn chưa được chứng ngộ [60]. Tỳ-kheo thực hành như thế sẽ đi đến đâu? Ví như đốt trấu, vừa nhen đã tắt. Nên biết, Tỳ-kheo kia cũng thế, chút ít mạn chưa trừ hết [61], nhưng năm hạ phần kết [62] đã đoạn hết, chứng Trung Bát-niết-bàn [63]. Đó là nơi đi đến của bậc thiện nhân thứ nhất, thế gian quả thực có người như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo nên thực hành như vậy: ‘Ta không có ta, cũng không có cái của ta. Trong tương lai không có ta, cũng không có cái của ta. Cái đã có thì được đoạn trừ’. Sau khi đoạn, vị ấy đạt được xả. Có lạc mà không nhiễm, hiệp hội mà không đắm trước. Thực hành như thế, sẽ do tuệ mà thấy được đạo lộ tịch tĩnh vô thượng, nhưng vẫn chưa được chứng ngộ. Tỳ-kheo thực hành như thế sẽ đi đến đâu? Ví như đem sắt đốt cháy hừng hực rồi lấy búa đập, đóm lửa văng ra, vừa tung lên không liền tắt. Nên biết, [427b]Tỳ-kheo kia cũng lại như vậy; còn chút mạn chưa trừ hết, nhưng năm hạ phần kết đã đoạn hết, chứng Trung Bát-niết-bàn. Đó là chỗ đi đến của bậc thiện nhân thứ hai, thế gian quả thực có người như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo nên thực hành như vầy: ‘Ta không có ta, cũng không có cái của ta. Trong tương lai không có ta, cũng không có cái của ta. Cái đã có thì được đoạn trừ’. Sau khi đoạn, vị ấy đạt được xả. Có lạc mà không nhiễm, hiệp hội mà không đắm trước. Thực hành như thế, sẽ do tuệ mà thấy được đạo lộ tịch tĩnh vô thượng, nhưng vẫn chưa được chứng ngộ. Tỳ-kheo thực hành như thế sẽ đi đến đâu? Ví như đem sắt đốt cháy hừng hực rồi lấy búa đập, lửa đóm tung lên không, rồi từ không rơi trở lại; rơi chưa đến đất liền tắt. Nên biết, Tỳ-kheo kia cũng giống như thế, còn chút mạn chưa đoạn hết, nhưng năm hạ phần kết đã đoạn hết, chứng Trung Bát-niết-bàn. Đó là chỗ đi đến của bậc thiện nhân thứ ba, thế gian quả thực có người như vậy. [64]

“Lại nữa, Tỳ-kheo nên thực hành như vầy: ‘Ta không có ta, cũng không có cái của ta. Trong tương lai không có ta, cũng không có cái của ta. Cái đã có thì được đoạn trừ’. Sau khi đoạn, vị ấy đạt được xả. Có lạc mà không nhiễm, hiệp hội mà không đắm trước. Thực hành như thế, sẽ do tuệ mà thấy được đạo lộ tịch tĩnh vô thượng, nhưng vẫn chưa được chứng ngộ. Tỳ-kheo thực hành như thế sẽ đi đến đâu? Ví như đem sắt đốt cháy hừng hực rồi lấy búa đập, lửa đóm tung lên không, rồi rơi xuống, tới đất thì tắt. Nên biết, Tỳ-kheo kia cũng giống như thế, còn chút mạn chưa đoạn hết, nhưng năm hạ phần kết đã đoạn hết, chứng Sanh Bát-niết-bàn [65]. Đó là chỗ đi đến của bậc thiện nhân thứ tư, thế gian quả thực có người như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo nên thực hành như vầy: ‘Ta không có ta, cũng không có cái của ta. Trong tương lai không có ta, cũng không có cái của ta. Cái đã có thì được đoạn trừ’. Sau khi đoạn, vị ấy đạt được xả. Có lạc mà không nhiễm, hiệp hội mà không đắm trước. Thực hành như thế, sẽ do tuệ mà thấy được đạo lộ tịch tĩnh vô thượng, nhưng vẫn chưa được chứng ngộ. Tỳ-kheo thực hành như thế sẽ đi đến đâu? Ví như đem sắt đốt cháy hừng hực rồi lấy búa đập, lửa đóm tung lên không, rồi rơi xuống trên nhúm cỏ, liền bốc khói hoặc phụt cháy; cháy hết mới tắt. Nên biết, Tỳ-kheo kia cũng giống như thế, còn chút mạn chưa đoạn hết, nhưng năm hạ phần kết đã đoạn hết, chứng Hành Bát-niết-bàn [66]. Đó là chỗ đi đến của bậc thiện nhân thứ năm, thế gian quả thực có người như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo nên thực hành như vầy: ‘Ta không có ta, cũng không có cái của ta. Trong tương lai không có ta, cũng không có cái của ta. Cái đã có thì được đoạn trừ’. Sau khi đoạn, vị ấy đạt được xả. Có lạc mà không nhiễm, hiệp hội mà không đắm trước. Thực hành như thế, sẽ do tuệ mà thấy được đạo lộ tịch tĩnh vô thượng, [427c] nhưng vẫn chưa được chứng ngộ. Tỳ-kheo thực hành như thế sẽ đi đến đâu? Ví như đem sắt đốt cháy hừng hực rồi lấy búa đập, lửa đóm tung lên không, rồi rơi xuống trên nhiều đám cỏ, liền bốc khói hoặc phụt cháy, cháy hết mới tắt. Nên biết, Tỳ-kheo kia cũng giống như thế, còn chút mạn chưa đoạn hết, nhưng năm hạ phần kiết đã đoạn hết, chứng Vô hành Bát-niết-bàn [67]. Đó là chỗ đi đến của bậc thiện nhân thứ sáu, thế gian quả thực có người như vậy.  

“Lại nữa, Tỳ-kheo nên thực hành như vầy: ‘Ta không có ta, cũng không có cái của ta. Trong tương lai không có ta, cũng không có cái của ta. Cái đã có thì được đoạn trừ’. Sau khi đoạn, vị ấy đạt được xả. Có lạc mà không nhiễm, hiệp hội mà không đắm trước. Thực hành như thế, sẽ do tuệ mà thấy được đạo lộ tịch tĩnh vô thượng, nhưng vẫn chưa được chứng ngộ. Tỳ-kheo thực hành như thế sẽ đi đến đâu? Ví như đem sắt đốt cháy hừng hực rồi lấy búa đập, lửa đóm tung lên không, rồi rơi xuống trên nhiều đám cỏ, liền bốc khói hoặc phụt cháy, cháy luôn cả thôn ấp, thành quách, rừng núi, đồng nội, hoặc đến đường đi, hoặc mé nước, cho đến đất bằng thì tắt. Nên biết, Tỳ-kheo kia cũng giống như thế, còn chút mạn chưa đoạn hết, nhưng năm hạ phần kết đã đoạn hết, chứng Thượng lưu A-ca-nị-trá Niết-bàn [68]. Đó là chỗ đi đến của bậc thiện nhân thứ bảy, thế gian quả thực có người như vậy.

“Vô dư Niết-bàn là gì? Tỳ-kheo nên thực hành như vầy: ‘Ta không có ta, cũng không có cái của ta. Trong tương lai không có ta, cũng không có cái của ta. Cái đã có thì được đoạn trừ’. Sau khi đoạn, vị ấy đạt được xả. Có lạc mà không nhiễm, hiệp hội mà không đắm trước. Thực hành như thế, vi ấy sẽ do tuệ mà thấy được đạo lộ tịch tĩnh vô thượng, và đã được chứng ngộ. Ta nói rằng Tỳ-kheo kia không đi đến phía Đông, không đi đến phía Tây, Nam, Bắc, bốn duy hay thượng, hạ, mà ngay trong đời hiện tại này chứng được đạo lộ tịch tĩnh, diệt tận [69].

“Ta đã nói về nơi đi đến của bảy bậc thiện nhân và Vô dư Niết-bàn xong. Nhân đó mà nói”.

Phật thuyết như thế. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

7. KINH THẾ GIAN PHƯỚC

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú Câu-xá-di [70], ở tại vườn Cù-sa-la [71].

Bấy giờ vào lúc xế chiều, Tôn giả Ma-ha Châu-na [72], rời khỏi nơi tĩnh tọa [73] đứng dậy, đi đến chỗ Phật; đến rồi đảnh lễ, lui ngồi một bên, bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, Thế Tôn có thể thi thiết [74] thế gian phước được chăng?”

Thế Tôn nói:

“Có thể, này Châu-na! [428a] Có bảy loại phước thế gian, có phước hựu lớn, có quả báo lớn, có danh dự lớn, có công đức lớn. Những gì là bảy?

“Này Châu-na, có thiện gia nam tử hay thiện gia nữ tử [75] có tín tâm cúng thí phòng xá, nhà gác cho đại chúng Tỳ-kheo. Đó là loại phước thế gian thứ nhất, có phước hựu lớn, có quả báo lớn, có danh dự lớn, có công đức lớn.

“Lại nữa, Châu-na, có thiện gia nam tử hay thiện gia nữ tử có tín tâm, ở trong các phòng xá, cúng thí giường nằm, đồ ngồi, đệm lông, thảm dệt, chăn len, ngọa cụ trong các phòng xá. Châu-na, đó là loại thế gian phước thứ hai, có phước hựu lớn, có quả báo lớn, có danh dự lớn, có công đức lớn.

“Lại nữa, Châu-na, có thiện gia nam tử hay thiện gia nữ tử có tín tâm, ở trong các phòng xá, cúng thí y phục mới mẽ, sạch sẽ, đẹp đẽ. Châu-na, đó là loại thế gian phước thứ ba, có phước hựu lớn, có quả báo lớn, có danh dự lớn, có công đức lớn.

“Lại nữa, Châu-na, có thiện gia nam tử hay thiện gia nữ tử có tín tâm, ở trong các phòng xá, thường xuyên cúng thí Chúng Tăng cháo buổi sáng, thức ăn buổi trưa, lại cung cấp người làm vườn [76] để sai bảo; hoặc gió, mưa, tuyết, lạnh, tự mình thân đến khu vườn mà cúng thí chu cấp thêm. Các Tỳ-kheo sau khi ăn, không lo gió, mưa, tuyết lạnh khiến y phục bị ướt át, mà ngày đêm yên vui, tư duy thiền tọa vắng lặng [77]. Châu-na, đó là loại thế gian phước thứ bảy, có phước hựu lớn, có quả báo lớn, có danh dự lớn, có công đức lớn.

“Châu-na, có thiện gia nam tử hay thiện gia nữ tử có tín tâm, nếu đã tạo được bảy loại phước thế gian này rồi, hoặc đi, hoặc đến, hoặc đứng, hoặc ngồi, hoặc ngủ, hoặc thức, hoặc ngày, hoặc đêm, phước đức ấy thường xuyên phát sinh, càng lúc càng thêm, càng lúc càng rộng.

“Châu-na, ví như nước sông Hằng-già [78] từ nguồn chảy ra, tuôn vào đại hải, ở vào khoảng giữa càng lúc càng sâu, càng lúc càng rộng. Cũng vậy, Châu-na, thiện gia nam tử hay thiện gia nữ tử có tín tâm ấy, đã tạo được bảy loại phước thế gian này rồi thì hoặc đi, hoặc đến, hoặc ngồi, hoặc ngủ, hoặc thức, hoặc ngày, hoặc đêm, phước đức ấy càng sinh, càng lúc càng thêm, càng lúc càng rộng”.

Bấy giờ, Tôn giả Ma-ha Châu-na từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo bên hữu, gối phải sát đất, quỳ dài, chắp tay, bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, Thế Tôn có thể thi thiết phước xuất thế gian được chăng?

Thế Tôn bảo rằng:

“Có thể được, Châu-na. Lại có bảy loại phước xuất thế gian, có phước hựu lớn, có quả báo lớn, có danh dự lớn, có công đức lớn. Những gì là bảy? Châu-na, có thiện gia nam tử hay thiện gia nữ tử có tín tâm, nghe Như Lai hoặc đệ tử Như Lai đang trú ở nơi nào đó. [428b] Sau khi nghe, liền hoan hỷ, trong lòng rất phấn khởi. Châu-na, đó là loại phước xuất thế gian thứ nhất, có phước hựu lớn, có quả báo lớn, có danh dự lớn, có công đức lớn.

“Lại nữa, Châu-na, có thiện gia nam tử hay thiện gia nữ tử có tín tâm, nghe Như Lai hoặc đệ tử Như Lai sẽ từ nơi kia đến đây. Sau khi nghe, liền sinh hoan hỷ, trong lòng rất phấn khởi. Châu-na, đó là loại phước xuất thế gian thứ hai, có phước hựu lớn, có quả báo lớn, có danh dự lớn, có công đức lớn.

“Lại nữa, Châu-na, có thiện gia nam tử hay thiện gia nữ tử có tín tâm, nghe Như Lai hoặc đệ tử Như Lai sẽ từ nơi kia đến đây. Sau khi nghe, liền hoan hỷ, trong lòng rất phấn khởi. Với tâm thanh tịnh, tự thân tới thăm viếng, lễ kính, cúng dường. Sau khi cúng dường, thọ pháp ba tự quy, đối với Phật, Pháp và Chúng Tỳ-kheo mà thọ giới cấm [79]. Châu-na, đó là loại phước xuất thế gian thứ bảy, có phước hựu lớn, có quả báo lớn, có danh dự lớn, có công đức lớn.

“Châu-na, thiện gia nam tử hay thiện gia nữ tử có tín tâm, nếu tạo được bảy loại phước thế gian này và lại có bảy loại phước xuất thế gian, thì phước của người kia không thế tính được có ngần nào phước, có ngần nào kết quả của phước, có ngần nào phước báo. Chỉ có thể nói là không thể hạn, không thể lượng, và không thể biết được con số đại phước.

“Châu-na, ví như từ châu Diêm-phù có năm con sông: Một là Hằng-già, hai là Dao-vưu-na, ba là Xá-lao-phù, bốn là A-di-la-bà-đề và năm là Ma-xí [80], đều chảy về đại hải. Ở khoảng giữa của chúng, không thể tính được số nước của bao nhiêu thăng, hộc. Chỉ có thể nói là số nước nhiều không thể hạn, không thể lượng, và không thể biết được.

“Cũng vậy, Châu-na, thiện gia nam tử hay thiện gia nữ tử có tín tâm, nếu tạo được bảy loại phước thế gian này và lại có bảy loại phước xuất thế gian, thì phước của người kia không thế tính được có ngần nào phước, có ngần nào kết quả của phước, có ngần nào phước báo. Chỉ có thể nói là không thể hạn, không thể lượng, và không thể biết được con số đại phước”.

Bấy giờ Thế Tôn nói bài tụng rằng:

Con sông Hằng-già

Trong sạch, dễ qua.

Biển nhiều báu quý,

Là vua các sông.

Cũng như nước sông,

Người đời kính phụng;

Mọi nơi chảy về,

Tuôn về biển cả.

Cũng vậy, người nào

Cúng y, thực phẩm,

 [428c] Giường chõng, đệm chăn,

Và những tọa cụ;

Phước báo không lường,

Đưa đến cõi lành,

Cũng như nước sông

Tuôn về biển rộng.

Phật thuyết như vậy. Tôn giả Ma-ha Châu-na và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

8. KINH THẤT NHẬT

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại tại nước Tì-xá-li [81], trong rừng cây Nại thị [82].

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Tất cả các hành đều vô thường, là pháp không tồn tại lâu dài, pháp chóng đổi thay, pháp không thể nương tựa. Các hành như vậy không nên tham đắm mà phải ghê sợ nhờm tởm, nên tìm sự xả ly, nên tìm giải thoát. Vì sao thế?

“Có lúc không mưa [83]. Ngay khi không mưa ấy tất cả cây cối, trăm thứ lúa, thảy đều khô héo, đổ nát, chết cả, không thể thường trụ. Vì thế tất cả các hành đều vô thường, là pháp không tồn tại lâu dài, pháp chóng đổi thay, pháp không thể nương tựa. Các hành như vậy không nên tham đắm mà phải nhờm tởm, ghê sợ, nên tìm sự xả ly, nên tìm giải thoát.

“Lại nữa, có lúc hai mặt trời cùng xuất hiện. Khi hai mặt trời xuất hiện, các rãnh ngòi, sông lạch, thảy đều khô cạn, không thể thường trụ. Vì thế tất cả các hành đều vô thường, là pháp không tồn tại lâu dài, pháp chóng thay đổi, pháp không thể nương tựa. Các hành như vậy không nên tham đắm mà phải nhờm tởm, ghê sợ, nên tìm sự xả ly, nên tìm giải thoát.

“Lại nữa, lúc có ba mặt trời cùng xuất hiện. Khi ba mặt trời xuất hiện, tất cả dòng sông lớn [84] đều khô cạn, không thể thường trụ. Do đó, tất cả các hành đều vô thường, là pháp không tồn tại lâu dài, pháp chóng đổi thay, pháp không thể nương tựa. Các hành như vậy không nên tham đắm, mà phải nhờm tởm ghê sợ, nên tìm sự xả ly, nên tìm sự giải thoát.

“Lại nữa, có lúc bốn mặt trời cùng xuất hiện. Khi bốn mặt trời xuất hiện, các dòng suối lớn, từ đó phát nguyên năm con sông lớn của châu Diêm-phù: Một là Hằng-già; hai là Dao-vưu-na; ba là Xá-lao-phu; bốn là A-di-la-bà-đề và năm là Ma-xí [85], các dòng cuối nguồn nước lớn ấy đều khô cạn cả, không thể thường trụ. Do đó các hành đều vô thường, là pháp không tồmn tại lâu dài, pháp chóng đổi thay, pháp không thể nương tựa, các hành như vậy không nên tham đắm, mà phải nhờm tởm, ghê sợ, nên [429a] tìm sự xả ly, nên tìm giải thoát.

“Lại nữa, có lúc năm mặt trời cùng xuất hiện. Khi năm mặt trời cùng xuất hiện, nước trong biển lớn sụt xuống một trăm do-tuần; sụt dần đến bảy trăm do-tuần. Khi năm mặt trời xuất hiện như vậy, biển có mực nước bảy trăm do-tuần sụt dần đến một trăm do-tuần. Khi năm mặt trời cùng xuất hiện, nước trong biển lớn sụt một cây đa-la; sụt dần đến bảy cây đa-la [86]. Khi năm mặt trời cùng xuất hiện, những biển có mực nước bảy cây đa-la sụt dần cho đến một cây đa-la. Khi năm mặt trời cùng xuất hiện, nước biển giảm sụt đến mười người [87]; sụt dần cho đến bảy người. Khi năm mặt trời cùng xuất hiện, những biển có mực nước bảy người giảm dần đến vai, đến lưng, đến háng, đến đầu gối, đến mắt cá; cho đến lúc nước biển ráo hết không đủ chìm một ngón chân. Cho nên, tất cả các hành đều vô thường, là pháp không tồn tại lâu dài, pháp chóng thay đổi, pháp chẳng thể nương tựa. Các hành như vậy không nên tham đắm, mà phải nhờm tởm, ghê sợ, tìm sự xả ly, tìm sự giải thoát.

“Lại nữa, có lúc sáu mặt trời xuất hiện. Khi sáu mặt trời cùng xuất hiện, tất cả đại địa, núi chúa Tu-di, thảy đều bốc khói, tạo thành một đám khói. Ví như thợ gốm lúc mới nhen bếp, tất cả đều bốc khói, tạo thành một đám khói. Cho nên, tất cả các hành đều vô thường, là pháp không tồn tại lâu dài, pháp chóng thay đổi, pháp không thể nương tựa. Các hành như vậy không nên tham đắm mà phải nhờm tởm, ghê sợ, nên tìm sự xả ly, tìm sự giải thoát.

“Lại nữa, có lúc bảy mặt trời xuất hiện. Khi bảy mặt trời xuất hiện, tất cả đại địa, núi chúa Tu-di thảy đều phụt cháy bừng bừng, tạo thành một ngọn lửa rực rỡ. Như vậy, khi bảy mặt trời cùng xuất hiện, thì tất cả đại địa và núi chúa Tu-di thảy đều phụt cháy bừng bừng tạo thành một ngọn lửa. Gió thổi ngọn lửa ấy vươn cho đến trời Phạm thiên. Lúc đó, các vị trời Hoảng Dục [88] vừa mới sanh lên cõi này, không rõ thành bại của thế gian. Vì không biết sự thành bại của thế gian, khi thấy ngọn lửa vĩ đại, thảy đều sợ hãi dựng lông mà suy nghĩ như thế này: ‘Lửa không đến đây được chăng? Lửa không đến đây được chăng?’ Các vị trời sinh trước đều biết rõ sự thành bại của thế gian, đều đã thấy việc thành bại của thế gian. Do biết sự thành bại của thế gian, khi thấy ngọn lửa vĩ đại, liền an ủi các vị trời kia rằng: ‘Chớ nên sợ hãi. Lửa cháy chỉ ngang đó, không thể lên đến đây được’.

“Khi bảy mặt trời cùng xuất hiện, núi chúa Tu-di sụp lở, tán hoại, diệt tận, một trăm do-tuần, hai trăm do-tuần, ba trăm do-tuần, [249b] cho đến bảy trăm do-tuần. Khi bảy mặt trời cùng xuất hiện, núi chúa Tu-di và đại địa này cháy tan, hủy diệt, không còn tro than gì cả. Cũng như đốt dầu bơ, cháy cho tiêu hết không còn khói đen [89]. Cũng vậy, khi bảy mặt trời cùng xuất hiện, núi chúa Tu-di và cõi đại địa này cháy không còn tro than. Cho nên, tất cả các hành đều vô thường, là pháp không tồn tại lâu dài, pháp chóng thay đổi, pháp không thể nương tựa. Các hành như vậy không nên tham đắm mà phải nhờm tởm, ghê sợ, tìm sự xả ly, tìm cầu giải thoát.

“Nay Ta nói cho các ngươi biết, ai có thể tin được rằng: ‘Núi chúa Tu-di sẽ sụp đổ?’ Chỉ có những người thấy được sự thật. Nay Ta nói cho các ngươi biết, ai có thể tin được rằng: ‘Nước trong đại hải sẽ khô cạn tất cả?’ Chỉ có những người đã thấy sự thật. Nay Ta nói cho các ngươi biết, ai có thể tin rằng: ‘Tất cả đại địa đều cháy sạch?’ Chỉ có những người đã thấy sự thật. Vì sao vậy?

“Này các Tỳ-kheo, xưa có vị Đại sư tên là Thiện Nhãn [90] được các Tiên nhân ngoại đạo tôn làm bậc thầy [91], đã xả ly dục ái [92], chứng như ý túc. Đại sư Thiện Nhãn có vô lượng trăm ngàn đệ tử. Đại sư Thiện Nhãn dạy Phạm thế pháp cho các đệ tử [93]. Khi đại sư Thiện Nhãn dạy Phạm thế pháp cho các đệ tử, trong số các đệ tử có người phụng hành không đầy đủ pháp ấy. Người ấy sau khi mạng chung hoặc sanh lên cõi trời Tứ Vương hoặc trời Tam Thập Tam, hoặc trời Diệm-ma, hoặc trời Đâu-suất-đà hoặc sanh lên trời Tha Hóa, hoặc sanh lên trời Tha Hóa Lạc.

“Khi đại sư Thiện Nhãn dạy Phạm thế pháp, nếu có người phụng hành đầy đủ pháp ấy, người ấy tu bốn Phạm trụ [94], xả ly các dục, sau khi mạng chung người ấy sanh lên trời Phạm thiên. Lúc ấy đại sư Thiện Nhãn nghĩ như vầy: ‘Ta không nên cùng với các đệ tử cùng sanh chung một nơi nào vào đời sau. Nay ta hãy tu thêm tăng thượng từ [95], sau khi tu tăng thượng từ rồi, mạng chung sẽ được sanh lên trời Hoảng Dục ’.

“Đại sư Thiện Nhãn liền sau đó tu thêm tăng thượng từ. Sau khi tu tăng thượng từ, mạng chung sanh lên trời Hoảng Dục. Đại sư Thiện Nhãn và các đệ tử học đạo không uổng công, đạt được quả báo lớn.

“Này các Tỳ-kheo, các ngươi nghĩ sao? Xưa kia đại sư Thiện Nhãn được hàng Tiên nhân ngoại đạo tôn kính là bậc thầy, xả ly dục ái, chứng như ý túc, các ngươi cho là người nào khác chăng? Chớ nghĩ như vậy. Nên biết, đó là Ta vậy. Vào thời đó, Ta là Thiện Nhãn Đại sư, được [249c] Tiên nhân ngoại đạo tôn kính là bậc thầy, xả ly dục ái, chứng như ý túc. Lúc đó Ta có vô lượng trăm ngàn đệ tử. Ta dạy Phạm thế pháp cho các đệ tử. Khi Ta dạy Phạm thế pháp, trong số các đệ tử có người phụng hành không đầy đủ pháp ấy. Người ấy sau khi mạng chung hoặc sanh lên cõi trời Tứ Vương hoặc trời Tam Thập Tam, hoặc trời Diệm-ma, hoặc trời Đâu-suất-đà, hoặc sanh lên trời Tha Hóa. Khi Ta dạy Phạm thế pháp, nếu có người phụng hành đầy đủ pháp ấy, người ấy tu bốn Phạm trụ, xả ly các dục, sau khi mạng chung người ấy sanh lên trời Phạm thiên. Lúc đó Ta nghĩ như vầy: ‘Ta không nên cùng với các đệ tử cùng sanh chung một nơi nào vào đời sau. Nay ta hãy tu thêm tăng thượng từ. Sau khi tu tăng thượng từ, mạng chung sẽ được sanh lên trời Hoảng Dục’. Sau đó, Ta lại tu thêm tăng thượng từ. Sau khi tu tăng thượng từ, mạng chung được sanh lên trời Hoảng Dục. Thời ấy Ta và các đệ tử học đạo không hư uổng, được quả báo lớn.

“Thời ấy Ta thân hành đạo này để lợi ích cho mình và lợi ích kẻ khác, làm lợi ích cho mọi người, cảm thương thế gian, mong cầu nghĩa lợi lợi và thiện ích, mong cầu sự an ổn khoái lạc cho trời và người. [96] Lúc bấy giờ Ta nói pháp chưa đến chỗ rốt ráo; không rốt ráo bạch tịnh, không rốt ráo phạm hạnh. Vì không rốt ráo phạm hạnh nên bấy giờ Ta không xa lìa được sanh, lão, bệnh, tử, than khóc, buồn rầu; cũng chưa thể thoát được tất cả khổ não.

“Này các Tỳ-kheo, Ta nay xuất hiện ở đời, là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hành Túc, [97] Thiên Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu [98], Thiên Nhân Sư, gọi là Phật Thế Tôn [99].

“Ta nay đã làm lợi ích cho chính mình, cũng làm lợi ích cho kẻ khác, làm lợi cho mọi người, cảm thương thế gian, mong cầu nghĩa lợi lợi và thiện ích, mong cầu sự an ổn khoái lạc cho trời và người. Nay Ta thuyết pháp đã đạt được chỗ rốt ráo, rốt ráo bạch tịnh, rốt ráo phạm hạnh. Do rốt ráo phạm hạnh, Ta nay đã lìa khỏi sanh, lão, bệnh, tử, khóc than, buồn rầu. Nay Ta đã được giải thoát mọi khổ não”.

Đức Phật thuyết giảng như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

9. KINH THẤT XA

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại thành Vương Xá, trong tinh xá Trúc Lâm, cùng an cư mùa mưa [430a] với đại chúng Tỳ-kheo.

Tôn giả Mãn Từ Tử [100] cũng an cư mùa mưa tại sinh quán mình. Lúc bấy giờ các Tỳ-kheo địa phương, sau khi đã trải qua ba tháng an cư mùa mưa, khâu vá lại các y đã xong, xếp y, cầm bát, từ sinh quán đi về phía thành Vương Xá. Lần lượt đi về phía trước, đến thành Vương Xá, trú ở tinh xá Trúc Lâm, tại thành Vương Xá.

Bấy giờ các Tỳ-kheo địa phương tới trước Thế Tôn, cúi đầu lễ bái rồi ngồi sang một bên. Thế Tôn hỏi rằng:

“Các Tỳ-kheo, các ngươi từ đâu đến đây? An cư mùa mưa ở đâu?”

Các Tỳ-kheo địa phương ấy thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, chúng con từ sinh quán tới đây và an cư mùa mưa tại sinh quán”.

Thế Tôn hỏi:

“Trong các Tỳ-kheo địa phương, Tỳ-kheo nào được các Tỳ-kheo khen ngợi rằng: ‘Tự mình thiểu dục, tri túc và khen ngợi thiểu dục, tri túc; tự mình độc cư [101] và khen ngợi độc cư; tự mình tinh tấn và khen ngợi tinh tấn; tự mình chánh niệm và khen ngợi chánh niệm; tự mình nhất tâm và khen ngợi nhất tâm; tự mình có trí tuệ và khen ngợi trí tuệ; tự mình lậu tận và khen ngợi lậu tận; tự mình khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ [102] và khen ngợi khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ’ chăng?”

Các Tỳ-kheo địa phương bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, Tôn giả Mãn Từ Tử ở nơi sinh quán của mình, được các Tỳ-kheo khen ngợi rằng: ‘Tự mình thiểu dục, tri túc và khen ngợi thiểu dục tri túc; tự mình độc cư và khen ngợi độc cư; tự mình tinh tấn và khen ngợi tinh tấn; tự mình chánh niệm và khen ngợi chánh niệm; tự mình nhất tâm và khen ngợi nhất tâm; tự mình có trí tuệ và khen ngợi trí tuệ; tự mình lâu tận và khen ngợi lâu tận; tự mình khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ và khen ngợi khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ’.”

Lúc bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất [103] đang ngồi giữa đại chúng. Tôn giả Xá-lợi-phất suy nghĩ như vầy: “Thế Tôn theo sự thật mà hỏi các Tỳ-kheo địa phương kia. Các Tỳ-kheo địa phương vô cùng khen ngợi Hiền giả Mãn Từ Tử, là người ‘Tự mình thiểu dục, tri túc và khen ngợi thiểu dục, tri túc; tự mình độc cư và khen ngợi độc cư; tự mình tinh tấn và khen ngợi tinh tấn; tự mình chánh niệm và khen ngợi chánh niệm; tự mình nhất tâm và khen ngợi nhất tâm; tự mình có trí tuệ và khen ngợi trí tuệ; tự mình lậu tận và khen ngợi lậu tận; tự mình khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ và khen ngợi khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ’.”

Tôn giả Xá-lợi-phất lại suy nghĩ: “Biết lúc nào tôi mới gặp Hiền giả Mãn Từ Tử để hỏi một vài nghĩa lý? Hiền giả ấy hoặc có thể nghe và trả lời những điều tôi hỏi”.

Bấy giờ Thế Tôn, [430b] sau khi trải qua ba tháng an cư mùa mưa ở thành Vương Xá, khâu vá y xong, bèn xếp y, ôm bát, từ thành Vương Xá đi đến nước Xá-vệ, lần lượt tiến về phía trước, đến nước Xá-vệ, trú trong rừng Thắng Lâm Lâm Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Tôn giả Xá-lợi-phất và các Tỳ-kheo địa phương cùng ở lại Vương Xá vài ngày, rồi xếp y, ôm bát, đi đến nước Xá-vệ, lần lượt tiến về phía trước, đến nước Xá-vệ, cùng ở tại rừng Thắng Lâm Lâm Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Lúc bấy giờ Tôn giả Mãn Từ Tử ở tại sinh quán mình, sau khi đã trải qua ba tháng an cư mùa mưa, đã khâu vá lại các y, rồi xếp y, ôm bát, từ quê quán mình đi đến nước Xá-vệ, lần lượt tiến về phía trước, đến nước Xá-vệ, cùng ở trong rừng Thắng Lâm Lâm Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Tôn giả Mãn Từ Tử đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu làm lễ, rồi trải ni-sư-đàn phía trước Như Lai mà ngồi kiết già.

Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi các Tỳ-kheo rằng:

“Này Chư Hiền, vị nào là Hiền giả Mãn Từ Tử?”

Các Tỳ-kheo bạch Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Xin thưa, vị ngồi trước Như Lai, trắng trẻo, mũi cao như mỏ chim oanh vũ, là vị ấy”.

Tôn giả Xá-lợi-phất đã biết đúng mặt Mãn Từ Tử, liền ghi nhớ kỹ. Tôn giả Mãn Từ Tử sau khi qua đêm, trời hừng sáng, xếp y, cầm bát, đi vào Xá-vệ để khất thực. Sau khi ăn trưa xong lại, thâu dọn y bát, rửa tay chân, vắt ni-sư-đàn lên vai, đến rừng An-đà [104], chỗ đi kinh hành. Tôn giả Xá-lợi-phất cũng sau khi qua đêm, trời hừng sáng, xếp y, cầm bát, đi vào Xá-vệ để khất thực. Sau khi ăn trưa xong lại, thâu dọn y bát, rửa tay chân, vắt ni-sư-đàn lên vai, đến rừng An-đà, chỗ đi kinh hành.

Bấy giờ Tôn giả Mãn Từ Tử đến rừng An-đà, trải Ni-sư-đàn dưới một gốc cây, ngồi kiết già. Tôn giả Xá-lợi-phất cũng đến rừng An-đà, cách Tôn giả Mãn Từ Tử không xa, trải Ni-sư-đàn dưới một gốc cây ngồi kiết già.

Tôn giả Xá-lợi-phất vào lúc xế chiều, rời chỗ thiền tọa, đi đến chỗ Mãn Từ Tử, cùng chào hỏi nhau rồi ngồi sang một bên, và hỏi Tôn giả Mãn Từ Tử rằng:

“Này Hiền giả, phải chăng Hiền giả theo Sa-môn Cù-đàm tu phạm hạnh?”

Đáp rằng:

“Đúng vậy”

“Này Hiền giả, vì lý do gì, có phải vì giới thanh tịnh [105] nên ngài theo Sa-môn Cù-đàm tu phạm hạnh chăng?”

Đáp rằng:

“Thưa, không phải vậy”.

“Vì tâm thanh tịnh [106], vì kiến thanh tịnh [107], vì nghi thanh tịnh [108], vì [430c] đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh [109], vì đạo tích tri kiến [110] thanh tịnh, vì đạo tích đoạn trí thanh tịnh [111] nên Hiền giả theo Sa-môn Cù-đàm tu phạm hạnh chăng?”

Đáp: “Không phải vậy”

Lại hỏi:

“Tôi vừa hỏi Hiền giả rằng: ‘Phải chăng Hiền giả theo Sa-môn Cù-đàm tu phạm hạnh?’ Hiền giả đáp: ‘Đúng vậy’. Rồi tôi hỏi Hiền giả: ‘Có phải vì giới thanh tịnh nên Hiền giả theo Sa-môn Cù-đàm tu phạm hạnh chăng?’ thì Hiền giả đáp: ‘Không phải vậy’; ‘Có phải vì tâm thanh tịnh, vì kiến thanh tịnh, vì nghi thanh tịnh, vì phi đạo tri kiến thanh tịnh, vì đạo tích tri kiến thanh tịnh, vì đạo tích đoạn trí thanh tịnh nên Hiền giả theo Sa-môn Cù-đàm tu phạm hạnh chăng?’ thì Hiền giả cũng lại đáp rằng ‘Không phải vậy’. Nhưng theo ý nghĩa nào [112] mà Hiền giả theo Sa-môn Cù-đàm tu phạm hạnh?”

Đáp: “Này Hiền giả, vì Vô dư Niết-bàn vậy [113]”.

Lại hỏi:

“Thế nào, này Hiền giả, có phải vì giới thanh tịnh nên Sa-môn Cù-đàm thi thiết Vô dư Niết-bàn chăng?” [114]

“Đáp: “Không phải vậy”.

Lại hỏi:

“Vì vì tâm thanh tịnh, vì kiến thanh tịnh, vì nghi thanh tịnh, vì đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh, vì đạo tích tri kiến thanh tịnh, vì đạo tích đoạn trí thanh tịnh nên Hiền giả theo Sa-môn Cù-đàm thi thiết Vô dư Niết-bàn chăng?”

“Đáp: “Không phải vậy”.

Lại hỏi:

“Tôi vừa hỏi Hiền giả, ‘Thế nào, này Hiền giả, có phải vì giới thanh tịnh nên Sa-môn Cù-đàm thi thiết Vô dư Niết-bàn chăng?’ Hiền giả đáp: ‘Không phải vậy’. ‘Vì tâm thanh tịnh, vì kiến thanh tịnh, vì nghi thanh tịnh, vì đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh, vì đạo tích tri kiến thanh tịnh, vì đạo tích đoạn trí thanh tịnh nên Sa-môn Cù-đàm thi thiết Vô dư Niết-bàn chăng?’ Vậy những điều Hiền giả nói có ý nghĩa gì? Làm thế nào để biết được?”

Đáp rằng:

“Này Hiền giả: Nếu vì giới thanh tịnh mà Thế Tôn, Sa-môn Cù-đàm thi thiết Vô dư Niết-bàn, thì đó là lấy hữu dư mà gọi vô dư. Nếu vì tâm thanh tịnh, vì tri kiến thanh tịnh, vì nghi cái thanh tịnh, vì đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh, vì đạo tích tri kiến thanh tịnh, vì đạo tích đoạn trí thanh tịnh mà Thế Tôn Sa-môn Cù-đàm thi thiết Vô dư Niết-bàn, thì tức là lấy hữu dư mà gọi là vô dư [115].

“Này Hiền giả, nếu ngoài những pháp đó [116] mà Thế Tôn thi thiết Vô dư Niết-bàn thì phàm phu cũng sẽ Bát-niết-bàn, bởi vì phàm phu cũng ở ngoài các pháp đó [117].

“Này Hiền giả, nhưng do giới thanh tịnh, cho nên tâm thanh tịnh; do tâm thanh tịnh cho nên kiến thanh tịnh; do kiến thanh tịnh cho nên nghi cái [431a] thanh tịnh; do nghi cái thanh tịnh cho nên đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh; do đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh cho nên đạo tích tri kiến thanh tịnh; do đạo tích tri kiến thanh tịnh cho nên đạo tích đoạn trí thanh tịnh; do đạo tích đoạn trí tịnh, cho nên Thế Tôn Sa-môn Cù-đàm thi thiết Vô dư Niết-bàn.

“Hiền giả, xin hãy nghe thêm. Xưa, vua xứ Câu-tát-la là Ba-tư-nặc ở nước Xá-vệ, có việc ở Sa-kê-đế [118].  vua suy nghĩ như vầy: ‘Dùng phương tiện gì để trong một ngày đi từ Xá-vệ đến Sa-kê-đế được?’ Lại suy nghĩ như vầy: ‘Nay ta nên từ Xá-vệ đến Sa-kê-đế, ở giữa đường đó, bố trí bảy cỗ xe’. Rồi thì, từ Xá-vệ đến Sa-kê-đế, ở giữa đường đó, vua bố trí bảy cỗ xe. Bố trí bảy cỗ xe xong, từ Xá-vệ  vua đi đến cỗ xe thứ nhất, ngồi trên cỗ xe thứ nhất đi đến cỗ xe thứ hai. Rồi bỏ cỗ xe thứ nhất cỡi cỗ xe thứ hai đến xe thứ ba; bỏ cỗ xe thứ hai ngồi trên cỗ xe thứ ba đến cỗ xe thứ tư; bỏ cỗ xe thứ ba ngồi trên cỗ xe thứ tư đến cỗ xe thứ năm; bỏ cỗ xe thứ tư ngồi trên cỗ xe thứ năm đến cỗ xe thứ sáu; bỏ cỗ xe thứ năm ngồi trên cỗ xe thứ sáu đến cỗ xe thứ bảy; bỏ cỗ xe thứ sáu ngồi trên cỗ xe thứ bảy; trong một ngày là đến Sa-kê-đế.

“Sau khi làm việc xong ở Sa-kê-đế, ngồi trong chánh điện của  vua, với các đại thần vây quanh. Quần thần tâu rằng:

“Tâu Thiên vương, phải chăng chỉ trong một ngày mà Thiên vương đi từ Xá-vệ đến Sa-kê-đế?

“Vua nói: Đúng vậy.

“Tâu Thiên vương, có phải Thiên vương cỡi cỗ xe thứ nhất mà trong một ngày đi từ Xá-vệ đến Sa-kê-đế?

“Vua nói:

“Không phải vậy.

“Có phải Ngài cỡi cỗ xe thứ hai, cỗ xe thứ ba cho đến cỗ xe thứ bảy từ Xá-vệ đến Sa-kê-đế?

“Không phải vậy.

“Thế nào, này Hiền giả, nếu quần thần lại hỏi nữa, Ba-tư-nặc quốc vương xứ Câu-tát-la sẽ đáp thế nào? Có phải vua trả lời cho quần thần rằng:

“Ta ở Xá-vệ có việc ở Sa-kê-đế, ta nghĩ thế này: ‘Dùng phương tiện gì để trong một ngày đi từ Xá-vệ đến Sa-kê-đế được?’ Lại suy nghĩ như vầy: ‘Nay ta nên từ Xá-vệ đến Sa-kê-đế, ở giữa đường đó, bố trí bảy cỗ xe’. Rồi thì, từ Xá-vệ đến Sa-kê-đế, ở giữa đường đó, ta bố trí bảy cỗ xe. Bố trí bảy cỗ xe xong, từ Xá-vệ ta đi đến cỗ xe thứ nhất, ngồi trên cỗ xe thứ nhất đi đến cỗ xe thứ hai. Rồi bỏ cỗ xe thứ nhất cỡi cỗ xe thứ hai đến cỗ xe thứ ba; bỏ cỗ xe thứ hai [431b] ngồi trên cỗ xe thứ ba đến cỗ xe thứ tư; bỏ cỗ xe thứ ba ngồi trên cỗ xe thứ tư đến cỗ xe thứ năm; bỏ cỗ xe thứ tư ngồi trên cỗ xe thứ năm đến cỗ xe thứ sáu; bỏ cỗ xe thứ năm ngồi trên cỗ xe thứ sáu đến cỗ xe thứ bảy; bỏ cỗ xe thứ sáu ngồi trên cỗ xe thứ bảy; trong một ngày là đến Sa-kê-đế.

“Như vậy! Thưa Hiền giả, Ba-tư-nặc, vua xứ Câu-tát-la, trả lời câu hỏi của quần thần như vậy.

“Cũng vậy, thưa Hiền giả, vì giới thanh tịnh mà tâm thanh tịnh, vì tâm thanh tịnh nên tri kiến thanh tịnh, vì tri kiến thanh tịnh nên nghi cái thanh tịnh, vì nghi cái thanh tịnh, nên đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh, vì đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh nên đạo tri kiến thanh tịnh, vì đạo tích tri kiến thanh tịnh nên đạo tích đoạn trí thanh tịnh, vì đạo tích đoạn trí thanh tịnh nên Thế Tôn thi thiết Vô dư Niết-bàn”.

Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi Tôn giả Mãn Từ Tử:

“Hiền giả tên là gì? Các đồng phạm hạnh [119] gọi Hiền giả như thế nào?”

Tôn giả Mãn Từ Tử trả lời rằng:

“Hiền giả, tôi hiệu [120] là Mãn. Thân mẫu tôi tên Từ, do đó các đồng phạm hạnh gọi tôi là Mãn Từ Tử”.

Tôn giả Xá-lợi-phất tán thán rằng:

“Lành thay! Lành thay! Tôn giả Mãn Từ Tử! Là đệ tử của Đức Như Lai, trí biện hoàn hảo [121], thông minh, quyết định, an lạc vô úy, thành tựu sự chế ngự, đạt đến đại biện tài, được phướn cam lồ [122], ở trong cam lồ giới [123] tự mình đã chứng ngộ, thành tựu và an trụ. Vì khi hỏi Hiền giả những ý nghĩa vô cùng sâu xa thảy đều được trả lời. Hiền giả Mãn Từ Tử, những đồng phạm hạnh sẽ được nhiều lợi ích, nếu gặp được Tôn giả Mãn Từ Tử, tùy thời mà thăm viếng, tùy thời mà lễ bái. Nay tôi cũng được lợi ích, tùy thời mà thăm viếng, tùy thời mà lễ bái. Những đồng phạm hạnh nên quấn y trên đầu để đội Hiền giả Mãn Từ Tử, vì để được nhiều lợi ích. Nay tôi cũng được nhiều lợi ích, tùy thời mà thăm viếng, tùy thời mà lễ bái”.

Tôn giả Mãn Từ Tử hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Hiền giả tên gọi là gì? Các đồng phạm hạnh gọi Hiền giả như thế nào?”

Tôn giả Xá-lợi-phất trả lời rằng:

“Tôi tự là Ưu-ba-đề-xá [124]. Thân mẫu tôi là Xá-lợi [125], nên những đồng phạm hạnh gọi tôi là Xá-lợi-phất”.

Hiền giả Mãn Từ Tử tán thán rằng:

“Hôm nay tôi đã bàn luận với vị đệ tử ngang hàng Thế Tôn [126] mà không biết, cùng với bậc Đệ nhị tôn [127] luận bàn mà không biết, cùng với vị Pháp tướng [128] luận bàn mà không biết, cùng luận bàn với vị đệ tử tiếp tục vận chuyển pháp luân đã được vận chuyển [129] mà không biết. Nếu tôi biết Tôn giả là [431c] Xá-lợi-phất thì tôi đã không trả lời nổi một câu, huống chi lại luận bàn sâu xa như thế. Lành thay! Lành thay! Tôn giả Xá-lợi-phất, là đệ tử của Đức Như Lai, trí biện hoàn hảo, thông minh, quyết định, an lạc vô úy, thành tựu sự chế ngự, đạt đến đại biện tài, được phướn cam lồ, ở trong cam lồ giới tự mình đã chứng ngộ, thành tựu và an trụ. Vì Hiền giả đã hỏi những ý nghĩa vô cùng sâu xa. Hiền giả Xá-lợi-phất, những đồng phạm hạnh sẽ được nhiều lợi ích, nếu gặp được Tôn giả Xá-lợi-phất, tùy thời mà thăm viếng, tùy thời mà lễ bái. Nay tôi cũng được lợi ích, tùy thời mà thăm viếng, tùy thời mà lễ bái. Những đồng phạm hạnh nên quấn y trên đầu để đội Hiền giả Xá-lợi-phất, vì để được nhiều lợi ích. Nay tôi cũng được nhiều lợi ích, tùy thời mà thăm viếng, tùy thời mà lễ bái”.

Hai vị Hiền giả khen ngợi nhau như vậy. Cùng khen ngợi nhau như vậy rồi, hoan hỷ phụng hành, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trở về chỗ nghỉ của mình.

10. KINH LẬU TẬN

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú ở Câu-lâu-sấu [130], tại đô ấp Kiếm-ma-sắt-đàm, [131] đô ấp của Câu-lâu.

Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Do tri, do kiến mà các lậu [132] bị tận diệt chớ không phải do không tri, không kiến.

“Sao gọi là do tri, do kiến mà các lậu bị tận diệt? Đó là do có chánh tư duy và không chánh tư duy [133]. Nếu không chánh tư duy thì dục lậu chưa sanh sẽ sanh; đã phát sanh liền tăng trưởng; hữu lậu, vô minh lậu chưa sanh sẽ phát sanh; đã phát sanh liền tăng trưởng. Nếu có chánh tư duy thì dục lậu chưa sanh sẽ không sanh, đã sanh liền tiêu diệt. Hữu lậu và vô minh lậu chưa sanh sẽ không sanh; đã sanh liền tiêu diệt.

“Những người phàm phu ngu si, không được nghe chánh pháp, không được gặp bậc chơn tri thức, không biết Thánh pháp, không được điều phục trong Thánh pháp [134] không biết pháp như thật. Nếu không có chánh tư duy, dục lậu chưa sanh sẽ phát sanh, đã phát sanh liền tăng trưởng; hữu lậu và vô minh lậu chưa sanh sẽ phát sanh; đã phát sanh liền tăng trưởng. Nếu có chánh tư duy, dục lậu chưa sanh sẽ không phát sanh, đã phát sanh liền tiêu diệt; hữu lậu và vô minh lậu chưa sanh sẽ không phát sanh; đã phát sanh liền tiêu diệt. Vì không biết pháp như thật do đó pháp không nên niệm lại niệm, pháp nên niệm lại không niệm. Vì pháp không nên niệm lại niệm, pháp nên niệm lại không niệm, nên dục lậu chưa sanh sẽ phát sanh, đã sanh liền tăng trưởng; hữu lậu và [432a] vô minh lậu chưa sanh liền phát sanh, đã sanh liền tăng trưởng.

“Thánh đệ tử đa văn được nghe Thánh pháp, được gặp bậc chơn tri thức, được điều phục theo Thánh pháp, biết pháp như thật, nhưng nếu không có chánh tư duy, thì dục lậu chưa sanh sẽ phát sanh, đã sanh liền tăng trưởng; hữu lậu và vô minh lậu chưa sanh liền phát sanh, đã sanh liền tăng trưởng. Nếu có chánh tư duy, dục lậu chưa sanh sẽ không sanh, đã sanh liền tiêu diệt; hữu lậu và vô minh lậu chưa sanh sẽ không phát sanh, đã sanh liền tiêu diệt. Sau khi biết pháp như thật, pháp không nên niệm thì không niệm, pháp nên niệm liền niệm. Vì không niệm pháp không nên niệm và niệm pháp nên niệm, nên dục lậu chưa sanh sẽ không phát sanh, đã sanh liền tiêu diệt; hữu lậu và vô minh lậu chưa sanh sẽ không phát sanh, đã sanh liền tiêu diệt.

“Có bảy sự đoạn trừ lậu, phiền não, pháp ưu sầu. Những gì là bảy? Có lậu được đoạn do kiến, có lậu được đoạn do hộ, có lậu được đoạn do ly, có lậu được đoạn do dụng, có lậu được đoạn do nhẫn, có lậu được đoạn do trừ, có lậu được đoạn do tư duy.

“Thế nào là lậu được đoạn do kiến [135]? Kẻ phàm phu không được nghe chánh pháp, không gặp bậc chơn trí thức, không biết Thánh pháp, không được điều phục trong Thánh pháp, không biết như thật về pháp, không có chánh tư duy nên suy nghĩ thế này: ‘Ta có đời quá khứ? [136] Ta không có đời quá khứ ? Do nhân duyên gì ta có đời quá khứ? Đời quá khứ ta như thế nào? Ta có đời vị lai? Ta không có đời vị lai? Do nhân duyên gì ta có đời vị lai? Ta có đời vị lai như thế nào?’ Người ấy hoài nghi về mình rằng [137]: “Thân ta là gì, nó là thế nào? [138] Nay chúng sanh này từ đâu đến, và sẽ đi về đâu? Trước kia do nhân gì mà có, và sẽ do nhân gì mà có?’ Người kia khởi tư duy không chánh như vậy rồi, trong sáu tà kiến, một tà kiến khởi lên cho rằng ‘Quả thật có tự ngã [139]’. Hoặc một tà kiến khởi lên cho rằng ‘Quả thật không có tự ngã’. Hoặc một tà kiến khởi lên cho rằng ‘Tự ngã thấy là tự ngã [140]’. Hoặc một tà kiến khởi lên cho rằng ‘Tự ngã thấy là phi tự ngã [141]’. Hoặc một tà kiến khởi lên cho rằng ‘Chính tự ngã ấy có thể thấy, có thể biết, có thể hành động, có thể sai khiến hành động, có thể đứng dậy, có thể sai khiến đứng dậy, sanh vào nơi này, nơi kia, thọ lãnh thiện báo, ác báo; quyết không từ đâu đến, quyết không phải đã có, quyết không phải sẽ có [142]’. Đó tệ của kiến [143]; bị kiến lay động, bị kết sử của kiến buộc chặt. Kẻ phàm phu ngu si vì thế mà phải chịu cái khổ của sanh, lão, bệnh, tử.

“Đa văn Thánh đệ tử được nghe Thánh pháp, gặp bậc chơn tri thức, được điều phục theo Thánh pháp, biết pháp như thật, biết như thật về Khổ, [432b] biết Khổ tập, biết Khổ diệt và biết như thật Khổ diệt đạo. Biết như thật như thế rồi, ba kết tận trừ. Khi ba kết là thân kiến, giới thủ, và nghi đã trừ hết, chứng quả Tu-đà-hoàn, không còn đọa lạc ác pháp, chắc chắn thẳng tiến đến chánh giác, thọ sanh tối đa bảy đời trong thiên thượng và nhân gian. Sau bảy lần qua lại liền đoạn tận khổ biên. Nếu không có tri kiến, bức rức, ưu buồn bèn phát sanh. Có tri kiến, bức rức, ưu buồn không phát sanh. Đó là lậu được đoạn trừ do kiến.

“Các lậu được đoạn trừ do hộ [144] là gì? Tỳ-kheo khi sắc được thấy bởi mắt mà nhãn căn đụợc phòng hộ thì sẽ do chánh tư duy mà nó được nhìn thấy là bất tịnh vậy. Nếu nhãn căn không được phòng hộ, sẽ do không chánh tư duy mà nó được nhìn thấy là tịnh. Nếu không phòng hộ bức rức, ưu buồn phát sanh. Nếu có phòng hộ, bức rức, ưu buồn không phát sanh. Cũng vậy, với tai, mũi, lưỡi, thân và ý biết pháp mà có phòng hộ ý căn, thì sẽ do chánh tư duy mà nhìn thấy đó là bất tịnh, nếu không phòng hộ ý căn thì sẽ do không chánh tư duy mà nhìn thấy đó là tịnh. Nếu không phòng hộ, bức rức, ưu buồn phát sanh. Nếu có phòng hộ, bức rức, ưu buồn không phát sanh. Đó là các lậu được đoạn trừ do hộ.

“Các lậu được đoạn trừ do ly [145] là gì? Tỳ-kheo khi thấy voi dữ thì nên xa lánh; thấy ngựa dữ, trâu dữ, chó dữ, rắn độc, đường hiểm, nhà tiểu, hầm hố, sông ngòi, suối sâu, vách núi, ác tri thức, ác bằng hữu, ác dị đạo, chòm xóm xấu, nơi cư trú xấu, hoặc Tỳ-kheo khi ở chung một chỗ với các đồng phạm hạnh khiến cho người không nghi ngờ mà sanh nghi ngờ, là những trường hợp phải nên xa lánh [146]. Hãy nên xa lánh tất cả ác tri thức, ác bằng hữu, ác ngoại đạo, ác dị đạo, chòm xóm xấu, nơi cư trú xấu, hoặc Tỳ-kheo khi ở chung một chỗ với các đồng phạm hạnh khiến cho người không nghi ngờ mà sanh nghi ngờ. Nếu không xa lánh thì khởi sanh bức rức, ưu buồn. Nếu xa lánh thì không phát sanh bức rức, ưu buồn. Đó là lậu được đoạn trừ do ly.

“Các lậu được đoạn trừ do dụng [147] là gì? Tỳ-kheo khi thọ dụng y phục, chẳng phải để cầu lợi, chẳng phải để kiêu hãnh, chẳng phải để trang sức, mà vì muỗi mòng, gió mưa, lạnh nóng và vì hổ thẹn. Khi thọ dụng đồ ăn uống chẳng phải vì mưu lợi, chẳng phải để trang sức, chẳng phải để mập béo mà vì để làm thân thể ở đời lâu dài, trừ bức rức, ưu buồn, vì để thực hành phạm hạnh, vì muốn để bệnh cũ tiêu trừ đừng sanh bệnh mới, và vì để sống lâu, an ổn, không bệnh hoạn. Khi thọ dụng nhà cửa, phòng xá, giường nệm, ngọa cụ, không phải để kiêu hãnh, chẳng phải để trang sức, mà vì để lúc mệt mỏi có nơi nghỉ ngơi, [432c] để được tĩnh tọa. Khi thọ dụng thuốc thang không phải để mưu lợi, không phải để kiêu hãnh, không phải để mập béo, mà chỉ để trừ bệnh hoạn, để điều hòa mạng căn, để an ổn không bệnh. Nếu không thọ dụng những thứ ấy thì sẽ sanh phiền não, sầu lo, còn thọ dụng thì không sanh phiền não sầu lo. Đó là lậu được đoạn trừ do dụng.

“Các lậu được đoạn trừ do nhẫn [148] là gì? Tỳ-kheo tinh tấn đoạn trừ pháp ác, bất thiện, tu tập thiện pháp, nên luôn luôn có ý tưởng trỗi dậy [149], chuyên tâm tinh tấn; thà để cho thân thể, da, thịt, gân, xương, máu, tủy khô kiệt tất cả chớ không bỏ tinh tấn. Phải đạt được mục đích mong muốn mới xả sự tinh tấn. Tỳ-kheo lại phải chịu đựng sự đói khát, lạnh nóng, muỗi mòng, ruồi, bọ chét, chấy, dù gió hay nắng bức bách, bị lời dữ, bị đánh đập, cũng đều có thể nhẫn chịu được. Dù thân mạng bệnh tật rất là đau đớn đến nỗi gần muốn tuyệt mạng, và những điều không thể ưa vui được, tất cả đều chịu đựng được. Nếu không nhẫn chịu thì sanh bức rức, ưu buồn, còn nhẫn chịu được thì không sanh phiền não ưu buồn. Đó là lậu được đoạn trừ do nhẫn.

“Có lậu được đoạn trừ do trừ [150] là gì? Tỳ-kheo nếu dục tầm [151] đã sanh mà không đoạn trừ, không xả ly; sanh nhuế niệm, hại niệm đã sanh mà không đoạn trừ, không xả ly. Nếu không trừ diệt, bức rức, ưu buồn phát sanh; còn nếu trừ diệt, bức rức, ưu buồn không phát sanh. Đó là lậu được đoạn trừ do trừ.

“Có lậu được đoạn trừ do tu [152] là gì? Tỳ-kheo tư duy về giác chi thứ nhất là niệm, y viễn ly, y vô dục, y diệt tận, thẳng đến xuất yếu; [153] trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an [154], định, cho đến tư duy về giác chi thứ bảy là xả, y viễn ly, y vô dục, y diệt tận, thẳng đến xuất yếu; nếu không tư duy thì sanh bức rức, ưu sầu, còn có tư duy thì không sanh phiền não ưu sầu. Đó là lậu được đoạn trừ do tư duy.

“Tỳ-kheo nào nào do kiến mà đoạn trừ các lậu được đoạn trừ bởi kiến; do hộ mà đoạn trừ các lậu được đoạn trừ bởi hộ; do ly mà đoạn trừ các lậu được đoạn trừ bởi ly; do dụng mà đoạn trừ các lậu được đoạn trừ bởi dụng; do nhẫn mà đoạn trừ các lậu được đoạn trừ bởi nhẫn; do trừ mà đoạn trừ các lậu được đoạn trừ bởi trừ; do tư duy mà đoạn trừ các lậu được đoạn trừ bởi tư duy; đó gọi là Tỳ-kheo đã đoạn trừ tất cả lậu, đã giải trừ các kết phược, có thể bằng chánh trí mà diệt tận khổ biên”.

Đức Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành. [155]

 


 [1] Nguyên hán: du . Pl., thành cú tương đương: (…) viharati, trú tại.

 [2] Thắng lâm 勝林, rừng Kỳ đà. Pl.: Jetavana.

 [3] Tri pháp, tri nghĩa, tri thời, tri tiết, tri chúng, tri nhân thắng như 知法知義知時知莭知眾知人勝如. Pāli (A. iv. 113): dhammaññū ca hoti atthaññū ca attaññū ca mattaññū ca kālaññū ca parisaññū ca puggalaparoparaññū ca.

 [4]  Chánh kinh, ca vịnh, ký thuyết, kệ tha, nhân duyên, soạn lục, bản khởi, thử thuyết, sanh xứ, quảng giải, vị tằng hữu và thuyết nghĩa 正經, 歌詠, 記説, 偈他, 因縁, 撰録, 本起, 此說, 生處, 廣解, 未曾有, 說義. No 27: văn , ca , thuyêt , tụng , thí dụ 譬喻, bản khởi kỷ 本起紀, sự giải 事解, sanh truyện 生傅, quảng bác 廣博, tự nhiên 自然, hành , chương cú 章句. No 215(39.1): khế kinh 契經, kỳ-dạ 祇夜, kệ , nhân duyên 因緣, thí dụ 譬喻, bản mạt 本末, quang bác 廣演, phương đẳng 方等, vị tằng hữu 未曾有, quảng phổ 廣普, thọ quyết 授決, sanh kinh生經. Cả ba bảnđđều liệt kê mười hai bộ. Pāli (A. iv. 113) chỉ có chín: suttaṃ geyyaṃ veyyākaraṇaṃ gāthaṃ udānaṃ ittivuttakaṃ jātakaṃ abbhutadhammaṃ vedallaṃ.

 [5] Hán: hạ tướng, cao tướng, xả tướng 下相, 高相, 捨相. No 1536 (Đ tr.457b): tu chỉ tướng, tu cử tướng, tu xả tướng. No 27: thời tư duy tịch diệt tương, thời tư duy thọ hành tưởng, thời tư duy sân hộ tưởng. Pāli: ayaṃ kālo uḍessa, ayaṃ kālo paripucchāya, ayaṃ kālo yogassa, ayaṃ kālo paṭisallānassā ti. “Đây là thời để giảng thuyết; đây là thời để hỏi; đây là thời để tu tập, đây là thời để tĩnh chỉ’’. Trong bản Hán, đọc uddha(?) hay ucca (cao), thay vì uddesa (giảng giải).

 [6] Hán: tín, giới, văn, thí, tuệ, biện, a-hàm, sở đắc 信戒聞施慧辯阿舍所得. No 27: sửo tín, sở giới, sở văn, sở thie, sở tuệ, sở giải, sở chí, sở nhập 所信所戒所聞所施所慧所解所至
<lb n="0810a24"/>所入No 1536 (tr.457c): tín, giới, văn, xả, tuệ, giáo, chứng, niệm, tộc tánh, biện tài 信戒聞捨慧証念 族姓辯才. Pāli: saddha (tín), sīla (giới), suta (văn), cāga (thí xả), paññā (tuệ), paṭibhāna (biện tài). 

 [7] Nguyên bản: Phạm chí 梵志. Những nơi khác, từnày thường ịch từ tương đương Pāli: parribbājaka: phổ hành giả, ngoại đạo xuất gia. Nhưng đây chỉ Bà-la-môn.

 [8] No 27:  chúng quân tử 君子眾 (Sát-lị) hay chúng lý gia (cư sỹ) 理家眾.

 [9] Hán: tri nhân thắng như  知人勝如. No 125(39.1): tri chúng nhân căn nguyên 知眾人根 [01]. No 1536, đã dẫn: tri nhân thắng liệt 知人勝劣.

 [10] Nguyên hán: hướng pháp thứ pháp向法次法, tức pháp tùy pháp hành, tu tập theo pháp và tùy pháp, hay theo tùy pháp của pháp, theo thuận tự của pháp. Pl.: dhammānudhammapaṭipannna.

 [11] Hán: nhũ, lạc, sinh tô, thục tô, tô tinh 乳酪生酥熱酥酥精. Pāli: khīra (sữa), dadhi (sữa đông hay sữa chua), takka (bơ lỏng, ¼ nước ), navanīta (bơ đặc), sappi (dầu bơ hay bơ tinh, đề hồ). Bản Pāli tương đương không có thí dụ này.

 [12] Hán: trú độ thọ . Pāli: pārichattaka (Skt. pārijāta: viên sinh thọ 圓生樹. Cây san hô (Erythmia Indica) trên trời Đao-lị (Pl. Tāvatiṃsa), làm chuẩn để tính ngày; đồng hồ của trời Đao-lị. No.125 ( 39.2 ) mô tả: gốc cây lớn năm mươi do tuần, cao một trăm do tuần, bóng mát phủ bốn phía, mỗi phía năm mươi do tuần. Các Thiên thần cõi trời Tam Thập Tam Thiên, vào tiết tháng tư thường tụ tập đến đó thưởng ngoạn. No.28 cũng mô tả tương tự.

 [13] No.28: cây ấy tức sinh ra bán nổ-bá- la-xá 半努缽羅舍. Pāli: paṇḍupālasa: (lá cây) héo úa.

 [14] Hán: sinh võng 生網. Pāli: jālakajāta: nảy mầm chồi non. Bản Hán phân tích: jālaka: màng lưới + jāta: đã sinh. No. 28: bảo võng . phân tích: jālaka, lưới; + jāta = jātarūpa (?): vàng (hoàng kim).

 [15] Hán: điểu trác . Pāli: khāraka, chồi hay lộc.

 [16] No.28, hai giai đoạn: câu-châm-ma-la-ca 俱砧摩羅迦. Pāli: kuḍumalaka, nụ hoa vừa lú); và ca-ca-tả 迦迦寫. Pāli, koraka, nụ hoa).

 [17] Nguyên bản: do-tuần 由延 (Pl.: yojana); nhưng phổ thông quen với âm do-tuần.

 [18] Hán: hữu giác hữu quán有覺有觀. Pāli: sa vitakkaṃ savicāraṃ, câu hữu với tầm (suy tầm) và câu hữu với tứ (tư sát).

 [19] Hán: ly sanh hỷ lạc 離生喜樂. Pāli: vivekajaṃ pītisukhaṃ, hỷ và lạc phát sinh từ sự viễn ly (ẩn cư).

 [20] Hán: thành tựu du 成就遊. Pāli: upasampajja viharati, sau khi chứng nhập, vị ấy an trụ (sống trong trạng thái).

 [21] Hán: định sanh hỷ lạc 定生喜樂. Pāli: samādhijaṃ pītisukhaṃ.

 [22] Hán: ly ư hỷ dục, xả, vô cầu du 離於喜欲捨無求遊. Pāli: pītiyā ca virāgā ca uppekkako ca viharati: vị ấy sống (an trú) trong trạng thái xả, không còn hỷ.

 [23] Thánh sở thuyết Thánh sở xả 聖所說聖所捨. No 1537 (tr. 484b): Thánh nói là cần phải xả, tức là xả lạc được cảm giác bởi thân. Sớ giải Pāli: yaṃ taṃ ariyā ācikkhanti… kinti? upekkhako satimā sukhaviharati, điều mà các Thánh nói, đó là gì? an trú lạc có xả và (chánh) niệm.

 [24] Hán: xả niệm lạc trụ không 捨念樂住空, nên đọc đúng: (…) lạc trụ thất 樂住室, Pl. sukhaviharati. Từ tương đương Pl. viharati (vihāra, vihārī): an trú, cư ngụ. Danh từ của nó, Hán thường dịch là trụ; nhưng cũng có bản hán hiểu là đường hay thất (cái nhà) như (bốn) Phạm đường hay Phạm thất mà Pāli tương đương là brahma-vihāra, tức bốn Phạm trụ. Vây, owr đay hán dịch: lạc tru thất, chính xác cần hiểu là lạc trú hay an trú lạc.

 [25] Hán: xả niệm thanh tịnh . No 1537 (tr.485a): “Lúc bấy giờ, hoặc xả, hoặc niệm, thảy đều được thanh tịnh”. Pāli: upekkāsatiparisuddhiṃ.

 [26] Hán: bất cánh thọ hữu 不更受有

 [27] Hán: thất sự cụ túc 七事具足. Pāli: sattehi nagaraparikkārehi, với bảy tư cụ bảo vệ thành trì.

 [28] Hán: lâu lỗ . Pāli: esika, cột trụ bằng đá, thạch trụ.

 [29] Hán: thực . Pāli (A.iv. 105): āhāra. TNM: sự .

 [30] Hán: niêm đậu, đại tiểu đậu  黏豆大小豆.Pāli: tila-mugga-māsāparaṇaṃ, mè (vừng), đậu đỏ, và các loại đậu khác.

 [31] Bảy thiện pháp và bốn tăng thượng tâm 七善法四增上心. Pāli: satta-saḍhammā (bảy pháp vi diệu), và catu-jhāna-abhicetasikā (bốn Thiền tăng thượng tâm).

 [32] Hán: bất vị Ma vương chi sở đắc tiện 不為魔王之所得便. Pāli: akaraṇīyo marassa, không bị Ma vương chinh phục.

 [33] Hán: thâm trước Như Lai 深著如來. Pāli: saddahati Tathāgatassa bodhiṃ, tin tưởng sâu sắc sự giác ngộ của Như Lai.

 [34] Hán: tàm sỉ . Pāli: hirīmā.

 [35] Hán: tu quỷ . Pāli: ottappī.

 [36] Pāli: āraddha-viriya, nỗ lực tinh cần.

 [37] Pāli: anikkhittadhuro kusalesu dhammesu, không từ bỏ gánh nặng trong các thiện pháp.

 [38] Hán: cụ túc thanh tịnh, hiển hiện phạm hạnh 具足淸淨顯現梵行. Pāli, thành cú: kevalaparipuṇṇaṃ parisuddhaṃ brahmacariyaṃ abhivadanti, (các pháp ấy) tán thán phạm hạnh viên mãn và thanh tịnh.

 [39]Hán: quán hưng suy pháp 觀興衰法. Pāli: udayatthagātaminiyā paññāya samannāgato, thành tựu trí tuệ về sự sinh khởi và hoại diệt (của các pháp).

 [40] Hán: Thánh tuệ minh đạt phân biêt hiểu liễu 聖慧明達分別曉了. Pāli, thành cú: ariyā nibbedhikāya, bằng sự quyết trạch của Thánh, Thánh quyết trạch.

 [41] Hán: trú ngạn nhân 住岸人. Pāli: pārangato, đã qua bờ bên kia.

 [42] Hán: trụ ngạn phạm chí 住岸梵志. Pāli: pārangato thale tithati bramano, “người Bà-la-môn đã sang bờ bên kia, đứng trên đất liền”.

 [43] Hán: thường ngọa 常臥. Pāli: sakiṃ nimuggo nimuggo, một lần chìm là chìm luôn.

 [44] Hán: cực thọ thất hữu 極受七有.

 [45] Hán: đắc khổ biên tế . Pāli: dukkhass' antaṃ karoti, chấm dứt sự khổ.

 [46] Tức tham, sân, si. Pl., thành cú: rāgadosamohānaṃ tanuttā.

 [47] Hán: sanh thử gian 生於彼間, chỉ sinh lên các năm cõi trời Tịnh cư. Pl., thành cú: opapātiko hoti tattha parinibbāyī, “hóa sanh lên đó, và nhập Niết-bàn tại đó.”

 [48]Câu-tát-la 拘薩羅. Pāli: Kosala.

 [49] Hán: mộc tích “đống gỗ”. Pāli: aggikkhandhaṃ, đống lửa.

 [50] Hán: ni-sư-đàn 尼師檀 (Pāli: nisīdana): tọa cụ, khăn trải để ngồi.

 [51] Hán: công sư 工師, giai cấp thứ tư (thủ-đà-la hay phệ-xa, Pl.: vessa).

 [52] Hán: bất thiện bất nghĩa . tức bất hạnh và không đạt được mục đích gì.

 [53] Hán: bác (bộ thủ): đánh; có lẽ bộ nhục bắp tay. TNM: thuyễn : bắp chân. Pāli: jaṅghā: bắp chân.

 [54] Bản Hán, hết quyển 1.

 [55] Vô dư Niết-bàn 無餘涅槃; Pl. anupāda-parinibbāna, Niết-bàn không chấp thủ, được hiểu là Niết-bàn không sở y (appaccaya-nibāna).

 [56] Hán: ngã giả vô ngã, diệc vô ngã sở 我者無我亦無 我所 (…). Pāli (A. iv. 70): no cassa no ca me siyā,  na bhavissati na me bhavissati“nó đã không hiện hữu, và nó có thể không phải là của ta; nó sẽ không tồn tại và nó sẽ không phải là của ta.” Sớ giải (AA, iv. 38): no cassa, nó đã không tồn tại, nghĩa là, nếu nghiệp tác thành ngã thể trong quá khứ (atīte attabhāvanibbattakaṃ kammaṃ) đã không tồn tại; và no ca me siyā, thì ở đây, ngã thể này có thể không tồn tại.”

 [57] Hán: dĩ hữu tiện đoạn 已有便斷. Pāli: yadatthi yaṃ bhūtaṃ taṃ pahajāmi, “Với cái gì đang tồn tại, hiện hữu, ta đoạn trừ cái đó”. Sớ giải, ibid.: cái đang tồn tại, hiện hữu (yad atthi yaṃ bhūtaṃ), tức là năm uẩn hiện tại (paccupannakkhandhapañcakaṃ).

 [58] Hán: hữu lạc bất nhiễm, hiệp hội bất trước  有樂不染合會不著. Pāli: so bhave na rajjati, sambahave na rajjati, “vị ấy không đắm trước hữu (không hoan lạc trong cái đang hiện hữu), không đắm trước sinh (không hoan lạc trong cái đang xuất sinh)”.

 [59] Hán: vô thượng tức tích 無上息跡. Pāli: atthuttariṃ padaṃ santaṃ sammapaññāya passati, “bằng chánh trí, vị ấy thấy con đường tịch tĩnh dẫn đến mục đích tối thượng”.

 [60] Pāli: taṃ ca khvassa padaṃ na sabbena sabbaṃ sacchikataṃ hoti, “Nhưng không hoàn toàn thực chứng đạo lộ ấy”.

 [61] Hán: thiểu mạn vị tận 少慢未盡. Pāli: na sabbena sabbaṃ mānānusayo pahīno hoti, na sabbena sabbaṃ bhavarāgānusayo pahīno hoti, na sabbena sabbaṃ avijjānusayo pahīno hoti, “chưa hoàn toàn đoạn trừ mạn tùy miên; chưa hoàn toàn đoạn trừ hữu ái tùy miên; chưa hoàn toàn đoạn trừ vô minh tùy miên”.

 [62] Hán: ngũ hạ phần kiết 五下分結. Pāli: pañca orambhāgiya saṃyojana, 5 kết dẫn đến tái sah Dục giới.

 [63]Trung Bát-niết-bàn 中般涅槃. Pāli: antarāparinibbāyī.

 [64]  Ba ví dụ trên tương ứng với ba cấp Trung Bát-niết-bàn: tốc, phi tốc và kinh cửu (nhanh, không nhanh và lâu); xem Câu-xá 24 (tr.125a).

 [65]Sanh Bát-niết-bàn 生般涅槃. Pāli: upahaccaparinibbāyī, “tổn hại bát-niết-bàn”, nhập Niết-bàn do rút ngắn tuổi thọ sau khi sanh Sắc giới. Từ Pāli upahacca có nghĩa là “làm tổn hại”. Bản Hán, theo từ gốc Skt. là upapadya (Pāli: upapajja) có nghĩa là “sanh”.

 [66] Hành Bát-niết-bàn, hay Hữu hành Bát-niết-bàn 有行般涅槃. Pāli: sasaṃkhāraparinibbāyī..

 [67]Vô hành Bát-niết-bàn 無行般涅槃. Pāli: asaṃkhāraparinibbāyī. Pāli kể Vô hành trước Hữu hành. 

 [68]Thượng lưu A-ca-nị-trá Niết-bàn 上流阿迦膩涅槃 hay thượng lưu sắc cứu cánh Niết-bàn 上流色究竟涅槃. Pāli: uddhaṃsoto akaniṭṭhagāmin.

 [69]  Hán: tức tích diệt độ 息跡滅度.

 [70] Câu-xá-di 拘舍彌 (Kiều-thưởng-di) Pāli: Kosambī.

 [71] Cù-sa-la viên 瞿沙羅 khu vườn do Trưởng giả Cù-sa-la cúng dường Phật. Pāli: Ghositārāma.

 [72] Ma-ha Châu-na 摩訶周那 tên Tỳ-kheo. Pāli: Mahācunda.

 [73] Hán: yển tọa 宴坐 ngồi nghỉ ngơi một mình nơi thanh vắng và tập thiền; thiền tọa độc cư. Pāli: paṭisallāna.

 [74] Thi thiết 施設, từ tương đương Pḷ. paññatti, môt tả; hoặc paññāpeti, tuyên bố.

 [75] Hán: tộc tánh nam, tộc tánh nữ 族姓男族姓女 thiện gia nam tử/ nữ nhân, hoặc thiện nam tử, thiện nữ nhân, những người sinh vào một trong bốn giai cấp. Pl. kulaputta, kuladuhitā.

 [76] Hán: viên dân .

 [77] Đoạn này kể chung có bốn thứ: hai bữa ăn, người làm vườn, và chu cấp khi mưa gió.

 [78] Hằng-già , Hằng. Pāli: Gaṅgā.

 [79]  Đoạn này kể chung cả năm thứ: thăm viếng, lễ bái, cúng dường, thọ tam quy, thọ ngũ giới.

 [80]Ngũ hà lưu 五河流: Hằng-già 恒伽 (Pāli: Gaṅgā), Dao-vưu-na 揺尤那
(Pāli: Yamunā), Xá-lao-phu 舍勞浮, (Pāli: Sarabhū), A-di-la-bà-đề 阿夷羅婆提(Pāli: Aciravatī), Ma-xí 摩企 (Pāli: Mahī).

 [81] Tỳ-xá-li 鞞舍離; Pāli: Vesali. Thủ phủ của bộ tộc Licchava.

 [82] Nại thị thọ viên 柰氏樹園, vườn cây của họ Nại, tức vườn Xoài. Pāli: Ambapālivāna, do kỹ nữ Ambapāli cúng dường Phật.

 [83] Đây chỉ đại hạn vào lúc kiếp hoại.

 [84] Bản Pāli liệt kê bốn sông lớn: Gaṅgā, Yamunā, Aciravatī, Sarabhū.

 [85] Năm sông lớn, xem cht. 11, kinh số 8 trên.

 [86]Đa-la thọ 多羅樹. Pl.: tāla. Cùng loại cây thốt nốt hay cây cọ, dùng làm đơn vị đo chiều cao.

 [87] Trong bản: nhất nhân 一人, chép nhầm. TNM: thập nhân 十人.

 [88] Hoảng dục 晃昱. Các nơi khác: Quang âm thiên 光音天, Cực quang thiên 光天. Pāli: Ābhassarā.

 [89]Yên mặc 熛墨. TNM: yên diệm . No.30: Đốt đèn bằng dầu tô (bơ), cháy đến hết; đèn tắt, dầu cũng cạn sạch.

 [90] Thiện Nhãn . Pāli: Sunetta.

 [91] Pāli: satthā... titthakaro, vị Đạo sư thuộc ngoại đạo.

 [92] Pāli: kāmesu vītarāgo.

 [93] Phạm thế pháp 梵世法. Pāli: brahmalokasahavyatāya dhammaṃi, “pháp dẫn đến sự cộng trú nơi Phạm thiên giới”.

 [94]  Hán: Phạm thất  , tức là Phạm trụ 梵住, gồm bốn vô lượng tâm: từ, bi, hỷ và xả. Pāli: Brahmavihāra. Bản Hán hiểu vihāra là ngôi nhà, hay tinh xá, thay vì là sự an trụ.

 [95] Hán: tăng thượng từ . Pāli: uttari mettā, từ cao hơn.

 [96] Hán: mẫn thương thế gian vị thiên vị nhân cầu nghĩa lợi cập nhiêu ích, cầu an ổn khoái lạc 愍傷世間為天為人求義及饒益求安隱快樂. Pāli. thành cú: lokānukampāya atthāya hitāya sukhāya devanamanussānaṃ, vì mục đích thương tưởng thế gian, vì mục đích lợi ích và an lạc cho chư thiên và loài người. Bản hán hiểu attha là (ý) nghĩa, thay vì là sự lợi ích, hay mục đích.

 [97] Nguyên Hán: Minh Hành thành vi 明行成為. Pl.: vijjācaraṇasampanno, vị đã thành tưu đủ cả Minh (trí) và Hành (giới).

 [98] NguyênHán: Đạo Pháp Ngự 道法御, thường nói là “Điều Ngự Trượng Phu" 調御丈 . Pāli: purisadammasārathi. Ở đây, bản Hán đọc là dhamma (pháp: đạo pháp), thay vì dama (điều phục, huấn luyện) như thường biết. Hán dịch cũng để rơi mất từ purisa: con người. Phật là vị huấn luyện con người, và đánh xe đưa người qua sa nạc sanh tử nên gọi là “điều ngự trượng phu”. Bản Hán thiếu, cần bổ túc cho đủ nghĩa thường hiểu.

 [99] Nguyên Hán: Chúng Hựu 眾祐, Đấng phù hộ mọi loài. Thương biết với hiệu là Thế Tôn.  Pāli: Bhagavant.

 [100] Mãn Từ Tử 滿慈子 (Phú-lâu-na Di-đa-la-ni Tử).  Pāli: Puṇṇa Mantāṇiputta.

 [101] Hán: nhàn cư 閑居. Pāli: paviveka, (sống) độc cư, nhàn cư, ẩn dật.

 [102] Hán: tự khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ 自勸發渴仰成就歡喜. Pāli: ovādako viññāpako sandassako samādapako samuttejako sampahaṃsako: vị giáo giới, vị giáo thọ, vị khai thị, vị khích kệ (sách tấn), vị làm cho các đồng phạm hạnh hoan hỷ.

 [103] Nguyên bản: Xá-lợi-phất 舍梨子. Pāli: Sāriputta.

 [104] An-đà lâm 安陀林. Pāli: Andhavana.

 [105] Hán: giới tịnh cố 戒淨故. Pāli: sīlavisuddhattham: mục đích là sự thanh tịnh của giới đức.

 [106] Hán: tâm tịnh 心淨. Pāli: cittavisuddha.

 [107] Hán: kiến tịnh 見淨. Pāli: diṭṭhivisuddha.

 [108] Hán: nghi cái tịnh 疑蓋淨. Pāli: kaṅkhāvitaraṇavisuddha, độ nghi tịnh, trừ nghi tịnh: “thanh tịnh do vượt qua sự hoài nghi”. Bản Hán đọc là kaṅkhāvaraṇavisuddha, “thanh tịnh đối với sự bao trùm của hoài nghi”.

 [109] Hán: đạo phi đạo tri kiến tịnh 道非道知見淨. Pāli: maggāmaggañāṇa-dassanavisuḍha, thanh tịnh do thấy và biết về đạo và phi đạo.

 [110] Hán: đạo tích tri kiến tịnh 道跡知見淨. Pāli: paṭipadāñāṇadassanavisuddha, thanh tịnh do tri kiến về phương pháp hành trì (đạo tích).

 [111] Hán: đạo tích đoạn trí tịnh 道跡斷智淨, sự thanh tịnh do nhận thức toàn diện về đường lối hành trì. Pāli: ñāṇadassanavisuddha, thanh tịnh do tri kiến.

 [112] Hán: dĩ hà nghĩa 以何義. Pāli: kim attham, có mục đich gì?

 [113] Hán: Vô dư Niết-bàn 無餘涅槃. Pāli: anupādāparinibbāna, Niết-bàn không còn chấp thủ.

 [114] Hán: dĩ … cố , vì mục đích. Nhưng, theo bản Pāli (M. i. 148): kiṃ nu kho sīlavisuddhi anupādāparinibbānaṃ, phải chăng (Thế Tôn nói) sự giới tịnh là vô thủ trước Niết-bàn? Xem thêm cht, tiêp theo.

 [115]  So sánh bản Pāli: sīlavisuddhiñ ce āvuso Bhagavā anupādāparinibbānaṃ paññāpeyya, sa-upādānaṃ yeva samānaṃ anupādā parinibbānaṃ paññāpeyya, ... “Nếu Thế Tôn tuyên bố (thi thiết) giới thanh tịnh là Vô dư Niết-bàn thì Ngài cũng tuyên bố Vô dư Niết-bàn bình đẳng với Hữu dư...”

 [116] Tức ngoài những pháp đã kể: giới tịnh, cho đến, tri kiến tịnh.

 [117]  Nghĩa là, phàm phu không có giới tịnh, cho đến, tri kiến tịnh.

 [118] Sa-kê-đế 娑雞帝; các bản Hán đều viết Bà-kê-đế 婆雞帝. Nay theo âm Pāli tương đương sửa lại. Pāli: Sakēta, một thành phố ở phía Bắc Kosala.

 [119] Hán: phạm hạnh nhân 梵行人. Pāli: sabrahmacarī, đồng phạm hạnh, bạn đồng tu.

 [120] Hán: ngã hiệu 我號, bản Tống: ngã phụ hiệu 我父號, tên cha. Pāli: Puṇṇo... me... Nāmaṃ, tên tôi là Puṇṇa.

 [121] Hán: sở tác trí biện 所作智 .

 [122] Hán: cam lộ tràng . Pāli: amataketu (?); từ điển Pāli không có từ này.

 [123] Hán: cam lộ giới 甘露界, đồng nghĩa với Niết-bàn giới. Pāli: amatadhātu: bất tử giới

 [124] Ưu-ba-đề-xá 優波鞮舍. Pāli: Upatissa.

 [125] Xá-lê 舍梨. Pāli: Sāri.

 [126] Để bản: Thế Tôn đệ tử 世尊弟子. TNM: Thế Tôn đẳng đệ tử 世尊等弟子. Pāli: satthukappena vata kira bho sāvakena, (cùng với) vị đệ tử được xem là ngang hàng với Đạo Sư.

 [127]  Đệ nhị tôn 二尊. Nói như vậy, vì Ngài Xá-lợi-phất được kính trọng dưới Đức Phật chỉ một bậc.

 [128] Pháp tướng , vị tướng quân của Chánh pháp. Pāli: dhammasenapāti.

 [129] Hán: chuyển pháp luân phục chuyển đệ tử 轉法輪復轉弟子, nghĩa là hỗ trợ Phật chuyển pháp luân.

 [130] Câu-lâu-sấu 拘樓瘦, phiên âm tương đương Pāli: Kurusu, giữa những người (nước) Kuru. Nhưng, Pāli, M.2: Sāvatthiyaṃ viharati Jetavane..., trú ở Xá-vệ, trong rừng Jeta... No.125 (40.6) cũng vậy, Xá-vệ Kỳ thọ Cấp Cô Độc viên. No.31, Phật tại Câu-lưu, Tu hội pháp nghị tư duy.

 [131] Kiếm-ma-sắt-đàm Câu-lâu đô ấp 劍磨瑟曇拘樓都邑. Pāli: Kammāsadhamma, thủ phủ của những người Kurū.

 [132] No 31: lưu .

 [133] Chánh tư duy bất chánh tư duy 正思惟不 思惟. No.31. Bổn quán, phi bổn quán 本觀 非本觀, suy niệm đúng đắn và suy niệm không đứng đắn. Pāli: yoniso ca manasikāraṃ ayoniso ca manasikāraṃ, có như lý tác ý và không như lý tác ý (hý luận có phương pháp và không có phương pháp).

 [134] Hán: bất điều ngự Thánh pháp 不調御聖法, nghĩa là, không được huấn luyện, hay điều phục theo Thánh pháp. Pl.: ariyadhamme avinīto.

 [135] Lậu tùng kiến đoạn 漏從見斷. Pāli: āsavā dassanā pahātabbā.

 [136] Pāli (M. i. 7): ahosiṃ nu kho ahaṃ atītam addhānaṃ, “Ta đã hiện hữu trong đời qua khứ chăng?”

 [137] Hán: tự nghi 自疑, ở đây, hoài nghi về sự hiện hữu của mình trong đời hiện tại. Pāli: paccupānnaṃ addhānaṃ kathaṃkathī hoti.

 [138] Hán: kỷ thân hà vị thị, vân hà thị 己身何謂是云何是. Pāli: kin nu kho ‘smi, kathan nu kho ‘smi, “Tại sao ta hiện hữu? Ta hiện hữu như thế nào?”

 [139] Hán: chân hữu thần 真有神, tự ngã được biết như là linh hồn hay thần hồn. Pāli: atthi me attā ti, “Ta có tự ngã”.

 [140] Thần kiến thần 神見神. No.31: Tự kế thân thân kiến 自計身身見. Pāli: attanā va attānaṃ saṃjānāmīti, “do tự mình, tôi biết có tự ngã”.

 [141] Hán: thần kiến phi thần 神見非神. Pāli: attanā va anattānaṃ saṃjānāmīti, “Không do tự mình, tôi biết có tự ngã.”

 [142]  Hán: định vô sở tùng lai..., 定無所從來. Pāli: so kho pana me ayaṃ attā nicco dhuvo sassato avipariṇāmadhammo sassatisamaṃ tath’eva ṭhassatīti, “Tự ngã của ta ấy thường trụ, kiên cố, vĩnh hằng, không biến dịch, tồn tại vĩnh cửu”.

 [143] Hán: kiến chi tệ 見之弊... Pl. ibid.: idaṃ vuccati... diṭṭhigataṃ diṭṭthigahanaṃ diṭṭhikantāraṃ diṭṭhivisūkaṃ diṭṭhivipphanditaṃ diṭṭhisaṃyojanaṃ, “Đó được gọi là sở hành của tà kiến, rừng rậm của tà kiến, đường hiểm của tà kiến, tranh chấp của tà kiến, sự náo động của tà kiến, sự trói buộc của tà kiến”.

 [144] Hán: lậu tùng hộ đoạn 漏從護斷. Pāli: āsavā saṃvarā pahātabbā, các lậu được đoạn trừ do phòng hộ (luật nghi).

 [145] Hán: lậu tùng ly đoạn 漏從離斷. Pāli: āsavā parivajjanā pahātabbā, các lậu được đoạn trừ do bởi sự xả ly (tránh xa).

 [146] Nghĩa là, tránh xa những Tỳ-kheo nào giao du bạn xấu, v.v..., khiến các bạn đồng tu phải nghi ngờ lây cả mình.

 [147] Hán: lậu tùng dụng đoạn 漏從用斷. Pāli: āsavā paṭisevanā pahātabbā, các lậu được đoạn trừ do thọ dụng.

 [148] Hán: lậu tùng nhẫn đoạn 漏從忍斷. Pāli: āsavā adhivāsanā pahātabbā, các lậu được đoạn trừ do sức chịu đựng.

 [149] Hán: thường hữu khởi tưởng 常有起想, luôn luôn có ý tưởng tỉnh thức, không ham ngủ nghỉ.

 [150] Hán: lậu tùng trừ đoạn 漏從除斷. Pāli: āsavā vinodā pahātabbā, lậu đoạn trừ do loại bỏ, trừ khử.

 [151] Nguyên hán: dục niệm 欲念, (nhuế niệm 恚念, hại niệm 害念). Đây chỉ ba bất thiện tầm: dục tầm, sân (nhuế) tầm, hại tầm. Xem No 1(9), kinh “Chúng tâp’. Pl.: kāmavitakkaṃ, vyāpādavitakkaṃ, vihimsāvitakkaṃ.

 [152] Hán: lậu tùng tư duy đoạn 漏從思惟斷. Pāli: āsavā bhāvanā pahātabbā, các lậu được đoạn trừ do tu tập.

 [153] Hán: y ly, y vô dục, y ư diệt tận, thú chí xuất yếu 依離依無欲依於滅盡趣至出要. Pl. thành cú: vivekanissitaṃ virāganissitaṃ nirodhanissitaṃ vossaggapariṇāmiṃ, y viễn ly, y ly dục, y diệt tận, hướng đến xả ly .

 [154] Hán: tức , sự nghỉ ngơi; nhưng thường nói là khinh an. Pāli: passaddhi.

 [155] Bản hán, hết quyển 2.

Phẩm 2: Tương ưng nghiệp

PHẨM 2:
TƯƠNG ƯNG NGHIỆP

TỤNG NGÀY THỨ NHẤT 

鹽喻和破度

羅云思伽藍

伽彌尼師子

尼乾波羅牢

 Kệ tóm tắt:

Diêm dụ, Hòa-phá, Độ,

La-hầu-la, Tư, Già-lam,

Già-di-ni, Sư tử,

Ni-kiền, Ba-la-lao.

11. KINH DIÊM DỤ

 [433a13] Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm Lâm lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo rằng:

“Nếu con người tạo nghiệp như thế nào, nó lãnh thọ nghiếp ấy như thế [1]; như vậy không có sự thực hành phạm hạnh, không thể diệt tận khổ. Nếu nói như vậy: ‘Nếu con người tạo nghiệp như thế nào, nó lãnh thọ quả báo của nó như thế [2]’; như vậy, có sự tu hành phạm hạnh, có được dự diệt tận được khổ.

(1.a) “Vì sao như vậy? Giả sử có người tạo nghiệp bất thiện, tất phải thọ quả khổ là quả báo của địa ngục [3]. Thế nào là người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả khổ là quả báo của địa ngục? Ở đây, nếu có người không tu thân, không tu giới, không tu tâm, không tu tuệ, thọ mạng rất ngắn [4]; người ấy tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả khổ là quả báo của địa ngục.

“Ví như có người đem một lạng muối bỏ vào một chút nước, muốn làm cho nước mặn không thể uống được, các ngươi nghĩ sao, một lạng muối đó có thể làm cho một ít nước mặn đi không thể uống được chăng?”

Đáp rằng:

“Đúng như vậy, bạch Thế Tôn, vì sao thế? Vì muối nhiều, nước ít, nên có thể làm cho mặn đi không thể uống được”.

“Cũng vậy, nếu có người tạo nghiệp bất thiện, tất phải thọ quả khổ là quả báo của địa ngục.

“Thế nào là có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả khổ là quả báo của địa ngục? Ở đây, có một người không tu thân, không tu giới, không tu tâm, không tu tuệ, thọ mạng rất ngắn; người ấy tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả khổ là quả báo của địa ngục.

(1.b) “Lại nữa, có [433b] người tạo nghiệp bất thiện [5], tất phải thọ quả khổ là quả báo trong đời hiện tại. Thế nào là có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả khổ là quả báo trong đời hiện tại? Ở đây, có một người tu thân, tu giới, tu tâm, tu tuệ, thọ mạng rất dài [6]; người ấy tạo nghiệp bất thiện, tất phải thọ quả khổ là quả báo trong đời hiện tại.

“Cũng như có người đem một lạng muối bỏ vào sông Hằng, muốn làm cho nước mặn không thể uống được. Các ngươi nghĩ sao? Một lạng muối đó, lại có thể làm cho nước sông Hằng mặn không thể uống được chăng?

Đáp rằng:

“Không thể được, bạch Thế Tôn, vì sao vậy? Vì nước sông Hằng rất nhiều mà một lạng muối thì quá ít, do đó không thể làm mặn đi đến không uống được”.

“Cũng vậy, có người tạo nghiệp bất thiện, tất phải thọ quả khổ là quả báo trong đời hiện tại. Thế nào là có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả khổ là quả báo trong đời hiện tại? Ở đây, có một người tu thân, tu giới, tu tâm, tu tuệ, thọ mạng rất dài; người ấy tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả khổ là quả báo trong đời hiện tại.

(2.a) “Lại nữa, có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả khổ là quả báo trong địa ngục. Thế nào là có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả khổ là quả báo trong địa ngục? Ở đây, có một người không tu thân, không tu giới, không tu tâm, không tu tuệ, thọ mạng rất ngắn; người ấy tạo nghiệp tất phải thọ quả khổ là quả báo trong địa ngục.

“Ví như một người đoạt lấy con dê của người khác. Thế nào là một người đoạt lấy con dê của người khác? Ở đây, người đoạt dê ấy, hoặc vua, hoặc quan,  là người có nhiều uy thế. Người chủ dê kia thì nghèo hèn, không thế lực. Người này vì không thế lực nên van lơn đủ thứ, chắp tay cầu xin, nói như thế này: ‘Thưa Tôn giả, xin ngài trả lại dê cho tôi. Hoặc trả tôi đúng giá tiền’. Như người đoạt dê của kẻ khác là như vậy. Cũng vậy, có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả khổ là quả báo trong địa ngục. Thế nào là có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả khổ là quả báo trong địa ngục? Ở đây, có một người không tu thân, không tu giới, không tu tâm, không tu tuệ, thọ mạng rất dài; người ấy tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả khổ là quả báo trong địa ngục.

(2.b) “Lại nữa, có người tạo nghiệp bất thiện, tất phải thọ quả khổ là quả báo ngay trong đời hiện tại. Thế nào là có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả khổ là quả báo trong đời hiện tại? Ở đây, có một người tu thân, tu giới, tu tâm, tu tuệ, thọ mạng rất dài. Đó là có người tạo nghiệp bất thiện, tất phải thọ quả khổ là quả báo trong đời hiện tại.

“Cũng như có [433c] tuy người trộm được dê của kẻ khác, nhưng chủ dê đoạt lại. Thế nào là như người trộm được dê của kẻ khác, nhưng chủ dê đoạt lại? Ở đây, người trộm dê kia nghèo hèn, không thế lực; còn người chủ dê kia hoặc vua, hay quan, có rất nhiều uy lực. Vì có nhiều uy lực nên bắt trói người lấy trộm và đoạt lại dê. Đó là có người dù trộm được dê của kẻ khác, nhưng bị chủ đoạt trở lại. Cũng vậy, có người tạo nghiệp bất thiện, chắc chắn phải thọ quả khổ là quả báo trong đời hiện tại báo. Thế nào là có người tạo nghiệp bất thiện, tất phải thọ quả khổ là quả báo trong đời hiện tại? Ở đây, có một người tu thân, tu giới, tu tâm, tu tuệ, thọ mạng rất dài; người ấy tạo nghiệp bất thiện, tất thọ quả khổ là quả báo trong đời hiện tại.

(3.a) “Lại nữa, có người tạo nghiệp bất thiện, tất phải thọ khổ là quả báo trong địa ngục. Thế nào là có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả khổ là quả báo trong địa ngục? Nghĩa là, có một người không tu thân, không tu giới, không tu tâm, không tu tuệ, thọ mạng rất ngắn. Đó là có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả khổ là quả báo trong địa ngục. Cũng như có người nợ kẻ khác năm tiền, bị chủ bắt trói; cho đến chỉ nợ một tiền cũng như bị chủ nợ bắt trói. Thế nào là có người nợ kẻ khác năm tiền, bị chủ nợ bắt trói; cho đến chỉ nợ một tiền cũng bị chủ nợ bắt trói? Đó là, người mắc nợ kia nghèo, không có thế lực. Người kia vì nghèo và không có thế lực nên nợ kẻ khác năm tiền liền bị chủ nợ bắt trói; cho đến chỉ nợ một tiền cũng bị chủ nợ bắt trói. Cũng vậy, có người tạo nghiệp bất thiện phải thọ quả khổ là quả báo trong địa ngục. Thế nào là có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả khổ là quả báo trong địa ngục? Ở đây, có một người không tu thân, không tu giới, không tu tâm, không tu tuệ, thọ mạng rất ngắn; người ấy tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả khổ là quả báo trong địa ngục.

(3.b) “Lại nữa, có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả khổ là quả báo trong đời hiện tại. Thế nào là có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả khổ là quả báo trong đời hiện tại? Ở đây, có một người tu thân, tu giới, tu tâm, tu tuệ, thọ mạng rất dài; người ấy tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả khổ là quả báo trong đời hiện tại.

“Cũng như có người dù mắc nợ một trăm tiền nhưng không bị chủ nợ bắt trói; cho đến nợ ngàn vạn tiền cũng không [434a] bị chủ nợ bắt trói? Nghĩa là người mắc nợ có vô lượng tài sản và thế lực rất lớn. Người ấy nhờ vậy dù mắc nợ trăm ngàn tiền vẫn không bị chủ nợ bắt trói. Đó là người mặc dù mắc nợ trăm tiền vẫn không bị chủ nợ bắt trói, cho đến nợ ngàn vạn tiền cũng không bị chủ nợ bắt trói. Cũng vậy, có người tạo nghiệp bất thiện, tất phải thọ quả khổ là quả báo trong đời hiện tại. Thế nào là có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả khổ là quả báo trong đời hiện tại? Nghĩa là, có một người tu thân, tu giới, tu tâm, tu tuệ, thọ mạng rất dài; người ấy tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả khổ là quả báo trong đời hiện tại. Người ấy ở trong đời hiện tại giả sử có thọ báo của thiện hay ác nhưng chỉ nhẹ nhàng, chút ít thôi”.

Phật thuyết giảng như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

12. KINH HÒA-PHÁ

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại Thích-ki-sấu [7] nước Ca-duy-la-vệ [8], trong vườn Ni-câu-loại [9].

Bấy giờ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên [10] cùng với đại chúng Tỳ-kheo, sau giờ ăn trưa [11], do có việc nên tập họp ngồi tại giảng đường. Lúc bấy giờ Ni-kiền [12] có một người đệ tử thuộc dòng họ Thích tên Hòa-phá [13], sau giờ ăn trưa, thong thả đi đến chỗ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên; cùng chào hỏi nhau rồi ngồi sang một bên.

Bấy giờ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên hỏi sự việc như thế này:

“Này Hòa-phá, ý ông nghĩ sao? Giả sử có Tỳ-kheo thủ hộ thân, miệng, ý; ông thấy có trường hợp nào vị ấy nhân đó [14] mà vị ấy sanh khởi lậu bất thiện dẫn đến đời sau chăng [15]?”

Hòa-phá trả lời rằng:

“Này Đại Mục-kiền-liên, giả sử có vị Tỳ-kheo thủ hộ thân, miệng, ý; tôi thấy rằng có trường hợp nhân đó mà vị ấy sanh khởi lậu bất thiện dẫn đến đời sau. Này Đại Mục-kiền-liên, giả sử có ai ở đời trước đã làm các hành vi bất thiện, người ấy nhân đó mà sanh khởi lậu bất thiện dẫn đến đời sau [16]”.

Lúc đó [17] Đức Thế Tôn đang tĩnh tọa ở chỗ vắng vẻ; bằng thiên nhĩ thanh tịnh siêu việt loài người, nghe Tôn giả Đại Mục-kiền-liên và Thích Hòa-phá đệ tử của Ni-kiền cùng bàn luận như thế.

Đức Thế Tôn nghe xong, vào lúc xế chiều, rời chỗ tĩnh tọa, đi đến giảng đường, trải chỗ và ngồi trước chúng Tỳ-kheo. Sau khi ngồi, [434b]Đức Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Đại Mục-kiền-liên, vừa rồi ông cùng đệ tử của Ni-kiền Thích Hòa-phá bàn luận về việc gì? Lại có việc gì mà tập họp ngồi tại giảng đường?”

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, hôm nay con cùng với đại chúng Tỳ-kheo sau giờ ăn trưa, vì có việc nên tập họp ngồi tại giảng đường. Lúc bấy giờ đệ tử Ni-kiền là Thích Hòa-phá này, sau giờ ăn trưa, thong thả đi đến chỗ con; cùng chào hỏi nhau rồi ngồi sang một bên. Con hỏi như vầy: ‘Này Hòa-phá, ý ông nghĩ sao? Giả sử có Tỳ-kheo thủ hộ thân, miệng, ý; ông thấy vị ấy có trường hợp nào nhân đó mà sanh khởi lậu bất thiện dẫn đến đời sau chăng?’ Hòa-phá trả lời con rằng: ‘Này Đại Mục-kiền-liên, giả sử có Tỳ-kheo thủ hộ thân, miệng, ý; tôi thấy rằng có trường hợp nhân đó mà sanh khởi lậu bất thiện dẫn đến đời sau. Này Đại Mục-kiền-liên, giả sử có ai ở đời trước làm hành vi bất thiện, người ấy nhân đó mà sanh khởi lậu bất thiện dẫn đến đời sau’. Bạch Thế Tôn, vừa rồi con cùng Thích Hòa-phá đệ tử Ni-kiền bàn luận như vậy. Vì việc đó mà ngồi tập họp tại giảng đường”.

Lúc đó Thế Tôn nói với Thích Hòa-phá, đệ tử của Ni-kiền, rằng:

“Nếu những gì Ta nói là đúng, ông trả lời là đúng; nếu không đúng ông nên trả lời là không đúng. Ông có điều gì nghi ngờ thì nên hỏi Ta như vầy: ‘Sa-môn Cù-đàm, cái này có sự gì? Cái này có ý nghĩa gì?’ Tùy những điều Ta nói mà ông có thể tiếp nhận được thì Ta với ông có thể bàn luận điều ấy”.

Hòa-phá trả lời rằng:

“Sa-môn Cù-đàm, nếu điều Ngài nói là đúng, tôi sẽ nói là đúng. Nếu không đúng tôi sẽ nói là không đúng. Nếu có điều nào nghi ngờ tôi sẽ hỏi Cù-đàm: ‘Thưa Cù-đàm, điều này có sự gì? Điều này có nghĩa gì?’ Tùy theo những điều Sa-môn Cù-đàm nói, tôi tiếp nhận. Vậy, Sa-môn Cù-đàm hãy cùng tôi bàn luận việc ấy”.

Đức Thế Tôn hỏi rằng:

“Ý Hòa-phá nghĩ sao? Giả sử có Tỳ-kheo sanh khởi thân hành bất thiện, là các lậu khiến bức rức, ưu sầu [18]. Vị ấy sau đó thân hành bất thiện được diệt trừ, không tạo thêm những nghiệp mới, xả bỏ nghiệp cũ, tức thời ngay trong hiện tại liền đạt đến cứu cánh, không còn bị nóng bức, bền vững không biến đổi, [19] tức điều được nói là được thấy bởi Thánh tuệ, được biết bởi Thánh tuệ. [20]

“Nếu thân hành bất thiện, khẩu hành bất thiện, ý hành bất thiện, do vô minh hành mà sanh lậu, nóng bức và ưu sầu [21], người ấy sau đó diệt trừ vô minh hành bất thiện, không tạo thêm những nghiệp mới, xả bỏ nghiệp cũ, ngay trong hiện tại này liền chứng được cứu cánh, không còn nóng bức, thường trụ không đổi, tức điều được nói là được thấy bởi Thánh tuệ, được biết bởi Thánh tuệ. Thế nào, này Hòa-phá, [434c] Tỳ-kheo thủ hộ thân, miệng, ý như vậy, trong trường hợp này ông có thấy vị ấy  nhân đó mà sanh khởi lậu bất thiện dẫn đến đời sau chăng?”

Hòa-phá trả lời rằng:

“Thưa Cù-đàm, giả sử có vị Tỳ-kheo thủ hộ thân, miệng, ý như vậy, trong trường hợp này tôi không thấy vị ấy do đó mà sanh khởi lậu bất thiện dẫn đến đời sau”.

Đức Thế Tôn khen rằng:

“Lành thay, Hòa-phá! Thế nào, này Hòa-phá, Tỳ-kheo nào mà vô minh đã dứt hết, minh đã sanh khởi; vị ấy, vô minh đã dứt hết, minh đã sanh khởi, khi cảm giác về thân tối hậu [22] sanh khởi thì biết là cảm giác về thân tối hậu sanh khởi; khi cảm giác về mạng tối hậu [23] sanh khởi thì biết là cảm giác về mạng tối hậu sanh khởi. Khi thân hoại mạng chung, tuổi thọ đã kết thúc, ngay trong đời này, tất cả mọi cảm giác đã ngưng bặt, tự thân mình biết sẽ đi đến chỗ lãnh đạm hoàn toàn [24].

“Này Hòa-phá, cũng như nhân cây mà có bóng. Giả sử có người mang búa thật bén đến chặt đứt rễ cây, chặt nát ra thành nhiều khúc, phá làm mười phần, hoặc trăm phần, đốt cháy thành tro, rồi hoặc để gió thổi bay đi, hoặc mang bỏ vào trong nước. Ý Hòa-phá nghĩ sao? Bóng nhân cây mà có; bóng ấy do đó mà mất hẳn cái nhân của nó, nên tuyệt diệt không còn sanh nữa chăng?”

Hòa-phá trả lời rằng:

“Đúng như thế, thưa Cù-đàm”.

“Này Hòa-phá, nên biết vị Tỳ-kheo kia lại cũng như vậy. Vô minh đã dứt hết, minh đã sanh khởi. Vị kia, vô minh đã dứt hết, minh đã sanh khởi, khi cảm giác về thân tối hậu sanh khởi thì vi ấy biết là cảm giác về thân tối hậu sanh khởi; khi cảm giác về mạng tối hậu sanh khởi thì vị ấy biết là cảm giác về mạng tối hậu sanh khởi. Khi thân hoại mạng chung, tuổi thọ đã kết thúc, ngay trong đời này, tất cả mọi cảm giác đã ngưng bặt, tự thân mình biết sẽ đi đến chỗ lãnh đạm hoàn toàn. Này Hòa-phá, vị Tỳ-kheo với tâm giải thoát chơn chánh như vậy, liền được sáu hằng trụ [25]. Sáu trụ xứ đó là gì? Này Hòa-phá, Tỳ-kheo mắt thấy sắc mà không hỷ, không ưu, an trú xả [26], chánh niệm, chánh trí. Này Hòa-phá, vị Tỳ-kheo chánh tâm giải thoát như vậy, đó gọi là được hằng trú thứ nhất. Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân, ý biết pháp mà không hỷ không ưu, xả cầu, vô vi, chánh niệm, chánh trí. Này Hòa-phá, vị Tỳ-kheo chánh tâm giải thoát như vậy, đó gọi là được hằng trụ thứ sáu.

Hòa-phá bạch rằng:

“Đúng như vậy, thưa Sa-môn Cù-đàm!”

“Đa văn Thánh đệ tử chánh tâm giải thoát như vậy, được sáu hằng trụ. Sáu hằng trụ là những gì?”

“Thưa Cù-đàm, Đa văn Thánh đệ tử khi mắt thấy sắc, không hỷ, không ưu, an trú xả, chánh niệm, chánh trí”.

“Này Hòa-phá, Tỳ-kheo với tâm giải thoát chơn chánh như vậy, được nói là đạt được hằng trụ thứ nhất. Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân, ý biết pháp mà không hỷ, không ưu, an trú xả, chánh niệm, chánh trí. Này Hòa-phá, Tỳ-kheo với tâm giải thoát chơn chánh như vậy được nói là đạt được hằng trụ thứ sáu. Này Hòa-phá, Tỳ-kheo với tâm giải thoát chơn chánh như vậy, được sáu hằng trú này”.

Hòa-phá bạch rằng:

“Đúng như thế, thưa Cù-đàm, Đa văn Thánh đệ tử với tâm giải thoát chơn chánh như vậy, được sáu hằng trú. Thưa Cù-đàm, Đa văn Thánh đệ tử khi mắt thấy sắc, không hỷ, không ưu, an trú xả, chánh niệm, chánh trí. Thưa Cù-đàm, Đa văn Thánh đệ tử với tâm giải thoát chơn chánh như vậy, được nói là đạt được hằng trụ thứ nhất. Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân, ý [435a] biết pháp mà không hỷ, không ưu, an trú xả, chánh niệm, chánh trí. Thưa Cù-đàm, Đa văn Thánh đệ tử với tâm giải thoát chơn chánh như vậy được nói là đạt được hằng trụ thứ sáu. Như vậy, Thưa Cù-đàm, Đa văn Thánh đệ tử với tâm giải thoát chơn chánh như vậy, được sáu hằng trụ này”.

Rồi thì, Hòa-phá bạch Thế Tôn rằng:

“Bạch đức Cù-đàm, con đã biết. Bạch Đức Thiện Thệ, con đã hiểu. Bạch Đức Cù-đàm, cũng như người có mắt sáng, cái gì bị úp thì lật lên; cái gì bị che đậy thì giở ra; đối với người mê thì chỉ đường cho; trong tối tăm thì cho ánh sáng để ai có mắt thì thấy ánh sáng màu sắc. Sa-môn Cù-đàm cũng giống như vậy, vì con mà dùng vô lượng phương tiện thuyết pháp và hiển hiện nghĩa lý, theo đạo thậm thâm [27].

“Bạch Thế Tôn, hôm nay con xin tự quy y với Phật, Pháp và Chúng Tỳ-kheo, cúi nguyện Thế Tôn nhận cho con làm Ưu-bà-tắc; kể từ hôm nay trọn đời xin tự quy y, cho đến mạng chung.

“Bạch Thế Tôn, cũng như người nuôi con ngựa dở mà mong có lợi ích. Bạch Thế Tôn, con cũng như vậy. Con vì không hiểu rõ tường tận, không thể giải biết, không biết được ruộng tốt, không suy xét mà cung kính, lễ bái, phụng sự Ni-kiền Tử ngu si kia trong một thời gian dài, mong được lợi ích, nhưng chỉ luống nhọc khổ, vô ích. Bạch Thế Tôn, con nay lần nữa xin tự quy y Phật, Pháp và Chúng Tỳ-kheo, cúi nguyện Thế Tôn nhận cho con làm Ưu-bà-tắc; kể từ hôm nay, trọn đời xin tự quy y, cho đến mạng chung.

“Bạch Thế Tôn, con trước đây do không biết nên đối với Ni-kiền ngu si kia mà có tín, có kính, từ nay dứt hẳn. Vì sao thế? Vì phỉnh gạt con vậy. Bạch Thế Tôn, nay lần thứ ba xin tự quy y với Phật, Pháp và Chúng Tỳ-kheo, cúi nguyện Thế Tôn nhận lời cho con làm Ưu-bà-tắc; hôm nay, trọn đời xin tự quy y, cho đến khi mạng chung”.

Phật thuyết như vậy. Thích Hòa-phá và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

13. KINH ĐỘ

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại nước Xá-vệ, ở tại Thắng Lâm lâm trong vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

(i) “Có ba độ xứ, [28] khác chủng tánh, khác danh xưng, khác tông chỉ, khác học thuyết, mà dù cho người có trí tuệ khéo nhận lãnh, khéo ghi nhớ [29] để nói cho người khác [30], nhưng cũng không thu hoạch được lợi ích [31].

“Những gì là ba? Hoặc có Sa-môn, Bà-la-môn thấy như vậy, nói như vậy: Tất cả hành vi của con người đều nhân túc mạng định sẵn [32].

“Lại [435b] có Sa-môn, Bà-la-môn thấy như vậy, nói như vậy: Tất cả hành vi của con người đều do Đấng Tôn Hựu [33] định sẵn.

“Lại có Sa-môn, Bà-la-môn thấy như vậy, nói như vậy: Tất cả hành vi của con người đều vô nhân, vô duyên [34].

(i. ) “Ở trong đây, nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào thấy như vầy, nói như vầy: ‘Tất cả hành vi của con người đều nhân túc mạng định đoạt’, Ta liền đến nơi người kia và hỏi: ‘Này Hiền giả, có thật Hiền giả thấy như vầy, nói như vầy: Tất cả hành vi của con người đều nhân túc mạng định đoạt chăng? Người kia trả lời rằng: ‘Thật vậy’. Ta lại nói với người kia rằng: ‘Nếu quả thật như vậy, các Hiền giả đều là những kẻ sát sanh cả. Vì sao thế? Bởi vì tất cả đều nhân túc mạng định đoạt sẵn [35]. Cũng vậy, Chư Hiền là những kẻ trộm cắp, tà dâm, nói láo cho đến tà kiến. Tại sao thế? Bởi vì tất cả đều nhân túc mạng định đoạt sẵn. Này Chư Hiền, đối với kiến chấp rằng: Tất cả đều nhân túc mạng định đoạt sẵn, mà cho là như thật, như là lõi chắc bên trong [36], những điều nên hay không nên làm, hoàn toàn không có ý dục, không có phương tiện [37]. Này Chư Hiền, nếu đối với điều nên làm và không nên làm mà không biết đúng như thật thì sẽ mất chánh niệm, không có chánh trí [38], thì không có cách nào giáo hóa đúng theo pháp của Sa-môn được [39]’. Nói như vậy mới có thể dùng lý để khuất phục các Sa-môn, Bà-la-môn kia.

(i.2) “Ở đây, nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào, thấy như vầy, nói như vầy: ‘Tất cả hành vi đều nhân Đấng Thiên Hựu định đoạt’. Ta liền đi đến chỗ người kia, và hỏi: ‘Này Hiền giả, có thật Hiền giả thấy như vầy, nói như vầy: Tất cả hành vi của con người đều nhân Thiên Hựu định đoạt chăng? Người kia trả lời rằng: ‘Thật vậy’. Ta lại nói với người kia rằng: ‘Nếu quả thật như vậy, các Hiền giả đều là những kẻ sát sanh cả. Vì sao thế? Bởi vì tất cả đều nhân Thiên Hựu định đoạt sẵn. Cũng vậy, Chư Hiền là những kẻ trộm cắp, tà dâm, nói láo cho đến tà kiến. Tại sao thế? Bởi vì tất cả đều nhân Thiên Hựu định đoạt sẵn. Này Chư Hiền, đối với kiến chấp rằng: Tất cả đều nhân Thiên Hựu định đoạt sẵn, mà cho là như thật, như là lõi chắc bên trong, những điều nên hay không nên làm, hoàn toàn không có ý dục, không có phương tiện. Này Chư Hiền, nếu đối với điều nên làm và không nên làm mà không biết đúng như thật thì sẽ mất chánh niệm, không có chánh trí, không có cách nào giáo hóa đúng theo pháp của Sa-môn được’. Nói như vậy mới có thể dùng lý để khuất phục các Sa-môn, Bà-la-môn kia.

(i.3) “Ở đây, nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào thấy như vầy, nói như vầy: ‘Tất cả hành vi của con người đều vô nhân vô duyên’. Ta liền đi đến chỗ người kia, đến rồi liền hỏi: ‘Này Hiền giả, có thật Hiền giả thấy như vầy, nói như vầy: Tất cả hành vi của con người [435c] đều vô nhân vô duyên? Người kia trả lời rằng: ‘Thật vậy’. Ta lại nói với người kia rằng: ‘Nếu quả thật như vậy, các Hiền giả đều là những kẻ sát sanh cả. Vì sao thế? Bởi vì tất cả đều vô nhân vô duyên. Cũng vậy, Chư Hiền là những kẻ trộm cắp, tà dâm, nói láo cho đến tà kiến. Tại sao thế? Bởi vì tất cả đều vô nhân vô duyên. Này Chư Hiền, đối với kiến chấp rằng: Tất cả đều vô nhân vô duyên, mà cho là như thật, như là lõi chắc bên trong, những điều nên hay không nên làm, hoàn toàn không có ý dục, không có phương tiện. Này Chư Hiền, nếu đối với điều nên làm và không nên làm mà không biết đúng như thật thì sẽ mất chánh niệm, không có chánh trí, thì không có cách nào giáo hóa đúng theo pháp của Sa-môn được’. Nói như vậy mới có thể dùng lý để khuất phục các Sa-môn, Bà-la-môn kia.

(ii.) “Những pháp mà ta tự mình biết, tự mình giác ngộ, rồi thuyết giảng cho các ngươi; dù là Sa-môn, Bà-la-môn, Thiên, Ma, Phạm và các loài thế gian khác đều không thể khuất phục được, không thể làm cho  cấu uế được, không thể chế phục được. Thế nào là những pháp mà ta tự mình biết, tự mình giác ngộ, rồi thuyết giảng cho các ngươi; dù là Sa-môn, Bà-la-môn, Thiên, Ma, Phạm và các loài thế gian khác đều không thể khuất phục được, không thể làm cho  cấu uế được, không thể chế phục? Đó là pháp sáu xứ [40] mà ta tự mình biết, tự mình giác ngộ, thuyết giảng cho các ngươi; dù là Sa-môn, Bà-la-môn, Thiên, Ma, Phạm và các loài thế gian khác đều không thể khuất phục được, không thể làm cho  cấu uế được, không thể chế phục.

“Lại có pháp sáu giới [41] mà ta tự mình biết, tự mình giác ngộ, thuyết giảng cho các ngươi; dù là Sa-môn, Bà-la-môn, Thiên, Ma, Phạm và các loài thế gian khác đều không thể khuất phục được, không thể làm cho  cấu uế được, không thể chế phục.

(ii.1) “Thế nào là pháp sáu xứ mà ta tự mình biết, tự mình giác ngộ, thuyết giảng cho các ngươi? Đó là nhãn xứ, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ. Đó là pháp sáu xứ ta đã tự tri, tự giác, ta nói cho các ngươi biết.

(ii.2) “Thế nào là pháp sáu giới mà ta tự mình biết, tự mình giác ngộ, thuyết giảng cho các ngươi? Đó là địa giới, thủy, hỏa, phong, không và thức giới. Đó là pháp sáu giới mà ta đã tự tri tự giác, đã nói cho các ngươi biết.

(ii.3) “Do hòa hiệp của sáu giới [42] nên sanh thai mẹ. Nhân sáu giới mà có sáu xứ [43]; nhân sáu xứ có xúc [44], nhân xúc mà có thọ [45].

“Này các Tỳ-kheo, nếu ai có cảm thọ liền biết như thật về Khổ, biết về Khổ tập, biết về Khổ diệt, biết như thật về Khổ diệt đạo. Thế nào là biết như thật về khổ? Là sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, thù nghịch gặp nhau là khổ, yêu thương mà chia ly là khổ, mong muốn mà không được là khổ. Tóm lại, năm thủ uẩn là khổ. [46]

“Thế nào là biết như thật về Khổ tập? Đó là ái, dẫn đến hữu đương lai, [436a] câu hữu với hỷ tham, mong cầu hoan lạc nơi này nơi kia [47]. Đó là biết như thật về Khổ tập.

“Thế nào là biết như thật về Khổ diệt? Đó là ái, dẫn đến hữu đương lai, câu hữu với hỷ tham, mong cầu hoan lạc nơi này nơi kia; tất cả như vậy đã đoạn trừ không còn dư tàn, đã xả ly, diệt tận, vô dục, tịch tĩnh, tịch diệt. Đó gọi là biết như thật về Khổ diệt.

“Thế nào là biết như thật về Khổ diệt đạo? Đó là Thánh đạo tám chi, từ chánh kiến cho đến chánh định là tám. Đó là biết như thật về Khổ diệt đạo.

“Tỳ-kheo nên biết như thật về Khổ, nên đoạn Khổ tập, nên thực chứng Khổ diệt, nên tu Khổ diệt đạo. Tỳ-kheo nào biết như thật về Khổ, đoạn Khổ tập, thực chứng Khổ diệt, tu Khổ diệt đạo, Tỳ-kheo đó đã tận trừ tất cả lậu, đã giải trừ các kết, có thể bằng chánh trí mà đoạn tận khổ biên”.

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

14. KINH LA-HẦU-LA

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại thành Vương xá, trong rừng Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đa [48].

Bấy giờ Tôn giả La-hầu-la [49] cũng ở tại thành Vương Xá, trong rừng Ôn tuyền [50].

Đức Thế Tôn sau khi đêm đã qua, vào buổi sáng sớm, khoác y, cầm bát, đi vào thành Vương xá để khất thực. Khất thực xong, Ngài đi đến rừng Ôn tuyền, trú xứ của Tôn giả La-hầu-la. Tôn giả La-hầu-la từ đàng xa thấy Đức Thế Tôn đến, lập tức đến rước, cầm y bát của Phật, trải tọa cụ và múc nước rửa chân. Đức Phật rửa chân xong, ngồi trên chỗ ngồi của La-hầu-la.

(i.1) Khi đó Đức Thế Tôn liền lấy chậu nước đổ đi, chỉ lưu lại một ít, rồi hỏi:

“La-hầu-la, ngươi nay có thấy Ta cầm chậu nước này đổ đi, chỉ lưu lại một ít không?”

La-hầu-la đáp:

“Bạch Thế Tôn, con có thấy”.

Phật bảo:

“Ta nói đạo của người kia cũng ít như vậy, nghĩa là đã biết rồi còn nói dối [51] mà không xấu hổ, không ăn năn, không tàm, không quý. Này La-hầu-la, người kia cũng không có điều ác nào là không làm. Do đó, này La-hầu-la, hãy nên học như thế này: Không được [436b] đùa giỡn và nói dối”.

(i.2) Đức Thế Tôn lại lấy cái chậu còn lại một ít nước đổ hết ra rồi hỏi rằng:

“Này La-hầu-la, ngươi lại có thấy Ta cầm cái chậu còn một ít nước ấy đổ ra hết không?”

La-hầu-la trả lời rằng:

“Con có thấy, bạch Thế Tôn”.

Phật bảo rằng:

“Này La-hầu-la, Ta nói rằng đạo của người kia cũng mất hết như vậy. Nghĩa là đã biết rồi còn nói dối, mà không xấu hổ, không ăn năn, không tàm, không quý. Này La-hầu-la, người ấy cũng không có việc ác nào mà không làm. Do đấy, này La-hầu-la nên học như thế này: Không được đùa giỡn và nói dối”.

(i.3) Đức Thế Tôn lại cầm chậu trống không ấy úp xuống đất rồi hỏi rằng:

“Này La-hầu-la, ngươi lại có thấy Ta cầm chậu không này úp xuống đất không?”

La-hầu-la trả lời:

“Con có thấy, bạch Thế Tôn”.

Phật bảo rằng:

“Này La-hầu-la, Ta nói rằng đạo của người kia cũng bị lật úp như vậy, nghĩa là đã biết rồi còn nói dối mà không biết xấu hổ, không ăn năn, không tàm, không quý. Này La-hầu-la, người ấy cũng không có việc ác nào mà không làm. Do đó, này La-hầu-la nên học như thế này, không được đùa giỡn và nói dối”.

(i.4) Đức Thế Tôn lại cầm chậu úp lật ngửa lên rồi hỏi rằng:

“Này La-hầu-la, ngươi có thấy Ta cầm cái chậu úp này giở ngửa lên không?”

 La-hầu-la trả lời rằng:

“Con có thấy, bạch Thế Tôn!”

Đức Phật bảo La-hầu-la rằng:

“Ta nói rằng đạo của người kia bị lật ngửa, cũng lại như vậy. Nghĩa là đã biết rồi còn nói dối mà vẫn không xấu hổ, không ăn năn, không tàm, không quý. Này La-hầu-la, người ấy cũng không có việc ác nào mà không làm. Do đó này La-hầu-la, nên học như thế này: Không được đùa giỡn và nói dối.

(i.5) “Này La-hầu-la, cũng như  vua có thớt voi lớn, khi xông vào trận chiến đấu, nó dùng chân trước, chân sau, đuôi, bộ chân, xương sống, hông, đầu, trán, tai, ngà, tất cả đều dùng, chỉ giữ gìn chiếc vòi. Tượng sư thấy vậy, bèn suy nghĩ như thế này: ‘Thớt voi lớn này của  vua vẫn còn tiếc mạng sống. Vì sao thế? Vì thớt voi lớn của  vua này khi xông vào trận giặc chiến đấu, nó dùng cả chân trước, chân sau, đuôi, bộ xương, xương sống, hông, đầu, trán, tai, ngà, tất cả đều dùng, chỉ gìn giữ chiếc vòi’. Này La-hầu-la, nếu thớt voi lớn của  vua khi xông vào trận giặc chiến đấu mà dùng cả chân trước, chân sau, đuôi, bộ xương, xương sống, hông, đầu, trán, tai, vòi; thảy đều dùng tất cả. Tượng sự thấy vậy rồi liền suy nghĩ như thế này: ‘Thớt voi lớn của  vua này không còn tiếc mạng sống nữa. Vì sao thế? Thớt voi lớn của  vua này khi xông vào trận giặc chiến đấu, nó dùng cả chân trước, chân sau, đuôi, bộ xương, hông, đầu, ngà, vòi; tất cả đều đem dùng’. Này La-hầu-la, nếu thớt voi lớn khi xông vào trận giặc chiến đấu mà dùng cả chân trước, chân sau, đuôi, bộ xương, xương sống, hông, đầu, ngà, vòi; tất cả đều đem dùng; này La-hầu-la, Ta nói thớt voi lớn của  vua khi xông vào trận giặc, chiến đấu, không có việc dữ nào mà không làm, không ăn năn, không tàm, không quý. Này La-hầu-la, Ta nói rằng: Người kia cũng không có việc ác nào mà không làm. Do đó, này La-hầu-la, nên học như thế này: Không được đùa giỡn và nói dối”.

Rồi thì Đức Thế Tôn nói bài tụng rằng:

Kẻ nào phạm một pháp,

Pháp đó là nói dối:

Nó không sợ đời sau;

Không chừa sự dữ nào.

 [436c] Thà nuốt viên sắt cháy,

Nó nóng như lửa đỏ;

Chứ không nên phạm giới

Mà nhận đời cúng thí.

Nếu biết sợ khổ sở,

Không thích nghĩ tưởng đến;

Chỗ sáng, hay kín đáo

Chớ tạo tác nghiệp ác.

Nếu tạo nghiệp bất thiện,

Đã làm, nay đang làm,

Trọn không giải thoát được

Cũng không có chỗ tránh.

(ii) Đức Phật nói bài tụng rồi, lại hỏi rằng:

“Này La-hầu-la, ngươi nghĩ thế nào, người ta dùng gương để làm gì?”

La-hầu-la trả lời rằng:

“Bạch Thế Tôn, để nhìn xem khuôn mặt sạch hay không sạch”.

(ii.1.a) “Cũng vậy, này La-hầu-la, nếu ngươi sắp hành động với thân nghiệp thì hãy quán sát thân nghiệp ấy rằng: ‘Ta sắp làm với thân nghiệp; thân nghiệp ấy hại hay không hại cho mình hay cho người?’ [52] Này La-hầu-la, nếu khi quán sát như vậy, mà biết rằng: ‘Ta sắp làm với thân nghiệp, nghiệp ấy hại cho mình, hoặc hại cho người; đó là thân nghiệp bất thiện, nó sẽ đưa đến khổ quả và phải thọ lấy khổ báo’. Này La-hầu-la, ngươi nên bỏ thân nghiệp bất thiện sắp được làm ấy đi.

(ii.1.b) “Này La-hầu-la, nếu khi quán sát như vậy mà biết rằng: ‘Ta sắp làm với thân nghiệp; thân nghiệp ấy không hại [53] mình hay hại người; đó là thân nghiệp thiện, nó sẽ đưa đến lạc quả và sẽ thọ lấy lạc báo’. Này La-hầu-la, ngươi hãy thực hiện thân nghiệp sẽ làm ấy.

(ii.2.a) “Này La-hầu-la, ngươi hiện tại đang hành động với thân nghiệp, hãy quán sát thân nghiệp ấy rằng: ‘Ta đang làm thân nghiệp; thân nghiệp ấy hại hay không hại cho mình hay cho người?’ Này La-hầu-la, khi quán sát như vậy mà biết rằng: ‘Ta đang làm thân nghiệp; thân nghiệp này hại mình hay hại người; đó là thân nghiệp bất thiện sẽ đưa đến khổ quả và thọ lấy khổ báo’. Này La-hầu-la, ngươi nên bỏ thân nghiệp đang làm ấy đi.

(ii.2.b) “Này La-hầu-la, nếu khi quán sát như vậy, mà biết rằng: ‘Ta đang làm thân nghiệp; thân nghiệp ấy không hại mình hay hại người; đó là nghiệp ấy thiện, sẽ đưa đến lạc quả và thọ lấy lạc báo’. Này La-hầu-la, ngươi hãy nên thực hiện thân nghiệp đang làm ấy.

(ii.3.a) “Này La-hầu-la, nếu ngươi đã hành động với thân nghiệp, hãy quán sát thân nghiệp ấy rằng: ‘Ta đã làm thân nghiệp; thân nghiệp ấy đã quá khứ, đã diệt tận, đã biến dịch. Nó là hại hay không hại cho mình hay cho người người?’ Này La-hầu-la, nếu khi quán sát như vậy mà biết rằng: ‘Ta đã làm thân nghiệp; thân nghiệp ấy đã quá khứ, diệt tận, biến dịch, thân nghiệp ấy hại cho mình hay cho người khác; đó là nghiệp ấy là bất thiện, sẽ đưa đến khổ quả và phải thọ lấy khổ báo’. Này La-hầu-la, ngươi hãy đến nơi đồng phạm hạnh là thiện tri thức, chí tâm phát lộ [437a] thân nghiệp đã tạo ra, xin ăn năn lỗi lầm, cẩn thận không giấu giếm, rồi phải khéo léo giữ gìn.

(ii.3.b) “Này La-hầu-la, nếu khi quán sát như vậy, mà rằng: ‘Ta đã làm thân nghiệp. Thân nghiệp ấy đã quá khứ, diệt tận, biến dịch; thân nghiệp ấy không hại mình hay người; nghiệp ấy thiện, sẽ đưa đến lạc quả và thọ lấy lạc báo’. Này La-hầu-la, ngươi nên ngày đêm vui mừng, an trụ chánh niệm, chánh trí.

“Với khẩu nghiệp cũng lại như vậy.

(ii.4.a) “Này La-hầu-la, nếu nhân việc làm trong quá khứ nên đã sanh ý nghiệp, hãy quán sát ý nghiệp ấy rằng: ‘Nếu nhân việc làm trong quá khứ đã sanh ý nghiệp; ý nghiệp ấy hại hay không hại cho mình hay cho người?’ Này La-hầu-la, nếu khi quán như vậy, mà biết nhân việc làm trong quá khứ mà sanh ra ý nghiệp; ý nghiệp đã quá khứ, diệt tận, biến dịch; ý nghiệp ấy hại mình hay người; nghiệp ấy là bất thiện sẽ đưa đến khổ quả và phải thọ lấy khổ báo. Này La-hầu-la, ngươi nên bỏ ý nghiệp trong quá khứ ấy đi.

“Này La-hầu-la, nếu khi quán như vậy, thấy rằng nhân việc làm trong quá khứ mà đã sanh ra ý nghiệp; ý nghiệp ấy đã quá khứ, diệt tận, biến dịch; ý nghiệp ấy không hại mình hay người; nghiệp ấy là thiện sẽ đưa đến lạc quả và thọ lấy lạc báo. Này La-hầu-la, ngươi đến thọ nhận ý nghiệp quá khứ ấy.

(ii.4.b) “Này La-hầu-la, nhân việc làm trong vị lai nên sẽ sanh khởi ý nghiệp, hãy quán sát ý nghiệp ấy rằng: ‘Nếu nhân việc làm trong vị lai sẽ sanh ý nghiệp; ý nghiệp ấy là hại hay không hại cho mình hay cho người?’ Này La-hầu-la, nếu khi quán như vậy, mà biết rằng ‘Nhân việc làm trong vị lai mà sẽ sinh ý nghiệp; ý nghiệp ấy hại mình hay người; nghiệp ấy là bất thiện sẽ đưa đến khổ quả và phải thọ lấy khổ báo’. Này La-hầu-la, ngươi nên xả bỏ ý nghiệp trong vị lai đó đi.

“Này La-hầu-la, nếu khi quán sát như vậy, liền biết rằng: ‘Nhân việc làm trong vị lai mà sanh ý nghiệp; ý nghiệp đó không hại mình hay người; nghiệp ấy là thiện, sẽ đưa đến lạc quả và thọ lấy lạc báo. Này La-hầu-la, ngươi nên nhận lãnh ý nghiệp trong vị lai ấy.

(ii.4.c) “Này La-hầu-la, nhân việc làm trong hiện tại nên đang sanh khởi ý nghiệp, hãy nên quán sát ý nghiệp ấy rằng: ‘Nếu nhân việc đang làm trong hiện tại nên sanh khởi ý nghiệp, ý nghiệp ấy hại hay không hại cho mình hay cho người?’ Này La-hầu-la, nếu khi quán sát như vậy, mà biết rằng: ‘Nhân việc đang làm trong hiện tại nên đang sanh khởi ý nghiệp; ý nghiệp ấy hại hại mình hay người; nghiệp ấy là bất thiện, sẽ đưa đến khổ quả và sẽ thọ lấy khổ báo’. Này La-hầu-la, ngươi nên xả bỏ ý nghiệp trong hiện tại ấy đi.

“Này La-hầu-la, nếu khi quán sát như vậy, mà biết rằng: ‘Nhân có việc đang làm trong hiện tại nên đang sanh khởi ý nghiệp; ý nghiệp ấy không hại mình hay người; [437b] nghiệp ấy là thiện sẽ đưa đến lạc quả và thọ lấy lạc báo’. Này La-hầu-la, ngươi nên nhận lãnh ý nghiệp hiện tại ấy.

(iii) “Này La-hầu-la, nếu trong quá khứ đã có những vị Sa-môn, Bà-la-môn tạo nghiệp thân, khẩu, ý; đã quán sát rồi, lại quán sát nữa; đã thanh tịnh, lại thanh tịnh nữa. Tất cả những vị ấy, ngay nơi nghiệp thân, khẩu, ý của mình, quán rồi lại quán nữa, đã tịnh rồi lại tịnh hơn nữa.

Này La-hầu-la, nếu trong vị lai sẽ có những vị Sa-môn, Bà-la-môn tạo nghiệp thân, khẩu, ý, sẽ quán rồi lại quán nữa, sẽ thanh tịnh rồi lại thanh tịnh hơn. [54] Tất cả những vị ấy ngay nơi thân nghiệp, khẩu, ý nghiệp của mình, quán rồi lại quán nữa, sẽ thanh tịnh rồi lại thanh tịnh hơn.

“Này La-hầu-la, nếu trong hiện tại có những Sa-môn, Bà-la-môn tạo nghiệp thân, khẩu, ý; đang quán rồi lại quán nữa, đang thanh tịnh rồi lại thanh tịnh hơn. Tất cả những vị ấy ngay nơi nghiệp thân, khẩu, ý của mình, đang quán rồi lại quán nữa, đang thanh tịnh rồi lại thanh tịnh hơn.

“Này La-hầu-la, ngươi nên học như thế. Chính Ta cũng ngay nơi nghiệp thân, khẩu, ý của Ta, đang quán rồi lại sẽ quán, đang thanh tịnh rồi lại thanh tịnh hơn”.

Rồi thì, Đức Thế Tôn lại nói bài tụng rằng:

Thân nghiệp và khẩu nghiệp,

Ý nghiệp, La-hầu-la!

Pháp thiện hay bất thiện;

Ngươi hãy thường quán sát.

Đã biết còn nói dối:

La-hầu-la, chớ nói!

Sự sống nương nơi người,

Sao lại nói dối người?

Pháp Sa-môn bị úp,

Trống không, không chơn thật;

Đó chính là nói dối,

Không giữ gìn miệng mình.

Cho nên không nói dối,

Là con bậc Chánh giác.

Đó là pháp Sa-môn,

La-hầu-la, hãy học!

Nơi nơi vui sung túc,

An ổn, không sợ hãi,

La-hầu-la,  đến đó,

Chớ làm hại người khác!

Phật thuyết như vậy. Tôn giả La-hầu-la và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

15. KINH TƯ

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm Lâm lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng.

“Nếu kẻ nào cố ý tạo nghiệp [55], Ta nói rằng kẻ ấy phải thọ lấy quả báo. Hoặc thọ ngay trong đời hiện tại, hoặc thọ vào đời sau. Nếu tạo nghiệp mà không cố ý, Ta nói rằng người ấy không nhất thiết phải thọ quả báo.

“Ở đây, thân cố ý tạo ba nghiệp bất thiện, đưa đến khổ quả, thọ khổ quả. Miệng có bốn nghiệp, ý có ba [437c] nghiệp bất thiện, đưa đến khổ báo, thọ khổ quả.

“Những gì là ba nghiệp do thân cố ý tạo bất thiện, đưa đến khổ quả, phải thọ khổ báo? Một là sát sanh, quá hung dữ, uống máu, cứ muốn sát hại, không thương xót chúng sanh, cho đến loài côn trùng. Hai là lấy của không được cho, đắm trước tài vật của kẻ khác, chiếm lấy với ý muốn trộm cắp. Ba là tà dâm; người kia chính mình xâm phạm tới người nữ có cha giữ gìn, hoặc có mẹ gìn giữ, hoặc được cả cha và mẹ giữ gìn, hoặc được chị em giữ gìn, hoặc được anh em gìn giữ, hoặc được cha mẹ chồng [56] gìn giữ, hoặc được người thân thuộc gìn giữ, hoặc được người cùng dòng họ gìn giữ; hoặc được bảo vệ bằng đe dọa hình phạt hay roi vọt [57], hoặc đã được thuê, hoặc đã được hứa hôn, cho đến chỉ mới nhận tràng hoa làm tin. Đó là ba nghiệp do thân cố ý tạo bất thiện, đưa đến khổ quả, thọ lấy khổ báo.

“Những gì là bốn nghiệp do miệng cố ý tạo bất thiện, đưa đến khổ quả, thọ lấy khổ báo? Một là nói dối; người kia hoặc ở giữa đám đông, hoặc trong quyến thuộc, hoặc ở tại vương gia, nếu có ai gọi mà hỏi rằng: ‘Ngươi có biết thì nói’. Nhưng nó không biết mà nói là biết, biết nói là không biết; không thấy nói là thấy, thấy nói không thấy. Vì mình, vì người, hoặc vì của cải, biết rồi mà lại nói dối. Hai là nói hai lưỡi; muốn ly gián người khác nên nghe nơi người này đem nói với người kia vì muốn phá hoại người này. Nghe nơi người kia đem nói với này vì muốn phá hoại người kia. Những kẻ hợp nhau thì muốn tạo ly tán; những kẻ đã ly tán lại muốn cho xa rời để kết bè đảng, vui thích bè đảng, khen ngợi bè đảng. Ba là nói thô ác; người ấy nếu có nói năng gì thì lời lẽ thô tục, hung bạo, tiếng dữ trái tai, không ai mến nổi, làm cho người khác phải khổ não, khiến cho không được định tâm. Bốn là nói lời phù phiếm; người ấy nói không đúng lúc, nói không thành thật, nói lời không đúng nghĩa, nói lời không đúng pháp, nói không dẫn đến tịch tĩnh [58], lại còn khen ngợi sự không tịch tĩnh, trái ngược thời gian mà lại không khéo dạy dỗ, không khéo la mắng. Đó là bốn nghiệp do miệng cố ý tạo, bất thiện, đưa đến khổ quả, thọ lấy khổ báo.

“Những gì ba nghiệp của ý cố ý tạo bất thiện, đưa đến khổ quả, thọ lấy khổ báo? Một, tham lam; thấy tài vật và các tư cụ sinh sống của người khác thường tham lam ước muốn sao cho được về của mình. Hai là sân nhuế; trong ý ôm ấp oán ghét, nghĩ rằng: chúng sanh kia đáng giết, đáng trói, đáng bắt, đáng loại bỏ, đáng đuổi đi, mong cho kẻ kia thọ khổ vô lượng. Ba là tà kiến; sở kiến điên đảo, thấy như vầy, nói như vầy: ‘Không có bố thí, không có trai phước, không có chú thuyết, không có nghiệp thiện ác, không có nghiệp báo thiện ác, không có đời này, đời sau; không có cha mẹ, trên đời [438a] không có bậc chân nhân đi đến chỗ chí thiện, khéo vượt qua, khéo hướng đến, ở đời này và đời sau mà tự chứng tri, tự giác ngộ, tự thân tác chứng, thành tựu và an trú. Đó là ba nghiệp do ý cố tạo bất thiện, đưa đến khổ quả, thọ ấy khổ báo.

“Đa văn Thánh đệ tử xả bỏ nghiệp bất thiện của thân, tu thân thiện nghiệp, xả bỏ nghiệp bất thiện của miệng và ý, tu thiện nghiệp miệng và ý. Đa văn Thánh đệ tử đầy đủ giới đức tinh tấn như vậy, thành tựu tịnh nghiệp nơi thân, thành tựu tịnh nghiệp nơi miệng và ý, lìa sân nhuế, lìa não hại, từ bỏ ngủ nghỉ, không trạo cử và cống cao, đoạn nghi, vượt kiêu mạn, chánh niệm, chánh trí, không còn ngu si, tâm vị ấy đi đôi với từ, biến mãn một phương thành tựu và an trú. Cũng vậy, với hai, ba, bốn phương và tứ duy, thượng, hạ, biến mãn, tâm đi đôi với từ, không thù không oán, không sân nhuế, không não hại, quảng đại, vô biên vô lượng, khéo tu tập biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Người kia suy nghĩ rằng: ‘Tâm ta xưa kia vốn nhỏ hẹp, không khéo tu. Tâm ta nay đây khéo tu, quảng đại, vô lượng’. Đa văn Thánh đệ tử đối với tâm vô lượng, khéo tu tập như vậy, nếu trước kia nhân có ác tri thức, vì đã phóng dật mà tạo nghiệp bất thiện, nay những thứ ấy không thể lôi kéo, không thể làm  bẩn, không còn [438b] đi theo nữa. Giả sử có một trẻ thơ hoặc trai hay gái được sanh ra, liền có thể tu hành từ tâm giải thoát [59], về sau thân, miệng và ý có còn tạo những nghiệp bất thiện nữa chăng?”

Các Tỳ-kheo thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, không thể”.

“Vì sao vậy? Tự mình không làm nghiệp ác thì nghiệp ác ấy do đâu mà sanh? Do đó, người tại gia hay xuất gia, nam hay nữ, thường phải siêng tu từ tâm giải thoát. Nếu người tại gia hay xuất gia, nam hay nữ ấy, tu từ tâm giải thoát, thì không còn mang thân này đi đến đời sau mà chỉ theo tâm đi khỏi cõi này. Tỳ-kheo nên nghĩ như vầy: ‘Ta vốn vì buông lung mà tạo nghiệp bất thiện. Tất cả nghiệp ấy có thể thọ báo trong đời này, chớ không thể đi đến đời sau nữa’. Nếu có người thực hành từ tâm giải thoát rộng lớn vô lượng, khéo tu tập như vậy, chắc chắn chứng quả A-na-hàm, hoặc chứng cao hơn nữa.

“Cũng vậy, tâm bi và hỷ; tâm câu hữu với xả, không kết, không oán, không sân nhuế, không não hại, quảng đại, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Người ấy suy nghĩ như vầy: ‘Tâm ta trước vốn nhỏ hẹp, không khéo tu tập. Tâm ta nay đây rộng lớn vô lượng, được khéo tu tập’. Đa văn Thánh đệ tử đối với tâm vô lượng, khéo tu tập như vậy, nếu trước kia nhân có ác tri thức, vì đã phóng dật mà tạo nghiệp bất thiện, nay những thứ ấy không thể lôi kéo, không thể làm  bẩn, không còn đi theo nữa. Giả sử có một trẻ thơ hoặc trai hay gái được sanh ra, liền có thể tu hành xả tâm giải thoát, về sau thân, miệng và ý có còn tạo những nghiệp bất thiện nữa chăng?”

Các Tỳ-kheo thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, không thể”.

“Vì sao vậy? Tự mình không làm nghiệp ác thì nghiệp ác ấy do đâu mà sanh? Do đó, người tại gia hay xuất gia, nam hay nữ, thường phải siêng tu xả tâm giải thoát. Nếu người tại gia hay xuất gia, nam hay nữ ấy, tu xả tâm giải thoát, thì không còn mang thân này đi đến đời sau mà chỉ theo tâm đi khỏi cõi này. Tỳ-kheo nên nghĩ như vầy: ‘Ta vốn vì buông lung mà tạo nghiệp bất thiện. Tất cả nghiệp ấy có thể thọ báo trong đời này, chớ không thể đi đến đời sau nữa’. Nếu có người thực hành xả tâm giải thoát rộng lớn vô lượng, khéo tu tập như vậy, chắc chắn chứng quả A-na-hàm, hoặc chứng cao hơn nữa”.

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

16. KINH GIÀ-LAM

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại Già-lam viên [60], cùng đại chúng Tỳ-kheo, đến Ki-xá Tử [61], trụ trong vườn Thi-nhiếp-hòa [62], phía Bắc thôn Ki-xá Tử.

Bấy giờ những người Già-lam ở Ki-xá Tử nghe đồn Sa-môn Cù-đàm thuộc dòng họ Thích, đã từ bỏ dòng họ Thích, xuất gia học đạo, đang trú tại Già-lam viên, và cùng đại chúng Tỳ-kheo đến Ki-xá Tử này, trụ trong rừng Thi-nhiếp-hòa ở phía Bắc thôn Ki-xá Tử. Vị Sa-môn Cù-đàm ấy có tiếng tăm lớn, truyền khắp mười phương rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Vị ấy ở trong thế gian này giữa Chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, từ loài người cho đến loài trời, tự tri tự giác, tự tác chứng, thành tựu và an trụ. Pháp mà vị ấy thuyết, khoảng đầu thiện, khoảng giữa thiện, cứu cánh cũng thiện, có nghĩa, có văn, hiển hiện phạm hạnh thanh tịnh trọn đủ’. Nếu gặp được Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác để tôn trọng, lễ bái cúng dường, thừa sự, thì sẽ được nhiều thiện lợi. Chúng ta hãy cùng nhau đến gặp Sa-môn Cù-đàm để lễ bái, cúng đường”.

Những người Già-lam ở Ki-xá Tử, nghe như vậy rồi, mỗi người cùng với quyến thuộc của mình kéo nhau ra khỏi Ki-xá Tử, đi về phía Bắc, tới rừng Thi-nhiếp-hòa. Họ muốn gặp Đức Thế Tôn để lễ bái cúng dường.

Đi đến chỗ Phật ngụ, những người Già-lam ấy hoặc có người lễ bái cúi đầu dưới chân Phật [438c] rồi ngồi sang một bên, hoặc có người chào hỏi Đức Phật rồi ngồi sang một bên, hoặc có người chắp tay hướng đến Phật rồi ngồi sang một bên, hoặc có người từ đàng xa thấy Đức Phật rồi im lặng ngồi xuống.

Lúc đó, những người Già-lam đều ngồi yên. Đức Phật thuyết pháp cho họ, khai thị, giáo giới, khiến cho hoan hỷ, được lợi ích. Sau khi bằng vô lượng phương tiện thuyết pháp, khai thị, giáo giới, khiến cho hoan hỷ, được lợi ích, Ngài ngồi im lặng.

Bấy giờ những người Già-lam sau khi được Đức Phật thuyết pháp, khai thị, giáo giới, khiến cho hoan hỷ, được lợi ích, họ đều từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa áo trịch vai bên hữu, chắp tay đến hướng Đức Phật, rồi bạch Đức Thế Tôn rằng:

“Thưa Cù-đàm, có một vị Sa-môn, Bà-la-môn đi đến Già-lam chỉ tự khen ngợi tri kiến của mình mà chê bai tri kiến của người khác. Thưa Cù-đàm, lại có một vị Sa-môn, Bà-la-môn đi đến Già-lam cũng chỉ tự khen ngợi tri kiến của mình mà chê bai tri kiến của kẻ khác. Thưa Cù-đàm, chúng tôi nghe vậy liền sanh nghi hoặc: Những vị Sa-môn, Bà-la-môn ấy, vị nào thật? Vị nào hư?” [63]

Đức Thế Tôn nói rằng:

“Này các người Già-lam, các người chớ sanh nghi hoặc. [64] Vì sao vậy? Vì nhân có nghi hoặc liền sanh ra do dự. [65] Này các người Già-lam, các người tự mình không có tịnh trí để biết có đời sau hay không có đời sau. Này các người Già-lam, các người cũng không có tịnh trí để biết điều đã làm có tội hay không có tội. Này các người Già-lam, nên biết các nghiệp có ba cái là nguyên nhân, là sự tập khởi, là căn bản là duyên của nó [66]. Những gì là ba? Này các người Già-lam, tham là nhân, là tập, là bản, là duyên của các nghiệp. Này các người Già-lam, nhuế và si là nhân, là tập, là bản, là duyên của các nghiệp.

“Này các người Già-lam, người có tham bị tham che lấp, [67] tâm không nhàm đủ, hoặc sát sanh, hoặc lấy của không cho, hoặc hành tà dâm, hoặc biết mà nói dối, hoặc lại uống rượu. Này các người Già-lam, người có nhuế bị nhuế che lấp, tâm không nhàm đủ, hoặc sát sanh, hoặc lấy của không cho, hoặc hành tà dâm, hoặc biết mà nói dối, hoặc lại uống rượu. Này các người Già-lam, người có si bị si che lấp, tâm không nhàm đủ, hoặc sát sanh, hoặc lấy của không cho, hoặc hành tà dâm, hoặc biết mà nói dối, hoặc lại uống rượu.

“Này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử xa lìa việc giết hại, dứt bỏ sự giết hại, dẹp bỏ dao gậy; có tàm, có quý, có tâm từ bi, làm lợi ích cho tất cả, cho đến côn trùng. Vị ấy đối với sự sát sanh, tâm đã trừ sạch.

“Này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử xa lìa việc lấy của không cho, đoạn trừ việc lấy của không cho; vui vẻ trong việc nhận của được cho, thường ưa sự bố thí, vui vẻ không keo kiệt, không mong người kia đền trả. Vị ấy đối với việc lấy của không cho, tâm đã trừ sạch.

“Này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử xa lìa việc phi phạm hạnh, đoạn trừ [439a]việc phi phạm hạnh; siêng tu phạm hạnh, siêng tu diệu hành, thanh tịnh, không uế, ly dục, đoạn dâm. Vị ấy đối với việc việc phi phạm hạnh, tâm đã trừ sạch.

“Này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử xa lìa việc nói dối, đoạn trừ sự nói dối; nói lời chân thật, ưa thích sự chân thật, an trụ nơi chân thật không di động, tất cả những điều vị ấy nói đều đáng tin, không lừa gạt thế gian. Vị ấy đối với việc nói dối, tâm đã trừ sạch.

“Này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử xa lìa sự nói hai lưỡi, đoạn trừ việc nói hai lưỡi, không phá hoại kẻ khác, không nghe nơi người này nói lại người kia muốn phá hoại người này, không nghe nơi người kia nói lại với người này muốn phá hoại người kia; những người xa lìa nhau thì muốn kết hợp lại, thấy người kết hợp lại thì vui vẻ, không kết bè đảng, không khen việc kết bè đảng. Vị ấy đối với việc việc nói hai lưỡi, tâm đã trừ sạch.

“Này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử xa lìa việc nói thô ác, đoạn trừ việc nói thô ác. Nếu có những lời mà từ khí thô bạo, âm thanh hung dữ trái tai, mọi người không vui, mọi người không ưa, làm cho người khác khổ não, làm cho họ không được an ổn, vị ấy đoạn trừ những lời nói như vậy. Nếu có những lời hòa nhã dịu dàng, xuôi tai, đi sâu vào lòng người, đáng thích, đáng yêu, làm cho người kia an lạc, âm thânh vừa đủ rõ ràng, không làm cho người kia sợ sệt, làm cho người kia được an ổn, vị ấy nói những lời như vậy. Vị ấy đối với việc nói lời thô ác, tâm đã tịnh trừ.

“Này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử xa lìa lời nói phù phiếm, đoạn trừ lời nói phù phiếm; nói đúng lúc, đúng sự thật, nói đúng pháp, nói đúng nghĩa, nói về tịch tĩnh, ưa nói về tịch tĩnh, hợp việc, hợp thời, thích nghi, khéo dạy dỗ, khéo quở rầy. Vị ấy đối với việc nói phù phiếm, tâm đã tịnh trừ.

“Này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử xa lìa tham lam, đoạn trừ tham lam, không ôm lòng não hại, thấy của cải và các nhu cầu sinh sống của người khác không móng lòng tham lam, muốn cho được trở về mình. Vị ấy đối với việc tham lam tâm đã tịnh trừ.

“Này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử xa lìa sân nhuế, đoạn trừ sân nhuế, có tàm, có quý, có tâm từ bi, làm lợi ích cho tất cả, cho đến loài côn trùng. Vị ấy đối với sân nhuế tâm đã tịnh trừ.

“Này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử xa lìa tà kiến, đoạn trừ tà kiến, thực hành chánh kiến, không điên đảo; thấy như vậy, nói như vậy: ‘Có sự bố thí, có sự trai phước, và cũng có chú thuyết, có nghiệp thiện ác, có nghiệp báo thiện ác. Có đời này và đời sau. Có cha, có mẹ, trên đời có những bậc chân nhân đi đến thiện xứ, khéo vượt qua, khéo hướng đến, trong đời này và đời sau mà tự tri tự giác, tự tác chứng thành tựu và an trụ. Vị ấy đối với việc tà kiến, tâm đã tịnh trừ.

“Này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử thành tựu tịnh nghiệp nơi thân, thành tựu tịnh nghiệp nơi khẩu và ý. Xa lìa nhuế, xa lìa não hại, trừ bỏ thùy miên, [439b] không trạo cử, cống cao, đoạn trừ nghi, vượt qua mạn, chánh niệm, chánh trí, không có ngu si; tâm vị ấy tương ứng với từ, biến mãn một phương, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, trong hai, ba, bốn phương, tứ duy, thượng, hạ, cùng khắp tất cả, tâm tương ứng với từ, không thù, không oán, không sân nhuế, không não hại, rất rộng lớn, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, tâm bi, hỷ; tâm tương ứng với xả, không thù không oán, không sân nhuế, không não hại, rộng lớn vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử tâm không thù, không oán, không sân nhuế, không não hại, liền được bốn trụ xứ an ổn [68]. Những gì là bốn?

“‘Nếu có đời này đời sau, có quả báo của nghiệp thiện và ác. [69] Khi ta đã được nghiệp tương ứng với chánh kiến này rồi, ta thọ trì đầy đủ, thân hoại mạng chung chắc chắn sanh đến thiện xứ, cho đến sanh lên các cõi trời’. Như vậy, này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử tâm không kết, không oán, không sân nhuế, không não hại; đó là trụ xứ an ổn thứ nhất.

“Lại nữa, này các người Già-lam, ‘Nếu không có đời này và đời sau, không có quả báo của nghiệp thiện và ác.” [70] Như vậy, ta ở ngay trong đời này không phải do cớ ấy mà bị người khác bài bác; nhưng lại được bậc chánh trí khen ngợi, người tinh tấn, người có chánh kiến nói là có’. Như vậy, này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử tâm không kết, không oán, không não hại, đó là được trụ xứ an ổn thứ hai.

“Lại nữa, này các người Già-lam, ‘Nếu có tạo tác gì, chắc chắn ta không có tạo ác, [71] ta không niệm ác. Vì sao vậy? Vì tự mình không tạo ác, khổ do đâu mà sanh?’ Như vậy, này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử tâm không kết, không oán, không não hại; đó là trụ xứ an ổn thứ ba.

“Lại nữa, này các người Già-lam, ‘Nếu có tạo tác, chắc chắn ta không tạo ác, nhưng ta không phạm đời, dù kẻ sợ hay kẻ không sợ, [72] luôn luôn nên thương xót tất cả thế gian, tâm ta không tranh chấp với tất cả thế gian, không vẩn đục, nhưng hân hoan’. Như vậy, này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử tâm không kết, không oán, không não hại; đó là trụ xứ an ổn thứ tư.

“Như vậy, này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử tâm không kết, không oán, không sân hận, không não hại; đó là được bốn trụ xứ an ổn”.

Những người Già-lam bạch Phật:

“Thưa Cù-đàm, đúng vậy, Đa văn Thánh đệ tử tâm không thù, không oán, không sân nhuế, không não hại, liền được bốn trụ xứ an ổn. Những gì là bốn?

“‘Nếu có đời này đời sau, có quả báo của nghiệp thiện và ác. Khi ta đã được nghiệp [439c]  tương ứng với chánh kiến này rồi, ta thọ trì đầy đủ, thân hoại mạng chung chắc chắn sanh đến thiện xứ cho đến sanh lên các cõi trời’. Như vậy, thưa Cù-đàm, Đa văn Thánh đệ tử tâm không kết, không oán, không sân nhuế, không não hại; đó là trụ xứ an ổn thứ nhất.

“Lại nữa, thưa Cù-đàm, ‘Nếu không có đời này và đời sau, không có quả báo của nghiệp thiện và ác. Như vậy, ta ở ngay trong đời này không phải do cớ ấy mà bị người khác bài bác; nhưng lại được bậc chánh trí khen ngợi, người tinh tấn, người có chánh kiến nói là có’. Như vậy, thưa Cù-đàm, Đa văn Thánh đệ tử tâm không kết, không oán, không não hại, đó là được trụ xứ an ổn thứ hai.

“Lại nữa, thưa Cù-đàm, ‘Nếu có tạo tác gì, chắc chắn ta không có tạo ác, ta không niệm ác. Vì sao vậy? Vì tự mình không tạo ác, khổ do đâu mà sanh?’ Như vậy, thưa Cù-đàm, Đa văn Thánh đệ tử tâm không kết, không oán, không não hại; đó là trụ xứ an ổn thứ ba.

“Lại nữa, thưa Cù-đàm, ‘Nếu có tạo tác, chắc chắn ta không tạo ác, ta không phạm đời sợ hay không sợ, luôn luôn nên thương xót tất cả thế gian, tâm ta không tranh chấp với tất cả thế gian, không vẩn đục, nhưng hân hoan’. Như vậy, thưa Cù-đàm, Đa văn Thánh đệ tử tâm không kết, không oán, không não hại; đó là trụ xứ an ổn thứ tư.

“Như vậy, thưa Cù-đàm, Đa văn Thánh đệ tử tâm không kết, không oán, không sân hận, không não hại; đó là được bốn trụ xứ an ổn.

“Thưa Cù-đàm, chúng con đã biết. Bạch Thiện Thệ, chúng con đã hiểu. Bạch Thế Tôn, chúng con trọn đời tự quy y với Phật, Pháp và Chúng Tỳ-kheo. Duy nguyện Thế Tôn chấp nhận cho chúng con làm Ưu-bà-tắc, bắt đầu từ hôm nay, trọn đời tự quy y, cho đến lúc mạng chung”.

Phật thuyết như vậy. Tất cả những người Già-lam và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

17. KINH GIÀ-DI-NI

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại Na-lan-đà [73], ở xóm Tường, rừng Nại [74].

Bấy giờ A-tư-la thiên có người con là Già-di-ni [75], sắc tướng uy nghi, chói sáng rực rỡ, lúc đêm gần về sáng, đi đến nơi Đức Phật, cúi lạy dưới chân Phật rồi ngồi sang một bên.

Già-di-ni, con trời A-tư-la bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn, các người Bà-la-môn tự cao, [76] thờ chừng ấy trời [77]. Họ cho rằng, nếu có chúng sanh nào mạng chung, họ có thể làm cho [440a] tự do qua lại các thiện xứ, sanh lên cõi trời [78]. Thế Tôn là Pháp chủ, mong Thế Tôn làm cho chúng sanh khi mạng chung đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời”.

Thế Tôn bảo rằng:

“Này Già-di-ni, nay Ta hỏi ông, tùy theo sự hiểu biết mà trả lời. Này Già-di-ni, ý ông nghĩ thế nào? Nếu ở trong thôn ấp, hoặc có kẻ nam, người nữ biếng nhác, không tinh tấn, lại hành ác pháp, thành tựu mười loại nghiệp đạo bất thiện, là sát sanh, lấy của không cho, tà dâm, nói dối, cho đến tà kiến. Người ấy khi mạng chung, nếu có số đông người đến, thảy đều chắp tay hướng về người đó kêu gọi, van lơn, nói như thế này: ‘Các người, nam hoặc nữ, biếng nhác, không siêng năng, lại hành ác pháp, thành tựu mười loại nghiệp đạo bất thiện là sát sanh, lấy của không cho, tà dâm nói dối, cho đến tà kiến. Mong các người nhân việc này, duyên việc này, khi thân hoại mạng chung tất đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời’. Như vậy, này Già-di-ni, những người nam hay nữ biếng nhác kia, không siêng năng, lại hành ác pháp, thành tựu mười loại nghiệp đạo bất thiện là sát sanh, lấy của không cho, tà dâm, nói dối, cho đến tà kiến; có thể nào vì được số đông người đều đến chắp tay hướng về chúng mà kêu gọi, van lơn, nhân việc ấy, duyên việc ấy mà lúc thân hoại mạng chung lại được đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời không?”

Già-di-ni thưa rằng:

“Không thể được, bạch Thế Tôn”.

Phật khen rằng:

“Lành thay, Già-di-ni, vì sao thế? Những người nam hay nữ kia, biếng nhác, không siêng năng, lại thực hành ác pháp, thành tựu mười loại nghiệp đạo bất thiện là sát sanh, lấy của không cho, tà dâm, nói dối, cho đến tà kiến. Nếu được số đông người đến chắp tay hướng về chúng, mà kêu gọi, van lơn, nhân việc ấy, duyên việc ấy khi thân hoại mạng chung lại được đi đến thiện xứ sanh lên cõi trời. Việc đó không thể có.

“Này Già-di-ni, cũng như cách thôn không bao xa, có vực nước sâu, nơi đó có một người ôm tảng đá lớn và nặng ném vào trong nước. Nếu có số đông người đến đều chắp tay hướng về tảng đá mà kêu gọi van lơn, nói như thế này: ‘Mong tảng đá nổi lên, mong tảng đá nổi lên’. Này Già-di-ni, ông nghĩ thế nào? Tảng đá lớn nặng ấy có thể nào vì được số đông người đến đều chắp tay hướng về nó và kêu gọi van lơn, nhân việc đó, duyên việc đó mà sẽ nổi lên không?”

Già-di-ni trả lời rằng:

“Không thể được, bạch Thế Tôn!”

“Cũng vậy, này Già-di-ni, những người nam hay nữ kia biếng nhác, không tinh tấn, lại thực hành ác pháp, thành tựu mười loại nghiệp đạo bất thiện là sát sanh, lấy của không cho, tà dâm, nói dối, cho đến tà kiến, nếu được số đông người đều đến chắp tay hướng về chúng mà kêu gọi, van lơn, nhân việc đó, duyên việc đó mà lúc thân hoại mạng chung, được đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời; điều đó không thể có được.

“Vì sao thế? [440b] Bởi vì mười loại nghiệp đạo bất thiện này vốn đen, có quả báo đen, tự nhiên đi thẳng xuống, chắc chắn đi đến ác xứ.

“Này Già-di-ni, ông nghĩ thế nào? Nếu như trong thôn ấp hoặc có người nam hay nữ, tinh tấn siêng tu, lại thực hành diệu pháp thành tựu mười nghiệp đạo thiện là xa lìa việc giết, đoạn trừ việc giết, xa lìa lấy của không cho, tà dâm, nói dối, cho đến xa lìa tà kiến, được chánh kiến. Người ấy khi mạng chung nếu có số đông người đến đều chắp tay hướng về người đó mà kêu gọi van lơn, nói như thế này: ‘Này các người, nam hoặc nữ, các người đã tinh tấn siêng tu, lại thực hành diệu pháp, thành tựu mười nghiệp đạo thiện là xa lìa việc giết, đoạn trừ việc giết, lấy của không cho, tà dâm, nói dối, cho đến tà kiến cũng đều xa lìa, đoạn trừ tà kiến, được chánh kiến. Các người nhân việc đó, duyên việc đó mà khi thân hoại mạng chung, hãy đi đến ác xứ, sanh vào địa ngục’. Này Già-di-ni, ông nghĩ thế nào? Các người nam nữ kia, tinh tấn siêng tu lại thực hành diệu pháp, thành tựu mười nghiệp đạo thiện là xa lìa việc giết, đoạn trừ việc giết, lấy của không cho, tà dâm, nói dối, cho đến tà kiến, đoạn trừ tà kiến, được chánh kiến. Có thể nào vì bị số đông người đến chắp tay hướng về người đó mà ca ngợi cầu xin, nhân việc đó, duyên việc đó, mà khi thân hoại mạng chung sẽ đi đến ác xứ, sanh vào địa ngục không?”

Già-di-ni trả lời rằng:

“Không thể được, bạch Thế Tôn!”

Thế Tôn khen rằng.

“Lành thay, Già-di-ni! Vì sao vậy? Này Già-di-ni, những người nam hay nữ kia siêng năng tinh tấn, lại thực hành diệu pháp, thành tựu mười nghiệp thiện đạo là xa lìa việc giết, đoạn trừ việc giết, lấy của không cho, tà dâm, nói dối, cho đến tà kiến đều xa lìa, được chánh kiến. Nếu được số đông người đến chắp tay hướng về người đó mà kêu gọi van lơn, nhân việc đó, duyên việc đó mà khi thân hoại mạng chung sẽ đi đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Điều này không thể có. Vì sao vậy? Này Già-di-ni, bởi vì mười nghiệp đạo thiện là trắng, có quả báo trắng, tự nhiên thăng lên, chắc chắn đến thiện xứ.

“Này Già-di-ni, cũng như cách thôn không xa có vực nước sâu, nơi đó có người đem hủ dầu ném vào nước; hủ bị vỡ, sành cặn chìm xuống, dầu bơ nổi lên trên. Cũng vậy, này Già-di-ni, những người nam hay nữ kia tinh tấn siêng tu, lại thực hành diệu pháp, thành tựu mười nghiệp đạo thiện là xa lìa việc giết, đoạn trừ việc giết, lấy của không cho, tà dâm, nói dối, cho đến xa lìa tà kiến, đoạn trừ tà kiến, được chánh kiến. Người ấy khi mạng chung, thân thể là sắc thô nặng, thuộc về bốn đại, do cha mẹ sanh, nuôi lớn bằng cơm áo, chống dựa khi ngồi nằm, chăm sóc bằng tắm gội, là pháp phá hoại, là pháp diệt tận, là pháp ly tán. Sau khi mạng chung, hoặc chim quạ rỉa mổ, hoặc [440c] hùm sói ăn, hoặc bị đốt, hoặc bị chôn. Tất cả trở thành cát bụi. Tâm ý thức của người ấy thường được huân tập bởi tín, tinh tấn, đa văn, bố thí, trí tuệ. Người ấy, nhân việc ấy, duyên việc ấy mà tự nhiên thăng lên cao, sanh đến thiện xứ.

“Này Già-di-ni, người ấy đối với việc sát sanh, đã xa lìa việc giết, đoạn trừ việc giết. Đó là con đường vườn hoa [79], con đường thăng tấn, con đường thiện xứ.

“Này Già-di-ni, cũng vậy đối với sự lấy của không cho, tà dâm, nói dối, cho đến tà kiến, xa lìa tà kiến, được chánh kiến. Đó là con đường vườn hoa, con đường thăng tấn, con đường thiện xứ.

“Này Già-di-ni, lại có con đường vườn hoa, con đường thăng tấn, con đường thiện xứ. Thế nào là lại có con đường vườn hoa, con đường thăng tấn, con đường thiện xứ? Đó là Thánh đạo tám chi. Từ chánh kiến cho đến chánh định; đó là tám. Này Già-di-ni, đó là lại có con đường vườn hoa, con đường thăng tấn, con đường thiện xứ”.

Đức Phật thuyết như vậy. Già-di-ni và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành. [80]

18. KINH SƯ TỬ

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại nước Tì-xá-li, bên bờ ao Di hầu [81], trong một ngôi nhà sàn [82].

(i) Bấy giờ một số đông bộ tộc Li-xa [83] ở Tì-xá-li vân tập nơi sảnh đường, nhiều lần tán thán Phật, nhiều lần tán thán Pháp và Chúng Tỳ-kheo. Lúc ấy Đại thần Sư Tử, đệ tử Ni-kiền [84], cũng ở trong chúng đó. Bấy giờ đại thần Sư Tử muốn đến thăm viếng Đức Phật để cúng dường lễ bái. Đại thần Sư Tử trước hết đi đến chỗ các Ni-kiền, thưa với các Ni-kiền rằng:

“Thưa chư Tôn, tôi muốn thăm viếng Sa-môn Cù-đàm”.

Khi ấy các Ni-kiền quở Sư Tử rằng:

“Ông chớ đến thăm Sa-môn [441a] Cù-đàm. Vì sao vậy? Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ bất khả tác [85], và cũng giảng cho mọi người về pháp bất khả tác [86]. Này Sư Tử, nếu thăm viếng người có tông chỉ bất khả tác sẽ không được may mắn; cúng dường lễ bái cũng sẽ không được may mắn”.

Số đông Li-xa ở Tì-xá-li ba lần vân tập nơi thính đường, nhiều lần tán thán Phật, nhiều lần tán thán Pháp và Chúng Tỳ-kheo. Lúc ấy đại thần Sư Tử, đệ tử Ni-kiền, cũng ba lần ở trong chúng đó. Bấy giờ đại thần Sư Tử cũng lại ba lần muốn đến thăm viếng Đức Phật, cúng dường, lễ bái.

(ii) Rồi Đại thần Sư Tử không cáo từ các Ni-kiền nữa, mà đi thẳng đến chỗ Phật, cùng chào hỏi rồi ngồi xuống một bên và nói như vầy:

(ii.1) “Tôi nghe rằng Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ bất khả tác, và cũng đem pháp bất khả tác giảng cho người khác. Thưa Cù-đàm, nếu có người nói như vầy: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ bất khả tác; cũng đem pháp bất khả tác giảng cho người khác’. Người đó há không hủy báng Sa-môn Cù-đàm chăng? Người ấy có nói đúng sự thật không? Người ấy nói có đúng pháp chăng? Người ấy nói đúng pháp và như pháp [87] chăng? Đối với như pháp, không có sai lầm và không bị chỉ trích chăng?”

Đức Thế Tôn đáp:

(ii.2.1) “Này Sư Tử, nếu có ai nói như vầy: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ bất khả tác, và cũng đem bất khả tác giảng cho mọi người’, người ấy không hủy báng Sa-môn Cù-đàm, người ấy nói sự thật, người ấy nói đúng pháp, người ấy nói pháp như pháp, đối với như pháp không có sai lầm, cũng không bị chỉ trích. Vì sao vậy, này Sư Tử, có một sự kiện mà, nhân sự kiện đó, đối với pháp như thật, không thể hủy báng, khi nói rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ bất khả tác, và cũng đem pháp bất khả tác ấy nói cho người khác’.

 “Này Sư Tử, lại có một sự kiện nữa mà nhân sự kiện đó, đối với pháp như thật, không thể hủy báng, khi nói rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ khả tác [88] và cũng đem pháp khả tác ấy nói cho người khác’.

“Này Sư Tử, lại có một sự kiện nữa mà nhân sự kiện đó, đối với pháp như thật, không thể hủy báng, khi nói rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ đoạn diệt [89] và cũng đem pháp kinh tởm ấy nói cho người khác’.

“Này Sư Tử, lại có một sự kiện nữa mà nhân sự kiện đó, đối với pháp như thật, không thể hủy báng, khi nói rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ kinh tởm [90] và cũng đem pháp kinh tởm ấy nói cho người khác’.

“Này Sư Tử, lại có một sự kiện nữa mà nhân sự kiện đó, đối với pháp như thật, không thể hủy báng, khi nói rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ pháp luật [91] và cũng đem pháp về pháp luật ấy nói cho người khác’.

“Này Sư Tử, lại có một sự kiện nữa mà nhân sự kiện đó, đối với pháp như thật, không thể hủy báng, khi nói rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ khổ hành [92] và cũng đem [44ab] pháp khổ hành ấy nói cho người khác’.

“Này Sư Tử, lại có một sự kiện nữa mà nhân sự kiện đó, đối với pháp như thật, không thể hủy báng, khi nói rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ không nhập thai [93] và cũng đem pháp không nhập thai ấy nói cho người khác’.

“Này Sư Tử, lại có một sự kiện nữa mà nhân sự kiện đó, đối với pháp như thật, không thể hủy báng, khi nói rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ an ổn [94] và cũng đem pháp an ổn ấy nói cho người khác’.

(iii.1) “Này Sư Tử, thế nào là ‘Có một sự kiện mà nhân sự kiện đó, đối với pháp như thật, không thể hủy báng, khi nói rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ bất khả tác, và cũng đem pháp bất khả tác ấy nói cho người khác’? Này Sư Tử, Ta nói thân ác hành là không nên làm, [95] khẩu và ý ác hành cũng không nên làm. Này Sư Tử, nếu có vô lượng pháp  cấu uế bất thiện tương tự như vậy, làm cội gốc cho các hữu trong tương lai, làm nhân cho quả báo khổ, nóng bức, và làm nhân cho sanh, già, bệnh, chết, này Sư Tử, Ta nói pháp ấy hết thảy không nên làm. Này Sư Tử, đó là có một sự kiện mà nhân sự kiện đó, đối với pháp như thật, không thể hủy báng, khi nói rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ bất khả tác, và cũng đem pháp bất khả tác ấy nói cho người khác’.

(iii.2) “Này Sư Tử, thế nào là có một sự kiện mà nhân sự kiện đó, đối với pháp như thật, không thể hủy báng rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ khả tác và cũng đem tông chỉ khả tác ấy nói cho người khác’? Này Sư Tử, Ta nói thân diệu hành là nên làm, khẩu và ý diệu hành là nên làm. Này Sư Tử, nếu có vô lượng pháp thiện tương ứng như vậy, sẽ mang lại lạc quả, được thọ lạc báo, sanh về thiện xứ để được trường thọ. Này Sư Tử, Ta nói, tất cả những pháp này đều nên làm. Này Sư Tử, đó là có một sự kiện mà nhân sự kiện đó, đối với pháp như thật không thể hủy báng rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ khả tác và cũng đem pháp khả tác ấy nói cho người khác’.

(iii.3) “Này Sư Tử, thế nào là có một sự kiện mà nhân sự kiện đó, đối với pháp như thật không thể hủy báng rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ đoạn diệt và cũng đem pháp đoạn diệt ấy nói cho người khác’? Này Sư Tử, Ta nói thân ác hành nên đoạn diệt; khẩu, ý ác hành nên đoạn diệt. [96] Này Sư Tử, nếu có vô lượng pháp  cấu uế, bất thiện như vậy, làm cội gốc cho cội hữu trong tương lai, làm nhân cho khổ báo, phiền nhiệt, và cho sanh, già, bệnh, chết. Này Sư Tử, Ta nói tất cả các pháp ấy nên đoạn diệt. Này Sư Tử, đó là có một sự kiện mà, nhân sự kiện đó, đối với pháp như thật, không thể hủy báng rằng: Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ đoạn diệt, và cũng đem pháp đoạn diệt ấy nói cho người khác’.

(iii.4) “Này Sư Tử, thế nào là có một sự kiện mà nhân sự kiện ấy, đối với pháp như thật không thể hủy báng rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ kinh tởm và cũng đem pháp kinh tởm ấy [441c] nói cho người khác’? Này Sư Tử, Ta nói thân ác hành, nên kinh tởm; khẩu, ý ác hành nên kinh tởm. Này Sư Tử, nếu có vô lượng pháp  cấu uế bất thiện tương tự như vậy, làm cội gốc cho hữu trong tương lai, làm nhân cho khổ báo, phiền nhiệt, và cho sanh, già, bệnh, chết. Này Sư Tử, Ta nói những pháp ấy đều nên kinh tởm. Này Sư Tử, đó là có một sự kiện mà nhân sự kiện đó, đối với pháp như thật không thể hủy báng rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ kinh tởm, và cũng đem pháp kinh tởm ấy nói cho người khác’.

(iii.5) “Này Sư Tử, thế nào là có một sự kiện, nhân sự kiện đó, đối với pháp như thật, không thể hủy báng rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ pháp luật cũng đem pháp luật ấy nói cho người khác’? Này Sư Tử, vì mục đích đoạn tham dâm mà Ta nói pháp luật. Vì mục đích đoạn sân nhuế và ngu si mà Ta nói là pháp luật. Này Sư Tử, nếu vô lượng pháp  cấu uế bất thiện, tương tự như vậy, làm cội gốc cho hữu trong tương lai, làm nhân cho khổ báo, phiền nhiệt, và cho sanh, già, bệnh, chết, này Sư Tử, vì mục đích đoạn trừ những sự kiện ấy mà Ta nói pháp luật. Này Sư Tử, đó là có một sự kiện mà nhân sự kiện ấy, đối với pháp như thật, không thể hủy báng rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ pháp luật, cũng đem tông chỉ pháp luật ấy nói cho người khác’.

(iii.6) “Này Sư Tử, thế nào là có một sự kiện mà nhân sự kiện đó, đối với pháp như thật, không thể hủy báng rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ khổ hành và cũng đem pháp khổ hành ấy nói cho người khác’? Này Sư Tử, hoặc có Bà-la-môn Sa-môn lõa hình, không y phục [97] hoặc dùng tay làm y phục, hoặc lấy lá làm y phục, hoặc lấy hạt châu làm y phục; hoặc không múc nước bằng bình, hoặc không múc nước bằng gáo; không ăn đồ ăn xốc xỉa bằng dao gậy, không ăn đồ ăn lừa dối, không tự mình đến, không làm khách được mời [98], không làm khách được chào đón [99], không làm khách được lưu [100], không ăn từ giữa hai người đang ăn, không ăn tại nhà có thai [101], không ăn từ nhà có nuôi chó, không ăn từ nhà có lằng xanh bay đến; không ăn cá, không ăn thịt, không uống rượu, không uống nước dấm [102], hoặc không uống gì cả, học tập hạnh không uống; hoặc ăn một miếng, cho một miếng là đủ [103], hoặc ăn hai, ba, bốn, cho đến bảy miếng, và cho bảy miếng là đủ, hoặc ăn bởi một lần nhận được [104], và cho đến một lần nhận được là đủ, hoặc ăn bởi hai, ba bốn cho đến bảy lần nhận được và cho bảy lần nhận được là đủ, hoặc ăn ngày một lần và cho một lần là đủ, hoặc hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy ngày, nửa tháng, hay một tháng, ăn một lần và cho một lần là đủ; hoặc ăn cỏ [105], hoặc ăn lúa cỏ [106], hoặc ăn nếp tuế, hoặc ăn [442a] cám, hoặc ăn gạo đầu-đầu-la [107], hoặc ăn đồ ăn thô; hoặc đến chỗ vô sự [108], y nơi vô sự; hoặc ăn rễ, hoặc ăn trái, hoặc ăn quả tự rụng; hoặc mặc áo khâu đủ thứ vải [109], hoặc mặc áo lông, hoặc mặc áo vải đầu-xá [110], hoặc mặc áo vải đầu-xá bằng lông, hoặc mặc bằng da nguyên, hoặc mặc da có xoi lỗ, hoặc mặc da toàn xoi lỗ; hoặc để tóc xõa, hoặc để tóc bện, hoặc để tóc vừa xõa vừa bện, hoặc chỉ cạo tóc, hoặc chỉ cạo râu, hoặc cạo cả râu tóc, hoặc nhổ tóc, hoặc nhổ râu, hoặc nhổ cả râu tóc, hoặc chỉ đứng thẳng không hề ngồi, hoặc đi chồm hỗm, hoặc nằm gai, lấy gai làm giường; hoặc nằm trái [111], lấy trái làm giường; hoặc thờ nước, ngày đêm lấy tay vọc; hoặc thờ lửa, ngày đêm đốt lên; hoặc thờ mặt trời, mặt trăng, thờ Đấng Tôn Hựu Đại Đức, chắp tay hướng về. So như vậy thời phải chịu vô lượng khổ, học hạnh phiền lao.

“Này Sư Tử, có những khổ hành như vậy, chứ Ta chẳng nói là không có. Này Sư Tử, nhưng những khổ hành như vậy là những nghiệp hạ tiện, rất khổ, rất khốn, là sự thực hành của người phàm phu, không phải Thánh đạo. Này Sư Tử, nếu có Sa-môn, Bà-la-môn đối với các pháp khổ hành ấy mà biết rõ, đoạn trừ, diệt tận và nhổ sạch gốc rễ của chúng đến rốt cùng, không cho sanh ra, Ta nói rằng những người kia là khổ hành [112]. Này Sư Tử, Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, đối với các pháp khổ hành ấy đã biết rõ, đã đoạn trừ, diệt tận, nhổ tất cả gốc rễ của chúng đến rốt cùng không cho sanh ra nữa, do đó Ta là người khổ hành. Này Sư Tử, đó là sự kiện mà nhân sự kiện đó, đối với pháp như thật, không thể hủy báng rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ khổ hành, và cũng đem pháp khổ hành ấy nói cho người khác’.

(iii.7) “Này Sư Tử, thế nào là có một sự kiện mà nhân sự kiện đó, đối vời pháp như thật, không thể hủy báng khi nói rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ không nhập thai, và cũng đem pháp không nhập thai ấy nói cho người khác?’ Này Sư Tử, nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào đối với sự thai sanh trong tương lai [113] mà biết rõ, đoạn trừ, diệt tận, nhổ tuyệt gốc rễ của nó, cho đến rốt cùng không cho sanh ra nữa, Ta nói rằng người kia không còn vào thai. Này Sư Tử, Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, đối với thai sanh trong tương lai đã biết rõ, đã đoạn trừ, diệt tận, nhổ tuyệt gốc rễ của nó, cho đến rốt cùng không cho sanh ra nữa, do đó Ta không còn vào thai nữa. Này Sư Tử, đó là một sự kiện mà nhân sự kiện đó, đối với pháp như thật, không thể hủy báng khi nói rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ không nhập thai và cũng đem pháp không nhập thai đó nói cho người khác’.

(iii.8) “Này Sư Tử, thế nào là có một sự kiện, mà nhân sự kiện đó đối với pháp như thật, không thể hủy báng khi nói rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ an ổn và cũng đem pháp an ổn đó nói cho người khác’? [442b] Này Sư Tử, có một thiện gia nam tử nào đó cạo bỏ râu tóc, mặc áo cà sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, chỉ vì mục đích thành tựu phạm hạnh vô thượng, ở ngay trong hiện tại này mà tự tri, tự giác, tự tác chứng, thành tựu và an trụ, biết như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Ta tự an ổn và cũng an ổn cho các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di khác. Ta đã an ổn và làm cho chúng sanh lệ thuộc vào sự sanh giải thoát sự sanh ấy; chúng sanh lệ thuộc vào già, tật bệnh, sự chết, ưu sầu, ô nhiễm, được sự giải thoát khỏi ưu sầu nhiễm ô ấy. Này Sư Tử, đó là có một sự kiện mà nhân sự kiện đó không thể hủy báng đối với pháp như thật rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ an ổn và cũng đem pháp an ổn ấy nói cho người khác’.”

(v) Bấy giờ, Đại thần Sư Tử bạch Thế Tôn rằng:

“Bạch Cù-đàm, con đã biết. Bạch Thiện Thệ, con đã hiểu. Bạch Cù-đàm, cũng như người có mắt tỏ, cái gì úp thì giở lên, cái gì che kín thì mở ra, chỉ đường cho người mê, đem ánh sáng đến chỗ tối, để cho ai có mắt sáng liền thấy màu sắc. Sa-môn Cù-đàm cũng lại như vậy, bằng vô lượng phương tiện, để thuyết pháp cho con, bày tỏ nghĩa lý, tùy theo các đạo [114].

“Bạch Cù-đàm, nay con xin quy y Phật, quy y Pháp và Chúng Tỳ-kheo, cúi mong Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc; kể từ hôm nay, trọn đời tự quy y, cho đến khi mạng chung.

“Bạch Thế Tôn, cũng như có người nuôi một con ngựa bất lương, mà mong được sự lợi ích, chỉ uổng công nhọc nhằn mà chẳng được sự lợi ích gì cả. Thế Tôn, con cũng như vậy. Các Ni-kiền ngu si kia, con không khéo hiểu biết, không thể tự biết, không nhận được đâu là ruộng tốt, mà lại không tự suy xét, mãi thờ kính, cúng dường, lễ bái để trông được lợi ích, chỉ nhọc mà vô ích. Bạch Thế Tôn, nay con một lần nữa xin tự quy Phật, Pháp và Chúng Tỳ-kheo. Cúi mong Đức Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc, kể từ hôm nay, trọn đời tự quy y, cho đến mạng chung.

“Bạch Thế Tôn, con vốn không hiểu nên đối với các Ni-kiền ngu si kia có sự tin tưởng và kính trọng, và từ nay chấm dứt. Vì sao thế? Vì họ lừa dối con. Bạch Thế Tôn, nay con lần thứ ba, xin tự quy y nơi Phật, quy y Pháp, và Chúng Tỳ-kheo. Cúi mong Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc, kể từ hôm nay, trọn đời tự quy y, cho đến mạng chung”. [115]

Phật thuyết như vậy. Đại thần Sư Tử và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

19. KINH NI-KIỀN

 [442c1] Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật sống giữa những người họ Thích [116], trong Thiên ấp [117].

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:

 “Các Ni-kiền thấy như vậy, nói như vậy: ‘Những gì mà con người cảm thọ đều do nhân đã tạo tác từ trước [118]. Nếu những nghiệp cũ của chúng do nhân khổ hành mà diệt và không tạo tác cái mới nữa, thì các nghiệp ấy dứt sạch. Các nghiệp đã dứt sạch thì các khổ được dứt sạch. Các khổ đã được dứt sạch thì đã đạt đến khổ biên [119]’.

“Ta liền đến các vị ấy; đến rồi liền hỏi:

“– Này các Ni-kiền, phải chăng các vị thấy như vầy, nói như vầy: ‘Những gì mà con người cảm thọ đều do nhân đã tạo tác từ trước. Nếu những nghiệp cũ của chúng do nhân khổ hành mà diệt và không tạo tác cái mới nữa, thì các nghiệp ấy dứt sạch. Các nghiệp đã dứt sạch thì các khổ được dứt sạch. Các khổ đã được dứt sạch thì đã đạt đến khổ biên?’

“Họ trả lời rằng:

“– Đúng như vậy, Cù-đàm.

 “Ta lại hỏi các vị Ni-kiền kia rằng:

“– Các vị tự có tịnh trí hay không, để biết rằng, trước kia ta có hay không có? Trước kia ta tạo ác hay không tạo ác? Ta chừng ấy khổ đã diệt tận, hay chừng ấy khổ chưa diệt tận; và nếu chừng ấy đã diệt tận thì sẽ diệt tận tất cả [120]? Chính ngay trong đời hiện tại mà đoạn các pháp bất thiện và tạo tác các thiện pháp, tu tập và tác chứng chăng?’

“Họ trả lời rằng:

“– Không phải vậy, Cù-đàm!

“Ta lại hỏi các Ni-kiền kia rằng:

“– Các vị tự mình không có tịnh trí để biết rằng: ‘Trước kia ta có hay không có? Trước kia ta tạo ác hay không tạo ác? Ta chừng ấy khổ đã diệt tận, hay chừng ấy khổ chưa diệt tận; và nếu chừng ấy đã diệt tận thì sẽ diệt tận tất cả? Chính ngay trong đời hiện tại mà đoạn các pháp bất thiện và tạo tác các thiện pháp, tu tập và tác chứng chăng?’ Nhưng các vị lại nói rằng: ‘Những gì mà con người cảm thọ đều do nhân đã tạo tác từ trước. Nếu những nghiệp cũ của chúng do nhân khổ hành mà diệt và không tạo tác cái mới nữa, thì các nghiệp ấy dứt sạch. Các nghiệp đã dứt sạch thì các khổ được dứt sạch. Các khổ đã được dứt sạch thì đã đạt đến khổ biên’.

“Này các vị Ni-kiền, nếu các vị tự có tịnh trí để biết rằng: ‘Trước kia ta có hay không có? Trước kia ta tạo ác hay không tạo ác? Ta chừng ấy khổ đã diệt tận, hay chừng ấy khổ chưa diệt tận; và nếu chừng ấy đã diệt tận thì sẽ diệt tận tất cả? Chính ngay trong đời hiện tại mà đoạn các pháp bất thiện và tạo tác các thiện pháp, tu tập và tác chứng chăng?’ Thì này các Ni-kiền, các vị mới có thể nói như vầy: ‘Những gì mà con người cảm thọ đều do nhân đã tạo tác từ trước. Nếu những nghiệp cũ của chúng do nhân khổ hành mà diệt và không tạo tác cái mới nữa, thì các nghiệp ấy dứt sạch. Các nghiệp đã dứt sạch thì các khổ được dứt sạch. Các khổ đã được dứt sạch thì đã đạt đến khổ biên’.

“Này Ni-kiền, cũng như có người mà thân thể bị trúng tên độc. Vì trúng tên độc nên rất đau đớn. Người ấy được quyến thuộc yêu mến xót thương, [443a] muốn đem lại sự thiện ích, an ổn, nên lập tức mời vị y sư nhổ tên đến [121]. Vị y sư liền lấy dao bén để giải phẫu vết thương; do sự phẫu thuật vết thương nên lại rất đau đớn. Sau khi giải phẫu vết thương, liền tìm mũi tên [122]; khi tìm mũi tên, lại càng rất đau đớn. Tìm được mũi tên, liền lập tức nhổ ra; lúc nhổ ra y lại càng đau đớn thêm. Nhổ mũi tên ra rồi, đậy vết thương lại và băng bó. Khi băng bó vết thương, lại càng đau đớn hơn. Sau khi nhổ được mũi tên ra, người ấy khỏe mạnh, không bệnh hoạn, các căn không hư hoại, bình phục như cũ.

“Này các Ni-kiền, người ấy có sẵn khôn ngoan nên liền suy nghĩ như vầy: ‘Ta trước kia bị trúng tên độc. Vì trúng tên độc nên rất đau đớn. Ta được quyến thuộc yêu mến xót thương, muốn đem lại sự thiện ích, an ổn, nên lập tức mời vị y sư nhổ tên đến. Vị y sư liền lấy dao bén để giải phẫu vết thương; do sự phẫu thuật vết thương nên lại rất đau đớn. Sau khi giải phẫu vết thương, liền tìm mũi tên; khi tìm mũi tên, lại càng rất đau đớn. Tìm được mũi tên, liền lập tức nhổ ra; lúc nhổ ra lại càng đau đớn thêm. Nhổ mũi tên ra rồi, đậy vết thương lại và băng bó. Khi băng bó vết thương, lại càng đau đớn hơn. Ta sau khi mổ mũi tên ra rồi, được khỏe mạnh, không bệnh hoạn, các căn không hư hoại, trở lại bình thường như cũ’.

“ Cũng vậy, này Ni-kiền, nếu các vị có tịnh trí, vậy có biết rằng: ‘Trước kia ta có hay không có, trước kia ta tạo ác hay không tạo ác? Ta bị chừng ấy khổ là hết hay bị chừng ấy khổ vẫn chưa hết. Nếu hết rồi sẽ được hết khổ vĩnh viễn? Chính ngay trong đời này mà đoạn các pháp bất thiện và tạo được các thiện pháp tu tập và tác chứng chăng?’ Thì này các Ni-kiền, các vị mới có thể nói rằng: ‘Những gì mà con người cảm thọ đều do nhân đã tạo tác từ trước. Nếu những nghiệp cũ của chúng do nhân khổ hành diệt mà không tạo nghiệp mới nữa, thì các nghiệp ấy sẽ chấm dứt. Các nghiệp đã chấm dứt thì các khổ sẽ chấm dứt, các khổ đã được chấm dứt thì đã đạt đến khổ biên’.

“Ta hỏi như vậy mà không thấy các Ni-kiền nào có thể trả lời Ta rằng: ‘Này Cù-đàm, đúng như vậy’ hay ‘không đúng như vậy’.

“Lại nữa, Ta hỏi các Ni-kiền rằng:

“– Nếu các vị Ni-kiền có sự tinh cần bậc thượng, có sự khổ hành bậc thượng [123]; bấy giờ các Ni-kiền có phát sanh sự khổ bậc thượng [124] chăng?

“Họ trả lời Ta rằng:

“– Đúng vậy, Cù-đàm.

“– Nếu có sự tinh cần bậc trung, có sự khổ hành bậc trung; bấy giờ các Ni-kiền có phát sanh sự khổ bậc trung chăng?

“Họ trả lời Ta rằng:

“– Đúng vậy, Cù-đàm.

“– Nếu có sự tinh cần bậc hạ, có sự khổ hành bậc hạ; bấy giờ các Ni-kiền có phát sanh sự khổ bậc hạ chăng?

“Họ trả lời Ta rằng:

“– Đúng vậy, Cù-đàm.

“– Như vậy là, nếu các vị Ni-kiền có sự tinh cần bậc thượng, có sự khổ hành bậc thượng; bấy giờ các Ni-kiền [443b] có phát sanh sự khổ bậc thượng. Nếu có sự tinh cần bậc trung, có sự khổ hành bậc trung; bấy giờ các Ni-kiền có phát sanh sự khổ bậc trung. Nếu có sự tinh cần bậc hạ, có sự khổ hành bậc hạï; bấy giờ các Ni-kiền có phát sanh sự khổ bậc hạ.

“Nếu giả sử các Ni-kiền có sự tinh cần bậc thượng và khổ hành bậc thượng, bấy giờ các Ni-kiền ấy đình chỉ sự khổ bậc thượng. Khi có sự tinh cần bậc trung và khổ hành bậc trung, bấy giờ các Ni-kiền ấy đình chỉ sự khổ bậc trung. Khi có sự tinh cần bậc hạ và khổ hành bậc hạ, bấy giờ các Ni-kiền ấy đình chỉ sự khổ bậc hạ. Hoặc làm như vậy, hoặc không làm như vậy mà đình chỉ khổ cùng cực và các nỗi khổ rất nặng nề, thì nên biết các Ni-kiền ngay trong đời này mà gây ra khổ. [125] Nhưng các Ni-kiền bị si mê che lấp, bị si mê trói buộc, nên nói thế này: ‘Những gì mà con người cảm thọ đều do nhân đã tạo tác từ trước. Nếu những nghiệp cũ của chúng do nhân khổ hành diệt mà không tạo nghiệp mới nữa, thì các nghiệp ấy sẽ chấm dứt. Các nghiệp đã chấm dứt thì các khổ sẽ chấm dứt, các khổ đã được chấm dứt thì đđược đoạn tận khổ biên’.

“Ta hỏi như vậy mà không thấy các Ni-kiền có thể trả lời Ta rằng: ‘Này Cù-đàm, đúng như vậy’ hay ‘không đúng như vậy’.

“Lại nữa, Ta hỏi các Ni-kiền rằng:

“– Các vị Ni-kiền, nếu có nghiệp mang lại lạc báo [126] thì nghiệp ấy có thể nào nhân sự tinh cần và nhân sự khổ hành mà chuyển thành khổ báo chăng? Họ trả lời Ta rằng:

“– Không thể, thưa Cù-đàm!

“– Các vị Ni-kiền, nếu có nghiệp mang lại khổ báo [127] thì nghiệp ấy có thể nào nhân sự tinh cần và nhân sự khổ hành mà chuyển thành lạc báo chăng?

“Họ trả lời Ta rằng:

“– Không thể, thưa Cù-đàm!

“– Các vị Ni-kiền, nếu có nghiệp báo trong đời hiện tại [128], thì nghiệp ấy có thể nào nhân sự tinh cần và nhân sự khổ hành ấy mà chuyển thành quả báo đời sau chăng?

“Họ trả lời Ta rằng:

“– Không thể, thưa Cù-đàm!

“– Các vị Ni-kiền, nếu có nghiệp báo đời sau [129] thì nghiệp ấy có thể nào nhân sự tinh cần và nhân sự khổ hành mà chuyển thành quả báo đời hiện tại chăng?

“Họ trả lời Ta rằng:

“– Không thể, thưa Cù-đàm!

“– Các vị Ni-kiền, nếu có nghiệp báo không chín [130], nghiệp ấy có thể nào nhân sự tinh cần và nhân sự khổ hành mà chuyển thành quả báo chín [131] chăng?

“Họ trả lời Ta rằng:

“– Không thể, thưa Cù-đàm!

“– Các vị Ni-kiền, đó là lạc nghiệp báo, nghiệp ấy không thể nhân sự tinh cần và nhân sự khổ hành, mà chuyển thành khổ báo được. Này các Ni-kiền, khổ báo nghiệp; nghiệp ấy không thể nhân sự tinh cần hay nhân sự khổ hành mà chuyển thành lạc báo được. Này các Ni-kiền, hiện pháp báo nghiệp; nghiệp ấy không thể nhân sự tinh tấn và nhân sự khổ hành mà chuyển thành hậu sanh báo được. Này các Ni-kiền, hậu sanh nghiệp báo; nghiệp ấy không thể nhân sự tinh cần và nhân sự khổ hành mà chuyển thành [443c] hiện pháp báo được. Này các Ni-kiền, nghiệp không chín, nghiệp ấy không thể nhân sự tinh cần và nhân sự khổ hành mà chuyển thành quả báo chín. Này các Ni-kiền, nghiệp báo chín; nghiệp ấy không thể nhân sự tinh cần và nhân sự khổ hành mà chuyển đổi thành khác đi được. Vì vậy, này các Ni-kiền, sự nỗ lực của quý vị là hư vọng [132], sự tinh cần ấy là trống rỗng, chẳng đạt được gì cả [133].

“Các Ni-kiền ấy liền trả lời Ta rằng:

“Thưa Cù-đàm, chúng tôi có tôn sư tên là Thân Tử Ni-kiền [134] có nói thế này: ‘Các Ni-kiền, nếu các ngươi trước kia đã tạo tác ác nghiệp; những nghiệp ấy đều có thể nhân sự khổ hành này mà bị diệt tận. Nếu nay hộ trì thân, khẩu, ý; nhân đó không còn tạo ác nghiệp nữa’.

“Ta lại hỏi các Ni-kiền kia rằng:

“– Các vị tin Tôn sư Thân Tử Ni-kiền, mà không chút nghi ngờ sao?

“Họ trả lời ta rằng:

“– Cù-đàm, chúng tôi tin Tôn sư Thân Tử Ni-kiền, không hề có nghi hoặc.

“Ta lại hỏi các Ni-kiền kia rằng:

“– Có năm pháp đem lại hai quả báo trong hiện tại này. [135] Đó là tín, lạc, văn, niệm, kiến thiện quán. Các Ni-kiền, có phải chăng người ta tự hư dối mình mà nói rằng: ‘Điều này đáng tin, đáng hâm mộ, đáng nghe theo, đáng suy ngẫm, đáng chiêm nghiệm kỹ [136]?’ Họ trả lời Ta rằng:

“– Đúng như vậy, thưa Cù-đàm!

“Ta lại bảo các Ni-kiền kia rằng:

“– Đó là lời dối trá, sao đáng tin, sao đáng nghe theo, sao đáng suy ngẫm, sao đáng chiêm nghiệm? Nghĩa là, người ta tự hư dối mình mà nói rằng: ‘Điều này đáng tin, đáng hâm mộ, đáng nghe theo, đáng suy ngẫm, đáng chiêm nghiệm kỹ’.

“Nếu các Ni-kiền nói như thế [137] thì đối với pháp như thật có năm điều đáng khiển trách [138], chất vấn, là đáng ghê tởm [139]. Những gì là năm?

“Nay những điều khổ, lạc mà chúng sanh này cảm thọ đều do sự tạo tác trước kia [140] Nếu đúng như vậy thì các Ni-kiền trước kia tạo các ác nghiệp. Bởi thế nên nay các Ni-kiền phải thọ khổ cực trọng đại. Đó là điều đáng ghê tởm thứ nhất của các Ni-kiền.

“Lại nữa, chúng sanh lãnh thọ sự khổ vui đều do sự hội hợp [141]. Nếu đúng như vậy thì các vị vốn hội hợp các điều ác. Bởi thế nên nay các Ni-kiền phải thọ khổ cực trọng đại. Đó là điều đáng ghê tởm thứ hai của các Ni-kiền.

“Lại nữa, chúng sanh lãnh thọ sự khổ vui đều do định mạng [142]. Nếu đúng như vậy thì các Ni-kiền có định mạng ác. Bởi vậy cho nên nay các Ni-kiền phải thọ khổ cực trọng đại. Đó là điều đáng ghê tởm thứ ba của các Ni-kiền.

“Lại nữa, chúng sanh lãnh thọ sự khổ vui đều do kiến [143]. Nếu đúng như vậy thì các Ni-kiền vốn có ác kiến. Bởi vậy cho nên nay [444a] các Ni-kiền phải thọ khổ cực trọng đại. Đó là điều đáng ghê tởm thứ tư của các Ni-kiền.

“Lại nữa, chúng sanh lãnh thọ sự khổ vui đều do Tôn Hựu tạo [144]. Nếu đúng như vậy thì các Ni-kiền vốn có một Tôn Hựu hung ác. Bởi vậy cho nên nay các Ni-kiền phải thọ khổ cùng cực. Đó là điều đáng ghê tởm thứ năm của các Ni-kiền.

“Nếu các Ni-kiền vốn do tạo tác nghiệp ác hội hợp, ác định mạng, ác kiến, ác Tôn hựu, vì thế mà các Ni-kiền nay phải lãnh thọ khổ cực trọng đại. Đó là vì những việc ấy nên các Ni-kiền là những người đáng ghê tởm.

“Pháp mà ta tự tri, tự giác và nói cho các vị, dù là Sa-môn, Bà-la-môn, hoặc Thiên, Ma, Phạm và những kẻ khác trên thế gian đều không thể hàng phục được, đều không thể chế ngự được.

“Thế nào là pháp mà ta tự tri, tự giác và nói cho các vị, không thể bị Sa-môn, Bà-la-môn, hoặc Thiên, Ma, Phạm và những kẻ khác trên thế gian có thể khuất phục được, có thể làm cho  cấu uế được, và có thể chế ngự được? [145]

“Nếu có Tỳ-kheo xả bỏ thân nghiệp bất thiện để tu thiện nghiệp nơi thân; xả bỏ khẩu, ý nghiệp bất thiện, tu thiện nghiệp nơi khẩu, ý. Vị đó đối với sự khổ đời vị lai mà tự biết rằng ta sẽ không có khổ đời vị lai, được sự an lạc như pháp mà không xả bỏ [146]. Vị ấy hoặc muốn đoạn trừ đối với nguyên nhân của khổ do cần hành dục, hoặc muốn nỗ lực đoạn trừ đối với nguyên nhân của khổ do cần hành xả dục [147]. Vị ấy nếu muốn nỗ lực đoạn trừ đối với nguyên nhân của khổ do cần hành dục, vị ấy tu tập cần hành dục ấy và sau khi đã đoạn, sự khổ liền chấm dứt. [148] Vị ấy nếu muốn đoạn trừ đối với nguyên nhân của khổ bằng cần hành xả dục, tức tu tập cần hành xả dục ấy, và sau khi đoạn, sự khổ liền chấm dứt.

“Bấy giờ nếu Tỳ-kheo ấy suy nghĩ như thế này: ‘Tùy theo những gì được tạo tác, tùy theo những gì được hành mà pháp bất thiện sanh khởi, pháp thiện bị diệt. Nếu ta tự tinh cần khổ hành [149] mà pháp bất thiện bị tiêu diệt, thiện pháp sinh khởi, thì ta hãy tự tinh cần khổ hành ấy [150]’. Rồi vị ấy tự tinh cần khổ hành. Sau khi đã tinh cần khổ hành, pháp bất thiện bị tiêu diệt, thiện pháp sanh khởi. Bấy giờ vị ấy không còn tinh cần khổ hành nữa. Vì sao thế? Này các Tỳ-kheo, những gì cần phải làm trước đó, nay mục đích đã thành tựu, nếu còn tinh cần khổ hành, việc ấy không xảy ra.

“Này Tỳ-kheo, cũng như người thợ làm tên, dùng kềm để uốn tên [151]. Khi cây tên đã thẳng thì không còn dùng kềm nữa. Vì sao thế? Vì việc phải làm trước đó nay đã xong rồi, nếu còn dùng kềm nữa, việc ấy không đúng. Cũng vậy, Tỳ-kheo suy nghĩ như thế này: ‘Tùy theo những gì được tạo tác, tùy theo những gì được hành mà pháp bất thiện sanh khởi, thiện pháp bị tiêu diệt. Nếu ta tự tinh cần khổ hành mà pháp bất thiện bị tiêu diệt, thiện pháp sinh khởi, thì ta hãy tự tinh cần khổ hành ấy’. Rồi vị ấy tự tinh cần [444b] khổ hành. Sau khi đã tinh cần khổ hành, pháp bất thiện bị tiêu diệt, thiện pháp sanh khởi. Bấy giờ vị ấy không còn tinh cần khổ hành nữa. Vì sao thế? Này các Tỳ-kheo, những gì cần phải làm trước đó, nay mục đích đã thành tựu, nếu còn tinh cần khổ hành việc ấy không đúng.

“Này Tỳ-kheo, cũng như có người thương nhớ, say đắm, trông chờ săn đón một người nữ kia, nhưng người nữ ấy lại nói chuyện với một người khác, thăm hỏi lẫn nhau, qua lại chung chạ. Người ấy do đó mà thân tâm phát sinh khổ não, buồn rầu không?”

Tỳ-kheo đáp:

“Thật như vậy, bạch Thế Tôn!”

“Vì sao thế? Vì người kia thương nhớ say đắm và hết sức trông chờ săn đón nữ nhân mà nữ nhân ấy lại nói chuyện với người khác, thăm hỏi lẫn nhau, qua lại chung chạ, thân tâm người ấy làm sao khỏi sanh ra khổ não buồn rầu.

“Này Tỳ-kheo, giả sử người kia suy nghĩ thế này: Ta thương nhớ săn đón suông người nữ kia, nhưng người nữ ấy lại nói chuyện với người khác, thăm hỏi lẫn nhau, qua lại chung chạ. Nay ta có nên vì việc ấy tự gây khổ não và tự gây ưu phiền mà dứt trừ sự thương nhớ say đắm người nữ kia chăng?’ Người ấy sau đó vì sự tự gây khổ, tự gây sầu não liền dứt trừ sự thương nhớ say đắm người nữ ấy. Nếu người nữ kia vẫn còn nói chuyện với người khác, thăm hỏi lẫn nhau, qua lại chung chạ, người ấy sau đó có thể nào sẽ còn sanh ra khổ não, rất buồn rầu chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Không còn nữa, bạch Thế Tôn”.

“Vì sao thế? Vì người ấy đối với nữ nhân kia không còn tình thương nhớ say đắm nữa. Giả sử nữ nhân kia vẫn còn nói chuyện với người khác, thăm hỏi lẫn nhau, qua lại chung chạ; nếu cho rằng người kia vì thế mà thân tâm lại còn sanh khởi khổ não, rất buồn rầu, điều ấy không đúng.

“Cũng thế, bấy giờ Tỳ-kheo suy nghĩ thế này: ‘Tùy theo sự tạo tác, tùy theo sự thực hành mà pháp bất thiện sanh khởi, thiện pháp bị tiêu diệt. Nếu tự tinh cần khổ hành mà pháp bất thiện bị tiêu diệt, thiện pháp sinh khởi, thì ta hãy tự tinh cần khổ hành ấy’. Rồi vị ấy tự tinh cần khổ hành. Sau khi đã tinh cần khổ hành, pháp bất thiện bị tiêu diệt, thiện pháp sanh khởi. Bấy giờ vị ấy không còn tinh cần khổ hành nữa. Vì sao thế? Này các Tỳ-kheo những gì cần phải làm trước đó, nay mục đích đã thành tựu, nếu còn tinh cần khổ hành việc ấy không đúng.

“Vị ấy lại nghĩ như thế này: ‘Nếu có những nguyên nhân để đoạn trừ các khổ não kia, ta liền đã đoạn trừ rồi, nhưng đối với dục ta vẫn còn như cũ chớ chưa đoạn được. Nay ta hãy tìm cách đoạn được dục. Vị ấy vì để đoạn dục, bèn sống cô độc, ẩn dật nơi rừng vắng, hoặc đến dưới bóng cây, nơi vắng vẻ, sườn núi, động đá, đất trống, lùm cây, hoặc đi vào rừng sâu, hoặc ở giữa bãi tha ma. Khi vị ấy đã sống nơi rừng vắng rồi, hoặc là đến dưới bóng cây, nơi vắng vẻ yên lặng, trải ni-sư-đàn, [444c] ngồi kiết già, dựng thân ngay thẳng, phản tỉnh không hướng ý niệm ra ngoài [152] đoạn trừ tham lam [153], tâm không còn não hại [154]; thấy của cải và tư cụ sinh sống của người khác, không còn móng khởi tham lam, muốn sao cho được về mình. Vị ấy đối với tham lam đã tịnh trừ tâm ý. Cũng vậy, đối với sân nhuế, tùy miên, trạo hối, đoạn trừ nghi, vượt qua hoặc, không còn do dự đối với các thiện pháp, vị ấy đối với nghi đã tịnh trừ tâm ý.

“Vị ấy đã đoạn trừ năm triền cái vốn làm tâm  cấu uế, tuệ yếu kém, rồi ly dục, ly ác bất thiện pháp, cho đến chứng Tứ thiền, thành tựu và an trụ.

“Vị ấy đạt được tịnh tâm thanh tịnh, không cấu uế và không phiền nhọc như vậy, nhu nhuyến và khéo léo an trụ, chứng đắc tâm bất động, hướng thẳng đến lậu tận trí thông. Vị ấy biết như thật rằng: ‘Đây là Khổ’, ‘đây là Khổ tập’, ‘đây là Khổ diệt’, và biết như thật ‘đây là Khổ diệt đạo’. Cũng biết như thật rằng: Đây là lậu, đây là lậu tập, đây là lậu diệt, biết như thật đây là lậu diệt đạo. Vị ấy biết như vậy, thấy như vậy thì tâm giải thoát khỏi dục lậu, hữu lậu, tâm giải thoát vô minh lậu. Giải thoát rồi liền biết là giải thoát, biết như thật rằng: ‘Sự sanh đã hết, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.

“Như Lai với chánh tâm giải thoát như vậy thành tựu được năm điều tán thán như pháp, không tranh cãi, khả ái, khả kính. Những gì là năm?

“Chúng sanh kia thọ lãnh khổ vui đều do sự tạo tác trước kia. Nếu đúng như vậy thì Như Lai vốn có nghiệp vi diệu từ trước. Bởi vậy nên nay Như Lai mới có sự an lạc vô lậu của bậc Thánh, tịch tịnh, tĩnh chỉ, cảm thọ lạc. Đó là điều xưng tán thứ nhất mà Như Lai đạt được.

“Lại nữa, chúng sanh thọ lãnh khổ vui đều do hiệp hội. Nếu đúng như vậy thì Như Lai vốn có sự nghiệp hội vi diệu. Bởi vậy, nên nay Như Lai mới có sự hiệp hội vi diệu, sự an lạc vô lậu của bậc Thánh, tịch tịnh, tĩnh chỉ, cảm thọ lạc. Đó là điều xưng tán thứ hai mà Đức Như Lai đạt được.

“Lại nữa, chúng sanh thọ lãnh khổ vui đều do định mạng. Nếu đúng như vậy thì Như Lai vốn có định mạng vi diệu. Bởi vậy, nên nay Như Lai mới có sự an lạc vô lậu của bậc Thánh, tịch tịnh, tĩnh chỉ, cảm thọ lạc. Đó là điều xưng tán thứ ba mà Đức Như Lai đạt được.

“Lại nữa, chúng sanh thọ lãnh khổ vui đều do kiến. Nếu đúng như vậy thì Như Lai vốn có kiến vị diệu. Bởi vậy, nên nay Như Lai mới có sự an lạc vô lậu của bậc Thánh, tịch tịnh, tĩnh chỉ, cảm thọ lạc. Đó là điều xưng tán thứ tư mà Đức Như Lai đạt được.

“Lại nữa, chúng sanh thọ lãnh khổ vui đều do Đấng Tôn Hựu tạo tác. Nếu đúng như vậy thì Như Lai vốn có Tôn Hựu vi diệu. Bởi vậy, nên nay Như Lai mới có sự an lạc vô lậu của bậc Thánh, [445a]tịch tịnh, tĩnh chỉ, cảm thọ lạc. Đó là điều xưng tán thứ năm mà Như Lai đạt được.

“Đó là Như Lai vốn có từ trước nghiệp vi diệu, sự hội họp vi diệu, định mạng vi diệu, kiến vi diệu và Tôn Hựu vi diệu và tạo tác vi diệu của Tôn Hựu. Do đó mà Như Lai được năm điều tán thán.

“Có năm nhân duyên làm cho tâm sanh ưu khổ. Những gì là năm? Đó là dâm dục triền, do dâm dục quấn chặt nên tâm sanh ưu khổ. Cũng vậy, đối với sân nhuế, thụy miên, trạo hối, nghi hoặc. Do nghi hoặc quấn chặt, nên tâm sanh ưu khổ. Đó là năm nhân duyên làm tâm sanh ưu khổ.

“Có năm nhân duyên để tâm diệt ưu khổ. Những gì là năm? Như do dâm dục triền nên tâm sinh ưu khổ, trừ dâm dục triền rồi thì ưu khổ liền bị tiêu diệt. Vì dâm dục triền nên tâm sanh ra ưu khổ, ngay trong đời hiện tại mà chứng đắc cứu cánh, không phiền, không nhiệt và bền vững không biến đổi; [155] đó là sở tri của bậc Thánh, sở kiến của bậc Thánh. Cũng vậy, với sân nhuế, thùy miên, nghi hoặc triền; do nghi hoặc quấn chặt nên tâm sanh ra ưu khổ. Nếu trừ được nghi hoặc triền rồi thì ưu khổ liền bị tiêu diệt. Vì nghi hoặc quấn chặt nên tâm sanh ra ưu khổ, trong đời hiện tại mà chứng đắc cứu cánh, không phiền, không nhiệt, thường trụ bất biến. Đó là sở tri của bậc Thánh, sở kiến của bậc Thánh. Ấy là năm nhân duyên để tâm diệt trừ ưu khổ.

“Lại nữa, còn có pháp khác ngay trong đời hiện tại mà chứng đắc cứu cánh, không phiền, không nhiệt, bền vững không biến đổi, là sở tri của bậc Thánh, là sở kiến của bậc Thánh. Thế nào là còn có pháp khác ngay trong đời hiện tại mà chứng đắc cứu cánh không phiền, không nhiệt, thường trụ và bất biến, là sở tri của bậc Thánh, sở kiến của bậc Thánh? Đó là tám chi thánh đạo, tức từ chánh kiến đến chánh định. Ấy là còn có pháp ngay trong đời hiện tại mà chứng đắc cứu cánh, không phiền, không nhiệt, thường trú và bất biến, là sở tri của bậc Thánh, sở kiến của bậc Thánh.

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

20. KINH BA-LA-LAO [156]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú ở Câu-lệ-sấu [157], cùng với đại chúng Tỳ-kheo, đi đến Bắc thôn [158], trú ở phía Bắc của thôn trong rừng Thi-nhiếp-hòa [159].

Bấy giờ Ba-la-lao Già-di-ni [160] nghe rằng: “Sa-môn Cù-đàm thuộc dòng họ Thích, đã từ bỏ dòng họ Thích, [445b] xuất gia học đạo, đang trú tại Câu-lệ-sấu, cùng đại chúng Tỳ-kheo, đi đến Bắc thôn, trú ở phía Bắc của thôn trong rừng Thi-nhiếp-hòa. Vị Sa-môn Cù-đàm ấy có tiếng tăm lớn, truyền khắp mười phương rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Vị ấy ở trong thế gian này giữa Chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, từ loài người cho đến loài trời, tự tri tự giác, tự tác chứng, thành tựu và an trụ. Pháp mà vị ấy thuyết, khoảng đầu thiện, khoảng giữa thiện, cứu cánh cũng thiện, có nghĩa, có văn, hiển hiện phạm hạnh thanh tịnh trọn đủ’. Nếu gặp được Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, để tôn trọng, lễ bái cúng dường, thừa sự, thì sẽ được nhiều thiện lợi”. Người kia suy nghĩ rằng: “Ta nên đến yết kiến Sa-môn Cù-đàm để lễ bái, cúng dường”.

Ba-la-lao Già-di-ni nghe vậy rồi, ra khỏi Bắc thôn, đi về hướng Bắc, đến rừng Thi-nhiếp-hòa, muốn yết kiết Thế Tôn để lễ bái cúng dường. Ba-la-lao Già-di-ni từ xa trông thấy Thế Tôn ở trong rừng cây, đoan nghiêm đẹp đẽ, như mặt trăng giữa đám tinh tú sáng ngời chói lọi, rực rỡ như tòa núi vàng, đầy đủ tướng hảo, uy thần vời vợi, các căn tịch tịnh, không gì ngăn che, thành tựu sự điều ngự, tâm yên tĩnh lặng. Ba-la-lao Già-di-ni từ xa trông thấy Đức Thế Tôn rồi, đến trước chỗ Thế Tôn, cùng chào hỏi rồi ngồi xuống một phía, thưa với Thế Tôn rằng:

“Tôi nghe Sa-môn Cù-đàm biết huyễn thuật, là nhà huyễn thuật [161]. Thưa Cù-đàm, nếu ai nói như vậy: ‘Sa-môn Cù-đàm biết huyễn thuật, là nhà huyễn thuật’, người ấy không hủy báng Sa-môn Cù-đàm chăng? Người ấy có nói đúng sự thật không? Người ấy nói có đúng pháp chăng? Người ấy nói đúng pháp và như pháp [162] chăng? Đối với như pháp, không có sai lầm và không bị chỉ trích chăng?”

Đức Thế Tôn đáp:

“Này Già-di-ni, nếu có ai nói như vầy, ‘Sa-môn Cù-đàm biết huyễn thuật, là nhà huyễn thuật’, thì người ấy không hủy báng Sa-môn Cù-đàm, người ấy nói chân thật, ngươi ấy nói đúng pháp, người ấy nói pháp như pháp, đối với pháp không có lỗi lầm, không bị chỉ trích. Vì sao thế? Này Già-di-ni, Ta biết huyễn thuật ấy, nhưng chính Ta không phải là nhà huyễn thuật”.

Già-di-ni nói rằng:

“Những điều các Sa-môn, Bà-la-môn kia nói là chân thật, nhưng tôi không tin họ nói rằng ‘Sa-môn Cù-đàm biết huyễn thuật và là nhà huyễn thuật”.

Thế Tôn nói:

“Này Già-di-ni, nếu người nào biết huyễn thuật thì người đó là nhà huyễn thuật chăng?”

Già-di-ni thưa rằng:

“Quả thật vậy, Thế Tôn. Quả thật vậy, Thiện Thệ”.

Thế Tôn bảo rằng:

“Này Già-di-ni, ông đừng tự lầm lẫn mà hủy báng Ta. Nếu hủy báng Ta thì chỉ tự gây tổn hại, có sự não hại, có xúc phạm, điều mà Hiền Thánh ghét bỏ, [445c] và bị tội lớn. Vì sao thế? Này Già-di-ni, điều ấy thật ra không đúng như lời ông nói.

“Này Già-di-ni, ông có nghe Câu-lệ-sấu có binh tốt [163] chăng?

Già-di-ni đáp rằng:

“Tôi nghe rằng có”.

“Này Già-di-ni, ông nghĩ thế nào, Câu-lệ-sấu có binh tốt ấy để làm gì?”

Già-di-ni đáp:

“Thưa Cù-đàm, để làm thông sứ và giết giặc cướp. Vì việc đó nên Câu-lệ-sấu nuôi các binh tốt ấy”.

“Này Già-di-ni, ông nghĩ thế nào, binh tốt Câu-lệ-sấu có giữ giới cấm hay không giữ giới cấm?”

Già-di-ni đáp:

“Thưa Cù-đàm, nếu trên thế gian này có những người không giữ giới cấm, vẫn không thể quá hơn binh tốt Câu-lệ-sấu. Vì sao thế? Vì binh tốt Câu-lệ-sấu phạm rất nhiều giới cấm, chỉ làm các ác pháp”.

Lại hỏi:

“Ông thấy như vậy, biết như vậy, Ta không hỏi ông. Nếu có người khác hỏi ông, ‘Vì Già-di-ni biết rằng binh tốt Câu-lệ-sấu phạm rất nhiều những giới cấm, chỉ làm những ác pháp; nhân việc đó nên Già-di-ni cũng phạm rất nhiều cấm giới, chỉ làm các ác pháp’. Nên nói như vậy, là lời nói đúng sự thật chăng?”

Già-di-ni đáp:

“Không phải vậy, thưa Cù-đàm. Vì sao thế? Vì binh tốt Câu-lệ-sấu có tri kiến khác, có sở nguyện khác, nên binh tốt Câu-lệ-sấu phạm rất nhiều cấm giới, chỉ làm các ác pháp. Còn tôi thì rất trì giới, không làm các ác pháp”.

Lại hỏi:

“Già-di-ni, ông biết binh tốt Câu-lệ-sấu phạm rất nhiều cấm giới, chỉ làm các ác pháp, nhưng ông không do đó mà phạm cấm giới, chỉ làm các ác pháp. Vậy thì vì sao không thể rằng Như Lai biết huyễn thuật, trong khi chính mình không phải là nhà huyễn thuật. Vì sao thế? Ta biết huyễn thuật, biết người huyễn thuật, biết quả báo của huyễn thuật, biết đoạn trừ huyễn thuật.

“Này Già-di-ni, Ta cũng biết sát sanh, biết người sát sanh, biết sự đoạn trừ sát sanh. Này Già-di-ni, Ta biết việc lấy của không cho, biết người lấy của không cho, biết quả báo việc lấy của không cho, biết sự đoạn trừ việc lấy của không cho. Này Già-di-ni, Ta biết việc nói dối, biết người nói dối, biết quả báo việc nói dối, biết đoạn trừ sự nói dối. Này Già-di-ni, Ta biết như vậy, thấy như vậy. Ai nói như vầy: ‘Sa-môn Cù-đàm biết huyễn thuật tức là nhà huyễn thuật’, nếu người ấy chưa đoạn trừ lời nói này, mà nghe tâm ấy, dục ấy, nguyện ấy, văn ấy, niệm ấy, quán ấy, thì trong khoảnh khắc như co duỗi cánh tay, mạng chung sanh vào địa ngục”.

Già-di-ni nghe vậy, kinh hãi khủng khiếp, lông trên mình dựng đứng lên, liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ chân Phật, quỳ mọp, chắp tay hướng về Thế Tôn mà bạch rằng:

“Cù-đàm, tôi ăn năn tội lỗi. Thiện Thệ, tôi tự thú. Tôi như ngu, như si, như bất định, như bất thiện. Vì sao thế? Vì tôi nói quấy rằng Sa-môn Cù-đàm là nhà huyễn thuật. [446a] Cúi mong Cù-đàm cho tôi được ăn năn tội lỗi, thấy tội thì bày tỏ. Tôi đã ăn năn tội rồi, sẽ giữ gìn không để tái phạm nữa”.

Thế Tôn bảo rằng:

“Thật như vậy, Già-di-ni, ông quả thật ngu, như si, như bất định, như bất thiện. Vì sao thế? Vì ông nói quấy rừang Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác là nhà huyễn thuật. Nhưng ông có thể ăn năn tội lỗi, thấy tội thì nên bày tỏ, giữ gìn không để tái phạm nữa. Như vậy, này Già-di-ni, nếu có người ăn năn tội lỗi, thấy tội nên bày tỏ, hộ trì mà không tạo lại nữa, thì trưởng dưỡng Thánh pháp, không còn có sự sai lầm nữa”.

Lúc đó Già-di-ni chắp tay hướng về Thế Tôn mà bạch rằng:

“Thưa Cù-đàm, có Sa-môn, Bà-la-môn, thấy thế này, nói thế này: ‘Nếu kẻ nào sát sanh, kẻ ấy nhất thiết thọ báo ngay trong đời này; nhân đó mà sanh ra ưu khổ. Nếu kẻ nào lấy của không cho, nói dối, kẻ ấy nhất thiết thọ báo; nhân đó mà sanh ra ưu khổ’. Thưa Sa-môn Cù-đàm, ý Ngài nghĩ sao?”

Đức Thế Tôn bảo rằng:

Này Già-di-ni, nay Ta hỏi ông, tùy sự hiểu biết mà trả lời. Này Già-di-ni, ý ông nghĩ sao? Nếu trong thôn ấp, hoặc có một người đầu đội tràng hoa, dùng nhiều loại hương xoa vào thân, rồi xướng nhạc, ca vũ, tự mình thỏa thích, vui cười nữ sắc, hoan lạc như vua. Nếu có người hỏi rằng: ‘Người này trước kia làm những gì mà nay đầu đội tràng hoa, hoặc dùng nhiều loại hương xoa vào thân rồi xướng nhạc, ca vũ, tự mình thỏa thích, vui cười nữ sắc, hoan lạc như vua?’ Hoặc có người trả lời rằng: ‘Người ấy vì Quốc vương mà giết hại kẻ thù. Quốc vương sau khi vui vẻ liền ban thưởng cho. Do đó người ấy đầu đội tràng hoa, dùng nhiều loại hương xoa vào thân, rồi xướng nhạc, ca vũ, tự mình thỏa thích, vui cười nữ sắc, hoan lạc như vua. Này Già-di-ni, ông có thấy như vậy, nghe như vậy chăng?”

Già-di-ni đáp:

“Tôi có thấy như vậy, nghe như vậy, Cù-đàm. Tôi đã nghe và sẽ được nghe nữa”.

“Già-di-ni, rồi lại thấy Quốc vương bắt bớ tội nhân, trói quặt hai tay lại, đánh trống, xướng lệnh, kéo ra cửa thành phía Nam, để ngồi dưới cây nêu cao, rồi chém bêu đầu. Nếu có người hỏi rằng: ‘Người này phạm tội gì mà bị Quốc vương giết nhỉ?’ Hoặc có người trả lời rằng: ‘Người này giết một người [164] trong Vương gia, do đó Quốc vương ra lệnh hành hình như vậy’. Này Già-di-ni, ông có thấy như vậy, nghe như vậy chăng?”

Già-di-ni trả lời:

“Tôi có thấy như vậy, Cù-đàm, tôi đã nghe và sẽ được nghe nữa”.

“Này Già-di-ni, nếu có Sa-môn, Bà-la-môn, thấy như vậy, nói như vậy: ‘Nếu có người nào sát sanh người ấy nhất thiết phải thọ báo ngay trong hiện tại này; nhân đó mà sanh ra ưu khổ’, thì đó là lời nói chân thật hay lời nói hư dối?”

Già-di-ni đáp:

“Đó là lời nói hư dối, [446b] thưa Cù-đàm”.

“Nếu người ấy nói hư vọng, ông có tin chăng?”

Già-di-ni đáp:

“Tôi không tin, thưa Cù-đàm”.

Đức Thế Tôn khen rằng:

“Lành thay, Già-di-ni, Ta lại hỏi ông, ông nghĩ thế nào? Nếu trong thôn ấp, hoặc có người đầu đội tràng hoa, dùng nhiều thứ hương xoa vào thân, rồi xướng nhạc, ca vũ, tự mình thỏa thích, vui chơi nữ sắc, hoan lạc như vua. Nếu có người hỏi rằng: ‘Người này trước kia đã làm những việc gì mà nay đầu đội tràng hoa, dùng nhiều thứ hương xoa vào thân, rồi xướng nhạc, ca vũ, tự mình thỏa thích vui chơi nữ sắc, hoan lạc như vua?’ Hoặc có người trả lời rằng, ‘Người ấy ở nước khác, vì lấy của không cho, do đó người ấy đầu đội tràng hoa, dùng nhiều thứ hương xoa vào thân, rồi xướng nhạc, ca vũ, tự mình thỏa thích vui chơi nữ sắc, hoan lạc như vua’. Này Già-di-ni, ông có thấy như vậy, nghe như vậy chăng?”

Già-di-ni thưa:

“Tôi có thấy như vậy, thưa Cù-đàm, tôi đã nghe và sẽ được nghe nữa”.

“Này Già-di-ni, rồi lại thấy Quốc vương bắt bớ tội nhân trói quặt hai tay ra sau, đánh trống, xướng lệnh kéo ra cửa phía Nam, để ngồi dưới gốc cây nêu cao rồi chém bêu đầu. Nếu có người hỏi rằng: ‘Người này mắc tội gì mà bị Quốc vương giết chết?’ Hoặc có người trả lời rằng: ‘Người ấy lấy của không cho trong Vương gia, do đó Quốc vương ra lệnh hành hình như vậy’. Này Già-di-ni, ông có thấy như vậy, nghe như vậy chăng?”

Già-di-ni trả lời rằng:

“Tôi có thấy như vậy, Cù-đàm, tôi đã nghe và sẽ được nghe nữa”.

“Này Già-di-ni, nếu có Sa-môn, Bà-la-môn thấy và nói như vậy: ‘Nếu có kẻ nào lấy của không cho, kẻ ấy nhất thiết phải thọ báo ngay trong đời hiện tại này, nhân đó mà sanh ra ưu khổ’, thì lời nói đó chân thật hay lời nói hư dối?”

Già-di-ni đáp:

“Đó là lời nói hư dối, thưa Cù-đàm”.

“Nếu người ấy nói hư vọng, ông có tin chăng?”

Già-di-ni đáp:

“Tôi không tin, thưa Cù-đàm!”

Đức Thế Tôn khen rằng.

“Lành thay! Lành thay! Già-di-ni!”

Lại hỏi Già-di-ni:

“Già-di-ni, ông nghĩ thế nào, nếu trong thôn ấp hoặc có người đầu đội tràng hoa, dùng nhiều thứ hương xoa vào thân, rồi xướng nhạc, ca vũ, tự mình thỏa thích vui chơi nữ sắc, hoan lạc như vua. Nếu có người hỏi rằng: ‘Người ấy trước kia làm những việc gì mà nay đầu đội tràng hoa, dùng nhiều thứ hương xoa vào thân, rồi xướng nhạc ca vũ, tự mình thỏa thích vui chơi nữ sắc, hoan lạc như vua?’ Hoặc có người trả lời rằng: ‘Người ấy ca múa để vui giỡn, cười đùa. Người ấy bằng lời nói dối làm cho Quốc vương vui vẻ. Sau khi Quốc vương vui vẻ liền ban thưởng cho, do đó người ấy đầu đội tràng hoa, dùng nhiều thứ hương xoa vào thân, rồi xướng nhạc, ca vũ, tự mình thỏa thích vui chơi nữ sắc, hoan lạc như vua’. Này Già-di-ni, ông có thấy như vậy, nghe như vậy chăng?”

Già-di-ni trả lời rằng:

“Tôi có thấy như vậy, Cù-đàm, tôi đã nghe và sẽ được nghe nữa”.

“Này Già-di-ni, rồi lại thấy Quốc vương bắt bớ tội nhân, dùng gậy đánh đến chết, rồi bỏ vào củi cây, chở trên xe trống đi ra cửa thành phía Bắc, vất vào trong rãnh nước, nếu có người hỏi rằng: ‘Người ấy mắc tội gì mà bị quốc vương giết chết đi?’ Hoặc có người trả lời rằng: ‘Người ấy ở trước Quốc vương nói dối là có chứng đắc. Người ấy do lừa gạt Quốc vương bằng lời nói dối nên bị Quốc vương ra lệnh bắt làm như thế’. Này Già-di-ni, ông có thấy như vậy, [446c] nghe như vậy không?”

Già-di-ni trả lời rằng:

“Tôi có thấy vậy, Cù-đàm, tôi đã nghe và sẽ nghe nữa”.

“Này Già-di-ni, ông nghĩ thế nào, nếu có Sa-môn, Bà-la-môn thấy như vậy, nói như vậy: ‘Nếu có người nào nói dối, người ấy nhất thiết phải thọ báo ngay trong đời hiện tại này, nhân đó mà sanh ra ưu khổ’, thì lời nói đó là lời nói chân thật hay hư dối?”

Già-di-ni đáp:

“Đó là lời nói hư dối, thưa Cù-đàm”.

“Nếu người ấy nói hư vọng, ông có tin chăng?”

Già-di-ni đáp:

“Tôi không tin, thưa Cù-đàm”.

Đức Thế Tôn khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Già-di-ni!”

Lúc đó, Già-di-ni liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai sửa áo chắp tay hướng về Thế Tôn mà thưa rằng:

“Kỳ diệu thay, những điều Cù-đàm nói rất vi diệu, khéo ví dụ, khéo dẫn chứng. Bạch Cù-đàm, tôi ở trong Bắc thôn có xây dựng một ngôi nhà cao lớn, sắp đặt giường nệm, để sẵn đồ chứa nước thắp sáng những ngọn đèn lớn. Nếu có vị Sa-môn, Bà-la-môn tinh tấn nào đến nghỉ ở ngôi nhà cao lớn ấy, tôi sẽ tùy khả năng mà cung cấp những gì vị ấy cần thiết. Có bốn vị luận sĩ mà sở kiến khác nhau, cùng đến tập hợp tại ngôi nhà cao lớn ấy. Trong đó có một vị luận sĩ thấy như vầy, nói như vầy: ‘Không có bố thí, không có trai tế, không có chú thuyết, không có nghiệp thiện, nghiệp ác, không có quả báo của nghiệp thiện ác, không có đời này đời sau, không có cha, không có mẹ, trên đời không có bậc chân nhân đi đến thiện xứ, khéo đi, khéo hướng, tự tri, tự giác, tự chứng ngộ đời này và đời khác, thành tựu và an trụ’. [165]

“Vị luận sư thứ hai lại có sở kiến trái ngược với sở kiến của vị luận sư thứ nhất. Vị ấy cũng thấy như vầy, nói như vầy: ‘Có bố thí, có trai tế, có chú thuyết, có nghiệp thiện ác, có nghiệp báo thiện ác, có đời này đời sau, có cha có mẹ có bậc chân nhân trên đời này đi đến thiện xứ, khéo đi, khéo hướng, tự tri, tự giác, tự chứng ngộ đời này và đời khác, thành tựu và an trụ’.

“Vị luận sư thứ ba thấy như vầy, nói như vầy: ‘Tự mình làm và sai bảo người khác làm, tự mình chém giết và sai bảo người khác chém giết, tự mình nấu và sai bảo người khác nấu; ưu sầu [166], phiền muộn, lo lắng, đấm ngực, áo não, khóc lóc, ngu si; sát sanh, lấy của không cho, tà dâm, nói dối, uống rượu; đào vách, mở kho, [447a] đến ngõ hẻm khác để ăn cướp [167], phá làng hại xóm, phá thành, diệt nước; làm như thế không phải là làm ác. Lại dùng vòng sắt bén như dao cạo, người ấy đối với tất cả chúng sanh ở trên cõi đời này, trong vòng một ngày mà bửa, mà cắt, mà chém, mà chặt, mà lột da, mà lóc xẻ từng mảng thịt, lách từng phần từng khối; do vậy vẫn không có nghiệp ác, do vậy vẫn không có nghiệp báo ác. Ở bờ sông Hằng-già phía Nam, giết rồi cắt, rồi khiến nấu’; và ở bờ sông Hằng-già phía Bắc mà bố thí, trai tế, chú thuyết. Không do đó mà có tội hay có phước; không do đó mà có quả báo tội phước. Cấp thí, tự chế ngự, thủ hộ, nhiếp trì, tán thán, nhiêu ích, ái ngữ lợi hành, không do đó mà có phước, không do đó mà có quả báo của phước’. [168]

Luận sĩ thứ tư lại có sở kiến trái ngược sở kiến vị luận chủ thứ ba. Vị ấy thấy như vầy, nói như vầy: ‘Tự mình làm và sai bảo người khác làm, tự mình chém giết và sai bảo người khác chém giết, tự mình nấu và sai bảo người khác nấu; ưu sầu, phiền muộn, lo lắng, đấm ngực, áo não, khóc lóc, ngu si; sát sanh, lấy của không cho, tà dâm, nói dối, uống rượu; đào vách, mở kho, đến ngõ hẻm khác để ăn cướp, phá làng hại xóm, phá thành, diệt nước; làm như thế chính là làm ác. Lại dùng vòng sắt bén như dao cạo, người ấy đối với tất cả chúng sanh ở trên cõi đất này, trong vòng một ngày mà bửa, mà cắt, mà chém, mà chặt, mà lột da, mà lóc xẻ từng mảng thịt, lách từng phần từng khối; do vậy vẫn không có nghiệp ác, do vậy vẫn không có nghiệp báo ác. Ở bờ sông Hằng-già phía Nam, giết rồi cắt, rồi khiến nấu’; và ở bờ sông Hằng-già phía Bắc mà bố thí, trai tế, chú thuyết. Do đó có tội có phước; do đó mà có quả báo tội phước. Cấp thí, tự chế, thủ hộ, nhiếp trì, tán thán, nhiêu ích, ái ngữ, lợi hành, do đó mà có quả báo tội phước.

“Thưa Cù-đàm, tôi nghe như vậy liền sanh nghi hoặc [169]: ‘Những vị Sa-môn, Bà-la-môn đó, ai nói chân thật, ai nói hư dối?’.”

Đức Thế Tôn trả lời:

“Này Già-di-ni, ông chớ sanh hoài nghi. [170] Vì sao thế? Có hoài nghi tất sanh ra phân vân. Này Già-di-ni, ông tự mình không có tịnh trí, để biết là có đời sau hay không có đời sau. Này Già-di-ni, ông lại cũng không có tịnh trí để biết điều được làm là ác hay điều được làm là thiện? Này Già-di-ni, có một pháp định [171] được gọi là “Viễn ly”. Ông nhờ định ấy sẽ có thể được chánh niệm, có thể đạt tới nhất tâm; như vậy, ở trong đời hiện tại ông sẽ đoạn trừ sự nghi hoặc, và được thăng tấn [172]”.

Lúc đó Già-di-ni từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai sửa áo, chắp tay hướng về Đức Thế Tôn mà bạch rằng:

“Thưa Cù-đàm, thế nào là có một pháp định được gọi là [447b] “Viễn ly”, mà tôi nhờ định ấy sẽ có thể được chánh niệm, có thể đạt tới nhất tâm; như vậy, ở trong đời hiện tại tôi có thể đoạn trừ sự nghi hoặc, và được thăng tấn [173]?”

Đức Thế Tôn bảo rằng:

“Thánh đệ tử đa văn xa lìa sự giết, đoạn trừ sự giết; đoạn trừ sự lấy của không cho, tà dâm, nói dối, cho đến đoạn trừ tà kiến và được chánh kiến. Vị ấy ban ngày cày ruộng, và gieo giống; đến chiều nghỉ ngơi và vào nhà ngồi thiền định; qua đêm, lúc hừng sáng suy nghĩ như vầy: ‘Ta xa lìa sự giết, đoạn trừ sự giết; đoạn trừ sự lấy của không cho, tà dâm, nói dối, cho đến đoạn trừ tà kiến và được chánh kiến. Vị ấy liền tự thấy: ‘Ta đã đoạn trừ mười nghiệp đạo ác và niệm mười nghiệp đạo thiện’. Vị ấy sau khi tự thấy: ‘Ta đã đoạn trừ mười nghiệp đạo ác và niệm mười nghiệp đạo thiện’, liền sanh ra hân hoan. Sau khi sanh ra hân hoan liền phát sanh hỷ; sau khi phát sanh hỷ, thân liền an định; sau khi thân được an định, thân liền cảm giác lạc. Sau khi thân cảm giác lạc thì được nhất tâm. Này Già-di-ni, sau khi Thánh đệ tử đa văn được nhất tâm rồi thì tâm câu hữu với từ, biến khắp một phương, thành tựu và an trụ. Cũng thế hai, ba, bốn phương, tứ duy, thượng hạ, biến khắp tất cả, tâm câu hữu với từ, không kết không oán, không sân, không nhuế, không não hại, quảng đại vô biên, vô lượng, khéo tu tập biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Vị ấy suy nghĩ như vầy: “Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào thấy như vầy, nói như vầy: ‘Không có sự bố thí, không có trai tế, không có chú thuyết, không có nghiệp thiện ác, không có nghiệp báo thiện ác, không có đời này đời sau, không có cha, không có mẹ trên đời, không có bậc thiện nhân đi đến thiện xứ, khéo đi, khéo hướng, tự tri, tự giác, tự chứng ngộ đời này và đời khác, thành tựu và an trụ’. Nếu những điều mà Sa-môn, Bà-la-môn kia nói ra là chân thật, nhưng ta không xâm phạm đời, dù kẻ sợ hay kẻ không sợ [174], thường thương mến tất cả thế gian. Tâm ta không cùng thế gian tranh cãi, cũng không có sự hân hoan thô trược. Nay ta được pháp của bậc Vô thượng, thăng tấn đến trú xứ an lạc. Đó là pháp định viễn ly. Những gì Sa-môn, Bà-la-môn kia nói, không cho là đúng, không cho là sai. Sau khi không cho là đúng, không cho là sai, liền được nội tâm tĩnh chỉ.

“Này Già-di-ni, đó là pháp định, được gọi là viễn ly. Ông có thể nhân định này mà được chánh niệm, mà được nhất tâm. Như vậy, ông có thể đoạn hết nghi hoặc trong đời hiện tại mà được thăng tiến.

“Lại nữa Già-di-ni: Thánh đệ tử đa văn xa lìa sự giết, đoạn trừ sự giết; đoạn trừ sự lấy của không cho, tà dâm, nói dối, cho đến đoạn trừ tà kiến và được chánh kiến. Vị ấy ban ngày cày ruộng, và gieo giống; đến chiều nghỉ ngơi và [447c] vào nhà ngồi thiền định; qua đêm, lúc hừng sáng suy nghĩ như vầy: ‘Ta xa lìa sự giết, đoạn trừ sự giết; đoạn trừ sự lấy của không cho, tà dâm, nói dối, cho đến đoạn trừ tà kiến và được chánh kiến. Vị ấy liền tự thấy: ‘Ta đã đoạn trừ mười nghiệp đạo ác và niệm mười nghiệp đạo thiện’. Vị ấy sau khi tự thấy: ‘Ta đã đoạn trừ mười nghiệp đạo ác và niệm mười nghiệp đạo thiện’, liền sanh ra hân hoan. Sau khi sanh ra hân hoan liền phát sanh hỷ; sau khi phát sanh hỷ, thân liền an định; sau khi thân được an định, thân liền cảm giác lạc. Sau khi thân cảm giác lạc thì được nhất tâm. Này Già-di-ni, sau khi Thánh đệ tử đa văn được nhất tâm rồi thì tâm câu hữu với bi, biến khắp một phương thành tựu và an trụ; cũng thế hai, ba, bốn phương, tứ duy, thượng hạ, biến khắp tất cả. Tâm câu với bi, không kết, không oán không sân nhuế, không não hại, quảng đại, vô lượng vô biên, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Vị ấy suy nghĩ như vậy: “Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào thấy như vầy, nói như vầy: ‘Có sự bố thí, có trai tế, có chú thuyết, có nghiệp thiện ác, có nghiệp báo thiện ác, có đời này đời sau, có cha, có mẹ trên đời, có bậc thiện nhân đi đến thiện xứ, khéo đi, khéo hướng, tự tri, tự giác, tự chứng ngộ đời này và đời khác, thành tựu và an trụ’. Nếu điều vị Sa-môn, Bà-la-môn kia nói ra là chân thật, nhưng ta không xâm phạm đời, dù kẻ sợ hãi hay kẻ không sợ hãi, thường thương mến tất cả thế gian. Tâm ta không cùng thế gian tranh cãi, cũng không có sự hân hoan thô trược. Nay ta được pháp của bậc Vô thượng, thăng tấn đến trú xứ an lạc. Đó là pháp định viễn ly. Những gì Sa-môn, Bà-la-môn kia nói, không cho là đúng, không cho là sai. Sau khi không cho là đúng, không cho là sai, liền được nội tâm tĩnh chỉ.

“Này Già-di-ni, đó là pháp định, được gọi là viễn ly. Ông có thể nhân định này mà được chánh niệm, mà được nhất tâm; như vậy, ông có thể đoạn hết nghi hoặc trong đời hiện tại mà được thăng tiến.

“Lại nữa Già-di-ni, Thánh đệ tử đa văn xa lìa sự giết, đoạn trừ sự giết; đoạn trừ sự lấy của không cho, tà dâm, nói dối, cho đến đoạn trừ tà kiến và được chánh kiến. Vị ấy ban ngày cày ruộng, và gieo giống; đến chiều nghỉ ngơi và vào nhà ngồi thiền định; qua đêm, lúc hừng sáng suy nghĩ như vầy: ‘Ta xa lìa sự giết, đoạn trừ sự giết; đoạn trừ sự lấy của không cho, tà dâm, nói dối, cho đến đoạn trừ tà kiến và được chánh kiến. Vị ấy liền tự thấy: ‘Ta đã đoạn trừ mười nghiệp đạo ác và niệm mười nghiệp đạo thiện’. Vị ấy sau khi tự thấy: ‘Ta đã đoạn trừ mười nghiệp đạo ác và niệm mười nghiệp đạo thiện’, liền sanh ra hân hoan. Sau khi sanh ra hân hoan liền phát sanh hỷ; sau khi [448a] phát sanh hỷ, thân liền an định; sau khi thân được an định, thân liền cảm giác lạc. Sau khi thân cảm giác lạc thì được nhất tâm. Này Già-di-ni, sau khi Thánh đệ tử đa văn được nhất tâm rồi thì tâm câu hữu với hỷ, biến khắp một phương thành tựu và an trụ; cũng thế hai, ba, bốn phương, tứ duy, thượng hạ, biến khắp tất cả. Tâm câu với hỷ, không kết, không oán, không sân nhuế, không não hại, quảng đại, vô lượng vô biên, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Vị ấy suy nghĩ như vầy: ‘Tự mình làm và sai bảo người khác làm, tự mình chém giết và sai bảo người khác chém giết, tự mình nấu và sai bảo người khác nấu; ưu sầu, phiền muộn, lo lắng, đấm ngực, áo não, khóc lóc, ngu si; sát sanh, lấy của không cho, tà dâm, nói dối, uống rượu; đào vách, mở kho, đến ngõ hẻm khác để ăn cướp, phá làng hại xóm, phá thành, diệt nước; làm như thế không phải là làm ác. Lại dùng vòng sắt bén như dao cạo, người ấy đối với tất cả chúng sanh ở trên cõi đất này, trong vòng một ngày mà bửa, mà cắt, mà chém, mà chặt, mà lột da, mà lóc xẻ từng mảng thịt, lách từng phần từng khối; do vậy vẫn không có nghiệp ác, do vậy vẫn không có nghiệp báo ác. Ở bờ sông Hằng-già phía Nam, giết rồi cắt, rồi khiến nấu’; và ở bờ sông Hằng-già phía Bắc mà bố thí, trai tế, chú thuyết. Không do đó mà có tội hay có phước; không do đó mà có quả báo tội phước. Cấp thí, tự chế ngự, thủ hộ, nhiếp trì, tán thán, nhiêu ích, ái ngữ lợi hành, không do đó mà có phước, không do đó mà có quả báo của phước’. Nếu điều vị Sa-môn, Bà-la-môn kia nói ra là chân thật, nhưng ta không xâm phạm đời, dù sợ hãi hay không sợ hãi, thường thương mến tất cả thế gian. Tâm ta không cùng thế gian tranh cãi, cũng không có sự hân hoan thô trược. Nay ta được pháp của bậc Vô thượng, thăng tấn đến trú xứ an lạc. Đó là pháp định viễn ly. Những gì Sa-môn, Bà-la-môn kia nói, không cho là đúng, không cho là sai. Sau khi không cho là đúng, không cho là sai, liền được nội tâm tĩnh chỉ.

“Này Già-di-ni, đó là pháp định, được gọi là viễn ly. Ông có thể nhân định này mà được chánh niệm, mà được nhất tâm. Như vậy, ông có thể đoạn hết nghi hoặc trong đời hiện tại mà được thăng tiến.

“Lại nữa Già-di-ni, Thánh đệ tử đa văn xa lìa sự giết, đoạn trừ sự giết; đoạn trừ sự lấy của không cho, tà dâm, nói dối, cho đến đoạn trừ tà kiến và được chánh kiến. Vị ấy ban ngày cày ruộng, và gieo giống; đến chiều nghỉ ngơi và vào nhà ngồi thiền định; qua đêm, lúc hừng sáng suy nghĩ như vầy: ‘Ta xa lìa sự giết, đoạn trừ sự giết; đoạn trừ sự lấy của không cho, tà dâm, nói dối, cho đến đoạn trừ tà kiến và được chánh kiến. Vị ấy liền tự thấy: [448b] ‘Ta đã đoạn trừ mười nghiệp đạo ác và niệm mười nghiệp đạo thiện’. Vị ấy sau khi tự thấy: ‘Ta đã đoạn trừ mười nghiệp đạo ác và niệm mười nghiệp đạo thiện’, liền sanh ra hân hoan. Sau khi sanh ra hân hoan liền phát sanh hỷ; sau khi phát sanh hỷ, thân liền an định; sau khi thân được an định, thân liền cảm giác lạc. Sau khi thân cảm giác lạc thì được nhất tâm. Này Già-di-ni, sau khi Thánh đệ tử đa văn được nhất tâm rồi thì tâm câu hữu với xả, biến khắp một phương thành tựu và an trụ; cũng thế hai, ba, bốn phương, tứ duy, thượng hạ, biến khắp tất cả. Tâm câu với xả, không kết, không oán, không sân nhuế, không não hại, quảng đại, vô lượng vô biên, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Vị ấy suy nghĩ như vầy: ‘Tự mình làm và sai bảo người khác làm, tự mình chém giết và sai bảo người khác chém giết, tự mình nấu và sai bảo người khác nấu; ưu sầu, phiền muộn, lo lắng, đấm ngực, áo não, khóc lóc, ngu si; sát sanh, lấy của không cho, tà dâm, nói dối, uống rượu; đào vách, mở kho, đến ngõ hẻm khác để ăn cướp, phá làng hại xóm, phá thành, diệt nước; làm như thế thật sự là làm ác. Lại dùng vòng sắt bén như dao cạo, người ấy đối với tất cả chúng sanh ở trên cõi đất này, trong vòng một ngày mà bửa, mà cắt, mà chém, mà chặt, mà lột da, mà lóc xẻ từng mảng thịt, lách từng phần từng khối; do vậy có nghiệp ác, do vậy có nghiệp báo ác. Ở bờ sông Hằng-già phía Nam, giết rồi cắt, rồi khiến nấu; và ở bờ sông Hằng-già phía Bắc mà bố thí, trai tế, chú thuyết. Do đó mà có tội hay có phước; do đó mà có quả báo tội phước. Cấp thí, tự chế ngự, thủ hộ, nhiếp trì, tán thán, nhiêu ích, ái ngữ, lợi hành; do đó mà có phước, do đó mà có quả báo của phước’. Nếu điều vị Sa-môn, Bà-la-môn kia nói ra là chân thật, nhưng ta không xâm phạm đời, dù kẻ sợ hãi hay kẻ không sợ, thường thương mến tất cả thế gian. Tâm ta không cùng thế gian tranh cãi, cũng không có sự hân hoan thô trược. Nay ta được pháp của bậc Vô thượng, thăng tấn đến trú xứ an lạc. Đó là pháp định viễn ly. Những gì Sa-môn, Bà-la-môn kia nói, không cho là đúng, không cho là sai. Sau khi không cho là đúng, không cho là sai, liền được nội tâm tĩnh chỉ.

“Này Già-di-ni, đó là pháp định, được gọi là viễn ly. Ông có thể nhân định này mà được chánh niệm, mà được nhất tâm. Như vậy, ông có thể đoạn hết nghi hoặc trong đời hiện tại mà được thăng tiến”.

Khi Phật nói bài pháp ấy xong, Già-di-ni viễn ly trần cấu, phát sanh con mắt thanh tịnh thấy rõ các pháp. Lúc đó, Già-di-ni thấy pháp, chứng pháp, giác ngộ pháp bạch tịnh, đoạn nghi, vượt qua hoặc, [448c] không còn tôn sùng ai khác, không còn do ai khác, không còn do dự, đã trụ nói quả chứng đạt, được vô sở úy đối với giáo pháp của Thế Tôn, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu lễ dưới chân Phật mà bạch rằng.

“Bạch Đức Thế Tôn, con từ nay xin quy y Phật, quy y Pháp và Chúng Tỳ-kheo; cúi mong Đức Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc; bắt đầu từ hôm nay, trọn đời quy y cho đến khi mạng chung”.

Phật thuyết như vậy. Ba-la-lao Già-di-ni và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

 


 [1] Hán: thọ kỳ báo受其報. Hán có thể nhầm, vì trùn lặp với khẳngđịnh tiếp theo. Đấy sửa lai theo bản Pāli. Xem thêm cht. 2 tiếp theo. A. i. 248: yathā yathāyaṃ puriso kammaṃ karoti tathā tathā taṃ paṭisaṃvediyatī ti etaṃ santaṃ, bhikkhave, brahmacariyavāso na hoti, okāso na paññāyati sammā dukkhassa antakiriyāya, “Nếu nói rằng: ‘Con người này tạo tác nghiệp như nào, nó sẽ cảm thọ nghiệp ấy như thế’. Nếu vậy, này các Tỳ-kheo,... không có đời sống phạm hạnh; không có cơ hội nêu rõ sự diệt tận khổ một cách chân chánh”.

 [2] Hán: thọ kỳ báo 受其報. Pl.: tathā tathāssa vipākaṃ paṭisaṃvediyati, cảm thọ dị thục của nó như thế như thế.  Trong bản Hán, nguyên văn lặp lại, xem cht. 1 trên. Nhưng trong bản Pāli: yathā yathā vedanīyaṃ ayaṃ pruriso kammaṃ karoti tathā tathā tassa vipākaṃ paṭisaṃvediyati, “Con người này tạo tác nghiệp được cảm thọ như thế như thế, nó sẽ cảm thọ dị thục của nghiệp ấy như thế như thế...”

 [3] Bản Pāli: appamattakaṃ pi pāpakammaṃ kataṃ tam enaṃ nirayaṃ upaneti, “chỉ tạo nghiệp ác dù chỉ chút ít, nhưng nghiệp ấy dẫn đến địa ngục”.

 [4] Pāli: paritto appātumo (Sớ giải: ātumā vuccati attabhāvo) appadukkhavihārī, “hạn hẹp, tự ngã nhỏ mọn, sống ít khổ”. Có lẽ bản Hán đọc: appa-āyusmā, có tuổi thọ thấp, thay vì: appa-ātumā, có tự ngã nhỏn mọn.

 [5] Pāli: tādisaṃyeva appamattakaṃ pāpakammaṃ kataṃ, “tạo ác nghiệp chút ít tương tợ (như trường hợp trên)”.

 [6] Pāli: apparitto mahatto appamāṇavihārī, “không hạn hẹp, tự ngã quảng đại, sống đời không hạn lượng”.

 [7] Thích-ki-sấu 釋羈瘦. Pāli: Sakkesu, “giữa chúng những người Thích-ca.

 [8] Ca-duy-la-vệ 迦維羅衛 (Ca-tì-la-vệ). Pāli: Kapilavatthu.

 [9] Ni-câu-loại viên 尼拘類園. Pāli: Nigrodhārāma.

 [10] Đại Mục-kiền-liên 大目犍連. Pāli: Mahā-Moggallāna.

 [11] Hán: trung thực hậu 中食後.

 [12] Ni-kiền, Ni-kiền Tử, Ni-kiền Thân Tử 尼乾親子. Pāli: Nagaṇṭhā Nātaputta.

 [13] Hòa-phá 惒破. Pāli: Vappa, trùng tên với một trong năm đệ tử đầu tiên của Phật.

 [14] Pl. (A. iii. 175): taṃ ṭhānāṃ yatonidānaṃ, do một nhân duyên nào đó.

 [15]Pl. ibid. dukkhavedaniyā āsavā, các lậu hoặc dẫn đến khổ.

 [16]Pl. ibid.: pubbe pāpakammaṃ kataṃ avipakkavipākaṃ, tato nidānaṃ purisaṃ dukkhavedaniyā āsavā assaveyyuṃ abhisamparāyaṃ, “ác nghiệp được làm trong quá khứ nhưng quả dị thục chưa chín, do nhân duyên đó người ấy trong tương lai có thể khởi lên lậu hoặc dẫn đến cảm thọ khổ.”

 [17] Để bản: hậu thời  後 時, sau đó. TNM: bỉ thời 彼 時, khi đó.

 [18] Hán: lậu phiền nhiệt ưu thích 漏煩憂熱憂戚. Pl.: kāyasamārambhapaccayā uppajjanti āsavā vighātaparilāhā, “do duyên là sự hoạt động của thân mà phát sinh các lậu, (là những thứ) gây tàn hại, nóng bức”.

 [19] Hán: thường trụ bất biến常住不變; có thể dịch  từ akālikā, (pháp) phi thời gian, không lệ thuộc thời gian.

 [20] Pl. (A. ii. 198): sandiṭṭhikā nijarā akālikā ehipassikā opaneyyikā paccattaṃ veditabbā viññūhi, “(đây là đạo lộ) hiện thực, trừ diệt, phi thời gian, đến mà thấy, có khả năng dẫn đạo, đượcnhận thứ nội tâm bởi bậc trí. Những từ này thường mô tả các phẩm tính của Pháp được Phật thuyết, đây chỉ đạo lộ hành trì của Tỳ kheo. Bản Hán không xác định được các từ này phẩm định hay mô tả cái gì, nên đoạn văn trở nên khó hiểu.

 [21]  Vô minh hành lậu... 無明行漏,… Pāli: avijjāpaccayā uppajjanti āsavā..., “do duyên là vô minh mà sinh khởi các lậu...”

 [22] Hán: hậu thân giác 後身覺. Pāli: kāyapariyantikaṃ vedanaṃ vediyamāno, khi có cảm giác về cảm thọ của thân tối hậu.

 [23] Hán: hậu mạng giác 後 命 覺. Pāli: jīvapariyantikaṃ vedanaṃ, cảm thọ của sinh mạng tối hậu.

 [24] Hán: cứu cánh lãnh 究竟冷.Pl. ibid.: idheva sabbavedayitāni anabhinanditāni sītī bhavissati, chính ở đây tất cả những gì được cảm thọ sẽ không còn được yêu thích, sẽ trở nên lạnh lùng.

 [25] Hán: lục thiện trú xứ 六善住處. Xem No 1(10) kinh Thập thượng. Pāli (A.ii. 196): evaṃ sammā vimuttacitassa bhikkhuno ch satatavihārā adhigatā, Tỳ kheo với tâm giải thoát chân chanh như vậy đạt được sáu hằng trụ. cha satatavihārā.

 [26] Nguyên hán: xả cầu vô vi 捨求無為. Cf. Pl. ibid.: so cakkhunā rūpaṃ disvā neva sumano hoti na dummano, upekkhako viharati sato sampajāno, Tỳ kheo khi mắt thấy sắc, không có ý đẹp cũng không có ý xấu, an trú xả với chánh niệm, chánh tri.

 [27] Để bản: tùy kỳ chư đạo 隨 其 諸 道. Các bản Tống-Nguyên-Minh: tùy thậm thâm đạo 隨 甚 深 道.

 [28] Hán: độ xứ 度 處. Pāli: titthāyatana, chỗ vượt qua sông. Tittha cũng chỉ tông phái hay giáo phái, do đó, titthāyatana cũng chỉ căn cứ hay nền tảng lập thuyết của các giáo phái.

 [29] Pāli: paṇḍitehi samanuyuñjiyamānāni samanugāhiyamānāni samanubhāsiyamānāni, “bị các nhà thông thái nạn vấn, chất vấn, khuyến cáo”.

 [30] Pāli: paraṃ gantvā, “sau khi đến với người khác”. Tức là, có thể giảng giải lại cho người khác.

 [31] Pāli: akiriyāya saṇṭhahanti, “chúng (các học thuyết ấy) không mang lại hữu ích gì”.

 [32] Hán: nhất thiết giai nhân túc mạng tạo 一切皆因宿命造, "Tất cả đều do nhân túc mạng”, nguyên nhân đã định sẵn từ đời trước. Pāli: taṃ sabbaṃ pubbekatahetū.

 [33] Hán: Tôn Hựu 尊祐, Thượng đế. Pāli: Issaranimānahetū, nguyên nhân do Thượng đế biến hóa ra hay sáng tạo.

 [34] Hán: vô nhân vô duyên 無因無緣, thuyết tự nhiên, không có nguyên nhân và điều kiện. Pāli: ahetu-appaccayā.

 [35] Pāli (A. i. 174): pāṇātipātino bhavissanti pubbekatahetu, “họ sẽ (được coi như) là những kẻ sát sanh, do hành động đời trước”.

 [36] Hán: ư nội nhân nội 於 內 因 內. Có lẽ Pāli tương đương: sārato paccāgacchataṃ, nắm chặt cho là lõi cứng kiên thận, tinh tủy).

 [37] Hán: vô dục vô phương tiện 無欲無方便. Pāli: na hoti chando vā vāyāmo, không có ước muốn, không có nỗ lực.

 [38] Pāli: muṭṭhassatīnaṃ anārakkhānaṃ viharataṃ, sống xao lãng, không giữ gìn (các căn).

 [39] Pāli: na hoti paccattaṃ sahadhammiko samaṇavādo, không thể tự gọi mình là Sa-môn một cách chân chánh.

 [40] Lục xứ pháp 六處法. A. I. 175: cha phassāyatanāni.

 [41] Lục giới pháp 六界法. A. i. 175: cha dhātuyo.

 [42] Hán: lục giới hiệp 六界合. A. i. 176: channaṃ dhātūnaṃ upādāya gabbhassāvavakkanti hoti, do chấp thủ (y trên) sáu giới mà có sự nhập thai.

 [43] Bản Pāli: nhân nhập thai mà có danh sắc... xúc... thọ.

 [44] Nguyên Hán: canh lạc 更 樂.

 [45] Nguyên Hán: giác 覺.

 [46] Hán: ngũ thạnh ấm khổ 五盛陰苦. Pl.: pañcupādānakkhandhā dukkhā.

 [47] Hán: thử cái thọ đương lai hữu, lạc dục cọng câu, cầu bỉ bỉ hữu 此愛受當來有樂欲共俱求彼彼有. Pl., thành cú: yāyaṃ taṇhā ponobhavikā nandīrāgasahagatā tatra-tatrābhinandinī.

 [48] Trúc lâm Ca-lan-đa viên 林迦蘭哆圓. Pāli: tại khu Kalandakanivāpa trong. Veḷuvāna

 [49] Trong bản: La-vân 尊者羅云. Pāli: Rahula.

 [50] Ôn tuyền lâm 溫泉林. Pāli: Tapodārāma, tinh xá Ôn tuyền hay Suối nước nóng, ở phụ cận thành Vương xá. Bản Pāli, M. 61 (i. 144), bấy giờ Rahula ở rừng Ambalaṭṭhikā.

 [51] Pl.: sampajānamusavāda, cố ý vọng ngữ.

 [52] Hán: vi tịnh, vi bất tịnh, vị tự vi, vị tha 為淨為不淨為自為為他. Có sự không rõ ràng trong bản án, xét theo nội dung những điều được nói đoạn tiếp theo. Đây dựa theo nội dung Pāli mà phỏng dịch. Pl.: attavyābādhāyapi… paravyābādhāyapi…

 [53] Hán: 彼身業不淨; rõ ràng có sự nhầm lẫn. Xem cht. 5 trên.

 [54] Pl. A.i.420: (…) evamevam paccavekkhitvā, kāyakammaṃ parisodhesuṃ, sau kho quán sát như vậy, họ làm cho thân nghiệp thanh tịnh.

 [55] Hán: cố tác nghiệp 故 作 業.

 [56] Hán: phụ phụ mẫu 婦父母: “cha mẹ vợ”. Có lẽ muốn nói “cha mẹ của nàng dâu” tức cha mẹ chồng.

 [57] Nghĩa là, được pháp luật bảo vệ.

 [58]  Hán: bất chỉ tức thuyết 不 止 息 說.

 [59] Hán: từ tâm giải thoát  慈心解脱. Pāli: mettaṃ cetovimuttiṃ, tâm giải thoát với từ.

 [60] Già-lam viên 伽藍園. Pāli, A. i. 189: tại thị trấn của những người Kālāma tên là Kesaputta, ở Kosala.

 [61] Ki-xá tử 羈舍子; Pāli: Kesaputta, xem cht. trên.

 [62] Thi-nhiếp-hòa lâm 尸攝惒林. Pāli: Siṃsapā.

 [63] Pl.: ahudeva kaṇkhā, ahudeva vicikicchā, “(chúng tôi) hoài nghi và phân vân!”

 [64] Hán: mạc sanh nghi hoặc 莫生疑惑. Cf. Pāli, A. i. 188: alañhi vo, kālāmā, kaṅkhituṃ alam vicikicchium. Bất biến từ alaṃ ở đây thường hiểu theo nghĩa khẳng định: “Thích hợp thay cho các ngươi, những người Kālāmā, để mà hoài nghi!” Nhưng bản Hán hiểu theo nghĩa tiêu cực, trong câu cấm chỉ: “Thôi đủ rồi để mà nghi hoặc!” Nghĩa là, chớ có hoài nghi! Đoạn trả lời của Phật tiếp theo trong bản Pāli là đoạn kinh nổi tiếng, rất nổi tiếng, về sự không chấp nhận giáo điều, cho nên, ở đây Phật chấp nhận thái độ hoài nghi đối với những giáo thuyết mà mình được nghe. Bản Hán như vậy đã làm mất ý nghĩa thâm thý của đoạn kinh, cho nên lược qua không nhấn mạnh như sẽ ṭhấy.

 [65] Pl.: kaṅkhanīyeva… vicchikicchā uppannā.

 [66] Hán: tập nhân bản hữu 因習本有; tức nhân, tập, duyên, sanh: bốn hành tướng của những cái làm nguyên nhân. Pāli, thành cú: esva hetu etaṃ nidānaṃ esa samudayo esa paccayo, đó là nhân, là (bản) duyên, là tập (khởi), là duyên (sinh).

 [67] Pl. ibid.: luddho purisapuggalo lobhena abhibhūto, người xan tham bị tham lam khống chế.

 [68] Hán: an ổn trú xứ 安穩住處: tô tức xứ.  Pāli: assāsa, sự nghỉ ngơi (lấy lại hơi thở quân bình), sự bình an.

 [69] Pl.: sace kho pana atthi paraloka, giả sử có thế giới khác (đời sau).

 [70] Pl.: sace kho pana natthi paraloko, natthi sukatadukatānaṃ kammānaṃ phalaṃ vipāko, giả sử không có thế giới khác, không có quả dị thục của những nghiêp thiện hay bất thiện.

 [71] Pl. : sace kho pana karoto karīyati pāpaṃ, na kho panāhaṃ kassaci pāpaṃ cetemi, “giả sử có làm điều gì ác, nhưng ta không có ý ác đối với bất cứ ai.”

 [72] Hán: bố dữ bất bố 怖與不怖, chỉ người run sợ tức kẻ yếu, và người vững vàng tức kẻ mạnh. Pāli: yvāhaṃ na kiñci vyābādhemi tasaṃ vā thāvaraṃ vā, ta không làm hại cái gì cả, dù đông vật hay bất động vật.

 [73] Để bản: Na-nan-đà viên 那難陀園; TNM: Na-nan-đà quốc 那難陀國; Pāli: Nāḷandā.

 [74] Tường thôn Nại lâm 牆村柰林. Pāli: Pāvarika-ambavana, là một vườn xoài của Pavārika, một phú hào người Kosambi. Trong vườn xoài tại thị trấn Nālanda, ông dựng một tịnh xá cúng dường Phật.

 [75] Hán: A-tư-la thiên – Già-di-ni 阿私羅天 - 伽彌尼. Pāli (S.iv. 311): Asibandakaputta-Gāmaṇi, thôn trưởng Asibandakaputta. Bản Hán hiểu gāmaṇi (thôn trưởng) là từ riêng, và Asibandha là một thiên thần.

 [76] Hán: Phạm chí tự cao梵志自高. Pl.: brāhmaṇā pacchābhūmakā, những người Bà-la-môn ở phương Tây; bản Hán đọc là paccabhūmaka?

 [77] Hán: sự nhược can thiên 事 若 干 天. Nhưng người Pacchābhūmaka thờ lửa (aggiparicārakā), thờ nước (udakohakā, lội xuống nước để thanh tẩy), và nhiều ttập tục khác, mà Hán chỉ tốm tắt nói “thờ một số Trời.”

 [78] Bản Pāli nói, theo tập quán các Bà-la-môn phương Tây (Pacchābhūmaka), nếu có những người chết họ chỉ cần gọi tên là những người này được sanh lên cõi trời.

 [79] Hán: viên quán chi đạo 園觀之道, có lẽ uyyāna (Pāli, vườn hoa) được do gốc động từ uyyāti: xuất phát. Sanskrti: udyāna: vườn hoa, cũng có nghĩa “tiên lên” (ud + YĀ).

 [80] Bản hán, hết quyển 3.

 [81] Hán: Di hầu thủy biên 彌猴水邊. Không thấy địa danh này trọng Pāli.

 [82] Hán: Cao lâu đài quán 高樓臺觀. Pāli: kūṭagārasāla, ngôi nhà lầu, thường gọi là Trùng các giảng đường 重閣講堂.

 [83] Lệ-xế 麗掣: Li-xa 離 車 hoặc Lê-xa 梨 車. Pāli: Licchavi.

 [84]Hán: Ni-kiền đệ tử Sư Tử đại thần 尼乾弟師子大臣. Tứ phần 42 (tr. 871b10): Tư-ha tướng quân 私呵將軍. Pāli: Tướng quân Sīha đệ tử  của Nigaṇṭha.

 [85]Hán: tông bổn bất khả tác 宗本不可作. Pāli: akiriyavāda, chủ trương phi tác nghiệp, không hành động hay không thực tiễn. Trong kinh, hàm ý “điều không nên làm” hay “không có tác dụng”, tức chủ trương không hành động.

 [86] Hán: bất khả tác pháp 不可作法. Pāli: akiriyāya dhammam.

 [87]thuyết pháp như pháp 法 如 法. Pāli: dhammassa cānudhammaṃ vyākarontu, thuyết minh tùy pháp của pháp, tức là nói theo điều đã được Phật nói (Sớ giải: bhagavā vuttakāraṇassa anukāraṇaṃ kathenti).

 [88] Hán: tông bổn khả tác 宗 本 可 作. Pāli: kiriyavāda.

 [89] Hán: tông bổn đoạn diệt 宗 本 斷 滅. Pāli: ucchedavāda.

 [90] Hán: tông bổn khả (tắng) ố 宗 本 可 (憎) 惡. Pāli: jigucchī, tức chủ trương khổ hạnh.

 [91]Hán: tông bổn pháp luật 宗 本 法 律. Pāli: venayika, sự chế ngự.

 [92] Hán: tông bổn khổ hành 宗 本 苦 行. Pāli: tapassī.

 [93] Hán: tông bổn bất nhập thai 宗 本 不 入 胎. Pāli: apagabbo.

 [94] Hán: tông bổn an ổn 宗 本 安 隠. Pāli: assattha, tô tức, an tức, sự nghỉ ngơi.

 [95] Thân ác hành là bất khả tác. Pl.: akiriyaṃ kāyaduccaritassa.

 [96] Pl.: ucchedaṃ vādāmi rāgassa dosassa mohassa, “Ta nói đoạn diệt tham, đoạn diệt sân, đoạn diệt si.”

 [97] Đoạn trình bày các lối khổ hạnh này giống kinh 104 ở sau. Bản Pāli tương đương không có đoạn này. Các chú thích dưới đây tham chiếu D.24 Udumbarikasīhanāda-suttanta. Xem thêm No 1(25): Lõa hinh phạm chí (tr.103btt).

 [98] Hán: bất lai tôn 不來尊. Pāli: na-ehi-bhadantika, “không là Tôn giả được gọi: Mời đến đây!”

 [99] Hán: bất thiện tôn 不善尊. Không thấy có Pāli tương đương. Có lẽ: na-sādhu-bhadantika, “không là Tôn giả được chào đón: Lành thay, Tôn giả!”

 [100] Hán: bất trụ tôn 不 住 尊. Pāli: na-tiṭṭha-bhadantika, “không là Tôn giả được mời mọc: Hãy ở lại đây, Tôn giả!

 [101] Hán: bất hoài nhâm gia thực 不懷妊家食. Pāli: na gabbhiniyā (paṭigaṇhāti), không (nhận thức ăn) từ người đàn bà mang thai.

 [102] Hán: ác thủy 惡水. Pāli: thusodaka, nước lên men.

 [103] Pāli: ekāgāriko vā hoti ekālopiko, mỗi nhà chỉ nhận một miếng ăn.

 [104] Hán: thực nhất đắc 食一得. Pāli: ekissāpi dattiyā yāpeti, chỉ sống bằng một vật được cho.

 [105] Hán: thái như 菜茹. Pāli: sākabhakkho.

 [106] Hán: bại tử 稗子, loại cỏ giống như lúa. Pāli: sāmāka.

 [107] Hán: đầu-đầu-la 頭頭邏. Pāli: daddula.

 [108] Hán: chí vô sự xứ 至無事處, đến nơi rừng vắng? Không thấy Pāli tương đương. Tham chiếu: vana-mla-palāhāro yāpeti.

 [109] Hán: liên hiệp y 連合衣. Pāli: masāṇāni, vải gai lẫn các vải khác.

 [110] Hán: đầu-xá y 頭舍衣. Pāli: dussa, vải thô chưa nhuộm màu.

 [111] Hán: ngọa quả 臥果. Pāli: phalaka, (nằm trên) tấm ván. Bản Hán hiểu phala(ka) là trái cây.

 [112] Pāli: yassa... tapaniyā pāpakā akusalā dhammā pahīnā... tam ahaṃ ‘tapassī’ ti vadāmi, “ai đoạn trừ những pháp ác bất thiện thiêu đốt hành hạ này, Ta gội đó la ngfời khổ hành.” Từ tapassī, người khổ hành, owr đây được hiểu do ggốc đông từ tappati: bị thiêu đót, binh hành hạ.

 [113] Pl.: āyatiṃ gabbhaseyyā punabbhavābhinibbatti, sự chuyển sanh của đương lai hữu dẫn đến nhập thai trong tương lai.

 [114] Hán: tùy kỳ chư đạo 隨其諸道.  Đoạn văn tương tự trong thành cú Pāli không tìm thấy ý nghĩa tương đương: (…) evamevaṃ bhotā gotamena anekapariyāyena dhammo pakāsito, “bằng vô số phương tiện Tôn Giat Gotama đã soi sáng pháp như vậy như vậy.”

 [115] Pāli (A.iv. 185) và Tứ phần 42 (tr.871c21) đều có thêm đoạn Phật khuyên Sư Tử thận trọng trước khi cải giáo. Tứ phần: “Ông là Đại thần của một nước, được mọi người biết đến, đang hữu ích cho nhiều người, chớ có hành động khinh suất mà sau này hối hận.”

 [116] Thích-ki-sấu 釋羇瘦, xem cht.1, kinh số 12 trên.

 [117] Thiên ấp 天 邑. Pāli: tụ lạc tên là Devadaha (Thiên tí, cánh tay trời) của người họ Thích., sinh quán thân mẫu của Đức Thích Tôn; vườn Lâm-tỳ-ni cũng gần đó. 

 [118] Nhân bổn tác 因本作. Pāli (M. ii. 214): pubbekatahetu, nguyên nhân được làm đời trước.

 [119] Pāli, ibid: dukkhakkhayā vedanākkhayo; vedanākkhayā sabbaṃ dukkhaṃ nijjiṇṇaṃ bhavisatī ti, “do khổ diệt tận nên thọ diệt tận; do thọ diệt tận nên hết thảy khổ tuyệt diệt”.

 [120] Hán: nhược tận dĩ, tiện đắc tận 若盡已便得盡. Pl., ibid.: ettakaṃhi vā dukkhe nijjiṇṇe sabbaṃ dukkhaṃ nijjiṇṇaṃ bhavissati, “trong khi chừng ấy khổ được diệt tận, tất cả khổ sẽ được diệt tận.”

 [121] Bạt tiễn kim y 拔箭金醫. Pāli: bhisakko sallakatto, y sĩ nhổ tên, hay y sĩ giải phẫu.

 [122] Hán: tiễn kim 箭 金.

 [123] Hán: thượng đoạn thượng khổ hành 上斷上苦行, đoạn ở đây được hiểu là tinh cần. Pāli: tibbo uppakkamo, tibbaṃ padhānaṃ, “tiến hành một cách căng thẳng, tinh cần một cách căng thẳng”. Trong bản Hán, padhāna (tinh cần) được đọc là pahāna (đoạn).

 [124] Sanh thượng khổ 生上苦, lãnh thọ cảm thọ tối thượng khổ. Pāli: tibbā opakkamikā dukkhā, những (cảm giác) khổ đột nhiên và kịch liệt.

 [125] Cf. Pl. (M.ii. 219): yasmiṃ vi samaye tibbo upakkamo hoti…tibbā tasmiṃ samaye opakkamikā dukkhā (…) yasmiṃ pana vo samaye no tibbo upakkamo…na tibbā tasmiṃ samaye opakkamikā dukkhā (…) na kallamassa veyyākaraṇāya… sabbaṃ taṃ pubbekatehetu:  khi cần hành kịch liệt thì cảm thọ khổ kịch liệt; khi không cần hành kịch liệt thì không cảm thọ khổ kịch liệt, như vậy không hợp lý để nói khổ do nhân dã tạo đời trước.

 [126] Hán: lạc báo nghiệp 樂報業. Pāli: kammaṃ sukhavedanīyaṃ, thuận lạc thọ nghiệp, nghiệp dẫn đến cảm thọ lạc.

 [127] Hán: khổ báo nghiệp 苦報業. Pāli: kammaṃ dukkhavedanīyaṃ, thuận khổ thọ nghiêp.

 [128] Hán: hiện pháp báo nghiệp 現法報業. Pāli: diṭṭhadhammavedanīya kamma, thuận hiện thọ nghiệp

 [129] Hán: hậu sanh báo nghiệp 候生報業. Pāli: samparāyavedanīya kamma.

 [130] Hán: bất thục báo nghiệp 不熟報業. Pāli: aparipakkavedanīya kamma.

 [131]Hán: thục báo nghiệp 熟報業. Pāli: paripakkavedanīya kamma.

 [132]  Hán: hư vọng phương tiện 虚妄方便. Pāli: aphalo upakkamo, nỗ lực không kết quả.

 [133]  Hán: không đoạn vô hoạch 空斷無獲. Pāli: aphalaṃ padhānaṃ, sự chuyên cần không kết quả.

 [134]  Thân Tử Ni-kiền  親子尼乾. Pāli: Nigaṇṭha Nātaputta.

 [135] Cf. M. ii. 218: diṭṭheva dhamme dvidhāvipākā: Tín 信 (saddhā), lạc 樂 (ruci: hoan hỷ), văn 聞 (anussava: tùy văn, nghe tường thuật), niệm 念 (ākārāparivitakka: tướng tĩnh lự, suy xét các dấu hiệu hay điều kiện hay lý do), và kiến thiện quán 見善觀 (diṭṭthinijhānakhanti: nhẫn thọ tà kiến).

 [136]Hán: khả tín, khả lạc, khả văn, khả niệm, khả kiến thiện quán. Pāli: “Lòng tin của các Tôn giả Nigaṇṭha đối với Tôn sư quá khứ như là thế nào? Sự hoan hỷ, tùy văn, thẩm sát và nhẫn thọ như thế nào?” (diễn giải về năm pháp nói trên).

 [137] Đaọn mạch giưabản Pāli và Hán phần nhiều không khớp nhau.

 [138] Hán: ngũ trách cật. Pāli (M.ii. 222): dasa vādānuvādā, mười luận đề phụ (của các học thuyết).

 [139] Hán: khả tắng ố 可橧惡.

 [140] Hán: nhân bản tác 因本作. Pāli: pubbekatahetu.

 [141] Hán: nhân hiệp hội 因合會. Pāli: saṅgātibhava.

 [142] Hán: nhân vi mạng 因為命. Pāli: abhijātihetu, nhân là chủng loại thọ sanh. Tức (nhân) do sự khác biệt da màu hay huyết thống.

 [143] Hán: nhân kiến 因 見. Pāli: diṭṭhadhammupakkamahetu, nguyên nhân là sự nỗ lực trong đời hiện tại. Bản Hán hình như chỉ đọc: diṭṭha-hetu.

 [144] Hán: Tôn hựu tạo 尊 佑 造. Pāli: Issaranimmānahetu, nguyên nhân là sự sáng tạo của Thượng đế (Tự tại thiên).

 [145] M.ii. 223: kathañ saphalo upakkamo hoti, saphalaṃ padhānaṃ? thế nào là sự nỗ lực có kết quả, và thế nào là sự cần hành có kết quả?

 [146] Pāli: bhikkhu na heva anaddhabhūtaṃ attānaṃ dukkhena addhabhāveti dhammikaṃ ca sukhaṃ na pariccajati, tasmiṃ ca sukhe anadhimucchito, Tỳ kheo chưa thể bằng sự khổ khuất phục tự ngã vốn chưa bị khuất phục, vị ấy không từ bỏ lạc thọ phù hợp chánh pháp, nhưng cũng không bị buộc chặt vào lạc thọ đó.

 [147]  Hán: Bỉ hoặc dục đoạn khổ nhân hành dục, hoặc dục đoạn khổ nhân hành xả dục 彼或欲斷苦因行欲或欲斷苦因行捨欲. Dục đoạn hành tức ước vọng đoạn trừ bất thiện bằng tinh cần trong khổ hành. Dục đoạn này được phát triển trong tinh tấn, khinh an, niệm, chánh tri, và do tư duy xả. Trong bản Hán này có hai phương pháp tu tập, hoặc bằng dục đoạn hành thuần tuý, hoặc dục đoạn hành đi đôi với xả.Giảithích này do suy luận dục ở đây được hiểu là chanda trong bốn thần túc. Cf. Tập dị 4 (tr. 471c13). Nhưng giải thích vừa nêu hình như không phù hợp vơi bản kinh Pāli. Trong đó, Hán: đoạn khổ nhân hành dục 斷苦因行欲 có thể tương đương Pāli: dukkhanidānassa saṃkhāraṃ padahato, tinh cần hành đối với nguyên nhân của khổ, để chống lại khổ. Cf. Pāli (M.ii. 223): imassa kho me dukkhanidānassa saṃkhāraṃ padahato saṃkhātappadhānā virāgo hoti; imassa pana me dukkhanidānassa ajjhupekkhato upekhaṃ bhāvayato virago hoti, ta đối với nguyên nhân đau khổ này tinh cần hành; do tinh cần hành mà ly nhiễm; lại nữa, ta đối với nguyên nhân đau khổ này mà xả (không quan tâm); do tu tập xả mà ly nhiễm. (Nghĩa là, không cần đến sự tinh cần khổ hạnh nữa; tự đoạn khổ).

 [148]  Hán: 彼若欲斷苦因行欲者即修其行欲已斷者苦便得盡.Cf. Pl.: tassa tassa dukkhanidānassa saṅkhāraṃ padahato saṅkhārappadhānā vỉāgo hoti – evampissa taṃ dukkhaṃ nijjiṇṇaṃ, vị ấy trong khi cần hành để đoạn nguyên nhan khổ, do cần hành mà ly dục, như vậy khổ ấy đối với vị ấy được diệt tận.

 [149]  Hán: tự đoạn khổ 自斷苦. Pāli: dukkhāya attānaṃ padahato, tập trung tự ngã để hành trì khổ.

 [150]  Đại ý đoạn này theo Pāli  (M.ii. 225): vị Tỳ-kheo trong khi sống với cảm thọ lạc, nhận thấy pháp thiện suy giảm và bất thiện tăng trưởng, bèn áp dụng sự thực hành với cảm thọ khổ (tức áp dụng lối khổ tu), khi ấy pháp thiện tăng trưởng và pháp bất thiện suy giảm.

 [151]  Hán: dụng kiểm (sic) nạo tiễn 用 檢 撓 箭. Pāli: tejanaṃ dvisu alātesu ātāpitaṃ, hơ nóng cây tên giữa hai ngọn lửa.

 [152] Hán: phản niệm bất hướng 反念不向. Pāli, thành cú: parimukhaṃ satiṃ upaṭṭhapetvā, sau khi đặt niệm tưởng ngay trước mặt (hệ niệm tại tiền).

 [153] Hán: tham tứ 貪 伺; Pāli: abhijjhaṃ loke, ham muốn trần tục.

 [154] Hán: tâm vô hữu tránh 心無有諍.

 [155] Xem cht. 14 kinh 12.

 [156] Tương đương Pāli: S.42.13. Pāṭali-sutta.

 [157] Câu-lệ-sấu 拘麗瘦. Pāli: Koliyesu, giữa những người  Koliyā, một bộ tộc theo thể chế cộng hòa trong thời Phật, cư ngụ tại làng Rāmagama trên bờ sông Hằng, và phần khác sống tại Devadaha, lãnh thổ của họ và của giòng Sakya được chia đôi bằng sông Rohinin và một cuộc chiến đẫm máu sắp xảy ra, nếu không có sự can thiệp của Đức Phật.

 [158] Bắc thôn 北村. Pāli: Uttara, tên thôn ở trong Koliyā.

 [159] Thi-nhiếp-hòa lâm 尸攝惒林. Pāli: Simsapavana.

 [160] Ba-la-lao Già-di-ni 波羅牢伽彌尼. Pāli: Pātaliya-gāminī thôn trưởng Pātaliya.

 [161] Hán: tri huyễn thị huyễn 知幻是幻. Pāli (S.iv. 340): māyaṃ jānatī ti, māyavī ti. Trong bản Pāli, hai vấn đề được hỏi thành hai câu hỏi khác nhau. Câu thứ nhất, Phật xác nhận. Câu thứ hai, Phật phủ nhận. Bản Hán gộp thành một.

 [162] Xem cht. 7 kinh 18.

 [163]Hán: tốt  卒. Pāli: lambacūlake bhaṭte, người làm thuê có lọn tóc buông thỏng.

 [164] Nguyên Hán: uổng sát vương gia vô quá chi nhân 枉殺王家無過之人, giết oan một người không lỗi. Theo nội dung các đoạn dưới, bỏ các từ được xem không phù hợp. Pl. (S.iv 344): jīvitā voropesi, nó đã sát hại mạng người (không xác định oan hay không).

 [165]  Thuyết đoạn diệt (uccheda-vāda) của Ajita Kesa-kambāli. Xem D.2 Sāmaññaphala-sutta; No.1(27), kinh Sa-môn quả.

 [166] Tự mình hay khiến người khác; đoạn sau, văn nghĩa tương tợ.

 [167] Hán: chí tha hạng mạch 至他巷 陌. (để bản: kiếp 劫). Có lẽ Pāli: paripanthe (Hán đọc: parapanthe) tiṭihato, chận đường ăn cướp.

 [168] Thuyết vô tác dụng (akiriya-vāda) của Pūrana Kassapa, Pāli, D. 2. Sāmaññaphalasutta; No.1(27), kinh Sa-môn quả..

 [169] Pl.: ahudeva kaṇkhā, ahudeva vicikicchā, “tôi hoài nghi và phân vân!”

 [170] Pl.: alañhi te kaṅkhitum, “Ông hoài nghi là phải!” Xem cht. 5 kinh 16 (Già-lam).

 [171] Hán: hữu pháp chi định 有法之定. Pāli: atthi... dhammasamādhi.

 [172] Pāli (S.iv. 350): atthi gāmaṇi dhammasamādhi tatra ce tvaṃ cittasamādhiṃ paṭilabeyyāsi evaṃ tvaṃ imaṃ kaṅkhādhammam pajaheyyāsi, có pháp định (pháp tam-muội), mà nếu trong đó ông có thể đạt được tâm định như vậy thì ông có thể đoạn trừ pháp nghi hoặc”.

 [173]  Hán: thăng tấn 昇進. Pāli: sagga, sanh lên trên; sanh thiên.

 [174] Hán: bố dữ bất bố 怖與不怖, chỉ người run sợ tức kẻ yếu, và người vững vàng tức kẻ mạnh. Pāli: yvāhaṃ na kiñci vyābādhemi tasaṃ vā thāvaraṃ vā, ta không làm hại cái gì cả, dù đông vật hay bất động vật.

Phẩm 3: Tương ưng Xá-lợi-phất

PHẨM 3:
TƯƠNG ƯNG XÁ-LỢI-PHẤT

TỤNG NGÀY THỨ NHẤT

等心得戒智師子  

水喻瞿尼陀然梵

教病拘絺象跡喻  

分別四諦最在後

Kệ tóm tắt:

Đẳng tâm, Đắc giới, Trí, Sư Tử,

Thủy dụ, Cù- ni,  Đà-nhiên Phạm

Giáo bệnh, Câu-hy, Tượng tich dụ,

Phân biệt Tứ đế ở sau cùng

21. KINH ĐẲNG TÂM

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại nước Xá-vệ, ở trong rừng Thắng Lâm Lâm Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất [1] cùng chúng Tỳ-kheo vân tập tại giảng đường vào ban đêm, nhân đó đem các nội kết sử và ngoại kết sử [2] mà phân biệt nghĩa lý cho các Tỳ-kheo.

“Này Chư Hiền, trên đời quả thật có hai hạng người. Những gì là hai? Đó là người có nội kết sử, bậc A-na-hàm, không trở lại thế gian này, và người có ngoại kiết sử, không phải là bậc A-na-hàm, sẽ còn trở lại thế gian này. [3]

“Này Chư Hiền, thế nào là người có nội kết sử, bậc A-na-hàm, không còn trở lại thế gian này?

“Nếu có người tu tập các giới cấm, không bị thủng, không sứt mẻ, không  cấu uế, không vẩn đục, hoàn toàn không thể chỉ trích, được bậc Thánh khen ngợi, khéo tu, khéo đầy đủ. Vị ấy nhân tu tập giới cấm, không bị thủng, không sứt mẻ, không  cấu uế, không vẩn đục, hoàn toàn không thể chỉ trích, được bậc Thánh khen ngợi, khéo tu, khéo đầy đủ, nên lại học nhàm tởm dục, không dục và đoạn dục. [4] Nhân bởi học [449a] nhàm tởm dục, ly dục và đoạn dục mà chứng được tịch tịnh tâm giải thoát [5]. Sau khi chứng đắc như vậy, trong cảm thọ lạc mà mến tiếc, không chịu xả ly, [6] trong đời hiện tại không được cứu cánh trí, khi thân hoại mạng chung vượt qua các cõi trời Đoàn thực [7] sanh về các cõi ý sanh khác [8]. Khi sanh về các nơi ấy rồi, vị ấy suy nghĩ thế này: ‘Ta trước kia còn làm người, lúc ấy tu tập các giới cấm, không bị thủng, không sứt mẻ, không  cấu uế, không vẩn đục, hoàn toàn không thể chỉ trích, được bậc Thánh khen ngợi, khéo tu, khéo đầy đủ. Nhân tu tập giới cấm, không bị thủng, không sứt mẻ, không  cấu uế, không vẩn đục, hoàn toàn không thể chỉ trích, được bậc Thánh khen ngợi, khéo tu, khéo đầy đủ, nên lại học nhàm tởm dục, không dục và đoạn dục. Nhân học nhàm tởm dục, không dục và đoạn dục mà chứng được tịch tịnh tâm giải thoát. Sau khi chứng đắc như vậy, trong cảm thọ lạc mà mến tiếc, không chịu xa lìa, trong đời hiện tại không được cứu cánh trí, khi thân hoại mạng chung vượt qua các cõi trời Đoàn thực, sanh về các cõi ý sanh khác, và đang ở nơi đây [9].

“Này Chư Hiền, lại có một hạng người tu tập giới cấm không rách nát, không bị thủng, không sứt mẻ, không  cấu uế, không vẩn đục, hoàn toàn không thể chỉ trích, được bậc Thánh khen ngợi, khéo tu, khéo đầy đủ. Vị ấy nhân tu tập giới cấm, không bị thủng, không sứt mẻ, không  cấu uế, không vẩn đục, hoàn toàn không thể chỉ trích, được bậc Thánh khen ngợi, khéo tu, khéo đầy đủ, nên lại học tập nghiệp đoạn trừ sắc hữu, đoạn trừ tham [10], học xả ly dục. Nhân học tập nghiệp đoạn trừ sắc hữu, đoạn trừ tham, học xả ly dục, mà chứng được tịch tịnh tâm giải thoát. Sau khi chứng đắc như vậy, trong cảm thọ lạc mà mến tiếc, không chịu xa lìa, trong đời hiện tại không được cứu cánh trí, khi thân hoại mạng chung vượt qua các cõi trời Đoàn thực, sanh về các cõi ý sanh khác. Khi sanh về các nơi ấy rồi, vị ấy suy nghĩ thế này: ‘Ta trước kia còn làm người, lúc ấy tu tập các giới cấm, không bị thủng, không sứt mẻ, không  cấu uế, không vẩn đục, hoàn toàn không thể chỉ trích, được bậc Thánh khen ngợi, khéo tu, khéo đầy đủ. Nhân tu tập giới cấm, không bị thủng, không sứt mẻ, không  cấu uế, không vẩn đục, hoàn toàn không thể chỉ trích, được bậc Thánh khen ngợi, khéo tu, khéo đầy đủ, nên lại học tập nghiệp đoạn trừ sắc hữu, đoạn trừ tham; học tập xả ly dục. Nhân học tập nghiệp đoạn trừ sắc hữu, đoạn trừ tham, học xả ly dục, mà chứng được tịch tịnh tâm giải thoát. Sau khi chứng đắc như vậy, trong cảm thọ lạc mà mến tiếc, không chịu xa lìa, trong đời hiện tại không được cứu cánh trí, khi thân hoại mạng chung vượt qua các cõi trời Đoàn thực, sanh về các cõi ý sanh khác, và đang ở nơi đây.

“Này Chư Hiền, thế nào là người có ngoại kết sử, không phải A-na-hàm, còn trở lại thế gian này? Nếu có người tu tập các giới cấm, thủ hộ biệt giải thoát luật nghi [11], lại còn khéo thâu nhiếp các oai nghi lễ tiết, thấy những tội lỗi nhỏ nhặt cũng thường sanh tâm lo sợ, thọ trì học giới. Này Chư Hiền, [449b] đó là người có ngoại kết sử, không phải A-na-hàm, sẽ còn trở lại thế gian này”.

Bấy giờ, một số đông thiên chúng Đẳng tâm [12], sắc tượng vời vợi, ánh sáng rực rỡ, lúc đêm gần tàn, đi đến chỗ Phật, cúi đầu làm lễ rồi đứng sang một bên, bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, Tôn giả Xá-lợi-phất, đêm qua cùng chúng Tỳ-kheo vân tập tại giảng đường, nhân đem nội kết sử và ngoại kết sử mà phân biệt nghĩa lý cho các Tỳ-kheo nghe như vầy: ‘Này Chư Hiền, trên đời quả thật có hai hạng người: người có nội kết sử và người có ngoại kết sử.’ Bạch Thế Tôn, Đại chúng đã hoan hỷ, cúi mong Thế Tôn từ bi thương xót mà đến nơi giảng đường.”

Lúc đó Thế Tôn im lặng nhận lời Chư Thiên Đẳng tâm. Chư Thiên Đẳng tâm biết Thế Tôn đã im lặng nhận lời, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi biến mất khỏi chỗ đó.

Không bao lâu, sau khi Chư Thiên Đẳng tâm đi khỏi, Đức Thế Tôn đi đến giảng đường, trải chỗ ngồi mà ngồi trước chúng Tỳ-kheo. Sau khi ngồi xong, Đức Thế Tôn khen rằng:

“Lành thay, lành thay! Xá-lợi-phất, thầy thật rất khéo léo. Vì sao thế? Vì đêm qua, thầy và chúng Tỳ-kheo vân tập tại giảng đường, nhân đem nội kết sử và ngoại kết sử mà phân biệt nghĩa lý cho các Tỳ-kheo nghe như vầy: ‘Này Chư Hiền, trên đời quả thật có hai hạng người, người có nội kết sử và người có ngoại kết sử’.

“Xá-lợi-phất, lúc đêm gần tàn, Chư Thiên Đẳng tâm đi đến chỗ Ta, cúi đầu làm lễ rồi đứng sang một bên, bạch rằng:

“– Bạch Thế Tôn, Tôn giả Xá-lợi-phất, đêm qua cùng chúng Tỳ-kheo vân tập tại giảng đường, nhân đem nội kết sử và ngoại kết sử mà phân biệt nghĩa lý cho các Tỳ-kheo nghe như vầy: ‘Này Chư Hiền, trên đời quả thật có hai hạng người: người có nội kết sử và người có ngoại kết sử’. Bạch Thế Tôn, Đại chúng đã hoan hỷ, cúi mong Thế Tôn từ bi thương xót mà đến nơi giảng đường.

“Xá-lợi-phất, Ta im lặng nhận lời Chư Thiên Đẳng tâm. Chư Thiên Đẳng tâm biết Ta đã im lặng nhận lời, cúi đầu đảnh lễ sát chân Ta, nhiễu quanh ba vòng rồi biến mất khỏi chỗ đó.

“Xá-lợi-phất, Chư Thiên Đẳng tâm kia hoặc có mười hay hai mươi vị, hoặc ba mươi hay bốn mươi vị, hoặc năm mươi hay sáu mươi vị, cùng đứng trên đầu mũi dùi vẫn chẳng ngại chướng ngại lẫn nhau. Này Xá-lợi-phất, Chư Thiên Đẳng tâm chẳng phải sanh ra trong cõi ấy, nhưng do tụ tập thiện tâm rất rộng rất lớn cho nên Chư Thiên Đẳng tâm hoặc có mười hay hai mươi vị hoặc ba mưoi hay bốn mươi vị, hoặc năm mươi hay sáu mươi vị, cùng đứng trên đầu mũi dùi vẫn chẳng ngại lẫn nhau. Này Xá-lợi-phất, Chư Thiên Đẳng tâm không phải sanh trong cõi trời này rồi mới bắt đầu tu thiện tâm, với tâm cực kỳ rộng lớn, khiến cho chư thiên Đẳng tâm cùng đứng trên đầu mũi dùi vẫn chẳng ngại lẫn nhau. Này Xá-lợi-phất, Chư Thiên Đẳng tâm trước kia khi còn là loài người đã tu tập thiện tâm rất rộng, rất lớn, do đó nên khiến Chư Thiên Đẳng tâm hoặc có mười hay hai mươi vị, hoặc ba mươi hay bốn mươi vị, hoặc năm mươi hay sáu mươi vị, cùng [449c] đứng trên đầu mũi dùi vẫn chẳng chướng ngại lẫn nhau.

“Do đó, này Xá-lợi-phất, nên học pháp tịch tĩnh, các căn tịch tĩnh, tâm ý tịch tĩnh, ba nghiệp thân, khẩu ý tịch tĩnh, hướng về Đấng Thế Tôn và các đồng phạm hạnh có trí. Này Xá-lợi-phất, các hàng dị học dối trá, luôn luôn suy tổn, vĩnh viễn lầm lạc. Vì sao vậy? Vì không được nghe diệu pháp như thế này”.

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

 22. KINH THÀNH TỰU GIỚI

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm Lâm Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất nói với các Tỳ-kheo rằng:

“Nếu Tỳ-kheo thành tựu giới, thành tựu định, thành tựu tuệ thì ngay trong đời hiện tại mà ra vào định tưởng thọ diệt [13]; tất có trường hợp này. Nếu ngay trong đời hiện tại mà không chứng được cứu cánh trí [14], khi thân hoại mạng chung, vượt qua khỏi trời Đoàn thực [15], sanh lên các cõi trời Ý sanh [16], tại các cõi ấy mà ra vào định tướng tri diệt; tất có trường hợp này”.

Lúc đó Tôn giả Ô-đà-di [17] cũng hiện diện trong đại chúng. Tôn giả Ô-đà-di nói rằng:

“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, nếu Tỳ-kheo sanh lên các cõi trời ý sanh khác, mà ra vào định tưởng tri diệt; hoàn toàn không có trường hợp ấy”. [18]

Tôn giả Xá-lợi-phất ba lần lặp lại, nói với các Tỳ-kheo rằng:

“Nếu Tỳ-kheo thành tựu giới, thành tựu định, thành tựu tuệ thì ngay trong đời hiện tại mà ra vào định tưởng thọ diệt; tất có trường hợp này. Nếu ngay trong đời hiện tại mà không chứng được cứu cánh trí, khi thân hoại mạng chung, vượt qua khỏi trời Đoàn thực, sanh lên các cõi trời Ý sanh, tại các cõi ấy mà ra vào định tướng tri diệt; tất có trường hợp này”.

Tôn giả Ô-đà-di cũng ba lần lặp lại, thưa rằng:

“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, nếu Tỳ-kheo sanh lên các cõi trời Ý sanh khác, mà ra vào định tưởng thọ diệt; hoàn toàn không có trường hợp ấy”.

Lúc đó Tôn giả Xá-lợi-phất liền suy nghĩ như thế này: “Thầy Tỳ-kheo này cho đến ba lần bác lời ta nói, và cũng không có vị Tỳ-kheo nào tán thán lời ta nói. Vậy ta hãy đi đến Đức Thế Tôn”.

Rồi Tôn giả Xá-lợi-phất đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ rồi ngồi xuống một bên.

Sau khi Tôn giả Xá-lợi-phất ra đi chẳng bao lâu, Tôn giả Ô-đà-di cũng đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ rồi ngồi xuống một bên.

Nơi đây, Tôn giả Xá-lợi-phất lại nói với các Tỳ-kheo rằng:

“Nếu Tỳ-kheo thành tựu giới, thành tựu định, thành tựu [b] tuệ thì ngay trong đời hiện tại mà ra vào định tưởng thọ diệt; tất có trường hợp này. Nếu ngay trong đời hiện tại mà không chứng được cứu cánh trí, khi thân hoại mạng chung, vượt qua khỏi trời Đoàn thực, sanh lên các cõi trời Ý sanh, tại các cõi ấy mà ra vào định tưởng thọ diệt; tất có trường hợp này”.

Tôn giả Ô-đà-di lại thưa rằng:

“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, nếu Tỳ-kheo sanh lên các cõi trời Ý sanh khác, mà ra vào định tưởng thọ diệt; hoàn toàn không có trường hợp ấy”.

Tôn giả Xá-lợi-phất ba lần lặp lại, nói với các Tỳ-kheo rằng:

“Nếu Tỳ-kheo thành tựu giới, thành tựu định, thành tựu tuệ thì ngay trong đời hiện tại mà ra vào định tưởng thọ diệt; tất có trường hợp này. Nếu ngay trong đời hiện tại mà không chứng được cứu cánh trí, khi thân hoại mạng chung, vượt qua khỏi trời Đoàn thực, sanh lên các cõi trời Ý sanh, tại các cõi ấy mà ra vào định tướng tri diệt; tất có trường hợp này”.

Tôn giả Ô-đà-di cũng ba lần lặp lại, thưa rằng:

“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, nếu Tỳ-kheo sanh lên các cõi trời Ý sanh khác, mà ra vào định tưởng thọ diệt; hoàn toàn không có trường hợp ấy”.

Tôn giả Xá-lợi-phất suy nghĩ thế này: “Thầy Tỳ-kheo này ở trưóc Đức Thế Tôn, lặp lại ba lần bác lời ta nói, cũng không có vị Tỳ-kheo nào tán thán lời ta nói; vậy ta nên im lặng”.

Lúc ấy Đức Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Ô-đà-di, ngươi cho Ý sanh thiên là sắc chăng?”

Tôn giả Ô-đà-di bạch Đức Thế Tôn rằng:

“Quả thật như vậy, bạch Thế Tôn”. [19]

Đức Thế Tôn liền khiển trách:

“Ngươi là người ngu si mờ tối, không có mắt, bằng vào những gì mà có thể luận bàn về A-tỳ-đàm thâm sâu [20]?”

Bấy giờ Tôn giả Ô-đà-di sau khi bị Thế Tôn quở mắng lòng dạ u sầu, cúi đầu im lặng, không còn lời lẽ để biện luận, như có điều suy nghĩ.

Đức Thế Tôn sau khi quở mắng Tôn giả Ô-đà-di rồi, nói Tôn giả A-nan rằng:

“Khi một Tỳ-kheo trưởng lão là bậc Danh đức Thượng tôn mà bị người khác cật vấn, tại sao ngươi bỏ mặc, không chiếu cố? Ngươi, là người ngu si, không có lòng từ, quay lưng lại với bậc Trưởng lão Thượng tôn Danh đức”.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn sau khi quở mắng Tôn giả Ô-đà-di và Tôn giả A-nan, bèn nói với các Tỳ-kheo rằng:

“Nếu Tỳ-kheo thành tựu giới, thành tựu định, thành tựu tuệ thì ngay trong đời hiện tại mà ra vào định tưởng thọ diệt; tất có trường hợp này. Nếu ngay trong đời hiện tại mà không chứng được cứu cánh trí, khi thân hoại mạng chung, vượt qua khỏi trời Đoàn thực, sanh lên các cõi trời ý sanh, tại các cõi ấy mà ra vào định tưởng thọ diệt; tất có trường hợp này”.

Đức Thế Tôn nói như vậy xong liền vào tịnh thất im lặng tĩnh tọa. [450b] Bấy giờ Tôn giả Bạch Tịnh [21] đang hiện diện trong đại chúng. Tôn giả A-nan thưa với Tôn giả Bạch Tịnh rằng:

“Đó là việc làm của vị khác mà tôi bị quở mắng. Thưa Tôn giả Bạch Tịnh, vào xế chiều Thế Tôn rời khỏi tịnh thất mà đến trước chúng Tỳ-kheo, trải tòa ngồi, để cùng thảo luận vấn đề này. Tôn giả Bạch Tịnh, ngài nên trả lời việc này. Tôi rất thẹn với Đức Thế Tôn và các đồng phạm hạnh”.

Bấy giờ vào lúc xế chiều, Đức Thế Tôn từ thiền thất đi ra, đến trước chúng Tỳ-kheo, trải chỗ mà ngồi, rồi Ngài bảo rằng:

“Này Bạch Tịnh, Tỳ-kheo Trưởng lão có mấy pháp để được các đồng phạm hạnh kính mến, tôn trọng?”

Tôn giả Bạch Tịnh thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo Trưởng lão nếu có năm pháp sẽ được các đồng phạm hạnh khác tôn trọng, kính mến.

“Những gì là năm?

“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo Trưởng lão tu tập các giới cấm, thủ hộ biệt giải thoát luật nghi, lại còn khéo thâu nhiếp các oai nghi lễ tiết, thấy những tội lỗi nhỏ nhặt cũng thường sanh tâm lo sợ, thọ trì học giới. Bạch Thế Tôn, vị Tỳ-kheo Trưởng lão Thượng tôn có cấm giới ấy sẽ được các đồng phạm hạnh kính mến tôn trọng.

“Lại nữa, bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo Trưởng lão học rộng, nghe nhiều, ghi nhớ không quên, tích lũy kiến thức rộng rãi; những pháp nào mà khoảng đầu hoàn hảo, khoảng giữa hoàn hảo, khoảng cuối cùng hoàn hảo, có nghĩa lý, có văn từ, hiển hiện phạm hạnh, thanh tịnh trọn đủ, vị ấy học rộng nghe nhiều các pháp như vậy, học tập nhuần nhuyễn cả ngàn lần, tâm ý tư duy quán sát, thấy rõ ràng và hiểu thấu sâu xa. Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo trưởng lão thượng tôn đa văn ấy sẽ được các đồng phạm hạnh kính mến tôn trọng.

“Lại nữa, bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo Trưởng lão Thượng tôn có bốn tăng thượng tâm [22], sống an lạc trong đời hiện tại [23], dễ được chớ không khó. Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo Trưởng lão Thượng tôn có thiền tư ấy sẽ được các đồng phạm hạnh kính mến tôn trọng.

“Lại nữa, bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo Trưởng lão tu hành trí tuệ, quán sát sự hưng khởi và suy tàn của các pháp, chứng đắc như thật trí [24], được sự sáng suốt của Thánh tuệ, phân biệt rõ ràng, [25] chân chánh dứt hết khổ. Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo Trưởng lão Thượng tôn có trí tuệ sẽ được các đồng phạm hạnh kính mến tôn trọng.

“Lại nữa, bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo Trưởng lão đã dứt sạch các lậu, không còn kết sử, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ngay trong đời hiện tại tự tri, tự giác, tự tác chứng, thành tựu và an trụ, ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo trưởng lão thượng tôn đã lậu tận ấy sẽ đưọc các đồng phạm hạnh kính mến tôn trọng”.

Đức Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Bạch Tịnh, nếu vị Tỳ-kheo Trưởng lão Thượng tôn [450c] không có năm pháp này, thì do nghĩa nào để cho các đồng phạm hạnh kính mến tôn trọng?”

Tôn giả Bạch Tịnh thưa:

“Bạch Thế Tôn, nếu vị Tỳ-kheo trưởng lão thượng tôn không có pháp này, thì thật không còn điều nào khác hơn để cho các đồng phạm hạnh kính mến tôn trọng. Chỉ còn lấy sự già nua, tóc bạc, răng rụng, sức khỏe ngày càng suy tàn, thân còm chân vẹo, cơ thể nặng nề, hơi thở đưa lên, chống gậy mà đi, thịt teo, da nhăn, xù xì như cây gai, các căn rời rụng, nhan sắc xấu xí. Vị ấy nhân những điều này được các đồng phạm hạnh kính mến, tôn trọng”.

Đức Thế Tôn bảo rằng:

“Quả thật như vậy, quả thật như vậy, nếu Tỳ-kheo Trưởng lão Thượng tôn mà không có năm pháp này, thì thật không còn điều kiện nào khác hơn để cho các đồng phạm hạnh kính mến tôn trọng. Chỉ còn lấy sự già nua, tóc bạc, răng rụng, sức khỏe ngày càng suy tàn, thân còm chân vẹo, cơ thể nặng nề, hơi thở đưa lên, chống gậy mà đi, thịt teo, da nhăn, xù xì như cây gai, các căn rời rụng, nhan sắc xấu xí. Vị ấy nhân những điều này được các đồng phạm hạnh kính mến, tôn trọng.

“Này Bạch Tịnh, Tỳ-kheo Xá-lợi-phất có đủ năm pháp này, các ngươi phải kính mến tôn trọng. Vì sao thế?

“Này Bạch Tịnh, Tỳ-kheo Xá-lợi-phất tu tập các giới cấm, thủ hộ biệt giải thoát luật nghi, lại còn khéo thâu nhiếp các oai nghi lễ tiết, thấy những tội lỗi nhỏ nhặt cũng thường sanh tâm lo sợ, thọ trì học giới.

“Lại nữa, này Bạch Tịnh, Tỳ-kheo Xá-lợi-phất học rộng, nghe nhiều, ghi nhớ không quên, tích lũy kiến thức rộng rãi; những pháp nào mà khoảng đầu hoàn hảo, khoảng giữa hoàn hảo, khoảng cuối cùng hoàn hảo, có nghĩa lý, có văn từ, hiển hiện phạm hạnh, thanh tịnh trọn đủ; học rộng nghe nhiều các pháp như vậy, học tập nhuần nhuyễn cả ngàn lần, tâm ý tư duy quán sát, thấy rõ ràng và hiểu thấu sâu xa.

“Lại nữa, này Bạch Tịnh, Tỳ-kheo Xá-lợi-phất có bốn tăng thượng tâm, sống an lạc trong đời hiện tại, dễ được chớ không khó.

“Lại nữa, này Bạch Tịnh, Tỳ-kheo Xá-lợi-phất tu hành trí tuệ, quán sát sự hưng khởi và suy tàn của các pháp, chứng đắc như thật trí, được sự sáng suốt của Thánh tuệ, phân biệt rõ ràng, chân chánh dứt hết khổ.

“Lại nữa, này Bạch Tịnh, Tỳ-kheo Xá-lợi-phất đã dứt sạch các lậu, không còn kết sử, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ngay trong đời hiện tại tự tri, tự giác, tự tác chứng, thành tựu và an trụ, ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.

“Này Bạch Tịnh, Tỳ-kheo Xá-lợi-phất thành tựu năm pháp này, các ngươi nên kính mến tôn trọng”.

Đức Phật thuyết như vậy. Tôn giả Bạch Tịnh và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

23. KINH TRÍ

 [451a] Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm Lâm Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Tỳ-kheo Mâu-lợi-phá-quần-nậu [26] xả giới, bỏ đạo. Tỳ-kheo Hắc Xỉ [27] nghe Tỳ-kheo Mâu-lợi-phá-quần-nậu, xả giới, bỏ đạo, liền đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, cúi đầu lạy dưới chân rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xong, thưa rằng:

“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, ngài nên biết Tỳ-kheo Mâu-lợi-phá-quần-nậu, xả giới, bỏ đạo”.

Tôn giả Xá-lợi-phất nói rằng:

“Tỳ-kheo Mâu-lợi-phá-quần-nậu có vui thích ở trong giáo pháp không?”

Tôn giả Hắc Xỉ hỏi lại rằng:

“Tôn giả Xá-lợi-phất có vui thích ở trong giáo pháp nàykhông?”

Tôn giả Xá-lợi-phất trả lời rằng:

“Này Hắc Xỉ, tôi không hề có sự nghi hoặc đối với giáo pháp này”.

Tỳ-kheo Hắc Xỉ lại hỏi rằng:

“Tôn giả Xá-lợi-phất đối với những việc trong tương lai thì như thế nào?”

Tôn giả Xá-lợi-phất trả lời rằng:

“Tôi đối với những việc trong tương lai thì cũng không có gì do dự”.

Tỳ-kheo Hắc Xỉ nghe vậy rồi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến chỗ Phật cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi ngồi xuống một bên, bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, Tôn giả Xá-lợi-phất vừa rồi tự tuyên bố là chứng đắc trí [28], biết như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sinh nữa.’”

Đức Thế Tôn nghe xong bảo một vị Tỳ-kheo:

“Ngươi hãy đến chỗ Xá-lợi-phất nói rằng ‘Đức Thế Tôn muốn gọi Thầy.’”

 Tỳ-kheo ấy vâng lời Phật dạy, liền từ chỗ ngồi đứng dậy lạy Phật rồi đi đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất thưa rằng:

“Đức Thế Tôn gọi Tôn giả Xá-lợi-phất”.

Tôn giả Xá-lợi-phất nghe rồi liền đi đến trước Phật, cúi đầu lễ rồi ngồi xuống một bên. Đức Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Xá-lợi-phất, có thật vừa rồi thầy tự tuyên bố là chứng đắc trí, biết như thật, rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’ chăng?”

Tôn giả Xá-lợi-phất bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, không phải với lời văn ấy, không phải đi với câu ấy mà con nói về nghĩa ấy”.

Đức Thế Tôn bảo:

“Này Xá-lợi-phất, một thiện nam tử tùy phương tiện [29] mà tuyên thuyết, hễ có chứng đắc trí, thì tuyên bố chứng đắc trí”.

Tôn giả Xá-lợi-phất bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, con vừa nói không phải với lời ấy, không phải với câu ấy mà con nói về nghĩa ấy”.

Đức Thế Tôn hỏi:

“Này Xá-lợi-phất nếu có đồng phạm hạnh nào đến hỏi thầy thế này: ‘Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, biết thế nào, thấy thế nào, để có thể tự tuyên bố là chứng đắc trí, biết như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn [451b] tái sanh nữa?’ Này Xá-lợi-phất nghe như vậy thầy sẽ trả lời sao?”

Tôn giả Xá-lợi-phất trả lời rằng:

“Bạch Thế Tôn, nếu có đồng phạm hạnh đến hỏi con rằng: ‘Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, biết thế nào, thấy thế nào, để có thể tự tuyên bố là chứng đắc trí, biết như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa?’ Bạch Thế Tôn, nếu có đồng phạm hạnh đến hỏi con như vậy, con sẽ trả lời như vầy: ‘Chư Hiền, sanh có nhân. Nhân của sự sanh ấy diệt tận, thì biết nhân của sự sanh diệt tận; tôi tự tuyên bố là chứng đắc trí, biết như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa?’ Bạch Thế Tôn nếu có đồng phạm hạnh đến hỏi con như vậy, con sẽ trả lời như thế”.

Đức Thế Tôn khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Nếu các đồng phạm hạnh đến hỏi như thế, thầy nên trả lời như vậy. Vì sao thế? Vì nói như thế nên biết đó là nghĩa”.

Đức Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Xá-lợi-phất, nếu có đồng phạm hạnh đến hỏi thầy thế này: ‘Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, sự sanh [30] do nhân gì, duyên gì, sanh gì, căn bản gì [31]?” Thầy nghe những câu hỏi đó, trả lời như thế nào?”

Tôn giả Xá-lợi-phất thưa:

“Bạch Thế Tôn, nếu các đồng phạm hạnh đến hỏi con rằng: ‘Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, sự sanh từ nhân gì, từ nhân gì, duyên gì, sanh gì, căn bản gì?” Con nghe như vậy sẽ trả lời rằng: ‘Này Chư Hiền, sự sanh từ nhân là hữu, từ duyên là hữu, từ sanh là hữu, từ căn bản là hữu’. Bạch Thế Tôn, nếu các đồng phạm hạnh đến hỏi con như thế, con sẽ trả lời như vậy”.

Đức Thế Tôn khen:

“Hay thay! Hay thay! Xá-lợi-phất, nếu các đồng phạm hạnh đến hỏi thầy như thế, thầy nên trả lời như thế. Vì sao thế? Vì nói như vậy nên biết đó là nghĩa”.

Đức Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Xá-lợi-phất, nếu các đồng phạm hạnh đến hỏi thầy thế này: ‘Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, hữu từ nhân gì, duyên gì, sanh gì, căn bản gì?’ Thầy nghe những lời ấy sẽ trả lời thế nào?”

Tôn giả Xá-lợi-phất thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, nếu các đồng phạm hạnh đến hỏi con rằng ‘Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, hữu từ nhân gì, duyên gì, sanh gì, căn bản gì?’ Bạch Thế Tôn con nghe như vậy, con sẽ trả lời thế này: ‘Này Chư Hiền, hữu từ nhân là thủ, [32] duyên là thủ, sanh gì, căn bản là thủ.’ Bạch Thế Tôn, nếu các đồng phạm hạnh đến hỏi con như thế, con sẽ trả lời như vậy.”

Đức Thế Tôn khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Xá-lợi-phất, nếu các đồng phạm hạnh đến hỏi thầy như thế, thầy nên trả lời như thế. Vì sao thế? [451c] Vì nói như vậy nên biết đó là nghĩa”.

Đức Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Xá-lợi-phất, nếu các đồng phạm hạnh đến hỏi thầy thế này: ‘Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, thủ từ nhân gì, duyên gì, sanh gì, căn bản gì?’ Thầy nghe những lời ấy sẽ trả lời thế nào?”

Tôn giả Xá-lợi-phất thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, nếu các đồng phạm hạnh đến hỏi con rằng ‘Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, thủ từ nhân gì, duyên gì, sanh gì, căn bản gì?” Bạch Thế Tôn, con nghe như vậy, con sẽ trả lời thế này: ‘Này Chư Hiền, thủ từ nhân là ái, duyên là ái, sanh là ái, căn bản là ái’. Bạch Thế Tôn, nếu các đồng phạm hạnh đến hỏi con như thế, con sẽ trả lời như vậy”.

Đức Thế Tôn khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Xá-lợi-phất, nếu các đồng phạm hạnh đến hỏi thầy như thế, thầy nên trả lời như thế. Vì sao thế? Vì nói như vậy nên biết đó là nghĩa”.

Đức Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Xá-lợi-phất, nếu các đồng phạm hạnh đến hỏi thầy thế này: ‘Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, thế nào là ái?’ [33] Thầy nghe những lời ấy sẽ trả lời thế nào?”

Tôn giả Xá-lợi-phất thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, nếu các đồng phạm hạnh đến hỏi con rằng ‘Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, thế nào là ái?” Bạch Thế Tôn, con nghe như vậy, con sẽ trả lời thế này: ‘Này Chư Hiền, có ba cảm thọ [34]: cảm thọ lạc, cảm thọ khổ, cảm thọ không lạc không khổ. Ở trong đó mà ham muốn, đắm trước, đó gọi là ái’. Bạch Thế Tôn, nếu các đồng phạm hạnh đến hỏi con như thế, con sẽ trả lời như vậy”.

Đức Thế Tôn khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Xá-lợi-phất, nếu các đồng phạm hạnh đến hỏi thầy như thế, thầy nên trả lời như thế. Vì sao thế? Vì nói như vậy nên biết đó là nghĩa”.

Đức Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Xá-lợi-phất, nếu các đồng phạm hạnh đến hỏi thầy thế này: ‘Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, biết thế nào, thấy thế nào để đối với ba thọ không ham muốn, đắm trước?” Thầy nghe vậy rồi trả lời thế nào?”

Tôn giả Xá-lợi-phất thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, nếu các đồng phạm hạnh đến hỏi rằng: ‘Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, biết thế nào, thấy thế nào để đối với ba thọ không ham muốn, đắm trước?’ Nghe vậy rồi, con sẽ trả lời rằng: ‘Này Chư Hiền, ba thọ này là pháp vô thường pháp khổ, pháp diệt. Pháp vô thường tức là khổ; thấy khổ rồi liền không còn ham muốn, đắm trước đối với ba thọ’. Bạch Thế Tôn, nếu các đồng phạm hạnh đến hỏi như thế, con sẽ trả lời như vậy”.

Đức Thế Tôn khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Xá-lợi-phất, nếu các đồng phạm hạnh đến hỏi thầy như thế, thầy nên trả lời như thế. Vì sao thế? [452a] Vì nói như vậy nên biết đó là nghĩa”.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo rằng:

“Này Xá-lợi-phất, lời nói này còn có ý nghĩa nữa để lời nói ấy có thể trả lời vắn tắt. Này Xá-lợi-phất, những gì được cảm thọ, những gì được tạo tác, thảy đều là khổ [35]. Này Xá-lợi-phất, đó gọi là còn một ý nghĩa nữa để lời nói ấy có thể được trả lời vắn tắt”.

Đức Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Xá-lợi-phất, nếu các đồng phạm hạnh đến hỏi thầy thế này: ‘Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, bội xả [36] thế nào để tự tuyên bố là chứng đắc trí, biết như thật, rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa?’”

Tôn giả Xá-lợi-phất thưa rằng: “Bạch Thế Tôn, nếu có đồng phạm hạnh đến hỏi con thế này: ‘Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, bội xả thế nào để  tự tuyên bố là chứng đắc trí, biết như thật, rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa?’ Con nghe như vậy sẽ trả lời thế này: ‘Này Chư Hiền, tôi do bội xả bên trong [37] mà diệt tận các ái [38], không kinh hãi, không sợ sệt, không nghi, không hoặc, thực hành sự thủ hộ như vậy. Thủ hộ như thế rồi không sanh ra lậu bất thiện [39]’. Bạch Thế Tôn, nếu các đồng phạm hạnh hỏi con như thế, con sẽ trả lời như vậy.”

Đức Thế Tôn khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Xá-lợi-phất, nếu các đồng phạm hạnh đến hỏi thầy như thế, thầy nên trả lời như thế. Vì sao thế? Vì nói như vậy nên biết đó là nghĩa”.

Đức Phật bảo rằng:

“Này Xá-lợi-phất, lời nói này còn có ý nghĩa nữa để lời nói ấy có thể trả lời vắn tắt. ‘Đối với những kết sử mà Sa-môn nói đến [40], những kết sử ấy không tồn tại nơi ta, thực hành sự thủ hộ như vậy; thủ hộ như thế rồi không còn sanh ra lậu bất thiện nữa’. Này Xá-lợi-phất, đó gọi là còn có ý nghĩa nữa để lời nói ấy có thể trả lời vắn tắt”.

Đức Thế Tôn nói như vậy rồi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy đi vào tịnh thất tĩnh tọa. Sau khi Đức Thế Tôn đi vào tịnh thất chẳng bao lâu, Tôn giả Xá-lợi-phất bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Này Chư Hiền, thoạt tiên tôi chưa kịp gợi ý mà Đức Thế Tôn lại hỏi ý nghĩa đó, tôi đã nghĩ rằng sợ không trả lời được. Này Chư Hiền, khi tôi nói ra ý nghĩa thứ nhất liền được Đức Thế Tôn tán thán, tôi lại nghĩ thế này: ‘Nếu Đức Thế Tôn trong một ngày một đêm, với những lời khác với những câu khác, mà hỏi tôi về nghĩa này, thì tôi vẫn có thể trong một ngày một đêm, với những lời khác, câu khác mà trả lời Đức Thế Tôn về nghĩa ấy. Nếu Đức Thế Tôn trong hai, ba, bốn ngày cho đến bảy ngày bảy đêm với những lời khác câu khác mà hỏi tôi về nghĩa này, thì tôi vẫn có thể trong hai, ba, bốn cho đến bảy ngày bảy đêm với những lời khác, câu khác mà trả lời Đức Thế Tôn về [452b] nghĩa ấy’.”

Tỳ-kheo Hắc Xỉ nghe Tôn giả Xá-lợi-phất nói những lời ấy rồi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, vội đến chỗ Phật bạch rằng:

“Sau khi Thế Tôn vào tịnh thất chẳng bao lâu, Tôn giả Xá-lợi-phất nói rất to chẳng thua gì tiếng rống của sư tử, rằng: ‘Này Chư Hiền, thoạt tiên tôi chưa kịp gợi ý mà Đức Thế Tôn lại hỏi ý nghĩa đó, tôi đã nghĩ rằng sợ không trả lời được. Này Chư Hiền, khi tôi nói ra ý nghĩa thứ nhất liền được Đức Thế Tôn tán thán, tôi lại nghĩ thế này: Nếu Đức Thế Tôn trong một ngày một đêm, với những lời khác với những câu khác, mà hỏi tôi về nghĩa này, thì tôi vẫn có thể trong một ngày một đêm, với những lời khác, câu khác mà trả lời Đức Thế Tôn về nghĩa ấy. Nếu Đức Thế Tôn trong hai, ba, bốn ngày cho đến bảy ngày bảy đêm với những lời khác câu khác mà hỏi tôi về nghĩa này, thì tôi vẫn có thể trong hai, ba, bốn cho đến bảy ngày bảy đêm với những lời khác, câu khác mà trả lời Đức Thế Tôn về nghĩa ấy’.”

Đức Thế Tôn bảo rằng:

“Này Hắc Xỉ, thật như vậy! Thật như vậy! Nếu Ta trong một ngày một đêm, với những lời khác với những câu khác, mà hỏi Tỳ-kheo Xá-lợi-phất về nghĩa này, thì Tỳ-kheo Xá-lợi-phất vẫn có thể trong một ngày một đêm, với những lời khác, câu khác mà trả lời Ta về nghĩa ấy. Này Hắc Xỉ, nếu Ta trong hai, ba, bốn ngày cho đến bảy ngày bảy đêm với những lời khác câu khác mà hỏi Tỳ-kheo Xá-lợi-phất về nghĩa này, thì Tỳ-kheo Xá-lợi-phất vẫn có thể trong hai, ba, bốn cho đến bảy ngày bảy đêm với những lời khác, câu khác mà trả lời Ta về nghĩa ấy. Vì sao thế? Này Hắc Xỉ, Tỳ-kheo Xá-lợi-phất đã thấu đạt sâu xa về pháp giới [41] vậy”.

Phật thuyết như vậy, Tôn giả Xá-lợi-phất và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

24. KINH SƯ TỬ HỐNG

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại nước Xá-vệ trong rừng Thắng Lâm Lâm Lâm vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ, Thế Tôn cùng với đại chúng Tỳ-kheo an cư mùa mưa tại nước Xá-vệ. Tôn giả Xá-lợi-phất cũng an cư mùa mưa tại nước Xá-vệ. Lúc ấy Tôn giả Xá-lợi-phất an cư mùa mưa tại nước Xá-vệ xong, đã trải qua ba tháng, sau khi vá sửa các y rồi, liền xếp y ôm bát đến chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, lui qua một bên rồi thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, con an cư mùa mưa ở nước Xá-vệ vừa xong. Bạch Thế Tôn, bây giờ con muốn trú trong nhân gian”.

Đức Phật [452c] nói rằng:

“Này Xá-lợi-phất, ngươi hãy đi đến nơi nào theo ý muốn. Những người nào chưa được hóa độ hãy khiến cho được hóa độ. Những người nào chưa được giải thoát hãy khiến cho họ được giải thoát. Những người nào chưa chứng Niết-bàn hãy cho chứng đắc Niết-bàn. Này Xá-lợi-phất, ngươi hãy đi đến nơi nào theo ý muốn”.

Rồi thì, Tôn giả Xá-lợi-phất sau khi nghe những lời Phật nói, ghi nhớ kỹ, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, đi quanh ba vòng, rồi lui ra, trở về phòng riêng, dọn dẹp giường ghế, xếp y, ôm bát, ra đi trú trong nhân gian.

Sau khi Tôn giả Xá-lợi-phất ra đi chẳng bao lâu, có một đồng phạm hạnh ở trước Đức Phật phạm vào pháp tương vi [42], vị ấy bạch Thế Tôn:

“Hôm nay Tôn giả Xá-lợi-phất sau khi khinh mạn con rồi đi trú trong nhân gian”.

Đức Thế Tôn nghe rồi, bảo một vị Tỳ-kheo rằng:

‘Ngươi hãy tìm đến chỗ Xá-lợi-phất, bảo với Xá-lợi-phất rằng: ‘Đức Thế Tôn gọi thầy rằng, sau khi thầy đi không bao lâu có một đồng phạm hạnh ở trước Ta phạm pháp tương vi, nói thế này: Bạch Thế Tôn, hôm nay Tôn giả Xá-lợi-phất sau khi khinh mạn con, rồi đi trú trong nhân gian.’”

Thế Tôn nghe xong, liền bảo một Tỳ-kheo:

“Ngươi hãy đi đến Xá-lợi-phất nói rằng Thế Tôn cho gọi Thầy.”

Vị Tỳ-kheo kia vâng lời Đức Phật dậy, rời chỗ ngồi đứùng dậy, đảnh lễ Đức Phật rồi ra đi. Bấy giờ Tôn giả A-nan đứng sau Đức Thế Tôn, đang cầm quạt hầu Đức Phật.

Sau khi vị Tỳ-kheo kia đi chẳng bao lâu, Tôn giả A-nan liền cầm chìa khóa cửa, đi đến khắp các phòng, gặp các vị Tỳ-kheo nào cũng nói như thế này:

“Lành thay, Chư Tôn, hãy kíp đến giảng đường. Vì hôm nay Tôn giả Xá-lợi-phất sẽ đứng trước Đức Phật mà rống tiếng sư tử. Những gì mà Tôn giả Xá-lợi-phất nói ra đều sâu xa, tịch tĩnh ở trong tịch tĩnh, vi diệu ở trong vi diệu. Những lời như vậy sau khi các vị và tôi nghe được rồi, nên khéo tụng tập, nên khéo ghi nhớ”.

Các Tỳ-kheo nghe Tôn giả A-nan nói như vậy, tất cả đều đến giảng đường.

Bấy giờ vị Tỳ-kheo kia đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất thưa rằng:

“Đức Thế Tôn gọi Thầy, bảo rằng, sau khi Thầy đi không bao lâu có một đồng phạm hạnh ở trước Đức Thế Tôn, phạm pháp tương vi, nói thế này: ‘Bạch Thế Tôn, hôm nay Tôn giả Xá-lợi-phất sau khi khinh mạn con, rồi đi trú trong nhân gian.’”

Tôn giả Xá-lợi-phất sau khi nghe như vậy, liền rời chỗ ngồi đứng dậy, đi đến chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ rồi lui sang mọât bên. Đức Phật liền bảo rằng:

“Này Xá-lợi-phất, sau khi ngươi đi không bao lâu, có một đồng phạm hạnh ở trước Ta, phạm pháp tương vi, nói thế này: ‘Bạch Thế Tôn hôm nay Tôn giả Xá-lợi-phất sau khi khinh mạn con, rồi đi trú trong nhân gian.’ Này Xá-lợi-phất, có thật sau khi khinh mạn một đồng phạm hạnh rồi ngươi đi trú trong nhân gian chăng?”

 [453a] Tôn giả Xá-lợi-phất bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, nếu người nào không có niệm thân trên thân [43] thì người ấy mới khinh mạn một đồng phạm hạnh rồi đi trú trong nhân gian. Bạch Thế Tôn, con khéo có niệm thân trên thân, vì sao con lại khinh mạn một đồng phạm hạnh rồi đi trú trong nhân gian?

“Bạch Thế Tôn, như một con trâu gãy sừng [44], rất nhường nhịn, hiền lành, dễ sai khiến, dễ chế ngự. Nó từ thôn này đi đến thôn khác, từ xóm này đi đến xóm khác; những nơi nó đi qua, không có gì bị xâm phạm. Bạch Thế Tôn, con cũng vậy. Tâm con như con trâu gãy sừng, không kết, không oán, không sân nhuế, không não hại, rộng lớn, vô biên, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Bạch Thế Tôn, nếu ai không có niệm thân trên thân thì người ấy mới khinh mạn một đồng phạm hạnh rồi đi trú trong nhân gian. Bạch Thế Tôn, con khéo có niệm thân trên thân, làm sao con lại khinh mạn một đồng phạm hạnh rồi đi trú trong nhân gian?

“Bạch Thế Tôn, như con của một người Chiên-đà-la [45] bị chặt hai tay, tâm ý rất thấp hèn. Nó từ thôn này đi đến thôn khác, từ xóm này đi đến xóm khác, những nơi nó đi ngang qua không có gì bị xâm phạm. Bạch Thế Tôn con cũng như thế. Tâm con như con của mọât người Chiên-đà-la bị chặt hai tay, không kết, không oán, không sân nhuế, không não hại, rộng lớn, vô biên, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Bạch Thế Tôn, nếu ai không có niệm thân trên thân thì người ấy mới khinh mạn một đồng phạm hạnh rồi đi trú trong nhân gian. Bạch Thế Tôn, con khéo có niệm thân trên thân, làm sao con lại khinh mạn một đồng phạm hạnh rồi đi trú trong nhân gian?

“Bạch Thế Tôn, cũng như mặt đất dung nạp tất cả đồ sạch, đồ bẩn, đại tiện, tiểu tiện, nước mũi, nước miếng. Đất không phải vì thế mà khởi sự thương ghét, không lấy làm sỉ nhục, xấu xa, không hổ, cũng không thẹn. Bạch Thế Tôn, con cũng như vậy. Tâm con như mặt đất kia, không ghét, không oán, cũng không sân nhuế, không não hại, rộng lớn, vô biên, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Bạch Thế Tôn, nếu ai không có niệm thân trên thân thì người ấy mới khinh mạn một đồng phạm hạnh rồi đi trú trong nhân gian. Bạch Thế Tôn, con khéo có niệm thân trên thân, làm sao con lại khinh mạn một đồng phạm hạnh rồi đi trú trong nhân gian?

“Bạch Thế Tôn, cũng như dòng nước rửa sạch tất cả các đồ sạch, đồ bẩn, đại tiện, tiểu tiện, nước mũi, nước miếng. Nước ấy không vì thế mà có sự yêu ghét, không lấy làm sỉ nhục, xấu xa, không hổ, cũng không thẹn. Bạch Thế Tôn, con cũng như vậy. Tâm con như nước kia, không ghét, không oán, cũng không sân nhuế, không não hại, rộng lớn, vô biên, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Bạch Thế Tôn, nếu ai không có [453b] niệm thân trên thân thì người ấy mới khinh mạn một đồng phạm hạnh rồi đi trú trong nhân gian. Bạch Thế Tôn, con khéo có niệm thân trên thân, làm sao con lại khinh mạn một đồng phạm hạnh rồi đi trú trong nhân gian?

“Bạch Thế Tôn, cũng như ngọn lửa đốt cháy tất cả các đồ sạch, đồ bẩn, đại tiện, tiểu tiện, nước mũi, nước miếng. Lửa không vì thế mà có sự yêu ghét, không lấy làm sỉ nhục, xấu xa, không hổ, cũng không thẹn. Bạch Thế Tôn, con cũng như vậy. Tâm con như lửa kia, không ghét, không oán, cũng không sân nhuế, không não hại, rộng lớn, vô biên, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Bạch Thế Tôn, nếu ai không có niệm thân trên thân thì người ấy mới khinh mạn một đồng phạm hạnh rồi đi trú trong nhân gian. Bạch Thế Tôn, con khéo có niệm thân trên thân, làm sao con lại khinh mạn một đồng phạm hạnh rồi đi trú trong nhân gian?

“Bạch Thế Tôn, cũng như ngọn gió thổi bay đi đồ sạch đồ bẩn, đại tiện, tiểu tiện, nước mũi, nước miếng. Gió cũng không vì thế mà có sự yêu ghét, không lấy làm sỉ nhục, xấu xa, không hổ, cũng không thẹn. Bạch Thế Tôn, con cũng như vậy. Tâm con như gió kia, không ghét, không oán, cũng không sân nhuế, không não hại, rộng lớn, vô biên, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Bạch Thế Tôn, nếu ai không có niệm thân trên thân thì người ấy mới khinh mạn một đồng phạm hạnh rồi đi trú trong nhân gian. Bạch Thế Tôn, con khéo có niệm thân trên thân, làm sao con lại khinh mạn một đồng phạm hạnh rồi đi trú trong nhân gian?

“Bạch Thế Tôn, cũng như cây chổi quét sạch đồ bẩn, đồ sạch, đại tiện, tiểu tiện, nước mũi, nước miếng. Chổi vẫn không vì thế mà có sự yêu ghét, không lấy làm sỉ nhục, xấu xa, không hổ, cũng không thẹn. Bạch Thế Tôn, con cũng như vậy. Tâm con như cây chổi kia, không ghét, không oán, cũng không sân nhuế, không não hại, rộng lớn, vô biên, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Bạch Thế Tôn, nếu ai không có niệm thân trên thân thì người ấy mới khinh mạn một đồng phạm hạnh rồi đi trú trong nhân gian. Bạch Thế Tôn, con khéo có niệm thân trên thân, làm sao con lại khinh mạn một đồng phạm hạnh rồi đi trú trong nhân gian?

“Bạch Thế Tôn, cũng như cái giẻ lau [46], chùi lau tất cả các đồ bẩn đồ sạch, đại tiện tiểu tiện, nước mũi nước miếng, cái giẻ lau cũng không vì thế mà có sự yêu ghét, không lấy làm sỉ nhục, xấu xa, không hổ, cũng không thẹn. Bạch Thế Tôn, con cũng như vậy. Tâm con như cái gỉ lau kia, không ghét, không oán, cũng không sân nhuế, không não hại, rộng lớn, vô biên, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Bạch Thế Tôn, nếu ai không có niệm thân trên thân thì người ấy mới khinh mạn một đồng phạm hạnh rồi đi trú trong nhân gian. Bạch Thế Tôn, con khéo có niệm thân trên thân, [453c] làm sao con lại khinh mạn một đồng phạm hạnh rồi đi trú trong nhân gian?

“Bạch Thế Tôn, cũng như cái bình đựng dầu mỡ [47] nứt nẻ nhiều chỗ. Người ta đựng đầy mỡ rồi để nó dưới ánh mặt trời. Nó chảy rỉ khắp, thắm ướt tất cả. Nếu người có mắt đứng bất cứ nơi nào, sẽ thấy bình mỡ ấy, nứt nẻ nhiều chỗ, đựng đầy mỡ rồi được để dưới ánh mặt trời, chảy rỉ khắp, thắm ướt tất cả. Bạch Thế Tôn, con cũng như thế. Con thường quán sát thân này có chín lỗ, đồ bất tịnh chảy rỉ khắp, thấm ướt khắp. Bạch Thế Tôn, nếu ai không có niệm thân trên thân thì người ấy mới khinh mạn một đồng phạm hạnh rồi đi trú trong nhân gian. Bạch Thế Tôn, con khéo có niệm thân trên thân, làm sao con lại khinh mạn một đồng phạm hạnh rồi đi trú trong nhân gian?

“Bạch Thế Tôn, cũng như một người ưa thích tuổi thiếu niên của mình, tắm gội sạch sẽ, xông thân thể bằng hương thoa, mặc áo trắng, đeo vòng ngọc để trang sức; cạo râu, sửa tóc, đầu đội tràng hoa. Bấy giờ nếu đem ba xác chết mà quấn quanh nơi cổ họng; xác rắn chết, xác người chết, xác chó chết, máu ứ bầm xanh, sình trướng to lên, rất thối tha, rửa nát, nước nhớp chảy tràn. Người ấy sẽ ôm lòng hổ thẹn, rất ghét đồ bẩn uế đó. Bạch Thế Tôn, con cũng như thế; con luôn luôn quán sát những chỗ thối tha không sạch sẽ trong thân này, trong tâm hằng hổ thẹn, rất ghét vật  cấu uế đó. Bạch Thế Tôn, nếu ai không có niệm thân trên thân thì người ấy mới khinh mạn một đồng phạm hạnh rồi đi trú trong nhân gian. Bạch Thế Tôn, con khéo có niệm thân trên thân, làm sao con lại khinh mạn một đồng phạm hạnh rồi đi trú trong nhân gian?”

Lúc bấy giờ vị Tỳ-kheo kia liền từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu lễ sát chân Phật bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, con xin sám hối. Bạch Thiện Thệ, con xin sám hối. Con như ngu, như si, như người bất định, như người bất thiện. Vì sao thế? Vì con đã đem lời dối trá để vu khống Tỳ-kheo Xá-lợi-phất, là đồng phạm hạnh thanh tịnh. Bạch Thế Tôn, con nay xin sám hối tội lỗi, cúi mong Thế Tôn chấp nhận cho. Sau khi con đã phát lồ rồi, sẽ không còn tạo tội nữa”.

Đức Thế Tôn bảo rằng:

“Quả thật vậy, này Tỳ-kheo! Ngươi thật như ngu, như si, như người bất định, như người bất thiện. Vì sao thế? Vì ngươi đã đem lời dối trá hoàn toàn không chân thật để vu khống Tỳ-kheo Xá-lợi-phất phạm hạnh thanh tịnh. Ngươi có thể sám hối tội lỗi, đã phát lồ rồi sau này sẽ không còn tạo tội nữa. Nếu có người nào sám hối tội lỗi đã phát lồ rồi, sau này không còn tạo tội nữa, như thế sẽ được trưởng thành trong Thánh pháp luật mà chẳng bị suy giảm”.

Thế rồi Đức Thế Tôn bảo Tôn giả Xá-lợi-phất rằng:

“Ngươi nên sẵn sàng nhận sự sám hối tội lỗi của người ngu si kia, chớ để Tỳ-kheo ấy lập tức ở trước ngươi mà đầu bị vỡ thành bảy mảnh”.

Tôn giả Xá-lợi-phất vì thương xót Tỳ-kheo kia nên liền nhận sự sám hối tội lỗi.

Đức Phật thuyết như vậy. [454a] Tôn giả Xá-lợi-phất và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

25. KINH THỦY DỤ (2)

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm Lâm Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Này Chư Hiền, hôm nay tôi sẽ nói năm pháp trừ não [48] cho các vị. Hãy lắng nghe, hãy khéo suy nghĩ!”

Các vị Tỳ-kheo vâng lời lắng nghe.

Tôn giả Xá-lợi-phất nói rằng:

(i) “Những gì là năm? Này Chư Hiền, hoặc có một người thân hành không thanh tịnh, nhưng khẩu hành thanh tịnh. Nếu người có trí thấy, giả sử sanh hờn giận, phải nên trừ bỏ [49].

“Lại nữa, này Chư Hiền, hoặc một người hoặc khẩu hành không thanh tịnh nhưng thân hành thanh tịnh. Nếu người có trí thấy, giả sử sanh hờn giận, phải nên trừ bỏ.

“Lại nữa, này Chư Hiền, hoặc một người thân hành không thanh tịnh, khẩu hành không thanh tịnh, nhưng tâm có chút thanh tịnh. Nếu người có trí thấy, giả sử sanh hờn giận, phải nên trừ bỏ.

“Lại nữa, này Chư Hiền, hoặc một người thân hành không thanh tịnh, khẩu và ý hành không thanh tịnh. Nếu người có trí thấy, giả sử sanh hờn giận, phải nên trừ bỏ.

“Lại nữa, này Chư Hiền, hoặc một người thân hành thanh tịnh, khẩu và ý hành thanh tịnh. Nếu người có trí thấy, giả sử sanh hờn giận, phải nên trừ bỏ.

(ii.1) “Này Chư Hiền, hoặc có một người thân hành không thanh tịnh, nhưng khẩu hành thanh tịnh. Nếu người có trí thấy, giả sử sanh hờn giận, phải nên trừ bỏ như thế nào? [50] Này Chư Hiền, cũng như Tỳ-kheo A-lan-nhã [51] thọ trì y áo phấn tảo [52], thấy vải xấu vất trong đống rác, bẩn dáy hoặc vì bị đại tiện; hoặc tiểu tiện, nước mũi, nước miếng và các đồ bất tịnh khác thấm bẩn. Thấy rồi, tay trái cầm lên; tay phải căng rộng ra; nếu chẳng phải bị đại tiện, tiểu tiện, nước mũi, nước miếng và các đồ bất tịnh khác thấm bẩn, lại không có rách lủng, liền xếp cất lấy. Cũng vậy, này Chư Hiền, đối với một người thân hành không thanh tịnh, nhưng khẩu hành thanh tịnh, chớ nghĩ thân hành không thanh tịnh,  mà chỉ nghĩ đến khẩu hành thanh tịnh của người ấy. Nếu người có trí thấy, giả sử sanh hờn giận, phải nên trừ bỏ như vậy.

“Này Chư Hiền, hoặc một người hoặc khẩu hành không thanh tịnh nhưng thân hành thanh tịnh. Nếu người có trí thấy, giả sử sanh hờn giận; nên trừ bỏ như thế nào? Này Chư Hiền, cũng như cách thôn xóm không xa, có hồ nước rất sâu, rêu cỏ che lấp. Có người đi đến, rất nóng bức, phiền muộn, đói khát, mệt mỏi, bị gió nóng bức bách. [454b] Người ấy đến nơi hồ, cởi áo để trên bờ, rồi nhảy xuống hồ, hai tay khoát rêu ra, khoan khoái mặc tình tắm rửa, trừ bỏ nóng bức, phiền muộn, đói khát, mệt mỏi. Cũng vậy, này Chư Hiền, đối với một người khẩu không tịnh hạnh, nhưng thân hành tịnh hạnh, chớ nghĩ về khẩu hành không thanh tịnh mà hãy nghĩ về thân hành thanh tịnh của người ấy. Nếu người có trí thấy, giả sử sanh hờn giận; nên đoạn trừ như vậy.

“Này Chư Hiền, hoặc một người thân hành không thanh tịnh, khẩu hành không thanh tịnh, nhưng tâm có chút thanh tịnh. Nếu người có trí thấy, giả sử sanh hờn giận, phải nên trừ bỏ như thế nào? Này Chư Hiền, như trên con đường ngã tư có nước trong dấu chân trâu. Có một người đi đến, trong lúc đang quá nóng bức, phiền muộn, đói khát, mệt mỏi, gió nóng bức bách. Người ấy nghĩ thế này: ‘Mặc dù nước trong lổ chân trâu ở ngã tư đường này ít, nếu ta dùng tay hoặc lá cây múc lấy, thì sẽ quậy thành đục ngầu, không thể trừ bỏ sự nóng bức vô cùng, phiền muộn, đói khát, mệt mỏi, cho ta. Ta hãy nên quỳ xuống, tay và đầu gối áp sát mặt đất, dùng miệng uống nước’. Người ấy liền quỳ dài xuống, tay và đầu gối áp sát mặt đất, dùng miệng uống nước. Người ấy liền trừ được sự nóng bức vô cùng, phiền muộn, đói khát, mệt mỏi. Cũng vậy, này Chư Hiền, đối với người thân hành không thanh tịnh, khẩu hành không thanh tịnh, nhưng tâm có chút thanh tịnh, chớ nên nghĩ đến thân hành không thanh tịnh, khẩu hành không thanh tịnh, mà chỉ nên nghĩ đến tâm có chút thanh tịnh của người ấy. Này Chư Hiền, nếu người có trí thấy, giả sử sanh hờn giận; nên đoạn trừ như vậy.

“Này Chư Hiền, hoặc một người thân hành không thanh tịnh, khẩu và ý hành không thanh tịnh. Nếu người có trí thấy, giả sử sanh hờn giận, phải nên trừ bỏ như thế nào? Này Chư Hiền, cũng như có người đi xa trên con đường dài; nửa đường mắc bệnh rất là khốn đốn, héo hắt, cô độc, không bạn bè; thôn xóm phía sau càng lúc càng xa mà thôn xóm phía trước lại chưa đến. Nếu có người đi đến, đứng bên cạnh, thấy người bộ hành này đi xa trên con đường dài, nửa đường mắc bệnh rất là khốn đốn, héo hắt, cô độc, không bạn bè, thôn xóm phía sau càng lúc càng xa mà thôn xóm phía trước thì chưa đến. Người kia nếu được người chăm sóc, từ giữa cánh đồng xa xôi dắt đến thôn ấp, cho uống thang thuốc hay, bồi dưỡng bằng đồ ngon mỹ diệu, được chăm sóc kỹ lưỡng; như vậy người ấy chắc chắn được lành bớt. Đó là người kia có lòng thương xót, có từ niệm đối với người bệnh này. Cũng vậy, này Chư Hiền, hoặc một người thân hành không thanh tịnh, khẩu và ý hành không thanh tịnh. Nếu người có trí thấy, nên nghĩ thế này: ‘Vị này thân hành không thanh tịnh, khẩu và ý hành không thanh tịnh, đừng để cho vị này do bởi thân hành không thanh tịnh, khẩu và ý hành không thanh tịnh, mà khi thân hoại mạng chung thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Nếu vị này gặp thiện tri thức, [454c] sẽ bỏ thân hành không thanh tịnh để tu thân hành thanh tịnh; trừ bỏ khẩu và ý hành không thanh tịnh để tu khẩu và ý hành thanh tịnh. Do vậy, vị này sẽ do thân hành thanh tịnh, khẩu và ý hành thanh tịnh mà khi thân hoại mạng chung chắc chắn sanh đến thiện xứ, cho đến sanh thiên giới’. Đó là vị kia có lòng thương xót, có từ niệm đối với vị này. Nếu người có trí mà sanh lòng hờn giận, nên đoạn trừ như vậy.

“Này Chư Hiền, hoặc có một người thân hành thanh tịnh, khẩu và ý hành thanh tịnh. Nếu người có trí thấy, giả sử sanh hờn giận, phải nên trừ bỏ như thế nào? Này Chư Hiền, cũng như ngoài thôn xóm không xa, có hồ nước tốt, đã trong lại ngọt, đáy sâu bằng phẳng, đầy đặn, cỏ biếc ngập bờ, bốn phía có cây cỏ. Nếu có người đến, rất nóng bức, phiền muộn, đói khát, mệt mỏi, gió nóng bức bách. Người kia đến bờ rồi, cởi áo để trên bờ, nhảy xuống hồ, khoan khoái mặc tình tắm rửa, trừ bỏ sự nóng bức, phiền muộn, đói khát, mệt mỏi. Cũng vậy, này Chư Hiền, hoặc có một người thân hành thanh tịnh, khẩu và ý hành thanh tịnh, hãy thường nên nghĩ đến thân hành thanh tịnh, khẩu và ý hành thanh tịnh của người đó. Nếu người có trí thấy mà sanh hờn giận, nên trừ bỏ như vậy.

“Này Chư Hiền, năm pháp trừ não mà tôi vừa nói, chính do vậy mà được nói”.

Tôn giả Xá-lợi-phất thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Tôn giả thuyết, hoan hỷ phụng hành. [53]

26. KINH CÙ-NI-SƯ

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại thành Vương Xá, trong rừng Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đa.

Bấy giờ Tỳ-kheo Cù-ni-sư [54] cũng trú tại thành Vương xá, là người sống trong rừng [55], cười đùa kiêu ngạo, tháo động, không chánh niệm như khỉ vượn [56]. Tỳ-kheo Cù-ni-sư vì có chút việc nên đến thành Vương Xá.

Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất [455a] cùng với chúng Tỳ-kheo sau giờ ăn trưa, vì có chút việc nên vân tập tại giảng đường. Tỳ-kheo Cù-ni-sư sau khi đã làm xong việc trong thành Vương Xá, đi đến giảng đường. Tôn giả Xá-lợi-phất từ đằng xa trong thấy Cù-ni-sư đi đến. Nhân Cù-ni-sư mà bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Này Chư Hiền, thầy Tỳ-kheo vô sự [57], sống ở nơi vô sự, phải học sự kính trọng và biết tùy thuận quán sát [58]. Này Chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự mà phần nhiều không kính trọng, không biết tùy thuận quán sát, vị ấy sẽ bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích, cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự nhưng phần nhiều lại không biết kính trọng, không biết tùy thuận quán sát’. Nếu đến ở trong đại chúng, vị ấy cũng bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích, cật vấn. Do đó, này Chư Hiền, thầy Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học kính trọng và biết tùy thuận quán.

“Này Chư Hiền, thầy Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học hạnh không cười giỡn, không tháo động [59]. Này Chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự mà hay cười giỡn, tháo động, thì sẽ bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự nhưng hay cười giỡn, tháo động’. Nếu đến ở trong đại chúng, cũng bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích, cật vấn. Do đó, này Chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học hạnh không cười giỡn, không tháo động.

“Này Chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học hạnh không nói những đề tài súc sanh [60]. Này Chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự mà hay nói những vấn đề súc sanh, sẽ bị các Tỳ-kheo chỉ trích cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự nhưng hay nói những đề tài súc sanh’. Nếu đến ở trong đại chúng, cũng bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích, cật vấn. Do đó, này Chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học không nói những đề tài súc sanh.

“Này Chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học không kiêu ngạo và ít nói năng. Này Chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự mà hay kiêu ngạo và nói năng nhiều sẽ bị các Tỳ-kheo chỉ trích cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà lại hay kiêu ngạo và nói năng nhiều’. Nếu đến ở trong đại chúng, cũng bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích, cật vấn. Do đó, này Chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự nên học không kiêu ngạo và ít nói năng.

 [455b] “Này Chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học thủ hộ các căn. Này Chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự mà phần nhiều không chịu thủ hộ các căn, sẽ bị các Tỳ-kheo chỉ trích cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà phần nhiều không chịu thủ hộ các căn. Nếu đến ở trong đại chúng, cũng bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích, cật vấn. Do đó, này Chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự nên học thủ hộ các căn.

“Này Chư Hiền, thầy Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học biết đủ trong sự ăn uống. Này Chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự mà ham ăn quá dư, quá nhiều, không biết đủ, sẽ bị các Tỳ-kheo chỉ trích cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà mà ham ăn quá dư, quá nhiều, không biết đủ’. Nếu đến ở trong đại chúng, cũng bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích, cật vấn. Do đó, này Chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự nên học biết đủ trong sự ăn uống.

“Này Chư Hiền, thầy Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học tinh tấn không giải đãi. Này Chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự mà lại thường không tinh tấn, hay giải đãi, sẽ bị các Tỳ-kheo chỉ trích cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà thường không tinh tấn, trái lại còn giải đãi’. Nếu đến ở trong đại chúng, cũng bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích, cật vấn. Do đó, này Chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự nên học tinh tấn, không giải đãi.

“Này Chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học chánh niệm và chánh trí. Này Chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự mà không học chánh niệm chánh trí, sẽ bị các Tỳ-kheo chỉ trích cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà thường không có chánh niệm chánh trí’. Nếu đến ở trong đại chúng, cũng bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích, cật vấn. Do đó, này Chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự nên học chánh niệm chánh trí.

“Này Chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học biết thời và đúng thời; không đi vào thôn khất thực quá sớm, cũng chẳng trở về quá trễ. Này Chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự mà vào [455c] thôn khất thực quá sớm và trở về quá trễ, sẽ bị các Tỳ-kheo chỉ trích cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà vào thôn khất thực quá sớm và trở về quá trễ’. Nếu đến ở trong đại chúng, cũng bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích, cật vấn. Do đó, này Chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự nên học biết thời và đúng thời.

“Này Chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học biết ngồi và ngồi đúng chỗ; không lấn chỗ ngồi của vị Trưởng lão, bị Tỳ-kheo nhỏ khiển trách [61]. Này Chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự mà chiếm chỗ ngồi của bậc trưởng lão, bị các Tỳ-kheo nhỏ chỉ trích, sẽ bị các Tỳ-kheo chỉ trích cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà chiếm chỗ ngồi của các bậc trưởng lão, bị các Tỳ-kheo nhỏ chỉ trích’. Nếu đến ở trong đại chúng, cũng bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích, cật vấn. Do đó, này Chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự nên học biết ngồi và ngồi đúng chỗ.

“Này Chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học thảo luận về Luật và A-tì-đàm [62]. Vì sao thế. Này Chư Hiền, khi Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự, hoặc có người đến hỏi về Luật và A-tì-đàm. Này Chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự mà không biết trả lời về Luật và A-tì-đàm, thì làm cho các Tỳ-kheo khác thường chỉ trích cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả vô sự này sống ở nơi vô sự nhưng không biết trả lời về Luật và A-tì-đàm’. Nếu đến ở giữa đại chúng cũng làm cho các Tỳ-kheo thường chỉ trích cật vấn. Do đó, này Chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự nên học thảo luận về Luật và A-tì-đàm.

“Này Chư Hiền, thầy Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học thảo luận về tịch tĩnh giải thoát [63] và ly sắc [64] cho đến vô sắc định [65]. Vì sao thế? Này Chư Hiền, khi Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự, hoặc có người đến hỏi về tịch tĩnh giải thoát và ly sắc cho đến vô sắc định. Này Chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự mà không biết trả lời về tịch tĩnh giải thoát và ly sắc cho đến vô sắc định thì làm cho các Tỳ-kheo khác thường chỉ trích cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự này mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả vô sự này sống ở nơi vô sự nhưng không biết trả lời về tịch tĩnh giải thoát và ly sắc cho đến vô sắc định’. Nếu đến ở giữa đại chúng cũng làm cho các Tỳ-kheo thường chỉ trích cật vấn. Do đó, này Chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự [456a] sống ở nơi vô sự nên học thảo luận về tịch tĩnh giải thoát và ly sắc cho đến vô sắc định.

“Này Chư Hiền, thầy Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học thảo luận về lậu tận trí thông. Vì sao thế. Này Chư Hiền, khi Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự, hoặc có người đến hỏi về lậu tận trí thông. Này Chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự mà không biết trả lời về lậu tận trí thông, thì làm cho các Tỳ-kheo khác thường chỉ trích cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự này mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả vô sự này sống ở nơi vô sự nhưng không biết trả lời về lậu tận trí thông’. Nếu đến ở giữa đại chúng cũng làm cho các Tỳ-kheo thường chỉ trích cật vấn. Do đó, này Chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự nên học thảo luận về lậu tận trí thông”.

Lúc ấy, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên cũng hiện diện trong đại chúng. Tôn giả Đại Mục-kiền-liên thưa rằng:

“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, chỉ những Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự mới nên học những pháp như vậy, chứ không phải là những Tỳ-kheo ở giữa người đời [66] sao?”

Tôn giả Xá-lợi-phất trả lời rằng:

“Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự còn nên học những pháp như vậy huống gì là Tỳ-kheo sống giữa nhân gian?”

Như vậy hai vị Tôn giả cùng khen tán lẫn nhau, tán thán “Lành thay!” Sau khi nghe những điều được nói, từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi.

Kính trọng, không cười cợt,

Không phiếm luận, kiêu ngạo,

Hộ căn, ăn biết đủ,

Tinh tấn, chánh niệm, trí,

Biết thời, ngồi đúng chỗ,

Thảo luận Luật, Tỳ-đàm,

Và tịch tĩnh giải thoát,

Lậu tận thông cũng vậy.

     27. KINH PHẠM CHÍ ĐÀ-NHIÊN

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại thành Vương Xá trong rừng Trúc, vườn Ca-lan-đa, cùng chúng Đại Tỳ-kheo an cư mùa mưa.

Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất đang ở nước Xá-vệ cũng an cư mùa mưa.

 Lúc ấy, có một Tỳ-kheo ở thành Vương Xá, sau khi trải qua ba tháng an cư mùa mưa xong, vá sửa lại các y, rồi xếp y, ôm bát từ thành Vương Xá đi đến nước Xá-vệ, ở trong rừng Thắng Lâm Lâm Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Tỳ-kheo ấy đi đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, [456b] cúi đầu đảnh lễ dưới chân  rồi ngồi sang một bên.

Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi:

“Này Hiền giả, Thế Tôn an cư tại thành Vương Xá. Thánh thể có được an khang khỏe mạnh, không bệnh tật, đi lại thoải mái, khí lực bình thường không?”

Vị Tỳ-kheo đáp:

“Thật vậy, bạch Tôn giả Xá-lợi-phất. Thế Tôn an cư tại thành Vương Xá. Thánh thể được an khang khỏe mạnh, không bệnh tật, đi lại thoải mái và khí lực bình thường”.

Lại hỏi:

“Này Hiền giả, đại chúng Tỳ-kheo và đại chúng Tỳ-kheo-ni an cư mùa mưa tại thành Vương xá; Thánh thể có được an khang khỏe mạnh, không bệnh tật, đi lại thoải mái, khí lực bình thường không? Có thường xuyên thăm viếng Đức Phật và mong muốn được nghe pháp không”

Đáp:

“Thật vậy, bạch Tôn giả Xá-lợi-phất. Đại chúng Tỳ-kheo và đại chúng Tỳ-kheo-ni an cư mùa mưa tại thành Vương xá; Thánh thể an khang khỏe mạnh, không bệnh tật, đi lại thoải mái, khí lực bình thường. Có thường xuyên thăm viếng Đức Phật và mong muốn được nghe pháp”.

Lại hỏi:

“Này Hiền giả, chúng Ưu-bà-tắc và chúng Ưu-bà-di trú tại thành Vương Xá, thân thể có được an khang khỏe mạnh, không bệnh tật, đi lại thoải mái, khí lực bình thường không? Có thường xuyên thăm viếng Đức Phật và mong muốn được nghe pháp không?”

Đáp:

“Thật vậy, thưa Tôn giả Xá-lợi-phất. Chúng Ưu-bà-tắc và chúng Ưu-bà-di trú tại thành Vương Xá, thân thể có được an khang khỏe mạnh, không bệnh tật, đi lại thoải mái, khí lực bình thường. Có thường xuyên thăm viếng Đức Phật và mong muốn được nghe pháp”.

Lại hỏi:

“Này Hiền giả, tất cả các Sa-môn, Bà-la-môn, dị học an cư mùa mưa tại thành Vương xá, thân thể có được an khang khỏe mạnh, không bệnh tật, đi lại thoải mái, khí lực bình thường không? Có thường xuyên thăm viếng Đức Phật và mong muốn được nghe pháp không?”

Trả lời rằng:

“Thật vậy, thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, tất cả các Sa-môn, Bà-la-môn, dị học an cư mùa mưa tại thành Vương xá, thân thể có được an khang khỏe mạnh, không bệnh tật, đi lại thoải mái, khí lực bình thường. Có thường xuyên thăm viếng Đức Phật và mong muốn được nghe pháp”.

Lại hỏi rằng:

“Này Hiền giả, tại thành Vương Xá có một Bà-la-môn tên là Đà-nhiên [67], vốn là bạn của tôi trước kia tôi chưa xuất gia; Hiền giả có biết vị ấy không?”

Trả lời rằng:

“Thưa có biết”.

Lại hỏi rằng:

“Hiền giả, Bà-la-môn Đà-nhiên ở thành Vương Xá, thân thể có được an khang khỏe mạnh, không bệnh tật, đi lại thoải mái, khí lực bình thường không? Có thường xuyên thăm viếng Đức Phật và mong muốn được nghe pháp không?”

Đáp:

“Tôn giả Xá-lợi-phất, Bà-la-môn Đà-nhiên ở thành Vương Xá, thân thể an khang khỏe mạnh, không bệnh tật, đi lại thoải mái, [456c] khí lực bình thường. Nhưng ông ấy không muốn thăm viếng Đức Phật và không ưa nghe pháp”.

“Vì sao thế?”

“Tôn giả Xá-lợi-phất, Bà-la-môn Đà-nhiên không tinh tấn, phạm vào các cấm giới. Ông ấy dựa thế Vua để dối gạt [68] các Bà-la-môn, Cư sĩ; dựa thế các Bà-la-môn, cư sĩ để dối gạt Vua”.

Tôn giả Xá-lợi-phất nghe rồi, và ba tháng an cư mùa mưa ở nước Xá-vệ đã qua, sau khi vá sửa các y, ngài xếp y, ôm bát từ nước Xá-vệ đi đến thành Vương Xá, ở trong rừng Trúc, vườn Ca-lan-đa.

Bấy giờ đêm đã qua, vào lúc sáng sớm, Tôn giả Xá-lợi-phất, khoác y, ôm bát vào thành Xá-vệ, lần lượt đi khất thực. Sau khi khất thực xong, ngài đi đến nhà của Bà-la-môn Đà-nhiên.

Lúc ấy, Bà-la-môn Đà-nhiên từ nhà đi ra, đến bên bờ suối, đang hành hạ cư dân [69]. Bà-la-môn Đà-nhiên từ xa trông thấy Tôn giả Xá-lợi-phất, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai sửa áo, chắp tay hướng đến Tôn giả giả Xá-lợi-phất mà tán thán rằng:

“Kính chào Xá-lợi-phất, đã lâu lắm rồi Xá-lợi-phất không đến đây”.

Rồi Bà-la-môn Đà-nhiên, với lòng cung kính, ôm Tôn giả Xá-lợi-phất dìu vào nhà, trải giường đẹp mà mời ngồi. Tôn giả Xá-lợi-phất liền ngồi trên giường đó. Bà-la-môn Đà-nhiên thấy Tôn giả Xá-lợi-phất đã ngồi xuống, liền bưng một cái chậu sữa bằng vàng [70] mời Tôn giả Xá-lợi-phất ăn. Tôn giả Xá-lợi-phất nói:

“Thôi, thôi, Đà-nhiên, chỉ trong lòng vui là đủ!”

Bà-la-môn Đà-nhiên lặp lại ba lần mời ăn. Tôn giả Xá-lợi-phất cũng ba lần nói rằng:

“Thôi, thôi, Đà-nhiên, chỉ trong lòng vui là đủ!”

Lúc đó Bà-la-môn Đà-nhiên nói rằng:

“Xá-lợi-phất, cớ gì vào nhà như thế này mà chẳng chịu ăn?”

Đáp:

“Này Đà-nhiên, ông không tinh tấn lại phạm vào các giới cấm. Dựa thế vào Vua để dối gạt Bà-la-môn, Cư sĩ; dựa thế Bà-la-môn, Cư sĩ để dối gạt Vua”.

Bà-la-môn Đà-nhiên trả lời rằng:

“Xá-lợi-phất, nên biết, nay tôi còn sống tại gia, lấy gia nghiệp làm bổn phận. Tôi còn phải lo cho mình được an ổn, cung cấp cha mẹ, săn sóc vợ con, cung cấp nô tỳ, phải nộp thuế cho Vua, thờ tự thiên thần, cúng tế tổ tiên, và còn phải bố thí cho các Sa-môn, Bà-la-môn để sau này còn được sanh lên các cõi trời, mong được trường thọ, được quả báo an lạc. Xá-lợi-phất, các việc ấy không thể nào bỏ đi, một mực theo đúng pháp”.

Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất bảo rằng:

“Này Đà-nhiên, nay tôi hỏi ông, tùy theo sự hiểu biết mà trả lời. Bà-la-môn Đà-nhiên, ông nghĩ thế nào? Nếu có người vì cha mẹ mà [457a] tạo các việc ác. Vì tạo ác nên khi thân hoại mạng chung nó đi thẳng vào cõi ác, sanh vào địa ngục. Sanh vào địa ngục rồi, khi ngục tốt bắt trói hành hạ rất khổ sở, người ấy nói với ngục tốt thế này: ‘Ngục tốt, hãy biết cho, chớ hành hạ tôi. Vì sao? Tôi đã vì cha mẹ mà tạo các nghiệp ác’. Thế nào, Đà-nhiên, người ấy có thể thoát khỏi sự khổ sở ấy bởi ngục tốt không?”

Bà-la-môn Đà-nhiên trả lời rằng:

“Không thể”.

 Lại hỏi:

“Này Đà-nhiên, ông nghĩ thế nào? Nếu có người vì vợ con mà tạo các việc ác. Vì tạo ác nên khi thân hoại mạng chung, nó đi thẳng vào cõi dữ, sanh vào địa ngục. Sanh vào địa ngục rồi, khi bị ngục tốt bắt trói, hành hạ rất khổ sở, người ấy nói vơi ngục tốt như thế này: ‘Ngục tốt, hãy biết cho, chớ hành hạ tôi. Vì sao? Tôi đã vì vợ con mà tạo các nghiệp ác’. Thế nào, Đà-nhiên, người ấy có thể nào thoát khỏi sự khổ sở ấy với ngục tốt không?”

Bà-la-môn Đà-nhiên trả lời rằng:

“Không thể”.

 Lại hỏi:

“Này Đà-nhiên, ông nghĩ thế nào? Nếu có người vì nô tỳ mà tạo các việc ác, vì tạo ác nên khi thân hoại mạng chung, nó đi thẳng vào cõi ác, sanh vào địa ngục. Sanh vào địa ngục rồi, khi bị ngục tốt bắt trói hành hạ rất khổ sở, người ấy nói với ngục tốt như thế này: ‘Ngục tốt, hãy biết cho, chớ hành hạ tôi. Vì sao? Tôi đã vì nô tỳ mà tạo các nghiệp ác’. Thế nào, Đà-nhiên, người ấy có thể nào thoát khỏi sự khổ sở ấy với ngục tốt không?”

Bà-la-môn Đà-nhiên trả lời rằng:

“Không thể”.

Lại hỏi:

“Này Đà-nhiên, ông nghĩ thế nào? Nếâu có người vì quốc vương, vì thiên thần, vì tổ tiên, vì Sa-môn, Bà-la-môn mà tạo các việc ác. Vì tạo ác nên khi thân hoại mạng chung, nó đi thẳng vào cõi ác, sanh vào địa ngục. Sanh vào địa ngục rồi, khi bị ngục tốt bắt trói hành hạ rất khổ sở, người ấy nói với ngục tốt mà nói thế này: ‘Ngục tốt, hãy biết cho, chớ hành hạ tôi. Vì sao? Tôi đã vì quốc vương, vì thiên thần, vì tổ tiên, vì Sa-môn, Bà-la-môn mà tạo các nghiệp ác’. Thế nào, Đà-nhiên, người ấy có thể nào thoát khỏi sự khổ sở ấy với ngục không?”

Bà-la-môn Đà-nhiên trả lời rằng:

“Không thể”.

“Này Đà-nhiên, một thiện gia nam tử vẫn có thể như pháp, như nghiệp, như công đức [71] mà làm ra tiền của, để tôn trọng kính phụng, hiếu dưỡng cha mẹ, làm các việc phước đức chớ chẳng gây nghiệp ác.

“Này Đà-nhiên, một thiện gia nam tử như pháp, như nghiệp, như công đức, mà làm ra tiền của, để tôn trọng, kính phụng, hiếu dưỡng cha mẹ, làm các việc phước đức chớ chẳng gây nghiệp ác. Đà-nhiên, nếu một thiện gia nam tử như pháp, như nghiệp, như công đức mà làm ra tiền của, để tôn trọng kính phụng, hiếu dưỡng cha mẹ, làm các việc phước đức chớ chẳng gây nghiệp ác, người ấy được cha mẹ [457b] thương yêu và nói thế này: ‘Mong cho con được mạnh khỏe, sống lâu vô cùng. Vì sao thế?Vì ta nhờ con nên được an ổn khoái lạc’. Này Đà-nhiên, nếu người nào được cha mẹ thương yêu rất mực, đức người đó ngày càng tăng thêm, không bao giờ suy giảm.

“Này Đà-nhiên, một thiện gia nam tử vẫn có thể như pháp, như nghiệp, như công đức mà làm ra tiền của, yêu thương và săn sóc vợ con, làm các nghiệp phước đức chớ chẳng gây nghiệp ác.

 “Này Đà-nhiên, nếu một thiện gia nam tử như pháp, như nghiệp, như công đức, mà làm ra tiền của, yêu thương và săn sóc vợ con, làm các nghiệp phước đức chớ chẳng gây nghiệp ác, người ấy được vợ con tôn trọng, và nói thế này: ‘Mong cho tôn trưởng được mạnh khỏe, sống lâu vô cùng. Vì sao thế? Vì chúng tôi nhờ tôn trưởng nên được an ổn khoái lạc’. Này Đà-nhiên, nếu người nào được vợ con tôn trọng rất mực, đức người đó ngày càng tăng thêm, không bao giờ suy giảm.

“Này Đà-nhiên, một thiện gia nam tử vẫn có thể như pháp, như nghiệp, như công đức mà làm ra tiền của, yêu thương, chu cấp và săn sóc nô tỳ, làm các nghiệp phước đức chớ chẳng gây nghiệp ác. 

“Này Đà-nhiên, nếu một thiện gia nam tử như pháp, như nghiệp, như công đức, mà làm ra tiền của, yêu thương, chu cấp và săn sóc nô tỳ, làm các nghiệp phước đức chớ chẳng gây nghiệp ác, người ấy được nô tỳ tôn trọng, và nói thế này: ‘Mong cho đại gia được mạnh khỏe, sống lâu vô cùng. Vì sao thế? Vì chúng tôi nhờ đại gia nên được an ổn’. Này Đà-nhiên, nếu người nào được nô tỳ tôn trọng rất mực, đức người đó ngày càng tăng thêm, không bao giờ suy giảm. 

“Này Đà-nhiên, một thiện gia nam tử vẫn có thể như pháp, như nghiệp, như công đức mà làm ra tiền của, tôn trọng cúng dường các vị Sa-môn, Bà-la-môn, làm các nghiệp phước đức chớ chẳng gây nghiệp ác.

“Này Đà-nhiên, nếu một thiện gia nam tử như pháp, như nghiệp, như công đức, mà làm ra tiền của, tôn trọng cúng dường các vị Sa-môn, Bà-la-môn, làm các nghiệp phước đức chớ chẳng gây nghiệp ác, người ấy được các Sa-môn, Bà-la-môn yêu mến rất mực, và nói thế này: ‘Mong cho thí chủ được mạnh khỏe, sống lâu vô cùng. Vì sao thế? Vì chúng tôi nhờ thí chủ nên được an hưởng khoái lạc’. Này Đà-nhiên, nếu người nào được các Sa-môn, Bà-la-môn yêu mến rất mực, đức người đó ngày càng tăng thêm, không bao giờ suy giảm”.

Bấy giờ Bà-la-môn Đà-nhiên liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai sửa áo, chắp tay hướng về phía Xá-lợi-phất thưa rằng:

“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, tôi có người vợ yêu tên là Đoan Chánh [72]. Tôi vì say mê nó nên đã buông lung, tạo quá nhiều ác nghiệp tội lỗi. Thưa [457c] Tôn giả Xá-lợi-phấtû, bắt đầu từ đây tôi bỏ người vợ Đoan Chánh kia, xin quy y với Tôn giả Xá-lợi-phất”.

Tôn giả Xá-lợi-phất trả lời rằng:

“Này Đà-nhiên, ông chớ quy y tôi. Ông nên quy y nơi Phật là Đấng mà tôi quy y”.

Bà-la-môn Đà-nhiên thưa rằng:

“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, từ hôm nay tôi xin quy y Phật, Pháp và Chúng Tỳ-kheo. Cúi mong Tôn giả Xá-lợi-phất nhận tôi làm Ưu-bà-tắc của Phật; trọn đời xin tự quy y cho đến mạng chung”.

Thế rồi Tôn giả Xá-lợi-phất thuyết pháp cho Bà-la-môn Đà-nhiên, khai thị, giáo giới, khích lệ, làm cho hoan hỷ. Sau khi dùng vô lượng phương tiện để thuyết pháp khai thị, giáo giới, khích lệ, làm cho hoan hỷ, Ngài liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến thành Vương Xá.

Ở đây được vài ngày, ngài xếp y, ôm bát rời thành Vương xá ra đi, đến Nam sơn [73], trụ trong rừng Thi-nhiếp-hòa [74], thuộc phía Bắc thôn Nam sơn.

Bấy giờ có một vị Tỳ-kheo đi đến thành Vương Xá. Ở đây được vài ngày, xếp y ôm bát từ thành Vương xá ra đi, đến Nam sơn cũng trụ trong rừng Thi-nhiếp-hòa, thuộc phía Bắc thôn Nam sơn.

Rồi vị Tỳ-kheo ấy đi đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, cúi đầu đảnh lễ dưới chân rồi ngồi sang một bên. Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi rằng:

“Hiền giả từ nơi nào tới đây và trú ở đâu?”

Tỳ-kheo ấy trả lời rằng:

“Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, tôi từ thành Vương Xá đi đến đây và trú ở thành Vương Xá”.

 Lại hỏi rằng:

“Hiền giả ngài có biết Bà-la-môn Đà-nhiên ở thành Vương Xá, vốn là bạn của tôi xưa kia lúc tôi chưa xuất gia không?”

“Thưa có biết”.

Lại hỏi rằng:

“Này hiền giả, Bà-la-môn Đà-nhiên ở thành Vương Xá, thân thể có được an khang khỏe mạnh, không bệnh tật, đi lại thoải mái, khí lực bình thường và có thường thăm viếng Đức Phật và mong muốn được nghe pháp không?”

Trả lời rằng:

“Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, Bà-la-môn Đà-nhiên thường đến thăm viếng Đức Phật và mong muốn được nghe pháp; nhưng không được khỏe mạnh, khí lực dần dần suy yếu. Vì sao vậy? Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, hiện giờ Bà-la-môn Đà-nhiên mang tật bệnh rất khốn khổ, nguy hiểm khôn chừng, do đó có thể mạng chung”.

Tôn giả Xá-lợi-phất nghe xong lời ấy, liền xếp y ôm bát rời Nam sơn ra đi, đến thành Vương Xá, trú trong rừng Trúc, vườn Ca-lan-đa. Bấy giờ đêm đã qua, vào lúc sáng sớm, Tôn giả Xá-lợi-phất khoác y, ôm bát đi đến nhà Bà-la-môn Đà-nhiên. Bà-la-môn Đà-nhiên từ đằng xa trông thấy Tôn giả Xá-lợi-phất đi đến, muốn rời giường đứng dậy. Tôn giả Xá-lợi-phất thấy Bà-la-môn Đà-nhiên muốn rời giường đứng dậy, liền ngăn ông ấy rằng:

“Này Bà-la-môn Đà-nhiên, ông cứ nằm, đừng đứng dậy. [458a] Đã có giường khác đây, rồi tôi sẽ ngồi riêng”.

Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất liền ngồi xuống giường ấy, rồi bảo rằng:

“Hôm nay bệnh tình ra sao? Ăn uống được nhiều ít? Sự đau đớn bớt dần, không đến nỗi tăng thêm chăng?”

Đà-nhiên trả lời rằng:

“Bệnh tình con rất là khốn đốn, ăn uống chẳng được gì cả; đau đớn chỉ tăng thêm mà không thấy giảm bớt tí nào. Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, giống như người lực sĩ đem con dao bén nhọn đâm vào đầu, chỉ sanh sự khốn khổ quá mức thôi. Đầu con hôm nay cũng nhức nhối giống như vậy. Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, cũng như lực sĩ lấy sợi dây thừng chắt đem quấn riết chung quanh đầu, chỉ sanh sự khốn khổ quá mức. Đầu con hôm nay cũng nhức nhối giống như vậy. Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, cũng như người mổ trâu, đem con dao bén mổ bụng trâu, chỉ sanh sự đau đớn quá mức. Bụng con hôm nay cũng quặn đau giống như vậy. Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, cũng như hai lực sĩ bắt một người ốm yếu đem nướng trên ngọn lửa, chỉ sanh ra sự đau khổ đến cùng cực. Thân thể con hôm nay đau đớn, cả mình sanh ra khổ sở, chỉ tăng thêm chớ không giảm bớt; cũng giống như vậy”.

Tôn giả Xá-lợi-phất bảo rằng:

“Này Đà-nhiên, bây giờ tôi hỏi ông, tùy sự hiểu biết mà ông trả lời. Này Bà-la-môn Đà-nhiên, địa ngục và súc sanh, nơi nào tốt đẹp hơn?”

Đà-nhiên trả lời rằng:

“Súc sanh tốt đẹp hơn”.

 Lại hỏi rằng:

“Này Đà-nhiên, súc sanh và ngạ quỉ, loài nào tốt đẹp hơn?”

Đà-nhiên trả lời rằng:

“Ngạ quỉ tốt đẹp hơn”.

 Lại hỏi rằng:

“Này Đà-nhiên, ngạ quỉ và loài người, loài nào tốt đẹp hơn?”

Đà-nhiên trả lời rằng:

“Loài người tốt đẹp hơn”.

 Lại hỏi rằng:

“Này Đà-nhiên, người và Tứ Vương thiên, cõi nào tốt đẹp hơn?”

Đà-nhiên trả lời rằng:

“Tứ thiên vương tốt đẹp hơn”.

 Lại hỏi rằng:

Này Đà-nhiên, Tứ Vương thiên và Tam Thập Tam thiên, cõi nào tốt đẹp?

Đà-nhiên trả lời rằng:

“Tam Thập Tam thiên tốt đẹp hơn”.

Lại hỏi rằng:

“Tam Thập Tam thiên với Diệm-ma thiên cõi nào tốt đẹp hơn?”

Đà-nhiên trả lời rằng:

“Diệâm-ma thiên tốt đẹp hơn.”

 Lại hỏi rằng:

“Này Đà-nhiên, Diệm-ma thiên với Đâu-suất-đà thiên, cõi nào tốt đẹp hơn?”

Đà-nhiên trả lời rằng:

“Đâu-suất-đà thiên tốt đẹp hơn”.

Lại hỏi rằng:

“Này Đà-nhiên, Đâu-suất-đà thiên với Hóa Lạc thiên cõi nào tốt đẹp hơn?”

Đà-nhiên trả lời rằng:

“Hóa Lạc thiên tốt đẹp hơn”.

 Lại hỏi rằng:

“Này Đà-nhiên, Hóa Lạc thiên với Tha Hóa lạc thiên, cõi nào tốt đẹp hơn?”

Đà-nhiên trả lời rằng:

“Tha Hóa Lạc thiên tố dẹp hơn.”

“Này Đà-nhiên, Tha Hóa lạc thiên với Phạm thiên cõi nào tốt đẹp hơn?”

Đà-nhiên trả lời rằng:

“Phạm thiên là tốt đẹp hơn cả. Phạm thiên là tối Thắng Lâm”.

Tôn giả Xá-lợi-phất bảo rằng:

“Đức Thế Tôn là bậc tri kiến, là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, có nói về bốn Phạm trụ [75]. Nếu một thiện gia nam tử hay một thiện gia nữ tử nào tu tập nhiều, đoạn dục, xả niệm tưởng về dục, khi thân hoại mạng chung [458b]sẽ sanh lên cõi Phạm thiên. Những gì là bốn?

“Này Đà-nhiên, Thánh đệ tử đa văn có tâm câu hữu với từ, biến mãn một phương, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, với hai, ba bốn phương, tứ duy và thượng hạ, thấu khắp tất cả, tâm câu hữu với từ, không kết, không oán, không sân hận, không não hại, bao la, quảng đại, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn khắp tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, tâm câu hữu với bi, hỷ; với xả, biến mãn một phương, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, với hai, ba bốn phương, tứ duy và thượng hạ, thấu khắp tất cả, tâm câu hữu với từ, không kết, không oán, không sân hận, không não hại, bao la, quảng đại, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn khắp tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Đà-nhiên, đó là Đức Thế Tôn, là bậc Tri Kiến, là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, có nói về bốn Phạm trụ. Nếu một thiện gia nam tử hay một thiện gia nữ nào tu tập nhiều, đoạn dục, xả niệm tưởng về dục, khi thân hoại mạng chung sẽ sanh lên cõi Phạm thiên”.

Bấy giờ, sau khi giáo hóa cho Đà-nhiên, nói về pháp Phạm thiên, Tôn giả Xá-lợi-phất từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi. Tôn giả Xá-lợi-phất từ thành Vương Xá đi, chưa đến Trúc lâm vườn Ca-lan-đa, đang nửa đường ấy, Bà-la-môn Đà-nhiên do tu tập bốn Phạm trụ, đoạn dục, xả dục niệm, thân hoại mạng chung sanh lên cõi Phạm thiên.

Bấy giờ Đức Thế Tôn đang thuyết pháp cho vô lượng đại chúng đang vây quanh trước sau. Đức Thế Tôn thấy Tôn giả Xá-lợi-phất từ đàng xa đi tới, nói với các thầy Tỳ-kheo rằng:

“Tỳ-kheo Xá-lợi-phất là bậc thông tuệ, tốc tuệ, tiệp tuệ, lợi tuệ, quảng tuệ, thâm tuệ, xuất yếu tuệ, minh đạt tuệ, biện tài tuệ [76]; Tỳ-kheo Xá-lợi-phất đã thành tựu thật tuệ. Tỳ-kheo Xá-lợi-phất đã giáo hóa Bà-la-môn Đà-nhiên, nói về Phạm thiên rồi mới về đây. Nếu lại giáo hóa cao hơn nữa thì người kia nhanh chóng biết pháp tùy pháp [77]”.

Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân rồi ngồi sang một bên. Đức Thế Tôn bảo rằng:

“Này Xá-lợi-phất, vì sao ông không giáo hóa Bà-la-môn Đà-nhiên bằng một pháp cao hơn Phạm thiên? Nếu ông giáo hóa cao hơn thì người kia sẽ nhanh chóng biết pháp tùy pháp”.

Tôn giả Xá-lợi-phất thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, các Bà-la-môn từ lâu đời ái trước Phạm thiên, ưa thích Phạm thiên, cho Phạm thiên là rốt ráo, Phạm thiên là tôn quý, thật có Phạm thiên là Phạm thiên của ta. Do đó, bạch Thế Tôn, nên con đã giáo hóa như vậy”.

Phật thuyết như vậy. Tôn giả Xá-lợi-phất và vô lượng trăm nghìn đại chúng, sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

28. KINH GIÁO HÓA BỊNH

 [458c01] Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm Lâm Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Trưởng giả Cấp Cô Độc [78] mang bệnh nguy kịch. Trưởng giả bảo người giúp việc rằng:

“Ngươi hãy đi đến chỗ Đức Phật, vì ta mà đảnh lễ dưới chân Đức Thế Tôn hỏi thăm sức khỏe, xem Thánh thể có được an khang, khỏe mạnh, không bệnh tật, đi đứng thoải mái, khí lực có được bình thường không? Rồi nói như vầy: ‘Trưởng giả Cấp Cô Độc cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, thăm hỏi Đức Thế Tôn Thánh thể có được an khang, khỏe mạnh, không bệnh tật, đi đứng thoải mái, khí lực có được bình thường không?’ Sau khi ngươi đã vì ta mà thăm hỏi Đức Thế Tôn rồi, hãy đi đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, hãy vì ta mà đảnh lễ dưới chân ngài rồi hỏi thăm Tôn giả xem Thánh thể có được an khang, khỏe mạnh, không bệnh tật, đi đứng thoải mái, khí lực có được bình thường không? Rồi nói như vầy: ‘Trưởng giả Cấp Cô Độc cúi đầu đảnh lễ dưới chân Tôn giả Xá-lợi-phất, thăm hỏi Thánh thể có được an khang, khỏe mạnh, không bệnh tật, đi đứng thoải mái, khí lực có được bình thường không? Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, Trưởng giả Cấp Cô Độc đang mang bệnh tật rất ngặt, nay đã đến hồi nguy kịch. Trưởng giả Cấp Cô Độc với tâm chí thiết rất muốn được gặp Tôn giả Xá-lợi-phất, nhưng cơ thể quá yếu đuối không còn chút khí lực để đi đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất được. Lành thay, Tôn giả Xá-lợi-phất, xin ngài hãy vì lòng từ, mong ngài đến nhà Trưởng giả Cấp Cô Độc.’”

Bấy giờ, sau khi vâng lời dạy của Trưởng giả Cấp Cô Độc, người giúp việc liền đi đến chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Đức Phật rồi đứng sang một bên thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, Trưởng giả Cấp Cô Độc cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, thăm hỏi Đức Thế Tôn Thánh thể có được an khang, khỏe mạnh, không bệnh tật, đi đứng thoải mái, khí lực có được bình thường không?”

Đức Thế Tôn bảo sứ giả rằng:

“Mong cho Trưởng giả Cấp Cô Độc an hưởng khoái lạc. Mong cho Chư Thiên, A-tu-la, Càn-thát-bà, La-sát và các chủng loại khác, thân thể được an ổn khoái lạc”.

Người giúp việc nghe Phật dạy như thế, ghi nhớ kỹ, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, đi quanh ba vòng, rồi đi đến Tôn giả Xá-lợi-phất, cúi đầu đảnh lễ rồi ngồi sang một bên và thưa rằng:

“Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, Trưởng giả Cấp Cô Độc cúi đầu đảnh lễ dưới chân ngài, xin thăm hỏi Tôn giả Thánh thể có được an khang, khỏe mạnh, không bệnh tật, đi đứng thoải mái, khí lực có được bình thường không? Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, Trưởng giả Cấp Cô Độc đang mang bệnh tật rất hiểm nghèo, nay đã đến hồi nguy kịch. Trưởng giả Cấp Cô Độc với tâm chí thiết rất muốn được gặp Tôn giả Xá-lợi-phất, nhưng cơ thể quá yếu đuối, không còn chút khí lực để đi đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất được. Lành thay, Tôn giả Xá-lợi-phất, [459a] xin ngài hãy vì lòng từ, mong ngài đến nhà Trưởng giả Cấp Cô Độc”.

Tôn giả Xá-lợi-phất liền im lặng nhận lời. Bấy giờ sứ giả biết Tôn giả Xá-lợi-phất đã im lặng nhận lời, bèn rời chỗ ngồi đứng dậy, đi quanh ba vòng rồi ra về.

Sau khi đêm đã qua, vào lúc sáng sớm, Tôn giả Xá-lợi-phất khoác y, ôm bát đi đến nhà Trưởng giả Cấp Cô Độc. Trưởng giả Cấp Cô Độc thấy Tôn giả Xá-lợi-phất từ đàng xa đi đến, muốn ngồi dậy lhỏi giường. Tôn giả Xá-lợi-phất thấy Trưởng giả Cấp Cô Độc muốn từ giường ngồi dậy, liền cản lại rằng:

“Này Trưởng giả, chớ ngồi dậy. Còn giường khác đây, tôi sẽ ngồi riêng”.

Tôn giả Xá-lợi-phất liền ngồi lên giường ấy, rồi hỏi rằng:

“Bệnh trạng của Trưởng giả hôm nay thế nào? Ăn uống được nhiều ít? Sự đau đớn giảm dần không đến nỗi tăng thêm chăng?”

Trưởng giả Cấp Cô Độc trả lời rằng:

“Bệnh tình của con rất nguy kịch, ăn uống chẳng được gì cả. Sự đau đớn chỉ tăng thêm chứ không thấy giảm bớt chút nào”.

Tôn giả Xá-lợi-phất bảo rằng:

“Này Trưởng giả chớ sợ [79]. Vì sao vậy? Vì nếu là kẻ phàm phu ngu si, thành tựu bất tín, thì khi thân hoại mạng chung sẽ đi thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Còn Trưởng giả ngày nay không hề có sự bất tín, mà chỉ có sự thượng tín. Do thượng tín ấy Trưởng giả sẽ diệt được sự đau nhức khổ sở, lại sanh ra khoái lạc vô cùng; hoặc do thượng tín ấy sẽ chứng quả Tư-đà-hàm hay quả A-na-hàm, vì Trưởng giả vốn đã chứng quả Tu-đà-hoàn.

“Trưởng giả chớ sợ. Vì sao vậy? Vì nếu là kẻ phàm phu ngu si do ác giới, thì khi thân hoại mạng chung sẽ đi thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Còn Trưởng giả không hề có ác giới, mà Trưởng giả chỉ có thiện giới. Do thiện giới ấy Trưởng giả sẽ diệt được sự đau nhức khổ sở, lại sanh ra khoái lạc vô cùng; hoặc do thiện giới ấy sẽ chứng quả Tư-đà-hàm hay quả A-na-hàm vì trưởng giả vốn đã chứng quả Tu-đà-hoàn.

“Trưởng giả chớ sợ. Vì sao vậy? Vì nếu là kẻ phàm phu ngu si không có đa văn, thì khi thân hoại mạng chung sẽ đi thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Còn Trưởng giả không hề có sự không đa văn. Do đa văn ấy Trưởng giả sẽ diệt được sự đau nhức khổ sở, lại sanh ra khoái lạc vô cùng; hoặc do đa văn ấy sẽ chứng quả Tư-đà-hàm hay quả A-na-hàm vì Trưởng giả vốn đã chứng quả Tu-đà-hoàn.

“Trưởng giả chớ sợ. Vì sao vậy? Vì nếu là kẻ phàm phu ngu si nhân có sự xan tham, thì khi thân hoại mạng chung sẽ đi thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Còn Trưởng giả [459b] không hề có xan tham mà chỉ có huệ thí. Do huệ thí ấy Trưởng giả sẽ diệt được sự đau nhức khổ sở, lại sanh ra khoái lạc vô cùng; hoặc do huệ thí ấy sẽ chứng quả Tư-đà-hàm hay quả A-na-hàm vì Trưởng giả vốn đã chứng quả Tu-đà-hoàn.

“Trưởng giả chớ sợ. Vì sao vậy? Vì nếu là kẻ phàm phu ngu si nhân có ác tuệ, thì khi thân hoại mạng chung sẽ đi thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Còn Trưởng giả không hề có ác tuệ mà chỉ có thiện tuệ. Do thiện tuệ ấy Trưởng giả sẽ diệt được sự đau nhức khổ sở, lại sanh ra khoái lạc vô cùng; hoặc do thiện tuệ ấy sẽ chứng quả Tư-đà-hàm hay quả A-na-hàm vì Trưởng giả vốn đã chứng quả Tu-đà-hoàn.

“Này Trưởng giả chớ sợ. Vì sao vậy? Vì nếu là kẻ phàm phu ngu si nhân có tà kiến, thì khi thân hoại mạng chung sẽ đi thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Còn Trưởng giả không hề có tà kiến mà chỉ có chánh kiến. Do chánh kiến ấy Trưởng giả sẽ diệt được sự đau nhức khổ sở, lại sanh ra khoái lạc vô cùng; hoặc do chánh kiến ấy sẽ chứng quả Tư-đà-hàm hay quả A-na-hàm vì Trưởng giả vốn đã chứng quả Tu-đà-hoàn.

“Trưởng giả chớ sợ. Vì sao vậy? Vì nếu là kẻ phàm phu ngu si nhân có tà tư duy [80], thì khi thân hoại mạng chung sẽ đi thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Còn Trưởng giả không hề có tà chí mà chỉ có chánh chí. Do chánh chí ấy Trưởng giả sẽ diệt được sự đau nhức khổ sở, lại sanh ra khoái lạc vô cùng; hoặc do chánh chí ấy sẽ chứng quả Tư-đà-hàm hay quả A-na-hàm vì Trưởng giả vốn đã chứng quả Tu-đà-hoàn.

“Trưởng giả chớ sợ. Vì sao vậy? Vì nếu là kẻ phàm phu ngu si nhân có tà giải, thì khi thân hoại mạng chung sẽ đi thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Còn Trưởng giả không hề có tà giải mà chỉ có chánh giải. Do chánh giải ấy Trưởng giả sẽ diệt được sự đau nhức khổ sở, lại sanh ra khoái lạc vô cùng; hoặc do chánh giải ấy sẽ chứng quả Tư-đà-hàm hay quả A-na-hàm vì Trưởng giả vốn đã chứng quả Tu-đà-hoàn.

“Trưởng giả chớ sợ. Vì sao vậy? Vì nếu là kẻ phàm phu ngu si nhân có tà thoát, thì khi thân hoại mạng chung sẽ đi thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Còn Trưởng giả không hề có tà thoát mà chỉ có chánh thoát. Do chánh thoát ấy Trưởng giả sẽ diệt được sự đau nhức khổ sở, lại sanh ra khoái lạc vô cùng; hoặc do chánh thoát ấy sẽ chứng quả Tư-đà-hàm hay quả A-na-hàm vì Trưởng giả vốn đã chứng quả Tu-đà-hoàn.

“Trưởng giả chớ sợ. Vì sao vậy? [459c] Vì nếu là kẻ phàm phu ngu si nhân có tà trí, thì khi thân hoại mạng chung sẽ đi thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Còn Trưởng giả không hề có tà trí mà chỉ có chánh trí. Do chánh trí ấy Trưởng giả sẽ diệt được sự đau nhức khổ sở, lại sanh ra khoái lạc vô cùng; hoặc do chánh trí ấy sẽ chứng quả Tư-đà-hàm hay quả A-na-hàm vì trưởng giả vốn đã chứng quả Tu-đà-hoàn”.

Bấy giờ bệnh trạng của Trưởng giả Cấp Cô Độc liền được thuyên giảm, bình phục như cũ [81], rời chỗ nằm ngồi dậy, khen Tôn giả Xá-lợi-phất rằng:

“Lành thay! Lành thay! Ngài thuyết pháp cho bệnh nhân, thật kỳ diệu, thật hy hữu! Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, khi con nghe xong bài pháp giáo hóa cho bệnh nhân ấy liền chấm dứt thống khổ, lại sanh khoái lạc vô cùng. Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, bây giờ bệnh con đã thuyên giảm hẳn, bình phục như cũ. Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, trước kia nhân có chút việc cần làm, con đi đến thành Vương xá, tạm trú trong nhà một Trưởng giả [82]. Lúc ấy vị Trưởng giả kia buổi sáng hôm sau sẽ cúng dường cơm cho Đức Phật và Chúng Tỳ-kheo. Bấy giờ qua đêm ấy, lúc trời gần sáng, vị Trưởng giả kia sai con cháu, nô tỳ, sứ giả và quyến thuộc: ‘Các ngươi hãy dậy sớm, cùng nhau bày biện, trang hoàng. Những người kia đều vâng lời, cùng nhau xếp việc bếp núc, bày biện cỗ bàn với những loại ngon đẹp. Còn Trưởng giả đích thân trải bày một chỗ ngồi cao, trang nghiêm vô lượng.

“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, sau khi thấy vậy, con liền nghĩ thế này: ‘Hôm nay vị Trưởng giả này có việc hôn nhân hay lễ hội rước dâu, hay việc thỉnh Quốc vương hay việc mời Đại thần, mà lại sắm sửa tiệc cơm, mở cuộc đãi đằng lớn như vậy?’

“Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, suy nghĩ như vậy rồi, con liền hỏi vị Trưởng giả kia rằng:

“– Ông vì việc hôn nhân hay vì lễ hội rước dâu, việc thỉnh Quốc vương hay việc mời Đại thần, mà lại sắm sửa tiệc cơm, mở cuộc đãi đằng lớn như vậy?

“Lúc ấy vị Trưởng giả kia liền trả lời con rằng:

“– Tôi không phải vì việc hôn nhân, việc thỉnh Quốc vương hay việc mời Đại thần, nhưng tôi sắm sửa tiệc cơm, thi thiết cuộc đại thí, vì sáng nay tôi sẽ cúng cơm cho Đức Phật và chúng Tỳ-kheo.

“Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, vì con chưa từng được nghe danh hiệu Đức Phật, nên khi nghe rồi toàn thân lông dựng ngược. Con lại hỏi rằng:

“– Trưởng giả nói Phật, vậy thế nào là Phật?

“Lúc ấy vị Trưởng giả kia trả lời con rằng:

“– Ông chưa được nghe sao? Có vị dòng dõi họ Thích, từ giã dòng họ Thích, cạo bỏ râu tóc, khoác y ca-sa, với lòng tin chí thiết, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, chứng quả Vô thượng Chánh đẳng chánh giác. Vị ấy được gọi là Phật.

“Con lại hỏi rằng:

“– Trưởng giả vừa nói Chúng [83]. Vậy thế nào là đại chúng?

“Bấy giờ vị Trưởng giả kia trả lời con rằng:

“– Còn có rất nhiều vị, có dòng họ và tông tộc khác nhau, cạo bỏ râu tóc, khoác y ca-sa, với lòng tin chí thiết, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, để theo Phật đạo. Đó [460a] gọi là Chúng. Đức Phật và chúng ấy, tôi sắp thỉnh đến.

“Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, con lại hỏi vị Trưởng giả ấy rằng:

“– Đức Thế Tôn bây giờ đang ở nơi nào? Tôi muốn đi đến thăm.

“Bấy giờ vị Trưởng giả kia trả lời con rằng:

“– Đức Thế Tôn hiện đang ở thành Vương Xá, trong rừng Trúc, vườn Ca-lan-đa. Ông có muốn đến đó thì tùy ý.

“Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, lúc ấy con nghĩ thế này: ‘Mong cho mau sáng để nhanh chóng đi đến thăm Phật.’ Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, bấy giờ với tâm chí thành, con muốn đến thăm Phật, nên lúc đang đêm ấy mà tưởng đã sáng rồi, liền từ nhà vị Trưởng giả kia ra đi, đến trạm dừng nơi cổng thành [84]. Bấy giờ tại trạm dừng nơi cổng thành có hai người lính gác, một người gác đầu hôm thì cho hành khách bên ngoài vào thành, không làm trở ngại gì, một người gác cuối đêm thì cho hành khách ở trong thành đi ra cũng không làm trở ngại gì. Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, con lại nghĩ thế này: ‘Đêm hãy còn chưa sáng lắm. Vì sao vậy? Vì ở tại cổng thành có hai người lính gác; một người gác đầu hôm thì cho hành khách bên ngoài vào thành, không làm trở ngại gì; một người gác cuối đêm thì cho hành khách ở trong thành đi ra cũng không làm trở ngại gì’. Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, con vượt qua trạm dừng chân ở cửa thành để đi ra bên ngoài không lâu, ánh sáng biến mất và trời tối hẳn lại. Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, toàn thân lông dựng ngược, con liền sợ hãi, mong sao đừng có người nào hay loài phi nhân đến xúc nhiễu con. Bấy giờ, tại trại dừng chân ở cửa thành có một vị trời [85], từ thành Vương xá đến Trúc lâm, vườn Ca-lan-đà, ánh sáng tỏa chiếu khắp nơi, đến bảo con rằng: ‘Này Trưởng giả, chớ sợ. Vì sao vậy? Tôi đời trước đây vốn là bằng hữu của ông, tên thật là Mật-khí [86], vào lúc còn trẻ tuổi chúng ta rất yêu mến nhau. Này Trưởng giả, thuở xưa ấy, tôi đi đến chỗ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, cúi đầu đảnh lễ dưới chân rồi ngồi sang một bên. Tôn giả Đại Mục-kiền-liên thuyết pháp cho tôi, khai thị, khích lệ, thành tựu hoan hỷ. Sau khi dùng vô lượng phương tiện để thuyết pháp, khai thị, khích lệ, thành tựu hoan hỷ cho tôi rồi, ngài ban cho tôi pháp ba tự quy, và trao cho năm giới. Này Trưởng giả, tôi do ba tự quy y và thọ trì năm giới, nên khi thân hoại mạng chung sanh lên trời Tứ Vương thiên, sống ở trong trạm dừng tại cổng thành này. Trưởng giả hãy đi mau lên, Trưởng giả hãy đi vội lên, quả thật đi tốt hơn là đứng lại.

“Vị trời ấy nói lên bài kệ để khuyên con như sau:

Được trăm ngựa, nữ tỳ,

Trăm xe đầy châu báu;

Không bằng phần mười sáu

Một bước đi đến Phật.

Trăm voi trắng tối thượng,

Thắng Lâm yên cương vàng bạc;

Không bằng phần mười sáu

Một bước đi đến Phật.

 [460b]Trăm nữ nhân đẹp đẽ,

Đeo chuỗi ngọc tràng hoa;

Không bằng phần mười sáu,

Một bước đi đến Phật.

Chuyển luân vương kính trọng

Báu ngọc nữ bậc nhất;

Không bằng phần mười sáu,

Một bước đi đến Phật.

“Vị trời nói tụng xong, rồi khuyên con rằng:

“– Này Trưởng giả, đi nhanh lên! Này Trưởng giả, đi nhanh lên! Quả thật đi tốt hơn đứng lại.

“Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, con lại nghĩ thế này: ‘Đức Phật có ân đức che chở bao trùm. Pháp và Chúng Tỳ-kheo cũng có ân đức bao trùm. Vì sao vậy? Cho đến bậc trời cũng muốn ta đến yết kiến’.

“Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, con do ánh sáng ấy mà đi đến Trúc lâm, vườn Ca-lan-đa. Bấy giờ đêm còn chưa sáng tỏ, Đức Thế Tôn từ thiền thất đi ra, kinh hành ở khoảng đất trống để chờ con. Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, từ xa con trông thấy Đức Thế Tôn đẹp đẽ trang nghiêm như mặt trăng giữa các vì tinh tú, ánh sáng chói lọi rực rỡ, sáng rực như tòa núi toàn vàng, đầy đủ tướng tốt, oai thần vời vợi, các căn tịch tĩnh, chẳng có gì che khuất, thành tựu điều ngự, tức tâm tĩnh mặc. Con thấy rồi, liền hoan hỷ đi đến trước Đức Phật, đảnh lễ sát dưới chân, rồi kinh hành theo Ngài, theo pháp của bậc Trưởng giả mà nói bài tụng thăm hỏi rằng:

Thế Tôn ngủ an ổn,

Đến trọn đêm khỏe chăng?

Bà-la-môn diệt độ,

Vì không nhiễm trước dục.

Xả ly tất cả nguyện,

Được an ổn vô cùng.

Tâm trừ không nóng bức

Ngủ an lạc vui vẻ.

“Bấy giờ Đức Thế Tôn vừa đi đến cuối đường kinh hành, liền trải ni-sư-đàn, ngồi kiết già. Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất. Lúc ấy, con đảnh lễ dưới chân Phật rồi ngồi sang một bên. Đức Thế Tôn thuyết pháp cho con, khai thị, giáo giới, làm cho lợi ích, khiến cho hoan hỷ, như pháp thông lệ của chư Phật, trước nói pháp đoan chánh, để người nghe hoan hỷ. Đó là nói thí, nói giới, nói pháp sanh thiên, chê dục vọng là tai họa, sanh tử là nhơ uế; ngợi khen vô dục là đạo phẩm vi diệu, bạch tịnh. Đức Thế Tôn nói những pháp như vậy cho con nghe rồi, Đức Phật biết con có tâm hoan hỷ, tâm cụ túc, tâm nhu nhuyến, tâm kham nhẫn, tâm vươn lên, tâm chuyên nhất, tâm không nghi, tâm không che lấp, có khả năng kham thọ chánh pháp, nghĩa là những điều chánh yếu nào mà chư Phật nói ra; Thế Tôn liền nói: Khổ, Tập, Diệt, Đạo cho con. Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, ngay khi con ngồi đấy đã thấy được bốn Thánh đế: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Cũng như tấm vải trắng dễ nhuộm thành màu sắc, con cũng như vậy, [460c] ngay trên chỗ đang ngồi đã thấy bốn Thánh đế: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, con đã thấy pháp, đắc pháp, giác ngộ pháp bạch tịnh, đoạn nghi, độ hoặc, không còn tôn sùng ai, cũng chẳng theo người khác, không còn do dự, đã trụ nơi quả chứng, được sự không sợ hãi đối với giáo pháp Đức Thế Tôn, liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ Đức Thế Tôn bạch rằng:

“– Bạch Thế Tôn, con hôm nay tự quy y Phật, Pháp và Chúng Tỳ-kheo. Xin nguyện Thế Tôn chấp nhận cho con làm Ưu-bà-tắc; bắt đầu từ hôm nay sẽ trọn đời tự quy y, cho đến lúc mạng chung.

“Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, con liền chắp tay thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, ngưỡng mong Thế Tôn nhận lời mời của con cùng Chúng Tỳ-kheo đến nước Xá-vệ để an cư mùa mưa.

“Lúc ấy Đức Thế Tôn hỏi con rằng:

“– Ông tên là gì, nhân dân nước Xá-vệ gọi ông là gì?

“Con liền trả lời rằng:

“– Con tên là Tu-đạt-đa [87]. Vì con thường cung cấp cho những người cô độc, do đó nhân dân nước Xá-vệ gọi con là Cấp Cô Độc [88].

“Bấy giờ Đức Thế Tôn lại hỏi con rằng:

“– Tại nước Xá-vệ, ông đã có phòng xá gì chưa?

“Con trả lời rằng:

“– Tại nước Xá-vệ con chưa có phòng xá gì cả.

“Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo con rằng:

“– Nếu có phòng xá thì các Tỳ-kheo mới có thể vãng lai, mới có thể trú ngụ được.

“Con lại thưa rằng:

“– Thật vậy, bạch Thế Tôn. Vì thế con sẽ xây cất phòng xá để các thầy Tỳ-kheo có thể vãng lai, và có thể trú ngụ nước Xá-vệ. Mong Đức Thế Tôn cho một vị đến giúp con.

“Bấy giờ Đức Thế Tôn liền sai Tôn giả Xá-lợi-phất; khiến Tôn giả Xá-lợi-phất đến giúp đỡ [89].

“Bấy giờ sau khi nghe Đức Phật dạy xong, con khéo léo ghi nhớ, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Phật, đi quanh ba vòng rồi ra về.

“Khi công việc cần làm tại thành Vương xá đã hoàn tất, con cùng Tôn giả Xá-lợi-phất đi đến nước Xá-vệ. Nhưng không vào nước Xá-vệ, cũng chẳng trở về nhà mà lập tức đi dạo khắp nơi bên ngoài thành để xem chỗ nào có thể đi lại tốt nhất, ban ngày không ồn ào, ban đêm thì tịch tĩnh, không có muỗi mòng, cũng không ruồi bọ, không lạnh, không nóng, có thể xây phòng xá để cúng dường Đức Phật và đại chúng.

“Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, bấy giờ con chỉ thấy vườn của Thắng Lâm Đồng tử [90] là đi lại tốt nhất, ban ngày không ồn ào, ban đêm thì tịch tĩnh, không có muỗi mòng, cũng không ruồi bọ, không lạnh, không nóng. Con thấy rồi liền suy nghĩ thế này: ‘Chỉ có chỗ này là tốt nhất để xây cất phòng xá để cúng dường Phật và đại chúng’. Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, lúc ấy con vào nước Xá-vệ, nhưng cũng chưa về nhà, liền đi đến chỗ Thắng Lâm Đồng tử thưa rằng:

“– Thưa Đồng tử, ngài có thể bán khu vườn kia lại cho tôi không?

“Bấy giờ Đồng tử bảo con rằng:

“– Trưởng giả nên biết, tôi không bán khu vườn đâu.

“Cứ như vậy lần hai rồi lần ba, con thưa rằng:

“– Thưa Đồng tử, ngài có thể bán khu vườn kia lại cho tôi không?

“Bấy giờ Đồng tử cũng lại lần thứ hai, lần thứ ba bảo rằng:

“– Tôi không bán khu vườn đâu. Chỉ khi nào ức ức [91] trải đầy.

“Con liền thưa rằng:

“– Này Đồng tử, ngài đã quyết định giá cả, chỉ còn việc trao tiền nữa thôi.

“Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, người thì nói đã quyết định giá cả, người thì nói chưa quyết định giá cả, cùng nhau tranh tụng lớn. Rồi dắt nhau đến pháp đình [92] nước Xá-vệ để phán quyết về việc này. Bấy giờ vị pháp quan [93] nước Xá-vệ bảo Thắng Lâm Đồng tử rằng:

“– Này Đồng tử, thế là ngươi đã quyết định giá cả rồi, chỉ còn việc nhận tiền nữa thôi.

“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, con liền vào nước Xá-vệ, trở về nhà lấy tiền, dùng voi ngựa và xe cộ để chuyên chở các kho lẫm đem đến, đã xuất ra tới ức ức để trải khắp mặt đất, nhưng còn vài chỗ chưa khắp đến. Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, con nghĩ như vầy: Nên xuất ở kho nào nữa để đem đến trải khắp chỗ dư này, không thừa cũng không thiếu? Bấy giờ Thắng Lâm Đồng tử liền bảo con rằng:

“– Này Trưởng giả, nếu có ăn năn về số tiền này thì hãy tự mang trở về, khu vườn trả lại cho tôi.

“Con bảo với Đồng tử rằng:

“– Quả thật tôi không có ăn năn; mà tôi còn suy nghĩ xem nên lấy ở kho nào nữa để mang trải khắp chỗ dư này không thừa cũng không thiếu.

“Bấy giờ Thắng Lâm Đồng tử liền suy nghĩ như vầy: ‘Đức Thế Tôn hẳn là một bậc cao cả, có đức hựu lớn. Pháp và Đại chúng Tỳ-kheo hẳn cũng là rất cao cả, có đức hựu lớn. Vì sao thế? Vì có vậy mới làm cho Trưởng giả thi thiết sự cúng dường vĩ đại, coi rẻ của cải đến thế. Nay ta có lẽ xây cất nhà cổng ngay nơi này để cúng dường Đức Phật và Đại chúng Tỳ-kheo’. Rồi Thắng Lâm Đồng tử liền bảo vói con rằng:

“– Này Trưởng giả, hãy thôi đi, đừng xuất tiền để trả khoảng đất còn lại nữa. Vì ngay chỗ này tôi sẽ cất cất nhà cổng cúng dường Đức Phật và đại chúng Tỳ-kheo.

“Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, vì lòng từ mẫn nên con đồng ý để lại chỗ ấy cho Thắng Lâm Đồng tử.

“Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, rồi ngay trong mùa hạ ấy, con cho xây mười sáu dãy nhà lớn [94], sáu mươi câu-hi [95]. Tôn giả Xá-lợi-phất giúp đỡ con việc ấy. Thế nhưng Tôn giả Xá-lợi-phất thuyết pháp để giáo hóa người bệnh, còn rất kỳ diệu, hy hữu hơn. Con nghe bài pháp giáo hóa người bệnh này rồi, bệnh khổ quá nặng nề ấy liền được giảm bớt, lại phát sanh ra sự an lạc vô cùng.

“Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, bây giờ con không còn bệnh nữa, và được an ổn. Mong Tôn giả Xá-lợi-phất [461b] ở lại đây thọ trai”.

 Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất im lặng nhận lời. Lúc ấy Trưởng giả biết Tôn giả Xá-lợi-phất đã im lặng nhận lời, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, tự mình lấy nước rửa, đem tất cả các thứ đồ ăn ngon, tinh khiết, dồi dào, các loại nhai và nuốt [96], tự tay dọn sớt, cho đến khi Tôn giả được no đủ. Ăn xong, dọn dẹp và lấy nước rửa tay xong, ông trải một chỗ ngồi nhỏ, ngồi riêng để nghe pháp.

Sau khi Trưởng giả ngồi xong, Tôn giả Xá-lợi-phất thuyết pháp cho ông khai thị, giáo giới, làm cho hoan hỷ. Sau khi dùng vô lượng phương tiện thuyết pháp cho Trưởng giả, khai thị, giáo giới, làm cho hoan hỷ rồi, Ngài từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.

Bấy giờ Đức Thế Tôn đang thuyết pháp cho vô lượng đại chúng vây quanh trước sau. Từ đàng xa Đức Thế Tôn thấy Tôn giả Xá-lợi-phất đi lại, liền bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Tỳ-kheo Xá-lợi-phất là bậc thông tuệ, tốc tuệ, tiệp tuệ, lợi tuệ, quảng tuệ, thâm tuệ, xuất yếu tuệ, minh đạt tuệ, biện tài tuệ, Tỳ-kheo Xá-lợi-phất đã thành tựu thật tuệ [97]. Vì sao vậy? Vì về bốn hạng Tu-đà-hoàn [98] mà Ta đã nói sơ lược, thì Tỳ-kheo Xá-lợi-phất triển khai thành mười hạng để nói cho Trưởng giả Cấp Cô Độc.

Đức Phật thuyết như vậy, các Tỳ-kheo nghe Phật nói xong hoan hỷ phụng hành. [99]

29. KINH ĐẠI CÂU-HI-LA

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại thành Vương Xá, trong rừng Trúc, vườn Ca-lan-đa.

Bấy giờ, vào lúc xế chiều, Tôn giả Xá-lợi-phất từ chỗ tĩnh tọa đứng dậy, đi đến chỗ Tôn giả Đại Câu-hi-la [100], chào hỏi lẫn nhau, rồi ngồi xuống một bên.

Tôn giả Xá-lợi-phất nói với Tôn giả Đại Câu-hi-la như vầy:

“Tôi có điều muốn hỏi, mong ngài nghe cho chăng?”

Tôn giả Đại Câu-hi-la trả lời rằng:

“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, ngài muốn hỏi điều gì xin cứ hỏi, tôi nghe rồi sẽ suy nghĩ”.

Tôn giả Xá-lợi-phất [461c] hỏi rằng:

“Này Hiền giả Đại Câu-hi-la, có điều kiện nào mà nhân điều kiện đó mà Tỳ-kheo thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh [101] và thể nhập chánh pháp không?”

Tôn giả Đại Câu-hi-la trả lời rằng:

“Có vậy, thưa Tôn giả Xá-lợi-phất. Đó là có Tỳ-kheo biết bất thiện và biết căn của bất thiện.

“Thế nào là biết bất thiện? Ác hành của thân là bất thiện, ác hành của khẩu là bất thiện, và ác hành của ý là bất thiện. Đó là biết bất thiện.

“Thế nào là biết bất thiện căn? Tham là căn của bất thiện, nhuế, và si là căn của bất thiện. Đó là biết căn của bất thiện.

“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, nếu có Tỳ-kheo biết bất thiện và biết căn của bất thiện như vậy, đó là Tỳ-kheo đã thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh, và thể nhập chánh pháp.

Tôn giả Xá-lợi-phất nghe rồi khen rằng:

“Lành thay, lành thay, Hiền giả Đại Câu-hi-la!”

Tôn giả Xá-lợi-phất khen ngợi rồi hoan hỷ phụng hành.

Tôn giả Xá-lợi-phất lại hỏi rằng:

“Hiền giả Đại Câu-hi-la, lại còn có điều kiện nào mà nhân điều kiện đó Tỳ-kheo thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh, và thể nhập chánh pháp chăng?

“Có vậy, thưa Tôn giả Xá-lợi-phất. Đó là có Tỳ-kheo biết thiện và biết căn của thiện.

“Thế nào là biết thiện? Diệu hành của thân là thiện. Diệu hành của ý và khẩu là thiện. Đó là biết thiện.

“Thế nào là biết căn của thiện? Vô tham là căn của thiện, vô nhuế và vô si là căn của thiện. Đó là biết căn của thiện.

“Này Tôn giả Xá-lợi-phất. Nếu có Tỳ-kheo biết thiện và biết thiện căn như vậy, đó là Tỳ-kheo đã thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh, và thể nhập chánh pháp.

Tôn giả Xá-lợi-phất nghe rồi khen rằng:

“Lành thay, lành thay, Hiền giả Đại Câu-hi-la!”

Tôn giả Xá-lợi-phất khen ngợi rồi hoan hỷ phụng hành.

Tôn giả Xá-lợi-phất lại hỏi rằng:

“Hiền giả Đại Câu-hi-la, lại còn có điều nào mà nhân điều đó Tỳ-kheo thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh, và thể nhập chánh pháp chăng?”

Tôn giả Đại Câu-hi-la trả lời rằng:

“Có, thưa Tôn giả Xá-lợi-phất. Nghĩa là Tỳ-kheo biết như thật về thức ăn, biết như thật về tập của thức ăn, về diệt của thức ăn và đạo của thức ăn. [102]

“Thế nào là biết như thật về thức ăn? Có bốn loại thức ăn: Một là đoàn thực, thô và tế [103]; hai là xúc thực [104]; ba là ý tư thực [105]; bốn là thức thực [106]. Đó là biết như thật về thức ăn.

“Thế nào là biết như thật về tập của thức ăn [107]? Do ái mới có thức ăn. Đó là biết như thật về tập của thức ăn.

“Thế nào là biết như thật về diệt của thức ăn? Ái diệt tức là thức ăn diệt. Đó là biết như thật về diệt của thức ăn.

“Thế nào là biết như thật về diệt đạo của thức ăn [108]? Tám chi Thánh đạo, từ chánh kiến cho tới chánh định là tám. [462a] Đó là biết như thật về diệt đạo của thức ăn.

“Tôn giả Xá-lợi-phất, nếu Tỳ-kheo biết như thật về thức ăn, biết như thật về tập của thức ăn, thực diệt và thực diệt đạo của thức ăn như vậy; đó là Tỳ-kheo đã thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh, và thể nhập chánh pháp.”

Tôn giả Xá-lợi-phất nghe rồi khen rằng:

“Lành thay, lành thay, Hiền giả Đại Câu-hi-la!”

Tôn giả Xá-lợi-phất khen ngợi rồi hoan hỷ phụng hành.

Tôn giả Xá-lợi-phất lại hỏi rằng:

“Hiền giả Đại Câu-hi-la, lại còn có điều nào mà nhân điều đó Tỳ-kheo thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh, và thể nhập chánh pháp chăng?

“Có, thưa Tôn giả Xá-lợi-phất. Đó là có Tỳ-kheo biết như thật về lậu, biết như thật về tập của lậu, diệt của lậu và diệt đạo của lậu.

“Thế nào là biết như thật về lậu? Có ba lậu là dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu [109]. Đó là biết như thật về lậu.

“Thế nào là biết như thật về tập của lậu? Do vô minh mới có lậu. Đó là biết như thật về tập của lậu.

“Thế nào là biết như thật về diệt của lậu? Do vô minh diệt thì lậu diệt. Đó là biết như thật về diệt của lậu.

“Thế nào là biết như thật về diệt đạo của lậu? Tám chi Thánh đạo từ chánh kiến cho tới chánh định là tám. Đó là biết như thật về diệt đạo của lậu.

“Này Tôn giả Xá-lợi-phất, nếu Tỳ-kheo biết như thật về lậu, biết như thật về tập của lậu, diệt của lậu và diệt đạo của lậu như vậy; đó là Tỳ-kheo đã thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh và thể nhập chánh pháp.”

Tôn giả Xá-lợi-phất nghe rồi khen rằng:

“Lành thay, lành thay, Hiền giả Đại Câu-hi-la!”

Tôn giả Xá-lợi-phất khen ngợi rồi hoan hỷ phụng hành.

Tôn giả Xá-lợi-phất lại hỏi rằng:

“Hiền giả Đại Câu-hi-la, lại có điều nào mà nhân điều đó Tỳ-kheo thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh, và thể nhập chánh pháp chăng?”

“Có, thưa Tôn giả Xá-lợi-phất. Đó là có Tỳ-kheo biết như thật về Khổ, biết như thật về Khổ tập, Khổ diệt và Khổ diệt đạo.

“Thế nào là biết như thật về Khổ? Sinh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ, oán tắng hội khổ, ái biệt ly khổ, sở cầu bất đắc khổ, nói tóm lại năm thủ uẩn khổ. Đó là biết như thật về khổ.

“Thế nào là biết như thật về Khổ tập? [462b] Do già-chết mới có khổ. Đó là biết như thật về khổ tập.

“Thế nào là biết như thật về Khổ diệt? Già-chết diệt tức khổ diệt. Đó là biết như về Khổ diệt.

“Thế nào là biết như thật về Khổ diệt đạo? Tám chi Thánh đạo từ chánh kiến cho đến chánh định là tám. Đó là biết như thật về Khổ diệt đạo.

“Này Tôn giả Xá-lợi-phất, nếu Tỳ-kheo biết như thật về Khổ, biết như thật về Khổ tập, Khổ diệt và Khổ diệt đạo như vậy, đó là Tỳ-kheo đã thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh và thể nhập chánh pháp.”

Tôn giả Xá-lợi-phất nghe rồi khen rằng:

“Lành thay, lành thay, Hiền giả Đại Câu-hi-la!”

Tôn giả Xá-lợi-phất khen ngợi rồi hoan hỷ phụng hành.

Tôn giả Xá-lợi-phất lại hỏi rằng:

“Hiền giả Đại Câu-hi-la, lại còn có điều nào mà nhân điều đó Tỳ-kheo thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh, và thể nhập chánh pháp chăng?”

“Có, thưa Tôn giả Xá-lợi-phất. Đó là có Tỳ-kheo biết như thật về già chết, biết như thật về tập khởi của già chết, diệt của già chết và diệt đạo của già chết.

“Thế nào là biết như thật về già? Đó là, người kia già cả, đầu bạc, răng rụng, sự cường tráng càng ngày càng suy giảm, thân còng, chân vẹo, cơ thể nặng nề, hơi thở đưa lên, chống gậy mà đi, thịt teo rút, da nhăn như cây gai, các căn rụng rời, nhan sắc xấu xí. Đó là biết như thật về già.

“Thế nào là biết như thật về chết? Đó là, chúng sanh kia và tất cả chủng loại sai biệt của chúng sanh kia, khi mạng chung, cơn vô thường đến, thì chết rồi chôn và tan rã, tuổi thọ chấm dứt và bị phá hoại, mạng căn bế tắc; đó là của chết. Trước kia là nói về già, đây là nói về chết. Đó gọi là lão tử. Đó là biết như thật về già-chết.

“Thế nào là biết như thật về tập của già chết? Đó là, do sanh mà có già chết. Đó là biết như thật về tập của già chết.

“Thế nào là biết như thật về diệt của già chết? Đó là, sanh diệt tức già chết diệt. Đó là biết như thật về diệt của già chết.

“Thế nào là biết như thật về diệt đạo của già chết? Tám chi Thánh đạo từ chánh kiến cho đến chánh định là tám. Đó là biết như thật về diệt đạo của già chết.

“Này Tôn giả Xá-lợi-phất. Nếu có Tỳ-kheo biết như thật về già chết. Biết như thật về tập của già chết, diệt của già chết và diệt đạo của già chết như vậy; đó là Tỳ-kheo đã thành tựu kiến được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh và thể nhập chánh pháp.”

Tôn giả Xá-lợi-phất nghe rồi khen rằng:

“Lành thay, lành thay, Hiền giả Đại Câu-hi-la!”

Tôn giả [462c] Xá-lợi-phất khen ngợi rồi hoan hỷ phụng hành.

Tôn giả Xá-lợi-phất lại hỏi rằng:

“Hiền giả Đại Câu-hi-la, lại còn có điều nào mà nhân điều đó Tỳ-kheo thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh, và thể nhập chánh pháp chăng?”

“Có, thưa Tôn giả Xá-lợi-phất. Đó là có Tỳ-kheo biết như thật về sanh, biết như thật về tập của sanh, diệt của sanh và diệt đạo của sanh.

“Thế nào là biết như thật về sanh? Đó là, chúng sanh kia và tất cả chủng loại sai biệt của chúng sanh kia, đến lúc sanh thì sanh, đến lúc xuất thì xuất, đến lúc thành thì thành; khi phát khởi năm uẩn liền có mạng căn. Đó là biết như thật về sanh.

“Thế nào là biết như thật về tập của sanh? Do hữu mà có sanh. Đó là biết như thật về tập của sanh.

“Thế nào là biết như thật về diệt của sanh? Hữu diệt tức sanh diệt. Đó là biết như thật về diệt của sanh.

“Thế nào là biết như thật về diệt đạo của sanh? Tám chi Thánh đạo từ chánh kiến cho đến chánh định là tám. Đó là biết như thật về diệt đạo của sanh.

“Này Tôn giả Xá-lợi-phất, nếu Tỳ-kheo biết như thật về sanh, biết như thật về tập của sanh, diệt của sanh và diệt đạo của sanh như vậy; đó là Tỳ-kheo đã thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh và thể nhập chánh pháp.”

Tôn giả Xá-lợi-phất nghe rồi khen rằng:

“Lành thay, lành thay, Hiền giả Đại Câu-hi-la!”

Tôn giả Xá-lợi-phất khen ngợi rồi hoan hỷ phụng hành.

Tôn giả Xá-lợi-phất lại hỏi rằng:

“Hiền giả Đại Câu-hi-la, lại còn có điều nào mà nhân điều đó Tỳ-kheo thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh, và thể nhập chánh pháp chăng?”

“Có, thưa Tôn giả Xá-lợi-phất. Đó là có Tỳ-kheo biết như thật về hữu, biết như thật về tập của hữu, diệt của hữu và diệt đạo của hữu.

“Thế nào là biết như thật về hữu? Có ba hữu: Dục hữu, sắc hữu và vô sắc hữu [110]. Đó là biết như thật về hữu.

“Thế nào là biết như thật về tập của hữu? Do thủ [111] mà có hữu. Đó là biết như thật về hữu tập.

“Thế nào là biết như thật về hữu diệt? Thủ diệt tức hữu diệt. Đó là biết như thật về hữu diệt.

“Thế nào là biết như thật về hữu diệt đạo? Tám chi Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định là tám. Đó là biết như thật về hữu diệt đạo?

“Này Tôn giả Xá-lợi-phất, nếu Tỳ-kheo biết như thật về hữu, biết như thật về hữu tập, hữu diệt và hữu diệt đạo như vậy; đó là Tỳ-kheo đã thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh và thể nhập chánh pháp.”

Tôn giả Xá-lợi-phất nghe rồi hoan hỷ khen [463a] rằng:

“Lành thay, lành thay, Hiền giả Đại Câu-hi-la!”

Tôn giả Xá-lợi-phất khen ngợi rồi hoan hỷ phụng hành.

Tôn giả Xá-lợi-phất lại hỏi rằng:

“Hiền giả Đại Câu-hi-la, lại còn có điều nào mà nhân điều đó Tỳ-kheo thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh, và thể nhập chánh pháp chăng?”

“Có, thưa Tôn giả Xá-lợi-phất. Đó là có Tỳ-kheo biết như thật về thủ, biết như thật về tập của thủ, diệt của thủ và diệt đạo của thủ.

“Thế nào là biết như thật về thủ? Đó là bốn thủ [112]: dục thủ, giới thủ, kiến thủ và ngã thủ. Đó là biết như thật về thủ.

“Thế nào là biết như thật về tập của thủ? Do ái mà có thủ. Đó là biết như thật về tập của thủ.

“Thế nào là biết như thật về diệt của thủ? Nghĩa là ái diệt thì thủ diệt. Đó là biết như thật về diệt của thủ.

“Thế nào là biết như thật về diệt đạo của thủ? Tám chi Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định là tám. Đó là biết như thật về  diệt đạo của thủ.

“Này Tôn giả Xá-lợi-phất, nếu Tỳ-kheo biết như thật về thủ, biết như thật về tập của thủ, diệt của thủ và diệt đạo của thủ như vậy; đó là Tỳ-kheo đã thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh và thể nhập chánh pháp.”

Tôn giả Xá-lợi-phất nghe rồi khen rằng:

“Lành thay, lành thay, Hiền giả Đại Câu-hi-la!”

Tôn giả Xá-lợi-phất khen ngợi rồi hoan hỷ phụng hành.

Tôn giả Xá-lợi-phất lại hỏi rằng:

“Hiền giả Đại Câu-hi-la, lại còn có điều nào mà nhân điều đó Tỳ-kheo thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh, và thể nhập chánh pháp chăng?”

“Có, thưa Tôn giả Xá-lợi-phất. Đó là có Tỳ-kheo biết như thật về ái, biết như thật về tập của ái, diệt của ái và diệt đạo của ái.

“Thế nào là biết như thật về ái? Có ba ái: dục ái, sắc ái và vô sắc ái [113]. Đó là biết như thật về ái.

“Thế nào là biết như thật về tập của ái? Do thọ [114] mà có ái. Đó là biết như thật về tập của ái.

“Thế nào là biết như thật về diệt của ái? Thọ diệt tức ái diệt. Đó là biết như thật về diệt của ái.

“Thế nào là biết như thật về diệt đạo của ái? Tám chi Thánh đạo từ chánh kiến cho đến chánh định là tám. Đó là biết như thật về diệt đạo của ái.

“Này Tôn giả Xá-lợi-phất, nếu Tỳ-kheo biết như thật về ái, biết như thật về tập của ái, diệt của ái và diệt đạo của ái như vậy; đó là Tỳ-kheo đã thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh và thể nhập [463b] chánh pháp.”

Tôn giả Xá-lợi-phất nghe rồi khen rằng:

“Lành thay, lành thay, Hiền giả Đại Câu-hi-la!”

Tôn giả Xá-lợi-phất khen ngợi rồi hoan hỷ phụng hành.

Tôn giả Xá-lợi-phất lại hỏi rằng:

“Hiền giả Đại Câu-hi-la, lại còn có điều nào mà nhân điều đó Tỳ-kheo thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh, và thể nhập chánh pháp chăng?”

“Có, thưa Tôn giả Xá-lợi-phất. Đó là có Tỳ-kheo biết như thật về thọ, biết như thật về tập của thọ, diệt của thọ và diệt đạo của thọ.

“Thế nào là biết như thật về thọ? Có ba thọ: lạc thọ [115], khổ thọ và bất lạc bất khổ thọ. Đó là biết như thật về thọ.

“Thế nào là biết như thật về tập của thọ? Do xúc [116] mà có thọ. Đó là biết như thật về tập của thọ.

“Thế nào là biết như thật về diệt của thọ? Do xúc diệt nên thọ diệt. Đó là biết như thật về diệt của thọ.

“Thế nào là biết như thật về diệt đạo của thọ? Tám chi Thánh đạo từ chánh kiến cho đến chánh định. Đó là biết như thật về diệt đạo của thọ.

“Này Tôn giả Xá-lợi-phất, nếu Tỳ-kheo biết như thật về thọ, biết như thật về tập của thọ, diệt của thọ và diệt đạo của thọ như vậy; đó là Tỳ-kheo đã thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh và thể nhập chánh pháp.”

Tôn giả Xá-lợi-phất nghe rồi khen rằng:

“Lành thay, lành thay, Hiền giả Đại Câu-hi-la!”

Tôn giả Xá-lợi-phất khen ngợi rồi hoan hỷ phụng hành.

Tôn giả Xá-lợi-phất lại hỏi rằng:

“Hiền giả Đại Câu-hi-la, lại còn có điều nào mà nhân điều đó Tỳ-kheo thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh, và thể nhập chánh pháp chăng?”

“Có, thưa Tôn giả Xá-lợi-phất. Đó là có Tỳ-kheo biết như thật về xúc, biết như thật về tập của xúc, diệt của xúc và diệt đạo của xúc.

“Thế nào là biết như thật về xúc? Có ba xúc [117]: lạc xúc, khổ xúc và bất lạc bất khổ xúc. Đó là biết như thật về xúc.

“Thế nào là biết như thật về tập của xúc? Do sáu xứ mà có xúc. Đó là biết như thật về tập của xúc.

“Thế nào là biết như thật về diệt của xúc? Sáu xứ diệt tức xúc diệt. Đó là biết như thật về diệt của xúc.

“Thế nào là biết như thật về diệt đạo của xúc? Tám chi Thánh đạo từ chánh kiến đến chánh định là tám. Đó là biết như thật về diệt đạo của xúc.     

“Này Tôn giả Xá-lợi-phất, nếu Tỳ-kheo biết như thật về xúc, biết như thật về tập của xúc, diệt của xúc và diệt đạo của xúc như vậy; đó là Tỳ-kheo đã thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh và thể nhập chánh pháp.”

Tôn giả Xá-lợi-phất nghe rồi khen rằng:

“Lành thay, lành thay, Hiền giả Đại Câu-hi-la!”

Tôn giả Xá-lợi-phất khen ngợi rồi hoan hỷ phụng hành.

Tôn giả Xá-lợi-phất lại hỏi rằng:

“Hiền giả Đại Câu-hi-la, lại còn có điều nào mà nhân điều đó Tỳ-kheo thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh, và thể nhập chánh pháp chăng?”

“Có, thưa Tôn giả Xá-lợi-phất. Đó là có Tỳ-kheo biết như thật về sáu xứ [118], biết như thật về tập của sáu xứ, diệt của sáu xứ và diệt đạo của sáu xứ.

“Thế nào là biết như thật về sáu xứ? Nhãn xứ, nhĩ xứ, tỷ xứ, thiệt xứ, thân xứ, ý xứ. Đó là biết như thật về sáu xứ.

“Thế nào là biết như thật về tập của sáu xứ? Do danh sắc mà có sáu xứ. Đó là biết như thật về tập của sáu xứ.

“Thế nào là biết như thật về diệt của sáu xứ? Danh sắc diệt tức sáu xứ diệt. Đó là biết như thật về diệt của sáu xứ.

“Thế nào là biết như thật về diệt đạo của sáu xứ? Tám chi Thánh đạo từ chánh kiến cho đến chánh định là tám. Đó là biết như thật về diệt đạo của sáu xứ.

“Này Tôn giả Xá-lợi-phất, nếu Tỳ-kheo biết như thật về sáu xứ, biết như thật về tập của sáu xứ, diệt của sáu xứ và diệt đạo của sáu xứ như vậy; đó là Tỳ-kheo đã thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh và thể nhập chánh pháp.”

Tôn giả Xá-lợi-phất nghe rồi khen rằng:

“Lành thay, lành thay, Hiền giả Đại Câu-hi-la!”

Tôn giả Xá-lợi-phất khen ngợi rồi hoan hỷ phụng hành.

Tôn giả Xá-lợi-phất lại hỏi rằng:

“Hiền giả Đại Câu-hi-la, lại còn có điều nào mà nhân điều đó Tỳ-kheo thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh, và thể nhập chánh pháp chăng?”

“Có, thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, đó là có Tỳ-kheo biết như thật về danh sắc [119], biết như thật về tập của danh sắc, diệt của danh sắc và diệt đạo của danh sắc.

“Thế nào là biết như thật về danh sắc? Đó là bốn uẩn phi sắc [120] là danh. Thế nào là biết về sắc? Bốn đại [121] và sắc do bốn đại tạo [122]. Đây là nói về sắc. Trước đó nói về danh, đó là danh sắc. Đó là biết như thật về danh sắc.

Thế nào là biết như thật về tập của danh sắc? Do thức mà có danh sắc. Đó là biết như thật về tập của danh sắc.

“Thế nào là biết như thật về diệt của danh sắc? Thức [464a] diệt tức danh sắc diệt? Đó là biết như thật về diệt của danh sắc.

“Thế nào là biết như thật về diệt đạo của danh sắc? Tám chi Thánh đạo từ chánh kiến cho đến chánh định là tám. Đó là biết như thật về diệt đạo của danh sắc.

“Này Tôn giả Xá-lợi-phất, nếu Tỳ-kheo biết như thật về danh sắc, biết như thật về tập của danh sắc, diệt của danh sắc và diệt đạo của danh sắc như vậy; đó là Tỳ-kheo đã thành tựu kiến được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh và thể nhập chánh pháp.”

Tôn giả Xá-lợi-phất nghe rồi khen rằng:

“Lành thay, lành thay, Hiền giả Đại Câu-hi-la!”

Tôn giả Xá-lợi-phất khen ngợi rồi hoan hỷ phụng hành.

Tôn giả Xá-lợi-phất lại hỏi rằng:

“Hiền giả Đại Câu-hi-la, lại còn có điều nào mà nhân điều đó Tỳ-kheo thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh, và thể nhập chánh pháp chăng?”

“Có, thưa Tôn giả Xá-lợi-phất. Đó là có Tỳ-kheo biết như thật về thức [123], biết như thật về tập của thức, diệt của thức và diệt đạo của thức.

“Thế nào là biết như thật về thức? Có sáu thức: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức. Đó là biết như thật về thức.

“Thế nào là biết như thật về tập của thức? Do hành mà có thức. Đó là biết như thật về tập của thức.

“Thế nào là biết như thật về diệt của thức? Hành diệt tức thức diệt. Đó là biết như thật về diệt của thức.

“Thế nào là biết như thật về diệt đạo của thức? Tám chi Thánh đạo từ chánh kiến cho đến chánh định là tám. Đó là biết như thật về diệt đạo của thức.

“Này Tôn giả Xá-lợi-phất, nếu Tỳ-kheo biết như thật về thức, biết như thật về tập của thức, diệt của thức và diệt đạo của thức như vậy, đó là Tỳ-kheo đã thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh và thể nhập chánh pháp.”

Tôn giả Xá-lợi-phất nghe rồi khen rằng:

“Lành thay, lành thay, Hiền giả Đại Câu-hi-la!”

Tôn giả Xá-lợi-phất khen ngợi rồi hoan hỷ phụng hành.

Tôn giả Xá-lợi-phất lại hỏi rằng:

“Hiền giả Đại Câu-hi-la, lại còn có điều nào mà nhân điều đó Tỳ-kheo thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh, và thể nhập chánh pháp chăng?”

“Có, thưa Tôn giả Xá-lợi-phất. Đó là có Tỳ-kheo biết như thật về hành [124], biết như thật về tập của hành, diệt của hành và diệt đạo của hành.

“Thế nào là biết như thật về hành? Có ba hành [125]: thân hành, khẩu hành và ý hành. Đó là biết như thật về hành.

“Thế nào là biết như thật về tập của hành? [464b] Do vô minh mà có hành. Đó là biết như thật về tập của hành.

“Thế nào là biết như thật về diệt của hành? Vô minh diệt tức hành diệt. Đó là biết như thật về diệt của hành.

“Thế nào là biết như thật về diệt đạo của hành? Tám chi Thánh đạo từ chánh kiến cho đến chánh định là tám. Đó là biết như thật về diệt đạo của hành.

“Này Tôn giả Xá-lợi-phất, nếu Tỳ-kheo biết như thật về hành, biết như thật về tập của hành, diệt của hành và diệt đạo của hành như vậy, đó là Tỳ-kheo đã thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh và thể nhập chánh pháp.”

Tôn giả Xá-lợi-phất nghe rồi khen rằng:

“Lành thay, lành thay, Hiền giả Đại Câu-hi-la!”

Tôn giả Xá-lợi-phất khen ngợi rồi hoan hỷ phụng hành.

Tôn giả Xá-lợi-phất lại hỏi rằng:

“Hiền giả Đại Câu-hi-la, nếu có Tỳ-kheo mà vô minh đã dứt, minh đã phát sanh, thì vị ấy còn phải làm những gì nữa?”

Tôn giả Đại Câu-hi-la trả lời rằng:

“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo nào mà vô minh đã dứt, minh đã phát sanh, thì vị ấy không còn gì phải làm nữa.”

Tôn giả Xá-lợi-phất nghe rồi khen rằng:

“Lành thay, lành thay, Hiền giả Đại Câu-hi-la!”

Tôn giả Xá-lợi-phất khen ngợi rồi hoan hỷ phụng hành.

Hai vị Tôn giả cùng nhau nói về nghĩa như vậy, thảy đều hoan hỷ phụng hành, từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi.

30. KINH TƯỢNG TÍCH DỤ

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm Lâm Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất nói với các Tỳ-kheo rằng:

“Này Chư Hiền, nếu có vô lượng thiện pháp, thì tất cả các thiện pháp ấy đều thu nhiếp vào bốn Thánh đế, đi vào trong bốn Thánh đế. Nghĩa là, trong tất cả pháp, bốn Thánh đế là tối thượng bậc nhất. Vì sao thế? Vì nhiếp thọ tất cả các thiện pháp.

“Này Chư Hiền, cũng như trong các dấu chân của loài thú vật, dấu chân voi là bậc nhất. Vì sao thế? Vì dấu chân voi rất là to lớn vậy. Cũng vậy, này Chư Hiền, có vô lượng thiện pháp, thì tất cả các thiện pháp ấy đều thu nhiếp vào bốn Thánh đế, đi vào trong bốn Thánh đế. Nghĩa là trong tất cả pháp, bốn Thánh đế là tối thượng bậc nhất.

“Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập, Khổ diệt và Khổ diệt đạo Thánh đế.

“Này Chư Hiền, thế nào là Khổ Thánh đế? Đó là, sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, oán ghét mà tự hội là khổ, thương yêu [464c] mà biệt ly là khổ, mong cầu mà không được là khổ, nói tóm lược năm thủ uẩn là khổ.

“Này Chư Hiền, những gì là năm thủ uẩn? Đó là sắc thủ uẩn, thọ, tưởng hành và thức thủ uẩn.

“Này Chư Hiền, cái gì là sắc thủ uẩn? Những gì có sắc, tất cả đều là bốn đại và bốn đại tạo.

“Này Chư Hiền, những gì là bốn đại? Đó là địa giới, thủy giới, hỏa giới và phong giới.

“Này Chư Hiền, cái gì là địa giới? Chư Hiền, địa giới có hai, có nội địa giới và có ngoại địa giới.

“Này Chư Hiền, những gì là nội địa giới [126]? Đó là, những gì ở trong thân, được thâu nhiếp trong thân như vật cứng, có tính chất cứng, được chấp thủ bên trong. [127] Đó là những gì? Đó là tóc, lông, móng, răng, da thô và mịn, thịt, gân, xương, tim, thận, gan, phổi, lá lách, ruột, bao tử, phẩn và những thứ khác tương tự như vậy ở trong thân, được thâu nhiếp bên trong, có tính chất cứng, được chấp thủ bên trong. Đó là nội địa giới.

“Này Chư Hiền, ngoại địa giới, đó là lớn, là tịnh, là không đáng tởm [128]. “Này Chư Hiền, có lúc bị thủy tai, khi ấy ngoại địa giới tiêu diệt [129].

“Này Chư Hiền, ngoại địa giới này cực kỳ lớn, cực kỳ tịnh, cực kỳ không đáng tởm. Đó là pháp vô thường, pháp cùng tận, pháp suy vong, pháp biến dịch, huống là xác thân tạm thời đình trú, được duy trì chấp thủ bởi tham ái này. Nghĩa là kẻ phàm phu ngu si, không đa văn, suy nghĩ như vầy: ‘Đây là ta, đây là của ta, ta là của cái kia’. [130] Đa văn Thánh đệ tử không nghĩ như vậy: ‘Đây là ta, đây là của ta, ta là của cái kia’. Vị ấy vì sao nghĩ như vậy? Nếu có người khác mắng chửi, đánh đập, giận giữ, quở trách, thì vị ấy nghĩ như vầy: ‘Ta sanh ra khổ này là từ nhân duyên, chứ không phải không có nhân duyên. Cái gì là duyên? Duyên vào khổ xúc’. Vị ấy quán xúc là vô thường; rồi quán thọ, tưởng, hành, thức cũng là vô thường. Tâm vị ấy duyên nơi giới mà trụ, mà chỉ, mà hiệp, mà nhất tâm, mà định, mà không lay động. [131] Sau đó, có người đến nói với vị ấy bằng lời lẽ dịu dàng. Vị ấy suy nghĩ như vầy: ‘Ta sanh ra sự lạc này là từ nhân duyên chớ không phải không nhân duyên. Cái gì là duyên? Duyên vào lạc xúc’. Vị ấy quán xúc là vô thường, rồi quán thọ, tưởng, hành, thức cũng là vô thường. Tâm vị ấy duyên nơi giới mà trụ, mà chỉ, mà hiệp, mà nhất tâm, mà định, mà không lay động. Sau đó, hoặc có người thơ ấu, niên thiếu, trung niên hay trưởng lão đến làm việc không xứng ý với vị ấy; hoặc nắm tay thoi, hoặc lấy đá ném, hoặc dao, hoặc gậy đập. Vị ấy suy nghĩ thế này: ‘Ta thọ thân này vốn là sắc pháp, thô chất, thuộc bốn đại chủng, do cha mẹ sanh, được nuôi lớn bằng ăn uống, được che kín bởi y phục, được chăm sóc bằng tắm rửa, nằm ngồi bồng bế; nó là pháp phá hoại, pháp diệt tận, pháp ly tán. [465a] Ta vì thân này mà đến nỗi bị tay thoi, đá ném, dao gậy đập’. Do lẽ đó vị kia rất siêng năng, không biếng nhác, chánh thân, chánh niệm, không nhuế, không si, nhất tâm an định. Vị ấy nghĩ như vầy: ‘Ta rất siêng năng, không biếng nhác, chánh thân, chánh niệm, không nhuế, không si, nhất tâm an định. Ta thọ thân này đáng để cho tay thoi, đá ném, dao gậy đập, chỉ nên siêng năng học giáo pháp của Đức Thế Tôn’.

“Này Chư Hiền, Đức Thế Tôn cũng nói như vầy: ‘Giả sử có giặc cướp đến cầm cưa hay dao bén, xẻ manh mún thân thể ra. Nếu ngươi khi bị giặc cướp cầm cưa hay dao bén, xẻ manh mún thân thể ra, mà tâm ngươi hoặc biến dịch, hoặc nói năng hung dữ, tức các ngươi đã suy thối. Các ngươi nên nghĩ như vầy: giả sử có kẻ giặc cầm cưa hay dao bén, xẻ manh mún thân thể ta ra, mong sao nhân đó mà tâm ta không biến dịch, không nói năng hung dữ, sẽ khởi tâm thương xót đối với người đến xẻ manh mún thân thể ta ra; vì người đó mà tâm ta câu hữu với từ, biến mãn một phương, thành tựu và an trụ. Cũng thế với hai, ba, bốn phương, tứ duy, thượng hạ, biến mãn tất cả, tâm câu hữu với từ, không kết, không oán, không nhuế, không tránh, quảng đại, vô biên, vô lượng, kéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ’.

“Này Chư Hiền, Tỳ-kheo kia, nếu do Phật, Pháp và Chúng, mà vẫn không an trú nơi xả tương ứng với thiện, thì này Chư Hiền, Tỳ-kheo ấy nên hổ thẹn, nên xấu hổ rằng: ‘Ta ở trong sự lợi mà không có lợi, ở trong đức mà không có đức; nghĩa là ta nhân nơi Phật, Pháp và Chúng mà vẫn không an trụ nơi xả tương ứng với thiện’.

“Này Chư Hiền, như người dâu lúc mới rước về, gặp mặt cha mẹ chồng, hay gặp người chồng của mình thì xấu hổ, thẹn thùng. [132] Này Chư Hiền, nên biết, Tỳ-kheo kia cũng lại như vậy, nên xấu hổ thẹn thùng rằng: ‘Ta ở trong sự lợi mà không có lợi, ở trong đức mà không có đức; nghĩa là ta nhân nơi Phật, Pháp và Chúng mà vẫn không an trụ nơi xả tương ứng với thiện’. Người ấy do hổ thẹn xấu hổ, nên liền an trú nơi xả tương ứng với thiện. Đó là diệu, là tịnh, là tịch diệt, nghĩa là xả ly tất cả hữu [133], lìa ái, vô dục, diệt tận hoàn toàn. Này Chư Hiền, đó là Tỳ-kheo học tất cả đại.

“Này Chư Hiền, cái gì là thủy giới [134]? Chư Hiền, thủy giới có hai; có nội thủy giới và có ngoại thủy giới. Chư Hiền, cái gì là nội thủy giới? Đó là ở trong thân, được thâu nhiếp bên trong thân, những gì là nước, thuộc về nước, ẩm ướt, bị chấp thủ bên trong. Đó là những gì? Đó là mỡ, óc [135], nước mắt, mồ hôi, nước mũi, nước miếng, mủ, máu, tủy, nước dãi, nước tiểu, tất cả những chất khác tương tự như vậy ở trong thân, được thâu nhiếp bên trong thân, những gì là nước, thuộc về nước, ẩm ướt, bị chấp thủ bên trong. Này Chư Hiền, đó là nội thủy [465b] giới.

“Này Chư Hiền, ngoại thủy giới, đó là lớn, là tịnh, là không đáng tởm. “Này Chư Hiền, có lúc bị hỏa tai, khi ấy ngoại thủy giới tiêu diệt [136].

“Này Chư Hiền, ngoại địa giới này cực kỳ lớn, cực kỳ tịnh, cực kỳ không đáng tởm. Đó là pháp vô thường, pháp cùng tận, pháp suy vong, pháp biến dịch, huống là xác thân tạm thời đình trú, được duy trì chấp thủ bởi tham ái này [137]. Nghĩa là kẻ phàm phu ngu si, không đa văn, suy nghĩ như vầy: ‘Đây là ta, đây là của ta, ta là của cái kia’. Đa văn Thánh đệ tử không nghĩ như vậy: ‘Đây là ta, đây là của ta, ta là của cái kia’. Vị ấy vì sao nghĩ như vậy? Nếu có người khác mắng chửi, đánh đập, giận giữ, quở trách, thì vị ấy nghĩ như vầy: ‘Ta sanh ra khổ này là từ nhân duyên, chứ không phải không có nhân duyên’. Cái gì là duyên? Duyên vào khổ xúc. Vị ấy quán xúc là vô thường; rồi quán thọ, tưởng, hành, thức cũng là vô thường. Tâm vị ấy duyên nơi giới mà trụ, mà chỉ, mà hiệp, mà nhất tâm, mà định, mà không lay động. Sau đó, có người đến nói với vị ấy bằng lời lẽ dịu dàng, vị ấy suy nghĩ như vầy: ‘Ta sanh ra sự lạc này là từ nhân duyên chớ không phải không nhân duyên’. Cái gì là duyên? Duyên vào lạc xúc. Vị ấy quán xúc là vô thường, rồi quán thọ, tưởng, hành, thức cũng là vô thường. Tâm vị ấy duyên nơi giới mà trụ, mà chỉ, mà hiệp, mà nhất tâm, mà định, mà không lay động. Sau đó, hoặc có người thơ ấu, niên thếu, trung niên hay trưởng lão đến làm việc không xứng ý với vị ấy; hoặc nắm tay thoi, hoặc lấy đá ném, hoặc dao, hoặc gậy đập. Vị ấy suy nghĩ thế này: ‘Ta thọ thân này vốn là sắc pháp, thô chất, thuộc bốn đại chủng, do cha mẹ sanh, được nuôi lớn bằng ăn uống, được che kín bởi y phục, được chăm sóc bằng tắm rửa, nằm ngồi bồng bế; nó là pháp phá hoại, pháp diệt tậân, pháp ly tán. Ta vì thân này mà đến nỗi bị tay thoi, đá ném, dao gậy đập’. Do lẽ đó vị kia rất siêng năng, không biếng nhác, chánh thân, chánh niệm, không nhuế, không si, nhất tâm an định. Vị ấy nghĩ như vầy: ‘Ta rất siêng năng, không biếng nhác, chánh thân, chánh niệm, không nhuế, không si, nhất tâm an định. Ta thọ thân này đáng để cho tay thoi, đá ném, dao gậy đập, chỉ nên siêng năng học giáo pháp của Đức Thế Tôn’.

“Này Chư Hiền, Đức Thế Tôn cũng nói như vầy: ‘Giả sử có giặc cướp đến cầm cưa hay dao bén, xẻ manh mún thân thể ra. Nếu ngươi khi bị giặc cướp cầm cưa hay dao bén, xẻ manh mún thân thể ra, mà tâm ngươi hoặc biến dịch, hoặc nói năng hung dữ, tức các ngươi đã suy thối. Các ngươi nên nghĩ như vầy: giả sử có kẻ giặc cầm cưa hay dao bén, xẻ manh mún thân thể ta ra, mong sao nhân đó mà tâm ta không biến dịch, không nói năng hung dữ, [465c] mà nên khởi tâm thương xót đối với người đến xẻ manh mún thân thể ta ra; vì người đó mà tâm ta câu hữu với từ, biến mãn một phương, thành tựu và an trụ. Cũng thế với hai, ba, bốn phương, tứ duy, thượng hạ, biến mãn tất cả, tâm câu hữu với từ, không kết, không oán, không nhuế, không tránh, quảng đại, vô biên, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ’.

“Này Chư Hiền, Tỳ-kheo kia, nếu do Phật, Pháp và Chúng, mà vẫn không an trú nơi xả tương ứng với thiện, thì này Chư Hiền, Tỳ-kheo ấy nên hổ thẹn, nên xấu hổ rằng: ‘Ta ở trong sự lợi mà không có lợi, ở trong đức mà không có đức; nghĩa là ta nhân nơi Phật, Pháp và Chúng mà vẫn không an trụ nơi xả tương ứng với thiện’.

“Này Chư Hiền, như người dâu lúc mới rước về, gặp mặt cha mẹ chồng, hay gặp người chồng của mình thì xấu hổ, thẹn thùng. Này Chư Hiền, nên biết, Tỳ-kheo kia cũng lại như vậy, nên xấu hổ thẹn thùng rằng: ‘Ta ở trong sự lợi mà không có lợi, ở trong đức mà không có đức; nghĩa là ta nhân nơi Phật, Pháp và Chúng mà vẫn không an trụ nơi xả tương ứng với thiện’. Người ấy do hổ thẹn, xấu hổ, nên liền an trú nơi xả tương ứng với thiện. Đó là diệu, là tịnh, là tịch diệt, nghĩa là xả ly tất cả hữu, lìa ái, vô dục, diệt tận hoàn toàn. Này Chư Hiền, đó là Tỳ-kheo học tất cả đại.

“Này Chư Hiền, thế nào là hỏa giới? Này Chư Hiền, hỏa giới có hai; có nội hỏa giới và có ngoại hỏa giới. [138] Này Chư Hiền, thế nào là nội hỏa giới? Đó là ở trong thân, được thâu nhiếp ở trong thân, những gì là lửa, có tính chất nóng, được chấp thủ trong thân. Đó là những gì? Đó là, thân nóng hấp, thân nóng bức, bức rức, ấm áp, và sự tiêu hóa ẩm thực, tất cả những chất khác tương tự như vậy ở trong thân, được thâu nhiếp bên trong thân, thuộc tính nóng, được chấp thủ bên trong. Này Chư Hiền, đó là nội hỏa giới.

“Này Chư Hiền, ngoại hỏa giới, đó là lớn, là tịnh, là không đáng tởm.

“Này Chư Hiền, có lúc khi ngoại hỏa giới phát khởi, nó đốt cháy thôn ấp, thành quách, núi rừng, đồng ruộng; cháy như vậy rồi lan đến đường cái, đến sông nước, cho đến khi không còn gì cháy mới tắt. Chư Hiền, sau khi ngoại hỏa giới diệt, nhân dân muốn lấy lửa hoặc dùng gỗ hay tre cọ vào nhau, hoặc dùng đá lửa bằng châu ngọc [139].

“Này Chư Hiền, ngoại hỏa giới này cực kỳ lớn, cực kỳ tịnh, cực kỳ không đáng tởm. Đó là pháp vô thường, pháp cùng tận, pháp suy vong, pháp biến dịch, huống là xác thân tạm thời đình trú, được duy trì chấp thủ bởi tham ái này. Nghĩa là kẻ phàm phu ngu si, không đa văn, suy nghĩ như vầy: ‘Đây là ta, đây là của ta, ta là của cái kia’. Đa văn Thánh đệ tử không nghĩ như vậy: ‘Đây là ta, đây là của ta, ta là của cái kia’. Vị ấy vì sao nghĩ như vậy? Nếu có người khác mắng chửi, đánh đập, giận dữ, quở trách, thì vị ấy nghĩ như vầy: ‘Ta sanh ra [466a] khổ này là từ nhân duyên, chứ không phải không có nhân duyên’. Cái gì là duyên? Duyên vào khổ xúc. Vị ấy quán xúc là vô thường; rồi quán thọ, tưởng, hành, thức cũng là vô thường. Tâm vị ấy duyên nơi giới mà trụ, mà chỉ, mà hiệp, mà nhất tâm, mà định, mà không lay động. Sau đó, có người đến nói với vị ấy bằng lời lẽ dịu dàng, vị ấy suy nghĩ như vầy: ‘Ta sanh ra sự lạc này là từ nhân duyên chớ không phải không nhân duyên’. Cái gì là duyên? Duyên vào lạc xúc. Vị ấy quán xúc là vô thường, rồi quán thọ, tưởng, hành, thức cũng là vô thường. Tâm vị ấy duyên nơi giới mà trụ, mà chỉ, mà hiệp, mà nhất tâm, mà định, mà không lay động. Sau đó, hoặc có người thơ ấu, niên thiếu, trung niên hay trưởng lão đến làm việc không xứng ý với vị ấy; hoặc nắm tay thoi, hoặc lấy đá ném, hoặc dao, hoặc gậy đập. Vị ấy suy nghĩ thế này: ‘Ta thọ thân này vốn là sắc pháp, thô chất, thuộc bốn đại chủng, do cha mẹ sanh, được nuôi lớn bằng ăn uống, được che kín bởi y phục, được chăm sóc bằng tắm rửa, nằm ngồi bồng bế; nó là pháp phá hoại, pháp diệt tậân, pháp ly tán. Ta vì thân này mà đến nỗi bị tay thoi, đá ném, dao gậy đập’. Do lẽ đó vị kia rất siêng năng, không biếng nhác, chánh thân, chánh niệm, không nhuế, không si, nhất tâm an định. Vị ấy nghĩ như vầy: ‘Ta rất siêng năng, không biếng nhác, chánh thân, chánh niệm, không nhuế, không si, nhất tâm an định. Ta thọ thân này đáng để cho tay thoi, đá ném, dao gậy đập, chỉ nên siêng năng học giáo pháp của Đức Thế Tôn’.

“Này Chư Hiền, Đức Thế Tôn cũng nói như vầy: ‘Giả sử có giặc cướp đến cầm cưa hay dao bén, xẻ manh mún thân thể ra. Nếu ngươi khi bị giặc cướp cầm cưa hay dao bén, xẻ manh mún thân thể ra, mà tâm ngươi hoặc biến dịch, hoặc nói năng hung dữ, tức các ngươi đã suy thối. Các ngươi nên nghĩ như vầy: Giả sử có kẻ giặc cầm cưa hay dao bén, xẻ manh mún thân thể ta ra, mong sao nhân đó mà tâm ta không biến dịch, không nói năng hung dữ, sẽ khởi tâm thương xót đối với người đến xẻ manh mún thân thể ta ra; vì người đó mà tâm ta câu hữu với từ, biến mãn một phương, thành tựu và an trụ. Cũng thế với hai, ba, bốn phương, tứ duy, thượng hạ, biến mãn tất cả, tâm câu hữu với từ, không kết, không oán, không nhuế, không tránh, quảng đại, vô biên, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ’.

“Này Chư Hiền, Tỳ-kheo kia, nếu do Phật, Pháp và Chúng, mà vẫn không an trú nơi xả tương ứng với thiện, thì này Chư Hiền, Tỳ-kheo ấy nên hổ thẹn, nên xấu hổ rằng: ‘Ta ở trong sự lợi mà không có lợi, ở trong đức mà không có đức; nghĩa là ta nhân nơi Phật, Pháp và Chúng mà vẫn không an trụ nơi xả tương ứng với thiện’.

“Này Chư Hiền, như người dâu lúc mới rước về, gặp mặt cha mẹ chồng, hay gặp người chồng của mình thì xấu hổ, thẹn thùng. Này Chư Hiền, nên biết, Tỳ-kheo kia cũng lại như vậy, nên xấu hổ thẹn thùng rằng: ‘Ta ở trong sự lợi mà không có lợi, ở trong đức mà không có đức; nghĩa là ta nhân nơi Phật, Pháp và Chúng mà vẫn không an trụ nơi xả tương ứng với thiện’. Người ấy do hổ thẹn xấu hổ, nên liền an trú nơi xả tương ứng với thiện. Đó là diệu, là tịnh, là tịch diệt, nghĩa là xả tất cả hữu, lìa ái, vô dục, diệt tận hoàn toàn. Này Chư Hiền, đó là Tỳ-kheo học tất cả đại.

“Này Chư Hiền, thế nào là phong giới? Này Chư Hiền, ở đây phong giới có hai; có nội phong giới và ngoại phong giới. [140] Này Chư Hiền, thế nào là nội phong giới? Đó là ở trong thân, được thâu nhiếp ở trong thân những gì là gió, thuộc tính chuyển động của gió, bị chấp thủ bên trong. Đó là những gì? Đó là gió đi lên, gió đi xuống, gió trong bụng, gió ngang [141], gió co thắt lại, gió như dao cắt [142], gió nhảy lên, gió phi đạo, gió thổi qua tay chân, gió của hơi thở ra, gió của hơi thở vào, tất cả những chất khác tương tự như vậy ở trong thân, được thâu nhiếp bên trong thân, những gì là gió, thuộc tính chuyển động của gió, được chấp thủ bên trong. Này Chư Hiền, đó là nội phong giới.

“Này Chư Hiền, ngoại phong giới, đó là lớn, là tịnh, là không đáng tởm.

“Này Chư Hiền, có lúc ngoại phong giới phát khởi lên. Khi ngoại phong giới phát khởi thì nhà sập, cây bị tróc, núi lở; khi núi non đã lở rồi, gió liền dừng lại, mảy lông cũng chẳng lay động. Này Chư Hiền, sau khi ngoại phong giới dừng lại, nhân dân tìm kiếm gió, hoặc dùng quạt, hặc dùng lá đa, hoặc dùng áo tìm gió.

“Này Chư Hiền, ngoại phong giới này cực kỳ lớn, cực kỳ tịnh, cực kỳ không đáng tởm. Đó là pháp vô thường, pháp cùng tận, pháp suy vong, pháp biến dịch, huống là xác thân tạm thời đình trú, được duy trì chấp thủ bởi tham ái này. Nghĩa là kẻ phàm phu ngu si, không đa văn, suy nghĩ như vầy: ‘Đây là ta, đây là của ta, ta là của cái kia’. Đa văn Thánh đệ tử không nghĩ như vậy: ‘Đây là ta, đây là của ta, ta là của cái kia’. Vị ấy vì sao nghĩ như vậy? Nếu có người khác mắng chửi, đánh đập, giận giữ, quở trách, thì vị ấy nghĩ như vầy: ‘Ta sanh ra khổ này là từ nhân duyên, chứ không phải không có nhân duyên’. Cái gì là duyên? Duyên vào khổ xúc. Vị ấy quán xúc là vô thường; rồi quán thọ, tưởng, hành, thức cũng là vô thường. Tâm vị ấy duyên nơi giới mà trụ, mà chỉ, mà hiệp, mà nhất tâm, mà định, mà không lay động. Sau đó có người đến nói với vị ấy bằng lời lẽ dịu dàng, vị ấy suy nghĩ như vầy: ‘Ta sanh ra sự lạc này là từ nhân duyên chớ không phải không nhân duyên’. Cái gì là duyên? Duyên vào lạc xúc. Vị ấy quán xúc là vô thường, rồi quán thọ, tưởng, hành, thức cũng là vô thường. Tâm vị ấy duyên nơi giới mà trụ, mà chỉ, mà hiệp, mà nhất tâm, mà định, mà không lay động. [466c] Sau đó, hoặc có người thơ ấu, niên thiếu, trung niên hay trưởng lão đến làm việc không xứng ý với vị ấy; hoặc nắm tay thoi, hoặc lấy đá ném, hoặc dao, hoặc gậy đập. Vị ấy suy nghĩ thế này: ‘Ta thọ thân này vốn là sắc pháp, thô chất, thuộc bốn đại chủng, do cha mẹ sanh, được nuôi lớn bằng ăn uống, được che kín bởi y phục, được chăm sóc bằng tắm rửa, nằm ngồi bồng bế; nó là pháp phá hoại, pháp diệt tậân, pháp ly tán. Ta vì thân này mà đến nỗi bị tay thoi, đá ném, dao gậy đập’. Do lẽ đó vị kia rất siêng năng, không biếng nhác, chánh thân, chánh niệm, không nhuế, không si, nhất tâm an định. Vị ấy nghĩ như vầy: ‘Ta rất siêng năng, không biếng nhác, chánh thân, chánh niệm, không nhuế, không si, nhất tâm an định. Ta thọ thân này đáng để cho tay thoi, đá ném, dao gậy đập, chỉ nên siêng năng học giáo pháp của Đức Thế Tôn’.

“Này Chư Hiền, Đức Thế Tôn cũng nói như vầy: ‘Giả sử có giặc cướp đến cầm cưa hay dao bén, xẻ manh mún thân thể ra. Nếu ngươi khi bị giặc cướp cầm cưa hay dao bén, xẻ manh mún thân thể ra, mà tâm ngươi hoặc biến dịch, hoặc nói năng hung dữ, tức các ngươi đã suy thối. Các ngươi nên nghĩ như vầy: giả sử có kẻ giặc cầm cưa hay dao bén, xẻ manh mún thân thể ta ra, mong sao nhân đó mà tâm ta không biến dịch, không nói năng hung dữ, sẽ khởi tâm thương xót đối với người đến xẻ manh mún thân thể ta ra; vì người đó mà tâm ta câu hữu với từ, biến mãn một phương, thành tựu và an trụ. Cũng thế với hai, ba, bốn phương, tứ duy, thượng hạ, biến mãn tất cả, tâm câu hữu với từ, không kết, không oán, không nhuế, không tránh, quảng đại, vô biên, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ’.

“Này Chư Hiền, Tỳ-kheo kia, nếu do Phật, Pháp và Chúng, mà vẫn không an trú nơi xả tương ứng với thiện, thì này Chư Hiền, Tỳ-kheo ấy nên hổ thẹn, nên xấu hổ rằng: ‘Ta ở trong sự lợi mà không có lợi, ở trong đức mà không có đức; nghĩa là ta nhân nơi Phật, Pháp và Chúng mà vẫn không an trụ nơi xả tương ứng với thiện’.

“Này Chư Hiền, như người dâu lúc mới rước về, gặp mặt cha mẹ chồng, hay gặp người chồng của mình thì xấu hổ, thẹn thùng. Này Chư Hiền, nên biết, Tỳ-kheo kia cũng lại như vậy, nên xấu hổ thẹn thùng rằng: ‘Ta ở trong sự lợi mà không có lợi, ở trong đức mà không có đức; nghĩa là ta nhân nơi Phật, Pháp và Chúng mà vẫn không an trụ nơi xả tương ứng với thiện’. Người ấy do hổ thẹn xấu hổ, nên liền an trú nơi xả tương ứng với thiện. Đó là diệu, là tịnh, là tịch diệt, nghĩa là xả tất cả hữu, lìa ái, vô dục, diệt tận hoàn toàn. Này Chư Hiền, đó là Tỳ-kheo học tất cả đại.

“Này Chư Hiền, cũng như nhờ cây gỗ, nhờ bùn đất, nhờ cỏ và nước, che kín trong một khoảng không nên sanh ra cái tên gọi là ‘nhà’. Chư Hiền, nên biết, thân này cũng lại như vậy, nhờ gân cốt, nhờ da dẻ, nhờ thịt, máu bao bọc một khoảng không [467a] nên sanh ra cái tên gọi là ‘thân’. [143]

“Này Chư Hiền, như có người bị hư nhãn xứ bên trong, nên ngoại sắc không được ánh sáng rọi đến, thành ra không có niệm [144] và nhãn thức không phát sanh. Này Chư Hiền, nếu nội nhãn xứ không bị hư hoại thì ngoại sắc sẽ được ánh sáng rọi đến và liền có niệm, nên sanh ra nhãn thức.

“Này Chư Hiền, nhãn xứ bên trong và sắc, cùng với nhãn thức biết ngoại sắc, đó thuộc về sắc uẩn. Nếu có thọ, đó là thọ uẩn. Nếu có tưởng thì đó là tưởng uẩn. Nếu có tư thì đó là tư uẩn. Nếu có thức thì đó là thức uẩn. Như vậy quán sát sự hội hợp của các uẩn.

“Này Chư Hiền, Đức Thế Tôn cũng nói như vầy: ‘Nếu ai thấy duyên khởi tức thấy pháp; nếu thấy pháp tức thấy duyên khởi [145]’. Vì sao thế? Này Chư Hiền, Đức Thế Tôn nói năm thủ uẩn từ nhân duyên mà sanh. Sắc thủ uẩn; thọ, tưởng, hành, thức thủ uẩn cũng vậy.

“Này Chư Hiền, nếu nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý xứ bên trong bị hư hoại thì các pháp bên ngoài sẽ không được ánh sáng rọi đến nên không có niệm, do đó ý thức không sanh khởi được. Này Chư Hiền, nếu nội ý xứ không bị hư hoại thì pháp bên ngoài sẽ được ánh sáng rọi đến và liền có niệm nên sanh ra ý thức [146].

“Này Chư Hiền, ý thức bên trong và pháp cùng với ý thức biết sắc pháp bên ngoài, đó thuộc về sắc uẩn. Nếu có thọ, đó là thọ uẩn. Nếu có tưởng thì đó là tưởng uẩn. Nếu có tư thì đó là tư uẩn. Nếu có thức thì đó là thức uẩn. Như vậy quán sát sự hội hợp của các uẩn.

“Này Chư Hiền, Đức Thế Tôn cũng nói như vầy: ‘Nếu ai thấy duyên khởi tức thấy pháp; nếu thấy pháp tức thấy duyên khởi’. Vì sao thế? Này Chư Hiền, Đức Thế Tôn nói năm thủ uẩn từ nhân duyên mà sanh. Sắc thủ uẩn; thọ, tưởng, hành, thức thủ uẩn cũng vậy. Vị ấy nhàm tởm năm thủ uẩn này, thuộc trong ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai này, do nhàm tởm nên vô dục, vô dục liền giải thoát, giải thoát rồi liền biết giải thoát, biết một cách như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.

“Này Chư Hiền, đó là Tỳ-kheo đã học tất cả về đại”.

Tôn giả Xá-lợi-phất thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Tôn giả Xá-lợi-phất thuyết xong, hoan hỷ phụng hành.

31. KINH PHÂN BIỆT THÁNH ĐẾ

 [467b1] Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm Lâm Lâm, vườn Cấp Cô Độc [147].

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Đây là pháp dược tuyên thuyết chân chánh vạn hành [148], tức là bốn Thánh đế, được thâu nhiếp toàn diện, được quán chiếu toàn diện, được phân biệt, được phơi mở, được mở bày, được thi thiết, được hiển thị, được thú hướng [149].

“Trong quá khứ, các Đức Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, cũng có sự công bố chánh pháp tối thượng này, tức là bốn Thánh đế, được thâu nhiếp toàn diện, được quán chiếu toàn diện, được phân biệt, được phơi mở, được mở bày, được thi thiết, được hiển thị, được thú hướng.

“Trong đời vị lai, các Đức Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, cũng có sự công bố chánh pháp tối thượng này, tức là bốn Thánh đế, được thâu nhiếp toàn diện, được quán chiếu toàn diện, được phân biệt, được phơi mở, được mở bày, được thi thiết, được hiển thị, được thú hướng.

“Trong đời hiện tại, Ta là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, cũng có sự công bố chánh pháp tối thượng này, tức là bốn Thánh đế, được thâu nhiếp toàn diện, được quán chiếu toàn diện, được phân biệt, được phơi mở, được mở bày, được thi thiết, được hiển thị, được thú hướng.

“Tỳ-kheo Xá-lợi-phất [150] là bậc thông tuệ [151], tốc tuệ, tiệp tuệ, lợi tuệ, quảng tuệ, thâm tuệ, xuất yếu tuệ, minh đạt tuệ, biện tài tuệ. Tỳ-kheo Xá-lợi-phất thành tựu thật tuệ. Vì sao vậy? Vì ta nói sơ lược về bốn Thánh đế thế này, thì Tỳ-kheo Xá-lợi-phất có thể vì người khác mà giáo hóa toàn diện, quán chiếu toàn diện, phân biệt, phơi mở, mở bày, thi thiết hiển thị, thú hướng.

“Khi Tỳ-kheo Xá-lợi-phất giáo hóa toàn diện, quán sát toàn diện, phân biệt, phơi mở, mở bày, thi thiết, hiển thị, thú hướng, làm cho vô lượng người đạt đến chánh quán. Tỳ-kheo Xá-lợi-phất có khả năng hướng dẫn bằng chánh kiến vậy.

“Tỳ-kheo Mục-kiền-liên có khả năng làm cho đứng vững nơi chân tế tối thượng [152], nghĩa là cứu cánh lậu tận. Tỳ-kheo Xá-lợi-phất sanh ra các đồng phạm hạnh, cũng như sanh mẫu; Tỳ-kheo Mục-kiền-liên trưởng dưỡng các đồng phạm hạnh cũng như dưỡng mẫu. Do đó các đồng phạm hạnh nên phụng sự, cung kính cúng dường, lễ bái Tỳ-kheo Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên. Vì sao vậy? Vì Tỳ-kheo Xá-lợi-phất và Đại Mục-kiền-liên mong cầu phước lợi và thiện ích, cũng cầu sự an ổn và khoái lạc cho các đồng phạm hạnh”.

Sau khi Đức Thế Tôn nói như vậy rồi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy đi vào tịnh thất tĩnh tọa. Lúc đó, Tôn giả Xá-lợi-phất nói với các Tỳ-kheo:

“Này Chư Hiền, Đức Thế Tôn vì chúng ta mà xuất hiện thế gian, vì mọi người mà giáo hóa, khai thị toàn diện, phân biệt, phơi mở, mở bày, thi thiết, hiển thị, thú hướng bốn Thánh đế này.

“Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập, Khổ diệt, Khổ diệt đạo Thánh đế.

“Này Chư Hiền, thế nào là Khổ Thánh đế? Đó là sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, oán tắng hội khổ, ái biệt ly khổ, [467c] sở cầu không toại khổ, tóm lại năm thủ uẩn là khổ [153].

“Này Chư Hiền, nói sanh là khổ; nói thế là vì lẽ gì? Này Chư Hiền, sanh là chúng sanh kia, với chủng loại sai biệt của chúng sanh kia, sanh thì sanh, xuất hiện thì xuất hiện, thành hình thì thành hình, hiện khởi [154] năm uẩn, đã có mạng căn. Như vậy gọi là sanh.

“Này Chư Hiền, sanh là khổ, đó là chúng sanh khi sanh thân nhiếp thọ khổ, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện [155]. Tâm nhiếp thọ khổ, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Thân tâm nhiếp thọ khổ, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Thân nhiếp thọ nóng bức, bức rức, lo buồn, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Tâm nhiếp thọ nóng bức, bức rức, lo buồn, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Thân tâm nhiếp thọ nóng bức, bức rức, lo buồn, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Thân nhiếp thọ kịch liệt nóng bức, bức rức, lo buồn, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Tâm nhiếp thọ kịch liệt nóng bức, bức rức, lo buồn, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Thân tâm nhiếp thọ kịch liệt nóng bức, bức rức, lo buồn, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Này Chư Hiền, vì lẽ ấy mà nói sanh là khổ.

“Này Chư Hiền, nói già là khổ; nói thế là vì lẽ gì? Này Chư Hiền, già nghĩa là chúng sanh kia, với chủng loại sai biệt của chúng sanh kia, kẻ kia trở nên già yếu, đầu bạc răng rụng, sự cường tráng ngày càng suy yếu, thân còng, chân vẹo, cơ thể nặng nề, hơi thở đưa lên, phải chống gậy mà đi, thịt rút, da nhăn, xù xì như cây gai, các căn hư hoại, nhan sắc xấu xí. Như vậy gọi là già.

“Này Chư Hiền, già là khổ, là chúng sanh khi già thì thân nhiếp thọ khổ, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Tâm nhiếp thọ khổ, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Thân tâm nhiếp thọ khổ, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Thân nhiếp thọ nóng bức, bức rức, lo buồn, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Tâm nhiếp thọ nóng bức, bức rức, lo buồn, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Thân tâm nhiếp thọ nóng bức, bức rức, lo buồn, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Thân nhiếp thọ kịch liệt nóng bức, bức rức, lo buồn, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Tâm nhiếp thọ kịch liệt nóng bức, bức rức, lo buồn, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Thân tâm nhiếp thọ kịch liệt nóng bức, bức rức, lo buồn, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Này Chư Hiền, vì lẽ ấy mà nói già là khổ.

“Này Chư Hiền, nói bệnh là khổ; nói thế là vì lẽ gì? Này Chư Hiền, bệnh là đầu đau, mắt đau, tai đau, mũi đau, mặt đau, môi đau, răng đau, lưỡi đau, nướu đau, cổ đau, phong suyễn, ho hen, ói mữa, cứng họng, bệnh điên, bệnh động kinh, ung thư, mọc bướu, kinh nguyệt tràn, viêm đỏ, nóng hực, khô héo, bệnh trĩ, mụn nhọt, kiết lỵ, và tất cả những bệnh tương tự như vậy, từ xúc mà sanh ra, không rời khỏi tâm, ở ngay trong thân. Như vậy gọi là bệnh. Này Chư Hiền, bệnh khổ là: Chúng sanh khi bệnh thì thân nhiếp thọ khổ, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Tâm nhiếp thọ khổ, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Thân tâm nhiếp thọ khổ, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Thân nhiếp thọ nóng bức, bức rức, lo buồn, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Tâm nhiếp thọ nóng bức, bức rức, lo buồn, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, [468a] cảm thọ toàn diện. Thân tâm nhiếp thọ nóng bức, bức rức, lo buồn, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Thân nhiếp thọ kịch liệt nóng bức, bức rức, lo buồn, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Tâm nhiếp thọ kịch liệt nóng bức, bức rức, lo buồn, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Thân tâm nhiếp thọ kịch liệt nóng bức, bức rức, lo buồn, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Này Chư Hiền, vì lẽ ấy nói bệnh là khổ.  

“Này Chư Hiền, nói chết là khổ; nói thế là vì lẽ gì? Này Chư Hiền, chết là chúng sanh kia, với chủng loại sai biệt của chúng sanh kia, mạng chung, vô thường, chết chôn, tan rã, tuổi thọ chấm dứt, hủy hoại, mạng căn bế tắc, như vậy gọi là chết. Này Chư Hiền, chết là khổ. Đó là chúng sanh khi chết, thân nhiếp thọ khổ, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Tâm nhiếp thọ khổ, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Thân tâm nhiếp thọ khổ, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Thân nhiếp thọ nóng bức, bức rức, lo buồn, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Tâm nhiếp thọ nóng bức, bức rức, lo buồn, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Thân tâm nhiếp thọ nóng bức, bức rức, lo buồn, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Thân nhiếp thọ kịch liệt nóng bức, bức rức, lo buồn, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Tâm nhiếp thọ kịch liệt nóng bức, bức rức, lo buồn, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Thân tâm nhiếp thọ kịch liệt nóng bức, bức rức, lo buồn, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Này Chư Hiền, vì lẽ ấy mà nói chết là khổ.

“Này Chư Hiền, nói oán tắng hội là khổ [156]; nói thế là vì lẽ gì? Này Chư Hiền, oán tắng hội, nghĩa là, chúng sanh thật có sáu nội xứ: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý xứ vốn không khả ái mà chúng cùng tụ hội ở một chỗ, có sự gắn bó, hòa hợp, tập hợp. Sự hòa hợp ấy là khổ. Cũng vậy các ngoại xứ, xúc, thọ, tưởng, tư, ái [157], cũng lại như vậy. Này Chư Hiền, chúng sanh thật có sáu giới: đất, nước, lửa, gió, hư không và thức giới vốn không khả ái mà chúng cùng tụ hội ở một chỗ, có sự gắn bó, hòa hợp, tập hợp. Sự hòa hợp ấy là khổ. [158] Như vậy gọi là oán tắng hội khổ. Này Chư Hiền, oán tắng hội là khổ, đó là chúng sanh khi có sự tụ hội của những thứ oán ghét, thân nhiếp thọ khổ, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Tâm nhiếp thọ khổ, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Thân tâm nhiếp thọ khổ, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Này Chư Hiền, vì lẽ ấy mà nói oán tắng hội là khổ.  

“Này Chư Hiền, nói ái biệt ly khổ [159]; nói thế là vì lẽ gì? Này Chư Hiền, ái biệt ly khổ, đó là chúng sanh thật có sáu xứ bên trong: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý xứ vốn khả ái, nhưng chúng phân tán thành khác biệt, không tương ứng, biệt ly không tụ hội, không gắn bó, không tập hợp, không hòa hợp, đó là khổ. Cũng vậy, các ngoại xứ: xúc, thọ, tưởng, tư, ái, cũng lại như vậy. Này Chư Hiền, chúng sanh quả thực có sáu giới: đất, nước, lửa, gió, hư không và thức giới vốn khả ái nhưng chúng phân tán thành khác biệt, không tương ứng, không gắn bó, không hòa hợp, không tập hợp, đó là khổ. Như vậy gọi là [468b] ái biệt ly. Này Chư Hiền, ái biệt ly là khổ nghĩa là chúng sanh khi xa cách nhau, thân nhiếp thọ khổ, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Tâm nhiếp thọ khổ, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Thân tâm nhiếp thọ khổ, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Này Chư Hiền, vì lẽ ấy mà nói ái biệt ly khổ là khổ.

“Này Chư Hiền, nói sở cầu không toại là khổ [160]; nói thế là vì lẽ gì? Này Chư Hiền, nghĩa là chúng sanh lệ thuộc vào sanh pháp [161], không thể lìa xa sanh pháp, nhưng lại ước muốn rằng: ‘Mong tôi không sanh ra’, điều ấy quả thật không thể muốn mà được. Với sự già, sự chết, sự ưu sầu, buồn lo mà ước muốn rằng: ‘Mong tôi không có buồn lo’. Điều ấy không thể muốn mà được. Này Chư Hiền chúng sanh nào thấy quả thật sanh là khổ, không đáng vui, không đáng yêu, không đáng nghĩ nhớ, người ấy nghĩ thế này: ‘Nếu sự sanh của ta khổ, không đáng vui, không đáng yêu, không đáng nghĩ nhớ, mong sao chuyển đổi nó thành đáng yêu, đáng nghĩ nhớ’. Điều đó không thể muốn mà được. Này Chư Hiền, chúng sanh nào thấy quả thật sanh là lạc đáng yêu, đáng nghĩ nhớ, người ấy nghĩ như vầy: ‘Nếu sự sanh của ta là lạc, đáng yêu, đáng nghĩ nhớ, mong sao nó là pháp thường hằng, vĩnh cữu và không biến dịch’. Điều ấy không thể muốn mà được.

“Này Chư Hiền, chúng sanh nào quả thật sanh tư tưởng [162] mà không đáng vui, không đáng yêu, không đáng nghĩ nhớ, người ấy suy nghĩ thế này: ‘Nếu ta sanh tư tưởng mà không đáng vui, không đáng yêu, không đáng nghĩ nhớ, mong sao nó đổi thành mà đáng yêu, đáng nghĩ nhớ’. Điều ấy không thể muốn mà được. Này Chư Hiền, chúng sanh nào quả thật sanh tư tưởng, đáng yêu, đáng nghĩ nhớ, người ấy nghĩ như vầy: ‘Nếu tư tưởng ta sanh ra đáng yêu, đáng nghĩ nhớ, mong sao nó là pháp thường hằng, vĩnh cửu và không biến dịch’. Điều ấy không thể muốn mà được. Này Chư Hiền, vì lẽ ấy mà nói sở cầu bất đắc là khổ.

“Này Chư Hiền, nói lược năm thủ uẩn là khổ; nói thế là vì lẽ gì? Đó là sắc thủ uẩn; thọ, tưởng, hành, thức thủ uẩn. Này Chư Hiền, vì lẽ ấy mà nói năm thủ uẩn là khổ.

“Này Chư Hiền, thời quá khứ là Khổ Thánh đế; thời vị lai và hiện tại là Khổ Thánh đế. Đó là điều chắc thật không hư đối, không xa rời sự thật, cũng chẳng phải điên đảo, được thẩm sát một cách chắc thật. Những gì hợp với sự chắc thật như vậy, là sở hữu của Thánh, được nhận thức bởi Thánh, được thấu suốt bởi Thánh, được thấy bởi Thánh, là sự giác ngộ tối thượng chân chánh của bậc Thánh. Do dó nói là Khổ Thánh đế.

“Cái gì là ái tập Khổ tập Thánh đế? Nghĩa là chúng sanh thật có sáu xứ tham ái bên trong: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân ý xứ. [163] Trong đó nếu có ái, có cấu bẩn, có ô nhiễm, có đắm trước, [468c] đó gọi là tập.

“Này Chư Hiền, Đa văn Thánh đệ tử biết rằng: ‘Ta biết pháp như vậy, thấy như vậy, hiểu như vậy, nhận định như vậy và tri giác như vậy, đó là ái tập Khổ tập Thánh đế.

“Biết như vậy là biết như thế nào? Nếu có người tham ái vợ con, nô tỳ, kẻ sai bảo, quyến thuộc, ruộng đất, nhà cửa, quán xá, tài vật xuất vốn và lời lãi, tạo tác những nghiệp có ái, có cấu bẩn, có nhiễm, có trước, đó gọi là tập. Người kia biết ái tập Khổ tập Thánh đế này. Cũng vậy, ngoại xứ xúc, thọ, tưởng, hành, ái, cũng lại như vậy.

“Này Chư Hiền, chúng sanh quả thực có sáu giới tham ái: đất, nước, lửa, gió, hư không, thức giới, trong đó nếu có ái, có cấu bẩn, có nhiễm, có trước, đó gọi là tập.

“Này Chư Hiền, Đa văn Thánh đệ tử biết rằng ‘Ta biết pháp như vậy, thấy như vậy, hiểu như vậy, nhận định như vậy và tri giác như vậy, đó là ái tập Khổ tập Thánh đế.

“Biết như vậy là biết như thế nào? Nếu có người tham ái vợ con, nô tỳ, kẻ sai bảo, quyến thuộc, ruộng đất, nhà cửa, quán xá, tài vật xuất vốn và lời lãi, tạo tác những nghiệp có ái, có cấu bẩn, có nhiễm, có trước, đó gọi là tập. Người kia biết ái tập Khổ tập Thánh đế này. Thời quá khứ là khổ Thánh đế; thời vị lai và hiện tại là Khổ Thánh đế. Đó là điều chắc thật không hư đối, không xa rời sự thật, cũng chẳng phải điên đảo, được thẩm sát một cách chắc thật. Những gì hợp với sự chắc thật như vậy, là sở hữu của Thánh, được nhận thức bởi Thánh, được thấu suốt bởi Thánh, được thấy bởi Thánh, là sự giác ngộ tối thượng chân chánh của bậc Thánh. Do dó nói là Khổ Thánh đế.

Này Chư Hiền, thế nào là ái diệt Khổ diệt Thánh đế? Nghĩa là chúng sanh thực có sáu xứ tham ái bên trong: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý xứ. Chúng sanh ấy giải thoát, không nhiễm, không đắm trước, đoạn bỏ hoàn toàn, vô dục, diệt tận, tĩnh tịch; đó gọi là Khổ diệt.

“Này Chư Hiền, Đa văn Thánh đệ tử biết rằng ‘Ta biết pháp như vậy, thấy như vậy, hiểu như vậy, nhận định như vậy và tri giác như vậy, đó là ái diệt Khổ diệt Thánh đế.

“Biết như vậy là biết như thế nào? Nếu có người nào không tham ái vợ con, nô tỳ, kẻ sai bảo, quyến thuộc, ruộng đất, nhà cửa, quán xá, tài vật xuất vốn và lời lãi, đó không phải là tạo tác nghiệp, người ấy nếu giải thoát, không nhiễm, không đắm trước, đoạn bỏ hoàn toàn, vô dục, diệt tận, tĩnh tịch; đó gọi là ái diệt, Khổ diệt Thánh đế. Cũng thế, ngoại xứ xúc, thọ, tưởng, tư, ái, cũng lại như vậy.

“Này Chư Hiền, chúng sanh quả thật có [469a] sáu giới tham ái: đất, nước, lửa, gió, hư không, thức giới; người ấy nếu giải thoát, không nhiễm, không đắm trước, đoạn bỏ hoàn toàn, vô dục, diệt tận, tĩnh tịch; đó gọi là ái diệt, Khổ diệt Thánh đế. Này Chư Hiền, Đa văn Thánh đệ tử biết rằng ‘Ta biết pháp như vậy, thấy như vậy, hiểu như vậy, nhận định như vậy và tri giác như vậy, đó là ái diệt Khổ diệt Thánh đế.

“Biết như vậy là biết như thế nào? Nếu có người nào không tham ái vợ con, nô tỳ, kẻ sai bảo, quyến thuộc, ruộng đất, nhà cửa, quán xá, tài vật xuất vốn và lời lãi, đó không phải là tạo tác nghiệp, người ấy nếu giải thoát, không nhiễm, không đắm trước, đoạn bỏ hoàn toàn, vô dục, diệt tận, tĩnh tịch; đó gọi là ái diệt, Khổ diệt Thánh đế. Thời quá khứ là khổ Thánh đế; thời vị lai và hiện tại là Khổ Thánh đế. Đó là điều chắc thật không hư đối, không xa rời sự thật, cũng chẳng phải điên đảo, được thẩm sát một cách chắc thật. Những gì hợp với sự chắc thật như vậy, là sở hữu của Thánh, được nhận thức bởi Thánh, được thấu suốt bởi Thánh, được thấy bởi Thánh, là sự giác ngộ tối thượng chân chánh của bậc Thánh. Do dó nói là ái diệt Khổ diệt Thánh đế.

“Này Chư Hiền, thế nào là Khổ diệt đạo Thánh đế? Đó là chánh kiến, chánh tư duy [164], chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn [165], chánh niệm và chánh định.

“Này Chư Hiền, thế nào là chánh kiến? Đó là khi vị Thánh đệ tử khi suy niệm về khổ là khổ, tập là tập, diệt là diệt, đạo là đạo; [166] hoặc quán sát về sự tạo tác trước kia của mình, hoặc suy niệm về các hành, hoặc thấy các hành là tai họa, hoặc thấy Niết-bàn là tịch tĩnh. Hoặc khi bằng suy niệm không nhiễm trước mà quán sát [167] tâm hoàn toàn giải thoát, trong đó là sự giản trạch, giản trạch toàn diện, giản trạch quyết định, giản trạch pháp, nhận định, toàn diện nhận định, quán sát minh đạt. Đó là chánh kiến [168].

“Này Chư Hiền, thế nào là chánh tư duy? Đó là khi vị Thánh đệ tử suy niệm về khổ là khổ, tập là tập, diệt là diệt, đạo là đạo; hoặc quán sát về sự tạo tác trước kia của mình, hoặc học suy niệm về các hành, hoặc thấy các hành là tai họa, hoặc thấy Niết-bàn là tịch tĩnh; hoặc khi bằng suy niệm không nhiễm trước mà quán sát tâm hoàn toàn giải thoát, trong đó là sự tư sát, tư sát toàn diện, tùy thuận tư sát, điều nào nên niệm thì niệm, điều nào nên hy vọng thì hy vọng [169]. Đó là chánh tư duy.

“Này Chư Hiền, thế nào là chánh ngữ? Đó là khi vị Thánh đệ tử suy niệm về khổ là khổ, tập là tập, diệt là diệt, đạo là đạo; hoặc quán sát về sự tạo tác trước kia của mình, hoặc học suy niệm về các hành, hoặc thấy các hành là tai họa, hoặc thấy Niết-bàn là tịch tĩnh; hoặc khi bằng suy niệm không nhiễm trước mà quán sát tâm hoàn toàn giải thoát, trong đó ngoài bốn diệu hành thuộc miệng, còn các ác hành khác nơi miệng đều viễn ly, đoạn trừ, không hành, không tạo tác, không tập hợp và không tụ hội. Đó là chánh ngữ.

 [469b] “Này Chư Hiền, thế nào là chánh nghiệp? Đó là khi vị Thánh đệ tử suy niệm về khổ là khổ, tập là tập, diệt là diệt, đạo là đạo; hoặc quán sát về sự tạo tác trước kia của mình, hoặc học suy niệm về các hành, hoặc thấy các hành là tai họa, hoặc thấy Niết-bàn là tịch tĩnh; hoặc khi bằng suy niệm không nhiễm trước mà quán sát tâm hoàn toàn giải thoát, trong đó ngoài ba diệu hành thuộc thân, còn các ác hành khác nơi thân đều viễn ly, đoạn trừ, không hành, không tạo tác, không tập hợp và không tụ hội. Đó là chánh nghiệp.

“Này Chư Hiền, thế nào là chánh mạng? Đó là khi vị Thánh đệ tử suy niệm về khổ là khổ, tập là tập, diệt là diệt, đạo là đạo; hoặc quán sát về sự tạo tác trước kia của mình, hoặc học suy niệm về các hành, hoặc thấy các hành là tai họa, hoặc thấy Niết-bàn là tịch tĩnh; hoặc khi bằng suy niệm không nhiễm trước mà quán sát tâm hoàn toàn giải thoát, trong đó phải là mong cầu vô lý, không do nhiều tham dục mà không biết vừa đủ, không làm các thứ xảo quyệt bùa chú, để sinh sống bằng tà mạng. Chỉ theo chánh pháp mà mong cầu y phục, chớ không phải với phi pháp, cũng theo chánh pháp để mong cầu thực phẩm, giường chõng, chớ không phải với phi pháp. Đó là chánh mạng.

“Này Chư Hiền, thế nào là chánh tinh tấn? Đó là khi vị Thánh đệ tử suy niệm về khổ là khổ, tập là tập, diệt là diệt, đạo là đạo; hoặc quán sát về sự tạo tác trước kia của mình, hoặc học suy niệm về các hành, hoặc thấy các hành là tai họa, hoặc thấy Niết-bàn là tịch tĩnh; hoặc khi bằng suy niệm không nhiễm trước mà quán sát tâm hoàn toàn giải thoát, trong đó, nếu có phương tiện tinh tấn thì quả quyết, tinh cần để mong cầu, có khả năng để thú hướng, chuyên chú không xả bỏ, cũng không suy thối, quyết định hàng phục tâm mình. Đó là chánh tinh tấn.

“Này Chư Hiền, thế nào là chánh niệm? Đó là khi vị Thánh đệ tử suy niệm về khổ là khổ, tập là tập, diệt là diệt, đạo là đạo; hoặc quán sát về sự tạo tác trước kia của mình, hoặc học suy niệm về các hành, hoặc thấy các hành là tai họa, hoặc thấy Niết-bàn là tịch tĩnh; hoặc khi bằng suy niệm không nhiễm trước mà quán sát tâm hoàn toàn giải thoát, trong đó, nếu tâm tùy thuận niệm, phản chiếu giải thoát niệm [170], suy niệm, biến mãn suy niệm, liên tục ức niệm, tâm niệm không xao lãng. Đó là chánh niệm.

“Này Chư Hiền, thế nào là chánh định? Đó là khi vị Thánh đệ tử suy niệm về khổ là khổ, tập là tập, diệt là diệt, đạo là đạo; hoặc quán sát về sự tạo tác trước kia của mình, hoặc học suy niệm về các hành, hoặc thấy các hành là tai họa, hoặc thấy Niết-bàn là tịch tĩnh; hoặc khi bằng suy niệm không nhiễm trước mà quán sát tâm hoàn toàn giải thoát, trong đó, nếu tâm trụ, thiền trụ, thuận trụ, không loạn, không tán, chuyên nhất [171]. Đó là chánh định.

“Này Chư Hiền, thời quá khứ là Khổ diệt đạo Thánh đế; [489c] thời vị lai và hiện tại là Khổ diệt đạo Thánh đế. Đó là điều chắc thật không hư dối, không xa rời sự thật, cũng chẳng phải điên đảo, được thẩm sát một cách chắc thật. Những gì hợp với sự chắc thật như vậy, là sở hữu của Thánh, được nhận thức bởi Thánh, được thấu suốt bởi Thánh, được thấy bởi Thánh, là sự giác ngộ tối thượng chân chánh của bậc Thánh. Do dó nói Khổ diệt đạo Thánh đế”.

Rồi ngài nói bài tụng rằng:

Phật thấu triệt các pháp,

Thấy vô lượng thiện đức,

Khổ, tập, diệt, đạo đế,

Khéo hiển hiện phân biệt.

Tôn giả Xá-lợi-phất thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Tôn giả Xá-lợi-phất thuyết, hoan hỷ phụng hành. [172]

 


 [1] Xá-lợi-phất 舍梨子. Pāli: Sāriputta.

 [2] Hán: nội kết 內結. Pāli (A. i. 63): ajjhattasaṃyojana. ngoại kết , bahiddhā-saṃyojana. Sớ giải: năm thuận hạ phần kết gọi là nội kết (orambhāgiyāni vā pañca saṃyojāni ajjhattấṃyojanaṃ nāma), năm thuận thượng phần kết gọi là ngoại kết (uddhambhāgiyāni pañca bahiddhāsaṃyojanaṃ).

 [3] Định nghĩa này của bản Hán không phù hợp với bản Pāli, A. I 63: katamo ajjhattasaṃyojano puggalo? …so tato cuto āgāmī, āgantā itthattaṃ, thế nào là người có nội kết? Ngưới ấy chết ở đây, rồi còn trở lại thế gian này. Đây chỉ trường hợp của Tu-đà-hoàn. katamo bahiddhāsaṃyojano puggalo?... so tato cuto anāgāmī hoti, anāgantā itthattaṃ, thế nào là người có ngoại kết? … Vị ấy sau chết ở, rồi không trở lại thế gian này nữa. Tức là vị A-na-hàm.

 [4] Hán: yểm dục, vô dục, đoạn dục 厭欲無欲斷欲. Pl. ibid.: so kāmānaṃyeva nibbidāya virāgāya nirodhāya paṭipanno hoti, vị ấy tu tập hương đến yểm dục, ly dục, diệt tận dục.

 [5] Hán: tức tâm giải thoát 息心解脱. Pl.: aññantaraṃ santaṃ cetovimuttiṃ, một loại tâm giải thoát tịch tĩnh nào đó. Sớ giải: tức đẳng chí thiền thứ tư trong tám đẳng chí (aṭṭhasu samāpattíu aññataraṃ cututthajjhānasamāpattiṃ).

 [6] Xem cht. 9 ở dưới.

 [7] Hán: Đoàn thực thiên 摶食天. Pāli: Kabaliṃkārahārabhakkha-deva. Cf. Tì-bà-sa 153 (778c 4): vị Bất-hoàn chứng diệt tận định, sau khi chết, vượt qua các đoạn thực thiên 段食天, sanh trong các có thân do ý thành 意成身.

 [8] Ý sanh thiên 意生天 (Pāli: manomayakāya-devatā), cõi trời có thân do ý sanh. Nhưng bản Pl.ibid:  aññataṛau devanikāyaṃ upajjati, vị ấy sinh một cõi trời nào đó. Sớ giải: đây chỉ một trong năm Tịnh cư thiên (pañcasu suddhāvāsadevanikāýeu).

 [9] Một vị thượng lưu A-na-hàm, sau khi đã đoạn trừ năm hạ phần kết, nhưng do vị ngọt trong cảm thọ lạc của các Sắc giới tịnh lự vị ấy lần lượt thác sanh từ cõi trời Phạm thiên của Sơ thiền, cho tới khi thác sanh đến Sắc cứu cánh của Tứ thiền ở đó mà nhập Niết-bàn (Xem Đại Tỳ-bà-sa 17, tr, 875c)..

 [10]  Chỉ đoạn trừ tham ái dẫn tái sanh Sắc giới.

 [11] Hán: thủ hộ tùng giải thoát 守護從解脫. Pāli: pātimokkhasaṃsarasaṃvuto, được thủ hộ bằng sự phòng hộ của Pātimokkha.

 [12]  Đẳng tâm thiên 等心天. Pāli: Samacittādevatā.

 [13]Tưởng tri diệt định 想知滅定. Pāli: saññāvedayitanirodha-samāpatti.

 [14] Hán: đắc cứu cánh trí , chỉ chứng đắc A-la-hán quả. Pāli: aññā-ārādhānā.

 [15] Đoàn thực thiên . Pāli: Kabalīkārāhārabhakkha-devatā.

 [16] Ý sanh thiên 意生 . Pāli: manomayakāya-devatā.

 [17]  Ô-đà-di . Pāli: Udayī.

 [18] Đoạn kinh được dẫn bởi Tì-bà-sa 153 (tr. 778c04).

 [19] Pāli (A.iii 193): Udāyi trả lời: ye te bhante devā ārupino saññāmayā ti, đó là chư Thiên thuộc Vô sắc do tưởng tạo thành’.

 [20] Thậm thâm A-tì-đàm 甚深阿毗曇; bản Pāli tương đương không đề cập ý tưởng này.

 [21] Bạch Tịnh . Pāli: Upavāṇa.

 [22] Tứ tăng thượng tâm 四增上心. Pāli: catunnaṃ jhānānaṃābhicetasikānaṃ, bốn thiền, thuộc tăng thượng tâm.

 [23] Hán: hiện pháp lạc cư (=trú) 現法樂居. Pāli: diṭṭhadhammasukhavihāra: hiện pháp lạc trú, chỉ an lạc do bốn thiền mang lại.

 [24]  Hán: đắc như thị trí .

 [25] Tức Thánh quyết trạch (Pl. ariyā nibbedhikāya). Xem cht. 14 kinh 3 (Thành dụ).

 [26] Mâu-lợi-phá-quần-nậu 牟利破群 [-+]. Pāli: Moliyaphagguna.

 [27] Hắc Xỉ 黑齒. Pāli: Kalārakhattiya.

 [28] Hán: thuyết đắc trí 說得智. Pāli: aññā vyākatā, tuyên bố về cứu cánh trí. tức tuyên bố chứng đắc A-la-hán (arahattaṃ vyākataṃ).

 [29] Hán: tùy kỳ phương tiện 隨其方便. Pāli: yena kenaci pariyāyena, bằng pháp môn (phương pháp) nào.

 [30] Sanh , Pl.: jāti, trong 12 chi.

 [31]  Hán: nhân, duyên, sanh, bản 生因緣本: bốn hành tướng của nhân tập khởi (samudaya). Cf. Câu-xá 16 (tr. 135c6), bốn hành tướng của tập đế: nhân, tập sanh, duyên.  Pl., thành cú: kiṃndānā kiṃsamudayā kịmjātikā kiṃpabhavā, duyên do (nhân duyên) gì, tập khởi gì, sanh (=chủng loại) gì, bản nguyên gì. Sớ giải: yasmā taṃ tato samudeti jāyati pabhavati, tasmā samudayo jāti pabhavo, cái mà từ đó nó khởi lên, cái đó là tập kởi; cái mà từ đó nó được sanh ra, cái đó là sanh; cái mà từ đó nó phát sanh,  cái đó là bản nguyên

 [32] Hán: thọ . Pāli: upādāna.

 [33] Pl. (S. ii. 53), vẫn hỏi như trên: ái từ nhần gì,…?

 [34] Hán: giác . Pāli: vedāna.

 [35]  Pāli: yaṃ kiñci vedayitaṃ taṃ dukkhasmiṃ ti, cái gì được cảm thọ, cái ấy ở trong khổ.

 [36]Hán: bối nhi bất hướng 背而不向, cũng nói là bối xả, đậy chỉ (tám) giải thoát, mà diệt thọ tưởng định là cao nhất. Pāli: vimokkhā.

 [37] Hán: nội bối nhi bất hướng 內背而不向. Pāli: ajjhattaṃ vimokkhā.

 [38] Pāli: sabbupādānakkhayā, tất cả chấp thủ diệt tận.

 [39] Pāli: yathā sataṃ viharantaṃ āsavā ānussavanti, do sống chánh niệm như thế các lậu không còn rỉ chảy.

 [40] Pāli: ye āsavā samanena vuttā, những lậu hoặc mà Sa-môn nói đến.

 [41] Hán: thâm đạt pháp giới 深達法界. Pāli: dhammadhātu-suppaṭividha, lý giải sâu ắc về pháp giới.

 [42] Hán: phạm tương vi pháp . Có lẽ Pāli (A. iv. 374): khīyadhammaṃ āpanno (āpajjati): rơi vào trạng thái ưu uất; đang cơn bất bình. Đây chỉ Tỳ-kheo kia đang có điều bất mãn hay oán hận ngài Sāriputta.

 [43] Hán: thân thân niệm 身身念. Pāli: kāye kāyagatāsati anupaṭṭhitā, chánh niệm về thân hành (các động thái của thân) được xác lập trên thân.

 [44] Hán: tiệt giác ngưu 截角牛. Pāli: usabho chinnavisāṇo, con trâu chúa (trâu đực) mà cặp sừng đã bị cắt.

 [45] Hán: Chiên-đà-la , người thuộc giai cấp cùng đinh, ngoại giai cấp. Pāli: caṇḍāla.

 [46] Nguyên bản Hán: bô-chiên-ni 晡旃尼. Pāli: puñchanī, cái giẻ lau.

 [47] Hán: cao bình 膏瓶. Pāli: medakathālikaṃ; bình (hủ) đựng dầu hay mỡ để nấu ăn.

 [48] Ngũ trừ não pháp 五除惱法. Pāli (A. iii. 186). : pañca āghātapaṭivinayā, năm yếu tố kềm chế sự hờn giận.

 [49] Pāli: evārupe  puggale āghāto paṭivinetabbo, sự hờn giận cần được kềm chế đối với người (có thân hành) như vậy.

 [50] Nghĩa là, làm cách nào để không khởi tâm hơn giận đối với con người như vậy.

 [51] Nguyên bản Hán: A-luyện-nhã Tỳ-kheo 阿練若毗 . Pāli: araññaka-bhikkhu, Tỳ-kheo sống trong rừng vắng; không sống trong các tinh xá.

 [52] Hán: trì phấn tảo y 持糞掃衣. Pāli: paṃsakulika, người tu theo hạnh chỉ mặc y phục từ vải đã bị liệng bỏ như là rác.

 [53] Bản Hán, hết quyển 4.

 [54] Cù-ni-sư . Pāli: Gulissāni (Goliyāni).

 [55] Hán: tại vô sự thất 在無事室. Pāli (M. i. 468): (gulissāni nāma bhikkhu) āraññiko, (Tỳ-kheo Gulissāni) là người sống trong rừng (Tỳ kheo a-lan-nhã). Nhưng hán dịch có thẻ từ araññavihārī (= araññaka), vì vihāra có nghĩa là trú xứ, cũng nghĩa là tinh xá, am thất.

 [56] Pāli: (āraññiko) padasamācāro, (là ẩn sĩ sống trong rừng, nhưng) là người có hành vi thô tháo.

 [57] Vô sự Tỳ-kheo 無事比丘, Tỳ kheo a-lan-nhã sống tại a-lan-nhã (rừng). Pāli: āraññaka-bhikku.

 [58]Pāli: āraññkena bhikkhunā saṃghagatena saṅghe viharante sabrahmacārisu sagāravena bhavitabbaṃ sappatussena, “Tỳ-kheo a-lan-nhã (tu hạnh sống ở rừng), khi đến sống giữa Tăng, cần phải tôn trọng, cung kính các đồng phạm hạnh.”

 [59] Hán: bất điệu tiếu, bất táo nhiễu 不調笑不躁擾. Pāli: anuddhata, không trạo cử, acapala, không náo động.

 [60] Hán: súc sanh luận . Pāli: tiracchāna-kathā, câu chuyện bàn về các vấn đề từ vua chúa, trộm cướp cho đến chuyên sông biển, nam nữ linh tnh; chuyện vô ích, trở ngại sự tu tập. Nhưng, đoạn này, trong bản Pāli tương đương: amukhararena bhavitabbaṃ avikiṇṇavācena, không nên lắm lời, không nên nói tạp nhạp.

 [61]Pāli: there ca bhikkhū nānupakhajja nisīdissāmi nave ca bhikkhū na āsanena paṭibāhissāmi, không chiếm chỗ ngồi của các Tỳ-kheo Thượng tọa; không đuổi các vị tân Tỳ-kheo khỏi chỗ ngồi.

 [62] Luật, A-tì-đàm 律阿毗曇. Pāli: abhivinaya, abhidhamma, chỉ phần tinh nghĩa của luật (vinaya) và pháp (dhamma); không phải A-tì-đàm của Luận tạng.

 [63] Hán: tức giải thoát . Pāli: santa-vimokka.

 [64] Hán: ly sắc . Pāli: atikkamma rūpe, vượt qua sắc pháp.

 [65] Hán: nãi chí vô sắc định 乃至無色定. Pāli: āruppā tattha yogo karaṇīyo, tu tập về các vô sắc.

 [66] Hán: nhân gian Tỳ-kheo 人間毗丘. Pāli: gāmantavihārin, (Tỳ-kheo) sống tại các thôn xóm.

 [67] Đà-nhiên 陀然. Pāli: một người Bà-la-môn tên là Dhānañjāni (cũng viết, Dhanañjāni), ở Taṇḍulapālidvāra; không nói sự kiện là bạn cũ.

 [68] Hán: khi cuống . Pāli: rājānaṃ nissāya brāhmaṇagahapatike vilumpati, “dựa thế vua cướp bóc các gia chủ Bà-la-môn.”

 [69] Hán: khổ trị cư dân 苦治居 . Pāli: tena kho pana samayena dhanañjāni brāhmaṇo bahinagare gāvo goṭṭhe dohapeti, “Lúc bấy giờ Bà-la-môn Dhanañjāni đang sai người vắt sữa bò trong chuồng bò ở ngoài thành”.

 [70] Hán: kim táo quán . Pāli: chỉ nói mời uống sữa.

 [71] Hán: như pháp như nghiệp như công đức 如法如業如功德. Pāli: Sahetukā dhammikā kammantā: những nghề nghiệp đúng pháp, có nhân.

 [72] Bản Pāli không nói tên người vợ. Sự mê hoặc này, trong bản Pāli, là lời tường thuật của vị Tỳ-kheo mà ngài Xá-lợi-phất hỏi thăm các tin tức chứ không phải là lời tự thú của Đà-nhiên.

 [73] Nam sơn . Pāli: Dakkhiṇagiri, một ngọn núi ở phía Nam thành Vương xá.

 [74] Rừng cây siṃsapa; xem các cht. trên. Nam sơn Bắc thôn và Thi-nhiếp-hòa lâm: không rõ các địa danh này.

 [75] Phạm thất 梵室: Phạm trú 梵住. Pāli: brahmavihāra.

 [76]  Hán: thông tuệ, tốc tuệ, tiệp tuệ, lợi tuệ, quảng tuệ, thâm tuệ, xuất yếu tuệ, minh đạt tuệ, biện tài tuệ 聰慧速慧捷慧利慧廣慧深慧出要慧明達慧辯才慧.
Bản Pāli ở đây không nói các đặc điểm trí tuệ của ngài Xá-lợi-phất, nhưng có thể tìm thấy đoạn tương đương M.iii, tr, 25: paṇḍito (tuệ thông bác), mahāpāñño (đại tuệ), javanapāñño (tuệ nhạy bén, tiệp tuệ), tikkhapāñño (tuệ sắc bén, lợi tuệ), nibbedhikapāñño (tuệ sâu sắc, quyết trạch tuệ).

 [77] Hán: tri pháp như pháp 知法如法. Pāli: dhamma-anudhamma.  Đoạn văn này, Pāli tương đương: (...) sati uttarikaraṇīye hīne brahmaloke patiṭṭhāpetvā ..., “trong khi có pháp cao hơn nữa cần chứng, nhưng lạï xác lập ở Phạm thiên giới...”

 [78] Trưởng giả Cấp Cô Độc 長者給孤獨; Pāli, Ānathapiṇḍika.

 [79]  Nội dung bài thuyết pháp sau đây không đồng nhất với bản Pāli tương đương.

 [80] Bản Hán:tà chí , đối lập với chánh tư duy trong Thánh đạo tám chi.

 [81] Bản Pāli, sau đó, khi Sāriputta đi khỏi, Trưởng giả Cấp Cô Độc mạng chung.

 [82] Từ đây trở xuống, nội dung tương đương được tìm thấy trong luật bộ Pāli, Vin. ii. 154. Cf. Tứ phần 50 (938b21tt).

 [83] Chúng , tức tăng(-già), Pāli: saṅgha.

 [84] Hán: Thành tức môn 城息門; Pāli: sivakadvāra.

 [85] Pāli, đã dẫn, một Dạ-xoa tên là Sīvaka.

 [86] Mật khí (). Có lễ là từ phiên âm, gần với Pāli: Sīvaka.

 [87] Tu-đạt-đa 須達多. Pāli: Sudatta.

 [88] Cấp Cô Độc . Pāli: Anāthapiṇḍika.

 [89] Các chi tiết liên hệ luật tạng. Luật Pāli và bản hán khác nhau.

 [90] Thắng Đồng tử . Vin.ii.154ff. Jetakomara, con trai vua Pasenadi (Ba-tư-nặc), về sau bị vua Vidudabha người em trai cùng cha khác mẹ giết vì khước từ tham gia cuộc chiến tàn sát dòng họ Thích. Các phiên âm quen thuộc khác: Kỳ-đà Thái tử 衹陀 太子, Thê-đa 逝多.

 [91] Cả Vin.ii. đã dẫn, cũng không nói loại tiền gì.

 [92] Hán: đại quyết đoán xứ 大決斷處.

 [93]  Hán: đại quyết đoán nhân . Biện lý đại thần.

 [94]  Hán: đại ốc  , tức Pāli: vihāra (tinh xá).

 [95]  Hán: câu-hi  , tức Pāli: koṭṭhaka, chỉ nhà kho, phòng hay phòng kín.

 [96] Hán: thực đạm hàm tiêu 食噉含消, loại thực phẩm cần phải cắn, và loại ngậm cho tiêu; tức loại cứng và loại mềm.

 [97]  Xem cht.14, kinh số 27.

 [98]  Có lẽ là bốn Dự lưu chi: 1/ Thân cận thiện xứ, 2/ Kiến văn chánh pháp, 3/ Như lý tác ý, 4/ Pháp tùy pháp hành, mà ngài Xá-lợi-phất đã quảng diễn thành mười, như trong kinh: 1/ Tín, 2/ Giới, 3/ Đa văn, 4/ Huệ thí, 5/ Thiện tuệ, 6/ Chánh kiến, 7/ Chánh trí, 8/ Chánh giải, 9/ Chánh thoát, 10/ Chánh trí.

 [99] Bản Hán, hết quyển 6.

 [100] Đại Câu-hi-la 大拘絺羅. Pāli: Mahākoṭṭhita, hoặc Mahākoṭṭhika.

 [101] Bất hoại tịnh 不壤淨. Pāli: avecca-pasāda: bất động tín, bất hoại tín, hay chứng tịnh.

 [102] Thực . Pāli: āhāra.

 [103] Đoàn thực thô tế 摶食粗細, hay đoạn thực, thực phẩm vật chất. Pāli: kabaliṅkāro āhāro oḷāriko vā sukkumo.

 [104] Nguyên-Hán: canh lạc thực 更樂食, thức ăn là sự xúc chạm, chỉ sự tiếp xúc giữa căn và cảnh. Pāli: phasso āhāro.

 [105]Ý tư thực 意思食, hay hý luận thực, thức ăn là ý chí hy vọng. Pāli: manosañcetanā-āhāro.

 [106] Thức thực , thức ăn là thức. Pāli: viññāṇaṃ āhāro.

 [107] Hán: thực tập 食集. Pāli: āhāra-samudaya.

 [108] Hán: thực diệt đạo 食滅道. Pāli: āhāra-nirodha-gāminipṭipadā.

 [109] Ba lậu: dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu 欲漏, 有漏, 無明漏. Pāli: kāma-āsavā, bhava-āsavā, avijjā-āsavā.

 [110] Ba hữu: dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu 欲有, 色有, 無色有. Pāli: kāma-bhava, rūpa-bhava, ārūpa-bhava.

 [111] Nguyên-­Hán: thọ . Pāli: upādāna.

 [112] Hán: tứ thọ 四受: dục thủ 欲取, giới thủ 戒取, kiến thủ 見取, ngã thủ 我取. Pl. : kāmupādānaṃ diṭṭhupādānaṃ sīlabbatupādanaṃ attavādupādānaṃ.

 [113] Ba ái: dục ái, sắc ái, vô sắc ái 欲愛, 色愛, 無色愛. Pāli: kāma-taṇhā, rūpa-taṇhā, arūpa-taṇhā.

 [114] Nguyên-Hán: giác ; Pāli: vedanā.

 [115] Hán: ba giác, tức ba thọ: khổ thọ 苦受, lạc thọ 樂受, bất khổ bất lạc thọ 不苦不樂受. Pāli: tisso vedanā, sukhā vedanā dukkhā vedanā adukkhamasukhā vedanā.

 [116] Hán: canh lạc 更樂. Pāli: phassa.

 [117] Hán: ba canh lạc: lạc canh lạc 樂更樂, khổ canh lạc 苦更樂, bất lạc bất khổ canh lạc 不樂不苦更樂.

 [118] Lục xứ . Pāli: cha ayātanāni.

 [119] Danh sắc 名色. Pāli: nāma-rūpa.

 [120] Tứ phi sắc ấm 四非色陰. Pāli: cattāro arūpakkhandhā, gồm thọ, tưởng, hành và thức.

 [121] Tứ đại 四大. Pāli: cattāro mahābhūtā.

 [122] Tứ đại tạo vi sắc 四大造為色. Pāli: catumaṃ mahābhūtānaṃ upādāya rūpaṃ.

 [123] Thức . Pāli: viññāṇa.

 [124] Hành . Pāli: saṃkhāra.

 [125]  Ba hành: thân hành , khẩu hành , ý hành . Pāli: tayo saṃkhāra, kāyasaṃkhāro vacīsaṃkhāro cittasaṃkhāro.

 [126]  Nội địa giới . Pāli: ajjhattikā paṭhavīdhātu.

 [127] Nội chi sở thọ內之所受. Pl.: ajjhattaṃ upādinnaṃ.

 [128] Đại, tịnh, bất tắng ố , , . Đại vì kích thước lớn hay phổ biến. Nói tịnh và bất tắng ố, vì không phải là đối tượng để quán bất tịnh.

 [129] Pāli: hoti... samayo yam bāhirā āpodhātu pakuppati, antarahitā tasmiṃ samaye bāhirā paṭhavīdhatu, có một thời ngoại thủy giới bị chấn động (thịnh nộ), khi ấy ngoại địa giới biến mất.

 [130] Hán: (…) ngã  thị bỉ sở 我是彼所. Pl.: taṃ netaṃ  mama, nesohasmi, na meso attā, nó không phải là của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải là tự ngã của tôi.”

 [131] Pl. (M.i. 196): tassa dhatārammaṇameva cittaṃ pakkandati pasīdati santiṭṭhati adhimuccati, vị ấy duyên nơi giới mà tâm hoan hỷ, an tịnh, tĩnh chỉ, quyết định.

 [132] Pl.: suṇisā sasuraṃ disvā saṃvijjati saṃvegaṃ āpajjati, cô dâu thấy bó chồng thì hết sức run sợ.

 [133] Hán: diệu, tức tịch, xả, ly , tức diệt, tịnh, diệu, ly, bốn hành tướng của diệt đế theo Hữu bộ; xem Câu-xá 23  tr.119b).

 [134] Thủy giới . Pāli: āpodhātu.

 [135]  Hán: não căn (chỉ tủy sống); bản Nguyên, Minh: chi nhãn (con mắt có mỡ, hay mỡ nơi con mắt). Không tìm thấy tương đương trong bản liệt kê của Pāli.

 [136] Pāli: hoti... samayo yam bāhirā āpodhātu pakuppati, sā gamaṃ pi vahati, nigamaṃ pi vahati, có một thời ngoại thủy giới bị chấn động (cuồng nộ), nó cuốn đi làng mạc, thị trấn...

 [137] Hán: ái sở thọ . Pāli: taṇhupādiṇṇa...

 [138] Pl.: tejodhātu siyā ajjhattikā siyā bāhirā, hỏa giới, hoặc nội hoặc ngoại.

 [139] Hán: hoặc dĩ châu toại 或以珠燧. Pāli: kukkuṭapattena pi nahārudaḍulena, bằng lông cánh gà, hoặc bằng dây gân.

 [140] Pl.: vāyodhātu siyā ajjhattikā siyā bāhirā, phong giới, hoặc nội hoặc ngoại.

 [141] Hành phong . Kinh 162 nói: hiếp phong. Pháp uẩn 21 (tr.503) cũng nói vậy. Có lẽ Pāli: koṭṭhāsayā vātā, mà Sớ giải nói: antānaṃ antovātā, gió từ bên này qua bên kia, tức gió ngang (hông).

 [142] Đao phong , gió lúc chết, rát như dao cắt.

 [143] Pl.: rūpaṃ tveva saṅkhaṃ gacchati, được biết như là sắc.

 [144] Hán: vô hữu niệm 無有念. Pl. (M.i. 190): no ca tajjo samannāhāro hoti, không có  sự tập trung tương ưng,  tức tác ý không khởi lên được. Xem cht. 21 dưới.

 [145]  Pāli (M. i. 191): yo paticcasamuppādaniṃ passati so dhamman passati, yo dhamman passati so paticcasamuppādaṃ passati.

 [146] Dẫn chứng của Đại Tỳ-bà-sa 12, (tr, 58c 19). Nhược hữu nội ý xứ bất hoại, ngoại pháp hiện tiền, cập năng sanh tác ý chánh khởi, nhĩ thời ý thức sanh若內意處不壞外法處現前及能生作意正起爾時意識生, “Nếu bên trong ý xứ không bị hoại, bên ngoài pháp xứ hiện tiền và ngay lúc ấy tác ý khởi lên, bấy giờ ý thức xuất hiện.”

 [147] Các bản Hán đều nói Phật tại Xá-vệ. Bản Pāli tương đương: tại Bārāṇasi (Ba-la-nại), trong Isipatane Migadāye,  Chư tiên đọa xứ, vườn Lộc dã.

 [148]Chánh hành thuyết pháp 正行說法; No.32: Chơn chánh thuyết pháp
真正說法. Bản Pāli (M. iii. 248): anuttaraṃ dhammacakkaṃ pavattitaṃ, Vô thượng Pháp luân được vận chuyển.

 [149] Hán: quảng nhiếp 廣攝, quảng quán 廣觀, phân biệt 分別, phát lộ 發露, khai ngưỡng 開仰, thi thiết 施設, hiển thị 顯示, thú hướng 趣向. Pāli: ācikkhanā (khai thị), desanā (tuyên thuyết), paññāpanā (thi thiết), paṭṭhapanā (an lập), vivaraṇā (khai hiển), vibhajanā (phân biệt), uttānīkammaṃ (hiển phát).

 [150] Pāli: Các Tỳ-kheo hãy gần gũi Sāriputta (Xá-lợi-phất) và Moggallāna (Mục-kiền-liên), là những Tỳ-kheo thông tuệ...

 [151] Tán thán trí tuệ của ngài Xá-lợi-phất, bản này và No.32 giống nhau, chỉ khác về dịch ngữ. Về mười loại trí tuệ được kể ở đây, các bản Pāli chỉ kể có bảy (xem M. 111). Xem kinh 27 (Phạm chí Đà-nhiên).

 [152] Hán: tối thượng chân tế 最上真際. Pāli: sāriputto sotāpattiphale vineti, moggallāno uttamatthe, “Xá-lợi-phất điều phục người nơi quả D ự lưu; Mục-kiền-liên dẫn đến mỵc đích cứu cánh.

 [153] Hán: ngũ thạnh ấm khổ 五盛陰苦. Pāli: pañcupādānakkhandhā dukkhā.

 [154] Hán: sanh , xuất , thành , hưng khởi . Pāli: jāti (sanh), sañjāti (xuất sanh), okkanti (xuất hiện), abhinibbatti (sanh khởi), khandhanānaṃ pātubhāvo (hiển hiện năm uẩn), āyatanānaṃ paṭilābho (đạt được các căn). Bản Hán, có tám khổ; bản Pāli chỉ kể năm khổ: jāti (sanh), jarā (già), maraṇaṃ (chết), soka-parideva-dukkha-domanassupayāsā (sầu bi khổ ưu não), picchaṃ na labhati (không đạt được mong cầu), saṅkhittena pañcupādānakkhandhā dukkhā.

 [155] Hán: thân thọ khổ, thọ, biến thọ; giác, biến giác 身受苦受遍受覺遍覺. Tham chiếu Pháp uẩn 6 (Đại 26, tr.480a): Lãnh nạp nhiếp thọ, chủng chủng thân khổ sự 領納攝受種種身苦事, lãnh nạp và nhiếp thọ mọi hình thái khổ khác nhau.

 [156] Thù ghét mà tụ hội. Tì-bà-sa: phi ái hội khổ 非愛會苦. Bản Pāli không đề cập.

 [157] Hán: canh lạc, giác, tưởng, tư, ái 更樂覺想思愛.

 [158] Cf. Tì-bà-sa 78 (tr. 402b19): “khi cảnh không khả ái kết hợp vói thân, bấy giỡ các thứ hkổ được dẫn sanh, đó là phi ái hội khổ.”

 [159]Bản Pāli không đề cập.

 [160] Pāli: picchaṃ na labhati.

 [161] Hán: chúng sanh sanh pháp 眾生生法. Pāli: jātidhammānaṃ sattānaṃ (...).

 [162] Hán: thật sanh tư tưởng 實生思想.

 [163] Ái nội lực xứ 愛內六處, tức sáu ái thân. Cf. Tập dị 15, tr. 429b26. Cf. D. iii. 244: cha taṇhākāyā.

 [164] Nguyên-Hán: chánh chí .

 [165] Nguyên-Hán: chánh phương tiện 便.

 [166] Pl.: katamā sammādiṭṭhi? dukkhe ñāṇaṃ, dukkhasamudaye ñāṇaṃ, dukkhanirodhe ñāṇaṃ, dukkhanirodhagṃāniyā paṭiâdāya ñāṇaṃ, chánh kiến là gì? khổ trí, tập tria, diệt trí, đạo trí.

 [167]  Vô trước niệm quán thiện tâm giải thoát . Tham chiếu Pháp Uẩn 6 (Đại 26, tr.481c): Vô lậu tác ý tương ưng (ư pháp giản trạch), (sự giản trạch pháp) tương ưng với tác ý vô lậu.

 [168] Hán: trạch, biến trạch, quyết trạch, trạch pháp; thị, biến thị, quán sát minh đạt , , 決擇, 擇法; , 遍視, 觀察明達. Tham chiếu Pháp uẩn 6 (tr.481c): (ư pháp) giản trạch, cực giản trạch, tối cực giản trạch; liễu, biến liễu, cận liễu; cơ hiệt, thông đạt, thẩm sát, thông duệ, giác minh tuệ hành ( ) 簡擇, 極簡擇, 最極簡擇; , 遍了, 近了; 機黠, 通達, 審察, 聰叡, 覺明慧行.

 [169] Hán: tứ, biến tứ, tùy thuận tứ... khả niệm... khả vọng , 遍伺, 隨順伺可念 . Tham chiếu Pháp uẩn 6 đd trên: tư duy... tầm cầu... suy mịch... linh tâm ư pháp thô động nhi chuyển 思惟尋求推覓令心於法粗動而轉.

 [170] Hán: bối bất hướng niệm 背不向念; chánh niệm liên hệ đến tám bối xả hay tám giải thoát.

 [171] Nhiếp chỉ ; được hiểu là  tâm nhất cảnh tánh: tâm và cảnh lhiệp nhất.

 [172] Bản Hán, hết quyển 7.

Phẩm 4: Pháp vị tằng hữu

PHẨM 4: 
PHÁP VỊ TẰNG HỮU

TỤNG NGÀY THỨ NHẤT

未曾有.侍者  

薄拘.阿修羅

地動.及瞻波  

郁伽.手各二

Kệ tóm tắt:

Vị tằng hữu, Thị giả,

Bạc-câu, A-tu-la,

Địa động, và Chiêm-ba,

Úc-già, Thủ, đều hai.

 32. KINH VỊ TẰNG HỮU PHÁP

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm Lâm Lâm vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ, vào lúc xế chiều, Tôn giả A-nan rời tĩnh tọa đứng dậy, đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ chân Phật, rồi đứng qua một bên, thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, con nghe rằng, [1] Đức Thế Tôn vào thời Phật Ca-diệp bắt đầu phát nguyện Phật đạo, tu hành phạm hạnh. Nếu Thế Tôn vào thời Phật Ca-diệp bắt đầu phát nguyện Phật đạo, tu hành phạm hạnh; con xin thọ trì pháp vị tằng hữu ấy của Thế Tôn.

“Con nghe rằng, Đức Thế Tôn vào thời Phật Ca-diệp bắt đầu phát nguyện Phật đạo, tu hành phạm hạnh và sinh lên cõi trời Đâu-suất. Nếu Đức Thế Tôn vào thời Phật Ca-diệp bắt đầu phát nguyện Phật đạo, tu hành phạm hạnh và sinh lên cõi trời Đâu-suất; con xin thọ trì pháp vị tằng hữu ấy của Đức Thế Tôn.

“Con nghe rằng, Đức Thế Tôn vào thời Phật Ca-diệp [2] [470a] bắt đầu phát nguyện Phật đạo, tu hành phạm hạnh và sinh lên cõi trời Đâu-suất. Thế Tôn sinh lên sau nhưng có ba việc thù Thắng Lâm hơn các vị trời sinh trước. Đó là thọ mạng, dung sắc và vinh dự nhà trời. Do đó nên các vị trời Đâu-suất vui mừng hớn hở, tán thán rằng: ‘Kỳ diệu thay, hy hữu thay, vị Thiên tử này có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần. Vì sao vậy? Vì vị ấy sinh đến đây sau nhưng có ba việc thù Thắng Lâm hớn những vị trời Đâu-suất đã sinh đến trước; đó là thọ mạng, dung sắc và vinh dự nhà trời. Nếu Đức Thế Tôn vào thời Phật Ca-diệp bắt đầu phát nguyện Phật đạo, tu hành phạm hạnh và sinh lên cõi trời Đâu-suất. Thế Tôn sinh lên sau nhưng có ba việc thù Thắng Lâm hơn các vị trời sinh trước. Đó là thọ mạng, dung sắc và vinh dự nhà trời. Do đó nên các vị trời Đâu-suất vui mừng hớn hở, tán thán rằng: ‘Kỳ diệu thay, hy hữu thay, vị thiên tử này có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần. Vì sao vậy? Vì vị ấy sinh đến đây sau nhưng có ba việc thù Thắng Lâm hớn những vị trời Đâu-suất đã sinh đến trước; đó là thọ mạng, dung sắc và vinh dự nhà trời. Thế thì con xin thọ trì pháp vị tằng hữu ấy của Đức Thế Tôn.

 “Con nghe rằng, Đức Thế Tôn mạng chung ở trời Đâu-suất, biết sẽ vào thai mẹ, lúc ấy chấn động tất cả đất trời, có ánh sáng vi diệu quảng đại chiếu khắp thế gian cho đến chỗ u tối, cũng không có gì ngăn che được; nghĩa là nơi nào mặt trời, mặt trăng này dù có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, cũng không chiếu rọi ánh sáng đến được, thì tất cả nơi ấy đều được chiếu ngời. Chúng sanh ở các nơi ấy do thấy ánh sáng nhiệm mầu này đều mỗi mỗi phát sanh nhận thức rằng: ‘Có một chúng sanh kỳ diệu, hy hữu ra đời! Có một chúng sanh kỳ diệu, hy hữu ra đời [3]!’ Nếu Đức Thế Tôn mạng chung ở trời Đâu-suất, biết sẽ vào thai mẹ, lúc ấy chấn động tất cả đất trời, có ánh sáng vi diệu quảng đại chiếu khắp thế gian cho đến chỗ u tối, cũng không có gì ngăn che được; nghĩa là nơi nào mặt trời, mặt trăng này dù có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, cũng không chiếu rọi ánh sáng đến được, thì tất cả nơi ấy đều được chiếu ngời. Chúng sanh ở các nơi ấy do thấy ánh sáng nhiệm mầu này đều mỗi mỗi phát sanh nhận thức rằng: ‘Có một chúng sanh kỳ diệu, hy hữu ra đời! Có một chúng sanh kỳ diệu, hy hữu ra đời!’ Thì con xin thọ trì pháp vị tằng hữu ấy của Đức Thế Tôn.

 “Con nghe rằng, Đức Thế Tôn biết mình trụ trong thai mẹ, tựa vào hông bên phải. Nếu Đức Thế Tôn biết mình trụ trong thai mẹ, tựa vào hông bên phải, thì con xin thọ trì pháp vị tằng hữu này của Đức Thế Tôn.

“Con nghe rằng, Đức Thế Tôn hình thể duỗi dài [4] trụ trong thai mẹ. Nếu Đức Thế Tôn hình thể duỗi dài trụ trong thai mẹ, [470b] thì con xin thọ trì pháp vị tằng hữu ấy của Đức Thế Tôn.           

“Con nghe rằng, Đức Thế Tôn, được bao che, trụ trong thai mẹ, không bị máu bẩn làm cho  cấu uế, cũng không bị tinh khí các thứ bất tịnh khác làm cho  cấu uế. Nếu Đức Thế Tôn, được bao che, trụ trong thai mẹ, không bị máu bẩn làm cho  cấu uế, cũng không bị tinh khí bất tịnh khác làm cho  cấu uế; thì con xin thọ trì pháp vị tằng hữu ấy của Đức Thế Tôn.

“Con nghe rằng, Đức Thế Tôn biết mình ra khỏi thai mẹ, lúc ấy chấn động tất cả đất trời, có ánh sáng vi diệu quảng đại chiếu khắp thế gian cho đến chỗ u tối, cũng không có gì ngăn che được; nghĩa là nơi nào mặt trời, mặt trăng này dù có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, cũng không chiếu rọi ánh sáng đến được, thì tất cả nơi ấy đều được chiếu ngời. Chúng sanh ở các nơi ấy do thấy ánh sáng nhiệm mầu này đều mỗi mỗi phát sanh nhận thức rằng: ‘Có một chúng sanh kỳ diệu, hy hữu ra đời! Có một chúng sanh kỳ diệu, hy hữu ra đời!’ Nếu Đức Thế Tôn biết mình ra khỏi thai mẹ, lúc ấy chấn động tất cả đất trời, có ánh sáng vi diệu quảng đại chiếu khắp thế gian cho đến chỗ u tối, cũng không có gì ngăn che được; nghĩa là nơi nào mặt trời, mặt trăng này dù có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, cũng không chiếu rọi ánh sáng đến được, thì tất cả nơi ấy đều được chiếu ngời. Chúng sanh ở các nơi ấy do thấy ánh sáng nhiệm mầu này đều mỗi mỗi phát sanh nhận thức rằng: ‘Có một chúng sanh kỳ diệu, hy hữu ra đời! Có một chúng sanh kỳ diệu, hy hữu ra đời!’ Thì con xin thọ trì pháp vị tằêng hữu ấy của Đức Thế Tôn.

“Con nghe rằng, Đức Thế Tôn thân thể duỗi dài [5] mà ra khỏi thai mẹ. Nếu Đức Thế Tôn thân thể duỗi dài mà ra khỏi thai mẹ thì con xin thọ trì pháp vị tằêng hữu này của Đức Thế Tôn.

 “Con nghe rằng, Đức Thế Tôn được bao che khi ra khỏi thai mẹ, không bị máu bẩn làm cho  cấu uế, cũng không bị tinh khí và các vật bất tịnh khác làm cho  cấu uế. Nếu Đức Thế Tôn được bao che khi ra khỏi thai mẹ, không bị máu bẩn làm cho  cấu uế, cũng không bị tinh khí và các thứ bất tịnh khác làm cho  cấu uế; thì con xin thọ trì pháp vị tằng hữu này của Đức Thế Tôn.

“Con nghe rằng, khi Đức Thế Tôn mới sanh ra, có bốn vị thiên tử, tay cầm tấm vải rất mịn đứng trước thai mẹ, làm cho người mẹ hoan hỷ, tán thán rằng: “Đồng tử này rấy kỳ diệu, rất hy hữu, có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hữu, có đại oai thần’. Nếu như Đức Thế Tôn mới sanh ra, có bốn vị thiên tử, tay cầm tấm vải rất mịn đứng trước thai mẹ, làm cho người mẹ hoan hỷ, tán thán rằng: “Đồng tử này rấy kỳ diệu, rất hy hữu, có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hữu, có đại oai thần’. Thì con xin thọ trì pháp vị tằêng hữu này của Đức Thế Tôn.

“Con nghe rằng, khi Đức Thế Tôn vừa mới sanh ra, liền đi bảy bước không khiếp sợ, không kinh hãi, [470c] quan sát các phương. Nếu Thế Tôn vừa mới sanh ra, liền đi bảy bước không khiếp sợ, không kinh hãi, quan sát các phương; thì con xin thọ trì pháp vị tằng hữu này của Đức Thế Tôn.

“Con nghe rằng, khi Đức Thế Tôn vừa mới sanh ra, thì ngay phía trước người mẹ bỗng hiện một hồ nước lớn, nước đầy tràn bờ, làm cho người mẹ ở nơi ấy được thọ dụng thanh tịnh. Nếu Thế Tôn vừa mới sanh ra, thì ngay phía trước người mẹ bỗng hiện một hồ nước lớn, nước đầy tràn bờ, làm cho người mẹ ở nơi ấy được thọ dụng thanh tịnh; con xin thọ trì pháp vị tằng hữu ấy của Đức Thế Tôn.

“Con nghe rằng, khi Đức Thế Tôn vừa mới sanh ra, từ trên hư không nước mưa rưới xuống, một ấm, một lạnh, để tắm thân thể của Thế Tôn. Nếu khi Đức Thế Tôn vừa mới sanh ra, từ trên hư không nước mưa rưới xuống, một ấm, một lạnh, để tắm thân thể của Thế Tôn; con xin thọ trì pháp vị tằêng hữu ấy của Đức Thế Tôn.

“Con nghe rằng, khi Đức Thế Tôn vừa mới sanh ra, Chư Thiên ở trên hư không tấu lên âm nhạc của trời; hoa sen xanh, hoa sen hồng, hoa sen đỏ, hoa sen trắng và hoa văn-đà-la của trời, và bột hương chiên-đàn được rải lên Đức Thế Tôn. Nếu khi Đức Thế Tôn vừa mới sanh ra, Chư Thiên ở trên hư không tấu lên âm nhạc của trời; hoa sen xanh, hoa sen hồng, hoa sen đỏ, hoa sen trắng và hoa văn-đà-la của cõi trời, và bột hương chiên-đàn được rải lên Đức Thế Tôn; con xin thọ trì pháp vị tằng hữu ấy của Đức Thế Tôn.

“Con nghe rằng, Đức Thế Tôn, [6] ở tại nhà của cha là Bạch Tịnh vương, vào một ngày đi dự lễ hạ điền, ngồi dưới gốc cây diêm-phù, ly dục, ly ác bất thiện pháp, có tầm có tứ, có hỷ lạc phát sanh do viễn ly, nhập Sơ thiền, thành tựu và an trụ. Bấy giờ là buổi xế, tất cả bóng của các cây khác đều đã ngả dần, chỉ có cây diêm-phù là bóng cây không ngả, che mát thân của Đức Thế Tôn. Lúc đó, Thích Bạch Tịnh đến quan sát công tác hạ điền, đi đến chỗ người làm ruộng hỏi rằng: ‘Này nông phu, Vương tử ở chỗ nào?’

Người ấy trả lời rằng: ‘Vương tử [7] hiện đang ở dưới gốc cây diêm-phù.” Rồi Thích Bạch Tịnh đi đến cây diêm-phù, bấy giờ là xế trưa. Thích Bạch Tịnh thấy bóng của tất cả các cây khác đều đã ngả, chỉ có bóng cây diêm-phù là không ngả, để che mát thân thể của Thế Tôn, liền nghĩ như vầy: ‘Vương tử này thật là kỳ diệu, rất hy hữu, có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần. Vì sao thế? Vì vào lúc xế trưa tất cả các bóng cây đều ngả, chỉ có bóng cây diêm-phù là không ngả, để che mát thân của Vương tử’. Nếu vào buổi xế trưa tất cả cây đều ngả bóng, chỉ có bóng cây diêm-phù không ngả, [471a] để che mát thân thể của Đức Thế Tôn; con xin thọ trì pháp vị tằng hữu ấy của Đức Thế Tôn.

“Con nghe rằng có một thời Đức Thế Tôn trú tại Tì-xá-li, trong Đại lâm. Bấy giờ, khi đêm đã qua, vào lúc sáng sớm, Đức Thế Tôn khoác y cầm bát vào thành Tì-xá-li khất thực. Sau khi khất thực xong, xếp y, cất bát, rửa tay chân, vắt ni-sư-đàn lên vai, đi vào rừng, đến dưới một gốc cây đa-la, trải ni-sư-đàn, ngồi kiết-già. Bấy giờ là lúc xế bóng, tất cả các bóng cây khác đều ngả, chỉ có bóng cây đa-la là không ngả để che mát thân thể của Đức Thế Tôn. Bấy giờ vào lúc xế bóng, Thích Ma-ha-nam [8] ung dung đi đến Đại lâm. Thích Ma-ha-nam thấy rằng, vào buổi xế, tất cả bóng cây đều ngả chỉ trừ bóng cây đa-la là không ngả để che mát thân thể của Đức Thế Tôn, liền nghĩ như vầy: ‘Sa-môn Cù-đàm rất là kỳ diệu, rất là hy hữu, có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần. Vì sao vậy? Vì vào buổi xế, tất cả bóng cây đều ngả, chỉ có bóng cây đa-la là không ngả để che mát thân thể Cù-đàm’. Nếu lúc xế bóng, tất cả các bóng cây khác đều ngã, chỉ có bóng cây đa-la là không ngả để che mát thân thể của Đức Thế Tôn; con xin thọ trì pháp vị tằng hữu ấy của Đức Thế Tôn.

“Con nghe rằng, một thời Thế Tôn trú tại nước Tì-xá-li, trong Đại lâm. Bấy giờ các Tỳ-kheo để bát ngoài chỗ đất trống, bát của Thế Tôn cũng có trong số ấy, có một con khỉ ôm bát của Thế Tôn mà đi. Các thầy Tỳ-kheo la ó, sợ nó làm bể bát của Thế Tôn. Nhưng Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng: ‘Hãy để yên. Hãy để yên. Đừng la. Nó không làm bể bát đâu’. Thế rồi khỉ ôm bát của Thế Tôn mà đi, đến một cây sa-la, chậm rãi leo lên, lấy đầy bát mật nơi cây sa-la, rồi chậm rãi leo xuống, trở về chỗ Đức Phật, đem dâng bát mật ấy lên Đức Phật. Đức Thế Tôn không thọ nhận. Lúc ấy khỉ liền ôm bát qua một bên, dùng đũa gắp bỏ sâu. Sau khi nhặt bỏ sâu, nó ôm bát trở lại dâng lên Thế Tôn. Thế Tôn lại không nhận. Khỉ lại ôm qua một bên, múc nước đổ vào trong mật, rồi ôm trở lại dâng lên Thế Tôn. Thế Tôn liền thọ nhận. Khỉ thấy Thế Tôn lấy bát mật rồi liền vui mừng hớn hở, múa may nhảy nhót rồi bỏ đi. Nếu Đức Thế Tôn khiến con khỉ kia, khi thấy Đức Thế Tôn lấy bát mật rồi vui mừng hớn hở múa may nhảy nhót, rồi đi; con xin thọ trì pháp vị tằêng hữu ấy của Đức Thế Tôn.

“Con nghe rằng một thời Đức Thế Tôn trú Tì-xá-li, ở tại ngôi nhà sàn [9], bên bờ ao Di hầu. [471b] Bấy giờ Thế Tôn đang phơi tọa cụ, rũ bụi, phủi đất. Lúc ấy có một đám mây đến trái thời che kín khắp hư không muốn mưa nhưng dừng lại chờ Đức Thế Tôn phơi tọa cụ, rũ bụi, phủi đất, xếp cất một nơi, rồi mang cất chổi; vào đứng trong nền nhà. Bấy giờ đám mây lớn ấy thấy Đức Thế Tôn xếp cất tọa cụ rồi mới đổ mưa xuống rất lớn, từ cao cho đến thấp, nước ngập tràn lai láng. Nếu Đức Thế Tôn làm cho đám mây lớn kia thấy Thế Tôn xếp cất tọa cụ rồi, mới mưa xuống thật to và từ đất cho đến thấp nước ngập tràn lai láng; con xin thọ trì pháp vị tằng hữu ấy của Đức Thế Tôn.

“Con nghe một thời Đức Thế Tôn trú tại Bạt-kỳ [10], ngồi dưới cây Sa-la Thọ vương, trong rừng Ôn tuyền. Bấy giờ là buổi xế trưa, tất cả bóng cây khác đều ngả, chỉ trừ bóng cây Sa-la Thọ vương là không ngả, để che mát thân thể Đức Thế Tôn. Khi ấy chủ vườn La-ma đi dạo xem vườn, thấy rằng vào buổi xế, tất cả bóng cây khác đều ngả, chỉ trừ bóng cây Sa-la Thọ vương là không ngả để che mát thân thể của Thế Tôn, liền nghĩ như vầy: ‘Sa-môn Cù-đàm thật là kỳ diệu, thật là hy hữu, có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần. Vì sao vậy? Vì sao buổi xế tất cả bóng cây khác đều ngả, chỉ trừ cây Sa-la thọ vương là không ngả bóng để che mát thân thể của Sa-môn Cù-đàm. Nếu Đức Thế Tôn vào buổi xế tất cả bóng cây khác đều ngả, chỉ trừ bóng cây Sa-la Thọ vương là không ngả để che mát thân thể của Thế Tôn; con xin thọ trì pháp vị tằng hữu ấy của Đức Thế Tôn.

“Con nghe rằng có một thời Đức Thế Tôn ở trong miếu thần A-phù [11]. Bấy giờ khi đêm đã tàn, vào lúc sáng sớm, Đức Thế Tôn khoác y ôm bát vào thôn A-phù để khất thực. Sau khi khất thực xong, xếp y, cất bát, rửa chân tay xong, Ngài vắt ni-sư-đàn lên vai, vào miếu thần ngồi thiền tịnh. Bấy giờ trời mưa đá rất to; sấm sét đánh chết bốn con trâu và hai người cày. Lúc chôn cất hai người chết ấy, đám đông ồn ào, âm thanh cao và to, tiếng dội chấn động. Bấy giờ vào lúc xế chiều, Đức Thế Tôn rời chỗ ngồi tĩnh tọa đứng dậy, từ trong miếu thần đi ra, đến chỗ đất trống để kinh hành. Trong đám đông có một người thấy Đức Thế Tôn vào lúc xế trưa rời chỗ tĩnh tọa đứng dậy, ở trong miếu thần đi ra, đến chỗ đất trống để kinh hành, liền đi đến chỗ Phật cúi đầu làm lễ rồi đi kinh hành theo sau Đức Phật. Đức Phật thấy người ấy ở phía sau nên hỏi rằng: ‘Vì cớ gì mà đám đông ồn ào, âm thanh cao và to, tiếng dội chấn động vậy?’ Người ấy thưa rằng: ‘Bạch Thế Tôn khi trưa, [471c] trời mưa đá rất to; sấm sét đánh chết bốn con bò và hai người cày. Lúc chôn cất hai người chết ấy, đám đông ồn ào, âm thanh cao và to, tiếng dội chấn động. Bạch Thế Tôn vừa rồi Ngài không nghe gì hết sao?’ Thế Tôn trả lời rằng: ‘Ta không nghe các âm thanh ấy’. Lại hỏi rằng: ‘Vừa rồi Ngài ngủ hay sao?’ Thế Tôn trả lời: ‘Không phải’. Lại hỏi Đức Thế Tôn: ‘Lúc ấy Ngài tỉnh mà không nghe các âm thanh ấy sao?’ Thế Tôn đáp: ‘Quả thật vậy’. Bấy giờ người kia liền suy nghĩ rằng: ‘Rất là kỳ diệu, rất là hy hữu, sở hành của Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, rất là vắng lặng, rất là tịch tĩnh. Vì sao vậy? Vì lúc tỉnh mà vẫn không nghe các âm thanh to lớn ấy. Nếu Đức Thế Tôn tỉnh thức mà vẫn không nghe các âm thanh to lớn ấy; con xin thọ trì pháp vị tằng hữu ấy của Đức Thế Tôn.

 “Con nghe rằng, một thời Đức Phật trú tại Uất-tì-la [12] bên bờ sông Ni-liên-nhiên [13], ngồi dưới cây A-xà-hòa-la ni-câu-loại [14], lúc mới chứng đắc Phật đạo. Bấy giờ mưa lớn đến bảy ngày, từ cao đến thấp đều bị ngập nước, từng luồng nước lớn chảy xoáy ngang dọc, trong vùng đất trống đó, Đức Thế Tôn đi kinh hành, đến nơi nào thì nơi đấy có bụi bay lên. Nếu Đức Thế Tôn ở trong vùng có luồng nước xoáy ngang dọc, mà đi kinh hành, đến chỗ nào thì chỗ ấy có bụi bay lên; con xin thọ trì pháp vị tằng hữu ấy của Đức Thế Tôn.

 “Con nghe rằng Ma vương trong suốt sáu năm theo Phật để tìm chỗ sở đoản mà không được, liền chán nản nên bỏ về. Nếu Đức Thế Tôn bị Ma vương trong suốt sáu năm theo tìm chỗ sở đoản mà không được, liền chán nản nên bỏ về; con xin thọ trì pháp vị tằng hữu ấy của Đức Thế Tôn.

“Con nghe rằng Đức Thế Tôn, trong suốt bảy năm suy niệm về thân, luôn luôn suy niệm không gián đoạn. Nếu Đức Thế Tôn trong suốt bảy năm suy niệm về thân, luôn luôn không gián đoạn; con xin thọ trì pháp vị tằng hữu ấy của Đức Thế Tôn.”

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo rằng:

“Này A-nan, ngươi hãy nghe Như Lai nói mà thọ trì thêm pháp vị tằng hữu này nữa. Này A-nan, Như Lai biết thọ sanh, biết trụ, biết diệt, luôn luôn biết, chẳng có lúc nào chẳng biết. Này A-nan, Như Lai biết tư và tưởng sanh, biết trụ, biết diệt, luôn luôn biết. Không lúc không biết. Cho nên, này A-nan hãy nên từ nơi Như Lai mà thọ trì thêm pháp vị tằng hữu này.”

 Đức Thế Tôn thuyết như vậy. Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo, sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

33. KINH THỊ GIẢ

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại thành Vương xá.

Bấy giờ, có các đại đệ tử, là các Tỳ-kheo Trưởng lão Thượng tôn Danh đức, được nhiều người biết đến; đó là Tôn giả Câu-lân-nhã [15], [472a] A-nhiếp-bối [16], Tôn giả Thích-ca Vương Bạt-đề [17], Tôn giả Ma-ha-nam Câu-lệ [18], Tôn giả Hòa-phá [19], Tôn giả Da-xá [20], Tôn giả Bân-nậu [21], Tôn giả Duy-ma-la [22], Tôn giả Già-hòa-ba-đề [23], Tôn giả Tu-đà-da [24], Tôn giả Xá-lợi-phất [25], Tôn giả A-na-luật-đà [26], Tôn giả Nan-đề [27], Tôn giả Kim-tì-la [28], Tôn giả Lệ-ba-đá [29], Tôn giả Đại Mục-kiền-liên [30], Tôn giả Đại Ca-diếp [31], Tôn giả Đại Câu-hi-la [32], Tôn giả Đại Châu-na [33], Tôn giả Đại Ca-chiên-diên [34], Tôn giả Bân-nạu-da-nậu-tả trưởng lão [35], Tôn giả Da-xá Hành Trù trưởng lão [36], rất nhiều các vị Tỳ-kheo Trưởng lão Thượng tôn Danh đức, đại đệ tử, được mọi người biết đến, tương tự như vậy, cũng ở thành Vương Xá. Tất cả đều trú gần ngôi nhà lá của Phật.

Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo rằng:

“Hiện nay tuổi của Ta đã già; thân thể ngày càng suy yếu, tuổi thọ đã quá già rồi, nên Ta cần có thị giả. Các thầy hãy cử cho Ta một thị giả, làm sao để chăm sóc Ta, xứng ý chớ không phải không xứng ý, ghi nhớ lời Ta nói mà không quên mất ý nghĩa [37].”

Lúc ấy Tôn giả Câu-lân-nhã liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai sửa y, chắp tay hướng về Đức Phật thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, con xin nguyện hầu hạ, xứng ý chớ không phải không xứng ý, ghi nhớ những lời Ngài nói mà không quên mất ý nghĩa.”

Đức Thế Tôn bảo rằng:

“Này Câu-lân-nhã, thầy cũng tuổi đã già, thân thể ngày càng suy yếu, tuổi thọ đã qua dài rồi. Chính thầy cũng cần có thị giả. Này Câu-lân-nhã, thầy nên lui về chỗ ngồi đi.”

 Bấy giờ Tôn giả Câu-lân-nhã đảnh lễ chân Phật rồi lui về chỗ ngồi.

 Cũng như vậy, lần lượt Tôn giả A-nhiếp-bối, Tôn giả Thích-ca Vương Bạt-đề, Tôn giả Ma-ha-nam Câu-lệ, Tôn giả Hòa-phá, Tôn giả Da-xá, Tôn giả Bân-nậu, Tôn giả Duy-ma-la, Tôn giả Già-hòa-ba-đề, Tôn giả Tu-đà-da, Tôn giả Xá-lợi-phất, Tôn giả A-na-luật-đà, Tôn giả Nan-đề, Tôn giả Kim-tì-la, Tôn giả Lệ-bà-đá, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, Tôn giả Đại Ca-diếp, Tôn giả Đại Câu-hi-la, Tôn giả Đại Châu-na, Tôn giả Đại Ca-chiên-diên, Tôn giả Bân-nậu-da-nậu-tả trưởng lão.

Tôn giả Da-xá Hành Trù Trưởng lão rời chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai sửa áo, chắp tay hướng về Đức Phật thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, con xin nguyẹân hầu hạ xứng ý chớ không phải không xứng ý, ghi nhớ những lời Ngài dạy mà không quên ý nghĩa.”

 Đức Thế Tôn bảo rằng:

 “Này Da-xá, thầy cũng tuổi đã già, thân thể ngày càng suy yếu, tuổi thọ đã qua dài rồi. Chính thầy cũng cần có thị giả. Này Da-xá, thầy nên lui về  chỗ ngồi đi.”

Tôn giả Da-xá lạy dướic chân Phật rồi quay về [472b] chỗ ngồi.

Bấy giờ,  Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đang ở trong đại chúng ấy liền suy nghĩ như vầy: ‘Đức Thế Tôn muốn tìm vị nào làm thị giả? Ý nghĩ đặt vào Tỳ-kheo nào? Muốn cho ai chăm sóc Ngài, xứng ý chớ không phải không xứng ý, và ghi nhớ những lời Ngài dạy mà không quên mất nghĩa? Có lẽ ta nên nhập định như thế [38] để quan sát tâm của chúng Tỳ-kheo’. Tôn giả Đại Mục-kiền-liên liền nhập định như thế, biết Thế Tôn muốn chọn Hiền giả A-nan làm thị giả, ý Ngài đặt vào A-nan, muốn A-nan chăm sóc, xứng ý chớ không phải không xứng ý, ghi nhớ lời dạy mà không quên ý nghĩa.

Bấy giờ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên liền xuất định, thưa với chúng Tỳ-kheo rằng:

“Chư Hiền biết không, Đức Thế Tôn muốn chọn Hiền giả A-nan làm thị giả. Ý Ngài đặt vào A-nan; muốn A-nan chăm sóc, xứng ý chớ không phải là không xứng ý, ghi nhớ lời dạy mà không quên ý nghĩa. Bây giờ chúng ta nên cùng nhau đến chỗ Hiền giả A-nan khuyến dụ thầy ấy làm thị giả của Thế Tôn.”

Bấy giờ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên và các Tỳ-kheo cùng nhau đến chỗ Tôn giả A-nan, chào hỏi xong rồi ngồi sang một bên. Tôn giả Đại Mục-kiền-liên sau khi ngồi xuống, nói rằng:

“Hiền giả A-nan, thầy có biết không, Đức Thế Tôn muốn chọn thầy làm thị giả; ý Ngài đặt vào A-nan, muốn A-nan chăm sóc Ngài, vì thầy xứng ý Ngài chớ không phải không xứng ý, ghi nhớ lời dạy của Ngài mà không quên mất ý nghĩa.

“A-nan, cũng như ngoài thôn xóm không bao xa, có một tòa lâu đài to lớn, cửa sổ mở ra ở phía Đông; khi mặt trời mọc lên, ánh sáng sẽ rọi thẳng vào vách phía Tây. Này Hiền giả A-nan, Đức Thế Tôn cũng vậy, muốn chọn A-nan làm thị giả, ý Ngài đặt vào A-nan, muốn A-nan chăm sóc Ngài, xứng ý chớ không phải không xứng ý, ghi nhớ lời dạy của Ngài mà không quên mất ý nghĩa. Này Hiền giả A-nan, bây giờ thầy nên làm thị giả Đức Thế Tôn.”

Tôn giảû A-nan thưa rằng:

“Bạch Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, tôi không thể lãnh trách nhiệm hầu hạ Đức Thế Tôn nổi. Vì sao thế? Vì với các Đức Phật Thế Tôn khó xứng ý, khó hầu hạ, nghĩa là khó làm thị giả. Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, cũng như đối với một con voi rất hùng mạnh, đã hơn sáu mươi tuổi, kiêu ngạo, sức mạnh cường thạnh, đủ ngà, đủ vóc, khó làm xứng ý, khó thân cận; nghĩa là khó coi sóc.           

“Thưa Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, với Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, cũng như vậy, khó xứng ý, khó thân cận; nghĩa là khó làm thị giả. Thưa Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, vì vậy tôi không thể lãnh trách nhiệm làm thị giả được.”

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, nói rằng:

“Này Hiền giả A-nan, thầy hãy nghe [472c] tôi nói ví dụ, người có trí nghe ví dụ liền hiểu ý nghĩa của nó. Này Hiền giả A-nan, cũng như hoa Ưu-đàm-bát-la thỉnh thoảng mới xuất hiện thế gian. Này Hiền giả A-nan, Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác cũng lại như vậy. Tỉnh thoảng mới xuất thế. Này Hiền giả A-nan, thầy nên mau làm thị giả Đức Thế Tôn rồi sẽ được kết quả lớn.”

Tôn giả A-nan lại bạch:

“Thưa Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, nếu Đức Thế Tôn chấp thuận ba điều nguyện của tôi thì tôi mới có thể làm thị giả. Những gì là ba? Tôi nguyện không đắp y của Thế Tôn, dù cũ hay mới. Nguyện không ăn thực phẩm biệt thỉnh của Phật. Nguyện không gặp Thế Tôn phi thời. Thưa Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, nếu Đức Thế Tôn cho phép tôi nguyện ba điều ấy, tôi mới làm thị giả Đức Thế Tôn.”

Bấy giờ, sau khi khuyên Tôn giả A-nan làm thị giả rồi, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đứng dậy đi quanh Tôn giả A-nan rồi trở về. Đi đến chỗ Đức Phật, Tôn giả cúi đầu đảnh lễ chân Phật, rồi ngồi sang một bên, bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, con đã khuyến dụ Hiền giả A-nan làm thị giả Phật. Bạch Thế Tôn, Hiền giả A-nan xin nơi Phật ba lời nguyện, nói rằng: ‘Những gì là ba? Nguyện không đắp y của Thế Tôn, dù cũ hay mới; nguyện không ăn thực phẩm biệt thỉnh của Phật; nguyện không gặp Thế Tôn phi thời. Thưa Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, nếu Đức Thế Tôn cho phép tôi nguyện ba điều ấy, tôi mới làm thị giả Đức Thế Tôn.’”

Đức Thế Tôn nói:

“Này Đại Mục-kiền-liên, Tỳ-kheo A-nan thông minh trí tuệ, biết trước sẽ có những lời hiềm tỵ, hoặc có vị đồng phạm hạnh sẽ nói như vầy: ‘Tỳ-kheo A-nan vì y áo nên hầu hạ Đức Thế Tôn’. Này Đại Mục-kiền-liên, Tỳ-kheo A-nan thông minh trí tuệ, biết trước sẽ có những lời hiềm tỵ hoặc các đồng phạm hạnh, nói như vầy: ‘Tỳ-kheo A-nan vì y áo nên hầu hạ Đức Thế Tôn’; đó là pháp vị tằng hữu của Tỳ-kheo A-nan.

“Này Đại Mục-kiền-liên, Tỳ-kheo A-nan thông minh trí tuệ, biết trước sẽ có những lời hiềm tỵ, hoặc có vị đồng phạm hạnh sẽ nói như vầy: ‘Tỳ-kheo A-nan vì đồ ăn nên hầu hạ Đức Thế Tôn’. Này Đại Mục-kiền-liên, Tỳ-kheo A-nan thông minh trí tuệ, dự đoán sẽ có những lời hiềm tỵ hoặc các đồng phạm hạnh nói như vầy: ‘Tỳ-kheo A-nan vì đồ ăn nên hầu hạ Đức Thế Tôn’; đó là pháp vị tằêng hữu của Tỳ-kheo A-nan.

“Này Đại Mục-kiền-liên, Tỳ-kheo A-nan khéo biết thời, khéo phân biệt được thời, biết lúc nào là thời nên đến gặp Như Lai, lúc nào không phải là thời đến gặp Như Lai; biết lúc nào là thời [743a] chúng Tỳ-kheo và chúng Tỳ-kheo-ni nên đến gặp Như Lai, lúc nào không phải là thời chúng Tỳ-kheo và chúng Tỳ-kheo-ni nên đến gặp Như Lai; biết lúc nào là thời chúng Ưu-bà-tắc và chúng Ưu-bà-di nên đến gặp Như Lai, lúc nào không phải là thời chúng Ưu-bà-tắc và chúng Ưu-bà-di nên đến gặp Như Lai; biết lúc nào các hàng Sa-môn, Bà-la-môn, dị học nên đến gặp Như Lai, biết lúc nào các hàng Sa-môn, Bà-la-môn, dị học không nên đến gặp Như Lai; biết lúc nào các hàng Sa-môn, Bà-la-môn, dị học không nên đến gặp Như Lai; biết các hàng Sa-môn, Bà-la-môn, dị học nào có thể bàn luận với Như Lai; biết các hàng Sa-môn, Bà-la-môn, dị học nào không thể bàn luận với Như Lai; biết thức ăn loại cứng hay loại mềm nào Đức Như Lai dùng rồi sẽ an ổn, có lợi ích, loại cứng hay loại mềm nào Đức Như Lai dùng rồi sẽ không được an ổn, có lợi ích; thức ăn loại cứng hay loại mềm nào Đức Như Lai dùng rồi sẽ được biẹân tài thuyết pháp. Biết thức ăn loại cứng hay loại mềm nào Đức Như Lai dùng rồi sẽ không được biện tài thuyết pháp; đó là pháp vị tằêng hữu của Tỳ-kheo A-nan.

“Này Đại Mục-kiền-liên, mặc dù Tỳ-kheo A-nan không có tha tâm trí, nhưng có thể khéo biết trước được Như Lai sẽ thuyết pháp cho ai khi Như Lai rời tĩnh tọa đứng dậy vào buổi xế, hôm nay Như Lai sẽ làm như vậy, sẽ có hiện pháp lạc trụ như vậy, nhận xét đúng lời Ngài nói, chắc thật không thể sai khác. Đó là pháp vị tằng hữu của Tỳ-kheo A-nan.

Khi Tôn giả A-nan nói như vầy [39]: ‘Thưa Chư Hiền, tôi đã hầu Đức Thế Tôn đã hai mươi lăm năm, nếu do đó mà khởi tâm cống cao, không thể có sự kiện như vậy’. Tôn giả A-nan nói như thế; đó là pháp vị tằng hữu của Tỳ-kheo A-nan.

Tôn giả A-nan lại nói như vầy: “Thưa Chư Hiền, tôi đã hầu Đức Thế Tôn trong hai mươi lăm năm, cho đến nay chưa hề gặp Đức Thế Tôn phi thời.” Tôn giả A-nan nói như thế; đó là pháp vị tằêng hữu của Tỳ-kheo A-nan.

Tôn giả A-nan lại nói như vầy: “Thưa Chư Hiền, tôi đã hầu Đức Thế Tôn trong hai mươi lăm năm, chưa từng một lần bị Phật khiển trách, trừ có một lỗi, lỗi đó cũng vì người khác [40].” Tôn giả A-nan nói như vậy; đó là pháp vị tằng hữu của Tỳ-kheo A-nan.

Tôn giả A-nan lại nói như vầy: “Thưa Chư Hiền, tôi thọ tám vạn pháp tụ [41] từ Đức Như Lai, thọ trì không quên; nếu nhân điều đó mà khởi cống cao, sự kiện như vậy không thể có.” Tôn giả A-nan nói như vậy; đó là pháp vị tằng hữu của Tỳ-kheo A-nan.

Tôn giả A-nan lại nói như vầy: “Thưa Chư Hiền, tôi thọ tám văn pháp tụ từ Đức Như Lai, chưa hỏi lần thứ hai, trừ có một câu, câu ấy như vậy cũng [473b] không dễ. Tôn giả A-nan nói như vậy; đó là pháp vị tằng hữu của Tỳ-kheo A-nan.

Tôn giả A-nan lại nói như vầy: “Thưa Chư Hiền, tôi thọ tám vạn pháp tụ từ Đức Như Lai, chưa hề thọ pháp từ người khác.” Tôn giả A-nan nói như vậy; đó là pháp vị tằng hữu của Tỳ-kheo A-nan.

Tôn giả A-nan lại nói như vầy: “Thưa Chư Hiền, tôi thọ tám vạn pháp tụ từ Đức Như Lai, khởi đầu chưa có tâm này, rằng ‘Tôi thọ trì pháp ấy để dạy lại người khác’. Này Chư Hiền, tôi chỉ muốn tự chế ngự, tự tịch tịnh, tự Bát-niết-bàn thôi.” Tôn giả A-nan nói như vậy; đó là pháp vị tằng hữu của Tỳ-kheo A-nan.

Tôn giả A-nan lại nói như vầy: “Thưa Chư Hiền, có điều rất kỳ lạ này. Đó là có bốn bộ chúng đi đến chỗ tôi để nghe pháp. Nếu tôi vì thế mà khởi cống cao, điều ấy không thể có được. Tôi cũng không hề tác ý trước rằng: ‘Nếu có ai đến hỏi, ta sẽ trả lời như vầy’. Này Chư Hiền, tôi ngay trên chỗ ngồi tùy theo nghĩa người kia hỏi mà trả lời.” Tôn giả A-nan nói như vậy; đó là pháp vị tằng hữu của Tỳ-kheo A-nan.

Tôn giả A-nan lại nói như vầy: “Thưa Chư Hiền, có điều rất kỳ lạ này. Đó là có số đông Sa-môn, Bà-la-môn, Dị học đến hỏi tôi sự việc gì, nếu vì thế mà tôi sợ sệt, hãi hùng, lông tóc dựng đứng; không thể có sự kiện ấy. Tôi cũng không hề tác ý trước rằng: ‘Nếu có ai đến hỏi, ta sẽ trả lời như vầy’. Này Chư Hiền, tôi ngay trên chỗ ngồi tùy theo nghĩa người kia hỏi mà trả lời.” Tôn giả A-nan nói như vậy; đó là pháp vị tằng hữu của Tỳ-kheo A-nan.

Lại nữa, có một thời, Tôn giả Xá-lợi-phất, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, Tôn giả A-nan trú tại nước Xá-vệ, trong núi Bà-la-la. Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi rằng: “Này Hiền giả A-nan, thầy hầu hạ Đức Phật cho đến nay là hai mươi lăm năm, thầy nhớ có lần nào khởi dục tâm không?”

Tôn giả A-nan thưa rằng:

“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, tôi còn là hàng hữu học chưa ly dục.”

Tôn giả Xá-lợi-phất lại hỏi rằng:

“Này Hiền giả A-nan, tôi không hỏi thầy là bậc hữu học hay vô học. Tôi chỉ hỏi, trong hai mươi lăm năm qua hầu hạ Đức Thế Tôn, thầy nhớ có lần nào khởi dục tâm không?”

Tôn giả Xá-lợi-phất ba lần lặp lại câu hỏi:

“Này Hiền giả A-nan, hai mươi lăm năm qua thầy hầu hạ Đức Thế Tôn, thầy nhớ có lần nào khởi dục tâm không?”

Tôn giả A-nan cũng ba lần lặp lại câu trả lời rằng:

“Thưa Tôn giả [473c] Xá-lợi-phất, tôi còn là hàng hữu học chưa ly dục.”

Tôn giả Xá-lợi-phất lại hỏi rằng:

“Này Hiền giả A-nan, tôi không hỏi thầy là bậc hữu học hay vô học. Tôi chỉ hỏi, trong hai mươi lăm năm qua hầu hạ Đức Thế Tôn, thầy nhớ có lần nào khởi dục tâm không?”

Bấy giờ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên nói rằng:

“Này Hiền giả A-nan, đáp nhanh đi, đáp nhanh đi, này A-nan, thầy đừng quấy rầy Thượng tôn Trưởng lão.”

Lúc đó Tôn giả A-nan trả lời rằng:

“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, hai mươi lăm năm qua, tôi đã hầu hạ Đức Phật, tôi nhớ lại chưa hề có lần nào phát khởi dục tâm. Vì sao vậy? Vì tôi thường hướng đến Thế Tôn và các vị đồng phạm hạnh với tâm niệm hổ thẹn.” Tôn giả A-nan nói như thế; đó là pháp vị tăng hữu của Tôn giả A-nan.

Lại nữa, có một thời Đức Thế Tôn trú thành Vương Xá, trú trong Nham sơn. Bấy giờ Thế Tôn bảo rằng:

“Này A-nan, ngươi nên nằm như cách nằm của sư tử.”

Tôn giả A-nan bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, sư tử, chúa tể của loài thú, nằm theo cách nào?”

Đức Thế Tôn đáp:

“Này A-nan, sư tử, chúa tể của loài thú, ban ngày đi tìm ăn, xong rồi vào hang; khi muốn ngủ, bốn chân xếp chồng lên nhau, ngay đuôi ra sau, nằm bằng hông bên phải; qua đêm đến sáng hôm sau, quay lại sau nhìn thân thể. Nếu sư tử chúa tể của loài thú, mà thân thể không ngay thẳng, thì khi thấy rồi, nó không vui. Nếu sư tử chúa tể của loài thú, mà thân thể được ngay ngắn khắp mọi phía, thì khi thấy rồi nó liền vui mừng. Nó từ chỗ nằm đứng dậy, ở trong hang đi ra; đi ra rồi gầm gừ; gầm gừ rồi tự ngắm thân thể; tự ngắm thân thể rồi nhìn khắp bốn hướng, xoay nhìn khắp bốn hướng rồi liền rống lên ba lần, rống ba lần rồi liền đi tìm ăn. Cách thức nằm của sư tử chúa là như vậy.”

Tôn giả A-nan bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, cách thức nằm của sư tử, chúa tể của loài thú, là như vậy. Còn cách nằm của Tỳ-kheo phải như thế nào?”

Đức Thế Tôn đáp rằng:

“Này A-nan, nếu Tỳ-kheo sống nơi thôn ấp, khi đêm đã qua, vào lúc sáng sớm, khoác y ôm bát, đi vào thôn khất thực, khéo hộ trì thân thể, nhiếp thủ các căn, trụ với chánh niệm. Vị ấy từ thôn ấp khất thực xong, xếp y cất bát, rửa sạch tay chân, vắt Ni-sư-đàn lên vai đi đến chỗ rừng vắng, hoặc đến dưới bóng cây, hoặc vào trong nhà trống, hoặc kinh hành, hoặc tọa thiền, tịnh trừ những pháp chướng ngại trong tâm. Ban ngày hoặc kinh hành hoặc tọa thiền để tịnh trừ những pháp chướng ngại trong tâm rồi. Lại vào đầu hôm hoặc kinh hành, hoặc tọa thiền, để tịnh trừ những pháp chướng ngại trong tâm. Sau khi hoặc kinh hành, hoặc tọa thiền để tịnh trừ những pháp chướng ngại trong tâm vào lúc đầu hôm rồi, đến nữa đêm đi vào tĩnh thất để nằm, xếp làm tư uất-đa-la-tăng [42], [474a] trải lên giường, gấp y tăng-già-lê [43] làm gối, nằm xuống phía hông bên phải, hai chân xếp chồng lên nhau, buộc ý vào ấn tượng ánh sáng [44], chánh niệm, chánh trí, hằng hướng tâm niệm đến ý tưởng sẽ trỗi dậy. Sau đêm ấy liền nhanh chóng ngồi dậy, hoăc kinh hành, hoặc tọa thiền, để tịnh trừ những pháp chướng ngại trong tâm. Như thế là pháp nằm như sư tử của Tỳ-kheo.”

Tôn giả A-nan bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, cách nằm như sư tử của Tỳ-kheo là như vậy.”

Tôn giả A-nan lại nói như vầy:

“Này Chư Hiền, Đức Thế Tôn dạy tôi cách nằm giống như sư tử; từ đó trở đi chưa hề có lần nào tôi nằm nghiêng về bên hông trái.” Tôn giả A-nan nói như thế;đó là pháp vị tằng hữu của Tỳ-kheo A-nan.

Lại nữa, có thời Đức Thế Tôn trú Câu-thi-na-kiệt [45], trụ trong rừng Sa-la của Hòa-bạt-đan Lực sĩ [46]. Bấy giờ là lúc tối hậu, Thế Tôn sắp nhập Bát-niết-bàn, Ngài bảo rằng: ‘Này A-nan, ngươi hãy đi đến giữa hai cây Song thọ, trải giường đầu quay về hướng Bắc, cho Như Lai. Nửa khuya đêm nay Như Lai sẽ Bát-niết-bàn.”

Tôn giả A-nan vâng lời dạy của Như Lai, liền đến giữa hai cây Song thọ trải giường nằm, đầu quay về hướng Bắc cho Đức Như Lai. Trải giường rồi trở về nơi Đức Phật, cúi đầu lễ chân Phật, đứng sang một bên, thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, con đã trải giường nằm, đầu quay hướng Bắc, cho Đức Như Lai, ở giữa hai cây Song thọ. Kính mong Đức Thế Tôn tự nên biết thời.”

Bấy giờ Đức Thế Tôn dẫn Tôn giả A-nan đến giữa hai cây Song thọ, xếp làm tư uất-đà-la-tăng trải lên giường, gấp y tăng-già-lê làm gối, nằm về hướng hông bên phải, hai chân xếp chồng lên nhau. Lúc tối hậu sắp Bát-niết-bàn, Tôn giả A-nan quạt hầu Phật, đưa tay gạt nước mắt, rồi nghĩ như vầy: ‘Trước kia, có chúng Tỳ-kheo ở các nơi muốn đến thăm viếng Đức Thế Tôn để cúng dường lễ bái, họ đều có thể tùy lúc mà được thăm viếng Đức Thế Tôn để lễ bái cúng dường. Nếu nghe Đức Thế Tôn đã Bát-niết-bàn, họ sẽ không còn đến để được thăm viếng Đức Thế Tôn mà cúng dường lễ bái. Ta cũng không còn tùy lúc mà thăm viếng Đức Thế Tôn để cúng dường lễ bái’. [47]

Bấy giờ, Đức Thế Tôn hỏi các Tỳ-kheo rằng:

“Tỳ-kheo A-nan bây giờ ở đâu?”

Lúc ấy các Tỳ-kheo bạch rằng:

 “Bạch Thế Tôn, Tôn giả A-nan đang cầm quạt hầu Phật, đưa tay gạt nước mắt rồi nghĩ thế này: ‘Trước kia, có chúng Tỳ-kheo ở các nơi muốn đến thăm viếng Đức Thế Tôn để cúng dường lễ bái, thì đều có thể tùy lúc mà được thăm viếng Đức Thế Tôn để lễ bái cúng dường. Nếu họ nghe Đức Thế Tôn đã Bát-niết-bàn thì họ sẽ không còn đến để được thăm viếng Đức Thế Tôn mà cúng dường lễ bái. Ta cũng không còn tùy lúc mà thăm viếng Đức Thế Tôn để cúng dường lễ bái’.”

Bấy giờ [474b] Thế Tôn bảo rằng:

“Này A-nan, ngươi chớ khóc lóc, cũng chớ buồn rầu. Vì sao vậy? Này A-nan, ngươi hầu hạ Ta, thân hành từ hòa, khẩu và ý hành từ hòa, chưa từng có hai lòng, an lạc vô lường, vô biên, vô hạn. Này A-nan, nếu các Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, trong đời quá khứ, có người thị giả nào hầu hạ cũng không thể hơn ngươi được. Này A-nan, nếu các Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, trong đời vị lai, có người thị giả nào hầu hạ cũng không thể hơn ngươi được. Này A-nan, Ta, Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, trong đời hiện tại, nếu có người nào làm thị giả, cũng không thể hơn ngươi được. Vì sao vậy? A-nan khéo biết thời, khéo phân biệt được thời, biết lúc nào là thời nên đến gặp Như Lai, lúc nào không phải là thời đến gặp Như Lai; biết lúc nào là thời chúng Tỳ-kheo và chúng Tỳ-kheo-ni nên đến gặp Như Lai, lúc nào không phải là thời chúng Tỳ-kheo và chúng Tỳ-kheo-ni nên đến gặp Như Lai; biết lúc nào là thời chúng Ưu-bà-tắc và chúng Ưu-bà-di nên đến gặp Như Lai, lúc nào không phải là thời chúng Ưu-bà-tắc và chúng Ưu-bà-di nên đến gặp Như Lai; biết lúc nào các hàng Sa-môn, Bà-la-môn, Dị học nên đến gặp Như Lai, biết lúc nào các hàng Sa-môn, Bà-la-môn, Dị học không nên đến gặp Như Lai; biết lúc nào các hàng Sa-môn, Bà-la-môn, Dị học không nên đến gặp Như Lai; biết các hàng Sa-môn, Bà-la-môn, Dị học nào có thể bàn luận với Như Lai; biết các hàng Sa-môn, Bà-la-môn, Dị học nào không thể bàn luận với Như Lai; biết thức ăn loại cứng hay loại mềm nào Đức Như Lai dùng rồi sẽ an ổn, có lợi ích loại cứng hay loại mềm nào Đức Như Lai dùng rồi sẽ không được an ổn, có lợi ích; thức ăn loại cứng hay loại mềm nào Đức Như Lai dùng rồi sẽ được biện tài thuyết pháp. Biết thức ăn loại cứng hay loại mềm nào Đức Như Lai dùng rồi sẽ không được biẹân tài thuyết pháp.

“Lại nữa, này A-nan, ngươi tuy không có tha tâm trí, nhưng có thể khéo biết trước được Đức Như Lai sẽ thuyết pháp cho ai khi Như Lai rời tĩnh tọa đứng dậy vào buổi xế, hôm nay Đức Như Lai sẽ làm như vậy, sẽ hiện pháp lạc trụ như vậy, nhận xét đúng lời Ngài nói, chắc thật không thể sai khác.”

Bấy giờ Đức Thế Tôn muốn làm cho A-nan vui vẻ, bảo với các thầy Tỳ-kheo ấy rằng:

“Vị Chuyển luân Thánh vương có bốn pháp vị tằng hữu. [48] Những gì là bốn? Đó là chúng Sát-lị đến yết kiến Chuyển luân vương, nếu lúc ấy im lặng, họ thấy vậy liền vui vẻ, nếu lúc ấy có nói gì, họ nghe rồi liền vui vẻ. Tỳ-kheo A-nan cũng giống như vậy, nghĩa là có bốn pháp vị tằng hữu. Những gì là bốn? Đó là chúng Tỳ-kheo [474c] khi đến gặp A-nan, nếu lúc ấy im lặng, thấy vậy liền vui vẻ, nếu lúc ấy có nói gì, họ nghe rồi liền hoan hỷ. Chúng Tỳ-kheo-ni, chúng Ưu-bà-tắc, chúng Ưu-bà-di, nếu gặp A-nan, gặp lúc im lặng, thấy vậy liền hoan hỷ, nếu lúc ấy có nói gì, nghe rồi liền hoan hỷ.

“Lại nữa, A-nan thuyết pháp cho đại chúng, có bốn pháp vị tằng hữu. Những gì là bốn? Tỳ-kheo A-nan thuyết pháp cho chúng Tỳ-kheo bằng chí tâm, không phải không chí tâm. Chúng Tỳ-kheo kia cũng nghĩ như vầy: ‘Mong Tôn giả A-nan thường thuyết pháp, không dừng lại nửa chừng. Chúng Tỳ-kheo kia nghe Tôn giả A-nan thuyết pháp, hoàn toàn không chán nản. Nhưng Tỳ-kheo A-nan tự nhiên ngồi im lặng’. Tỳ kheo A-nan thuyết pháp cho chúng Tỳ-kheo-ni, chúng Ưu-bà-tắc, chúng Ưu-bà-di, bằng chí tâm, không phải không chí tâm. Chúng Ưu-bà-di ấy cũng nghĩ như vầy: ‘Mong Tôn giả A-nan thường thuyết pháp, không dừng lại nửa chừng. Chúng Ưu-bà-di kia nghe Tôn giả A-nan thuyết pháp, hoàn toàn không chán nản. Nhưng Tỳ-kheo A-nan tự nhiên ngồi im lặng.’” [49]

Lại nữa, một thời sau khi Thế Tôn Bát-niết-bàn không bao lâu, Tôn giả A-nan trú tại Kim cang [50], trú ở thôn Kim cang. Bấy giờ Tôn giả A-nan thuyết pháp cho vô lượng trăm ngàn đại chúng vây quanh trước sau. Bấy giờ, Tôn giả Kim Cang Tử [51] cũng đang ở trong đại chúng ấy. Tôn giả Kim Cang Tử trong tâm suy nghĩ như vầy: ‘Tôn giả A-nan này vẫn còn là bậc hữu học chưa ly dục sao? Ta nên như vậy, và bằng định ấy mà quan sát tâm của Tôn giả A-nan’. Thế rồi Tôn giả Kim Cang Tử nhập định, và bằng định như vậy mà quan sát tâm của Tôn giả A-nan. Tôn giả Kim Cang Tử biết Tôn giả A-nan vẫn còn là hữu học nên chưa ly dục. Bấy giờ Tôn giả ra khỏi tam muội, hướng về Tôn giả A-nan nói bài tụng rằng:

Núi rừng vắng tư duy,

Khiến tâm trụ Niết-bàn,

Cù-đàm Thiền không loạn,

Sẽ sớm chứng tịch tĩnh. [52]

Bấy giờ Tôn giả A-nan vâng theo lời của Tôn giả Kim Cang Tử, rời bỏ chỗ đông mà sống một mình, tinh tấn, không tán loạn. Tôn giả rời bỏ chỗ đông, sống một mình, tinh tấn, không tán loạn, để đạt mục đích vì đó mà một thiện nam tử đã cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo; chỉ vì mục đích là thành tựu phạm hạnh vô thượng, ngay trong đời hiện tại, tự tri tự giác, tự chứng nghiệm, thành tựu và an trụ, biết như thật rằng: ‘Sự sanh đã đứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã xong, không còn [475a] tái sanh nữa’.

Tôn giả A-nan biết pháp rồi, cho đến, chứng đắc A-la-hán [53]. Tôn giả A-nan nói vầy:

“Này Chư Hiền, tôi ngồi trên giường, ngả đầu chưa đụng gối, liền đoạn tất cả lậu, chứng tâm giải thoát.” Tôn giả A-nan nói như thế; đó là pháp vị tằng hữu của Tỳ-kheo A-nan.

Tôn giả A-nan lại nói:

“Này Chư Hiền, tôi sẽ ngồi kiết già để Bát-niết-bàn.” Tôn giả A-nan liền ngồi kiết già mà Bát-niết-bàn. Tôn giả A-nan ngồi kiết già mà Bát-niết-bàn; đó là pháp vị tằng hữu của Tỳ-kheo A-nan.

Đức Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

34. KINH BẠC-CÂU-LA

Tôi nghe như vầy:

Một thời, sau khi Phật nhập Niết-bàn không bao lâu, Tôn giả Bạc-câu-la [54] đang trú tại thành Vương xá, trong Trúc lâm vườn Ca-lan-đa.

Bấy giờ có một người dị học [55], vốn là bằng hữu thân thiết với Tôn giả Bạc-câu-la khi ngài chưa xuất gia, vào buổi xế, loanh quanh rồi đi đến chỗ Tôn giả Bạc-câu-la, chào hỏi rồi ngồi sang một bên. Dị học nói rằng:

“Hiền giả Bạc-câu-la, tôi có điều muốn hỏi; có thể cho tôi được hỏi chăng?”

Tôn giả Bạc-câu-la trả lời:

“Này Dị học, tùy điều ông hỏi, tôi nghe rồi suy nghĩ.”

 Dị học hỏi:

“Hiền giả Bạc-câu-la, ngài đã theo học trong Chánh pháp luật này được bao lâu?”

Tôn giả Bạc-câu-la trả lời:

“Này Dị học, tôi theo học trong Chánh pháp luật này đến nay đã là tám mươi năm.”

Dị học hỏi rằng:

“Hiền giả Bạc-câu-la, ngài đã theo học trong Chánh pháp luật này đến nay là tám mươi năm; Ngài nhớ có lần nào ngài làm việc dâm dục chăng?”

Tôn giả Bạc-câu-la bảo dị học rằng:

“Ông đừng hỏi như vậy, mà hãy hỏi một cách khác: ‘Hiền giả Bạc-câu-la, ngài học đạo trong Chánh pháp luật này được tám mươi năm, ngài nhớ có lần nào khởi lên dục tưởng [56] chăng?’ Ông nên hỏi như vậy.”

Bấy giờ dị học liền nói như vầy:

“Tôi nay lại hỏi rằng: ‘Hiền giả Bạc-câu-la, ngài học đạo trong Chánh pháp luật này được tám mươi năm, ngài nhớ có lần nào khởi lên dục tưởng chăng?’”

Bấy giờ Tôn giả Bạc-câu-la nhân người dị học hỏi như vậy, liền nói với [475b] các Tỳ-kheo rằng:

“Này Chư Hiền, tôi đã học đạo trong Chánh pháp luật này đến nay là tám mươi năm, nếu nhân đó khởi cống cao, ý tưởng đó hoàn toàn không có.”

Tôn giả Bạc-câu-la nói như vậy; đó là pháp vị tằng hữu của Tôn giả Bạc-câu-la.

Lại nữa, Tôn giả Bạc-câu-la nói như vầy:

“Này Chư Hiền, tôi đã học đạo trong Chánh pháp luật này đến nay là tám mươi năm, chưa từng khởi dục tưởng.”

Tôn giả Bạc-câu-la nói như vậy; đó là pháp vị tằng hữu của Tôn giả Bạc-câu-la.

Lại nữa, Tôn giả Bạc-câu-la nói như vầy:

“Này Chư Hiền, tôi thọ trì y phấn tảo [57] đến nay là tám mươi năm. Nếu tôi nhân đó mà khởi tâm cống cao, ý tưởng đó hoàn toàn không có.”

Tôn giả Bạc-câu-la nói như vậy; đó là pháp vị tằng hữu của Tôn giả Bạc-câu-la.

Lại nữa, Tôn giả Bạc-câu-la nói như vầy:

“Này Chư Hiền, tôi thọ trì y phấn tảo đến nay là tám mươi năm; tôi nhớ chưa từng thọ y của người cư sĩ [58], chưa từng cắt may y, chưa từng nhờ người khác may hộ y, chưa từng dùng kim khâu y, chưa từng dùng kim khâu túi, dù là một sợi chỉ.”

Tôn giả Bạc-câu-la nói như vậy; đó là pháp vị tằng hữu của Tôn giả Bạc-câu-la.

Lại nữa, Tôn giả Bạc-câu-la nói như vầy:

“Này Chư Hiền, tôi khất thực đến nay là tám mươi năm; nếu tôi nhân đó mà khởi tâm cống cao, ý tưởng đó hoàn toàn không có.”

Tôn giả Bạc-câu-la nói như vậy; đó là pháp vị tằng hữu của Tôn giả Bạc-câu-la.

Lại nữa, Tôn giả Bạc-câu-la nói như vầy:

“Này Chư Hiền, tôi khất thực đến nay là tám mươi năm; tôi nhớ, chưa hề nhận lời mời của cư sĩ, chưa hề khất thực vượt thứ tự [59], chưa hề khất thực nơi các nhà lớn để nhận các thứ đồ ăn loại cứng, loại mềm [60] rất dồi dào, rất tinh khiết và mỹ vị; chưa hề nhìn ngắm người nữ; chưa hề vào khu vực Tỳ-kheo-ni, chưa hề cùng Tỳ-kheo-ni hỏi chuyện, cho đến cũng chưa hề nói chuyện giữa đường.”

Tôn giả Bạc-câu-la nói như vậy; đó là pháp vị tằng hữu của Tôn giả Bạc-câu-la.

Lại nữa, Tôn giả Bạc-câu-la nói như vầy:

“Này Chư Hiền, tôi ở trong Chánh pháp luật này học đạo đã tám mươi năm, chưa hề nuôi Sa-di, chưa hề thuyết pháp cho bạch y; cho đến chưa hề nói cho họ chỉ bốn câu tụng.”

Tôn giả Bạc-câu-la nói như vậy; đó là pháp vị tằng hữu của Tôn giả Bạc-câu-la.

Lại nữa, Tôn giả Bạc-câu-la nói như vầy:

“Này Chư Hiền, tôi ở trong Chánh pháp luật này học đạo [475c] đã tám mươi năm, chưa hề có bệnh, cho đến dù chỉ nhức đầu trong khoảng búng ngón tay; chưa hề uống thuốc, cho đến dù chỉ một quả ha-lê-lặc [61].”

Tôn giả Bạc-câu-la nói như vậy; đó là pháp vị tằng hữu của Tôn giả Bạc-câu-la.

Lại nữa, Tôn giả Bạc-câu-la nói như vầy:

“Này Chư Hiền, trong tám mươi năm qua, khi tôi ngồi kiết già, chưa từng dựa vào vách hay dựa vào cây.”

Tôn giả Bạc-câu-la nói như vậy; đó là pháp vị tằng hữu của Tôn giả Bạc-câu-la.

Lại nữa, Tôn giả Bạc-câu-la nói như vầy:

“Này Chư Hiền, trong vòng ba ngày ba đêm, tôi chứng đắc ba minh đạt [62].”

Tôn giả Bạc-câu-la nói như vậy; đó là pháp vị tằng hữu của Tôn giả Bạc-câu-la.

Lại nữa, Tôn giả Bạc-câu-la nói như vầy:

“Này Chư Hiền, tôi sẽ ngồi kiết già để vào Niết-bàn.”

Tôn giả Bạc-câu-la nói như vậy; đó là pháp vị tằng hữu của Tôn giả Bạc-câu-la.           

Tôn giả Bạc-câu-la thuyết như vầy. Các Tỳ-kheo và người Dị học sau khi nghe Tôn giả Bạc-câu-la thuyết, hoan hỷ phụng hành.

35. KINH A-TU-LA

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại Tì-lan-nhã [63], trong vườn Hoàng lô [64].

Bấy giờ vua A-tu-la là Bà-la-la [65] con trai của Mâu-lê-già A-tu-la [66], sắc tướng uy nghi, ánh sáng chói rực, vào lúc đêm gần sáng, đi đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Thế Tôn rồi ngồi sang một bên.

Đức Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Bà-la-la, phải chăng trong đại hải, A-tu-la không bị các sự suy thối này, là tuổi thọ của A-tu-la, sắc tướng của A-tu-la, sự hoan lạc của A-tu-la, sức mạnh của A-tu-la? Các A-tu-la cũng thích sống trong đại hải chăng?”

Vua A-tu-la là Bà-la-la con trai của Mâu-lê-già A-tu-la trả lời rằng:

“Bạch Thế Tôn, các A-tu-la của con ở trong đại hải không bị các sự suy thối này, là tuổi thọ của A-tu-la, sắc tướng của A-tu-la, sự hoan lạc của A-tu-la, sức mạnh của A-tu-la. Các A-tu-la thích sống trong đại hải.”

Thế Tôn lại hỏi:

“Này Bà-la-la, trong đại hải có mấy pháp vị tằng hữu, khiến cho các A-tu-la thấy vậy nên thích sống trong ấy?”

Bà-la-la trả lời rằng:

“Trong đại hải của con có [476a] tám pháp vị tằng hữu, khiến cho các A-tu-la thấy vậy nên thích sống trong ấy. Những gì là tám?

“Bạch Thế Tôn, đại hải của con từ đáy lên trên, chu vi dần dần rộng hơn, nghiêng chênh chếch lên dần mãi tạo thành bờ biển. Nước trong ấy luôn luôn đầy, chưa từng chảy ra ngoài. Bạch Thế Tôn, đây là pháp vị tằng hữu thứ nhất trong đại hải của con: đại hải của con từ đáy lên trên, chu vi dần dần rộng hơn, nghiêng chênh chếch lên dần mãi tạo thành bờ biển. Nước trong ấy luôn luôn đầy, chưa từng chảy ra ngoài. Các A-tu-la thấy vậy bèn thích sống ở trong đó.

“Lại nữa, bạch Thế Tôn, thủy triều trong đại hải của con chưa từng sai thời. Bạch Thế Tôn, đây là pháp vị tằng hữu thứ hai trong đại hải của con: thủy triều trong đại hải của con chưa từng sai thời. Các A-tu-la thấy vậy bèn thích sống trong đó.

“Lại nữa, bạch Thế Tôn, nước trong đại hải của con rất sâu không có đáy, rất rộng không thấy bờ. Bạch Thế Tôn, đây là pháp vị tằng hữu thứ ba trong đại hải của con: nước trong đại hải của con rất không sâu có đáy, rất rộng không thấy bờ. Các A-tu-la thấy vậy bèn thích sống trong đó.

“Lại nữa, bạch Thế Tôn, nước trong đại hải của con đều cùng một vị. Bạch Thế Tôn, đây là pháp vị tằng hữu thứ tư trong đại hải của con: nước trong đại hải của con cùng một vị. Các A-tu-la thấy vậy bèn thích sống trong đó.

“Lại nữa, bạch Thế Tôn, trong đại hải của con có rất nhiều trân bảo, vô lượng đồ quí báu lạ mắt; đủ các loại đồ trân kỳ được chứa đầy trong đó. Tên của các trân bảo đó là vàng, bạc, thủy tinh, lưu ly, ma ni, trân châu, bích ngọc, bạch kha, loa bích, san hô, hổ phách, mã não, đồi mồi, đá đỏ, tuyền châu. Bạch Thế Tôn, đây là pháp vị tằng hữu thứ năm trong đại hải của con: trong đại hải của con có rất nhiều trân bảo, vô lượng đồ quí báu lạ mắt; đủ các loại đồ trân kỳ được chứa đầy trong đó. Tên của các trân bảo đó là vàng, bạc, thủy tinh, lưu ly, ma ni, trân châu, bích ngọc, bạch kha, loa bích, san hô, hổ phách, mã não, đồi mồi, đá đỏ, tuyền châu. Các A-tu-la thấy vậy bèn thích sống trong đó.

“Lại nữa, bạch Thế Tôn, đại hải là chỗ cư trú của các vị thần lớn [67]. Những vị thần đó tên là A-tu-la, Kiền-thát-bà [68], La-sát [69], [476b] cá kình [70], rùa, cá sấu [71], Bà-lưu-nê [72], Đế-nghê [73], Đế-nghê-già-la [74], Đề-đế-nghê-già-la [75]. Lại nữa, trong đại hải, rất kỳ lạ, rất đặc biệt, có chúng sanh thân thể tới một trăm do-tuần, hai trăm do-tuần, cho đến ba trăm do-tuần, bảy trăm do-tuần mà thân vẫn ở trong đại hải. Bạch Thế Tôn, đây là pháp vị tằng hữu thứ sáu trong đại hải của con: có những vị thần cư trú trong đại hải của con; những vị thần đó tên là A-tu-la, Kiền-thát-bà, La-sát, cá kình, rùa, cá sấu, Bà-lưu-nê, Đế-nghê, Đế-nghê-già-la, Đề-đế-nghê-già-la. Lại nữa, trong đại hải, rất kỳ lạ, rất đặc biệt, có chúng sanh thân thể tới một trăm do-tuần, hai trăm do-tuần, cho đến ba trăm do-tuần, bảy trăm do-tuần mà thân vẫn ở trong đại hải. Các A-tu-la thấy vậy bèn thích sống trong đó.

“Lại nữa, bạch Thế Tôn, đại hải của con thanh tịnh không dung chứa tử thi. Nếu có người nào mạng chung thì qua một đêm gió liền thổi tấp vào bờ. Bạch Thế Tôn, đây là pháp vị tằng hữu thứ bảy trong đại hải của con: đại hải của con thanh tịnh không dung chứa tử thi. Nếu có người nào mạng chung thì qua một đêm gió liền thổi tấp vào bờ. Các A-tu-la thấy vậy bèn thích sống trong đó.

“Lại nữa, bạch Thế Tôn, trong đại hải của con thuộc về châu Diêm-phù có năm sông lớn, là Hằng-già, Diêu-vưu-na, Xa-lao-phù, A-di-la-ba-đề, Ma-xí [76]. Tất cả đều chảy vào đại hải. Chảy vào đó rồi, thảy đều bỏ tên cũ, gọi chung là đại hải. Bạch Thế Tôn, đây là pháp vị tằng hữu thứ tám trong đại hải của con: trong đại hải của con thuộc về châu Diêm-phù có năm sông lớn, là Hằng-già, Diêu-vưu-na, Xa-lao-phù, A-di-la-ba-đề, Ma-xí. Tất cả đều chảy vào đại hải. Chảy vào đó rồi, thảy đều bỏ tên cũ, gọi chung là đại hải. Các A-tu-la thấy vậy bèn thích sống trong đó.

 “Bạch Thế Tôn, đó là tám vị tằng hữu trong đại hải của con. Các A-tu-la thấy vậy nên thích sống trong ấy.

“Bạch Thế Tôn, trong Chánh pháp luật của Thế Tôn có mấy pháp vị tằng hữu, khiến cho các Tỳ-kheo thấy được bèn hoan lạc trong đó?”

Thế Tôn đáp:

“Này Bà-la-la, trong Chánh pháp luật của ta cũng có tám pháp vị tằng hữu, khiến cho các Tỳ-kheo thấy được bèn hoan lạc trong đó. Những gì là tám?

“Này Bà-la-la, giống như đại hải, từ đáy lên trên, chu vi dần dần rộng hơn, nghiêng chênh chếch lên dần mãi tạo thành bờ biển. Nước trong ấy luôn luôn đầy, chưa từng chảy ra ngoài. Này Bà-la-la, Chánh pháp luật của Ta cũng giống như vậy, dần dần thực hành, dần dần học tập, dần dần đoạn trừ và dần dần giáo hóa. Này Bà-la-la, đây là pháp vị tằng hữu thứ nhất trong Chánh pháp luật của Ta, khiến cho các Tỳ-kheo thấy rồi thích sống trong đó: trong chánh pháp Ta dần dần thực hành, dần dần học, dần dần đoạn trừ và dần dần giáo hóa.

“Lại nữa, này Bà-la-la, giống như thủy triều trong đại hải chưa từng sai thời. Này Bà-la-la, Chánh pháp luật của Ta cũng giống như vậy, những cấm giới được thi thiết cho Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, [476c] Ưu-bà-di; các thiện nam tử ấy dù cho đến mạng chung cũng không phạm giới. Này Bà-la-la, đây là pháp vị tằng hữu thứ hai trong Chánh pháp luật của Ta, khiến cho các Tỳ-kheo thấy rồi thích sống trong đó: trong Chánh pháp luật của Ta những cấm giới được thi thiết cho Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di; các thiện nam tử ấy dù cho đến mạng chung cũng không phạm giới.    

“Lại nữa, này Bà-la-la, giống như nước trong đại hải rất sâu không đáy, rộng không thấy bờ. Này Bà-la-la, Chánh pháp luật của Ta cũng giống như vậy, các pháp rất sâu không đáy, rất rộng không thấy bờ. Này Bà-la-la đây là pháp vị tằng hữu thứ ba trong Chánh pháp luật của Ta, khiến cho các Tỳ-kheo thấy rồi thích sống trong đó: Chánh pháp luật của Ta rất sâu không có đáy, rất rộng không thấy bờ.

“Lại nữa, này Bà-la-la, giống như nước trong đại hải cùng một vị mặn. Này Bà-la-la, Chánh pháp của ta cũng giống như vậy, chỉ có một vị là vị vô dục, vị giác, vị tịch tĩnh và vị đạo. Này Bà-la-la đây là pháp vị tằng hữu thứ tư trong Chánh pháp luật của Ta, khiến cho các Tỳ-kheo thấy rồi thích sống trong đó: Chánh pháp luật của Ta chỉ có một vị là vị vô dục, vị giác, vị tịch tĩnh và vị đạo.

“Lại nữa, này Bà-la-la, giống như đại hải có rất nhiều trân bảo, vô lượng đồ quí báu lạ mắt; đủ các loại đồ trân kỳ được chứa đầy trong đó. Tên của các trân bảo đó là vàng, bạc, thủy tinh, lưu ly, ma ni, trân châu, bích ngọc, bạch kha, loa bích, san hô, hổ phách, mã não, đồi mồi, đá đỏ, tuyền châu. Này Bà-la-la, Chánh pháp luật của Ta cũng giống như vậy, có rất nhiều trân bảo, vô lượng đồ quí báu lạ mắt; đủ các loại đồ trân kỳ được chứa đầy trong đó. Những pháp trân bảo đó là: bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy giác chi, Thánh đạo tám chi. Này Bà-la-la đây là pháp vị tằng hữu năm hai trong Chánh pháp luật của Ta, khiến cho các Tỳ-kheo thấy rồi thích sống trong đó: trong Chánh pháp luật của Ta cũng có rất nhiều trân bảo, vô lượng đồ quí báu lạ mắt; đủ các loại đồ trân kỳ được chứa đầy trong đó. Những pháp trân bảo đó là: bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy giác chi, Thánh đạo tám chi.

“Lại nữa, này Bà-la-la, giống như đại hải là chỗ cư trú của các vị thần lớn. Những vị thần đó tên là A-tu-la, Kiền-thấp-hòa, La-sát, cá kình, rùa, cá sấu, Bà-lưu-nê, Đế-nghê, Đế-nghê-già-la, Đề-đế-nghê-già-la. Lại nữa, trong đại hải, rất kỳ lạ, rất đặc biệt, có chúng sanh thân thể tới một trăm do-tuần, [577a] hai trăm do-tuần, cho đến ba trăm do-tuần, bảy trăm do-tuần mà thân vẫn ở trong trong đại hải. Này Bà-la-la, Chánh pháp luật của Ta cũng giống như vậy, có các thần to lớn, là Thánh chúng, đều cư trú trong đó. Tên của các thần to lớn đó là: A-la-hán, Hướng A-la-hán, A-na-hàm, Hướng A-na-hàm, Tư-đà-hàm, Hướng Tư-đà-hàm, Tu-đà-hoàn, Hướng Tu-đà-hoàn. Này Bà-la-la đây là pháp vị tằng hữu thứ sáu trong Chánh pháp luật của Ta, khiến cho các Tỳ-kheo thấy rồi thích sống trong đó: trong Chánh pháp luật của Ta, có các thần to lớn, là Thánh chúng, đều cư trú trong đó. Tên của các thần to lớn đó là: A-la-hán, Hướng A-la-hán, A-na-hàm, Hướng A-na-hàm, Tư-đà-hàm, Hướng Tư-đà-hàm, Tu-đà-hoàn, Hướng Tu-đà-hoàn.

“Lại nữa, này Bà-la-la, giống như đại hải thanh tịnh không dung chứa tử thi, nếu có người mạng chung trong biển, thì qua một đêm, gió sẽ thổi tấp vào bờ. Này Bà-la-la, Chánh pháp luật của ta cũng giống như vậy, Thánh chúng thanh tịnh không dung chứa tử thi. Nếu có người nào không tinh tấn, sanh ra điều ác, phi phạm hạnh mà xưng là phạm hạnh, phi Sa-môn mà xưng là Sa-môn; người ấy dù ở trong Thánh chúng, nhưng cách Thánh chúng rất xa; Thánh chúng cũng lại cách người ấy rất xa. Này Bà-la-la đây là pháp vị tằng hữu thứ bảy trong Chánh pháp luật của Ta, khiến cho các Tỳ-kheo thấy rồi thích sống trong đó: trong Chánh pháp luật của Ta cũng giống như vậy, Thánh chúng thanh tịnh không dung chứa tử thi. Nếu có người nào không tinh tấn, sanh ra điều ác, phi phạm hạnh mà xưng là phạm hạnh, phi Sa-môn mà xưng là Sa-môn; người ấy dù ở trong Thánh chúng, nhưng cách Thánh chúng rất xa; Thánh chúng cũng lại cách người ấy rất xa.

“Lại nữa, này Bà-la-la, giống như đại hải thuộc về châu Diêm-phù có năm sông lớn, là Hằng-già, Diêu-vưu-na, Xa-lao-phù, A-di-la-ba-đề, Ma-xí. Tất cả đều chảy vào đại hải. Này Bà-la-la, Chánh pháp luật của Ta cũng giống như thế; thiện nam tử, thuộc dòng Sát-lị, cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo; người ấy bỏ tên cũ, có tên chung là Sa-môn. Thiện nam tử thuộc dòng Bà-la-môn, dòng cư sĩ, dòng thợ thuyền, cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo; người ấy bỏ tên cũ, có tên chung là Sa-môn. Này Bà-la-la, đây là pháp vị tằng hữu thứ tám trong Chánh pháp luật của Ta, khiến cho các Tỳ-kheo thấy rồi thích sống trong đó: trong Chánh pháp luật của ta, thiện nam tử, thuộc dòng Sát-lị, cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, [477b] xuất gia học đạo; người ấy bỏ tên cũ, có tên chung là Sa-môn. Thiện nam tử thuộc dòng Bà-la-môn, dòng cư sĩ, dòng thợ thuyền, cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo; người ấy bỏ tên cũ, có tên chung là Sa-môn.

“Này Bà-la-la, đó là tám pháp vị tằng hữu trong Chánh pháp luật của Ta, khiến cho các Tỳ-kheo thấy rồi ưa thích trú trong đó.

“Này Bà-la-la, ý ông nghĩ thế nào? Trong Chánh pháp luật của Ta có tám pháp vị tằng hữu, trong đại hải của ông cũng có tám pháp vị tằng hữu; hai loại vị tằng hữu ấy, loại nào thù Thắng Lâm hơn? Vi diệu, tối thượng hơn?

Bà-la-la thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, tám pháp vị tằng hữu có trong đại hải của con không bằng tám pháp vị tằng hữu của Như Lai; không bằng một phần ngàn, một phần vạn; không thể so sánh, không thể ví dụ, không thể đếm, không thể kể, chỉ có tám pháp vị tằng hữu của Thế Tôn là cao hơn cả, là tối Thắng Lâm, là vi diệu, là tối thượng.

“Hôm nay con xin tự quy y Phật, quy y Pháp và Chúng Tỳ-kheo; cúi mong Thế Tôn chấp nhận cho con làm Ưu-bà-tắc; bắt đầu từ hôm nay, con thân tự quy y, cho đến mạng chung.”

Đức Phật thuyết như vậy. A-tu-la vương Bà-la-la và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành. [77]

36. KINH ĐỊA ĐỘNG

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại nước Kim cang [78], thành Viết-địa [79].

Bấy giờ cõi đất kia bị chấn động mạnh [80]. Khi cõi đất bị chấn động mạnh, bốn mặt gió lớn nổi lên, bốn phương sao chổi mọc; nhà cửa, tường vách, tất cả đều sụp đổ.

Lúc đó, Tôn giả A-nan thấy cõi đất bị chấn động mạnh. Khi cõi đất bị chấn động mạnh, bốn mặt gió lớn nổi lên, bốn phương sao chổi mọc; nhà cửa, tường vách, tất cả đều sụp đổ. A-nan thấy rồi sợ hãi, toàn thân lông dựng đứng; đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, đứng sang một bên, [477c] rồi thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, hôm nay cõi đất bị chấn động mạnh. Khi cõi đất bị chấn động mạnh, bốn mặt gió lớn nổi lên, bốn phương sao chổi mọc; nhà cửa, tường vách, tất cả đều sụp đổ.”            

Bấy giờ, Thế Tôn bảo A-nan rằng:

“Thật vậy, A-nan, nay đất bị chấn động mạnh. Thật vậy, A-nan, khi cõi đất bị chấn động mạnh, bốn mặt gió lớn nổi lên, bốn phương sao chổi mọc; nhà cửa, tường vách, tất cả đều sụp đổ.”

A-nan bạch rằng:         

“Thế Tôn, có mấy nguyên nhân cõi đất bị chấn động mạnh. Khi cõi đất bị chấn động mạnh, bốn mặt gió lớn nổi lên, bốn phương sao chổi mọc; nhà cửa, tường vách, tất cả đều sụp đổ?”

Thế Tôn đáp:

 “Này A-nan, có ba nguyên nhân khiến cõi đất bị chấn động mạnh. Khi cõi đất bị chấn động mạnh, bốn mặt gió lớn nổi lên, bốn phương sao chổi mọc; nhà cửa, tường vách, tất cả đều sụp đổ. Những gì là ba?

“Này A-nan, cõi đất này y chỉ trên nước; nước y chỉ trên gió; gió y vào hư không. A-nan, có khi trong hư không nổi lên gió lớn. Gió nổi lên thì nước bị khuấy động. Nước bị khuấy động thì xảy ra động đất. Đó là nguyên nhân thứ nhất khiến cõi đất bị chấn động mạnh. Khi cõi đất bị chấn động mạnh, bốn mặt gió lớn nổi lên, bốn phương sao chổi mọc; nhà cửa, tường vách, tất cả đều sụp đổ.

“Lại nữa, A-nan, Tỳ-kheo có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, tâm tự tại như ý túc. Vị ấy khởi lên ý tưởng nhỏ đối với đất, khởi ý tưởng vô lượng tưởng đối với nước [81]. Do nguyên nhân ấy nên đất tùy theo sở dục, tùy theo ý tưởng của vị ấy mà bị xoáy rồi lại xoáy, chấn động rồi lại chấn động. Vị trời theo hộ vệ vị Tỳ-kheo ấy cũng lại như vậy, có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, tâm tự tại như ý túc. Vị ấy khởi lên ý tưởng nhỏ đối với đất, khởi ý tưởng vô lượng tưởng đối với nước. Do nguyên nhân ấy nên đất tùy theo sở dục, tùy theo ý tưởng của vị ấy mà bị xoáy rồi lại xoáy, chấn động rồi lại chấn động. Đó là nguyên nhân thứ hai, khiến cõi đất bị chấn động mạnh. Khi cõi đất bị chấn động mạnh, bốn mặt gió lớn nổi lên, bốn phương sao chổi mọc; nhà cửa, tường vách, tất cả đều sụp đổ.

“Lại nữa, A-nan, còn không đầy ba tháng nữa, Như Lai sẽ nhập Niết-bàn. Do cớ ấy khiến cõi đất bị chấn động mạnh. Khi cõi đất bị chấn động mạnh, bốn mặt gió lớn nổi lên, bốn phương sao chổi mọc; nhà cửa, tường vách, tất cả đều sụp đổ. Đó là nguyên nhân thứ ba khiến cõi đất bị chấn động mạnh. Khi cõi đất bị chấn động mạnh, bốn mặt gió lớn nổi lên, bốn phương sao chổi mọc; nhà cửa, tường vách, tất cả đều sụp đổ.”

 Bấy giờ, sau khi nghe xong, Tôn giả A-nan buồn rầu khóc lóc, nước mắt đầm đìa, chắp tay hướng về Phật mà bạch rằng:

 “Bạch Thế Tôn, thật là kỳ diệu, thật là hy hữu! Đức Như Lai, Vô Sở Trước, [478a] Đẳng Chánh Giác, thành tựu công đức, có nhiều pháp vị tằng hữu. Vì sao thế? Vì không bao lâu nữa, sau ba tháng, Như Lai sẽ nhập Niết-bàn; bấy giờ khiến cõi đất bị chấn động mạnh. Khi cõi đất bị chấn động mạnh, bốn mặt gió lớn nổi lên, bốn phương sao chổi mọc; nhà cửa, tường vách, tất cả đều sụp đổ.”

Thế Tôn nói với Tôn giả A-nan rằng:

“Thật vậy, A-nan! Thật vậy, A-nan! Thật là kỳ diệu, thật là hy hữu, Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, thành tựu công đức, có nhiều pháp vị tằng hữu. Vì sao thế? Vì không bao lâu nữa, sau ba tháng, Như Lai sẽ nhập Niết-bàn; bấy giờ khiến cõi đất bị chấn động mạnh. Khi cõi đất bị chấn động mạnh, bốn mặt gió lớn nổi lên, bốn phương sao chổi mọc; nhà cửa, tường vách, tất cả đều sụp đổ [82].”

 “Lại nữa, này A-nan, Ta đi đến vô lượng trăm ngàn chúng Sát-lị, [83] cùng đàm luận khiến cho họ hài lòng. Sau khi cùng ngồi xuống ổn định, giống như sắc tướng của họ, sắc tướng Ta cũng vậy; giống như âm thanh của họ, âm thanh của Ta cũng như vậy; giống như oai nghi lễ tiết của họ, oai nghi lễ tiết của Ta cũng như vậy. Nếu họ có hỏi về ý nghĩa gì, Ta sẽ trả lời họ về ý nghĩa ấy. Lại nữa, Ta thuyết pháp cho họ, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi dùng vô lượng phương tiện, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ cho họ rồi, Ta biến mất khỏi nơi ấy. Khi Ta biến mất rồi, họ không biết Ta là ai, là người hay phi nhân. Này A-nan, như vậy thật là kỳ diệu, thật là hy hữu, Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, thành tựu công đức, có được pháp vị tằng hữu. Cũng như vậy, đối với các chúng Bà-la-môn, Sa-môn và cư sĩ.

“Này A-nan, Ta đi đến vô lượng trăm ngàn thiên chúng trời Tứ vương, cùng đàm luận khiến cho họ hài lòng. Sau khi cùng ngồi xuống ổn định, giống như sắc tướng của họ, sắc tướng Ta cũng vậy; giống như âm thanh của họ, âm thanh của Ta cũng như vậy; giống như oai nghi lễ tiết của họ, oai nghi lễ tiết của Ta cũng như vậy. Nếu họ có hỏi về ý nghĩa gì, Ta sẽ trả lời họ về ý nghĩa ấy. Lại nữa, Ta thuyết pháp cho họ, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi dùng vô lượng phương tiện, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ cho họ rồi, Ta biến mất khỏi nơi ấy. Khi Ta biến mất rồi, họ không biết Ta là ai, là người hay phi nhân. Này A-nan, như vậy thật là kỳ diệu, thật là hy hữu, Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, thành tựu công đức, có được pháp vị tằng hữu. Cũng vậy, đối với thiên chúng Tam Thập Tam Thiên, Diệm-ma thiên, Đâu-suất-đà thiên, Hóa lạc thiên, Tha hóa lạc thiên, Phạm thân thiên, Phạm-phú-lâu thiên, Thiểu quang thiên, Vô lượng quang thiên, Hoảng dục thiên, Thiểu tịnh thiên, Vô lượng tịnh thiên, Biến tịnh thiên, Vô quái ngại thiên, Thọ phước thiên, [478b] Quả thật thiên, Vô phiền thiên, Vô nhiệt thiên, Thiện kiến thiên, và Thiện hiện thiên [84].

“Này A-nan, Ta đến ngồi giữa vô lượng trăm ngàn thiên chúng trời Sắc cứu cánh [85], cùng đàm luận khiến cho họ hài lòng. Sau khi cùng ngồi xuống ổn định, giống như sắc tướng của họ, sắc tướng Ta cũng vậy; giống như âm thanh của họ, âm thanh của Ta cũng như vậy; giống như oai nghi lễ tiết của họ, oai nghi lễ tiết của Ta cũng như vậy. Nếu họ có hỏi về ý nghĩa gì, Ta sẽ trả lời họ về ý nghĩa ấy. Lại nữa, Ta thuyết pháp cho họ, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi dùng vô lượng phương tiện, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ cho họ rồi, Ta biến mất khỏi nơi ấy. Khi Ta biến mất rồi, họ không biết Ta là ai, là người hay phi nhân. Này A-nan, như vậy thật là kỳ diệu, thật là hy hữu, Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, thành tựu công đức, có được pháp vị tằng hữu.”

Đức Phật thuyết như vậy. Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

37. KINH CHIÊM-BA

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại Chiêm-ba, ở bên hồ Hằng-già [86].

Bấy giờ là ngày mười lăm trong tháng, là ngày Thế Tôn thuyết Biệt giải thoát [87], trải tọa ngồi trước chúng Tỳ-kheo. Khi Đức Thế Tôn ngồi xong, liền nhập định và bằng tha tâm trí Ngài quan sát tâm đại chúng. Khi quan sát tâm đại chúng rồi, cho đến lúc hết buổi đầu hôm, Ngài vẫn ngồi im lặng.

Bấy giờ có một Tỳ-kheo [88] từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai, sửa y chắp tay hướng về Đức Phật thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, đã hết buổi đầu hôm, Phật và chúng Tỳ-kheo tập trung ngồi đây đã lâu, mong Đức Thế Tôn nói thuyết Biệt giải thoát.”

Bấy giờ, Đức Thế Tôn im lặng không trả lời.

Thế rồi, cho đến phần giữa đêm, Đức Thế Tôn vẫn ngồi im lặng. Tỳ-kheo kia lại lần nữa, từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai sửa y, chắp tay hướng về Đức Phật và thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, buổi đầu hôm đã qua, phần giữa đêm cũng sắp hết; Phật và chúng Tỳ-kheo tập trung ngồi đây đã lâu, mong Đức Thế Tôn nói thuyết Biệt giải thoát.”

Đức Thế Tôn lại một lần nữa không trả lời.

Thế rồi, cho đến phần cuối đêm, Đức Thế Tôn vẫn ngồi im lặng. Tỳ-kheo kia lại lần thứ ba từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai sửa y, chắp tay hướng về Đức Thế Tôn mà thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, buổi đầu hôm đã qua, phần giữa đêm cũng chấm dứt, rồi buổi cuối đêm cũng sắp hết, trời gần về sáng, không bao lâu nữa, mặt trời sẽ mọc; Phật và chúng Tỳ-kheo tập trung ngồi đây đã quá lâu, mong Đức Thế Tôn [478c] thuyết pháp Biệt giải thoát.”

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo vị Tỳ-kheo kia rằng:

“Trong chúng này có một thầy Tỳ-kheo làm đã việc bất tịnh [89].”

Lúc đó Tôn giả Đại Mục-kiền-liên cũng đang ở trong chúng. Rồi Tôn giả Đại Mục-kiền-liên liền suy nghĩ thế này: “Vì Tỳ-kheo nào mà Đức Thế Tôn nói trong chúng này có một thầy Tỳ-kheo đã làm việc bất tịnh? Ta nên nhập định như thế [90], nhân trong định  như thế, bằng tha tâm trí mà quan sát tâm niệm đại chúng.”

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên nhập định như thế, nhân trong định như thế, bằng tha tâm trí mà quan sát tâm niệm đại chúng. Tôn giả Đại Mục-kiền-liên liền biết vị Tỳ-kheo mà vì vị ấy Đức Thế Tôn nói trong chúng này có một thầy Tỳ-kheo đã làm việc bất tịnh.

Rồi thì, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên xuất định, đi đến trước vị Tỳ-kheo ấy, nắm tay kéo đi, mở cửa lôi ra bên ngoài mà nói:

“Này người ngu si, hãy đi xa đi, đừng sống ở đây [91], không được trở lại hội họp với đại chúng Tỳ-kheo, từ nay trở đi ông không phải là Tỳ-kheo nữa.”

Ngài đóng cửa, gài chốt then lại, rồi trở về chỗ Đức Phật, cúi đầu sát lạy chân Phật, rồi ngồi sang một bên mà thưa rằng:

“Vị Tỳ-kheo mà vì vị ấy Đức Thế Tôn nói trong chúng này có một Tỳ-kheo đã làm việc bất tịnh; con đã đuổi vị ấy đi rồi. Bạch Thế Tôn, buổi đầu hôm đã qua, phần giữa đêm cũng chấm dứt, rồi buổi cuối đêm cũng sắp hết, trời gần về sáng, không bao lâu nữa, mặt trời sẽ mọc; Phật và chúng Tỳ-kheo tập trung ngồi đây đã quá lâu, mong Đức Thế Tôn thuyết pháp Biệt giải thoát [92].”

Đức Thế Tôn nói:

“Này Đại Mục-kiền-liên, kẻ ngu si sẽ mắc đại tội nếu gây phiền nhiễu cho Đức Thế Tôn và chúng Tỳ-kheo. Này Đại Mục-kiền-liên, nếu Đức Như Lai ở giữa chúng bất tịnh mà thuyết Biệt giải thoát thì đầu người kia sẽ vỡ thành bảy mảnh. Do đó, này Đại Mục-kiền-liên, từ nay về sau các thầy hãy thuyết Biệt giải thoát, Đức Như Lai không thuyết Biệt giải thoát nữa [93]. Vì sao như thế [94]?

“Này Đại Mục-kiền-liên, giống như đại hải, từ đáy lên trên, chu vi dần dần rộng hơn, nghiêng chênh chếch lên dần mãi tạo thành bờ biển. Nước trong ấy luôn luôn đầy, chưa từng chảy ra ngoài. Này Đại Mục-kiền-liên, Chánh pháp luật của Ta cũng giống như vậy, dần dần thực hành, dần dần học tập, dần dần đoạn trừ và dần dần giáo hóa. Này Đại Mục-kiền-liên, đây là pháp vị tằng hữu thứ nhất trong Chánh pháp luật của Ta: trong chánh pháp Ta dần dần thực hành, dần dần học, dần dần đoạn trừ và dần dần giáo hóa.

“Lại nữa, này Đại Mục-kiền-liên, giống như thủy triều trong đại hải chưa từng sai thời. Này Đại Mục-kiền-liên, Chánh pháp luật của Ta cũng giống như vậy, những cấm giới được thi thiết cho Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di; các thiện nam tử ấy [479a] dù cho đến mạng chung cũng không phạm giới. Này Đại Mục-kiền-liên, đây là pháp vị tằng hữu thứ hai trong Chánh pháp luật của Ta: trong Chánh pháp luật của Ta những cấm giới được thi thiết cho Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di; các thiện nam tử ấy dù cho đến mạng chung cũng không phạm giới.   

“Lại nữa, này Đại Mục-kiền-liên, giống như nước trong đại hải rất sâu không đáy, rộng không thấy bờ. Này Đại Mục-kiền-liên, Chánh pháp luật của Ta cũng giống như vậy, các pháp rất sâu không đáy, rất rộng không thấy bờ. Này Đại Mục-kiền-liên, đây là pháp vị tằng hữu thứ ba trong Chánh pháp luật của Ta: Chánh pháp luật của Ta rất sâu không có đáy, rất rộng không thấy bờ.

“Lại nữa, này Đại Mục-kiền-liên, giống như nước trong đại hải cùng một vị mặn. Này Đại Mục-kiền-liên, Chánh pháp của Ta cũng giống như vậy, chỉ có một vị là vị vô dục, vị giác, vị tịch tĩnh và vị đạo. Này Đại Mục-kiền-liên, đây là pháp vị tằng hữu thứ tư trong Chánh pháp luật của Ta: Chánh pháp luật của Ta chỉ có một vị là vị vô dục, vị giác, vị tịch tĩnh và vị đạo.

“Lại nữa, này Đại Mục-kiền-liên, giống như đại hải có rất nhiều trân bảo, vô lượng đồ quí báu lạ mắt; đủ các loại đồ trân kỳ được chứa đầy trong đó. Tên của các trân bảo đó là vàng, bạc, thủy tinh, lưu ly, ma ni, trân châu, bích ngọc, bạch kha, loa bích, san hô, hổ phách, mã não, đồi mồi, đá đỏ, tuyền châu. Này Đại Mục-kiền-liên, Chánh pháp luật của Ta cũng giống như vậy, có rất nhiều trân bảo, vô lượng đồ quí báu lạ mắt; đủ các loại đồ trân kỳ được chứa đầy trong đó. Những pháp trân bảo đó là: Bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy giác chi, Thánh đạo tám chi. Này Đại Mục-kiền-liên, đây là pháp vị tằng hữu thứ năm trong Chánh pháp luật của Ta: trong Chánh pháp luật của Ta cũng có rất nhiều trân bảo, vô lượng đồ quí báu lạ mắt; đủ các loại đồ trân kỳ được chứa đầy trong đó. Những pháp trân bảo đó là: Bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy giác chi, Thánh đạo tám chi.

“Lại nữa, này Đại Mục-kiền-liên, giống như đại hải là chỗ cư trú của các vị thần lớn. Những vị thần đó tên là A-tu-la, Kiền-thấp-hòa, La-sát, cá kình, rùa, cá sấu, Bà-lưu-nê, Đế-nghê, Đế-nghê-già-la, Đề-đế-nghê-già-la. Lại nữa, trong đại hải, rất kỳ lạ, rất đặc biệt, có chúng sanh thân thể tới một trăm do-tuần, hai trăm do-tuần, cho đến ba trăm do-tuần, bảy trăm do-tuần mà thân vẫn ở trong trong đại hải. Này Đại Mục-kiền-liên, Chánh pháp luật của Ta cũng giống như vậy, [479b] có các thần to lớn, là Thánh chúng, đều cư trú trong đó. Tên của các thần to lớn đó là: A-la-hán, Hướng A-la-hán, A-na-hàm, Hướng A-na-hàm, Tư-đa-hàm, Hướng Tư-đa-hàm, Tu-đà-hoàn, Hướng Tu-đà-hoàn. Này Đại Mục-kiền-liên, đây là pháp vị tằng hữu thứ sáu trong Chánh pháp luật của Ta: trong Chánh pháp luật của Ta, có các thần to lớn, là Thánh chúng, đều cư trú trong đó. Tên của các thần to lớn đó là: A-la-hán, Hướng A-la-hán, A-na-hàm, Hướng A-na-hàm, Tư-đà-hàm, Hướng Tư-đà-hàm, Tu-đà-hoàn, Hướng Tu-đà-hoàn.

“Lại nữa, này Đại Mục-kiền-liên, giống như đại hải thanh tịnh không dung chứa tử thi, nếu có người mạng chung trong biển, thì qua một đêm, gió sẽ thổi tấp vào bờ. Này Đại Mục-kiền-liên, Chánh pháp luật của Ta cũng giống như vậy, Thánh chúng thanh tịnh không dung chứa tử thi. Nếu có người nào không tinh tấn, sanh ra điều ác, phi phạm hạnh mà xưng là phạm hạnh, phi Sa-môn mà xưng là Sa-môn; người ấy dù ở trong Thánh chúng, nhưng cách Thánh chúng rất xa; Thánh chúng cũng lại cách người ấy rất xa. Này Đại Mục-kiền-liên, đây là pháp vị tằng hữu thứ bảy trong Chánh pháp luật của Ta: trong Chánh pháp luật của Ta cũng giống như vậy, Thánh chúng thanh tịnh không dung chứa tử thi. Nếu có người nào không tinh tấn, sanh ra điều ác, phi phạm hạnh mà xưng là phạm hạng, phi Sa-môn mà xưng là Sa-môn; người ấy dù ở trong Thánh chúng, nhưng cách Thánh chúng rất xa; Thánh chúng cũng lại cách người ấy rất xa.

“Lại nữa, này Đại Mục-kiền-liên, giống như đại hải thuộc về châu Diêm-phù có năm sông lớn, là Hằng-già, Diêu-vưu-na, Xa-lao-phù, A-di-la-ba-đề, Ma-xí. Tất cả đều chảy vào đại hải. Và trong đại hải nước do rồng tuôn từ trời đổ xuống, giọt nước lớn bằng cái bánh xe. Tất nhiên, nước ấy không thể khiến cho đại hải có tăng có giảm. Này Đại Mục-kiền-liên, trong Chánh pháp luật của Ta cũng lại như vậy. Thiện gia nam tử thuộc dòng Sát-lị, cạo bỏ râu tóc, khoác áo cà xa, chí tín, lìa bỏ gia đình, xuất gia học đạo, bất động tâm giải thoát [95] được tự tác chứng, thành tựu và an trụ. Này Đại Mục-kiền-liên, bất động tâm giải thoát trong Chánh pháp luật của Ta không tăng không giảm. Cũng như vậy, đối với thiện gia nam tử thuộc dòng Bà-la-môn, dòng cư sĩ, dòng thợ thuyền, cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, bất động tâm giải thoát được tự tác chứng thành tựu an trụ. Này Đại Mục-kiền-liên, bất động tâm giải thoát trong Chánh pháp luật của Ta không tăng không giảm. Này Đại Mục-kiền-liên, đây là pháp vị tằng hữu thứ tám trong Chánh pháp luật của Ta: trong Chánh pháp luật của Ta, [479c] thiện gia nam tử thuộc gòng Sát-lị, cạo bỏ râu tóc, khoác áo cà xa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình xuất gia học đạo, bất động tâm giải thoát, tự tác chứng, thành tựu an trụ. Cũng vậy đối với với tọâc tánh tử thuộc dòng Bà-la-môn, cư sĩ, thợ thuyền, cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, bất đọâng tâm giải thoát được tự tác chứng thành tựu và an trụ. Này Đại Mục-kiền-liên, bất đọâng tâm giải thoát trong Chánh pháp luật của Ta không tăng không giảm.”

Đức Phật thuyết như vậy. Tôn giả Đại Mục-kiền-liên và các Tỳ-kheo, sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

38. KINH ÚC-GIÀ TRƯỞNG GIẢ (I)

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại Tì-xá-li, trong Đại lâm.

Bấy giờ Trưởng giả Úc-già [96], chỉ có một số phụ nữ theo hầu hạ và ông đang ở trước các phụ nữ ấy, từ Tì-xá-li ra đi, đến khoảng giữa Đại lâm và Tì-xá-li [97], chỉ để hoan lạc với các kỹ nữ, như vị quốc vương.

Rồi thì, Trưởng giả Úc-già, uống rượu say túy lúy, bỏ các phụ nữ kia ở lại đó, đi vào trong Đại lâm. Đang lúc Trưởng giả Úc-già say rượu lúy túy, từ đàng xa trông thấy Đức Thế Tôn ở giữa rừng cây, đoan chánh đẹp đẽ như vầng trăng giữa đám sao, ánh sáng chói lọi rực rỡ, ánh sáng như tòa núi vàng, đầy đủ tướng tốt, oai thần nguy nga, các căn tịch tĩnh, không bị ngăn che, thành tựu sự điều ngự, tâm vắng lặng tịch mặc. Trưởng giả thấy Đức Phật rồi, lập tức tỉnh rượu. Sau khi tỉnh rượu, Trưởng giả Úc-già liền đến chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật rồi ngồi sang một bên.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn thuyết pháp cho ông, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi bằng vô lượng phương tiện thuyết pháp cho ông, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ rồi, như thông lệ của chư Phật, trước hết nói về pháp theo thuận tự [98] cho người nghe hoan hỷ; tức là nói về thí, về giới, nói pháp sanh thiên, chê bai dục là tai hoạn, sanh tử là  cấu uế, khen ngợi vô dục là vi diệu, đạo phẩm thanh tịnh trong trắng. Sau khi Đức Thế Tôn nói những pháp ấy cho ông rồi, ngài biết ông có tâm hoan hỷ, tâm cụ túc, tâm nhu nhuyến, tâm nhẫn nại, tâm thăng tấn, tâm chuyên nhất, tâm không nghi, tâm không bị che lấp, có khả năng, có sức mạnh, có thể kham thọ Chánh pháp, bấy giờ, như pháp thường của chư Phật, Ngài [480a] nói về pháp yếu chân chánh [99], Đức Thế Tôn thuyết cho ông nghe về Khổ, Tập, Diệt, Đạo.

Lúc ấy Trưởng giả Úc-già, ngay trên chỗ ngồi, thấy được bốn Thánh đế: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Cũng như vải trắng dễ nhuộm thành màu. Trưởng giả Úc-già, cũng giống như vậy, ngay nơi chỗ ngồi thấy được bốn Thánh đế, là Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Tức thì, Trưởng giả Úc-già thấy pháp và đắc pháp, giác ngộ pháp bạch tịnh, đoạn trừ nghi, vượt qua hoặc, không còn tôn sùng ai khác, không còn theo ai khác, không còn do dự, đã trụ nơi quả chứng, được vô sở úy đối với giáo pháp của Thế Tôn, liền rời chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ và thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, con nay tự thân xin quy y Phật, Pháp và Chúng Tỳ-kheo, cúi mong Đức Thế Tôn chấp nhận cho con làm Ưu-bà-tắc; bắt đầu từ hôm nay trọn đời, xin tự quy y cho đến mạng chung. Bạch Thế Tôn, từ ngày hôm nay, con xin theo Đức Thế Tôn, trọn đời lấy phạm hạnh làm đầu [100], thọ trì năm giới.”

Sau khi Trưởng giả Úc-già xin theo Đức Thế Tôn, trọn đời lấy phạm hạnh làm đầu, thọ trì năm giới, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật nhiễu quanh ba vòng rồi ra đi.

Ông liền trở về nhà, triệu tập các người vợ [101] lại nói rằng:

“Các ngươi biết không? Ta đã theo Đức Thế Tôn trọn đời lấy phạm hạnh làm đầu, thọ trì năm giới. Các ngươi nếu còn muốn được sống ở nơi đây thì có thể ở và làm việc bố thí tạo phước. Nếu không muốn ở, ai về nhà nấy. Nếu các ngươi muốn có chồng thì ta sẽ gả chồng cho.”

Bấy giờ người vợ cả thưa Trưởng giả Úc-già rằng:

“Nếu tôn ông đã theo Đức Phật, trọn đời lấy phạm hạnh làm đầu, thọ trì năm giới, thì nên đem tôi gả cho người đàn ông kia.”

Trưởng giả Úc-già liền gọi người đàn ông kia đến, tay trái cầm tay người vợ cả, tay phải bưng chậu nước bằng vàng, bảo người kia rằng:

“Nay tôi đem người vợ cả này cho ông làm vợ.”

Người ấy nghe rồi, liền vì quá sợ hãi, nên lông trong thân đều dựng đứng, thưa Trưởng giả Úc-già rằng:

“Thưa Trưởng giả, ngài muốn giết tôi chăng? Ngài muốn giết tôi chăng?”

Trưởng giả trả lời rằng:

“Tôi không giết ông đâu. Vì tôi đã theo Phật trọn đời lấy phạm hạnh làm đầu, thọ trì năm giới, do đó tôi sẽ đem người vợ cả này cho ông làm vợ.

Trưởng giả Úc-già khi đã cho người vợ cả này và ngay trong khi đó, hoàn toàn không có lòng hối tiếc.

Bấy giờ, với vô lượng trăm ngàn đại chúng vây quanh, Đức Thế Tôn ở trong đó tán thán khen ngợi Trưởng giả Úc-già rằng Trưởng giả Úc-già có tám pháp vị tằng hữu.

Rồi thì, có một vị Tỳ-kheo, khi đêm đã qua, vào lúc hừng sáng, khoác y ôm bát, [480b] đi đến nhà Trưởng giả Úc-già.

Trưởng giả Úc-già từ đàng xa trông thấy Tỳ-kheo đi đến, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai sửa áo, chắp tay hướng về Tỳ-kheo mà thưa rằng:

“Kính chào Tôn giả. Tôn giả đã từ lâu không đến đây. Mời ngồi nơi giường này.”

Bấy giờ Tỳ-kheo ngồi xuống giường ấy. Trưởng giả Úc-già đảnh lễ dưới chân Tỳ-kheo rồi ngồi sang một bên. Tỳ-kheo bảo rằng:

“Này Trưởng giả. Ông có điều thiệân lợi, có công đức lớn. Vì sao vậy? Đức Thế Tôn, với vô lượng trăm ngàn đại chúng vây quanh, ở trong đó tán thán khen ngợi Trưởng giả Úc-già rằng Trưởng giả Úc-già có tám pháp vị tằng hữu. Này trưởng giả, ông có những pháp gì?”

Trưởng giả Úc-già trả lời Tỳ-kheo rằng:

“Đức Thế Tôn không hề nói sai, nhưng con không biết Đức Thế Tôn vì lẽ gì nói như vậy. Nhưng mong Tôn giả nghe cho, về những pháp gì mà con có.

“Một thời Phật trú tại Tì-xá-li, trong Đại lâm. Bấy giờ con chỉ có một số phụ nữ theo hầu hạ và đang ở trước các phụ nữ ấy, từ Tì-xá-li ra đi. Con đi đến khoảng giữa Đại lâm và Tì-xá-li, chỉ để hoan lạc với các kỹ nữ, như vị quốc vương. Rồi thì, thưa Tôn giả, con lúc bấy giờ uống rượu say lúy túy, bỏ các phụ nữ kia ở lại đó, tự mình đi vào trong Đại lâm. Thưa Tôn giả, con đang lúc say rượu lúy túy, từ đàng xa trông thấy Đức Thế Tôn ở giữa rừng cây, đoan chánh đẹp đẽ như vầng trăng giữa đám sao, ánh sáng chói lọi rực rỡ, ánh sáng như tòa núi vàng, đầy đủ tướng tốt, oai thần nguy nga, các căn tịch tĩnh, không bị ngăn che, thành tựu sự điều ngự, tâm vắng lặng tịch mặc. Con thấy Đức Phật rồi, lập tức tỉnh rượu. Bạch Tôn giả, con có pháp ấy.”

Thầy Tỳ-kheo khen rằng:

“Này Trưởng giả, nếu có pháp ấy thì thật là kỳ diệu, thật là hy hữu.”

“Bạch Tôn giả, con không phải chỉ có pháp này mà thôi. Lại nữa, bạch Tôn giả, sau khi tỉnh rượu, con liền đến chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật rồi ngồi sang một bên. Bấy giờ Đức Thế Tôn thuyết pháp cho con, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi bằng vô lượng phương tiên thuyết pháp cho con, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ rồi, như thông lệ của chư Phật, trước hết nói về pháp thuận tự cho người nghe hoan hỷ; tức là nói về thí, về giới, nói pháp sanh thiên, chê bai dục là tai hoạn, sanh tử là  cấu uế, khen ngợi vô dục là vi diệu, đạo phẩm thanh tịnh trong trắng. Sau khi Đức Thế Tôn nói những pháp ấy cho con rồi, Phật biết con có tâm hoan hỷ, tâm cụ túc, tâm nhu nhuyến, tâm nhẫn nại, tâm thăng tấn, tâm chuyên nhất, tâm không nghi, tâm không bị che lấp, có khả năng, có sức mạnh, có thể kham thọ Chánh pháp, rồi như thông lệ của chư Phật, ngài nói về pháp yếu chân chánh, Đức Thế Tôn thuyết cho con nghe về Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Lúc ấy con, ngay trên chỗ ngồi, thấy được bốn Thánh đế, là Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Cũng như vải trắng dễ nhuộm thành màu, con cũng giống như vậy, ngay nơi chỗ ngồi thấy được bốn Thánh đế, [480c] là Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Bạch Tôn giả, con có pháp ấy.”

Thầy Tỳ-kheo khen rằng:

“Này Trưởng giả, nếu có pháp ấy thì thật là kỳ diệu, thật là hy hữu.”

“Bạch Tôn giả, con không phải chỉ có pháp này mà thôi. Lại nữa, bạch Tôn giả, con thấy pháp, giác ngộ pháp, đắc pháp bạch tịnh, đoạn trừ nghi, vượt qua hoặc, không còn tôn sùng người khác, không còn theo người khác, không còn do dự, đã trụ nơi quả chứng, được vô sở úy đối với giáo pháp của Đức Thế Tôn. Bạch Tôn giả, lúc ấy, con liền từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật thưa rằng: ‘Bạch Thế Tôn, hôm nay con tự thân xin quy y Phật, quy y Pháp và Chúng Tỳ-kheo, mong Đức Thế Tôn nhận con là Ưu-bà-tắc, bắt đầu từ hôm nay cho đến trọn đời, xin’ tự thân quy y cho đến khi mạng chung. Bạch Thế Tôn, từ nay con xin theo Đức Thế Tôn trọn đời, lấy phạm hạnh làm đầu, thọ trì năm giới’. Bạch Tôn giả, từ khi con theo Đức Thế Tôn, trọn đời lấy phạm hạnh làm đầu, thọ trì năm giới, chưa từng biết mình đã phạm giới. Bạch Tôn giả, con có pháp ấy.”

Thầy Tỳ-kheo khen rằng:

“Này Trưởng giả, nếu có pháp ấy thì thật là kỳ diệu, thật là hy hữu.”

“Bạch Tôn giả, con không phải chỉ có pháp này mà thôi. Lại nữa, bạch Tôn giả, bấy giờ sau khi con theo Đức Thế Tôn, trọn đời lấy phạm hạnh làm đầu, thọ trì năm giới rồi, cúi đầu nhiễu quanh Phật ba vòng rồi ra về. Trở về nhà, con liền tập trung các phụ nữ, rồi nói rằng:

“– Các ngươi biết không? Ta đã theo Đức Thế Tôn trọn đời lấy phạm hạnh làm đầu, thọ trì năm giới. Các ngươi nếu còn muốn được sống ở nơi đây thì có thể ở và làm việc bố thí tạo phước. Nếu không muốn ở, ai về nhà nấy. Nếu các ngươi muốn có chồng thì ta sẽ gả chồng cho.

“Bấy giờ người vợ cả thưa với con rằng:

“– Nếu tôn ông đã theo Đức Phật, trọn đời lấy phạm hạnh làm đầu, thọ trì năm giới, thì nên đem tôi gả cho người đàn ông kia.

“Con bấy giờ gọi người đàn ông kia đến, tay trái cầm tay người vợ cả, tay phải bưng chậu nước bằng vàng, bảo người kia rằng:

“– Nay tôi đem người vợ cả này cho ông làm vợ.

“Người ấy nghe rồi, liền vì quá sợ hãi, nên lông trong thân đều dựng đứng, thưa với con rằng:

“– Thưa Trưởng giả, ngài muốn giết tôi chăng? Ngài muốn giết tôi chăng?”

“Con nói với người ấy rằng:

“– Tôi không giết ông đâu. Vì tôi đã theo Phật trọn đời lấy phạm hạnh làm đầu, thọ trì năm giới, do đó ta sẽ đem người vợ cả này cho ông làm vợ.

“Thưa Tôn giả, [481a] con đã cho người vợ cả này, và ngay trong khi cho đó hoàn toàn không có lòng hối tiếc.”

Thầy Tỳ-kheo khen rằng:

“Này Trưởng giả, nếu có pháp ấy thì thật là kỳ diệu, thật là hy hữu.”

“Bạch Tôn giả, con không phải chỉ có pháp này mà thôi. Lại nữa, bạch Tôn giả, khi con đến chúng viên [102], nếu trước hết mà gặp một vị Tỳ-kheo nào, con liền đảnh lễ. Nếu vị Tỳ-kheo ấy kinh hành, thì con cũng kinh hành. Nếu vị ấy ngồi, con cũng ngồi theo một bên, ngồi rồi nghe pháp. Vị Tôn giả ấy thuyết pháp cho con nghe; con cũng thuyết pháp cho vị Tôn giả ấy nghe. Vị Tôn giả ấy vấn sự con, con cũng vấn sự vị Tôn giả ấy. Vị Tôn giả ấy trả lời câu hỏi của con, con cũng trả lời vị Tôn giả ấy. Con nhớ chưa từng có lần nào con khinh mạn các vị Tỳ-kheo Thượng tôn Trưởng lão, trung hay hạ. Bạch Tôn giả, con có pháp ấy.”

Thầy Tỳ-kheo khen rằng:

“Này Trưởng giả, nếu có pháp ấy thì thật là kỳ diệu, thật là hy hữu.”

“Bạch Tôn giả, con không phải chỉ có pháp này mà thôi. Lại nữa, bạch Tôn giả, khi con ở giữa chúng Tỳ-kheo, hành sự bố thí, bấy giờ có Chư Thiên trụ giữa hư không bảo con rằng: ‘Này Trưởng giả, đây là vị A-la-hán, đây là vị Hướng A-la-hán, đây là vị A-na-hàm, đây là vị Hướng A-na-hàm, đây là vị Tư-đà-hàm, đây là vị Hướng Tư-đà-hàm, đây là vị Tu-đà-hoàn, đây là vị Hướng Tu-đà-hoàn. Vị này tinh tấn, vị này không tinh tấn’. Bạch Tôn giả, khi con cúng thí cho đại chúng Tỳ-kheo, con nhớ chưa từng có ý phân biệt. Bạch Tôn giả, con có pháp ấy.”

Thầy Tỳ-kheo khen rằng:

“Này Trưởng giả, nếu có pháp ấy thì thật là kỳ diệu, thật là hy hữu.”

“Bạch Tôn giả, con không phải chỉ có pháp này mà thôi. Lại nữa, bạch Tôn giả, khi con hành sự bố thí ở trong chúng Tỳ-kheo, có Chư Thiên trên hư không bảo con rằng: ‘Này Trưởng giả, có Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Pháp được Thế Tôn khéo thuyết, và Thánh chúng của Như Lai khéo thú hướng’. Bạch Tôn giả, con không do vi trời kia mà có tín, không do vị trời kia mà dục lạc, không nghe theo vị kia, nhưng con tự có tịnh trí để biết Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Pháp được Thế Tôn khéo thuyết, và Thánh chúng của Như Lai khéo thú hướng. Bạch Tôn giả, con có pháp ấy.”

Thầy Tỳ-kheo khen rằng:

“Này Trưởng giả, nếu có pháp ấy thì thật là kỳ diệu, thật là hy hữu.”

“Bạch Tôn giả, con không phải chỉ có pháp này mà thôi. Lại nữa, bạch Tôn giả, Đức Phật có nói về năm hạ phần kết, tức tham dục, sân nhuế, thân kiến, giới thủ, và nghi. Con thấy năm kết sử ấy, hoàn toàn không có một kiết sử nào còn trói buộc con thác sanh vào bào thai, trở lại thế gian này. Bạch Tôn giả con có pháp ấy.”

Thầy Tỳ-kheo khen rằng:

“Này Trưởng giả, nếu có pháp ấy thì thật là kỳ diệu, thật là hy hữu.”

Trưởng giả liền thưa với [481b] thầy Tỳ-kheo rằng:

“Mong Tôn giả ở lại đây thọ thực. Tỳ-kheo im lặng nhận lời. Sau khi biết Tỳ-kheo đã im lặng nhận lời, Trưởng giả Úc-già liền từ chỗ ngồi đứng dậy, tự mình múc nước rửa tay, rồi đem tất cả rất nhiều món ăn cứng và mềm rất mỹ, diệu tinh khiết, ngon lành, tự tay hầu sớt, để cho Tỳ-kheo ăn được no đủ. Ăn xong, dọn cất đồ đạc và dùng nước rồi, lấy một giường nhỏ ngồi riêng để nghe pháp.

Thầy Tỳ-kheo thuyết pháp cho Trưởng giả, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi bằng vô lượng phương tiện thuyết pháp cho ông, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ rồi, Tỳ-kheo liền từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi. Đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật rồi ngồi sang một bên, rồi đem trình bày đầy đủ lại cuộc thảo luận giữa thầy và Trưởng giả Úc-già lên Đức Phật.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các thầy Tỳ-kheo rằng:

“Ta vì lẽ ấy mà khen ngợi tán thán Trưởng giả Úc-già có tám pháp vị tằng hữu.”

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

39. KINH ÚC-GIÀ TRƯỞNG GIẢ (II)

Tôi nghe như vầy:

Một thời sau khi Phật nhập Niết-bàn không bao lâu, có một số đông Tỳ-kheo Thượng tôn Trưởng lão trú tại Tì-xá-li, ở bên dòng sông Di hầu, tại ngôi lầu cao.

Bấy giờ Trưởng giả Úc-già [103] tổ chức đại bố thí như sau: Đãi ăn cho những khách từ phương xa đến, đãi ăn cho các hành khách, các bệnh nhân và các người nuôi bệnh; thường dọn cháo, thường dọn cơm, cung cấp cho người trông nom Tăng viện; thường mời đại chúng gồm hai mươi vị Tỳ-kheo đến thọ thực, cứ mỗi năm ngày đều có mời chúng Tỳ-kheo đến ăn. Ông tổ chức đại bố thí như vậy.

Trên biển lại còn có một chiếc tàu buồm lớn chở đầy hàng hóa trở về, giá trị đến trăm ngàn, vừa bị chìm mất.

Số đông Tỳ-kheo Thượng tôn Trưởng lão nghe Trưởng giả Úc-già tổ chức đại bố thí như sau: Đãi ăn cho những khách từ phương xa đến, đãi ăn cho các hành khách, các bệnh nhân và các người nuôi bệnh; thường dọn cháo, thường dọn cơm, cung cấp cho người trông nom tăng viện; thường mời đại chúng gồm hai mươi vị Tỳ-kheo đến thọ thực, cứ mỗi năm ngày đều có mời chúng Tỳ-kheo đến ăn.

Các vị ấy nghe rồi bàn luận với nhau rằng:

“Này Chư Hiền, vị nào có thể đến nói với với Trưởng giả Úc-già rằng: Này Trưởng giả, nên thôi, chớ bố thí nữa. Sau này Trưởng giả sẽ tự biết?”

 Rồi các vị ấy nghĩ như vầy: “Tôn giả A-nan là thị giả của Phật, nhận được sự chỉ giáo của Đức Thế Tôn; được Phật và các vị đồng phạm hạnh có trí khen ngợi. Tôn giả A-nan có thể đến nói với Trưởng giả Úc-già rằng: [481c]‘Này Trưởng giả, nên thôi, chớ bố thí nữa. Sau này Trưởng giả sẽ tự biết’.”

 “– Này Chư Hiền, chúng ta nên cùng nhau đến Tôn giả A-nan trình bày sự việc như thế.” Bấy giờ số đông Tỳ-kheo Thượng tôn Trưởng lão đi đến chỗ Tôn giả A-nan, cùng nhau chào hỏi, rồi ngồi sang một bên thưa rằng:

“Thưa Hiền giả A-nan, ngài có biết không? Trưởng giả Úc-già tổ chức đại bố thí như sau: đãi ăn cho những khách từ phương xa đến, đãi ăn cho các hành khách, các bệnh nhân và các người nuôi bệnh; thường dọn cháo, thường dọn cơm, cung cấp cho người trông nom Tăng viện; thường mời đại chúng gồm hai mươi vị Tỳ-kheo đến thọ thực, cứ mỗi năm ngày đều có mời chúng Tỳ-kheo đến ăn. Ông tổ chức đại bố thí như vậy. Trên biển lại còn có một chiếc tàu buồm lớn chở đầy hàng hóa trở về, giá trị đến trăm ngàn, vừa bị chìm mất. Chúng tôi cùng bàn luận với nhau như thế này: vị nào có thể đến nói với với Trưởng giả Úc-già rằng ‘Này Trưởng giả, nên thôi, chớ bố thí nữa. Sau này Trưởng giả sẽ tự biết’? Lại nghĩ như vầy: Tôn giả A-nan là thị giả của Phật, nhận được sự chỉ giáo của Đức Thế Tôn; được Phật và các vị đồng phạm hạnh có trí khen ngợi. Tôn giả A-nan có thể đến nói với Trưởng giả Úc-già rằng ‘Này Trưởng giả, nên thôi, chớ bố thí nữa. Sau này Trưởng giả sẽ tự biết’. Này Hiền giả A-nan, ngài có thể đến bảo với Trưởng giả Úc-già rằng ‘Này Trưởng giả, nên thôi, chớ bố thí nữa. Sau này Trưởng giả sẽ tự biết Trưởng giả’.”

Tôn giả A-nan thưa với các Tỳ-kheo thượng tôn trưởng lão rằng:

“Thưa các Tôn giả, Trưởng giả Úc-già tính tình nghiêm nghị; nếu tôi tự tiện nói thì biết đâu làm Trưởng giả không vui. Thưa các ngài, tôi đại diện cho ai để nói đây?”

Các Tỳ-kheo thượng tôn trưởng lão trả lời rằng:

“Hiền giả nên xưng là chúng Tỳ-kheo bảo như vậy. Sau khi ngài xưng là chúng Tỳ-kheo bảo vậy, ông ấy sẽ không còn nói gì nữa.”

Tôn giả A-nan liền im lặng nhận lời các vị Tỳ-kheo thượng tôn trưởng lão. Bấy giờ các Tỳ-kheo thượng tôn trưởng lão biết Tôn giả A-nan im lặng nhận lời rồi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy đi quanh Tôn giả A-nan rồi ai về chỗ ấy. Sau khi đêm qua vào lúc hừng sáng, Tôn giả A-nan khoác y, cầm bát đi đến nhà Trưởng giả Úc-già. Trưởng giả Úc-già thấy Tôn giả A-nan từ xa đi lại, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai sửa áo chắp tay hướng về Tôn giả A-nan thưa rằng:

“Kính chào Tôn giả A-nan, Tôn giả từ lâu không đến đây. Mời ngồi lên giường này.”

Tôn giả A-nan liền ngồi lên giường ấy. Trưởng giả Úc-già đảnh lễ dưới chân Tôn giả A-nan, rồi ngồi sang một bên. Tôn giả A-nan bảo rằng:

“Trưởng giả có biết không? Trưởng giả đã tổ chức đại bố thí như sau: [482a] đãi ăn cho những khách từ phương xa đến, đãi ăn cho các hành khách, các bệnh nhân và các người nuôi bệnh; thường dọn cháo, thường dọn cơm, cung cấp cho người trông nom tăng viện; thường mời đại chúng gồm hai mươi vị Tỳ-kheo đến thọ thực, cứ mỗi năm ngày đều có mời chúng Tỳ-kheo đến ăn. Trưởng giả tổ chức đại bố thí như vậy. Trên biển lại còn có một chiếc tàu buồm lớn chở đầy hàng hóa trở về, giá trị đến trăm ngàn, vừa bị chìm mất. Này Trưởng giả, nên thôi, chớ bố thí nữa. Sau này Trưởng giả sẽ tự biết.”          

Trưởng giả thưa rằng:

“Bạch Tôn giả A-nan, đây là lời nói của ai vậy?”

Tôn giả A-nan đáp rằng:

“Này Trưởng giả, tôi truyền lại lời của Chúng Tỳ-kheo.”

Trưởng giả thưa rằng:

“Nếu Tôn giả A-nan truyền lại lời của chúng Tỳ-kheo, thì không có gì phải luận. Còn nếu tự mình nói như vậy thì có thể làm cho con rất không được vừa lòng. Bạch Tôn giả A-nan, nếu con có thí xả như thế, có huệ thí như thế, dù tất cả tài vật đều khô cạn, cũng chỉ làm cho con mãn nguyện thôi. Giống như ý nguyện của Chuyển luân vương vậy.”

Tôn giả A-nan hỏi rằng:

“Này Trưởng giả, thế nào là ý nguyện của Chuyển luân vương?”

Trưởng giả đáp:

“Bạch Tôn giả A-nan, người nghèo trong thôn nghĩ như vầy: ‘Mong sao ta trở nên giàu nhất trong thôn’. Đó là ý nguyện của người ấy. Người giàu trong thôn nghĩ như vầy: ‘Mong sao ta trở nên giàu nhất trong ấp’. Đó là ý nguyện của người đó. Người giàu trong ấp suy nghĩ như vầy: ‘Mong sao ta giàu nhất trong thành’. Đó là ý nguyện của người ấy. Người giàu trong thành nghĩ như vầy: ‘Mong sao ta làm được chức tông chánh trong thành’. Đó là ý nguyện của người ấy. Vị tông chánh trong thành nghĩ như vầy: ‘Mong sao ta làm được quan quốc tướng. Đó là ý nguyện của người ấy. Quan quốc tướng suy nghĩ như vầy: ‘Mong sao ta làm được vị tiểu vương’. Đó là ý nguyện của người ấy. Vị tiểu vương suy nghĩ như vầy: ‘Mong sao ta làm được Chuyển luân vương’. Đó là ý nguyện của người ấy. Vị Chuyển luân vương suy nghĩ như vầy: ‘Mong sao ta làm được điều mà một thiện nam tử có thể làm, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo để thành tựu phạm hạnh vô thượng, tự tri, tự giác, tự tác chứng, thành tựu và an trụ, biết như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Đó là ý nguyện Chuyển luân vương.

“Bạch Tôn giả A-nan, nếu con có thí xả như thế, có huệ thí như thế, dù cho tất cả tài vật đều khô cạn, cũng chỉ làm cho con mãn nguyện thôi, như thế là ý nguyện của vị Chuyển luân vương. Bạch Tôn giả A-nan, con có pháp ấy.”

Tôn giả A-nan khen rằng:

“Này Trưởng giả, nếu có pháp ấy thì thật là kỳ diệu, thật là hy hữu.”

“Bạch Tôn giả, con không phải chỉ có pháp này mà thôi. Lại nữa, bạch Tôn giả A-nan, khi con đến chúng viên, nếu trước hết mà gặp một vị Tỳ-kheo nào, con liền đảnh lễ. [482b] Nếu vị Tỳ-kheo ấy kinh hành, thì con cũng kinh hành. Nếu vị ấy ngồi, con cũng ngồi theo một bên, ngồi rồi nghe pháp. Vị Tôn giả ấy thuyết pháp cho con nghe; con cũng thuyết pháp cho vị Tôn giả ấy nghe. Vị Tôn giả ấy vấn sự con, con cũng vấn sự vị Tôn giả ấy. Vị Tôn giả ấy trả lời câu hỏi của con, con cũng trả lời vị Tôn giả ấy. Con nhớ chưa từng có lần nào con khinh mạn các vị Tỳ-kheo Thượng tôn Trưởng lão, trung hay hạ. Bạch Tôn giả A-nan, con có pháp ấy.”

Tôn giả A-nan khen rằng:

“Này Trưởng giả, nếu có pháp ấy thì thật là kỳ diệu, thật là hy hữu.”

“Bạch Tôn giả A-nan, con không phải chỉ có pháp này mà thôi. Lại nữa, bạch Tôn giả A-nan, khi con ở giữa chúng Tỳ-kheo, hành sự bố thí, bấy giờ có Chư Thiên trụ giữa hư không bảo con rằng: ‘Này Trưởng giả, đây là vị A-la-hán, đây là vị Hướng A-la-hán, đây là vị A-na-hàm, đây là vị Hướng A-na-hàm, đây là vị Tư-đà-hàm, đây là vị Hướng Tư-đà-hàm, đây là vị Tu-đà-hoàn, đây là vị Hướng Tu-đà-hoàn. Vị này tinh tấn, vị này không tinh tấn’. Bạch Tôn giả, khi con cúng thí cho đại chúng Tỳ-kheo, con nhớ chưa từng có ý phân biệt. Bạch Tôn giả A-nan, con có pháp ấy.”

Tôn giả A-nan khen rằng:

“Này Trưởng giả, nếu có pháp ấy thì thật là kỳ diệu, thật là hy hữu.”

“Bạch Tôn giả A-nan, con không phải chỉ có pháp này mà thôi. Lại nữa, bạch Tôn giả, khi con hành sự bố thí ở trong chúng Tỳ-kheo, có Chư Thiên trên hư không bảo con rằng: ‘Này Trưởng giả, có Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Pháp được Thế Tôn khéo thuyết, và Thánh chúng của Như Lai khéo thú hướng’. Bạch Tôn giả, con không do vi trời kia mà có tín, không do vị trời kia mà dục lạc, không nghe theo vị kia, nhưng con tự có tịnh trí để biết Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Pháp được Thế Tôn khéo thuyết, và Thánh chúng của Như Lai khéo thú hướng. Bạch Tôn giả, con có pháp ấy.”

Tôn giả A-nan khen rằng:

“Này Trưởng giả, nếu có pháp ấy thì thật là kỳ diệu, thật là hy hữu.”

“Bạch Tôn giả A-nan, con không phải chỉ có pháp này mà thôi. Lại nữa, bạch Tôn giả A-nan, con ly dục, ly ác bất thiện pháp, v.v..., cho đến, thành tựu và an trụ. Bạch Tôn giả A-nan, con có pháp ấy.”

Tôn giả A-nan khen rằng:

“Này Trưởng giả, nếu ông có pháp ấy thì thật là kỳ diệu, thật là hy hữu.”

Rồi thì, Trưởng giả Úc-già liền thưa với Tôn giả A-nan rằng:

“Tôn giả A-nan, mời ở lại đây thọ thực.”

Tôn giả A-nan im lặng nhận lời mời của Trưởng giả Úc-già. Sau khi biết Tôn giả A-nan đã im lặng nhận lời, Trưởng giả Úc-già liền từ chỗ ngồi đứng dậy, tự mình múc nước rửa tay, rồi đem tất cả rất nhiều món ăn cứng và mềm rất mỹ diệu tinh khiết, ngon lành, [482c] tự tay hầu sớt, để cho Tôn giả ăn được no đủ. Ăn xong, dọn cất đồ đạc và dùng nước rồi, lấy một giường nhỏ ngồi riêng để nghe pháp.

Tôn giả A-nan thuyết pháp cho Trưởng giả, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi bằng vô lượng phương tiẹân thuyết pháp cho ông, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ rồi, Tôn giả liền từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi.

Tôn giả A-nan thuyết pháp như vậy. Trưởng giả Úc-già sau khi nghe Tôn giả A-nan thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành.

40. KINH THỦ TRƯỞNG GIẢ (I)

Tôi nghe như vầy:

Môt thời Phật trú tại A-la-bệ Già-la [104], trong Hòa lâm.

Bấy giờ Thủ Trưởng giả [105], cùng với năm trăm Đại trưởng giả đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật rồi ngồi sang một bên. Năm trăm Trưởng giả cũng cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật rồi ngồi sang một bên.

Đức Thế Tôn bảo rằng:

“Này Thủ Trưởng giả, nay ông có một chúng rất đông này. Trưởng giả, ông dùng phương pháp gì để nhiếp hộ [106] đại chúng này?”

Bấy giờ Thủ Trưởng giả thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, có bốn nhiếp sự [107], như Đức Thế Tôn đã dạy. Một là huệ thí, hai là ái ngôn, ba là lợi hành, bốn là đồng sự [108]. Bạch Thế Tôn, con dùng bốn phương pháp ấy để nhiếp hộ đại chúng này, hoặc là bằng bố thí, hoặc là bằng ái ngôn, hoặc là bằng lợi hành, hoặc là bằng đồng sự.

Đức Thế Tôn khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Này Thủ Trưởng giả, ông có thể bằng như pháp ấy mà nhiếp hộ đại chúng, lại bằng như môn ấy mà nhiếp hộ đại chúng, lại bằng như nhân duyên mà nhiếp hóa đại chúng [109]. Này Thủ Trưởng giả, nếu trong quá khứ có Sa-môn, Bà-la-môn nào, bằng như pháp mà nhiếp hộ đại chúng, tất cả những sự nhiếp hộ đấy đều hoàn toàn [110] ở trong bốn sự nhiếp này. Này Thủ Trưởng giả, nếu trong vị lai có Sa-môn, Bà-la-môn nào bằng như pháp nhiếp hóa đại chúng, tất cả những sự nhiếp hóa ấy hoàn toàn ở trong bốn sự nhiếp này. Này Thủ Trưởng Giả, nếu trong hiện tại có Sa-môn, Bà-la-môn nào bằng như pháp nhiếp hóa đại chúng, tất cả những pháp ấy đều hoàn toàn ở trong bốn sự nhiếp này.”

Bấy giờ Đức Thế Tôn thuyết pháp cho Thủ Trưởng giả, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi bằng vô lượng phương tiện thuyết pháp cho ông, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ rồi, Ngài ngồi im lặng.

Bấy giờ, sau khi được Đức Thế Tôn thuyết pháp cho, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ rồi, Thủ Trưởng giả liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Đức Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi ra đi.

Trở về nhà, [483a] khi từ cổng ngoài, nếu có gặp người nào, ông đều thuyết pháp cho, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Khi đến trong cổng ngõ giữa, cổng nhỏ trong nhà và đến bên trong nhà, nếu gặp người nào ông đều thuyết pháp cho, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi vào nhà, trải giường, ngồi kiết già, tâm câu hữu với từ, biến mãn một phương, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, hai, ba, bốn phương, tứ duy, thượng hạ, biến khắp tất cả, tâm câu hữu với từ, không kết, không nhuế, không oán, không tránh, rộng lớn bao la vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, với bi và hỷ; tâm câu hữu với xả, không kết, không oán, không nhuế, không tránh, rộng lớn bao la, khéo tu tập biến mãn tất cả thế gian thành tựu và an trụ.

Bấy giờ Chư Thiên ở cõi Tam Thập Tam Thiên tập trung tại pháp đường xuýt xoa khen ngợi Thủ Trưởng giả.

“Này Chư Hiền, Thủ Trưởng giả có đại thiện lợi, đại công đức. Vì sao thế? Này Chư Hiền, Thủ Trưởng giả ấy, sau khi được Đức Phật thuyết pháp, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ rồi, ông liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi ra đi. Trở về nhà, khi từ cổng ngoài, nếu có gặp người nào, ông đều thuyết pháp cho, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Khi đến trong cổng ngõ giữa, cổng nhỏ trong nhà và đến bên trong nhà, nếu gặp người nào ông đều thuyết pháp cho, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi vào nhà, trải giường, ngồi kiết già, tâm câu hữu với từ, biến mãn một phương, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, hai, ba, bốn phương, tứ duy, thượng hạ, biến khắp tất cả, tâm câu hữu với từ, không kết, không nhuế, không oán, không tránh, rộng lớn bao la vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, với bi và hỷ; tâm câu hữu với xả, không kết, không oán, không nhuế, không tránh, rộng lớn bao la, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian thành tựu và an trụ.”

Bấy giờ, Tỳ-sa-môn Đại thiên vương, sắc tượng nguy nga, ánh sáng rực rỡ, lúc đêm gần về sáng, đi đến nhà Thủ Trưởng giả, nói rằng:

“Này Trưởng giả, ông có đại thiện lợi, có đại công đức. Vì sao thế? Hôm nay ở cõi Tam Thập Tam Thiên vì Trưởng giả mà tập trung tại pháp đường xuýt xoa khen ngợi: ‘Thủ Trưởng giả ấy có đại thiện lợi, có đại công đức. Vì sao thế? Này Chư Hiền, vì Thủ Trưởng giả ấy, sau khi được Đức Phật thuyết pháp, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ rồi, ông liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi ra đi. Trở về nhà, khi từ cổng ngoài, [483b] nếu có gặp người nào, ông đều thuyết pháp cho, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Khi đến trong cổng ngõ giữa, cổng nhỏ trong nhà và đến bên trong nhà, nếu gặp người nào ông đều thuyết pháp cho, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi vào nhà, trải giường, ngồi kiết già, tâm câu hữu với từ, biến mãn một phương, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, hai, ba, bốn phương, tứ duy, thượng hạ, biến khắp tất cả, tâm câu hữu với từ, không kết, không nhuế, không oán, không tránh, rộng lớn bao la vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, với bi và hỷ; tâm câu hữu với xả, không kết, không oán, không nhuế, không tránh, rộng lớn bao la, khéo tu tập biến mãn tất cả thế gian thành tựu và an trụ.’”

Bấy giờ Thủ Trưởng giả im lặng không nói gì cả; không ngắm, không nhìn Tỳ-sa-môn Đại thiên vương. Vì sao thế? Vì tôn trọng định tâm và để thủ họ định tâm của mình.

Bấy giờ Đức Thế Tôn ở giữa vô lượng trăm nghìn đại chúng, khen ngợi Thủ Trưởng giả:

“Thủ Trưởng giả có bảy pháp vị tằng hữu. Sau khi Ta thuyết pháp cho Thủ Trưởng giả ấy, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ rồi, ông liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ Ta, nhiễu quanh ba vòng rồi ra đi. Trở về nhà, khi từ cổng ngoài, nếu có gặp người nào, ông đều thuyết pháp cho, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Khi đến trong cổng ngõ giữa, cổng nhỏ trong nhà và đến bên trong nhà, nếu gặp người nào ông đều thuyết pháp cho, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi vào nhà, trải giường, ngồi kiết già, tâm câu hữu với từ, biến mãn một phương, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, hai, ba, bốn phương, tứ duy, thượng hạ, biến khắp tất cả, tâm câu hữu với từ, không kết, không nhuế, không oán, không tránh, rộng lớn bao la vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, với bi và hỷ; tâm câu hữu với xả, không kết, không oán, không nhuế, không tránh, rộng lớn bao la, khéo tu tập biến mãn tất cả thế gian thành tựu và an trụ.

“Hôm nay Chư Thiên ở Tam Thập Tam Thiên vì Trưởng già ấy mà tập trung ở pháp đường để khen ngợi: ‘Thủ Trưởng giả có đại thiện lợi, đại công đức. Vì sao thế? Này Chư Hiền, Thủ Trưởng giả ấy, sau khi được Đức Phật thuyết pháp, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ rồi, ông liền từ chỗ ngồi dứng dậy đảnh lễ Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi ra đi. Trở về nhà, khi từ cổng ngoài, nếu có gặp người nào, ông đều thuyết pháp cho, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Khi đến trong cổng ngõ giữa, cổng nhỏ trong nhà và đến bên trong nhà, nếu gặp người nào ông đều thuyết pháp cho, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi vào nhà, trải giường, ngồi kiết già, tâm câu hữu với từ, biến mãn một phương, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, hai, ba, bốn phương, tứ duy, thượng hạ, [483c]biến khắp tất cả, tâm câu hữu với từ, không kết, không nhuế, không oán, không tránh, rộng lớn bao la vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, với bi và hỷ; tâm câu hữu với xả, không kết, không oán, không nhuế, không tránh, rộng lớn bao la, khéo tu tập biến mãn tất cả thế gian thành tựu và an trụ’.

 “Hôm nay Tỳ-sa-môn Đại thiên vương, sắc tượng nguy nga, ánh sáng rực rỡ, lúc đêm gần về sáng, đi đến nhà Thủ Trưởng giả, nói:

“– Này Trưởng giả, ông có đại thiện lợi, có đại công đức. Vì sao thế? Hôm nay ở cõi Tam Thập Tam Thiên vì Trưởng giả mà tập trung tại pháp đường xuýt xoa khen ngợi: ‘Thủ Trưởng giả ấy có đại thiện lợi, có đại công đức. Vì sao thế? Này Chư Hiền, vì Thủ Trưởng giả ấy, sau khi được Đức Phật thuyết pháp, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ rồi, ông liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi ra đi. Trở về nhà, khi từ cổng ngoài, nếu có gặp người nào, ông đều thuyết pháp cho, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Khi đến trong cổng ngõ giữa, cổng nhỏ trong nhà và đến bên trong nhà, nếu gặp người nào ông đều thuyết pháp cho, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi vào nhà, trải giường, ngồi kiết già, tâm câu hữu với từ, biến mãn một phương, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, hai, ba, bốn phương, tứ duy, thượng hạ, biến khắp tất cả, tâm câu hữu với từ, không kết, không nhuế, không oán, không tránh, rộng lớn bao la vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, với bi và hỷ; tâm câu hữu với xả, không kết, không oán, không nhuế, không tránh, rộng lớn bao la, khéo tu tập biến mãn tất cả thế gian thành tựu và an trụ’.”

Bấy giờ có một Tỳ-kheo, sau khi đêm đã qua, vào lúc sáng sớm, khoác y ôm bát đến nhà Thủ Trưởng giả. Thủ Trưởng giả từ xa trông thấy Tỳ-kheo, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay hướng về thầy Tỳ-kheo mà thưa:

“Kính chào Tôn giả! Tôn giả đã lâu không đến đây. Mời ngồi trên giường này.”

Lúc đó Tỳ-kheo liền ngồi trên giường đó. Thủ Trưởng giả đảnh lễ dưới chân Tỳ-kheo, rồi ngồi sang một bên. Tỳ-kheo nói:

“Này Trưởng giả, ông có đại thiện lợi, đại công đức. Vì sao thế? Đức Thế Tôn vì ông ở giữa vô lượng trăm ngàn đại chúng mà khen ngợi Thủ Trưởng giả: ‘Thủ Trưởng giả có bảy pháp vị tằng hữu. Sau khi Ta thuyết pháp cho Thủ Trưởng giả ấy, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ rồi, ông liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ Ta, nhiễu quanh ba vòng rồi ra đi. Trở về nhà, khi từ cổng ngoài, nếu có gặp người nào, ông đều [484a] thuyết pháp cho, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Khi đến trong cổng ngõ giữa, cổng nhỏ trong nhà và đến bên trong nhà, nếu gặp người nào ông đều thuyết pháp cho, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi vào nhà, trải giường, ngồi kiết già, tâm câu hữu với từ, biến mãn một phương, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, hai, ba, bốn phương, tứ duy, thượng hạ, biến khắp tất cả, tâm câu hữu với từ, không kết, không nhuế, không oán, không tránh, rộng lớn bao la vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, với bi và hỷ; tâm câu hữu với xả, không kết, không oán, không nhuế, không tránh, rộng lớn bao la, khéo tu tập biến mãn tất cả thế gian thành tựu và an trụ.

“Hôm nay Chư Thiên ở Tam Thập Tam Thiên vì Trưởng già ấy mà tập trung ở pháp đường để khen ngợi: ‘Thủ Trưởng giả có đại thiện lợi, đại công đức. Vì sao thế? Này Chư Hiền, Thủ Trưởng giả ấy, sau khi được Đức Phật thuyết pháp, khuyến giáo, khích lệ, làm cho cho hoan hỷ rồi, ông liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi ra đi. Trở về nhà, khi từ cổng ngoài, nếu có gặp người nào, ông đều thuyết pháp cho, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Khi đến trong cổng ngõ giữa, cổng nhỏ trong nhà và đến bên trong nhà, nếu gặp người nào ông đều thuyết pháp cho, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi vào nhà, trải giường, ngồi kiết già, tâm câu hữu với từ, biến mãn một phương, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, hai, ba, bốn phương, tứ duy, thượng hạ, biến khắp tất cả, tâm câu hữu với từ, không kết, không nhuế, không oán, không tránh, rộng lớn bao la vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, với bi và hỷ; tâm câu hữu với xả, không kết, không oán, không nhuế, không tránh, rộng lớn bao la, khéo tu tập biến mãn tất cả thế gian thành tựu và an trụ’.

 “Hôm nay Tỳ-sa-môn Đại thiên vương, sắc tượng nguy nga, ánh sáng rực rỡ, lúc đêm gần về sáng, đi đến nhà Thủ Trưởng giả, nói:

“– Này Trưởng giả, ông có đại thiện lợi, có đại công đức. Vì sao thế? Hôm nay ở cõi Tam Thập Tam Thiên vì Trưởng giả mà tập trung tại pháp đường xuýt xoa khen ngợi: ‘Thủ Trưởng giả ấy có đại thiện lợi, có đại công đức. Vì sao thế? Này Chư Hiền, vì Thủ Trưởng giả ấy, sau khi được Đức Phật thuyết pháp, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ rồi, ông liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi ra đi. Trở về nhà, khi từ cổng ngoài, nếu có gặp người nào, ông đều thuyết pháp cho, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Khi đến trong cổng ngõ giữa, cổng nhỏ trong nhà và đến bên trong nhà, nếu gặp người nào ông đều thuyết pháp cho, khuyến phát, khát ngưỡng, [484b] thành tựu hoan hỷ. Sau khi vào nhà, trải giường, ngồi kiết già, tâm câu hữu với từ, biến mãn một phương, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, hai, ba, bốn phương, tứ duy, thượng hạ, biến khắp tất cả, tâm câu hữu với từ, không kết, không nhuế, không oán, không tránh, rộng lớn bao la vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, với bi và hỷ; tâm câu hữu với xả, không kết, không oán, không nhuế, không tránh, rộng lớn bao la, khéo tu tập biến mãn tất cả thế gian thành tựu và an trụ.

“Bấy giờ Thủ Trưởng giả im lặng không nói gì cả, không ngắm, không nhìn Tỳ-sa-môn Đại thiên vương. Vì sao thế? Vì tôn trọng định tâm và để thủ hộ địng tâm của mình.”

Bấy giờ Thủ Trưởng giả thưa với thầy Tỳ-kheo rằng:

“Bạch Tôn giả lúc bấy giờ không có người bạch y nào chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Không có người bạch y nào.”

Và hỏi lại:

“Nếu có người bạch y thì sẽ có sai lầm gì?”

 Trưởng giả đáp:

 “Bạch Tôn giả, hoặc có người không tin lời của Đức Thế Tôn; người ấy sẽ ấy sẽ trong lâu dài không được lợi ích, không đợc an ổn [111], sanh vào chỗ cực ác, thọ vô lượng khổ. Nếu kẻ nào tin lời Đức Thế Tôn người ấy do việc đó sẽ cung kính lễ bái con. Bạch Tôn giả, con cũng không thích được như vậy. Bạch Tôn giả, mời ở lại đây thọ thực.”

Tỳ-kheo ấy im lặng nhận lời. Sau khi biết Tỳ-kheo đã im lặng nhận lời, Trưởng giả Úc-già liền từ chỗ ngồi đứng dậy, tự mình múc nước rửa tay, rồi đem tất cả rất nhiều món ăn cứng và mềm rất mỹ diệu tinh khiết, ngon lành, tự tay hầu sớt, để cho Tỳ-kheo ăn được no đủ. Ăn xong, dọn cất đồ đạc và dùng nước rồi, lấy một giường nhỏ ngồi riêng để nghe pháp.

Thầy Tỳ-kheo thuyết pháp cho Trưởng giả, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi bằng vô lượng phương tiện thuyết pháp cho ông, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ rồi, Tỳ-kheo liền từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi. Đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật rồi ngồi sang một bên, rồi đem trình bày đầy đủ lại cuộc thảo luận giữa thầy và Thủ Trưởng giả lên Đức Phật.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các thầy Tỳ-kheo rằng:

“Ta vì cớ ấy mà khen Thủ Trưởng giả có bảy pháp vị tằng hữu. Lại nữa, Thủ Trưởng giả có pháp vị tằng hữu thứ tám là Thủ Trưởng giả vô cầu, vô dục.

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

41. KINH THỦ TRƯỞNG GIẢ (II)

 [484c]Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại A-la-tì Già-la, trong Hòa lâm.

Bấy giờ Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo rằng:

“Thủ Trưởng giả có tám pháp vị tằng hữu. Những gì là tám? Thủ Trưởng giả có thiểu dục, có tín, có tàm, có quý, có tinh tấn, có niệm, có định, có tuệ. [112]

 “Nói Thủ Trưởng giả có thiểu dục, là do nhân gì? Thủ Trưởng giả tự thân thiểu dục, không muốn để cho người khác biết mình có thiểu dục. Có tín, có tàm, có quý, có tinh tấn, có niệm, có tuệ Thủ Trưởng giả tự có tuệ, không muốn cho người khác biết mình có tuệ. Nói Thủ Trưởng giả có thiểu dục, là nhân đó mà nói.

“Nói Thủ Trưởng giả có tín, là do nhân gì? Thủ Trưởng giả có lòng tin kiên cố, tin tưởng thâm sâu nơi Như Lai, tín căn đã xác lập, hoàn toàn không theo Sa-môn, Bà-la-môn, Ngoại đạo, hoặc Thiên, Ma, Phạm và tất cả những người khác trong thế gian. Nói Thủ Trưởng giả có tín, là nhân đó mà nói.

“Nói Thủ Trưởng giả có tàm, là do nhân gì? Thủ Trưởng giả thường hành xấu hổ, điều gì đáng xấu hổ thì biết xấu hổ, xấu hổ đối với pháp ác bất thiện, phiền não  cấu uế đưa đến thọ các ác báo, tạo gốc sanh tử. Nói Thủ Trưởng giả có tàm, là nhân đó mà nói.

“Nói Thủ Trưởng giả có quý, là do nhân gì? Thủ Trưởng giả thường thực hành sự hổ thẹn, điều nào đáng thẹn thì biết thẹn, thẹn các pháp ác bất thiện và phiền não  cấu uế đưa đến thọ các ác báo, tạo gốc sanh tử. Nói Thủ Trưởng giả có quý, là nhân đó mà nói.           

“Nói Thủ Trưởng giả có tinh tấn, là do nhân gì? Thủ Trưởng giả thường thực hành sự tinh tấn, trừ ác và bất thiện, tu các thiện pháp, luuuôn luôn tự kích lệ ý chí, chuyên nhất và kiên cố, tạo gốc rễ thiện, không hề từ bỏ sự tinh cần [113]. Nói Thủ Trưởng giả có tinh tấn, là nhân đó mà nói.

“Nói Thủ Trưởng giả có niệm, là do nhân gì? Thủ Trưởng giả quán nọi thân như thân, quán nội giác, nội tâm, nội pháp như pháp [114]. Nói Thủ Trưởng giả có niệm, là nhân đó mà nói.          

“Nói Thủ Trưởng giả có định, là do nhân gì? Thủ Trưởng giả ly dục, ly ác bất thiện pháp, cho đến chứng đắc Tứ thiền, thành tựu và an trụ. Nói Thủ Trưởng giả có định, là nhân đó mà nói.

“Nói Thủ Trưởng giảù có tuệ, là do nhân gì? Thủ Trưởng giả tu hành trí tuệ, quán sát sự hưng thịnh và suy tàn của các pháp; đạt được trí tuệ như vậy, bằng Thánh tuệ minh đạt, phân biệt rõ ràng [115] mà hoàn toàn thoát khổ. Nói Thủ Trưởng giả có tuệ, là nhân đó mà nói.

“Nói Thủ Trưởng giả có tám pháp vị tằng hữu, là nhân đó mà nói.

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành. [116]

 


 [1] M 123 (iii.119): A-nan tự thân nghe từ chính đức Phật nói, cho đến đoạncuối.

 [2] M 123 không đề cập.

 [3] Pāli: aññe pi kira, bho, santi sattā idhūpapannā ti, “Này bạn, có những chúng sanh khác xuất hiện ở đây”.

 [4] Hán: thư thể 舒體, hình thể duỗi dài, hay thư thới?

 [5] Xem cht.4 trên.

 [6] M. 123: A-nan chỉ kể cho đến khi Bồ tát giáng sanh xong là hêt

 [7] Hán: thiên đồng tử 天童子.

 [8] Thích Ma-ha-nam 釋 摩 訶 南. Có lẽ đây là Mahānāma của dòng họ Licchavi ở Vesāli, chứ không phải Mahānāma dòng họ Thích ở Kapilavatthu, con trai Amitodāna (Cam Lộ Phạn vương). Tham khảo Pāli, A. iii 75ff.

 [9] Cao lâu đài quán 高樓臺觀. Pāli: Kūṭāgārasālā, ngôi nhà sàn, giảng đường Trùng các, trong Đại lâm (Mahāvana), Vesāli.

 [10] Bạt-kỳ 跋耆, tên chủng tộc và cũng là tên nước. Pāli: Vajji.

 [11] A-phù 阿浮. Pāli: Ātumā. Từ đoạn này trở xuống, tham chiếu, No.1(2), Kinh số 2 (Du Hành).

 [12] Uất-tì-la 鬱鞞羅. Pāli: Uruvelā.

 [13] Ni-liên-nhiên 尼連然  (Ni-liên-thiên) Pāli: Nerañjarā.

 [14] A-xà-hòa-la Ni-câu-loại 阿闍和羅尼拘類. Pāli: Ajapāla-Nigrodha, cây Bồ-đề.

 [15] Câu-lân-nhã 拘 鄰 若 (Añña-Koṇḍañña).

 [16] A-nhiếp-bối 阿 攝 貝 (Assaji).

 [17] Thích-ca Vương Bạt-đề 釋 迦 王 跋 提 (Bhaddiya), nguyên là Vua họ Thích-ca.

 [18] Ma-ha-nam Câu-lệ 摩 訶 男 拘 隸 (Mahānāma Kolita).

 [19] Hòa-phá 惒 破 (Vappa).

 [20] Da-xá 耶 舍 (Yasa).

 [21] Bân-nậu 邠 耨 (Puṇṇa).

 [22] Duy-ma-la 維 摩 羅 (Vimala).

 [23] Già-hòa-ba-đề 伽 惒 波 提 (Gavampati).

 [24] Tu-đà-da 須 陀 耶.

 [25] Xá-lợi-phất 舍 梨 子 (Sāriputta).

 [26] A-na-luật-đà 阿 那 律 陀 (Anurudha).

 [27] Nan-đề 難 提 (Nandiya).

 [28] Kim-tì-la 金 毘 羅 (Kimbila).

 [29] Lệ-bà-đá 隸 婆 哆 (Revata).

 [30] Đại Mục-kiền-liên 大 目 犍  連  (Mahā-Moggallāna).

 [31] Đại Ca-diếp 大 迦 葉 (Mahā-Kassapa).

 [32] Đại Câu-hi-la 大 拘 絺 羅 (Mahā-Koṭṭhita).

 [33] Đại Châu-na 大 周 那 (Mahā-Cunda).

 [34] Đại Ca-chiên-diên 大 迦 旃 延 (Mahā-Kaccāyana).

 [35] Bân-nậu-da-nậu-tả trưởng lão 邠 耨 耶 耨 寫 長 老.

 [36] Da-xá Hành trù trưởng lão 耶 舍 行 籌 長 老.

 [37]  Suốt trong khi hai mươi năm đầu, kể từ khi thành đạo Đức Phật không có thị giả riêng. Vị này hoăc vị kia thay nhau thị giả Ngài. Nhưng những vị này không xứng ý Ngài, đôi khi không vâng lời Ngài, có lúc ôm y bát của Ngài đi mất.

 [38] Hán: như kỳ tượng định 如其像定; Pāli: tathārūpaṃ samādhiṃ samāpajji, nhập vào tam-muội có hình thức như thế.

 [39]  Lưu ý trong bản Hán, văn khí thay đổi từ lời ghi nhận của Phật chuyển sang lối thuật sự.

 [40] Một lần Thế Tôn bệnh, A-nan nấu cháo nhưng phạm phải một điều luật do đó bị Phật khiển trách. Thập Tụng 26, tr.187a.

 [41] Pháp tụ法聚, hay Pháp uẩn, thể tài hay ý nghĩa được đề cập trong giáo pháp của Phật. Pāli: dhamakkhandha.

 [42] Ưu-đa-la-tăng 優哆邏僧: Uất-đa-la-tăng. Pāli: uttarāsaṅga, dịch là thượng y, áo khoác phần trên thân thể. Thường thì nói là “trải tăng-già-lê bốn lớp”; Pāli: catugguṇam saṅghāṭiṃ paññāpetvā. Hán dịch có thể nhầm. Uất-đa-la-tăng gấp bốn không đủ trải chỗ nằm. Gấp bốn tăng-già-lê cũng không đủ. Cf. Tứ phần 40 (tr. 857b10): nhược cố y thính nhị trùng uất-đa-la-tăng, tứ trung tăng-già-lê  若故衣聽(…) 二重<gaiji cb='CB0614' des=' [爵-(采-木)+(樊-大)]' uni='6B1D' >欝</gaiji>多羅僧四
<lb n="0857b11"/>重僧伽梨, nếu là y (vải) cũ, uất-đa-la-tăng được phép may thành hai lớp, tăng-già-lê được phép may thành bốn lớp.  Pāli. Vin. i. 290 (Mahāvagga): anujānāmi …. dussānaṃ catugguṇaṃ saṅghātiṃ diguṇaṃ uttarāsaṅgaṃ..

 [43] Tăng-già-lê 僧伽梨; Pāli: saṅghāṭi, áo choàng, áo khoác hay trùm bên ngoài. Hán dịch có thể nhầm. Phật chỉ có ba y. Nếu một đã trải năm, một làm gối, chỉ còn lại một cai y nội là antaravāsaka.

 [44] Minh tưởng 明相, suy tưởng về ánh sáng.

 [45] Câu-thi-na-kiệt 拘尸那竭. Pāli: Kusināra, thị trấn nơi Phật sẽ nhập Niết-bàn.

 [46] Hòa-bạt-đan Lực sĩ Sa-la lâm 惒跋單力士裟羅 林; No.1(2) kinh số 2 “Du Hành”: Bản sanh xứ Mạt-la song thọ gian. Pāli: rừng Upavattana, rừng cây sāla, ở bên bờ sông Hiraññavati (Hi-liên-thiền), của dòng họ Malla ở Kusinarā. Đức Thích Tôn sẽ nhập Niết-bàn trong rừng này.

 [47] Đoạn này có thể Hán dich có sự nhầm lẫn. Xem, N 1(2) kinh Du hành, tr. 26a: “Thế Tôn, hiện nay các Sa-môn khắp bốn phương, gồm những vị kỳ cựu đa văn, thấu hiểu kinh luật, đức hạnh thanh cao, thường đến bái yết Phật, nhân đó con được lễ kính và gần gũi hỏi han. Nhưng sau khi Phật diệt độ rồi, họ không đến nữa, con không còn biết hỏi ai nữa, thì làm sao?” Nhân câu hỏi A-an này mà Phật chỉ ra bốn chỗ động tâm.

 [48] Xem No 1(2) kinh Du hành, tr. 26a.

 [49] Cf. No.1(2) kinh “Du Hành”.

 [50]  Kim cang 金 剛, Pāli có lẽ là Vajjī (tên dòng họ cũng là tên nước; Hán: Bạt-kỳ) được đọc là Vajira (kim cang).

 [51]  Kim Cang Tử, Pāli, có lẽ chính xác là Vajjiputta (thay vì Vajiraputta), sự kiện được đề cập trong Thag. kệ 119. Cf. Tứ phần 54 (tr. 967a12): Tỳ kheo Bạt-xà Tử 跋闍子比丘.

 [52] Bài kệ Pāli, xem Thag. 119; Tứ phần 54 (tr. 967a20).

 [53] Trong bản: A-la-ha 阿 羅 訶.

 [54] Bạc-câu-la 薄拘羅. Pāli: Bakkula, Bākula, hay Vakkula; nguyên quán ở Kosambi, một trong bốn đệ tử có đại thần thông (abhiñña). Ngài được coi là vị đệ tử khổ hạnh, không thuyết pháp.

 [55] Dị học 異 學. Pāli: acela-Kassapa, một tu sĩ lõa thể tên là Kassapa.

 [56] Hán: dục tưởng 欲 想. Pāli: kāmasaññā.

 [57] Phấn tảo y 糞掃衣. Pāli: paṃsu, y may bằng vải lượm từ các đống rác. Bakkula tu hạnh đầu-đà, chỉ mặc y phấn tảo (paṃsukulika).

 [58] Tức nhận vải từ cư sĩ để may y.

 [59] Hán: siêu việt khất thực 超 越 乞 食. Theo phép, khất thực phải đi lần lượt từng nhà, bất luận giàu hay nghèo.

 [60] Hán: thực đạm hàm tiêu 食 噉 含 消; thức ăn cần phải nhai, và loại chỉ ngậm cho tiêu.

 [61] Ha-lê-lặc 訶 梨 勒. Pāli: harītaka, loại quả dùng lam thuốc (Terminalia citrina).

 [62] Hán: tam đạt chứng 三 達 證. Tức sự chứng đắc ba minh: túc mạng minh, thiên nhãn minh và lậu tận minh. Pāli: tisso vijjā: pubbenivāsānussati-ñāṇa-vijjā, cutūpapāte-ñāṇa-vijjā, āsavā-khaya-ñāṇa-vijjā.

 [63] Tì-lan-nhã 鞞蘭若. Pāli: Verañjā, tên một thị trấn gần Sāvatthi.

 [64] Hoàng lô viên 黃蘆園. Pāli: Naḷerupucīmaṇḍa, khu rừng gần thị trấn Verañjā, phần lớn toàn cây pucimanda, một loại lao? (Aśdirachta Indica).

 [65] Bà-la-la A-tu-la vương 婆羅邏阿須羅王. Pāli: Pahārāda-asurinda.

 [66] Mâu-lê-già A-tu-la tử 牟梨遮阿須羅子, con trai của A-tu-la Mâu-lê-già(?); No.125(42.4) Mâu-đề-luân thiên tử 牟提倫天子.

 [67] Pāli: mahataṃ bhūtanaṃ āvāso, trú xứ của các sinh vật to lớn.

 [68] Kiền-thấp-hòa 乾 塔 惒. Pāli: gandhabba.

 [69] La-sát 羅 刹. Pāli: Rakkha.

 [70] Ngư ma-kiệt 魚 摩 竭. Pāli: makara, một loại cá voi.

 [71] Đà 鼍; một loại cá sấu. Pāli: (?).

 [72] Bà-lưu-nê 婆留泥. Pāli: (?). Skt. Vāruṇa, động vật sồng trong nước, một loại cá.

 [73] Đế-nghê 帝麑. Pāli: timi, một loại cá lớn.

 [74] Đế-nghê-già-la 帝麑伽羅. Pāli: timiṅgala, một loại cá lớn có thể nuốt cả một chiếc thuyền.

 [75] Đề-đế-nghê-già-la 提帝麑伽羅. Pāli: timiramiṅgala, một loại cá lớn có thể nuốt cả một chiếc thuyền.

 [76] Hằng-già 恆 伽, Diêu-vưu-na 搖尤那, Xa-lao-phù 舍牢浮, A-di-la-ba-đề 阿夷羅婆提, Ma-xí 摩企. Pāli, theo thứ tự: Gaṅgā, Yamunā, Sarabhū, Aciravatī, Mahī.

 [77] Bản Hán, hết quyển 8.

 [78] Kim cang 金剛. Pāli: Vajirā, không thấy địa danh này trong Pāli. Có lẽ là Vajjī. No.125(42-5), tại Xá-vệ. Bản Pāli: tại Vesāli.

 [79] Viết địa 日地. Pāli, có lẽ phiên âm của Vajjī (cũng dịch là Bạt-kỳ), tên chủng tộc, cũng là tên Vương quốc; nhưng không tìm thấy tên thành tương đương.

 [80] Tham chiếu, D.16, biến cố xảy ra tại Cāpāla, sau khi Thế Tôn chấp thuận lời thỉnh cầu của Ma vương, Ngài xả bỏ thọ hành. Tham chiếu No.1(2), tr.15b và tt.

 [81]  Có bốn tưởng: tiểu tưởng, đại tưởng, vô lượng tưởng, vô sở hữu tưởng (Tập dị 6. tr.492 a).

 [82]  Các bản kia, có tám trường hợp khiến động đất, như trên, và kể thêm lúc Bồ-tát giáng thần, lúc Bồ-tát đản sanh, lúc Như Lai thành đạo, lúc Như Lai chuyển pháp luân, lúc Như Lai xả bỏ thọ hành và lúc Như Lai nhập Niết-bàn.

 [83] Xem No 1(2) kinh Du hành, tr. 16b.

 [84]  Tứ vương thiên 四王天 (Pāli: Catummahārājikā devā), Tam Thập Tam Thiên 三十三 天(Tāvatiṃsā: Đao-lị), Diệm-ma thiên 焰摩天(Yāmā), Đâu-suất-đá thiên 兜率哆天 (Tusitā), Hóa lạc thiên 化樂天(Nimmānarati), Tha hóa lạc thiên 他化樂天 (Paranimmitavasavatti), Phạm thân thiên 梵身天(Brahmakāyikā: Phạm chúng), Phạm-phú-lâu thiên 梵富樓天 (Brahmapurohītā: Phạm phụ), Thiểu quang thiên 少光天 (Parittābhā), Vô lượng quang thiên 無量光天 (Appamāṇābhā), Hoảng dục thiên 晃 昱 天 (Ābhassarā: Cực quang / Quang âm), Thiểu tịnh thiên 少 淨 天 (Parittasubhā), Vô lượng tịnh thiên 無量淨天(Appamāṇasubhā), Biến tịnh thiên 遍淨天 (Subhakiṇṇā), Vô quái ngại thiên 無罫礙天 (Pl.? Skt. Anabhrakā: Vô vân thiên), Thọ phước thiên 受 福 天 (Pl.? Skt. Puṇyaprasavā: Phước sanh thiên), Quả thật thiên 果實天 (Vehapphalā: Quang quả thiên), Vô phiền thiên 無煩天 (Avihā), Vô nhiệt thiên 無熱天 (Atappā), Thiện kiến thiên 善見天 (Sudassā), và Thiện hiện thiên 善現天 (Sudassī). Pāli: Tám chúng (aṭṭha parisā), biểu hiện tám pháp vi tăng hữu của Đức Như Lai giữa các loài trời và loài người: Sát-lị, Bà-la-môn, Cư sĩ, Sa-môn, Tứ thiên vương, Tam Thập Tam Thiên, chúng Ma và Phạm thiên.

 [85]  Sắc cứu cánh 色究竟, cao nhất tầng thứ tư của Sắc giới.

 [86]  Chiêm-ba, Hằng-già trì 瞻波恆伽池, Pāli: hồ sen Gaggarā ở Campā. Ngũ Phần 28  tr.180c): Chiêm-ba quốc, Hằng thủy biên. Tứ Phần 36 (tr.824a): Chiêm-ba quốc Già-già hà trắc. Nhưng, A. Viii. 20: trú tại Sāvatthi, trong giảng đường của bà Migāramātu (Visakhā), khu vườn phía Đông.

 [87]  Trong bản Hán: nguyệt thập ngũ nhật thuyết tùng giải thoát 月十五日說從 解 脫. Ba-la-đề-mộc-xoa (Pāṭimokkha), đây dịch là tùng giải thoát, phổ thông dịch là biệt giải thoát, chỉ các loại giới mà Phật chế cho các chúng đệ tử. Bản Pāli: tena samayena... tadahuposathe, nhân ngày bố-tát.

 [88]  Các bản Hán khác đều nói Tôn giả A-nan. A. Vii.20 cũng vậy.

 [89] Tứ Phần, đã dẫn: “Giữa một đại chúng không thanh tịnh mà muốn Đức Như Lai yết-ma thuyết giới thì không có trường hợp đó”.

 [90] Hán: như kỳ tượng định. xem cht.24, kinh số 33.

 [91] Hán: mạc ư thử trụ 莫於此住. Tứ Phần 28 đd. tr.181a: nhữ xuất khứ, diệt khứ, mạc thử trung trụ 汝出去滅去莫此中住. Pāli: natthi te bhikkhūhi saddhiṃ saṃvāso, “ông không còn sống chung với các Tỳ-kheo”. Tham chiếu các bản, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên trục xuất Tỳ-kheo này ra khỏi tăng. Bản Pāli: saṃvāso (sống chung, sinh hoạt chung), trong các bản Hán: trú.

 [92] Tứ Phần 36 (tr.824b): “Đại chúng đã thanh tịnh, mong Thế Tôn thuyết giới.

 [93] Tứ Phần 36 (tr.824b): Đức Phật khiển trách Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, và thiết lập một trong bảy pháp Diệt tránh là “Tự ngôn trị”.

 [94] Từ đây trở xuống, tán thán sự hy hữu của đại hải như kinh 35 trên.

 [95] Bất di động tâm giải thoát 不移動心解脫. Pāli: akuppā cetovimutti, sự giải thoát của tâm, không còn dao động.

 [96] Úc-già Trưởng giả 郁 伽 長 者. Pāli: Ugga-gahapati. Có hai vị cùng tên. Vị Trưởng giả ở Vesali (Pāli: Ugga-gahapati Vesālika), được tán thán trong kinh 39 sau. Theo nội dung, vị Ugga (Pāli: Ugga-gahapati Hatthigāmaka) của kinh này tại làng Hatthigāma, thuộc xứ Vajji và là người thuộc bộ tộc Vajji.

 [97] Pāli (A. iv. 213): Tại Nāgavana, nơi hưởng lạc của ông gần Hatthigama.

 [98] Hán: đoan chánh pháp. Pāli: anupubbikathā; thành cú (A. iv. 213): tassa me bhagavā anupubbiṃ kathaṃ kathesi, seyyathidaṃ - dānakathaṃ sīlakathaṃ saggakathaṃ, kāmanaṃ ādīnavaṃ okāraṃ saṃkilesaṃ, nekkhamme ānisaṃsaṃ pakāsesi, “bấy giờ Thế Tôn nói pháp thuận tự cho nghe, đó là đề tài về thí, về giới, về sanh thiên, về sự nguy hiểm của dục, sự thấp hèn, sự ô nhiểm của dục, về ích lợi trong sự xuất ly đối với dục.

 [99] Hán: chư Phật thuyết Chánh pháp yếu 諸佛說正法要. Pāli: buddhānaṃ sāmukkaṃsikā dhammadesanā taṃ pakāsesi, Ngài thuyết minh bằng sự thuyết pháp mà chư Phật xưng dương.

 [100] Ông phát nguyện tuyệt dục. Bản Hán: phạm hạnh vi thủ, thọ trì ngũ giới 梵行為首受 持五戒. Pāli: brahmacariyapañcamāni ca sikkhāpādāni samādiyiṃ, thọ trì năm học xứ và phạm hạnh.

 [101] Hán: chư phụ nhân 諸 婦 人. Pāli: catasso komāriyo pajāpatiyo, bốn người vợ trẻ.

 [102] Hán: chúng viên 眾 園. Pāli: saṃghārama (Tăng già-lam), công viên hay tịnh viên của Tăng.

 [103] Không thấy Pali tương đwong. Đây có lẽ  Ugga-gahapi Vesālika, gia chủ Ugga, người Vesāli.

 [104] A-la-tì Già-la 阿邏鞞伽邏. Pāli: trú ở Āḷavi, trong miếu Aggaḷava. Aggaḷava là một ngôi miếu tại Āḷavi, Phật thường dừng chân tại đây, và cũng tại đây Phật thiết lập một số điều khoản trong giới bổn Tỳ-kheo. Āḷavi là một thị trấn cách Sāvatthi 30 do-tuần.

 [105] Thủ Trưởng giả 手長者. Pāli: Hattaka, cũng gọi là Āḷavaka, con trai của vua xứ Āḷavi.

 [106] Hán: nhiếp. Pl.: saṅgaṇhāti: nhiếp thủ, nhiếp hộ, ái hộ.

 [107] Tứ sự nhiếp 四事攝. Pāli: cattāri saṅgahavatthūni: dānaṃ, peyyavajjaṃ, atthacariyā, samānattatā.

 [108]Huệ thí, ái ngôn, dĩ lợi, đẳng lợi 惠施愛言以利等利. Xem Tập dị 9 (No 1536, tr.402c): bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự.

 [109] Hán: như pháp, như môn, như nhân duyên 如法如門如因緣.

 [110] Hán: hoặc hữu dư 或有餘.

 [111]  Hán: bất nghĩa, bất nhẫn 不義不忍. Có lẽ từ (na) artha: ý nghĩa, hoặc lợi ích, mục đích; và Hán lẫn lộn giữa hai từ: kṣamā: kham nhẫn, nhẫn nhục, và kṣema: an ổn

 [112] Pāli, A.iv. 220, tám điều hy hữu (aṭṭhahi acchariyehi abbhutehi dhammehi) của Ugga āḷavika: có tín (saddho), có giới (sīlavā), có tàm (hirīmā), có quý (ottappī), đa văn (bahussuto), thí  xả (cāgavā), tuệ (paññavā), và thứ tám là thiểu dục (appiccho).

 [113] Hán: bất xả phương tiện 不捨方便.

 [114] Quán bốn niệm xứ.

 [115] Thánh tuệ minh đạt phẩn biệt hiểu liễu 聖慧明達分別曉了, tức Thánh quyết trạch. Pāli: ariya-nibbedha, năng lực thẩm sát, quyết trạch sắc bén của Thánh.

 [116] Bản Hán, hết quyển 9.

Phẩm 5: Tương ưng tập

PHẨM 5:
TƯƠNG ƯNG TẬP  

TỤNG NGÀY THỨ NHẤT

何義不思念慚二  

戒敬各二及本際

二食盡智說涅槃  

彌醯即為比丘說

Kệ tóm tắt:

Hà nghĩa, Bất tư, Niệm, hai Tàm,

Hai Giới, hai Kỉnh và Bản tế

Hai Thực, Tận trí, thuyết Niết-bàn,

Di-hê, Tức vị Tỳ kheo thuyết

42. KINH HÀ NGHĨA

 [485a13]Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm Lâm Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ vào lúc xế chiều, Tôn giả A-nan rời chỗ độc cư tĩnh tọa [1] đứng dậy, đến trước Đức Phật, đảnh lễ dưới chân rồi ngồi sang một bên, thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, giữ giới có mục đích gì? [2]”.

Đức Thế Tôn đáp:

“Này A-nan, giữ giới có mục đích khiến cho không hối hận [3]. Này A-nan, nếu ai giữ giới, người ấy được sự không hối hận”.

“Bạch Thế Tôn, không hối hận thì có mục đích gì?”

“Này A-nan, không hối hận thì có mục đích khiến cho được hân hoan [4]. A-nan, nếu ai không hối hận, người ấy được sự hân hoan”.

“Bạch Thế Tôn, hân hoan có mục đích gì?”

“Này A-nan, hân hoan có mục đích khiến cho có hỷ [5]. Này A-nan, nếu ai hân hoan, người ấy có hỷ”.

“Bạch Thế Tôn, hỷ có mục đích gì?”

“Này A-nan, hỷ có mục đích khiến cho an chỉ [6]. Này A-nan, nếu ai có hỷ, người ấy có an chỉ của thân”. [7]

“Bạch Thế Tôn, an chỉ có mục đích gì?”

“Này A-nan, an chỉ có mục đích khiến cho lạc [8]. A-nan, nếu ai co an chỉ người ấy có cảm thọ lạc.”

“Bạch Thế Tôn, lạc có mục đích gì?”

“Này A-nan, lạc có mục đích khiến cho có định [9]. A-nan, nếu ai có lạc người ấy có định.””

“Bạch Thế Tôn, định có mục đích gì?”

“Này A-nan, định có mục đích là khiến cho thấy như thật, biết như chơn [10]. A-nan, nếu ai [485b] có định người ấy thấy như thật, biết như chơn.”

“Bạch Thế Tôn, thấy như thật, biết như chơn có mục đích gì?”

“Này A-nan, thấy như thật, biết như chơn có mục đích là khiến cho yếm ly [11]. Này A-nan, thấy như thật, biết như chơn người ấy có sự yếm ly.

“Bạch Thế Tôn, yếm ly có mục đích gì?”

“Này A-nan, yếm ly có ý mục đích khiến cho vô dục [12]. A-nan, nếu ai yếm ly người ấy được vô dục.

“Bạch Thế Tôn, vô dục có mục đích gì?”

“Này A-nan, vô dục có mục đích khiến cho giải thoát. Này A-nan, nếu ai vô dục thì người ấy được giải thoát hết thảy dâm, nộ, si.

“Cho nên, này A-nan, nhân trì giới mà được không hối hận, nhân không hối hận mà được hân hoan, nhân hân hoan mà được hỷ, nhân hỷ mà được chỉ, nhân chỉ mà được lạc, nhân lạc mà được định.

“Này A-nan, Đa văn Thánh đệ tử nhân định mà có tri kiến như thật, nhân có tri kiến như thật mà có yếm ly, nhân có yếm ly mà được vô dục, nhân vô dục mà được giải thoát, nhân giải thoát mà có giải thoát tri kiến, biết đúng như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.

“Này A-nan, đó chính là các pháp hỗ trợ lẫn nhau, làm nhân cho nhau. Như vậy, giới này đưa đến chỗ cao tột, tức là đưa từ bờ này đến tận bờ kia [13].

Phật thuyết như vậy. Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

43. KINH BẤT TƯ

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm Lâm Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Đức Thế Tôn nói rằng:

“Này A-nan, người giữ giới không nên nghĩ rằng: ‘Mong sao tôi không có sự hối hận’. Này A-nan, bởi vì pháp tánh vốn vậy [14]: ai giữ giới, người ấy được sự không hối hận.

“Này A-nan, người đã được sự không hối hận, không nên nghĩ rằng: ‘Mong sao tôi được hân hoan. Này A-nan, bởi vì pháp tánh vốn như vậy, ai không hối hận người ấy được hân hoan.

“Này A-nan, người đã được sự hân hoan không nên nghĩ rằng: ‘Mong sao tôi được hỷ’. Này A-nan, bởi vì pháp tánh vốn vậy, ai có hân hoan, người ấy được hỷ.

“Này A-nan, người đã có hỷ không nên nghĩ rằng: ‘Mong sao tôi được an chỉ’. Này A-nan, bởi vì pháp tánh vốn như vậy, ai có hỷ, người ấy được an chỉ.

“Này A-nan, người đã được an chỉ không nên nghĩ rằng: ‘Mong sao tôi có lạc’. Này A-nan, bởi vì pháp tánh vốn vậy, [485c] ai đã có an chỉ, người ấy được cảm thọ lạc.

“Này A-nan, người đã có lạc không nên nghĩ rằng: ‘Mong sao tôi có định’. Này A-nan, bởi vì pháp tánh vốn vậy, ai có lạc, người ấy có định.

“Này A-nan, người đã có định không nên nghĩ rằng: ‘Mong sao tôi thấy như thật, biết như chân’. Này A-nan, bởi vì pháp tánh vốn vậy, ai có định, người ấy thấy như thật, biết như chân.

“Này A-nan, người thấy như thật, biết như chân không nên nghĩ rằng: ‘Mong sao tôi có sự yếm ly’. Này A-nan, bởi vì pháp tánh vốn như vậy, ai thấy như thật, biết như chân, người ấy có sự yếm ly.

“Này A-nan, người đã có sự yếm ly không nên nghĩ rằng: ‘Mong sao tôi được vô dục’. Này A-nan, bởi vì pháp tánh vốn như vậy, ai có sự yếm ly người ấy được vô dục.

“Này A-nan, người đã vô dục không nên nghĩ rằng: ‘Mong sao tôi được giải thoát’. Này A-nan, bởi vì pháp tánh vốn như vậy, ai đã  vô dục người ấy được giải thoát hết thảy dâm, nộ, si.

“Này A-nan, đấy là nhân trì giới mà được không hối hận, nhân không hối hận mà được hân hoan, nhân hân hoan mà được hỷ, nhân hỷ mà được chỉ, nhân chỉ mà được lạc, nhân lạc mà được định.

“Này A-nan, Đa văn Thánh đệ tử nhân định mà có tri kiến như thật, nhân có tri kiến như thật mà có yếm ly, nhân có yếm ly mà được vô dục, nhân vô dục mà được giải thoát, nhân giải thoát mà có giải thoát tri kiến, biết đúng như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.

“Này A-nan, đó chính là các pháp hỗ trợ lẫn nhau, làm nhân cho nhau. Như vậy, giới này đưa đến chỗ cao tột, tức là đưa từ bờ này đến tận bờ kia. [15]

Phật thuyết như vậy. Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

44. KINH NIỆM

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm Lâm Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Các Tỳ-kheo nào không chánh niệm, không chánh trí [16] thì chánh niệm bị tổn hại. Nếu không chánh niệm, chánh trí thì bị tổn hại là việc thủ hộ các căn, [17] thủ hộ giới, không hối hận, hân hoan, hỷ, chỉ, lạc, định, [486a] tri kiến như thật, [18] yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu không giải thoát thì làm tổn hại Niết-bàn.

“Nếu Tỳ-kheo nào không thường mất chánh niệm chánh trí thì thường xuyên có [19] chánh niệm chánh trí. Nếu có chánh niệm chánh trí thì thường thủ hộ các căn, giữ giới, không hối hận, hân hoan, hỷ, chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu đã giải thoát liền chứng đắc Niết-bàn.

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

45. KINH TÀM QUÝ (I)

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm Lâm Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Nếu có Tỳ-kheo nào không tàm không quý thì làm tổn hại ái và kỉnh [20]. Không có ái và kỉnh thì làm tổn hại tín. Không có tín thì làm tổn hại chánh tư duy. Không có chánh tư duy thì làm tổn hại chánh niệm chánh trí. Không có chánh niệm chánh trí thì làm tổn hại sự thủ hộ các căn, thủ hộ giới, không hối hận, hân hoan, hỷ, an chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu không giải thoát thì làm tổn hại Niết-bàn.

“Nếu Tỳ-kheo nào biết tàm quý thì có ái và kỉnh. Nếu có ái và kỉnh thì thường có tín. Nếu có tín thì thường có chánh tư duy. Nếu có chánh tư duy thì thường có chánh niệm chánh trí. Nếu có chánh niệm chánh trí thì thường giữ các căn, giữ giới, không hối hận, hân hoan, hỷ, tĩnh chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu giải thoát thì liền được Niết-bàn.

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

46. KINH TÀM QUÝ (II)

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm Lâm Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất nói với các Tỳ-kheo rằng:

“Này các Hiền giả, nếu Tỳ-kheo nào không tàm không quý thì làm tổn hại ái và kỉnh. Không có ái kỉnh thì làm hại tín. Không có tín thì làm tổn hại chánh tư duy. Không có chánh tư duy thì làm tổn hại chánh niệm, chánh trí. Không có chánh niệm, chánh trí thì làm tổn hại thủ hộ các căn, thủ hộ giới, không hối hận, hân hoan, hỷ, an chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Không thoát thì làm tổn hại Niết-bàn.

“Này Chư Hiền, cũng như [486b] cây nào mà lớp vỏ ngoài tổn hại thì lớp vỏ trong cũng hư. Vỏ trong hư, nên thân, lõi, nhánh, cành, hoa, lá chắc chắn thảy đều tàn rụi.

“Chư Hiền nên biết, Tỳ-kheo cũng như vậy. Nếu không tàm không quý thì làm tổn hại ái và kỉnh. Không có ái kỉnh thì làm hại tín. Không có tín thì làm tổn hại chánh tư duy. Không có chánh tư duy thì làm tổn hại chánh niệm, chánh trí. Không có chánh niệm, chánh trí thì làm tổn hại thủ hộ các căn, thủ hộ giới, không hối hận, hân hoan, hỷ, an chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Không thoát thì làm tổn hại Niết-bàn.

“Này Chư Hiền, Tỳ-kheo biết tàm biết quý thì thường có ái và kỉnh. Có ái và kỉnh thì thường có tín. Có tín thì thường có chánh tư duy. Có chánh tư duy thì có chánh niệm, chánh trí. Có chánh niệm, chánh trí thì thường thủ hộ giữ các căn, thủ hộ giới, không hối hận, hân hoan, hỷ, an chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu đã giải thoát liền được Niết-bàn.

“Này Chư Hiền, giống như cây nào mà vỏ ngoài không bị hư tổn thì vỏ trong không bị hư hại. Vỏ trong không hư, nên thân, lõi, cành, nhánh, hoa, lá chắc chắn thảy đều thành tựu.

“Chư Hiền nên biết, Tỳ-kheo cũng như vậy. Nên biết tàm biết quý thì thường có ái và kỉnh. Có ái kỉnh thì thường có tín. Có tín thì thường có chánh tư duy. Có chánh tư duy thì thường có chánh niệm, chánh trí. Có chánh niệm, chánh trí thì thường thủ hộ các căn, thủ hộ giới, không hối hận, hân hoan, hỷ, an chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu đã giải thoát liền đắc Niết-bàn.

Tôn giả Xá-lợi-phất thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Tôn giả Xá-lợi-phất thuyết, hoan hỷ phụng hành.

47. KINH GIỚI (I)

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm Lâm Lâm, vườn Cấp Cô Độc.          

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Tỳ-kheo nào phạm giới [21] tất làm tổn hại việc thủ hộ các căn. [22] Thủ hộ giới thì không hối hận, hân hoan, hỷ, an chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu không giải thoát thì làm tổn hại Niết-bàn.

“Nếu Tỳ-kheo nào giữ giới thì thường không có sự hối hận, hân hoan, hỷ, an chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu đã giải thoát thì liền đắc Niết-bàn.

Phật thuyết [486c] như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

48. KINH GIỚI (II)

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm Lâm Lâm, vườn Cấp Cô Độc.          

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất nói với các Tỳ-kheo rằng:

“Này Chư Hiền, Tỳ-kheo phạm giới tất làm tổn hại việc thủ hộ các căn. Giữ giới thì không hối hận, hân hoan, hỷ, an chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu không giải thoát thì làm tổn hại Niết-bàn. 

“Này Chư Hiền, giống như cây nào mà rễ bị tổn hại thì thân, lõi, nhánh, cành, hoa, lá không thể thành được. Chư Hiền nên biết, Tỳ-kheo cũng lại như vậy. Nếu ai phạm giới thì làm tổn hại việc thủ hộ các căn, thủ hộ giới, không hối hận, hân hoan, hỷ, an chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu không giải thoát thì làm tổn hại Niết-bàn.

“Này Chư Hiền, Tỳ-kheo thủ hộ thì thường không có sự hối hận, hân hoan, hỷ, an chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu đã giải thoát thì liền đắc Niết-bàn.

“Này Chư Hiền, giống như cây nào mà rễ không hư thì thân, lõi, nhánh, cành, hoa, lá đều thành tựu. Chư Hiền nên biết, Tỳ-kheo cũng như vậy. Nếu ai giữ giới thì thường không hối hận, hân hoan, hỷ, an chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu đã giải thoát thì liền đắc Niết-bàn.

Tôn giả Xá-lợi-phất thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Tôn giả Xá-lợi-phất thuyết, hoan hỷ phụng hành.

49. KINH CUNG KÍNH (I)

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm Lâm Lâm, vườn Cấp Cô Độc.          

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Tỳ-kheo nên thực hành hạnh cung kính và khéo quán sát, kính trọng các đồng phạm hạnh. Tỳ-kheo không thực hành hạnh cung kính, không khéo quán sát [23], không kính trọng [24] các đồng phạm hạnh, mà pháp oai nghi [25] đầy đủ, điều đó không thể xảy ra. Pháp oai nghi không đầy đủ mà học pháp đầy đủ, điều đó không thể xảy ra. Học pháp không đầy đủ mà giới thân đầy đủ, điều đó không thể xảy ra. Giới thân không đầy đủ mà định thân đầy đủ [26], điều đó không thể xảy ra. [487a] Định thân không đầy đủ mà tuệ thân đầy đủ, điều đó không thể xảy ra. Tuệ thân không đầy đủ mà giải thoát thân đầy đủ, điều đó không thể xảy ra. Giải thoát thân không đầy đủ mà giải thoát tri kiến thân đầy đủ, điều đó không thể xảy ra. Giải thoát tri kiến thân không đầy đủ mà Niết-bàn đầy đủ, điều đó không thể xảy ra.

“Tỳ-kheo thực hành hạnh cung kính và khéo quán sát, kính trọng các đồng phạm hạnh nên pháp oai nghi đầy đủ, điều đó chắc chắn xảy ra. Pháp oai nghi đầy đủ nên học pháp đầy đủ, điều đó chắc chắn xảy ra. Học pháp [27] đầy đủ nên giới thân đầy đủ, điều đó chắc chắn xảy ra. Giới thân đầy đủ nên định thân đầy đủ, điều đó chắc chắn xảy ra. Định thân đầy đủ nên tuệ thân đầy đủ, điều đó chắc chắn xảy ra. Tuệ thân đầy đủ nên giải thoát thân đầy đủ, điều đó chắc chắn xảy ra. Giải thoát thân đầy đủ nên giải thoát tri kiến thân đầy đủ, điều đó chắc chắn xảy ra. Giải thoát tri kiến thân đầy đủ nên Niết-bàn đầy đủ, điều đó chắc chắn xảy ra”.

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

50. KINH CUNG KÍNH (II)

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm Lâm Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Tỳ-kheo nên thực hành hạnh cung kính và khéo quán sát, kính trọng các đồng phạm hạnh. [28]

“Nếu Tỳ-kheo nào không thực hành hạnh cung kính, không khéo quán sát, không kính trọng các đồng phạm hạnh mà pháp oai nghi đầy đủ, điều đó không thể xảy ra. Pháp oai nghi không đầy đủ mà học pháp đầy đủ, điều đó không thể xảy ra. Học pháp không đầy đủ mà thủ hộ các căn, thủ hộ giới, không hối hận, hân hoan, hỷ, an chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát đầy đủ, điều đó không thể xảy ra. Giải thoát không đầy đủ mà Niết-bàn đầy đủ, điều đó không thể xảy ra.

“Nếu Tỳ-kheo nào thực hành hạnh cung kính và khéo quán sát, kính trọng các đồng phạm hạnh nên pháp oai nghi đầy đủ, điều đó chắc chắn xảy ra. Pháp oai nghi đầy đủ nên học pháp đầy đủ, điều đó chắc chắc xảy ra. Học pháp đầy đủ nên thủ hộ các căn, giữ giới, không hối hận, hân hoan, hỷ, an chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát đầy đủ nên Niết-bàn đầy đủ, điều đó chắc chắn xảy ra.

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe [487b]  Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

51. KINH BỔN TẾ

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm Lâm Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Không thể biết biên tế tối sơ [29]  của hữu ái [30], rằng trước vốn không có hữu ái, mà nay sanh ra hữu ái. [31] Nhưng có thể biết được sở nhân của hữu ái. [32]  

“Hữu ái có tập khởi [33] chứ không phải không tập khởi. Tập khởi của hữu ái là gì? Vô minh là tập.

“Vô minh cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của vô minh là gì? Năm triền cái [34] là tập.

“Năm triền cái cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của năm triền cái là gì? Ba ác hành là tập.

“Ba ác hành cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của ba ác hành là gì? Không thủ hộ các căn là tập.

“Không thủ hộ các căn cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của không thủ hộ các căn là gì? Không chánh niệm chánh trí là tập.

“Không chánh niệm chánh trí cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của không chánh niệm chánh trí là gì? Không tư duy chính xức [35] là tập.

“Không tư duy chính xác cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của không tư duy chính xác là gì? Không có tín là tập.

“Không có tín cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của không có tín là gì? Nghe pháp ác [36] là tập.

“Nghe pháp ác cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của nghe điều ác là gì? Thân cận ác tri thức [37] là tập.

“Thân cận ác tri thức cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của thân cận ác tri thức là gì? Người ác [38] là tập.

“Như thế, có đủ người ác liền có đủ sự thân cận ác tri thức. Có đủ sự thân cận ác tri thức rồi liền có đủ sự nghe pháp ác. Có đủ sự nghe pháp ác rồi, liền có đủ sự sanh lòng bất tín. Có đủ sự sanh lòng bất tín rồi, liền không chánh tư duy. Có đủ sự không chánh tư duy rồi, liền có đủ sự không chánh niệm chánh trí. Có đủ sự không chánh niệm chánh trí rồi, liền có đủ sự không thủ hộ các căn. Có đủ sự không thủ hộ các căn rồi, liền có đủ ba ác hành. Đủ ba ác hành rồi, liền có đủ năm triền cái. Đủ năm triền cái rồi, liền có đủ vô minh. Có đủ vô minh rồi, liền đầy đủ hữu ái.

“Như vậy, hữu ái này lần lượt được phát triển tựu thành.

“Minh giải thoát [39] [487c] cũng có tập, chứ không phải không tập. Tập của minh giải thoát là gì? Bảy giác chi là tập. Bảy giác chi cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của bảy giác chi là gì? Bốn niệm xứ là tập. Bốn niệm xứ có tập chứ không phải không tập. Tập của bốn niệm xứ là gì? Ba diệu hành là tập. Ba diệu hành cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của ba diệu hành là gì? Thủ hộ các căn là tập. Thủ hộ các căn cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của sự thủ hộ các căn là gì? Chánh niệm chánh trí là tập. Chánh niệm chánh trí cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của chánh niệm chánh trí là gì? Chánh tư duy là tập. Chánh tư duy cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của chánh tư duy là gì? Tín là tập. Tín cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của tín là gì? Nghe pháp thiện [40] là tập. Nghe pháp thiện cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của nghe pháp thiện là gì? Thân cận thiện tri thức là tập. Thân cận thiện tri thức cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của sự thân cận thiện tri thức là gì? Người thiện [41] là tập.

“Đó là, có đủ người thiện liền có đủ sự thân cận thiện tri thức. Đủ sự thân cận thiện tri thức liền có đủ sự nghe điều thiện. Có đủ sự nghe điều thiện liền có đủ tín. Có đủ tín liền có đủ chánh tư duy. Có đủ chánh tư duy liền có đủ chánh niệm chánh trí. Có đủ chánh niệm chánh trí mới có đủ sự thủ hộ các căn. Có đủ sự thủ hộ các căn liền có đủ ba diệu hành. Có đủ ba diệu hành liền có đủ bốn niệm xứ. Có đủ bốn niệm xứ liền có đủ bảy giác chi. Có đủ bảy giác chi liền đầy đủ minh giải thoát. Như vậy, minh giải thoát này lần lượt được thành tựu toàn vẹn”.

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

52. KINH THỰC (I)

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm Lâm, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Không thể biết biên tế tối sơ  của hữu ái, rằng trước vốn không có hữu ái, mà nay sanh ra hữu ái. Nhưng có thể biết được sở nhân của hữu ái. [42]

“Hữu ái có thức ăn chứ không phải không thức ăn. [43] [488a] Thức ăn của hữu ái là gì? Vô minh là thức ăn.  

“Vô minh cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của vô minh là gì? Năm triền cái [44] là thức ăn.

“Năm triền cái cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của năm triền cái là gì? Ba ác hành là thức ăn.

“Ba ác hành cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của ba ác hành là gì? Không thủ hộ các căn là thức ăn.

“Không thủ hộ các căn cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của không thủ hộ các căn là gì? Không chánh niệm chánh trí là thức ăn.

“Không chánh niệm chánh trí cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của không chánh niệm chánh trí là gì? Không chánh tư duy là thức ăn.

“Không chánh tư duy cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của không chánh tư duy là gì? Không có tín là thức ăn.

“Không có tín cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của không có tín là gì? Nghe pháp ác là thức ăn.

“Nghe pháp ác cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của nghe pháp ác là gì? Thân cận ác tri thức là thức ăn.

“Thân cận ác tri thức cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của thân cận ác tri thức là gì? Người ác là thức ăn.

“Như thế, có đủ người ác liền có đủ sự thân cận ác tri thức. Có đủ sự thân cận ác tri thức rồi liền có đủ sự nghe pháp ác. Có đủ sự nghe pháp ác rồi, liền có đủ sự sanh lòng bất tín. Có đủ sự sanh lòng bất tín rồi, liền không chánh tư duy. Có đủ sự không chánh tư duy rồi, liền có đủ sự không chánh niệm chánh trí. Có đủ sự không chánh niệm chánh trí rồi, liền có đủ sự không thủ hộ các căn. Có đủ sự không thủ hộ các căn rồi, liền có đủ ba ác hành. Đủ ba ác hành rồi, liền có đủ năm triền cái. Đủ năm triền cái rồi, liền có đủ vô minh. Có đủ vô minh rồi, liền đầy đủ hữu ái.

“Như vậy, hữu ái này lần lượt được phát triên tựu thành.

“Biển cả cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của biển cả là gì? Sông lớn là thức ăn.

“Sông lớn cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của sông lớn là gì? Sông nhỏ là thức ăn.

“Sông nhỏ cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của sông nhỏ là gì? Lạch lớn [45] là thức ăn.

“Lạch lớn cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của lạch lớn là gì? Lạch nhỏ là thức ăn.

“Lạch nhỏ cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của lạch nhỏ là gì? Suối, chằm trong các sườn núi là thức ăn.

“Suối, chằm trong các sườn núi cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của suối, chằm trong các sườn núi là gì? Mưa là thức ăn.

“Có lúc mưa lớn. [488b] Mưa lớn rồi thì suối, chằm trong các sườn núi tràn đầy. Suối, chằm trong các sườn núi tràn đầy rồi thì lạch nhỏ tràn đầy. Lạch nhỏ tràn đầy rồi thì lạch lớn tràn đầy. Lạch lớn tràn đầy thì sông nhỏ tràn đầy. Sông nhỏ tràn đầy thì sông lớn tràn đầy. Sông lớn tràn đầy thì biển cả tràn đầy. Như vậy, biển cả kia lần hồi tràn đầy trọn vẹn.

“Giống như vậy, hữu ái cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của hữu ái là gì? Vô minh là thức ăn.

“Vô minh cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của vô minh là gì? Năm triền cái là thức ăn.

“Năm triền cái cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của năm triền cái là gì? Ba ác hành là thức ăn.

“Ba ác hành cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của ba ác hành là gì? Không thủ hộ các căn là thức ăn.

“Không thủ hộ các căn cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của không thủ hộ các căn là gì? Không chánh niệm chánh trí là thức ăn.

“Không chánh niệm chánh trí cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của không chánh niệm chánh trí là gì? Không chánh tư duy là thức ăn.

“Không chánh tư duy cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của không chánh tư duy là gì? Không có tín là thức ăn.

“Không có tín cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của không có tín là gì? Nghe pháp ác là thức ăn.

“Nghe pháp ác cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của nghe pháp ác là gì? Thân cận ác tri thức là thức ăn.

“Thân cận ác tri thức cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của thân cận ác tri thức là gì? Người ác là thức ăn.

“Như thế, có đủ người ác liền có đủ sự thân cận ác tri thức. Có đủ sự thân cận ác tri thức rồi liền có đủ sự nghe pháp ác. Có đủ sự nghe pháp ác rồi, liền có đủ sự sanh lòng bất tín. Có đủ sự sanh lòng bất tín rồi, liền không chánh tư duy. Có đủ sự không chánh tư duy rồi, liền có đủ sự không chánh niệm chánh trí. Có đủ sự không chánh niệm chánh trí rồi, liền có đủ sự không thủ hộ các căn. Có đủ sự không thủ hộ các căn rồi, liền có đủ ba ác hành. Đủ ba ác hành rồi, liền có đủ năm triền cái. Đủ năm triền cái rồi, liền có đủ vô minh. Có đủ vô minh rồi, liền đầy đủ hữu ái.

“Như vậy, hữu ái này lần lượt được tựu thành trọn vẹn.

“Minh giải thoát cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của minh giải thoát là gì? Bảy giác chi là thức ăn.

“Bảy giác chi cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của bảy giác chi là gì? Bốn niệm xứ là thức ăn.

“Bốn niệm xứ cũng [488c] có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của bốn niệm xứ là gì? Ba diệu hạnh là thức ăn.

“Ba diệu hạnh cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của ba diệu hạnh là gì? Thủ hộ các căn là thức ăn.

“Thủ hộ các căn cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của gìn giữ các căn là gì? Chánh niệm chánh trí là thức ăn.

“Chánh niệm chánh trí cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của chánh niệm chánh trí là gì? Chánh tư duy là thức ăn.

“Chánh tư duy cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của chánh tư duy là gì? Tín là thức ăn.

“Tín cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của tín là gì? Nghe điều thiện là thức ăn.

“Nghe điều thiện cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của nghe điều thiện là gì? Thân cận thiện tri thức là thức ăn.

“Thân cận thiện tri thức cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của thân cận thiện tri thức là gì? Người thiện là thức ăn.

“Đó là, có đủ người thiện liền có đủ sự thân cận thiện tri thức. Đủ sự thân cận thiện tri thức liền có đủ sự nghe điều thiện. Có đủ sự nghe điều thiện liền có đủ tín. Có đủ tín liền có đủ chánh tư duy. Có đủ chánh tư duy liền có đủ chánh niệm chánh trí. Có đủ chánh niệm chánh trí mới có đủ sự thủ hộ các căn. Có đủ sự thủ hộ các căn liền có đủ ba diệu hành. Có đủ ba diệu hành liền có đủ bốn niệm xứ. Có đủ bốn niệm xứ liền có đủ bảy giác chi. Có đủ bảy giác chi liền đầy đủ minh giải thoát. Như vậy, minh giải thoát này lần lượt được thành tựu toàn vẹn”.

“Biển cả cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của biển cả là gì? Sông lớn là thức ăn.

“Sông lớn cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của sông lớn là gì? Sông nhỏ là thức ăn.

“Sông nhỏ cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của sông nhỏ là gì? Lạch lớn là thức ăn.

“Lạch lớn cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của lạch lớn là gì? Lạch nhỏ là thức ăn.

“Lạch nhỏ cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của lạch nhỏ là gì? Suối, chằm trong các sườn núi là thức ăn.

“Suối, chằm trong các sườn núi cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của suối, chằm trong các sườn núi là gì? Mưa là thức ăn.

“Có lúc mưa lớn. Mưa lớn rồi thì suối, chằm trong các sườn núi tràn đầy. Suối, chằm trong các sườn núi tràn đầy rồi thì lạch nhỏ tràn đầy. Lạch nhỏ tràn đầy rồi thì lạch lớn tràn đầy. Lạch lớn tràn đầy thì sông nhỏ tràn đầy. Sông nhỏ tràn đầy thì sông lớn tràn đầy. Sông lớn [489a] tràn đầy thì biển cả tràn đầy. Như vậy, biển cả kia lần hồi tràn đầy trọn vẹn.

“Cũng vậy, minh giải thoát cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của minh giải thoát là gì? Bảy giác chi là thức ăn.

“Bảy giác chi cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của bảy giác chi là gì? Bốn niệm xứ là thức ăn.

“Bốn niệm xứ cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của bốn niệm xứ là gì? Ba diệu hạnh là thức ăn.

“Ba diệu hạnh cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của ba diệu hạnh là gì? Thủ hộ các căn là thức ăn.

“Thủ hộ các căn cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của gìn giữ các căn là gì? Chánh niệm chánh trí là thức ăn.

“Chánh niệm chánh trí cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của chánh niệm chánh trí là gì? Chánh tư duy là thức ăn.

“Chánh tư duy cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của chánh tư duy là gì? Tín là thức ăn.

“Tín cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của tín là gì? Nghe điều thiện là thức ăn.

“Nghe điều thiện cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của nghe điều thiện là gì? Thân cận thiện tri thức là thức ăn.

“Thân cận thiện tri thức cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của thân cận thiện tri thức là gì? Người thiện là thức ăn.

“Đó là, có đủ người thiện liền có đủ sự thân cận thiện tri thức. Đủ sự thân cận thiện tri thức liền có đủ sự nghe điều thiện. Có đủ sự nghe điều thiện liền có đủ tín. Có đủ tín liền có đủ chánh tư duy. Có đủ chánh tư duy liền có đủ chánh niệm chánh trí. Có đủ chánh niệm chánh trí mới có đủ sự thủ hộ các căn. Có đủ sự thủ hộ các căn liền có đủ ba diệu hành. Có đủ ba diệu hành liền có đủ bốn niệm xứ. Có đủ bốn niệm xứ liền có đủ bảy giác chi. Có đủ bảy giác chi liền đầy đủ minh giải thoát. Như vậy, minh giải thoát này lần lượt được thành tựu toàn vẹn”. Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

53. KINH THỰC (II)

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm Lâm Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Không thể biết biên tế tối sơ  của hữu ái, rằng trước vốn không có hữu ái, mà nay sanh ra hữu ái. Nhưng có thể [489b] biết được sở nhân của hữu ái. [46]

“Hữu ái có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của hữu ái là gì? Vô minh là thức ăn.

“Vô minh cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của vô minh là gì? Năm triền cái là thức ăn.

“Năm triền cái cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của năm triền cái là gì? Ba ác hành là thức ăn.

“Ba ác hành cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của ba ác hành là gì? Không thủ hộ các căn là thức ăn.

“Không thủ hộ các căn cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của không thủ hộ các căn là gì? Không chánh niệm chánh trí là thức ăn.

“Không chánh niệm chánh trí cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của không chánh niệm chánh trí là gì? Không chánh tư duy là thức ăn.

“Không chánh tư duy cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của không chánh tư duy là gì? Không có tín là thức ăn.

“Không có tín cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của không có tín là gì? Nghe pháp ác là thức ăn.

“Nghe pháp ác cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của nghe pháp ác là gì? Thân cận ác tri thức là thức ăn.

“Thân cận ác tri thức cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của thân cận ác tri thức là gì? Người ác là thức ăn.

“Như thế, có đủ người ác liền có đủ sự thân cận ác tri thức. Có đủ sự thân cận ác tri thức rồi liền có đủ sự nghe pháp ác. Có đủ sự nghe pháp ác rồi, liền có đủ sự sanh lòng bất tín. Có đủ sự sanh lòng bất tín rồi, liền không chánh tư duy. Có đủ sự không chánh tư duy rồi, liền có đủ sự không chánh niệm chánh trí. Có đủ sự không chánh niệm chánh trí rồi, liền có đủ sự không thủ hộ các căn. Có đủ sự không thủ hộ các căn rồi, liền có đủ ba ác hành. Đủ ba ác hạnh rồi, liền có đủ năm triền cái. Đủ năm triền cái rồi, liền có đủ vô minh. Có đủ vô minh rồi, liền đầy đủ hữu ái.

“Như vậy, hữu ái này lần lượt được tựu thành trọn vẹn.

“Biển cả cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của biển cả là gì? Mưa là thức ăn.

“Có lúc mưa lớn. Mưa lớn rồi thì suối, chằm trong các sườn núi tràn đầy. Suối, chằm trong các sườn núi tràn đầy rồi thì lạch nhỏ tràn đầy. Lạch nhỏ tràn đầy rồi thì lạch lớn tràn đầy. Lạch lớn tràn đầy thì sông nhỏ tràn đầy. Sông nhỏ tràn đầy thì sông lớn tràn đầy. Sông lớn tràn đầy thì biển cả tràn đầy. Như vậy, biển cả kia lần hồi tràn đầy trọn vẹn.

“Cũng giống như vậy, có đủ người ác liền có đủ sự thân cận ác tri thức. Có đủ sự thân cận ác tri thức rồi liền có đủ sự nghe pháp ác. Có đủ sự nghe pháp ác rồi, liền có đủ sự sanh lòng bất tín. Có đủ sự sanh lòng bất tín rồi, liền không chánh tư duy. Có đủ sự không chánh tư duy rồi, liền có đủ sự không chánh niệm chánh trí. Có đủ sự không chánh niệm chánh trí rồi, liền có đủ sự không thủ hộ các căn. Có đủ sự không thủ hộ các căn rồi, liền có đủ ba ác hành. Đủ ba ác hành rồi, liền có đủ năm triền cái. Đủ năm triền cái rồi, liền có đủ vô minh. Có đủ vô minh rồi, liền đầy đủ hữu ái.

“Như vậy, hữu ái này lần lượt được phát triển tựu thành.

“Minh giải thoát cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của minh giải thoát là gì? Bảy giác chi là thức ăn.

“Bảy giác chi cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của bảy giác chi là gì? Bốn niệm xứ là thức ăn.

“Bốn niệm xứ cũng có thức ăn [489c] chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của bốn niệm xứ là gì? Ba diệu hạnh là thức ăn.

“Ba diệu hành cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của ba diệu hành là gì? Thủ hộ các căn là thức ăn.

“Thủ hộ các căn cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của gìn giữ các căn là gì? Chánh niệm chánh trí là thức ăn.

“Chánh niệm chánh trí cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của chánh niệm chánh trí là gì? Chánh tư duy là thức ăn.

“Chánh tư duy cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của chánh tư duy là gì? Tín là thức ăn.

“Tín cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của tín là gì? Nghe điều thiện là thức ăn.

“Nghe điều thiện cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của nghe điều thiện là gì? Thân cận thiện tri thức là thức ăn.

“Thân cận thiện tri thức cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của thân cận thiện tri thức là gì? Người thiện là thức ăn.

“Biển cả cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của biển cả là gì? Mưa là thức ăn.

“Có lúc mưa lớn. Mưa lớn rồi thì suối, chằm trong các sườn núi tràn đầy. Suối, chằm trong các sườn núi tràn đầy rồi thì lạch nhỏ tràn đầy. Lạch nhỏ tràn đầy rồi thì lạch lớn tràn đầy. Lạch lớn tràn đầy thì sông nhỏ tràn đầy. Sông nhỏ tràn đầy thì sông lớn tràn đầy. Sông lớn tràn đầy thì biển cả tràn đầy. Như vậy, biển cả kia lần hồi tràn đầy trọn vẹn.

“Cũng giống như vậy, có đủ người thiện liền có đủ sự thân cận thiện tri thức. Đủ sự thân cận thiện tri thức liền có đủ sự nghe điều thiện. Có đủ sự nghe điều thiện liền có đủ tín. Có đủ tín liền có đủ chánh tư duy. Có đủ chánh tư duy liền có đủ chánh niệm chánh trí. Có đủ chánh niệm chánh trí mới có đủ sự thủ hộ các căn. Có đủ sự thủ hộ các căn liền có đủ ba diệu hành. Có đủ ba diệu hành liền có đủ bốn niệm xứ. Có đủ bốn niệm xứ liền có đủ bảy giác chi. Có đủ bảy giác chi liền đầy đủ minh giải thoát. Như vậy, minh giải thoát này lần lượt được thành tựu toàn vẹn”.

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

54. KINH TẬN TRÍ

 [490a1] Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại nước Câu-lâu-sấu, trú trong Kiếm-ma-sắt-đàm [47], đô ấp của Câu-lâu.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo rằng:

“Có tri, có kiến, mới có chứng đắc lậu tận, chứ không phải không tri, không kiến.

“Thế nào là có tri, có kiến mới chứng đắc lậu tận? Tri kiến như thật về Khổ liền chứng đắc lậu tận. Tri kiến như thật về Khổ tập, tri kiến như thật về Khổ diệt và tri kiến như thật về Khổ diệt đạo liền chứng đắc lậu tận.

“Tận trí có tập [48] chứ không phải không tập. Tập của tận trí là gì? Giải thoát là tập.

“Giải thoát cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của giải thoát là gì? Vô dục là nhân.

“Vô dục cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của vô dục là gì? Yếm ly là tập.

“Yếm ly cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của yểm ly là gì? Thấy như thật, biết như chơn.     

“Thấy như thật, biết như chơn cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của thấy như thật, biết như chơn là gì? Định là tập.

“Định cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của định là gì? Lạc là tập.

“Lạc cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của lạc là gì? An chỉ là tập.

“An chỉ cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của an chỉ là gì? Hỷ là tập.

“Hỷ cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của hỷ là gì? Hân hoan là tập.

“Hân hoan cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của hân hoan là gì? Không hối hận là tập.

“Không hối hận cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của không hối hận là gì? Thủ hộ giới là tập.

“Thủ hộ giới cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của thủ hộ giới là gì? Thủ hộ các căn là tập.

“Thủ hộ các căn cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của thủ hộ các căn là gì? Chánh niệm chánh trí là tập.

“Chánh niệm chánh trí cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của chánh niệm chánh trí là gì? Chánh tư duy là tập.

“Chánh tư duy cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của chánh tư duy là gì? Tín là tập.

“Tín cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của tín là gì? Quán pháp nhẫn là tập.

“Quán pháp nhẫn cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của quán pháp nhẫn là gì? Tụng đọc pháp là tập.

“Tụng đọc pháp cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của tụng đọc pháp là gì? Thọ trì pháp là tập.

“Thọ trì pháp cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của thọ trì pháp là gì? Quán nghĩa của pháp là tập.

“Quán nghĩa của pháp cũng có tập chứ không phải không [490b] tập. Tập của quán nghĩa của pháp là gì? Lỗ tai [49] là tập.

“Lỗ tai cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của lỗ tai là gì? Nghe pháp thiện [50] là tập.

“Nghe pháp thiện cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của nghe pháp thiện là gì? Tiếp cận [51] là tập.

“Tiếp cận cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của tiếp cận là gì? Phụng sự [52] là tập.

“Nếu ai phụng sự thiện tri thức, [53] điều gì chưa nghe liền được nghe, điều gì đã nghe liền được bổ ích.

“Như vậy, nếu ai không phụng sự thiện tri thức thì làm tổn hại tập của phụng sự. Nếu không phụng sự thì làm tổn hại tập của sự đi đến. Nếu không đi đến thì làm tổn hại tập của sự nghe pháp thiện. Nếu không nghe pháp thiện thì làm tổn hại tập của lỗ tai. Nếu không có lỗ tai thì làm tổn hại tập của sự quán nghĩa của pháp. Nếu không quán nghĩa của pháp thì làm tổn hại tập của thọ trì pháp. Nếu không thọ trì pháp thì làm tổn hại tập của tụng đọc pháp. Nếu không tụng đọc pháp thì làm tổn hại cái nhân quán pháp nhẫn. Nếu không quán pháp nhẫn thì làm tổn hại tập của của tín. Nếu không có tín thì làm tổn hại tập của chánh tư duy. Nếu không chánh tư duy thì làm tổn hại tập của chánh niệm chánh trí. Nếu không chánh niệm chánh trí thì làm tổn hại tập của sự thủ hộ các căn. Nếu không thủ hộ các căn thì làm tổn hại tập của sự thủ hộ giới, sự không hối hận, hân hoan, hỷ, chỉ, lạc, định, thấy như thật, biết như chơn, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu không giải thoát thì làm tổn hại tập của tận trí.

“Nếu ai phụng sự thiện tri thức thì điều gì chưa nghe liền được nghe, điều gì đã nghe liền được bổ ích.

“Như vậy, nếu ai phụng sự thiện tri thức thì có tập phụng sự. Nếu đã phụng sự thì có tập đi đến. Nếu đã đi đến thì có tập nghe pháp thiện. Nếu đã nghe pháp thiện thì có tập lỗ tai. Nếu có lỗ tai thì có tập quán nghĩa của pháp. Nếu đã quán nghĩa của pháp thì có tập thọ trì pháp. Nếu đã thọ trì pháp thì có tập tụng đọc pháp. Nếu đã đọc tụng pháp thì có tập quán pháp nhẫn. Nếu đã quán pháp nhẫn thì có tập tín. Nếu đã có tín thì có tập chánh tư duy. Nếu đã có chánh tư duy thì có tập chánh niệm chánh trí. Nếu đã chánh niệm chánh trí thì có tập thủ hộ các căn, thủ hộ giới, không hối hận, hân hoan, hỷ, chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu đã giải thoát thì có tập tận trí”.

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

55. KINH NIẾT-BÀN [54]

 [490c1] Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm Lâm Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Niết-bàn có tập [55] chứ không phải không tập. Tập của Niết-bàn là gì? -Giải thoát là tập.

“Giải thoát cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của giải thoát là gì? Vô dục là tập.

“Vô dục cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của vô dục là gì? Yếm ly là tập.

“Yếm ly cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của yếm ly là gì? Thấy như thật, biết như chơn là tập.

“Thấy như thật, biết như chơn cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của thấy như thật, biết như chơn là gì? Định là tập.

“Định cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của định là gì? Lạc là tập.

“Lạc cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của lạc là gì? An chỉ là tập.

“An chỉ cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của an chỉ là gì? Hỷ là tập.

“Hỷ cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của hỷ là gì? Hân hoan là tập.

“Hân hoan cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của hân hoan là gì? Không hối hận là tập.

“Không hối hận cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của không hối hận là gì? Hộ giới là tập.

“Hộ giới cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của hộ giới là gì? Thủ hộ các căn là tập.

“Thủ hộ các căn cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của thủ hộ các căn là gì? Chánh niệm chánh trí là tập.

“Chánh niệm chánh trí cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của chánh niệm chánh trí là gì? Chánh tư duy là tập.

“Chánh tư duy cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của chánh tư duy là gì? Tín là tập.

“Tín cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của tín là gì? Khổ là tập.

“Khổ cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của khổ là gì? Già chết là tập.

“Già chết cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của già chết là gì? Sanh là tập.

“Sanh cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của sanh là gì? Hữu là tập.

“Hữu cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của hữu là gì? Thủ [56] là tập.

“Thủ cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của thủ là gì? Thọ [57] là tập.

“Thọ cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của thọ là gì? Ái là tập.

“Ái cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của ái là gì?Xúc [58] là tập.

“Xúc cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của xúc là gì? Sáu xứ là tập.

“Sáu xứ cũng có tập chứ không phải không tập. [491a] Tập của sáu xứ là gì? Danh sắc là tập.

“Danh sắc cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của danh sắc là gì? Thức là tập.

“Thức cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của thức là gì? Hành là tập.

“Hành cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của hành là gì? Vô minh là tập.

“Như vậy, duyên là vô minh có hành; duyên hành có thức; duyên thức có danh sắc; duyên danh sắc có sáu xứ; duyên sáu xứ có xúc; duyên xúc có thọ; duyên thọ có ái; duyên ái có thủ; duyên thủ có hữu; duyên hữu có sanh; duyên sanh có già chết; duyên già chết có khổ. Tập khổ mới có tín; tập tín mới có chánh tư duy; tập chánh tư duy mới có chánh niệm chánh trí; tập chánh niệm chánh trí mới có thủ hộ các căn, hộ trì giới, không hối hận, hân hoan, hỷ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Có tập giải thoát mới chứng đắc Niết-bàn”.

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

56. KINH DI-HÊ [59]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú tại nước Ma-kiệt-đà, trong một cái hang trong rừng Mãng nại [60], thôn Xà-đấu [61].

Bấy giờ Tôn giả Di-hê [62] làm thị giả Phật.

Vào buổi sáng sớm, Tôn giả Di-hê mang y cầm bát vào thôn Xà-đấu khất thực. Khất thực xong, Tôn giả Di-hê đến bờ sông Kim-tì [63], thấy một khu đất bằng phẳng gọi là rừng xoài khả ái [64]. Nước sông Kim-tì rất tuyệt, thật là đáng ưa. Dòng nước trong chảy chầm chậm; nóng lạnh ôn hòa, dễ chịu. Thấy xong, Tôn giả hoan hỷ, thầm nghĩ: “Khu đất này bằng phẳng gọi là rừng xoài khả ái. Nước sông Kim-tì rất tuyệt, thật là đáng ưa. Dòng nước trong chảy chầm chậm; nóng lạnh ôn hòa, dễ chịu. Nếu thiện gia nam tử nào muốn tu pháp đoạn trừ [65] thì nên ở chỗ này. Ta cũng có điều phải đoạn trừ [66], có nên ở chỗ yên tĩnh này để tu pháp đoạn trừ chăng?”

Liền đó, sau khi ăn xong, Di-hê thu xếp y bát, rửa tay chân, vắt ni-sư-đàn [67] lên vai, đi đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi sang một bên mà bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, sáng sớm hôm nay con mang y cầm bát vào thôn Xà-đấu khất thực. Khất thực xong, con đến bờ sông Kim-tì, thấy một khu đất bằng phẳng gọi là rừng xoài khả ái. Nước sông Kim-tì rất tuyệt, thật là đáng ưa. [491b] Dòng nước trong chảy chầm chậm; nóng lạnh ôn hòa, dễ chịu. Thấy xong, con hoan hỷ, thầm nghĩ: ‘Khu đất này bằng phẳng gọi là rừng xoài khả ái. Nước sông Kim-tì rất tuyệt, thật là đáng ưa. Dòng nước trong chảy chầm chậm; nóng lạnh ôn hòa, dễ chịu. Nếu thiện gia nam tử nào muốn tu pháp đoạn trừ thì nên ở chỗ này. Ta cũng có điều phải đoạn trừ, có nên ở chỗ yên tĩnh này để tu pháp đoạn trừ chăng?’ Bạch Thế Tôn, nay con muốn đến chỗ yên tĩnh, khu rừng xoài kia, để học pháp đoạn trừ”.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo:

“Này Di-hê, ngươi nay có biết chăng? Ta một mình không có ai, không có thị giả. Ngươi có thể ở lại ít lâu, đợi có Tỳ-kheo khác đến làm thị giả cho Ta rồi ngươi có thể đến chỗ yên tĩnh khu rừng xoài kia mà học pháp đoạn trừ”.

Tôn giả Di-hê lặp lại ba lần bạch:

“Bạch Thế Tôn, nay con muốn đến chỗ yên tĩnh, khu rừng xoài kia, để học pháp đoạn trừ”.

Đức Thế Tôn cũng ba lần nói rằng:

“Này Di-hê, ngươi nay có biết chăng? Ta một mình không có ai, không có thị giả. Ngươi có thể ở lại ít lâu, đợi có Tỳ-kheo khác đến làm thị giả cho Ta rồi ngươi có thể đến chỗ yên tĩnh khu rừng xoài kia mà học pháp đoạn trừ”.

Di-hê lại bạch rằng:

“Thế Tôn không có việc cần làm, không có phận sự cần hoàn tất, không có điều gì cần phải quán sát [68] Con còn có những bổn phận, những điều phải làm, những điều phải quán sát. Bạch Thế Tôn, con đến chỗ yên tĩnh, khu rừng xoài kia, để học pháp đoạn trừ”.           

Đức Thế Tôn bảo:

“Này Di-hê, ngươi mong cầu sự đoạn trừ [69], Ta có gì để nói thêm nữa? Di-hê, ngươi cứ đi, làm theo những gì mà ngươi muốn”.

Bấy giờ Di-hê sau khi nghe lời Đức Phật dạy, khéo lãnh thọ, khéo ghi nhớ và khéo tụng tập. Tôn giả liền đảnh lễ sát chân Đức Phật, đi quanh ba vòng, rồi đi.

Sau khi đến rừng xoài, vào rừng, Tôn giả đi đến một gốc cây, trải ni-sư-đàn mà ngồi kết già. Tôn giả Di-hê sống trong rừng xoài, sanh khởi lên ba tâm niệm ác bất thiện là tâm niệm dục, tâm niệm nhuế và tâm niệm hại [70]. Do đó, Tôn giả liền nghĩ đến Đức Thế Tôn.

Bấy giờ vào lúc xế chiều, Tôn giả từ chỗ tĩnh tọa đứng dậy, đến trước Đức Thế Tôn, đảnh lễ chân Ngài, ngồi sang một bên và bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, con đến rừng xoài kia, ngồi ở chỗ yên tĩnh, liền sanh khởi ba tâm niệm ác bất thiện là tâm niệm dục, tâm niệm nhuế và tâm niệm hại. Do đó, con liền nghĩ đến Thế Tôn”.

Đức Thế Tôn bảo:

“Này Di-hê, tâm giải thoát chưa thuần thục mà muốn cho thuần thục, có năm pháp để tu tập. Những gì là năm?

“Di-hê, Tỳ-kheo tự mình là thiện tri thức, cùng sống chung với thiện tri thức và cùng hòa hợp với thiện tri thức [71]. Này Di-hê, với ai tâm giải thoát chưa thuần thục mà muốn cho thuần thục thì đó là pháp tu tập thứ nhất.

“Lại nữa, này Di-hê, Tỳ-kheo phải tu tập cấm giới, thủ hộ Biệt giải thoát [72], lại phải khéo thâu nhiếp [491c] oai nghi lễ tiết, thấy tội lỗi nhỏ nhặt cũng thường sanh lòng lo sợ, thọ trì học giới. Này Di-hê, với tâm giải thoát chưa thuần thục mà muốn cho thuần thục thì đó là pháp tu tập thứ hai. 

“Lại nữa, này Di-hê, Tỳ-kheo nên nói điều đáng nói, phù hợp nghĩa của bậc Thánh, khiến tâm nhu nhuyến, làm cho tâm không bị che lấp, tức là nói về giới, nói về định, nói về tuệ, nói về giải thoát, nói về giải thoát tri kiến, nói về sự tổn giảm lần lần, nói về việc không ưa tụ họp, nói về thiểu dục, nói về tri túc, nói về pháp đoạn trừ, nói về vô dục, nói về pháp diệt, nói về tĩnh tọa, nói về duyên khởi. Có được những điều được nói như vậy của Sa-môn, được trọn đủ, dễ được chứ không khó. Này Di-hê, với ai tâm giải thoát chưa thuần thục mà muốn cho thuần thục thì đó là pháp tu tập thứ ba.

“Lại nữa, này Di-hê, Tỳ-kheo thường tu hành tinh tấn, đoạn trừ pháp ác bất thiện, tu các pháp thiện, hằng tự sách tấn, chuyên nhất kiên cố; vì mục đích tìm cầu gốc rễ thiện mà không xả bỏ phương tiện [73]. Này Di-hê, với ai tâm giải thoát chưa thuần thục mà muốn cho thuần thục thì đó là pháp tu tập thứ tư.

“Lại nữa, này Di-hê, Tỳ-kheo tu hành về trí tuệ, quán sát sự hưng thịnh và suy vi của các pháp; chứng trí như vậy, bằng Thánh tuệ minh đạt [74], phân biệt thấu hiểu, mà chân chánh diệt tận khổ đau. Này Di-hê, với ai tâm giải thoát chưa thuần thục mà muốn cho thuần thục thì đó là pháp tu tập thứ năm.

“Vị ấy khi đã có năm pháp tu tập như vậy rồi, lại phải tu bốn pháp khác nữa. Những gì là bốn? Tu ố lộ [75] để đoạn trừ dục. Tu từ để đoạn trừ sân nhuế. Tu sổ tức để đoạn trừ tâm niệm tán loạn. Tu vô thường để đoạn trừ ngã mạn.

“Này Di-hê, nếu Tỳ-kheo nào tự mình là thiện tri thức, cùng sống chung với thiện tri thức và cùng hòa hợp với thiện tri thức, thì nên biết vị ấy chắc chắn tu tập cấm giới, thủ hộ Biệt giải thoát, lại khéo thâu nhiếp các oai nghi, lễ tiết, thấy tội nhỏ cũng sanh lòng lo sợ, thọ trì học giới.

“Này Di-hê, nếu Tỳ-kheo nào tự mình là thiện tri thức, cùng sống chung với thiện tri thức và cùng hòa hợp với thiện tri thức, thì nên biết, vị ấy nói điều đáng nói, đúng theo nghĩa của bậc Thánh, khiến tâm nhu nhuyến, làm cho tâm chẳng bị ngăn che, tức là nói về giới, nói về định, nói về tuệ, nói về giải thoát, nói về giải thoát tri kiến, nói về sự tổn giảm dần dần, nói về việc không ưa tụ họp, nói về thiểu dục, nói về tri túc, nói về pháp đoạn, nói về pháp diệt, nói về vô dục, nói về tĩnh tọa, nói về duyên khởi. Có được những điều được nói như vậy của Sa-môn, được trọn đủ, dễ được chứ không khó.         

“Này Di-hê, nếu Tỳ-kheo tự mình là thiện tri thức, cùng sống chung với thiện tri thức và cùng hòa hợp với thiện tri thức, thì nên biết rằng, vị ấy chắc chắn thường tu hành tinh tấn, đoạn các pháp ác bất thiện, thường khởi tâm chuyên nhất kiên cố, vì mục đích tìm cầu gốc rễ thiện mà [492a] không xả bỏ phương tiện.

“Này Di-hê, nếu Tỳ-kheo nào tự mình là thiện tri thức, cùng sống chung với thiện tri thức và cùng hòa hợp với thiện tri thức, thì nên biết rằng, vị ấy chắc chắn tu hành về trí tuệ, quán sát sự hưng thịnh và suy vi của các pháp; chứng trí như vậy, bằng Thánh tuệ minh đạt, phân biệt thấu hiểu, mà chân chánh diệt tận khổ đau.          

“Này Di-hê, nếu Tỳ-kheo nào tự mình là thiện tri thức, cùng sống chung với thiện tri thức và cùng hòa hợp với thiện tri thức, thì nên biết rằng, vị ấy chắc chắn tu ố lộ để đoạn trừ dục. Tu từ để đoạn trừ sân nhuế. Tu sổ tức để đoạn trừ tâm niệm tán loạn. Tu vô thường để đoạn trừ ngã mạn.

“Này Di-hê, nếu Tỳ-kheo nào đắc vô thường tưởng, chắc chắn đắc vô ngã tưởng.

“Này Di-hê, nếu Tỳ-kheo nào đắc vô ngã tưởng thì ngay trong đời hiện tại đoạn hết thảy ngã mạn, chứng đắc tịch tĩnh, diệt tận, vô vi, Niết-bàn”.

Phật thuyết như vậy. Tôn giả Di-hê và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

57. KINH TỨC VỊ TỲ-KHEO THUYẾT

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm Lâm Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ, Thế Tôn nói các Tỳ-kheo rằng:

“Tâm giải thoát chưa thuần thục mà muốn cho thuần thục, có năm pháp để tu tập. Những gì là năm?

“Tỳ-kheo, tự mình là thiện tri thức, cùng sống chung với thiện tri thức và cùng hòa hợp với thiện tri thức. Tâm giải thoát chưa thuần thục mà muốn cho thuần thục thì đó là pháp tu tập thứ nhất.

“Lại nữa, Tỳ-kheo, tu tập cấm giới, thủ hộ Biệt giải thoát, lại phải khéo thâu nhiếp oai nghi lễ tiết, thấy tội lỗi nhỏ nhặt cũng thường sanh lòng lo sợ, thọ trì học giới. Tâm giải thoát chưa thuần thục mà muốn cho thuần thục thì đó là pháp tu tập thứ hai.           

“Lại nữa, Tỳ-kheo, nên nói điều đáng nói, phù hợp nghĩa của bậc Thánh, khiến tâm nhu nhuyến, làm cho tâm không bị che lấp, tức là nói về giới, nói về định, nói về tuệ, nói về giải thoát, nói về giải thoát tri kiến, nói về sự tổn giảm lần lần, nói về việc không ưa tụ họp, nói về thiểu dục, nói về tri túc, nói về pháp đoạn trừ, nói về vô dục, nói về pháp diệt, nói về tĩnh tọa, nói về duyên khởi. Có được những điều được nói như vậy của Sa-môn, được trọn đủ, dễ được chứ không khó. Tâm giải thoát chưa thuần thục mà muốn cho thuần thục thì đó là pháp tu tập thứ ba.

“Lại nữa, Tỳ-kheo, thường tu hành tinh tấn, đoạn trừ pháp ác bất thiện, tu các pháp thiện, hằng tự sách tấn, chuyên nhất kiên cố; vì mục đích tìm cầu [492b] gốc rễ thiện mà không xả bỏ phương tiện. Tâm giải thoát chưa thuần thục mà muốn cho thuần thục thì đó là pháp tu tập thứ tư.

“Lại nữa, Tỳ-kheo, tu hành về trí tuệ, quán sát sự hưng thịnh và suy vi của các pháp; chứng trí như vậy, bằng Thánh tuệ minh đạt, phân biệt thấu hiểu, mà chân chánh diệt tận khổ đau. Tâm giải thoát chưa thuần thục mà muốn cho thuần thục thì đó là pháp tu tập thứ năm.

“Vị ấy khi đã có năm pháp tu tập như vậy rồi, lại phải tu bốn pháp khác nữa. Những gì là bốn? Tu ố lộ để đoạn trừ dục. Tu từ để đoạn trừ sân nhuế. Tu sổ tức để đoạn trừ tâm niệm tán loạn. Tu vô thường để đoạn trừ ngã mạn.

“Nếu Tỳ-kheo nào tự mình là thiện tri thức, cùng sống chung với thiện tri thức và cùng hòa hợp với thiện tri thức, thì nên biết vị ấy chắc chắn tu tập cấm giới, thủ hộ Biệt giải thoát, lại khéo thâu nhiếp các oai nghi, lễ tiết, thấy tội nhỏ cũng sanh lòng lo sợ, thọ trì học giới.

“Nếu Tỳ-kheo tự mình là thiện tri thức, cùng sống chung với thiện tri thức và cùng hòa hợp với thiện tri thức, thì nên biết, vị ấy nói điều đáng nói, đúng theo nghĩa của bậc thánh, khiến tâm nhu nhuyến, làm cho tâm chẳng bị ngăn che, tức là nói về giới, nói về định, nói về tuệ, nói về giải thoát, nói về giải thoát tri kiến, nói về sự tổn giảm dần dần, nói về việc không ưa tụ họp, nói về thiểu dục, nói về tri túc, nói về pháp đoạn, nói về pháp diệt, nói về vô dục, nói về tĩnh tọa, nói về duyên khởi. Có được những điều được nói như vậy của Sa-môn, được trọn đủ, dễ được chứ không khó.          

“Nếu Tỳ-kheo tự mình là thiện tri thức, cùng sống chung với thiện tri thức và cùng hòa hợp với thiện tri thức, thì nên biết rằng, vị ấy chắc chắn thường tu hành tinh tấn, đoạn các pháp ác bất thiện, thường khởi tâm chuyên nhất kiên cố, vì mục đích tìm cầu gốc rễ thiện mà không xả bỏ phương tiện.

“Nếu Tỳ-kheo nào tự mình là thiện tri thức, cùng sống chung với thiện tri thức, cùng hòa hợp với thiện tri thức, nên biết, vị ấy chắc chắn tu hành về trí tuệ, quán sát sự hưng suy của các pháp; chứng trí như vậy, bằng Thánh tuệ minh đạt, phân biệt thấu hiểu, mà chân chánh diệt tận khổ.

 “Nếu Tỳ-kheo nào tự mình là thiện tri thức, cùng sống chung với thiện tri thức, cùng hòa hợp với thiện tri thức, nên biết, vị ấy chắc chắn tu ố lộ để đoạn trừ dục. Tu từ để đoạn trừ sân nhuế. Tu sổ tức để đoạn trừ tâm niệm tán loạn. Tu vô thường để đoạn trừ ngã mạn.

“Nếu Tỳ-kheo nào đắc vô thường tưởng, chắc chắn đắc vô ngã tưởng. Nếu Tỳ-kheo nào đắc vô ngã tưởng thì ngay trong đời hiện tại đoạn hết thảy ngã mạn, chứng đắc tịch tĩnh, diệt tận, vô vi, Niết-bàn”.

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

 


 [1]  Hán: yến tọa 晏 (có chỗ viết: 燕) 坐. Pāli: patisallāna hoặc paṭisallāna.

 [2]  Pāli: kimatthiya kusāni sīlāni, thiện giới có ý nghĩa gì/ mục đích gì/ ích lợi gì? Trong đây nên hiểu là mục đích.

 [3]  Hán: bất hối 不悔. Pāli: avippaṭisāra, không hối hận, không truy hối.

 [4]  Hán: hoan duyệt 歡悅. Pāli: pāmojja, hân hoan, thích thú, vui vẻ.

 [5]  Hán: hỷ 喜. Pāli: pīti, trạng thái hỷ giống như xuất thần.

 [6]  Hán: chỉ 止. Pāli: passaddhi, khinh an.

 [7] Hán: chỉ thân 止身 (Pl.: kāya-passaddhi). Bản Pāli không đề cập.

 [8]  Hán: lạc 樂. Pāli: sukha, an lạc, an ổn khoái lạc.

 [9]  Định 定. Pāli: samādhi.

 [10]  Hán: kiến như thật, tri như chân 見如實知如真. Pāli: yathābhūtaññaṇadassana, tri kiến như thật.

 [11]  Hán: yếm 厭. Pāli: nibbidā, sự chán ghét, nhàm tờm.

 [12]  Hán: vô dục 無 欲. Pāli: virāga, ly dục, ly tham; không còn nhiễm dục.

 [13]  Pāli (A. v. 2): iti kho ananda kusalāni sīlāni anupubbena aggāya parentī ti, đó là các thiện giới lần lượt dẫn đến chỗ cao tột.

 [14]  Hán: pháp tự nhiên 法自然. Pāli: dhammatā esā, pháp tánh là như thế.

 [15] Pl. (A. v. 2): dhammā dhamme abhisandenti, dhammādhamme paripūtenti, apārā pāraṃ gamanāyā’ ti, các pháp làm sung mãn lẫn nhau, làm viên mãn lẫn nhau, dẫn từ bờ này sang bờ kia.

 [16] Hán: đa vong, vô chánh trí 多忘無正智. Pl. (A. iv. 336): satisampajaññe asti, trong khi không có chánh niệm chánh tri (tỉnh giác).

 [17] Pl. ibid.: satisampajaññavipannassa hatūpanisaṃ hoti hirottapaṃ, (…),  nguyên do chánh niêm và chánh tri bị mất nên tàm quý bị tổn hại; tiêp theo tuần tự nhân quả tổn hại: thủ hộ căn (indriyasaṃvaro), giới (sīlaṃ), chánh định (sammāsamādhi), như thật tri kiến (yathābhūtañāṇadassanaṃ), yểm ly ly dục (nibbidāvirāgo), giải thoát tri kiến (vimuttiñāṇadassanaṃ).

 [18] Hán: kiến như thật tri như chơn見如實知如真.

 [19]  Hán: tập 習. Pāli: upanisasammpanno hoti.

 [20]  Hán: ái cung kỉnh 愛恭敬. Tham chiếu kinh 44 trên.

 [21] Hán: phạm giới 犯戒. Pl. (A. v. 4): dussīla, ác giới.

 [22] Pl.: sīlavipannassa hatūpaniso hoti avippaṭisāro, mất giới thì tổn hại sự không truy hối (hối hận).

 [23]  Hán: bất thiện quán 不善觀. Pāli: appatissa, không thuận tùng, không phục tùng, hay gây gổ.

 [24]  Hán: bất kính trọng 不敬重. Pāli: asabhāgavuttika, không có lễ nghi, vô lễ.

 [25]  Hán: oai nghi pháp 威 儀 法. Pāli: ābhisamācarikaṃ dhammaṃ, hành nghi lễ tiết.

 [26]  Bản Pāli: sīlāni aparipūretvā sammādiṭṭhi paripūressati, các giới không viên mãn mà chánh kiến viên mãn.

 [27] Pāli, tuần tự nhân quả: sekham dhammaṃ (học pháp), sīlakkhandhaṃ (giới uẩn), samādhikkhandhaṃ (định uẩn), paññakkhandhaṃ (tuệ uẩn).

 [28] Xem kinh 49 và các cht.

 [29]  Hán: bổn tế 本際. Pāli: purimā koṭi, biên tế tối sơ, giới hạn thời gian về trước (khởi thủy).

 [30]  Hán: hữu ái 有愛. Pāli: bhavataṇhā, hữu dẫn đến ái đương lai.

 [31] Pl. (A. v. 116): purimā koṭi na paññāyati bhavataṇhāya – ito pubbe bhavataṇhā nāhosi atha pacchā samabhavī’ ti, evañcetaṃ vuccati, điểm tối sơ của hữu ái không thể biết, để nói rằng, “trước đó đã không có hữu ái, sâu này nó mới xuất hiện.”

 [32] Pl. ibid. : atha ca pana paññāyati – idaccayā bhavataṇhā, nhưng điều này thì được biết: do duyên cái này mà có hữu ái.

 [33]  Lưu ý chữ Hán: tập 習 theo nghĩa tập quán hay tập nhân, chứ không phải tập 集 theo nghĩa tập khởi (tập hợp). Nhưng trong bản hán này, các chữ tâp thuộc tập đế đều viết là 習 thay vì 集. Vậy, tập ở đây cũng được hiểu làtập khởi, tức nguyên nhân sanh khởi. Pl.: bhavataṇhāmpāhaṃ sāhāraṃ vādāmi no anāhāraṃ, “Ta cũng nói hữu ái có thức ăn (= có duyên) chứ không phải không có thức ăn (= không duyên).”

 [34]  Hán: ngũ cái 五 蓋. Pāli: pañca nīvaraṇā.

 [35]  Hán: bất chánh tư duy 不 正 思 惟. Pāli: ayoniso manasikāraṃ, không như lý tác ý, tư duy không phương pháp.

 [36]  Hán: ác pháp 惡 法. Pāli: asaddhamma, pháp không vi diệu, không chân chánh.

 [37]  Hán: ác tri thức 惡 知 識, xem cht. dưới.

 [38]  Bản Hán đề cập ác thiện tri thức và ác nhân. Bản Pāli chỉ đề cập asappurisa, không phải thiện nhân.

 [39]  Minh giải thoát 明 解 脫. Pāli: vijjā-vimutti.

 [40]  Pāli: saddhamma, diệu pháp, chánh pháp.

 [41]  Hán: thiện nhân 善 人. Pāli: sappurisa, người lỗi lạc, siêu việt; chân nhân, thượng nhân, thiện sĩ.

 [42] Tham chiếu kinh 51 và các chú thích.

 [43]  Pl.: bhavataṇhāmpāhaṃ sāhāraṃ vādāmi no anāhāraṃ, “Ta cũng nói hữu ái có thức ăn (= có duyên) chứ không phải không có thức ăn (= không duyên).”

 [44]  Xem kinh 51.

 [45]  Hán: đại xuyên 大 川. Pāli: mahāsobbha, hồ lớn.

 [46] Tham chiếu kinh 51 và các chú thích.

 [47]  Xem kinh 10 (Lậu tận) và chú thích.

 [48]  Xem kinh 51 và cht.

 [49]  Nhĩ giới 耳 界.

 [50]  Thiện pháp 妙 法, đây muốn nói là diệu pháp hay chánh pháp.

 [51]  Hán: vãng nghệ 往 詣: đi đến. Pl.: upasaṃkamana, yếu tố đàu dẫn đến thân cận thiện sỹ, một trong bốn Dự lưu chi (Sớ giải DA. iii 1020: sappurisasaṃsevo ti bdddhādīnaṃ sappurisānaṃ upasaṃkamitvā sevanaṃ). Xem cht. tiếp theo.

 [52]  Phụng sự 奉事. Pāli: sevanā, thân cận, phụng sự. Đây chỉ một trong bốn Dự lưu chi: thân cận thiện sỹ. Cf. Pháp uẩn 2 (No 1537, tr. 458b26), D iii. 324: sappurisasaṃsevo.

 [53] Phụng sự thiện tri thức 奉事善知識, tức thân cận thiện sỹ. Pl: sappurisasaṃsevo.

 [54]  Không thấy Pāli tương đương.

 [55]  Xem kinh 51 cht. Tham chiếu kinh 42 trên.

 [56]  Hán: thọ 受, thường nói là thủ. Pāli: upādāna.

 [57]  Hán: giác 覺, thường nói là thọ. Pāli: vedanā.

 [58]  Hán: canh lạc 更 樂, tức là xúc. Pāli: phassa.

 [59]  Tương đương Pāli: A. ix.3. Meghiya.

 [60]  Mãng nại lâm 莽 柰 林, tức khu rừng xoài. Pāli: ambavana.

 [61] Xà-đấu thôn 闍鬥村. Pāli: Jantugāma, gần làng Calikā. Pāli: trú ở làng Calikā, trên núi Cālikapabbata. Phật an cư vào mùa mưa ở đây vào các năm thứ 13, 18 và 19, sau khi thành đạo. Calikapabbata là một ngọn đồi màu trắng nên vào những đêm tối người ta thấy nó hình như chuyển động.

 [62]  Di-hê 彌醯. Pāli: Meghiya.

 [63]  Kim-tì 金鞞. Pāli: Kimikālā.

 [64]  Hán: danh hảo nại lâm 名好柰林: tên là rừng Hảo nại. Pāli: addasā… ambavanaṃ pāsādikaṃ ramaṇyaṃ, thấy khu rừng xoài xinh đẹp, đáng ưa.

 [65]  Hán: học đoạn 學斷. Pāli: (…) padhānatthikassa padhānāya, để (tu tập) tinh cần cho ai tinh cần. Theo bản Hán, đọc pahāna (đoạn trừ) thay vì padhāna (tinh cần).

 [66]  Hán: hữu sở đoạn 有 所 斷. Xem cht. trên.

 [67]  Ni-sư-đàn 尼 師 檀. Pāli: nisīdana, tọa cụ, khăn trải ngồi.

 [68]  Hán: vô vi, vô tác, diệc vô sở quán 無為無作亦無所觀. Pāli: natthi kiñci uttari karanīyaṃ, natthi katassa paṭicayo, không có phận sự gì thêm nữa, không có việc làm thêm đối với điều đã làm.

 [69]  Nghĩa là, “muốn tinh cần”.

 [70]  Dục niệm nhuế niệm hại niệm 欲念恚念害念. Pāli: kāmavitakka, vyāpādavitakka, vihiusāvitakka, suy cầu tham dục, suy cầu sân hận, suy cầu bức hại.

 [71]  Pāli: kayāṇamitto hoti kalyāṇasahāyo kalyāṇasampavaṅko, là bạn tốt, người đồng hành tốt, thân hữu tốt.

 [72]  Tùng giải thoát 從解脫. Pl.: pāṭimokkhasaṃvarasaṃvutto, thủ hộ bằng Biệt giải thoát luật nghi.

 [73]  Pāli: anikkhittadhuro kusalesu dhammesu, không trút bỏ gánh nặng trong các pháp thiện.

 [74]  Thánh tuệ minh đạt 聖慧明達. Pāli: ariyanibbedhikapaññā, trí tuệ quyết trạch của Thánh.

 [75]  Ố (hay ác) lộ 惡 露. Pāli: asubha, bất tịnh.

Phẩm 6: Tương ưng vương (I)

PHẨM 6:
TƯƠNG ƯNG VƯƠNG (I)

TỤNG NGÀY THỨ NHẤT

七寶相四洲  

牛糞摩竭王

鞞婆麗陵耆  

天使最在後

Kệ tóm tắt:

Thất bảo, Tướng, Tứ châu,

Ngưu phẩn, Ma-kiệt vương,

Tì-bà lệ-lăng-kì,

Cuối cùng là Thiên sử

58. KINH THẤT BẢO

 [493a10] Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm Lâm Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nếu lúc Chuyển luân vương ra đời thì nên biết rằng liền có bảy báu xuất hiện ở đời. Những gì là bảy? Xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu và tướng quân báu. Đó là bảy báu. Nếu lúc Chuyển luân vương ra đời thì nên biết rằng liền có bảy báu này xuất hiện ở đời. Giống như vậy, lúc Như Lai, Vô Sở Trước, Chánh Đẳng Chánh Giác ra đời, thì nên biết rằng cũng có bảy báu giác chi xuất hiện ở thế gian. Những gì là bảy? Niệm giác chi, trạch pháp giác chi, tinh tấn giác chi, hỷ giác chi, khinh an giác chi [1], định giác chi và xả giác chi. Đó là bảy. Lúc Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Chánh Đẳng Chánh Giác ra đời, thì nên biết rằng, có bảy báu giác chi ấy xuất hiện ở thế gian.”

Đức Phật thuyết giảng như vậy, sau khi các Tỳ-kheo ấy nghe xong, hoan hỷ phụng hành.

59. KINH TAM THẬP NHỊ TƯỚNG

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm Lâm Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ các Tỳ-kheo sau khi ăn trưa xong, tụ tập ngồi tại giảng đường, cùng luận bàn như sau:

“Này Chư Hiền, kỳ diệu thay, hy hữu thay! Bậc Đại nhân thành tựu ba mươi hai tướng thì chắc chắn có hai trường hợp, chân thật, không hư dối. Nếu ở tại gia, chắc chắn vị ấy làm [493b] Chuyển luân vương, thông minh trí tuệ, có bốn loại quân, chỉnh trị thiên hạ, tự do tự tại, là Pháp vương hành động theo chánh pháp, thành tựu bảy báu. Bảy báu ấy là xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu, tướng quân báu. Vị ấy có đủ một ngàn con trai dung mạo đẹp đẽ, dõng mãnh, không sợ, nhiếp phục được địch quân. Vị ấy thống lãnh toàn thể cõi đất này cho đến biển cả; không dùng đao gậy mà dùng pháp trị hóa khiến cho an lạc. Nếu vị ấy cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, học đạo, chắc chắn chứng đắc quả Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, tiếng tăm vang dội, mười phương đều nghe.”

Bấy giờ Đức Thế Tôn đang ở chỗ nhàn tĩnh, với thiên nhĩ thanh tịnh, vượt xa người thường, Ngài nghe các Tỳ-kheo, sau bữa ăn trưa tụ tập ngồi tại giảng đường, cùng bàn luận về sự kiện này: “Này Chư Hiền, kỳ diệu thay, hy hữu thay! Bậc Đại nhân thành tựu ba mươi hai tướng thì chắc chắn có hai trường hợp, chân thật, không hư dối. Nếu ở tại gia, chắc chắn vị ấy làm Chuyển luân vương, thông minh trí tuệ, có bốn loại quân, chỉnh trị thiên hạ, tự do tự tại, là Pháp vương hành động theo chánh pháp, thành tựu bảy báu. Bảy báu ấy là xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu, tướng quân báu. Vị ấy có đủ một ngàn con trai dung mạo đẹp đẽ, dõng mãnh, không sợ, nhiếp phục được địch quân. Vị ấy thống lãnh toàn thể cõi đất này cho đến biển cả; không dùng đao gậy mà dùng pháp giáo hóa khiến cho an lạc. Nếu vị ấy cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, học đạo, chắc chắn chứng đắc quả Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, tiếng tăm vang dội, mười phương đều nghe.”

Đức Thế Tôn sau khi nghe như vậy xong, vào lúc xế trưa, Ngài từ chỗ nghỉ ngơi đứng dậy, đi đến giảng đường, trải tọa mà ngồi trước chúng Tỳ-kheo. Ngài hỏi các Tỳ-kheo:

“Hôm nay, các ngươi tụ họp tại giảng đường cùng nhau bàn luận việc gì?”

Bấy giờ các Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Đức Thế Tôn, hôm nay tụ tập tại giảng đường, chúng con cùng nhau bàn luận thế này: ‘Này Chư Hiền, kỳ diệu thay, hy hữu thay! Bậc Đại nhân thành tựu ba mươi hai tướng thì chắc chắn có hai trường hợp, chân thật, không hư dối. Nếu ở tại gia, chắc chắn vị ấy làm Chuyển luân vương, thông minh trí tuệ, có bốn loại quân, chỉnh trị thiên hạ, tự do tự tại, là Pháp vương hành động theo chánh pháp, thành tựu bảy báu. Bảy báu ấy là xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu, tướng quân báu. Vị ấy có đủ một ngàn con trai dung mạo đẹp đẽ, dõng mãnh, không sợ, nhiếp phục được địch quân. Vị ấy thống lãnh toàn thể cõi đất này cho đến [493c] biển cả; không dùng đao gậy mà dùng pháp trị hóa khiến cho an lạc. Nếu vị ấy cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, học đạo, chắc chắn chứng đắc quả Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, tiếng tăm vang dội, mười phương đều nghe’. Bạch Đức Thế Tôn, chúng con cùng nhau bàn luận việc như vậy, nên tụ tập ngồi tại giảng đường.”

Bấy giờ Đức Thế Tôn dạy:

“Này các Tỳ-kheo, các ngươi muốn Như Lai nói về ba mươi hai tướng không? Bậc Đại nhân mà thành tựu ba mươi hai tướng thì chắc chắn có hai trường hợp, chân thật, không hư dối. Nếu ở tại gia, chắc chắn vị ấy làm Chuyển luân vương, thông minh trí tuệ, có bốn loại quân, chỉnh trị thiên hạ, tự do tự tại, là Pháp vương hành động theo chánh pháp, thành tựu bảy báu. Bảy báu ấy là xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu, tướng quân báu. Vị ấy có đủ một ngàn con trai dung mạo đẹp đẽ, dõng mãnh, không sợ, nhiếp phục được địch quân. Vị ấy thống lãnh toàn thể cõi đất này cho đến biển cả; không dùng đao gậy mà dùng pháp giáo hóa khiến cho an lạc. Nếu vị ấy cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, học đạo, chắc chắn chứng đắc quả Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, tiếng tăm vang dội, mười phương đều nghe.”

Sau khi nghe xong, các Tỳ-kheo bạch:

“Bạch Thế Tôn, nay quả là đúng lúc. Bạch Thiện Thệ, nay quả là đúng lúc. Nếu Thế Tôn nói cho các Tỳ-kheo về ba mươi hai tướng, sau khi nghe xong, các Tỳ-kheo sẽ khéo ghi nhớ.”

Đức Thế Tôn bảo:

“Này các Tỳ-kheo, hãy lắng nghe, hãy lắng nghe, khéo suy nghĩ, ghi nhớ! Ta sẽ giảng giải, phân biệt rộng rãi cho các ngươi rõ.”

Bấy giờ các Tỳ-kheo vâng lời, lắng nghe Thế Tôn dạy.

Phật nói:

“Bậc Đại nhân có lòng bàn chân bằng phẳng [2]. Đó là tướng của Đại nhân.

“Lại nữa, lòng bàn chân của Đại nhân có hình bánh xe [3]. Bánh xe có đầy đủ ngàn căm. Đó là tướng của bậc Đại nhân.

“Lại nữa, ngón chân của Đại nhân thon dài [4]. Đó là tướng của bậc Đại nhân.

“Lại nữa, mu bàn chân Đại nhân thì ngay ngắn [5]. Đó là tướng của bậc Đại nhân.

“Lại nữa, ở phía sau hai bên mắt cá của gót chân Đại nhân thì đầy đặn bằng phẳng [6]. Đó là tướng của bậc Đại nhân.

“Lại nữa, hai mắt cá nơi bàn chân thì nhô cao và đầy [7]. Đó là tướng của bậc Đại nhân.

“Lại nữa, lông trên thân thể của Đại nhân mọc hướng lên. Đó là tướng của bậc Đại nhân.

“Lại nữa, ở chân tay Đại nhân có màng lưới giống như của chim nhạn chúa. Đó là tướng của bậc Đại nhân.

“Lại nữa, chân tay Đại nhân rất đẹp, mềm mại, xòe ra như hoa đâu-la [8]. Đó là tướng của bậc Đại nhân.

“Lại nữa, da thịt của Đại nhân [494a] mịn màng, bụi nước không dính được. Đó là tướng của bậc Đại nhân.

“Lại nữa, từng sợi lông trên thân của Đại nhân, từng sợi lông một mọc ở lỗ chân lông, màu xanh lóng lánh như màu của ốc, xoay tròn về hướng phải. Đó là tướng của bậc Đại nhân.

“Lại nữa, bắp đùi như bắp đùi của nai chúa. Đó là tướng của bậc Đại nhân.

“Lại nữa, âm mã tàng [9] của Đại nhân giống như của ngựa chúa tốt. Đó là tướng của bậc Đại nhân.

“Lại nữa, thân hình Đại nhân cân xứng đẹp đẽ, giống như cây ni-câu-loại [10], trên dưới tương xứng hoàn toàn. Đó là tướng của bậc Đại nhân.

“Lại nữa, thân thể của Đại nhân không gù còng. Thân không còng nghĩa là đứng thẳng mà duỗi tay, sờ tận đầu gối. Đó là tướng của bậc Đại nhân.

“Lại nữa, thân của Đại nhân màu hoàng kim giống như vàng ròng tía [11]. Đó là tướng của bậc Đại nhân.

“Lại nữa, thân của Đại nhân có bảy chỗ đầy đặn. Bảy chỗ đầy đặn là hai bàn tay, hai bàn chân, hai vai và cổ. Đó là tướng của bậc Đại nhân.

“Lại nữa, thân của Đại nhân phần trên lớn giống như thân sư tử. Đó là tướng của bậc Đại nhân.

“Lại nữa, quai hàm của Đại nhân như sư tử [12]. Đó là tướng của bậc Đại nhân.

“Lại nữa, xương sống thẳng bằng. Đó là tướng của bậc Đại nhân.

“Lại nữa, trên hai vai liên tiếp qua cổ đầy đặn bằng phẳng. Đó là tướng của bậc Đại nhân,

“Lại nữa, Đại nhân có bốn mươi cái răng. Răng đều đầy đặn, không khuyết lở, trắng, trong, láng bậc nhất. Đó là tướng của bậc Đại nhân.

“Lại nữa, tiếng nói đáng ưa như tiếng trời Phạm thiên, âm thanh như tiếng chim ca-lăng-tần già [13]. Đó là tướng của bậc Đại nhân.

“Lại nữa, Đại nhân có lưỡi rộng dài. Lưỡi rộng dài là lưỡi khi lè ra trùm khắp cả mặt. Đó là tướng của bậc Đại nhân.

“Lại nữa, mí mắt [14] của Đại nhân rộng như của trâu chúa. Đó là tướng của bậc Đại nhân.

“Lại nữa, mắt Đại nhân màu xanh biếc [15]. Đó là tướng của bậc Đại nhân.

“Lại nữa, đỉnh đầu Đại nhân có nhục kế [16] tròn cân đối, tóc xoáy ốc về hướng phải. Đó là tướng của bậc Đại nhân.

“Lại nữa, giữa hai lông mày của Đại nhân có sợi lông trắng mọc xoáy tròn về hướng phải [17]. Đó là tướng của bậc Đại nhân.

“Này các Tỳ-kheo, Đại nhân thành tựu ba mươi hai tướng này, chắc chắn có hai trường hợp, chân thật không hư dối. Nếu ở tại gia thì chắc chắn vị ấy làm Chuyển luân vương, thông minh trí tuệ, có bốn loại quân, chỉnh trị thiên hạ, tự do tự tại, là Pháp vương hành động theo chánh pháp, thành tựu bảy báu. Bảy báu ấy là xe báu, voi báu, [494b] ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu, tướng quân báu. Vị ấy có đủ một ngàn con trai dung mạo đẹp đẽ, dõng mãnh, không sợ, nhiếp phục được địch quân. Vị ấy thống lãnh toàn thể cõi đất này cho đến biển cả; không dùng đao gậy mà dùng pháp giáo hóa khiến cho an lạc. Nếu vị ấy cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, học đạo, chắc chắn chứng đắc quả Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, tiếng tăm vang dội, mười phương đều nghe.”

Đức Phật thuyết như vậy, sau khi các Tỳ-kheo ấy nghe xong, hoan hỷ phụng hành.

60. KINH TỨ CHÂU

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm Lâm Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Tôn giả A-nan ở nơi nhàn tĩnh, ngồi trầm lặng tư duy và suy nghĩ như vầy: “Người đời thật hiếm, ít ai có thể thỏa mãn ở nơi dục; [18] ít ai có sự nhờm tởm, ghê sợ dục cho đến chết. Người đời mà có sự thỏa mãn ở nơi dục, nhàm tởm, ghê sợ cho đến chết, quả là quá khó kiếm.”

 Rồi Tôn giả A-nan, vào lúc xế chiều, từ chỗ yên nghỉ đứng dậy, đi đến trước Phật, đảnh lễ, rồi ngồi qua một bên và thưa:

“Bạch Đức Thế Tôn, hôm nay con ở chỗ nhàn tĩnh, ngồi trầm lặng tư duy, đã suy nghĩ như vầy: “Người đời thật hiếm, ít ai có thể thỏa mãn đối với dục; ít ai có sự nhờm tởm, ghê sợ dục cho đến chết. Người đời mà đối với dục có sự thỏa mãn, nhàm tởm, ghê sợ cho đến chết, quả là quá khó kiếm!”

Phật bảo A-nan:

“Đúng như vậy, đúng như vậy! Người đời thật hiếm, ít ai có thể thỏa mãn ở nơi dục; ít ai có sự nhờm tởm, ghê sợ dục cho đến chết. Người đời mà có sự thỏa mãn ở nơi dục, nhàm tởm, ghê sợ cho đến chết, quả là quá khó kiếm!

“Nhưng này A-nan, trong thế gian, những người đối với dục mà không thỏa mãn, không nhờm tởm, ghê sợ cho đến chết thì thật quá nhiều! Thật quá nhiều! Vì sao? Này A-nan, trong đời quá khứ, có  vua tên là Đảnh Sanh [19] làm Chuyển luân vương, thông minh trí tuệ, có bốn loại quân, ngự trị thiên hạ, tự do tự tại, là Pháp vương hành động theo chánh pháp, thành tựu bảy báu. Bảy báu ấy là: xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, [494c] cư sĩ báu và tướng quân báu. Đó là bảy báu. Vị ấy có đủ một ngàn người con trai, mặt mày khôi ngô, dõng mãnh, không khiếp sợ, nhiếp phục được người khác. Vị ấy thống lãnh khắp cả cõi đất này cho đến biển cả, không dùng đao gậy, chỉ dùng pháp trị hóa, khiến cho an lạc.

“Này A-nan, một thời gian hết sức lâu xa về sau, vua Đảnh Sanh ấy nghĩ rằng: ‘Ta có châu Diêm-phù giàu có, hoan lạc cùng cực, nhân dân đông đúc. Ta có bảy báu; đầy đủ một ngàn người con. Ta muốn ngay ở cung điện này mưa báu bảy ngày, dâng đến tận đầu gối’. Này A-nan, vua Đảnh Sanh có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, nên vừa khởi tâm ưa thích như vậy, tức thì ở trong cung mưa báu bảy ngày, dâng đến đầu gối.

“Này A-nan, một thời gian hết sức lâu xa về sau, vua Đảnh Sanh kia lại nghĩ rằng: ‘Ta có châu Diêm-phù giàu có, hoan lạc cùng cực, nhân dân đông đúc. Ta có bảy báu, đầy đủ một ngàn đứa con, và ở trong cung này, mưa báu bảy ngày, dâng đến đầu gối. Ta nhớ đã từng nghe nơi người xưa nói rằng, ở phương Tây có châu tên là Cù-đà-ni [20], giàu có, hoan lạc cùng cực, nhân dân đông đúc. Nay ta muốn đến xem châu Cù-đà-ni. Sau khi đến, ta sẽ thống trị’. Này A-nan, vua Đảnh Sanh có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, nên vừa khởi tâm ưa thích như vậy, liền dùng như ý túc cưỡi lên hư không mà đi, cùng với bốn loại quân. Này A-nan, vua Đảnh Sanh trong phút chốc liền đến trú ở châu Cù-đà-ni kia.

“Này A-nan, sau khi đến ở,  vua đã ngự trị châu Cù-đà-ni suốt vô lượng trăm ngàn vạn năm.

“Này A-nan, một thời gian hết sức lâu xa về sau nữa, vua Đảnh Sanh kia lại nghĩ: ‘Ta có châu Diêm-phù giàu có, hoan lạc cùng cực, nhân dân đông đúc. Ta có bảy báu, đầy đủ một ngàn đứa con, và ở trong cung này, mưa báu bảy ngày, dâng đến đầu gối. Ta lại có thêm châu Cù-đà-ni. Ta đã từng nghe người xưa có nói rằng, ở phương Đông có châu tên là Phất-bà-tì-đà-đề [21] giàu có, hoan lạc cùng cực, nhân dân đông đúc. Nay ta muốn đến xem châu Phất-bà-tì-đà-đề. Sau khi đến, ta sẽ thống trị’. Này A-nan, vua Đảnh Sanh có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, nên vừa khởi tâm ưa thích như vậy, liền dùng như ý túc cưỡi lên hư không mà đi, cùng với bốn loại quân. Này A-nan, vua Đảnh Sanh trong phút chốc liền đến trú ở châu Phất-bà-tì-đà-đề kia. Này A-nan, [495a] sau khi đến ở,  vua ngự trị châu Phất-bà-tì-đà-đề suốt vô lượng trăm ngàn vạn năm.

“Này A-nan, một thời gian hết sức lâu xa về sau nữa, vua Đảnh Sanh kia lại nghĩ: ‘Ta có châu Diêm-phù giàu có, hoan lạc cùng cực, nhân dân đông đúc. Ta có bảy báu, đầy đủ một ngàn người con, và ở trong cung mưa báu bảy ngày dâng đến đầu gối. Ta lại có thêm châu Cù-đà-ni, có thêm châu Phất-bà-tì-đà-đề. Ta lại từng nghe người xưa có nói rằng, ở phương Bắc có châu tên là Uất-đan-viết [22], giàu có, hoan lạc cùng cực, nhân dân đông đúc, họ tuy không có ngã tưởng, không có thọ dụng riêng [23], nhưng ta muốn cùng quyến thuộc đi xem châu Uất-đan-viết, để thống trị’. Này A-nan, vua Đảnh Sanh có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, nên vừa khởi tâm ưa thích như vậy, liền dùng như ý túc cưỡi hư không mà đi cùng với bốn loại quân. Này A-nan,  vua thấy đất trắng bằng phẳng từ xa, bảo các cận thần:

“– Các khanh có thấy đất trắng bằng phẳng của châu Uất-đan-viết này không?

“Các cận thần đáp:

“– Dạ thấy, tâu Thiên vương.

“ vua lại bảo:

“– Các khanh biết không? Đó là lúa tự nhiên của người xứ Uất-đan-viết. Người Uất-đan-viết thường ăn loại thức ăn đó. Các khanh cũng nên ăn loại thức ăn đó.

“Này A-nan, xa xa, vua Đảnh Sanh lại thấy tại châu Uất-đan-viết có biết bao loại cây quí báu, khoe đủ màu sắc ở trong lan can, liền bảo cận thần:

“– Các khanh có thấy biết bao nhiêu loại cây quí báu, khoe đủ màu sắc ở trong lan can tại châu Uất-đan-viết không?

“Các cận thần đáp:

“– Dạ thấy, tâu Thiên vương.

“Vua lại đáp:

“– Các khanh biết không? Đó là thứ cây Áo [24] của người xứ Uất-đan-viết. Người Uất-đan-viết dùng thứ ấy mà mặc. Các khanh cũng nên dùng thứ ấy mà mặc.

“Này A-nan, trong phút chốc,  vua đến trú ở châu Uất-đan-viết. Này A-nan, sau khi cùng quyến thuộc đến đó, vua Đảnh Sanh thống trị châu Uất-đơn-viết suốt cả trăm ngàn vạn năm.

“Này A-nan, một thời gian hết sức lâu xa về sau nữa, vua Đảnh Sanh kia lại nghĩ: ‘Ta có châu Diêm-phù giàu có vô cùng, nhân dân đông đúc. Ta có bảy báu, đầy đủ một ngàn người con và ở trong cung mưa báu bảy ngày, dâng đến đầu gối. Ta cũng có châu Cù-đà-ni, cũng có châu Phất-bà-tì-đà-đề lại có thêm châu Uất-đan-viết. Ta lại từng nghe người xưa nói rằng, có cõi trời tên là Tam Thập Tam Thiên. [495b] Nay ta muốn đến thấy Tam Thập Tam Thiên’.

“Này A-nan, vua Đảnh Sanh có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, nên vừa khởi tâm ưa thích như vậy, liền dùng như ý túc cưỡi hư không cùng với bốn loại quân, hướng theo ánh sáng mặt trời mà đi. Này A-nan, từ xa, vua Đảnh Sanh đã thấy ở trong Tam Thập Tam Thiên, trên đỉnh núi chúa Tu-di, có một vật lớn như một đám mây lớn, liền bảo các cận thần:

“– Các khanh có thấy ở trên đỉnh núi chúa Tu-di trong cõi trời Tam thập tam (có một vật) như một đám mây lớn ấy chăng?

“Các cận thần đáp:

“– Dạ thấy, tâu Thiên vương.

“ vua lại bảo:

“– Các khanh biết chăng? Đó là cây Trú độ [25] của trời Tam Thập Tam Thiên vậy. Dưới gốc cây này, vào mùa hạ tháng tư, các vị Trời ở Tam Thập Tam Thiên vui chơi với đầy đủ năm thứ dục lạc.

“Này A-nan, từ xa, vua Đảnh Sanh thấy ở trong trời Tam Thập Tam Thiên, trên đỉnh núi chúa Tu di, gần về hướng Nam có một vật giống như đám mây lớn, liền bảo các cận thần:

“– Các khanh có thấy ở trong trời Tam Thập Tam Thiên, trên đỉnh núi Tu-di, gần về mé Nam, có một vật giống như đám mây lớn không?

“– Có thấy, tâu Thiên vương.

“ vua lại bảo:

“– Các khanh biết không? Đó là nhà Chánh pháp [26] của Tam Thập Tam Thiên. Vị Trời Tam Thập Tam Thiên ở trong nhà ấy, vào những ngày mồng tám, mười bốn hoặc mười lăm, vì loài trời, vì loài người mà tư duy về pháp, tư duy về nghĩa.

“Này A-nan, vua Đảnh Sanh liền đến cõi Tam Thập Tam Thiên. Đến nơi,  vua đi vào nhà Chánh pháp. Ở đó, Thiên đế Thích nhường một nửa chỗ ngồi cho vua Đảnh Sanh và mời ngồi. Vua Đảnh Sanh liền ngồi xuống trên nửa chỗ ngồi của Thiên đế Thích. Bấy giờ,  vua và Thiên đế Thích hoàn toàn không khác gì nhau; ánh sáng và ánh sáng không khác, màu sắc và màu sắc không khác, hình dung và hình dung không khác, oai nghi lễ tiết và y phục cũng không khác nhau; chỉ có con mắt nháy là khác nhau.

“Này A-nan, vua Đảnh Sanh kia một thời gian hết sức lâu xa về sau nữa, lại nghĩ: ‘Ta có châu Diêm-phù giàu có, hoan lạc cùng cực, nhân dân đông đúc. Ta có bảy báu, đầy đủ một ngàn người con, và ở trong cung mưa báu bảy ngày dâng đến đầu gối. Ta lại có châu Cù-đà-ni, có châu Phất-bà-tì-đà-đề, có châu Uất-đan-viết. Ta cũng đã thấy Tam Thập Tam Thiên vân tập đại hội. Ta đã được vào nhà Chánh pháp của Chư Thiên, lại được Thiên đế Thích nhường cho một nửa chỗ ngồi, và ta đã ngồi trên một nửa chỗ ngồi của Thiên đế Thích. Ta với Thiên đế Thích hoàn toàn không khác gì nhau; ánh sáng không khác, màu sắc không khác, hình dung không khác, oai nghi lễ tiết cho đến [495c] y phục cũng không sai khác, chỉ có con mắt nháy là khác nhau mà thôi. Nay có lẽ ta đuổi Thiên đế Thích đi, cướp lấy phân nửa chỗ ngồi ấy mà làm vua loài trời và loài người, tự do tự tại.

“Này A-nan, vua Đảnh Sanh vừa khởi ý niệm như vậy, bất giác rơi xuống châu Diêm-phù, liền mất như ý túc, nhuốm bệnh, đau nguy kịch. Đến lúc sắp chết, các cận thần đến bên  vua hỏi rằng:

“– Tâu Thiên vương, nếu có vị  bà-la-môn, cư sĩ và kẻ bày tôi hay thần dân nào đến hỏi các hạ thần rằng: ‘Lúc băng hà Đảnh Sanh vương chỉ bảo những gì?’ Tâu Thiên vương, các hạ thần trả lời thế nào cho  Bà-la-môn, cư sĩ hay thần dân ấy?

“ vua bảo cận thần:

“– Nếu có  bà-la-môn, cư sĩ, hay thần dân nào đến hỏi các khanh rằng: ‘Lúc băng hà,  vua đã nói những gì?’ Thì các khanh Hãy trả lời như thế này: ‘Vua Đảnh Sanh đã được châu Diêm-phù, nhưng khi chết vẫn chưa thỏa mãn. Vua Đảnh Sanh đã được bảy báu, nhưng khi chết vẫn chưa được thỏa mãn. Vua Đảnh Sanh đã đầy đủ một ngàn người con, nhưng khi chết vẫn chưa thỏa mãn. Vua Đảnh Sanh đã có bảy ngày mưa báu, nhưng khi chết vẫn chưa thỏa mãn. Vua Đảnh Sanh đã được châu Cù-đà-ni, nhưng khi chết vẫn chưa thỏa mãn. Vua Đảnh Sanh đã được châu Phất-bà-tì-đà-đề, nhưng khi chết vẫn chưa thỏa mãn. Vua Đảnh Sanh đã được châu Uất-đan-viết, nhưng khi chết vẫn chưa thỏa mãn. Vua Đảnh Sanh đã thấy Chư Thiên tụ hội, nhưng khi chết vẫn chưa thỏa mãn. Vua Đảnh Sanh đã hưởng đầy đủ các đặc tính của năm thứ dục lạc, sắc, thanh, hương, vị, xúc; nhưng khi chết vẫn chưa thỏa mãn’. Nếu có vị  bà-la-môn, hay thần dân nào đến hỏi các khanh rằng: ‘Lúc băng hà vua Đảnh Sanh đã nói những gì?’ Thì các khanh nên trả lời đúng như thế.”

Bấy giờ Đức Thế Tôn đọc bài tụng:

Trời mưa trân bảo quí,

Chưa thỏa lòng kẻ dục.

Ham muốn: khổ; nào vui.

Kẻ trí cần phải biết.

Giả sử được đống vàng,

Cao như núi Hy-mã,

Vẫn chưa đủ mảy may;

Kẻ trí nghĩ như vậy.

Được ngũ dục trên trời,

Chẳng cho đó là vui.

Dứt ái, không đắm dục;

Là đệ tử Chánh giác.

Rồi Đức Thế Tôn bảo:

“Này A-nan, vua Đảnh Sanh ngày xưa ấy, Ông cho là ai khác chăng? Chớ nghĩ như vậy. Nên biết rằng, vị ấy chính là Ta vậy. Này A-nan, [496a] lúc bấy giờ Ta được lợi ích, cũng làm lợi ích cho người khác, cho mọi người, thương xót thế gian, vì trời và vì loài người mà cầu nghĩa lợi lợi và lợi ích, cầu an ổn khoái lạc. Lúc bấy giờ, Ta nói pháp không đến chỗ rốt ráo, không rốt ráo bạch tịnh, không rốt ráo phạm hạnh. Vì không rốt ráo phạm hạnh hoàn toàn, lúc ấy Ta không lìa khỏi sự sanh, già, bệnh, chết, khóc than, ảo não, cũng chưa thể thoát ra ngoài mọi khổ đau. Này A-nan, hôm nay Ta xuất hiện ở thế gian, là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc Tựu, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Thế Tôn. Nay Ta đã làm lợi ích cho mình, cũng làm lợi ích cho người khác, cho mọi người, thương xót thế gian, vì trời và vì người mà cầu nghĩa lợi và lợi ích, cầu an ổn khoái lạc.

“Nay Ta thuyết pháp đã đến chỗ rốt ráo, rốt ráo bạch tịnh, rốt ráo phạm hạnh. Khi đã rốt ráo phạm hạnh, Ta lìa khỏi sự sanh, già, bệnh, chết, khóc than, ảo não. Ta đã thoát khỏi mọi khổ đau.”

Đức Phật thuyết giảng như vậy, Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe thuyết giảng, hoan hỷ phụng hành.

61. KINH NGƯU PHẤN DỤ

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm Lâm Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ có một vị Tỳ-kheo ở chỗ nhàn tĩnh, ngồi tư duy, suy nghĩ như vầy: “Có sắc nào thường trú, bất biến, hoàn toàn chỉ có lạc, tồn tại vĩnh viễn chăng? Có thọ, tưởng, hành, thức nào thường trú, bất biến, chỉ có lạc, tồn tại vĩnh viễn chăng?”

Vào lúc xế chiều, vị Tỳ-kheo ấy từ chỗ ngồi yên tĩnh đứng dậy, đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ rồi ngồi qua một bên và bạch:

“Bạch Đức Thế Tôn, hôm nay ở chỗ nhàn tĩnh, con ngồi tư duy, suy nghĩ như vầy: ‘Có sắc nào thường trú, bất biến, hoàn toàn chỉ có lạc, tồn tại vĩnh viễn chăng? Có thọ, tưởng, hành, thức nào thường trú, bất biến, chỉ có lạc, tồn tại vĩnh viễn chăng?’”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Không có một sắc nào thường trú, bất biến, hoàn toàn chỉ có lạc, tồn tại vĩnh viễn; không có thọ, tưởng, hành, thức nào thường trú, bất biến, hoàn toàn chỉ có lạc, tồn tại vĩnh viễn.”

Bấy giờ Đức Thế Tôn dùng móng tay khơi ít phân bò, bảo Tỳ-kheo:

“Này Tỳ-kheo, nay ngươi có thấy Ta dùng móng tay khơi chút ít phân bò chăng?”

Tỳ-kheo [496b] đáp:

“Bạch Thế Tôn, con có thấy.”

Phật bảo:

“Này Tỳ-kheo, cũng vậy, không có một tí sắc nào thường trụ, bất biến, chỉ toàn có lạc, tồn tại vĩnh viễn; cũng như vậy, không có một tí giác, tưởng, hành, thức nào thường trụ, bất biến, chỉ toàn có lạc, tồn tại vĩnh viễn. Vì sao?

“Này Tỳ-kheo, nhớ lại xưa kia, trong một thời gian dài, Ta thường làm phúc. Sau một thời gian dài làm phúc ấy, Ta thọ quả báo an lạc. Vào thuở xưa đó, Ta tu hành về từ tâm trong bảy năm; trải qua bảy kiếp thành hoại [27] vẫn không trở lại thế gian này. Vào thời kiếp hoại, Ta sanh vào cõi trời Hoảng dục [28]. Vào thời kiếp thành, Ta sanh vào trong cung điện trống không của Phạm thiên [29], ở trong cõi Phạm kia, làm Đại Phạm thiên. Qua một ngàn lần tái sanh vào những nơi khác, Ta làm Thiên vương trời Tự tại; ba mươi sáu lần tái sinh làm Thiên đế Thích, rồi lại vô lượng lần tái sinh làm Sát-lị Đảnh Sanh vương [30].

“Này Tỳ-kheo, lúc làm vua Sát-lị Đảnh Sanh, Ta có tám vạn bốn ngàn thớt voi lớn được phủ những đồ cưỡi rất đẹp; dùng các báu bạch châu lạc [31] trang sức, phủ lên voi chúa đầu đàn Vu-sa-hạ [32].

“Này Tỳ-kheo, lúc Ta làm vua Sát-lị Đảnh Sanh, có tám vạn bốn ngàn con ngựa được phủ lên các thứ đồ cưỡi đẹp. Dùng các báu vàng, bạc, dao lạc để trang sức cho ngựa đầu đàn là ngựa Mao [33].

“Này Tỳ-kheo, lúc Ta làm vua Sát-lị Đảnh Sanh, có tám vạn bốn ngàn cỗ xe, trang sức bằng bốn cánh, dùng da vằn quý báu đủ màu của các thú như sư tử, cọp, beo, dệt thành đủ loại màu sắc xen lẫn trang sức cho cỗ xe dẫn đầu chạy rất nhanh chóng tên là xe Nhạc thanh [34].

“Này Tỳ-kheo, lúc Ta làm vua Sát-lị Đảnh Sanh, có tám vạn bốn ngàn thành lớn, giàu có cùng cực, dân chúng đông đúc, lấy vương thành Câu-xá-hòa-đề [35] làm đầu.

“Này Tỳ-kheo, lúc làm vua Sát-lị Đảnh Sanh, Ta có tám vạn bốn ngàn ngôi lầu; có bốn loại lầu báu, làm bằng vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh; đứng đầu là Chánh pháp điện [36].

“Này Tỳ-kheo, lúc làm vua Sát-lị Đảnh Sanh, Ta có tám vạn bốn ngàn ngự tòa; bốn loại tòa báu, bằng vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh; trải lên bằng các thứ nệm, chiếu dệt bằng lông năm sắc, phủ lên bằng những gấm, the, sa trun, lụa là; có chăn nệm lót, hai đầu để gối, trải thảm quý bằng da sơn dương [37].

“Này Tỳ-kheo, lúc làm vua Sát-lị Đảnh Sanh, Ta có tám vạn bốn ngàn chiếc áo song y, áo sơ-ma [38], áo gấm, áo lụa, áo kiếp bối, áo da sơn dương [39].

“Này Tỳ-kheo, lúc làm vua Sát-lị Đảnh Sanh, Ta có tám vạn bốn ngàn người nữ, thân thể nõn nà, sạch sẽ, sáng sủa, sắc đẹp hơn người, không thua Chư Thiên, tư dung đoan chánh, ai nhìn cũng sinh ưa thích, trang điểm bằng các thứ vật báu, anh lạc; [496c] tất cả đều thuộc dòng Sát-lị. Ngoài ra, những người thuộc dòng khác thì nhiều vô số.

“Này Tỳ-kheo, lúc làm vua Sát-lị Đảnh Sanh, Ta có tám vạn bốn ngàn món ăn, ngày đêm [40] thường dọn ra cho Ta ăn.

“Này Tỳ-kheo, trong tám vạn bốn ngàn món ăn kia, có một món hết sức ngon, sạch sẽ, có vô lượng mùi vị, là món Ta thường ăn.

“Này Tỳ-kheo, trong tám vạn bốn ngàn người nữ kia có một người thuộc dòng Sát-lị, đoan chánh đẹp đẽ khác thường, hầu hạ Ta.

“Này Tỳ-kheo, trong tám vạn bốn ngàn song y kia có một chiếc áo song y, hoặc là áo sơ-ma, hoặc áo gấm, hoặc áo lụa, hoặc áo kiếp-bối [41], hoặc áo da sơn dương quý là Ta thường mặc.

“Này Tỳ-kheo, trong tám vạn bốn ngàn ngự tòa kia, có một ngự tòa làm bằng vàng, hoặc bạc, hoặc lưu ly, hoặc thủy tinh; đồ trải lên thì dùng những tấm nệm, những chiếc chiếu dệt bằng lông năm sắc; đồ phủ lên thì dùng gấm, the, sa trun, lụa là, có chăn nệm lót, hai đầu để gối, có trải thảm quý bằng da sơn dương, là Ta thường nằm.

“Này Tỳ-kheo, trong tám vạn bốn ngàn lầu quán kia, có một lầu quán làm bằng vàng, hoặc bạc, hoặc lưu ly, hoặc thủy tinh, tên là Chánh pháp điện, là nơi Ta thường ở.

“Này Tỳ-kheo, trong tám vạn bốn ngàn thành lớn kia, có một thành giàu có cùng cực, dân chúng đông đúc, gọi là thành Câu-xá-hòa-đề là chỗ ta thường ở.

“Này Tỳ-kheo, trong tám vạn bốn ngàn cỗ xe kia, có một cỗ được dùng da đủ màu của các thú như sư tử, cọp, beo dệt thành, màu sắc xen kẽ để trang hoàng, chạy rất nhanh chóng, tên là xe Nhạc thanh, Ta thường ngồi lên, đi đến các lầu quán để ngắm nhìn các vườn tược.

“Này Tỳ-kheo, trong tám vạn bốn ngàn con ngựa kia có một con màu xanh biếc, đầu như chim, gọi là ngựa Mao, là Ta thường cưỡi, đi đến các lầu quán để ngắm các vườn tược.

“Này Tỳ-kheo, trong tám vạn bốn ngàn thớt voi lớn kia, có một thớt toàn thân trắng toát, bảy chi thảy đều ngay thẳng, gọi là voi chúa Vu-sa-hạ, là Ta thường cưỡi đi đến các lầu quán để ngắm các vườn tược.

“Này Tỳ-kheo, bấy giờ Ta nghĩ rằng: ‘Đó là nghiệp quả gì, là nghiệp báo gì, mà ngày nay Ta có đại như ý túc, đại oai đức, đại phước hựu, đại oai thần?’

“Này Tỳ-kheo, Ta lại nghĩ: ‘Đó là ba nghiệp quả, là ba nghiệp báo, khiến Ta ngày nay có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần: một là bố thí, hai là điều phục, ba là thủ hộ’.

“Này Tỳ-kheo, ngươi hãy quán sát rằng, tất cả những gì sở hữu [42] đều phải tiêu diệt, cả đến như ý túc cũng phải mất. Này Tỳ-kheo, [497a] ngươi nghĩ thế nào? Sắc là thường hay vô thường?”

Đáp:

“Bạch Thế Tôn, vô thường.”

Lại hỏi:

“Vô thường là khổ hay không phải khổ?”

Đáp:

“Bạch Thế Tôn, là khổ và biến dịch.”

Lại hỏi:

“Nếu là pháp vô thường, khổ, biến dịch, thì Đa văn Thánh đệ tử có nên cho rằng: ‘Cái này là ta, cái này là sở hữu của ta; ta là sở hữu của cái kia’ chăng?”

Đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

 “Vậy thì, này Tỳ-kheo, ngươi nên học như vầy: ‘Những gì là sắc, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại, hoặc trong, hoặc ngoài, hoặc thô hoặc tế, hoặc đẹp, hoặc xấu, hoặc gần hoặc xa; tất cả những cái ấy chẳng phải là ta, chẳng phải là sở hữu của ta, ta phải là sở hữu của cái kia’. Hãy dùng trí tuệ quán sát, biết đúng như thật. ‘Những gì là thọ, tưởng, hành, thức, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại, hoặc trong, hoặc ngoài, hoặc thô, hoặc tế, hoặc đẹp, hoặc xấu, hoặc xa, hoặc gần; tất cả những cái ấy chẳng phải là ta, chẳng phải là sở hữu của ta, ta phải là sở hữu của cái kia’. Hãy dùng trí tuệ quán sát, biết đúng như thật.

“Này Tỳ-kheo, nếu Đa văn Thánh đệ tử quán như thế thì liền nhàm chán sắc, nhàm chán thọ, tưởng, hành, thức. Do nhàm chán mà vô dục; do vô dục nên giải thoát; sau khi giải thoát thì biết là giải thoát, biết đúng như thật rằng: Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa.”

Sau khi, nghe Phật dạy như vậy xong, Tỳ-kheo ấy khéo ghi nhận, khéo ghi nhớ, rời chỗ ngồi đứng dậy, lễ chân Phật, đi quanh ba vòng rồi lui.

Tỳ-kheo ấy sau khi thọ nhận lời giáo hóa của Đức Phật, liền sống một mình, viễn ly, tâm không buông lung, tu hành tinh tấn. Vị ấy đã sống một mình, viễn ly, tâm không buông lung, tu hành tinh tấn, đạt đến mục đích mà vì đó thiện nam tử đã cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo; đó là chỉ cầu vô thượng phạm hạnh, ngay trong đời hiện tại, tự biết, tự ngộ, tự thân chứng, thành tựu an trú, biết đúng như thật rằng: “Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa.” Như vậy, Tỳ-kheo ấy, sau khi đã biết pháp, cho đến chứng đắc A-la-hán.

Phật thuyết giảng như vậy. Tỳ-kheo ấy sau khi nghe Phật thuyết giảng, hoan hỷ phụng hành.

62. KINH TẦN-TÌ-SA-LA VƯƠNG NGHINH PHẬT

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại nước Ma-kiệt-đà, cùng với đại chúng Tỳ-kheo gồm một nghìn vị, đều là những Bậc Vô Trước Chí Chơn [43], trước vốn là những đạo sĩ bện tóc [44]. Ngài đi đến ấp Ma-kiệt-đà ở thành Vương xá.

Bấy giờ Vua xứ Ma-kiệt-đà là Tần-tì-sa-la [45] nghe Đức Thế Tôn trú tại nước Ma-kiệt-đà cùng với chúng đại Tỳ-kheo, gồm một nghìn vị, đều là những bậc Vô Trước Chí Chơn, trước vốn là những đạo sĩ bện tóc, đến ấp Ma-kiệt-đà ở thành Vương xá này. Sau khi nghe vậy, Vua Tần-tì-sa-la nước Ma-kiệt-đà liền cho sắp đặt bốn loại quân, là quân voi, quân ngựa, quân xe, và bộ quân. Chuẩn bị bốn loại quân xong, Vua với đông đủ vô số thuộc hạ, kéo dài trên một do-tuần, cùng đi đến chỗ Phật.

Bấy giờ từ xa, Đức Phật thấy Vua Tần-tì-sa-la nước Ma-kiệt-đà đi đến, bèn theo đường tắt đến dưới gốc cây chúa Thiện trụ ni-câu-loại [46], trải ni-sư-đàn ngồi kiết già cùng với chúng Tỳ-kheo.

Từ xa, Vua Tần-tì-sa-la nước Ma-kiệt-đà thấy Thế Tôn ở giữa cây rừng, trang nghiêm đẹp đẽ như vầng trăng ở giữa vòm sao, chói lọi, sáng ngời như núi vàng, tướng tốt vẹn toàn, oai thần lồng lộng, các căn vắng lặng, không bị ngăn che, thành tựu tự chế ngự, tâm tư yên tĩnh. Sau khi thấy Phật, Vua cùng tùy tùng xuống xe.

Nếu các vua Sát-lị được rưới nước lên đỉnh đầu để làm bậc Nhân chủ, chỉnh trị cõi đất, có năm loại nghi trượng, một là kiếm, hai là lọng, ba là mũ thiên quan, bốn là phất trần cán ngọc, năm là giầy thêu. Nhưng đến đây Vua cởi bỏ tất cả, cùng với bốn loại quân. Vua đi bộ đến trước Phật, đảnh lễ rồi tự xưng danh tánh ba lần rằng:

“Bạch Đức Thế Tôn, tôi là Tẩy-ni Tần-tì-sa-la [47], Vua nước Ma-kiệt-đà.”

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo:

“Này Đại vương, đúng vậy, đúng vậy. Đại vương là Tẩy-ni Tần-tì-sa-la, Vua nước Ma-kiệt-đà.”

Sau khi Vua Tẩy-ni Tần-tì-sa-la nước Ma-kiệt-đà ba lần tự xưng danh tánh rồi, đảnh lễ Phật và ngồi qua một bên. Có người chào hỏi Phật rồi ngồi qua một bên. Có người chắp tay hướng về Phật rồi ngồi qua một bên. Có người ở xa thấy Phật rồi lặng lẽ ngồi xuống.

Bấy giờ Tôn giả Uất-tỳ-la Ca-diếp [48] cùng ngồi trong chúng. Tôn giả là vị mà những người nước Ma-kiệt-đà [497c] đều chú ý đến và cho rằng, đó là bậc Đại tôn sư, bậc Chân nhân Vô trước. [49] Bấy giờ những người xứ Ma-kiệt-đà đều nghĩ rằng: “Sa-môn Cù-đàm theo Uất-tỳ-la Ca-diếp học phạm hạnh chăng? Hay là Uất-tỳ-la Ca-diếp theo Sa-môn Cù-đàm học phạm hạnh?”

Bấy giờ Đức Thế Tôn biết ý nghĩ trong tâm người xứ Ma-kiệt-đà, liền hướng về Tôn giả Uất-tỳ-la Ca-diếp mà nói bài tụng:

“Ca-diếp, thấy những gì,

Bỏ lửa mà đến đây?

Ca-diếp, nói Ta biết,

Lý do không thờ lửa?”

“Ăn uống, các vị ngọt:

Vì dục nên thờ lửa;

Trong sanh [50], thấy như vậy,

Cho nên không ưa thờ.” [51]

“Ý Ca-diếp không ưa,

Ăn uống,  các vị mhọt.

Sao không ưa Trời, Người?

Ca-diếp, nói Ta rõ.”

“Thấy tịch tĩnh, diệt tận,

Vô vi, không dục hữu; [52]

Không thấy Trời cao quý,

Cho nên không thờ lửa.

Thế Tôn là tối Thắng Lâm;

Thế Tôn không tà tư;

Thấy các pháp rõ ràng,

Con nhận pháp tối Thắng Lâm.”

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo:

“Này Ca-diếp, ông hãy hiển hiện như ý túc cho chúng hội này được vui lòng và tin tưởng.”

Lúc đó Tôn giả Uất-tỳ-la Ca-diếp, bằng như ý túc như thế, biến mất khỏi chỗ đang ngồi, từ phương Đông xuất hiện, bay lên hư không, hiện bốn oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi. Tôn giả lại nhập hỏa định. Sau khi Tôn giả Uất-tỳ-la Ca-diếp nhập hỏa định, trong thân liền phát ra vô số tia lửa đủ màu: xanh, vàng, đỏ, trắng, màu hòa hợp, màu thủy tinh. Phần thân dưới phóng ra lửa thì phần thân trên phóng ra nước; phần thân trên phóng ra lửa thì phần thân dưới phun ra nước. Cũng vậy, từ các phương Nam, Tây, Bắc bay lên hư không, hiện ra bốn oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi. Tôn giả lại nhập hỏa định. Sau khi Tôn giả Uất-tỳ-la Ca-diếp nhập hỏa định, trong thân liền phát ra vô số tia lửa đủ màu: xanh, vàng, đỏ, trắng, màu hòa hợp, màu thủy tinh. Phần thân dưới phóng ra lửa thì phần thân trên phóng ra nước; phần thân trên phóng ra lửa thì phần thân dưới phun ra nước. Sau khi hiển hiện như ý túc, Tôn giả Uất-tỳ-la Ca-diếp đảnh lễ dưới chân Phật và bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, Phật là Thầy của con. Con là đệ tử của Phật. Phật thành tựu Nhất thiết trí. Con không có Nhất thiết trí.”

 [498a] Đức Thế Tôn bảo:

“Thật vậy, Ca-diếp, thật vậy, Ca-diếp! Ta có Nhất thiết trí. Ông không có Nhất thiết trí.”

Bấy giờ Tôn giả Uất-tỳ-la Ca-diếp vì chính mình mà nói bài tụng:

Ngày xưa, không biết gì,

Thờ lửa: cầu giải thoát,

Tuy già vẫn mù tối,

Tà, không thấy chân tế.

Nay con thấy Thượng Tích,

Rồng Vô Thượng đã dạy:

Vô vi, thoát hết khổ,

Thấy rồi, sanh tử dứt.

Những người xứ Ma-kiệt-đà, sau khi thấy như vậy, liền nghĩ: “Không phải Sa-môn Cù-đàm theo Uất-tỳ-la Ca-diếp học phạm hạnh mà chính Uất-tỳ-la Ca-diếp theo Sa-môn Cù-đàm để học phạm hạnh.” Đức Thế Tôn biết ý nghĩ trong tâm của người xứ Ma-kiệt-đà, liền thuyết pháp cho Tẩy-ni Tần-tì-sa-la, Vua nước Ma-kiệt-đà nghe, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi ngài đã dùng vô lượng phương tiện thuyết pháp cho vua nghe, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Ngài theo đúng pháp của chư Phật, trước tiên nói pháp thuận tự, [53] khiến người nghe vui mừng, ấy là thuyết về bố thí, thuyết về trì giới, thuyết về pháp sanh thiên, chỉ trích dục là tai họa, sanh tử là  cấu uế, khen ngợi vô dục là diệu đạo phẩm, bạch tịnh.

Sau khi Đức Thế Tôn đã nói cho vị Đại vương ấy nghe những pháp như vậy, Ngài biết Vua đã có tâm hoan hỷ, tâm cụ túc, tâm nhu nhuyến, tâm kham nhẫn, tâm tăng thượng, tâm chuyên nhất, tâm vô nghi, tâm vô tận, có khả năng, có sức lực thọ nhận Chánh pháp, như các pháp yếu mà chư Phật đã giảng thuyết, [54] Đức Thế Tôn nói cho  vua nghe về Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Ngài dạy:

“Này Đại vương, sắc là pháp sanh diệt. Đại vương nên biết, sắc là pháp sanh diệt. Này Đại vương, thọ, tưởng, hành, thức là pháp sanh diệt. Đại vương nên biết, thức là pháp sanh diệt.

“Này Đại vương, giống như khi mưa lớn, trên mặt nước nổi bọt hoặc sanh hoặc diệt. Này Đại vương, sắc sanh diệt cũng như vậy. Đại vương nên biết sắc là pháp sanh diệt. Này Đại vương, thọ, tưởng, hành, thức là pháp sanh diệt. Đại vương nên biết, thức là pháp sanh diệt.

“Này Đại vương, nếu một thiện nam tử biết sanh diệt của sắc, sẽ biết rằng sắc đương lai không sanh trở lại. Này Đại vương, nếu một thiện nam tử nào biết sanh diệt thọ, tưởng, hành, thức sanh diệt, sẽ biết rằng thức đương lai không sanh trở lại. Này Đại vương, nếu một thiện nam tử biết như thật về sắc sẽ không đắm trước sắc, không chấp thủ sắc, không nhiễm sắc, không trụ nơi sắc, không hoan lạc rằng ‘sắc là ta’. Này Đại vương, nếu một thiện nam tử biết như thật thọ, tưởng, hành, thức, sẽ không đắm trước [498b] thức, không chấp thủ thức, không nhiễm thức, không trụ nơi thức, không hoan lạc rằng ‘thức là ta’. Này Đại vương, nếu một thiện nam tử không trước sắc, không chấp thủ sắc, không nhiễm sắc, không an trụ nơi sắc, không hoan lạc cho rằng ‘sắc là ta’, người ấy không thọ nhận sắc tương lai. Này Đại vương, nếu một thiện nam tử không đắm trước thọ, tưởng, hành, thức, không chấp thủ thức, không nhiễm thức, không trụ thức, không hoan lạc rằng ‘thức là ta’, người ấy không thọ nhận thức tương lai. Này Đại vương, thiện nam tử ấy vô lượng, không thể kể xiết, vô hạn, chứng đắc tịch tịnh; nếu xả bỏ thân ngũ uẩn này, không còn thọ nhận uẩn thân khác nữa.”

Bấy giờ, những người xứ Ma-kiệt-đà nghĩ rằng: “Nếu như sắc là vô thường; thọ, tưởng, hành, thức là vô thường, thì ai làm, ai thọ nhận khổ, lạc?”

Đức Thế Tôn biết ý nghĩ của những người xứ Ma-kiệt-đà, liền bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Hàng phàm phu ngu si không học, thấy ngã là ngã mà đắm trước nơi ngã, nhưng thực ra không có ngã, không có ngã sở. Ngã vốn không, ngã sở vốn không; pháp khi sanh thì sanh, pháp khi diệt thì diệt; thảy đều do nhân duyên hội tụ mà sanh khổ. Nếu không có nhân duyên thì các khổ liền diệt. Chúng sanh do duyên tụ hội liên tục mà sanh các pháp. Như Lai sau khi thấy chúng sanh liên tục sanh ra nên nói ‘có sanh có tử’. Ta bằng thiên nhãn thanh tịnh hơn hẳn người thường, thấy như thật về chúng sanh này, lúc tử lúc sanh, hoặc đẹp hoặc xấu, hoặc diệu hoặc bất diệu, qua lại thiện xứ, hoặc bất thiện xứ, đều tùy theo nghiệp mà chúng sanh ấy đã tạo, và thấy đúng như thật.

“Nếu chúng sanh nào thành tựu ác hạnh nơi thân, ác hạnh nơi khẩu, ý, phỉ báng Thánh nhân, tà kiến và thành tựu nghiệp tà kiến, thì do nhân duyên kia, khi thân này hoại diệt, mạng chung, chúng sanh ấy chắc chắn đi đến chỗ ác, sanh vào địa ngục. Nếu chúng sanh nào thành tựu thiện hành nơi thân, thiện hành nơi khẩu, ý, không phỉ báng Thánh nhân, có chánh kiến, thành tựu nghiệp chánh kiến; thì do nhân duyên đó, khi thân này hoại diệt, mạng chung, chúng sanh ấy chắc chắn đi lên chỗ thiện, cho đến cõi trời. Ta biết chúng sanh kia như vậy nhưng không nói rằng: Đó là ngã,  ngã ấy có cảm giác, có nói năng, làm và sai làm, đứng dậy và khiến đứng dậy, ở nơi này hay nơi kia thọ nhận nghiệp báo thiện ác. Ở đây, hoặc có suy nghĩ như vầy: Điều đó không hợp lý, điều đó không đứng vững. Hành ấy là đúng như pháp là, nhân cái này mà cái kia sanh, nếu không nhân cái này thì cái kia không sanh; cái này có thì cái kia có, cái này diệt thì cái kia diệt. Tức là duyên vô minh có hành cho đến duyên sanh mà có già, chết. Nếu vô minh diệt thì hành diệt, cho đến sanh diệt thì già, chết diệt.

“Này Đại vương, Đại vương nghĩ sao, sắc [498c] là vô thường hay thường?”

Vua đáp:

“Bạch Thế Tôn, là vô thường.”

Lại hỏi:

“Nếu vô thường, nó là khổ hay không khổ?”

“Bạch Thế Tôn, là khổ, là biến dịch.”

“Nếu pháp là vô thường, khổ, biến dịch, thì Đa văn Thánh đệ tử có nên cho rằng: ‘Cái này là ta, cái này là sở hữu của ta; ta là sở hữu của cái kia’?”

“Bạch Thế Tôn, không nên.”

Lại hỏi:

“Nếu vô thường, nó là khổ hay không khổ?

“Bạch Thế Tôn, là khổ, là biến dịch.”

“Nếu pháp là vô thường, khổ, biến dịch, Đa văn Thánh đệ tử có nên cho rằng: Cái này là ta, cái này là sở hữu của ta; ta là sở hữu của cái kia?”

“Bạch Thế Tôn, không nên.”

“Này Đại vương, Đại vương nên học như vầy: Những gì là sắc, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại, hoặc trong, hoặc ngoài, hoặc thô hoặc tế, hoặc đẹp hoặc xấu, hoặc gần, hoặc xa; tất cả đều chẳng phải là ta, chẳng phải là sở hữu của ta; ta chẳng phải là sở hữu của kia. Nên dùng trí tuệ quán biết như thật.

“Này Đại vương, những gì là thọ, tưởng, hành, thức, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại, hoặc trong, hoặc ngoài, hoặc thô hoặc tế, hoặc đẹp hoặc xấu, hoặc gần, hoặc xa; tất cả đều chẳng phải là ta, chẳng phải là sở hữu của ta; ta chẳng phải là sở hữu của kia. Nên dùng trí tuệ quán biết như thật. Ngã của ta, chẳng phải là của ta. Nên dùng trí tuệ quán biết đúng như thật.

“Này Đại vương, Đa văn Thánh đệ tử quán đúng như vậy, liền nhàm chán sắc, nhàm chán thọ, tưởng, hành, thức. Nhàm chán rồi liền vô dục, vô dục rồi, liền được giải thoát, đã giải thoát liền có tri kiến giải thoát, biết như thật rằng: Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa".

Lúc Đức Phật nói pháp này xong, Tẩy-ni Tần-tì-sa-la, vua nước Ma-kiệt-đà xa lìa trần cấu, pháp nhãn về các pháp sanh khởi và tám vạn chư thiên, một vạn hai ngàn người xứ Ma-kiệt-đà xa lìa trần cấu, pháp nhãn về các pháp sanh khởi. Bấy giờ Tẩy-ni Tần-tì-sa-la, Vua nước Ma-kiệt-đà thấy pháp, đắc pháp, giác ngộ pháp bạch tịnh, đoạn nghi, vượt khỏi mê hoặc, không còn tôn thờ ai, không theo ai nữa, không còn do dự, đã an trụ nơi quả chứng, đối với pháp của Thế Tôn mà chứng đắc vô sở úy; liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật và bạch:

“Bạch Thế Tôn, hôm nay con xin tự quy y Phật, Pháp và Chúng Tỳ-kheo. Cúi mong Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc, bắt đầu từ hôm nay, trọn đời con xin tự quy y cho đến lúc mạng chung.”

Đức Phật thuyết như vậy. Tẩy-ni Tần-tì-sa-la, Vua nước Ma-kiệt-đà và tám vạn Chư Thiên, và một vạn hai ngàn người xứ Ma-kiệt-đà cùng một ngàn Tỳ-kheo, sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành. [55]

63. KINH Tì-BÀ-LĂNG-KỲ

 [499a11] Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại nước Câu-tát-la [56].

Bấy giờ Đức Thế Tôn và đại chúng Tỳ-kheo cùng đi trên đường; giữa đường, Ngài mỉm cười rạng rỡ. Tôn giả A-nan thấy Thế Tôn mỉm cười, liền chắp tay hướng về Thế Tôn và bạch:

“Bạch Thế Tôn, do nhân duyên gì Thế Tôn mỉm cười? Các Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, nếu không có nhân duyên gì, thì không bao giờ cười suông. Con mong nghe được ý nghĩa ấy.”

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo:

“Này A-nan, chính trong xứ sở này, Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, ngồi tại nơi đây mà nói pháp cho các đệ tử.”

Lúc đó Tôn giả A-nan, ngay tại chỗ ấy, liền nhanh chóng trải chỗ ngồi, chắp tay hướng về Thế Tôn và bạch:

“Bạch Thế Tôn, cúi mong Thế Tôn cũng ngồi nơi đây mà nói pháp cho các đệ tử. Như vậy, chỗ này là sở hành của hai Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác.”

Bấy giờ Đức Thế Tôn ngồi xuống trên chỗ mà Tôn giả A-nan đã trải. Sau khi ngồi xuống Ngài bảo:

“A-nan, ở trong xứ sở này, Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, có giảng đường. Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, sau khi ngồi ở trong đó, bèn giảng pháp cho các đệ tử nghe. Này A-nan, trong xứ sở này, xưa kia có thôn ấp, tên là Tì-bà-lăng-kỳ [57], giàu có cùng cực, dân chúng đông đúc. Này A-nan, trong thôn ấp Tì-bà-lăng-kỳ, có  Bà-la-môn đại trưởng giả tên là Vô Nhuế, [58] giàu có tột đỉnh, của cải vô lượng, sản nghiệp chăn nuôi, không thể tính toán, phong hộ, thực ấp đầy đủ mọi thứ.

“Này A-nan, Bà-la-môn đại trưởng giả Vô Nhuế có người con tên là Ưu đa-la Ma-nạp [59], được cha mẹ nuông chìu, giòng dõi thuần chủng, cho đến bảy đời [499b] cha mẹ, chủng tộc không tuyệt, đời đời không pha tạp, [60] học rộng, nghe nhiều, đọc hết bốn điển kinh [61], thấu triệt nhân duyên, chánh văn, hí là năm, cùng với cú pháp và thuyết văn [62].

“Này A-nan, đồng tử Ưu-đa-la có người bạn lành làm thợ đồ gốm tên là Nan-đề-bà-la [63] thường được đồng tử Ưu-đa-la yêu thương, tưởng nhớ, ưa gặp gỡ không chán.

“Này A-nan, thợ đồ gốm Nan-đề-bà-la quy y Phật, Pháp và Chúng Tỳ-kheo, không nghi ngờ Ba ngôi tôn quý [64], không nghi hoặc Khổ, Tập, Diệt, Đạo; có tín, có giới, học rộng, ưa bố thí, thành tựu trí tuệ; xa lìa sát sanh, đoạn trừ sự sát sanh, xả bỏ đao gậy, biết tàm, biết quý, có tâm từ bi, làm lợi ích tất cả cho đến loài côn trùng. Đối với tâm niệm sát sanh, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa lấy của không cho, đoạn trừ việc không cho mà lấy, cái gì cho mới lấy, vui lòng nhận những gì được cho; thường thích bố thí, hoan hỷ không bỏn sẻn, không mong báo đáp. Đối với tâm niệm không cho mà lấy, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa phi phạm hạnh, đoạn trừ phi phạm hạnh, siêng tu phạm hạnh, tinh tấn tu diệu hạnh, thanh tịnh, không  cấu uế, lìa dục, đoạn dâm; đối với tâm niệm phi phạm hạnh, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này A-nan, thợ đồ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa nói dối, đoạn trừ nói dối, nói chân thật, ưa chân thật, an trú nơi sự chân thật không chút di động, hoàn toàn đáng tin cậy, không lừa dối thế gian. Đối với tâm niệm nói dối, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa nói hai lưỡi, đoạn trừ nói hai lưỡi, tu hạnh không nói hai lưỡi, không phá hoại ai, không nghe chuyện người này rồi mách lại người kia, xúi dục phá hoại người này, không nghe chuyện người kia, rồi mách lại người này, xúi dục phá hoại người kia, ai chia lìa thì làm cho hòa hợp, ai hòa hợp thì làm cho hoan hỷ, không lập bè đảng, không ưa bè đảng, không khen ngợi bè đảng. Đối với tâm niệm nói hai lưỡi, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa lời nói thô ác, đoạn trừ lời nói thô ác. Nếu có những lời thô bạo, hung ác, trái tai, khiến mọi người không hoan hỷ, mọi người không thương mến, khiến người khác khổ não, không được định tĩnh, vị ấy đoạn trừ lời nói như vậy. Nếu có những lời hòa nhã, nhu thuận, lọt tai, vừa lòng, khiến được hoan hỷ, được mến thương, khiến người khác an lạc, âm thanh rõ ràng, không làm người sợ, khiến người khác định tĩnh, vị ấy nói những lời như vậy. Đối với tâm niệm ưa nói thô ác, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa lời nói phù phiếm, đoạn trừ lời nói phù phiếm, nói đúng lúc, nói chân thật, nói về pháp, nói về nghĩa, nói về tịch tĩnh, nói về việc ưa thích tịch tĩnh, nói việc thuận thời, thích hợp, khéo dạy, [499c] khéo quở trách. Đối với tâm niệm ưa nói ỷ bgữ, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc kinh doanh buôn bán, đoạn trừ việc kinh doanh buôn bán, xả bỏ đong lường và đấu hộc, xả bỏ việc nhận hàng hóa, không cột trói người, không trông mong sự đo lường tà vạy, không vì chút lợi nhỏ mà lấn lướt, lừa dối người. Đối với tâm niệm kinh doanh buôn bán, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa nhận đàn bà góa, đồng nữ, đoạn trừ việc nhận đàn bà góa, đồng nữ; đối với tâm niệm nhận đàn bà góa, đồng nữ, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc nhận nô tỳ, đoạn trừ việc nhận nô tỳ. Đối với tâm niệm nhận nô tỳ, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc nhận voi, ngựa, trâu, dê, đoạn trừ việc nhận voi, ngựa, trâu, dê. Đối với tâm niệm nhận voi, ngựa, trâu, dê vị ấy đã tịnh trừ.

“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc nhận gà, heo, đoạn trừ việc nhận gà, heo. Đối với tâm niệm nhận gà, heo, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc nhận ruộng đất, quán xá, đoạn trừ việc nhận ruộng đất, quán xá. Đối với tâm niệm nhận ruộng đất, quán xá, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc nhận nếp, lúa, đậu sống, đoạn trừ việc nhận nếp, lúa, đậu sống. Đối với tâm niệm nhận nếp, lúa, đậu sống, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc uống rượu, đoạn trừ việc uống rượu. Đối với tâm niệm uống rượu, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc dùng giường sang, cao rộng, đoạn trừ việc dùng giường sang, cao rộng. Đối với tâm niệm dùng giường sang, cao rộng, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc đeo vòng hoa, đeo chuỗi ngọc, thoa hương, đánh phấn, đoạn trừ việc đeo vòng hoa, chuỗi ngọc, thoa hương, đánh phấn. Đối với tâm niệm đeo vòng hoa, chuỗi ngọc, thoa hương, đánh phấn, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc ca múa, xướng hát hoặc đến nghe, xem, đoạn trừ việc ca múa, xướng hát hoặc đến nghe, xem. Đối với tâm niệm ca múa, xướng hát và đến xem, nghe, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc nhận vàng, bạc, châu báu, đoạn trừ việc nhận vàng, bạc, châu báu. Đối với tâm niệm nhận vàng, bạc, châu báu, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la lìa việc ăn quá giữa trưa, đoạn trừ việc ăn quá giữa trưa, thường ăn một bữa, không ăn ban đêm, học hạnh ăn đúng thờ. Đối với tâm niệm ăn quá giữa trưa, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la trọn đời tay không cầm cuốc, không tự tay đào đất, cũng không bảo người khác đào; nếu đất ở đê chận nước lở ra, hoặc đất do chuột đào lên thì ông lấy làm đồ gốm, rồi đưa ra cho người mua thấy [500a] và nói rằng: ‘Các ngài, nếu có đậu oản [65], gạo giẻ, lúa mạch, đậu ma lớn nhỏ, đậu bệ và hạt cải, sau khi trút xuống rồi, ngài cứ mang gốm này mà đi, tùy theo ý muốn [66]’.

“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la trọn đời hầu hạ cha mẹ, cha mẹ mù lòa chỉ trông cậy vào vị ấy; cho nên ông phải hầu hạ.

“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la vào một sáng sớm, đi đến trước Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác. Khi đến nơi, ông đảnh lễ Ngài, rồi ngồi qua một bên. Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác thuyết pháp cho ông, khuyến phát, làm cho khát ngưỡng, thành tựu tâm hoan hỷ. Sau khi bằng vô lượng phương tiện thuyết pháp cho vị ấy, khuyến phát, làm cho khát ngưỡng, thành tựu tâm hoan hỷ xong, Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác ngồi im lặng.

“Này A-nan, sau khi được Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác thuyết pháp, khuyến phát, làm cho khát ngưỡng, thành tựu tâm hoan hỷ rồi, thợ gốm Nan-đề-bà-la từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Ngài, đi quanh ba vòng, rồi lui ra.

“Bấy giờ đồng tử Ưu-đa-la cưỡi xe ngựa trắng, cùng với năm trăm đồng tử nữa, vào lúc vừa sáng, từ thôn ấp Tì-bà-lăng-kỳ ra đi, đến một khu rừng [67], muốn giáo hóa các đệ tử từ nhiều nước đến, dạy chúng đọc sách  Bà-la-môn [68]. Bấy giờ đồng tử Ưu-đa-la từ xa trông thấy thợ gốm Nan-đề-bà-la đi đến, liền hỏi:

“– Nan-đề-bà-la, anh từ đâu đến?”

“Nan-đề-bà-la đáp:

“– Hôm nay tôi từ chỗ Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác. Sau khi cúng dường lễ bái Ngài xong, tôi đến đây. Này Ưu-đa-la, bạn có thể cùng với tôi đến chỗ Đức Ca-diếp Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác để cúng dường, lễ bái Ngài?

“Khi ấy, đồng tử Ưu-đa-la đáp:

“– Này anh Nan-đề-bà-la, tôi không muốn thấy Sa-môn trọc đầu. Sa-môn trọc đầu không thể đắc đạo, vì đạo khó chứng đắc.

“Rồi thì, thợ gốm Nan-đề-bà-la túm lấy chỏm tóc của đồng tử Ưu-đa-la kéo xuống xe. Lúc đó đồng tử Ưu-đa-la nghĩ: ‘Anh thợ gốm Nan-đề-bà-la này không bỡn cợt, không khùng, không si, nay kéo tóc mình chắc có điều gì?’ Nghĩ xong liền bảo:

“– Này anh Nan-đề-bà-la, tôi đi theo anh, tôi đi theo anh!

“Bấy giờ Nan-đề-bà-la hoan hỷ nói rằng:

“– Lành thay, chúng ta đi!

“Thợ gốm Nan-đề-bà-la và đồng tử Ưu-đa-la cùng nhau đến chỗ Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác. Đến nơi, hai người đảnh lễ rồi ngồi qua một bên. Thợ gốm Nan-đề-bà-la [500b] bạch Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác rằng:

“– Bạch Thế Tôn, đồng tử Ưu-đa-la này là bạn của con. Bạn này thường ưa đến thăm, thường thích đến thăm con, không hề nhàm chán, nhưng không có lòng tin và cung kính đối với Thế Tôn. Mong Thế Tôn khéo léo thuyết pháp cho bạn con, hoan hỷ, khởi lòng tin và cung kính.”

“Bấy giờ Đức Ca-diếp Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác thuyết pháp cho thợ gốm Nan-đề-bà-la và đồng tử Ưu-đa-la, khuyến khích, phát khởi lòng ngưỡng mộ, thành tựu tâm hoan hỷ. Sau khi bằng vô lượng phương tiện thuyết pháp cho hai vị ấy, khuyến phát, làm cho khát ngưỡng, thành tựu tâm hoan hỷ xong, Đức Thế Tôn ngồi im lặng. Bấy giờ, sau khi được Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác thuyết pháp, khuyến phát, làm cho khát ngưỡng, thành tựu tâm hoan hỷ, hai vị liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Ngài, đi quanh ba vòng, rồi lui ra.

“Lúc trở về, đi chưa bao xa, đồng tử Ưu-đa-la lại hỏi:

“– Này anh Nan-đề-bà-la, anh đã được nghe pháp vi diệu như thế từ Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, tại sao anh còn ở nhà, không thể lìa bỏ để học Thánh đạo?

“Bấy giờ thợ gốm Nan-đề-bà-la đáp:

“– Này Ưu-đa-la, chính bạn đã biết tôi phải trọn đời hầu hạ, nuôi nấng cha mẹ; vì cha mẹ tôi mù lòa, chỉ trông cậy ở mình tôi. Tôi vì hầu hạ phụng dưỡng cha mẹ vậy.

“Bấy giờ đồng tử Ưu-đa-la hỏi:

“– Này Nan-đề-bà-la, tôi có thể theo Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác xuất gia học đạo, thọ giới Cụ túc, làm Tỳ-kheo, tu hành phạm hạnh được chăng?

“Sau đó, thợ gốm Nan-đề-bà-la và đồng tử Ưu-đa-la từ nơi ấy quay trở lại chỗ Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác. Đến nơi, họ đảnh lễ Ngài, rồi ngồi qua một bên. Thợ gốm Nan-đề-bà-la bạch Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác rằng:

“– Bạch Thế Tôn, đồng tử Ưu-đa-la này trở về chưa bao xa, lại hỏi con rằng: ‘Này anh Nan-đề-bà-la, từ Đức Ca-diếp Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, anh được nghe pháp vi diệu như thế; tại sao anh còn ở nhà, không thể lìa bỏ để học Thánh đạo?’ Bạch Thế Tôn, con đã trả lời rằng: ‘Chính bạn đã rõ, tôi phải trọn đời hầu hạ, phụng dưỡng cha mẹ. Cha mẹ tôi mù lòa, chỉ trông cậy vào một mình tôi. Như vậy, tôi phải hầu hạ, phụng dưỡng cha mẹ’. Ưu-đa-la lại hỏi: ‘Này anh Nan-đề-bà-la, tôi có thể theo Đức Ca-diếp Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, [500c] xuất gia học đạo, thọ cụ túc giới, làm Tỳ-kheo, tu hành phạm hạnh được không?’ Bạch Thế Tôn, mong Ngài độ cho bạn con xuất gia, học đạo, truyền trao giới Cụ túc cho bạn con được làm Tỳ-kheo.

“Đức Ca-diếp Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác im lặng nhận lời của Nan-đề-bà-la. Sau khi biết Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác im lặng nhận lời, thợ gốm Nan-đề-bà-la từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Ngài, đi quanh ba vòng rồi lui ra.

“Sau khi Nan-đề-bà-la đi chưa bao lâu, Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác độ cho đồng tử Ưu-đa-la xuất gia, học đạo, truyền trao giới Cụ túc. Sau khi cho Ưu-đa-la xuất gia, cho thọ cụ túc xong, Ngài ở thôn ấp Tì-bà-lăng-kỳ vài ngày, rồi mang y, cầm bát cùng với đại chúng Tỳ-kheo trú, muốn đến ấp Ba-la-nại, nước Ca-tư [69]. Đến Ba-la-nại, Ngài trú trong vườn Lộc dã tại Tiên nhân trú xứ [70].

“Bấy giờ, vua Giáp-tì [71] nghe Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, đang trú trong nước Ca-tư, cùng với đại chúng Tỳ-kheo, đến Ba-la-nại, trú trong vườn Lộc dã tại Tiên nhân xứ. Nghe vậy, Vua bảo người đánh xe:

“– Ngươi hãy sửa soạn xe, hôm nay ta muốn đi đến chỗ Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác.

“Người đánh xe kia vâng lời Vua bảo liền sửa soạn xa giá, sửa soạn xong, tâu với vua rằng:

“– Con đã sửa soạn xe đẹp, xin tùy ý Thiên vương.

“Vua Giáp-tì, ngồi xe đẹp, từ Ba-la-nại ra đi, đến vườn Lộc dã, chỗ trú xứ Tiên nhơn. Từ xa, vua Giáp-tì nhìn thấy, giữa rừng cây, Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác trang nghiêm đẹp đẽ như vầng trăng giữa vòm sao, chói lọi sáng ngời như núi vàng, tướng tốt vẹn toàn, oai nghi lồng lộng, các căn vắng lặng, không bị ngăn che, hoàn toàn tự chế ngự, lắng tâm tĩnh mặc. Sau khi thấy, Vua xuống xe, đi đến chỗ Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, đảnh lễ, rồi ngồi qua một bên. Sau khi  vua ngồi xuống, Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác thuyết pháp, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu tâm hoan hỷ. Sau khi bằng vô lượng phương tiện thuyết pháp cho  vua, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu tâm hoan hỷ rồi, Ngài ngồi im lặng. Sau khi được Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, khuyến khích khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu tâm hoan hỷ rồi, Vua liền đứng dậy, kéo lệch [501a] vai áo đang mặc, chắp tay hướng về Phật và bạch:

“– Mong Thế Tôn cùng với đại chúng Tỳ-kheo ngày mai nhận lời mời của con!

“Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, im lặng nhận lời mời của vua Giáp-bệ. Sau khi biết Đức Như Lai đã im lặng nhận lời,  vua cúi đầu đảnh lễ, đi quanh ba vòng rồi lui ra, trở về nhà.

“Đêm ấy, Vua hạ lệnh sắp sửa đủ các món ăn, thức uống ngon lành, sạch sẽ, mỹ diệu, với đủ các thức ăn loại cứng, loại mềm. Việc bày biện đã xong ngay đêm ấy. Lúc tảng sáng, vua trải giường ngồi, rồi sai người đến bạch Phật rằng: ‘Bạch Thế Tôn, nay giờ đã đến, thức ăn đã sẵn sàng, mong Thế Tôn đến biết thời’.

“Bấy giờ, vào lúc sáng sớm, Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác mang y, cầm bát và có chúng Tỳ-kheo theo sau, đi đến nhà của vua Giáp-bệ, ngồi vào chỗ ngồi phía trên chúng Tỳ-kheo. Vua Giáp-bệ thấy Phật và chúng Tỳ-kheo ngồi xong, tự tay múc nước rửa, tự tay bưng hầu các thức ăn, thức uống, đầy đủ các món ngon, sạch, mỹ diệu, khiến các Ngài ăn no. Ăn rồi dọn bát, lấy nước rửa xong,  vua lấy ghế nhỏ ngồi riêng một bên để nghe pháp. Vua Giáp-tì ngồi xong, Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác thuyết pháp cho vua, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu tâm hoan hỷ. Sau khi bằng vô lượng phương tiện thuyết pháp cho vua, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu tâm hoan hỷ xong rồi, Ngài ngồi im lặng. Sau khi được Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác thuyết pháp, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu tâm hoan hỷ rồi, vua Giáp-tì từ chỗ ngồi đứng dậy, kéo lệch vai áo đang mặc, chắp tay hướng về Đức Như Lai và bạch:

“– Mong Thế Tôn và chúng Tỳ-kheo nhận lời của con mà an cư mùa mưa tại Ba-la-nại này. Con xin xây cất năm trăm gian phòng, năm trăm giường nệm và cúng thí câu-chấp [72], cung cấp nếp trắng và đủ các món thực phẩm [501b] thứ vua dùng để cúng dường Ngài và chúng Tỳ-kheo.

“Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác bảo  vua:

“– Thôi, thôi, Đại vương! Chỉ cần có tâm hoan hỷ là đủ.

“Ba lần như thế, vua Giáp-tì chắp tay hướng về Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác thưa:

“– Mong Thế Tôn và chúng Tỳ-kheo nhận lời mời của con mà an cư mùa mưa tại Ba-la-nại này. Con xin xây cất năm trăm gian phòng, năm trăm giường nệm, và cúng thí câu-chấp, cung cấp nếp trắng và các món ăn thực phẩm thứ vua dùng vua để cúng dường Phật và chúng Tỳ-kheo.

“Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác cũng ba lần bảo:

“– Thôi, thôi, Đại vương! Chỉ cần có tâm hoan hỷ là đủ.

“Bấy giờ vua Giáp-tì không nhẫn được, không vừa ý, tâm rất ưu sầu, nghĩ rằng: ‘Đức Ca-diếp Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác không nhận lời mời của ta mà an cư mùa mưa tại Ba-la-nại này cùng với chúng Tỳ-kheo’. Nghĩ xong, Vua bạch Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác:

“– Bạch Thế Tôn, có kẻ bạch y tại gia nào phụng sự Thế Tôn giống con chăng?

“Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác đáp:

“– Có, và ở tại thôn Tì-bà-lăng-kỳ giàu có, hoan lạc tột cùng, nhân dân đông đúc, thuộc lãnh thổ của Đại vương. Này Đại vương, ở trong thôn Tì-bà-lăng-kỳ ấy có thợ gốm Nan-đề-bà-la. Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la quy y Phật, Pháp và chúng Tỳ-kheo, không hoài nghi Ba ngôi báu, không nghi hoặc Khổ, Tập, Diệt, Đạo, có tín, trì giới, học rộng, ưa bố thí, thành tựu trí tuệ, xa lìa sát sanh, đoạn trừ sát sanh, xả bỏ dao gậy, biết hổ thẹn, có tâm từ bi, làm lợi ích cho đến cả tất cả loài côn trùng. Đối với tâm niệm sát sanh vị ấy đã tịnh trừ.

“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa lấy của không cho, đoạn trừ việc không cho mà lấy, cái gì cho mới lấy, vui lòng nhận những gì được cho; thường thích bố thí, hoan hỷ không bỏn xẻn, không mong báo đáp. Đối với tâm niệm không cho mà lấy, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa phi phạm hạnh, đoạn trừ phi phạm hạnh, siêng tu phạm hạnh, tinh tấn tu diệu hạnh, thanh tịnh, không  cấu uế, lìa dục, đoạn dâm. Đối với tâm niệm phi phạm hạnh, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này Đại vương, thợ đồ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa nói dối, đoạn trừ nói dối, nói chân thật, ưa chân thật, an trú nơi sự chân thật không chút di động, hoàn toàn đáng tin cậy, không lừa dối thế gian. Đối với tâm niệm nói dối, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa nói hai lưỡi, đoạn trừ nói hai lưỡi, tu hạnh không nói hai lưỡi, không phá hoại ai, không nghe chuyện người này rồi mách lại người kia, xúi dục phá hoại người này, không nghe chuyện người kia, rồi mách lại người này, xúi dục phá hoại người kia, ai chia lìa thì làm cho hòa hợp, ai hòa hợp thì làm cho hoan hỷ, không lập bè đảng, không ưa bè đảng, không khen ngợi bè đảng. Đối với tâm niệm nói hai lưỡi, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa lời nói thô ác, đoạn trừ lời nói thô ác. Nếu có những lời thô bạo, hung ác, trái tai, khiến mọi người không hoan hỷ, [501c] mọi người không thương mến, khiến người khác khổ não, không được định tĩnh, vị ấy đoạn trừ lời nói như vậy. Nếu có những lời hòa nhã, nhu thuận, lọt tai, vừa lòng, khiến được hoan hỷ, được mến thương, khiến người khác an lạc, âm thanh rõ ràng, không làm người sợ, khiến người khác định tĩnh, vị ấy nói những lời như vậy. Đối với tâm niệm ưa nói thô ác, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa lời nói phù phiếm, đoạn trừ lời nói phù phiếm, nói đúng lúc, nói chân thật, nói về pháp, nói về nghĩa, nói về tịch tĩnh, nói về việc ưa thích tịch tĩnh, nói việc thuận thời, thích hợp, khéo dạy, khéo quở trách. Đối với tâm niệm ưa nói phù phiếm, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc kinh doanh buôn bán, đoạn trừ việc kinh doanh buôn bán, xả bỏ đong lường và đấu hộc, xả bỏ việc nhận hàng hóa, không cột trói người, không trông mong sự đo lường tà vạy, không vì chút lợi nhỏ mà lấn lướt, lừa dối người. Đối với tâm niệm kinh doanh buôn bán, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa nhận đàn bà góa, đồng nữ, đoạn trừ việc nhận đàn bà góa, đồng nữ. Đối với tâm niệm nhận đàn bà góa, đồng nữ, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc nhận nô tỳ, đoạn trừ việc nhận nô tỳ. Đối với tâm niệm nhận nô tỳ, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc nhận voi, ngựa, trâu, dê, đoạn trừ việc nhận voi, ngựa, trâu, dê. Đối với tâm niệm nhận voi, ngựa, trâu, dê vị ấy đã tịnh trừ.

“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc nhận gà, heo, đoạn trừ việc nhận gà, heo. Đối với tâm niệm nhận gà, heo, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc nhận ruộng đất, quán xá, đoạn trừ việc nhận ruộng đất, quán xá. Đối với tâm niệm nhận ruộng đất, quán xá, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc nhận nếp, lúa, đậu sống, đoạn trừ việc nhận nếp, lúa, đậu sống. Đối với tâm niệm nhận nếp, lúa, đậu sống, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc uống rượu, đoạn trừ việc uống rượu. Đối với tâm niệm uống rượu, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc dùng giường sang, cao rộng, đoạn trừ việc dùng giường sang, cao rộng. Đối với tâm niệm dùng giường sang, cao rộng, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc đeo vòng hoa, đeo chuỗi ngọc, thoa hương, đánh phấn, đoạn trừ việc đeo vòng hoa, chuỗi ngọc, thoa hương, đánh phấn. Đối với tâm niệm đeo vòng hoa, chuỗi ngọc, thoa hương, đánh phấn, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc ca múa, xướng hát hoặc đến nghe, xem, đoạn trừ việc ca múa, xướng hát hoặc đến nghe, xem. Đối với tâm niệm ca múa, xướng hát và đến xem, nghe, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này Đại vương, [502a] thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc nhận vàng, bạc, châu báu, đoạn trừ việc nhận vàng, bạc, châu báu. Đối với tâm niệm nhận vàng, bạc, châu báu, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la lìa việc ăn quá ngọ, đoạn trừ việc ăn quá ngọ, thường ăn một bữa, không ăn ban đêm, học hạnh ăn đúng thời. Đối với tâm niệm ăn quá ngọ, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la trọn đời tay không cầm cuốc, không tự tay đào đất, cũng không bảo người khác đào; nếu đất ở đê chận nước lở ra, hoặc đất do chuột đào lên thì ông lấy làm đồ gốm đưa ra và nói với người mua rằng: ‘Các ngài, nếu có đậu oản, gạo giẻ, lúa mạch, đậu ma lớn nhỏ, đậu bệ và hạt cải, sau khi trút xuống rồi, ngài cứ mang gốm này mà đi, tùy theo ý muốn’.

“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la trọn đời hầu hạ cha mẹ, cha mẹ mù lòa chỉ trông cậy vào vị ấy; cho nên vị ấy phải hầu hạ.

“Này Đại vương, Ta nhớ lúc xưa có lần trú tại thôn ấp Tì-bà-lăng-kỳ. Này Đại vương, bấy giờ vào lúc sáng sớm, Ta mang y, cầm bát vào thôn ấp Tì-bà-lăng-kỳ khất thực; khất thực theo thứ tự, Ta đến nhà thợ gốm Nan-đề-bà-la. Lúc đó, vì bận chút việc, nên Nan-đề-bà-la đi vắng. Đại vương, Ta hỏi cha mẹ Nan-đề-bà-la rằng:

“‘– Này Trưởng lão, thợ gốm bây giờ ở đâu?’

“Cha mẹ người ấy đáp:

“‘– Bạch Thế Tôn, đứa hầu vì bận chút việc nên tạm thời đi khỏi, không ở nhà. Bạch Thiện Thệ, đứa hầu ấy vì bận chút việc nên tạm thời đi khỏi nhà, không có ở nhà. Bạch Thế Tôn, trong rá có cơm gạo tẻ, trong chảo có canh đậu. Mong Thế Tôn thương xót chúng con, lấy dùng theo ý Ngài.

“Này Đại vương, Ta liền thọ nhận pháp Uất-đan-viết [73], lấy cơm canh ở trong rá rồi đi. Thợ gốm Nan-đề-bà-la, sau khi trở về nhà, thấy cơm trong rá còn ít, canh trong chảo giảm bớt, hỏi cha mẹ rằng:

“‘– Ai lấy bớt cơm canh?’

“Cha mẹ đáp:

“‘– Này con, hôm nay Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác đến đây khất thực. Ngài lấy cơm và canh trong rá, trong chảo rồi đi’.

“Thợ gốm Nan-đề-bà-la nghe xong liền nghĩ rằng: ‘Ta có lợi ích lớn lao, có công đức lớn lao. Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, đối với nhà ta, Ngài tùy ý tự tại’. Nhờ đó vị ấy hoan hỷ, ngồi kiết già lắng tâm tịnh mặc suốt bảy ngày, mười lăm ngày sau vẫn còn hoan lạc. Cha mẹ trong gia đình ấy suốt bảy ngày cũng được hoan hỷ.

“Lại nữa, này Đại vương, Ta nhớ xưa có lần trú tại thôn ấp Tì-bà-lăng-kỳ, [502b] bấy giờ vào lúc sáng sớm, Ta mang y, cầm bát vào thôn Tì-bà-lăng-kỳ khất thực. Khất thực theo thứ tự, ta đến nhà thợ gốm Nan-đề-bà-la. Bấy giờ Nan-đề-bà-la vì bận chút việc nên đi vắng. Này Đại vương, ta hỏi cha mẹ Nan-đề-bà-la rằng:

“‘– Này Trưởng lão, thợ gốm bấy giờ ở đâu?’

“Hai người ấy đáp:

“‘– Bạch Đức Thế Tôn, đứa hầu ấy vì bận chút việc nên tạm thời đi khỏi, không ở nhà. Bạch Đức Thiện Thệ, đứa hầu ấy, vì bận chút việc, đi khỏi một lát, không có ở đây. Bạch Đức Thế Tôn, trong chảo lớn có cơm nếp, trong chảo nhỏ có canh; mong Đức Thế Tôn thương xót chúng con, lấy dùng theo ý của Ngài’.

“Này Đại vương, Ta liền thọ nhận pháp Uất-đân-viết, lấy cơm canh trong chảo lớn và chảo nhỏ rồi đi. Sau khi trở về nhà, thợ gốm Nan-đề-bà-la thấy cơm trong chảo lớn còn ít, canh trong chảo nhỏ giảm bớt, hỏi cha mẹ rằng:

“‘– Ai lấy cơm trong chảo lớn, lấy canh trong chảo nhỏ?’

“Cha mẹ đáp:

“‘– Này con, hôm nay Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác đến đây khất thực. Ngài lấy cơm trong chảo lớn và chảo nhỏ rồi đi.’

“Nghe xong, thợ gốm Nan-đề-bà-la nghĩ rằng: ‘Ta có lợi ích lớn lao, có công đức lớn lao. Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác đối với nhà ta, đã tùy ý tự tại’. Nhờ đó, vị ấy hoan hỷ, ngồi kiết già lắng tâm tịnh mặc suốt bảy ngày, mười lăm ngày sau vẫn còn hoan lạc; cha mẹ trong gia đình ấy suốt bảy ngày cũng được hoan lạc.

“Lại nữa, này Đại vương, Ta nhớ xưa kia có lần an cư mùa mưa tại thôn Tì-bà-lăng-kỳ. Bấy giờ Ta mới làm nhà chưa kịp lợp. Nhà làm gốm cũ của thợ gốm Nan-đề-bà-la vừa mới lợp. Này Đại vương, Ta bảo các Tỳ-kheo đang đứng hầu rằng: ‘Các ông hãy đến dở nhà cũ làm đồ gốm của thợ gốm Nan-đề-bà-la đem về lợp nhà Ta’. Tỳ-kheo hầu hạ vâng lời Ta dạy, liền đến nhà của Nan-đề-bà-la và dở nhà cũ làm đồ gốm, bó lại rồi mang về lợp nhà của Ta. Cha mẹ thợ gốm Nan-đề-bà-la nghe dở nhà cũ làm đồ gốm liền hỏi:

“‘– Ai dở nhà cũ làm đồ gốm của Nan-đề-bà-la đó?’

“Các Tỳ-kheo đáp:

“‘– Trưởng lão, chúng tôi là các Tỳ-kheo hầu Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, đến dở nhà cũ làm đồ gốm của Nan-đề-bà-la bó lại, mang về lợp nhà của Ngài’.

“Cha mẹ của thợ gốm bảo:

“‘– Chư Hiền, Chư Hiền hãy đem đi theo ý muốn, [502c] không có ai ngăn cản đâu’.

“Sau khi trở về, thợ gốm Nan-đề-bà-la thấy nhà cũ làm đồ gốm bị dở, liền hỏi cha mẹ:

“‘– Ai dở nhà cũ làm đồ gốm của mình vậy?’

“Cha mẹ đáp:

 “‘– Này con, hôm nay các Tỳ-kheo hầu Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, đến dở nhà cũ làm đồ gốm, bó lại, đem về lợp nhà của Ngài’.

“Nghe xong, Nan-đề-bà-la nghĩ: ‘Ta có lợi ích lớn, có công đức lớn lao. Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác đối với trong nhà ta, đã tùy ý tự tại’.

“Vì việc ấy, vị ấy hoan hỷ, ngồi kiết già lắng tâm tĩnh mặc suốt bảy ngày; mười lăm ngày sau vẫn còn hoan lạc. Cha mẹ trong gia đình ấy suốt bảy ngày cũng được hoan lạc.

“Này Đại vương, nhà cũ làm đồ gốm của thợ gốm Nan-đề-bà-la suốt bốn tháng mùa mưa hoàn toàn không bị dột. Vì sao như vậy? Vì nhờ oai thần của Phật. Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la không có điều gì không nhẫn được, không có điều gì không thích thú, nên tâm không ưu sầu, đã nghĩ rằng: ‘Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác đối với gia đình ta đã được tùy ý tự tại’.

“Này Đại vương, Đại vương có điều không nhẫn được, có điều không thích thú, nên tâm quá ưu sầu, đã nghĩ rằng: ‘Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác và chúng Tỳ-kheo không nhận lời mời của ta mà an cư mùa mưa tại Ba-la-nại này’.

“Bấy giờ Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác thuyết pháp cho vua Giáp-tì, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu tâm hoan hỷ. Sau khi bằng vô lượng phương tiện thuyết pháp cho vua, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu tâm hoan hỷ xong, Ngài từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.

“Khi Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác ra đi chưa bao lâu, vua Giáp-bệ hạ lệnh cho người hầu cận: ‘Các ngươi dùng năm trăm cỗ xe chất đầy gạo, nếp và đủ các món thực phẩm của Vua, chở đến nhà thợ gốm Nan-đề-bà-la và nói với Nan-đề-bà-la rằng: ‘Này Nan-đề-bà-la, năm trăm cỗ xe này chất đầy gạo trắng, và đủ các món thực phẩm mà Vua thường dùng, do Vua Giáp-tì bảo chở đến tặng cho ông. Mong ông thương xót; hôm nay xin ông nhận cho’. Lúc đó, người hầu cận vâng lời Vua, lấy năm trăm cỗ xe chất đầy gạo trắng, và đủ các món thực phẩm của vua, chở đến nhà thợ gốm Nan-đề-bà-la. Đến nơi, vị ấy nói:

“– Thưa thợ gốm Nan-đề-bà-la, năm trăm cỗ xe này chất đầy gạo trắng, và đủ các món thực phẩm của  vua dùng, do vua Giáp-bệ bảo chở đến biếu tặng [503a] ông. Mong ông thương xót; hôm nay, xin ông nhận cho.

“Bấy giờ thợ gốm Nan-đề-bà-la từ chối, không nhận và nói với các người hầu vua rằng:

“– Chư Hiền, Vua Giáp-tì phải lo đại sự cho nước nhà nên chi phí nhiều. Tôi biết như vậy, nên không thọ nhận.”

Đến đây, Đức Phật bảo A-nan:

“Này A-nan, ý ông nghĩ thế nào? Đồng tử Ưu-đa-la lúc bấy giờ, ông cho là người nào chăng? Chớ nghĩ vậy. Nên biết rằng chính là Ta vậy. Này A-nan, Ta lúc bấy giờ đã làm lợi ích cho chính mình, cũng làm lợi ích cho người khác, làm lợi ích cho mọi người, thương xót thế gian. Vì loài trời và loài người mà Ta đã cầu nghĩa lợi, cầu sự lợi ích, an ổn khoái lạc. Lúc bấy giờ ta thuyết pháp không được rốt ráo, không rốt ráo bạch tịnh, không rốt ráo phạm hạnh. Không rốt ráo phạm hạnh, nên bấy giờ ta không xa lìa được sanh, già, bệnh, chết, ưu sầu, khóc lóc, cũng không thoát được mọi khổ đau. Này A-nan, nay Ta xuất hiện ở đời, là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Thế Tôn. Hôm nay ta đã làm lợi ích cho chính mình, cũng làm lợi ích cho người khác, lợi ích cho nhiều người, thương xót thế gian. Vì trời và người mà Ta tìm cầu nghĩa lợi, tìm cầu sự an ổn khoái lạc. Nay Ta thuyết pháp được rốt ráo, rốt ráo bạch tịnh, rốt ráo phạm hạnh. Do rốt ráo phạm hạnh, Ta đã lìa khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu sầu, khóc lóc. Nay ta đã thoát được mọi khổ đau.”

Phật thuyết như vậy. Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

64. KINH THIÊN SỨ

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trú trong rừng Thắng Lâm Lâm, vườøn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Ta dùng thiên nhãn thanh tịnh, thấy xa hơn người, nhìn thấy chúng sinh này lúc sinh lúc tử, sắc đẹp hoặc xấu, thiện hoặc bất thiện, qua lại chỗ lành hoặc chỗ chẳng lành, tùy theo nghiệp mà chúng sinh ấy đã tạo. Ta thấy sự kiện ấy đúng như thật. Nếu chúng sinh nào thành tựu thân ác hành, khẩu, ý ác hành, phỉ báng Thánh nhân, tà kiến, thì do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung, chúng sinh này chắc chắn đi đến chỗ dữ, sanh vào địa ngục. Còn nếu chúng sinh nào [503b] thành tựu thân thiện hành, khẩu, ý thiện hành, không phỉ báng Thánh nhân, có chánh kiến, thành tựu nghiệp chánh kiến, thì do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung, chúng sinh này chắc chắn đi đến chỗ lành, sanh vào cõi trời.

“Cũng như lúc mưa lớn, bọt nước sanh ra rồi diệt. Nếu ai có mắt đứng yên một nơi mà quán sát thấy bọt nước khi sinh, khi diệt. Ta cũng như vậy, bằng thiên nhãn thanh tịnh, thấy xa hơn người, nhìn thấy chúng sinh này lúc sinh lúc tử, sắc đẹp hoặc xấu, thiện hoặc bất thiện, qua lại chỗ lành hoặc chỗ chẳng lành, tùy theo nghiệp mà chúng sinh ấy đã tạo. Ta thấy sự kiện ấy đúng như thật. Nếu chúng sinh nào thành tựu thân ác hành, khẩu, ý ác hành, phỉ báng Thánh nhân, tà kiến, thì do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung, chúng sinh này chắc chắn đi đến chỗ dữ, sanh vào địa ngục. Còn nếu chúng sinh nào thành tựu thân thiện hành, khẩu, ý thiện hành, không phỉ báng Thánh nhân, có chánh kiến, thành tựu nghiệp chánh kiến, thì do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung, chúng sinh này chắc chắn đi đến chỗ lành, sanh vào cõi trời.

“Cũng như mưa lớn, giọt nước rơi xuống hoặc chỗ cao, hoặc ở chỗ thấp. Nếu ai có mắt, đứng yên một nơi mà quán sát nước thấy lúc giọt chỗ cao, lúc giọt chỗ thấp. Ta cũng như vậy, bằng thiên nhãn thanh tịnh, thấy xa hơn người, nhìn thấy chúng sinh này lúc sinh lúc tử, sắc đẹp hoặc xấu, thiện hoặc bất thiện, qua lại chỗ lành hoặc chỗ chẳng lành, tùy theo nghiệp mà chúng sinh ấy đã tạo. Ta thấy sự kiện ấy đúng như thật. Nếu chúng sinh nào thành tựu thân ác hành, khẩu, ý ác hành, phỉ báng Thánh nhân, tà kiến, thì do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung, chúng sinh này chắc chắn đi đến chỗ dữ, sanh vào địa ngục. Còn nếu chúng sinh nào thành tựu thân thiện hành, khẩu, ý thiện hành, không phỉ báng Thánh nhân, có chánh kiến, thành tựu nghiệp chánh kiến, thì do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung, chúng sinh này chắc chắn đi đến chỗ lành, sanh vào cõi trời.

“Cũng như ngọc lưu ly, thanh tịnh tự nhiên, sanh ra không có tỳ vết,  cấu uế, tám góc khéo trau chuốt, được xâu qua bằng sợi dây đẹp hoặc xanh, hoặc vàng, hoặc đỏ, hoặc đen, trắng. Người nào có mắt, đứng yên một chỗ mà quán sát ngọc lưu ly này thấy nó thanh tịnh tự nhiên, sanh ra không có tỳ vết,  cấu uế, tám góc khéo trau chuốt, được xâu qua bằng sợi dây đẹp hoặc xanh, hoặc vàng, hoặc đỏ, đen, trắng. Ta cũng như vậy, bằng thiên nhãn thanh tịnh, thấy xa hơn người, nhìn thấy chúng sinh này lúc sinh lúc tử, sắc đẹp hoặc xấu, thiện hoặc bất thiện, qua lại chỗ lành hoặc chỗ chẳng lành, tùy theo nghiệp mà chúng sinh ấy đã tạo. Ta thấy sự kiện ấy đúng như thật. Nếu chúng sinh nào thành tựu thân ác hành, khẩu, ý ác hành, phỉ báng Thánh nhân, tà kiến, [503c] thì do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung, chúng sinh này chắc chắn đi đến chỗ dữ, sanh vào địa ngục. Còn nếu chúng sinh nào thành tựu thân thiện hành, khẩu, ý thiện hành, không phỉ báng Thánh nhân, có chánh kiến, thành tựu nghiệp chánh kiến, thì do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung, chúng sinh này chắc chắn đi đến chỗ lành, sanh vào cõi trời.

“Cũng như hai nhà có chung cửa ngõ, nhiều người ra vào. Nếu ai có mắt, đứng yên một chỗ thì thấy người ra, kẻ vào. Ta cũng như vậy, bằng thiên nhãn thanh tịnh, thấy xa hơn người, nhìn thấy chúng sinh này lúc sinh lúc tử, sắc đẹp hoặc xấu, thiện hoặc bất thiện, qua lại chỗ lành hoặc chỗ chẳng lành, tùy theo nghiệp mà chúng sinh ấy đã tạo. Ta thấy sự kiện ấy đúng như thật. Nếu chúng sinh nào thành tựu thân ác hành, khẩu, ý ác hành, phỉ báng Thánh nhân, tà kiến, thì do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung, chúng sinh này chắc chắn đi đến chỗ dữ, sanh vào địa ngục. Còn nếu chúng sinh nào thành tựu thân thiện hành, khẩu, ý thiện hành, không phỉ báng Thánh nhân, có chánh kiến, thành tựu nghiệp chánh kiến, thì do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung, chúng sinh này chắc chắn đi đến chỗ lành, sanh vào cõi trời.

“Nếu ai có mắt, đứng yên trên lầu cao nhìn, thấy người dưới thấp qua lại, đổi thay đủ cách, ngồi, nằm, chạy, nhảy. Ta cũng như vậy, bằng thiên nhãn thanh tịnh, thấy xa hơn người, nhìn thấy chúng sinh này lúc sinh lúc tử, sắc đẹp hoặc xấu, thiện hoặc bất thiện, qua lại chỗ lành hoặc chỗ chẳng lành, tùy theo nghiệp mà chúng sinh ấy đã tạo. Ta thấy sự kiện ấy đúng như thật. Nếu chúng sinh nào thành tựu thân ác hành, khẩu, ý ác hành, phỉ báng Thánh nhân, tà kiến, thì do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung, chúng sinh này chắc chắn đi đến chỗ dữ, sanh vào địa ngục. Còn nếu chúng sinh nào thành tựu thân thiện hành, khẩu, ý thiện hành, không phỉ báng Thánh nhân, có chánh kiến, thành tựu nghiệp chánh kiến, thì do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung, chúng sinh này chắc chắn đi đến chỗ lành, sanh vào cõi trời.

“Nếu chúng sinh nào sinh ở nhân gian, không hiếu thảo với cha mẹ, không biết kính trọng Sa-môn, Bà-la-môn, không làm đúng như thật, không tạo phước nghiệp, không sợ tội đời sau, thì do nhân duyên ấy, khi thân hoại mạng chung, chúng sinh ấy sanh vào cảnh giới của Diêm vương. Người của Diêm vương bắt đưa đến chỗ vua và thưa rằng:

“– Tâu Thiên vương, chúng sinh này lúc còn làm người, không hiếu thảo cha mẹ, không biết kính trọng Sa-môn, Bà-la-môn, không làm đúng như thật, không tạo phước nghiệp, không sợ tội đời sau. Mong Thiên vương trừng phạt đúng theo tội trạng của nó.

“Bấy giờ, Thiên vương dẫn Thiên sứ thứ nhất ra mà tra hỏi kỹ, kiểm xét kỹ, khéo dạy, khéo quở trách chúng sinh kia rằng:

 [504a] “– Người có thấy Thiên sứ thứ nhất đến không?

“Chúng sinh đáp:

“– Tâu Thiên vương, không thấy.

“Diêm vương lại hỏi:

“– Ở trong một thôn ấp có hài nhi bé nhỏ hoặc nam hoặc nữ thân thể yếu đuối, nằm ngửa giữa phẩn và nước tiểu, không thể kêu cha mẹ; cha mẹ bồng khỏi chỗ bất tịnh, tắm rửa thân nó cho được sạch sẽ. Người có thấy cảnh tượng đó không?

“Chúng sinh ấy đáp:

“– Tâu Thiên vương, có thấy.

Diêm vương lại bảo:

“– Từ đó về sau, lúc ngươi đã hiểu biết, tại sao ngươi không nghĩ rằng: ‘Chính ta lệ thuộc sự sanh, không lìa khỏi sinh; ta nên làm nghiệp thiện với thân, khẩu và ý.’?

“Chúng sinh ấy hỏi:

“– Tâu Thiên vương, tôi là kẻ bại hoại, suy vi lâu dài, vĩnh viễn mất mát chăng?

“Diêm vương đáp:

“– Ngươi quả là kẻ bại hoại, suy vi lâu, vĩnh viễn mất mát. Nay ta sẽ tra khảo ngươi như trị kẻ phóng dật, sống phóng dật. Ác nghiệp của ngươi không phải do cha mẹ làm, không phải do vua, không phải do Trời, cũng không phải do Sa-môn, Bà-la-môn làm. Chính ngươi tự tạo nghiệp ác bất thiện, cho nên hôm nay chắc chắn ngươi phải thọ báo.

“Sau khi dẫn Thiên sứ thứ nhất này ra để hỏi kỹ, kiểm xét kỹ, khéo dạy, khéo quở trách xong, lại dẫn Thiên sứ thứ hai ra để hỏi kỹ, kiểm xét kỹ, khéo dạy, khéo quở trách chúng sinh kia rằng:

“– Người có thấy Thiên sứ thứ hai đến không?

“Chúng sinh kia đáp:

“– Tâu Thiên vương, không thấy.

“Diêm vương lại hỏi:

“– Trước kia ở trong một thôn ấp, ngươi há không thấy người đàn bà hoặc đàn ông, tuổi quá già nua, sức sống rũ liệt gần tàn, răng rụng, tóc bạc, lưng còm, chống gậy mà đi, thân thể run rẩy?

“Chúng sinh ấy đáp:

“– Tâu Thiên vương, có thấy.

“Diêm vương lại bảo:

“– Ngươi từ đó về sau, khi đã có hiểu biết, tại sao không nghĩ rằng: 'Chính ta lệ thuộc sự già, không lìa khỏi sự già; ta nên làm điều thiện về thân, khẩu, ý.’ ?

“Chúng sanh kia hỏi:

“– Tâu Thiên vương, tôi là kẻ bại hoại, suy vi lâu dài, vĩnh viễn mất mát chăng?

“Diêm vương đáp:

“– Ngươi quả là kẻ bại hoại, suy vi lâu dài, vĩnh viễn mất mát. Nay ta sẽ tra khảo ngươi như trị kẻ phóng dật, sống phóng dật. Ác nghiệp của ngươi không phải do cha mẹ làm, không phải do vua, không phải do trời, cũng không phải do Sa-môn, Bà-la-môn làm. Chính ngươi tự tạo nghiệp ác bất thiện, cho nên hôm nay chắc chắn ngươi phải thọ báo.

“Sau khi dẫn Thiên sứ thứ hai này ra để hỏi kỹ, kiểm xét kỹ, khéo dạy, khéo quở trách xong, lại dẫn Thiên sứ thứ ba ra để hỏi kỹ, kiểm xét kỹ, khéo dạy, khéo quở trách chúng sinh kia rằng:

“– Người có thấy Thiên sứ thứ ba đến không?

“Chúng sinh kia đáp:

“– Tâu Thiên vương, không thấy.

“Diêm vương lại hỏi:

“– Trước kia trong một thôn ấp, ngươi há không thấy người đàn ông hoặc đàn bà bệnh tật nguy khốn, hoặc nằm ngồi trên giường, hoặc nằm ngồi trên chõng, hoặc nằm ngồi [504b] dưới đất, thân thể rất đau đớn, đau đớn cùng cực, không thể ái niệm, mong sao rút ngắn mạng sống chăng?

“Chúng sanh ấy đáp:

“– Tâu Thiên vương, có thấy.

Diêm vương lại bảo:

“– Từ đó về sau, khi ngươi đã có hiểu biết, nhưng tại sao ngươi không nghĩ: ‘Chính ta lệ thuộc sự tật bệnh, không lìa khỏi bệnh. Ta nên làm điều thiện về thân, khẩu, ý.’ ?

“Chúng sanh ấy hỏi:

“– Tâu Thiên vương, tôi là kẻ bại hoại, suy vi lâu dài, vĩnh viễn mất mát chăng?

“Diêm vương đáp:

“– Ngươi quả là kẻ bại hoại, suy vi lâu, vĩnh viễn mất mát. Nay ta sẽ tra khảo ngươi như trị kẻ phóng dật, sống phóng dật. Ác nghiệp của ngươi không phải do cha mẹ làm, không phải do vua, không phải do trời, cũng không phải do Sa-môn, Bà-la-môn làm. Chính ngươi tự tạo nghiệp ác bất thiện, cho nên hôm nay chắc chắn ngươi phải thọ báo.

“Sau khi dẫn Thiên sứ thứ ba này ra để hỏi kỹ, kiểm xét kỹ, khéo dạy, khéo quở trách xong, lại dẫn Thiên sứ thứ tư ra để hỏi kỹ, kiểm xét kỹ, khéo dạy, khéo quở trách chúng sinh kia rằng:

“– Người có thấy Thiên sứ thứ tư đến không?

“Chúng sinh kia đáp:

“– Tâu Thiên vương, không thấy.

“Diêm vương lại hỏi:

“– Trước kia, trong một thôn ấp, ngươi có thấy người đàn ông hay đàn bà lúc chết rồi qua một hai ngày cho đến sáu bảy ngày bị quạ mổ, chó ăn, hoặc lửa đốt, hoặc chôn xuống đất, hoặc vữa nát tan?

Chúng sanh ấy đáp:

“– Tâu Thiên vương, có thấy.

“Diêm vương lại bảo:

“– Từ đó về sau, lúc ngươi đã có hiểu biết, tại sao ngươi không nghĩ: ‘Chính ta lệ thuộc sự chết, ta không lìa khỏi sự chết. Ta nên làm điều thiện về thân, khẩu, ý.’?

“Chúng sanh ấy hỏi:

“– Tâu Thiên vương, tôi là kẻ bại hoại, suy vi lâu dài, vĩnh viễn mất mát chăng?

“Diêm vương đáp:

“– Ngươi quả là kẻ bại hoại, suy vi lâu dài, vĩnh viễn mất mát. Nay ta sẽ tra khảo ngươi như trị kẻ phóng dật, sống phóng dật. Ác nghiệp của ngươi không phải do cha mẹ làm, không phải do vua, không phải do trời, cũng không phải do Sa-môn, Bà-la-môn làm. Chính ngươi tự tạo nghiệp ác bất thiện, cho nên hôm nay chắc chắn ngươi phải thọ báo.

“Sau khi dẫn Thiên sứ thứ tư này ra để hỏi kỹ, kiểm xét kỹ, khéo dạy, khéo quở trách xong, lại dẫn Thiên sứ thứ năm ra để hỏi kỹ, kiểm xét kỹ, khéo dạy, khéo quở trách chúng sinh kia rằng:

“– Người có thấy Thiên sứ thứ năm đến không?

“Chúng sinh kia đáp:

“– Tâu Thiên vương, không thấy.

“Diêm vương lại hỏi:

“– Ngươi trước đây không thấy chăng, người của vua tróc nã kẻ phạm tội, tra khảo, trừng trị đủ cách, như chặt tay, chặt chân, hoặc chặt cả tay chân; xẻo tai, xẻo mũi, hoặc xẻo cả mũi tai; hoặc thái hoặc cắt; nhổ râu, nhổ tóc, hoặc nhổ cả râu tóc; hoặc bỏ vào trong cũi, quấn trong vải mà đốt; hoặc dùng cát lấp kín, dùng cỏ quấn lại mà đốt; hoặc bỏ vào trong bụng con lừa bằng sắt, hoặc bỏ vào trong miệng con heo bằng sắt, [504c] hoặc đặt vào trong miệng cọp bằng sắt mà đốt; hoặc bỏ vào trong chảo bằng đồng, hoặc bỏ vào trong chảo bằng sắt mà nấu; hoặc chặt ra từng đoạn; hoặc dùng chĩa nhọn mà đâm, hoặc dùng móc mà móc; hoặc bắt nằm trên giường sắt mà dội nước sôi; hoặc cho người vào cối sắt, dùng chày sắt mà giã; hoặc cho rắn rít mổ; hoặc dùng roi da mà quất, hoặc dùng gậy mà đánh, hoặc dùng hèo mà phang; hoặc treo sống lên ngọn nêu cao, hoặc chặt đầu đem bêu?

“Chúng sanh ấy đáp:

“– Tâu Thiên vương, có thấy.

Diêm vương lại bảo:

“– Từ đó về sau, khi ngươi đã hiểu biết, tại sao không nghĩ: ‘Nay ta hiện thấy điều ác, bất thiện’?

“Chúng sanh ấy hỏi:

“– Tâu Thiên vương, tôi là kẻ bại hoại, suy vi lâu dài, vĩnh viễn mất mát chăng?

“Diêm vương đáp:

“– Ngươi quả là kẻ bại hoại, suy vi lâu dài, vĩnh viễn mất mát. Nay ta sẽ tra khảo ngươi như trị kẻ phóng dật, sống phóng dật. Ác nghiệp của ngươi không phải do cha mẹ làm, không phải do vua, không phải do trời, cũng không phải do Sa-môn, Bà-la-môn làm. Chính ngươi tự tạo nghiệp ác bất thiện, cho nên hôm nay chắc chắn ngươi phải thọ báo.

“Diêm vương đã dẫn Thiên sứ thứ năm này ra để khéo tra hỏi, khéo kiểm xét, khéo giáo hóa, khéo quở trách xong, liền giao phó chúng sanh ấy cho ngục tốt. Ngục tốt liền dẫn y giam vào trong đại địa ngục có bốn cửa.

“Ở đây có bài tụng rằng:

Bốn trụ, có bốn cửa,

Vách vuông mười hai góc,

Dùng sắt làm tường rào,

Ở trên đậy nắp sắt.

Trong ngục nền bằng sắt,

Hừng hực lửa sắt nung,

Suốt vô lượng do-tuần,

Cho đến tận đáy đất.

Cực ác không chịu nổi,

Sắc lửa khó nhìn vào,

Thấy rồi, lông dựng đứng,

Khủng khiếp, sợ, rất khổ.

Chúng sanh đọa địa ngục,

Chân treo, đầu chúc xuống,

Do phỉ báng Thánh nhân,

Điều ngự thiện, Thánh thiện.

“Một thời gian thật lâu xa về sau, trong bốn cửa của đại địa ngục, cửa phía Đông liền mở cho chúng sanh kia. [74] Sau khi cửa mở, các chúng sanh ấy nhắm chạy đến, muốn tìm nơi an ổn, tìm chỗ nương tựa. Nếu khi các chúng sanh ấy tụ tập khoảng vô lượng trăm ngàn, thì cửa phương Đông của địa ngục liền tự đóng lại. Chúng sanh ở trong đó chịu đựng khổ đau cùng cực, khóc lóc kêu gào, sầu muộn, nằm lăn xuống đất, vẫn không thể chết được, cốt làm cho nghiệp ác bất thiện của các chúng sanh ấy sạch hết. Một thời gian lâu xa nữa, cửa Nam, cửa Tây, cửa Bắc lại mở. Khi cửa Bắc đã mở, các chúng sanh kia liền nhắm chạy đến, muốn tìm nơi an ổn, [505a] tìm chỗ nương tựa. Các chúng sanh kia nếu khi tụ tập đến số vô lượng trăm ngàn, thì cửa Bắc của địa ngục tự nhiên đóng lại. Những chúng sanh ở trong đó chịu khổ đau cùng cực, khóc lóc, kêu gào, sầu muộn, nằm lăn xuống đất, vẫn không thể chết được, cốt làm cho nghiệp ác bất thiện của các chúng sanh ấy sạch hết.

“Một thời gian hết sức lâu xa về sau nữa, các chúng sanh kia ra khỏi đại địa ngục Bốn cửa. Tiếp theo đại địa ngục Bốn cửa, các chúng sanh ấy lại sanh vào đại địa ngục Phong nham [75], lửa đầy bên trong, không khói, không lửa ngọn, khiến các chúng sanh ấy đi trên lửa, qua lại khắp nơi, da thịt, máu huyết ở đôi bàn chân, bước xuống thì cháy sạch mà dở lên thì sanh lại như cũ. Địa ngục ấy hành hạ các chúng sanh ấy như vậy cho đến vô lượng trăm ngàn năm, chịu khổ đau cùng tột vẫn không chết được, cốt làm cho nghiệp ác bất thiện của các chúng sanh ấy sạch hết.

“Một thời gian thật lâu xa về sau, các chúng sanh ấy ra khỏi địa ngục Phong nham. Tiếp theo địa ngục Phong nham, lại sanh vào đại địa ngục Phẩn thỉ [76], bên trong đầy dẫy phân, sâu đến vô lượng trăm trượng. Các chúng sanh kia đọa hết vào trong đó. Trong đại địa ngục Phẩn thỉ ấy có rất nhiều sâu. Sâu tên là Lăng-cù-lai [77], thân trắng đầu đen, mỏ nhọn như kim. Loại trùng này rúc rỉa, đục phá chân của chúng sanh kia; sau khi đục phá chân, lại đục phá xương đùi; sau khi đục phá xương đùi, lại đục phá xương bắp vế; sau khi phá xương bắp vế, lại đục phá xương bàn tọa; đục phá xương bàn tọa xong, lại đục phá xương sống; đục phá xương sống xong, lại đục phá xương vai, xương cổ, xương đầu; đục phá xương đầu xong, lại ăn sạch não. Các chúng sanh kia chịu bức bách vô lượng trăm ngàn năm như thế, chịu đau khổ cùng tột, vẫn không chết được, để cho nghiệp ác bất thiện của các chúng sanh ấy sạch hết.

“Một thời gian rất lâu về sau, các chúng sanh kia ra khỏi địa ngục Phẩn thỉ. Tiếp theo địa ngục Phẩn thỉ, lại sanh vào đại địa ngục Thiết diệp lâm [78]. Các chúng sanh kia thấy rồi tưởng là mát mẻ, nghĩ rằng: ‘Chúng ta qua nơi khoái lạc ấy để được mát mẻ’. Các chúng sanh ấy nhắm chạy đến, muốn tìm nơi an ổn, muốn tìm chỗ nương tựa. Nếu tụ tập được vô lượng trăm ngàn, thì các chúng sanh ấy liền vào trong đại địa ngục rừng cây lá sắt. Trong đại địa ngục Thiết diệp lâm đó, bốn bề có gió nóng lớn thổi đến; gió nóng thổi đến thì lá cây bằng sắt rụng xuống. Lá sắt rụng cắt lìa tay, cắt lìa chân, hoặc cắt lìa cả tay chân; cắt lìa tai, cắt lìa mũi hoặc cắt lìa cả tai lẫn mũi và các bộ phận còn lại; cắt thân máu chảy vô lượng trăm ngàn năm, chịu khổ đau cùng tột, vẫn không chết được, để cho nghiệp ác bất thiện của các chúng sanh ấy sạch hết. Lại nữa, trong đại địa ngục Thiết diệp lâm ấy [505b] có chó rất lớn xuất hiện, răng dài thườn thượt, ngoạm cả chúng sanh kia, lột da từ chân đến đầu mà ăn. Các chúng sanh ấy chịu bức bách vô lượng trăm ngàn năm như thế, chịu khổ đau cùng tột vẫn không thể chết được, để cho nghiệp ác bất thiện của chúng dứt sạch. Lại nữa, trong đại địa ngục Thiết diệp lâm ấy có con chim đen lớn, có hai đầu, mỏ sắt, đứng trên trán chúng sanh, mổ sống con mắt mà nuốt; mổ vỡ sọ lấy não mà ăn. Các chúng sanh ấy chịu bức bách như vậy suốt vô lượng trăm ngàn năm, chịu đau khổ cùng tột, cuối cùng vẫn không chết được, để cho nghiệp ác bất thiện của các chúng sanh ấy sạch hết.

“Sau một thời gian hết sức lâu dài, các chúng sanh ấy ra khỏi đại địa ngục Thiết diệp lâm. Tiếp theo đại địa ngục Thiết diệp lâm, các chúng sanh ấy lại sanh vào đại địa ngục Thiết kiếm thọ [79]. Đại kiếm thọ cao một do-tuần, mũi nhọn dài một thước sáu, chúng sanh kia bị bắt trèo lên tuột xuống. Lúc mới từ dưới leo lên cây thì mũi nhọn chúc xuống; lúc trên cây tuột xuống thì mũi nhọn lại dựng lên; mũi nhọn của kiếm thọ đâm suốt thân chúng sanh, đâm tay, đâm chân hoặc đâm cả tay chân; đâm tai, đâm mũi, hoặc đâm cả tai mũi và các bộ phận khác nữa; đâm thân máu đổ suốt vô lượng trăm ngàn năm, chịu đau khổ cùng cực, rốt cuộc vẫn không chết được, để cho nghiệp ác bất thiện của các chúng sanh ấy sạch hết.

“Một thời gian lâu dài về sau, các chúng sanh ấy ra khỏi đại địa ngục Thiết kiếm thọ. Tiếp theo đại địa ngục Thiết kiếm thọ, các chúng sanh ấy lại sanh vào địa ngục Hôi hà [80], có hai bờ rất cao bao quanh tạo thành mũi nhọn. Trong sông có nước tro sôi và tối om. Các chúng sanh kia thấy rồi tưởng là nước mát, nghĩ rằng ‘sẽ có [81] mát’. Sau khi tưởng như vậy, các chúng sanh ấy liền nghĩ: ‘Chúng ta đến đó tắm rửa, tha hồ uống no, được mát mẻ khoái lạc’. Các chúng sanh ấy tranh nhau chạy đến mà vào trong đó, muốn tìm nơi hoan lạc, tìm chỗ nương tựa. Nếu các chúng sanh ấy tụ tập chừng vô lượng trăm ngàn, thì liền rớt xuống sông tro. Sau khi rơi vào sông tro, có chúng sanh trôi ngược rồi lại trôi xuôi. Lúc các chúng sanh trôi xuôi, trôi ngược, trôi cả ngược xuôi thì da chín rã xuống, chỉ còn lại xương tủy. Hai bên bờ sông tro có lính địa ngục, tay cầm đao kiếm hoặc chĩa sắt lớn. Các chúng sanh ấy muốn leo lên bờ, tức thì lính ngục đẩy nhận xuống. Lại nữa, hai bên bờ sông tro có lính địa ngục tay cầm móc câu liệng xuống, móc chúng sanh từ sông tro lên bỏ vào nơi sắt nóng, lửa cháy hừng hực, móc [505c] chúng sanh ấy đưa lên rồi quật mạnh xuống đất. Rơi xuống, chúng sanh ấy đang quằn quại, bị cật vấn:

“– Ngươi từ đâu lại?

“Các chúng sanh ấy cùng đáp:

“– Chúng tôi không biết từ đâu đến, nhưng hiện giờ chúng tôi chỉ sợ đói lắm.

“Lính địa ngục ấy liền xách chúng sanh liệng lên giường sắt nóng, lửa cháy hừng hực, bắt ngồi trên đó, dùng kẹp sắt nóng kẹp vạch miệng ra, dùng hòn sắt nóng đang cháy hừng hực, bỏ vào. Hoàn sắt nóng ấy đốt cháy môi; cháy môi xong, đốt cháy lưỡi; cháy lưỡi xong, đốt lợi răng; lợi cháy xong, đốt cuống họng; cuống họng cháy xong, đốt tim; tim cháy xong, đốt ruột già; ruột già cháy xong, đốt dạ dày; dạ dày cháy xong hoàn sắt từ thân rơi xuống. Các chúng sanh ấy bị bức bách như vậy suốt vô lượng trăm ngàn năm, chịu khổ đau cùng cực, rốt cuộc không chết được, để cho nghiệp ác bất thiện của các chúng sanh ấy sạch hết.

“Lại nữa, lính địa ngục ấy hỏi chúng sanh:

“– Ngươi muốn đi đâu?

“Chúng sanh đáp:

“– Chúng tôi chẳng biết muốn đi đâu, chỉ sợ khát lắm.

“Ngục tốt liền xách chúng sanh ném lên giường sắt nóng đang cháy đỏ rực, bắt buộc ngồi trên đó, dùng kẹp sắt nóng, kẹp vạch miệng ra, lấy nước đồng sôi rót vào. Nước đồng sôi đó đốt môi, đốt môi rồi đốt lưỡi, đốt lưỡi rồi đốt lợi răng, đốt lợi răng rồi đốt cuống họng, đốt cuống họng rồi đốt tim, đốt tim rồi đốt ruột già, đốt ruột già rồi đốt ruột non, đốt ruột non rồi đốt dạ dày, đốt dạ dày rồi nước ấy từ thân chảy xuống. Các chúng sanh ấy chịu bức bách như vậy suốt vô lượng trăm ngàn năm, chịu khổ đau cùng tột, cuối cùng vẫn không chết được, để cho nghiệp ác bất thiện của các chúng sanh ấy sạch hết.

“Nếu nghiệp ác bất thiện mà những chúng sanh ở địa ngục kia không dứt sạch, không dứt sạch tất cả, không dứt sạch đến mức không còn lưu dư thì những chúng sanh ấy lại rơi vào đại địa ngục Sông tro, lại chịu cảnh trèo lên tuột xuống ở đại địa ngục Rừng cây kiếm sắt, lại vào đại địa ngục Rừng cây lá sắt, lại rớt xuống đại địa ngục Phẩn thỉ, lại qua đại địa ngục Phong nham, lại vào Bốn cửa đại địa ngục.

“Nếu nghiệp ác bất thiện của những chúng sanh kia dứt sạch, dứt sạch tất cả, dứt sạch đến mức không còn lưu dư, thì những chúng sanh ấy từ đó về sau hoặc đọa vào loài súc sanh, hoặc đọa vào loài ngạ quỷ, hoặc sanh vào cõi trời. Nếu lúc ấy chúng sanh đó vốn là người mà bất hiếu với cha mẹ, không biết tôn kính Sa-môn, Bà-la-môn, không làm đúng như thật, không tạo phước nghiệp, không sợ tội đời sau thì phải thọ khổ báo không khả ái, không khả niệm, không khả hỷ như vậy, giống như trong địa ngục kia. Nếu chúng sanh kia vốn là người mà hiếu thuận với cha mẹ, biết tôn kính Sa-môn, Bà-la-môn, làm đúng như thật, tạo nghiệp phước đức, sợ tội đời sau, thì được thọ lạc báu khả ái, khả niệm, khả hỷ như thế, giống như trong cung điện của thần Hư không.

“Thuở xưa, Diêm vương ở tại viên quán mà nguyện rằng: ‘Thân mạng này mất, ta được sanh vào loài người. Nếu có dòng họ nào giàu có tột cùng, của cải vô lượng, sản nghiệp chăn nuôi, không thể tính được, phong hộ thực ấp đầy đủ mọi thứ; dòng họ ấy là gì? Tức là Đại trưởng giả thuộc dòng Sát-lị, Đại trưởng giả thuộc dòng  Bà-la-môn, Đại trưởng giả thuộc dòng Cư sĩ. Nếu có dòng họ giàu có tột cùng, của cải vô lượng, sản nghiệp chăn nuôi không thể tính được, phong hộ thực ấp đầy đủ mọi thứ như thế, thì ta mong sanh vào nhà ấy. Sau khi sanh vào thì giác căn thành tựu, mong được tịnh tín pháp luật chân chánh do Đức Như Lai nói ra. Được tịnh tín rồi thì cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống đời sống không gia đình mà học đạo. Con nhà thiện gia đã cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống đời sống không gia đình mà học đạo thì chỉ mong cầu vô thượng phạm hạnh, ngay trong đời hiện tại, tự biết, tự giác, tự thân tác chứng, thành tựu an trú, biết như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.’

“Thuở xưa, Diêm vương ở trong viên quán đã nguyện như thế.”

Bấy giờ có bài tụng rằng:

Được Thiên sứ cảnh cáo,

Người vẫn cứ phóng dật,

Chuốc sầu não mãi hoài,

Tệ ấy do dục che.

Được Thiên sứ cảnh cáo,

Quả thật có thượng nhân,

Không còn phóng dật nữa,

Khéo nói diệu Thánh pháp.

Thấy thủ là khiếp sợ,

Mong cầu sanh, lão dứt,

Không thủ, diệt không còn,

Thế là sanh lão hết.

Kia đến nơi an ổn,

Hiện tại đã vượt qua,

Vượt khỏi mọi khiếp sợ,

Cũng vượt dòng thế gian. [82]

Phật dạy như vậy. Sau khi nghe xong điều Đức Phật dạy, các Tỳ-kheo hoan hỷ phụng hành.

 


 [1]Tức giác chi息覺支, Pāli: passadhi-bojjhaṅga.

 [2]  Túc an bình lập 足安平立, Pāli: suppatiṭṭhitapāda, lòng bàn chân đầy đặn; khi đứng, tiếp xúc hoàn toàn với mặt đất.

 [3]  Túc hạ sinh luân 足下生輪, Pāli: pādatalesu cakkāni jātāni.

 [4]  Túc chỉ tiêm trường 足指纖長, Pāli: dīghaṅgulin.

 [5]  Túc châu chánh trực 足周正直, Pāli thay bằng brahmujjugatta, thân hình ngay thẳng như của Phạm thiên.

 [6]  Túc ngấn… bình mãn 足跟平滿, Pāli: āyatapaṇhī, Pāligo-Bukyō-jiten (Shuzen Kumoi’s Dictionary of Pāli Buddhism) định nghĩa là “gót chân rộng và dài”. Nhưng, The Pāli Text Society’s Pāli-English Dictionary định nghĩa “having long eye-lashes” (có lông mi dài).

 [7]  Túc lưỡng khỏa sung 足 兩 踝 [月+庸], Pāli: usaṅkhapāda.

 [8]  Đâu-la hoa 兜 羅 華, Pāli: tūla, bông gòn.

 [9]  Âm mã tàng 陰 馬 藏, Pāli: kosohitaguhya.

 [10]  Ni-câu-loại thọ 尼 拘 類 樹, Pāli: nigrodha, cây đa, hay một loại cây sung Ấn độ (Ficus Indica).

 [11]  Tử ma kim 紫 磨 金, Pāli: suvaṇṇavaṇṇa.

 [12]  Sư tử giáp xa 師 子 頰 車, Pāli: sīhahanu.

 [13]  Gia-la-tỳ-già 加羅毗伽, phiên âm thông dụng là ca-lăng-tần-già 迦棱頻伽, Pāli: karavīka, giống chim cu gáy, đặc biệt trên Tuyết sơn.

 [14]  Mí mắt, mi dưới, hay khóe mắt; Hán: thừa lệ xứ 承淚處, Pāli: pakhuma.

 [15]  Hán: cám thanh 紺青, màu xanh sẫm đỏ; Pāli:

 [16]  Nhục kế 肉髻, chỏm thịt trên đỉnh đầu. Pāli: uṇhīsasīsa.

 [17]  Thường gọi là bạch hào tướng 白毫相.

 [18] No 40: ngũ sở tư 五所思.

 [19]  Đảnh Sanh 頂生, Pāli: Muddhāvasitta; No.40: Văn-đà-kiệt 文陀竭.

 [20]  Cù-đà-ni 瞿陀尼  (Tây Ngưu hóa châu). No 39: Cù-da-ni 瞿
<lb n="0822c20"/>耶尼. No 40: Câu-da-ni 俱耶尼.  Pl.: aparagoyāna.

 [21]  Phất-bà-tì-đà-đề 弗婆鞞陀提. No 39: Phất-vu-đãi. 弗于逮. Pāli: pubbavideha, châu Thắng thân ở phương Đông.

 [22]  Uất-đơn-viết 鬱單日 (Bắc Câu-lô châu).  Pāli: Uttarakuru.

 [23]  Nghĩa là, không có ý tưởng về tự ngã hay linh hồn và không có tư hữu hay sở hữu cá nhân.

 [24]  Y thọ 衣 樹. No 39: kiếp-ba-dục y thọ 劫波育衣樹. Người ở đây dùng vỏ cây làm y phục.

 [25]  Trú độ thọ 晝度樹. Pāli: pāricchattaka.

 [26]  Chánh pháp đường 正法堂; Pāli: Dhammasabhā, hội trường của chư Thiên.

 [27]  Thất phản thành bại 七反成敗, bảy lần thành rồi hoại của thế giới.

 [28]  Hoảng dục thiên 晃昱天c: Quang âm thiên, Cực quang thiên. Pāli: Ābhassara.

 [29]  Không Phạm cung điện 空梵宮殿. Pāli: suññaṃ brahmavimānaṃ; tham chiếu D.1. Brahmajālasutta.

 [30]  Pāli: khattiyamuddhāvasitta, vua Quán Đảnh xuất thân dòng Sát-lị.

 [31]  Bạch châu lạc 白珠珞;TNM: 絡.

 [32]  Vu-sa-hạ tượng vương 于娑賀. Pāli: Uposathanāgarāja.

 [33]  Mao mã vương [馬+毛] 馬王. Pāli: Valāhaka-assarāja.

 [34]  Nhạc thanh xa 樂聲車. Pāli: Vejayanta ratha, cỗ xe (=cung điện) Chiến thắng.

 [35]  Câu-xá-hòa-đề 拘舍惒堤. Pāli: Kusāvati.

 [36]  Chánh pháp điện 正法殿. Pāli: Dhammapāsāda.

 [37]  Hán dịch: gia-lăng-già-ba-hòa-la ba-giá-tất-đa-la-na 加陵伽波惒邏波遮悉多羅那. Pāli: kadalimigapavara-pacchattharaṇa, thảm lông bằng da sơn dương cực quý.

 [38]  Sơ-ma y 初 摩 衣; Nguyên-Minh: sô 芻. Pāli: khomapilotikā, vải lanh.

 [39]  Hán dịch: gia-lăng-già-ba-hòa-la 加陵伽波惒邏. Pāli: kadalimigapavara, da sơn dương cực quý.

 [40]  Trong bản Đại chánh đọc là tận dạ 盡 夜, suốt đêm. Đây đọc là trú dạ 晝 夜.

 [41]  Kiếp-bối y 劫 貝 衣. Pāli: kappāsika, vải bông (gòn).

 [42]  Nhất thiết sở hữu 一 切 所 有; TNM: sở hành 所 行.

 [43]  A-la-hán, dịch nghĩa hoặc vô trứoc 無著, hoặc chí chân 至真. Ở đây bảnhán dư một từ.

 [44]  Biên phát 編 髮. Pāli: jaṭilaka, đây chỉ ba anh em Uruvelakassapa cùng với các đệ tử, sau khi quy y Phật.

 [45]  Ma-kiệt-đà vương Tần-tì-sa-la 摩竭陀王頻鞞娑邏. Pāli: Bimbisāra Magadha-rāja.

 [46]  Thiện trụ Ni-câu-loại thọ vương 善住尼拘類樹王.

 [47]  Tẩy-ni Tần-tì-sa-la 洗 尼 頻 鞞 娑 邏. Pāli: Seniya Bimbisāra.

 [48]  Uất-tỳ-la Ca-diếp 鬱 毗 羅 迦 葉. Pāli: Uruvela-Kassapa, anh cả trong ba anh em, thuộc hàng tông sư của ngoại đạo bện tóc.

 [49] Vô trước Chân nhân 無著真人, từ dịch khác của A-la-hán. Dân chúng xem các vị này là Thánh nhân, tức A-la-hán.

 [50] Hán: sanh trung, có lẽ dịch từ tương đương Pāli: upadhi: sanh y, hữu y; chỉ khát ái phiền não làm căn cơ cho tồn tại. Nhưng Hán thương phiên âm là ức-bà-đề 億婆提 mà không dịch.

 [51] Trả lời của Ca-diếp, Vin. i. 36 (Mahāvagga): (…) etaṃ malan’ti upadhīsu ñatvā, tasmā na yiṭṭhe na hute arañjin’ti, “sau khi biết đó là cáu bẩn trong các sanh y, con không con ưa thích hin tế, tế tự.”

 [52] Hán: bất dục hữu 不欲有. Cf. Vin. ibid.: akañcanaṃ kāmabhave asattaṃ, không còn đamư trứoc cái gì trong dục hữu.

 [53] Hán: đoan chánh pháp 端正法. Pl.: anupubbi-kathā, pháp thoại được nói theo thứ tự.

 [54] Pl.: buddhānaṃ sāmukkaṃsikā dhammadesanā, pháp thọai mà chư Phẫtưng dương.

 [55] Bản Hán, hết quyển  11.

 [56]  Câu-tát-la 拘薩羅. Pāli: Kosala.

 [57]  Tì-bà-lăng-kỳ 鞞婆陵耆. Pāli: Vebhaḷinga.

 [58] Vô Nhuế 無恚, không thấy tên Pāli.

 [59]  Ưu-đa-la Ma-nạp 優多羅摩納. Pāli theo đây là Uttramāṇava, nhưng trong bản Pāli tham chiếu M.4 nói là Jotipāla-māṇāva.

 [60] Hán: sanh sanh vô ác 生生無惡; đây nói về dòng dõi huyết thống; Pāli, thành cú: anupakkuṭṭho jātivādena, khôngbị chê bai về phương diện huyết thống (thọ sanh).

 [61]  Tứ điển kinh 四典經, chỉ bốn bộ Veda. Bản Pāli: tiṇṇaṃ vedānaṃ pāragū, thông suốt ba bộ Veda.

 [62]  Hán: thâm đạt nhân duyên chánh văn hý ngũ cú thuyết 深達因緣正文戲五句說. Pāli (Cf. D.i. tr.88): sanighaṇḍukeṭubhānaṃ sākkharappabhedānaṃ itihāsapañcamānaṃ padako veyyākaraṇo, tinh thông ngữ vựng, nghi quỹ, phân tích âm vận, và thứ năm (kể luôn cả tinh thông Thánh điển Veda) là truyền thuyết lục, giỏi ngữ cú, văn pháp. Tham chiếu, No.99 (600), kinh 600: tụng thuộc các kinh điển, danh tự của vật loại, phẩm loại sai biệt của vạn vật, phân tích và kết hợp tự loại, và thứ năm là lịch thế bản mạt. Trong bản Hán, nighaṇḍu (ngữ vựng) được hiểu là nidāna (nhân duyên). Pāli: keṭubha: sách về nghi quỹ, hay nghi thức; trong bản Hán: chánh văn. Pāli: itihāsa, truyền thuyết lục, hay truyện truyền kỳ; bản Hán: (chuyện cười).

 [63]  Nan-đề-bà-la đào sư 難提波羅陶師, theo đây Pāli có thể là Nandipāla. Nhưng bản Pāli tham chiếu: Ghaṭīkāra (thợ gốm).

 [64]  Hán: tam tôn 三尊.

 [65]  Hán: oản đậu 豌 豆, giống đậu Hà-lan.

 [66]  Hình thức kinh tế trao đổi. Pāli: ettha yo icchati taṇḍulapabhivattāni (-pavibhattāni, paṭivibhattāni) vā muggapabhivattāni va kāḷāyapabhivattāni vā nikkhipitvā yaṃ icchati taṃ haratū’ti, “ai cần cái gì (đồ gốm), sau khi để lại đây những thứ dư thừa như gạo, đậu xanh, đậu oản, hãy lấy thứ cần (đồ gốm) ấy đi”.

 [67]  Hán: vô sự xứ 無事處, chỉ khu rừng yên tĩnh. Pāli: arañña.

 [68]  Phạm chí thư 梵 志 書, sách của Bà-la-môn.

 [69]  Ba-la-nại Ca-tư quốc ấp 波羅奈迦私國邑. Pāli: Bārāṇasī, thủ phủ của nước Kāsī đương thời.

 [70]  Tiên nhân trú xứ Lộc dã viên 仙人住處鹿野園. Pāli: Isipatana-migadāya.

 [71]  Giáp-bệ 頰 鞞; TNM: Tần-tì 頻 鞞. Pāli: Kikin.

 [72]  Hán: câu chấp 拘執. Tứ phần 52 (953c2): “Nhóm sáu tỳ-kheo khoác trái câu-chấp để dọa nhau, chọc ghẹo nhau..” Ngũ phần 26 (tr.171b16): “Bạt-nan-đà khoác lộn trái câu-nhiếp 拘攝, đi 4 chân trong tối, dọa các tỳ-kheo.” Pali, Vin. i. 281, kojava áo choàng hay chăn bằng lông dê.

 [73]  Viết 曰; bản Minh: việt 越. Người Uất-đan-viết (Uttara-kuru) sinh hoạt tự cấp.

 [74] Xem No 1(30) kinh Thế ký.

 [75]  Phong nham địa ngục 峰巖地獄.

 [76]  Phấn thỉ địa ngục 糞 屎 地 獄, địa ngục bằng phân cứt. Pāli: Gūtha-nirya.

 [77]  Lăng-cù-lai 凌 瞿 來.

 [78]  Thiết điệp lâm 鐵 鍱 林, rừng cây là sắt. Pāli: Asipattavana-niraya, địa ngục rừng là gươm (kiếm diệp lâm).

 [79]  Thiết kiếm thọ 鐵 劍 樹, cây bằng gươm sắt. Pāli: simbalivana (châm thọ lâm), rừng cây kim.

 [80]  Hôi hà 灰 河, sông tro. Pāli: Khārodakā nadī, sông đá vôi.

 [81]  Thường hữu 常 有; TNM: đương hữu 當 有, sẽ có.

 [82] Bản Hán, hết quyển 12.

Phẩm 7: Tương ưng vương (II)

PHẨM 7:
TƯƠNG ƯNG VƯƠNG (II)

TỤNG NGÀY THỨ HAI

Tiểu thổ thành

烏鳥喻說本  

天奈林善見

三十喻轉輪  

蜱肆最在後

Kệ tóm tắt:

Ô điểu dụ, Thuyết bản,

Thiên nại lâm, Thiện kiến,

Tam thập dụ, Chuyển luân,

Sau tất cả Tì-tứ

 65. KINH Ô ĐIỂU DỤ

 [506b12] Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú tại thành Vương xá, trong rừng Trúc, vườn Ca-lan-đa.

Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Thuở xưa, khi Chuyển luân vương muốn thử châu báu, liền cho tập trung bốn loại quân là quân voi, quân ngựa, quân xe và quân bộ. Sau khi tập trung xong, vào lúc đêm tối, vua cho dựng cây tràng phan cao và đặt hạt châu trên đó, rồi dẫn ra đến ngoài công viên. Ánh sáng của minh châu soi sáng cả bốn loại quân. Ánh sáng ấy chiếu xa nửa do-tuần.

“Bấy giờ có  Bà-la-môn nghĩ rằng: ‘Ta nên đến xem Chuyển luân vương và bốn loại quân, nhìn ngắm hạt châu lưu ly’.  Bà-la-môn lại nghĩ: ‘Thôi, hãy bỏ qua việc muốn thấy Chuyển luân vương và bốn loại quân, nhìn ngắm hạt châu lưu ly, ta nên đến khoảng rừng kia’.

“Nghĩ xong, Bà-la-môn liền đến khu rừng. Sau khi đến nơi, vào trong rừng, Bà-la-môn đến ngồi dưới một gốc cây. Ngồi chưa bao lâu, có một con rái cá [1] đi đến.  Bà-la-môn trông thấy, hỏi:

“Xin chào Rái cá! Ngươi từ đâu đến và muốn đi đâu?”

Đáp:

“Thưa  Bà-la-môn, hồ ấy trước kia tràn đầy mạch nước trong, có nhiều ngó sen, hoa và cá, rùa. Trước đây tôi ở đó; nhưng nay nó khô rang.  Bà-la-môn nên biết, tôi muốn bỏ đi, vào sông lớn kia. Tôi nay muốn đi; chỉ sợ loài người.”

Con rái cá kia sau khi chuyện trò với  Bà-la-môn xong, liền bỏ đi.  Bà-la-môn vẫn ngồi như cũ.

Lại có chim cứu-mộ [2] đến.  Bà-la-môn trông thấy, liền nói:

“Xin chào, Cứu-mộ! Ngươi từ đâu đến và muốn đi đâu?”

Đáp:

“Thưa  Bà-la-môn, hồ ấy trước kia tràn đầy mạch nước trong, [506c] có nhiều ngó sen, hoa và cá, rùa. Trước đây tôi ở đó; nhưng nay nó khô rang.  Bà-la-môn nên biết, tôi muốn bỏ đi, đến trú ngụ ở chỗ có nhiều xác trâu chết kia, hoặc ở chỗ có lừa chết, nhiều xác người chết. Hôm nay tôi muốn đi, nhưng chỉ sợ loài người.”

Chim cứu-mộ ấy nói chuyện với  Bà-la-môn như vậy rồi bỏ đi.  Bà-la-môn vẫn ngồi như cũ.

Lại có kên kên [3] đến.  Bà-la-môn trông thấy, liền hỏi:

“Xin chào Kên kên! Ngươi từ đâu lại và muốn đi đâu?”

Đáp:

“Thưa  Bà-la-môn, tôi từ mộ lớn này đến mộ lớn khác, giết hại xong rồi đến đây. Nay tôi muốn ăn thịt voi chết, ngựa chết, trâu chết, người chết. Tôi nay muốn đi; nhưng chỉ sợ loài người.”

Kên kên nói chuyện với  Bà-la-môn như vậy rồi bỏ đi.  Bà-la-môn vẫn ngồi như cũ.

Lại có chim ăn bã [4] lại đến.  Bà-la-môn trông thấy liền hỏi:

“Xin chào Ăn bã. Ngươi từ đâu đến và muốn đi đâu?”

Đáp:

“Thưa  Bà-la-môn, ông có thấy Kên kên vừa đi đến đây không? Tôi ăn cái mà nó nhả ra. Nay tôi muốn đi nhưng chỉ sợ loài người.

Chim ăn bã ấy nói chuyện với  Bà-la-môn như vậy rồi bỏ đi.  Bà-la-môn vẫn ngồi như cũ.

Lại có con sói [5] đến.  Bà-la-môn trông thấy rồi lại hỏi:

“Xin chào Sói! Ngươi từ đâu lại và muốn đi đâu?”

Đáp:

“Thưa  Bà-la-môn, tôi từ suối sâu này đến suối sâu khác, từ bụi rậm này đến bụi rậm khác, từ chỗ hẻo lánh này đến chỗ hẻo lánh khác. Nay tôi muốn ăn thịt voi chết, thịt ngựa chết, thịt trâu chết. Bây giờ tôi muốn đi nhưng chỉ sợ loài người.

Sói nói chuyện với  Bà-la-môn như vậy rồi bỏ đi.  Bà-la-môn vẫn ngồi như cũ.

Lại có con quạ [6] đến, trông thấy, Bà-la-môn liền hỏi:

“Xin chào Quạ. Ngươi từ đâu đến và muốn đi đâu?”

Đáp:

“Này  Bà-la-môn, ông trán cứng, si cuồng; sao lại hỏi tôi từ đâu đến và muốn đi đâu?”

Con quạ mắng vào mặt  Bà-la-môn rồi bỏ đi.  Bà-la-môn vẫn ngồi như cũ.

Lại có con đười ươi [7] đến, Bà-la-môn trông thấy liền hỏi:

“Xin chào Đười ươi! Ngươi từ đâu đến và muốn đi đâu?”

Đáp:

“Thưa  Bà-la-môn, tôi từ vườn này đến vườn khác, từ đền miếu [8] này đến đền miếu khác, từ rừng này đến rừng khác; uống nước suối trong, ăn trái cây tốt, rồi đến đây. Nay tôi muốn đi, không sợ loài người.

Đười ươi nói chuyện cùng  Bà-la-môn như vậy rồi bỏ đi.

Phật bảo các [507a] Tỳ-kheo:

“Ta nói các thí dụ ấy là muốn các ngươi hiểu rõ nghĩa. Các ngươi nên biết, nói các thứ dụ ấy như thế, có nghĩa của nó.

“Bấy giờ, con thú rái cá nói chuyện với  Bà-la-môn như vậy rồi bỏ đi, Ta nói thí dụ này có nghĩa như thế nào? – Giả sử có Tỳ-kheo nào nương vào thôn ấp mà sống [9]. Vào buổi sáng sớm, Tỳ-kheo mang y ôm bát vào thôn khất thực mà không thủ hộ thân, không thủ hộ các căn, không an trụ chánh niệm, nhưng vị ấy lại thuyết pháp; những pháp hoặc do Phật thuyết, hoặc do Thanh văn thuyết. Nhờ đó vị ấy được lợi, như được áo chăn, đồ ăn, thức uống, giường nệm, thuốc thang, đầy đủ các nhu cầu cho sự sống. Sau khi được lợi, vị ấy càng đắm trước xúc chạm mềm mại [10], không thấy tai họa, không thể xả bỏ, mặc tình thọ dụng. Tỳ-kheo ấy thực hành ác giới, thành tựu ác pháp, đứng sát bờ mé, trở nên tệ mạt, hủ bại, không phải phạm hạnh mà tự xưng là phạm hạnh, không phải Sa-môn mà tự xưng là Sa-môn. Cũng như  Bà-la-môn thấy rái cá bèn hỏi: ‘Xin chào Rái cá! Ngươi từ đâu lại và muốn đi đâu?’ Đáp: ‘Thưa  Bà-la-môn, hồ ấy trước kia tràn đầy mạch nước trong, có nhiều ngó sen, nhiều hoa và cá, rùa. Trước tôi ở đó nhưng nay khô rang.  Bà-la-môn nên biết, tôi muốn bỏ đi vào sông lớn kia. Giờ tôi muốn đi, chỉ sợ loài người’. Ta nói, Tỳ-kheo ấy cũng lại như thế, rơi vào trong pháp ác, bất thiện,  cấu uế, tạo gốc rễ của sự hữu trong tương lai, tạo nhân khổ báo, phiền nhiệt của sanh, già, bệnh, chết. Cho nên, Tỳ-kheo chớ sống như con rái cá, chớ nương vào phi pháp để bảo tồn sự sống. Hãy tịnh hóa thân hành, tịnh hóa khẩu hành và tịnh hóa ý hành, sống trong rừng vắng [11], khoác y phấn tảo, thường hành khất thực, thứ lớp khất thực, thiểu dục tri túc, ưa sống viễn ly mà tu tập tinh cần, an trụ nơi chánh niệm, chánh trí, chánh định, chánh tuệ, thường nên viễn ly. Nên học như vậy.

“Bấy giờ chim cứu-mộ đến nói chuyện với  Bà-la-môn như vậy rồi bỏ đi. Ta nói thí dụ này có nghĩa như thế nào? Giả sử có Tỳ-kheo nào nương vào thôn ấp mà sống. Vào buổi sáng sớm, Tỳ-kheo mang y ôm bát vào thôn khất thực mà không thủ hộ thân, không thủ hộ các căn, không an trú chánh niệm, nhưng vị ấy lại vào nhà người mà thuyết pháp; những pháp hoặc do Phật thuyết, hoặc do Thanh văn thuyết. Nhờ đó vị ấy được lợi, như được áo chăn, đồ ăn, thức uống, giường nệm, thuốc thang, đầy đủ các nhu cầu cho sự sống. Sau khi được lợi, vị ấy càng đắm trước xúc chạm mềm mại, không thấy tai họa, không thể xả bỏ, mặc tình thọ dụng. Tỳ-kheo ấy thực hành ác giới, thành tựu ác pháp, đứng sát bờ mé, trở nên tệ mạt, hủ bại, không phải phạm hạnh mà tự xưng là phạm hạnh, không phải Sa-môn mà tự xưng là Sa-môn. Cũng như [507b]  Bà-la-môn thấy cứu-mộ bèn hỏi: ‘Xin chào Cứu-mộ! Ngươi từ đâu lại và muốn đi đâu?’ Đáp: ‘Thưa  Bà-la-môn, hồ ấy trước kia tràn đầy mạch nước trong, có nhiều ngó sen, hoa và cá, rùa. Trước đây tôi ở đó; nhưng nay nó khô rang.  Bà-la-môn nên biết, tôi muốn bỏ đi, đến trú ngụ ở chỗ có nhiều xác trâu chết kia, hoặc ở chỗ có lừa chết, nhiều xác người chết. Hôm nay tôi muốn đi, nhưng chỉ sợ loài người’. Ta nói, Tỳ-kheo ấy cũng lại như thế, rơi vào trong pháp ác, bất thiện,  cấu uế, tạo gốc rễ của sự hữu trong tương lai, tạo nhân khổ báo, phiền nhiệt của sanh, già, bệnh, chết. Cho nên, Tỳ-kheo chớ sống như con cứu-mộ, chớ nương vào phi pháp để bảo tồn sự sống. Hãy tịnh hóa thân hành, tịnh hóa khẩu hành và tịnh hóa ý hành, sống trong rừng vắng, khoác y phấn tảo, thường hành khất thực, thứ lớp khất thực, thiểu dục tri túc, ưa sống viễn ly mà tu tập tinh cần, an trụ nơi chánh niệm, chánh trí, chánh định, chánh tuệ, thường nên viễn ly. Nên học như vậy.

“Bấy giờ kên kên nói chuyện với  Bà-la-môn rồi bỏ đi. Ta nói thí dụ có nghĩa như thế nào? Giả sử có Tỳ-kheo nào nương vào thôn ấp mà sống. Vào buổi sáng sớm, Tỳ-kheo mang y ôm bát vào thôn khất thực mà không thủ hộ thân, không thủ hộ các căn, không an trú chánh niệm, nhưng vị ấy lại vào nhà người mà thuyết pháp; những pháp hoặc do Phật thuyết, hoặc do Thanh văn thuyết. Nhờ đó vị ấy được lợi, như được áo chăn, đồ ăn, thức uống, giường nệm, thuốc thang, đầy đủ các nhu cầu cho sự sống. Sau khi được lợi, vị ấy càng đắm trước xúc chạm mềm mại, không thấy tai họa, không thể xả bỏ, mặc tình thọ dụng. Tỳ-kheo ấy thực hành ác giới, thành tựu ác pháp, đứng sát bờ mé, trở nên tệ mạt, hủ bại, không phải phạm hạnh mà tự xưng là phạm hạnh, không phải Sa-môn mà tự xưng là Sa-môn. Giống như  Bà-la-môn thấy kên kên bèn hỏi: ‘Xin chào Kên kên, ngươi từ đâu lại và muốn đi đâu?’ Đáp: “Thưa  Bà-la-môn, tôi từ mộ lớn này đến mộ lớn khác, sát hại rồi đến đây. Nay tôi muốn ăn thịt voi chết, thịt ngựa chết, thịt trâu chết, thịt người chết. Bây giờ tôi muốn đi nhưng chỉ sợ loài người’. Ta nói thí dụ ấy cũng lại như vậy. Cho nên Tỳ-kheo chớ sống như kên kên, chớ nương vào phi pháp để bảo tồn sự sống. Hãy tịnh hóa thân hành, tịnh hóa khẩu hành và ý hành, sống trong rừngvắng, mang phấn tảo y, thường hành khất thực, thứ lớp khất thực, thiểu dục tri túc, ưa sống viễn ly mà tu tập tinh cần, trụ lập chánh niệm, chánh trí, chánh định, chánh tuệ, thường nên viễn ly. Nên học [507c] như thế.

“Bấy giờ con chim ăn bã kia nói chuyện với  Bà-la-môn rồi bỏ đi. Ta nói thí dụ ấy có nghĩa như thế nào? Giả sử có thầy Tỳ-kheo nào nương vào thôn ấp để sống. Vào lúc sáng sớm, Tỳ-kheo ấy mang y cầm bát vào thôn xóm khất thực mà không thủ hộ thân, không thủ hộ ý, không thủ hộ các căn, không an trú chánh niệm. Vị ấy vào thất của Tỳ-kheo-ni mà thuyết pháp giáo hóa; những pháp hoặc do Phật thuyết, hoặc do Thanh văn thuyết. Tỳ-kheo-ni kia đi vào nhiều nhà khác mà nói tốt nói xấu để thọ nhận phẩm vật của tín thí rồi mang về cho Tỳ-kheo ấy. Nhân đó Tỳ-kheo ấy được lợi, như được áo chăn, đồ ăn thức uống, giường nệm, thuốc thang, đầy đủ các nhu cầu cho sự sống. Sau khi được lợi, vị ấy đắm trước sự xúc chạm mềm mại, không thấy tai họa, không thể xả bỏ, mặc tình thọ dụng. Vị Tỳ-kheo ấy thực hành ác giới, thành tựu ác pháp, đứng sát bờ mé, trở nên tệ mạt hủ bại, không phải phạm hạnh mà tự xưng là phạm hạnh, không phải Sa-môn mà tự xưng là Sa-môn. Giống như  Bà-la-môn thấy chim ăn bã rồi hỏi: ‘Xin chào Ăn bã! Ngươi từ đâu lại và muốn đi đâu?’ Đáp: ‘Thưa  Bà-la-môn, ông thấy con kên kên vừa đi đó không? Tôi ăn cái mà nó nhả ra. Bây giờ tôi muốn đi nhưng chỉ sợ loài người’. Ta nói Tỳ-kheo ấy cũng lại như vậy. Cho nên Tỳ-kheo chớ sống như con chim ăn bã, chớ nương vào phi pháp để bảo tồn sự sống. Hãy tịnh hóa thân hành và tịnh hóa khẩu hành, ý hành, sống trong rừng vắng, mang y phấn tảo, thường hành khất thực, thứ lớp khất thực, thiểu dục tri túc, ưa sống viễn ly mà tu tập tinh cần, trú lập chánh niệm, chánh trí, chánh định, chánh tuệ, thường phải viễn ly. Nên học như thế.

“Bấy giờ con sói nói chuyện với  Bà-la-môn rồi bỏ đi. Ta nói ví dụ này có nghĩa như thế nào? Giả sử có một Tỳ-kheo sống tại một thôn nghèo. Nếu Tỳ-kheo biết trong thôn ấp có nhiều bậc trí tuệ tinh tấn phạm hạnh thì liền tránh đi. Nếu biết trong thôn ấp và thành quách không có bậc trí tuệ tinh tấn phạm hạnh nào thì đến ở, suốt chín tháng hoặc mười tháng. Các Tỳ-kheo khác thấy liền hỏi: ‘Hiền giả trú xứ nào?’ Tỳ-kheo ấy đáp: ‘Tôi sống tại thôn nghèo kia’. Các Tỳ-kheo nghe xong liền nghĩ: Hiền giả này làm việc khó làm. Lý do vì sao? Vì Hiền giả này có thể sống tại thôn nghèo ấy’. Các Tỳ-kheo ấy liền cùng cung kính, đảnh lễ, cúng dường. Nhân đó vị Tỳ-kheo ấy được lợi ích, như được áo chăn, đồ ăn thức uống, giường nệm, thuốc thang, đầy đủ các nhu cầu cho sự sống. Sau khi được lợi, vị ấy lại đắm trước thêm, không thấy [508a] tai họa, không thể xả bỏ, mặc tình thọ dụng. Tỳ-kheo ấy thực hành ác giới, thành tựu ác pháp, đứng sát bờ mé, trở thành tệ mạt, hủ bại, không phải phạm hạnh mà tự xưng là phạm hạnh, không phải Sa-môn mà tự xưng là Sa-môn. Giống như  Bà-la-môn thấy con sói rồi hỏi: ‘Xin chào Sói! Ngươi từ đâu lại và đi về đâu?’ Đáp: ‘Thưa  Bà-la-môn, tôi từ suối sâu này đến suối sâu khác, từ bụi rậm này đến bụi rậm khác, từ chốn hẻo lánh này đến chốn hẻo lánh khác rồi đến đây. Nay tôi muốn ăn thịt voi chết, thịt ngựa chết, thịt trâu chết, thịt người chết. Giờ tôi muốn đi nhưng chỉ sợ loài người’. Ta nói Tỳ-kheo ấy lại cũng như vậy. Cho nên Tỳ-kheo chớ sống như con sói, chớ nên nương theo phi pháp để bảo tồn mạng sống. Hãy tịnh hóa thân hành, tịnh hóa khẩu hành và ý hành, sống trong rừng vắng, mang y phấn tảo, thường hành khất thực, thứ lớp khất thực, thường hành thiểu dục tri túc, ưa sống viễn ly mà tu tập tinh cần, trụ lập chánh niệm chánh trí, chánh định, chánh tuệ, thường phải viễn ly. Nên tu học như vậy.

“Bấy giờ chim quạ mắng vào mặt  Bà-la-môn rồi bỏ đi. Ta nói ví dụ ấy có nghĩa thế nào? Giả sử có Tỳ-kheo nào nương nơi vô sự xứ nghèo nàn mà an cư tọa hạ. Nếu Tỳ-kheo ấy biết trong thôn ấp và thành quách có nhiều bậc trí tuệ tinh tấn phạm hạnh thì liền tránh đi. Nếu biết trong thôn ấp và thành quách không có bậc trí tuệ, tinh tấn phạm hạnh nào thì đến ở hai, ba tháng. Các Tỳ-kheo khác thấy, liền hỏi: ‘Hiền giả tọa hạ nơi nào?’ Đáp rằng: ‘Chư Hiền, hiện giờ tôi nương nơi vô sự xứ nghèo nàn kia mà an cư tọa hạ. Tôi không giống như bọn ngu si kia, làm sẳn giường chõng, rồi sống trong đó với năm sự đầy đủ [12], buổi sáng rồi buổi chiều, buổi chiều rồi buổi sáng, miệng chạy theo vị, vị trôi theo miệng, cầu rồi lại cầu, xin rồi lại xin’. Lúc các Tỳ-kheo nghe xong, liền nghĩ: “Hiền giả này làm những việc khó làm. Lý do vì sao? Hiền giả này có thể nương nơi xóm rừng nghèo nàn kia mà an cư tọa hạ’. Các Tỳ-kheo ấy liền cùng cung kính, lễ bái, cúng dường. Nhân đó vị Tỳ-kheo ấy được lợi, như được áo chăn, đồ ăn thức uống, giường nệm thuốc thang, đầy đủ các nhu cầu cần cho sự sống. Sau khi được lợi, vị Tỳ-kheo ấy lại đắm trước sự xúc chạm mềm mại, không thấy tai họa, không thể xả bỏ, mặc tình sử dụng. Tỳ-kheo ấy thực hành ác giới, thành tựu ác pháp, đứng sát bờ mé, trở thành tệ mạt hủ bại, không phải phạm hạnh mà tự xưng là phạm hạnh, không phải Sa-môn mà tự xưng là Sa-môn. Giống như  Bà-la-môn thấy chim quạ rồi hỏi: ‘Xin chào [508b] Quạ! Ngươi từ đâu đến và muốn đi về đâu?’ Đáp: ‘Này  Bà-la-môn, ông là kẻ trán cứng, cuồng si, làm sao hỏi tôi rằng: ‘Ngươi từ đâu lại và muốn đi về đâu?’ Ta nói Tỳ-kheo ấy lại cũng như vậy. Cho nên Tỳ-kheo chớ sống như con quạ, chớ nương theo phi pháp để bảo tồn sự sống. Hãy tịnh hóa thân hành, tịnh hóa khẩu hành và ý hành, sống trong rừng vắng, mang y phấn tảo, thường hành khất thực, thứ lớp khất thực, thiểu dục tri túc, ưa sống viễn ly mà tu tập tinh cần, trú lập chánh niệm, chánh trí, chánh định, chánh tuệ, thường viễn ly. Nên học như thế.

“Con đười ươi kia nói chuyện với  Bà-la-môn rồi bỏ đi, Ta nói ví dụ ấy có nghĩa thế nào? Giả sử có Tỳ-kheo nương vào thôn ấp mà sống. Vào buổi sáng sớm, Tỳ-kheo ấy mang y cầm bát vào thôn khất thực, khéo thủ hộ thân, gìn giữ các căn, vững vàng chánh niệm. Từ thôn ấp khất thực rồi, ăn xong. Sau khi thu xếp y bát, rửa tay chân xong vắt ni-sư-đàn lên vai, đi đến nơi rừng vắng, hoặc đến dưới gốc cây, hoặc vào nhà trống, trải ni-sư-đàn mà ngồi kiết già, chánh thân, chánh nguyện, chuyên niệm hướng nội, đoạn trừ tham lam, muốn cho mình được tâm không não hại; thấy của cải và vật dụng sinh tồn của người khác không móng khởi tâm tham lam mong sẽ được về mình. Đối với tâm tham lam vị ấy đã tịnh trừ. Cũng vậy, đối với sân nhuế, thùy miên, trạo hối, đoạn nghi, độ hoặc, ở trong thiện pháp không còn do dự. Đối với tâm nghi hoặc, vị ấy đã tịnh trừ. Vị ấy đã tịnh trừ năm triền cái này, chúng làm cho tâm  cấu uế, trí yếu kém; ly dục, ly pháp ác bất thiện, cho đến, chứng đắc Tứ thiền, thành tựu và an trụ. Vị ấy chứng đắc định tâm như vậy, thanh tịnh không uế, không phiền, nhu nhuyến, bất động, hướng đến chứng ngộ lậu tận trí thông, rồi vị ấy liền biết như thật rằng: ‘Đây là Khổ, đây là Khổ tập, đây là Khổ diệt và đây là Khổ diệt đạo’. Biết như thật rằng: ‘Đây là lậu, đây là lậu tập, đây là lậu diệt và đây là lậu diệt đạo’. Sau khi đã biết như vậy, đã thấy như vậy, tâm giải thoát dục lậu, tâm giải thoát hữu lậu, tâm giải thoát vô minh lậu. Sau khi giải thoát, biết như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Giống như  Bà-la-môn thấy đười ươi rồi hỏi: ‘Xin chào Đười ươi! Ngươi từ đâu lại và đi về đâu?’ Đáp: ‘Thưa  Bà-la-môn, tôi từ vườn này đến vườn khác, từ đền miếu này [508c] đến đền miếu khác, từ rừng này đến rừng khác, uống nước suối trong, ăn trái cây tốt. Nay tôi muốn đi, chẳng sợ loài người’. Ta nói Tỳ-kheo kia lại cũng như vậy. Cho nên Tỳ-kheo chớ sống như loài rái cá, chớ sống như chim cứu-mộ, chớ sống như kên kên, chớ sống như chim ăn bã, chớ sống như con sói, chớ sống như quạ, mà nên sống như đười ươi. Lý do vì sao? Bởi vì Bậc Vô trước chân nhân trong thế gian giống như đười ươi.

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

66. KINH THUYẾT BỔN

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú tại Ba-la-nại, trú ở Tiên nhân đọa xứ, trong vườn Lộc dã.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo sau bữa ăn trưa, vì một nhân duyên nhỏ nên tụ tập ngồi tại giảng đường cùng bàn luận vấn đề này:

“Thế nào Chư Hiền, trong hàng cư sĩ tại gia, ai là người thù Thắng Lâm? Phải chăng là người có các Tỳ-kheo trì giới, diệu pháp, thành tựu oai nghi đến nhà thọ thực? Hay là người mà lợi lộc cứ tăng lên mỗi ngày, gấp trăm ngàn vạn lần?”

Hoặc có Tỳ-kheo nói rằng:

“Này Chư Hiền, lợi lộc gấp trăm ngàn vạn lần thì có nghĩa lý gì! Chỉ có điều này là chí yếu: nếu có một Tỳ-kheo trì giới diệu pháp, thành tựu oai nghi mà đến nhà thọ thực, chứ không phải là ngày ngày được lợi lộc gấp trăm ngàn vạn lần.”

Lúc đó, Tôn giả A-na-luật cùng ngồi trong chúng. Bấy giờ Tôn giả A-na-luật nói với các Tỳ-kheo rằng:

“Này Chư Hiền, lợi lộc gấp trăm ngàn vạn lần thì có nghĩa gì? Giả sử có nhiều hơn nữa thì chỉ có điều này là chí yếu: nếu có một Tỳ-kheo trì giới diệu pháp, thành tựu oai nghi đến nhà thọ thực, chứ không phải ngày ngày lợi lộc càng tăng gấp trăm ngàn vạn lần. Vì sao? Tôi nhớ, thuở xưa, tôi là một người nghèo khổ ở nước Ba-la-nại này, chỉ nhờ lượm mót gánh của khách mà sống [13]. Lúc ấy nước Ba-la-nại bị hạn hán, sương móc và trùng hoàng làm cho ngũ cốc không thể chín được. Nhân dân túng thiếu, kiếm xin khó được. Bấy giờ có một vị Bích-chi-phật hiệu là Vô Hoạn [14], trú tại Ba-la-nại này. Lúc ấy, vào buổi sáng sớm, Bích-chi-phật Vô Hoạn mang y cầm bát vào Ba-la-nại khất thực. Bấy giờ tôi đi ra khỏi Ba-la-nại vào lúc sớm để đi lượm mót. Này Chư Hiền, khi đang đi ra, [509a] tôi thấy từ xa Bích-chi-phật Vô Hoạn đi vào thành. Lúc Bích-chi-phật Vô Hoạn cầm tịnh bát đi vào thế nào thì lúc đi ra tịnh bát vẫn y như cũ.

“Này Chư Hiền, khi tôi lượm mót rồi trở về Ba-la-nại, tôi lại thấy Bích-chi-phật Vô Hoạn đi ra. Ngài thấy tôi liền nghĩ: ‘Sáng sớm, lúc Ta đi vào thì thấy người này đi ra. Bấy giờ ta trở ra lại thấy người này trở vào. Người này có thể chưa ăn. Nay ta hãy đi theo người này’. Rồi Bích-chi-phật đi theo tôi như bóng theo hình.

“Này Chư Hiền, khi tôi mang đồ lượm mót về đến nhà, bỏ gánh xuống và quay lại nhìn thì thấy Bích-chi-phật Vô Hoạn đi đến, theo sau tôi bén gót, như bóng theo hình. Tôi thấy Ngài, liền nghĩ: ‘Sáng sớm, lúc đi ra, mình thấy vị Tiên nhân này đi vào thành khất thực. Bây giờ vị Tiên nhân này có lẽ chưa có gì ăn. Ta hãy sớt bớt phần ăn của mình cho Tiên nhân này’. Nghĩ như vậy xong, tôi liền mang phần cơm bố thí cho Đức Bích-chi-phật và bạch rằng: ‘Mong Tiên nhân biết cho, cơm này là phần ăn của con. Vì lòng từ mẫn, mong ngài thương xót nhận cho’. Bấy giờ, vị Bích-chi-phật tức thì trả lời tôi rằng: ‘Cư sĩ nên biết, năm nay hạn hán, sương móc và trùng hoàng làm cho ngũ cốc không thể chín được. Nhân dân túng thiếu, kiếm xin khó được. Thí chủ có thể bớt phân nửa bỏ vào trong bát của ta và dùng phân nửa kia, cả hai cùng được sống còn. Như vậy đã là tốt rồi’. Tôi lại thưa rằng: ‘Tiên nhơn, xin biết cho, trong nhà con sẵn có chảo, có bếp, có củi, có thóc gạo, ăn uống sớm muộn cũng chẳng cần đúng giờ giấc. Tiên nhơn, xin hãy thương xót con mà nhận hết thức ăn này’. Bấy giờ Tiên nhân vì lòng từ mẫn mà nhận hết.

“Này Chư Hiền, tôi nhân phước bố thí cho Tiên nhân kia một bát cơm mà bảy lần tái sanh vào cõi trời, được làm Thiên vương; bảy lần tái sanh vào loài người lại làm bậc Nhân chủ.

“Này Chư Hiền, tôi nhân phước bố thí cho Tiên nhân kia một bát cơm mà được sanh vào dòng họ Thích như thế này [15], giàu có cùng tột, súc vật chăn nuôi vô số, phòng hộ, thực ấp, của cải vô lượng, châu báu đầy đủ.

“Này Chư Hiền, tôi nhân phước bố thí cho Tiên nhân kia một bát cơm nên xả bỏ được địa vị chủ nhân của trăm ngàn thể nữ [16], vàng bạc và vô số những tài vật khác nữa, xuất gia học đạo.

“Này Chư Hiền, tôi nhân bố thí cho Tiên nhân kia một bát cơm mà được vua chúa, vương thần, Bà-la-môn, cư sĩ và tất cả nhân dân thấy là tiếp đãi; bốn chúng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc và Ưu-bà-di thấy thì kính trọng.

“Này Chư Hiền, tôi nhân bố thí một bát cơm kia mà thường được người thỉnh cầu thọ nhận đồ ăn thức uống, áo chăn, [509b] đệm lông, thảm dệt, giường nệm, thuốc thang trị bệnh và các dụng cụ cần cho sự sống; không gì là không được thỉnh cầu. Lúc bấy giờ nếu tôi biết vị Sa-môn ấy là Bậc Vô Sở Trước Chân Nhân thì phước báo được thu hoạch chắc chắn gấp bội, thọ nhận đại quả báo công đức cực diệu, ánh sáng soi chiếu, thấu suốt rất rộng, rất lớn, cùng khắp.”

Bấy giờ Tôn giả A-na-luật, bậc Vô Sở Trước Chân Nhân [17], được chánh giải thoát, nói bài tụng rằng:

Tôi nhớ, xưa nghèo nàn,

Chỉ nhặt cỏ mà sống.

Bớt phần, cúng Sa-môn

Vô Hoạn tối thượng đức.

Nhân đó sanh dòng Thích,

Tên là A-na-luật.

Hiểu rành về ca vũ;

Làm nhạc, thường hoan hỷ.

Tôi được gặp Thế Tôn

Chánh giác, như cam lồ.

Đã gặp, sanh tín tâm,

Bỏ nhà đi học đạo.

Tôi biết được đời trước,

Biết chỗ sanh trước kia;

Sanh Tam Thập Tam Thiên,

Bảy lần trú ở đó.

Đó bảy, đây cũng bảy;

Thọ sanh mười bốn lần,

Nhân gian và thiên thượng,

Chưa từng đọa ác đạo.

Nay biết rõ sanh tử,

Nơi chúng sanh qua lại;

Biết tâm người thị phi;

Hiền thánh, năm lạc thú;

Chứng năm chi thiền định [18],

Thường định, tâm tĩnh mặc [19].

Đã chứng đắc tịch tịnh

Liền đắc tịnh thiên nhãn.

Mục đích là học đạo;

Viễn ly, bỏ gia đình;

Nay ta đạt nghĩa ấy

Được vào cảnh giới Phật.

Ta không vui sự chết,

Cũng chẳng mong sự sanh;

Thời nào cũng tự tại,

Kiến lập chánh niệm trí.

Tỳ-da-ly, Trúc lâm [20],

Ở đây, mạng ta dứt;

Ngay dưới rừng trúc này,

Nhập Vô dư Niết-bàn.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn ở chỗ tĩnh tọa, bằng thiên nhĩ thanh tịnh vượt xa hơn người thường, nghe các Tỳ-kheo sau bữa ăn trưa tụ tập tại giảng đường cùng bàn luận về vấn đề ấy. Nghe xong, vào buổi xế chiều, Đức Thế Tôn rời chỗ tĩnh tọa đứng dậy, đi đến giảng đường, trải chỗ ngồi trước chúng Tỳ-kheo mà ngồi, rồi hỏi rằng:

“Này các Tỳ-kheo, hôm nay các ngươi [509c] vì chuyện gì mà tụ tập tại giảng đường?”

Các Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, hôm nay vì Tôn giả A-na-luật nhân chuyện quá khứ mà thuyết pháp nên chúng con tụ tập tại giảng đường.”

Rồi thì, Đức Thế Tôn nói:

“Bây giờ các ngươi có muốn nghe nhân chuyện vị lai mà Phật thuyết pháp chăng?”

Các Tỳ-kheo thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, nay thật đúng thời. Bạch Thiện Thệ, nay thật đúng thời. Nếu Thế Tôn nhân chuyện vị lai mà thuyết pháp cho các Tỳ-kheo, thì các Tỳ-kheo sau khi nghe sẽ khéo thọ trì.”

Đức Thế Tôn nói:

“Này các Tỳ-kheo, hãy lắng nghe và khéo mà thọ trì, suy nghĩ, ghi nhớ! Ta phân biệt diễn thuyết rộng rãi cho các ngươi.”

Bấy giờ các Tỳ-kheo vâng lời ngồi nghe. Đức Thế Tôn nói:

“Này các Tỳ-kheo, một thời gian lâu xa ở vị lai, sẽ có lúc mà nhân dân thọ đến tám vạn tuổi. Lúc con người thọ đến tám vạn tuổi thì châu Diêm-phù này giàu có cùng tột, an lạc cùng tột, dân chúng đông đúc, thôn ấp gần nhau bằng khoảng cách của con gà bay.

“Này các Tỳ-kheo, lúc con người thọ đến tám vạn tuổi thì con gái đến năm trăm tuổi mới lấy chồng.

“Này các Tỳ-kheo, lúc con người thọ tám vạn tuổi [21] thì chỉ những bệnh như thế này: nóng, lạnh, đại tiểu tiện, tham dục, ăn uống, già [22] và ngoài ra không có tai họa nào khác.

Này các Tỳ-kheo, lúc con người thọ tám vạn tuổi có vua tên là Loa [23], là Chuyển luân vương, thông minh trí tuệ, có bốn loại quân chỉnh trị thiên hạ, tự do tự tại, là Pháp vương theo đúng như pháp, thành tựu bảy báu. Bảy báu là: xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu, tướng quân báu. Đó là bảy báu.  vua có đầy đủ một ngàn người con trai, dung mạo khôi ngô, dũng mãnh, không khiếp sợ, hàng phục được địch quân.  vua thống lĩnh quả đất này cho đến bờ biển, không dùng đao gậy mà chỉ đem pháp để trị hóa, khiến dân chúng được an lạc. Có cây phướn bằng vàng lớn, [24] được trang hoàng bằng các thứ châu báu, treo cao một ngàn khuỷu tay, chu vi mười tám khuỷu tay, sẽ do  vua dựng lên. Sau khi dựng xong, ngay phía dưới tổ chức bố thí cho Sa-môn, Bà-la-môn, người nghèo khổ cô độc từ các phương xa lại xin, đem đồ ăn thức uống, áo chăn, xe cộ, tràng hoa, bột hoa, bột hương, nhà cửa, giường nệm, đệm lông, khăn quấn và cung cấp dầu đèn... Sau khi bố thí như vậy,  vua cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo. Mục đích mà thiện gia nam tử kia cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, duy chỉ cầu đắc vô thượng phạm hạnh, ngay trong đời này mà tự tri tự giác, tự thân chứng ngộ, thành tựu và an trú, biết như thật rằng: Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa.”

Bấy giờ có Tôn giả [510a] A-di-đa [25] đang ngồi trong chúng. Tôn giả A-di-đa từ chỗ ngồi đứng dậy, kéo lệch tay áo đang mặc, chắp tay hướng về Đức Phật mà bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn! Một thời gian lâu dài ở vị lai, lúc con người thọ đến tám vạn tuổi, con sẽ có thể được làm vua, hiệu là Loa, là Chuyển luân vương, thông minh trí tuệ, có bốn loại quân chỉnh trị thiên hạ, tự do tự tại, là vị Pháp vương theo đúng như pháp, thành tựu bảy báu. Bảy báu là xe báu, ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu, tướng quân báu, đó là bảy báu. Con sẽ có đủ một ngàn người con dung mạo khôi ngô, dũng mãnh không khiếp sợ, hàng phục được địch quân. Con sẽ thống lĩnh trọn quả đất này cho đến biển cả, không dùng dao gậy, chỉ đem pháp giáo hóa, khiến cho nhân dân an lạc. Con sẽ có cây phướn lớn bằng vàng, được trang hoàng bằng các loại châu báu, treo cao một ngàn khuỷu tay, do con dựng lên. Sau khi dựng xong, ngay bên dưới, tổ chức bố thí cho hàng Sa-môn, Bà-la-môn, kẻ khốn khổ cô độc từ phương xa lại xin, đem đồ ăn thức uống, áo chăn, xe cộ, tràng hoa, bột hương, nhà cửa, giường nệm, nệm lông, khăn quấn và cung cấp đèn dầu. Sau khi bố thí xong, con liền cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, xuất gia học đạo. Con sẽ vì mục đích mà thiện gia nam tử cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, duy chỉ cầu đắc vô thượng phạm hạnh, ngay trong đời này mà tự tri tự giác, tự thân chứng ngộ, thành tựu và an trú, biết như thật rằng: Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa.”

Bấy giờ Đức Thế Tôn quở Tôn giả A-di-đa rằng:

“Ngươi là kẻ ngu si, chỉ nên chết thêm một lần, sao lại mong một lần tái sanh nữa? Vì sao như thế? Vì ngươi nghĩ rằng: Bạch Thế Tôn! Một thời gian lâu dài ở vị lai, lúc con người thọ đến tám vạn tuổi, con có thể được làm vua, hiệu là Loa, là Chuyển luân vương, thông minh trí tuệ, có bốn loại quân chỉnh trị thiên hạ, tự do tự tại, là vị Pháp vương theo đúng như pháp, thành tựu bảy báu. Bảy báu là xe báu, ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu, tướng quân báu, đó là bảy báu. Con có đủ một ngàn người con dung mạo khôi ngô, dũng mãnh không khiếp sợ, hàng phục được địch quân. Con thống lĩnh trọn quả đất này cho đến biển cả, không dùng dao gậy, chỉ đem pháp giáo hóa, khiến cho nhân dân an lạc. Con có cây phướn lớn bằng vàng, được trang hoàng bằng các loại châu báu, treo cao một ngàn khuỷu tay, do con dựng lên. Sau khi dựng xong, ngay bên dưới, tổ chức bố thí cho hàng Sa-môn, Bà-la-môn, kẻ khốn khổ cô độc từ [510b] phương xa lại xin, đem đồ ăn thức uống, áo chăn, xe cộ, tràng hoa, bột hương, nhà cửa, giường nệm, nệm lông, khăn quấn và cung cấp đèn dầu. Sau khi bố thí xong, con liền cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, xuất gia học đạo. Con vì mục đích mà thiện gia nam tử cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, duy chỉ cầu đắc vô thượng phạm hạnh, ngay trong đời này mà tự tri tự giác, tự thân chứng ngộ, thành tựu và an trú, biết như thật rằng: Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa.”

Đức Thế Tôn bảo rằng:

“Này A-di-đa! Một thời gian lâu dài ở vị lai, ngươi sẽ làm vua hiệu là Loa, một vị Chuyển luân vương, thông minh trí tuệ, có bốn loại quân chỉnh trị thiên hạ, tự do tự tại, là vị Pháp vương theo đúng như pháp, thành tựu bảy báu. Bảy báu đó là xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu và tướng quân báu, đó là bảy báu. Ngươi sẽ có đủ một ngàn người con dung mạo khôi ngô, dũng mãnh không khiếp sợ, hàng phục được địch quân. Ngươi sẽ thống lĩnh toàn quả đất này cho đến biển cả, không dùng dao gậy, chỉ đem pháp giáo hóa khiến cho nhân dân an lạc. Ngươi sẽ có một cây phướn lớn bằng vàng, được trang hoàng bằng các loại châu báu, dựng cao một ngàn khuỷu tay, do ngươi dựng lên. Sau khi dựng lên, ngay bên dưới, tổ chức bố thí cho hàng Sa-môn, Bà-la-môn, kẻ cùng khổ, cô độc từ các phương xa lại xin; đem đồ ăn, thức uống, áo chăn, xe cộ, tràng hoa, bột hoa, bột hương, nhà cửa, giường nệm, nệm lông, khăn quấn, cung cấp đèn dầu... Sau khi bố thí xong, ngươi liền cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo. Ngươi vì mục đích mà thiện gia nam tử cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, chỉ vì cầu vô thượng phạm hạnh, ngay trong đời hiện tại mà tự tri, tự giác, tự thân chứng đắc, thành tựu và an trú, biết như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.”

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Một thời gian lâu dài ở thời vị lai, lúc con người thọ tám vạn tuổi sẽ có Đức Phật hiệu là Di-lặc [26], Như Lai Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn; cũng như hôm nay Ta đã thành vị Như Lai Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.

“Đức Phật ấy ở trong đời này gồm Chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, từ người cho đến trời, mà tự tri tự giác, tự thân chứng đắc, thành tựu và an trụ. Cũng như hôm nay Ta ở trong đời này gồm Chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, từ người cho đến trời, mà tự tri tự giác, tự thân chứng đắc, thành tựu và an trụ.

“Đức Phật ấy sẽ thuyết pháp, phần đầu vi diệu, phần giữa vi diệu và phần sau cũng vi diệu, có nghĩa, có văn, hiển hiện phạm hạnh đầy đủ thanh tịnh. Cũng như Ta hôm nay, thuyết pháp phần đầu vi diệu, phần giữa vi diệu và phần sau cũng vi diệu, có nghĩa, có văn, hiển hiện phạm hạnh đầy đủ thanh tịnh.

“Đức Phật ấy sẽ quảng diễn, lưu bố phạm hạnh với những đại hội vô lượng, từ người cho đến trời, khéo phát khởi, hiển hiện. Cũng như Ta hôm nay quảng diễn, lưu bố phạm hạnh với những đại hội vô lượng, từ người cho đến trời, khéo phát khởi, hiển hiện.

“Đức Phật ấy sẽ có vô lượng trăm ngàn chúng Tỳ-kheo, cũng như Ta hôm nay có vô lượng trăm ngàn chúng Tỳ-kheo [27].”

Bấy giờ Tôn giả Di-lặc đang ở trong chúng ấy, từ chỗ ngồi đứng dậy, kéo lệch áo đang mặc, vòng tay hướng về Đức Phật, thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn! Một thời gian lâu dài ở thời vị lai, lúc con người thọ mạng đến tám vạn tuổi, con sẽ thành Phật hiệu là Di-lặc Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Cũng như bây giờ Đức Thế Tôn là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.

“Con sẽ ở trong đời này gồm Chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, từ người cho đến trời, mà tự tri tự giác, tự thân chứng đắc, thành tựu và an trụ. Cũng như hôm nay Thế Tôn ở trong đời này gồm Chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, từ người cho đến trời, mà tự tri tự giác, tự thân chứng đắc, thành tựu và an trụ.

“Con sẽ thuyết pháp, phần đầu vi diệu, phần giữa vi diệu và phần sau cũng vi diệu, có nghĩa, có văn, hiển hiện phạm hạnh đầy đủ thanh tịnh. Cũng như Thế Tôn hôm nay, thuyết pháp phần đầu vi diệu, phần giữa vi diệu và phần sau cũng vi diệu, có nghĩa, có văn, hiển hiện phạm hạnh đầy đủ thanh tịnh.

“Con sẽ quảng diễn, lưu bố phạm hạnh với những đại hội vô lượng, từ người cho đến trời, khéo phát khởi, hiển hiện. Cũng như Thế Tôn hôm nay quảng diễn, lưu bố phạm hạnh với những đại hội vô lượng, từ người cho đến trời, khéo phát khởi hiển hiện.

“Con sẽ có vô lượng trăm ngàn chúng Tỳ-kheo, cũng như hiện giờ Thế Tôn có vô lượng trăm ngàn chúng Tỳ-kheo.”

Bấy giờ Đức Thế Tôn tán thán Tôn giả Di-lặc rằng:

“Lành thay! Lành thay! Di-lặc, ngươi phát tâm cực diệu là dẫn lãnh đại chúng. Lý do vì sao? Vì ngươi đã nghĩ:

“– Bạch Thế Tôn! Một thời gian lâu dài ở thời vị lai, lúc con người thọ mạng đến tám vạn tuổi, con sẽ [511a] thành Phật hiệu là Di-lặc Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên nhân sư, Phật, Thế Tôn. Cũng như bây giờ Đức Thế Tôn là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Con sẽ ở trong đời này gồm Chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, từ người cho đến trời, mà tự tri tự giác, tự thân chứng đắc, thành tựu và an trụ. Cũng như hôm nay Thế Tôn ở trong đời này gồm Chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, từ người cho đến trời, mà tự tri tự giác, tự thân chứng đắc, thành tựu và an trụ. Con sẽ thuyết pháp, phần đầu vi diệu, phần giữa vi diệu và phần sau cũng vi diệu, có nghĩa, có văn, hiển hiện phạm hạnh đầy đủ thanh tịnh. Cũng như Thế Tôn hôm nay, thuyết pháp phần đầu vi diệu, phần giữa vi diệu và phần sau cũng vi diệu, có nghĩa, có văn, hiển hiện phạm hạnh đầy đủ thanh tịnh. Con sẽ quảng diễn, lưu bố phạm hạnh với những đại hội vô lượng, từ người cho đến trời, khéo phát khởi, hiển hiện. Cũng như Thế Tôn hôm nay quảng diễn, lưu bố phạm hạnh với những đại hội vô lượng, từ người cho đến trời, khéo phát khởi hiển hiện.”

Đức Phật lại nói:

“Này Di-lặc, vào một thời gian lâu dài ở thời vị lai, lúc con người thọ đến tám vạn tuổi, ngươi sẽ thành Phật hiệu là Di-lặc Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Giống như Ta hiện nay là Như Lai Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.

“Ngươi sẽ ở trong đời này gồm Chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, từ người cho đến trời, mà tự tri tự giác, tự thân chứng đắc, thành tựu và an trụ. Cũng như hôm nay Ta ở trong đời này gồm Chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, từ người cho đến trời, mà tự tri tự giác, tự thân chứng đắc, thành tựu và an trụ.

“Ngươi sẽ thuyết pháp, phần đầu vi diệu, phần giữa vi diệu và phần sau cũng vi diệu, có nghĩa, có văn, hiển hiện phạm hạnh đầy đủ thanh tịnh. Cũng như Ta hôm nay, thuyết pháp phần đầu vi diệu, phần giữa vi diệu và phần sau cũng vi diệu, có nghĩa, có văn, hiển hiện phạm hạnh đầy đủ thanh tịnh.

“Ngươi sẽ quảng diễn, lưu bố phạm hạnh với những đại hội vô lượng, từ người cho đến trời, khéo phát khởi, hiển hiện. Cũng như Ta hôm nay quảng diễn, lưu bố phạm hạnh với những đại hội vô lượng, từ người cho đến trời, khéo phát khởi hiển hiện.

“Ngươi sẽ có vô lượng trăm ngàn chúng Tỳ-kheo, cũng như hiện giờ Ta có vô lượng trăm ngàn chúng Tỳ-kheo.”

Bấy giờ, Tôn giả A-nan cầm quạt đứng hầu Phật. Lúc đó, [511b] Đức Thế Tôn quay lại bảo:

“Này A-nan, ngươi hãy lấy tấm y được dệt bằng sợi tơ vàng dệt mang lại đây. Nay Ta muốn cho Tỳ-kheo Di-lặc.”

Bấy giờ Tôn giả A-nan vâng lời Đức Thế Tôn, liền lấy tấm y được dệt bằng sợi tơ vàng dệt mang lại trao cho Đức Thế Tôn. Sau khi Đức Thế Tôn nhận tấm y được dệt bằng chỉ vàng từ Tôn giả A-nan, Ngài bảo:

“Này Di-lặc, ngươi hãy nhận tấm y được dệt bằng chỉ vàng này từ Như Lai mà bố thí cho Phật, Pháp và Đại chúng. Lý do vì sao? Này Di-lặc, các Đức Như Lai Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác vì muốn cứu hộ thế gian và mong cầu thiện lợi và hữu ích, mong an ổn khoái lạc.”

Bấy giờ Tôn giả Di-lặc nhận lấy tấm y dệt bằng chỉ vàng từ Đức Như Lai xong, liền dâng cúng cho Phật, Pháp và Đại chúng.

Lúc ấy Ma Ba-tuần liền nghĩ: “Sa-môn Cù-đàm này đang trú tại Ba-la-nại, ở trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ. Vị ấy nhân chuyện vị lai mà thuyết pháp cho các đệ tử. Ta hãy đến đấy để gây nhiễu loạn.”

Rồi Ma Ba-tuần đi đến chỗ Đức Phật, hướng về Ngài và nói bài tụng rằng:

Người ấy tất sẽ được

Dung mạo diệu đệ nhất;

Thân tràng hoa anh lạc,

Ngọc sáng đeo cánh tay.

Nếu ở thành Kê-đầu [28],

Trong bờ cõii vua Loa.

Bấy giờ Đức Thế Tôn nghĩ rằng: “Ma Ba-tuần này đến chỗ Ta muốn gây nhiễu loạn.” Đức Thế Tôn sau khi đã biết là Ma Ba-tuần liền nói bài tụng:

Người ấy tất sẽ được

Tối Thắng Lâm [29] không nghi ngại

Dứt sanh, lão, bệnh, tử;

Vô lậu, việc làm xong.

Ai tu hành phạm hạnh,

Sẽ ở cõi Di-lặc.

Ma Ba-tuần lại nói bài kệ:

Người ấy tất sẽ được

Y phục tối thượng diệu;

Thân ướp trầm chiên-đàn,

Tay chân đầy châu ngọc;

Nếu ở thành Kê-đầu

Sẽ ở cõi Loa vương.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại nói bài tụng:

Người ấy tất sẽ được

Vô chủ và vô gia;

Tay không cầm vàng ngọc,

Vô vi, không sầu não;

Nếu tu hành phạm hạnh,

Sẽ ở cõi Di-lặc.

 [511c] Ma Ba-tuần lại nói bài tụng:

Người kia tất sẽ được

Danh, tài, ẩm thực diệu;

Khéo hiểu rành ca vũ,

Tạo nhạc, thường hoan hỷ;

Sẽ ở cõi Loa vương.

Bấy giờ Đức Thế Tôn lại nói bài tụng:

Người ấy tất qua bờ;

Như chim phá lưới ra;

Chứng trụ thiền tự tại;

Đủ lạc, thường hoan hỷ.

Này Ma, ngươi nên biết,

Ta đã hàng phục ngươi.

Lúc đó Ma vương lại nghĩ: “Thế Tôn biết ta. Thiện Thệ biết ta.” Nghĩ vậy, nó buồn bã, sầu não, không thể ở lại, liền biến mất, không thấy ở chỗ ấy nữa.

Phật thuyết như vậy. Tôn giả Di-lặc, A-di-đa, A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành. [30]

67. KINH ĐẠI THIÊN NẠI LÂM

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại nước Tì-đà-đề cùng với đại chúng Tỳ-kheo, đi đến Di-tát-la, trú trong rừng xoài của Đại Thiên [31].

Bấy giờ đang giữa đường đi, Đức Thế Tôn mỉm cười rạng rỡ. Tôn giả A-nan thấy Đức Thế Tôn mỉm cười liền chắp tay hướng về Phật, thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, vì nhân duyên gì mà Ngài mỉm cười? Các Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, nếu không có nhân duyên gì thì không bao giờ mỉm cười. Mong Ngài nói cho con được biết ý đó.”

Đức Thế Tôn bảo:

“Này A-nan, thuở xưa, trong rừng xoài, thuộc xứ Di-tát-la này, ở đây có Vua tên là Đại Thiên [32], là [512a] Chuyển luân vương, thông minh trí tuệ, có bốn loại quân chỉnh trị thiên hạ, tự do tự tại, là vị Pháp vương như pháp, thành tựu bảy báu, được bốn đức như ý của loài người.

“Này A-nan, Vua Đại Thiên ấy thành tựu bảy báu là những gì? Đó là, bánh xe báu, voi báu, ngọc báu, nữ báu, ngựa báu, cư sĩ báu, tướng quân báu. Đó là bảy báu.

“Này A-nan, Vua Đại Thiên thành tựu bánh xe báu là như thế nào?

“Này A-nan! Bấy giờ vào ngày rằm, là ngày thuyết Biệt giải thoát [33], sau khi tắm gội, Vua Đại Thiên ngự trên chánh điện. Từ phương Đông có vật báu là bánh xe trời [34] hiện đến. Bánh xe trời có đủ một ngàn căm và đầy đủ tất cả bộ phận, thanh tịnh tự nhiên, chẳng phải do người tạo ra, màu sắc như ánh lửa, chói lọi sáng ngời. Vua Đại Thiên trông thấy liền hoan hỷ, nghĩ thầm: ‘Bánh xe báu cao quý [35] đã xuất hiện! Bánh xe vi diệu đã xuất hiện.  Ta cũng từng nghe người xưa bảo rằng: Vào ngày rằm, là ngày thuyết Biệt giải thoát giới, sau khi đã tắm gội và ngự trên chánh điện, vua Đảnh Sanh Sát-lị lên ngồi trên chánh điện, khi ấy có bánh xa báu từ phương Đông hiện đến. Bánh xe báu có đủ tất cả một ngàn căm và đầy đủ tất cả bộ phận, thanh tịnh tự nhiên chứ không do người tạo ra, màu sắc như ánh lửa, chói lọi sáng ngời. Vì vậy tất sẽ là Chuyển luân vương. Ta há không là Chuyển luân vương sao?’

“Này A-nan, thuở xưa, khi Vua Đại Thiên muốn đích thân thí nghiệm bánh xe báu, bèn cho tụ tập bốn loại quân là quân voi, quân ngựa, quân xe và quân bộ. Sau khi cho tụ tập bốn loại quân xong, Vua đi đến chỗ bánh xe báu, dùng tay trái vỗ về, dùng tay phải lăn bánh xe báu mà nói rằng: ‘Hãy theo bánh xe báu; hãy theo đến nơi nào bánh xe báu lăn đến’.

“Này A-nan, bánh xe báu ấy khi đã chuyển động liền lăn về hướng Đông. Lúc đó Vua Đại Thiên và bốn loại quân cũng đi theo sau. Bánh xe báu ngừng lại chỗ nào thì Vua Đại Thiên và bốn loại quân dừng lại chỗ ấy.

“Bấy giờ, các Tiểu quốc vương ở phương Đông đều đi đến chỗ Vua Đại Thiên, tâu rằng:

“– Kính chào Thiên vương. Tâu Thiên vương, các nước này rất giàu có và an lạc, nhân dân đông đúc, đều hoàn toàn thuộc về Thiên vương. Mong Thiên vương đem pháp trị hóa. Chúng tôi sẽ phụ tá Thiên vương.

“Bấy giờ, vua Đại Thiên bảo các tiểu vương:

“– Các khanh, mỗi vị hãy tự quản lãnh lấy lãnh thổ của mình. Hãy áp dụng pháp, chớ áp dụng phi pháp. Đừng để trong nước mình có những người tạo ác nghiệp và phi phạm hạnh.

“Này A-nan, bánh xe báu ấy qua khỏi phương Đông, vượt qua biển lớn ở phương Đông, quay về phương Nam, phương Tây và phương Bắc.

“Này A-nan, [512b] tùy the bánh xe báu lăn chuyển đến dâu thì Vua Đại Thiên cùng bốn loại quân cũng đều đi theo sau đến đó. Bánh xe báu ngừng lại chỗ nào, Đại Thiên và bốn loại quân đóng lại ở chỗ ấy.

“Bấy giờ, các Tiểu quốc vương ở phương Bắc đều đi đến chỗ Vua Đại Thiên, tâu rằng:

“– Kính chào Thiên vương! Tâu Thiên vương, các nước này rất giàu có và an lạc, nhân dân đông đúc, đều hoàn toàn thuộc về Thiên vương. Mong Thiên vương đem pháp trị hóa. Chúng tôi sẽ phụ tá Thiên vương.

“Bấy giờ, vua Đại Thiên bảo các tiểu vương:

“– Các khanh, mỗi vị hãy tự quản lãnh lấy lãnh thổ của mình. Hãy áp dụng pháp, chớ áp dụng phi pháp. Đừng để trong nước mình có những người tạo ác nghiệp và phi phạm hạnh.

“Này A-nan, bánh xe báu ấy qua phương Bắc, vượt qua biển lớn phương Bắc rồi trở lại bản thành của Vua. Khi Vua Đại Thiên ngự trên chánh điện đoán lý tài vật [36] thì Bánh xe báu ngừng giữa hư không. Đó là vua Đại Thiên thành tựu Bánh xe báu báu như thế.

“Này A-nan, Vua Đại Thiên thành tựu voi báu như thế nào?

“Này A-nan, bấy giờ, Vua Đại Thiên có voi báu xuất hiện. Voi ấy trắng toát, có bảy chi, tên là Vu-sa-hạ [37]. Sau khi trông thấy, Vua Đại Thiên hoan hỷ, phấn khởi, nghĩ rằng: ‘Nếu được huấn luyện thì nó hết sức khôn’.

“Này A-nan, sau đó vua Đại Thiên bảo tượng sư rằng: ‘Ngươi hãy mau huấn luyện con voi này cho hết sức thuần thiện. Nếu voi đã thuần thì đến cho ta hay’. Bấy giờ tượng sư vâng lệnh vua, đến chỗ voi báu, nhanh chóng huấn luyện, khiến nó trở nên hết sức thuần thiện. Khi voi báu được chế ngự và huấn luyện rất kỹ, nó nhanh chóng trở nên thuần thiện. Cũng như thuở xưa voi tốt sống vô lượng trăm ngàn năm, đã trải qua vô lượng trăm ngàn năm được chế ngự và huấn luyện rất kỹ, nhanh chóng trở nên thuần thiện. Voi báu này cũng giống như vậy, được chế ngự và huấn luyện rất kỹ, nó nhanh chóng trở nên thuần thiện.

“Này A-nan, bấy giờ tượng sư nhanh chóng huấn luyện voi báu, khiến nó trở nên thuần thiện. Sau khi voi báu đã được huấn luyện, tượng sư liền đến chỗ  vua tâu rằng: ‘Tâu Thiên vương, mong Thiên vương biết cho, tôi đã chế ngự và huấn luyện; voi báu đã thuần, nay tùy theo ý của Thiên vương’.

“Này A-nan, thuở ấy, khi vua Đại Thiên thí nghiệm voi báu, vào buổi sáng mai mặt trời mọc, liền đến chỗ voi, cỡi voi báu ấy và đi cùng khắp cả cõi đất cho đến đại hải, rồi nhanh chóng trở lại bản thành của vua. Vua Đại Thiên thành tựu voi trắng báu như thế.

“Này A-nan, Vua Đại Thiên thành tựu ngựa báu như thế nào?

“Này A-nan, bấy giờ, vua Đại Thiên có ngựa báu xuất hiện. Ngựa báu ấy có sắc xanh mướt, [512c] đầu đen như quạ. Vì ngựa được trang nghiêm bằng bộ lông nên gọi là Mao mã vương [38]. Sau khi trông thấy, vua Đại Thiên hoan hỷ, phấn khởi, nghĩ rằng: ‘Nếu được huấn luyện thì nó hết sức khôn’.

“Này A-nan, sau đó Vua Đại Thiên bảo mã sư rằng: ‘Ngươi hãy mau huấn luyện con ngựa này cho hết sức thuần thiện. Nếu ngựa đã thuần thì đến cho ta hay’. Bấy giờ mã sư vâng lệnh vua, đến chỗ ngựa báu, nhanh chóng huấn luyện, khiến nó trở nên hết sức thuần thiện. Khi ngựa báu được chế ngự và huấn luyện rất kỹ, nó nhanh chóng trở nên thuần thiện. Cũng như thuở xưa ngựa tốt sống vô lượng trăm ngàn năm, đã trải qua vô lượng trăm ngàn năm được chế ngự và huấn luyện rất kỹ, nhanh chóng trở nên thuần thiện. Ngựa báu này cũng giống như vậy, được chế ngự và huấn luyện rất kỹ, nó nhanh chóng trở nên thuần thiện.

“Này A-nan, bấy giờ mã sư nhanh chóng huấn luyện ngựa báu, khiến nó trở nên thuần thiện. Sau khi ngựa báu đã được huấn luyện, mã sư liền đến chỗ  vua tâu rằng: ‘Tâu Thiên vương, mong Thiên vương biết cho, tôi đã chế ngự và huấn luyện; ngựa báu đã thuần, nay tùy theo ý của Thiên vương’.

“Này A-nan, thuở ấy, khi vua Đại Thiên thí nghiệm ngựa báu, vào buổi sáng mai mặt trời mọc, liền đến chỗ ngựa, cỡi ngựa báu ấy và đi cùng khắp cả cõi đất cho đến đại hải, rồi nhanh chóng trở lại bản thành của vua. Vua Đại Thiên thành tựu ngựa báu sắc xanh như thế.

“Này A-nan, Vua Đại Thiên thành tựu ngọc báu như thế nào?

“Này A-nan, bấy giờ, vua Đại Thiên có bá minh châu xuất hiện. Hạt châu ấy trong suốt tự nhiên, không do ai tạo, tám cạnh không bẩn, được mài dũa cực đẹp, được xâu qua bằng sợi dây ngũ sắc: xanh, vàng, đỏ, trắng, đen.

“Này A-nan, lúc Vua Đại Thiên ở trong cung điện, muốn có ánh sáng của đèn, tức thì sử dụng hạt minh châu.

“Này A-nan, thuở xưa, khi vua Đại Thiên muốn thử châu báu, bèn cho tụ tập bốn loại quân lại là quân voi, quân ngựa, quân xe và quân bộ. Sau khi tụ tập bốn loại quân xong, vào lúc đêm tối, vua cho dựng một cây phướn cao, cho đặt hạt châu trên ấy, rồi đến công viên để nhìn. Ánh sáng của ngọc chiếu khắp bốn loại quân, soi đến nửa do-tuần. Vua Đại Thiên thành tựu ngọc báu là như thế.

“Này A-nan, vua Đại Thiên thành tựu nữ báu là như thế nào?  

“Này A-nan, bấy giờ, vua Đại Thiên có Nữ báu xuất hiện. Nữ báu ấy có thân thể trong trắng, tinh khiết, nõn nà, sắc đẹp hơn người, không nhường thiên nữ, tư dung xinh đẹp, ai nhìn cũng thấy khoan khoái; miệng tỏa mùi hương hoa sen xanh thơm phức; từ các lỗ chân lông trên người toát mùi hương chiên-đàn. Về mùa đông thì thân ấm áp, về mùa hè thì thân mát mẻ. Nữ báu ấy hết lòng hầu hạ  vua, nói năng hòa nhã, làm việc nhanh chóng, thông minh trí tuệ, hoan hỷ thích làm [513a] việc lành; luôn nghĩ đến  vua, tâm thường không rời, huống nữa thân và miệng. Vua Đại Thiên thành tựu nữ báu vậy.

“Này A-nan, vua Đại Thiên thành tựu cư sĩ báu là như thế nào?

“Này A-nan, bấy giờ, vua Đại Thiên có Cư sĩ báu xuất hiện. Cư sĩ báu ấy giàu có cùng tột, của cải vô lượng, có nhiều súc vật chăn nuôi; phong hộ, thực ấp đầy đủ mọi thứ; có phước báo nên được thiên nhãn, thấy các kho báu, đầy hay trống đều thấy rõ; thấy có người thủ hộ hay không có người thủ hộ. Mỏ vàng, mỏ bạc, được chế biến hay chưa được chế biến [39]; đều thấy rõ cả.

“Này A-nan, Cư sĩ báu ấy đến trước Vua Đại Thiên tâu rằng: ‘Tâu Thiên vương, nếu Thiên vương muốn được vàng, và tiền bạc, thì Thiên vương chớ có lo buồn, vì hạ thần tự biết đúng thời’.

“Này A-nan, thuở xưa, khi Vua Đại Thiên muốn thí nghiệm cư sĩ báu, Vua cho chèo thuyền ra giữa sông Hằng, bảo rằng:

“– Này cư sĩ, ta muốn được vàng, và tiền bạc.

“Cư sĩ tâu:

“– Tâu Thiên vương, hãy cho thuyền cập bến.

“Khi ấy, vua Đại Thiên bảo:

“– Này cư sĩ, ta muốn được ở chính giữa sông này.

“Cư sĩ tâu rằng:

“– Tâu Thiên vương, hãy cho thuyền ngừng lại.

“Này A-nan, bấy giờ Cư sĩ báu đến trước mũi thuyền, thọc tay vào trong nước, lấy lên bốn kho tàng, là mỏ vàng, mỏ bạc, mỏ quặng hay không phải quặng, [40] tâu rằng:

“– Tâu Thiên vương, xin tùy ý muốn, Thiên vương tha hồ sử dụng, còn bao nhiêu thì trả lại dưới sông.

“Đó là vua Đại Thiên thành tựu cư sĩ báu.

“Này A-nan, Vua Đại Thiên thành tựu tướng quân báu là như thế nào?

“Này A-nan, bấy giờ Vua Đại Thiên có Tướng quân báu. Tướng quân ấy thông minh, trí tuệ, biện tài, nói hay, hiểu rộng. Tướng quân báu sẽ thay Vua Đại Thiên thực hiện những mục đích đời này, khuyến cáo và an lập; thực hiện mục đích cho đời sau, khuyến cáo và an lập; thực hiện mục đích đời này, mục đích đời sau, khuyến cáo và an lập. Tướng quân báu sẽ vì Vua Đại Thiên, nếu muốn tập hợp các quân là tập hợp được; nếu muốn giải tán là giải tán ngay; muốn cho binh lính thuộc bốn loại quân không mệt mỏi và khuyến khích giúp đỡ. Đối với các cận thần khác cũng vậy. Đó là vua Đại Thiên thành tựu tướng quân báu.

“Này A-nan, vua Đại Thiên thành tựu bảy báu như vậy.

“Này A-nan, vua Đại Thiên thành tựu bốn như ý túc [41] là như thế nào?

“Này A-nan, vua Đại Thiên ấy sống thật lâu, đến tám vạn bốn ngàn năm; thời con nít vui đùa đến tám vạn bốn ngàn năm; làm Tiểu quốc vương đến tám vạn bốn ngàn năm; làm Đại quốc vương đến tám [513b] vạn bốn ngàn năm; rồi cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình sống không gia đình, xuất gia học đạo, học Tiên nhân vương [42], tu hành phạm hạnh tại Di-tát-la này, trú trong rừng xoài Đại Thiên. Này A-nan, đây là như ý túc thứ nhất của vua Đại Thiên: Vua Đại Thiên sống thật lâu, đến tám vạn bốn ngàn năm; thời con nít vui đùa đến tám vạn bốn ngàn năm; làm Tiểu quốc vương đến tám vạn bốn ngàn năm; làm Đại quốc vương đến tám vạn bốn ngàn năm; rồi cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình sống không gia đình, xuất gia học đạo, học Tiên nhân vương, tu hành phạm hạnh tại Di-tát-la này, trú trong rừng xoài Đại Thiên.

“Lại nữa, A-nan, vua Đại Thiên không có bệnh tật, thành tựu sự điều hòa của thực đạo [43], không lạnh, không nóng, an ổn, không bị bức rức. Do đó, đồ ăn thức uống được tiêu hóa dễ dàng. Này A-nan, đây đức như ý túc thứ hai của Vua Đại Thiên: Vua Đại Thiên không có bệnh tật, thành tựu sự điều hòa của thực đạo, không lạnh, không nóng, an ổn, không bức rức; do đó đồ ăn thức uống tiêu hóa dễ dàng.

“Lại nữa, A-nan, vua Đại Thiên thân thể trắng trẻo, sạch sẽ, trong sáng, sắc đẹp hơn người, không kém gì thiên thần, đoan chánh, đẹp đẽ, ai nhìn cũng thấy khoan khoái. Này A-nan, đây là đức như ý túc thứ ba của Vua Đại Thiên: Vua Đại Thiên thân thể trắng trẻo, sạch sẽ, trong sáng, sắc đẹp hơn người, không kém gì thiên thần, đoan chánh, đẹp đẽ, ai nhìn cũng thấy khoan khoái.

“Lại nữa, A-nan, vua Đại Thiên thường ái niệm các  Bà-la-môn, Cư sĩ, như cha nghĩ đến con.  Bà-la-môn, cư sĩ lại cũng kính trọng vua Đại Thiên như con kính cha. Này A-nan, thuở xưa, vua Đại Thiên ở trong công viên, bảo người đánh xe rằng: ‘Hãy đánh xe đi chầm chậm. Ta muốn nhìn kỹ các  Bà-la-môn, cư sĩ’.  Bà-la-môn, cư sĩ cũng bảo người đánh xe: ‘Hãy đánh xe đi chầm chậm. Chúng tôi muốn nhìn kỹ đức vua Đại Thiên’. Này A-nan, đây là đức như ý túc thứ tư của Vua Đại Thiên: Vua Đại Thiên thường ái niệm các  Bà-la-môn, cư sĩ như cha nghĩ đến con; còn các  Bà-la-môn, cư sĩ lại kính trọng vua Đại Thiên như con kính cha.

“Này A-nan, đó là vua Đại Thiên được bốn đức như ý túc.

“Này A-nan, một thời gian sau, Vua Đại Thiên bảo thợ hớt tóc rằng:

“– Nếu ngươi thấy đầu ta mọc tóc bạc thì cho ta hay.

“Bấy giờ thợ hớt tóc vâng lời vua bảo. [153c] Một thời gian sau đó, khi gội đầu cho vua, ông thấy mọc tóc bạc, liền tâu:

“– Tâu Thiên vương, mong Thiên vương biết cho, Thiên sứ đã đến [44]; đầu mọc tóc bạc.

“Vua Đại Thiên lại bảo thợ hớt tóc:

“– Ngươi hãy lấy nhíp bằng vàng, từ từ nhỗ tóc bạc bỏ vào bàn tay ta.

“Thợ hớt tóc vâng lệnh Vua bảo, liền lấy cái nhíp bằng vàng, từ từ nhổ tóc bạc bỏ vào bàn tay Vua.

“Này A-nan, Vua Đại Thiên tay nâng tóc bạc, nói bài tụng:

Đầu ta mọc tóc bạc;

Thọ mạng đến hồi suy.

Thiên sứ đã đến rồi,

Nay lúc ta học đạo.

“Này A-nan, sau khi thấy tóc bạc, Vua Đại Thiên bảo Thái tử:

“– Này Thái tử, hãy biết rằng Thiên sứ đã đến, đầu ta đã mọc tóc bạc. Này Thái tử, ta đã hưởng lạc dục thế gian, nay lại muốn cầu dục lạc thiên thượng. Này Thái tử, nay ta muốn cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo. Này Thái tử, nay ta muốn đem bốn châu thiên hạ này phó thác cho con. Con hãy trị vì, giáo hóa đúng như pháp, chớ dùng phi pháp; không để cho trong nước có những người tạo ác nghiệp, phi phạm hạnh. Này Thái tử, về sau nếu con thấy Thiên sứ đến, đầu mọc tóc bạc, thì con nên đem việc quốc chính của nước này trao lại cho Thái tử của con, khéo dạy bảo nó và trao đất nước lại cho nó, rồi con cũng nên cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo. Này Thái tử, nay ta chuyển giao pháp kế thừa [45] này cho con. Con cũng phải chuyển giao lại pháp kế thừa này, chớ để cho nhân dân trở thành cực biên [46]. Này Thái tử, tại sao nay ta chuyển trao pháp kế thừa này cho con, bảo con cũng phải chuyển trao pháp kế thừa này, chớ để cho nhân dân trở thành cực biên. Này Thái tử, nếu trong nước này sự truyền trao bị dứt tuyệt, không được tiếp nối, thì đó là nhân dân trở thành cực biên. Vì thế cho nên, này Thái tử, nay ta chuyển trao cho con. Này Thái tử, ta đã chuyển trao pháp kế thừa này cho con thì con phải chuyển trao pháp kế thừa ấy lại, chớ để cho nhân dân trở thành cực biên.

“Này A-nan, Vua Đại Thiên ấy đem việc quốc chánh của nước này phó thác cho Thái tử. Sau khi dạy bảo cặn kẽ xong, Vua cạo bỏ râu tóc, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, học Tiên nhân vương, tu hành phạm hạnh tại Di-tát-ta này, trú trong rừng xoài Đại thiên.

“Thái tử cũng là Chuyển luân vương thành tựu bảy báu, [514a] được phước đức, có bốn đức như ý của loài người như vua cha; như bảy báu và bốn đức như ý của loài người đã được nói trên.

“Này A-nan, vị Chuyển luân vương ấy về sau cũng bảo thợ hớt tóc rằng:

“– Nếu ngươi thấy đầu ta mọc tóc bạc thì cho ta hay.

“Người thợ hớt tóc vâng lời vua bảo. Một thời gian sau đó, gội đầu cho vua, ông thấy mọc tóc bạc, liền tâu:

“– Tâu Thiên vương, mong Thiên vương biết cho, Thiên sứ đã đến; đầu mọc tóc bạc.

“Vị Chuyển luân vương kia lại bảo thợ hớt tóc:

“– Ngươi hãy lấy nhíp bằng vàng, từ từ nhỗ tóc bạc bỏ vào bàn tay ta.

“Lúc ấy, thợ hớt tóc vâng lệnh vua bảo, liền lấy cái nhíp bằng vàng, từ từ nhổ tóc bạc bỏ vào bàn tay vua.

“Này A-nan, Chuyển luân vương kia tay nâng tóc bạc, nói bài tụng:

Đầu ta mọc tóc bạc;

Thọ mạng đến hồi suy.

Thiên sứ đã đến rồi,

Nay lúc ta học đạo.

“Này A-nan, sau khi thấy tóc bạc, Chuyển luân vương kia bảo Thái tử:

“– Này Thái tử, hãy biết rằng Thiên sứ đã đến, đầu ta đã mọc tóc bạc. Này Thái tử, ta đã hưởng lạc dục thế gian, nay lại muốn cầu dục lạc thiên thượng. Này Thái tử, nay ta muốn cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo. Này Thái tử, nay ta muốn đem bốn châu thiên hạ này phó thác cho con. Con hãy trị vì, giáo hóa đúng như pháp, chớ dùng phi pháp; không để cho trong nước có những người tạo ác nghiệp, phi phạm hạnh. Này Thái tử, về sau nếu con thấy Thiên sứ đến, đầu mọc tóc bạc, thì con nên đem việc quốc chính của nước này trao lại cho Thái tử của con, khéo dạy bảo nó và trao đất nước lại cho nó, rồi con cũng nên cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo. Này Thái tử, nay ta chuyển giao pháp kế thừa này cho con. Con cũng phải chuyển giao lại pháp kế thừa này, chớ để cho nhân dân trở thành cực biên. Này Thái tử, tại sao nay ta chuyển trao pháp kế thừa này cho con, bảo con cũng phải chuyển trao pháp kế thừa này, chớ để cho nhân dân trở thành cực biên? Này Thái tử, nếu trong nước này sự truyền trao bị dứt tuyệt, không được tiếp nối, thì đó là nhân dân trở thành cực biên. Vì thế cho nên, này Thái tử, nay ta chuyển trao cho con. Này Thái tử, ta đã chuyển trao pháp kế thừa này cho con thì con phải chuyển trao pháp kế thừa ấy lại, chớ để cho nhân dân trở thành [514b] cực biên.

“Này A-nan, Chuyển luân vương kia đem việc quốc chánh của nước này phó thác cho Thái tử. Sau khi dạy bảo cặn kẽ xong, Vua cạo bỏ râu tóc, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, học Tiên nhân vương, tu hành phạm hạnh tại Di-tát-ta này, trú trong rừng xoài Đại Thiên.

“Này A-nan, đó là từ con đến con, từ cháu đến cháu, từ dòng họ đến dòng họ, từ kiến đến kiến [47], lần lượt đến tám vạn bốn ngàn vị Chuyển luân vương, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, học Tiên nhân vương, tu hành phạm hạnh tại Di-tát-la này, trú trong rừng xoài Đại Thiên.

“Vị vua sau cùng tên là Ni-di [48], là một Pháp vương như pháp, thực hành pháp đúng như pháp; là vị vua vì thái tử, hậu phi, thể nữ và các thần dân, Sa-môn, Bà-la-môn cho đến côn trùng mà phụng trì trai giới vào những ngày mồng tám, mười bốn, mười lăm; tu hạnh bố thí, cho những kẻ nghèo khổ, Sa-môn, Bà-la-môn, cho đến những người cô độc từ các phương xa đến xin, đem đồ ăn thức uống, áo chăn, xe cộ, tràng hoa, bột hoa, bột hương, nhà cửa, giường nệm, đệm lông, khăn quấn, cung cấp đèn dầu...

“Bấy giờ Chư Thiên ở cõi trời Tam Thập Tam Thiên tụ tập ngồi tại Thiện pháp giảng đường [49] hết lời xưng tán vua Ni-di như thế này: ‘Chư Hiền, người xứ Tì-đà-đề có đại thiện lợi, có đại công đức. Vì sao? Vì vua cuối cùng của họ là Ni-di, một Pháp vương như pháp, thực hành pháp đúng như pháp, là người đã vì thái tử, hậu phi, thể nữ và các thần dân, Sa-môn, Bà-la-môn cho đến côn trùng mà phụng trì trai giới vào những ngày mồng tám, mười bốn, mười lăm; tu hạnh bố thí, cho những người nghèo khổ, Sa-môn, Bà-la-môn, cho những người cô độc từ các phương xa đến xin, đem các đồ ăn thức uống, áo chăn, xe cộ, tràng hoa, bột hoa, bột hương, nhà cửa, giường nệm, đệm lông, cung cấp khăn quấn và đèn dầu...’

“Bấy giờ trời Thiên đế Thích cũng có trong chúng, bảo Chư Thiên Tam Thập Tam Thiên rằng:

“– Chư Hiền, các vị có muốn thấy vua Ni-di ngay tại nơi này không?

“Chư Thiên Tam Thập Tam Thiên đáp:

“– Thưa Câu-dực [50], chúng tôi muốn được đến ngay nơi ấy để yết kiến vua Ni-di.

“Bấy giờ, trong khoảnh khắc, như lực sĩ co duỗi cánh tay, Đế Thích ở cõi Tam Thập Tam Thiên bỗng nhiên biến mất không thấy và hiện ra ở cung điện vua Ni-di.

“Lúc ấy, Vua Ni-di thấy Thiên đế Thích, liền hỏi:

“– Ông là ai?

“Thiên đế Thích đáp:

“– Đại vương có nghe đến Thiên đế Thích không?

 “Đáp:

“– Tôi nghe nói có Đế Thích.

“– Đó chính là tôi vậy. Đại vương có đại thiện lợi, có [514c] đại công đức. Vì sao? Vì Chư Thiên ở cõi Tam Thập Tam Thiên tụ tập tại Thiện pháp giảng đường, hết lời xưng tán Đại vương thế này: ‘Chư Hiền, người xứ Tì-đà-đề có đại thiện lợi, có đại công đức. Vì sao? Vì vua cuối cùng của họ là Ni-di, một Pháp vương như pháp, thực hành pháp đúng như pháp, là người đã vì thái tử, hậu phi, thể nữ và các thần dân, Sa-môn, Bà-la-môn cho đến côn trùng mà phụng trì trai giới vào những ngày mồng tám, mười bốn, mười lăm; tu hạnh bố thí, cho những người nghèo khổ, Sa-môn, Bà-la-môn, cho những người cô độc từ các phương xa đến xin, đem các đồ ăn thức uống, áo chăn, xe cộ, tràng hoa, bột hoa, bột hương, nhà cửa, giường nệm, đệm lông, cung cấp khăn quấn và đèn dầu...’ Đại vương có muốn thấy Tam Thập Tam Thiên không?

“Vua đáp:

“– Tôi muốn thấy.

“Đế Thích lại bảo Vua Ni-di:

“– Tôi trở về cõi trời, sẽ ra lệnh trang nghiêm xa giá với một ngàn voi kéo đến. Đại vương cỡi xe dạo chơi, lên du lãm cõi trời.

“Bấy giờ, Vua Ni-di im lặng nhận lời. Đế Thích biết Vua Ni-di đã nhận lời; trong khoảnh khắc, như thời gian lực sĩ co duỗi cánh tay, biến mất khỏi cung điện Vua Ni-di mà trở về cõi Tam Thập Tam Thiên.

“Sau khi trở về, Đế Thích bảo người đánh xe:

“– Ngươi hãy nhanh chóng trang nghiêm giá với một ngàn voi kéo, đến đón Vua Ni-di. Sau khi đến nơi, hãy tâu vua rằng: ‘Đại vương, nên biết, Đế Thích sai đánh cỗ xe có nghìn voi kéo này đến đón Đại vương. Đại vương hãy cỡi xe này dạo chơi, lên du lãm cõi trời’. Sau khi Vua đã lên xe, lại hỏi Vua rằng: ‘Đại vương muốn tôi đánh xe đi đường nào? Đi theo đường ác thọ ác báo? Hay diệu thọ diệu báo?’

“Người đánh xe vâng lệnh Đế Thích, tức thì trang nghiêm cỗ xe nghìn voi, đi đến Vua Ni-di. Đến nơi, tâu Vua rằng:

“– Đại vương, nên biết, Đế Thích sai đánh cỗ xe có nghìn voi kéo này đến đón Đại vương. Đại vương hãy cỡi xe này dạo chơi, lên du lãm cõi trời.

“Sau khi Vua Ni-di đã lên xe, người đánh xe lại hỏi rằng:

“– Đại vương muốn tôi đánh xe đi đường nào? Đi theo đường ác thọ ác báo? Hay diệu thọ diệu báo?’

“Bấy giờ Vua Ni-di bảo người đánh xe rằng:

“– Hãy đưa tôi đi giữa hai đường ác thọ ác báo và diệu thọ diệu báo.

“Người đánh xe liền đưa Vua đi giữa hai đường ấy, giữa ác thọ ác báo và diệu thọ diệu báo. Từ xa, Chư Thiên Tam Thập Tam Thiên trông thấy Vua Ni-di đi đến, sau khi trông thấy liền chúc lành rằng:

 [515a]“– Kính chào Đại vương! Kính chào Đại vương! Đại vương có thể cùng sống chung hưởng lạc với Tam Thập Tam Thiên chúng tôi.

“Lúc ấy, Vua Ni-di nói bài tụng cho Chư Thiên Tam Thập Tam Thiên:

Giống như kẻ cỡi nhờ,

Nhất thời tạm mượn xe;

Nơi đây cũng như vậy.

Vì là của kẻ khác.

Tôi về Di-tát-la,

Sẽ làm vô lượng thiện.

Nhân đó sanh cõi trời,

Tạo phước làm tư lương.

“Này A-nan, Vua Đại Thiên thuở xưa ấy ông cho là ai khác chăng? Chớ nghĩ như vậy. Nên biết vị ấy chính là Ta.

“Này A-nan, thuở xưa, Ta từ đời con đến đời con, từ đời cháu đến đời cháu, từ dòng họ đến dòng họ, lần lượt có đến tám vạn bốn ngàn Chuyển luân vương, từng cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, học Tiên nhân vương, tu hành phạm hạnh, tại Di-tát-la này trú trong rừng xoài Đại Thiên. Bấy giờ Ta tự làm lợi ích cho mình, cũng làm lợi ích cho kẻ khác, làm lợi ích cho mọi người. Ta thương xót thế gian, vì trời và vì người mà cầu nghĩa lợi, lợi ích và an ổn khoái lạc. Khi ấy, Ta thuyết pháp không đến chỗ rốt ráo, không rốt ráo bạch tịnh, không rốt ráo phạm hạnh. Vì không rốt ráo phạm hạnh, lúc ấy Ta không thoát ly khỏi sự sanh, tuổi già, bệnh tật, sự chết, khóc than, áo não; cũng chưa thể thoát ra ngoài mọi khổ đau.

“Này A-nan, nay Ta xuất hiện ở đời, là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, gọi là Phật, Thế Tôn. Nay Ta làm lợi ích cho mình, cũng làm lợi ích cho người khác, làm lợi ích cho mọi người. Ta thương xót thế gian, vì trời và người mà cầu nghĩa lợi và lợi ích, cầu an ổn khoái lạc. Nay Ta thuyết pháp đã đến chỗ rốt ráo bạch tịnh, rốt ráo phạm hạnh. Vì đã rốt ráo phạm hạnh, nay Ta lìa khỏi sự sanh, tuổi già, bệnh tật, sự chết, khóc than, áo não. Nay Ta đã thoát mọi khổ đau.

“Này A-nan, nay Ta chuyển trao pháp kế thừa này cho ông, ông cũng phải chuyển trao pháp kế thừa này lại, chớ để cho Phật pháp dứt đoạn.

“Này A-nan, thế nào là pháp kế thừa mà nay Ta chuyển trao cho ông và bảo ông cũng phải chuyển trao lại pháp kế thừa ấy, chớ để cho Phật pháp dứt đoạn? Đó chính là Thánh đạo tám chi, từ chánh kiến cho đến chánh định là tám. Này A-nan, đó chính là pháp kế thừa mà nay Ta đã chuyển trao cho ông, và ông cũng phải chuyển trao lại pháp kế thừa ấy, chớ để cho Phật chủng đứt đoạn.”

Phật thuyết như vậy. Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

68. KINH ĐẠI THIỆN KIẾN VƯƠNG

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú tại thành Câu-thi [51], trú trong rừng Sa-la của Hòa-bạt-đơn lực sĩ [52].

Bấy giờ, vào lúc tối hậu, sắp nhập Niết-bàn, Đức Thế Tôn bảo:

“Này A-nan, hãy đến giữa hai cây Sa-la song thọ [53] trải chỗ nằm cho Như Lai, đầu quay về hướng Bắc. Như Lai vào giữa đêm nay sẽ nhập Niết-bàn.”

Tôn giả A-nan vâng lời Đức Như Lai, liền đến giữa hai cây song thọ trải chỗ nằm cho Như Lai, đầu quay về hướng Bắc. Sau khi trải chỗ nằm xong, trở lại chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Ngài rồi đứng sang một bên, bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, con đã trải chỗ nằm cho Như Lai, đầu quay về hướng Bắc. Cúi mong Thế Tôn tự biết thời.”

Bấy giờ Thế Tôn cùng Tôn giả A-nan đến giữa hai cây song thọ, trải y uất-đa-la-tăng bốn lớp [54] lên chỗ nằm, gấp y tăng-già-lê làm gối. [55] Ngài nằm nghiêng về hông bên phải, hai chân chồng lên nhau. Đây là lúc tối hậu, Phật sắp Niết-bàn.

Lúc ấy Tôn giả A-nan đang cầm quạt hầu Phật. Tôn giả chắp tay hướng về Đức Phật thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, còn có những thành lớn khác. Một là Chiêm-bà, hai là Xá-vệ, ba là Tì-xá-ly, bốn là Vương Xá, năm là Ba-la-nại, sáu là Ca-tỳ-la-vệ [56]. Sao Thế Tôn không nhập Niết-bàn ở các nơi ấy, mà quyết định tại thành bằng đất nhỏ hẹp này, một thành nhỏ hẹp nhất trong các thành?”

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo:

“Này A-nan, ngươi chớ nói rằng đây là thành đất nhỏ hẹp, là thành nhỏ nhất trong các thành. Vì sao? Vì thuở quá khứ, thành Câu-thi-na này tên là Câu-thi vương thành [57], giàu có cùng tột, dân chúng đông đúc.

“A-nan, Câu-thi vương thành dài mười hai do-tuần, rộng bảy do-tuần.

“A-nan, ở đây dựng tháp canh cao bằng một người, hoặc hai, ba, bốn..., cho đến bảy người.

“A-nan, ở chung quanh bên ngoài Câu-thi vương thành, có bảy lớp hào. Hào ấy được xây bằng gạch bốn báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh. Đáy hào cũng trải cát bằng bốn loại báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh.

“Này A-nan, Câu-thi vương thành có bảy lớp tường thành bao bọc bên ngoài. Những lớp tường thành ấy cũng được xây bằng gạch bốn báu là vàng, bạc, lưu ly và [515c] thủy tinh.

“Này A-nan, Câu-thi vương thành có bảy lớp hàng cây đa-la [58] bằng bốn báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh bao bọc xung quanh. Cây đa-la bằng vàng thì hoa, lá và trái bằng bạc. Cây đa-la bằng bạc thì hoa, lá và trái bằng vàng. Cây đa-la bằng lưu ly thì hoa, lá và trái bằng thủy tinh. Cây đa-la bằng thủy tinh thì hoa, lá và trái bằng lưu ly.

“Này A-nan, ở giữa những cây đa-la có đào nhiều hồ sen; hồ sen xanh, hồ sen hồng, hồ sen đỏ và hồ hoa sen trắng.

“Này A-nan, bờ hồ hoa ấy được đắp bằng bốn báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh. Ở đáy hồ thì rải cát bằng bốn báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh. Trong thành hồ ấy có thềm cấp bằng bốn báu là vàng, bạc, lưu ly, thủy tinh. Thềm cấp bằng vàng thì bậc chân [59] bằng bạc, thềm cấp bằng bạc thì có bậc chân bằng vàng. Thềm cấp bằng lưu ly thì có bậc chân bằng thủy tinh. Thềm cấp bằng thủy tinh thì có bậc chân bằng lưu ly.

“Này A-nan, xung quanh hồ ấy có câu lan [60] bằng bốn báu, là vàng, bạc, lưu ly, thủy tinh. Lan [61] bằng vàng thì câu bằng bạc. Lan bằng bạc thì câu bằng vàng. Lan bằng lưu ly thì lưỡi bằng thủy tinh. Lan bằng thủy tinh thì câu bằng lưu ly.

“Này A-nan, hồ ấy được trùm bởi màn lưới có chuông treo ở giữa. Chuông ấy làm bằng bốn báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh. Chuông bằng vàng thì quả lắc bằng bạc. Chuông bằng bạc thì quả lắc bằng vàng. Chuông bằng lưu ly thì quả lắc bằng thủy tinh. Chuông bằng thủy tinh thì quả lắc bằng lưu ly.

“Này A-nan, trong hồ ấy trồng nhiều loại hoa dưới nước như hoa sen xanh, hoa sen hồng, hoa sen đỏ, hoa sen trắng; thường có nước, có hoa, không có người trông giữ ngăn cấm vì thuộc về tất cả mọi người.

“Này A-nan, ở bờ hồ ấy có trồng nhiều loại hoa như hoa tu-ma-na, hoa bà-sư, hoa chiêm-bặc, hoa kiện-đề, hoa ma-đầu-kiện-đề, hoa a-đề-mâu-đa, hoa ba-la đầu [62].

“Này A-nan, bên các bờ hồ sen ấy, có nhiều người nữ thân thể nõn nà, sạch sẽ, trong sáng, sắc đẹp hơn người, chẳng kém thiên nữ, tư dung đoan chánh, ai nhìn cũng thấy vui thích, được trang sức đầy đủ các loại ngọc báu; những người nữ ấy bố thí tùy theo nhu cầu của mọi người như đồ ăn thức uống, áo, chăn, xe cộ, nhà cửa, giường nệm, đệm lông ngũ sắc, tôi tớ, đèn dầu... đem cung cấp đầy đủ.

“Này A-nan, lá cây đa-la ấy lúc gió thổi thì phát ra âm thanh cực kỳ vi diệu, cũng như năm loại kỹ nhạc được nhạc sư tài ba tấu lên thì có âm thanh hết sức hài hòa, tuyệt diệu. Này A-nan, lá cây ấy lúc gió thổi cũng lại như vậy.

“Này A-nan, trong thành Câu-thi ấy giả sử có người tồi tệ thấp hèn hạ, muốn được thưởng thức năm loại kỹ nhạc, nếu cùng đến giữa những cây đa-la, thảy đều được thưởng thức thỏa thích.

“Này A-nan, Câu-thi vương thành thường có mười hai loại tiếng không bao giờ [516a] gián đoạn, là tiếng voi, tiếng ngựa, tiếng xe, tiếng đi bộ, tiếng tù và, tiếng trống, tiếng trống bạc lạc [63], tiếng trống kỷ [64], tiếng ca, tiếng vũ, tiếng ăn, tiếng bố thí.

“Này A-nan, trong thành Câu-thi có vua tên là Đại Thiện Kiến [65], là vị Chuyển luân vương thông minh trí tuệ, có bốn loại quân chỉnh trị thiên hạ, tự do tự tại; là vị Pháp vương như pháp, thành tựu bảy báu, được bốn đức như ý của con người.

“Này A-nan, bấy giờ các  Bà-la-môn, Cư sĩ trong Câu-thi vương thành mang các loại châu báu, kiềm-bà-la báu [66], chở đến chỗ vua Đại Thiện Kiến, thưa rằng:

“– Tâu Thiên vương, các loại châu báu, kiềm-bà-la báu này, mong Thiên vương vì lòng từ mẫn mà nạp thọ.

“Đại Thiện Kiến vương nói với các  Bà-la-môn :

“– Này các khanh, các khanh hiến dâng nhưng ta thấy chưa cần thiết, vì ta đã có đủ.

“Này A-nan, lại có tám vạn bốn ngàn vị Tiểu quốc vương, đến thưa vua Đại Thiện Kiến rằng:

“– Tâu Thiên vương, chúng tôi muốn xây chánh điện cho Thiên vương.

“Đại Thiện Kiến vương nói với các Tiểu quốc vương:

“– Các khanh muốn xây chánh điện cho ta, nhưng ta thấy chưa cần thiết, vì ta đã có chánh điện.

“Tám vạn bốn ngàn vị Tiểu quốc vương đều chắp tay hướng về Đại Thiện Kiến vương, lặp lại ba lần rằng:

“– Tâu Thiên vương, chúng tôi muốn xây chánh điện cho Thiên vương. Chúng tôi muốn xây chánh điện cho Thiên vương.

“Bấy giờ, Đại Thiện Kiến vương im lặng nhận lời của tám vạn bốn ngàn vua các tiểu quốc. Khi biết vua đã im lặng nhận lời, các Tiểu quốc vương liền bái biệt, đi quanh ba vòng rồi lui ra. Vua nước nào trở về nước ấy, dùng tám vạn bốn ngàn cỗ xe chất đầy những vàng và các loại tiền, bằng vàng tinh luyện hay chưa tinh luyện [67]. Lại lấy các trụ đều bằng ngọc lớn chở đến thành Câu-thi, cách thành không xa xây đại chánh điện.

“Này A-nan, đại chánh điện ấy dài một do-tuần, rộng một do-tuần. Đại chánh điện ấy được xây bằng gạch làm bằng bốn báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh.

“Này A-nan, thềm cấp của đại chánh điện ấy làm bằng bốn loại báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh. Thềm cấp bằng vàng thì trụ bằng bạc. Thềm cấp bằng bạc thì trụ bằng vàng. Thềm cấp bằng lưu ly thì trụ bằng thủy tinh. Thềm cấp bằng thủy tinh thì trụ bằng lưu ly.

“Này A-nan, trong đại chánh điện có tám vạn bốn ngàn cột trụ làm bằng bốn báu là: Vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh. Cột bằng vàng thì đá tảng bằng bạc. Cột bằng bạc thì đá tảng bằng vàng. Cột bằng lưu ly thì đá tảng bằng thủy tinh. Cột bằng thủy tinh thì đá tảng bằng lưu ly.

“Này A-nan, [516b] bên trong chánh điện lại xây tám vạn bốn ngàn lầu làm bằng bốn báu là vàng, bạc, lưu ly, thủy tinh. Lầu bằng vàng thì mái lợp bằng bạc. Lầu bằng bạc thì mái lợp bằng vàng. Lầu bằng lưu ly thì mái lợp bằng thủy tinh. Lầu bằng thủy tinh thì mái lợp bằng lưu ly.

“Này A-nan, trong đại chánh điện có thiết trí tám vạn bốn ngàn ngự tòa, cũng làm bằng bốn báu: vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh. Lầu bằng vàng thì thiết trí ngự tòa bằng bạc, trải lên trên các thứ nệm chiếu, đệm lông năm sắc, phủ lên trên bằng những thứ gấm, the, lụa, sa trun, có chăn đệm lót hai đầu để gối, trải thảm quý bằng da sơn dương. Cũng vậy, lầu bằng bạc thì thiết trí ngự tòa bằng vàng. Lầu bằng lưu ly thì thiết trí ngự tòa bằng thủy tinh. Lầu bằng thủy tinh thì thiết trí ngự tòa bằng lưu ly, trải lên bằng các thứ nệm chiếu, đệm lông năm sắc, phủ lên bằng các thứ gấm, the, lụa, sa trun, có chăn đệm lót hai đầu để gối và trải thảm quý bằng da sơn dương.

“Này A-nan, đại chánh điện ấy xung quanh có câu lan [68] bằng bốn báu, vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh. Lan bằng vàng thì câu bằng bạc. Lan bằng bạc thì câu bằng vàng. Lan bằng lưu ly thì câu bằng thủy tinh. Lan bằng thủy tinh thì câu bằng lưu ly.

“Này A-nan, đại chánh điện ấy được che bằng màn lưới, trong đó treo các thứ chuông lắc. Chuông ấy làm bằng bốn báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh. Chuông bằng vàng thì quả lắc bằng bạc. Chuông làm bằng bạc thì quả lắc bằng vàng. Chuông bằng lưu ly thì quả lắc bằng thủy tinh. Chuông bằng thủy tinh thì quả lắc bằng lưu ly.

“Này A-nan, đại chánh điện ấy sau khi được kiến trúc đầy đủ, bốn vạn tám ngàn vua các Tiểu quốc đi ra cách đại chánh điện không xa, xây ao sen lớn.

“Này A-nan, ao sen lớn ấy dài một do-tuần; rộng một do-tuần.

“Này A-nan, ao sen lớn ấy được đắp gạch bằng bốn báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh. Đáy ao được rải cát bốn thứ báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh.

“Này A-nan, ao sen lớn ấy có thềm cấp bằng bốn thứ báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh. Thềm cấp bằng vàng thì thềm bằng bạc. Thềm cấp bằng bạc thì thềm bằng vàng. Thềm cấp bằng lưu ly thì thềm bằng thủy tinh. Thềm bằng thủy tinh thì thềm bằng lưu ly.

“Này A-nan, chung quanh ao sen lớn có câu lan bằng bốn báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh. Lan bằng vàng thì câu bằng bạc. Lan bằng bạc thì câu bằng vàng. Lan bằng lưu ly thì câu bằng thủy tinh. Lan bằng thủy tinh thì câu bằng lưu ly.

“Này A-nan, ao sen lớn ấy được che bởi màn lưới, trong đó treo các thứ chuông lắc. Chuông ấy làm bằng bốn báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh. Chuông bằng vàng thì quả lắc bằng bạc. Chuông bằng bạc thì quả lắc bằng vàng. Chuông bằng lưu ly thì quả lắc bằng thủy tinh. Chuông bằng thủy tinh thì quả lắc bằng lưu ly.

“Này A-nan, trong ao sen lớn ấy có nhiều loại thủy hoa như hoa sen xanh, hoa sen hồng, hoa sen trắng, hoa sen đỏ, thường có nước ở hoa, có người gìn giữ, [516c] không cho bất cứ ai vào.

“Này A-nan, bên bờ ao sen lớn ấy có nhiều loại lục hoa, như hoa tu-ma-na, hoa bà-sư, hoa chiêm-bặc, hoa tu-kiền-đề, hoa ma-đầu-kiẹn-đề, hoa a-đề-mâu-đa, hoa ba-la-lại.

“Này A-nan, sau khi kiến trúc đại điện và hồ hoa lớn đầy đủ như thế, tám vạn bốn ngàn vua các Tiểu quốc đi ra cách điện không xa, thiết lập vườn Đa-la [69].

“Này A-nan, vườn Đa-la ấy dài một do-tuần, rộng một do-tuần. Trong vườn Đa-la trồng tám vạn bốn ngàn cây đa-la, đều dùng bốn báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh. Cây đa-la bằng vàng thì lá, hoa, quả bằng bạc. Cây đa-la bằng bạc thì lá, hoa, quả bằng vàng. Cây đa-la bằng lưu ly thì lá, hoa, quả bằng thủy tinh. Cây đa-la bằng thủy tinh thì lá, hoa, quả bằng lưu ly.

“Này A-nan, chung quanh vườn Đa-la ấy có câu lan bằng bốn báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh. Lan bằng vàng thì câu bằng bạc. Lan bằng bạc thì câu bằng vàng. Lan bằng lưu ly thì câu bằng thủy tinh. Lan bằng thủy tinh thì câu bằng lưu ly.

“Này A-nan, vườn Đa-la ấy được che bằng lưới báu, có chuông treo lơ lửng ở khoảng giữa. Chuông ấy làm bằng bốn báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh. Chuông bằng vàng thì quả lắc bằng bạc. Chuông bằng bạc thì quả lắc bằng vàng. Chuông bằng lưu ly thì quả lắc bằng thủy tinh. Chuông bằng thủy tinh thì quả lắc bằng lưu ly.

“Này A-nan, sau khi kiến trúc đại điện, ao hoa và vườn Đa-la đầy đủ như thế, tám vạn bốn ngàn Tiểu quốc vương cùng đến chỗ vua Đại Thiện Kiến thưa rằng:

“– Tâu Thiên vương, xin biết cho rằng, đại điện, ao hoa và vườn cây Đa-la, tất cả đã kiến trúc đầy đủ. Mong Thiên vương sử dụng tùy thích.

“Này A-nan, bấy giờ vua Đại Thiện Kiến nghĩ rằng: ‘Ta không nên lên đại điện này trước. Nếu có bậc Thượng tôn Sa-môn, Bà-la-môn ở thành Câu-thi vương này, ta nên mời tất cả tụ tập ngồi ở đại điện này, soạn các thức ăn ngon lành, mỹ diệu, đầy đủ thức cứng và mềm, tự tay bưng hầu khiến các ngài ăn no. Ăn xong, dọn bát và dùng nước rửa, rồi mời các ngài trở về’.

“Này A-nan, sau khi vua Đại Thiện Kiến nghĩ như vậy, liền mời tất cả các bậc Thượng tôn Sa-môn, Bà-la-môn đang trú tại thành Câu-thi vương ấy tụ tập trên đại chánh điện. Tất cả tụ tập và an tọa xong, vua thân hành lấy nước rửa rồi đem các thức ăn ngon lành, mỹ diệu, đầy đủ các thức cứng và mềm, tự tay bưng hầu khiến các ngài ăn no. Sau khi ăn, dọn bát, đem nước rửa và nhận lời cầu chúc, rồi vua mời các ngài trở về.

“Này A-nan, vua Đại Thiện Kiến lại nghĩ: ‘Nay ta không nên vào đại chánh điện để hưởng dục lạc. [517a] Ta nên đem độc nhất một người hầu lên ở tại đại chánh điện’.

“Này A-nan, sau đó vua Đại Thiện Kiến đem người hầu lên đại chánh điện, đi vào lầu bằng vàng, ngồi ở ngự tòa bằng bạc, được trải lên bằng những thứ nệm chăn, đệm lông năm sắc, được phủ lên bằng những thứ gấm, the, lụa, sa trun, có chăn đệm lót hai đầu để gối và trải thảm quý bằng da sơn dương. Ngồi xong,  vua ly dục, ly các pháp ác bất thiện; có tầm, có tứ, hỷ và lạc do ly dục sanh, tiến vào Sơ thiền, thành tựu và an trú.

“Từ lầu bằng vàng đi ra, lại đi vào lầu bằng bạc, ngồi vào ngự sàng bằng vàng được trải các thứ nệm chăn, đệm lông năm sắc, được phủ lên bằng những thứ gấm, the, lụa, sa trun, có chăn đệm lót hai đầu để gối và trải thảm quý bằng da sơn dương. Ngồi xong,  vua ly dục, ly pháp ác bất thiện, có tầm, có tứ, hỷ và lạc do ly dục sanh, tiến vào Sơ thiền, thành tựu và an trú.

“Từ lầu bằng bạc đi ra, lại đi vào lầu bằng lưu ly, ngồi vào ngự sàng bằng tủy tinh được trải các thứ nệm chăn, đệm lông năm sắc, được phủ lên bằng những thứ gấm, the, lụa, sa trun, có chăn đệm lót hai đầu để gối và trải thảm quý bằng da sơn dương. Ngồi xong,  vua ly dục, ly pháp ác bất thiện, có tầm, có tứ, hỷ và lạc do ly dục sanh, tiến vào Sơ thiền, thành tựu và an trú.

“Từ lầu bằng lưu ly đi ra, lại vào lầu bằng thủy tinh, ngồi vào ngự sàng bằng lưu ly được trải các thứ nệm chăn, đệm lông năm sắc, được phủ lên bằng những thứ gấm, the, lụa, sa trun, có chăn đệm lót hai đầu để gối và trải thảm quý bằng da sơn dương. Ngồi xong,  vua ly dục, ly pháp ác bất thiện, có tầm, có tứ, hỷ và lạc do ly dục sanh, tiến vào Sơ thiền, thành tựu và an trú.

“Này A-nan, bấy giờ tám vạn bốn ngàn phu nhân và nữ báu quá lâu không thấy vua Đại Thiện Kiến, ai cũng nhớ mong, khao khát muốn thấy. Lúc đó, tám vạn bốn ngàn phu nhân cùng nhau đi đến nữ báu thưa thỉnh rằng:

“– Thiên hậu, nên biết cho, từ lâu chúng tôi không được hầu cận Thiên vương. Thiên hậu, chúng tôi nay muốn cùng nhân dân đến yết kiến Thiên vương.

“Nữ báu nghe xong, liền bảo Tướng quân:

“– Ông nên biết cho, chúng tôi từ lâu không được hầu cận Thiên vương, nay muốn đến yết kiến Thiên vương.

“Tướng quân nghe vậy, liền đưa tám vạn bốn ngàn phu nhân và nữ báu đến đại chánh điện. Tám vạn bốn ngàn thớt voi, tám vạn bốn ngàn con ngựa, tám vạn bốn ngàn cỗ xe, tám vạn bốn ngàn lính bộ, tám vạn bốn ngàn Tiểu vương cũng cùng hộ tống, đi đến đại chánh điện. Lúc cả đoàn đang đi, âm thanh ấy vang dội chấn động mạnh mẽ. Vua Đại Thiện Kiến nghe được âm thanh vang dội [517b] chấn động mạnh mẽ ấy. Nghe vậy,  vua liền hỏi người đứng hầu bên cạnh:

“– Đó là tiếng gì mà vang dội chấn động mạnh mẽ thế?

“Người hầu thưa:

“– Tâu Thiên vương, đó là do tám vạn bốn ngàn phu nhân và nữ báu, hôm nay tất cả cùng đến đại chánh điện; tám vạn bốn ngàn thớt voi, tám vạn bốn ngàn con ngựa, tám vạn bốn ngàn cỗ xe, tám vạn bốn ngàn lính bộ, tám vạn bốn ngàn Tiểu vương lại cùng nhau đến chánh điện, cho nên âm thanh ấy vang dội, chấn động mạnh mẽ.

“Nghe xong, vua Đại Thiện Kiến bảo người hầu cận:

“– Ngươi mau xuống khỏi đại điện, đến chỗ đất trống, trải nhanh giường bằng vàng rồi trở lại cho ta hay.

“Người hầu cận vâng lời, liền từ điện đi xuống, đến chỗ đất trống, trải giường bằng vàng một cách nhanh chóng, liền trở lại thưa rằng:

“– Con đã trải giường bằng vàng ở chỗ đất trống cho Thiên vương, xin tùy ý Thiên vương.

“Này A-nan, vua Đại Thiện Kiến cùng với người hầu từ điện đi xuống, ngự trên giường bằng vàng và ngồi kiết già.

“Này A-nan, bấy giờ tám vạn bốn ngàn phu nhân và nữ báu cùng nhau đến trước vua Đại Thiện Kiến.

“Này A-nan, từ xa, vua Đại Thiện Kiến trông thấy tám vạn bốn ngàn phu nhân và nữ báu, liền đóng kín các căn. Tám vạn bốn ngàn phu nhân và nữ báu thấy vua đóng kín các căn, liền nghĩ: ‘Thiên vương nay chắc không cần đến chúng ta nữa. Vì sao? Vì Thiên vương vừa thấy chúng ta, liền đóng kín các căn’.

“Này A-nan, khi đó nữ báu đi đến trước vua Đại Thiện Kiến. Đến rồi thưa rằng:

“– Tâu Thiên vương, xin biết cho, tám vạn bốn ngàn phu nhân và nữ báu này hoàn toàn thuộc về Thiên vương. Mong Thiên vương thương tưởng đến chúng tôi cho đến lúc mạng chung. Tám vạn bốn ngàn thớt voi, tám vạn bốn ngàn con ngựa, tám vạn bốn ngàn cỗ xe, tám vạn bốn ngàn lính bộ, tám vạn bốn ngàn tiểu vương cũng hoàn toàn thuộc về Thiên vương, mong Thiên vương tưởng đến tất cả cho đến lúc mạng chung.

“Bấy giờ vua Đại Thiện Kiến nghe những lời ấy xong, bảo nữ báu rằng:

“– Này hiền muội, các người luôn luôn xúi dục ta làm điều xấu, mà không khuyến khích ta làm điều tốt. Này hiền muội, từ nay về sau nên khuyến khích ta làm điều tốt, chớ xúi dục ta làm xấu.

“Này A-nan, tám vạn bốn ngàn phu nhân và nữ báu ấy liền ngồi qua một bên, nước mắt tràn ra, khóc lóc bi thảm, thưa rằng:

“– Chúng tôi chẳng phải là em của Thiên vương, mà nay Thiên vương gọi chúng tôi là hiền muội.

“Này A-nan, tám vạn bốn ngàn phu nhân và [517c] nữ báu ấy, mỗi người dùng áo lau nước mắt, lại đến trước vua Đại Thiện Kiến thưa rằng:

“– Tâu Thiên vương, chúng tôi làm thế nào để khuyến khích Thiên vương làm điều tốt, không làm điều xấu?

“Vua Đại Thiện Kiến đáp:

“– Các hiền muội, hãy nói với ta như thế này: ‘Tâu Thiên vương, ngài biết không, mạng người ngắn ngũi, rồi sẽ đi qua đời sau, nên phải tu phạm hạnh. Sự sống cũng có lúc chấm dứt. Thiên vương nên biết, pháp ấy chắc chắn đến, không thể ái niệm, không thể hoan hỷ, hoại diệt tất cả, người đời gọi là ‘sự chết’. Cho nên, tâu Thiên vương, đối với tám vạn bốn ngàn phu nhân và nữ báu, nếu có ái niệm, có dục thì mong Thiên vương đoạn trừ, xả ly tất cả, cho đến lúc mạng chung vẫn chớ niệm tưởng. Đối với tám vạn bốn ngàn thớt voi, tám vạn bốn ngàn con ngựa, tám vạn bốn ngàn cỗ xe, tám vạn bốn ngàn lính bộ, tám vạn bốn ngàn tiểu vương, tâu Thiên vương, nếu có ái niệm, có dục thì mong Thiên vương đoạn trừ, xả ly tất cả, cho đến lúc mạng chung vẫn chớ niệm tưởng’. Này các hiền muội, các hiền muội hãy khuyến khích ta làm điều tôt, chớ xúi dục ta làm điều xấu, đúng như thế.

“Này A-nan, tám vạn bốn ngàn phu nhân và nữ báu ấy thưa rằng:

“– Tâu Thiên vương, chúng tôi từ nay về sau sẽ khuyến khích Thiên vương làm lành, chớ không xúi dục Thiên vương làm ác, như thế này: ‘Tâu Thiên vương, mạng người ngắn ngũi, rồi sẽ đi qua đời sau. Pháp ấy chắc chắn đến, cũng không thể ái niệm, cũng không thể hoan hỷ, hoại diệt tất cả, người đời gọi là ‘sự chết’, cho nên, tâu Thiên vương, đối với tám vạn bốn ngàn phu nhân và nữ báu, nếu có niệm có dục thì mong Thiên vương hãy đoạn trừ, xả ly tất cả, cho đến lúc mạng chung cũng không niệm tưởng’.

“Này A-nan, vua Đại Thiện Kiến thuyết pháp cho tám vạn bốn ngàn phu nhân và nữ báu, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi dùng vô lượng phương tiện thuyết pháp cho những người ấy, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ xong,  vua bảo họ trở về.

“Này A-nan, biết vua đã ra lệnh, tám vạn bốn ngàn phu nhân và nữ báu mỗi người đều đến bái biệt  vua rồi trở về.

“Này A-nan, tám vạn bốn ngàn phu nhân và nữ báu ấy trở về chưa bao lâu, vua Đại Thiện Kiến cùng người hầu cận trở lên đại điện, vào lầu bằng vàng, ngồi trên ngự sàng bằng bạc, được trải bằng các thứ nệm, chăn, đệm lông năm sắc, được phủ lên bằng các thứ gấm, lụa, the, sa trun, có chăn đệm lót hai đầu để [518a] gối và trải thảm quý bằng da sơn dương. Ngồi xong, quán như thế này: ‘Ta đến đây là cuối cùng. Niệm dục, niệm nhuế, niệm hại, đấu tranh, ghét nhau, dua siễm, dối trá, lừa gạt, nói láo, vô lượng các pháp ác bất thiện đến đây là cuối cùng. Tâm cùng với từ tương ưng, biến mãn một phương, thành tựu và an trú. Cũng như thế, hai, ba, bốn phương trên và dưới phổ biến cùng khắp, không kết không oán, không nhuế, không tranh, bao la rộng lớn, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn cùng khắp thế gian, thành tựu và an trú’.

“Từ lầu bằng vàng đi ra,  vua lại vào lầu bằng bạc, ngồi trên ngự sàng bằng vàng, được trải lên bằng các chăn nệm, đệm lông năm sắc, được trải lên bằng các thứ gấm, the, lụa, sa trun, có chăn đệm lót hai đầu để gối và trải thảm quý bằng da sơn dương. Ngồi xong, quán tưởng rằng: ‘Ta đến đây là cuối cùng. Niệm dục, niệm nhuế, niệm hại, đấu tranh, ghét nhau, dua siễm, dối trá, lừa gạt, nói láo,... vô lượng các pháp ác bất thiện, đến đây là cuối cùng, tâm cùng với bi tương ưng, biến mãn một phương, thành tựu và an trú. Cũng như thế, hai, ba, bốn phương, tứ duy, phương trên và phương dưới, phổ biến cùng khắp, không kết không oán, không nhuế, không tranh, rộng rãi bao la vô lượng, khéo tu tập, biến mãn cùng khắp thế gian, thành tựu an trú’.

“Từ lầu bằng bạc đi ra,  vua lại vào lầu bằng lưu ly, ngồi trên ngự tòa bằng thủy tinh, được trải bằng các thứ chăn nệm, đệm lông năm sắc, được phủ lên bằng các thứ gấm, the, lụa, sa trun, có chăn nệm lót hai đầu để gối và trải thảm quý bằng da sơn dương. Ngồi xong, quán thế này: ‘Ta đến đây là cuối cùng. Niệm dục, niệm nhuế, niệm hại, đấu tranh, ghét nhau, dua siễm, dối trá, lừa gạt, nói láo, vô lượng các pháp ác bất thiện, đến đây là cuối cùng, tâm cùng với hỷ tương ưng, biến mãn một phương, thành tựu và an trú. Cũng như thế, hai, ba, bốn phương, tứ duy, phương trên và phương dưới, phổ biến cùng khắp, không kết không oán, không nhuế, không tranh, rộng rãi bao la vô lượng, khéo tu tập, biến mãn cùng khắp thế gian, thành tựu và an trú’.

“Từ lầu bằng lưu ly đi ra,  vua vào lầu bằng thủy tinh, ngồi trên ngự tòa bằng lưu ly, được trải lên bằng các thứ chăn nệm, đệm lông năm sắc, được phủ lên bằng các thứ gấm, the, lụa, sa trun, có chăn nệm lót hai đầu để gối và trải thảm quý bằng da sơn dương. Ngồi xong, quán thế này: “Ta đến đây là cuối cùng. Niệm dục, niệm nhuế, niệm hại, đấu tranh, ghét nhau, dua siễm, dối trá, lừa gạt, nói láo,... vô lượng các pháp ác bất thiện, đến đây là cuối cùng, tâm cùng với xả tương ưng, biến mãn một phương, thành tựu và an trú. Cũng như thế, hai, ba, bốn phương, tứ duy, phương trên và [518b] phương dưới, phổ biến cùng khắp, không kết không oán, không nhuế, không tranh, rộng rãi bao la vô lượng, khéo tu tập, biến mãn cùng khắp thế gian, thành tựu và an trú.”

“Này A-nan, Vua Đại Thiện Kiến vào giờ phút cuối cùng, chết với một cảm giác đau phơn phớt.

“Cũng giống như cư sĩ hoặc con của cư sĩ, ăn món ăn mỹ diệu, cảm thấy một chút khó chịu. Này A-nan, vua Đại Thiện Kiến vào giờ phút cuối cùng chết với một cảm giác đau phơn phớt cũng lại như vậy.

“Này A-nan, bấy giờ vua Đại Thiện Kiến tu bốn Phạm trụ [70], sau khi xả niệm dục, nhờ đó khi mạng chung, sanh vào cõi Phạm thiên.

“Này A-nan, vua Đại Thiện Kiến thuở xưa ấy ông cho là ai khác chăng? Chớ nghĩ như vậy, nên biết rằng vị ấy chính là Ta vậy.

“Này A-nan, lúc bấy giờ Ta làm lợi ích cho mình, cũng làm lợi ích cho kẻ khác, làm lợi ích cho mọi người. Ta thương xót thế gian, mong cầu thiện lợi và hữu ích, mong cầu an ổn và khoái lạc cho trời và người. Bấy giờ Ta thuyết pháp không đến chỗ rốt ráo, không rốt ráo bạch tịnh, không rốt ráo phạm hạnh. Vì không rốt ráo phạm hạnh nên khi ấy không lìa khỏi sự sanh, tuổi già, bệnh tật, sự chết, khóc lóc, áo não, cũng chưa thoát khỏi mọi khổ đau.

“Này A-nan, nay Ta xuất hiện ở đời là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Nay Ta đã làm lợi ích cho mình, cũng làm lợi ích cho kẻ khác, làm lợi ích cho mọi người. Ta thương xót thế gian, mong cầu sự thiện lợi và hữu ích, cầu sự an ổn và khoái lạc cho trời và người. Nay Ta thuyết pháp đến chỗ rốt ráo, rốt ráo bạch tịnh, rốt ráo phạm hạnh. Rốt ráo phạm hạnh nên nay Ta lìa khỏi sự sanh, tuổi già, tật bệnh, sự chết, khóc lóc, áo não. Ta nay đã thoát khỏi mọi sự đau khổ.

“Này A-nan, từ thành Câu-thi-la, từ rừng Sa-la của Hòa-bạt-đơn Lực sĩ, từ sông Ni-liên-nhiên [71], từ sông Bà-cầu [72], từ Thiên Quang tự, từ chỗ trải chỗ nằm cho Ta hôm nay, trong khoảng thời gian giữa đó, Ta đã bảy lần xả thân. Trong bảy lần ấy, sáu lần làm Chuyển luân vương, nay là lần thứ bảy thành Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác. Này A-nan, Ta không thấy ở đâu trong thế gian này, Trời hay Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, từ trời đến người mà Ta sẽ xả thân thêm lần nữa, vì điều đó không có thể có.

“Này A-nan, nay đây là sự sanh cuối cùng của Ta, là sự hữu cuối cùng, là thân cuối cùng, là bẩm hình cuối cùng. Ta nói đây là chỗ tận cùng của khổ.”

Đức Phật thuyết như vậy, Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết xong, hoan hỷ phụng hành. [73]

69. KINH TAM THẬP DỤ

 [518c11] Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại thành Vương xá, trong vườn Ca-lan-đa, rừng Trúc, cùng an cư mùa mưa  với đại chúng Tỳ-kheo.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn vào ngày rằm thuyết Biệt giải thoát [74], trải chỗ ngồi trước chúng Tỳ-kheo. Ngồi xong, Thế Tôn nhập định quán tâm các Tỳ-kheo. Lúc đó Thế Tôn thấy chúng Tỳ-kheo tĩnh tọa im lặng, rất im lặng, không có thụy miên vì đã dứt trừ ấm cái. Chúng Tỳ-kheo ngồi thậm thâm, rất thậm thâm; tịch tĩnh, rất tịch tĩnh; vi diệu, rất vi diệu.

Khi ấy Tôn giả Xá-lợi-phất cũng ở trong chúng. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo:

“Này Xá-lợi-phất, chúng Tỳ-kheo tĩnh tọa, im lặng, rất im lặng, không có thụy miên vì đã dứt trừ ấm cái. Chúng Tỳ-kheo ngồi thậm thâm, rất thậm thâm; tịch tĩnh, rất tịch tĩnh; vi diệu, rất vi diệu. Ai là người có thể kính trọng, phụng sự chúng Tỳ-kheo?”

Tôn giả Xá-lợi-phất từ chỗ ngồi đứng dậy, kéo lệch vai áo đang mặc, chắp tay hướng về Đức Phật, bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, chúng Tỳ-kheo tĩnh tọa, im lặng, rất im lặng, không có thụy miên vì đã trừ ấm cái. Chúng Tỳ-kheo ngồi thậm thâm, rất thậm thâm; tịch tĩnh, rất tịch tĩnh; vi diệu, rất vi diệu như thế. Bạch Thế Tôn, không ai là người có thể kính trọng, phụng sự chúng Tỳ-kheo, chỉ có Đức Thế Tôn mới có thể phụng sự, kính trọng Pháp và chúng Tỳ-kheo cùng với giới, bất phóng dật, bố thí và định. Chỉ có Đức Thế Tôn mới có thể kính trọng, phụng sự mà thôi.”

Đức Thế Tôn nói:

“Này Xá-lợi-phất, đúng như vậy. Không ai có thể kính trọng, phụng sự Pháp và chúng Tỳ-kheo. Chỉ có Thế Tôn [519a] mới có thể kính trọng, cùng với giới, bất phóng dật, bố thí và định. Chỉ có Thế Tôn mới có thể kính trọng, phụng sự Pháp và chúng Tỳ-kheo mà thôi.

1. “Này Xá-lợi-phất, cũng giống như vua và đại thần có đầy đủ các thứ trang sức, lụa, tơ, gấm, len, nhẫn tay, xuyến cườm tay, chuỗi ngọc khuỷu tay, kiềng đeo cổ, vàng bạc [75], châu ngọc cài mái tóc. Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni cũng giống như thế, dùng giới đức để làm đồ trang sức. Này Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu giới đức để dùng làm đồ trang sức, thảy đều có thể xả bỏ điều ác, tu tập điều thiện.

2. “Này Xá-lợi-phất, cũng như vua và đại thần có năm nghi trượng: kiếm, lọng, thiên quan, phất trần cán bằng ngọc và giày cẩn ngọc [76] để bảo vệ thân cho được an ổn. Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào dùng sự giữ gìn cấm giới để bảo vệ phạm hạnh, cũng giống như thế. Này Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu cấm giới để bảo vệ phạm hạnh, vị ấy liền xả bỏ điều ác, tu tập điều thiện.

3. “Này Xá-lợi-phất, cũng như vua và đại thần có người giữ cửa [77]. Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni lấy sự thủ hộ sáu căn làm người giữ cửa cũng giống như thế. Này Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu sự thủ hộ sáu căn, vị ấy liền xả được điều ác, tu tập điều thiện.

4. “Này Xá-lợi-phất, cũng giống như vua và đại thần có tướng giữ cỗng thành thông minh, có trí tuệ, có sự phân biệt rõ ràng. Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng chánh niệm làm tướng giữ cổng cũng giống như thế. Này Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu chánh niệm thì liền xả được điều ác, tu tập điều thiện.

5. “Này Xá-lợi-phất, cũng như vua và đại thần có hồ tắm đẹp, trong mát, tràn đầy. Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng tĩnh tâm làm hồ tắm mát cũng giống như thế. Này Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu tĩnh tâm làm hồ tắm mát, vị ấy xả được điều ác, tu tập điều thiện.

6. “Này Xá-lợi-phất, cũng giống như vua và đại thần có người hầu tắm, thường phục vụ tắm rửa. Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni lấy thiện tri thức làm người hầu tắm cũng giống như thế. Này Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu việc lấy thiện tri thức làm người hầu tắm, vị ấy có thể xả được điều ác, tu tập điều thiện.

7.“Này Xá-lợi-phất, cũng giống như vua và đại thần có bột hương thoa thân, mật cây [78], trầm thủy, chiên đàn, tô hợp [79], kê thiệt [80], đô lương [81]. Xá-lợi-phất, [519b] Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng giới đức làm bột hương cũng lại như vậy. Này Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu giới đức để làm bột hương, vị ấy xả bỏ được điều ác, tu tập điều thiện.

8. “Này Xá-lợi-phất, cũng như vua và đại thần có y phục tốt đẹp, như áo sơ-ma [82], áo gấm lụa, áo bạch điệp [83], áo da sơn dương [84]. Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng sự hổ thẹn làm y phục cũng giống như thế. Này Xá-lợi-phất, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu sự hổ thẹn làm y phục thì xả bỏ được điều ác, tu tập điều thiện.

9. “Này Xá-lợi-phất, cũng như vua và đại thần có giường ghế rất rộng, cao lớn. Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng Tứ thiền làm giường ghế cũng giống như vậy. Này Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu Tứ thiền thì liền xả bỏ được điều ác, tu tập điều thiện.

10. “Này Xá-lợi-phất, cũng như vua và đại thần có thợ hớt tóc rành nghề, thường phục vụ tắm gội, thì này Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng chánh niệm làm thợ hớt tóc cũng giống như thế. Này Xá-lợi-phất, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào dùng chánh niệm làm thợ hớt tóc thì có thể xả bỏ được điều ác, tu tập điều thiện.

11. “Này Xá-lợi-phất, cũng giống như vua và đại thần có đồ ăn ngon lành mỹ diệu, đủ các mùi vị đặc biệt; này Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng hỷ làm thức ăn, cũng giống như thế. Này Xá-lợi-phất, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu hỷ làm thức ăn thì có thể tiêu diệt được điều ác, tu tập thiện pháp.

12. “Này Xá-lợi-phất, cũng giống như vua và đại thần có các thức uống như nước trái xoài [85], nước chiêm-ba [86], nước mía, nước nho, nước mạt-ta-đề [87]; này Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni cũng dùng pháp vị làm thức uống, cũng như vậy. Này Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu pháp vị dùng làm thức uống, vị ấy liền xả bỏ được điều ác, tu tập điều thiện.

13 “Này Xá-lợi-phất, cũng giống như vua và đại thần có tràng hoa đẹp, như tràng hoa sen xanh, tràng hoa chiêm-bặc, tràng hoa tu-ma-na, tràng hoa bà-sư, tràng hoa a-đề-mâu-đa, thì này Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng ba định là Không, Vô nguyện, Vô tướng [88] làm tràng hoa cũng giống như thế. Này Xá-lợi-phất, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu ba định Không, Vô nguyện, Vô tướng làm tràng hoa thì liền xả bỏ điều ác, tu tập điều thiện.

14.  “Này Xá-lợi-phất, cũng giống như vua và đại thần có phòng ốc, nhà cửa, lầu quán, thì này Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng ba trụ là Thiên trụ, Phạm trụ và Thánh trụ [89] làm nhà cửa, cũng giống như thế. Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu ba trụ làm [519c] nhà cửa, vị ấy liền xả bỏ đựợc điều ác, tu tập điều thiện.

15. “Này Xá-lợi-phất, cũng như vua và đại thần có người điển thủ [90], tức người giữ nhà [91], thì này Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng trí tuệ làm người giữ nhà cũng giống như thế. Này Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào dùng trí tuệ làm người giữ nhà, vị ấy liền xả bỏ được điều ác, tu tập điều thiện.

`16. “Này Xá-lợi-phất, cũng như vua và đại thần có bốn loại thuế của các quốc ấp. Phần thứ nhất để cung cấp vua và hoàng hậu, cùng các thể nữ trong cung. Phần thứ hai cung cấp cho thái tử và quần thần. Phần thứ ba cung cấp cho toàn dân. Phần thứ tư cung cấp cho Sa-môn, Bà-la-môn. Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng bốn niệm xứ làm tô thuế cũng giống như vậy. Này Xá-lợi-phất, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu bốn niệm xứ dùng làm thuế, vị ấy liền xả bỏ điều ác, tu tập điều thiện.

17. “Này Xá-lợi-phất, cũng như vua và đại thần có bốn loại quân là tượng quân, mã quân, xa quân và bộ quân; này Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng bốn chánh đoạn [92] làm bốn loại quân cũng giống như thế. Này Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu bốn chánh đoạn làm bốn loại quân, vị ấy liền xả bỏ điều ác, tu tập điều thiện.

18. “Này Xá-lợi-phất, cũng như vua và đại thần có bốn loại xe tải, như xe tải bằng voi, xe tải bằng ngựa, xe tải bằng xe, xe tải bằng người; này Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng bốn như ý túc làm xe tải cũng giống như vậy. Này Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu bốn như ý túc dùng làm xe tải, vị ấy liền xả bỏ điều ác, tu tập điều thiện.

19. “Này Xá-lợi-phất, cũng giống như vua và đại thần có các loại xe trang hoàng bằng các loại da vằn tốt của sư tử, cọp, beo dệt thành những thứ màu sắc lẫn lộn; Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng chỉ quán làm xe cũng giống như vậy. Này Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu chỉ quán dùng làm xe, vị ấy có thể xả bỏ điều ác, tu tập điều thiện.

20. “Này Xá-lợi-phất, cũng như vua và đại thần có giá ngự, tức là người đánh xe, thì này Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng chánh niệm làm kẻ giá ngự cũng lại như vậy. Này Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu chánh niệm dùng làm giá ngự, vị ấy liền xả bỏ điều ác, tu tập điều thiện.

21. “Này Xá-lợi-phất, cũng như vua và đại thần có cây phướn cực cao, thì này Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni đem tâm mình làm cây phướn cực cao cũng giống như vậy. Này Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào [520a] thanh tựu tâm mình làm cây phướn cao, vị ấy liền có thể xả bỏ điều ác, tu tập điều thiện.

22. “Này Xá-lợi-phất, cũng như vua và đại thần có đường đi tốt đẹp, bằng phẳng, ngay ngắn, trực chỉ đến các công viên, thì này Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng Thánh đạo tám chi làm con đường bằng phẳng, ngay ngắn, trực chỉ Niết-bàn cũng giống như thế. Này Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu Thánh đạo tám chi dùng làm con đường bằng phẳng, ngay ngắn, trực chỉ Niết-bàn, vị ấy liền xả bỏ điều ác, tu tập điều thiện.

23. “Này Xá-lợi-phất, cũng như vua và đại thần có tướng quân [93] thông minh, trí tuệ, có sự phân biệt rõ ràng, thì này Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng trí tuệ làm tướng quân cũng giống như vậy. Này Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu trí tuệ dùng làm tướng quân, vị ấy liền xả bỏ điều ác, tu tập điều thiện.

24. “Này Xá-lợi-phất, cũng như vua và đại thần có đại chánh điện cao rộng, sáng sủa, thì này Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng trí tuệ làm đại chánh điện cũng giống như thế. Này Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu trí tuệ làm đại chánh điện, vị ấy liền xả bỏ điều ác, tu tập điều thiện.

25. “Này Xá-lợi-phất, cũng như vua và đại thần bước lên trên điện cao, quán sát những người dưới thấp qua lại, chạy nhảy, đi, đứng, ngồi, nằm, thì này Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni đem vô lượng trí tuệ thăng lên cao điện để quán sát tâm mình, làm cho tâm trùm khắp, nhu nhuyến, hoan hỷ, viễn ly. Này Xá-lợi-phất, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu vô lượng trí tuệ làm cao điện để tự quán tâm mình, làm cho trùm khắp, nhu nhuyến, hoan hỷ, viễn ly, vị ấy liền xả bỏ điều ác, tu tập điều thiện.

26. “Này Xá-lợi-phất, cũng như vua và đại thần có Tông chánh khanh, [94] thành thạo, am hiểu tông tộc, thì này Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni khi dùng bốn Thánh chủng làm Tông chánh khanh cũng giống như vậy. Này Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu bốn thánh chủng dùng làm Tông chánh khanh. vị ấy liền xả bỏ điều ác, tu tập điều thiện.

27. “Này Xá-lợi-phất, cũng như vua và đại thần có lương y danh tiếng trị được các bệnh, thì này Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng chánh niệm làm lương y cũng giống như thế. Này Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu chánh niệm dùng làm lương y, vị ấy liền xả bỏ điều ác, tu tập điều thiện.

28. “Này Xá-lợi-phất, cũng như vua và đại thần có chánh ngự sàng, trải lên bằng các thứ chăn nệm, đệm lông năm sắc, phủ lên bằng các thứ gấm, the, lụa, sa trun, có chăn đệm lót hai đầu để gối và [520b] trải thảm quý bằng da sơn dương, thì này Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng vô ngại định làm chánh ngự sàng cũng giống như thế. Này Xá-lợi-phất, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu vô ngại định làm chánh ngự sàng, vị ấy liền xả bỏ điều ác, tu tập điều thiện.

29. “Này Xá-lợi-phất, cũng như vua và đại thần có ngọc báu danh tiếng, thì này Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng bất động tâm giải thoát làm ngọc báu danh tiếng cũng giống như thế. Này Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu bất động tâm giải thoát làm ngọc báu danh tiếng, vị ấy liền xả bỏ điều ác, tu tập điều thiện.

30. “Này Xá-lợi-phất, cũng như vua và đại thần tắm nước trong mát, thoa bột hương tốt khiến thân thể thơm sạch, thì này Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni tự quán tâm mình, khiến cho thân tịch tịnh, cũng giống như thế. Này Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu việc quán tâm mình, khiến cho thân tịch tịnh, vị ấy có thể kính trọng, phụng sự Thế Tôn, Pháp và Chúng Tỳ-kheo, cùng với giới, bất phóng dật, bố thí và định.”

Phật thuyết như vậy. Tôn giả Xá-lợi-phất và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

70. KINH CHUYỂN LUÂN VƯƠNG

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại Ma-đâu-lệ Sát-lị [95], trong rừng xoài, trên bờ sông Sử hà [96].

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Này các Tỳ-kheo, hãy tự mình thắp lên ngọn đèn pháp. [97] Hãy nương tựa nơi pháp của chính mình, chớ đừng thắp nơi khác làm ngọn, [98] đừng nương tựa một pháp khác.

“Này chư Tỳ-kheo, nếu ai tự mình thắp lên ngọn đèn pháp, tự nương tựa nơi pháp của chính mình, không thắp nơi khác làm ngọn đèn khác, không nương tựa một pháp khác, người ấy có thể cầu học, được lợi và phước vô lượng. Vì sao?

“Này Tỳ-kheo, thuở xưa có vua tên là Kiên Niệm [99] làm Chuyển luân vương, thông minh trí tuệ, có bốn loại quân chỉnh trị thiên hạ, tự do tự tại, là vị Pháp vương như pháp, thành tựu bảy báu, được bốn đức như ý của con người.

“Thành tựu bảy báu và được thành tựu bảy báu, được bốn đức như ý của con người là như thế nào? Đã nói trước đây [100] về sự thành tựu bảy báu, được bốn đức như ý của con người.

“Bấy giờ vua Kiên Niệm, vào một thời gian sau, bánh xe báu báu di chuyển, bỗng rời khỏi chỗ cũ. Có người trông thấy, đến chỗ vua Kiên Niệm tâu rằng:

“– Tâu Thiên vương, nên biết rằng bánh xe báu [520c] di chuyển, rời khỏi chỗ cũ.

“Vua Kiên Niệm nghe xong, bảo rằng:

“– Này Thái tử, bánh xe báu báu của ta di chuyển, rời khỏi chỗ cũ. Thái tử, chính ta từng nghe cổ nhân nói rằng ‘Nếu bánh xe báu báu của Chuyển luân vương di chuyển, rời khỏi chỗ cũ, thì vua ấy chắc chắn không còn sống lâu, mạng vua không tồn tại lâu nữa. Này Thái tử, ta đã hưởng dục lạc nhân gian, nay ta sẽ cầu dục lạc thiên thượng. Này Thái tử, ta muốn cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo. Này Thái tử, nay ta đem bốn châu thiên hạ này giao phó cho con, con hãy chỉnh trị giáo hóa đúng như pháp, chớ dùng phi pháp, không để trong nước có người tạo ác nghiệp và phi phạm hạnh. Này Thái tử, về sau nếu con thấy bánh xe báu báu rời khỏi chỗ cũ một ít thì con cũng phải đem việc quốc chính của nước này giao phó cho con của con, khéo dạy bảo và ủy thác giang sơn lại cho nó, rồi con cũng phải cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo.

“Bấy giờ vua Kiên Niệm giao phó đất nước lại cho Thái tử. Khéo dạy bảo xong, vua liền cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo. Sau khi vua Kiên Niệm xuất gia học đạo bảy ngày, bánh xe báu báu ấy biến mất, không thấy.

“Lúc mất bánh xe báu, vua Sát-lị Đảnh Sanh quá ưu sầu áo não, không hoan lạc. Vua Sát-lị Đảnh Sanh liền đến chỗ Tiên nhân, tức vua cha Kiên Niệm, thưa rằng:

“– Tâu Thiên vương, nên biết rằng, sau khi Thiên vương học đạo mới bảy ngày thì bánh xe báu báu biến mất, không thấy nữa.

“Cha là Tiên nhân, vua Kiên Niệm bảo con rằng:

“– Con chớ vì mất bánh xe báu mà nhớ tiếc, ưu sầu. Vì sao? Vì con không được bánh xe báu này từ nơi cha.

“Vua Sát-lị Đảnh Sanh thưa vua cha rằng:

“– Tâu Thiên vương, vậy con phải làm gì.

“Cha là Tiên nhân tức vua Kiên Niệm bảo con rằng:

“– Con phải học pháp tương thừa [101]. Nếu học pháp tương thừa thì vào ngày rằm thuyết Biệt giải thoát, sau khi tắm rửa và đi lên chánh điện, bánh xe báu ấy chắc chắn sẽ từ phương Đông hiện đến, có ngàn căm và đầy đủ các bộ phận, thanh tịnh tự nhiên, chẳng phải do người tạo, màu sắc như ánh lửa, chói lọi sáng ngời.

“Vua Sát-lị Đảnh Sanh lại thưa cha rằng:

“– Tâu Thiên vương, pháp tương thừa như thế nào mà Thiên vương muốn bảo con học, để lúc học rồi, vào ngày rằm, thuyết Biệt giải thoát, sau khi tắm rửa và lên chánh điện, bánh xe báu báu ấy sẽ từ phương Đông hiện đến; [521a] bánh xe có ngàn căm và đầy đủ các bộ phận, thanh tịnh tự nhiên, chẳng phải do người tạo, màu sắc như ánh lửa, chói lọi sáng ngời?

“Vua Kiên Niệm bảo con rằng:

“– Con hãy quán pháp như pháp, thực hành pháp đúng như pháp. Hãy vì thái tử, hậu phi, thể nữ và các thần dân, Sa-môn, Bà-la-môn, cho đến loài côn trùng mà phụng trì trai giới vào những ngày mồng tám, mười bốn, mười lăm, tu hạnh bố thí. Bố thí cho những người nghèo khốn, Sa-môn, Bà-la-môn, kẻ bần cùng, người cô độc từ các phương xa lại xin; đem đồ ăn thức uống, áo chăn, xe cộ, tràng hoa, bột hoa, bột hương, nhà cửa, giường nệm, đệm lông, khăn quấn và cung cấp đèn dầu đầy đủ. Nếu trong nước con có các bậc Thượng tôn danh đức Sa-môn, Bà-la-môn, thì con phải tùy thời đi đến chỗ của các vị đó để hỏi pháp, thọ pháp như thế này: ‘Thưa Chư Tôn, thế nào là pháp thiện, thế nào là pháp bất thiện? Thế nào là tội, thế nào là phước? Thế nào là diệu, thế nào là phi diệu? Thế nào là hắc, thế nào là bạch? Pháp hắc bạch từ đâu sanh? Thế nào là mục đích [102] của cuộc đời này? Thế nào là mục đích của đời sau? Làm thế nào để thọ thiện, không thọ ác?’ Sau khi nghe từ các vị ấy, con phải thực hành đúng như lời các vị đã dạy. Nếu trong nước của con có kẻ bần cùng thì hãy lấy của cải cung cấp đầy đủ. Này con, đó là pháp tương thừa, con nên khéo học. Con đã khéo học thì vào ngày rằm, thuyết Biệt giải thoát, sau khi tắm rửa và lên chánh điện, chắc chắn Bánh xe báu ấy sẽ từ phương Đông hiện đến, có ngàn căm và đầy đủ các bộ phận, thanh tịnh tự nhiên, chẳng phải do người tạo, màu sắc như ánh lửa, chói lọi sáng ngời.

“Vua Sát-lị Đảnh Sanh sau đó liền quán pháp đúng như pháp, thực hành pháp đúng như pháp, đã vì thái tử, hậu phi, thể nữ và các thần dân, Sa-môn, Bà-la-môn, cho đến loài côn trùng mà phụng trì trai giới vào các ngày mồng tám, mười bốn và mười lăm, tu hạnh bố thí. Bố thí cho những người nghèo khốn, Sa-môn, Bà-la-môn, kẻ bần cùng, người cô độc từ các phương xa lại xin; đã đem cho đồ ăn thức uống, y, mền, xe cộ, tràng hoa, bột hoa, bột hương, nhà cửa, giường nệm, đệm lông, khăn quấn và cung cấp dầu đèn đầy đủ. Nếu trong nước của vua có các bậc Thượng tôn danh đức Sa-môn, Bà-la-môn thì vua tùy thời đích thân đến chỗ các vị hỏi pháp, thọ pháp thế này:

“– Thưa Chư Tôn, thế nào là pháp thiện, thế nào là pháp bất thiện? Thế nào là tội, thế nào là phước? Thế nào là diệu, thế nào là phi diệu? Thế nào là hắc, thế nào là bạch? Pháp hắc bạch từ đâu sanh? Thế nào là mục đích của đời này? Thế nào là mục đích của đời sau? Làm thế nào để thọ thiện mà không thọ ác?

 [521b] “Sau khi nghe họ nói,  vua thực hành đúng như pháp những lời các vị đã dạy. Nếu trong nước của vua có kẻ bần cùng,  vua liền lấy của cải tùy thời cung cấp đầy đủ. Sau đó, vua Sát-lị Đảnh Sanh vào ngày rằm thuyết Biệt giải thoát, sau khi tắm rửa bèn lên chánh điện. Khi ấy Bánh xe báu ấy từ phương Đông hiện đến, có ngàn căm và đầy đủ các bộ phận, thanh tịnh tự nhiên, chẳng phải do người tạo, màu sắc như ánh lửa, chói lọi sáng ngời.  vua đã được làm Chuyển luân vương, cũng thành tựu bảy báu, cũng được bốn đức như ý của con người.

“Thành tựu bảy báu và được bốn đức như ý của con người như thế nào? Điều này đã nói ở trước.

“Vua Chuyển luân vương ấy, vào một thời gian sau, bánh xe báu bỗng nhiên rời khỏi chỗ cũ một ít, có người trông thấy, liền đến chỗ vua Chuyển luân vương tâu rằng:

“– Tâu Thiên vương, nên biết cho rằng bánh xe báu đã rời khỏi chỗ cũ một ít.

“Chuyển luân vương nghe xong liền bảo thái tử:

“– Này Thái tử, bánh xe báu của ta đã rời khỏi chỗ cũ. Này Thái tử, ta từng nghe từ Phụ vương ta là vua Kiên Niệm nói như thế này: ‘Nếu bánh xe báu của vua Chuyển luân vương rời khỏi chỗ cũ thì vua ấy chắc chắn không còn sống lâu, mạng vua không còn tồn tại bao lâu nữa’. Này Thái tử, ta đã hưởng dục lạc của thế gian, nay ta cầu dục lạc thiên thượng. Này Thái tử, ta muốn cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo. Này Thái tử, con hãy chỉnh trị giáo hóa đúng như pháp, chớ đừng phi pháp, không để cho trong nước có những người tạo ác nghiệp và phi phạm hạnh. Này Thái tử, về sau nếu con thấy bánh xe báu rời khỏi chỗ cũ, thì con cũng phải đem việc quốc chính của nước này giao phó lại cho con của con, khéo dạy bảo và ủy thác giang sơn lại cho nó, rồi con cũng cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo.

“Bấy giờ, vua Chuyển luân vương ấy giao phó đất nước cho thái tử, khéo dạy bảo xong, liền cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo. Sau khi vua Chuyển luân vương ấy xuất gia học đạo được bảy ngày thì bánh xe báu báu ấy biến mất không thấy.

“Lúc mất bánh xe báu, vua Sát-lị Đảnh Sanh không ưu sầu mà lại nhiễm dục, trước dục, tham dục, không nhàm tởm, bị dục trói buộc, bị lệ thuộc vào dục, không thấy tai họa của dục, không biết sự xuất ly khỏi dục, tự cai trị đất nước theo ý của mình nên đất nước suy vong, không phục hưng nổi. Như các vị Chuyển luân vương thuở xưa học pháp tương thừa, nên đất nước nhân dân càng hưng thịnh thêm mãi, không hề suy giảm; trái lại [521c] vua Sát-lị Đảnh Sanh tự cai trị đất nước theo ý mình. Vì tự cai trị đất nước theo ý mình nên đất nước suy vong, không phục hưng nổi.

“Bấy giờ, Bà-la-môn Quốc sư đi quan sát tình cảnh đất nước, thấy đất nước nhân dân đã suy vong, không phục hưng nổi, liền nghĩ rằng: ‘Vua Sát-lị Đảnh Sanh tự cai trị đất nước theo ý của vua. Vì cai trị đất nước theo ý của vua nên đất nước nhân dân đã suy vong, không phục hưng nổi. Như các bậc Chuyển luân vương thuở xưa học pháp tương thừa nên đất nước nhân dân càng hưng thịnh thêm mãi, không hề suy giảm; trái lại vua Sát-lị Đảnh Sanh này tự cai trị đất nước theo ý của vua. Vì cai trị đất nước theo ý của vua nên nhân dân đất nước đã suy vong, không phục hưng nổi.’  Bà-la-môn Quốc sư liền đến vua Sát-lị Đảnh Sanh thưa rằng:

“– Tâu Thiên vương, nên biết rằng, Thiên vương đã tự cai trị đất nước theo ý của Thiên vương. Vì đã cai trị đất nước theo ý của Thiên vương nên đất nước nhân dân đã suy giảm, không phục hưng nổi. Như các vị Chuyển luân vương thuở xưa học pháp tương thừa nên đất nước nhân dân càng hưng thịnh mãi, không hề suy giảm. Nay Thiên vương thì trái lại, cai trị đất nước theo ý của Thiên vương nên đất nước nhân dân đã suy vong, không phục hưng nổi.

“Nghe xong, vua Sát-lị Đảnh Sanh bảo rằng:

“– Này  Bà-la-môn, ta phải làm thế nào?

 Bà-la-môn Quốc sư trả lời:

“– Tâu Thiên vương, trong nước có người thông minh trí tuệ, am tường toán số. Trong nước có đại thần và quyến thuộc học kinh, hiểu rõ kinh, tụng tập, thọ trì pháp tương thừa. Khi đã học pháp tương thừa thì vào ngày rằm thuyết Biệt giải thoát, Thiên vương tắm rửa, lên chánh điện, bánh xe báu ấy chắc chắn từ phương Đông hiện đến, có ngàn căm và đầy đủ các bộ phận, thanh tịnh tự nhiên, chẳng phải do người tạo, màu sắc như ánh lửa, chói lọi sáng ngời.

“Vua Sát-lị Đảnh Sanh lại hỏi:

“– Này  Bà-la-môn, pháp tương thừa như thế nào mà  Bà-la-môn muốn ta học, để lúc học rồi, vào ngày rằm thuyết Biệt giải thoát, sau khi tắm rửa và lên chánh điện, bánh xe báu từ phương Đông hiện đến, có một ngàn căm, đầy đủ các bộ phận, thanh tịnh tự nhiên, chẳng phải do người làm, màu sắc tự như ánh lửa, chói lọi sáng ngời?

“ Bà-la-môn Quốc sư thưa rằng:

“– Tâu Thiên vương, Thiên vương hãy quán pháp đúng như pháp, thực hành pháp đúng như pháp. Hãy vì thái tử, hậu phi, thể nữ và các thần dân, Sa-môn, Bà-la-môn [522a] cho đến loài côn trùng mà phụng trì trai giới. Vào những ngày mồng tám, mười bốn và ngày rằm tu hạnh bố thí. Bố thí cho những người nghèo khốn, Sa-môn, Bà-la-môn, kẻ bần cùng, người cô độc từ các phương xa lại xin, đem cho đồ ăn thức uống, y, mền, xe cộ, tràng hoa, bột hoa, bột hương, nhà cửa, giường nằm, đệm lông, chăn quấn và cung cấp đèn dầu đầy đủ. Nếu ở trong nước có những bậïc thượng tôn danh đức Sa-môn, Bà-la-môn thì Thiên vương hãy tùy thời, đi đến chỗ của các ngài để hỏi pháp, thọ pháp như thế này: ‘Thưa Chư Tôn, thế nào là pháp thiện, thế nào là pháp bất thiện? Thế nào là tội, thế nào là phước? Thế nào là diệu, thế nào là phi diệu? Thế nào là hắc, thế nào là bạch? Pháp hắc bạch từ đâu sanh? Thế nào là mục đích của đời này? Thế nào là mục đích của đời sau làm thế nào để thọ thiện mà không thọ ác?’ Khi đã được nghe xong, Thiên vương nên thực hành đúng như lời các ngài đã dạy. Nếu trong nước của Thiên vương có kẻ bần cùng thì nên lấy của cải trong cung để cung cấp đầy đủ. Tâu Thiên vương, đó là pháp tương thừa, Thiên vương nên khéo học và ghi nhớ, rồi vào ngày rằm thuyết Biệt giải thoát, sau khi tắm rửa và lên chánh điện, Thiên vương, bánh xe báu báu ấy chắc chắn sẽ từ phương Đông hiện đến, có một ngàn căm và đủ các bộ phận, thanh tịnh tự nhiên, chẳng phải do người tạo, màu sắc như ánh lửa, chói lọi sáng ngời.

“Sau đó, vua Sát-lị Đảnh Sanh liền quán pháp đúng như pháp, thực hành đúng như pháp, vì thể nữ, hậu phi và các thần dân, Sa-môn, Bà-la-môn cho đến loài côn trùng mà phụng trì trai giới vào ngày mồng tám, mười bốn và ngày rằm, tu hành bố thí, bố thí cho những người nghèo khốn, Sa-môn, Bà-la-môn, kẻ bần cùng, người cô độc từ các phương xa lại xin, đem cho đồ ăn, thức uống, y, mền, xe cộ, tràng hoa, bột hoa, bột hương, nhà cửa, giường nệm, đệm lông, khăn quấn và cung cấp đèn dầu đầy đủ. Nếu trong nước có các bậc Thượng tôn danh đức, Sa-môn, Bà-la-môn thì vua đã đích thân tùy thời đến chỗ các vị ấy để hỏi pháp, thọ pháp như thế này:

“– Thưa chư tôn, thế nào là pháp thiện, thế nào là pháp bất thiện? Thế nào là tội, thế nào là phước? Thế nào là diệu, thế nào là phi diệu? Thế nào hắc, thế nào là bạch? Pháp hắc bạch từ đâu sanh? Thế nào là mục đích của đời này? Thế nào là mục đích của đời sau? Làm thế nào để thọ thiện mà không thọ ác?

“Khi đã nghe xong,  vua đã thực hành đúng như lời các ngài đã chỉ bảo. Nhưng trong nước có người bần cùng, vua không đem vật dụng cấp phát. Do đó kẻ nghèo khốn không có của cải, đã nghèo khổ lại càng nghèo khổ hơn. Vì nghèo khốn nên ăn trộm vật dụng của kẻ khác, vì ăn trộm nên [522b] bị chủ nhân rình bắt trói đem đến vua Sát-lị Đảnh Sanh, thưa rằng:

“– Tâu Thiên vương, người này ăn trộm vật dụng của con, xin Thiên vương trừng trị.

“Vua Sát-lị Đảnh Sanh hỏi tội nhân:

“– Quả thật ngươi có ăn trộm?

Người ấy đáp:

“– Tâu Thiên vương, quả thật con có ăn trộm. Vì sao? Tâu Thiên vương, vì nghèo khốn. Nếu không ăn trộm thì không có gì để sống.

“Vua Sát-lị Đảnh Sanh liền đem của cải cấp phát cho và nói với người ăn trộm rằng:

“– Ngươi hãy trở về và sau này chớ trái phạm.

“Bấy giờ, dân chúng trong nước nghe nói về vua Sát-lị Đảnh Sanh như thế này: ‘Nếu trong nước có ai trộm cắp thì Vua liền đem của cải cấp phát cho,’ Do đó, có người nghĩ rằng: ‘Chúng ta cũng nên ăn cắp của cải kẻ khác’. Từ đó, dân chúng trong nước ai cũng tranh nhau trộm cắp của cải kẻ khác. Vì thế, người nghèo khốn không có của cải, không được cấp phát, càng trở nên nghèo khốn hơn, nên nạn trộm cắp càng lan tràn. Vì trộm cắp lan tràn nên tuổi thọ con người giảm xuống, hình sắc trở nên thô xấu.

“Này Tỳ-kheo, sau khi tuổi thọ của con người giảm xuống, hình sắc trở nên thô xấu thì người cha thọ tám vạn tuổi, con thọ bốn vạn tuổi.

“Này Tỳ-kheo, lúc loài người thọ bốn vạn tuổi, có người trộm cắp vật dụng của kẻ khác, chủ nhân rình bắt trói đem đến vua Sát-lị Đảnh Sanh, thưa rằng:

“– Tâu thiên vương, người này trộm cắp vật dụng của con, xin Thiên vương trừng trị.

“Vua Sát-lị Đảnh Sanh hỏi người lấy trộm:

“– Quả thiệt ngươi có ăn trộm phải không?

Người ấy đáp:

“– Tâu Thiên vương, quả con có ăn trộm. Vì sao? – Vì nghèo khốn. Nếu không ăn trộm, con không có gì để sống.

“Nghe xong, vua Sát-lị Đảnh Sanh nghĩ rằng: ‘Nếu trong nước ta có nạn trộm cắp mà ta lại đem của cải cấp phát đầy đủ, như vậy chỉ làm cho kho tàng của quốc gia khô kiệt, dung túng cho nạn trộm cắp lan tràn. Ta nên rèn dao thật bén, nếu trong nước ta có ai trộm cắp thì bắt trói ngay dưới gốc cây nêu cao và chém đầu nó’.

“Sau đó, vua Sát-lị Đảnh Sanh hạ lệnh rèn dao thật bén. Nếu trong nước có ai trộm cắp vật dụng của kẻ khác thì cho bắt trói dưới cây nêu cao mà chém đầu.

“Người trong nước bấy giờ nghe vua Sát-lị Đảnh Sanh ra lệnh rèn dao thật bén, nếu trong nước có ai ăn trộm vật dụng của kẻ khác thì cho bắt trói dưới cây nêu cao và chém đầu, dân chúng bèn nghĩ rằng: ‘Ta cũng nên bắt chước rèn dao thật bén, mang đi ăn trộm vật dụng. Nếu lấy vật dụng của ai thì bắt chủ nhân của vật ấy mà chém đầu’.

“Từ đó về sau, những người ăn trộm thi nhau rèn dao bén mang đi ăn trộm vật dụng, bắt các chủ nhân mà [522c] chém đầu. Do đó, kẻ nghèo khốn không của cải, không được cấp phát, càng nghèo khốn hơn. Vì càng nghèo khốn hơn nên nạn trộm cắp càng lan tràn. Vì nạn trộm cắp càng lan tràn nên sự chém giết càng tăng lên. Do đó tuổi thọ của loài người giảm xuống, hình sắc trở nên thô xấu.

“Này Tỳ-kheo, sau khi tuổi thọ giảm xuống, hình sắc trở nên thô xấu thì người cha chỉ còn bốn vạn tuổi và con thọ hai vạn tuổi.

“Này Tỳ-kheo, lúc loài người thọ hai vạn tuổi, có người ăn trộm vật dụng của kẻ khác, chủ nhân bắt trói dẫn tới vua Sát-lị Đảnh Sanh, thưa rằng:

“– Tâu Thiên vương, người này ăn trộm vật dụng của con, xin Thiên vương trừng trị.

“Vua Sát-lị Đảnh Sanh hỏi tội nhân:

“– Quả thật ngươi có ăn trộm phải không?

“Bấy giờ, người ăn trộm nghĩ rằng: ‘Vua Sát-lị Đảnh Sanh nếu biết sự thật này thì sẽ trói và đánh mình, hoặc vứt ném, hoặc tẩn xuất, hoặc phạt tiền của, hoặc trừng trị đau đớn đủ cách, hoặc treo lên cây rồi bêu đầu mình. Có lẽ mình dùng lời nói dối, lừa gạt vua Sát-lị Đảnh Sanh chăng?’

“Nghĩ xong, thưa rằng:

“– Tâu Thiên vương, tôi không lấy trộm.

“Do đó kẻ nghèo khốn không có của cải, không được cấp phát, càng nghèo khốn hơn. Vì càng nghèo khốn hơn nên nạn trộm cắp càng lan tràn mãi. Vì sự trộm cắp càng lan tràn nên sự chém giết gia tăng. Vì sự chém giết gia tăng nên sự nói dối, nói hai lưỡi nhiều hơn. Vì sự nói dối, nói hai lưỡi nhiều hơn nên tuổi thọ của loài người càng giảm xuống, hình sắc trở nên thô xấu.

“Này Tỳ-kheo, lúc tuổi thọ giảm xuống, hình sắc trở nên thô xấu thì người cha chỉ thọ hai vạn tuổi, người con chỉ thọ một vạn tuổi.

“Này Tỳ-kheo, lúc loài người thọ một vạn tuổi thì trong nhân dân có người có đức, có người vô đức. Nếu ai vô đức thì ghen ghét người có đức và phạm tà hạnh với vợ của người. Do đó kẻ nghèo khốn không có của cải, không được cấp phát, càng nghèo khốn hơn. Vì càng nghèo khốn nên nạn trộm cắp càng lan tràn. Vì trộm cắp lan tràn nên chém giết gia tăng. Vì chém giết gia tăng nên nói dối, nói hai lưỡi gia tăng. Vì nói dối, nói hai lưỡi gia tăng nên tật đố, tà dâm gia tăng. Vì tật đố, tà dâm gia tăng nên tuổi thọ của loài người giảm xuống, hình sắc trở nên thô xấu.

“Này Tỳ-kheo, lúc tuổi thọ giảm xuống, hình sắc trở nên thô xấu thì người cha chỉ thọ một vạn tuổi, người con chỉ thọ năm ngàn tuổi.

“Này Tỳ-kheo, lúc loài người thọ hai ngàn năm trăm tuổi thì ba pháp khác lại hưng thịnh; đó là, lưỡng thiệt, ác khẩu và phù phiếm. Vì ba pháp này hưng thịnh nên [523a] tuổi thọ của loài người giảm xuống, hình sắc trở nên thô xấu.

“Này Tỳ-kheo, lúc tuổi thọ loài người giảm xuống, hình sắc trở nên thô xấu thì người cha chỉ thọ hai ngàn năm trăm tuổi, người con chỉ thọ một ngàn tuổi.

“Này Tỳ-kheo, lúc loài người thọ một ngàn tuổi thì một pháp hưng thịnh, đó là tà kiến. Vì pháp này hưng thịnh nên tuổi thọ loài người giảm xuống, hình sắc trở nên thô xấu.

“Này Tỳ-kheo, lúc tuổi thọ loài người giảm xuống, hình sắc trở nên thô xấu, thì người cha chỉ thọ một ngàn tuổi, người con chỉ thọ năm trăm tuổi.

“Này Tỳ-kheo, khi loài người thọ năm trăm tuổi thì con người lúc ấy hoàn toàn [103] không hiếu thảo với cha mẹ, không kính trọng Sa-môn, Bà-la-môn, không làm việc thuận lợi, không tạo phước nghiệp, không thấy tội đời sau. Lúc loài người không hiếu thảo với cha mẹ, không kính trọng Sa-môn, Bà-la-môn, không làm việc thuận lợi, không tạo phước nghiệp, không thấy tội đời sau, cho nên này Tỳ-kheo, lúc đó người cha chỉ thọ năm trăm tuổi, người con chỉ thọ hai trăm năm mươi tuổi, hoặc hai trăm tuổi.

“Này Tỳ-kheo, hiện giờ nếu có ai được trường thọ thì được một trăm tuổi và có thể là không chừng.”

Đức Phật lại bảo:

“– Một thời gian lâu xa về đời vị lai, sẽ có lúc con người chỉ thọ mười tuổi; khi ấy con gái sanh ra mới năm tháng [104] đã lấy chồng.

“Này Tỳ-kheo, lúc con người thọ mười tuổi, có một giống lúa tên là bại tử [105], là thức ăn ngon nhất. Cũng như lúa gạo [106] là thức ăn ngon nhất của loài người hôm nay. Này Tỳ-kheo, cũng giống như thế, lúc con người thọ mười tuổi thì có loại lúa tên là bại tử, là món ăn ngon nhất.

“Này Tỳ-kheo, lúc con người thọ mười tuổi, những thứ mỹ vị mà ngày nay hiện có như tô-du, muối, mật [107], mía, đường thì thời ấy những thứ này sẽ biến mất tất.

“Này Tỳ-kheo, lúc con người thọ mười tuổi, nếu ai tạo mười ác nghiệp đạo thì kẻ ấy sẽ được người khác kính trọng. Cũng như hiện giờ, nếu ai tạo mười thiện nghiệp đạo thì kẻ ấy được người khác kính trọng. Này Tỳ-kheo, lúc con người thọ mười tuổi, cũng như vậy, nếu ai tạo mười ác nghiệp đạo thì kẻ ấy được người khác kính trọng.

“Này Tỳ-kheo, lúc con người thọ mười tuổi thì hoàn toàn không có một danh từ “thiện”, huống nữa là có tạo mười thiện nghiệp đạo.

“Này Tỳ-kheo, lúc con người thọ mười tuổi, có người tên là Đàn Phạt [108], đi đến khắp mọi nhà mà đàn phạt.

“Này Tỳ-kheo, lúc con người thọ mười tuổi, thì mẹ đối với con có tâm giết hại rất mãnh liệt, con đối với mẹ cũng có tâm giết hại rất mãnh liệt. Cha con, anh em, chị em thân thuộc đối với nhau đều có tâm giết hại lẫn nhau. Cũng như người thợ săn trông thấy con nai thì có tâm giết hại rất mãnh liệt. Này Tỳ-kheo, lúc con người thọ mười tuổi cũng lại như thế, mẹ đối với con có tâm giết hại rất mãnh liệt. Cha con, anh em, chị em quyến thuộc [523b] đối với nhau đều có tâm giết hại lẫn nhau.

“Này Tỳ-kheo, lúc con người thọ mười tuổi, có nạn đao binh bảy ngày [109]. Nếu ai có nắm cỏ thì cỏ biến thành dao. Nếu nắm cây củi thì cây củi cũng biến thành dao. Ai cũng dùng dao ấy để giết hại lẫn nhau. Qua bảy ngày, nạn đao binh chấm dứt.

“Bấy giờ cũng có người biết thẹn thùng, xấu hổ, nhờm tởm, chán ghét, không ưa những sự hung ác kia. Lúc có nạn đao binh bảy ngày, họ đi vào núi non hoặc đồng nội, ẩn náu ở nơi yên ổn. Sau bảy ngày ấy, thì từ núi non đồng nội, nơi yên ổn đi ra, trông thấy nhau sanh lòng thương mến, quyến luyến nhau vô cùng. Cũng như mẹ hiền chỉ có một đứa con đã xa cách lâu ngày, nay từ phương xa trở lại gia đình yên ổn, mẹ con thấy nhau hoan hỷ, sanh lòng thương mến nhau vô cùng. Những người kia, sau bảy ngày từ núi non đồng nội, nơi yên ổn đi ra, trông thấy nhau sanh lòng thương mến, quyến luyến nhau vô cùng, cũng giống như thế. Trông thấy nhau rồi, liền nói rằng: ‘Chư Hiền, ta nay thấy nhau còn được yên ổn. Chúng ta vì tạo pháp bất thiện nên gặp gỡ nơi đây, thân thuộc chết sạch. Chúng ta hãy cùng nhau thực hành thiện pháp. Làm thế nào để chúng ta cùng thực hành thiện pháp? Chúng ta đều là kẻ sát nhân, nay nên xa lìa sát sanh, đoạn trừ sát sanh, chúng ta nên thực hành thiện pháp ấy’. 

“Những người kia cùng nhau thực hành thiện pháp, tuổi thọ liền tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ. Này Tỳ-kheo, lúc tuổi thọ đã tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ thì người thọ mười tuổi sanh ra con thọ hai mươi tuổi.

“Này Tỳ-kheo, người thọ hai mươi tuổi lại nghĩ rằng: ‘Nếu cầu học điều thiện thì tuổi thọ tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ. Chúng ta nên cùng nhau làm điều thiện nhiều hơn. Làm thế nào để chúng ta cùng làm điều thiện nhiều hơn? Chúng ta hãy xa lìa sát sanh, đoạn trừ sát sanh nhưng vẫn còn lấy của không cho. Chúng ta nên xa lìa việc lấy của không cho, đoạn trừ việc lấy của không cho. Chúng ta nên cùng nhau làm điều thiện ấy’.

“Những người kia cùng nhau làm điều thiện như thế. Khi đã làm điều thiện ấy, tuổi thọ lại tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ thì người thọ hai mươi tuổi sanh con thọ bốn mươi tuổi.

“Này Tỳ-kheo, người thọ bốn mươi tuổi cũng nghĩ như thế này: ‘Nếu cầu học điều thiện thì tuổi thọ tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ. Chúng ta nên làm việc thiện nhiều hơn nữa. Làm thế nào để chúng ta làm việc thiện nhiều hơn nữa? Chúng ta đã xa lìa sát sanh, đoạn trừ sát sanh, xa lìa việc lấy của không cho, nhưng vẫn còn tà dâm. Chúng ta nên [523c] xa lìa tà dâm, đoạn trừ tà dâm. Chúng ta nên làm việc thiện ấy’.

“Những người kia cùng nhau làm điều thiện như thế. Khi đã làm điều thiện ấy, tuổi thọ lại tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ. Này Tỳ-kheo, lúc tuổi thọ loài người đã tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ thì người thọ bốn mươi tuổi sanh con thọ tám mươi tuổi.

“Này Tỳ-kheo, người thọ tám mươi tuổi cũng nghĩ thế này: ‘Nếu cầu học điều thiện thì tuổi thọ tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ. Chúng ta cùng nhau làm điều thiện nhiều hơn nữa. Làm thế nào để chúng ta cùng nhau làm điều thiện nhiều hơn? Chúng ta đã xa lìa sát sanh, đoạn trừ sát sanh, xa lìa việc lấy của không cho, đoạn trừ việc lấy của không cho, xa lìa tà dâm, đoạn trừ tà dâm, nhưng vẫn còn nói dối. Chúng ta nên xa lìa nói dối, đoạn trừ nói dối. Chúng ta nên làm việc thiện ấy’.

“Những người kia cùng nhau làm việc thiện ấy. Khi đã làm việc thiện ấy thì tuổi thọ tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ. Này Tỳ-kheo, khi loài người tuổi thọ tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ thì người thọ tám mươi tuổi sanh con thọ một trăm sáu mươi tuổi.

“Này Tỳ-kheo, người thọ một trăm sáu mươi tuổi cũng nghĩ như thế này: ‘Nếu cầu học điều thiện thì tuổi thọ tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ, chúng ta nên cùng nhau học điều thiện nhiều hơn nữa. Làm thế nào để chúng ta cùng làm việc thiện nhiều hơn nữa? Chúng ta đã xa lìa sát sanh, đoạn trừ sát sanh; đã xa lìa trộm cắp, đoạn trừ trộm cắp; xa lìa tà dâm, đoạn trừ tà dâm; xa lìa nói dối, đoạn trừ nói dối, nhưng chúng ta vẫn còn nói hai lưỡi. Chúng ta nên xa lìa nói hai lưỡi đoạn trừ nói hai lưỡi. Chúng ta nên cùng nhau làm việc thiện ấy’.

“Những người kia cùng nhau làm việc thiện như thế. Khi làm việc thiện ấy, tuổi thọ tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ. Này Tỳ-kheo, lúc tuổi thọ của loài người tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ thì người thọ một trăm sáu mươi tuổi sanh con thọ ba trăm hai mươi tuổi.

“Này Tỳ-kheo, người thọ ba trăm hai mươi tuổi cũng nghĩ rằng: ‘Nếu cầu học điều thiện thì tuổi thọ tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ, chúng ta nên cùng nhau học điều thiện nhiều hơn nữa. Làm thế nào để chúng ta cùng làm việc thiện nhiều hơn nữa? Chúng ta đã xa lìa sát sanh, đoạn trừ sát sanh; đã xa lìa trộm cắp, đoạn trừ trộm cắp; xa lìa tà dâm, đoạn trừ tà dâm; xa lìa nói dối, đoạn trừ nói dối; xa lìa nói hai lưỡi, đoạn trừ nói hai lưỡi, nhưng vẫn còn nói thô ác. Chúng ta nên xa lìa lời nói thô ác, đoạn trừ lời nói thô ác. Chúng ta nên làm việc thiện ấy’.

“Những người kia cùng nhau làm việc thiện như thế. Khi làm việc thiện ấy, tuổi thọ tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ. Này Tỳ-kheo, lúc tuổi thọ của loài người tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ thì người thọ ba trăm hai mươi tuổi sanh con thọ sáu trăm bốn mươi tuổi.

“Này Tỳ-kheo, người thọ sáu trăm bốn mươi tuổi cũng nghĩ rằng: ‘Nếu cầu [524a] học điều thiện thì tuổi thọ tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ, chúng ta nên cùng nhau học điều thiện nhiều hơn nữa. Làm thế nào để chúng ta cùng làm việc thiện nhiều hơn? Chúng ta đã xa lìa sát sanh, đoạn trừ sát sanh; đã xa lìa trộm cắp, đoạn trừ trộm cắp; xa lìa tà dâm, đoạn trừ tà dâm; xa lìa nói dối, đoạn trừ nói dối, xa lìa nói hai lưỡi, đoạn trừ nói hai lưỡi; xa lìa nói thô ác, đoạn trừ nói thô ác, nhưng chúng ta vẫn còn nói phù phiếm. Chúng ta nên xa lìa nói phù phiếm, đoạn trừ nói phù phiếm. Chúng ta nên cùng nhau làm việc thiện ấy’.

“Những người kia cùng nhau làm việc thiện như thế. Khi đã làm việc thiện ấy, tuổi thọ liền tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ. Này Tỳ-kheo, lúc tuổi thọ của loài người tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ thì người thọ sáu trăm bốn mươi tuổi sanh con thọ hai ngàn năm trăm tuổi.

“Này Tỳ-kheo, người thọ hai ngàn năm trăm tuổi cũng nghĩ rằng: ‘Nếu cầu học điều thiện thì tuổi thọ tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ. Chúng ta nên cùng nhau làm việc thiện nhiều hơn nữa. Làm thế nào để chúng ta làm việc thiện nhiều hơn? Chúng ta đã xa lìa sát sanh, đoạn trừ sát sanh; đã xa lìa trộm cắp, đoạn trừ trộm cắp; xa lìa tà dâm, đoạn trừ tà dâm; xa lìa nói dối, đoạn trừ nói dối, xa lìa nói hai lưỡi, đoạn trừ nói hai lưỡi; xa lìa nói thô ác, đoạn trừ nói thô ác, xa lìa lời nói phù phiếm, đoạn trừ lời nói phù phiếm, nhưng còn tham lam tật đố. Chúng ta nên xa lìa tham lam tật đố, đoạn trừ tham lam tật đố. Chúng ta nên cùng nhau làm việc thiện ấy’.

“Những người kia cùng nhau làm việc thiện như thế. Khi đã làm việc thiện ấy, tuổi thọ liền tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ. Này Tỳ-kheo, lúc tuổi thọ của loài người tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ thì người thọ hai ngàn năm trăm tuổi sanh con thọ năm ngàn tuổi.

“Này Tỳ-kheo, người thọ năm ngàn tuổi cũng nghĩ rằng: ‘Nếu cầu học điều thiện thì tuổi thọ tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ. Chúng ta nên cùng nhau làm việc thiện nhiều hơn nữa. Làm thế nào để chúng ta làm việc thiện nhiều hơn? Chúng ta đã xa lìa sát sanh, đoạn trừ sát sanh; xa lìa việc lấy của không cho, đoạn trừ việc lấy của không cho; xa lìa tà dâm, đoạn trừ tà dâm; xa lìa lời nói dối, đoạn trừ lời nói dối, xa lìa nói hai lưỡi, đoạn trừ nói hai lưỡi; xa lìa nói thô ác, đoạn trừ nói thô ác, xa lìa lời nói phù phiếm, đoạn trừ lời nói phù phiếm, xa lìa tham lam tật đố, đoạn trừ tham lam tật đố, nhưng vẫn còn sân hận. Chúng ta nên xa lìa sân nhuế, đoạn trừ sân nhuế. Chúng ta nên cùng nhau làm việc thiện ấy’.

“Những người kia cùng nhau làm việc thiện như thế. Khi đã làm việc thiện ấy, tuổi thọ liền tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ. Này Tỳ-kheo, lúc tuổi thọ của loài người tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ thì người thọ năm ngàn tuổi sanh con thọ một vạn tuổi.

“Này Tỳ-kheo, người thọ một vạn tuổi cũng nghĩ rằng: ‘Nếu cầu học điều thiện thì tuổi thọ tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ. [524b] Chúng ta nên cùng nhau làm việc thiện nhiều hơn nữa. Làm thế nào để chúng ta làm việc thiện nhiều hơn? Chúng ta đã xa lìa sát sanh, đoạn trừ sát sanh; xa lìa việc lấy của không cho, đoạn trừ việc lấy của không cho; xa lìa tà dâm, đoạn trừ tà dâm; xa lìa nói dối, đoạn trừ nói dối, xa lìa nói hai lưỡi, đoạn trừ nói hai lưỡi; xa lìa lời nói thô ác, đoạn trừ lời nói thô ác, xa lìa lời nói phù phiếm, đoạn trừ lời nói phù phiếm, xa lìa tham lam tật đố, đoạn trừ tham lam tật đố, xa lìa sân nhuế, đoạn trừ sân nhuế, nhưng vẫn còn tà kiến. Chúng ta nên xa lìa tà kiến, đoạn trừ tà kiến. Chúng ta nên cùng nhau tu học việc thiện này’.

“Những người kia cùng nhau làm việc thiện như thế. Khi đã làm việc thiện ấy, tuổi thọ liền tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ. Này Tỳ-kheo, lúc tuổi thọ của loài người đã tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ thì người thọ một vạn tuổi sanh con thọ hai vạn tuổi.

“Này Tỳ-kheo, người thọ hai vạn tuổi cũng nghĩ rằng: ‘Nếu cầu học điều thiện thì tuổi thọ tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ. Chúng ta nên cùng nhau làm việc thiện nhiều hơn nữa. Làm thế nào để chúng ta làm việc thiện nhiều hơn? Chúng ta đã xa lìa sát sanh, đoạn trừ sát sanh; xa lìa việc lấy của không cho, đoạn trừ việc lấy của không cho; xa lìa tà dâm, đoạn trừ tà dâm; xa lìa nói dối, đoạn trừ nói dối, xa lìa nói hai lưỡi, đoạn trừ nói hai lưỡi; xa lìa lời nói thô ác, đoạn trừ lời nói thô ác, xa lìa lời nói phù phiếm, đoạn trừ lời nói phù phiếm, xa lìa tham lam tật đố, đoạn trừ tham lam tật đố, xa lìa sân nhuế, đoạn trừ sân nhuế, xa lìa tà kiến, đoạn trừ tà kiến, nhưng vẫn còn có phi pháp dục, ác tham hạnh và tà pháp. Chúng ta nên xa lìa ba pháp ác bất thiện này, đoạn trừ ba pháp ác bất thiện này. Chúng ta nên cùng nhau làm việc thiện ấy’.

“Những người kia cùng nhau làm việc thiện như thế. Khi đã làm việc thiện ấy, tuổi thọ liền tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ. Này Tỳ-kheo, lúc tuổi thọ của loài người đã tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ thì người thọ hai vạn tuổi sanh con thọ bốn vạn tuổi.

“Này Tỳ-kheo, lúc loài người thọ bốn vạn tuổi thì biết hiếu thuận với cha mẹ, tôn trọng cung kính Sa-môn, Bà-la-môn, làm việc thuận lợi, tu tập phước nghiệp, thấy tội lỗi đời sau. Loài người nhân vì hiếu thuận với cha mẹ, cung kính tôn trọng Sa-môn, Bà-la-môn, làm việc thuận lợi, tu tập phước nghiệp, thấy tội đời sau, cho nên này Tỳ-kheo, người thọ bốn vạn tuổi sanh con thọ tám vạn tuổi.

“Này Tỳ-kheo, lúc người thọ tám vạn tuổi, châu Diêm-phù này giàu có cùng tột, nhân dân đông đúc, thôn ấp gần nhau bằng khoảng cách con gà bay.

“Này Tỳ-kheo, lúc con người thọ tám vạn tuổi, con gái đến năm trăm tuổi mới có thể lấy chồng. Này Tỳ-kheo, lúc con người thọ tám vạn tuổi thì chỉ có những chứng bệnh như đại tiểu tiện, nóng, lạnh, muốn ăn uống và già. [110] Ngoài ra, không còn tai họa nào nữa.

“Này Tỳ-kheo, lúc loài người thọ tám vạn tuổi, [524c] có một vị vua tên là Loa [111] làm Chuyển luân vương, thông minh trí tuệ, có bốn loại quân chỉnh trị thiên hạ, tự do tự tại, là vị Pháp vương như pháp, thành tựu bảy báu. Bảy báu đó là luân báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu, tướng quân báu; đó là bảy báu.  vua có đủ ngàn người con thông minh trí tuệ, dung mạo khôi ngô, dũng mãnh không sợ, hàng phục được địch quân.  vua thống lĩnh quả đất này cho đến bể cả, không dùng dao gậy, chỉ dùng pháp giáo hóa, khiến nhân dân an lạc. [112]

“Này Tỳ-kheo, các vua Sát-lị Đảnh Sanh làm nhân chủ chỉnh trị thiên hạ, đi lại trong cảnh giới của chính mình mà phụ vương đã truyền lại nên tuổi thọ không giảm xuống, hình sắc không thô xấu, chưa từng mất hoan lạc, sức lực cũng không suy.

“Này Tỳ-kheo, các ngươi cũng phải như vậy, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, đi lại trong cảnh giới của chính mình mà phụ vương đã truyền lại, nên tuổi thọ không giảm xuống, hình sắc không thô xấu, chưa từng mất an lạc, thế lực cũng không suy.

“Thế nào gọi là Tỳ-kheo đi lại trong cảnh giới của chính mình mà phụ vương đã truyền lại? Đó là Tỳ-kheo quán thân trên nội thân, thọ trên thọ, tâm trên tâm, pháp trên pháp [113]. Như thế gọi là Tỳ-kheo đi lại trong cảnh giới của chính mình mà phụ vương đã truyền lại.

“Thế nào gọi là tuổi thọ của Tỳ-kheo? Tỳ-kheo ấy tu dục định như ý túc, y viễn ly, y vô dục, y diệt tận, hướng dẫn đến xuất yếu; tu tinh tấn định, tu tâm định, tu tư duy định, như ý túc, y viễn ly, y vô dục, y diệt tận, hướng đến xuất yếu. Đó là tuổi thọ của Tỳ-kheo.

“Thế nào là sắc của Tỳ-kheo? Đó là Tỳ-kheo tu tập cấm giới, thủ hộ Biệt giải thoát giới, lại khéo thu nhiếp các oai nghi lễ tiết, thấy tội nhỏ cũng thường canh cánh lo sợ, thọ trì học giới. Đó là sắc của Tỳ-kheo.

“Thế nào là lạc của Tỳ-kheo? Đó là Tỳ-kheo ly dục, ly pháp ác bất thiện, cho đến chứng đắc cảnh thiền thứ tư, thành tựu và an trú. Đó là lạc của Tỳ-kheo.

“Thế nào là lực của Tỳ-kheo? Đó là Tỳ-kheo diệt sạch các lậu, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, trong đời hiện tại tự tri tự giác, tự thân tác chứng, thành tựu và an trú, biết như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Đó là lực của Tỳ-kheo.

“Này Tỳ-kheo, Ta không thấy có lực nào không gì có thể hàng phục được như lực của Ma vương. Cho nên Tỳ-kheo lậu tận phải dùng [525a] lực của vô thượng trí tuệ mới hàng phục được.”

Phật thuyết như thế. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành. [114]

71. KINH TÌ-TỨ

 [525a12] Tôi nghe như vầy.

Một thời Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp [115] trú tại nước Câu-tát-la cùng với đại chúng Tỳ-kheo, đi đến Tư-hòa-đề [116], trú trong rừng Thi-nhiếp-hòa [117] về phía Bắc một ngôi làng của thị trấn này.

Bấy giờ trong ấp Tư-hòa-đề có vua tên là Tì-tứ [118], giàu có cùng tột, của cải vô lượng, sản nghiệp chăn nuôi không thể tính toán, phòng hộ, thực ấp đầy đủ mọi thứ. Tất cả suối, hồ, cỏ cây ở ấp Tư-hòa-đề đều thuộc về  vua, là phong ấp do vua Ba-tư-nặc, nước Câu-tát-la cấp cho.

Bấy giờ, các  Bà-la-môn, cư sĩ ở Tư-hòa-đề nghe đồn rằng, “Có Sa-môn tên là Cưu-ma-la Ca-diếp, trú tại nước Câu-tát-la, cùng với đại chúng Tỳ-kheo đi đến thị trấn Tư-hòa-đề, trú tại rừng Thi-nhiếp-hòa về phía Bắc một ngôi làng của thị trấn này. Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp có danh tiếng lớn lao, mười phương đều nghe. Cưu-ma-la Ca-diếp là bậc biện tài vô ngại, lời nói vi diệu, là bậc đa văn, là A-la-hán [119]. Nếu ai yết kiến vị A-la-hán này, cung kính lễ bái thì được thiện lợi. Chúng ta có thể đi đến yết kiến Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp này.”

Nghe thế, các  Bà-la-môn, cư sĩ ở Tư-hòa-đề lên hướng Bắc, đến rừng Thi-nhiếp-hòa.

Bấy giờ, vua Tì-tứ ở trên chánh điện, trông thấy từ xa các  Bà-la-môn, cư sĩ ở Tư-hòa-đề, mỗi người cùng với nhóm của mình, theo nhau đi từ Tư-hòa-đề lên hướng Bắc, đến rừng Thi-nhiếp-hòa. Vua Tì-tứ thấy vậy, hỏi người hầu rằng:

“Hôm nay vì cớ gì các  Bà-la-môn, cư sĩ ở Tư-hòa-đề này mỗi người cùng với [525b] nhóm của mình, theo nhau đi từ Tư-hòa-đề lên hướng Bắc, đến rừng Thi-nhiếp-hòa?

Người hầu thưa rằng:

“Tâu Thiên vương, [120] các  Bà-la-môn, cư sĩ ở Tư-hòa-đề kia nghe rằng ‘có Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp trú tại nước Câu-tát-la cùng với đại chúng Tỳ-kheo, đến thị trấn Tư-hòa-đề này, trú tại rừng Thi-nhiếp-hòa, về phía Bắc một ngôi làng của thị trấn này. Tâu Thiên vương, Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp có danh tiếng lớn lao, mười phương đều nghe. Ngài là bậc biện tài vô ngại, lời nói vi diệu, là bậc đa văn, là A-la-hán. Nếu ai yết kiến vị A-la-hán này, cung kính lễ bái thì được thiện lợi. Chúng ta có thể đến yết kiến Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp ấy.’ Tâu Thiên vương, do đó các  Bà-la-môn, cư sĩ cùng với nhóm của mình theo nhau đi từ Tư-hòa-đề lên hướng Bắc, đến rừng Thi-nhiếp-hòa.

Vua Tì-tứ nghe xong, liền bảo người hầu:

“Ngươi hãy đến các  Bà-la-môn, cư sĩ ở Tư-hòa-đề ấy, nói rằng ‘Vua Tì-tứ bảo các  Bà-la-môn, cư sĩ xứ Tư-hòa-đề: ‘Này các ngươi hãy đợi, ta sẽ cùng các ngươi đến yết kiến Cưu-ma-la Ca-diếp ấy. Các người ngu si đừng để Sa-môn ấy lừa gạt nói rằng có đời sau, có chúng sanh hóa sanh [121]. Ta thấy như vầy, chủ trương như vầy: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh hóa sanh.’’

Người hầu vâng lời, liền đến chỗ các  Bà-la-môn, cư sĩ ở Tư-hòa-đề nói rằng:

Vua Tì-tứ bảo các  Bà-la-môn, cư sĩ ở Tư-hòa-đề như thế này: “Các ngươi hãy đợi. Ta sẽ cùng với các ngươi đi đến yết kiến Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp. Các người ngu si đừng để Sa-môn ấy lừa gạt nói rằng Có đời sau, có chúng sanh hóa sanh. Ta quan niệm như thế này, chủ trương như thế này: Không có đời sau, không có chúng sanh hóa sanh.”

Các  Bà-la-môn, cư sĩ ở Tư-hòa-đề nghe lệnh ấy, bảo người hầu:

“Xin tuân theo lệnh truyền’.

Người hầu trở lại tâu với vua:

“Tôi đã công bố mệnh lệnh của vua rồi. Các  Bà-la-môn, cư sĩ Tư-hòa-đề ấy đang đợi Thiên vương; mong Thiên vương biết cho, đã đến thời.”

Bấy giờ vua Tì-tứ bảo người đánh xe:

“Ngươi mau sửa soạn xa giá. Ta nay muốn đi.”

Người đánh xe vâng lời, sửa soạn xa giá xong, liền trở lại tâu với vua rằng:

“Tâu Thiên vương, xa giá đã sửa soạn xong, chờ ý Thiên vương.”

Lúc đó vua Tì-tứ liền cỡi xe đi đến chỗ các  Bà-la-môn, cư sĩ ở Tư-hòa-đề, rồi cùng nhau đến rừng Thi-nhiếp-hòa. Khi vua Tì-tứ từ xa trông thấy Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp ở giữa rừng cây, liền xuống xe đi đến chỗ Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp, [525c] chào hỏi nhau rồi ngồi qua một bên, thưa rằng:

“Này Ca-diếp, tôi nay muốn hỏi, thầy có nghe chăng?”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp đáp:

“Vua Tì-tứ, muốn hỏi điều gì thì cứ hỏi. Tôi nghe xong sẽ suy nghĩ.”

Bấy giờ vua Tì-tứ liền hỏi:

“Này Ca-diếp, tôi quan niệm thế này, chủ trương thế này: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh hóa sanh’. Ý Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp nghĩ sao?”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp đáp:

“Vua Tì-tứ, tôi nay hỏi vua, vua hiểu thế nào trả lời thế ấy. Ý vua thế nào, mặt trời, mặt trăng này thuộc về thế giới này hay thế giới khác [122]?”

Vua Tì-tứ đáp:

“Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp, tuy Sa-môn nói như thế nhưng tôi vẫn quan niệm như thế này, chủ trương như thế này: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh hóa sanh’.”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp đáp rằng:

“Vua Tì-tứ, còn có lý do nào khác hơn lý do này chăng?” [123]

Vua Tì-tứ đáp:

“Đúng như vậy, Ca-diếp, còn có lý do. Này Ca-diếp, tôi có người thân bị bệnh trầm trọng. Tôi đi đến chỗ bệnh nhân, nói với nó rằng: ‘Bạn nên biết, ta quan niệm như thế này, chủ trương như thế này: Không có đời sau, không có chúng sanh hóa sanh. Này bạn, trái lại có Sa-môn, Bà-la-môn quan niệm như thế này, chủ trương như thế này: Có đời sau, có chúng sanh hóa sanh. Ta thường không tin chủ trương của những kẻ ấy. Những kẻ ấy lại bảo rằng: Nếu có kẻ nam nữ làm việc ác, không tinh tấn, lười biếng, ganh ghét, bỏn sẻn, tham lam, không đại lượng, không thi ân, đắm trước của cải; do nhân duyên ấy, khi thân hoại mạng chung, kẻ ấy chắc chắn đi vào ác xứ, sanh vào địa ngục. Này bạn, nếu Sa-môn, Bà-la-môn ấy nói như vậy mà đúng thì bạn là người ruột thịt của ta, đã làm việc ác, không tinh tấn, biếng nhác, ganh ghét, bỏn sẻn, tham lam, không đại lượng, không thi ân, đắm trước của cải; nếu thân hoại mạng chung, bạn chắc chắn sẽ sanh đến ác xứ, sanh vào địa ngục, vậy bạn hãy trở lại tin cho ta hay thế này: ‘Này Tì-tứ, trong địa ngục ấy khổ như thế này, đúng như bấy giờ tôi đã chứng kiến’. Này Ca-diếp, người thân ấy nghe tôi nói đã nhận lời, thế mà không bao giờ trở lại nói tin cho tôi hay như thế này: ‘Này vua Tì-tứ, trong địa ngục kia, khổ như thế này’. Ca-diếp, nhân sự kiện này nên tôi nghĩ rằng: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh hóa sanh’.”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp bảo:

“Vua Tì-tứ, tôi lại hỏi vua. Vua hiểu thế nào trả lời thế ấy. Nếu có thuộc hạ của vua bắt trói một tội nhân, đem đến trước vua, thưa rằng: ‘Tâu Thiên vương, người này có tội, xin Thiên vương trừng trị’. Vua bảo, [526a] ‘Các ngươi hãy đem trói chặt hai tay ra đằng sau, bỏ nó lên lừa chở đi, đánh trống lớn tiếng như tiếng lừa kêu, tuyên bố cho khắp nơi biết, rồi đưa ra cổng thành phía Nam, bắt ngồi dưới cây nêu cao rồi chém đầu nó’. Thuộc hạ vâng lời, liền trói tay tội nhân ra đằng sau, bỏ lên lừa chở đi, đánh trống lớn tiếng như lừa kêu, tuyên bố cho khắp nơi biết xong, đưa ra cổng thành hướng Nam, bắt ngồi dưới cây nêu cao, muốn chém đầu nó. Tội nhân sắp chết nói với đao phủ rằng: ‘Ông hãy hoãn cho tôi một lúc. Tôi muốn gặp cha mẹ, vợ con, tớ gái, người đưa tin. Hãy để tôi tạm thời ra đi’. Ý vua nghĩ sao? Người đao phủ có thể để cho tội nhân ấy tạm thời ra đi ít lâu không?”

Vua Tì-tứ đáp:

“Không thể, Ca-diếp.”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp lại bảo:

“Người thân của vua cũng lại như thế, đã làm việc ác, không tinh tấn, biếng nhác, ganh ghét, bỏn sẻn, tham lam, không thi ân, không đại lượng, đắm trước của cải. Do nhân duyên ấy, khi thân hoại mạng chung, chắc chắn đi đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Lúc ngục tốt bắt ra hành hạ đau đớn, người thân của vua nói với ngục tốt rằng: ‘Thưa các Ngục tốt, các ông hãy khoan một lúc, chớ hành hạ ta đau đớn. Ta muốn tạm thời đi đến vua Tì-tứ để báo cho vua hay rằng trong ngục tốt kia khổ như thế này, như thế này, mà tôi đã chứng kiến’ Ý vua thế nào? Ngục tốt kia có thể thả cho người thân của vua tạm thời ra đi không?”

Vua Tì-tứ đáp:

“Không thể, Ca-diếp.”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp bảo rằng:

“Vua hãy quán sát về đời sau cũng lại như vậy, chớ đừng giống như cái thấy của con mắt thịt. Này Tì-tứ, có Sa-môn, Bà-la-môn đoạn tuyệt dục, hướng đến ly dục; đoạn tuyệt sân nhuế, hướng đến ly sân nhuế; đoạn tuyệt si, hướng đến ly si; vị ấy dùng thiên nhãn thanh tịnh, hơn hẳn người thường, thấy chúng sanh này lúc sanh lúc tử, khi đẹp khi xấu, hoặc diệu hoặc bất diệu, qua lại thiện xứ hay bất thiện xứ, tùy theo nghiệp mà chúng sanh ấy đã tạo, vị ấy đã thấy hiện tượng ấy đúng như thật.”

Vua Tì-tứ lại nói:

“Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp, tuy Sa-môn nói như thế nhưng tôi vẫn quan niệm như thế này, chủ trương như thế này: Không có đời sau, không có [526b] chúng sanh hóa sanh.”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp đáp rằng:

“Vua Tì-tứ, còn có lý do nào khác hơn lý do này chăng?”

Vua Tì-tứ đáp:

“Đúng như vậy, Ca-diếp, lại còn có lý do khác hơn lý do này. Này Ca-diếp, tôi có người thân lâm bệnh trầm trọng, tôi đến chỗ bệnh nhân, nói với nó rằng: ‘Bạn nên biết, tôi quan niệm thế này, chủ trương thế này: Không có đời sau, không có chúng sanh hóa sanh. Này bạn thân yêu, trái lại có Sa-môn, Bà-la-môn quan niệm thế này, chủ trương như thế này: Có đời sau, có chúng sanh hóa sanh. Tôi thường không tin những kẻ kia về chủ trương của họ. Họ cho rằng: Nếu có kẻ nam người nữ nào có diệu hạnh, tinh tấn, tinh cần, không biếng nhác, không ganh ghét, không bỏn sẻn, không tham lam, có đại lượng, có thi ân, cởi mở, phóng xả, cung cấp cho người cô độc, kẻ bần cùng, làm cho họ thường an lạc, bố thí, không tham đắm của cải; kẻ kia do nhân duyên ấy, khi thân hoại mạng chung, chắc chắn đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời. Này bạn thân yêu, nếu Sa-môn, Bà-la-môn nói như vậy mà đúng, vậy thì bạn là người thân ruột thịt của tôi, đã có hành vi tốt, tinh tấn, tinh cần, không biếng nhác, không ganh ghét, không bỏn sẻn, tham lam, có đại lượng, có thi ân, sống cởi mở, phóng xả, chu cấp cho người cô độc, kẻ bần cùng, làm cho họ được an lạc, bố thí, không đắm trước của cải. Nếu khi thân hoại mạng chung, chắc chắn đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời; vậy bạn hãy trở lại tin cho ta hay như thế này: Này vua Tì-tứ, trên cõi trời hoan lạc như thế này, như thế này, đúng như bấy giờ tôi đã chứng kiến.’ Này Sa-môn, người thân ấy nghe tôi nói và đã nhận lời, thế mà không bao giờ trở lại tin cho tôi hay,  ‘Này vua Tì-tứ, trên cõi trời hoan lạc như thế này, như thế này’. Ca-diếp, nhân sự kiện đó cho nên tôi nghĩ rằng: Không có đời sau, không có chúng sanh hóa sanh.”

Tôn giả Ca-diếp bảo:

“Vua Tì-tứ, hãy nghe tôi nói thí dụ. Người trí nghe thí dụ này thì hiểu được nghĩa. Này vua Tì-tứ, ví như ngoài thôn ấp kia có một hầm xí công cộng, sâu quá đầu người, đầy phẩn ở trong. Có một người rơi xuống, chìm tận đáy hầm ấy. Nếu có người khác thương xót, mong cầu sự phước lợi và hữu ích, sự an ổn khoái lạc cho người mắc nạn, liền thong thả kéo nạn nhân từ hầm xí lên; gạt phẩn bằng thanh tre, chùi bằng lá cây, tắm bằng nước ấm. Sau khi tắm rửa sạch sẽ, đem bột hương thoa khắp thân thể, mời lên chánh điện cho vui hưởng ngũ dục. Ý vua nghĩ sao? Há kẻ nạn nhân ấy lại tưởng nhớ hầm xí trước đây, hoan hỷ ngợi khen và muốn trở lại hay sao?”

Vua Tì-tứ trả lời:

“Không thể, Ca-diếp. Nếu có một kẻ nào khác tưởng tới hầm xí kia, hoan hỷ ngợi khen và muốn thấy thì nạn nhân kia cũng không thể ưa kẻ này, huống là chính nạn nhân lại tưởng nhớ hầm xí trước đây, hoan hỷ ngợi khen, muốn thấy lần nữa. Điều đó không thể xảy ra.”

“Vua Tì-tứ, nếu vua có người thân có diệu hành, có tinh tấn, tinh cần, không biếng nhác, không ganh ghét, không bỏn sẻn, không tham lam, có đại lượng, có thi ân, cởi mở, phóng xả, chu cấp cho người cô độc, kẻ bần cùng, khiến cho họ được an lạc, bố thí, không đắm trước của cải; người ấy do nhân duyên đó, khi thân hoại mạnh chung, chắc chắn đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời. [326c] Sau khi sanh lên cõi trời được vui hưởng ngũ dục ở đó. Ý vua nghĩ sao? Há lại thiên tử ở cõi trời kia bỏ ngũ dục ở đó, tưởng nhớ ngũ dục ở nhân gian này? Hoan hỷ ngợi khen, muốn thấy lại nữa sao?”

Vua Tì-tứ đáp:

“Không thể, Ca-diếp. Vì sao? Vì ngũ dục nhân gian xú uế, ở nơi bất tịnh, rất đáng ghét, không thể hướng đến, không thể ưa thích, thô sáp bất tịnh. Này Ca-diếp, so với ngũ dục nhân gian thì ngũ dục cõi trời là hơn, là tối Thắng Lâm, là tối hảo, là tối thượng. Nếu thiên tử cõi trời kia, xả bỏ ngũ dục ở đó, tưởng đến ngũ dục nhân gian, hoan hỷ ngợi khen, muốn thấy lại; điều đó không thể xảy ra.”

“Vua Tì-tứ, vua nên quán sát về đời sau cũng giống như thế, chứ đừng giống như cái thấy của con mắt thịt. Này vua Tì-tứ, có Sa-môn, Bà-la-môn đoạn dục, ly dục, hướng đến ly dục; đoạn tuyệt nhuế, ly nhuế, hướng đến ly nhuế; đoạn tuyệt si, ly si, hướng đến ly si; vị ấy dùng thiên nhãn thanh tịnh, hơn hẳn người thường, thấy chúng sanh này lúc sanh lúc tử, khi đẹp khi xấu, hoặc diệu hoặc bất diệu, qua lại thiện xứ hoặc bất thiện xứ, tùy theo nghiệp mà chúng sanh ấy đã tạo. Vị ấy đã thấy sự kiện ấy đúng như sự thật.”

Vua Tì-tứ lại nói:

“Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp, tuy Sa-môn nói như thế nhưng tôi vẫn quan niệm như thế này, chủ trương như thế này: Không có đời sau, không có chúng sanh sanh.”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp đáp rằng:

“Vua Tì-tứ, còn có lý do nào khác hơn lý do này chăng?”

Vua Tì-tứ đáp:

“Đúng như vậy, Ca-diếp, còn có lý do khác hơn lý do này. Này Ca-diếp, tôi có người bạn thân lâm bệnh trầm trọng. Tôi đến chỗ bệnh nhân, bảo nó: ‘Bạn nên biết rằng, ta quan niệm như thế này, chủ trương như thế này: Không có đời sau, không có chúng sanh hóa sanh. Này bạn thân yêu, trái lại có Sa-môn, Bà-la-môn quan niệm thế này: Có đời sau, có chúng sanh hóa sanh. Ta thường không tin những chủ trương ấy. Họ lại bảo: Nếu có người nam kẻ nữ nào có diệu hạnh, tinh tấn, tinh cần, không biếng nhác, không ganh ghét, không bỏn sẻn, tham lam, có học, thi ân, cởi mở, phóng xả, cung cấp cho người cô độc, kẻ bần cùng, khiến cho họ được an lạc, bố thí, không đắm trước của cải; do nhân duyên ấy, khi thân hoại mạng chung, người ấy chắc chắn đi đến thiện xứ, sanh lên cói trời. Này bạn, nếu Sa-môn, Bà-la-môn ấy nói đúng thì bạn là người thân ruột thịt của ta, có diệu hạnh, tinh tấn, tinh cần, không biếng nhác, không ganh ghét, không bỏn sẻn tham lam, có đại lượng, có thi ân, cởi mở, phóng xả, chu cấp cho người cô độc, kẻ bần cùng, khiến họ được an lạc, bố thí, không đắm trước [527a] của cải. Nếu khi thân hoại mạng chung, chắc chắn đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời, bạn hãy trở lại cho ta hay như thế này: ‘ Này vua Tì-tứ! Ở cõi trời hoan lạc như thế này, như thế này’. Nếu bạn ở cõi trời nghĩ rằng: ‘Nếu ta trở lại thì sẽ được những gì?’ ‘Tì-tứ vương gia có nhiều của cải, ta sẽ cho bạn’. Này Ca-diếp, người thân ấy nghe tôi nói và đã nhận lời, thế mà không bao giờ trở lại cho tôi hay như thế này: ‘Này vua Tì-tứ, ở cõi trời hoan lạc như thế này, như thế này’. Này Ca-diếp, nhân sự kiện đó nên tôi nghĩ rằng: Không có đời sau, không có chúng sanh hóa sanh.”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp bảo:

“Này vua Tì-tứ, tuổi thọ cõi trời thì lâu dài, còn mạng sống ở nhân gian thì ngắn ngủi. Một trăm năm ở nhân gian bằng một ngày một đêm ở Tam Thập Tam Thiên. Một ngày một đêm như vậy, một tháng có ba mươi ngày, một năm có mười hai tháng, mà tuổi thọ của Chư Thiên Tam Thập Tam Thiên đến một ngàn năm, thì ý vua nghĩ sao? Nếu vua có người thân có diệu hạnh, tinh tấn, tinh cần, không biếng nhác, không ganh ghét, không bỏn sẻn tham lam, có đại lượng, có thi ân, cởi mở, phóng xả, chu cấp cho người cô độc, kẻ bần cùng, khiến họ được an lạc, bố thí, không đắm trước của cải. Do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung, chắc chắn đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời. Sau khi sanh lên cõi trời, người thân của vua liền nghĩ: ‘Trước tiên, ta hãy vui hưởng ngũ dục cõi trời một ngày một đêm, hay là ta hãy vui hưởng ngũ dục hai, ba, bốn cho đến bảy ngày, nhiên hậu sẽ đi đến tin cho vua Tì-tứ hay rằng: Ở cõi trời hoan lạc như thế này, như thế này để cho  vua rõ’. Ý vua nghĩ sao? Bấy giờ vua còn sống chăng?”

Vua Tì-tứ hỏi lại:

“Này Ca-diếp, người nào sau khi chết đến báo cho biết rằng: ‘Này Sa-môn Ca-diếp, tuổi thọ ở cõi trời thì lâu dài, còn mạng sống ở nhân gian thì ngắn ngủi; một trăm năm ở nhân gian bằng một ngày một đêm ở Tam Thập Tam Thiên; một ngày một đêm như vậy, một tháng có ba mươi ngày, một năm có mười hai tháng, mà tuổi thọ của Chư Thiên ở Tam Thập Tam Thiên đến một ngàn năm?”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp đáp rằng:

“Này vua Tì-tứ, hãy nghe tôi nói ví dụ này. Người có trí nghe ví dụ thì hiểu được ý nghĩa. Này vua Tì-tứ, cũng như người mù kia nói rằng: ‘Không có sắc đen trắng, cũng không thấy sắc đen trắng; không có sắc dài ngắn, cũng không thấy sắc dài ngắn; không có sắc xa gần, cũng không thấy có sắc xa gần; không có sắc thô tế, cũng không thấy có sắc thô tế. Vì sao? Vì ban đầu ta không thấy, không biết, cho nên không có sắc’. Này vua Tì-tứ, người mù kia nói như vậy có đúng không?”

Vua Tì-tứ đáp:

“Không đúng, Ca-diếp. Vì sao? Ca-diếp, có sắc đen trắng, [327b] cũng có người thấy sắc đen trắng. Có sắc dài ngắn, cũng có người thấy sắc dài ngắn. Có sắc gần xa, cũng có người thấy sắc gần xa. Có sắc thô tế, cũng có người thấy sắc thô tế. Nếu người mù bảo rằng: ‘Vì ta không thấy, không biết cho nên không có sắc’, thì người ấy nói không đúng.”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp lại bảo:

“Này vua Tì-tứ, vua cũng như người mù ấy, nếu vua bảo như thế này: ‘Người nào sau khi chết đến báo cho biết rằng: ‘Này Sa-môn Ca-diếp, tuổi thọ ở cõi trời thì lâu dài, còn mạng sống nhân gian thì ngắn ngủi. Một trăm năm ở nhân gian bằng một ngày một đêm ở cõi Tam Thập Tam Thiên. Một ngày một đêm như vậy, một tháng có ba mươi ngày, một năm có mười hai tháng mà tuổi thọ ở cõi Tam Thập Tam Thiên thì đến một ngàn năm’?”

Vua Tì-tứ nói:

“Này Sa-môn Ca-diếp, thực là không nên, không nên nói như vậy. Vì sao? Vì Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp đã cố tình so sánh tôi giống như kẻ mù kia. Này Ca-diếp, nếu biết tôi, biết thân thuộc của tôi có diệu hạnh, tinh tấn, tinh cần, không biếng nhác, không ganh ghét, không bỏn sẻn, tham lam, có đại lượng, có thi ân, cởi mở, phóng xả, chu cấp cho người cô độc, kẻ bần cùng khiến họ được an lạc, bố thí, không đắm trước của cải. Do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung chắc chắn đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời, thì này Ca-diếp, ngay bây giờ, sau khi thực hành bố thí, tu các phước thiện, phụng trì trai giới, tôi dùng dao tự sát, hoặc uống thuốc độc, hoặc nhảy xuống giếng, hoặc thắt cổ mà chết. Này Ca-diếp! Không nên cố tình so sánh tôi như người mù kia.”

Tôn giả Ca-diếp đáp:

“Này vua Tì-tứ, hãy nghe tôi nói ví dụ khác. Người có trí nghe ví dụ này liền hiểu ý nghĩa. Này vua Tì-tứ, cũng giống như một  Bà-la-môn có người vợ trẻ, vừa mới mang thai, người vợ cả đã có một đứa con trai. Trong thời gian ấy, Bà-la-môn kia bỗng nhiên mạng chung. Sau khi mạng chung, con của bà vợ cả nói với bà mẹ kế như thế này: ‘Tiểu mẫu nên biết, nay của cải trong gia đình này hoàn toàn phải thuộc về tôi, không ai được dự phần vào’. Bà mẹ kế đáp: ‘Tôi nay đang có thai. Nếu sanh con trai thì nó phải được phần. Nếu sanh con gái thì của cải ấy mới hoàn toàn của cậu’. Con của bà vợ cả nói với bà mẹ kế ba lần như thế này: “Tiểu mẫu nên biết, nay của cải trong gia đình này hoàn toàn thuộc về tôi, không ai được dự phần vào’. Bà mẹ kế cũng trả lời ba lần như thế này: ‘Nay ta đang có thai. Nếu sanh con trai thì nó phải được chia phần. Nếu sanh con gái thì của cải ấy mới hoàn toàn thuộc về cậu’. Bấy giờ bà mẹ kế ngu si, không [537c] thông suốt, không hiểu rõ ràng, không có trí tuệ, muốn bảo toàn sự sống mà trở lại hại mình. Bà vào trong phòng lấy dao bén mổ bụng xem là trai hay gái. Bà ấy ngu si, không thông suốt, không hiểu rõ, không có trí tuệ, muốn bảo vệ sự sống mà lại tự hại mình và đứa con trong bụng. Nên biết, này vua Tì-tứ,  vua cũng lại như vậy, ngu si không thông suốt, không hiểu rõ ràng, không có trí tuệ, muốn bảo tồn sự sống mà lại nghĩ như thế này: ‘Này Ca-diếp, nếu biết tôi, biết người thân thích của tôi có diệu hạnh, tinh tấn, tinh cần, không biếng nhác, không ganh ghét, không bỏn sẻn, tham lam, có đại lượïng, có thi ân, cởi mở, phóng xả, chu cấp cho người cô độc, kẻ bần cùng, khiến họ được an lạc, bố thí, không đắm trước của cải; do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung, chắc chắn đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời. Thế thì tôi, ngay bây giờ, sau khi thực hành bố thí, tu các thiện nghiệp, phụng trì trai giới, tôi dùng dao tự sát, hoặc uống thuốc độc, hoặc nhảy xuống giếng, hoặc thắt cổ mà chết. Này Sa-môn Ca-diếp, không nên cố tình so sánh tôi với người mù kia’. Này vua Tì-tứ, nếu người tinh tấn mà sống lâu thì được phước lớn. Nếu được phước lớn thì sanh lên cõi trời và sống lâu. Này vua Tì-tứ, vua nên quán sát đời sau như vậy, chớ đừng giống như cái thấy của con mắt thịt. Này vua Tì-tứ, có Sa-môn, Bà-la-môn đoạn tuyệt dục, ly dục, thú hướng ly dục; đoạn tuyệt nhuế, ly nhuế, thú hướng ly nhuế; đoạn tuyệt si, ly si, thú hướng ly si; vị ấy bằng thiên nhãn thanh tịnh hơn hẳn người thường, thấy chúng sanh lúc sanh lúc tử, hoặc đẹp hoặc xấu, hoặc diệu hoặc bất diệu, qua lại thiện xứ hay bất thiện xứ, tùy theo nghiệp mà chúng sanh ấy đã tạo. Vị ấy thấy sự kiện ấy đúng như sự thật.”

Vua Tì-tứ lại nói:

“Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp, tuy Sa-môn nói như thế nhưng tôi vẫn quan niệm như thế này, chủ trương như thế này: Không có đời sau, không có chúng sanh hóa sanh.”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp đáp rằng:

“Vua Tì-tứ, còn có lý do nào khác hơn lý do này chăng?”

Vua Tì-tứ đáp:

“Đúng như vậy, Ca-diếp, còn có lý do khác hơn lý do này. Này Ca-diếp, tôi có người thân mang bệnh trầm trọng. Tôi đến chỗ bệnh nhân hỏi han, thăm viếng, bệnh nhân cũng hỏi han và nhìn tôi. Lúc bệnh nhân chết, tôi lại đến hỏi han thăm viếng người chết, nhưng người chết không hỏi han, không nhìn tôi. Sau đó tôi cũng không còn trở lại hỏi han thăm viếng người thân ấy nữa. Này Ca-diếp, do sự kiện đó, tôi nghĩ rằng: Không có chúng sanh sanh.”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp bảo rằng:

“Này vua Tì-tứ, hãy nghe tôi nói thí dụ, [528a] người có trí nghe thí dụ này thì liền hiểu được nghĩa. Này vua Tì-tứ, cũng như có người thổi tù và giỏi. Ở xứ kia chưa có ai từng nghe tiếng tù và. Người đó đến xứ ấy. Vào một đêm tối, y trèo lên núi cao, tận lực thổi tù và. Mọi người ở xứ ấy chưa từng nghe tiếng tù và, nay được nghe, liền nghĩ: ‘Tiếng gì mà vi diệu, rất kỳ lạ, thật đáng ưa thích, đáng xem nghe, khiến cho lòng mình vui vẻ như thế?’ Những người ấy bèn cùng nhau đi đến chỗ người thổi tù và giỏi. Đến nơi, họ hỏi rằng: ‘Đó là tiếng gì mà vi diệu, rất kỳ lạ, thật đáng ưa thích, đáng đến xem nghe, khiến cho lòng vmình vui vẻ như thế?’ Người thổi tù và giỏi đem liệng cái tù và xuống đất, bảo mọi người rằng: ‘Các vị nên biết, chính đó là tiếng tù và’. Lúc đó, mọi người lấy chân đá tù và rồi nói rằng: ‘Tù và hãy kêu đi! Tù và hãy kêu đi!’ Nhưng nó im lìm không âm hưởng. Người thổi tù và giỏi liền nghĩ: ‘Nay những người này ngu si, không thông suốt, không hiểu rõ, không có trí tuệ. Vì sao? Vì muốn tìm âm thanh từ một vật vô tri’. Bấy giờ người thổi tù và giỏi nhặt tù và lên, dùng nước rửa sạch, đưa lên miệng mà tận lực thổi. Khi ấy mọi người nghe xong, liền nghĩ: ‘Tù và thật kỳ diệu’. Vì sao? ‘Vì nhờ tay, nhờ nước, nhờ miệng, hơi thổi mới phát ra tiếng hay, vang khắp bốn phương’. Này vua Tì-tứ, cũng như vậy, nếu người còn sống mới có thể nói năng, hỏi han nhau được. Nếu khi chết thì không thể nói năng, hỏi han được nữa. Này vua Tì-tứ, vua nên quán chúng sanh sanh ra thì cũng như vậy, chứ đừng giống cái thấy của con mắt thịt. Này vua Tì-tứ, có Sa-môn, Bà-la-môn đoạn tuyệt dục, ly dục, thú hướng ly dục; đoạn tuyệt nhuế, ly nhuế, thú hướng ly nhuế; đoạn tuyệt si, ly si, thú hướng ly si; vị ấy bằng thiên nhãn thanh tịnh hơn người thường, thấy chúng sanh này lúc sanh lúc tử, khi đẹp khi xấu, hoặc diệu hoặc bất diệu, qua lại thiện xứ hay bất thiện xứ, tùy theo nghiệp mà chúng sanh ấy đã tạo. Vị ấy thấy sự kiện ấy đúng như thật.”

Vua Tì-tứ lại hỏi:

“Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp, tuy Sa-môn nói như thế nhưng tôi vẫn quan niệm như thế này, chủ trương như thế này: Không có đời sau, không có chúng sanh sanh.”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp đáp rằng:

“Vua Tì-tứ, còn có lý do nào khác hơn lý do này chăng?”

Vua Tì-tứ đáp:

“Đúng như vậy, Ca-diếp, còn có sự kiện này. Tôi có quan hữu ty bắt một tội nhân, đem đến chỗ của tôi. Đến rồi, thưa rằng: ‘Tâu Thiên vương, kẻ này có tội, [528b] xin Thiên vương trừng trị’. Tôi bảo: ‘Hãy đem tội nhân này cân sống. Cân sống xong, vật xuống đất, dùng dây thắt cổ giết chết. Giết xong, đem cân lại, ta mới biết người này lúc nào thì nhẹ cân, mềm mại, tươi nhuận, đẹp đẽ hơn, đó là lúc sống hay là lúc chết?’ Vị quan ấy vâng lời tôi, đem tội nhân ấy cân sống, rồi vật xuống đất, dùng dây thắt cổ giết chết. Giết xong, đem cân lại, thấy rằng tội nhân lúc sống thì nhẹ, mềm mại, sắc tươi nhuận, đẹp đẽ hơn; đến lúc chết thì nặng, cứng, không mềm mại và sắc không tươi nhuận. Này Ca-diếp, nhân sự kiện ấy, cho nên tôi nghĩ rằng: Không có chúng sanh sanh.”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp bảo:

“Này vua Tì-tứ, hãy nghe tôi nói ví dụ. Người có trí nghe ví dụ này liền hiểu được ý nghĩa. Này vua Tì-tứ, cũng như thanh sắt hay lưỡi cày sắt được đốt cháy suốt ngày. Vật bằng sắt ấy lúc bấy giờ thì nhẹ, mềm, sắc tươi nhuận và đẹp hơn. Nếu lửa tắt, nó dần dần trở nên nguội lạnh, sẽ nặng hơn, cứng, không mềm và sắc không tươi. Cũng vậy, này vua Tì-tứ, nếu người lúc còn sống thì thân thể nhẹ, mềm mại, sắc tươi nhuận, đẹp đẽ. Nếu lúc chết thì nặng hơn, cứng, không mềm mại và sắc không tươi nữa. Này vua Tì-tứ, vua nên quán chúng sanh sanh cũng như thế, chớ đừng giống như cái thấy của con mắt thịt. Này vua Tì-tứ, có Sa-môn, Bà-la-môn đoạn tuyệt dục, ly dục, thú hướng ly dục; đoạn tuyệt nhuế, ly nhuế, thú hướng ly nhuế; đoạn tuyệt si, ly si, thú hướng ly si; vị ấy bằng thiên nhãn thanh tịnh hơn người thường, thấy chúng sanh lúc sanh lúc tử, khi đẹp khi xấu, qua lại thiện xứ hay bất thiện xứ, tùy theo nghiệp mà chúng sanh ấy đã tạo. Vị ấy thấy hiện tượng đó đúng như thật.”

Vua Tì-tứ lại nói:

“Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp, tuy Sa-môn nói như thế nhưng tôi vẫn quan niệm như thế này, chủ trương như thế này: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh sanh’.”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp đáp rằng:

“Vua Tì-tứ, còn có lý do nào khác hơn lý do này chăng?”

Vua Tì-tứ đáp:

“Đúng như vậy, Ca-diếp, còn có lý do khác hơn lý do này. Này Ca-diếp, tôi có quan hữu ty bắt một tội nhân, đem đến chỗ tôi, thưa rằng: ‘Tâu Thiên vương, người này có tội, xin Thiên vương trừng trị’. Tôi bảo: ‘Hãy đem tội nhân ấy bỏ vào nồi sắt hoặc bỏ vào nồi đồng, đậy kín miệng lại và đốt lửa ở dưới. Khi đã đốt lửa rồi, hãy quan sát cùng khắp, xem chúng sanh ấy lúc vào lúc ra, qua lại chỗ nào?’ Vị quan ấy vâng lời tôi, đem tội nhân ấy bỏ vào nồi sắt hoặc bỏ vào [528c] nồi đồng, đậy kín miệng lại và đốt lửa ở dưới. Khi đã đốt lửa, quan sát cùng khắp để xem chúng sanh ấy lúc ra lúc vào qua lại chỗ nào. Nhưng này Ca-diếp, tôi làm phương thức như vậy mà chẳng thấy chúng sanh hóa sanh. Này Ca-diếp, nhân sự kiện ấy nên tôi nghĩ rằng: Không có chúng sanh hóa sanh.”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp bảo:

“Này vua Tì-tứ, nay tôi hỏi vua, vua hiểu thế nào trả lời thế ấy. Vua nghĩ sao, nếu vào ban ngày, vua ăn thức ăn mỹ diệu ngon lành, rồi lên giường nằm ngủ. Vua nhớ lại đã từng ở trong mộng có lần thấy vườn tược, hồ tắm, rừng cây, hoa trái, suối trong, sông dài, qua lại cùng khắp chăng?”

Vua Tì-tứ đáp:

“Tôi nhớ lại đã từng có như vậy.”

Tôn giả Ca-diếp hỏi tiếp:

“Ngày đó, sau khi ăn những thức ăn ngon lành mỹ diệu xong, vua lên giường nằm ngủ. Bấy giờ có ai đứng hầu bên cạnh chăng?”

Vua Tì-tứ đáp:

“Có.”

Tôn giả Ca-diếp hỏi tiếp:

“Ngày đó, sau khi ăn những thức ăn ngon lành mỹ diệu xong, lên giường nằm ngủ. Lúc ấy, những người hầu hai bên tả hữu có thấy được khi vua ra vào, qua lại cùng khắp chăng?”

Vua Tì-tứ đáp:

“Dù cho có ai khác cũng không thể thấy, huống nữa là bạn hầu hạ hai bên.”

“Này vua Tì-tứ, vua cũng quán chúng sanh hóa sanh cũng giống như thế, chứ đừng giống như cái thấy của con mắt thịt. Này vua Tì-tứ, có Sa-môn, Bà-la-môn đoạn tuyệt dục, ly dục, thú hướng ly dục; đoạn tuyệt nhuế, ly nhuế, thú hướng ly nhuế; đoạn tuyệt si, ly si, thú hướng ly si; vị ấy dùng thiên nhãn thanh tịnh hơn hẳn người thường, thấy chúng sanh lúc sanh lúc tử, lúc đẹp lúc xấu, hoặc diệu hoặc bất diệu, qua lại thiện xứ hoặc bất thiện xứ tùy theo nghiệp mà chúng sanh ấy đã tạo. Vị ấy thấy sự kiện ấy đúng như thật.”

Vua Tì-tứ lại nói:

“Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp, tuy Sa-môn nói như thế nhưng tôi vẫn quan niệm như thế này, chủ trương như thế này: Không có đời sau, không có chúng sanh sanh.”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp đáp rằng:

“Vua Tì-tứ, còn có lý do nào khác hơn lý do này chăng?”

Vua Tì-tứ đáp:

“Đúng như vậy, Ca-diếp, còn có lý do khác hơn lý do này. Này Ca-diếp, tôi có quan hữu ty bắt một tội nhân đem đến trước tôi, thưa rằng: ‘Tâu Thiên vương, người này có tội, xin Thiên vương trừng trị’. Tôi bảo: ‘Hãy đem tội nhân này lóc da, xẻo thịt, chặt gân, đục xương đến tận tủy để tìm chúng sanh hóa sanh’. Này Ca-diếp, tôi đã làm phương cách như thế mà rốt cuộc cũng chẳng thấy chúng sanh sanh. Này Ca-diếp, nhân [529a] sự kiện đó nên tôi nghĩ rằng: Không có chúng sanh hóa sanh.”

Tôn giả Ca-diếp bảo:

“Này vua Tì-tứ, hãy nghe tôi nói ví dụ này. Người có trí nghe ví dụ này thì liền hiểu ý nghĩa. Này vua Tì-tứ, cũng như có một người  Bà-la-môn bện tóc thờ lửa sống ở gần bên đường. Cách đó không xa có những người khách buôn tá túc. Vào lúc sáng sớm, những người khách buôn ấy vội vã ra đi, bỏ quên một đứa bé. Lúc đó, Bà-la-môn bện tóc thờ lửa dậy sớm, đi đến nơi khách buôn tạm trú, xem thấy đứa bé đứng một mình, không có chủ nhân. Thấy xong, vị ấy nghĩ: ‘Nay thằng bé con này không có nơi nương tựa, nếu ta không nuôi thì chắc nó sẽ chết’. Nghĩ như thế, Bà-la-môn liền bồng đem về nuôi. Thời gian sau, đứa bé lớn khôn. Bấy giờ  Bà-la-môn thờ lửa bện tóc bận chút việc ở thôn xóm khác. Bà-la-môn bện tóc thờ lửa bảo thiếu niên rằng: ‘Ta bận chút việc phải xuống thôn xóm một thời gian. Con phải giữ lửa cẩn thận, chớ để nó tắt. Nếu lửa tắt con phải dùng cái cọ lửa này mà nhen lại’. Bà-la-môn bện tóc thờ lửa căn dặn cẩn thận xong, liền xuống thôn xóm. Sau đó, thiếu niên ấy ra ngoài rong chơi, lửa tắt hết. Sau khi trở về, nó muốn nhen lửa, liền dùng cái cọ lửa đánh xuống đất, bảo rằng: ‘Lửa hãy cháy lên!’ Nhưng lửa vẫn không cháy. Lửa không cháy, nó phá cái cọ lửa ấy ra thành từng mảnh, một trăm mảnh vứt đi, ngồi bệt xuống đất sầu não mà nói rằng: ‘Không tìm được lửa, phải làm sao đây?’ Bấy giờ  Bà-la-môn bện tóc thờ lửa đã làm xong công việc ở thôn xóm, liền trở về nhà. Về đến nơi, hỏi thiếu niên ấy rằng: ‘Con không vui chơi mà chăm sóc ngọn lửa, không để nó tắt chăng?’ Nó trả lời: ‘Thưa Tôn giả, con đi ra ngoài chơi nên sau đó lửa đã tắt. Khi trở về con muốn nhen lửa, liền lấy cái cọ lửa đánh xuống đất, bảo rằng: ‘Lửa hãy cháy lên! Lửa hãy cháy lên!’ mà cuối cùng lửa vẫn không cháy. Con lại đặt lên phiến đá, ra sức đánh mà bảo: ‘Lửa hãy cháy lên! Lửa hãy cháy lên!’, nhưng lửa vẫn không cháy. Con liền phá cái cọ ấy ra thành mười mảnh, một trăm mảnh vứt đi, rồi ngồi bệt xuống đất. Thưa Tôn giả, con đã tìm kiếm như thế mà không có lửa, không biết làm sao!’ Lúc đó, Bà-la-môn bện tóc thờ lửa nghĩ rằng: ‘Cậu thiếu niên này quá ngu si, không thông suốt, không rõ ràng, không có trí tuệ. Vì sao? Vì từ cái cọ lửa vô tri mà nghĩ cách lấy lửa như vậy’. Khi ấy, Bà-la-môn bện tóc thờ lửa đem cọ lửa và [529b] đồ mồi lửa đặt xuống đất mà cọ xát, tức thì bật lửa và cháy bùng lên. Ông bảo cậu thiếu niên rằng: ‘Này con, phương pháp lấy lửa phải như vậy, chớ không phải như con ngu si, không thông suốt, không có trí tuệ, từ cái cọ lửa vô tri mà nghĩ cách lấy lửa như con đã làm’.

“Cũng vậy, nên biết, này vua Tì-tứ, vua cũng lại như vậy, ngu si, không thông suốt, không hiểu rõ, không trí tuệ, muốn tìm thấy chúng sanh hóa sanh nơi xác thịt chết, cho đến xương tủy vô tri. Này vua Tì-tứ, vua nên quán chúng sanh sanh như thế, chứ đừng giống như cái thấy của con mắt thịt. Này vua Tì-tứ, có Sa-môn, Bà-la-môn đoạn tuyệt dục, ly dục, thú hướng ly dục; đoạn tuyệt nhuế, ly nhuế, thú hướng ly nhuế; đoạn tuyệt si, ly si, thú hướng ly si, vị ấy dùng thiên nhãn thanh tịnh hơn hẳn người thường, thấy chúng sanh này lúc sanh lúc tử, khi đẹp khi xấu, hoặc diệu hoặc bất diệu, qua lại thiện xứ hay bất thiện xứ tùy theo nghiệp mà chúng sanh ấy đã tạo. Vị ấy thấy sự kiện đó đúng như thật.”

Vua Tì-tứ lại nói:

“Tuy Sa-môn Ca-diếp nói như thế, nhưng tôi đối với quan niệm này, bảo thủ vì dục, bảo thủ vì sân nhuế, bảo thủ vì sợ hãi, bảo thủ vì ngu si, trọn không thể xả bỏ. Vì sao? Nếu có người ở nước khác nghe được, liền bảo rằng: ‘Vua Tì-tứ có quan niệm đã thọ trì lâu dài, nay bị Sa-môn Ca-diếp hàng phục, sửa sai nên đoạn trừ và xả bỏ’. Này Ca-diếp, vì thế, tôi đối với quan niệm này bảo thủ vì dục, bảo thủ vì nhuế, bảo thủ vì sợ hãi, bảo thủ vì si, trọn không thể xả bỏ.”

Tôn giả Ca-diếp bảo:

“Này vua Tì-tứ, hãy nghe tôi nói ví dụ này. Người có trí nghe ví dụ này liền hiểu ý nghĩa. Này vua Tì-tứ, ví như hai người bạn bỏ nhà đi tìm kế sinh nhai. Trên đường đi, ban đầu họ thấy có rất nhiều cây gai không chủ. Một người trông thấy, bảo bạn rằng: ‘Bạn nên biết, ở đây có rất nhiều cây gai không chủ. Tôi muốn bạn cùng lấy, bó lại đem về, có thể làm vật dụng được’. Hai người liền lấy bó lại để gánh đi.”

“Trên đường đi họ lại thấy rất nhiều tơ lụa kiếp-bối, vải kiếp-bối không chủ, lại thấy rất nhiều bạc cũng không chủ. Thấy xong, một người vất bỏ cây gai đang gánh, lấy bạc gói lại.

“Trên đường đi lại thấy nhiều đống vàng cũng không có chủ. Bấy giờ người gánh bạc bàn với người gánh gai: ‘Này bạn, nên biết, vàng này quá nhiều mà không có chủ, bạn nên vứt bỏ cây gai, tôi thì vứt bỏ bạc đang gánh. Tôi muốn cùng với bạn đồng lấy vàng này gánh trở về, có thể chi dụng được hơn’. Người gánh gai bảo người gánh bạc: [529c] ‘Tôi gánh gai này sau khi đã sắp xếp gọn gàng, bó lại chắc chắn, từ xa gánh tới đây. Tôi không thể bỏ được. Cho nên, bạn biết đấy, chớ lo cho tôi’. Khi ấy người gánh bạc giật gánh gai quăng xuống đất rồi xổ tung ra. Người gánh gai bảo người gánh bạc rằng: ‘Bạn đã xổ tung gánh gai của tôi như vậy, tôi đã mất công bó lại chắc chắn, gánh từ xa tới đây, nên tôi dứt khoát gánh cây gai này về, không thể bỏ được. Bạn hãy tự biết, chớ lo cho tôi’. Người gánh bạc liền bỏ gánh bạc, lấy vàng gánh về.

“Khi người gánh vàng trở về; từ xa, cha mẹ trông thấy con gánh vàng về, khen rằng: ‘Giỏi thay, giỏi thay! Hoan nghinh con! Con nhờ vàng này sống được sung sướng, phụng dưỡng cha mẹ, cung cấp cho vợ con, tớ gái và người sai bảo, lại có thể bố thí cho các Sa-môn, Bà-la-môn, tạo phước tăng thượng, thiện quả, thiện báo, sanh vào cõi trời, sống lâu’.

“Khi người gánh cây gai trở về nhà; từ xa, cha mẹ trông thấy con gánh cây gai trở về. Thấy vậy, họ mắng rằng: ‘Ngươi là người có tội trở về, là người vô đức trở về. Vì bó gai này mà ngươi không sống được, không thể phụng dưỡng cha mẹ, không thể chu cấp cho vợ con, tớ gái và người sai bảo, lại cũng không thể bố thí cho các Sa-môn, Bà-la-môn, không thể tạo phước tăng thượng, không được thiện quả, thiện báo, không thể sanh vào cõi trời để được sống lâu’.

“Cũng vậy, nên biết, này vua Tì-tứ, vua cũng như thế. Nếu đối với quan niệm ấy, vua bảo thủ vì dục, bảo thủ vì nhuế, bảo thủ vì sợ hãi, bảo thủ vì ngu si, không bao giờ xả bỏ, thì vua sẽ thọ lãnh vô lượng sự dữ, lại bị mọi người chê ghét.”

Vua Tì-tứ lại nói rằng:

“Tuy Sa-môn Ca-diếp nói như thế, nhưng đối với quan niệm này tôi bảo thủ vì dục, bảo thủ vì nhuế, bảo thủ vì sợ hãi bảo thủ vì ngu si, nên không bao giờ xả bỏ. Vì sao? Nếu người khác nghe được, liền bảo rằng: ‘Vua Tì-tứ quan niệm thọ trì từ lâu, nay bị Sa-môn Ca-diếp hàng phục, sửa sai nên đã đoạn trừ xả bỏ’. Vì thế, này Ca-diếp, nên đối với quan niệm này tôi bảo thủ vì dục, bảo thủ vì nhuế, bảo thủ vì sợ hãi, bảo thủ vì ngu si, nên không bao giờ xả bỏ.”

Tôn giả Ca-diếp lại bảo:

“Này vua Tì-tứ, Hãy nghe tôi nói ví dụ này. Người có trí nghe ví dụ này liền hiểu ý nghĩa. Này vua Tì-tứ, cũng như một khách buôn, cùng với đoàn khách buôn đông đảo, có một ngàn cỗ xe đi vào con đường nguy hiểm. Trong đoàn khách buôn ấy có hai vị thương chủ. Hai vị ấy nghĩ rằng: ‘Chúng ta làm sao thoát khỏi nạn này?’ Họ lại nghĩ: ‘Đoàn của chúng ta nên chia làm hai, mỗi toán năm trăm’.

“Đoàn khách buôn ấy liền chia ra hai toán, mỗi toán năm trăm. Rồi thì [530a] một thương chủ dẫn năm trăm cỗ xe tiến vào con đường nguy hiểm. Người thương chủ ấy luôn luôn đi phía trước để dẫn đường. Ông thấy một người từ mé đường đi ra, quần áo ướt sũng, chân đen, đầu vàng, đôi mắt đỏ lòm, đeo tràng hoa cỏ thơm [124], đi xe lừa, hai bánh dính bùn. Vị thương chủ trông thấy liền hỏi: ‘Phía trong con đường bí hiểm này, trời có mưa chăng? Có nước trong, củi và cỏ chăng?’ Người ấy đáp: ‘Phía trong con đường nguy hiểm này trời mưa lớn, có nhiều nước trong và nhiều củi, cỏ. Này các bạn, các bạn hãy vứt bỏ nước cũ, củi, cỏ, chớ để nặng xe. Đi không bao lâu nữa, các bạn sẽ được nước trong và củi với cỏ tốt’.  

“Vị thương chủ ấy nghe xong, liền trở lại đến toán của mình, thuật lại rằng: ‘Ta đi trước, thấy một người từ bên đường đi ra, áo quần ướt sũng, thân đen, đầu vàng, đôi mắt đỏ lòm, mang tràng hoa cỏ thơm, cỡi xe lừa, hai bánh dính bùn. Ta hỏi người ấy: ‘Phía trong con đường nguy hiểm này trời có mưa không? Có nước trong, củi, cỏ chăng?’ Người ấy đáp rằng: ‘Phía trong con đường nguy hiểm này trời mưa lớn, có nhiều nước trong, củi và cỏ tốt. Này các bạn, các bạn hãy vứt bỏ nước cũ, củi và cỏ, chớ để nặng xe. Đi không bao lâu nữa, các bạn sẽ được nước trong, củi và cỏ tốt’. Này các bạn, chúng ta hãy vứt bỏ nước cũ, củi và cỏ. Như vậy không bao lâu nữa chúng ta sẽ có nước trong cùng củi và cỏ, chớ để nặng xe’.

“Các khách buôn vứt bỏ nước cũ, củi và cỏ. Đi một ngày đường, họ không thấy nước trong, củi và cỏ. Sau bảy ngày, toán khách buôn ấy bị quỷ ăn thịt người sát hại.

“Người thương chủ thứ hai nghĩ rằng: ‘Vị thương chủ trước đã qua khỏi tai nạn nguy hiểm. Chúng ta phải dùng phương cách nào để thoát nạn?’ Nghĩ xong, vị ấy cho năm trăm cỗ xe cùng tiến vào con đường nguy hiểm. Cũng đi trước dẫn đường, vị thương chủ thứ hai thấy có một người từ mé đường đi ra, áo quần ướt sũng, thân đen đầu vàng, đôi mắt đỏ lòm, mang tràng hoa cỏ thơm, cỡi xe lừa, hai bánh dính bùn. Vị thương chủ thứ hai này trông thấy liền hỏi: ‘Phía trong con đường nguy hiểm này trời có mưa không? Có nước trong, củi và cỏ không?’ Người lạ đáp: ‘Phía trong con đường nguy hiểm này trời mưa lớn lắm, có rất nhiều nước trong, củi và cỏ rất tốt. Này các bạn, các bạn hãy vứt bỏ nước cũ, củi và [530b]  cỏ đi, chớ để nặng xe. Đi không bao lâu nữa các bạn sẽ được nước trong, củi và cỏ tốt’.

“Người thương chủ thứ hai nghe xong, trở lại với toán, thuật rằng: ‘Ta đi đàng trước, thấy có một người từ bên mé đường đi ra, áo quần ướt sũng, thân đen đầu vàng, đôi mắt đỏ lòm, mang tràng hoa cỏ thơm, cỡi xe lừa, hai bánh dính bùn. Ta hỏi: ‘Phía trong con đường nguy hiểm này trời có mưa không? Có nước trong, củi và cỏ không?’ Người ấy đáp: ‘Phía trong con đường nguy hiểm này trời thường mưa lớn, có nhiều nước trong, củi và cỏ tốt. Này các bạn, các bạn hãy vứt bỏ nước cũ, củi và cỏ đi, chớ để nặng xe. Đi không bao lâu nữa, các bạn sẽ thấy được nước trong, củi và cỏ tốt’. Này các bạn, chúng ta chưa thể vứt bỏ nước cũ, củi và cỏ được. Nếu lấy được nước, củi và cỏ mới, sau đó chúng ta mới bỏ’.

“Toán khách buôn ấy không vứt bỏ nước cũ, củi và cỏ. Đi một ngày đường, không lấy được nước, củi và cỏ mới. Họ đi hai ngày, ba ngày cho đến bảy ngày mà vẫn không lấy được.

“Lúc người thương chủ thứ hai đi trước, trông thấy người thương chủ thứ nhất và toán khách buôn đi trước đã bị quỷ ăn thịt người sát hại. Thấy vậy, ông bảo toán của mình rằng: ‘Này các bạn, các bạn hãy xem người thương chủ đi trước ấy ngu si, không thông suốt, không hiểu rõ, không có trí tuệ, đã tự giết mình, lại giết đồng bọn nữa. Các bạn, nếu muốn lấy hàng hóa của người khách buôn toán trước thì tự tiện mà lấy’.

“Này vua Tì-tứ, nên biết rằng vua cũng lại như vậy. Nếu với quan niệm ấy, vua bảo thủ vì dục, bảo thủ vì nhuế, bảo thủ vì sợ hãi, bảo thủ vì ngu si, không bao giờ xả bỏ, thì vua sẽ thọ vô lượng sự dữ, lại bị mọi người chê ghét nữa. Cũng như người thương chủ thứ nhất và đồng bọn thuộc nhóm thứ nhất.”

Vua Tì-tứ lại nói:

“Tuy Sa-môn Ca-diếp nói như thế nhưng với quan niệm ấy, tôi bảo thủ vì dục, bảo thủ vì nhuế, bảo thủ vì sợ hãi, bảo thủ vì ngu si, không bao giờ bỏ. Vì sao? Nếu những người ở nước khác nghe đến, liền bảo rằng: ‘Vua Tì-tứ có một quan niệm thọ trì đã từ lâu, nay bị Sa-môn Ca-diếp hàng phục, sửa sai nên đã đoạn trừ, xả bỏ’. Vì thế, này Ca-diếp, đối với quan niệm đó tôi bảo thủ vì dục, bảo thủ vì nhuế, bảo thủ vì sợ hãi, bảo thủ vì ngu si, không bao giờ xả bỏ.”

Tôn giả Ca-diếp bảo:

“Này vua Tì-tứ, hãy nghe tôi nói ví dụ này. Người có trí nghe ví dụ này liền hiểu ý nghĩa. Này vua Tì-tứ, cũng như hai người hẹn nhau chơi đổ súc sắc. Người thứ nhất thường lén trộm con súc sắc mà ngậm [125], ngậm một lần, hai lần, ba lần cho đến [530c] nhiều lần. Người thứ hai liền nghĩ: ‘Cùng chơi với người này, nó luôn luôn gạt mình, trộm con súc sắc mà ngậm một, hai, ba lần cho đến nhiều lần’. Nghĩ thế, người ấy nói với bạn: ‘Tôi muốn nghỉ. Sau rồi sẽ chơi lại’. Bấy giờ người thứ hai rời khỏi chỗ ấy, dùng thuốc tẩm vào con súc sắc. Sau đo, nó trở lại cùng chơi. Người thứ nhất lại lén trộm con súc sắc mà ngậm, một lần, hai, ba hoặc đến nhiều lần. Ngậm xong, liền trợn mắt, sùi bọt mép gần chết. Bấy giờ người thứ hai hướng về người thứ nhất nói bài tụng:

Xúc xắc này tẩm độc;

Người tham ăn không biết.

Trước ngồi chơi, gạt ta;

Sau phải mang họa khổ.

“Này vua Tì-tứ, nên biết, vua cũng lại như vậy. Nếu quan niệm ấy vua bảo thủ vì dục, bảo thủ vì nhuế, bảo thủ vì sợ hãi, bảo thủ vì ngu si không bao giờ xả bỏ thì vua sẽ thọ vô lượng sự dữ. Lại bị mọi người chê ghét. Cũng như người chơi súc sắc, vì lừa gạt mà bị mang họa.”

Vua Tì-tứ lại nói:

“Tuy Sa-môn Ca-diếp nói như thế nhưng với quan niệm ấy, tôi bảo thủ vì dục, bảo thủ vì nhuế, bảo thủ vì sợ hãi, bảo thủ vì ngu si, không bao giờ bỏ.”

Tôn giả Ca-diếp bảo:

“Này vua Tì-tứ, hãy nghe tôi nói ví dụ này. Người có trí nghe ví dụ liền hiểu nghĩa. Này vua Tì-tứ, cũng như người nuôi heo, lúc đang đi trên đường thấy có rất nhiều phân khô không chủ, liền nghĩ rằng: ‘Phân này có thể nuôi no đủ cho nhiều con heo, ta nên lấy gói lại mang đi’. Người ấy liền đội phân mà đi. Giữa đường gặp trời mưa lớn, phân chảy ra, chảy xuống vấy phẩn cùng thân, nhưng người ấy vẫn đội đi, không vứt bỏ. Người ấy chịu không biết bao sự xấu, lại bị mọi người chê ghét. Này vua Tì-tứ, nên biết rằng vua cũng như thế. Nếu đối với quan niệm ấy vua bảo thủ vì dục, bảo thủ vì nhuế, bảo thủ vì sợ hãi, bảo thủ vì ngu si, không bao giờ xả bỏ thì vua sẽ thọ vô lượng sự dữ, lại bị mọi người chê ghét, cũng như người nuôi heo kia.”

Vua Tì-tứ lại nói:

“Tuy Sa-môn Ca-diếp nói như thế nhưng với quan niệm ấy, nhưng tôi [531a] bảo thủ vì dục, bảo thủ vì nhuế, bảo thủ vì sợ hãi, bảo thủ vì ngu si, không bao giờ xả bỏ. Vì sao? Nếu những người ở các nước khác nghe sẽ bảo rằng: ‘Vua Tì-tứ có một quan niệm đã thọ trì từ lâu, nay bị Sa-môn Ca-diếp hàng phục, sửa sai, đã đoạn trừ, xả bỏ’. Này Ca-diếp, vì thế nên tôi đối với quan niệm này muốn bảo thủ vì nhuế, bảo thủ vì dục, bảo thủ vì sợ hãi, bảo thủ vì ngu si, không bao giờ xả bỏ.”

Tôn giả Ca-diếp bảo:

“Này vua Tì-tứ, hãy nghe tôi nói ví dụ cuối cùng. Nếu vua biết thì tốt, nếu vua không biết thì tôi cũng không thuyết pháp nữa. Này vua Tì-tứ, cũng như có một con heo lớn, thủ lãnh của đàn heo năm trăm con, đi vào con đường nguy hiểm, nó gặp một con cọp. Khi con heo đã trông thấy con cọp, nó liền nghĩ: ‘Nếu đấu với cọp thì cọp sẽ giết mình. Nếu sợ bỏ chạy thì thân tộc sẽ khinh mình. Không biết ta phải dùng phương cách nào để thoát nạn?’ Nghĩ xong, nó nói với cọp rằng: ‘Nếu ngươi muốn đấu thì hãy đấu, nếu không thì hãy tránh đường cho ta qua’. Cọp nghe liền bảo rằng: ‘Ta chấp nhận đấu với ngươi, chớ không tránh đường cho ngươi’. Heo lại nói rằng: ‘Này cọp, ngươi hãy đợi chốc lát, ta mặc áo giáp của tổ phụ xong rồi hãy trở lại cùng đấu’. Cọp nghe vậy liền nghĩ: ‘Nó chẳng phải địch thủ của ta, huống là áo giáp của tổ phụ nó’. Nghĩ xong, nó bảo heo: ‘Cho tùy ý ngươi’. Heo liền trở về chuồng, lăn trong đống phân, làm lấp phân đến tận mắt rồi trở lại chỗ cọp, nói rằng: ‘Ngươi muốn đấu thì hãy đấu, nếu không thì hãy tránh đường cho ta đi qua’. Khi trông thấy heo, cọp nghĩ: ‘Ta thường không ăn sâu bọ tạp nhạp vì uổng hàm răng, huống là phải gần con heo hôi hám này’. Con cọp nghĩ xong, liền bảo heo: ‘Ta tránh đường cho ngươi chớ không đấu với ngươi nữa’. Heo đi qua, rồi hướng về phía cọp nói bài tụng:

Này cọp, ngươi bốn chân,

Ta cũng có bốn chân.

Hãy đến đấu cùng ta,

Sợ gì mà bỏ chạy?”

“Cọp nghe xong, nói bài tụng trả lời heo rằng:

Ngươi lông mọc như rừng;

Hèn nhất trong loài vật.

Này heo, hãy cút mau;

Phân thối chịu không nổi.”

“Lúc ấy, heo tự khoe, nói bài tụng rằng:

Hai nước Ma-kiệt, Ương [126]

Nghe ta đấu với ngươi.

 [531b] Hãy đến đấu với ta’

Sợ gì mà bỏ chạy?”

“Cọp nghe vậy, lại nói bài tụng:

Toàn thân, lông đều nhơ

Ngươi làm ta lây thối

Ngươi đánh muốn cầu Thắng Lâm

Ta nay cho ngươi Thắng Lâm [127].”

Tôn giả Ca-diếp bảo rằng:

“Này vua Tì-tứ, tôi cũng như thế, nếu với quan niệm ấy, vua bảo trì vì dục, bảo trì vì sân nhuế, bảo trì vì sợ hãi, bảo trì vì ngu si, không bao giờ bỏ thì vua sẽ thọ vô lượng sự dữ, lại bị mọi người chê ghét, cũng giống như cọp để cho heo Thắng Lâm.”

Vua Tì-tứ nghe xong, nói rằng:

“Thưa Tôn giả, ngay từ đầu Tôn giả nói ví dụ mặt trời và mặt trăng. Lúc nghe xong, tôi hiểu ngay, hoan hỷ thọ trì, nhưng tôi muốn được nghe những biện tài càng lúc càng cao siêu của bậc thượng diệu trí ở nơi Tôn giả nên tôi hỏi đi hỏi lại mãi. Tôi nay nương mình quy y Tôn giả Ca-diếp.”

Tôn giả Ca-diếp bảo:

“Này vua Tì-tứ, vua chớ quy y tôi. Tôi đã quy y Phật, vua cũng nên quy y theo Ngài.”

Vua Tì-tứ nói [128]:

“Thưa Tôn giả, con nay nương mình quy y Phật, Pháp và Chúng Tỳ-kheo. Mong Tôn giả thay Phật nhận con làm Ưu-bà-tắc. Bắt đầu từ ngày hôm nay và trọn đời, con nương mình quy y cho đến lúc mạng chung. Thưa Tôn giả Ca-diếp, con từ hôm nay bắt đầu thực hành bố thí, tu phước.”

Tôn giả Ca-diếp hỏi:

“Này vua Tì-tứ, vua muốn thực hành bố thí, tu phước. Vậy sẽ bố thí cho bao nhiêu người và thời gian bao lâu?”

Vua Tì-tứ đáp:

“Bố thí cho trăm người hoặc đến ngàn người. Một ngày, hai ngày hoặc đến bảy ngày.

Tôn giả Ca-diếp bảo:

“Nếu vua thực hành bố thí, tu phước; bố thí cho một trăm người hoặc đến một ngàn người; một ngày, hai ngày hoặc đến bảy ngày, thì các Sa-môn, Bà-la-môn ở khắp nơi đều có nghe vua Tì-tứ có một quan niệm thọ trì lâu dài, nay bị Sa-môn Ca-diếp hàng phục, sửa sai nên đã đoạn trừ, xả bỏ. Các vị ấy nghe xong đều sẽ từ phương xa đến, trong bảy ngày sẽ không đủ thời gian để vua bố thí. Nếu có ai không nhận được phẩm vật do  vua bố thí, vua không được phước, không được thọ an lạc lâu dài. Này vua Tì-tứ, cũng như hạt giống không nát, không hư, không nứt, không bể, không bị tổn thương bởi gió, bởi ánh nắng, bởi nước, được cất giấu chu đáo vào tiết thu. Nếu cư sĩ kia cày sâu, ruộng tốt, làm đất thuần thục xong, gieo giống đúng thời nhưng mưa không kịp lúc thì ý vua nghĩ sao? Hạt giống kia có sanh trưởng được chăng?”

Đáp rằng:

“Dạ không.”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp bảo:

“Này vua Tì-tứ, vua cũng như thế. Nếu vua thực hành bố thí, tu phước; bố thí cho một trăm người hoặc một ngàn người, từ một ngày cho đến bảy ngày. Những Sa-môn, Bà-la-môn ở các phương xa đều nghe rằng vua Tì-tứ có một quan niệm thọ trì đã lâu dài, nay bị Sa-môn Ca-diếp hàng phục, sửa sai nên đã đoạn trừ, xả bỏ. Các vị ấy nghe xong liền từ phương xa đến, thí trong bảy ngày không đủ thời gian để vua bố thí. Nếu có vị nào không nhận được thực phẩm do vua bố thí thì vua không được phước, không được thọ an lạc lâu dài.”

Vua Tì-tứ lại hỏi:

“Thưa Tôn giả, tôi phải làm thế nào?”

Tôn giả Ca-diếp đáp:

“Này vua Tì-tứ, nếu vua thực hành bố thí, tu phước thì phải thường cung cấp trường trai [129]. Nếu vua thực hành bố thí, tu phước mà không thường cung cấp trường trai thì các vị Sa-môn, Bà-la-môn ở khắp nơi nghe rằng: vua Tì-tứ có một quan niệm thọ trì đã lâu, nay bị Sa-môn Ca-diếp hàng phục, sửa sai nên đã đoạn trừ, xả bỏ. Nghe xong, từ các phương xa các vị đều đến, đều có thể được vua bố thí, nên vua có phước, được an lạc lâu dài. Này vua Tì-tứ, cũng như hạt giống không hư, không nát, không nứt, không bể, không bị thương tổn bởi gió, bởi ánh nắng, bởi nước, đã cất giấu chu đáo vào tiết thu. Nếu cư sĩ cày sâu, ruộng tốt, làm đất thuần thục xong, gieo giống đúng thời, mưa kịp lúc, ý vua nghĩ sao? Hạt giống kia [531c]có thể sanh trưởng được chăng?”

Vua đáp:

“Sanh trưởng được.”

Tôn giả Ca-diếp lại bảo:

“Này vua Tì-tứ, vua cũng như vậy. Nếu thực hành bố thí, tu phước mà thường cung cấp trường trai thì các Sa-môn, Bà-la-môn ở các nơi nghe vua Tì-tứ có một quan niệm đã thọ trì lâu dài, nay bị Sa-môn Ca-diếp hàng phục sửa sai nên đã đoạn trừ, xả bỏ. Nghe xong, từ các phương xa, các vị đều đến, đều có thể được vua bố thí nên vua được phước, được hưởng an lạc lâu dài.”

Bấy giờ vua Tì-tứ nói:

“Con từ nay bắt đầu thực hành bố thí, tu phước và thường cung cấp trường trai.”

Lúc đó, Tôn giả Ca-diếp thuyết pháp cho vua Tì-tứ và các  Bà-la-môn, cư sĩ Tư-hòa-đề, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi bằng vô lượng phương tiện thuyết pháp, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ cho những vị ấy rồi, Tôn giả ngồi im lặng.

Bấy giờ vua Tì-tứ và các  Bà-la-môn, cư sĩ Tư-hòa-đề được Tôn giả Ca-diếp [532a] thuyết pháp, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Tôn giả, nhiễu quanh ba vòng rồi lui ra.

Sau đó, vua Tì-tứ tuy thực hành bố thí, tu phước, nhưng bố thí quá thậm tệ, như canh đậu xấu, rau thối, chỉ có một miếng gừng; lại bố thí áo gai thô xấu. Bấy giờ người cai bếp tên là Ưu-đa-la [130], lúc  vua bố thí, tu phước, liền xin Thượng tọa chú nguyện cho  vua thế này: ‘Nếu cuộc bố thí này có phước báo gì, chớ để cho vua Tì-tứ hưởng thọ trong đời này và đời sau’. Vua Tì-tứ nghe Ưu-đa-la lúc vua bố thí tu phước lại xin Thượng tọa chú nguyện rằng: ‘Nếu cuộc bố thí này có phước báo gì, chớ để cho vua Tì-tứ hưởng thọ trong đời này và đời sau’. Nghe vậy, vua kêu cai bếp lại hỏi:

“Này Ưu-đa-la, lúc ta bố thí, tu phước, ngươi xin Thượng tọa chú nguyện cho ta rằng: ‘Nếu cuộc bố thí này có phước báo gì, chớ để cho vua Tì-tứ hưởng thọ trong đời này và đời sau’. Có quả thật như vậy chăng?”

Ưu-đa-la đáp:

“Quả thật vậy, tâu Thiên vương. Vì sao? Thiên vương tuy bố thí tu phước nhưng quá thậm tệ: Bố thí canh đậu xấu, rau thối, chỉ có một miếng gừng. Tâu Thiên vương, thức ăn ấy không đáng để đưa tay vọc, huống là để ăn. Thiên vương bố thí áo gai xấu, tâu Thiên vương, áo ấy không đáng để dùng chân dậm lên huống là để mặc. Con kính Thiên vương nhưng không trọng sự bố thí ấy, cho nên, tâu Thiên vương, con không mong phước báo của cuộc bố thí tệ mạt này để Thiên vương được hưởng.”

Vua Tì-tứ nghe xong, liền bảo:

“Này Ưu-đa-la, ngươi từ nay bắt đầu đem thức ăn như ta đã ăn mà bố thí. Con đem áo như áo ta đã mặc mà bố thí.”

Từ đó về sau, Ưu-đa-la đem thức ăn giống như thức ăn của vua mà bố thí, đem áo giống như áo vua đã mặc mà bố thí. Bấy giờ Ưu-đa-la nhờ coi sóc việc bố thí cho vua Tì-tứ nên sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi trời Tứ thiên vương. Còn vua Tì-tứ thì không chí tâm bố thí nên thân hoại mạng chung sanh vào cung điện trống không rừng Nhung thọ [131].

Tôn giả Kiều-hiễm-bát-đế [132] thường trú trong Nhung thọ lâm không cung điện, từ xa trông thấy vua Tì-tứ, liền hỏi rằng:

“Ông là ai?”

Vua Tì-tứ đáp:

“Thưa Tôn giả Kiều-hiêm-bát-đế, Tôn giả có nghe trong châu Diêm-phù có vua xứ Tư-hòa-đề tên là Tì-tứ chăng?”

Tôn giả Kiều-hiêm-bát-đế đáp ;

“Tôi nghe trong châu Diêm-phù-đề, ở xứ Tư-hòa-đề có vua tên là Tì-tứ.”

Vua Tì-tứ nói:

“Thưa Tôn giả Kiều-hiêm-bát-đế, con chính là vua ấy, vốn tên là Tì-tứ.”

Tôn giả Kiều-hiêm-bát-đế lại hỏi:

“Này vua Tì-tứ, vua đã quan niệm như thế này, chủ trương như thế này: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh hóa sanh’, thế thì do đâu vua sanh vào đây, trú trong vào cung điện trống không rừng Nhung thọ, ở Tứ thiên vương nhỏ hẹp này?

Vua Tì-tứ lại thưa:

“Thưa Tôn giả Kiều-hiêm-bát-đế, con vốn có quan niệm ấy nhưng bị Sa-môn Ca-diếp hàng phục, sửa sai nên đã đoạn trừ xả bỏ. Nếu Tôn giả Kiều-hiêm-bát-đế có xuống châu Diêm-phù thì xin báo cùng khắp cho mọi người ở châu Diêm-phù hay rằng: Nếu có bố thí, tu phước thì hãy chí tâm bố thí, tự tay bố thí, tự mình đến bố thí, chí tín bố thí, biết có nghiệp báo bố thí. Vì sao? Vì muốn đừng để cho một ai hưởng phước báo như vua Tì-tứ xứ Tư-hòa-đề nữa. Vua Tì-tứ là vua bố thí vì không chí tâm bố thí nên sanh vào vào cung điện trống không rừng Nhung thọ ở cõi Tứ thiên vương nhỏ hẹp.”

Bấy giờ Tôn giả Kiều-hiêm-bát-đế im lặng nhận lời. Sau đó, lúc Tôn giả Kiều-hiêm-bát-đế xuống châu Diêm-phù, rao cùng khắp cho mọi người ở châu Diêm-phù biết: phải chí tâm bố thí, tự tay bố thí, tự mình đến bố thí, chí tín bố thí, biết có nghiệp, có nghiệp báo bố thí. Vì sao? Vì muốn đừng để cho một ai hưởng phước báo bố thí như vua Tì-tứ, xứ Tư-hòa-đề nữa. Vua Tì-tứ là vua bố thí mà vì không chí tâm bố thí nên sanh vào vào cung điện trống không rừng Tòng thọ, ở cõi Tứ thiên vương nhỏ hẹp.”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp thuyết như vậy. Vua Tì-tứ và các cư sĩ xứ Tư-hòa-đề nghe xong, hoan hỷ phụng hành.

 


 [1]  Thát thú 獺 獸.

 [2]  Cứu-mộ điểu 究暮鳥, không rõ chim gì.

 [3]  Thứu điểu 鷲鳥.

 [4]  Thực thổ điểu 食吐鳥, chim ăn đồ (do thú khác) ói ra.

 [5]  Sài thú 豺 獸.

 [6]  Ô điểu 烏 鳥.

 [7]  Tinh tinh thú 猩 猩 獸.

 [8]  Nguyên Hán: quán 觀.

 [9]  Y thôn ấp hành 依村邑行, trái với hành ư vô sự 行於無事 là Tỳ kheo a-lan-nhã, sống trong rừng.  Xem cht.15, kinh số 26.

 [10]  Hán: xúc y 觸 猗.

 [11] Hán: vô sự 無事.

 [12]  Năm sự, tham chiếu No.125 (51.3) Tăng Nhất 49, tr.817b: 1. Lười biếng, 2. Ngủ nhiều, 3. Tâm loạn, 4. Các căn bất định, 5. Thích ở chợ hơn chỗ vắng vẻ.

 [13]  Hán: quân thập 捃拾. No.44: “Gánh cỏ đi bán mà tự nuôi sống”. Pāli: ghāsahāraka, người thâu nhặt thức ăn (của gia súc).

 [14]  Vô Hoạn 無 患. No.44: “Có vị Duyên giác hiệu là Hòa-lý 和里. Pāli: Upariccha.

 [15]  Vì Tôn giả là anh em chú bác ruột với Đức Thích Tôn, con của Amitodana (Cam lộ Phạn vương).

 [16]  Vì trước đó đời sống vương tử của Ngài rất phong lưu và Mahānāma - anh ruột của Ngài - đã khó khăn lắm mới thuyết phục được Ngài đi xuất gia.

 [17]  Tức, một vị A-la-hán.

 [18]  Ngũ chi thiền định 五支禪定, Thiền định năm chi (Pāli: pañcaṅgikasamādhi): tức bốn cấp thiền trong đó Sơ thiền chia làm hai do sự khác biệt tầm (Pl. vitakka) và tứ (Pal. vicāra).

 [19]  Pāli: sante ekodibhāvite, tịch tĩnh, chuyên nhất.

 [20]  Tì-da-li Trúc lâm 毘耶離竹林. Pāli: trong Vajji-Veluvagāma, một ngôi làng ở Vesali, xứ Vajjī (Bạt Kỳ); Anuruddha sẽ nhập Niết-bàn ở đó.

 [21]  Từ đây trở xuống, tham chiếu kinh 70 phần sau. Tham chiếu, Hán, No 1(6): kinh CHuyển luân vương tu hành. Pāli, D. 26 Cakkacattīsīhanā-suttanta.

 [22]  Pāli (D.26), chi có ba chứng bệnh: ham muốn (icchā), đói bụng (anasana) và già (jāra).

 [23]  Loa 螺. Pāli: Saṅkha (tương-khư, vỏ sò).

 [24] Đại kim tràng 大金幢. Xem No 1(6): Đại bảo tràng XE "Ñaïi baûo traøng"  大寶幢. D. 26 (iii 76): so  yūpo raññā mahāpanādena kārāpito, vua cho dựng cung điện được thiết lập bởi vua Mahāpanāda. Trong đó, yūpa: cột tế đàn, cũng có nghĩa cung điện.

 [25]  A-di-đa 阿夷多. Pāli: Ajita. Trong bản kinh này, A-di-đa (Ajita) và Di-lặc (Mettaya) là hai nhân vật được thọ ký, một người làm vua và một người làm Phật.

 [26]  Di-lặc 瀰勒. Pāli: Mettayya.

 [27]  Pāli: so anekasahassam… (seyyathā pi’ham) anekasatam… vị ấy có vài nghìn… (cũng như Ta) có vài trăm…

 [28]  Kê-đầu thành 雞頭城, Pāli: Ketumatī nơi mà Saṅkha là Chuyển luân vương.

 [29]  Nguyên Hán: Vô phục, dịch nghĩa của A-dật-da (Pāli: Ajjta), cũng dịch nghĩa là Vô Năng Thắng.

 [30] Bản Hán,hết quyển 13.

 [31]  Tì-đà-đề 鞞陀提. Pāli: Videha, mà thủ phủ là Mithilā (Di-tát-la 彌薩囉). Đại thiên Nại lâm 大天柰林 là khu rừng xoài của Makhādeva (bản hán đọc là Mahādeva), một vị vua trong thời quá khứ mà triều đại tiếp theo thuộc về Okkāka, tổ phụ của dòng họ Thích.

 [32]  Đại Thiên 大天. Pāli: Makhādeva (hoặc viết Maghadeva).

 [33]  Thuyết Tùng giải thoát 說從解 脫. Pāli, thành cú: tadahuposathe pannarase, vào ngày 15, ngày trai giới. Từ đoạn này cho đến đoạn vua xuất gia, không có trong bản Pali. Tham khảo D. 17. Mahāsudassanasutta.

 [34]  Thiên luân bảo 天輪寶. Pāli: dibbacakkaratna.

 [35]  Hiền luân bảo 賢輪寶. Pāli: bhavam cakkaratnam.

 [36]  Đoán lý 斷理, TNM: liệu lý 料 理; tức xử lý tài vật hay tài sản.

 [37]  Vu-sa-hạ 于裟賀. Pāli: Uposatha (Bố-tát).

 [38]  Mao mã vương 髦馬王, Mã vương có bờm. Pāli: Valāhaka (Vân mã vương).

 [39]  Hán:tác dĩ bất tác 作以不作.

 [40] Hán: tác tạng bất tác tạng 作藏不作藏.

 [41]  Bốn như ý túc 四如意足; No.1(2): bốn thần đức 神德. Pāli: catasso iddhiyo.

 [42]  Tiên nhân vương 仙人王. Pāli: rājisi, vị ẩn nguyên là vua.

 [43]  Bình đẳng thực vị chi đạo 平等食味之道. Pāli: samavepākin, tiêu hóa dễ dàng (ăn uống dễ tiêu hóa).

 [44]  Xem kinh số 64.

 [45]  Tương kế chi pháp 相 繼之法. No.125 (50-4): tương thiệu 相紹.

 [46]  Hán: nhân dân đọa tại cực biên 人民墮在極邊.Pāli: mā kho me tvaṃ antimapuriso ahosi, “con chớ trở thành là người (kế thừa) cuối cùng của ta”. Bản hán hiểu là antama-puriso.

 [47]  Tùng kiến chí kiến 從 見 至 見 (?)

 [48]  Ni-di 尼 彌. Pāli: Nimi.

 [49]  Thiện pháp giảng đường 善 法 講 堂. Pāli: Sudhamma-sabhā, phòng hội của chư Thiên Tam thập tam (Pl. Tāvatiṃsa).

 [50]  Câu-dực 拘翼 (= Kiêu-thi-ca 憍尸迦). Pāli: Kosika hoặc Kosiya, hiệu của Thiên đế Thích.

 [51]  Câu-thi thành 拘尸城. Pāli: Kusinārā.

 [52]  Hòa-bạt-đơn lực sĩ 惒跋單力士. Pāli: Upavattana-Mallā, bộ tộc Mallā ở Upavattana.

 [53]  Song Sa-la thọ 雙裟羅樹. Pāli: yamaka-sālā, cây Sa-la sinh đôi, mọc thành cặp; Sa-la song thọ.

 [54] Ưu-đa-la-tăng 優哆邏僧: Uất-đa-la-tăng. Pāli: uttarāsaṅga, dịch là thượng y, áo khoác phần trên thân thể. Thường thì nói là “trải tăng-già-lê bốn lớp”; Pāli: catugguṇam saṅghāṭiṃ paññāpetvā. Hán dịch có thể nhầm. Uất-đa-la-tăng gấp bốn không đủ trải chỗ nằm. Gấp bốn tăng-già-lê cũng không đủ. Cf. Tứ phần 40 (tr. 857b10): nhược cố y thính nhị trùng uất-đa-la-tăng, tứ trung tăng-già-lê  若故衣聽(…) 二重<gaiji cb='CB0614' des=' [爵-(采-木)+(樊-大)]' uni='6B1D' >欝</gaiji>多羅僧四
<lb n="0857b11"/>重僧伽梨, nếu là y (vải) cũ,  y uất-đa-la-tăng được phép may thành hai lớp, y tăng-già-lê được phép may thành bốn lớp.  Pāli. Vin. i. 290 (Mahāvagga): anujānāmi …. dussānaṃ catugguṇaṃ saṅghātiṃ diguṇaṃ uttarāsaṅgaṃ.

 [55] Hán dịch có thể nhầm. Phật chỉ có ba y. Nếu một đã trải năm, một làm gối, còn lại một cai y nội là antaravāsaka.

 [56]  Chiêm-bà (Pāli: Campā). Xá-vệ (Sāvatthi), Tì-xá-ly (Vesali), Vương Xá (Rājagaha), Ba-la-nại (Bārānasi), Ca-duy-la-vệ (Kapilavatthu). Bản Pāli kể hơi khác, thayTì-xa-ly và Ca-duy-la-vệ bằng Sāketa và Kosambī.

 [57]  Câu-thi vương thành 拘尸王城. Pāli: Kūsavati. No.1 (2) Câu-xá-bà-đề.

 [58]  Đa-la thọ 多 羅 樹. Pāli: tāla, một giống cây cọ, tên khoa học Borassus flabelliformis.

 [59]  Hán: đặng 蹬; bản Tống: tranh . Có lẽ là 磴.

 [60]  Hán: câu lan 鉤欄, lan can theo hình thế nhà, cao thấp, quanh co (Từ nguyên). Pāli không đề cập chi tiết nay, nhưng từ Pāli tương đương là vedikā: lan can, lan thuẫn hay câu lan.

 [61] Câu lan được nói đây gồm hai phần: thanh gỗ ngang là lan, thanh gỗ đứng là câu.

 [62]  Các loại hoa: hoa tu-ma-na 修摩那 (Pāli: sumanā, thiện ý), loại hoa lài cánh lớn; hoa bà-sư 婆師 (vassikā: hạ sinh hoa), một loại hoa lài rất thơm (Jasminum Sambac); hoa chiêm-bặc 瞻蔔 (campaka: tố hinh hoa), hoa Chăm-pa, rất thơm, có màu trắng và vàng; hoa tu-kiện-đề 修揵提 (sogandhika: hảo hương), thụy liên trắng, súng trắng; hoa ma-đầu-kiện-đề 摩頭捷提 (madhu-gandhika: mật hương); hoa a-đề-mâu-đa 阿提牟哆 (adhimuttaka: tăng thượng tín), hoa ba-la-đầu 波羅頭.

 [63]  Hán: bạc lạc cổ 薄洛鼓, không rõ loại trống gì.

 [64]  Hán: kỹ cổ 伎 鼓.

 [65]  Đại Thiện Kiến 大善見. Pāli: Mahāsudassana.

 [66]  Kiềm-bà-la bảo 鉗婆羅寶, vải lông, áo lông. Pl. kambala.

 [67]  Tác dĩ bất tác 作 以 不 作.

 [68] Hán: câu lan 鉤欄; xem cht. 10 & 11 trên.

 [69]  Đa-la viên 多 羅 園. Pāli: Tālavana.

 [70]  Bốn phạm thất 梵 室: phạm trụ 梵 住. Pāli: cattāri brahmavihārā.

 [71]  Ni-liên-nhiên 尼 連 然, Pāli: Nerañjarā, con sông gần chỗ Phật thành đạo. Đây chính xác phải là Hiraññāvati, âm là (hay hi)-liên-thiền 醯 (希 hay 煕) 連 禪, con sông gần chỗ Phật nhập Niết-bàn.

 [72]  Bà-cầu 婆 求. Pāli: Kakutthā, con sông gần Kusinārā. Đức Phật tắm tại đây trước khi đến Kusinārā để nhập Niết-bàn.

 [73] Bản Hán, hết quyển 14.

 [74]  Tùng giải thoát 從 解 脫. Pāli: Pāṭimokkha.

 [75]  Sanh sắc 生 色; TNM: sắc tượng 色 像. Pāli: jātarūpa, chỉ vàng ròng (nghĩa đen: sắc nguyên sinh).

 [76]  Nghiêm sức tỷ 嚴飾屣.

 [77]  Thủ các nhân 守閤人.

 [78]  Mộc mật 木 蜜, loại gỗ hương, dùng làm hương liệu.

 [79]  Tô hợp 蘇合, một loại hương liệu do tổng hợp nhiều hương liệu nấu thành.

 [80]  Kê thiệt 雞舌, loại hương liệu nấu từ cỏ úa.

 [81]  Đô lương 都梁, một loại lan rừng; tên chỉ chung các loại lan.

 [82]  Sơ-ma y 初摩衣, Pāli: khoma,, áo vải, vải lanh.

 [83]  Bạch điệp y 白 [疊 +毛] 衣; vải bông sợi rất mịn.

 [84]  Trong bản Hán: gia-lăng-già-ba-hòa-la 加陵伽波惒邏. Xem cht.13 kinh 61.

 [85]  Nại ẩm奈 飲, Pāli: amba-pāna.

 [86]  Chiêm-ba ẩm 瞻波 飲; có lẽ nước trái cây diêm-phù. Cf Tứ phần 42 (tr. 873c4): nước trái cây diêm-phù 閻浮漿, một trong thứ nước mà Tiên nhân xưa đã dùng. (Pāli: jambu-pāna).

 [87]  Mạt-ta-đề ẩm 未 磋 提 飲; một loại rượu (Pāli: majja-pāna).

 [88]  Pāli: tayo samādhī, suññato samādhi, animitto samādhi, appaṇihito samādhi. D.33 Saṅgīti.

 [89]  Tam thất 三室: tam trụ 三住 (Pāli: tayo vihārā). Pali: vihāra, có nghĩa an trụ, cũng  trú xứ, tinh xá. Xem (xem Tập dị  6 , tr. 389a7): ba trụ: 1. Thiên trụ (Thiên thất), tu bốn tĩnh lự từ Sơ thiền đến Tứ thiền. 2.  Phạm trụ (Phạm thất): tu bốn Vô lượng tâm: từ, bi, hỷ, xả. 3. Thánh trụ (Thánh thất) tu bốn niệm xứ, bốn như ý túc, bốn chánh cần, năm căn, năm lực, thất bồ đề phần, bát chánh đạo phần. Cf. Pl. D. 33 (iii. 218): tayo vihārā – dibbo vihāro, brahmā vohāro, ariyo vihāro.

 [90]  Điển thủ 典 守; người quản lý hồ sơ hay văn khố.

 [91]  Thủ thất 守 室.

 [92]  Bốn chánh đoạn 正 斷, tức bốn chánh cần. Pāli: sammappadhānā. Bản Hán, hiểu là pahāna (đoạn), thay vì padhāna (tinh cần).

 [93] Nguyên Hán: chủ binh thần 主兵臣.

 [94] Tông chánh khanh 宗正卿. Cólẽ Pāli: purohita, bà-la-môn đại tư tế, tương đương chức Tướng quốc.

 [95]  Ma-đâu-lệ Sát-lị 摩兜麗刹利, bản Pāli nói ở Mātula, một ngôi làng tại Magadha. N.1 (6) nói là Ma-la-hê-sấu. Chữ Sát-lị trong bản Hán này không rõ.

 [96]  Sử hà 駛 河 hay Sử lưu, con sông chảy ngang qua Nam và Bắc Kosala.

 [97]  Đương tự nhiên pháp đăng, tự quy kỷ pháp. Mạc nhiên dư đăng, mạc quy dư pháp 當 自 然 法燈, 自 歸 己 法. 莫 然 餘 燈, 莫 歸 餘 法. So sánh DTK.1(6): Đương tự xí nhiên, xí nhiên ư pháp, vật tha xí nhiên, đương tự quy y, quy y Ứng Chánh đẳng giác pháp, Vật tha quy y. Pāli: attadīpā bhikkhāve viharatha attasaraṇā anaññasaraṇā. dhammadīpā dhammasaraṇā anaññasaraṇā. dīpā: có nghĩa là ngọn đèn (Skt. dīpa), hay hòn đảo (Skt. dvīpa).

 [98] Bất nhiên dư đăng 莫然餘燈: (hãy là ngọn đèn của chính mình) không lấy nơi nào khác làm ngọn đèn.

 [99]  Kiên Niệm 堅 念. No.1(6): Kiên Cố Niệm. Pāli: Daḷhanemi.

 [100]  Xem kinh số 67.

 [101]  Tương kế chi pháp 相繼 之法. Xem kinh số 67.

 [102]  Hán: nghĩa 義. Ý nghĩa hoặc mục đích.

 [103]  Trong để bản: tận thọ 盡 壽 (suốt đời). Có lẽ dư chữ thọ. TNM không có.

 [104] Hán: ngũ nguyệt 五月. Cf. No 1(6), cung vậy. Pl. D 26: pañcavassikā kumārikā alaṃpateyyā bhavissanti, con gái năm tuổi sẽ đi lấy chồng.

 [105]  Bại tử 稗子; loại cỏ giống như lúa. Pāli: hột kudrūsa.

 [106]  Canh lương 粳糧; Pāli: sāli-mamsodana.

 [107]  Trong bản: diêm, mật 鹽蜜. Theo liệt kê thông thường thi chỗ này là thạch mật tức mật mía.

 [108]  Đàn phạt 彈罰; đàn hạch và trừng phạt?

 [109]  Đao binh kiếp 刀兵劫. Pāli: satthantara-kappa.

 [110] No 1(6): chín thứ bịnh: lạnh, nóng, đói, khát, đại tiện, tiểu tiện, tham dục, ham ăn và già. D 26 (iii. tr. 75), chỉ có ba thứ bệnh: ham muốn, đói và già (manussesu tayo ābādhā bhavissanti, icchā, anasanaṃ, jarā).

 [111]  Loa 螺. Pāli: Saṅkha.

 [112] Bản Hán này không có đoạn nói về Phật Di-ặc xuất thế. Xem No 1(6), tr. 42a; Pl. D. 26, tr. iii. 83.

 [113] Hán: quán nội giác tâm pháp như pháp觀內覺心法如法. Bản Hán chép dư chữ nội.

 [114] Bản Hán, hết quyển 15.

 [115]  Cưu-ma-la Ca-diếp 鳩摩羅迦葉. No.1 (7): Đồng nữ Ca-diếp 童女迦葉. Pāli: Kumāra-kassapa, nổi danh xuất sắc về biện luận. Ngài được gọi là Kumāra, Vương tử hay Đồng tử, vì được vua nuôi, xuất gia mới lên bảy. 

 [116]  Tư-hòa-đề 斯惒提. No 1(7): Tư-ba-hê 斯波醯. Pāli: Setavyā, thị trấn của Kosala.

 [117]  Thi-nhiếp-hòa lâm 尸攝惒林; Pāli: Siṃsapavana. Có một khu rừng Siṃsapavana ở Ālavi và một khu ở Kosambi.

 [118]  Tì-tứ 鞞肆; No.1 (7): Tệ Túc 弊宿. Pāli: Pavāsi, thị trưởng thị trấn Setavyā. Bản Pāli gọi ông là rājañño, Sớ giải nói: anabhisittakarājā, không phải là vua Quán đảnh, tức chỉ là người thuộc vương tộc, hai đại quan, chứ không phải là vua.

 [119]  Bản văn: A-la-ha 阿羅訶: A-la-hán, chỉ chung Thánh nhân.

 [120] Trong bản hán ông được hiểu là vua. nên tôn xưng là Thiên vương.

 [121]  Hữu hậu thế, hữu chúng sanh sanh 有後世有眾生生. No.1 (7): Hữu hậu thế, hữu cánh sanh. Pāli: atthi paraloko, atthi sattā opapātikā: Có thế giới khác (đời sau, chư thiên và địa ngục), có hóa sanh hữu tình.

 [122]  Paro loko, Hán thường dịch là hậu thế (đời sau); nhưng trong tiếng Phạn, cũng có nghĩa là thế giới (hay thế gian) khác. Cho nên câu trả lời có ví dụ như thế.

 [123]  Nguyên Hán:cánh hữu ác…更有惡…: “Còn có sự ác nào hơn cái này nữa không?” Chứng tỏ có sự nhầm lẫn trong bản hán. Cf. No 1(7): “Có nhân duyên gì…?” Pāli: atthi pana pariyāyo: có lý do nào… Có lẽ trong bản Hán đọc là pāpāyo (sự ác) thay vì đọc là pariyāyo (lý do). Ở đây y theo các bản khác để sữa lại cho phù hợp nội dung.

 [124]  Trước hành hoa man 著蘅華鬘; hoành tức đổ hành, loại cỏ hoa thơm, lấy cỏ làm tràng hoa, chỉ cho sự dữ tợn. Pl. (D. ii. tr. 243): kumudmāliṃ, đeo tràng hoa bằng hoa kumuda (câu-vật-đầu, một loại hoa súng).

 [125]  Trong bản Hán nói là thiết thực 竊 食, lén mà ăn, nuốt.

 [126]  Tức Ma-kiệt-đà (Magadha) và Ương-già (Aṅga), cách nhau bởi con sông Campā, trong thời Đức Phật, cả hai đều ở dưới sự cai trị của vua Pasenadi.

 [127]  Bản Pāli và Trường A-hàm không có thí dụ chót này. Nó châm biếm thái độ ngoan cố của Pāyāsi.

 [128]  No.1 (7): Tệ-tú hỏi: Tôn sư Tôn giả ở đâu? Tôn giả đáp: Tôn sư của tôi diệt độ chưa bao lâu.

 [129]  Trường trai chỉ cho cuộc lễ thí kéo dài, không phải ăn chay trường. Bản Pāli và No.1(7) nói hơi khác: vua muốn mở cuộc đại thí (yañña), nhưng Tôn giả cản, nếu trong cuộc đại thí ấy có súc vật bị giết, tôi tớ bị sai khiến mệt nhọc, bị đánh đập.

 [130]  Giám trù Ưu-đa-la 監廚優多羅. No.1 (7): một niên thiếu Bà-la-môn (không nói tên). Pāli: Uttāra mānava, niên thiếu Bà-la-môn Uttāra bất mãn và nói ngạo bị bỏ qua.

 [131] Trong bản: nhung thọ lâm không cung điện 榵樹林空宮殿; cung điện trống không trong rừng cây nhung (một loại cây gỗđàn). TNM: tòng thọ lâm cung điện: cung điện trong lùm cây 叢樹林宮殿. Pl. D.23: ông sinh vào cung điẹn Serīsaka trống không trong cõi Tứ thiên vương (Catummahārājākadevā), và các thiên thần ở đây được coi là Yakkha (Dạ-xoa). Trước cung điện có một cây sirīsa, năm mươi năm nẩy trái một lần. (Sớ giải: tassa kira dvāre mahāsirīsarukkho).

 [132]  Kiều-hiễm-bát-dế 橋 [火*僉]缽帝(Kiều-phạm-ba-đề: Ngưu Chủ) Pāli: Gavampati: một vị A-la-hán, nguyên là con một nhà đại phú ở Ba-la-nại.

Phẩm 8: Trường thọ vương

PHẨM THỨ 8:
TRƯỜNG THỌ VƯƠNG

TỤNG NGÀY THỨ HAI

Tiểu thổ thành

長壽天八念  

淨不移動道

郁伽支羅說  

娑雞三族姓

梵天迎請佛  

勝天伽絺那

念身支離彌  

上尊長老眠

無刺及真人  

說處最在後

Kệ tóm tắt:

Trường thọ, Thiên, Bát niệm,

Tịnh bất di động đạo,

Úc-già-chi-la thuyết,

Ba nam tử Sa-la,

Phạm thiên nghinh thỉnh Phật,

Thắng Lâm thiên, Ca-hi-na,

Niệm thân, Chi-li-di,

Thượng tôn trương lão ngủ,

Không ga, và Chân nhân,

Thuyết xứ ở sau cùng.

72. KINH TRƯỜNG THỌ VƯƠNG
BỔN KHỞI

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại Câu-xá-di [1], trong vườn Cù-sư-la [2]. Bấy giờ các Tỳ-kheo ở Câu-xá-di đã nhiều lần cãi vã nhau. [3] Do đó Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo ở Câu-xá-di rằng:

“Này các Tỳ-kheo, các ngươi chớ cãi vã nhau. Vì sao?

Nếu lấy tranh dứt tranh [4],

Đời nào dứt cho xong.

Nhẫn nhục dứt hận thù,

Đó là pháp tối thượng [5].        

“Vì sao? Này các Tỳ-kheo, thuở xưa có vua nước Câu-sa-la, tên là Trường Thọ [6]. Lại có vua nước Gia-xá tên là Phạm-ma-đạt-đa [7]. Hai vị quốc vương này đã nhiều lần gây chiến với nhau. Rồi quốc vương Phạm-ma-đạt-đa dấy quân với bốn loại quân là tượng quân, mã quân, xa quân và bộ quân. Sau khi dấy quân, vua Phạm-ma-đạt-đa đích thân kéo quân đi muốn gây chiến với vua Trường Thọ, nước Câu-sa-la.

“Vua Trường Thọ nước Câu-sa-la nghe tin vua Phạm-ma-đạt-đa nước Gia-xá vừa dấy quân với bốn loại quân là tượng quân, mã quân, xa quân và bộ quân. Sau khi bổ sung quân số cho bốn loại quân ấy, lại muốn giao chiến với mình, vua Trường Thọ nước Câu-sa-la nghe vậy cũng dấy quân với bốn loại quân là tượng quân, mã quân, xa quân và bộ quân. Sau khi dấy bốn loại quân, vua Trường Thọ nước Câu-sa-la đích thân xuất quân dẫn đến tận biên giới, dàn trận giao chiến, tức thời đánh tan quân đối phương. Bấy giờ vua Trường Thọ nước Câu-sa-la bắt trọn bốn loại quân của Phạm-ma-đạt-đa là tượng quân, mã quân xa quân và bộ quân, lại bắt sống vua Phạm-ma-đạt-đa nước Gia-xá. Bắt được liền phóng thích và nói với Phạm-ma-đạt-đa rằng:

“– Ông là nạn nhân cùng đường, nay ta tha cho, sau này chớ gây chiến nữa”.

 [533a]“Vua Phạm-ma-đạt-đa, nước Gia-xá lại ba lần dấy quân với bốn loại quân là tượng quân, mã quân, xa quân và bộ quân. Sau mỗi lần dấy quân với bốn loại quân, lại đích thân dẫn quân qua gây chiến với vua Trường Thọ, nước Câu-sa-la.

“Vua Trường Thọ nước Câu-sa-la nghe tin vua Phạm-ma-đạt-đa nước Gia-xá vừa dấy quân với bốn loại quân là tượng quân, mã quân, xa quân và bộ quân. Sau khi dấy quân, lại kéo đến gây chiến với mình. vua Trường Thọ nghe tin như vậy liền nghĩ: ‘Ta đánh bại nó, cần gì đánh bại nữa. Ta đã hàng phục nó, nó đâu đủ sức để hàng phục ta. Ta đã hại nó, cần gì phải hại nữa. Ta chỉ cần với một cây cung không cũng đủ hàng phục nó’.

“Vua Trường Thọ, nước Câu-sa-la nghĩ như thế nên an nhiên không cần dấy quân với bốn loại quân là tượng quân, mã quân, xa quân và bộ quân, và tự mình cũng không ra mặt trận.

“Bấy giờ, vua Phạm-ma-đạt-đa nước Gia-xá tiến quân đánh phá, bắt trọn bốn loại quân của vua Trường Thọ nước Câu-sa-la là tượng quân, mã quân, xa quân và bộ quân. Vua Trường Thọ nghe tin Phạm-ma-đạt-đa vua nước Gia-xá đã tiến quân bắt trọn bốn loại quân của mình là tượng quân, mã quân, xa quân và bộ quân, lại nghĩ rằng: ‘Chiến tranh, thật là kỳ quái! Chiến tranh, thật là bạo ác. Vì sao? Chiến Thắng Lâm sẽ bị chiến Thắng Lâm; chế phục sẽ bị chế phục; tàn hại sẽ bị tàn hại. Vậy ta nay hãy đơn thân dẫn một người vợ cùng đi một cỗ xe, chạy đến Ba-la-nại’.

“Rồi vua Trường Thọ nước Câu-sa-la đơn thân dẫn một người vợ cùng đi trên một cỗ xe, chạy đến Ba-la-nại. Vua Trường Thọ lại nghĩ: ‘Ta nay có lẽ nên từ thôn này qua thôn kia, từ ấp này qua ấp nọ để cầu học rộng nghe nhiều’. Nghĩ vậy, vua Trường Thọ liền từ thôn này qua thôn khác, từ ấp này qua ấp nọ cầu học rộng nghe nhiều. Vì học rộng nghe nhiều nên vua đổi tên là Trường Thọ Bác sĩ.

“Trường Thọ Bác sĩ lại nghĩ: ‘Những gì đáng học ta đã học rồi. Ta nên vào đô ấp Ba-la-nại, đến ở đường này hẻm kia với vẻ mặt tươi cười, tấu lên âm thanh vi diệu. Như vậy, các nhà hào quý ở Ba-la-nại nghe được sẽ vô cùng hoan hỷ và thấy vui thích’. Nghĩ xong, Trường Thọ Bác sĩ vào đô ấp Ba-la-nại, đứng ở đường này hẻm nọ với vẻ mặt tươi cười, tấu lên âm thanh vi diệu nên các nhà hào quý ở Ba-la-nại nghe được đều rất hoan hỷ và lấy làm thỏa thích.

“Lúc ấy, các quyến thuộc của vua Phạm-ma-đạt-đa nước Gia-xá, [533b] từ quyến thuộc ngoài xa đến quyến thuộc ở giữa, rồi đến quyến thuộc bên trong và đến Bà-la-môn quốc sư, tất cả đều nghe. Khi được nghe, Bà-la-môn quốc sư cho gọi Trường Thọ Bác sĩ đến diện kiến.

“Bấy giờ Trường Thọ Bác sĩ đi đến chỗ Bà-la-môn quốc sư, [8] đứng quay mặt về phía quốc sư, với vẻ mặt vui tươi, tấu lên âm thanh vi diệu. Sau khi nghe, Bà-la-môn quốc sư rất hoan hỷ và lấy làm thỏa thích. Bà-la-môn quốc sư nói với Trường Thọ Bác sĩ:

“– Từ nay ông có thể nương tựa vào ta. Ta sẽ cung cấp cho đầy đủ.

“Trường Thọ Bác sĩ thưa rằng:

“– Thưa Tôn giả, tôi còn có một người vợ, phải làm thế nào?

“Bà-la-môn quốc sư nói với Bác sĩ:

“– Bác sĩ, ông có thể đem đến ở nhà ta. Ta sẽ cung cấp cho đầy đủ.

“Thế rồi Trường Thọ Bác sĩ dẫn vợ mình đến trú tại nhà Bà-la-môn quốc sư. Bà-la-môn quốc sư liền chu cấp đầy đủ.

“Một thời gian sau, vợ của Trường Thọ Bác sĩ trong lòng rầu rĩ [9] nghĩ rằng: ‘Ước gì có bốn loại quân trận với lớp lớp tấm thuẫn [10], tuốt gươm sáng loáng, từ từ đi qua. Ta muốn xem khắp và cũng muốn uống nước mài gươm đao’.

“Vợ của Trường Thọ Bác sĩ nghĩ như vậy rồi, liền nói với Trường Thọ Bác sĩ rằng:

“– Tôi cảm thấy trong lòng rầu rĩ, đang nghĩ thế này: ‘Ước gì thấy có bốn loại quân trận với lớp lớp tấm thuẫn, tuốt gươm sáng loáng từ từ đi qua. Ta muốn xem cùng khắp, lại cũng muốn uống nước mài dao.’

“Trường Thọ Bác sĩ nói với vợ rằng:

“– Khanh chớ nghĩ như vậy. Vì sao? Chúng ta đã bị vua Phạm-ma-đạt-đa đánh bại, khanh nhờ đâu mà thấy được bốn loại quân trận với lớp lớp tấm thuẫn, tuốt gươm sáng loáng từ từ đi qua để khanh xem cùng khắp và khanh lại được uống nước mài dao?

“Bà vợ lại nói:

“– Thưa Tôn quân, nếu được như thế thì tôi còn hy vọng sống. Nếu không, chắc chắn phải chết chớ không có gì nghi ngờ nữa [11].

“Trường Thọ Bác sĩ liền đến chỗ Bà-la-môn quốc sư, đứng quay mặt về phía quốc sư, vẻ mặt sầu thảm, bằng tiếng nói ai oán mà tấu lên các khúc nhạc. Bà-la-môn quốc sư nghe mà không được hoan hỷ. Bấy giờ Bà-la-môn quốc sư hỏi rằng:

“– Này Bác sĩ, trước kia, ông đứng quay mặt về phía ta, với vẻ mặt vui tươi mà tấu lên âm thanh vi diệu. Nghe xong ta rất hoan hỷ, lấy làm vui thích. Nay ông vì sao lại đứng quay về phía ta với vẻ mặt sầu thảm, bằng âm thanh ai oán mà tấu lên khúc nhạc, ta nghe không được hoan hỷ. Này Trường Thọ Bác sĩ, thân ông không bệnh hoạn, ý ông không sầu não chứ?

“Trường Thọ Bác sĩ thưa:

“– Thưa Tôn giả, thân tôi không bệnh hoạn nhưng ý tôi [533c] sầu não. Tôn giả, vợ tôi trong lòng rầu rĩ, đã nghĩ thế này: ‘Em muốn thấy bốn loại quân trận với lớp lớp tấm thuẫn, tuốt gươm sáng loáng từ từ đi qua. Em muốn xem cùng khắp, lại cũng muốn uống nước mài dao’. Tôi liền bảo rằng: ‘Khanh chớ nghĩ như thế. Vì sao? Ta nay thế này, khanh nhờ đâu mà đượïc bốn loại quân trận với lớp lớp tấm thuẫn, tuốt gươm sáng loáng từ từ đi qua để khanh xem cùng khắp và lại cũng được uống nước mài dao?’ Vợ tôi lại nói rằng: ‘Thưa Tôn quân, nếu được như thế thì tôi còn hy vọng sống. Nếu không thì chắc chắn sẽ chết, không nghi ngờ gì nữa’. Thưa Tôn giả, nếu vợ tôi mà không toàn mạng thì sao nỡ!

“Bà-la-môn quốc sư bảo rằng:

“– Này Bác sĩ, vợ ông, ta có thể gặp được không?

“– Thưa Tôn giả, có thể được.

“Thế rồi Bà-la-môn quốc sư cùng với Trường Thọ Bác sĩ đi đến chỗ bà vợ của Bác sĩ. Bấy giờ vợ của Trường Thọ Bác sĩ mang thai một người con có đức. Bà-la-môn quốc sư thấy vợ của Trường Thọ Bác sĩ đang mang thai một người con có đức nên quỳ gối bên phải xuống đất, chắp tay hướng về phía vợ của Bác sĩ khen ba lần rằng:

“–Vua nước Câu-sa-la sẽ sanh! Vua nước Câu-sa-la sẽ sanh.

“Rồi lại ra lệnh cho tả hữu không ai được phép tiết lộ cho người ngoài biết.

“Bà-la-môn quốc sư nói tiếp:

“– Này Bác sĩ, ông chớ ưu sầu. Ta sẽ cho vợ ông được thấy bốn loại quân trận với lớp lớp tấm thuẫn, tuốt gươm sáng loáng từ từ đi qua và cũng được uống nước mài dao.

“Rồi Bà-la-môn quốc sư đi đến chỗ Phạm-ma-đạt-đa, vua nước Gia-xá, thưa rằng:

“– Tâu Thiên vương, nên biết cho rằng, có vì sao hữu đức xuất hiện. Mong Thiên vương cho dàn bốn loại quân trận với lớp lớp tấm thuẫn, tuốt gươm sáng loáng từ từ diễn hành và biểu dương quân uy bằng nước mài dao. Mong Thiên vương đích thân thị sát. Tâu Thiên vương, nếu làm được như vậy thì chắc chắn có báo ứng tốt.

“Vua Phạm-ma-đạt-đa nước Gia-xá liền ra lệnh cho tướng quân:

“– Các khanh nên biết, có vì sao hữu đức xuất hiện, các khanh hãy tức khắc dàn bốn loại quân trận với lớp lớp tấm thuẫn, tuốt gươm sáng loáng từ từ diễn hành, biểu dương quân uy bằng nước mài dao. Ta sẽ đích thân quan sát. Nếu làm được như vậy thì chắc chắc có báo ứng tốt.

“Bấy giờ tướng quân tuân lệnh vua, dàn bốn loại quân trận với lớp lớp tấm thuẫn, tuốt gươm sáng loáng từ từ diễn hành, biểu dương quân uy bằng nước mài dao. Vua Phạm-ma-đạt-đa liền đích thân thị sát. Nhờ đó, vợ của Trường Thọ Bác sĩ thấy được bốn loại quân trận với lớp lớp [534a] tấm thuẫn, tuốt gươm sáng loáng từ từ đi qua để biểu dương và cũng được uống nước mài dao. Sau khi uống nước mài dao, lòng sầu muộn liền tiêu, tiếp đến hạ sanh người con có đức, đặt tên tự là Trường Sanh Đồng tử [12], gởi cho người khác bí mật nuôi nấng và lần hồi lớn khôn.

“Nếu có các vị vua Sát-lị Đảnh Sanh chỉnh trị thiên hạ với một quốc độ lớn, có đủ các tài nghệ như cỡi voi, chế ngự, dong xe, chơi bắn cung, đánh bằng tay, ném dây, ném móc câu, dong xe, ngồi kiệu; các thứ tài nghệ tuyệt diệu như thế, Trường Sanh Đồng tử đều biết đầy đủ. Với tất cả các loại xảo diệu nào, nếu Trường Sanh đụng đến, thảy đều vượt hẳn mọi người; dũng mãnh và cương nghị hơn đời, thông minh xuất chúng. Bao nhiêu điều bí ẩn sâu xa, không có điều gì là không thông suốt tinh tường.

“Lúc ấy, Phạm-ma-đạt-đa nghe tin Trường Thọ vua nước Câu-sa-la đổi tên là Bác sĩ và đang ở tại Ba-la-nại liền ra lệnh cho tả hữu:

“– Các khanh hãy cấp tốc đến bắt Trường Thọ, vua nước Câu-sa-la, trói thúc ké hai tay, bỏ lên lừa chở đi, đánh trống lớn tiếng như tiếng lừa kêu, tuyên bố cho khắp nơi biết rồi dẫn ra khỏi cửa thành hướng Nam, bắt ngồi dưới cây nêu cao mà cật vấn.

“Cận thần tả hữu vâng lệnh, liền đến bắt Trường Thọ, vua nước Câu-sa-la, trói hai tay ra đằng sau, bỏ lên lừa chở đi, đánh trống lớn tiếng như lừa kêu, tuyên bố cho khắp nơi biết rồi dẫn ra cửa thành phía Nam, bắt ngồi dưới cây nêu cao rồi cật vấn. Lúc ấy, Trường Sanh Đồng tử đi theo cha, lúc bên tả, lúc bên hữu, thưa với cha rằng:

“– Thiên vương chớ sợ. Thiên vương chớ sợ! Con ở đây, chắc chắn cứu được, chắc chắn cứu được.

“Trường Thọ vua nước Câu-sa-la bảo con:      

“– Đồng tử nên nhẫn, Đồng tử nên nhẫn! Chớ khởi oán kết mà phải thực hành nhân từ.

“Mọi người nghe vua Trường Thọ nói như vậy liền hỏi:

“– vua muốn nói những gì như thế?

“ vua nói:

“– Đồng tử này thông minh, chắc chắn hiểu lời ta nói.

“Thế rồi Trường Sanh Đồng tử khuyên những người hào quý trong thành Ba-la-nại rằng:

“– Chư vị, hãy bố thí tu phước mà chú nguyện cho vua Trường Thọ nước Câu-sa-la. Đem phước thí ấy cầu nguyện cho vua Trường Thọ nước Câu-sa-la được an ổn, giải thoát.

“Bấy giờ các nhà hào quý trong thành Ba-la-nại, theo lời khuyến khích của Trường Sanh Đồng tử, bố thí, tu phước, chú nguyện cho vua Trường Thọ nước Câu-sa-la, đem phước thí ấy cầu nguyện cho vua Trường Thọ an ổn giải thoát.

“Vua Phạm-ma-đạt-đa nước Gia-xá nghe các nhà hào quý trong thành Ba-la-nại này bố thí, tu phước, chú nguyện cho vua Trường Thọ nước Câu-sa-la, [554b] đem phước thí ấy cầu nguyện cho vua Trường Thọ được an ổn, giải thoát thì vô cùng sợ hãi, tóc lông dựng đứng, nghĩ rằng: ‘Mong những nhà hào quý trong thành Ba-la-nại này không phản lại ta chăng? Nhưng hãy gác lại việc kia, nay ta trước hết phải cấp tốc tiêu diệt sự việc này’.

“Rồi vua Phạm-ma-đạt-đa nước Gia-xá hạ lệnh cho tả hữu:

“– Các khanh hãy cấp tốc đi giết vua Trường Thọ nước Câu-sa-la, chặt ra làm bảy đoạn.

“Cận thần tả hữu vâng lệnh, liền đi giết vua Trường Thọ, chặt thành bảy đoạn. Bấy giờ Trường Sanh Đồng tử nói với các nhà hào quý trong thành Ba-la-nại rằng:

“– Các vị xem đấy, vua nước Gia-xá Phạm-ma-đạt-đa tàn ác vô đạo. Nó chặt cha ta, vua Trường Thọ nước Câu-sa-la là người vô tội. Nó cướp đoạt kho tàng, tài sản của nước ta. Vì thù hận cay độc mà giết người, chặt thành bảy đoạn một cách oan uổng. Các vị nên đến dùng lụa mới, quấn nhiều lớp, bọc kín thi hài bảy đoạn, liệm cho cha ta; dùng tất cả các cây hương thơm chất đống để hỏa táng và lập miếu đường để thờ. Phải vì cha ta mà gởi thơ cho Phạm-ma-đạt-đa, nói rằng, Trường Sanh Đồng tử con vua nước Câu-sa-la báo cho vua biết, ngươi không sợ sau này con cháu gieo họa cho chăng?’

“Rồi thì những nhà hào quý ở thành Ba-la-nại theo lời khuyên của Trường Sanh Đồng tử, dùng lụa mới xếp nhiều lớp liệm lấy thi hài bảy đoạn ấy, dùng các loại hương thơm chất đống hỏa táng rồi lập miếu mà thờ, và cũng viết thơ gởi cho Phạm-ma-đạt-đa, nói rằng: ‘Trường Sanh Đồng tử, con vua nước Câu-sa-la bảo rằng, ngươi không sợ sau này bị con cháu gieo họa cho chăng?’

“Bấy giờ vợ của vua Trường Thọ nói với Trường Sanh Đồng tử:

“– Con nên biết, vua nước Gia-xá là Phạm-ma-đạt-đa, là kẻ tàn bạo, vô đạo, bắt cha con là vua Trường Thọ nước Câu-sa-la là người vô tội, cướp đoạt kho tàng, tài sản của nước con, lại vì thù hận cay độc giết người, chặt ra bảy đoạn một cách oan uổng. Này Đồng tử, con hãy đến đây cùng ta, dong một chiếc xe chạy ra khỏi Ba-la-nại này. Nếu không đi thì tai họa sẽ đến với con.

“– Thế rồi vợ của Trường Thọ cùng với Đồng tử cùng dong một chiếc xe chạy ra khỏi Ba-la-nại. Bấy giờ Trường Sanh Đồng tử nghĩ rằng: ‘Ta nên đến thôn này, qua thôn kia để cầu học rộng nghe nhiều’.

“Nghĩ xong, Trường Sanh Đồng tử liền đi từ thôn này qua thôn nọ để cầu học rộng nghe nhiều. Vì học rộng nghe nhiều, nên đổi tên khác là Trường Sanh Bác sĩ.

“Trường Sanh Bác sĩ lại [534c] nghĩ: ‘Điều cầu học ta đã học xong, có lẽ ta nên vào đô ấp Ba-la-nại, đứng ở đường này hẻm nọ với vẻ mặt tươi cười, tấu lên âm thanh vi diệu. Như vậy các nhà hào quý ở Ba-la-nại nghe được sẽ hoan hỷ và cảm thấy vui thích’.

“Nghĩ vậy, Trường Sanh Bác sĩ liền vào đô ấp Ba-la-nại đứng ở đường này hẻm nọ với vẻ mặt vui tươi, tấu lên âm thanh vi diệu. Các nhà hào quý ở Ba-la-nại nghe được, hoan hỷ vô cùng và cảm thấy vui thích.

“Bấy giờ các quyến thuộc của vua Phạm-ma-đạt-đa nước Gia-xá, từ quyến thuộc ngoài xa đến quyến thuộc khoảng giữa và quyến thuộc bên trong, Bà-la-môn quốc sư, lần hồi thấu đến tai vua Phạm-ma-đạt-đa nước Gia-xá. Sau khi nghe đến, vua liền gọi vào diện kiến.

“Thế rồi Trường Sanh Bác sĩ đi đến chỗ vua Phạm-ma-đạt-đa nước Gia-xá, đứng quay về phía  vua với vẻ mặt tươi cười, tấu lên bằng âm thanh vi diệu. Vua Phạm-ma-đạt-đa nước Gia-xá nghe như thế hoan hỷ vô cùng, lấy làm vui thích, rồi vua Phạm-ma-đạt-đa nói với Bác sĩ rằng:

“– Khanh từ nay có thể nương tựa vào ta. Ta sẽ cung cấp cho đầy đủ.

“Khi ấy, Trường Sanh Bác sĩ nương tựa vào vua và được cung cấp đầy đủ. Về sau vua lại hết lòng tín nhiệm, giao phó công việc, đem kiếm hộ thân trao cho Trường Sanh Bác sĩ.

“Vào một lúc, Phạm-ma-đạt-đa vua nước Gia-xá bảo người đánh xe:

“– Ngươi hãy sửa soạn xa giá. Ta muốn đi săn bắn.

“Người đánh xe vâng lời, sửa soạn xa giá xong, trở lại tâu rằng:

“– Con đã sửa soạn xa giá xong, xin theo ý Thiên vương.

“Thế rồi Phạm-ma-đạt-đa vua nước Gia-xá và Trường Sanh Bác sĩ cùng ngồi vào cỗ xe ra đi. Trường Sanh Bác sĩ nghĩ rằng: ‘Phạm-ma-đạt-đa vua nước Gia-xá tàn bạo, vô đạo. Nó bắt cha ta là vua Trường Thọ nước Câu-sa-la là người vô tội, lại cướp đoạt kho tàng, tài sản của ta, và vì thù hận cay độc mà giết người, chặt ra bảy đoạn một cách oan uổng. Ta bây giờ nên đánh xe tách ra khỏi bốn loại quân, đi đến một nơi khác’.

“Khi ấy vua Phạm-ma-đạt-đa nước Gia-xá vì vất vả trải qua con đường lầy lội, gió nóng bức bách nên cảm thấy khát nước, mệt nhọc quá đổi, muốn nằm, liền xuống xe, gối vào đầu gối của Trường Sanh Bác sĩ mà ngủ. Trường Sanh Bác sĩ nghĩ rằng: ‘Phạm-ma-đạt-đa vua nước Gia-xá này vô đạo, tàn bạo. Nó bắt cha ta là vua Trường Thọ nước Câu-sa-la là người vô tội, lại cướp đoạt kho tàng, tài sản của nước ta và vì thù hận cay độc mà giết người chặt ra bảy đoạn một cách oan uổng. [535a] Thế mà ngày nay nó đã nằm trong tay ta, ta phải báo oán’. Trường Sanh Bác sĩ nghĩ như vậy, liền tuốt gươm báu, dí vào cổ Phạm-ma-đạt-đa vua nước Gia-xá mà nói rằng:

“– Nay ta giết ngươi! Nay ta giết ngươi!

“Trường Sanh Bác sĩ lại nghĩ: ‘Ta không làm đúng. Vì sao? Nhớ lại ngày trước, khi ngồi dưới cây nêu cao, vào phút sắp lâm chung, cha ta đã bảo ta rằng: ‘Đồng tử hãy nhẫn, Đồng tử hãy nhẫn. Chớ khởi oán kết mà phải thực hành nhân từ.’’ Nhớ lại như vậy, Bác sĩ bèn thu gươm, tra vào vỏ.

“Trong lúc đó, vua Phạm-ma-đạt-đa nước Gia-xá mộng thấy Trường Sanh Đồng tử, con vua Trường Thọ nước Câu-sa-la tay cầm gươm bén dí vào cổ mình mà nói rằng: ‘Nay ta giết ngươi! Nay ta giết ngươi’. Thấy vậy, vua sợ hãi, tóc lông dựng đứng, liền kinh hoàng chợt tỉnh, nói với Trường Sanh Bác sĩ:

“– Ngươi có biết không, ta trong chiêm bao thấy Trường Sanh Đồng tử, con vua Trường Thọ nước Câu-sa-la tay cầm kiếm bén dí vào cổ ta, nói rằng: ‘Nay ta giết ngươi! Nay ta giết ngươi!’ Nghe xong, Trường Sanh Đồng tử thưa rằng:

“– Thiên vương chớ sợ! Thiên vương chớ sợ! Vì sao? Trường Sanh Đồng tử, con vua Trường Thọ nước Câu-sa-la chính là thần đây. Thiên vương, thần nghĩ rằng: ‘Phạm-ma-đạt-đa, vua nước Gia-xá tàn bạo, vô đạo, bắt cha ta, một người vô tội, lại cướp đoạt kho tàng, tài sản của nước ta, và vì thù hận cay độc mà giết cha ta, chặt người ra làm bảy đoạn một cách oan uổng, mà nay chính nó đã nằm trong tay ta, ta nghĩ phải báo oán’. Tâu Thiên vương, thần liền rút gươm dí vào cổ Thiên vương mà nói rằng: ‘Nay ta giết ngươi! Nay ta giết ngươi!’ Thiên vương, thần lại nghĩ: ‘Ta làm không đúng. Vì sao? Nhớ ngày trước, ngồi dưới cây nêu cao, vào phút sắp lâm chung, cha ta đã bảo rằng: ‘Đồng tử hãy nhẫn, Đồng tử hãy nhẫn! Chớ khởi oán kết mà phải thực hành nhân từ.’’ Nhớ lại như vậy nên thần thu gươm tra vào vỏ’.

“Vua Phạm-ma-đạt-đa nước Gia-xá nói rằng:

“– Này Đồng tử, khanh nói rằng: ‘Đồng tử hãy nhẫn, Đồng tử hãy nhẫn”, ta đã rõ nghĩa ấy. Nhưng Đồng tử lại nói: ‘Chớ khởi oán kết, mà phải thực hành nhân từ’, là nghĩa thế nào?

“Trường Sanh Đồng tử đáp:

“– Tâu Thiên vương, chớ khởi oán kết mà phải thực hành nhân từ, chính là việc làm này vậy.

“Nghe xong, vua Phạm-ma-đạt-đa nước Gia-xá nói rằng:

“– Này Đồng tử, từ ngày hôm nay ta đem đất nước mà ta đang chỉnh lãnh trao hết cho khanh. Vì sao? Vì khanh đã làm một việc quá khó là đã ban ân huệ cho mạng sống của ta.

 [535b]“Trường Sanh Đồng tử nghe vậy liền thưa:

“– Bổn quốc của Thiên vương thì thuộc về Thiên vương. Bổn quốc của thân phụ hạ thần thì mới có thể giao hoàn lại cho hạ thần.

“Bấy giờ, vua Phạm-ma-đạt-đa nước Gia-xá cùng với Trường Sanh Đồng tử lên xe trở về, vào thành Ba-la-nại, ngồi trên chánh điện, vua bảo các cận thần:

“– Này các khanh, nếu bắt gặp Trường Sanh Đồng tử, con vua Trường Thọ nước Câu-sa-la thì các khanh sẽ xử sự như thế nào?

“Cận thần nghe vậy, có người tâu rằng:

“– Tâu thiên vương, nếu bắt gặp nó thì sẽ chặt tay.

“Có người lại tâu:

“– Tâu Thiên vương, nếu bắt gặp nó thì chặt chân.

“Có người tâu:

“– Tâu Thiên vương, nếu bắt gặp nó thì giết.

“Vua Phạm-ma-đạt-đa nước Gia-xá nói rằng:

“– Các khanh, muốn gặp Trường Sanh Đồng tử, con vua Trường Thọ nước Câu-sa-la thì ở đây này. Các khanh chớ khởi ác ý với Đồng tử này. Vì sao? Vì Đồng tử đã làm một việc rất khó là đã tha mạng sống cho ta.

“Thế rồi vua Phạm-ma-đạt-đa nước Gia-xá dùng nước tắm của vua tắm gội cho Trường Sanh Đồng tử, cho thoa bằng bột hương của vua, cho mặc y phục của vua, mời ngồi lên ngự sàng bằng vàng, đích thân vua Phạm-ma-đạt-đa và vợ con trở về bổn quốc.

“Này Tỳ-kheo, các quốc vương Sát-lị Đảnh Sanh ấy làm chủ đại quốc, chỉnh trị thiên hạ mà tự thực hành hạnh nhẫn nhục; tự thực hành từ tâm, lại xưng tán từ tâm; tự ban ân huệ, lại xưng tán ân huệ. Này chư Tỳ-kheo, các Tỳ-kheo cũng nên làm như vậy. Các ngươi đã chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, hãy nên thực hành hạnh nhẫn nhục, lại xưng tán nhẫn nhục; tự thực hành từ tâm, lại xưng tán từ tâm; tự ban ân huệ, lại xưng tán ân huệ”.

“Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Đức Phật thuyết như vậy, có vị bạch rằng:

“Thế Tôn là Pháp chủ. Nay mong Thế Tôn cứ ở yên vậy. Vị ấy nói hành con, con làm sao không nói hành vị ấy được [13]”. Lúc đó, Đức Thế Tôn không vui vì việc làm của các Tỳ-kheo Câu-xá-di, với những oai nghi, lễ tiết mà họ đã học, đã tập. Ngài từ chỗ ngồi đứng dậy, nói bài kệ tụng:

Với bao nhiêu lời nói,

Phá hoại chúng tối tôn.

Khi phá hoại Thánh Chúng,

Không ai can dứt nổi.

Nát thân và mất mạng,

Kẻ cướp đoạt ngựa trâu,

Tài sản, và quốc gia,

Họ còn hay hòa thuận;

Huống ngươi vài tiếng cãi    

Sao không chịu thuận hòa?

Không suy chân nghĩa xa,    

Oán kết làm sao giải?

 [535c] Mạ lỵ, trách nhau mãi

Mà biết chế, thuận hòa;

Nếu suy chân nghĩa xa         

Oán kết tất giải được. [14]

Thù hận dứt hận thù,

Đời nào dứt cho xong.

Nhẫn nhục dứt hận thù,

Đó là pháp tối thượng. [15]

Sân với bậc thượng trí,         

Nói toàn lời vô lại,

Phỉ báng Thánh Mâu-ni,

Thấp hèn không chút tuệ.

Người khác không rõ nghĩa,

Riêng ta biết mà thôi.

Người rõ nghĩa là ai?

Người này dứt sân nhuế. [16]

Nếu được gặp bạn trí,          

Nhất định kết đồng tu;

Xả ý chấp xưa kia     

Hoan hỷ thường theo đến. [17]

Nếu không gặp bạn trí,         

Hãy tu riêng một mình;

Như vua nghiêm trị nước;

Như voi lẻ rừng vắng. [18]

Độc hành, chớ làm ác,

Như voi lẻ rừng vắng.

Độc hành là tốt nhất,

Đừng hội kẻ vô đức. [19]

Học: “Không gặp bạn tốt,   

Không cùng ai ngang mình;

Hãy cô độc chuyên tinh

Đừng hội kẻ vô đức.” [20]

Lúc Đức Thế Tôn thuyết bài tụng này xong, Ngài dùng như ý túc cỡi hư không mà đi đến thôn Bà-la-lâu-la [21]. Ở thôn Bà-la-lâu-la có Tôn giả Bà-cửu, người họ Thích [22], ngày đêm không ngủ, tinh cần hành đạo, chí thành thường định tĩnh, an trú trong đạo phẩm. Tôn giả Bà-cửu từ xa trông thấy Đức Thế Tôn đi đến, khi đã trông thấy liền nghinh tiếp, đỡ lấy y bát của Ngài, trải giường, múc nước rửa chân. Đức Phật rửa chân xong, Ngài lên chỗ ngồi của Bà-cửu người họ Thích. Ngồi xong, Ngài nói:

“Tỳ-kheo Bà-cửu, ngươi thường an ổn, không hề thiếu thốn chăng?”

Tôn giả Bà-cửu trả lời:

“Bạch Thế Tôn, con thường an ổn, không có thiếu thốn”.

Đức Thế Tôn lại hỏi:

“Thế nào là an ổn, không có thiếu thốn?”

Tôn giả Bà-cửu đáp:

“Bạch Thế Tôn, con ngày đêm không ngủ, tinh tấn hành đạo, chí hành thường định tĩnh, an ổn vào đạo phẩm. Bạch Thế Tôn, như vậy con thường an ổn, không có thiếu thốn”.

Đức Thế Tôn lại nghĩ: “Thiện nam tử này sống cuộc đời an lạc. Ta nên thuyết pháp cho y”. Nghĩ vậy, Ngài liền thuyết pháp cho [536a] Tôn giả Bà-cửu, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ.

Sau khi bằng vô lượng phương tiện thuyết pháp, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ cho vị ấy, Ngài từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến rừng Hộ tự [23]. Vào rừng Hộ tự, đến dưới gốc cây Ngài trải ni-sư-đàn ngồi kiết già. Lúc ấy, Đức Thế Tôn lại nghĩ rằng: “Ta đã thoát được nhóm Tỳ-kheo ở Câu-xá-di, một nhóm luôn luôn tranh chấp nhau, chèn ép nhau, thù nghịch nhau, giận hờn nhau, cãi vã nhau. Ta không hoan hỷ nghĩ đến phương ấy, nơi mà nhóm Tỳ-kheo Câu-xá-di đang trú”.

Ngay lúc đó có một con voi, chúa của đàn voi, tách rời đàn, sống một mình, cũng đến rừng Hộ tự. Vào rừng Hộ tự, đến đứng dưới cây Hiền-sa-la [24]. Khi ấy, voi chúa nghĩ rằng: “Ta đã thoát được bọn voi kia, voi cha, voi mẹ, voi con lớn nhỏ. Bọn voi ấy thường đi trước dẫm lên cỏ và làm vấy bẩn nước. Ta bấy giờ ăn cỏ bị dẫm đạp ấy, uống nước vẫn đục kia. Ta nay ăn cỏ mới, uống nước trong”.

Lúc ấy, Đức Thế Tôn bằng tha tâm trí biết ý nghĩ trong lòng voi lớn kia, liền nói bài tụng:

Một voi với một voi,  

Cũng vóc, ngà, chân đủ.

Tâm này như tâm kia,

Rừng sâu vui độc trú.

Khi ấy, Đức Thế Tôn từ rừng Hộ tự mang y cầm bát đi đến rừng Ban-na-mạn-xà-tự [25]. Bấy giờ có ba thiện nam tử trú trong rừng Ban-na-mạn-xà-tự, là Tôn giả A-na-luật-đà, Tôn giả Nan-đề, Tôn giả Kim-tì-la [26]. Các Tôn giả ấy sống như vầy: Nếu ai khất thực trở về trước, người đó trải giường, múc nước để rửa chân, để sẵn chậu, đặt sẵn đòn rửa chân và khăn lau chân, lu nước uống. Nếu những gì khất thực có thể dùng hết thì dùng hết, nếu còn dư thì đổ vào hủ đậy kín cất. Ăn xong, dọn bát, cất, rửa tay chân, lấy ni-sư-đàn vắt lên vai, vào thất tĩnh tọa. Ai khất thực về sau, nếu dùng hết thì dùng, nếu thiếu thì lấy đồ ăn khất thực được của người trước dùng cho đủ. Nếu dư thì đổ vào đất sạch hay nước không có trùng, rồi đem bình bát rửa sạch, lau khô và cất vào một góc, thu dọn giường chiếu, dẹp đòn rửa chân và lu nước uống, ghè nước rửa tay và quét dọn nhà ăn. [536b] Sau khi tẩy sạch những rác bẩn ấy thì thu xếp y bát, rửa tay chân, lấy ni-sư-đàn vắt lên vai, vào thất tĩnh tọa. Đến lúc xế, các Tôn giả ấy, nếu có vị nào từ chỗ tĩnh tọa dậy trước, thấy lu nước uống và ghè nước rửa tay trống rỗng, không có nước, thì mang đi lấy. Nếu xách về nổi thì xách đến để một góc, nếu xách không nổi thì lấy tay vẫy một Tỳ-kheo nữa, mỗi người khiêng một bên, không ai nói chuyện với nhau. Các Tôn giả ấy cứ năm ngày tụ tập lại một lần, cùng nhau bàn về pháp và im lặng theo pháp bậc Thánh.

Bấy giờ, người giữ rừng trông thấy Đức Thế Tôn từ xa đi đến, bèn đón và quở ngăn rằng:

“Sa-môn! Sa-môn chớ vào rừng này. Vì sao? Nay trong rừng này có ba thiện nam tử, đó là Tôn giả A-na-luật-đà, Tôn giả Nan-đề và Tôn giả Kim-tì-la. Các vị ấy trông thấy Sa-môn, chắc họ không vừa ý”.

Đức Thế Tôn bảo rằng:

“Này người giữ rừng, các vị kia nếu thấy Ta, chắc chắn không có gì không vừa ý”.

Ngay lúc đó, Tôn giả A-na-luật-đà, từ xa trông thấy Đức Thế Tôn đi đến, liền quở trách người kia:

“Này người giữ rừng, chớ ngăn cản Đức Thế Tôn. Này người giữ rừng, chớ ngăn cản Đức Thiện Thệ đang đi đến. Vì sao? Vì đó là Tôn sư của tôi đến! Là Đức Thiện Thệ của tôi đến!”

Tôn giả A-na-luật-đà ra nghênh đón Đức Thế Tôn, đỡ y bát của Ngài. Tôn giả Nan-đề trải giường cho Đức Phật. Tôn giả Kim-tì-la lấy nước cho Ngài. Khi ấy, Đức Thế Tôn sau khi rửa chân xong, ngồi lên chỗ mà Tôn giả ấy đã trải. Ngồi xong, Ngài hỏi:

“Này A-na-luật-đà, ngươi thường an ổn, không có gì thiếu thốn chăng?

Tôn giả A-na-luật-đà đáp:

“Bạch Thế Tôn, con thường an ổn, không có gì thiếu thốn”.

Đức Thế Tôn lại hỏi:

“Như thế nào là an ổn, không có gì thiếu thốn?”

Tôn giả A-na-luật-đà đáp:

“Bạch Thế Tôn, con nghĩ rằng, con có thiện lợi, có đại công đức, nghĩa là con được cùng tu hành với các vị đồng phạm hạnh như thế. Bạch Thế Tôn, con thường hướng về các vị đồng phạm hạnh ấy, sống với thân nghiệp từ hòa, trước mặt hay vắng mặt đều như nhau; sống với khẩu nghiệp từ hòa, ý nghiệp từ hòa, trước mặt hay vắng mặt đều như nhau không khác. Bạch Thế Tôn, con nay có thể tự nghĩ rằng: ‘Tự xả bỏ tâm con, tùy thuận tâm Chư Hiền’. Bạch Thế Tôn, con liền xả bỏ tâm con, tùy thuận tâm Chư Hiền. Bạch Thế Tôn, con chưa từng có một điều nào là không vừa lòng. Bạch Thế Tôn, con thường an ổn, không có gì thiếu thốn là như thế”.

Đức Thế Tôn hỏi Tôn giả Nan-đề, Tôn giả cũng đáp như thế.

Đức Thế Tôn lại hỏi Tôn giả Kim-tì-la:

 [536c] “Ngươi thường an ổn, không có gì thiếu thốn chăng?”

Tôn giả Kim-tì-la đáp:

“Bạch Thế Tôn, con thường an ổn, không có gì thiếu thốn”.

Đức Thế Tôn lại hỏi:

“Này Kim-tì-la, thế nào là thường an ổn, không có gì thiếu thốn?”

Tôn giả Kim-tì-la đáp:

“Bạch Thế Tôn, con nghĩ rằng, con có thiện lợi, có đại công đức, nghĩa là con được cùng tu hành với các vị đồng phạm hạnh như thế. Bạch Thế Tôn, con thường hướng về các vị đồng phạm hạnh ấy, sống với thân nghiệp từ hòa, trước mặt hay vắng mặt đều như nhau; sống với khẩu nghiệp từ hòa, ý nghiệp từ hòa, trước mặt hay vắng mặt đều như nhau không khác. Bạch Thế Tôn, con nay có thể tự nghĩ rằng: ‘Tự xả bỏ tâm con, tùy thuận tâm Chư Hiền’. Bạch Thế Tôn, con liền xả bỏ tâm con, tùy thuận tâm Chư Hiền. Bạch Thế Tôn, con chưa từng có một điều nào là không vừa lòng. Bạch Thế Tôn, con thường an ổn, không có gì thiếu thốn là như thế”.

Đức Thế Tôn tán thán:

“Lành thay! Lành thay! A-na-luật-đà, như thế các ngươi thường cùng nhau hòa hợp, an lạc, không tranh, cùng hiệp nhất trong một tâm, một Thầy, như nước với sữa, và có chứng đắc pháp thượng nhân mà sống an lạc thoải mái chăng [27]?”

Tôn giả A-na-luật-đà bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, chúng con cùng nhau hòa hợp không tranh, cùng hợp nhất trong một tâm, chung một Thầy, như nước với sữa, và có chứng đắc pháp thượng nhân mà sống an lạc thoải mái. Bạch Thế Tôn, chúng con nhận được ánh sáng và rồi thấy sắc [28]. Giây lát, sắc được thấy kia và ánh sáng liền biến mất”.

Đức Thế Tôn nói:

“Này A-na-luật-đà, các ngươi không thấu triệt được tướng ấy; nghĩa là tướng nhận được ánh sáng mà thấy sắc; giây lát, sắc được thấy kia và ánh sáng liền biến mất.  

“Này A-na-luật-đà, thuở xưa lúc Ta chưa đắc đạo giác ngộ vô thượng chánh chân, cũng nhận được ánh sáng mà thấy sắc. Giây lát, sắc được thấy kia và ánh sáng liền biến mất. A-na-luật-đà, Ta nghĩ: ‘Trong tâm Ta có tai hoạn nào [29] khiến cho Ta mất định mà con mắt diệt; [30] con mắt diệt rồi thì ánh sáng mà trước đó Ta nhận được để thấy sắc, ánh sáng để thấy sắc ấy [31] giây lát liền diệt?’ A-na-luật-đà, Ta hành tinh tấn, không biếng nhác, thân tĩnh chỉ an trú, có chánh niệm chánh trí, không có ngu si, được tĩnh chỉ nhất tâm. Này A-na-luật-đà, Ta nghĩ rằng: ‘Ta hành tinh tấn, không biếng nhác, tĩnh chỉ nơi thân, có chánh niệm chánh trí, an trú, không có si, được định tĩnh nhất tâm. Phải chăng trong đời không có gì [32] để Ta thấy, để Ta biết chăng?’ Trong tâm Ta sanh tai hoạn về hoài nghi ấy. Nhân tai hoạn của hoài nghi [33] ấy nên mất định mà con mắt diệt. Con mắt diệt rồi thì ánh sáng mà trước đó Ta nhận được [537a] để thấy sắc, ánh sáng để thấy sắc ấy giây lát liền diệt. A-na-luật-đà, nay Ta nên nghĩ rằng: ‘Trong tâm Ta không sanh tai hoạn của hoài nghi’. A-na-luật-đà, vì Ta muốn không sanh tai hoạn này nên sống cô độc viễn ly, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn. Nhân sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn nên nhận được ánh sáng mà thấy sắc; nhưng ánh sáng để thấy sắc được ấy giây lát liền biến mất.

“Này A-na-luật-đà, Ta lại nghĩ: ‘Trong tâm Ta có tai hoạn nào khiến cho Ta mất định mà con mắt diệt; con mắt diệt rồi thì ánh sáng mà trước đó Ta nhận được để thấy sắc, ánh sáng để thấy sắc ấy giây lát liền diệt?’ A-na-luật-đà, Ta lại nghĩ: ‘Trong tâm Ta sanh tai hoạn về vô niệm. [34] Nhân tai hoạn của vô niệm này nên mất định mà con mắt diệt; con mắt diệt rồi thì ánh sáng mà trước đó Ta nhận được để thấy sắc, ánh sáng để thấy sắc ấy giây lát liền diệt’. A-na-luật-đà, Ta nay cần phải nghĩ rằng: ‘Trong tâm Ta không sanh tai hoạn về hoài nghi, cũng không sanh tai hoạn về vô niệm’. A-na-luật-đà, Ta muốn không móng khởi tai hoạn này nên sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn. Nhân sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn nên nhận được ánh sáng để thấy sắc, ánh sáng để thấy sắc ấy giây lát liền diệt.

“Này A-na-luật-đà, Ta lại nghĩ: ‘Trong tâm Ta có tai hoạn nào khiến cho Ta mất định mà con mắt diệt; con mắt diệt rồi thì ánh sáng mà trước đó Ta nhận được để thấy sắc, ánh sáng để thấy sắc ấy giây lát liền diệt?’A-na-luật-đà, Ta lại nghĩ: ‘Trong tâm Ta sanh tai hoạn về thân bệnh tưởng. [35] Nhân tai hoạn của thân bệnh tưởng này nên mất định mà con mắt diệt; con mắt diệt rồi thì ánh sáng mà trước đó Ta nhận được để thấy sắc, ánh sáng để thấy sắc được ấy giây lát liền diệt’. A-na-luật-đà, Ta nay cần phải nghĩ rằng: ‘Trong tâm Ta không sanh tai hoạn về hoài nghi, không sanh tai hoạn về vô niệm, cũng không sanh tai hoạn về thân bệnh tưởng’. A-na-luật-đà, Ta muốn không móng khởi tai hoạn này nên sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn. Nhân sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn nên nhận được ánh sáng để thấy sắc, ánh sáng để thấy sắc ấy giây lát liền diệt.

“Này A-na-luật-đà, Ta lại nghĩ: ‘Trong tâm Ta có tai hoạn nào khiến cho Ta mất định mà con mắt diệt; con mắt diệt rồi thì ánh sáng mà trước đó Ta nhận được [537b] để thấy sắc, ánh sáng để thấy sắc ấy giây lát liền diệt?’A-na-luật-đà, Ta lại nghĩ: ‘Trong tâm Ta sanh tai hoạn về thụy miên. Nhân tai hoạn của thụy miên [36] này nên mất định mà con mắt diệt; con mắt diệt rồi thì liền diệt’. A-na-luật-đà, Ta nay cần phải nghĩ rằng: ‘Trong tâm Ta không sanh tai hoạn về hoài nghi, không sanh tai hoạn về vô niệm, không sanh tai hoạn về thân bệnh tưởng, cũng không sanh tai hoạn về thụy miên’. A-na-luật-đà, Ta muốn không móng khởi tai hoạn này nên sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn. Nhân sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn nên nhận được ánh sáng để thấy sắc, ánh sáng để thấy sắc ấy giây lát liền diệt.

“Này A-na-luật-đà, Ta lại nghĩ: ‘Trong tâm Ta có tai hoạn nào khiến cho Ta mất định mà con mắt diệt; con mắt diệt rồi thì ánh sáng mà trước đó Ta nhận được để thấy sắc, ánh sáng để thấy sắc ấy giây lát liền diệt?’A-na-luật-đà, Ta lại nghĩ: ‘Trong tâm Ta sanh tai hoạn về tinh cần thái quá. [37] Nhân tai hoạn của tinh cần thái quá này nên mất định mà con mắt diệt; con mắt diệt rồi thì ánh sáng mà trước đó Ta nhận được để thấy sắc, ánh sáng để thấy sắc ấy giây lát liền diệt’. A-na-luật-đà, cũng như lực sĩ bắt con ruồi quá ngặt, con ruồi liền chết. Cũng vậy, A-na-luật-đà, trong tâm Ta sanh tai hoạn về tinh cần thái quá. Nhân tai hoạn của tinh cần thái quá này nên mất định mà con mắt diệt; con mắt diệt rồi thì ánh sáng mà Ta nhận được để thấy sắc, giây lát sắc được thấy sắc và ánh sáng ấy liền diệt. A-na-luật-đà, Ta nay cần phải nghĩ rằng: ‘Trong tâm Ta không sanh tai hoạn về hoài nghi, không sanh tai hoạn về vô niệm, không sanh tai hoạn về thân bệnh tưởng, không sanh tai hoạn về thụy miên, cũng không sanh tai hoạn về tinh cần thái quá’. A-na-luật-đà, Ta muốn không móng khởi tai hoạn này nên sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn. Nhân sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn nên nhận được ánh sáng để thấy sắc, ánh sáng để thấy sắc ấy giây lát liền diệt.

 “Này A-na-luật-đà, Ta lại nghĩ: ‘Trong tâm Ta có tai hoạn nào khiến cho Ta mất định mà con mắt diệt; con mắt diệt rồi thì ánh sáng mà trước đó Ta nhận được để thấy sắc, ánh sáng để thấy sắc ấy giây lát liền diệt?’ A-na-luật-đà, Ta lại nghĩ: ‘Trong tâm Ta sanh tai hoạn về giải đãi thái quá. [38] Nhân tai hoạn của giải đãi thái quá này nên [537c] mất định mà con mắt diệt; con mắt diệt rồi thì ánh sáng mà trước đó Ta nhận được để thấy sắc, ánh sáng để thấy sắc ấy giây lát liền diệt’. A-na-luật-đà, cũng như lực sĩ bắt con ruồi quá hoãn, con ruồi bèn bay mất. Cũng vậy, A-na-luật-đà, trong tâm Ta sanh tai hoạn về giải đãi thái quá. Nhân tai hoạn của giải đãi thái quá này nên mất định mà con mắt diệt; con mắt diệt rồi thì ánh sáng mà trước đó Ta nhận được để thấy sắc, ánh sáng để thấy sắc ấy giây lát liền diệt. A-na-luật-đà, Ta nay cần phải nghĩ rằng: ‘Trong tâm Ta không sanh tai hoạn về hoài nghi, không sanh tai hoạn về vô niệm, không sanh tai hoạn về thân bệnh tưởng, không sanh tai hoạn về thụy miên, không sanh tai hoạn về tinh cần thái quá, cũng không sanh tai hoạn về giải đãi thái quá’. A-na-luật-đà, Ta muốn không móng khởi tai hoạn này nên sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn. Nhân sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn nên nhận được ánh sáng để thấy sắc, ánh sáng để thấy sắc ấy giây lát liền diệt.

 “Này A-na-luật-đà, Ta lại nghĩ: ‘Trong tâm Ta có tai hoạn nào khiến cho Ta mất định mà con mắt diệt; con mắt diệt rồi thì ánh sáng mà trước đó Ta nhận được để thấy sắc, ánh sáng để thấy sắc ấy giây lát liền diệt?’A-na-luật-đà, Ta lại nghĩ: ‘Trong tâm Ta sanh tai hoạn về sợ hãi. [39] Nhân tai hoạn của sợ hãi này nên mất định mà con mắt diệt; con mắt diệt rồi thì ánh sáng mà trước đó Ta nhận được để thấy sắc, ánh sáng để thấy sắc ấy giây lát liền diệt’. A-na-luật-đà, cũng như một người đang đi đường, kẻ thù từ bốn phía kéo đến; người kia thấy vậy, kinh khủng sợ hãi, toàn thân lông tóc dựng đứng. Cũng vậy, A-na-luật-đà, trong tâm Ta sanh tai hoạn về sợ hãi. Nhân tai hoạn của sợ hãi này nên mất định mà con mắt diệt; con mắt diệt rồi thì ánh sáng mà trước đó Ta nhận được để thấy sắc, ánh sáng để thấy sắc ấy giây lát liền diệt. A-na-luật-đà, Ta nay cần phải nghĩ rằng: ‘Trong tâm Ta không sanh tai hoạn về hoài nghi, không sanh tai hoạn về vô niệm, không sanh tai hoạn về thân bệnh tưởng, không sanh tai hoạn về thụy miên, không sanh tai hoạn về tinh cần thái quá, không sanh tai hoạn về giải đãi thái quá, cũng không sanh tai hoạn về sợ hãi’. A-na-luật-đà, Ta muốn không móng khởi tai hoạn này nên sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn. Nhân sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn nên nhận được ánh sáng để thấy sắc, ánh sáng để thấy sắc ấy giây lát liền diệt.

 “Này A-na-luật-đà, Ta [538a] lại nghĩ: ‘Trong tâm Ta có tai hoạn nào khiến cho Ta mất định mà con mắt diệt; con mắt diệt rồi thì ánh sáng mà trước đó Ta nhận được để thấy sắc, ánh sáng để thấy sắc ấy giây lát liền diệt?’ A-na-luật-đà, Ta lại nghĩ: ‘Trong tâm Ta sanh tai hoạn về hỷ duyệt. Nhân tai hoạn của hỷ duyệt này nên mất định mà con mắt diệt; con mắt diệt rồi thì ánh sáng mà trước đó Ta nhận được để thấy sắc, ánh sáng để thấy sắc ấy giây lát liền diệt’. A-na-luật-đà, cũng như người đi tìm một kho báu; bỗng nhiên được cả bốn kho báu; thấy như vậy rồi, người ấy sanh hỷ duyệt. Cũng vậy, A-na-luật-đà, trong tâm Ta sanh tai hoạn về hỷ duyệt. [40] Nhân tai hoạn của hỷ duyệt này nên mất định mà con mắt diệt; con mắt diệt rồi thì ánh sáng mà trước đó Ta nhận được để thấy sắc, ánh sáng để thấy sắc ấy giây lát liền diệt. A-na-luật-đà, Ta nay cần phải nghĩ rằng: ‘Trong tâm Ta không sanh tai hoạn về hoài nghi, không sanh tai hoạn về vô niệm, không sanh tai hoạn về thân bệnh tưởng, không sanh tai hoạn về thụy miên, không sanh tai hoạn về tinh cần thái quá, không sanh tai hoạn về giải đãi thái quá, không sanh tai hoạn về sợ hãi, cũng không sanh tai hoạn về hỷ duyệt’. A-na-luật-đà, Ta muốn không móng khởi tai hoạn này nên sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn. Nhân sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn nên nhận được ánh sáng để thấy sắc, ánh sáng để thấy sắc ấy giây lát liền diệt.

“Này A-na-luật-đà, Ta lại nghĩ: ‘Trong tâm Ta có tai hoạn nào khiến cho Ta mất định mà con mắt diệt; con mắt diệt rồi thì ánh sáng mà trước đó Ta nhận được để thấy sắc, ánh sáng để thấy sắc ấy giây lát liền diệt?’ A-na-luật-đà, Ta lại nghĩ: ‘Trong tâm Ta sanh tai hoạn về tâm tự cao. [41] Nhân tai hoạn của tâm tự cao này nên mất định mà con mắt diệt; con mắt diệt rồi thì ánh sáng mà Ta nhận được để thấy sắc, giây lát sắc được thấy sắc và ánh sáng ấy liền diệt’. A-na-luật-đà, Ta nay cần phải nghĩ rằng: ‘Trong tâm Ta không sanh tai hoạn về hoài nghi, không sanh tai hoạn về vô niệm, không sanh tai hoạn về thân bệnh tưởng, không sanh tai hoạn về thụy miên, không sanh tai hoạn về tinh cần thái quá, không sanh tai hoạn về giải đãi thái quá, không sanh tai hoạn về sợ hãi, không sanh tai hoạn về hỷ duyệt, cũng không sanh tai hoạn về tâm tự cao’. A-na-luật-đà, Ta muốn không móng khởi tai hoạn này nên sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn. Nhân sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn nên nhận được [528b] ánh sáng để thấy sắc, ánh sáng để thấy sắc ấy giây lát liền diệt.

“Này A-na-luật-đà, Ta lại nghĩ: ‘Trong tâm Ta có tai hoạn nào khiến cho Ta mất định mà con mắt diệt; con mắt diệt rồi thì ánh sáng mà trước đó Ta nhận được để thấy sắc, ánh sáng để thấy sắc ấy giây lát liền diệt?’ A-na-luật-đà, Ta lại nghĩ: ‘Trong tâm Ta sanh tai hoạn về đa dạng tưởng [42]. Nhân tai hoạn của đa dạng tưởng này nên mất định mà con mắt diệt; con mắt diệt rồi thì ánh sáng mà trước đó Ta nhận được để thấy sắc, ánh sáng để thấy sắc ấy giây lát liền diệt’. A-na-luật-đà, Ta nay cần phải nghĩ rằng: ‘Trong tâm Ta không sanh tai hoạn về hoài nghi, không sanh tai hoạn về vô niệm, không sanh tai hoạn về thân bệnh tưởng, không sanh tai hoạn về thụy miên, không sanh tai hoạn về tinh cần thái quá, không sanh tai hoạn về giải đãi thái quá, không sanh tai hoạn về sợ hãi, không sanh tai hoạn về hỷ duyệt, không sanh tai hoạn về tâm tự cao, cũng không sanh tai hoạn về đa dạng tưởng’. A-na-luật-đà, Ta muốn không móng khởi tai hoạn này nên sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn. Nhân sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn nên nhận được để thấy sắc, ánh sáng để thấy sắc ấy giây lát liền diệt.

“Này A-na-luật-đà, Ta lại nghĩ: ‘Trong tâm Ta có tai hoạn nào khiến cho Ta mất định mà con mắt diệt; con mắt diệt rồi thì ánh sáng mà trước đó Ta nhận được để thấy sắc, ánh sáng để thấy sắc ấy giây lát liền diệt?’ A-na-luật-đà, Ta lại nghĩ: ‘Trong tâm Ta sanh tai hoạn về không quán sắc. [43] Nhân tai hoạn của không quán sắc này nên mất định mà con mắt diệt; con mắt diệt rồi thì ánh sáng mà trước đó Ta nhận được để thấy sắc, ánh sáng để thấy sắc ấy giây lát liền diệt’. A-na-luật-đà, Ta nay cần phải nghĩ rằng: ‘Trong tâm Ta không sanh tai hoạn về hoài nghi, không sanh tai hoạn về vô niệm, không sanh tai hoạn về thân bệnh tưởng, không sanh tai hoạn về thụy miên, không sanh tai hoạn về tinh cần thái quá, không sanh tai hoạn về giải đãi thái quá, không sanh tai hoạn về sợ hãi, cũng không sanh tai hoạn về hỷ duyệt, cũng không sanh tai hoạn về tâm tự cao, cũng không sanh tai hoạn về đa dạng tưởng, cũng không sanh tai hoạn về không quán sắc’. A-na-luật-đà, Ta muốn không móng khởi tai hoạn này nên sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn. Nhân sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn nên nhận được để thấy sắc, ánh sáng để thấy sắc ấy giây lát liền diệt.

“Này A-na-luật-đà, nếu tâm Ta sanh tai hoạn về nghi, đối với tai hoạn đó, tâm được thanh tịnh. Nếu sanh tai hoạn về vô niệm, về bệnh tưởng của thân, về thụy miên, về tinh cần thái quá, giải đãi thái quá, về sợ hãi, về hỷ duyệt, về tâm tự cao, về đa dạng tưởng, về tâm không quán sắc, đối với những tai hoạn đó, tâm được thanh tịnh.

“Này A-na-luật-đà, Ta lại nghĩ rằng: ‘Ta phải tu học về ba định, là tu học về định có tầm có tứ, tu học về định không tầm chỉ tứ [44], tu học về định tầm giác không tứ’. A-na-luật-đà, Ta liền tu học ba định ấy, là tu học về định có tầm có tứ, tu học về định không tầm chỉ tứ, tu học về định không tầm không tứ. Nếu Ta tu học về định có tầm có tứ thì tâm liền thuận hướng đến định không tầm chỉ tứ, như vậy Ta chắc chắn không mất trí và kiến này. Như vậy, khi Ta đã biết như thế rồi, suốt ngày suốt đêm, rồi suốt đêm suốt ngày, Ta tu học về định có tầm có tứ. A-na-luật-đà, Ta lúc bấy giờ thực hành trụ chỉ này. Nếu Ta tu học về định có tầm có tứ, tâm liền thuận hướng đến định không tầm không tứ. Như vậy, chắc chắn Ta không mất trí và kiến này. Này A-na-luật-đà, như vậy, ta đã biết như thế rồi nên suốt ngày suốt đêm, rồi suốt đêm suốt ngày, tu học về định có tầm có tứ. Này A-na-luật-đà, bấy giờ Ta sống trong trạng thái này.

“Này A-na-luật-đà, nếu Ta tu học về định không tầm chỉ tứ, tâm liền thuận hướng định có tầm có tứ. Như vậy, ta chắc chắn không mất trí kiến này. Này A-na-luật-đà, Ta biết như thế rồi, nên suốt ngày suốt đêm, suốt ngày lẫn đêm tu học về định không tầm chỉ tứ. Này A-na-luật-đà, Ta bấy giờ thực hành hạnh tĩnh chỉ này. Nếu Ta tu học về định không tầm chỉ tứ, tâm liền thuận hướng đến định không tầm không tứ. Như thế, Ta chắc chắn không mất trí và kiến này. Này A-na-luật-đà, do đó Ta biết như thế rồi nên suốt ngày suốt đêm tu học về định không tầm chỉ tứ. Này A-na-luật-đà, bấy giờ Ta sống trong trạng thái này.

“Này A-na-luật-đà, nếu Ta tu học về định không tầm không tứ, tâm liền thuận hướng đến định có tầm có tứ. Như thế, Ta chắc chắn không mất trí kiến này. Do Ta đã biết như thế, nên suốt ngày suốt đêm, suốt ngày lẫn đêm tu học về định không tầm không tứ. Này A-na-luật-đà, Ta bấy giờ sống trong trạng thái này. Này A-na-luật-đà, nếu Ta tu học về định không tầm không tứ thì tâm liền thuận hướng đến định không tầm chỉ tứ. Như thế, Ta không mất trí và kiến này. Này A-na-luật-đà, do Ta đã biết như thế rồi nên suốt ngày suốt đêm, [539a] suốt ngày lẫn đêm tu học về định không tầm không tứ. Này A-na-luật-đà, Ta bấy giờ sống trong trạng thái này.

“Này A-na-luật-đà, có lúc Ta nhận biết ánh sáng mà không thấy sắc. [45] A-na-luật-đà, Ta nghĩ rằng: ‘Do nhân nào, do duyên nào Ta nhận biết ánh sáng mà không thấy sắc?’ A-na-luật-đà, Ta lại nghĩ rằng: ‘Nếu Ta niệm tướng của ánh sáng, không niệm tướng của sắc thì bấy giờ Ta nhận biết ánh sáng mà không thấy sắc’. Như vậy, Ta biết như thế rồi nên suốt ngày suốt đêm, suốt ngày lẫn đêm nhận biết ánh sáng mà không thấy sắc. Này A-na-luật-đà, Ta bấy giờ sống trong trạng thái này.

“Này A-na-luật-đà, có lúc Ta thấy sắc mà không nhận biết ánh sáng. A-na-luật-đà, Ta nghĩ rằng: ‘Do nhân nào, do duyên nào Ta thấy sắc mà không nhận biết ánh sáng?’ A-na-luật-đà, Ta lại nghĩ rằng: ‘Nếu Ta niệm tướng của sắc mà không niệm tướng của ánh sáng thì bấy giờ Ta nhận biết sắc mà không nhận biết ánh sáng’. Này A-na-luật-đà, Ta biết như thế rồi nên suốt ngày suốt đêm, suốt ngày lẫn đêm Ta nhận biết sắc mà không nhận biết ánh sáng. Này A-na-luật-đà, bấy giờ Ta sống trong trạng thái này.

“Này A-na-luật-đà, có lúc Ta nhận biết ánh sáng hạn chế, [46] cũng thấy sắc hán chế. A-na-luật-đà, Ta liền nghĩ: ‘Do nhân nào, do duyên nào Ta nhận biết được ánh sáng hạn chế, cũng thấy sắc hạn chế?’ Ta lại nghĩ: ‘Nếu Ta nhập định hạn chế; [47] Ta nhập định hạn chế nên nhãn căn thanh tịnh hạn chế. Vì nhãn căn thanh tịnh hạn chế nên Ta nhận biết ánh sáng hạn chế, cũng thấy sắc hạn chết”. A-na-luật-đà, Ta biết như thế rồi nên suốt ngày suốt đêm, suốt ngày lẫn đêm, biết ánh sáng hạn chế và thấy sắc hạn chế. Này A-na-luật-đà, bấy giờ Ta sống trong trạng thái này.

“Này A-na-luật-đà, có lúc Ta nhận biết ánh sáng rộng lớn, [48] cũng thấy sắc rộng lớn. A-na-luật-đà, Ta nghĩ rằng: ‘Do duyên nào, do nhân nào Ta nhận biết ánh sáng rộng lớn, cũng thấy ánh sáng rộng lớn’. Ta lại nghĩ: ‘Nếu Ta nhập định rộng lớn, nhờ nhập định rộng lớn nên nhãn căn thanh tịnh rộng lớn. Nhờ nhãn căn thanh tịnh rộng lớn nên Ta nhận biết ánh sáng rộng lớn, cũng thấy sắc rộng lớn’. A-na-luật-đà, Ta biết như thế rồi nên suốt ngày suốt đêm, suốt ngày lẫn đêm biết ánh sáng rộng lớn, cũng thấy sắc rộng lớn. Này A-na-luật-đà, bấy giờ Ta sống trong trạng thái này.

“Này A-na-luật-đà, nếu trong tâm ta sanh tai hoạn về nghi, đối với tai hoạn ấy trong tâm Ta đã đoạn trừ, được thanh tịnh. Với vô niệm, thân bệnh tưởng, thụy miên, tinh cần thái quá, [539b] giải đãi thái quá, sợ hãi, hỷ duyệt, tâm tự cao, đa dạng tưởng, và sanh tai hoạn về không quán sắc, đối với những tai hoạn ấy tâm được thanh tịnh. Tu học, cực tu học về định có tầm có tứ; tu học, cực tu học về định không tầm ít tứ; tu học, cực tu học về định không tầm không tứ; tu học, cực tu học về định thuần nhất; tu học, cực tu học về định hỗn hợp [49]; tu học, cực tu học về định hạn chế; tu học, cực tu học về định rộng vô lượng [50]. Ta có trí và kiến thanh tịnh, sáng suốt vô cùng, hướng đến an trú vào định, tinh cần tu tập đạo phẩm, biết như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Này A-na-luật-đà, bấy giờ Ta thực hành trụ chỉ ấy”.

Phật thuyết như vậy. Tôn giả A-na-luật-đà, Tôn giả Nan-đề, Tôn giả Kim-tì-la sau khi nghe những lời Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành. [51]

73. KINH THIÊN [52]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại Chi-đề-sấu, trong rừng Thủy chử [53].

Bấy giờ Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Thuở xưa, lúc Ta chưa đắc Đạo giác ngộ vô thượng chánh chân, bấy giờ Ta nghĩ rằng: ‘Ta làm sao để được phát sanh ánh sáng, [54] nhân ánh sáng ấy mà thấy hình sắc. Như vậy, trí kiến của ta sẽ cực kỳ minh tịnh’. Vì để có trí kiến cực kỳ minh tịnh ấy mà Ta sống cô độc tại một nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh cần. Ta nhân sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh cần nên đạt đựoc ánh sáng, liền thấy sắc. Nhưng Ta chưa cùng với Chư Thiên kia tụ hội, cùng chào hỏi, cùng luận thuyết, cùng đối đáp.

“Ta lại nghĩ rằng: ‘Ta làm sao để được [539c] phát sanh ánh sáng. Nhân ánh sáng ấy mà hấy hình sắc và cùng Chư Thiên kia tụ hội, cùng chào hỏi, cùng luận thuyết, cùng đối đáp. Như vậy trí kiến của Ta sẽ cực kỳ minh tịnh. Vì để có trí kiến cực kỳ minh tịnh này mà Ta sống tại nơi xa vắng, cô độc, tâm không phóng dật, tu hành tinh cần. Ta nhân sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh cần nên đạt được ánh sáng, liền thấy hình sắc, cùng Chư Thiên kia tụ hội, cùng chào hỏi nhau, cùng luận thuyết, cùng đối đáp, nhưng Ta không biết Chư Thiên kia có họ như thế nào, tên như thế nào, sanh như thế nào.

“Ta lại nghĩ rằng: ‘Ta làm sao để được phát sanh ánh sáng. Nhân ánh sáng ấy mà thấy hình sắc và cùng Chư Thiên kia tụ hội, cùng chào hỏi nhau, cùng luận thuyết, cùng đối đáp và cũng biết Chư Thiên kia có họ như vậy, tên như vậy và sanh như vậy. Như thế, trí kiến của Ta cực kỳ minh tịnh’. Vì để có trí và kiến cực kỳ minh tịnh này mà Ta sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh cần. Nhân sống cô độc tại nơi xa vắng, tu hành tinh cần, liền thấy được ánh sáng và cùng Chư Thiên kia tụ hội, chào hỏi nhau, cùng luận thuyết, cùng đối đáp và cũng biết được Chư Thiên ấy danh tánh như vậy, tên tự như vậy và sanh như vậy. Nhưng Ta không biết Chư Thiên kia ăn như thế nào, thọ khổ lạc như thế nào.

“Ta lại nghĩ rằng: ‘Ta làm sao để được phát sanh ánh sáng, nhân ánh sáng ấy mà thấy hình sắc và cùng Chư Thiên tụ hội, chào hỏi nhau, cùng luận thuyết, cùng đối đáp, biết Chư Thiên ấy có họ như vậy, tên như vậy, sanh như vậy và cũng biết Chư Thiên ấy ăn như vậy, thọ khổ lạc như vậy. Như thế trí kiến của Ta sẽ cực kỳ minh tịnh’. Vì để có trí vkiến cực kỳ minh tịnh này mà Ta sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh cần. Nhân sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh cần, Ta được ánh sáng, liền thấy hình sắc và cùng Chư Thiên tụ hội, cùng chào hỏi nhau, cùng luận thuyết, cùng đối đáp, cũng biết Chư Thiên ấy có họ như vậy, tên như vậy và sanh như vậy; và cũng biết Chư Thiên ấy ăn như vậy, thọ khổ lạc như vậy. Nhưng Ta không biết Chư Thiên ấy trường thọ như thế nào, [540a] tồn tại lâu như thế nào, mạng tận như thế nào.

“Ta lại nghĩ rằng: ‘Ta làm sao để được phát sanh ánh sáng, nhân ánh sáng ấy mà thấy hình sắc và cùng Chư Thiên tụ hội, cùng chào hỏi nhau, cùng luận thuyết, cùng đối đáp, biết Chư Thiên ấy có họ như vậy, tên như vậy, sanh như vậy, cũng biết Chư Thiên ấy ăn như vậy, thọ khổ lạc như vậy; cũng biết Chư Thiên ấy trường thọ như thế, tồn tại lâu như thế, mạng tận như thế. Như thế trí kiến của Ta sẽ cực kỳ minh tịnh’. Vì để có trí kiến cực kỳ minh tịnh này mà Ta sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh cần. Nhân sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh cần, Ta được ánh sáng, liền thấy hình sắc và cùng Chư Thiên tụ hội, cùng chào hỏi nhau, cùng luận thuyết, cùng đối đáp, cũng biết Chư Thiên ấy có họ như vậy, tên như vậy, sanh như vậy; biết Chư Thiên ấy ăn như vậy, thọ khổ lạc như vậy; và cũng biết Chư Thiên ấy trường thọ như vậy, tồn tại lâu như vậy, mạng tận như vậy. Nhưng Ta không biết Chư Thiên ấy tạo nghiệp như thế nào, đã chết nơi này và sanh nơi kia như thế nào.

“Ta lại nghĩ rằng: ‘Ta làm sao để được phát sanh ánh sáng, nhân ánh sáng ấy mà thấy hình sắc và cùng Chư Thiên kia tụ hội, cùng chào hỏi nhau, cùng luận thuyết, cùng đối đáp, biết Chư Thiên ấy có họ như vậy, tên như vậy, sanh như vậy, biết Chư Thiên ấy ăn như vậy, thọ khổ lạc như vậy; biết Chư Thiên ấy trường thọ như vậy, tồn tại lâu như vậy, mạng tận như vậy; và cũng biết Chư Thiên ấy tạo nghiệp như vậy, chết nơi này và sanh nơi kia như vậy. Như thế trí kiến của Ta sẽ cực kỳ minh tịnh’. Vì để có trí kiến cực kỳ minh tịnh này mà Ta sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh cần. Nhân sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh cần, Ta đạt được ánh sáng, liền thấy hình sắc và cùng Chư Thiên kia tụ hội, cùng chào hỏi nhau, cùng luận thuyết, cùng đối đáp, biết Chư Thiên ấy có họ như vậy, tên như vậy, sanh như vậy; biết Chư Thiên ấy ăn như vậy, thọ khổ lạc như vậy; biết Chư Thiên ấy trường thọ như vậy, tồn tại lâu như vậy, mạng tận như vậy; và cũng biết Chư Thiên ấy tạo nghiệp như vậy, chết nơi này và sanh nơi kia như vậy. Nhưng Ta không biết Chư Thiên ấy [540b] ở trong những cõi trời nào.

“Ta lại nghĩ rằng: ‘Ta làm sao để được phát sanh ánh sáng, nhân ánh sáng ấy mà thấy hình sắc và cùng Chư Thiên tụ hội, cùng chào hỏi nhau, cùng luận thuyết, cùng đối đáp, biết Chư Thiên ấy có họ như vậy, tên như vậy, sanh như vậy, biết Chư Thiên ấy ăn như vậy, thọ khổ lạc như vậy; biết Chư Thiên ấy trường thọ như vậy, tồn tại lâu như vậy, mạng tận như vậy; biết Chư Thiên ấy tạo nghiệp như vậy, chết nơi này và sanh nơi kia như vậy; và cũng biết Chư Thiên ở trong các cõi trời ấy. Như thế trí kiến của Ta sẽ cực kỳ minh tịnh’. Vì để có trí kiến cực kỳ minh tịnh này mà Ta sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh cần. Ta nhân sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh cần, nên đạt được ánh sáng, liền thấy hình sắc và cùng Chư Thiên kia tụ hội, cùng chào hỏi nhau, cùng luận thuyết, cùng đối đáp, biết Chư Thiên ấy có họ như vậy, tên như vậy, sanh như vậy; biết Chư Thiên ấy ăn như vậy, thọ khổ lạc như vậy; biết Chư Thiên ấy trường thọ như vậy, tồn tại lâu như vậy, mạng tận như vậy; biết Chư Thiên ấy tạo nghiệp như vậy, chết nơi này và sanh nơi kia như vậy; và cũng biết Chư Thiên ở trong những cõi trời ấy. Nhưng Ta không biết Ta đã từng sanh vào cõi đó hay chưa từng sanh vào cõi đó.

“Ta lại nghĩ rằng: ‘Ta làm sao để được phát sanh ánh sáng, nhân ánh sáng ấy mà thấy hình sắc và cùng Chư Thiên tụ hội, cùng chào hỏi nhau, cùng luận thuyết, cùng đối đáp, biết Chư Thiên ấy có họ như vậy, tự như vậy, sanh như vậy, biết Chư Thiên ấy ăn như vậy, thọ khổ lạc như vậy; biết Chư Thiên ấy trường thọ như vậy, tồn tại lâu như vậy, mạng tận như vậy; biết Chư Thiên ấy tạo nghiệp như vậy, chết nơi này và sanh nơi kia như vậy; biết Chư Thiên ở trong các cõi trời ấy; và cũng biết ở cõi trời ấy Ta đã từng sanh vào hay chưa từng sanh vào. Như thế trí kiến của Ta sẽ cực kỳ minh tịnh”. Vì để có trí kiến cực kỳ minh tịnh này mà Ta sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh cần. Ta nhân sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh cần, nên đạt được ánh sáng, liền thấy hình sắc và cùng Chư Thiên kia tụ hội, cùng chào hỏi nhau, cùng luận thuyết, cùng đối đáp, biết Chư Thiên ấy có [540c] họ như vậy, tên như vậy, sanh như vậy; biết Chư Thiên ấy ăn như vậy, thọ khổ lạc như vậy; biết Chư Thiên ấy trường thọ như vậy, tồn tại lâu như vậy, mạng tận như vậy; biết Chư Thiên ấy tạo nghiệp như vậy, đã chết nơi này và sanh nơi kia như vậy; biết Chư Thiên ở trong những cõi trời ấy; và cũng biết ở cõi trời ấy Ta đã từng sanh vào.

“Nếu Ta không biết một cách chân chánh tám hành [55] này thì không thể nói một cách xác định là đã chứng đắc, [56] cũng không biết Ta đắc Đạo giác ngộ vô thượng chánh chân; đối với Chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn ở thế gian này Ta không thể siêu việt lên trên; Ta cũng không đắc giải thoát với những sự giải thoát sai biệt. Ta cũng chưa lìa các đảo điên, chưa biết như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.

“Nếu Ta biết được một cách chân chánh tám hành này thì mới có thể nói một cách xác định đã chứng đắc, cũng biết rằng Ta đã đắc đạo giác ngộ vô thượng chánh chân, đối với Chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, Ta siêu việt lên trên. Ta cũng chứng đắc giải thoát với những sự giải thoát sai biệt; tâm Ta đã xa lìa các điên đảo, biết như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.”

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

74. KINH BÁT NIỆM

Tôi nghe như vầy.

Một thời Đức Phật trú tại Bà-kì-sấu [57], ở rừng Bố trong núi Ngạc, trong vườn Lộc dã [58].

Bấy giờ Tôn giả A-na-luật-đà ở tại Chi-đề-sấu, trong rừng Thủy chử [59]. Tôn giả A-na-luật-đà ở chỗ yên tĩnh, tĩnh tọa tư duy, tâm nghĩ rằng: “Đạo chứng đắc từ vô dục, [60] chứ chẳng phải từ hữu dục. Đạo chứng đắc từ tri túc, chứ không phải là không nhàm chán. Đạo chứng đắc từ viễn ly, chứ không phải từ sự ưa tụ hội, không phải từ sự sống tụ hội, không phải từ sự hội hợp tụ hội. Đạo chứng đắc từ sự tinh cần, chứ không phải từ sự biếng nhác. Đạo chứng đắc từ chánh niệm, chứ không phải từ tà niệm. Đạo chứng đắc từ định tâm, chứ không phải từ loạn ý. Đạo chứng đắc từ trí tuệ, chứ không phải từ ngu si”.

Lúc ấy, Đức Thế Tôn bằng tha tâm trí biết Tôn giả A-na-luật-đà đang niệm gì, đang tư gì, đang hành gì. Sau khi đã biết, Đức Thế Tôn nhập định như thế [61]. Với định như thế, trong khoảnh khắc [541a] như người lực sĩ co duỗi cánh tay, cũng thế, Đức Thế Tôn từ Bà-kì-sấu, từ rừng Bố trong núi Ngạc, trong vườn Lộc dã, bỗng biến mất, và xuất hiện trước mặt Tôn giả A-na-luật-đà tại Chi-đề-sấu. Bấy giờ, Đức Thế Tôn xuất định, tán thán Tôn giả A-na-luật-đà rằng:

“Lành thay! Lành thay! A-na-luật-đà, ngươi ở chỗ yên tĩnh, ngồi tĩnh tọa tư duy, tâm đã nghĩ thế này: ‘Đạo chứng đắc từ vô dục, chứ chẳng phải từ hữu dục. Đạo chứng đắc từ tri túc, chứ không phải là không nhàm chán. Đạo chứng đắc từ viễn ly, chứ không phải từ sự ưa tụ hội, không phải từ sự sống tụ hội, không phải từ sự hội hợp tụ hội. Đạo chứng đắc từ sự tinh cần, chứ không phải từ sự biếng nhác. Đạo chứng đắc từ chánh niệm, chứ không phải từ tà niệm. Đạo chứng đắc từ định tâm, chứ không phải từ loạn ý. Đạo chứng đắc từ trí tuệ, chứ không phải từ ngu si’.

“Này A-na-luật-đà, ngươi hãy nghe Như Lai, lãnh thọ thêm suy niệm thứ tám của bậc Đại nhân [62]. Sau khi lãnh thọ, ngưoi hãy tư duy rằng: ‘Đạo chứng đắc từ chỗ không hý luận [63], ưa sự không hý luận, hành sự không hý luận, chứ không phải từ chỗ hý luận, không phải từ chỗ ưa hý luận, không phải từ chỗ hành hý luận’.

“Này A-na-luật-đà, nếu ngươi thành tựu tám suy niệm của bậc Đại nhân, chắc chắn ngươi có thể ly dục, ly ác, ly bất thiện pháp, cho đến chứng đắc Tứ thiền, thành tựu an trụ.

“Này A-na-luật-đà, nếu ngươi thành tựu tám suy niệm của bậc Đại nhân này, lại chứng đắc bốn tăng thượng tâm này, sống an lạc ngay trong hiện tại, dễ được chứ không khó. Cũng như vua và đại thần có hòm đẹp đựng đầy các loại y phục đẹp, buổi sáng muốn mặc liền lấy mặc; buổi trưa, buổi chiều, muốn mặc liền lấy mặc, tùy ý tự tại, này A-na-luật-đà, ngươi cũng vậy, được y phấn tảo, làm y phục bậc nhất, tâm ngươi vô dục, sống với đời sống này.

“Này A-na-luật-đà, nếu ngươi thành tựu tám suy niệm của bậc Đại nhân, lại chứng đắc bốn tăng thượng tâm này nữa, sống an lạc ngay trong đời hiện tại, dễ được không khó. Cũng như vua và vương thần có cai bếp làm các thức ăn ngon lành mỹ diệu, này A-na-luật-đà, ngươi cũng vậy, thường sống bằng món ăn khất thực làm món ăn độc nhất, tâm ngươi vô dục, sống với đời sống này.

 “Này A-na-luật-đà, nếu ngươi thành tựu tám suy niệm của bậc Đại nhân, lại cũng chứng đắc bốn tăng thượng tâm này nữa, sống an lạc ngay trong đời hiện tại này, dễ được chứ không khó. Cũng như vua và vương thần có nhà cửa đẹp, hoặc có lầu các, cung điện, này A-na-luật-đà, ngươi cũng như thế, ngồi dưới gốc cây, lấy sự tịch tĩnh làm ngôi nhà bậc nhất, tâm ngươi vô dục, sống với đời sống này.

 “Này A-na-luật-đà, nếu ngươi thành tựu tám suy niệm của bậc Đại nhân, lại cũng chứng đắc bốn tăng thượng tâm này nữa, [541b] sống an lạc ngay trong đời hiện tại này, dễ được chứ không khó. Cũng như vua và vương thần có giường đẹp, trải lên bằng chăn nệm, đệm bông, phủ lên bằng gấm, the, lụa, sa trun, có chăn đệm ở hai đầu để gối, trải thảm quý bằng da sơn dương [64]; này A-na-luật-đà, ngươi cũng như vậy, chỗ ngồi trải bằng cỏ, bằng lá cây, là chỗ ngồi bậc nhất. Tâm ngươi vô dục, sống với trụ chỉ hành này.

“Này A-na-luật-đà, nếu ngươi thành tựu tám suy niệm của bậc Đại nhân, lại cũng chứng đắc bốn tăng thượng tâm này nữa, sống an lạc ngay trong đời hiện tại này, dễ được chứ không khó. Cũng như thế, nếu ngươi an trú phương Đông, ở đó chắc chắn được an lạc, không có các tai hoạn đau khổ. Nếu an trú phương Tây, phương Nam, phương Bắc, ở đó chắc chắn được an lạc, không có các tai hoạn đau khổ.

“Này A-na-luật-đà, nếu ngươi thành tựu tám suy niệm của bậc Đại nhân, lại cũng chứng đắc bốn tăng thượng tâm này nữa, sống an lạc ngay trong đời hiện tại này, dễ được chứ không khó, đối với các pháp thiện, ngươi đã an trú, Ta không nói đến, huống nữa là nói đến sự suy thoái. Các thiện pháp cứ ngày đêm tăng trưởng chứ bất thối.

“Này A-na-luật-đà, nếu ngươi thành tựu tám suy niệm của bậc Đại nhân, lại cũng chứng đắc bốn tăng thượng tâm này nữa, sống an lạc ngay trong đời hiện tại này, dễ được chứ không khó, thì đối với hai quả, chắc chắn ngươi đắc được một, hoặc trong đời này đắc cứu cánh trí, hoặc nếu còn hữu dư thì đắc A-na-hàm.

“Này A-na-luật-đà, ngươi hãy thành tựu tám suy niệm này của bậc Đại nhân, và cũng nên chứng đắc bốn tăng thượng tâm này nữa, sống an lạc ngay trong đời hiện tại này, dễ được chứ không khó; sau đó mới an cư mùa mưa tại Chi-đề-sấu, trong rừng Thủy chử vậy”.

Bấy giờ Đức Thế Tôn thuyết pháp cho Tôn giả A-na-luật-đà, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi bằng vô lượng phương tiện, thuyết pháp, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ, Đức Thế Tôn liền như vậy mà nhập định, trong khoảnh khắc, như người lực sĩ co duỗi cánh tay, cũng vậy, Đức Thế Tôn từ Chi-đề-sấu, trong rừng Thủy chử, bỗng nhiên biến mất, không thấy, rồi hiện ra ở Bà-kì-sấu, núi Ngạc rừng Bố, trong vườn Lộc dã.

Lúc ấy Tôn giả A-nan cầm quạt đứng hầu Đức Phật, Đức Phật liền xuất định, quay lại bảo A-nan rằng:

“Này A-nan, nếu có Tỳ-kheo nào đến núi Ngạïc rừng Bố, trong vườn Lộc dã, bảo tất cả tụ tập tại giảng đường. Sau khi tụ tập tại giảng đường xong, trở lại cho Ta hay”.

Tôn giả A-nan vâng lời Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Ngài, liền đi tuyên bố rằng: “Đức Thế Tôn dạy: nếu có Tỳ-kheo nào đến núi Ngạc rừng Bố, trong vườn Lộc dã, tất cả hãy tụ tập tại giảng đường”.        

Sau khi các Tỳ-kheo tụ tập tại [541c] giảng đường, Tôn giả A-nan trở lại chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân rồi đứng qua một bên, bạch rằng:

“Bạch Đức Thế Tôn, các Tỳ-kheo đến núi Ngạïc rừng Bố, trong vườn Lộc dã, tất cả đã tụ tập tại giảng đường. Mong Đức Thế Tôn biết cho, nay đã đến thời”.

Lúc ấy, Đức Thế Tôn đến giảng đường, trải chỗ ngồi trước chúng Tỳ-kheo và nói:

“Này chư Tỳ-kheo, Ta nói cho các ngươi nghe về tám suy niệm của bậc Đại nhân. Các ngươi hãy lắng nghe và khéo suy tư, ghi nhớ!

Bấy giờ các Tỳ-kheo vâng lời lắng nghe. Đức Thế Tôn nói rằng:

“Đây là tám pháp suy niệm của bậc Đại nhân:     

“Đạo từ vô dục chứ không phải từ hữu dục mà chứng đắc.

“Đạo từ tri túc chứ không phải từ không nhàm tởm mà chứng đắc.

“Đạo từ viễn ly chứ không phải từ chỗ ưa tụ hội, không phải từ sự sống chỗ tụ hội, không phải từ sự sống hội hợp tụ hội mà chứng đắc.

“Đạo từ tinh cần chứ không phải từ biếng nhác mà chứng đắc.

“Đạo từ chánh niệm, chứ không phải từ tà niệm mà chứng đắc.

“Đạo từ chỗ định ý chứ không phải từ loạn ý mà chứng đắc.

“Đạo từ trí tuệ chứ không phải từ ngu si mà chứng đắc.

“Đạo từ chỗ không hý luận, ưa sự không hý luận, hành sự không hý luận; chứ không phải từ hý luận, không phải từ sự ưa hý luận, không phải từ sự hành hý luận, mà chứng đắc.

“Thế nào là đạo từ vô dục mà chứng đắc, chứ không phải từ hữu dục? Tỳ-kheo đạt được vô dục, tự biết đạt được vô dục, không tỏ cho kẻ khác biết mình vô dục; đạt được tri túc, đạt được viễn ly, đạt được tinh cần, đạt được chánh niệm, đạt được định tâm, đạt được trí tuệ, đạt được không hý luận, tự biết đạt được không hý luận, không muốn tỏ cho người khác biết mình vô dục. Như vậy gọi là đạo từ vô dục chứ không phải từ hữu dục mà chứng đắc.

“Thế nào là đạo từ tri túc chứ không phải từ không nhàm tởm mà chứng đắc? Tỳ-kheo hành tri túc, áo dùng để che thân, ăn đủ nuôi thân. Đó là đạo từ tri túc chứ không phải từ không nhàm tởm mà chứng đắc.

“Thế nào là đạo từ viễn ly chứ không phải từ ưa tụ hội, sống chỗ tụ hội, hội họâp nơi tụ hội mà chứng đắc? Tỳ-kheo sống đời sống viễn ly, sống với hai sự viễn ly là thân và tâm đều viễn ly. Đó là đạo từ viễn ly chứ không phải từ sự ưa tụ hội, sống ở chỗ tụ hội, hội họâp nơi tụ hội mà chứng đắc.

“Thế nào là đạo từ tinh tấn chứ không phải từ biếng nhác mà chứng đắc? Tỳ-kheo thường hành tinh tấn, đoạn ác bất thiện, tu các thiện pháp, hằng tự sách tấn, chuyên nhất kiên cố, vì các gốc rễ thiện mà không hề từ bỏ khó nhọc. Đó gọi là đạo từ tinh tấn, chứ không phải từ biếng nhác mà chứng đắc.

“Thế nào là đạo từ chánh niệm chứ không phải từ tà niệm mà chứng đắc? Tỳ-kheo quán thân nơi nội thân, quán thọ, tâm, pháp trên pháp. Đó gọi là đạo từ chánh niệm chứ không phải từ tà niệm mà chứng đắc.

“Thế nào là đạo từ định tâm chứ không phải từ loạn ý mà chứng đắc? Tỳ-kheo ly dục, ly [542a] pháp ác bất thiện, cho đến chứng đắc Tứ thiền, thành tựu và an trụ. Đó gọi là đạo từ định ý chứ không phải từ loạn ý mà chứng đắc.

“Thế nào là đạo từ trí tuệ chứ không phải từ ngu si mà chứng đắc? Tỳ-kheo tu hạnh trí tuệ, quán pháp hưng suy, chứng đắc trí như thật, thánh tuệ minh đạt, phân biệt rõ ràng để dứt sạch khổ một cách chính đáng. Đó gọi là đạo từ trí tuệ chứ không phải từ ngu si mà chứng đắc.

“Thế nào là đạo từ không hý luận, ưa không hý luận, hành không hý luận; chứ không phải từ hý luận, không phải từ ưa hý luận, không phải từ hành hý luận mà chứng đắc? Tỳ-kheo tâm ý thường diệt hý luận, an lạc, trú trong Vô dư Niết-bàn, tâm thường lạc trú, hoan hỷ, ý giải. Đó gọi là đạo từ không hý luận, ưa không hý luận, hành không hý luận; chứ không phải từ hý luận, không phải từ ưa hý luận, không phải từ hành hý luận mà chứng đắc.

“Này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo A-na-luật-đà đã tành tựu tám suy niệm của bậc Đại nhân này, sau đó mới an cư mùa mưa tại Chi-đề-sấu, trong rừng Thủy chử. Ta đem những điều này nói ra, vị ấy sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh cần. Vị ấy khi sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh cần, đã đạt đến cứu cánh mà một thiện nam tử vì cứu cánh ấy đã cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, duy chỉ cầu đắc vô thượng phạm hạnh ngay trong đời này, tự tri, tự giác, tự thân chứng đắc, thành tựu và an trú, biết một cách như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.”

Ngay lúc ấy, Tôn giả A-na-luật-đà chứng đắc A-la-hán, tâm chánh giải thoát, xứng đáng bậc Trưởng lão Thượng tôn, rồi nói bài tụng:

Vô thượng thế gian sư

Xa biết con hý luận,

Chánh thân tâm nhập định

Nương không, chợt đến đây.

Biết con tâm niệm này,

Thuyết pháp vượt lên nữa.

Chư Phật không hý luận;     

Hý luận đã xa lìa.

Đã biết pháp Như Lai,

Ưa trú trong chánh pháp.

Rồi tam muội chứng ngay,

Pháp Phật đã thành đạt.

Con chẳng ưa sự chết,         

Cũng không nguyện nơi sanh;

Tùy thời, tùy sở thích,

Niệm, chánh trí vững vàng.

Tỳ-da-ly, Trúc lâm, [65]

Nơi đó mạng con dứt;

Ở ngay dưới khóm trúc,

Nhập Vô dư Niết-bàn.

Phật thuyết như vậy. Tôn giả A-na-luật-đà và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, [542b] hoan hỷ phụng hành.

75. KINH TỊNH BẤT ĐỘNG ĐẠO

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại Câu-lâu-sấu, ở Kiếm-ma-sắt-đàm, một đô ấp của Câu-lâu [66].

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Dục là vô thường, hư ngụy, giả dối [67]. Đã là pháp giả dối thì huyễn hóa, dối gạt, ngu si [68]. Dầu là dục của đời nay hay là dục của đời sau, hoặc sắc đời này hay sắc đời sau [69], tất cả đều là cảnh giới của Ma, là miếng mồi của Ma. Nhân những thứ ấy mới sanh ra vô lượng pháp ác bất thiện, tham lam [70], sân nhuế và đấu tranh [71], làm chướng ngại cho sự tu học của Thánh đệ tử.

“Đa văn Thánh đệ tử nên quán như vầy, ‘Thế Tôn nói rằng dục là vô thường, hư ngụy, giả dối, huyễn hóa, dối gạt, ngu si. Dù là dục của đời này hay dục của đời sau, dù là sắc của đời này hay sắc của đời sau, tất cả đều là cảnh giới của Ma, là miếng mồi của Ma. Nhân những thứ ấy, tâm mới sanh ra vô lượng pháp ác bất thiện, tham lam, sân nhuế và đấu tranh, làm chướng ngại sự tu học của Thánh đệ tử’.  

“Rồi vị ấy có thể suy nghĩ như vầy: ‘Ta hãy đạt đến tâm quảng đại, thành tựu và an trú, nhiếp phục thế gian, nhiếp trì tâm ấy. Nếu ta đạt đến tâm quảng đại, thành tựu và an trú, nhiếp phục thế gian, nhiếp trì tâm ấy, thì tâm như thế không sanh ra vô lượng pháp ác bất thiện, tham lam, sân nhuế và đấu tranh, làm chướng ngại sự tu học của Thánh đệ tử’.

“Vị ấy bằng sự hành này, bằng sự học này, như vậy mà tu tập để phát triển rộng lớn, liền ở nơi xứ mà tâm được minh tịnh. [72] Sau khi tâm đã minh tịnh ở nơi xứ, Tỳ-kheo ấy, hoặc nhờ đó mà nhập vào bất động [73], hoặc do tuệ mà giải thoát [74]. Về sau, khi thân hoại mạng chung, nhân tâm ý đã có sẵn ấy [75], chắc chắn đạt đến bất động. Đó gọi là thuyết về Tịnh bất động đạo [76] thứ nhất.

“Lại nữa, Đa văn Thánh đệ tử nên quán như thế này: ‘Những gì là sắc, tất cả những sắc ấy là bốn đại và bốn đại tạo thành. Bốn đại ấy là pháp vô thường, khổ và diệt’. Vị ấy bằng sự hành này, bằng sự học này, như vậy mà tu tập để phát triển rộng lớn, liền ở nơi xứ mà tâm được minh tịnh. Sau khi tâm đã minh tịnh ở nơi xứ, Tỳ-kheo ấy, hoặc nhờ đó mà nhập vào bất động, hoặc do tuệ mà giải thoát. Về sau, [542c] khi thân hoại mạng chung, nhân tâm ý đã có sẵn ấy, chắc chắn đạt đến bất động. Đó gọi là thuyết Tịnh bất động đạo thứ hai.

“Lại nữa, Đa văn Thánh đệ tử nên quán như thế này: ‘Dù là dục của đời này hay dục của đời sau, dù là sắc đời này hay sắc đời sau, dù là dục tưởng của đời này hay dục tưởng của đời sau, dù là sắc tưởng của đời này hay sắc tưởng của đời sau, tất cả tưởng ấy đều là pháp vô thường, khổ và diệt’. Vị ấy bằng sự hành này, bằng sự học này, như vậy mà tu tập để phát triển rộng lớn, liền ở nơi xứ mà tâm được minh tịnh. Sau khi tâm đã minh tịnh ở nơi xứ, Tỳ-kheo ấy, hoặc nhờ đó mà nhập vào bất động, hoặc do tuệ mà giải thoát. Về sau, khi thân hoại mạng chung, nhân tâm ý đã có sẵn ấy, chắc chắn đạt đến bất động. Đó gọi là thuyết Tịnh bất động đạo thứ ba.

“Lại nữa, Đa văn Thánh đệ tử nên quán thế này: ‘Dù là dục tưởng của đời này hay dục tưởng của đời sau, dù là sắc tưởng của đời này hay sắc tưởng của đời sau, và bất động tưởng, tất cả tưởng đều là pháp vô thường, khổ và diệt’. Vị ấy bấy giờ đắc Vô sở hữu xứ tưởng. Vị ấy bằng sự hành này, bằng sự học này, như vậy mà tu tập để phát triển rộng lớn, liền ở nơi xứ mà tâm được minh tịnh. Sau khi tâm đã minh tịnh ở nơi xứ, Tỳ-kheo ấy, hoặc nhờ đó mà nhập vào bất động, hoặc do tuệ mà giải thoát. Về sau, khi thân hoại mạng chung, nhân tâm ý đã có sẵn ấy, chắc chắn đạt đến bất động. Đó là gọi là thuyết Tịnh vô sở hữu xứ đạo thứ nhất [77].

“Lại nữa, Đa văn Thánh đệ tử nên quán như thế này: ‘Thế gian này là không, ngã không, ngã sở không, [78] cái hữu thường không, cái hữu hằng không, cái trường tồn không, cái không biến dịch không’. Vị ấy hành như vậy, học như vậy, tu tập và phát triển như vậy thì ở nơi xứ mà tâm được minh tịnh. Sau khi ở nơi xứ mà tâm được minh tịnh, Tỳ-kheo ấy hoặc nhờ đó mà tâm nhập Vô sở hữu xứ, hoặc do tuệ mà giải thoát. Về sau, khi thân hoại mạng chung, nhân tâm ý đã có sẵn ấy, chắc chắn đạt đến Vô sở hữu xứ. Đó là trường hợp thứ hai được gọi là Tịnh vô sở hữu xứ đạo.

“Lại nữa, Đa văn Thánh đệ tử nên quán như thế này: ‘Ta không phải được tạo ra vì cái khác, cũng không phải được tạo ra vi chính mình [79]’. Vị ấy hành như vậy, học như vậy, tu tập và phát triển như vậy, ở nơi xứ mà tâm được minh tịnh. Sau khi ở nơi xứ mà tâm được minh tịnh, Tỳ-kheo ấy hoặc nhờ đó mà nhập Vô sở hữu xứ, hoặc do tuệ mà giải thoát. Về sau, khi thân hoại mạng chung, nhân tâm ý đã có sẵn ấy, chắc chắn đạt đến vô sở hữu xứ. Đó là [543a]trường hợp thứ ba được gọi là Tịnh vô sở hữu xứ đạo.

“Lại nữa, Đa văn Thánh đệ tử nên quán như thế này: ‘Dù là dục của đời này hay dục của đời sau, dù là sắc của đời này hay sắc của đời sau, dù là dục tưởng của đời này hay dục tưởng của đời sau, dù là sắc tưởng của đời này hay sắc tưởng của đời sau và bất động tưởng, vô sở hữu xứ tưởng, tất cả tưởng ấy đều là pháp vô thường, khổ và diệt’. Bấy giờ vị ấy đắc Vô tưởng. Vị ấy hành như vậy, học như vậy, tu tập và phát triển như vậy, thì ở nơi xứ mà tâm được minh tịnh. Sau khi ở nơi xứ mà tâm được minh tịnh, Tỳ-kheo ấy hoặc nhờ đó mà nhập vô tưởng, hoặc do tuệ mà giải thoát. Về sau, khi thân hoại mạng chung, nhân tâm ý đã có sẵn ấy, chắc chắn đạt đến vô tưởng xứ. Đó là nói về Tịnh vô tưởng đạo [80]”.

Bấy giờ, Tôn giả A-nan đang cầm quạt đứng hầu Đức Phật. Tôn giả hướng về Phật mà bạch rằng:

“Bạch Đức Thế Tôn, nếu có Tỳ-kheo nào thực hành như vầy, ‘Không có ta, không có sở hữu của ta; ta sẽ không tồn tại, sở hữu của ta sẽ không tồn tại; những gì có trước kia,’ hoàn toàn xả ly như vậy [81]. Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo ấy thực hành như thế, có chứng đắc cứu cánh Niết-bàn chăng?”

Đức Phật nói rằng:

“Này A-nan, sự kiện ấy không nhất định. Hoặc có người chứng đắc, hoặc có người không chứng đắc”.

Tôn giả A-nan lại thưa:

“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo ấy hành như thế nào mà không chứng đắc Niết-bàn?”

Đức Thế Tôn đáp:

“Này A-nan, Tỳ-kheo nào hành như vầy, ‘Không có ta, không có sở hữu của ta; ta sẽ không tồn tại, sở hữu của ta sẽ không tồn tại; những gì có trước kia,’ hoàn toàn xả ly như vậy. Nhưng này A-nan, nếu Tỳ-kheo ấy vui thích với sự xả ấy, [82] đắm trước nơi sự xả ấy, an trú nơi xả ấy, Tỳ-kheo như thế chắc chắn không chứng đắc Niết-bàn”.

Tôn giả A-nan bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo nào nếu có chấp thủ [83] sẽ không đắc Niết-bàn chăng?”

Đức Thế Tôn đáp:       

“Này A-nan, nếu Tỳ-kheo nào có chỗ chấp thủ thì chắc chắn không đắc Niết-bàn”.

Tôn giả A-nan bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo ấy bị chấp thủ bởi những gì?”

Đức Thế Tôn đáp:       

-Này A-nan, còn hữu dư ở trong hành; [84] đó là Phi tưởng phi phi tưởng xứ, bậc nhất trong các hữu mà Tỳ-kheo ấy chấp thủ”. [85]

Tôn giả A-nan bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo ấy còn chấp thủ vào hành nào khác nữa chăng?”

Đức Thế Tôn đáp:

“Đúng như thế, Tỳ-kheo ấy còn chấp thủ vào hành khác nữa”. [86]

Tôn giả A-nan bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo phải hành như thế nào thì chắc chắn đắc Niết-bàn?”

Đức Thế Tôn đáp:

“Này A-nan, Tỳ-kheo nào hành như vầy, ‘Không có ta, không có sở hữu của ta; ta sẽ không tồn tại, sở hữu của ta sẽ [543b] không tồn tại; những gì có trước kia,’ hoàn toàn xả ly như vậy. Và này A-nan, nếu Tỳ-kheo ấy không ưa thích với xả ấy, không đắm trước xả ấy, không an trú nơi xả ấy, thì này A-nan, Tỳ-kheo thực hành như thế, chắc chắn chứng đắc Niết-bàn”.

Tôn gả A-nan hỏi rằng:

“Bạch Thế Tôn, nếu Tỳ-kheo nào không chấp thủ vào đâu cả thì chắc chắn chứng đắc Niết-bàn chăng?”

Đức Thế Tôn đáp:       

“Này A-nan, nếu Tỳ-kheo nào không chấp thủ vào đâu cả thì chắc chắn chứng đắc Niết-bàn”.

Bấy giờ Tôn giả A-nan chắp tay hướng về Phật, bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, Thế Tôn đã thuyết về Tịnh bất động đạo, đã thuyết về Tịnh vô sở hữu xứ đạo, đã thuyết về Tịnh vô tưởng xứ đạo, đã thuyết về Vô dư Niết-bàn. Bạch Thế Tôn, thế nào là sự giải thoát của bậc Thánh?”

Đức Thế Tôn đáp:

“Này A-nan, Đa văn Thánh đệ tử nên quán như thế này: ‘Dù là dục của đời này hay dục của đời sau, dù là sắc của đời này hay là sắc của đời sau, dù là dục tưởng của đời này hay là dục tưởng của đời sau, dù là sắc tưởng của đời này hay là sắc tưởng của đời sau và bất động tưởng, vô sở hữu tưởng, vô tưởng tưởng, tất cả các tưởng ấy đều là pháp vô thường, khổ và diệt, đó là hữu thân [87]. Nếu là hữu thân thì đó là sanh, đó là già, đó là bệnh, đó là chết.

“Này A-nan, nếu có pháp này thì diệt trừ tất cả, không để lưu dư, không để có trở lại. Như vậy thì không sanh, không già, không bệnh, không chết.

“Bậc Thánh quán như vậy. Nếu cai gì có, cái đó là pháp giải thoát. Nếu có cái gì là bất tử, [88] cái đó là Vô dư Niết-bàn. Vị nào quán như vậy, chắc chắn tâm giải thoát dục lậu, tâm giải thoát hữu lậu và vô minh lậu. Đã giải thoát liền biết đã giải thoát, biết như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.

“Này A-nan, Ta nay đã nói cho ngươi nghe về Tịnh bất động đạo, về Tịnh vô sở hữu xứ đạo, về Tịnh vô tưởng đạo, về Vô dư Niết-bàn, về sự giải thoát của bậc Thánh. Như bậc Tôn sư với tâm đại bi, đoái tưởng, thương xót, mong cầu phước lợi và thiện ích, cầu an ổn và khoái lạc cho đệ tử, những điều ấy Ta nay đã làm xong. Các ngươi hãy tự mình làm. Hãy đi đến nơi rừng vắng, đến dưới gốc cây, chỗ yên tĩnh, trống vắng, ngồi tĩnh tọa mà tư duy, chớ có phóng dật, đừng để về sau phải hối hận. Đó là lời khuyến giáo của Ta, đó là huấn thị của Ta”.

Phật thuyết như vậy. Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

76. KINH ÚC-GIÀ-CHI-LA

 [543c3] Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại Úc-già-chi-la [89], ở bên bờ hồ Hằng thủy. Bấy giờ, một Tỳ-kheo vào lúc xế, từ chỗ tĩnh tọa đứng dậy, đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn khéo léo thuyết pháp ngắn gọn cho con. Được nghe pháp Đức Thế Tôn dạy, con sẽ sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh cần. Nhân sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh cần để đạt đến cứu cánh mà một thiện nam tử đã cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo là để đạt được vô thượng phạm hạnh, ngay trong đời này tự tri tự giác, tự thân tác chứng, thành tựu an trú, biết một cách như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa”.

Đức Thế Tôn bảo:

“Tỳ-kheo hãy tu học như vậy, để khiến được an trú bên trong, bất động, vô lượng, khéo tu tập. Lại quán thân nơi nội thân, thực hành hết sức tinh cần, vững chánh niệm chánh trí, khéo tự chế ngự tâm, khiến lìa bỏn sẻn tham lam, ý không sầu não. Lại quán thân nơi ngoại thân, thực hành hết sức tinh cần, vững chánh niệm chánh trí, khéo tự chế ngự tâm, khiến xa lìa bỏn sẻn tham lam, ý không sầu não. Lại quán thân nơi nội ngoại thân, thực hành hết sức tinh cần, vững chánh niệm chánh trí, khéo tự chế ngự tâm, khiến cho xa lìa bỏn sẻn tham lam, ý không sầu não. Này Tỳ-kheo, với định như vậy, khi tới, khi lui, hãy khéo tu tập; lúc đứng, lúc ngồi, lúc nằm, lúc ngủ, lúc thức, lúc tỉnh dậy, cũng đều tu tập như vậy.

“Lại nữa, cũng nên tu tập định có tầm có tứ, định không tầm chỉ tứ, tu tập định không tầm không tứ; cũng nên tu tập về định câu hữu với hỷ, định câu hữu với lạc, định câu hữu với định, định câu hữu với xả.

“Này Tỳ-kheo, nếu tu tập các định này, tu một cách khéo léo, này Tỳ-kheo, phải tu thêm quán thọ nơi nội thọ, thực hành hết sức tinh cần, giữ vững chánh niệm chánh trí, khéo tự chế ngự tâm, khiến xa lìa bỏn sẻn tham lam, ý không sầu não. Lại quán thọ nơi ngoại thọ, thực hành hết sức tinh cần, giữ vững chánh niệm chánh trí, khéo tự chế ngự tâm, khiến lìa bỏn sẻn tham lam, ý không sầu não. Lại quán thọ nơi nội ngoại thọ, thực hành hết sức tinh cần, giữ vững chánh niệm chánh trí, khéo tự chế ngự tâm, khiến xa lìa bỏn sẻn tham lam, ý không sầu não. Này Tỳ-kheo, với định như thế, lúc đi, lúc đến, hãy khéo [544a] tu tập. Lúc đứng, lúc ngồi, lúc nằm, lúc ngủ, lúc thức, lúc tỉnh dậy, cũng đều tu tập như thế.

“Lại nữa, cũng nên tu tập định câu hữu với hỷ, định câu hữu với lạc, định câu hữu với định, định câu hữu với xả. Này Tỳ-kheo, nếu tu tập các định này, tu tập một cách khéo léo thì nên tu thêm quán tân nơi nội tâm, thực hành hết sức tinh cần, giữ vững chánh niệm chánh trí, khéo chế ngự tâm, khiến xa lìa bỏn sẻn tham lam, ý không sầu não. Lại nên quán tam nơi ngoại tâm, thực hành hết sức tinh cần, giữ vững chánh niệm chánh trí, khéo chế ngự tâm, khiến xa lìa bỏn sẻn tham lam, ý không sầu não. Lại nên quán tâm nơi nội ngoại tâm, thực hành hết sức tinh cần, giữ vững chánh niệm chánh trí, khéo chế ngự tâm, khiến xa lìa bỏn sẻn tham lam, ý không sầu não. Này Tỳ-kheo, với định như thế, lúc đi, lúc đến hãy khéo tu tập. Lúc đứng, lúc ngồi, lúc nằm, lúc ngủ, lúc thức, lúc tỉnh dậy, cũng đều tu tập như vậy.

“Lại nữa, cũng nên tu tập định có tầm có tứ, định không tầm chỉ tứ, định không tầm không tứ. Cũng nên tu tập định câu hữu với hỷ, định câu hữu với lạc, định câu hữu với xả.

“Này Tỳ-kheo, nếu tu tập các định này, tu một cách khéo léo thì nên tu thêm quán pháp nơi nội pháp, thực hành hết sức tinh cần, giữ vững chánh niệm chánh trí, khéo chế ngự tâm, khiến xa lìa bỏn sẻn tham lam, ý không sầu não. Lại quán pháp nơi ngoại pháp, thực hành hết sức tinh cần, giữ vững chánh niệm chánh trí, khéo chế ngự tâm, khiến xa lìa bỏn sẻn tham lam, ý không sầu não. Lại quán pháp nơi nội ngoại pháp, thực hành hết sức tinh cần, giữ vững chánh niệm chánh trí, khéo chế ngự tâm, khiến xa lìa bỏn sẻn tham lam, ý không sầu não. Này Tỳ-kheo, với định như thế, lúc đi lúc đến, hãy khéo tu tập. Lúc đứng, lúc ngồi, lúc nằm, lúc ngủ, lúc thức, lúc tỉnh dậy, cũng đều tu tập như vậy.

“Lại nữa, nên tu tập định có tầm có tứ, định không tầm chỉ tứ, định không tầm không tứ, cũng nên tu tập định câu hữu với hỷ, định câu hữu với lạc, định câu hữu với định, định câu hữu với xả. Này Tỳ-kheo, nếu tu tập các định này, tu tập một cách khéo léo, này Tỳ-kheo, tâm hãy cùng với từ tương ưng, biến mãn một phương, thành tựu và an trú. Cũng như vậy, hai, ba bốn phương, phương trên, phương dưới, châu biến cùng khắp, tâm cùng với từ tương ưng, không kết, không oán, không nhuế, không tranh, rộng rãi bao la, vô lượng, [544b] khéo tu tập, biến mãn cùng khắp thế gian, thành tựu và an trú. Này Tỳ-kheo, nếu ngươi tu tập các định này, tu một cách khéo léo, khi sống phương Đông, chắc chắn ở đó được an lạc, không có các tai hoạn đau khổ. Khi sống phương Nam, phương Tây và phương Bắc, chắc chắn ở đó an lạc, không có các tai hoạn đau khổ.

“Này Tỳ-kheo, nếu ngươi tu tập các định này một cách khéo léo, đối với các pháp thiện mà ngươi đã an trú, Ta không còn nói đến, huống là sự suy thoái. Các pháp thiện cứ ngày đêm tăng trưởng, chứ bất thối.

“Này Tỳ-kheo, nếu ngươi tu tập các định này, tu một cách khéo léo thì trong hai quả, chắc chắn sẽ đắc một, hoặc ngay trong đời này đắc cứu cánh trí. Hoặc nếu còn hữu dư thì chứng đắc A-na-hàm”.

Bấy giờ vị Tỳ-kheo ấy nghe những lời Đức Phật dạy, khéo léo thọ trì, liền từ chỗ ngồi đứng dậy cúi đầu đảnh lễ dưới chân Đức Phật, đi quanh ba vòng rồi lui ra. Vị ấy thọ trì pháp của Phật, sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh cần. Nhân sống tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh cần, đạt đến cứu cánh mà một thiện nam tử đã cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo là duy chỉ cầu đắc vô thượng phạm hạnh, ngay trong đời hiện tại tự tri, tự giác, tự thân chứng đắc, thành tựu an trú, biết một cách như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Tôn giả đã biết pháp, đắc A-la-hán.

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

77. KINH SA-KÊ-ĐẾ TAM TỘC TÁNH TỬ

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại Sa-kê-đế [90] trong rừng Thanh [91].

Bấy giờ ở Sa-kê-đế có ba thiện gia nam tử là Tôn giả A-na-luật-đà, Tôn giả Nan-đề và Tôn giả Kim-tì-la [92] đều là thiếu niên mới xuất gia học đạo, cùng đến nhập Chánh pháp này không lâu.

Lúc ấy Đức Thế Tôn hỏi các Tỳ-kheo:

“Ba thiện gia nam tử này đều là thiếu niên mới xuất gia học đạo, cùng đến nhập Chánh pháp này không lâu; ba thiện nam tử ấy có vui thích sống phạm hạnh ở trong Chánh Pháp Luật này chăng?”

Khi đó các vị Tỳ-kheo im lặng, không trả lời.

Đức Thế Tôn ba lần [544c] hỏi các Tỳ-kheo rằng:

“Ba thiện gia nam tử này đều là thiếu niên mới xuất gia học đạo, cùng đến nhập Chánh pháp này không lâu; ba thiện nam tử ấy có vui thích sống phạm hạnh ở trong Chánh Pháp Luật này chăng?”  

Khi ấy các Tỳ-kheo cũng ba lần im lặng, không đáp. Thế rồi Đức Thế Tôn hỏi thẳng ba thiện nam tử ấy, Ngài nói với Tôn giả A-na-luật-đà rằng:

“Các ngươi, ba thiện gia nam tử, đều ở tuổi thiếu niên, mới xuất gia học đạo, cùng đến nhập Chánh pháp không lâu. Này A-na-luật-đà, các ngươi có vui thích sống phạm hạnh ở trong Chánh Pháp Luật này chăng?

Tôn giả A-na-luật-đà thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, quả thật như vậy, chúng con vui thích sống phạm hạnh ở trong Chánh Pháp Luật này.

Đức Thế Tôn lại hỏi:

“Này A-na-luật-đà, các ngươi lúc còn nhỏ, là những đồng tử ấu thơ, trong trắng, tóc đen, thân thể thạnh trắng, vui thích trong du hý, vui thích trong tắm gội, săn sóc nâng niu thân thể. Về sau, bà con thân thích và cha mẹ đều cùng lưu luyến, thương yêu, khóc lóc thảm thiết, không muốn cho các ngươi xuất gia học đạo. Các ngươi đã quyết chí cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, không phải vì sợ giặc cướp, không phải vì sợ nợ nần, không phải vì sợ khủng bố, không phải vì sợ bần cùng, cũng không phải vì sợ không sống được mà phải xuất gia học đạo, mà chỉ vì nhờm tởm sự sanh, sự già, bệnh tật, sự chết, khóc lóc, sầu khổ, hoặc vì muốn đoạn tận khối khổ đau vĩ đại này nên xuất gia học đạo. Này A-na-luật-đà, các ngươi vì những tâm niệm này mà xuất gia học đạo chăng?”

Tôn giả A-na-luật-đà đáp rằng:

“Bạch Thế Tôn, quả thật như vậy”.

Phật liền nói:

“A-na-luật-đà, nếu thiện gia nam tử nào với tâm niệm như thế mà xuất gia học đạo, nhưng có biết do đâu mà chứng đắc vô lượng thiện pháp chăng?”

Tôn giả bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, Thế Tôn là gốc của Pháp, là chủ của Pháp, Pháp do Thế Tôn nói. Mong Thế Tôn giảng giải cho chúng con. Sau khi nghe, chúng con sẽ biết được nghĩa một cách rộng rãi”.

Đức Thế Tôn liền bảo:

“Này A-na-luật-đà, các ngươi hãy lắng nghe, khéo tư duy và ghi nhớ! Ta sẽ phân biệt nghĩa ấy cho các ngươi”.

Các Tôn giả A-na-luật-đà, Tôn giả Nan-đề, Tôn giả Kim-tì-la vâng lời lắng nghe. Đức Thế Tôn bảo:

“A-na-luật-đà, nếu ai bị dục phủ kín, bị ác pháp quấn chặt, không được xả, lạc, vô thượng tịch tĩnh, [93] thì với người ấy tâm sanh ra tham lam, sân hận, thụy miên, tâm sanh không an lạc, thân sanh ra dã dượi, ăn nhiều, tâm ưu sầu. Tỳ-kheo ấy không nhẫn nại được đói khát, nóng lạnh, muỗi mòng, ruồi nhặng, gió nắng bức bách, nghe tiếng thô ác hay bị đánh đập cũng không thể nhẫn nại được. Thân mắc phải các bệnh tật thống khổ đến mức muốn chết và gặp những cảnh ngộ [545a] không vừa lòng đều không thể nhẫn chịu được. Vì sao? Vì bị dục phủ kín, bị ác pháp quấn chặt, không được xả, lạc, vô thượng tịch tịnh. Trái lại, nếu ly dục, không bị ác pháp quấn chặt, chắc chắn sẽ đạt đến xả, lạc, vô thượng tịch tịnh. Tâm vị ấy không sanh ra tham lam, sân nhuế, thụy miên, tâm được an lạc. Thân không sanh ra dã dượi, cũng không ăn nhiều, tâm không sầu não. Tỳ-kheo ấy nhẫn nại được đói khát, lạnh nóng, muỗi mòng, ruồi nhặng, gió nắng bức bách, nghe tiếng thô ác hay bị đánh đập cũng đều nhẫn nại được. Thân dù mắc những chứng bệnh hiểm nghèo rất thống khổ đến mức chết được, hay gặp những cảnh ngộ không thể vừa lòng, đều nhẫn nại được. Vì sao? Vì không bị dục phủ kín, không bị ác pháp quấn chặt, lại đạt đến xả, lạc, vô thượng tịch tịnh.

Đức Thế Tôn hỏi:

“Này A-na-luật-đà, Như Lai vì ý nghĩa gì mà có cái hoặc phải đoạn trừ, hoặc có cái phải thọ dụng, hoặc có cái phải kham nhẫn, hoặc có cái phải đình chỉ, hoặc có cái phải nhả bỏ [94]?”

A-na-luật-đà bạch rằng:

“Thế Tôn là gốc của Pháp, là chủ của Pháp, Pháp do Thế Tôn nói. Mong Thế Tôn giảng giải cho chúng con. Sau khi nghe xong, chúng con sẽ biết được những nghĩa ấy một cách rộng rãi”.

Đức Thế Tôn lại bảo:

“Này A-na-luật-đà, các ngươi hãy lắng nghe, khéo tư duy và ghi nhớ! Ta sẽ phân biệt những thiện lợi ấy cho các ngươi”.

Tôn giả A-na-luật-đà, Tôn giả Nan-đề, Tôn giả Kim-tì-la vâng lời lắng nghe.

Đức Thế Tôn bảo:

“Này A-na-luật-đà, các lậu  cấu uế là gốc của sự hữu trong tương lai, là sự phiền nhiệt, là nhân của khổ báo, của sanh, già, bệnh, chết; Như Lai không phải vì không diệt tận, không phải vì không biến tri mà có cái phải đoạn trừ, có cái phải thọ dụng, có cái phải kham nhẫn, có cái phải đình chỉ, có cái phải nhả bỏ. Này A-na-luật-đà, Như Lai chỉ vì nhân nơi thân này, nhân nơi sáu xứ, nhân nơi thọ mạng mà có cái phải đoạn trừ, có cái phải thọ dụng, có cái phải kham nhẫn, có cái phải đình chỉ, có cái phải nhả bỏ. Này A-na-luật-đà, Như Lai vì những nghĩa này mà có cái phải đoạn trừ, có cái phải thọ dụng, có cái phải kham nhẫn, có cái phải đình chỉ, có cái phải nhả bỏ”.

Đức Thế Tôn hỏi:

“Này A-na-luật-đà, Như Lai vì những ý nghĩa nào mà sống nơi rừng vắng, trong núi sâu, dưới gốc cây, ưa sống nơi vách núi cao, vắng vẻ không tiếng động, viễn ly, không có sự ác, không có bóng người, tùy thuận tĩnh tọa như thế?”

Tôn giả A-na-luật-đà thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, Thế Tôn là gốc của Pháp, Thế Tôn là Chủ của Pháp, Pháp do Thế Tôn nói. Mong Thế Tôn giảng giải cho chúng con. Sau khi nghe xong, chúng con sẽ được những thiện lợi ấy một cách rộng rãi”.

Đức Thế Tôn bảo rằng:

 [545b] “Này A-na-luật-đà, các ngươi hãy lắng nghe và khéo tư duy, ghi nhớ! Ta sẽ phân biệt những thiện lợi ấy cho các ngươi”.

Các Tôn giả vâng lời lắng nghe.

Đức Thế Tôn bảo:

“Này A-na-luật-đà, không phải vì muốn đạt được những gì chưa đạt đến, vì muốn thu hoạch những gì chưa thu hoạch, vì muốn chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ mà Như Lai sống nơi rừng vắng, trong núi sâu, dưới gốc cây, thích ở non cao, vắng bặt tiếng tăm, xa lánh, không sự dữ, không có bóng người, tùy thuận tĩnh tọa. Này A-na-luật-đà, Như Lai chỉ vì hai mục đích sau đây nên mới sống nơi rừng vắng, trong núi sâu, dưới gốc cây, thích ở non cao, vắng bặt tiếng tăm, xa lánh, không sự dữ, không có bóng người, tùy thuận tĩnh tọa. Một là, sống an lạc ngay trong đời hiện tại. Hai là, vì thương xót chúng sanh đời sau. Đời sau hoặc có chúng sanh học theo Như Lai, sống nơi rừng vắng, trong núi sâu, dưới gốc cây, thích ở non cao, vắng bặt tiếng người, tùy thuận tĩnh tọa. Này A-na-luật-đà, vì những mục đích ấy mà Như Lai sống nơi rừng vắng, trong núi sâu, dưới gốc cây, thích ở non cao, vắng bặt tiếng tăm, xa lánh, không sự dữ, không có bóng người, tùy thuận tĩnh tọa”.

Đức Thế Tôn hỏi:

“Này A-na-luật-đà, vì ý nghĩa gì mà khi đệ tử mạng chung Như lai ký thuyết nggờinày sanh chỗ này, người kia sanh chỗ kia?”

Tôn giả A-na-luật-đà thưa:       

“Bạch Thế Tôn, Thế Tôn là gốc của Pháp, Thế Tôn là chủ của Pháp, Pháp do Thế Tôn nói. Mong Thế Tôn giảng giải cho chúng con. Sau khi nghe xong, chúng con sẽ được những thiện lợi ấy một cách rộng rãi”.

Đức Thế Tôn bảo rằng:

“Này A-na-luật-đà, các ngươi hãy lắng nghe và khéo tư duy, ghi nhớ! Ta sẽ phân biệt những ý nghĩa ấy cho các ngươi”.

Các Tôn giả vâng lời lắng nghe.

Đức Thế Tôn bảo:

“Này A-na-luật-đà, không phải vì xu hướng của người mà nói, cũng chẳng phải vì lừa gạt người, cũng chẳng phải vì muốn vui lòng người mà khi đệ tử lâm chung, Như Lai ghi nhận vị này sẽ sanh chỗ này, vị kia sanh chỗ kia. Này A-na-luật-đà, chỉ vì những thanh tín thiện nam hay thanh tín thiện nữ với tín tâm nhiệt thành, với ái lạc cao độ, với hỷ duyệt cùng cực, sau khi đã nghe Chánh Pháp Luật, tâm nguyện noi theo theo như vậy, cho nên lúc lâm chung của các đệ tử, Như Lai đã ghi nhận vị này sanh chỗ này, vị kia sanh chỗ kia. Nếu Tỳ-kheo nào nghe Tôn giả ấy lâm chung nơi ấy, được Phật ghi nhận đã đắc cứu cánh trí, biết như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Hoặc nhiều lần trông thấy, hoặc nhiều lần nghe người khác kể lại rằng: ‘Tôn giả ấy có tín tâm như vậy, trì giới như vậy, học rộng như vậy, bố thí như vậy, trí tuệ như vậy’. Tỳ-kheo kia nghe xong nhớ rằng Tôn giả kia có tín tâm như vậy, [545c] trì giới như vậy, học rộng như vậy, trí tuệ như vậy. Sau khi nghe Chánh Pháp Luật này, Tỳ-kheo kia có thể tâm nguyện noi theo như vậy, như vậy. Này A-na-luật-đà, Tỳ-kheo ấy chắn chắc được phần nào sống trong sự an lạc thoải mái [95].

“Này A-na-luật-đà, nếu Tỳ-kheo nào nghe Tôn giả ấy lâm chung ở chỗ ấy, được Phật ghi nhận đã dứt sạch năm hạ phần kiết, sanh vào nơi kia mà nhập Niết-bàn, chứng đắc pháp bất thối, không còn trở lại thế gian này nữa. Hoặc chính mắt trông thấy, hoặc nhiều lần nghe người khác kể lại rằng ‘Tôn giả ấy có tín tâm như vậy, trì giới như vậy, học rộng như vậy, bố thí như vậy, trí tuệ như vậy’. Tỳ-kheo kia nghe xong nhớ rằng Tôn giả kia có tín tâm như vậy, trì giới như vậy, học rộng như vậy, trí tuệ như vậy. Sau khi nghe Pháp Luật chân chánh này, Tỳ-kheo đó tâm nguyện noi theo theo như vậy, như vậy. Này A-na-luật-đà, Tỳ-kheo đó chắc chắn được phần nào sống trong sự an lạc thoải mái.

“Này A-na-luật-đà, lại nữa, Tỳ-kheo nào nghe rằng: ‘Tôn giả ấy lâm chung ở chỗ ấy, được Phật ghi nhận dứt sạch ba kiết sử, đã làm mỏng dâm, nộ, si, chỉ một lần qua lại thiên thượng, nhân gian; sau một lần qua lại thì đoạn tận khổ biên’. Hoặc tận mắt trông thấy, hoặc nhiều lần nghe người khác kể lại rằng: ‘Tôn giả ấy có tín tâm như vậy, trì giới như vậy, học rộng như vậy, bố thí như vậy, trí tuệ như vậy’. Sau khi nghe xong, Tỳ-kheo kia nhớ rằng: ‘Tôn giả kia có tín tâm như vậy, trì giới như vậy, học rộng như vậy, trí tuệ như vậy. Nghe Pháp Luật chân chánh này rồi, Tỳ-kheo đó có thể tâm nguyện noi theo theo như vậy, như vậy...’ Này A-na-luật-đà, Tỳ-kheo đó chắc chắn được phần nào sống trong sự an lạc.

“Lại nữa, này A-na-luật-đà, Tỳ-kheo nào nghe Tôn giả ấy lâm chung ở nơi ấy, được Phật ghi nhận đã dứt sạch ba kiết sử, đắc Tu-đà-hoàn, không còn đọa ác pháp, nhất định sẽ đạt đến chánh gác, nhiều lắm là bảy lần thọ sanh. Sau bảy lần qua lại nhân gian, thiên thượng thì đạt đến tận cùng sự khổ. Hoặc tận mắt trông thấy, hoặc nhiều lần nghe người khác kể lại rằng: ‘Tôn giả ấy có tín tâm như vậy, trì giới như vậy, học rộng như vậy, bố thí như vậy, trí tuệ như vậy’. Sau khi nghe xong, Tỳ-kheo kia nhớ rằng: ‘Tôn giả kia có tín tâm như vậy, trì giới như vậy, học rộng như vậy, bố thí như vậy, trí tuệ như vậy. Sau khi nghe Pháp Luật chân chánh này, Tỳ-kheo đó có thể tâm nguyện noi theo theo như vậy, như vậy’. Này A-na-luật-đà, Tỳ-kheo đó chắc chắn được phần nào sống trong sự an lạc thoải mái.

“Này A-na-luật-đà, nếu Tỳ-kheo-ni nào nghe rằng: [546a] “Tỳ-kheo-ni ấy được Phật ghi nhận đã đắc cứu cánh trí, biết như thật ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Hoặc tận mắt trông thấy Tỳ-kheo-ni ấy, hoặc nhiều lần nghe người khác kể lại rằng: ‘Tỳ-kheo-ni ấy có tín tâm như vậy, có trì giới như vậy, học rộng như vậy, bố thí như vậy, trí tuệ như vậy’. Sau khi nghe xong, nhớ rằng Tỳ-kheo-ni ấy có tín tâm như vậy, trì giới như vậy, học rộng như vậy, bố thí như vậy, trí tuệ như vậy. Sau khi nghe Pháp Luật chân chánh này, Tỳ-kheo-ni đó có thể tâm nguyện noi theo theo như vậy, như vậy. Này A-na-luật-đà, Tỳ-kheo-ni đó chắc chắn được phần nào sống trong sự an lạc thoải mái.

“Lại nữa, này A-na-luật-đà, Tỳ-kheo-ni nào nghe rằng: ‘Tỳ-kheo-ni ấy lâm chung nơi ấy, được Đức Thế Tôn ghi nhận đã dứt sạch năm hạ phần kiết, sanh vào nơi kia mà nhập Niết-bàn, đắc pháp bất thối, không còn trở lại cõi này nữa’. Hoặc tận mắt trông thấy, hoặc nhiều lần nghe người khác nói lại rằng: ‘Tỳ-kheo ấy có tín tâm như vậy, trì giới như vậy học rộng như vậy, bố thí như vậy, trí tuệ như vậy’. Sau khi nghe Pháp Luật chân chánh này, Tỳ-kheo-ni ấy có thể tâm nguyện noi theo theo như vậy, như vậy. Này A-na-luật-đà, như vậy, Tỳ-kheo-ni đó chắc chắn được phần nào sống trong sự an lạc thoải mái.

“Lại nữa, này A-na-luật-đà, Tỳ-kheo-ni nào nghe rằng: ‘Tỳ-kheo-ni ấy lâm chung nơi ấy, được Đức Phật ghi nhận rằng đã dứt sạch ba kiết sử, đã mỏng dâm, nộ, si; chỉ một lần qua lại thiên thượng, nhân gian. Sau khi một lần qua lại ấy thì đạt đến tận cùng sự khổ’. Hoặc tận mắt trông thấy, hoặc nhiều lần nghe người khác kể lại rằng: ‘Tỳ-kheo-ni ấy có tín tâm như vậy, trì giới như vậy học rộng như vậy, bố thí như vậy, trí tuệ như vậy’. Nghe xong, nhớ rằng: Tỳ-kheo-ni ấy có tín tâm như vậy, trì giới như vậy, học rộng như vậy, bố thí như vậy, trí tuệ như vậy. Sau khi nghe Pháp Luật chân chánh này, vị ấy có thể tâm nguyện noi theo theo như vậy, như vậy. Này A-na-luật-đà, như vậy, Tỳ-kheo-ni đó chắc chắn được phần nào sống trong sự an lạc.

“Lại nữa, này A-na-luật-đà, Tỳ-kheo-ni nào nghe rằng ‘Tỳ-kheo-ni ấy lâm chung nơi ấy, được Đức Phật ghi nhận đã dứt sạch ba kiết sử, đắc Tu-đà-hoàn, không đọa vào ác pháp, nhất định đã đạt đến chánh giác, nhiều lắm là bảy lần thọ sanh. Sau bảy lần qua lại thiên thượng, nhân gian thì đạt đến tận cùng sự khổ’. Hoặc tận mắt trông thấy, hoặc nhiều lần nghe người khác kể lại rằng: ‘Tỳ-kheo-ni ấy có tín tâm như vậy, trì giới như vậy, học rộng như vậy, bố thí như vậy, trí tuệ như vậy’. Nghe xong, Tỳ-kheo-ni kia nhớ rằng: Tỳ-kheo-ni ấy có tín tâm như vậy, [546b] trì giới như vậy, học rộng như vậy, bố thí như vậy, trí tuệ như vậy. Sau khi nghe Pháp Luật chân chánh này rồi, Tỳ-kheo-ni kia có thể tâm nguyện noi theo theo như vậy, như vậy. Này A-na-luật-đà, Tỳ-kheo-ni đó chắc chắn có sự sai giáng an lac trụ chỉ.

“Này A-na-luật-đà, nếu vị Ưu-bà-tắc nào nghe vị Ưu-bà-tắc ấy lâm chung ở chỗ ấy, được Phật ghi nhận đã dứt sạch năm hạ phần kiết, sanh vào chỗ kia mà nhập Niết-bàn, đắc pháp bất thối, không còn trở lại thế gian này nữa. Hoặc tận mắt trông thấy, hoặc nhiều lần nghe người khác kể lại rằng: ‘Ưu-bà-tắc ấy có tín tâm như vậy, trì giới như vậy, học rộng như vậy, bố thí như vậy, trí tuệ như vậy’. Nghe xong, vị Ưu-bà-tắc kia nhớ rằng: Vị Ưu-bà-tắc ấy có tín tâm như vậy, trì giới như vậy, học rộng như vậy, bố thí như vậy, trí tuệ như vậy. Sau khi nghe Pháp Luật chân chánh này, vị Ưu-bà-tắc kia có thể tâm nguyện noi theo theo như vậy, như vậy. Này A-na-luật-đà, như vậy vị Ưu-bà-tắc kia chắc chắc được phần nào sống trong sự an lạc.

“Lại nữa, này A-na-luật-đà, Ưu-bà-tắc nào nghe vị Ưu-bà-tắc ấy lâm chung ở chỗ ấy, được Phật ghi nhận dứt sạch ba kiết, đã làm mỏng dâm, nộ, si; chỉ một lần qua lại thiên thượng, nhân gian. Sau một lần qua lại ấy thì đạt đến tận cùng sự khổ. Hoặc tận mắt trông thấy, hoặc nhiều lần nghe người khác kể lại rằng ‘Ưu-bà-tắc ấy có tín tâm như vậy, trì giới như vậy, học rộng như vậy, bố thí như vậy, trí tuệ như vậy’. Nghe xong, Ưu-bà-tắc kia nhớ rằng: Vị Ưu-bà-tắc ấy có tín tâm như vậy, trì giới như vậy, học rộng như vậy, bố thí như vậy, trí tuệ như vậy. Sau khi nghe Pháp Luật chân chánh này, vị Ưu-bà-tắc kia có thể tâm nguyện noi theo theo như vậy, như vậy. Này A-na-luật-đà, vị Ưu-bà-tắc đó chắc chắn được phần nào sống trong sự an lạc.

“Lại nữa, này A-na-luật-đà, Ưu-bà-tắc nào nghe Ưu-bà-tắc kia lâm chung ở chỗ ấy, được Phật ghi nhận đã dứt sạch ba kiết sử, đắc Tu-đà-hoàn, đã đoạn ác pháp, nhất định sẽ đạt đến chánh giác, nhiều lắm là bảy lần thọ sanh nữa. Sau bảy lần qua lại thiên thượng, nhân gian thì đạt đến tận cùng sự khổ. Hoặc tận mắt trông thấy, hoặc nhiều lần nghe người khác kể lại rằng: ‘Ưu-bà-tắc ấy có tín tâm như vậy, trì giới như vậy, học rộng như vậy, bố thí như vậy, trí tuệ như vậy’. Nghe xong, Ưu-bà-tắc kia nhớ lại rằng: Vị Ưu-bà-tắc ấy có tín tâm như vậy, trì giới như vậy, học rộng như vậy, bố thí như vậy, trí tuệ như vậy. Sau khi nghe Pháp Luật chân chánh này, vị Ưu-bà-tắc kia có thể tâm nguyện noi theo theo như vậy, như vậy... Này A-na-luật-đà, vị Ưu-bà-tắc đó chắc chắn được phần nào sống trong sự an lạc.

“Này A-na-luật-đà, nếu Ưu-bà-di nào nghe vị Ưu-bà-di ấy lâm chung nơi ấy, được Phật ghi nhận dứt sạch năm hạ phần kiết, sanh vào nơi kia mà nhập Niết-bàn, đắc pháp bất thối, không còn trở lại thế gian này nữa. Hoặc tận mắt trông thấy, hoặc nhiều lần nghe người khác kể lại rằng: ‘Ưu-bà-di ấy có tín tâm như vậy, trì giới như vậy, học rộng như vậy, bố thí như vậy, trí tuệ như vậy’. Nghe xong, Ưu-bà-di đó nhớ lại rằng: Vị Ưu-bà-di ấy có tín tâm như vậy, trì giới như vậy, học rộng như vậy, bố thí như vậy, trí tuệ như vậy. Sau khi nghe Pháp Luật chân chánh này, vị Ưu-bà-di đó có thể tâm nguyện noi theo theo như vậy, như vậy... Này A-na-luật-đà, vị Ưu-bà-di đó chắc chắn được phần nào sống trong sự an lạc.

“Lại nữa, này A-na-luật-đà, Ưu-bà-di nào nghe Ưu-bà-di đó lâm chung ở nơi ấy, được Phật ghi nhận đã dứt sạch ba phần kiết, làm mỏng dâm, nộ, si; chỉ một lần qua lại thiên thượng, nhân gian. Sau một lần qua lại ấy thì đạt đến tận cùng sự khổ. Hoặc tận mắt trông thấy, hoặc nghe người khác kể lại rằng: ‘Ưu-bà-di ấy có tín tâm như vậy, trì giới như vậy, học rộng như vậy, bố thí như vậy, trí tuệ như vậy’. Nghe xong, Ưu-bà-di kia nhớ rằng: Ưu-bà-di ấy có tín tâm như vậy, trì giới như vậy, học rộng như vậy, bố thí như vậy, trí tuệ như vậy. Sau khi nghe Pháp Luật chân chánh này, Ưu-bà-di đó có thể tâm nguyện noi theo theo như vậy, như vậy... Này A-na-luật-đà, vị Ưu-bà-di đó chắc chắn được phần nào sống trong sự an lạc.

“Lại nữa, này A-na-luật-đà, vị Ưu-bà-di nào nghe vị Ưu-bà-di đó lâm chung ở nơi ấy, được Phật ghi nhận đã dứt sạch ba kiết, chứng Tu-đà-hoàn, không còn đọa vào ác pháp, nhất định sẽ đến chánh giác, nhiều lắm là bảy lần thọ sanh. Sau bảy lần qua lại thiên thượng, nhân gian thì đạt đến tận cùng sự khổ. Hoặc tận mắt trông thấy, hoặc nhiều lần nghe người khác kể lại rằng: ‘Ưu-bà-di ấy có tín tâm như vậy, trì giới như vậy, học rộng như vậy, bố thí như vậy, trí tuệ như vậy’. Nghe xong, Ưu-bà-di ấy nhớ lại rằng: Ưu-bà-di ấy có tín tâm như vậy, trì giới như vậy, học rộng như vậy, bố thí như vậy, trí tuệ như vậy. Sau khi nghe Pháp Luật chân chánh này, Ưu-bà-di ấy có thể tâm nguyện noi theo theo như vậy, như vậy... Này A-na-luật-đà, vị Ưu-bà-di ấy chắc chắn được phần nào sống trong sự an lạc.

“Này A-na-luật-đà, Như Lai vì những thiện lợi ấy nên khi đệ tử lâm chung ghi nhận vị này sẽ sanh vào chỗ này, vị kia sẽ sanh vào chỗ kia”.

Phật thuyết như vậy Tôn giả A-na-luật-đà và các Tỳ-kheo sau khi nghe lời Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành. [96]

78. KINH PHẠM THIÊN THỈNH PHẬT

 [547a11] Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ có một Phạm thiên [97] ở cõi trời Phạm thiên, sanh khởi tà kiến như thế này: “Chỗ này là hằng hữu, chỗ này là thường hữu, chỗ này là trường tồn, chỗ này quan yếu [98], chỗ này pháp không hoại diệt [99], chỗ này là xuất yếu [100], ngoài xuất yếu này không còn xuất yếu nào khác nữa mà có đấng Tối Thắng Lâm, Tối diệu, Tối thượng”.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bằng tha tâm trí, biết rõ tâm niệm của Phạm thiên đang nghĩ, liền như vậy mà nhập định [101]. Với định như vậy, chỉ trong khoảnh khắc ví như người lực sĩ co duỗi cánh tay Ngài biến mất khỏi vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Thắng Lâm Lâm tại nước Xá-vệ, đi lên cõi trời Phạm.

Lúc ấy, Phạm thiên trông thấy Đức Thế Tôn đi đến, liền chào hỏi:

“Kính chào Đại Tiên nhân, chỗ này là thường hữu, chỗ này là hằng hữu, chỗ này là trường tồn, chỗ này là quan yếu, chỗ này là pháp không hoại diệt, chỗ này là xuất yếu, và ngoài xuất yếu này không còn xuất yếu nào hơn nữa mà có bậc Tối Thắng Lâm, Tối diệu, Tối thượng”.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo:

“Này Phạm thiên, cái không thường, ông bảo là thường; cái không hằng, ông bảo là hằng; cái không trường tồn, ông bảo là trường tồn; cái không quan yếu, ông bảo là quan yếu; cái hoại diệt, ông bảo là không hoại diệt; cái không xuất yếu, ông bảo là xuất yếu mà ngoài sự xuất yếu ấy, không còn xuất yếu nào khác nữa để có đấng Tối Thắng Lâm, Tối diệu, Tối thượng. Phạm thiên, ông có cái vô minh ấy! Phạm thiên, ông có cái vô minh ấy!”

Lúc đó, có Ma Ba-tuần [102] ở trong chúng. Ma Ba-tuần nói với Đức Thế Tôn rằng:

“Này Tỳ-kheo, chớ nên trái điều Phạm thiên nói, chớ nên nghịch điều Phạm thiên nói. Tỳ-kheo, nếu ông trái điều Phạm thiên nói’ [457b] nghịch điều Phạm thiên nói thì, Tỳ-kheo, cũng như người gặp vận may mà lại xua đuổi đi. Lời Tỳ-kheo nói ra, lại cũng như vậy. Cho nên, Tỳ-kheo, tôi bảo ông rằng ông chớ trái điều Phạm thiên nói, chớ nên nghịch điều Phạm thiên nói. Này Tỳ-kheo, nếu ông trái lời Phạm thiên, chống đối thuyết của Phạm thiên thì, Tỳ-kheo, cũng như người từ núi cao rơi xuống, tuy dang tay chân quờ quạng hư không nhưng không bám víu được gì. Lời Tỳ-kheo nói ra lại cũng như vậy. Cho nên, Tỳ-kheo, tôi bảo ông rằng ông chớ trái điều Phạm thiên nói, chớ nên nghịch điều Phạm thiên nói. Này Tỳ-kheo, nếu ông trái điều Phạm thiên nói, nghịch điều Phạm thiên nói thì, Tỳ-kheo, cũng như người từ trên cây cao rơi xuống, tuy dang tay chân quờ quạng lá cành nhưng chẳng bám víu được gì. Lời Tỳ-kheo nói ra lại cũng như vậy. Cho nên, này Tỳ-kheo, tôi bảo ông rằng ông chớ nên trái điều Phạm thiên nói, chớ nên nghịch điều Phạm thiên nói. Vì sao? Vì Phạm thiên là đấng Phước hựu, là Hóa công, là đấng Tối tôn, là đấng Năng tác, là đấng Sáng tạo, là Tổ phụ của tất cả chúng sanh đã sanh và sẽ sanh. Tất cả đều do Ngài sanh ra. Những gì Ngài biết là trọn biết, những gì Ngài thấy là trọn thấy [103].

“Đại Tiên nhân, nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào ghét đất, chê bai đất, thì sau khi thân hoại mạng chung, chắc chắn sanh làm thần kỹ nhạc trong chốn hạ tiện nhất. Cũng thế, đối với nước, lửa, gió, quỷ thần [104], Chư Thiên, Sanh chủ, Phạm thiên, nếu ai ghét Phạm thiên, chê bai Phạm thiên, thì sau khi thân hoại mạng chung, chắc chắn sanh làm thần kỹ nhạc trong chốn hạ tiện nhất. Đại Tiên nhân, nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào ưa thích đất, ca ngợi đất thì sau khi thân hoại mạng chung, chắc chắn sanh làm bậc tối Thượng tôn trong cõi trời Phạm thiên. Cũng thế, đối với nước, lửa, gió, quỷ thần, Chư Thiên, Sanh chủ, Phạm thiên, nếu ai ưa thích Phạm thiên, tán thán Phạm thiên, thì sau khi thân hoại mạng chung, chắc chắn sanh làm bậc tối Thượng tôn trong cõi trời Phạm thiên. Đại Tiên nhân, ông há không thấy đại quyến thuộc của Phạm thiên ấy, chẳng hạn như bọn chúng tôi đang ngồi đây chăng?”

Ma Ba-tuần chẳng phải là Phạm thiên, chẳng phải quyến thuộc của Phạm thiên, nhưng lại xưng mình là Phạm thiên. Bấy giờ Đức Thế Tôn nghĩ rằng: “Ma Ba-tuần chẳng phải là Phạm thiên, cũng chẳng phải quyến thuộc của Phạm thiên, lại tự xưng là Phạm thiên. Nếu nói rằng có Ma Ba-tuần thì đây chính là Ma Ba-tuần”.

Biết rõ như vậy, Đức Thế Tôn bảo:

“Này Ma Ba-tuần, ngươi chẳng phải Phạm thiên, cũng chẳng phải quyến thuộc của Phạm thiên, nhưng ngươi tự xưng rằng ‘Ta là Phạm thiên’. Nếu nói rằng [547c] có Ma Ba-tuần, thì chính ngươi là Ma Ba-tuần”.

Lúc ấy, Ma Ba-tuần liền nghĩ: “Thế Tôn đã biết ta! Thiện Thệ đã biết ta!” Biết như thế nên rất đổi ưu sầu, vụt biến mất nơi ấy.

Bấy giờ, Phạm thiên ấy lại ba lần thưa thỉnh Đức Thế Tôn rằng:

“Kính chào Đại Tiên nhân, chỗ này là thường hữu, chỗ này là trường tồn, chỗ này là quan yếu, chỗ này là pháp không hoại diệt, chỗ này là xuất yếu, ngoài xuất yếu này không còn xuất yếu nào hơn nữa mà có đấng Tối Thắng Lâm, Tối diệu, Tối tôn?!

Đức Thế Tôn cũng ba lần bảo Phạm Thiên rằng:

“Này Phạm thiên, cái không thường, ông bảo là thường; cái không hằng, ông bảo là hằng; cái không trường tồn, ông bảo là trường tồn; cái không quan yếu, ông bảo là quan yếu; cái hoại diệt, ông bảo là không hoại diệt; cái không xuất yếu, ông bảo là xuất yếu mà ngoài sự xuất yếu ấy, không còn xuất yếu nào khác nữa để có đấng Tối Thắng Lâm, Tối diệu, Tối thượng. Phạm thiên, ông có cái vô minh ấy! Phạm thiên, ông có cái vô minh ấy!”

Rồi thì, Phạm thiên bạch Thế Tôn rằng:

“Đại Tiên nhân, thuở xưa có Sa-môn, Bà-la-môn thọ mạng rất lâu dài. Đại Tiên nhân, thọ mạng của ông ngắn quá, không bằng một khoảnh khắc ngồi yên của Sa-môn, Bà-la-môn kia. Vì sao? Vì những gì các vị ấy biết là trọn biết, những gì các vị ấy thấy là trọn thấy. Nếu thật có sự xuất yếu, ngoài sự xuất yếu ra không còn xuất yếu nào hơn nữa mà có bậc Tối Thắng Lâm, Tối diệu, Tối thượng thì các vị ấy biết ngay rằng có; và ngoài xuất yếu ấy ra, không còn sự xuất yếu nào hơn nữa mà có bậc Tối Thắng Lâm, Tối diệu, Tối thượng. Nếu thật không có sự xuất yếu, lại không có ngoài xuất yếu nào hơn nữa mà có bậc Tối Thắng Lâm, Tối diệu, Tối thượng thì các vị ấy biết ngay là không có. Đại Tiên nhân, đối với chỗ xuất yếu ông nghĩ là không xuất yếu. Trái lại, đối với chỗ không phải là xuất yếu, ông nghĩ là xuất yếu. Như vậy, ông không đạt được chỗ xuất yếu và trở thành kẻ đại si. Vì sao? Vì sẽ không bao giờ có cảnh giới ấy cho ông.

“Đại Tiên nhân, nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào ưa thích đất, ca ngợi đất, thì vị ấy tùy theo sự tự tại của ta, làm theo ý ta muốn, vâng theo mệnh lệnh ta sai. Cũng thế, đối với nước, lửa, gió, quỷ thần, Chư Thiên, Sanh chủ, Phạm thiên; nếu ai ưa thích Phạm thiên, ca ngợi Phạm thiên thì vị ấy tùy theo sự tự tại của ta, làm theo ý muốn của ta, vâng theo mệnh lệnh ta sai. Đại Tiên nhân, nếu ông ưa thích đất, ca ngợi đất, thì ông cũng tùy theo sự tự tại của ta, làm theo ý ta muốn, vâng theo mệnh lệnh ta sai. Cũng thế, với nước, lửa, gió, quỷ thần, Chư Thiên, Sanh chủ, Phạm thiên; nếu ông ưa thích Phạm thiên, ca ngợi Phạm thiên thì ông cũng tùy theo sự tự tại của ta, làm theo ý ta muốn, vâng theo mệnh lệnh ta sai”.

Bấy giờ Đức Thế Tôn nói rằng:

“Phạm thiên, điều Phạm thiên nói sự thật. Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào ưa thích đất, ca ngợi đất, vị ấy tùy theo sự tự tại của ông, làm theo [548a] ý ông muốn, vâng theo mệnh lệnh ông sai. Cũng vậy, đối với nước, lửa, gió, quỷ thần, Chư Thiên, Sanh chủ, Phạm thiên; nếu ai ưa thích Phạm thiên, ca ngợi Phạm thiên thì vị ấy tùy theo sự tự tại của ông, làm theo ý ông muốn, vâng theo mệnh lệnh của ông sai. Và này Phạm thiên, nếu Ta ưa thích đất, ca ngợi đất thì Ta cũng tùy theo sự tự tại của ông, làm theo ý ông muốn và vâng theo mệnh lệnh của ông sai. Cũng thế, đối với nước, lửa, gió, quỷ thần, Chư Thiên, Sanh chủ, Phạm thiên; nếu Ta ưa thích Phạm thiên, ca ngợi Phạm thiên thì Ta cũng tùy theo sự tự tại của ông, làm theo ý ông muốn, vâng theo mệnh lệnh ông sai.

“Nhưng này Phạm thiên, nếu tám sự kiện này [105], Ta tùy theo mỗi sự mà ưa thích, mà ca ngợi, thì những điều ấy cũng vẫn như thế. Này Phạm thiên, Ta biết rõ ông từ đâu đến và sẽ đi đâu, tùy nơi ông đang sống, tùy chỗ ông mất, và tùy chốn ông tái sanh. Nếu có Phạm thiên thì Phạm thiên ấy có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần”.

Nghe vậy, Phạm thiên bạch Thế Tôn rằng:

“Đại Tiên nhân, làm thế nào ông biết được điều ta biết, thấy được điều ta thấy? Làm sao ông biết rõ ta như mặt trời, tự tại soi sáng khắp nơi, bao trùm cả một ngàn thế giới? Ông có tự tại không, trong một ngàn thế giới ấy? Ông có biết nơi này và nơi kia, nơi nào không có ngày đêm không? Này Đại Tiên nhân, ông có lần nào qua lại các nơi ấy chưa? Hay đã nhiều lần qua lại các nơi ấy rồi?”

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo:

“Này Phạm thiên, như mặt trời tự tại, soi sáng khắp nơi, bao trùm cả một ngàn thế giới. Trong ngàn thế giới ấy, Ta được tự tại và cũng biết này hay nơi kia, không có ngày đêm. Này Phạm thiên, Ta đã từng qua lại những nơi ấy và qua lại rất nhiều lần. Này Phạm thiên, có ba loại trời, đó là Quang thiên, Tịnh quang thiên và Biến tịnh quang thiên [106]. Nếu những gì mà ba loại trời ấy có biết và có thấy, thì Ta cũng có biết và có thấy. Phạm thiên, những gì mà ba loại trời đó không có biết, không có thấy, thì riêng Ta vẫn có biết, có thấy. Này Phạm thiên, nếu những gì mà ba loại trời ấy và quyến thuộc của họ có biết và có thấy thì Ta cũng có biết và có thấy. Những gì mà ba loại trời ấy và quyến thuộc họ không biết, không thấy, thì riêng Ta vẫn có biết, có thấy. Này Phạm thiên, những gì mà ông có biết, có thấy, Ta cũng có biết, có thấy. Những gì mà ông không có biết, có thấy, thì riêng Ta vẫn có biết, có thấy. Này Phạm thiên, nếu những gì mà ông và những quyến thuộc của ông có biết, có thấy, thì Ta cũng có biết, có thấy. Những gì mà ông và quyến thuộc của ông không có biết, có thấy, thì riêng Ta vẫn có biết, có thấy. Này Phạm thiên, ông không thể ngang hàng Ta về tất cả, ông không thể ngang hàng Ta suốt hết. Nhưng đối với ông, Ta là Tối Thắng Lâm, [548b] Tối thượng.

Nghe vậy, Phạm thiên thưa Đức Thế Tôn rằng:

“Này Đại Tiên nhân, do đâu mà nếu những gì ba loại trời ấy có biết và có thấy, thì ông cũng có biết và có thấy; những gì mà ba loại trời đó không có biết, không có thấy, thì riêng ông vẫn có biết, có thấy? Nếu những gì mà ba loại trời ấy và quyến thuộc của họ có biết và có thấy thì ông cũng có biết và có thấy; những gì mà ba loại trời ấy và quyến thuộc họ không biết, không thấy, thì riêng ông vẫn có biết, có thấy? Nếu những gì mà ta có biết, có thấy, ông cũng có biết, có thấy; những gì mà ta không có biết, có thấy, thì riêng ông vẫn có biết, có thấy? Nếu những gì mà ta và những quyến thuộc của ta có biết, có thấy, thì ông cũng có biết, có thấy; những gì mà ta và quyến thuộc của ta không có biết, có thấy, thì riêng ông vẫn có biết, có thấy? Đại Tiên nhân, đó không phải là lời nói khoác chăng? Sau khi hỏi xong, không biết có tăng thêm sự ngu si chăng? Vì sao? Vì nếu biết vô lượng cảnh giới nên có vô lượng biết, vô lượng thấy, vô lượng chủng loại phân biệt. Trái lại, ta thì biết riêng rẽ từng cái. Là đất, ta biết đó là đất. Là nước, lửa, gió, quỷ thần, Chư Thiên, Sanh chủ, Phạm thiên, cũng giống như thế. Là Phạm thiên, ta biết đó là Phạm thiên”.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo rằng:

“Này Phạm thiên, nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào đối với đất mà có tưởng về đất rằng: ‘Đất là ta, đất là sở hữu của ta, ta là sở hữu của đất’, thì khi chấp đất là ta tức không biết rõ đất. Cũng thế, đối với nước, lửa, gió, quỷ thần, Chư Thiên, Sanh chủ, Phạm thiên, Vô phiền thiên, Vô nhiệt và Tịnh [107]; nếu nghĩ rằng: ‘Tịnh là ta, Tịnh là sở hữu của ta, ta là sở hữu của Tịnh’, khi chấp nhận Tịnh là ta rồi, vị ấy không thực biết về Tịnh. Phạm thiên, nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào đối với đất mà biết là đất, ‘Đất không phải là ta, đất không phải là sở hữu của ta, ta không phải là sở hữu của đất,’ do không chấp đất là ta nên vị ấy mới thực biết về đất. Cũng thế, đối với nước, lửa, gió, quỷ thần, Sanh chủ, Chư Thiên, Phạm thiên, Vô phiền, Vô nhiệt, Tịnh mà nghĩ rằng ‘Tịnh chẳng phải là ta, Tịnh chẳng phải là sở hữu của ta, ta chẳng phải là sở hữu của Tịnh,’ do không chấp Tịnh là ta nên vị ấy mới thật sự biết về Tịnh.

Nghe vậy, Phạm thiên thưa với Đức Thế Tôn rằng:

“Chúng sanh này, ai cũng ái trước hữu, ưa thích hữu, than cận hữu hữu. Chỉ có ông đã nhỗ tận gốc rễ hữu. Vì sao? Vì ông là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác”.

Phạm thiên [548c] liền nói bài kệ:

Nơi hữu thấy sợ hãi;            

Không hữu thấy sợ gì?

Cho nên đừng ưa hữu;    

Hữu làm sao chẳng dứt? [108]

“Này Đại Tiên nhân, tôi nay muốn ẩn hình”.

Đức Thế Tôn bảo:

“Này Phạm thiên, nếu ông muốn ẩn mình thì cứ tùy tiện”.

Phạm thiên liền ẩn hình ngay nơi đó. Đức Thế Tôn thấy rõ, liền nói:

“Phạm thiên, ông ở chỗ này. Ông đến chỗ kia. Ông lại ở giữa”.

Phạm thiên vận dụng hết như ý túc, muốn tự ẩn hình mà không thể tự ẩn, nên hiện hình trở lại giữa cõi trời Phạm thiên.

Bấy giờ Đức Thế Tôn mới bảo:

“Này Phạm thiên, Ta cũng muốn ẩn mình”.

Phạm thiên thưa rằng:

“Đại Tiên nhân, nếu muốn ẩn mình, xin cứ tùy tiện”.

Lúc ấy, Đức Phật nghĩ rằng: “Ta hãy như vậy mà hóa hiện như ý túc [109], phóng hào quang cực sáng, chiếu rọi cùng khắp cõi trời Phạm thiên, rồi ẩn hình trong đó, khiến cho Phạm thiên và quyến thuộc của Phạm thiên chỉ nghe tiếng mà không thấy hình Ta”.     

Nghĩ xong, Đức Thế Tôn hiện như ý túc như vậy, phóng hào quang cực sáng, chiếu rọi khắp cõi trời Phạm thiên. Phạm thiên và quyến thuộc chỉ nghe tiếng mà không thấy hình Ngài. Bấy giờ Phạm thiên và quyến thuộc mới nghĩ rằng: “Sa-môn Cù-đàm thật là kỳ diệu, thật là hy hữu, có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần. Vì sao? Vì đã phóng hào quang chiếu sáng, chiếu rọi khắp cả trời Phạm thiên, rồi tự ẩn hình trong đó, khiến cho chúng ta chỉ được nghe tiếng mà không thấy hình”.

“Lúc ấy, Đức Thế Tôn lại nghĩ rằng: “Ta đã giáo hóa Phạm thiên này và quyến thuộc của Phạm thiên. Nay Ta hãy thu hồi như ý túc”.

“Đức Thế Tôn liền thu hồi như ý túc, hiện ra giữa cõi trời Phạm thiên. Khi ấy Ma vương cũng liền xuất hiện trong chúng Phạm thiên. Bấy giờ Ma vương liền bạch Thế Tôn rằng:

“Đại Tiên nhân, ông thật khéo thấy, khéo biết, khéo thông suốt, nhưng ông chớ nên giáo huấn, chớ nên dìu dắt đệ tử, chớ nói pháp cho đệ tử nghe, chớ luyến ái đệ tử. Chớ vì luyến ái đệ tử mà khi thân hoại mạng chung sẽ sanh vào nơi thấp kém, sanh trong loại thần kỹ nhạc. Hãy sống vô vi mà hưởng thụ an ổn khoái lạc trong đời hiện tại. Vì sao? Đại Tiên nhân, vì đó là tự gây phiền nhiệt vô ích. Đại Tiên nhân, xưa có Sa-môn, Bà-la-môn giáo huấn đệ tử, dìu dắt [549a] đệ tử, nói pháp cho đệ tử nghe, luyến ái đệ tử. Vì luyến ái đệ tử nên khi thân hoại mạng chung, vị ấy đã sanh vào những nơi thấp kém, sanh làm thần kỹ nhạc. Đại Tiên nhân, vì thế tôi bảo ông chớ nên giáo huấn đệ tử và dìu dắt đệ tử, cũng đừng nói pháp cho đệ tử nghe, chớ luyến ái đệ tử. Vì luyến ái đệ tử, sau khi thân hoại mạng chung sẽ sanh vào nơi thấp kém, làm thần kỹ nhạc. Hãy sống vô vi mà hưởng thụ khoái lạc trong đời hiện tại. Vì sao? Vì đó là tự gây phiền nhọc vô ích mà thôi”.

Khi ấy, Phật bảo rằng:

“Ma Ba-tuần, ngươi chẳng phải vì mong cầu nghĩa lợi cho Ta, chẳng phải vì mong cầu sự hữu ích, chẳng phải vì mưu cầu an lạc, cũng chẳng phải mưu cầu sự an ổn cho Ta mà nói với Ta rằng: ‘Đừng giáo huấn, dìu dắt đệ tử, đừng nói pháp cho đệ tử nghe, đừng luyến ái đệ tử. Vì sao? Vì luyến ái đệ tử thì sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh vào nơi thấp kém, sanh làm thần kỹ nhạc. Hãy sống mà hưởng thụ khoái lạc ngay trong đời hiện tại. Vì sao vậy? Đại Tiên nhân, vì đó là sự gây phiền nhọc vô ích mà thôi’. Ma Ba-tuần, Ta biết ngươi đang nghĩ rằng ‘Sa-môn Cù-đàm này nói pháp cho đệ tử nghe, sau khi nghe xong, các đệ tử ấy sẽ ra khỏi cảnh giới của ta’. Này Ma Ba-tuần, vì thế cho nên ngươi nói với Ta rằng: ‘Đừng giáo huấn, dìu dắt đệ tử, đừng nói pháp cho đệ tử nghe, cũng đừng luyến ái đệ tử, thì sau khi thân hoại mạng chung sẽ sanh vào cảnh giới thấp kém, sanh làm thần kỹ nhạc. Hãy sống vô vi mà hưởng thụ khoái lạc an ổn ngay trong đời hiện tại. Vì sao vậy? –Này Đại Tiên nhân, vì đó là sự gây phiền nhiệt vô ích mà thôi’.

“Ma Ba-tuần, nếu quả có Sa-môn, Bà-la-môn nào đã giáo huấn đệ tử, dìu dắt đệ tử, nói pháp cho đệ tử nghe và luyến ái đệ tử; vì luyến ái đệ tử nên thân hoại mạng chung đã sanh vào nơi thấp kém, làm thần kỹ nhạc thì Sa-môn, Bà-la-môn ấy chẳng phải là Sa-môn mà tự xưng là Sa-môn, chẳng phải là Bà-la-môn mà tự xưng là Bà-la-môn, chẳng phải A-la-hán mà tự xưng là A-la-hán, chẳng phải Đẳng chánh giác mà tự xưng Đẳng chánh giác.

“Này Ma Ba-tuần, Ta là Sa-môn thực nên mới xưng là Sa-môn, thực là Bà-la-môn nên mới xưng là Bà-la-môn, thực là A-la-hán nên mới xưng là A-la-hán, thực là Đẳng chánh giác nên mới xưng là Đẳng chánh giác. Này Ma Ba-tuần, nếu Ta có nói pháp hay không nói pháp cho đệ tử nghe thì ngươi cũng nên đi đi. Nay Ta tự biết nên nói pháp cho đệ tử nghe hay không nên nói pháp cho đệ tử nghe.

“Đó là sự thỉnh cầu Phạm thiên, sự chống đối của Ma Ba-tuần, sự tùy thuận thuyết pháp của Đức Thế Tôn, cho nên kinh này gọi là “Phạm thiên thỉnh Phật”.

Phật thuyết như vậy. Phạm thiên [549b] và quyến thuộc của Phạm thiên sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

79. KINH HỮU THẮNG THIÊN

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ, Tiên Dư Tài Chủ [110] bảo một người sứ:

“Ngươi hãy đến chỗ Đức Phật, thay ta cúi đầu đảnh lễ dưới chân Đức Thế Tôn và thưa hỏi Ngài: Thánh thể có khang cường, an vui, không bệnh, đi đứng dễ dàng, khí lực bình thường chăng? Hãy nói như vầy: ‘Tiên Dư Tài Chủ cúi lạy dưới chân Phật, thưa hỏi Thế Tôn: Thánh thể có khang cường, an vui, không bệnh, đi đứng dễ dàng, khí lực bình thường chăng?’ Ngươi đã thay ta thăm hỏi Phật rồi, hãy đến chỗ Tôn giả A-na-luật-đà [111], cũng thay mặt ta cúi lạy dưới chân Tôn giả, rồi thăm hỏi rằng: ‘Tiên Dư Tài Chủ cúi lạy dưới chân Tôn giả A-na-luật-đà và thưa hỏi Tôn giả: Thánh thể có khang kiện, an vui, không bệnh, đi đứng dễ dàng, thoải mái, nhẹ nhàng, khí lực bình thường chăng? Tiên Dư Tài Chủ cung thỉnh Tôn giả A-na-luật-đà, tất cả bốn vị, ngày mai cùng đến thọ thực’. Nếu ngài nhận lời, thưa thêm rằng: ‘Bạch Tôn giả, Tiên Dư Tài Chủ nhiều công việc, nhiều bổn phận, làm các việc cho vua, giải quyết việc thần tá [112]. Cúi xin Tôn giả vì lòng thương xót, cùng tất cả bốn vị nữa, ngày mai đến nhà Tiên Dư Tài Chủ’.”

Lúc ấy người sứ nghe lời Tiên Dư Tài Chủ dạy xong, đi đến chỗ Phật, cúi lạy dưới chân Ngài, đứng qua một bên mà bạch rằng:

“Bạch Đức Thế Tôn, Tiên Dư Tài Chủ cúi lạy dưới chân Phật, thăm hỏi Thế Tôn: Thánh thể có khang kiện, an vui, không bệnh, đi đứng thoải mái nhẹ nhàng, khí lực bình thường chăng?”

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo người sứ:

“Mong rằng Tiên Dư Tài Chủ an ổn, khoái lạc. Mong rằng trời, người, A-tu-la, Càn-thát-bà, La-sát và tất cả loài khác an ổn khoái lạc.

Khi ấy, người sứ nghe lời Phật dạy, khéo ghi nhớ, cúi lạy dưới chân Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi lui ra. Đi đến chỗ Tôn giả A-na-luật-đà cúi lạy dưới chân, ngồi qua một bên và bạch rằng:

“Bạch Tôn giả A-na-luật-đà, Tiên Dư Tài Chủ cúi lạy dưới chân ngài, thăm hỏi Tôn giả: [549c] Thánh thể có khang kiện, an vui, không bệnh, đi đứng thoải mái nhẹ nhàng, khí lực bình thường chăng? Tiên Dư Tài Chủ cung thỉnh Tôn giả cùng bốn vị ngày mai cùng đến thọ thực”.

Lúc ấy, cách Tôn giả A-na-luật-đà không xa, Tôn giả Chân Ca-chiên-diên [113] đang ngồi nghỉ. Tôn giả A-na-luật-đà liền nói:

“Hiền giả Chân Ca-chiên-diên, tôi đã nói ngày mai chúng ta đến Xá-vệ để khất thực chính là vậy. Hôm nay Tiên Dư Tài Chủ sai người thỉnh chúng ta bốn người cùng thọ thực ngày mai”.

Tôn giả Chân Ca-chiên-diên lập tức bạch rằng:

“Mong Tôn giả A-na-luật-đà vì người ấy mà nhận lời mời. Ngày mai chúng ta ra khỏi khu rừng này để vào thành Xá-vệ khất thực.”

Tôn giả A-na-luật-đà vì người ấy mà im lặng nhận lời. Lúc đó người sứ biết Tôn giả im lặng nhận lời, liền thưa thêm rằng:

“Tiên Dư Tài Chủ bạch Tôn giả rằng: ‘Tiên Dư Tài Chủ có nhiều công việc, nhiều bổn phận, làm các việc cho vua, giải quyết việc thần tá. Mong Tôn giả vì thương xót, tất cả bốn vị, ngày mai đến sớm nhà Tiên Dư Tài Chủ.’”        

Tôn giả A-na-luật-đà bảo người sứ rằng:

“Ông cứ trở về, tôi tự biết thời”.

Lúc ấy, người sứ liền từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu đảnh lễ, nhiễu ba vòng rồi lui ra.

Đêm tàn, trời sáng, Tôn giả A-na-luật-đà mang y cầm bát và tất cả bốn vị cùng đến nhà Tiên Dư Tài Chủ. Bấy giờ Tiên Dư Tài Chủ với thể nữ vây quanh, đứng ở giữa cửa, chờ Tôn giả A-na-luật-đà.

Tiên Dư Tài Chủ thấy Tôn giả A-na-luật-đà từ xa đi đến. Sau khi thấy, Tiên Dư Tài Chủ chắp tay hướng về Tôn giả A-na-luật-đà tán thán:

“Kính chào Tôn giả A-na-luật-đà, đã lâu rồi ngài không đến đây”.

Với lòng tôn kính, Tiên Dư Tài Chủ dìu Tôn giả A-na-luật-đà vào trong nhà, mời ngồi trên giường tốt đẹp đã bày sẵn. Tôn giả liền ngồi trên giường ấy, Tiên Dư Tài Chủ cúi lạy dưới chân Tôn giả A-na-luật-đà, ngồi qua một bên mà bạch rằng:

“Kính bạch Tôn giả A-na-luật-đà, con có điều muốn hỏi, xin ngài nghe cho”.

Tôn giả bảo:

“Tài Chủ, tùy theo ông hỏi. Nghe rồi tôi sẽ suy nghĩ”.

Tiên Dư Tài Chủ hỏi Tôn giả A-na-luật-đà rằng:

“Có Sa-môn, Bà-la-môn đi đến chỗ con, bảo con: ‘Tài Chủ, [550a] ông nên tu đại tâm giải thoát [114].’ Bạch Tôn giả, lại có Sa-môn, Bà-la-môn đến chỗ con, bảo con: ‘Tài Chủ, ông nên tu vô lượng tâm giải thoát [115].’ Bạch Tôn giả, đại tâm giải thoát và vô lượng tâm giải thoát, hai giải thoát này khác văn khác nghĩa, hay một nghĩa nhưng khác văn?”

Tôn giả A-na-luật-đà bảo:

“Tài Chủ, ông hỏi điều này trước, vậy ông hãy tự trả lời trước, rồi tôi sẽ trả lời sau”.

Tài Chủ thưa:

“Bạch Tôn giả, đại tâm giải thoát và vô lượng tâm giải thoát này đồng nghĩa nhưng khác văn”.

Tiên Dư Tài Chủ không thể trả lời việc này [116].

Tôn giả A-na-luật-đà bảo rằng:

“Tài chủ, hãy lắng nghe. Tôi sẽ nói cho ông nghe về đại tâm giải thoát và vô lượng tâm giải thoát.

“Thế nào là đại tâm giải thoát? Có Sa-môn, Bà-la-môn ở trong rừmg vắng hoặc đến gốc cây, chỗ yên tịnh, y trên một gốc cây, ý cởi mở, đại tâm giải thoát biến mãn, thành tựu an trụ, chỉ với giới hạn bằng chừng đó, tâm giải thoát không vượt hơn chỗ đó [117]. Nếu không y trên một cây, thì hãy y trên hai, hay ba gốc cây, ý cởi mở, đại tâm giải thoát biến mãn, thành tựu an trụ, với giới hạn bằng chừng đó, tâm giải thoát không vượt hơn chỗ đó. Nếu không y trên hai, hay ba gốc cây thì hoặc y trên một khu rừng. Nếu không y trên một khu rừng thì hoặc y trên hai, ba khu rừng. Nếu không y trên hai, ba khu rừng, nên y trên một thôn. Nếu không y trên một thôn thì nên y trên hai, ba thôn. Nếu không y trên hai, ba thôn thì hoặc y trên một nước. Nếu không y trên một nước, thì nên y trên hai, ba nước. Nếu không y trên hai, ba nước thì hoặc y vào đại địa, cho đến đại hải, ý cởi mở, đại tâm giải thoát biến mãn, thành tựu an trú, với giới hạn bằng đó, tâm giải thoát không vượt hơn chỗ đó. Đó là đại tâm giải thoát.

“Tài Chủ, thế nào là vô lượng tâm giải thoát? Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào ở trong rừng vắng, hoặc đến gốc cây, chỗ yên tịnh trống trải, tâm đi đôi với từ, biến mãn một phương, thành tựu và an trú. Như vậy, hai, ba, bốn phương, trên dưới cùng khắp nơi, tâm đi đôi với từ, không kết không oán, không giận không tranh, rất rộng, rất lớn, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian. Cũng như vậy, tâm đi đôi với hỷ, bi, xả, không kết không oán, không giận không tranh, rất rộng, rất lớn, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian. Đó là vô lượng tâm giải thoát”.

Tôn giả hỏi:

“Tài Chủ, đại tâm giải thoát và vô lượng tâm giải thoát, [550b] hai giải thoát này khác nghĩa, khác văn, hay đồng nghĩa đồng văn?”

Tiên Dư Tài Chủ bạch rằng:

“Từ chỗ tôi nghe Tôn giả thì tôi hiểu được nghĩa ấy. Hai giải thoát ấy, nghĩa đã khác nhau mà văn cũng khác”.

Tôn giả A-na-luật-đà bảo rằng:

“Tài Chủ, có ba loài trời: Quang thiên, Tịnh quang thiên và Biến tịnh thiên [118]. Trong đó, Chư Thiên trong cõi Quang thiên sanh tại một chỗ, không nghĩ rằng: ‘Đây là sở hữu của ta, kia là sở hữu của ta’. Nhưng Quang thiên kia tùy chỗ họ đến nơi nào thì liền vui say nơi đó.

“Tài Chủ, ví như con ruồi ở nơi miếng thịt, không nghĩ rằng: ‘Đây là sở hữu của ta, kia là sở hữu của ta’, nhưng con ruồi tùy theo miếng thịt ở đâu mà vui say chỗ đó. Cũng vậy, Chư Thiên cõi Quang thiên không nghĩ rằng: ‘Đây là sở hữu của ta, kia là sở hữu của ta’, nhưng Quang thiên tùy chỗ họ đến nơi nào thì liền vui say trong đó.

“Có thời, Chư Thiên cõi Quang thiên họp lại một chỗ, tuy thân có khác nhau nhưng ánh sáng không khác.         

“Tài Chủ, ví như có người thắp vô số cây đèn, đặt ở trong một cái nhà; các cây đèn kia tuy khác nhau nhưng ánh sáng của các cây đèn thì không khác. Cũng vậy, Chư Thiên cõi Quang thiên họp lại một chỗ, tuy thân có khác nhau, nhưng ánh sáng không khác.

“Có lúc Quang thiên kia đều tự tản mác; lúc họ tự tản mác thì thân của họ đã khác nhau mà ánh sáng cũng khác.

“Tài Chủ, ví như có người từ trong một cái nhà đem ra nhiều cây đèn, phân chia đặt các nơi trong nhà. Những cây đèn đó đã khác mà ánh sáng cũng khác. Cũng vậy, Quang thiên kia có khi tự tản mác; lúc họ tản mác thì thân của họ đã khác mà ánh sáng cũng khác”.

Lúc ấy, Tôn giả Chân Ca-chiên-diên bạch rằng:

“Bạch Tôn giả A-na-luật-đà, các vị Quang thiên sanh ở một chỗ, có thể biết có sự hơn, bằng, vi diệu và không vi diệu chăng?”

Tôn giả A-na-luật-đà đáp rằng:

“Hiền giả Ca-chiên-diên, có thể nói Quang thiên kia sanh ở một chỗ, mà biết có sự hơn, bằng, vi diệu và không vi diệu”.

Tôn giả Chân Ca-chiên-diên lại hỏi:

“Tôn giả A-na-luật-đà, Quang thiên kia sanh tại một chỗ, do nhân gì, duyên gì mà biết được có sự hơn, bằng, vi diệu và không vi diệu?”

Tôn giả A-na-luật-đà đáp:

“Hiền giả Chân Ca-chiên-diên, có Sa-môn, Bà-la-môn ở trong rừng vắng, hoặc đến gốc cây, chỗ an tịnh, trống vắng, y trên một gốc cây, ý cởi mở, suy tưởng về ánh sáng, thành tựu an trụ. Tâm suy tưởng về ánh sáng cực thịnh, với giới hạn bằng chừng đó, tâm giải thoát không vượt hơn chỗ đó. Nếu không y trên một cây, thì hoặc y trên hai, ba cây, cởi mở, suy tưởng về ánh sáng, tâm suy tưởng ánh sáng cực thịnh, với giới hạn bằng chừng đó, [550c] tâm giải thoát không vượt hơn chỗ đó. Này Hiền giả Chân Ca-chiên-diên, hai tâm giải thoát này, giải thoát nào là trên, là hơn, là vi diệu, là tối cao?”

Tôn giả Chân Ca-chiên-diên đáp:

“Tôn giả A-na-luật-đà, nếu có Sa-môn, Bà-la-môn không y trên một cây, mà y trên hai, ba cây, ý cởi mở, suy tưởng về ánh sáng, thành tựu và an trú. Tâm suy tưởng về ánh sáng cực thịnh, với giới hạn bằng chừng đó, tâm giải thoát không vượt hơn chỗ đó. Tôn giả A-na-luật-đà, trong hai loại giải thoát, giải thoát này là trên, là hơn, là vi diệu, là tối cao”.

Tôn giả A-na-luật-đà lại nói:

“Hiền giả Chân Ca-chiên-diên, nếu không y trên hai, ba cây thì hoặc y trên một rừng. Nếu không y trên một rừng thì hoặc y trên hai, ba rừng. Nếu không y trên hai, ba rừng thì hoặc y trên một thôn. Nếu không y trên một thôn, thì hoặc y trên hai, ba thôn. Nếu không y trên hai, ba thôn, thì hoặc y trên một nước. Nếu không y trên một nước thì hoặc y trên hai, ba nước. Nếu không y trên hai, ba nước thì hoặc y trên một đại địa này, cho đến đại hải, ý cởi mở, suy tưởng về ánh sáng. Tâm suy tưởng ánh sáng cực thịnh, với giới hạn bằng chừng đó, tâm giải thoát không vượt hơn chỗ đó. Hiền giả Chân Ca-chiên-diên, trong hai giải thoát đó, giải thoát nào là hơn, là trên, là vi diệu, là tối cao?”

Tôn giả Chân Ca-chiên-diên đáp:

“Tôn giả A-na-luật-đà, nếu có Sa-môn, Bà-la-môn không y trên hai, ba cây thì hoặc y trên một rừng. Nếu không y trên một rừng thì hoặc y trên hai, ba rừng. Nếu không y trên hai, ba rừng thì hoặc y trên một thôn. Nếu không y trên một thôn, thì hoặc y trên hai, ba thôn. Nếu không y trên hai, ba thôn, thì hoặc y trên một nước. Nếu không y trên một nước thì hoặc y trên hai, ba nước. Nếu không y trên hai, ba nước thì hoặc y trên một đại địa này, cho đến đại hải, ý cởi mở, suy tưởng về ánh sáng. Tâm suy tưởng ánh sáng cực thịnh, với giới hạn bằng chừng đó, tâm giải thoát không vượt hơn chỗ đó. Tôn giả A-na-luật-đà, trong hai loại giải thoát, giải thoát này là trên, là hơn, là vi diệu, là tối Thắng Lâm”.

Tôn giả A-na-luật-đà bảo rằng:

“Này Chân Ca-chiên-diên, do nhân ấy, duyên ấy, Quang thiên kia sanh ở một chỗ mà biết có hơn, có bằng, có vi diệu và không vi diệu. Vì sao? Vì do tâm người có hơn, có bằng, nên sự tu có tinh, có thô. Do sự tu có tinh, có thô nên người chứng đắc có hơn, có bằng. Này Hiền giả Chân Ca-chiên-diên, [551a] Đức Thế Tôn cũng nói như vậy, con người có hơn, có bằng nhau”.

Tôn giả Chân Ca-chiên-diên lại hỏi:

“Tôn giả A-na-luật-đà, Tịnh quang thiên kia sanh một chỗ có thể biết có sự hơn, bằng, vi diệu và không vi diệu chăng?”

Tôn giả A-na-luật-đà đáp:

“Này Hiền giả, có thể nói, Tịnh quang thiên kia sanh tại một chỗ mà biết có sự hơn, bằng, vi diệu và không vi diệu”.

Tôn giả Chân Ca-chiên-diên lại hỏi:

“Tôn giả A-na-luật-đà, Tịnh quang thiên kia sanh tại một chỗ, vì nhân gì, duyên gì mà biết có sự hơn, bằng, vi diệu và không vi diệu?”

Tôn giả A-na-luật-đà đáp:

“Này Hiền giả Chân Ca-chiên-diên, có Sa-môn, Bà-la-môn ở trong rừng vắng, hoặc đến dưới gốc cây, chỗ an tịnh không nhàn, ý cởi mở, Tịnh quang thiên biến mãn, thành tựu an trú; vị ấy định này không tu, không tập, không phát triển, không cực kỳ thành tựu. Vị ấy sau đó, khi thân hoại mạng chung, sanh lên Tịnh quang thiên, sanh rồi không được cực kỳ tĩnh chỉ, không được cực kỳ tịch tịnh, cũng không sống trọn tuổi thọ.

“Này Hiền giả Chân Ca-chiên-diên, ví như hoa sen màu xanh, vàng, đỏ, trắng, sanh ra và lớn lên đều ở dưới đáy nước. Khi ấy, rễ, cọng, lá, hoa, tất cả đều bị thấm nước, ngập nước, không gì là không bị thấm nước. Này Hiền giả Chân Ca-chiên-diên, cũng như vậy, có Sa-môn, Bà-la-môn ở chỗ vô sự, hoặc đến dưới gốc cây, nơi an tĩnh không nhàn, ý cởi mở, Tịnh quang thiên biến mãn thành tựu an trụ; vị ấy định này không tu, không tập, không làm rộng lớn, không cực kỳ thành tựu. Vị ấy thân hoại mạng chung, sanh lên Tịnh quang thiên, sanh rồi không cực kỳ tĩnh chỉ, không cực kỳ tịch tịnh, cũng không sống trọn tuổi thọ.

“Này Hiền giả Chân Ca-chiên-diên, lại có Sa-môn, Bà-la-môn, ý cởi mở, Tịnh quang thiên biến mãn, thành tựu an trụ; vị ấy định này nhiều lần tu, nhiều lần tập, nhiều lần làm rộng lớn, cực kỳ thành tựu. Vị ấy thân hoại mạng chung, sanh lên Tịnh quang thiên. Sau khi sanh, được cực kỳ tĩnh chỉ, cực kỳ tịch tịnh, cũng được sống trọn tuổi thọ.

“Này Hiền giả Ca-chiên-diên, ví như hoa sen xanh, vàng, đỏ, trắng sanh dưới nước, lớn dưới nước, vượt lên trên nước, nước không thể thấm ngập được. Hiền giả Ca-chiên-diên, cũng như vậy, nếu lại có Sa-môn, Bà-la-môn ở chỗ vô sự, hoặc đến dưới gốc cây, nơi an tĩnh không nhàn, ý cởi mở, Tịnh quang thiên biến mãn, thành tựu an trụ; vị ấy định này nhiều lần tu, nhiều lần tập, nhiều lần làm rộng lớn, cực kỳ thành tựu. Vị ấy khi thân hoại mạng chung, sanh lên Tịnh quang thiên. Sanh lên rồi, được cực kỳ tĩnh chỉ, cực kỳ tịch tịnh, và cũng được sống trọn tuổi thọ.

 [551b] “Này Hiền giả Ca-chiên-diên, do nhân ấy, duyên ấy, Chư Thiên cõi Tịnh quang thiên, sanh ở một chỗ, biết có sự hơn, bằng, vi diệu và không vi diệu. Vì sao? Bởi do tâm người có hơn, có bằng, nên sự tu có tinh, có thô. Do sự tu có tinh, có thô nên người chứng đắc có hơn, có bằng. Này Hiền giả Ca-chiên-diên, Đức Thế Tôn cũng nói như vậy, con người có hơn, có bằng nhau”.

Tôn giả Chân Ca-chiên-diên lại hỏi:

“Tôn giả A-na-luật-đà, Biến tịnh quang thiên kia, sanh ở một chỗ, biết có sự hơn, bằng, vi diệu và không vi diệu chăng?”

Tôn giả A-na-luật-đà đáp:

“Này Hiền giả Chân Ca-chiên-diên, có thể nói Biến tịnh quang thiên kia sanh ở một chỗ, mà biết có sự hơn, bằng, vi diệu và không vi diệu”.

Tôn giả Chân Ca-chiên-diên lại hỏi:

“Tôn giả A-na-luật-đà, Biến tịnh quang thiên kia, sanh tại một chỗ, do nhân gì, duyên gì mà biết có sự hơn, bằng, vi diệu và không vi diệu?”

Tôn giả A-na-luật-đà đáp:

“Này Hiền giả Chân Ca-chiên-diên, có Sa-môn, Bà-la-môn ở trong rừng vắng, hoặc đến dưới gốc cây, chỗ an tịnh không nhàn, ý cởi mở, Biến tịnh quang thiên biến mãn, thành tựu an trú. Vị ấy không cực kỳ đình chỉ được thụy miên, không chấm dứt trạo hối một cách khéo léo. Sau đó, khi thân hoại mạng chung, sanh lên Biến tịnh quang thiên. Vị ấy sanh rồi, ánh sáng không cực kỳ minh tịnh.

“Này Hiền giả Chân Ca-chiên-diên, ví như đèn cháy là nhờ nơi dầu và tim đèn. Nếu dầu có cặn, tim lại không sạch, do đó ánh sáng của đèn phát ra không sáng tỏ. Này Hiền giả Ca-chiên-diên, cũng vậy, có Sa-môn, Bà-la-môn nào ở trong rừng vắng, hoặc đến dưới gốc cây, chỗ an tĩnh không nhàn, ý cởi mở, Biến tịnh quang thiên biến mãn, thành tựu an trụ. Vị ấy không cực kỳ đình chỉ được thụy miên, không chấm dứt khéo léo trạo hối. Khi thân hoại mạng chung, sanh lên Biến tịnh quang thiên. Vị ấy sanh rồi, ánh sáng không cực kỳ minh tịnh.

“Này Hiền giả Chân Ca-chiên-diên, lại có Sa-môn, Bà-la-môn ở trong rừng vắng, hoặc đến dưới gốc cây, chỗ an tĩnh không nhàn, ý cởi mở, Biến tịnh quang thiên biến mãn, thành tựu an trụ. Vị ấy cực kỳ đình chỉ được thụy miên, chấm dứt khéo léo trạo hối. Khi thân hoại mạng chung sanh lên Biến tịnh quang thiên. Vị ấy sanh rồi, ánh sáng cực kỳ minh tịnh.

“Này Hiền giả Ca-chiên-diên, cũng như vậy, đèn do dầu và do tim. Nếu dầu rất sạch và tim rất sạch, nhờ đó ánh sáng phát ra rất trong sáng. Cũng vậy, nếu có Sa-môn, Bà-la-môn ở chỗ nhàn tịnh, vô sự, đến dưới gốc cây, ý cởi mở, Biến tịnh quang thiên biến mãn, thành tựu [551c] an trụ. Vị ấy cực kỳ đình chỉ được thụy miên, chấm dứt khéo léo được trạo hối. Khi thân hoại mạng chung, sanh lên Biến tịnh quang thiên. Vị ấy sanh rồi, ánh sáng cực kỳ minh tịnh.

“Này Hiền giả Chân Ca-chiên-diên, do nhân ấy, duyên ấy, Chư Thiên cõi Biến tịnh quang thiên sanh ở một chỗ mà biết có hơn, bằng, vi diệu và không vi diệu. Vì sao? Bởi do tâm người có hơn, có bằng nên sự tu có tinh có thô. Do sự tu có tinh, có thô, nên khi người chứng đắc có hơn, có bằng. Này Hiền giả Chân Ca-chiên-diên, Đức Thế Tôn cũng nói như vậy, loài người có hơn, có bằng nhau”.

Bấy giờ Tôn giả Chân Ca-chiên-diên khen Tiên Dư Tài Chủ:

“Lành thay! Lành thay! Tài Chủ, ông đã làm cho chúng tôi được nhiều lợi ích. Vì sao? Vì trước hết ông hỏi Tôn giả A-na-luật-đà về việc cõi trời thù Thắng Lâm [119]. Chúng tôi chưa từng nghe Tôn giả A-na-luật-đà nói về nghĩa như vậy. Tức là, cõi trời kia, có cõi trời kia, cõi trời kia như vậy”.

Lúc ấy, Tôn giả A-na-luật-đà bảo rằng:

“Này Hiền giả Chân Ca-chiên-diên, có nhiều cõi trời kia, mà mặt trời và mặt trăng này có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần như vậy nhưng ánh sáng này không kịp ánh sáng kia. Các vị kia cùng tôi tụ họp, cùng hỏi han, cùng có những điều luận thuyết, có những điều để đối đáp, nhưng tôi không như vầy, rằng: “Cõi trời kia, có cõi trời kia, cõi trời kia như vậy”.

Khi đó Tiên Dư Tài Chủ biết Tôn giả A-na-luật-đà đã nói xong, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, tự tay đi lấy nước rửa, dùng các thức ăn hết sức trong sạch, tốt tươi, đầy dẫy các loại nhai, loại nuốt, tự tay săn sóc thức ăn, rót nước, liền cho ăn uống no đủ.      

Ăn xong, dọn dẹp đồ dùng, rửa nước, rồi Tài Chủ lấy một cái ghế nhỏ, ngồi một bên nghe pháp. Tiên Dư Tài Chủ ngồi xong, Tôn giả A-na-luật-đà thuyết pháp cho Tài chủ nghe, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Dùng vô lượng phương tiện thuyết pháp cho Tài chủ nghe, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ, rồi Tôn giả từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.

Tôn giả A-na-luật-đà thuyết như vậy. Tiên Dư Tài Chủ và các Tỳ-kheo sau khi nghe xong, hoan hỷ phụng hành.

80. KINH CA-HI-NA

Tôi nghe như vầy:        

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ, A-na-luật-đà cũng ở tại nước Xá-vệ, trong núi [552a] Sa-la-la nham [120]. Lúc ấy đêm đã qua, trời sáng, Tôn giả A-na-luật-đà mang y, cầm bát vào thành Xá-vệ khất thực. Tôn giả A-nan cũng vào buổi sáng đắp y mang bát vào thành Xá-vệ khất thực. Tôn giả A-na-luật-đà gặp Tôn giả A-nan cùng đi khất thực. Sau khi gặp, Tôn giả A-na-luật-đà hỏi:

“Này Hiền giả A-nan, nên biết, ba y của tôi đã rách nát hết. Này Hiền giả, nay đây có thể nhờ các Tỳ-kheo may y hộ cho tôi không?” [121]

Tôn giả A-nan im lặng nhận lời Tôn giả A-na-luật-đà, hứa sẽ nhờ.

Rồi Tôn giả A-nan vào Xá-vệ khất thực. Sau khi ăn xong, sau buổi trưa, rửa tay chân, lấy ni-sư-đàn vắt lên vai, tay cầm chìa khóa cửa, Tôn giả đến khắp các phòng gặp các Tỳ-kheo, nói rằng:

“Thưa các Thầy, hôm nay hãy qua núi Sa-la-la nham may hộ y cho Tôn giả A-na-luật-đà”.

Các Tỳ-kheo nghe lời Tôn giả A-nan, thảy đều đến Sa-la-la nham để may y cho Tôn giả A-na-luật-đà.

Lúc ấy, Đức Thế Tôn gặp Tôn giả A-nan tay cầm chìa khóa cửa, đang đến khắp các phòng. Ngài hỏi:

“A-nan, ông có việc gì mà tay cầm chìa khóa cửa, đi đến khắp các phòng vậy?”

Tôn giả A-nan bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, con nay nhờ các Tỳ-kheo may y cho Tôn giả A-na-luật-đà”.

Đức Thế Tôn bảo rằng:

“A-nan, sao ông không thỉnh Như Lai may y cho A-na-luật-đà?”

Tôn giả A-nan liền chắp tay hướng về Đức Thế Tôn bạch rằng:

“Cúi mong Thế Tôn qua núi Sa-la-la nham may y cho Tôn giả A-na-luật-đà”.

Đức Thế Tôn im lặng nhận lời.

Bấy giờ Đức Thế Tôn dẫn Tôn giả A-nan qua núi Sa-la-la nham, ngồi trước mặt chúng Tỳ-kheo. Lúc ấy trong núi Sa-la-la nham có tám trăm Tỳ-kheo và Đức Thế Tôn cũng ngồi chung may y cho Tôn giả A-na-luật-đà.

Lúc đó, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên cũng có trong chúng. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo:

“Đại Mục-kiền-liên, Ta có thể vì A-na-luật-đà trải rộng khuôn khổ tấm y, cắt rọc rồi khâu may lại thành y”. [122]

Lúc đó, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai hữu, chắp tay hướng về Đức Thế Tôn mà bạch rằng:

“Cúi mong Đức Thế Tôn trải rộng khuôn khổ tấm y, các vị Tỳ-kheo sẽ cùng nhau cắt rọc, khâu vá, may chung lại thành y”.

 [552b] Bấy giờ Đức Thế Tôn liền vì Tôn giả A-na-luật-đà trải rộng khuôn khổ tấm y, các vị Tỳ-kheo cùng nhau cắt rọc, khâu vá, may chung lại. Ngay trong ngày hôm ấy may xong ba y [123] cho Tôn giả A-na-luật-đà. Đức Thế Tôn lúc ấy biết ba y của Tôn giả A-na-luật-đà đã may xong, liền bảo rằng:

“A-na-luật-đà, ông hãy nói pháp Ca-hi-na cho các Tỳ-kheo nghe. Ta đang đau lưng muốn nghỉ một lúc”.

Tôn giả A-na-luật-đà bạch rằng:

“Xin vâng, bạch Thế Tôn”.

Khi ấy, Đức Thế Tôn xếp chồng y uất-đa-la-tăng bốn lớp [124] trải lên giường, gấp y Tăng-già-lê làm gối, nằm hông bên phải, hai chân chồng lên nhau, khởi quang minh tưởng, thường tác khởi tư tưởng nơi chánh niệm chánh trí.

Lúc đó Tôn giả A-na-luật-đà bảo các Tỳ-kheo:

“Này Chư Hiền, xưa kia, lúc tôi chưa xuất gia học đạo, nhàm tởm cảnh sanh, già, bệnh, chết, khóc than, áo não, buồn tủi, lo lắng, muốn đoạn trừ cái khối đau khổ lớn lao này.

“Này Chư Hiền, khi đã nhàm tởm, tôi quán sát như vầy: ‘Đời sống tại gia hết sức chật hẹp, đầy bụi bặm. Xuất gia học đạo, rộng rãi bao la. Ta nay sống tại gia bị kềm tỏa trong sự xiềng xích, không được trọn đời tu các phạm hạnh. Ta hãy từ bỏ những tài vật ít, và tài vật nhiều, từ bỏ thân tộc ít và thân tộc nhiều, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo.

“Này Chư Hiền, sau đó tôi từ bỏ những tài vật ít, và tài vật nhiều, từ bỏ thân tộc ít và thân tộc nhiều, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo.

“Này Chư Hiền, khi tôi đã xuất gia học đạo, từ bỏ dòng họ rồi, thọ pháp Tỳ-kheo, tu hành cấm giới, thủ hộ Biệt giải thoát. Tôi lại khéo léo nhiếp phục các oai nghi lễ tiết, thấy tội nhỏ nhặt thường ôm lòng lo sợ, thọ trì thập giới.

“Này Chư Hiền, tôi xa lìa sát hại, đoạn trừ sát hại, vất bỏ dao gậy, có tàm có quý, có tâm từ bi, lợi ích tất cả, ngay đến cả côn trùng nhỏ nhặt. Với việc sát sanh, tôi đã đoạn trừ tâm đó.

“Này Chư Hiền, tôi đã xa lìa sự lấy của không cho, đoạn trừ sự lấy của không cho, chỉ lấy những gì được cho, vui nơi việc lấy vật đã đuộc cho, thường ưa bố thí, hoan hỷ không keo kiết, không mong cầu báo đáp. Với sự lấy của không cho, tâm tôi đã đoạn trừ.

“Này Chư Hiền, tôi đã xa lìa phi phạm hạnh, siêng năng tu phạm hạnh, tinh cần tịnh diệu, thanh tịnh không  cấu uế, lìa dục, đoạn dâm. Với việc phi phạm hạnh, tâm tôi đã đoạn trừ.

“Này Chư Hiền, tôi xa lìa nói láo, nói lời chân thật, thích sự chân thật, an trụ nơi chân thật không di động, hết thảy đều đáng tin, không dối gạt thế gian. Với lời nói dối, tâm tôi đã đoạn trừ.

“Này Chư Hiền, tôi xa lìa lời nói hai lưỡi, đoạn trừ lời nói hai lưỡi, thực hành không nói hai lưỡi, không phá hoại người khác; không nghe lời người này đem nói lại với người kia để phá hoại người này; không nghe lời người kia đem nói lại với người này để phá hoại người kia. Ai chia rẽ thì muốn làm cho hòa hiệp, ai hòa hiệp thì làm cho hoan hỷ; không bè đảng, không ham thích bè đảng, không rêu rao bè đảng. Với lời nói hai lưỡi, tâm tôi đã đoạn trừ.

“Này Chư Hiền, tôi xa lìa lời nói thô ác, đoạn trừ lời nói thô ác. Nếu có lời nói mà ngôn từ thô ác, hung hăng, tiếng dữ trái tai, mọi người không vui, mọi người không mến, khiến cho người khác khổ não, không được an định, tôi đoạn trừ lời nói ấy. Nếu có lời nói mà trong trẻo, hòa thuận, mềm mỏng, xuôi tai, đáng mến, khiến cho người khác an lạc, ngôn từ đầy đủ rõ ràng, không làm người sợ, khiến họ được an tịnh; tôi nói những lời như vậy. Với lời nói thô ác, tâm tôi đã đoạn trừ.

“Này Chư Hiền, tôi xa lìa lời nói phù phiếm, đoạn trừ lời nói phù phiếm, nói lời hợp thời, lời chân thật, đúng pháp, đúng nghĩa, nói lời tịch tĩnh và ưa nói lời tịch tĩnh, hợp theo việc, hợp theo thời, dạy dỗ khéo léo, quở trách khéo léo. Với lời nói phù phiếm, tâm tôi đã đoạn trừ.

“Này Chư Hiền, tôi xa lìa sự buôn bán, đoạn trừ sự buôn bán, vất bỏ dụng cụ đong lường, cái đấu, cái hộc; không nhận lãnh hàng hóa, không buộc trói người, không mong bẻ đấu đong lường, không vì lợi nhỏ mà xâm lấn dối gạt người khác. Với sự buôn bán, tâm tôi đã đoạn trừ.

“Này Chư Hiền, tôi xa lìa việc nhận lãnh quả phụ, đồng nữ, đoạn trừ việc nhận lãnh quả phụ, đồng nữ. Với việc nhận lãnh quả phụ, đồng nữ, tâm tôi đã đoạn trừ.

“Này Chư Hiền, tôi xa lìa việc nhận lãnh tôi tớ, đoạn trừ việc nhận lãnh tôi tớ. Với việc nhận lãnh tôi tớ, tâm tôi đã đoạn trừ.

“Này Chư Hiền, tôi xa lìa việc nhận lãnh voi, ngựa, bò, dê; đoạn trừ việc nhận lãnh voi, ngựa, bò, dê. Với việc nhận lãnh voi, ngựa, trâu, dê, tâm tôi đã đoạn trừ.

“Này Chư Hiền, tôi xa lìa việc nhận lãnh gà, heo, đoạn trừ việc nhận lãnh gà, heo. Đối với việc nhận lãnh gà, heo, tâm tôi đã đoạn trừ.

“Này Chư Hiền, tôi xa lìa việc nhận lãnh ruộng vườn, tiệm quán, đoạn trừ việc nhận lãnh ruộng vườn, tiệm quán. Với việc nhận lãnh ruộng vườn, tiệm quán, tâm tôi đã đoạn trừ.

“Này Chư Hiền, tôi xa lìa việc nhận lãnh lúa, mè, đậu còn sống chưa chín; đoạn trừ việc nhận lãnh lúa, mè, đậu còn sống chưa chín. Với việc nhận lãnh lúa, mè, đậu còn sống chưa chín, tâm tôi đã đoạn trừ.

“Này Chư Hiền, tôi xa lìa rượu, đoạn trừ rượu. Với việc uống rượu, tâm tôi đã đoạn trừ.

“Này Chư Hiền, tôi xa lìa giường lớn, cao rộng; đoạn trừ giường lớn cao rộng. Với việc giường cao lớn rộng, tâm tôi đã đoạn trừ.

“Này Chư Hiền, tôi xa lìa tràng hoa, anh lạc, phấn sáp thơm tho, bôi xoa thân thể; đoạn trừ tràng hoa, anh lạc, phấn sáp thơm tho, bôi xoa thân thể. Với tràng hoa, anh lạc, phấn sáp, bôi xoa, thơm tho thân thể, [553a] tâm tôi đã đoạn trừ.

“Này Chư Hiền, tôi xa lìa ca múa, xướng hát, xem nghe; đoạn trừ ca múa, hát xướng, xem nghe. Với việc ca múa, hát xướng, xem nghe, tâm tôi đã đoạn trừ.

“Này Chư Hiền, tôi xa lìa việc nhận lãnh vàng bạc quý báu, đoạn trừ việc nhận lãnh vàng bạc quý báu. Với việc nhận lãnh vàng bạc quý báu, tâm tôi đã đoạn trừ.

“Này Chư Hiền, tôi xa lìa việc ăn quá giữa trưa, đoạn trừ việc ăn quá giữa trưa; ăn một lần, không ăn đêm, học ăn đúng thời. Với việc ăn quá giữa trưa, tâm tôi đã đoạn trừ.

“Này Chư Hiền, tôi đã thành tựu Thánh giới tụ này, lại học theo hạnh hết sức tri túc, y phục chỉ đủ để che thân, ăn chỉ đủ để nuôi thân, đi đến đâu đều mang theo y bát, đi không luyến nhớ, như chim ưng mang theo đôi cánh bay lượn trên không trung. Này Chư Hiền, tôi cũng vậy, đi đến đâu đều mang theo y bát, không luyến nhớ.

“Này Chư Hiền, tôi đã thành tựu Thánh giới tụ này và hết sức tri túc. Tôi lại học thủ hộ các căn, thường nghĩ đến sự khép kín các căn, mong muốn các căc thông suốt, [125] thủ hộ niệm tâm mà được thành tựu, luôn luôn đề khởi chánh tri. Khi mắt thấy sắc, không chấp thủ sắc tướng, [126] không đắm sắc vị; [127] vì nguyên nhân gì [128] mà khi không thủ hộ căn con mắt, trong tâm sanh tham lam, ưu não, ác bất thiện pháp, tôi hướng đến đó để thủ hộ căn con mắt. Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân, khi ý biết pháp không chấp thủ pháp tướng, không đắm pháp vị; vì nguyên nhân gì [129] mà khi không thủ hộ căn con mắt, trong tâm sanh tham lam, ưu não, ác bất thiện pháp, tôi hướng đến đó để thủ hộ ý căn.

“Này Chư Hiền, tôi đã thành tựu Thánh giới tụ này, hết sức tri túc và thủ hộ các căn. Tôi lại học chánh tri: khi ra, khi vào [130], khéo phân biệt khi nhìn [131]; co duỗi, cúi ngước, nghi dung chững chạc; khéo mang Tăng-già-lê và các y bát; đi, đứng, ngồi, nằm, ngủ, thức, nói năng hay im lặng đều có chánh tri.

“Này Chư Hiền, khi tôi đã thành tựu Thánh giới tụ này và hết sức tri túc, thủ hộ các căn, chánh trí xuất nhập. Tôi lại học hạnh viễn ly, cô độc một mình, ở trong chỗ rừng vắng, hoặc đến dưới gốc cây, nơi an tĩnh trống vắng, núi sâu, hốc đá, đất trống, hoặc ở trong núi rừng, hoặc ở nơi gò trũng.

“Này Chư Hiền, khi tôi đã đến chỗ vô sự, hoặc dưới gốc cây, nơi an tĩnh trống vắng, trải ni-sư-đàn, ngồi kiết già, chánh thân chánh nguyện [132], hướng niệm nội tâm [133], đoạn trừ tâm tham lam, tâm không tranh cãi [134], thấy tài vật và các nhu dụng sinh sống của người khác mà không khởi lòng tham muốn, muốn khiến về mình. Tôi đối với sự tham lam, tâm đã tịnh trừ. Cũng vậy, sân nhuế, [553b] thụy miên, trạo hối, đoạn nghi trừ hoặc, đối với các thiện pháp không có do dự. Tôi đối với sự nghi hoặc, tâm đã tịnh trừ.

“Này Chư Hiền, tôi đã đoạn trừ năm triền cái vốn làm cho tâm  cấu uế, tuệ yếu kém; rồi ly dục, ly ác bất thiện, cho đến chứng đắc Tứ thiền, thành tựu và an trụ.

“Này Chư Hiền, tôi đã được định tâm như vậy, thanh tịnh không  cấu uế, không buồn phiền, nhu nhuyến, khéo an trụ, được tâm bất động, học hướng đến chứng nghiệm như ý túc trí thông.

“Này Chư Hiền, tôi đã được vô lượng như ý túc; đó là, phân một thân thành nhiều, hợp nhiều thân thành một, một thời trụ một, có tri có kiến, không trở ngại bởi vách đá, chẳng khác nào đi giữa hư không, vào đất như vào nước, đi trên nước như đi trên đất, ngồi kiết già mà bay lên không trung như chim bay. Ngay mặt trời này, mặt trăng này có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, như vậy mà tôi sờ bắt được. Thân tôi cao đến Phạm thiên.

“Này Chư Hiền, khi tôi đã được định tâm như vậy, thanh tịnh, không tạp uế, không phiền, nhu nhuyến, khéo an trụ, được tâm bất động, tôi hướng đến chứng nghiệm thiên nhĩ trí thông. Này Chư Hiền, tôi bằng thiên nhĩ mà nghe âm thanh loài người và không phải loài người, gần xa, hay và không hay.

“Này Chư Hiền, khi tôi đã được định tâm như vậy, thanh tịnh không  cấu uế, nhu nhuyến, khéo an trụ, được bất động tâm, tôi học chứng nghiệm tha tâm trí thông. Này Chư Hiền, những gì chúng sanh khác suy nghĩ, hành động; tôi bằng tha tâm trí biết được tâm của họ đúng như thật. Tâm có dục, tôi biết đúng như thật là tâm có dục. Tâm không dục, tôi cũng biết đúng như thật là tâm không dục. Nếu có giận, có nghi, không giận, không nghi, có uế, không uế, định tâm, tán loạn, cao thấp, lớn nhỏ, tu hay không tu, định hay không định, tôi đều biết đúng như thật. Không có tâm giải thoát, tôi biết không có tâm giải thoát. Có tâm giải thoát tôi cũng biết đúng như thật có tâm giải thoát.

“Này Chư Hiền, tôi đã được định tâm như vậy, thanh tịnh không uế, không phiền, nhu nhuyến, khéo an trụ, được tâm bất động, tôi học ức túc mạng trí thông. Này Chư Hiền, hành nghiệp gì, tướng mạo gì, những gì đã trải qua trong vô lượng đời trước đây, tôi đều nhớ lại, từ một đời, hai đời, trăm đời, ngàn đời, thành kiếp, hoại kiếp, vô số thành hoại kiếp. Chúng sanh kia tên gì; nơi kia ttôi đã từng sanh, với tên họ như vậy, danh tự như vậy, sống như vậy, ăn uống như vậy, cảm thọ khổ, lạc như vậy, sống lâu như vậy, tồn tại như vậy, thọ mạng chấm dứt như vậy, chết đây sanh kia, chết kia sanh đây. Tôi sanh chỗ này, họ như vậy, tên như vậy, sống như vậy, ăn uống như vậy, cảm thọ khổ như vậy, lạc như vậy, [553c] sống lâu như vậy, tồn tại như vậy, thọ mạng chấm dưt như vậy.

“Này Chư Hiền, tôi đã được định tâm như vậy, thanh tịnh không uế, không phiền, nhu nhuyến, khéo an trụ, được tâm bất động, tôi hướng đến sanh tử trí thông. Này Chư Hiền, tôi bằng thiên nhãn thanh tịnh, nhìn xa hơn người, thấy chúng sanh này lúc chết lúc sanh, sắc đẹp sắc xấu, vi diệu hoặc không vi diệu, qua lại chỗ thiện, chỗ bất thiện, tùy chỗ tạo nghiệp của chúng sanh này mà thấy họ đúng như thật. Nếu chúng sanh nào thành tựu ác hành nơi thân, ác hành nơi khẩu, ác hành nơi ý, phỉ báng Thánh nhân, tà kiến, thành tựu nghiệp tà kiến, thì chúng sanh ấy, bởi nhân duyên này, khi thân hoại mạng chung chắc chắn đến chỗ ác, sanh vào địa ngục. Nếu chúng sanh nào thành tựu diệu hành nơi thân, diệu hành nơi khẩu và diệu hành nơi ý, không phỉ báng Thánh nhân, chánh kiến, thành tựu nghiệp chánh kiến, thì chúng sanh ấy, bởi nhân duyên này, khi thân hoại mạng chung chắc chắn sanh lên cõi thiện, sanh lên thiên giới.

“Này Chư Hiền, tôi với định tâm như vậy, thanh tịnh, không  cấu uế, không phiền nhiệt, nhu nhuyến, khéo an trụ, chứng đắc tâm bất động, bèn hướng đến sự tác chứng lậu tận trí thông. Tôi liền biết như thật rằng: ‘Đây là Khổ’, ‘Đây là Khổ tập’, ‘Đây là Khổ diệt’, ‘Đây là Khổ diệt đạo’. Cũng biết như thật: ‘Đây là lậu’, ‘Đây là lậu tập’, ‘Đây là lậu diệt’, ‘Đây là lậu diệt đạo’. Tôi đã biết như vậy, thấy như vậy rồi, tâm giải thoát dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu. Giải thoát rồi liền biết là mình đã giải thoát, biết như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.

“Này Chư Hiền, Tỳ-kheo phạm giới, giới bị vỡ, giới bị khuyết, giới bị thủng, giới tạp uế, giới đen, mà muốn nương tựa nơi giới, an lập nơi giới, lấy giới làm thang leo lên tòa nhà vô thượng tuệ, lên lầu gác chánh pháp, nhất định không có điều đó.

“Này Chư Hiền, ví như cách thôn không xa, có nhà lớn, nhà nhỏ, lầu cao, lầu thấp, trong đó có một cái thang; nếu người nào đến cầu xin, muốn leo lên nhà gác đó, nhưng nếu không leo lên nấc thang thứ nhất mà muốn leo lên nấc thang thứ hai thì không thể được. Nếu không leo lên nấc thang thứ hai, thứ ba, thứ tư mà lên đến nhà gác cũng không thể được. Này Chư Hiền, cũng như thế, nếu Tỳ-kheo phạm giới, giới bị vỡ, giới bị khuyết, giới bị thủng, giới tạp uế, giới đen, mà muốn nương tựa nơi giới, an lập nơi giới, lấy giới làm thang leo lên tòa nhà vô thượng tuệ, lầu gác chánh pháp, nhất định không có điều đó.

“Này Chư Hiền, Tỳ-kheo không phạm giới, giới không bị vỡ, giới không bị khuyết, giới không bị thủng, giới không tạp uế, giới không đen, vị ấy [554a] nếu muốn nương tựa nơi giới, an lập nơi giới, lấy giới làm thang leo lên tòa nhà vô thượng tuệ, lầu gác chánh pháp, điều đó chắc chắn có.

“Này Chư Hiền, như cách thôn không xa có ngôi nhà gác, trong đó có một cái thang, hoặc có mười nấc thang hay mười hai nấc thang. Có người cầu xin, muốn được leo lên nhà gác đó, nếu leo lên nấc thứ nhất của thang ấy rồi, muốn leo lên nấc thứ hai thì chắc chắn có thể được. Nếu leo lên nấc thứ hai, rồi muốn leo lên nấc thức ba, thứ tư thì chắc chắn có thể được. Này Chư Hiền, cũng như thế, nếu Tỳ-kheo không phạm giới, giới không bị vỡ, giới không bị khuyết, giới không bị thủng, giới không tạp uế, giới không đen, vị ấy xnếu muốn nương tựa nơi giới, an lập nơi giới, lấy giới làm thang leo lên tòa nhà vô thượng tuệ, lầu gác chánh pháp, chắc chắn có điều đó.

“Này Chư Hiền, tôi nương tựa nơi giới, an lập nơi giới, lấy giới làm thang leo lên tòa nhà vô thượng tuệ, lầu gác chánh pháp, với phương tiện như quán sát ngàn thế giới.

“Này Chư Hiền, như người có mắt đứng trên lầu cao, chỉ với chút it cố gắng có thể nhìn khoảng đất trống phía dưới, thấy ngàn ụ đất. Này Chư Hiền, tôi cũng như vậy, nương tựa nơi giới, an lập nơi giới, lấy giới làm thang leo lên tòa nhà vô thượng tuệ, lầu gác chánh pháp, với chut ít phương tiện mà thấy ngàn thế giới.

“Này Chư Hiền, như con voi lớn của vua, hoặc có bảy báu, hoặc lại giảm tám, [135] lấy lá đa-la mà che đi, như tôi được che phủ với sáu thông này.

“Này Chư Hiền, đối với sự chứng đắc của tôi về như ý túc trí thông, nếu ai có gì nghi ngờ thì cứ hỏi tôi, tôi sẽ trả lời.

“Này Chư Hiền, đối với thiên nhĩ thông của tôi, nếu ai có điều gì nghi ngờ thì cứ hỏi tôi, tôi sẽ trả lời.

“Này Chư Hiền, đối với tha tâm trí thông của tôi, nếu có điều gì nghi ngờ thì cứ hỏi tôi, tôi sẽ trả lời.

“Này Chư Hiền, đối với túc mạng trí thông của tôi, nếu có điều gì nghi ngờ thì cứ hỏi tôi, tôi sẽ trả lời.

“Này Chư Hiền, đối với sanh tử trí thông của tôi, nếu có điều gì nghi ngờ thì cứ hỏi tôi, tôi sẽ trả lời.

“Này Chư Hiền, đối với lậu tận trí thông của tôi, nếu có điều gì nghi ngờ thì cứ hỏi tôi, tôi sẽ trả lời”.

Bấy giờ Tôn giả A-nan bạch rằng:

“Bạch Tôn giả A-na-luật-đà, nay đây đang tập hợp ngồi trong núi Sa-la-la nham gồm có tám trăm Tỳ-kheo và Đức Thế Tôn để may y cho Tôn giả A-na-luật-đà. Nếu đối với Tôn giả A-na-luật-đà ai có điều gì nghi ngờ về sự chứng đắc như ý túc trí thông thì vị ấy cứ hỏi, Tôn giả A-na-luật-đà sẽ trả lời. Nếu đối với [554b] Tôn giả A-na-luật-đà ai có điều gì nghi ngờ về sự chứng đắc thiên nhãn trí thông thì vị ấy cứ hỏi, Tôn giả A-na-luật-đà sẽ trả lời. Nếu đối với Tôn giả A-na-luật-đà ai có điều gì nghi ngờ về tha tâm trí thông thì vị ấy cứ hỏi, Tôn giả A-na-luật-đà sẽ trả lời. Nếu đối với Tôn giả A-na-luật-đà ai có điều gì nghi ngờ về túc mạng trí thông thì vị ấy cứ hỏi, Tôn giả A-na-luật-đà sẽ trả lời. Nếu đối với Sanh tử trí thông, ai có điều gì nghi ngờ thì cứ hỏi, Tôn giả A-na-luật-đà sẽ trả lời. Ai có điều gì nghi ngờ về lậu tận trí thông thì cứ hỏi, Tôn giả A-na-luật-đà sẽ trả lời. Nhưng trong một thời gian dài, chúng tôi đã bằng tâm mình mà biết được tâm của Tôn giả A-na-luật-đà, đúng như Tôn giả A-na-luật-đà nói: Ngài có đại Như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần”.

Khi ấy Đức Thế Tôn chỗ đau đã bớt và được an ổn, Ngài liền trở dậy ngồi kiết già. Sau khi ngồi, Đức Thế Tôn khen Tôn giả A-na-luật-đà:

“Lành thay! Lành thay! A-na-luật-đà, ông đã nói pháp Ca-hi-na cho các Tỳ-kheo nghe. Này A-na-luật-đà, ông lại nói pháp Ca-hi-na cho các Tỳ-kheo nghe. Này A-na-luật-đà, ông thường nói pháp Ca-hi-na cho các Tỳ-kheo nghe”.

Khi ấy Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Này các Tỳ-kheo, các ông hãy vâng thọ pháp Ca-hi-na, đọc tụng, tu tập pháp Ca-hi-na, khéo giữ pháp Ca-hi-na. Vì sao? Vì pháp Ca-hi-na cùng tương ưng với pháp, là căn bản phạm hạnh, đưa đến trí thông suốt, đưa đến giác ngộ, đưa đến Niết-bàn. Thiện gia nam tử cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo thì hãy chí tâm vâng thọ pháp Ca-hi-na. Vì sao? Vì Ta không thấy trong quá khứ các Tỳ-kheo may y như vậy, như A-na-luật-đà Tỳ-kheo. Cũng như trong vị lai và hiện tại các Tỳ-kheo may y như vậy, như Tỳ-kheo A-na-luật-đà. Vì sao? Vì hôm nay tám trăm Tỳ-kheo cùng ngồi nơi núi Sa-la-la nham, và Thế Tôn cũng có trong đó, may y cho Tỳ-kheo A-na-luật-đà. Như vậy, Tỳ-kheo A-na-luật-đà có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần”.

Phật thuyết như vậy. Tôn giả A-na-luật-đà và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành. [136]

81. KINH NIỆM THÂN

 [554c12] Tôi nghe như vầy.

Một thời Đức Phật trú tại nước Ương-kì [137], cùng với đại chúng Tỳ-kheo đi qua A-hòa-na [138], trú xứ của Kiền-ni [139].

Bấy giờ đêm tàn, trời sáng, Đức Thế Tôn đắp y ôm bát vào A-hòa-na để khất thực. Sau buổi ăn trưa, Đức Thế Tôn thu cất y bát, rửa tay chân, vắt ni-sư-đàn lên vai, đi đến một khu rừng. Vào trong rừng đó, Ngài đến dưới một gốc cây, trải ni-sư-đàn và ngồi kiết già.

Lúc bấy giờ một số đông các Tỳ-kheo sau giờ ăn trưa, tụ họp tại giảng đường, cùng thảo luận vấn đề này:

“Này Chư Hiền, Đức Thế Tôn thật kỳ diệu thay, hy hữu thay! Sự tu tập niệm thân [140] được phân biệt, được quảng bá, được hiểu biết tột cùng, được quán sát tột cùng, được tu tập tột cùng, được thủ hộ và đối trị tột cùng, khéo sung mãn, khéo thực hành, ở trong một tâm. Phật tuyên bố niệm thân có đại quả báo, được con mắt, có con mắt thấy đệ nhất nghĩa”.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn từ chỗ tĩnh tọa, bằng thiên nhĩ thanh tịnh, nghe xa hơn người, Ngài biết các Tỳ-kheo sau giờ ăn trưa tụ họp tại giảng đường, cùng bàn luận vấn đề này, “Này Chư Hiền, Đức Thế Tôn thật kỳ diệu thay, hy hữu thay! Sự tu tập niệm thân được phân biệt, được quảng bá, được hiểu biết tột cùng, được quán sát tột cùng, được tu tập tột cùng, được thủ hộ và đối trị tột cùng, khéo sung mãn, khéo thực hành, ở trong một tâm. Phật tuyên bố niệm thân có đại quả báo, được con mắt, có con mắt thấy đệ nhất nghĩa”.

Sau khi Đức Thế Tôn nghe như vậy, vào lúc xế, rời chỗ tĩnh tọa đứng dậy, Ngài đến giảng đường, trải chỗ ngồi trước chúng Tỳ-kheo.

Bấy giờ Đức Thế Tôn hỏi các Tỳ-kheo:

“Các ngươi cùng nhau vừa bàn luận việc gì? Vì việc gì mà tụ tập tại giảng đường?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

 [555a] “Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo chúng con sau giờ ăn trưa, tụ họp tại giảng đường, cùng bàn luận về vấn đề này: ‘Này Chư Hiền, Đức Thế Tôn thật kỳ diệu thay, hy hữu thay! Sự tu tập niệm thân được phân biệt, được quảng bá, được hiểu biết tột cùng, được quán sát tột cùng, được tu tập tột cùng, được thủ hộ và đối trị tột cùng, khéo sung mãn, khéo thực hành, ở trong một tâm. Phật tuyên bố niệm thân có đại quả báo, được con mắt, có con mắt thấy đệ nhất nghĩa’. Bạch Thế Tôn, chúng con vừa cùng nhau bàn luận vấn đề vấn đề như vậy. Vì vấn đề này mà tụ họp tại giảng đường”.

Đức Thế Tôn lại hỏi các Tỳ-kheo:

“Ta đã nói như thế nào về tu tập niệm thân, phân biệt, quảng bá, được đại quả báo?”

Lúc ấy các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, Thế Tôn là gốc của Pháp, là chủ của Pháp, Pháp do Thế Tôn. Kính mong Thế Tôn giảng thuyết. Chúng con sau khi nghe xong sẽ được hiểu biết nghĩa lý rộng rãi”.

Đức Phật nói:

“Các ngươi hãy lắng nghe, hãy khéo suy nghĩ! Ta sẽ phân biệt nghĩa ấy cho các ngươi nghe”.

Các Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy, lắng nghe.

Đức Phật nói [141]:

“Tỳ-kheo tu tập niệm thân như thế nào? Tỳ-kheo khi đi thì biết mình đang đi, đứng thì biết mình đang đứng, ngồi thì biết mình đang ngồi, nằm thì biết mình đang nằm, ngủ thì biết mình đang ngủ. Như vậy, Tỳ-kheo tùy thân hành mà biết đúng như thật như vậy. Tỳ-kheo như thế, sống cô độc, viễn ly, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn, đoạn trừ các tai hoạn của tâm và được định tâm [142]. Khi được định tâm rồi thì biết như thật như vậy [143]. Ấy là Tỳ-kheo tu tập niệm thân.

“Lại nữa, Tỳ-kheo tu tập niệm thân như sau. Tỳ-kheo tỉnh giác [144] khi vào, khi ra, khéo phân biệt khi nhìn, [145] khi co, lúc duỗi, khi cúi, lúc ngước; nghi dung chững chạc, khoác tăng-già-lê ngay ngắn, ôm bát chỉnh tề; đi đứng, ngồi, nằm, ngủ, thức, nói năng, im lặng, đều biết rõ như thực. Như vậy, Tỳ-kheo tùy thân hành mà biết đúng như thật như vậy. Tỳ-kheo như thế, sống cô độc, viễn ly, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn, đoạn trừ các tai hoạn của tâm và được định tâm. Được định tâm rồi thì biết như thật như vậy. Ấy là Tỳ-kheo tu tập niệm thân.

“Lại nữa, Tỳ-kheo tu tập niệm thân như sau. Tỳ-kheo khi phát sanh tâm niệm ác, bất thiện, liền bằng niệm pháp thiện để đối trị, đoạn trừ, tiêu diệt, tĩnh chỉ. Như người thợ mộc hoặc học trò thợ mộc kéo thẳng dây mực, búng thẳng lên thân cây, rồi dùng búa bén mà đẽo cho thẳng. Cũng vậy, Tỳ-kheo khi sanh niệm ác bất thiện, liền niệm pháp thiện để đối trị, đoạn trừ, tiêu diệt, tĩnh chỉ. Như vậy, Tỳ-kheo tùy theo thân hành mà biết như thật như vậy. Tỳ-kheo như thế, sống cô độc, viễn ly, tâm không phóng dật, tu hành [555b] tinh tấn, đoạn trừ các tai hoạn của tâm và được định tâm. Được định tâm rồi thì biết như thật như vậy như vậy. Ấy là Tỳ-kheo tu tập niệm thân.

“Lại nữa, Tỳ-kheo tu tập niệm thân như sau. Tỳ-kheo răng ngậm khít lại, lưỡi ấn lên trên khẩu cái, dùng tâm trị tâm, đối trị, đoạn trừ, tiêu diệt, tĩnh chỉ. Như hai lực sĩ bắt một người yếu mang đi khắp nơi, tự do đánh đập; cũng vậy, Tỳ-kheo răng ngậm khít lại, lưỡi ấn lên khẩu cái, dùng tâm trị tâm, đối trị, đoạn trừ, tiêu diệt, tĩnh chỉ. Như vậy, Tỳ-kheo tùy theo thân hành mà biết như thật như vậy. Tỳ-kheo như thế, sống cô độc, viễn ly, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn, đoạn trừ các tai hoạn của tâm và được định tâm. Được định tâm rồi thì biết như thật như vậy. Ấy là Tỳ-kheo tu tập niệm thân.   

“Lại nữa, Tỳ-kheo tu tập niệm thân như sau. Tỳ-kheo niệm hơi thở vào thì biết niệm hơi thở vào; niệm hơi thở ra thì biết niệm hơi thở ra; thở vào dài thì biết thở vào dài, thở ra dài thì biết thở ra dài; thở vào ngắn thì biết thở vào ngắn, thở ra ngắn thì biết thở ra ngắn. Học toàn thân thở vào, học toàn thân thở ra. Học thở vào thân hành tĩnh chỉ, học thở ra khẩu hành tĩnh chỉ. Như vậy, Tỳ-kheo tùy theo thân hành mà biết như thật như vậy. Tỳ-kheo như thế, sống cô độc, viễn ly, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn, đoạn trừ các tai hoạn của tâm và được định tâm. Được định tâm rồi thì biết như thật như vậy. Ấy là Tỳ-kheo tu tập niệm thân.

“Lại nữa, Tỳ-kheo tu tập niệm thân như sau. Tỳ-kheo có hỷ lạc do ly dục nhuần thấm thân, phổ biến sung mãn. Khắp trong thân thể, hỷ lạc sanh do ly dục, không đâu không có. Như người hầu tắm, bỏ bột tắm [146] đầy chậu, nước hòa thành bọt, nước thấm vào thân, phổ biến sung mãn, không đâu không có. Cũng vậy, Tỳ-kheo có hỷ lạc do ly dục nhuần thấm vào thân, phổ biến sung mãn, khắp trong thân thể hỷ lạc sanh do ly dục không đâu không có. Như vậy, Tỳ-kheo tùy theo thân hành mà biết như thật như vậy. Tỳ-kheo như thế, sống cô độc, viễn ly, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn, đoạn trừ các tai hoạn của tâm và được định tâm. Được định tâm rồi thì biết như thật như vậy. Ấy là Tỳ-kheo tu tập niệm thân.

“Lại nữa, Tỳ-kheo tu tập niệm thân như sau. Tỳ-kheo có hỷ lạc do định sanh nhuần thấm thân, phổ biến sung mãn. Khắp trong thân thể, hỷ lạc do định sanh không đâu không có. Cũng như suối trên núi tràn đầy, tràn ngập nước trong sạch, trong vắt. Nước từ bốn phương [555c] bên ngoài không ngõ nào để chảy vào được. Chính nước ngay từ dưới đáy suối ấy tự phun lên, chảy tràn ra ngoài, thấm ướt cả núi, phổ biến sung mãn, không đâu không có. Cũng vậy, Tỳ-kheo có hỷ lạc do định sanh nhuần thấm thân, phổ biến sung mãn. Khắp trong thân thể, hỷ lạc do định sanh không đâu không có. Như vậy, Tỳ-kheo tùy theo thân hành mà biết như thật như vậy. Tỳ-kheo như thế, sống cô độc, viễn ly, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn, đoạn trừ các tai hoạn của tâm và được định tâm. Được định tâm rồi thì biết như thật như vậy. Ấy là Tỳ-kheo tu tập niệm thân.

“Lại nữa, Tỳ-kheo tu tập niệm thân như sau. Tỳ-kheo có lạc do ly hỷ thấm nhuần thân, phổ biến sung mãn. Khắp trong thân thể, lạc do ly hỷ không đâu không có. Như các thứ sen xanh, hồng, đỏ, trắng sanh ra từ nước, lớn lên trong nước, ở dưới đáy nước, rễ, cọng, hoa, lá đều nhuần thấm nước, phổ biến sung mãn, không đâu không có. Cũng vậy, Tỳ-kheo có lạc do ly hỷ nhuần thấm vào thân, phổ biến sung mãn; khắp trong thân thể, lạc do ly hỷ không đâu không có. Như vậy, Tỳ-kheo tùy theo thân hành mà biết như thật như vậy. Tỳ-kheo như thế, sống cô độc, viễn ly, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn, đoạn trừ các tai hoạn của tâm và được định tâm. Được định tâm rồi thì biết như thật như vậy. Ấy là Tỳ-kheo tu tập niệm thân.

“Lại nữa, Tỳ-kheo tu tập niệm thân như sau. Tỳ-kheo ở trong thân này biến mãn với tâm ý thanh tịnh, tỏ rõ [147], thành tựu an trụ; ở trong thân này với tâm thanh tịnh, không chỗ nào là không biến mãn. Như có một người trùm một cái áo dài bảy hay tám khuỷu tay, từ đầu đến chân, không chỗ nào là không phủ kín; cũng vậy, Tỳ-kheo ở trong thân này, biến mãn với tâm ý thanh tịnh, tỏ rõ, thành tựu an trụ; ở trong thân này với tâm thanh tịnh, không chỗ nào là không biến mãn. Như vậy, Tỳ-kheo tùy theo thân hành mà biết như thật như vậy. Tỳ-kheo như thế, sống cô độc, viễn ly, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn, đoạn trừ các tai hoạn của tâm và được định tâm. Được định tâm rồi thì biết như thật như vậy. Ấy là Tỳ-kheo tu tập niệm thân.

“Lại nữa, Tỳ-kheo tu tập niệm thân như sau. Tỳ-kheo-niệm quang minh tưởng [148], khéo thọ, khéo trì, nhớ rõ điều niệm; như phía trước, phía sau cũng vậy; như phía sau, phía trước cũng vậy [149]; ngày cũng như đêm, đêm cũng như ngày; dưới cũng như trên, trên cũng như dưới. Như vậy, [556a] tâm không điên đảo, tâm không bị ràng buộc, tâm tu quang minh, không khi nào còn bị bóng tối che lấp. Như vậy, Tỳ-kheo tùy theo thân hành mà biết như thật như vậy. Tỳ-kheo như thế, sống cô độc, viễn ly, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn, đoạn trừ các tai hoạn của tâm và được định tâm. Được định tâm rồi thì biết như thật như vậy. Ấy là Tỳ-kheo tu tập niệm thân.

“Lại nữa, Tỳ-kheo tu tập niệm thân như sau. Tỳ-kheo quán sát tướng [150], khéo tiếp thu, khéo ghi nhớ, khéo được hý luận bởi ý. Như người ngồi quán sát kẻ nằm, người nằm quán sát kẻ ngồi. Cũng vậy, Tỳ-kheo quán sát tướng, khéo tiếp thu, khéo ghi nhớ, khéo được hý luận bởi ý. Như vậy, Tỳ-kheo tùy theo thân hành mà biết như thật như vậy. Tỳ-kheo như thế, sống cô độc, viễn ly, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn, đoạn trừ các tai hoạn của tâm và được định tâm. Được định tâm rồi thì biết như thật như vậy. Ấy là Tỳ-kheo tu tập niệm thân.

“Lại nữa, Tỳ-kheo tu tập niệm thân như sau. Tỳ-kheo tùy theo những chỗ trong thân, tùy theo tính chất tốt xấu, từ đầu đến chân, quán thấy thảy đều đầy dẫy bất tịnh. Tức là, trong thân này có tóc, lông, móng, răng, da dày, da non, thịt, gân, xương, tim, thận, gan, phổi, ruột già, ruột non, lá lách, dạ dày, phân [151], não và não căn, nước mắt, mồ hôi, nước mũi, nước miếng, mủ, máu, mỡ, tủy, đờm giải, nước tiểu. Như một cái bồn chứa đủ loại hạt giống, ai có mắt sáng thì thấy rõ ràng, ‘Đây là hạt lúa, gạo; kia là hạt cải, cỏ, rau’. Cũng vậy, Tỳ-kheo tùy theo những chỗ trong thân, tùy theo tính chất tốt xấu, từ đầu đến chân, quán thấy thảy đều đầy dẫy bất tịnh. Tức là, trong thân này có tóc, lông, móng, răng, da dày, da non, thịt, gân, xương, tim, thận, gan, phổi, ruột già, ruột non, lá lách, dạ dày, phân, não và não bộ, nước mắt, mồ hôi, nước mũi, nước miếng, mủ, máu, mỡ, tủy, đờm giải, nước tiểu. Như vậy, Tỳ-kheo tùy theo thân hành mà biết như thật như vậy. Tỳ-kheo như thế, sống cô độc, viễn ly, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn, đoạn trừ các tai hoạn của tâm và được định tâm. Được định tâm rồi thì biết như thật như vậy. Ấy là Tỳ-kheo tu tập niệm thân.

“Lại nữa, Tỳ-kheo tu tập niệm thân như sau. Tỳ-kheo quán các giới trong thân rằng ‘Trong thân này của ta có địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới, không giới, thức giới’. Như gã đồ tể mổ bò, lột hết bộ da, trải lên mặt đất, phân thành sáu đoạn. Cũng vậy, Tỳ-kheo quán các giới trong thân rằng: ‘Trong thân này của ta có địa giới, thủy giới, hỏa [556b] giới, phong giới, không giới, thức giới’. Như vậy, Tỳ-kheo tùy theo thân hành mà biết như thật như vậy. Tỳ-kheo như thế, sống cô độc, viễn ly, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn, đoạn trừ các tai hoạn của tâm và được định tâm. Được định tâm rồi thì biết như thật như vậy. Ấy là Tỳ-kheo tu tập niệm thân.

“Lại nữa, Tỳ-kheo tu tập niệm thân như sau. Tỳ-kheo quán xác chết mới chết, từ một, hai ngày đến sáu, bảy ngày, đang bị quạ, diều bươi mổ, sài lang cấu xé; hoặc đã được hỏa thiêu hay đã được chôn lấp, đang bị rữa nát hư hoại. Quán sát rồi, tự so sánh: ‘Thân ta cũng thế, đều có những trường hợp này, không sao tránh khỏi’. Như vậy, Tỳ-kheo tùy theo thân hành mà biết như thật như vậy. Tỳ-kheo như thế, sống cô độc, viễn ly, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn, đoạn trừ các tai hoạn của tâm và được định tâm. Được định tâm rồi thì biết như thật như vậy. Ấy là Tỳ-kheo tu tập niệm thân.

“Lại nữa, Tỳ-kheo tu tập niệm thân như sau. Tỳ-kheo như đã từng thấy trong nghĩa địa, hài cốt sắc xanh, rửa nát, bị chim thú ăn một nửa, xương cốt nằm rải rác trên mặt đất. Tỳ-kheo thấy rồi, tự so sánh, ‘Thân ta cũng thế, đều có những trường hợp này, không sao tránh khỏi’. Như vậy, Tỳ-kheo tùy theo thân hành mà biết như thật như vậy. Tỳ-kheo như thế, sống cô độc, viễn ly, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn, đoạn trừ các tai hoạn của tâm và được định tâm. Được định tâm rồi thì biết như thật như vậy. Ấy là Tỳ-kheo tu tập niệm thân.

“Lại nữa, Tỳ-kheo tu tập niệm thân như sau. Tỳ-kheo như đã từng thấy ở trong nghĩa địa, thây chết không còn da thịt, máu, mà chỉ còn gân nối liền với xương. Thấy rồi, tự so sánh, ‘Thân ta cũng thế, đều có những trường hợp này, không sao tránh khỏi’. Như vậy, Tỳ-kheo tùy theo thân hành mà biết như thật như vậy. Tỳ-kheo như thế, sống cô độc, viễn ly, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn, đoạn trừ các tai hoạn của tâm và được định tâm. Được định tâm rồi thì biết như thật như vậy. Ấy là Tỳ-kheo tu tập niệm thân.

“Lại nữa, Tỳ-kheo tu tập niệm thân như sau. Tỳ-kheo như đã từng thấy trong nghĩa địa, xương rời từng đốt, tản mác khắp nơi, xương chân, xương đùi, xương đầu gối, xương bắp vế, xương sống, xương vai, xương cổ, xương sọ, mỗi thứ một nơi. Thấy rồi tự so sánh, ‘Thân ta cũng thế, đều có những trường hợp này, không sao tránh khỏi’. Như vậy, Tỳ-kheo tùy theo thân hành mà biết như thật như vậy. Tỳ-kheo như thế, sống cô độc, viễn ly, tâm không phóng dật, [556c] tu hành tinh tấn, đoạn trừ các tai hoạn của tâm và được định tâm. Được định tâm rồi thì biết như thật như vậy. Ấy là Tỳ-kheo tu tập niệm thân.

“Lại nữa, Tỳ-kheo tu tập niệm thân như sau. Tỳ-kheo như đã từng thấy ở trong nghĩa địa, xương trắng như vỏ ốc, xanh như lông chim bồ câu, đỏ như màu máu, mục nát, bể vụn. Thấy rồi tự so sánh, ‘Thân ta cũng thế, đều có những trường hợp này, không sao tránh khỏi’. Như vậy, Tỳ-kheo tùy theo thân hành mà biết như thật như vậy. Tỳ-kheo như thế, sống cô độc, viễn ly, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn, đoạn trừ các tai hoạn của tâm và được định tâm. Được định tâm rồi thì biết như thật như vậy. Ấy là Tỳ-kheo tu tập niệm thân.

“Nếu có vị nào tu tập niệm thân như vậy, quảng bá như vậy, các thiện pháp kia toàn bộ đều ở trong đó, gọi là Đạo phẩm pháp [152]. Vị ấy có tâm ý thanh biến mãn, giống như biển lớn mà các con sông nhỏ kia đều đổ vào. Cũngvậy, tu tập niệm thân như vậy, quảng bá như vậy, các thiện pháp kia toàn bộ đều ở trong đó, gọi là Đạo phẩm pháp.

“Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào không chân chánh an trụ niệm thân, sống với tâm nhỏ hẹp [153], với vị ấy nếu Ma Ba-tuần muốn chi phói thì có thể chi phối được. Vì sao? Vì Sa-môn, Bà-la-môn kia trống không, không có niệm thân. Giống như một cái bình, bên trong trống không, không có nước, đặt ngay ngắn trên mặt đất, nếu có người đem nước đến đổ vào trong bình thì Tỳ-kheo nghĩ sao? Bình ấy như vậy, có đổ nước vào được hay không?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, có thể được. Vì sao? Vì bình trống không, không có nước, đặt ngay ngắn trên mặt đất cho nên có thể đổ nước vào được”.

“Cũng vậy, nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào không chánh lập an trụ niệm thân, sống với tâm nhỏ hẹp, vị ấy nếu Ma Ba-tuần muốn chi phối thì có thể lchi phối được. Vì sao? Vì Sa-môn, Bà-la-môn kia trống không, không có niệm thân.

“Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào chánh lập an trụ niệm thân, sống với tâm vô lượng, vị ấy nếu Ma Ba-tuần muốn chi phối, nhất định không thể được. Vì sao? Vì Sa-môn, Bà-la-môn kia không trống không, có niệm thân. Giống như có một cái bình, bên trong chứa đầy nước, đặt ngay ngắn trên mặt đất, nếu có người đem nước đến đổ vào trong bình, thì Tỳ-kheo nghĩ sao? Bình ấy như vậy có nhận nước nữa không?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, không thể được. Vì sao? Vì bình ấy nước đã đầy rồi, đặt ngay ngắn trên mặt đất, cho nên không nhận nước được nữa”.

“Cũng vậy, nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào chánh lập [557a] an trụ niệm thân, sống với tâm vô lượng, vị ấy nếu Ma Ba-tuần muốn chi phối, nhất định không thể được. Vì sao? Vì Sa-môn, Bà-la-môn kia không trống không, có niệm thân.

“Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào không chánh lập an trụ niệm thân, sống với tâm nhỏ hẹp, vị ấy nếu Ma Ba-tuần muốn chi phối thì có thể chi phối  được. Vì sao? Vì Sa-môn, Bà-la-môn kia trống không, không có niệm thân. Giống như người lực sĩ khiêng hòn đá to, nặng, quăng vào trong vũng bùn, thì Tỳ-kheo, ngươi nghĩ sao, hòn đá có bị lún vào bùn không?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, hòn đá bị lún vào bùn. Vì sao? Vì bùn lầy mà đá nặng, cho nên chắc chắn phải lún vào”.

“Cũng vậy, nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào không chánh lập an trụ niệm thân, sống với tâm nhỏ hẹp, vị ấy nếu Ma Ba-tuần muốn chi phối thì có thể lợi dụng được. Vì sao? Vì Sa-môn, Bà-la-môn kia trống không, không có niệm thân.

“Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào chánh lập an trụ niệm thân, sống với tâm vô lượng, vị ấy nếu Ma Ba-tuần muốn chi phối, nhất định không thể được. Vì sao? Vì Sa-môn, Bà-la-môn kia không trống không, có niệm thân. Giống như người lực sĩ cầm một trái cầu nhẹ bằng lông, ném vào một cánh cửa thẳng đứng, thì Tỳ-kheo, ngươi nghĩ sao, cánh cửa kia có nhận trái cầu chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, không thể nhận. Vì sao? Vì trái cầu thì nhẹ mà cánh cửa đứng thẳng, không thể nhận được”.

“Cũng vậy, nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào chánh lập an trụ niệm thân, tâm vô lượng, vị ấy nếu Ma Ba-tuần muốn chi phối, nhất định không thể được. Vì sao? Vì Sa-môn, Bà-la-môn kia không trống không, có niệm thân.

“Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào không chánh lập an trụ niệm thân, sống với tâm nhỏ hẹp, vị ấy nếu Ma Ba-tuần muốn chi phối thì có thể lợi dụng được. Vì sao? Vì Sa-môn, Bà-la-môn kia trống không, không có niệm thân. Giống như người tìm lửa, lấy củi khô làm mồi, rồi dùng dùi khô mà dùi, thì này Tỳ-kheo, ngươi nghĩ sao, người kia làm như vậy có tìm thấy lửa không?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, người kia tìm thấy lửa. Vì sao? Vì người kia lấy dùi khô mà dùi củi khô, cho nên chắc chắn tìm thấy lửa”.

“Cũng vậy, nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào không chánh lập an trụ niệm thân, tâm nhỏ hẹp, vị ấy nếu Ma Ba-tuần muốn chi phối thì có thể lợi dụng được. Vì sao? Vì Sa-môn, Bà-la-môn kia trống không, không có niệm thân.

“Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào chánh lập an trụ niệm thân, sống với tâm vô lượng, vị ấy nếu Ma Ba-tuần muốn [557b] chi phối, nhất định không thể được. Vì sao? Vì Sa-môn, Bà-la-môn kia không trống không, có niệm thân. Giống như người tìm lửa, lấy củi ướt làm mồi, rồi dùng dùi ướt mà dùi, thì này Tỳ-kheo, ngươi nghĩ sao, người kia làm vậy có tìm thấy lửa không?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, người kia không tìm thấy lửa. Vì sao? Vì người kia lấy cái dùi ướt mà dùi gỗ ướt, cho nên không tìm thấy lửa”.

“Cũng vậy, nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào chánh lập an trụ niệm thân, tâm vô lượng, vị ấy nếu Ma Ba-tuần muốn chi phối, nhất định không thể được. Vì sao? Vì Sa-môn, Bà-la-môn kia không trống không, có niệm thân.

“Tu tập niệm thân như vậy, quảng bá như vậy, nên biết có mười tám công đức [154]. Những gì là mười tám công đức?

“Tỳ-kheo có thể nhẫn nại những sự đói, khát, nóng, lạnh, muỗi mòng, ruồi nhặng, gió nắng bức bách, hay gậy đánh, tiếng dữ cũng có thể nhẫn nại. Thân bị bệnh tật hết sức đau đớn, gần như tuyệt vọng, những điều không xứng ý đều có thể kham nhẫn. Đây là đức tánh thứ nhất khi tu tập niệm thân như vậy, quảng bá như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo kham nhẫn điều không vui thích hoan lạc. Nếu sanh điều không hoan lạc thì tâm nhất định không vướng mắc. Đây là đức tánh thứ hai khi tu tập niệm thân như vậy, quảng bá như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo kham nhẫn sự sợ hãi. Nếu sợ hãi phát sanh thì tâm nhất định không vướng mắc. Đây là đức tánh thứ ba khi tu tập niệïm thân như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo sanh ba ác niệm: dục niệm, nhuế niệm, hại niệm. [155] Nếu ba ác niệm phát sanh, tâm nhất định không dính trước. Đây là đức tánh thứ tư, thứ năm, thứ sáu và thứ bảy [156] khi tu tập niệm thân như vậy, quảng bá như vậy.

“Lại nữa Tỳ-kheo ly dục, ly pháp ác bất thiện, cho đến chứng đắc Tứ thiền, thành tựu an trụ. Đây là đức tánh thứ tám khi tu tập niệm thân như vậy, quảng bá như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo đã diệt tận ba kết sử, chứng quả Tu-đà-hoàn, không còn đọa vào ác pháp, nhất định đến chánh giác, chỉ còn thọ sanh tối đa bảy đời nữa. Sau bảy lần qua lại thiên thượng, nhân gian sẽ chứng đắc khổ biên. Đây là đức tánh thứ chín khi tu tập niệm thân như vậy, quảng bá như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo đã diệt tận ba kết sử, dâm, nộ, si đã mỏng, chỉ còn qua lại một lần thiên thượng nhân gian. Sau một lần qua lại sẽ chứng đoạn tận khổ biên. Đây là đức tánh thứ mười khi tu tập niệm thân như vậy, quảng bá như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo đã diệt tận năm hạ phần kết sử, sanh vào nơi kia rồi nhập Niết-bàn, được pháp bất thối, không trở lại đời này. [557c] Đây là đức tánh thứ mười một khi tu tập niệm thân như vậy, quảng bá như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo nếu có tịch tĩnh giải thoát [157], ly sắc, chứng đắc vô sắc, định như vậy [158], tự thân tác chứng, thành tựu an trụ, rồi bằng trí tuệ và quán sát để vĩnh viễn đoạn trừ các lậu. Đây là đức tánh thứ mười hai, mười ba, mười bốn, mười lăm, mười sáu, mười bảy [159] khi tu tập niệm thân như vậy, quảng bá như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo chứng đắc như ý túc, thiên nhĩ, tha tâm trí, túc mạng trí, sanh tử trí, các lậu đã tận diệt, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Ngay trong đời này mà tự tri, tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ; biết một cách như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã thành, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Đây là đức tánh thứ mười tám khi tu tập niệm thân như vậy, quảng bá như vậy.

“Tu tập niệm thân như vậy, quảng bá như vậy, nên biết, có mười tám công đức này [160].”

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

82. KINH CHI-LY-DI-LÊ

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại thành Vương xá, trong rừng Trúc, vườn Ca-lan-đa.

Bấy giờ một số đông các Tỳ-kheo sau giờ ăn trưa, có ít việc cần làm nên tụ họp ngồi ở giảng đường để giải quyết một vụ tranh chấp [161], tức thảo luận điều này có phải là pháp luật, điều này có phải là lời Phật dạy. Lúc bấy giờ Tỳ-kheo Chất-đa-la Tượng Tử [162] cũng hiện diện trong chúng.  

Trong khi một số đông các Tỳ-kheo đang thảo luận điều này có phải là pháp luật, điều này có phải là lời Phật dạy, thì ngay trong lúc đang bàn luận ấy, Tỳ-kheo Chất-đa-la Tượng Tử không đợi cho các Tỳ-kheo nói pháp xong, mà dành nói nửa chừng, lại không có thái độ cung kính, không quan sát cẩn thận để thưa hỏi các bậc Tỳ-kheo Thượng tôn Trưởng lão.

Bấy giờ, Tôn giả Đại Câu-hi-la [163] cũng đang có mặt trong chúng. Tôn giả nói với Tỳ-kheo Chất-đa-la Tượng Tử rằng:

“Hiền giả nên biết, trong khi một số đông Tỳ-kheo đang thảo luận điều này có phải là pháp luật, điều này có phải là lời Phật dạy, Hiền giả chớ có dành nói nửa chừng. Đợi các Tỳ-kheo nói xong, [558a] nhiên hậu Hiền giả mới nói. Hiền giả hãy có thái độ cung kính và quán sát cẩn thận để thưa hỏi các bậc Tỳ-kheo Thượng tôn Trưởng lão. Chớ đem sự không cung kính, không khéo quán sát để thưa hỏi các ngài”.

Khi đó, bạn bè quen thân của Tỳ-kheo Chất-đa-la Tượng Tử hiện có trong chúng, nói với Tôn giả Đại Câu-hi-la rằng:

“Này Hiền giả Đại Câu-hi-la, ngài chớ nặng lời quở trách Tỳ-kheo Chất-đa-la Tượng Tử. Lý do vì sao? Vì Tỳ-kheo Chất-đa-la Tượng Tử có giới đức, đa văn, trông giống như người giải đãi nhưng không cống cao, ngã mạn. Này Hiền giả Đại Câu-hi-la, bất cứ lúc nào, các Tỳ-kheo làm việc gì, Tỳ-kheo Chất-đa-la Tượng Tử đều có thể giúp đỡ cả”.

Tôn giả Đại Câu-hi-la khi ấy nói với bạn bè quen thuộc của Tỳ-kheo Chất-đa-la Tượng Tử rằng:

“Này Chư Hiền, nếu không biết tâm của kẻ khác thì đừng vội nói là người ấy xứng đáng hay không xứng đáng. Lý do vì sao? Vì hoặc có một người lúc ở trước Đức Thế Tôn và trước các đồng phạm hạnh Thượng tôn Trưởng lão, khả tàm, khả quý, khả ái, khả kính, thì người ấy khéo léo thủ hộ, nhưng sau đó, khi không còn ở trước Đức Thế Tôn và trước các đồng phạm hạnh Thượng tôn Trưởng lão khả tàm, khả quý, khả ái, khả kính, thì người ấy thường cùng với bạch y tụ họp, cười cợt, cống cao, bàn tán ồn ào đủ chuyện. Người ấy thường cùng với bạch y tụ họp, cười cợt, cống cao, bàn tán ồn ào đủ chuyện, rồi tâm sanh tham dục. Tâm sanh tham dục rồi thì thân nhiệt, tâm nhiệt [164]. Thân nhiệt, tâm nhiệt rồi thì xả giới, bỏ đạo.

“Này Chư Hiền, giống như con bò vào trong ruộng lúa của người, người giữ ruộng bắt được, hoặc lấy dây cột lại, hoặc nhốt trong chuồng. Này Chư Hiền, nếu có người nói rằng: ‘Con bò này không vào ruộng lúa của người khác nữa đâu’. Người kia nói như vậy có đúng chăng?”

“Không đúng. Vì sao? Vì nếu con bò bị trói kia, hoặc làm đứt, hoặc làm sút sợi dây trói, hoặc nhảy ra khỏi chuồng, nó cũng lại vào trong ruộng lúa của người khác như trước, chứ không khác gì cả”.

“Này Chư Hiền, hoặc có một người lúc ở trước Đức Thế Tôn và trước các đồng phạm hạnh Thượng tôn Trưởng lão khả tàm, khả quý, khả ái, khả kính thì người ấy khéo léo thủ hộ. Nhưng sau đó, khi không còn ở trước Đức Thế Tôn và trước các đồng phạm hạnh Thượng tôn Trưởng lão khả tàm, khả quý, khả ái, khả kính, thì người ấy thường cùng với bạch y tụ họp, cười cợt, cống cao, bàn tán ồn ào đủ chuyện, rồi thì tâm sanh tham dục, tâm sanh ham muốn, rồi thì [558b] thân nhiệt, tâm nhiệt. Thân nhiệt tâm nhiệt rồi thì xả giới, bỏ đạo. Này Chư Hiền, có một hạng người như vậy.

“Lại nữa, này Chư Hiền, hoặc có một người vừa được Sơ thiền; được Sơ thiền rồi, người ấy liền an trú chứ không mong cầu thêm, không mong được những gì chưa được, không mong thu hoạch những gì chưa thu hoạch, không mong tác chứng những gì chưa tác chứng. Người ấy, sau đó thường cùng với bạch y tụ họp, cười cợt, cống cao, bàn tán ồn ào đủ chuyện. Người ấy thường cùng với bạch y tụ họp, cười cợt, cống cao, bàn tán ồn ào đủ chuyện rồi thì tâm sanh tham dục. Tâm sanh tham dục rồi thì thân nhiệt, tâm nhiệt. Thân nhiệt tâm nhiệt rồi thì xả giới, bỏ đạo.

“Này Chư Hiền, như lúc mưa to, hồ ao trong thôn xóm đều đầy nước. Có người trước khi chưa mưa, thấy trong hồ ao đó có cát, đá, cỏ cây, một vài loại giáp trùng, cá, rùa, ểnh ương và các loài thủy tánh khác, lúc bơi qua, lúc bơi lại, lúc rượt chạy, lúc đứng yên. Nhưng sau khi trời mưa, ao hồ đầy nước, người đó không còn thấy như thế nữa. Chư Hiền, nếu người kia nói như thế này: ‘Trong hồ ao kia nhất định không thể nào thấy lại được cát, đá, cỏ cây, một vài loại giáp trùng, cá, rùa, ểnh ương và các loài thủy tánh khác, lúc bơi qua, lúc bơi lại, lúc rượt chạy, lúc đứng yên’. Người ấy nói như vậy có đúng chăng?”

“Không đúng. Vì sao? Vì hồ ao đầy nước kia, hoặc voi uống, ngựa uống, lạc đà, bò, lừa, heo, nai, trâu uống, hoặc người lấy dùng, gió thổi, mặt trời rọi, thì nước sẽ cạn. Người kia khi nước đầy hồ ao không thấy cát, đá, cỏ cây, một vài loại giáp trùng, cá, rùa, ểnh ương và các loài thủy tánh khác, lúc bơi qua, lúc bơi lại, lúc rượt chạy, lúc đứng yên, nhưng sau khi nước đã cạn rồi thì vẫn thấy như cũ”.

“Cũng vậy, này Chư Hiền, hoặc có một người vừa được Sơ thiền; được Sơ thiền rồi, người ấy liền an trụ chứ không mong cầu thêm, không mong được những gì chưa được, thu hoạch những gì chưa thu hoạch, tác chứng những gì chưa tác chứng. Sau đó người ấy thường cùng với bạch y tụ họp, cười cợt, cống cao, bàn tán ồn ào đủ chuyện. Người ấy thường cùng với bạch y tụ họp, cười cợt, cống cao, bàn tán ồn ào đủ chuyện rồi thì tâm sanh tham dục. Tâm sanh tham dục rồi thì thân nhiệt, tâm nhiệt. Thân nhiệt, tâm nhiệt rồi thì xả giới, bỏ đạo. Này Chư Hiền, có một hạng người như vậy.

 “Lại nữa, này Chư Hiền, hoặc có một người được Nhị thiền; được Nhị thiền rồi, người ấy liền an trụ chứ không mong cầu thêm, không mong được những gì chưa được, thu hoạch những gì chưa thu hoạch, tác chứng những gì chưa tác chứng. Sau đó người ấy thường cùng với bạch y tụ họp, cười cợt, cống cao, bàn tán ồn ào đủ chuyện, rồi thì sanh tâm tham dục. [558c] Tâm sanh tham dục rồi thì thân nhiệt, tâm nhiệt. Thân nhiệt, tâm nhiệt rồi liền xả giới bỏ đạo.

“Này Chư Hiền, như lúc mưa to, đất bụi ở nơi ngã tư đường đều thành bùn. Này Chư Hiền, nếu có người nói như thế này: ‘Bùn ở nơi ngã tư đường này nhất định không khô ráo, không thể trở lại thành bụi đất được nữa’. Người ấy nói như vậy có đúng chăng?”

“Không đúng. Vì sao? Vì ngã tư đường này hoặc voi đi, ngựa đi, lạc đà, bò, lừa, heo, nai, trâu và người đi, gió thổi, mặt trời rọi, thì con đường kia bùn sẽ khô và khô rồi sẽ trở thành đất bụi trở lại”.

“Cũng như vậy, này Chư Hiền, hoặc có người được Nhị thiền; được đêï Nhị thiền rồi, người ấy liền an trụ không mong cầu thêm, không mong được những gì chưa được, thu hoạch những gì chưa thu hoạch, tác chứng những gì chưa tác chứng. Sau đó người ấy thường cùng với bạch y tụ họp, cười cợt, cống cao, bàn tán ồn ào đủ chuyện. Người ấy thường cùng với bạch y tụ họp, cười cợt, cống cao, bàn tán ồn ào đủ chuyện rồi thì tâm sanh tham dục. Tâm sanh tham dục rồi thì thân nhiệt, tâm nhiệt. Thân nhiệt, tâm nhiệt rồi thì xả giới, bỏ đạo. Này Chư Hiền, có một hạng người như vậy.

“Này Chư Hiền, lại nữa, hoặc có một người được Tam thiền; được Tam thiền rồi, người ấy liền an trụ chứ không mong cầu thêm, không mong được những gì chưa được, thu hoạch những gì chưa thu hoạch, tác chứng những gì chưa tác chứng. Sau đó người ấy thường cùng với bạch y tụ họp, cười cợt, cống cao, bàn tán ồn ào đủ chuyện. Người ấy thường cùng với bạch y tụ họp, cười cợt, cống cao, bàn tán ồn ào đủ chuyện rồi thì tâm sanh tham dục. Tâm sanh tham dục rồi thì thân nhiệt, tâm nhiệt. Thân nhiệt, tâm nhiệt rồi thì xả giới, bỏ đạo.

“Này Chư Hiền, như nước suối, nước hồ lặng trong, ngang bờ đứng yên, không xao động và cũng không có sóng. Này Chư Hiền, nếu có người nói như thế này: ‘Nước suối, nước hồ kia nhất định không bao giờ xao động và nổi sóng nữa’. Người ấy nói như vậy có đúng chăng?”

“Không đúng. Vì sao? Vì hoặc ở phương Đông gió lớn chợt thổi đến làm cho nước trong hồ xao động nổi sóng. Cũng vậy, phương Nam, phương Tây, phương Bắc, gió lớn chợt thổi đến làm cho nước trong hồ xao động nổi sóng”.

“Cũng như vậy, này Chư Hiền, hoặc có một người được Tam thiền; được Tam thiền rồi, người ấy liền an trụ chứ không mong cầu thêm, không mong được những gì chưa được, thu hoạch những gì chưa thu hoạch, tác chứng những gì chưa tác chứng. Sau đó người ấy thường cùng với bạch y tụ họp, cười cợt, [559a] cống cao, bàn tán ồn ào đủ chuyện. Người ấy thường cùng với bạch y tụ họp, cười cợt, cống cao, bàn tán ồn ào đủ chuyện rồi thì tâm sanh tham dục. Tâm sanh tham dục rồi thì thân nhiệt, tâm nhiệt. Thân nhiệt, tâm nhiệt rồi thì xả giới, bỏ đạo. Này Chư Hiền, một hạng người như vậy.

“Lại nữa, này Chư Hiền, hoặc có một người được Tứ thiền; được Tứ thiền rồi, người ấy liền an trụ chứ không mong cầu thêm, không mong được những gì chưa được, thu hoạch những gì chưa thu hoạch, tác chứng những gì chưa tác chứng. Sau đó người ấy thường cùng với bạch y tụ họp, cười cợt, cống cao, bàn tán ồn ào đủ chuyện. Người ấy thường cùng với bạch y tụ họp, cười cợt, cống cao, bàn tán ồn ào đủ chuyện rồi thì tâm sanh tham dục. Tâm sanh tham dục rồi thì thân nhiệt, tâm nhiệt. Thân nhiệt, tâm nhiệt rồi thì xả giới, bỏ đạo.

“Này Chư Hiền, ví như cư sĩ hoặc con cư sĩ ăn đồ ăn vi diệu, sau khi ăn uống no nê đầy bụng rồi thì những món ăn mà họ đã ăn trước kia, bây giờ không còn muốn ăn nữa. Này Chư Hiền, nếu có lời nói như thế này: ‘Cư sĩ hoặc con của cư sĩ nhất định không bao giờ muốn ăn lại nữa’. Người ấy nói như vậy có đúng chăng?” “Không đúng. Vì sao? Vì cư sĩ hoặc con của cư sĩ kia qua một đêm đã thấy đói, thì những gì khi no bụng họ không muốn ăn, bây giờ lại có thể ăn như trước”.

“Cũng vậy, này Chư Hiền, hoặc có một người được Tứ thiền; được Tứ thiền rồi, người ấy liền an trụ chứ không mong cầu thêm, không mong được những gì chưa được, thu hoạch những gì chưa thu hoạch, tác chứng những gì chưa tác chứng. Sau đó người ấy thường cùng với bạch y tụ họp, cười cợt, cống cao, bàn tán ồn ào đủ chuyện. Người ấy thường cùng với bạch y tụ họp, cười cợt, cống cao, bàn tán ồn ào đủ chuyện rồi thì tâm sanh tham dục. Tâm sanh tham dục rồi thì thân nhiệt, tâm nhiệt. Thân nhiệt, tâm nhiệt rồi thì xả giới, bỏ đạo. Này Chư Hiền, một hạng người như vậy.

“Lại nữa, này Chư Hiền, hoặc có một người được Vô tưởng tâm định [165]; được vô tưởng tâm định rồi thì người ấy liền an trụ, không mong cầu thêm, không mong được những gì chưa được, thu hoạch những gì chưa thu hoạch, tác chứng những gì chưa tác chứng. Sau đó người ấy thường cùng với bạch y tụ họp, cười cợt, cống cao, bàn tán ồn ào đủ chuyện. Người ấy thường cùng với bạch y tụ họp, cười cợt, cống cao, bàn tán ồn ào đủ chuyện rồi thì tâm sanh tham dục. Tâm sanh tham dục rồi thì thân nhiệt, tâm nhiệt. Thân nhiệt, tâm nhiệt rồi thì xả giới, bỏ đạo.

“Này Chư Hiền, ví như ở một khu rừng vắng, người ta nghe tiếng dế kêu [166]. Khi vua hoặc đại thần ngủ đêm tại khu rừng vắng đó, bấy giờ người ta nghe nào là tiếng voi, tiếng ngựa, tiếng xe cộ, tiếng đi bộ, tiếng trống, tiếng trống cơm, [559a] tiếng trống kịch, tiếng múa, tiếng hát, tiếng đàn cầm, tiếng ăn uống, chứ không nghe tiếng dế kêu như trước tại khu rừng này nữa. Này Chư Hiền, nếu có lời nói như thế này: ‘Khu rừng kia nhất định không bao giờ nghe được tiếng dế kêu nữa’. Người ấy nói như vậy có đúng chăng?”

“Không đúng. Vì sao? Vì vua hoặc đại thần ấy khi qua đã đêm, trời sáng, thảy đều trở về. Nếu chỗ đó vì nghe các tiếng voi, ngựa, xe cộ, đi bộ, tiếng ốc, tiếng trống, trống cơm, trống múa, tiếng múa, ca, tiếng đàn, ăn uống nên không nghe tiếng dế kêu, nhưng khi họ đã đi rồi thì nghe lại như cũ.

“Cũng vậy, này Chư Hiền, có một người được Vô tưởng tâm định; được Vô tưởng tâm định rồi liền an trụ chứ không mong cầu thêm, không mong được những gì chưa được, thu hoạch những gì chưa thu hoạch, tác chứng những gì chưa tác chứng. Sau đó người ấy thường cùng với bạch y tụ họp, cười cợt, cống cao, bàn tán ồn ào đủ chuyện. Người ấy thường cùng với bạch y tụ họp, cười cợt, cống cao, bàn tán ồn ào đủ chuyện rồi thì tâm sanh tham dục. Tâm sanh tham dục rồi thì thân nhiệt, tâm nhiệt. Thân nhiệt, tâm nhiệt rồi thì xả giới, bỏ đạo. Này Chư Hiền, có một hạng người như vậy ”.

Bấy giờ Tỳ-kheo Chất-đa-la Tượng Tử sau đó chẳng bao lâu xả giới, bỏ đạo. Bạn bè quen thân của Tỳ-kheo Chất-đa-la Tượng Tử nghe ông xả giới bỏ đạo, qua đến chỗ Tôn giả Đại Câu-hi-la, đến nơi rồi, bạch rằng:

“Bạch Tôn giả Đại Câu-hi-la, ngài biết rõ tâm của Tỳ-kheo Chất-đa-la Tượng Tử hay nhờ các việc khác mà biết? Lý do vì sao? Vì nay Tỳ-kheo Chất-đa-la Tượng Tử đã xả giới bỏ đạo”.

Tôn giả Đại Câu-hi-la bảo các bạn bè quen thân kia rằng:

“Này Chư Hiền, việc ấy phải như vậy. Lý do vì sao? Vì do không biết như thật, không thấy như chân nên xảy ra như vậy”.

Tôn giả Đại Câu-hi-la thuyết như vậy, các Tỳ-kheo nghe Tôn giả dạy xong, hoan hỷ phụng hành [167].

83. KINH TRƯỞNG LÃO THƯỢNG TÔN THỤY MIÊN

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại nước Bà-kì-sấu [168], ở rừng Bố trong núi Ngạc, [559c] trong vườn Lộc dã [169].

Bấy giờ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên ở tại nước Ma-kiệt-đà, trong làng Thiện tri thức [170]. Lúc ấy, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên sống riêng một mình nơi yên tĩnh, ngồi tĩnh tọa tư duy nhưng mắc phải chứng buồn ngủ. Đức Thế Tôn ở xa biết Tôn giả Đại Mục-kiền-liên sống riêng một mình nơi yên tĩnh, ngồi tĩnh tọa tư duy và mắc phải chứng buồn ngủ. Đức Thế Tôn biết như vậy, Ngài liền như vậy mà nhập định [171]. Do định như vậy, trong khoảnh khắc, như người lực sĩ co duỗi cánh tay, từ Bà-kì-sấu, rừng Bố trong núi Ngạc, trong vườn Lộc dã, Đức Thế Tôn bỗng biến mất khỏi chỗ đó, qua đến nước Ma-kiệt-đà, thôn Thiện tri thức, trước mặt Tôn giả Đại Mục-kiền-liên. Rồi Đức Thế Tôn xuất định và nói rằng:

“Này Đại Mục-kiền-liên, ngươi đang bị buồn ngủ chi phối. Này Đại Mục-kiền-liên, ngươi đang bị buồn ngủ chi phối [172].”

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên bạch Thế Tôn:

“Quả thật vậy, bạch Đức Thế Tôn”.

Phật lại nói:

“Này Đại Mục-kiền-liên, nếu như sở tướng [173] nào gây buồn ngủ, ngươi chớ tu tập tướng ấy và cũng đừng phát triển [174] nó. Như vậy, chứng buồn ngủ mới có thể được diệt trừ.

“Nếu chứng buồn ngủ của ngươi vẫn không diệt trừ, thì này Đại Mục-kiền-liên, hãy theo giáo pháp đã được nghe, tùy theo đó mà thọ trì, quảng bá và tụng đọc. Như vậy mới có thể diệt trừ được buồn ngủ.

“Nếu sự buồn ngủ của ngươi vẫn không diệt trừ, thì này Đại Mục-kiền-liên, hãy theo giáo pháp đã được nghe, tùy theo đó mà thọ trì, rồi diễn rộng ra cho người khác nghe. Như vậy sự buồn ngủ mới có thể được diệt trừ.

“Nếu sự buồn ngủ của ngươi vẫn không diệt trừ, thì này Đại Mục-kiền-liên, hãy theo giáo pháp đã được nghe, tùy theo đó mà thọ trì, tâm suy niệm, tâm suy tư. Như vậy, sự buồn ngủ mới có thể được diệt trừ.

“Nếu thụy miên của ngươi vẫn không diệt trừ, thì này Đại Mục-kiền-liên, hãy dùng hai tay day [175] hai lỗ tai. Như vậy, sự buồn ngủ mới có thể được diệt trừ.

“Nếu sự buồn ngủ của ngươi không diệt trừ, thì này Đại Mục-kiền-liên, hãy lấy nước lạnh rửa mặt và dội ướt thân thể. Như vậy, sự buồn ngủ mới có thể được diệt trừ.

“Nếu thụy miên của ngươi vẫn không diệt trừ, thì này Đại Mục-kiền-liên, hãy đi ra ngoài thất, xem khắp bốn phương, ngước nhìn các vì sao. Như vậy, chứng buồn ngủ mới có thể được diệt trừ.

“Nếu sự buồn ngủ của ngươi vẫn không diệt trừ, thì này Đại Mục-kiền-liên, hãy đi ra ngoài thất, đến khoảng đất trống phía đầu thất mà kinh hành, thủ hộ các căn, tâm an trụ bên trong, khởi hậu tiền tưởng [176]. Như vậy, sự buồn ngủ mới có thể được diệt trừ.

“Nếu sự buồn ngủ của ngươi không diệt trừ, thì này Đại Mục-kiền-liên, hãy bỏ con đường đang kinh hành, đến đầu con đường ấy, trải ni-sư-đàn, ngồi kiết già. Như vậy, sự buồn ngủ mới có thể [560a] được diệt trừ.

“Nếu sự buồn ngủ của ngươi vẫn không diệt trừ, thì này Đại Mục-kiền-liên, hãy trở vào thất, gấp y uất-đa-la-tăng bốn lớp trải trên giường, gấp tăng-già-lê làm gối, nằm hông bên phải, hai chân chồng lên nhau, khởi tưởng ánh sang [177], lập chánh niệm chánh trí và luôn luôn khởi ý tưởng muốn trỗi dậy [178]. Này Đại Mục-kiền-liên, đừng ham lạc thú giường nệm, đừng ham lạc thú ngủ nghỉ, đừng ham tài lợi, đừng đắm trước danh dự [179]. Lý do vì sao? Vì Ta nói: ‘Tất cả pháp không nên tụ hội’, và cũng nói, ‘Nên tụ hội’. [180]

“Này Đại Mục-kiền-liên, Ta nói pháp gì không nên tụ hội? Này Đại Mục-kiền-liên, nếu pháp đạo và tục mà cùng tụ hội, Ta nói pháp này không nên tụ hội. [181] Này Đại Mục-kiền-liên, nếu pháp đạo và tục mà cùng tụ hội thì có nhiều điều phải nói. Nếu có nhiều điều phải nói thì có trạo cử [182]. Nếu có trạo cử thì tâm không tịch tĩnh. Này Đại Mục-kiền-liên, nếu tâm không tịch tĩnh thì tâm rời xa định. Này Đại Mục-kiền-liên, do đó Ta nói là không thể tụ hội.

“Này Đại Mục-kiền-liên, Ta nói pháp gì nên cùng tụ hội? Này Đại Mục-kiền-liên, ở nơi rừng vắng kia [183], Ta nói pháp này nên cùng tụ hội: núi rừng, dưới cây, chỗ an tĩnh không nhàn, núi cao, hang đá, vắng bặt âm thanh, viễn ly, không ác, không người, có thể tùy thuận mà tĩnh tọa. Này Đại Mục-kiền-liên, Ta nói pháp này nên cùng tụ hội.

“Này Đại Mục-kiền-liên, nếu ngươi đi vào làng khất thực, hãy nhàm tởm lợi lộc, nhàm tởm sự cúng dường, cung kính. Đối với lợi lộc, cúng dường, cung kính, khi tâm ngươi đã phát khởi sự nhàm tởm rồi mới vào làng khất thực.

“Này Đại Mục-kiền-liên, đừng đem ý cao đại mà vào làng khất thực. Vì sao? Vì nhà trưởng giả có công việc gì đó, Tỳ-kheo đến khất thực khiến trưởng giả không chú ý. Tỳ-kheo liền nghĩ rằng: ‘Ai phá hoại ta ở nhà trưởng giả [184]? Vì sao? Vì ta vào nhà trưởng giả khất thực mà trưởng giả không chú ý”. Nhân đó sanh ưu sầu, nhân ưu sầu mà sanh trạo cử, nhân trạo cử mà tâm không tịch tĩnh, nhân tâm không tịch tĩnh nên tâm rời xa định.

“Này Đại Mục-kiền-liên, khi ngươi thuyết pháp, đừng vì tranh luận. Nếu có tranh luận thì có nhiều lời, nhân nhiều lời mà có trạo cử, nhân trạo cử mà tâm không tịch tĩnh, nhân tâm không tịch tĩnh nên tâm rời xa định.

“Này Đại Mục-kiền-liên, khi ngươi thuyết pháp đừng nói to, nói mạnh, như sư tử. Này Đại Mục-kiền-liên, khi ngươi thuyết pháp hãy hạ ý mà thuyết pháp, không ráng sức, tiêu diệt sức, dẹp bỏ sức, hãy thuyết pháp bằng sự không dùng cường lực, như [560b] sư tử [185].

“Này Đại Mục-kiền-liên, hãy học như vậy”.

Bấy giờ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên rời chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo vai phải, chắp tay hướng Phật, bạch rằng:

“Bạch Đức Thế Tôn, thế nào là Tỳ-kheo đến chỗ cứu cánh, cứu cánh bạch tịnh, cứu cánh phạm hạnh và cứu cánh phạm hạnh cùng tột?”

Đức Thế Tôn bảo:

“Này Đại Mục-kiền-liên, Tỳ-kheo khi đã thọ lạc, cảm thọ khổ, cảm thọ không lạc không khổ, vị ấy ở nơi các cảm thọ này mà quán vô thường, quán hưng suy, quán đoạn, quán vô dục, quán diệt, quán xả. Sau khi ở nơi các cảm thọ này mà quán vô thường, quán hưng suy, quán đoạn, quán vô dục, quán diệt, quán xả, vị ấy không chấp thủ cái gì cả trong đời này [186], do không chấp gì thủ đời này mà không bị nhọc nhằn, do không bị nhọc nhằn nên nhập Niết-bàn, biết một cách như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều đáng làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.

“Này Đại Mục-kiền-liên, như vậy là Tỳ-kheo đạt đến chỗ cứu cánh, cứu cánh bạch tịnh, cứu cánh phạm hạnh và cứu cánh phạm hạnh cùng tột”.

Phật thuyết như vậy. Tôn giả Đại Mục-kiền-liên nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành. [187]

84. KINH VÔ THÍCH

Tôi nghe như vầy:        

Một thời Đức Phật trú Tì-xá-li, ở tại ngôi nhà sàn, bên bờ ao Di hầu [188].

Các đệ tử danh đức Trưởng lão Thượng tôn như các ngài Già-la, Ưu-bá-giá-la, Hiền Thiện, Hiền Hoạn, Da-xá, Thượng Xứng [189]; các Tỳ-kheo danh đức Trưởng lão Thượng tôn như vậy cũng tựu tại Tì-xá-li, ở tại ngôi nhà sàn, bên ao Di hầu và đều ở bên cạnh nhà lá của Phật. Các người Lệ-xa [190] ở thành Tì-xá-li nghe Đức Thế Tôn trụ tại Tì-xá-li, [560c] nơi ngôi nhà sàn, bên bờ ao Di hầu, liền nghĩ rằng, “Chúng ta hãy phát đại như ý túc, khởi oai đức của bậc vua chúa, lớn tiếng rao truyền rồi ra khỏi thành Tì-xá-li, qua đến chỗ Phật cúng dường kính lễ”.

Lúc bấy giờ các đại đệ tử Danh đức Trưởng lão Thượng tôn nghe người Lệ-xa thành Tì-xá-li phát đại như ý túc, khởi oai đức của bậc vua chúa, lớn tiếng rao truyền rồi ra khỏi thành Tì-xá-li, qua đến chỗ Phật cúng dường kính lễ, liền nghĩ rằng: ‘Âm thanh là gai nhọn đối với thiền’. Đức Thế Tôn cũng nói rằng: ‘Âm thanh là gai nhọn đối với thiền’. Chúng ta hãy qua rừng Ngưu giác Sa-la [191], nơi ấy không náo loạn, sống viễn ly cô độc, ẩn dật nơi thanh vắng mà tĩnh tọa”.

Rồi các đại đệ tử danh đức Trưởng lão Thượng tôn đi qua rừng Ngưu giác Sa-la, nơi ấy không não loạn, sống viễn ly cô độc, ẩn dật nơi thanh vắng mà tĩnh tọa để tư duy.

Bấy giờ, rất nhiều người Lệ-xa thành Tì-xá-li phát đại như ý túc, khởi oai đức của bậc vua chúa, lớn tiếng rao truyền, rồi ra khỏi thành Tì-xá-li, qua đến chỗ Phật cúng dường kính lễ. Hoặc có người Lệ-xa thành Tì-xá-li cúi lạy chân Phật rồi ngồi xuống một bên, hoặc có người chào hỏi Phật rồi ngồi xuống một bên, hoặc có người chắp tay hướng về Phật rồi ngồi xuống một bên, hoặc có người ở xa thấy Phật rồi im lặng ngồi xuống.

Khi những người Lệ-xa thành Tì-xá-li đã ngồi xong đâu đấy, Đức Thế Tôn thuyết pháp cho họ nghe, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi bằng vô lượng phương tiện thuyết pháp cho họ nghe, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ rồi, Đức Thế Tôn ngồi im lặng.

Những người Lệ-xa thành Tì-xá-li, sau khi đã được Đức Thế Tôn thuyết pháp, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi lạy chân Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi ra về.

Sau khi những người Lệ-xa thành Tì-xá-li đi chẳng bao lâu, bấy giờ Đức Thế Tôn hỏi các Tỳ-kheo rằng:

“Các Trưởng lão Thượng tôn đại đệ tử đã đi đến nơi nào?”

Các Tỳ-kheo bạch:

“Bạch Thế Tôn, các Trưởng lão Thượng tôn đại đệ tử khi nghe những người Lệ-xa thành Tì-xá-li phát đại như ý túc, khởi oai đức của bậc vua chúa, lớn tiếng rao truyền rồi ra khỏi thành Tì-xá-li, qua đến chỗ Phật cúng dường kính lễ. Các ngài nghĩ rằng: ‘Âm thanh là gai nhọn đối với thiền’, Đức Thế Tôn cũng nói rằng: ‘Âm thanh là gai nhọn đối với thiền’. Chúng ta hãy đi qua rừng Ngưu giác Sa-la, ở đó không náo loạn, sống viễn ly cô độc, ẩn dật nơi thanh vắng mà tĩnh tọa tư duy. Bạch Thế Tôn, các Trưởng lão Thượng tôn đại đệ tử đều đi đến nơi đó”.

 [561a] Bấy giờ Đức Thế Tôn nghe xong, khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Nếu là Trưởng lão Thượng tôn đại đệ tử, nên nói như thế này: ‘Âm thanh là gai nhọn đối với thiền’. Đức Thế Tôn cũng nói: ‘Âm thanh là gai nhọn đối với thiền’. Vì sao? Vì quả thật Ta có nói như vậy: Âm thanh là gai nhọn đối với thiền. Phạm giới là gai nhọn đối với trì giới. Trang sức thân thể là gai nhọn đối với thủ hộ các căn. Tịnh tướng là gai nhọn đối với tu tập bất tịnh [192]. Sân nhuế là gai nhọn đối với tu tập từ tâm. Uống rượu là gai nhọn đối với xa lìa uống rượu. Thấy nữ sắc là gai nhọn đối với phạm hạnh. Âm thanh là gai nhọn đối với nhập Sơ thiền. Tầm tứ là gai đối với nhập Nhị thiền. Hỷ là gai nhọn đối với nhập Tam thiền. Hơi thở ra, hơi thở vào là gai nhọn đối với nhập Tứ thiền. Sắc tưởng là gai nhọn đối với nhập Không xứ. Không tưởng là gai nhọn đối với nhập Thức xứ. Thức tưởng là gai nhọn đối với nhập Vô sở hữu xứ. Tưởng và thọ [193] là gai nhọn đối với nhập Tưởng thọ diệt định. [194]

“Lại cũng có ba loại gai nhọn khác; gai nhọn dục, gai nhọn nhuế và gai nhọn ngu si. Với ba loại gai này, bậc lậu tận A-la-hán đã đoạn trừ, đã biết rõ, đã nhổ sạch cội rễ, tuyệt diệt không còn sanh, ấy là bậc A-la-hán không bị gai chích, bậc A-la-hán xa lìa gai chích, bậc A-la-hán không gai, lìa gai”.

Phật thuyết như vậy. Các vị Tỳ-kheo nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

85. KINH CHÂN NHÂN

Tôi nghe như vầy.

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Ta sẽ nói cho các ngươi nghe về pháp chân nhân, và pháp không phải chân nhân [195]. Hãy lắng nghe, hãy khéo hý luận”.

Các Tỳ-kheo thọ giáo lắng nghe.

Phật nói:

“Thế nào là pháp không phải chân nhân? Ở đây có một người thuộc dòng dõi hào quý, xuất gia học đạo và những người khác thì không như vậy. Người ấy nhân vì dòng dõi hào quý mà quý mình khinh người. Đó gọi là pháp không phải chân nhân. Pháp chân nhân xét nghĩ như thế này: ‘Ta không phải nhân bởi dòng dõi hào quý mà đoạn trừ được dâm, nộ, si. Hoặc có người nào đó không phải dòng dõi hào quý mà xuất gia học đạo, [561b] người ấy thực hành pháp như pháp, tùy thuận pháp, thực hành pháp tùy pháp [196], do đó mà được cúng dường, cung kính’. Vị ấy như vậy mà thú hướng sự chứng đắc pháp chân đế nhưng không quý mình, không khinh người. Đó gọi là pháp chân nhân.

“Lại nữa, hoặc có người đoan chánh, khả ái, những người khác không được như vậy. Người kia nhân vì mình đoan chánh, khả ái mà quý mình khinh người. Đó gọi là pháp không phải chân nhân. Pháp chân nhân xét nghĩ như thế này: ‘Ta không phải do vẻ đoan chánh khả ái này mà đoạn trừ được dâm, nộ, si. Hoặc có người nào đó không đoan chánh khả ái nhưng người ấy thực hành pháp như pháp, tùy thuận pháp, thực hành pháp tùy pháp, do đó mà được cúng dường, cung kính’. Vị ấy như vậy mà thú hướng sự chứng đắc pháp chân đế nhưng không quý mình, không khinh người. Đó gọi là pháp chân nhân.

“Lại nữa, hoặc có một người hùng biện, luận giỏi, những người khác không được như vậy. Người kia nhân vì hùng biện, luận giỏi mà quý mình khinh người. Đó gọi là điều của kẻ không phải chân nhân. Pháp chân nhân xét nghĩ như thế này: ‘Ta không phải do tài hùng biện, luận giỏi này mà đoạn trừ được dâm, nộ, si. Hoặc có người nào đó không có tài hùng biện, luận giỏi, nhưng người ấy thực hành pháp như pháp, tùy thuận pháp, thực hành pháp tùy pháp, do đó mà được cúng dường, cung kính’. Vị ấy như vậy mà thú hướng sự chứng đắc pháp chân đế nhưng không quý mình, không khinh người. Đó gọi là pháp chân nhân.

“Lại nữa, hoặc có người thuộc hàng Trưởng lão, quen biết với vua, nổi tiếng với mọi người và có đại phước, những người khác không được như vậy. Người kia nhân vì là Trưởng lão, vì quen biết với vua, vì nổi tiếng với mọi người và có đại phước mà quý mình khinh người. Đó gọi là pháp không phải chân nhân. Pháp chân nhân xét nghĩ như thế này: ‘Ta không phải do Trưởng lão, không phải do quen biết với vua, nổi tiếng với mọi người và có đại phước mà đoạn trừ được dâm, nộ, si. Hoặc có người nào đó không phải là Trưởng lão, không quen biết với vua, không nổi tiếng với mọi người và cũng không có đại phước, nhưng người ấy thực hành pháp như pháp, tùy thuận pháp, thực hành pháp tùy pháp, do đó mà được cúng dường, cung kính’. Vị ấy như vậy mà thú hướng sự chứng đắc pháp chân đế nhưng không quý mình, không khinh người. Đó gọi là pháp chân nhân.

“Lại nữa, hoặc có người tụng Kinh, trì Luật, học A-tỳ-đàm [197], thuộc làu A-hàm [198], học nhiều kinh sách, người khác không được như vậy. Người kia nhân vì thuộc làu A-hàm, học nhiều kinh sách nên quý mình khinh người. Đó gọi là pháp không phải chân nhân. Pháp chân nhân [661c] xét nghĩ như thế này: ‘Ta không phải do thuộc làu A-hàm, học nhiều kinh sách mà đoạn trừ được dâm, nộ, si. Hoặc có người nào đó không thuộc làu A-hàm, cũng không học nhiều kinh sách, nhưng người ấy thực hành pháp như pháp, tùy thuận pháp, thực hành pháp tùy pháp, do đó mà được cúng dường, cung kính’. Vị ấy như vậy mà thú hướng sự chứng đắc pháp chân đế nhưng không quý mình, không khinh người. Đó gọi là pháp chân nhân.

“Lại nữa, hoặc có người mặc y phấn tảo, nhiếp ba pháp phục, trì y bất mạn [199], người khác không được như vậy. Người kia nhân vì trì y bất mạn nên quý mình khinh người. Đó gọi là pháp không phải chân nhân. Pháp chân nhân xét nghĩ như thế này: ‘Ta không phải do trì y bất mạn này mà đoạn trừ được dâm, nộ, si. Hoặc có người nào đó không trì y bất mạn nhưng người ấy thực hành pháp như pháp, tùy thuận pháp, thực hành pháp tùy pháp, do đó mà được cúng dường, cung kính’. Vị ấy như vậy mà thú hướng sự chứng đắc pháp chân đế nhưng không quý mình, không khinh người. Đó gọi là pháp chân nhân.

“Lại nữa, hoặc có người thường đi khất thực, cơm chỉ ngang bằng năm thăng, chỉ khất thực hạn cuộc nơi bảy nhà, chỉ ăn một bữa, quá giữa trưa không uống nước trái cây [200], người khác không được như vậy. Người kia nhân vì quá giữa trưa không uống nước trái cây mà quý mình khinh người. Đó gọi là pháp không phải chân nhân. Pháp thượng nhân xét nghĩ như thế này: ‘Ta không phải do sự quá giữa trưa không uống nước trái cây này mà đoạn trừ được dâm, nộ, si. Hoặc có người nào đó không dứt bỏ sự quá giữa trưa uống nước trái cây, nhưng người ấy thực hành pháp như pháp, tùy thuận pháp, thực hành pháp tùy pháp, do đó mà được cúng dường, cung kính’. Vị ấy như vậy mà thú hướng sự chứng đắc pháp chân đế nhưng không quý mình, không khinh người. Đó gọi là pháp chân nhân.

“Lại nữa, hoặc có người ở chỗ rừng vắng sơn lâm, dưới gốc cây, hoặc ở núi cao hay nơi đất trống, hoặc nơi gò mả, hoặc có thể biết thời; người khác không được như vậy. Người kia nhân vì biết thời mà quý mình khinh người. Đó không phải là pháp chân nhân. Pháp chân nhân xét nghĩ như thế này: ‘Ta không phải do sự biết thời này mà đoạn trừ được dâm, nộ, si. Hoặc có người nào đó không biết thời nhưng người ấy thực hành pháp như pháp, tùy thuận pháp, thực hành pháp tùy pháp, do đó mà được cúng dường, cung kính’. Vị ấy như vậy mà thú hướng sự chứng đắc pháp chân đế nhưng không quý mình, không khinh người. Đó gọi là pháp chân nhân.

“Lại nữa, hoặc có người vừa được Sơ thiền. Người ấy nhân vì được Sơ thiền mà quý mình [662a] khinh người. Đó gọi là pháp không phải chân nhân. Pháp chân nhân xét nghĩ như thế này: ‘Về Sơ thiền, Đức Thế Tôn nói là vô lượng chủng loại, nếu có kế chấp thì gọi là ái [201] vậy. Do đó người ấy được cúng dường cung kính’. Như vậy, vị này thú hướng sự chứng đắc pháp chân đế, nhưng không quý mình, không khinh người. Đó gọi là pháp chân nhân.

“Lại nữa, hoặc có người được Nhị, Tam, Tứ thiền; được Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ, người khác không được như vậy. Người kia nhân vì được phi tưởng phi phi tưởng xứ nên quý mình khinh người. Đó gọi là pháp không phải chân nhân. Pháp chân nhân xét nghĩ như thế này: ‘Phi tưởng phi phi tưởng, Đức Thế Tôn nói là vô lượng chủng loại, nếu có kế chấp thì gọi đó là ái, do đó người ấy được cúng dường cung kính’. Như vậy, vị này thú hướng sự chứng đắc pháp chân đế, nhưng không quý mình, không khinh người. Đó gọi là pháp chân nhân.

“Các ngươi hãy nhận biết pháp chân nhân và pháp không phải chân nhân. Sau khi biết được pháp thượng nhân và pháp không phải chân nhân rồi, hãy dứt bỏ pháp không phải chân nhân và hãy học pháp chân nhân”.

Giàu, đẹp trai, nói giỏi,

Trưởng lão, tụng nhiều kinh,

Y, thực, tu núi, thiền,

Sau cùng bố vô sắc.

“Các ngươi nên học như vậy”.

Phật thuyết như vậy, các Tỳ-kheo nghe Đức Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

86. KINH THUYẾT XỨ

Tôi nghe như vầy.

Một thời Đức Phật đến nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Tôn giả A-nan vào lúc xế, rời chỗ ngồi tĩnh tọa đứng dậy, dẫn các Tỳ-kheo niên thiếu đi đến chỗ Phật, cúi lạy dưới chân Phật rồi ngồi qua một bên. Các Tỳ-kheo niên thiếu cũng cúi lạy chân Phật, rồi ngồi qua một bên.

Tôn giả A-nan bạch rằng:

“Bạch Đức Thế Tôn, với các Tỳ-kheo niên thiếu này, con phải răn bảo như thế nào? Dạy dỗ như thế nào? Thuyết pháp cho họ nghe như thế nào?”

Đức Thế Tôn bảo rằng:

“Này A-nan, ông hãy nói về xứ [202] và dạy về xứ cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu ông nói về xứ và dạy về xứ cho các Tỳ-kheo niên thiếu, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được an lạc, thân tâm không phiền nhiệt, [562b]trọn đời tu hành phạm hạnh”.

Tôn giả A-nan chắp tay hướng về Phật, bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, nay thật là đúng thời. Bạch Thiện Thệ, nay thật là đúng thời. Nếu Thế Tôn nói về xứ và dạy về xứ cho các Tỳ-kheo niên thiếu, con và các Tỳ-kheo niên thiếu sau khi nghe Thế Tôn nói sẽ khéo léo thọ trì”.

Đức Thế Tôn bảo rằng

“A-nan, các ông hãy lắng nghe, hãy khéo suy nghĩ! Ta sẽ phân biệt rộng rãi cho ông và các Tỳ-kheo niên thiếu nghe”.

Tôn giả A-nan thọ giáo, lắng nghe.

Đức Thế Tôn bảo rằng:

“A-nan, trước kia Ta đã nói cho ông nghe về năm thủ uẩn [203]: sắc thủ uẩn, thọ, tưởng, hành và thức thủ uẩn. Này A-nan, năm thủ uẩn này, ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu ông nói và dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu về năm thủ uẩn này, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được an lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu hành phạm hạnh.

“A-nan, trước kia Ta đã nói cho ông nghe về sáu nội xứ: nhãn xứ, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ. A-nan, sáu nội xứ này ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu ông nói và dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu về sáu nội xứ này, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được an lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu hành phạm hạnh.

“A-nan, trước kia Ta đã nói cho ông nghe về sáu ngoại xứ: sắc xứ, thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ. A-nan, sáu ngoại xứ này ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu ông nói và dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu về sáu ngoại xứ này, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được hoan lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu hành phạm hạnh.

“A-nan, trước kia Ta đã nói cho ông nghe về sáu thức thân [204]: nhãn thức, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức. A-nan, sáu thức thân này, ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu ông nói và dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu về sáu thức thân này, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được an lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu hành phạm hạnh.

“A-nan, trước kia Ta đã nói cho ông nghe về sáu xúc thân [205]: nhãn xúc, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc. A-nan, sáu xúc thân này, ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu ông nói và dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu về sáu xúc thân này, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được an lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu hành phạm hạnh.

“A-nan, trước kia Ta đã nói cho ông nghe về sáu thọ thân [206]: nhãn thọ, [562c] nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thọ. A-nan, sáu thọ thân này, ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu ông nói và dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu về sáu thọ thân này, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được an lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu hành phạm hạnh.

“A-nan, trước kia Ta đã nói cho ông nghe về sáu tưởng thân [207]: nhãn tưởng, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý tưởng. A-nan, sáu tưởng thân này, ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu ông nói và dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu về sáu tưởng thân này, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được an lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu hành phạm hạnh.

“A-nan, trước kia Ta đã nói cho ông nghe về sáu tư thân [208]: nhãn tư, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý tư. A-nan, sáu tư thân này, ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu ông nói và dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu về sáu tư thân này, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được an lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu hành phạm hạnh.

“A-nan, trước kia Ta đã nói cho ông nghe về sáu ái thân [209]: nhãn ái, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý ái. Này A-nan, sáu ái thân này, ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu ông nói và dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu về sáu ái thân này, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được hoan lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu hành phạm hạnh.

“A-nan, trước kia Ta đã nói cho ông nghe về sáu giới: địa giới, thủy, hỏa, phong, không, thức giới. A-nan, sáu giới này, ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu ông nói và dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu về sáu giới này, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được an lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu hành phạm hạnh.

“A-nan, trước kia Ta đã nói cho ông nghe về nhân duyên khởi và pháp sanh khởi do nhân duyên khởi [210]: ‘Nếu có cái này thì có cái kia, nếu không có cái này thì không có cái kia. Nếu sanh cái này thì sanh cái kia, nếu diệt cái này thì diệt cái kia. Duyên vô minh, có hành. Duyên hành, có thức. Duyên thức, có danh sắc. Duyên danh sắc, có sáu xứ. Duyên sáu xứ, có xúc. Duyên xúc, có thọ. Duyên thọ, có ái. Duyên ái, có thủ. Duyên thủ, có hữu. Duyên hữu, có sanh. Duyên sanh, có già chết. Nếu vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt, thức diệt thì danh sắc diệt, danh sắc diệt thì sáu xứ diệt, sáu xứ diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt [563a] thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sanh diệt, sanh diệt thì già chết diệt. A-nan, nhân duyên khởi và pháp sanh khởi do nhân duyên khởi này, ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu ông nói và dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu về nhân duyên khởi và pháp sanh khởi do nhân duyên khởi này, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được an lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu hành phạm hạnh.

“A-nan, trước kia Ta đã nói cho ông nghe về bốn niệm xứ, quán thân như thân, quán thọ, quán tâm, quán pháp như pháp. A-nan, bốn niệm xứ này ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu ông nói và dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu về bốn niệm xứ này, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được an lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu hành phạm hạnh.

“A-nan, trước kia Ta đã nói cho ông nghe về bốn chánh đoạn [211], Tỳ-kheo đối với pháp ác bất thiện đã sanh, vì để đoạn trừ chúng nên khởi ước muốn, nỗ lực hành, tinh cần, dốc hết tâm, đoạn trừ [212]. Đối với các pháp ác bất thiện chưa sanh, vì để chúng không phát sanh nên khởi ước muốn, nỗ lực hành, tinh cần, dốc hết tâm, đoạn trừ. Đối với các pháp thiện chưa sanh, vì để cho phát sanh nên khởi ước muốn, nỗ lực hành, tinh cần, dốc hết tâm, đoạn trừ. Đối với các pháp thiện đã sanh, vì để chúng kiên trụ, không bị quên lãng, không bị thoái hóa, được bồi bổ tăng tiến, được phát triển rộng rãi, được viên mãn cụ túc, nên khởi ước muốn, nỗ lực hành, tinh cần, dốc hết tâm, đoạn trừ. A-nan, bốn chánh đoạn này, ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu ông nói và dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu về bốn chánh đoạn này, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được an lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu hành phạm hạnh.

“A-nan, trước kia Ta đã nói cho ông nghe về bốn như ý túc [213], Tỳ-kheo thành tựu dục định, thiêu đốt các hành [214], tu tập như ý túc [215], y vô dục, y viễn ly, y diệt, nguyện đến phi phẩm [216]. Tinh tấn định, tâm định cũng như vậy. Thành tựu tư duy định, [217] thiêu đốt các hành, tu tập như ý túc, nương vào dô vục, nương vào viễn ly, nương vào diệt, nguyện đến phi phẩm. Này A-nan, bốn như ý túc này, ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu ông nói và dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu về bốn như ý túc này, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được an lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu hành phạm hạnh.

“A-nan, trước kia Ta đã nói cho ông nghe về bốn thiền, Tỳ-kheo ly dục, ly ác bất thiện cho đến được bốn thiền, thành tựu an trụ. Này A-nan, [563b] bốn thiền này, ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu ông nói và dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu về bốn thiền này, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được hoan lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu hành phạm hạnh.

“A-nan, trước kia Ta đã nói cho ông nghe về bốn Thánh đế: Khổ thánh đế, Tập, Diệt và Đạo thánh đế. A-nan, bốn Thánh đế này, ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu ông nói và dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu về bốn thánh đế này, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được an lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu hành phạm hạnh.

“A-nan, trước kia Ta đã nói cho ông nghe về bốn tưởng, Tỳ-kheo có tiểu tưởng, có đại tưởng, có vô lượng tưởng, có vô sở hữu tưởng [218]. A-nan, bốn tưởng này, ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu ông nói và dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu về bốn tưởng này, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được an lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu hành phạm hạnh.

“A-nan, trước kia Ta đã nói cho ông nghe về bốn vô lượng, Tỳ-kheo tâm đi đôi với từ biến mãn một phương, thành tựu an trụ. Cứ như thế, hai phương, ba phương, bốn phương, tứ duy, trên dưới biến khắp tất cả, tâm đi đôi với từ, không kết, không oán, không sân nhuế, không tranh, vô cùng rộng lớn, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu an trụ. Bi và hỷ cũng vậy. Tâm đi đôi với xả, không kết, không oán, không sân nhuế, không tranh, vô cùng rộng lớn, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu an trụ. A-nan, bốn vô lượng này, ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu ông nói và dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu về bốn vô lượng này, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được an lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu hành phạm hạnh.

“A-nan, trước kia Ta đã nói cho ông nghe về bốn vô sắc, Tỳ-kheo đoạn trừ tất cả sắc tưởng, cho đến chứng đắc phi tưởng phi phi tưởng xứ, thành tựu an trụ. A-nan, bốn vô sắc này, ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu ông nói và dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu về bốn vô sắc này, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được an lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu hành phạm hạnh.

“A-nan, trước kia Ta đã nói cho ông nghe về bốn Thánh chủng. Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nhận được cái y thô xấu mà biết hài lòng, tri túc, không phải vì y áo mà mong thỏa mãn ý mình. Nếu [563c] chưa được y thì không u uất, không khóc than, không đấm ngực, không si dại. Nếu đã được y áo thì không nhiễm, không trước, không ham muốn, không tham lam, không cất giấu, không tích trữ. Khi dùng y thì thấy rõ tai hoạn và biết sự xuất ly. Được sự lợi như vậy vẫn không giải đãi mà có chánh trí. Đó là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni chân chánh an trụ nơi Thánh chúng cựu truyền [219]. Về ẩm thực và trụ xứ cũng như vậy. Mong muốn đoạn trừ, vui thích đoạn trừ, mong muốn tu, vui thích tu. Vị ấy nhân muốn đoạn trừ, vui thích đoạn trừ, muốn tu, vui thích tu nên không quý mình, không khinh người. Sự lợi như vậy, không giải đãi nhưng chánh trí. Đó gọi là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni chân chánh an trụ nơi Thánh chúng cựu truyền.

“A-nan, bốn Thánh chủng này, ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu ông nói và dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu về bốn Thánh chúng này, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được an lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu hành phạm hạnh.

“A-nan, trước kia Ta đã nói cho ông nghe về bốn quả Sa-môn: Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, tối thượng A-la-hán quả. A-nan, bốn quả Sa-môn này, ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu ông nói và dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu về bốn quả Sa-môn này, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được an lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu hành phạm hạnh.

“A-nan, trước kia Ta đã nói cho ông nghe về năm thành thục giải thoát tưởng [220]: tưởng về vô thường, tưởng vì vô thường cho nên khổ, tưởng khổ cho nên vô ngã, tưởng bất tịnh ố lộ [221], tưởng hết thảy thế gian không có gì đáng ái lạc [222]. A-nan, năm thục giải thoát này, ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu ông nói và dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu về năm thục giải thoát tưởng này, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được an lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu hành phạm hạnh.

“A-nan, trước kia Ta đã nói cho ông nghe về năm giải thoát xứ. Nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni chưa giải thoát thì nhờ ở đây mà tâm được giải thoát [223]. Nếu chưa tận trừ các lậu thì sẽ được tận trừ hoàn toàn. Nếu chưa chứng đắc vô thượng Niết-bàn thì sẽ chứng đắc vô thượng Niết-bàn. Thế nào là năm? A-nan, Thế Tôn thuyết pháp cho Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nghe, các đồng phạm hạnh có trí cũng thuyết pháp cho Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nghe. A-nan, nếu Thế Tôn thuyết pháp cho Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nghe, các đồng phạm hạnh có trí cũng thuyết pháp cho Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nghe; họ nghe pháp rồi thấu hiểu pháp, thấu hiểu nghĩa, và do sự thấu hiểu pháp, thấu hiểu nghĩa đó nên được hân hoan [224], nhân [654a] hân hoan mà được hỷ. [225] Nhân hỷ mà được thân khinh an [226]. Do thân khinh an nên được cảm thọ lạc. Do cảm thọ lạc nên được tâm định. [227] A-nan, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nhân tâm định nên được thấy như thật, biết như thật. Do thấy như thật, biết như thật nên phát sanh sự nhàm tởm. Do nhàm tởm nên được vô dục. Do vô dục nên được giải thoát. Do giải thoát mà biết là mình giải thoát, biết một cách như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh đời sau nữa’. A-nan, đó là giải thoát xứ thứ nhất. Nhân đó mà nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni chưa được giải thoát, chưa tận trừ các lậu thì được tận trừ hoàn toàn, chưa chứng đắc vô thượng Niết-bàn thì chứng đắc vô thượng Niết-bàn. Lại nữa, này A-nan, nếu trong trường hợp Thế Tôn không có thuyết pháp cho Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nghe, các đồng phạm hạnh có trí cũng không thuyết pháp cho Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nghe, nhưng họ theo những điều đã nghe, đã tụng tập và đọc tụng rộng rãi. Nếu không đọc tụng rộng rãi những điều đã nghe, đã tụng đọc nhưng họ chỉ tùy theo điều đã nghe, đã tụng tập, nói lại rộng rãi cho người khác nghe. Nếu không nói rộng rãi cho người khác nghe những điều đã nghe, đã tụng tập, nhưng họ chỉ tùy theo điều đã nghe, đã tụng tập mà tư duy, phân biệt. Nếu không tư duy phân biệt những điều đã nghe, đã tụng tập, nhưng họ chỉ thọ trì các tướng tam-muội. A-nan, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni khéo thọ trì các tướng tam muội thì thấu hiểu pháp, thấu hiểu nghĩa. Do thấu hiểu pháp, thấu hiểu nghĩa nên được hân hoan. Do hân hoan nên có hỷ. Do hỷ nên được thân khinh an. Do thân khinh an nên được cảm thọ lạc. Do cảm thọ lạc nên được tâm định. A-nan, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nhân tâm định nên được thấy như thật, biết như thật. Do thấy như thật, biết như thật nên phát sanh nhàm tởm. Do nhàm tởm nên được vô dục. Do vô dục nên được giải thoát. Do giải thoát mà biết là mình đã giải thoát, biết một cách như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều đáng làm đã làm xong, không còn tái sanh đời sau nữa’. Này A-nan, đó là giải thoát xứ thứ năm, nhân đó mà nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni chưa được giải thoát thì được tâm giải thoát, chưa dứt sạch các lậu thì được dứt sạch trọn vẹn, chưa chứng đắc vô thượng Niết-bàn thì chứng đắc vô thượng Niết-bàn. A-nan, năm giải thoát xứ này ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu [564b] ông nói và dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu về năm giải thoát xứ này, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được an lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu hành phạm hạnh.

“A-nan, trước kia Ta đã nói cho ông nghe về năm căn, tín, tinh tấn, niệm, định và tuệ căn. A-nan, năm căn này, ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu ông nói và dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu về năm căn này, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được an lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu hành phạm hạnh.

“A-nan, trước kia Ta đã nói cho ông nghe về năm lực, tín, tinh tấn, niệm, định, tuệ lực. A-nan, năm lực này, ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu ông nói và dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu về năm lực này, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được an lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu hành phạm hạnh.

“A-nan, trước kia Ta đã nói cho ông nghe về năm xuất yếu giới [228]. Những gì là năm? A-nan, Đa văn Thánh đệ tử quán sát dục một cách cực kỳ mãnh liệt. Vị ấy do cực kỳ mãnh liệt quán sát dục nên tâm không hướng theo dục, không vui say dục, không thân cận với dục, không quyết tâm [229] nơi dục. Khi tâm dục vừa sanh, tức thì bị cháy tiêu, khô héo, co rút lại, bị cuốn tròn lại chứ không được mở rộng ra, bị vứt bỏ đi; không trụ nơi dục, chán ghét, nhàm tởm. A-nan, giống như lông và gân của con gà bị đem quăng vào trong lửa, tức khắc cháy tiêu, khô héo, co rút lại, bị cuốn tròn lại chứ không được mở rộng ra. A-nan, Đa văn Thánh đệ tử cũng vậy, cực kỳ mãnh liệt quán sát dục. Vị ấy do cực kỳ mãnh liệt quán sát dục nên tâm không hướng theo dục, không vui say trong dục, không thân cận với dục, không quyết tâm nơi dục. Khi tâm dục vừa sanh, tức thì bị cháy tiêu, khô héo, co rút lại, bị cuốn tròn lại chứ không được mở rộng ra. Vị ấy vứt bỏ, không trụ nơi dục, chán ghét, nhàm tởm, chế ngự dục. Vị ấy quán sát vô dục, tâm hướng về vô dục, vui say vô dục, thân cận vô dục, quyết tâm nơi vô dục, tâm không bị chướng ngại, không ô trược, tâm được an lạc, rất an lạc, viễn ly tất cả dục, viễn ly các lậu và các thứ phiền nhọc, ưu sầu do dục mà có, giải chúng, thoát chúng và lại giải thoát khỏi chúng. Vị ấy không còn nhận lãnh các cảm thọ ấy nữa, tức các cảm thọ sanh ra bởi dục. Như vậy, đó là sự xuất ly khỏi dục. A-nan, đó là xuất yếu giới thứ nhất. A-nan, Đa văn Thánh đệ tử quán sát sân nhuế cực kỳ mãnh liệt. Vị ấy do cực kỳ mãnh liệt quán sát sân nhuế nên tâm không hướng theo sân nhuế, không vui say trong sân nhuế, không thân cận với sân nhuế, không quyết tâm nơi sân nhuế. Khi tâm sân nhuế vừa sanh, tức khắc bị cháy tiêu, bị khô héo, co rút lại, [564c] bị cuốn tròn lại chứ không được nở rộng ra, bị vứt bỏ di. Vị ấy không trụ nơi sân nhuế, chán ghét, nhàm tởm, chế ngự sân nhuế. A-nan, giống như lông và gân của con gà bị đem quăng vào trong lửa, tức khắc bị cháy tiêu, bị khô rút lại, bị cuốn tròn lại chứ không được nở rộng ra. A-nan, Đa văn Thánh đệ tử cũng vậy, cực kỳ mãnh liệt quán sát sân nhuế. Vị ấy do cực kỳ mãnh liệt quán sát sân nhuế nên tâm không hướng theo nhuế, không vui say nhuế, không quyết định nơi nhuế. Tâm nhuế vừa sanh, tức khắc bị cháy tiêu, bị khô rút, bị cuốn tròn chứ không nở rộng ra được, bị vứt bỏ đi, vị ấy không an trụ nơi nhuế, chán ghét, nhàm tởm, chế ngự nhuế. Vị ấy quán sát vô nhuế, tâm hướng về vô nhuế, vui say vô nhuế, thân cận vô nhuế, quyết định nơi vô nhuế, tâm không bị chướng ngại, không ô trược, tâm được an lạc, rất an lạc, viễn ly dục nhuế, viễn ly các lậu và các thứ phiền nhọc, ưu sầu do nhuế mà có, thoát chúng, giải chúng và lại giải thoát khỏi chúng. Vị ấy không còn nhận lãnh cảm thọ này nữa, tức cảm thọ sanh ra bởi nhuế. Như vậy, đó là sự xuất ly khỏi nhuế. A-nan, đó là xuất yếu giới thứ hai. Lại nữa, A-nan, Đa văn Thánh đệ tử quán sát một cách cực kỳ mãnh liệt não hại. Vị ấy do cực kỳ mãnh liệt quán sát hại nên tâm không hướng theo hại, không vui say hại, không thân cận với hại, không quyết định nơi hại. Khi tâm hại vừa sanh, tức khắc bị cháy tiêu, bị khô héo, co rút lại, bị cuốn tròn lại chứ không được nở rộng ra, bị vứt bỏ đi. Vị ấy không trụ nơi hại, chán ghét, nhàm tởm, chế ngự não hại. A-nan, giống như lông và gân của con gà bị đem quăng vào trong lửa, tức khắc bị cháy tiêu, bị khô, bị cuốn tròn lại chứ không được nở rộng ra. A-nan, Đa văn Thánh đệ tử cũng vậy, cực kỳ mãnh liệt quán sát não hại. Vị ấy do cực kỳ quán sát não hại nên tâm không hướng theo hại, không vui say hại, không thân cận với hại, không quyết định nơi hại. tâm hại vừa sanh, tức khắc bị cháy tiêu, bị khô rút, bị cuốn tròn chứ không nở rộng ra được, bị vứt bỏ đi. Vị ấy không an trụ nơi hại, chán ghét, nhàm tởm, chế ngự hại. Vị ấy quán sát vô hại, tâm hướng về vô hại, vui say vô hại, thân cận vô hại, quyết định nơi vô hại, tâm không bị chướng ngại, không ô trược, tâm được an lạc, rất an lạc, viễn ly dục hại, viễn ly các lậu và các thứ phiền nhọc, ưu sầu do hại mà có, thoát chúng, giải chúng và lại giải thoát khỏi chúng. Vị ấy không còn nhận lãnh cảm thọ này nữa, tức cảm thọ sanh ra bởi hại. Như vậy, đó là sự xuất ly khỏi hại. A-nan, đó là xuất yếu giới thứ ba. Lại nữa, A-nan, Đa văn Thánh đệ tử quán sát sắc cực kỳ mãnh liệt. Vị ấy do cực kỳ mãnh liệt quán sát sắc nên tâm không hướng theo sắc, không vui say trong sắc, không thân cận với sắc, không quyết định nơi sắc. Khi tâm sắc vừa sanh, tức thì bị cháy tiêu, bị khô héo, co rút lại, bị cuốn tròn lại chứ [565a] không được nở rộng ra, bị vứt bỏ đi. Vị ấy không trụ nơi sắc, chán ghét, nhàm tởm, chế ngự sắc. A-nan, giống như lông và gân của con gà bị đem quăng vào trong lửa, tức khắc bị cháy tiêu, bị khô, bị cuốn tròn lại chứ không được nở rộng ra. A-nan, Đa văn Thánh đệ tử cũng vậy, cực kỳ mãnh liệt quán sát sắc. Vị ấy do cực kỳ quán sát sắc nên tâm không hướng theo sắc, không vui say sắc, không thân cận với sắc, không quyết định nơi sắc. Tâm sắc vừa sanh, tức khắc bị cháy tiêu, bị khô rút, bị cuốn tròn chứ không nở rộng ra được, bị vứt bỏ đi. Vị ấy không an trụ nơi sắc, chán ghét, nhàm tởm, chế ngự sắc. Vị ấy quán sát vô sắc, tâm hướng về vô sắc, vui say vô sắc, thân cận vô sắc, quyết định nơi vô sắc, tâm không bị chướng ngại, không ô trược, tâm được an lạc, rất an lạc, viễn ly dục sắc, viễn ly các lậu và các thứ phiền nhọc, ưu sầu do sắc mà có, thoát chúng, giải chúng và lại giải thoát khỏi chúng. Vị ấy không còn nhận lãnh cảm thọ này nữa, tức cảm thọ sanh ra bởi sắc. Như vậy, đó là sự xuất ly khỏi sắc. A-nan, đó là xuất yếu giới thứ tư. Lại nữa, A-nan, Đa văn Thánh đệ tử hết sức thận trọng khéo léo, quán sát hữu thân [230] một cách cực kỳ mãnh liệt. Vị ấy do cực kỳ mãnh liệt quán sát hữu thân nên tâm không hướng theo hữu thân, không vui say trong hữu thân, không thân cận với hữu thân, không quyết định nơi hữu thân. Khi hữu thân vừa sanh, tức khắc bị cháy tiêu, bị khô héo, co rút lại, bị cuốn tròn lại chứ không được nở rộng ra, bị vứt bỏ đi. Vị ấy không trụ nơi thân, chán ghét, nhàm tởm, chế ngự hữu thân. A-nan, giống như lông và gân của con gà bị đem quăng vào trong lửa, tức khắc bị cháy tiêu, bị khô, bị cuốn tròn lại chứ không được nở rộng ra. A-nan, Đa văn Thánh đệ tử cũng vậy, cực kỳ mãnh liệt quán sát hữu thân. Vị ấy do cực kỳ mãnh liệt quán sát hữu thân nên tâm không hướng theo thân, không vui say thân, không quyết định nơi thân. Hữu thân vừa sanh, tức khắc bị cháy tiêu, bị khô rút, bị cuốn tròn chứ không nở rộng ra được, bị vứt bỏ đi. Vị ấy không an trụ nơi thân, chán ghét, nhàm tởm, chế ngự thân. Vị ấy quán sát vô thân, tâm hướng về vô thân, vui say vô thân, thân cận vô thân, quyết định vô thân, tâm không bị chướng ngại, không ô trược, tâm được an lạc, rất an lạc; viễn ly dục thân, viễn ly các lậu và các thứ phiền nhọc, ưu sầu do thân mà có, thoát chúng, giải chúng và lại giải thoát khỏi chúng. Vị ấy không còn nhận lãnh cảm thọ này nữa, tức cảm thọ sanh ra bởi thân. Như vậy, đó là sự xuất ly khỏi thân. A-nan, đó là xuất yếu giới thứ năm. A-nan, năm xuất yếu giới này, ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. [565b] Nếu ông nói và dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu về năm xuất yếu giới này, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được an lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu hành phạm hạnh.

“A-nan, trước kia Ta đã nói cho ông nghe về bảy tài sản: tín, giới, tàm, quý, văn, thí và tuệ tài. A-nan, bảy tài sản này, ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu ông nói và dạy bảy tài sản này cho các Tỳ-kheo niên thiếu, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được an lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu phạm hạnh.

“A-nan, trước kia Ta đã nói cho ông nghe về bảy lực: tín, tinh tấn, tàm, quý, niệm, định, tuệ lực. A-nan, bảy lực này, ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu ông nói và dạy bảy lực này cho các Tỳ-kheo niên thiếu, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được an lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu hành phạm hạnh.

“A-nan, trước kia Ta đã nói cho ông nghe về bảy giác chi: niệm, trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an [231], định, xả giác chi. A-nan, bảy giác chi này, ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu ông nói và dạy bảy giác chi này cho các Tỳ-kheo niên thiếu, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được an lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu hành phạm hạnh.

“A-nan, trước kia Ta đã nói cho ông nghe về Thánh đạo tám chi: chánh kiến, chánh tư duy [232], chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn [233], chánh niệm, chánh định. Đó là tám. A-nan, Thánh đạo tám chi này, ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu ông nói và dạy tám chi Thánh đạo này cho các Tỳ-kheo niên thiếu, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được an lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu hành phạm hạnh”.

Lúc ấy, Tôn giả A-nan chắp tay hướng về Phật, bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, thật là kỳ diệu, thật là hy hữu! Đức Thế Tôn đã nói về xứ và dạy về xứ cho các Tỳ-kheo niên thiếu”.

Đức Thế Tôn bảo:

“Này A-nan, thật vậy, thật vậy! Thật là kỳ diệu, thật là hy hữu, Ta nói về xứ và dạy về xứ cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Này A-nan, nếu ông lại hỏi về đảnh pháp và đảnh pháp thối [234] từ nơi Như Lai thì ông hết sức tin tưởng, hoan hỷ đối với Như Lai”.

Bấy giờ Tôn giả A-nan chắp tay hướng về Phật, bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, nay thật đúng thời. Bạch Thiện Thệ, nay thật đúng thời. Nếu Thế Tôn nói và dạy về đảnh pháp và đảnh pháp thối cho các Tỳ-kheo niên thiếu thì con và các Tỳ-kheo niên thiếu từ Đức Thế Tôn nghe xong sẽ khéo léo thọ trì”.

 [565c]Đức Thế Tôn bảo:

“Này A-nan, các ông hãy lắng nghe. Hãy khéo suy nghiệm! Ta sẽ nói về đảnh pháp và đảnh pháp thối cho ông và các Tỳ-kheo niên thiếu nghe”.

Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo niên thiếu thọ trì lắng nghe.

Đức Thế Tôn bảo rằng [235]:

“A-nan, Đa văn Thánh đệ tử chân thật, nhân nơi tâm hý luận [236], tư lương, khéo quán sát, phân biệt về vô thường, khổ, không, phi ngã. Vị ấy khi hý luận như vậy, tư lương như vậy, khéo quán sát, phân biệt như vậy, liền phát sanh nhẫn, phát sanh lạc, phát sanh dục, tức mong cầu nghe, mong cầu niệm, mong cầu quán [237]. Này A-nan, ấy gọi là đảnh pháp.

“A-nan, nếu được đảnh pháp này nhưng lại mất đi, suy thoái, không tu thủ hộ, không tập tinh tấn, này A-nan, ấy gọi là đảnh pháp thối [238]. Cũng vậy, đối với thức nội xứ, thức ngoại xứ, xúc, thọ, tưởng, tư, ái, giới, nhân duyên khởi và pháp do nhân duyên khởi [239] cũng như vậy.

“A-nan, Đa văn Thánh đệ tử đối với nhân duyên khởi và nhân duyên khởi pháp này mà hý luận, tư lương, khéo quán sát, phân biệt về vô thường, khổ, không, phi ngã, vị ấy khi hý luận như vậy, tư lương như vậy, khéo quán sát, phân biệt như vậy nên phát sanh nhẫn, phát sanh lạc, phát sanh dục, tức mong cầu nghe, mong cầu niệm, mong cầu quán. A-nan, đó gọi là đảnh pháp.

“A-nan, nếu được đảnh pháp này nhưng lại mất đi, suy thoái, không tu thủ hộ, không tập tinh tấn, này A-nan, ấy gọi là đảnh pháp thối. A-nan, đảnh pháp và đảnh pháp thối này, ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu ông nói và dạy đảnh pháp và đảnh pháp thối này cho các Tỳ-kheo niên thiếu, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được an lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu phạm hạnh.

“A-nan, Ta đã nói về xứ, dạy về xứ, về đảnh pháp, đảnh pháp thối cho các ông nghe. Như vị Tôn sư vì đệ tử nên khởi lòng đại từ ái, lân niệm, mẫn thương mà mong cầu sự thiện lợi và hữu ích, mong cầu an ổn, khoái lạc. Ta đã thực hiện như vậy, các ông cũng nên tự chính mình thực hiện. Hãy đến nơi rừng vắng, nơi núi rừng, dưới gốc cây, chỗ an tĩnh không nhàn, tĩnh tọa tư duy, không được phóng dật, siêng năng tinh tấn, đừng để ân hận về sau. Đây là lời giáo sắc của Ta, là lời huấn thị của Ta”.

Phật thuyết như vậy. Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo niên thiếu nghe lời Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

Uẩn, nội, ngoại, thức, xúc,

Thọ, tưởng, tư, ái, giới;

Nhân duyên, niệm, chánh đoạn,       

Như ý, thiền, đế tưởng,

Vô lượng, vô sắc chủng,                               

Sa-môn quả, giải thoát,

Xứ, căn, lực, xuất yếu,                      

Tài, lực, giác, đạo, danh [240].

 


 [1] Câu-xá-di 拘舍彌. No.1428: Câu-diệm-di, Pāli: Kosambī, một trong 16 nước lớn thời Phật, thủ phủ là Vaṃsā, ở phía Bắc Kosala.

 [2] Cù-sư-la viên 瞿師羅園. Pāli: Ghositārāma, một tinh xá được dựng do Ghosita.

 [3] Một cuộc tranh chấp lịch sử xảy ra tại đây, được ghi lại trong hầu hết Luật tạng. Tứ phần 43 (tr. 879b24): Kiền-độ 9 Câu-thiểm-di; Thập tụng 30 (tr. 214a21): Câu-xá-di pháp. Pāli, Mahāvagga x. Kosambakakkhandho, Vin.i. 336ff.

 [4] Tránh 諍, cãi lộn, tranh chấp. Pāli: Dham. vera, oán hận, thù nghịch.

 [5] Xem Pháp cú (Dham.5). Bản Pāli đối chiếu không ghi bài kệ này và câu chuyện tiền thân dưới đây cũng không.

 [6] Câu-sa-la Quốc vương Trường Thọ 拘娑羅國王長夀. Chuyện tiền thân này cũng được tìm thấy trong bản Trường Thọ Vương kinh (No.161, tr. 386 - 388). Cf. Tứ phần 43 (tr. 880b18); Pāli (Vin.i. tr. 342): Dīghīti.

 [7] Gia-xá Quốc vương Phạm-ma-đạt-đa 加赦國王梵摩達哆. Pāli: Kāsī, Brahmadatta.

 [8] Pāli: purohiro brāhmaṇno, Bà-la-môn tư tế của Vua. Ông trước đó là bạn của Vua Dīghīti nước Kosala.

 [9] No.125 (24.8) nói, bà đang có thai. Pāli cũng nói vậy (gabbhinī ahosi).

 [10] Lổ bạc 鹵 簿; loại thuẫn lớn khi vua xuất trận.

 [11] No.125 (24.8): bà có thai và chiêm bao thấy như vậy. Trong vòng bảy ngày sẽ sanh, nếu không thấy đúng như chiêm bao nhất định phải chết.

 [12] Trường Sanh Đồng tử 長 生 童 子. Pāli: Dīghāyu, hay là Dīghāvu.

 [13] No.125 (24.8): “Thế Tôn tuy có nói như vậy nhưng thực tế lại không thể như vậy. Rồi Thế Tôn bỏ đi sang Bạt-kỳ”. Tứ phần ibid (tr. 882b12), một Tỳ-kheo bạch Phật: “Mong Thế Tôn ở yên.Đấu tránh sự này, các Tỳ kheo tự biết.” Thế Tôn can gián ba lần, nhưng không được, liền nói bài kệ, rồi bỏ đi.

 [14] Xem Pháp cú 3&4.

 [15] Pháp cú 5.

 [16] So sánh Pháp cú 6.

 [17] Xem Pháp cú 328.

 [18] Pháp cú 329.

 [19] Pháp cú 330.

 [20] Pháp cú 330.

 [21] Bà-la-lâu-la thôn 婆羅樓羅村. Pāli: Bālakaloṇakāragama.

 [22] Bà-cửu Thích-gia tử 婆咎釋家子. Pāli: Bhdagu, dòng họ Thích, xuất gia một lần với các ngài Anurudha và Kimbila. Một hôm vừa bước khỏi giường, ngài cảm thấy hỏng chân, cố gượng và do đó chợt chứng quả A-la-hán.

 [23] Rừng Hộ tự 護寺林. Pāli: Rakkhitavanasaṇḍa. Sớ giải Dhammapada: từ Ghositārāma, Phật đi thẳng vào Parrileyya.

 [24] Hiền-sa-la 賢 娑 羅. Pāli: bhaddasāla.

 [25] Ban-na-mạn-xà-tự lâm 般那蔓闍寺林. Pāli: Pācīnavaṃsadāya.

 [26] Xem kinh số 185.

 [27] Nguyên văn Hán: phả đắc nhân thượng chi pháp nhi hữu sai giáng an lạc trụ chỉ da 頗得 人上之法而有差降安樂住止. Pāli: alamariyañāṇadassanaviseso adhigato phāsuvihāro ti, chứng đắc tri kiến tối thắng của bậc Thánh và sống an lạc thoải mái.

 [28]  Tham chiếu nghĩa Pāli: obhāsañ ceva saṃjānāma dassanañ ca rūpānaṃ, chúng con cảm nhận ánh sáng và sự hiện diện của các sắc. Sắc xuất hiện trong định, thuộc pháp xứ (dhammāyatana, tức đối tượng của ý thức chứ không phải của nhãn thức. Cf. Đại thừa a-tì-đạt-ma tạp tập 1 (No 1606, tr. 696b20b), đây là cảnh giới sở hành của các Giải thoát, Thắng xứ, Tĩnh lự. Không thấy các bộ phái luận chi tiết loại sắc mà Đạithừa gọi là định quả sắc này. Sớ giải Pāli (MA iv. tr. 207)  nói đây là ánh sang của biến tác định (parikammobhāsaṃ) tức ánh sáng xuất hiện trong giai đoạn chuẩn bị định (parikammasamādhinibattaṃ obhāsaṃ).. Sớ thích nói, khi muốn thấy sắc hành (rūpagataṃ) bằng thiên nhãn, bấy giờ biến nhập và an trú biến xứ định (bằng đệ tứ thiền)  về ánh sáng (obhāsakasiṇaṃ pharitva ṭhito).

 [29] Pl.: ko nu kho hetu ko paccayo, do nhân gì, duyên gì?

 [30] Pāli không đề cập yếu tố nhãn diệt: samādhimhi cute obhāso anataradhāyati, định diệt, đồng thời ánh sáng biến mất.

 [31] Spứ giải Pāli: ánh sáng biến tác định biến mất, bằng thiên nhãn cũng không thấy sắc (parikammobhāsopi antaradhāyi dibbacakkhunāpi rūpaṃ na passi).

 [32] Để bản: vô đạo 無 道. TNM: vô thị 無 是.

 [33] Pl.: vicikicchā, nghi.

 [34] Vo niệm. Pl. amanasikāro, không tác ý

 [35] Thân bịnh tưởng 身病想. Có lẽ Pl.: duṭṭullaṃ, thô ác, tiêp ngay sau uppilaṃ, phấn chấn. Sớ giải nói, do tinh tấn kiên trì nên phát sanh phấn chấn, bấy giờ làm cho sự tinh tấn hoản bớ, vì vậy khiến cho thân bất an, thân thô trọng, thân dã dượi (kāyadaratho kāyaduṭṭhullaṃ kāyālasiyaṃ).

 [36] Pl.: thinamiddha, hôn trầm và thụy miên, tiêp theo ngay sau amanasikāro, không tác ý.

 [37] Quá tinh cần 過精勤. Pl.: accāraddhavīriyaṃ, tinh cần thái quá, ngay sau duṭṭhullaṃ, thô ác tưởng.

 [38] Pl.: atilīnavīriyaṃ, tinh cần quá yếu.

 [39] Pl.: chambhittaṃ, kinh sợ, tiếp ngay sau thinamiddhaṃ, hôn trâm thụy miên.

 [40] Hỷ duyệt 喜悅. Pl. uppilaṃ (= ubbillo), hân hoan, phấn chấn.

 [41] Tự cao tâm 自高心. Có lẽ Pal. abhijappā, dục cầu. Sớ giải, sau khi phát triển ánh sáng hướng về phía chư thiên, tham ái muốn thấy chúng hội chư thiên khởi lên; đó là abhijappā.

 [42] Nhược can tưởng 若干想. Pl.: nānattasaññā, ngay sau abhijappā, dục cầu.

 [43] Bất quán sắc 不觀色. Tương đương giai đoạn atinijhātattaṃ, nhưng ý nghĩa bất đồng. Pl., sau nānattasaññā (sai biệt tưởng) là atinijjhāyittam, cực thiền tứ. Sớ giải nói, do tác ý về nhiều loại sắc sai biệt nên sai biệt tưởng phát sinh; bấy giờ tác ý về một loại duy nhất, do đó phát sinh sự tư duy sắc thái quá.

 [44] Nguyên văn: vô giác thiểu quán; nhưng thông thường: vô tầm duy từ, tức không giác duy chỉ quán. Pl. avtakkaṃ vicāramattaṃ samādhiṃ.

 [45] Pl.: obhāsañhi kho sañjānāmi na ca rūpāni passāmi, Ta có tưởng ánh sáng nhưng Ta không thấy sắc. Sớ giải: không thấy sắc bằng thiên nhẫn.

 [46] Thiểu tri quang minh 少知光明. Pl. parittaṃ obhāsaṃ sañānāmi, có tưởng về ánh sáng hạn chế, tức ánh sáng trong phạm vi hạn chế (Sớ giải: paritakaṭṭhāne obhāsaṃ).

 [47] Thiểu nhập định 少入定. Pl. paritto samādhi, định hạn chế, tức biến tác đinh (parikammasamādhi) có giới hạn chỉ liên hệ ánh sáng hạn chế trong giới hạn nhỏ.

 [48] Quảng tri quang minh 廣知光明. Pl. appamāṇaṃ obhāsaṃ sañjānāmi.

 [49] Tạp định, từ lúc nhập cho đến lúc xuất, lần lượt đi từ định này sang định khác. Khác với Nhất hướng định, định thuần túy, từ lúc nhập cho đến lúc xuất chỉ một loại định.

 [50] Có bốn giới hạn về đối tượng của định: giới hạn nhỏ, giới hạn lớn, giới hạn vô hạn và hoàn toàn ra ngoài giới hạn. Thường nói Tứ tưởng, xem Tập dị 6 (No.1536, Đại 26, trang 292 a).

 [51] Bản hán, hết quyển 17.

 [52] Bản Hán, quyển 18. Tương đương Pāli, A. 8. 64. Gayā.

 [53] Chi-đề-sấu, Thủy chử lâm 枝 提 瘦 水 渚 林. Bản Pāli: gayāyaṃ vaharati gayāsīse, trú tại thôn Gayā, trong núi Gayāsīsa.

 [54] Sớ giải AA iv. 143: ánh sáng của thiến nhãn trí.

 [55] Bát hành 八行. Pāli: aṭṭhaparivaṭṭaṃ adhidevañaṇadassanaṃ, tri kiến về chư Thiên với tám sự lưu chuyển.

 [56] Pl: (…) neva tāvāhaṃ sadevake loke… anuttaraṃ sammāsambodhiṃ abhisambuddho’ti paccaññāsiṃ, chừng ấy Ta đã không thể tuyên bố Ta đã giác ngộ Vô thượng Chánh đẳng giác ở trong thế gian này gồm Chư Thiên….

 [57] Bà-kì-sấu 婆奇瘦. Pāli: Bhaggesu, giữa những người Bhagga.

 [58] Ngạc sơn Bố lâm Lộc dã viên 鱷山怖林鹿野園.Pl.: trong núi Cá sấu (Suṃsumāragire), rừng Khủng bố (bhesakāḷāvane), chỗ nuôi hươu (migadāye). No.46: Phật ở tại Thệ mục sơn 誓牧山, dưới gốc cây Cầu sư 求師樹.

 [59] Chi-đề-sấu Thủy chử lâm 枝提瘦水渚林. Pāli:, giữa những người Cetī, trong rừng Đông trúc Pācīnavaṃsadāye. No.125 (42.6): Tôn giả ở tại trú xứ trước đây bốn Phật đã ở.  No 46: Tôn giả A-na-luật ở trong Thiền không trạch 禪空澤  (đầm Thiền không).

 [60] Pl.: appicchassāyaṃ dhammo, pháp này cho người thiểu dục, ít ham muốn.

 [61] Như kỳ tượng định 如其像定. Pāli: tathārūpaṃ samādhi.

 [62] Đại nhân chi niệm 大人之念. Pāli: mahāpurisavitakka.

 [63] Hán: đạo tùng bất hý... đắc 不戲. Pāli: nippapañcārāmassāyaṃ dhammo, đây là pháp của người không ưa hý luận. Sớ giải: ái, mạn, kiến (taṇhāmānadiṭṭhi), đồng nghĩa với papañca.

 [64] Trong bản Hán: gia-lăng-già-ba-hòa-la ba-giá-tất-đa-la-na 加陵伽波和邏波遮悉哆羅那. Pāli: kadalimigapavara-paccattharaṇo.

 [65] Tì-da-li Trúc lâm 毘耶離竹林. Pāli: trong Vajji-Veluvagāma, một ngôi làng ở Vesali, xứ Vajjī (Bạt Kỳ); Anuruddha sẽ nhập Niết-bàn ở đó.

 [66] Kiếm-ma-sắt-đàm Câu-lâu. Pāli: tại thị trấn Kammāsadhamma của người Kuru. Xem kinh số 10.

 [67] Hán: Dục...hư ngụy, vọng ngôn 虛偽妄言. Pāli: aniccā... kāmā tucchā musā mosadhammā, dục là pháp trống rỗng, giả dối, ngu si.

 [68] Thị huyễn ngôn... ngu si. Pāli: mayākataṃ etaṃ... bālalāpanaṃ, đó là phiếm luận của người ngu được tạo ra bằng sự hư huyễn.

 [69] Dục…, và sắc…. Pāli: kāmā…, kāmasaññā…: dục và dục tưởng.

 [70] Hán: tăng tứ 增伺. Pāli: abhijjhā, xan tham, tham lam; thường chỉ ham muốn, dòm ngó của người khác.

 [71] Đấu tránh 鬥 諍. Pāli: ārambha, nóng tính, hay phẫn nộ, hay gây gổ.

 [72] Pl.: āyatane cittaṃ pasīdati. Sớ giả: tâm minh tịnh nở nơinguyên nhân, tức ở nơi A-la-hán quả hoặc hướng dên A-la-hán; đẹ tứ thiền hoặc hướng đến đệ tứ thiền.

 [73] Nhập bất động 入不動. Pāli: āneñjaṃ samāpajjati, nhập định với trạng thái bất động, chỉ đệ tứ thiền.

 [74] Dĩ tuệ vi giải 以慧為解. Pāli: paññāya adhimuccati, do tuệ mà có quyết định. Cũng có thể hiểu, do tuệ mà quyết định giải thoát.

 [75] Nhân bản ý 因本意. Pāli: saṃvattanikaṃ viññaṇaṃ, thức đã được định hướng.

 [76] Tịnh bất động đạo 淨不動道. Pāli: āneñjasappayā paṭipadā, sự thực hành đưa đến lợi ích của bất động.

 [77] Tịnh vô sở hữu xứ đạo. Pāli: ākiñcaññāyatanasappayā paṭipadā, sự thực hành đưa đến lợi ích của Vô sở hữu xứ.

 [78] Không ư thần không, thấn ơt hữu không 空於神神神所有空. Pl. suññam idaṃ attena vā attaniyena, cái này là trống không với ngã và ngã sở.

 [79] Phi vị tha... Phi vị tự nhi hữu sở vi 非為他…非自為而有所為. Pāli: nāhaṃ kvacani kassaci kiñcanatasmiṃ, na mama kvacani kismiñci kiñcanaṃ natthī’ti, tôi không hiện hữu bất cứ ở đâu, cho bất cứ ai, trong bất cứ cái gì. Sở hữu của tôi không hiện hữu bất cứ ở đâu, cho bất cứ ai, trong bất cứ cái gì.

 [80] Tịnh vô tưởng đạo 淨無想道. Pāli: nevasaññānāsaññāyatanasappayā paṭipadā, sự thực hành đưa đến lợi ích của Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

 [81] Tận đắc xả 盡得捨. Pl.: taṃ pajahāmi, xả ly, đoạn tận.

 [82] Pl.: so tam upekkham abhinandati.

 [83] Pl.: sa-upādāna.

 [84] Hành trung hữu dư 行中有餘.

 [85] Pl.: upādānaseṭṭhaṇhetaṃ yadidaṃ nevasaññānāsaññāyatanaṃ, tối thắng trong các chấp thủ, đó là Phi tương phi phi tương xứ.

 [86] Vấn đáp này không có trong Pāli.

 [87] Nguyên hán: tự kỷ hữu 自己有: tự thân, hay hữu thân, về sự chắc thật của năm uẩn. Pāli: sakkāya.

 [88] Nguyen hán: cam lộ 甘露, cũng hiểu là bất tử. Pāli: amata.

 [89] Úc-già-chi-la . Pāli: Ukkācelā 郁伽支羅, một ngôi làng trong xứ Vajji, trên bờ sông Gaṅgā, trên con đường từ Vương xá đến Xá-vệ. Sau khi Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên thị tịch, trong khoảng 15 ngày, Đức Phật trên đường đi về Vesāli, Ngài ghé lại Ukkācelā thuyết kinh Ukkācelā-sutta (S.47.14). Ngài nói: “Này các Tỳ-kheo, khi Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên Bát-niết-bàn, Ta thấy chúng hội này giống như trống không”. Bản Hán không đề cập đến sự kiện này.

 [90] Sa-kê-đế 娑雞帝. Pāli: Sāketa, một thị trấn lớn của Kosala, cách Sāvatthi chừng bảy dặm.

 [91] Thanh lâm 青林. Pāli, có lẽ: Palāsavana. Bản Pāli: trú Kosala, thôn Nalapāna, rừng Palāsa.

 [92] Xem kinh số 72 ở trước và kinh số 185 ở sau.

 [93] Pl.: nādhigacchati  aññaṃ vā tato santataraṃ, không đạt được một trạng thái khác tịch tĩnh hơn.

 [94] Hữu sở trừ, sở dụng, sở kham, sở chỉ, sở thổb 所除 所用 所堪 所止 所吐. Pāli: saṅkhāyekaṃ paṭisevati saṅkhāyekaṃ adhivāsati saṅkhāyekaṃ parivajjati saṅkhāyekaṃ vinodeti: sau kki tư duy, thọ dụng một pháp; sau khi tư duy, nhẫn thọ (chấp nhận) một pháp; sau khi tư duy, xả ly một pháp; sau khi tư duy, bài trừ một pháp.

 [95] Hán: sai giáng an lạc trụ chỉ. Xem cht.20, kinh số 72.

 [96] Bản Hán, hết quyển 18.

 [97] Bản Pāli nói vị này tên là Baka.

 [98] Hán: thử xứ thị yếu 此處是要. Pāli: idaṃ kevalam, cái này là tuyệt đối, độc nhất, toàn nhất.

 [99] Hán: thử xứ bất chung pháp 此處不終法. Pāli: idaṃ acavadhammaṃ, cái này là pháp bất diệt.

 [100] Hán: xuất yếu 出要. Pāli: nissaraṇa, sự thoát ly, giải thoát, sự cứu rỗi.

 [101] Như kỳ tượng định 如其像定.

 [102] Ma Ba-tuần 魔 波 旬. Pāli: Māra Papiman.

 [103] Pāli: eso hi bhikkhu brahmā mahābrahmā abhibhū anabhibhūto aññudatthudaso vasavattī issaro kattā nimmātā seṭṭho sañjitā vasī pitā bhūtabhavyānaṃ, Tỳ-kheo, vị Brahmā này thật sự là Mahā-brahmā, là Đại Phạm thiên, là đấng Chiến thắng, Toàn thắng, Toàn kiến, Toàn năng, Tự tại, là đấng Sáng tác, Sáng tạo, Tối tôn, Chúa tể, Quyền năng, là Tổ phụ của những gì đã sanh và sẽ sanh.

 [104] Hán: thần 神, đây chỉ quỷ thần; Pāli: bhūta.

 [105] Tám sự kể trên: bốn đại: đất, nước, lửa, gió, và quỷ thần, chư Thiên, Sanh chủ, Phạm thiên. Pāli: pathavī, āpa, tejo, vāyo, bhūta, deva, pajāpati, brahmā.

 [106] Quang thiên 光天 (Pāli: Parittābhā: Thiểu quang); Tịnh quang thiên 淨光天 (Pāli: Apramāṇābhā: Vô lượng luang) Biến tịnh quang thiên 遍淨光天 (Pāli: Ābhassara: Cực quang), cả ba thuộc thiền thứ hai Sắc giới. Bản Pāli kể: Ābhassara Cực quang thiên, cao nhất trong Nhị thiền), Subhakiṇṇa (Biến tịnh thiên, cao nhất trong Tam thiền) và Vehapphala (Quảng quả thiên thấp nhất trong Tứ thiền). Phạm thiên thuộc Sơ thiền.

 [107] Vô phiền, Vô nhiệt và Tịnh, nên hiểu là Vô phiền thiên, Vô nhiệt thiên, và Tịnh cư thiên. Xem cht.5 kinh 106.

 [108] Trong bản Pāli, bài kệ này do Phật nói.

 [109] Như kỳ tượng như ý túc 如其像如意足.

 [110] Tiên Dư Tài Chủ 仙餘財主; Pāli có thể là Isidatta dhanapati (thương gia), nhưng không đồng với Pāli ở đây: Pañcakaṅga thapati (Ngũ Chi vật chủ, xem kinh 179), một người thợ mộc của Pasenadi, vua xứ Kosala.

 [111] Xem các kinh 72,74, 77.

 [112] Đoán lý thần tá 斷 理 臣 佐.

 [113] Chân Ca-chiên-diên 真迦旃延. Pāli: Sabhiya Kaccāna.

 [114] Đại tâm giải thoát 大心解脫. Pāli: mahaggatā cetovimutti, tâm giải thoát đại hành, được phát triển rrộng lớn.

 [115] Vô lượng tâm giải thoát 無量心解脫. Pāli: appamāṇā cetovimutti.

 [116] Pāli, ngài không thừa nhận cả hai đồng nghĩa.

 [117] Bản Pāli: yāvatā ekaṃ rukkhamūlaṃ mahaggan ti pharitvā adhimuccitvā viharati, vị ấy an trú sau khi làm sung mãn và xác định rằng “lớn đến mức bằng một gốc cây”.

 [118] Xem cht.10, kinh 78.

 [119] Hán: hữu thắng thiên 有滕天. Tên kinh cũng do đó.

 [120] Sa-la-la nham sơn 娑羅邏巖山. Có lẽ Pli. Salaḷāgāra, tại đây Tôn giả Anuruddha đã thuyết kinh Salaḷāgāra-sutta (A. vi, tr. 300) về bốn satipaṭṭhāna cho các Tỳ kheo.

 [121] Xem Ngũ phần 22 (tr. 153a19).

 [122] Y được căng trên một cái khung gỗ để may. Y có thê may hai lớp hay bốpn lớp. Người trương y là vai trò thợ cả. Ngũ phần 22, Tăng-kỳ 28  (tr. 452b10) đều có pháp yết-ma tăng sai Tỳ kheo làm người may y.

 [123] Nguyen bản Hán như vậy. Nhưng trong các Luật, chỉ một y ca-thi-na thôi. Trong ba y của Tỳ kheo, chọn bất cư y nào làm ca-thi-na cũng được.

 [124] Xem cht. 28 kinh 33.

 [125] Hán: niệm dục minh đạt 念欲明達.

 [126] Hán: bất thọ tướng 不受相. Pl. cakkhunā rūpaṃ disvā ma nimittaggāhi hohi mānuvyañjanaggāhī, khi mắt thấy sắc, không nắm hình tướng của sắc, không nắm giữ các dấu hiệu riêng của sắc.

 [127] Hán: bất vị sắc. Pl.: mānuvyañjanaggāhī, chớ nắm giữ tướng phụ, các dấu hiệu riêng biệt khi nhìn thấy sắc. Pl.: vyañjana có nghĩa dấu hiệu, cũng có nghĩa gia vị hương liệu. Bản hán hiểu theo nghĩa thứ hai.

 [128] Vị phẫn tránh cố 謂忿諍故; vì sự phẫn nộ và tranh cãi. Pāli, thành cú: yatvādhikaraṇam enam cakkhundriyaṃ asaṃvuttaṃ viharantaṃ abhijjhādomanassā … anvāssaveyyuṃ tassa saṃsvarāya paṭipajhhāhi, do nguyên nhân gì mà khi không phòng hộ nhãn căn thì tham ưu trôi chảy vào, hãy tu tập để phòng hộ nguyên nhân ấy. Pāli: adhikaraṇa, có hai nghĩa: nguyên nhân, và tránh sự (tranh chấp); bản Hán hiểu theo nghĩa thứ hai. Vừa không chíh xác, mà đoạn văn lại tối nghĩa. Ở đây y theo thànhcú Pāli sửa lạ.

 [129] Vị phẫn tránh cố 謂忿諍故; vì sự phẫn nộ và tranh cãi. Pāli, thành cú: yatvādhikaraṇam enam cakkhundriyaṃ asaṃvuttaṃ viharantaṃ abhijjhādomanassā … anvāssaveyyuṃ tassa saṃsvarāya paṭipajhhāhi, do nguyên nhân gì mà khi không phòng hộ nhãn căn thì tham ưu trôi chảy vào, hãy tu tập để phòng hộ nguyên nhân ấy. Pāli: adhikaraṇa, có hai nghĩa: nguyên nhân, và tránh sự (tranh chấp); bản Hán hiểu theo nghĩa thứ hai. Vừa không chíh xác, mà đoạn văn lại tối nghĩa. Ở đây y theo thànhcú Pāli sửa lạ.

 [130] Chánh tri xuất nhập 正知出入; Pāli: abhikkante paṭikkante saṃpajānakārī, tỉnh giác (biết mình đang làm gì) khi đi tới đi lui.

 [131] Thiện quán phân biệt 善觀分別; Pāli: ālokite vilokite saupajānakārī, tỉnh giác khi nhìn trước nhìn sau.

 [132] Chánh thân chánh nguyện 正身正願; Pāli: ujuṃ kāyaṃ paṇidhāya, ngồi thẳng lưng. Bản Hán, paṇidhāya, sau khi đặt để, được hiểu là paṇidhāna: ước nguyện.

 [133] Phản niệm bất hướng 反念不向; Pāli: parimukhaṃ satiṃ upaṭṭhapetvā, dựng chánh niệm ngay trước mặt (hệ niệm tại tiền).

 [134] Tâm vô hữu tránh 心無有諍; Pāli: vigatābhijjhena cetasā vharati, sống với tâm tư không tham lam.

 [135] Hoặc phục giảm bát 或復減八: không rõ nghĩa.

 [136] Bản hán, hết quyển 19.

 [137] Ương-kỳ 鴦祁. Các đoạn trên kia âm là Ương-già. Pāli: Aṅga.

 [138] A-hòa-na 阿 那. Có lẽ Pāli là Āpaṇa, một ngôi làng Bà-la-môn, một thị trấn trong xứ Anguttarāpa thuộc vương quốc Aṅga (Ương-kỳ).

 [139] Kiền-ni 犍 尼 có lẽ Pāli là Kaniya, một đạo sĩ bện tóc (Jatila) ở tại Āpaṇa, được nói đến trong M.9: Sela-sutta. Bản Pāli nói: Phật tại Sāvatthi.

 [140] Niệm thân 念 身. Pāli: kāyagatāsati, thân hành niệm.

 [141] Từ đây trở xuống, như kinh số 98. Xem các chú thích ở kinh đó.

 [142] Pāli: ye gehasitā sarasaṃkappā te pahīyanti... ajjhattam eva cittaṃ santiṭṭhati sannisīdati ekodi hoti samādhīyati; đoạn trừ những niệm tưởng tư duy liên hệ thế tục... nội tâm an lập, an trụ, chuyên nhất, nhập định.

 [143] Tri thượng như chân 知 上 如 真; không rõ ý.

 [144] Nguyên Hán: chánh tri 正 知. Pāli: saṃpajāna.

 [145] Hán; thiện quán phân biệt. Pl.: ālokite volikite saṃpajānakārī, tỉnh giác khi nhìn, khi quan sát.

 [146] Hán: tháo đậu 澡 豆, người Trung Quốc thời cổ nghiền đậu thành bột, trộn với thuốc, làm bột tắm. Từ này dùng để chỉ bột tắm trong kinh Phật. Pāli: nahāniya-cuṇṇa.

 [147] Thanh tịnh tâm ý giả 清淨心意解: tâm thanh tịnh và ý cở mở. Pāli: so imam eva kāyaṃ parisuddhena cetasā pariyodātena pharitvā, vị ấy làm thấm nhuần thân nay với tâm thuần tịnh, tinh khiết.

 [148] Quang minh tưởng 光 明 想; niệm tưởng về ánh sáng. Bản Pāli không đề cập.

 [149] Nghĩa là quán trước mặt thấy như là sau lưng và ngược lại. Xem kinh số 85.

 [150] Quán tướng 觀 相. Bản Pāli không đề cập.

 [151] Đoàn phẩn 摶 糞; bản Tống-Minh 腨 bản Nguyên 揣.

 [152] Đạo phẩm pháp 道品法; không phải 37 phẩm trợ đạo. Pāli: vijjābhāgiyā, pháp thuận minh phần, dẫn đến phát sanh minh (ettha sampayogavasena vijjaṃ bhajantī’ti vijābhāgiyā).

 [153] Du hành thiểu tâm 遊行少心; được hiểu là sống với tâm không biến mãn bởi thân hành niệm.

 [154] Bản Pāli nói có mười: dasānisaṃsā, mười điều lợi ích.

 [155] Tức ba bất thiện tầm.

 [156] Bản Cao-li ghi các số năm, sáu, bảy. Bản Minh, sau thứ tư, không ghi các số này.

 [157] Nguyên Hán: tức giải thoát 息 解 脫; (Pāli: santa-vimokkha); chỉ định từ sắc giới vuợt qua sắc để nhập vô sắc, an trụ nơi tịch tĩnh giải thoát. Xem các kinh 26, 51. Bản Pāli không đề cập.

 [158] Như kỳ tượng định.

 [159] Các số này kể theo bản Cao-li. Bản Minh chỉ nêu số mười hai.

 [160]    Thực sự chỉ có 10, bằng con số trong bản Pāli, chỉ khác chi tiết.

 [161] Tránh sự 諍事. Pl., họ đang thảo luận về đề tài abhidhamma.

 [162] Chất-đa-la Tượng Tử 質多羅象子. Pāli: Citta-Hathisāriputta.

 [163] Đại Câu-hi-la 大拘絺羅. Pāli: Mahā-koṭṭhika.

 [164] Pāli: rāgo cittam anuddhaṃsati, tham dục làm bại hoại tâm.

 [165] Vô tưởng tâm định 無想心定; đây chỉ vô tướng tâm định. Pāli: animitta cetosamādhi.

 [166] Nguyên Hán: Chi-ly-di-lê trùng 支 離 彌 梨 虫. Pāli: cīrika-sadda (hoặc cīriḷika-sadda, tên kinh bản Hán âm từ từ này), tiếng dế kêu.

 [167] Bản Pāli còn có đoạn kết: Phật tiên đoán Tượng Tử sẽ xuất gia trở lại và sẽ đắc quả A-la-hán. Lời tiên đoán đúng.

 [168] Bà-kì-sấu 婆 奇 廋. Pāli: Bhaggesu, giữa những người Bhagga.

 [169] Ngạc sơn Bố lâm Lộc dã viên 鱷山怖林鹿野園. Pāli: trong núi Cá sấu, rừng Khủng bố, chỗ nuôi hươu. Xem kinh 74.

 [170] Thiện tri thức thôn 善知識村. Pāli: Kallavāḷamuttagāma. Ngài Đại Mục-kiền-liên ở đây ngay sau khi vừa xuất gia. Kinh này được nói vào lúc này. Bảy ngày sau đó, Ngài đắc quả A-la-hán.

 [171] Như kỳ tượng định.

 [172] Pāli: pacalāyati, ngủ gật.

 [173] Sở tướng 所 相, ở đây, đề mục thiền định. Pāli: saññā, tưởng.

 [174] Quảng bá 廣 布. Pāli: bahulīkaroti, tu tập nhiều.

 [175] Hán: môn mô 捫摸 (mằn mò). Pāli: ubho kaṇṇasotāni āviñcheyyasi, ngươi hãy vặn (hay kéo?) hai lỗ tai.

 [176] Hậu tiền tưởng 後前想, quán tưởng sau lưng như là trước mặt. Pāli:pacchāpuresaññī.

 [177] Minh tưởng 明想 hay quang minh tưởng, lấy các loại ánh sáng để làm đề mục, tập trung tư tưởng trên đó. Pāli: ālokasaññā, đề cập đến sau khi ngắm các ngôi sao không thành công.

 [178] Dục khởi tưởng 欲起想. Pāli: uṭṭhānasaññā.

 [179] Trong bản Pāli, câu này dành cho hành giả tự tâm niệm lúc nằm, tức những điều suy niệm của phép dục khởi tưởng.

 [180] Pl.(A.iv. tr. 88): na panāhaṃ, moggallāna, sabbeva saṃsaggaṃ vaṇṇayāmi, na panāhaṃ sabbeva samsaggaṃ na vaṇṇayāmi., “Ta không tán thán tất cả sự tụ hội. ta cuũng không phải không tán thán tất cả sự tụ hội.”

 [181] Pl. ibid.: sagahaṭṭhapabbajitehi kho ahaṃ samsaggaṃ na vaṇṇayāmi, “Ta không tán thán sự câu hội với người tại gia và xuất gia.”

 [182] Điệu 掉, ở đây cử chỉ tháy máy không yên. Pāli: uddhacca.

 [183] Vô sự xứ.

 [184] No.47: ai đã nói gì với cư sĩ đó? Bởi vì ta vào nhà mà cư sĩ đó không chịu nói chuyện với ta.

 [185] No.47: hãy như sư tử luận.

 [186] Bất thọ thử thế 不受此世. Pāli: na kiñci loke upādiyati, không chấp thủ bất cứ cái gì ở trên đời.

 [187] Bản Hán, hết quyển 20.

 [188] Xem kinh 217. Pāli: Mahāvane kuṭāgārasālāyam.

 [189] Già-la 遮 羅, Ưu-bá-già-la 優簸遮羅, Hiền Thiện 賢善, Hiền Hoạn 賢患, Da-xá 耶舍, Thượng Xứng 上稱. Pāli: Cāla, Upacāla, Kukkuṭa, Kaḷimbha, Nikaṭa, Kaṭissa.

 [190] Lệ xế 麗 掣: Lệ-xa, hoặc Li-xa. Pāli: Licchavī.

 [191] Xem kinh 184.

 [192] Nguyên Hán: ố lộ 惡露. Pl.: asubhanimittānuyogaṃ.

 [193] Nguyên bản Hán: tưởng tri 想知. Pl.: saññāvedayita.

 [194] Trng bản Pali, Phật nói mười loại gan nhọn (dasa kaṇṭakā).

 [195] Chân nhân pháp 真人法; No.48: hiền giả pháp 賢者法. Pāli: sappurisadhamma, chân nhân pháp, thiện nhân pháp thiện sĩ pháp.

 [196] Hành pháp như pháp, tùy thuận ư pháp, hướng pháp thứ pháp
行法如法隨順於法向法次法. Pāli: dhammānudhammapaṭṭpanno sāmicīpaṭṭipanno anudhammacāri; là người thực hành pháp tùy pháp, thực hành chân chính, có hành vi tùy thuận pháp.

 [197] A-tỳ-đàm 阿 毗 曇; thường chỉ Luận tạng. Pāli: abhidhamma.

 [198] Nguyên trong bản: A-hàm-mộ 阿含慕, thường chỉ chung Kinh tạng. Pāli: āgama.

 [199] Bất mạn y 不 慢 衣. Pāli: amāna-cīvara, y không kiêu mạn, hay amanāpa-cīvara, y xấu xí?

 [200] Bất ẩm tương 不飲漿. Luật chế, Tỳ kheo không ăn chiều nhưng được phép uống tám thứ nước trái cây.

 [201] Ái 愛; TNM: thọ (chấp thủ). Pāli (A.iii. 42): paṭhamajjhānasamāpattiyā pi kho atammayatā vuttā, sự chứng đạt Sơ thiền được nói là có tánh không tham luyến.

 [202] Xứ 處, gồm sáu nội xứ và sáu ngoại xứ. Pāli: cha ajjhattikāni āyatanāni, cha bāhirāni āyatanāni.

 [203] Ngũ thạnh ấm 五 盛 陰.

 [204] Thức thân 識身. Pāli: viññāṇakāya.

 [205] Nguyên Hán: cánh lạc thân 更樂身. Pāli: phassakāya.

 [206] Nguyên Hán: giác thân 覺身. Pāli: vedanākāya.

 [207] Tưởng thân 想身. Pāli: saññākāya.

 [208] Tư thân 思身. Pāli: sañcetanā-kāya.

 [209] Ái thân 愛身. Pāli: taṇhākāya.

 [210] Nhân duyên khởi và nhân duyên khởi sở sanh pháp 因緣起-因緣起所生法, hay duyên khởi, duyên khởi pháp; duyên sanh, duyên dĩ sanh pháp: lý duyên khởi và pháp do duyên khởi. Bản Pāli không đề cập, nhưng các từ tương đương là paṭiccasammuppāda, và paṭiccasammuppannā dhammā.

 [211] Bốn chánh đoạn 正 斷, tức bốn chánh cần. Pāli: sammappadhāna.

 [212] Khởi dục, cầu phương tiện hành, tinh cần, cử tâm, đoạn 起欲求方便行精勸舉心斷. Tham chiếu, Tập dị 6 (tr.391c 6): khởi dục, phát cần, tinh tấn, sách tâm, trì tâm起欲發
<lb n="0391c07"/>勤精進策心持心. Pāli: chandaṃ janeti vāyamati viriyaṃ ārabhati cittaṃ paggaṇhati padahati.

 [213] Bốn như ý túc 如 意 足, cũng nói là bốn thần túc. Pāli: cattaro iddhipādā.

 [214] Thiêu chư hành 燒諸行. Pāli: padhānasaṃkhāra: tinh cần hành, tức tác ý hay nỗ lực tinh cần; saṃkhāra ở đây đồng nghĩa payoga: gia hành. Bản Hán hiểu padahana: tinh cần, do gốc động từ dahati: thiêu đốt, thay vì theo nghĩa đặt để.

 [215] Dịch sát văn Hán. Tham chiếu, Tập dị 6, nt.: dục tam-ma-địa đoạn hành (hay thắng hành) thành tựu thần túc Pāli: chanda-samādhi-padhānā-saṃkhāra-samannāgataṃ iddhipādaṃ, thần túc được thành tựu bằng tác động tinh cần tập trung vào sự (đối tượng) ước muốn.

 [216] Nguyện chí phi phẩm 願至非品. Xem kinh 10 cht. 24. Pl. thành cú: vivekanissitaṃ virāganissitaṃ nirodhanissitaṃ vossaggapariṇāmiṃ, y viễn ly, y ly dục, y diệt tận, hướng đến xả ly .

 [217] Nguyên Hán: quán định 觀定.

 [218] Xem giải thích, Tập dị 6, tr. 392 a-b.

 [219] Hán: cựu Thánh chủng 舊聖種. Tập dị ibid: cổ tích Thánh chúng, Pāli: porāṇe aggaññe ariyavaṃse ṭhito, đứng vững trong phả hệ Thánh từ ngàn xưa.

 [220] Thục giải thoát tưởng 孰解脫想. Xem Tập dị 13 (tr. 423c): thành thục giải thoát tưởng. Pāli: pañca vimuttiparipācaniyā saññā (các tưởng làm chín mùi giải tát): anicca-saññā, anicce dukkha-saññā, dukkhe anatta-saññā, pahāna-saññā (khác với các bản Hán; xem D. 33. Saṅgīti, mục Năm pháp).

 [221] Bất tịnh ố lộ tưởng 不淨惡露想. Pāli: asubhasañña.

 [222] Hai tưởng sau, Tập dị: yểm nghịch thực tưởng, tử tưởng; xem thêm chú thích trên.

 [223] Năm giải thoát xứ 解 脫 處. Pāli: pañca vimuttāyatanāni. Xem D. 33. Saṅgīti.

 [224] Nguyên Hán: hoan duyệt 歡悅.

 [225] Nguyên Hán: hoan hỷ 歡喜.

 [226] Nguyên Hán: chỉ thân 止 身; ở đây theo dịch ngữ của Tập dị sđđ. Pāli: passaddha-kāya.

 [227] Tuần tự theo Pāli (D.iii. 241): pamojjaṃ (hoan hỷ), pīti (hỷ), passaddhakāyo (thân khinh an), sukhaṃ (lạc), cittaṃ samādhiyati (tâm định).

 [228] Năm xuất yếu hay 出要界: xuất ly giới Pāli: pañca nissāraṇiyā dhātuyo, năm giới hạn cần phải thoát ly; xem D. 33 Saṅgīti. Cf Tập dị 14 (No 1536, tr. 427b21).

 [229] Nguyên Hán: bất tín giải 不信解; Tập dị, sđd. tr.427c: vô thắng giải 無勝解; Pāli (D 33) na vimuccati (Sớ giải: đồng nghĩa với adhimuccati).

 [230] Nguyên Hán: kỷ thân 己身: tự thân của mình.  Đây nói về hữu thân (kiến), hay tát-ca-da (tà-kiến). Tập dị ibid.: hữu thân 有身. Pali: sakāya.

 [231] Ngưyên Hán: tức 息.

 [232] Nguyên Hán: chánh chí 正 志.

 [233] Nguyên Hán: chánh phương tiện 正 方 便.

 [234] Đảnh pháp đảnh pháp thối 頂法頂法退. Pāli không có. Tham khảo, Tì-bà-sa 6 (No.1545, tr. 25 c): “Ví như đỉnh núi”.

 [235] Đoạn này, về đảnh pháp được dẫn trong Tì-bà-sa 6 (Đại 27, trang 26 c) với một ít dị biệt. Xem các chú thích dưới.

 [236] Tì-bà-sa ibid.: “đối với năm thủ uẩn, trong pháp duyên sanh...”

 [237] ibid.: “... có nhẫn, có kiến, có dục lạc, có hành giải...” về nhẫn pháp, Câu-xá 23 (No.1558, tr. 119 c): “đối với bốn Diệu đế có khả năng chấp nhận”.

 [238] Phát trí 1 (No.1554, tr. 918 c) Tỳ-bà-sa 6 (tr. 27 a-b): đảnh đọa do ba nguyên nhân sau khi đã đạt đến đảnh: Không thân cận thiện sĩ, không thính văn chánh pháp, không như lý tác ý.

 [239] Bản Hán, văn mạch không chặt chẽ, nên hiểu là “cũng như đối với năm thủ uẩn ở trên, thức... cũng vậy”.

 [240] Bài tụng này tóm tắt các vấn đề được nói đến trong kinh. * Bản Hán, hết quyển 21.

Phẩm 9: Uế phẩm

PHẨM 9: UẾ PHẨM

TỤNG NGÀY THỨ HAI

Tiểu thổ thành

穢求比丘請

智周那問見

華喻水淨梵

黑住無在後

Kệ tóm tắt:

Uế, Cầu, Tỳ kheo thỉnh,

Hoa dụ, Thủy tịnh phạm,

Hắc, Trụ, Vô cuối cùng.

87. KINH UẾ PHẨM

 [566a14] Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật đến Bà-kì-sấu, ở trong núi Ngạc rừng Bố, vườn Lộc dã [1].

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất nói với các Tỳ-kheo:

“Này Chư Hiền, thế gian có bốn hạng người. Những gì là bốn? Hoặc có một hạng người bên trong thật có cấu uế [2] mà không tự biết, không biết như thật bên trong có cấu uế. Hoặc có một hạng người bên trong thật có  cấu uế nhưng tự biết, biết như thật bên trong có  cấu uế. Hoặc có một hạng người bên trong thật không có  cấu uế mà không tự biết, không tự biết bên trong thật không có  cấu uế. Hoặc có một hạng người bên trong thật không có  cấu uế và tự biết, biết như thật bên trong thật không có  cấu uế.

“Chư Hiền, ở đây hạng người bên trong thật có cấu uế mà không tự biết, không biết như thật bên trong có cấu uế, hạng ấy tối hạ tiện trong các hạng người.           

“Ở đây hạng người bên trong thật có cấu uế nhưng tự biết như thật, biết như thật bên trong thật có cấu uế, hạng ấy tối thắng trong các hạng người.. [3]

“Ở đây hạng người bên trong thật không có cấu uế mà không tự biết, không biết như thật bên trong thật không có cấu uế, hạng ấy tối hạ tiện trong các hạng người.. [4]         

“Ở đây hạng người bên trong thật không có cấu uế mà tự biết, biết như thật bên trong thật không có  cấu uế, thì trong loài người, đây là hạng tối thắng”.

Lúc ấy, có một Tỳ-kheo [5] liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo vai phải, chắp tay hướng về Tôn giả Xá-lợi-phất bạch rằng:

“Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, [566b] do nhân gì, duyên gì mà hai hạng người trước đều có  cấu uế  làm bẩn tâm, mà một người được nói là tối hạ tiện và một người được coi là tối thắng? Và do nhân gì, duyên gì mà hai hạng người sau không có  cấu uế, không làm bẩn tâm, nhưng một người được nói là tối hạ tiện và một người được coi là tối thắng?”

Khi đó, Tôn giả Xá-lợi-phất trả lời vị Tỳ-kheo kia rằng:

“Hiền giả, một người bên trong thật có cấu uế mà không tự biết, không biết như thật bên trong thật có  cấu uế, thì nên biết, người ấy không muốn đoạn trừ cấu uế, không cầu phương tiện, không tinh cần học. Người ấy khi mạng chung, với  cấu uế làm bẩn tâm, do mạng chung với  cấu uế làm  bẩn tâm, nó chết không an lành, sanh vào chỗ bất thiện. Vì sao? Vì người ấy do mạng chung với  cấu uế làm  bẩn tâm.

“Này Hiền giả, cũng như có một người từ chợ, quán, hoặc từ nhà làm đồ đồng mua về một cái mâm đồng bị bụi bẩn làm bẩn. Người ấy mang về nhưng không năng rửa bụi, không năng lau chùi, cũng không phơi nắng, lại để chỗ nhiều bụi bặm nên đồng càng dính thêm bụi bặm dơ bẩn. Hiền giả, cũng vậy, một người bên trong thật có cấu uế mà không tự biết, không biết như thật bên trong thật có cấu uế, thì nên biết, người ấy không muốn đoạn trừ cấu uế, không cầu phương tiện, không tinh cần học, nó mạng chung với sự cấu uế làm  bẩn tâm. Do mạng chung với sự  cấu uế làm  bẩn tâm, nó chết không an lành, sanh vào chỗ bất thiện. Vì sao? Bởi vì nó mạng chung với  cấu uế làm  bẩn tâm.

“Này Hiền giả, nếu một người biết như thật rằng: ‘Trong ta có  cấu uế, trong ta quả thật có cấu uế này’, thì nên biết, người ấy muốn đoạn trừ  cấu uế đó, cầu phương tiện và tinh cần học. Người ấy mạng chung mà không có  cấu uế, không làm  bẩn tâm. Do mạng chung không có  cấu uế, không làm  bẩn tâm, người ấy chết an lành, sanh vào cõi thiện. Vì sao? Vì người ấy mạng chung mà không có  cấu uế, không làm  bẩn tâm.

“Này Hiền giả, cũng như có người từ chợ, quán, hoặc từ nhà người làm đồ đồng mua về một cái mâm đồng bị bụi bặm làm dơ bẩn. Người ấy mang mâm về, thường năng rửa bụi bặm, thường năng lau chùi, thường năng phơi nắng và không để chỗ nhiều bụi bặm. Như vậy, mâm đồng hết sức sạch bóng. Hiền giả, cũng vậy, nếu một người biết như thật rằng: ‘Trong ta có  cấu uế; trong ta quả thật có  cấu uế này’, thì nên biết, người ấy muốn đoạn trừ  cấu uế đó, cầu phương tiện và tinh cần học. Người ấy mạng chung mà không có  cấu uế, không làm  bẩn tâm. Do mạng chung không có  cấu uế, không làm  bẩn tâm, người ấy chết an lành, sanh vào cõi thiện. Vì sao? Vì người ấy mạng chung mà không có cấu uế, [566c] không làm  bẩn tâm.

“Hiền giả, nếu một người không biết như thật rằng: ‘Trong ta không có  cấu uế; trong ta quả thật không có cấu uế này’, thì nên biết, người ấy không giữ gìn được những pháp mắt thấy tai nghe. Do không giữ gìn được những pháp mắt thấy tai nghe, nó bị dục tâm ràng buộc. Nó sẽ mạng chung với dục tâm, với  cấu uế làm  bẩn tâm. Do mạng chung với dục tâm, với  cấu uế làm  bẩn tâm, nó chết không an lành, sanh vào cõi bất thiện. Vì sao? Vì nó mạng chung với dục tâm, với  cấu uế làm  bẩn tâm.

“Hiền giả, cũng như có một người từ chợ, quán, hoặc từ nhà làm đồ đồng, mua về một cái mâm đồng không có bụi bẩn. Người ấy mang mâm về nhưng không năng rửa bụi, không năng lau chùi, không thường phơi nắng, để chỗ nhiều bụi bặm. Như vậy, mâm đồng chắc chắn dính bụi bặm dơ bẩn. Hiền giả, cũng vậy, nếu một người không biết như thật rằng: ‘Trong ta không có  cấu uế; trong ta thật không có cấu uế này’, thì nên biết, người kia không giữ gìn được những pháp mắt thấy tai nghe. Do không giữ gìn được những pháp mắt thấy tai nghe, nó bị dục tâm ràng buộc. Nó sẽ mạng chung với dục tâm, với  cấu uế làm  bẩn tâm. Nó chết không an lành, sanh vào cõi bất thiện. Vì sao? Vì nó mạng chung với dục tâm, với  cấu uế làm  bẩn tâm.

“Hiền giả, nếu một người biết như thật rằng: ‘Trong ta không có  cấu uế; trong ta quả thật không có  cấu uế này’, thì nên biết, người ấy giữ gìn được những pháp mắt thấy tai nghe. Do vì giữ gìn được những pháp mắt thấy tai nghe nên người ấy không bị dục tâm ràng buộc. Người ấy mạng chung mà không có dục tâm, không có  cấu uế, không làm  bẩn tâm. Do mạng chung mà không có dục tâm, không có  cấu uế, không làm  bẩn tâm, người ấy chết an lành, sanh vào nẻo thiện. Vì sao? Vì người ấy không có dục tâm, không có  cấu uế, không làm  bẩn tâm.

“Hiền giả, cũng như có người hoặc từ chợ, quán, hoặc từ nhà làm đồ đồng mua về một cái mâm đồng không có bụi bẩn, sạch bóng. Người ấy mang mâm về, thường năng rửa bụi, thường năng lau chùi, thường năng phơi nắng, không để chỗ bụi bặm. Như vậy, cái mâm đồng hết sức sạch bóng. Hiền giả, cũng vậy, nếu một người biết như thật rằng: ‘Trong ta không có  cấu uế; trong ta quả thật không có  cấu uế này’, thì nên biết người ấy giữ gìn được những pháp mắt thấy tai nghe. Do vì giữ gìn được những pháp mắt thấy tai nghe nên người ấy không bị dục tâm ràng buộc. Người ấy mạng chung mà không có dục tâm, không có  cấu uế, không làm  bẩn tâm. Do mạng chung mà không có dục tâm, [567a] không có  cấu uế, không làm  bẩn tâm, người ấy chết an lành, sanh vào cõi thiện. Vì sao? Vì người ấy không có dục tâm, không có  cấu uế, không làm  bẩn tâm.

“Hiền giả, do nhân này, duyên này mà hai hạng người trước mặc dù đều có  cấu uế làm  bẩn tâm, nhưng một người được nói là tối hạ tiện, và một người được coi là tối thắng. Và cũng do nhân này, duyên này mà hai hạng người sau mặc dù đều không có  cấu uế, không làm  bẩn tâm, nhưng một người được nói là tối hạ tiện, và một người được coi là tối thắng”.

Bấy giờ lại có một thầy Tỳ-kheo khác, từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo vai hữu, chắp tay hướng về Tôn giả Xá-lợi-phất, bạch rằng:

“Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, Ngài nói  cấu uế; những gì là  cấu uế?”

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp rằng:

“Này Hiền giả, vô lượng pháp ác bất thiện từ dục mà sanh, đó là  cấu uế [6]. Vì sao? Giả sử có một người mà tâm sanh ước muốn như vầy, ‘Ta đã phạm giới, mong rằng người khác đừng biết ta phạm giới’. Hiền giả, nhưng có người khác biết nó phạm giới. Bởi vì người khác biết nó phạm giới, nên nó tâm sanh ác [7]. Nếu với người ấy mà tâm phát sanh ác, tâm phát sanh dục, cả hai đều là bất thiện [8].

“Hiền giả, giả sử có người sanh tâm ước muốn như vầy, ‘Ta đã phạm giới, mong người khác chỉ trích ta ở chỗ kín đáo, chứ đừng chỉ trích ta phạm giới ở gữia đại chúng’. Hiền giả, nhưng có người khác chỉ trích nó ở giữa đại chúng chứ không ở chỗ kín đáo. Do bởi người khác quở trách nó ở giữa đại chúng, chứ không ở chỗ kín đáo, nên nó sanh tâm ác. Người ấy sanh tâm ác và sanh tâm dục cả hai đều là bất thiện.  

“Hiền giả, giả sử có người sanh tâm ước muốn như vầy, ‘Ta đã phạm giới, mong rằng bị người hơn mình trách mắng, chứ đừng bị người kém mình trách mắng ta phạm giới’. Này Hiền giả, nhưng người kém nó chứ không phải người hơn, trách mắng nó phạm giới. Do bị người kém mình chứ không phải người hơn trách mắng, nên tâm sanh ác. Nếu người ấy tâm sanh ác và tâm sanh dục thì cả hai đều là bất thiện.  

“Hiền giả, giả sử có người sanh tâm ước muốn như vầy: ‘Mong rằng ta ngồi trước mặt Đức Thế Tôn, thưa hỏi Đức Thế Tôn về giáo pháp để Ngài nói cho các Tỳ-kheo nghe, chứ không phải vị Tỳ-kheo khác ngồi trước mặt Đức Thế Tôn,thưa hỏi Đức Thế Tôn về giáo pháp để Ngài nói cho các Tỳ-kheo nghe’. Này Hiền giả, nhưng có Tỳ-kheo khác ngồi trước mặt Đức Thế Tôn,thưa hỏi Đức Thế Tôn về giáo pháp để Ngài nói cho các Tỳ-kheo nghe. Do vì có vị Tỳ-kheo khác ngồi trước mặt Đức Thế Tôn, thưa hỏi Đức Thế Tôn về giáo pháp để Ngài nói cho các Tỳ-kheo nghe, nên người ấy sanh tâm ác. Người ấy sanh tâm ác và sanh tâm dục, cả hai đều là bất thiện.

“Hiền giả, giả sử có người sanh tâm [567b] ước muốn như vầy: ‘Lúc các Tỳ-kheo vào làng [9], mong rằng ta đi trước nhất, các Tỳ-kheo theo sau ta mà vào làng, đừng có một Tỳ-kheo nào khác mà khi các Tỳ-kheo vào làng đi trước nhất, và các Tỳ-kheo đi theo sau mà vào’. Này Hiền giả, nhưng có Tỳ-kheo, khi các Tỳ-kheo vào làng, đã đi trước nhất, và các Tỳ-kheo theo sau vị ấy để vào làng. Do bởi có Tỳ-kheo khác, khi các Tỳ-kheo vào làng, đã đi trước nhất và các Tỳ-kheo theo sau để vào làng, nên người ấy sanh tâm ác. Người ấy sanh tâm ác và sanh tâm dục, cả hai đều là bất thiện.

“Hiền giả, giả sử có người tâm sanh ước muốn như vầy, ‘Khi các Tỳ-kheo đã vào trong [10], mong rằng ta ngồi chỗ cao hơn hết, được chỗ ngồi bậc nhất, được nước rửa bậc nhất, được thức ăn bậc nhất, chứ đừng có vị Tỳ-kheo nào khác mà khi các Tỳ-kheo đã vào trong lại ngồi chỗ cao hơn hết, được chỗ ngồi bậc nhất, được nước rửa bậc nhất, được thức ăn bậc nhất’. Này Hiền giả, nhưng có Tỳ-kheo khác, khi các Tỳ-kheo đã vào trong, ngồi chỗ cao hơn hết, được chỗ ngồi bậc nhất, được nước rửa bậc nhất, được thức ăn bậc nhất. Do bởi có Tỳ-kheo khác, khi các Tỳ-kheo đã vào trong, ngồi ghế cao hơn hết, được chỗ ngồi bậc nhất, được thức ăn bậc nhất, nên người ấy sanh tâm ác. Người ấy sanh tâm ác và sanh tâm dục, cả hai đều là bất thiện.

“Hiền giả, giả sử có người sanh tâm ước muốn như vầy: ‘Các Tỳ-kheo ăn xong, sau khi thu dọn đồ ăn, lau rửa rồi, mong ta nói pháp cho cư sĩ nghe để khuyến phát khát ngưỡng và thành tựu hoan hỷ; đừng có Tỳ-kheo nào khác sau khi các Tỳ-kheo ăn xong thu dọn đồ ăn, lau rửa rồi, nói pháp cho cư sĩ nghe để khuyến phát khát ngưỡng và thành tựu hoan hỷ’. Này Hiền giả, nhưng có Tỳ-kheo khác, sau khi Tỳ-kheo ăn xong, thu dọn đồ ăn, lau rửa rồi, nói pháp cho cư sĩ nghe để khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Do bởi có Tỳ-kheo khác, sau khi các Tỳ-kheo ăn xong, thu dọn đồ ăn, lau rửa rồi nói pháp cho cư sĩ nghe để khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ, nên người ấy sanh tâm ác. Người ấy sanh tâm ác và sanh tâm dục, cả hai đều là bất thiện.

“Hiền giả, giả sử có người sanh tâm ước muốn như vầy: ‘Khi các cư sĩ đi đến chúng viên [11], mong rằng ta với họ cùng tụ hội, cùng tụ tập, cùng ngồi, cùng đàm luận, đừng có Tỳ-kheo nào khác khi các cư sĩ đi đến chúng viên mà cùng tụ hội, cùng tụ tập, cùng ngồi, cùng đàm luận với họ’. Này [567c] Hiền giả, nhưng có Tỳ-kheo khác, khi các cư sĩ đi đến chúng viên, cùng tụ hội, cùng tụ tập, cùng ngồi, cùng đàm luận với họ. Do bởi có Tỳ-kheo khác khi các cư sĩ đi đến chúng viên cùng tụ hội, cùng tụ tập, cùng ngồi, cùng đàm luận với họ, nên người ấy sanh tâm ác. Người ấy sanh tâm ác và sanh tâm dục, cả hai đều là bất thiện.

“Hiền giả, giả sử có người sanh tâm ước muốn như vầy: ‘Mong rằng ta được Vua biết đến, được các Đại thần, Bà-la-môn, Cư sĩ và nhân dân trong nước biết đến và kính trọng’. Này Hiền giả, nhưng có vị Tỳ-kheo khác được vua biết đến, được các Đại thần, Bà-la-môn, Cư sĩ và nhân dân trong nước biết đến và kính trọng. Do bởi có vị Tỳ-kheo khác được vua biết đén, được các Đại thần, Bà-la-môn, Cư sĩ và nhân dân trong nước biết đến và kính trọng, nên người ấy sanh tâm ác. Người ấy sanh tâm ác và sanh tâm dục, cả hai đều là bất thiện.

“Hiền giả, giả sử có người sanh tâm ước muốn như vầy: ‘Mong rằng ta được bốn chúng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc và Ưu-bà-di kính trọng, đừng có Tỳ-kheo nào khác được bốn chúng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di kính trọng’. Này Hiền giả, nhưng có Tỳ-kheo khác được bốn chúng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di kính trọng. Do bởi có Tỳ-kheo khác được bốn chúng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di kính trọng, nên người ấy sanh tâm ác. Người ấy sanh tâm ác và sanh tâm dục, cả hai đều là bất thiện.

“Hiền giả, giả sử có người sanh tâm ước muốn như vầy: ‘Mong ta được các dụng cụ sinh hoạt như quần áo, đồ ăn uống, giường nệm, thuốc thang, đừng có Tỳ-kheo nào được các dụng cụ sinh hoạt như quần áo, đồ ăn uống, giường nệm, thuốc thang’. Này Hiền giả, nhưng có Tỳ-kheo khác được các dụng cụ sinh hoạt như quần áo, đồ ăn uống, giường nệm, thuốc thang. Do bởi có Tỳ-kheo khác được các dụng cụ sinh hoạt như: quần áo, đồ ăn uống, giường nệm, thuốc thang, nên người ấy sanh tâm ác. Người ấy sanh tâm ác và sanh tâm dục, cả hai đều là bất thiện.

“Này Hiền giả, như vậy nếu có các đồng phạm hạnh có trí, vì không biết người ấy sanh tâm ham muốn vô lượng ác bất thiện như vậy, nên mặc dù người ấy như thế không phải Sa-môn nhưng các vị tưởng là Sa-môn, không phải là Sa-môn có trí mà tưởng là Sa-môn có trí, không phải là chánh trí mà tưởng là chánh trí, không phải là chánh niệm mà tưởng là chánh niệm, không phải thanh tịnh mà [568a] tưởng là thanh tịnh. Hiền giả, người ấy như vậy mà nếu các đồng phạm hạnh có trí, do biết người ấy sanh tâm ham muốn vô lượng ác bất thiện như vậy, người ấy như thế không phải Sa-môn thì không cho là Sa-môn, không phải là Sa-môn có trí thì không cho là Sa-môn có trí, không phải chánh trí thì không cho là chánh trí, không phải chánh niệm thì không cho là chánh niệm, không phải thanh tịnh thì không cho là thanh tịnh.

“Này Hiền giả, cũng như có người hoặc từ chợ, quán, hoặc từ nhà làm đồ đồng mua một cái mâm đồng đựng đầy phẩn bên trong, có nắp đậy phía trên, rồi bưng đi. Qua các phố xá, gần chỗ đông người qua lại; những người kia thấy mâm đồng ấy đều muốn được ăn, tỏ ý rất ưa thích, không chán ghét và nghĩ lầm cái mâm đồng là sạch. Người ấy bưng mâm đồng đi rồi dừng chân tại một chỗ nào đó và giở nó ra. Mọi người thấy vậy đều không muốn ăn, không có ý ưa thích, rất chán ghét và cho là đồ bất tịnh. Dù cho người đã muốn ăn cũng không thèm dùng, huống chi người vốn không muốn ăn. Hiền giả, cũng vậy, người ấy như vậy, nếu các phạm hạnh có trí, vì không biết người ấy sanh tâm ham muốn vô lượng bất thiện như vậy, nên mặc dù người ấy như thế, không phải Sa-môn mà các vị kia cứ tưởng là Sa-môn, không phải Sa-môn có trí mà cứ tưởng là Sa-môn có trí, không phải chánh trí mà tưởng là chánh trí, không phải chánh niệm mà tưởng là chánh niệm, không phải là thanh tịnh mà tưởng là thanh tịnh. Này Hiền giả, người ấy như vậy, nếu các đồng phạm hạnh có trí, do biết người ấy sanh tâm ham muốn vô lượng ác bất thiện như vậy, nên người ấy như thế không phải là Sa-môn thì các vị kia không cho nó là Sa-môn, không phải Sa-môn có trí thì không cho là Sa-môn có trí, không phải chánh trí thì không cho là chánh trí, không phải chánh niệm thì không cho là chánh niệm, không phải thanh tịnh thì không cho là thanh tịnh.

“Này Hiền giả, phải biết, người như vậy không nên gần gũi, không nên cung kính, lễ bái. Nếu Tỳ-kheo nào không đáng gần gũi mà gần gũi, không đáng cung kính lễ bái mà cung kính lễ bái, thì người thân cận cung kính lễ bái ấy lâu dài không được thiện lợi, không được hữu ích, không lợi ích, không an ổn khoái lạc, sanh ra đau khổ buồn lo.

“Hiền giả, giả sử có người không sanh tâm ước muốn như vầy: ‘Ta đã phạm giới, mong người khác đừng biết ta phạm giới’. Này Hiền giả, hoặc có người biết người ấy phạm giới, người ấy nhân vì người khác biết mình phạm giới, không sanh tâm ác. Nếu người ấy không sanh tâm ác, không sanh tâm dục,cả hai đều là thiện.

“Hiền giả, giả sử có người không sanh tâm ước muốn như vầy, ‘Ta đã phạm giới, mong người khác chỉ trích ở chỗ kín đáo chứ đừng chỉ trích là ta phạm giới ở giữa [568b] đại chúng’. Này Hiền giả, hoặc có người khác chỉ trích người ấy ở giữa đại chúng chứ không ở chỗ kín đáo, người ấy nhân vì người khác chỉ trích ở giữa đại chúng chứ không ở chỗ kín đáo, không sanh tâm ác. Nếu người ấy không sanh tâm ác, không sanh tâm dục,cả hai đều là thiện.

“Hiền giả, giả sử có người người không sanh tâm ước muốn như vầy, ‘Ta đã phạm giới, mong người hơn mình chỉ trích chứ đừng có người không bằng mình chỉ trích ta đã phạm giới’. Này Hiền giả, hoặc có người không bằng, chứ không phải người hơn chỉ trích người ấy phạm giới, người ấy nhân vì người không bằng mình chứ không phải người hơn chỉ, không sanh tâm ác. Nếu người ấy không sanh tâm ác, không sanh tâm dục,cả hai đều là thiện.

“Hiền giả, giả sử có người người không sanh tâm ước muốn như vầy, ‘Mong ta ngồi trước mặt Đức Thế Tôn, thưa hỏi Đức Thế Tôn về giáo pháp để Ngài nói cho các Tỳ-kheo nghe’. Này Hiền giả, hoặc có vị Tỳ-kheo khác ngồi trước mặt Đức Thế Tôn, thưa hỏi Đức Thế Tôn về giáo pháp để Ngài nói cho các Tỳ-kheo nghe. Người ấy nhân vì có vị Tỳ-kheo khác ngồi trước mặt Đức Thế Tôn, thưa hỏi Đức Thế Tôn về giáo pháp để Ngài nói cho các Tỳ-kheo nghe, không sanh tâm ác. Nếu người ấy không sanh tâm ác, không sanh tâm dục,cả hai đều là thiện.

“Hiền giả, giả sử có người người không sanh tâm ước muốn như vầy, ‘Lúc các Tỳ-kheo vào làng mong rằng ta đi trước nhất và các Tỳ-kheo theo sau ta để vào, chứ đừng có vị Tỳ-kheo nào đi trước nhất khi các Tỳ-kheo vào trong và các Tỳ-kheo theo sau vị ấy vào’. Này Hiền giả, khi các Tỳ-kheo vào trong làng, hoặc có Tỳ-kheo khác đi trước nhất và các Tỳ-kheo theo sau vị ấy vào trong. Người ấy nhân vì có Tỳ-kheo khác, khi các Tỳ-kheo vào trong, đi trước nhất, các Tỳ-kheo theo sau vào trong nhưng không sanh tâm ác. Nếu người ấy tâm không sanh ác, tâm không sanh dục, cả hai đều là thiện.

“Hiền giả, giả sử có người người không sanh tâm ước muốn như vầy, ‘Khi các Tỳ-kheo đã vào trong, mong ta ngồi trên ghế cao hơn hết, được ngồi chỗ bậc nhất, được nước rửa bậc nhất, được thức ăn bậc nhất’. Này Hiền giả, hoặc có vị Tỳ-kheo khác, khi các Tỳ-kheo đã vào trong, [568c] ngồi ghế cao hơn hết, được chỗ ngồi bậc nhất, được nước rửa bậc nhất, được thức ăn bậc nhất. Người ấy nhân vì có Tỳ-kheo khác, khi các Tỳ-kheo đã vào trong, ngồi ghế cao hơn hết, được chỗ ngồi bậc nhất, được nước rửa bậc nhất, không sanh tâm ác. Nếu người ấy không sanh tâm ác, không sanh tâm dục, cả hai đều là thiện.

“Hiền giả, giả sử có người người không sanh tâm ước muốn như vầy, ‘Sau khi các Tỳ-kheo ăn xong, thu dọn đồ ăn, lau rửa rồi mong ta nói pháp cho cư sĩ nghe để khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ, đừng có Tỳ-kheo nào khác, sau khi các Tỳ-kheo ăn xong, thu dọn đồ ăn, lau rửa rồi nói pháp cho cư sĩ nghe để khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ’. Này Hiền giả, hoặc có vị Tỳ-kheo khác, sau khi các Tỳ-kheo ăn xong, thu dọn đồ ăn, lau rửa rồi nói pháp cho cư sĩ nghe để khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Người ấy nhân vì có Tỳ-kheo khác, sau khi các Tỳ-kheo ăn xong, thu dọn đồ ăn, lau rửa rồi nói pháp cho cư sĩ nghe để khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ, nhưng không sanh tâm ác. Nếu người ấy tâm không sanh tâm ác, tâm không sanh dục, cả hai đều là thiện.

“Hiền giả, giả sử có người người không sanh tâm ước muốn như vầy, ‘Khi các cư sĩ đi đến chúng viên, mong ta với họ cùng tụ hội, cùng tụ tập, cùng ngồi, cùng đàm luận, chứ đừng có Tỳ-kheo nào khác khi các cư sĩ đi đến chúng viên, cùng tụ hội, cùng tụ tập, cùng ngồi, cùng đàm luận với họ’. Này Hiền giả, hoặc có Tỳ-kheo khác, khi các cư sĩ đi đến chúng viên cùng tụ hội, cùng tụ tập, cùng ngồi, cùng đàm luận với họ. Người ấy nhân vì có Tỳ-kheo khác, khi các cư sĩ đến chúng viên cùng tụ hội, cùng tụ tập, cùng ngồi, cùng đàm luận với họ, không sanh tâm ác. Nếu người ấy tâm không sanh ác, tâm không sanh dục, cả hai đều là thiện.

“Hiền giả, giả sử có người người không sanh tâm ước muốn như vầy, ‘Mong ta được vua biết đến, được các Đại thần, Bà-la-môn, cư sĩ, nhân dân trong nước biết đến và kính trọng; đừng có Tỳ-kheo nào khác được vua biết đến, được các Đại thần, Bà-la-môn, cư sĩ, nhân dân trong nước biết đến và kính trọng’. Này Hiền giả, hoặc có vị Tỳ-kheo khác được vua biết đến, được các Đại thần, Bà-la-môn, cư sĩ, nhân dân trong nước biết đến và kính trọng. Nhân vì có Tỳ-kheo khác được vua biết đến, được các Đại thần, Bà-la-môn, cư sĩ, nhân dân trong nước biết đến và kính trọng, người ấy không sanh tâm ác. Nếu người ấy không sanh tâm ác, không sanh tâm dục,cả hai đều là thiện.

“Hiền giả, giả sử có người người không sanh tâm ước muốn như vầy, ‘Mong ta được bốn chúng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, [569a] Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di kính trọng, đừng có Tỳ-kheo nào khác được bốn chúng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di kính trọng’. Này Hiền giả, hoặc có Tỳ-kheo khác được bốn chúng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di kính trọng. Nhân vì có Tỳ-kheo khác được bốn chúng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di kính trọng, người ấy không sanh tâm ác. Nếu người ấy tâm không sanh ác, tâm không sanh dục, cả hai đều là thiện.

“Hiền giả, giả sử có người người không sanh tâm ước muốn như vầy, ‘Mong ta được các dụng cụ sinh hoạt như quần áo, đồ ăn uống, giường nệm, thuốc thang, đừng có Tỳ-kheo nào khác được các dụng cụ sinh hoạt như quần áo, đồ ăn uống, giường nệm, thuốc thang’. Này Hiền giả, hoặc có Tỳ-kheo khác được các dụng cụ sinh hoạt như quần áo, đồ ăn uống, giường nệm, thuốc thang, người ấy không sanh tâm ác. Nếu người ấy tâm không sanh ác, tâm không sanh dục, cả hai đều là thiện.

“Hiền giả, người ấy như vậy, nếu các đồng phạm hạnh có trí, vì không biết người ấy sanh tâm dục vô lượng thiện [12] như vậy nên người ấy như thế chính là Sa-môn, mà các vị kia tưởng không phải là Sa-môn, chính là Sa-môn có trí mà tưởng không phải là Sa-môn có trí, chính là chánh trí mà tưởng không phải là chánh trí, chính là chánh niệm mà tưởng không phải là chánh niệm, chính là thanh tịnh mà tưởng không phải là thanh tịnh. Này Hiền giả, người ấy như vậy, nếu các đồng phạm hạnh có trí, do biết người này sanh tâm ham muốn vô lượng thiện như vậy, nên người ấy như vậy chính là Sa-môn, các vị kia cho là Sa-môn, chính là Sa-môn có trí thì cho là Sa-môn có trí, chính là chánh trí thì cho là chánh trí, chính là chánh niệm thì cho là chánh niệm, chính là thanh tịnh thì cho là thanh tịnh.

“Này Hiền giả, cũng như có người, hoặc từ chợ, quán, hoặc từ nhà làm đồ đồng mua về một cái mâm đồng đựng đầy đủ thứ đồ ăn uống trong sạch, ngon lành, đậy nắp lên trên rồi bưng đi. Ngang qua phố xá, gần chỗ đông người qua lại, những người kia thấy được mâm đồng đều không muốn ăn, không có ý ưa thích, hết sức chán ghét và nghĩ rằng mâm đồng này không trong sạch và nói như vầy, ‘Phân bẩn kia, hãy đem đi lập tức! Phân bẩn kia, hãy đem đi lập tức!’ Người kia bưng mâm đồng đi, rồi dừng chân lại một chỗ và giở nó ra. Sau khi thấy giở ra rồi, những người kia đều muốn ăn, ý hết sức ưa thích, không còn chán ghét và nghĩ rằng đó là đồ trong sạch. Dù cho những người đã không muốn ăn, thấy rồi cũng muốn ăn, huống chi những người đã có ý muốn ăn. Hiền giả, cũng vậy, người ấy như vậy, nếu các đồng phạm hạnh có trí không biết người ấy sanh tâm dục vô lượng thiện như vậy thì người ấy như thế chính là Sa-môn mà các vị kia tưởng không phải là Sa-môn, chính là Sa-môn có trí mà tưởng không phải là Sa-môn có trí, chính là chánh trí mà tưởng không phải là chánh trí, chính là chánh niệm mà tưởng không phải là chánh niệm, chính là thanh tịnh mà tưởng không phải là thanh tịnh.

“Này Hiền giả, người ấy như vậy, nếu có đồng phạm hạnh có trí, do biết người này sanh tâm dục vô lượng thiện như vậy nên người ấy như vậy, chính là Sa-môn các vị kia cho là Sa-môn, chính là Sa-môn có trí thì cho là Sa-môn có trí, chính là chánh trí thì cho là chánh trí, chính là chánh niệm thì cho là chánh niệm, chính là thanh tịnh thì cho là thanh tịnh.

“Này Hiền giả, phải biết người như vậy nên gần gũi, nên cung kính lễ bái. Nếu Tỳ-kheo nào đáng gần gũi, đáng cung kính lễ bái mà cung kính lễ bái thì người gần gũi, cung kính lễ bái ấy lâu dài được thiện lợi, được hữu ích, an ổn khoái lạc và cũng được không khổ, không buồn lo”.

Bấy giờ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên cũng có mặt trong chúng, ngài bạch rằng:

“Tôn giả Xá-lợi-phất, nay tôi muốn nói một thí dụ cho các Tỳ-kheo nghe, ngài cho phép chăng?”

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

“Hiền giả Đại Mục-kiền-liên, ngài muốn nói thí dụ, xin cứ nói”.

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên bạch rằng:

“Tôn giả Xá-lợi-phất, tôi nhớ một thời tôi đến thành Vương xá, ở trong Nham sơn. Bấy giờ, đêm đã qua, trời vừa sáng, tôi đắp y, ôm bát vào thành Vương xá để khất thực, đi đến nhà Vô Y Mãn Tử, trước kia là một thợ xe [13]. Lúc ấy ngang nhà ông lại có một người thợ đang đẽo trục xe. Vô Y Mãn Tử, một thợ xe cũ, đi đến nhà đó. Rồi Vô Y Mãn Tử, một thợ xe cũ, thấy người kia đang đục đẽo trục xe, tâm sanh ý nghĩ như vầy, ‘Nếu người thợ này cầm búa đẽo trục, đẽo gọt chỗ xấu này, chỗ xấu kia, như thế thì cái trục ấy mới tuyệt đẹp’. Bấy giờ, người thợ kia đúng như điều suy nghĩ của Vô Y Mãn Tử, một thợ xe cũ, liền cầm búa đẽo gọt chỗ xấu này, chỗ xấu kia. Khi ấy, Vô Y Mãn tử, một thợ xe cũ, hết sức hoan hỷ, nói như thế này:

“– Này con ông thợ xe, tâm ông như vậy tức là biết tâm tôi rồi. Vì sao? Vì đúng theo ý nghĩ của tôi, ông cầm búa đẽo gọt chỗ xấu này, chỗ xấu kia.

“Cũng như thế, Tôn giả Xá-lợi-phất, nếu như có kẻ dua nịnh, dối trá, ganh tị, không tín, giải đãi, không chánh niệm, không chánh trí, không định, không tuệ, tâm nó cuồng mê, không giữ các căn, không tu hạnh Sa-môn, không hiểu biết phân biệt; Tôn giả Xá-lợi-phất vì biết tâm của người ấy nên nói pháp này.

“Tôn giả Xá-lợi-phất, [569c] nếu có người không dua nịnh, không dối trá, không ganh tị, có tín, có tấn, không giải đãi, có chánh niệm, chánh trí, tu định, tu tuệ, tâm không cuồng mê, giữ gìn các căn, tu tập rộng rãi hạnh Sa-môn và phân biệt khéo léo thì người ấy nghe Tôn giả Xá-lợi-phất nói pháp giống như kẻ đói muốn được ăn, khát muốn được uống, tức thì được ăn và uống như ý vậy.

“Tôn giả Xá-lợi-phất, giống như con gái Sát-lị hay con gái Bà-la-môn, Cư sĩ, Công sư, đoan trang xinh đẹp, tắm rửa sạch sẽ, lấy hương thoa khắp thân thể, mặc áo mới và dùng các thứ anh lạc để trang sức dung nhan. Giả sử có người nghĩ đến nàng ấy, mong cầu sự thiện lợi hữu ích, cầu an ổn khoái lạc cho nàng ấy nên đem tràng hoa sen xanh, hoặc tràng hoa chiêm-bặc, hoặc tràng hoa tu-ma-na, hoặc tràng hoa bà-sư, hoặc tràng hoa a-đề-mâu-đa đến tặng. Người con gái ấy hoan hỷ nhận cả hai tay, dùng trang sức trên đầu. Tôn giả Xá-lợi-phất, cũng như thế, nếu có người không dua nịnh, không dối trá, không ganh tị, có tín, tinh tấn, không giải đãi, có chánh niệm, chánh trí, tu định, tu tuệ, tâm không cuồng mê, gìn giữ các căn, tu tập rộng rãi hạnh Sa-môn và phân biệt khéo léo, người ấy được nghe Tôn giả Xá-lợi-phất nói pháp, giống như người đói muốn được ăn, người khát muốn được uống thì liền được ăn no, uống như ý vậy.

“Tôn giả Xá-lợi-phất! Thật kỳ diệu! Thật hy hữu! Tôn giả Xá-lợi-phất thường cứu vớt các người tu phạm hạnh, khiến cho xa lìa bất thiện, an trụ chỗ thiện”.

Như thế, cả hai Tôn giả tán thán lẫn nhau, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi.

Tôn giả Xá-lợi-phất thuyết như vậy, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên và các thầy Tỳ-kheo nghe Tôn giả Xá-lợi-phất thuyết, hoan hỷ phụng hành. 

88. KINH CẦU PHÁP

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại nước Câu-tát-la cùng đại chúng Tỳ-kheo, qua đến phía Bắc làng Ngũ sa-la [14], trong rừng Thi-nhiếp-hòa với hàng đại đệ tử Trưởng lão, Thượng tôn, danh đức, như các ngài: Tôn giả Xá-lợi-phất, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, Tôn giả Ca-diếp, Tôn giả Đại Ca-chiên-diên, Tôn giả A-na-luật, Tôn giả Lệ-việt [15], Tôn giả A-nan và các đại đệ tử Trưởng lão Thượng tôn danh đức khác ngang hàng như vậy cũng có mặt tại làng Ngũ sa-la. [570a] Tất cả đều ở gần bên cạnh ngôi nhà lá của Phật.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Các ngươi nên hành cầu pháp, đừng hành cầu ẩm thực. [16] Vì sao? Vì Ta thương tưởng các đệ tử, muốn các đệ tử nên hành cầu pháp, chứ không hành cầu ẩm thực. Nếu các ngươi hành cầu ẩm thực, không hành cầu pháp, không những các ngươi tự xấu xa, mà Ta cũng không được danh dự gì. Nếu các ngươi hành cầu pháp, chứ không thực hành sự cầu ẩm thực, không những các thầy đã tự tốt đẹp mà Ta cũng được danh dự.

“Thế nào là các đệ tử vì cầu ẩm thực mà theo Phật tu hành, chứ không phải vì cầu pháp? Sau khi Ta ăn no, bữa ăn đã xong, còn lại đồ ăn dư; sau đó có hai Tỳ-kheo đến, đói khát, sức lực hao mòn, Ta nói với họ rằng: ‘Sau khi Ta ăn no, bữa ăn đã xong, còn lại đồ ăn dư, các ngươi muốn ăn thì lấy mà ăn. Nếu các ngươi không lấy thì Ta sẽ mang đổ nơi đất sạch, hoặc đổ trong nước không có trùng’.

“Trong hai người ấy, Tỳ-kheo thứ nhất suy nghĩ như vầy, ‘Đức Thế Tôn ăn rồi, bữa ăn đã xong, còn lại đồ ăn dư, nếu ta không lấy tất nhiên Đức Thế Tôn sẽ mang đổ nơi đất sạch, hoặc trong nước không có trùng. Vậy ta hãy lấy mà ăn’. Tỳ-kheo ấy liền lấy mà ăn. Tuy được một ngày một đêm an ổn khoái lạc, nhưng vì Tỳ-kheo ấy nhận lấy đồ ăn dư đó nên không vừa ý Phật [17]. Vì sao? Vì Tỳ-kheo đó nhận lấy đồ ăn đó nên không được là thiểu dục, không được là tri túc, không được là dễ nuôi, không được là dễ thỏa mãn, không được là biết thời, không được là biết tiết độ, không được tinh tấn, không được tĩnh tọa, không được có tịnh hạnh, không được sống viễn ly, không được nhất tâm, không được tinh cần, cũng không được chứng đắc Niết-bàn. Vì vậy, do bởi Tỳ-kheo nhận lấy đồ ăn dư mà không vừa ý Phật. Như thế, gọi là các đệ tử vì cầu ẩm thực mà theo Phật tu hành, chứ không phải vì cầu pháp.

“Thế nào là các đệ tử hành cầu pháp, chứ không hành cầu ẩm thực? Trong hai người ấy, Tỳ-kheo thứ hai suy nghĩ như vầy, ‘Đức Thế Tôn ăn rồi, bữa ăn đã xong, còn lại đồ ăn dư. Nếu ta không lấy thì tất nhiên Đức Thế Tôn sẽ mang đổ nơi đất sạch, hoặc trong nước không có trùng. Nhưng Đức Thế Tôn có dạy rằng: ‘Điều thấp kém nhất trong việc ăn uống là ăn đồ ăn dư [18].’ Vậy ta không nên nhận lấy đồ ăn đó’. Nghĩ như thế rồi, Tỳ-kheo ấy không nhận lấy đồ ăn. Tỳ-kheo kia không nhận lấy đồ ăn đó, [570b] tuy suốt một ngày một đêm khổ sở, không được an ổn, nhưng nhân vì Tỳ-kheo ấy không nhận lấy đồ ăn đó nên được vừa lòng Phật. Vì sao? Tỳ-kheo ấy do bởi không nhận lấy đồ ăn dư nên được sự thiểu dục, được sự tri túc, được sự sống dễ nuôi, dễ thỏa mãn, biết thời, có tiết độ, có tinh tấn, có thể tĩnh tọa, có tịnh hạnh, có thể sống viễn ly, được nhất tâm, được tinh cần và cũng có thể chứng đắc Niết-bàn. Cho nên, do bởi Tỳ-kheo ấy không nhận lấy đồ ăn này mà được vừa lòng Phật. Như thế, gọi là các đệ tử vì cầu pháp mà theo Phật tu hành, chứ không phải vì cầu ẩm thực”.

Bấy giờ Đức Thế Tôn nói với các đệ tử:

“Nếu một Tôn sư có pháp luật, thích sống viễn ly, mà đệ tử hàng trưởng thượng của vị ấy không thích đời sống viễn ly, thì pháp luật đó không có ích gì cho mọi người, không mang lại an lạc cho mọi người, không phải là vì thương xót thế gian, cũng không phải là mong sự thiện lợi, mong cầu an ổn khoái lạc cho loài trời, loài người.

“Nếu một Tôn sư có pháp luật, thích sống viễn ly, mà đệ tử bậc trung và bậc hạ của vị ấy không thích đời sống viễn ly, thì pháp luật đó không ích gì cho mọi người, không mang lại an lạc cho mọi người, không phải là vì thương xót thế gian, cũng không phải là mong cầu sự thiện lợi và hữu ích, mong cầu an ổn khoái lạc cho loài trời, loài người.

“Nếu một Tôn sư có pháp luật, thích sống viễn ly, mà đệ tử hàng trưởng thượng của vị ấy cũng thích đời sống viễn ly, thì pháp luật đó có ích cho mọi người, mang lại an lạc cho mọi người, là vì thương xót thế gian, mong cầu sự thiện lợi và hữu ích, mong cầu an ổn khoái lạc cho loài trời và loài người.

“Nếu một Tôn sư có pháp luật, thích sống viễn ly, đệ tử bậc trung và bậc hạ của vị ấy cũng thích đời sống viễn ly, thì pháp luật đó có ích cho mọi người, mang lại an lạc cho mọi người, là bậc thương xót thế gian, mong cầu sự thiện lợi và hữu ích, mong cầu an ổn khoái lạc cho trời, người”.

Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất cũng hiện diện trong chúng. Đức Thế Tôn bảo Tôn giả rằng:

“Xá-lợi-phất, thầy hãy nói pháp như pháp cho các Tỳ-kheo nghe. Ta bị đau lưng, nay Ta muốn nghỉ một lát”.

Tôn giả Xá-lợi-phất liền vâng lãnh lời Phật:

“Kính vâng, bạch Thế Tôn”.

Rồi Đức Thế Tôn gấp tư y uất-đa-la-tăng trải trên giường, cuộn y tăng-già-lê làm gối, nằm nghiêng hông bên phải, hai chân chồng lên nhau, khởi quang minh tưởng [19], chánh niệm, chánh trí và chuyên niệm về dục khởi tưởng [20].

Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất nói với các Tỳ-kheo:

“Này Chư Hiền, nên biết, Đức Thế Tôn vừa nói pháp sơ lược rằng: ‘Nếu một Tôn sư có pháp luật, thích sống viễn ly mà đệ tử hàng trưởng thượng của vị ấy không thích đời sống viễn ly, thì pháp luật đó [570c] không có ích gì cho mọi người, không mang lại an ạc cho mọi người, không phải là vì thương xót thế gian, không phải là mong cầu thiện lợi và hữu ích, mong cầu an ổn khoái lạc cho loài trời, loài người. Nếu một Tôn sư có pháp luật, thích sống viễn ly mà đệ tử bậc trung và hạ của vị ấy không thích đời sống viễn ly, thì pháp luật đó không có ích gì cho mọi người, không mang lại an lạc cho mọi người, không phải là vì thương xót thế gian, cũng không phải là mong cầu sự thiện lợi và hữu ích, mong cầu an ổn khoái lạc cho loài trời, loài người. Nếu một Tôn sư có pháp luật, thích sống viễn ly và đệ tử hàng trưởng thượng của vị ấy cũng thích đời sống viễn ly, thì pháp luật đó có ích cho mọi người, mang lại an lạc cho mọi người, là vì thương xót thế gian, mong cầu sự thiện lợi và hữu ích, mong cầu an ổn khoái lạc cho loài trời, loài người. Nếu một Tôn sư có pháp luật, thích sống viễn ly, đệ tử bậc trung và bậc hạ của vị ấy cũng thích đời sống viễn ly, thì pháp luật đó có ích cho mọi người, mang lại sự an lạc cho mọi người, là vì thương xót thế gian, mong cầu sự thiện lợi và hữu ích, mong cầu an ổn khoái lạc cho loài trời, loài người’.          

“Nhưng Đức Thế Tôn nói pháp này hết sức sơ lược, các Thầy thấu hiểu nghĩa đó như thế nào và phân biệt rộng rãi như thế nào?”

Bấy giờ trong chúng, hoặc có Tỳ-kheo nói như thế này:

“Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, nếu các Trưởng lão Thượng tôn tuyên bố rằng ‘Ta đã chứng đắc cứu cánh trí, biết một cách như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Các đồng phạm hạnh khi nghe vị Tỳ-kheo kia tự tuyên bố ‘Tôi đã chứng đắc cứu cánh trí’, bèn được hoan hỷ”.

Lại có Tỳ-kheo nói như thế này:

“Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, nếu có đệ tử bậc trung, bậc hạ có ước nguyện vô thượng Niết-bàn, các đồng phạm hạnh thấy vị Tỳ-kheo kia đã hành như vậy, nên được hoan hỷ.”

Như vậy, các Tỳ-kheo ấy giải thích ý nghĩa đó như vậy mà không hài lòng Tôn giả Xá-lợi-phất.

Tôn giả Xá-lợi-phất nói với các Tỳ-kheo ấy rằng:

“Này Chư Hiền, hãy lắng nghe, tôi sẽ giải thích cho các thầy.

“Này Chư Hiền, nếu một Tôn sư có pháp luật, thích sống viễn ly, mà hàng đệ tử trưởng thượng của vị ấy không thích đời sống viễn ly, thì người đệ tử hàng trưởng thượng ấy có ba điều đáng chê.

“Những gì là ba? Tôn sư thích sống viễn ly mà đệ tử hàng trưởng thượng không học theo hạnh viễn ly. Vị đệ tử ấy vì vậy mà đáng chê. Nếu Tôn sư dạy những pháp phải đoạn trừ mà đệ tử trưởng thượng không đoạn trừ pháp ấy. Vị đệ tử này vì vậy mà đáng chê. Với những điều có thể thủ chứng mà đệ tử trưởng thượng lại từ bỏ phương tiện [21]. Vị đệ tử này vì vậy mà đáng chê. Nếu bậc Tôn sư có pháp luật, thích an trú viễn ly mà đệ tử trưởng thượng của vị ấy không thích đời sống viễn ly thì người đệ tử ấy có ba điều đáng [671] chê trách này.

“Này Chư Hiền, nếu Tôn sư có pháp luật, thích sống viễn ly mà đệ tử bậc trung và hạ không thích đời sống viễn ly, thì đệ tử trung và hạ ấy có ba điều đáng chê.      

“Những gì là ba? Tôn sư thích sống viễn ly, đệ tử trung và hạ không học theo hạnh viễn ly, những đệ tử này vì vậy mà đáng chê. Nếu Tôn sư dạy những pháp phải đoạn trừ mà đệ tử trung và hạ không đoạn trừ những pháp ấy, những đệ tử này vì vậy mà đáng chê. Với những điều có thể thủ chứng, mà đệ tử trung và hạ lại từ bỏ phương tiện, những đệ tử này vì vậy mà đáng chê. Nếu Tôn sư có pháp luật, thích sống viễn ly, mà đệ tử trung và hạ không thích đời sống viễn ly, thì những đệ tử ấy có ba điều đáng chê này.

“Này Chư Hiền, nếu Tôn sư có pháp luật, thích sống viễn ly và đệ tử trưởng thượng của vị ấy cũng thích đời sống viễn ly, thì đệ tử trưởng thượng này có ba điều đáng tán thưởng.

“Những gì là ba? Tôn sư thích sống viễn ly, đệ tử trưởng thượng cũng học theo hạnh viễn ly. Vị đệ tử này vì vậy đáng được tán thưởng. Nếu Tôn sư dạy những pháp phải đoạn trừ và đệ tử trưởng thượng đoạn trừ những pháp ấy. Vị đệ tử trưởng thượng này vì vậy đáng tán thưởng. Với những điều có thể thủ chứng thì đệ tử trưởng thượng tinh tấn cầu học, không bỏ phương tiện. Vị đệ tử này vì vậy đáng được tán thưởng. Nếu bậc Tôn sư có pháp luật, thích an trú viễn ly và đệ tử trưởng thượng cũng thích đời sống viễn ly thì những đệ tử ấy có ba điều đáng tán thưởng này.

“Này Chư Hiền, nếu Tôn sư có pháp luật, thích sống viễn ly, đệ tử trung và hạ cũng thích đời sống viễn ly, thì những đệ tử ấy có ba điều đáng tán thưởng.

“Những gì là ba? Tôn sư thích an trú viễn ly, đệ tử trung và hạ cũng thích đời sống viễn ly. Những đệ tử này vì vậy đáng được tán thưởng. Nếu Tôn sư dạy những pháp phải đoạn trừ thì đệ tử trung và hạ đoạn trừ những pháp ấy. Những đệ tử này vì vậy đáng được tán thưởng. Với những điều có thể thủ chứng thì đệ tử trung và hạ tinh tấn, cầu học, không bỏ phương tiện. Những đệ tử này vì vậy đáng được tán thưởng. Nếu bậc Tôn sư có pháp luật, thích sống viễn ly và đệ tử trung và hạ cũng thích đời sống viễn ly thì những đệ tử ấy có ba điều đáng tán thưởng này”.

Tôn giả Xá-lợi-phất lại nói với các Tỳ-kheo:

“Này Chư Hiền, có con đường giữa, theo đó có thể đạt đến tâm trú, đạt được định, được an lạc, tùy thuận pháp tùy pháp, được trí thông, được giác ngộ và cũng chứng đắc Niết-bàn.

“Này Chư Hiền, thế nào là có một con đường giữa, theo đó có thể đạt đến tâm trú, đạt được định, được an lạc, tùy thuận pháp tùy pháp, được trí thông, được giác ngộ và cũng chứng đắc Niết-bàn?

“Này Chư Hiền, niệm dục là ác, ác niệm dục cũng là ác [22]. Người ấy đoạn trừ niệm dục và cũng đoạn trừ ác niệm dục. Cũng vậy, sân nhuế, oán kết, bỏn sẻn, ganh tị, dối trá, vô tàm, vô quý, mạn, tối thượng mạn, cống cao, phóng dật, hào quý, tăng tránh [23].

“Này Chư Hiền, tham cũng là ác mà đắm trước cũng là ác. [571b] Người ấy đoạn trừ tham và cũng đoạn trừ đắm trước.

“Này Chư Hiền, đó là có một con đường giữa, theo đó có thể đạt đến tâm trú, đạt được định, được an lạc, tùy thuận pháp tùy pháp, được trí thông, được giác ngộ và cũng chứng đắc Niết-bàn.

“Này Chư Hiền, lại có một con đường giữa khác theo đó có thể đạt đến tâm trú, đạt được định, được an lạc, tùy thuận pháp tùy pháp, được trí thông, được giác ngộ và cũng chứng đắc Niết-bàn. Chư Hiền, thế nào là có một con đường giữa khác theo đó có thể đạt đến tâm trú, đạt được định, được an lạc, tùy thuận pháp tùy pháp, được trí thông, được giác ngộ và cũng chứng đắc Niết-bàn? Chư Hiền, đó là Thánh đạo tám chi, từ chánh kiến đến chánh định, ấy là tám. Chư Hiền, đó là một con đường giữa khác nhờ đó có thể đạt đến tâm trú, đạt được định, được an lạc, tùy thuận pháp tùy pháp, được trí thông, được giác ngộ và cũng chứng đắc Niết-bàn”.

Bấy giờ Đức Thế Tôn đã qua cơn đau và được an ổn, từ chỗ nằm trở dậy, ngồi kiết già, Ngài tán thán Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Lành thay! Lành thay! Xá-lợi-phất nói pháp như pháp cho các Tỳ-kheo nghe. Xá-lợi-phất, từ nay về sau, thầy hãy nói pháp như pháp cho các Tỳ-kheo nghe nữa. Xá-lợi-phất, thầy nên luôn luôn nói pháp như pháp cho các Tỳ-kheo nghe”.

Rồi Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Các ngươi phải cùng nhau vâng lãnh pháp như pháp, hãy tụng tập, chấp trì. Vì sao? Vì pháp như pháp này có pháp, có nghĩa, là căn bản phạm hạnh, được trí thông, được giác ngộ và cũng chứng đắc Niết-bàn. Các thiện nam tử cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình sống không gia đình, xuất gia học đạo, phải khéo léo thọ trì pháp như pháp này”.

Phật thuyết như vậy. Tôn giả Xá-lợi-phất và các Tỳ-kheo nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành. [24]

89. KINH TỲ-KHEO THỈNH

 [571c1] Tôi nghe như vầy.

Một thời Đức Phật trú tại tại thành Vương xá, trong rừng Trúc, vườn Ca-lan-đa an cư mùa mưa cùng với đại chúng Tỳ-kheo.

Bấy giờ, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên [25] nói với các Tỳ-kheo:

“Này Chư Hiền, nếu có Tỳ-kheo thỉnh cầu [26] các Tỳ-kheo rằng: ‘Xin các thầy hãy nói với tôi, hãy chỉ giáo tôi, khiển trách tôi, xin đừng làm khó tôi’. Vì sao vậy? Này Chư Hiền, hoặc có một người hay có lời nói cộc [27], mang bản tánh nói cộc và do bản tánh nói cộc này mà các đồng phạm hạnh không nói tới, không chỉ giáo, không khiển trách, trái lại làm khó người ấy.

“Này Chư Hiền, thế nào là bản tánh nói cộc, mà nếu ai có bản tánh nói cộc, các đồng phạm hạnh không nói với, không chỉ giáo, không khiẻn trách, trái lại làm khó người ấy?

“Này Chư Hiền, ở đây có người có ác dục và niệm tưởng dục [28]. Này Chư Hiền, nếu là người có ác dục và niệm tưởng dục thì đó là bản tánh nói cộc. Cũng như thế, nhiễm và hành nhiễm [29], cố ý phú tàng [30], lường gạt dối trá, xan tham, tật đố, vô tàm, vô quý, sân tệ ác ý [31], nói lời phẫn nộ, cử tội Tỳ-kheo cử tội mình [32], khinh mạn Tỳ-kheo cử tội mình [33], phanh phui Tỳ-kheo cử tội mình, [34] nói lãng ngoài đề để tránh né, che giấu và hờn giận, thù ghét phừng phực, bằng hữu ác, đồng bọn ác, vong ân, không biết ân. Chư Hiền, nếu ai là người vong ân, không biết ân, thì đó là người có bản tánh cộc. Này Chư Hiền, đó là những bản tánh khiến nói cộc. Nếu ai có bản tánh nói cộc, các đồng phạm hạnh không nói với, không chỉ giáo, không khiển trách, trái lại làm khó người ấy.

“Này Chư Hiền, Tỳ-kheo hãy tự tư lương [35]: ‘Chư Hiền, nếu ai có ác dục, niệm dục thì tôi không ưa thích người đó. Nếu tôi có ác dục, niệm dục thì người ấy cũng chẳng ưa thích tôi’. Tỳ-kheo hãy quán sát như vậy, không hành ác dục, không niệm dục. Nên học như vậy.

“Cũng như thế, ai nhiễm và hành nhiễm, cố ý phú tàng, lường gạt dối trá, xan tham, tật đố, vô tàm, vô quý, sân tệ ác ý, nói lời phẫn nộ, cử tội Tỳ-kheo cử tội mình, khinh mạn Tỳ-kheo cử tội mình, phanh phui Tỳ-kheo cử tội mình, nói lãng ngoài đề để tránh né, che giấu và hờn giận, thù ghét phừng phực, bằng hữu ác, đồng bọn ác, vong ân, không biết ân. ‘Chư Hiền, nếu ai vong ân, không biết ân thì tôi không ưa thích người ấy, và nếu tôi vong ân, không biết ân thì người ấy cũng chẳng ưa thích tôi’. Tỳ-kheo hãy quán sát như vậy, không hành sự vong ân không biết ân. Nên học như vậy.

“Này Chư Hiền, ở đây có Tỳ-kheo không thỉnh cầu các Tỳ-kheo rằng: ‘Xin các ngài nói với tôi, chỉ giáo tôi, khiển trách tôi, [572a] đừng làm khó tôi’. Vì sao vậy? Chư Hiền, ở đây có một người dễ nói, phú bẩm bản tánh dễ nói [36], nhưng do phú bẩm bản tánh dễ nói nên các bậc phạm hạnh khéo nói với, khéo chỉ giáo, khéo khiên trách và không làm khó người đó.

“Này Chư Hiền, thế nào là bản tánh dễ nói? Nếu là người phú bẩm bản tánh dễ nói thì các đồng phạm hạnh khéo nói với, khéo chỉ giáo, khéo khiển trách và không làm khó người đó. Chư Hiền, người không ác dục, không niệm dục, đó là bản tánh dễ nói. Cũng như thế, không nhiễm và hành nhiễm, không cố ý phú tàng, không lường gạt dối trá, không xan tham tật đố, không vô tàm vô quý, không sân tệ ác ý, không nói lời phẫn nộ, không cử tội Tỳ-kheo cử tội mình, không khinh mạn Tỳ-kheo cử tội mình, không phanh phui Tỳ-kheo cử tội mình, không nói lãng ngoài đề để tránh né, không che giấu và hờn giận, không thù ghét phừng phực, không bằng hữu ác đồng bọn ác, không vong ân không biết ân. Chư Hiền, nếu ai không vong ân không biết ân, đó là có bản tánh dễ nói. Chư Hiền, đó là những bản tánh khiến dễ nói. Nếu ai đầy đủ bản tánh dễ nói thì các đồng phạm hạnh khéo nói với, khéo chỉ giáo, khéo khiển trách và không làm khó người đó.

“Này Chư Hiền, Tỳ-kheo nên tự tư lương: ‘Chư Hiền, ‘nếu người không ác dục, không niệm dục, tôi ưa thích người đó. Nếu tôi không ác dục, không niệm dục thì người đó cũng ưa thích tôi.’ Tỳ-kheo nên quán sát như vậy, không hành ác dục, không niệm dục. Nên học như vậy. Cũng như thế, không nhiễm và hành nhiễm, không cố ý phú tàng, không lường gạt dối trá, không xan tham tật đố, không vô tàm vô quý, không sân tệ ác ý, không nói lời phẫn nộ, không cử tội Tỳ-kheo cử tội mình, không khinh mạn Tỳ-kheo cử tội mình, không phanh phui Tỳ-kheo cử tội mình, không nói lãng ngoài đề để tránh né, không che giấu và hờn giận, không thù ghét phừng phực, không bằng hữu ác đồng bọn ác, không vong ân không biết ân. ‘Chư Hiền, nếu có người không vong ân không biết ân thì tôi thích người đó, và nếu tôi không vong ân không biết ân thì người đó cũng ưa thích tôi’. Tỳ-kheo nên quán sát như vậy, không vong ân không biết ân. Nên học như vậy.

“Này Chư Hiền, nếu Tỳ-kheo quán sát như vầy tất sẽ được nhiều lợi ích: ‘Ta có ác dục, niệm dục hay không có ác dục, niệm dục?’

“Này Chư Hiền, nếu khi Tỳ-kheo quán sát mà biết được ta có [572b] ác dục, niệm dục thì không thể vui mừng. Do đó mong cầu đoạn trừ dục.

“Này Chư Hiền, nếu lúc Tỳ-kheo quán sát mà biết mình không có ác dục, niệm dục tức thì vui mừng, rằng: ‘Ta tự thanh tịnh, cầu học pháp tôn quý.’ Vì vậy nên vui mừng.

“Này Chư Hiền, như người có mắt, lấy gương tự soi thì thấy được mặt mình là sạch hay bẩn. Chư Hiền, nếu người có mắt thấy mặt mình bẩn thì không vui mừng và mong muốn rửa sạch. Chư Hiền, nếu người có mắt thấy mặt mình không bẩn thì vui mừng rằng: ‘Mặt ta sạch’. Vì vậy nên vui mừng. Chư Hiền, cũng như vậy, nếu khi Tỳ-kheo quán sát mà biết được ta có ác dục, niệm dục thì không vui mừng và mong cầu đoạn trừ dục. Chư Hiền, nếu lúc Tỳ-kheo quán sát mà biết được mình không có ác dục, niệm dục thì vui mừng rằng ‘Ta tự thanh tịnh, cầu học pháp tôn quý.’ Vì vậy nên vui mừng. Cũng như thế, ta nhiễm và hành nhiễm hay không nhiễm và hành nhiễm? Cố ý phú tàng hay không cố ý phú tàng? Lường gạt dối trá hay không lường gạt dối trá? Xan tham tật đố hay không xan tham tật đố? Vô tàm vô quý hay không vô tàm vô quý? Sân tệ ác ý hay không sân tệ ác ý? Nói lời phẫn nộ hay không nói lời phẫn nộ? Cử tội Tỳ-kheo cử tội hay không cử tội Tỳ-kheo cử tội? Khinh mạn Tỳ-kheo cử tội hay không khinh mạn Tỳ-kheo cử tội? Phanh phui Tỳ-kheo cử tội hay không phanh phui Tỳ-kheo cử tội? Nói lãng ngoài đề để tránh né hay không nói lãng ngoài đề để tránh né? Che giấu và hờn giận hay không che giấu và hờn giận? Thù ghét phừng phực hay không thù ghét phừng phực? Bằng hữu ác và đồng bọn ác hay không bằng hữu ác và đồng bọn ác? Vong ân không biết ân hay không vong ân không biết ân? Chư Hiền, nếu khi Tỳ-kheo quán sát mà biết được ‘ta có vong ân không biết ân’ thì không vui mừng và mong muốn đoạn trừ. Chư Hiền, nếu lúc Tỳ-kheo quán sát mà biết được mình không có vong ân không biết ân thì được vui mừng rằng ‘Ta tự thanh tịnh, cầu học pháp tôn quý’, cho nên vui mừng.

“Này Chư Hiền, như người có mắt, lấy gương tự soi thì thấy được mặt mình là sạch hay bẩn. Chư Hiền, nếu người có mắt thấy mặt mình bẩn thì không vui mừng và mong muốn rửa sạch. Chư Hiền, nếu người có mắt thấy mặt mình không bẩn thì được vui mừng rằng ‘Mặt ta sạch sẽ’, cho nên vui mừng. Chư Hiền, [572c] cũng vậy, nếu khi Tỳ-kheo quán sát mà biết được ta có vong ân không biết ân, thì không vui mừng và mong muốn đoạn trừ. Chư Hiền, nếu khi Tỳ-kheo quán sát mà biết được mình không có vong ân không biết ân thì được vui mừng rằng ‘Ta tự thanh tịnh, cầu học tôn pháp’, cho nên vui mừng. Do vui mừng cho nên có hỷ, nhân hỷ nên thân khinh an, do thân khinh an [37] nên được cảm thọ lạc, do cảm thọ lạc nên được định tâm.

“Này Chư Hiền, Đa văn Thánh đệ tử do định tâm nên thấy như thật, biết như thật; do thấy như thật, biết như thật nên được yểm ly, do yểm ly nên được vô dục, do vô dục nên được giải thoát, do giải thoát mà được tri kiến giải thoát, biết một cách như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều đáng làm đã làm xong, không còn tái sanh’.”

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên nói như vậy, các thầy Tỳ-kheo nghe Tôn giả Đại Mục-kiền-liên nói xong, hoan hỷ phụng hành.

90. KINH TRI PHÁP

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại tại Câu-xá-di, trong vườn Cù-sư-la [38].

Bấy giờ Tôn giả Chu-na [39] nói với các Tỳ-kheo:

“Nếu có Tỳ-kheo nói như thế nầy, ‘Tôi biết các pháp, những pháp được biết ấy không có tham lam’. Nhưng trong tâm Hiền giả kia, ác tham lam [40] đã sanh và tồn tại.

“Cũng như vậy, tranh tụng, nhuế hận, sân triền, phú kết, bỏn sẻn, ganh tị, lừa dối, dua nịnh, vô tàm, vô quý, ác dục, ác kiến [41]. Nhưng trong tâm Hiền giả ấy ác dục, ác kiến đã sanh và tồn tại. Các vị đồng phạm hạnh biết Hiền giả ấy không biết các pháp, những pháp được biết đến mà không có tham lam. Vì sao? Vì trong tâm Hiền giả ấy tham lam đã sanh và tồn tại. Cũng như vậy, tranh tụng, nhuế hận, sân triền, phú kết, bỏn sẻn, ganh tị, lừa dối, dua nịnh, vô tàm, vô quý, ác dục, ác kiến. Vì sao? Vì trong tâm Hiền giả kia ác dục, ác kiến đã sanh và tồn tại.

“Này Chư Hiền, như người không giàu mà tự xưng là giàu, cũng không có phong ấp mà nói là có phong ấp. Lại không có súc mục mà nói là có súc mục. Khi muốn tiêu dùng thì không có vàng bạc, chơn châu, lưu ly, thủy tinh, hổ phách; không có súc mục, lúa gạo; cũng không có nô tỳ. Các bằng hữu quen biết đến nhà người ấy mà nói rằng: ‘Anh thật không giàu mà tự xưng là giàu, [573a] cũng không có phong ấp mà nói có phong ấp; lại không có súc mục mà nói có súc mục. Khi muốn tiêu dùng thì không có vàng bạc, chơn châu, lưu ly, thủy tinh, hổ phách, không có súc mục, lúa gạo và cũng không có nô tỳ’. Cũng giống như thế, này Chư Hiền, nếu có Tỳ-kheo nói như thế này: ‘Tôi biết các pháp, những pháp được biết mà không có tham lam’, nhưng trong tâm Hiền giả kia tham lam đã sanh và tồn tại. Cũng như vậy, tranh tụng, nhuế hận, sân triền, phú kết, bỏn sẻn, ganh tị, lừa dối, dua nịnh, vô tàm, vô quý, ác dục, ác kiến đã sanh và tồn tại. Các đồng phạm hạnh biết Hiền giả ấy không biết các pháp, những pháp được biết mà không có tham lam. Vì sao? Vì tâm của Hiền giả kia không hướng đến chỗ diệt tận tham lam, đến Vô dư Niết-bàn. Cũng như vậy, tranh tụng, nhuế hận, sân triền, phú kết, bỏn sẻn, ganh tị, lừa dối, dua nịnh, vô tàm, vô quý, ác dục, ác kiến. Vì sao? Vì tâm Hiền giả kia không hướng đến chỗ diệt tận ác nhuế, đến Vô dư Niết-bàn.

“Này Chư Hiền, hoặc có Tỳ-kheo không nói như thế này: ‘Tôi biết các pháp, những pháp được biết đến mà không có tham lam”, nhưng trong tâm Hiền giả kia tham lam không sanh và tồn tại. Cũng như vậy, tranh tụng, nhuế hận, sân triền, phú kết, bỏn sẻn, ganh tị, lừa dối, dua nịnh, vô tàm, vô quý, ác dục, ác kiến, nhưng trong tâm Hiền giả kia ác dục, ác kiến không sanh và tồn tại. Các đồng phạm hạnh biết Hiền giả ấy thật biết các pháp, những pháp được biết đến mà không có tham lam. Vì sao? Vì trong tâm Hiền giả kia, ác tham lam đã không sanh và tồn tại. Cũng như vậy, tranh tụng, nhuế hận, sân triền, phú kết, bỏn sẻn, ganh tị, lừa dối, dua nịnh, vô tàm, vô quý, ác dục, ác kiến. Vì sao? Vì trong tâm Hiền giả kia ác dục, ác kiến không sanh và tồn tại.  

“Này Chư Hiền, như người giàu to mà không nói mình giàu, cũng có phong ấp mà không nói là có phong ấp. Lại có súc mục mà không nói là có súc mục. Nếu lúc muốn tiêu dùng thì có sẵn vàng bạc, chơn châu, lưu ly, thủy tinh, hổ phách; có súc mục, lúa gạo và có nô tỳ. Các bằng hữu quen biết đến nhà người ấy, nói rằng: ‘Anh thật giàu to mà không nói là giàu, cũng có phong ấp mà không nói là có phong ấp. Lại có súc mục mà không nói là có súc mục, nhưng khi muốn dùng thì có sẵn vàng bạc, chơn châu, lưu ly, thủy tinh, hổ phách; có súc mục, lúa gạo và cũng có nô tỳ’.

 [573b] “Cũng giống như thế, này Chư Hiền, nếu có Tỳ-kheo không nói như thế này: ‘Tôi biết các pháp, những pháp được biết đến mà không có tham lam”, nhưng trong tâm Hiền giả kia ác tham lam đã không sanh và không tồn tại. Cũng như vậy, tranh tụng, nhuế hận, sân triền, phú kết, bỏn sẻn, ganh tị, lừa dối, dua nịnh, vô tàm, vô quý, ác dục, ác kiến, nhưng trong tâm Hiền giả kia ác dục, ác kiến không sanh và tồn tại. Các người đồng phạm hạnh biết Hiền giả ấy thật biết các pháp, những pháp được biết đến mà không có tham lam. Vì sao? Vì tâm Hiền giả ấy hướng đến chỗ diệt tận tham lam, sân triền, phú kết, bỏn sẻn, ganh tị, lừa dối, dua nịnh, vô tàm, vô quý, ác dục, ác kiến. Vì sao? Vì tâm Hiền giả kia hướng đến chỗ diệt tận ác kiến, đến Vô dư Niết-bàn”.

Tôn giả Chu-na thuyết như vậy, các thầy Tỳ-kheo sau khi nghe Tôn giả nói xong, hoan hỷ phụng hành.

91. KINH CHU-NA VẤN KIẾN

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại tại Câu-xá-di, trong vườn Cù-sư-la [42]. Bấy giờ Tôn giả Đại Chu-na vào lúc xế, rời chỗ tĩnh tọa đứng dậy, đi đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi xuống một bên, bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, trong đời, các kiến chấp phát sanh và phát sanh, tức các chủ trương có thần ngã, có chúng sanh, có nhân, có thọ, có mạng, có thế gian [43]. Bạch Thế Tôn, biết như thế nào, thấy như thế nào để các kiến chấp này được tiêu diệt, được xả ly và khiến cho các tà kiến khác không tiếp diễn, không bị chấp thủ?”

Bấy giờ Thế Tôn nói rằng:

“Chu-na, trong đời, các kiến chấp phát sanh và phát sanh, tức các chủ trương có thần ngã, có chúng sanh, có nhân, có thọ, có mạng, có thế gian. Chu-na, nếu muốn các pháp diệt tận không dư, thì phải biết như vậy, thấy như vậy mới có thể khiến cho các kiến chấp này được tiêu diệt, được xả ly và khiến cho các kiến chấp khác không tiếp diễn, không bị chấp, hãy học pháp tiệm tổn [44].

“Chu-na, trong Thánh pháp luật, thế nào là tiệm tổn? Tỳ-kheo ly dục, ly ác bất thiện, cho đến chứng đắc Tứ thiền, thành tựu an trụ, vị ấy nghĩ như vầy: ‘Ta đã thực hành sự tiệm tổn’. Này Chu-na, trong Thánh pháp luật không phải chỉ có sự tiệm tổn này [45].

“Có bốn tăng thượng tâm, hiện pháp lạc trú [46], hành giả từ đó xuất rồi lại nhập trở lại. Vị ấy [573c] nghĩ như thế này: ‘Ta thực hành sự tiệm tổn này’. Này Chu-na, trong Thánh pháp luật không phải chỉ có sự tiệm tổn này.

“Tỳ-kheo vượt khỏi mọi sắc tưởng, cho đến chứng đắc phi tưởng phi phi tưởng xứ, thành tựu an trụ. Vị ấy nghĩ như thế này: ‘Ta thực hành sự tiệm tổn’. Này Chu-na, trong Thánh pháp luật không phải chỉ có sự tiệm tổn này.

“Có bốn tịch tĩnh giải thoát [47], lìa sắc, chứng đắc vô sắc, hành giả từ đó khởi lên sẽ nói cho người khác biết. Vị ấy nghĩ như thế này: ‘Ta thực hành sự tiệm tổn’. Này Chu-na, trong Thánh pháp luật không phải chỉ có sự tiệm tổn này.

“Chu-na, ‘Người khác có ác dục, niệm dục; ta không có ác dục, niệm dục’. Hãy học tiệm tổn [48].

“Chu-na, ‘Người khác có sân hại ý [49]; ta không có sân hại ý’. Hãy học tiệm tổn.

“Chu-na, ‘Người khác có sát sanh, lấy của không cho, phi phạm hạnh; ta không phi phạm hạnh’. Hãy học tiệm tổn.

“Chu-na, ‘Người khác có tham lam [50], tâm não hại [51], thụy miên triền [52], trạo cử [53], cống cao và có nghi hoặc [54]; ta không có nghi hoặc’. Hãy học tiệm tổn.

“Chu-na, ‘Người khác có sân kết [55], dua siểm, lừa gạt, vô tàm, vô quý; ta có tàm quý’. Hãy học tiệm tổn.

“Chu-na, ‘Người khác có mạn, ta không có mạn’. Hãy học tiệm tổn.

“Chu-na, ‘Người khác có tăng thượng mạn, ta không có tăng thượng mạn [56]’. Hãy học tiệm tổn.

“Chu-na, ‘Người khác không đa văn, ta có đa văn’. Hãy học tiệm tổn.

“Chu-na, ‘Người khác không quán các thiện pháp, ta quán các thiện pháp’. Hãy học tiệm tổn.

“Chu-na, ‘Người khác hành phi pháp, ác hành; ta hành đúng pháp, diệu hành’. Hãy học tiệm tổn.

“Chu-na, ‘Người khác có nói láo, hai lưỡi, nói cộc cằn, nói phù phiếm, ác giới; ta không ác giới’. Hãy học tiệm tổn.

“Chu-na, ‘Người khác có bất tín, giải đãi, vô niệm, vô định mà lại có ác tuệ; ta không có ác tuệ’. Hãy học tiệm tổn.

“Chu-na, chỉ cần phát tâm nghĩ muốn cầu học các thiện pháp còn được nhiều sự lợi ích, huống chi thân và khẩu thực hành thiện pháp?

“Chu-na, ‘Người khác có ác dục, niệm dục; ta không có ác dục, niệm dục’. Hãy phát khởi tâm.

 “Chu-na, ‘Người khác có sân hại ý; ta không có sân hại ý’. Hãy phát khởi tâm.

“Chu-na, ‘Người khác có sát sanh, lấy của không cho, phi phạm hạnh; ta không phi phạm hạnh’. Hãy phát khởi tâm.

“Chu-na, ‘Người khác có tham lam, tâm não hại, thụy miên triền, trạo cử và cống cao và có nghi hoặc; ta không có nghi hoặc’. Hãy phát khởi tâm.

“Chu-na, ‘Người khác có sân kết, dua siểm, lừa gạt, vô tàm, vô quý; ta có tàm quý’. Hãy phát khởi tâm.

“Chu-na, ‘Người khác [574a]  có mạn, ta không có mạn’. Hãy phát khởi tâm.

“Chu-na, ‘Người khác có tăng thượng mạn, ta không có tăng thượng mạn’. Hãy phát khởi tâm.

“Chu-na, ‘Người khác không đa văn, ta có đa văn’. Hãy phát khởi tâm.

“Chu-na, ‘Người khác không quán các thiện pháp, ta quán các thiện pháp’. Hãy phát khởi tâm.

“Chu-na, ‘Người khác hành phi pháp, ác hạnh; ta hành đúng pháp, diệu hạnh’. Hãy phát khởi tâm.

“Chu-na, ‘Người khác có nói láo, nói hai lưỡi, nói cộc cằn, nói phù phiếm, ác giới; ta không ác giới’. Hãy phát khởi tâm.

“Chu-na, ‘Người khác có bất tín, giải đãi, vô niệm, vô định mà lại có ác tuệ; ta không có ác tuệ’. Hãy phát khởi tâm.

“Chu-na, ví như con đường xấu, có con đường tốt đối lại; bến đò xấu, có bến đò tốt, đối lại. Cũng vậy, này Chu-na, ác dục có phi ác dục đối lại. Hại ý sân, có không hại ý sân đối lại. Sát sanh, lấy của không cho, phi phạm hạnh, có phạm hạnh đối lại. Tham lam, não hại, thụy miên, trạo cử cống cao, nghi hoặc, có sự không nghi hoặc đối lại. Sân kết, dua siểm, lừa gạt, vô tàm, vô quý; có tàm quý đối lại. Mạn, có không mạn đối lại. Tăng thượng mạn có không tăng thượng mạn đối lại. Không đa văn, có đa văn đối lại. Không quán các thiện pháp, có quán các thiện pháp đối lại. Hành phi pháp, ác hạnh; có hành đúng pháp, diệu hạnh đối lại. Nói láo, nói hai lưỡi, nói cộc cằn, nói phù phiếm, ác giới; có thiện giới đối lại. Bất tín, giải đãi, vô niệm, vô định, ác tuệ; có thiện tuệ đối lại.

“Chu-na, hoặc có pháp đen, có quả báo đen, dẫn đến ác xứ; hoặc có pháp trắng, có quả báo trắng, dẫn lên thiện xứ. Cũng như thế, này Chu-na, người ác dục thì do phi ác dục mà đi lên. Người có hại ý sân thì do không có hại ý sân mà đi lên. Người sát sanh, lấy của không cho, phi phạm hạnh, thì do phạm hạnh mà đi lên. Người tham lam, não hại, thụy miên, trạo cử cống cao, nghi hoặc thì do không nghi hoặc mà đi lên. Người sân nhuế, dua siểm, lừa gạt, vô tàm, vô quý thì do tàm quý mà đi lên. Người mạn thì do không mạn mà đi lên, Người tăng thượng mạn thì do không tăng thượng mạn mà đi lên. Người không đa văn thì do đa văn mà đi lên. Người không quán các thiện pháp thì do quán các thiện pháp mà đi lên. Người hành phi pháp, ác hạnh thì do hành đúng pháp, diệu hạnh mà đi lên. Người nói láo, nói hai lưỡi, nói cộc cằn, nói phù phiếm, ác giới thì do thiện giới mà [574b] đi lên. Người bất tín, giải đãi, vô niệm, vô định, ác tuệ thì do thiện tuệ mà đi lên.

“Chu-na, nếu có người tự mình không điều phục, người khác không điều phục, mà muốn có sự điều phục, sự kiện ấy không bao giờ có. Tự mình chìm, người khác chìm mà muốn vớt lên, sự kiện ấy không bao giờ có. Tự mình không Bát-niết-bàn, người khác không Bát-niết-bàn mà muốn dẫn đến nhập Niết-bàn, sự kiện ấy không bao giờ có.

“Chu-na, nếu có người tự mình điều phục được, người khác không điều phục được, mà muốn có sự điều phục, sự kiện ấy có xảy ra. Tự mình không chìm, người khác bị chìm mà muốn vớt lên, sự kiện ấy có xảy ra. Tự mình Bát-niết-bàn, người khác không Bát-niết-bàn mà muốn đưa đến Niết-bàn, sự kiện ấy có xảy ra.

“Cũng như thế, này Chu-na, người ác dục thì do phi ác dục mà nhập Niết-bàn. Người có hại ý sân thì do không có hại ý sân mà nhập Niết-bàn. Người sát sanh, lấy của không cho, phi phạm hạnh thì do phạm hạnh mà nhập Niết-bàn. Người tham lam, não hại, thùy miên, trạo cử, cống cao, nghi hoặc, thì do không nghi hoặc mà nhập Niết-bàn. Người sân kết, dua nịnh, vô tàm, vô quý, thì do tàm quý mà dẫn nhập Niết-bàn. Người tăng thượng mạn thì do không tăng thượng mạn màv nhập Niết-bàn. Người không đa văn thì do đa văn mà dẫn nhập Niết-bàn. Người không quán các thiện pháp thì do quán các thiện pháp mà dẫn nhập Niết-bàn. Người hành phi pháp, ác hạnh thì do hành đúng pháp, diệu hạnh mà dẫn nhập Niết-bàn. Người nói láo, nói hai lưỡi, nói cộc cằn, nói phù phiếm, ác giới, thì do thiện giới mà dẫn nhập Niết-bàn. Người bất tín, giải đãi, vô niệm, vô định, ác tuệ, thì do thiện tuệ mà dẫn nhập Niết-bàn.

“Chu-na, đó là Ta đã nói cho ngươi nghe về pháp tiệm tổn, đã nói pháp phát khởi tâm, đã nói pháp đối trị, đã nói pháp thăng thượng, đã nói pháp dẫn nhập Niết-bàn. Như bậc Tôn sư đối với đệ tử khởi tâm đại từ, thương xót, thương tưởng, mong cầu cho đệ tử được phước lợi và thiện ích, mong cầu an ổn khoái lạc. Ta đã làm như vậy. Các ngươi cũng nên tự mình làm. Hãy đến nơi rừng vắng, núi sâu, dưới gốc cây, chỗ an tĩnh không nhàn, tĩnh tọa tư duy, đừng phóng dật, không ngừng tinh tấn, chớ để ân hận mai sau. Đó là lời khuyến giáo, lời huấn thị của Ta”.

Phật thuyết như vậy. Tôn giả Đại Chu-na và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

92. KINH THANH BẠCH LIÊN HOA DỤ

 [574c03] Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cáp Cô Độc.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các thầy Tỳ-kheo:

“Hoặc có pháp do nơi thân mà diệt trừ, không do nơi miệng mà diệt trừ. Hoặc có pháp do nơi miệng mà diệt trừ, không do nơi thân mà diệt trừ. Hoặc có pháp không do nơi thân và miệng diệt trừ nhưng do tuệ kiến để diệt trừ.

“Thế nào là pháp do nơi thân mà diệt trừ, không do nơi miệng diệt trừ? Tỳ-kheo có thân hành bất thiện sung mãn, thọ trì đầy đủ, dễ dính trước nơi thân, các Tỳ-kheo thấy vậy khiển trách Tỳ-kheo ấy rằng: ‘Hiền giả, thân hành bất thiện sung mãn, thọ trì đầy đủ, sao lại dính trước nơi thân? Hiền giả, nên bỏ thân hành bất thiện, tu tập thân hành thiện’. Thời gian sau, vị Tỳ-kheo ấy bỏ thân hành bất thiện, tu tập thân hành thiện. Đó gọi là pháp do nơi thân mà diệt trừ, không do nơi miệng mà diệt trừ.

“Thế nào là pháp do nơi miệng mà diệt trừ, không do nơi thân diệt trừ? Tỳ-kheo khẩu hành bất thiện sung mãn, thọ trì đầy đủ và dính trước nơi miệng. Các Tỳ-kheo thấy vậy quở trách Tỳ-kheo ấy rằng: ‘Hiền giả, khẩu hành bất thiện sung mãn, thọ trì đầy đủ, sao lại dính trước nơi miệng? Hiền giả, nên bỏ khẩu hành bất thiện, tu tập khẩu hành thiện’. Thời gian sau, vị Tỳ-kheo ấy bỏ khẩu hành bất thiện, tu tập khẩu hành thiện. Đó gọi là pháp do nơi miệng mà diệt trừ, không do nơi thân diệt trừ.

“Thế nào là pháp không do nơi thân, miệng mà diệt trừ, nhưng chỉ do tuệ kiến để diệt trừ? Tham lam không do thân, miệng diệt trừ, chỉ do tuệ kiến mà diệt trừ. Cũng như thế, tranh tụng, nhuế, hận, sân triền, phú kết, bỏn sẻn, tật đố, lừa gạt, dua siểm, vô tàm, vô quý, ác dục, ác kiến [57] không do nơi thân, miệng diệt trừ, chỉ do tuệ kiến mà diệt trừ. Đó gọi là pháp không do nơi thân, miệng mà diệt trừ, chỉ do tuệ kiến mà diệt trừ.

“Như Lai có khi quán sát; quán sát tâm của người khác, biết người này không tu thân, tu giới, tu tâm, tu tuệ như vậy. Nếu như người này tu thân, tu giới, tu tâm, tu tuệ thì diệt trừ được tham lam. Vì sao? Vì người này sanh tâm ác tham mà trụ. Cũng như vậy, tranh tụng, nhuế, hận, sân triền, phú kết, bỏn sẻn, tật đố, lừa gạt, dua nịnh, vô tàm, vô quý, ác dục, ác kiến; nếu người ấy tu tập thì diệt trừ được ác dục, ác kiến. Vì sao? Vì người này sanh tâm ác dục, ác kiến mà trụ.

“Như Lai cũng biết người này tu thân, tu giới, tu tâm, tu tuệ như vậy. Nếu như người này tu thân, tu giới, tu tâm, tu tuệ thì diệt trừ được tham lam. Lý do vì sao? Vì nơi người này [575a] tâm không sanh nơi ác tham mà trụ. Cũng như vậy, tranh tụng, nhuế hận, sân triền, phú kết, bỏn sẻn, tật đố, lừa gạt, dua nịnh, vô tàm, vô quý, diệt được ác dục, ác kiến. Vì sao? Vì nơi người này tâm không sanh ác dục, ác kiến mà trụ.

“Giống như hoa sen xanh, hồng, đỏ, trắng sanh từ trong nước, lớn lên trong nước, vượt lên khỏi mặt nước, không bị dính nước. Cũng như thế, Như Lai sanh từ trong thế gian, lớn lên trong thế gian, tu hành vượt trên thế gian, không đắm trước pháp thế gian. Vì sao? Vì Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, vượt khỏi tất cả thế gian”.

Bấy giờ, Tôn giả A-nan đứng cầm quạt hầu Phật, chắp tay hướng về Phật bạch rằng:

“Bạch Đức Thế Tôn, kinh này tên là gì, và thọ trì như thế nào?”

Lúc ấy Đức Thế Tôn bảo rằng:

“A-nan, kinh này tên là ‘Thanh Bạch Liên Hoa Dụ’. Ngươi hãy như vậy thọ trì đọc tụng”.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Các ngươi hãy cùng nhau thọ trì đọc tụng, gìn giữ kinh Thanh Bạch Liên Hoa Dụ này. Lý do vì sao? –Vì kinh ‘Thanh Bạch Liên Hoa Dụ’ này là như pháp, có nghĩa, là căn bản phạm hạnh, đưa đến trí thông, đưa đến giác ngộ và cũng đưa đến Niết-bàn. Nếu thiện nam tử cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo thì nên hãy khéo thọ trì, đáng tụng đọc kinh ‘Thanh Bạch Liên Hoa Dụ’ này”.

Phật thuyết như vậy. Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

93. KINH THỦY TỊNH PHẠM CHÍ

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật đến Uất-tì-la, bên bờ sông Ni-liên-nhiên, ngồi dưới gốc cây A-đa-hòa-la Ni-câu-loại vào lúc mới thành đạo [58].

Bấy giờ sau giờ ngọ, có Thủy Tịnh Bà-la-môn [59] ung dung đi đến chỗ Phật. Đức Thế Tôn thấy Thủy Tịnh Bà-la-môn từ xa đi lại; nhân vì có Thủy Tịnh Bà-la-môn, Ngài bảo các Tỳ-kheo [60]:

“Nếu có hai mươi mốt thứ  cấu uế làm  bẩn tâm [61], chắc chắn dẫn đến ác xứ, sanh vào địa ngục.

“Những gì là hai mươi mốt thứ  cấu uế? Đó là, tâm uế do tà kiến, tâm uế do phi pháp dục, tâm uế do ác tham, tâm uế do tà pháp, tâm uế do tham, tâm uế do nhuế, tâm uế do thụy miên, tâm uế do trạo cử hối quá, tâm uế do nghi hoặc, tâm uế do sân triền, tâm uế do phú tàng, tâm uế do xan tham, tâm uế do tật đố, tâm uế do khi trá, tâm uế do dua siểm, [575b] tâm uế do vô tàm, tâm uế do vô quý, tâm uế do mạn, tâm uế do đại mạn, tâm uế do ngạo mạn, tâm uế do phóng dật [62].      

“Nếu có hai mươi mốt thứ  cấu uế này làm  bẩn tâm thì chắc chắn đi đến ác xứ, sanh vào địa ngục.

“Ví như cái áo bị cáu bẩn đem cho nhà thợ nhuộm. Người thợ nhuộm nhận áo đó, hoặc dùng tro sạch [63], hoặc dùng bột giặt [64] hay dùng nước chắt [65] chà xát thật kỹ cho sạch cái áo dơ bẩn đó. Dù người thợ giặt dùng tro sạch, hoặc dùng bột giặt hay dùng nước chắt chà xát thật kỹ cho sạch, nhưng cái áo dơ bẩn ấy vẫn có màu dơ bẩn [66]. Cũng như vậy, nếu có hai mươi mốt thứ cấu uế làm bẩn tâm thì chắc chắn đi đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Những gì là hai mươi mốt thứ cấu uế? Đó là, tâm uế do tà kiến, tâm uế do phi pháp dục, tâm uế do ác tham, tâm uế do tà pháp, tâm uế do tham, tâm uế do nhuế, tâm uế do thụy miên, tâm uế do trạo cử hối quá, tâm uế do nghi hoặc, tâm uế do sân triền, tâm uế do phú tàng, tâm uế do xan tham, tâm uế do tật đố, tâm uế do khi trá, tâm uế do dua siểm, tâm uế do vô tàm, tâm uế do vô quý, tâm uế do mạn, tâm uế do đại mạn, tâm uế do ngạo mạn, tâm uế do phóng dật.

“Nếu có hai mươi mốt thứ cấu uế này mà không làm bẩn tâm thì chắc chắn đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời. Những gì là hai mươi mốt thứ  cấu uế? Đó là, tâm uế do tà kiến, tâm uế do phi pháp dục, tâm uế do ác tham, tâm uế do tà pháp, tâm uế do tham, tâm uế do nhuế, tâm uế do thụy miên, tâm uế do trạo cử hối quá, tâm uế do nghi hoặc, tâm uế do sân triền, tâm uế do phú tàng, tâm uế do xan tham, tâm uế do tật đố, tâm uế do khi trá, tâm uế do dua siểm, tâm uế do vô tàm, tâm uế do vô quý, tâm uế do mạn, tâm uế do đại mạn, tâm uế do ngạo mạn, tâm uế do phóng dật. Nếu có hai mươi mốt thứ  cấu uế này mà không làm  bẩn tâm thì chắc chắn đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời.

“Ví như cái áo trắng sạch của loại vải dệt ở xứ Ba-la-nại, đem cho nhà thợ nhuộm. Người thợ nhuộm nhận áo đó, dùng hoặc tro sạch, hoặc dùng bột giặt hay dùng nước chắt chà xát thật kỹ cho thêm sạch cái áo trắng sạch bằng loại vải Ba-la-nại này. Người thợ giặt Ba-la-nại chà xát thật kỹ cho thêm sạch, nhưng cái áo trắng sạch loại vải Ba-la-nại ấy vốn đã sạch lại càng trắng sạch thêm. Cũng vậy, nếu có hai mươi mốt thứ  cấu uế mà không làm bẩn tâm thì chắc chắn đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời. Những gì là hai mươi mốt thứ cấu uế? Đó là, tâm uế do tà kiến, tâm uế do phi pháp dục, tâm uế do ác tham, tâm uế do tà pháp, tâm uế do tham, tâm uế do nhuế, tâm uế do thụy miên, tâm uế do trạo cử hối quá, tâm uế do nghi hoặc, [575c] tâm uế do sân triền, tâm uế do phú tàng, tâm uế do xan tham, tâm uế do tật đố, tâm uế do khi trá, tâm uế do dua siểm, tâm uế do vô tàm, tâm uế do vô quý, tâm uế do mạn, tâm uế do đại mạn, tâm uế do ngạo mạn, tâm uế do phóng dật. Nếu có hai mươi mốt thứ  cấu uế này mà không làm  bẩn tâm thì chắc chắn đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời.

“Nếu ai biết được tà kiến là cấu uế của tâm, sau khi biết liền đoạn trừ. Cũng như vậy, nếu ai biết được tâm uế do phi pháp dục, tâm uế do ác tham, tâm uế do tà pháp, tâm uế do tham, tâm uế do nhuế, tâm uế do thụy miên, tâm uế do trạo cử hối quá, tâm uế do nghi hoặc, tâm uế do sân triền, tâm uế do phú tàng, tâm uế do xan tham, tâm uế do tật đố, tâm uế do khi trá, tâm uế do dua siểm, tâm uế do vô tàm, tâm uế do vô quý, tâm uế do mạn, tâm uế do đại mạn, tâm uế do ngạo mạn; nếu biết phóng dật là tâm uế, sau khi biết liền đoạn trừ.

“Tâm của vị ấy cùng đi đôi với từ, biến mãn một phương, thành tựu an trụ. Như vậy, cho đến hai phương, ba phương, bốn phương, tứ duy, trên dưới, trùm khắp tất cả cùng đi đôi với lòng từ, không kết, không oán, không giận, không tranh, rộng rãi bao la, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu an trụ.

“Này Bà-la-môn, [67] đó là phương pháp gột rửa nội tâm chứ không phải gột rửa ngoại thân”.

Bấy giờ, Bà-la-môn [68] nói với Thế Tôn:

“Này Cù-đàm, nên đi đến sông Đa thủy [69] mà tắm rửa.”

Đức Thế Tôn hỏi:

“Này Bà-la-môn, nếu đến tắm nơi sông Đa thủy thì sẽ được những gì?”

Bà-la-môn trả lời:

“Này Cù-đàm, sông Đa thủy ấy là dấu hiệu trai khiết của thế gian, là dấu hiệu độ thoát, là dấu hiệu phước đức. Cù-đàm, nếu đến tắm nơi sông Đa thủy thì được trừ sạch tất cả ác”.

Bấy giờ Đức Thế Tôn nói bài tụng cho Bà-la-môn nghe:

Diệu Hảo Thủ Bà-la-môn! [70]            

Nếu vào sông Đa Thủy,

Kê ngu thường du hý,

Không thể sạch nghiệp dữ.

Hảo Thủ, đến sông chi

Sông ấy có nghĩa gì?

Người tạo nghiệp bất thiện

Nước trong nào ích chi!

Người tịnh, không cấu uế,

Người tịnh, thường thuyết giới;

Người tịnh, nghiệp trắng trong;

Thường được thanh tịnh hạnh.

Nếu ông không tạo sát,

Cũng không hay trộm cắp,

 [576a]Chân thật không dối trá,

Thường chánh niệm, chánh trí;

Bà-la-môn học như vậy,

Tất cả chúng sanh an.

Bà-la-môn về nhà chi?

Suối nhà đâu trong sạch.

Bà-la-môn, ông nên học,

Dùng thiện pháp tẩy sạch.

Cần gì nước bẩn kia,

Chỉ trừ bẩn thân thể.

Bà-la-môn bạch Phật rằng:

Tôi cũng nghĩ như vầy:

Dùng thiện pháp tẩy sạch,

Cần gì nước bẩn kia.

Bà-la-môn nghe Phật dạy,

Trong lòng rất hoan hỷ.

Tức thì lạy chân Phật,

Quy y Phật, Pháp, Tăng.      

Bà-la-môn bạch rằng:              

“Bạch Đức Thế Tôn, con đã biết! Bạch Thiện Thệ, con đã hiểu. Con nay tự quy y Phật, Pháp và Chúng Tỳ-kheo. Ngưỡng mong Thế Tôn cho con làm Ưu-bà-tắc, bắt đầu từ ngày nay, trọn đời, con tự quy y cho đến chết”.

Phật thuyết như vậy. Bà-la-môn Diệu Hảo Thủy Tịnh và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

94. KINH HẮC TỲ-KHEO

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại tại nước Xá-vệ, trong Đông viên, giảng đường Lộc mẫu. Hắc Tỳ-kheo [71], con bà Lộc Mẫu, thường ưa tranh cãi, đi đến chỗ Phật. Thế Tôn thấy Hắc Tỳ-kheo từ xa đi lại, nhân vì có Hắc Tỳ-kheo nên Ngài nói với các Tỳ-kheo:

“Hoặc có người thường ưa tranh cãi, không khen việc đình chỉ tranh cãi. Nếu có người thường ưa tranh cãi, không khen việc đình chỉ tranh cãi, thì đó là pháp không khiến có ái lạc, không khiến có ái hỷ, không thể khiến cho có ái niệm, không khiến cho có kính trọng, không khiến tu tập, không khiến nhiếp trì, không khiến xứng đáng là Sa-môn, không thể khiến được nhất ý [72], không khiến chứng đắc Niết-bàn. [73]

“Hoặc có người ác dục, không khen việc đình chỉ ác dục. Nếu có người ác dục, không khen việc đình chỉ ác dục, thì đó là pháp không khiến có ái lạc, không khiến có ái hỷ, không thể khiến cho có ái niệm, không khiến cho có kính trọng, không khiến tu tập, không khiến nhiếp trì, không khiến xứng đáng là Sa-môn, không thể khiến [576b] được nhất ý, không khiến chứng đắc Niết-bàn.

“Hoặc có người phạm giới, vượt giới, sứt mẻ giới, làm rách giới,  cấu uế giới và không khen việc trì giới. Nếu có người phạm giới, vượt giới, sứt mẻ giới, làm rách giới, cấu uế giới, thì đó là pháp không khiến có ái lạc, không khiến có ái hỷ, không thể khiến cho có ái niệm, không khiến cho có kính trọng, không khiến tu tập, không khiến nhiếp trì, không khiến xứng đáng là Sa-môn, không thể khiến được nhất ý, không khiến chứng đắc Niết-bàn.

“Hoặc có người có sân triền, có phú kết, có bỏn sẻn, tật đố, có dua siểm, dối trá, có vô tàm, vô quý, không khen tàm quý [74]. Nếu có người có sân triền, có phú kết, bỏn sẻn, tật đố, có dua siểm, dối trá, có vô tàm, vô quý, không khen tàm quý, thì đó là pháp không khiến có ái lạc, không khiến có ái hỷ, không thể khiến cho có ái niệm, không khiến cho có kính trọng, không khiến tu tập, không khiến nhiếp trì, không khiến xứng đáng là Sa-môn, không thể khiến được nhất ý, không khiến chứng đắc Niết-bàn.

“Hoặc có người không tiếp đãi các vị đồng phạm hạnh, không khen sự tiếp đãi các vị đồng phạm hạnh. Nếu có người không tiếp đãi các vị đồng phạm hạnh, không khen sự tiếp đãi các vị đồng phạm hạnh, thì đó là pháp không khiến có ái lạc, không khiến có ái hỷ, không thể khiến cho có ái niệm, không khiến cho có kính trọng, không khiến tu tập, không khiến nhiếp trì, không khiến xứng đáng là Sa-môn, không thể khiến được nhất ý, không khiến chứng đắc Niết-bàn.

“Hoặc có người không quán các pháp, không khen việc quán các pháp. Nếu có người không quán các pháp, không khen việc quán các pháp, thì đó là pháp không thể ái lạc, không thể ái hỷ, không thể khiến ái niệm, không thể khiến cho có kính trọng, không thể khiến tu tập, không thể khiến nhiếp trì, không thể khiến xứng đáng là Sa-môn, không thể khiến được nhất ý, không thể khiến chứng đắc Niết-bàn.

“Hoặc có người không tĩnh tọa [75], không khen tĩnh tọa. Nếu có người không tĩnh tọa, không khen tĩnh tọa, thì đó là pháp không khiến có ái lạc, không khiến có ái hỷ, không thể khiến cho có ái niệm, không khiến cho có kính trọng, không khiến tu tập, không khiến nhiếp trì, không khiến xứng đáng là Sa-môn, không thể khiến được nhất ý, không khiến chứng đắc Niết-bàn.

“Những người như thế tuy nghĩ rằng: ‘Mong các vị đồng phạm hạnh cúng dường, cung kính, lễ sự [576c] ta’, nhưng các vị đồng phạm hạnh không cúng dường, cung kính, lễ sự người ấy. Vì sao? Vì người ấy có vô lượng điều ác này. Nhân vì người ấy có vô lượng điều ác này nên khiến cho các vị đồng phạm hạnh không cúng dường, cung kính, lễ sự người ấy.

“Cũng như con ngựa dữ bị nhốt vào trong chuồng, tuy nó nghĩ rằng: ‘Mong người ta nhốt tôi ở chỗ an ổn, cho đồ ăn thức uống tươi tốt và thích ngắm nghía tôi’, nhưng người ta không nhốt nó ở chỗ an ổn, không cho nó đồ ăn thức uống tốt tươi và không thích ngắm nghía nó. Vì sao? Vì con ngựa ấy có sự dữ, nghĩa là vì nó hết sức thô tệ, không hiền lành, nên khiến cho người ta không nhốt nó ở chỗ an ổn, không cho đồ ăn thức uống tốt tươi và không thích ngắm nghía nó. Cũng như vậy, người này dù nghĩ rằng ‘Mong các vị đồng phạm hạnh cúng dường, cunh kính, lễ sự ta’, nhưng các vị đồng phạm hạnh không cúng dường, cung kính, lễ sự người ấy. Vì sao? Vì người ấy có vô lượng điều ác này. Nhân vì người ấy có vô lượng điều ác này nên khiến cho các vị đồng phạm hạnh không cúng dường, cung kính, lễ sự người ấy.

“Ở đây có người không thích tranh cãi, khen ngợi việc đình chỉ tranh cãi. Nếu có người không thích tranh cãi, khen ngợi việc đình chỉ tranh cãi, thì đây là pháp khả lạc, khả ái, khả hỷ, có thể khiến ái niệm, có thể khiến kính trọng, có thể khiến tu tập, có thể khiến nhiếp trì, có thể khiến xứng đáng là Sa-môn, có thể khiến được nhất ý, có thể khiến chứng đắc Niết-bàn.

“Hoặc có người không ác dục, khen ngợi việc đình chỉ ác dục. Nếu có người không ác dục, khen ngợi việc đình chỉ ác dục, thì đây là pháp khả lạc, khả ái, khả hỷ, có thể khiến ái niệm, có thể khiến kính trọng, có thể khiến tu tập, có thể khiến nhiếp trì, có thể khiến xứng đáng là Sa-môn, có thể khiến được nhất ý, có thể khiến chứng đắc Niết-bàn.

“Hoặc có người không phạm giới, vượt giới, sứt mẻ giới; không làm rách giới, cấu uế giới; và khen ngợi việc trì giới. Nếu có người không phạm giới, vượt giới, sứt mẻ giới; không làm rách giới, cấu uế giới; và khen ngợi việc trì giới, thì đây là pháp khả lạc, khả ái, khả hỷ, có thể khiến ái niệm, có thể khiến kính trọng, có thể khiến tu tập, có thể khiến nhiếp trì, có thể khiến xứng đáng là Sa-môn, có thể khiến được nhất ý, có thể khiến chứng đắc Niết-bàn.

“Hoặc có người không có sân triền, không phú kết, không bỏn sẻn, tật đố, không dua siểm, dối trá, không vô tàm, không vô quý và khen ngợi tàm quý. Nếu có người không có sân triền, không phú kết, không bỏn sẻn, tật đố, không dua diểm, dối trá, không [577a] vô tàm, không vô quý và khen ngợi tàm quý, thì đây là pháp khả lạc, khả ái, khả hỷ, có thể khiến ái niệm, có thể khiến kính trọng, có thể khiến tu tập, có thể khiến nhiếp trì, có thể khiến xứng đáng là Sa-môn, có thể khiến được nhất ý, có thể khiến chứng đắc Niết-bàn.

“Hoặc có người có tiếp đãi các vị đồng phạm hạnh, khen ngợi việc tiếp đãi các vị đồng phạm hạnh. Nếu có người tiếp đãi các vị đồng phạm hạnh, khen ngợi việc tiếp đãi các vị đồng phạm hạnh, thì đây là pháp khả lạc, khả ái, khả hỷ, có thể khiến ái niệm, có thể khiến kính trọng, có thể khiến tu tập, có thể khiến nhiếp trì, có thể khiến xứng đáng là Sa-môn, có thể khiến được nhất ý, có thể khiến chứng đắc Niết-bàn.

“Hoặc có người quán các pháp, khen ngợi việc quán các pháp. Nếu có người quán các pháp, khen ngợi việc quán các pháp, thì đây là pháp khả lạc, khả ái, khả hỷ, có thể khiến ái niệm, có thể khiến kính trọng, có thể khiến tu tập, có thể khiến nhiếp trì, có thể khiến xứng đáng là Sa-môn, có thể khiến được nhất ý, có thể khiến chứng đắc Niết-bàn.

“Hoặc có người tĩnh tọa, khen ngợi tĩnh tọa. Nếu có người tĩnh tọa, khen ngợi tĩnh tọa, thì đây là pháp khả lạc, khả ái, khả hỷ, có thể khiến ái niệm, có thể khiến kính trọng, có thể khiến tu tập, có thể khiến nhiếp trì, có thể khiến xứng đáng là Sa-môn, có thể khiến được nhất ý, có thể khiến chứng đắc Niết-bàn.

“Người này tuy không nghĩ rằng: ‘Mong các vị đồng phạm hạnh cúng dường, cung kính, lễ sự nơi ta’, nhưng các vị đồng phạm hạnh vẫn cúng dường, cung kính, lễ sự người ấy. Vì sao? Vì người ấy có vô lượng điều lành này. Nhân người ấy có vô lượng điều lành này khiến cho các vị đồng phạm hạnh cúng dường, cung kính, lễ sự người ấy.

“Giống như con ngựa hiền nhốt trong chuồng, tuy nó không nghĩ rằng: ‘Mong người ta nhốt tôi ở chỗ an ổn, cho đồ ăn thức ống tốt tươi và thích ngắm nghía tôi’, nhưng người ta vẫn nhốt nó ở chỗ an ổn, cho đồ ăn thức uống tốt tươi và vẫn thích ngắm nghía nó. Vì sao? Bởi vì đó là con ngựa lành, nghĩa là nó rất thuần thục, rất hiền lành, nên người ta nhốt nó ở chỗ an ổn, cho đồ ăn thức uống tốt tươi và thích ngắm nghía nó. Cũng như vậy, người này tuy không nghĩ rằng ‘Mong các vị đồng phạm hạnh cúng dường, cung kính, lễ sự nơi ta’, nhưng các vị đồng phạm hạnh vẫn cúng dường, cung kính, lễ sự người ấy”.

Phật thuyết như vậy. Các vị Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

95. KINH TRỤ PHÁP

 [577b4] Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Đức Thế Tôn nói với các thầy Tỳ-kheo:

“Ta nói về sự thối thất của thiện pháp [76], không đình trụ cũng không tăng tiến. Ta nói về sự đình trụ của thiện pháp, không thối thất không tăng tiến. Ta nói về sự tăng tiến của thiện pháp, không thối thất cũng không đình trụ.

“Thế nào là sự thối thất của thiện pháp, không đình trụ cũng không tăng tiến? Tỳ-kheo nếu có đốc tín, cấm giới, bác văn, bố thí, trí tuệ, biện tài, Thánh giáo và sở đắc [77], đối với các pháp này, vị ấy thối thất, chứ không trụ, cũng không tăng. Đó là sự thối thất của thiện pháp, không đình trụ cũng không tăng tiến.

“Thế nào là sự đình trụ của thiện pháp, không thối thất không tăng tiến? Tỳ-kheo nếu có đốc tín, cấm giới, bác văn, bố thí, trí tuệ, biện tài, Thánh giáo và sở đắc; đối với các pháp này, vị ấy trụ, chứ không thối, không tăng. Đó gọi là sự đình trụ của thiện pháp, không thối thất không tăng tiến.

“Thế nào là sự tăng tiến của thiện pháp, không thối thất cũng không đình trụ? Tỳ-kheo có dốc tín, cấm giới, bác văn, bố thí, trí tuệ, biện tài, Thánh giáo và sở đắc; đối với các pháp này vị ấy tăng, không thối, không trụ. Đó gọi là sự tăng tiến của thiện pháp, không thối thất cũng không đình trụ.

“Tỳ-kheo chắc chắn được nhiều lợi ích nếu quán như vầy: ‘Ta sống nhiều với tham lam hay sống không nhiều tham lam? Ta sống nhiều với tâm sân nhuế hay không nhiều tâm sân nhuế? Ta sống với thùy miên hay sống không thùy miên? Ta sống với nhiều trạo cử, cống cao hay là sống không nhiều trạo cử, cống cao? Ta sống với nhiều nghi hoặc hay sống không nhiều nghi hoặc. Ta sống với nhiều thân tránh hay sống không nhiều thân tránh? Ta sống với nhiều  cấu uế hay sống không nhiều  cấu uế tâm? Ta sống với nhiều tín hay sống với nhiều bất tín? Ta sống với nhiều tinh tấn hay sống với nhiều giải đãi? Ta sống với nhiều chánh niệm hay sống với nhiều vô niệm? Ta sống với nhiều chánh định hay sống với nhiều vô định? Ta sống với nhiều ác tuệ hay sống với nhiều không ác tuệ?’

“Nếu khi Tỳ-kheo quán mà biết mình sống nhiều với tham lam, sân nhuế tâm, thùy miên triền, trạo cử và cống cao, nghi hoặc, thân tránh,  cấu uế tâm, bất tín, giải đãi, vô niệm, vô định và sống với nhiều ác tuệ, thì Tỳ-kheo ấy vì muốn diệt trừ các pháp ác bất thiện này nên gấp rút tìm phương tiện học hỏi, hết sức tinh cần chánh niệm, [577c] chánh trí, nhẫn, không để thoái lui.

“Như người bị lửa cháy đầu, cháy áo, gấp rút cầu phương tiện cứu đầu cứu áo. Cũng như thế, vì muốn diệt trừ các pháp ác bất thiện này nên vị Tỳ-kheo ấy gấp rút cầu phương tiện học, hết sức tinh cần, chánh niệm, chánh trí, nhẫn, không để thoái lui.

“Nếu khi Tỳ-kheo quán mà biết mình sống không nhiều tham lam, không nhiều sân nhuế tâm, không nhiều thùy miên triền, không nhiều trạo cử cống cao, không nghi hoặc, không thân tránh, không  cấu uế tâm, có tín, có tấn, có niệm, có định và sống với nhiều không ác tuệ, thì vị Tỳ-kheo ấy vì muốn trụ nơi thiện pháp này, không quên mất, không thoái lui, tu hành phát triển, nên gấp rút cầu phương tiện học, hết sức tinh cần, chánh niệm, chánh trí, nhẫn, không để thoái lui.

“Như người bị lửa cháy đầu, cháy áo, gấp rút cầu phương tiện cứu đầu cứu áo. Cũng như thế, vị Tỳ-kheo vì muốn an trụ nơi thiện pháp này, không quên mất, không thoái lui, tu hành phát triển, nên vị Tỳ-kheo ấy gấp rút cầu phương tiện học, hết sức tinh cần, chánh niệm, chánh trí, nhẫn, không để thoái lui”.

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

96. KINH VÔ

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất nói với các Tỳ-kheo:

“Này Chư Hiền, nếu có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni không được nghe pháp chưa từng nghe; pháp đã nghe thì lại quên mất. Giả sử có pháp mà vị ấy trước kia đã tu hành, đã phát triển, đã tụng và đã được hiểu bởi tuệ, nhưng vị ấy không nhớ lại và không thấu hiểu. Này Chư Hiền, đó gọi là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni suy thoái tịnh pháp.

“Này Chư Hiền, nếu có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni với pháp chưa nghe thì được nghe; pháp đã nghe thì không quên mất. Giả sử có pháp mà vị ấy trước kia đã tu hành, đã phát triển, đã tụng và đã được hiểu bởi tuệ, rồi vị ấy thường ghi nhớ và thấu hiểu, thì đó gọi là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni tăng trưởng tịnh pháp.

“Này Chư Hiền, Tỳ-kheo nên quán như vầy: ‘Ta có tham lam hay là không có tham lam? Ta có tâm sân nhuế hay không có tâm sân nhuế? Ta có thùy miên triền hay không có thùy miên triền? Ta có trạo cử, cống cao hay không có trạo cử, cống cao? Ta có nghi hoặc hay không có nghi hoặc? Ta có thân tránh hay không có thân tránh? Ta [578a] có tâm cấu uế hay không có tâm cấu uế? Ta có tín hay không có tín? Ta có tấn hay không có tấn? Ta có niệm hay không có niệm? Ta có định hay không có định? Ta có tuệ hay không có tuệ?’         

“Này Chư Hiền, nếu khi Tỳ-kheo quán mà biết mình có tham lam, có tâm sân nhuế, có thùy miên triền, có trạo cử, cống cao, có nghi hoặc, có thân tránh, có tâm  cấu uế, không tín, không tấn, không niệm, không định, có ác tuệ, thì này Chư Hiền, vì muốn diệt trừ các pháp ác bất thiện này cho nên vị Tỳ-kheo ấy gấp rút cầu phương tiện học, hết sức tinh cần, chánh niệm, chánh trí, nhẫn, không để thoái lui.

“Này Chư Hiền, như người bị lửa cháy đầu, cháy áo, gấp rút tìm cách cứu đầu, cứu áo. Này Chư Hiền, cũng như thế, vị Tỳ-kheo vì muốn diệt trừ các pháp ác bất thiện này nên gấp rút cầu phương tiện học, hết sức tinh cần, chánh niệm, chánh trí, nhẫn, không để thoái lui.

“Này Chư Hiền, nếu khi Tỳ-kheo quán mà biết mình không có tham lam, không có tâm sân nhuế, không thùy miên triền, không trạo cử, cống cao, không có nghi hoặc, không có thân tránh, không có tâm  cấu uế; có tín, có tấn, có niệm, có định, không ác tuệ, thì Tỳ-kheo ấy vì muốn an trụ nơi pháp thiện này, không quên mất, không thoái lui, tu hành phát triển, nên gấp rút cầu phương tiện học, hết sức tinh cần, chánh niệm, chánh trí, nhẫn, không để thoái lui.

“Này Chư Hiền, như người bị lửa cháy đầu, cháy áo, gấp rút tìm cách cứu đầu, cứu áo. Này Chư Hiền, cũng như thế, Tỳ-kheo muốn an trụ nơi pháp thiện này, không quên mất, không thoái lui, tu hành phát triển, nên gấp rút cầu phương tiện học, hết sức tinh tấn, chánh niệm, chánh trí, nhẫn, không để thoái lui”.

Tôn giả Xá-lợi-phất thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Tôn giả thuyết, hoan hỷ phụng hành. [78]

 


 [1] Xem kinh 74.

 [2] Hán: uế 穢. Pāli: aṅgaṇa, vết bẩn, bụi bẩn, nước dơ.

 [3] Nguyên Hán: ư chư nhân trung  vi tối thắng 於諸人中為最勝. Tham chiếu Pl. A. i. 25: ayaṃ imesaṃ dvinaṃ puggalānaṃ sāṅgaṇānaṃ- yeva sataṃ seṭṭhapuriso akkhāyati, trong hai người có cấu uế, người này được kể là tối thắng.

 [4] Hán: ư chư nhân trung tối vi hạ tiện 於諸人中為最下賤;  xem cht. 3 trên. Pl. A. i. 25: ayaṃ imesaṃ dvinaṃ puggalānaṃ anaṅgaṇānaṃyeva sataṃ hīnapuriso akkhāyati, trong hai người không cấu uế, người này được kể là thấp kém.

 [5] Bản Pāli: Tôn giả Mahāmoggallāna (Đại Mục-kiền-liên). No.125 (25-6) cũng vậy.

 [6] Cf. Pāli ibid.: pāpakānaṃ kho etaṃ akusalānaṃ icchāvacarānaṃ adhivacanaṃ yadidaṃ aṅgaṇaṃ, các pháp ác bất thiện, cảnh giới của dục, là đồng nghĩa của uế.

 [7] Pāli: so kupito hoti appatīto, nó phẫn nộ và bất mãn.

 [8] Pāli: kopo yo ca appaccayo ubhayam etaṃ aṅgaṇaṃ, phẫn nộ và bất mãn, cả hai cái này là  cấu uế.

 [9] Hán: nhập nội thời 入內時. Pāli: gāmaṃ bhattāya paviseyyuṃ, vào làng để ăn cơm.

 [10] Hán: dĩ nhập nội 已 入 內. Pāli: bhattagge, tại nhà ăn.

 [11]    Hán:chúng viên 眾園: tăng-già-lam (saṅghārāma), tăng viện. Pāli: ārāmagatānaṃ bhikkhūnaṃ dhammaṃ deseyyaṃ, mong ta thuyết pháp cho các Tỳ-kheo tập họp tại tinh xá.

 [12] Hán: vô lượng thiện tâm dục 無量善心欲: ở đây, dục đông nghĩa với vô lượng thiện tâm. Trong bản Pāli không có khái niệm, nhưng nói (A. i. 31): yassa kassaci bhikkhuno ime pāpakā akusalā icchāvarā pahīnā, đối với Tỳ kheo mà cảnh giới của dục, ác bất thiện này được đoạn trừ.

 [13] Cựu xa sư Vô y Mãn Tử 舊車師無衣滿子. Pāli: Paṇḍuputta, đạo sĩ phái Tà mạng (ājīvaka), con trai của một người thợ làm xe trước kia (purāṇayānakāraputto).

 [14] Ngũ Sa-la 五娑羅. Pāli: Pañcasāla.

 [15] Lệ-việt tức Revata mà chỗ khác cũng bản Hán này, âm là Li-việt-đa. Xem chú thích kinh số 184.

 [16] Hành cầu pháp mạc hành cầu ẩm thực  行求法莫行求飲食. Pāli (M. i. 12): dhammadāyādā me bhavatha mā āmisadayādā, hãy là những kẻ thừa tự Pháp của Ta, chớ đừng là kẻ thừa tự tài vật.

 [17] Bất khả Phật ý 不可佛意.

 [18] Hán: tàn dư thực 殘餘食. Có thể Hán đã diễn sai ý, vì các Tỳ kheo ăn đồ người khác ăn dư còn lại là chuyện rất thường thấy trong Luật. Bản Pāli: Thế Tôn dạy: “Hãy là kẻ thừa tự Pháp...”

 [19] Xem kinh 83.

 [20] Xem kinh 83.

 [21] Xả phương tiện, nên hiểu là từ bỏ sự nỗ lực.

 [22] Niệm dục ác, ác niệm dục diệc ác 念欲惡, 惡念欲亦惡. Pāli: lobho ca pāpako doso ca pāpako, lobhassa ca pahānāya dossa ca pahānāya atthi majjhimā paṭipadā, tham là ác, sân là ác; có con đường giữa để đoạn trừ tham và sân.

 [23] Hào quý 豪 貴 và tăng tránh 憎 諍; có lẽ Pāli: thambo (ngạo mạn) và sārambho (nóng nảy, hay gây gổ). Liệt kê các tính xấu, theo bản Pāli: kodho (phẫn nộ), upanāho (oán hận), makkho (phú: đạo đức giả), palāso (nao: ác ý), issā (tật: bủn xỉn), maccheram (xan: keo kiệt), māyā (cuống: dối trá), sāṭheyyam (siểm: giảo hoạt), thambho (cống cao: ngạo mạn), sārambho (phẩn khích: hay gây sự), māno (mạn), atimāno (quá mạn: tự cao), mado (kiêu: nghiện ngập), pamādo (phóng dật: phóng túng).

 [24] Bản Hán, hết quyển 22.

 [25] Pāli (M. i. 95): lúc bấy giờ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên trú ở giữa những người Bhagga, trong núi Suṃsumāra.

 [26] Hán: thỉnh 請. Pāli: pavāreti: tự tứ, yêu cầu người khác chỉ lỗi cho mình.

 [27] Hán: lệ ngữ, lệ ngữ pháp 戾語法. Pāli: dubbaca, dovacassakaraṇa dhamma.

 [28] Ác dục niệm dục 惡欲欲念. Pāli: pāpiccho hoti pāpikānaṃ icchānaṃ vasaṃgato, là người có ác dục, bị chi phối bởi ác dục.

 [29] Nhiễm hành nhiễm 染行染; có lẽ Pāli: attukkaṃsako paravambhī, khen mình che người.

 [30] Bất ngữ kết trụ 不語結住; có lẽ Pāli: makkhata, phú, che dấu lỗi, ngụy thiện..

 [31] Sân tệ ác ý 瞋 弊 惡 意; có lẽ Pāli: kodhahetu upanāhī, do nóng giận mà ôm lòng cừu hận.

 [32] Ha Tỳ-kheo ha 訶比丘訶. Pāli: codito codakena codakṃ paṭipphareti, bị nêu tội kích ngược lại người nêu tội.

 [33] Ha Tỳ-kheo khinh mạn 訶比丘輕慢, động từ nghịch đảo = khinh mạn ha Tỳ kheo. Pāli: codakaṃ apasādeti, khinh dễ người nêu tội.

 [34] Hán: ha Tỳ kheo phát lộ 訶比丘發露; động từ nghịch đào = phát lộ ha Tỳ kheo. Pl.: codakassa paccāropeti: phản vần ngưởi cử tội.

 [35] Pāli: attanāva attānaṃ evaṃ anuminitabbaṃ, nên tự mình suy xét về mình như vầy.

 [36] Thiện ngữ, thành tựu thiện ngữ pháp 善語成就善語法. Pāli: so ca sovaco hoti, sovacassakaraṇehi samannāgato.

 [37] Hán: chỉ thân 止 身.

 [38] Câu-xá-di Cù-sư-la viên 拘舍彌瞿師羅園. Xem kinh 72. Pāli tương đương, A. v. 41: khi ấy Mahā-cunda đang trú tại Ceti.

 [39] Chu-na 周那. Pāli: Māha-Cunda. Xem kinh số 196.

 [40] Ác tăng tứ 惡增伺. Pāli: lobha. Nơi khác,  Hán: tăng tứ, tương đương Pāli: abhijjhā.

 [41] Bản liệt kê Hán, xem các kinh 183, 196. Liệt kê theo Pāli: lobha (tham), moha (si), kodha (phẫn nộ), upanāha (oán hận), makkha (giả dối hay phú tàng), palāsa (não hại hay có ác ý), macchariya (xan tham hay keo kiệt), pāpikā issā (ác tật đố), pāpikā icchā (ác dục).

 [42] Xem kinh 90 trên.

 [43] Các kiến chấp: thần 神 (Pāli: attā), chúng sanh 眾 生 (satta), nhân 人 (puggala), thọ 夀 (āyu), mạng 命 (jīva), thế 世 (loka) đều liên hệ đến quan niệm linh hồn hay tiểu ngã (attavāda). Bản Pāli tương đương (M. i. 41) chỉ nêu: attavādapaṭisaṃyuttā lokavāda-paṭisaṃyuttā (diṭṭhiyo), các kiến chấp liên hệ đến các thuyết về hữu ngã và thế giới (thường hay vô thường v.v...).

 [44] Tiệm tổn 漸損. Pāli: sallekha, tổn giảm, theo nghĩa kiểm thức, sống khắc khổ.

 [45] Pāli: na kho panete, cunda, ariyassa vinaye sallekhā vuccanti, diṭṭhadhamma- sukhavihārā ete ariyassa vinaye vuccanti, trong luật của bậc Thánh, chúng không được gọi là tiệm giảm, mà được gọi là hiện pháp lạc trú.

 [46] Hiện pháp lạc cư 現法樂居; chỉ tính chất của bốn thiền sắc giới. Pl.: diṭṭhadhamma- sukhavihārā.

 [47] Nguyên Hán: tức giải thoát 息解脫, tức tịch tịnh giải thoát, chỉ bốn vô sắc giới định. Pāli: santā vimokkhā.

 [48] Pāli: pare vihiṃsakā bhavissanti, maya ettha avihiṃsakā bhavissāmā, những người khác có thể sẽ là bạo hại; chúng ta sẽ không là bạo hại: nên học tiệm giảm như vậy.

 [49] Hán: hại ý sân 害意瞋. Pāli: vihiṃsaka, bạo hành.

 [50] Tăng tứ 增伺; Pāli: abhijjhālu.

 [51] Tránh ý 諍意; Pāli: vyāpannacitta.

 [52] Thụy miên sở triền 睡眠所纏, triền cái thụy miên. Pāli: thīnamiddhapariyuṭṭhāna, mê ngủ nghỉ, bị buồn ngủ khống chế.

 [53] Điệu cống cao, hay trạo cử ố tác hay trạo hối. Pāli: uddahaccakukkucca, vị kích động và vọng động.

 [54] Liệt kê năm triền cái (Pāli: pañca nīvaraṇāni): tham, sân, thụy miên, trạo hối và nghi.

 [55] Sân kết 瞋結, chỗ khác (xem kinh 89 trên) gọi là bất ngữ kết, Pāli: makkha, ngụy thiện và ác ý hay ác cảm.

 [56] Tăng mạn 增 慢. Pāli: atimāna, tự cao.

 [57] Các bất thiện tâm sở này, xem kinh 91, các kinh trên.

 [58] Xem kinh 134.

 [59] Thủy Tịnh Phạm chí 水淨梵志. No.51: Kế Thủy Phạm chí; No.99 (1185) không nói tên; No.100 (99): Bà-la-môn thờ lửa; No.125 (13.5): một người Bà-la-môn đang gánh một gánh nặng, đi đến gần Phật. Người Bà-la-môn mà Phật gặp ngay sau khi vừa thành đạo, được nói đến trong Luật tạng Pāli tên là Huhuṅkajātika. Pāli tương đương không có chi tiết này. Nhưng người Bà-la-môn xuất hiện ở cuối kinh. Xem đoạn cuối.

 [60] Sự kiện này hoàn toàn không phù hợp. Khi vừa thành đạo này, Ngài chưa có một đệ tử xuất gia nào cả.

 [61] Uế ô ư tâm 穢污於心. Pāli: citassa upakkilesa, ô nhiễm của tâm (hay tùy phiền não của tâm). No.51 và No.125: kết  結.

 [62] No.125 (13.5): 21 kết nhiễm tâm: sân, nhuế, hại, thùy miên, điệu hý, nghi, nộ, kỵ, não, tật, tắng, vô tàm, vô quý, huyễn, gian, ngụy, tránh, kiêu mạn, đố, tăng thượng mạn, tham. Liệt kê theo bản Pāli: abhijjhavisamalobho (tham lam và bất chánh tham), vyāpādo (sân), kodho (phẫn nộ), upanāho (oán hận), makkho (phú tàng hay ngụy thiện), palāso (não hay ác ý, ác cảm), issā (tật đố), macchariyam (xan hay bỏn sẻn), māyā (cuống hay huyễn hoặc), sāṭheyyam (siểm hay gian trá), thambho (ngoan cố hay ngạo mạn), sārambho (cấp tháo hay dễ kích động), māno (mạn), atimāno (quá mạn), mado (kiêu hay say sưa), pamādo (phóng túng hay buông lung). Bản danh sách đầy đủ và giải thích chi tiết, xem Pháp uẩn 9 (tr.494c).

 [63] Thuần hôi 淳 灰; có lẽ nước tro.

 [64] Tháo đậu 澡豆; loại bột giặt do nghiền đậu trộn với vài thứ cây lá.

 [65] Thổ tí 土漬, nước chắt, để thấm qua đất?

 [66] No.51 cũng nói không thể giặt sạch như vậy. No.125 (13.5). Pāli: tấm vải dơ thì không thể nhuộm bất cứ màu gì cho đẹp đẽ ra được.

 [67] Trong đoạn đầu, Phật nói với các Tỳ kheo. Có sự nhầm lẫn trong bản Hán.

 [68] Pl. (M. i. 39): khi ấy có Bà-la-môn Sundarikabhādvajo ngối cach Phật không xa. Đối thoại tiếp theo, như trong bản Hán.

 [69] Đa thủy hà 多水河. No.99 (1158): Bà-hưu hà. Pāli: Bāhukā.

 [70] Diệu hảo thủ Phạm chí 妙好首梵志, tên dịch nghĩa của Sundarika, do hình dung từ sundara: mỹ miều.

 [71] Hắc Tỳ-kheo 黑 比 丘. Pāli: Kālaka-bhikkhu. Bản Pāli tương đương không có chi tiết này.

 [72] Nhất ý 一 意. Pāli: ekībhava, nhất thể, hiệp nhất. 

 [73] A.v. 164: ayampi dhammo na piyatāya na garutāya na bhāvanāya na sāmaññāya na ekibhāvāya saṃvattati, “pháp ấy không dẫn đến yêu thương, không dẫn đến tôn kính, không dẫn đến tu tập, không dẫn đến kết quả của Sa-môn, không dẫn đến hiệp nhất (hòa hiệp).”

 [74] Xem các kinh 90 và 93 trên.

 [75] Yến tọa 宴 坐; ngồi hay sống chỗ yên tĩnh, vắng vẻ. Pāli: patisallāno, độc cư, nhàn tĩnh, ẩn dật.

 [76] Pāli (A.v. 96): ṭhitimpāhaṃ, bhikkhave, na vaṇṇayāmi kusalesu dhammesu, pageva parihāniṃ, Ta không tán thán sự đứng im trong các pháp thiện, huống gì là sự thối thất.

 [77] Nguyên bản: A-hàm cập kỳ sở đắc 阿含及其所得.

 [78] Bản Hán, hết quyển 23.

Phẩm 11: Lâm

PHẨM 11: LÂM

TỤNG NGÀY THỨ HAI

Tiểu thổ thành

二林觀心二  

達奴波法本

優陀羅蜜丸  

瞿曇彌在後

Kệ tóm tắt:

Hai Lâm, hai Quán tâm,

Đạt, Nô-ba, Pháp bản,

Ưu-đà-la, Mật hoàn,

Cù-đàm-di sau cùng

107. KINH LÂM (I)

Tôi nghe như vầy.

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Tỳ-kheo nương vào một khu rừng để ở. Vị ấy nghĩ rằng: ‘Ta nương vào khu rừng này để ở. Hoặc không có chánh niệm sẽ được chánh niệm; tâm chưa định sẽ được định; nếu chưa giải thoát sẽ được giải thoát, các lậu [597a]chưa diệt tận sẽ được diệt tận; chưa chứng đắc Niết-bàn an ổn vô thượng thì sẽ chứng đắc Niết-bàn. Điều người học đạo cần như áo, chăn, uống, ăn, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống, tìm cầu tất cả một cách dễ dàng, không khó khăn’.

“Rồi Tỳ-kheo ấy nương vào khu rừng này để ở. Sau khi nương vào khu rừng này để ở, nếu không có chánh niệm vẫn không được chánh niệm, tâm chưa được định vẫn không được định, chưa giải thoát vẫn không được giải thoát, các lậu chưa hết vẫn không đoạn hết, chưa chứng đắc Niết-bàn vô thượng vẫn chưa chứng đắc Niết-bàn. Những điều người học đạo cần như áo, chăn, uống, ăn, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống, tìm cầu tất cả một cách dễ dàng, không khó khăn, vị Tỳ-kheo ấy nên quán như vầy, ‘Ta xuất gia học đạo không phải vì áo chăn, không phải vì ăn uống, giường chõng, thuốc thang, cũng không phải vì các vật dụng cho đời sống. Nhưng ta nương vào khu rừng này để ở, hoặc không có chánh niệm vẫn không được chánh niệm, tâm chưa định vẫn không được định, chưa giải thoát vẫn không được giải thoát, các lậu chưa hết vẫn không đoạn hết, chưa chứng đắc Niết-bàn an ổn vô thượng vẫn chưa chứng đắc Niết-bàn. Nhưng những điều người học đạo cần như áo chăn, ăn uống, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống tìm cầu tất cả một cách dễ dàng không khó khăn’.

“Tỳ-kheo ấy đã quán như vậy rồi, phải từ bỏ khu rừng này để đi nơi khác”.

 “Tỳ-kheo nương vào một khu rừng [1] để ở. Vị ấy nghĩ rằng: ‘Ta nương vào khu rừng này để ở, hoặc không có chánh niệm sẽ được chánh niệm, tâm chưa được định sẽ được định, chưa giải thoát sẽ được giải thoát, các lậu chưa hết liền được đoạn hết, chưa chứng đắc Niết-bàn an ổn vô thượng thì liền chứng đắc Niết-bàn. Những điều người học đạo cần như áo chăn, ăn uống, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống tìm cầu tất cả một cách dễ dàng không khó khăn’.

“Rồi Tỳ-kheo ấy nương vào khu rừng này để ở. Sau khi nương vào khu rừng để ở, hoặc không có chánh niệm liền được chánh niệm, tâm chưa định liền được định, chưa giải thoát liền [597b] được giải thoát, các lậu chưa hết liền được đoạn hết, chưa chứng đắc Niết-bàn an ổn vô thượng thì liền chứng đắc Niết-bàn. Những điều người học đạo cần như áo chăn, ăn uống, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống tìm cầu tất cả một cách rất khó khăn, vị Tỳ-kheo ấy nên quán như vầy, ‘Ta xuất gia học đạo không phải vì áo chăn, không phải vì ăn uống, giường chõng, thuốc thang, cũng không phải vì vật dụng cho đời sống. Nhưng ta nương vào khu rừng này để ở, hoặc không có chánh niệm thì liền được chánh niệm, tâm chưa định liền được định, chưa giải thoát liền được giải thoát, các lậu chưa hết liền được đoạn hết, chưa chứng đắc Niết-bàn an ổn vô thượng thì liền chứng đắc Niết-bàn. Những điều người học đạo cần như áo chăn, ăn uống, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống tìm cầu tất cả một cách rất khó khăn’.

“Tỳ-kheo ấy đã quán như vậy rồi, nên ở lại khu rừng này”.

“Tỳ-kheo nương vào một khu rừng để ở. Vị ấy nghĩ rằng: ‘Ta nương vào khu rừng này để ở, hoặc không có chánh niệm sẽ được chánh niệm, tâm chưa định sẽ được định, chưa giải thoát sẽ được giải thoát, các lậu chưa hết sẽ được đoạn hết, chưa chứng đắc Niết-bàn an ổn vô thượng thì sẽ chứng đắc Niết-bàn. Những điều người học đạo cần như áo chăn, ăn uống, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống tìm cầu tất cả một cách dễ dàng không khó khăn’.          

“Rồi vị Tỳ-kheo ấy nương vào khu rừng này để ở. Sau khi nương vào khu rừng này để ở, hoặc không có chánh niệm vẫn không có chánh niệm, tâm chưa được định tĩnh vẫn không được định tĩnh, nếu chưa được giải thoát vẫn không được giải thoát, các lậu chưa hết vẫn không đoạn hết, chưa chứng đắc Niết-bàn an ổn vô thượng vẫn chưa chứng đắc Niết-bàn. Những điều người học đạo cần như áo chăn, ăn uống, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống tìm cầu tất cả một cách rất khó khăn. Vị Tỳ-kheo ấy nên quán như vầy, ‘Ta nương vào khu rừng này để ở, hoặc không có chánh niệm vẫn không được chánh niệm, tâm chưa được định tĩnh vẫn không được định tĩnh, nếu chưa giải thoát vẫn không được giải thoát, các lậu chưa hết vẫn không đoạn hết, chưa chứng đắc Niết-bàn an ổn vô thượng vẫn chưa chứng đắc Niết-bàn. Những điều người học đạo cần như: áo chăn, ăn uống, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống tìm cầu tất cả một cách khó khăn’.

“Tỳ-kheo quán như vậy rồi, phải lập tức từ bỏ khu rừng này ngay trong đêm mà đi, chớ có cùng người cáo biệt”.

“Tỳ-kheo nương vào một khu rừng để ở. Vị ấy nghĩ: ‘Ta nương vào khu rừng này để ở, hoặc không có chánh niệm liền được chánh niệm, tâm chưa định liền được định, chưa giải thoát liền được giải thoát, các lậu chưa hết liền được đoạn hết, chưa chứng đắc Niết-bàn an ổn vô thượng thì liền chứng đắc Niết-bàn. Và những điều người học đạo cần như áo chăn, ăn uống, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống tìm cầu tất cả một cách dễ dàng không khó khăn’.

“Rồi Tỳ-kheo ấy nương vào khu rừng này để ở. Đã nương vào khu rừng này để ở, hoặc không có chánh niệm liền được chánh niệm, tâm chưa định liền được định, chưa giải thoát liền được giải thoát, các lậu chưa hết liền được đoạn hết, chưa chứng đắc Niết-bàn an ổn vô thượng thì liền chứng đắc Niết-bàn. Những điều người học đạo cần như áo chăn, ăn uống, giường chõng, thuốc thang, [597c] các vật dụng cho đời sống tìm cầu tất cả một cách dễ dàng không khó khăn. Tỳ-kheo ấy nên quán như vầy, ‘Ta nương vào khu rừng này để ở, hoặc không có chánh niệm liền được chánh niệm, tâm chưa định tĩnh liền được định tĩnh, nếu chưa giải thoát liền được giải thoát, các lậu chưa hết liền được đoạn hết, chưa chứng đắc Niết-bàn an ổn vô thượng thì liền chứng đắc Niết-bàn. Những điều người học đạo cần như áo chăn, ăn uống, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống tìm cầu tất cả một cách dễ dàng không khó khăn’.

“Tỳ-kheo đã quán như vậy rồi nên nương vào khu rừng này để ở trọn đời cho đến lúc mạng chung.

“Cũng như các trường hợp nương vào khu rừng để ở, cũng vậy, giữa bãi tha ma, giữa thôn ấp hay sống với người khác”.

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

108. KINH LÂM (II)

Tôi nghe như vầy.

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Tỳ-kheo nương vào khu rừng này để ở. Vị ấy nghĩ rằng: ‘Ta nương vào khu rừng này để ở vì lý tưởng xuất gia học đạo, là muốn thành đạt ý nghĩa của Sa-môn [2], ý nghĩa này được thành tựu đối với ta. Những điều người học đạo cần như y phục, ăn uống, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống, tìm cầu tất cả một cách dễ dàng không khó khăn’.

“Rồi Tỳ-kheo ấy nương vào khu rừng này để ở. Sau khi nương vào khu rừng này để ở, với lý tưởng xuất gia học đạo là muốn thành đạt ý nghĩa của Sa-môn, nhưng ý nghĩa ấy không được thành đạt đối với ta. Những điều người học đạo cần như áo chăn, ăn uống, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống tìm cầu một cách dễ dàng không khó khăn’. Tỳ-kheo ấy nên quán như vầy, ‘Ta xuất gia học đạo không phải vì áo chăn, không phải vì ăn uống, giường chõng, thuốc thang, cũng không phải vì các vật dụng cho đời sống; nhưng ta nương vào khu rừng này để ở với lý tưởng xuất gia học đạo, là muốn thành đạt ý nghĩa của Sa-môn, ý nghĩa này không được thành đạt đối với ta. Những điều người học đạo cần như áo chăn, ăn uống, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống tìm cầu một cách dễ dàng không khó khăn’. Tỳ-kheo đã quán như vậy rồi, nên từ bỏ khu rừng này để đi nơi khác.

“Tỳ-kheo nương vào một khu rừng để ở, vị ấy nghĩ rằng: ‘Ta nương vào một khu rừng để ở với lý tưởng xuất gia học đạo là muốn thành đạt ý nghĩa của Sa-môn, ý nghĩa ấy được thành đạt đối với ta. Những điều người học đạo cần như áo chăn, ăn uống, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống tìm cầu một cách dễ dàng không khó khăn’.

“Rồi Tỳ-kheo ấy [598a] nương vào khu rừng này để ở. Sau khi nương vào khu rừng này để ở với lý tưởng xuất gia học đạo là muốn thành đạt ý nghĩa của Sa-môn và ý nghĩa ấy được thành đạt đối với ta. Những điều người học đạo cần như áo chăn, ăn uống, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống, tìm cầu tất cả một cách rất khó khăn, Tỳ-kheo ấy nên quán như thế này: ‘Ta xuất gia học đạo không phải vì áo chăn, ăn uống, giường chõng, thuốc thang, cũng không phải vì các vật dụng cho đời sống. Nhưng ta nương vào khu rừng nay để ở với lý tưởng xuất gia học đạo là muốn thành đạt ý nghĩa của Sa-môn, ý nghĩa ấy được thành đạt đối với ta. Những điều người học đạo cần như áo chăn, ăn uống, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống tìm cầu tất cả một cách rất khó khăn’.

“Tỳ-kheo đã quán như vậy rồi, nên ở lại khu rừng này.

“Tỳ-kheo nương vào một khu rừng để ở, vị ấy nghĩ rằng: ‘Ta nương vào khu rừng này để ở với lý tưởng xuất gia học đạo là thành đạt ý nghĩa của Sa-môn, ý nghĩa ấy được thành đạt đối với ta. Những điều người học đạo cần như áo chăn, ăn uống, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống tìm cầu tất cả một cách dễ dàng không khó khăn’.

“Rồi vị ấy nương vào khu rừng này để ở. Sau khi nương vào khu rừng này để ở với lý tưởng xuất gia học đạo là muốn thành đạt ý nghĩa của Sa-môn, nhưng ý nghĩa ấy không thành đạt đối với ta. Những điều người học đạo cần như áo chăn, ăn uống, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống tìm cầu tất cả một cách khó khăn, vị Tỳ-kheo ấy nên quán như thế này: ‘Ta nương vào khu rừng này để ở với lý tưởng xuất gia học đạo là thành đạt ý nghĩa của Sa-môn, ý nghĩa ấy được thành đạt đối với ta. Những điều người học đạo cần như áo chăn, ăn uống, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống tìm cầu tất cả một cách rất khó khăn’.

“Tỳ-kheo đã quán như vậy rồi phải lập tức từ bỏ khu rừng này ngay giữa đêm mà đi, chớ có cùng người cáo biệt.

“Tỳ-kheo nương vào một khu rừng để ở, vị ấy nghĩ rằng: ‘Ta nương vào khu rừng này để ở với lý tưởng xuất gia học đạo là thành đạt ý nghĩa của Sa-môn, ý nghĩa ấy được thành đạt đối với ta. Những điều người học đạo cần như: áo chăn, ăn uống, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống tìm cầu tất cả một cách dễ dàng không khó khăn’.

“Rồi vị Tỳ-kheo ấy nương vào khu rừng này để ở. Sau khi nương vào khu rừng này để ở với lý tưởng xuất gia học đạo là muốn thành đạt ý nghĩa của Sa-môn, ý nghĩa ấy được thành đạt đối với ta. Những điều người học đạo cần như áo chăn, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống tìm cầu tất cả một cách dễ dàng không khó khăn, vị Tỳ-kheo ấy nên quán như thế này: ‘Ta nương vào khu rừng này để ở với lý tưởng xuất gia học đạo là thành đạt ý nghĩa của Sa-môn, ý nghĩa ấy được thành đạt đối với ta. Những điều người học đạo cần như áo chăn, ăn uống, giường chõng, [598b] thuốc thang, các vật dụng cho đời sống tìm cầu tất cả một cách dễ dàng không khó khăn’.

“Tỳ-kheo đã quán như vậy rồi, nên nương vào khu rừng này để ở trọn đời cho đến lúc mạng chung”.

Cũng như các trường hợp nương vào khu rừng để ở, cũng vậy, giữa bãi tha ma, thôn ấp hay sống với người khác.         

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

109. KINH TỰ QUÁN TÂM (I)

Tôi nghe như vầy.

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nếu Tỳ-kheo không thiện xảo quán tâm người khác, hãy thiện xảo tự quán sát tâm của chính mình. Nên học như vậy.

“Thế nào gọi là Tỳ-kheo thiện xảo quán tự tâm [3]? Tỳ-kheo nếu có quán này, chắc chắn được nhiều lợi ích. ‘Phải chăng ta được chỉ của nội tâm [4], nhưng chưa được quán pháp bằng tối thượng tuệ [5]? Phải chăng ta được quán pháp tối thượng tuệ, nhưng chưa được chỉ nội tâm? Phải chăng ta chưa được chỉ nội tâm, cũng chưa được quán pháp tối thượng tuệ? Phải chăng ta được chỉ nội tâm, cũng được quán pháp tối thượng tuệ?”

“Nếu Tỳ-kheo sau khi quán, liền biết rằng: ‘Ta được chỉ nội tâm, chưa được quán pháp tối thượng tuệ’. Tỳ-kheo ấy được chỉ nội tâm rồi, hãy nên mong cầu quán pháp tối thượng tuệ. Vị ấy sau đó được chỉ nội tâm và cũng được quán pháp tối thượng tuệ.

“Nếu Tỳ-kheo sau khi quán liền biết rằng: ‘Ta được quán pháp tối thượng tuệ, chưa được chỉ nội tâm’. Tỳ-kheo ấy trụ nơi quán pháp tối thượng tuệ rồi, hãy nên mong cầu nội chỉ tâm tĩnh chỉ. Vị ấy sau đó được quán pháp tối thượng tuệ và cũng được chỉ nội tâm.

“Nếu Tỳ-kheo sau khi quán liền biết rằng: ‘Ta chưa được chỉ nội tâm cũng chưa được tối thượng tuệ’. Như vậy Tỳ-kheo chưa được pháp thiện này; vì muốn được nên phải nhanh chóng tìm cầu phương tiện, học tập tinh cần, chánh niệm, chánh trí, kham nhẫn, đừng để bị thoái chuyển. Ví như người bị lửa đốt cháy đầu, đốt cháy áo, phải nhanh chóng tìm cầu phương tiện cứu đầu, cứu áo. Cũng vậy, Tỳ-kheo chưa được pháp thiện này, vì muốn được nên phải nhanh chóng tìm cầu phương tiện, học tập tinh cần, chánh niệm chánh trí, đừng để bị thoái chuyển. Vị ấy sau đó liền được chỉ nội tâm và cũng được quán pháp tối thượng tuệ.

 [598c]“Nếu Tỳ-kheo sau khi quán tâm, liền biết rằng: ‘Ta được chỉ nội tâm, cũng được quán pháp tối thượng tuệ’. Tỳ-kheo ấy tạm trú nơi pháp thiện này rồi, hãy nên mong cầu tự thân chứng ngộ Lậu tận trí thông [6]. Vì sao vậy? Ta nói, ‘Không được cất chứa tất cả y, nhưng cũng nói được phép cất chứa tất cả y [7]’.

“Loại y nào mà Ta nói không được cất chứa? Nếu cất chứa y mà tăng trưởng pháp ác bất thiện, suy thoái pháp thiện, loại y như vậy, Ta nói không được cất chứa.

“Loại y nào Ta nói được phép cất chứa? Nếu cất chứa y mà tăng trưởng pháp thiện, suy thoái pháp ác bất thiện, loại y như vậy Ta nói được phép cất chứa”. Cũng như y áo, về uống ăn, giường chõng, thôn ấp, cũng giống như vậy.

“Ta nói, không được quen thân tất cả mọi người, nhưng cũng nói được phép quen thân tất cả mọi người [8].

“Loại người nào Ta nói không được quen thân? Nếu quen thân người mà tăng trưởng pháp ác bất thiện, suy thoái pháp thiện; người như vậy Ta thuyết giảng không được quen thân.

“Loại người nào Ta nói được phép quen thân? Nếu quen thân người mà tăng trưởng pháp thiện, suy thoái pháp ác bất thiện; người như vậy Ta nói được phép quen thân.     

“Vị ấy biết đúng như thật pháp nên tập hành, cũng biết đúng như thật pháp không nên tập hành [9]. Vị ấy biết đúng như thật pháp nên tập hành, pháp không nên tập hành rồi, với pháp không nên tập hành thì không tập hành, với pháp nên tập liền tập hành. Vị ấy không tập hành pháp không nên tập hành, tập hành pháp nên tập hành rồi liền tăng trưởng pháp thiện, suy thoái pháp ác bất thiện.

“Như vậy gọi là Tỳ-kheo thiện xảo quán tự tâm, khéo biết tự tâm, khéo thủ, khéo xả”.

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

110. KINH TỰ QUÁN TÂM (II)

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nếu Tỳ-kheo không thiện xảo quán tâm người khác, hãy thiện xảo tự quán sát tâm của chính mình. Nên học như vậy.

“Thế nào gọi là Tỳ-kheo thiện xảo quán tự tâm? Tỳ-kheo nếu có quán này, chắc chắn được nhiều lợi ích.‘Ta thường hành tham lam hay thường hành không tham lam [10]? Ta thường hành tâm sân nhuế hay thường hành tâm không sân nhuế? Ta thường hành thùy miên triền hay thường hành không thùy miên triền? Ta thường hành [599a] trạo hối, cống cao hay thường hành không trạo hối, cống cao? Ta thường hành nghi hoặc hay thường hành không nghi hoặc? Ta thường hành thân tránh [11] hay thường hành không thân tránh? Ta thường hành tâm ô uế hay thường hành tâm không ô uế? Ta thường hành tín hay thường hành bất tín? Ta thường hành tinh tấn hay thường hành giải đãi? Ta thường hành suy niệm hay thường hành không suy niệm? Ta thường hành tâm định hay thường hành tâm không định? Ta thường hành ác tuệ hay thường hành không ác tuệ?’

“Nếu Tỳ-kheo khi quán liền biết, ‘Ta thường hành tham lam, tâm sân nhuế, thùy miên triền, trạo hối, cống cao, nghi hoặc, thân tránh, tâm ô uế, bất tín, giải đãi, không suy niệm, không tâm định, thường hành ác tuệ’. Tỳ-kheo ấy muốn diệt trừ pháp ác bất thiện này phải nhanh chóng tìm cầu phương tiện, học tập, tinh cần, chánh niệm, chánh trí, kham nhẫn, đừng để bị thoái chuyển.

“Ví như bị lửa đốt cháy đầu, cháy áo, nhanh chóng tìm cầu phương tiện cứu đầu, cứu áo. Cũng vậy, Tỳ-kheo muốn diệt trừ pháp ác bất thiện này phải nhanh chóng tìm cầu phương tiện, học tập, tinh cần, chánh niệm, chánh trí, kham nhẫn, đừng để bị thoái chuyển.

“Nếu Tỳ-kheo khi quán liền biết, ‘Ta thường hành không tham lam, tâm không sân nhuế, không thùy miên triền, không trạo hối cống cao, không nghi hoặc, không thân tránh, tâm không ô uế, tín, tinh tấn, suy niệm, định, thường hành không ác tuệ’. Tỳ-kheo ấy trụ nơi pháp thiện này rồi, hãy nên mong cầu tự thân chứng ngộ lậu tận trí thông.

“Vì sao vậy? Ta nói, không được cất chứa tất cả y nhưng cũng nói được quyền cất chứa tất cả y áo. Loại y nào Ta nói không được cất chứa? Nếu cất chứa y áo mà tâm tăng trưởng pháp ác bất thiện, suy thoái pháp thiện, y áo như vậy Ta nói không được cất chứa. Loại y nào Ta nói được quyền cất chứa? Nếu cất chứa y áo mà tăng trưởng pháp thiện, suy thoái pháp ác bất thiện, y áo như vậy Ta nói được quyền cất chứa”. Cũng như y áo, về uống ăn, giường chõng, thôn ấp cũng giống như vậy.

“Ta nói không được quen thân tất cả mọi người, nhưng cũng nói được quen thân tất cả mọi người. Người thế nào mà Ta nói không được quen thân? Nếu quen thân người mà tăng trưởng pháp ác bất thiện, suy thoái pháp thiện, người như vậy Ta nói không được quen thân. Người thế nào mà Ta nói được quyền quen thân? Nếu quen thân người, liền tăng trưởng pháp thiện, suy thoái pháp ác bất thiện, người như vậy Ta nói được quyền quen thân.

 [599b] “Vị ấy biết đúng như thật pháp nên tập hành, cũng biết đúng như thật pháp không nên tập hành. Vị ấy biết đúng như thật pháp nên tập hành và pháp không nên tập hành rồi, pháp không nên tập hành thì không tập hành, pháp nên tập hành liền tập hành. Vị ấy không tập hành pháp không nên tập hành, tập hành pháp nên tập hành rồi, liền tăng trưởng pháp thiện, suy thoái pháp ác bất thiện.

“Như vậy gọi là Tỳ-kheo khéo tự quán tâm, khéo tự biết tâm, khéo thủ, khéo xả”.

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

111. KINH ĐẠT PHẠM HẠNH

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại Câu-lâu-sấu, ở Kiếm-ma-sắt-đàm, một đô ấp của Câu-lâu [12].

Bấy giờ Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo rằng:

“Ta sẽ thuyết pháp cho các ngươi nghe, vi diệu ở khởi đầu, vi diệu ở khoảng giữa và vi diệu ở đoạn cuối, có văn, có nghĩa, cụ túc thanh tịnh, hiển hiện phạm hạnh; đó là ‘Đạt phạm hạnh [13]’, có thể diệt tận các lậu. Các ngươi hãy lắng nghe, hãy khéo suy niệm!”

Bấy giờ các Tỳ-kheo vâng lời dạy, chờ nghe.

Đức Thế Tôn nói:

“Các ngươi hãy biết lậu, nhân sinh của lậu, biết sự hữu báo của lậu, biết sự thắng liệt của lậu [14], biết sự diệt tận của lậu, biết lậu diệt đạo.

“Các ngươi hãy biết thọ [15], biết nhân sanh của thọ, biết sự hữu báo của thọ, biết sự thắng liệt của thọ, biết sự diệt tận của thọ, biết thọ diệt đạo.

“Các ngươi hãy biết tưởng, biết nhân sanh của tưởng, biết sự hữu báo của tưởng, biết sự thắng liệt của tưởng, biết sự diệt tận của tưởng, biết tưởng diệt đạo.

“Các ngươi hãy biết dục, biết nhân sanh của dục, biết hữu báo của dục, biết sự thắng liệt của dục, biết sự diệt tận của dục, biết dục diệt đạo.

“Các ngươi hãy biết nghiệp, biết nhân sanh của nghiệp từ đâu sanh, biết hữu báo của nghiệp, biết sự thắng liệt của nghiệp, biết sự diệt tận của nghiệp, biết nghiệp diệt đạo.

“Các ngươi hãy biết khổ, biết nhân sanh của khổ, biết sự hữu báo của khổ, biết sự thắng liệt của khổ, biết sự diệt tận của khổ, biết khổ diệt đạo.

“Thế nào là biết lậu? Biết có ba lậu: dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu. Đó là biết lậu? Thế nào biết nhân sanh của lậu? Biết từ vô minh, nhân vô minh, do đó có lậu. Đó là biết nhân sanh của lậu. Thế nào là biết hữu báo của lậu? Biết bị vô minh trói buộc, bị các lậu rỉ thấm, do nhân duyên đó lãnh thọ quả báo hoặc đến chỗ lành hay đến chỗ ác. Đó là biết [599c] hữu báo lậu. Thế nào là biết sự thắng liệt của lậu? Biết có lậu sanh khiến vào địa ngục, có lậu sanh vào súc sanh, có lậu khiến sanh vào ngạ quỷ, có lậu khiến sanh vào cõi trời, hoặc có lậu khiến sanh vào cõi người. Đó là sự thắng liệt của lậu. Thế nào là biết sự diệt tận của lậu? Biết vô minh diệt, lậu liền diệt. Đó là biết lậu diệt tận. Thế nào là biết lậu diệt đạo? Biết Thánh đạo tám chi, từ chánh kiến đến chánh định. Đó là biết lậu diệt đạo. Nếu Tỳ-kheo biết lậu, biết nhân sanh của lậu, biết hữu báo của lậu, biết sự thắng liệt của lậu, biết sự diệt tận của lậu, biết lậu diệt đạo như vậy, đó gọi là đạt phạm hạnh, có thể diệt tận tất cả lậu.

“Thế nào là biết thọ? Biết có ba cảm thọ: cảm thọ lạc, cảm thọ khổ và cảm thọ không khổ không lạc. Đó là biết thọ. Thế nào là biết nhân sanh của thọ? Biết từ xúc, do xúc nên có thọ. Đó là biết nhân sanh của thọ. Thế nào là biết hữu báo của thọ? Biết ái, ái là hữu báo của thọ. Đó là biết hữu báo của thọ. Thế nào là biết sự thắng liệt của thọ? Tỳ-kheo khi thọ nhận cảm thọ lạc, liền biết đang thọ nhận cảm thọ lạc; khi thọ nhận cảm thọ khổ liền biết đang thọ nhận cảm thọ khổ; khi thọ nhận cảm thọ không khổ không lạc, liền biết đang thọ nhận cảm thọ không khổ không lạc. Khi thân thọ nhận cảm thọ lạc, thân thọ nhận cảm thọ khổ, thân thọ nhận cảm thọ không khổ không lạc; khi tâm thọ nhận cảm thọ lạc, tâm thọ nhận cảm thọ khổ, tâm thọ nhận cảm thọ không khổ không lạc. Cảm thọ lạc khi ăn, cảm thọ khổ khi ăn, cảm thọ không khổ không lạc khi ăn. Cảm thọ lạc khi không ăn, cảm thọ khổ khi không ăn, cảm thọ không khổ không lạc khi không ăn. Cảm thọ lạc khi có dục, cảm thọ khổ khi có dục, cảm thọ không khổ không lạc khi có dục. Cảm thọ lạc khi không có dục, cảm thọ khổ khi không có dục, cảm thọ không khổ không lạc khi không có dục, thì biết có cảm thọ không khổ không lạc khi không có dục. Đó là biết sự thắng liệt của thọ. Thế nào là biết sự diệt tận của thọ? Biết xúc diệt, thọ liền diệt. Đó là biết sự diệt tận của thọ. Thế nào là biết thọ diệt đạo? Biết Thánh đạo tám chi, từ chánh kiến cho đến chánh định. Đó là biết thọ diệt đạo. Nếu Tỳ-kheo biết thọ, biết nhân sanh của thọ, biết hữu báo của thọ, biết sự thắng liệt của thọ, biết sự diệt tận của thọ, biết thọ diệt đạo như vậy, đó gọi là đạt phạm hạnh, có thể diệt tận tất cả thọ.

“Thế nào là biết tưởng? Biết có bốn tưởng [16]: Tỳ-kheo khi có tưởng nhỏ cũng biết, tưởng lớn cũng biết, tưởng vô lượng cũng biết, tưởng xứ vô sở hữu cũng biết. Đó là biết tưởng. Thế nào là biết nhân sanh của tưởng? Biết từ xúc, do xúc nên tưởng. Đó là biết nhân sanh của tưởng. Thế nào là biết hữu báo của tưởng? Biết [600a] tuyên thuyết [17], tùy tưởng mà tuyên thuyết [18]. Đó là biết hữu báo của tưởng. Thế nào là biết sự thắng liệt của tưởng? Biết có tưởng tưởng về sắc [19], có tưởng tưởng về tiếng, có tưởng tưởng về hương, có tưởng tưởng về vị, hoặc có tưởng tưởng về xúc. Đó là biết sự thắng liệt của tưởng. Thế nào là biết sự diệt tận của tưởng? Biết xúc diệt, tưởng liền diệt. Đó là biết sự diệt tận của tưởng. Thế nào là biết tưởng diệt đạo? Biết Thánh đạo tám chi, từ chánh kiến cho đến chánh định. Đó là biết tưởng diệt đạo. Nếu Tỳ-kheo biết tưởng, biết nhân sanh của tưởng, biết hữu báo của tưởng, biết sự thắng liệt của tưởng, biết sự diệt tận của tưởng, biết tưởng diệt đạo như vậy, đó gọi là đạt phạm hạnh, có thể diệt tận tất cả tưởng.

“Thế nào là biết dục? Biết dục có năm công đức của dục, khả ái, khả hỷ, mỹ sắc, tương ưng với dục, rất khả lạc. Những gì là năm? Sắc được biết bởi mắt, thanh được biết bởi tai, hương được biết bởi mũi, vị được biết bởi lưỡi, xúc được biết bởi thân, pháp được biết bởi ý. Thế nào là biết nhân sanh của dục? Biết từ xúc, do xúc nên có dục. Đó là biết nhân sanh của dục từ đâu sanh. Thế nào là biết hữu báo của dục? Tùy theo chủng loại dục mà sanh ái lạc, đắm trước rồi trụ vào đó, do nhân duyên đó lãnh thọ quả báo, đến chỗ có phước, đến chỗ phi phước hay chỗ bất động. Đó là biết hữu báo của dục. Thế nào là biết sự thắng liệt của dục? Hoặc có dục ham muốn sắc [20], hoặc có dục ham muốn tiếng, hoặc có dục ham muốn hương, hoặc có dục ham muốn vị, hoặc có dục ham muốn xúc. Đó là biết sự thắng liệt của dục. Thế nào là biết sự diệt tận của dục? Biết xúc diệt, dục liền diệt. Đó là biết sự diệt tận của dục. Thế nào là biết dục diệt đạo? Biết Thánh đạo tám chi, từ chánh kiến cho đến chánh định. Đó là biết dục diệt đạo. Nếu Tỳ-kheo biết dục, biết nhân sanh của dục, biết hữu báo của dục, biết sự thắng liệt của dục, biết sự diệt tận của dục, biết dục diệt đạo là như vậy, đó gọi là đạt phạm hạnh, có thể diệt tận tất cả dục.

“Thế nào là biết nghiệp? Biết có hai nghiệp, nghiệp và nghiệp đã tư [21]. Đó là biết nghiệp. Thế nào là biết nhân sanh của nghiệp? Biết do xúc nên có nghiệp. Đó là biết nhân sanh của nghiệp. Thế nào là biết hữu báo của nghiệp? Biết nghiệp đen có quả báo đen, nghiệp trắng có quả báo trắng, nghiệp đen trắng có quả báo đen trắng, hoặc nghiệp không đen không trắng thì không có quả báo và nghiệp tận. Đó là biết nghiệp có quả báo. Thế nào là biết sự thắng liệt của nghiệp? Biết có nghiệp khiến sanh [600b] vào địa ngục, có nghiệp khiến sanh vào súc sanh, có nghiệp khiến sanh vào ngạ quỷ, có nghiệp khiến sanh vào cõi trời, hoặc có nghiệp khiến sanh vào cõi người. Đó là biết sự thắng liệt của nghiệp. Thế nào là biết sự diệt tận của nghiệp? Biết xúc diệt, nghiệp liền diệt. Đó là biết sự diệt tận của nghiệp. Thế nào là biết nghiệp diệt đạo? Biết Thánh đạo tám chi, từ chánh kiến cho đến chánh định. Đó là biết nghiệp diệt đạo. Nếu Tỳ-kheo biết nghiệp, biết nhân sanh của nghiệp, biết hữu báo của nghiệp, biết sự thắng liệt của nghiệp, biết sự diệt tận của nghiệp, biết nghiệp diệt đạo như vậy, đó gọi là đạt phạm hạnh, có thể diệt tận tất cả nghiệp.        

“Thế nào là biết khổ? Biết khổ sanh, khổ già, khổ bệnh, khổ chết, khổ oán tắng hội, khổ ái biệt ly, khổ cầu bất đắc; nói tóm, năm thủ uẩn là khổ. Đó là biết khổ. Thế nào là biết nhân sanh của khổ? Biết từ ái, do ái sanh khổ. Đó là biết nhân sanh của khổ. Thế nào là biết hữu báo của khổ? Biết có khổ diệt hơi chậm, hoặc có khổ diệt hơi nhanh, hoặc có khổ diệt rất chậm, hoặc có khổ diệt rất nhanh. [22] Đó là biết hữu báo của khổ. Thế nào là biết sự thắng liệt của khổ? Đó là biết phàm phu ngu si, không đa văn, không gặp thiện tri thức, không điều ngự thánh pháp, nên khi thân sanh cảm thọ rất khổ, cùng cực khổ, mạng sống muốn tuyệt, phải tìm người cứu chữa ở bên ngoài; hoặc có Sa-môn, Bà-la-môn thọ trì loại chú một câu, loại chú hai, ba, bốn hay nhiều câu, hoặc thọ trì loại chú một trăm câu thần chú, ‘Vị ấy trị dứt khổ cho ta’, như vậy là nhân mong cầu mà sanh khổ, nhân tập khởi mà sanh khổ. Đó là biết sự thắng liệt của khổ. Thế nào là biết sự diệt tận của khổ? Biết ái diệt, khổ liền diệt. Đó là biết sự diệt tận của khổ. Thế nào là biết khổ diệt đạo? Biết Thánh đạo tám chi, từ chánh kiến cho đến chánh định. Đó là biết khổ diệt đạo. Nếu Tỳ-kheo biết khổ, biết nhân sanh của khổ, biết hữu báo của khổ, biết sự thắng liệt của khổ, biết sự diệt tận của khổ, biết khổ diệt đạo như vậy, đó gọi là Đạt phạm hạnh, có thể diệt tận tất cả khổ.”

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

112. KINH A-NÔ-BA

 [600c1]Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại Bạt-kì-sấu [23], ở đô ấp A-nô-ba [24] của người Bạt-kì.

Bấy giờ, vào lúc xế trưa, Đức Thế Tôn từ chỗ tĩnh tọa đứng dậy, bước ra khỏi tịnh thất và nói:

“A-nan, Ta và ông hãy đi đến sông A-di-la-hòa-đế [25] để tắm.

Tôn giả A-nan nói:

“Kính vâng”.

Khi ấy, Đức Thế Tôn cùng Tôn giả A-nan đi đến sông A-di-la-hòa-đế, cởi bỏ y phục trên bờ sông rồi xuống nước tắm. Tắm xong, lên bờ, lau mình và mặc y phục vào. Bấy giờ Tôn giả A-nan cầm quạt quạt hầu Phật. Khi ấy, Đức Thế Tôn ngoảnh lại, hỏi:

“A-nan, Đề-bà-đạt-đa vì phóng dật nên sẽ bị đọa lạc rất cực khổ, chắc chắn đến chỗ ác, sanh vào địa ngục, ở đấy trọn kiếp, không thể cứu vớt. A-nan, ông có nghe các Tỳ-kheo nói lại rằng Ta đã xác định một cách dứt khoát [26] Đề-bà-đạt-đa chắc chắn đến chỗ ác, sanh vào địa ngục, ở đấy trọn kiếp, không thể cứu vớt chăng?”

Tôn giả A-nan thưa:

“Quả vậy, lúc bấy giờ có một vị Tỳ-kheo nói với con rằng: ‘Này Tôn giả A-nan, phải chăng Đức Thế Tôn dùng tha tâm trí biết rõ tâm Đề-bà-đạt-đa nên Ngài xác định rằng Đề-bà-đạt-đa [27] chắc chắn đến chỗ ác, sanh vào địa ngục, ở đấy trọn kiếp, không cứu vớt? [28]’”

Đức Thế Tôn nói:

“A-nan, Tỳ-kheo ấy hoặc nhỏ, hoặc trung, hoặc lớn tuổi, hoặc niên thiếu, đều không hiểu biết [29]. Vì sao vậy? Như Lai đã xác định, nhưng người ấy vẫn còn nghi hoặc. A-nan, Ta không thấy có những Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn hay bất cứ ai khác ở trên đời này từ người đến trời như Ta ghi nhận nhất quyết về Đề-bà-đạt-đa. Vì sao vậy? A-nan, Ta xác định rằng Đề-bà-đạt-đa chắc chắn đến chỗ ác, sanh vào địa ngục, ở đấy trọn kiếp, không thể cứu vớt. A-nan, nếu Ta thấy Đề-bà-đạt-đa có được chút pháp bạch tịnh bằng một sợi lông, Ta đã không xác định rằng Đề-bà-đạt-đa chắc chắn đến chỗ ác, sanh vào địa ngục, ở đấy trọn kiếp, không thể cứu vớt. A-nan, vì Ta không thấy Đề-bà-đạt-đa có được chút pháp bạch tịnh bằng một sợi lông, nên Ta xác định rằng Đề-bà-đạt-đa chắc chắn đến chỗ ác, sanh vào địa ngục, ở đấy trọn kiếp, không thể cứu vớt.

“A-nan, ví như cách thôn nọ không xa, có một hầm phẩn sâu rộng, có người bị lọt vào đấy, chìm xuống tận đáy. Có người đi đến trông thấy, phát khởi lòng đại từ đại bi, mong muốn cho được sự lợi ích và phước lành, được an ổn, khoái lạc. Người ấy [601a] nhìn quanh rồi nói, ‘Người này có chỗ nào như lông, tóc không bị dính phẩn để ta có thể nắm kéo lên chăng?’ Người ấy nhìn khắp châu thân nhưng không thấy có chỗ nào bằng một sợi lông, một cọng tóc mà không bị dính phẩn để có thể dùng tay nắm kéo lên được’. Cũng vậy, này A-nan, nếu Ta thấy Đề-bà-đạt-đa có một chút pháp bạch tịnh nào bằng một sợi lông, Ta đã không ghi xác định rằng Đề-bà-đạt-đa chắc chắn đến chỗ ác, sanh vào địa ngục, ở đấy trọn kiếp, không thể cứu vớt. A-nan, vì Ta không thấy Đề-bà-đạt-đa có được chút pháp bạch tịnh nào bằng một sợi lông, nên Ta ghi xác định rằng Đề-bà-đạt-đa chắc chắn đến chỗ ác, sanh vào địa ngục, ở đấy trọn kiếp, không thể cứu vớt.

Khi ấy, Tôn giả A-nan khóc lóc, lấy tay gạt lệ rồi thưa rằng:

“Kính bạch Thế Tôn! Thật là kỳ diệu! Thật là hy hữu! Thế Tôn đã xác định rằng ‘Đề-bà-đạt-đa chắc chắn đến chỗ ác, sanh vào địa ngục, ở đấy trọn kiếp không thể cứu vớt’.”

“Đúng vậy A-nan! Đúng vậy A-nan! Ta xác định rằng Đề-bà-đạt-đa chắc chắn đến chỗ ác, sanh vào địa ngục, ở đấy trọn kiếp, không thể cứu vớt. A-nan, nếu ông được Như Lai thuyết giảng cho nghe về phân biệt Đại nhân căn trí [30] chắc chắn sẽ có tín tâm tối thượng nơi Như Lai mà luôn luôn hoan hỷ”.

Khi ấy, Tôn giả A-nan chắp tay hướng Phật mà bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, nay quả là đúng lúc! Bạch Thiện Thệ, nay quả là đúng lúc! Ngưỡng mong Thế Tôn thuyết giảng cho các Tỳ-kheo nghe về phân biệt Đại nhân căn trí. Các Tỳ-kheo được Thế Tôn thuyết giảng cho nghe sẽ khéo léo thọ trì”.

Đức Thế Tôn nói:

“A-nan, hãy lắng nghe! Hãy khéo hý luận! Nay Ta sẽ thuyết giảng cho ông nghe về phân biệt Đại nhân căn trí”.

Tôn giả A-nan vâng lời dạy chờ nghe.

Thế Tôn nói:

“A-nan, Như Lai dùng tha tâm trí quán sát tâm người khác, biết người này thành tựu pháp thiện, cũng thành tựu pháp bất thiện. Sau đó, Như Lai dùng tha tâm trí quán sát lại tâm người này, biết người này diệt pháp thiện, sanh phát bất thiện. Người này đã diệt pháp thiện, sanh pháp bất thiện, nhưng thiện căn còn sót lại chưa đoạn tuyệt. Từ thiện căn đó, lại sẽ phát sanh pháp thiện. Như vậy, người này đạt được pháp thanh tịnh.

“A-nan, ví như sáng sớm, mặt trời vừa xuất hiện, bóng tối diệt, ánh sáng sanh. A-nan, ý ông nghĩ sao, mặt trời lên dần cho đến giờ ăn trưa, phải chăng bóng tối đã diệt, ánh sáng đã sanh?

Tôn giả A-nan thưa:

“Bạch Thế Tôn, đúng vậy”.

 [601b]“Cũng vậy, này A-nan, Như Lai dùng tha tâm trí quán sát tâm người khác, biết người này thành tựu pháp thiện, cũng thành tựu pháp bất thiện. Sau đó, Như Lai dùng tha tâm trí quán sát lại tâm người này, biết người này diệt pháp thiện, sanh pháp bất thiện. Người này đã diệt pháp thiện, sanh pháp bất thiện, nhưng thiện căn còn sót lại, chưa đoạn tuyệt. Từ thiện căn đó sẽ lại phát sanh pháp thiện. Như vậy, người này đạt được pháp thanh tịnh.

“A-nan, ví như hạt lúa giống không hư, không vỡ, không mục, không nứt, không bị gió, nắng làm thương tổn, mùa thu được cất giấu kín đáo. Nếu người cư sĩ giỏi, sửa sang khoảnh ruộng tốt rồi vãi hạt giống vào và mưa xuống phải thời, A-nan, ý ông nghĩ sao, hạt giống ấy có dần dần lớn lên được chăng?”

Tôn giả A-nan thưa:

“Bạch Thế Tôn, có thể vậy”.

“Cũng vậy, A-nan, Như Lai dùng tha tâm trí quán sát tâm người khác, biết người này thành tựu pháp thiện, cũng thành tựu pháp bất thiện. Sau đó Như Lai dùng tha tâm trí lại quán sát tâm người này, biết người này diệt pháp thiện, sanh pháp bất thiện; người này đã diệt pháp thiện, sanh pháp bất thiện, nhưng thiện căn còn sót chưa đoạn tuyệt. Từ thiện căn đó, thiện pháp sẽ lại phát sanh. Như vậy là người này đạt được pháp thanh tịnh. A-nan, đó gọi là Đại nhân căn trí của Như Lai. Như Lai hiểu biết chân chánh về gốc rễ của các pháp như vậy.

“Lại nữa, A-nan, Như Lai dùng tha tâm trí quán sát tâm người khác, biết người này thành tựu pháp thiện, cũng thành tựu pháp bất thiện. Sau đó Như Lai dùng tha tâm trí quán sát lại tâm người này, biết người này diệt pháp thiện, sanh pháp bất thiện, thiện căn còn sót chưa đoạn tuyệt, chắc chắn rồi sẽ đoạn tuyệt. Như vậy, người này đi đến pháp suy thoái [31].

“A-nan, ví như từ lúc xế trưa cho đến khi mặt trời lặn, ánh sáng diệt, bóng tối sanh; A-nan, ý ông nghĩ sao, sau khi mặt trời lặn, phải chăng ánh sáng đã diệt, bóng tối đã sanh?”

Tôn giả A-nan thưa:

“Bạch Thế Tôn, đúng vậy”.

“Cũng vậy, A-nan, Như Lai dùng tha tâm trí quán sát tâm người khác, biết người này thành tựu pháp thiện, cũng thành tựu pháp bất thiện. Sau đó Như Lai dùng tha tâm trí quán sát lại tâm người này, biết người này diệt pháp thiện, sanh pháp bất thiện; người này đã diệt pháp thiện, sanh pháp bất thiện, thiện căn còn sót chưa đoạn tuyệt, chắc chắn rồi sẽ đoạn tuyệt. Như vậy, người này đi đến pháp suy thoái”.

“A-nan, ví như hạt lúa giống không hư, không vỡ, không [601c] mục, không nứt, không bị gió, nắng làm thương tổn, mùa thu đến được cất giấu kín đáo. Nếu người cư sĩ kia giỏi, sửa sang ruộng tốt rồi vãi hạt giống vào nhưng mưa xuống không phải thời, thì này A-nan, ý ông nghĩ sao, hạt giống này có dần dần lớn lên được không?”

Tôn giả A-nan thưa:

“Bạch Thế Tôn, không thể được”.

“Cũng vậy, này A-nan, Như Lai dùng tha tâm trí quán sát tâm người khác, biết người này thành tựu pháp thiện, cũng thành tựu pháp bất thiện. Sau đó Như Lai dùng tha tâm trí quán sát lại tâm người này, biết người này diệt pháp thiện, sanh pháp bất thiện; người này đã diệt pháp thiện, sanh pháp bất thiện, thiện căn còn sót chưa đoạn tuyệt, chắc chắn rồi sẽ đoạn tuyệt. Như vậy, người này đi đến pháp suy thoái”.

“A-nan, đó gọi là Đại nhân căn trí của Như Lai. Như Lai hiểu biết chân chánh về gốc rễ của các pháp như vậy.

“Lại nữa, này A-nan, Như Lai dùng Tha tâm trí quán sát tâm người khác. Ta không thấy người này có được chút pháp bạch tịnh nào, dù chỉ bằng một sợi lông. Người này một mực chỉ có pháp ác, bất thiện, ô uế, làm gốc rễ cho sự hữu trong tương lai là sự phiền nhiệt, là khổ báo, là nguyên nhân của sanh, già, bệnh, chết. Như vậy, người này khi thân hoại mạng chung, chắc chắn đi đến chỗ ác, sanh vào địa ngục”.

“A-nan, ví như hạt giống không hư, vỡ, mục nát, bị gió nắng làm thương tổn, mùa thu không được cất giấu kín đáo. Nếu người cư sĩ kia không phải là nông phu giỏi, lại không khéo canh tác, gieo hạt giống xuống và mưa không phải thời, thì này A-nan, ý ông nghĩ sao, hạt giống lúa có dần dần lớn lên được chăng?”

Tôn giả A-nan thưa:

“Bạch Thế Tôn, dạ không”.

“Cũng vậy, này A-nan, Như Lai dùng tha tâm trí quán sát tâm người khác, Ta không thấy người này có được chút pháp bạch tịnh, dù bằng sợi lông. Người này pháp ác bất thiện hoàn toàn dẫy đầy, ô uế, làm gốc rễ cho sự hữu trong tương lai, lại phiền nhiệt, khổ báo, nguyên nhân của sanh, già, bệnh, chết. Như vậy, người này khi thân hoại mạng chung, chắc chắn đi đến chỗ ác, sanh vào địa ngục. A-nan, đó gọi là Đại nhân căn trí của Như Lai. Như Lai hiểu biết chân chánh về gốc rễ của các pháp như vậy”.

“Khi ấy Tôn giả A-nan chắp tay hướng Phật mà bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, Thế Tôn đã thuyết giảng về ba hạng người như vậy. Mong Thế Tôn có thể giảng thuyết về ba hạng người khác nữa được chăng?”

Đức Thế Tôn nói:

“Ta có thể nói. Này A-nan, Như Lai dùng tha tâm trí quán sát tâm người khác, biết người này thành tựu pháp bất thiện, cũng thành tựu pháp thiện. Sau đó, Như Lai dùng tha tâm trí quán sát lại tâm người này, biết người này diệt pháp bất thiện, sanh pháp thiện. Người này đã diệt pháp bất thiện, sanh pháp thiện, [602a] nhưng bất thiện căn còn sót chưa đoạn tuyệt. Từ bất thiện căn này sẽ lại phát sanh pháp bất thiện. Như vậy, người này đi đến pháp suy thoái.

“A-nan, ví như lửa đốt, khi mới đốt chỉ có một ngọn, có người đẩy cỏ khô thêm rồi chất củi khô lên. Này A-nan, ý ông nghĩ sao, ngọn lửa kia càng bốc cháy mạnh lên chăng?”

Tôn giả A-nan thưa:

“Bạch Thế Tôn, quả như vậy”.

“Cũng vậy, này A-nan, Như Lai dùng tha tâm trí quán sát tâm người khác, biết người này thành tựu pháp bất thiện, cũng thành tựu pháp thiện. Sau đó, Như Lai dùng tha tâm trí quán sát lại tâm người này, biết người này diệt pháp bất thiện, sanh pháp thiện. Người này đã được diệt pháp bất thiện, sanh pháp thiện, nhưng bất thiện căn còn sót chưa đoạn tuyệt. Từ bất thiện căn đó sẽ lại phát sanh pháp bất thiện. Như vậy, người này đi đến pháp suy thoái.

“Này A-nan, đó gọi là Đại nhân căn trí của Như Lai. Như Lai hiểu biết chân chánh về gốc rễ của các pháp như vậy.

“Lại nữa, này A-nan, Như Lai dùng tha tâm trí quán sát tâm người khác, biết người này thành tựu pháp bất thiện, cũng thành tựu pháp thiện. Sau đó, Như Lai dùng Tha tâm trí quán sát lại tâm người này, biết người này diệt pháp bất thiện, sanh pháp thiện. Người này đã diệt pháp bất thiện, sanh pháp thiện, nhưng bất thiện căn còn sót chưa đoạn tuyệt, chắc chắn rồi sẽ đoạn tuyệt. Như vậy, người này đạt đến pháp thanh tịnh.

“A-nan, ví như đốt lửa, khi mới đốt chỉ có một ngọn, có người đem cây lửa đang cháy sáng này để trên đất bằng, hoặc để trên đá; này A-nan, ý ông nghĩ sao, ngọn lửa há càng bốc cháy mạnh lên chăng?”          

Tôn giả A-nan thưa:

“Bạch Thế Tôn, không thể vậy”.

“Cũng vậy, này A-nan, Như Lai dùng tha tâm trí quán sát tâm người khác, biết người này thành tựu pháp bất thiện, cũng thành tựu pháp thiện. Sau đó Như Lai dùng tha tâm trí quán sát lại tâm người này, biết người này diệt pháp bất thiện, sanh pháp thiện. Người này đã diệt pháp bất thiện, sanh pháp thiện, nhưng bất thiện căn còn sót chưa đoạn tuyệt, chắc chắn rồi sẽ đoạn tuyệt. Như vậy là người này đạt pháp thanh tịnh.

“A-nan, đó gọi là Đại nhân căn trí của Như Lai. Như Lai hiểu biết chân chánh về gốc rễ của các pháp như vậy.

“Lại nữa, này A-nan, Như Lai dùng tha tâm trí quán sát tâm người khác, Ta không thấy người này có chút hắc nghiệp dù bằng một sợi lông. Người này tuyệt đối chỉ có pháp thiện dẫy đầy, cùng với lạc, được lạc báo, chắc chắn sanh vào lạc xứ mà [602b] được trường thọ. Như vậy, người này ngay trong đời này chắc chắn chứng đắc Niết-bàn.

“A-nan, ví như tro lửa đã tắt từ lâu, đã nguội lạnh, có một người thêm đầy cỏ khô rồi chất củi khô lên; này A-nan, ý ông nghĩ sao, tâm nguội lạnh há có thể bốc cháy được chăng?”

Tôn giả A-nan thưa:

“Bạch Thế Tôn, không thể được”.

“Cũng vậy, này A-nan, Như Lai dùng tha tâm trí quán sát tâm người khác. Ta không thấy người này có chút hắc nghiệp dù bằng một sợi lông. Người này tuyệt đối chỉ có pháp thiện dẫy đầy, cùng với lạc, được lạc báo, chắc chắn sanh vào lạc xứ mà được trường thọ. Như vậy, người này ngay trong đời này chắc chắn chứng đắc Niết-bàn. Này A-nan, đó gọi là Đại nhân căn trí của Như Lai. Như Lai hiểu biết chân chánh về gốc rễ của các pháp như vậy.

“A-nan, ba hạng người nói trên kia, hạng người thứ nhất đạt pháp thanh tịnh, hạng người thứ hai đạt pháp suy thoái, hạng người thứ ba khi thân hoại mạng chung chắc chắn đến chỗ ác, sanh vào địa ngục.

“Ba hạng người Ta nói sau này, hạng người thứ nhất đạt pháp suy thoái, hạng người thứ hai đạt pháp thanh tịnh, hạng người thứ ba ngay trong đời này chứng đắc Niết-bàn.

“A-nan, Ta đã giảng thuyết cho ông nghe về Đại nhân căn trí. Như đấng Tôn sư thương yêu đệ tử, phát khởi lòng đại từ đại bi, mong muốn cho được sự lợi ích và phước lành, được an ổn khoái lạc, điều đó Ta đã thực hiện rồi. Các người cũng phải tự mình thực hiện. Hãy đến rừng vắng, sơn lâm, dưới gốc cây hoặc một chỗ nào yên tĩnh mà thiền tịnh tư duy, chớ nên phóng dật. Hãy chuyên cần tinh tấn, đừng để về sau phải hối hận. Đó là lời răn dạy của Ta! Đó là lời khuyên bảo của Ta!”

 Phật thuyết như vậy. Tôn giả A-nan sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành. [32]

113. KINH CHƯ PHÁP BỔN

 [602c1] Tôi nghe như vầy.

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nếu có Dị đạo đến hỏi các ông ‘Tất cả các pháp lấy gì làm gốc?’ Các ông nên trả lời họ như thế này: ‘Tất cả các pháp lấy dục làm gốc’.   

“Nếu lại hỏi, ‘Lấy gì làm hòa hiệp?’ Hãy trả lời như vầy, ‘Lấy xúc làm hòa hiệp [33]’.

“Nếu lại hỏi, ‘Lấy gì làm dẫn khởi?’ Hãy trả lời như vầy, ‘Lấy thọ làm dẫn khởi [34]’.

“Nếu lại hỏi, ‘Lấy gì làm hiện hữu?’ Hãy trả lời như vầy, ‘Lấy tác ý làm hiện hữu [35]”.

“Nếu lại hỏi, ‘Lấy gì làm thượng thủ?’ Hãy trả lời như vầy: “Lấy niệm làm thượng thủ’.

“Nếu lại hỏi, ‘Lấy gì làm tiền đạo?’ Hãy trả lời như vầy, ‘Lấy định làm tiền đạo”. [36]

“Nếu lại hỏi, ‘Lấy gì làm tối thượng?’ Hãy trả lời như vầy, ‘Lấy tuệ làm tối thượng.’

“Nếu lại hỏi, ‘Lấy gì làm chắc thật?’ Hãy trả lời như vầy, ‘Lấy giải thoát làm chắc thật’. [37]

“Nếu lại hỏi, ‘Lấy gì làm cứu cánh?’ Hãy trả lời như vầy, ‘Lấy Niết-bàn làm cứu cánh’.

“Tỳ-kheo, đó là, dục là gốc của các pháp, xúc là hòa hiệp của các pháp, thọ là dẫn khởi của các pháp, tác ý là hiện hữu của các pháp, niệm là thượng thủ của các pháp, định là tiền đạo của các pháp, tuệ là tối thượng của các pháp, giải thoát là chắc thật của các pháp, và Niết-bàn là cwus cánh của các pháp. Tỳ-kheo, hãy nên học tập như vậy.

“Tích tập tâm xuất gia học đạo [38], tích tập tưởng vô thường, [39] tích tập tưởng vô thường nên khổ, tích tập tưởng khổ nên vô ngã, tích tập tưởng bất tịnh, tích tập tưởng thức ăn ghê tởm [40], tích tập tưởng tất cả thế gian không có gì hoan lạc, tích tập tưởng về sự chết. [41]

“Biết sự tốt xấu của thế gian [42]; tâm được tích tập với tưởng như vậy [43]. Biết tập hữu của thế gian [44]; tâm được tích tập với tưởng như vậy. Biết như thật sự tập khởi, diệt tận, vị ngọt, tai hoạn và sự xuất yếu của thế gian; tâm được tích tập với tưởng như vậy. Nếu Tỳ-kheo tích tập được tâm xuất gia học đạo, tích tập được tưởng vô thường, tích tập được tưởng vô thường nên khổ, tích tập được tưởng khổ nên vô ngã, tích tập được tưởng bất tịnh, tích tập được tưởng thức ăn ghê tởm, tích tập được tưởng tất cả thế gian không có gì hoan lạc, tích tập được tưởng về sự chết. Biết sự tốt xấu của thế gian; tâm đã được tích tập với tưởng như vậy. Biết tập hữu của thế gian; tâm đã được tích tập với tưởng như vậy. Biết như thật sự tập khởi, diệt tận, vị ngọt, tai hoạn và sự xuất yếu của thế gian; tâm đã được tích tập với tưởng như vậy; đó được gọi là Tỳ-kheo đoạn ái, trừ kết; đã chánh tri, chánh quán các pháp rồi liền được tận cùng sự khổ. [45]

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

114. KINH ƯU-ĐÀ-LA [46]

 [603a]Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Ưu-đà-la La-ma-tử [47] ở trong chúng hội thường nói như vầy, ‘Ta ở trong sanh loại này, quán sát nó, cảm thọ nó mà không biết cội gốc của ung nhọt, nhưng sau đó biết hoàn toàn cội gốc của ung nhọt [48].’ Ưu-đà-la La-ma-tử không biết tất cả, tự xưng biết tất cả, thật không có giác ngộ tự xưng có giác ngộ. Ưu-đà-la La-ma-tử thấy như vậy, nói như vậy, ‘Nếu có tưởng thì đó là bệnh, là ung nhọt, là gai, còn như không có tưởng thì đó là kẻ ngu si. Nếu có cái được cảm thọ, thì đó là tĩnh chỉ, là tối diệu, tức là cho đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ’. Ông ấy ái lạc tự thân, chấp thủ tự thân, sau đó tu tập cho đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Khi thân hoại mạng ông chung sanh vào cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Sau khi chấm dứt tuổi thọ ở đó, ông trở lại nhân gian, sanh vào loài chồn.

“Ở đây, Tỳ-kheo nói chân chánh, có thể nói như vầy “Ta ở trong sanh loại này, quán sát nó, cảm thọ nó mà không biết cội gốc của ung nhọt, nhưng sau đó biết hoàn toàn cội gốc của ung nhọt’.

“Thế nào là Tỳ-kheo quán sát chân chánh? Tỳ-kheo biết sáu xúc xứ, biết tập, biết diệt, biết vị ngọt, biết tai hoạn và biết sự xuất yếu của chúng; bằng tuệ mà biết một cách như thật. Như vậy gọi là Tỳ-kheo quán sát chân chánh.

“Thế nào là Tỳ-kheo biết cảm thọ? Là Tỳ-kheo biết ba cảm thọ, biết tập, biết diệt, biết vị ngọt, biết tai hoạn và biết sự xuất yếu của chúng; bằng tuệ mà biết một cách như thật. Như vậy gọi là Tỳ-kheo biết cảm thọ.

“Thế nào là Tỳ-kheo không biết cội gốc của ung nhọt, nhưng sau đó biết hoàn toàn cội gốc của ung nhọt? Tỳ-kheo biết hữu ái đã diệt, đã nhổ sạch gốc rễ của nó, khiến không thể sanh lại. Như vậy gọi là Tỳ-kheo không biết cội gốc của ung nhọt, nhưng sau đó biết hoàn toàn cội gốc của ung nhọt.

“Ung nhọt chính là thân này, là sắc thân bốn đại thô phù do cha mẹ sanh ra, được lớn lên nhờ ăn uống, cọ xát với y phục, chăm sóc bằng tắm rửa, là pháp vô thường, là pháp hủy hoại, là pháp tan rã. Như vậy gọi là ung nhọt.

“Cội gốc của ung nhọt là ba ái: dục ái, sắc ái và vô sắc ái. Như vậy gọi là cội gốc của ung nhọt. Tất cả lậu gây ung nhọt là sáu xúc xứ, mắt lậu thấy sắc, tai lậu nghe tiếng, mũi lậu ngửi mùi, lưỡi lậu nếm vị, thân lậu cảm xúc, ý lậu biết các pháp. [603b] Như vậy gọi là tất cả lậu gây ung nhọt.

“Này các Tỳ-kheo, Ta đã thuyết giảng cho các ngươi nghe về cội gốc của ung nhọt. Như đấng Tôn sư thương yêu đệ tử, phát khởi lòng đại từ đại bi, mong cho được sự lợi ích và phước lành, được an ổn khoái lạc, điều đó Ta đã thực hiện. Các thầy cũng phải tự mình thực hiện. Hãy đến nơi rừng vắng, sơn lâm, dưới gốc cây hoặc một chỗ nào yên tĩnh mà thiền tọa, tư duy, chớ nên phóng dật. Hãy chuyên cần tinh tấn, đừng để về sau phải hối hận. Đó là lời răn dạy của Ta! Đó là lời khuyên bảo của Ta!”

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe lời Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.     

115. KINH MẬT HOÀN DỤ

Tôi nghe như vầy:        

Một thời Đức Phật trú Thích-ki-sấu, ở tại Ca-duy-la-vệ [49].

Bấy giờ sau khi đêm tối qua, vào buổi sáng sớm, Đức Thế Tôn đắp y, ôm bát, vào Ca-tì-la-vệ khấtthực. Sau khi ăn xong, sau buổi trưa, thâu cất y bát, rửa tay chân, rồi lấy ni-sư-đàn vắt lên vai, đi đến rừng trúc [50] trong chùa Thích-ca [51], rồi Ngài đi vào Đại lâm [52], đến dưới một gốc cây, trải ni-sư-đàn ngồi kiết già.

Khi ấy, Chấp Trượng Thích [53] chống gậy [603c] mà đi, sau bữa cơm trưa, ung dung tìm đến chỗ Phật, cùng nhau chào hỏi, chống gậy đứng trước Đức Phật, rồi hỏi Đức Thế Tôn rằng:

“Sa-môn Cù-đàm, Ngài lấy gì làm tông chỉ? Và thuyết giảng những pháp gì?”

Đức Thế Tôn đáp:

“Này người họ Thích, nếu tất cả chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, từ người đến trời trên thế gian này đều không đấu tranh [54], mà tu tập ly dục, thanh tịnh phạm hạnh, lìa bỏ siểm khúc, dứt trừ truy hối [55], không đắm trước nơi hữu, phi hữu, cũng không có tưởng [56]. Đó là tông chỉ của Ta. Pháp Ta thuyết giảng cũng như vậy”.

Khi ấy, Chấp Trượng Thích nghe Đức Phật nói, không cho là phải, không cho là trái. Chấp Trượng Thích lắc đầu rồi bỏ đi.

Bấy giờ, sau khi Chấp Trượng Thích bỏ đi không lâu, vào lúc xế, Đức Thế Tôn từ chỗ thiền tọa đứng dậy, đi vào giảng đường, đến trước chúng hội Tỳ-kheo, trải tọa cụ ngồi xuống, rồi nói với các Tỳ-kheo:

“Hôm nay, vào buổi sáng sớm, Ta đắp y, ôm bát vào Ca-duy-la-vệ khất thực. Sau khi ăn xong, Ta thâu y bát, rửa tay chân, lấy ni-sư-đàn vắt lên vai, đến khóm trúc trong chùa Thích-ca, rồi Ta đi vào Đại lâm ấy, đến dưới một gốc cây, trải ni-sư-đàn rồi ngồi kiết già. Khi ấy, có Chấp Trượng Thích chống gậy mà đi, sau bữa cơm trưa ung dung tìm đến chỗ Ta, cùng nhau chào hỏi, chống gậy đứng trước mặt Ta rồi hỏi Ta rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm, Ngài lấy gì làm tông chỉ và thuyết giảng những pháp gì?’ Ta đáp, ‘Này người họ Thích, nếu tất cả chư Thiên, Ma, phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, từ ngườøi đến trời trên thế gian này đều không đấu tranh, tu tập ly dục, thanh tịnh phạm hạnh, lìa bỏ siểm khúc, dứt trừ truy hối, không đắm trước nơi hữu, phi hữu, cũng không có tưởng. Đó là tông chỉ của Ta. Pháp Ta thuyết giảng cũng như vậy’. Khi ấy Chấp Trượng Thích nghe Ta nói không cho là phải, cũng không cho là trái. Chấp Trượng Thích lắc đầu rồi bỏ đi”.

Khi ấy có một Tỳ-kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo bày vai phải, chắp tay hướng Phật mà bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, sao gọi là tất cả những Thiên, Ma, phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, từ người đến trời trên thế gian này đều không đấu tranh, tu tập ly dục, thanh tịnh phạm hạnh, lìa bỏ siểm khúc, dứt trừ truy hối, không đắm trước nơi hữu, phi hữu, cũng không có tưởng?”

Đức Thế Tôn nói:

“Tỳ-kheo, nếu người đối với hý luận nhân đó mà xuất gia học đạo [57], tu tập tư tưởng, và đối với pháp hiện tại, quá khứ và vị lai, mà không ái, không lạc, không đắm trước, không trụ, đó gọi là tận cùng sự khổ. Dục sử, nhuế sử, hữu sử, mạn sử, vô minh sử, kiến sử, nghi sử [58], đấu tranh, thù nghịch, siểm nịnh, lừa bịp, nói dối, nói hai lưỡi và vô lượng pháp ác bất thiện khác [59], đó gọi là biên tế khổ”.   

Đức Phật nói như vậy rồi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy đi vào tịnh thất tĩnh tọa.

Khi ấy các Tỳ-kheo liền suy nghĩ rằng: ‘Này Chư Hiền, nên biết, Đức Thế Tôn nói nghĩa này một cách vắn tắt, không phân biệt rộng rãi, từ chỗ ngồi đứng dậy, đi vào tịnh thất tĩnh tọa, ‘Nếu người đối với hý luận nhân đó mà xuất gia học đạo, tu tập tư tưởng, và đối với pháp hiện tại, quá khứ và vị lai, mà không ái, không lạc, không đắm trước, không trụ, đó gọi là tận cùng sự khổ. Dục sử, nhuế sử, hữu sử, mạn sử, vô minh sử, kiến sử, nghi sử, đấu tranh, thù nghịch, siểm nịnh, lừa bịp, nói dối, nói hai lưỡi và vô lượng pháp ác bất thiện khác, đó gọi là biên tế khổ’.”

Rồi lại suy nghĩ rằng: “Này Chư Hiền, ai có thể phân biệt rộng rãi ý nghĩa mà Đức Thế Tôn vừa nói vắn tắt ấy?”

Rồi họ lại suy nghĩ: “Chỉ có Tôn giả Đại Ca-chiên-diên thường được Đức Thế Tôn và các đồng phạm hạnh có trí khen ngợi. Tôn giả Đại Ca-chiên-diên có thể phân biệt rộng rãi ý nghĩa mà Đức Thế Tôn vừa nói vắn tắt ấy. Này Chư Hiền, hãy cùng nhau đi đến chỗ Tôn giả Đại Ca-chiên-diên yêu cầu ngài nói nghĩa này. Nếu đượï Tôn giả Đại Ca-chiên-diên phân biệt cho thì chúng ta sẽ khéo léo nhận lãnh rồi ghi nhớ”.

Rồi thì [604a] các Tỳ-kheo đi đến chỗ của Tôn giả Đại Ca-chiên-diên, cùng nhau chào hỏi rồi ngồi một bên mà bạch rằng:

“Thưa Tôn giả Đại Ca-chiên-diên, nên biết, Đức Thế Tôn nói nghĩa này một cách vắn tắt, không phân biệt rộng rãi, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy đi vào tịnh thất tĩnh tọa. ‘Tỳ-kheo, nếu người đối với hý luận nhân đó mà xuất gia học đạo, tu tập tư tưởng, và đối với pháp hiện tại, quá khứ và vị lai, mà không ái, không lạc, không đắm trước, không trụ, đó gọi là đoạn tận biên tế khổ. Dục sử, nhuế sử, hữu sử, mạn sử, vô minh sử, kiến sử, nghi sử, đấu tranh, thù nghịch, siểm nịnh, lừa bịp, nói dối, nói hai lưỡi và vô lượng pháp ác bất thiện khác, đó gọi là biên tế khổ’. Chúng tôi liền suy nghĩ rằng: ‘Này Chư Hiền, ai có thể phân biệt rộng rãi ý nghĩa mà Đức Thế Tôn vừa nói vắn tắt?’ Rồi chúng tôi lại suy nghĩ: ‘Chỉ có Tôn giả Đại Ca-chiên-diên thường được Đức Thế Tôn và các đồng phạm hạnh có trí khen ngợi. Tôn giả Đại Ca-chiên-diên có thể phân biệt rộng rãi ý nghĩa mà Đức Thế Tôn vừa nói. Cúi xin Tôn giả Đai Ca-chiên-diên vì từ mẫn mà giảng rộng cho chúng tôi.”

 

Bấy giờ Tôn giả Đại Ca-chiên-diên bảo rằng:

“Này Chư Hiền, hãy nghe tôi nói ví dụ này. Người có trí tuệ nghe dụ này sẽ hiểu rõ nghĩa lý.

“Này Chư Hiền, ví như có người tìm lõi cây. Vì muốn tìm lõi cây nên người ấy cầm búa vào rừng. Người ấy thấy cây đại thọ đã thành rễ, thân, cành, nhánh, lá, hoa và lõi. Người ấy không đụng đến rễ, thân, cành, lõi, mà chỉ đụng đến nhánh và lá. Những điều Chư Hiền nói cũng giống như vậy. Đức Thế Tôn đang ở đây mà Chư Hiền lại bỏ Ngài đến tôi để hỏi nghĩa này. Vì sao vậy? Này Chư Hiền, nên biết, Đức Thế Tôn là vị có mắt, là vị có trí. Ngài là Pháp, là vị Pháp Chủ, là Pháp tướng, là vịc nói nghĩa chân đế, hiển hiện tất cả nghĩa. Do đó Chư Hiền nên đi đến chỗ Đức Thế Tôn mà hỏi nghĩa này, rằng: ‘Bạch Thế Tôn, điều này là thế nào? Điều này có nghĩa gì?’ Nếu như Đức Thế Tôn có nói gì thì Chư Hiền hãy khéo léo nhận lãnh và ghi nhớ”.

Bấy giờ các Tỳ-kheo bạch rằng:

“Đúng vậy, thưa Tôn giả Đại Ca-chiên-diên, Đức Thế Tôn là bậc có mắt, là bậc có trí. Ngài là nghĩa, là Pháp, là bậc Pháp chủ, là bậc Pháp tướng, là bậc nói nghĩa chân đế, hiển hiện tất cả nghĩa. Do đó chúng tôi nên đi đến chỗ Đức Thế Tôn mà hỏi nghĩa này, ‘Bạch Thế Tôn, điều này là thế nào? Điều này có nghĩa gì?’ Nếu như Đức Thế Tôn có nói gì thì chúng tôi khéo léo nhận lãnh rồi ghi nhớ. Nhưng, thưa Tôn giả Đại Ca-chiên-diên, Ngài thường được Đức Thế Tôn và các đồng phạm hạnh có trí khen ngợi. Tôn giả Đại Ca-chiên-diên có thể phân biệt rộng rãi ý nghĩa mà Đức Thế Tôn vừa nói vắn tắt ấy. Ngưỡng mong Tôn giả Đại Ca-chiên-diên thương xót [604b] mà giảng rộng cho”.

Tôn giả Đại Ca-chiên-diên bảo các Tỳ-kheo:

“Vậy, này Chư Hiền, xin hãy nghe tôi nói”.

“Này Chư Hiền, duyên nhãn và sắc mà sanh nhãn thức. Hòa hiệp ba sự này là xúc. Do duyên xúc nên có cảm thọ. Có cảm thọ thì có tưởng. Có tưởng thì có tư duy. Có tư duy thì có niệm. Có niệm thì có phân biệt [60].

“Tỳ-kheo do suy niệm như vậy nên xuất gia học đạo, tu tập tư tưởng, trong đó đối với pháp hiện tại, quá khứ và vị lai không ái, không lạc, không đắm trước, không trụ; đó gọi là tận cùng biên tế khổ. Dục sử, nhuế sử, hữu sử, mạn sử, vô minh sử, kiến sử, đấu tranh, thù nghịch, siểm nịnh, lừa bịp, nói dối, nói hai lưỡi và vô lượng pháp ác bất thiện khác. Đó gọi là tbiên tế khổ.

“Với tai, mũi, lưỡi, thân cũng vậy. Duyên ý và pháp mà phát sanh ý thức. Ba sự cùng tụ hội liền có xúc. Do duyên xúc nên có cảm thọ. Có cảm thọ thì có tưởng. Có tưởng thì có tư duy. Có tư duy thì có suy niệm. Có suy niệm thì có phân biệt. Tỳ-kheo do niệm ấy mà xuất gia học đạo, tu tập tư tưởng, trong đó đối với pháp hiện tại, quá khứ và vị lai không ái, không lạc, không đắm trước, không trụ. Đó gọi là tận cùng biên tế khổ. Dục sử, nhuế sử, hữu sử, mạn sử, vô minh sử, kiến sử, đấu tranh, thù nghịch, siểm nịnh, lừa bịp, nói dối, nói hai lưỡi và vô lượng pháp ác bất thiện khác. Đó gọi là biêntế khổ.

“Này Chư Hiền, Tỳ-kheo trừ con mắt, trừ sắc, trừ nhãn thức mà có xúc, mà giả thiết có xúc, điều này không thể có. Nếu không giả thiết có xúc mà giả thiết có cảm thọ, điều ấy kkhông xảy ra. Nếu không giả thiết cảm thọ mà giả thiết có suy niệm rồi xuất gia học đạo, tu tập tư tưởng, điều này không thể có. Với tai, mũi, lưỡi, thân cũng vậy. Trừ ý, trừ pháp, trừ ý thức mà có xúc, giả thiết có xúc, điều này không thể có. Nếu không giả thiết xúc mà có thọ, giả thiết có thọ, điều này không thể có. Nếu không giả thiết thọ mà giả thiết có suy niệm, rồi xuất gia học đạo, tu tập tư tưởng, điều này không thể có.

“Này Chư Hiền, do con mắt, do sắc, do nhãn thức mà có xúc, giả thiết có xúc, điều này có thật. Do giả thiết xúc mà có thọ, giả thiết có thọ, điều này có thật. Do giả thiết thọ mà giả thiết có suy niệm rồi xuất gia học đạo, tu tập tư tưởng, điều này có thật. Do giả thiết thọ mà giả thiết có suy niệm rồi xuất gia học đạo, tu tập tư tưởng, điều này có thật.

“Với tai, mũi, lưỡi, thân cũng vậy. Do ý, do pháp, do ý thức mà có xúc, giả thiết có xúc, điều này có thật. [604c] Do giả thiết xúc mà có cảm thọ, giả thiết có cảm thọ, điều này có thật. Do giả thiết có cảm thọ mà giả thiết có suy niệm, rồi xuất gia học đạo, tu tập tư tưởng, điều này có thật.

“Này Chư Hiền, Đức Thế Tôn nói nghĩa này một cách vắn tắt, không phân biệt rộng rãi mà rời chỗ ngồi đứng dậy đi vào tịnh thất tĩnh tọa, ‘Tỳ-kheo, nếu người đối với hý luận nhân đó mà xuất gia học đạo, tu tập tư tưởng, và đối với pháp hiện tại, quá khứ và vị lai, mà không ái, không lạc, không đắm trước, không trụ, đó gọi là tận cùng biên tế khổ. Dục sử, nhuế sử, hữu sử, mạn sử, vô minh sử, kiến sử, nghi sử, đấu tranh, tắng tật, siểm nịnh, lừa bịp, nói dối, nói hai lưỡi và vô lượng pháp ác bất thiện khác, đó gọi là biên tế khổ’. Đức Thế Tôn nói nghĩa này một cách vắn tắt, không phân biệt rộng rãi. Tôi đã diễn rộng câu ấy, văn ấy như vậy.

“Này Chư Hiền, có thể đi đến chỗ Phật, tường trình lại đầy đủ, nếu đúng như nghĩa mà Đức Thế Tôn muốn nói, Chư Hiền hãy nhận lãnh và ghi nhớ”.

Khi ấy các Tỳ-kheo nghe những gì Tôn giả Đại Ca-chiên-diên nói, khéo ghi nhớ, tụng đọc, từ chỗ ngồi đứng dậy, nhiễu quanh Tôn giả Đại Ca-chiên-diên ba vòng rồi đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ, ngồi xuống một bên mà bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, vừa rồi Đức Thế Tôn nói nghĩa này một cách vắn tắt, không phân biệt rộng rãi, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy, đi vào tịnh thất nghỉ ngơi. Tôn giả Đại Ca-chiên-diên đã đem những câu này, văn này mà diễn rộng ra”.

Đức Thế Tôn nghe xong, khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Trong hàng đệ tử của Ta, có vị là bậc có mắt, có trí, có pháp, có nghĩa. Vì sao? Vì khi Tôn sư nói nghĩa này cho họ từ một cách vắn tắt, không phân biệt một cách rộng rãi, mà vị đệ tử kia đã diễn rộng ra những câu ấy, văn ấy. Đúng như những gì Tỳ-kheo Đại Ca-chiên-diên đã nói, các ngươi hãy nên nhận lãnh rồi ghi nhớ như vậy. Vì sao vậy? Vì nói, quán nghĩa phải như vậy.   

“Này các Tỳ-kheo, ví như có người do đi đến chỗ rừng vắng, trong rừng sâu, giữa những cây cối, bỗng nhiên gặp được bánh mật [61], vị ấy ăn, thưởng thức vị ngọt. Thiện nam tử cũng giống như vậy, ở trong Pháp Luật chân chánh này của Ta, tùy theo những gì được quán sát, vị ấy thưởng thức được vị ngọt của nó. Quán sát con mắt, thưởng thức được vị ngọt. Quán sát tai, mũi, lưỡi, thân, quán sát ý thưởng thức được vị ngọt”.

Bấy giờ Tôn giả A-nan đang cầm quạt hầu Đức Thế Tôn, Tôn giả A-nan liền chắp tay hướng Phật mà bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, pháp này tên gọi là gì? Chúng con phải phụng trì như thế nào?”

Đức Thế Tôn nói:

“Này A-nan, pháp này tên là ‘Mật hoàn dụ’ [62], ông hãy nên nhận lãnh và ghi nhớ”.

Khi ấy, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Các ngươi hãy nhận lãnh pháp ‘Mật hoàn dụ’ này, [605a] phải thường tụng đọc. Vì sao vậy? Này các Tỳ-kheo, pháp “Mật hoàn dụ” này có pháp, có nghĩa, là căn bản phạm hạnh, dẫn đến trí thông, dẫn đến giác ngộ, đưa đến Niết-bàn. Thiện nam tử cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình học đạo, hãy nên khéo léo nhận lãnh, ghi nhớ pháp ‘Mật hoàn dụ’ này”.

Phật thuyết như vậy. Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe lời Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

116. KINH CÙ-ĐÀM-DI

Tôi nghe như vầy.

Một thời Đức Phật trú Thích-ki-sấu, tại Ca-duy-la-vệ, vườn Ni-câu-loại [63], cùng với đại chúng Tỳ-kheo đồng thọ hạ an cư.

Bấy giờ, Cù-đàm-di Đại Ái [64] đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi qua một bên mà bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, nữ nhân có thể đắc quả Sa-môn thứ tư [65] được chăng? Do nhân duyên này nữ nhân có thể ở trong Pháp Luật chân chánh này chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình mà học đạo được chăng?”

Đức Thế Tôn nói:

“Thôi! Thôi! Cù-đàm-di, người chớ nên nghĩ rằng ‘Nữ nhân có thể ở trong Pháp Luật chân chánh này chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình mà học đạo’. Cù-đàm-di, người cứ như vậy mà cạo bỏ đầu tóc, khoác áo ca-sa, suốt đời tịnh tu phạm hạnh.” [66] Khi ấy, Cù-đàm-di Đại Ái bị Phật ngăn cản, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi lui ra.        

Bấy giờ các Tỳ-kheo khâu vá y cho Đức Phật. Đức Thế Tôn ở Thích-ki-sấu không bao lâu, sau khi trải qua ba tháng thọ hạ an cư xong và đã khâu vá y rồi, Ngài khoác y, cầm bát, sửa soạn du hành nhân gian. Cù-đàm-di Đại Ái nghe tin các Tỳ-kheo khâu vá y của Đức Phật, Đức Thế Tôn ở Thích-ki-sấu không bao lâu, sau khi trải qua ba tháng thọ hạ an cư xong và đã khâu vá y rồi, Ngài khoác y, ôm bát, sửa soạn du hành nhân gian. Sau khi nghe tin, bà Cù-đàm-di Đại Ái lại đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi qua một bên mà bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, nữ nhân có thể đắc quả thứ tư được chăng? Do nhân duyên này, nữ nhân có thể ở trong Pháp Luật chân chánh này chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình mà học đạo được chăng?”

Đức Thế Tôn cũng lại nói:

“Thôi! Thôi! Cù-đàm-di, người chớ nên nghĩ rằng ‘Nữ nhân có thể ở trong Pháp Luật chân chánh này chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình mà [605b] học đạo’. Cù-đàm-di, người cứ như vậy mà cạo bỏ đầu tóc, khoác áo ca-sa, suốt đời tịnh tu phạm hạnh.” 

Khi ấy, Cù-đàm-di Đại Ái bị Phật ngăn cản lần thứ hai, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi lui ra.     

Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn ở Thích-ki-sấu, sau khi trải qua ba tháng thọ hạ an cư xong và đã khâu vá y rồi, Ngài khoác y, ôm bát du hành nhân gian. Cù-đàm-di Đại Ái nghe tin Đức Thế Tôn ở Thích-ki-sấu sau khi trải qua ba tháng thọ hạ an cư xong và đã khâu vá y rồi, Ngài khoác y ôm bát mà du hành nhân gian, Cù-đàm-di Đại Ái liền cùng các lão mẫu Xá-di [67] đi theo sau Phật, tiến dần đến Na-ma-đề, trú tại tinh xá Na-ma-đề Kiền-ni [68]. Khi ấy, Cù-đàm-di Đại Ái lại đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật rồi ngồi một bên mà bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, nữ nhân có thể đắc quả thứ tư được chăng? Do nhân duyên này, nữ nhân có thể ở trong Pháp Luật chân chánh này chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình mà học đạo được chăng?”

Đức Thế Tôn nói lại lần thứ ba:

“Thôi! Thôi! Cù-đàm-di, người chớ nên nghĩ rằng ‘Nữ nhân có thể ở trong Pháp Luật chân chánh này chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình mà học đạo’. Cù-đàm-di, người cứ như vậy mà cạo bỏ đầu tóc, khoác áo ca-sa, suốt đời tịnh tu phạm hạnh”. Khi ấy, Cù-đàm-di Đại Ái bị Phật ngăn cản lần thứ ba, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi lui ra.

Lúc bấy giờ, Cù-đàm-di Đại Ái chân cẳng bết bùn [69], mình mẩy dính đầy bụi bặm, vô cùng mệt mỏi, đứng ngoài cửa buồn rầu khóc lóc. Tôn giả A-nan trông thấy Cù-đàm-di Đại Ái chân cẳng bết bùn, mình mẩy dính đầy bụi bặm, vô cùng mệt mỏi, đứng ngoài cửa buồn rầu khóc lóc, liền hỏi:

“Cù-đàm-di, vì cớ gì mà chân cẳng bết bùn, mình mẩy dính đầy bụi bặm, vô cùng mệt mỏi, đứng ngoài cửa buồn rầu khóc lóc như vậy?”

Cù-đàm-di Đại Ái đáp:

“Thưa Tôn giả A-nan, nữ nhân không được ở trong Pháp Luật chân chánh này chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình mà học đạo”.

Tôn giả A-nan nói:

“Cù-đàm-di, hãy đứng dậy, để tôi đi đến Đức Phật thưa hỏi việc này cho”.

Cù-đàm-di Đại Ái Đạo bạch:

“Kính vâng, thưa Tôn giả A-nan”.

Rồi Tôn giả A-nan đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, chắp tay hướng Phật mà bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, nữ nhân có thể đắc quả thứ tư được chăng [70]? Do nhân duyên này nữ nhân có thể ở trong Pháp Luật chân chánh chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình mà [605c] học đạo được chăng?”

Đức Thế Tôn nói:

“Thôi! Thôi! A-nan, người chớ nên nghĩ rằng ‘Nữ nhân có thể ở trong Pháp Luật chân chánh này chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình mà học đạo’. A-nan, nếu cho nữ nhân được ở trong Pháp Luật chân chánh này chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình mà học đạo thì phạm hạnh này sẽ không tồn tại lâu dài [71]. A-nan, ví như gia đình có nhiều người nữ, ít người nam thì gia đình này có được hưng thịnh lâu không?

“Bạch Thế Tôn, không thể vậy”.

“Cũng vậy, này A-nan, nếu có nữ nhân được ở trong Pháp Luật chân chánh này chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình mà học đạo thì phạm hạnh sẽ không được tồn tại lâu dài.

“A-nan, ví như trong ruộng lúa dé, ruộng lúa tẻ có sanh cỏ uế [72] thì ruộng lúa kia chắc chắn bị hư hại. Cũng vậy, này A-nan, nếu cho nữ nhân được ở trong Pháp Luật chân chánh này chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình mà học đạo thì phạm hạnh này sẽ không được tồn tại lâu dài”.

Tôn giả A-nan lại bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, Cù-đàm-di Đại Ái đã đem lại cho Thế Tôn nhiều lợi ích. Vì sao? Vì sau khi thân mẫu Thế Tôn mất, Cù-đàm-di Đại Ái đã bảo dưỡng Đức Thế Tôn”.

Đức Thế Tôn nói:

“Đúng vậy, A-nan! Đúng vậy, A-nan! Cù-đàm-di Đại Ái đã đem lại cho Ta nhiều lợi ích, đã bảo dưỡng Ta sau khi thân mẫu Ta mất. Nhưng này A-nan, Ta cũng đem lại cho Cù-đàm-di Đại Ái nhiều lợi ích. Vì sao? Này A-nan, Cù-đàm-di Đại Ái nhờ Ta mà được quy y Phật, quy y Pháp, quy y Chúng Tỳ-kheo, không nghi ngờ ba ngôi tôn quý và Khổ - Tập - Diệt - Đạo, thành tựu tín tâm, phụng trì giới cấm, tu học bác văn, thành tựu hạnh bố thí, được trí tuệ, xa lìa nghiệp sát, đoạn trừ nghiệp sát; xa lìa nghiệp không cho mà lấy, đoạn trừ nghiệp không cho mà lấy; xa lìa nghiệp tà dâm, đoạn trừ nghiệp tà dâm; xa lìa nghiệp nói dối, đoạn trừ nghiệp nói dối; xa lìa nghiệp uống rượu, đoạn trừ nghiệp uống rượu.

“A-nan, nếu có người nhờ người mà được quy y Phật, quy y Pháp, quy y Chúng Tỳ-kheo, không nghi ngờ ba ngôi tôn quý và Khổ -Tập - Diệt - Đạo, thành tựu tín tâm, phụng trì giới cấm, tu học bác văn, thành tựu bố thí, được trí tuệ, xa lìa nghiệp sát, đoạn trừ nghiệp sát; xa lìa nghiệp không cho mà lấy, đoạn trừ nghiệp không cho mà lấy; xa lìa nghiệp tà dâm, đoạn trừ nghiệp tà dâm; xa lìa nghiệp nói dối, đoạn trừ nghiệp nói dối; xa lìa nghiệp uống rượu, đoạn trừ nghiệp uống rượu. Rồi, này A-nan, giả như người này cúng dường người kia y phục, ăn uống, tọa cụ, thuốc thang, các vật dụng cho cuộc sống, cho đến trọn đời, chẳng lẽ nào lại không được đền ơn [73].

“Này A-nan, Ta vì nữ nhân mà tuyên bố tám pháp tôn sư [74], nữ nhân không được trái phạm, nữ nhân [606a] phải phụng trì suốt đời.

“A-nan, ví như người thợ đánh cá và đệ tử của người thợ đánh cá đắp đập ở khoảng nước sâu để giữ nước, không cho chảy ra ngoài; cũng vậy, này A-nan, nay Ta vì nữ nhân mà tuyên bố tám pháp tôn sư, nữ nhân không được trái phạm, nữ nhân phải phụng trì suốt đời.

“Tám pháp đó là những gì?      

“A-nan, Tỳ-kheo-ni phải cầu thọ giới Cụ túc nơi Tỳ-kheo. A-nan, Ta đã vì nữ nhân mà tuyên bố pháp tôn sư thứ nhất. Nữ nhân không được trái phạm, nữ nhân phải phụng trì suốt đời.

“A-nan, Tỳ-kheo-ni cứ mỗi nửa tháng phải đến thọ giáo nơi Tỳ-kheo. A-nan, Ta đã vì nữ nhân mà tuyên bố pháp tôn sư thứ hai. Nữ nhân không được trái phạm, nữ nhân phải phụng trì suốt đời.

“A-nan, nếu nơi trụ xứ không có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni không được thọ hạ an cư. A-nan, Ta đã vì nữ nhân mà tuyên bố pháp tôn sư thứ ba. Nữ nhân không được trái phạm, nữ nhân phải phụng trì suốt đời.

“A-nan, Tỳ-kheo-ni sau khi thọ hạ an cư phải đối trước hai bộ chúng thỉnh cầu chỉ rõ về ba sự kiện: thấy, nghe và nghi. A-nan, Ta đã vì nữ nhân mà tuyên bố pháp tôn sư thứ tư. Nữ nhân không được trái phạm, nữ nhân phải phụng trì suốt đời.

“A-nan, nếu Tỳ-kheo không cho phép Tỳ-kheo-ni thưa hỏi thì Tỳ-kheo-ni không được thưa hỏi Tỳ-kheo về Kinh-Luật hoặc A-tỳ-đàm. Nếu cho phép hỏi thì Tỳ-kheo-ni mới được thưa hỏi về Kinh-Luật hoặc A-tỳ-đàm. A-nan, Ta đã vì nữ nhân mà tuyên bố pháp tôn sư thứ năm. Nữ nhân không được trái phạm, nữ nhân phải phụng trì suốt đời.

“A-nan, Tỳ-kheo-ni không được nói điều trái phạm của Tỳ-kheo, nhưng Tỳ-kheo được quyền nói điều trái phạm của Tỳ-kheo-ni. A-nan, Ta đã vì nữ nhân mà tuyên bố pháp tôn sư thứ sáu. Nữ nhân không được trái phạm, nữ nhân phải phụng trì suốt đời.

“A-nan, Tỳ-kheo-ni nếu phạm Tăng-già-bà-thi-sa [75] thì phải đối trước hai bộ chúng hành bất mạn [76] trong vòng mười lăm ngày. A-nan, Ta đã vì nữ nhân mà tuyên bố pháp tôn sư thứ bảy. Nữ nhân không được trái phạm, nữ nhân phải phụng trì suốt đời.

“A-nan, Tỳ-kheo-ni dù đã thọ giới Cụ túc lâu đến một trăm năm, nhưng đối với trước Tỳ-kheo mới thọ giới Cụ túc vẫn phải khiêm cung cúi đầu làm lễ, cung kính chắp tay thưa hỏi. A-nan, Ta đã vì nữ nhân mà tuyên bố pháp tôn sư thứ tám. [606b] Nữ nhân không được trái phạm, nữ nhân phải phụng trì suốt đời.

“A-nan, Ta đã vì nữ nhân tuyên bố tám pháp tôn sư này, nữ nhân không được trái phạm, nữ nhân phải phụng trì suốt đời. A-nan, nếu Cù-đàm-di Đại Ái phụng trì tám pháp tôn sư này thì được ở trong Pháp Luật chân chánh mà xuất gia học đạo, được thọ giới Cụ túc, làm Tỳ-kheo-ni”.

Khi ấy Tôn giả A-nan nghe Đức Phật dạy, khéo léo nhận lãnh và ghi nhớ, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi lui ra, đi đến chỗ Cù-đàm-di Đại Ái, nói rằng:

“Cù-đàm-di, nữ nhân đã được phép ở trong Pháp Luật chân chánh này chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình mà học đạo. Cù-đàm-di, Đức Thế Tôn đã vì nữ nhân mà tuyên bố tám pháp tôn sư, nữ nhân không được trái phạm, nữ nhân phải phụng trì suốt đời.

“Tám pháp này là những gì?

“Cù-đàm-di, Tỳ-kheo-ni phải cầu thọ giới Cụ túc nơi Tỳ-kheo. Cù-đàm-di, Thế Tôn đã vì nữ nhân mà tuyên bố pháp tôn sư thứ nhất. Nữ nhân không được trái phạm, nữ nhân phải phụng trì suốt đời.

“Cù-đàm-di, Tỳ-kheo-ni cứ mỗi nửa tháng phải đến thọ giáo nơi Tỳ-kheo. Cù-đàm-di, Thế Tôn đã vì nữ nhân mà tuyên bố pháp tôn sư thứ hai. Nữ nhân không được trái phạm, nữ nhân phải phụng trì suốt đời.

“Cù-đàm-di, nếu nơi trụ xứ không có Tỳ-kheo thì Tỳ-kheo-ni không được thọ hạ an cư. Cù-đàm-di, Thế Tôn đã vì nữ nhân mà tuyên bố pháp tôn sư thứ ba. Nữ nhân không được trái phạm, nữ nhân phải phụng trì suốt đời.

“Cù-đàm-di, Tỳ-kheo-ni sau khi thọ hạ an cư phải đối trước hai bộ chúng thỉnh cầu chỉ rõ về ba sự kiện: thấy, nghe và nghi. Cù-đàm-di, Thế Tôn đã vì nữ nhân mà tuyên bố pháp tôn sư thứ tư. Nữ nhân không được trái phạm, nữ nhân phải phụng trì suốt đời.

“Cù-đàm-di, nếu Tỳ-kheo không cho phép Tỳ-kheo-ni thưa hỏi thì Tỳ-kheo-ni không được thưa hỏi Tỳ-kheo về Kinh-Luật hoặc A-tỳ-đàm. Nếu cho phép hỏi thì Tỳ-kheo-ni mới được thưa hỏi về Kinh -Luật hoặc A-tỳ-đàm. Cù-đàm-di, Thế Tôn đã vì nữ nhân mà tuyên bố pháp tôn sư thứ năm. Nữ nhân không được trái phạm, nữ nhân phải phụng trì suốt đời.

“Cù-đàm-di, Tỳ-kheo-ni không được nói điều trái phạm của Tỳ-kheo, nhưng Tỳ-kheo được quyền nói điều trái phạm của Tỳ-kheo-ni. Cù-đàm-di, Thế Tôn đã vì nữ nhân mà tuyên bố pháp tôn sư thứ sáu. Nữ nhân [606c] không được trái phạm, nữ nhân phải phụng trì suốt đời.

“Cù-đàm-di, Tỳ-kheo-ni nếu phạm Tăng-già-bà-thi-sa thì phải đối trước hai bộ chúng hành bất mạn trong vòng mười lăm ngày. Cù-đàm-di, Thế Tôn đã vì nữ nhân mà tuyên bố pháp tôn sư thứ bảy. Nữ nhân không được trái phạm, nữ nhân phải phụng trì suốt đời.

“Cù-đàm-di, Tỳ-kheo-ni dù đã thọ giới Cụ túc lâu đến một trăm năm, nhưng đối với trước Tỳ-kheo mới thọ giới Cụ túc vẫn phải khiêm cung cúi đầu làm lễ, cung kính chắp tay thưa hỏi. Cù-đàm-di, Thế Tôn đã vì nữ nhân mà tuyên bố pháp tôn sư thứ tám. Nữ nhân không được trái phạm, nữ nhân phải phụng trì suốt đời.

“Cù-đàm-di, Thế Tôn đã vì nữ nhân tuyên bố tám pháp tôn sư này, nữ nhân không được trái phạm, nữ nhân phải phụng trì suốt đời. Cù-đàm-di, Thế Tôn nói như vầy, ‘Nếu Cù-đàm-di Đại Ái phụng trì tám pháp tôn sư này thì được ở trong Pháp Luật chân chánh mà xuất gia học đạo, được thọ giới Cụ túc, làm Tỳ-kheo-ni”.

Khi ấy, Cù-đàm-di Đại Ái bạch:

“Thưa Tôn giả A-nan, cho phép tôi nói ví dụ này, người trí tuệ nghe dụ này phải hiểu rõ nghĩa lý. Thưa Tôn giả A-nan, giả sử có thiếu nữ Sát-lị, Bà-la-môn, Cư sĩ hay Công sư đoan chánh, đẹp đẽ, tắm gội sạch sẽ, lấy hương xoa khắp thân, mặc y phục mới, dung mạo trang sức bằng đủ thứ anh lạc, nếu có người nghĩ tưởng đến thiếu nữ ấy, mong muốn cho được lợi ích và phước lành, được an ổn khoái lạc, liền đem tràng hoa sen xanh, tràng hoa chiêm bặc, tràng hoa tu-ma-na, tràng hoa bà-sư, hoặc tràng hoa a-đề-mưu-đa trao tặng thiếu nữ ấy, thiếu nữ ấy vui mừng, hai tay nhận lãnh, đem cài lên đầu mình. Cũng vậy, thưa Tôn giả A-nan, Đức Thế Tôn đã vì nữ nhân mà tuyên bố tám pháp tôn sư này, tôi nguyện suốt đời nhận lãnh phụng trì”.

Bấy giờ Cù-đàm-di Đại Ái ở trong Pháp Luật chân chánh xuất gia học đạo, được thọ giới Cụ túc mà làm Tỳ-kheo-ni.

Cù-đàm-di Đại Ái, về sau trở thành Đại Tỳ-kheo-ni, cùng với các Trưởng lão Thượng tôn Tỳ-kheo-ni, là những vị danh tiếng trong hàng vương giả, tu hành phạm hạnh đã lâu, đồng đi đến chỗ Tôn giả A-nan cúi đầu làm lễ rồi đứng một bên mà bạch rằng:

“Thưa Tôn giả A-nan, nên biết, các Tỳ-kheo-ni Trưởng lão Thượng tôn này là những vị danh tiếng trong hàng vương giả, tu hành phạm hạnh đã lâu, còn các Tỳ-kheo kia nhỏ tuổi, mới học đạo, xuất gia sau, [607a] vào trong Pháp Luật chân chánh này chưa được bao lâu, mong rằng các thầy Tỳ-kheo ấy đối với các Tỳ-kheo-ni nên tùy theo lớn nhỏ mà cúi đầu làm lễ, cung kính chắp tay thưa hỏi.”

Khi ấy Tôn giả A-nan nói:

“Cù-đàm-di, hãy đứng dậy, để tôi đi đến Đức Phật thưa hỏi việc này”.

Cù-đàm-di Đại Ái Đạo bạch rằng:

“Kính vâng, thưa Tôn giả A-nan.”

Rồi thì Tôn giả A-nan đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật rồi đứng một bên, chắp tay hướng Phật mà bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, hôm nay Cù-đàm-di Đại Ái cùng các Tỳ-kheo-ni Trưởng lão Thượng tôn là những vị danh tiếng trong hàng vương giả, tu hành phạm hạnh đã lâu, đồng đi đến chỗ của con, cúi đầu đảnh lễ sát chân con rồi đứng qua một bên, chắp tay mà nói với con rằng: ‘Thưa Tôn giả A-nan, các Tỳ-kheo-ni Trưởng lão Thượng tôn này là những vị danh tiếng trong hàng vương giả, tu hành phạm hạnh đã lâu, còn các thầy Tỳ-kheo nhỏ kia còn nhỏ tuổi, mới học đạo, xuất gia sau, vào nơi Pháp Luật chân chánh này chưa được bao lâu, mong rằng các thầy Tỳ-kheo ấy đối với Tỳ-kheo-ni nên tùy theo lớn nhỏ mà cúi đầu làm lễ, cung kính chắp tay thưa hỏi’”.

Đức Thế Tôn nói:

“Thôi, thôi! A-nan, hãy gìn giữ lời nói này. Hãy thận trọng, chớ có nói điều đó! A-nan, giả sử người hiểu biết như Ta biết thì một câu cũng không nên nói, huống nữa là đã nói như vậy.

“A-nan, ví như nữ nhân không được ở trong Pháp Luật chân chánh, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, học đạo, thì các Bà-la-môn, Cư sĩ sẽ lấy áo trải lên đất mà nói rằng: ‘Thưa Sa-môn tinh tấn, ngài có thể đi lên trên này. Thưa Sa-môn tinh tấn, ngài đã làm việc khó làm, khiến cho chúng tôi được lợi ích, phước lành, an ổn, khoái lạc lâu dài’.

“A-nan, ví như nữ nhân không được Pháp Luật chân chánh, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình mà học đạo thì các Bà-la-môn, Cư sĩ sẽ đem đầu tóc mình trải lên đất mà nói rằng: ‘Thưa Sa-môn tinh tấn, ngài có thể đi lên trên này. Thưa Sa-môn tinh tấn, ngài đã làm việc khó làm, khiến cho chúng tôi được lợi ích, phước lành, được an ổn, khoái lạc lâu dài’.

“A-nan, ví như nữ nhân không được ở trong Pháp Luật chân chánh này chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình mà học đạo, thì các Bà-la-môn, Cư sĩ nếu trông thấy Sa-môn, hai tay sẽ bưng các thức ăn ra đứng bên đường chờ đợi mà nói rằng: ‘Thưa Tôn giả, xin thọ nhận món ăn này. Có thể mang đi tùy ý thọ dụng để cho chúng tôi được lợi ích phước lành, được an ổn khoái lạc lâu dài’.

“A-nan, ví như nữ nhân không được ở trong Pháp Luật chân chánh này chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình mà học đạo, [607b] các Bà-la-môn, Cư sĩ nếu trông thấy Sa-môn tinh tấn liền sanh tâm kính mến, dìu đỡ vào nhà, đem các tài vật ra cúng dường Sa-môn tinh tấn mà nói rằng: ‘Thưa Tôn giả, xin thọ nhận tài vật này. Có thể mang đi tùy ý thọ dụng để cho chúng tôi được lợi ích phước lành, được an ổn khoái lạc lâu dài’.

“A-nan, ví như nữ nhân không được ở trong Pháp Luật chân chánh này chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình mà học đạo, thì dù cho mặt trời mặt trăng này có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, nhưng đối trước đức oai thần của vị Sa-môn tinh tấn vẫn không thể sánh bằng, huống nữa là đối với hàng dị đạo dở chết ấy!

“A-nan, giả như nữ nhân không được ở trong Pháp Luật chân chánh này chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình mà học đạo thì Chánh pháp sẽ tồn tại đến ngàn năm. Thế nhưng, giờ đây đã mất hết một nửa, chỉ còn lại có được năm trăm năm.

“A-nan, có năm việc nữ nhân không làm được. Nếu nói rằng nữ nhân được thành Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, hoặc Chuyển luân vương, Thiên Đế Thích, Ma vương hay Đại Phạm thiên, điều này nhất định không thể có.

“Nhưng có năm việc người nam làm được. Nếu nói rằng người nam được thành Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, hoặc Chuyển luân vương, Thiên Đế Thích, Ma vương hay Đại Phạm thiên vương, điều này chắc chắn có thật”.

Phật thuyết như vậy. Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành. [77]

 


 [1] Đến một khu rừng khác.

 [2] Sa-môn nghĩa 娑門義, nên hiểu là mục đích của Sa-môn; hoặc, lợi ích của Sa-môn.

 [3] Thiện tự quán tâm 善自觀心. Pāli: sacittapariyāyakusala.

 [4] Nội chỉ 內止; đây nói về chỉ quán pháp môn. Pāli: ajjhattacetosamatha.

 [5] Tối thượng tuệ quán pháp 最上慧觀法; được chỉ (samtha) nhưng chưa được quán (vipassana). Pāli: adhipaññādhammavipassana, sự quán chiếu pháp bằng tuệ tăng thượng.

 [6] Lậu tận trí thông tác chứng 漏盡智通作證. Pāli: āsavānaṃ khayāya yo karaṇīyo, nỗ lực dứt sạch các lậu.

 [7] Pāli: cīvarampāhaṃ bhikkhave duvidhena vadāmi sevitabbampi asevitabbampī ti, Y, Ta nói có hai loại: nên sử dụng và không nên sử dụng.

 [8] Hiệp tập nhất thiết nhân 狎習一切. Pāli: puggalampāham bhikkhave duvidhena vadāmi sevitabbampi asevitabbampī ti, người, Ta nói có hai loại: đáng thân cận và không đáng thân cận.

 [9] Tập pháp bất khả tập pháp 習法不可習法. Pāli: sevitabba, asevitabba: nên thân cận và không nên thân cận, nên sử dụng và không nên sử dụng, nên phục vụ và không nên phục vụ.

 [10] Đa hành tăng tứ 多行增伺. Pāli: abhijjahlū bahulaṃ viharāmi, ta sống nhiều tham lam chăng?

 [11] Thân tránh 身諍. Pāli: sāraddhakāyo, cử chỉ thô bạo, nóng nảy.

 [12] Kiếm-ma-sắt-đàm Câu-lâu. Pāli: Kammāsadhammaṃ nāma kurūnaṃ nigamo,. Xem kinh số 10.

 [13] Đạt phạm hạnh 達梵行. Pāli: nibbedhikapaiyāya, pháp môn quyết trạch.

 [14] Các khía cạnh của vấn đề: sở nhân sanh 所因生, hữu báo 有報, thắng như 勝如, Pāli: nidānasambhava (nguyên nhân sanh khởi), vemattatā (đặc tính sai biệt), vipāka (báo ứng).

 [15] Giác 覺. Pāli: vedanā.

 [16] Bản Pāli: sáu tưởng: rūpasaññā, sắc tưởng, cho đến, dhammasaññā, pháp tưởng.

 [17] Thuyết 說. Pāli: katamo saññānaṃ vipāko? vohāraveppako, cái gì là kết quả (dị thục) của các tưởng? Là kết quả của ngôn ngữ tập quán.

 [18] Tùy kỳ tưởng tiện thuyết 隨其想便說. Pāli: yathā yathā naṃ saṃjānāti tathā tathā voharati evaṃ saññī ahosin ti, nó nhận biết vật ấy như thế nào thì nó nói như thế, rằng “tôi có tưởng (có ấn tương) như vậy”.

 [19] Pāli: aññā saññā rūpesu, tưởng trong các sắc thì khác, cho đến, aññā saññā dhammesu, tưởng trong các pháp thì khác.

 [20] Hữu dục dục sắc 有欲欲色. Pāli: añño kāmo rūpesu, dục nơi các sắc là (một loại) khác,... cho đến, añño kāmo phoṭṭhabbesu, dục nơi các xúc là (một loại) khác.

 [21] Tư nghiệp dĩ tư nghiệp 思業已思業. Pāli: cetanaṃ kamamṃ... cetayitvā kamaṃ katori kāyena vācāya manasā: nghiệp được tư duy, và nghiệp sau khi tư duy rồi hành động bởi thân, miệng.

 [22] Pl.: khổ cực đại (adhimattaṃ), khổ hạn chế (parittaṃ), khổ biến mất châm (dandhavirāgī), khổ biến mất nhanh (khippavirāgī): đây là sự thắng liệt (vemattā) của khổ.

 [23] Bạt-kì-sấu 跋耆瘦. Pāli: Vajjīsu, giữa những người Vajji.

 [24] A-nô-ba 阿奴波; địa danh này chưa rõ. Bản Pāli: Phật tại Daṇḍakappa, một ngôi làng của người Kosala.

 [25] A-di-la-hòa-đế 阿夷邏和帝. Pāli (A. iii. 402): Aciravatī, Tôn giả Ananda và một số đông Tỳ-kheo làng Daṇḍakappa đến tắm ở đây.

 [26] Nhất hướng ký一向記.

 [27] Đề-bà-đạt-đa 提婆達多. Pāli: Devadatta.

 [28] Theo bản Pāli: Tỳ-kheo này hoài nghi, Phật tự biết hay nhờ chư Thiên nói cho biết.

 [29] Hán: niên thiếu bất tự tri 年少不自知. Pāli: bālo avyatto, ngu si không biết gì. Bāla, có nghĩa con nít, cũng có nghĩa ngu si, cho nên Hán dịch niên thiếu (?).

 [30] Đại nhân căn trí 大人根智. Pāli: purisindriyaññāṇa.

 [31] Suy thoái pháp 衰 退 法. Pāli: parihāna-dhamma.

 [32] Bản hán, hết quyển 27.

 [33] Hán: dĩ cánh lạc vi hòa 以 更 樂 為 和. Pāli: vedanā-samosaraṇā, hòa hiệp (kết hợp) là thọ. Xem cht. dưới.

 [34] Dĩ hà vi lai 以何為來. Pāli: phassa-samudayā, xúc là tập khởi. Xem cht. trên.

 [35] Dĩ tư tưởng vi hữu 以思想為有. Pāli: manasikāra-saṃbhavā, tác ý là sanh khởi (hữu).

 [36] Pl.: samādhippamikhā.

 [37] Hán: giải thoát vi chân 解脫為真.Pl.: vimuttisārā.

 [38] Tập đắc xuất gia học đạo chi tâm 習得出家學道之心. Pāli (A. v. 106)): yathāpabbajjā paricitañca cittam. Tập trong bản Hán phù hợp với paricita trong bản Pāli, nên hiểu là tích tập, thay vì là tập khởi.

 [39] Pl. ibid.: aniccasaññāparicitañca no ciattaṃ bhavissati: tâm sẽ được tích tập với tưởng vô thường.

 [40] Ác thực tưởng 惡食想. Pl.: ādinavasaññā, tương về sự nguy hại.

 [41] Từ đoạn này trưở lên, tương đương Pāli, A. 8. 63 (iv. 338): Mūlakasuttaṃ.

 [42] Tri thế gian hảo ố 知世間好惡. Pāli: lokassa samañ ca asamañ ca ñatvā, biết sự chánh hay bất chánh (bình đẳng hay không bình đẳng) của thế gian.

 [43] Tập như thị tưởng tâm 習如是想心. Pāli: taṃsaññāparicitañca cittaṃ: tâm được tích tập với tưởng ấy.

 [44] Tri thế gian tập hữu 知世間習有. Pāli: lokassa samudayañ ca atthaṅgamañca ñatvā, biết sự tập khởi và hoại diệt của thế gian.

 [45] Từ đoạn này trở lên, tương đương Pāli, A. 10. 59 (A. v. 108): Pabbajjāsuttaṃ.

 [46] Tương đương Pāli, S. 35. 103. Uddaka.

 [47] Ưu-đà-la La-ma-tử 優陀羅羅摩子. Pāli: Uddaka-Rāmaputta, vị đạo sĩ đã dạy cho Đức Phật lúc Ngài chưa thành đạo về pháp tu Phi tưởng phi phi tưởng (xem M.26 và kinh số 104).

 [48] Đối chiếu bản Pāli (A. iv. 82): idam jātu vedagū, idam jātu sabbajī, idam jātu apalikhatam gaṇḍamūlaṃ pālikhanin ti. Quả thực ta thấu hiểu sự kiện này, khắc phục tất cả sự kiện này, phế trừ gốc rễ của ung nhọt này. Jātu (quả thực, bất biến từ), trong bản Hán được hiểu là jāti: sanh loại (?).

 [49] Thích-ki-sấu, Ca-duy-la-vệ. Pāli, M 18: sakkesu viharati nigrodhārāme.

 [50] Nghệ trúc lâm . Bản Pāli nói Phật ngồi nghỉ trưa dưới một gốc tre non (Beluvaṭṭhika), tre non.

 [51] Thích-ca tự 釋迦寺, chỉ tinh xá trong vườn Ni-câu-loại (Nigrodhārāma).

 [52] Đại lâm 大林. Pāli: Mahāvana, khu rừng gần Kapilavatthu.

 [53] Chấp Trượng Thích 執杖釋. Pāli: Daṇḍapānī Sakka, con trai của Anjana và Yosadharā, em của Hoàng hậu Mayā và Pajāpati, tức cậu ruột của Phật. Truyền thuyết Bắc phương nói ông là cha vợ của Thái tử Tất-đạt-đa.

 [54] Đấu tranh 鬥 諍. Pāli: viggayha, sự tranh luận, tranh cãi.

 [55] Trừ hối. Pāli: chinnakukkucca, dứt trừ sự ác tác, không còn truy hối (hối tiếc việc đã làm). Sớ giải: kukkucca, ác tác: vippaṭisārakukkccassa ceva hatthapādakukkuccassa, ác tácx bởi truy hối và ác tác bởi tay chân. Được hiều là trạng thái bồn chồn bất an.

 [56] Hán: (...) diệc vô tưởng 亦無想. Pāli: (...) taṃ brahmaṃ ... bhavābhave vītataṇhaṃ saññā nānusenti, các tưởng không tiềm phục nơi người Bà-la-môn mà tham ái, hữu ái và phi hữu ái đã bị loại trừ. Không nên lầm ở đây Phật chủ trương “vô tưởng”.

 [57] Nhân sở nhân niệm 人所因念. Pāli nói: yatonidānaṃ purisaṃ papañcasaññāsaṅkhā samudācaranti ettha ce natthi abhinanditabbaṃ, “do nhân duyên mà các hý luận vọng tưởng hiện hành nơi con người, ở đó nếu không có gì đang hoan hỷ...” Thử dựng lại đoạn Hán thành Pāli để xem có phải Hán và Pāli khác nhau do sự truyền khẩu hay không: yatonidānaṃ purisaṃ pabbajjāsaññāparicitaṃ... Sớ giải Pāli: papañcasaññā, là tưởng (saññā) liên hệ với ái, mạn, kiến (taṇhāmānadiṭṭhipapañca).

 [58] Các sử ở đây cũng gọi là tùy miên.

 [59] Liệt kê của Pāli: rāga (tham trước), paṭigha (sân), diṭṭhi (kiến), vicikicchā (nghi), māna (mạn), bhavarāga (hữu ái), avijjā (vô minh), các tùy miên (anusayāni) này bị đoạn tận.

 [60] Nhược sở niệm tiện phân biệt若所念便分別. Pāli: yaṃ vitakketi, taṃ papañceti, có tầm (niệm) cái gì, thì có hý luận cái đó.

 [61] Mật hoàn 蜜 丸. Pāli: madhu-piṇḍika.

 [62] Pāli: madhupiṇḍikapariyāya, pháp môn mật hoàn.

 [63] Xem cht. kinh trên.

 [64] Cù-đàm-di Đại Ái 瞿曇彌大愛. Tứ phần 48: Ma-ha Ba-xà-ba-đề 摩 [10]訶波闍
<lb n="0922c08"/>波提  Pāli: Mahāpajāpatī Gotamī.

 [65] Tức quả vị A-la-hán. Ý câu hỏi, theo bản Pāli, do A-nan nghĩ ra như là cơ sở để nữ được xuất gia như nam. Bà Gotamī không nêu câu hỏi này. Xem đoạn dưới.

 [66] Tứ phần 48: sau khi không được Phật cho phép nữ giới xuất gia, vì lý do Phật pháp sẽ không tồn tại lâu,  Bà cùng với năm trăm người nữ khác tự cạo tóc, mặc áo ca-sa và vẫn đi theo Phật khẩn nguyện Ngài chấp thuận. Pāli (A.iv. 257; Vin. ii. 253) cũng vậy, Bà theo Phật đến Vesāli và tự cạo tóc tại đây (kese chedāpetvā kāsāyāni vatthāni acchādetvā). No 60: Phật hông chấp nhận cho xuất gia, nhưng cho phép tự cạo đầu, khóac ca-sa, trnj đời tu tịnh phạm hạnh常可剃頭被袈裟至竟行清淨梵行.

 [67] Xá-di 舍 彌. Pāli: Sākiyānī, người nữ trong dòng họ Thích-ca.

 [68] Na-ma-đề 那摩提; xem kinh 185. Pāli nói: Phật đến Vesālī, tức rừng Mahāvana.

 [69] Luật Tứ Phần (nt): bà chạy bộ theo Phật, cho đến rách gót chân.

 [70] Bản Pāli, A-nan nghĩ, Phật không chấp nhận thỉnh cầu, ta hãy dùng cách khác, và hỏi như vậy (yaṃnūnāhaṃ aññepi pariyāyena bhagavantaṃ yāceyyaṃ...).

 [71] Trong bản Pāli, Phật chỉ nói điều này sau khi đã chấp thuận cho nữ xuất gia.

 [72] Hữu uế 有穢, ruộng có cỏ xấu mọc lan. No.60: bạc vũ 雹雨, mưa đá. Tứ phần  sương bạc 霜雹. Pāli: sālikkhette setaṭṭhikā nāma rogajāti, trong ruộng lúa có loại bệnh gọi là “bạch chứng” (tức sương muối? Hay do một giống nấm ăn trắng cây?).

 [73] Tứ phần: Phật vẫn chưa chấp thuận, Tôn giả A-nan hỏi về khả năng đắc Thánh quả của nữ nhân, Phật xác nhận, rồi A-nan nói: “Nếu nữ nhân có thể đắc Thánh quả, họ cũng có thể xuất gia”. Do đó Phật chấp thuận và thiết lập tám kỉnh pháp.

 [74] Bát tôn sư pháp 八尊師法, tức Bát kỉnh pháp. No.60: Bát trọng pháp 八重法. Pāli: aṭṭha garudhammā. Trong bản Hán, garu: kính trọng; được hiểu là guru: tôn sư.

 [75] Tăng-già-bà-thi-sa 僧伽婆尸娑 (Pl: saṅghādisesa.) Pāli trong đây nói: garudhammaṃ ajjhāpannāya, phạm trọng cấm.

 [76] Hành bất mạn行不慢. Tứ phần: hành ma-na-đỏa 行摩那埵. Pl.: ubhatosaṅghe pakkhamānattaṃ caritabbaṃ, hành mānatta trước hai bộ Tăng.

 [77] Bản Hán, hết quyển 28.

Phẩm 12: Đại

PHẨM 12: ĐẠI

TỤNG NGÀY THỨ BA

Niệm tụng

柔軟龍象處  

無常請瞻波

二十億八難  

貧窮欲福田

優婆塞怨家  

教曇彌降魔

賴吒優婆離  

釋問及善生

商人世間福  

息止至邊喻 

Kệ tóm tắt:

Nhu nhuyến, Long tượng, Xứ,

Vô thường, Thỉnh, Chiêm-ba,

Nhị thập ức, Bát nạn,

Bần cùng, Dục, Phước điền,

Ưu-bà-tắc, Oán gia,

Giáo Đàm-di, Hàng ma,

Lại-tra, Ưu-bà-li,

Thích vấn và Thiện Sanh,

Thương nhân, Thế gian phước,

Tức chỉ, Chí biên, Dụ.

117. KINH NHU NHUYẾN

 [607c5] Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Chính Ta ngày trước ra đi xuất gia học đạo là ra đi từ chỗ ưu du, từ chỗ thong dong nhàn nhã, từ đời sống cực kỳ êm dịu [1]. Khi Ta còn ở nhà, Phụ vương Duyệt-đầu-đàn [2] tạo cho Ta đủ thứ cung điện; cung điện để ở vào mùa Xuân, cung điện để ở vào mùa Hạ, cung điện để ở vào mùa Đông.

“Bởi Ta thích du ngoạn nên cách điện không xa, người lại tạo không biết bao nhiêu là ao sen: ao hoa sen xanh, ao hoa sen hồng, ao hoa sen đỏ, ao hoa sen trắng. Trong các ao đó trồng đủ các loại hoa dưới nước: hoa sen xanh, hoa sen hồng, hoa sen đỏ và hoa sen trắng. Nước luôn luôn đầy, hoa luôn luôn trổ, mà những người sai dịch chăm sóc không thông suốt được hết.

“Bởi Ta thích du ngoạn nên trên bờ ao trồng các loại hoa: hoa tu-ma-na, hoa bà-sư, hoa chiêm-bặc, hoa tu-kiền-đề, hoa ma-đầu-kiền-đề, hoa a-đề-mưu-đa, hoa ba-la-đầu.

“Bởi Ta thích du ngoạn nên người sai bốn người tắm rửa cho Ta. Tắm rửa cho Ta rồi lại xoa hương chiên-đàn đỏ vào khắp thân Ta. Xoa hương vào thân Ta rồi lại khoác vào mình Ta chiếc áo lụa thật mới. Trên, dưới, trong, ngoài đều mới mẻ. Suốt ngày đêm luôn luôn cầm lọng [3] che cho Ta, không để cho Thái tử đêm phải nhiễm sương, ngày bị nắng háp.

“Như nhà dân thường được ăn đại mạch thô, cơm gạo tẻ, cháo đậu, gừng [4], cho đó là đồ ăn bậc nhất, nhưng người sai dịch thấp nhất của Phụ vương Duyệt-đầu-đàn của Ta lại cho như vậy là rất dở, chỉ ăn nếp trắng [5] và hào soạn mới cho là đồ ăn bậc nhất.

“Lại nữa, nếu có cầm thú nơi đồng ruộng, loại cầm thú ngon nhất như đề-đế-la-hòa-tra, kiếp-tân-xà-la, hề-mễ-hà, lê-nê-xa, thi-la-mễ [6]. Các loại cầm thú nơi đồng ruộng, loại cầm thú ngon nhất như vậy Ta thường được ăn.

“Ta nhớ khi xưa, lúc còn ở với Phụ vương Duyệt-đầu-đàn, suốt bốn tháng hạ, mỗi khi lên trên chánh điện đều không có người nam; chỉ toàn là kỹ nữ để cùng vui chơi, không hề trở xuống.

“Rồi khi Ta muốn đến công viên, tức thì có ba mươi danh kỵ thượng thặng được tuyển chọn với những hàng đại thuẫn đi dẫn đường hộ tống trước sau, không kể những tiểu tiết khác.

 “Ta có như ý túc đó [7] và sự êm dịu cực kỳ này.

“Ta còn nhớ thủa xưa, lúc Ta thăm ruộng [8], [608a] khi người làm ruộng nghỉ ngơi trên đám ruộng, Ta đi đến dưới gốc cây Diêm-phù ngồi kiết già, ly dục, ly pháp ác bất thiện, có tầm, có tứ, hỷ lạc do viễn ly sanh, chứng đắc được Sơ thiền, thành tựu và an trụ. Ta nghĩ rằng: ‘Phàm phu ngu si không đa văn, tự có sẵn tật bệnh, không thoát khỏi tật bệnh, nhưng thấy người tật bệnh thì ghê tởm, khinh bỉ, không yêu, không thích, mà không tự quán sát mình’.

“Rồi Ta lại nghĩ: ‘Ta tự có sẵn tật bệnh, không thoát khỏi tật bệnh. Nếu Ta thấy người tật bệnh mà ghê tởm, khinh bỉ, không yêu, không thích, Ta không nên như vậy, vì Ta cũng có trường hợp này’. Quán sát như vậy rồi, tâm cống cao phát khởi do không có tật bệnh liền tự tiêu diệt.

“Ta lại nghĩ rằng: ‘Phàm phu ngu si không đa văn, tự có sẵn sự già, không thoát khỏi sự già, nhưng thấy người già cả thì ghê tởm, khinh bỉ, không yêu, không thích, mà không tự quán sát mình’.

“Rồi Ta lại nghĩ: ‘Ta tự có sẵn sự già, không thoát khỏi sự già. Nếu Ta thấy người già cả mà ghê tởm, khinh bỉ, không yêu, không thích, Ta không nên như vậy, vì Ta cũng có trường hợp này’. Quán sát như vậy rồi, tâm cống cao phát khởi do chưa đến tuổi già liền tự tiêu diệt.

“Phàm phu ngu si không đa văn, vì chưa bị tật bệnh nên tâm tự cao, tự phụ, rồi do tham dục mà sanh si ám, không tu tập phạm hạnh. Phàm phu ngu si không đa văn vì còn trẻ trung nên tự cao tự phụ, không tu tập phạm hạnh, rồi tham dục mà sanh si ám. Phàm phu ngu si không đa văn vì còn thọ mạng nên tự cao tự phụ, phóng dật, rồi do tham dục mà sanh si ám, không tu tập phạm hạnh.”

Khi ấy, Đức Thế Tôn liền nói bài kệ:

Tuổi già, tật bệnh,

Và sự tử vong,

Là pháp có sẵn,

Người ngu khinh nhờn.

Nếu ta miệt thị

Tưởng mình không vướng;

Thật chẳng hợp lý;

Vì đó sự thường.

Ai hành như thế,

Biết pháp ly sanh.

Không bệnh, còn trẻ,

Tưởng thọ, kiêu căng;

Đoạn trừ kiêu ngạo,

Vô dục bình an.

Ai hiểu như vậy

Nơi dục sợ gì!

Được vô hữu tưởng

Tịnh tu phạm hạnh.

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

118. KINH LONG TƯỢNG

 [608b3] Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, ở tại Đông viên, giảng đường Lộc mẫu [9].

Bấy giờ vào lúc xế trưa, Đức Thế Tôn từ chỗ tĩnh tọa đứng dậy, bước ra khỏi tịnh thất và nói:

“Ô-đà-di [10], Ta và ngươi hãy đi đến Đông hà để tắm [11].”

Tôn giả Ô-đà-di đáp:

“Kính vâng.”

Khi ấy, Đức Thế Tôn cùng với Tôn giả Ô-đà-di đi đến Đông hà, cởi bỏ y phục trên bờ sông rồi xuống nước tắm. Tắm xong, lên bờ lau mình và mặc y phục vào.

Bấy giờ vua Ba-tư-nặc có một con voi chúa tên là Niệm [12], đang lội ngang qua Đông hà với tất cả các loại kỹ nhạc được tấu lên. Dân chúng trông thấy nói rằng:

“Đây phải chăng là rồng trong loài rồng, là Đại long vương hay là con gì vậy? [13]”

Tôn giả Ô-đà-di chắp tay hướng về Đức Phật bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, con voi thân hình to lớn cho nên dân chúng trông thấy nói rằng: ‘Đây phải chăng là rồng trong loài rồng, là Đại long vương hay là con gì vậy?’

Đức Thế Tôn nói:

“Đúng vậy, Ô-đà-di! Đúng vậy, Ô-đà-di, con voi có thân hình to lớn nên dân chúng trông thấy nói rằng: ‘Đây phải chăng là rồng trong loài rồng, là Đại long vương hay là con gì vậy?’

“Này Ô-đà-di, ngựa, lạc đà, trâu, lừa, rắn [14], người, cây cối... nếu có thân hình to lớn, này Ô-đà-di, dân chúng trông thấy cũng nói rằng: ‘Đây phải chăng là rồng trong loài rồng, là Đại long vương hay là con gì vậy?’

“Ô-đà-di, nếu Trời, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn (hay bất cứ ai) từ người cho đến trời ở trên đời này mà không làm hại bằng thân, miệng, ý, Ta nói vị ấy chính là rồng [15].

“Ô-đà-di, Như Lai ở trong thế gian này bao gồm Trời, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn (hay bất cứ ai) từ người cho đến trời đều không dùng thân, miệng, ý để làm hại, cho nên Ta được gọi là Rồng.”

Khi ấy, Tôn giả Ô-đà-di chắp tay hướng về Đức Phật mà bạch:

“Bạch Thế Tôn, mong Đức Thế Tôn gia trì cho con thêm uy lực. Mong Đức Thiện Thệ gia trì cho con thêm uy lực, để con được ở trước Phật, bằng bài tụng liên hệ đến Rồng [16] mà tán thán Đức Thế Tôn.”

Đức Thế Tôn nói:

“Tùy ý ngươi muốn.”

Khi ấy Tôn giả Ô-đà-di ở trước Đức Phật, dùng bài tụng liên hệ đến rồng tán thán Đức Thế Tôn rằng:

Chánh giác sanh nhân gian,

Tự chế ngự, đắc định.

Phạm hạnh bước vững vàng,

Bình an, tâm ý tĩnh.

Nhân loại đều xưng tôn;

Vượt ngoài tất cả pháp.

 [608c]Chư Thiên đều kính ngưỡng;

Chí Chân, Bậc Vô Trước.

Từ rừng, bỏ rừng đi;

Siêu việt toàn kết sử;

Xả dục, sống vô dục,

Vàng ròng trong khối đá.

Mặt trời trên hư không,

Tối thượng giữa loài rồng,

Vang lừng danh Chánh Giác,

Hy-mã điệp muôn trùng.

Tuyệt đối không não hại,

Đại long, thật Đại long!

Chắc thật, đây tối thượng,

Rồng thiêng giữa loài rồng!

Ôn nhuần và vô hại,

Hai chân, Rồng là đây.

Khổ hạnh và phạm hạnh,

Là bước đi của Rồng.

Rồng thiêng, tay là tín;

Hai đức, xả là ngà;

Tuệ: đầu, và niệm: cổ;

Phân biệt pháp, tư duy;

Bụng lớn, chứa muôn pháp;

Độc cư: đôi cánh tay;

Rồng tu quán hơi thở;

Nội tĩnh, tâm tinh chuyên;

Chánh định, đi hay đứng;

Nằm thiền, ngồi cũng thiền;

Định ý, hằng định ý;

Là pháp thường của Rồng.

Thọ thực nhà thanh tịnh;

Nhà bất tịnh không ăn;

Ác bất tịnh, không thọ,

Quay đi như Sư tử.

Sở đắc những cúng dường,

Từ tâm nên nạp thọ.

Rồng ăn, do tín thí;

Vừa đủ, không đắm say.

Đoạn trừ mọi kết sử,

Giải thoát mọi đường dây.

Tâm không, không trói buộc,

Vạn nẻo bước du hành.

Chẳng khác loài sen trắng,

Nước sanh, nước nuôi lớn;

Bùn lầy không nhiễm trước;

Tuyệt sắc, hương ngào ngạt.

Cũng vậy, Tối Thượng Giác,

Sanh thành trong thế gian;

Tịnh diệu, dục không vương,

Như hoa không nhiễm nước.

Ví như ngọn lửa hừng;

Bớt củi, ngọn tắt dần.

Củi hết rồi lửa tắt;

Như vậy lửa diệt tàn.

Kẻ trí nói dụ này,

Nghĩa ấy mong thấu triệt;

Là điều Rồng sở tri,

Rồng tụng, Rồng sở thuyết.

 [609a] Triệt đoạn dâm dục, sân,

Trừ si, vô lậu tịnh;

Rồng xả bỏ hậu thân,

Đó là Rồng diệt tận.

Phật thuyết như vậy. Tôn giả Ô-đà-di sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

119. KINH THUYẾT XỨ

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Ở đây có ba thuyết xứ [17], chứ không phải bốn hay năm. Nếu Tỳ-kheo sau khi thấy, nhân sự thấy đó mà nói lên một vấn đề [18] rằng: ‘Tôi thấy, nghe, hiểu, biết’, Tỳ-kheo nói mà nói rằng: ‘Đây là điều tôi biết’.

“Những gì là ba? Tỳ-kheo nhân quá khứ mà nói một vấn đề [19] như vầy: ‘Trong thời quá khứ có’. Tỳ-kheo nhân vị lai mà nói một vấn đề như vầy: ‘Trong thời vị lai có’. Tỳ-kheo nhân hiện tại mà nói một vấn đề như vầy: ‘Trong thời hiện tại có’.  

“Đó gọi là ba thuyết xứ chứ không phải bốn hay năm. Nếu Tỳ-kheo sau khi thấy, nhân sự thấy đó mà nói một vấn đề rằng: ‘Tôi thấy, nghe, hiểu biết’. Tỳ-kheo nói một vấn đề rằng: ‘Đây là điều tôi biết’. Do điều được thuyết, khéo tập được nghĩa, do không thuyết, không khéo tập được nghĩa.

“Hiền Thánh đệ tử với hai tai nhất tâm nghe pháp. Vị ấy sau khi với hai tai nhất tâm nghe pháp, đoạn một pháp, tu một pháp, tự thân tác chứng một pháp. Vị ấy sau khi đã đoạn được một pháp, tu một pháp, tự thân chứng đắc một pháp rồi, liền được chánh định. Hiền Thánh đệ tử sau khi đã được chánh định, liền đoạn trừ hết tất cả dâm, nộ, si. Như vậy là Hiền Thánh đệ tử chứng đắc tâm giải thoát, giải thoát rồi liền biết mình đã giải thoát, biết đúng như thật rằng: ‘Sự sanh của ta đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.

“Do điều được nói [20] nên có bốn trường hợp để quan sát người, rằng Hiền giả này có thể cùng nói, hoặc không thể cùng nói. Nếu Hiền giả này với câu hỏi khẳng định mà không trả lời khẳng định, với câu hỏi phân biệt mà không trả lời phân biệt, với câu hỏi phản vấn mà không trả lời phản vấn, với câu hỏi xả trí vấn mà không trả lời xả trí [21]. Như vậy, không thể cùng nói, cũng không thể cùng thảo luận với Hiền giả này.

“Nếu Hiền giả này với câu hỏi khẳng định mà trả lời khẳng định, với câu hỏi phân biệt mà trả lời phân biệt, với câu hỏi phản vấn mà trả lời phản vấn, với câu hỏi xả trí vấn mà trả lời xả trí. Như vậy, ó thể cùng nói, cũng có thể cùng thảo luận với Hiền giả này.

“Lại nữa, do điều được nói nên lại có bốn trường hợp để quan sát người, rằng có thể cùng nói, hoặc không thể cùng nói với Hiền giả này. Nếu Hiền giả này không an trụ trên xứ phi xứ, không an trụ trên sở tri, không an trụ trên thuyết dụ, không an trụ trên đạo tích [22]; như vậy thì không thể cùng nói, cũng không thể cùng thảo luận với Hiền giả này.

“Nếu Hiền giả này an trụ trên xứ phi xứ, an trụ trên sở tri, an trụ trên thuyết dụ, an trụ trên đạo tích; như vậy thì có thể cùng nói, cũng có thể cùng thảo luận với Hiền giả này.

“Do điều được nói, với lời nói trầm tĩnh [23], xả bỏ sở kiến của mình, xả bỏ ý kết oán, xả bỏ tham dục, xả bỏ sân nhuế, xả bỏ si ám, xả bỏ kiêu mạn, xả bỏ bất ngữ [24], xả bỏ tật đố, không háo thắng, không ép người, không chấp chặt khuyết điểm, nói nghĩa nói pháp [25]. Sau khi nói nghĩa nói pháp, khuyên dạy, rồi lại khuyên dạy cho bỏ [26], tự mình hoan hỷ, khiến người kia cùng hoan hỷ. Thuyết nghĩa như vậy, thuyết sự như vậy, là Thánh thuyết nghĩa, là Thánh thuyết sự [27]; nghĩa là đã cứu cánh tận diệt hết lậu.”

Rồi thì, Đức Thế Tôn nói bài tụng rằng:

Luận tranh và luận nghị,

Ý tạp, lòng cống cao;

Nghịch Thánh, chê Thánh đức,

Mong cầu khuyết điểm nhau,

Khai thác lỗi bất cẩn,

Khăng khăng khuất phục người,

Đối địch đều háo thắng;

Thánh không nói như vậy.

Nếu mong thành luận nghị,

Người trí biết tùy thời,

Có pháp và có nghĩa,

Chư Thánh luận như vậy.

Người trí nói như vậy.

Không cãi, không cống cao,

Ý không biết nhàm đủ,

Không kết, không oán thù;

Tùy thuận, không điên đảo;

Mỗi lời hợp chánh tri.

Khéo nói thì có thể

Trọn không lời xấu xa;

Không luận vì luận tranh,

Không tùy người thách đố;

Biết xứ và thuyết xứ,

Là điều được luận bàn.

Đây là lời Thánh nhân;

Người trí, hai mục đích [28],

Cho đời này bình an,

Cho đời sau khoái lạc.

Nên biết người thông đạt,

Thuyết phi đảo, phi thường [29].

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

120. KINH THUYẾT VÔ THƯỜNG

Tôi nghe như vầy:

 [609c4] Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Sắc là vô thường, vô thường nên khổ, khổ nên phi ngã [30]. Thọ [31] cũng vô thường, vô thường nên khổ, khổ nên phi ngã. Tưởng cũng là vô thường, vô thường nên khổ, khổ nên phi ngã. Hành cũng là vô thường, vô thường nên khổ, khổ nên phi ngã. Thức cũng là vô thường, vô thường nên khổ, khổ nên phi ngã.

“Như vậy là sắc vô thường; thọ, tưởng, hành, thức vô thường, vô thường nên khổ, khổ nên phi ngã. Đa văn Thánh đệ tử hãy nên quán sát như vậy, hãy tu tập bảy đạo phẩm [32], vô ngại, chánh tư, chánh niệm [33]. Vị ấy đã biết như vậy, thấy như vậy rồi thì tâm giải thoát dục lậu, tâm giải thoát hữu lậu, vô minh lậu. Giải thoát rồi liền biết mình đã giải thoát; biết như thật rằng: ‘Sự sanh của ta đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.

“Có chúng sanh và chín trú xứ của chúng sanh [34], cho đến cõi đệ nhất hữu với hành còn tàn dư, tức cõi phi tưởng phi phi tưởng xứ [35], ở trong khoảng trung gian đó, là bậc đệ nhất, là tối đại, là tối thắng, là tối thượng, là tối tôn, là tối diệu; đó chính là vị A-la-hán ở trong đời. Vì sao vậy? Vì trên đời này, A-la-hán đã được an ổn khoái lạc.”

Khi ấy, Đức Thế Tôn nói bài tụng rằng:

Vô trước [36], đệ nhất lạc;

Đoạn dục, ái đã trừ,

Vĩnh viễn lìa ngã mạn,

Bứt tung màn lưới si [37].

Người không bị lay chuyển,

Tâm chẳng bợn mảy trần,

Thế gian không đắm nhiễm,

Vô lậu, phạm hạnh thành,

Thấu triệt thân năm uẩn,

Cảnh giới bảy thiện pháp [38],

Chốn đại hùng du hành,

Lìa xa mọi khủng bố.

Thành tựu báu thất giác [39],

Học đủ ba môn học,

Thượng bằng hữu tôn xưng;

Chân chánh con của Phật;

Thành tựu mười chi đạo [40].

Đại long định kiên cố,

Đấng bậc nhất trong đời;

Vị này không hữu ái.

Vạn cảnh không lay chuyển;

Giải thoát hữu tương lai;

 [610a]Đoạn sanh, lão, bệnh, tử.

Lậu diệt, việc làm xong;

Phát khởi vô học trí [41];

Tận cùng tối hậu thân [42];

Tối thắng thanh tịnh hạnh.

Tâm không do bởi người [43];

Đối các phương trên dưới,

Vị ấy không hỷ lạc;

Thường rống tiếng sư tử,

Vô thượng giác trên đời.

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

121. KINH THỈNH TỈNH [44]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại thành Vương xá, trong rừng Trúc, vườn Ca-lan-đa [45] cùng với chúng Tỳ-kheo gồm năm trăm vị an cư mùa mưa.

Bấy giờ vào ngày mười lăm trong tháng [46], là ngày Đức Thế Tôn thuyết Biệt giải thoát [47] vào giờ tự tứ [48]. Ngài đến trước chúng Tỳ-kheo trải tọa cụ ngồi xuống rồi nói với các Tỳ-kheo:

“Ta [49] là Bà-la-môn, đã chứng đắc tịch diệt, thành Vô Thượng Y Vương, thọ thân này của Ta là thân tối hậu. Ta là Bà-la-môn, sau khi đã chứng đắc tịch diệt, thành Vô Thượng Y Vương, thọ thân này của Ta là thân tối hậu, thì các ngươi là con chân chánh của Ta, thọ sanh từ miệng, hóa sanh từ pháp. Các ngươi là con chân chánh của Ta, thọ sanh từ miệng, hóa sanh từ pháp, thì các ngươi hãy dạy dỗ lẫn nhau, răn dạy lẫn nhau.”

Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất cũng đang hiện diện trong chúng. Khi ấy, Tôn giả Xá-lợi-phất liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai, sửa y, chắp tay hướng về Thế Tôn, bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, như Thế Tôn vừa nói: ‘Ta là Bà-la-môn đã chứng đắc tịch diệt, thành Vô Thượng Y Vương, thọ thân này của Ta là thân tối hậu. Ta là Bà-la-môn, sau khi đã chứng đắc tịch diệt, thành Vô Thượng Y Vương, thọ thân này của Ta là thân tối hậu, thì các ngươi là con chân chánh của Ta, thọ sanh từ miệng, hóa sanh từ pháp. Các ngươi là con chân chánh của Ta, thọ sanh từ miệng, hóa sanh từ pháp, thì các ngươi hãy dạy dỗ lẫn nhau, răn dạy lẫn nhau’. Bạch Thế Tôn, đối với những ai chưa điều ngự, Thế Tôn khiến cho điều ngự; những ai chưa tịch tĩnh, khiến cho tịch tĩnh [50]; những ai chưa độ thoát, khiến cho độ thoát; những ai chưa giải thoát khiến cho giải thoát; những ai chưa tịch diệt, khiến cho tịch diệt, chưa đắc đạo khiến cho đắc đạo, chưa thi thiết phạm hạnh khiến cho thi thiết phạm hạnh. Thế Tôn là Bậc Tri Đạo, Giác Đạo, Thức Đạo, [610b] Thuyết Đạo [51]. Đệ tử của Thế Tôn sau đó được đắc pháp, lãnh thọ khuyến giáo, lãnh thọ khiển trách. Sau khi lãnh thọ khuyến giáo, lãnh thọ khiển trách sẽ vâng theo lời dạy của Thế Tôn mà nhất hướng tu hành, được tự tại như ý, khéo biết Chánh pháp. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn không phiền gì con đối với thân, khẩu, ý hành chăng?”

Khi ấy, Thế Tôn nói:

“Này Xá-lợi-phất, Ta không phiền gì đối với thân, khẩu, ý hành của thầy cả. Vì sao vậy? Này Xá-lợi-phất, thầy là bậc thông tuệ, đại tuệ, tốc tuệ, tiệp tuệ, lợi tuệ, quảng tuệ, thâm tuệ, xuất yếu tuệ, minh đạt tuệ [52]. Này Xá-lợi-phất, thầy đã thành tựu thật tuệ. Này Xá-lợi-phất, ví như Chuyển luân vương có Thái tử không trái phạm lời khuyên dạy, tất bái lãnh sự truyền thừa của Phụ vương và sau này cũng có thể truyền thừa lại. Cũng vậy, này Xá-lợi-phất, Ta chuyển vận pháp luân, thầy cũng có thể chuyển vận pháp luân. Này Xá-lợi-phất, vì vậy nên Ta không phiền gì về thân, khẩu, ý hành của thầy.”

Tôn giả Xá-lợi-phất chắp tay hướng về Thế Tôn, thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, Thế Tôn không phiền gì về thân, khẩu, ý hành của con; nhưng bạch Thế Tôn, Thế Tôn có phiền gì về thân, khẩu, ý hành của năm trăm thầy Tỳ-kheo chăng?”

Đức Thế Tôn nói:

“Này Xá-lợi-phất, Ta cũng không phiền gì về thân, khẩu, ý hành của năm trăm Tỳ-kheo này. Vì sao vậy? Này Xá-lợi-phất, năm trăm Tỳ-kheo này đều đã chứng đắc vô trước, dứt trừ các lậu, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, đã đặt gánh nặng xuống, hữu kết đã tận và đã đạt được thiện nghĩa, chánh trí, chánh giải thoát; chỉ trừ một Tỳ-kheo [53] mà trước kia Ta đã thọ ký cho rằng: ngay trong đời này sẽ chứng đắc cứu cánh trí, biết một cách như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Này Xá-lợi-phất, vì vậy nên Ta không phiền gì về thân, khẩu, ý hành của năm trăm Tỳ-kheo này.”

Tôn giả Xá-lợi-phất ba lần lặp lại chắp tay hướng về Đức Thế Tôn thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, Thế Tôn không phiền gì về thân, khẩu, ý hành của con và cũng không phiền gì về thân, khẩu, ý hành của năm trăm Tỳ-kheo này. Như vậy, bạch Thế Tôn, trong số năm trăm Tỳ-kheo này, có bao nhiêu thầy đã chứng đắc ba minh đạt [54]? Bao nhiêu thầy đã chứng đắc câu giải thoát [55]? Bao nhiêu thầy đã chứng đắc tuệ giải thoát [56]?”

Thế Tôn nói:

“Này Xá-lợi-phất, trong số năm trăm Tỳ-kheo này, chín mươi Tỳ-kheo đã chứng đắc ba minh đạt; chín mươi Tỳ-kheo đã chứng đắc câu giải thoát; còn các Tỳ-kheo kia đều chứng đắc tuệ giải thoát. Này Xá-lợi-phất, trong chúng này không có nhánh, không có cành lá, cũng không có đốt, mà chỉ có lõi chắc thật, thanh tịnh, đều đã chân chánh trụ vị.”

Bấy giờ, Tôn giả Bàng-kỳ-xá [57] cũng hiện có ở trong chúng. Khi ấy Tôn giả Bàng-kỳ-xá liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo, chắp tay hướng về Thế Tôn thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, mong Đức Thế Tôn gia trì cho con thêm uy lực. Mong Đức Thiện Thệ gia trì cho con thêm uy lực để con được ở trước Phật và Chúng Tỳ-kheo, bằng sự tương ưng như nghĩa [58] mà làm bài tụng tán thán.

Đức Thế Tôn nói:

“Bàng-kỳ-xá, ngươi cứ tùy ý.”

Khi ấy, Tôn giả Bàng-kỳ-xá ở trước Đức Phật và chúng Tỳ-kheo, bằng sự tương ưng như nghĩa mà tán tụng như vầy:

Hôm nay ngày Rằm tự tứ,

Hội tọa Tăng chúng năm trăm;

Đoạn tận buộc ràng kiết sử,

Tiên nhân vô ngại vô sanh.

Thanh tịnh ngời quang minh,

Giải thoát tất cả hữu;

Dứt sanh, lão, bệnh, tử;

Lậu diệt, việc làm xong.

Diệt hối và nghi kết,

Mạn, hữu lậu đã trừ,

Nhổ tuyệt gai ái kết,

Thành Vô thượng Y sư.

Dõng mãnh như sư tử,

Khủng bố đã dứt trừ,

Đã vượt sự sanh tử,

Diệt lậu tận, vô dư.

Ví như Chuyển luân vương,

Quần thần vây xung quanh,

Thống lãnh toàn cõi đất,

Suốt đại dương vô cùng.

Đấng Đại Hùng tối thắng,

Bậc Thượng Chủ, Thượng Tôn;

Đệ tử hằng cung kính,

Tam minh, ngoài tử sanh.

Tất cả là con Phật;

Cành, lá đã loại bỏ;

Chuyển pháp luân vô thượng;

Kính lạy Đấng Tối Tôn.

Đức Phật thuyết như vậy, các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

122. KINH CHIÊM-BA

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại Chiêm-ba, ở bên hồ Hằng-già [59].

Bấy giờ là ngày mười lăm trong tháng, là ngày Thế Tôn thuyết Biệt giải thoát, trải tọa ngồi trước chúng Tỳ-kheo. Khi Đức Thế Tôn ngồi xong, liền nhập định và bằng tha tâm trí Ngài quan sát tâm đại chúng. Khi quan sát tâm đại chúng rồi, cho đến lúc hết buổi đầu hôm, Ngài vẫn ngồi im lặng. [60]

Bấy giờ có một Tỳ-kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai, sửa y chắp tay hướng về Đức Phật thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, đã hết buổi đầu hôm, Phật và Chúng Tỳ-kheo tập họp [611a] ngồi đây đã lâu, mong Đức Thế Tôn nói thuyết Biệt giải thoát.”

Bấy giờ, Đức Thế Tôn im lặng không trả lời.

Thế rồi, cho đến phần giữa đêm, Đức Thế Tôn vẫn ngồi im lặng. Tỳ-kheo kia lại lần nữa, từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai sửa y, chắp tay hướng về Đức Phật và thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, buổi đầu hôm đã qua, phần giữa đêm cũng sắp hết; Phật và Chúng Tỳ-kheo tập trung ngồi đây đã lâu, kính mong Đức Thế Tôn nói thuyết Biệt giải thoát.”

Đức Thế Tôn lại một lần nữa không trả lời.

Thế rồi, cho đến phần cuối đêm, Đức Thế Tôn vẫn ngồi im lặng. Tỳ-kheo kia lại lần thứ ba từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai sửa y, chắp tay hướng về Đức Thế Tôn mà thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, buổi đầu hôm đã qua, phần giữa đêm cũng chấm dứt, rồi buổi cuối đêm cũng sắp hết, trời gần về sáng, không bao lâu nữa, mặt trời sẽ mọc; Phật và Chúng Tỳ-kheo tập họp ngồi đây đã quá lâu, mong Đức Thế Tôn nói thuyết Biệt giải thoát.”

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo vị Tỳ-kheo kia:

“Trong chúng này có một thầy Tỳ-kheo làm đã việc bất tịnh.”

 Lúc đó Tôn giả Đại Mục-kiền-liên cũng đang ở trong chúng. Tôn giả Đại Mục-kiền-liên liền suy nghĩ thế này: “Vì Tỳ-kheo nào mà Đức Thế Tôn nói trong chúng này có một thầy Tỳ-kheo đã làm việc bất tịnh? Ta nên nhập định như thế, nhân trong định như thế, bằng tha tâm trí mà quan sát tâm niệm đại chúng.”

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên nhập định như thế, nhân trong định như thế, bằng tha tâm trí mà quan sát tâm niệm đại chúng.

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên liền biết vị Tỳ-kheo mà vì vị ấy Đức Thế Tôn nói trong chúng này có một thầy Tỳ-kheo đã làm việc bất tịnh.

Rồi thì, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên xuất định, đi đến trước vị Tỳ-kheo ấy, nắm tay kéo đi, mở cửa lôi ra bên ngoài mà nói:

“Này người ngu si, hãy đi xa đi, đừng sống ở đây, không được trở lại hội họp với đại chúng Tỳ-kheo. Từ nay trở đi ông không phải là Tỳ-kheo nữa.”

Tôn giả đóng cửa, gài chốt then lại, rồi trở về chỗ Đức Phật, cúi đầu sát lạy chân Phật, rồi ngồi sang một bên mà thưa:

“Tỳ-kheo mà vì ông ấy Đức Thế Tôn nói trong chúng này có một Tỳ-kheo đã làm việc bất tịnh; con đã đuổi ông ấy đi rồi. Bạch Thế Tôn, buổi đầu hôm đã qua, phần giữa đêm cũng chấm dứt, rồi buổi cuối đêm cũng sắp hết, trời gần về sáng, không bao lâu nữa, mặt trời sẽ mọc; Phật và Chúng Tỳ-kheo tập họp ngồi đây đã quá lâu, mong Đức Thế Tôn nói thuyết Biệt giải thoát.”

Đức Thế Tôn nói:

“Này Đại Mục-kiền-liên, kẻ ngu si sẽ mắc đại tội nếu gây phiền nhiễu cho Đức Thế Tôn và chúng Tỳ-kheo. Này Đại Đại Mục-kiền-liên, nếu Đức Như Lai ở giữa chúng bất tịnh mà thuyết Biệt giải thoát thì đầu người kia sẽ vỡ thành bảy mãnh. Do đó, [611b] này Đại Mục-kiền-liên, từ nay về sau các thầy hãy thuyết Biệt giải thoát, Đức Như Lai không thuyết Biệt giải thoát nữa. Vì sao như thế? [61]

“Vì như vầy, này Đại Mục-kiền-liên. Hoặc có người ngu si khi vào, lúc ra đều với chánh tri; khi co lúc duỗi, khi cúi lúc ngẩng, đều khéo phân biệt quán sát; nghi dung chững chạc, khoác tăng-già-lê ngay ngắn; cầm y, bát chỉnh tề; đi, đứng, ngồi, nằm, ngủ, thức, nói năng, im lặng đều biết rõ ràng, tợ như bậc phạm hạnh chân chánh, nhưng hành động của bậc phạm hạnh chân chánh thì kẻ ấy không biết được.

“Này Đại Mục-kiền-liên, nếu các đồng phạm hạnh biết được kẻ ấy, sẽ nghĩ rằng: ‘Đây là sự ô uế đối với Sa-môn, là sự ô nhục đối với Sa-môn, là sự đáng ghét đối với Sa-môn, là gai nhọn đối với Sa-môn’. [62] Sau khi biết rồi liền cùng nhau tẫn xuất người ấy [63]. Vì sao vậy? Vì không muốn các đồng phạm hạnh phải bị nhiễm ô.

“Này Đại Mục-kiền-liên, ví như trong ruộng lúa dé, hoặc ruộng lúa tẻ đang tươi tốt của cư sĩ kia có sanh loại cỏ tên là cỏ uế mạch [64]. Cỏ này có rễ, thân, đốt, lá và hoa thảy đều giống hệt như cây lúa tẻ. Nhưng sau khi kết hạt thì người cư sĩ kia thấy được, liền suy nghĩ rằng: ‘Đây là sự ô nhục đối với lúa tẻ, là gai nhọn đáng ghét đối với lúa tẻ’. Sau khi biết rồi, cư sĩ kia liền nhổ quăng đi hết. Vì sao vậy? Vì không muốn giống lúa tẻ đích thật phải bị ô nhiễm.

“Cũng vậy, này Đại Mục-kiền-liên, hoặc có người ngu si khi vào lúc ra đều với chánh tri; khi co lúc duỗi, khi cúi lúc ngẩng đều khéo phân biệt quán sát; nghi dung chững chạc, khoác tăng-già-lê ngay ngắn, cầm y, bát chỉnh tề; đi, đứng, ngồi, nằm, ngủ, thức, nói năng, im lặng đều biết rõ ràng, tợ như đồng phạm hạnh chân chánh, nhưng hành động của đồng phạm hạnh chân chánh thì kẻ ấy không biết được.

“Này Đại Mục-kiền-liên, nếu các đồng phạm hạnh biết được kẻ ấy, sẽ nghĩ rằng: ‘Đây là sự ô uế đối với Sa-môn, là sự ô nhục đối với Sa-môn, là sự đáng ghét đối với Sa-môn, là gai nhọn đối với Sa-môn’. Sau khi biết rồi liền cùng nhau tẫn xuất người ấy. Vì sao vậy? Vì không muốn các đồng phạm hạnh phải bị nhiễm ô.

“Này Đại Mục-kiền-liên, vì như đến mùa thu, người cư sĩ kia đem giê lúa. Từ trên cao, lúa được đổ từ từ xuống. Nếu là hạt lúa chắc thì nằm lại, còn lúa lép hay trấu thì sẽ theo gió bay đi. Sau đó người cư sĩ kia liền cầm chỗi quét dọn sạch sẽ. Vì sao vậy? Vì không muốn hạt lúa dé chắc thật phải bị ô tạp.

“Cũng vậy, này Đại Mục-kiền-liên, hoặc có người ngu si khi vào lúc ra đều với chánh tri; khi co lúc duỗi, khi cúi lúc ngẩng đều khéo phân biệt quán sát; nghi dung chững chạc, khoác tăng-già-lê ngay ngắn, cầm y, bát chỉnh tề; đi, đứng, ngồi, nằm, ngủ, thức, nói năng, im lặng đều biết rõ ràng, tợ như đồng phạm hạnh chân chánh, nhưng hành động của đồng phạm hạnh chân chánh thì kẻ ấy không biết được.

“Này Đại Mục-kiền-liên, nếu các đồng phạm hạnh biết được kẻ ấy, sẽ nghĩ rằng: ‘Đây là sự ô uế đối với Sa-môn, là sự ô nhục đối với Sa-môn, là [611c] sự đáng ghét đối với Sa-môn, là gai nhọn đối với Sa-môn’. Sau khi biết rồi liền cùng nhau tẫn xuất người ấy. Vì sao vậy? Vì không muốn các đồng phạm hạnh phải bị nhiễm ô.

“Này Đại Mục-kiền-liên, ví như người cư sĩ kia muốn có nước suối chảy đến nên làm máng dẫn nước. Người ấy cầm búa vào rừng, gõ vào thân các cây. Nếu cây có lõi cứng thì tiếng phát ra nhỏ, còn cây rỗng ruột thì tiếng phát ra lớn. Sau khi biết rõ, người cư sĩ kia liền chặt cây ấy đem về làm máng dẫn nước.

“Cũng vậy, này Đại Mục-kiền-liên, hoặc có người ngu si khi vào lúc ra đều với chánh tri; khi co lúc duỗi, khi cúi lúc ngẩng đều khéo phân biệt quán sát; nghi dung chững chạc, khoác tăng-già-lê ngay ngắn, cầm y, bát chỉnh tề; đi, đứng, ngồi, nằm, ngủ, thức, nói năng, im lặng đều biết rõ ràng, tợ như đồng phạm hạnh chân chánh, nhưng hành động của đồng phạm hạnh chân chánh thì kẻ ấy không biết được.

“Này Đại Mục-kiền-liên, nếu các đồng phạm hạnh biết được kẻ ấy, sẽ nghĩ rằng: ‘Đây là sự ô uế đối với Sa-môn, là sự ô nhục đối với Sa-môn, là sự đáng ghét đối với Sa-môn, là gai nhọn đối với Sa-môn’. Sau khi biết rồi liền cùng nhau tẫn xuất người ấy. Vì sao vậy? Vì không muốn các đồng phạm hạnh phải bị nhiễm ô.”

Khi ấy, Đức Thế Tôn liền nói bài tụng rằng:

Cùng tập hội, nên biết,

Ác dục, tắng, tật, nhuế [65]

Che giấu, hận, keo kiệt [66],

Tật đố, siễm, khi cuống.

Trong chúng, giả đạo đức;

Lén lút xưng Sa-môn,

Âm thầm làm việc ác;

Ác kiến, không thủ hộ;

Lừa dối,và nói láo:

Nên biết, người như vậy,

Tập chúng đừng cho vào;

Tẫn xuất, không sống chung.

Chúng dối trá, láo khoét;

Chưa ngộ nói đã ngộ.

Biết thời, tu tịnh hạnh,

Đuổi chúng, tránh xa chúng.

Hãy cùng người thanh tịnh,

Sống hòa hợp với nhau;

Như vậy sẽ an ổn,

Và đoạn tận khổ biên.

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành. 

123. KINH SA-MÔN NHỊ THẬP ỨC

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ, Tôn giả Sa-môn Nhị Thập Ức [67] cũng trú tại nước Xá-vệ, [612a] trong rừng Ám lâm [68]; đầu đêm, giữa đêm và cuối đêm đều học tập không ngủ, tinh cần chánh trụ, tu tập đạo phẩm. Khi ấy Tôn giả Sa-môn Nhị Thập Ức sống một mình nơi yên tĩnh, thiền tọa tư duy, tâm khởi lên ý nghĩ: “Nếu có đệ tử nào của Đức Thế Tôn tinh cần học tập pháp luật chân chánh thì ta là người bậc nhất, thế mà tâm vẫn chưa giải thoát được các lậu. Nhà cha mẹ ta cực kỳ phú quý, có nhiều tiền của, nay ta có nên xả giới, bỏ đạo hạnh, chuyên việc bố thí, tu tập các phước nghiệp chăng?”

Bấy giờ Đức Thế Tôn bằng tha tâm trí biết rõ tâm niệm của Tôn giả Sa-môn Nhị Thập Ức, liền bảo một Tỳ-kheo:

“Ngươi hãy đi đến chỗ kia, gọi Sa-môn Nhị Thập Ức về đây.”

Tỳ-kheo ấy bạch:

“Kính vâng.”

Rồi từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu đảnh lễ chân Phật, nhiễu quanh ba vòng, bước ra, đi đến chỗ Tôn giả Sa-môn Nhị Thập Ức nói:

“Đức Thế Tôn cho gọi thầy.”

Tôn giả Sa-môn Nhị Thập Ức nghe Tỳ-kheo ấy nói, liền đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ chân Phật rồi ngồi một bên. Đức Thế Tôn nói:

“Sa-môn, phải chăng vừa rồi ngươi sống một mình nơi yên tĩnh, thiền tọa tư duy, tâm khởi lên ý nghĩ: ‘Nếu có đệ tử nào của Đức Thế Tôn tinh cần học tập pháp luật chân chánh thì ta là người bậc nhất, thế mà tâm vẫn chưa giải thoát được các lậu. Nhà cha mẹ ta cực kỳ phú quý, có nhiều tiền của, nay ta có nên xả giới, bỏ đạo hạnh, chuyên việc bố thí, tu tập các phước nghiệp chăng?’”

Khi ấy Tôn giả Sa-môn Nhị Thập Ức thẹn thùng xấu hổ, không thể không hoang mang, nghĩ thầm, “Thế Tôn đã biết rõ tâm niệm của ta”, liền chắp tay hướng về Đức Phật mà bạch rằng:

“Quả thật vậy.”

Đức Thế Tôn nói:

“Sa-môn, nay Ta hỏi ngươi; hãy tùy theo sự hiểu biết mà trả lời. Ý ngươi nghĩ sao, khi ngươi sống tại gia, giỏi đánh đàn cầm nên tiếng đàn hòa điệu với lời ca, lời ca ăn khớp với tiếng đàn; có phải vậy chăng?”

Tôn giả Sa-môn Nhị Thập Ức thưa:

“Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”

Thế Tôn lại hỏi:

“Ý ngươi nghĩ sao, nếu dây đàn căng quá thì tiếng hòa âm có đáng ưa không?”

Sa-môn Nhị Thập Ức đáp:

“Bạch Thế Tôn, không!”

Đức Thế Tôn lại hỏi:

“Ý ngươi nghĩ sao, nếu dây đàn chùng quá thì tiếng hòa âm có đáng ưa chăng?”

Sa-môn Nhị Thập Ức đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Đức Thế Tôn lại hỏi:

“Ý ngươi nghĩ sao, nếu dây đàn vừa phải, không căng quá, cũng không chùng quá, thì tiếng đàn có đáng ưa không?”

Sa-môn Nhị Thập Ức đáp:

“Bạch Thế Tôn, đáng ưa.”

Đức Thế Tôn nói:

“Cũng vậy, này Sa-môn, quá sức tinh tấn sẽ khiến tâm rối loạn, nhưng chẳng tinh tấn thì tâm sẽ biếng lười. Vì vậy, [612b] ngươi hãy phân biệt thời gian nào nên quán sát tướng nào, chớ nên buông lung.”

Bấy giờ Tôn giả Sa-môn Nhị Thập Ức sau khi nghe Đức Phật dạy, khéo thọ lãnh, khéo ghi nhớ, từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu đảnh lễ chân Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi lui ra. Lãnh thọ ví dụ đàn cầm do Đức Phật dạy rồi, Tôn giả sống một mình ở nơi xa vắng, tâm không buông lung, tu hành tinh tấn. Tôn giả ấy sau khi sống một mình ở nơi xa vắng, tâm không buông lung, tu hành tinh tấn, liền đạt được mục đích mà một thiện nam tử cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, học đạo, duy chỉ mong thành tựu phạm hạnh vô thượng, ngay trong đời này tự tri, tự giác, tự thân chứng ngộ, thành tựu và an trụ, biết một cách như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Tôn giả Sa-môn Nhị Thập Ức đã biết pháp rồi, v.v..., cho đến, chứng quả A-la-hán.

Lúc bấy giờ, sau khi đã chứng quả A-la-hán, Tôn giả Sa-môn Nhị Thập Ức nghĩ rằng: “Nay đã đến thời, ta có nên đi đến chỗ Đức Thế Tôn trình bày về sự chứng đắc cứu cánh trí của mình chăng?” Rồi thì Tôn giả Sa-môn Nhị Thập Ức đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ rồi ngồi xuống một bên mà bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, nếu có Tỳ-kheo chứng đắc Vô sở trước [69], dứt trừ các lậu, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, đã đặt gánh nặng xuống, hữu kết đã giải trừ [70], tự thân đạt được thiện nghĩa [71], bằng chánh trí mà chứng đắc giải thoát, thì tức khắc vị ấy liền được an lạc trong sáu xứ [72]: an lạc nơi vô dục, an lạc nơi viễn ly, an lạc nơi vô tránh, an lạc nơi ái tận, an lạc nơi thủ tận, và an lạc nơi tâm không di động [73].

“Bạch Thế Tôn, hoặc có người nghĩ rằng: ‘Hiền giả này do y tín tâm nên an lạc nơi vô dục’. Người ấy không nên quán như vậy. Chỉ khi nào dứt trừ được tham dục, sân nhuế và ngu si thì mới an lạc nơi vô dục.  

“Bạch Thế Tôn, hoặc có người nghĩ rằng: ‘Hiền giả này vì thích được khen ngợi, muốn được cúng dường, cho nên an lạc nơi viễn ly’. Người ấy không nên quán như vậy. Chỉ khi nào dứt trừ được tham dục, sân nhuế và ngu si thì mới an lạc nơi viễn ly.

“Bạch Thế Tôn, hoặc có người nghĩ rằng: ‘Hiền giả này do y trên giới nên an lạc nơi vô tránh’. Người ấy không nên quán như vậy. Chỉ khi nào dứt trừ được tham dục, sân nhuế và ngu si thì mới an lạc nơi vô tránh, an lạc nơi ái tận, an lạc nơi thủ tận, và an lạc nơi tâm không di động.

“Bạch Thế Tôn, nếu có Tỳ-kheo chứng đắc Vô sở trước, dứt trừ các lậu, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, đã đặt gánh nặng xuống, hữu kết đã giải trừ, tự thân đạt được thiện nghĩa, bằng chánh trí mà chứng đắc giải thoát, thì tức khắc vị ấy liền an lạc nơi sáu xứ này.

“Bạch Thế Tôn, [612c] nếu có Tỳ-kheo tu học tuy chưa đắc ý, mà mong cầu quả vị Niết-bàn an ổn vô thượng, vị ấy lúc bấy giờ chỉ mới thành tựu học căn và học giới, nhưng sau đó sẽ dứt trừ các lậu, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ngay trong đời hiện tại này tự tri, tự giác, tự thân chứng ngộ, thành tựu và an trụ, biết một cách như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Vị ấy lúc bấy giờ đã thành tựu vô học căn và vô học giới.

“Bạch Thế Tôn, ví như một đồng tử thơ ấu, lúc bấy giờ chỉ mới thành tựu tiểu căn và tiểu giới, nhưng sau đó được đầy đủ học căn. Như vậy là đồng tử đó lúc bấy giờ đã thành tựu học căn và học giới. Cũng vậy, bạch Thế Tôn, nếu có Tỳ-kheo tu học tuy chưa đắc ý nhưng mong cầu quả vị Niết-bàn an ổn vô thượng, vị ấy lúc bấy giờ chỉ mới thành tựu học căn và học giới, nhưng sau đó sẽ dứt trừ các lậu, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ngay trong đời này tự tri, tự giác, tự thân chứng ngộ, thành tựu và an trụ, biết một cách như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Vị ấy lúc bấy giờ đã thành tựu vô học căn và vô học giới.

“Vị ấy nếu có sắc được nhận thức bởi mắt, khi sắc đó đến với mắt thì cũng không vì vậy mà khiến tâm giải thoát, tuệ giải thoát này phải bị vong thất, nội tâm được an trụ, khéo chế phục, thủ hộ, ghi nhớ và quán pháp hưng suy. Khi có tiếng được nhận thức bởi tai, hương được nhận thức bởi mũi, vị được nhận thức bởi lưỡi, xúc được nhận thức bởi thân, pháp được nhận thức bởi ý, khi pháp đến với ý thì cũng không vì vậy mà khiến tâm giải thoát, tuệ giải thoát này phải bị vong thất, nội tâm được an trụ, khéo chế phục, thủ hộ, ghi nhớ và quán pháp hưng suy.

“Bạch Thế Tôn, ví như cách thôn không xa, có tòa núi đá lớn, không vỡ, không sứt mẻ, không yếu dòn, vững chắc, không trống hở, là một khối hợp nhất. Nếu có gió, mưa lớn từ phương Đông đến thì cũng không thể lay chuyển, không thể di động; cũng không phải gió phương Đông dời đến phương Nam. Nếu có gió, mưa lớn từ phương Nam đến thì cũng không thể lay chuyển, không thể di động; cũng không phải gió phương Nam dời đến phương Tây. Nếu có gió, mưa lớn từ phương Tây đến thì cũng không thể lay chuyển, không thể di động; cũng không phải gió phương Tây dời đến phương Nam. Nếu có gió, mưa lớn từ phương Bắc đến thì cũng không thể lay chuyển, không thể di động; cũng không phải gió phương Bắc dời đến các phương.

“Cũng vậy, bạch Thế Tôn, vị ấy khi có sắc được nhận thức bởi mắt, khi sắc đó đến với mắt thì cũng không vì vậy mà khiến tâm giải thoát, tuệ giải thoát này sẽ bị vong thất, nội tâm được an trụ, khéo chế phục, [613a] thủ hộ, ghi nhớ và quán pháp hưng suy. Khi có tiếng được nhận thức bởi tai, hương được nhận thức bởi mũi, vị được nhận thức bởi lưỡi, xúc được nhận thức bởi thân, pháp được nhận thức bởi ý. Khi pháp đó đến với ý thì cũng không vì vậy mà khiến tâm giải thoát, tuệ giải thoát này sẽ bị vong thất, nội tâm được an trú, khéo chế phục, thủ hộ, ghi nhớ và quán pháp hưng suy.”

Khi ấy, Tôn giả Sa-môn Nhị Thập Ức liền nói bài tụng:

Vui nơi vô dục [74],

Thì tâm viễn ly;

Hoan hỷ vô tránh [75],

Hân hoan thủ tận.

Vui nơi thủ tận,

Tâm không di động,

Biết đúng như thật,

Tâm được giải thoát.

Tâm đã giải thoát,

Căn trần tĩnh chỉ [76],

Việc làm đã xong [77],

Không phải làm nữa.

Ví như núi đá,

Gió không lay nổi.

Sắc, thanh, hương, vị,

Thân, xúc cũng vậy;

Pháp ái, bất ái [78],

Không làm động tâm.

Tôn giả Sa-môn Nhị Thập Ức sau khi đối trước Đức Phật trình bày về sự chứng đắc cứu cánh trí, từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu đảnh lễ chân Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi lui ra.

Bấy giờ, sau khi Tôn giả Nhị Thập Ức đi ra không bao lâu, Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo rằng:

“Này các thiện nam tử, hãy nên đến trước Ta để trình bày về sự chứng đắc cứu cánh trí như vậy. Hãy như Sa-môn Nhị Thập Ức, đi đến trước Ta trình bày về sự chứng đắc cứu cánh trí mà không khen mình, không khinh người, nói điều nghĩa lợi, hiển hiện pháp tùy theo các trường hợp; chớ nên như kẻ ngu si bị tăng thượng mạn trói buộc, đến trước mặt Ta trình bày về sự chứng đắc cứu cánh trí. Kẻ ấy không đạt được nghĩa lợi, chỉ toàn là sự phiền nhọc. Sa-môn Nhị Thập Ức đi đến trước Ta trình bày về sự chứng đắc cứu cánh trí mà không khen mình, không khinh người, nói điều nghĩa lợi, hiển hiện pháp tùy theo các trường hợp.”

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

124. KINH BÁT NẠN

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

 [613b] Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Người tu phạm hạnh có tám nạn [79], tám phi thời [80]. Những gì là tám?

“Vào lúc Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn, xuất hiện ở thế gian, thuyết pháp đưa đến tịch tịnh, đưa đến tịch diệt, đưa đến giác đạo, những điều Thiện Thệ dạy, thì người ấy lúc bấy giờ đang sanh vào chốn địa ngục. Đó là nạn thứ nhất đối với người tu phạm hạnh.

“Lại nữa, vào lúc Như Lai Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn, xuất hiện ở thế gian, thuyết pháp đưa đến tịch tịnh, đưa đến tịch diệt, đưa đến giác đạo, những điều Thiện Thệ dạy, thì người ấy lúc bấy giờ đang sanh vào loài súc sanh, vào loài ngạ quỷ, sanh vào cõi trời Trường thọ [81], sanh ở xứ biên địa mọi rợ, không tín, vô ân, không biết báo đáp, không có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di. Đó là nạn thứ năm [82] đối với người tu phạm hạnh.

“Lại nữa, vào lúc Như Lai Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn xuất hiện ở thế gian, thuyết pháp đưa đến tịch tịnh, đưa đến tịch diệt, đưa đến giác đạo, những điều Thiện Thệ dạy, thì bấy giờ người ấy tuy sanh nhằm chốn văn minh [83] nhưng lại điếc, câm, ú ớ như dê kêu [84], dùng tay thay lời, không thể nói nghĩa thiện ác. Đó là nạn thứ sáu, việc phi thời thứ sáu đối với người tu phạm hạnh.

“Lại nữa, vào lúc Như Lai Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn xuất hiện ở thế gian, thuyết pháp đưa đến tịch tịnh, đưa đến tịch diệt, đưa đến giác đạo, những điều Thiện Thệ dạy thì bấy giờ người ấy tuy sanh nhằm chốn văn minh, không điếc, không câm, không ú ớ như dê kêu, không dùng tay thay lời, có thể nói nghĩa thiện ác, nhưng lại có tà kiến và điên đảo kiến. Người ấy thấy như vầy và nói như vầy, ‘Không bố thí, không trai tự, không chú thuyết, không có nghiệp thiện ác, không có nghiệp báo của thiện ác, không có đời này đời khác, không cha không mẹ, ở đời không có bậc chân nhân đi đến thiện xứ, khéo đi, khéo hướng, tự tri, tự giác, tự tác chứng thế giới này và thế giới khác, thành tựu an trụ’. Đó là nạn thứ bảy đối với người tu phạm hạnh.

“Lại nữa, vào lúc Như Lai, [613c] Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn không xuất hiện ở thế gian, cũng không thuyết pháp đưa đến tịch tịnh, đưa đến tịch diệt, đưa đến giác đạo, những điều Thiện Thệ dạy thì bấy giờ người ấy lại sanh nhằm chốn văn minh, không điếc, không câm, không ú ớ như dê kêu, không dùng tay thay lời, lại có thể nói nghĩa thiện ác và có chánh kiến, không có điên đảo kiến. Người ấy thấy như vầy và nói như vầy, ‘Có bố thí, có trai tự, cũng có chú thuyết, có nghiệp thiện ác, có nghiệp báo của thiện ác, có đời này, có đời khác, có cha, có mẹ, ở đời có bậc chân nhân, đi đến thiện xứ, khéo đi, khéo hướng, tự tri, tự giác, tự tác chứng thế giới này và thế giới khác, thành tựu an trụ’. Đó là nạn thứ tám, việc phi thời thứ tám đối với người tu phạm hạnh.

“Người tu phạm hạnh có một điều không nạn, một việc đúng thời. Thế nào là một điều không nạn, một việc đúng thời đối với người tu phạm hạnh? Lúc Như Lai Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn không xuất hiện ở thế gian, cũng không thuyết pháp đưa đến tịch tịnh, đưa đến tịch diệt, đưa đến giác đạo, những điều Thiện Thệ dạy, thì bấy giờ người ấy sanh nhằm chốn văn minh, không điếc, không câm, không ú ớ như dê kêu, không dùng tay thay lời, lại có thể nói nghĩa thiện ác, có chánh kiến, không có điên đảo kiến. Người ấy thấy như vầy và nói như vầy, ‘Có bố thí, có trai tự, cũng có chú thuyết, có nghiệp thiện ác, có nghiệp báo của thiện ác, có đời này, có đời khác, có cha, có mẹ, ở đời có bậc chân nhân, đi đến thiện xứ, khéo đi, khéo hướng, tự tri, tự giác, tự tác chứng thế giới này và thế giới khác, thành tựu an trụ’. Đó là điều không tai nạn, việc đúng thời đối với người tu phạm hạnh.”

Khi ấy Đức Thế Tôn nói bài tụng rằng:

Nếu được làm thân người,

Pháp được thuyết vi diệu,

Mà không chứng đạo quả,

Tất không phải gặp thời.

Nói nhiều nạn phạm hạnh;

Người ở vào đời sau,

Nếu như gặp phải thời,

Điều quá khó ở đời.

Muốn được lại thân người,

Và nghe pháp vi diệu;

Cần phải siêng năng học;

Mình tự thương mình thôi.

Luận bàn, nghe pháp lành;

Chớ chần chừ lỡ dịp.

 [614a] Nếu để mất dịp này,

Tất lo đọa địa ngục.

Nếu không sanh gặp thời,

Không được nghe pháp lành;

Như người buôn mất của;

Chịu sanh tử không cùng.

Nếu sanh được thân người,

Được nghe pháp chánh thiện,

Vâng theo Thế Tôn dạy,

Chắc chắn sẽ gặp thời.

Nếu đã gặp thời rồi,

Siêng tu chánh pháp hạnh,

Để tựu thành pháp nhãn,

Đấng Nhật Thân đã nói. [85]

Người ấy thường tự giữ

Tiến lên, lìa các sử,

Đoạn diệt mọi kết sử,

Hàng ma, quyến thuộc ma;

Người ấy vượt thế gian,

Đã diệt tận các lậu.

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

125. KINH BẦN CÙNG

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Ở đời, người có tham dục mà lại bần cùng, phải chăng là sự bất hạnh lớn?”

Các Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”

Đức Thế Tôn lại bảo các Tỳ-kheo:

“Nếu một người có tham dục, lại bần cùng, lại mang nợ tài vật của người khác. Ở đời, người mang nợ tài vật của người khác, phải chăng là đại bất hạnh?”

Các Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”

Đức Thế Tôn lại bảo các thầy Tỳ-kheo:

“Nếu một người có tham dục, mang nợ tài vật của người khác mà không trả đúng hạn được, cứ hẹn rày, hẹn mai. Ở đời, cứ khất nợ mãi, phải chăng là đại bất hạnh?”

Các thầy Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”

Đức Thế Tôn lại bảo các Tỳ-kheo:

“Nếu một người có tham dục, cứ khất nợ mãi không trả được, chủ nợ đến đòi, Ở đời bị chủ nợ đòi, phải chăng là đại bất hạnh?”

Các thầy Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”

Đức Thế Tôn lại bảo các thầy Tỳ-kheo:

“Nếu chủ nợ đến đòi, mà người có tham dục kia không thể trả được, chủ nợ cứ đến đòi mãi. Ở đời bị chủ nợ đòi mãi, phải chăng là đại bất hạnh?”

Các thầy Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”

Đức Thế Tôn lại bảo các thầy Tỳ-kheo:

“Nếu chủ nợ cứ đòi mãi, nhưng kẻ tham dục kia vẫn không thể trả được, liền bị [614b] chủ nợ bắt trói lại. Ở đời bị chủ nợ bắt trói lại, phải chăng là đại bất hạnh”

Các thầy Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”

“Đó là, ở đời, người có tham dục lại bần cùng là đại bất hạnh. Ở đời, người có tham dục vay nợ tài vật của người khác là đại bất hạnh. Ở đời, người có tham dục vay nợ tài vật của người khác mà khất mãi là đại bất hạnh. Ở đời, người có tham dục bị chủ nợ đòi nợ là đại bất hạnh. Ở đời, người có tham dục bị chủ nợ đòi mãi là đại bất hạnh. Ở đời, người có tham dục bị chủ nợ bắt trói là đại bất hạnh. Cũng vậy, nếu ai đối với Thánh pháp mà không tin ở thiện pháp, không giữ cấm giới, không nghe nhiều, không bố thí, không trí tuệ; đối với thiện pháp, dù có nhiều kim ngân, lưu ly, thủy tinh, ma ni, bạch kha, loa bích, san hô, hổ phách, mã não, đại môi xa cừ, bích ngọc, xích thạch, tuyền châu, nhưng người ấy vẫn là kẻ nghèo nàn cô thế. Như vậy, trong Thánh pháp của Ta, gọi đó là sự bần cùng, bất thiện.

“Kẻ ấy thân làm việc ác, miệng nói ác và ý nghĩ ác, như thế trong Thánh pháp của Ta gọi là sự vay nợ bất thiện.

“Kẻ ấy muốn che giấu việc làm ác của thân, không tự tỏ bày, không muốn nói ra, không thích bị quở trách, không ưa theo điều phải. Muốn che giấu lời nói ác, ý nghĩ ác, không tự tỏ bày, không muốn nói ra, không thích bị khiển trách, không ưa theo điều phải, như thế trong Thánh pháp của Ta gọi là sự khất nợ bất thiện.

“Kẻ ấy hoặc sống trong thôn ấp hay ở ngoài thôn ấp, các đồng phạm hạnh thấy được bèn nói như thế này: ‘Này Chư Hiền, người này làm như thế, hành vi như thế, ác như thế, bất tịnh như thế. Đó là cái gai của thôn ấp’. Kẻ ấy liền bào chữa, ‘Này Chư Hiền, tôi không làm như vậy, không có hành vi như vậy, không ác như vậy, không bất tịnh như vậy, cũng không phải là cái gai của thôn ấp’. Như thế, trong Thánh pháp của Ta gọi là sự đòi nợ bất thiện.

“Kẻ ấy hoặc ở rừng vắng, hoặc ở núi non, dưới gốc cây, hoặc ở chỗ vắng vẻ, nhưng vẫn niệm tưởng ba việc bất thiện: dục, nhuế, hại. Như thế trong Thánh pháp của Ta gọi là sự không ngớt đòi nợ bất thiện.

“Kẻ ấy thân đã làm việc ác, miệng đã nói lời ác và ý đã nghĩ điều ác. Do đó, kẻ ấy khi thân hoại mạng chung nhất định sanh vào chỗ ác, sanh trong địa ngục. Như thế, trong Thánh pháp của Ta gọi là sự trói buộc của bất thiện.

“Ta không thấy có sự trói buộc nào đau khổ bằng, nặng nề bằng, tàn khốc bằng, khó yêu nổi bằng sự trói buộc trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Ba sự trói buộc đau khổ này chỉ có bậc [614c] Tỳ-kheo A-la-hán lậu tận mới biến tri và diệt tận, nhổ phăng cội rễ, vĩnh viễn không còn tái sanh.”

Rồi Đức Thế Tôn nói tụng rằng:

Kẻ nghèo khổ ở đời

Vay nợ của người khác;

Đã vay tiền của rồi,

Mắc nợ người là khổ.

Chủ nợ đến đòi nợ,

Nhân đấy bắt trói lại;

Bị trói thật khổ thay,

Thế gian vẫn lạc dục.

Trong Thánh pháp cũng vậy;

Nếu không có chánh tín,

Không tàm và không quý,

Làm ác, không thiện hành.

Thân làm điều bất thiện,

Miệng ý chẳng kém gì,

Che giấu không nói ra,

Không ưa lời dạy phải,

Giả sử có tu hành,

Tâm niệm cho là khổ,

Hoặc thôn hay chỗ vắng,

Nhân đó sanh hối hận.

Các việc thân, miệng gây,

Và những điều ý nghĩ,

Ác nghiệp cứ tăng dần,

Quen làm lại làm nữa,

Tạo ác mãi không thôi.

Làm nhiều bất thiện rồi,

Thọ sanh đã đến lúc,

Tất bị trói địa ngục.

Buộc ràng quá khổ này,

Bậc Đại Hùng đã thoát.

Đúng pháp thu tiền tài,

Không nợ nần, an ổn.

Bố thí được hoan hỷ

Cả hai [86] đều có lợi;

Các Cư sĩ theo đây,

Do trí, phước tăng mãi.

Trong Thánh pháp cũng vậy,

Nếu có thành tín vững,

Đầy đủ đức tàm quý,

Rộng rãi không keo kiệt,

Dứt lìa năm triền cái,

Thường ưa hành tinh tấn,

Thành tựu các thiền định,

Chuyên nhất, tâm tĩnh lạc [87].

Niềm vui phi vật chất [88],

Cũng như nước tắm trong;

Bất động tâm giải thoát [89],

Trừ sạch các hữu kết.

Không bệnh là Niết-bàn;

Đó là đèn vô thượng,

Vô ưu, vô nhiễm lạc [90],

Gọi là không di động.

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành. [91] 

126. KINH HÀNH DỤC

 [615a9] Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ, Cư sĩ Cấp Cô Độc đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Ngài rồi ngồi xuống một bên, thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, ở đời có bao nhiêu hạng người hành dục [92]?”

Đức Thế Tôn dạy:

“Này Cư sĩ, ở đời gồm có mười hạng người hành dục. Những gì là mười?

“Cư sĩ, có hạng người hành dục tìm cầu của cải một cách phi pháp vô đạo. Sau khi tìm cầu của cải một cách phi pháp vô đạo, kẻ ấy không tự nuôi thân đầy đủ; cũng không nuôi cha mẹ, vợ con, tôi tớ, người giúp việc, cũng không cúng dường Sa-môn, Bà-la-môn để được lên cảnh giới an vui, thọ hưởng lạc báo, sanh vào cõi trời sống lâu. Đó là một hạng người hành dục.

“Lại nữa, này Cư sĩ, có hạng người hành dục tìm cầu của cải một cách phi pháp vô đạo. Sau khi tìm cầu của cải một cách phi pháp vô đạo, kẻ ấy có thể tự nuôi thân đầy đủ, cùng nuôi cha mẹ, vợ con, tôi tớ, người giúp việc, nhưng không cúng dường Sa-môn, Bà-la-môn để được lên cảnh giới an vui, thọ hưởng lạc báo, sanh vào cõi trời, sống lâu. Đó là một hạng người hành dục.

“Lại nữa, Cư sĩ, có hạng người hành dục tìm cầu của cải một cách phi pháp vô đạo. Sau khi tìm cầu của cải một cách phi pháp vô đạo, kẻ ấy có thể tự nuôi thân đầy đủ, nuôi cha mẹ, vợ con, tôi tớ, người giúp việc, cũng cúng dường Sa-môn, Bà-la-môn để được lên cảnh giới an vui, thọ hưởng lạc báo, sanh vào cõi trời, sống lâu. Đó là một hạng người hành dục.

“Lại nữa, Cư sĩ, có hạng người hành dục tìm cầu của cải một cách vừa hợp pháp vừa phi pháp. Sau khi tìm cầu của cải một cách vừa hợp pháp vừa phi pháp, kẻ ấy không tự nuôi thân đầy đủ, cũng không nuôi cha mẹ, vợ con, tôi tớ, người giúp việc, cũng không cúng dường Sa-môn, Bà-la-môn để được lên cảnh giới an vui, thọ hưởng lạc báo, sanh vào cõi trời, sống lâu. Đó là một hạng người hành dục.

 [615b] “Lại nữa, Cư sĩ, có hạng người hành dục tìm cầu của cải một cách vừa hợp pháp vừa phi pháp. Sau khi tìm cầu của cải một cách vừa hợp pháp vừa phi pháp, kẻ ấy có thể tự nuôi thân đầy đủ, cùng nuôi cha mẹ, vợ con, tôi tớ, người giúp việc, nhưng không cúng dường Sa-môn, Bà-la-môn để được lên cõi an vui, thọ hưởng lạc báo, sanh vào cõi trời, sống lâu. Đó là một hạng người hành dục.

“Lại nữa, Cư sĩ, có hạng người hành dục tìm cầu của cải một cách hợp pháp, phải lẽ. Sau khi tìm cầu của cải một cách hợp pháp, phải lẽ, kẻ ấy không tự nuôi thân đầy đủ, cũng không nuôi cha mẹ, vợ con, tôi tớ, người giúp việc, cũng không cúng dường Sa-môn, Bà-la-môn để được lên cõi an vui, thọ hưởng lạc báo, sanh vào cõi trời, sống lâu. Đó là một hạng người hành dục.

“Lại nữa, Cư sĩ, có hạng người hành dục tìm cầu của cải một cách hợp pháp, phải lẽ. Sau khi tìm cầu của cải một cách hợp pháp, phải lẽ, kẻ ấy có thể tự nuôi thân đầy đủ, cùng nuôi cha mẹ, vợ con, tôi tớ, người giúp việc, nhưng không cúng dường Sa-môn, Bà-la-môn để được lên cõi an vui, thọ hưởng lạc báo, sanh vào cõi trời, sống lâu. Đó là một hạng người hành dục.

“Lại nữa, Cư sĩ, có hạng người hành dục tìm cầu của cải một cách hợp pháp, phải lẽ. Sau khi tìm cầu của cải một cách hợp pháp, phải lẽ, kẻ ấy có thể tự nuôi thân đầy đủ, cùng nuôi cha mẹ, vợ con, tôi tớ, người giúp việc, cũng cúng dường Sa-môn, Bà-la-môn để được lên cõi an vui, thọ hưởng lạc báo, sanh vào cõi trời, sống lâu. Nhưng khi có của cải rồi lại bị đắm nhiễm, hệ lụy. Khi đã bị hệ lụy, đắm nhiễm, không thấy được tai hoạn, không biết đến sự xuất yếu mà tiêu dùng. Đó là một hạng người hành dục.

“Lại nữa, Cư sĩ, có hạng người hành dục tìm cầu của cải một cách hợp pháp, phải lẽ. Sau khi tìm cầu của cải một cách hợp pháp, phải lẽ, kẻ ấy có thể tự nuôi thân đầy đủ, cùng nuôi cha mẹ, vợ con, tôi tớ, người giúp việc, cũng cúng dường Sa-môn, Bà-la-môn để được lên cõi an vui, thọ hưởng lạc báo, sanh vào cõi trời, sống lâu. Khi có của cải rồi, không đắm nhiễm, không hệ lụy. Đã không hệ lụy, không đắm nhiễm, thấy được tai hoạn, biết được sự xuất yếu mà tiêu dùng. Đó là một hạng người hành dục.

“Này Cư sĩ, có người hành dục tìm cầu của cải một cách phi pháp vô đạo. [615c] Sau khi tìm cầu của cải một cách phi pháp vô đạo, kẻ ấy không tự nuôi thân đầy đủ, cùng nuôi cha mẹ, vợ con, tôi tớ, người giúp việc, cũng không cúng dường Sa-môn, Bà-la-môn để được lên cõi an vui, hưởng thọ lạc báo, sanh vào cõi trời, sống lâu; kẻ hành dục này so với các người hành dục khác là thấp hèn nhất.

“Này Cư sĩ, có người hành dục tìm cầu của cải một cách vừa hợp pháp vừa phi pháp. Sau khi tìm cầu của cải một cách vừa hợp pháp vừa phi pháp, kẻ ấy tự nuôi thân đầy đủ cùng nuôi cha mẹ, vợ con, tôi tớ, người giúp việc, cũng cúng dường Sa-môn, Bà-la-môn để được lên cõi an vui, hưởng thọ lạc báo, sanh vào cõi trời, sống lâu; kẻ hành dục này so với các người hành dục khác là tối thượng.

“Này Cư sĩ, có người hành dục tìm cầu của cải một cách hợp pháp, phải lẽ. Sau khi tìm cầu của cải một cách hợp pháp, phải lẽ, kẻ ấy không tự nuôi thân đầy đủ cùng nuôi cha mẹ, vợ con, tôi tớ, người giúp việc, cũng cúng dường Sa-môn, Bà-la-môn để được lên cõi an vui, hưởng thọ lạc báo, sanh vào cõi trời, sống lâu. Khi có của cải rồi, không đắm nhiễm, không hệ lụy. Đã không hệ lụy, không đắm nhiễm, thấy được tai hoạn, biết sự xuất yếu khi tiêu dùng, thì kẻ hành dục này so với các người hành dục khác là tối đệ nhất, tối đại, tối thượng, tối thắng, tối tôn, tối diệu.

“Cũng như con bò có sữa, do sữa có lạc, do lạc có sanh tô, do sanh tô có thục tô, do thục tô có tô tinh. Tô tinh là tối đệ nhất, tối đại, tối thượng, tối thắng, tối tôn, tối diệu. Này Cư sĩ, cũng như vậy, so với các người hành dục khác, kẻ hành dục này là tối đệ nhất, tối đại, tối thượng, tối thắng, tối tôn, tối diệu.”

Khi ấy, Đức Thế Tôn nói tụng rằng [93]:

Hoặc phi pháp kiếm của;

Vừa pháp vừa phi pháp;

Không cúng, không tự dùng,

Không bố thí, tạo phước;

Cả hai đều mang họa,

Kẻ hành dục thấp nhất.

Nếu kiếm của hợp pháp,

Đã lo được tự thân,

Cung cấp và tự dùng,

Bố thí và tạo phước,

Cả hai đều có đức:

Kẻ hành dục tối thượng.

Nếu được tuệ xuất yếu,

Hưởng lạc sống tại gia,

Thấy tai hoạn, tri túc,

Tiết kiệm dùng tài vật,

 [616a] Kẻ được tuệ xuất dục,

Là hành dục trên hết.

Phật thuyết như vậy. Cư sĩ Cấp Cô Độc và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành. 

127. KINH PHƯỚC ĐIỀN

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ, Cư sĩ Cấp Cô Độc đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật rồi ngồi xuống một bên, thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, ở đời có bao nhiêu hạng người phước điền [94]?”

Đức Thế Tôn dạy:

“Này Cư sĩ, ở đời có hai hạng người phước điền. Những hạng người nào là hai? Một là hạng học nhân [95], hai là hạng vô học nhân [96].

“Hạng hữu học có mười tám, hạng vô học có chín.

“Này Cư sĩ, mười tám hạng người hữu học là những ai? Là tín hành, pháp hành, tín giải thoát, kiến đảo, thân chứng [97], gia gia [98], nhất chủng, hướng Tu-đà-hoàn, đắc Tu-đà-hoàn; hướng Tư-đà-hàm, đắc Tư-đà-hàm; hướng A-na-hàm, đắc A-na-hàm, trung Bát-niết-bàn, sanh Bát-niết-bàn, hành Bát-niết-bàn, vô hành Bát-niết-bàn, thượng lưu sắc cứu cánh [99]. Đó là mười tám hạng hữu học.

“Này Cư sĩ, chín hạng người vô học là những ai? Tư pháp, thăng tấn pháp, bất động pháp, thối pháp, bất thối pháp, hộ pháp, hộ tắc bất thối bất hộ tắc thối [100], thật trụ pháp, tuệ giải thoát, câu giải thoát. Đó là chín hạng vô học [101].”

Khi ấy Đức Thế Tôn nói tụng:

Học, Vô học trong đời,

Đáng tôn, đáng phụng kính;

Các ngài tu chánh thân,

Miệng, ý cũng chánh hành.

Ruộng tốt cho tại gia,

Cúng dường được phước lớn.

Phật thuyết như vậy. Cư sĩ Cấp Cô Độc và các Tỳ-kheo, sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

128. KINH ƯU-BÀ-TẮC

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

 [166b] Bấy giờ, Cư sĩ Cấp Cô Độc cùng chúng Ưu-bà-tắc gồm có năm trăm người đi đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất. Cư sĩ Cấp Cô Độc cúi đầu đảnh lễ rồi ngồi xuống một bên. Năm trăm Ưu-bà-tắc cũng làm lễ rồi ngồi xuống một bên. Cư sĩ Cấp Cô Độc và năm trăm Ưu-bà-tắc sau khi ngồi xuống một bên, Tôn giả Xá-lợi-phất thuyết pháp cho họ, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu sự hoan hỷ. Ngài dùng vô lượng phương tiện thuyết pháp cho họ, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu sự hoan hỷ rồi, liền rời chỗ ngồi đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ sát chân Phật và ngồi xuống một bên.

Sau khi Tôn giả Xá-lợi-phất đi chẳng bao lâu, Cư sĩ Cấp Cô Độc và năm trăm Ưu-bà-tắc cũng đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Ngài rồi ngồi xuống một bên. Sau khi Tôn giả Xá-lợi-phất và mọi người đã an tọa, Đức Thế Tôn dạy:

“Này Xá-lợi-phất, nếu thầy biết rằng bạch y Thánh đệ tử [102] gìn giữ, thực hành năm pháp một cách hoàn hảo và được bốn tăng thượng tâm [103], hiện pháp lạc trú, dễ được chứ không phải khó được. Xá-lợi-phất, thầy nên xác nhận rằng Thánh đệ tử này không còn đọa địa ngục, cũng không còn sanh vào loài súc sanh, ngạ quỷ và các chỗ ác, được quả Tu-đà-hoàn, không đọa ác pháp, nhất định thẳng tiến tới quả vị Chánh giác, tối đa chịu bảy lần sanh tử nữa. Sau bảy lần qua lại cõi trời, nhân gian, liền được chấm dứt khổ đau.

“Xá-lợi-phất, thế nào là bạch y Thánh đệ tử khéo giữ gìn và thực hành năm pháp [104]? Đó là bạch y Thánh đệ tử xa lìa sát sanh, vứt bỏ dao gậy, có tâm tàm quý, tâm từ bi, làm lợi ích cho tất cả, cho đến loài côn trùng, người ấy đối với sự sát sanh, tâm đã tịnh trừ. Đó là pháp thứ nhất mà bạch y Thánh đệ tử đã giữ gìn và thực hành một cách hoàn hảo.

“Lại nữa, này Xá-lợi-phất, bạch y Thánh đệ tử xa lìa việc lấy của không cho, dứt trừ việc lấy của không cho. Khi nào cho mới lấy, vui với việc cho mới lấy, thường ưa bố thí, hoan hỷ không keo kiết, không mong đền trả, không tham lam, thấy tài vật của kẻ khác không lấy về mình [105]. Người ấy đối với việc không cho mà lấy tâm đã tịnh trừ. Đó là pháp thứ hai mà bạch y Thánh đệ tử đã giữ gìn và thực hành một cách hoàn hảo.

“Lại nữa, Xá-lợi-phất, bạch y Thánh đệ tử xa lìa tà dâm, dứt trừ tà dâm. Người nữ kia hoặc có cha giữ gìn, hoặc có mẹ giữ, hoặc cả cha cả mẹ cùng giữ, hoặc anh em giữ, hoặc chị em giữ, hoặc gia nương giữ, hoặc thân tộc giữ, hoặc người cùng họ giữ, hoặc là vợ của người khác, hoặc có phạt gậy, khủng bố, [106] hoặc đã có ước hẹn bằng tài hóa, cho đến bằng một tràng hoa [107]; đối với tất cả những người nữ ấy, không xâm phạm đến. Người ấy đối với tà dâm, tâm đã tịnh trừ. Đó là pháp thứ ba mà bạch y Thánh đệ tử đã giữ gìn và thực hành một cách hoàn hảo.

“Lại nữa, [616c] Xá-lợi-phất, bạch y Thánh đệ tử xa lìa nói dối, dứt trừ nói dối; nói lời chân thật, ưa sự chân thật, an trụ nơi sự chân thật, không dời đổi sai chạy. Tất cả những lời nói đều đáng tin, không lừa dối thế gian. Người ấy đối với sự nói dối, tâm đã tịnh trừ. Đó là pháp thứ tư mà bạch y Thánh đệ tử giữ gìn và thực hành một cách hoàn hảo.

“Lại nữa, Xá-lợi-phất, bạch y Thánh đệ tử lìa rượu, bỏ rượu. Người ấy đối với việc uống rượu, tâm đã tịnh trừ. Đó là pháp thứ năm mà bạch y Thánh đệ tử giữ gìn và thực hành một cách hoàn hảo.

“Này Xá-lợi-phất, thế nào là bạch y Thánh đệ tử được bốn tâm tăng thượng, hiện pháp lạc trú, dễ chứ không phải khó được [108]? Đó là bạch y Thánh đệ tử niệm tưởng Như Lai [109], Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Nhớ nghĩ Như Lai như vậy rồi, nếu có những ác dục liền được tiêu diệt. Trong tâm có những điều bất thiện, nhớp nhơ, sầu khổ, âu lo cũng được tiêu diệt. Bạch y Thánh đệ tử nương vào Như Lai, tâm tịnh được hỷ, nếu có những điều ác dục liền được tiêu diệt. Trong tâm có những điều bất thiện nhớp nhơ, sầu khổ, âu lo cũng được tiêu diệt. Như vậy, bạch y Thánh đệ tử được tâm tăng thượng thứ nhất, hiện pháp lạc trú, dễ được chứ không phải khó được.

“Lại nữa, Xá-lợi-phất, bạch y Thánh đệ tử niệm tưởng Pháp [110] được Thế Tôn khéo giảng, pháp chắc chắn đưa đến cứu cánh, không phiền, không nhiệt, hằng hữu, [111] không di động. Quán Pháp như vậy, biết Pháp như vậy, nhớ nghĩ Pháp như vậy rồi nếu có những điều ác dục liền được tiêu diệt. Trong tâm có những điều bất thiện nhớp nhơ, sầu khổ, âu lo, cũng được tiêu diệt. Bạch y Thánh đệ tử duyên vào Pháp, tâm tịnh được hỷ. Nếu có những điều ác dục, liền được tiêu diệt. Trong tâm có những điều bất thiện nhớp nhơ, sầu khổ, âu lo, cũng được tiêu diệt. Như vậy, bạch y Thánh đệ tử được tâm tăng thượng thứ hai.

“Lại nữa, Xá-lợi-phất, bạch y Thánh đệ tử niệm Chúng Tăng [112], Thánh Chúng của Như Lai là những bậc thiện thú hướng, chánh thú hướng, như lý hành, pháp tùy pháp hành, [113] chúng ấy thật có A-la-hán hướng, A-la-hán quả, có A-na-hàm hướng, A-na-hàm quả, có Tư-đà-hàm hướng, Tư-đà-hàm quả, có Tu-đà-hoàn hướng, Tu-đà-hoàn quả. Đó là bốn cặp tám bậc, là Chúng của Như Lai thành tựu giới, thành tựu định, thành tựu trí tuệ, thành tựu giải thoát, thành tựu giải thoát tri kiến, đáng kính, đáng trọng, đáng phụng, đáng cúng, là ruộng phước an lành của thế gian. Người ấy nhớ nghĩ Chúng của Như Lai như vậy, nếu có những điều ác dục liền được tiêu diệt. Trong tâm có những điều bất thiện, [617a] nhớp nhơ, âu lo, cũng được tiêu diệt. Bạch y Thánh đệ tử duyên vào Chúng của Như Lai, tâm được hoan hỷ, nếu có những điều ác dục liền được tiêu diệt. Trong tâm có những điều bất thiện, nhớp nhơ, sầu khổ, âu lo cũng được tiêu diệt. Như vậy, bạch y Thánh đệ tử được tâm tăng thượng thứ ba, hiện pháp lạc trú dễ được chứ không phải khó được.

“Lại nữa, Xá-lợi-phất, bạch y Thánh đệ tử tự niệm tưởng giới [114], giới này không sứt mẻ, không rách nát, không ô uế, không cấu bẩn, vững như mặt đất, không hư vọng, đó là điều mà Đức Phật ngợi khen, thọ trì đầy đủ tốt đẹp. Người ấy tự nhớ nghĩ giới như vậy, nếu có những điều ác dục, liền được tiêu diệt. Trong tâm có những điều bất thiện, sầu khổ, nhớp nhơ, âu lo cũng được tiêu diệt. Bạch y Thánh đệ tử duyên vào giới, tâm định được hỷ. Nếu có những điều ác dục liền được tiêu diệt. Trong tâm có những điều bất thiện, nhớp nhơ, sầu khổ, âu lo cũng được tiêu diệt. Như vậy, bach y Thánh đệ tử được tâm tăng thượng thứ tư, đối với hiện pháp lạc trú dễ được chứ không phải khó được.

“Này Xá-lợi-phất, nếu thầy biết rằng bạch y Thánh đệ tử giữ gìn và thực hành năm pháp một cách hoàn hảo và được bốn tâm tăng thượng, hiện pháp lạc trú, dễ được chứ không phải khó được, thì này Xá-lợi-phất, thầy nên ghi nhận rằng ‘Thánh đệ tử này không còn đọa địa ngục, cũng không sanh vào loài súc sanh, ngạ quỷ và các chỗ ác, được quả Tu-đà-hoàn, không đọa ác pháp, nhất định thẳng tiến đến quả vị Chánh giác, tối đa chịu bảy lần sanh tử nữa, sau bảy lần qua lại cõi trời và nhân gian, liền được chấm dứt khổ đau.’”

Khi ấy Đức Thế Tôn nói tụng rằng:

Kẻ trí sống tại gia,

Thấy địa ngục, sợ hãi;

Do thọ trì Thánh pháp,

Trừ bỏ tất cả ác.

Không sát hại chúng sanh,

Biết rồi hay lìa bỏ,

Chân thật không nói dối,

Không trộm của kẻ khác;

Tri túc với gia phụ,

Không ái lạc vợ người;

Dứt bỏ việc uống rượu,

Gốc tâm loạn cuồng si.

Thường nên niệm chánh giác,

Suy nghĩ các pháp lành.

Niệm Tăng, quán cấm giới, [115]

Do đó được hoan hỷ.

Muốn hành hạnh bố thí,

Mà cầu mong hưởng phước,

Trước thí bậc Tịch tịnh [116],

Như vậy thành quả báo.

Ta nói, bậc Tịch tịnh,

Xá-lợi nên nghe kỹ.

 [617b] Nếu có đen và trắng,

Dù sắc đỏ hay vàng

Tạp sắc, sắc đang yêu [117],

Bò và các chim câu.

Tùy loại chúng sanh ra,

Bò thuần, đi phía trước,

Thân sức thành đầy đủ,;

Đi nhanh lại về nhanh,

Dùng theo khả năng chúng,

Kể gì sắc tốt xấu.

Nhân gian này cũng vậy,

Tùy theo chỗ thọ sanh,

Sát-đế-lị, Bà-la-môn,

Cư sĩ hay thợ thuyền,

Tùy thọ sanh của họ,

Trưởng thượng do tịnh giới.

Bậc Vô Trước, Thiện Thệ,

Cúng thí ấy, quả lớn.

Phàm phu, vô sở trí,

Không tuệ, không học hỏi,

Thí nơi ấy, quả nhỏ.

Không quang minh rọi đến.

Nơi nào rọi quang minh,

Phật đệ tử trí tuệ.

Tín tâm nơi Thiện Thệ,

Thiện căn được vững bền,

Người ấy sanh thiện xứ,

Như ý chứng Gia gia,

Tối hậu đắc Niết-bàn,

Như vậy có duyên cả.

Phật thuyết như vậy. Tôn giả Xá-lợi-phất, chư Tỳ-kheo, Cư sĩ Cấp Cô Độc và năm trăm Ưu-bà-tắc sau khi nghe lời Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

129. KINH OÁN GIA

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có bảy pháp oán gia [118] để gây thành oán gia; tức là khi mà bọn nam nữ nổi lên sân nhuế.

“Những gì là bảy?

“Oán gia thì không muốn oán gia có sắc đẹp. Vì sao oán gia không muốn oán gia có sắc đẹp? Người hay sân nhuế bị tác động bởi sân nhuế, bị chi phối bởi sân nhuế, tâm không xả bỏ sân nhuế; người ấy tuy luôn tắm gội, dùng danh hương thoa mình, nhưng sắc thân [119] vẫn xấu. Vì sao như vậy? Vì bị chi phối bởi sân nhuế, tâm không bỏ sân nhuế. Đó là pháp oán gia thứ nhất gây thành oán gia khi mà bọn nam nữ nổi lên sân nhuế.

“Lại nữa, oán gia thì không muốn oán gia [617c] ngủ nghỉ an lành. Vì sao oán gia không muốn oán gia ngủ nghỉ an lành? Người hay sân nhuế bị tác động bởi sân nhuế, bị chi phối bởi sân nhuế, tâm không bỏ sân nhuế; người ấy tuy nằm trên giường vua, trải bằng thảm lông chim, phủ bằng gấm vóc lụa là, có nệm mềm, hai đầu kê gối, được phủ bằng thảm quý, bằng da sơn dương [120], nhưng giấc ngủ vẫn âu lo, đau khổ. Vì sao như vậy? Vì bị chi phối bởi sân nhuế, tâm không bỏ sân nhuế. Đó là pháp oán gia thứ hai để gây thành oán gia khi mà bọn nam nữ nổi lên sân nhuế.

“Lại nữa, oán gia thì không muốn oán gia có lợi lớn. Vì sao oán gia không muốn oán gia có lợi lớn? Người hay sân nhuế bị tác động bởi sân nhuế, bị chi phối bởi sân nhuế, tâm không bỏ sân nhuế, thì người ấy đáng lẽ được lợi, hai điều ấy không trái nhau, thật là bất lợi lớn. Vì sao như vậy? Vì bị chi phối bởi sân nhuế, tâm không bỏ sân nhuế. Đó là pháp oán gia thứ ba để gây thành oán gia khi mà bọn nam nữ nổi lên sân nhuế.

“Lại nữa, oán gia thì không muốn oán gia có bằng hữu. Vì sao oán gia không muốn oán gia có bằng hữu? Người hay sân nhuế bị tác động bởi tâm sân nhuế, bị chi phối bởi tâm sân nhuế, tâm không bỏ sân nhuế, người ấy nếu có bằng hữu thân thiết, họ cũng tìm cách lánh mặt bỏ đi. Vì sao như vậy? Vì bị chi phối bởi sân nhuế, tâm không bỏ sân nhuế. Đó là pháp oán gia thứ tư để gây thành oán gia khi mà bọn nam nữ nổi lên sân nhuế.

“Lại nữa, oán gia thì không muốn oán gia có sự khen ngợi. Vì sao oán gia không muốn oán gia có sự khen ngợi? Người hay sân nhuế bị tác động bởi sân nhuế, bị chi phối bởi sân nhuế, tâm không bỏ sân nhuế, người ấy danh ô tiếng xấu đồn khắp. Vì sao như vậy? Vì bị chi phối bởi sân nhuế, tâm không bỏ sân nhuế. Đó là pháp oán gia thứ năm để gây thành oán gia khi mà bọn nam nữ nổi lên sân nhuế.

“Lại nữa, oán gia thì không muốn oán gia quá giàu sang. Vì sao oán gia không muốn oán gia quá giàu sang? Người hay sân nhuế bị tác động bởi sân nhuế, bị chi phối bởi sân nhuế, tâm không bỏ sân nhuế; người ấy tạo nghiệp thân, khẩu, ý như vậy khiến mất nhiều tài vật. Vì sao như vậy? Vì bị chi phối bởi sân nhuế, tâm không bỏ sân nhuế. Đó là [618a] pháp oán gia thứ sáu để gây thành oán gia khi mà bọn nam nữ nổi lên sân nhuế.

“Lại nữa, oán gia thì không muốn để oán gia khi thân hoại mạng chung được đến chỗ an lành, sanh ở cõi trời. Vì sao oán gia không muốn oán gia đến chỗ an lành? Người hay sân nhuế bị tác động bởi sân nhuế, bị chi phối bởi sân nhuế, tâm không bỏ sân nhuế, thân khẩu ý tạo ác nghiệp; người ấy sau khi thân, khẩu, ý tạo ác nghiệp, thân hoại mạng chung chắc chắn đến chỗ ác, sanh trong địa ngục. Vì sao như vậy? Vì bị chi phối bởi sân nhuế, tâm không bỏ sân nhuế. Đó là pháp oán gia thứ bảy để gây thành oán gia khi mà bọn nam nữ nổi lên sân nhuế.

“Đó là cả bảy pháp oán gia gây thành oán gia khi mà bọn nam nữ nổi lên sân nhuế.”

Khi ấy Đức Thế Tôn nói tụng rằng:

Người sân, sắc da xấu;

Nằm ngủ, khổ không yên.

Đáng lẽ được của nhiều,

Trở lại bị bất lợi.

Kẻ bằng hữu thân thiết,

Xa lìa người sân nhuế.

Luôn luôn tập sân nhuế,

Tiếng xấu đồn khắp nơi.

Sân gây nghiệp thân khẩu,

Nhuế buộc ràng nghiệp ý.

Người bị nhuế chế ngự,

Mất tất cả tài vật.

Sân nhuế sanh bất lợi,

Sân nhuế sanh tâm nhơ.

Sợ sệt sanh bên trong,

Người không thể biết được.

Người sân không biết nghĩa,

Người sân không hiểu pháp,

Không mắt, mù mịt tối,

Là người ưa sân nhuế.

Nhuế dậy, sắc da ghê,

Như lửa mới bốc khói,

Từ đó sanh ghét ghen,

Duyên sân lại do đó.

Việc làm của người sân,

Dù thiện và bất thiện,

Sau khi cơn sân qua,

Nóng lòng như lửa đốt.

Gọi là nghiệp phiền nhiệt,

Và các pháp buộc ràng.

Tất cả Ta đã nói,

Các ngươi hãy nghe kỹ.

Người sân nghịch hại cha,

Và với cả anh em,

Cũng giết hại chị em,

Người sân nhiều tàn khốc.

Sanh ra và lớn lên,

Được thấy thế gian này,

 [618b] Nhờ mẹ được sống còn,

Khi sân cũng sát hại.

Không xấu, không hổ thẹn,

Sân triền, không nói năng,

Người bị sân chế ngự,

Miệng nói không chừa gì.

Tạo tác tội nghịch si,

Để mình tự yểu mạng,

Khi làm không tự biết,

Do sân sanh sợ hãi.

Tự buộc trói thân mình,

Ái lạc không cùng cực,

Dù ái niệm tự thân,

Người sân cũng tự hại.

Hoặc tự đâm bằng dao,

Hoặc nhảy xuống hang sâu,

Hay dùng dây thắt cổ,

Uống các loại thuốc độc,

Đó là tượng sân nhuế.

Là chết bởi vì sân,

Tất cả đều dứt hết,

Dùng tuệ mới biết được.

Nghiệp bất thiện dù nhỏ,

Người trí biết liền trừ.

Nên nhẫn nại hạnh này,

Màu da không dữ dằn,

Không nhuế, cũng không ưu,

Khói tắt không cao ngạo,

Chế ngự đoạn sân nhuế,

Tịch diệt, không còn lậu.

Đức Phật thuyết như vậy, các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành. 

130. KINH GIÁO

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ, Tôn giả Đàm-di [121], vị tôn trưởng địa phương [122] làm chủ Phật-đồ [123], được mọi người tôn sùng, tánh tình hung bạo, nóng nảy, rất cộc cằn thô lỗ, hay mắng nhiếc các vị Tỳ-kheo. Vì vậy, các vị Tỳ-kheo địa phương [124] đều bỏ đi, không muốn sống ở đó. Các Ưu-bà-tắc địa phương thấy các vị Tỳ-kheo địa phương đều bỏ đi, không muốn ở đó, liền nghĩ rằng: “Các vị Tỳ-kheo địa phương này vì sao lại bỏ đi, không muốn sống ở đây?” Rồi các vị Ưu-bà-tắc địa phương nghe được rằng: “Tôn giả Đàm-di, vị tôn trưởng địa phương, làm chủ Phật-đồ, được mọi người tôn sùng, mà tánh tình hung bạo, nóng nảy, rất cộc cằn thô lỗ, hay mắng nhiếc các Tỳ-kheo. Vì vậy các Tỳ-kheo địa phương [618c] đều bỏ đi, không muốn sống ở đó.”

Các vị Ưu-bà-tắc nghe việc ấy rồi, liền cùng nhau kéo đến Tôn giả Đàm-di, xua đuổi ông ra khỏi các chùa địa phương [125]. Bấy giờ Tôn giả Đàm-di bị các vị Ưu-bà-tắc địa phương xua đuổi ra khỏi các tinh xá địa phương, liền vấn y, mang bát du hành đến nước Xá-vệ, dần dà đến vườn Cấp Cô Độc, rừng Thắng Lâm, nước Xá-vệ. Rồi Tôn giả Đàm-di đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ sát chân Ngài, ngồi sang một bên mà bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, con đối với Ưu-bà-tắc địa phương không có điều gì xấu xa, chẳng nói điều gì, không xúc phạm đến ai, nhưng các Ưu-bà-tắc địa phương xua đuổi con ra khỏi các chùa địa phương.”

Khi đó, Đức Thế Tôn bảo rằng:

“Thôi đủ rồi, này Đàm-di, nói điều đó làmg gì!”

Tôn giả Đàm-di chắp tay hướng Phật, bạch lại một lần nữa rằng:

“Bạch Thế Tôn, con đối với Ưu-bà-tắc địa phương không có điều gì xấu xa, chẳng nói điều gì, không xúc phạm đến ai, nhưng các Ưu-bà-tắc địa phương xua đuổi con ra khỏi các tinh xá địa phương.”

Đức Thế Tôn cũng lần thứ hai bảo rằng:

“Đàm-di, thuở xưa, ở châu Diêm-phù này có các thương nhân đi thuyền ra biển, mang theo con ó tìm bờ. Bọn người ấy ra biển chưa bao xa, họ thả con ó tìm bờ. Nếu con ó tìm bờ đến được bờ của biển cả, nó sẽ vĩnh viễn không trở lại thuyền. Nếu con ó tìm bờ không đến được bờ của biển cả, nó sẽ trở lại thuyền. Ngươi cũng vậy, này Đàm-di, bởi vì ngươi bị các Ưu-bà-tắc địa phương xua đuổi ra khỏi các chùa địa phương nên ngươi mới trở về chỗ Ta. Thôi, đủ rồi Đàm-di, nói thêm điều ấy làm gì!”

Tôn giả Đàm-di bạch lại lần thứ ba:

“Bạch Thế Tôn, con đối với Ưu-bà-tắc địa phương không có điều gì xấu xa, chẳng nói điều gì, không xúc phạm đến ai, nhưng các Ưu-bà-tắc địa phương xua đuổi con ra khỏi các tinh xá địa phương.”

Đức Thế Tôn cũng lại lần thứ ba bảo rằng:

“Đàm-di, ngươi trụ trong Sa-môn pháp mà lại bị các Ưu-bà-tắc địa phương xua đuổi ra khỏi các tinh xá địa phương sao?”

Lúc đó Tôn giả Đàm-di liền rời chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay hướng Phật, bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, thế nào gọi là Sa-môn trụ trong pháp Sa-môn?”

Đức Thế Tôn dạy:

“Này Đàm-di, thuở xưa, khi con người sống đến tám vạn tuổi. Đàm-di, khi con người sống đến tám vạn tuổi, châu Diêm-phù này cực kỳ giàu sang hạnh phúc, dân cư đông đúc, thôn ấp gần nhau bằng khoảng một con gà bay.

“Khi con người sống đến tám vạn tuổi, con gái đến năm trăm tuổi [619a] mới lấy chồng. Đàm-di, khi con người sống đến tám vạn tuổi, chỉ có các bệnh như vầy: đại tiện, tiểu tiện, lòng dục, ăn uống và già.

“Đàm-di, khi con người sống đến tám vạn tuổi, có một vị vua tên là Cao-la-bà [126], thông minh trí tuệ, làm Chuyển luân vương, có bốn loại binh chủng chỉnh trị thiên hạ; là Pháp vương hành theo chánh pháp, thành tựu bảy báu. Bảy báu là bánh xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu, tướng quân báu; đó là bảy báu. Có đủ một ngàn người con, tướng mạo đoan chánh, dũng mãnh vô úy, có thể khuất phục mọi kẻ địch. Vua ấy thống lãnh tất cả cõi đất đai cho đến biển cả, không cai trị bằng dao gậy mà chỉ bằng chánh pháp trị hóa, khiến được an ổn.

“Đàm-di, vua Cao-la-bà có một gốc cây tên là Thiện trụ ni-câu-loại thọ [127] vương [128]. Đàm-di, Thiện trụ ni-câu-loại thọ vương có năm cành. Cành thứ nhất dành cho vua và hoàng hậu ăn. Cành thứ nhì dành cho thái tử và các quan ăn. Cành thứ ba dành cho nhân dân trong nước ăn. Cành thứ tư dành cho Sa-môn, Bà-la-môn ăn. Cành thứ năm dành cho cầm thú ăn. Đàm-di, quả của cây Thiện trụ ni-câu-loại thọ vương lớn bằng cái hủ hai thăng, mùi vị như mật nguyên chất. Đàm-di, quả Thiện trụ ni-câu-loại thọ vương không ai canh giữ mà cũng chẳng ai trộm cắp. Về sau có một người đói khát gầy còm, nhan sắc tiều tụy, muốn được ăn quả, nó đến cây Thiện trụ ni-câu-loại thọ vương ăn quả rồi bẻ gãy cành cây hái quả đem về. Trên cây Thiện trụ ni-câu-loại thọ vương có một vị trời nương ở đó. Ông ấy nghĩ rằng: ‘Lạ thay, người ở châu Diêm-phù vô ân, không biết báo đáp. Vì sao? Vì nó ăn quả nơi cây Thiện trụ ni-câu-loại thọ vương rồi bẻ gãy cành cây, hái quả đem về. Mong cho cây Thiện trụ ni-câu-loại thọ vương không có quả, không sanh quả nữa!’ Tức thì cây Thiện trụ ni-câu-loại thọ vương không có quả, cũng không sanh quả.

“Rồi lại có một người đói khát, gầy còm, nhan sắc tiều tụy, muốn được ăn quả, đi đến cây Thiện trụ ni-câu-loại thọ vương, thấy cây không có quả, cũng không sanh quả, người ấy tức thì đi đến vua Cao-la-bà tâu rằng: ‘Tâu Thiên vương, nên biết, cây Thiện trụ ni-câu-loại [619b] thọ vương không có quả, cũng không sanh quả nữa’.

“Vua Cao-la-bà nghe xong, trong khoảnh khắc như người lực sĩ co duỗi cánh tay biến khỏi Câu-lâu-sấu, đến cõi Tam thập tam thiên, đứng trước Thiên Đế Thích [129] mà tâu rằng: ‘Tâu Câu-dực [130] nên biết, cây Thiện trụ ni-câu-loại thọ vương không có quả, cũng không sanh quả nữa. Khi đó, Thiên đế Thích và vua Cao-la-bà trong khoảnh khắc như người lực sĩ co duỗi cánh tay biến khỏi cõi Tam thập tam thiên, đến nước Câu-lâu-sấu, cách cây Thiện trụ ni-câu-loại thọ vương đứng lại. Thiên đế Thích thực hiện như ý túc như vậy [131], bằng như ý túc như vậy, hóa làm nước lớn, gió bão và mưa to. Do nước lớn, gió bão và mưa to, cây Thiện trụ ni-câu-loại thọ vương bị tróc gốc ngã đổ.

“Lúc đó có vị trời sống trên cây Thiện trụ ni-câu-loại thọ vương nhận thấy như vậy mới buồn khổ, sầu thương, khóc lóc chảy nước mắt, đứng trước mặt Thiên đế Thích. Thiên đế Thích hỏi, ‘Thiên, vì lẽ gì mà ông buồn khổ, sầu thương, khóc lóc rơi lệ, đứng trước mặt ta?’ Vị trời kia thưa rằng: ‘Tâu Câu-dực, nên biết, nước lớn, gió bão, mưa to, cây Thiện trụ ni câu loại thọ vương bị tróc gốc ngã đổ’. Khi ấy, Thiên đế Thích bảo Thọ thiên kia rằng: ‘Thiên, ông là Thọ thiên, trụ Thọ thiên pháp [132] mà để nước lớn, gió mạnh, mưa to làm cây Thiện trụ ni-câu-loại thọ vương bị tróc gốc ngã đổ sao?’ Thọ thiên thưa rằng: ‘Tâu Câu-dực, thế nào gọi là Thọ thiên trụ Thọ thiên pháp?’ Thiên Đế Thích bảo, ‘Thiên, giả sử có người muốn được rễ cây, cứ lấy rễ cây đi; muốn được cành cây, nhánh cây, lá cây, hoa quả, cứ đem đi, Thọ thiên không nên giận dữ, không nên ghen ghét, tâm không nên thù hận, Thọ thiên vẫn an trụ trên thọ thiên với ý niệm buông xả. Như vậy gọi là Thọ thiên trụ Thọ thiên pháp’. Vị trời kia lại tâu rằng: ‘Tâu Câu-dực, tôi là Thọ thiên mà không trụ Thọ thiên pháp. Từ nay về sau tôi sẽ trụ Thọ thiên pháp. Ước mong cây Thiện trụ ni-câu-loại thọ vương trở lại như cũ’. Rồi thì Thiên đế Thích thực hiện như ý túc như vậy. Thực hiện như ý túc như vậy xong, lại hóa làm nước lớn, gió bão, mưa to. Hóa làm nước lớn, gió bão, mưa to xong, cây Thiện trụ ni-câu-loại thọ vương liền trở lại như cũ.

“Này Đàm-di, cũng vậy, Tỳ-kheo bị người mắng nhiếc, không mắng nhiếc lại; bị người sân giận không sân giận lại; bị người quấy phá, không quấy phá lại; bị đánh đập không đánh đập lại. Này Đàm-di, như vậy gọi là Sa-môn trụ Sa-môn pháp.”

Lúc đó, Tôn giả Đàm-di liền từ chỗ ngồi, trịch vai áo đang mặc, chắp tay hướng Phật khóc lóc rơi lệ, bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, con không phải là Sa-môn trụ Sa-môn pháp. Từ nay về sau con sẽ là Sa-môn trụ Sa-môn pháp.”

Đức Thế Tôn dạy:

“Xưa có một Đại sư tên là Thiện Nhãn [133], được các ngoại đạo Tiên nhân [619c] tôn làm tôn sư, lìa bỏ ái dục, được như ý túc. Đàm-di, Thiện Nhãn đại sư có vô lượng trăm ngàn đệ tử. Đàm-di, Thiện Nhãn đại sư nói Phạm thế pháp [134] cho các đệ tử nghe. Đàm-di, khi Thiện Nhãn đại sư nói Phạm thế pháp cho các đệ tử, trong các đệ tử có người không phụng hành trọn vẹn, người ấy sau khi mạng chung, hoặc sanh lên cõi trời Tứ thiên vương, hoặc sanh cõi trời Tam thập tam thiên, hoặc sanh cõi trời Diệm-ma, hoặc sanh cõi trời Đâu-suất-đà, hoặc sanh cõi trời Hóa lạc, hoặc sanh cõi trời Tha hóa lạc. Đàm-di, khi Thiện Nhãn đại sư nói Phạm thế pháp cho đệ tử nghe, trong các đệ tử có người phụng hành trọn vẹn, người ấy tu bốn phạm trụ [135], lìa bỏ dục. Khi mạng chung rồi được sanh lên cõi trời Phạm thiên. Đàm-di, khi ấy Thiện Nhãn đại sư nghĩ rằng: ‘Đời sau ta không nên cùng các đệ tử đồng sanh đến một chỗ. Bây giờ ta hãy tu tăng thượng từ. Sau khi tu tăng thượng từ, mạng chung, ta sẽ được sanh vào cõi trời Hoảng dục.’ Đàm-di, sau đó Thiện Nhãn đại sư liền tu tăng thượng từ. Sau khi tu tăng thượng từ, mạng chung được sanh vào cõi trời Hoảng dục. Đàm-di, Thiện Nhãn đại sư và các đệ tử học đạo không luống công, được quả báo lớn. Cũng như Thiện Nhãn đại sư, có các Đại sư Mâu-lê-phá-quần-na, A-la-na-giá Bà-la-môn, Cù-đà-lê-xá-đa, Hại-đề-bà-la Ma-nạp, Thù-đề-ma-lệ Kiều-đệ-bà-la và Thất-đa Phú-lâu-hề-đa [136].

“Đàm-di, Đại sư Thất-đa Phú-lâu-hề-đa cũng có vô lượng trăm ngàn đệ tử. Đàm-di, Đại sư Thất-đa Phú-lâu-hề-đa nói Phạm thế pháp cho các đệ tử. Trong số các đệ tử có người không phụng hành trọn vẹn pháp đã dạy, người ấy sau khi thân hoại mạng chung, hoặc sanh lên cõi trời Tứ thiên vương, hoặc sanh cõi trời Tam thập tam thiên, hoặc sanh cõi trời Diệm-ma, hoặc sanh cõi trời Đâu-suất-đà, hoặc sanh cõi trời Hóa lạc, hoặc sanh cõi trời Tha hóa. Đại sư Thất-đa Phú-lâu-hề-đa khi nói Phạm thế pháp, trong số các đệ tử có người phụng hành trọn vẹn pháp ấy, tu bốn phạm thất, lìa bỏ dục ái. Người ấy sau khi thân hoại mạng chung được sanh vào cõi trời Phạm Thiên. Đàm-di, Đại sư Thất-đa Phú-lâu-hề-đa nghĩ rằng: ‘Đời sau ta không nên cùng các đệ tử sanh cùng một chỗ. Bây giờ ta nên tu tăng thượng từ. Sau khi tu tăng thượng từ, mạng chung sẽ được sanh vào cõi trời Hoảng dục’. Đàm-di, sau đó vị Đại sư thứ bảy Thất-đa Phú-lâu-hề-đa tu tăng thượng từ. Sau khi tu tăng thượng từ rồi, mạng chung được sanh lên cõi trời [620a] Hoảng dục. Đàm-di, Đại sư Thất-đa Phú-lâu-hề-đa và các đệ tử học đạo không hư dối, được quả báo lớn.

“Đàm-di, nếu có người nào mắng nhiếc bảy vị Đại sư và vô lượng trăm ngàn đệ tử kia, cùng đánh đậo, sân nhuế, trách móc họ, chắc chắn chịu vô lượng tội. Nhưng đối với một Tỳ-kheo đã thành tựu chánh niệm, một đệ tử Phật chứng đắc tiểu quả, mà có ai mắng nhiếc, đánh đạp, sân nhuế, trách móc vị ấy thì tội nhiều hơn thế nữa.

“Thế cho nên, này Đàm-di, các ngươi hãy luôn luôn nhắc nhở, thủ hộ lẫn nhau. Vì sao như vậy? Vì ngoài sự lỗi lầm này, không còn sự lỗi lầm nào hơn nữa [137].”

Khi ấy, Đức Thế Tôn nói kệ:

Tu-niết [138], Mâu-lê-phá-quần-na,

A-la-na-giá Bà-la-môn,

Cù-đà-lê-xá-đa,

Hại-đề-bà-la Ma-nạp,

Thù-đề-ma-lệ Kiều-tì-bà-la và

Thất-đa Phú-lâu-hề-đa,

Trong đời quá khứ ấy

Danh đức bảy tông sư,

Bi tâm, không nhiễm ái,

Dục kết đã dứt trừ.

Trăm ngàn số đệ tử,

Vô lượng đếm sao vừa,

Cũng đều ly dục kết,

Dù cứu cánh còn chưa.

Với các Tiên nhân ấy,

Thủ trì khổ hạnh này,

Ai ôm lòng oán hận,

Tội mắng nhiếc nhiều thay.

Huống chi với Phật tử,

Vị đã đạt chánh kiến;

Ai chửi mắng, đập phá,

Tội nghiệp lại tràn đầy.

Này Đàm-di, do đó,

Hãy biết thủ hộ nhau.

Sở dĩ hộ trì nhau,

Tội nặng nào hơn đâu.

Khổ quá nặng như thế,

Bậc Thánh cũng ghét bỏ,

Màu da lại dữ dằn [139];

Chớ thủ tà kiến xứ.

Đó là hạng thấp hèn,

Thánh pháp gọi như thế [140].

Vị chưa lìa dâm dục,

Nhnưg có năm diệu ngũ căn:

Tín, tinh tấn, niệm xứ,

Cùng chánh định, chánh quán:

Ai làm khổ vị ấy,

Trước phải thọ họa tai [141].

 [620b] Họa tai đã tự thọ,

Sau nữa gây hại người.

Ai biết tự thủ hộ,

Tất thủ hộ bên ngoài.

Cho nên hãy tự hộ,

Kẻ trí hoan lạc thay!

Phật thuyết như vậy, Tôn giả và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

131. KINH HÀNG MA

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại Bạt-kì-sấu, trong núi Ngạc, rừng Bố, vườn Lộc dã [142].

Lúc bấy giờ Đại Mục-kiền-liên đang coi việc dựng thiền thất cho Phật [143]. Trong lúc Tôn giả đang kinh hành trên khoảng đất trống, bấy giờ Ma vương hóa hình nhỏ xíu, chui vào trong bụng của Tôn giả Đại Mục-kiền-liên. Lúc đó, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên nghĩ như vầy, “Bụng ta cảm thấy nặng, giống như đang ăn phải hạt đậu. Ta hãy nhập như vậy, bằng định như vậy ta nhìn vào bụng xem.”

Rồi Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đi đến cuối đường kinh hành, trải ni-sư-đàn, ngồi xếp kiết già, nhập định như vậy, bằng định như vậy mà nhìn vào bụng mình, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên thấy Ma vương đang ở trong đó. Tôn giả bèn ra khỏi định, nói với Ma vương:

“Này Ba-tuần, ngươi hãy đi ra! Này Ba-tuần, ngươi hãy đi ra! Chớ có xúc nhiễu Như Lai, cũng chớ xúc nhiễu đệ tử của Như Lai. Đừng sống mãi trong sự vô nghĩa, vô ích mà phải tái sanh ác xứ, thọ vô lượng khổ.”

Khi ấy, Ma vương liền nghĩ: “Sa-môn này không thấy, không biết, thế mà lại nói: ‘Này Ba-tuần, ngươi hãy đi ra! Này Ba-tuần, ngươi hãy đi ra! Chớ có xúc nhiễu Như Lai, cũng chớ xúc nhiễu đệ tử của Như Lai. Đừng sống mãi trong sự vô nghĩa, vô ích mà phải tái sanh ác xứ, thọ vô lượng khổ’. Tôn sư của ông ta có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, cũng không thể thấy mau lẹ, biết mau lẹ như vậy, huống nữa là đệ tử mà thấy biết được sao!”

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên lại nói với Ma vương rằng:

“Ta lại biết trong ý của ngươi, ngươi nghĩ như vầy, ‘Sa-môn này không thấy, không biết, thế mà lại nói: ‘Này Ba-tuần, ngươi hãy đi ra! Này Ba-tuần, ngươi hãy đi ra! Chớ có xúc nhiễu Như Lai, cũng chớ xúc nhiễu [620c] đệ tử của Như Lai. Đừng sống mãi trong sự vô nghĩa, vô ích mà phải tái sanh ác xứ, thọ vô lượng khổ’. Tôn sư của ông ta có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, cũng không thể thấy mau lẹ, biết mau lẹ như vậy, huống nữa là đệ tử mà thấy biết được sao!’”

Ma Ba-tuần kia nghĩ rằng: “Sa-môn này đã thấy và biết ta nên mới nói như vậy.” Rồi ma Ba-tuần hóa hình nhỏ xíu, từ trong miệng vọt ra, đứng ngay trước mặt Tôn giả Đại Mục-kiền-liên.

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên bảo rằng:

“Này ma Ba-tuần, thuở xưa, có Như Lai tên là Câu-lưu-tôn [144], Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác. Lúc đó ta làm Ma có tên là Ác [145]. Ta có người em gái [146] tên là Hắc [147]. Ngươi chính là con trai của nó. Này Ma Ba-tuần, vì lẽ đó cho nên ngươi là cháu gọi ta bằng cậu.

“Này Ma Ba-tuần, Đức Câu-lưu-tôn Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác có hai đệ tử, một tên là Âm [148], hai tên là Tưởng [149]. Này Ba-tuần, do ý nghĩa nào được gọi là Âm? Ba-tuần, Tôn giả đó lúc sống trên cõi trời Phạm thiên, tiếng nói bình thường của ngài vang cả ngàn thế giới, lại không có một đệ tử nào có âm thanh ngang bằng, hoặc tương tợ, hoặc trội hơn được. Này Ba-tuần, vì lẽ ấy cho nên Tôn giả đó được gọi là Âm vậy. Ba-tuần, lại do ý nghĩa nào mà Tôn giả Tưởng có tên là Tưởng? Này Ba-tuần, Tôn giả Tưởng nương nơi thôn ấp mà du hành. Khi đêm đã qua, lúc trời hừng sáng, Tôn giả ấy đắp y, mang bình bát, đi vào thôn ấp khất thực, cẩn thận thủ hộ thân, thu nhiếp các căn, giữ vững chánh niệm. Ngài sau khi khất thực xong và sau khi ăn vào lúc giữa trưa, thâu vén y bát, rửa tay chân, vắt ni-sư-đàn trên vai, đi vào rừng vắng vẻ, hoặc đến dưới gốc cây trong rừng sâu, hoặc đến chỗ không tĩnh, trải ni-sư-đàn ngồi kết già, liền nhập tưởng tri diệt định một cách nhanh chóng. Lúc ấy có những người đang lùa trâu, dê, người đi mót cỏ, hoặc người đi đường; họ vào trong núi, thấy ngài nhập tưởng tri diệt định, bèn nghĩ rằng: ‘Sa-môn này ngồi mà chết trong khu rừng vắng này. Chúng ta hãy nhặt cỏ khô chất đống phủ lên trên, ràng rịt cẩn thận, lượm củi chất chồng lên trên thân để hỏa thiêu’. [150] Họ bèn nhặt cỏ chất đống phủ lên thân ngài, nổi lửa đốt rồi bỏ mà đi. Tôn giả kia, sau khi đêm đã qua, trời vừa hừng sáng, ra khỏi định, đập phủi y phục, du hành trở về thôn ấp, đắp y, mang bình bát vào thôn ấp khất thực như thường lệ, khéo giữ gìn thân căn, giữ vững chánh niệm. [621a] Những người lùa trâu, dê, những người mót cỏ khô, hoặc người đi đường vào trong núi đã gặp Tôn giả trước kia, họ bèn nghĩ: ‘Đây là Sa-môn ngồi mà chết trong khu rừng vắng vẻ này. Chúng ta đã nhặt cỏ khô chất đống phủ trên thân, nổi lửa đốt rồi bỏ đó mà đi. Song Hiền giả này vẫn còn biết tưởng [151].’ Này Ba-tuần, vì lẽ đó cho nên Tôn giả Tưởng được gọi là Tưởng vậy.

“Này Ba-tuần, lúc ấy Ác ma nghĩ rằng: ‘Sa-môn trọc đầu này bị da đen trói chặt [152], bị tuyệt chủng, không con cái, học thiền, dò xét, ngong ngóng dò xét, luôn luôn ngong ngóng dò xét [153]. Giống như con lừa trọn ngày mang nặng, bị cột lại trong tàu, không được ăn lúa mạch, nó dò xét, ngong ngóng dò xét, luôn luôn ngong ngóng dò xét; Sa-môn trọc đầu này bị da đen trói chặt, tuyệt chủng, không con cái, chúng nó học thiền, dò xét, ngong ngóng dò xét, luôn luôn ngong ngóng dò xét.

“ ‘Giống như con mèo ngồi rình bên hang chuột, vì muốn bắt chuột nên nó dò xét, ngong ngóng dò xét, luôn luôn ngong ngóng dò xét; cũng vậy, Sa-môn trọc đầu này bị da đen trói chặt, tuyệt chủng không con cái, chúng nó học thiền, dò xét, ngong ngóng dò xét, luôn luôn ngong ngóng dò xét.

“ ‘Cũng giống như con cú mèo [154] ở giữa đống củi khô, vì muốn bắt chuột nên nó dò xét, ngong ngóng dò xét, luôn luôn ngong ngóng dò xét; cũng vậy, Sa-môn trọc đầu này bị da đen trói chặt, tuyệt chủng không con cái, chúng nó học thiền, dò xét, ngong ngóng dò xét, luôn luôn ngong ngóng dò xét.

“ ‘Giống như con chim hạc [155] ở bên bờ nước, vì muốn bắt cá nên nó dò xét, ngong ngóng dò xét, luôn luôn ngong ngóng dò xét; cũng vậy, Sa-môn trọc đầu này bị da đen trói chặt, bị tuyệt chủng không con cái, chúng nó học thiền, dò xét, ngong ngóng dò xét, luôn luôn ngong ngóng dò xét.

“ ‘Chúng dò xét cái gì? Dò xét với mục đích gì? Dò xét để mong cái gì? Chúng nó loạn trí, phát cuồng, bại hoại. Ta chẳng biết chúng nó ở đâu đến, cũng chẳng biết chúng nó đi về đâu, chẳng biết chúng nó sống ở đâu, chẳng biết chúng nó chết như thế nào, sanh như thế nào? Ta hãy dạy bảo các Bà-la-môn, Cư sĩ rằng: ‘Ngươi hãy đi đến mà chửi, mà đập, mà phá, mà rủa xả Sa-môn tinh tấn kia’. Vì sao vậy? Khi bị chửi, bị đập, bị phá, bị rủa xả, biết đâu chúng nó chẳng nổi ác tâm để ta dễ chi phối’.

“Bấy giờ Ác ma bèn xúi dục các Cư sĩ, Bà-la-môn. Các Cư sĩ, Bà-la-môn ấy chửi, đập phá, rủa xả Sa-môn tinh tấn. Các Cư sĩ, Bà-la-môn ấy hoặc dùng cây đánh, hoặc lấy đá ném, hoặc vác gậy đập, có khi gây thương tích Sa-môn tinh tấn, có khi làm rách toạc áo, có khi làm bể bình bát. Bấy giờ trong số Cư sĩ Bà-la-môn ấy do nhân duyên này thân hoại mạng chung phải đến ác xứ, sanh trong địa ngục. Chúng sanh vào đó rồi, suy nghĩ như vầy, ‘Ta đáng phải thọ khổ này, lại phải thọ [621b] cực khổ hơn nữa. Vì cớ sao? Vì chúng ta đã đối xử tàn ác với Sa-môn tinh tấn vậy’.

“Này Ba-tuần, đệ tử của Đức Câu-lưu-tôn Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, mang đầu thương tích, mang y rách toạc, mang bình bát bể, đi đến chỗ Câu-lưu-tôn Như Lai, Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác. Lúc bấy giờ Đức Câu-lưu-tôn Như Lai, Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác đang thuyết pháp cho vô lượng trăm ngàn quyến thuộc vây quanh. Đức Câu-lưu-tôn Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác trông thấy từ xa một đệ tử mang đầu bị thương tích, y rách toạc, bình bát bể đi đến. Ngài thấy vậy, bảo các Tỳ-kheo rằng: ‘Các ngươi có thấy chăng, Ác ma đã xúi dục các Cư sĩ, Bà-la-môn rằng ‘Các ngươi hãy đến mà chửi, mà đập, mà rủa xả Sa-môn tinh tấn. Vì cớ sao? Khi bị chửi, bị đập, bị rủa xả, biết đâu chúng nó chẳng nổi ác tâm để ta dễ dàng chi phối.’’ Này các Tỳ-kheo, hãy với tâm tương ưng từ, biến mãn một phương, thành tựu an trụ. Cũng vậy, hai, ba, bốn phương, tứ duy thượng hạ bao trùm tất cả, tâm tương ưng với từ, không kết, không oán, không nhuế, không não hại, rộng lớn bao la, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Bi và hỷ cũng vậy. Tâm tương ưng với xả, không kết, không oán, không nhuế, không tranh, rộng lớn bao la, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Với tâm ấy khiến Ác ma không thể chi phối’.

“Này Ma Ba-tuần, Đức Câu-lưu-tôn Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, bằng giáo pháp như vậy mà dạy đệ tử. Họ bèn thọ lãnh giáo pháp ấy, tâm tương ưng với từ, không oán, không nhuế, không tranh, rộng lớn bao la, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Với tâm ấy, ác ma kia không thể chi phối được.

“Này Ma Ba-tuần, lúc đó Ác ma lại nghĩ: ‘Bằng sự việc ấy ta muốn chi phối Sa-môn tinh tấn mà không thể được. Bây giờ ta hãy xúi dục các Cư sĩ, Bà-la-môn rằng: ‘Các người hãy đến phụng kính, cúng dường, lễ sự Sa-môn tinh tấn’. Biết đâu do sự phụng kính, cúng dường, lễ sự Sa-môn tinh tấn, chúng nó chẳng nổi ác tâm để ta dễ dàng chi phối’.

“Này Ma Ba-tuần, các Cư sĩ, Bà-la-môn kia sau khi bị Ác ma xúi dục, họ [621c] đến phụng kính, cúng dường, lễ sự Sa-môn tinh tấn. Họ lấy áo trải lên mặt đất mà nói rằng ‘Sa-môn tinh tấn, xin đạp lên mà đi. Sa-môn tinh tấn thường làm những việc khó làm, khiến cho chúng tôi mãi mãi được lợi ích, được an ổn khoái lạc’. Hoặc có Bà-la-môn trải tóc lên mặt đất, nói rằng ‘Sa-môn tinh tấn, xin đạp lên tóc mà đi. Sa-môn tinh tấn thường làm những việc khó làm, khiến cho chúng tôi mãi mãi được lợi ích, được an ổn khoái lạc’. Hoặc có Cư sĩ, Bà-la-môn hai tay bưng đủ các loại ẩm thực, đứng bên dưới đợi và nói rằng ‘Sa-môn tinh tấn, xin nhận vật thực này, xin cứ mang đi tùy ý mà thọ dụng, để cho tôi mãi mãi được lợi ích, được an ổn khoái lạc’. Các Cư sĩ, Bà-la-môn thành tín thấy Sa-môn tinh tấn, cung kính bồng bế vào nhà, đem đủ thứ tài vật ra cho Sa-môn tinh tấn và nói rằng: ‘Xin thọ nhận cái này, xin thọ dụng cái này, xin mang cái này đi, tùy ý mà thọ dụng’. Lúc bấy giờ trong số các Cư sĩ, Bà-la-môn đó có người chết, do nhân duyên này thân hoại mạng chung được đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời. Sau khi sanh vào đó, họ bèn nghĩ ‘Ta xứng đáng thọ hưởng sự an lạc này, lại sẽ thọ hưởng cực lạc hơn nữa. Vì sao thế? Vì chúng ta đã làm các việc lành với Sa-môn tinh tấn vậy’.

“Này Ma Ba-tuần, đệ tử của Đức Câu-lưu-tôn Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, sau khi được phụng kính, cúng dường, lễ sự, họ đi đến Đức Câu-lưu-tôn Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác. Lúc đó Đức Câu-lưu-tôn Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác đang thuyết pháp cho vô lượng trăm ngàn đệ tử vây quanh. Khi Đức Câu-lưu-tôn Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác trông thấy từ xa các đệ tử được phụng kính, cúng dường, lễ sự đang đi đến, thấy vậy, ngài bảo các Tỳ-kheo rằng: ‘Các ngươi có thấy chăng? Ác ma xúi dục các Cư sĩ, Bà-la-môn rằng ‘Các ngươi hãy đến phụng kính, cúng dường, lễ sự Sa-môn tinh tấn’. Biết đâu do phụng kính, cúng dường, lễ sự Sa-môn tinh tấn, chúng sẽ nổi ác tâm để ta dễ dàng chi phối. Này các Tỳ-kheo, các ngươi hãy quán các hành vô thường, quán các pháp hưng suy, quán vô dục, quán xả ly, quán diệt, quán đoạn, để cho bọn ác ma không thể chi phối’.

“Này Ma Ba-tuần, Đức Câu-lưu-tôn Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác bằng giáo pháp như vậy mà dạy các đệ tử; họ bèn thọ lãnh giáo pháp ấy, quán các hành vô thường, quán pháp hưng suy, quán vô dục, quán xả ly, quán diệt, quán đoạn, [622a] khiến cho ác ma không thể chi phối.

“Này Ma Ba-tuần, lúc đó Ác ma bèn nghĩ: ‘Bằng việc ấy ta muốn chi phối Sa-môn tinh tấn mà không được. Ta hãy hóa hình làm một đứa nhỏ [156] tay cầm cây gậy lớn, đứng bên đường, đánh vỡ đầu Tôn giả Âm, khiến máu chảy ướt cả mặt’.

“Này Ma Ba-tuần, Đức Câu-lưu-tôn Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, sau đó đang du hành trong thôn ấp. Khi đêm đã qua, lúc trời hừng sáng, mang y bát vào trong thôn xóm khất thực, Tôn giả Âm đi hầu theo phía sau. Ma Ba-tuần, lúc ấy Ác ma hóa hình làm một đứa bé, tay cầm một cây gậy lớn đứng bên đường, đánh vỡ đầu Tôn giả Âm, khiến máu chảy ướt cả mặt.

“Này Ma Ba-tuần, Tôn giả Âm sau khi bị vỡ đầu chảy máu, vẫn đi theo sau Đức Câu-lưu-tôn Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, như bóng không rời hình. Này Ma Ba-tuần, Đức Câu-lưu-tôn Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác sau khi đến thôn ấp, bằng sức mạnh cực kỳ của bản thân, Ngài xoay nhìn theo phía hữu, như cái nhìn của một voi chúa, không sợ không hãi, không kinh không khiếp, quán sát khắp mọi phía. Này ma Ba-tuần, Đức Câu-lưu-tôn Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, nhìn thấy Tôn giả Âm đầu bị chảy máu ướt cả mặt, đang đi theo sau Phật như bóng không rời hình, bèn nói rằng: ‘Ác ma thật là hung bạo này có đại oai lực, Ác ma này không biết vừa đủ’.

“Này ma Ba-tuần, Đức Câu-lưu-tôn Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, nói chưa xong thì ngay tại chỗ đó Ác ma liền bị đọa vào đại địa ngục Vô khuyết [157]. Ma Ba-tuần, đại địa ngục này có bốn tên gọi [158], một là Vô khuyết, hai là Bách đinh, ba là Nghịch thích, bốn là Lục cánh. Trong đại địa ngục đó có ngục tốt đi đến chỗ ác ma ở mà nói rằng: ‘Ngươi nay nên biết, nếu đinh hiệp với các đinh, phải biết mãn một trăm năm.’ ”

Ma Ba-tuần nghe nói như vậy xong, trong lòng hết sức rúng động, kinh sợ, khủng khiếp vô cùng, tóc lông dựng ngược, bèn hướng đến tôn giả Đại Mục-kiền-liên mà nói bài kệ:

Địa ngục kia thế nào,

Xưa Ác ma ở đó?

Nhiễu hại phạm hạnh Phật,

Xúc phạm cả Tỳ-kheo.

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đáp lại ma Ba-tuần bài kệ rằng:

Địa ngục tên Vô khuyết,

Ác ma từng ở trong.

Nhiễu hại đồng phạm hạnh,

Xúc phạm Tỳ-kheo Tăng.

 [623b] Đinh sắt cả trăm cái,

Thảy đều đâm ngược lên.

Địa ngục tên Vô khuyết,

Ác ma từng ở trong.

Nếu như ai không biết,

Đệ tử Phật, Tỳ-kheo,

Tất nhiên khổ như vậy,

Mà thọ báo nghiệp đen.

Trong nhiều chốn công  viên,

Loài người trên đất này,

Ăn loại lúa tự mọc,

Đời Bắc châu, tự nhiên. [159]

Triền núi  Đại Tu di

Xông ướp bởi nhân lành. [160]

Tu tập nơi giải thoát,

Thọ trì tối hậu thân,

Đứng sững trên suối lớn,

Cung điện kiếp lâu bền. [161]

Sắc vàng thật khả ái,

Như lửa rực huy hoàng [162].

Nhạc trời trỗi các thứ;

Đến Đế Thích thiên cung.

Kiếp xưa với nhà cửa,

Thiện Giác đã cúng dường [163].

Nếu Đế Thích đi trước,

Lên điện Tỳ-xà-diên [164],

Hân hoan chào đón Thích,

Thiên nữ vũ chúc mừng.

Nếu thấy Tỳ-kheo đến [165],

Nhìn lui, vẻ thẹn thùng.

Trên địên Tỳ-xà-diên,

Luận nghĩa cùng Sa-môn

Ái tận, đắc giải thoát [166];

Đại tiên có biết chăng?

Tỳ-kheo liền đáp lại,

Người hỏi đúng như nghĩa.

Câu-dực, ta biết đây,

Ái tận, đắc giải thoát.

Nghe lời giải đáp này,

Đế Thích hoan hỷ lạc.

Tỳ-kheo ban lợi ích,

Nói năng đúng nghĩa chân.

Trên Tỳ-xà-diên điện,

Hỡi Đế Thích thiên vương.

Cung điện tên gì vậy,

Mà Ông thủ thành trì?

Thích đáp: Đại Tiên nhân!

Tên Tỳ-xà-diên-đá.

Gọi là thế giới ngàn,

Ở trong ngàn thế giới;

Không cung điện nào hơn

Như Tỳ-la-diên-đá.

Thiên vương Thiên đế Thích,

Tự tại mà du hành.

Ái-lạc na-du-đá [167],

Hóa một thành trăm hàng.

Trong Tỳ-lan-diên điện,

Đế Thích tự tại chơi.

 [622c]Tỳ-lan-diên đại điện,

Ngón chân đủ lung lay [168].

Thiên vương mắt xem thấy,

Đế Thích tự tại chơi.

Giảng đường Lộc tử mẫu [169],

Nền sâu, đắp kiên cố,

Khó động, khó lung lay,

Lay bởi định như ý.

Kia có đất lưu ly,

Thánh nhân bước lên đi

Trơn nhuần, cảm thọ lạc,

Trải gấm êm diệu kỳ.

Ái ngữ thường hòa hiệp,

Thiên vương thường hân hoan.

Nhạc trời hay khéo trỗi,

Âm tiết họa nhịp nhàng.

Thiên chúng đều hội tụ,

Nhưng thuyết Tu-đà-hoàn [170].

Biết mấy vô lượng ngàn,

Và hằng trăm na-thuật.

Đến Tam thập tam thiên,

Bậc Tuệ Nhãn thuyết pháp.

Nghe Ngài thuyết pháp xong,

Hoan hỷ và phụng hành.

Ta cũng có pháp ấy,

Như lời của Tiên nhân;

Tức lên cõi Đại phạm,

Hỏi Phạm thiên sự tình.

Phạm vẫn có thấy này:

Tức thấy có từ xưa,

Ta vĩnh tồn, thường tại,

Hằng hữu, không biến đổi.

Đại Phạm trả lời kia:

Đại tiên tôi không thấy,

Tức thấy có từ xưa,

Ta thường hằng không đổi.

Tôi thấy cảnh giới này,

Các Phạm thiên quá khứ;

Ta nay do đâu nói,

Thường hằng không biến đổi.

Ta thấy thế gian này,

Bậc Chánh Giác đã dạy.

Tùy nhân duyên sanh ra,

Luân chuyển rồi trở lại.

Lửa không nghĩ thế này:

“Ta đốt kẻ ngu dại”

Lửa đốt, ngu sờ tay,

Tất nhiên phải bị cháy.

Cũng vậy, Ma Ba-tuần,

Đến Như Lai pháp khuất,

Mãi làm điều bất thiện,

Tất thọ báo miên viễn.

Ngươi đừng trách Phật-đà,

Chớ hại Tỳ-kheo tịnh.

Một Tỳ-kheo hàng ma,

Tại Bố Lâm rừng già.

Con quỷ sầu áo não,

Bị Kiền-liên quở la.

 [623a] Hãi hùng mất trí tuệ,

Biến mất bèn đi xa.

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên thuyết như vậy. Ma Ba-tuần sau khi nghe Tôn giả thuyết, hoan hỷ phụng hành. [171] 

132. KINH LẠI-TRA-HÒA-LA

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại Câu-lâu-sấu [172] cùng với đại chúng Tỳ-kheo, đi đến Thâu-lô-tra [173]; trú trong vườn Thi-nhiếp-hòa [174], phía Bắc thôn Thâu-lô-tra.

Bấy giờ, các Bà-la-môn, Cư sĩ thôn Thâu-lô-tra nghe đồn rằng: “Sa-môn Cù-đàm, con dòng họ Thích, lìa bỏ tông tộc, xuất gia học đạo, đang trú Câu-lâu-sấu cùng với đại chúng Tỳ-kheo, đi đến thôn Thâu-lô-tra này, trú trong rừng Thi-nhiếp-hòa, phía Bắc thôn Thâu-lô-tra. Sa-môn Cù-đàm ấy có tiếng tăm lớn, đồn khắp mười phương. Sa-môn Cù-đàm là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Vị ấy ở trong thế gian này, giữa Chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, từ người đến trời, mà tự tri, tự giác, tự chứng ngộ, thành tựu an trụ [175]. Vị ấy thuyết pháp vi diệu ở khởi đầu, vi diệu ở khoảng giữa và đoạn cuối cũng vi diệu, có nghĩa, có văn; cụ túc thanh tịnh, hiển hiện phạm hạnh [176]. Nếu được gặp Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác để tôn trọng, lễ bái, cúng dường, thừa sự, thật là thiện lợi thay! Chúng ta nên cùng nhau đến gặp Sa-môn Cù-Đàm để lễ bái, cúng dường.”

Các Cư sĩ, Bà-la-môn thôn Thâu-lô-tra sau khi đã được nghe như vậy, mỗi người cùng với quyến thuộc theo sau, từ thôn Thâu-lô-tra ra đi, hướng về phía Bắc, đến vườn Thi-nhiếp-hòa. Họ mong gặp Đức Thế Tôn để lễ bái, cúng dường. Sau khi đến nơi Phật, các Bà-la-môn, cư sĩ thôn Thâu-lô-tra kia, có người cúi đầu lễ bái sát chân Phật rồi ngồi sang một bên; có người chào hỏi Phật rồi ngồi sang một bên; có người chắp tay hướng Phật rồi ngồi sang [623b] một bên; có người từ xa thấy Phật, lặng lẽ ngồi xuống. Khi các Bà-la-môn, Cư sĩ thôn Thâu-lô-tra ai nấy đều ngồi yên, Đức Phật nói pháp cho họ, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi bằng vô lượng phương tiện nói pháp cho họ, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ rồi Đức Phật ngồi im lặng.

Bấy giờ, các Bà-la-môn, Cư sĩ thôn Thâu-lô-tra sau khi được Phật thuyết pháp, khuyến phát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ rồi, ai nấy đều rời chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu sát chân Phật, đi quanh Phật ba vòng rồi ra về.

Lúc bấy giờ con trai cư sĩ là Lại-tra-hòa-la [177] vẫn ngồi không đứng dậy. Đến lúc các Bà-la-môn, cư sĩ thôn Thâu-lô-tra ra về chẳng bao lâu, Lại-tra-hòa-la con trai cư sĩ liền rời chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo, chắp tay hướng về Phật mà bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, như con biết, đối với giáo pháp mà Phật đã dạy, nếu con sống tại gia bị tù hãm trong những sự phiền tỏa, không thể trọn đời thanh tịnh tu hành phạm hạnh được. Bạch Thế Tôn, xin cho con được theo Thế Tôn xuất gia học đạo, thọ giới Cụ túc, được làm Tỳ-kheo tịnh tu phạm hạnh.”

Đức Thế Tôn hỏi:

“Này con trai Cư sĩ, cha mẹ có cho phép ông ở trong Chánh pháp luật này, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình học đạo không?”

Lại-tra-hòa-la con trai Cư sĩ bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, cha mẹ chưa cho con ở trong Chánh pháp luật này chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình học đạo.”

Đức Thế Tôn dạy:

“Này con trai Cư sĩ, nếu cha mẹ không cho phép ông sống trong Chánh pháp luật này, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình học đạo, thì Ta không thể độ ông xuất gia học đạo, cũng không thể truyền trao giới Cụ túc.”

Lại-tra-hòa-la con trai Cư sĩ bạch:

“Bạch Thế Tôn, con sẽ phương tiện xin cha mẹ để con được phép ở trong Chánh pháp luật này chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình học đạo.”

Đức Thế Tôn dạy:

“Này con trai Cư sĩ, tùy ước muốn của ông.”

Khi ấy Lại-tra-hòa-la con trai Cư sĩ nghe lời Phật dạy, cẩn thận ghi nhớ, cúi đầu lễ sát chân Phật, đi quanh ba vòng rồi ra về. Về đến nhà, ông thưa với cha mẹ:

“Thưa cha mẹ, như con biết, đối với giáo pháp mà Phật đã dạy, nếu con sống tại gia đình, bị tù hãm trong những sự phiền tỏa, không thể trọn đời thanh tịnh tu hành phạm hạnh được. Cúi xin cha mẹ cho con trong Chánh pháp luật này mà chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình học đạo.”

Cha mẹ của Lại-tra-hòa-la con trai Cư sĩ bảo:

“Lại-tra-hòa-la, cha mẹ chỉ có một mình con, hết sức yêu thương chiều chuộng, lòng những quyến luyến không kể xiết. Giả sử con có chết đi, cha mẹ còn không muốn rời bỏ, huống gì còn sống mà nỡ lìa xa, không nhìn thấy được mặt sao?”

Lại-tra-hòa-la con trai Cư sĩ lại [623c] thưa đến lần thứ ba:

“Thưa cha mẹ, như con biết, đối với giáo pháp mà Phật đã dạy, nếu con sống tại gia đình, bị tù hãm trong những sự phiền tỏa, không thể trọn đời thanh tịnh tu hành phạm hạnh được. Cúi xin cha mẹ cho con trong Chánh pháp luật này mà chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình học đạo.”

Cha mẹ Lại-tra-hòa-la cũng lại bảo đến lần thứ ba:

“Lại-tra-hòa-la, cha mẹ chỉ có một mình con, hết sức yêu thương chiều chuộng, lòng những quyến luyến không kể xiết. Giả sử con có chết đi, cha mẹ còn không muốn rời bỏ, huống gì còn sống mà nỡ lìa xa, không nhìn thấy được mặt sao?”

Khi ấy Lại-tra-hòa-la con trai Cư sĩ liền vật mình xuống đất, nói:

“Từ nay con không đứng dậy, không uống, không ăn, cho đến khi nào cha mẹ cho con ở trong Chánh pháp luật này chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình học đạo.”

Rồi Lại-tra-hòa-la con trai Cư sĩ trải qua một ngày không ăn, cho đến hai ngày, ba ngày, bốn ngày, nhiều ngày không ăn. Bấy giờ cha mẹ Lại-tra-hòa-la con trai Cư sĩ đến bên con bảo rằng:

“Lại-tra-hòa-la, người con mềm mại, thân hình đẹp đẽ, thường nằm ngồi trên giường tốt, nay con không biết khổ sao? Lại-tra-hòa-la, con hãy mau đứng dậy, sống đời dục lạc mà bố thí, sung sướng mà tu phước nghiệp. Vì sao? Lại-tra-hòa-la, cảnh giới của Đức Thế Tôn rất khó, rất khó! Xuất gia học đạo lại càng rất khó.”

Lại-tra-hòa-la con trai Cư sĩ vẫn nằm im lặng không đáp.

Rồi cha mẹ Lại-tra-hòa-la con trai Cư sĩ đi đến thân bằng quyến thuộc và các quan viên nói rằng:

“Mong quý vị hãy cùng đến chỗ Lại-tra-hòa-la khuyên nó dậy.”

Thân bằng quyến thuộc của Lại-tra-hòa-la và các quan viên bèn cùng nhau đi đến chỗ Lại-tra-hòa-la bảo rằng:

“Này cậu Lại-tra-hòa-la, người cậu mềm mại, thân hình đẹp đẽ, thường nằm ngồi trên giường tốt, nay không biết khổ sao? Lại-tra-hòa-la, cậu hãy mau đứng dậy, sống đời dục lạc mà bố thí, sung sướng tu phước nghiệp. Vì sao? Lại-tra-hòa-la, cảnh giới của Đức Thế Tôn rất khó, rất khó! Xuất gia học đạo lại càng rất khó.”

Lại-tra-hòa-la con trai Cư sĩ vẫn nằm im lặng không đáp.:

Rồi cha mẹ Lại-tra-hòa-la con trai Cư sĩ đi đến các thiện tri thức đồng bạn đồng lứa với Lại-tra-hòa-la con trai Cư sĩ, nói rằng:

“Mong các cậu đến chỗ Lại-tra-hòa-khuyên nó đứng dậy.”

Các thiện tri thức đồng bạn đồng lứa với Lại-tra-hòa-la con trai Cư sĩ, liền cùng nhau đi đến bên [624a] Lại-tra-hòa-la con trai Cư sĩ, nói rằng:

“Lại-tra-hòa-la con trai Cư sĩ, người bạn mềm mại, thân hình đẹp đẽ, thường nằm ngồi trên giường tốt, nay bạn không biết khổ sao? Lại-tra-hòa-la, bạn hãy mau đứng dậy sống đời dục lạc mà bố thí, sung sướng tu phước nghiệp. Vì sao? Lại-tra-hòa-la, cảnh giới của Đức Thế Tôn rất khó, rất khó! Xuất gia học đạo lại càng rất khó.”

Lại-tra-hòa-la con trai Cư sĩ vẫn im lặng không đáp.

Khi ấy các thiện tri thức đồng bạn, đồng lứa với Lại-tra-hòa-la con trai Cư sĩ đi đến chỗ cha mẹ Lại-tra-hòa-la con trai Cư sĩ nói rằng:

“Hai bác nên cho Lại-tra-hòa-la con trai Cư sĩ ở trong Chánh pháp luật này chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình học đạo. Nếu anh ấy thích sống như vậy, thì ngay trong đời này còn có thể gặp nhau. Nếu anh ấy chán sống cảnh ấy thì tự nhiên sẽ trở về với cha mẹ. Nay nếu không cho anh ấy đi, nhất định anh ấy sẽ chết, không nghi ngờ gì nữa. Như thế có ích gì?”

Khi ấy, cha mẹ Lại-tra-hòa-la con trai Cư sĩ nghe xong, liền nói với các thiện tri thức đồng bạn đồng lứa với Lại-tra-hòa-la con trai Cư sĩ rằng:

“Chúng tôi nay cho Lại-tra-hòa-la ở trong Chánh pháp luật mà chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình học đạo. Nếu học đạo mà vẫn trở về cho chúng tôi gặp.”

Rồi các thiện tri thức đồng bạn đồng lứa với Lại-tra-hòa-la con trai Cư sĩ liền cùng nhau đến chỗ Lại-tra-hòa-la con trai Cư sĩ nói rằng:

“Này bạn, cha mẹ đã cho bạn ở trong Chánh pháp luật mà chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, học đạo. Khi học đạo rồi, phải trở về thăm cha mẹ.”

Lại-tra-hòa-la con trai Cư sĩ nghe như vậy, vui mừng khôn tả, hân hoan, sinh ái, sinh lạc, bèn đứng dậy, dần dần bồi dưỡng thân thể. Khi thân thể đã bình phục, liền rời khỏi thôn Thâu-lô-tra, đi đến chỗ Phật, cúi đầu sát chân Phật, bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, cha mẹ đã cho con ở trong Chánh pháp luật này chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình học đạo. Ngưỡng mong Thế Tôn cho con được theo Thế Tôn xuất gia học đạo, thọ giới Cụ túc, được làm Tỳ-kheo.”

Khi ấy Đức Thế Tôn độ Lại-tra-hòa-la con trai Cư sĩ xuất gia học đạo, truyền trao giới Cụ túc. Sau khi truyền trao giới Cụ túc, Đức Thế Tôn ở lại thôn Thâu-lô-tra một thời gian, sau đó Ngài thâu y mang bát lần lượt du hành đến nước Xá-vệ, trú trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Tôn giả Lại-tra-hòa-la sau khi xuất gia học đạo, thọ giới Cụ túc, sống cô độc ở nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn. Do sống cô độc ở nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn, ngài đạt đến mục đích mà một thiện nam tử [624b] cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình học đạo, là chỉ cầu hoàn thành vô thượng phạm hạnh, ở ngay đời hiện tại này tự tri, tự giác, tự chứng ngộ, thành tựu an trụ, biết như thật rằng: “Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa". Tôn giả Lại-tra-hòa-la biết như pháp rồi, cho đến, chứng đắc quả A-la-hán.

Tôn giả Lại-tra-hòa-la, sau khi đắc quả A-la-hán, khoảng chín mười năm trôi qua, bèn nghĩ rằng: “Ngày xưa ta đã hứa xuất gia học đạo rồi sẽ trở về thăm cha mẹ. Ta nay nên trở về để trọn lời hứa đó.”

Rồi Tôn giả Lại-tra-hòa-la đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ sát chân Phật, ngồi sang một bên, bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, con trước có lời hứa, là sau khi học đạo rồi, sẽ về thăm cha mẹ. Hôm nay con xin từ giã để về thăm cha mẹ cho trọn lời hứa trước.”

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nghĩ: “Thiện nam tử Lại-tra-hòa-la này, nếu giả sử xả giới, bỏ đạo, sống đời dục lạc như cũ, chắc chắn không có trường hợp đó.” Đức Thế Tôn biết vậy, liền bảo:

“Ngươi hãy đi. Những ai chưa được độ, hãy độ; chưa giải thoát, hãy khiến cho giải thoát; chưa tịch diệt, khiến được tịch diệt. Lại-tra-hòa-la, nay tùy ý ngươi.

Khi đó, Tôn giả Lại-tra-hòa-la nghe Phật dạy xong, cẩn thận ghi nhớ, liền rời chỗ ngồi đứng dậy, cúi lạy sát chân Phật, đi quanh ba vòng, rồi đi về phòng riêng, thu xếp ngọa cụ, mang y ôm bát, lần lượt du hành đến thôn Thâu-lô-tra, trú trong vườn Thi-nhiếp-hòa, phía Bắc thôn Thâu-lô-tra.

Khi đêm đã qua, trời vừa hừng sáng, Tôn giả Lại-tra-hòa-la mang y ôm bát vào thôn Thâu-lô-tra khất thực. Tôn giả Lại-tra-hòa-la nghĩ như vầy: “Đức Thế Tôn khen ngợi việc thứ lớp khất thực. Ta nay ở trong thôn Thâu-lô-tra này nên theo thứ lớp khất thực.”

Tôn giả Lại-tra-hòa-la ở trong thôn Thâu-lô-tra theo thứ lớp khất thực, lần lượt về đến nhà mình. Lúc đó cha của Tôn giả Lại-tra-hòa-la đứng trong cửa, đang chải tóc cạo râu. Ông ta thấy Lại-tra-hòa-la đi vào, liền nói rằng:

“Sa-môn trọc đầu này bị quỷ đen trói chặt [178], tuyệt chủng không con cái, phá hoại gia đình ta. Ta có một đứa con, hết sức thương yêu chiều chuộng, lòng những quyến luyến không kể xiết, thế mà nó dẫn đi mất. Đừng cho nó ăn!”

Tôn giả Lại-tra-hòa-la ở nhà cha đã không được bố thí, mà lại bị rủa xả rằng: “Sa-môn trọc đầu này [624c] bị quỷ đen trói chặt, tuyệt chủng không con cái, phá hoại gia đình ta. Ta có một đứa con, hết sức thương yêu chiều chuộng, lòng những quyến luyến không kể xiết, thế mà nó dẫn đi mất. Đừng cho nó ăn!”

Tôn giả Lại-tra-hòa-la nghe vậy liền vội vàng bỏ đi.

Lúc đó người nô tỳ của cha Tôn giả Lại-tra-hòa-la xách một giỏ đồ ăn thiu thối, định vất vào đống rác. Tôn giả thấy người nô tỳ của cha Tôn giả Lại-tra-hòa-la xách một giỏ đồ ăn thiu thối, định vất vào đống rác, liền nói:

“Này cô em, nếu đồ ăn thiu thối này đáng bỏ đi thì nên bỏ vào bát của tôi. Tôi sẽ ăn.”

Khi ấy, nô tỳ của cha người nô tỳ của cha Tôn giả Lại-tra-hòa-la đem đồ ăn thiu thối trong giỏ đổ vào bát. Đang khi đổ vào bát, do hai dấu hiệu mà cô nhận ra Tôn giả; đó là: tiếng nói và tay chân của Tôn giả. Nhận ra được hai dấu hiệu này, nó liền chạy đến chỗ cha của Tôn giả Lại-tra-hòa-la, thưa:

“Thưa ông, nên biết, cậu Lại-tra-hòa-la đã trở về đế thôn Thâu-lô-tra này rồi. Ông nên đến gặp.”

Cha Tôn giả Lại-tra-hòa-la nghe xong, rất đổi vui mừng phấn khởi, tay trái vén áo, tay mặt vuốt sửa râu tóc, rồi đi nhanh đến chỗ Tôn giả Lại-tra-hòa-la. Khi đó Tôn giả Lại-tra-hòa-la đang quay mặt vào vách, ăn đồ ăn thiu thối ấy.

Cha Tôn giả Lại-tra-hòa-la thấy Tôn giả Lại-tra-hòa-la đang quay mặt vào vách ăn đồ ăn thiu thối, nói rằng:

“Lại-tra-hòa-la con, người con rất mềm mại, thân hình đẹp đẽ, thường ăn thức ăn ngon. Lại-tra-hòa-la, tại sao con lại ăn đồ ăn thiu thối như thế? Lại-tra-hòa-la, vì lẽ gì con đã về đến thôn Thâu-lô-tra này mà không về nhà cha mẹ?”

Tôn giả Lại-tra-hòa-la thưa rằng:

“Thưa Cư sĩ, con đã vào nhà cha, nhưng không được bố thí mà lại bị rủa xả, mắng rằng: ‘Sa-môn trọc đầu này bị quỷ đen trói chặt, tuyệt chủng không con cái, phá hoại gia đình ta. Ta có một đứa con, hết sức thương yêu chiều chuộng, lòng những quyến luyến không kể xiết, thế mà nó dẫn đi mất. Đừng cho nó ăn!’ Con nghe như vậy bèn vội vàng bỏ đi.

Cha Tôn giả Lại-tra-hòa-la nói lời xin lỗi rằng:

“Lại-tra-hòa-la, con hãy tha lỗi! Lại-tra-hòa-la, con hãy tha lỗi! Cha thật không biết Lại-tra-hòa-la trở về nhà cha.”

Rồi cha Tôn giả Lại-tra-hòa-la với lòng cung kính, dìu đỡ Tôn giả Lại-tra-hòa-la đưa vào trong nhà, trải chỗ ngồi và mời ngồi. Tôn giả Lại-tra-hòa-la bèn ngồi xuống. [625a] Lúc đó, người cha thấy Tôn giả Lại-tra-hòa-la ngồi xong, liền đến chỗ vợ, nói rằng:

“Này bà, nên biết, Thiện nam tử Lại-tra-hòa-la đã về lại nhà rồi, mau sửa soạn cơm nước.”

Mẹ Tôn giả Lại-tra-hòa-la nghe xong, rất đổi vui mừng, phấn khởi, liền vội vàng sửa soạn cơm nước. Soạn cơm nước xong, bà liền mang tiền bạc ra để giữa nhà một đống lớn. Đống tiền lớn đến nỗi một người đứng bên này, một người ngồi bên kia, không trông thấy nhau. Dồn một đống tiền lớn xong, bà đi đến chỗ Tôn giả Lại-tra-hòa-la nói:

“Lại-tra-hòa-la, đây là phần tiền tài của mẹ. Còn tiền tài của cha con thì nhiều vô lượng trăm ngàn, không thể tính được. Nay giao hết cho con. Lại-tra-hòa-la con, con nên xả giới, bỏ đạo, sống đời dục lạc mà bố thí, sung sướng tu phước nghiệp. Vì sao như vậy? Vì cảnh giới của Thế Tôn rất khó, rất khó! Xuất gia học đạo lại càng rất khó.”

Tôn giả Lại-tra-hòa-la thưa với mẹ rằng:

“Con nay có một điều muốn nói, mẹ có chịu nghe không?”

Mẹ Lại-tra-hòa-la nói:

“Này con nhà Cư sĩ, có điều gì con cứ nói, mẹ sẵn sàng nghe.”

Tôn giả Lại-tra-hòa-la thưa với mẹ rằng:

“Nên may bao vải mới, đựng đầy tiền, dùng xe chở đến sông Hằng, đổ xuống chỗ sâu. Vì sao vậy? Vì do tiền này làm cho con người lo khổ, sầu thương, khóc lóc, không được an vui.”

Khi ấy, mẹ Tôn giả Lại-tra-hòa-la nghĩ rằng: “Bằng phương tiện này không thể làm cho con ta Lại-tra-hòa-la xả giới bỏ đạo. Ta nên đến mấy con vợ cũ của nó, nói như thế này: ‘Các con dâu ơi, các con nên dùng ngọc anh lạc khi trước trang điểm thân thể, thứ ngọc mà thiện nam tử Lại-tra-hòa-la lúc còn ở nhà ưa thích nhất. Dùng thứ anh lạc này trang điểm rồi, các con cùng nhau đến bên Lại-tra-hòa-la, mỗi đứa ôm một chân mà nói rằng: Không biết hiền lang có thiên nữ nào đẹp hơn tôi mà khiến cho hiền lang bỏ tôi để tu phạm hạnh vì nàng?’ ”

Nghĩ xong, bà ta liền đến chỗ các vợ cũ của Tôn giả Lại-tra-hòa-la nói như thế này:

“Các con dâu ơi, các con nên dùng ngọc anh lạc khi trước trang điểm thân thể, thứ ngọc mà thiện nam tử Lại-tra-hòa-la lúc còn ở nhà ưa thích nhất. Dùng thứ anh lạc này trang điểm rồi, các con cùng nhau đến bên Lại-tra-hòa-la, [625b] mỗi đứa ôm một chân mà nói rằng: ‘Không biết hiền lang có thiên nữ nào đẹp hơn tôi mà khiến cho hiền lang bỏ tôi để tu phạm hạnh vì nàng?’”

Khi ấy, các cô vợ cũ của Tôn giả Lại-tra-hòa-la liền dùng ngọc anh lạc khi trước trang điểm thân thể, thứ anh lạc mà Tôn giả Lại-tra-hòa-la lúc còn tại gia ưa thích nhất. Dùng loại ngọc đó trang điểm rồi, liền kéo đến bên Tôn giả Lại-tra-hòa-la, mỗi người ôm một chân mà nói như thế này:

“Không biết hiền lang có thiên nữ nào đẹp hơn tôi mà khiến cho hiền lang bỏ tôi để tu phạm hạnh vì nàng?”

Tôn giả Lại-tra-hòa-la nói với các cô vợ cũ rằng:

“Này các cô em, các cô nên biết, tôi không phải vì thiên nữ mà tu phạm hạnh. Sở dĩ tôi tu phạm hạnh, nay đã được mục đích ấy. Những điều Phật dạy, nay tôi đã làm xong.”

Những bà vợ của Tôn giả Lại-tra-hòa-la đứng sang một bên khóc lóc rơi lệ mà nói rằng:

“Tôi không phải em gái của hiền lang, nhưng hiền lang lại gọi tôi bằng cô em.”

Lúc đó Tôn giả Lại-tra-hòa-la quay nhìn về phía cha mẹ, nói:

“Thưa Cư sĩ, nếu có thí cơm, đúng giờ thì thí, tại sao làm phiền nhau?”

Bấy giờ, cha mẹ Tôn giả Lại-tra-hòa-la liền đứng dậy, thân hành lấy nước rửa, dâng ngài các món hào soạn dồi dào, đủ các loại cứng mềm, tự thân châm chước cho ngài ăn no. Ăn xong thâu dọn chén bát, dùng nước rửa xong, lấy một cái giường nhỏ ngồi riêng nghe pháp.

Tôn giả Lại-tra-hòa-la thuyết pháp cho cha mẹ nghe, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi bằng vô lượng phương tiện thuyết pháp cho họ, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ rồi, ngài từ chỗ ngồi đứng dậy, nói tụng rằng:

Hãy nhìn hình bóng trang sức này,

Trân bảo ngọc ngà và các thứ;

Tóc uốn lượn buông xuôi phía hữu;

Nốt ruồi xanh, mắt kẻ, mi dài.

Trò dối trá gạt người si dại,

Nhưng lừa sao được kẻ sang bờ!

Với bao nhiêu gấm vóc lụa là,

Mong làm đẹp thân hình xú uế.

Trò dối trá gạt người si dại;

Nhưng lừa sao được kẻ sang bờ!

Và bao nhiêu hương liệu bôi xoa,

Châm chấm điểm phấn vàng son đỏ.

Trò dối trá gạt người si dại;

Nhưng lừa sao được kẻ sang bờ!

Áo tịnh diệu trang hoàng thân thể;

Nhưng nguyên hình huyễn hoặc còn trơ.

Trò dối trá gạt người si dại;

Nhưng lừa sao được kẻ sang bờ!

 [625c]Khi nai đã đạp tan lưới bẫy,

Và phá tung cổng nhốt một đời;

Ta bỏ lại miếng mồi, đi mất;

Ai yêu gì trói buộc thân nai?

Tôn giả Lại-tra-hòa-la nói tụng rồi, dùng như ý túc nương hư không mà đi. Đến rừng Thâu-lô-tra, đi vào rừng ấy, trải ni-sư-đàn ngồi kiết già dưới cây tì-hê-lặc [179].

Bấy giờ, vua Câu-lao-bà [180] với quần thần trước sau vây quanh, ngồi ở chánh điện, bàn tán khen ngợi Tôn giả Lại-tra-hòa-la rằng:

“Nếu ta nghe tin Thiện nam tử Lại-tra-hòa-la [181] đến Thâu-lô-tra này thì ta quyết đến thăm.”

Khi ấy vua Câu-lao-bà bảo thợ săn rằng:

“Ngươi hãy đi dò xét rừng Thâu-lô-tra. Ta muốn đến đó săn.”

Thợ săn vâng lời, liền đến dò xét rừng Thâu-lô-tra. Khi người thợ săn dò xét rừng, thấy Tôn giả Lại-tra-hòa-la trải tọa cụ ngồi kiết già dưới cây tì-hê-lặc, liền nghĩ: “Người mà vua Câu-lao-bà cùng quần thần ngồi tại chánh điện bàn tán khen ngợi, bây giờ ở đây.”

Khi người thợ săn dò xét rừng Thâu-lô-tra xong rồi, trở về tâu với vua Câu-lao-bà rằng:

“Tâu Đại vương, nên biết, tôi đã xem rừng Thâu-lô-tra rồi. Xin theo ý Đại vương. Tâu Đại vương, Tôn giả Lại-tra-hòa-la, người mà Đại vương cùng quần thần ngồi ở chánh điện bàn tán khen ngợi rằng: ‘Nếu ta nghe tin Thiện nam tử Lại-tra-hòa-la đến Thâu-lô-tra này, ta quyết đến thăm’. Nay Tôn giả Thiện nam tử Lại-tra-hòa-la hiện đang ở trong rừng Thâu-lô-tra, trải tọa cụ ngồi kiết già dưới cây tì-hê-lặc, Đại vương muốn gặp có thể đến đó.”

Vua Câu-lao-bà nghe xong, bảo người đánh xe:

“Ngươi mau mau sửa soạn xa giá. Ta muốn đến gặp Lại-tra-hòa-la.

Người đánh xe vâng lệnh, sửa soạn xa giá xong trở lại tâu vua:

“Tâu Đại vương, nên biết, xa giá đã sửa soạn xong. Xin theo ý Đại vương.”

Khi ấy vua Câu-lao-bà liền ngồi xe ra đi đến rừng Thâu-lô-tra. Từ xa trông thấy Tôn giả Lại-tra-hòa-la,  vua liền xuống xe, đi bộ đến chỗ Tôn giả Lại-tra-hòa-la. Tôn giả Lại-tra-hòa-la thấy vua Câu-lao-bà đến, nói rằng:

“Đại vương, nay đến đây, muốn ngồi đâu tự tiện ngồi, được chăng?”

Vua Câu-lao-bà đáp:

“Hôm nay tuy tôi đến bờ cõi của mình, nhưng ý tôi muốn [626a] Thiện nam tử Lại-tra-hòa-la mời tôi ngồi.”

Tôn giả Lại-tra-hòa-la liền mời vua Câu-lao-bà rằng:

“Đây có chỗ ngồi riêng, xin mời Đại vương ngồi.”

Khi ấy, vua Câu-lao-bà với Tôn giả Lại-tra-hòa-la cùng chào hỏi nhau rồi ngồi sang một bên. Vua nói với Tôn giả Lại-tra-hòa-la:

“Có phải ngài vì gia đình suy sụp mà xuất gia học đạo chăng? Nếu vì không có tài vật nên sống đời học đạo, thì này Lại-tra-hòa-la, trong nhà của Câu-lao-bà vương gia này có nhiều tài vật, tôi sẽ xuất tài vật cho Lại-tra-hòa-la, khuyên Lại-tra-hòa-la xả giới bỏ đạo, sống đời dục lạc mà bố thí, tùy ý tu phước nghiệp. Vì sao như vậy? Lại-tra-hòa-la, giáo pháp của Tôn sư rất khó, xuất gia học đạo lại càng khó hơn”.

Tôn giả Lại-tra-hòa-la nghe xong, nói rằng:

“Đại vương nay bằng sự bất tịnh mời tôi, không phải bằng sự thanh tịnh mà mời.”

Vua Câu-lao-bà nghe xong, hỏi:

“Tôi phải làm sao để thỉnh mời Lại-tra-hòa-la bằng sự thanh tịnh, không phải bằng sự bất tịnh?”

Tôn giả Lại-tra-hòa-la đáp:

“Đại vương, nên nói như thế nầy: ‘Lại-tra-hòa-la, nhân dân trong nước tôi an ổn, sung sướng, không có việc kinh sợ, không có đấu tranh, không có hà khắc, không có khổ nô dịch; lúa gạo đầy đủ, khất thực dễ được. Lại-tra-hòa-la sống trong nước tôi, tôi sẽ ủng hộ như pháp’. Đại vương, nói như vậy gọi là bằng sự thanh tịnh mời tôi, không phải bằng sự bất tịnh mà mời.”

Vua Câu-lao-bà nghe xong, nói:

“Nay tôi bằng sự thanh tịnh mà mời Lại-tra-hòa-la; không phải bằng sự bất tịnh. Nhân dân trong nước tôi an ổn, sung sướng, không có việc kinh sợ, không có đấu tranh, không có hà khắc, không có khổ nô dịch; lúa gạo đầy đủ, khất thực dễ được. Lại-tra-hòa-la sống trong nước tôi, tôi sẽ ủng hộ như pháp.”

“Lại nữa, Lại-tra-hòa-la, có bốn trường hợp suy vi, do suy vi nên cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình học đạo. Những gì là bốn? Bệnh suy, lão suy, tài sản suy, thân tộc suy.

“Lại-tra-hòa-la, thế nào là bệnh suy? Hoặc có người trường kỳ bị bệnh; bệnh tật rất nặng, quá đau đớn, người ấy nghĩ rằng: ‘Ta trường kỳ bị bệnh; bệnh tật rất nặng, quá đau đớn. Ta thật có dục vọng nhưng không sống đời dục lạc được. Ta nay nên cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình học đạo’. Sau đó, người ấy vì bệnh suy nên cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình học đạo. Đó gọi là bệnh suy.

“Lại-tra-hòa-la, thế nào gọi là lão suy? Hoặc có người tuổi già, các căn suy yếu, tuổi thọ gần hết, người ấy [626b] nghĩ rằng: ‘Ta tuổi đã già, các căn suy yếu, tuổi thọ gần hết, ta thật có dục vọng nhưng không thể sống đời dục lạc, ta nay nên cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình học đạo’. Sau đó, người ấy vì lão suy nên cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình học đạo. Đó gọi là lão suy.

“Lại-tra-hòa-la, thế nào là tài sản suy? Hoặc có người bần cùng cô thế, người ấy nghĩ rằng: ‘Ta bần cùng cô thế, ta nên cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình học đạo’. Sau đó, người ấy vì tài sản suy nên cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình học đạo. Đó gọi là tài suy.

“Lại-tra-hòa-la, thế nào gọi là thân tộc suy? Hoặc có người bà con tuyệt tự, chết tuyệt, không còn một ai, người ấy nghĩ rằng: ‘Ta nay bà con tuyệt tự, chết tuyệt, không còn một ai. Ta nên cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình học đạo’. Sau đó người ấy vì thân suy nên cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình học đạo. Đó gọi là thân tộc suy.

“Lại-tra-hòa-la khi xưa không bệnh hoạn, an ổn trọn vẹn, đường tiêu hóa điều hòa, không lạnh không nóng, bình chánh an lạc, thuận hòa không tranh chấp; do đó, các thứ đồ ăn mềm hay cứng được dễ dàng tiêu hóa, an ổn. Như vậy, Lại-tra-hòa-la chẳng phải vì bệnh suy mà cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình học đạo.

“Lại-tra-hòa-la khi xưa vào tuổi niên thiếu, tóc đen óng mướt, thân thể khỏe mạnh, rồi xướng ca tấu nhạc, mặc tình thỏa thích. Lại chưng diện thân thể, thường thích dạo chơi. Lúc ấy bà con không ai muốn để ngài học đạo; cha mẹ khóc lóc, lo sầu áo não, cũng không cho ngài xuất gia học đạo. Nhưng ngài cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình học đạo. Như vậy Lại-tra-hòa-la không vì lão suy mà cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình học đạo.

“Lại-tra-hòa-la ở trong thôn Thâu-lô-tra này, về phần tài vật, gia đình ngài là đệ nhất, là tối đại, là tối thắng, là tối thượng. Như vậy Lại-tra-hòa-la không vì tài sản suy mà cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình học đạo.

“Lại-tra-hòa-la ở trong rừng Thâu-lô-tra này, các bà con giàu có đều còn sống. Như vậy, Lại-tra-hòa-la không phải vì thân tộc suy mà [626c] cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình học đạo.

“Lại-tra-hòa-la, đối với bốn trường hợp suy vi ấy, hoặc do một suy vi nào đó nên cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình học đạo, nhưng tôi thấy Lại-tra-hòa-la không có một suy vi nào khả dĩ khiến Lại-tra-hòa-la cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình học đạo. Lại-tra-hòa-la hiểu biết thế nào và được nghe những gì mà cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình học đạo?”

Tôn giả Lại-tra-hòa-la đáp:

“Đại vương, Thế Tôn là đấng đã biết, đã thấy, là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, đã giảng thuyết bốn sự. Tôi hoan hỷ chấp nhận điều ấy; tôi thấy, nghe, hiểu biết điều ấy, nên cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình học đạo.

“Những gì là bốn [182]? Đại vương, thế gian này không được bảo vệ, không đáng nương tựa [183]. Thế gian này nhất thiết phải đi đến sự già nua [184]. Thế gian này không thường, cần phải bỏ đi [185]. Thế gian này không có sự thỏa mãn, không có sự biết đủ, là tôi tớ của ái [186].”

Vua Câu-lao-bà hỏi:

“Lại-tra-hòa-la, như ngài vừa nói, ‘Đại vương, thế gian này không được bảo vệ, không đáng nương tựa’. Nhưng, Lại-tra-hòa-la, tôi có con, cháu, anh, em, bè đảng, tượng quân, xa quân, mã quân, bộ quân, thảy đều giỏi bắn, giỏi chống cự, nghiêm nghị, dõng mãnh như vương tử, lực sĩ, Bát-la-khiên-đề, Ma-ha-năng-già [187]; lại có người xem tướng, có kẻ trù mưu, có người tính toán, có kẻ thông hiểu điển sách, có người giỏi đàm luận, có quân thần, có quyến thuộc, người trì chú, kẻ biết chú, bất cứ phương nào có sự khủng bố thì có kẻ chế phục, ngăn cản. Nếu như lời Lại-tra-hòa-la nói, ‘Đại vương, thế gian này không được bảo vệ, không đáng nương tựa,’ thì này Lại-tra-hòa-la, nói như thế có nghĩa gì?”

Tôn giả Lại-tra-hòa-la đáp:

“Đại vương, bây giờ tôi hỏi  Vua, xin tùy theo sự hiểu biết mà trả lời. Đại vương, thân này có bệnh chăng?”

Vua Câu-lao-bà đáp:

“Lại-tra-hòa-la, nay thân này của tôi thường có phong bệnh [188].

Tôn giả Lại-tra-hòa-la hỏi:

“Đại vương, khi phong bệnh bộc phát rất trầm trọng, rất đau đớn, thì này Đại vương, lúc ấy có thể bảo bọn con cháu, anh em, họ hàng thân thích, tượng quân, xa quân, mã quân, bộ quân, thảy đều giỏi bắn, giỏi chống cự, nghiêm nghị, dõng mãnh như vương tử, lực sĩ, Bát-la-khiên-đề, Ma-ha-năng-già, kẻ xem tướng, kẻ trù mưu, người tính toán, kẻ thông hiểu điển sách, người giỏi đàm luận, quân thần quyến thuộc, kẻ trì chú, người biết chú, rằng ‘Các ngươi hãy đến, tạm thời thay thế ta chịu sự khổ sở đau đớn để [627a] ta khỏi bệnh, an lạc’ được chăng?”

Vua Câu-lao-bà đáp:

“Không được. Vì sao vậy? Tôi tự gây nghiệp; nhân bởi nghiệp, duyên bởi nghiệp, riêng mình chịu khổ sở đau đớn.”

Tôn giả Lại-tra-hòa-la bảo:

“Đại vương, thế cho nên Đức Thế Tôn dạy rằng ‘Thế gian này không được bảo vệ, không đáng nương tựa. Tôi muốn nhẫn lạc điều đó, tôi thấy, nghe, hiểu biết điều đó nên cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình học đạo.”

Vua Câu-lao-bà nói rằng:

“Như Lại-tra-hòa-la đã nói, ‘Đại vương, thế gian này không được bảo vệ, không đáng nương tựa’. Này Lại-tra-hòa-la, tôi cũng muốn nhẫn lạc điều đó. Vì sao như vậy? Thế gian này quả thật không được bảo vệ, không đáng nương tựa.”

Vua Câu-lao-bà lại hỏi:

“Như Lại-tra-hòa-la đã nói, ‘Đại vương, thế gian này tất cả đều đi đến chỗ già nua’. Lại-tra-hòa-la, nói như vậy có nghĩa gì?”

Tôn giả Lại-tra-hòa-la đáp:

“Đại vương, bây giờ tôi hỏi  Vua, xin tùy theo sự hiểu biết mà trả lời. Lúc Đại vương còn hai mươi bốn tuổi hay hai mươi lăm tuổi thì như thế nào? Khi ấy sự nhanh nhẹn như thế nào đối với ngày nay? Khi ấy, gân sức, hình thể, nhan sắc như thế nào đối với ngày nay?”

Vua Câu-lao-bà đáp:

“Khi tôi còn hai mươi bốn hay hai mươi lăm tuổi, tự nhớ lại thời ấy, sự nhanh nhẹn, gân sức, hình thể, nhan sắc không ai hơn tôi. Lại-tra-hòa-la, tôi nay đã già nua, các căn lụn bại, mạng sống sắp chấm dứt, tuổi đầy tám mươi, đâu có mạnh khỏe như xưa.”

Tôn giả Lại-tra-hòa-la nói:

“Đại vương, thế cho nên Đức Thế Tôn dạy rằng: ‘Thế gian này, tất cả đều đi đến chỗ già nua’. Tôi muốn tiếp nhận điều đó, tôi thấy, nghe, hiểu biết điều đó nên cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín từ bỏ gia đình, sống không gia đình học đạo.”

Vua Câu-lao-bà nói:

“Như Lại-tra-hòa-la nói, ‘Đại vương, thế gian này tất cả đều đi đến chỗ già nua’. Tôi cũng muốn tiếp nhận điều đó. Vì sao như vậy? Thế gian này quả thật tất cả đều đi đến chỗ già nua.”

Vua Câu-lao-bà lại hỏi:

“Như Lại-tra-hòa-la đã nói, ‘Đại vương, thế gian này vô thường, cần phải bỏ đi’. Lại-tra-hòa-la, nói như vậy lại có nghĩa gì?”

Tôn giả Lại-tra-hòa-la đáp:

“Đại vương, bây giờ tôi hỏi  Vua, xin tùy theo sự hiểu biết mà trả lời. Đại vương, có nước Câu-lâu-sấu dồi dào, hậu cung dồi dào, kho tàng dồi dào không?”

Vua Câu-lao-bà đáp:

“Đúng vậy!”

Tôn giả Lại-tra-hòa-la lại hỏi:

“Đại vương, có nước Câu-lâu-sấu [627b] dồi dào, hậu cung dồi dào, kho tàng dồi dào, nếu thời gian đã đến, không thể nương tựa, chịu đựng sự tan vỡ, tất cả đời này đều đi đến chỗ diệt vong; lúc đó nước Câu-lâu-sấu dồi dào, hậu cung dồi dào, kho tàng dồi dào, có thể từ đời này mang qua đời sau không?”

Vua Câu-lao-bà đáp:

“Không được. Vì sao như vậy? Tôi phải đơn độc, cô thân, cũng không bạn bè, từ đời này mà đi đến đời sau.”

Tôn giả Lại-tra-hòa-la nói:

“Thế cho nên Đức Thế Tôn dạy rằng: ‘Thế gian này vô thường, cần phải bỏ đi’. Tôi muốn nhẫn lạc điều đó, tôi thấy, nghe, hiểu biết điều đó nên cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình học đạo.”

Vua Câu-lao-bà nói:

“Như Lại-tra-hòa-la đã nói, ‘Đại vương, thế gian này vô thường, cần phải bỏ đi’. Tôi cũng muốn nhẫn lạc điều đó. Vì sao? Thế gian này quả thật vô thường, cần phải bỏ đi.”

Vua Câu-lao-bà lại hỏi:

“Như Lại-tra-hòa-la đã nói, ‘Đại vương, thế gian này không có sự thỏa mãn, không có sự biết đủ, là tôi tớ của ái’. Lại-tra-hòa-la, nói điều này, như vậy có nghĩa gì?”

Tôn giả Lại-tra-hòa-la đáp:

“Đại vương, bây giờ tôi hỏi  Vua, xin tùy theo sự hiểu biết mà trả lời. Có nước Câu-lâu-sấu dồi dào, hậu cung dồi dào, kho tàng dồi dào không?”

Vua Câu-lao-bà đáp:

“Đúng vậy.”

Tôn giả Lại-tra-hòa-la lại hỏi:

“Có nước Câu-lâu-sấu dồi dào và hậu cung dồi dào, kho tàng dồi dào; nếu có một người từ phương Đông đến, đáng tín nhiệm, không lừa dối, nói với  vua rằng: Tôi từ phương Đông đến, thấy nước ấy vô cùng giàu có an vui, nhân dân đông đúc. Đại vương, có thể chiếm đọat của cải, nhân dân, lực dịch nước ấy. Vua có muốn đi đánh chiếm nước ấy không?”

Vua Cao-lao-bà đáp:

“Lại-tra-hòa-la, nếu tôi biết có nước nào giàu có của cải, nhân dân, lực dịch như vậy, tôi sẽ đi dánh chiếm nước đó.”

 “Cũng vậy, phương Nam, phương Tây, phương Bắc cũng như vậy. Từ bờ biển lớn, nếu có một người đến, đáng tín nhiệm, không lừa dối, nói với  vua rằng: Tôi từ bờ biển lớn đến, thấy nước ấy vô cùng giàu có an lạc, nhân dân đông đúc. Đại vương, có thể chiếm đọat của cải, nhân dân, lực dịch nước ấy. Vua có muốn đi đánh chiếm nước ấy không?”

Vua Cao-lao-bà đáp:

“Lại-tra-hòa-la, nếu tôi biết có nước nào giàu có của cải, [627c] nhân dân, lực dịch như vậy, tôi sẽ đi dánh chiếm nước đó.”

 Tôn giả Lại-tra-hòa-la nói:

“Đại vương, thế cho nên Đức Thế Tôn dạy rằng: ‘Thế gian này không có sự thỏa mãn, không có biết đủ, là tôi tớ của ái’. Tôi muốn nhẫn lạc điều đó; tôi thấy, nghe, hiểu biết điều đó nên cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình học đạo.”

Vua Câu-lao-bà nói:

“Như Lại-tra-hòa-la đã nói, ‘Đại vương, thế gian này không có sự thỏa mãn, không có sự biết đủ, là tôi tớ của ái’. Tôi cũng muốn nhẫn lạc điều đó. Vì sao? Vì thế gian này quả không có sự thỏa mãn, không có sự biết đủ, là tôi tớ của ái.”

Tôn giả Lại-tra-hòa-la nói:

“Đức Thế Tôn, là đấng đã biết, đã thấy, là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, nói cho tôi nghe bốn việc này. Tôi muốn nhẫn lạc điều đó nên cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình học đạo.”

Lúc đó, Tôn giả Lại-tra-hòa-la nói tụng rằng:

Ta thấy người thế gian,

Có của, ngu không thí;

Được của rồi cầu thêm,

Xan tham chứa chất của.

Làm vua, được thiên hạ,

Chỉnh ngự tùy sức mình.

Trong nước không biết đủ,

Lại tìm ở nước ngoài.

Vua và các nhân dân

Chưa thỏa dục, mạng vong.

Xỏa tóc, vợ con khóc;

Ôi thôi, khổ khó ngăn.

Bó chăn đệm chôn cất;

Hoặc chất củi hỏa thiêu.

Duyên đi đến đời sau;

Thiêu rồi vẫn ngu dại.

Chết rồi của không theo;

Vợ con và nô tỳ,

Giàu nghèo đều chung nhau;

Ngu, trí, cũng vậy thôi.

Người trí chẳng âu lo;

Kẻ ngu ôm sầu thảm.

Thế nên trí tuệ hơn;

Bước về nẻo chánh giác.

Chấp chặt theo có Hữu,

Kẻ ngu gây hạnh ác.

Với pháp, làm phi pháp;

Dùng sức cưỡng đoạt người.

Kém trí bắt chước theo;

Ngu làm nhiều hạnh ác.

Nhập thai đến đời sau,

Luôn luôn chịu sanh tử.

 [628a]Đã thọ sanh ra đời,

Chỉ làm các việc ác.

Như giặc bị bắt trói;

Tự làm ác hại mình.

Chúng sanh này như thế,

Cho mãi đến đời sau,

Do nghiệp mình đã tạo

Tự làm ác hại mình.

Như trái chín tự rụng;

Già trẻ cũng như vậy.

Muốn trang điểm, yêu thích;

Tâm hưởng sắc tốt xấu;

Bị dục trói buộc hại;

Do dục sanh kinh hãi.

Vua, tôi thấy giác này,

Biết Sa-môn vi diệu.

Tôn giả Lại-tra-hòa-la thuyết như vậy. Vua Câu-lao-bà sau khi nghe lời Tôn giả Lại-tra-hòa-la thuyết xong, hoan hỷ phụng hành. [189] 

133. KINH ƯU-BA-LY

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại Na-nan-đà [190], trong vườn xoài Ba-bà-ly [191].

Lúc bấy giờ có người Ni-kiền là Trường Khổ Hạnh [192] sau giờ ăn trưa, ung dung đi đến chỗ Phật, và sau khi chào hỏi, ngồi xuống một bên.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bèn hỏi:

“Nhà khổ hạnh Ni-kiền Thân Tử [193] chủ trương có bao nhiêu hành vi để không hành ác nghiệp, không tạo tác ác nghiệp? [194]”

Ni-kiền Trường Khổ Hạnh đáp:

“Thưa Cù-đàm, Tôn sư của tôi, Ni-kiền Thân Tử, không giảng dạy cho chúng tôi về những hành vi để không hành ác nghiệp, không tạo tác ác nghiệp. Nhưng người giảng dạy chúng tôi về sự trừng phạt để không hành ác nghiệp, không tạo tác ác nghiệp.”

Thế Tôn lại hỏi:

“Nhà khổ hạnh Ni-kiền Thân Tử chủ trương có bao nhiêu sự trừng phạt để không hành ác nghiệp, không tạo tác ác nghiệp?”

Ni-kiền Trường Khổ Hạnh đáp rằng:

“Thưa Cù-đàm, Tôn sư của tôi, Ni kiền Thân Tử giảng dạy cho chúng tôi về ba sự trừng phạt để không hành ác nghiệp, không tạo tác ác nghiệp. [628b]Những gì là ba? Đó là sự trừng phạt bằng thân, sự trừng phạt bằng miệng và sự trừng phạt bằng ý [195].

Đức Thế Tôn lại hỏi:

“Này Khổ Hạnh, thế nào, thân phạt, khẩu phạt, ý phạt có khác nhau không?”

Ni-kiền Trường Khổ Hạnh đáp rằng:

“Thưa Cù-Đàm, đối với chúng tôi, thân phạt khác, khẩu phạt khác, ý phạt khác.”

Đức Thế Tôn lại hỏi:

“Này Khổ Hạnh, các sự trừng phạt này tương tự như vậy. Ni-kiền Thân Tử chủ trương trừng phạt nào nặng hơn hết để không hành ác nghiệp, không tạo tác ác nghiệp? Sự trừng phạt của thân chăng? Của khẩu chăng? Của ý chăng?”

Ni-kiền Trường Khổ Hạnh đáp rằng:

“Thưa Cù-đàm, các sự trừng phạt này tương tự như vậy. Tôn sư tôi, Ni-kiền Thân Tử chủ trương thân phạt là nặng hơn hết để không hành ác nghiệp, không tạo tác ác nghiệp. Khẩu phạt thì không phải vậy, ý phạt thì nhẹ nhất, không bằng thân phạt vốn rất lớn lao, rất nặng nề.”

Thế Tôn lại hỏi:

“Này Khổ Hạnh, ông nói thân phạt nặng nhất chăng?”

Ni-kiền Trường Khổ Hạnh đáp:

“Thưa Cù-đàm, thân phạt nặng nhất.”

Đức Thế Tôn hỏi lại đến lần thứ ba:

“Này Khổ Hạnh, ông nói thân phạt nặng nhất chăng?”

Ni-kiền Trường Khổ Hạnh cũng ba lần đáp lại:

“Thưa Cù-đàm, thân phạt nặng nhất.”

Đức Thế Tôn thẩm định ba lần Ni-kiền Trường Khổ Hạnh việc như vậy xong, bèn ngồi im lặng.

Ni-kiền Trường Khổ Hạnh hỏi:

“Sa-môn Cù-đàm chủ trương có bao nhiêu sự trừng phạt để không hành ác nghiệp, không tạo tác ác nghiệp?”

Bấy giờ Đức Thế Tôn đáp:

“Này Khổ Hạnh, Ta không giảng thuyết về những trừng phạt để không hành ác nghiệp, không tạo tác ác nghiệp. Ta chỉ giảng thuyết về nghiệp để không hành ác nghiệp, không tạo tác ác nghiệp.”

Ni-kiền Trường Khổ Hạnh hỏi:

“Cù-đàm chủ trương có bao nhiêu nghiệp để không hành ác nghiệp, không tạo tác ác nghiệp?”

Thế Tôn lại đáp:

“Này Khổ Hạnh, Ta giảng thuyết về ba nghiệp để không hành ác nghiệp, không tạo tác ác nghiệp. Thế nào là ba? Là thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp.”

Ni-kiền Trường Khổ Hạnh lại hỏi:

“Cù-đàm, thân nghiệp khác, khẩu nghiệp khác, ý nghiệp khác chăng?”

Thế Tôn lại đáp:

“Ta nói, thân nghiệp khác, khẩu nghiệp khác, ý nghiệp khác vậy”.

Ni-kiền Trường Khổ Hạnh hỏi:

“Thưa Cù-đàm, ba nghiệp này tương tự như vậy, Ngài chủ trương nghiệp nào nặng nhất để không hành ác nghiệp, không tạo tác ác nghiệp? Là thân nghiệp chăng? Khẩu nghiệp chăng? Ý nghiệp chăng?”

Thế Tôn lại đáp:

“Này Khổ Hạnh, ba nghiệp này tương tự như vậy, Ta giảng thuyết ý nghiệp là nặng nhất để không hành ác nghiệp, không tạo tác ác nghiệp. Thân nghiệp và khẩu nghiệp thì không phải vậy.”

 [628c] Ni-kiền Trường Khổ Hạnh hỏi:

“Cù-Đàm chủ trương ý nghiệp nặng nhất chăng?”

Thế Tôn đáp:

“Này Khổ Hạnh, Ta giảng thuyết ý nghiệp là nặng nhất.”

Ni-kiền Trường Khổ Hạnh lại hỏi đến ba lần:

“Cù-Đàm chủ trương thi thiết ý nghiệp là nặng nhất chăng?”

Thế Tôn cũng trả lời đến ba lần:

“Này Khổ Hạnh, Ta giảng thuyết ý nghiệp là nặng nhất vậy.”

Ni-kiền Trường Khổ Hạnh ba lần thẩm định Thế Tôn sự việc đó như vậy xong, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đi nhiễu ba vòng quanh Thế Tôn rồi lui về; đi đến chỗ Ni-kiền Thân Tử. Ni-kiền Thân Tử từ xa thấy Trường Khổ Hạnh đi đến, liền hỏi:

“Này Khổ Hạnh, ngươi từ đâu đến vậy?”

Ni-kiền Trường Khổ Hạnh đáp:

“Con từ Na-nan-đà, trong vườn xoài Ba-bà-ly, tại chỗ của Sa-môn Cù-đàm đến đây.”

Ni-kiền Thân Tử hỏi:

“Này Khổ Hạnh, ông có cùng Sa-môn Cù-đàm bàn luận không?”

Ni-kiền Trường Khổ Hạnh đáp:

“Có bàn luận với nhau.”

Ni-kiền Thân Tử nói rằng:

“Này Khổ Hạnh, nếu đã cùng với Sa-môn Cù-đàm bàn luận, thì hãy nói lại hết cho ta nghe, để hoặc giả ta biết được luận thuyết của vị ấy”.

Rồi Ni-kiền Trường Khổ Hạnh mới đem sự việc thảo luận với Thế Tôn nói lại cho ông nghe. Ni-kiền Thân Tử nghe xong, khen rằng:

“Hay thay Khổ Hạnh! Ngươi đối với Tôn sư đã làm đúng pháp của đệ tử. Ông là người mà việc phải làm được thành biện bằng trí tuệ. Với quyết định thông minh, với sự trầm tĩnh không sợ hãi, hoàn toàn tự tin tưởng, đã đạt đến tài hùng biện, đã bắt được ngọn cờ cam lộ, ở trong cảnh giới cam lộ tự thân chứng ngộ, thành tựu an trụ [196]. Vì sao vậy? Ngươi vừa rồi đối với Sa-môn Cù-đàm mà giảng thuyết thân phạt là nặng nhất để không hành ác nghiệp, không gây ác nghiệp. Khẩu phạt không như vậy. Ý phạt càng kém hơn; không bằng thân phạt rất lớn lao, rất trầm trọng.”

Khi ấy, Cư sĩ Ưu-ba-ly [197] cùng năm trăm Cư sĩ tập họp trong chúng chắp tay hướng Ni-kiền Thân tử. Rồi Cư sĩ Ưu-ba-ly nói với Ni-kiền Trường Khổ Hạnh:

“Ngài đã ba lần thẩm định Sa-môn Cù-đàm việc như vậy?”

Ni-kiền Trường Khổ Hạnh đáp:

“Cư sĩ, tôi đã ba lần thẩm định Sa-môn Cù-đàm việc như vậy.”

Cư sĩ Ưu-ba-ly nói với Ni-kiền Trường Khổ Hạnh:

“Tôi cũng có thể đến thẩm định ba lần Sa-môn Cù-đàm việc như vậy, rồi lôi kéo đi đâu tùy ý. Cũng như [629a] người lực sĩ nắm con dê có cái bờm dài [198] rồi lôi kéo đi đâu tùy ý; tôi cũng như vậy, có thể đến thẩm định ba lần Sa-môn Cù-đàm việc như vậy, rồi lôi kéo đi đâu tùy ý. Cũng như người lực sĩ cầm áo lông giũ bụi, tôi cũng như vậy, có thể đến thẩm định lại ba lần với Sa-môn Cù-đàm việc như vậy, rồi lôi kéo đi đâu tùy ý. Tôi cũng như vậy, có thể đến thẩm định lại ba lần với Sa-môn Cù-đàm việc như vậy rồi lôi kéo đi dâu tùy ý. Cũng như người nấu rượu [199], hay đệ tử của người nấu rượu, lấy cái túi lọc rượu đem để vào trong nước, rồi tùy theo ý muốn, lôi đi đâu tùy ý; tôi cũng như vậy, có thể đến thẩm định ba lần Sa-môn Cù-đàm việc như vậy, rồi lôi kéo đi đâu tùy ý. Cũng như con voi chúa đã sáu mươi tuổi, là một đại long tượng kiêu ngạo [200], đủ ngà, đủ vóc, gân sức mạnh mẽ, một lực sĩ dẫn đi, lấy nước rửa bắp vế, rửa xương sống, rửa sườn, rửa bụng, rửa răng, rửa đầu và giỡn chơi trong nước; tôi cũng như vậy, có thể đến thẩm định ba lần với Sa-môn Cù-đàm việc như vậy, rồi tùy theo chỗ mà tẩy. Tôi đến chỗ Sa-môn Cù-đàm cùng ông bàn luận, hàng phục xong rồi trở về.”

Ni-kiền Thân Tử nới với Cư sĩ Ưu-ba-ly rằng:

“Ta cũng có thể hàng phục Sa-môn Cù-đàm. Ông cũng có thể. Ni-kiền Trường Khổ Hạnh cũng có thể vậy.”

Khi ấy, Ni-kiền Trường Khổ Hạnh thưa với Ni-kiền Thân Tử:

“Con không muốn để cho Cư sĩ Ưu-ba-ly đi đến chỗ Sa-môn Cù-đàm. Vì sao như vậy? Vì Sa-môn Cù-đàm biết chú huyễn hóa, có thể dùng chú thuật biến hóa làm đệ tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di. Con sợ Cư sĩ Ưu-ba-ly bị Sa-môn Cù-đàm biến hóa, hóa làm đệ tử.”

Ni-kiền Thân Tử nói:

“Khổ Hạnh, Cư sĩ Ưu-ba-ly mà bị Sa-môn Cù-đàm biến hóa, hóa làm đệ tử, việc đó hoàn toàn không có. Sa-môn Cù-đàm bị Cư sĩ Ưu-ba-ly biến hóa làm đệ tử, chắc chắn có việc ấy.”

Cư sĩ Ưu-ba-ly thưa lại lần thứ ba với Ni-kiền Thân Tử rằng:

“Hôm nay con đi đến chỗ Sa-môn Cù-đàm cùng ông ấy đàm luận. Hàng phục xong, con trở về.”

Ni-kiền Thân Tử cũng đáp lại lần thứ ba rằng:

“Ông nên đi nhanh đi. Ta cũng có thể hàng phục Sa-môn Cù-đàm. Ông cũng có thể. Ni-kiền Trường Khổ Hạnh cũng có thể vậy.”

Ni-kiền Trường Khổ Hạnh bạch lại lần thứ ba rằng:

“Con không muốn để cho Cư sĩ Ưu-ba-ly đi đến chỗ Sa-môn. Vì sao vậy? Vì Sa-môn Cù-đàm biết chú huyễn hóa, có thể dùng chú thuật biến hóa làm đệ tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di. Con sợ Cư sĩ Ưu-ba-ly bị Sa-môn Cù-đàm biến hóa làm đệ tử.”

Ni-kiền Thân Tử nói:

“Khổ Hạnh, Cư sĩ Ưu-ba-ly bị Sa-môn Cù-đàm [629b] biến hóa làm đệ tử, việc đó hoàn toàn không có. Sa-môn Cù-đàm bị Cư sĩ Ưu-ba-ly biến hóa làm đệ tử, chắc chắn có việc ấy. Cư sĩ Ưu-ba-ly, người đi tùy ý.”

Lúc ấy, Cư sĩ Ưu-ba-ly cúi đầu sát chân Ni-kiền Thân Tử ba lần rồi đi đến chỗ Phật, chào hỏi Phật rồi ngồi sang một bên, hỏi rằng:

“Thưa Cù-đàm, ngày hôm nay Ni-kiền Trường Khổ Hạnh có đến đây không?”

Đức Thế Tôn đáp:

“Cư sĩ, có đến.”

Cư sĩ Ưu-ba-ly hỏi:

“Cù-đàm, có cùng với Ni-kiền Trường Khổ Hạnh đàm luận chăng?”

Đức Thế Tôn đáp:

“Có cùng đàm luận.”

Cư sĩ Ưu-ba-ly nói:

“Cù-đàm, nếu đã cùng với Ni-kiền Trường Khổ Hạnh đàm luận, xin Ngài thuật lại hết cho tôi nghe. Hoặc giả, sau khi nghe xong, tôi biết được việc đó.”

Rồi Thế Tôn thuật hết lại những điều mà Ngài cùng với Ni-kiền Trường Khổ Hạnh đàm luận cho Ưu-ba-ly nghe. Lúc đó Cư sĩ Ưu-ba-ly nghe rồi, khen rằng:

“Hay thay Khổ Hạnh! Như vậy mới gọi là đối với Tôn sư làm đúng việc thực hành pháp của một đệ tử. Điều phải làm được thành biện bằng trí tuệ, với quyết định thông minh, với sự trầm tĩnh không sợ hãi, với sự hoàn toàn tự tin tưởng, đạt đến đại biện tài, bắt được ngọn cờ cam lộ, ở trong cảnh giới cam lộ mà tự tác chứng, thành tựu an trụ. Vì sao như vậy? Vì đã đối với Sa-môn Cù-đàm mà trình bày thân phạt là tối thượng để không hành ác nghiệp, không gây ác nghiệp. Khẩu phạt không như vậy, ý càng kém hơn, không bằng thân phạt, vốn rất lớn lao, rất nặng nề”.

Khi đó Đức Thế Tôn bảo rằng:

“Cư sĩ, Ta muốn cùng ông bàn luận về việc này. Nếu như ông an trụ trong sự thật, thì bằng sự thật mà đáp.” [201]

Cư sĩ Ưu-ba-ly đáp:

“Cù-đàm, tôi an trụ trong sự thật, bằng sự thật mà đáp. Sa-môn Cù-đàm, hãy nên cùng tôi bàn luận việc này.”

Đức Thế Tôn hỏi:

“Cư sĩ, ông nghĩ sao? Ở đây nếu Ni-kiền ưa bố thí, thích hành việc bố thí, không hý luận, ưa sự không hý luận, rất thanh tịnh, chuyên hành trì chú [202]. Nếu khi người ấy đi đến đây, đạp chết nhiều côn trùng lớn nhỏ, thì thế nào, Cư sĩ, Ni-kiền Thân Tử đối với việc sát sanh này chủ trương có quả báo ra sao?”

Cư sĩ Ưu-ba-ly đáp:

“Thưa Cù-đàm, nếu người ấy cố ý thì có tội lớn, nếu không cố ý [203] thì không có tội lớn.”

Đức Thế Tôn hỏi:

“Cư sĩ, ông nói cố ý là thế nào?”

Cư sĩ Ưu-ba-ly đáp:

“Thưa Cù-đàm, đó là ý nghiệp [204] vậy.”

Đức Thế Tôn bảo:

“Cư sĩ, ông nên suy nghĩ rồi trả lời. Những điều nói trước trái với điều sau, sau trái với điều trước, [629c] không phù hợp nhau. Cư sĩ, ông ở trong chúng này tự nói: ‘Cù-đàm, tôi an trụ trong sự thật, bằng sự thật mà đáp. Sa-môn Cù-đàm, hãy nên cùng tôi bàn luận việc này’.

“Cư sĩ, ông nghĩ sao? Nếu có Ni-kiền chỉ uống nước nóng, dứt hẳn nước lạnh [205]. Nhưng khi không có nước nóng bèn muốn uống nước lạnh. Không có nước lạnh người ấy liền chết. Này Cư sĩ, Ni-kiền Thân Tử có thể nói thế nào về chỗ thác sanh của Ni-kiền ấy?”

Cư sĩ Ưu-ba-ly đáp:

“Thưa Cù-đàm, có loại trời gọi là Ý trước [206]. Vị Ni-kiền đó mạng chung, do ý có dính mắc tất sanh vào chỗ ấy.”

Đức Thế Tôn bảo:

“Cư sĩ, ông nên suy nghĩ rồi sẽ trả lời. Những điều ông nói trước trái với sau, sau trái với trước, không phù hợp nhau. Cư sĩ, ông ở trong chúng này tự nói: ‘Cù-đàm, tôi an trụ trong sự thật, bằng sự thật mà đáp. Sa-môn Cù-đàm, hãy nên cùng tôi bàn luận việc này’.

“Cư sĩ, ông nghĩ sao, giả sử có người cầm dao bén tới đây, người ấy nói rằng: ‘Trong một ngày tôi chém đầu, lột da, xẻ thịt tất cả chúng sanh ở trong xứ Na-nan-đà này chất thành đống thịt, làm thành khối thịt’. Cư sĩ, ông nghĩ sao, người ấy có thể trong một ngày mà chém đầu, lột da, xẻ thịt tất cả chúng sanh ở xứ Na-nan-đà này chất thành đống thịt, làm thành một khối thịt không?”

Cư sĩ Ưu-ba-ly đáp:

“Không thể. Vì sao như vậy? Xứ Na-nan-đà này quá giàu có an vui, nhân dân đông đúc, cho nên người ấy chắc chắn không thể trong một ngày mà chém đầu, lột da, xẻ thịt tất cả chúng sanh chất thành đống thịt, làm thành khối thịt được. Thưa Cù-đàm, người ấy chỉ gây phiền nhọc vô ích.”

Đức Thế Tôn bảo:

“Cư sĩ, ông nghĩ sao, nếu có Sa-môn, Bà-la-môn đến, có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, tâm được tự tại, người ấy nói như vầy: ‘Ta chỉ khởi một niệm sân, làm cho cả xứ Na-nan-đà này thiêu rụi thành tro’. Này Cư sĩ, ông nghĩ sao? Sa-môn, Bà-la-môn ấy có thể làm cho cả Na-nan-đà này thiêu rụi thành tro không?”

Cư sĩ Ưu-ba-ly đáp:

“Thưa Cù-đàm, đâu phải chỉ một Na-nan-đà, đâu phải chỉ hai hoặc ba, hoặc bốn; mà thưa Cù-đàm, Sa-môn Bà-la-môn kia có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, tâm được tự tại, nếu khởi lên niệm sân thì có thể làm cho hết thảy các nước, [630a] hết thảy nhân dân thiêu rụi thành tro, sá gì một Na-nan-đà?”

Đức Thế Tôn bảo:

“Cư sĩ, ông nên suy nghĩ rồi sẽ trả lời. Những điều nói trước trái với sau, sau trái với trước, không phù hợp nhau. Ông ở tại chúng này tự nói: ‘Sa-môn Cù-đàm, tôi an trú trong sự thật, bằng sự thật mà đáp. Sa-môn Cù-đàm, hãy nên cùng tôi bàn luận việc này.’ ”

Đức Thế Tôn hỏi:

“Cư sĩ, ông có từng nghe rừng Đại-trạch, rừng Kỳ-lân, rừng Mê-lộc, rừng Tĩnh tịch, rừng Không dã; tại sao những khu rừng ấy là những khu rừng? [207]”

Cư sĩ Ưu-ba-ly đáp:

“Thưa Cù-đàm, tôi có nghe.”

“Cư sĩ, ông nghĩ sao? Vì ai mà rừng Đại-trạch, rừng Kỳ-lân, rừng Mê-lộc, rừng Tĩnh tịch, rừng Không dã, tại sao những khu này là những khu rừng?”

Cư sĩ Ưu-ba-ly im lặng không đáp.

Đức Thế Tôn bảo:

“Cư sĩ, hãy trả lời nhanh đi! Hãy trả lời nhanh đi! Bây giờ không phải là lúc im lặng. Cư sĩ! Ở tại chúng này, ông tự nói: ‘Thưa Cù-đàm, tôi an trú trong sự thật, bằng sự thật mà đáp. Sa-môn Cù-đàm, hãy nên cùng tôi bàn luận việc này’.”

Lúc ấy, Cư sĩ Ưu-ba-ly chỉ im lặng trong chốc lát rồi nói:

“Thưa Cù-đàm, tôi không im lặng. Tôi chỉ suy nghĩ về ý nghĩa này vậy. Thưa Cù-đàm, bọn Ni-kiền ngu si kia không hiểu rõ ràng, không thể giải biết, không biết khoảnh ruộng tốt mà không tự xét, cứ mãi lừa dối tôi, tôi mê lầm vì họ, nghĩa là vì nhắm đến Sa-môn Cù-đàm mà họ chủ trương thân phạt là nặng nhất để không làm ác nghiệp, không gây ác nghiệp, khẩu phạt và ý phạt không bằng. Nếu như theo những điều mà Sa-môn Cù-đàm đã nói, tôi hiểu ý nghĩa rằng, bởi vì Tiên nhân khởi một niệm sân mà có thể làm cho rừng Đại-trạch, rừng Kỳ-lân, rừng Mê-lộc, rừng Tĩnh tịch, rừng Không dã, những khu này trở thành những khu rừng.

“Bạch Thế Tôn, con đã biết. Bạch Thiện Thệ, con đã hiểu. Hôm nay con xin quy y Phật, Pháp và chúng Tỳ-kheo. Cúi xin Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc. Từ nay về sau, trọn đời con quy y cho đến khi chết”.

Đức Thế Tôn bảo:

“Cư sĩ, ông hãy im lặng mà làm, không nên lớn tiếng tuyên bố [208]. Sự im lặng của người thù thắng [209] như vậy là tốt đẹp.”

Cư sĩ Ưu-ba-ly bạch:

“Bạch Thế Tôn, với sự kiện này, đối với Thế Tôn con lại bội phần hoan hỷ. Vì sao như vậy? Vì Thế Tôn đã nói như thế này: “Cư sĩ, ông hãy im lặng mà làm, không nên lớn tiếng tuyên bố. Sự im lặng của người thù thắng như vậy là tốt đẹp’.

“Bạch Thế Tôn, nếu như con mà làm đệ tử của các Sa-môn, Bà-la-môn khác [630b] thì họ đã cầm tràng phan, dù lọng đi tuyên bố khắp nơi Na-nan-đà, nói như thế này: ‘Cư sĩ Ưu-ba-ly đã làm đệ tử ta! Cư sĩ Ưu-ba-ly đã làm đệ tử ta!’ Nhưng Thế Tôn lại nói như thế này: ‘Cư sĩ, ông hãy im lặng mà làm, không nên lớn tiếng tuyên bố. Sự im lặng của người thù thắng như vậy là tốt đẹp’.”

Cư sĩ Ưu-ba-ly lại bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, từ nay về sau con không cho các Ni-kiền đi vào nhà con. Chỉ có bốn chúng đệ tử Thế Tôn, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di vào mà thôi.”

Đức Thế Tôn bảo:

“Cư sĩ, các Ni-kiền kia cùng với gia đình ông trong một thời gian dài đã tôn kính nhau. [210] Nếu họ có đến thì ông nên tùy theo khả năng của mình mà cúng dường họ.”

Ưu-ba-ly bạch:

“Bạch Thế Tôn, với sự kiện này, đối với Thế Tôn con lại bội phần hoan hỷ. Vì sao như vậy? Vì Thế Tôn đã nói như thế này: ‘Cư sĩ, các Ni-kiền kia đối với gia đình ông trong một thời gian dài đã tôn kính nhau. Nếu họ có đến thì ông nên tùy theo khả năng của mình mà cúng dường họ’. Bạch Thế Tôn, ngày trước con nghe nói Thế Tôn dạy như thế này: ‘Nên cho Ta, đừng cho người khác. Nếu cho Ta sẽ được phước lớn, nếu cho người khác thì không được phước lớn. Cho đệ tử Ta thì sẽ được phước lớn, cho đệ tử người khác thì không được phước lớn.’ ”

Đức Thế Tôn bảo:

“Cư sĩ, Ta không nói như thế. Ta không nói rằng: ‘Nên cho Ta chứ đừng cho người khác. Cho đệ tử Ta chứ đừng cho đệ tử người khác. Nếu cho Ta thì phước lớn, nếu cho người khác thì không được phước lớn. Cho đệ tử Ta sẽ được phước lớn, nếu cho đệ tử người khác thì không được phước lớn’. Cư sĩ, Ta nói như thế này: ‘Hãy cho tất cả tùy theo tâm hoan hỷ. Nhưng cho người không tinh tấn không được phước lớn. Cho người tinh tấn sẽ được phước lớn.’ ”

Cư sĩ Ưu-ba-ly bạch:

“Bạch Thế Tôn, xin nguyện không làm vậy [211]. Con tự biết nên cho Ni-kiền hay không nên cho Ni-kiền. Bạch Thế Tôn, hôm nay một lần nữa con xin tự quy y Phật, Pháp và chúng Tỳ-kheo. Cúi xin Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc. Từ nay về sau, trọn đời quy y cho đến khi chết.”

Khi ấy Đức Thế Tôn thuyết pháp cho Cư sĩ Ưu-ba-ly, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi bằng vô lượng phương tiện thuyết pháp, khuyến phát khát ngưỡng, [630c] thành tựu hoan hỷ rồi, như pháp của chư Phật, Đức Phật trước hết nói pháp thuận thứ [212] khiến người nghe hoan hỷ, ấy là nói pháp bố thí, trì giới, sanh thiên, chê bai dục là tai hoạn, sanh tử là ô uế; khen vô dục là đạo phẩm vi diệu, là bạch tịnh.

Thế Tôn nói pháp như vậy cho ông nghe xong, Ngài biết ông có tâm hoan hỷ, tâm cụ túc, tâm nhu nhuyến, tâm kham nại, tâm tăng thượng, tâm hướng đến, tâm không nghi ngờ, tâm không triền cái, có năng lực nhận lãnh chánh pháp. Rồi như pháp chánh yếu mà chư Phật đã nói, Đức Thế Tôn liền nói Khổ, Tập, Diệt, Đạo cho ông nghe. Cư sĩ Ưu-ba-ly ngay tại chỗ ngồi đã thấy bốn Thánh đế Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Cũng như vải trắng dễ nhuộm sắc màu; cũng vậy, Cư sĩ Ưu-ba-ly ngay tại chỗ ngồi thấy bốn Thánh đế Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Ngay khi đó, Cư sĩ Ưu-ba-ly thấy pháp, đắc pháp, biết pháp bạch tịnh, đoạn nghi độ hoặc, không còn tôn thờ ai khác, không theo ai khác, không còn do dự, đã trụ quả chứng. Đối với pháp của Thế Tôn được vô sở úy, liền rời chỗ ngồi đứng dậy làm lễ Đức Phật:

“Bạch Thế Tôn, hôm nay con ba lần tự quy y Phật, Pháp và chúng Tỳ-kheo. Cúi xin Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc. Từ nay về sau, trọn đời con quy y cho đến khi chết.”

Rồi Cư sĩ Ưu-ba-ly sau khi nghe pháp được Phật giảng dạy, khéo thọ, khéo trì, cúi đầu lễ chân Phật, đi quanh ba vòng, trở về nhà bảo người đứng giữ cửa rằng:

“Các ngươi nên biết, nay ta là đệ tử của Đức Thế Tôn. Từ nay về sau, các Ni-kiền tử đến chớ cho vào cửa, chỉ cho bốn chúng đệ tử của Đức Thế Tôn là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di vào mà thôi. Nếu có Ni-kiền đến thì nói với họ rằng: ‘Tôn giả, Cư sĩ Ưu-ba-ly nay được Phật cải hóa, đã hóa làm đệ tử Phật, nên không cho các Ni-kiền vào cửa, chỉ cho bốn chúng đệ tử của Đức Thế Tôn là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di vào mà thôi. Nếu người cần thức ăn, hãy đứng đó, sẽ đem thức ăn ra cho.”

Khi đó, Ni-kiền Trường Khổ Hạnh nghe Cư sĩ Ưu-ba-ly đã được Sa-môn Cù-đàm cải hóa, hóa làm đệ tử và không cho Ni-kiền vào cửa, chỉ cho đệ tử của Sa-môn Cù-đàm là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di vào. Ni-kiền Trường Khổ Hạnh nghe xong như vậy rồi đi đến chỗ Ni-kiền Thân Tử bạch rằng:

“Thưa tôn sư, đây điều con đã nói trước.”

Ni-kiền Thân Tử hỏi:

“Khổ Hạnh, điều gì gọi là điều ngươi đã nói trước?”

 [631a] Ni-kiền Trường Khổ Hạnh đáp:

“Thưa tôn sư, con đã nói trước rằng: ‘Không muốn cho Cư sĩ Ưu-ba-ly đi đến chỗ Sa-môn Cù-đàm. Vì sao như vậy? Vì Sa-môn Cù-đàm biết chú huyễn hóa, có thể dùng chú thuật hóa làm đệ tử Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di. Con sợ rằng Cư sĩ Ưu-ba-ly sẽ bị Sa-môn Cù-đàm biến hóa, hóa làm đệ tử’. Thưa tôn sư, Cư sĩ Ưu-ba-ly nay đã bị Sa-môn Cù-đàm biến hóa, hóa làm đệ tử rồi, không cho các Ni-kiền vào cửa, chỉ cho đệ tử Sa-môn Cù-đàm là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di vào.”

Ni-kiền Thân Tử nói:

“Khổ Hạnh, Cư sĩ Ưu-ba-ly bị Sa-môn Cù-đàm biến hóa làm đệ tử, việc ấy hoàn toàn không có. Sa-môn Cù-đàm bị Cư sĩ Ưu-ba-ly biến hóa làm đệ tử, việc ấy chắc chắn có.”

Ni-kiền Trường Khổ Hạnh bạch lại:

“Thưa tôn sư, nếu không tin lời con nói, thì tôn sư có thể thân hành đến, hoặc sai người đến.”

Khi ấy, Ni-kiền thân tử bảo:

“Khổ Hạnh, ông nên thân hành đến đó xem sao. Có phải Cư sĩ Ưu-ba-ly đã bị Sa-môn Cù-đàm biến hóa làm đệ tử rồi chăng? Hay là Sa-môn Cù-đàm bị Cư sĩ Ưu-ba-ly biến hóa làm đệ tử rồi?”

Ni-kiền Trường Khổ Hạnh vâng lệnh Ni-kiền Thân Tử, đi đến nhà Cư sĩ Ưu-ba-ly. Người giữ cửa vườn trông thấy Ni-kiền Trường Khổ Hạnh đến, liền nói như thế này:

“Tôn giả, Cư sĩ Ưu-ba-ly nay đã được Phật cải hóa, hóa thành đệ tử Phật rồi, nên không cho các Ni-kiền vào cửa, chỉ cho bốn chúng đệ tử của Thế Tôn là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di vào thôi. Nếu ngài muốn nhận thức ăn thì nên đứng đó, con sẽ đem thức ra cho.

Ni-kiền Trường Khổ Hạnh nói:

“Người giữ cửa, ta không cần thức ăn.”

Ni-kiền Trường Khổ Hạnh biết việc này như vậy rồi, lắc đầu bỏ đi, về tới chỗ Ni-kiền Thân Tử thưa:

“Thưa tôn sư, đây là điều con đã nói trước.”

Ni-kiền thân tử hỏi:

“Khổ Hạnh, cái gì gọi là điều ông đã nói trước?”

Trường khổ hạnh Ni-kiền đáp:

“Thưa tôn sư, con đã nói rằng: ‘Không muốn cho Cư sĩ Ưu-ba-ly đi đến chỗ Sa-môn Cù-đàm. Vì sao như vậy? Vì Sa-môn Cù-đàm biết chú huyễn hóa, có thể dùng chú thuật hóa làm đệ tử Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di. Con sợ rằng Cư sĩ Ưu-ba-ly sẽ bị Sa-môn Cù-đàm biến hóa, hóa làm đệ tử’. Thưa tôn sư, Cư sĩ Ưu-ba-ly nay đã bị [631b] Sa-môn Cù-đàm biến hóa, hóa làm đệ tử rồi, không cho các Ni-kiền vào cửa, chỉ cho đệ tử Sa-môn Cù-đàm là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di vào.”

Ni-kiền Thân Tử nói:

“Khổ Hạnh, Cư sĩ Ưu-ba-ly bị Sa-môn Cù-đàm biến hóa làm đệ tử, việc ấy hoàn toàn không có. Sa-môn Cù-đàm bị Cư sĩ Ưu-ba-ly biến hóa làm đệ tử, việc ấy chắc chắn có.”

Ni-kiền Trường Khổ Hạnh bạch lại:

“Thưa tôn sư, nếu không tin lời con nói, thì tôn sư có thể thân hành đến.

Lúc đó Ni-kiền thân tử và đại chúng Ni-kiền năm trăm người cùng đi đến nhà Cư sĩ Ưu-ba-ly. Người giữ cửa vừa trông thấy Ni-kiền Thân Tử và đại chúng Ni-kiền năm trăm người kéo đến, nói như thế này: “Thưa Tôn giả, Cư sĩ Ưu-ba-ly nay đã được Phật cải hóa, hóa thành đệ tử Ngài rồi, nên không cho các Ni-kiền vào cửa, chỉ cho bốn chúng đệ tử của Thế Tôn là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di vào cửa mà thôi. Nếu ngài muốn nhận thức ăn thì nên đứng đó, con sẽ đem thức ăn ra cho.”

Ni-kiền Thân Tử nói:

“Người giữ cửa, ta không cần thức ăn, Ta chỉ muốn gặp Cư sĩ Ưu-ba-ly.”

Người giữ cửa nói:

“Xin ngài đứng đó, để con thưa với Cư sĩ Ưu-ba-ly.”

Người giữ cửa kia liền vào thưa rằng:

“Thưa Cư sĩ, Ni-kiền Thân Tử cùng đại chúng Ni-kiền năm trăm người đứng ở ngoài cửa, nói như thế này: ‘Ta muốn được gặp Cư sĩ Ưu-ba-ly.’”

Cư sĩ Ưu-ba-ly bảo người giữ cửa:

“Ngươi đến cửa giữa [213] trải bày tòa ngồi. Bày xong trở lại cho ta biết.”

Người giữ cửa vâng lệnh, đi đến cửa giữa trải bày giường ngồi xong rồi trở lại thưa:

“Thưa Cư sĩ, đã trải giường xong, kính mong Cư sĩ tự biết thời.”

Cư sĩ Ưu-ba-ly dẫn người giữ cửa đi đến nhà giữa. Ở đó có một cái giường thật cao rộng, to lớn, rất sạch sẽ, được trải khéo léo, đó là chỗ Cư sĩ Ưu-ba-ly trước kia đã bế [214] Ni-kiền Thân Tử để ngồi lên đó, thì bây giờ Cư sĩ Ưu-ba-ly tự leo lên ngồi kiết già, bảo với người giữ cửa:

“Ngươi ra chỗ Ni-kiền Thân Tử nói như thế này: ‘Tôn nhân, Cư sĩ Ưu-ba-ly nói tôn nhân muốn vào thì tùy ý’.”

Người giữ cửa vâng lệnh đi ra, đến chỗ Ni-kiền nói như thế này:

“Tôn nhân, Cư sĩ Ưu-ba-ly nói: Tôn nhân muốn vào thì tùy ý.”

 [631c] Lúc đó, Ni-kiền Thân Tử và đại chúng Ni-kiền năm trăm người cùng đến nhà giữa. Cư sĩ Ưu-ba-ly vừa trông thấy Ni-kiền Thân Tử và đại chúng Ni-kiền năm trăm người cùng vào, nói như thế này:

“Tôn nhân, ở đây có chỗ ngồi, muốn ngồi xin tùy ý.”

Ni-kiền thân tử nói:

“Cư sĩ, ông làm như vậy phải lẽ chăng? Tự mình lên tòa cao ngồi kiết già cùng nói chuyện với người như người xuất gia học đạo không khác?”

Cư sĩ Ưu-ba-ly nói:

“Tôn nhân, tôi có đồ vật của mình, muốn cho thì cho, không cho thì không cho. Chỗ ngồi này là của tôi, cho nên tôi nói có chỗ ngồi, muốn ngồi xin tùy ý.”

Ni-kiền Thân Tử trải chỗ ngồi mà ngồi, rồi nói rằng:

“Cư sĩ, vì sao như vậy? Muốn hàng phục Sa-môn Cù-đàm nhưng khi trở về đã bị hàng phục. Cũng như có người vào rừng để tìm con mắt, nhưng khi trở về bị mất con mắt. Cũng vậy, Cư sĩ, muốn đến hàng phục Sa-môn Cù-đàm nhưng khi trở về đã bị hàng phục. Cũng như người vì khát mà xuống ao; nhưng trở lên vẫn cứ khát. Cư sĩ cũng như vậy, muốn đi chinh phục Sa-môn Cù-đàm, thì bị chinh phục ngược trở lại. Cư sĩ, vì sao như vậy?”

Cư sĩ Ưu-ba-ly nói:

“Tôn nhân, xin nghe tôi nói dụ. Người trí tuệ nghe dụ thì hiểu được ý nghĩa. Tôn nhân, ví như có một người Bà-la-môn có người vợ trẻ. Người vợ kia đang có thai, nói với chồng rằng: ‘Tôi nay mang thai, anh hãy đến chợ mua đồ chơi đẹp về cho con’. Lúc đó, Bà-la-môn kia nói với vợ rằng: “Chỉ mong em được bình yên sinh sản, rồi lo gì mà không có. Nếu sanh con trai thì mua đồ chơi con trai cho nó. Nếu sanh con gái thì mua đồ chơi con gái cho nó’. Người vợ lại ba lần nói với chồng: ‘Tôi nay đang mang thai, anh hãy đến chợ mua đồ chơi về cho con’. Bà-la-môn đã ba lần nói lại với vợ rằng: Chỉ mong em được bình yên sanh sản, rồi lo gì mà không có. Nếu sanh con trai thì phải mua đồ chơi con trai. Còn nếu sanh con gái thì mua đồ chơi con gái’. Bà-la-môn kia thương vợ quá sức, liền nói rằng: ‘Em muốn mua đồ chơi gì cho con?’ Người vợ đáp: ‘Anh mua đồ chơi đẹp là con khỉ con’. Bà-la-môn nghe rồi, đi vào chợ mua đồ chơi đẹp bằng con khỉ con, đem về nói với vợ: ‘Tôi đã mua đồ chơi đẹp bằng khỉ con về đây’. Người vợ thấy rồi chê rằng [632a] màu sắc không đẹp, liền nói với chồng: ‘Anh nên đem thứ đồ chơi khỉ con này đến thợ nhuộm, nhuộm nó màu vàng để được rất dễ thương hơn, và nhồi cho nó phát ra ánh sáng’. Bà-la-môn nghe xong, liền cầm đồ chơi con khỉ con đến thợ nhuộm, nói rằng: ‘Hãy nhuộm đồ chơi khỉ con này thành sắc vàng, làm cho nó rất dễ thương và nhồi cho nó phát ra ánh sáng cho tôi’. Khi ấy người thợ nhuộm nói với Bà-la-môn: ‘Đồ chơi khỉ con nhuộm thành màu vàng làm cho dễ thương, việc này làm được, nhưng không thể nhồi cho nó phát ra ánh sáng được’.

“Khi ấy người thợ nhuộm nói tụng này:

Khỉ nhỏ tiếp nhận sắc,

Chứ không thể đảo nhồi.

Nếu nhồi, nó sẽ chết;

Chịu sao được với chày?

Đây là đãy xú uế,

Khỉ con đầy bất tịnh.

“Thưa Tôn nhân, nên biết, những điều được Ni-kiền thuyết cũng giống như vậy, không thể chịu đựng được những nạn vấn của người khác, cũng không thể suy nghĩ quán sát được. Chỉ có nhuộm sự ngu si, không nhuộm trí tuệ. Tôn nhân, xin hãy nghe đấy. Cũng như chiếc áo Ba-la-nại thanh tịnh, người chủ cầm đến thợ nhuộm, nói rằng: ‘Nhuộm giùm chiếc áo này thành cực đẹp, làm cho dễ yêu, cũng đập nhồi kỹ cho nó phát ánh sáng’. Lúc đó, thợ nhuộm bảo với chủ áo rằng: ‘Áo này có thể nhuộm thành màu sắc cực đẹp, làm cho dễ ưa; cũng có thể đập nhồi cho phát ánh sáng’.

“Khi ấy thợ nhuộm nói tụng này:

Như vải Ba-la-nại,

Trắng sạch, chịu sắc màu;

Đập xong thời mềm mại,

Sáng chói, càng thêm đẹp.

“Thưa Tôn nhân, những điều các Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác đã dạy cũng như vậy; rất đủ khả năng chịu đựng những nạn vấn của kẻ khác, cũng có thể suy nghĩ quán sát một cách thỏa đáng được; chỉ có nhuộm trí tuệ, không nhuộm ngu si.”

Ni-kiền Thân Tử nói:

“Cư sĩ, ông đã bị Sa-môn Cù-đàm biến hóa bằng chú huyễn thuật.”

Cư sĩ Ưu-ba-ly nói:

“Tôn nhân, thật tốt đẹp loại chú huyễn hóa ấy, rất tốt đẹp loại chú huyễn hóa. Thưa Tôn nhân, loại chú huyễn hóa đó làm cho cha mẹ tôi được lợi ích an ổn, khoái lạc lâu dài; vợ con, nô tỳ, người giúp việc, quốc vương Na-nan-đà và tất cả thế gian, chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, từ người đến trời, [632b] làm cho họ được lợi ích an ổn khoái lạc lâu dài.”

Ni-kiền thân tử nói:

“Cư sĩ, toàn cõi Na-nan-đà đều biết Cư sĩ Ưu-ba-ly là đệ tử Ni-kiền, nay đây cuối cùng là đệ tử của ai?”

Khi ấy, Cư sĩ Ưu-ba-ly liền từ chỗ ngồi đứng dậy, gối phải quỳ xuống đất, nhắm phương có Phật, chắp tay hướng về, nói:

“Tôn nhân, hãy nghe điều tôi nói đây:

Đại Hùng, trừ si ngốc;

Diệt uế [215], hàng phục địch.

Vô địch, vi diệu tư,

Học giới, thiền, trí tuệ;

An ổn không bợn nhơ:

Ba-ly đệ tử Phật.

Đại Thánh đã tu tập;

Thành đức tự tại thuyết.

Khéo niệm, quán sát mầu;

Không thấp, cũng không cao;

Bất động, thường tự tại:

Ba-ly đệ tử Phật.

Không cong [216], thường biết đủ;

Thỏa mãn, trừ xan tham;

Thành Sa-môn giác ngộ,

Tôn đại sĩ, hậu thân,

Vô tỷ, không nhiễm trần:

Ba-ly đệ tử Phật.

Bao dung, không ganh ghét;

Đấng Tịch Mặc nhiệm mầu,

Dũng mãnh, hằng an ổn;

Trụ pháp, vi diệu tư,

Chế ngự, không hý bỡn;

Ba-ly đệ tử Phật.

Đại long sống vượt tục,

Giải trừ mọi sử kiết,

Ưng thanh tịnh biện tài,

Tuệ phát, dứt vui buồn;

Đức Thích-ca, cõi ngoài;

Ba-ly đệ tử Phật.

Thiền tư duy Chánh pháp,

Thanh tịnh, nhiễu loạn trừ;

Thường cười, không hờn giận;

Đệ nhất đời viễn ly.

Thường chuyên tinh, vô úy:

Ba Ly đệ tử Phật.

Đấng Thất Tiên [217] vô đẳng,

Chứng tịnh hạnh, tam minh [218].

Tắm sạch, [219] như đèn sáng

Yên nghỉ, dứt oán kết;

Dũng mãnh, cực thanh tịnh:

Ba-ly đệ tử Phật.

Tịch tĩnh, tuệ như đất; [220]

Đại trí, trừ trừ tham lam;

Đáng thờ, con mắt siêu;

Thượng sỹ không ai sánh;

Tự điều ngự, triệt sân;

Ba-ly đệ tử Phật.

 [632c]Đoạn dục [221], vô thượng thiện;

Khéo điều ngự vô song;

Vô thượng thường hoan hỷ;

Trừ nghi, rực sắc quang;

Đoạn mạn, vô thượng giác;

Ba-ly đệ tử Phật.

Đoạn ái, giác tối thượng;

Khói tan, lửa đã tắt;

Đấng Như Khứ [222], Thiện Thệ;

Đấng Vô Đẳng, Tối Tôn;

Đấng Đại Danh, Chân Chánh;

Ba-ly đệ tử Phật.

Trăm lời tán Phật này,

Tự phát, không cần suy.

Những sự Ba-ly nói,

Chư Thiên đến hội tề.

Khéo gia sức hùng biện;

Đúng pháp, đúng nhân tài.

Ni-kiền thân tử hỏi:

‘Đệ tử của Như Lai’.

Ni-kiền Thân Tử hỏi:

“Cư sĩ, ông ca ngợi Sa-môn Cù-đàm với ý gì?”

Cư sĩ Ưu-ba-ly đáp:

“Hãy nghe tôi nói dụ, người trí nghe dụ thì hiểu rõ ý nghĩa. Như thầy trò người làm tràng hoa, chọn các loại hoa, dùng dây dài kết làm các loại tràng hoa. Cũng vậy, này Tôn nhân, Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, có vô lượng xưng tán, là đấng tối tôn thờ, nên tôi ca ngợi.”

Khi nói pháp này, Cư sĩ Ưu-ba-ly xa lìa trần cấu, phát sanh con mắt pháp thấy các pháp. Ni-kiền Thân Tử liền mửa máu nóng, rồi đến nước Bà-hòa [223] vì bệnh này mà mạng chung.

Phật nói như vậy, Cư sĩ Ưu-ba-ly nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành. [224]

134. KINH THÍCH VẤN

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại phía Đông thành Vương xá, nước Ma-kiệt-đà, trong động đá Nhân-đà-la, trên núi Tì-đà-đề, phía Bắc thôn Nại lâm [225].

Bấy giờ [633a] Thiên vương Thích [226] nghe Phật trú tại phía Đông thành Vương xá, nước Ma-kiệt-đà, trong động Nhân-đà-la, trên núi Tì-đà-đề, phía Bắc thôn Nại lâm. Khi ấy, Thiên vương Thích bảo Ngũ Kết nhạc tử [227] rằng:

“Ta nghe Đức Thế Tôn trú tại phía Đông thành Vương xá, nước Ma-kiệt-đà, trong động Nhân-đà-la, trên núi Tì-đà-đề, phía Bắc thôn Nại lâm. Này Ngũ Kết, ngươi hãy cùng ta đến yết kiến Đức Thế Tôn”.

Ngũ Kết nhạc tử thưa rằng:

“Xin vâng.”

Rồi thì, Ngũ kết nhạc tử ôm đàn lưu ly [228] cùng đi theo Thiên vương Thích. Chư Thiên ở Tam thập tam thiên nghe Thiên vương Thích rất khát khao muốn gặp Phật, chư Thiên Tam thập tam thiên cũng theo hầu Thiên vương mà đi. Bấy giờ trong khoảnh khắc, nhanh như lực sĩ co duỗi cánh tay, Thiên vương Thích cùng chư Thiên Tam thập tam và Ngũ Kết biến mất khỏi cõi trời Tam thập tam, đã hiện đến phía Đông thành Vương xá, nước Ma-kiệt-đà, trên núi Tì-đà-đề, phía Bắc thôn Nại lâm, cách động đá không xa.

Lúc bấy giờ núi Tì-đà-đề hào quang chiếu sáng rực rỡ như lửa cháy. Nhân dân ở chung quanh núi thấy vậy nghĩ rằng: “Núi Tì-đà-đề bị lửa đốt cháy khắp nơi.”

Khi ấy Thiên vương Thích sau khi đã đứng xuống tại một nơi, bảo rằng:

“Này Ngũ Kết, Đức Thế Tôn là như vậy. Ngài ở trong rừng vắng, trong rừng sâu, dưới gốc cây, thích ở trên sườn núi cao, vắng bặt không tiếng động, xa lánh, không có sự dữ, không có bóng người, tùy thuận mà tĩnh tọa, có đại oai đức; cùng với chư Thiên, ưa thích đời sống xa lánh, tĩnh tọa ấy, đời sống an ổn khoái lạc ấy. Chúng ta chưa thông báo trước, không nên tự tiện bước tới. Này Ngũ Kết, ngươi hãy đi đến thông báo trước, sau đó chúng ta mới bước tới.”

Ngũ kết thưa rằng:

“Xin vâng lời.”

Ngũ Kết sau khi vâng lời dạy của Thiên vương Thích, liền ôm đàn lưu ly đi trước, đến động đá Nhân-đà-la, rồi nghĩ rằng: “Hãy ở nơi này, cách Phật không gần cũng không xa, để Phật biết được và nghe được âm thanh của ta.”.

Khi đã đến đứng ở nơi kia, Ngũ Kết gảy đàn và hát lên những bài tụng nói về tình yêu, nói về rồng, nói về Sa-môn, nói về A-la-hán [229]:

Hiền nương ơi [230]!

Ta kính lễ phụ mẫu nàng;

Mặt trăng và Đam-phù-lâu [231];

Đã sanh nàng tuyệt vời,

Gây hoan lạc lòng ta.

Như nóng cầu gió mát;

Như khát cầu nước lạnh;

Như vậy, ta yêu nàng,

Như La-hán yêu Pháp.

Như dòng nước, khó giữ!

Lụy tình cũng như vậy.

 [633b]Đời đời mong sống chung,

Như cúng dường Vô Trước.

Ao nước trong, vừa mát;

Dưới đáy có cát vàng [232];

Như voi chúa [233] nóng bức,

Xuống ao tắm mặc tình.

Như voi bị móc câu;

Lòng ta bị nàng khuất.

Hành động nàng không hay,

Yểu điệu, chưa được nàng.

Tâm ý ta hoàn toàn lệ thuộc,

Và phiền oan đã đốt cháy tim;

Và vì vậy không còn hoan lạc,

Như một người đi vào hang hùm.

Như Thích tử tư duy thiền tọa,

Hằng vui say trong sự nhất tâm.

Như Mâu-ni đạt thành giác ngộ [234];

Cũng diệu tịnh như ta được nàng.

Như niềm vui Đại thánh Mâu-ni [235]

Do chứng đắc viên toàn giác đạo.

Niềm vui ta cũng ở nơi kia,

Bằng khao khát được nàng hội tụ.

Như người bệnh mong cầu phương dược;

Như đói ăn hoài niệm thức ăn;

Ơi Hiền nữ, mong lòng ta tắt,

Như nước rưới cho ngọn lửa tàn.

Nếu ta có hành vi tạo phước,

Như cúng dường La-hán chân nhân [236];

Thọ báo ấy tức thành tịnh diệu,

Ta mong cùng Hiền nữ sống chung.

Ta ước nguyện bên nàng vĩnh kiếp;

Không xa nàng sống lẻ đơn thân.

Và ta hẹn theo nàng được chết,

Không mong gì cách biệt ly sanh.

Ôi, Thiên đế cho tôi lời nguyện,

Bậc tôn cao Tam thập tam thiên!

Ôi Đại Thánh, trên đời tối thượng,

Biết cho tôi lời nguyện vững bền.

Kính lễ Đấng Hùng Lực,

Tối thượng giữa nhân gian,

Dứt trừ gai ái dục,

Con lạy Đấng Nhật Thân [237].

Bấy giờ, Đức Thế Tôn từ tam-muội dậy, tán thán Ngũ Kết Nhạc Tử:

“Hay thay! Hay thay! Ngũ Kết, giọng ca của ngươi cùng với tiếng đàn hòa điệu; tiếng đàn và giọng ca hòa điệu. Giọng ca không đi ngoài tiếng đàn; tiếng đàn không đi ngoài giọng ca. Này Ngũ Kết, ngươi nhớ lại ngày xưa, ngươi có ca tụng bài kệ liên quan đến tình yêu, liên quan đến rồng, liên quan đến Sa-môn, liên quan đến La-hán này chăng?”

Ngũ Kết thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, mong Đại Tiên nhân [238] tự biết cho. Bạch Đại Tiên nhân, ngày xưa, khi Thế Tôn mới chứng đắc giác đạo, ở tại Uất-tì-la [239], bên bờ sông Ni-liên-thiền [240], dưới gốc cây A-xà-hòa-la-ni-câu-loại [241]. Bấy giờ [633c] con gái của Nhạc vương Đam-phù-lâu [242], tên là Hiền Nguyệt Sắc [243] và có một thiên thần tên là Kết, con trai của Ma-đâu-lệ, người đánh xe [244], yêu người con gái kia.

“Bạch Đại Tiên nhân, vị ấy trong lúc đang yêu người con gái ấy, con cũng yêu người con gái ấy. Nhưng, bạch Đại Tiên nhân, khi con yêu người con gái ấy mà cuối cùng không được. Bấy giờ con đứng sau người con gái ấy mà ngâm bài kệ liên quan đến tình yêu, liên quan đến rồng, liên quan đến Sa-môn, liên quan đến La-hán này.

“Bạch Đại Tiên nhân, khi con ngâm bài kệ này, người con gái ấy quay nhìn lại, hân hoan cười nụ và nói với con rằng: ‘Ngũ Kết, tôi chưa được thấy Phật Thế Tôn kia, nhưng tôi nghe từ các vị trời Tam thập tam nói rằng: ‘Đức Thế Tôn kia là Như Lai, là Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn’. Này Ngũ Kết, nếu anh đã từng nhiều lần ca ngợi Đức Thế Tôn, vậy anh có thể cùng với tôi đồng thờ kính Đấng Đại Tiên nhân’. Con chỉ gặp gỡ nàng được một lần duy nhất, từ đó về sau không còn thấy lại.”

Bấy giờ Thiên vương Thích nghĩ rằng: “Ngũ Kết nhạc tử đã làm cho Thế Tôn ra khỏi thiền định, thông báo ta với Đức Thiện Thệ.” Rồi thì, Thiên vương Thích nói:

“Ngũ Kết, ngươi hãy đến nơi ấy, thay mặt ta đảnh lễ sát chân Phật mà thăm hỏi Đức Thế Tôn rằng: ‘Thánh thể có khỏe mạnh, an ổn khoái lạc, không bệnh, đi đứng thoải mái, khí lực bình thường chăng? Bạch Đại Tiên nhân, Thiên vương Thích và chư Thiên ở Tam thập tam muốn đến yết kiến Thế Tôn’.”

Ngũ kết thưa:

“Xin vâng.”

Khi đó, Ngũ Kết bỏ đàn lưu ly xuống, chắp tay hướng về Phật, bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn! Kính Đại Tiên nhân! Thiên vương Thích xin cúi đầu dưới chân Phật, thăm hỏi Thế Tôn rằng: ‘Thánh thể có khỏe mạnh, an ổn khoái lạc, không bệnh, đi đứng thoải mái, khí lực bình thường chăng? Bạch Đại Tiên nhân, Thiên vương Thích và chư Thiên ở Tam thập tam muốn đến yết kiến Thế Tôn’.”

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo rằng:

“Này Ngũ Kết, mong cho Thiên vương Thích được an ổn khoái lạc. Chư Thiên, loài người, A-tu-la, Kiền-thát-bà, La-sát và tất cả các loài chúng sanh khác đều được an ổn, khoái lạc. Này Ngũ Kết, Thiên vương Thích có muốn đến yết kiến Ta, vậy xin cứ tùy ý.”

Ngũ Kết nghe Phật dạy xong, khéo léo thọ trì, đảnh lễ chân Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi lui ra, trở về đến chỗ Thiên vương Thích thưa rằng:

“Tâu Thiên vương, tôi đã bạch với [634a] Thế Tôn. Thế Tôn nay đang đợi Thiên vương. Mong Thiên vương nên tự biết thời.”

Bấy giờ, Thiên vương Thích cùng chư Thiên Tam thập tam và Ngũ Kết nhạc tử đi đến chỗ Phật. Khi ấy, Thiên vương Thích cúi đầu sát chân Phật, ba lần tự xưng danh tánh rằng:

“Bạch Đại Tiên nhân! Con là Thiên vương Thích! Con là Thiên vương Thích!”

Đức Thế Tôn bảo:

“Quả thật vậy! Quả thật vậy. Này Câu-dực [245], ngươi chính là Thiên vương Thích.”

Thiên vương Thích ba lần tự xưng danh tánh, đảnh lễ chân Phật rồi đứng sang một bên. Khi ấy, Thiên vương Thích thưa rằng:

“Bạch Đại Tiên nhân, con nên ngồi cách Thế Tôn xa hay gần?” [246]

Đức Thế Tôn dạy:

“Ngươi hãy ngồi gần ta. Vì sao? Vì người có hàng chư Thiên quyến thuộc đông vậy.”

Rồi Thiên vương Thích đảnh lễ chân Phật và ngồi sang một bên. Chư Thiên Tam thập tam và Ngũ Kết nhạc tử cũng đảnh lễ chân Phật rồi ngồi sang một bên. Lúc ấy động Nhân-đà-la bỗng nhiên rộng lớn. Vì sao? Vì do oai thần của Phật và oai đức của chư Thiên vậy.

Thiên vương Thích sau khi ngồi xuống, thưa rằng:

“Bạch Đại Tiên nhân, đã từ lâu con muốn đến yết kiến Thế Tôn, muốn thưa hỏi về giáo pháp. Bạch Đại Tiên nhân, xưa kia, một thời Đức Thế Tôn trú tại nước Xá-vệ, trong một vách đá [247]. Bạch Đại Tiên nhân, lúc đó con có việc riêng, cùng với chư Thiên Tam thập tam đi xe ngàn voi [248] đến nhà của đại vương Tì-sa-môn [249]. Tì-sa-môn Đại vương gia có người thiếp tên là Bàn-xà-na [250].

“Lúc bấy giờ Thế Tôn đang nhập định, im lặng tịch nhiên. Người thiếp kia chắp tay đảnh lễ dưới chân Đức Thế Tôn. Bạch Đại Tiên nhân, con nói với Bàn-xà-na rằng: ‘Này Hiền muội, nay không phải lúc ta đến yết kiến Thế Tôn. Thế Tôn đang nhập định. Nếu khi nào Thế Tôn xuất định, Hiền muội hãy thay mặt ta đảnh lễ Thế Tôn và hỏi thăm Thánh thể của Thế Tôn có khỏe mạnh, an ổn, khoái lạc, không bệnh, đi đứng thoải mái, khí lực bình thường không nói như vầy: ‘Bạch Đại Tiên nhân, Thiên vương Thích đảnh lễ chân Phật và thăm hỏi rằng: ‘Thế Tôn có khỏe mạnh, an ổn, khoái lạc, không bệnh, đi đứng thoải mái, khí lực bình thường không?’ Bạch Đại Tiên nhân, cô em ấy có thay mặt con đảnh lễ chân Phật và thăm hỏi Thế Tôn, Thế Tôn có nhớ chăng?”

Đức Thế Tôn bảo:

“Này Câu-dực, cô em ấy có thay mặt ngươi đảnh lễ và cũng nói lại ý ngươi muốn thăm hỏi. Ta có nhớ việc ấy. Này Câu-dực, khi người đi, Ta nghe tiếng xe lăn mà xuất định.”

“Bạch Thế Tôn, ngày xưa con có nghe rằng, khi Đức Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, [634b] Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn xuất hiện ở đời thì thiên chúng được hưng thịnh mà A-tu-la bị giảm thiểu.

“Bạch Đại Tiên nhân, chính mắt con trông thấy Tỳ-kheo đệ tử Thế Tôn theo Phật tu hành phạm hạnh, xả dục, ly dục, khi thân hoại mạng chung được đến cõi an lành, sanh lên trời.

“Bạch Đại Tiên nhân, Thích nữ Cù-tỳ [251] là đệ tử của Thế Tôn cũng theo Thế Tôn tu tập phạm hạnh, ghê tởm thân nữ, ái lạc thân nam, chuyển thân nữ thành thân nam, xả dục, ly dục, khi thân hoại mạng chung được sanh đến cõi Tam thập tam thiên làm con của con. Nàng đã thọ sanh rồi, chư Thiên thảy đều biết, Cù-bà thiên tử [252], có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần.

“Bạch Đại Tiên nhân, con lại thấy có ba vị Tỳ-kheo đệ tử Thế Tôn cũng theo Thế Tôn tu tập phạm hạnh, nhưng không xả ly dục, khi thân hoại mạng chung chúng sanh vào trong Kỹ nhạc cung [253] thấp kém. Họ đã thọ sanh rồi, ngày ngày đến Tam thập tam thiên cùng chư Thiên hầu hạ Cù-bà thiên tử. Thiên tử thấy chúng liền nói bài kệ:

Pháp nhãn Ưu-bà-di [254],

Tôi vốn tên Cù-tì,

Phụng kính Phật và pháp,

Tịnh ý thờ Tăng-già.

Tôi đã nhờ ân Phật,

Thích tử phước đức lớn,

Diệu sanh Tam thập tam,

Thiên tử, mọi người biết.

Biết người vốn Tỳ-kheo,

Sanh làm thần kỹ nhạc;

Chắp tay đứng trước mặt

Cù-bà nói kệ cho.

Vốn con Đức Cù-đàm;

Khi tôi ở nhân gian,

Nhà ta các ngươi đến;

Ẩm thực tôi cúng dường.

Ngươi vốn cùng bậc Thánh

Hành vô thượng phạm hạnh;

Nay lại để người sai,

Thường nhật kính phụng trời.

Xưa tôi hầu hạ người,

Cùng nghe Thánh diệu pháp.

Được tín, thành tựu giới;

Khéo sanh cõi trời này.

Người vốn được thờ phụng,

Hành vô thượng phạm hạnh.

Nay lại để người sai

Thường nhật kính phụng trời.

Mặt mày người là gì?

Phật pháp đã thọ trì,

 [634c]Pháp nội tâm chứng tri [255],

Thánh Nhãn đã dạy rõ [256].

Các vị xưa tôi hầu,

Nay nhạc thần thấp kém;

Tự theo phi pháp hành,

Tự sanh chỗ phi pháp.

Ta sống đời tại gia;

Nay xem thắng đức ta,

Chuyển nữ thành thiên tử,

Thọ ngũ dục tự do.

Con Cù-đàm bị mắng,

Buồn nản, khen Cù-đàm [257]:

Ta [258] nay hãy tiến hành;

Thiên tử nói thật đúng.

Hai trong số cần hành,

Nhớ pháp luật Cù-đàm,

Biết dục là tai họa,

Bèn xả ly dục tham.

Chúng bị dục trói chặt,

Tức xả ly được liền.

Như voi bứt dây xích,

Vượt Tam thập tam thiên.

Nhân-đà-la, Thiên, Phạm,

Tất cả đều đến nhóm.

Họ liền vượt chỗ ngồi,

Hùng mãnh xả trần dục.

Đế Thích thấy chúng phiền [259];

Thắng Thiên [260], trời trên trời.

Chúng vốn sanh hạ tiện,

Nay vượt Tam tam thiên.

Ưu phiền, rồi tấm tắc [261].

Cù-bà nói sau hết:

Loài người có Đại Giác,

Đấng Mâu-ni thắng dục [262].

Con Ngài do lãng quên,

Bị quở trách, lại được.

Một trong ba vị kia

Sanh trong thần kỹ nhạc.

Hai vị chánh đạo thành

Tại trời, vui định căn.

Ngươi nói pháp như vầy;

Đệ tử không mê hoặc,

Vượt lậu, đoạn tà nghi,

Lễ Phật, Đấng Chiến Thắng [263].

Bởi vì tỏ các pháp,

Hai vị được tiến thăng.

Từ chỗ tiến thăng ấy

Sanh lên trời Phạm thiên.

Chúng con biết pháp ấy

Nên đến đây, Đại Tiên!”

Bấy giờ Đức Thế Tôn nghĩ rằng: “Vị Quỷ [264] này không bao giờ dua nịnh, dối trá, không huyễn hoặc, chất trực. Nếu có hỏi tất là muốn biết, chứ không phải muốn xúc nhiễu. Những điều vị này muốn hỏi cũng vậy. Ta hãy nói A-tỳ-đàm thậm thâm.”

Đức Thế Tôn biết như thế rồi, Ngài liền nói cho Thiên vương Thích [635a] bài kệ này:

Vì an lạc đời này,

Và an lạc đời sau,

Câu-dực tùy ý hỏi,

Theo những điều sở thích.

Điều này hay điều kia,

Ta quyết đoán hết thảy.

Thế Tôn đã nghe cho

Nhật Thiên cầu đạo nghĩa,

Tại nước Ma-kiệt-đà

Hiền Bà-sa-bà hỏi [265].

Bấy giờ Thiên vương Thích thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, các loại trời, người, A-tu-la, Càn-thát-bà, La-sát và các chủng loại khác, mỗi mỗi có bao nhiêu kết sử [266]?”

Đức Thế Tôn nghe xong, đáp:

“Này Câu-dực, các loại trời, người, A-tu-la, Kiền đạt hòa, La-sát và các chủng loại khác, mỗi mỗi đều có hai kết là bỏn sẻn và ganh tị [267]. Mỗi chủng loại ấy đều nghĩ rằng: ‘Mong sao ta không gậy [268], không kết, không oán, không nhuế, không tranh, không đấu, không khổ, sống trong an lạc [269].’ Chúng tuy nghĩ như vậy, nhưng vẫn có gậy, có kết, có oán, có nhuế, có tranh, có đấu, có khổ mà không sống trong sự an lạc.”

Thiên vương Thích nghe thế, thưa rằng:

“Thật sự như vậy, bạch Thế Tôn! Thật sự như vậy, bạch Thiện Thệ! Thật sự như vậy, bạch Đại Tiên nhân, các loài trời, người, A-tu-la, Càn-thát-bà, La-sát và các chủng loại khác, mỗi mỗi đều có hai kết sử. Chúng nghĩ rằng: ‘Mong sao ta không gậy, không kết, không oán, không nhuế, không tranh, không đấu, không khổ, mà sống trong sự an lạc’. Chúng tuy nghĩ như vậy, nhưng vẫn có gậy, có kết, có oán, có nhuế, có tranh, có đấu, có khổ mà không sống trong sự an lạc. Thật sự như vậy, bạch Thế Tôn! Thật sự như vậy, bạch Thiện Thệ! Thật sự như vậy, bạch Đại Tiên nhân. Đúng như pháp mà Phật đã nói, con đã biết. Con đã đoạn trừ nghi hoặc, không còn do dự, do nghe những điều Phật dạy.”

Thiên vương Thích sau khi nghe những điều Phật nói, hoan hỷ phụng hành; rồi lại hỏi:

“Bạch Đại Tiên nhân, bỏn sẻn, ganh tị do nhân gì duyên gì, từ đâu sanh ra, do đâu mà có? Lại do nhân gì, duyên gì mà không có bỏn sẻn và ganh tị?”

Thế Tôn đáp rằng:

“Này Câu-dực, bỏn sẻn và ganh tị nhân nơi yêu và không yêu [270], duyên nơi yêu và không yêu; từ nơi yêu và không yêu sanh ra; do yêu và không yêu mà có. Nếu không có yêu, và không yêu thì không có bỏn sẻn và ganh tị vậy.”

Thiên vương Thích nghe xong, thưa rằng:

“Thật sự như vậy, bạch Thế Tôn! Thật sự như vậy, bạch Thiện Thệ! Thật sự như vậy, bạch Đại Tiên nhân. Bỏn sẻn và ganh tị nhân nơi yêu và không yêu, duyên nơi yêu và không yêu; từ nơi yêu và không yêu sanh ra; do yêu và không yêu mà có. Nếu không có yêu, và không yêu thì không có bỏn sẻn và ganh tị. Thật sự như vậy, bạch Thế Tôn! [635b] Thật sự như vậy, bạch Thiện Thệ! Thật sự như vậy, bạch Đại Tiên nhân. Đúng như pháp mà Phật đã nói, con đã biết. Con đã đoạn trừ nghi hoặc, không còn do dự, do nghe những điều Phật dạy.”

Thiên vương Thích sau khi nghe những điều Phật nói, hoan hỷ phụng hành.

Thiên vương Thích lại hỏi:

“Bạch Đại Tiên nhân, yêu và không yêu là do nhân gì, duyên gì, từ đâu phát sanh, do đâu mà có? Lại do nhân nào mà không có yêu và không yêu?”

Đức Thế Tôn bảo rằng:

“Này Câu-dực, yêu và không yêu là nhân nơi dục và duyên nơi dục mà phát sanh, do dục mà có [271]. Nếu vô dục thì không có yêu và không yêu vậy.”

Thiên vương Thích nghe xong, thưa rằng:

“Thật sự như vậy, bạch Thế Tôn! Thật sự như vậy, bạch Thiện Thệ! Thậït sự như vậy, bạch Đại Tiên nhân! Yêu và không yêu là nhân nơi dục và duyên nơi dục mà phát sanh, do dục mà có. Nếu vô dục thì không có yêu và không yêu vậy. Thật sự như vậy, bạch Thế Tôn! Thật sự như vậy, bạch Thiện Thệ! Thật sự như vậy, bạch Đại Tiên nhân! Đúng như pháp mà Phật đã nói, con đã biết. Con đã đoạn trừ nghi hoặc, không còn do dự, do nghe những điều Phật dạy.”

Thiên vương Thích sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Thiên vương Thích lại hỏi:

“Bạch Đại Tiên nhân, dục là do nhân gì, duyên gì, từ đâu mà sanh, do đâu mà có; do nhân nào không có dục?”

Đức Thế Tôn đáp:

“Này Câu-dực, dục là do nhân bởi tầm [272] và duyên nơi tầm, từ nơi tầm mà phát sanh; do tầm mà có; nếu không có tầm thì không có dục.”

Thiên vương Thích nghe thế thưa rằng:

“Thật sự như vậy, bạch Thế Tôn! Thật sự như vậy, bạch Thiện Thệ! Thật sự như vậy, bạch Đại Tiên nhân, dục là do nhân bởi tầm và duyên nơi tầm, từ nơi tầm mà phát sanh; do tầm mà có; nếu không có tầm thì không có dục. Thật sự như vậy, bạch Thế Tôn! Thật sự như vậy, bạch Thiện Thệ! Thật sự như vậy, bạch Đại Tiên nhân! Đúng như pháp mà Phật đã nói, con đã biết. Con đã đoạn nghi, trừ hoặc, không còn do dự, do nghe những điều Phật dạy.”

Thiên vương Thích sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Thiên vương Thích lại hỏi:

“Bạch Đại Tiên nhân, tầm là do nhân gì, duyên gì, từ đâu mà sanh, do đâu mà có. Lại do nhân nào không có tầm?”

Đức Thế Tôn đáp:

“Này Câu-dực, tầm là nhân nơi hý luận và duyên nơi hý luận, từ nơi hý luận mà phát sanh, do hý luận mà có [273]. Nếu không có hý luận thì không có tầm.

“Do tầm có dục, do dục có yêu và không yêu. Do yêu và không yêu có bỏn sẻn và ganh tị. Do bỏn sẻn và ganh tị mà sanh ra dao, gậy, đấu tranh, thù nghịch, dua nịnh, dối trá, nói láo, nói hai lưỡi, trong tâm sanh ra vô lượng pháp ác bất thiện. Như vậy, toàn khối lớn khổ đau [274] này phát sanh.

“Nếu không có hý luận thì không có tầm. Nếu không có tầm thì không có dục. Nếu không có dục thì không có yêu và không yêu. Nếu không có yêu và không yêu thì không có bỏn sẻn và ganh tị. Nếu không có bỏn sẻn và ganh tị thì không có dao gậy, đấu tranh, thì nghịch, dua nịnh, dối trá, nói láo, nói hai lưỡi, trong tâm không sanh ra vô lượng pháp ác bất thiện. Như vậy, toàn khối lớn đau khổ này tiêu diệt”.

Thiên vương Thích nghe xong, thưa rằng:

“Con đã hiểu, bạch Thế Tôn! Con đã hiểu, bạch Thiện Thệ! Con đã hiểu, bạch Đại Tiên nhân. Tầm là nhân nơi hý luận và duyên nơi hý luận, từ nơi hý luận mà phát sanh, do hý luận mà có. Nếu không có hý luận thì không có tầm.

“Do tầm có dục, do dục có yêu và không yêu. Do yêu và không yêu có bỏn sẻn và ganh tị. Do bỏn sẻn và ganh tị mà sanh ra dao, gậy, đấu tranh, thù nghịch, dua nịnh, dối trá, nói láo, nói hai lưỡi, trong tâm sanh ra vô lượng pháp ác bất thiện. Như vậy, toàn khối lớn khổ đau này phát sanh.

“Nếu không có hý luận thì không có tầm. Nếu không có tầm thì không có dục. Nếu không có dục thì không có yêu và không yêu. Nếu không có yêu và không yêu thì không có bỏn sẻn và ganh tị. Nếu không có bỏn sẻn và ganh tị thì không có dao gậy, đấu tranh, thì nghịch, dua nịnh, dối trá, nói láo, nói hai lưỡi, trong tâm không sanh ra vô lượng pháp ác bất thiện. Như vậy, toàn khối lớn đau khổ này tiêu diệt.

“Thật sự như vậy, bạch Thế Tôn! Thật sự như vậy, bạch Thiện Thệ! Thật sự như vậy, bạch Đại Tiên nhân! Đúng như pháp mà Phật đã nói, con đã biết. Con đã đoạn nghi, trừ hoặc, không còn do dự, do nghe những điều Phật dạy.”

Thiên vương Thích sau khi nghe xong những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Thiên vương Thích lại hỏi:

“Bạch Đại Tiên nhân, thế nào là con đường tiêu diệt hý luận [275]. Tỳ-kheo thực hành như thế nào để hướng đến con đường tiêu diệt hý luận?”

Đức Thế Tôn đáp rằng:

“Này Câu-dực, con đường tiêu diệt hý luận là Thánh đạo tám chi. Đó là, chánh kiến, chánh tư duy, cho đến chánh định. Này Câu-dực, đó là con đường tiêu diệt hý luận. Tỳ-kheo thực hành như vậy để hướng đến con đường tiêu diệt hý luận.”

Thiên vương Thích nghe dạy xong, thưa rằng:

“Thật sự như vậy, bạch Thế Tôn! Thật sự như vậy, bạch Thiện Thệ! Thật sự như vậy, bạch Đại Tiên nhân, con đường tiêu diệt hý luận là Thánh đạo tám chi. Đó là, chánh kiến, chánh tư duy, cho đến chánh định. Đại Tiên nhân, đó là con đường tiêu diệt hý luận. Tỳ-kheo thực hành như vậy để hướng đến con đường tiêu diệt hý luận. Đúng như vậy, bạch Thế Tôn! Đúng như vậy, bạch Thiện thệ! Đúng như vậy, bạch Đại Tiên nhân! Đúng như pháp mà Đức Phật đã dạy, con đã rõ. Con đã đoạn trừ nghi hoặc, không còn do dự, do nghe những điều Phật dạy”.

Thiên vương Thích sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ [636a] phụng hành.

Thiên vương Thích lại hỏi:

“Bạch Đại Tiên nhân, một Tỳ-kheo hướng đến con đường tiêu diệt hý luận phải đoạn bao nhiêu pháp và hành bao nhiêu pháp?”

Đức Thế Tôn đáp:

“Này Câu-dực, Tỳ-kheo hướng đến con đường tiêu diệt hý luận phải đoạn ba pháp và tu hành ba pháp. Thế nào là ba? Một là niệm, hai là ngôn, ba là cầu [276].

“Này Câu-dực, tầm ấy Ta nói có hai loại, nên hành và không nên hành. Nếu tầm mà không nên hành thì Ta liền đoạn trừ. Nếu tầm nên hành thì Ta biết lúc nào nên hành, có chánh niệm, có chánh trí để thành tựu tầm kia vậy. Ngôn cũng như thế.

“Này Câu-dực, cầu ấy Ta nói cũng có hai loại, nên hành và không nên hành. Nếu cầu mà không nên hành thì Ta liền đoạn. Nếu cầu mà nên hành thì Ta biết lúc nào nên hành, có chánh niệm, có chánh trí, để thành tựu cầu kia vậy.”

Thiên vương Thích nghe xong, thưa:

“Thật sự như vậy, bạch Thế Tôn! Thật sự như vậy, bạch Thiện Thệ! Thật sự như vậy, bạch Đại Tiên nhân! Tỳ-kheo hướng đến con đường tiêu diệt hý luận, đoạn ba pháp, tu hành ba pháp. Thế nào là ba? Một là tầm, hai là ngôn, ba là cầu.

“Đại Tiên nhân đã nói, [277] tầm có hai loại, nên hành và không nên hành. Nếu tầm tăng trưởng pháp ác bất thiện và giảm tổn thiện pháp thì Đại Tiên nhân liền đoạn trừ. Nếu tầm giảm tổn pháp ác bất thiện và tăng trưởng thiện pháp thì Đại Tiên nhân biết lúc nào nên hành, có niệm, có trí để thành tựu tầm kia vậy. Ngôn cũng như vậy. Đại Tiên nhân đã nói cầu cũng có hai loại, nên hành và không nên hành. Nếu cầu tăng trưởng pháp ác bất thiện và tổn giảm thiện pháp thì Đại Tiên nhân liền đoạn trừ. Nếu cầu mà giảm tổn pháp ác bất thiện và tăng trưởng thiện pháp thì Đại Tiên nhân biết lúc nào nên hành, có niệm, có trí để thành tựu cầu kia vậy.

“Đúng như vậy, bạch Thế Tôn! Đúng như vậy, bạch Thiện Thệ! Đúng như vậy, bạch Đại Tiên nhân! Đúng như pháp Phật đã nói, con đã biết. Con đã đoạn trừ nghi hoặc, không còn do dự, do nghe những điều Phật dạy.”

Thiên vương Thích sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Thiên vương Thích lại hỏi:

“Bạch Đại Tiên nhân, Tỳ-kheo hướng đến con đường tiêu diệt hý luận, có bao nhiêu pháp; để thủ hộ Biệt giải thoát, hành bao nhiêu pháp?

Đức Thế Tôn đáp:

“Này Câu-dực, Tỳ-kheo hướng đến con đường tiêu diệt hý luận có sáu pháp; để thủ hộ Biệt giải thoát hành sáu pháp. Sáu pháp ấy là gì? Đó là, mắt thấy sắc, tai nghe thanh, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân biết xúc, ý biết pháp. [278]

“Này Câu-dực, mắt thấy sắc ấy, Ta nói có hai loại, [636b] nên hành và không nên hành. Nếu mắt thấy sắc không nên hành thì Ta liền đoạn trừ. Nếu mắt sắc nên hành thì Ta biết lúc nào nên hành, có chánh niệm, có chánh trí để thành tựu mắt vậy.

“Cũng như thế, đối với tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân biết xúc và ý biết pháp ấy, Ta nói cũng có hai loại, nên hành và không nên hành. Nếu ý biết pháp không nên hành thì Ta liền đoạn trừ. nếu ý biết pháp nên hành thì Ta biết lúc nào nên hành, có chánh niệm, có chánh trí để thành tựu ý vậy.”

Thiên vương Thích nghe xong, thưa:

“Đúng như vậy, bạch Thế Tôn! Đúng như vậy, bạch Thiện Thệ! Đúng như vậy, bạch Đại Tiên nhân! Tỳ-kheo hướng đến con đường tiêu diệt hý luận có sáu pháp; để thủ hộ Biệt giải thoát hành sáu pháp. Sáu pháp ấy là gì? Mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân biết xúc, ý biết pháp. Đại Tiên nhân đã nói, mắt thấy sắc có hai loại, nên hành và không nên hành. Nếu mắt thấy mà tăng trưởng pháp ác bất thiện và làm tổn giảm thiện pháp thì Đại Tiên nhân liền đoạn trừ. Nếu mắt thấy sắc làm tổn giảm pháp ác bất thiện và làm tăng trưởng thiện pháp thì Đại Tiên nhân biết lúc nào nên hành vậy. Có niệm, có trí để thành tựu mắt vậy. Cũng như thế, đối với tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân biết xúc, ý biết pháp cũng có hai loại, nên hành và không nên hành. Nếu ý biết pháp làm tăng trưởng pháp ác bất thiện và giảm tổn thiện pháp thì Đại Tiên nhân liền đoạn trừ. Nếu ý biết pháp làm tổn giảm pháp ác bất thiện và tăng trưởng thiện pháp thì Đại Tiên nhân biết lúc nào nên hành, có niệm, có trí để thành tựu ý vậy. Đúng như vậy, bạch Thế Tôn! Đúng như vậy, bạch Thiện Thệ! Đúng như vậy, bạch Đại Tiên nhân! Đúng như pháp Phật đã nói, con đã biết. Con đã đoạn nghi, trừ hoặc, không còn do dự, do nghe những điều Phật dạy.”

Thiên vương Thích sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Thiên vương Thích lại hỏi:

“Bạch Đại Tiên nhân, vị Tỳ-kheo hướng đến con đường tiêu diệt hý luận, khi thân mạng tồn tại trong một khoảnh khắc, phải đoạn bao nhiêu pháp và tu hành bao nhiêu pháp?”

Đức Thế Tôn dạy:

“Này Câu-dực, Tỳ-kheo hướng đến con đường tiêu diệt hý luận, khi thân mạng tồn tại trong một khoảnh khắc, lại cũng phải đoạn ba pháp và tu hành ba pháp. Ba pháp ấy là gì? Một là hỷ, hai là ưu và ba là xả [279].

“Này Câu-dực, hỷ ấy Ta nói có hai loại, nên hành và không nên hành. Nếu hỷ mà không nên hành thì Ta liền đoạn trừ. Nếu hỷ nên hành thì Ta biết lúc nào nên hành, có niệm, có trí [636c] để thành tựu hỷ vậy. Ưu cũng như thế.

“Này Câu-dực, xả ấy Ta nói cũng có hai loại, nên hành và không nên hành. Nếu xả mà không nên hành thì Ta liền đoạn trừ. nếu xả nên hành thì Ta biết lúc nào nên hành, có niệm, có trí để thành tựu xả vậy.”

Thiên vương Thích nghe xong, thưa:

“Đúng như vậy, bạch Thế Tôn! Đúng như vậy, bạch Thiện Thệ! Đúng như vậy, bạch Đại Tiên nhân! Tỳ-kheo hướng đến con đường tiêu diệt hý luận, khi thân mạng tồn tại trong một khoảnh khắc phải đoạn trừ ba pháp và thực hành ba pháp. Ba pháp ấy là gì? Một là hỷ, hai là ưu, ba là xả. Đại Tiên nhân đã nói hỷ có hai loại, nên hành và không nên hành. Nếu hỷ làm tăng trưởng pháp ác bất thiện và giảm tổn thiện pháp thì liền đoạn trừ. Nếu hỷ làm giảm tổn pháp ác bất thiện và tăng trưởng thiện pháp thì biết lúc nào nên hành, có niệm, có trí để thành tựu hỷ vậy. Ưu cũng như thế. Đại Tiên nhân đã nói xả cũng có hai loại, nên hành và không nên hành. Nếu xả làm tăng trưởng pháp ác bất thiện và giảm tổn thiện pháp thì liền đoạn trừ. Nếu xả làm tổn giảm pháp ác bất thiện và trăng trưởng thiện pháp thì biết lúc nào nên hành, có niệm, có trí để thành tựu xả vậy. Đúng như vậy, bạch Thế Tôn! Đúng như vậy, bạch Thiện Thệ! Đúng như vậy, bạch Đại Tiên nhân! Đúng như pháp Phật đã nói, con đã biết. Con đã đoạn nghi trừ hoặc, không còn do dự, do nghe những điều Phật dạy.”

Thiên vương Thích sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Thiên vương Thích lại hỏi:

“Bạch Đại Tiên nhân, tất cả Sa-môn, Bà-la-môn đều đồng một thuyết, đồng một mong cầu, đồng một sở thích, đồng một an lạc, đồng một ý hướng chăng? [280]”

Đức Phật dạy:

“Này Câu-dực, tất cả Sa-môn, Bà-la-môn không đồng một thuyết, không đồng một mong cầu, không đồng một sở thích, không đồng một an lạc, không đồng một ý hướng.”

Thiên vương Thích lại hỏi:

“Bạch Đại Tiên nhân, tất cả Sa-môn, Bà-la-môn vì lý do gì mà không đồng một thuyết, không đồng một mong cầu, không đồng một sở thích, không đồng một an lạc, không đồng một ý hướng?”

Đức Thế Tôn đáp:

“Này Câu-dực, thế giới này có nhiều chủng loại giới, có vô lượng giới [281]. Vị ấy tùy theo một giới được biết đến, rồi nhân giới đó tùy khả năng của mình mà nói một chiều rằng ‘Đây là chân thật, ngoài ra đều hư dối’. Này Câu-dực, cho nên tất cả Sa-môn, Bà-la-môn không đồng một thuyết, không đồng một mong cầu, không đồng một sở thích, không đồng một an lạc, không đồng một ý hướng vậy.”

Thiên vương Thích nghe xong, thưa:

“Đúng như vậy, bạch Thế Tôn! Đúng như vậy, bạch Thiện Thệ! Đúng như vậy, bạch Đại Tiên nhân! Thế giới này có nhiều chủng loại giới, có vô lượng giới. Vị ấy tùy theo một giới được biết đến, [637a] rồi ở nơi giới đó tùy khả năng của mình mà nói một chiều rằng ‘Đây là chân thật, ngoài ra đều hư vọng’. Bạch Đại Tiên nhân, vì thế mà tất cả Sa-môn, Bà-la-môn không đồng một thuyết, không đồng một mong cầu, không đồng một sở thích, không đồng một an lạc, không đồng một ý hướng vậy. Đúng như vậy, bạch Thế Tôn! Đúng như vậy, bạch Thiện Thệ! Đúng như vậy, bạch Đại Tiên nhân! Đúng như pháp Phật đã nói, con đã biết. Con đã đoạn trừ nghi hoặc, không còn do dự, do nghe những điều Phật dạy”.

Thiên vương Thích sau khi nghe những điều Phật nói, hoan hỷ phụng hành.

Thiên vương Thích lại hỏi:

“Bạch Đại Tiên nhân, tất cả Sa-môn, Bà-la-môn đều đạt đến cứu cánh, cứu cánh bạch tịnh, cứu cánh phạm hạnh, thành tựu cứu cánh phạm hạnh chăng [282]?”

Đức Thế Tôn đáp:

“Này Câu-dực, không hẳn tất cả Sa-môn, Bà-la-môn đều đạt đến cứu cánh, cứu cánh bạch tịnh, cứu cánh phạm hạnh, thành tựu cứu cánh phạm hạnh.”

Thiên vương Thích, thưa:

“Bạch Đại Tiên nhân, vì lý do gì mà không hẳn tất cả Sa-môn, Bà-la-môn đều đạt đến cứu cánh, cứu cánh phạm bạch tịnh, cứu cánh phạm hạnh, thành tựu cứu cánh phạm hạnh?”

Đức Thế Tôn đáp:

“Này Câu-dực, Sa-môn, Bà-la-môn nào đối với vô thượng ái tận mà không toàn vẹn chân chánh tâm giải thoát [283], kẻ ấy không đạt đến cứu cánh, không cứu cánh bạch tịnh, không cứu cánh phạm hạnh, không thành tựu cứu cánh phạm hạnh.

“Này Câu-dực, Sa-môn, Bà-la-môn nào đối với vô thượng ái tận mà toàn vẹn chân chánh tâm giải thoát, kẻ ấy đạt đến cứu cánh, cứu cánh bạch tịnh, cứu cánh phạm hạnh, thành tựu cứu cánh phạm hạnh.”

 Thiên vương Thích, thưa:

“Đúng như vậy, bạch Thế Tôn! Đúng như vậy, bạch Thiện Thệ! Đúng như vậy, bạch Đại Tiên nhân, nếu có Sa-môn, Bà-la-môn đối với vô thượng ái tận mà không hoàn toàn chân chánh tâm giải thoát, kẻ ấy không đạt đến cứu cánh, không cứu cánh bạch tịnh, không cứu cánh phạm hạnh, không thành tựu cứu cánh phạm hạnh.

‘Bạch Đại Tiên nhân, nếu có Sa-môn, Bà-la-môn đối với vô thượng ái tận mà toàn vẹn chân chánh tâm giải thoát, kẻ ấy đạt đến cứu cánh, cứu cánh bạch tịnh, cứu cánh phạm hạnh, thành tựu cứu cánh phạm hạnh. Đúng như vậy, bạch Thế Tôn! Đúng như vậy, bạch Thiện Thệ! Đúng như vậy, bạch Đại Tiên nhân! Đúng như pháp Phật đã nói, con đã biết, con đã đoạn nghi, trừ hoặc, không còn do dự, do nghe những điều Phật dạy.”

Thiên vương Thích sau khi nghe những điều Phật nói, hoan hỷ phụng hành.

Thiên vương Thích lại nói:

“Bạch Đại Tiên nhân, con lâu nay bị gai nhọn nghi hoặc, ngày nay được Thế Tôn nhổ ra. Vì sao? Vì Như Lai là Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác vậy.”

Đức Thế Tôn hỏi:

“Này Câu-dực, [637b] ngươi hãy nhớ lại ngày xưa ngươi đã từng hỏi các Sa-môn, Bà-la-môn việc như thế chăng?”

Thiên vương Thích đáp:

“Bạch Thế Tôn, mong Đại Tiên nhân tự biết cho. Bạch Đại Tiên nhân, chư Thiên Tam thập tam tập họp tại Pháp đường, đều ôm lòng sầu não, thường than thở rằng ‘Chúng ta nếu gặp được Đức Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, quyết sẽ đến yết kiến’. Bạch Đại Tiên nhân, nhưng chúng con không gặp được Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, bèn thụ hưởng đầy đủ công đức của ngũ dục.

“Bạch Đại Tiên nhân, chúng con phóng dật. Sau khi sống phóng dật, vị thiên tử có đại oai đức, ngay nơi chỗ cực diệu mà mạng chung. Bạch Đại Tiên nhân, khi con thấy vị thiên tử đại oai đức ngay nơi chỗ cực diệu mà mạng chung, chúng con bèn chán nản hết sức, lông tóc đều dựng ngược ‘Mong ta không ở nơi này mà mạng chung nhanh chóng’.

“Bạch Đại Tiên nhân, con do sự chán này, sự ưu não này, nên khi thấy Sa-môn, Bà-la-môn nào sống nơi rừng vắng, trong rừng sâu, dưới gốc cây, thích ở trên sườn núi cao, vắng bặt không có tiếng động, xa lánh, không có sự dữ, không có bóng người, tùy thuận tĩnh tọa; khi thấy vị ấy ưa thích nơi xa vắng, tĩnh tọa, sống an ổn khoái lạc, con cho rằng đây là Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, liền đến yết kiến.

“Nhưng vị ấy không biết con, nên hỏi rằng: ‘Ông là ai?’

“Lúc đó con đáp rằng ‘Bạch Đại Tiên nhân, con là Thiên vương Thích. Bạch Đại Tiên nhân, con là Thiên vương Thích’.

“Vị ấy lại hỏi ‘Ta từng thấy người họ Thích và cũng thấy chủng tánh Thích. Vì lý do gì gọi là Thích? Vì lý do gì gọi là chủng tánh Thích?’

“Con liền đáp rằng ‘Bạch Đại Tiên nhân, nếu có ai đến hỏi con việc như vậy, con liền tùy khả năng, tùy sức [284] mà trả lời, cho nên được gọi là Thích’.

“Vị ấy lại hỏi ‘Chúng ta nếu tùy theo việc mà hỏi Thích, Thích cũng tùy việc mà đáp lại ta’.

“Vị ấy hỏi việc con, nhưng con không hỏi việc vị ấy. Vị ấy quy mạng con, nhưng con không quy mạng vị ấy.

“Bạch Đại Tiên nhân, từ nơi Sa-môn Bà-la-môn kia, oai nghi giáo pháp mà còn hoàn toàn không được, huống nữa lại được hỏi như vậy sao?”

Lúc ấy, Thiên vương Thích nói bài tụng:

Thích [285] đi qua, đã qua;

Thích hay nói như thế.

Ý tưởng niệm lìa xa;

Trừ nghi, các do dự;

Từ lâu đi khắp đời,

Tìm cầu Đức Như Lai.

Thấy Sa-môn, Bà-la-môn

Tĩnh tọa nơi xa xôi

 [637c]Cho là Chánh Đẳng Giác;

Đến phụng cúng, lạy thờ:

‘Làm sao được thăng tấn’.

Như vậy con hỏi Ngài

Đã hỏi, không được đáp,

Thánh đạo và đạo tích.

Thế Tôn nay vì con,

Nếu ý có sở nghi,

Sở niệm và sở tư,

Và sở hành của ý.

Biết tâm ẩn và hiện,

Thánh Nhãn nói cho hay.

Tôn Phật là Đạo Sư,

Tôn Vô Trước Mâu-ni,

Tôn Bậc Đoạn kết sử,

Độ mình và độ người.

Đệ nhất trong hàng giác ngộ;

Tối thượng ngự trong hàng Điều ngự;

Tối diệu tịch trong hàng Tịch tĩnh;

Đấng Đại Tiên, độ mình, độ người.

Nên con lễ Đại Hùng;

Cúi lạy Tối Thượng Nhân;

Đoạn tuyệt gai ái dục;

Kính lạy Đấng Nhật Thân.

Bấy giờ Đức Thế Tôn lại hỏi rằng:

“Này Câu-dực, ông có nhớ ngày xưa, được xả ly như vậy, được hoan hỷ [286] như vậy, nghĩa là do nơi Ta mà đạt được pháp hỷ chăng?”

Thiên vương Thích thưa:

“Bạch Thế Tôn, mong Đại Tiên nhân tự biết cho.

“Bạch Đại Tiên nhân, một thời xưa, chư Thiên và A-tu-la chiến đấu với nhau. Bạch Đại Tiên nhân, khi chư Thiên và A-tu-la chiến đấu với nhau, con nghĩ rằng ‘Mong chư Thiên thắng, phá vỡ A-tu-la. Thực phẩm của chư Thiên và thực phẩm của A-tu-la, [287] hãy để tất cả cho Tam thập tam thiên thọ hưởng’.

“Bạch Đại Tiên nhân, khi chư Thiên đánh nhau với A-tu-la, chư Thiên đắc thắng, phá vỡ chúng A-tu-la. Thực phẩm của chư Thiên và thực phẩm của A-tu-la, tất cả đều được chư Thiên Tam thập tam thọ hưởng.

“Bạch Đại Tiên nhân, bây giờ có ly, có hỷ, nhưng xen lẫn dao gậy, kết oán, đấu tranh, thù nghịch, không được thần thông, không được giác đạo, không được Niết-bàn.

“Bạch Đại Tiên nhân, ngày nay con được ly, được hỷ, không xen lẫn dao gậy, kết oán, đấu tranh, thù nghịch, được thần thông, được giác đạo và được Niết-bàn.”

Đức Thế Tôn hỏi:

“Này Câu-dực, do đâu ngươi được ly được hỷ? Do nơi Ta mà được pháp hỷ chăng?

 “Thiên vương Thích đáp rằng:

“Bạch Đại Tiên nhân, con nghĩ rằng [288] ‘Ta mạng chung ở đây, sanh nơi nhân gian. Ở đó nếu có dòng họ rất giàu sang, tiền của vô số, sản nghiệp, súc mục không thể tính được. Phong hô thực ấp các thứ đầy đủ, hoặc là chủng tộc Sát-lị trưởng giả, chủng tộc Bà-la-môn trưởng giả, Cư sỹ trưởng giả [638a] và các chủng tộc khác, rất là giàu sang, của cải vô số, sản nghiệp, súc mục không thể tính được. Phong hô thực ấp các thứ đầy đủ. [289] Sau khi sanh vào chủng tộc như thế, thành tựu các căn, có tín tâm đối với pháp luật mà Đức Như Lai giảng thuyết. Sau khi có tín tâm, liền cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình mà học đạo và học trí. [290] Sau khi học trí, nếu thành đạt trí, liền chứng đắc cứu cánh trí, đạt đến biên tế cứu cánh. [291] Nếu sau khi học trí mà không được cứu cánh học trí và sau khi học trí thì có chư Thiên nào đó có đại phước hựu, có sắc tượng uy nguy, chói sáng rực rỡ, rất có oai lực, an ổn khoái lạc, sống mãi trong cung, sanh nơi tối thượng. Ta sẽ sanh trong đó”.

Bấy giờ Thiên vương Thích nói bài tụng:

Xả ly thân Thiên thần,

Sanh xuống nơi nhân gian;

Thác thai không ngu muội,

Tùy sở thích hân hoan.

Thành thân đã hoàn mãn,

Chất trực, tu Thánh đạo,

Hành phạm hạnh trọn đủ

Sống vui đời xin ăn.

“Và sau khi học trí, nếu được trí, liền chứng đắc cứu cánh trí, đạt đến biên tế cứu cánh. Nếu học trí và sau khi học trí rồi mà được trí nhưng không chứng đắc cứu cánh trí, đã thành vị trời tối thượng diệu, chư Thiên đều nghe danh, đó là Sắc cứu cánh thiên, ta sẽ sanh vào đó. [292]

“Bạch Đại Tiên nhân, con mong sẽ chứng đắc A-na-hàm. Bạch Đại Tiên nhân, con nay đã chứng đắc Tu-đà-hoàn.”

Đức Thế Tôn hỏi:

“Này Câu-dực, ngươi do đâu mà được sự lên xuống [293] rất tốt đẹp, cực cao, cực rộng này, để có thể tự nói là đã chứng đắc Tu-đà-hoàn?”

Bấy giờ Thiên vương Thích dùng bài kệ đáp:

Không còn tôn ai khác

Ngoài cảnh giới Thế Tôn.

Chứng Vô thượng sai giáng,

Cõi này thật chưa từng.

Đại Tiên, con ngồi đây,

Ngay với thân trời này

Con liền được tăng thọ

Chính mắt thấy như vầy.

Khi nói pháp này, Thiên vương Thích xa lìa trần cấu, pháp nhãn của các pháp phát sanh. Tám vạn chư Thiên cũng được xa lìa trần cấu, pháp nhãn của các pháp phát sanh. Khi ấy Thiên vương Thích thấy pháp, đắc pháp, giác ngộ pháp bạch tịnh, đoạn trừ nghi hoặc, không còn tôn ai khác, không còn do ai khác, không còn do dự, đã an trụ trên quả chứng, [638b] đối với giáo pháp của Phật mà chứng đắc vô sở úy, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, con nay xin tự quy Phật, Pháp và Chúng Tỳ-kheo. Ngưỡng mong Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc. Kể từ hôm nay cho đến trọn đời, con tự quy y cho đến khi mạng chung.”

Bấy giờ Thiên vương Thích ngợi khen Ngũ kết nhạc tử rằng:

“Lành thay! Lành thay! Ngũ Kết, ngươi đã giúp ích cho ta rất nhiều. Lý do vì sao? Do ngươi mà Phật xuất định, bởi ngươi trước hết khiến Thế Tôn từ định ra, khiến ta sau đó mới yết kiến được Thế Tôn. Này Ngũ Kết! Sau khi từ đây trở về, ta đem Hiền Nguyệt Sắc, con gái của Nhạc vương Đam-phù-lâu gã cho ngươi và đem bổn quốc của Nhạc vương ấy trao cho ngươi, phong tặng ngươi làm vua kỹ nhạc [294].”

Bấy giờ Thiên vương Thích bảo chư Thiên Tam thập tam rằng:

“Các ngươi hãy lại đây! Nếu trước kia chúng ta vốn là Phạm thiên, sống trên cõi Phạm thiên, thường ba lần cung kính, lễ sự Phạm thiên vương thì các vị ấy nay tất cả đều cung kính lễ sự Thế Tôn. Lý do vì sao? Vì Thế Tôn là Phạm thiên, là vị Phạm thiên sẽ tạo hóa những bậc tối tôn, những chúng sanh đã sanh, những chúng sanh đã có và sẽ có, những gì Phạm thiên biết, Ngài đều biết hết, những gì Phạm thiên có thể thấy, Ngài đều thấy hết.”

Rồi Thiên vương Thích, chư Thiên cõi Tam thập tam, Ngũ Kết nhạc tử, nếu trước kia từng là Phạm thiên, sống trên cõi Phạm thiên, ba lần cung kính, lễ sự Pham thiên, thì nay họ thảy đều hướng sự cung kính, lễ sự ấy đến Đức Thế Tôn, cúi đầu trước Đức Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác.

Bấy giờ, Thiên vương Thích, Chư Thiên Tam Tập Tam và Ngũ Kết nhạc tử lại lần nữa cung kính lễ sự Thế Tôn, cúi đầu lễ sát chân Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi bỗng nhiên biến mất khỏi chỗ đó, không thấy nữa.

Bấy giờ Phạm thiên với sắc tượng nguy nguy, sáng chói rực rỡ, vào lúc trời gần sáng, đi đến chỗ Phật, cúi đầu sát chân Phật, rồi đứng sang một bên, dùng kệ bạch Thế Tôn:

Do làm nhiều thiện ích

Do lợi nghĩa, là “trời”.

Hiền giả ở Ma-kiệt,

Bà-sa-bà hỏi han.

“Khi Đại Tiên nhân nói pháp này, Thiên vương Thích xa lìa trần cấu, pháp nhãn về các pháp khác phát sanh và tám vạn chư Thiên cũng xa lìa trần cấu, pháp nhãn về các pháp phát sanh.”

Bấy giờ, Thế Tôn bảo Phạm thiên rằng:

“Quả như vậy! Quả như vậy! Đúng như Phạm thiên đã nói:

Do làm nhiều thiện ích

Do lợi nghĩa, là “trời”.

Hiền giả ở Ma-kiệt,

Bà-sa-bà hỏi han.

 [638c] “Này Phạm thiên, khi Ta nói pháp, Thiên vương Thích xa lìa trần cấu, pháp nhãn về các pháp phát sanh và tám vạn chư Thiên cũng xa lìa trần cấu, pháp nhãn về các pháp phát sanh.”

Đức Phật thuyết như vậy. Thiên vương Thích, chư Thiên Tam thập tam, Ngũ Kết nhạc tử và Đại phạm thiên, sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành. 

135. KINH THIỆN SANH

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại thành Vương-xá, trong rừng Nhiêu hà mô [295].

Bấy giờ, trong thành Vương xá có con của vị Cư sĩ tên là Thiện Sanh. Khi người cha sắp lâm chung, nhân sáu phương mà trối trăn, khéo dạy khéo quở rằng:

“Này Thiện Sanh! Sau khi cha mất, con phải chắp tay mà lạy sáu phương rằng: Ở phương Đông, nếu có chúng sanh nào thì tôi hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng chúng sanh đó. Khi tôi đã hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng chúng sanh đó rồi, chúng sanh đó cũng hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng lại tôi.

“Cũng như vậy, phương Nam, phương Tây, phương Bắc, trên, dưới, nếu có chúng sanh nào thì tôi hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng chúng sanh đó. Khi tôi đã hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng chúng sanh đó rồi, chúng sanh đó cũng hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng lại tôi.”

Thiện Sanh, con trai Cư sĩ, nghe cha dạy xong, thưa rằng:

“Con xin vâng theo lời cha dạy bảo.”

Sau khi cha mất, vào mỗi sáng sớm, Thiện Sanh tắm gội xong, mặc áo sô-ma mới [296], tay cầm lá câu-xá [297] còn tươi, đi đến bờ sông, chắp tay lạy sáu phương:

“Ở phương Đông, nếu có chúng sanh nào thì tôi hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng chúng sanh đó. Khi tôi đã hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng chúng sanh đó rồi, chúng sanh đó [639a] cũng hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng lại tôi.

“Cũng như vậy, phương Nam, phương Tây, phương Bắc, trên, dưới, nếu có chúng sanh nào thì tôi hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng chúng sanh đó. Khi tôi đã hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng chúng sanh đó rồi, chúng sanh đó cũng hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng lại tôi.”

Bấy giờ, khi đêm đã qua, vào buổi sáng sớm, Đức Thế Tôn mang y, cầm bát vào thành Vương xá khất thực. Khi Đức Thế Tôn vào thành Vương xá khất thực, từ xa trông thấy Thiện Sanh, con vị Cư sĩ, vào lúc sáng sớm, tắm gội, mặc áo sô-ma mới, tay cầm lá câu-xá còn tươi, đi đến bờ sông, chắp tay lạy sáu phương:

“Ở phương Đông, nếu có chúng sanh nào thì tôi hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng chúng sanh đó. Khi tôi đã hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng chúng sanh đó rồi, chúng sanh đó cũng hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng lại tôi.

“Cũng như vậy, phương Nam, phương Tây, phương Bắc, trên, dưới, nếu có chúng sanh nào thì tôi hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng chúng sanh đó. Khi tôi đã hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng chúng sanh đó rồi, chúng sanh đó cũng hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng lại tôi.”

Đức Thế Tôn thấy thế, liền đi đến gần, hỏi Thiện Sanh, con trai Cư sĩ:

“Này con trai Cư sĩ, ông thọ nhận sự giáo hóa của Sa-môn, Bà-la-môn nào? Ai dạy ông cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng sáu phương? Mà vào mỗi buổi sáng tắm rửa, mặc áo sô-ma mới, tay cầm lá câu-xá còn tươi, đi đến bờ sông, chắp tay lạy sáu phương:

“ - Ở phương Đông, nếu có chúng sanh nào thì tôi hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng chúng sanh đó. Khi tôi đã hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng chúng sanh đó rồi, chúng sanh đó cũng hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng lại tôi.

“ - Cũng như vậy, phương Nam, phương Tây, phương Bắc, trên, dưới, nếu có chúng sanh nào thì tôi hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng chúng sanh đó. Khi tôi đã hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng chúng sanh đó rồi, chúng sanh đó cũng hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng lại tôi?”

Thiện Sanh, con trai Cư sĩ, thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, không có vị Sa-môn, Bà-la-môn nào dạy con cả. Bạch Thế Tôn, cha con khi sắp lâm chung, nhân sáu phương mà trối lại con, khéo dạy, khéo quở rằng: Này Thiện Sanh! Sau khi cha mất, con phải chắp tay mà lạy sáu phương rằng: Ở phương Đông, nếu có chúng sanh nào thì tôi hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng chúng sanh đó. Khi tôi đã hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng chúng sanh đó rồi, chúng sanh đó cũng hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng lại tôi.

“ Cũng như vậy, phương Nam, phương Tây, phương Bắc, trên, dưới, nếu có chúng sanh nào thì tôi hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng chúng sanh đó. Khi tôi đã hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng chúng sanh đó rồi, chúng sanh đó cũng hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng lại tôi.

“Bạch Thế Tôn, con vâng lời trối của cha nên con cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng. Mỗi sáng sớm tắm gội, mặc áo sô-ma mới, tay cầm lá câu-xá còn tươi đi đến bờ sông, chắp tay lạy sáu phương rằng: Phương Đông nếu có chúng sanh nào thì tôi hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng chúng sanh đó. Khi tôi đã hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng chúng sanh đó rồi, chúng sanh đó cũng hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng lại tôi.

“Cũng như vậy, phương Nam, phương Tây, phương Bắc, trên, dưới, nếu có chúng sanh nào thì tôi hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng chúng sanh đó. Khi tôi đã hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng chúng sanh đó rồi, chúng sanh đó cũng hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng lại tôi.”

Đức Thế Tôn sau khi nghe như vậy, Ngài nói rằng:

“Này con trai Cư sĩ, Ta nói có sáu phương, chớ không nói là không có. [639b]Này con trai Cư sĩ, nếu có người khéo phân biệt sáu phương, xa lìa những nghiệp ác bất thiện ở bốn phương, người đó ngay trong đời này đáng được cung kính, tôn trọng. Sau khi thân hoại mạng chung, chắc chắn sẽ sanh đến thiện xứ, sanh vào cõi trời. Này con trai Cư sĩ, chúng sanh có bốn loại nghiệp, bốn loại ô uế [298]. Những gì là bốn? Này con trai Cư sĩ, sát sanh là một loại nghiệp, một loại ô uế của chúng sanh; lấy vật không được cho, tà dâm, vọng ngôn, là một loại nghiệp, một loại ô uế của chúng sanh.”

Rồi Đức Thế Tôn nói bài kệ này:

Sát sanh cùng trộm cắp,

Tà dâm lấy vợ người,

Lời nói không chân thật,

Bậc trí không ngợi khen.

“Này con trai Cư sĩ, con người do bốn việc mà bị nhiều tội lỗi. Bốn việc đó là gì? Đó là bị dục chi phối, bị sân hận chi phối, bị sợ hãi chi phối và bị ngu si chi phối [299].”

Rồi Đức Phật dạy tiếp bài kệ:

Dục, nhuế, bố và si;

Hành vi ác, phi pháp,

Thanh danh tất bị diệt,

Như mặt trăng sắp tàn.

“Này con trai Cư sĩ, con người do bốn việc mà được nhiều phước. Bốn việc đó là gì? Đó là không bị dục chi phối, không bị sân hận chi phối, không bị sợ hãi chi phối và không bị ngu si chi phối.”

Khi ấy, Đức Thế Tôn dạy bài kệ:

Đoạn dục, không nhuế, bố,

Không si, hành pháp hành;

Thanh danh được tròn đủ,

Như mặt trăng dần đầy.

“Này con trai Cư sĩ, kẻ mong cầu của cải nên biết sáu điều phi đạo [300]. Sáu điều đó là gì? Một là chơi bời cờ bạc các thứ [301] mà mong cầu tài vật là phi pháp. Hai là rong chơi không phải lúc [302] mà mong cầu tài vật là phi pháp. Ba là đam mê rượu chè mà mong cầu tài vật là phi pháp. Bốn là gần gũi ác tri thức mà mong cầu tài vật là phi pháp. Năm là đam mê kỹ nhạc mà mong cầu tài vật là phi pháp. Sáu là quen lười biếng mà mong cầu tài vật là phi pháp.

“Này con của vị Cư sĩ, với kẻ chơi bời bài bạc, nên biết có sáu tai họa. Sáu tai họa đó là gì? Một là, thắng [303] thì sanh oán thù. Hai là, thua thì sanh xấu hổ. Ba là, mắc nợ [304] thì ngủ không yên. Bốn là, khiến kẻ thù vui mừng. Năm là, khiến thân thuộc lo âu. Sáu là, nói giữa đám đông không ai tin dùng. Này con trai Cư sĩ, người chơi bài bạc thì làm việc không kinh doanh. Làm việc không kinh doanh thì công nghiệp không thành. Tài vật chưa có được thì không thể có được. Tài vật đã có sẵn thì càng lúc càng tiêu hao.

“Này con trai Cư sĩ, [639c]với người rong chơi không phải lúc, nên biết có sáu món tai họa. Sáu món đó là gì? Một là không tự giữ mình. Hai là không giữ gìn tài vật. Ba là không giữ gìn vợ con. Bốn là bị người nghi ngờ [305]. Năm là sanh nhiều khổ hoạn [306]. Sáu là bị người hủy báng [307]. Này con trai Cư sĩ, người rong chơi không phải lúc thì việc làm không kinh doanh. Việc làm không kinh doanh thì công nghiệp không thành. Tài vật chưa có được thì không thể có. Tài vật đã có sẵn thì càng lúc càng tiêu hao.

“Này con của vị Cư sĩ, với người đam mê rượu chè, nên biết có sáu món tai họa. Sáu món đó là gì? Một là tài sản hiện tại bị tổn thất. Hai là thân bị nhiều bệnh hoạn. Ba là đấu tranh càng tăng trưởng. Bốn là để lộ chỗ kín. Năm là tổn thất danh tiếng. Sáu là mất trí, thành ngu. Này con của vị Cư sĩ, người đam mê rượu thì việc làm không kinh doanh được. Việc làm không kinh doanh thì công nghiệp không thành. Tài vật chưa có được thì không thể có. Tài vật đã có sẵn thì càng lúc càng bị tiêu hao.

“Này con nhà Cư sĩ, người gần gũi tri thức ác, nên biết có sáu món tai họa. Sáu món đó là gì? Một là thân cận giặc cướp. Hai là thân cận kẻ lừa gạt. Ba là thân cận kẻ say sưa. Bốn là thân cận kẻ buông lung. Năm là tụ hội chơi bời. Sáu là lấy đó làm thân hữu, lấy đó làm bạn đồng hành [308]. Này con nhà Cư sĩ, người gần gũi ác tri thức thì việc làm không kinh doanh. Việc làm không kinh doanh thì công nghiệp không thành. Tài vật chưa có được thì không thể có. Tài vật đã có sẵn thì càng lúc càng bị tiêu hao.

Này con trai Cư sĩ, với người đam mê kỹ nhạc, nên biết có sáu món tai họa. Sáu món đó là gì? Một là mê nghe ca. Hai là mê xem vũ. Ba là mê đánh nhạc. Bốn là mê xem lắc chuông. [309] Năm là thích vỗ tay. [310] Sáu là thích tụ hội đông người. Này con nhà Cư sĩ, người đam mê kỹ nhạc không phải lúc thì việc làm không kinh doanh. Việc làm không kinh doanh thì công nghiệp không thành. Tài vật chưa có được thì không thể có. Tài vật đã có sẵn thì càng lúc càng bị tiêu hao.

“Này con nhà Cư sĩ, với người lười biếng, nên biết có sáu tai họa. Sáu món đó là gì? Một là quá sớm, không làm việc. Hai là quá trễ, không làm việc. Ba là quá lạnh, không làm việc. Bốn là quá nóng, không làm việc. Năm là quá no, không làm việc. Sáu là quá đói, không làm việc. Này con nhà Cư sĩ, người lười biếng không phải lúc thì việc làm không kinh doanh được. Việc làm không kinh doanh thì công nghiệp không thành. Tài vật chưa có được thì không thể có. Tài vật [640a] đã có sẵn thì càng lúc càng bị tiêu hao.”

Rồi Đức Thế Tôn nói bài kệ này:

Bài bạc, đuổi theo sắc,

Nghiện rượu, thích đánh nhạc,

Gần gũi ác tri thức,

Lười biếng không làm việc,

Buông lung không giữ mình;

Những thứ ấy hại người.

Tới lui không giữ gìn,

Tà dâm, lấy vợ người,

Trong tâm thường kết oán,

Cầu nguyện không có lợi,

Uống rượu, nhớ nữ sắc;

Những thứ ấy hại người.

Thường xuyên hành bất thiện,

Ngoan cố không nghe lời,

Chửi Sa-môn, Bà-la-môn,

Điên đảo có tà kiến,

Hung bạo làm nghiệp đen,

Những thứ ấy hại người.

Thiếu thốn không của cải,

Uống rượu, mất áo quần,

Mang nợ, như chìm suối,

Kẻ ấy phá họ hàng;

Thường đi đến lò rượu,

Gần gũi bằng hữu xấu,

Muốn được của không được,

Lấy bạn bè làm vui.

Có nhiều bạn hữu ác,

Thường theo bạn không lành,

Đời nay và đời sau,

Hai đời đều bại hoại.

Người làm ác giảm lần;

Làm lành lần hưng thạnh.

Tập thù thắng càng tăng.

Cho nên phải tập thắng;

Tập thắng thì được thắng;

Thường theo trí tuệ thắng.

Càng được giới thanh tịnh,

Càng an vui vi diệu.

Ngày thì ưa ngủ nghỉ,

Đêm lại thích rong chơi;

Buông lung, thường uống rượu;

Ở nhà không yên được.

Quá lạnh và quá nóng,

Đều lười biếng không làm;

Rốt cuộc không sự nghiệp,

Không kiếm ra tài vật.

Hoặc lạnh và quá nóng,

Bất kể, như ngọn cỏ.

Siêng làm việc như vậy,

Suốt đời đều an vui.

 “Này con nhà Cư sĩ, có bốn hạng người không thân cận, tuồng như thân cận [311]. Bốn hạng người đó là gì? Một là biết việc [312], thì chẳng phải thân cận in tuồng thân cận. Hai là trước mặt nói lời dịu ngọt [313], thì chẳng phải thân cận in tuồng như thân cận. Ba là lời nói khéo [314] thì chẳng thân cận in tuồng như thân cận. Bốn là bạn đưa đến chỗ ác thì chẳng thân cận [640b] in tuồng như thân cận.

“Này con nhà Cư sĩ, do bốn trường hợp nên người biết việc dù chẳng phải thân cận in tuồng như thân cận. Bốn trường hợp ấy là gì? Một là do biết việc mà đoạt của. Hai là cho ít lấy nhiều. Ba là hoặc vì sợ mà làm. Bốn là hoặc vì lợi mà hùa theo.”

Rồi Đức Thế Tôn nói bài kệ:

Người lấy biết làm việc,

Nói năng rất êm dịu,

Sợ, vì lợi hùa theo,

Biết chẳng thân, tuồng thân.

Nên xa lìa kẻ ấy

Như đường có hiểm họa.

“Này con nhà Cư sĩ, do bốn trường hợp, trước mặt nói lời dịu ngọt, dù chẳng thân cận in tuồng như thân cận. Bốn trường hợp đó là gì? Một là bày ra những việc hay đẹp. Hai là xúi làm các việc ác. Ba là trước mặt ngợi khen. Bốn là sau lưng nói việc xấu.”

Rồi Đức Thế Tôn nói bài kệ:

Nếu đặt chuyện hay ho,

Xúi làm ác bất thiện,

Đối mặt thì ngợi khen,

Sau lưng lại nói xấu;

Nếu biết hay và ác,

Và biết hai lối nói,

Dù thân, không nên thân;

Biết người ấy như vậy,

Nên xa lìa kẻ ấy;

Như đường có hiểm họa.

“Này con nhà Cư sĩ, có bốn trường hợp, nói khéo dù chẳng phải thân cận in tuồng như thân cận. Bốn trường hợp đó là gì? Một là chấp nhận việc đã qua. Hai là bàn bạc việc ngày mai [315]. Ba là dối trá không nói thật. Bốn là việc hiện tại thì hỏng; nhận nói rằng ‘tôi sẽ làm’ nhưng không làm.”

Rồi Đức Thế Tôn nói bài kệ:

Nhận việc qua, chưa đến;

Bàn suông, việc nay hỏng;

Nói làm, nhưng không làm;

Biết chẳng thân như thân;

Nên xa lìa kẻ ấy

Như đường có hiểm họa.

 “Này con nhà Cư sĩ, có bốn trường hợp bạn dẫn đến chỗ ác, dù chẳng phải thân cận in tuồng như thân cận. Bốn trường hợp đó là gì? Một là xúi các việc bài bạc. Hai là xúi đi rong chơi không phải thời. Ba là xúi uống rượu. Bốn là xúi thân cận kẻ ác.”

Rồi thì Đức Thế Tôn nói bài kệ:

Xúi đủ thứ bài bạc

Uống rượu, lấy vợ người;

Thói thấp, không vươn lên;

Nó diệt như trăng tàn.

 [640c]Nên xa lìa kẻ ấy

Như đường có hiểm họa.

“Này con nhà Cư sĩ, nên biết, có bốn hạng bạn lành [316]. Những gì là bốn? Một là cùng chịu khổ vui, nên biết đó là bạn lành. Hai là thương tưởng, nên biết đó là bạn lành. Ba là khuyên điều lợi, nên biết đó là bạn lành. Bốn là giúp đỡ, nên biết đó là bạn lành.

“Này con nhà Cư sĩ, do bốn việc mà cùng khổ cùng vui. Bốn trường hợp đó là gì? Một là quên mình, vì bạn. Hai là quên tài sản vì bạn. Ba là quên vợ con vì bạn. Bốn là biết nghe lời.”

Rồi Đức Thế Tôn nói bài kệ:

Xả dục, tài, vợ, con,

Lời nói hay kham nhẫn;

Biết thân cùng khổ vui,

Kẻ trí nên làm thân.

 “Này con nhà Cư sĩ, do bốn việc mà thương tưởng, nên biết là bạn lành. Những gì là bốn? Một là dạy cho diệu pháp [317]. Hai là ngăn cấm ác pháp. Ba là khen ngợi trước mặt. Bốn là khước từ oán gia [318].

Rồi Đức Thế Tôn nói bài kệ:

Dạy lành, cản việc ác,

Khen trước mặt, tránh thù;

Biết bạn lành thương tưởng,

Kẻ trí nên làm thân.

“Này con nhà Cư sĩ, do bốn việc mà cầu lợi [319], nên biết là bạn lành. Những gì là bốn? Một là bộc lộ việc kín ra. Hai là không che giấu việc kín. Ba là được lợi nên vui mừng. Bốn là không được lợi, không buồn.”

Rồi Đức Thế Tôn nói bài kệ:

Việc mật, bày không giấu;

Lợi vui; không, chẳng buồn.

Biết bạn lành cầu lợi,

Kẻ trí nên thường thân.

“Này con nhà Cư sĩ, do bốn việc mà giúp đỡ, nên biết bạn lành. Những gì là bốn? Một là biết bạn hết của cải. Hai là biết của cải hết, liền cung cấp vật. Ba là thấy buông lung nên khuyên ngăn. Bốn là thường thương tưởng.”

Rồi Đức Thế Tôn nói bài kệ:

Biết của hết, cho thêm;

Buông lung khuyên; thương tưởng.

Biết bạn lành giúp đỡ,

Kẻ trí nên làm quen.

“Này con nhà Cư sĩ, trong pháp luật của bậc Thánh, có sáu phương: Đông, Nam, Tây, Bắc, Trên, Dưới.

“Này con nhà Cư sĩ, cũng như đối với phương Đông, con đối với cha mẹ cũng vậy. [641a] Người con phải có năm điều thờ kính, phụng dưỡng cha mẹ. Năm điều đó là gì? Một là tăng thêm của cải. Hai là cáng đáng mọi việc. Ba là dâng lên cha mẹ những gì người muốn. Bốn là không tự tác, không trái ý. Năm là tất cả vật riêng của mình đều dâng hết cha mẹ. Người con làm năm việc như trên để phụng dưỡng, thờ kính cha mẹ.

“Cha mẹ cũng lấy năm việc để chăm sóc các con. Năm việc đó là gì? Một là thương yêu con cái. Hai là cung cấp không thiếu. Ba là khiến con không mang nợ. Bốn là gả cưới xứng đáng. Năm là cha mẹ có của cải vừa ý đều giao hết cho con. Cha mẹ bằng năm điều ấy mà chăm sóc các con. 

“Này con nhà Cư sĩ, như vậy phương Đông có hai trường hợp phân biệt. Này con nhà Cư sĩ, trong luật pháp của bậc Thánh, phương Đông là giữa con và cha mẹ. Này con nhà Cư sĩ, nếu người từ hiếu với cha mẹ, chắc chắn có sự tăng ích, chứ không có sự suy hao.

“Này con nhà Cư sĩ, cũng như phương Đông, phương Nam có hai trường hợp phân biệt.

“Học trò đối với thầy nên biết năm điều thờ kính, phụng dưỡng thầy. Năm điều đó là gì? Một là khéo cung kính vâng lời. Hai là khéo giúp đỡ, hầu hạ. Ba là hăng hái. Bốn là nghề nghiệp giỏi. Năm là hay thờ kính thầy. Đệ tử lấy năm điều ấy cung kính, phụng dưỡng Sư trưởng.

“Sư trưởng cũng dùng năm việc săn sóc đệ tử. Năm việc đó là gì? Một là dạy cho nên nghề. Hai là dạy dỗ nhanh chóng. Ba là dạy hết những điều mình biết. Bốn là đặt để ở những chỗ lành. Năm là gửi gấm bậc thiện tri thức. Sư trưởng lấy năm điều ấy mà săn sóc đệ tử.

“Này con nhà Cư sĩ, như vậy phương Nam có hai trường hợp phân biệt. Này con nhà Cư sĩ, trong luật pháp của bậc Thánh, phương Nam là giữa học trò và thầy. Này con nhà Cư sĩ, nếu người từ thuận đối với Sư trưởng, chắc chắn có sự tăng ích chứ không có sự suy hao.

“Này con nhà Cư sĩ, cũng như phương Tây, người chồng đối với vợ cũng vậy. Người chồng nên lấy năm việc mà yêu thương, cấp dưỡng vợ. Năm việc đó là gì? Một là thương yêu vợ. Hai là không khinh rẻ. Ba là sắm các thứ chuỗi ngọc, đồ trang điểm. Bốn là ở trong nhà để vợ được tự do. Năm là xem vợ như chính mình. Người chồng lấy năm việc để thương yêu, cấp dưỡng vợ.

“Người vợ phải lấy mười ba điều [320] khéo léo kính thuận chồng. Mười ba điều ấy là gì? Một là thương yêu kính trọng chồng. Hai là cung phụng, kính trọng chồng. Ba là nhớ nghĩ đến chồng. Bốn là trông nom các công việc. Năm là khéo tiếp đãi bà con. Sáu là trước mặt đưa mắt hầu đợi. Bảy là sau lưng thì cử chỉ yêu thương. Tám là lời nói thành thật. Chín là [641b] không khóa kín cửa phòng. Mười là thấy đến thì ca ngợi. Mười một là trải sẵn giường mà đợi. Mười hai là bày dọn đồ ăn uống ngon lành, sạch sẽ, dồi dào. Mười ba là cúng dường Sa-môn, Bà-la-môn. Người vợ lấy mười ba việc ấy để khéo léo kính trọng chồng.

“Này con nhà Cư sĩ, như vậy phương Tây có hai trường hợp phân biệt. Này con nhà Cư sĩ, trong luật pháp của bậc Thánh, phương Tây là giữa vợ với chồng. Này con nhà Cư sĩ, nếu người từ mẫn với vợ, chắc có sự tăng ích, chứ không có sự suy hao.

“Này con nhà Cư sĩ, cũng như phương Bắc, chủ nhà đối với tôi tớ cũng như vậy [321]. Người chủ nhà nên lấy năm điều thương mến chu cấp cho tôi tớ. Năm điều ấy là gì? Một là tùy sức mà sai làm việc. Hai là tùy lúc mà cho ăn. Ba là tùy lúc cho uống. Bốn là hết ngày thì cho nghỉ. Năm là bệnh hoạn cho thuốc thang. Chủ nhà lấy năm việc trên mà thương xót cung cấp cho tôi tớ.

“Tôi tớ cũng nên lấy chín điều [322] mà phụng sự chủ nhà. Chín điều ấy là gì? Một là tùy thời mà làm việc. Hai là chuyên tâm vào công việc. Ba là làm tất cả việc. Bốn là trước mặt thì đưa mắt hầu đợi. Năm là sau lưng thì thương kính mà làm. Sáu là nói lời thành thật. Bảy là khi chủ hoạn nạn thì không bỏ đi. Tám là đi phương xa thì nên khen ngợi chủ. Chín là khen chủ nhà là dễ dãi. Tôi tớ lấy chín điều ấy khéo léo phụng sự chủ nhà.

“Này con nhà Cư sĩ, như vậy phương Bắc có hai trường hợp phân biệt. Này con nhà Cư sĩ, trong luật pháp của bậc Thánh, phương Bắc là giữa chủ nhà và tôi tớ. Này con nhà Cư sĩ, nếu có người thương xót tôi tớ, chắn chắn có sự tăng ích chứ không có sự suy hao.

“Này con nhà Cư sĩ, cũng như phương Dưới, bằng hữu đối với bằng hữu [323] cũng vậy. Thân hữu nên lấy năm việc để ái kính cung cấp thân hữu. năm việc ấy là gì? Một là ái kính. Hai là không khinh mạn. Ba là không dối gạt. Bốn là cho tặng đồ quý. Năm là tìm cách giúp đỡ. Thân hữu lấy năm việc trên để ái kính, cung cấp thân hữu.

“Thân hữu này [324] cũng lấy năm việc để nhớ nghĩ đến thân hữu. Năm việc đó là gì? Một là biết của cải hết. Hai là khi biết của cải hết thì cung cấp của cải. Ba là thấy buông lung thì khuyên răn. Bốn là thương nhớ. Năm là gặp hoạn nạn thì cho nương tựa. Thân hữu lấy năm việc ấy để nhớ nghĩ đến thân hữu.

“Này con nhà Cư sĩ, như vậy, phương Dưới có hai trường hợp phân biệt. Này con nhà Cư sĩ, trong pháp luật của bậc Thánh là thân hữu đối với thân hữu vậy. [641c]Này con nhà Cư sĩ, nếu người thương xót thân hữu, chắc chắn có sự tăng ích chứ không phải có sự suy hao.

“Này con nhà Cư sĩ, cũng như phương Trên, thí chủ đối với Sa-môn, Bà-la-môn cũng vậy. Thí chủ nên lấy năm điều để tôn kính, cúng dường Sa-môn, Bà-la-môn. Năm điều đó là gì? Một là không đóng kín cửa. Hai là thấy đến thì tán thán. Ba là trải giường mà đợi. Bốn là làm các món ăn uống ngon sạch, dồi dào, mà cúng. Năm là đúng như pháp mà hộ trì. Người thí chủ lấy năm điều trên cung kính cúng dường Sa-môn, Bà-la-môn.

“Sa-môn, Bà-la-môn cũng lấy năm việc để khéo nhớ nghĩ đến thí chủ. Năm việc ấy là gì? Một là dạy cho có tín, hành tín và niệm tín. Hai là dạy các giới cấm. Ba là dạy nghe rộng. Bốn là dạy bố thí. Năm là dạy cho có tuệ, hành tuệ và lập tuệ. Sa-môn, Bà-la-môn lấy năm việc ấy để nhớ nghĩ đến thí chủ.

“Này con nhà Cư sĩ, như vậy phương Trên có hai trường hợp phân biệt. Này con nhà Cư sĩ, trong luật pháp của bậc Thánh, phương trên là giữa thí chủ và Sa-môn, Bà-la-môn. Này con nhà Cư sĩ, nếu người nào tôn kính cúng dường Sa-môn, Bà-la-môn thì chắc chắn có sự tăng ích chứ không có sự suy hao.

“Này con nhà Cư sĩ, có bốn nhiếp sự [325]. Bốn việc ấy là gì? Một là huệ thí. Hai là lời nói khả ái. Ba là làm lợi cho người. Bốn là có lợi cùng chia [326].”

Rồi Đức Thế Tôn nói bài kệ:

Huệ thí và ái ngôn,

Thường vì người lợi hành,

Với tất cả đồng lợi,

Khắp nơi đều vang danh.

Sự này duy trì đời

Cũng như người đánh xe.

Nhiếp sự này vắng mặt,

Mẹ không nhân bởi con

Mà được kính phụng dưỡng.

Con đối cha cũng vậy.

Nếu có nhiếp sự này,

Phước hựu thật to lớn;

Chiếu soi như ánh nhật,

Tiếng tốt truyền đi nhanh.

Thông minh, không nói cộc

Như vậy, làm nên danh

Định vững, không cao ngạo;

Tiếng loan truyền đi nhanh

Thành tựu tín và giới [327],

Như vậy làm nên danh.

Hăng hái, không giải đãi;

Thường cho người uống ăn;

Dìu dắt vào nẻo chánh;

Như vậy làm nên danh.

Bạn bè cùng lân tuất,

 [642a]Ái lạc có giới hạn;

Giữa người thân, nhiếp sự

Thù diệu như sư tử.

Học nghề, học buổi đầu,

Kiếm lợi, kiếm sau đó.

Sản nghiệp đã dựng thành,

Phân chia làm bốn phần.

Phần cung cấp ẩm thực;

Phần điền giả nông canh;

Phần kho tàng chất chứa,

Phòng khi hữu sự cần;

Gom nông tang, thương cổ,

Thu xuất, lợi một phần.

Thứ năm để cưới vợ;

Thứ sáu làm nhà cửa.

Tại gia sáu sự này,

Hưng thịnh, sống khoái lạc.

Tiền tài sẵn càng đầy,

Như nước xuôi biển cả.

Đời mưu sinh như vầy,

Như ong hút nhụy hoa;

Đời mưu sinh lâu dài,

Sống an lạc hưởng thọ.

Xuất tiền, không xuất xa;

Không tản mác tung ra.

Không thể đem tài vật

Cho hung bạo, ngoan tà.

Phương Đông là cha mẹ;

Phương Nam là tôn sư;

Phương Tây là thê tử;

Phương Bắc là nô tỳ;

Phương Dưới bằng và hữu;

Phương Trên bậc tịnh tu;

Nguyện lễ các phương ấy,

Phước đời này đời sau.

Do lễ các phương ấy,

Thí chủ sanh trời cao.

Phật thuyết như vậy. Thiện Sanh con trai Cư sĩ sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành. [328]

136. KINH THƯƠNG NHÂN CẦU TÀI

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

 [642b] Bấy giờ Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Thuở xưa, tại châu Diêm-phù, có một số đông thương nhân cùng nhau tụ tập tại nhà khách buôn. Họ suy nghĩ như vầy: “Chúng ta hãy dong một chiếc thuyền đi biển [329] mà vào biển lớn, tìm kiếm tài bảo mang về cung cấp những chi dụng trong gia đình.”

Họ lại suy nghĩ rằng: “Này các bạn, việc đi biển không thể biết trước là an ổn hay không an ổn. Vậy mỗi người trong chúng ta nên chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ làm phao nổi trên biển, tức là gồm túi bằng da dê đen [330], trái bầu lớn và mững bè.”

Sau đó mỗi người trong bọn họ đều chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ, làm phao nổi trên biển, gồm túi bằng da dê đen, trái bầu lớn và mững bè, rồi đi vào biển cả.

 “Khi họ đi vào biển cả, vua cá là Ma-kiệt [331] phá vỡ chiếc thuyền ấy. Các thương nhân này mỗi người đều tự nương vào các dụng cụ làm phao nổi như túi bằng da dê đen, trái bầu lớn hay mững bè, rồi trôi đi về các phía.

“Lúc bấy giờ, từ phía Đông cửa biển ngọn gió lớn trỗi dậy, thổi các thương nhân tấp vào bờ biển Tây. Nơi ấy, họ gặp một bọn con gái rất mỹ lệ, đoan chánh, trang sức thân thể bằng tất cả các loại trang sức. Bọn con gái ấy thấy họ, liền nói:

“Xin kính chào các bạn! Xin đón mừng các bạn. Nơi đây là chỗ rất diệu hảo, cực kỳ khoái lạc. Nào là vườn tược, ao tắm, những chỗ ngồi và nằm, nào là rừng cây, hoa cỏ um tùm và lại có nhiều tiền tài, vàng, bạc, thủy tinh, lưu ly, ma ni, chơn châu, bích ngọc, bạch kha, xa cừ, san hô, hổ phách, mã não, đồi mồi, xích thạch, toàn châu; tất cả đều dành cho các bạn. Hãy cùng chúng tôi vui chơi hoan lạc. Mong các thương nhân châu Diêm-phù không đi về phương Nam, dù trong chiêm bao.

“Bọn thương nhân ấy đều cùng với những người đàn bà này vui chơi hoan lạc. Rồi bọn thương nhân ấy vì cùng với những người đàn bà này hiệp hội mà sanh ra con trai hoặc con gái.

“Về sau, châu Diêm-phù có một thương nhân có trí tuệ, sống cô độc tại một nơi thanh vắng mà nghĩ rằng: ‘Vì lý do gì bọn đàn bà này ngăn cản chúng ta không cho đi về phương Nam? Chúng ta nên canh chừng người đàn bà sống chung; khi biết nó đã ngủ, ta lặng lẽ chỗi dậy, rồi lén đi về phương Nam’.

“Thương nhân trí tuệ ở châu Diêm-phù ấy sau đó canh chừng người đàn bà sống chung. Khi biết nó đã ngủ, bèn lặng lẽ chỗi dậy, rồi lén đi về phương Nam. Thương nhân trí tuệ châu Diêm-phù ấy khi đi về phương Nam, từ xa nghe có tiếng kêu réo vang dậy, tiếng nhiều người la khóc áo não, hoặc kêu gọi cha mẹ, hoặc réo vợ réo con và nhớ thương bạn bè thân thích, rằng ‘Châu Diêm-phù tốt đẹp, an ổn khoái lạc, không còn thấy nữa’. Thương nhân này rất sợ hãi, lông tóc dựng ngược, nghĩ rằng: ‘Mong cho [642c] loài người và loài phi nhân không quấy rầy ta’.

“Rồi một thương nhân trí tuệ châu Diêm-phù tự kềm chế sự sợ hãi, tiếp tục đi lần về phương Nam. Một thương nhân trí tuệ châu Diêm-phù kia khi đi lần về phương Nam bỗng thấy có một tòa đại thiết thành. Sau khi trông thấy, bèn tìm khắp nhưng không thấy cửa, thậm chí một chỗ đủ để con mèo chui ra cũng không. Thương nhân trí tuệ châu Diêm-phù ấy thấy phía Bắc của thiết thành có một lùm cây to lớn sum suê, bèn đi đến lùm cây đại thọ ấy, chậm chạp leo lên cao. Leo lên rồi, hỏi đám đông:

“Này các bạn, các bạn vì cớ gì khóc la áo não, kêu cha gọi mẹ, réo vợ réo con, nhớ thương bạn bè thân thích rằng châu Diêm-phù tốt đẹp, an ổn khoái lạc không còn thấy nữa?

“Khi ấy đám đông đáp:

“Này bạn, chúng tôi là thương nhân ở châu Diêm-phù, đều cùng nhau tụ tập tại nhà khách buôn rồi nghĩ rằng ‘Chúng ta hãy dong một chiếc thuyền đi biển mà vào biển lớn tìm kiếm tài bảo mang về cung cấp những chi dụng trong gia đình’. Này bạn, chúng tôi lại nghĩ rằng ‘Này các bạn, việc đi biển không thể biết trước là an ổn hay không an ổn. Vậy mỗi người trong chúng ta hãy nên chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ làm phao nổi trên biển, tức là gồm túi bằng da dê đen, trái bầu lớn và mững bè’. Này bạn, sau đó chúng tôi mỗi người đều chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ làm phao nổi trên biển, gồm túi bằng da dê đen, trái bầu lớn và mững bè rồi đi vào biển cả. Khi chúng tôi ở giữa biển, ngư vương Ma-kiệt phá vỡ chiếc thuyền ấy. Này bạn, bọn thương nhân chúng tôi mỗi người tự nương vào các dụng cụ làm phao nổi như túi bằng da dê đen, trái bầu lớn hay mững bè rồi trôi đi về các phía. Lúc bấy giờ, từ phía Đông bờ biển, ngọn gió lớn trỗi dậy thổi bọn thương nhân chúng tôi tấp vào bờ bể phía Tây. Nơi ấy gặp một bọn con gái rất mỹ lệ, đoan chánh, trang sức thân thể bằng tất cả các loại trang sức. Bọn con gái ấy thấy chúng tôi liền nói rằng ‘Xin kính chào các bạn. Nơi đây là chỗ rất diệu hảo, cực kỳ khoái lạc; nào là vườn tược, ao tắm, những chỗ ngồi, nằm, rừng cây, hoa cỏ um tùm và lại có nhiều tiền tài, vàng bạc, thủy tinh, lưu ly, ma ni, chơn châu, bích ngọc, bạch kha, xa cừ, san hô, hổ phách, mã não, đại mạo, xích thạch, toàn châu; tất cả đều dành cho các bạn. Hãy cùng chúng tôi vui chơi hoan lạc. Mong các thương nhân châu Diêm-phù không đi về phương Nam, dù trong chiêm bao’. Này bạn, chúng tôi cùng với những người vợ này vui chơi hoan lạc. Chúng tôi nhân vì cùng với những người vợ này hiệp hội mà sanh ra con trai hoặc con gái. Này bạn, những người đàn bà ấy nếu không nghe châu Diêm-phù có bọn thương nhân khác [643a] ở giữa biển mà ngư vương Ma-kiệt phá vỡ thuyền thì họ cùng chúng tôi tôi vui chơi hoan lạc. Này bạn, những người đàn bà ấy nếu nghe châu Diêm-phù có bọn thương nhân khác ở giữa biển mà ngư vương Ma-kiệt phá vỡ thuyền, liền ăn thịt chúng tôi. Chúng tôi gặp phải sự bức bách. Nếu khi ăn thịt người mà còn thừa tóc, lông, móng, răng thì bọn đàn bà ấy lấy ăn hết. Nếu khi ăn thịt người, có máu huyết nhỏ xuống đất, bọn đàn bà ấy liền lấy móng tay đào sâu xuống đất bốn tấc, lấy mà ăn. Này bạn, nên biết, chúng tôi là những thương nhân ở châu Diêm-phù, trước kia có năm trăm người, trong số đó bị ăn thịt hết hai trăm năm mươi người, còn lại hai trăm năm mươi người, nay đều ở trong thiết thành lớn này. Này bạn, bạn chớ có tin lời của bọn đàn bà ấy. Chúng không phải thật là người, chính là quỷ La-sát vậy’.

 “Bấy giờ thương nhân trí tuệ châu Diêm-phù từ trên cây đại thọ thong thả leo xuống, trở ra đường cũ trở về chỗ sống chung với người đàn bà kia. Khi biết người đàn bà ấy còn ngủ say, ngay trong đêm đó, thương nhân trí tuệ châu Diêm-phù tức tốc trở lại chỗ ở của các thương nhân châu Diêm-phù, nói rằng:

“Các người hãy đến đây. Chúng ta hãy đến một nơi vắng vẻ, mỗi người đi một mình, chớ đem con cái theo. Hãy cùng nhau đến chỗ kín đáo, vì có điều cần bàn luận.

 “Bọn thương nhân châu Diêm-phù cùng đi đến một nơi vắng vẻ, mỗi người đi một mình, không đem theo con cái. Khi ấy, thương nhân trí tuệ châu Diêm-phù nói:

“Các bạn thương nhân, khi tôi sống cô độc tại một nơi thanh vắng mà nghĩ rằng: ‘Vì lý do gì bọn đàn bà này ngăn cản chúng ta không cho đi về phương Nam? Chúng ta nên canh chừng người đàn bà sống chung; khi biết nó đã ngủ, ta lặng lẽ chỗi dậy, rồi lén đi về phương Nam’.

 “Rồi thì, tôi sau đó canh chừng người đàn bà sống chung. Khi biết nó đã ngủ, tôi bèn lặng lẽ chỗi dậy, rồi lén đi về phương Nam. Tôi khi đi về phương Nam, từ xa nghe có tiếng kêu réo vang dậy, tiếng nhiều người la khóc áo não, hoặc kêu gọi cha mẹ, hoặc réo vợ réo con và nhớ thương bạn bè thân thích, rằng ‘Châu Diêm-phù tốt đẹp, an ổn khoái lạc, không còn thấy nữa’. Tôi nghe thế rất sợ hãi, lông tóc dựng ngược, nghĩ rằng: ‘Mong cho loài người và loài phi nhân không quấy rầy ta’.

 “Rồi tôi tự kềm chế sự sợ hãi, tiếp tục đi lần về phương Nam. Tôi khi đi lần về phương Nam bỗng thấy có một tòa đại thiết thành. Sau khi thấy bèn tìm khắp nhưng không thấy cửa, cho đến một chỗ đủ để con mèo chui ra cũng không. Tôi thấy [643b] phía Bắc của thiết thành có một lùm cây to lớn sum suê bèn đi đến lùm cây đại thọ ấy, chậm chạp leo lên cao. Leo lên rồi, hỏi đám đông rằng:

 “–Này các bạn, các bạn vì cớ gì khóc la áo não, kêu cha gọi mẹ, réo vợ réo con, nhớ thương bạn bè thân thích rằng châu Diêm-phù tốt đẹp, an ổn khoái lạc không còn thấy nữa?’

 “‘Khi ấy đám đông đáp rằng ‘Này bạn, chúng tôi là thương nhân ở châu Diêm-phù, đều cùng nhau tụ tập tại nhà khách buôn rồi nghĩ rằng ‘Chúng ta hãy dong một chiếc thuyền đi biển mà vào biển lớn tìm kiếm tài bảo mang về cung cấp những chi dụng trong gia đình’. Này bạn, chúng tôi lại nghĩ rằng ‘Này các bạn, việc đi biển không thể biết trước là an ổn hay không an ổn. Vậy mỗi người trong chúng ta hãy nên chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ làm phao nổi trên biển, tức là gồm túi bằng da dê đen, trái bầu lớn và mững bè’. Này bạn, sau đó chúng tôi mỗi người đều chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ làm phao nổi trên biển, gồm túi bằng da dê đen, trái bầu lớn và mững bè rồi đi vào biển cả. Khi chúng tôi ở giữa biển, ngư vương Ma-kiệt phá vỡ chiếc thuyền ấy. Này bạn, bọn thương nhân chúng tôi mỗi người tự nương vào các dụng cụ làm phao nổi như túi bằng da dê đen, trái bầu lớn hay mững bè rồi trôi đi về các phía. Lúc bấy giờ, từ phía Đông bờ biển, ngọn gió lớn trỗi dậy thổi bọn thương nhân chúng tôi tấp vào bờ biển phía Tây. Nơi ấy gặp một bọn con gái rất mỹ lệ, đoan chánh, trang sức thân thể bằng tất cả các loại trang sức. Bọn con gái ấy thấy rồi bèn nói rằng ‘Xin kính chào các bạn. Nơi đây là chỗ rất diệu hảo, cực kỳ khoái lạc; nào là vườn tược, ao tắm, những chỗ ngồi, nằm, rừng cây, hoa cỏ um tùm và lại có nhiều tiền tài, vàng bạc, thủy tinh, lưu ly, ma ni, chơn châu, bích ngọc, bạch kha, xa cừ, san hô, hổ phách, mã não, đại mạo, xích thạch, toàn châu; tất cả đều dành cho các bạn. Hãy cùng chúng tôi vui chơi hoan lạc. Mong các thương nhân châu Diêm-phù không đi về phương Nam, dù trong chiêm bao’. Này bạn, chúng tôi cùng với những người vợ này vui chơi hoan lạc. Chúng tôi nhân vì cùng với những người vợ này hiệp hội mà sanh ra con trai hoặc con gái. Này bạn, những người đàn bà ấy nếu không nghe châu Diêm-phù có bọn thương nhân khác ở giữa biển mà ngư vương Ma-kiệt phá vỡ thuyền thì họ cùng chúng tôi tôi vui chơi hoan lạc. Này bạn, những người đàn bà ấy nếu nghe châu Diêm-phù có bọn thương nhân khác ở giữa biển mà ngư vương Ma-kiệt phá vỡ thuyền, liền ăn thịt chúng tôi. Chúng tôi gặp phải sự bức bách. Nếu khi ăn thịt người mà còn thừa tóc, lông, [643c] móng, răng thì bọn đàn bà ấy lấy ăn hết. Nếu khi ăn thịt người, có máu huyết nhỏ xuống đất, bọn đàn bà ấy liền lấy móng tay đào sâu xuống đất bốn tấc, lấy mà ăn. Này bạn, nên biết, chúng tôi là những thương nhân ở châu Diêm-phù, trước kia có năm trăm người, trong số đó bị ăn thịt hết hai trăm năm mươi người, còn lại hai trăm năm mươi người, nay đều ở trong thiết thành lớn này. Này bạn, bạn chớ có tin lời của bọn đàn bà ấy. Chúng không phải thật là người, chính là quỷ La-sát vậy.’’

“Khi ấy, các thương nhân châu Diêm-phù hỏi thương nhân trí tuệ châu Diêm-phù rằng:

“ - Này bạn, sao bạn không hỏi đám đông người kia như vầy ‘Này các bạn, có phương tiện nào khiến chúng tôi và các bạn từ nơi này an ổn về đến châu Diêm-phù?’

“Thương nhân trí tuệ châu Diêm-phù đáp:

“ - Này các bạn, khi ấy tôi quên không có hỏi như vậy.

“Rồi các thương nhân châu Diêm-phù nói rằng:

“ - Này bạn, bạn hãy trở về đến chỗ sống chung với người đàn bà ấy, rồi canh chừng khi nó đang ngủ hãy lặng lẽ chỗi dậy, lén đi về phương Nam, lại đến chỗ đông người kia hỏi rằng ‘Này các bạn, có phương tiện nào khiến chúng tôi và các bạn từ đây mà an ổn về đến châu Diêm-phù?’

 “Khi ấy, thương nhân trí tuệ châu Diêm-phù im lặng nhận lời các thương nhân.

 “Lúc bấy giờ thương nhân trí tuệ châu Diêm-phù trở lại chỗ sống chung với người đàn bà ấy, dò xét thấy nó đang ngủ bèn lặng lẽ chỗi dậy, rồi lén đi về phương Nam, lại đi đến chỗ đông người kia hỏi rằng:

“ - Này các bạn, có phương tiện nào khiến chúng tôi và các bạn từ đây mà an ổn về đến châu Diêm-phù chăng?

 “Đám đông kia đáp rằng: Này bạn, hoàn toàn không có phương tiện nào khiến chúng tôi và các bạn từ đây mà an ổn về đến châu Diêm-phù. Này bạn, tôi đã nghĩ rằng ‘Chúng ta hãy đào phá vách tường này mà trở về chốn cũ’. Vừa nghĩ như thế, bức tường này lại cao gấp bội bình thường. Này bạn, thế là phương tiện này khiến chúng ta không thể từ đây mà an ổn về đến châu Diêm-phù được. Chúng ta hoàn toàn không có cách nào. Này bạn, chúng tôi nghe trên không trung nói rằng: Bọn thương nhân châu Diêm-phù ngu si bất định cũng không khéo hiểu biết. Vì sao? Vì không làm sao để vào ngày mười lăm là ngày nói Biệt giải thoát giới mà đi về phương Nam. Nơi ấy có Mao mã vương [332] ăn gạo trắng tự nhiên, an ổn khoái lạc, các căn sung mãn, [644a] ba lần xướng lên rằng ‘Ai muốn qua bờ bên kia? Ai muốn nhờ ta được giải thoát? Ai muốn nhờ ta đưa từ đây đến châu Diêm-phù an ổn?’ Các người hãy đến Mao mã vương mà nói rằng ‘Chúng tôi muốn được đưa qua bờ bên kia. Mong giải thoát chúng tôi! Mong đưa chúng tôi từ đây an ổn về đến châu Diêm-phù’ Này bạn, đó là phương tiện khiến các người từ đây an ổn mà về đến châu Diêm-phù. Này thương nhân, hãy đến chỗ Mao mã vương kia mà nói rằng ‘Chúng tôi muốn được đưa qua bờ bên kia. Mong giải thoát chúng tôi. Mong đưa chúng tôi từ đây an ổn trở về châu Diêm-phù’.

 “Khi ấy, thương nhân trí tuệ châu Diêm-phù nói:

“ - Này các thương nhân, mong sao tới lúc đi đến chỗ Mao mã vương mà nói: ‘Chúng tôi muốn được đưa qua bờ bên kia. Mong giải thoát chúng tôi. Mong đưa chúng tôi từ đây an ổn trở về châu Diêm-phù’. Các thương nhân tùy theo ý của chư Thiên. Này các thương nhân, nếu như vào ngày mười lăm là ngày thuyết Biệt giải thoát, Mao mã vương ăn gạo trắng tự nhiên, an ổn khoái lạc, các căn sung mãn, ba lần xướng lên rằng ‘Ai muốn được đưa qua bờ bên kia? Ai muốn nhờ ta được giải thoát? Ai muốn nhờ ta đưa từ đây an ổn về tới châu Diêm-phù?’ Bấy giờ chúng ta hãy đến chỗ kia mà nói rằng ‘Chúng tôi muốn được đưa qua bờ bên kia? Mong giải thoát chúng tôi. Mong đưa chúng tôi từ đây an ổn về tới châu Diêm-phù’.

“Khi ấy, Mao mã vương, vào ngày mười lăm kế đó, là ngày thuyết Biệt giải thoát, ăn gạo trắng tự nhiên, an ổn khoái lạc, các căn sung mãn ba lần xướng lên rằng:

“Ai muốn được đưa qua bờ bên kia? Ai muốn nhờ ta được giải thoát? Ai muốn nhờ ta đưa từ đây an ổn về tới châu Diêm-phù?

“Khi những thương nhân châu Diêm-phù nghe xong, liền đi đến chỗ của Mao mã vương nói:

“Chúng tôi muốn được đưa qua bờ bên kia! Mong giải thoát chúng tôi! Mong đưa chúng tôi từ đây an ổn về đến châu Diêm-phù!

 “Bấy giờ Mao mã vương nói: Này các thương nhân, các đàn bà kia sẽ bồng con cùng nhau đến đây mà nói rằng ‘Này các bạn, xin mời các bạn trở về đây. Nơi đây là chỗ rất diệu hảo, cực kỳ khoái lạc. Nào là vườn tược, ao tắm, những chỗ ngồi nằm, rừng cây, hoa cỏ um tùm và lại có nhiều tiền của như kim ngân, thủy tinh, lưu ly, ma ni, chơn châu, bích ngọc, bạch kha, xa cừ, san hô, hổ phách, mã não, đại mạo, xích thạch, toàn châu; tất cả dành [644b] cho các bạn. Hãy cùng chúng tôi vui chơi hoan lạc. Giả sử không cần đến chúng tôi thì nên thương nghĩ đến con trẻ’. Nếu các thương nhân kia nghĩ rằng ‘Ta có con trai, con gái. Ta có nơi cực lạc, tối diệu hảo. Nào là vườn tược, ao tắm, những chỗ ngồi nằm, rừng cây, hoa cỏ um tùm và lại có nhiều tiền tài, kim ngân, thủy tinh, lưu ly, ma ni, chơn châu, bích ngọc, bạch kha, xa cừ, san hô, hổ phách, mã não, đại mạo, xích thạch, toàn châu...’ thì họ dù có cỡi trên lưng ta, chắc sẽ bị ngã lộn xuống, rồi rơi xuống nước và sẽ bị bọn đàn bà ăn thịt, sẽ gặp sự bức bách. Nếu khi ăn thịt người mà còn sót tóc, lông, móng, răng thì bọn họ sẽ lấy ăn hết. Lại nữa, nếu khi ăn có máu huyết nhỏ xuống đất, bọn đàn bà lấy móng tay đào sâu xuống đất bốn tấc, lấy mà ăn. Nếu các thương nhân kia không nghĩ rằng ‘Ta có con trai, con gái. Ta có nơi cực lạc, tối diệu hảo. Nào là vườn tược, ao tắm, những chỗ ngồi nằm, rừng cây, hoa cỏ um tùm và lại có nhiều tiền tài, kim ngân, thủy tinh, lưu ly, ma ni, chơn châu, bích ngọc, bạch kha, xa cừ, san hô, hổ phách, mã não, đại mạo, xích thạch, toàn châu...’ thì họ dù chỉ nắm một sợi lông trong thân ta, chắc sẽ được an ổn về đến châu Diêm-phù.”

 “Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Bọn đàn bà kia bồng con đến mà nói rằng ‘Này các bạn, xin mời các bạn trở về đây. Nơi đây là chốn cực lạc, rất là diệu hảo. Nào là vườn tược, ao tắm, những chỗ ngồi nằm, rừng cây, hoa cỏ um tùm và lại có nhiều tiền tài, kim ngân, thủy tinh, lưu ly, ma ni, chơn châu, bích ngọc, bạch kha, xa cừ, san hô, hổ phách, mã não, đại mạo, xích thạch, toàn châu... tất cả dành cho các bạn, hãy cùng chúng tôi vui chơi hoan lạc’. Nếu thương nhân kia nghĩ rằng ‘Ta có con trai, con gái. Ta có nơi cực lạc, tối diệu hảo. Nào là vườn tược, ao tắm, những chỗ ngồi nằm, rừng cây, hoa cỏ um tùm và lại có nhiều tiền tài, kim ngân, thủy tinh, lưu ly, ma ni, chơn châu, bích ngọc, bạch kha, xa cừ, san hô, hổ phách, mã não, đại mạo, xích thạch, toàn châu...’ thì họ dù cỡi trên chỗ cao nhất nơi lưng của Mao mã vương, chắc chắn sẽ bị ngã lộn xuống, rơi xuống nước, liền bị bọn đàn bà ăn thịt, sẽ gặp bước đường rất là bức bách. Nếu khi ăn thịt người mà còn sót tóc, lông, móng, răng thì bọn họ sẽ lấy ăn hết. Lại nữa, nếu khi ăn có máu huyết nhỏ xuống đất, [644c] bọn đàn bà ấy liền lấy móng tay đào xuống đất bốn tấc, lấy mà ăn. Nếu các thương nhân kia không nghĩ rằng ‘Ta có con trai, con gái. Ta có nơi cực lạc, tối diệu hảo. Nào là vườn tược, ao tắm, những chỗ ngồi nằm, rừng cây, hoa cỏ um tùm và lại có nhiều tiền tài, kim ngân, thủy tinh, lưu ly, ma ni, chơn châu, bích ngọc, bạch kha, xa cừ, san hô, hổ phách, mã não, đại mạo, xích thạch, toàn châu...’ thì họ dù chỉ một sợi lông nơi thân Mao mã vương, chắc chắn được an ổn về đến châu Diêm-phù.

“Này các Tỳ-kheo, Ta nói ví dụ này là muốn cho biết nghĩa. Ví dụ ấy là nói nghĩa này:

“Pháp của Ta được thuyết giảng khéo léo, phơi bày sâu rộng, khéo giữ gìn không trống, không khuyết, cũng như cầu, bè, các dụng cụ làm phao nổi, được lưu bố cùng khắp đến cả trời, người.

 “Pháp của Ta được khéo giảng thuyết như vậy, phơi bày sâu rộng như vậy, khéo giữ gìn, không trống, không khuyết như vậy, cũng như cầu, bè, các dụng cụ làm phao nổi, được lưu bố cùng khắp đến cả trời người, đối với pháp ấy, nếu có Tỳ-kheo nào nghĩ rằng ‘Con mắt là ta; ta sở hữu con mắt. Tai, mũi, lưỡi, thân và ý là ta; ta sở hữu ý’; Tỳ-kheo ấy chắc chắn sẽ bị hại, giống như bọn thương nhân bị quỷ La-sát ăn thịt.

“Pháp của Ta được giảng thuyết khéo léo, phơi bày sâu rộng như vậy, khéo giữ gìn, không trống, không khuyết như vậy, cũng như cầu, bè, các dụng cụ làm phao nổi, được lưu bố cùng khắp đến cả trời người. Nếu có Tỳ-kheo nào nghĩ rằng ‘Mắt không phải là ta. Ta không sở hữu con mắt. Tai, mũi, lưỡi, thân và ý không phải là ta. Ta không sở hữu con mắt’; Tỳ-kheo ấy chắc chắn được an ổn. Ví như thương nhân cỡi trên Mao mã vương an ổn mà giải thoát nạn.

 “Pháp của Ta khéo nói, khéo giảng thuyết như vậy, phơi bày sâu rộng như vậy, khéo giữ gìn, không trống, không khuyết như vậy, cũng như cầu, bè, các dụng cụ làm phao nổi, được lưu bố cùng khắp đến cả trời người. Nếu có Tỳ-kheo nào nghĩ rằng: ‘Sắc là ta. Ta sở hữu sắc. Thanh, hương, vị, xúc và pháp là Ta. Ta sở hữu pháp’; Tỳ-kheo ấy chắc chắn sẽ bị hại, giống như bọn thương nhân bị quỷ La-sát ăn thịt.

“Pháp của Ta khéo nói, phơi bày sâu rộng, khéo giữ gìn, không trống, không khuyết, ví như chiếc cầu nổi, được lưu bố cùng khắp đến cả trời người. [645a] Nếu các Tỳ-kheo nào nghĩ rằng ‘Sắc không phải là ta. Ta không sở hữu sắc. Thanh, hương, vị, xúc và pháp không là Ta. Ta không sở hữu pháp’, Tỳ-kheo ấy chắc chắn được an ổn, giống như thương nhân kia cỡi trên Mao mã vương mà an ổn được thoát nạn.

“Pháp của Ta khéo nói, phơi bày sâu rộng, khéo giữ gìn, không trống, không khuyết, ví như chiếc cầu nổi, được lưu bố cùng khắp đến cả trời người. Nếu có Tỳ-kheo nghĩ rằng ‘Sắc uẩn là ta. Ta sở hữu sắc uẩn. Thọ, tưởng, hành, và thức uẩn là ta. Ta sở hữu thức uẩn’; Tỳ-kheo ấy chắc chắn sẽ bị hại, giống như thương nhân bị quỷ La-sát ăn thịt.

 “Pháp của Ta khéo nói, phơi bày sâu rộng, khéo giữ gìn, không trống, không khuyết, ví như chiếc cầu nổi, được lưu bố cùng khắp đến cả trời người. Nếu có Tỳ-kheo nghĩ rằng ‘Sắc uẩn không là ta. Ta không sở hữu sắc uẩn. Thọ, tưởng, hành, và thức uẩn không là ta. Ta không sở hữu thức uẩn’, Tỳ-kheo ấy chắc chắn được an ổn, giống như thương nhân cỡi trên Mao mã vương mà an ổn thoát nạn.

 “Pháp của Ta khéo nói, phơi bày sâu rộng, khéo giữ gìn, không trống, không khuyết, ví như chiếc cầu nổi, được lưu bố cùng khắp đến cả trời người. Nếu có Tỳ-kheo nghĩ rằng ‘Đất là ta. Ta sở hữu đất. Cho đến nước, lửa, gió, không và thức là ta. Ta sở hữu thức’, Vị Tỳ-kheo kia chắc chắn bị hại, giống như thương nhân bị quỷ La-sát ăn thịt.

 “Pháp của Ta khéo nói, phơi bày sâu rộng, khéo giữ gìn, không trống, không khuyết, ví như chiếc cầu nổi, được lưu bố cùng khắp đến cả trời người. Nếu có Tỳ-kheo nghĩ rằng ‘Đất là không ta. Ta không sở hữu đất. Cho đến nước, lửa, gió, không và thức không là ta. Ta không sở hữu thức’, vị Tỳ-kheo kia chắc chắn được an ổn, giống như thương nhân nhờ ngồi trên lưng Mao mã vương đưa đến chỗ an lành.”

 [645b] Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn nói bài tụng:

Phật thuyết Chánh pháp luật;

Nếu có ai không tin,

Người ấy chắc bị hại

Như bị La-sát thịt.

Phật thuyết Chánh pháp luật;

Nếu có ai kính tin,

Người ấy được an ổn,

Như nương Mao mã vương.

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

137. KINH THẾ GIAN

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Như Lai đã tự mình giác ngộ về thế gian và cũng nói lại cho người khác. Như Lai biết [333] thế gian. Như Lai tự giác ngộ về sự tập khởi của thế gian và cũng nói lại cho người khác. Như Lai đoạn trừ thế gian tập. Như Lai tự giác ngộ sự diệt tận của thế gian và cũng nói cho người khác. Như Lai chứng ngộ thế gian diệt. Như Lai tự giác ngộ đạo tích [334] của thế gian và cũng nói cho người khác. Như Lai tu thế gian đạo tích.

“Nếu có tất cả những gì cần đuợc hiểu biết một cách toàn diện [335], tất cả những gì điều đó Như Lai đã biết, thấy, giác, ngộ, chứng đắc. Vì sao vậy? Như Lai từ đêm chứng ngộ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác cho đến ngày hôm nay vào lúc ban đêm sẽ đi vào tịch diệt trong Vô dư Niết-bàn giới [336]; trong khoảng thời gian giữa đó, nếu những gì được nói ra, được ứng đối từ chính miệng của Như Lai, tất cả những điều ấy đều là chắc thật, không hư vọng, không ra ngoài sự Như [337], cũng không phải là điên đảo. Đó là sự chắc thật, là sự chân thật.

“Nếu nói về sư tử như thế nào, thì hãy nói về Như Lai cũng như vậy. Vì sao vậy? Như Lai ở giữa đại chúng nếu có giảng thuyết thì đó chính là tiếng rống của Sư tử.

“Đối với tất cả thế gian, Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, từ trời đến người, Như Lai là Phạm Hữu [338]. Như Lai là Bậc Chí Lãnh [339] vì không phiền cũng không nhiệt. Như Lai là Bậc Chân Thật không hư vọng [340].”

Bấy giờ Thế Tôn liền nói bài kệ:

Biết tất cả thế gian;

Ra khỏi mọi thế gian;

Thuyết tất cả thế gian;

Trọn thế gian như thật [341]

Đấng Tối Tôn Đại Hùng

Giải thoát mọi triền phược,

 [645c]Diệt tận hết thảy nghiệp,

Sanh tử đều giải thoát.

Là trời cũng là người,

Thảy đều quy mạng Phật.

Cúi đầu lễ Như Lai,

Đại dương sâu vô cực.

Chư Thiên, thần Hương âm [342],

Kính lạy Đấng Đã Biết.

Chúng sanh trong tử sanh,

Đều cúi đầu quy phục,

Cúi đầu lễ Trí sĩ;

Quy mạng Đấng Thượng Nhân;

Không trần lụy, vô ưu,

Vô ngại, các giải thoát;

Vì vậy, thường [343] vui thiền,

Sống viễn ly tịch tịnh.

Hãy tự mình đốt đèn,

Vì Như Lai khó gặp [344].

Không gặp thời Như Lai,

Đời sống trong địa ngục.

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành. 

138. KINH PHƯỚC

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ, Phật bảo các vị Tỳ-kheo:

“Đừng sợ hãi phước [345] mà hãy có ý niệm yêu thích. Vì sao vậy? Vì những gì được gọi là phước thì cũng nói là lạc. Sự sợ hãi đối với phước là không có ý niệm yêu thích. Vì sao vậy? Những gì là phi phước được nói là khổ.

“Ta nhớ lại trong thời quá khứ, lâu dài tác phước, lâu dài thọ báo mà ý niệm yêu thích. Thời quá khứ Ta hành từ tâm trong bảy năm mà trải qua bảy lần kiếp thành và kiếp hoại, không tái sanh trong thế gian này. Nếu thời kiếp hoại, Ta sanh lên cõi trời Hoảng dục [346]. Trong thời kiếp thành, Ta tái sanh trở xuống trong cung điện trống không của Phạm thiên và là Đại Phạm thiên trong cõi Phạm thiên đó.

“Trong những trường hợp khác, ta trải qua một ngàn lần làm Tự Tại Thiên vương, ba mươi sáu lần làm Thiên đế Thích và vô lượng lần làm vua Sát-lị Đảnh Sanh.

“Này Tỳ-kheo, lúc làm vua Sát-lị Đảnh Sanh, Ta có tám vạn bốn ngàn thớt voi lớn được phủ những đồ cưỡi rất đẹp; dùng các báu bạch châu lạc [347] trang sức, phủ lên voi chúa đầu đàn Vu-sa-hạ [348].

“Này Tỳ-kheo, lúc Ta làm vua Sát-lị Đảnh Sanh, có tám vạn bốn ngàn con ngựa được phủ lên các thứ đồ cưỡi đẹp. Dùng các báu vàng, bạc, dao lạc để trang sức cho ngựa đầu đàn là ngựa Mao [349].

“Này Tỳ-kheo, lúc Ta làm [646a] vua Sát-lị Đảnh Sanh, có tám vạn bốn ngàn cỗ xe, trang sức bằng bốn loại trang sức, dùng da vằn quý báu đủ màu của các thú như sư tử, cọp, beo, dệt thành đủ loại màu sắc xen lẫn trang sức cho cỗ xe dẫn đầu chạy rất nhanh chóng tên là xe Nhạc thanh [350].

“Này Tỳ-kheo, lúc Ta làm vua Sát-lị Đảnh Sanh, có tám vạn bốn ngàn thành lớn, giàu có cùng cực, dân chúng đông đúc, lấy vương thành Câu-xá-hòa-đề [351] làm đầu.

“Này Tỳ-kheo, lúc làm vua Sát-lị Đảnh Sanh, Ta có tám vạn bốn ngàn ngôi lầu; có bốn loại lầu báu, làm bằng vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh; đứng đầu là Chánh pháp điện [352].

“Này Tỳ-kheo, lúc làm vua Sát-lị Đảnh Sanh, Ta có tám vạn bốn ngàn ngự tòa; bốn loại tòa báu, bằng vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh; trải lên bằng các thứ nệm, chiếu dệt bằng lông năm sắc, phủ lên bằng những gấm, the, sa trun, lụa là; có chăn nệm lót, hai đầu để gối, trải thảm quý bằng da sơn dương [353].

“Này Tỳ-kheo, lúc làm vua Sát-lị Đảnh Sanh, Ta có tám vạn bốn ngàn chiếc áo song y, áo sơ-ma [354], áo gấm, áo lụa, áo kiếp bối, áo da sơn dương đen. [355]

“Này Tỳ-kheo, lúc làm vua Sát-lị Đảnh Sanh, Ta có tám vạn bốn ngàn người nữ, thân thể nõn nà, sạch sẽ sáng sủa, sắc đẹp hơn người, không thua chư Thiên, tư dung đoan chánh, ai nhìn cũng sinh ưa thích, trang điểm bằng các thứ vật báu, anh lạc; tất cả đều thuộc dòng Sát-lị. Ngoài ra, những người thuộc dòng khác thì nhiều vô số.

“Này Tỳ-kheo, lúc làm vua Sát-lị Đảnh Sanh, Ta có tám vạn bốn ngàn món ăn, ngày đêm thường dọn ra cho Ta ăn.

“Này Tỳ-kheo, trong tám vạn bốn ngàn món ăn kia, có một món hết sức ngon, sạch sẽ, có vô lượng mùi vị, là món Ta thường ăn.

“Này Tỳ-kheo, trong tám vạn bốn ngàn người nữ kia có một người thuộc dòng Sát-lị, đoan chánh đẹp đẽ khác thường, hầu hạ Ta.

“Này Tỳ-kheo, trong tám vạn bốn ngàn song y kia có một chiếc áo song y, hoặc là áo sơ-ma, hoặc áo gấm, hoặc áo lụa, hoặc áo kiếp-bối [356], hoặc áo da sơn dương đen là Ta thường mặc.

“Này Tỳ-kheo, trong tám vạn bốn ngàn ngự tòa kia, có một ngự tòa làm bằng vàng, hoặc bạc, hoặc lưu ly, hoặc thủy tinh; đồ trải lên thì dùng những tấm nệm, những chiếc chiếu dệt bằng lông năm sắc; đồ phủ lên thì dùng gấm, the, sa trun, lụa là, có chăn nệm lót, hai đầu để gối, có trải thảm quý bằng da sơn dương, là Ta thường nằm.

“Này Tỳ-kheo, trong tám vạn bốn ngàn lầu quán kia, có một lầu quán làm bằng vàng, hoặc bạc, hoặc lưu ly, hoặc thủy tinh, tên là [646b] Chánh pháp điện, là nơi Ta thường ở.

“Này Tỳ-kheo, trong tám vạn bốn ngàn thành lớn kia, có một thành giàu có cùng cực, dân chúng đông đúc, gọi là thành Câu-xá-hòa-đề là chỗ ta thường ở.

“Này Tỳ-kheo, trong tám vạn bốn ngàn cỗ xe kia, có một cỗ được dùng da đủ màu của các thú như sư tử, cọp, beo dệt thành, màu sắc xen kẽ để trang hoàng, chạy rất nhanh chóng, tên là xe Nhạc thanh, Ta thường ngồi lên, đi đến các lầu quán để ngắm nhìn các vườn tược.

“Này Tỳ-kheo, trong tám vạn bốn ngàn con ngựa kia có một con màu xanh biếc, đầu như chim, gọi là ngựa Mao, là Ta thường cưỡi, đi đến các lầu quán để ngắm các vườn tược.

“Này Tỳ-kheo, trong tám vạn bốn ngàn thớt voi lớn kia, có một thớt toàn thân trắng toát, bảy chi thảy đều ngay thẳng, gọi là voi chúa Vu-sa-hạ, là Ta thường cưỡi đi đến các lầu quán để ngắm các vườn tược.

“Này Tỳ-kheo, bấy giờ Ta nghĩ: ‘Đó là nghiệp quả gì, là nghiệp báo gì, mà ngày nay Ta có đại như ý túc, đại oai đức, đại phước hựu, đại oai thần?’

“Này Tỳ-kheo, Ta lại nghĩ: Đó là ba nghiệp quả, là ba nghiệp báo, khiến ta ngày nay có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần: một là bố thí, hai là điều phục, ba là thủ hộ.”

Bấy giờ Thế Tôn liền nói bài kệ: 

Quán sát phước báo này,

Diệu thiện, nhiều ích lợi.

Tỳ-kheo, Ta quá khứ

Bảy năm tu từ tâm;

Bảy kiếp thành, kiếp hoại,

Không tái sinh cõi này.

Lúc thế gian hủy hoại,

Ta sanh trời Hoảng dục.

Lúc thế gian chuyển thành,

Ta sanh vào Phạm thiên;

Ở đó, Ta Đại phạm.

Nghìn sanh, Tự Tại thiên;

Ba sáu lần Đế Thích;

Vô lượng trăm Đảnh vương.

Sát-lị Đảnh Sanh vương,

Tối tôn trong loài người.

Đúng pháp, không dao gậy,

Thống trị cả thiên hạ.

Đúng pháp, không dối trá,

Chánh an lạc, dạy dân.

Đúng pháp, lần lượt truyền,

Khắp tất cả cõi đất.

Chỗ giàu sang, nhiều của,

Sanh vào chủng tộc ấy;

Lúa gạo thảy tràn đầy’

Thánh tựu bảy trân bảo.

 [646c]Do các phước lớn ấy,

Chỗ sanh đều tự tại.

Chư Phật ngự thế gian,

Những điều Phật ấy dạy;

Biết điều này kỳ diệu,

Thấy thần thông không ít.

Ai biết mà không tin,

Như vậy sanh trong tối.

Vì vậy hãy vì mình

Mong cầu đại phước hựu.

Hãy cung kính Chánh pháp;

Thường niệm Pháp Luật Phật.

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành. 

139. KINH TỨC CHỈ ĐẠO

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Tỳ-kheo niên thiếu vừa mới thành tựu giới hãy thường xuyên đi đến một nghĩa địa [357] mà quán sát các tướng trạng tử thi: tướng xương, tướng xám xanh, tướng rữa nát, tướng bị thú ăn, tướng bộ xương khô. Vị ấy sau khi ghi nhận kỹ những tướng trạng tử thi này rồi trở về trụ xứ của mình, rửa sạch tay chân, trải ni-sư-đàn trên giường, ngồi kiết già và suy niệm về các tướng trạng này: tướng xương, tướng xám xanh, tướng rữa nát, tướng bị thú ăn, tướng những đốt xương dính liền. Vì sao vậy? Nếu Tỳ-kheo tu tập bằng các tướng trạng này sẽ đoạn trừ nhanh chóng những bệnh tham dục, sân nhuế trong tâm.”

Rồi Đức Thế Tôn nói bài tụng này:

Những niên thiếu Tỳ-kheo,

Chưa đạt thành niệm trụ [358]

Hãy đến bãi tha ma

Để trừ dâm dục ý.

Để tâm không hận thù,

Thương yêu cả chúng sanh,

Tràn đầy khắp mọi phương.

Hãy quán sát thân thể,

Quán sát tướng xám xanh

Và rữa nát, hư hoại;

Quán sâu, quạ rỉa thân,

Xương phơi bày từng đốt.

Tu tập những tướng này,

Rồi trở về trụ xứ,

Gội rửa sạch chân tay,

Trải giường ngồi ngay thẳng;

Hãy quán sát như chân,

Trong thân và ngoài thân,

Chứa đầy đại tiểu tiện;

Tim, thận, gan và phổi,

Nếu khi đi trì bình [359]

Đến nơi thôn ấp người,

 [647a]Như tướng mang giáp trụ,

Hãy chánh niệm trước mắt.

Nếu thấy sắc khả ái

Tinh sạch, liên hệ dục;

Thấy vậy quán như chân,

Chánh niệm pháp luật Phật.

Trong đây không xương, gân,

Không thịt, cũng không máu;

Không thận, tim, gan, phổi;

Không đàm, giải, não, óc,

Địa đại thảy đều không;

Thủy đại cũng bất thực;

Hỏa đại cũng là không;

Phong đại cũng chẳng thực.

Nếu có cảm thọ nào,

Tinh sạch liên hệ dục,

Tất cả đều lắng tịnh;

Quán sát bằng thật tuệ.

Như vậy tinh cần hành.

Thường niệm bất tịnh tưởng;

Đoạn trừ dâm, nộ, si,

Vô minh cũng dứt tuyệt;

Hưng khởi thanh tịnh minh,

Tỳ-kheo vượt khổ tế.

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

140. KINH CHÍ BIÊN

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Trong sự nuôi sống, thấp kém nhất, cùng biên nhất, [360] đó là đi khất thực. Thế gian rất húy kỵ, gọi là “đầu trọc, tay ôm bình bát bước đi.” Nhưng thiện nam tử ấy vì mục đích mà chấp nhận. Lý do vì sao? Vì nhàm tởm, ghê sợ sự sanh, già, bệnh, chết, sầu bi, khóc than, ưu, khổ, áo não; hoặc để đạt đến biên tế của toàn vẹn khối lớn đau khổ này. Các ngươi há không phải với tâm như vậy mà xuất gia học đạo chăng?”

Các Tỳ-kheo bạch rằng:

“Thật sự như vậy.”

Đức Thế Tôn lại bảo các Tỳ-kheo:

“Người ngu si kia, với tâm như vậy mà xuất gia học đạo, nhưng lại sống theo tham dục, chìm đắm đến tận cùng, sự ô trược quấn chặt lấy tâm, ganh ghét, bất tín, lười biếng, mất chánh niệm, không chánh định, ác tuệ, tâm cuồng, rối loạn các căn, giữ giới hết sức lơ là, không tu Sa-môn, không phát triển rộng lớn.

“Cũng như người dùng mực để giặt những đồ bị mực dính dơ; lấy máu rửa máu, lấy dơ chùi dơ, lấy bẩn trừ bẩn, lấy phân trừ phân, chỉ tăng thêm ô uế mà thôi; bỏ chỗ mờ mịt để vào chỗ mờ mịt, bỏ chỗ tối tăm để vào chỗ tối tăm. Ta nói [647b] người ngu si kia giữ giới Sa-môn cũng lại như vậy, nghĩa là nó sống theo tham dục, chìm đắm đến tận cùng, sự ô trược quấn chặt lấy tâm, ganh ghét, bất tín, lười biếng, mất chánh niệm, không chánh định, ác tuệ, tâm cuồng, rối loạn các căn, giữ giới hết sức lơ là, không tu Sa-môn, không phát triển rộng lớn.

“Cũng như đống tro tàn giữa những que củi tàn thiêu xác người trong rừng vắng. Núi rừng không cần đến nó, thôn ấp cũng không dùng đến nó. Ta nói người ngu si giữ giới Sa-môn cũng lại như vậy, nghĩa là nó sống theo tham dục, chìm đắm đến tận cùng, sự ô trược quấn chặt lấy tâm, ganh ghét, bất tín, lười biếng, mất chánh niệm, không chánh định, ác tuệ, tâm cuồng, rối loạn các căn, giữ giới hết sức lơ là, không tu Sa-môn, không phát triển rộng lớn.”

Rồi Thế Tôn nói bài tụng:

Người ngu muội hỏng đời dục lạc,

Và hư luôn mục đích Sa-môn.

Đạo và tục cả hai đều mất,

Như tro tàn theo ngọn lửa tàn.

Như thể giữa khu rừng hoang vắng,

Xác người thiêu còn lại tro tàn;

Dù thôn ấp, núi rừng, vô dụng;

Người tham mê dục vọng không hơn.

Đạo và tục cả hai đều mất,

Như tro tàn theo ngọn lửa tàn.

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo ấy sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

141. KINH DỤ

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nếu có vô lượng thiện pháp mà có thể đạt được thì tất cả đều lấy sự không phóng dật làm căn bản, sự không phóng dật làm tập khởi, nhân không phóng dật mà phát sanh, lấy không phóng dật làm đầu. Trong các thiện pháp, không phóng dật là tối đệ nhất.

“Cũng như làm ruộng, tất cả đều nhân nơi đất, y cứ trên đất, thiết lập trên đất mới làm được ruộng. Cũng vậy, nếu có vô lượng thiện pháp mà có thể đạt được thì tất cả đều lấy sự không phóng dật làm căn bản, không phóng dật làm tập khởi, nhân không phóng dật mà phát sanh, không phóng dật làm đầu. Trong các thiện pháp, không phóng dật là tối đệ nhất.

“Cũng như hạt giống, các loại hạt giống [361], các loại thảo mộc [362], trăm giống lúa, cây thuốc được phát sanh, trưởng dưỡng, tất cả đều nhân nơi đất, y cứ trên đất, [647c] thiết lập trên đất mới được sanh trưởng. Cũng vậy, nếu có vô lượng thiện pháp mà có thể đạt được thì tất cả đều lấy sự không phóng dật làm căn bản, không phóng dật làm tập khởi, nhân không phóng dật mà phát sanh, không phóng dật làm đầu. Trong các thiện pháp, không phóng dật là tối đệ nhất.

“Cũng như trong các căn hương [363], trầm hương [364] là tối đệ nhất. Cũng như trong các thọ hương [365], xích chiên-đàn [366] là tối đệ nhất. Cũng như trong các hoa dưới nước, hoa sen xanh là tối đệ nhất. Cũng như trong các hoa trên đất, hoa tu-ma-na [367] là tối đệ nhất. Cũng như trong các dấu chân của loài thú, thì tất cả đều nhập vào trong dấu chân voi; dấu chân voi gồm chứa hết là bậc nhất; dấu chân voi ấy là tối đệ nhất, vì rất rộng, rất lớn. Cũng như thế, nếu có vô lượng thiện pháp mà có thể đạt được thì tất cả đều lấy sự không phóng dật làm căn bản, không phóng dật làm tập khởi, nhân không phóng dật mà phát sanh, không phóng dật làm đầu. Trong các thiện pháp, không phóng dật là tối đệ nhất.

“Cũng như trong các loài thú, Sư tử vương là tối đệ nhất. Ví như khi các trận cùng đấu chiến nhau thì yếu thệ [368] là thứ nhất. Cũng như các đòn tay của lầu gác, tất cả đều y cứ trên đòn dông [369], thiết lập trên dông, được duy trì bởi đòn dông, đòn dông là bậc nhất vì duy trì tất cả. Cũng vậy, nếu có vô lượng thiện pháp mà có thể đạt được thì tất cả đều lấy sự không phóng dật làm căn bản, không phóng dật làm tập khởi, nhân không phóng dật mà phát sanh, không phóng dật làm đầu. Trong các thiện pháp, không phóng dật là tối đệ nhất.

“Cũng như trong các ngọn núi, Tu-di sơn vương là bậc nhất. Cũng như trong các dòng suối, biển lớn thu nhập nước, biển lớn là bậc nhất. Cũng như trong các loại đại thân [370], A-tu-la vương là thứ nhất. Cũng như trong các loại chiêm thị [371], Ma vương là thứ nhất. Cũng như trong các loại hành dục, Đảnh sanh vương là thứ nhất. Cũng như trong các Tiểu vương, Chuyển luân vương là bậc nhất. Cũng như giữa các vì tinh tú trong hư không, mặt trăng là bậc nhất. Cũng như trong các loại vải lụa, lụa trắng tinh là thứ nhất. Cũng như trong các loại ánh sáng, ánh sáng của trí tuệ là thứ nhất. Cũng như trong các chúng hội, chúng đệ tử của Như Lai là bậc nhất. Cũng như trong các pháp hữu vi và vô vi, ái tận, vô dục, diệt tận, Niết-bàn là bậc nhất. Cũng như trong các loài chúng sanh không chân, hai chân, bốn chân, nhiều chân; sắc, vô sắc, có tưởng, không tưởng, cho đến phi hữu tưởng, phi vô tưởng, trong đó Như Lai là bậc nhất, là tối đại, là tối thượng, là tối cao, là tối tôn, là tối diệu.

“Cũng như do bò mà có sữa; nhân sữa có tô; nhân tô có sanh tô; nhân sanh tô [648a]có thục tô; nhân thục tô có tô tinh; tô tinh là bậc nhất, là lớn, là trên, là tối, là thắng, là tôn, là diệu. Cũng như thế, trong các loài chúng sanh không chân, hai chân, bốn chân, nhiều chân, sắc, vô sắc, hữu tưởng, vô tưởng, cho đến phi hữu tưởng, phi vô tưởng, trong đó Như Lai là bậc nhất, là tối đại, là tối thượng, là tối cao, là tối thắng, là tối tôn, là tối diệu.”

Bấy giờ Đức Thế Tôn nói bài tụng:

Những ai mong tài vật,

Tốt đẹp, tăng tiến nhiều,

Khen ngợi không phóng dật

Sự, vô sự, Trí nói [372].

Những ai không phóng dật,

Lợi nghĩa cả hai đời;

Đời này khéo thu hoạch;

Và đời sau thu hoạch.

Và thu hoạch đời này

Dũng mãnh quán các nghĩa

Kẻ trí tất giải thoát.

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành. [373]

 


 [1] Tùng ưu du, thung dung nhàn lạc, cực nhu nhuyến 從優遊從容閑樂極柔軟. Pāli (A. i. 145): sukhumālo parasukhumālo accanta sukhumālo, êm dịu, rất êm dịu, vô cùng êm dịu.

 [2] Duyệt-đầu-đàn 悅頭檀, Vua Tịnh Phạn, Pāli: Suddhodana.

 [3] Tán cái 繖蓋, đúng ra phải nói “bạch tán cái”, biểu hiện của vương gia. Pāli: setachattā.

 [4] Hán: thô quảng 麁 [麥+廣], mạch phạn 麥 飯, đậu canh 豆羹, khương thái 薑菜. Pāli: kaṇājakaṃ bhojanaṃ… vilaṅgadutiyaṃ, cháo tấm và sữa chua.

 [5] Hán: canh lương 粳 糧.

 [6] Đề-đế-la-hòa-tra 提帝邏惒吒; Pāli: tittirapatta (?), một loại chim trĩ, hay chim chá-cô. Kiếp-tân-xà-la 劫賓闍邏, Pāli: kapiñjala (?), chim trĩ. Hề-mễ-hà 奚米何, Pāli: haṃsa (?), chim nhạn. Lê-nê-xa 犁泥奢, Thi-la-mễ 施羅米, không tìm ra tương đương âm Pāli. Trong bản Pāli không đề cập các loại thực phẩm này.

 [7] Như ý túc 如 意 足 (Pāli: iḍhi-pāda), thường dịch là thần thông. Đây có nghĩa là quyền lực. Đoạn trên. kể bốn quyền lực của thiếu niên con nhà phú quý: gấm vóc lụa là, cung điện cho các mùa, vườn hoa tráng lệ, và thức ăn thượng hạng.

 [8] Xem  kinh 32.

 [9] Đông viên Lộc tử mẫu giảng đường 東園鹿子母講堂. Pāli: Pubbārama Migāgamātu-pāsāda, giảng đường đượcc xây dựng bởi bà Visakhā, mẹ của Miga.

 [10] Ô-đà-di 烏陀夷. Pāli: Udāyi, cũng gọi là Mahā-udāyi, hay Pandita-udāyi, con của một người Bà-la-môn ở Kapilavatthu.

 [11] Đông hà 東河. Pāli: Pubbakotthaka. Bản Pāli nói: Phật gọi ngài A-nan đi tắm.

 [12] Long tượng danh viết Niệm 龍象名曰念. Pāli: Seto nāma nāgo (Seta, bản Hán đọc là Sati).

 [13] Long trung long, vi đại long vương, vi thị thùy 龍中龍為大龍王為是誰. Pāli: Nāgo vata, bho, nāgo. “Rồng kìa, các ngài, rồng kìa!”

 [14] Nguyên Hán: hung hành 胸行, đi bằng bụng, Pāli: uragam, loài bò sát hay con rắn.

 [15] Bất dĩ thân khẩu ý hại (...) thị long 不以身口意害是龍. Pāli nói: āgum na kāroti kāyena vācāya manasā, tam ahaṃ nāgo ti brūmi, ai không làm ác bằng thân, miệng, ý; Ta nói người đó là nāga.

 [16] Long tương ưng tụng 龍相應頌.

 [17] Thuyết xứ 說 處. Pāli (A. i. 197): tīṇi kathāvatthūni, ba luận sự, cơ sở của ngôn luận. Tập dị 3 (tr. 378 c - 78 a): ba ngôn y 三言依.

 [18] Thuyết nhi thuyết 說 而 說.  Pāli: katham katheyya, có thể nói về vấn đề.

 [19] Nhân quá khứ thuyết nhi thuyết 因 過 去 說 而 說. Pāli: atītam vā addhānam ārabbha katham katheyya, có thể nói về vấn đề liên hệ thời quá khứ.

 [20] Nhân sở thuyết 因 所 說. Pāli: Kathāsampayogena, bằng sự liên hệ với ngôn thuyết.

 [21] Nhất hướng luận 一向論 (ekaṃsavyākaraṇīyam), phân biệt luận 分別論
(vibhajjhavyākaraṇīyam), cật luận 詰論(paṭipucchāvyākaraṇīyam), chỉ luận 止論 (ṭhapakaraṇīyam). Bốn trường hợp đặt câu hỏi và trả lời, bốn ký vấn (Tập dị 8, tr. 401a-11a): Nhất hướng ký vấn, phân biệt ký vấn, phản cật ký vấn, xả trí ký vấn.

 [22] Xứ phi xứ 處 非 處 (Pāli: ṭhānāṭhāna), (không được xác định là) hợp lý hay không hợp lý; sở tri 所 知 (Pāli: parikappa) (có hay không có) chủ đích; thuyết dụ 說 喻 (Pāli: aññātavāda) ngôn ngữ được chấp thuận (của bậc trí); đạo tích (Pāli:paṭipadā), thực tiễn (được xác định bằng thực tiễn hành động).

 [23] Chỉ tức khẩu hành 止 息 口 行.

 [24] Hán: bất ngữ 不 語. Có lẽ Pāli: makkha: phú, che dấu, ngụy thiện (đạo đức giải). Xem các kinh 89, 91, 122.

 [25] Hán: nghĩa thuyết pháp thuyết 義說法說. Pāli: atthavādī dhammavādī, lời nói hữu ích, lời nói đúng pháp.

 [26] Hán: giáo phục giáo chỉ 教復教止.Có lẽ Pāli: sataṃ ve hoti mantanā, được lưu ý và thật sự được khuyến cáo.

 [27] Pāli: evaṃ kho ariyā mantenti, esā ariyāna mantanā, “Các Thánh đàm luận như vậy; đó là những điều được các Thánh đàm luận”.

 [28] Hán: câu đắc nghĩa 俱 得 義, được lợi (nghĩa) cả hai đường.

 [29] Pāli: etad aññāya medhāvī na samusseyya, sau khi nhận thức được điều đó, bậc trí không nói lời khoa đại.

 [30] Hán: phi thần 非神. .

 [31] Hán: giác 覺. Pāli: vedanā.

 [32] Bản Nguyên-Minh: ba mươi bảy đạo phẩm. Bản Pāli, không có chi tiết này.

 [33] Pāli (S.iii. 82): yad anattā taṃ n’etam mama, n’eso aham asmi na m’eso attā, ti evam etaṃ yathābhūtaṃ sammappaññāya daṭṭhabbaṃ,“ cái gì là vô ngã, cần phải được nhận thức một cách như thực bằng chánh trí rằng: cái này không phải của ta; ta không phải là cái này; cái này không phải là tự ngã của ta”.

 [34] Hán: hữu tình cư, chỗ chúng sanh cư ngụ. Pāli: sattāvasā.

 [35] Hán: hữu tưởng vô tưởng xứ hành dư đệ nhất hữu 有想無想處行餘第一有, chỉ Hữu đỉnh thiên, cõi cao nhất trong tam hữu, tức cõi Phi tưởng phi phi tưởng xứ, tầng thứ tư của vô sắc định. Pāli ibid.: yāvatā sattāvasā, yāvatā bhavaggaṃ, cho đến các cảnh vức của hữu tình, cho đến chóp đỉnh của (ba) Hữu.

 [36] Vô trước 無 著, dịch nghĩa từ A-la-hán. Pāli: sukhino vata arahanta, A-la-hán thật sự an lạc.

 [37] Vô minh võng 無 明 網, Pāli: mohajāla.

 [38] Cảnh giới thất thiện pháp 境界七善法. Pāli: sattasadhammagocarā, sở hành là bảy diệu (chánh) pháp. Sớ giải: saddhā (tín), hirī (tàm), ottappaṃ (quý), bāhusaccaṃ (đa văn), āraddhavīriyatā (tinh tấn), upaṭṭhitassatitā (chánh niệm), paññā (tuệ). Xem Tập dị 17 (tr.437a), “bảy diệu pháp: tín, tàm,quý, tinh tấn, niệm, định, tuệ.”

 [39] Thất bảo giác 七覺寶. Pāli: sattaratanā, ở đây chỉ bảy giác chi: trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, niệm, định, xả.

 [40] Thập chi đạo 十 支 道, tức mười vô học chi; Tập dị 20 (Đại 26, tr.452c): 1. Vô học chánh kiến; ...; 8. Vô học chánh định; 9. Vô học chánh giải thoát; 10. Vô học chánh trí. Pāli: dasahaṅga.

 [41] Vô học trí. Pāli: asekhañāṇā.

 [42] Tối hậu thân. Pāli: antimoyaṃ samussayo.

 [43] Bất do tha 不由他, tự tri, tự chứng ngộ, không do kẻ khác. Pāli: aparapaccāya, không nương theo người khác.

 [44] Phụ chú trong bản Hán: 下一請字音慈井反 “chữ 請 sau đọc là tỉnh”. Tương đương Pāli: S. vii.7 Pavāraṇa (tự tứ).

 [45] No.61, 62 và Pāli: Xá-vệ, Đông viên, Lộc tử mẫu giảng đường (Sāvatthi, Pubbārama, Migāramātupāsāda).

 [46] No.61, ngày rằm tháng bảy.

 [47] Tùng giải thoát 從 解 脫t. Pāli: Pāṭimokkha.

 [48] Tương thỉnh thỉnh thời 相請請時, “trong khi hỏi lẫn nhau”, được dịch nghĩa như vậy, vì trong lễ tự tứ, các Tỳ-kheo chỉ điểm lẫn nhau những điều luật. Pāli: pavāraṇā. Các bản dịch khác là thọ tuế, tức sau ba tháng an cư, Tỳ-kheo được tính một tuổi hạ.

 [49] Trong bản Pāli và các bản Hán kia đều có ghi lời tự tứ của Đức Thế Tôn như vầy: “Này các Tỳ-kheo, bây giờ Ta tự tứ (tức yêu cầu chỉ điểm, hoặc nói là “thọ tuế”), các thầy có khiển trách gì Ta đối với thân, khẩu chăng?” Pl. S. i. 190: handa dāni, bhikkhave, pavāremi vo. na ca me kiñci garahatha kāyikaṃ vā vācasikaṃ vā.

 [50] Hán: tức 息, và chỉ tức 止 息.

 [51] Tri Đạo, Giác Đạo, Thức Đạo, Thuyết Đạo 知道覺道識道說道. No.63: Như Lai đã nhận thức toàn diện về Chánh đạo, tuyên thuyết hoàn hảo về Chánh đạo, khai thị Chánh đạo.

 [52] Thông tuệ 聰 慧 (Pāli: paṇḍita), đại tuệ 大 慧 (Pāli: mahāpaññā), tốc tuệ 速 慧 (Pāli: hāsapaññā), tiệp tuệ 捷 慧 (Pāli: javapaññā), lợi tuệ 利 慧 (Pāli: tikkhapaññā), quảng tuệ 廣 慧 (Pāli: putthupaññā), thâm tuệ 深 慧 (Pāli: không có tương đương), xuất yếu tuệ 出 要 慧 (Pāli: không có tương đương), minh đạt tuệ 明 達 慧 (Pāli: nibbedhikā).

 [53] Chỉ Tôn giả A-nan, bấy giờ chưa chứng đắc lậu tận.

 [54] Tam minh đạt 三 明 達, tức tam minh. Pl.: tevijjā

 [55] Câu giải thoát 俱解脫, hay Câu phần giải thoát, Pāli: ubhatobhāgavimutta, vị A-la-hán có Tuệ giải thoát đồng thời có Diệt tận định. Về Câu giải thoát, Tuệ giải thoát, xem kinh số 127 và 195.

 [56] Tuệ giải thoát, xem cht. trên.

 [57] Bàng-kỳ-xá 傍耆舍, Vangīsa, thuộc một gia đình Bà-la-môn rất thông suốt các tập Vệ-đà, do quán bất tịnh mà đắc quả A-la-hán.

 [58] Hán: tương ưng như nghĩa 相應如義. Pāli: sāruppāhi gāthāhi abhitthavi, tán thán bằng những bài kệ thích ứng.

 [59] Xem các cht. liên hệ ở kinh số 37 trên.

 [60] Tham chiếu kinh số 37 trên.

 [61] Từ đây trở xuống tương đương Pàli A. Viii.10 đã dẫn. Bản Pāli bắt đầu bằng sự kiện hai Tỳ-kheo nói xấu nhau, và khi biết được, Đức Thế Tôn nói như trong bản Hán này.

 [62] Pl. (A. iv. 171): samaṇadūsī  samaṇapalāpo samaṇakāraṇḍavo: sự sỉ nhục của sa-môn, rơm rạ của sa-môn, rác bẩn của sa-môn.

 [63] Tẫn khí 擯 棄.

 [64] Hán: uế mạch 穢 麥. No 64: ác thảo 惡草. Pl.: yavadūsī yavalāpo yavakāraṇḍavo: thứ lúa mạch đã hỏng, rơm, rác của lúa mạch.

 [65] Tắng, tật, nhuế 憎 嫉 恚, ghét, ganh tị, thù nghịch.

 [66] Bất ngữ kết 不語結. Pāli: makkhā, che giấu tội lỗi.

 [67] Sa-môn Nhị Thập Ức 沙門二十億. Pāli: Soṇa (Koḷivīsa). Ngũ Phần 21 (145a16): Thủ-lâu-na Nhị Thập Ức 首樓那二十億.  Tứ phần 38 (tr. 843b12): Thủ-lung-na 守籠那.. No.99 (254) và No125 (23.3): Nhị Thập Ức Nhĩ, do Soṇa được đọc là Sota (lỗ tai); và Koḷi được đọc là koṭi (một ức).

 [68] Ám lâm 闇林. Pl.: Andhavana, khu rừng ở phía Nam Sāvatthi). Pl. A. 6. 55: Tôn giả đang ở tại Sītavana (Thi-đà lâm, hàn lâm), một bãi tha ma ngoài thành Rājagaha.

 [69] Hán: Tỳ-kheo đắc Vô sở trước 比 丘 得 無 所 著; Pāli: bhikkhu arahaṃ, vị Tỳ-kheo là A-la-hán.

 [70] Hán: hữu kết dĩ giải 有 結 已 解; Pāli: parikkhīṇabhavasaṃyojano (tận chư hữu kết), đã diệt tận hoàn toàn các phiền não trói buộc dẫn tới tái sinh.

 [71] Hán: tự đắc thiện nghĩa 自得善義, tự mình đã đạt mục đích; Pl: anuppattasadattho (đãi đắc kỹ lợi), đã đạt đến mục đích tối cao, chí thiện.

 [72] Hán: lạc thử lục xứ 樂 此 六 處. Pāli: cha thānāni adhimutto, quyết định trong sáu trường hợp.

 [73] Vô dục 無欲, viễn ly 遠離, vô tránh 無諍, ái tận 愛盡, thọ (=thủ) tận 受盡, tâm bất di động 心不移動. Pāli: nekkhama, paviveka, abyāpajjh, taṇhākkhayā, upādanakkhaya (đã, assammohā (vô si).

 [74] Pāli: nekkhamma, xuất ly, xuất gia.

 [75] Pāli: avyāpajjha, không não hại, không thù nghịch.

 [76] Hán: tức căn 息根. Pāli: santacitta, tâm tịch tịnh.

 [77] Hán: tác dĩ bất quán 作已不觀. Pāli: katassa paṭicayo n’atthi, không có sự làm thêm đối với điều đã làm.

 [78] Pāli: iṭṭhā dhammā aniṭṭhā ca, các pháp khả ái và không khả ái.

 [79] Bát nạn 八難. Pāli: atth’ akkhaṇā, tám trường hợp không may mắn, không gặp vận, bất hạnh.

 [80] Phi thời 非時. Pāli: asamaya, không đúng lúc, trái thời.

 [81] Trường thọ thiên 長夀天. Pāli: dīghāyukaṃ devanikāyaṃ. Sớ giải: asaññaṃ devanikāyaṃ sandhāya vuttaṃ, chỉ trời Vô tưởng.

 [82] Trong này kể gồm luôn cả súc sanh (tiracchānayoniṃ), ngạ quỷ (pettivisayaṃ), Trường thọ thiên (dīghāyakaṃ devanikāyaṃ), và biên địa (paccantimesu janapadesu).

 [83] Hán: trung quốc 中國. Pāli: majjhimesu janapadesu, chỉ những nước ở trung bộ Ấn-độ.

 [84] Như dương minh 如 羊 鳴. Pāli: eḷamūga, vừa điếc vừa câm.

 [85] Nhật thân 日親, bà con của mặt trời, chỉ dòng họ Thích. Pl.: diccabandhu.

 [86] An lạc trong đời này (diṭṭhadhamomahitatthāya) và trong đời sau (samparāyasukhāya).

 [87] Mãn cụ thường khí lạc 滿具常棄樂. Pāli: ekodi nipako sato, chuyên nhất, cẩn thận, có chánh niệm.

 [88] Vô thực lạc 無食樂. Pāli: nirāmisam sukham, sự an lạc không do vật chất.

 [89] Bất động tâm giải thoát 不動心解脫. Pāli: akuppā me vimuttī.

 [90] Vô trần an 無塵安. Pāli: virajam khema, sự an ổn không dính bụi.

 [91] Bản Hán, hết quyển 29.

 [92] Hành dục (nhân) 行欲人. Pāli: kāmabhogī, người hưởng thụ dục lạc.

 [93] Bản Pāli không có kệ tụng.

 [94] Phước điền nhân 福田人. Pāli: dakkhiṇeyya, người xứng đáng được cúng dường.

 [95] Học nhân 學人, chỉ các bậc Thánh dưới A-la-hán quả, vì còn phải học. Pāli: sekha.

 [96] Vô học nhân 無學人, chỉ vị đắc quả A-la-hán, không cần phải học nữa. Pāli: asekha.

 [97] Tín hành, hay Tùy tín hành; Pháp hành hay Tùy pháp hành; Tín giải thoát hay Tín thắng giải; Kiến đáo hay Kiến chí và Thân chứng. Xem kinh số 195.

 [98] Gia gia 家 家 (Pāli: Kolaṅkola), những vị chứng quả Dự lưu (Sotāpanna) phải thọ sanh từ nhân gian lên thiên thượng hay từ thiên thượng xuống nhân gian, trước khi chứng đắc Niết-bàn. Nhất chủng 一 種 (Pāli: Ekabīja), những vị chứng quả Dự lưu chỉ tái sanh một lần trước khi đắc Niết-bàn. Cả hai hạng này thuộc Nhất lai hướng hay Tư đà hàm hướng (Sakadāgāmimagga), tức từ Dự lưu quả hướng đến Nhất lai quả.

 [99] Năm hạng A-na-hàm (Ngũ bất hoàn 五 不 還) xem Tập Dị 14 (tr. 425 c-26 c): 1. Trung Bát-niết-bàn (Pāli: antaraparinibbāyī), nhập Niết-bàn ngay sau khi vừa thác sanh lên Tịnh cư thiên (Niết-bàn với thân trung hữu, theo Hữu bộ); 2. Sanh bát Niết-bàn (Pāli: upahacca-parinibhāyī: tổn hại bát-niết-bàn): thác sanh Tịnh cư thiên một thời gian mới nhập Niết-bàn; 3. Hữu hành Bát-niết-bàn (Pāli: sasaṅkhāra-parinibbāyī): thác sanh thượng giới, tinh tấn tu tập mới nhập Niết-bàn; 4. Vô hành Bát-niết-bàn (Pāli: asaṅkhāra-parinibhāyī): không cần tinh tấn tu tập nữa; 5. Thượng lưu sắc cứu caùnh (Pāli: uddhaṃsota-akaniṭṭhagāmī), lần lượt tái sinh qua các cõi từ sơ thiền, cho đến tầng cao nhất của Sắc giới, nhập Niết-bàn tại đó.

 [100] Đối chiếu với sáu hạng A-la-hán trong luận Câu-xá 25 (No.1558, tr.129a, tt.): 1. Thối pháp (thối bất thối), gặp nghịch duyên bị sụt xuống các bậc Thánh thấp hơn; 2. Tư pháp, mong cầu Vô dư Niết-bàn cấp thời vì sợ thối thất; 3. Hộ pháp (hộ tắc bất thối, bất hộ tắc thối), do thủ hộ mà không bị thối thất; 4. An trụ pháp (thật trụ), không bị chi phối nghịch duyên để thối thất, nhưng không tiến tới; 5. Kham đạt pháp (thăng tiến), có khả năng tiến tới bất động tánh. 6. Bất động tánh căn cơ mãnh lợi, không bị chi phối bởi bất cứ duyên gì.

 [101] Bản Pāli và No.99 (992) không đề cập đến các chi tiết, chỉ nói đại cương hai hạng phước điền và bài tụng.

 [102] Bạch y Thánh đệ tử 白衣聖弟子. Pāli: gihi odātavasana, tại gia áo trắng.

 [103] Bốn tăng thượng tâm 增 上 心, ở đây chỉ bốn chứng tịnh hay bốn bất hoại tín, (xem Pháp uẩn 2, No.1537, tr. 460a). Pāli: cataro ābhicetasikā dhammā; xem đoạn dưới.

 [104] Thiện hộ hành ngũ pháp 善護行五法. Pāli: pañcasu sikkhāpadesu saṃvutta- kammanto, hoạt động được phòng hộ trong năm điều học, tức hộ trì năm giới.

 [105] Bất dĩ thâu sở phú thường tự hộ kỹ 不以偷所覆常自護已, không bị ám ảnh bởi việc ăn trộm. Sau khi thường tự giữ gìn... Câu này bất thường so với các nơi khác cũng trong bản Hán này. Ở đây dịch theo thông lệ của các trường hợp kia.

 [106] Hữu tiên phạt, khủng bố 有鞭罰恐布, roi vọt và đe dọa; hai hạng nữ không là vợ hay con của ai, nhưng một hạng được pháp luật vua gìn giữ; và một hạng vốn là nô tì được chủ gìn giữ.

 [107] Người nữ đã hứa hôn.

 [108] Nghĩa là, do có bốn tăng thượng tâm (catunnaṃ ābhicetasikānaṃ) mà sống an lạc ngay trong hiện tại (diṭṭhadhammavihārānaṃ).

 [109] Hán: niệm Như Lai 念如來; Pāli: buddhe aveccappasādena samannāgato, thành tựu niềm tin không dao động đối với Phật. Có bốn niềm tin bất động, gọi là bốn chứng tịnh hay bất hoại tín; xem đoạn tiếp của kinh.

 [110] Hán: niệm Pháp. Pāli: dhamme aveccappasādena samannāgato, thành tựu niềm tin bất động nơi Pháp.

 [111] Thường hữu 常有; đây được hiểu là pháp không lệ thuộc thời gian; Pl. akāliko.

 [112] Niệm Tăng. Pāli: saṅhge aveccappasdēna samannāgato.

 [113] thiện thú hướng, chánh thú hướng, như lý hành, pháp tùy pháp hành 善趣 正趣 向法次法 順行如法. Pl. thành cú: suppaṭipanno, ujuppaṭipanno, ñāyappaṭipanno, sāmīcippaṭianno.

 [114] Tự niệm thi-lại 自 念 尸 賴. Pāli: ariyakantehi sīlehi aveccappasādena samannāgato, thành tựu các học giới mà Thánh ái mộ.

 [115] Nguyên trong bản: thi-lại 尸賴; Pl.: sīla.

 [116] Hán: tiên thí ư tức tâm 先施於息心, bố thí cho người có tâm tịch tĩnh trước hết. Pāli: santesu paṭhamaṃ dinnā.

 [117] Mang sắc ái lạc sắc 尨色愛樂色. Pāli: kammasāsu sarūpāsu, (những con bò) có đốm hay cùng màu. Hình như bản Hán đọc là surūpa thay vì sarūpa.

 [118] Thất oán gia pháp 七怨家法. Pāli (A. iv. 94): sattime dhammā sapattakantā sapattakaraṇā, bảy pháp được kẻ thù yêu thích, tạo thành kẻ thù.

 [119] Sắc, đây chỉ màu da. Pāli: vaṇṇa.

 [120] Ca-lăng-già-ba-hòa-la-ba-già-tất-đa-la-na 加陵伽波和邏波遮悉多羅那 phiên âm. Pāli: kadalimigapavara-paccattharaṇa. Cf. Phiên Phạn ngữ 10, No.2130, tr. 1051b:Ca-lăng-già: tên xứ. Ba- hòa-la: dịch là ác. Ba-già-tất-đa-la-na: dịch là áo gối .

 [121] Đàm-di 曇彌. Pāli: Dhammika thera, nguyên là một Bà-la-môn ở Kosala, quy Phật vào lúc rừng Jetavana được cúng.

 [122] Sanh địa tôn trưởng 生地尊長. Pāli: jātibhūmiyaṃ āvasiko, người cựu trú tại sinh quán.

 [123] Phật-đồ chủ 佛圖主, có lẽ muốn nói Phật tháp. Bản Pāli: āvāsiko sattasu āvāsesu, là người cựu trú trong bảy trú xứ (ở địa phương). Hình như tất cả đều do Dhammika làm chủ.

 [124] Bản Hán: sanh địa chư Tỳ-kheo 生地諸比丘. Bản Pāli: āgantukā bhikkhū, các Tỳ-kheo khách.

 [125] Bản Pāli nói: Bị xua đuổi, Tôn giả đến một tinh xá khác cũng trong địa phương. Nhưng vừa đđến Tôn giả lại mắng nhiếc các Tỳ-kheo ở đó, họ lại bỏ đi và Tôn giả lại bị các Cư sĩ kéo đến xua đuổi. Cứ như vậy, Tôn giả sống bảy nơi tất cả tại địa phương (sabbaso jātibhūmiyam sattasu āvāsesu). Cuối cùng, Tôn giả phải tìm đến Đức Phật tại Rājagaha, núi Gijjhakūta.

 [126] Cao-la-bà 高羅婆. Pāli: Koravya, trong các truyện bản sanh thường được nói là vua của bộ tộc Kuru.

 [127] Bản Cao-li không có chữ thọ. Ba bản Tống-Nguyên-Minh đều có.

 [128] Thiện trụ ni-câu-loại thọ vương 善住尼拘類樹王. Pāli: Suppatiṭṭha nigrodharājā.

 [129] Thiên đế Thích. Pāli: Sakka devānam Inda.

 [130] Câu-dực 拘翼. Pāli: Kosika, biệt danh Thiên Đế Thích.

 [131] Tác như kỳ tượng như ý túc. Pāli: tathārūpaṃ iddhābhisaṃkhāraṃ abhisaṃkhāsi, thực hiện một loại thần thông như thế.

 [132] Thọ thiên pháp 樹天法. Pāli: rukkhadhamma, đây hiểu là đạo lý tự nhiên của cây.

 [133] Đại sư Thiện Nhãn 大師善眼. Pāli: Sunetto nāma satthā, một trong sáu vị tôn sư cổ đại, thường được kể trong các mẫu truyện cổ Phật giáo.

 [134] Phạm thế pháp 梵世法, pháp dẫn đến đời sống trên Phạm thiên. Pāli: brahama-lokasahavyatāya dhamma.

 [135] Hán: Phạm thất 梵室.

 [136] Danh sách sáu Đại sư thời cổ: Mâu-lê-phá-quần-na 牟犁破群那, Pāli: Mūgapakkha; A-la-na-giá Bà-la-môn阿羅那遮婆羅門, Pāli: Aranemi; Cù-đà-lê-xá-đa瞿陀梨舍哆, Pāli: Kuddālaka; Hại-đề-bà-la Ma-nạp害提婆羅摩納, Pāli: Hatthipāla; Thù-đề-ma-lệ Kiều-tì-bà-la 儲提摩麗橋鞞陀邏, Pāli: Jotipāla govinda. Thất (Tát-đa) Phú-lâu-hề-đa 七富樓奚, Pāli: Satta Purohita, vị này không được kể trong danh sách, A. iii. 373.

 [137] Pāli: Nāham (....) ito bahiddā evarūpam khantim vādāmi. Ngoài sự nhẫn nại này, ta nói không còn sự nhẫn nại nào như vậy nữa.

 [138] Sunetta, xem chú thích trên.

 [139] Hán: tất đắc thọ ác sắc 必得受惡色. Pāli: na sādhurūpaṃ āsīde, chớ công kích người (có sắc diện) đoan chánh. Có lẽ Hán hiểu āsīde (công kích) là “hãy ngồi gần” do gốc động từ sīdati, ngồi.

 [140] Bản Pāli: sattamo puggalo eso, ariyasaṅghassa vuccati, người ấy (xả bỏ tà kiến) được nói là cao cả trong hàng Thánh chúng. Hình như bản Hán hiểu ngược lại?

 [141] Nguyên bản Hán hoiư tối nghĩa. Đay phong theo Pāli: tādisam bhikkhum āsajja, pubbeva upahaññati, ai công kích Tỳ-kheo (dù chưa ly dục nhưng đã có ngũ diệu căn: tín, tấn v.v...) như vậy, nó bị tai họa trước.

 [142] Ngạc sơn, Bố lâm: xem kinh 74. No 66: Bạt-kì Thi-mục-ma-tỉ-lượng Lộc dã viên. 跋祇尸牧摩鼻量鹿野園. No 67: Phần-kì quốc, Diệu hoa sơn, Khủng cụ tụ, Lộc uyển 焚祇國妙華山恐懼聚鹿苑.  

 [143] No.66: tác quật 作窟, làm cái hang (cho Phật). cũng nói dữ kiện này. No.67 và Pāli không có.

 [144] Giác-lịch-câu-tuân-đại 覺礫拘荀大. No.66: Câu-lâu-tôn 拘樓孫. No.67: Câu-lâu-tần 拘樓秦. Pāli:Kakusandha.

 [145] Ác 惡. No.66: xúc nhiễu ma 觸嬈魔. No.67: Sân Hận 瞋恨. Pāli: Dūsī.

 [146] No.66 cũng nói là muội. No.67 nói là tỷ, chị. Pāli: bhaginī.

 [147] Hắc 黑. No.67: Yểm hắc 黤黑. Pāli: Kālī.

 [148] Âm 音; Pāli: Vidhura. No 67: Hồng Âm 洪音. No 66: Tì-lâu (âm thanh)  Tát-nhã 毗樓(音聲)薩若, hai người kể chung.

 [149] Tưởng 想; Pāli: Sañjīva. No 67: Tri Tưởng 知想.

 [150] Trong bản: da-duy 耶維.

 [151] Thử Hiền giả cánh phục tưởng 此賢者更復想; Pāli: ayaṃ samaṇo... svāyaṃ paṭisañjīvito, “sa-môn này tự mình sống lại.” Ở đây, sañjīva: người còn sống; bản Hán đọc là saññīva (Skt. sajñīva); người còn có tưởng.

 [152] Dĩ hắc sở phược 以黑所縳. Pāli: kaṇhā bandhupādāpacca, đen điu, nòi giống ti tiện (sinh từ bàn chân của bà con của Phạm thiên). Trong bản Hán, bandhu, bà con, được đọc là bandha, sự cột trói.

 [153] Cố dịch sát: học thiền, tứ, tăng tứ, sác sác tăng tứ 學禪伺增伺數數增伺. Pāli: jhāyanti, pajjhāyanti, nijjhāyanti, apajjhāyanti (chúng nó thiền, chúng nó thiền trầm ngâm, chúng nó thiền đắm đuối, chúng nó thiền si dại). Hán tăng tứ thường dịch chữ abhijjhā, tham cầu (theo nghĩa, dòm ngó tài sản người khác), được hiểu cùng gốc động từ jhāyati: thiền hay tư duy.

 [154] Nguyên Hán: hưu hồ 鵂 狐, có lẽ chính xác là con hưu lưu 鵂 鶹, loại cú tai mèo, bắt chuột. Pāli: ulūka, con cú.

 [155] Hạc điểu 鶴鳥, chính xác nên hiểu là con sếu; nhưng bản Pāli: kotthu nadītīre, con giả can bên bờ sông.

 [156] Bản Pāli: nhập vào một cậu bé (aññataraṃ kumārakaṃ anvāvisitvā).

 [157] No.66: danh A-tỳ-nê-lê. Có lẽ, Vô khuyết tức Vô gián, hay A-tỳ (Avici). Bản Pāli không nói tên địa ngục gì.

 [158] Bản Pāli chỉ có ba tên: chaphassāyataniko, địa ngục sáu xúc xứ; saṅkusamāhato, địa ngục cọc sắt; paccattavedaniyo, địa ngục thọ khổ các biệt.

 [159] Bốn câu trở lên nói đời sống châu Bắc Câu-lô.

 [160] Hai câu nói về trời Tứ thiên vương, ở ngay sườn núi Tu-di (Sineru).

 [161] Nói về cõi trời Tam thập tam thiên hay Đao lợi thiên (Tavatimsa), ở trên chóp Tu-di. Từ đây trở xuống, nói về các cõi cao hơn.

 [162] Hán: Hoảng dục; danh từ bình thường, không chỉ trời Quang âm ở Nhị thiền thiên.

 [163] Trong một tiền kiếp, Đế Thích cúng dường nhà cửa cho Sa-môn. Do đó, còn có tên là Vāsava.

 [164] Tỳ-xà-diên. Pāli: Vejayanta (Chiến thắng), được gọi như vậy vì xuất hiện khi Thiên Đế Thích chiến thắng A-tu-la (Asura).

 [165] Tức Tôn giả Đại Mục-kiền-liên. Xem chú thích ngay dưới.

 [166] Thiên đế Thích (Sakka) được Phật giảng cho về ái tận giải thoát. Trở về cung điện, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên muốn biết Sakka có hiểu hay không, nên tìm đến điện Vejayanta. Thiên đế Thích từ chối trả lời. Khi Tôn giả thấy đời sống hưởng thụ của Thiên đế Thích cho rằng quá đáng, nên bấm ngón chân cái, làm rung động điện Vejayanta, Thiên Đế Thích hoảng sợ (xem M.37).

 [167] Na-du-đá, Pāli: nahuta hay nayuta, đơn vị đo đường dài. Nhưng trong đây không rõ ý gì.

 [168] Xem chú thích 25 trên.

 [169] Phật nói về ái tận giải thoát cho Đế Thích tại giảng đường Lộc tử mẫu.

 [170] Đế Thích được coi như đắc Tu-đà-hoàn, sau khi nghe Phật nói kinh Sakkapañhā (Pāli: D.21, Hán No.1914).

 [171] Bản Hán, hết quyển 30.

 [172] Câu-lâu-sấu 拘 樓 瘦. Pāli: Kurūsu, giữa những Kuru. No 68: Câu-lưu quốc 拘留國. No 69: Câu-lô thành 俱盧.

 [173] Thâu-lô-tra 鍮 蘆 吒. No.69: Đổ-la tụ lạc 睹羅聚落. No.68: từ Câu-lưu quốc đến Chú-la-âu-tra quốc 黈羅歐吒國. Pāli: một làng của người Kuru tên là Thullakoṭṭihika.

 [174] Thi-nhiếp-hòa viên 尸 攝 惒 園. Pāli: Siṃsapāvana, rừng cây siṃsapa.

 [175] Hán: bỉ ư thử thế… tự tri tự giác tự tác chứng thành tựu du. Pāli, thành cú: so imaṃ lokaṃ sadevakaṃsayaṃ abhiññā sacchikatvā pavedeti, “Vị ấy sau khi bằng thắng trí tự mình chứng nghiệm thế giới này bao gồm chư Thiên… rồi thuyết minh”.

 [176] Hán: cụ túc thanh tịnh, hiển hiện phạm hạnh 具足淸淨顯現梵行. Pāli, thành cú: kevalaparipuṇṇaṃ parisuddhaṃ brahmacariyaṃ pakāseti, Ngài nêu sáng đời sống phạm hạnh tuyệt đối hoàn hảo, tuyệt đối trong sạch.

 [177] Lại-tra-hòa-la Cư sĩ tử 賴吒惒羅居士子. Pāli:Raṭṭhapālo nāma kulaputto. No 69: Hộ Quốc 護國.

 [178] Hán: vị hắc sở phược 為黑所縳. Pāli, thành cú: kaṇhā bandhupādapaccā, đen điu, sinh từ dưới bàn chân của bà con ta. Nhưng bản Hán đọc là kaṇhābandha…. Xem cht. 11 kinh 31.

 [179] Tì-hê-lặc 鞞 醯 勒. Pāli: vibhīṭaka, cây xuyên luyện (Terminalia belerica), có thể dùng quả nó làm thuốc.

 [180] Câu-lao-bà; tên vua, chủ khu vườn nai mà Lại-tra-hòa-la đang trú. Xem No(160), kinh “A-lan-na” sau. Pāli: Koravya.

 [181] Hán: Lại-tra-hòa-la tộc tánh tử: Lại-tra-hòa-la, con trai nhà tông tộc, hay con nhà gia thế.

 [182] Bốn sự kiện theo No.69: lão, bệnh, ái, tử. No.68: đại loại như vậy. Pāli và bản Hán này tương đồng về đại cương.

 [183] Pl. (M. ii. 67): atāṇo loko anabhissaro’ti, thế gian này vô hộ, vô chủ.

 [184] Hán: thú hướng lão pháp 趣向老法. Pāli: upaniyyati loko addhuvo ti, thế gian này không bền vững, bị lôi cuốn đi.

 [185] Pāli: assako loko sabbaṃ pahāya gamanīyan ti, thế giới này không sở hữu; cần xả bỏ tất cả khi ra đi. Trong bản Hán, assaka, “không có sở hữu” được đọc là asassaka, “không thường hằng”.

 [186] Hán: vi ái tẩu sứ 為愛走使. Pāli: ūno loko atitto taṇhādāso ti, thế gian này thiếu thốn, không thỏa mãn, nô lệ của khát ái.

 [187] Bát-(thâu?)-la-khiên-đề Ma-ha-năng-già 鈢(鍮)邏騫提 摩訶能伽, không rõ tên của cái gì. Hoặc giả là tên một con voi chúa (Ma-ha-năng-già: mahānāga).

 [188] Hán: phong bệnh 風 病. Pāli: anusāyiko ābādho, bệnh thống phong mạn tính.

 [189] Bản Hán, hết quyển 31.

 [190] Na-nan-đà 那難陀. Pāli: Nāḷandā.

 [191] Ba-bà-ly nại lâm 波婆離柰林. Pāli: khu rừng xoài của Pāvārika, của một đại phú tại Nālānda (Na-nan-đà), một thị trấn ở gần Rājagaha.

 [192] Trường Khổ Hạnh Ni-kiền 長苦行尼犍. Pāli: Dīghatapassī-nigaṇṭha, một đệ tử của Nigaṇṭha-Nātaputta (Ni-kiền Thân Tử).

 [193] Ni-kiền Thân Tử 尼 犍 親 子, Nigaṇṭha-Nātaputta.

 [194] M. i. 371: kati…kammāni paññapeti pāpassa kammassa kiriyāya pāpassa kammassa pavattiyā’ti, có bao nhiêu nghiệp để thi hành ác nghiệp, để tiến hành ác nghiệp?

 [195] Tam phạt: thân phạt, khẩu phạt, ý phạt  三罰身罰口罰意罰. Pl.: tīṇi daṇḍāni paññapeti- kāyadaṇḍaṃ vacīdaṇḍaṃ manodaṇḍaṃ.

 [196] Sở tác trí biện, thông minh quyết định, an ổn vô úy, thành tựu điều ngự, đãi đắc biện tài đắc cam lộ tràng, ư cam lộ giới, tự tác chứng thành tựu du 所作智辯, 聰明決定, 安隠無畏, 成就調御, 逮得辯扌, 得甘露幢, 於甘 露 界, 自作證成就遊. Lời khen ngợi này cũng giống như lời khen ngợi giữa Tôn giả Xá-lợi-phất và Mãn Từ Tử trong kinh số 9 trên.

 [197] Ưu-ba-ly cư sĩ 優 波 離 居 士, đệ tử tại gia của Ni-kiền Thân Tử. Pāli: Upāli- gahapati.

 [198] Chấp trường mao dương 執 長 髦 羊. Pāli: dīghalomikaṃ eḷakaṃ lomesu gahetvā, túm lấy lông của con dê có lông dài.

 [199] Cô tửu sư 沽酒師 (nhà bán rượu). , TNM: 酤; Pāli, gồm hai thí dụ: balavā soṇḍikākammakaro, lực sĩ nấu ruợu; và balavāsoṇḍikādhutto, lực sĩ say rượu.

 [200] Kiêu ngạo Ma-ha-năng-già 憍傲摩訶能加. Không rõ Pāli; nhưng Sanskrit có thể là pramādana-mahānāga, con voi chúa say rượu; thay vì pra-māna- (kiêu mạn). Thí dụ này, trong bản Pāli: (…) kuñjaro saṭṭhihāyano, con voi già sáu mươi tuổi.

 [201] Pāli: sace kho tvaṃ gahapati sacce patiṭṭhāya manteyyāsi siyā no ettha kathāsallāpo ti, “nếu ông an trú trên sự thật mà tư duy thì ở đây có thể có hội thoại của chúng ta”.

 [202] Pāli: Nigaṇṭha hành bốn cấm giới (cātuyāmasaṃvarasaṃvutto) và kiêng cử nước (sabbavārivārito).

 [203] Hán: 思, và vô tư. Pāli: cetana; và asañcetanika.

 [204] Hán, tức ý nghiệp. Pāli: cetanaṃ manodaṇḍaṣmiṃ, tư tức ý phạt.

 [205] Pāli: (…) nigaṇṭho ābādhika… sītodakapaṭikkhito uṇhodakapaṭisevī, có người Ni-kiền bệnh… không uống nước lạnh, mà chỉ uống nước nóng. Sớ giải Pāli: Vì nghĩ trong nước lạnh có chúng sanh nên không dùng.

 [206] Ý trước (thiên) 意著天. Pāli: manosattā devā. Sớ giải: manamhi sattā laggālaggitā, những chúng sanh bị dính mắc, dính chặt trong ý (manas).

 [207] Đại-trạch vô sự, Kỳ-lân vô sự, Mi-lộc vô sự, Tĩnh tịch vô sự, Không dã vô sự 大澤無事, 麒麟無事, 麋鹿無事, 靜寂無事, 空野無事. Tham chiếu dẫn chứng của Duy thức nhị thập luận (tr.77a11): rừng Đàn-trạch-ca彈 [*]<gaiji cb='CB0062' des=' [口*宅]' uni='54A4' >咤</gaiji>迦林, rừng Mạt-đắng-già 末蹬伽林, rừng Kiết-lăng-già 羯 [03]陵伽林. Những khu rừng này trước kia vốn là những đô thị trù phú, nhưng do sự phẫn nộ của các đạo sĩ, chúng trở thành rừng xanh. Pāli: Daṇḍakāraññaṃ, Kāliṅgāraññaṃ, Mejjhāraññaṃ, Mātaṅgāraññaṃ.

 [208] Hán: mặc nhiên hành…; Pāli: manasi karohi…manasi karitvā vyākarohi: hãy suy nghĩ chín chắn. Suy nghĩ  chín chắn rồi hãy tuyên bố.

 [209] Thắng nhân 勝 人. Pāli: ñāta-nanussa, nhân vật nổi tiếng, vì Upāli vốn là nhân vật nổi tiếng.

 [210] Pl.: dīgharattaṃ kho te nigaṇṭhānaṃ opānabhūtaṃ kulaṃ, trong thời gian dài gia đình ông là nguồn nước cung cấp cho các Nigaṇthā.

 [211] Nguyện vô vi dã  願無為也. Không rõ nghĩa chính xác.

 [212] Đoan chánh pháp 端正法. Pāli: anupubbikathā, thuận tự pháp thoại.

 [213] Hán: trung môn 中門. Pāli: majjhimāya dvārasālāya, căn nhà (phòng) giữa có trổ cửa lớn.

 [214] Hán: bão 抱. TNM: thí 施.

 [215] Đoạn uế 斷穢. Pl. pabhinnakhīlassa, (của vị) diệt trừ hoang dã; khai khẩn đất. hoang. So2ứ giả: diệt năm tâm hoang vu, xem No 1(8) kinh Phúng tụng, Tập dị 12, tr. 416b29: ngũ tâm tài 五心栽.

 [216] Vô khúc 無曲. Pl.: akathaṃkathissa, (của vị) đã dứt trừ nghi hoặc.

 [217] Thất Tiên 七仙, Đức Thích-ca cũng được xưng hiệu là Đệ Thất Tiên. Pl.: isisattamassa.

 [218] Nguyên Hán: tam đạt 三達. Pl.: tevijjā.

 [219] Tịnh dục 淨浴. Pl.: nhātakassa, vị đã tắm sạch phiền não, thừong dùng mô tả vị A-la-hán.

 [220] Tuệ như địa 慧如地. Pl.: bhūripaññassa, Sớ giải: trí tuệ rộng lớn bao la như quả đất (pathavīsamāya paññāya vipūlāya mahantāya).

 [221] Hán: đoạn vọng 斷望. Pl.: taṇhacchindassa, (của vị) đã cắt đứt khát ái.

 [222] Như khứ 如 去, cùng nghĩa với Như Lai. Đối với Niết-bàn mà nói là Như Lai, đối với sanh tử mà nói là Như khứ.

 [223] Ba-hòa quốc 波 惒 國.Tức Pāli: Pāva; xem kinh số 196.

 [224] Bản Hán, hết quyển 32.

 [225] Ma-kiệt-đà 摩竭陀;  XE "Ma-kieät" Pāli: Magadha. XE "Magadha"  Vương xá thành 王 舍 城; Pāli: Rājagaha. Nại lâm 奈林; No.1(14) Am-bà菴婆菴婆羅村, Pāli: Ambasasaṇḍa. Nhân-đà-la thạch thất 因陀 羅石室; No.1(14) Nhân-đà-sa-la khốt (quật) 因陀娑羅窟; No 15: Đế thích nham 帝釋巖. Pāli: Indasāla-gūha. XE "Indasaøla-guøha"  Tì-đà-đề 鞞陀提; No.1(14) Ty-đà sơn毘陀山;  No 15: Tỳ-đề-hê sơn 毘提呬
<lb n="0246b11"/>山Pāli: Vediyaka.  

 [226] Thiên Vương Thích 天王釋 hay Thiên đế Thích 天帝釋; Pāli: Sakka devānam inda.

 [227] Ngũ Kết nhạc tử 五結樂子; No.14 Chấp nhạc thần Ban-giá-dực執樂神般遮翼. No.15: Ngũ Kết Càn-thát-bà vương tử五髻乾闥婆王子. Pāli: Pañcasikha Gandhabbaputta.

 [228] Lưu ly cầm 琉璃琴. No 15: lưu ly bảo trang nghiêm không hầu 瑠</gaiji>璃寶裝箜篌, đàn không hầu làm bằng lưu ly. Pl.: beluvapaṇḍuvīṇa.. 

 [229] Dục tương ưng kệ, Long tương ưng kệ, Sa-môn tương ưng kệ, A-la-ha tương ưng kệ 欲, 龍, 沙門, 阿羅訶相應偈. Pāli: buddhūpasaṃhitā dhammūpasaṃhitā saṅghūpasaṃhitā arahantūpasaṃhitā kāmūpasaṃhitā, nói về Phật, về Pháp, về Tăng, về A-la-hán, về dục.

 [230] Hán: Hiền 賢. No.1(14) Bạt-đà 跋 陀. Pāli: Bhaddā, con gái của Timbaru, Chấp nhạc Thiên vương.

 [231] Hán: nguyệt cập Đam-phù-lâu 月及耽浮 樓.Pāli: (…) Timbaraṃ Suriyavaccase, (cha nàng) Timbara, (và nàng thì) rực rỡ như mặt trời.

 [232] Hán: kim túc sa 金 粟 沙. Pāli: kiñjakkha, tơ sen hay nhụy sen.

 [233] Hán: long tượng 龍象.

 [234] Pāli: amataṃ muni jigīsāno, (như) tu sĩ khát vọng sự bất tử (hay cam lộ).

 [235] Các từ Mâu-ni ở đây chỉ chung các ẩn sĩ, hay tu sĩ; không chỉ riêng Đức Thích-ca Mâu-ni. Xem thêm chú thích trên.

 [236] Trong nguyên bản: cúng dường chư Vô trước.

 [237] Nhật chi thân 日 之 親. Pāli: Ādicca-bandhu, bà con của mặt trời, chỉ Đức Thích Tôn; theo truyền thuyết, dòng họ Thích xuất thân từ Mặt trời.

 [238] Đại Tiên Nhân 大 仙 人. Pāli: Mahesi. Chỉ Phật.

 [239] Uất-bệ-la 鬱 鞞 羅. Pāli: Uruvela, tên thôn; phía Nam Bồ-đề đạo tràng.

 [240] Ni-liên-thiền hà 尼連禪河. Pāli: Nerañjarā, chi lưu của sông Hằng, cách chỗ Phật thành đạo khoảng một dặm.

 [241] A-xà-hòa-la-ni-câu-loại 阿闍惒羅尼拘類. Pāli: Ajapāla-Nigrodha, tức cây bồ-đề.

 [242] Đam-phù-lâu Nhạc vương 耽浮樓樂王. Pāli: Timbaru-Gandhabba-rāja.

 [243] Hiền Nguyệt Sắc 賢月色. Pāli: Bhaddā Suriya-vaccasā, nàng Bhaddā lộng lẫy như mặt trời.

 [244] Kết Ma-đâu-lệ ngự xa tử 結摩兜麗御車子. No.1(14): Thi-hán-đà, Thiên đại tướng tử尸漢陀天大將子; Pāli:, Sikkhandi, vốn là con trai của thần đánh xe (saṭthāhakassa putto) Mātali XE "Maøtali" . 

 [245] Câu-dực 拘 翼, cũng gọi la Kiêu-thi-ca. Pāli: Kosiya, biệt danh của Thiên Đế Thích.

 [246] No 15: vị Thiên chủ nghĩ: Hang này quá hẹp, mà chư thiên đông, làm sao ngồi?

 [247] Thạch nham 石巖. Pāli: Salaḷāgāra, ngôi nhà (agāra) có những cây salaḷa (loại cây tỏa mùi thơm) ở trước cửa. No.1(14): tại ngôi nhà của một người Bà-la-môn.

 [248] Thiên tượng xa 千象車. No.1(14): thiên bức hảo xa, cỗ xe báu có bánh xe nghìn căm.

 [249] Tì-sa-môn 鞞沙門. Pāli: Vessavaṇa (Đa Văn Thiên vương), đứng đầu trong Tứ đại Thiên vương.

 [250] Bàn-xà-na 槃闍那. Pāli: Bhuñjatī (Diệu Tý).

 [251] Cù-tỳ Thích nữ 瞿毗釋女. Pāli: Gopikā nāma Sakya-dhitā.

 [252] Cù-bà thiên tử 瞿婆天子. Pāli: Gopako devaputto.

 [253] Kỹ nhạc cung 伎 樂 宫. Pāli: Gandhabbakāya, đội viên đội âm nhạc của Thiên Đế Thích.

 [254] Nguyên Hán: dữ nhãn Ưu-bà-di 與眼優婆夷. Pāli: upāsikā cakkhumato ahosi, tôi vốn là Ưu-bà-di, vị nữ đệ tử của Bậc Hữu Nhãn, tức Đức Phật.

 [255] Nguyên Hán: phản bối bất hướng pháp 反背不向法, Pháp quay vào nội tâm chứ không hướng ra bên ngoài. Pāli: paccattaṃ veditabbo hi dhammo.

 [256] Hán: thị nhãn giác thiện thuyết 是眼覺善說. Pāli: sudesito cakkhumatānubuddho, pháp ấy được khéo thuyết bởi Đấng Giác Ngộ có mắt.

 [257] Pāli: te coditā gotamasāvakena/ saṃvegam āpāduṃ samecca gopakaṃ, “họ bị mắng vì là đệ tử của Gotama, cảm kích, họ đồng ý với Gopaka (và nói như sau)…”

 [258] Ta, lời của những Thiên tử bị Cù-bà mắng.

 [259] Pāli: te disvā samvegam (...), (Đế Thích) sau khi thấy chư Thiên hiện diện ưu phiền (vì họ bị vượt qua ngay tại chỗ).

 [260] Thắng thiên 勝 天, chỉ cho Thiên Đế Thích. Pāli: Devabhibhū.

 [261] Diệu tức ngôn 妙息言 (những lời trầm lắng). Pāli: vaco nisamma, suy nghĩ sâu xa về những lời (khiển trách). Trong bản Hán, đọc là nisama (diệu tức, hoàn toàn lắng xuống), thay vì nisamma (tư duy sâu xa).

 [262] Nguyên Hán: tri dục 知 欲. Pāli: kāmābhibhū, vị đã chiến thắng dục vọng.

 [263] Thắng phục căn 勝伏根. Pāli: buddhaṃ namassāma jinaṃ janidaṃ, “chúng con lễ Phật, Đấng Chiến Thắng muôn loài”. Trong bản Hán, Janinda, Thiên đế của sanh loại, được hiểu là: jana (sanh loại) = jita: bị chinh phục, và inda (Thiên đế) = indriya: căn (quan năng hay giác quan).

 [264] Hán: thử quỷ 此鬼. Pāli: ayaṃ yakkho, con quỷ Dạ-xoa này. Yakkha (Dạ-xoa), Thiên đế Thích cũng thường được gọi như vậy. Yakkha đôi khi là một mỹ từ cũng được dùng để tán Phật, như M.56 (tr.386) (....) buddhasa (....) anupalittassa āhuneyya yakkhassa, Đức Phật (....) vị Yakkha vô nhiễm, ứng cúng.

 [265] Bà-sa-bà 婆娑婆. Pāli: Vāsava, một tên khác của Thiên Đế Thích. Trong một tiền kiếp, Đế Thích cúng dường nhà cửa cho Sa-môn. Do đó, còn có tên là Vāsava.

 [266] Kết 結. Pāli: saṃyojana, chỉ phiền não trói buộc.

 [267] Xan và tật 慳 嫉. Pāli: issā-macchariya. Sớ giải: thấy người thành công mà ganh tị là issā. Thành công của mình không chịu chia sẻ chung với người khác là macchariyaṃ. Trong bản Pāli, Sakka hỏi do kiết sử gì (kiṃ samyojanā) mà chúng sanh gây hận thù (savera). Phật trả lời như vậy. Hai bản kia cũng tương tợ bản Pāli. Có lẽ bản Hán này dịch sát, vì câu hỏi của Thiên Đế Thích phiếm định.

 [268] Hán: vô trượng 無 丈. Pāli: adaṇḍā, không chiến tranh, gây hấn nhau.

 [269] Trong các bản kia, Thiên đế Thích đã hỏi tương tợ như vậy.

 [270] Ái bất ái 愛不愛. Pāli: piyāppiya, khả ái và không khả ái, yêu và ghét.

 [271] Pāli: chanda: ham muốn, ước muốn.

 [272] Niệm 念. No.1(14) Ái do tưởng sanh; Pāli: chando (... ) vitakkanidāno XE "vitakkanidaøno" , dục có nguyên nhân là tầm 尋, tức tầm cầu hay suy nghĩ tìm tòi.

 [273] Tư 思. Đoạn sau, dịch là hý luận. Đây theo các đạn sau cho nhất trí.  Pāli: papañcasaññāsaṅkhā, hý luận vọng tưởng. Sớ giải, có ba loại hý luận: ái hý luận (taṇhāpapañca), mạn hý luận (mānanapapañca), kiến hý luận (diṭṭhipapañca).

 [274] Thuần đại khổ ấm 純大苦陰.

 [275] Diệt hý đạo tích 滅戲道跡. Pāli: papañcasaññāsaṅkhānirodhagāminipatipadā, thực hành hay tu tập dẫn đến chỗ diệt trừ hý luận vọng tưởng.

 [276] Niệm, ngôn, cầu 念言求; No.1(14): khẩu, tưởng, cầu 口想求. Pāli: diệt trừ hý luận bằng somanassa, domanassa, upekkha, hỷ, ưu và xả. Ba pháp này trong bản Hán được trả lời cho câu hỏi khác ở sau.

 [277] Đoạn này, có lẽ có sự nhầm lẫn trong bản Hán, hoặc nháy sot một đoạn; vì đây là lời Phật giảng cho Đế Thích chứ không phải trái lại.

 [278] Hành trong ba pháp: thân (kāyasamācāraṃ), ngữ (vacīsamācāraṃ), và tầm cầu (pariyesanaṃ). Đối với sáu căn, thuộc về đoạn thủ hộ căn (indriyasaṃvara: căn luật nghi)

 [279] Pāli: somanassa, domanassa, upekkha, liên hệ đến sự đoạn trừ hý luận nói ở đoạn trên.

 [280] Đồng nhất thuyết, đồng nhất dục, đồng nhất ái, đồng nhất lạc, đồng nhất ý 同一說, 同一欲, 同一, 同一樂, 同一意. Pāli: ekantavādā ekantasīlā ekantachandā ekanta-ajjhosānā ti? Đồng một chủ thuyết, đồng một giới đức, đồng một ước muốn, đồng một chí hướng.

 [281] Pāli: anekadhātu-nānādhātu, vô số giới loại sai biệt.

 [282] Pāli: accantaniṭṭhā accantayogakkhemī accantabrahmacārī accantapariyosānā ti? “Đồng một cứu cánh, đồng một an ổn, đồng một phạm hạnh, đồng một mục đích?”

 [283] Pāli: taṇhāsaṃkhaya-vimutta, ái tận giải thoát, hay giải thoát do diệt tận khát ái.

 [284] Tùy sở năng, tùy kỳ lực. Định nghĩa từ sakka, mà nghĩa đen là “khả năng”.

 [285] Tức Thiên Đế Thích.

 [286] Hán: đắc ly đắc hỷ. Pāli: veda-paṭilābha, somanassa-paṭilābha, có được cảm giác phấn khích, hoan hỷ.

 [287] Pl.: dibbā ojā, asurā ojā: thực phẩm hay quyên lực của chư thiên và của a-tu-la.

 [288] Từ đây trở xuống, No 1(14): trình bày năm kết quả của công đức; Pl.: sáu điều ích lợi (cha atthavase)

 [289] No 1(14): công đức thứ nhất; Pl. ích lợi thứ hai: thọ thai không ngu muội, tùy lựa chọn.

 [290] Ích lợi thứ ba trong bản Pāli: được sống và học chánh trí.

 [291] Pāli: ích lợi thứ tư.

 [292] Pāli: Ích lợi thứ sáu.

 [293] Sai giáng 差 降.

 [294] Tức phong làm Càn-thát-bà vương.

 [295] Nhiêu hà mô 饒蝦蟆, chỗ nuôi ễnh ương. No.1(16): trên núi Kỳ-xà-quật. Pāli D 31: Veḷuvane Kalandaka-nivāpe, trong rừng Trúc, chỗ nuôi sóc.

 [296] Sô-ma y 芻 磨 衣 (Pāli: khoma: áo len).

 [297] Câu-xá diệp 拘舍葉, có lẽ Pāli gọi là kusa, một loại cỏ thơm (cỏ cát tường).

 [298] No.1(16): nghiệp kết 結業. Pāli: cattāro kammakilesā, bốn phiền não, hay bốn sự ô nhiễm, của nghiệp.

 [299] Hán: hành dục, hành khuể (nhuế), hành bố, hành si 行欲行欲行恚行怖行癡. Pāli: chandāgatiṃ dosāgatiṃ bhayāgatiṃ mohāgatiṃ.

 [300] Lục phi đạo 六非道. Pāli: cha bhogānaṃ apāyamukhāni, sáu nguyên nhân cho sự hao tài.

 [301] Hán: chủng chủng hý 種 種 戲; Pāli: jūtappamādaṭṭhānuyogo, đam mê cờ bạc.

 [302] Hán: phi thời hành 非時行. Pāli: vikālavisikhācariyānuyogo, du hành đường phố phi thời.

 [303] Trong bản Hán: phụ 負 “thua”. Có lẽ chép nhầm. Theo ngữ cảnh, phải hiểu “thắng”.

 [304] Trong bản Hán: phụ 負, ở đây nên hiểu là “mắc nợ”.

 [305] Pāli: saṃkiyo hoti pāpakesu ṭhānesu, bị tình nghi các trường hợp phạm tội.

 [306] Nghĩa là, chuốc vào thân những chuyện rắc rối.

 [307] Pāli: nạn nhân của tin đồn thất thiệt.

 [308]. Dịch sát: dĩ thử vi thân hữu dĩ thử vi bạn lữ 以 此為親友以此為伴侶; tối nghĩa. Pāli: ye sāhasikā tyāssa mittā honti, te sahāyā, “những kẻ thô bạo, thật vậy, là những người bạn, những người đồng hành của nó”. Bản Hán hiểu sāhasika (thô bạo) cùng gốc với sahāya (bằng hữu).

 [309] Hán: lộng linh 弄鈴, một lọa nhạc cụ, chuông nhỏ cầm tay, Pl.: pāṇissara?

 [310] Hán: phách thủ 拍兩手, một loại nhạc cụ, dùng tay đánh nhịp?

 [311] Pāli: amittā mittapaṭirūpakā, không phải bạn mà có vẻ bạn.

 [312] Hán: tri sự 知事. No.1(16) úy phục. Pāli: aññadatthuharo, hạng người vật gì cũng lấy. Hình như, trong bản Hán, aññad (khác) được hiểu là aññā(d) (biết); atthu, động từ mệnh lệnh cách: mong nó là; được hiểu là attha: sự việc.

 [313] Pāli: anuppiya-bhāṇī, nói ngọt, tức nịnh hót.

 [314] Hán: ngôn ngữ 言語, không rõ ý. Pāli: vacīparamo, nói giỏi.

 [315] Một và hai, No.1(14): việc trước dối trá; việc sau dối trá. Pāli: atītena paṭisamtharati anāgatena paṭisamtharati, hoan nghinh bằng việc quá khứ… bằng việc vị lai.

 [316] Hán: thiện thân 善親. Pāli: mittā suhadā, bạn tâm giao.

 [317] Tức pháp thiện.

 [318] Ba và bốn, bản Pāli: khuyên người nói tốt bạn; ngăn người nói xấu bạn.

 [319] Tức mong điều lợi cho bạn. Pāli: atthakkhayī.

 [320] No.1(16) và Pāli, chỉ có năm.

 [321] Pāli: quan hệ bằng hữu ở phương Bắc, quan hệ chủ tớ ở phương dưới.

 [322] No.1(16) có năm.

 [323] Nguyên Hán: thân hữu quán thân hữu thần 親 友 觀 親 友 臣. Ý muốn phân biệt người bạn này đối với người bạn kia, rồi người kia đối lại. Pāli nói rõ hơn: một thiện nam tử đối với bạn hữu, kula-puttena (....) mittāmaccā (....) và ngược lại. Hán: thân hữu thần, Pāli: mittāmacca, trong đó, amacca có nghĩa bằng hữu, cũng có nghĩa người phụ tá hay thần thuộc (mahāmacca: quan đại thần).

 [324] Thân hữu thần: xem chú thích trên.

 [325] Nhiếp sự 攝事, bốn nhiếp pháp.

 [326] Huệ thí, ái ngôn, hành lợi, đẳng lợi 惠施愛言行利等利. Pl.: dānaṃ, peyyavajjaṃ, atthacariyā, samānattatā.

 [327] Thi lại 尸賴, phiên âm, Pāli: sīla.

 [328] Bản Hán, hết quyển 33.

 [329] Hán: hải trang thuyền 海 裝 船.

 [330] Hán: cổ dương 羖 羊.

 [331] Ma-kiệt ngư vương 摩竭魚王, cá kình, hoặc cự ngao. Pāli: makara, một loại cá voi trong huyền thoại.

 [332] Mao mã vương [馬+毛]馬王 Pāli: valāhassa (vân mã), giống ngựa lông dài có thể lướt mây bay đi.

 [333] Bốn Thánh đế, tri khổ, đoạn tập, chứng diệt và tu đạo. Pl. A. ii. 23: loko tathāgatena abhisambuddho, Như Lai đã giác ngộ thế gian; lokasamuddayotathāgatassa pahīno, Như Lai đã đoạn tập khởi của thế gian, lokanirodho tathāgatassa sacchikato, Như Lai đã tác chứng sự diệt tận của thế gian, lokanirodhagāminī paṭipadā tathāgatasa bhāvitā, Như Lai đã tu tập hành trì dẫn đén diệt tận thế gian.

 [334] Đạo tích 道 跡; Pāli: paṭipāda, phương pháp, hay đường lối thực hành.

 [335] Nhất thiết tận phổ chánh hữu 一切盡普正有 (?) Có lẽ là (…) chánh tri, thay vì chánh hữu. Tham chiếu Pāli: yam… sadevakassa lokassa… sadevamanussasāya diṭṭhaṃ sutaṃ mutaṃ viññataṃ pattaṃ pariyesitaṃ anuvicaritaṃ manasā sabbaṃ taṃ tathāgatena abhisaṃbuddhaṃ, thế giới này bao gồm Thiên giới, cho đến, chư Thiên và nhân loại, những gì được thấy, được nghe, được nghĩ đến, được biết đến, được đạt đến, được tầm cầu, được suy xét bởi ý; tất cả những cái ấy đều được Như Lai giác ngộ.

 [336] Vô dư Niết-bàn giới 無餘涅槃界. Pāli: anupādisesā nibbānadhātu.

 [337] Bất ly ư như 不離於如. Pāli: sabbaṃ tam tatheva hoti, no aññathā, tất cả những điều ấy chính thực là như vậy, không đổi khác.

 [338] Phạm Hữu 梵 有được hiểu là “Bậc Tối Diệu” (Pāli: Brahmabhūta), không được đề cập trong bản Pāli tương.

 [339] Chí lãnh hữu 至冷有, cực kỳ mát lạnh, vì đã dập tắt các thứ lửa.

 [340] Chân đế bất hư hữu 真諦不虛有, không rõ Pāli. Đoạn văn Pāli được coi tương đương: (…) tathāgato abhibhū anabhibhūti aññadṛatthudaso vasavattī, Như Lai là Vị chiến thắng, Vị không thể bị đánh bại, là Vị thấy tất cả, biết tất cả, tự do tự tại.

 [341] Pāli: sabhaṃ loke yathātatham, (biết) tất cả thế gian một cách như thật.

 [342] Hương âm thần 香 音 神, hay nhạc thần, hay Càn-thát-bà; Pāli: Gandhabba.

 [343] Trong bản: đương 當. TNM: thường .

 [344] Vô ngã tất thất thời 無我必失時.

 [345] Pl. A. iv. 48: mā puññānaṃ bhāyittha, sukkhassetaṃ bhikkhave adhivacanaṃ, yad idaṃ puññaun ti, “đừng sợ phước; đồng nghĩa với lạc, đó là phước”.

 [346] Hoảng dục thiên. Pāli: Ābhassara.

 [347] Bạch châu lạc 白珠珞.

 [348] Vu-sa-hạ tượng vương 于娑賀象王. Pāli: Uposathanāgarāja.

 [349] Mao mã vương [馬+毛] 馬王. Pāli: Valāhaka-assarāja.

 [350] Nhạc thanh xa 樂聲車 Pāli: Vejayanta-ratha, cỗ xe (= cung điện) Chiến thắng.

 [351] Câu-xá-hòa-đề 拘舍惒提. Pāli: Kusāvati.

 [352] Chánh pháp điện 正 法 殿. Pāli: Dhammapāsāda.

 [353] Hán dịch: gia-lăng-già-ba-hòa-la ba-giá-tất-đa-la-na 加陵伽波惒邏波遮悉多羅那. Pāli: kadalimigapavara-pacchattharaṇa, thảm lông bằng da sơn dương cực quý.

 [354] Sơ-ma y 初摩衣; Pāli: khomapilotikā, vải lanh.

 [355] Xem cht. 9 trên.

 [356] Kiếp-bối y 劫貝衣. Pāli: kappāsika, vải bông (gòn).

 [357] Tức chỉ đạo 息止道. Pāli: Sīvathikā.

 [358] Nguyên Hán: ý chỉ  意 止. Pāli: satipaṭṭhāna.

 [359] Trong bản: phân vệ 分衛, phiên âm. Pāli: piṇḍapāta.

 [360] Cực chí biên 極至邊. Pl. (It. 91): antam idam jīvakānaṃ yadidaṃ piṇḍolyaṃ, sự sống tận cùng nhất là khất thực.

 [361] Chủng tử thôn 種子村. Pāli: bījagāma, loại hạt giống (năm loại); chỉ các thực vật thuộc nhóm gieo hạt.

 [362] Nguyên Hán: quỷ thần thôn 鬼神村. Pāli: bhūtagāma, chỉ các loại cây trồng, đối lập với chủng tử thôn.

 [363] Căn hương 根 香; hương liệu lấy từ rễ cây.

 [364] Trầm hương 沈 香; trong bản Pāli: kāḷānusāriya, hương chiên-đàn đen.

 [365] Thọ hương 樹 香; hương liệu lấy từ thân cây.

 [366] Xích chiên-đàn 赤 栴 檀;Pāli: lohita-candana, chiên-đàn đỏ.

 [367] Tu-ma-na hoa 須摩那華; Pāli: sumana, duyệt ý hoa.

 [368] Yếu thệ 要 誓, No.100 (66) nói: ai xông lên trước là bậc nhất.

 [369] Thừa duyên lương 承椽梁, đòn dông. Pāli: gopānasī. No.100 (66): trong tất cả lầu các, cao-ba-na-tả (gopānasī) là tối đệ nhất.

 [370] Đại thân 大 身, thân hình to lớn đồ sộ.

 [371] Chiêm thị 瞻侍; bản Thánh: chiêm đặc  特. Không rõ.

 [372] Sự vô sự tuệ thuyết 事無事慧說. Bậc trí nói. Cf. S. i. 87.

 [373] Bản Hán, hết quyển 34.

Phẩm 13: Bà-la-môn (I)

PHẨM 13: BÀ-LA-MÔN (I)

TỤNG NGÀY THỨ BA

Niệm tụng

雨勢歌羅數  

瞿默象跡喻

聞德何苦欲  

鬱瘦阿攝和

Kệ tóm tắt:

Vũ thế, Ca-la, Số,

Cù-mặc, Tượng tích dụ,

Văn đức, Hà khổ, Dục,

Uất-sấu, A-nhiếp-hòa

142. KINH VŨ THẾ

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại thành Vương xá, ở trong núi Thứu nham [1].

Bấy giờ vua nước Ma-kiệt-đà là A-xà-thế [2] cùng với nước Bạt-kỳ [3] thù nghịch nhau, thường ở giữa quyến thuộc nhiều lần nói rằng:

“Người nước Bạt-kỳ có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, nhưng ta sẽ diệt trừ giống người Bạt-kỳ, tàn phá Bạt-kỳ, làm cho nhân dân nước Bạt-kỳ [648b] gặp vô số tai ách.”

Khi ấy, A-xà-thế, vua nước Ma-kiệt-đà, nghe Đức Thế Tôn trú thành Vương xá, ở trong núi Thứu nham, nên nói với đại thần Vũ Thế [4]:

“Ta nghe Sa-môn Cù-đàm trú thành Vương xá, ở trong núi Thứu nham. Này Vũ Thế, ngươi hãy đi đến chỗ Sa-môn Cù-đàm, nhân danh ta mà thăm hỏi Thánh thể có được an vui không bệnh, sức lực có được bình thường hay không? Rồi hãy nói như vầy, ‘Bạch Cù-đàm, vua nước Ma-kiệt-đà là A-xà-thế thăm hỏi Thánh thể có được an vui không bệnh, sức lực có được bình thường chăng? Bạch Sa-môn Cù-đàm, vua nước Ma-kiệt-đà là A-xà-thế, cùng với nước Bạt-kỳ thù nghịch nhau, thường ở giữa quyến thuộc và nhiều lần nói rằng: ‘Người nước Bạt-kỳ có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, nhưng ta sẽ diệt trừ giống người Bạt-kỳ, tàn phá Bạt-kỳ, làm cho nhân dân nước Bạt-kỳ gặp vô số tai ách’. Bạch Sa-môn Cù-đàm, về vấn đề này Ngài dạy như thế nào?’ Này Vũ Thế, nếu Sa-môn Cù-đàm có dạy những gì thì ngươi hãy cố gắng ghi nhớ, thọ trì. Vì sao? Bởi lẽ những người như vậy nhất định không khi nào nói sai.”

Đại thần Vũ Thế vâng lời vua dạy xong, lên một cỗ xe rất đẹp và cùng năm trăm cỗ xe khác đồng ra khỏi thành Vương xá, đi đến trong núi Thứu nham và leo lên núi Thứu nham, rồi xuống xe đi bộ đến chỗ Phật.

Đại thần Vũ Thế cùng với Đức Thế Tôn nói lời chào hỏi rồi ngồi sang một bên, thưa rằng:

“Thưa Cù-đàm, vua nước Ma-kiệt-đà là A-xà-thế thăm hỏi Thánh thể có được an vui không bệnh, sức lực có được bình thường chăng? Bạch Sa-môn Cù-đàm, vua nước Ma-kiệt-đà là A-xà-thế, cùng với nước Bạt-kỳ thù nghịch nhau, thường ở giữa quyến thuộc và nhiều lần nói rằng: ‘Người nước Bạt-kỳ có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, nhưng ta sẽ diệt trừ giống người Bạt-kỳ, tàn phá Bạt-kỳ, làm cho nhân dân nước Bạt-kỳ gặp vô số tai ách’. Bạch Sa-môn Cù-đàm, về vấn đề này Ngài dạy như thế nào?”

Đức Thế Tôn nghe rồi, bảo rằng [5]:

“Này Vũ Thế, xưa kia Ta đã từng đi đến nước Bạt-kỳ. Nước đó có ngôi chùa tên là Giá-hòa-la [6]. Lúc ấy, này Vũ Thế, Ta giảng nói pháp bất thối [7] cho người nước Bạt-kỳ nghe. Người nước Bạt-kỳ có thể vâng thọ và thực hành bảy pháp bất thối đó. Này Vũ Thế, nếu người dân nước Bạt-kỳ thực hành được bảy pháp bất thối mà không trái phạm thì nước Bạt-kỳ chắc chắn hùng mạnh, không thể suy vi được.”

Đại thần Vũ Thế bạch Đức Thế Tôn:

“Sa-môn Cù-đàm, về việc này chỉ nói một cách tóm tắt, chứ không phân biệt rộng rãi. Chúng con [648c] không thể hiểu được nghĩa này. Kính xin Sa-môn Cù-đàm phân biệt rộng rãi để chúng con được biết ý nghĩa này.”

Đức Thế Tôn bảo:

“Này Vũ Thế, hãy lắng nghe, suy nghĩ kỹ! Ta sẽ giảng nói rộng rãi ý nghĩa này cho ông nghe [8].”

Đại thần Vũ Thế vâng lời, lắng nghe.

Lúc ấy, Tôn giả A-nan đang cầm quạt đứng hầu Phật, Đức Thế Tôn quay lại hỏi A-nan rằng:

“Ngươi có từng nghe người nước Bạt-kỳ thường xuyên hội họp và tụ tập đông đảo chăng?

Tôn giả A-nan bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, con nghe người nước Bạt-kỳ thường xuyên hội họp và tụ tập đông đảo.”

Đức Thế Tôn liền bảo đại thần Vũ Thế:

“Nếu người nước Bạt-kỳ thường xuyên hội họp và tụ tập đông đảo thì nước Bạt-kỳ tất thắng, không thể suy vi được.”

Đức Thế Tôn lại hỏi Tôn giả A-nan:

“Ngươi có từng nghe người nước Bạt-kỳ cùng chung hội họp, cùng chung làm công việc của người Bạt-kỳ và cùng giải tán?”

“Bạch Đức Thế Tôn, con nghe người nước Bạt-kỳ cùng chung hội họp, cùng chung làm công việc của người Bạt-kỳ và cùng giải tán.”

Đức Thế Tôn lại bảo đại thần Vũ Thế:

“Nếu người nước Bạt-kỳ cùng chung hội họp, cùng chung làm công việc của người Bạt-kỳ và cùng giải tán thì nước Bạt-kỳ tất thắng, không thể suy vi được.”

Đức Thế Tôn lại hỏi Tôn giả A-nan:

“Ngươi có từng nghe nước Bạt-kỳ đối với những điều chưa thi thiết thì không thi thiết thêm, những điều đã thi thiết thì không cải đổi, những pháp cũ xưa của nước Bạt-kỳ thì được nghiêm chỉnh phụng hành chăng?”

“Bạch Đức Thế Tôn, con nghe nước Bạt-kỳ đối với những điều chưa thi thiết thì không thi thiết thêm; những điều đã thi thiết thì không cải đổi; những pháp cũ xưa của nước Bạt-kỳ thì được nghiêm chỉnh phụng hành.”

Đức Thế Tôn lại bảo đại thần Vũ Thế:

“Nếu nước Bạt-kỳ đối với những điều chưa thi thiết thì không thi thiết thêm; những điều đã thi thiết thì không cải đổi; những pháp cũ xưa của nước Bạt-kỳ thì được nghiêm chỉnh phụng hành, thì nước Bạt-kỳ tất thắng, không thể suy vi được.”

Đức Thế Tôn lại hỏi Tôn giả A-nan:

“Ngươi có từng nghe người nước Bạt-kỳ không ỷ thế mà xâm phạm vợ của người và con gái của người khác chăng?”

“Bạch Thế Tôn, con nghe người nước Bạt-kỳ không ỷ thế mà xâm phạm vợ của người và con gái của người khác.”

Đức Thế Tôn lại bảo đại thần Vũ Thế:

“Nếu người nước Bạt-kỳ không ỷ thế mà xâm phạm vợ của người và con gái của người khác thì nước Bạt-kỳ tất thắng, không thể suy vi được.”

Đức Thế Tôn lại hỏi Tôn giả A-nan:

“Ngươi có từng nghe ở nước Bạt-kỳ nếu có những bậc danh đức đáng tôn trọng thì những người nước Bạt-kỳ cùng nhau tôn kính, cung phụng, cúng dường chăng? Và họ có nghe lời dạy của những bậc ấy mà làm theo chăng?”

“Bạch Thế Tôn, con nghe ở nước Bạt-kỳ nếu có những bậc danh đức đáng tôn kính thì những người nước Bạt-kỳ cùng nhau tôn kính, cung phụng, cúng dường và họ nghe theo lời dạy của những bậc ấy mà làm theo.”

Đức Thế Tôn lại [649a] bảo đại thần Vũ Thế:

“Này Vũ Thế, nếu người nước Bạt-kỳ có những bậc danh đức đáng tôn trọng thì người nước Bạt-kỳ cùng nhau tôn kính, cung phụng, cúng dường và họ nghe lời dạy của những bậc ấy mà làm theo, thì nước Bạt-kỳ tất thắng, không thể suy vi được.”

Đức Thế Tôn lại hỏi Tôn giả A-nan:

“Ngươi có từng nghe người nước Bạt-kỳ nếu có chùa cũ nào [9] thì người nước Bạt-kỳ cùng nhau tu bổ, tuân phụng cúng dường, lễ bái, thường không bỏ bê những tế tự đã có, không giảm thiểu tập tục đã làm chăng?”

“Bạch Thế Tôn, con nghe người nước Bạt-kỳ nếu có chùa cũ nào thì người nước Bạt-kỳ cùng nhau tu bổ, tuân phụng cúng dường, lễ bái, thường không bỏ bê những tế tự đã có, không giảm thiểu tập tục đã làm.”

Đức Thế Tôn lại bảo đại thần Vũ Thế:

“Nếu nước Bạt-kỳ có chùa cũ nào thì người nước Bạt-kỳ cùng nhau tu bổ, tuân phụng, cúng dường, lễ bái, thường không bỏ bê những tế tự đã có, không giảm thiểu tập tục đã làm, thì nước Bạt-kỳ tất thắng, không thể suy vi được.”

Đức Thế Tôn lại hỏi Tôn giả A-nan:

“Ngươi có từng nghe người nước Bạt-kỳ thảy đều ủng hộ các vị A-la-hán và vô cùng kính mến, thường mong muốn các vị A-la-hán chưa đến thì đến, đã đến rồi thì mong hằng an trụ lâu dài, thường không để các vị ấy thiếu thốn các nhu dụng sinh sống như quần áo, đồ ăn uống, giường chõng, thuốc thang chăng?”

“Bạch Thế Tôn, con nghe người nước Bạt-kỳ thảy đều ủng hộ các vị A-la-hán và vô cùng kính mến, thường mong muốn các vị A-la-hán chưa đến thì đến, đã đến rồi thì mong hằng an trụ lâu dài, thường không để các vị ấy thiếu thốn các nhu dụng sinh sống như quần áo, đồ ăn uống, giường chõng, thuốc thang.”

Đức Thế Tôn lại bảo đại thần Vũ Thế:

“Nếu người nước Bạt-kỳ thảy đều ủng hộ các vị A-la-hán và vô cùng kính mến, thường mong muốn các vị A-la-hán chưa đến thì đến, đã đến rồi thì mong hằng an trụ lâu dài, thường không để các vị ấy thiếu thốn các nhu dụng sinh sống như quần áo, đồ ăn uống, giường chõng, thuốc thang, thì nước Bạt-kỳ tất thắng, không thể suy vi được.

“Này Vũ Thế, người nước Bạt-kỳ đã thực hành bảy pháp bất thối này. Nếu vâng giữ bảy pháp bất thối này thì nước Bạt-kỳ tất thắng, không thể suy vi được.”

Khi ấy, đại thần Vũ Thế liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo vai hữu, chắp tay hướng về Đức Phật, bạch rằng:

“Bạch Cù-đàm, dù cho nước Bạt-kỳ chỉ thành tựu một pháp bất thối thì nước Ma-kiệt-đà là A-xà-thế, con bà Tì-đà-đề, cũng không thể khuất phục họ được, huống chi họ đầy đủ cả bảy pháp bất thối. Bạch Cù-đàm, con nhiều việc nước, xin được từ giã lui về.”

Đức Thế Tôn nói:

“Muốn lui về xin cứ tùy ý.”

Đại thần Vũ Thế sau khi nghe những điều Phật [649b] dạy, khéo léo ghi nhớ, đi quanh Đức Thế Tôn ba vòng rồi ra về.

Sau khi Đại thần Vũ Thế ra về chẳng bao lâu, bấy giờ Đức Thế Tôn quay lại bảo Tôn giả A-nan:

“A-nan, những Tỳ-kheo hiện đang sống rải rác trong núi Thứu nham, ngươi hãy truyền cho tất cả tập họp tại giảng đường. Sau khi tất cả đã tụ họp xong, hãy đến cho Ta hay.”

Tôn giả A-nan liền vâng lời Phật dạy:

“Kính vâng, bạch Thế Tôn!”

Ngay khi đó, Tôn giả A-nan đi truyền lệnh:

“Những Tỳ-kheo hiện đang sống rải rác trong núi Thứu nham, truyền cho tất cả hãy tập họp tại giảng đường.”

Sau khi tất cả tập họp xong, Tôn giả trở lại chỗ Phật, cúi đầu làm lễ rồi đứng sang một bên, bạch rằêng:

“Bạch Thế Tôn, con đã truyền lệnh: những Tỳ-kheo nào hiện đang sống rải rác trong núi Thứu nham, tất cả hãy tập họp tại giảng đường. Giờ đây đã tập họp xong, kính mong Thế Tôn tự biết thời.”

Bấy giờ Đức Thế Tôn cùng Tôn giả A-nan đi đến giảng đường, trải chỗ ngồi trước chúng Tỳ-kheo rồi nói với các thầy Tỳ-kheo:

“Nay Ta sẽ nói cho các ngươi nghe về bảy pháp bất thối. Các ngươi hãy lắng nghe, khéo suy nghĩ kỹ.”

Lúc ấy các Tỳ-kheo bạch Phật rằng:

“Kính vâng.”

Phật nói:

“Những gì là bảy?

“Nếu chúng Tỳ-kheo thường xuyên hội họp, tụ tập đông đảo thì chúng Tỳ-kheo chắc chắn vững mạnh, không thể suy thoái.

“Nếu chúng Tỳ-kheo cùng chung hội, cùng chung làm việc chung và cùng giải tán thì chúng Tỳ-kheo chắc chắn vững mạnh, không thể suy thoái.

“Nếu chúng Tỳ-kheo đối với những việc chưa thi thiết thì không thêm; những việc đã thi thiết thì không thay đổi; những giới luật do Ta nói ra được phụng hành nghiêm chỉnh; thì chúng Tỳ-kheo chắc chắn vững mạnh, không thể suy thoái.

“Nếu chúng Tỳ-kheo không bị chi phối [10] bởi hữu ái đưa đến vị lai [11], hiện hành với hỷ dục, ái lạc đời sống như vầy như kia [12], thì chúng Tỳ-kheo chắc chắn vững mạnh, không thể suy thoái.

“Nếu chúng Tỳ-kheo có bậc Trưởng lão Thượng tôn đồng học phạm hạnh, các Tỳ-kheo thảy đều tôn kính, cung phụng, cúng dường và nghe theo lời dạy của các vị ấy, thì chúng Tỳ-kheo chắc chắn vững mạnh, không thể suy thoái.

“Nếu chúng Tỳ-kheo đối với rừng vắng, sườn núi cao, chỗ thanh tịnh nhàn cư, vắng bặt không có tiếng động, xa lánh sự dữ, không có bóng người, tùy thuận mà tĩnh tọa, hoan lạc an trụ không rời, thì chúng Tỳ-kheo chắc chắn vững mạnh, không thể suy thoái.

“Nếu chúng Tỳ-kheo thảy đều ủng hộ các đồng phạm hạnh, hết sức tôn trọng, ái kính, thường mong muốn các đồng phạm hạnh chưa đến thì đến, đã đến rồi thì hằng mong an trụ lâu dài, thường không để các vị ấy thiếu thốn những nhu dụng sinh sống như quần áo, đồ ăn uống, giường chõng, thuốc thang, thì chúng Tỳ-kheo chắc chắn vững mạnh, không thể suy thoái.

“Nếu chúng Tỳ-kheo thực hành bảy pháp bất thối này, thọ trì, không trái phạm, [649c] thì chúng Tỳ-kheo chắc chắn vững mạnh, không thể suy thoái.”

Bấy giờ Đức Thế Tôn lại bảo các Tỳ-kheo:

“Ta lại nói cho các ngươi nghe về bảy pháp bất thối khác. Các ngươi hãy lắng nghe, suy nghĩ kỹ.”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Kính vâng.”

Phật nói:

“Những gì là bảy?

“Nếu Tỳ-kheo đối với Tôn sư mà hết sức cung kính, cúng dường, phụng sự, thì Tỳ-kheo chắc chắn vững mạnh, không thể suy thoái.

“Nếu Tỳ-kheo đối với Pháp, với Tăng, với Giới, với sự không phóng dật, với sự cung cấp và đối với định [13] mà hết sức cung kính thì Tỳ-kheo chắc chắn vững mạnh, không thể suy thoái.

“Nếu chúng Tỳ-kheo thực hành bảy pháp bất thối này, thọ trì không trái phạm thì Tỳ-kheo chắc chắn vững mạnh, không thể suy thoái.”

Đức Thế Tôn lại bảo các Tỳ-kheo:

“Ta lại nói cho các ngươi nghe về bảy pháp bất thối khác. Các ngươi hãy lắng nghe, suy nghĩ kỹ.”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Kính vâng.”

Phật nói:

“Những gì là bảy?

“Nếu chúng Tỳ-kheo không hành nơi thế nghiệp [14], không hoan lạc nơi thế nghiệp, không tập quán thế nghiệp, thì chúng Tỳ-kheo chắc chắn vững mạnh, không thể suy thoái.

“Nếu chúng Tỳ-kheo không hành nơi phiếm luận [15], không hoan lạc nơi phiếm luận, không tập quán nơi phiếm luận; không hành nơi tụ hội, không hoan lạc nơi tụ hội, không thân cận nơi tụ hội; không hành nơi sự kết hợp hỗn tạp [16], không hoan lạc nơi sự kết hợp hỗn tạp, không tập quán sự kết hợp hỗn tạp; không hành ngủ nghỉ, không hoan lạc ngủ nghỉ, không tập quán ngủ nghỉ; không vì lợi, không vì tiếng khen, không vì người khác mà tu hành phạm hạnh; đối với quả thấp, đối với quả cao không nửa chừng gián đoạn nỗ lực hướng thượng, thì Tỳ-kheo chắc chắn vững mạnh, không thể suy thoái.

“Nếu Tỳ-kheo thực hành bảy pháp bất thối này, thọ trì không trái phạm thì Tỳ-kheo chắc chắn vững mạnh không thể suy thoái.”

Đức Thế Tôn lại bảo các Tỳ-kheo:

“Ta lại nói cho các ngươi nghe về bảy pháp bất thối khác. Các ngươi hãy lắng nghe, suy nghĩ kỹ.”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Kính vâng.”

Phật nói:

“Những gì là bảy?

“Nếu Tỳ-kheo thành tựu tài sản tín, tài sản giới, tài sản tàm, tài sản quý, tài sản bác văn, tài sản thí và thành tựu tài sản tuệ, thì Tỳ-kheo chắc chắn vững mạnh, không thể suy thoái.

“Nếu Tỳ-kheo thực hành được bảy pháp bất thối này, thọ trì không trái phạm, thì Tỳ-kheo chắc chắn vững mạnh, không thể suy thoái.”

Đức Thế Tôn lại bảo các Tỳ-kheo

“Ta lại nói cho các ngươi nghe về bảy pháp bất thối khác. Các ngươi hãy lắng nghe, suy nghĩ kỹ.”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Kính vâng.”

Phật nói:

“Những gì là bảy?

“Nếu Tỳ-kheo thành tựu năng lực tín, năng lực tinh tấn, năng lực tàm, năng lực quý, năng lực niệm, năng lực định, và thành tựu năng lực tuệ, thì Tỳ-kheo chắc chắn vững mạnh, [650a] không thể suy thoái.

“Nếu Tỳ-kheo thực hành được bảy pháp bất thối này, thọ trì không trái phạm thì Tỳ-kheo chắc chắn vững mạnh, không thể suy thoái.”

Đức Thế Tôn lại bảo các Tỳ-kheo:

“Ta lại nói cho các ngươi nghe về bảy pháp bất thối khác. các ngươi hãy lắng nghe, suy nghĩ kỹ.”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Kính vâng.”

Phật nói:

“Những gì là bảy?

“Nếu Tỳ-kheo tu niệm giác chi, y xả ly, y vô dục, y diệt tận, thú hướng xuất yếu. Cũng vậy, trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, định; tu xả giác chi, y xả ly, y vô dục, y diệt tận, thú hướng xuất yếu; Tỳ-kheo chắc chắn vững mạnh, không thể suy thoái.

“Nếu Tỳ-kheo thực hành được bảy pháp bất thối này, thọ trì không trái phạm, thì Tỳ-kheo chắc chắn vững mạnh, không thể suy thoái.”

Đức Thế Tôn lại bảo các Tỳ-kheo:

“Ta lại nói cho các ngươi nghe về bảy pháp bất thối khác. Các ngươi hãy lắng nghe, suy nghĩ kỹ.”

Các thầy Tỳ-kheo bạch Phật:

“Kính vâng.”

Phật nói:

“Những gì là bảy?

“Nếu Tỳ-kheo cần cho luật hiện tiền thì cho luật hiện tiền. Cần cho luật ức niệm thì cho luật ức niệm. Cần cho luật bất si thì cho luật bất si. Cần cho luật tự phát lồ thì cho luật tự phát lồ. Cần cho luật quân thì cho luật quân. Cần cho luật triển chuyển thì cho luật triển chuyển. Nếu trong chúng khởi lên sự tranh tụng thì đúng theo pháp diệt tránh như liệng bỏ giẻ rách để chấm dứt [17].

“Nếu Tỳ-kheo thực hành được bảy pháp bất thối này, thọ trì không trái phạm, thì Tỳ-kheo chắc chắn vững mạnh, không thể suy thoái.”

Đức Thế Tôn lại bảo các Tỳ-kheo:

“Nay Ta sẽ nói cho các ngươi nghe về sáu pháp ủy lạo [18]. Các ngươi hãy lắng nghe, suy nghĩ kỹ.”

Các thầy Tỳ-kheo bạch Phật:

“Kính vâng.”

Phật nói:

“Những gì là sáu?

“Thân nghiệp từ hòa hướng đến các vị đồng phạm hạnh. Pháp ấy gọi là pháp ủy lạo, là pháp khả ái, là pháp khả lạc, dẫn đến thân ái, dẫn đến tôn trọng, dẫn đến tương trợ, dẫn đến tương kính, khiến cho tu tập, khiến cho hòa thuận, được Sa-môn, được sự nhất tâm, được sự tinh cần, chứng đắc Niết-bàn.

“Cũng vậy, khẩu nghiệp từ hòa, ý nghiệp từ hòa.

“Lợi lộc nào đúng theo pháp mà được, cho đến miếng cơm ở chính trong bình bát của mình, với phần lợi như vậy mang chia xẻ cho các vị đồng phạm hạnh. Pháp đó gọi là pháp ủy lạo, là pháp khả ái, là pháp khả lạc, dẫn đến thân ái, dẫn đến tôn trọng, dẫn đến tương trợ, dẫn đến tương kính, khiến cho tu tập, khiến cho hòa thuận, được Sa-môn, được sự nhất tâm, được sự tinh cần, chứng đắc Niết-bàn.

“Nếu có giới nào không bị sứt mẻ, không bị hư thủng, không bị uế tạp, không bị đen, vững vàng như mặt đất [19], được Thánh khen ngợi, đầy đủ, cẩn thận thọ trì. Với giới phần như vậy, cùng chia xẻ với các vị đồng phạm hạnh. Pháp đó gọi là pháp ủy lạo, là pháp khả ái, là pháp khả lạc, [650b] dẫn đến thân ái, dẫn đến tôn trọng, dẫn đến tương trợ, dẫn đến tương kính, khiến cho tu tập, khiến cho hòa thuận, được Sa-môn, được sự nhất tâm, được sự tinh cần, chứng đắc Niết-bàn.

“Nếu có kiến giải của Thánh, có sự xuất yếu, có sự thấy rõ, có sự thấu triệt, đưa đến sự chân chánh diệt khổ; với kiến phần như vậy, cùng chia xẻ với các vị đồng phạm hạnh. Pháp đó gọi là pháp ủy lạo, là pháp khả ái, là pháp khả lạc, dẫn đến thân ái, dẫn đến tôn trọng, dẫn đến tương trợ, dẫn đến tương kính, khiến cho tu tập, khiến cho hòa thuận, được Sa-môn, được sự nhất tâm, được sự tinh cần, chứng đắc Niết-bàn.

“Nhân đây nên Ta nói sáu pháp ủy lạo.”

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

143. KINH THƯƠNG-CA-LA

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ, Ma-nạp Thương-ca-la [20] sau giữa trưa, thong dong tản bộ, đi đến chỗ Phật, chào hỏi xong, ngồi xuống một bên, bạch rằng:

“Bạch Cù-đàm, con có điều muốn hỏi, mong Ngài nghe cho mới dám trình bày”.

Thế Tôn nói:

“Ma-nạp, muốn hỏi gì cứ hỏi”.

Ma-nạp Thương-ca-la bèn hỏi:

“Bạch Cù-đàm, Bà-la-môn đúng như pháp mà hành khất tài vật, tự mình trai tự, hoặc dạy người khác trai tự. [21] Bạch Cù-đàm, nếu tự mình trai tự hay dạy người khác trai tự, những người ấy đều hành trên vô lượng phước tích [22], vì do nơi trai tự vậy. Đệ tử của Sa-môn Cù-đàm, với các dòng tộc khác nhau, cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình để học đạo, tự chế ngự bản thân, tự tịch tịnh bản thân, tự cứu cánh tịch diệt bản thân. [23] Như vậy, đệ tử của Sa-môn Cù-đàm, với các dòng tộc lhác nhau, chỉ hành trên một phước tích chứ không hành trên vô lượng phước tích, do bởi sự học đạo vậy.”

Bấy giờ Tôn giả A-nan đang cầm quạt đứng hầu Phật, rồi Tôn giả A-nan hỏi: [24]

“Này Ma-nạp, trong hai đạo tích ấy, đạo tích nào là tối thượng, tối diệu, tối thắng?”

Ma-nạp Thương-ca-la nói:

“A-nan, đối với Sa-môn Cù-đàm và A-nan, tôi đều cung kính tôn trọng, phụng thờ.”

Tôn giả A-nan lại hỏi:

“Này Ma-nạp, tôi không hỏi ông cung kính, tôn trọng, phụng thờ ai, mà tôi chỉ hỏi ông rằng, trong hai đạo tích ấy, đạo tích nào là tối thượng, tối diệu, tối thắng?”

Tôn giả A-nan đến ba lần hỏi Ma-nạp Thương-ca-la rằng:

“Này Ma-nạp, trong hai đạo tích ấy, đạo tích nào là tối thượng, tối diệu, tối thắng?”

Ma-nạp Thương-ca-la cũng đến ba lần nói rằng:

“A-nan, đối với Sa-môn Cù-đàm [650c] và A-nan, tôi đều cung kính, tôn trọng, phụng thờ.”

Tôn giả A-nan cũng nói lại:

“Này Ma-nạp, tôi không hỏi ông cung kính, tôn trọng, phụng thờ ai, mà tôi chỉ hỏi ông rằng, trong hai đạo tích ấy, đạo tích nào là tối thượng, tối diệu, tối thắng?”

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn nghĩ rằng: “Ma-nạp Thương-ca-la này đã bị A-nan khuất phục. Ta hãy cứu nó!”

Thế Tôn biết vậy rồi, bèn hỏi:

“Này Ma-nạp, hôm qua, khi vua và các quần thần triệu tập đại hội, thảo luận những gì? Vì những duyên cớ nào mà cùng tập hội?”

Ma-nạp Thương-ca-la đáp:

“Ngày hôm qua, vua và quần thần triệu tập đại hội để thảo luận vấn đề này, là ‘Do nhân gì, duyên gì mà xưa kia Sa-môn Cù-đàm thiết lập học giới ít, nhưng các Tỳ-kheo đắc đạo nhiều; và do nhân gì, duyên gì mà ngày nay khi Sa-môn Cù-đàm thiết lập học giới nhiều thì các Tỳ-kheo đắc đạo lại ít [25]?’ Bạch Cù-đàm, ngày hôm qua, vua và quần thần triệu tập đại hội để thảo luận vấn đề này. Do sự kiện này mà triệu tập đại hội.”

Bấy giờ, Thế Tôn nói rằng:

“Ma-nạp, bây giờ Ta hỏi ngươi, hãy tùy theo sự hiểu biết mà trả lời. Ý ngươi nghĩ sao? Giả sử có một Sa-môn, Bà-la-môn tự mình hành theo đạo như vậy, tích như vậy; và sau khi tự mình hành theo đạo như vậy, tích như vậy rồi, các lậu diệt tận, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, tự tri, tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ, biết như thật: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.

“Vị ấy sau đó thuyết giảng cho người khác rằng: ‘Ta tự mình hành theo đạo như vậy, tích như vậy, và sau khi tự mình hành theo đạo như vậy, tích như vậy rồi, các lậu diệt tận, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, tự tri tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ, biết như thật: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Các người hãy đến đây và cũng hãy tự mình hành theo đạo như vậy, tích như vậy, và sau khi tự mình hành theo đạo như vậy, tích như vậy rồi, các lậu diệt tận, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, tự tri, tự giác. tự tác chứng, thành tựu an trụ, biết như thật: Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.

“Rồi người này cũng tự hành đạo như vậy, tích như vậy. Sau khi tự hành đạo như vậy, tích như vậy, các lậu diệt tận, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, tự tri tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ, biết như thật: Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa.

Rồi người này lại cũng thuyết giảng cho người khác nữa. Cứ như vậy lần lượt truyền đi cho đến trăm ngàn vô lượng.

“Này Ma-nạp, [651a] ý ngươi nghĩ sao? Đệ tử của Ta, với các dòng tộc khác nhau, cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình để học đạo, có phải là do bởi sự học đạo đó mà chỉ hành trên một phước tích, không hành trên vô lượng phước tích chăng?”

Ma-nạp Thương-ca-la đáp:

“Bạch Cù-đàm, theo sự hiểu biết của con đối với điều mà Sa-môn Cù-đàm nói, thì đệ tử Sa-môn Cù-đàm ấy, với các dòng tộc khác nhau cạo bỏ râu tóc, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình để học đạo, do bởi sự học đạo ấy mà thật sự hành trên vô lượng phước tích, chứ không chỉ hành trên một phước tích.”

Thế Tôn lại nói với Thương-ca-la:

“Có ba thị hiện là, như ý túc thị hiện, chiêm niệm thị hiện, giáo huấn thị hiện. [26]

“Ở đây, nếu có một Sa-môn, Bà-la-môn có đại như ý túc, đại oai đức, đại phước hựu, đại oai thần, đối với như ý túc, tâm được tự tại, hành vô lượng công đức của như ý túc như vầy; nghĩa là phân một thân làm thành nhiều thân, hợp nhiều thân làm thành một thân, một thì trụ trên một, được biết, được thấy [27]; đi xuyên vách đá mà không bị trở ngại, cũng như đi trong hư không; chìm xuống đất như chìm xuống nước, đi trên nước như đi trên đất; ngồi kiết già mà bay trên không như chim bay liệng; với mặt trời và mặt trăng này vốn có đại như ý túc, đại phước hựu, đại oai thần mà có thể đưa tay bắt nắm; thân cao đến trời Phạm thiên. Này Ma-nạp, đó là thị hiện bằng như ý túc.

“Này Ma-nạp, thế nào là chiêm niệm thị hiện? Hoặc có một hạng Sa-môn, Bà-la-môn do nơi tướng trạng của người khác mà chiêm đoán được ý tưởng của họ, rằng ‘Nó có ý nghĩ như thế này, nó có ý nghĩ như thế kia, nó thật sự có ý nghĩ’; họ chiêm đoán nhiều vô lượng chứ không chiêm đoán ít, [28] nhưng tất cả thảy đều chắc thật, chứ không phải là những giả thiết viễn vông. Hoặc giả không do nơi tướng trạng của người khác để đoán biết ý tưởng của họ, nhưng do nghe tiếng của chư Thiên và loài phi nhân mà đoán biết được ý tưởng của người khác rằng ‘Nó có ý nghĩ như thế này, nó có ý nghĩ như thế kia, thật sự nó có ý nghĩ như vậy’, họ chiêm đoán nhiều vô lượng chứ không chiêm đoán ít, nhưng tất cả thảy đều chắc thật, chứ không phải là những giả thiết viễn vông. Hoặc không do nơi tướng dạng của người khác để đoán biết ý tưởng của họ, cũng không nghe tiếng của chư Thiên và các loài phi nhân, nhưng do tâm niệm của người khác, tâm tư của người khác, ngôn thuyết của người khác. Sau khi nghe tiếng rồi đoán biết được ý tưởng của người khác rằng ‘Nó có ý tưởng như thế này, nó có ý tưởng như thế kia, nó thật sự có ý tưởng như vậy’, họ chiêm đoán nhiều vô lượng chứ không chiêm đoán ít, nhưng tất cả thảy đều chắc thật, chứ không phải là những giả thuyết viễn vông. Hoặc không do nơi tướng dạng của người khác để đoán biết ý tưởng của người khác, cũng không nghe tiếng của chư Thiên và loài phi nhân để đoán biết ý tưởng của người khác, nhưng do nơi tâm niệm, nơi tư duy, nơi ngôn thuyết của người khác [29] để sau khi nghe rồi, đoán biết ý tưởng của người khác rằng ‘Nó có ý tưởng như thế này, nó có ý tưởng như thế kia, nó thật sự có ý tưởng như vậy’, họ chiêm đoán nhiều vô lượng chứ không chiêm đoán ít, nhưng tất cả thảy đều chắc thật, chứ không phải là những giả thuyết viễn vông. Hoặc không do nơi tướng dạng của người khác để đoán biết ý tưởng của người khác, cũng không nghe tiếng của chư Thiên và loài phi nhân để đoán biết ý tưởng của người khác, cũng không do nơi tâm niệm, nơi tư duy, nơi ngôn thuyết của người khác để sau khi nghe rồi, đoán biết ý tưởng của người khác, nhưng do thấy người khác nhập vào định không tầm không tứ [30], sau khi thấy bèn nghĩ rằng ‘Như Hiền giả này thì không có tâm niệm, [651b] không có tư duy, sở nguyện như ý. Hiền giả kia ra khỏi định này với tâm niệm như vậy. Vị ấy ra khỏi định này sẽ có tâm niệm như vậy, như vậy’. [31] Người này cũng đoán biết việc quá khứ, cũng đoán biết việc tương lai, cũng đoán biết việc hiện tại, những điều được làm từ lâu, những điều được nói từ lâu, cũng đoán biết những nơi yên tĩnh, sống nơi yên tĩnh, cũng đoán biết tất cả pháp tâm và tâm sở hữu. Đó gọi là thị hiện bằng sự chiêm niệm.

“Này Ma-nạp, thế nào là giáo huấn thị hiện? Ở đây có một Sa-môn, Bà-la-môn tự mình hành theo đạo như vậy, tích như vậy, và sau khi hành theo đạo như vậy, tích như vậy rồi, các lậu diệt tận, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, tự tri tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ, biết như thật: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Rồi vị ấy giảng thuyết lại cho người khác rằng ‘Ta tự hành đạo như vậy, tích như vậy, và sau khi hành đạo như vậy, tích như vậy rồi, các lậu diệt tận, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, tự tri tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ, biết như thật Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Rồi người đó cũng tự hành đạo như vậy, tích như vậy rồi, các lậu diệt tận, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, tự tri tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ, biết như thật: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa. Rồi người đó cũng lại thuyết giảng cho người khác. Cứ như vậy... lần lượt truyền đi cho đến vô lượng trăm ngàn. Này Ma-nạp, đó gọi là sự thị hiện bằng giáo huấn.

“Trong ba thị hiện này, thị hiện nào là tối thượng, tối diệu, tối thắng?”

Thương-ca-la Ma-nạp đáp rằng:

“Bạch Cù-đàm, nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào có đại như ý túc, đại oai đức, đại phước hựu, đối với như ý túc, tâm được tự tại, cho đến, thân cao đến trời Phạm thiên, thưa Cù-đàm, cái đó là tự mình làm tự mình có, tự mình thọ lãnh quả báo. Thưa Cù-đàm, trong các thị hiện, sự thị hiện này được gọi là pháp đại huyễn [32].

“Bạch Cù-đàm, nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào do nơi tướng dạng mà đoán biết ý tưởng của người khác, cho đến các pháp tâm và tâm sở hữu; bạch Cù-đàm, cái đó cũng chỉ là tự mình làm tự mình có, [651c] tự mình thọ lãnh quả báo. Thưa Cù-đàm, trong các thị hiện, sự thị hiện này được gọi là pháp đại huyễn.

“Bạch Cù-đàm, nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào tự mình hành theo đạo như vậy, tích như vậy, và sau khi tự hành đạo như vậy, tích như vậy, các lậu diệt tận, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, tự tri tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ, biết như thật ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Rồi vị ấy thuyết giảng cho người khác nữa. Cứ như vậy lần lượt truyền đi cho đến trăm ngàn vô lượng, thì bạch Cù-đàm, trong ba thị hiện, sự thị hiện này là tối thượng, tối diệu, tối thắng.”

Thế Tôn lại hỏi Thương-ca-la Ma-nạp:

“Trong ba thị hiện, ngươi tán thán sự thị hiện nào?”

Ma-nạp Thương-ca-la đáp:

“Trong ba thị hiện, con tán thán Sa-môn Cù-đàm. Vì sao vậy? Vì Sa-môn Cù-đàm có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, tâm được tự tại, cho đến thân cao ngang Phạm thiên. Sa-môn Cù-đàm do nơi tướng dạng của người khác mà biết ý tưởng của người khác, cho đến đoán biết các tâm và tâm sở hữu pháp. Sa-môn Cù-đàm thị đạo với đạo như vậy, tích như vậy, và sau khi hành đạo này, tích này, các lậu diệt tận, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, thành tựu an trụ, biết như thật ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Sa-môn Cù-đàm thuyết giảng cho người khác, rồi người khác thuyết giảng cho người khác nữa. Như vậy, lần lượt truyền đi cho đến trăm ngàn vô lượng. Bạch Cù-đàm, cho nên, đối với ba thị hiện, con tán thán Sa-môn Cù-đàm.”

Rồi Thế Tôn nói rằng:

“Ma-nạp, người khéo thấu suốt vấn đề này. Vì sao? Thật sự Ta có đại như ý túc, đại oai thần, đại phước hựu, đại oai thần, đối với như ý túc, tâm được tự tại, cho đến, thân cao ngang Phạm thiên. Này Ma-nạp, Ta do tướng dạng người khác mà biết được ý tưởng của người khác, cho đến đoán biết tâm và tâm sở hữu pháp.

“Này Ma-nạp, Ta tự hành đạo như vậy, tích như vậy, các lậu diệt tận, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, tự tri tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ, biết như thật ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Rồi Ta giảng thuyết cho người khác, người khác cũng giảng thuyết cho người khác nữa. Như vậy, lần lượt truyền đi cho đến trăm ngàn vô lượng.

“Này Ma-nạp, cho nên ngươi khéo thấu suốt vấn đề này. Ngươi hãy biết như vậy, hãy khéo thọ trì như vậy. Vì sao? Bởi vì ý nghĩa được nói này phải [652a] như vậy.”

Lúc bấy giờ, Thương-ca-la Ma-nạp bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, con đã hiểu. Bạch Thiện Thệ, con đã hiểu. Bạch Thế Tôn, con nay tự quy y Phật, Pháp, Tỳ-kheo Tăng. Cúi mong Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc, kể từ hôm nay trọn đời tự quy y cho đến tận mạng.”

Phật thuyết như vậy. Thương-ca-la Ma-nạp, Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

144. KINH TOÁN SỐ MỤC-KIỀN-LIÊN

Tôi nghe như vầy.

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, ở Đông viên, giảng đường Lộc Tử Mẫu. [33]

Bấy giờ, Toán số Mục-kiền-liên [34] sau bữa trưa, thong dong tản bộ đến chỗ Phật, chào hỏi xong, ngồi xuống một bên, bạch rằng:

“Thưa Cù-đàm, tôi có điều muốn hỏi, mong nghe cho mới dám trình bày”. Thế Tôn nói:

“Mục-kiền-liên, ông muốn hỏi gì cứ tự tiện, đừng tự nghi ngại.”

Toán số Mục-kiền-liên bèn bạch rằng:

“Thưa Cù-đàm, giảng đường Lộc tử mẫu này được xây dựng dần dần cho đến cuối cùng được thành tựu. Thưa Cù-đàm, cầu thang trong Lộc tử mẫu giảng đường này, bắt đầu lên một nấc, rồi đến hai, ba, bốn. Thưa Cù-đàm, như vậy giảng đường Lộc tử mẫu lần lượt theo thứ tự đi lên. Thưa Cù-đàm, sự điều phục voi này cũng lần lượt thứ tự cho đến thành tựu, nghĩa là do bởi móc câu vậy. Thưa Cù-đàm, sự điều phục ngựa này cũng lần lượt thứ tự cho đến thành tựu, nghĩa là do bởi hàm vậy. Thưa Cù-đàm, Sát-đế-lị này cũng lần lượt thứ tự cho đến thành tựu, nghĩa là do bởi cung và tên vậy. Thưa Cù-đàm, các Bà-la-môn này cũng lần lượt thứ tự cho đến thành tựu, nghĩa là do bởi kinh thư vậy.

“Thưa Cù-đàm, chúng tôi học toán số, nhờ toán số mà mưu sinh, cũng lần lượt thứ tự cho đến thành tựu. Nếu có đệ tử nam hoặc nữ bắt đầu được dạy từng con số một, rồi hai, ba, mười, trăm, ngàn, vạn..., thứ tự mà đếm lên. Thưa Cù-đàm, như vậy chúng tôi học toán số, nhờ toán số mà mưu sinh, lần lượt theo thứ tự cho đến thành tựu. Sa-môn Cù-đàm, trong pháp luật này, lần lượt thứ tự như thế nào cho đến thành tựu?”

Thế Tôn nói:

“Này Kiền-liên, nếu có sự lần lượt thứ tự thực hiện cho đến thành tựu nào được nói đến một cách chân chánh, thì này Mục-kiền-liên, ở trong pháp luật của Ta, đây là điều được nói đến một cách chân chánh. Vì sao vậy? Này Mục-kiền-liên, Ta đối với pháp luật này lần lượt thứ tự thực hiện cho đến đạt thành cứu cánh.

“Này Mục-kiền-liên, Tỳ-kheo niên thiếu vừa mới đến [652b] học đạo, mới vào trong pháp luật này, Như Lai trước hết dạy rằng ‘Ngươi hãy đến đây. Với thân, hãy thủ hộ mạng thanh tịnh; với miệng và ý, hãy thủ hộ mạng thanh tịnh’.

“Này Mục-kiền-liên, khi Tỳ-kheo với thân, thủ hộ mạng thanh tịnh; với miệng và ý thủ hộ mạng thanh tịnh rồi, Như Lai lại dạy tiến thêm rằng ‘Tỳ-kheo, hãy đến đây, hãy quán nội thân như thân, cho đến quán thọ [35], tâm và pháp như pháp’.

“Này Mục-kiền-liên, khi Tỳ-kheo quán thân như thân, cho đến quán thọ, tâm và pháp như pháp rồi, Như Lai lại dạy tiến thêm ‘Tỳ-kheo, hãy đến đây, hãy quán thân như thân, đừng niệm tưởng những niệm tương ưng với dục; cho đến quán thọ, tâm và pháp như pháp, đừng niệm tưởng những niệm tương ưng với dục’.

“Này Mục-kiền-liên, khi Tỳ-kheo quán thân như thân, không niệm tưởng những niệm tương ưng với dục, cho đến quán thọ, tâm và pháp như pháp, không niệm tưởng những niệm tương ưng với dục, Như Lai dạy tiến thêm ‘Tỳ-kheo, hãy đến đây, hãy thủ hộ các căn, thường niệm tưởng sự khép kín [36], niệm tưởng muốn minh đạt, thủ hộ tâm mà được thành tựu, hằng khởi chánh tri. Khi mắt thấy sắc, không chấp thủ tướng của sắc, không đắm nhiễm vị [37] của sắc. Do nguyên nhân gì [38] mà khi nhãn căn không được thủ hộ thì trong tâm sanh tham lam, ưu sầu, ác bất thiện pháp, hãy hướng đến kia mà thủ hộ căn con mắt. Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân; khi ý biết pháp, không chấp thủ tướng của pháp, không đắm nhiễm vị của pháp. Do nguyên nhân gì mà khi ý căn không được thủ hộ thì trong tâm sanh tham lam, ưu sầu, ác bất thiện pháp, hãy hướng đến kia mà thủ hộ ý căn.

“Này Mục-kiền-liên, sau khi Tỳ-kheo thủ hộ các căn, thường niệm sự khép kín, niệm tưởng muốn minh đạt, thủ hộ niệm tâm mà được thành tựu, hằng muốn khởi ý, khi mắt thấy sắc, không chấp thủ sắc tướng, không đắm sắc vị; do nguyên nhân gì mà khi nhãn căn không được thủ hộ thì trong tâm sanh tham lam, ưu sầu, ác bất thiện pháp, hãy hướng đến kia mà thủ hộ căn con mắt; cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân; khi ý biết pháp, không chấp thủ tướng của pháp, không đắm nhiễm vị của pháp; nguyên nhân gì mà khi ý căn không được thủ hộ thì trong tâm sanh tham lam, ưu sầu, ác bất thiện pháp, hãy hướng đến kia mà thủ hộ ý căn, bấy giờ, này Mục-kiền-liên, Như Lai lại dạy tiến thêm: ‘Tỳ-kheo, hãy đến đây, hãy biết rõ sự ra vào, khéo quán sát phân biệt, co duỗi, cúi ngước, nghi dung chững chạc, khéo mang tăng-già-lê và các [652c] y bát; đi, đứng, nằm, ngồi, ngủ nghỉ, nói năng, im lặng, thảy đều biết rõ’.

“Này Mục-kiền-liên, khi Tỳ-kheo biết rõ sự ra vào, khéo quán sát phân biệt co, duỗi, cúi, ngước, nghi dung chững chạc, khéo mang tăng-già-lê và các y bát; đi, đứng, nằm, ngồi, ngủ, nghỉ, nói năng, im lặng thảy đều biết rõ, Như Lai lại dạy tiến thêm: ‘Tỳ-kheo, hãy đến đây, hãy sống cô độc tại nơi xa vắng, trong rừng, trong núi hoặc dưới gốc cây, những chỗ trống vắng yên tĩnh, sườn non, động đá, đất trống, lùm cây, hoặc đến trong rừng, hoặc ở ngoài bãi tha ma. Sau khi ngươi đã sống trong rừng vắng, hoặc đến dưới gốc cây, những chỗ trống vắng yên tĩnh, hãy trải ni-sư-đàn, ngồi kiết già, chánh thân chánh nguyện [39], nhiếp niệm nội tâm, đoạn trừ tham lam, tâm không não hại; thấy tài vật và các nhu dụng sinh sống của người khác không muốn được về mình. Ngươi đối với tham lam, hãy tịnh trừ tâm ấy. Cũng vậy, đối với sân nhuế, thụy miên, trạo hối, đoạn nghi độ hoặc, đối với các thiện pháp không còn do dự. Ngươi đối với nghi hoặc hãy tịnh trừ tâm ấy. Ngươi đoạn trừ năm triền cái [40] này, chúng làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, rồi ly dục, ly ác bất thiện pháp cho đến chứng đắc Tứ thiền, thành tựu an trụ’.

“Này Mục-kiền-liên, khi Tỳ-kheo ly dục, ly ác bất thiện pháp, cho đến chứng đắc Tứ thiền, thành tựu an trụ, thì này Mục-kiền-liên, Như Lai đã đem lại nhiều lợi ích cho Tỳ-kheo niên thiếu, nghĩa là khéo khuyên răn, dạy dỗ, khiển trách.

“Này Mục-kiền-liên, nếu có Tỳ-kheo Thượng tôn trưởng lão, phạm hạnh kỳ cựu, Như Lai lại dạy tiến thêm để thành tựu cứu cánh diệt tận hết thảy lậu.”

Toán số Mục-kiền-liên lại hỏi:

“Sa-môn Cù-đàm, đối với tất cả đệ tử răn dạy như vậy, khiển trách như vậy, tất cả đều đạt đến cứu cánh trí, nhất định đến Niết-bàn chăng?”

Thế Tôn đáp:

“Này Mục-kiền-liên, không phải nhất định đạt đến. Hoặc có người đạt được, hoặc có người không “.

Toán số Mục-kiền-liên lại hỏi:

“Cù-đàm, trong đó nhân duyên gì khi có Niết-bàn, có Niết-bàn đạo và Sa-môn Cù-đàm hiện tại là người chỉ đường [41] đó, mà có Tỳ-kheo được răn dạy như vậy, được khiển trách như vậy, thì đạt đến cứu cánh Niết-bàn, nhưng một số khác lại không đạt đến?”

Thế Tôn nói:

“Này Mục-kiền-liên, Ta muốn hỏi lại ông, hãy tùy theo sự hiểu biết mà trả lời.

“Này Mục-kiền-liên, ý ông nghĩ sao? Ông biết rõ thành Vương xá ở đâu, am tường các con đường đến đó chăng?”

Toán số Mục-kiền-liên đáp:

“Thật vậy, tôi biết rõ thành Vương xá ở đâu và cũng am tường các con đường đến đó.”

Thế Tôn hỏi:

“Này Mục-kiền-liên, nếu có một người muốn đi đến thành Vương xá để yết kiến vua, người ấy hỏi rằng: ‘Tôi muốn đi đến thành Vương xá để gặp vua, Toán số Mục-kiền-liên biết rõ thành Vương xá ở đâu, am tường các đường lộ và đường tắt, có thể chỉ cho tôi chăng?’ Ông nói với người ấy rằng ‘Từ đây đi về phía Đông, đến [653a] thôn kia, rồi từ thôn ấy đến ấp kia, lần lượt như vậy đi đến thành Vương xá. Những gì ở ngoại thành Vương xá, những khu vườn xinh đẹp, đất bằng phẳng, những lầu đài, ao tắm, đủ loại bông hoa, có con sông dài, lại có dòng suối trong, sẽ được thấy hết, được biết hết’. Người ấy sau khi nghe ông chỉ dẫn rồi, đi chưa bao lâu bèn bỏ con đường chánh mà đi theo con đường lầm lẫn để trở lui lại. Những gì ngoại thành Vương xá, rừng cây xinh đẹp, đất bằng phẳng, lâu đài, ao tắm, đủ loại cây cối, bông hoa, có con sông dài, có dòng suối trong, người ấy hoàn toàn không thấy, không biết gì hết.

“Lại có một người khác muốn đi đến thành Vương xá để yết kiến vua. Người ấy hỏi ông rằng: ‘Tôi muốn đi đến thành Vương xá để gặp vua, Toán số Mục-kiền-liên biết rõ thành Vương xá ở đâu, am tường các đường lộ và đường tắt, có thể chỉ cho tôi chăng?’

“Ông nói với người ấy rằng: ‘Từ đây đi về phía Đông, đến thôn kia, rồi từ thôn ấy đến ấp kia, lần lượt như vậy đi đến thành Vương xá. Những gì ở ngoại thành Vương xá, những khu vườn xinh đẹp, đất bằng phẳng, những lầu đài, ao tắm, đủ loại bông hoa, có con sông dài, lại có dòng suối trong, sẽ được thấy hết, được biết hết’.

“Người ấy sau khi nghe ông chỉ dẫn, bèn từ đây đi về hướng Đông, đến thôn kia, từ thôn ấy đi đến ấp kia, lần lượt như vậy cho đến thành Vương xá. Những gì ở ngoại thành Vương xá, những khu vườn xinh đẹp, đất bằng phẳng, lâu đài, ao tắm, đủ loại bông hoa, có con sông dài, có dòng suối trong đều được thấy hết, biết hết.

“Này Mục-kiền-liên, trong đó do nhân gì duyên gì, trong khi có thành Vương xá, có con đường đến thành Vương xá và có ông hiện tại là người chỉ đường đó, nhưng người thứ nhất nghe lời ông chỉ dẫn, chẳng bao lâu đã bỏ con đường chánh mà đi theo con đường lầm lẫn trở lui lại, rồi những gì ở ngoài thành Vương xá, những khu vườn xinh đẹp, đất bằng phẳng, lâu đài, ao tắm, đủ loại bông hoa, có con sông dài, có dòng suối trong, tất cả người ấy đều không thấy, không biết? Còn người thứ hai khi nghe theo lời ông chỉ dẫn, từ con đường chánh lần lượt đi đến thành Vương xá, những gì ở ngoại thành Vương xá, những khu vườn xinh đẹp, đất bằng phẳng, lâu đài, ao tắm, đủ loại bông hoa, có con sông dài, có dòng suối trong, thảy đều được thấy hết, được biết hết?”

Toán số Mục-kiền-liên đáp:

“Này Cù-đàm, tôi hoàn toàn vô sự. Có thành Vương xá đó, có con đường dẫn đến thành Vương xá đó, tôi chỉ làm người chỉ đường. Người thứ nhất không tùy theo sự chỉ dẫn của tôi, bỏ con đường chánh mà đi theo con đường lầm lẫn để [653b] trở lui lại. Những gì ở ngoài thành Vương xá, những khu vườn xinh đẹp, đất bằng phẳng, lâu đài, ao tắm, đủ loại bông hoa, có con sông dài, có dòng suối trong, tất cả người ấy đều không thấy, không biết. Người thứ hai khi nghe theo lời tôi chỉ dẫn, từ con đường chánh lần lượt đi đến thành Vương xá, những gì ở ngoại thành Vương xá, những khu vườn xinh đẹp, đất bằng phẳng, lâu đài, ao tắm, đủ loại bông hoa, có con sông dài, có dòng suối trong, thảy đều được thấy hết, được biết hết.”

Thế Tôn nói rằng:

“Cũng vậy, này Mục-kiền-liên, Ta cũng vô sự. Có Niết-bàn đó, có con đường dẫn đến Niết-bàn đó, Ta chỉ là người chỉ đường, giáo huấn các Tỳ-kheo như vậy, khiển trách các Tỳ-kheo như vậy, nhưng có người đạt đến cứu cánh Niết-bàn, có người lại không. Này Mục-kiền-liên, nhưng tùy theo sở hành của mỗi Tỳ-kheo mà Thế Tôn ghi nhận sở hành ấy, tức là cứu cánh lậu tận vậy.”

Toán số Mục-kiền-liên bạch rằng:

“Bạch Cù-đàm, tôi đã hiểu. Bạch Cù-đàm, tôi đã rõ.

“Bạch Cù-đàm, cũng như trên mảnh đất tốt, có khu rừng sa-la, trong đó có người giữ rừng sa-la, sáng suốt, không lười biếng, đối với gốc rễ của các cây sa-la, tùy theo thời mà cuốc xới, san chỗ cao, lấp chỗ thấp, quét dọn rác, tưới nước, không để sai thời. Nếu bên cạnh có mọc cỏ tạp ô uế thì nhổ sạch hết. Nếu có những cây đâm ngang, cong queo thì uốn lại cho thẳng hay tỉa đi. Nếu có những cây mọc rất ngay thẳng thì chăm sóc, giữ gìn, hằng cuốc xới, quét dọn rác, tưới nước, không để sai thời. Như vậy, trên mảnh đất tốt, rừng cây sa-la càng ngày càng sum suê.

“Bạch Cù-đàm, cũng vậy, có người dua nịnh, dối trá, không biết thi ân, vô tín, giải đãi, không niệm, không định, ác tuệ, tâm cuồng, các căn rối loạn, trì giới lơ là, không tu trì phát triển. Sa-môn Cù-đàm, với những người như vậy không thể cộng sự. Vì sao vậy? Bạch Cù-đàm, những người như vậy là phạm hạnh ô uế.

“Bạch Cù-đàm, nếu có những người không dua nịnh, cũng không dối trá, biết thi ân, có tín, tinh tấn, không giải đãi, có niệm, có định và cũng có trí tuệ, rất mực cung kính, tu tập phát triển. Sa-môn Cù-đàm, với những người như vậy có thể cộng sự. Vì sao vậy? Bạch Cù-đàm, những người như vậy là phạm hạnh thanh tịnh.

“Bạch Cù-đàm, cũng như trong các loại căn hương [42], trầm hương là bậc nhất. Vì sao vậy? Bạch Cù-đàm, vì trầm hương đối với các loại căn hương, nó là tối thượng.

“Bạch Cù-đàm, cũng như trong các loại hương lõi [43], xích chiên đàn là bậc nhất. Vì sao vậy? Bạch Cù-đàm, vì trong các thứ hương lõi, [653c] chiên đàn là tối thượng.

“Bạch Cù-đàm, cũng như trong các loại hoa nước, hoa sen xanh là bậc nhất. Vì sao vậy? Bạch Cù-đàm, vì trong các loại hoa nước hoa sen xanh đ là tối thượng.

“Bạch Cù-đàm, cũng như trong các thứ hoa trên đất, hoa tu-ma-na là bậc nhất. Vì sao vậy? Bạch Cù-đàm, vì trong các loại lục hoa, tu-ma-na hoa  là tối thượng.

“Bạch Cù-đàm, cũng như trong thế gian, giữa các luận sĩ, Sa-môn Cù-đàm là bậc nhất. Vì sao vậy? Vì Sa-môn Cù-đàm như một luận sĩ có thể khuất phục tất cả các ngoại đạo dị học vậy.

“Bạch Thế Tôn, nay con tự quy y Phật, Pháp và Tỳ-kheo Tăng. Cúi mong Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc. Kể từ hôm nay, trọn đời đều tự quy y cho đến tận mạng.”

Phật thuyết như vậy. Toán số Mục-kiền-liên và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành. [44]

145. KINH CÙ-MẶC MỤC-KIỀN-LIÊN

Tôi nghe như vầy:

Một thời, sau khi Đức Phật Bát-niết-bàn chưa bao lâu, Tôn giả A-nan trú tại thành Vương xá.

Lúc bấy giờ Vũ Thế [45], đại thần nước Ma-kiệt-đà, đang chỉnh trị thành Vương xá để phòng ngừa dân Bạt-kỳ [46]. Rồi đại thần Vũ Thế sai Cù-mặc Mục-kiền-liên, một người làm ruộng [47], đi đến Trúc lâm, vườn Ca-lan-đà. [48]

Bấy giờ Tôn giả A-nan vào lúc sáng sớm khoác y ôm bát vào thành Vương xá để khất thực, rồi Tôn giả A-nan nghĩ rằng: “Hãy gác việc khất thực trong thành Vương xá lại đã. Ta hãy đến chỗ người làm ruộng Cù-mặc Mục-kiền-liên.”

Rồi Tôn giả A-nan đi chỗ Cù-mặc Mục-kiền-liên, [654a] người làm ruộng.

Bà-la-môn Cù-măc Mục-kiền-liên [49] từ xa trông thấy Tôn giả A-nan đi đến, bèn rời chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo đang mặc, chắp tay hướng về Tôn giả A-nan, bạch rằng:

“Kính chào A-nan, lâu nay không thấy đến. Xin mời ngồi trên chỗ này.”

Tôn giả A-nan liền ngồi trên chỗ ngồi đó.

Bà-la-môn Cù-mặc Mục-kiền-liên sau khi chào hỏi Tôn giả A-nan, rồi ngồi xuống một bên mà bạch rằng:

“Bạch A-nan, tôi có điều muốn hỏi, mong nghe cho chăng?”

Tôn giả A-nan trả lời rằng:

“Mục-kiền-liên, ông cứ hỏi đi. Tôi nghe xong sẽ suy nghĩ .”

Bèn hỏi rằng:

“Bạch A-nan, có Tỳ-kheo nào sánh ngang với Sa-môn Cù-đàm chăng?”

Trong khi Tôn giả A-nan và Bà-la-môn Cù-mặc Mục-kiền-liên đang thảo luận vấn đề này thì Vũ Thế, đại thần nước Ma-kiệt-đà, đang đi ủy lạo những người làm ruộng [50], đến chỗ của Bà-la-môn Cù-mặc Mục-kiền-liên, người làm ruộng. Đại thần Vũ Thế từ xa trông thấy Tôn giả A-nan ở trong chỗ Bà-la-môn Cù-mặc Mục-kiền-liên, người làm ruộng, bèn đi đến chỗ Tôn giả A-nan. Sau khi chào hỏi xong, ngồi xuống một bên, hỏi rằng:

“Bạch A-nan, vừa rồi ngài cùng với Bà-la-môn Cù-mặc Mục-kiền-liên thảo luận vấn đề gì vậy? Vì việc gì mà cùng hội họp ở đây?”

Tôn giả A-nan đáp:

“Vũ Thế, Bà-la-môn Cù-mặc Mục-kiền-liên hỏi tôi rằng ‘A-nan, có Tỳ-kheo nào sánh ngang với Sa-môn Cù-đàm chăng?’ ”

Đại thần Vũ Thế, nước Ma-kiệt-đà lại hỏi:

“A-nan, ngài trả lời ông ấy như thế nào?”

Tôn giả A-nan đáp:

“Này Vũ Thế, hoàn toàn không một Tỳ-kheo nào sánh ngang với Thế Tôn được.”

Đại thần Vũ Thế, nước Ma-kiệt-đà lại hỏi:

“Vâng, A-nan, không một Tỳ-kheo nào sánh ngang với Thế Tôn được. Nhưng có Tỳ-kheo nào được Sa-môn Cù-đàm trong lúc tại thế lập nên và nói rằng ‘Tỳ-kheo này sau khi Ta Niết-bàn sẽ là nơi nương tựa của các Tỳ-kheo’, và vị ấy nay là nơi nương tựa của các người?”

Tôn giả A-nan đáp:

“Này Vũ Thế, hoàn toàn không một Tỳ-kheo nào được Thế Tôn, Bậc Tri Kiến [51], được Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác trong lúc tại thế lập lên và nói rằng ‘Tỳ-kheo này sau khi Ta Niết-bàn sẽ là nơi nương tựa cho các Tỳ-kheo’ và ngày nay đang là chỗ nương tựa cho chúng tôi.”

Đại thần Vũ Thế, nước Ma-kiệt-đà lại hỏi:

“Vâng, A-nan, không một Tỳ-kheo nào sánh ngang với Sa-môn Cù-đàm, cũng không một Tỳ-kheo nào được Sa-môn Cù-đàm trong lúc tại thế lập lên rằng ‘Tỳ-kheo này sau khi Ta Niết-bàn sẽ là nơi nương tựa cho các Tỳ-kheo và ngày nay đang là chỗ nương tựa cho các Tỳ-kheo’ và vị ấy nay là nơi nương tựa cho các người. Nhưng có Tỳ-kheo nào [654b] được chúng Tăng hòa hiệp và bái lập lên rằng ‘Tỳ-kheo này sau khi Thế Tôn Niết-bàn là nơi nương tựa cho các Tỳ-kheo’, và vị ấy nay đang là nơi nương tựa của các người?”

Tôn giả A-nan đáp:

“Này Vũ Thế, cũng không có Tỳ-kheo nào được chúng Tăng hòa hiệp bái lập lên rằng ‘Tỳ-kheo này sau khi Thế Tôn Niết-bàn sẽ là nơi nương tựa cho các Tỳ-kheo’ và vị ấy nay đang là chỗ nương tựa cho chúng tôi.”

Đại thần Vũ Thế nước Ma-kiệt-đà lại hỏi:

“Vâng, A-nan, không một Tỳ-kheo nào sánh ngang với Sa-môn Cù-đàm, cũng không một Tỳ-kheo nào được Sa-môn Cù-đàm trong lúc tại thế lập lên rằng ‘Tỳ-kheo này sau khi Ta Niết-bàn sẽ là nơi nương tựa cho các Tỳ-kheo’ để vị ấy nay đang là nơi nương tựa cho các người. Cũng không Tỳ-kheo nào được Tăng chúng hòa hiệp bái lập lên rằng ‘Tỳ-kheo này sau khi Thế Tôn Niết-bàn sẽ là nơi nương tựa cho các Tỳ-kheo’ để vị ấy nay đang là nơi nương tựa cho các người. Này A-nan, nếu vậy các người hiện tại không có ai để nương tựa, nhưng cùng sống hòa hiệp, không tranh chấp, an ổn, đồng nhất một giáo pháp, cùng hiệp nhất như nước với sữa, sống an lạc như trong lúc Sa-môn Cù-đàm tại thế chăng?”

Tôn giả A-nan đáp:

“Này Vũ Thế, ông đừng nói rằng chúng tôi không có ai để nương tựa. Vì sao vậy? Thật sự chúng tôi có nơi nương tựa.”

Đại thần Vũ Thế nước Ma-kiệt-đà đáp rằng:

“Bạch A-nan, những điều được nói trước và sau sao lại không phù hợp nhau? A-nan vừa nói như vầy ‘Không một Tỳ-kheo nào sánh ngang Thế Tôn, cũng không một Tỳ-kheo nào được Thế Tôn, Bậc Tri Kiến, là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác trong lúc tại thế lập lên rằng ‘Tỳ-kheo này sau khi Ta Niết-bàn sẽ là nơi nương tựa cho các Tỳ-kheo’ để vị ấy nay đang là nơi nương tựa cho chúng tôi. Cũng không có Tỳ-kheo nào được chúng Tăng hòa hiệp bái lập lên rằng ‘Tỳ-kheo này sau khi Thế Tôn Niết-bàn sẽ là nơi nương tựa cho các Tỳ-kheo’ để vị ấy nay là nơi nương tựa cho chúng tôi’. Nhưng này A-nan, do nhân gì, duyên gì, nay lại nói rằng ‘Thật sự chúng tôi có nơi nương tựa’?”

Tôn giả A-nan đáp:

“Này Vũ Thế, chúng tôi không nương tựa nơi người, nhưng nương tựa nơi pháp. Này Vũ Thế, nếu chúng tôi nương tựa nơi thôn ấp mà sống, vào ngày mười lăm là ngày thuyết Biệt giải thoát, cùng tập họp ngồi tại một chỗ. Nếu có Tỳ-kheo nào hiểu biết pháp, chúng tôi thỉnh vị ấy thuyết pháp cho chúng tôi. Nếu chúng Tăng ấy được thanh tịnh, chúng tôi hoan hỷ phụng hành pháp mà Tỳ-kheo ấy đã nói. Nếu chúng Tăng ấy không thanh tịnh, tùy theo pháp được nói, chúng tôi khuyên dạy làm điều này.”

Đại thần Vũ Thế nước Ma-kiệt-đà bạch rằng:

“Bạch A-nan, không phải các ngài khuyên dạy làm điều này, nhưng chính là pháp khuyên dạy [654c] làm điều này. Như vậy, A-nan, một ít pháp hay có nhiều pháp thảy đều có thể được tồn tại lâu dài, và như vậy A-nan, các ngài sống hòa hiệp không tranh chấp, an ổn, đồng nhất một giáo pháp, cùng hiệp nhất như nước với sữa, sống an lạc như lúc Sa-môn Cù-đàm tại thế.”

Đại thần Vũ Thế nước Ma-kiệt-đà lại hỏi:

“Này A-nan, có vị nào đáng tôn kính chăng?”

Tôn giả A-nan đáp:

“Này Vũ Thế, có vị xứng đáng được tôn kính.”

Vũ Thế bạch rằng:

“Bạch A-nan, những điều được nói sao lại trước sau không phù hợp nhau? A-nan vừa nói như vầy ‘Không một Tỳ-kheo nào sánh ngang Thế Tôn, cũng không một Tỳ-kheo nào được Thế Tôn trong lúc tại thế lập lên rằng ‘Tỳ-kheo này sau khi Ta Niết-bàn sẽ là nơi nương tựa cho các Tỳ-kheo” để vị ấy nay đang là nơi nương tựa cho chúng tôi. Cũng không có một Tỳ-kheo nào được chúng Tăng hòa hiệp bái lập lên rằng ‘Tỳ-kheo này sau khi Thế Tôn Niết-bàn sẽ là nơi nương tựa cho các Tỳ-kheo’ để nay vị ấy đang là nơi nương tựa cho chúng tôi. Nhưng này A-nan, do nhân gì, duyên gì nay lại nói rằng ‘Có vị xứng đáng được tôn kính’?”

Tôn giả A-nan đáp:

“Này Vũ Thế, Thế Tôn, bậc Tri kiến, là Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, đã có dạy về mười pháp đáng tôn kính [52]. Nếu chúng tôi thấy Tỳ-kheo nào có mười pháp này, chúng tôi cùng ái kính, tôn trọng, cúng dường, lễ sự Tỳ-kheo ấy.”

“Những gì là mười?

“Này Vũ Thế, Tỳ-kheo tu tập cấm giới, thủ hộ Biệt giải thoát, lại khéo thu nhiếp oai nghi lễ tiết, thấy tội lỗi nhỏ nhặt cũng thường sanh lòng lo sợ, thọ trì học giới. Này Vũ Thế, nếu chúng tôi thấy Tỳ-kheo nào tích cực hành trì tăng thượng giới thì chúng tôi cùng ái kính, tôn trọng, cúng dường, tôn phụng, lễ sự Tỳ-kheo ấy.

“Lại nữa, này Vũ Thế, Tỳ-kheo học rộng nghe nhiều, ghi nhớ không quên, tích lũy sự bác văn, đối với những pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, cụ túc thanh tịnh, hiển hiện phạm hạnh, đối với các pháp như vậy, vị ấy học rộng nghe nhiều, tụng thuộc cho đến hằng nghìn, chuyên ý tư duy quán sát, thấy rõ, hiểu sâu. Này Vũ Thế, khi chúng tôi thấy Tỳ-kheo nào tích cực đa văn thì chúng tôi cùng ái kính, tôn trọng, cúng dường, tôn phụng, lễ sự Tỳ-kheo ấy.

“Lại nữa, này Vũ Thế, Tỳ-kheo ấy xứng đáng là thiện tri thức, xứng đáng là thiện bằng hữu, xứng đáng là người bạn đồng hành tốt. Này Vũ Thế, khi chúng tôi thấy Tỳ-kheo nào thật sự xứng đáng là thiện tri thức, thì chúng tôi cùng ái kính, tôn trọng, cúng dường, tôn phụng, lễ sự Tỳ-kheo ấy.

“Lại nữa, này Vũ Thế, Tỳ-kheo ưa thích đời sống viễn ly, thành tựu cả hai sự viễn ly là thân và tâm. Này Vũ Thế, khi chúng tôi thấy [655a] Tỳ-kheo nào thật sự rất ưa thích đời sống viễn ly thì chúng tôi ái kính, tôn trọng, cúng dường, tôn phụng, lễ sự Tỳ-kheo ấy.

“Lại nữa, này Vũ Thế, Tỳ-kheo ưa thích sự tĩnh tọa, nội tâm thực hành tu chỉ [53], cũng không rời thiền tọa [54], thành tựu quán hạnh, [55] tăng ích đời sống nhàn cư [56]. Này Vũ Thế, khi chúng tôi thấy Tỳ-kheo nào rất ưa thích sự tĩnh tọa, thì chúng tôi cùng ái kính, tôn trọng, cúng dường, tôn phụng, lễ sự Tỳ-kheo ấy.

“Lại nữa, này Vũ Thế, Tỳ-kheo tri túc, áo cốt che thân, ăn chỉ để sống, đi đâu đều mang theo y bát, đi không luyến tiếc. Cũng như con nhạn mang theo đôi cánh bay liệng trong hư không; cũng vậy, Tỳ-kheo tri túc, áo cốt che thân, ăn chỉ để sống, đi đâu đều mang theo y bát, đi không luyến tiếc. Này Vũ Thế, khi chúng tôi thấy Tỳ-kheo nào rất tri túc thì chúng tôi cùng ái kính, tôn trọng, cúng dường, tôn phụng, lễ sự Tỳ-kheo ấy.

“Lại nữa, này Vũ Thế, Tỳ-kheo thường hành chuyên niệm, thành tựu chánh niệm, những gì đã tập hành từ lâu, những gì đã từng nghe từ lâu, hằng ghi nhớ không quên. Này Vũ Thế, khi chúng tôi thấy Tỳ-kheo nào rất chánh niệm thì chúng tôi thường ái kính, tôn trọng, cúng dường, tôn phụng, lễ sự Tỳ-kheo ấy.

“Lại nữa, này Vũ Thế, Tỳ-kheo thường hành tinh tấn, đoạn trừ ác bất thiện, tu tập các thiện pháp, hằng tự khởi ý, chuyên nhất kiên cố, đối với các gốc rễ thiện pháp không từ bỏ phương tiện. Này Vũ Thế, khi chúng tôi thấy Tỳ-kheo nào rất tinh cần thì chúng tôi cùng ái kính, tôn trọng, cúng dường, tôn phụng, lễ sự Tỳ-kheo ấy.

“Lại nữa, này Vũ Thế, Tỳ-kheo tu hành trí tuệ, quán pháp hưng suy, được như thật trí, bằng Thánh tuệ minh đạt, phân biệt thông suốt mà chân chánh diệt tận sự khổ. Này Vũ Thế, khi chúng tôi thấy Tỳ-kheo nào tích cực tu hành trí tuệ thì chúng tôi cùng ái kính, tôn trọng, cúng dường, tôn phụng, lễ sự Tỳ-kheo ấy.

“Lại nữa, này Vũ Thế, Tỳ-kheo các lậu đã diệt tận, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, tự tri, tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ, biết như thật: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Này Vũ Thế, khi chúng tôi thấy Tỳ-kheo nào các lậu đã diệt tận, thì chúng tôi cùng ái kính, tôn trọng, cúng dường, tôn phụng, lễ sự Tỳ-kheo ấy.

 “Lại nữa, này Vũ Thế, Thế Tôn, Bậc Tri Kiến, là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, giảng thuyết mười pháp xứng đáng được tôn kính này. Này Vũ Thế, khi chúng tôi thấy Tỳ-kheo nào hành mười pháp này thì chúng tôi cùng ái kính, tôn trọng, cúng dường, tôn phụng, lễ sự Tỳ-kheo ấy.”

Lúc bấy giờ, [655b] đám đông ở đây cất cao tiếng lớn nói [57]:

“Có thể tu tập con đường chánh trực chứ không phải không thể tu. Bất cứ ai tu tập con đường chánh trực, chứ không phải không thể tu, thì vị ấy là A-la-hán ở trong đời, xứng đáng ái kính, tôn trọng, cúng dường, lễ sự. Nếu các ngài có thể tu tập theo con đường chánh trực cần tu tập, thế thì trong đời các ngài là A-la-hán, xứng đáng ái kính, tôn trọng, cúng dường, lễ sự.” [58]

Rồi Vũ Thế, Đại thần nước Ma-kiệt-đà cùng với đám tùy tùng hỏi:

“A-nan, nay ngài đang trú tại đâu?”

Tôn giả A-nan đáp:

“Tôi đang trú tại Vương xá này, ở trong Trúc lâm, vườn Ca-lan-đà.”

“A-nan, Ca-lan-đà trong vườn Trúc thật là khả ái, đáng ưa, rất chỉnh đốn, dễ thích. Ban ngày không ồn ào, ban đêm vắng lặng, không có muỗi mòng, ruồi nhặng, không lạnh, không nóng. A-nan, ngài thích sống ở Ca-lan-đà trong Trúc lâm chăng?”

Tôn giả A-nan đáp:

“Thật vậy, Vũ Thế, Ca-lan-đà trong Trúc lâm rất khả ái, dễ ưa, rất chỉnh đốn, dễ thích, ban ngày không ồn ào, ban đêm thì vắng lặng, không có muỗi mòng, không có ruồi nhặng, không lạnh, không nóng. Này Vũ Thế, tôi thích trú Ca-lan-đà trong Trúc lâm ấy. Vì sao? Vì được Tôn giả ủng hộ [59].”

Lúc ấy, đại tướng Bà-nan [60] cũng ở giữa đám đông ấy. Đại tướng Bà-nan thưa:

“Thật vậy, Vũ Thế, Ca-lan-đà trong Trúc lâm rất khả ái, dễ ưa, rất chỉnh đốn, dễ thích, ban ngày không ồn ào, ban đêm thì vắng lặng, không có muỗi mòng, không có ruồi nhặng, không lạnh, không nóng. Tôn giả ấy thích trú tại Trúc lâm Ca-lan-đà. Vì sao vậy? –Vì Tôn giả này hành thiền tứ, ưa thích thiền tứ [61].”

Đại thần Vũ Thế nước Ma-kiệt-đà nghe xong bèn nói:

“Này đại tướng Bà-nan, trước đây, khi Sa-môn Cù-đàm trú tại lạc viên Kim-tì-la [62], này đại tướng Bà-nan, lúc bấy giờ tôi nhiều lần đến thăm Sa-môn Cù-đàm. Vì sao vậy? Sa-môn Cù-đàm hành thiền tứ, ưa thích thiền tứ, tán thán tất cả thiền tứ.”

Tôn giả A-nan nghe xong, nói rằng:

“Vũ Thế, chớ nói rằng Sa-môn Cù-đàm tán thán tất cả thiền tứ. Vì sao vậy? Thế Tôn có khi tán thán thiền tứ, nhưng có khi không tán thán.”

Vũ Thế, Đại thần nước Ma-kiệt, lại hỏi:

“A-nan, Sa-môn Cù-đàm không tán thán thiền tứ; nhưng không tán thán loại thiền tứ nào?”

Tôn giả A-nan đáp rằng:

“Vũ Thế, hoặc có người bị trói buộc bởi tham dục mà phát khởi tham dục, không biết như thật sự xuất yếu. Người ấy vì bị chướng ngại bởi tham dục cho nên thiền tứ, tăng gia thiền tứ [655c] mà trầm trọng thiền tứ [63]. Đó là loại thiền tứ thứ nhất mà Thế Tôn không tán thán.

“Lại nữa, Vũ Thế, hoặc có người bị triền phược bởi sân nhuế mà móng khởi sân nhuế, không biết như thật sự xuất yếu, người ấy vì bị chướng ngại bởi sân nhuế cho nên thiền tứ, tăng gia thiền tứ mà trầm trọng thiền tứ. Vũ Thế, đó là loại thiền tứ thứ hai Thế Tôn không tán thán.

“Lại nữa, này Vũ Thế, bị triền phược bởi thùy miên mà móng khởi thùy miên, không biết như thật sự xuất yếu. Người ấy vì bị chướng ngại bởi thùy miên cho nên thiền tứ, tăng gia thiền tứ, mà trầm trọng thiền tứ. Vũ Thế, đó là loại thiền tứ thứ ba mà Thế Tôn không tán thán.

“Lại nữa, này Vũ Thế, bị triền phược bởi nghi hoặc mà móng khởi nghi hoặc, không biết như thật sự xuất yếu. Người ấy vì bị chướng ngại bởi nghi hoặc cho nên thiền tứ, tăng gia thiền tứ, mà trầm trọng thiền tứ. Vũ Thế, đó là loại thiền tứ thứ tư Thế Tôn không tán thán.

“Này Vũ Thế, Thế Tôn không tán thán bốn loại thiền tứ này.”

Đại thần Vũ Thế nước Ma-kiệt-đà bạch rằng:

“Bạch A-nan, bốn loại thiền tứ này thật đáng ghét, là những trường hợp đáng ghét, Sa-môn Cù-đàm không tán thán. Vì sao vậy? Vì là Bậc Chánh Đẳng Giác vậy.”

Đại thần Vũ Thế nước Ma-kiệt-đà lại hỏi:

“A-nan, những loại thiền tứ nào được Sa-môn Cù-đàm tán thán?”

Tôn giả A-nan đáp:

“Vũ Thế, tỳ-kheo ly dục, ly ác bất thiện pháp, cho đến chứng đắc Tứ thiền, thành tựu an trụ. Này Vũ Thế, Thế Tôn tán thán bốn loại thiền tứ này.”

Đại thần Vũ Thế nước Ma-kiệt-đà bạch rằng:

“Bạch A-nan, bốn loại thiền tứ này thật đáng tán thán, là những trường hợp đáng tán thán, được Sa-môn Cù-đàm tán thán. Vì sao vậy? Vì là Bậc Chánh Đẳng Giác vậy. A-nan, tôi nhiều việc ứ đọng, xin phép cáo từ.”

Tôn giả A-nan nói:

“Xin cứ tùy ý.”

Rồi đại thần nước Ma-kiệt-đà Vũ Thế sau khi nghe Tôn giả A-nan nói, cẩn thận ghi nhớ, rời chỗ ngồi đứng dậy, đi quanh Tôn giả ba vòng rồi trở lui.

Lúc bấy giờ Bà-la-môn Cù-mặc Mục-kiền-liên sau khi đại thần Vũ Thế nước Ma-kiệt-đà đi không bao lâu, bạch rằng:

“Bạch A-nan, phải chăng những điều tôi hỏi đã không được trả lời?”

Tôn giả A-nan đáp:

“Mục-kiền-liên, quả thật tôi đã không trả lời.”

Bà-la-môn Cù-mặc Mục-kiền-liên bạch rằng:

“A-nan, tôi lại có điều muốn hỏi, mong nghe cho chăng?”

Tôn giả A-nan đáp:

“Mục-kiền-liên, ông cứ hỏi. Tôi nghe xong sẽ suy nghĩ.”

Bà-la-môn Cù-mặc Mục-kiền-liên bèn hỏi rằng:

“A-nan, giải thoát và tuệ giải thoát của Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác và giải thoát của A-la-hán, hai [64] giải thoát này có sự sai biệt nào và có sự thắng liệt nào chăng?”

 [656a]Tôn giả A-nan đáp:

“Này Mục-kiền-liên, giải thoát và tuệ giải thoát của Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác và giải thoát của A-la-hán, hai giải thoát này không có sai biệt, cũng không có sự thắng liệt.”

Bà-la-môn Cù-mặc Mục-kiền-liên bạch rằng:

“Bạch A-nan, mong ngài ở lại đây dùng cơm.”

Tôn giả A-nan im lặng nhận lời.

Bà-la-môn Cù-mặc Mục-kiền-liên biết Tôn giả A-nan im lặng nhận lời bèn rời khỏi chỗ ngồi đứng dậy, tự tay lấy nước, rửa dọn các thức ăn rất tịnh diệu với các loại mềm và cứng rất thịnh soạn, tự tay châm chước cho đến no đủ. Ăn xong, dọn dẹp chén bát, dùng nước rửa xong, lấy một cái giường nhỏ ngồi riêng một bên nghe pháp. Tôn giả A-nan thuyết pháp cho ông nghe, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi bằng vô lượng phương tiện thuyết pháp, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ xong, [Tôn giả A-nan đứng dậy ra về] [65].

Tôn giả A-nan thuyết như vậy. Đại thần Vũ Thế nước Ma-kiệt-đà và Bà-la-môn Cù-mặc Mục-kiền-liên sau khi nghe Tôn giả A-nan thuyết, hoan hỷ phụng hành.

146. KINH TƯỢNG TÍCH DỤ

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ Dị học Ti-lô [66] vào lúc sáng sớm ra khỏi nước Xá-vệ, đi đến chỗ Phật, cúi đầu làm lễ rồi ngồi xuống một bên. Phật thuyết pháp cho ông nghe, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi bằng vô lượng phương tiện thuyết pháp, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ xong rồi Phật ngồi im lặng.

Dị học Ti-lô sau khi được Phật thuyết pháp, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ xong, rời chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu lễ chân Phật, đi quanh ba vòng rồi lui về.

Bấy giờ, Bà-la-môn Sanh Văn [67] ngồi trên cỗ xe trắng rất đẹp, cùng với năm trăm đệ tử, vào lúc sáng sớm, khi ra khỏi Xá-vệ, đi đến một khu rừng để dạy đệ tử tụng đọc kinh thơ. Bà-la-môn Sanh Văn từ xa trông thấy Dị học Ti-lô đi đến, bèn hỏi:

“Này Bà-ta [68], mới sáng sớm ông đã từ đâu về vậy?”

Dị học Ti-lô đáp:

“Này Bà-la-môn, tôi đi thăm Đức Thế Tôn, lễ sự, cúng dường rồi về đây.”

Bà-la-môn Sanh Văn hỏi:

“Ông có biết Sa-môn Cù-đàm ở nơi trống vắng yên tĩnh học trí tuệ chăng [69]?”

Dị học Ti-lô đáp:

“Bà-la-môn, hạng người nào mà có thể biết Thế Tôn ở nơi trống vắng yên tĩnh [656b] học trí tuệ? Này Bà-la-môn, nếu biết Thế Tôn ở nơi trống vắng yên tĩnh, học trí tuệ thì cũng phải bằng Thế Tôn. Nhưng, này Bà-la-môn, kinh thơ mà tôi đọc có bốn cú nghĩa [70] và do bốn cú nghĩa này mà tôi nhất định tin tưởng Thế Tôn là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác. Pháp được nói bởi Thế Tôn là toàn thiện. Thánh Chúng đệ tử Như Lai khéo thú hướng.

“Này Bà-la-môn, cũng như thợ săn voi rành nghề, đi rảo trong một khu rừng, ở giữa rừng cây nhìn thấy dấu chân voi to lớn. Thấy rồi, người ấy nhất định tin tưởng con voi này phải là rất lớn mới có dấu chân như vậy. Này Bà-la-môn, tôi cũng như vậy. Trong kinh thơ mà tôi đọc có bốn cú nghĩa, do bốn cú nghĩa này mà tôi nhất định tin rằng Thế Tôn là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác. Pháp được nói bởi Thế Tôn là toàn thiện. Thánh Chúng đệ tử của Như Lai khéo thú hướng.

“Bốn cú nghĩa ấy là thế nào?

“Này Bà-la-môn, các luận sĩ Sát-lị có trí tuệ, học rộng, quyết định [71], có thể khuất phục người đời, không thứ gì là không biết, rồi đem những điều được thấy mà tạo tác văn chương, lưu hành trong thế gian. Họ nghĩ như vầy, ‘Ta đến chỗ Sa-môn Cù-đàm hỏi sự việc như vầy, nếu trả lời được, Ta lại hỏi nữa. Nếu không trả lời được, Ta khuất phục rồi bỏ đi’. Họ nghe Thế Tôn đang trú tại một thôn ấp nào đó, bèn tìm đến. Sau khi gặp Thế Tôn, hỏi còn không dám, há lại nói đến sự khuất phục. Này Bà-la-môn, kinh thư mà tôi đã đọc dùng được cho cú nghĩa thứ nhất này. Nhân ý nghĩa này, tôi nhất định tin rằng Thế Tôn là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác. Pháp được nói bởi Thế Tôn là toàn thiện. Thánh Chúng đệ tử của Như Lai khéo thú hướng.

“Cũng vậy, những Bà-la-môn có trí tuệ, những Cư sĩ có trí tuệ, những luận sĩ Sa-môn có trí tuệ, đa văn, quyết định, có khả năng khuất phục người đời, không điều gì là không biết, rồi đem những điều được thấy tạo tác văn chương lưu hành thế gian. Họ nghĩ như vầy, ‘Ta đến chỗ Sa-môn Cù-đàm hỏi sự việc như vầy, nếu trả lời được, Ta lại hỏi nữa. Nếu không trả lời được, Ta khuất phục rồi bỏ đi’. Họ nghe Thế Tôn đang trú tại một thôn ấp nào đó, bèn tìm đến. Sau khi gặp Thế Tôn, hỏi còn không dám, há lại nói đến sự khuất phục. Này Bà-la-môn, kinh thư mà tôi đã đọc dùng được cho cú nghĩa thứ tư này. [72] Nhân ý nghĩa này, tôi nhất định tin rằng Thế Tôn là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, pháp được nói bởi Thế Tôn là toàn thiện, Thánh chúng đệ tử của Như Lai khéo thú hướng.

“Này Bà-la-môn, kinh thơ mà tôi được đọc có bốn cú nghĩa này. Tôi do bốn cú nghĩa này mà nhất định tin tưởng rằng Thế Tôn là Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, pháp được Thế Tôn nói là toàn thiện, Thánh chúng đệ tử Như Lai khéo thú hướng.”

Bà-la-môn Sanh Văn nói rằng:

“Này Bà-ta, ông thật hết sức cúng dường Sa-môn Cù-đàm. [656c] Do sở nhân, sở duyên này mà hoan hỷ phụng hành.”

Dị học Ti-lô đáp:

“Này Bà-la-môn, thật vậy, thật vậy, tôi hết sức cúng dường Đức Thế Tôn ấy và cũng hết sức tán thán. Tất cả thế gian cũng nên cúng dường.”

Lúc bấy giờ Bà-la-môn Sanh Văn trên xe bước xuống, quỳ gối phải xuống đất, chắp tay hướng về rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc ba lần làm lễ:

“Nam mô Như Lai Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác.”

Ba lần như vậy xong, trở lên cỗ xe trắng rất đẹp, đi đến rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc. Đến chỗ xe có thể đi được, rồi xuống xe đi bộ, tiến về chỗ Phật, chào hỏi xong ngồi xuống một bên, đem câu chuyện mà Bà-la-môn Sanh Văn vừa thảo luận với dị học Ti-lô, kể lại hết cho Phật nghe.

Thế Tôn nghe xong, nói rằng:

“Này Bà-la-môn, Dị học Ti-lô nói thí dụ về dấu chân voi chưa được hoàn hảo, chưa được trọn vẹn. Thí dụ về dấu chân voi mà được nói một cách hoàn hảo, trọn vẹn để Ta nói cho ông nghe. Hãy khéo nghe kỹ.

“Này Bà-la-môn, cũng như thợ săn voi rành nghề, đi vào trong một khu rừng, ở giữa đám cây rừng, nhìn thấy dấu chân voi to lớn. Thấy rồi, ông có thể tin rằng con voi kia phải hết sức to lớn mới có dấu chân như vậy.

“ [73]Này Bà-la-môn, thợ săn voi rành nghề ấy, hoặc giả không tin, vì rằng trong khu rừng ấy còn có một loại voi cái được gọi là Gia-lê-nậu [74], thân thể rất cao lớn hơn, nó có dấu chân này. Rồi thợ săn tìm theo dấu chân. Lại thấy dấu chân voi rất lớn. Thấy rồi có thể tin rằng con voi này hết sức to lớn mới có dấu chân như vậy.

“Này Bà-la-môn, thợ săn rành nghề ấy, hoặc giả vẫn không tin, vì rằng trong khu rừng ấy lại còn có loại voi cái được gọi là Gia-la-lê [75], thân thể rất cao lớn hơn nữa, nó có dấu chân này. Rồi thợ săn tìm theo dấu chân này, lại thấy dấu chân voi to lớn. Thấy rồi, có thể tin rằng con voi này phải hết sức to lớn mới có dấu chân như vậy.

“Này Bà-la-môn, thợ săn rành nghề ấy, hoặc giả vẫn không tin, vì rằng trong rừng này còn có loại voi cái được gọi là Bà-hòa-nậu [76], thân thể rất cao lớn hơn nữa, nó có dấu chân này. Bèn đi tìm dấu chân này. Lại thấy dấu chân voi to lớn. Thấy rồi có thể tin rằng con voi này phải hết sức to lớn mới có dấu chân này. Thợ săn sau khi tìm theo dấu chân, thấy dấu chân voi rất lớn. Dấu chân voi rất lớn, vuông vức, rất dài, rất rộng, toàn thể chu vi bàn chân lún sâu xuống đất, và thấy con voi ấy hoặc đi lui, hoặc đi tới, hoặc dừng lại, hoặc chạy, hoặc đứng, hoặc nằm. Thấy con voi ấy rồi bèn nghĩ ‘Nếu có dấu chân lớn ấy tất phải con voi lớn này’.

“Này Bà-la-môn, cũng vậy, nếu trong đời xuất hiện Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn; vị ấy đối với thế gian này, gồm chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, từ người đến người, [657a] mà tự tri, tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ, biết như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Vị ấy thuyết pháp, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có văn, có nghĩa, trọn đủ thanh tịnh, hiển hiện phạm hạnh, pháp được vị áy thuyết giảng, hoặc Cư sĩ, hoặc con nhà Cư sĩ, nghe xong được tín tâm. Sau khi ở trong chánh pháp luật của Như Lai mà được tín tâm rồi, bèn nghĩ rằng ‘Tại gia chật hẹp, đầy những nhọc nhằn bụi bặm. Đời xuất gia học đạo rộng rãi bao la. Ta nay sống tại gia bị những phiền lớn khóa chặt, không được trọn đời tịnh tu phạm hạnh. Vậy ta hãy từ bỏ những tài vật ít hay tài vật nhiều, từ giã thân thuộc lớn hay thân thuộc nhỏ, cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình để học đạo’.

“Người ấy về sau hãy từ bỏ những tài vật ít hay tài vật nhiều, từ giã thân thuộc lớn hay thân thuộc nhỏ, cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình để học đạo. Vị ấy sau khi xuất gia, từ giã thân thuộc, thọ yếu pháp Tỳ-kheo, tu tập cấm giới, thủ hộ Biệt giải thoát; lại khéo thu nhiếp các oai nghi, lễ tiết, thấy những lỗi nhỏ nhặt cũng thường đem lòng lo sợ, thọ trì học giới.

“Người ấy lìa bỏ sát sanh, đoạn trừ sát sanh, dẹp bỏ dao gậy, có tàm, có quý, có tâm từ bi, làm lợi ích cho tất cả, cho đến côn trùng. Người ấy đối với sự sát sanh, tâm đã tịnh trừ.

“Người ấy xa lìa sự lấy của không cho, đoạn trừ sự lấy của không cho, chỉ lấy của được cho, vui trong sự lấy của được cho, thường ưa bố thí, hoan hỷ không keo kiết, không trông chờ báo đáp. Người ấy đối với sự lấy của không cho, tâm đã tịnh trừ.

“Người ấy xa lìa phi phạm hạnh, đoạn trừ phi phạm hạnh, siêng tu phạm hạnh, tinh cần diệu hạnh thanh tịnh vô uế, ly dục, đoạn dâm. Người ấy đối với sự phi phạm hạnh tâm đã tịnh trừ.

“Người ấy xa lìa nói láo, đoạn trừ nói láo, nói lời chắc thật, an trụ trên sự thật không di động, nói tất cả những lời đều đáng tin, không lừa gạt thế gian. Người ấy đối với sự nói láo, tâm đã tịnh trừ.

“Người ấy xa lìa nói hai lưỡi, đoạn trừ nói hai lưỡi, sống không hai lưỡi, không phá hoại người khác. Không nghe người này nói lại người kia để phá hoại người này. Không nghe từ người kia nói lại người này để phá hoại người kia. Chia rẽ thì làm cho hòa hợp, đã hòa hợp thì làm cho hoan hỷ. Không kết bè đảng, không vui theo bè đảng, không ca ngợi việc kết bè đảng. Người ấy đối với hai lưỡi, tâm đã tịnh trừ.

“Người ấy xa lìa lời nói cộc cằn, đoạn trừ nói cộc cằn. Nếu có lời nói nào mà lời lẽ thô lỗ, tiếng dữ chói tai, mọi người không vui, mọi người không thích, khiến người khác khổ não, [657b] khiến không được định, vị ấy đoạn trừ những lời như vậy. Nếu có những lời nào mà ôn hòa, mềm mỏng, nghe lọt tai, thấm vào lòng, đáng ưa, đáng thích, khiến người khác an ổn, lời tiếng rõ ràng đầy đủ, không khiến người sợ, khiến người được định. Vị ấy nói những lời như vậy. Người ấy đối với sự nói cộc cằn, tâm đã tịnh trừ.

“Người ấy xa lìa nói phù phiếm, đoạn trừ nói phù phiếm; nói đúng thời, nói đúng sự thật, nói đúng pháp, nói đúng nghĩa, nói tịch tịnh, nói sự ưa thích tịch tịnh, hợp sự việc, hợp thời cơ, khéo khuyến giáo, khéo khiển trách. Người ấy đối với sự nói phù phiếm, tâm đã tịnh trừ.

“Người ấy xa lìa việc buôn bán, dẹp bỏ cân đong và đấu hộc; cũng không nhận hàng hóa, không buộc trói người, không mong đong lừa, cân thiếu, không vì lợi nhỏ mà xâm hại, gạt gẫm người. Người ấy đối với sự buôn bán, tâm đã tịnh trừ.

“Người ấy xa lìa sự thâu nhận đàn bà góa, đồng nữ, đoạn trừ sự thâu nhận đàn bà góa, đồng nữ. Đối với sự thâu nhận đàn bà góa, đồng nữ, người ấy tâm đã tịnh trừ.

“Người ấy xa lìa sự thâu nhận nô tỳ, đoạn trừ sự thâu nhận nô tỳ. Người ấy đối với sự thâu nhận nô tỳ, tâm đã tịnh trừ.

“Người ấy xa lìa sự thâu nhận voi, ngựa, bò, dê, đoạn trừ sự thâu nhận voi, ngựa, bò, dê. Người ấy đối với sự thâu nhận voi, ngựa, bò, dê, tâm đã tịnh trừ.

“Người ấy xa lìa sự thâu nhận gà, heo, đoạn trừ sự thâu gà, heo. Người ấy đối với sự thâu nhận gà, heo, tâm đã tịnh trừ.

“Người ấy xa lìa sự thâu nhận ruộng vườn, quán xá, đoạn trừ sự thâu nhận ruộng vườn, quán xá. Người ấy đối với sự thâu nhận ruộng vườn, quán xá, tâm đã tịnh trừ.

“Người ấy xa lìa sự thâu nhận lúa, thóc, đậu sống, đoạn trừ sự thâu nhận lúa, thóc, đậu sống. Người ấy đối với sự thâu nhận lúa, thóc, đậu sống, tâm đã tịnh trừ.

“Người ấy xa lìa rượu, đoạn trừ rượu. Người ấy đối với sự uống rượu, tâm đã tịnh trừ.

“Người ấy xa lìa giường cao rộng lớn, đoạn trừ giường cao rộng lớn. Người ấy đối với giường cao rộng lớn, tâm đã tịnh trừ.

“Người ấy xa lìa tràng hoa, anh lạc, hương bột, phấn sáp; đoạn trừ tràng hoa, anh lạc, hương bột, phấn sáp. Người ấy đối với tràng hoa, anh lạc, hương bột, phấn sáp, tâm đã tịnh trừ.

“Người ấy xa lìa ca, vũ, xướng, kỹ và đi đến xem nghe; đoạn trừ ca, vũ, xướng, kỹ và đi đến xem nghe. Người ấy đối với ca, vũ, xướng, kỹ và đi đến xem nghe, tâm đã tịnh trừ.

“Người ấy xa lìa sự thâu nhận tiền bạc, đoạn trừ sự thâu nhận tiền bạc. Người ấy đối với sự thâu nhận tiền bạc, tâm đã tịnh trừ.

“Người ấy xa lìa sự ăn quá giữa trưa, đoạn trừ sự ăn quá giữa trưa. Người ấy đối với sự ăn quá giữa trưa, tâm đã tịnh trừ.

“Người ấy sau khi thành tựu Thánh giới tụ này rồi, lại sống hết sức tri túc, áo chỉ cốt che thân, ăn chỉ cốt nuôi thân, du hành đến đâu đều mang theo y bát, đi không luyến tiếc, cũng như con nhạn mang theo đôi cánh [657c] bay liệng trong không.

“Người ấy sau khi thành tựu Thánh giới tụ này và hết sức tri túc rồi, lại thủ hộ các căn, thường niệm tưởng sự khép kín [77], niệm tưởng muốn minh đạt, thủ hộ tâm mà được thành tựu, hằng khởi chánh tri. Khi mắt thấy sắc, không chấp thủ tướng của sắc, không đắm nhiễm vị [78] của sắc. Do nguyên nhân gì [79] mà khi nhãn căn không được thủ hộ thì trong tâm sanh tham lam, ưu sầu, ác bất thiện pháp, vị ấy hướng đến kia mà thủ hộ căn con mắt. Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân; khi ý biết pháp, không chấp thủ tướng của pháp, không đắm nhiễm vị của pháp. Do nguyên nhân gì mà khi ý căn không được thủ hộ thì trong tâm sanh tham lam, ưu sầu, ác bất thiện pháp, hãy hướng đến kia mà thủ hộ ý căn.

“Người ấy sau khi thành tựu Thánh giới tụ này và hết sức tri túc, thủ hộ các căn rồi, lại biết rõ chân chánh sự ra vào, khéo quán sát phân biệt sự co, duỗi, cúi, ngước, nghi dung chững chạc, khéo đắp tăng-già-lê và mang các y bát; đi, đứng, nằm, ngồi, ngủ, nghỉ, nói năng thảy đều biết rõ chân chánh.

“Người ấy sau khi thành tựu Thánh giới tụ này và hết sức tri túc, thủ hộ các căn, biết rõ chân chánh sự ra vào rồi lại sống cô độc tại nơi xa vắng, ở trong rừng vắng, trong rừng sâu, dưới gốc cây, những nơi trống vắng yên tĩnh, sườn non, động đá, đất trống, lùm cây, hoặc đến trong rừng, hoặc giữa bãi tha ma. Người ấy sau khi ở trong rừng vắng, hoặc đến gốc cây, những chỗ không nhàn yên tĩnh, trải ni-sư-đàn, ngồi xếp kiết già, chánh thân chánh nguyện, hướng niệm nội tâm [80], đoạn trừ tâm tham lam, không có não hại, thấy tài vật và các nhu dụng sinh sống của người khác mà không khởi tâm tham lam muốn khiến về mình. Người ấy đối với tham lam, tâm được tịnh trừ.

“Cũng vậy, đối với sân nhuế, thùy miên, trạo hối, đoạn trừ nghi hoặc, đối với các thiện pháp không còn do dự. Vị ấy đối với sự nghi hoặc, tâm đã tịnh trừ.

“Người ấy đoạn trừ năm triền cái này, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, ly dục, ly ác bất thiện pháp, có tầm có tứ, có hỷ lạc do ly dục sanh, chứng đắc Sơ thiền, thành tựu an trụ.

“Này Bà-la-môn, đó gọi là điều được Như Lai khuất, được Như Lai hành, được Như Lai phục, nhưng người ấy không cho đây là cứu cánh để nói rằng ‘Thế Tôn là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, pháp được Thế Tôn nói là toàn thiện, Thánh chúng đệ tử Như Lai khéo thú hướng’.

“Rồi người ấy giác quán đã dứt, nội tĩnh, nhất tâm, không giác, không quán, hỷ lạc do định sanh, chứng đắc Nhị thiền, thành tựu an trụ.

“Này Bà-la-môn, đó gọi là điều được Như Lai khuất, được Như Lai hành, được Như Lai phục, nhưng người ấy không cho đây là cứu cánh để nói rằng ‘Thế Tôn là Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, pháp được Thế Tôn nói là toàn thiện, Thánh chúng đệ tử Như Lai khéo thú hướng’.

“Rồi người ấy ly hỷ dục, xả, vô cầu, an trụ nơi chánh niệm, chánh trí, thân cảm lạc thọ, điều mà Thánh nói là Thánh sở xả niệm lạc trụ thất, đạt đến Tam thiền, thành tựu an trụ.

“Này Bà-la-môn, đó gọi là điều được Như Lai khuất, được Như Lai hành, được Như Lai phục, [81] nhưng người ấy không cho đây là cứu cánh để nói rằng ‘Thế Tôn là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Pháp được Thế Tôn nói là [658a] toàn thiện, Thánh Chúng đệ tử Như Lai khéo thú hướng’.

“Rồi người ấy lạc diệt, khổ diệt, ưu hỷ vốn cũng đã diệt, không lạc, không khổ, xả niệm thanh tịnh, đạt đến Tứ thiền, thành tựu an trụ.

“Này Bà-la-môn, đó gọi là điều được Như Lai khuất, được Như Lai hành, được Như Lai phục, nhưng người ấy không cho đây là cứu cánh để nói rằng ‘Thế Tôn là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Pháp được Thế Tôn nói là toàn thiện, Thánh Chúng đệ tử Như Lai khéo thú hướng’.

“Người ấy sau khi đạt đến định tâm như vậy, thanh tịnh, không uế, không phiền, nhu nhuyến, an trụ vững vàng, đạt được bất động tâm, thú hướng đến sự tác chứng lậu tận trí thông. Người ấy biết như thật đây là Khổ, biết như thật đây là Khổ tập, đây là Khổ diệt, đây là Khổ diệt đạo, biết như thật đây là lậu, biết như thật đây là lậu tận, đây là lậu diệt, đây là lậu diệt đạo.

“Người ấy biết như vậy, thấy như vậy, tâm giải thoát dục lậu, tâm giải thoát hữu lậu, vô minh lậu. Giải thoát rồi thì biết mình đã giải thoát, biết như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.

“Này Bà-la-môn, đó gọi là điều được Như Lai khuất, được Như Lai hành, được Như Lai phục, Người ấy lấy đây làm cứu cánh để nói rằng ‘Thế Tôn là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Pháp được Thế Tôn nói là toàn thiện, Thánh Chúng đệ tử Như Lai khéo thú hướng’.

“Này Bà-la-môn, ý ông nghĩ sao? Thí dụ về dấu chân voi như vậy là khéo trình bày, được trọn vẹn chăng?”

Bà-la-môn Sanh Văn bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, con đã hiểu. Bạch Thiện Thệ, con đã rõ. Bạch Thế Tôn, con nay tự quy y Phật, Pháp và chúng Tỳ-kheo Tăng. Cúi mong Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc, kể từ hôm nay tự quy y cho đến mạng tận [82].”

Phật thuyết như vậy. Bà-la-môn Sanh Văn và Dị học Ti-lô sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

147. KINH VĂN ĐỨC [83]

 [658b2] Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ, Bà-la-môn Sanh Văn [84], sau giữa trưa thong dong tản bộ đi đến chỗ Phật, chào hỏi xong, ngồi xuống một bên, bạch rằng:

“Cù-đàm, tôi có điều muốn hỏi, Ngài nghe cho mới dám trình bày.”

Thế Tôn nói:

“Này Bà-la-môn, muốn hỏi gì xin cứ hỏi.”

Bà-la-môn Sanh Văn bèn hỏi:

“Đệ tử của Sa-môn Cù-đàm, hoặc có người tại gia, hoặc có người xuất gia học đạo, nhưng vì mục đích gì mà bác văn, tụng tập?”

Thế Tôn đáp:

“Đệ tử của Ta, hoặc tại gia hay xuất gia học đạo mà bác văn, tụng tập là muốn tự điều phục, muốn tự tịch tịnh, tự tìm cầu cứu cánh tịch diệt. Này Bà-la-môn, đệ tử của Ta tại gia hay xuất gia học đạo vì mục đích này mà bác văn tụng tập.”

Bà-la-môn Sanh Văn lại hỏi:

“Này Cù-đàm, bác văn tụng tập có sự sai biệt chăng? Bác văn tụng tập có công đức chăng?”

Thế Tôn nói:

“Này Bà-la-môn, bác văn tụng tập có sự sai biệt, bác văn tụng tập cũng có công đức.”

Bà-la-môn Sanh Văn hỏi:

“Cù-đàm, bác văn tụng tập có sự sai biệt gì? Có công đức gì?”

Thế Tôn nói:

“Này Bà-la-môn, đa văn Thánh đệ tử ban ngày làm các công nghiệp cốt để mưu cầu lợi ích, nhưng công nghiệp của họ thất bại, không thành. Khi những công nghiệp của họ thất bại không thành, họ không ưu sầu, phiền muộn, khóc than; không vật mình, áo não; cũng không phát cuồng. Này Bà-la-môn, nếu đa văn Thánh đệ tử ban ngày làm các công nghiệp mà những công nghiệp ấy thất bại không thành; dù những công nghiệp ấy đã thất bại không thành, họ vẫn không ưu sầu phiền muộn, khóc than; không vật mình áo não; cũng không phát si phát cuồng, này Bà-la-môn, đó là bác văn tụng tập có sự sai biệt, có công đức này.

“Lại nữa, này Bà-la-môn, đa văn Thánh đệ tử có những gì yêu thương mà bị đổi thay, tán thất, không còn sum họp, cách biệt chia lìa, nhưng vẫn không ưu sầu phiền muộn, khóc than; không vật mình áo não, cũng không phát si phát cuồng. Này Bà-la-môn, nếu đa văn Thánh đệ tử có những gì yêu thương mà bị đổi thay, tán thất, không còn sum họp, cách biệt, chia lìa, nhưng vẫn không ưu sầu, phiền muộn, khóc than; không vật mình áo não, cũng không phát si phát cuồng, này Bà-la-môn, đó là bác văn tụng tập mà có sự sai biệt, có công đức này.

“Lại nữa, này Bà-la-môn, đa văn Thánh đệ tử biết rằng [658c] những tài vật sở hữu này thảy đều vô thường, nên nghĩ đến sự xuất gia học đạo. Này Bà-la-môn, nếu đa văn Thánh đệ tử biết rằng những tài vật sở hữu thảy đều vô thường nên nghĩ đến sự xuất gia học đạo, này Bà-la-môn, đó là bác văn tụng tập mà có sự sai biệt, có công đức này.

“Lại nữa, này Bà-la-môn, đa văn Thánh đệ tử sau khi biết rằng tài vật sở hữu thảy đều vô thường, bèn cạo bỏ râu tóc, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, học đạo. Này Bà-la-môn, nếu đa văn Thánh đệ tử sau khi biết rằng những sở hữu tài vật thảy đều vô thường, bèn cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, chí tín lìa bỏ gia đình sống không gia đình học đạo, này Bà-la-môn, đó là bác văn tụng tập mà có sự sai biệt, có công đức này.

“Lại nữa, này Bà-la-môn, đa văn Thánh đệ tử có thể nhẫn nại đói khát, lạnh nóng, muỗi mòng, chí rận, gió nắng bức bách, tiếng dữ, gậy hèo cũng có thể nhẫn; thân thể gặp các thứ bệnh tật rất đau đớn đến gần như tuyệt mạng và những điều không khả lạc thảy đều có thể nhẫn nại. Này Bà-la-môn, nếu đa văn Thánh đệ tử có thể kham nhẫn đói khát, lạnh nóng, muỗi mòng, chí rận, gió nắng bức bách, tiếng dữ, gậy hèo cũng có thể nhẫn; thân thể gặp các bệnh tật rất đau đớn đến gần như tuyệt mạng và những điều không khả lạc thảy đều có thể nhẫn nại, thì này Bà-la-môn, đó là bác văn tụng tập mà có sự sai biệt, có công đức này.

“Lại nữa, này Bà-la-môn, đa văn Thánh đệ tử nhẫn nại những điều không hoan lạc. Khi những điều không hoan lạc đã sanh, trong lòng không hề bị vướng bận. Này Bà-la-môn, nếu đa văn Thánh đệ tử nhẫn nại những điều không hoan lạc; những điều không hoan lạc đã sanh, trong tâm không hề bị vướng bận, thì này Bà-la-môn, đó là bác văn tụng tập mà có sự sai biệt, có công đức này.

“Lại nữa, này Bà-la-môn, đa văn Thánh đệ tử nhẫn nại sự sợ hãi. [85] Khi sự sợ hãi phát sanh, trong tâm không hề bị vướng bận. Này Bà-la-môn, nếu đa văn Thánh đệ tử nhẫn nại sự sợ hãi, khi sự sợ hãi phát sanh, trong tâm không hề vướng bận, thì này Bà-la-môn, đó là bác văn tụng tập mà có sự sai biệt, có công đức này.

“Lại nữa, này Bà-la-môn, đa văn Thánh đệ tử khi sanh khởi ba niệm ác bất thiện là: [86] niệm dục, niệm nhuế và niệm hại, với ba niệm ác bất thiện này, trong tâm không hề bị dính trước. Này Bà-la-môn, nếu đa văn Thánh đệ tử phát sanh ba niệm ác bất thiện, niệm dục, niệm nhuế và niệm hại, với ba niệm ác bất thiện này mà trong tâm không hề bị dính trước, thì này Bà-la-môn, đó là bác văn tụng tập mà có sự sai biệt, có công đức này.

“Lại nữa, này Bà-la-môn, đa văn Thánh đệ tử ly dục, ly ác bất thiện pháp, cho đến chứng đắc Tứ thiền, thành tựu an trụ. Này Bà-la-môn, nếu đa văn Thánh đệ tử ly dục, ly ác bất thiện pháp, [659a]cho đến chứng đắc Tứ thiền, thành tựu an trụ, thì này Bà-la-môn, đó là bác văn tụng tập mà có sự sai biệt, có công đức này.

“Lại nữa, này Bà-la-môn, đa văn Thánh đệ tử mà ba kết sử đã đoạn tận, chứng đắc Tu-đà-hoàn, không đọa pháp ác, quyết định đi đến chánh giác, tối đa bảy lần tái sanh; sau khi bảy lần qua lại nhân gian thiên thượng rồi đoạn tận khổ biên. Này Bà-la-môn, nếu đa văn Thánh đệ tử ba kết sử đã đoạn tận, chứng đắc Tu-đà-hoàn, không đọa pháp ác, quyết định đi đến chánh giác, tối đa bảy lần tái sanh; sau khi bảy lần qua lại nhân gian và thiên thượng rồi đoạn tận khổ biên, thì này Bà-la-môn, đó là bác văn tụng tập mà có sự sai biệt, có công đức này.

“Lại nữa, này Bà-la-môn, đa văn Thánh đệ tử ba kết sử đã đoạn tận, dâm, nộ và si đã mỏng, chứng đắc Nhất lai, chỉ một lần qua lại thiên thượng và nhân gian rồi đạt đến khổ biên. Này Bà-la-môn, nếu đa văn Thánh đệ tử ba kết sử đã đoạn tận, dâm, và nộ si đã mỏng, chứng đắc Nhất lai, chỉ một lần qua lại thiên thượng và nhân gian rồi đạt đến khổ biên, thì này Bà-la-môn, đó là bác văn tụng tập mà có sự sai biệt, có công đức này.

“Lại nữa, này Bà-la-môn, đa văn Thánh đệ tử năm hạ phần kết đã đoạn tận, sanh vào nơi kia mà Bát-niết-bàn, chứng đắc pháp bất thối, không trở lại thế gian này. Này Bà-la-môn, nếu đa văn Thánh đệ tử năm hạ phần kết đã đoạn tận, sanh vào nơi kia mà Bát-niết-bàn, chứng đắc pháp bất thối, không trở lại thế gian này, thì này Bà-la-môn, đó là bác văn tụng tập mà có sự sai biệt, có công đức này.

“Lại nữa, này Bà-la-môn, đa văn Thánh đệ tử có tịch tịnh giải thoát, ly sắc, chứng vô sắc, với định như thế mà [87] thân tác chứng, thành tựu an trụ, do tuệ quán mà vĩnh viễn đoạn trừ các lậu. Này Bà-la-môn, nếu đa văn Thánh đệ tử có tịch tịnh giải thoát, ly sắc, chứng vô sắc, với định như thế mà thân tác chứng, thành tựu an trụ, do tuệ quán mà vĩnh viễn đoạn trừ các lậu, thì này Bà-la-môn, đó là bác văn tụng tập mà có sự sai biệt, có công đức này.

“Lại nữa, đa văn Thánh đệ tử với các như ý túc là thiên nhĩ, tha tâm trí, túc mạng trí, sanh tử trí, các lậu đã đoạn tận, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ngay trong đời hiện tại mà tự tri, tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ, biết như thật ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Này Bà-la-môn, đa văn Thánh đệ tử này với các như ý túc là thiên nhĩ, tha tâm trí, [659b] túc mạng trí, sanh tử trí, các lậu đã đoạn tận, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ngay trong đời hiện tại mà tự tri, tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ, biết như thật ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’, thì này Bà-la-môn, đó là bác văn tụng tập mà có sự sai biệt, có công đức này.”

Bà-la-môn Sanh Văn lại hỏi:

“Bạch Thế Tôn, bác văn tụng tập có sự sai biệt này, có công đức này. Còn có sự sai biệt nào, còn có công đức nào tối thượng, tối diệu, tối thắng nữa chăng?”

Thế Tôn nói:

“Này Bà-la-môn, bác văn tụng tập này có sự sai biệt này và với công đức này không còn có sự sai biệt, không còn có công đức nào tối thượng, tối diệu, tối thắng nữa.”

Bà-la-môn Sanh Văn bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, con đã hiểu. Bạch Thiện Thệ, con đã rõ. Bạch Thế Tôn, con nay tự quy y Phật, Pháp và Tỳ-kheo Tăng. Cúi mong Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc, kể từ hôm nay trọn đời quy y cho đến tận mạng.”

Phật thuyết như vậy. Bà-la-môn Sanh Văn sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

148. KINH HÀ KHỔ

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ, Bà-la-môn Sanh Văn [88], sau giữa trưa thong dong tản bộ đi đến chỗ Phật, chào hỏi xong, ngồi xuống một bên, bạch rằng:

“Này Cù-đàm, tôi có điều muốn hỏi, mong Ngài nghe cho, tôi mới dám trình bày.”

Thế Tôn nói:

“Ông muốn hỏi điều gì xin cứ hỏi.”

Bà-la-môn Sanh Văn bèn hỏi:

“Cù-đàm, người tại gia có những sự khổ nào? [89] Và người xuất gia có những khổ nào?”

Đức Thế Tôn trả lời rằng:

“Người tại gia vì không được tự do mà khổ. Người xuất gia vì tự do mà khổ.”

Bà-la-môn Sanh Văn lại hỏi:

“Cù-đàm, tại sao người tại gia vì không được tự do mà khổ? Và tại sao người xuất gia vì tự do mà khổ?”

Thế Tôn đáp:

“Nếu người tại gia mà tiền tài không tăng trưởng, kim ngân, chơn châu, lưu ly, thủy tinh thảy đều không tăng trưởng; súc mục, lúa, gạo cùng nô tỳ, sai dịch cũng không tăng trưởng; lúc bấy giờ người tại gia ưu sầu, khổ não. Do sự kiện này mà người tại gia có nhiều ưu tư khổ nhọc, trong lòng mang nhiều sầu bi.

“Này Bà-la-môn, nếu người xuất gia học đạo [659c] mà sống theo dục vọng, theo sân nhuế, ngu si, lúc bấy giờ xuất gia học đạo có nhiều ưu sầu khổ não. Do sự kiện này mà có người xuất gia có nhiều ưu tư khổ nhọc, trong lòng chất nhiều sầu bi.

“Này Bà-la-môn, như vậy người tại gia vì không được tự do mà khổ, và người xuất gia học đạo vì tự do mà khổ.”

Bà-la-môn Sanh Văn lại hỏi:

“Cù-đàm, tại gia có những gì là hoan lạc? Và xuất gia học đạo có những gì là hoan lạc?”

Thế Tôn đáp:

“Tại gia vì tự do mà được hoan lạc, xuất gia học đạo vì không tự do mà được hoan lạc”.

Bà-la-môn Sanh Văn lại hỏi:

“Cù-đàm, tại sao tại gia vì tự do mà được hoan lạc? Và tại sao xuất gia học đạo vì không tự do mà được hoan lạc?”

Thế Tôn đáp:

“Này Bà-la-môn, nếu người tại gia mà được tiền tài tăng trưởng, kim ngân, chơn châu, lưu ly, thủy tinh đều được tăng trưởng; súc mục, lúa gạo và nô tỳ, sai dịch cũng đều được tăng trưởng. Lúc bấy giờ tại gia là khoái lạc, hoan hỷ. Do sự kiện này mà người tại gia có nhiều khoái lạc hoan hỷ.

“Này Bà-la-môn, người xuất gia học đạo sống không tùy theo dục vọng, không tùy theo sân nhuế, lúc bấy giờ xuất gia học đạo là khoái lạc hoan hỷ. Do sự kiện này mà người xuất gia học đạo có nhiều khoái lạc hoan hỷ.

“Này Bà-la-môn, như vậy người tại gia vì tự do mà được hoan lạc, người xuất gia vì không tự do mà được hoan lạc.”

Bà-la-môn Sanh Văn lại hỏi:

“Cù-đàm, do sự kiện nào mà chư Thiên và Nhân loại nhất định không có lợi nghĩa? Do sự kiện nào mà chư Thiên và Nhân loại tất có lợi nghĩa?”

Thế Tôn đáp:

“Này Bà-la-môn, nếu chư Thiên và Nhân loại đấu tranh lẫn nhau, tất không có lợi nghĩa. Nếu chư Thiên và Nhân loại không đấu tranh lẫn nhau tất có lợi nghĩa.”

Bà-la-môn Sanh Văn lại hỏi:

“Cù-đàm, tại sao nếu chư Thiên và Nhân loại đấu tranh lẫn nhau, tất không có lợi nghĩa? Và tại sao chư Thiên và Nhân loại không đấu tranh lẫn nhau tất có lợi nghĩa?”

Thế Tôn đáp:

“Này Bà-la-môn, lúc nào Chư Thiên, nhân loại đấu tranh thù nghịch, lúc bấy giờ chư Thiên, nhân loại có ưu tư, khổ nhọc, sầu bi. Do sự kiện này mà chư Thiên và Nhân loại có nhiều ưu tư khổ nhọc, sầu bi. Nếu lúc nào chư Thiên và Nhân loại không đấu tranh thù nghịch, bấy giờ chư Thiên và Nhân loại được khoái lạc hoan hỷ. Do sự kiện này, chư Thiên và Nhân loại có nhiều khoái lạc hoan hỷ.

“Này Bà-la-môn, như vậy chư Thiên và Nhân loại đấu tranh lẫn nhau tất không có lợi nghĩa. Nếu chư Thiên và Nhân loại không đấu tranh lẫn nhau tất có lợi nghĩa.”

Bà-la-môn Sanh Văn lại hỏi:

“Do sự kiện nào khiến cho chư Thiên, nhân loại nhất định không được lợi ích, phải [660a] gặp khổ nhọc? Do sự kiện nào khiến cho chư Thiên và Nhân loại tất được lợi ích, tất được hoan lạc?”

Thế Tôn đáp:

“Này Bà-la-môn, nếu chư Thiên và Nhân loại sống bằng phi pháp, làm điều dữ, tất không được lợi ích, tất phải khổ nhọc. Nếu chư Thiên và Nhân loại hay sống đúng như pháp, không làm dữ, tất được lợi ích, tất được hoan lạc.”

Bà-la-môn Sanh Văn lại hỏi:

“Cù-đàm, thế nào là chư Thiên và Nhân loại sống bằng phi pháp và làm điều dữ để nhất định không được lợi ích, nhất định phải khổ nhọc? Thế nào là chư Thiên và Nhân loại sống đúng như pháp và không làm điều dữ để nhất định đượclợi ích, được hoan lạc?”

Thế Tôn nói:

“Này Bà-la-môn, chư Thiên và Nhân loại thân làm điều phi pháp và làm điều dữ, miệng và ý làm điều phi pháp và làm điều dữ, lúc bấy giờ chư Thiên và Nhân loại tất sẽ tổn giảm, A-tu-la tất sẽ hưng thạnh. Này Bà-la-môn, nếu chư Thiên và Nhân loại mà thân làm đúng như pháp, thủ hộ thân và ý làm đúng như pháp, thủ hộ miệng và ý, thì bấy giờ chư Thiên và Nhân loại tất sẽ hưng thạnh, A-tu-la tất sẽ tổn giảm.

Này Bà-la-môn, như vậy chư Thiên và Nhân loại nếu sống bằng phi pháp và làm điều dữ, tất không được ích lợi, tất phải khổ nhọc. Nếu chư Thiên và Nhân loại sống đúng như pháp, không làm điều dữ, tất được ích lợi, tất được hoan lạc.”

Bà-la-môn Sanh Văn lại hỏi:

“Cù-đàm, nên quán sát ác tri thức như thế nào?”

Thế Tôn đáp:

“Hãy quán sát ác tri thức như mặt trăng.”

Bà-la-môn Sanh Văn lại hỏi:

“Thế nào là quán sát ác tri thức như mặt trăng?”

Thế Tôn đáp:

“Như mặt trăng dần đến biến mất, càng ngày càng giảm, vành trăng cũng giảm, ánh sáng cũng giảm, hình sắc cũng giảm, càng lúc càng khuyết dần.

Này Bà-la-môn, rồi đến một lúc mặt trăng biến mất hẳn, không còn thấy nữa. Này Bà-la-môn, người ác tri thức đối với chánh pháp luật của Như Lai cũng có được tín tâm, nhưng người ấy được tín tâm rồi, về sau lại không hiếu thuận, cũng không cung kính, hành vi trái ngược, không vững chánh trí, không hướng đến pháp tùy pháp; người ấy bèn mất tín tâm, mất trì giới, bác văn, thí, xả, và trí tuệ cũng mất luôn.

Này Bà-la-môn, cho đến lúc thiện pháp nơi ác tri thức ấy hoàn toàn tiêu diệt, cũng như mặt trăng mất hút. Này Bà-la-môn, như vậy hãy quán sát ác tri thức như mặt trăng.”

Bà-la-môn Sanh Văn lại hỏi:

“Cù-đàm, nên quán sát thiện tri thức như thế nào?”

Thế Tôn đáp:

“Này Bà-la-môn, hãy quán sát thiện tri thức như mặt trăng.”

Bà-la-môn Sanh Văn lại hỏi:

“Cù-đàm, [660b] thế nào là quán sát thiện tri thức như mặt trăng?”

 Thế Tôn đáp:

“Này Bà-la-môn, cũng như mặt trăng trong thời mới mọc, còn non, trong vắt, càng ngày càng tăng trưởng. Này Bà-la-môn, cho đến một lúc, vào ngày mười lăm trong tháng, vành trăng tròn đầy. Này Bà-la-môn, cũng vậy, thiện tri thức đối với pháp luật của Như Lai mà có được tín tâm, người ấy được tín tâm rồi, sau đó lại có hiếu thuận, cung kính, hành vi tùy thuận, vững vàng trên chánh trí, hướng đến pháp tùy pháp. Người ấy lúc bấy giờ tăng trưởng tín, trì giới, bác văn, thí xả, trí tuệ cũng tăng trưởng. Này Bà-la-môn, cho đến một lúc, thiện pháp nơi thiện tri thức ấy được trọn đủ như mặt trăng ngày rằm vậy. Này Bà-la-môn, như vậy hãy quán sát thiện tri thức như mặt trăng.”

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn nói bài tụng này: [90]

Như thể trăng tròn không bợn,

Du hành trong khoảng hư không;

Sáng lấp muôn ngàn tinh đẩu,

Rạng ngời một cõi mênh mông.

Cũng vậy, tín tâm, bác văn,

Thi ân, độ lượng, bao dung;

Sáng lấp trần gian bỏn sẻn,

Rạng ngời thí xả mênh mông.

Như thể đại long thần lực,

Kéo mây, nổi sóng, điện giăng,

Mưa đổ nước trào lai láng,

Tràn đầy mặt đất mênh mông.

Cũng vậy, tín tâm, bác văn,

Thi ân, độ lượng, bao dung,

Ẩm thực cho người no đủ,

Hằng khuyên thí xả gia tăng.

Như thể sấm truyền vang dội,

Như trời hắt trận mưa rào;

Phước thí như mưa quảng đại,

Cơn mưa thí chủ dâng cao.

Đời này tiền tài, danh dự,

Đời sau cõi thiện sanh lên,

Phước báo người này lãnh thọ,

Chết rồi tất sẽ sanh thiên.

Phật thuyết như vậy. Bà-la-môn Sanh Văn sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành. [91]

149. KINH HÀ DỤC

 [660c2] Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ, Bà-la-môn Sanh Văn, sau giữa trưa thong dong tản bộ đi đến chỗ Phật, chào hỏi xong, ngồi xuống một bên, bạch rằng:

“Cù-đàm, tôi có điều muốn hỏi, mong Ngài nghe cho, tôi mới dám trình bày.”

Đức Thế Tôn nói:

“Ông muốn hỏi điều gì xin cứ hỏi.”

Bà-la-môn Sanh Văn hỏi rằng:

“Cù-đàm, người Sát-lị ước muốn gì? Thực hành cái gì? Thiết lập bằng cái gì? Y cứ trên sự gì? Có mục đích gì [92]?”

Thế Tôn đáp:

“Người Sát-lị ước muốn được tài vật, thực hành nơi trí tuệ, thiết lập bằng gươm dao [93], y cứ trên nhân dân [94], lấy tự do làm mục đích.”

Bà-la-môn Sanh Văn hỏi:

“Người Cư sĩ ước muốn gì? Thực hành cái gì? Thiết lập cái gì? Y cứ trên sự gì? Có mục đích gì?”

Thế Tôn đáp:

“Người Cư sĩ ước muốn được tài vật. Thực hành nơi trí tuệ. Thiết lập bằng kỹ thuật. Y cứ trên nghề nghiệp. Lấy sự cứu cánh của nghề nghiệp làm mục đích”.

Bà-la-môn Sanh Văn hỏi:

“Cù-đàm, đàn bà ước muốn gì? Thực hành cái gì? Thiết lập cái gì? Y cứ trên sự gì? Có mục đích gì?”

Thế Tôn đáp:

“Đàn bà ước muốn được đàn ông. Thực hành sự trang điểm. Thiết lập bằng con cái. Y cứ trên sự không đối thủ [95]. Lấy tự do làm mục đích.”

Bà-la-môn Sanh Văn hỏi:

“Cù-đàm, trộm cướp ước muốn cái gì? Thực hành cái gì? Thiết lập cái gì? Y cứ trên sự gì? Có mục đích gì?

Thế Tôn đáp:

“Trộm cướp ước muốn lấy của không cho. Thực hành nơi chỗ lén lút. Thiết lập bằng gươm dao. Y cứ nơi bóng tối. Lấy sự không bị khám phá làm mục đích “.

Bà-la-môn Sanh Văn hỏi:

“Cù-đàm, người Bà-la-môn ước muốn gì? Thực hành cái gì? Thiết lập cái gì? Y cứ trên sự gì? Có mục đích gì?”

Thế Tôn đáp:

“Người Bà-la-môn ước muốn được tài vật. Thực hành nơi trí tuệ. Thiết lập bằng kinh thơ [96]. Y cứ trên trai giới [97]. Lấy Phạm thiên làm mục đích.”

Bà-la-môn Sanh Văn hỏi:

“Sa-môn ước muốn gì? Thực hành cái gì? Thiết lập cái gì? Y cứ trên sự gì? Có mục đích gì?”

Thế Tôn đáp:

“Sa-môn ước muốn được chân lý [98], thực hành nơi trí tuệ, thiết lập bằng giới, y cứ trên vô xứ [99], lấy Niết-bàn làm mục đích.”

Bà-la-môn Sanh Văn bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, con đã hiểu. Bạch Thiện Thệ, con đã rõ. Bạch Thế Tôn, nay con xin tự quy y Phật, Pháp và Tỳ-kheo Tăng. Cúi mong Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc, kể từ hôm nay con trọn đời tự quy y cho đến lúc mạng tận.”

Phật thuyết như vậy. Bà-la-môn Sanh Văn sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

150. KINH UẤT-SẤU-CA-LA

 [661a2] Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại thành Vương xá, trú trong Trúc lâm, vườn Ca-lan-đa.

Bấy giờ Bà-la-môn Uất-sấu-ca-la [100], sau giữa trưa, thong dong tản bộ đi đến chỗ Phật, chào hỏi xong, ngồi sang một bên, bạch rằng:

“Thưa Cù-đàm, tôi có điều muốn hỏi, mong Ngài nghe cho mới dám trình bày.”

Thế Tôn nói:

“Hãy cứ tùy ý mà hỏi.”

Bà-la-môn Uất-sấu-ca-la bèn hỏi rằng:

“Thưa Cù-đàm, Bà-la-môn thiết lập bốn loại phụng sự [101] cho bốn chủng tánh, tức thiết lập loại phụng sự cho Bà-la-môn, loại phụng sự cho Sát-lị, cho Cư sĩ [102], cho Công sư [103].

“Này Cù-đàm, Bà-la-môn thiết lập loại phụng sự cho Bà-la-môn, tức là Bà-la-môn phải phụng sự Bà-la-môn; Sát-lị, Cư sĩ và Công sư cũng phải phụng sự Bà-la-môn. Này Cù-đàm, bốn chủng tánh này phải phụng sự Bà-la-môn.

“Này Cù-đàm, Bà-la-môn thiết lập loại phụng sự cho Sát-lị tức là Sát-lị phải phụng sự cho Sát-lị; Cư sĩ và Công sư cũng phải phụng sự cho Sát-lị. Này Cù-đàm, ba chủng tánh này phải phụng sự Sát-lị.

“Này Cù-đàm, Bà-la-môn thiết lập loại phụng sự cho Cư sĩ, tức là Cư sĩ phải phụng sự Cư sĩ, Công sư cũng phải phụng sự Cư sĩ. Này Cù-đàm, hai chủng tánh này phải phụng sự cho Cư sĩ.

“Này Cù-đàm, Bà-la-môn thiết lập loại phụng sự cho Công sư, tức là Công sư phải phụng sự Công sư. Ai thấp hèn hơn nữa để được chủ trương phải phụng sự Công sư? Duy chỉ có Công sư phụng sự Công sư.”

Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Bà-la-môn, các Bà-la-môn có được nhận biết [104] khi thiết lập bốn loại phụng sự cho bốn chủng tánh này; thiết lập loại phụng sự cho Bà-la-môn, thiết lập loại phụng sự cho Sát-lị, cho Cư sĩ, cho Công sư?”

Bà-la-môn Uất-sấu-ca-la đáp:

“Không biết rõ, Cù-đàm. Nhưng các Bà-la-môn tự nói như vầy, ‘Ta ở trong đời này, bao gồm chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, từ người đến trời, là Bà-la-môn thiết lập bốn loại phụng sự cho bốn chủng tánh, tức thiết lập loại phụng sự cho Bà-la-môn, thiết lập loại phụng sự cho Sát-lị, thiết lập loại phụng sự cho Cư sĩ, thiết lập loại phụng sự cho Công sư, nhưng không được nhận biết.’ ”

Thế Tôn nói:

“Này Bà-la-môn, cũng như một người đưa cho người khác một miếng thịt, bắt ép và nói rằng ‘Này ông bạn, hãy ăn đi và hãy trả tiền cho tôi’. Này Bà-la-môn, ngươi nói cho các Bà-la-môn ấy cũng giống như vậy. Vì sao? Vì Bà-la-môn không được nhận biết khi thiết lập bốn loại phụng sự cho bốn chủng tánh, tức thiết lập loại phụng sự cho Bà-la-môn, thiết lập loại phụng sự cho Sát-lị, cho Cư sĩ, cho Công sư.”

Thế Tôn lại hỏi:

“Này Bà-la-môn, [661b] phụng sự như thế nào? Có loại phụng sự, do sự phụng sự này mà chỉ có hạ liệt, chứ không có sự ưu thắng; ông nói loại phụng sự này chăng? Có loại phụng sự, do sự phụng sự này mà có sự ưu thắng, chứ không có sự hạ liệt; ông nói loại phụng sự này chăng?

“Này Bà-la-môn, nếu phụng sự Bà-la-môn và do sự phụng sự này mà có sự hạ liệt chứ không có sự ưu thắng. Loại phụng sự này chăng?

“Phụng sự Sát-lị, Cư sĩ, Công sư, do sự phụng sự này mà có sự hạ liệt chứ không có sự ưu thắng. Loại phụng sự này chăng?

“Này Bà-la-môn, nếu phụng sự Bà-la-môn, do sự phụng sự này mà có sự ưu thắng chứ không có sự hạ liệt. Loại phụng sự này chăng?

“Phụng sự Sát-lị, Cư sĩ, Công sư, do sự phụng sự này mà có sự ưu thắng chứ không có sự hạ liệt. Loại phụng sự này chăng?”

Uất-sấu-ca-la đáp:

“Cù-đàm, nếu tôi phụng sự và do sự phụng sự này mà có sự hạ liệt chứ không có sự ưu thắng, tôi không nên phụng sự như vậy.

“Nếu tôi phụng sự, do sự phụng sự này mà có sự ưu thắng chứ không có sự hạ liệt, tôi nên phụng sự như vậy.

“Này Cù-đàm, nếu phụng sự Bà-la-môn và do sự phụng sự này mà có sự hạ liệt chứ không có sự ưu thắng, tôi không nên theo loại phụng sự này.

“Nếu phụng sự Sát-lị, Cư sĩ, Công sư và do sự phụng sự này mà có sự hạ liệt chứ không có sự ưu thắng, tôi không nên phụng sự như vậy.

“Này Cù-đàm, nếu phụng sự Bà-la-môn và do sự phụng sự này mà có sự ưu thắng chứ không có sự hạ liệt, tôi nên phụng sự như vậy.

“Nếu phụng sự Sát-lị, Cư sĩ, Công sư và do sự phụng sự này mà có sự ưu thắng chứ không có sự hạ liệt, tôi nên phụng sự như vậy.”

Thế Tôn nói:

“Này Bà-la-môn, nếu lại có một Bà-la-môn đến đây, người ấy không phải ngu, không phải si, cũng không phải điên đảo, tâm không điên đảo, tự do tự tại, rồi Ta hỏi Bà-la-môn ấy rằng: ‘Này Bà-la-môn, ý ông nghĩ sao? Nếu có loại phụng sự, do loại phụng sự ấy mà có sự hạ liệt chứ không có sự ưu thắng. Loại phụng sự này chăng? Nếu có loại phụng sự, do sự phụng sự này mà có sự ưu thắng chứ không có sự hạ liệt. Loại phụng sự này chăng? Này Bà-la-môn, nếu phụng sự Bà-la-môn, do sự phụng sự này mà có sự hạ liệt chứ không có sự ưu thắng. Loại phụng sự này chăng? Phụng sự Sát-lị, Cư sĩ, Công sư và do sự phụng sự này mà có sự hạ liệt chứ không có sự ưu thắng. Loại phụng sự này chăng? Nếu phụng sự Bà-la-môn và do sự phụng sự này mà có sự ưu thắng chứ không có sự hạ liệt. Loại phụng sự này chăng? Phụng sự Sát-lị, Cư sĩ, Công sư và do sự phụng sự này mà có sự ưu thắng chứ không có sự hạ liệt. Loại phụng sự này chăng?’

“Này Bà-la-môn, nếu người Bà-la-môn ấy không phải ngu, không phải si, không phải điên đảo, tâm không điên đảo, tự do tự tại, người ấy sẽ trả lời Ta rằng: ‘Cù-đàm, nếu tôi phụng sự và do sự phụng sự này mà có sự hạ liệt chứ không có sự ưu thắng, tôi không nên phụng sự như vậy. Nếu tôi phụng sự và do sự phụng sự này mà có sự ưu thắng chứ không có sự hạ liệt, tôi nên phụng sự như vậy.

“Này Cù-đàm, nếu phụng sự Bà-la-môn và do sự phụng sự này mà có sự hạ liệt chứ không có sự ưu thắng, tôi không nên phụng sự như vậy. Nếu phụng sự Sát-lị, Cư sĩ, Công sư và do sự phụng sự này mà có sự hạ liệt chứ không có sự ưu thắng, tôi không nên phụng sự như vậy.

“Này Cù-đàm, nếu phụng sự Bà-la-môn và do sự phụng sự này mà có sự ưu thắng chứ không có sự hạ liệt, tôi nên phụng sự như vậy. Nếu phụng sự Sát-lị, Cư sĩ, Công sư và do sự phụng sự này mà có sự ưu thắng chứ không có sự hạ liệt, tôi nên phụng sự như vậy.’ ”

Rồi Thế Tôn lại hỏi:

“Này Bà-la-môn, ý ông nghĩ sao? Nếu có loại phụng sự và do sự phụng sự này mà mất tín, giới, văn, thí xả và tuệ. Loại phụng sự này chăng? Nếu có loại phụng sự và do sự phụng sự này mà gia tăng tín, giới, bác văn, thí xả [105] và trí tuệ. Loại phụng sự này chăng? Này Bà-la-môn, nếu phụng sự Bà-la-môn và do sự phụng sự này mà mất tín, giới, bác văn, thí xả, trí tuệ. Loại phụng sự này chăng? Phụng sự Sát-lị, Cư sĩ, Công sư và do sự phụng sự này mà mất tín, giới, bác văn, thí xả, trí tuệ. Loại phụng sự này chăng? Này Bà-la-môn, nếu phụng sự Bà-la-môn và do sự phụng sự này mà gia tăng tín, giới, bác văn, thí xả, trí tuệ. Loại phụng sự này chăng? Phụng sự Sát-lị, Cư sĩ, Công sư và do sự phụng sự này mà gia tăng tín, giới, bác văn, thí xả, trí tuệ. Loại phụng sự này chăng?”

Bà-la-môn Uất-sấu-ca-la đáp:

“Cù-đàm, nếu tôi phụng sự và do sự phụng sự này mà mất tín, giới, bác văn, thí xả, trí tuệ, tôi không nên phụng sự như vậy. Nếu tôi phụng sự và do sự phụng sự này mà gia tăng tín, giới, bác văn, thí xả, trí tuệ, tôi nên phụng sự như vậy.

“Này Cù-đàm, nếu phụng sự Bà-la-môn và do sự phụng sự này mà mất tín, giới, bác văn, thí xả, trí tuệ, tôi không nên phụng sự như vậy. Phụng sự Sát-lị, Cư sĩ, Công sư và do sự phụng sự này mà mất tín, giới, bác văn, thí xả, trí tuệ, tôi không nên phụng sự như vậy. Này Cù-đàm, nếu phụng sự Bà-la-môn và do sự phụng sự này mà gia tăng tín, giới, bác văn, thí xả, trí tuệ, tôi nên phụng sự như vậy. Nếu phụng sự Sát-lị, Cư sĩ, Công sư và do sự phụng sự này mà gia tăng tín, giới, bác văn, thí xả, trí tuệ, tôi nên phụng sự như vậy.”

Thế Tôn [662a] nói:

“Này Bà-la-môn, nếu có một Bà-la-môn đến đây, người ấy không phải ngu, không phải si, cũng không phải điên đảo, tâm không điên đảo, tự do tự tại và Ta hỏi Bà-la-môn ấy rằng, ‘Này Bà-la-môn, ý ông nghĩ sao? Nếu có loại phụng sự và do sự phụng sự này mà mất tín, giới, bác văn, thí xả, trí tuệ; loại phụng sự này chăng? ‘Nếu có loại phụng sự và do sự phụng sự này mà gia tăng tín, giới, bác văn, thí xả, trí tuệ; loại phụng sự này chăng?

“Phụng sự Sát-lị, Cư sĩ, Công sư và do sự phụng sự này mà mất tín, giới, bác văn, thí xả, trí tuệ; loại phụng sự này chăng? Nếu phụng sự Bà-la-môn và sự phụng sự này mà gia tăng tín, giới, bác văn, thí xả, trí tuệ; loại phụng sự này chăng? Phụng sự Sát-lị, Cư sĩ, Công sư và sự phụng sự này mà gia tăng tín, giới, bác văn, thí xả, trí tuệ; loại phụng sự này chăng?’

“Này Bà-la-môn, nếu Bà-la-môn này không phải ngu, không phải si, cũng không phải điên đảo, tâm không điên đảo, tự do tự tại, tất cũng sẽ trả lời Ta như vậy, rằng: ‘Này Cù-đàm, nếu tôi phụng sự và do sự phụng sự này mà mất tín, giới, bác văn, thí xả, trí tuệ; tôi không nên phụng sự như vậy. Nếu tôi phụng sự và do sự phụng sự này mà gia tăng tín, giới, bác văn, thí xả, trí tuệ; tôi nên phụng sự như vậy. Này Cù-đàm, nếu phụng sự Bà-la-môn và do sự phụng sự này mà mất tín, giới, bác văn, thí xả, trí tuệ; tôi không nên phụng sự như vậy. Phụng sự Sát-lị, Cư sĩ, Công sư và do sự phụng sự này mà mất tín, giới, bác văn, thí xả, trí tuệ; tôi không nên phụng sự như vậy. Này Cù-đàm, nếu phụng sự Bà-la-môn và do sự phụng sự này mà gia tăng tín, giới, bác văn, thí xả, trí tuệ; tôi nên phụng sự như vậy. Phụng sự Sát-lị, Cư sĩ, Công sư và do sự phụng sự này mà gia tăng tín, giới, bác văn, thí xả, trí tuệ; tôi nên phụng sự như vậy.’ ”

Bà-la-môn Uất-sấu-ca-la bạch rằng:

“Bà-la-môn thiết lập bốn loại tài vật tự hữu [106] cho bốn chủng tánh, tức thiết lập loại tài vật tự hữu cho Bà-la-môn, thiết lập loại tài vật tự hữu cho Sát-lị, Cư sĩ, Công sư.

“Này Cù-đàm, Bà-la-môn thiết lập loại tài vật tự hữu cho Bà-la-môn là, này Cù-đàm, Bà-la-môn chủ trương rằng, tài vật tự hữu của Bà-la-môn do khất cầu [107]. Nếu Bà-la-môn khinh mạn sự khất cầu, tức là khinh mạn [662b] tài vật tự hữu. Khinh mạn tài vật tự hữu tức là thất lợi. Cũng như người chăn bò không thể trông chừng bò, tức là thất lợi. Cũng vậy, Bà-la-môn chủ trương tài vật tự hữu của Bà-la-môn là do khất cầu. Nếu Bà-la-môn khinh mạn sự khất cầu tức là khinh mạn tài vật tự hữu. Khinh mạn tài vật tự hữu tức là thất lợi.

“Này Cù-đàm, Bà-la-môn thiết lập loại tài vật tự hữu cho Sát-lị là, này Cù-đàm, Bà-la-môn chủ trương tài vật tự hữu của Sát-lị là cung tên. Nếu Sát-lị khinh mạn cung tên tức là khinh mạn tài vật tự hữu. Nếu khinh mạn tài vật tự hữu tức là thất lợi. Cũng như người chăn bò mà không thể trông chừng được bò, tức là thất lợi. Cũng vậy, này Cù-đàm, Bà-la-môn chủ trương tài vật của Sát-lị là cung tên, nếu Sát-lị khinh mạn cung tên tức là khinh mạn tài vật tự hữu. Khinh mạn tài vật tự hữu tức là thất lợi.

“Này Cù-đàm, Bà-la-môn thiết lập loại tài vật tự hữu cho Cư sĩ là, này Cù-đàm, Bà-la-môn chủ trương tài vật tự hữu của Cư sĩ là nông nghiệp [108]. Nếu Cư sĩ khinh mạn nông nghiệp tức là khinh mạn tài vật tự hữu. Khinh mạn tài vật tự hữu tức là thất lợi. Cũng như người chăn bò mà không thể trông chừng được bò tức là thất lợi. Cũng vậy, này Cù-đàm, Bà-la-môn chủ trương tài vật tự hữu của Cư sĩ là nông nghiệp. Nếu Cư sĩ khinh mạn nông nghiệp tức là khinh mạn tài vật tự hữu. Khinh mạn tài vật tự hữu tức là thất lợi.

“Này Cù-đàm, Bà-la-môn thiết lập loại tài vật tự hữu cho Công sư là, này Cù-đàm, Bà-la-môn chủ trương tài vật tự hữu của Công sư là gai [109]. Nếu Công sư khinh mạn gai tức là khinh mạn tài vật tự hữu. Khinh mạn tài vật tự hữu tức là thất lợi. Cũng như người chăn bò mà không thể trông chừng bò được, tức là thất lợi. Cũng vậy, này Cù-đàm, Bà-la-môn chủ trương tài vật tự hữu của Công sư là gai. Nếu Công sư khinh mạn gai tức là khinh mạn tài vật tự hữu. Khinh mạn tài vật tự hữu tức là thất lợi.”

Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Bà-la-môn, các Bà-la-môn có tự nhận biết [110] khi thiết lập bốn loại tài vật tự hữu cho bốn chủng tánh, nghĩa là thiết lập loại tài vật tự hữu cho Bà-la-môn, thiết lập loại tài vật tự hữu cho Sát-lị, cho Cư sĩ, cho Công sư chăng?”

Bà-la-môn Uất-sấu-ca-la đáp rằng:

“Không tựnhận biết, bạch Cù-đàm, nhưng các Bà-la-môn tự nói rằng ‘Ta ở trong đời này, bao gồm chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, từ người đến trời, Bà-la-môn, không được nhận biết khi thiết lập loại tài vật tự hữu cho bốn chủng tánh tức là thiết lập loại tài vật tự hữu cho Bà-la-môn, thiết lập loại tài vật tự hữu cho Sát-lị, cho Cư sĩ, cho Công sư.”

Thế Tôn nói rằng:

“Này Bà-la-môn, cũng như một người đưa cho một người khác một miếng thịt, bắt ép và nói rằng ‘Này ông bạn, hãy ăn và hãy trả tiền cho tôi. Này Bà-la-môn, ngươi nói cho các Bà-la-môn cũng giống như vậy’. Vì sao? Vì các Bà-la-môn không được nhận biết khi thiết lập bốn loại tài vật tự hữu cho bốn chủng tánh tức thiết lập loại tài vật tự hữu cho Bà-la-môn, thiết lập loại tài vật tự hữu cho Sát-lị, cho Cư sĩ, cho Công sư.

“Nhưng, này Bà-la-môn, Ta được nhận biết, thấu triệt khi thiết lập tài vật tự hữu cho mọi người, đó là pháp tịch tịnh, pháp tịch diệt, pháp giác đạo, pháp thiện thú.” [111]

Rồi Thế Tôn lại hỏi:

“Này Bà-la-môn, ý ngươi nghĩ sao? Có trường hợp nào mà hư không này chỉ là sự không dính trước, không trói buộc, không xúc chạm, không ngăn ngại đối với Bà-la-môn mà thôi, chứ không đối với Sát-lị, Cư sĩ hay Công sư?”

Bà-la-môn Uất-sấu-ca-la đáp:

“Này Cù-đàm, hư không này vốn không dính trước, không trói buộc, không xúc chạm, không ngăn ngại đối với Bà-la-môn, đối với Sát-lị, Cư sĩ hay Công sư cũng vậy.”

“Cũng vậy, này Bà-la-môn, Ta tự nhận biết, thấu triệt khi thiết lập tài vật tự hữu cho mọi người, đó là pháp tịch tịnh, pháp tịch diệt, pháp giác đạo, pháp thiện thú.”

Thế Tôn lại hỏi:

“Này Bà-la-môn, ý ngươi nghĩ sao? Có trường hợp nào chỉ riêng Bà-la-môn mới có thể hành từ tâm, không kết, không oán, không nhuế, không tranh; còn Sát-lị, Cư sĩ và Công sư thì không thể chăng?”

Bà-la-môn Uất-sấu-ca-la đáp:

“Cù-đàm, Bà-la-môn có thể hành từ tâm, không kết, không oán, không nhuế, không tranh. Sát-lị, Cư sĩ, Công sư cũng vậy.”

“Cũng vậy, này Bà-la-môn, Ta tự nhận biết, thấu triệt khi thiết lập loại tài vật tự hữu cho mọi người, đó là pháp tịch tịnh, pháp tịch diệt, pháp giác đạo, pháp thiện thú.”

Thế Tôn lại hỏi:

“Này Bà-la-môn, ý ông nghĩ sao, nếu những người thuộc trong chủng tánh khác nhau cùng đến đây và giả sử có một người nói với những người ấy rằng, ‘Các ngươi hãy đến đây, nếu ai sanh trong chủng tộc Sát-lị hay chủng tộc Bà-la-môn thì chỉ những người ấy mới có thể mang bột tắm [112] đi đến nước để tắm rửa, trừ khử dơ bẩn cho sạch sẽ’. Này Bà-la-môn, ý ngươi nghĩ sao? Phải chăng chỉ có những người thuộc chủng tộc Sát-lị hay Bà-la-môn mới có thể mang bột tắm đi tắm rửa, trừ khử dơ bẩn cho sạch sẽ và những người thuộc chủng tộc Cư sĩ hay không Công sư không thể mang bột tắm đi đến nước để tắm rửa, trừ khử dơ bẩn cho thật sạch sẽ chăng? Hay tất cả những người trong một trăm chủng tộc khác nhau đều có thể mang bột tắm đi đến nước để tắm rửa, trừ khử dơ bẩn cho thật sạch sẽ?”

Bà-la-môn Uất-sấu-ca-la đáp:

“Cù-đàm, tất cả những người trong một trăm chủng tộc khác nhau ấy đều có thể mang bột tắm đi đến nước để tắm rửa, trừ khử dơ bẩn cho thật sạch sẽ.”

“Cũng vậy, này Bà-la-môn, Ta tự nhận biết, thấu triệt khi thiết lập tài vật tự hữu cho mọi người, đó là pháp tịch tịnh, pháp tịch diệt, pháp giác đạo, pháp thiện thú.”

Thế Tôn lại hỏi:

“Này Bà-la-môn, ý ngươi nghĩ sao? Nếu những người trong trăm chủng tộc khác nhau cùng đến đây và giả sử có một người nói với họ rằng, ‘Các ngươi hãy đến đây. Nếu ai sanh trong chủng tộc Sát-lị hay chủng tộc Bà-la-môn, thì những người ấy mới có thể dùng cây chiên đàn và sa-la thật khô làm mồi lửa, rồi lấy dùi mà dùi cho phát lửa và bùng cháy’. Này Bà-la-môn, ý ngươi nghĩ sao? Phải chăng chỉ chủng tộc Sát-lị hay chủng tộc Bà-la-môn, những người này mới có thể dùng cây chiên đàn và sa-la thật khô làm mồi lửa, lấy dùi mà dùi cho phát lửa và bùng cháy? Còn những người thuộc chủng tộc Cư sĩ hay Công sư phải lấy ván máng heo, máng chó khô, cây Y-lan-đàn và các thứ gỗ xấu khác để làm mồi lửa, rồi lấy dùi mà dùi cho phát lửa và bùng cháy? Hay tất cả những người trong chủng tộc khác đều có thể dùng bất cứ loại cây nào làm mồi lửa, rồi lấy dùi mà dùi cho phát lửa và bùng cháy?”

Bà-la-môn Uất-sấu-ca-la đáp rằng:

“Cù-đàm, tất cả những người trong chủng tộc khác nhau đều có thể dùng bất cứ loại cây gỗ nào làm mồi lửa, rồi lấy dùi mà dùi cho phát lửa và bùng cháy.”

“Cũng vậy, này Bà-la-môn, Ta tự nhận biêt, thấu triệt khi thiết lập loại tài vật tự hữu cho mọi người. Đó là pháp tịch tịnh, pháp tịch diệt, pháp giáo đạo, pháp thiện thú.”

Thế Tôn lại hỏi:

“Này Bà-la-môn, những người trong chủng tộc khác nhau ấy đều có thể dùng bất cứ loại cây gỗ nào làm mồi lửa, rồi lấy dùi mà dùi cho phát lửa và bùng cháy. Tất cả những thứ lửa ấy đều có ngọn, có màu sắc, có sức nóng, có ánh sáng, đều có thể dùng vào công việc lửa. Có trường hợp nào chỉ độc nhất loại này mới có ngọn, có màu sắc, có sức nóng, có ánh sáng, có thể dùng vào công việc lửa? Hay chỉ độc nhất loại lửa kia không có ngọn, không có màu sắc, không có sức nóng, không có ánh sáng, không thể dùng vào việc lửa? Hay tất cả thứ lửa ấy đều có ngọn, có màu sắc, có ánh sáng, có thể dùng vào việc lửa?”

Bà-la-môn Uất-sấu-ca-la đáp rằng:

“Cù-đàm, những người trong trăm chủng tộc khác nhau đều có thể dùng bất cứ loại cây gỗ nào để làm mồi lửa, rồi lấy dùi mà dùi cho phát lửa và bùng cháy. Tất cả những thứ lửa ấy đều có [663b] ngọn, có màu sắc, có sức nóng, có ánh sáng, đều có thể dùng vào việc lửa. Nếu nói độc nhất chỉ có loại lửa này mới có ngọn, có màu sắc, có sức nóng, có ánh sáng và có thể dùng vào việc lửa, trường hợp này không thể có.Và nếu nói rằng độc nhất loại lửa kia không có ngọn, không có màu sắc, không có sức nóng, không có ánh sáng, không thể dùng vào việc lửa, trường hợp này cũng không thể có. Nhưng tất cả thứ lửa ấy đều có ngọn, có màu sắc, có sức nóng, có ánh sáng và đều có thể dùng vào việc lửa.”

“Cũng vậy, này Bà-la-môn, Ta tự mình biết rõ, thấu triệt khi thiết lập tài vật tự hữu cho mọi người. Đó là pháp tịch tịnh, pháp tịch diệt, pháp giáo đạo, pháp thiện thú.”

Thế Tôn lại hỏi:

“Này Bà-la-môn, ý ngươi nghĩ sao? Nếu những người trăm chủng tộc khác nhau ấy đều có thể dùng bất cứ loại cây gỗ nào để làm mồi lửa, rồi lấy dùi mà dùi cho phát lửa và bùng cháy, và giả sử có người mang cỏ khô hay cây khô bỏ vào trong lửa, bốc cháy thành ngọn, thành màu sắc, thành sức nóng, thành khói. Có trường hợp nào mà ngọn, màu sắc, sức nóng và khói của lửa này khác với ngọn, với màu sắc, sức nóng và khói của lửa kia khác nhau chăng?”

Bà-la-môn Uất-sấu-ca-la đáp:

“Cù-đàm, nếu những người trăm chủng tộc khác nhau ấy đều có thể dùng bất cứ loại cây gỗ nào để làm mồi lửa, rồi lấy dùi mà dùi cho phát lửa và bùng cháy, và giả sử có người mang cỏ khô hay cây khô bỏ vào trong lửa, bốc cháy thành ngọn, thành màu sắc, thành sức nóng, thành khói, thì tôi đối với ngọn, với màu sắc, sức nóng và khói của kửa kia không cho rằng có sự khác nhau.”

Thế Tôn nói:

“Cũng vậy, lửa mà Ta đạt được, sự không phóng dật mà Ta đạt được có khả năng đốt cháy sự phóng dật và mạn cống cao. Ta đối với lửa này hay lửa kia, không hề chủ trương có sự sai biệt.”

Bà-la-môn Uất-sấu-ca-la bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, con đã hiểu. Bạch Thiện Thệ, con đã rõ. Bạch Thế Tôn, con nay xin tự quy y Phật, Pháp và chúng Tỳ-kheo. Cúi mong Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc. Kể từ hôm nay, trọn đời quy y cho đến mạng tận.”

Phật thuyết như vậy. Bà-la-môn Uất-sấu-ca-la sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

151. KINH PHẠM CHÍ A-NHIẾP-HÒA

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ có một số đông Bà-la-môn ở Câu-tát-la nhóm họp tại học đường, cùng nhau bàn luận như thế này:

“Dòng Bà-la-môn là hơn hết, ngoài ra không ai bằng. Dòng Bà-la-môn trắng, [663c] ngoài ra đều là đen. Bà-la-môn được thanh tịnh, không phải Bà-la-môn thì không được thanh tịnh. Bà-la-môn con Phạm thiên, sinh từ miệng Phạm thiên, được hóa sanh bởi Phạm thiên. Nhưng Sa-môn Cù-đàm nói, bốn chủng tánh thảy đều thanh tịnh. Ông tuyên bố như vậy, hiển thị như vậy.”

Những vị ấy nghĩ như thế này:

“Này Chư Hiền, ai là người có khả năng đến Sa-môn Cù-đàm, đem sự kiện này đúng như pháp mà cật vấn?”

Họ lại nghĩ như thế này:

“A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp [113] có cha mẹ sinh ra với sự thọ sanh [114] thanh tịnh cho đến bảy đời cha mẹ, không dứt tuyệt dòng họ, đời đời không có tiếng xấu, [115] nghe nhiều hiểu rộng, đọc thuộc bốn kinh điển [116], thấu suốt nhân duyên, chánh văn, hí truyện thứ năm và cú thuyết [117]. A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp có khả năng để có thể đến Sa-môn Cù-đàm, đem sự kiện này đúng như pháp mà cật vấn. Này Chư Hiền, hãy đến A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp để nói sự kiện này. Tùy theo những gì A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp nói, chúng ta sẽ ghi nhận.”

Rồi số đông các Bà-la-môn ở Câu-tát-la đi đến chỗ A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp cùng chào hỏi rồi ngồi qua một bên và nói rằng:

“Này Ma-nạp, chúng tôi một số đông các Bà-la-môn ở Câu-tát-la nhóm họp tại học đường, cùng nhau bàn luận như thế này, ‘Dòng Bà-la-môn là hơn hết, ngoài ra không ai bằng. Dòng Bà-la-môn trắng, ngoài ra đều là đen. Bà-la-môn được thanh tịnh, không phải Bà-la-môn thì không được thanh tịnh. Bà-la-môn con Phạm thiên, sinh từ miệng Phạm thiên, được hóa sanh bởi Phạm thiên. Nhưng Sa-môn Cù-đàm nói: bốn chủng tánh thảy đều thanh tịnh. Ông tuyên bố như vậy, hiển thị như vậy’. Những vị ấy nghĩ như thế này, ‘Này Chư Hiền, ai là người có khả năng đến Sa-môn Cù-đàm, đem sự kiện này đúng như pháp mà cật vấn?’ Họ lại nghĩ như thế này, ‘A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp được cha mẹ sinh ra với sự thọ sanh thanh tịnh, cho đến bảy đời cha mẹ không dứt tuyệt dòng họ, đời đời không có tiếng xấu, nghe nhiều hiểu rộng, đọc thuộc bốn kinh điển, thấu suốt nhân duyên, chánh văn, hí truyện ngũ, cú thuyết. A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp có khả năng để có thể đến Sa-môn Cù-đàm, đem sự kiện này đúng như pháp mà cật vấn.’ ”

A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp nói với các Bà-la-môn rằng:

“Này Chư Hiền, Sa-môn Cù-đàm đúng như pháp mà thuyết pháp. Nếu đúng như pháp mà thuyết pháp thì không thể cật vấn.”

Số đông Bà-la-môn ở Câu-tát-la [664a] nói rằng:

“Này Ma-nạp, ngươi chưa bị khuất phục thì chưa thể tự mình chịu khuất phục trước. Vì sao? Vì A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp do cha mẹ sinh ra với sự thọ sanh thanh tịnh cho đến bảy đời cha mẹ, không dứt tuyệt dòng họ, đời đời không có tiếng xấu, nghe nhiều hiểu rộng, đọc thuộc bốn bộ kinh điển, thấu suốt nhân duyên, chánh văn, hí truyện thứ năm, cú thuyết. A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp có khả năng để có thể đến Sa-môn Cù-đàm, đem sự kiện này đúng như pháp mà cật vấn.”

A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp bèn im lặng nhận lời số đông Bà-la-môn ở Câu-tát-la.

Rồi A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp cùng với số đông Bà-la-môn ở Câu-tát-la đến chỗ Phật, cùng chào hỏi, rồi ngồi qua một bên mà bạch rằng:

“Bạch Cù-đàm, con có điều muốn hỏi, mong Ngài nghe cho chăng?”

Đức Thế Tôn nói rằng:

“Này Ma-nạp, hãy tùy ý mà hỏi.”

A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp hỏi rằng:

“Thưa Cù-đàm, các Bà-la-môn nói như thế này, ‘Dòng tộc Bà-la-môn là hơn hết, ngoài ra không ai bằng. Dòng Bà-la-môn trắng, ngoài ra đều là đen. Bà-la-môn được thanh tịnh, không phải Bà-la-môn thì không được thanh tịnh. Bà-la-môn con Phạm thiên, sinh từ miệng Phạm thiên, được hóa sanh bởi Phạm thiên’. Nhưng chưa biết Sa-môn Cù-đàm sẽ nói như thế nào?”

Đức Thế Tôn nói rằng:

“Nay Ta hỏi ngươi, hãy tùy theo sự hiểu biết mà trả lời.

“Này Ma-nạp, ngươi có nghe nói ở nước Dư-ni [118] và Kiếm-phù [119] chỉ có hai chủng tánh là chủ nhân và tôi tớ; sau khi làm chủ nhân, lại trở thành tôi tớ; sau khi làm tôi tớ lại trở thành chủ nhân chăng?”

A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp đáp rằng:

“Bạch Cù-đàm, con nghe tại hai nước Dư-ni và Kiếm-phù có hai chủng tánh, chủ nhân và tôi tớ; chủ nhân làm tôi tớ, tôi tớ làm chủ nhân.”

“Như vậy, này Ma-nạp, nếu Bà-la-môn có thú hướng chân chánh thì Bà-la-môn ấy được hiểu biết rõ và tự tri đúng như pháp. Sát-lị, Cư sĩ hay Công sư nếu hướng đến chân chánh cũng được sự hiểu biết khéo léo và tự tri đúng như pháp.”

A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp bạch rằng:

“Bạch Cù-đàm, thật là kỳ diệu, thật là hy hữu, thật là thích thú với ví dụ này. Nhưng các Bà-la-môn vẫn nói như thế này, ‘Dòng tộc Bà-la-môn là hơn hết, ngoài ra không ai bằng. Dòng Bà-la-môn trắng, ngoài ra đều là đen. Bà-la-môn được thanh tịnh, không phải Bà-la-môn thì không được thanh tịnh. Bà-la-môn con Phạm thiên, sinh từ miệng Phạm thiên, được hóa sanh bởi Phạm thiên’.”

Đức Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Ma-nạp, ngươi nghĩ sao? Phải chăng chỉ độc nhất có [664b] Bà-la-môn đối với hư không này mà không bị dính, không bị trói, không bị xúc chạm, không bị ngăn ngại; còn Sát-lị, Cư sĩ hay Công sư thì không như vậy sao? [120]”

A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp đáp rằng:

“Bạch Cù-đàm, Bà-la-môn đối với hư không này không bị dính, không bị trói, không bị xúc chạm, không bị ngăn ngại; Sát-lị, Cư sĩ hay Công sư cũng vậy.”

“Như vậy, này Ma-nạp, nếu Bà-la-môn có thú hướng chân chánh thì Bà-la-môn ấy được hiểu biết rõ và tự tri đúng như pháp. Sát-lị, Cư sĩ hay Công sư nếu hướng đến chân chánh cũng được sự hiểu biết khéo léo và tự tri đúng như pháp.”

A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp bạch rằng:

“Bạch Cù-đàm, thật là kỳ diệu, thật là hy hữu, thật là thích thú với ví dụ này. Nhưng các Bà-la-môn vẫn nói như thế này, ‘Dòng tộc Bà-la-môn là hơn hết, ngoài ra không ai bằng. Dòng Bà-la-môn trắng, ngoài ra đều là đen. Bà-la-môn được thanh tịnh, không phải Bà-la-môn thì không được thanh tịnh. Bà-la-môn con Phạm thiên, sinh từ miệng Phạm thiên, được hóa sanh bởi Phạm thiên’.”

Đức Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Ma-nạp, ý ngươi nghĩ sao? Phải chăng chỉ có Bà-la-môn mới có thể hành từ tâm, không kết, không oán, không nhuế, không tránh? Còn Sát-lị, Cư sĩ hay Công sư thì không như vậy?”

A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp đáp rằng:

“Bạch Cù-đàm, Bà-la-môn có thể hành từ tâm, không kết, không oán, không nhuế, không tránh. Sát-lị, Cư sĩ hay Công sư cũng như vậy.”

“Như vậy, này Ma-nạp, nếu Bà-la-môn có thú hướng chân chánh thì Bà-la-môn ấy được hiểu biết rõ và tự tri đúng như pháp. Sát-lị, Cư sĩ hay Công sư nếu hướng đến chân chánh cũng được sự hiểu biết khéo léo và tự tri đúng như pháp.”

A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp bạch rằng:

“Bạch Cù-đàm, thật là kỳ diệu, thật là hy hữu, thật là thích thú với ví dụ này. Nhưng các Bà-la-môn vẫn nói như thế này, ‘Dòng tộc Bà-la-môn là hơn hết, ngoài ra không ai bằng. Dòng Bà-la-môn trắng, ngoài ra đều là đen. Bà-la-môn được thanh tịnh, không phải Bà-la-môn thì không được thanh tịnh. Bà-la-môn con Phạm thiên, sinh từ miệng Phạm thiên, được hóa sanh bởi Phạm thiên’.”

Đức Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Ma-nạp, ý ngươi nghĩ sao? Nếu có những người thuộc một trăm chủng tộc khác nhau đến, và có người nói với họ rằng, ‘Các ngươi hãy đến đây. Nếu ai sanh trong chủng tộc Sát-lị hay chủng tộc Bà-la-môn thì những người ấy mới có thể mang bột tắm đến nước mà tắm, tắm rửa thật sạch cấu bẩn’. Này Ma-nạp, ý ngươi nghĩ sao? Chỉ những người trong chủng tộc Sát-lị hay chủng tộc Bà-la-môn thì những người ấy mới có thể mang bột tắm đến nước tắm rửa cho thật sạch các cấu bẩn chăng? Hay những người trong chủng tộc Cư sĩ, chúng tộc Công sư, những người này không thể mang bột tắm đến nước mà tắm rửa cho thật sạch các cấu bẩn? Hay tất cả mọi người trong một trăm chủng tộc khác nhau vẫn có thể mang đậu tắm đến nước mà tắm rửa thật sạch các cấu bẩn?”

A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na [664c] Ma-nạp đáp rằng:

“Bạch Cù-đàm, tất cả mọi người trong trăm chủng tộc khác nhau ấy đều có thể mang đậu tắm đến nước mà tắm rửa thật sạch các cấu bẩn.

“Như vậy, này Ma-nạp, nếu Bà-la-môn có thú hướng chân chánh thì Bà-la-môn ấy được hiểu biết rõ và tự tri đúng như pháp. Sát-lị, Cư sĩ hay Công sư nếu hướng đến chân chánh cũng được sự hiểu biết khéo léo và tự tri đúng như pháp.”

A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp bạch rằng:

“Bạch Cù-đàm, thật là kỳ diệu, thật là hy hữu, thật là thích thú với ví dụ này. Nhưng các Bà-la-môn vẫn nói như thế này, ‘Dòng tộc Bà-la-môn là hơn hết, ngoài ra không ai bằng. Dòng Bà-la-môn trắng, ngoài ra đều là đen. Bà-la-môn được thanh tịnh, không phải Bà-la-môn thì không được thanh tịnh. Bà-la-môn con Phạm thiên, sinh từ miệng Phạm thiên, được hóa sanh bởi Phạm thiên’.”

Đức Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Ma-nạp, ý ngươi nghĩ sao? Nếu có người thuộc một trăm chủng tộc khác nhau đến, và có người nói với họ rằng, ‘Các người hãy đến đây. Nếu ai sanh trong chủng tộc Sát-lị hay chủng tộc Bà-la-môn, chỉ những người ấy mới có thể dùng nhánh sa-la rất khô hay gỗ chiên-đàn làm mồi lửa, rồi lấy dùi mà dùi cho lửa phát ra và cháy lớn lên’. Này Ma-nạp, ý ngươi nghĩ sao? Chỉ những người trong chủng tộc Sát-lị và chủng tộc Bà-la-môn, những người này mới có thể dùng nhánh sa-la rất khô hay gỗ chiên-đàn làm mồi lửa, rồi lấy dùi mà dùi cho phát ra lửa và cháy lớn lên chăng? Hay những người trong chủng tộc Cư sĩ, chủng tộc Công sư, những người này cũng sẽ dùng nhánh sa-la rất khô, hay gỗ chiên đàn làm mồi lửa, rồi lấy dùi mà dùi cho phát ra lửa và cháy lớn lên? Hay những người thuộc một trăm chủng tộc khác nhau đều có thể dùng bất cứ loại gì mà làm mồi lửa, rồi lấy dùi mà dùi cho phát ra lửa và cháy lớn lên?”

A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp đáp rằng:

“Bạch Cù-đàm, tất cả những người trong một trăm chủng tộc khác nhau kia đều có thể dùng bất cứ loại gỗ nào làm mồi lửa, rồ lấy dùi mà dùi cho phát ra lửa và cháy lớn lên.”

“Như vậy, này Ma-nạp, nếu Bà-la-môn có thú hướng chân chánh thì Bà-la-môn ấy được hiểu biết rõ và tự tri đúng như pháp. Sát-lị, Cư sĩ hay Công sư nếu hướng đến chân chánh cũng được sự hiểu biết khéo léo và tự tri đúng như pháp.”

A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp bạch rằng:

“Bạch Cù-đàm, thật là kỳ diệu, thật là hy hữu, thật là thích thú với ví dụ này. Nhưng các Bà-la-môn vẫn nói như thế này, ‘Dòng tộc Bà-la-môn là hơn hết, ngoài ra không ai bằng. Dòng Bà-la-môn trắng, ngoài ra đều là đen. Bà-la-môn được thanh tịnh, không phải Bà-la-môn thì không được thanh tịnh. Bà-la-môn con Phạm thiên, sinh từ miệng Phạm thiên, được hóa sanh bởi Phạm thiên’.”

Đức Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Ma-nạp, ý ông nghĩ sao? Nếu những người trong một trăm chủng tộc khác nhau kia đều có thể dùng bất cứ loại gỗ nào [665a] làm mồi lửa rồi lấy dùi mà dùi cho phát ra lửa và cháy lớn lên, phải chăng tất cả lửa ấy đều có ngọn, có màu sắc, có sức nóng, có ánh sáng, đều có thể dùng vào các công việc do lửa đem lại? Hay chỉ độc nhất thứ lửa này mới có ngọn, có màu sắc, có sức nóng, có ánh sáng, có thể dùng vào các công việc do lửa đem lại? Hay độc nhất thứ lửa kia không có ngọn, không màu sắc, không sức nóng, không ánh sáng, không thể dùng vào các công việc do lửa đem lại? Hay tất cả thứ lửa kia đều có ngọn, có màu sắc, có sức nóng, có ánh sáng, đều có thể dùng vào các công việc do lửa đem lại?”

A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp bạch rằng:

“Bạch Cù-đàm, nếu những người trong một trăm chủng tộc khác nhau ấy đều dùng bất cứ loại cây nào làm mồi lửa, rồi lấy dùi mà dùi cho lửa phát ra và cháy lớn lên. Tất cả những thứ lửa ấy đều có ngọn, có màu sắc, có sức nóng, có ánh sáng, đều có thể dùng vào các công việc do lửa đem lại. Nếu độc nhất chỉ thứ lửa kia có ngọn, có màu sắc, có sức nóng, có ánh sáng, có thể dùng vào công việc của lửa, trường hợp này không thể có. Nếu độc nhất chỉ có thứ lửa kia không có ngọn, không màu sắc, không sức nóng, không ánh sáng và không thể dùng vào các công việc của lửa, cũng không có trường hợp đó. Bạch Cù-đàm, nhưng tất cả những thứ lửa kia đều có ngọn, có màu sắc, có sức nóng, có ánh sáng, đều có thể dùng vào các công việc do lửa đem lại.”

“Như vậy, này Ma-nạp, nếu Bà-la-môn có thú hướng chân chánh thì Bà-la-môn ấy được hiểu biết rõ và tự tri đúng như pháp. Sát-lị, Cư sĩ hay Công sư nếu hướng đến chân chánh cũng được sự hiểu biết khéo léo và tự tri đúng như pháp.”

A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp bạch rằng:

“Bạch Cù-đàm, thật là kỳ diệu, thật là hy hữu, thật là thích thú với ví dụ này. Nhưng các Bà-la-môn vẫn nói như thế này, ‘Dòng tộc Bà-la-môn là hơn hết, ngoài ra không ai bằng. Dòng Bà-la-môn trắng, ngoài ra đều là đen. Bà-la-môn được thanh tịnh, không phải Bà-la-môn thì không được thanh tịnh. Bà-la-môn con Phạm thiên, sinh từ miệng Phạm thiên, được hóa sanh bởi Phạm thiên’.”

Đức Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Ma-nạp, nếu thân này được thọ sanh vào đâu, thì nó được kể thuộc loại đó. Nếu sanh trong chủng tộc Bà-la-môn, nó được kể là chủng tộc Bà-la-môn. Nếu sanh trong chủng tộc Sát-lị, Cư sĩ hay Công sư, nó được kể là chủng tộc Công sư.

“Này Ma-nạp, cũng như tùy theo lửa được phát sanh như thế nào thì được kể thuộc loại đó, tức đó là tên gọi của lửa. Nếu nhân nơi cây mà phát sanh thì nó được kể là loại lửa cây. Nếu nhân nơi cỏ rác hay củi mà phát sanh thì nó được kể là loại lửa cỏ, lửa rác, lửa củi.

“Như vậy, này Ma-nạp, thân này được thọ sanh vào đâu thì nó được kể thuộc loại đó. Nếu sanh trong chủng tộc Bà-la-môn, nó được gọi là chủng tộc Bà-la-môn. Nếu sanh trong chủng tộc Sát-lị, Cư sĩ hay Công sư thì nó được gọi là chủng tộc Công sư.”

Đức Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Ma-nạp, ý ngươi nghĩ sao? Nếu con gái của Sát-lị cùng con trai của Bà-la-môn hiệp hội với nhau, họ do sự hiệp hội ấy mà sau đó sanh con, hoặc giống cha nó, hoặc giống mẹ nó, hoặc không [665b] giống cả hai. Ý ngươi nghĩ sao? Đứa trẻ kia là Sát-lị chăng? Là Bà-la-môn chăng?”

A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp đáp rằng:

“Bạch Cù-đàm, con gái của Sát-lị cùng con trai của Bà-la-môn hiệp hội với nhau, do sự hiệp ấy mà sau đó sanh con, hoặc giống cha nó, hoặc giống mẹ nó, hoặc không giống cả hai. Con không nói là Sát-lị, cũng không nói là Bà-la-môn. Bạch Cù-đàm, con chỉ nói là thân khác”. [121]

“Này Ma-nạp, thân này được thọ sanh vào đâu thì nó được kể vào loại đó. Nếu sanh trong chủng tộc Bà-la-môn thì nó được kể là chủng tộc Bà-la-môn. Nếu sanh trong chủng tộc Sát-lị, Cư sĩ hay Công sư thì nó được kể là chủng tộc Công sư.”

Đức Thế Tôn lại hỏi rằng:

“Này Ma-nạp, nếu con gái của Bà-la-môn cùng con trai của Sát-lị hiệp hội với nhau, do sự hiệp hội này mà sau đó sanh con, hoặc giống cha nó, hoặc giống mẹ nó, hoặc không giống cả hai. Ý ngươi nghĩ sao? Đứa trẻ kia là Bà-la-môn chăng? Là Sát-lị chăng?”

A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp đáp rằng:

“Bạch Cù-đàm, con gái của Bà-la-môn cùng con trai của Sát-lị hiệp hội với nhau, do sự hiệp hội này mà sau đó sanh con, hoặc giống cha nó, hoặc giống mẹ nó, hoặc không giống cả hai. Con không nói nó là Bà-la-môn, cũng không nói nó là Sát-lị. Bạch Cù-đàm, con chỉ nói nó là thân khác.”

“Như vậy, này Ma-nạp, thân này được thọ sanh vào đâu thì nó được kể vào loại đó. Nếu sanh trong chủng tộc Bà-la-môn thì nó được kể là chủng tộc Bà-la-môn. Nếu sanh trong chủng tộc Sát-lị, Cư sĩ hay Công sư thì nó được kể là chủng tộc Công sư.”

Đức Thế Tôn lại hỏi:

“Này Ma-nạp, ý ngươi nghĩ sao? Nếu một người có nhiều ngựa cái, người ấy thả một con lừa đực vào trong đám ngựa cái ấy, chúng cùng con lừa đực hiệp hội, do sự hiệp hội ấy mà sau đó sanh con ngựa câu. Ý ngươi nghĩ sao? Nó là con lừa chăng? Là con ngựa chăng?”

A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp đáp rằng:

“Bạch Cù-đàm, nếu ngựa và lừa hiệp hội với nhau, do sự hiệp hội này mà sau đó sanh ngựa câu. Con không nói nó là lừa, cũng không nói nó là ngựa. Bạch Cù-đàm, con chỉ nói nó là con la.”

“Như vậy, này Ma-nạp, thân này được thọ sanh vào đâu thì nó được kể vào loại đó. Nếu sanh trong chủng tộc Bà-la-môn thì nó được kể là chủng tộc Bà-la-môn. Nếu sanh trong chủng tộc Sát-lị, Cư sĩ hay Công sư thì nó được kể là chủng tộc Công sư.”

Đức Thế Tôn lại nói rằng:

“Này Ma-nạp, thuở xưa có nhiều vị Tiên nhân [122] sống trên một chỗ cao của rừng vắng. Họ sinh ra ác kiến như thế này, ‘Dòng Bà-la-môn là hơn hết, ngoài ra không có ai bằng. Dòng Bà-la-môn trắng, ngoài ra đều là đen. Bà-la-môn được thanh tịnh, không phải Bà-la-môn thì không được thanh tịnh. Bà-la-môn con Phạm thiên, [665c] sanh từ miệng Phạm thiên, được hóa sanh bởi Phạm thiên’. Khi ấy, A-tư-la Tiên nhân Đề-tì-la [123] nghe có nhiều Tiên nhân sống trên một chỗ cao của rừng vắng đã sinh ra ác kiến như thế này rồi, ông khoác áo ca-sa, quấn khăn lên đầu, chống gậy, cầm lọng, mang guốc vải trắng [124], không theo cửa vào, đến trụ xứ của Tiên nhân, đi kinh hành nơi tịnh thất.

“Rồi trên chỗ cao của khu rừng vắng, nói có nhiều Tiên nhân sống chung này, có một Tiên nhân thấy A-tư-la Tiên nhân Đề-tì-la khoác áo ca-sa, quấn khăn lên đầu, chống gậy, cầm lọng, mang guốc vải trắng, không theo cửa vào, đến trụ xứ của Tiên nhân, đi kinh hành nơi tịnh thất. Thấy vậy rồi, ông này bèn đến chỗ những Tiên nhân sống chung trên chỗ cao của khu rừng này và nói như thế này, ‘Này Chư Hiền, nay có một người khoác áo ca-sa, quấn khăn lên đầu, chống gậy cầm lọng, mang guốc vải trắng, không theo cửa vào, đến trụ xứ của Tiên nhân, đi kinh hành nơi tịnh thất chúng ta nên đến mà chú thuật nó rằng, ‘Ngươi hãy thành tro! Ngươi hãy thành tro!’

“Rồi số đông các Tiên nhân sống chung trên chỗ cao của khu rừng vắng bèn đến chỗ A-tư-la Tiên nhân Đề-bệ-la. Đến rồi, dùng thần chú: ‘Ngươi hãy thành tro! Ngươi hãy thành tro!’, như vậy, như vậy... rồi, nhưng vị ấy sắc mặt càng thêm rạng rỡ, thân thể càng xinh tươi.

“Chúng Tiên nhân kia liền nghĩ như thế này, ‘Trước kia chúng ta dùng thần chú ‘Ngươi hãy thành tro! Ngươi hãy thành tro!’, mà hễ chú đến người nào thì người ấy trở thành tro. Nay chúng ta chú người này ‘Ngươi hãy thành tro! Ngươi hãy thành tro!’, chúng ta dùng đúng theo thần chú ấy để chú người này, mà sao sắc mặt y càng thêm rạng rỡ, thân thể càng xinh tươi? Ta nên hỏi xem’.

“Họ bèn hỏi:

“–Ông là ai?

“A-tư-la Tiên nhân Đề-tì-la đáp rằng:

“–Này Chư Hiền, các ngươi có nghe đến A-tư-la Tiên nhân Đề-tì-la chăng?

Đáp rằng:

“–Chúng tôi có nghe đến A-tư-la Tiên nhân Đề-tì-la.

“Lại nói rằng:

“–Chính là ta đó.

“Các vị Tiên nhân kia liền cùng nhau xin lỗi A-tư-la Tiên nhân Đề-tì-la rằng:

“–Mong tha thứ cho. Vì chúng tôi không biết Tôn giả là A-tư-la Tiên nhân Đề-tì-la.

“Khi ấy, A-tư-la Tiên nhân Đề-tì-la nói với các vị Tiên nhân kia:

“–Ta đã tha thứ rồi. Có thật các người sinh ác kiến này, ‘Dòng Bà-la-môn là hơn hết, ngoài ra không ai bằng. Dòng Bà-la-môn rắng, ngoài ra đều là đen. Bà-la-môn được thanh tịnh, không phải Bà-la-môn thì không được thanh tịnh. Bà-la-môn con Phạm thiên, sanh từ miệng Phạm thiên, [666a] được hóa sanh bởi Phạm thiên’ không?

“Các Tiên nhân kia đáp rằng:

“–Quả như vậy.

“A-tư-la Tiên nhân Đề-tì-la lại hỏi các Tiên nhân rằng:

“–Các người có biết rõ cha mình chăng?

“Các Tiên nhân đáp rằng:

“–Biết rõ. Vị Bà-la-môn ấy lấy vợ là người Bà-la-môn, chứ không lấy người không phải Bà-la-môn. Cha của cha ấy, cho đến bảy đời đều lấy vợ là người Bà-la-môn, không lấy người không phải Bà-la-môn.

“A-tư-la Tiên nhân Đề-tì-la lại hỏi các Tiên nhân kia rằng:

“–Các ông có biết rõ mẹ mình chăng?

“Các Tiên nhân kia đáp rằng:

“–Biết rõ. Vị Bà-la-môn ấy lấy chồng là người Bà-la-môn, không lấy người không phải Bà-la-môn. Mẹ của mẹ ấy, cho đến bảy đời mẹ, những vị Bà-la-môn ấy đều lấy chồng người Bà-la-môn, không lấy người không phải Bà-la-môn.

“A-tư-la Tiên nhân Đề-tì-la lại hỏi các Tiên nhân rằng:

“–Các người có biết rõ sự thọ thai chăng?

“Các Tiên nhân kia đáp rằng:

“–Biết rõ. Do ba sự hiệp hội mà thọ thai, là sự hiệp hội của cha mẹ, thời gian người mẹ có thể thọ thai [125] và hương ấm đã đến [126]. Này A-tư-la Tiên nhân Đề-tì-la, phải hội đủ ba sự này mà có sự nhập thai mẹ.

“A-tư-la Tiên nhân Đề-tì-la lại hỏi các Tiên nhân:

“–Nhưng có thể biết sự thọ sanh này là trai hay gái? Biết nó từ đâu đến? Từ chủng tộc Sát-lị, từ Bà-la-môn, Cư sĩ hay Công sư đến chăng? Từ phương Đông, phương Nam, phương Tây, phương Bắc mà đến chăng?

“Các Tiên nhân kia đáp rằng:

“–Không biết.

“A-tư-la Tiên nhân Đề-tì-la lại nói với các Tiên nhân kia rằng:

“–Này Chư Hiền, các người không thấy nó, không biết nó. Các người không biết thọ thai ai, nó từ đâu đến, nó là trai hay gái; nó từ Sát-lị, Bà-la-môn, Cư sĩ hay Công sư; nó từ phương Đông, phương Nam, phương Tây, phương Bắc, nhưng các người lại nói như thế này, ‘Dòng Bà-la-môn chí là hơn hết, ngoài ra không ai bằng. Dòng Bà-la-môn trắng, ngoài ra đều là đen, Bà-la-môn được thanh tịnh, không phải Bà-la-môn thì không được thanh tịnh. Bà-la-môn con Phạm thiên, sanh từ miệng Phạm thiên’.

“Này Ma-nạp, các Tiên nhân cùng sống chung với nhau trên chỗ cao của rừng vắng kia bị A-tư-la Tiên nhân Đề-tì-la khéo dạy, khéo quở trách nên không thể chủ trương Bà-la-môn là thanh tịnh, huống nữa là các thầy trò ngươi, những người luống mặc áo da, áo cỏ.”

Khi ấy, A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp bị Thế Tôn chỉ trích ngay mặt, trong lòng sầu não, cúi đầu im lặng, không biện bạch được một lời.

Đức Thế Tôn sau khi chỉ trích A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp, Ngài lại muốn khuyên cho Ma-nạp được vui vẻ, bèn hỏi:

“Này Ma-nạp, có Bà-la-môn trai tự, bố thí; người này có bốn người con, hai đứa ham học hỏi, hai đứa không học hỏi. [666b] Ý Ma-nạp nghĩ sao? Người Bà-la-môn này sẽ dành cho ai trước tiên chỗ ngồi bậc nhất, nước tắm bậc nhất và thức ăn bậc nhất?”

A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp thưa rằng:

“Bạch Cù-đàm, người Bà-la-môn ấy tất dành cho hai người con ham học hỏi của mình trước tiên về chỗ ngồi bậc nhất, nước tắm bậc nhất và thức ăn cũng bậc nhất.”

Đức Thế Tôn lại hỏi rằng:

“Này Ma-nạp, lại có một Bà-la-môn trai tự, bố thí; Bà-la-môn này có bốn người con; hai đứa ham học hỏi nhưng không tinh tấn, thích làm việc ác; còn hai đứa kia tuy không học hỏi, nhưng rất tinh tấn, thích làm việc thiện. Ý Ma-nạp nghĩ sao? Bà-la-môn này trước tiên dành cho ai về chỗ ngồi bậc nhất, nước tắm bậc nhất và thức ăn bậc nhất?”

A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp thưa rằng:

“Bạch Cù-đàm, Bà-la-môn ấy tất dành cho hai người con tuy không học vấn nhưng rất tinh tấn, thích làm việc thiện trước tiên về chỗ ngồi bậc nhất, nước tắm bậc nhất và thức ăn cũng bậc nhất.”

Đức Thế Tôn nói rằng:

“Này Ma-nạp, trước kia ngươi khen ngợi sự học hỏi, sau đó ngươi khen ngợi sự trì giới. Này Ma-nạp, như vậy Ta nói bốn chủng tánh thảy đều thanh tịnh, Ta tuyên bố và hiển thị, ngươi cũng nói bốn chủng tánh này đều thanh tịnh, tuyên bố và hiển thị.”

Khi ấy, A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp liền từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu lễ dưới chân Phật.

Bấy giờ đại chúng càng cao giọng mà nói rằng:

“Sa-môn Cù-đàm thật kỳ diệu thay, thật hy hữu thay, có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần. Vì sao? Bởi vì Sa-môn Cù-đàm nói ‘Bốn chủng tánh thảy đều thanh tịnh, tuyên bố và hiển thị’ khiến cho A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp cũng nói theo rằng ‘Bốn chủng tánh thảy đều thanh tịnh, với sự giảng giải hiển thị.’ ”

Bấy giờ Đức Thế Tôn biết tâm niệm đại chúng ấy [127], liền bảo:

“Như vậy đủ rồi, này A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp, chỉ cần trong lòng thấy thỏa mãn là được. Hãy trở về ngồi lại chỗ cũ.

A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp cúi đầu lễ dưới chân Phật rồi ngồi qua một bên.

Đức Thế Tôn bèn thuyết pháp cho nghe, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hơn hỷ. Sau khi bằng vô lượng phương tiện thuyết pháp cho nghe, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ rồi, Ngài ngồi im lặng.

Khi ấy, A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp sau khi được Đức Phật thuyết pháp, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ rồi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu lễ chân Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi lui ra.

Bấy giờ số đông các Bà-la-môn ở Câu-tát-la trở về chưa bao xa, dùng đủ thứ ngôn ngữ khiển trách [666c] A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp:

“Ngươi muốn làm gì? Muốn khuất phục Sa-môn Cù-đàm, ngược lại bị Sa-môn Cù-đàm hàng phục mà trở về. Cũng như một người đi vào rừng để tìm con mắt, nhưng ngươi lại bị mất con mắt mà trở về. A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp, ngươi cũng vậy, muốn khuất phục Sa-môn Cù-đàm, nhưng ngược lại bị Sa-môn Cù-đàm hàng phục mà trở về. Cũng như một người vì muốn uống nước nên xuống ao, nhưng ngược lại bị khát nước mà trở về. A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp, ngươi cũng như vậy, muốn khuất phục Sa-môn Cù-đàm nhưng ngược lại bị Sa-môn Cù-đàm hàng phục mà trở về. A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp, ngươi muốn làm gì?”

Bấy giờ, A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp nói với số đông Bà-la-môn ở Câu-tát-la rằng:

“Này Chư Hiền, tôi đã nói trước rồi, Sa-môn Cù-đàm đúng như pháp mà thuyết pháp. Ai thuyết pháp đúng như pháp, người ấy không thể cật vấn.”

Phật thuyết như vậy. A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp nghe Phâït thuyết, hoan hỷ phụng hành. [128]

 


 [1] Thứu nham 鷲巖. Pāli: Gijjakūta-pabbata: Kỳ-xà-quật; đỉnh Kên kên.

 [2] Trong bản: Vị Sanh Oán Bệ-đà-đề Tử 未生怨鞞陀提子: A-xà-thế Vi-đề-hy Tử. Pāli: Ajātasattu Vedehiputta.

 [3] Bạt-kỳ 跋 耆. Pāli: Vajjī.

 [4] Vũ Thế 雨 勢. No 1(2): Vũ-xá. Pāli: Vassakāra.

 [5] No 1(2):Các bản khác đều không có đoạn này.

 [6] Giá-hòa-la tự 遮惒羅寺. No 5: Cấp tật thần xá 急疾神舍. No 6: Chánh tháo 正躁神舍D 16 (ii. 77): Sārandada-cetiya. Chùa này theo bản Hán có lẽ là Cāpala, chỗ Phật thông báo quyết định nhập Niết-bàn.

 [7] Bất suy pháp 不衰法. Pāli: aparihāniyadhamma.

 [8] Các bản khác, Phật chỉ nói gián tiếp, chứ không nói thắng với ông Đại thần.

 [9] Cựu tự 舊寺. No.1(2): tông miếu. Pāli: vajjīnaṃ vajjicetiyāni, các linh miếu của người Bạt-kỳ.

 [10] Khởi bất tùy 起不隨. Pāli: na vasaṃ gacchanti.

 [11] Pāli: uppannāya taṇhāya ponobhavikāya na vasaṃ gacchanti, không bị chi phối bởi khát ái hiện hành, khát ái ấy dẫn đến đời sau.

 [12] Ái lạc bỉ bỉ hữu 愛樂彼彼有. Pl.: tatra tatrābhibabdinī, mong muốn (sẽ tái sinh) ở chỗ này,ở chỗ kia.

 [13] Pháp, chúng, giới, bất phóng dật, cung cấp, định, cùng với tôn sư nói trước, là bảy đề mục bất thối. So sánh bảùy pháp kể trong No.1(2): 1. Kính Phật; 2. Kính Pháp; 3. Kính Tăng; 4. Kính giới luật; 5. Kính thiền định; 6. Kính thuận cha mẹ; 7. Kính pháp không buông lung.

 [14] Bất hành ư nghiệp 不行於業. Nghiệp ở đây được hiểu là chuyện đời. Pāli: na kammārāmā, na kammaratā, na kammārāmataṃ anuyuttā, không thích thế nghiệp, không hoan hỷ thế nghiệp, không đam mê thế nghiệp.

 [15] Bất hành hoa thuyết 不行譁說. Pāli: na bhassārāmā.

 [16] Tạp hiệp 雜 合, được hiểu là “kết hợp với ác hữu”.

 [17] Bảy pháp chỉ tránh, hay diệt tránh. Xem kinh số 196 ở sau.

 [18] Sáu pháp hòa kỉnh, hay lục hòa, xem kinh 196.

 [19] Hán: như địa bất tùy tha 如地不隨他. Pl: bhujissāni, tự do, không còn làm nô lệ.

 [20] Thương-ca-la Ma-nạp 傷歌邏摩納. Pāli: Saṅgārava, một Bà-la-môn trẻ, hình như là bạn của Tôn giả A-nan trước khi xuất gia.

 [21] Hán: trai 齋; Pāli (A. i. 168): yaññaṃ yajāmapi yajāpemapi, tự mình cử hành tế đàn, cũng bào người cử hành tế đàn..

 [22] Phước tích 福 跡. Pāli:anekasārīrikaṃ puññappaṭipadaṃ paṭipannā honti, họ thực hành dẫn đến phước đức cho nhiều người.

 [23] Pl.: ekam attānaṃ dameti, ekamattānaṃ sameti  ekamattānaṃ parinibbāpeti, chỉ chế ngự một tư ngã, an tịnh một tự ngã, niết-ban cho một tự ngã.

 [24] Bản Hán thiếu một đoạn trong Pāli: Phật hỏi Saṇgārava về ích lợi của tế đàn và ích lợi của người tu tập để cọng trú với Phạm thiên, do đó dẫn đến câu hỏi cua A-nan.

 [25] Cũng như kinh số 194 ở sau.

 [26] Tam thị hiện: như ý túc thị hiện, chiêm niệm thị hiện, giáo huấn thị hiện 三示現 如意足示現 占念示現 教訓示現. Xem No 1(24): kinh Kiên cố; Tập Dị 6 (No.1536, tr.389 b), ba thị đạo: thần biến thị đạo, ký tâm thị đạo, giáo giới thị đạo. Pāli: tini pātihāriyānā: iddhi, ādesanā, anusāsanā.

 [27] Hán: nhất tắc trụ nhất, hữu tri hữu kiến 一 則 住 一 有 知 有 見. Nghĩa không rõ. Tập Dị (nt): hoặc ẩn hoặc hiện. Pāli: āvibhāvaṃ tirobhāvaṃ.

 [28] Pl.: so bahuṃ cepi ādisati tatheva taṃ hoti no aññathā, họ nói ra nhiều điều và điều ấy là như vậy, không khác.

 [29] Tha niệm tha tư tha thuyết 他念他思他說. Pl.: vatakkayato vicārayato vitakka-vipphārasaddaṃ sutvā, sau khi nghe tiếng nói được khuếch đại bởi tầm tứ, được kiếm soát bởi tầm tứ.

 [30] Chỉ các bậc từ nhị thiền trở lên, trong đó không có tâm sở tầm (Pāli: vitakka) và tứ (Pāli: vicara). Pl.: avitakkaṃ avicāraṃ samādhiṃ samāpannassa cetasā ceto paricca pajānati, ngưới ấy nhập vào đinh không tầm không tứ, y nơi tâm của mình mà biết tâm của người khác.

 [31] Pl.: yathā imassa bho manosaṅkhārā paṇihitā imassa cittassa anantarā amuṃ nāma vitakkaṃ vitakkessati, “tôn giả kia có ý hành được hướng đến chỗ nào, lập tức tâm của vị này hướng tầm đến đó.

 [32] Nguyên Hán: đại pháp 大法. Bản Việt thêm từ huyễn cho đủ nghĩa.  Pāli: māyāsaha-dhammarūpam; pháp huyễn hoặc; bản Hán đọc là mahā-dhamma, có lẽ bị sót mất nhiều âm tiết.

 [33] No 70: Đông viên trung Lộc giảng đường 東園中鹿講堂. Pl.: Pubbārāme Migāramātupāsāde.

 [34] Toán số Mục-kiền-liên 算數目犍連. No 70: Số Bà-la-môn 數婆羅門. Pāli: Gaṇaka-Moggallāna, có thể là một nhà toán học.

 [35] Trong bản Hán: quán giác 觀覺.

 [36] Thường niệm bế tắc 常念閉 塞. Có lẽ tương đương Pāli: indriyesu guttadvāro, canh chứng cửa nơi các căn.  

 [37] Hán: bất vị sắc 不味色. Pl.: mā’ nuvyañjanaggahāhī, chớ nắm bắt tuy tướng (các chi tiết nhỏ khi nhìn thấy sắc). Pl. anuvyañjana: tùy tướng, tùy hình hảo;nhưng bản Hán hiểu từ vyañjana là vị để nếm, gia vị hương vị.

 [38] Vị phẫn tránh cố 謂忿諍故, vì sự phẫn nộ và tranh cãi; Hán dịch có thể nhầm vì vô nghĩa trong đoạn mach này. Pāli: yatvādhikaraṇam enam cakkhundriyaṃ asaṃvutaṃ viharantaṃ abhijjhādomanassā pāpakā akusalā dhammā anvāsutvā tassa saṃvarāya paṭipajjhāhi, do nguyên nhân gì mà khi sống với nhãn căn không được phồng hộ khi ấy tham và ưu cũng các pháp ác bất thiện chảy lọt vào, ngơi hãy tu tập để ngăn chặn nguyên nhân ấy. Trong bản Hán, adhikaraṇa, nguyên nhân, được hiểu là sự tranh cãi.

 [39] Chánh thân chánh nguyện 正身正願; Pāli: ujuṃ kāyaṃ paṇidhāya, ngồi thẳng lưng. Trong bản Hán, paṇidhāya (sau khi đặt xuống), được hiểu là paṇidhāna: ước nguyện.

 [40] Ngũ cái 五 蓋. Pāli: pañca nīvaraṇā.

 [41] Hán: đạo sư 導師. Dioch lag nfười chỉ đường cho phù hợp với đoạnmạch tiếp theo. Pl.: samādapetā, người chỉ đường, người hướng dẫn.

 [42] Căn hương 根香, hương liệu từ rễ cây; xem kinh 141 trên. Pāli: mūlagandhā.

 [43] Sa-la thọ hương 娑羅樹, loại hương trầm bằng lõi cây; xem kinh 141 trên. Pāli: sāragandhā. Trong bản Hán, đọc là sāla (cây sa-la) thay vì sāra (lõi cây).

 [44] Bản Hán, hết quyển 35.

 [45] Ma-kiệt-đà đại thần Vũ Thế 摩竭陀大臣雨勢. Pl.: Vassakāro brāmaṇo Magadhamahāmatto. Xem kinh 142.

 [46] Xem kinh 142. Pāli, M. 108: chuẩn bị đánh nhau với Pajjota (Caṇḍappajjota), vua nước Avanti, chứ không phải với Vajji (Bạt-kỳ).

 [47] Cù-mặc Mục-kiền-liên điền tác nhân 瞿默目犍連田作人. Pāli (M. iii. 37): gopakamogallānassa brāhmaṇassa kammanto, (A-nan đi đến) chỗ làm việc của Bà-la-môn Gopaka-Moggallāna. Trong bản Hán, kammanta, chỗ đang làm việc, được hiểu là kassaka: nông phu?

 [48] Chi tiết này không phù hợp với chi tiết tiếp theo.

 [49] Đoạn trên nói ông là người làm ruộng. Xem cht. trên.

 [50] Hán: ủy lạo điền tác nhân 慰勞田作人. Pāli: kammante anusaññāyamāno, đang đi thị sát chỗ đang làm việc (công trường).

 [51] Hán: vị Thế Tôn sở tri kiến 為世尊所知見; có lẽ dư chữ sở, vì những nơi khác trong bản Hán đều cho thấy như vậy. Pāli: tena bhagavatā janatā passatā arahatā…, bởi Thế Tôn, Bậc Tri Giả, Bậc Kiến Giả, là A-la-hán…

 [52] Thập pháp nhi khả tôn kính 十法而可尊敬. Pāli: dasa pasādanīyā dhammā, mười pháp khả hỷ, khiến cho tin tưởng.

 [53] Nội hành chánh chỉ 內行正止. Cf. M. i. 216: ajjhattaṃ cetosamatham anuyutto. Xem kinh 184 ở sau (Ngưu giác sa-la-lâm): nội hành chỉ 內行 [12]止.

 [54] Hán: diệc bất ly tứ 亦不離伺. Xem kinh 184: bất phế tọa thiền 不廢坐禪. Cf. M.i. ibid.: anirākatajjhāno.

 [55] Thành tựu quán hành ; tu quán, đối với tu chỉ nói trên. Pl. ibid.: vipassanāya samannāgato.

 [56] Tăng trưởng không hành 增長空行: thường xuyên sống nơi vắng vẻ. Xem kinh 184: thường hiếu nhàn cư 常好閑居. Pl.ibid.: brūhetā suññāgārānaṃ.

 [57] Vì các chi tiết không được mạch lạc, không rõ đám đông này là những ai.

 [58] Đoạn Pāli tương đương: evaṃ vutte vassakāro brāhmaṇo magadhamahāmatto upanandaṃ senāpatiṃ āmantesi – taṃ kiṃ maññati bhavaṃ senāpati yad ime bhonto skkātabbaṃ sakkaronti … imañca hi te bhonto na sakkeyyuṃ …atha kiñcarahi te bhonto sakkareyyuṃ. “khi nghe điều này, Đại thần Vassakara nói với Tướng quân Upananda: Tướng quân nghĩ sao, những tôn giả này tôn kính người đáng tôn kính? (…) Nếu họ không tôn kính người đáng tôn kính… thì họ tôn kính ai?” Không rõ do sự nhầm lẫn nào mà Hán dịch thành đoạn văn thiếu mạch lạc như vậy.

 [59] Trong bản Hán: dĩ thế tôn ủng hộ cố 以 世 尊 擁 護 故; có lẽ dư chữ thế. Pāli: yathā taṃ tumhādisehi rakkhakehi gopakehi, nhờ những người ủng hộ, bảo vệ như ngài.

 [60] Bà-nan 婆 難, Pāli: Upananda senāpati.

 [61] Hành tứ lạc tứ 行伺樂伺; hành tứ ở đây được hiểu là hành thiền. Pāli: jhāyino ca jhānasīlino ca, là những người hành thiền, có xu hướng (tập quán) hành thiền.

 [62] Kim-tì-la lạc viên 金鞞羅樂園; không rõ địa danh này. Có thể Pāli là Kimbilā, một thị trấn bên bờ sông Hằng, trong một khu rừng tre. Nhưng trong bản tương đương: Vesāliyaṃ Mahāvane Kūṭāgārasālāyaṃ, ở giảng đường Trùng các (ngôi nhà lầu) trong rừng Đại lâm thành Vesāli.

 [63] Tứ, tăng tứ, nhi trọng tứ 伺增伺而重伺, có thể hiểu là “dò xét, tăng gia dò xét, trầm trọng dò xét”. Xem các thí dụ trong kinh số 131 trên. Pāli: jhāyati pajjhāyati nijjhāyati apajjhāyati: thiền tứ (trầm ngâm suy nghĩ), mãi miết thiền tứ (= bị dày vò), chìm đắm thiền tứ (= bị thiêu đốt), chuyên chú thiền tứ. Trong Pāli, động từ jhāyati (Skt. dhyāyati, danh từ phái sinh: jhāna, Skt. dhyāna, âm: thiền), có nghĩa là tư duy hay trầm tư; nhưng cũng có nghĩa là thiêu đốt hay hỏa táng (Hán âm: xà-duy hay trà-tì, hỏa táng; Skt. kṣāyati).

 [64] Trong bản: tam 三. Có thể chép dư một nét.

 [65] Đoạn trong ngoặc, bản chữ Hán có thể sót; ở đây, theo những nơi khác, thêm vào cho đủ nghĩa.

 [66] Ti-lô dị học 卑盧異學; Pāli: Pilotika-paribbājaka, một du sĩ trẻ, thuộc bộ tộc Vacchāyma.

 [67] Sanh Văn 生 聞, Jāṇussonī, các kinh tiếp theo sau. Ông được kể trong số những Bà-la-môn lỗi lạc đương thời Phật. Ông thường ở tại Xá-vệ và thường đến gặp Phật để thảo luận.

 [68] Bà-ta 婆磋, họ của Ti-lô. Pāli: Vacchāyana, xem chú thích ở trên.

 [69] Trong bản Pāli (M. i. 175): taṃ kiṃ maññati (…) samaṇanassa Gotamasasa paññāveyyattiyaṃ, paṇḍito…, ông có nghĩ rằng Sa-môn Cù- đàm có trí tuệ đặc sắc, …, là người thông bác chăng?

 [70] Tứ cú nghĩa 四句義. Pāli: samaṇne gotame cattāri padāni, bốn dấu chân nơi Sa-môn Gatama. Trong Pāli, pada, có nghĩa dấu chân, cũng có nghĩa là câun.

 [71] Hán: quyết định 決 定; bản Pāli: nipuṇe: tinh tế.

 [72] Bản Hán này nhảy hai dấu chân giữa. Nhưng dấu thứ tư ở đây lại trùng lặp với dấu thứ nhất. Ở đay, có thể sắp lại thứ tự lần lượt như sau, 1. các luận sỹ bị khuất phục; 2. các luận sỹ trở thành đệ tử; 3. các luận sỹ này xuất gia; 4. mọt số đạt cứu cánh trong đời này.

 [73] Không tin là voi lớn nhất. Sẽ còn có con lớn hơn nữa.

 [74] Gia-lê-nậu 加梨 [少/兔] Pāli: Kaṇerukā, tên một loại voi cái.

 [75] Gia-la-lê 加羅梨; Pāli: Kaḷārikā, cũng tên một loại voi cái.

 [76] Bà-hòa-nậu 婆惒 [少/兔] ; Pāli: Vāmanikā, loại voi cái rất lớn và lùn.

 [77] Thường niệm bế tắc 常念閉 塞. Có lẽ tương đương Pāli: indriyesu guttadvāro, canh chứng cửa nơi các căn.  

 [78] Hán: bất vị sắc 不味色. Pl.: mā’ nuvyañjanaggahāhī, chớ nắm bắt tuy tướng (các chi tiết nhỏ khi nhìn thấy sắc). Pl. anuvyañjana: tùy tướng, tùy hình hảo;nhưng bản Hán hiểu từ vyañjana là vị để nếm, gia vị hương vị.

 [79] Vị phẫn tránh cố 謂忿諍故, vì sự phẫn nộ và tranh cãi; Hán dịch có thể nhầm vì vô nghĩa trong đoạn mach này. Pāli: yatvādhikaraṇam enam cakkhundriyaṃ asaṃvutaṃ viharantaṃ abhijjhādomanassā pāpakā akusalā dhammā anvāsutvā tassa saṃvarāya paṭipajjhāhi, do nguyên nhân gì mà khi sống với nhãn căn không được phồng hộ khi ấy tham và ưu cũng các pháp ác bất thiện chảy lọt vào, ngơi hãy tu tập để ngăn chặn nguyên nhân ấy. Trong bản Hán, adhikaraṇa, nguyên nhân, được hiểu là sự tranh cãi.

 [80] Chánh thân chánh nguyện phản niệm bất hướng 正身正願反念不向. Pāli: ujuṃ kāyaṃ paṇidhāya, parimukhaṃ satiṃ upaṭṭhapetvā, giữ thân ngay thẳng; dựng chánh niệm để trước mặt.

 [81] Như Lai sở khuất, sở hàn, sở phục 如來所屈 所行 所服. Pl.: tathāgatapadaṃ, tathāgatanisevitaṃ, tathāgatarāñjitaṃ, dấu chân của Như Lai, dấu cọ sát của Như Lai,  dấu cắt (bởi ngà voi) chém của Như Lai.

 [82] Đối chiếu kinh số 149 ở sau.

 [83] Không thấy các bản tương đương.

 [84] Xem kinh số 146 trên.

 [85] Hán: khủng bố 恐怖; đây chỉ tai họa nguy hiểm.

 [86] Ba ác bất thiện niệm: ba bất thiện tầm.

 [87] Như kỳ tượng định.

 [88] Xem các kinh 146, 147 trên.

 [89] Hà khổ 欲苦; nhân đó đặt tên kinh.

 [90] Cf. A. 5. 31 Sumanā (iii. 35).

 [91] Bản Hán, hết quyển 36.

 [92] Hán: hà dục hà hành hà lập hà y hà ngật 何欲何行何立何依何訖. Pāli (A. iii. 363): kim-adhippayā kim-upavicārā kim-adhiṭṭhānā kim-abhinivesā kim-pariyosanā, ham muốn gì, tâm niệm gì (cận hành), y cứ gì, tham vọng gì, cứu cánh gì?

 [93] Sở lập dĩ đao 所立以刀. Pāli: balādhiṭṭhānā, chấp cứ sức mạnh. Có lẽ bản Hán chép nhầm đao 刀 thay vì lực 力.

 [94] Y ư nhân dân 依 於 人 民. Pāli: pathavībhinivesā, tham vọng cõi đất (chinh phục).

 [95] Vô đối 無對. Pāli: asapatī, không vợ nhỏ của chồng.

 [96] Pāli: mantadhiṭṭhānā, chấp cứ chú thuật.

 [97] Hán: trai giới  齋 戒, cần hiểu là trai tự hay tế tự. Pāli: yaññābhinivesā.

 [98] Hán: chân đế  真 諦. Pāli: khantisoraccādhippayā, nhẫn nhục và nhu hòa.

 [99] Pāli: ākiñcanābhinivesā, vô sở hữu, không có gì.

 [100] Uất-sấu-ca-la 鬱瘦歌邏; Pāli: Esukārī.

 [101] Pl. (M. i. 177): catasso pāricariyā, bốn cấp phục vụ.

 [102] Cư sĩ 居 士; Pāli: Vessa (Phệ-xá), giai cấp thứ dân. Nơi khác, từ Cư sĩ đồng nhất với Pāli: gahapati, gia chủ, hay trưởng giả.

 [103] Công sư 一 師; Pāli: Sudda (Thủ-đà-la), cùng đinh hay nô lệ.

 [104] Hán: tự tri 自知, ở đây nên hiểu là “được đồng ý” theo nghĩa được thí dụ dưới. Pāli: kiṃ pana… sabbo loko… etad abbhanujānāti, có phải tất cả thế gian đều đồng ý điều này?

 [105] Nguyên Hán: thứ cơ 庶 幾, chỉ sự rộng lượng, hay cho người khác.

 [106] Pāli: sandhana, tài sản, hay tư hữu.

 [107] Pāli: bhikkhacāriya, sự khất thực.

 [108] Hán: điền tác 田作. Pāli: kasigorakkha, cày ruộng và nuôi bò.

 [109] Hán: ma 麻. Bản Pāli: asitabyābhaṅgī, lưỡi liềm và đòn gánh.

 [110] Xem cht.5 trên.

 [111] Pl.: ariyaṃ kho ahaṃ lokuttaraṃ dhammaṃ purissa sandhanaṃ paññapemi, Ta chủ trương tài sản cho con người là Thánh pháp xuất thế gian.

 [112] Nguyên Hán: tháo đậu 澡 豆.

 [113] A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp 阿攝惒邏延那摩納. No 71: An-ba-la-diên Đại thánh (?) 頞波羅延大聖, khoảng 15 hay 16 tuổi. Pāli: Āssalāyana- mānava, mới 16 tuổi thôi.

 [114] Thọ sanh thanh tịnh受生清淨; đây nên hiểu là huyết thống thuần chủng, không lai tạp. Pl.: sujāto.

 [115] Không bị hiềm nghi về huyết thống.

 [116] Tứ điển kinh, chỉ bốn bộ Vệ-đà.

 [117] Nhân duyên, chánh văn, hí ngũ, cú thuyết 因緣正文戲五句說. Theo Pāli: sanighaṇḍu (từ vựng), keṭubha (lễ nghi), ākkharappabheda (ngữ nguyên), itihāsa (hí truyện), padako (cú thuyết), veyyakaraṇo (văn phạm).

 [118] Dư-ni 餘 尼; Pāli: Yoni, tên một nước ở Tây bắc Ấn-độ.

 [119] Kiếm-phù 劍 浮; Pāli: Kamboja, tên nước, thuộc địa phương A-phú-hãn ngày nay.

 [120] Xem kinh số 150 trên.

 [121] No 71: cũng không biết gọi nó là chủng tánh gì. Pl. (M. ii.153): khattiyo’ti pi vattabbo brāhmaṇo’ti pi vattabbo, nó được gọi là sát-lị, cũng đượcgọi là bà-la-môn.

 [122] No 71: bảy Bà-la-môn.

 [123] A-tư-la tiên nhân Đề-tì-la 阿私羅仙人提鞞邏.  No 71: Đạo nhân A-hức 道人阿洫.Pāli: Asita-Devala-Isi.

 [124] Bạch y tiệp 白衣屧. Ở trên, nói: “mặc áo ca-sa” nên đây không thể là “áo trắng”. Tiệp, bản Cao-li chép là biến 變. Trong bản Pāli: upāhanā ārohitvā, mang dép cỏ.

 [125] Dịch thoát ý; nguyên Hán: vô mãn kham nại 無滿堪奈. Pāli: mātā ca tunī hoti, người mẹ trong thời có kinh.

 [126] Pāli: gandhabbo ca paccupaṭṭhito, hương ấm hiện diện.

 [127] Ngài biết họ cố ý cản trở thanh niên này theo Phật.

 [128] Bản Hán, hết quyển 37.

PHẨM 14: Bà-la-môn (II)

PHẨM 14: BÀ-LA-MÔN (II)

TỤNG NGÀY THỨ TƯ

Phân biệt tụng

鸚鵡鬚閑提  

婆羅婆遊堂

須達梵波羅  

黃蘆園頭那

阿伽羅訶那  

阿園那梵摩

Kệ tóm tắt:

Anh vũ, Man-nhàn-đề,

Bà-la-bà du đường,

Tu-đạt, Phạm-ba-na,

Hoàng lô viên, Đầu-na,

A-già-la-ha-na,

A-lan-na, Phạm-ma.

152. KINH ANH VŨ (1)

Tôi nghe như vầy.

Một thời Phật trú thành Vương xá, ở trong rừng Trúc, vườn Ca-lan-đa.

Bấy giờ, Ma-nạp Anh Vũ, con trai ông Đô-đề [1], có một ít việc phải làm nên đến trọ tại nhà một người cư sĩ trong [667a] thành Vương xá. Tại đây, Ma-nạp Anh Vũ con trai ông Đô-đề nói với người cư sĩ mà mình ngủ trọ:

“Có Sa-môn,  Bà-la-môn nào, bậc Tông chủ, bậc Thầy của mọi người, thống lãnh một số đông đồ chúng, rất được mọi người tôn kính, để tôi tùy thời đến thăm viếng, kính phụng, hoặc có thể do khi kính phụng đó mà được hoan hỷ chăng?”

Cư sĩ đáp:

“Có. Này Thiên ái [2], có Sa-môn Cù-đàm, con dòng họ Thích, lìa bỏ Thích tộc, cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình mà học đạo, chứng quả Vô thượng Chánh giác [3]. Này Thiên ái, ông có thể tùy thời đến thăm viếng, kính phụng, hoặc có thể do khi kính phụng đó mà được hoan hỷ.”

Ma-nạp Anh Vũ lại hỏi:

“Sa-môn Cù-đàm hiện nay ở chỗ nào? Tôi muốn đến gặp.”

Cư sĩ đáp:

“Sa-môn Cù-đàm hiện ở tại rừng Trúc, vườn Ca-lan-đa, trong thành Vương xá. Ông có thể đến đó để gặp.”

Khi ấy, Ma-nạp Anh Vũ liền rời khỏi chỗ trọ, nhà cư sĩ, thẳng đến rừng Trúc, vườn Ca-lan-đa. Ma-nạp Anh Vũ từ xa trông thấy Đức Thế Tôn ở giữa rừng cây, tướng mạo đoan chánh, đẹp đẽ khác thường, như ánh trăng giữa rừng sao sáng chói, lóng lánh như khối núi vàng, đầy đủ tướng tốt, vòi vọi oai nghi, các căn vắng lặng, an định, không một mảy may ngăn ngại, hoàn toàn tự chế ngự, lắng tâm tĩnh mặc.

Sau khi thấy như thế, Ma-nạp liền đến trước Phật và bạch:

“Bạch Cù-đàm, con có điều muốn hỏi, mong Ngài nghe cho con mới dám trình bày.”

Đức Thế Tôn nói:

“Này Ma-nạp, muốn hỏi, cứ tùy ý.”

Ma-nạp Anh Vũ hỏi:

“Bạch Cù-đàm, như con được nghe [4], ‘Nếu sống tại gia thì được hiểu biết tốt, biết đúng như pháp [5]. Người xuất gia học đạo thì không như vậy.’  Con xin hỏi Cù-đàm, việc đó như thế nào?”

Đức Thế Tôn đáp:

“Này Ma-nạp, sự kiện đó không nhất định [6].”

Ma-nạp Anh Vũ thưa:

“Bạch Cù-đàm, mong Ngài phân biệt sự kiện này cho con được rõ.”

Đức Thế Tôn nói:

“Này Ma-nạp, hãy lắng nghe khéo suy nghĩ, Ta sẽ phân biệt đầy đủ cho ngươi rõ.”

Ma-nạp Anh Vũ vâng lời lắng nghe.

Đức Phật nói:

“Này Ma-nạp, nếu có kẻ tại gia hoặc xuất gia học đạo nào làm điều tà hạnh; Ta không khen ngợi người đó. Vì sao vậy? Nếu có kẻ tại gia hoặc xuất gia học đạo làm điều tà hạnh, kẻ ấy không được hiểu biết tốt, không biết đúng như pháp. Do đó, này Ma-nạp, nếu những kẻ tại gia hoặc xuất gia học đạo làm điều tà hạnh, Ta không khen ngợi kẻ ấy.

“Này Ma-nạp, nếu có kẻ tại gia hoặc xuất gia học đạo nào thực hành chánh hạnh, Ta khen ngợi người đó. Vì sao vậy? Nếu [667b] có kẻ tại gia hoặc xuất gia học đạo thực hành chánh hạnh, kẻ ấy chắc chắn được hiểu biết tốt, biết đúng như pháp. Do đó, này Ma-nạp, nếu kẻ tại gia hoặc xuất gia học đạo thực hành chánh hạnh, Ta khen ngợi kẻ ấy.

“Này Ma-nạp, Ta nói như vậy, nói về hai pháp ấy, phân biệt như vậy, hiển thị như vậy. Nhưng nếu có Sa-môn,  Bà-la-môn nào có năng lực, thâm nhập kiên cố, chấp chặt theo một chiều, vị ấy sẽ nói rằng, ‘Đây là chân thật, ngoài ra là hư vọng.’ ”

Ma-nạp Anh Vũ thưa:

“Bạch Cù-đàm, như con được nghe, ‘Nếu ai sống tại gia thì có lợi ích lớn, có công đức lớn; người xuất gia học đạo thì không như vậy [7].’  Con xin hỏi Cù-đàm, sự kiện ấy như thế nào?”

Đức Thế Tôn nói:

“Này Ma-nạp, sự kiện ấy không nhất định [8].”

Ma-nạp Anh Vũ thưa:

“Bạch Cù-đàm, mong Ngài phân biệt sự kiện đó cho con được rõ.”

Đức Thế Tôn nói:

“Này Ma-nạp, hãy lắng nghe khéo suy nghĩ, Ta sẽ phân biệt đầy đủ cho ngươi rõ.”

Ma-nạp Anh Vũ vâng lời lắng nghe.

Đức Phật nói:

“Này Ma-nạp, nếu sống tại gia có tai hoạn lớn, có đấu tranh lớn, có oán thù lớn, nhưng lại làm điều sai quấy, thì sẽ không được quả báo lớn, không được công đức lớn [9]. Ví như người làm ruộng, có tai hoạn lớn, có đấu tranh lớn, có oán ghét lớn, lại làm điều sai quấy [10], thì sẽ không được quả báo lớn, không được công đức lớn. Như vậy, này Ma-nạp, người sống tại gia cũng lại như thế.

“Này Ma-nạp, người xuất gia học đạo ít có tai hoạn, ít có đấu tranh, ít có oán thù, nhưng lại làm điều sai quấy, thì sẽ không được quả báo lớn, không được công đức lớn. Ví như người buôn bán, ít có tai hoạn, ít có đấu tranh, ít có oán ghét, nhưng lại làm điều sai quấy, thì sẽ không được quả báo lớn, không được công đức lớn. Như vậy, này Ma-nạp, người xuất gia học đạo cũng lại như thế.

“Này Ma-nạp, người sống tại gia có tai hoạn lớn, có đấu tranh lớn, có oán ghét lớn, nhưng làm điều chân chánh, thì sẽ được quả báo lớn, được công đức lớn. Ví như người làm ruộng có tai hoạn lớn, có đấu tranh lớn, có oán ghét lớn, nhưng làm điều chân chánh, thì sẽ được quả báo lớn, được công đức lớn. Như vậy, này Ma-nạp, người sống tại gia cũng lại như thế.

“Này Ma-nạp, người xuất gia học đạo ít có tai hoạn, ít có đấu tranh, ít có oán ghét, nhưng làm điều chân chánh, thì được quả báo lớn, được công đức lớn. Ví như người buôn bán, ít có tai hoạn, ít có đấu tranh, ít có oán ghét, nhưng làm điều chân chánh, thì sẽ được quả báo lớn, được công đức lớn. Như vậy, này Ma-nạp, người xuất gia học đạo lại cũng [667c] như thế.

“Này Ma-nạp, Ta nói như vậy, nói về hai pháp ấy, phân biệt như vậy, hiển thị như vậy. Nhưng nếu có Sa-môn,  Bà-la-môn nào có năng lực, thâm nhập kiên cố, chấp chặt theo một chiều, vị ấy sẽ nói rằng, ‘Đây là chân thật, ngoài ra là hư vọng.’ ”

Ma-nạp Anh Vũ thưa:

“Bạch Cù-đàm, các  Bà-la-môn kia chủ trương có năm pháp có quả báo lớn, có công đức lớn, tạo phước, được thiện.”

Đức Thế Tôn nói:

“Nếu các  Bà-la-môn chủ trương có năm pháp có quả báo lớn, có công đức lớn, tạo phước được thiện; vậy nay ngươi có thể ở giữa đại chúng mà trình bày lại chăng?”

Ma-nạp Anh Vũ thưa:

“Bạch Cù-đàm, đối với con không có sự kiện không thể. Vì sao vậy? Vì Cù-đàm hiện đang ngồi ở giữa đại chúng này.”

Đức Thế Tôn nói:

“Vậy ngươi hãy trình bày.”

Ma-nạp Anh Vũ thưa:

“Bạch Cù-đàm, mong Ngài khéo nghe cho. Bạch Cù-đàm,  Bà-la-môn chủ trương thứ nhất là pháp chân đế, có quả báo lớn, có công đức lớn, tạo phước được thiện; pháp thứ hai là tụng tập; pháp thứ ba là Nhiệt hành; pháp thứ tư là Khổ hạnh. Bạch Cù-đàm,  Bà-la-môn chủ trương pháp thứ năm là Phạm hạnh [11] có quả báo lớn, có công đức lớn, tạo phước, được thiện.”

Đức Thế Tôn nói:

“Nếu các  Bà-la-môn chủ trương năm pháp này có quả báo lớn, có công đức lớn, tạo phước, được thiện; vậy trong số những  Bà-la-môn ấy, có  Bà-la-môn nào nói như thế này: ‘Tôi đối với năm pháp này, ngay trong đời hiện tại, sau khi đã tự tri, tự giác, tự tác chứng, tôi nói lên kết quả của chúng’?”

Ma-nạp Anh Vũ bạch Đức Thế Tôn:

“Bạch Cù-đàm, không có.”

Thế Tôn nói:

“Có vị Tôn sư hay Tổ sư nào, cho đến bảy đời cha mẹ nói như thế này, ‘Tôi đối với năm pháp này, ngay trong đời hiện tại, sau khi đã tự tri, tự giác, tự tác chứng, tôi nói lên kết quả của chúng’?”

Ma-nạp Anh Vũ bạch Đức Thế Tôn:

“Bạch Cù-đàm, không có.”

Bấy giờ Đức Thế Tôn hỏi:

“Này Ma-nạp, xưa kia có những  Bà-la-môn tuổi thọ hết, mạng chung, đã tụng trì kinh thư, đã truyền bá kinh thư, đã tụng tập kinh điển: một là Dạ-tra, hai là Bà-ma, ba là Bà-ma-đề-bà, bốn là Tỳ-xa-mật-đa-la, năm là Dạ-bà-đà-kiền-ni, sáu là Ứng-nghi-la-bà, bảy là Bà-tư-tra, tám là Ca-diếp, chín là Bà-la-bà, mười là Bà-hòa [12]. Nay các  Bà-la-môn đối với các kinh điển ấy tụng tập, thọ trì, học hỏi. Nhưng họ có nói như thế này: ‘Tôi đối với năm pháp này, ngay trong đời hiện tại, sau khi đã tự tri, tự giác, tự tác chứng, tôi nói lên kết quả của chúng’?”

Ma-nạp Anh Vũ bạch Đức Thế Tôn:

“Không có. Nhưng các  Bà-la-môn ấy do [668a] tin mà thọ trì.”

Đức Thế Tôn nói:

“Trong các  Bà-la-môn, không có một  Bà-la-môn nào nói như vầy, ‘Tôi đối với năm pháp này, ngay trong đời hiện tại, sau khi đã tự tri, tự giác, tự tác chứng, tôi nói lên kết quả của chúng.” Và cũng không có vị Tôn sư hay Tổ sư nào, cho đến bảy đời cha mẹ nói như thế này, ‘Tôi đối với năm pháp này, ngay trong đời hiện tại, sau khi đã tự tri, tự giác, tự tác chứng, tôi nói lên kết quả của chúng.’

“Xưa kia có những  Bà-la-môn tuổi thọ hết, mạng chung, đã tụng trì kinh thư, đã truyền bá kinh thư, đã tụng tập điển kinh: một là Dạ-tra, hai là Bà-ma, ba là Bà-ma-đề-bà, bốn là Tỳ-xa-mật-đa-la, năm là Dạ-bà-đà-kiền-ni, sáu là Ứng-nghi-la-bà, bảy là Bà-tư-tra, tám là Ca-diếp, chín là Bà-la-bà, mười là Bà-hòa. Nay các  Bà-la-môn đối với các kinh điển ấy, tụng tập, thọ trì, học hỏi, nhưng họ không nói như vầy, ‘Tôi đối với năm pháp này, ngay trong đời hiện tại, sau khi đã tự tri, tự giác, tự tác chứng, tôi nói lên kết quả của chúng.’  Thế thì, này Ma-nạp, các  Bà-la-môn ấy há không vì sự kiện này mà trong sự tin tưởng có thiếu căn bản chăng?”

Ma-nạp Anh Vũ bạch:

“Bạch Cù-đàm, thật sự không căn bản. Nhưng các  Bà-la-môn nghe rồi thọ trì.”

Đức Thế Tôn nói:

“Ví như một đám người mù dắt nhau, người trước không thấy người ở sau, cũng không thấy người ở giữa; người giữa không thấy người ở trước, cũng không thấy người ở sau; người ở sau không thấy người ở giữa, cũng không thấy người ở trước. Này Ma-nạp, Ta nói các  Bà-la-môn cũng như vậy. Này Ma-nạp, trước ngươi nói là do tin, sau đó ngươi nói là do nghe.”

Ma-nạp Anh Vũ liền tức giận Đức Thế Tôn, hằn học, không vui, phỉ báng Thế Tôn, chỉ trích Thế Tôn, mạ lỵ Thế Tôn, và nghĩ rằng, ‘Cần phải phỉ báng Cù-đàm, cần phải chỉ trích Cù-đàm, cần phải hạ nhục Cù-đàm.’  Liền nói với Đức Thế Tôn:

“Này Cù-đàm, có một  Bà-la-môn tên là Phất-ca-sa-sa-la [13], thuộc chủng tánh thuần khiết, không gián đoạn [14], nói như thế này: ‘Nếu có Sa-môn,  Bà-la-môn nào cho rằng mình đã thấy, đã biết, đã chứng đắc pháp Thượng nhân [15]; sau khi nghe như vậy, Ta bèn cả cười, không thể chấp nhận được. Đó là sự láo khoét, không chân thật, không đúng như pháp. Làm sao con người sanh trong loài người mà tự nói là được pháp Thượng nhân? Nếu ai nói rằng: Tôi biết, tôi thấy pháp Thượng nhân, thì sự kiện ấy là không hợp lý.”

Khi ấy, Đức Thế Tôn liền nghĩ như thế này: “Ma-nạp Anh Vũ, con ông Đô-đề, có phẫn nộ đối với Ta, hằn học, không vui, phỉ báng Ta, chỉ trích Ta, mạ lỵ Ta, nghĩ rằng: ‘Cần phải phỉ báng Cù-đàm, cần phải chỉ trích Cù-đàm, cần phải hạ nhục [668b] Cù-đàm.’  Liền nói với Đức Thế Tôn: ‘Này Cù-đàm, có một  Bà-la-môn tên là Phất-ca-sa-sa-la, thuộc chủng tánh thuộc chủng tánh thuần khiết, không gián đoạn, nói như thế này: ‘Nếu có Sa-môn,  Bà-la-môn nào cho rằng mình đã thấy, đã biết, đã chứng đắc pháp Thượng nhân; sau khi nghe như vậy, Ta bèn cả cười, không thể chấp nhận được. Đó là sự láo khoét, không chân thật, không đúng như pháp. Làm sao con người sanh trong loài người mà tự nói là được pháp Thượng nhân? Nếu ai nói rằng: Tôi biết, tôi thấy pháp Thượng nhân, thì sự kiện ấy là không hợp lý.’  ”

Đức Thế Tôn biết thế nên nói:

“Này Ma-nạp, có phải  Bà-la-môn tên là Phất-ca-sa-sa-la, thuộc chủng tánh thuần khiết, không gián đoạn, ông ấy biết điều mong nghĩ trong tâm của hết thảy Sa-môn,  Bà-la-môn rồi mới nói như thế này: ‘Nếu có Sa-môn,  Bà-la-môn nào cho rằng mình đã thấy, đã biết, đã chứng đắc pháp Thượng nhân; sau khi nghe như vậy, Ta bèn cả cười, không thể chấp nhận được. Đó là sự láo khoét, không chân thật, không đúng như pháp. Làm sao con người sanh trong loài người mà tự nói là được pháp Thượng nhân? Nếu ai nói rằng: Tôi biết, tôi thấy pháp Thượng nhân, thì sự kiện ấy là không hợp lýchăng?’”

Ma-nạp Anh Vũ đáp:

“Bạch Cù-đàm,  Bà-la-môn Phất-ca-sa-sa-la, thuộc chủng tánh thuần khiết, không gián đoạn, có một nữ tỳ tên là Bất-ni [16]. Nhưng đối với tâm niệm của nữ tỳ này, ông ấy còn không thể biết, huống nữa là biết tâm tư của tất cả Sa-môn,  Bà-la-môn! Nếu cho rằng ông ấy biết, thì sự kiện này không thể có.”

Thế Tôn nói:

“Cũng như người sanh ra đã mù; người ấy nói như thế này, ‘Không có màu đen, màu trắng, cũng không có sự thấy màu đen, màu trắng; không có sắc tốt, sắc xấu, cũng không có sự thấy sắc tốt, sắc xấu; không có sắc ngắn, sắc dài, cũng không có sự thấy sắc ngắn, sắc dài; không có sắc gần, sắc xa, cũng không có sự thấy sắc gần, sắc xa; không có sắc thô, sắc tế, cũng không có sự thấy sắc thô, sắc tế; vì ta không bao giờ thấy, không bao giờ biết, cho nên nói không có màu sắc.’  Người mù bẩm sinh kia nói như vậy là đúng sự thật chăng?”

Ma-nạp Anh Vũ bạch Đức Thế Tôn:

“Bạch Cù-đàm, không phải vậy. Vì sao? Vì có màu đen, màu trắng, cũng có người thấy màu đen, màu trắng; có sắc tốt, sắc xấu, cũng có người thấy sắc tốt, sắc xấu; có sắc ngắn, sắc dài, cũng có người thấy sắc ngắn, sắc dài; có sắc gần, sắc xa, cũng có người thấy sắc gần, sắc xa; có sắc thô, sắc tế, cũng có người thấy sắc thô, sắc tế. Nếu nói, ‘Tôi không hề thấy, không hề biết, cho nên nói không có màu sắc,’ thì người mù bẩm sinh nói như vậy là không đúng sự thật.”

“Này Ma-nạp,  Bà-la-môn Phất-ca-sa-sa-la, thuộc chủng tánh thuần khiết, không gián đoạn; lời nói của ông ấy có khác gì hạng người mù bẩm sinh, không có mắt kia chăng?”

Ma-nạp Anh Vũ bạch Đức Thế Tôn:

“Bạch Cù-đàm, [668c] như mù vậy.”

Đức Thế Tôn nói:

“Này Ma-nạp, ý ngươi nghĩ sao? Nếu xưa kia [17] có những  Bà-la-môn, tuổi thọ hết, mạng chung, đã tụng trì kinh thư, đã truyền bá kinh thư, đã tụng tập điển kinh; đó là các  Bà-la-môn Thương-già,  Bà-la-môn Sanh Văn,  Bà-la-môn Phất-ca-sa-sa-la và Đô-đề, thân phụ ngươi [18]; những điều mà họ nói, được chấp nhận hay không được chấp nhận? Chân thật hay không chân thật? Có cao, có thấp chăng?”

Ma-nạp Anh Vũ bạch Đức Thế Tôn:

“Nếu xưa kia có những  Bà-la-môn, tuổi thọ hết, mạng chung, đã tụng trì kinh thư, đã truyền bá kinh thư, đã tụng tập điển kinh, đó là các  Bà-la-môn Thương gia,  Bà-la-môn Sanh Văn,  Bà-la-môn Phất-ca-sa-sa-la và Đô-đề, thân phụ con; những điều được nói ấy; thì theo ý con, họ mong được chấp nhận, không mong không được chấp nhận; mong là chân thật, không mong không phải là chân thật; mong là sự cao thượng, không mong là sự thấp hèn.”

Bấy giờ Đức Thế Tôn hỏi:

“Này Ma-nạp,  Bà-la-môn Phất-ca-sa-sa-la, thuộc chủng tánh thuần khiết, không gián đoạn; điều mà ông ấy nói, há không phải là không được chấp nhận, không có sự được chấp nhận? Là không chân thật, không có sự chân thật? Há không phải là rất thấp hèn, không có cái gì cao?”

Ma-nạp Anh Vũ thưa Đức Thế Tôn:

“Thật vậy, bạch Cù-đàm.”

“Lại nữa, này Ma-nạp, có năm pháp gây chướng ngại, gây che lấp, làm cho mù, không có mắt, có thể diệt mất trí tuệ, gây ra sự nhọc nhằn vô ích, không chứng đắc Niết-bàn. Những gì là năm? Này Ma-nạp, pháp thứ nhất là dục, gây chướng ngại, gây che lấp, làm cho mù, không có mắt, có thể diệt mất trí tuệ, gây ra sự nhọc nhằn vô ích, không chứng đắc Niết-bàn. Này Ma-nạp, sân nhuế, thân kiến, giới thủ và thứ năm là nghi, gây chướng ngại, gây che lấp làm cho mù, không có mắt, có thể diệt mất trí tuệ, gây ra sự nhọc nhằn vô ích, không chứng đắc Niết-bàn [19].

“Này Ma-nạp, ý ngươi nghĩ sao? Ai bị năm pháp này làm chướng ngại, che lấp, quấn chặt, người ấy nếu muốn quan sát ý nghĩa lợi ích của mình, ý nghĩa lợi ích của người khác, ý nghĩa lợi ích của cả hai, và biết tất cả Sa-môn,  Bà-la-môn nghĩ gì trong tâm; sự kiện ấy không thể có.

“Này Ma-nạp,  Bà-la-môn Phất-ca-sa-sa-la, thuộc chủng tánh thuần khiết, không gián đoạn, bị nhiễm bởi dục, bị ô uế bởi dục, nhiễm dục, xúc dục, say đắm nơi dục, vào trong dục mà không thấy tai hoạn, không biết sự xuất yếu và sống theo dục; vị ấy bị năm pháp này chướng ngại, che lấp, quấn chặt; vị ấy nếu muốn quán sát ý nghĩa lợi ích của mình, ý nghĩa lợi ích của người khác, ý nghĩa lợi ích của cả hai, và biết tất cả Sa-môn,  Bà-la-môn nghĩ gì trong tâm; sự kiện ấy không thể có.

“Lại nữa, này Ma-nạp, có năm công đức của dục, khả ái, khả niệm, khả ý, khả lạc, có khát ái liên hệ sắc dục, rất đáng [669a] ham muốn. Những gì là năm? Là sắc được thấy bởi mắt, tiếng được nghe bởi tai, hương được ngửi bởi mũi, vị được nếm bởi lưỡi, xúc được biết bởi thân. Này Ma-nạp, ý ngươi nghĩ sao? Chúng sanh do năm công đức của dục này cho nên phát sanh lạc, phát sanh hỷ, chẳng còn có điều gì ở ngoài đây chăng?”

Ma-nạp Anh Vũ bạch Thế Tôn:

“Quả như vậy, bạch Cù-đàm.”

Thế Tôn hỏi:

“Này Ma-nạp, ý ngươi nghĩ sao? Lửa do cỏ, cây được đốt cháy, và lửa không do cỏ, cây mà được đốt cháy; thứ lửa nào có ngọn sáng tối thượng, tối diệu, tối thắng?”

Ma-nạp Anh Vũ thưa:

“Bạch Cù-đàm, lửa không do cỏ, cây mà được đốt cháy; sự kiện này không thể có. Chỉ có thể có do sức mạnh của như ý túc. Bạch Cù-đàm, lửa không do cỏ, cây mà được đốt cháy; lửa ấy có ngọn sáng tối thượng, tối diệu, tối thắng.”

Thế Tôn nói:

“Quả như vậy, quả như vậy! Nếu lửa không do cỏ, cây mà được đốt cháy sự kiện này không thể có. Chỉ có do sức mạnh của như ý túc, lửa không do cỏ cây mà được đốt cháy; thứ lửa ấy có ngọn sáng tối thượng, tối diệu, tối thắng.

“Này Ma-nạp, ở đây Ta giả thiết rằng, cũng như thứ lửa do cỏ cây mà được đốt cháy, sự phát sanh hỷ lạc của chúng sanh cũng vậy, là do dục, do pháp ác, bất thiện, không đạt được lạc do xả và tịch tĩnh. Này Ma-nạp, cũng như thứ lửa không do cỏ, cây mà được đốt cháy; sự phát sanh xả, lạc của chúng sanh cũng vậy, là do ly dục, từ các pháp thiện, không đạt được xả, lạc và tịch tĩnh.”

Thế Tôn lại nói:

“Này Ma-nạp, ở đây, một  Bà-la-môn lễ trai tự, hành bố thí, nhưng có một đồng tử Sát-lị từ phương Đông đến nói như vầy, ‘Ta ở trong đây được chỗ ngồi bậc nhất, nước rửa bậc nhất, ăn uống bậc nhất.’  Nhưng vì ở đó không được chỗ ngồi bậc nhất, nước rửa bậc nhất, nó bèn sanh oán hận, ôm lòng ganh ghét. Hoặc từ phương Nam có đồng tử  Bà-la-môn đến, nói như vầy, ‘Ta ở trong đây được thức ăn tịnh diệu.’  Nhưng ở đó không được thức ăn tịnh diệu, nó bèn sanh oán hận, ôm lòng ganh ghét. Hoặc từ phương Tây có đồng tử Cư sĩ đến nói như vầy, ‘Ta ở trong đây được thức ăn dồi dào.’  Nhưng ở đó không được thức ăn dồi dào, nó bèn sanh oán hận, ôm lòng ganh ghét. Hoặc từ phương Bắc có đồng tử Công sư đến nói như vầy, ‘Ta ở trong đây ăn no đủ.’  Nhưng ở đó không được ăn no đủ, nó bèn sanh oán hận, ôm lòng ganh ghét. Này Ma-nạp, các vị  Bà-la-môn ấy thực hành sự bố thí như vậy, sẽ giả thiết những báo ứng nào?”

 [669b] Ma-nạp Anh Vũ thưa:

“Bạch Cù-đàm,  Bà-la-môn không thực hành bố thí với tâm như vậy, khiến người khác oán hận, ôm lòng ganh ghét. Cù-đàm nên biết,  Bà-la-môn hành sự bố thí vì do tâm thương xót; [20] do tâm thương xót mà hành sự bố thí thì được đại phước.”

Đức Thế Tôn nói:

“Này Ma-nạp, các  Bà-la-môn há không phải chủ trương pháp thứ sáu [21] có quả báo lớn, có công đức lớn, tạo phước, được thiện chăng?”

Ma-nạp Anh Vũ đáp:

“Quả như vậy, bạch Cù-đàm.”

Đức Thế Tôn hỏi:

“Này Ma-nạp, nếu có  Bà-la-môn chủ trương năm pháp có quả báo lớn, có công đức lớn, tạo phước, được thiện; thì ngươi thấy pháp ấy phần nhiều ở tại đâu? Tại gia chăng? Xuất gia học đạo chăng?”

Ma-nạp Anh Vũ đáp:

“Bạch Cù-đàm, nếu có  Bà-la-môn chủ trương năm pháp có quả báo lớn, có công đức lớn, tạo phước, được thiện; thì con thấy pháp ấy phần nhiều ở sự xuất gia học đạo, chứ không phải ở tại gia. Vì sao? Vì tại gia có nhiều công việc, có nhiều bổn phận phải làm, có nhiều kết hận, có nhiều ganh ghét đấu tranh, không có thể thành tựu sự thủ hộ, sự thành thật. Bạch Cù-đàm, người xuất gia học đạo ít công việc, ít bổn phận phải làm, ít có kết hận, ít có ganh ghét, nên có thể thành tựu sự thủ hộ, sự thành thật.

“Bạch Cù-đàm, sự thành thật ấy con thấy phần nhiều ở xuất gia học đạo, chứ không phải ở tại gia. Vì sao? Vì tại gia có nhiều công việc, nhiều bổn phận phải làm, có nhiều kết hận, có nhiều ganh ghét, đấu tranh, không được hành sự bố thí, không được tụng tập, không được hành khổ hạnh, không được sống Phạm hạnh. Bạch Cù-đàm, người xuất gia học đạo ít có công việc, ít có bổn phận phải làm, ít có kết hận, ít có ganh ghét, vị ấy có thể hành sự bố thí, có thể tụng tập, có thể hành khổ hạnh, có thể sống Phạm hạnh.

“Bạch Cù-đàm, Người sống Phạm hạnh, con thấy pháp phần nhiều ở xuất gia học đạo chứ không phải ở tại gia.”

Đức Thế Tôn nói:

“Này Ma-nạp, nếu có  Bà-la-môn chủ trương năm pháp có quả báo lớn, có công đức lớn, tạo phước, được thiện, Ta nói sự kiện ấy từ tâm mà khởi. [22] Thế nào gọi là từ tâm mà khởi? Nếu tâm không kết, không oán không sân nhuế, không tranh chấp là do tu tập những pháp ấy.

“Này Ma-nạp, ý ngươi nghĩ sao? Nếu có Tỳ-kheo thủ hộ thành thật, [23] thì vị ấy do thủ hộ thành thật cho nên được hỷ, được duyệt. [24] Này Ma-nạp, nếu có hỷ và duyệt tương ưng với thiện, Ta nói sự kiện đó từ tâm mà khởi. [25] Thế nào gọi là từ tâm mà khởi? Nếu tâm không kết, không oán, không sân nhuế, không tranh chấp, [669c] vì để tu tập những pháp ấy, nên vị ấy mới hành sự bố thí, sự tụng tập, sự hành khổ hạnh, sống Phạm hạnh. Vị ấy do sống Phạm hạnh cho nên được hỷ, được duyệt.

“Này Ma-nạp, nếu có hỷ và duyệt tương ưng với thiện, Ta nói sự kiện ấy từ tâm mà khởi. Thế nào gọi là từ tâm mà khởi? Nếu tâm không kết, không oán, không sân nhuế, không tranh chấp, tâm ấy đi đôi với từ, biến mãn một phương, thành tựu an trụ; cũng vậy, hai, ba, bốn phương, tứ duy, trên dưới, bao trùm tất cả, tâm đi đôi với từ, không kết, không oán, không sân nhuế, không tranh chấp, rất rộng, rất lớn, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu an trụ; cũng vậy, với bi và hỷ. Tâm đi đôi với xả, không kết, không oán, không sân nhuế, không tranh chấp, rất rộng, rất lớn, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu an trụ.

“Này Ma-nạp, cũng như có người khéo thổi tù và. Nếu có phương nào chưa nghe được, người ấy vào lúc nửa đêm, leo lên núi cao, đem hết sức thổi tù và, phát ra âm thanh vi diệu, biến mãn cả bốn phương; cũng vậy, Tỳ-kheo tâm đi đôi với từ, biến mãn một phương, thành tựu an trụ; cũng vậy, hai, ba, bốn phương, tứ duy, trên dưới, bao trùm tất cả, tâm đi đôi với từ, không kết, không oán, không sân nhuế, không tranh chấp, rất rộng, rất lớn, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn cả thế gian, thành tựu an trụ; cũng vậy với bi và hỷ. Tâm đi đôi với xả, không kết, không oán, không sân nhuế, không tranh chấp, rất rộng, rất lớn, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu an trụ.

“Này Ma-nạp, ý ngươi nghĩ sao? Ở đây, có người cầu làm Trời. Vì để sanh lên trời, nên người ấy thực hành tâm tương ưng với tham lam, và nghĩ rằng, ‘Mong ta làm vị Trời này, hay vị Trời khác.’  Lại có người cầu làm Trời; vì để sanh lên trời, nên không kết, không oán, không sân nhuế, không tranh chấp, rất rộng, rất lớn, vô lượng, khéo tu tập, tâm định, ý xác quyết, biến mãn, thành tựu an trụ, và nghĩ rằng. ‘Mong ta làm vị Trời này, hay vị Trời khác.’  Ngươi xem các người đó, ai được làm vị Trời này hay vị Trời khác?”

Ma-nạp Anh Vũ đáp:

“Bạch Cù-đàm, nếu có người cầu làm Trời; vì để sanh lên trời, nên không kết, không oán, không sân nhuế, không tranh chấp, rất rộng, rất lớn, vô lượng, khéo tu tập, tâm định, ý xác quyết, biến thành tựu an trụ, con xem người ấy chắc chắn được làm vị Trời này hay vị Trời khác.”

Thế Tôn hỏi:

“Này Ma-nạp, ý ngươi nghĩ sao? Nếu có người cầu Phạm thiên. Vì để sanh lên Phạm thiên, nên thực hành tâm tương ưng với tham lam, và nghĩ rằng, ‘Mong ta làm vị Phạm thiên này, hay vị Phạm thiên khác.’  Ở đây, lại có người cầu Phạm thiên. Vì để sanh lên Phạm thiên, nên không kết, không oán, không sân nhuế, [670a] không tranh chấp, rất rộng, rất lớn, vô lượng, khéo tu tập, tâm định, ý xác quyết, biến mãn, thành tựu an trụ, và nghĩ rằng, ‘Mong ta làm vị Phạm thiên này hay vị Phạm thiên khác.’  Ngươi xem các người đó, ai được làm Phạm thiên này, hay Phạm thiên khác?”

Ma-nạp Anh Vũ đáp:

“Bạch Cù-đàm, nếu người này cầu Phạm thiên, vì để sanh lên Phạm thiên, nên không kết, không oán, không sân nhuế, không tranh chấp, rất rộng, rất lớn, vô lượng, khéo tu tập, tâm định, ý xác quyết, con thấy rằng, người này chắc chắn được làm vị Phạm thiên này, hay vị Phạm thiên khác.”

Ma-nạp Anh Vũ lại hỏi:

“Cù-đàm biết con đường dẫn đến Phạm thiên [26] chăng?”

Đức Thế Tôn nói:

“Này Ma-nạp, nay Ta hỏi ngươi, hãy tùy theo sự hiểu biết mà trả lời. Này Ma-nạp, ý ngươi nghĩ sao? Thôn Na-la-ca-la [27] cách chúng hội này không xa chăng?”

Ma-nạp AnhVõ đáp:

“Không xa.”

Thế Tôn nói:

“Này Ma-nạp, ý ngươi nghĩ sao? Ngươi nói với một người trong chúng hội này rằng: ‘Ông hãy đến thôn Na-la-ca-la kia. Đến đó rồi quaỷ về.’  Người ấy vâng lời ngươi, nhanh chóng đi đến thôn Na-la-ca-la; đến đó rồi trở về. Sau khi người ấy đi và về rồi, ngươi hỏi đường đi, hỏi sự việc đi và về, ra và vào nơi thôn Na-la-ca-la, người ấy há lại đứng im, không thể trả lời chăng?”

Ma-nạp Anh Vũ trả lời Đức Thế Tôn:

“Không vậy, bạch Cù-đàm.”

Đức Thế Tôn nói:

“Này Ma-nạp, người ấy đi và về nơi thôn Na-la-ca-la, khi được hỏi về đường đi, có thể đứng im, không biết trả lời. Nhưng nếu hỏi Như Lai, Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác về con đường dẫn đến Phạm thiên thì hoàn toàn không có sự kiện giây lát im lặng, không biết trả lời.”

Ma-nạp Anh Vũ bạch Thế Tôn:

“Sa-môn Cù-đàm không chấp trước nơi sự tế tự chư Thiên; sự kiện ấy đã trọn đủ. Bởi vì khi được hỏi về con đường dẫn đến Phạm thiên thì Ngài có thể trả lời nhanh chóng.

“Bạch Thế Tôn, con đã hiểu. Bạch Thiện Thệ, con đã rõ. Nay con xin tự quy y Phật, Pháp và Tỳ-kheo Tăng. Mong Thế Tôn nhận con làm Ư-bà-tắc, kể từ hôm nay quy y cho đến lúc mạng chung.”

Đức Phật thuyết như vậy, Ma-nạp Anh Vũ sau khi nghe Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

153. KINH MAN-NHÀN-ĐỀ [28]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại Câu-lâu-sấu, trú ở tịnh thất đệ nhất [29] của Bà-la-bà [30] trên một đệm cỏ.

Bấy giờ vào lúc sáng sớm, Đức Thế Tôn [670b] mang y, cầm bát vào Kiếm-ma-sắt-đàm, [31] tuần tự khất thực. Sau buổi cơm trưa, thu dọn y bát, rửa tay chân, Ngài vắt tọa cụ lên vai đi đến chỗ nghỉ ban ngày tại một khu rừng. Khi đã vào rừng, Đức Thế Tôn đến dưới một gốc cây, trải tọa cụ và ngồi kiết già.

Lúc ấy vào buổi xế trưa, Dị học Man-nhàn-đề [32] thong dong, tản bộ đến Đệ nhất tịnh thất của Bà-la-bà. Từ xa Dị học Man-nhàn-đề thấy trên sàn rải cỏ ở tịnh thất ấy có dấu nằm một bên hông, như chỗ nằm của sư tử, của Sa-môn, của đồng phạm hạnh. Trông thấy vậy, Dị học Man-nhàn-đề hỏi Bà-la-bà:

“Trong Đệ nhất tịnh thất ấy, sàn cỏ có dấu nằm một bên hông này của ai mà giống như chỗ nằm của sư tử, của Sa-môn, của đồng phạm hạnh như thế?”

 Bà-la-môn Bà-la-bà đáp:

“Này Man-nhàn-đề, có Sa-môn Cù-đàm con dòng họ Thích, từ bỏ Thích tộc, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, đắc quả Vô thượng Chánh đẳng giác. Ở trong tịnh thất đó, sàn cỏ có dấu nằm một bên hông đó, như chỗ nằm của sư tử, của Sa-môn, của đồng phạm hạnh chính là của Sa-môn Cù-đàm.”

Dị học Man-nhàn-đề nói:

“Này Bà-la-bà, tôi nay phải thấy cảnh không đáng thấy, phải chấp thuận điều không đáng nghe; nghĩa là phải thấy chỗ nằm của Sa-môn Cù-đàm. Vì sao? Vì Sa-môn Cù-đàm ấy là kẻ phá hoại [33]. Kẻ phá hoại là kẻ vô dụng.

Bà-la-bà nói:

“Này Man-nhàn-đề, ông không nên đem điều đó mà phỉ báng Sa-môn Cù-đàm. Vì sao? Vì Sa-môn Cù-đàm có nhiều trí tuệ, Sát-lị trí tuệ,  Bà-la-môn trí tuệ, Cư sĩ trí tuệ, Sa-môn trí tuệ. Ai giảng thuyết về trí tuệ thảy đều đắc Thánh trí [34]. Này Man-nhàn-đề, tôi muốn đem ý nghĩa đó mà nói với Sa-môn Cù-đàm có được chăng?”

Man-nhàn-đề đáp:

“Này Bà-la-bà, tùy ý ông. Tôi thấy không gì trở ngại. Này Bà-la-bà, nếu gặp Sa-môn Cù-đàm, tôi cũng nói như thế. Vì sao? Vì Sa-môn Cù-đàm là kẻ phá hoại. Kẻ phá hoại là kẻ vô dụng.”

Bấy giờ Đức Thế Tôn ở chỗ nghỉ trưa với thiên nhĩ thanh tịnh, vượt hẳn người thường, nghe  Bà-la-môn Bà-la-bà cùng Dị học Man-nhàn-đề đang bàn luận chuyện ấy. Nghe xong, vào lúc xế chiều, Thế Tôn từ chỗ tĩnh tọa đứng dậy, đi đến Đệ nhất tịnh thất của Bà-la-bà, trải tọa cụ lên đệm cỏ, rồi ngồi kiết già.  Bà-la-môn Bà-la-bà [670c] từ xa trông thấy Thế Tôn ở giữa rừng cây, trang nghiêm, đẹp đẽ, như vầng trăng giữa vòm trời sao, chói lọi rạng ngời, tỏa chiếu như núi vàng, đầy đủ tướng tốt, oai thần nguy nguy, các căn vắng lặng, không bị chướng ngại, thành tựu điều ngự, nội tâm tĩnh chỉ, tịnh mặc. Sau khi trông thấy,  Bà-la-môn ấy đi đến chỗ Thế Tôn, chào hỏi nhau rồi ngồi qua một bên.

Đức Thế Tôn hỏi:

“Này Bà-la-bà, ông đã cùng với Man-nhàn-đề bàn luận về chỗ đệm cỏ này phải chăng?”

 Bà-la-môn Bà-la-bà đáp:

“Đúng như vậy, bạch Cù-đàm. Con cũng định đem chuyện đó thưa với Cù-đàm, nhưng chưa nói kịp mà Cù-đàm đã biết. Vì sao? Vì Như Lai là Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác.”

Đức Thế Tôn và  Bà-la-môn Bà-la-bà cùng nhau thảo luận về vấn đề này. Sau đó, Dị học Man-nhàn-đề tản bộ đến Đệ nhất tịnh thất ấy. Từ xa, Đức Thế Tôn trông thấy Dị học Man-nhàn-đề đến, liền bảo:

“Này Man-nhàn-đề, không chế ngự nhãn căn, không thủ hộ kín đáo, không tu, thì chắc chắn thọ khổ báo. Đối với nhãn căn ấy, Cù-đàm khéo chế ngự, khéo thủ hộ kín đáo, khéo tu, nên chắc chắn được lạc báo. Này Man-nhàn-đề, có phải vì nhân ấy mà ông bảo rằng, ‘Sa-môn Cù-đàm là kẻ phá hoại. Kẻ phá hoại là kẻ vô dụng’?”

Man-nhàn-đề trả lời:

“Đúng như vậy, Cù-đàm.”

“Này Man-nhàn-đề, cũng vậy, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý căn; nếu không chế ngự ý căn, không thủ hộ kín đáo, không khéo tu, thì chắc chắn thọ khổ báo. Đối với ý căn ấy, Cù-đàm khéo chế ngự, khéo thủ hộ kín đáo, khéo tu, nên chắc chắn được lạc báo. Này Man-nhàn-đề, có phải vì nhân đó mà ông bảo rằng, ‘Sa-môn Cù-đàm là kẻ phá hoại. Kẻ phá hoại là kẻ vô dụng’?”

Man-nhàn-đề đáp:

“Đúng như vậy, Cù-đàm.”

Đức Thế Tôn hỏi:

“Này Man-nhàn-đề, ông nghĩ thế nào? Người khi chưa xuất gia học đạo, với con mắt, vị ấy biết sắc khả ái, khả niệm, khả ý, khả lạc, tương ưng với dục. Một thời gian sau, vị ấy xả bỏ sắc được biết bởi mắt, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo. Vị ấy thấy, biết như thật về sự tập khởi của sắc được biết bởi mắt, sự đoạn diệt, vị ngọt, tai họa, sự xuất yếu của sắc ấy, an trú với nội tâm tịch tĩnh. Vị ấy thấy những người chưa ly sắc dục, bị sự ham muốn sắc nhai nuốt, bị hơi nóng của sắc thiêu đốt; đối với sắc, được biết bởi mắt khả ái, khả niệm, khả ý, khả lạc, tương ưng với dục, sau khi an trụ mà thấy như vậy, vị ấy không thỏa mãn, không ham thích. Này Man-nhàn-đề, ông nghĩ thế nào? Nếu có lạc thú, do ái, do sắc, mà khi hoan lạc trong lạc thú này, [671a] vì chúng thấp hèn, cho nên không thỏa mãn chúng, vì chúng thấp hèn cho nên không ham thích chúng. Này Man-nhàn-đề, đối với người này, ông có nói gì chăng?”

“Dạ không, thưa Cù-đàm.”

“Này Man-nhàn-đề, ông nghĩ thế nào? Người khi chưa xuất gia cũng vậy đối với tiếng được biết bởi tai, hương được biết bởi mũi, vị được biết bởi lưỡi, xúc được biết bởi thân, khả ái, khả niệm, khả ý, khả lạc tương ưng với dục. Một thời gian sau, vị ấy xả bỏ xúc được biết bởi thân, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo; vị ấy biết và thấy như thật về sự tập khởi của xúc, sự đoạn diệt, vị ngọt, tai hoạn, sự xuất yếu của xúc, an trú nơi nội tâm tịch tĩnh; vị ấy thấy những người chưa ly xúc,dục, bị sự ham muốn xúc nhai nuốt, bị hơi nóng của xúc thiêu đốt; đối với xúc được biết bởi thân khả ái, khả niệm, khả ý, khả lạc, tương ưng với dục; sau khi an trụ mà thấy như vậy, vị ấy không thỏa mãn, không ham thích chúng. Này Man-nhàn-đề, ông nghĩ thế nào, nếu có lạc thú do ái, do xúc này, thì khi hoan lạc trong lạc thú này, vì chúng thấp hèn cho nên không ham thích chúng. Này Man-nhàn-đề đối với người này, ông có nói gì chăng?”

“Dạ không, thưa Cù-đàm.”

Đức Thế Tôn bảo:

“Này Man-nhàn-đề, ông nghĩ thế nào? Người khi chưa xuất gia học đạo, thấy năm công đức của dục khả ái, khả niệm, khả ý, khả lạc tương ưng với dục. Một thời gian sau, người ấy xả bỏ năm công đức của dục, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, thấy như thật về sự tập khởi của năm công đức của dục, sự đoạn diệt, vị ngọt, tai họa, sự xuất yếu của năm công đức của dục, an trú với nội tâm tịch tĩnh. Vị ấy thấy những người chưa ly dục, bị ham muốn dục nhai nuốt, bị hơi nóng của dục thiêu đốt; đối với năm công đức của dục khả ái, khả niệm, khả ý, khả lạc, tương ưng với dục, sau khi an trụ mà thấy như vậy, vị ấy không thỏa mãn, không ham thích chúng. Này Man-nhàn-đề, ông nghĩ thế nào? Nếu có lạc thú do dục, do dục ái này, khi hoan lạc trong lạc thú này, vì chúng thấp hèn cho nên không thỏa mãn chúng, vì chúng thấp hèn cho nên không ham thích chúng. Này Man-nhàn-đề, đối với người này, ông có nói gì chăng?”

“Dạ không, thưa Cù-đàm.”

“Này Man-nhàn-đề, Ta khi chưa xuất gia học đạo, hưởng thụ năm công đức của dục, dễ được, không khó, khả ái, khả niệm, khả ý, khã lạc, tương ưng với dục. Sau đó Ta xả bỏ năm công đức của dục, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo. Ta thấy như thật về sự tập khởi của năm công đức của dục, sự đoạn diệt, vị ngọt, tai hoạn và xuất yếu của năm công đức của dục, an trú với nội tâm tịch tĩnh. Ta thấy những người chưa ly dục, bị ham muốn dục nhai nuốt, bị hơi nóng của dục thiêu đốt; đối với năm công đức của dục khả ái, khả niệm, khả ý, [671b] khả lạc, tương ưng với dục, sau khi an trụ mà thấy như vậy, Ta không thỏa mãn chúng, không ham thích chúng. Này Man-nhàn-đề, ông nghĩ thế nào? Nếu có lạc thú do dục, do dục ái này, khi hoan lạc trong lạc thú này, vì chúng thấp hèn nên Ta không thỏa mãn chúng, vì chúng thấp hèn cho nên Ta không ham thích chúng. Này Man-nhàn-đề, đốùi với Ta, ông có nói gì chăng?”

“Dạ không, thưa Cù-đàm.”

Đức Thế Tôn bảo:

“Này Man-nhàn-đề, cũng như cư sĩ, hay con của cư sĩ, rất giàu, của cải vô lượng, nuôi nhiều súc vật, phong hộ, thực ấp đầy đủ các thứ cần cho sự sống; người ấy hưởng năm công đức của dục, dễ được không khó, lại thành tựu thân diệu hành, khẩu và ý diệu hành; lúc chết, không muốn xả bỏ năm công đức của dục; sau khi thân hoại mạng chung, đi đến chỗ thiện; sanh lên cõi trời, hưởng đầy đủ năm công đức của dục. Này Man-nhàn-đề, Thiên vương hoặc Thiên tử ấy có thể xả bỏ năm công đức của dục ở cõi trời mà hoan hỷ hướng đến dục lạc ở nhân gian chăng?”

Man-nhàn-đề đáp:

“Dạ không, thứ Cù-đàm. Vì sao? Vì dục lạc ở nhân gian vốn xú uế, bất tịnh, rất đáng ghê tởm, không thể tưởng tới, vốn não hại, cực khổ. Thưa Cù-đàm, so với dục lạc ở thế gian, dục lạc cõi Trời là tối diệu, tối thắng. Thiên vương hay Thiên tử kia mà xả bỏ năm công đức của dục ở cõi trời để hoan hỷ tưởng đến dục lạc ở thế gian; điều đó không thể xảy ra được.”

“Cũng vậy, Này Man-nhàn-đề, Ta đoạn tuyệt dục lạc nhân gian, vượt khỏi dục lạc cõi trời, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, thấy như thật về sự tập khởi của năm công đức của dục ấy, sự đoạn diệt, vị ngọt, tai họa, cùng sự xuất yếu của chúng, an trú với nội tâm tịch tĩnh. Ta thấy những người chưa ly dục, bị ham muốn dục nhai nuốt, bị hơi nóng của dục thiêu đốt; đối với năm công đức dục khả ái, khả niệm, khả ý, khả lạc, tương ưng với dục, sau khi an trụ, thấy như vậy, Ta không thỏa mãn chúng, Ta không ham thích chúng. Này Man-nhàn-đề, ý ông nghĩ sao, nếu có lạc thú do dục, do dục ái này, trong khi hoan lạc trong lạc thú này, vì chúng thấp hèn cho nên Ta không thỏa mãn chúng; vì chúng thấp hèn cho nên Ta không ham thích chúng. Này Man-nhàn-đề, đối với Ta, ông có nói gì chăng?”

“Dạ không, thưa Cù-đàm.”

“Này Man-nhàn-đề, cũng như người bị bệnh cùi, thân thể lở lói, bị trùng đục khoét. Người ấy gãi, cào rách các mụt ghẻ, hơ lên bếp lửa. Này Man nhà đề, ông nghĩ thế nào? Nếu người bị bệnh cùi thân thể lở lói, bị trùng đục khoét mà lấy tay gãi các mụt, cào rách, rồi hơ lên bếp lửa, như vậy liệu trừ bệnh có kết quả, không làm hại các căn, thoát khỏi cùi hủi, thân thể lành mạnh, bình phục như cũ được chăng?”

Man-nhàn-đề đáp:

“Dạ không, thưa Cù-đàm. Vì sao? Vì người mắc bệnh cùi, thân thể lở lói, bị trùng đục khoét mà lấy tay gãi, cào rách các mụt, hơ trên bếp lửa, như vậy chỉ làm cho các mụt lở lói hơn trước mà thôi, nhưng bệnh nhân thì lại lấy ghẻ cùi làm sự thích thú.”

“Này Man-nhàn-đề, cũng như người mắc bệnh cùi, thân thể lở lói, bị trùng đục khoét mà lấy tay gãi, cào rách các mụt rồi hơ lên bếp lửa, như vậy chỉ làm cho các mụt lở lói hơn trước mà thôi, nhưng bệnh nhân thì lại lấy ghẻ cùi làm sự thích thú. Này Man nhà đề, cũng như thế, chúng sanh chưa ly dục, bị ham muốn dục nhai nuốt, bị hơi nóng của dục thiêu đốt, mà cứ chạy theo dục. Này Man-nhàn-đề, chúng sanh ấy, vì chưa ly dục, bị ham muốn dục nhai nuốt, bị hơi nóng của dục thiêu đốt, mà cứ chạy theo dục, thì chỉ làm cho dục tăng trưởng, làm cho ái bành trướng thêm mà thôi; nhưng chúng sanh ấy thì lại lấy ái dục làm sự khoái lạc. Nếu chúng sanh đó không đoạn dục, không ly dục ái mà đã an trụ, sẽ an trụ hay đang an trụ với nội tâm tịch tĩnh, thì điều đó không thể xảy ra. Vì sao? Vì đó không phải là đạo lý để đọan dục, để ly dục ái, mà là chạy theo dục.

“Này Man-nhàn-đề, cũng như vua và đại thần hưởng năm công đức của dục, dễ được, ù không khó. Nếu các vị ấy không đoạn dục, không ly dục ái mà đã an trụ hay đang an trụ với nội tâm tịch tĩnh, thì điều đó không thể có được. Vì sao? Vì đó không phải là đạo lý để đoạn dục, để ly dục ái mà là chạy theo dục. Cũng vậy, Này Man-nhàn-đề, chúng sanh chưa ly dục, bị ham muốn dục nhai nuốt, bị hơi nóng của dục thiêu đốt, mà chạy theo dục, thì Này Man-nhàn-đề, chúng sanh ấy chỉ làm cho dục tăng trưởng, làm chó dục ái bành trướng thêm mà thôi; nhưng chúng sanh ấy thì lại lấy dục ái làm sự hoan lạc. Nếu chúng sanh không đoạn dục, không ly dục ái mà đã an trụ, đang an trụ và sẽ an trụ với nội tâm tịch tĩnh, thì điều ấy không thể xả ra được. Vì sao? Vì đó không phải là đạo lý để đoạn dục, để ly dục ái mà là chạy theo dục.

“Này Man-nhàn-đề, cũng như người mắc bệnh cùi, thân thể lở lói, bị trùng đục khoét, lấy tay gãi, cào rách các mụt, hơ lên bếp lửa; có người xót thương, mưu cầu thiện lợi và hữu ích, an ổn và khoái lạc nên cho một thứ thuốc hay nào đó [35]. Khi được cho thứ thuốc hay nào đó, trị bệnh có hiệu quả, không làm hư hoại các căn, người bệnh khỏi được bệnh cùi, thân thể tráng kiện, bình phục như cũ. Sau khi lành bệnh, nếu thấy [672a] ai mắc bệnh cùi, thân thể lở lói, bị trùng đục khoét, lấy tay gãi, cào rách các mụt, hơ lên bếp lửa, này Man-nhàn-đề, thấy vậy, người ấy có hoan hỷ ngợi khen chăng?”

Man-nhàn-đề đáp:

“Dạ không, thưa Cù-đàm. Vì sao? Vì có bệnh mới cần thuốc, chứ không bệnh thì không cần.”

“Này Man-nhàn-đề, ông nghĩ thế nào? Người mắc bệnh cùi ấy chữa bệnh có kết quả, không hư hoại các căn, thoát khỏi bệnh cùi, thân thể khỏe mạnh hoàn toàn, bình phục như cũ. Có hai người lực sĩ bắt người ấy hơ lên bếp lửa, người ấy hoảng hốt né tránh vì cảm thấy quá nóng. Này Man-nhàn-đề, ông nghĩ thế nào, bếp lửa bây giờ lại nóng hơn, khiến cho rất khổ, nguy hiểm hơn trước nhiều lắm chăng?”

“Dạ không, thưa Cù-đàm. Trước kia, còn mắc bệnh cùi, thân thể lở lói, bị trùng đục khoét, bệnh nhân lấy tay gãi, cào rách các mụt, hơ lên bếp lửa. đối với sự khổ bức nóng của lửa, bệnh nhân lại cảm thấy hoan lạc; ấy là do tâm mê loạn mà có ý tưởng điên đảo. Thưa Cù-đàm, trái lại bây giờ trị bệnh có kết quả, không hư hoại các căn, thoát khỏi bệnh cùi, thân thể khỏe mạnh hoàn toàn bình phục như cũ, người ấy đối với sự khổ bức của lửa lại cảm thấy khổ sở, như vậy là do tâm sáng suốt, không có ý tưởng điên đảo.”

“Này Man-nhàn-đề, cũng người mắc bệnh cùi, thân thể lở lói, bị trùng đục khoét, bệnh nhân lấy tay gãi, cào rách các mụt, hơ lên bếp lửa; đối với sự khổ bức của lửa, bệnh nhân lại thấy khoan khoái; ấy là do tâm mê loạn, có ý tưởng điên đảo. Cũng vậy, Này Man-nhàn-đề, chúng sanh không ly dục, bị ham muốn dục nhai nuốt, bị hơi nóng của dục thiêu đốt mà chạy theo dục; những kẻ ấy đối với khổ dục lại có ý tưởng dục lạc; ấy là do tâm mê loạn, có ý tưởng điên đảo.

“Này Man-nhàn-đề, người trị bệnh đã có kết quả, không hư hoại các căn, đã khỏi bệnh ghẻ cùi, thân thể khỏe mạnh, hoàn toàn bình phục như cũ; người ấy đối với sự khổ bức của lửa thì cảm thấy đau khổ; ấy là do tâm yên ổn, không có ý tưởng điên đảo, cũng vậy, Này Man-nhàn-đề, Ta đối với khổ dục, thì có ý tưởng về khổ dục như thật, không có ý tưởng điên đảo. Vì sao? Này Man-nhàn-đề, vì dục quá khứ là bất tịnh, xấu xa, rất đáng ghê tởm, không thể hướng đến, não hại, gây đau khổ; dục vị lai và hiện tại cũng bất tịnh, xấu xa rất đáng ghê tởm, không thể hướng đến, não hại, cảm thọ khổ. Cho nên, Này Man-nhàn-đề, Như Lai, Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác nói rằng: Không bệnh là thiện lợi bậc nhất, Niết-bàn là sự an lạc tối thượng."

Dị học Man-nhàn-đề thưa:

“Thưa Cù-đàm, [672b] tôi cũng đã từng nghe các bậc kỳ cựu tôn trưởng lão, học Phạm hạnh đã lâu, nói rằng: Không bệnh là thiện lợi bậc nhất, Niết-bàn là an lạc tối thượng."

Đức Thế tôn hỏi:

“Nếu ông đã từng nghe các bậc kỳ cựu tôn đức trưởng lão học Phạm hạnh đã lâu nói rằng: Không bệnh là thiện lợi bậc nhất, Niết-bàn là sự an lạc tối thượng; thì Man nhàn đề, thế nào là không bệnh, thế nào là Niết-bàn?”

Bấy giờ, Man-nhàn-đề Dị học, đối với thân là bệnh hoạn, là ung nhọt, là mũi tên, là rắn độc, là vô thường, là khổ, là không, là chẳng phải tự ngã, nhưng lại dùng hai tay xoa bóp mà nói rằng:

“Thưa Cù-đàm, cái này không bệnh, cái này là Niết-bàn.”

Đức Thế Tôn bảo:

“Này Man-nhàn-đề, cũng như người mù bẩm sinh, nghe người có mắt nói rằng: ‘Trắng tinh, không bẩn! Trắng tinh, không bẩn!’ Nghe như vậy, người mù đi tìm cái trắng tinh. Có người lừa đối, không mưu cầu thiện lợi hữu ích, an ổn khoái lạc cho người mù, nên đem chiếc áo cáu ghét nhơ bẩn, đến nói với người mù rằng: ‘Ông nên biết, đây là chiếc áo trắng tinh, không bẩn. Ông hãy cung kính đưa hai tay nhận lấy mà khoác lên thân.’  Người mù ấy liền hoan hỷ đưa hai tay cung kính thọ nhận, khoác lên thân mà nói rằng: ‘Trắng tinh, không bẩn! Trắng tinh không bẩn!’ Này Man-nhàn-đề, người mù ấy tự mình biết mà nói lên như thế, hay không tự mình biết mà nói lên như thế? Tự mình thấy mà nói lên như thế, hay không tự mình thấy mà nói lên như thế?”

Man-nhàn-đề dị đạo đáp:

“Thưa Cù-đàm, người ấy nói như vậy nhưng quả thật không biết, không thấy gì cả.”

Đức Thế Tôn nói:

“Cũng vậy, Này Man-nhàn-đề, ông như người mù không có mắt. Thân chính là bệnh, là ung nhọt, là mũi tên, là rắn độc, là vô thường, là khổ, là không, là không phải tự ngã. Thế mà ông dùng hai tay xoa bóp và nói rằng: ‘Thưa Cù-đàm, cái này không bệnh, cái này là Niết-bàn.’  Này Man-nhàn-đề, thế nào là không bệnh, ông còn không biết, há lại thấy biết Niết-bàn, được Niết-bàn chăng? Nói rằng thấy Niết-bàn thì quả không thể được. Này Man-nhàn-đề, Như Lai, Vô sở trước Đẳng chánh giác nói rằng:

Không bệnh, lợi bậc nhất,

Niết-bàn, lạc tối thượng,

Chỉ con đường Bát chánh,

Đến an ổn cam lồ [36].

“Trong chúng đó nhiều người được nghe bài kệ này. Sau khi số đông những người dị họ nghe bài kệ này, liền truyền lại cho nhau, nhưng không hiểu rõ nghĩa lý. Họ đã nghe và muốn tìm cầu giáo nghĩa, họ đều là kẻ ngu si, trở lại tự lừa dối lẩn nhau. Thân bốn đại hiện tại của họ là do cha me sanh ra, được nuôi lớn nhờ ăn uống, che đậy của y phục, chăm sóc bằng tắm rửa, đó là pháp hủy hoại, là pháp tan rã, nhưng họ thấy là ngã, chấp thủ là ngã, duyên thủ nên có hữu, duyên [672c] hữu nên có sanh, duyên nới sanh nên có già, chết, duyên nơi già, chết nên có buồn rầu, khóc than, lo lắng, khổ sở, áo não. Như vậy, toàn bộ khối lớn khổ đau này phát sanh.”

Khi ấy, Man-nhàn-đề Dị học liền đứng dậy, trịch vai áo, chắp tay hướng về Đức Thế Tôn và bạch:

“Bạch Cù-đàm, nay con hoàn toàn tin tưởng Sa-môn Cù-đàm. Mong Cù-đàm thuyết pháp cho con nghe, để con được biết: Đây là sự không bệnh, đây là Niết-bàn.”

Đức The Tôn nói:

“Này Man-nhàn-đề, nếu Thánh tuệ nhãn của ông chưa được thanh tịnh; dù Ta có thuyết giảng cho nghe về sự không bệnh, về Niết-bàn, thì ông cũng không thể nào hiểu được, mà chỉ nhọc công cho Ta thôi. Này Man-nhàn-đề, ví như người sanh ra đã bị mù, nghe người khác đến nói rằng: ‘Ông nên biết, đây là sắc xanh, sắc vàng, sắc đỏ, sắc trắng.’  Này Man-nhàn-đề, người mù ấy chỉ nghe người khác nói, có biết đây là sắc xanh, sắc vàng, sắc đỏ, sắc trắng chăng?”

Man-nhàn-đề đáp:

“Dạ không, thưa Cù-đàm.”

“Cũng vậy, này Man nhàn đề, nếu Thánh tuệ nhãn của ông chưa được thanh tịnh; dù Ta có thuyết giảng cho ông nghe về sự không bệnh, về Niết-bàn, thì ông cũng không thể nào hiểu được, mà chỉ nhọc công Ta thôi. Này Man-nhàn-đề, Ta sẽ thuyết giảng cho ông nghe về diệu dược thích hơp khiến cho Thánh tuệ nhãn chưa được thanh tịnh liền được thanh tịnh. Này Man-nhàn-đề, nếu Thanh tuệ nhãn của ông được thanh tịnh, ông sẽ tự biết: ‘Đây là sự không bệnh, đây là Niết-bàn.’  Này Man-nhàn-đề, ví như người mù bẩm sinh, có thân nhân mong muốn cho được an ổn, khoái lạc nên tìm cầu thầy chữa mắt. Thầy chữa mắt trị liệu bằng mọi cách, hoặc khiến nôn ra ở trên, hoặc khiến bài tiết ở dưới, hoặc nhỏ thuốc vào lỗ mũi, hoặc rửa ở dưới, hoặc chích ở mạch [37], hoặc khiến chảy nước mắt ra. Này Man-nhàn-đề, giả sử trúng thuốc thì hai mắt được trong sáng. Này Man-nhàn-đề, nếu người ấy hai mắt được trong sáng thì tự mình thấy đây là sắc xanh, sắc vàng, sắc đỏ, sắc trắng. Người ấy thấy cái áo cáu ghét dơ bẩn, nên nghĩ rằng: ‘Người kia là oan gia, từ lâu nó đã đem cái áo cáu ghét mà dối gạt ta. Rồi nó sanh tâm oán ghét. Này Man-nhàn-đề, người ấy có thể sát hại người kia. Cũng vậy, này Man nhàn đề, Ta sẽ thuyết giảng cho ông nghe về diệu dược thích hợp, khiến cho Thánh tuệ nhãn chưa thanh tịnh liền được thanh tịnh. Này Man-nhàn-đề, nếu Thánh tuệ nhãn của ông được thanh tịnh, ông sẽ tự biết: ‘Đây là sự không bệnh, đây là Niết-bàn.’

“Này Man-nhàn-đề, có bốn pháp khiến người Thánh tuệ nhãn chưa thanh tịnh liền được thanh tịnh. Những gì là bốn? Là thân cận thiện tri thức mà cung kính thừa sự, nghe thiện pháp, khéo tư duy, thực hành pháp tùy pháp [38]. Này Man-nhàn-đề, ông nên học như vậy. Thân cận [673a] thiện tri thức mà cung kính thừa sự, nghe thiện pháp, khéo tư duy, thực hành pháp tùy pháp, Này Man-nhàn-đề nên học như vậy.

“Này Man-nhàn-đề, ông đã thân cận thiện tri thức mà cung kính thừa sự rồi, liền được nghe thiện pháp; sau khi nghe được thiện pháp sẽ khéo tư duy; sau khi khéo tư duy, sẽ thực hành pháp tùy pháp; sau khi thực hành theo háp tùy pháp rồi, liền biết như thật rằng: Đây là Khổ, đây là Khổ Tập, đây là Khổ diệt, biết như thật đây là Khổ diệt đạo.

“Thế nào là biết Khổ như thật? Là biết khổ sanh, khổ già, khổ bệnh, khổ chết, khổ oán tăng hội, khổ ái biệt ly, khổ cầu bất đắc; nói tóm, năm thủ uẩn là khổ. Đó gọi là biết khổ như thật.

“Thế nào là biết Khổ tập như thật? Biết rằng đây là tham ái dẫn đến tiếp thọ sự hữu trong tương lai, tương ưng với hỷ dục, ước mong đời sống như thế này hay như thế kia. Đó gọi là biết Khổ tập như thật.

“Thế nào là biết Khổ diệt như thật? Biết rằng đây là tham ái dẫn đến tiếp thọ sự hữu trong tương lai, đí đôi với hỷ dục ước mong đời sống như thế này hay như thế kia; tham ái ấy đã diệt tận không còn dư tàn, đã bị đoạn trừ, đã bị xả ly, đã nôn ra hết, không còn tham dục, đã thanh tịnh, đoạn trừ, tĩnh chỉ. Đó gọi là biết Khổ diệt như thật.

“Thế nào là biết Khổ diệt đạo như thật? Là biết Thánh đạo tám chi, từ chánh kiến cho đến chánh định. Đó gọi là biết Khổ diệt đạo như thật.”

Sau khi nghe nói pháp này, Dị học Man-nhàn-đề xa lìa trần cấu, pháp nhãn về các pháp phát sanh. Lúc bấy giờ, Dị học Man-nhàn-đề thấy pháp, đắc pháp, giác chứng bạch tịnh pháp, đoạn nghi, trừ hoặc, không còn tôn thờ ai, không còn do ai, không còn do dự, đã an trụ nới quả chứng, đối với pháp của Thế Tôn đã được vô sở úy, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật và bạch:

“Bạch Thế Tôn, cúi mong Thế Tôn cho con xuất gia học đạo, thọ giới cụ túc, được làm Tỳ-kheo.”

Đức Thế Tôn nói:

“Lành thay! Hãy đến đây, Tỳ-kheo! Hãy tu hành Phạm hạnh!”

Man-nhàn-đề Dị đạo liền xuất gia học đạo, [39] thọ giới cụ túc, được làm Tỳ-kheo. Sau khi Dị học Man-nhàn-đề xuất gia học đạo, thọ giới cụ túc, được làm Tỳ-kheo rồi, liền chứng quả A-la-hán.

Đức Phật thuyết như vậy, Tôn giả Man-nhàn-đề sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành. [40]

154. KINH BÀ-LA-BÀ ĐƯỜNG

 [673b6]Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú nước Xá-vệ, trú tại Đông viên, trong giảng đường Lộc tử mẫu [41].

Bấy giờ, có hai người thuộc dòng  Bà-la-môn là Bà-tư-tra [42] và Bà-la-bà [43], cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo. [44] Các  Bà-la-môn khác thấy vậy, chỉ trích họ dữ dội, nói những lời rất gay gắt và cay đắng, rằng: “Dòng  Bà-la-môn là hơn hết, không dòng nào bằng; dòng  Bà-la-môn là trắng, ngoài ra đều là đen;  Bà-la-môn được thanh tịnh, không phải  Bà-la-môn thì không được thanh tịnh;  Bà-la-môn con Phạm thiên, sanh từ miệng Phạm thiên, được hóa sanh từ Phạm thiên. Các ông bỏ nơi thù thắng mà đi theo chỗ thấp hèn, bỏ trắng theo đen. Bọn Sa-môn đầu trọc kia bị trói buộc vào da đen, nên tuyệt tự, không con cái. Cho nên, các ông đã làm chuyện đại cực ác, phạm việc đại sai lầm."

Bấy giờ, vào buổi chiều, Đức Thế Tôn từ thiền tọa dậy, bước xuống giảng đường. Ngài kinh hành trên khoảng đất trống trong bóng mát của giảng đường, rồi nói pháp thậm thâm vi diệu cho các Tỳ-kheo.

Tôn giả Bà-tư-tra từ xa trông thấy Đức Thế Tôn vào buổi chiều từ thiền tọa dậy, bước xuống giảng đường. Ngài kinh hành trên khoảng đất trống trong bóng mát của giảng đường, rồi nói pháp thậm thâm vi diệu cho các Tỳ-kheo. Sau khi thấy như vậy, Tôn giả Bà-tư-tra nói:

“Này Hiền giả Bà-la-bà, nên biết, Đức Thế Tôn, vào buổi chiều, từ thiền tọa dậy, bước xuống giảng đường. Ngài kinh hành trên khoảng đất trống trong bóng mát của giảng đường, rồi nói pháp thậm thâm vi diệu cho các Tỳ-kheo. Này Hiền giả Bà-la-bà, chúng ta nên đến chỗ Đức Phật, hoặc có thể nhân đây mà được nghe Ngài nói pháp.”

Khi ấy, Bà-tư-tra và Bà-la-bà liền đến chỗ Phật, cúi đầu làm lễ, rồi đi kinh hành theo sau.

Đức Thế Tôn quay lại nói với hai người kia:

“Bà-tư-tra, hai  Bà-la-môn, các ngươi từ bỏ chủng tộc  Bà-la-môn, cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo; các  Bà-la-môn khác thấy như vậy, không chỉ trích các ngươi sao?”

Hai người kia liền bạch:

“Quả thật vậy, bạch Đức Thế Tôn. Các  Bà-la-môn thấy như vậy, chỉ trích dữ dội, gay gắt, cay đắng.”

Đức Thế tôn hỏi:

“Này Bà-tư-tra, các  Bà-la-môn thấy như vậy, đã chỉ trích dữ dội, [673c] gay gắt, cay đắng như thế nào?”

Bà-tư-tra thưa:

“Bạch Thế Tôn, các  Bà-la-môn thấy chúng con như vậy, nói như thế này, ‘Dòng  Bà-la-môn là hơn hết, không dòng nào bằng; dòng  Bà-la-môn là trắng, ngoài ra đều là đen;  Bà-la-môn được thanh tịnh, không phải  Bà-la-môn thì không được thanh tịnh;  Bà-la-môn con Phạm thiên, sanh từ miệng Phạm thiên, được hóa sanh từ Phạm thiên. Các ông bỏ nơi thù thắng mà đi theo chỗ thấp hèn, bỏ trắng theo đen. Bọn Sa-môn đầu trọc kia bị trói buộc vào da đen, nên tuyệt tự, không con cái. Cho nên, các ông đã làm chuyện đại cực ác, phạm việc đại sai lầm.’  Bạch Thế Tôn, các  Bà-la-môn thấy chúng con như vậy, đã chỉ trích dữ dội, gay gắt, cay đắng như vậy.”

Đức Thế Tôn nói:

“Này Bà-tư-tra, những lời của các  Bà-la-môn quá độc ác, hết sức vô lại. Vì sao? Vì họ ngu si, không khéo hiểu rõ, không biết ruộng tốt, không thể tự biết mình, dó đó mới nói như thế này, ‘ Bà-la-môn chúng ta là con Phạm thiên, sanh từ miệng Phạm thiên, được hóa sanh từ Phạm thiên.’  Vì sao? Này Bà-tư-tra, chính Ta, với sự chứng đắc Minh Hạnh vô thượng này không chủ trương thọ sanh ưu thắng, không chủ trương chủng tộc, không chủ trương kiêu mạn, nói rắng ‘Nó đẹp lòng Ta; nó không đẹp lòng Ta [45],’ không vì chỗ ngồi, không vì nước [46], không vì sở học kinh sách.

“Này Bà-tư-tra, chỗ nào có hôn nhân, nơi đó mới có thể nói về thọ sanh, về chủng tộc, về kiêu mạn, nói, ‘Nó đẹp lòng Ta, không đẹp lòng Ta; vì chỗ ngồi, vì nước uống và vì sở học kinh sách.

“Này Bà-tư-tra, nếu ai chủ trương thọ sanh, chủ trương chủng tộc, chủ trương kiêu mạn, người ấy cách biệt quá xa đối với sự chứng đắc Minh Hạnh vô thượng của Ta.

“Này Bà-tư-tra, nói về thọ sanh, về chủng tộc, về kiêu mạn, nói: ‘Nó đẹp lòng Ta, không đẹp lòng ta,’ vì chỗ ngồi, vì nước uống và vì sở học kinh sách thì cách biệt với sự chứng đắc Minh Hạnh vô thượng của ta.

“Lại nữa, này Bà-tư-tra, ở đây có ba giai cấp [47] khiến cho không phải tất cả mọi người cùng tranh luận với nhau, thiện và bất thiện lẫn lộn, được các bậc Thánh khen ngợi hoặc không khen ngợi. Thế nào là ba? Đó là: dòng Sát-lị, dòng  Bà-la-môn, dòng Cư sĩ.

“Này Bà-tư-tra, ý ngươi thế nào? Người Sát-lị có sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói láo cho đến tà kiến; người Cư sĩ cũng vậy, chứ không phải  Bà-la-môn (mới làm những chuyện đó chăng)?”

Bà-tư-tra rằng:

“Bạch Đức Thế Tôn, dòng Sát-lị cũng có người sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói láo, cho đến tà kiến và dòng  Bà-la-môn, Cư sĩ cũng vậy.”

Đức Thế Tôn hỏi:

“Này Bà-tư-tra, ý ngươi thế nào? Chỉ có người  Bà-la-môn mới xa lìa sát sanh, đoạn trừ sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói láo, cho đến xa lìa tà kiến, được chánh kiến; còn Sát-lị, Cư sĩ thì không như vậy chăng?”

Bà-tư-tra thưa rằng:

“Bạch Đức Thế Tôn,  Bà-la-môn cũng có người xa lìa sát sanh, đoạn trừ sát sanh, [674a] trộm cắp, tà dâm, nói láo, cho đến xa lìa tà kiến, được chánh kiến, và Sát-lị, Cư sĩ cũng vậy.”

Đức Thế Tôn hỏi:

“Này Bà-tư-tra, ý ngươi thế nào? Nếu có vô lượng pháp ác, bất thiện, thì đó chỉ là việc làm của Sát-lị, Cư sĩ, chứ không phải  Bà-la-môn chăng? Và nếu có vô lượng pháp thiện, thì đó chỉ là việc làm của  Bà-la-môn chứ chẳng phải Sát-lị, Cư sĩ?”

Bà-tư-tra thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, nếu có vô lượng pháp ác, bất thiện thì hàng Sát-lị, Cư sĩ kia cũng có thể làm, mà  Bà-la-môn cũng vậy. Nếu có vô lượng pháp thiện, thì  Bà-la-môn cũng có thể làm, và Sát-lị, Cư sĩ cũng vậy.”

“Này Bà-tư-tra, nếu có vô lượng pháp ác, bất thiện, mà tuyệt đối chỉ có Sát-lị làm, chứ không phải  Bà-la-môn làm, và nếu có vô lượng pháp thiện, mà tuyệt đối chỉ có  Bà-la-môn làm chứ không phải Sát-lị, Cư sĩ làm, thì các  Bà-la-môn kia có thể nói như thế này, ‘ Bà-la-môn chúng ta là con Phạm thiên, sanh ra từ miệng Phạm thiên, hóa sanh từ Phạm thiên.’  Vì sao? Này Bà-tư-tra, người ta thấy một nữ  Bà-la-môn vừa mới lấy chồng, sau khi lấy chồng thì nàng mang thai và sau đó lại thấy nàng sanh ra một bé trai, hoăc là một bé gái. Này Bà-tư-tra, như vậy, các  Bà-la-môn cũng y theo pháp thế gian sanh ra từ sản đạo, thế nhưng họ lại nói láo, vu báng Phạm thiên mà nói như thế này, ‘ Bà-la-môn chúng ta là con Phạm thiên, sanh từ miệng Phạm thiên, hóa sanh từ Phạm thiên.’

“Này Bà-tư-tra, nếu một thiện nam tử, bất luận chủng tộc hay tánh danh nào, từ bỏ chủng tộc, cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, theo Ta học đạo, thì có thể nói như thế này, ‘Chúng tôi là Bà-la-môn, là con Phạm thiên, sanh từ miệng Phạm thiên, hóa sanh từ Phạm thiên [48].’  Vì sao? Này Bà-tư-tra, vì thiện nam tử ấy vào trong Chánh pháp luật của Ta, thọ lãnh Chánh pháp và Giới luật, đến được bờ bên kia, đoạn nghi, trừ hoặc, không có do dự, đối với Pháp của Đấng Thế Tôn đã được vô sở úy. Cho nên, người ấy đáng nói như thế này, ‘Chúng tôi là Bà-la-môn, con Phạm thiên, sanh từ miệng Phạm thiên, hóa sanh từ Phạm thiên.’

“Này Bà-tư-tra, Phạm thiên đó là nói Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác. Bởi vì Phạm là Như Lai, Mát Lạnh là Như Lai, Không phiền Không Nhiệt, Không Lìa Như là Như Lai [49].

“Này Bà-tư-tra, ý ngươi thế nào? Những người họ Thích có hạ ý yêu quý, kính trọng, cúng dường, phụng sự Ba-tư-nặc, vua nước Câu-tát-la chăng?”

Bà-tư-tra thưa:

“Bạch Thế Tôn, có.”

Đức Thế Tôn hỏi:

“Này Bà-tư-tra, [673b] ý ngươi thế nào? Nếu những người họ Thích hạ ý yêu kính, quý trọng, cúng dường, phụng sự vua Ba-tư-nặc nước Câu-tát-la thì như vậy, vua Ba-tư-nặc nước Câu-tát-la đối với bản thân có hạ ý, yêu kính, quý trọng, cúng dường, phụng sự Ta chăng?”

Đáp rằng:

“Những người họ Thích mà hạ ý, yêu kính, quý trọng, cúng dường, phụng sự vua Ba-tư-nặc nước Câu-tát-la, thì việc này không có gì lạ. Nếu vua Ba-tư-nặc nước Câu-tát-la mà hạ ý, yêu quý, kính trọng, cúng dường, phụng sự Đức Thế Tôn, thì việc này rất đặc biệt kỳ lạ.”

Đức Thế Tôn nói:

“Này Bà-tư-tra, vua Ba-tư-nặc nước Câu-tát-la đối với bản thân Ta mà hạ ý, yêu quý, kính trọng, cúng dường, phụng sự Ta, không phải với ý nghĩ rằng, ‘Sa-môn Cù-đàm thuộc chủng tộc rất cao, còn ta chủng tộc quá thấp. Sa-môn Cù-đàm tài bảo rất nhiều, còn ta tài bảo quá ít. Sa-môn Cù-đàm hình sắc rất đẹp, còn ta hình sắc thô kịch. Sa-môn Cù-đàm có oai thần lớn, còn ta oai thần quá ít. Sa-môn Cù-đàm có trí tuệ thiện còn ta có trí tuệ ác.’  Nhưng này Bà-tư-tra, vua Ba-tư-nặc nước Câu-tát-là chỉ vì yêu kính, tôn trọng Pháp và cúng dường Pháp, vì phụng sự Pháp cho nên đối với bản thân Ta, mà hạ ý, yêu quý, kính trọng, cúng dường, phụng sự Ta.”

Bấy giờ Đức Thế Tôn nói với Tỳ-kheo rằng:

“Này Bà-tư-tra, có một lúc tất cả thế gian này đều hoại diệt. Khi thế gian này hoại, các chúng sanh sanh lên cõi trời Hoảng dục [50]; ở trong cõi ấy, sắc vi diệu, do ý hóa sanh. Tất cả chi tiết và các căn đều đầy đủ, dùng hỷ làm món ăn, tự thân phát sáng, bay lên hư không, sống lâu trong tịnh sắc [51].

“Này Bà-tư-tra, trong một thời gian quả đất này tràn ngập nước [52], do gió thổi qua và khuấy động trên mặt nước đóng lại một lớp tinh, hòa hiệp giống như sữa chín đóng váng và đông lại thành một lớp tinh. Cũng vậy, Bà-tư-tra, có một thời gian quả đất này tràn ngập nước, do gió thổi và khuấy động, trên mặt nước đông lại và hợp tụ hòa hợp thành một lớp tinh, từ đó sanh ra vị của đất [53], có sắc, có hương vị. Sắc nó như thế nào? Giống như sắc của sanh tô, và sắc của thục tô. Và vị của nó như thế nào? Như vị mật ong.

“Này Bà-tư-tra, có một thời gian khi thế giới này trở lại thời kỳ thành lập, có những chúng sanh, sanh trên cõi trời Hoảng dục, tuổi thọ hết, nghiệp hết, phước hết, mạng chung, sanh trở lại làm người, sanh vào thế gian này, cũng với sắc tướng thù diệu và do hóa sanh; tất cả chi tiết và các căn đều đầy đủ, dùng hỷ lạc làm thức ăn, tự thân phát sáng, bay trong hư không, sống lâu dài trong tịnh sắc.

 [674c] “Này Bà-tư-tra, bấy giờ ở trong thế giới đó không có mặt trời, mặt trăng, cũng không có tinh tú, không có ngày đêm, không có một tháng hay nửa tháng, không có ngày giờ, không có năm. Này Bà-tư-tra, ngay vào lúc đó, không có cha, không có mẹ, không có trai hay gái, lại cũng không có chủ nhân và tôi tớ, chỉ một loại chúng sanh như nhau mà thôi. Rồi có một chúng sanh tham ăn, không liêm khiết, đã nghĩ như thế này, ‘Vị của đất như thế nào? Ta thử dùng ngón tay móc một ít đất này nếm thử.’  Khi ấy chúng sanh này bèn dùng ngón tay móc đất đó mà nếm thử. Như vậy, chúng sanh đã biết vị của đất. Người ấy lại muốn được ăn. Bấy giờ chúng sanh đó lại nghĩ như thế này, ‘Sao lại phải nếm vị của đất bằng ngón tay cho nhọc sức. Ta hãy dùng bàn tay vóc lấy vị đất này mà ăn.’  Khi đó chúng sanh này bèn dùng tay vóc lấy vị đất này mà ăn.

“Trong số các chúng sanh kia lại có những chúng sanh khác thấy các chúng sanh này mỗi người dùng tay vóc lấy vị đất mà ăn, bèn nghĩ như thế này, ‘Cái này thật là hay, cái này thật là khoái, chúng ta có thể dùng tay vóc lấy vị đất này để ăn.’  Rồi các chúng sanh liền dùng tay vóc lấy vị đất này để ăn. Khi họ đã dùng tay vóc lấy vị đất này để ăn như vậy và như vậy, thân họ trở thành dày, trở thành nặng, thành cứng. Nếu trước kia họ có sắc thanh tịnh, thì lúc ấy bị mất, tự nhiên sanh ra tối tăm.

“Này Bà-tư-tra, pháp của thế gian tự nhiên có điều này: nếu sự tối tăm đã sanh ra, thì mặt trời, mặt trăng tất xuất hiện. Mặt trời, mặt trăng đã xuất hiện, thì các tinh tú cũng xuất hiện; tinh tú xuất hiện, tức thì thành ngày đêm, thành ngày đêm rồi, thì liền có một tháng hay nửa tháng có ngày giờ và có năm. Họ ăn vị của đất và sống đời rất lâu.

“Này Bà-tư-tra, nếu chúng sanh nào ăn nhiều vị của đất, thì sắc da thành xấu, nếu ăn ít vị của đất thì sắc da đẹp; từ đó có sự phân biệt hơn kém về màu sắc. Nhân màu sắc hơn kém cho nên mỗi mỗi chúng sanh có những lời khinh mạn lẫn nhau, ‘Sắc da của ta hơn, sắc ngươi không bằng.’  Nhân màu sắc hơn kém mà sanh ra sự khimh mạn và ác pháp, cho nên vị của đất liền mất. Khi vị của đất đã mất, các chúng sanh kia liền tụ tập nhau lại, khóc lóc não nề và nói như thế này, ‘Hỡi ôi vị đất! Hỡi ôi vị đất!’ Cũng như người đời nay ngậm tan vật ngon; chúng không nói chữ của thời xưa, tuy thọ trì mà không biết nghĩa [54]. Sự quán sát ý nghĩa cũng được nói như vậy.

“Này Bà-tư-tra, sau khi vị của đất mất, chất béo của đất [55] có sắc, hương, vị sanh ra cho các chúng sanh kia. Sắc nó như thế nào? Như sắc của sanh tô và thục tô. Vị như thế nào? Như [675a] vị của mật ong. Chúng sanh kia ăn chất béo của đất này mà tồn tại ở thế gian trong một thời gian lâu dài.

“Này Bà-tư-tra, nếu chúng sanh nào ăn chất béo của đất nhiều thì sắc da xanh xấu, người ăn chất béo của đất ít thì có sắc da đẹp, từ đó có sự phân biệt hơn kém về sắc da. Nhân màu sắc có hơn kém cho nên mỗi mỗi chúng sanh cùng nói nhau lời khinh mạn: ‘Sắc của ta hơn, sắc ngươi không bằng.’  Do sắc hơn kém mà sanh ra khinh mạn và ác pháp, cho nên chất chất béo của đất liền tiêu mất. Khi chất béo của đất tiêu mất, các chúng sanh kia liền nhóm họp nhau lại, khóc lóc não nề và nói như thế này: ‘Hỡi ơi chất béo của đất! Hỡi ơi chất béo của đất!’ Cũng như người đời nay bị người khác mắng; chúng không nói chữ của thời xưa, tuy thọ trì mà không biết nghĩa [56]. Sự quán sát ý nghĩa cũng được nói như vậy.

“Này Bà-tư-tra, sau khi chất béo của đất tiêu mất, một loại bà-la [57] có sắc, có hương vị sanh ra cho các chúng sanh kia. Sắc nó như thế nào? Như sắc hoa gia-đàm. [58] Vị nó như thế nào? Như vị mật ong tinh chất. Họ ăn dây bà-la này mà tồn tại ở thế gian trong thời gian lâu dài.

“Này Bà-tư-tra, nếu chúng sanh nào ăn bà-la nhiều thì sắc da thành xấu, người ăn ít bà-la thì có sắc da đẹp. Từ đó có sự phân biệt hơn kém về màu da. Nhân sắc có hơn kém, cho nên mỗi mỗi chúng sanh nói lời khinh mạn với nhau rằng, ‘Sắc ta hơn, sắc ngươi không bằng.’  Nhân sắc có hơn kém mà sanh khinh mạn và ác pháp, cho nên bà-la liền diệt mất. Khi bà-la đã diệt mất, các chúng sanh kia liền nhóm họp nhau lại, khóc lóc não nề và nói như thế này: ‘Hỡi ơi bà-la! Hỡi ơi bà-la!’ Cũng như người đời nay bị người khác mắng; chúng không nói chữ của thời xưa, tuy thọ trì mà không biết nghĩa. Sự quán sát ý nghĩa cũng được nói như vậy.

“Này Bà-tư-tra, sau khi bà-la diệt mất, loại nếp tự nhiên [59] sanh ra cho các chúng sanh kia. Trắng tinh, không vỏ cũng không có cám, trấu; dài bốn tấc. Sớm mai cắt chiều sanh, chiều cắt sáng sanh; lúa chín có vị muối, không có mùi sống. Chúng sanh ăn loại nếp tự nhiên này. Sau khi họ ăn nếp tự nhiên này, tức thì sanh ra sự khác nhau về thân hình. Hoặc có chúng sanh trở thành hình dạng con trai, hoặc có chúng sanh trở thành hình dạng con gái. Sau khi các chúng sanh này trở thành hình trai và hình gái, họ thấy nhau bèn nói như thế này: ‘Ôi, ác chúng sanh ra đời! Ác chúng sanh ra đời!’

“Này Bà-tư-tra, ác chúng sanh đó là nói người đàn bà. Khi chúng sanh kia đã trở thành hình trai và hình gái, thì họ nhìn ngắm nhau. Nhìn ngắm nhau rồi, nhìn kỹ nhau bằng mắt; mắt nhìn kỹ rồi, thì họ [675b] nhiễm nhau; nhiễm nhau rồi, liền sanh bức rức; bức rức rồi, thì ái trước nhau; ái trước nhau rồi, họ làm chuyện dâm dục. Nếu họ bị bắt gặp trong lúc hành dục, người ta bèn dùng cây, đá, hoặc dùng gậy, đất cục mà đánh, ném, và nói như thế này: ‘Ôi, bọn họ xấu xa, làm việc phi pháp! Tại sao chúng sanh làm chung nhau chuyện như vậy?’ Cũng như người thời nay khi rước vợ mới người ta rải hoa, hay buông rũ những tràng hoa và nói như thế này: ‘Chúc cô dâu bình an! Chúc cô dâu bình an!’ [60] Đó là việc mà xưa kia thì người ta ghét, còn nay thì người ta yêu.

“Này Bà-tư-tra, cũng có chúng sanh ghét pháp bất tịnh, ghê tởm, sỉ nhục, hổ thẹn, người đó liền xa đám đông [61] từ một ngày, hai ngày, đến sáu bảy ngày, nửa tháng, một thàng cho đến một năm.

“Này Bà-tư-tra, nếu chúng sanh nào muốn làm việc bất tịnh này, thì người ấy bèn làm nhà và nói như thế này: ‘Ta làm chuyện xấu trong này! Ta làm chuyện xấu trong này!’ Này Bà-tư-tra, đó là nhân duyên đầu tiên trong thế gian có pháp dựng nhà. Đó là trí tối sơ kỳ cựu, đúng như pháp, chứ chẳng phải không như pháp. Như pháp là tôn quý giữa loài người [62].

“Ở đây, có một chúng sanh lười biếng. Người ấy nghĩ như thế này: ‘Tại sao ta phải mỗi bữa đi lấy nếp tự nhiên? Sao ta không lấy luôn cho đủ ăn một ngày?’ Người ấy bèn gom lấy gạo ăn cho một ngày. Khi ấy, có một chúng sanh khác nói với người ấy rằng: ‘Này Chúng sanh, ông đi lấy gạo với tôi chăng?’ Vị ấy trả lời: ‘Tôi đã gom đủ. Ông đi lấy một mình vậy.’

“Chúng sanh kia nghe rồi, liền nghĩ như thế này: ‘Thật là hay, thật là khoái! Ta cũng có thể lấy luôn gạo ăn cho ngày mai chăng?’ Người này bèn lấy luôn gạo cho ngày mai.

“Lại có một chúng sanh khác nói với người này rằng: ‘Này Chúng sanh! Ông hãy đi lấy gạo với tôi không?’ Chúng sanh kia đáp: ‘Tôi đã lấy luôn gạo cho ngày mai, ông đi một mình vậy.’  Chúng sanh này nghe rồi, bèn nghĩ như thế này: ‘Thật là hay, thật là khoái! Ta nay nên lấy gạo ăn luôn trong bảy ngày.’  Khi chúng sanh này lấy loại lúa tự nhiên tích tụ rất nhiều; lúa nếp được cất bèn sanh ra vỏ và cám, cắt lấy cho đến bảy ngày cũng sanh vỏ và cám. Cắt đến đâu, chỗ ấy không còn mọc trở lại nữa.

“Bấy giờ, các chúng sanh mới cùng nhóm họp, khóc lóc não nề mà nói thế này: ‘Chúng ta đã làm phát sanh pháp ác, bất thiện; bọn chúng ta cất chứa gạo để lâu. [695c]Vì sao? Bởi lẽ, chúng ta trước kia có sắc tướng thù diệu, và do ý hóa sanh; tất cả chi tiết và các căn đều đầy đủ, dùng hỷ làm thức ăn, tự nhiên chói sáng, bay trong hư không, sống lâu dài với tịnh sắc. Chúng ta sanh ra vị của đất có sắc, hương, vị. Sắc như thế nào? Như sắc của sanh tô và thục tô. Vị thế nào? Vị như mật ong. Chúng ta ăn vị của đất và tồn tại trong một thời gian lâu dài. Chúng ta nếu ăn nhiều vị của đất, sắc da thành xấu. Người ăn vị của đất ít, thì có sắc da đẹp. Từ đó có sự phân biệt hơn kém về màu sắc. Nhân màu sắc hơn kém, cho nên chúng ta mỗi người cùng nói lời khinh mạn nhau rằng: ‘Sắc ta hơn, sắc ngươi không bằng.’  Nhân sắc có hơn kém mà sanh ra khinh mạn và ác pháp, cho nên vị của đất liền tiêu mất. Sau khi vị của đất tiêu mất, loại chất béo của đất, có sắc, hương, vị sanh ra cho chúng ta. Sắc như thế nào? Như sắc của sanh tô, thục tô. Vị như thế nào? Vị như mật ong. Chúng ta ăn chất béo của đất mà tồn tại ở thế gian trong một thời gian lâu dài. Người nào ăn chất béo của đất nhiều thì sắc da thành xấu; người ăn chất béo của đất ít thì sắc da đẹp. Từ đó có sự phân biệt hơn kém về màu sắc. Vì sắc có hơn kém, cho nên chúng ta mỗi người cùng nói lời khinh mạn nhau: ‘Sắc ta hơn, sắc ngươi không bằng.’  Vì sắc hơn kém mà sanh ra khinh mạn và ác pháp, cho nên chất béo của đất liền tiêu mất. Sau khi chất béo của đất tiêu mất, loại bà-la, có sắc, hương, vị sanh ra cho chúng ta. Sắc như thế nào? Sắc như hoa gia-đàm. Vị như thế nào? Như vị mật ong tinh chất. Chúng ta ăn bà-la mà tồn tại ở thế gian lâu dài. Người nào nếu ăn bà-la nhiều, thì sắc da thành xấu, người ăn bà-la ít, thì có sắc da đẹp. Từ đó có sự phân biệt hơn kém về màu sắc. Nhân sắc có hơn kém cho nên chúng ta mỗi người cùng nói lời khinh mạn nhau rằng: ‘Sắc ta hơn, sắc ngươi không bằng.’  Nhân sắc hơn kém mà sanh ra khinh mạn và ác pháp, cho nên bà-la liền tiêu mất. Sau khi bà-la mất, loại nếp tự nhiên sanh ra cho chúng ta, trắng tinh, không vỏ, cũng không cám, trấu; dài bốn tấc, sáng cắt chiều sanh, chiều cắt sáng sanh, lúa chín có chất muối, không có mùi sống. Chúng ta ăn nếp tự nhiên kia. Khi chúng ta tích tụ loại nếp tự nhiên rất nhiều; nếp lúa được cất liền sanh vỏ, cám, cắt cho đến bảy ngày cũng sanh vỏ, cám; cắt đến đâu, chỗ đó không còn mọc trở lại nữa. Vậy chúng ta phải làm thành ruộng, và cắm mốc chăng?’

“Rồi các chúng sanh ấy làm ruộng, gieo giống và cắm mốc. [676a] Trong khi đó có một chúng sanh đã có lúa của mình, còn vào ruộng người khác mà lấy trộm lúa. Người chủ ruộng thấy vậy bèn nói như thế này: ‘Chao ôi! Chúng sanh xấu ác đã ra đời! Tại sao ngươi làm như vậy? Ngươi có lúa của ngươi mà còn vào ruộng của người khác lấy trộm lúa. Hãy đi đi! Về sau đừng làm như vậy nữa.’  Song chúng sanh kia vẫn đi lấy trộm lúa của người khác hai ba lần nữa. Người chủ ruộng cũng hỏi hai ba lần, thấy rồi, liền nắm tay thoi chúng sanh kia, lôi đến chỗ đông người và nói với mọi người rằng: ‘Chúng sanh này có lúa của nó mà còn vào ruộng tôi lấy trộm lúa tôi.’  Chúng sanh kia cũng nói với mọi người rằng: ‘Chúng sanh này nắm tay tôi, thoi tôi, lôi tôi đến chỗ đông người.’  Khi ấy, các chúng sanh kia cùng nhau nhóm họp, khóc lóc não nề và nói như thế này: ‘Chúng ta sanh pháp ác bất thiện, đó là phải giữ ruộng vậy. Vì sao? Vì gìn giữ ruộng, cho nên mới cùng nhau tranh tụng, có mất mát, kiệt tận, có nói chuyện nhau bằng lời, có thoi nhau bằng nắm tay. Trong số đông này chúng ta hãy cử ra một người đoan chánh, có hình sắc rất đẹp đẽ, lập làm điền chủ. [63] Nếu người nào đáng quở trách thì phải để cho ông ấy quở trách. Nếu người nào đáng đuổi thì để cho ông ấy đuổi. Còn lúa bọn chúng ta thu được thì nên theo đúng như pháp chở đến cho ông ấy.’

“Khi ấy trong số chúng sanh kia có một người đoan chánh, hình sắc đẹp đẽ đệ nhất, họ bèn cử ra, lập làm điền chủ. Nếu có ai đáng quở trách thì ông ấy quở trách; nếu có ai đáng đuổi, thì ông ấy đuổi. Nếu có lúa thì họ đúng như pháp chở đến cho điền chủ. Điền chủ đó tức là Sát-lị [64]. Làm cho chúng sanh hoan lạc đúng như pháp, thủ hộ và hành giới là vua [65]. Vua được gọi là vua vậy.

“Này Bà-tư-tra, đó là nhân duyên đầu tiên của dòng Sát-lị trong thế gian. Đó là trí tối sơ kỳ cựu, [66] đúng như pháp, chứ chẳng phải không như pháp. Như pháp là tôn quý giữa loài người.

“Khi ấy, có chúng sanh cho rằng sự thủ hộ là bệnh, thủ hộ là ung nhọt, thủ hộ là mũi tên đâm, liền từ bỏ sự thủ hộ, nương nơi rừng vắng [67], làm nhà lá để ở và học Thiền. Người ấy từ chỗ vô sự, mỗi buổi sáng vào thôn ấp hay vương thành mà khất thực. Số đông chúng sanh kia thấy vậy liền bố thí cho, cung kính, tôn trọng và nói như thế này: ‘Chúng sanh này cho rằng thủ hộ là bệnh, thủ hộ là ung nhọt, thủ hộ là mũi tên đâm, nên đã từ bỏ thủ hộ, nương nơi rừng vắng làm nhà lá để ở và học Thiền. Này chư Tôn, người này đã xả bỏ sự gây hại, pháp ác, bất thiện.’  Đó là  Bà-la-môn. Do đó  Bà-la-môn [676b] được gọi là  Bà-la-môn vậy [68].

“Chúng sanh kia học Thiền mà không đắc Thiền, học khổ hạnh mà không đắc khổ hạnh, học viễn ly mà không đắc viễn ly, học nhất tâm mà không đắc nhất tâm, học tinh tấn mà không được tinh tấn, liền bỏ chỗ rừng vắng, trở về thôn ấp, vương thành, làm nhà bốn trụ, sáng tác kinh sách. Các chúng sanh kia thấy vậy, bèn không bố thí, không cung kính, tôn trọng nữa và nói như thế này: ‘Chúng sanh này trước kia coi thủ hộ là bệnh, thủ hộ là ung nhọt, thủ hộ là mũi tên đâm, bèn từ bỏ sự thủ hộ, nương nơi vô sự, làm nhà lá để ở và học Thiền, nhưng không thể đắc Thiền, học khổ hạnh mà không đắc khổ hạnh, học viễn ly mà không được viễn ly, học nhất tâm mà không được nhất tâm, học tinh tấn mà không được tinh tấn liền bỏ nơi vô sự, trở về thôn ấp, vương thành, làm nhà bốn trụ, tạo lập kinh sách. Này chư Tôn, người này lại học sự bác văn, không học Thiền nữa. Bác văn do đó được gọi là bác văn vậy [69].

“Này Bà-tư-tra, đó là nhân duyên đầu tiên của dòng  Bà-la-môn trong thế gian. Đó là trí tối sơ kỳ cựu, đúng như pháp, chứ chẳng phải không như pháp. Như pháp là tôn quý giữa loài người.

“Bấy giờ, các chúng sanh khác, mỗi người đến mỗi phương mà làm ruộng; người thì đi về phương này mà làm nghề làm ruộng; người thì đi về phương kia mà làm nghề làm ruộng. Đó là dòng Phệ-xá. [70]

“Này Bà-tư-tra, đây là nhân duyên đầu tiên có dòng Phệ-xá trong đời. Đó là trí tối sơ kỳ cựu, đúng như pháp, chứ chẳng phải không như pháp. Như pháp là tôn quý giữa loài người.

“Này Bà-tư-tra, khi thế gian khởi lên ba chủng tánh này rồi, thì liền biết có dòng Sa-môn thứ tư [71]. Tại sao trong thế gian có ba chủng tánh này rồi liền biết có dòng Sa-môn thứ tư? Trong dòng tộc Sát-lị có những thiện nam tử hay tự quở trách mình, ghét pháp bất thiện, tự chán ghét pháp ác, bất thiện, cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình học đạo, và suy nghĩ thế này: ‘Ta nên làm Sa-môn, tu Phạm hạnh.’  Người ấy bèn làm Sa-môn, tu Phạm hạnh. Thiện nam tử trong dòng tộc  Bà-la-môn, dòng tộc Phệ-xá cũng vậy, cũng tự quở trách, ghét pháp bất thiện, tự chán ghét pháp ác, bất thiện, cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, học đạo, cũng nghĩ như thế này: ‘Ta nên làm Sa-môn, tu Phạm hạnh,’ bèn làm Sa-môn và tu Phạm hạnh.

“Này Bà-tư-tra, như vậy, trong thế gian khởi lên ba chủng tánh này rồi, thì liền biết [676c] có dòng Sa-môn thứ tư.

“Này Bà-tư-tra, nay Ta nói rộng về ba chủng tánh này. Nói rộng về ba chủng tánh này thế nào? Một thiện nam tử thuộc chủng tộc Sát-lị mà thân làm pháp bất thiện, khẩu, ý, làm pháp bất thiện, thì người đó khi thân hoại mạng chung, nhất định phải thọ khổ.

“Cũng vậy, thiện nam tử trong dòng tộc  Bà-la-môn, dòng tộc Phệ-xá, thân làm pháp bất thiện, khẩu, ý, làm pháp bất thiện, thì người đó khi thân hoại mạng chung, nhất định phải thọ khổ.

“Này Bà-tư-tra, một thiện nam tử thuộc dòng tộc Sát-lị mà thân làm thiện pháp, khẩu, ý làm thiện pháp, thì người đó khi thân hoại chung, nhất định sẽ thọ lạc.

“Cũng vậy, thiện nam tử dòng tộc  Bà-la-môn, dòng tộc Phệ-xá, mà thân làm thiện pháp, khẩu, ý làm thiện pháp, thì người đó khi thân hoại mạng chung, nhất định sẽ thọ lạc.

“Này Bà-tư-tra, thiện nam tử thuộc dòng tộc Sát-lị, thân làm hai hành vi, [72] và hộ hành [73], khẩu, ý làm hai hành vi và hộ hành, thì người đó khi thân hoại mạng chung, sẽ thọ khổ và lạc.

“Cũng vậy, này Bà-tư-tra, thiện nam tử thuộc dòng tộc  Bà-la-môn hay Phệ-xá, thân làm hai hành vi và hộ hành, khẩu, ý làm hai hành vi và hộ hành, thì người đó khi thân hoại mạng chung, sẽ thọ khổ và lạc.

“Này Bà-tư-tra, thiện nam tử dòng tộc Sát-lị tu bảy giác pháp, [74] khéo tư duy và khéo quán sát, biết như vậy, thấy như vậy, tâm giải thoát dục lậu, tâm giải thoát hữu lậu và vô minh lậu, giải thoát rồi liền biết giải thoát, biết như thật: Sự sanh đã hết, Phạm hạnh đã lập, điều cần làm đã làm xong, sẽ không còn tái sanh nữa.

“Cũng vậy, thiện nam tử dòng tộc  Bà-la-môn, dòng tộc Phệ-xá tu bảy giác pháp, khéo tư duy, khéo quán sát; người ấy biết như vậy, thấy như vậy, tâm giải thoát dục lậu, tâm giải thoát khỏi hữu lậu, vô minh lậu, giải thoát rồi liền biết giải thoát, biết như thật: Sự sanh đã hết, Phạm hạnh đã lập, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh.

“Này Bà-tư-tra, như vậy, Ta đã phân biệt rộng rãi về ba chủng tánh này vậy.

“Phạm thiên đế chúa [75] nói bài kệ:

Loài hai chân, Sát-lị tối tôn,

Đấy là chủ trương có chủng tộc.

Những ai cầu học Minh và Hạnh,

Vị ấy, Thiên, Nhân đều tán thán.

“Này Bà-tư-tra, Phạm thiên đế chúa khéo nói bài kệ này chứ không phải không khéo, khéo ca ngơi, phúng tụng chứ không phải không khéo, khéo ngâm vịnh và nói, chứ không phải không khéo, nói như thế này:

Loài hai chân, Sát-lị tối tôn,

Đấy là chủ trương có chủng tộc.

 [677a]Những ai cầu học Minh và Hạnh,

Vị ấy, Thiên, Nhân đều tán thán.

“Vì sao? Vì Ta cũng nói như vậy:

Loài hai chân, Sát-lị tối tôn,

Đấy là chủ trương có chủng tộc.

Những ai cầu học Minh và Hạnh,

Vị ấy, Thiên, Nhân đều tán thán.”

Đức Phật nói như vậy, Tôn giả Bà-tư-tra, Bà-la-bà và chư Tỳ-kheo nghe Phật nói, hoan hỷ phụng hành.

155. KINH TU-ĐẠT-ĐA

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ, cư sĩ Tu-đạt-đa [76] đi đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ Ngài, rồi ngồi qua một bên. Đức Thế Tôn hỏi:

“Gia đình của Cư sĩ có thực hành hạnh bố thí chăng?

Cư sĩ trả lời:

“Dạ có, bạch Thế Tôn, gia đình con có bố thí. Nhưng chỉ bố thí những thức thô xấu, không được mỹ diệu, như cơm lẫn với cám, canh lá gai, chỉ có một miếng gừng, một lá rau.”

Đức Thế Tôn bảo:

“Này Cư sĩ, dù bố thí những thức thô xấu, hay bố thí những thức mỹ diệu, thảy đều có quả báo. Nhưng này Cư sĩ, nếu bố thí những thức thô xấu, không tín mà bố thí, không cố tâm bố thí, không tự tay bố thí, không tự mình đến bố thí, không tư duy mà bố thí, không do tín mà bố thí, không quán nghiệp và quả báo mà bố thí, thì nên quán rằng sẽ thọ báo đúng như thế, tâm không muốn [77] được nhà đẹp, không muốn được xe cộ đẹp, không muốn áo chăn đẹp, không muốn được đồ ăn thức uống ngon, không muốn được ngũ dục công đức tốt. Vì sao? Vì không chí tâm mà hành bố thí. Này Cư sĩ, nên biết rằng, sẽ thọ báo đúng như thế.

“Này Cư sĩ, nếu bố thí những thức thô xấu nhưng có tín mà bố thí, có tâm bố thí, tự tay bố thí, tự mình đến bố thí, tư duy mà bố thí, do tín mà bố thí, quán nghiệp và quả báo mà bố thí, thì nên quán rằng sẽ thọ báo đúng như thế, là do tâm muốn được nhà đẹp, muốn được xe cộ đẹp, muốn được áo chăn đẹp, muốn được đồ ăn thức uống ngon, muốn được ngũ dục công đức tốt đẹp. Vì sao? Vì chí tâm mà bố thí. Này Cư sĩ, nên biết rằng, sẽ thọ báo đúng như thế.

“Này Cư sĩ, nếu bố thí những thức mỹ diệu, không tín mà bố thí, không cố tâm bố thí, không tự tay bố thí, không tự mình đến bố thí, không tư duy mà bố thí, không do tín mà bố thí, không quán nghiệp và quả báo mà bố thí, thì nên quán rằng sẽ thọ báo đúng như thế, tâm không muốn được nhà đẹp, [677b] không muốn được xe cộ đẹp, không muốn áo chăn đẹp, không muốn được đồ ăn thức uống ngon, không muốn được ngũ dục công đức tốt. Vì sao? Vì không chí tâm mà hành bố thí. Này Cư sĩ, nên biết rằng, sẽ thọ báo đúng như thế.

“Này Cư sĩ, nếu bố thí những thức mỹ diệu, lại có tín mà bố thí, tự tay bố thí, tự mình đến bố thí, tư duy mà bố thí, do tín mà bố thí, quán nghiệp và quả báo mà bố thí, thì nên quán rằng sẽ thọ báo đúng như thế, là do tâm muốn được nhà đẹp, muốn được xe cộ đẹp, muốn áo chăn đẹp, muốn đồ ăn thức uống ngon, muốn được ngũ dục công đức tốt đẹp. Vì sao? Vì chí tâm mà bố thí. Này Cư sĩ, nên biết rằng, sẽ thọ báo đúng như thế.

“Này Cư sĩ, thuở xưa có  Bà-la-môn đại trưởng giả tên là Tùy-lam [78] rất giàu có, của cải vô lượng, có nhiều phong hộ, thực ấp, có nhiều châu báu, sản nghiệp chăn nuôi không thể tính kể. Vị ấy bố thí như thế này: tám vạn bốn ngàn bát bằng vàng đựng đầy bạc vụn, thực hành đại bố thí như vậy. Tám vạn bốn ngàn bát bằng bạc đựng đầy vàng vụn, thực hành đại bố thí như vậy. Tám vạn bốn ngàn bát bằng vàng đựng đầy vàng vụn, thực hành đại bố thí như vậy. Tám vạn bốn ngàn bát bằng bạc, đựng đầy bạc vụn, thực hành đại bố thí như vậy. Tám vạn bốn ngàn thớt voi được trang sức dây trắng đan lại, phủ lên, thực hành đại bố thí như vậy. Tám vạn bốn ngàn con ngựa được trang sức bằng dây kim hợp phi-na [79], thực hành đại bố thí như vậy. Tám vạn bốn ngàn con bò lấy y làm dây thừng và phủ lên bằng y, có thể cung cấp một hộc sữa, thực hành đại bố thí như vậy. Tám vạn bốn ngàn người nữ, tư dung đẹp đẽ, ai nhìn cũng thích, trang sức đầy đủ châu báu, thực hành đại bố thí như vậy. Ngoài ra lại có những thức ăn cứng và mềm khác nữa.

‘Này Cư sĩ,  Bà-la-môn Tùy-lam đã thực hành đại bố thí như vậy. Nếu lại có người bố thí thức ăn cho phàm phu toàn cõi Diêm-phù nữa, thì so với đại bố thí kia, sự bố thí này hơn nhiều lắm.

“Này Cư sĩ,  Bà-la-môn Tùy-lam đã thực hành đại bố thí, và bố thí thức ăn cho phàm phu toàn cõi Diêm-phù như vậy. Nếu lại có người bố thí thức ăn cho một vị Tu-đà-hoàn, thì so với sự bố thí kia, sự bố thí này hơn nhiều lắm.

“Này Cư sĩ,  Bà-la-môn Tùy-lam đã thực hành đại bố thí, bố thí thức ăn cho phàm phu toàn cõi Diêm-phù, và bố thí thức ăn cho một trăm vị Tu-đà-hoàn như thế. Nếu lại có người bố thí thức ăn cho một vị Tư-đà-hàm, thì so với sự bố thí kia, sự bố thí này hơn nhiều lắm.

“Này Cư sĩ,  Bà-la-môn Tùy-lam đã thực hành đại bố thí, bố thí thức ăn cho phàm phu toàn cõi Diêm-phù, [677c] bố thí thức ăn cho một trăm vị Tu-đà-hoàn, cho một trăm vị Tư-đà-hàm như thế. Nếu lại có người bố thí thức ăn cho một vị A-na-hàm, thì so với sự bố thí kia, sự bố thí này hơn nhiều lắm.

“Này Cư sĩ,  Bà-la-môn Tùy-lam thực hành đại bố thí, bố thí thức ăn cho phàm phu toàn cõi Diêm-phù, bố thí thức ăn cho một trăm vị Tu-đà-hoàn, một trăm vị Tư-đà-hàm, một trăm vị A-na-hàm như thế. Nếu lại có người bố thí thức ăn cho một vị A-la-hán, thì so với sự bố thí kia, sự bố thí này hơn nhiều lắm.

“Này Cư sĩ,  Bà-la-môn Tùy-lam thực hành đại bố thí, bố thí thức ăn cho phàm phu toàn cõi Diêm-phù, bố thí thức ăn cho một trăm vị Tu-đà-hoàn, một trăm vị Tư-đà-hàm, một trăm vị A-na-hàm, một trăm vị A-la-hán như vậy. Nếu lại có người bố thí thức ăn cho một vị Bích-chi-phật, thì so với sự bố thí kia, sự bố thí này hơn nhiều lắm.

“Này Cư sĩ,  Bà-la-môn Tùy-lam đã thực hành đại bố thí, bố thí thức ăn cho phàm phu toàn cõi Diêm-phù, bố thí thức ăn cho một trăm vị A-na-hàm, một trăm vị A-la-hán, một trăm vị Bích-chi-phật như vậy. Nếu lại có người bố thí thức ăn cho một Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, thì so với sự bố thí kia, sự bố thí này hơn nhiều lắm.

“Này Cư sĩ,  Bà-la-môn Tùy-lam đã thực hành đại bố thí, bố thí thức ăn cho phàm phu toàn cõi Diêm-phù; bố thí thức ăn cho một trăm vị Tu-đà-hoàn, một trăm vị Tư-đà-hàm, một trăm vị A-na-hàm, một trăm vị A-la-hán, một trăm vị Bích-chi-phật như thế. Nếu lại có người tạo phòng nhà bố thí cho chúng Tỳ-kheo bốn phương, thì so với sự bố thí này hơn nhiều lắm.

“Này Cư sĩ,  Bà-la-môn Tùy-lam đã thực hành đại bố thí, bố thí thức ăn cho phàm phu toàn cõi Diêm-phù, bố thí thức ăn cho một trăm vị Tu-đà-hoàn, một trăm vị Tư-đà-hàm, một trăm vị A-na-hàm, một trăm vị A-la-hán, một trăm vị Bích-chi-phật, tạo phòng nhà bố thí cho chúng Tỳ-kheo bốn phương như thế. Nếu lại có người với tâm hoan hỷ, quy y Ba ngôi tôn quý là Phật, Pháp và Chúng Tỳ-kheo, lại thọ giới, thì so với sự bố thí kia, việc làm này hơn nhiều lắm.

“Này Cư sĩ,  Bà-la-môn Tùy-lam đã thực hành đại bố thí, bố thí thức ăn cho phàm phu toàn cõi Diêm-phù, bố thí thức ăn cho một trăm vị Tu-đà-hoàn, một trăm vị Tư-đà-hàm, một trăm vị A-na-hàm, một trăm vị A-la-hán, một trăm vị Bích-chi-phật, tạo phòng nhà bố thí cho chúng Tỳ-kheo bốn phương, tâm hoan hỷ quy y Ba ngôi tôn quý là Phật, Pháp, chúng Tỳ-kheo, và thọ giới; nếu lại có người trong khoảnh khắc thực hành từ tâm đối với tất cả chúng sanh, cho đến trong khoảng thời gian vắt sữa bò, thì so với sự bố thí kia, việc này hơn nhiều lắm.

“Này Cư sĩ,  Bà-la-môn Tùy-lam đã thực hành đại bố thí, bố thí thức ăn cho phàm phu toàn cõi Diêm-phù, bố thí thức ăn cho một trăm Tu-đà-hoàn, [678a] một trăm vị Tư-đà-hàm, một trăm vị A-na-hàm, một trăm vị A-la-hán, một trăm vị Bích-chi-phật, tạo phòng, nhà bố thí cho Chúng Tỳ-kheo bốn phương, tâm hoan hỷ quy y Ba ngôi tôn quý là Phật, Pháp, chúng Tỳ-kheo, thọ giới và trong khoảnh khắc thực hành từ tâm đối với tất cả chúng sanh, cho đến trong khoảng thời gian vắt sữa bò, như thế; nếu lại có người quán được tất cả pháp là vô thường, khổ, không và vô ngã, thì so với sự bố thí kia, việc làm này hơn nhiều lắm.

“Này Cư sĩ, ý ông nghĩ sao? Bà-la-môn đại trưởng giả Tùy-lam thuở xưa ấy là ai khác chăng? Chớ nghĩ như vậy. Vì sao? Nên biết rằng, đó chính là Ta vậy. ta thuở xưa là  Bà-la-môn đại trưởng giả tên là Tùy-lam.

“Này Cư sĩ, Ta bấy giờ vì lợi ích cho mình, cũng vì lợi ích cho kẻ khác, vì lợi ích cho mọi người, thương xót thế gian, mưu cầu thiện lợi và hữu ích, cầu sự an ổn khoái lạc cho Trời và Người. Nhưng lúc bấy giờ Ta thuyết pháp chưa được rốt ráo, chưa rốt ráo bạch tịnh, chưa rốt ráo Phạm hạnh, chưa thành tựu rốt ráo Phạm hạnh; nên lúc bấy giờ, Ta chưa lìa được sanh, già, bệnh, chết, khóc lóc, áo não, cũng chưa thể thoát khỏi mọi khổ đau. Này Cư sĩ, Ta nay là Bậc Xuất Thế, là Như Lai, Vô Sở Trước, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Nay Ta vì lợi cho mình cũng vì lợi ích cho kẻ khác, vì lợi ích cho mọi người, thương xót thế gian, mưu cầu thiện lợi và hữu ích, cầu sự an ổn khoái lạc cho Trời và Người. Nay Ta thuyết pháp đến chỗ rốt ráo, rốt ráo bạch tịnh, rốt ráo Phạm hạnh, thành tựu Phạm hạnh; nên nay Ta đã lìa khỏi sự sanh, sự già chết, khóc lóc, áo não. Ta nay đã giải thoát khỏi mọi khổ đau.”

Đức Phật thuyết như vậy, Cư sĩ Tu-đạt-đa và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

156. KINH PHẠM BA-LA-DIÊN

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ có nhiều  Bà-la-môn nước Câu-sa-la, vào lúc xế trưa, quanh quẩn đi đến chỗ Đức Phật, chào hỏi nhau rồi, ngồi qua một bên và thưa:

“Này Cù-đàm, chúng tôi có điều muốn hỏi, ông có nghe chăng?”

Đức Thế Tôn đáp:

“Các ông có điều gì hỏi gì thì hỏi.”

Nghe thế, các  Bà-la-môn hỏi:

“Này Cù-đàm, bây giờ còn có  Bà-la-môn học pháp  Bà-la-môn cổ đại [80] [678b] hay đã vượt khỏi [81] pháp  Bà-la-môn cổ đại rồi chăng?”

Đức Thế Tôn đáp:

“Nay không còn  Bà-la-môn học pháp  Bà-la-môn cổ đại. Bà-la-môn đã vượt khỏi pháp  Bà-la-môn cổ đại từ lâu rồi.”

Nghe thế, các  Bà-la-môn hỏi:

“Này Cù-đàm, tại sao nay không còn  Bà-la-môn học pháp  Bà-la-môn cổ đại và các  Bà-la-môn vượt khỏi pháp  Bà-la-môn cổ đại từ bao giờ?”

Bấy giờ Đức Thế Tôn nói bài kệ trả lời:

Vì xưa có  Bà-la-môn,

Tự chế ngự, nhiệt hành [82],

Bỏ năm công đức dục,

Hành Phạm hạnh thanh tịnh.

Phạm hạnh và giới hạnh,

Khiến tâm tính nhu thuận,

Rộng lượng, tâm không hại,

Nhẫn nhục thủ hộ ý.

Thuở xưa có pháp này,

 Bà-la-môn chẳng hộ:

 Bà-la-môn không hộ

Của cải, tiền, lúa gạo.

Tụng đọc là tài sản,

Thủ hộ kho tàng này.

Sắc áo đủ các loại,

Nhà cửa và giường chõng,

Dân các nước, các thành,

Học Bà-la-môn này [83]:

Chớ hại Bà-la-môn,

Pháp thủ hộ bậc nhất. [84]

Đi đến cửa nhà người,

Không ai ngăn cản họ.

Lần lượt xin từng nhà,

Xin ăn theo từng bữa.

Những  Bà-la-môn tại gia,

Trông thấy, thích bố thí.

Bốn tám năm đã tròn,

Tu Phạm hạnh thanh tịnh,

Mong Minh, Hạnh chóng thành:

Cổ  Bà-la-môn như vậy.

Không lấy trộm của cải,

Cũng không hề sợ hãi,

Thương mến đùm bọc nhau,

Và cùng sống hòa hợp.

Bởi không có phiền não,

Pháp liên hệ oán, dâm:

Tất cả các  Bà-la-môn,

Không hay hành như vậy. [85]

Nếu có hạnh bậc nhất,

 Bà-la-môn quyết cầu.

 Các pháp dâm dục ấy,

Không thực hành, dù mộng.

Nhân các phạm hạnh ấy,

Tự xưng "Ta là Phạm"

Biết họ có hạnh ấy,

Bậc có trí nên biết.

Giường thưa, chiếc áo mỏng,

Cơm, sữa cốt sanh tồn,

 [678c]Khất cầu đều như pháp,

Trai tự, hành bố thí,

Hiến tế, chẳng cầu khác,

Chỉ cầu xin nơi mình.

Lúc tổ chức trai thí,

Người ấy không giết bò;

Như cha mẹ, anh em,

Và các người thân khác,

Xem người, bò cũng vậy.

Nhân đó sanh khoái lạc. [86]

Ăn uống, thân khoẻ mạnh,

Nhờ vậy mà yên vui.

Biết được nghĩa lý này,

Không ưa giết hại bò.

Mềm mại, thân lực lớn,

Tinh sắc, được khen ngợi.

Ân cần tự cầu lợi,

Như vậy,  Bà-la-môn xưa.

 Bà-la-môn lợi mình,

Biết nên làm, phải tránh.

Cõi này, trong tương lai,

Người ấy nhất định thoát.

Tuần trăng đã quá tuần,

Xứng ý xin cầu thân

Đêm dài mãi du hí,

Những người vợ phấn son.

Đàn bò, quây trước mặt,

Vợ đẹp nối sau lưng,

Dục vi diệu ở đời.

Bà-la-môn thường ước.

Ngựa xe trang bị đủ,

Tinh xảo, kheo thêu thùa,

Hôn nhân và nhà cửa,

Bà-la-môn thường ước.

Họ sáng tác sách này: [87]

Chúng tôi từ kia lại,

Đại vương [88] mở cuộc chay,

Đừng để mất tài lợi.

Nhiều tài vật lúa gạo,

Cùng tiền tài khác nữa.

Đại vương tương ưng đó [89],

Bà-la-môn và xe cộ [90];

Tế voi và tế ngựa,

Tế ngựa được suốt thông [91],

Tụ tập làm trai thí,

Thí cho Bà-la-môn.

Họ do đó được lợi,

Say mê đắm tài vật,

Họ khơi dậy lòng dục,

Càng dục càng say mê.

Cũng như ao nước rộng,

Và vô lượng tài vật,

Cũng vậy, người có bò,

Các vật dụng sanh sống.

Họ sáng tác sách này:,

Chúng tôi từ kia lại.

Đại vương mở cuộc chay,

Đừng để mất tài lợi;

 [679a]Nhiều tài vật lúa gạo,

Nếu ngài có nhiều bò

Đại vương tương ưng đó,

Bà-la-môn và ngựa xe.

Bò vô lượng trăm ngàn,

Vì trai tự mà giết,

Đầu, sừng không não hại,

Bò heo thời xưa kia:

Đi đến nắm sừng bò,

Cầm dao bén mà giết.

Vì bò mà Tổ cha,

Và La sát tên Hương,

Họ hô hoán: phi pháp,

Khi cầm dao đâm bò. [92]

Pháp ấy hành trai thí,

Trái vượt cổ xưa nhất. [93]

Không hữu sự mà giết,

Suy thoái, rời xa pháp.

Thời xưa có ba bệnh,

Dục vọng, đói và già.

Do thù nghịch với bò,

Khởi bệnh chín mươi tám,

Thù nghịch ấy như vậy,

Nên kẻ trí rất ghét.

Nếu người thấy như vậy,

Ai mà không oán ghét.

Như vậy, trong đời này,

Vô trí thấp hèn nhất.

Mỗi, mỗi vì dục, tranh,

Như vợ rủa xả chồng.

Sát-lị,  Bà-la-môn nữ,

Người chấp giữ chủng tánh,

Vi phạm pháp chủng tánh,

Dục tự do lung lạc.

“Như vậy, này  Bà-la-môn, hiện tại không còn  Bà-la-môn học pháp  Bà-la-môn cổ đại.  Bà-la-môn đã vượt khỏi pháp  Bà-la-môn cổ đại từ lâu rồi.”

Nghe vậy, các  Bà-la-môn nước Câu-sa-la thưa:

“Bạch Thế Tôn, chúng con đã biết. Bạch Thiện Thệ, chúng con đã rõ. Nay chúng con tự đem mình quy y Phật, Pháp, và Chúng Tỳ-kheo, mong Thế Tôn nhận chúng con làm những Ưu-bà-tắc từ nay và đến trọn đời; chúng con tự đem mình quy y cho đến lúc mạng chung.”

Đức Phật thuyết như vậy, các  Bà-la-môn nước Câu-sa-la và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành. [94]

157. KINH HOÀNG LÔ VIÊN

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại Tì-lan-nhã [95], trú trong vườn Hoàng lô [96].

Bấy giờ  Bà-la-môn Tì-lan-nhã tuổi cao tác lớn, tuổi thọ gần dứt, mạng sống gần tàn, tuổi đã một trăm hai mươi, chống gậy mà đi. Vào buổi xế trưa,  Bà-la-môn ấy thong dong đi đến chỗ Đức Phật, chào hỏi nhau rồi, chống gậy đứng trước Đức Phật và nói:

“Này Cù-đàm, ta nghe Sa-môn Cù-đàm lúc thiếu thời, tuổi còn quá trẻ, vừa mới xuất gia học đạo, thế mà nếu có danh đức Sa-môn  Bà-la-môn nào đích thân đi đến, vẫn không kính lễ, cũng không tôn trọng, cũng không đứng dậy, không mời các vị ấy ngồi. Này Cù-đàm, việc ấy quả không thể được.”

Thế Tôn đáp:

“Này  Bà-la-môn, Ta chưa từng thấy chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn,  Bà-la-môn nào từ loài Người cho đến Trời đi đến, khiến Như Lai kính lễ, tôn trọng, đứng dậy, mời các vị ấy ngồi. Này  Bà-la-môn, nếu có ai đến mà muốn Như Lai kính lễ, tôn trọng, đứng dậy, mời ngồi, thì đầu của vị ấy chắc chắn vỡ thành bảy mảnh.”

 Bà-la-môn lại nói:

“Cù-đàm vô vị [97].”

Đức Thế Tôn bảo:

“Này  Bà-la-môn, có sự kiện khiến Ta vô vị, nhưng không phải như lời ông nói. Nếu có vị của sắc, vị của tiếng, vị của hương, vị của xúc, thì những thứ ấy đã bị Như Lai đoạn trừ, dứt sạch, nhổ tận gốc rễ, không bao giờ sanh lại nữa. Đó là kiện khiến Ta vô vị, nhưng không như lời ông nói.”

 Bà-la-môn lại nói:

“Cù-đàm không biết sợ [98].”

Đức Thế tôn đáp:

“Này  Bà-la-môn, có sự kiện khiến Ta không sợ hãi, nhưng không như lời ông nói. Nếu có sợ hãi sắc, thanh, hương, vị, xúc, thì Như Lai đã đoạn trừ, dứt sạch, nhổ tận gốc rễ, không bao giờ sanh lại nữa. Đó là sự kiện khiến Như Lai không sợ hãi, nhưng không như lời ông nói.”

 Bà-la-môn lại nói:

“Cù-đàm không nhập thai [99].”

Đức Thế Tôn đáp:

“Có sự kiện khiến Ta không đầu thai, nhưng không như lời ông nói. Nếu có Sa-môn,  Bà-la-môn đối với sự mang thai trong tương lai mà đã đoạn trừ, dứt sạch, nhổ tận gốc rễ, không bao giờ sanh lại nữa, Ta nói rằng vị ấy không đầu thai. Như Lai đối với sự mang thai trong tương lai đã vĩnh viễn đoạn trừ, tuyệt diệt, nhổ tận gốc rễ, [679c] không bao giờ sanh lại nữa, cho nên Ta không đầu thai. Đó là sự kiện Ta không đầu thai, nhưng không như lời ông nói.

“Này  Bà-la-môn, Ta ở trong chúng sanh này đến từ vô minh, say đắm vô minh, bị vô minh che lấp, bị phủ kín trong vỏ trứng vô minh, thì Ta là người trước tiên quán pháp; đối với chúng sanh ấy, Ta là bậc nhất.

“Cũng như gà mái sanh trứng, mười hoặc mười hai trứng, luôn luôn nghĩ nhớ, luôn luôn ấp ủ, luôn luôn sưởi ấm, luôn luôn bảo bọc. Một thời gian sau, giả sử gà mái buông trôi; gà con ở bên trong, hoặc dùng mỏ mổ, hoặc dùng móng chân mà chọi, phá vỡ trứng chui ra an ổn; đối với các gà con khác, nó là bậc nhất. Ta cũng như thế, Ta ở trong chúng sanh này, đến từ vô minh, say đắm vô minh, bị vô minh che lấp, bị bọc kín trong vỏ trứng vô minh. Ta là người trước tiên quán pháp; đối với chúng sanh ấy Ta là bậc nhất.

“Này  Bà-la-môn, Ta ôm cỏ khô đi đến cây Giác thọ, rãi cỏ xuống gốc cây, trải ni-sư-đàn lên mà ngồi kiết già, quyết ngồi ngay ngắn, thề cho đến khi dứt sạch các lậu mới thôi. Rồi Ta ngồi ngay ngắn cho đến khi dứt sạch các lậu. Sau khi ngồi ngay ngắn, Ta ly dục, ly pháp ác, bất thiện, có tầm có tứ, có hỷ lạc do ly dục sanh, đạt được Thiền thứ nhất, thành tựu an trú; nghĩa là lúc bấy giờ Ta chứng đắc tâm tăng thượng thứ nhất, đạt được sự an lạc ngay trong hiện tại, chứng đắc dễ dàng, không khó, sống an lạc, không sợ hãi, an ổn khoái lạc, khiến lên đến Niết-bàn.

“Lại nữa, này  Bà-la-môn, sau khi Ta tầm tứ dứt sạch, bên trong tịch tĩnh, nhất tâm, không tầm không tứ, có hỷ lạc do định sanh, đạt được Thiền thứ hai, thành tựu an trú; nghĩa là lúc bấy giờ Ta chứng đắc tâm tăng thượng thứ hai, đạt được sự an lạc ngay trong hiện tại, chứng đắc dễ dàng, không khó, sống an lạc, không sợ hãi, an ổn khoái lạc, khiến lên Niết-bàn.

“Lại nữa, này  Bà-la-môn, Ta ly hỷ, ly dục, xả vô cầu, an trú chánh niệm, chánh trí mà thân cảm giác lạc, điều mà bậc Thánh nói là Thánh xả, có niệm, an trụ lạc, đạt được Thiền thứ ba, thành tựu an trú; nghĩa là lúc bấy giờ chứng đắc tâm tăng thượng thứ ba, đạt được sự an lạc ngay trong hiện tại, chứng đắc dễ dàng, không khó, sống an lạc, không sợ hãi, an ổn khoái lạc, khiến lên Niết-bàn.

“Lại nữa, này  Bà-la-môn, Ta diệt lạc, diệt khổ, hỷ và ưu vốn có cũng đã diệt, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh, đạt được Thiền thứ tư, thành tựu an trú; nghĩa là lúc bấy giờ Ta chứng đắc tâm tăng thượng thứ tư, đạt được sự an lạc ngay trong hiện tại, chứng đắc dễ dàng, không khó, sống an lạc, không sợ hãi, an ổn khoái lạc, khiến lên Niết-bàn.

“Lại nữa, này  Bà-la-môn, Ta [680a] đã đạt được định tâm thanh tịnh như thế, không uế, không phiền nhiệt, nhu nhuyến, khéo an trú, đạt đến tâm bất động, học Túc mạng trí thông và chứng đắc, nhớ vô lượng đời trước mà Ta đã trải qua, có hành động và có dung mạo thế nào. Nghĩa là Ta nhớ lại một đời, trăm đời, ngàn đời, kiếp thành, kiếp hoại, vô lượng kiếp thành và hoại, chúng sanh kia tên như thế, thuở xưa trải qua đó. Ta từng sanh ở đó, họ như thế, tên như thế, sanh như thế, ăn uống như thế, tồn tại lâu dài như thế, chấm dứt tuổi thọ như thế, chết nơi này sanh nơi kia, chết chỗ kia sanh chỗ này; Ta sanh nơi này, họ như thế, tên như thế, sanh như thế, ăn uống như thế, thọ khổ và lạc như thế, trường thọ như thế, tồn tại lâu dài như thế, chấm dứt mạng sống như thế. Bấy giờ là lúc vào khoảng đầu, chứng đắc minh đạt thứ nhất này, nhờ trước kia không phóng dật, sống an lạc trong đời sống viễn ly, tu hành tinh tấn, nên vô trí diệt, mà trí pháp sanh, mê ám tiêu tan mà minh thành tựu, vô minh hoại diệt mà minh phát sanh. Đó là Ta đắc minh đạt Túc mạng trí.

“Lại nữa, này  Bà-la-môn, Ta đã đạt được định tâm thanh tịnh như thế, không ô uế, không phiền nhiệt, nhu nhuyến, khéo an trú, đạt đến tâm bất động, học Sanh tử trí thông và tác chứng. Ta bằng thiên nhãn thanh tịnh vượt lên người thường,  tháy chúng sanh này khi chết, khi sanh, sắc tốt sắc xấu, đẹp hay không đẹp, qua lại chỗ thiện và chỗ bất thiện tùy theo nghiệp mà chúng sanh này đã làm; Ta thấy điều đó một cách như thực. Nếu chúng sanh này thành tựu ác hành bởi thân, miệng, ý, phỉ báng Thánh nhân, thành tựu tà kiến, thành tựu nghiệp tà kiến, nó do nhân duyên này khi thân hoại mạng chung tất đến cõi dữ, sanh trong địa ngục. Nếu chúng sanh này thành tựu diệu hành bởi thân, miệng, ý, không phỉ báng Thánh nhân. thành tựu chánh kiến, có nghiệp chánh kiến. Nó do nhân duyên này khi thân hoại mạng chung tất đi lên cõi lành, sanh lên trên trời. Như vậy Ta bấy giờ lúc nửa đêm đạt được minh đạt thứ hai này, do trước kia không buông lung, sống an lạc trong đời sống viễn ly, tu hành tinh tấn, nên vô trí diệt, mà trí pháp sanh, mê ám tiêu tan mà minh thành tựu, vô minh hoại diệt mà minh phát sanh. Đó là Ta đắc minh đạt Sanh tử trí thông.

“Lại nữa, này  Bà-la-môn, Ta đã đạt được định tâm thanh tịnh như thế, không ô uế, không phiền nhiệt, nhu nhuyến, khéo an trú, đạt đến tâm bất động, học Lậu tận thông và chứng đắc. Ta biết như thật rằng: ‘Đây là Khổ,’ biết như thật rằng ‘đây là Khổ tập, Khổ diệt, Khổ diệt đạo’; biết như thật rằng: ‘Đây là lậu’, biết như thật rằng ‘đây là lậu tập, [680b] lậu diệt, lậu diệt đạo.’  Ta biết như thế, Ta thấy như thế, tâm giải thoát khỏi dục lậu, tâm giải thoát khỏi hữu lậu và vô minh lậu. Sau khi giải thoát liền biết mình đã giải thoát, biết như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, Phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa.’  Bấy giờ là vào lúc cuối đêm, Ta chứng đắc minh đạt trí thứ ba này, nhờ không phóng dật, sống an lạc trong đời sống viễn ly, tu hành tinh tấn, nên vô trí diệt, trí phát sanh, mê ám tiêu tan, minh thành tựu, vô minh hoại diệt, minh phát sanh. Đó là Ta chứng đắc minh đạt Lậu tận trí.

“Lại nữa, này  Bà-la-môn, nếu có ai với sự thuyết giảng chân chánh mà thuyết bất si pháp, đối với chúng sanh sanh ra trong thế gian, ở giữa tất cả chúng sanh, vị ấy là tối thắng, không bị khổ lạc phủ kín, nên biết rằng vị thuyết giảng chân chánh ấy chính là Ta. Vì sao? Vì Ta thuyết bất si pháp, đối với chúng sanh sanh trong thế gian, ở giữa tất cả chúng sanh ấy, Ta là tối thắng, không bị khổ lạc phủ kín.”

Nghe vậy,  Bà-la-môn xứ Tỳ-lan-nhã liền bỏ gậy xuống, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật và bạch Thế Tôn:

“Thế Tôn là bậc nhất, Thế Tôn thật vĩ đại, Thế Tôn tối thượng, Thế Tôn cao tột, Thế Tôn chánh đẳng, Thế Tôn không có ai bằng, Thế Tôn không có một ai so sánh, Thế Tôn không chướng ngại, Thế Tôn là bậc không gây chướng ngại! Bạch Thế Tôn, con nay nguyện đem mình quy y Phật, Pháp và Chúng Tỳ-kheo. Mong Đức Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc bắt đầu từ hôm nay cho đến trọn đời, con nguyện đem mình quy y cho đến lúc mạng chung.”

Đức Phật thuyết như vậy,  Bà-la-môn xứ Tỳ-lan-nhã và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

158. KINH ĐẦU-NA

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ,  Bà-la-môn Đầu-na, [100] vào lúc xế trưa, ung dung đi đến chỗ Đức Phật, chào hỏi nhau rồi, ngồi qua một bên.

Đức Thế Tôn hỏi:

“Này Đầu-na, nếu ai hỏi: ‘Ông là  Bà-la-môn phải không?’ thì ông có tự xưng mình là  Bà-la-môn chăng?”

 Bà-la-môn Đầu-na đáp:

“Này Cù-đàm, nếu ai đáng xưng là  Bà-la-môn, thì người ấy phải được cha mẹ sanh ra với sự thọ sanh thanh tịnh, cho đến bảy đời cha mẹ không tuyệt chủng tộc, đời đời không bị xấu, học rộng, trì chú, tụng đọc tinh thông bốn bộ điển kinh, thấu triệt nhân duyên, chánh văn, truyện giải trí, thứ năm là văn phạm. [101] Này Cù-đàm, người đáng gọi là  Bà-la-môn thì chính là tôi vậy. [680c] Vì sao? Vì tôi được cha mẹ thọ sanh thanh tịnh, cho đến bảy đời cha mẹ, chủng tộc không tuyệt, đời đời không ác, học rộng, trì chú, tinh thông bốn bộ điển kinh, thấu triệt nhân duyên, chánh văn, truyện giải trí và văn phạm.”

Đức Thế Tôn bảo:

“Này Đầu-na, Ta nay hỏi ông, ông hiểu thế nào thì trả lời thế ấy. Này Đầu-na, nếu thuở xưa có  Bà-la-môn, lúc thân hoại mạng chung, đã đọc tụng kinh điển, truyền bá kinh điển, tụng đọc kinh điển, đó là một là Dạ-tra, hai là Bà-ma, ba là Bà-ma-đề-bà, bốn là Tỳ-xa-mật-đa-la, năm là Dạ-bà-đà-kiền-ni, sáu là Ứng-nghi-la-bà, bảy là Bà-tư-tra, tám là Ca-diếp, chín là Bà-la-bà, mười là Bà-hòa [102]; lại chủ xướng có năm hạng  Bà-la-môn: có  Bà-la-môn ngang hàng Phạm thiên, có  Bà-la-môn ngang hàng chư Thiên, có  Bà-la-môn không vượt giới hạn, có  Bà-la-môn vượt giới hạn, và thứ năm là  Bà-la-môn Chiên-đồ-la [103], thì này Đầu-na, trong năm loại  Bà-la-môn ấy, ông thuộc hạng nào?”

Đầu-na đáp:

“Này Cù-đàm nói nghĩa ấy tóm lược, không phân biệt rộng rãi, nên tôi không hiểu được. Mong Sa-môn Cù-đàm khéo giải thích cho tôi biết.”

Thế Tôn đáp:

“Này Đầu-na, hãy lắng nghe, khéo tư duy và ghi nhớ! Ta sẽ phân biệt rộng rãi cho ông.”

Đầu-na thứa:

“Xin vâng, thưa Cù-đàm.”

Đầu-na vâng lời, lắng nghe. Đức Phật giải thích:

“Này Đầu-na, thế nào là  Bà-la-môn ngang hàng Phạm thiên?  Bà-la-môn nào được cha mẹ thọ sanh thanh tịnh cho đến bảy đời cha mẹ, không tuyệt chủng, đời đời không bị xấu. Vị ấy trải qua bốn mươi tám năm thực hành đồng tử Phạm hạnh [104] để thấu triệt kinh thư, tụng tập điển kinh. Sau khi đã thấu triệt kinh thư, tụng tập kinh điển, vị ấy cầu xin của cải để cúng phụng Tôn sư, đúng pháp, chứ không phải không đúng như pháp. Thế nào là không đúng như pháp? Không làm ruộng, không buôn bán, không học sách, không làm toán thuật, không làm công số, không in khắc, không tạo thủ bút, không làm văn chương, không đọc kinh, không ngâm thơ, không dùng đao gậy, không phụng sự vua, đúng như pháp mà cầu xin, cầu xin của cải, tâm đi đôi với từ, biến mãn một phương, thành tựu, an trú. Cũng vậy, hai, ba, bốn phương, bốn hướng, phương trên, phương dưới, biến khắp mọi phương, tâm đi đôi với từ, không kết, không oán, không sân nhuế, không tranh chấp, rộng rãi bao la, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn cùng khắp thế gian, thành tựu, an trú. Cũng như vậy, bi và hỷ. Tâm đi đôi với xả, không kết, không oán, không sân nhuế, không tranh chấp, rộng rãi, bao la, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn cùng khắp thế gian, thành tựu, an trú. Này Đầu-na, [681a] như vậy gọi là  Bà-la-môn ngang hàng Phạm thiên.

“Này Đầu-na, thế nào  Bà-la-môn ngang hành chư Thiên?  Bà-la-môn nào được cha mẹ thọ sanh thanh tịnh, cho đến bảy đời cha mẹ không tuyệt chủng, đời đời không bị xấu. Vị ấy trải qua bốn mươi tám năm thực hành đồng tử Phạm hạnh để thấu triệt kinh thư, tập tụng điển kinh. Sau khi nắm vững kinh thư, tụng tập điển kinh, vị ấy cầu xin của cải để cúng phụng Tôn sư, đúng như pháp chứ không phải không đúng như pháp. Thế nào là đúng như pháp? Không làm ruộng, không buôn bán, không học sách, không làm toán thuật, không làm công số, không in khắc, không tạo thủ bút, không làm văn chương, không đọc kinh, không ngâm thơ, không dùng đao gậy, không phụng sự vua [105], đúng như pháp mà cầu xin, cầu xin của cải để cúng phụng Tôn sư. Sau đó bố thí của cải, vị ấy thực hành thân diệu hành, khẩu và ý diệu hành. Khi đã thành tựu thân diệu hành, khẩu và ý diệu hành, vị đó nhờ nhân duyên ấy, khi thân hoại mạng chung, chắc chắn đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời. Này Đầu-na, như vậy gọi là  Bà-la-môn ngang hàng chư Thiên.

“Này Đầu-na, thế nào là  Bà-la-môn không vượt giới hạn?  Bà-la-môn nào được cha mẹ thọ sanh thanh tịnh, cho đến bảy đời cha mẹ không tuyệt chủng, đời đời không bị xấu. Vị ấy trải qua bốn mươi tám năm thực hành đồng tử Phạm hạnh để thấu triệt kinh thư, tập tụng điển kinh. Sau khi nắm vững kinh thư, tụng tập điển kinh, vị ấy cầu xin của cải để cúng phụng Tôn sư, đúng như pháp chứ không phải không đúng như pháp. Thế nào là đúng như pháp? Không làm ruộng, không buôn bán, không học sách, không làm toán thuật, không làm công số, không in khắc, không tạo thủ bút, không làm văn chương, không đọc kinh, không ngâm thơ, không dùng đao gậy, không phụng sự vua, đúng như pháp mà cầu xin, cầu xin của cải để cúng phụng Tôn sư. Sau khi bố thí của cải, vị ấy đi tìm vợ cho mình đúng như pháp, chứ không phải đúng như pháp. Thế nào là không đúng như pháp?  Bà-la-môn không có ý như vầy đối với nữ  Bà-la-môn: ‘Mong rằng yêu ta, gặp gỡ ta để cùng giao hợp.’  Vị ấy lấy vợ người nữ dòng  Bà-la-môn chứ không phải người nữ không thuộc dòng  Bà-la-môn, cũng không phải người nữ dòng Sát-lị, không phải đang mang thai, không phải đã sanh sản [106]. Này Đầu-na, vì lý do gì mà  Bà-la-môn không lấy vợ người nữ đang mang thai? Vì không muốn rằng con trai hay con gái của mình được gọi là sanh ra do bất tịnh dâm [107]. Cho nên,  Bà-la-môn ấy không lấy vợ người nữ đang mang thai. Này Đầu-na, vì lý do gì mà  Bà-la-môn ấy không lấy vợ người nữ đã sanh sản? Vì không muốn rằng con trai hay con gái được gọi là do cưỡng bức bất chánh [108]. Cho nên  Bà-la-môn ấy không lấy vợ người nữ đã sanh sản. Này Đầu-na,  Bà-la-môn ấy lấy vợ không phải vì của cải, không phải vì kiêu ngạo, không phải vì phục sức, không phải vì phấn son, mà chỉ vì cầu [681b] con. Sau khi sanh con trong mức độ nào là giới hạn ước định của những  Bà-la-môn thời xưa, vị ấy dừng lại ở đó, giữ giới hạn đó, không vượt qua giới hạn đó. Này Đầu-na, như vậy gọi là  Bà-la-môn không vượt giới hạn.

“Này Đầu-na, thế nào là  Bà-la-môn vượt giới hạn?  Bà-la-môn nào được cha mẹ thọ sanh thanh tịnh, cho đến bảy đời cha mẹ không tuyệt chủng, đời đời không bị xấu. Vị ấy trải qua bốn mươi tám năm thực hành đồng tử Phạm hạnh để thấu triệt kinh thư, tập tụng điển kinh. Sau khi nắm vững kinh thư, tụng tập điển kinh, vị ấy cầu xin của cải để cúng phụng Tôn sư, đúng như pháp chứ không phải không đúng như pháp. Thế nào là đúng như pháp? Không làm ruộng, không buôn bán, không học sách, không làm toán thuật, không làm công số, không in khắc, không tạo thủ bút, không làm văn chương, không đọc kinh, không ngâm thơ, không dùng đao gậy, không phụng sự vua, đúng như pháp mà cầu xin, cầu xin của cải để cúng phụng Tôn sư. Sau khi bố thí của cải, vị ấy đi tìm vợ cho mình đúng như pháp, chứ không phải đúng như pháp. Thế nào là không đúng như pháp?  Bà-la-môn không có ý như vầy đối với nữ  Bà-la-môn: ‘Mong rằng yêu ta, gặp gỡ ta để cùng giao hợp.’  Vị ấy lấy vợ người nữ dòng  Bà-la-môn chứ không phải người nữ không thuộc dòng  Bà-la-môn, cũng không phải người nữ dòng Sát-lị, không phải đang mang thai, không phải đã sanh sản. Này Đầu-na, vì lý do gì mà  Bà-la-môn không lấy vợ người nữ đang mang thai? Vì không muốn rằng con trai hay con gái của mình được gọi là sanh ra do bất tịnh dâm. Cho nên,  Bà-la-môn ấy không lấy vợ người nữ đang mang thai. Này Đầu-na, vì lý do gì mà  Bà-la-môn ấy không lấy vợ người nữ đã sanh sản? Vì không muốn rằng con trai hay con gái được gọi là do cưỡng bức bất chánh. Cho nên  Bà-la-môn ấy không lấy vơ người nữ đã sanh sản. Này Đầu-na,  Bà-la-môn ấy lấy vợ không phải vì của cải, không phải vì kiêu ngạo, không phải vì phục sức, không phải vì phấn son, mà chỉ vì cầu con. Sau khi sanh con, trong mức độ nào là giới hạn ước định  Bà-la-môn thời xưa, vị ấy không dừng lại ở đó, không giữ nguyên giới hạn đó, mà vượt qua khỏi giới hạn đó. Này Đầu-na, như vậy gọi là  Bà-la-môn vượt khỏi giới hạn.

“Này Đầu-na,  Bà-la-môn như thế nào là  Bà-la-môn Chiên-đà-la?  Bà-la-môn nào được cha mẹ thọ sanh thanh tịnh, cho đến bảy đời cha mẹ không tuyệt chủng, đời đời không bị xấu. Vị ấy trải qua bốn mươi tám năm thực hành đồng tử Phạm hạnh để thấu triệt kinh thư, tập tụng điển kinh. Sau khi nắm vững kinh thư, tụng tập điển kinh, vị ấy cầu xin của cải để cúng phụng Tôn sư, đúng như pháp chứ không phải không đúng như pháp. Thế nào là không đúng như pháp? Không làm ruộng, không buôn bán, không học sách, không làm toán thuật, không làm công số, không in khắc, không tạo thủ bút, không làm văn chương, không đọc kinh, không ngâm thơ, không dùng đao gậy, không phụng sự vua, đúng như pháp mà cầu xin, cầu xin của cải để cúng phụng Tôn sư. Sau khi bố thí của cải, vị ấy đi tìm vợ cho mình đúng như pháp, chứ không phải đúng như pháp. Thế nào là không đúng như pháp?  Bà-la-môn không có ý như vầy đối với nữ  Bà-la-môn: ‘Mong rằng yêu ta, gặp gỡ ta để cùng giao hợp.’  Vị ấy lấy vợ người nữ dòng  Bà-la-môn chứ không phải người nữ không thuộc dòng  Bà-la-môn, cũng không phải người nữ dòng Sát-lị, không phải đang mang thai, không phải đã sanh sản. Này Đầu-na, vì lý do gì mà  Bà-la-môn không lấy vợ người nữ đang mang thai? Vì không muốn rằng con trai hay con gái của mình được gọi là sanh ra do bất tịnh dâm. Cho nên,  Bà-la-môn ấy không lấy vợ người nữ đang mang thai. Này Đầu-na, vì lý do gì mà  Bà-la-môn ấy không lấy vợ người nữ đã sanh sản? Vì không muốn rằng con trai hay con gái được gọi là do cưỡng bức bất chánh. Cho nên  Bà-la-môn ấy không lấy vơ người nữ đã sanh sản. Này Đầu-na,  Bà-la-môn ấy lấy vợ không phải vì của cải, không phải vì kiêu ngạo, không phải vì phục sức, không phải vì phấn son, mà chỉ vì cầu con. Khi đã sanh con, vị ấy làm những việc liên hệ đến vua, làm những việc liên hệ giặc cướp, làm những việc liên hệ đến tà đạo, và lại nói như vầy: ‘ Bà-la-môn có quyền làm tất cả mọi sự, nhưng  Bà-la-môn không phải vì vậy mà nhiễm trước, cũng không ô uế. Như lửa đốt cháy những gì sạch hay không sạch. Cũng vậy,  Bà-la-môn có quyền làm tất cả mọi sự, nhưng  Bà-la-môn không vì vậy mà bị nhiễm trước, cũng không bị ô uế.’  Này Đầu-na,  Bà-la-môn như vậy gọi là  Bà-la-môn Chiên-đà-la.

“Này Đầu-na, trong năm hạng  Bà-la-môn ấy, ông thuộc hạng nào?”

Đầu-na trả lời:

“Thưa Cù-đàm, ngay hạng sau cùng là  Bà-la-môn Chiên-đà-la, con cũng không sánh kịp huống nữa là các hạng  Bà-la-môn trên. Bạch Thế Tôn, con đã biết. Bạch Thiện Thệ, con đã rõ. Bạch Thế Tôn, con nay tự đem mình quy y Phật, Pháp và chúng Tỳ-kheo. Mong Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc. Từ nay cho đến trọn đời, con tự đem mình quy y cho đến lúc mạng chung.”

Đức Phật thuyết như vậy,  Bà-la-môn Đầu-na sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

159. KINH A-GIÀ-LA-HA-NA

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ có  Bà-la-môn A-già-la-ha-na, sau bữa cơm trưa, ung dung đi đến chỗ Đức Phật, chào hỏi rồi ngồi qua một bên và nói:

“Thưa Cù-đàm, tôi có điều muốn [682a] hỏi, mong Ngài cho phép, tôi mới dám trình bày.”

Thế Tôn đáp:

“Ông muốn hỏi gì tùy ý.”

 Bà-la-môn liền hỏi:

“Thưa Cù-đàm, kinh điển của  Bà-la-môn nương vào đâu mà tồn tại?”

Đức Thế Tôn đáp:

“Kinh điển của  Bà-la-môn nương vào con người mà tồn tại.”

“Thưa Cù-đàm, con người nương vào đâu mà tồn tại?”

“Con người nương vào lúa gạo mà tồn tại.”

“Thưa Cù-đàm, lúa gạo nương vào đâu mà tồn tại?”

“Lúa gạo nương vào đất mà tồn tại.”

 Bà-la-môn lại hỏi:

“Thưa Cù-đàm, đất nương vào đâu mà tồn tại?”

Thế Tôn đáp:

“Đất nương vào nước mà tồn tại.”

“Thưa Cù-đàm, nước nương vào đâu mà tồn tại?”

“Nước nương vào gió mà tồn tại.”

“Thưa Cù-đàm, gió nương vào đâu mà tồn tại?”

“Gió nương vào hư không mà tồn tại?”

“Thưa Cù-đàm, hư không nương vào đâu mà tồn tại?”

“Hư không không có nương tựa, nhưng nhân mặt trời, mặt trăng mà có hư không.”

“Thưa Cù-đàm, mặt trời và mặt trăng nương vào đâu mà tồn tại?”

“Mặt trời, mặt trăng nương vào Tứ thiên vương mà tồn tại.”

 Bà-la-môn lại hỏi:

“Thưa Cù-đàm, Tứ thiên vương nương vào đâu mà tồn tại?”

Thế Tôn đáp:

“Tứ Thiên vương nương vào Tam thập tam thiên mà tồn tại?”

“Thưa Cù-đàm, Tam thập tam thiên nương vào đâu mà tồn tại?”

“Tam thập tam thiên nương vào Diệm-ma thiên mà tồn tại.”

“Thưa Cù-đàm, Diệm-ma thiên nương vào đâu mà tồn tại?”

“Diệm-ma thiên nương vào Đâu-suất-đà thiên mà tồn tại.”

“Thưa Cù-đàm, Đâu-suất-đà thiên nương vào đâu mà tồn tại?”

“Đâu-suất-đà thiên nương vào Hóa lạc thiên mà tồn tại.”

“Thưa Cù-đàm, Hóa lạc thiên nương vào đâu mà tồn tại?”

“Hóa lạc thiên nương vào Tha hóa lạc thiên mà tồn tại.”

“Thưa Cù-đàm, Tha hóa lạc thiên nương vào đâu mà tồn tại?”

“Tha hóa lạc thiên nương vào Phạm thiên mà tồn tại.”

“Thưa Cù-đàm, Phạm thiên nương vào đâu mà tồn tại?”

“Phạm thiên nương vào Đại phạm mà tồn tại.”

“Thưa Cù-đàm, Đại phạm nương vào đâu mà tồn tại?”

“Đại phạm nương vào nhẫn nhục, ôn hòa mà tồn tại.”

 Bà-la-môn lại hỏi:

“Thưa Cù-đàm, nhẫn nhục, ôn hòa nương vào đâu mà tồn tại?”

Thế Tôn đáp:

“Nhẫn nhục, ôn hòa nương vào Niết-bàn mà tồn tại.”

 Bà-la-môn lại hỏi:

“Thưa Cù-đàm, Niết-bàn nương vào đâu mà tồn tại?”

 [682b] Thế Tôn đáp:

“Ý muốn của  Bà-la-môn nương vào những sự kiện không cùng nên ông nay đã hỏi Ta về sự không có giới hạn, nhưng Niết-bàn không nương vào đâu cả. Niết-bàn là tịch diệt, Niết-bàn là tối thượng. Này  Bà-la-môn, vì mục đích này mà nhiều người theo ta mà tu hành Phạm hạnh.”

 Bà-la-môn thưa:

“Bạch Đức Thế Tôn, con đã biết. Bạch Thiện Thệ, con đã rõ. Bạch Đức Thế Tôn, con nay xin đem mình quy y Phật, Pháp và chúng Tỳ-kheo. Mong Đức Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc từ nay và suốt đời, con nguyện đem mình quy y cho đến lúc mạng chung.”

Đức Phật thuyết như vậy,  Bà-la-môn A-già-la-ha-na sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

160. KINH A-LAN-NA

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ sau bữa ăn trưa, các Tỳ-kheo tụ tập ngồi tại giảng đường bàn luận thế này: “Này chư Hiền, thực là kỳ lạ, thực là kỳ lạ! Sanh mạng con người thực quá ngắn ngủi, phút chốc đã qua đời khác. Do đó cần phải làm các việc lành, cần tu phạm hạnh, vì đã sanh ra thì không thể không chết. Nhưng người đời nay đối với việc làm đúng pháp, việc làm hợp lẽ, việc lành, việc tốt lại không thực hành, cũng chẳng mong cầu.”

Lúc ấy, Đức Thế Tôn đang ở tại chỗ nghỉ trưa, bằng Thiên nhĩ thanh tịnh hơn hẳn người thường, nghe các Tỳ-kheo sau bữa cơn trưa, tụ tập ngồi tại giảng đường, đã bàn luận như thế này: “Chư Hiền, thực là kỳ lạ, thực là kỳ lạ! Sanh mạng con người quá ngắn ngủi, phút chốc đã qua đời khác. Do đó, cần phải làm các việc lành, cần tu Phạm hạnh, vì đã sanh ra thì không thể không chết. Nhưng người đời nay đối với việc làm đúng pháp, việc làm hợp lẽ, việc thiện, việc tốt lại không thực hành, cũng chẳng cầu mong.” Nghe vậy, Đức Thế Tôn, vào lúc xế trưa từ chỗ tĩnh tọa, đứng dậy, đi đến giảng đường. Ngài trải chỗ ngồi, ngồi trước đại chúng Tỳ-kheo và hỏi:

“Này các Tỳ-kheo, các Thầy bàn luận chuyện gì? Vì duyên cớ nào mà tụ tập ngồi tại giảng đường?”

Nghe Đức Thế Tôn hỏi như vậy, các Tỳ-kheo thưa:

“Bạch Thế Tôn, chúng Tỳ-kheo chúng con, sau bữa ăn trưa, tụ tập ngồi tại giảng đường, bàn luận thế này: ‘Thực là kỳ lạ, thực là kỳ lạ! Sanh mạng con người quá ngắn ngủi, phút chốc đã qua đời khác. Do đó, cần phải làm các việc lành, cần tu phạm hạnh, vì đã sanh ra thì không thể không chết. Nhưng người đời này đối với việc làm đúng pháp, việc làm hợp lẽ, việc lành, việc tốt lại không thực hành, cũng chẳng cầu mong.’  Bạch Đức Thế Tôn, chúng con đã bàn luận với nhau như vậy. Vì việc ấy, nên chúng con đã tụ tập ngồi ở [682c] giảng đường.”

Thế Tôn tán thán:

“Lành thay! Lành thay! Khi các ngươi nói với nhau rằng: ‘Chư Hiền, thực là kỳ lạ, thực là kỳ lạ! Sanh mạng con người thực quá ngắn ngủi, phút chốc đã qua đời khác. Do đó, cần phải làm các việc lành, cần tu phạm hạnh, vì đã sanh ra thì không thể không chết. Nhưng người đời nay đối với việc làm đúng pháp, việc làm hợp lẽ, việc thiện, việc tốt lại không thực hành, cũng không cầu mong.’  Vì sao? Vì ta cũng nghĩ thế này: 'Thực là kỳ lạ, thực là kỳ lạ! Sanh mạng con người thực quá ngắn ngủi, phút chốc đã qua đời khác. Do đó, cần phải làm các việc lành, cần tu phạm hạnh, vì đã sanh ra thì không thể không chết. Nhưng ngươì đời nay đối với việc làm đúng pháp, việc làm hợp lẽ, việc thiện, việc tốt lại không thực hành, cũng không cầu mong?’ Vì sao?

“Này các Tỳ-kheo, vào đời quá khứ, có lúc chúng sanh thọ tám vạn tuổi, châu Diêm-phù này rất giàu, có nhiều của cải châu báu, thôn ấp gần nhau bằng khoảng cách con gà bay. Lúc ấy, con gái đến năm trăm tuổi mới lấy chồng. Con người chỉ có bệnh như thế này: lạnh, nóng, đại và tiểu tiện, ham muốn, không ăn và già lão [109], ngoài ra không còn tai hoạn nào khác.

“Này các Tỳ-kheo, lúc con người thọ tám vạn tuổi, có vua tên là Câu-lao-bà [110] làm Chuyển luân vương, thông minh, trí tuệ, có bốn loại quân chỉnh trị thiên hạ, tự do, tự tại, là pháp vương đúng như pháp, thành tựu bảy báu. Bảy báu đó là luân báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu và tướng quân báu. Đó là bảy báu. Vua có đủ một ngàn người con, dung mạo khôi ngô, dõng mãnh, không sợ, hàng phục được kẻ khác, chắc chắn thống trị toàn cõi đất này, cho đến biển cả, không dùng đao gậy, chỉ dùng pháp giáo hóa, khiến dân an ổn.

“Này các Tỳ-kheo, vua Câu-lao-bà có vị  Bà-la-môn tên A-lan-na đại trưởng giả [111], được cha mẹ nuôi lớn, thọ sanh thanh tịnh cho đến bảy đời cha mẹ không tuyệt chủng tộc, đời đời không bị xấu, học rộng, thông suốt, tụng đọc hết bốn loại kinh điển, thấu triệt nhân duyên, chánh văn, truyện giải trí thứ năm, và cú thuyết. [112]  Bà-la-môn A-lan-na có vô lượng trăm ngàn Ma-nạp ma.  Bà-la-môn đã ở nơi yên tĩnh truyền dạy kinh thư cho vô lượng trăm ngàn Ma-nạp ma.

“Bấy giờ  Bà-la-môn A-lan-na sống một mình ở nơi yên tĩnh, tĩnh tọa tư duy, đã suy nghĩ rằng: ‘Thực là kỳ lạ, thực là kỳ lạ! Sanh mạng con người thực hành quá ngắn ngủi, phút chốc đã qua đời khác. Do đó, cần phải làm các việc thiện, cần tu phạm hạnh, vì đã sanh ra không thể không chết. Nhưng người đời nay đối với việc làm đúng pháp, việc làm hợp lẽ, việc thiện, việc tốt lại không thực hành, cũng không cầu mong. Có lẽ ta [683a] nên cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo.’  Thế rồi,  Bà-la-môn A-lan-na đi đến chỗ các Ma-nạp ma thuộc nhiều nước khác nhau và nói:

“– ‘Này các Ma-nạp ma, khi ta sống một mình nơi chỗ yên tĩnh, tĩnh tọa tư duy, đã suy nghĩ rằng: ‘Thực là kỳ lạ, thực là kỳ lạ! Sanh mạng con người thực quá ngắn ngủi, phút chốc đã qua đời khác. Do đó, cần phải làm các việc thiện cần tu phạm hạnh, vì sanh ra không thể không chết. Thế nhưng con người đời nay đối với việc làm đúng pháp, việc làm hợp lẽ, việc thiện, việc tốt lại không thực hành, cũng không mong cầu. Có lẽ ta nên cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình xuất gia học đạo.’  Này các Ma-nạp ma, nay ta muốn cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, thì các ông sẽ làm những gì?’

“Nghe vậy, các chúng Ma-nạp ma của những nước khác nhau ấy thưa rằng:

“– ‘Thưa Tôn sư, những gì chúng con đã biết đều nhờ ơn Tôn sư chỉ dạy, nếu Tôn sư cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, thì chúng con cũng sẽ cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo theo gót Tôn sư.’

“Thế rồi  Bà-la-môn A-lan-na, sau đó, đã cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo. Các chúng Ma-nạp ma thuộc những nước khác ấy cũng đều cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, theo Tôn sư là  Bà-la-môn A-lan-na ấy mà xuất gia học đạo. Đó là sự phát sanh danh hiệu Tôn sư A-lan-na,và đệ tử của Tôn sư A-lan-na.

Bấy giờ, Tôn sư A-lan-na thuyết pháp cho đệ tử:

“– Này các Ma-nạp ma, thực là kỳ lạ, thực là kỳ lạ? Sanh mạng con người thực quá ngắn ngủi, phút chốc đã qua đời khác. Do đó, cần phải làm các việc lành, cần tu Phạm hạnh, vì đã sanh ra thì không thể không chết. Thế nhưng người đời nay đối với việc làm đúng pháp, việc làm hợp lẽ, việc thiện, việc tốt lại không thực hành, cũng không cầu mong.”

Bấy giờ, Tôn sư A-lan-na thuyết pháp cho đệ tử:

“– ‘Này các Ma-nạp ma, thực là kỳ lạ, thực là kỳ lạ! Sanh mạng con người thực quá ngắn ngủi, phút chốc đã qua đời khác. Do đó, cần phải làm các việc lành, cần tu phạm hạnh, vì đã sanh ra thì không thể không chết. Thế nhưng người đời nay đối với việc làm đúng pháp, việc làm hợp lẽ, việc thiện, việc tốt lại không thực hành, cũng không cầu mong.’

“Lại nữa, Tôn sư A-lan-na đã thuyết pháp cho đệ tử:

“– ‘Này các Ma-nạp ma, giống như hạt sương mai trên ngọn cỏ, lúc mặt trời mọc thì tan mất, tồn tại tạm thời không thể trường cửu. [863b] Cũng vậy, này Ma-nạp ma, sanh mạng con người như hạt sương mai, rất khó giữ được, rất ít, quá ít vị ngọt, mà đau khổ tai hoạn lại lớn, tai hoạn quá nhiều!’

“Tôn sư A-lan-na đã thuyết pháp cho đệ tử như vậy. Và Tôn sư A-lan-na lại thuyết pháp cho đệ tử:

“– ‘Này các Ma-nạp ma, cũng như lúc trời mưa lớn, nước giọt tạo thành bong bóng, thoạt hiện thoạt biến; cũng vậy, này Ma-nạp ma, mạng người cũng như bọt nước, rất khó giữ được, rất ít, quá ít vị ngọt, mà đau khổ tai hoạn rất lớn, tai hoạn quá nhiều!’

“Tôn sư A-lan-na đã thuyết pháp cho đệ tử như vây. Và Tôn sư A-lan-na lại thuyết pháp cho đệ tử:

“– ‘Này các Ma-nạp ma, giống như cây gậy ném xuống nước, nó sẽ trồi trở lên rất nhanh; cũng vậy, này Ma-nạp ma, mạng người cũng như cây gậy ném xuống nước, trồi lên rất nhanh, rất khó giữ được rất ít, quá ít vị ngọt, mà tai hoạn, khổ đau lại lớn, tai hoạn quá nhiều!’

“Tôn sư A-lan-na đã thuyết pháp cho đệ tử như vậy. Và Tôn sư A-lan-na lại thuyết pháp cho đệ tử:

“– ‘Này các Ma-nạp ma, giống như viên ngói mới được nhúng vào bồn nước, rồi đem ra ngay, để ở nơi có gió và nóng thì khô ráo liền; cũng vậy, này Ma-nạp ma, mạng người cũng như viên ngói mới được nhúng vào bồn nước, rồi khô ráo ngay, rất khó giữ được, rất ít, quá ít vị ngọt, mà đau khổ tai hoạn lớn, tai hoạn quá nhiều!’

“Tôn sư A-lan-na đã thuyết pháp cho đệ tử như vậy. Và Tôn sư A-lan-na lại thuyết pháp cho đệ tử:

“– ‘Này các Ma-nạp ma, giống như một miếng thịt nhỏ được bỏ vào nồi nước lớn, bên dưới lửa cháy hừng hực, sẽ tiêu tan rất nhanh; cũng vậy, này Ma-nạp ma, mạng người cũng như miếng thịt tiêu tan kia, rất khó giữ được, rất ít, quá ít vị ngọt, mà đau khổ, tai hoạn lại lớn, tai hoạn rất nhiều!’

“Tôn sư A-lan-na đã thuyết pháp cho đệ tử như vậy. Và Tôn sư A-lan-na lại thuyết pháp cho đệ tử:

“–‘Này các Ma-nạp ma, giống như trói tên ăn cướp dẫn đến dưới gốc cây nêu để giết; mỗi bước chân đi là một bước tiến gần chỗ chết, là một bước rời xa sự sống; cũng vậy, này Ma-nạp ma, mạng sống con người cũng như tên cướp bị trói dẫn đến dưới cây nêu để sát hại, rất khó giữ được, rất ít, quá ít vị ngọt mà đau khổ, tai hoạn lại lớn, tai hoạn quá nhiều!’

“Tôn sư A-lan-na đã thuyết pháp cho đệ tử như vậy. Và Tôn sư A-lan-na lại thuyết pháp cho đệ tử:

“– ‘Này các Ma-nạp ma, giống như gã đồ tể dẫn bò đi làm thịt; mỗi bước chân đi là một bước tiến gần đến chỗ chết, là một bước rời xa sự sống; cũng vậy, này Ma-nạp ma, mạng sống con người cũng như con bò bị dẫn đi làm thịt, rất khó giữ được, rất ít, quá ít vị ngọt, mà đau khổ, tai hoạn lại lớn, tai hoạn quá nhiều!’

“Tôn sư A-lan-na [683c] đã thuyết pháp cho đệ tử như vậy. Và Tôn sư A-lan-na lại thuyết pháp cho đệ tử:

“– ‘Này các Ma-nạp ma, giống như dệt vải, thêm một hàng chỉ ngang là thêm một phần gần thành, gần xong; cũng vậy, này Ma-nạp ma, mạng sống con người như vải dệt gần xong, khó giữ được, rất ít, quá ít vị ngọt, mà đau khổ, tai hoạn lại lớn, tai hoạn quá nhiều!’

“Tôn sư A-lan-na thuyết pháp cho đệ tử như vậy. Và Tôn sư A-lan-na thuyết pháp cho đệ tử:

“– ‘Này các Ma-nạp ma, giống như dòng nước trên núi đổ xiết, chảy nhanh, cuốn trôi các thứ, nước chảy ào ạt không phút nào ngừng; cũng vậy này Ma-nạp ma, mạng sống con người quá nhanh, không phút nào ngừng. Này Ma-nạp ma, mạng sống con người cũng như giòng nước chảy nhanh, rất khó giữ được, rất ít, quá ít vị ngọt, mà đau khổ, tai hoạn lại lớn, tai hoạn quá nhiều!’

“Tôn sư A-lan-na đã thuyết pháp cho đệ tử như vậy. Và Tôn sư A-lan-na lại thuyết pháp cho đệ tử:

“– ‘Này các Ma-nạp ma, giống như lúc đêm tối mà liệng gậy xuống đất, hoặc đầu dưới đụng đất, hoặc đầu trên đụng đất hoặc rơi ngay xuống đất, có khi trúng chỗ đất sạch, có khi trúng chỗ đất không sạch; cũng vậy, này Ma-nạp ma, chúng sanh bị vô minh phủ kín, bị ái dục cuốn chặt, hoặc sanh vào địa ngục, sanh vào súc sanh hay loài ngạ quỷ, hoặc sanh cõi trời, hoặc sanh cõi người. Cũng vậy, này Ma-nạp ma, mạng sống con người như trong tối mà liệng gậy xuống đất, rất khó giữ được, rất ít, quá ít vị ngọt, mà đau khổ, tai hoạn lại lớn, tai hoạn quá nhiều!’

“Tôn sư A-lan-na đã thuyết pháp cho đệ tử như vậy. Và Tôn sư A-lan-na lại thuyết pháp cho các đệ tử:

“–‘Này các Ma-nạp ma, ngay đời này, nay đã đoạn trừ tham lam, tâm không não hại; thấy của cải của kẻ khác hay các vật dụng cần cho sự sống, ta không móng khởi tham lam, muốn chiếm đoạt cho ta. Đối với tham tâm, ta đã tịnh trừ; cũng vậy, đối với sân nhuế, thụy miên, điệu hối và nghi. Ngay trong đời này, ta đã đoạn trừ nghi hoặc, đối với các pháp thiện không còn do dự, đối với tâm nghi hoặc, ta đã tịnh trừ. Này Ma-nạp ma, ngay trong đời này các con cũng nên đoạn trừ tham, tâm không não hại, thấy của cải của kẻ khác hay các vật dụng cần cho sự sống, không nên sanh khởi tham lam, muốn chiếm đoạt cho mình. Đối với tham tâm, các con nên tịnh trừ; cũng vậy, đối với sân nhuế, thụy miên, điệu hối và nghi. Ngay trong đời này, các con nên đoạn nghi hoặc, đối với các pháp thiện không nên do dự.’

“Tôn sư A-lan-na đã thuyết pháp cho đệ tử như vậy. Và Tôn sư A-lan-na thuyết pháp cho đệ tử:

“–‘Này các Ma-nạp ma, [684a] tâm ta cùng với từ tương ưng, biến mãn một phương, thành tựu an trú. Cũng vậy, hai ba, bốn phương, bốn hướng, phương trên, phương dưới, phổ biến cùng khắp, tâm cùng với từ tương ưng, không kết, không oán, không sân nhuế, không tranh chấp, rộng rãi, bao la, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu an trú. Cũng vậy, bi và hỷ, tâm cùng với xả tương ưng, không kết, không oán, không nhuế, không tranh, rộng rãi, bao la, vô lượng, khéo tu tập biến mãn cùng khắp thế gian, thành tựu an trú. Này Ma-nạp ma, các con cũng nên thực hành tâm cùng với từ tương ưng, biến mãn một phương, thành tựu an trú. Cũng vậy, hai, ba, bốn phương, bốn hướng, phương trên, phương dưới, phổ biến cùng khắp tâm cùng với từ tương ưng, không kết, không oán, không nhuế, không tranh, rộng rãi, bao la, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn khắp thế gian, thành tựu an trú. Cũng vậy, bi và hỷ, tâm cùng với xả tương ưng, không kết, không oán, không nhuế, không tranh, rộng rãi bao la, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn cùng khắp thế gian, thành tựu an trú.’

“Tôn sư A-lan-na đã thuyết pháp cho đệ tử như vậy.

“ Tôn sư A-lan-na lại thuyết Phạm thế pháp [113] cho đệ tử. Khi Tôn sư A-lan-na thuyết Phạm thế pháp cho các đệ tử, [684b] nếu có vị nào không thực hành pháp ấy đầy đủ, thì sau khi thân hoại mạng chung, vị ấy sanh vào Tứ thiên vương hoặc sanh vào Tam thập tam thiên, hoặc sanh vào Diệm-ma thiên, hoặc sanh vào Đâu-suất-đà thiên, hoặc sanh vào Hóa lạc thiên, hoặc sanh vào Tha hóa lạc thiên. Còn lúc Tôn sư A-lan-na thuyết Phạm thế pháp cho các đệ tử, nếu vị nào phụng hành pháp ấy đầy đủ, tu bốn Phạm trụ [114], xả ly ái dục, thì sau khi thân hoại mạng chung, vị ấy được sanh vào cõi Phạm thiên.

“Bấy giờ Tôn sư A-lan-na nghĩ rằng: ‘Đến đời sau, ta không nên cùng với đệ tử sanh chung nơi. Vậy nay ta nên tu tăng thượng từ. Sau khi tu tăng thượng từ, mạng chung sẽ được sanh vào trong Hoảng dục thiên.’  Nghĩ vậy, sau đó Tôn sư A-lan-na liền tu tăng thượng từ, sau khi tu tăng thượng từ, mạng chung được sanh vào cõi Hoảng dục thiên. Tôn sư A-lan-na và các đệ tử đã tu học đạo không hư đối, được đại phước báo.

“Này các Tỳ-kheo, các ngươi nghĩ sao, Tôn sư A-lan-na thuở xưa ấy là ai khác chăng? Chớ nghĩ như vậy. Vì sao? Các Tỳ-kheo nên biết, vị ấy chính là Ta vậy. Bấy giờ Ta tên là Tôn sư A-lan-na. Lúc đó Ta có vô lượng trăm ngàn đệ tử. Ta đã thuyết Phạm thế pháp cho các đệ tử ấy. Lúc Ta thuyết Phạm thế pháp cho các đệ tử; có người phụng hành không đầy đủ pháp ấy, nên khi lâm chung, đã sanh vào Tứ thiên vương, hoặc Tam thập tam thiên, hoặc Diệm-ma thiên hoặc Đâu-suất-đà thiên, hoặc Hóa lạc thiên, hoặc Tha hóa lạc thiên. Còn lúc Ta thuyết Phạm thế pháp cho các đệ tử; có vị phụng hành đầy đủ pháp ấy, tu bốn Phạm thất, xả ly ái dục, thì sau khi mạng chung, được sanh vào cõi Phạm thiên. Bấy giờ Ta nghĩ rằng: ‘Đời sau Ta không nên cùng với các đệ tử sanh chung một nơi. Vậy nay ta nên tu tăng thượng từ. Sau khi tu tăng thượng từ, mạng chung sẽ được sanh vào cõi Hoảng dục thiên.’  Ta và các đệ tử bấy giờ tu học đạo không hư dối, được đại quả báo. Bấy giờ Ta làm lợi ích cho mình, làm lợi ích cho kẻ khác, làm lợi ích cho mọi người. Ta thương xót thế gian, mưu cầu thiện lợi và hữu ích, an ổn khoái lạc cho Trời và Người. Lúc ấy, Ta thuyết pháp chưa đến chỗ rốt ráo, chưa rốt ráo bạch tịnh, chưa rốt ráo Phạm hạnh, chưa thành tựu rốt ráo Phạm hạnh. Bấy giờ Ta chưa xa lìa được sự sanh, sự già, bệnh tật, sự chết, khóc lóc, áo não, cũng chưa thoát khỏi mọi khổ đau. Này các Tỳ-kheo, nay Ta là Bậc Xuất Thế, Như Lai, Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Nay Ta tự làm lợi cho mình, làm lợi ích cho kẻ khác, làm lợi ích cho mọi người. Ta thương xót thế gian, mưu cầu thiện lợi và hữu ích, an ổn, khoái lạc cho Trời và Người. Nay Ta thuyết pháp đã đến chỗ rốt ráo, rốt ráo bạch tịnh, rốt ráo Phạm hạnh, thành tựu Phạm hạnh. Nay Ta đã xa lìa sự sanh, sự già, tật bệnh, sự chết, khóc lóc, áo não. Nay Ta đã thoát khỏi mọi khổ đau.

“Này các Tỳ-kheo, nếu có người nói đúng, thì sẽ nói rằng: ‘Mạng sống con người ngắn ngủi, phút chốc đã qua đời khác; do đó cần phải làm các việc lành, cần tu Phạm hạnh, vì đã sanh ra không thể không chết.’  Này các Tỳ-kheo, nay nói như thế là nói đúng. Vì sao? Vì nay có ai trường thọ thì lâu lắm là một trăm tuổi, hoặc quá hơn một ít nữa mà thôi. Nếu ai trường thọ, thì sống được ba trăm mùa, một trăm mùa xuân, một trăm mùa hạ, một trăm mùa đông. Như vậy sống được một ngàn hai trăm tháng; bốn trăm tháng mùa xuân, bốn trăm tháng mùa hạ, bốn trăm tháng mùa đông. Sống một ngàn hai trăm tháng là sống hai ngàn bốn trăm nửa tháng, tám trăm mùa xuân, tám trăm mùa hạ, tám trăm mùa đông. Sống [684c] hai ngàn bốn trăm nửa tháng là ba vạn sáu ngàn ngày đêm; một vạn hai ngàn mùa xuân, một vạn hai ngàn mùa hạ, một vạn hai ngàn mùa đông. Sống ba vạn sáu ngàn ngày đêm là bảy vạn hai ngàn lần ăn với nghỉ ăn và bú sữa mẹ.

“Về sự nghỉ ăn [115], đó là khổ không ăn, sân không ăn, bệnh không ăn, bận việc không ăn, đi đường không ăn, đến chỗ nhà vua không ăn, ngày trai không ăn, thất bại [116] không nên ăn.

“Này các Tỳ-kheo, đó là sự sống trong một trăm năm. Trong một trăm năm ấy với bao nhiêu mùa; với bấy nhiêu mùa có bao nhiêu tháng, với bấy nhiêu tháng nửa tháng, bao nhiêu ngày, bao nhiêu đêm, bao nhiêu ngày đêm, bao nhiêu lần ăn, bao nhiêu lần nghỉ ăn, bao nhiêu lần ăn và nghỉ ăn.

“Này các Tỳ-kheo, như một Tôn sư khởi tâm đại bi đoái tưởng, xót thương, mưu cầu thiện lợi ích, an ổn khoái lạc cho đệ tử; sự việc ấy Ta đã làm xong. Các ngươi hãy nên làm như vậy: Hãy đến nơi rừng vắng, nơi rừng sâu núi thẳm, hay dưới gốc cây, nơi yên tĩnh an ổn mà tĩnh tọa tư duy, không được phóng dật, luôn luôn tinh tấn, đừng để hối hận về sau. Đó là lời khuyến giáo của Ta. Đó là huấn thị của ta.”

Đức Phật thuyết như vậy, các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành. [117]

161. KINH PHẠM-MA

 [883b10]Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại nước Vi-đề-hi [118], cùng với đại chúng Tỳ-kheo.

Bấy giờ ở Di-tát-la [119] có  Bà-la-môn tên là Phạm-ma [120] giàu có, của cải vô lượng, sản nghiệp chăn nuôi không thể tính toán, phong hộ, thực ấp đầy đủ mọi thứ. Di-tát-la này, cho đến nước, cỏ, cây, đều là đặc tặng, là ân tứ của A-xà-thế, con bà Vi-đề-hi, vua nước Ma-kiệt-đà [121].  Bà-la-môn Phạm-ma có một Ma-nạp tên là Ưu-đa-la [122] được cha mẹ sanh ra với sự thọ sanh thanh tịnh cho đến bảy đời cha mẹ, chủng tộc không tuyệt, đời đời không bị, học rộng, thông suốt, tụng đọc hết bốn loại kinh điển, thấu triệt nhân duyên, chánh văn, hí truyện, và thứ năm là cú thuyết. [123]  Bà-la-môn Phạm-ma nghe có Sa-môn Cù-đàm, con dòng tộc Thích, đã từ giả dòng họ Thích, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, đang trú tại nước Bệ-đà-đề cùng với chúng Đại Tỳ-kheo. Sa-môn Cù-đàm ấy có danh tiếng lớn lao, muời phương đều nghe: ‘Sa-môn Cù-đàm là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Vị ấy ở trong thế gian này giữa chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn,  Bà-la-môn, từ loài người cho đến loài trời, tự tri tự giác, tự tác chứng, thành tựu và an trụ. Pháp mà vị ấy thuyết, khoảng đầu thiện, khoảng giữa thiện, cứu cánh cũng thiện, có nghĩa, có văn, hiển hiện phạm hạnh thanh tịnh trọn đủ.’  

Lại nghe rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm thành tựu ba mươi hai tướng của bậc Đại nhân. Nếu ai thành tựu tướng của Đại nhân, thì chắc chắn có hai trường hợp chân thực không sai lầm. Đó là, nếu vị ấy ở tại gia thì chắc chắn làm Chuyển luân vương, [124] thông minh, trí tuệ, có bốn loại quân, chỉnh trị thiên hạ, tự do, tự tại, là pháp vương như pháp, thành tựu bảy báu. Bảy báu đó là xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu và tướng quân báu. Đó là bảy báu. Nhà vua có đủ một ngàn người con, dung mạo khôi ngô, dõng mãnh, không sợ, hàng phục được địch quân, chắc chắn thống lãnh toàn [685b] cõi đất này, cho đến bể cả, không dùng đao gậy, chỉ đem pháp giáo hóa, khiến dân an ổn. Và nếu vị ấy cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, thì chắc chắn đắc quả Như Lai, Bậc Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác, tiếng tăm lan khắp, mười phương đều nghe.’  

 Bà-la-môn Phạm-ma nghe vậy, liền bảo:

“Này Ưu-đa-la, ta nghe như thế này: 'Sa-môn Cù-đàm, con dòng tộc Thích, đã từ giã dòng họ Thích, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, đang trú tại nước Bệ-đà-đề cùng với chúng Đại Tỳ-kheo. Sa-môn Cù-đàm ấy có danh tiếng lớn lao, muời phương đều nghe: ‘Sa-môn Cù-đàm là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Chúng Hựu. Vị ấy ở trong thế gian này giữa chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn,  Bà-la-môn, từ loài người cho đến loài trời, tự tri tự giác, tự tác chứng, thành tựu và an trụ. Pháp mà vị ấy thuyết, khoảng đầu thiện, khoảng giữa thiện, cứu cánh cũng thiện, có nghĩa, có văn, hiển hiện phạm hạnh thanh tịnh trọn đủ.’  Lại nghe rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm thành tựu ba mươi hai tướng của bậc Đại nhân. Nếu ai thành tựu tướng của Đại nhân, thì chắc chắn có hai trường hợp chân thực không sai lầm. Đó là, nếu vị ấy ở tại gia thì chắc chắn làm Chuyển luân vương, thông minh, trí tuệ, có bốn loại quân, chỉnh trị thiên hạ, tự do, tự tại, là pháp vương như pháp, thành tựu bảy báu. Bảy báu đó là xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu và tướng quân báu. Đó là bảy báu. Nhà vua có đủ một ngàn người con, dung mạo khôi ngô, dõng mãnh, không sợ, [685c] hàng phục được địch quân, chắc chắn thống lãnh toàn cõi đất này, cho đến bể cả, không dùng đao gậy, chỉ đem pháp giáo hóa, khiến dân an ổn. Và nếu vị ấy cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, thì chắc chắn đắc quả Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, tiếng tăm lan khắp, mười phương đều nghe.’  Ngươi có biết như vậy chăng?”

Ưu-đà-la đáp:

“Thưa Tôn sư, con thọ trì các kinh, có biết về ba hai tướng của bậc Đại nhân, và biết rằng, nếu ai thành tựu tướng của bậc Đại nhân, thì chắc chắn có hai trường hợp chân thật, không sai lầm: đó là, nếu vị ấy ở tại gia, thì chắc chắn làm Chuyển luân vương, thông minh, trí tuệ, có bốn loại quân, chỉnh trị thiên hạ, tự do, tự tại, là pháp vương như pháp, thành tựu bảy báu. Bảy báu đó là xe báu, voi báu, ngựa báu, nữ báu, cư sĩ báu, và tướng quân báu. Đó là bảy báu. Nhà vua có đủ một ngàn người con dung mạo khôi ngô, dõng mãnh, không sợ, hàng phục nổi địch quân. Vị ấy chắc chắn thống lãnh toàn cõi đất này, cho đến bể cả, không dùng đao gậy, đem pháp giáo hóa, khiến dân an ổn. Và nếu vị ấy cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, thì chắc chắn đắc quả Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, tiếng tăm lan khắp, mười phương đều nghe.”

Nghe vậy,  Bà-la-môn Phạm-ma bảo:

“Này Ưu-đa-la, ngươi hãy đến chỗ Sa-môn Cù-đàm, xem Sa-môn Cù-đàm có đúng như thế, hay không đúng như thế, quả thực có ba mươi hai tướng của Đại nhân chăng?”

Ma-nạp Ưu-đa-la nghe bảo như vậy, liền cúi đầu đảnh lễ sát chân  Bà-la-môn Phạm-ma, đi quanh ba vòng, rồi lui ra, đi đến chỗ Đức Phật. Chào hỏi xong, ông ngồi qua một bên, quan sát ba mươi hai tướng trên thân Đức Thế Tôn. Ma-nạp ấy thấy trên thân Ngài có ba mươi tướng, còn nghi ngờ về hai tướng, đó là tướng mã âm tàng và tướng lưỡi rộng dài.

Bấy giờ Đức Thế Tôn thầm nghĩ: "Ưu-đa-la này với ba mươi hai tướng của Ta, chỉ thấy được ba mươi tướng, còn nghi ngờ về hai tướng là mã âm tàng và tướng lưỡi rộng dài; nay Ta nên trừ mối nghi ngờ ấy." Nghĩ vậy, Đức Thế Tôn liền như vậy mà hiện thần thông. Sau khi Thế Tôn bằng như vậy mà hiện thần thông, Ma-nạp Ưu-đa-la thấy được tướng mã âm tàng và tướng lưỡi rộng dài trên thân Đức Thế Tôn. Tướng lưỡi rộng dài là khi le ra, lưỡi phủ khắp cả mặt.

Khi đã trông thấy, Ưu-đa-la Ma-nạp [686a] nghĩ: ‘Sa-môn Cù-đàm thành tựu ba mươi hai tướng của bậc Đại nhân, chắc chắn có hai trường hợp chân thật, không sai lầm: đó là, nếu vị ấy ở tại gia, thì chắc chắn làm Chuyển luân vương, thông minh, trí tuệ, có bốn loại quân, chỉnh trị thiên hạ, tự do, tự tại, là pháp vương như pháp, thành tựu bảy báu. Bảy báu đó là xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu và tướng quân báu. Đó là bảy báu. Nhà vua có đủ một ngàn người con, dung mạo khôi ngô, dõng mãnh, không sợ, hàng phục nổi địch quân. Vị ấy chắc chắn thống lãnh toàn cõi đất này, cho đến biển cả, không dùng đao gậy, đem pháp giáo hoá, khiến dân an ổn. Và nếu vị ấy cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, thì chắc chắn đắc quả Như Lai, Bậc Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác, tiếng tăm lan khắp, mười phương đều nghe.’

Ma-nạp Ưu-đa-la lại nghĩ: “Ta nên quán sát kỹ về oai nghi, lễ tiết và nơi Cù-đàm du hành.” Nghĩ vậy, Ma-nạp Ưu-đa-la lẽo đẽo theo Đức Phật, trong bốn tháng hạ, quán sát oai nghi, lễ tiết và nơi Đức Phật du hành. Qua bốn tháng hạ, Ma-nạp Ưu-đa-la cảm thấy sung sướng khi đã quán sát oai nghi, lễ tiết và nơi Đức Phật du hành, liền thưa:

“Thưa Cù-đàm, con nay có việc muốn trở về, xin từ giã Cù-đàm.”

Thế Tôn bảo:

“Này Ưu-đa-la, ngươi cứ đi, tùy ý.”

Ma-nạp Ưu-đa-la nghe Đức Thế Tôn nói như vậy, khéo thọ trì, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đi quanh ba vòng rồi lui ra, đi đến chỗ  Bà-la-môn Phạm-ma, cúi đầu đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên.  Bà-la-môn Phạm-ma hỏi:

“Này Ưu-đa-la, có quả như lời đồn, Sa-môn Cù-đàm có tiếng tăm lớn, mười phương đều nghe, đúng như vậy hay không đúng như vậy? Quả Cù-đàm có ba mươi hai tướng của bậc Đại nhân chăng?”

Ma-nạp Ưu-đa-la đáp:

“Đúng như vậy, thưa Tôn sư. Quả như lời đồn, Sa-môn Cù-đàm có tiếng tăm lớn, mười phương đều nghe. Sa-môn Cù-đàm quả thực như vậy, chứ không phải không thực như vậy, thực có ba mươi hai tướng của bậc Đại nhân.

“Sa-môn Cù-đàm có lòng bàn chân bằng phẳng, đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm. [125]

“Lại nữa, thưa Tôn sư, lòng bàn chân của Sa-môn Cù-đàm có hình bánh xe. Bánh xe có một ngàn tăm và đầy đủ các bộ phận. Đó là tướng của Đại nhan Sa-môn Cù-đàm.

“Lại nữa, ngón chân của Sa-môn Cù-đàm thon dài. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm.

“Lại nữa, [686b] mu bàn chân của Sa-môn Cù-đàm thì ngay ngắn. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm.

“Lại nữa, ở phía sau hai bên mắt cá của gót chân Sa-môn Cù-đàm thì đầy đặn, bằng phẳng. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm.

“Lại nữa, hai mắt cá nơi bàn chân của Sa-môn Cù-đàm thì nhỏ. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm.

“Lại nữa, lông ở thân thể Sa-môn Cù-đàm mọc hướng lên. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm.

“Lại nữa, bàn tay và bàn chân của Sa-môn Cù-đàm có màng lưới như nhạn chúa. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm.

“Lại nữa, tay chân của Sa-môn Cù-đàm rất đẹp, mềm mại xòe ra như hoa đâu-la. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm.

“Lại nữa, da thịt của Sa-môn Cù-đàm mịm màng, bụi nước không dính được. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm.

“Lại nữa, mỗi một lỗ chân lông ở trên thân của Sa-môn Cù-đàm mọc một sợi lông màu xanh lóng lánh, xoáy ốc về phía bên phải. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm.

“Lại nữa, đùi của Sa-môn Cù-đàm như đùi của nai chúa. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm.

Lại nữa, mã âm tàng của Sa-môn Cù-đàm giống như ngựa chúa tốt. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm.

“Lại nữa, thân hình của Sa-môn Cù-đàm cân xứng, đẹp đẽ cũng giống như cây ni-câu-loại, trên dưới hoàn toàn tương xứng. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm.

“Lại nữa, thân hình Sa-môn Cù-đàm không gù, không còng. Thân không còng nghĩa là đứng thẳng mà duỗi tay, thì sờ tận đầu gối. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm.

“Lại nữa, thân của Sa-môn Cù-đàm màu vàng, giống như màu vàng tía. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm.

“Lại nữa, thân của Sa-môn Cù-đàm có bảy chỗ đầy đặn. Bảy chỗ đầy đặn là hai bàn tay, hai bàn chân, hai vai và cổ. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm.

“Lại nữa, thân của Sa-môn Cù-đàm phần trên lớn giống như thân sư tử. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm.

“Lại nữa, quai hàm của Sa-môn Cù-đàm như của sư tử. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm.

“Lại nữa, xương sống và lưng của Sa-môn Cù-đàm thẳng bằng. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn [686c] Cù-đàm.

“Lại nữa, trên hai vai của Sa-môn Cù-đàm liên tiếp qua cổ đầy đặn, bằng phẳng. Đó là tướng của đại nhân Sa-môn Cù-đàm.

“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm có bốn mươi cái răng, trắng đều đặn, răng không khuyết hở, răng trắng trong, có mùi vị bậc nhất. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm.

“Lại nữa, tiếng nói của Sa-môn Cù-đàm đáng ưa như tiếng trời Phạm thiên, âm thanh như tiếng chim ca-lăng-tần-già. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm.

“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm có lưỡi rộng dài. Lưỡi rộng dài là lưỡi khi le ra trùm khắp cả mặt. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm.

“Lại nữa, khóe mắt của Sa-môn Cù-đàm đầy như của trâu chúa. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm.

“Lại nữa, mắt của Sa-môn Cù-đàm màu xanh lóng lánh. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm.

“Lại nữa, đỉnh đầu của Sa-môn Cù-đàm có nhục kế, tròn, cân đối, xoáy tròn về hướng phải như vỏ ốc. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm.

“Lại nữa, giữa hai hàng lông mày của Sa-môn Cù-đàm có sợi lông trắng trong, mọc xoáy về hướng phải. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm.

“Sa-môn Cù-đàm đã thành tựu ba mươi hai tướng của bậc Đại nhân như vậy. Nếu ai thành tựu tướng của bậc Đại nhân thì chắc chắn có hai trường hợp, chân thật, không sai lầm: đó là, nếu vị ấy ở tại gia thì làm Chuyển luân vương, thông minh, trí tuệ, có bốn loại quân, chỉnh trị thiên hạ, tự do, tự tại, là pháp vương như pháp, thành tựu bảy báu. Bảy báu đó là: xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu và tướng quân báu. Đó là bảy báu. Nhà vua có đủ một ngàn người con, dung mạo khôi ngô, dõng mãnh, không sợ, hàng phục được quân địch, chắc chắn thống lãnh toàn cõi đất này, cho đến bể cả, không dùng đao gậy, đem pháp giáo hóa khiến dân an ổn. Và nếu vị ấy cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, thì chắc chắn đắc quả Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, tiếng tăm vang khắp mười phương đều nghe.

“Lại nữa, thưa Tôn sư, con thấy Sa-môn Cù-đàm lúc đang khoác y, lúc đã khoác y; lúc đang quấn y, lúc đã quấn y; lúc ra khỏi phòng, đã ra khỏi phòng; lúc ra khỏi vườn, đã ra khỏi; đang trên đường đi đến thôn xóm, lúc đã vào thôn xóm; đứng ở đường hẻm, đang vào nhà, đã vào; đang sửa giường, đã sửa giường; đang ngồi, đã ngồi; đang rửa tay, [687a] đã rửa tay; đang nhận đồ ăn, thức uống, đã nhận; đang ăn, đã ăn; sau khi rửa tay, chú nguyện xong, từ chỗ ngồi đứng dậy, đang ra khỏi, đã ra khỏi nhà; đến đường hẻm, đang ra khỏi thôn xóm, đã ra khỏi; lúc đang vào vườn [126], đã vào; đang vào phòng, đã vào.

“Thưa Tôn sư, Sa-môn Cù-đàm khoác y ngay ngắn, không cao không thấp, áo không bó sát thân, gió không thể thổi tung khiến y tuột khỏi thân.

“Thưa Tôn sư, Sa-môn Cù-đàm quấn y ngay ngắn, không cao không thấp, y không bó sát thân, gió không thể thổi tung khiến y tuột khỏi thân.

“Thưa Cù-đàm, Sa-môn Cù-đàm mỗi khi đắp y mới, tùy thuận Thánh nhân, dùng dao cắt ra từng miếng rồi may lại, nhuộm thành hoại sắc, cũng như y hoại sắc của bậc Thánh đã nhuộm. Vị ấy đắp y không phải vì của cải, không phải vì cống cao, không phải để trang sức, không phải để cho oai vệ, mà chỉ để ngăn chặn muỗi mòng và tránh sự ma sát của gió và nắng, và vì sự hổ thẹn, nên phải che kín thân thể.

“Thưa Tôn sư, khi ra khỏi phòng, Sa-môn Cù-đàm thân không cúi xuống, cũng không ngước lên, ra khỏi phòng thân không bao giờ cúi thấp.

“Thưa Tôn sư, Sa-môn Cù-đàm lúc muốn đi, trước hết bước chân bên phải, dở chân lên, để chân xuống một cách chững chạc, đi không gây thành tiếng động, không đi quàng xiên; lúc đi, hai gót chân không bao giờ chạm nhau. Thưa Tôn sư, Sa-môn Cù-đàm lúc đi không bị bụi dính vào. Vì sao? Vì nhờ thiện hành thuở trước.

“Thưa Tôn sư, lúc ra khỏi vườn, Sa-môn Cù-đàm thân không cúi xuống, không ngước lên, lúc ra khỏi vườn, thân không bao giờ cúi thấp. Đi đến xóm làng, thân luôn luôn quay về lối phải, quán sát như cái nhìn của một con voi chúa nhìn khắp nơi, không hãi, không sợ, cũng không khiếp đảm, xem khắp các phương. Vì sao? Vì là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác. Thưa Tôn sư, lúc vào thôn xóm, thân không cúi xuống, không ngước lên, lúc vào thôn xóm, Sa môn Cù-đàm không bao giờ cúi thấp.

“ Lúc ở đường hẻm Sa-môn Cù-đàm không cúi xuống mà nhìn cũng không ngước lên mà trông, chỉ nhìn ngay thẳng, trong đó không có gì ngăn ngại đối với sự thấy và biết.

“Thưa Tôn sư, Sa-môn Cù-đàm có các căn thường định. Vì sao? Vì nhờ thiện hành thuở trước.

“Thưa Tôn sư, lúc vào nhà, Sa-môn Cù-đàm thân không cúi xuống, không ngước lên; lúc vào nhà thân không bao giờ cúi thấp.

“Thưa ôn sư, Sa-môn Cù-đàm xoay mình lại thì xoay theo hướng phải, ngồi trên giường kê ngay ngắn; không ngồi lên giường một cách nặng nề, cũng không chống tay dưới trôn mà ngồi; khi đã ngồi, không thấy táy máy, không bức rức, cũng không ham thích; lúc thọ nhận nước rửa, không cao, không thấp, không nhiều, không ít; thọ nhận đồ ăn thức uống, cũng không cao, không thấp, không nhiều, không ít.

“Thưa Tôn sư, [687b] Sa-môn Cù-đàm thọ thực ngang bình bát; canh và cơm bằng nhau.

“Thưa Tôn sư, Sa-môn Cù-đàm bốc thức ăn chỉnh tề, từ từ bỏ vào miệng, khi thức ăn chưa đến thì không há miệng ra mà đợi sẵn, khi thức ăn đã vào miệng thì nhai ba lần mới nuốt, không có miếng cơm hay canh nào mà không nghiền nát, thức ăn còn lại trong miệng thì nuốt xuống hết rồi mới bốc nắm khác.

“Thưa Tôn sư, Sa-môn Cù-đàm do ba việc thanh tịnh [127] mà ăn, cảm giác được vị lúc ăn [128], nhưng không nhiễm trước vào vị. Vị ấy không phải ăn vì của cải, không vì cống cao, không vì trang sức, không vì oai vệ, mà chỉ muốn bảo tồn thân thể sống lâu, không tai hoạn, để ngăn chận bệnh cũ, không sanh bệnh mới, duy trì sự sống không tai hoạn, sức khỏe, an lạc [129]. Ăn xong, vị ấy dùng nước rửa tay, không cao, không thấp, không nhiều, không ít; dùng nước rửa bát, không cao, không thấp, không nhiều, không ít. Sau khi rửa tay sạch, thì bát cũng sạch; rửa bát sạch thì tay cũng sạch; lau tay rồi lau bát; lau bát rồi lau tay. Khi đã rửa và lau bát xong, để đặt xuống một bên, không gần, không xa, không nhìn hoài vào bát, cũng không lơ là bát. Sa-môn Cù-đàm không chê thức ăn này, cũng không khen thức ăn kia, chỉ im lặng. Ăn xong, thuyết pháp cho các cư sĩ, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi bằng vô lượng phương tiện thuyết pháp, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ, vị ấy liền từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.

“Thưa Tôn sư, Sa-môn Cù-đàm lúc ra khỏi nhà, thân không cúi xuống, ngước lên; lúc ra khỏi nhà, thân không bao giờ cúi xuống. Lúc ở tại đường cái, ngõ hẻm, không cúi nhìn xuống, cũng không ngước lên, chỉ nhìn thẳng đằng trước, trong đó không có gì ngăn ngại đối với sự biết và sự thấy.

“Thưa Tôn sư, Sa-môn Cù-đàm có các căn thường định. Vì sao? Vì nhờ thiện hành thuở trước.

“Thưa Tôn sư, Sa-môn Cù-đàm lúc ra khỏi thôn, thân không cúi xuống, ngước lên; lúc ra khỏi thôn, thân không bao giờ cúi xuống.

“Thưa Tôn sư, Sa-môn Cù-đàm lúc đi vào vườn, thân không cúi xuống, ngước lên; lúc đi vào vườn thân không bao giờ cúi xuống.

“Thưa Tôn sư, sau bữa ăn trưa, Sa-môn Cù-đàm thu dọn y, bát, rửa tay chân, lấy ni-sư-đàn vắt lên vai vào phòng tĩnh tọa. Thưa Tôn sư, Sa-môn Cù-đàm vào phòng tĩnh tọa để làm lợi ích cho thế gian.

“Thưa Tôn sư, vào lúc xế, Sa-môn Cù-đàm từ chỗ tĩnh tọa đứng dậy, sắc diện trong sáng. Vì sao? Vì là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác.

“Thưa Tôn sư, Sa-môn Cù-đàm từ miệng phát ra với tám thứ âm thanh, một là sâu sắc, hai là tỳ-ma-lâu-bá [130], ba là nhập tâm, bốn là khả ái, năm là rất đầy, [687c] sáu là sống động, bảy là rõ ràng, tám là có trí, khiến cho mọi người mến chuộng, mọi người ưa thích, mọi người ghi nhớ, sẽ được định tâm.

“Thưa Tôn sư, Sa-môn Cù-đàm thuyết pháp tùy theo chúng; âm thanh không ra ngoài chúng, chỉ vừa ở trong chúng. Thuyết pháp cho chúng, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ, Ngài liền từ chỗ ngồi đứng dậy trở về chỗ cũ.

“Thưa Tôn sư, Sa-môn Cù-đàm là như thế đó, có những cái thù thắng hơn nữa. Con muốn đến theo học Phạm hạnh với Sa-môn Cù-đàm.”

 Bà-la-môn Phạm-ma đáp:

“Tùy ý ngươi.”

Rồi thì, Ma-nạp Ưu-đa-la cúi đầu đảnh lễ sát chân  Bà-la-môn Phạm-ma, đi quanh ba vòng rồi lui ra, đi đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ sát chân Ngài, ngồi qua một bên và thưa:

“Bạch Thế Tôn, con nay xin theo Thế Tôn học đạo, thọ Cụ túc giới, trở thành Tỳ-kheo, để được theo Thế Tôn tu hành phạm hạnh.”

Bấy giờ Đức Thế Tôn độ cho Ma-nạp Ưu-đa-la, cho theo học đạo, cho thọ Cụ túc. Sau khi độ cho Ma-nạp Ưu-đa-la, cho theo học đạo, cho thọ Cụ túc, Thế Tôn du hành tại nước Vi-đề-hi cùng đại chúng Tỳ-kheo, lần hồi đi lên Di-tát-la, trú ở rừng xoài Đại thiên [131] trong xứ ấy.

Các cư sĩ ở Di-tát-la nghe rằng: “Sa-môn Cù-đàm là con dòng họ Thích, từ bỏ thân tộc, xuất gia học đạo, đang du hành tại nước Vi-đề-hi cùng đại chúng Tỳ-kheo, lần hồi đi lên Di-tát-la, trú ở rừng xoài Đại thiên trong xứ ấy. Sa-môn Cù-đàm có tiếng tăm lớn, mười phương đều nghe: ‘Sa-môn Cù-đàm là Như Lai, Bậc Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn; Sa-môn ấy ở đời này, giữa chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn,  Bà-la-môn từ Người đến Trời, mà tự tri, tự giác, tự thân chứng đắc, thành tựu an trú; vị ấy thuyết pháp phần đầu thiện, phần giữa thiện và phần cuối cũng thiện, có nghĩa, có văn, đầy đủ thanh tịnh, hiển hiện phạm hạnh.’  Nếu ai chiêm ngưỡng đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, mà kính trọng lễ bái, cúng dường, thừa sự thì sẽ được thiện lợi, vui thay! Chúng ta nên cùng nhau đến chiêm ngưỡng Sa-môn Cù-đàm và lễ bái, cúng dường.”

Rồi thì,  Bà-la-môn cư sĩ ở Di-tát-la, mỗi hạng có quyến thuộc tháp tùng, từ Di-tát-la đi đến hướng bắc, đến rừng xoài Đại thiên, muốn chiêm ngưỡng Thế Tôn, lễ bái, cúng dường. Khi đã đến chỗ Đức Phật, trong số  [688a] Bà-la-môn cư sĩ ấy, có người cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật rồi ngồi sang một bên; có người chấp tay hướng về Đức Phật rồi ngồi sang một bên, có người từ xa nhìn dức Phật, rồi im lặng ngồi xuống. Khi các cư sĩ  Bà-la-môn Di-tát-la đã ngồi xong, Đức Phật thuyết pháp cho họ, khuyến phát tâm khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi Đức Phật dùng vô lượng phương tiện thuyết pháp cho họ, khuyến phát tâm khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ, Ngài ngồi im lặng.

Bà-la-môn Phạm-ma nghe rằng: “Sa-môn Cù-đàm con dòng họ Thích, từ bỏ tông tộc họ Thích, xuất gia học đạo, du hành tại nước Vi-đề-hi cùng chúng Đại Tỳ-kheo, lần hồi đi đến nước Di-tát-la, trú ở rừng xoài Đại thiên. Sa-môn Cù-đàm có tiếng tăm lớn lao, mười phương đều nghe. Sa-môn ấy là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trương Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Vị ấy ở đời này, giữa chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn,  Bà-la-môn, từ Người đến Trời mà tự tri, tự giác, tự thân chứng đắc, thành tựu an trú. Sa-môn Cù-đàm thuyết pháp phần đầu thiện, phần giữa thiện, phần cuối cũng thiện, có nghĩa, có văn, đầy đủ thanh tịnh, hiển hiện Phạm hạnh. Nếu ai chiêm ngưỡng Như Lai, Bậc Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác, kính trọng, lễ bái, cúng dường, thừa sự thì sẽ được thiện lợi, an vui. Vậy, ta nên đến chiêm ngưỡng Sa-môn Cù-đàm và lễ bái cúng dường.”

 Bà-la-môn Phạm-ma bảo người đánh xe:

“Ngươi hãy sửa soạn xe. Ta muốn đi đến chỗ Sa-môn Cù-đàm.”

Người đánh xe vâng lời, sửa soạn xe xong, trở lại thưa:

“Xe đã sửa soạn xong, mong Tôn sư tự biết thời.”

Rồi Phạm-ma dùng cỗ xe rất xinh đẹp, từ Di-tát-la đi đến hướng Bắc, đến rừng xoài Đại thiên để chiêm ngưỡng Thế Tôn và lễ bái, cúng dường. Bấy giờ Đức Thế Tôn đang thuyết pháp cho vô lượng đồ chúng ngồi vây quanh trước sau. Bà-la-môn Phạm-ma từ xa trông thấy Thế Tôn đang thuyết pháp cho vô lượng đồ chúng ngồi vây quanh trước sau. Thấy vậy, Phạm-ma khiếp sợ, liền rẽ qua một bên lề đường dừng lại dưới gốc cây, bảo một Ma-nạp rằng:

“Ngươi hãy đến chỗ Sa-môn Cù-đàm, thay ta thăm hỏi thế này: ‘Thưa Cù-đàm, Thánh thể có khang kiện, an lạc, không bệnh, đi đứng thoải mái, khí lực như thường chăng?’ Ngươi hãy nói như thế này: ‘Thưa Cù-đàm Tôn sư Phạm-ma của con xin kính lời thăm hỏi Ngài Thánh thể có khang kiện, an lạc, không bệnh, đi đứng thoải mái, khí lục như thường chăng? Tôn sư Phạm-ma của con muốn đến chiêm ngưỡng Sa-môn Cù-đàm.’  ”

Bấy giờ Ma-nạp [688b] vâng lời, đến chỗ Phật, chào hỏi rồi ngồi qua một bên thưa:

“Thưa Cù-đàm, Tôn sư Phạm-ma của con có lời thăm hỏi rằng: ‘Thánh thể Cù-đàm có khang kiện, an lạc, không bệnh, đi đứng thoải mái, có khí lực như thường chăng?’ Thưa Cù-đàm, Tôn sư Phạm-ma của con muốn đến chiêm ngưỡng Sa-môn Cù-đàm.”

Đức Thế Tôn bảo:

“Này Ma-nạp, mong cho  Bà-la-môn Phạm-ma an ổn khoái lạc, mong cho Trời và Người, A-tu-la, Càn-thát-bà, La-sát và các chủng loại khác, được an ổn khoái lạc. Này Ma-nạp,  Bà-la-môn Phạm-ma muốn đến thì tùy ý.”

Nghe Đức Phật nói như vậy, Ma-nạp khéo thọ trì, từ chỗ ngồi đứng dậy, đi quanh Phật ba vòng rồi lui ra, trở về chỗ  Bà-la-môn Phạm-ma và thưa:

“Thưa Tôn sư, con đã thưa như vậy với Sa-môn Cù-đàm. Sa-môn Cù-đàm hiện đang đợi Tôn sư. Mong Tôn sư biết thời.”

 Bà-la-môn Phạm-ma bèn bước xuống, đi đến chỗ Phật. Chúng kia từ xa trông thấy Phạm-ma đi đến, bèn đứng dậy tránh đường. Vì sao? Vì là người có danh đức, và nổi tiếng.

 Bà-la-môn Phạm-ma nói với chúng kia rằng:

“Chư Hiền, mời các vị ngồi lại chỗ cũ. Tôi muốn đi thẳng đến thăm Sa-môn Cù-đàm.”

Rồi Phạm-ma đi đến chỗ Phật, chào hỏi xong, ngồi sang một bên.

Lúc bấy giờ, hai căn của Phạm-ma, nhãn căn và nhĩ căn, chưa bị hủy hoại. Sau khi ngồi xuống, Phạm-ma quán sát kỹ ba mươi hai tướng nơi thân Phật. Ông thấy ba mươi tướng. Hai tướng còn ngờ; đó là mã âm tàng và tướng lưỡi rộng dài.  Bà-la-môn Phạm-ma nói bài kệ để hỏi Đức Thế Tôn:

Như trước tôi từng nghe,

Đại nhân ba hai tướng.

Nay xem thân Cù-đàm,

Trong đó, thiếu hai tướng,

Mã âm tàng có chăng,

Kín nhiệm, Bậc Tôn Quý?

Tại sao nay Tối Tôn,

Không hiện lưỡi vi diệu?

Nếu có lưỡi rộng dài,

Mong tôi nay được thấy.

Nay tôi thật nghi hoặc,

Mong Điều Ngự giải trừ.

Thế Tôn nghĩ rằng: “Bà-la-môn Phạm-ma này muốn tìm ba mươi hai tướng nơi thân Ta, nay chỉ thấy được ba mươi tướng, còn nghi ngờ về hai tướng là tướng mã âm tàng và tướng lưỡi rộng dài. Nay Ta nên trừ mối nghi hoặc ấy.” Đức Thế Tôn biết thế, nên như vậy mà thị hiện như ý túc. Sau khi Thế Tôn như vậy mà thị hiện như ý túc,  Bà-la-môn Phạm-ma thấy được tướng mã âm tàng và lưỡi rộng dài trên thân Đức Thế Tôn. Trong đó, tướng lưỡi rộng và lưỡi khi từ [688c] trong miệng le ra trùm khắp cả mặt. Đức Thế Tôn thâu lại như ý túc, nói cho Phạm-ma nghe bài tụng:

Trước đây ông từng nghe,

Đại nhân ba hai tướng,

Tất cả trên thân Ta,

Tròn đầy, chánh tối thượng.

Điều Ngự đoạn trừ nghi,

Bà-la-môn phát diệu tín,

Thực khó được thấy nghe,

Bậc Chánh Giác tối thượng.

Quả rất hiếm ra đời,

Bậc Chánh Giác tối thượng,

 Bà-la-môn, Ta Chánh Giác,

Chánh pháp Vô thượng vương.

 Bà-la-môn Phạm-ma nghe vậy liền nghĩ: "Sa-môn Cù-đàm này thành tựu ba mươi hai tướng của bậc Đại nhân. Ai thành tựu tướng của bậc Đại nhân, thì chắc chắn có hai trường hợp chân thật không sai lầm: ấy là nếu vị ấy ở tại gia, thì chắc chắn làm Chuyển luân vương, thông minh trí tuệ, có bốn loại quân, chỉnh trị thiên hạ, tự do, tự tại, là pháp vương như pháp, thành tựu bảy báu. Bảy báu ấy là xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu, và tướng quân báu. Đó là bảy báu. Nhà vua có đủ một ngàn người con, dung mạo khôi ngô, dõng mãnh, không sợ, hàng phục được địch quân. Vị ấy chắc chắn thống lãnh toàn cõi đất này, cho đến bể cả, không dùng đao gậy, đem pháp giáo hóa, khiến dân an lạc. Và nếu vị ấy cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, thì chắc chắn đắc quả Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, tiếng tăm lan khắp mười phương đều nghe."

Bấy giờ Đức Thế Tôn nghĩ như thế này: “Bà-la-môn Phạm-ma này không bao giờ dua nịnh, lừa dối, nếu muốn hỏi điều gì là vì muốn biết, chớ không phải để quấy rầy.  Bà-la-môn ấy cũng vậy, Ta nên thuyết A-tỳ-đàm thậm thâm cho vị ấy.” Đức Thế Tôn biết như vậy, liền nói cho  Bà-la-môn Phạm-ma nghe bài tụng:

Vì pháp lạc đời nay,

Và ích lợi đời sau,

 Bà-la-môn hãy hỏi,

Tùy những điều đã nghĩ.

Bà-la-môn hỏi các điều,

Ta đoạn nghi cho ông.

Thế Tôn đã cho phép,

Bà-la-môn Phạm-ma hỏi.

Thế Tôn về những điều,

Tùy theo ý đã nghĩ.

Thế nào là  Bà-la-môn?

Tam đạt [132] có nghĩa gì,

 [689a]Vì sao gọi Vô trước [133],

Đẳng Chánh Giác là gì?

Bấy giờ Đức Thế Tôn nói tiếp bài kệ để giải thích:

Diệt pháp ác, bất thiện,

Vững trú nơi phạm hạnh,

Tu hạnh  Bà-la-môn,

Như vậy, Bà-la-môn.

Thấu suốt về quá khứ,

Thấy lạc và ác đạo,

Dứt trừ sạch vô minh,

Biết vậy là Mâu-ni.

Khéo biết tâm thanh tịnh,

Dứt sạch dâm, nộ, si.

Thành tựu được ba minh,

Như vậy là tam đạt.

Viễn ly pháp bất thiện,

Chánh trú đệ nhất nghĩa,

Thế gian tôn kính nhất,

Như vậy là Vô trước.

Làm lợi ích Trời, Người,

Thánh nhân, dứt đấu tranh.

Biết khắp, chứng diệt tận,

Như vậy là Chánh giác.

Nghe vậy, Phạm-ma liền đứng dậy, cúi đầu lễ sát chân Phật. Bấy giờ đại chúng cùng một lúc nói lớn rằng:

"Sa-môn Cù-đàm, kỳ lạ thay, hy hữu thay! Ngài có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần. Vì sao? Vì trong tất cả  Bà-la-môn, cư sĩ ở Di-tát-la này, thì  Bà-la-môn Phạm-ma là người bậc nhất về sự thọ sanh.  Bà-la-môn Phạm-ma được cha mẹ sanh ra với sự thọ sanh thanh tịnh cho đến bảy đời cha mẹ, chủng tộc không tuyệt, đời đời không bị xấu, thế mà  Bà-la-môn ấy đã hết lòng tôn kính, lễ bái, cúng dường, phụng sự Sa-môn Cù-đàm.

“Sa-môn Cù-đàm, kỳ lạ thay, hy hữu thay! Ngài có đại như ý túc, đại oai đức, đại phước hựu. Vì sao? Vì trong tất cả  Bà-la-môn, cư sĩ ở Di-tát-la này,  Bà-la-môn Phạm-ma là người bậc nhất, về sự học kinh điển,  Bà-la-môn Phạm-ma học rộng, thông suốt, đọc tụng hết bốn loại kinh điển, thấu triệt nhân duyên, chánh văn [134], hí truyện thứ năm và cú thuyết; thế mà Sa-môn  Bà-la-môn ấy đã hết lòng cung kính, lễ bái cúng dường, phụng sự Sa-môn Cù-đàm.

“Sa-môn Cù-đàm kỳ, lạ thay, hy hữu thay! Ngài có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, đại oai thần. Vì sao? Vì trong tất cả  Bà-la-môn cư sĩ ở Di-tát-la này  Bà-la-môn Phạm-ma là người bậc nhất về tài sản, Bà-la-môn Phạm-ma [689b] rất giàu, của cải vô lượng, sản nghiệp chăn nuôi không thể tính toán, phong hộ thực ấp đầy đủ mọi thứ. Di-tát-la này cho đến nươc, cỏ cây đều là đặc tặng, ân tứ của A-xà-thế, con bà Vi-đề-hi, vua nước Ma-kiệt-đà; thế mà  Bà-la-môn ấy đã hết lòng tôn trọng, lễ bái, cúng dường, phụng sự Sa-môn Cù-đàm.

“Sa-môn Cù-đàm kỳ lạ thay, hy hữu thay! Ngài có Đại như ý túc, đại oai đức, đại phước hựu, đại oai thần. Vì sao? Vì trong tất cả  Bà-la-môn, cư sĩ ở nước Di-tát-la này,  Bà-la-môn Phạm-ma là người bậc nhất về tuổi thọ.  Bà-la-môn Phạm-ma là vị trưởng lão, sống đến một trăm hai mươi sáu tuổi. Thế mà  Bà-la-môn ấy đã hết lòng tôn kính, lễ bái, cúng dường, phụng sự Sa-môn Cù-đàm.”

Bấy giờ, Đức Thế Tôn với tha tâm trí, biết tâm đại chúng đang nghĩ gì. Biết vậy, Thế Tôn bảo  Bà-la-môn Phạm-ma:

“Hãy thôi, này  Bà-la-môn, chỉ cần với tâm thỏa mãn là được. Hãy ngồi trở lại, Ta sẽ thuyết pháp cho.”

 Bà-la-môn Phạm-ma cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, ngồi xuống một bên. Đức Thế Tôn thuyết pháp cho Bà-la-môn, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi bằng vô lượng phương tiện thuyết pháp, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ, đúng như pháp của chư Phật, trước hết, Đức Thế Tôn thuyết pháp thuận tự, khiến người nghe hoan hỷ. Đó là thuyết về pháp thí, về giới và về sanh thiên, chỉ trích dục là tai họa, sanh tử là ô uế; tán thán vô dục là diệu đạo phẩm, là bạch tịnh. Sau khi thuyết như vậy, Thế Tôn biết  Bà-la-môn ấy có tâm hoan hỷ, tâm cụ túc, tâm nhu nhuyến, tâm kham nhẫn, tâm tăng thượng, tâm nhất hướng, tâm không nghi, tâm không bị che lấp, có đủ khả năng thọ nhận Chánh pháp của Phật, Đức Thế Tôn theo như những pháp yếu mà chư Phật đã thuyết, Ngài thuyết cho  Bà-la-môn nghe đầy đủ về Khổ, Tập, Diệt và Đạo.  Bà-la-môn Phạm-ma ngay nơi chỗ ngồi thấy bốn Thánh đế, Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Cũng như vải trắng nhuộm dễ ăn màu; cũng vậy, Phạm-ma ngay trong chỗ ngồi thấy rõ bốn Thánh đế, Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Bấy giờ, Phạm-ma đã thấy pháp đắc pháp, chứng pháp bạch tịnh, đoạn trừ nghi hoặc, không còn tôn kính một ai khác nữa, không còn do dự, đã an trú vào quả vị chứng đắc. Đối với pháp của Thế Tôn,  Bà-la-môn chứng đắc vô úy, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật và bạch:

“Bạch Thế Tôn, con nay đem mình quy y Phật, Pháp và chúng Tỳ-kheo. Mong Đức Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc từ nay và suốt đời; con đem mình quy y cho đến lúc mạng chung.”

 [689c] Và rồi  Bà-la-môn Phạm-ma lại chấp tay hướng về Thế Tôn và bạch tiếp:

“Bạch Thế Tôn, mong ngày mai Đức Thế Tôn và Chúng Tỳ-kheo đoái tưởng nhận lời mời của con!”

Đức Thế Tôn im lặng nhận lời mời của Phạm-ma.

 Bà-la-môn Phạm-ma biết Đức Thế Tôn đã im lặng nhận lời mời, nên cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, đi quanh ba vòng và lui ra, trở về nhà.

Ngay đêm ấy,  Bà-la-môn Phạm-ma cho sửa soạn các món ăn mỹ diệu ngon lành, đủ các thức nhai và nuốt. Sửa soạn xong, sáng lại cho trải giường, và đúng lúc thì xướng lên rằng: “Bạch Thế Tôn, bữa cơm được soạn xong, kính mong Đức Thánh biết thời.”

Sáng hôm ấy, Đức Thế Tôn mang y cầm bát đi trước, chúng Tỳ-kheo theo sau, đi đến nhà của  Bà-la-môn Phạm-ma, đến nơi, Đức Thế Tôn trải chỗ ngồi, ngồi trước chúng Tỳ-kheo.  Bà-la-môn Phạm-ma thấy Đức Thế Tôn và chúng Tỳ-kheo đã ngồi xong, liền thân hành múc nước rửa, đem thức ăn ngon lành, cùng các thứ cứng và mềm, tự tay sớt vào, khiến các vị ăn no. Sau khi ăn rồi, thu dọn và lấy nước rửa xong,  Bà-la-môn ngồi vào một ghế nhỏ để thọ nhận sự chú nguyện.  Bà-la-môn Phạm-ma ngồi xong, Đức Thế Tôn chú nguyện rằng:

Chú hỏa, tế bậc nhất,

Thông âm, gốc các âm,

Vua, tôn quý trong người,

Biển, lớn hơn sông ngòi,

Trăng, sáng hơn các sao,

Nhưng sáng nhất: mặt trời.

Cùng tận khắp mười phương,

Trong tất cả thế gian,

Chư Thiên và Nhân loại,

Duy Phật đệ nhất tôn.

Sau khi chú nguyện cho  Bà-la-môn Phạm-ma, Đức Thế Tôn từ chỗ ngồi đứng dậy, đến nước Di-tát-la, ở lại vài ngày, rồi mang y, cầm bát du hành nước Xá-vệ. Lần hồi đi đến nước Xá-vệ, Ngài trú tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Thắng Lâm. Bấy giờ, có nhiều Tỳ-kheo vào Xá-vệ khất thực nghe  Bà-la-môn Phạm-ma nước Di-tát-la, sau khi dùng bài kệ hỏi Đức Phật mọi việc thì liền lâm chung. Nghe vậy, sau bữa ăn trưa, các Tỳ-kheo thu dọn y bát, rửa tay chân, lấy ni-sư-đàn vắt lên vai, đi đến chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ, rồi đứng sang một bên, thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo chúng con vào lúc sáng sớm mang y, cầm bát vào Xá-vệ khất thực, nghe rằng  Bà-la-môn Phạm-ma ở nước Di-tát-la, sau khi dùng bài kệ vấn sự Đức Phật, thì liền lâm chung. Bạch Thế Tôn, như vậy  Bà-la-môn ấy sẽ đến nơi nào? Sanh nơi nào? Đời sau ra sao?”

Đức Thế Tôn đáp:

 [690a] “Nay các Tỳ-kheo,  Bà-la-môn Phạm-ma có đại lợi ích, vào lúc tối hậu, đã biết pháp, vì pháp cho nên không làm phiền nhọc Ta. Này Tỳ-kheo,  Bà-la-môn Phạm-ma đã dứt sạch năm hạ phần kết, sanh đến nơi ấy sẽ đắc Niết-bàn, đắc pháp bất thối, không trở lại cõi này nữa. Bấy giờ Ta đã ghi nhận rằng  Bà-la-môn Phạm-ma đắc A-na-hàm.”

Đức Phật thuyết như vậy,  Bà-la-môn Phạm-ma và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành. [135]

 


 [1] Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử 鸚鸇摩納都題子. Pāli. M. 99: Subho māṇavo todeyyaputto. Xem kinh 170.

 [2] Thiên ái 天愛. Pāli: Devānampiya, người được Trời thương; thường dùng để xưng hô với người ngu khờ. Bản Pāli: bhante: này ông bạn.

 [3] Trong bản Hán: Vô thượng Chánh tận giác 無上正盡覺.

 [4] Bản Pāli: Brāhmaṇā bho Gotama evam āhaṃsu, “Các người Bà-la-môn nói như vầy...”

 [5] Hán: tiện đắc thiện giải, tắc tri như pháp 便得善解則知如法. Pāli (M.ii. 197): gahaṭṭho ārādhako hoti ñāyaṃ dhammaṃ kusalaṃ, người tại gia đạt được pháp thiện chánh lý.

 [6] Bản Pāli: vibhajjavādo kho aham ettha māṇava nāham ekaṃsavādo, Ta thuyết có phân tích. Ta không thuyết pháp theo một chiều.

 [7] Pāli: mahaṭṭham idaṃ mahākiccaṃ mahādhikaraṇam mahāsamārambhaṃ gharācāsakammaṭṭhānaṃ mahapphalaṃ hoti, sự nghiệp của người tại gia cần nhiều kinh doanh, nhiều việc phải làm, nhiều tác vụ, nhiều nỗ lực, do đó, có kết quả to lớn.

 [8] Xem cht.6 ở trên.

 [9] Pāli: atthi māṇava kammaṭṭhānaṃ mahaṭṭhaṃ mahākiccaṃ mahādhikaraṇam mahāsamārambhaṃ vipajjamānaṃ appaphalaṃ hoti, có sự nghiệp cần nhiều kinh doanh nhiều việc phải làm, nhiều tác vụ, nhiều nỗ lực, nhưng không làm tốt, cho nên, kết quả nhỏ. Có lẽ, trong bản Pāli: mahākicca (nhiều nghĩa vụ), trong bản Hán đọc là mahākiccha (nhiều khó nhọc, đại tai hoạn). Pāli: mahādhikaraṇa, có nghĩa: sự vụ hay tác vụ, cũng có nghĩa tranh chấp; bản Hán hiểu theo nghĩa thứ ha (đại đấu tránh). Pāli: samārambha, có hai nghĩa: nỗ lực (do gốc động từ rabh); hoặc gây tổn hại (do gốc động từ radh); bản Hán hiểu theo nghĩa sau (đại tắng oán).

 [10] Hán: hành tà hạnh. Pal.: vipajjamānaṃ: làm sai, làm hỏng. Sớ giải: như ngời làm ruông mà phai không mưa hay mưa quá nhiều (avuṭṭhi-ativuṭṭhi); người đi buôn thì thiếu tài khéo (acchekata); thẩy đêud không có kết quả..

 [11] Năm pháp theo Pāli: saccam (sự thật), tapam (khổ hành), brahmacariyam (tiết dục hay phạm hạnh), ajjhenam (tụng đọc), cāga (thí xả). Bản Hán thay cāga (thí xả) bằng nhiệt hành.

 [12] Danh sách mười đạo sĩ thời thượng cổ: Dạ-tra 夜吒, Bà-ma 婆摩, Bà-ma-đề-bà 婆摩提婆, Tỳ-xa-mật-đa-la 毗奢蜜哆羅, Dạ-bà-đà-kiền-ni 夜婆陀犍尼, Ứng-nghi-la-bà 應 疑羅婆, Bà-tư-tra 婆私吒, Ca-diếp 迦葉, Bà-la-bà 婆羅婆, Bà-hòa 婆惒. Danh sách Pāli: Aṭṭhaka, Vāmaka, Vāmadeva, Vessāmitta, Yamataggi, Aṅgīrasa, Bhāradvājā, Vāseṭṭha, Kassapa, Bhagu.

 [13] Phất-ca-sa-sa-la 弗架娑娑羅; Pāli: Pokkarasāti Opamañño Subhagavaniko, (người Bà-la-môn tên là) Pokkharasāti Opamañño, sống trong rừng Subha.

 [14] Hán: tánh trực thanh tịnh hóa 姓直清淨化; chỉ thuộc một dòng họ Bà-la-môn thuần chủng, không lai tạp trong nhiều đời liên tục.

 [15] Nhân thượng pháp 人上法. Pāli: uttarimanussadhamma, pháp của con người siêu việt.

 [16] Bất-ni 不 尼. Pāli: Puṇṇikā.

 [17] Hán: tích, xưa kia, nhưng những người được nối đến hình như đang sống. Pāli:  Kosalakā brahmaṇa-mahāsārā, các Bà-la-môn phú hào ở Kosala.

 [18] Các Bà-la-môn Thương-già 商伽, Sanh Văn 生聞, Phất-ca-sa-sa-la 弗袈娑娑羅 và Đô-đề 都提; Pāli: Caṅki, Jānussoṇi, Pokkharasāti, Todeyya.

 [19]    Năm pháp chướng ngại, bản Hán: dục, nhuế, thân kiến, giới thủ kiến và nghi. Trong bản Pāli, pañca nīvaraṇā (năm triền cái): kāmacchanda (dục vọng), vyāpāda (sân hận), thīnamiddha (hôn trầm), uddhaccakukkucca (trạo cử), vicikicchā (nghi).

 [20] Mẫn thương tâm 愍傷心. Pl.: anukampājātikaṃyeva, xem cht. tiếp dưới.

 [21] Pl.: idaṃ chaṭṭhaṃ puññakiriyavatthu hoti – yadidaṃ anukampājātikan’ti, đây là phước nghiệp sự thứ sáu: phước sanh từ lòng lân mẫn.

 [22] Pl.: cittassāhaṃ ete parikkhāre vadāmi, “Ta nói những (năm) pháp ấy là những tư cụ của tâm.”

 [23] Pl.: bhikkhu saccavādī hoti, “Tỳ kheo là người nói sự thật.”

 [24] Pl.: labhati atthavedaṃ, labhati dhammavedaṃ, labhati dhammūpasaṃhitaṃ pāmojjaṃ,  “đạt được tín thọ nghĩa, tín thọ pháp. hỷ tương ưng với pháp.” Sớ giải (MA i. 172): đạt được tín thọ nghĩa là thành tựu bất hoại tín nơi Phật (buddhe aveccappasādena samannāgatomhī ti labhati atthavedan ti sambandho).

 [25] Pl.: yaṃ taṃ kusalūpasaṃhitaṃ pāmojjaṃ, cittassāhaṃ etaṃ parikkāraṃ vadāmi, “những gì là hỷ tương ưng với thện, Ta nói đó là tư cụ của tâm.”

 [26] Hán: Phạm đạo tích 梵道跡. Pāli: brahmānaṃ sahavyatāya maggaṃ, con đường dẫn đến cộng trú với Phạm thiên.

 [27] Na-la-ca-la thôn 那羅迦邏村. Pāli: Naḷakāra, thôn phụ cận Xá-vệ.

 [28] Các bản Hán đều in là Tu nhàn đề 鬚閑提. Nhầm tự dạng tu 鬚 và man 鬘. Ở dây phong theo phiên từ Phận mà sửa lại. Pāli: M.75. Māgandiyasuttaṃ.

 [29] Đệ nhất tịnh thấ t第一靜室. Pāli: agyāgāra, ngôi nhà thờ lửa. Bản Hán đọc là agra: đệ nhất, thay vì agya (aggi-agāra), lửa.

 [30] Bà-la-bà 婆羅婆;Pāli: Bhāradvāja.

 [31] Kiếm-ma-sắt-đàm 釰摩瑟曇. Pl.: Kammāsadhamma.

 [32] Man-nhàn-đề dị học 鬘閑提異學. Pāli: Māgandiya, ngoại đạo xuất gia.

 [33] Hán: bại hoại địa 敗壞地. Pāli (M. i. 502): bhūnahuno: kẻ phá hoại mầm sống; Sớ giải: bhūnahuno ti hatavaḍḍhino mariyādakārakassa, “bhūnahuno (kẻ phá hoại mầm sống), là người phá hoại sự thịnh vượng (của thế gian), đặt ra các quy tắc nghiêm khắc”.

 [34] Hán dịch có thể không chính xác.Nên hiểu: Sa-môn Cù-đàm có nhiều đệ tử là những nhà thông tuệ từ Sát-lị, Bà-la-môn, v.v. Tất cả họ được dạy đee đắc Thánh trí. Cf. Pāli ibid.: bahū hi tassa bhoto gotamassa khattiyapaṇḍitāpi brāhamanapaṇḍitāpi... abhippassannā vinītā ariye ñāye dhamme kusale ti, “Sa-môn Cù-đàm kia được nhiều nhà thông thái thuộc Sát-đế-lị, Bà-la-môn... trọng vọng; họ được hướng dẫn vào trong Thánh đạo, trong pháp thiện”.

 [35] Hán: như kỳ tượng hảo dược 如其像好藥.

 [36] Hán: cam lồ (lộ) 甘 露. Pāli: amata: cõi bất tử. Cf. Pháp cú 204.

 [37] Mạch 脈, cơ bản chép là nhãn 眼.

 [38] Tham chiếu Pháp uẩn 2, bốn Dự lưu chi: thân cận thiện sĩ, thính văn chánh pháp, như lý tác ý, pháp tùy pháp hành. Pāli, D.333 Saṅgīti: cattāri sotāpattiyaṅgāni - suppurisa-saṃsevo, saddhammasavanaṃ, yonisomanasikāro, dhammānudhammapaṭipatti.

 [39] Hán có lẽ sót một đoạn: Dị đạo hành bốn tháng biệt trú (cattāro māse parivasati) rồi mới cho thọ cụ túc (upasaṃpādeti). Nhưng cũng có trườn hợp được miễn (api ca mettha puggalavemattatā viditā).

 [40] Bản Hán, hết quyển 38.

 [41] Đông viên, Lộc tử mẫu giảng đường 東園鹿子母講堂. Pāli: pubbārāme Migāra-mātu-pasāde.

 [42] Bà-tư-tra 婆 私 吒. No 1(5): Bà-tất-tra 婆悉吒. No 10: Bạch Y 白衣. Pāli: Vāseṭṭha.

 [43] Bà-la-bà 婆 羅 婆. No 1(5): Bà-la-đọa 婆羅墮, No 10: Kim Tràng 金幢. Pāli: Bhāradvāja.

 [44] Pl. D 27: họ đang ssokngs bốn tháng biệt trụ giữa các Tỳ kheo (bhikkhūsu parivasanti) trước khi chính thức thọ cụ túc.

 [45] Cf. D.3 (i. 129): jātivādo vā vuccati, gottavādo vā vuccati manavādo vā vuccati, ’arahasi vā maṃ na vā maṃ tvaṃ arahasī ti, “thuyết về thọ sanh (huyết thống), thuyết về chủng tộc, thuyết về kiêu mạn, rằng ‘Ngươi xứng với ta; ngươi không xứng với ta’.”

 [46] Chỗ ngồi và nước (Pāli: āsanaṃ vā udakaṃ vā), tiêu chuẩn ưu tiên giai cấp.

 [47] Bản Pāli: bốn giai cấp, kể luôn cả sudda.

 [48] Bản Pāli: Bhagavato’ mhi putto oraso mukhato jāto dhammajo dhammanimito dhammadayāko, “Chúng tôi là con của Thế Tôn; sanh ra từ miệng của Thế Tôn; được sanh ra bởi Pháp; được sáng tạo bởi Pháp, là kẻ thừa tự Pháp”.

 [49] Hán: lãnh thị Như Lai, vô phiền vô nhiệt, bất ly như, thị Như Lai 冷是如來, 無煩無 熱, 不離如, 是如來. Pāli: tathāgatassa h’etam... adhivacanaṃ, dhammakāyo iti pi brahmakāyo iti pi dhammabhūto iti pi brahmabhūto iti pi, “Những từ ngữ này đồng nghĩa với Như Lai: Pháp thân, Phạm thân, Pháp thể, Phạm thể”.

 [50] Hoảng dục thiên 晃 昱 天. Pāli: Ābhassara, Quang âm thiên, hay Cực quang thiên.

 [51] Pāli: subhaṭṭhāyin, sống trong phước lạc thuần tịnh.

 [52] Bản Pāli: ekodakībhūtaṃ... andhakāro andhakāratimisā, chỉ toàn nước, một màu đen sẩm tối tăm.

 [53] Pāli: rasapaṭhavī, vị đất, hay đất dưới dạng dịch vị (thể lỏng).

 [54] Pāli: tad eva porāṇaṃ aggaññaṃ akkharaṃ anupatanti, na tv ev’ assa atthaṃ ājānanti, chúng nói theo văn tự ấy của thượng cổ, mà không biết ý nghĩa của nó.

 [55] Hán: địa phì 地 肥. Pāli: bhūmipappaṭaka, một thứ bánh (sữa bò trộn với gạo) của đất. No.1(5) dịch là địa bính 地 餅.

 [56] Xem cht.15 trên.

 [57] Bà-la 婆羅. Pāli: badālatā, một loại dây leo hay bò. No.1(5): lâm đằng 林藤, dây sắn, hay dây leo rừng.

 [58] Gia-đàm hoa 加曇華. No 10: giống như cành ca-lung-phạ-ca 迦籠<gaiji cb='CB0085' des=' [口*縛]' uni='56A9' >嚩</gaiji>
<lb n="0218c24"/>迦枝 có bốn màu. Pl.: kalambukā (= nāḷikā, Sớ giải): một loại cỏ ống?

 [59] Tự nhiên canh mễ 自 然 粳 米. Pāli: akaṭṭhapāko sāli, thứ thóc lúa tự chín, không cần canh tác.

 [60] Pāli: bị những người khác ném tro, bùn đất, hay phân bò, và nhiếc mắng.

 [61] Pāli, những con người hành dâm đầu tiên bị cộng đồng xa lánh.

 [62] Xem cht. 26 ở đạn sau.

 [63] Điền chủ. Pl.: khettānam adhipati.

 [64] Định nghĩa từ sát-đế-lị; Pāli: khettānaṃ adhipatīti...khattiyo, “Khattiya (sát-lị), là người chủ của ruộng đất”.

 [65] Định nghĩa từ “vua”. Pāli, từ rājā (vua) được nói là xuất xứ từ động từ rañjeti, làm vui lòng. Pāli: dhammena pare rañjetīti rājā, “Vua, là người đúng như pháp mà làm vui lòng mọi người”.

 [66] Cựu đệ nhất trí: nguồn gốc đầu tiên, tối sơ của trí (nhận thức) xuất hiện. Pl.: evam etassa khattiyamaṇḍalassa porāṇena aggaññena akkharena abhinibbatti ahosi tesaṃyeva sattānaṃ aññesaṃ. sadisānaṃyeva no asadisānaṃ. dhammeneva no adhammena. dhammo hi seṭṭho janetasaṃ diṭṭhe ceva dhamme abhisaṃparrāyañca. “Đó là sự xuất hiện của giới vức khattiya với âm vận nguyên thủy tối cổ ở giữa các chúng sanh này chứ không không phải nơi khác, đồng dạng chứ không phải không đồng dạng, đúng pháp chứ không pải phi pháp. Pháp là tối thượng giữa sanh loại trong hiện tại và vị lai.”

 [67] Pāli: araññāyatane, vô sự xứ, trong khu rừng vắng.

 [68] Định nghĩa ngữ nguyên của từ Bà-la-môn; Pāli: pāpake akusale dhamme bāhentīti... brāhmaṇā, “Bà-la-môn là những người loại bỏ pháp ác bất thiện”. Từ brāhmaṇa được giải thích là do động từ bāheti: loại bỏ, tống khứ.

 [69] Pāli, định nghĩa ajjhāyaka, hạng người có học thức: na dān’ ime jhāyantī ti.. ajjhāyaka, “Họ không tu thiền, nên gọi họ là ajjhāyaka”. Theo ngữ nguyên này, ajjhāyaka (người bác văn) là do động từ jhāyati, tu thiền.

 [70] D iii. 95: methunaṃ dhammaṃ samādāya visukammante payojentīti kho, vāseṭṭha, ‘vessā, vessā’, “sau khi thọ trì pháp dâm dục, chúng theo đuổi nhiều loại chức nghiệp, cho nên chúng được gọi là vessā.” Ngữ nguyên của từ vessā, giai cấp thứ ba, được giải thích là do từ “visu(ṃ): mỗi mỗi riêng biêt” trong từ visukammanta: nhiều chức nghiệp khác nhau.

 [71] Trong bản Pāli, giai cấp thứ tư là suddā (Thủ-đà-la).

 [72] Nhị hành 二行. Pl. dvayakārī, khi thì hành thiện, khi thìhành bất thiện.

 [73] Hộ hành 護 行; chỉ hành vi thủ hộ.

 [74] Thất giác pháp 七覺法. Pl.: sattanaṃ bodhipakkhiyānaṃ dhammānaṃ, pháp bảy giác phần. Sớ giải: cattāro satopaṭṭhānā ti ādikhoṭṭhāsavasena sattannaṃ, bảy bộ phận gồm bốn niệm xứ, v.v., tức gồm cả 37 đạo phẩm.

 [75] Phạm thiên đế chúa 梵 天 帝 主. Pāli: Sanaṃ-kumāra Brahaman, Thhuong đồng hình Phạm thiên (Phạm thiên trong hình dáng con nít).

 [76] Tu-đạt-đa 須達哆; tên thật của ông Cấp Cô Độc 給孤獨. Pāli: Sudatta.

 [77] Hán: bất dục 不欲. Pl.: na cittaṃ namati, không hướng tâm đến.

 [78] Tùy-lam 隨 籃. Pāli: Velāma, một tiền thân của Phật.

 [79] Phi-na 霏那, theo Nhất thiết kinh âm nghĩa 52 (tr.652b), đây là âm tiếng Phạm, có nghĩa là “phước đức hành”.

 [80]  Cố phạm chí pháp 故 梵 志 法. Pāli (Sn 2.7. Brāhmaṇadhammika): porāṇānaṃ brāhmaṇānaṃ brāhmaṇadhamma, pháp Bà-la-môn của các Bà-la-môn thượng cổ.

 [81] Pl. sandissanti, phù hợp.

 [82] Hán: nhiệt hành 熱 行; Pāli: tapassin, khổ hành giả.

 [83] Sn 289: nānārattehi vatthei sayanehi āvasathehi ca phitā janapadā raṭṭhā te namassiṃsu brahmaṇe, bằng các loại vải vóc, giường chõng, nhà cửa, nhân dân từ các nước giàu có đến lễ những người Bà-la-môn.

 [84] Sn: ajeyyā dhammarakkhitā, (Bà-la-môn) bất khả xâm phạm, vì được bảo vệ bởi pháp.

 [85] Sn 293: Trong thời vợ có kinh (utuveramaṇiṃ pati), Bà-la-môn không hành dâm dục.

 [86] Sn 298: gāvo no paramā mittā, yāsu jāyanti osadhā, bò là những bạn bậc nhất của chún tôi vì ở nơi chúng sanh ra thuốc hay (năm vị từ sữa).

 [87] Sn 304: bỉ tạo tác thử phược 彼造作此縛. Pl.: te ca tattha mante ganthetvā, “sau khi họ biên tập Thánh điển.”

 [88] Trong bản Pāli: Okkāka (Cam Giá vương), Tổ tiên của dòng họ Thích-ca.

 [89] Hán: Đại vương tương ưng thử 大王相應此. Câu này và câu kế tiếp, bản Hán tối nghĩa. Pāli: tato ca rājā saññatto (brahmaṇehi): Vua được khuyên bảo bởi các người Bà-la-môn. Pāli: saññatta: khuyến cáo, trong bản Hán đọc là saṃyutta: tương ưng.

 [90] Pāli: brahmaṇehi rathesabho, “(vua) là chúa của binh xa, được khuyên bởi những người bà-la-môn.” Xem cht. 10 trên.

 [91] Sn 305: tato ca rājā saññatto brāhmaṇehi rathesabbho assamedhaṃ purisamedhaṃ sammāpāsaṃ vācapeyyaṃ maggaḷaṃ, do sự khuyên bảo của các Bà-la-môn, nhà vua, chúa của binh xa, cử hành các tế lễ: tế ngựa, tế người, tế quăng gậy, tế rượu Soma, tế lễ vô già (không hạn chế ). Xem các cht. 5, 6 trên.

 [92] Hán: hoán ngưu cập ư phụ 喚牛及於父. Sớ giải Pali: khi vua càm dao giết bò để tế, Tứ Thiên vương, Tổ phụ (của các Bf-la-môn), Đế Thích, v.v. kêu lên: “adhammo” phi pháp!

 [93] Sn 314: okkanto purāṇo ahu, người ta nói truyền từ cổ xưa.

 [94] Bản Hán, hết quyển 39.

 [95] Bệ-lan-nhã 鞞籣若. Pāli: verañjā, tên thôn.

 [96] Hoàng lô 黃蘆. No 75: Hòng trúc viên 黃竹園. Pāli: naḷerupucimanda-mūle, dưới gốc cây Nelerupucimanda, không biết cây gì. Sớ giải nói pucimanda là cây nimba (Azadirachta Indica). Naḷeru, tên một quỷ dạ-xoa.

 [97] Pāli (A. iv. 173): arasarūpo bhavaṃ gotamo, Tôn giả Gotama không có sắc vị (không thực chất). No.75: Sa-môn Cù-đàm này nhác nhớn.

 [98] Hán: Cù-đàm vô khủng bố 瞿 曇 無 恐 怖; No.75 cũng vậy. Pāli: nibbhogo bhavaṃ Gotamo, Tôn giả Gotama là người không biết hưởng thụ. Nibbhoga (không thọ dụng), các bản Hán đều đọc là nibbhaya, không sợ hãi.

 [99] Pāli: apagabbho bhavaṃ Gotamo.

 [100] Đầu-na 頭那. Pl. Doṇa.

 [101] Xem cht. kinh 63.

 [102] Danh sách các tiên nhân cổ đại, xem kinh 152 trên.

 [103] Pāli: ime pañca brāhmaṇe paññāpenti, brāhmasamaṃ devasamaṃ maruyadaṃ sambhinnamariyadaṃ brāhmaṇacaṇḍālaṃ yeva pañcamaṃ, năm hạng Bà-la-môn: ngang Phạm thiên, ngang chư Thiên, giữ quy tắc, phá vỡ quy tắc, và thứ năm là Caṇḍòñaḷa.

 [104] Đồng tử phạm hạnh 童子梵行, sống trinh khiết. Pāli: komārabrahmacariya.

 [105] Các nghề không làm, theo Pāli: neva kasiyā na vaṇijjāya na gorakkhena na isatthena na rājaporisena na isappaññatarena, không theo nông sư, không theo thương nghiệp, không theo chăn nuôi, không theo cung kiếm, không theo quan chức của vua, không theo công xảo.

 [106] Pāli: na pāyamānaṃ gacchati, không tiếp cận (người nữ) đang cho bú.

 [107] Hán: bất tịnh dâm 不淨淫. Pāli: atimīḷhajo, sanh ra từ đống phân.

 [108] Hán: bất tịnh nhuế 不淨恚. Pāli: asucipaṭipīlito, cưỡng bức bất tịnh, hay “do uống bất tịnh (asucipipata?)”.

 [109] Các thứ bịnh, kể theo bản Pāli: sītaṃ uṇhaṃ jigucchā pipāsā uccāro passavo, lạnh, nóng, đói, khát, đại tiện, tiểu tiện.

 [110] Câu-lao-bà 拘 牢 婆. Pāli: Koravya, xem kinh 132 (Lại-tra-hòa-la) ở trên.

 [111] A-lan-na 阿 籣 那; phiên âm gần với Aranemi trong A. 7. 69. Sunetta, được kể chung với bảy tôn sư thời cổ, giảng dạy pháp dẫn đến cộng trú trong thế giới Phạm thiên (brahmalokasahavyatāya dhammaṃ desesi). Nhưng nội dung tư duy thì đồng nhất với của Araka (thứ bảy trong bảy tôn sư thời cổ kể trong Sunetta) trong A.7.70.

 [112] Xem cht. kinh 63.

 [113] Phạm thế pháp 梵 世 法. Pāli: brahmalokasahavyatādhamma, pháp dẫn đến cọng trú với thế giới Phạm thiên.

 [114] Phạm thất. Pāli: brahmavihāra.

 [115] Pāli: bhattantarāya, thực chướng ngại, sự gián đoạn hay cản trở bữa ăn.

 [116] Hán: bất đắc giả bất thực 不得者不食. Pāli: alābhakena, do không được lợi lộc nên không ăn.

 [117] Bản Hán, hết quyển 40.

 [118] Bệ-đà-đề 鞞陀提. No 76: Tùy-đề quốc 隨提國. Pāli: Videha.

 [119] Di-tát-la 彌 薩 羅. No 76: Di-di quốc 彌夷國. Pāli: Mithilā.

 [120] Phạm-ma 梵 摩. No 76: thệ tâm Phạm-ma-dụ 逝心梵摩渝. Pāli: Brahmāyu.

 [121] Ma-kiệt-đà vương, Vị Sanh Oán, Tì-đà-đề Tử 摩竭陀王, 未生怨, 鞞陀子. Pāli: Magadharāja-Ajātasattu-Vedehiputta

 [122] Ưu-đa-la 優多羅. No 76: đệ tử của Thệ tâm, có vị á thánh tên là Ma-nạp.  Pl.: Uttara.

 [123] Xem cht. kinh 63.

 [124] No 76: Phi hành hoàng đế 飛行皇帝.

 [125] Tham chiếu No 1(1): kinh Đại bản. Xem phần trên, kinh số 59 (Tam thập nhị tướng).

 [126] Hán: viên, đay cjỉ Tăng viên (saṇghārāma), hay Tăng viện.

 [127] Tam sự thanh tịnh 三 事 清 淨. Pāli: aṭṭhaṅgasamannāgataṃ, thành tựu tám chi.

 [128] Hán: thực dục đắc vị 食欲得味. Pāli: rasapatisaṃvedī, cảm nhận được mùi vị (của thức ăn).

 [129] Tám chi, như liệt kê trong bản Pāli.

 [130] Tỳ-ma-lâu-bá 毗 摩 樓 簸; không rõ phiên âm từ chữ gì. Tám thứ giọng theo bản Pāli: vissaṭṭha (trong trẻo), viññeyya (dễ biết), mañju (dịu dàng), savanīya (hài hòa), bindu (sung mãn), avisārī (phân minh), gambhīra (sâu xa), ninnādi (lan rộng). No 76: tối hảo thanh 最好聲, dị liễu thành 易了聲, nhu nhuyến thanh 濡軟聲, hòa điệu thanh 和調聲, tôn tuệ thanh 尊慧聲, bất ngộ thanh 不誤聲, thâm diệu thanh 深妙聲, bất nữ thanh 不女聲 .

 [131] Đại thiên nại lâm 大 天 奈 林. Pāli: Maghadevambavane.

 [132] Tam đạt 三 達, tức tam minh 三 明; thiên nhãn, tuc mạng, lậu tận. Đây cũng chỉ ba bộ Vệ-đà. Pāli: tevijjā.

 [133] Vô trước 無 著, tức A-la-hán.

 [134] Xem cht. kinh 63.

 [135] Bản Hán, hết quyển 41.

Phẩm 15: Căn bổn phân biệt

PHẨM 15: CĂN BỔN PHÂN BIỆT

TỤNG NGÀY THỨ TƯ

Phân biệt tụng

分別六界處  

觀法溫泉林

釋中禪室尊  

阿難說意行

拘樓瘦無諍  

鸚鵡分別業

Kệ tóm tắt:

Phân biệt lục giới, Xứ,

Quán pháp. Ôn tuyền lâm,

Thích trung thiền thất tôn,

An-nan thuyết, Ý hành,

Câu-lâu-sấu vổtánh,

Anh vĩ, Phân biệt nghiệp.

162. KINH PHÂN BIỆT LỤC GIỚI

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại nước Ma-kiệt-đà, trú ở thành Vương xá.

Bấy giờ Đức Thế Tôn đến nhà thợ gốm [1], nói rằng:

“Này thợ gốm, Ta nay muốn tạm trú ở phòng làm đồ gốm một đêm, ông có thuận chăng?”

Thợ gốm trả lời:

“Con chẳng trở ngại gì. Nhưng đã có một Tỳ-kheo trú trong đó trước rồi. Nếu vị ấy thuận thì xin tùy ý.”

Lúc ấy, Tôn giả Phất-ca-la-sa-lợi [2] đã trú ở trong phòng làm đồ gốm ấy trước rồi.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn ra khỏi nhà thợ gốm, đi vào phòng làm gốm, nói với Tôn giả Phất-ca-la-sa-lợi rằng:

“Này Tỳ-kheo, Ta nay muốn tạm trú một đêm ở phòng làm gốm, thầy có thuận chăng?”

Tôn giả Phất-ca-la-sa-lợi đáp:

“Thưa Hiền giả, tôi không trở ngại. Vả lại, ở phòng làm gốm này có chỗ ngồi bằng cỏ đã trải xong, Hiền giả muốn ở lại thì tùy ý.”

Nghe vậy, Đức Thế Tôn từ phòng làm gốm đi ra ngoài [690b] rửa chân rồi mới trở vào, lấy ni-sư-đàn trải lên chỗ ngồi bằng cỏ mà ngồi kiết già, suốt đêm yên lặng tĩnh tọa, định ý.

Tôn giả Phất-ca-la-sa-lợi cũng suốt đêm yên lặng tĩnh tọa, định ý.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn suy nghĩ như vầy: “Tỳ-kheo này đi đứng tịch tĩnh, thật kỳ lạ, thật hiếm có. Ta hãy hỏi Tỳ-kheo này, ‘Thầy của bạn là ai? Y theo ai mà bạn xuất gia, học Đạo, thọ Pháp?.’ ” Nghĩ như vậy rồi, Thế Tôn bèn hỏi:

“Tỳ-kheo, Thầy của bạn là ai? Y theo ai mà bạn xuất gia, học Đạo, thọ Pháp?”

Tôn giả Phất-ca-la-sa-lợi đáp:

“Này Hiền giả, có Sa-môn Cù-đàm, dòng họ Thích, đã từ bỏ tông tộc, cạo bỏ râu tóc, khoác y ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, học Đạo, đã giác ngộ Vô thượng Chánh đẳng giác [3]. Vị ấy là Thầy của tôi. Tôi y theo vị ấy mà xuất gia học Đạo, thọ Pháp.”

Thế Tôn lại hỏi:

“Tỳ-kheo, đã từng thấy Thầy chưa?”

Tôn giả Phất-ca-la-sa-lợi đáp:

“Chưa thấy.”

Thế Tôn hỏi:

“Nếu gặp Thầy, bạn có nhận ra không?”

Tôn giả Phất-ca-la-sa-lợi đáp:

“Không biết. Nhưng, này Hiền giả, tôi nghe rằng Thế Tôn là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Ngài là Thầy của tôi. Tôi y theo Ngài mà xuất gia, học Đạo, thọ Pháp.”

Khi ấy, Thế Tôn lại suy nghĩ như vầy: “Thiện nam tử này y theo Ta mà xuất gia, học Đạo, thọ Pháp. Ta nay có nên thuyết pháp chăng?”

Suy nghĩ như vậy rồi, Thế Tôn nói với Tôn giả Phất-ca-la-sa-lợi:

“Này Tỳ-kheo, nay Ta sẽ thuyết pháp cho thầy, phần đầu toàn thiện, phần giữa cũng toàn thiện và phần cuối cũng toàn thiện; có nghĩa, có văn đầy đủ, thanh tịnh, hiển hiện phạm hạnh. Đó gọi là ‘Phân biệt sáu giới’ [4]. Thầy hãy lắng nghe, khéo suy tư và ghi nhớ.

Tôn giả Phất-ca-la-sa-lợi đáp:

“Xin vâng.”

Đức Phật bảo rằng:

“Này Tỳ-kheo, con người [5] có sáu giới tụ, có sáu xúc xứ, có mười tám ý hành, có bốn trụ xứ. Nếu ai an trú vào đó sẽ không nghe đến chuyện sầu não [6]. Sau khi không nghe chuyện sầu não thì ý không chán ghét, không ưu sầu, không lao nhọc, không sợ hãi. Như vậy, có sự khuyên bảo là đừng buông lung trí tuệ, hãy thủ hộ chân đế và trưởng dưỡng huệ thí [7]. Này Tỳ-kheo, hãy học về tối thượng, hãy học về chí tịch [8], như vậy là phân biệt về sáu giới.

“Này Tỳ-kheo, nói rằng con người có sáu giới tụ, nhân gì mà nói như thế? Đó là, giới đất, giới nước, giới lửa, giới gió, giới hư không và giới thức. Này Tỳ-kheo, nói rằng con người có sáu giới tụ là nhân đó mà nói.

“Này Tỳ-kheo, nói rằng con người có [690c] sáu xúc xứ [9], do nhân gì mà nói như thế? Đó là, này Tỳ-kheo, xúc con mắt thấy sắc, xúc tai nghe tiếng, xúc mũi ngửi mùi, xúc lưỡi nếm vị, xúc thân cảm xúc, xúc ý biết pháp. Này Tỳ-kheo, nói rằng con người có sáu xúc xứ là do nhân đó mà nói.

“Này Tỳ-kheo, nói con người có mười tám ý hành [10], do nhơn gì mà nói như thế? Đó là, này Tỳ-kheo, mắt thấy sắc, quán sát [11] sắc rồi an trú nơi hỷ, quán sát sắc rồi an trú nơi ưu, quán sát sắc rồi an trú nơi xả. Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Ý nhận thức pháp, quán sát pháp rồi an trú nơi hỷ, quán sát pháp rồi an trú nơi ưu, quán sát pháp rồi an trú nơi xả. Này Tỳ-kheo, như vậy sáu hỷ quán [12], sáu ưu quán, sáu xả quán, hợp lại là mười tám ý hành. Nói rằng con người có mười tám ý hành là do nhơn đó mà nói.

“Này Tỳ-kheo, nói rằng con người có bốn trụ xứ [13], do nhơn gì mà nói như thế? Là chân đế trụ xứ, huệ trụ xứ, thí xả trụ xứ và tịch tĩnh trụ xứ. Này Tỳ-kheo, nói rằng con người có bốn trụ xứ là do nhơn đó mà nói.

“Này Tỳ-kheo, thế nào là Tỳ-kheo không buông lung trí tuệ? Tỳ-kheo phân biệt thân giới như thế này: ‘Nay thân này của ta có nội địa giới, được chấp thọ nơi hữu tình [14]. Nội địa giới là thế nào? Là tóc, lông, móng, răng, da dày, da non, thịt, xương, gân, thận, tim, gan, phổi, lá lách, ruột già, bao tử, phổi, tương tự như thế, trong thân này còn những thứ khác nữa. Những gì được thâu nhiếp trong thân thuộc về chất cứng, tính cứng ở bên trong, được chấp thọ nơi hữu tình.’  Tỳ kheo, đó là nội địa giới. Này Tỳ-kheo, dù là nội địa giới hay ngoại địa giới đều gọi chung là địa giới. Tỳ-kheo đó bằng trí tuệ quán biết như thật rằng ‘Tất cả những cái ấy không phải là sở hữu của ta. Ta không phải là sở hữu của những cái ấy. Những cái ấy cũng không phải là tự ngã [15].’  Tâm vị ấy không nhiễm trước địa giới ấy. Đó là Tỳ-kheo không buông lung trí tuệ.

“Lại nữa, Tỳ-kheo không buông lung trí tuệ. Tỳ-kheo phân biệt thân giới như thế này: ‘Nay thân này của ta có nội thủy giới, được chấp thọ nơi hữu tình. Nội thủy giới là gì? Não tủy [16], nước mắt, mồ hôi, nước mũi, mủ, máu, mỡ, tủy, nước giải, đờm, nước tiểu, tương tự như thế, trong thân này còn có nhiều thể khác nữa. Những gì được thâu nhiếp trong thân, thuộc về chất nước, tính nước nhuần thấm ở bên trong, được chấp thọ nơi hữu tình.’  Tỳ kheo, đó là nội [691a]thủy giới. Này Tỳ-kheo, nội thủy giới hay ngoại thủy giới đều gọi chung là thủy giới. Tỳ-kheo ấy bằng trí tuệ quán biết như thật rằng: ‘Tất cả những cái ấy không phải là sở hữu của ta. Ta không phải là sở hữu của những cái ấy. Những cái ấy cũng không phải là tự ngã.’  Tâm vị ấy không nhiễm trước thủy giới ấy. Đó là Tỳ-kheo không buông lung trí tuệ.

            “Lại nữa, Tỳ-kheo không buông lung trí tuệ. Tỳ-kheo phân biệt thân giới như thế này: ‘Nay thân này của ta có nội hỏa giới được chấp thọ nơi hữu tình. Nội hỏa giới là gì? Những gì làm cho thân phát nhiệt, thân nóng, thân phiền muộn, thân âm ấp, làm tiêu đồ ăn thức uống, tương tự như thế, trong thân này còn những thứ khác nữa, những gì được thâu nhiếp trong thân thuộc về lửa, tức lửa làm nóng ở bên trong, được chấp thọ nơi hữu tình.’  Tỳ kheo, đó là nội hỏa giới. Này Tỳ-kheo, dù nội hỏa giới hay ngoại hỏa giới đều gọi chung là hỏa giới. Vị ấy dùng trí tuệ quán biết như thật rằng: ‘Tất cả những cái ấy không phải là sở hữu của ta. Ta không phải là sở hữu của những cái ấy. Những cái ấy cũng không phải là tự ngã.’  Tâm Tỳ-kheo ấy không nhiễm trước hỏa giới ấy. Đó là Tỳ-kheo không buông lung trí tuệ.

“Lại nữa, Tỳ-kheo không buông lung trí tuệ. Tỳ-kheo phân biệt thân giới như thế này: ‘Nay thân này của ta có nội phong giới được chấp thọ nơi hữu tình. Nội phong giới là gì? Gió thổi lên, gió thổi xuống, gió ngang hông, gió co thắt, gió nhảy lên, gió phi đạo, gió cử động tay chân, gió ở hơi thở ra, thở vào, tương tự như thế, trong thân này còn các thứ khác nữa. Những gì được thâu nhiếp trong thân, thuộc về gió, tánh gió, lưu động bên trong, được chấp thọ nơi hữu tình.’  Tỳ kheo, đó là nội phong giới. Này Tỳ-kheo, dù ngoại phong giới hay nội phong giới đều gọi là phong giới. Tỳ-kheo ấy dùng trí tuệ quán biết như thật rằng: ‘Tất cả những cái ấy không phải là sở hữu của ta. Ta không phải là sở hữu của những cái ấy. Những cái ấy cũng không phải là tự ngã.’  Đó là Tỳ-kheo không buông lung trí tuệ.

“Lại nữa, Tỳ-kheo không buông lung trí tuệ. Tỳ-kheo phân biệt thân giới như thế này: ‘Nay thân này của ta có nội không giới, được chấp thọ nơi hữu tình. Nội không giới là gì? Lỗ trống ở mắt, lỗ trống ở tai, lỗ trống ở mũi, lỗ trống ở miệng, cái khiến cho cổ họng cử động, tức để cho thức ăn được nhai và nuốt từ từ đi qua cổ họng, đi xuống rồi ra ngoài, tương tự như thế, trong thân này có những thứ khác nữa thuộc về hư không. Ở chỗ hư không ấy không bị da, thịt, xương, gân lấp kín.’  Tỳ kheo, đó là nội không giới. Này Tỳ-kheo, dù nội không giới hay ngoại không giới đều gọi chung là không giới. Tỳ-kheo bằng trí tuệ quán biết như thật rằng: ‘Tất cả những cái ấy không phải là sở hữu của ta. Ta không phải là sở hữu của những cái ấy. Những cái ấy cũng không phải là tự ngã.’  [691b] Tâm vị ấy không nhiễm trước không giới ấy. Đó là Tỳ-kheo không buông lung trí tuệ.

“Lại nữa, Tỳ-kheo, nếu Tỳ-kheo biết như thật về năm giới này, sau khi biết như thật, tâm không nhiễm trước chúng thì được giải thoát, chỉ còn có các thức mà thôi. [17] Đó là những thức nào? Thức biết lạc, thức biết khổ, thức biết hỷ, thức biết ưu và thức biết xả [18].

“Này Tỳ-kheo, nhơn lạc xúc mà sanh lạc thọ [19], vị ấy cảm giác lạc thọ. Khi cảm giác lạc thọ, vị ấy biết mình cảm giác lạc thọ. Nếu Tỳ-kheo diệt lạc xúc; sau khi lạc xúc này diệt, nếu có lạc thọ do lạc xúc sanh, lạc thọ ấy cũng diệt, tĩnh chỉ. Tỳ kheo biết như vậy rồi, trở thành mát lạnh. [20]

“Này Tỳ-kheo, nhơn khổ xúc sanh ra khổ thọ, vị ấy cảm giác khổ thọ. Khi cảm giác khổ thọ, vị ấy biết mình cảm giác khổ thọ. Nếu Tỳ-kheo diệt khổ xúc, sau khi khổ xúc này diệt, nếu có khổ thọ do khổ xúc sanh, khổ thọ ấy cũng diệt, tĩnh chỉ. Tỳ kheo khi biết như vậy rồi, trở thành mát lạnh.

“Này Tỳ-kheo, nhơn hỷ xúc sanh ra hỷ thọ, vị ấy cảm giác hỷ thọ. Khi cảm giác hỷ thọ, vị ấy biết mình cảm giác hỷ thọ. Nếu Tỳ-kheo diệt hỷ xúc, sau khi hỷ xúc này diệt, nếu có hỷ thọ do hỷ xúc sanh, hỷ thọ ấy cũng diệt, tĩnh chỉ. Tỳ kheo biết như vậy rồi, trở thành mát lạnh.

“Này Tỳ-kheo, nhơn ưu xúc sanh ra ưu thọ, vị ấy cảm giác ưu thọ. Khi cảm giác ưu thọ, vị ấy biết mình cảm giác ưu thọ. Nếu Tỳ-kheo diệt ưu xúc, sau khi ưu xúc này diệt, nếu có ưu thọ do ưu xúc sanh, ưu thọ ấy cũng diệt, tĩnh chỉ. Tỳ kheo biết như vậy rồi, trở thành mát lạnh.

“Này Tỳ-kheo, nhơn xả xúc sanh ra xả thọ, vị ấy cảm giác xả thọ. Khi cảm giác xả thọ, vị ấy biết mình cảm giác xả thọ. Nếu Tỳ-kheo diệt xả xúc, sau khi xả xúc này diệt, nếu có xả thọ do xả xúc sanh, xả thọ ấy cũng diệt, tĩnh chỉ. Tỳ kheo biết như vậy rồi, trở thành mát lạnh.

“Này Tỳ-kheo, nhơn các xúc ấy sanh ra các thọ ấy. Khi các xúc ấy diệt, các thọ ấy cũng diệt. Vị ấy biết rằng, thọ này từ xúc mà có, lấy xúc làm căn bản, do xúc mà tập khởi, từ xúc sanh ra, dần đầu bởi xúc, y cứ nơi xúc mà hiện hành.

“Này Tỳ-kheo, cũng như mồi lửa, nhơn cái dùi, sự nỗ lực của người và sức nóng mà lửa phát sanh. Này Tỳ-kheo, khi các loại cây rừng làm dùi cây ấy tách rời nhau, thì lửa mà từ đó phát sanh, sức nóng của lửa và sự chấp thọ của hữu tình, tất cả [691c] đều tắt biến, vắng bặt, im lìm và dùi cây ấy trở nên nguội lạnh. Cũng vậy, này Tỳ-kheo, các xúc ấy thế này hay thế kia, sanh ra các thọ như thế này hay thế khác. Các xúc ấy diệt, các thọ ấy cũng diệt. Như vậy là biết thọ này từ xúc mà có, lấy xúc làm căn bản, do xúc tập khởi, từ xúc sanh ra, dẫn đầu bởi xúc, y cứ nơi xúc mà hiện hành.

“Nếu Tỳ-kheo không nhiễm trước ba thọ này, giải thoát khỏi chúng, Tỳ-kheo ấy chỉ còn có xả cực kỳ thanh tịnh.

“Này Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ấy nghĩ rằng, ‘Ta với xả thanh tịnh này nhập vào không vô biên xứ [21]; tu tập tâm như vậy, y nơi đó, an trụ nơi đó, xác lập nơi đó, duyên nơi đó, buộc chặt vào đó. [22] Ta với xả thanh tịnh này nhập vào thức vô biên xứ [23], vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ, [24] tu tập tâm như vậy, y nơi đó, an trụ nơi đó, xác lập nơi đó, duyên nơi đó, buộc chặt vào đó.’

“Này Tỳ-kheo, cũng như thợ luyện kim lành nghề, dùng lửa đốt thỏi vàng, dát cho thật mỏng, rồi lại bỏ vào lò nung, đốt lửa đều đặn và đúng độ, luyện kỹ cho đến lúc tinh ròng, rất mềm mại và có ánh sáng. Này Tỳ-kheo, thứ vàng này là do thợ vàng đã đốt lửa đều đặn và đúng độ, luyện kỹ thật tinh ròng, rất mềm mại và có ánh sáng. Như vậy rồi, tự thợ vàng ấy làm theo ý mình, như làm dây đính vào tơ lụa để trang sức áo mới, làm nhẫn tay, vòng tay, xuyến, chuỗi, lưới tóc... Cũng vậy, này Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ấy nghĩ rằng: ‘Ta với xả thanh tịnh này nhập không vô biên xứ; tu tập tâm như vậy, y nơi đó, an trụ nơi đó, xác lập nơi đó, duyên nơi đó, buộc chặt vào đó. Ta với xả thanh tịnh này nhập thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ, tu tập tâm như vậy, y nơi đó, an trụ nơi đó, xác lập nơi đó, duyên nơi đó, buộc chặt vào đó.’

“Tỳ-kheo ấy lại nghĩ, ‘Ta với xả thanh tịnh này, y vào không vô biên xứ, như vậy xả ấy thuộc pháp hữu vi. Những gì là pháp hữu vi, thảy là vô thường. Cái gì là vô thường, cái ấy là khổ. Nếu cái gì là khổ, thì biết đó là khổ.’  Sau khi biết khổ, vị ấy xả, không còn di chuyển nhập [25] không vô biên xứ nữa.

“‘Ta với xả thanh tịnh này, mà y thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ, xả ấy thuộc pháp hữu vi. Cái gì là pháp hữu vi, nó vô thường. Cái gì là vô thường, cái ấy là khổ. Nếu cái gì là khổ, thì biết đó là khổ.’  Sau khi biết khổ, vị ấy xả, không còn di chuyển nhập thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ nữa.

“Này Tỳ-kheo, nếu Tỳ-kheo [692a] đối với bốn xứ này bằng tuệ mà quán sát, biết như thật, tâm không tác thành, không di chuyển nhập, bấy giờ vị ấy không làm gì cả, và cũng không tư niệm gì, nghĩa là những gì liên hệ dến hữu và phi hữu [26]. Vị ấy cảm giác về thân tối hậu chấp thọ [27] thì biết cảm giác về thân chấp thọ cuối cùng; cảm giác về mạng chấp thọ tối hậu [28] thì biết cảm giác về mạng chấp thọ tối hậu; và biết khi thân hoại mạng chung, thọ mạng chấm dứt, những gì được cảm thọ, tất cả đều tịch diệt, tịch tịnh, tĩnh chỉ và biết là trở thành rất mát lạnh [29].

“Này Tỳ-kheo, ví như đèn sáng là nhờ dầu và nhờ bấc. Nếu không có ai đổ thêm dầu, nối thêm bấc, như vậy khi dầu và bấc có trước đã cháy hết mà những cái sau không được tiếp nối sẽ không còn gì để chấp thọ nữa. Tỳ-kheo ấy cũng thế, cảm giác về chấp thọ thân tối hậu thì biết cảm giác về chấp thọ thân tối hậu; cảm giác về chấp thọ sanh mạng tối hậu thì biết cảm giác về chấp thọ sanh mạng tối hậu; và biết rằng, khi thân hoại mạng chung, sanh mạng chấm dứt thì tất cả những gì được cảm thọ thảy đều tịch diệt, tịch tịnh, tĩnh chỉ và biết là trở thành rất mát lạnh.

“Này Tỳ-kheo, như thế vị ấy được gọi là Tỳ-kheo tối thắng chánh tuệ, nghĩa là đạt đến cứu cánh diệt tận, lậu tận. Tỳ-kheo ấy thành tựu như vậy là thành tựu tối thắng chánh tuệ xứ [30].

“Này Tỳ-kheo, sự giải thoát này an trú nơi chân đế, không bị di động. Chân đế là pháp như thật. Giả dối là pháp hư vọng. Tỳ-kheo ấy thành tựu tối thắng chân đế xứ [31].

“Này Tỳ-kheo, với thí xả, nếu trước kia có oan gia cố cựu thì bấy giờ vị ấy phóng xả, lìa bỏ, giải thoát, dứt trừ. Này Tỳ-kheo, đó là Tỳ-kheo tối thắng chánh huệ thí, là xả ly tất cả mọi sự ở đời, hoàn toàn vô dục, tịch tĩnh, tĩnh chỉ. Này Tỳ-kheo, thành tựu như thế là thành tựu tối thắng huệ thí xứ.

“Này Tỳ-kheo, Tỳ-kheo nào tâm bị dục, nhuế và si làm cho ô uế, không được giải thoát, Tỳ-kheo ấy tận diệt tất cả dâm, nộ, si, vô dục, tịch tịnh, tĩnh chỉ, chứng đắc tối thắng, tịch tĩnh. Này Tỳ-kheo, thành tựu như thế là thành tựu tối thắng tịch tĩnh xứ.

“Này Tỳ-kheo, ai nghĩ rằng ‘Tôi đang là’, ấy là tự đề cao [32]. Rằng ‘Tôi sẽ hiện hữu’, ấy là tự đề cao. Rằng “Tôi sẽ không hiện hữu, cũng không phải không hiện hữu’, ấy là tự đề cao. ‘Tôi sẽ có sắc’, ấy là tự đề cao. ‘Tôi sẽ không có sắc’, ấy là tự đề cao. ‘Tôi sẽ có tưởng’, ấy là tự đề cao. ‘Tôi sẽ không có tưởng’, ấy là tự đề cao. ‘Tôi sẽ không có tưởng, không phải không có tưởng’, ấy là tự đề cao. Đó là cống cao, là kiêu ngạo, là phóng dật.

“Này Tỳ-kheo, nếu không có tất cả những sự tự đề cao, cống cao, kiêu ngạo, phóng dật ấy thì ý tịch tĩnh.

“Này Tỳ-kheo, nếu ý tịch tĩnh thì không chán ghét, không ưu sầu, không lao nhọc, [692b] không sợ hãi. Vì sao? Vì Tỳ-kheo ấy đã thành tựu pháp nên không còn chán ghét, không chán ghét thì không ưu tư, không ưu tư thì không sầu não, không sầu não thì không lao nhọc, không lao nhọc thì không sợ hãi. Nhơn không sợ hãi nên sẽ đắc Niết-bàn, biết như thật rằng ‘Sự sanh đã đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa.’ ”

Đức Thế Tôn thuyết pháp này xong, Tôn giả Phất-ca-la-sa-lợi viễn ly trần cấu, phát sanh pháp nhãn và các pháp. Bấy giờ, Tôn giả Phất-ca-la-sa-lợi viễn thấy pháp, đắc pháp, chứng pháp bạch tịnh, đoạn trừ nghi hoặc, không còn ai hơn, không tùy thuộc ai nữa, không còn do dự, đã an trú vào quả chứng đắc; đối với pháp của Thế Tôn, chứng đắc vô úy, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật mà bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, con ăn năn! Bạch Thiện Thệ, con ngay từ đầu như ngu, như si, như khờ dại, như không hiểu biết, không nhận ra Bậc Lương Điền mà không tự biết. Vì sao? Vì con đã gọi Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, là “Hiền giả [33].” Mong Đức Thế Tôn cho con sám hối. Sau khi sám hối, con sẽ không còn tái phạm nữa.”

Đức Thế Tôn đáp:

“Này Tỳ-kheo, ngươi quả thực ngu si, quả thực là khờ dại, không hiểu biết nên đã gọi Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, là ‘Hiền giả.’  Này Tỳ-kheo, nếu ngươi tự sám hối, đã thấy và phát lồ, gìn giữ không tái phạm nữa, như thế, này Tỳ-kheo, đối với pháp luật của bậc Thánh như vậy là tăng ích chứ không tổn hại, vì đã tự sám hối, đã tự thấy và phát lồ, gìn giữ không tái phạm nữa.”

Đức Phật, thuyết như vậy. Tôn giả Phất-ca-la-sa-lợi viễn sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành. [34]

163. KINH PHÂN BIỆT LỤC XỨ

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Này các Tỳ-kheo, Ta sẽ thuyết pháp cho các ngươi, phần đầu thiện, phần giữa thiện và phần cuối cũng thiện, có nghĩa, có văn, đầy đủ thanh tịnh, hiển hiện phạm hạnh. Đó là phân biệt sáu xứ. Các ngươi hãy lắng nghe, khéo suy tư và ghi nhớ!”

Bấy giờ, các Tỳ-kheo thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, chúng con xin vâng lời.”

Đức Phật, bảo rằng:

“Này các Tỳ-kheo, sáu xứ, nên biết, là bên trong vậy; sáu xúc xứ [35] nên biết là bên trong; mười [692c] tám ý hành [36] nên biết là bên trong; ba mươi sáu đao kiếm [37] nên biết là bên trong. Trong đó đoạn trừ cái kia, thành tựu cái này, vô lượng thuyết pháp, nên biết, là bên trong. Có ba niệm trụ [38], là những điều mà bậc Thánh tu tập; sau khi tu tập mới có thể giáo hóa đồ chúng [39], đó là bậc Vô thượng Điều ngự con người [40], là điều ngự người thú hướng tất cả phương.’  Như vậy là phân biệt lục xứ.

“Nói rằng, ‘sáu xứ nên biết là bên trong’, do nhơn gì mà nói như thế? Đó là :xứ là mắt; xứ là tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Nói rằng ‘sáu xứ nên biết bên trong’ là nhơn đó mà nói.

“Nói rằng ‘Sáu xúc xứ nên biết là bên trong’, do nhơn gì mà nói như vậy? Đó là xúc con mắt thì thấy sắc, xúc lỗ tai thì nghe tiếng, xúc của mũi thì ngửi mùi, xúc của lưỡi thì nếm vị, xúc của thân thì cảm giác, xúc bởi ý thì biết pháp. Nói rằng ‘sáu xúc xứ nên biết bên trong’ là nhơn đó mà nói.

“Nói rằng ‘Mười tám ý hành nên biết là bên trong’, do nhơn gì mà nói như vậy? Đó là Tỳ-kheo mắt đã thấy sắc rồi phân biệt sắc mà an trụ nơi hỷ, phân biệt các sắc mà an trụ nơi ưu, phân biệt các sắc mà an trụ nơi xả. Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; ý đã biết pháp rồi, phân biệt pháp mà an trụ nơi hỷ, phân biệt pháp mà an trụ nơi ưu, phân biệt pháp mà an trụ nơi xả. Đó gọi là phân biệt sáu hỷ, phân biệt sáu ưu, phân biệt sáu xả. Tổng thuyết là mười tám ý hành. Nói rằng ‘mười tám ý hành nên biết là bên trong’ là nhơn đó mà nói.

“Nói rằng ‘Ba mươi sáu loại đao kiếm nên biết bên trong’, do nhơn gì mà nói như vậy? Có sáu hỷ y trên đắm trước, có sáu hỷ y trên vô dục [41]; có sáu ưu y trên đắm trước, có sáu ưu y trên vô dục; có sáu xả y trên đắm trước, có sáu xả y trên vô dục.

“Thế nào là sáu hỷ y trên đắm trước? Thế nào là sáu hỷ y trên vô dục? Mắt thấy sắc rồi phát sanh hỷ, nên biết, có hai loại, hoặc y trên đắm trước, hoặc y trên vô dục.

“Thế nào là hỷ y đắm trước? Sắc được biết bởi mắt, khả hỷ, ý niệm, sắc ái, lạc tương ưng với dục [42]; cái chưa được thì muốn được, đã được thì truy ức, rồi phát sanh hỷ. Hỷ như vậy gọi là hỷ y trên đắm trước.

“Thế nào là hỷ y trên vô dục? Biết sắc vô thường, biến dịch, diệt tận, vô dục, tịch diệt, tịch tĩnh; biết tất cả sắc trước kia và bây giờ đều là pháp vô thường, khổ, hoại diệt. Truy ức như vậy rồi phát sanh hỷ. Hỷ như vậy gọi [693a] là hỷ y trên vô dục.

“Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; ý nhận thức pháp rồi sanh hỷ, nên biết có hai loại, hoặc y trên đắm trước, hoặc y trên vô dục.

“Thế nào hỷ y trên đắm trước? Pháp được biết bởi ý, khả hỷ, ý niệm, pháp ái, lạc tương ưng với dục; cái chưa được thì muốn được, đã được thì truy ức, rồi phát sanh hỷ. Hỷ như vậy gọi là hỷ y trên đắm trước.

“Thế nào gọi là hỷ y trên vô dục? Biết pháp là vô thường, biến dịch, diệt tận, vô dục, tịch diệt, tịch tĩnh; biết tất cả pháp trước kia và bây giờ đều là pháp vô thường, khổ, hoại diệt. Truy ức như vậy rồi phát sanh hỷ. Hỷ như vậy gọi là hỷ y trên vô dục.

“Thế nào là sáu ưu y trên đắm trước? Thế nào là sáu ưu y trên vô dục? Mắt thấy sắc rồi phát sanh ưu, nên biết có hai loại: hoặc y trên đắm trước, hoặc y trên vô dục.

“Thế nào là ưu y trên đắm trước? Sắc được biết bởi mắt, khả hỷ, ý niệm, sắc ái, lạc tương ưng với dục, cái chưa được mà không được, đã được nhưng trong quá khứ bị phân tán, hoại diệt, biến dịch nên sanh ưu. Ưu như vậy gọi là ưu y trên đắm trước.

“Thế nào là ưu y trên vô dục? Biết sắc là pháp vô thường, biến dịch, diệt tận, vô dục, tịch diệt, tịch tĩnh; biết tất cả sắc trước kia và bây giờ đều là pháp vô thường, khổ, pháp hoại diệt. Truy ức như vậy rồi nghĩ rằng ‘Ta lúc nào thì thành tựu, an trú nơi xứ mà các bậc Thánh đã thành tựu, an trú?’ Do ước nguyện chứng nhập giải thoát tối thượng ấy mà lo sợ [43], sầu khổ nên phát sanh ưu. Ưu như vậy gọi là ưu y trên vô dục.

“Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; ý nhận thức pháp rồi sanh ưu, nên biết có hai loại: hoặc y trên đắm trước, hoặc y trên vô dục.

“Thế nào là ưu y trên đắm trước? Pháp được biết bởi ý, khả hỷ, niệm, pháp ái, lạc tương ưng với dục, cái chưa được mà không được, cái đã được nhưng trong quá khứ bị phân tán, hoại diệt, biến dịch nên sanh ưu. Ưu ấy gọi là ưu y trên đắm trước.

“Thế nào là ưu do vô dục? Biết pháp là vô thường, biến dịch, diệt tận, vô dục, tịch diệt, tịch tĩnh; biết tất cả pháp trước kia và bây giờ đều vô thường, khổ, hoại diệt. Truy ức như vậy rồi nghĩ rằng ‘Ta lúc nào thì thành tựu, an trú vào xứ mà các bậc Thánh đã thành tựu, an trú?’ Do ước nguyện chứng nhập tối thượng giải thoát ấy mà lo sợ, sầu khổ nên phát sanh ưu. Ưu như vậy gọi là ưu y trên vô dục.

“Thế nào là xả y trên đắm trước? Thế nào là xả y trên vô dục? Mắt thấy sắc phát sanh xả, nên biết có hai loại: hoặc y trên đắm trước, hoặc y trên vô dục.

“Thế nào là xả y trên đắm trước? Mắt thấy sắc rồi phát sanh xả. Phàm phu ngu si hoàn toàn [44] không đa văn, không trí tuệ, đối với sắc có xả nhưng không xuất ly sắc. Đó là xả y trên đắm trước. 

“Thế nào là xả y trên vô dục? Biết sắc vô thường, biến dịch, diệt tận, [693b] vô dục, tịch diệt, tịch tĩnh; biết tất cả sắc trước kia và bây giờ đều là vô thường, khổ, hoại diệt. Truy ức như vậy rồi an trụ nơi xả. Vị nào dốc lòng tu tập xả như thế, đó là xả y trên vô dục.

“Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; ý nhận thức pháp rồi phát sanh xả, nên biết rằng có hai loại: hoặc y trên đắm trước, hoặc y trên vô dục.

“Thế nào là xả y trên đắm trước? Ý nhận thức, phát sanh xả. Phàm phu ngu si, hoàn toàn không đa văn, không trí tuệ, đối với pháp có xả nhưng không xuất ly pháp. Đó là xả y trên đắm.

“Thế nào là xả y trên vô dục? Ý biết pháp là vô thường, biến dịch, diệt tận, vô dục, tịch diệt, tịch tĩnh; biết pháp trước kia hay bây giờ đều là vô thường, khổ, hoại diệt. Truy ức như vậy rồi an trụ nơi xả. Ai dốc lòng tu tập xả ấy, thì đó là xả y trên vô dục.

“Đó là sáu hỷ y trên đắm trước, sáu hỷ y trên vô dục; sáu ưu y trên đắm trước, sáu ưu y trên vô dục; sáu xả y trên đắm trước, sáu xả y trên vô dục. Tổng thuyết là ba mươi sáu thứ đao kiếm, nên biết, bên trong. Do nhơn đó mà nói như thế.

“Nói rằng ‘Trong đó đoạn trừ cái kia, thành tựu cái này’, do nhơn gì mà nói như vậy? Đó là, đối với sáu hỷ y trên vô dục này, hãy thủ lấy cái này, y trên cái này, an trú nơi cái này; còn đối với sáu hỷ y trên đắm trước kia, thì hãy hủy diệt cái kia, đoạn trừ cái kia, nhổ cái kia ra. Như vậy là đoạn trừ cái kia.

“Đối với sáu ưu y trên vô dục này, hãy thủ lấy cái này, y trên cái này, an trú nơi cái này; còn đối với sáu ưu y trên đám trước kia, hãy hủy diệt cái kia, đoạn trừ cái kia, nhổ cái kia ra. Như vậy là đoạn trừ cái kia.

“Đối với sáu xả y trên vô dục này, hãy thủ lấy cái này, y trên cái này, an trú nơi cái này; còn đối với sáu xả y trên đắùm trước kia, hãy hủy diệt cái kia, đoạn trừ cái kia, nhổ cái kia ra. Như vậy là đoạn trừ cái kia.

“Có loại xả có vô lượng xúc, sai biệt xúc; có loại xả chỉ có một xúc, không sai biệt xúc. [45]

“Thế nào là xả có vô lượng xúc, sai biệt xúc? Nếu xả đối với sắc, đối với thanh, đối với hương, đối với vị, đối với xúc, thì xả ấy có vô lượng xúc, sai biệt xúc.

“Thế nào là xả chỉ có một xúc, không sai biệt xúc? Xả hoặc y vào không vô biên xứ, hoặc y vào thức vô biên xứ, hoặc y vào vô sở hữu xứ, hoặc y vào phi tưởng phi phi tưởng xứ, xả ấy chỉ có một xúc, không sai biệt xúc.

“Đối với xả có một xúc, không [693c] sai biệt xúc, hãy thủ lấy cái này, y trên cái này, an trú nơi cái này. Đối với xả có vô lượng xúc, sai biệt xúc, hãy hủy diệt cái kia, đoạn trừ cái kia, nhổ cái kia ra. Như vậy là đoạn trừ cái kia. Thủ vô lượng, y vô lượng, trú vô lượng, tức là đối với xả có một xúc, không sai biệt xúc, hãy thủ lấy cái này, y trên cái này, an trú nơi cái này. [46] Đối với xả có vô lượng xúc, sai biệt xúc, hãy hủy diệt cái kia, đoạn trừ cái kia, nhổ cái kia ra. Như vậy là đoạn trừ cái kia.

“Nói rằng ‘Trong đó đoạn trừ cái kia, thành tựu cái này’ là nhơn đó mà nói.

“Nói rằng ‘Vô lượng thuyết pháp, nên biết, là bên trong’, do nhơn gì mà nói như thế?

“Như Lai có bốn đệ tử, có tăng thượng hành, tăng thượng tâm, [47] tăng thượng tầm, tăng thượng tuệ, có biện tài, thành tựu biện tài bậc nhất, thọ đến một trăm tuổi. Như Lai thuyết pháp cho đệ tử ấy suốt cả một trăm năm, ngoại trừ lúc ăn lúc uống, lúc đại tiểu tiện, lúc ngủ nghỉ và lúc tụ hội; những pháp mà Như Lai thuyết kia, có văn cú, pháp cú, quán nghĩa, bằng tuệ mà quán nghĩa một cách nhanh chóng, không có hỏi lại Như Lai về pháp nữa. Vì sao? Vì pháp được Như Lai giảng thuyết không có giới hạn, không thể cùng tận, có văn cú, pháp cú, quán nghĩa, cho đến lúc bốn đệ tử lâm chung.

“Cũng như bốn người bắn giỏi, cùng kéo mạnh dây cung mà bắn một lượt, khéo học kỹ, khéo biết rõ. Cũng vậy, Thế Tôn có bốn đệ tử, có tăng thượng hành, tăng thượng tâm, tăng thượng niệm, tăng thượng tuệ, có biện tài, thành tựu biện tài bậc nhất, thọ đến một trăm tuổi. Như Lai thuyết pháp cho đệ tử ấy suốt cả một trăm năm, ngoại trừ lúc ăn lúc uống, lúc đại tiểu tiện, lúc ngủ nghỉ và lúc tụ hội; những pháp mà Như Lai thuyết kia, có văn cú, pháp cú, quán nghĩa, bằng tuệ mà quán nghĩa một cách nhanh chóng, không có hỏi lại Như Lai về pháp nữa. Vì sao? Vì pháp được Như Lai giảng thuyết không có giới hạn, không thể cùng tận.

“Nói rằng ‘Vô lượng thuyết pháp nên biết bên trong’, là nhơn đó mà nói.

“Nói rằng ‘Có ba niệm trụ, là những điều mà bậc Thánh tu tập; sau khi tu tập mới có thể giáo hóa đồ chúng’, do nhơn gì mà nói như thế?

“Như Lai thuyết pháp cho đệ tử là vì mến yêu, mưu cầu nhiều thiện lợi và hữu ích, an ổn và khoái lạc, phát khởi tâm từ bi, bảo rằng ‘Đây là lợi ích, đây là khoái lạc, đây là lợi ích khoái lạc.’  Nếu các đệ tử kia mà không cung kính, không thuận hành, không xác lập nơi trí, tâm không thực hành pháp tùy pháp [48], không thọ chánh pháp, làm trái lời Thế Tôn, không thể đắc định; nhưng Thế Tôn không vì thế mà [694a] buồn rầu. Thế Tôn chỉ xả mà không làm gì, thường chánh niệm, chánh trí. Đó là niệm trụ thứ nhất mà bậc Thánh tu tập; sau khi đã tu tập mới có thể giáo hóa đồ chúng.

“Lại nữa, Như Lai thuyết pháp cho đệ tử vì thương tưởng mến yêu, vì mưu cầu thiện lợi hữu ích, an ổn và khoái lạc, phát khởi tâm từ bi, nói rằng ‘Đây là hữu ích, đây là khoái lạc, đây là hữu ích khoái lạc.’  Nếu đệ tử kia cung kính thực hành theo chánh trí, tâm thực hành pháp và tùy pháp, thọ trì chánh pháp, không trái lời Thế Tôn, đắc định, thì Thế Tôn cũng không vì thế mà hoan hỷ. Thế Tôn chỉ xả, mà không làm gì cả, thường chánh niệm, chánh trí. Đó là niệm trụ thứ hai mà bậc Thánh tu tập; sau khi đã tu tập mới có thể giáo hóa đồ chúng.

“Lại nữa, Như Lai thuyết pháp cho đệ tử vì thương tưởng mến yêu, vì mưu cầu thiện lợi hữu ích, an ổn và khoái lạc, phát khởi tâm từ bi, bảo rằng ‘Đây là hữu ích, đây là khoái lạc, đây là hữu ích khoái lạc.’  Nhưng có đệ tử không cung kính, cũng không thực hành, không vững chánh trí, tâm không hướng đến pháp tùy pháp hành, không thọ trì chánh pháp, trái lời Thế Tôn, không thể đắc pháp. Trái lại, có đệ tử cung kính, thực hành, vững chánh trí, tâm quy hướng đến pháp tùy pháp hành, thọ trì chánh pháp, không trái lời Thế Tôn, đắc định, Thế Tôn cũng không vì thế mà buồn rầu hay hoan hỷ. Thế Tôn chỉ xả, mà không làm gì cả, thường chánh niệm, chánh trí. Đó là niệm trụ thứ ba mà bậc Thánh tu tập; sau khi đã tu tập mới có thể giáo hóa đồ chúng.

“Nói rằng ‘Có ba niệm trụ, là những điều mà bậc Thánh tu tập; sau khi tu tập mới có thể giáo hóa đồ chúng’, là nhơn đó mà nói.

“Nói rằng ‘Bậc Vô Thượng điều ngự con người, là điều ngự người thú hướng tất cả phương’, do nhơn gì mà nói như vậy?

“Điều ngự con người, đó là nói, điều ngự con người chỉ thú hướng một phương, hoặc phương Đông, hoặc phương Nam, hoặc phương Tây, hoặc phương Bắc. Chẳng hạn như điều ngự voi, là vị điều ngự chỉ dẫn con voi đến một phương, hoặc phương Đông, hoặc phương Nam, phương Tây, phương Bắc. Điều ngự ngựa là vị điều ngự chỉ dẫn con ngựa đến một phương, hoặc phương Đông, hoặc phương Nam, phương Tây, phương Bắc. Điều ngự bò là vị điều ngự chỉ dẫn con bò đến một phương, hoặc phương Đông, hoặc phương Nam, phương Tây, phương Bắc. Trái lại, Vô thượng Điều ngự con người thú hướng đến tất cả phương. Trong đó, phương là có sắc thì quán sắc, đó là phương thứ nhất [49]. Bên trong không có sắc tưởng, bên ngoài quán sắc, đó là phương thứ hai. Tịnh giải thoát, thân chứng thành tựu, an trú, [694b] đó là phương thứ ba. Vượt qua mọi sắc tưởng, diệt hữu đối tưởng, không nghĩ đến các loại tưởng sai biệt, nhập không vô biên, thành tựu và an trú không vô biên xứ, đó là phương thứ tư. Vượt qua tất cả không vô biên xứ, nhập thức vô biên, thành tựu an trú thức vô biên xứ, đó là phương thứ năm. Vượt qua tất cả thức vô biên xứ, nhập vô sở hữu, thành tựu và an trú vô sở hữu xứ, đó là phương thứ sáu. Vượt qua tất cả vô sở hữu xứ, nhập phi tưởng phi phi tưởng xứ, thành tựu an trú, đó là phương thứ bảy. Vượt qua tất cả phi tưởng phi phi tưởng xứ, tưởng và thọ đã diệt tận, thân chứng thành tựu, an trú, do tuệ mà quán lậu tận, vĩnh viễn đoạn trừ, đó là phương thứ tám.

“Nói rằng ‘Bậc Vô Thượng điều ngự con người, là điều ngự người thú hướng tất cả phương’ là nhơn đó mà nói.”

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

164. KINH PHÂN BIỆT QUÁN PHÁP

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Này các Tỳ-kheo, Ta sẽ thuyết pháp cho các ngươi, phần đầu thiện, phần giữa thiện và phần cuối cũng thiện, có nghĩa, có văn, đầy đủ thanh tịnh, hiển hiện phạm hạnh. Đó là kinh ‘Phân biệt quán pháp’ [50]. Các ngươi hãy lắng nghe, khéo suy tư và ghi nhớ!

Nghe vậy, các Tỳ-kheo thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, chúng con xin vâng lời.”

Đức Phật bảo rằng:

“Tỳ-kheo, quán như vậy như vậy. Ngươi quán như vậy rồi, Tỳ kheo, tâm hướng về bên ngoài, bị phân rải, tán loạn, tâm không an trú vào bên trong, không chấp thủ nhưng sợ hãi. Nhưng, này các Tỳ-kheo, hãy quán như thế nào mà sau khi các ngươi đã quán như vậy, tâm không hướng về bên ngoài, không bị phân rải, tán loạn, tâm trú bên trong, không chấp thủ, không sợ hãi. Như vậy các ngươi không còn sanh, lão, bệnh, tử nữa. Đó là tận cùng sự khổ.”

Đức Phật nói như thế, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, vào thất tĩnh tọa.

Khi ấy, các Tỳ-kheo nghĩ rằng: “Chư Hiền nên biết, Đức Thế Tôn nói lên điều đó một cách tóm tắt, không phân biệt rộng rãi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy vào thất tĩnh tọa. Thế Tôn chỉ nói: ‘Tỳ-kheo, quán như vậy như vậy. Ngươi quán như vậy rồi, Tỳø kheo, tâm hướng về bên ngoài, bị phân rải, tán loạn, tâm không an trú vào bên trong, không chấp thủ nhưng sợ hãi. Nhưng, này các Tỳ-kheo, hãy quán như thế nào mà sau khi các ngươi đã quán như vậy, tâm không hướng về bên ngoài, không bị phân rải, tán loạn, tâm trú bên trong, không chấp thủ, không sợ hãi. Như vậy các ngươi không còn sanh, lão, bệnh, tử nữa. Đó là tận cùng sự khổ.’ ”

Các vị ấy lại nghĩ rằng: “Chư Hiền, vị nào có thể phân biệt rộng rãi điều mà Thế Tôn đã nói một cách tóm lược?” Các vị ấy lại nghĩ: “Tôn giả Đại Ca-chiên-diên [51] thường được Thế Tôn và các đồng phạm hạnh có trí tán thán. Như vậy, Tôn giả Đại Ca-chiên-diên có thể phân biệt được điều mà Thế Tôn đã nói một cách tóm lược. Này chư Hiền, hãy cùng nhau đi đến nơi Tôn giả Đại Ca-chiên-diên, nhờ Tôn giả giải thích điều đó. Nếu Tôn giả Đại Ca-chiên-diên phân biệt cho, chúng ta sẽ khéo thọ trì.”

Thế rồi các Tỳ-kheo cùng nhau đi đến chỗ Tôn giả Đại Ca-chiên-diên, cùng chào hỏi nhau rồi ngồi qua một bên thưa rằng:

“Thưa Tôn giả Đại Ca-chiên-diên, nên biết cho rằng, Đức Thế Tôn nói điều này một cách tóm lược, không phân biệt rộng rãi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, vào phòng tĩnh tọa. Thế Tôn chỉ nói rằng, ‘Tỳ-kheo, quán như vậy như vậy. Ngươi quán như vậy rồi, Tỳø kheo, tâm hướng về bên ngoài, bị phân rải, tán loạn, tâm không an trú vào bên trong, không chấp thủ nhưng sợ hãi. Nhưng, này các Tỳ-kheo, hãy quán như thế nào mà sau khi các ngươi đã quán như vậy, tâm không hướng về bên ngoài, không bị phân rải, tán loạn, tâm trú bên trong, không chấp thủ, không sợ hãi. Như vậy các ngươi không còn sanh, lão, bệnh, tử nữa. Đó là tận cùng sự kho.å’

“Chúng tôi đã nghĩ rằng, ‘Chư Hiền, vị nào có thể phân biệt được điều mà Thế Tôn đã nói một cách tóm lược?’

“Chúng tôi lại nghĩ, ‘Tôn giả Đại Ca-chiên-diên thường được Thế Tôn và các bậc pham hạnh có trí tán thán. Như vậy, Tôn giả Đại Ca-chiên-diên có thể phân biệt được điều mà Thế Tôn đã nói một cách tóm lược.’  Mong Tôn giả Đại Ca-chiên-diên thương xót mà phân biệt rộng rãi cho.”

Bấy giờ, Tôn giả Đại Ca-chiên-diên nói rằng:

“Này chư Hiền, hãy nghe tôi nói thí dụ. Người có trí nghe thí dụ thì sẽ hiểu được nghĩa.

“Này chư Hiền, cũng như ngườøi muốn tìm lõi cây. Vì muốn tìm lõi cây nên xách búa vào rừng. Người ấy thấy cây đại thọ có đủ gốc, thân, cành, nhánh, lá, hoa và lõi. Người ấy không đốn gốc, thân, cành và lõi mà chỉ chặt nhánh và lá thôi. Điều chư Hiền nói ra cũng lại như vậy. Đức Thế Tôn còn đó mà chư Hiền lại bỏ đi tìm tôi để hỏi về điều ấy. Vì sao? Chư Hiền nên biết, Thế Tôn là Con Mắt, là Trí, là Nghĩa, là Pháp chủ, là Pháp tướng Nói nghĩa chân đế, hiển hiện tất cả các nghĩa, đều do Thế Tôn.

“Này chư Hiền, hãy đến chỗ Đức Thế Tôn mà hỏi điều đó như thế này, ‘Bạch Thế Tôn, điều đó thế nào? Điều đó có nghĩa gì?’ Đức Thế Tôn dạy thế nào, chư Hiền nên khéo léo thọ trì thế ấy.”

Nghe thế, các Tỳ-kheo thưa rằng:

“Xin vâng, thưa Tôn giả Đại Ca-chiên-diên, Đức Thế Tôn là Con Mắt, là Trí, là Nghĩa, là Pháp chủ, là Pháp tướng. Nói nghĩa chân đế, hiển hiện tất cả các nghĩa, đều do Thế Tôn. Chúng tôi đáng lẽ phải đến chỗ Thế Tôn mà hỏi về điều đó như vầy ‘Bạch Thế Tôn, điều đó thế nào? Điều đó có nghĩa gì?’ Đức Thế Tôn nói như thế nào, chúng tôi sẽ khéo thọ trì thế ấy. Nhưng Tôn giả Đại Ca-chiên-diên thường được Thế Tôn và các đồng phạm hạnh có tri tán tán. Như vậy, Tôn giả có thể phân biệt được điều mà Thế Tôn đã nói một cách tóm lược. Mong Tôn giả Đại Ca-chiên-diên thương xót mà giải thích rộng rãi cho.”

Tôn giả Đại Ca-chiên-diên nói:

“Này chư Hiền, vậy hãy nghe tôi nói.

“Này chư Hiền, thế nào là tâm [52] Tỳ-kheo hướng ra bên ngoài, bị phân rải, tán loạn? –Chư Hiền, với con mắt, Tỳ-kheo con mắt thấy sắc, thức ăn tướng của sắc, thắc đắm trước vị lạc của tướng của sắc, thức bị trói buộc bởi vị lạc của tướng của sắc; vị ấy bị vị ngọt của sắc tướng cột chặt tâm nên hướng ra ngoài, bị phân rải, tán loạn. Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; với ý vị ấy nhận thức pháp, thức chạy theo pháp tướng, thức đắm trước vị lạc của pháp tướng, thức bị trói buộc bởi vị lạc của pháp tướng, vị ấy bị vị của vị ngọt của pháp tướng cột chặt tâm nên hướng ra bên ngoài, bị phân rải, tán loạn.

“Này Chư Hiền, như vậy gọi là tâm Tỳ-kheo hướng ra bên ngoài, bị phân rải, tán loạn.

“Này chư Hiền, thế nào gọi là tâm Tỳ-kheo không hướng ra ngoài, không bị phân rải, tán loạn?

“Này chư Hiền, với con mắt, Tỳ-kheo thấy sắc, thức không chạy theo sắc tướng, thức không đắm trước lạc của sắc tướng, thức không bị trói buộc bởi lạc của sắc tướng, vị ấy không bị vị ngọt của sắc tướng cột chặt tâm nên không hướng ra ngoài, không bị phân rải, tán loạn. Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; với ý Tỳ-kheo nhận thức pháp, thức không chạy theo pháp tướng, thức không đắm trước lạc của pháp tướng, thức không bị trói buộc bởi lạc của pháp tướng. Vị ấy không bị vị ngọt của pháp tướng cột chặt tâm nên không hướng ra ngoài, không bị chi phối, tán loạn.

“Này Chư Hiền, như vậy gọi là tâm Tỳ-kheo không hướng ra ngoài, không bị phân rải, tán loạn.

“Này chư Hiền, thế nào là tâm Tỳ-kheo không trú vào bên trong?

“Này chư Hiền, Tỳ-kheo ly dục, ly pháp ác bất thiện, có giác có quán, có hỷ lạc do ly dục phát sanh, chứng đắc thiền thứ nhất, thành tựu an trụ. Nhưng thức của vị ấy đắm trước ở vị ngọt của ly dục, y nơi đó, trú nơi đó, duyên nơi đó, gắn chặt nơi đó, nên thức không trú vào bên trong.

“Lại nữa, này chư Hiền, Tỳ-kheo giác quán đã dứt, nội tĩnh nhất tâm, không giác không quán, có hỷ lạc do định phát sanh, đắc thiền thứ hai, thành tựu an trú. Nhưng thức của vị ấy đắm trước nơi vị ngọt của định, y vào đó, trú vào đó, duyên vào đó, gắn chặt vào đó, nên thức của vị ấy không trú vào bên trong.

“Lại nữa, này chư Hiền, Tỳ-kheo ly hỷ dục, an trú xả, vô cầu, với chánh niệm chánh trí, thân cảm giác lạc, điều được Thánh nói là được Thánh xả, niệm, an trú lạc [53], đắc thiền thứ ba, thành tựu an trú. Nhưng thức của vị ấy trú trước vào vị ngọt của ly hỷ, y vào đó, trú vào đó, duyên vào đó, gắn chặt vào đó, nên thức của vị ấy không trú vào bên trong.

“Lại nữa, này chư Hiền, Tỳ-kheo diệt lạc, diệt khổ, diệt ưu hỷ trước kia, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh, đắc thiền thứ tư, thành tựu an trú. Nhưng thức của vị ấy trú trước vào vị của xả và của niệm, y vào đó, trú vào đó, duyên vào đó, gắn chặt vào đó, nên thức của vị ấy không trú vào bên trong.

“Lại nữa, này chư Hiền, Tỳ-kheo vượt qua mọi sắc tưởng, diệt hữu đối tưởng, không tư duy đến các loại tưởng sai khác, nhập không vô biên, thành không vô biên xứ, thành tựu và an trú. Nhưng thức của vị ấy trú trước vào vị ngọt của không trí, y vào đó, trú vào đó, duyên vào đó, gắn chặt vào đó, nên thức của vị ấy không trú vào bên trong.

“Lại nữa, này chư Hiền, Tỳ-kheo vượt qua tất cả không vô biên xứ, nhập thức vô biên, thức vô biên xứ, thành tựu an trú. Nhưng thức của vị ấy trú trước vào vị của thức trí, y vào đó, trú vào đó, duyên vào đó, gắn chặt vào đó, nên thức của vị ấy không trú vào bên trong.

“Lại nữa, này chư Hiền, Tỳ-kheo vượt qua tất cả thức vô biên xứ, nhập vô sở hữu xứ, thành tựu an trú. Nhưng thức của vị ấy trú trước vào vị của vô sở hữu trí, y vào đó, trú vào đó, duyên vào đó, gắn chặt vào đó, nên thức của vị ấy không trú vào bên trong.

“Lại nữa, này chư Hiền, Tỳ-kheo vượt qua tất cả vô sở hữu xứ, nhập Phi tưởng phi phi tưởng, thành tựu an trú. Nhưng thức của vị ấy trú trước vào vị của tưởng trí, y vào đó, trú vào đó, duyên vào đó, gắn chặt vào đó, nên thức của vị ấy không trú vào bên trong.

“Này chư Hiền, như vậy gọi là tâm Tỳ-kheo không trú vào bên trong.

“Này chư Hiền, thế nào là tâm Tỳ-kheo an trú vào bên trong?

“Chư Hiền, Tỳ-kheo ly dục, ly pháp ác bất thiện, có giác có quán, có hỷ lạc do ly dục sanh, đắc Thiền thứ nhất, thành tựu an trú. Thức của vị ấy không trú trước vào vị ngọt của ly dục, không y vào đó, không trú vào đó, không duyên vào đó, không gắn chặt vào đó, nên thức trú vào bên trong.

“Lại nữa, chư Hiền, Tỳ-kheo giác quán đã dứt, nội tĩnh nhất tâm, không giác không quán, có hỷ lạc do định sanh, đắc đệ Nhị thiền, thành tựu an trú. Thức của vị ấy không trú trước vào vị ngọt của định, không y vào đó, không trú vào đó, không duyên vào đó, không gắn chặt vào đó, nên thức trú vào bên trong.

“Lại nữa, chư Hiền, Tỳ-kheo ly hỷ dục, an trụ, vô cầu, chánh niệm chánh trí, thân cảm giác lạc, điều được Thánh nói là được Thánh xả, niệm, an trú lạc, đắc Thiền thứ ba, thành tựu an trụ. Thức của vị ấy không trú trước vào vị của ly hỷ, không y vào đó, không trú vào đó, không duyên vào đó, không gắn chặt vào đó, nên thức trú vào bên trong.

“Lại nữa, chư Hiền, Tỳ-kheo diệt khổ, diệt dục, diệt hỷ và ưu có trước kia, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh, đắc Thiền thứ tư, thành tựu an trụ. Thức của vị ấy không trú trước vào vị ngọt của xả và vị của niệm thanh tịnh, không y vào đó, không trú vào đó, không duyên vào đó, không gắn chặt vào đó, nên thức trú vào bên trong.

“Lại nữa, chư Hiền, Tỳ-kheo vượt qua tất cả sắc tưởng, diệt hữu đối tưởng, không tư duy đến các loại tưởng sai biệt, nhập không vô biên xứ, thành tựu an trụ. Thức của vị ấy không trú trước vào vị của không trí, không y vào đó, không trú vào đó, không duyên vào đó, không gắn chặt vào đó, nên thức trú vào bên trong.

“Lại nữa, chư Hiền, Tỳ-kheo vượt qua tất cả không vô biên xứ, nhập thức vô biên xứ, thành tựu an trụ. Thức của vị ấy không trú trước vào vị ngọt của thức trí, không y vào đó, không trú vào đó, không duyên vào đó, không gắn chặt vào đó, nên thức trú vào bên trong.

“Lại nữa, chư Hiền, Tỳ-kheo vượt qua tất cả thức vô biên xứ, nhập vô sở hữu xứ, thành tựu an trụ. Thức của vị ấy không trú trước vào vị ngọt của vô sở hữu trí, không y vào đó, không trú vào đó, không duyên vào đó, không gắn chặt vào đó, nên thức trú vào bên trong.

“Lại nữa, chư Hiền, Tỳ-kheo vượt qua tất cả vô sở hữu xứ, nhập phi tưởng phi phi tưởng xứ, thành tựu an trụ. Thức của vị ấy không trú trước vào vị ngọt của vô tưởng trí, không y vào đó, không trú vào đó, không duyên vào đó, không gắn chặt vào đó, nên thức trú vào bên trong.

“Này chư Hiền, như vậy gọi là tâm Tỳ-kheo trú vào bên trong.

“Này chư Hiền, thế nào là Tỳ-kheo không chấp thủ mà sợ hãi?

“Chư Hiền, Tỳ-kheo không ly sắc nhiễm, không ly sắc dục, không ly sắc ái, không ly sắc khát. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo nào không ly sắc nhiễm, không ly sắc dục, không ly sắc ái, không ly sắc khát, thì vị ấy muốn được sắc, truy cầu, đắm trước sắc, trú vào sắc, nghĩ rằng ‘Sắc là ta. Sắc là sở hữu của ta.’  Khi đã muốn được sắc, truy cầu sắc, đắm trước sắc, trú vào sắc, nghĩ rằng ‘Sắc là ta. Sắc là sở hữu của ta’, thì thức nắm bắt sắc. Sau khi thức nắm bắt sắc, lúc ấy sắc biến dịch thì thức cũng bị chuyển theo sắc. Khi thức đã bị chuyển theo sắc thì Tỳ-kheo ấy sanh sợ hãi, tâm trú vào trong đó. Nhơn vì tâm không biết nên sanh khiếp sợ, lao nhọc, không chấp thủ mà sợ hãi.

“Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức; Tỳ-kheo không ly thức nhiễm, không ly thức dục, không ly thức ái, không ly thức khát.

“Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo nào không ly thức nhiễm, không ly thức dục, không ly thức ái, không ly thức khát, thì vị ấy muốn được thức, truy cầu thức, đắm trước thức, trú vào thức, nghĩ rằng ‘Thức là ta. Thức là sở hữu của ta.’  Vị ấy khi đã muốn đượïc thức, truy cầu thức, đắm trước thức, trú vào thức, nghĩ rằng ‘Thức là ta. Thức là sở hữu của ta’ thì thức nắm bắt thức. Sau khi thức nắm bắt thức, lúc thức ấy biến dịch thì thức cũng bị chuyển theo thức. Sau khi thức đã bị chuyển theo thức, Tỳ-kheo ấy sanh sợ hãi, tâm trú vào trong đó. Nhơn vì tâm không biết nên sanh khiếp hãi, lao nhọc, không chấp thọ mà sợ hãi.

“Này chư Hiền, như vậy gọi là Tỳ-kheo không chấp thọ mà sợ hãi.

“Này chư Hiền, thế nào gọi là Tỳ-kheo không chấp thủ, không sợ hãi?

“Chư Hiền, là Tỳ-kheo ly sắc nhiễm, ly sắc dục, ly sắc ái, ly sắc khát.

“Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo nào ly sắc nhiễm, ly sắc dục, ly sắc ái, ly sắc khát, thì vị ấy không muốn được sắc, không truy cầu sắc, không đắm trước sắc, không trú vào sắc nghĩ rằng ‘Sắc không phải là ta. Sắc không phải là sở hữu của ta.’  Vị ấy đã không muốn được sắc, không truy cầu sắc, không đắm trước sắc, không trú vào sắc nghĩ rằng ‘Sắc không phải là ta. Sắc không phải là sở hữu của ta’ thì thức không nắm bắt sắc. Khi thức đã không nắm bắt sắc, lúc ấy sắc biến dịch, thức không bị chuyển theo sắc. Thức đã không bị chuyển theo sắc thì vị ấy không sanh sợ hãi, tâm không trú vào trong đó. Nhơn vì tâm biết nên không khiếp sợ, không lao nhọc, không chấp thọ, không sợ hãi.

“Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức; Tỳ-kheo ly thức nhiễm, ly thức dục, ly thức ái, ly thức khát. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo nào ly thức nhiễm, ly thức dục, ly thức ái, ly thức khát thì vị ấy không muốn đắc thức, không truy cầu thức, không đắm trước thức, không trú vào thức, nghĩ rằng ‘Thức không phải là ta. Thức không phải là sở hữu của ta.’  Tỳ-kheo ấy khi đã không muốn được thức, không truy cầu thức, không đám trước thức, không trú vào thức, nghĩ rằng ‘Thức không phải là ta. Thức không phải là của ta’, thì thức không nắm bắt thức. Khi thức đã không nắm bắt thức, lúc thức kia biến dịch, thức không bị chuyển theo thức. Khi thức không bị chuyển theo thức, Tỳ-kheo ấy không sanh sợ hãi, tâm không trú vào trong đó. Nhơn vì tâm biết nên không khiếp sợ, không lao nhọc, không chấp thọ, không sợ hãi.

“Này chư Hiền, như vậy gọi là Tỳ-kheo không chấp thủ, không sợ hãi.

“Này chư Hiền, Đức Thế Tôn nói điều đó tóm lược, không phân biệt rộng rãi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, vào phòng tĩnh tọa. Ngài chỉ nói rằng ‘Tỳ-kheo, quán như vậy như vậy. Ngươi quán như vậy rồi, Tỳ-kheo, tâm hướng về bên ngoài, bị phân rải, tán loạn, tâm không an trú vào bên trong, không chấp thủ nhưng sợ hãi. Nhưng, này các Tỳ-kheo, hãy quán như thế nào mà sau khi các ngươi đã quán như vậy, tâm không hướng về bên ngoài, không bị phân rải, tán loạn, tâm trú bên trong, không chấp thủ, không sợ hãi. Như vậy các ngươi không còn sanh, lão, bệnh, tử nữa. Đó là tận cùng sự khổ.’  Đức Thế Tôn đã nói điều ấy tóm lược, không phân biệt rộng rãi như vậy đó. Tôi đã dùng cú này, văn này giải thích rộng rãi như thế. Này chư Hiền, hãy đến trình bày với Thế Tôn đầy đủ. Nếu Đức Thế Tôn nói điều đó như thế nào thì chư Hiền thọ trì như thế ấy.”

Bấy giờ, các Tỳ-kheo ấy nghe Tôn giả Đại Ca-chiên-diên nói như vậy, khéo thọ trì, đọc tụng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đi quanh Tôn giả ấy ba vòng rồi đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ rồi ngồi qua một bên mà thưa rằng: 

“Bạch Thế Tôn, sau khi Thế Tôn nói tóm lược về điều đó mà không phân biệt rộng rãi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, vào thất tĩnh tọa, thì Tôn giả Đại Ca-chiên-diên với cú như thế, văn như thế đã giải thích rộng rãi về điều đó.”

Đức Thế Tôn nghe như vậy, liền tán thán rằng:

“Lành thay! Lành thay! Trong số đệ tử của Ta, đó là vị có mắt, có trí, có pháp, có nghĩa. Vì sao? Vì đạo sư nói điều ấy tóm lược, không phân biệt rộng rãi cho các đệ tử, mà đệ tử ấy đã bằng cú như thế, văn như thế để giải thích rộng rãi. Cho nên những gì mà Ca-chiên-diên đã nói, các ngươi hãy thọ trì như vậy. Vì sao? Vì thuyết quán nghĩa phải như vậy.

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

165. KINH ÔN TUYỀN LÂM THIÊN

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại thành Vương xá, trong rừng Trúc, vườn Ca-lan-đa [54].

Bấy giờ, Tôn giả Tam-di-đề [55] cũng đi trú ở thành Vương xá, tại Ôn tuyền tâm [56].

Bấy giờ, đêm gần tàn, trời sắp sáng, Tôn giả Tam-di-đề từ phòng bước ra, đi đến Ôn tuyền, cởi y để trên bờ rồi xuống hồ Ôn tuyền tắm. Sau khi tắm xong, Tôn giả lên bờ lấy khăn lau mình và mặc y vào.

Bấy giờ có một vị thiên thần thân hình rất đẹp, sắc tướng uy nghi, nhắm lúc trời sắp rạng đông, đi đến Tôn giả Tam-di-đề, cúi đầu đảnh lễ Tôn giả Tam-di-đề rồi đứng qua một bên. Vị thiên thần đó với sắc tướng uy thần cực diệu làm sáng chói khắp cả bờ hồ Ôn tuyền.

Sau khi đứng qua một bên, thiên thần bạch với Tôn giả Tam-di-đề rằng:

“Này Tỳ-kheo, thầy có thuộc bài kệ Bạt-địa-la-đế [57] chăng?

Tôn giả Tam-di-đề trả lời vị thiên thần kia rằng:

“Tôi không thuộc bài kệ Bạt-địa-la-đế.”

Rôi Tôn giả hỏi lại thiên thần:

“Nhưng ngài có thuộc bài kệ Bạt-địa-la-đế chăng?”

Thiên thần trả lời:

“Tôi cũng không thuộc bài kệ Bạt-địa-la-đế.”

Tôn giả Tam-di-đề lại hỏi vị thiên thần kia:

“Ai thuộc bài kệ Bạt-địa-la-đế?”

Thiên thần kia đáp:

“Đức Thế Tôn đang trú trong thành Vương xá này, tại Trúc lâm, vườn Ca-lan-đa. Chính Ngài thuộc bài kệ Bạt-địa-la-đế. Này Tỳ-kheo, thầy nên gặp Thế Tôn và từ Ngài mà ghi nhớ và thuộc kỹ, thọ trì bài kệ Bạt-địa-la-đế. Vì sao vậy? Vì bài kệ Bạt-địa-la-đế đó có pháp có nghĩa, là căn bản của phạm hạnh, hướng đến trí tuệ, hướng đến giác ngộ và hướng đến Niết-bàn. Một thiện nam tử chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình học đạo, cần phải khéo thọ trì đọc tụng bài kệ Bạt-địa-la-đế này.”

Thiên thần kia nói như vậy, và sau khi cúi đầu đảnh lễ dưới chân của Tôn giả Tam-di-đề, nhiễu quanh Tôn giả ba vòng rồi biến mất khỏi chỗ đó.

Sau khi thiên thần biến mất không lâu, Tôn giả Tam-di-đề đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ rồi ngồi xuống một bên mà bạch rằng:

“Bạch Đức Thế Tôn, hôm nay khi trời sắp rạng đông, con ra khỏi phòng, đi đến Ôn tuyền, cởi y để trên bờ rồi xuống hồ Ôn tuyền tắm. Sau khi tắm xong, lên bờ lấy khăn lau mình và mặc y vào. Bấy giờ có một vị thiên thần thân hình rất đẹp, sắc tướng uy nghi, nhắm lúc trời sắp rạng đông, đi đến con, cúi đầu đảnh lễ con rồi đứng qua một bên. Vị thiên thần đó với sắc tướng uy thần cực diệu làm sáng chói khắp cả bờ hồ Ôn tuyền. Sau khi đứng qua một bên, thiên thần bạch với con: ‘Này Tỳ-kheo, thầy có thuộc bài kệ Bạt-địa-la-đế chăng? Con trả lời vị thiên thần kia rằng: ‘Tôi không thuộc bài kệ Bạt-địa-la-đế.’  Rồi con hỏi lại thiên thần: ‘Nhưng ngài có thuộc bài kệ Bạt-địa-la-đế chăng?’ Thiên thần trả lời: ‘Tôi cũng không thuộc bài kệ Bạt-địa-la-đế.’  Con lại hỏi vị thiên thần kia: ‘Ai thuộc bài kệ Bạt-địa-la-đế?’ Thiên thần kia đáp: ‘Đức Thế Tôn đang trú trong thành Vương xá này, tại Trúc lâm, vườn Ca-lan-đa. Chính Ngài thuộc bài kệ Bạt-địa-la-đế. Này Tỳ-kheo, thầy nên gặp Thế Tôn và từ Ngài mà ghi nhớ và thuộc kỹ, thọ trì bài kệ Bạt-địa-la-đế. Vì sao vậy? Vì bài kệ Bạt-địa-la-đế đó có pháp có nghĩa, là căn bản của phạm hạnh, hướng đến trí tuệ, hướng đến giác ngộ và hướng đến Niết-bàn. Một thiện nam tử chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình học đạo, cần phải khéo thọ trì đọc tụng bài kệ Bạt-địa-la-đế này.’  Thiên thần kia nói như vậy, và sau khi cúi đầu đảnh lễ dưới chân con, nhiễu quanh Tôn giả ba vòng rồi biến mất khỏi chỗ đó.”

Đức Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Tam-di-đề, ngươi có biết vị thiên thần kia từ đâu đến chăng? Vị thiên thần kia tên là gì chăng?”

“Tôn giả Tam-di-đề đáp rằng:

“Bạch Thế Tôn, con không biết vị thiên thần kia từ đâu đến, cũng không biết tên gì.”

Đức Thế Tôn bảo:

“Này Tam-di-đề, vị thiên thần kia tên là Chánh Điện [58], làm tướng quân ở cõi trời Tam thập tam thiên.

Khi ấy, Tôn giả Tam-di-đề bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, nay thật là đúng lúc. Bạch Thiện Thệ, nay thật là đúng lúc. Nếu Thế Tôn nói cho Tỳ-kheo bài kệ Bạt-địa-la-đế ấy, các Tỳ-kheo sau khi nghe Thế Tôn nói, sẽ ghi nhớ kỹ.”

Đức Thế Tôn bảo:

“Này Tam-di-đề, hãy nghe kỹ và suy nghĩ kỹ. Ta sẽ nói cho ông nghe.”

Tôn giả Tam-di-đề bạch:

“Xin vâng, bạch Thế Tôn!”

Bấy giờ, các Tỳ-kheo vâng lời chỉ giáo mà lắng nghe.

Đức Thế Tôn đọc bài tụng:

Cẩn thận, đừng nghĩ quá khứ; 

Tương lai cũng chớ mong cầu.

Quá khứ đã qua, đã mất,

Tương lai chưa đến, còn xa.

Hiện tại những gì đang có

Thì nên quán sát suy tư.

Niệm niệm mong manh không chắc,

Người khôn biết vậy nên tu.

Nếu có làm theo hạnh Thánh,

Ai hay nỗi chết ưu sầu.

Nhất định tránh xa sự chết;

Hiểm nguy, khổ lớn dứt trừ.

Như vậy thực hành tinh tấn,

Ngày đêm không chút biếng lười.

Vì vậy phải thường tụng đọc

Bạt-địa-la-đế kệ này.

Sau khi nói bài kệ như vậy, Đức Thế Tôn liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đi vào tịnh thất mà tĩnh tọa.

Lúc bấy giờ, các Tỳ-kheo liền nghĩ rằng: “Này chư Hiền, nên biết, Đức Thế Tôn chỉ nói vắn tắt lời dạy này, không phân biệt rộng rãi, rồi Ngài liền từ chỗ ngồi đứng dậy đi vào tịnh thất nhập định.

Cẩn thận, đừng nghĩ quá khứ; 

Tương lai cũng chớ mong cầu.

Quá khứ đã qua, đã mất,

Tương lai chưa đến, còn xa.

Hiện tại những gì đang có

Thì nên quán sát suy tư.

Niệm niệm mong manh không chắc,

Người khôn biết vậy nên tu.

Nếu có làm theo hạnh Thánh,

Ai hay nỗi chết ưu sầu.

Nhất định tránh xa sự chết;

Hiểm nguy, khổ lớn dứt trừ.

Như vậy thực hành tinh tấn,

Ngày đêm không chút biếng lười.

Vì vậy phải thường tụng đọc

Bạt-địa-la-đế kệ này.

Các vị ấy lại nghĩ rằng: “Chư Hiền, vị nào có thể phân biệt rộng rãi điều mà Thế Tôn đã nói một cách tóm lược?” Các vị ấy lại nghĩ: “Tôn giả Đại Ca-chiên-diên [59] thường được Thế Tôn và các đồng phạm hạnh có trí tán thán. Như vậy, Tôn giả Đại Ca-chiên-diên có thể phân biệt được điều mà Thế Tôn đã nói một cách tóm lược. Này chư Hiền, hãy cùng nhau đi đến nơi Tôn giả Đại Ca-chiên-diên, nhờ Tôn giả giải thích điều đó. Nếu Tôn giả Đại Ca-chiên-diên phân biệt cho, chúng ta sẽ khéo thọ trì.”

Thế rồi các Tỳ-kheo cùng nhau đi đến chỗ Tôn giả Đại Ca-chiên-diên, cùng chào hỏi nhau rồi ngồi qua một bên thưa rằng:

“Tôn giả Đại Ca-chiên-diên, nên biết, Đức Thế Tôn chỉ nói vắn tắt lời dạy này, không phân biệt rộng rãi, rồi Ngài liền từ chỗ ngồi đứng dậy đi vào tịnh thất nhập định.

Cẩn thận, đừng nghĩ quá khứ; 

Tương lai cũng chớ mong cầu.

Quá khứ đã qua, đã mất,

Tương lai chưa đến, còn xa.

Hiện tại những gì đang có

Thì nên quán sát suy tư.

Niệm niệm mong manh không chắc,

Người khôn biết vậy nên tu.

Nếu có làm theo hạnh Thánh,

Ai hay nỗi chết ưu sầu.

Nhất định tránh xa sự chết;

Hiểm nguy, khổ lớn dứt trừ.

Như vậy thực hành tinh tấn,

Ngày đêm không chút biếng lười.

Vì vậy phải thường tụng đọc

Bạt-địa-la-đế kệ này.

“Chúng tôi suy nghĩ rằng: ‘Chư Hiền, vị nào có thể phân biệt rộng rãi điều mà Thế Tôn đã nói một cách tóm lược?’ Chúng tôi lại nghĩ: ‘Tôn giả Đại Ca-chiên-diên thường được Thế Tôn và các đồng phạm hạnh có trí tán thán. Như vậy, Tôn giả Đại Ca-chiên-diên có thể phân biệt được điều mà Thế Tôn đã nói một cách tóm lược. Cúi xin Tôn giả Đại Ca-chiên-diên vì lòng từ mẫn mà nói nghĩa ấy một cách rộng rãi.”

Bấy giờ, Tôn giả [697c] Đại Ca-chiên-diên nói rằng:

“Này chư Hiền, hãy nghe tôi nói thí dụ. Người có trí nghe thí dụ thì sẽ hiểu được nghĩa.

“Này chư Hiền, cũng như người muốn tìm lõi cây. Vì muốn tìm lõi cây nên xách búa vào rừng. Người ấy thấy cây đại thọ có đủ gốc, thân, cành, nhánh, lá, hoa và lõi. Người ấy không đốn gốc, thân, cành và lõi mà chỉ chặt nhánh và lá thôi. Điều chư Hiền nói ra cũng lại như vậy. Đức Thế Tôn còn đó mà chư Hiền lại bỏ đi tìm tôi để hỏi về điều ấy. Vì sao? Chư Hiền nên biết, Thế Tôn là Con Mắt, là Trí, là Nghĩa, là Pháp chủ, là Pháp tướng. Nói nghĩa chân đế, hiển hiện tất cả các nghĩa, đều do Thế Tôn.

“Này chư Hiền, hãy đến chỗ Đức Thế Tôn mà hỏi điều đó như thế này, ‘Bạch Thế Tôn, điều đó thế nào? Điều đó có nghĩa gì?’ Đức Thế Tôn dạy thế nào, chư Hiền nên khéo léo thọ trì thế ấy.”

Nghe thế, các Tỳ-kheo thưa rằng:

“Xin vâng, thưa Tôn giả Đại Ca-chiên-diên, Đức Thế Tôn là Con Mắt, là Trí, là Nghĩa, là Pháp chủ, là Pháp tướng. Nói nghĩa chân đế, hiển hiện tất cả các nghĩa, đều do Thế Tôn. Chúng tôi đáng lẽ phải đến chỗ Thế Tôn mà hỏi về điều đó như vầy ‘Bạch Thế Tôn, điều đó thế nào? Điều đó có nghĩa gì?’ Đức Thế Tôn nói như thế nào, chúng tôi sẽ khéo thọ trì thế ấy. Nhưng Tôn giả Đại Ca-chiên-diên thường được Thế Tôn và các đồng phạm hạnh có tri tán thán. Như vậy, Tôn giả có thể phân biệt được điều mà Thế Tôn đã nói một cách tóm lược. Mong Tôn giả Đại Ca-chiên-diên thương xót mà giải thích rộng rãi cho.”

Tôn giả Đại Ca-chiên-diên bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Này chư Hiền, nếu vậy xin hãy nghe tôi nói.

“Này chư Hiền, thế nào là Tỳ-kheo truy niệm quá khứ? Này chư Hiền, Tỳ-kheo quả thật có sắc được biết bởi mắt, khả hỷ, xứng ý, sắc ái, tương ưng với dục, tâm lạc, [60] do đó mò tìm cái gốc. Gốc tức quá khứ vậy. Thức quá khứ vị ấy bị nhiễm trước dục. [61] Do thức nhiễm trước dục, vị ấy hoan lạc. Do hoan lạc, vị ấy truy niệm quá khứ. Tai, mũi, lưỡi và thân cũng vậy. Quả thật có sắc được biết bởi mắt, khả hỷ, xứng ý, sắc ái, tương ưng với dục, tâm lạc, do đó mò tìm cái gốc. Gốc tức quá khứ vậy. Thức quá khứ vị ấy bị nhiễm trước dục; do thức nhiễm trước dục, vị ấy hoan lạc. Do hoan lạc, vị ấy truy niệm quá khứ.

“Này chư Hiền, sao gọi là Tỳ-kheo không truy niệm quá khứ? Này chư Hiền, Tỳ-kheo quả thật có sắc được biết bởi mắt, khả hỷ, xứng ý, sắc ái, tương ưng với dục, tâm lạc, do đó mò tìm [698a] cái gốc. Gốc tức quá khứ vậy. Thức quá khứ vị ấy không bị nhiễm trước dục; do thức không bị nhiễm trước dục, nên không hoan lạc nơi đó. Do không hoan lạc nơi đó nên không truy niệm quá khứ. Tai, mũi, lưỡi, thân cũng vậy, quả thật có sắc được biết bởi mắt, khả hỷ, ý niệm, sắc ái, tâm lạc tương ưng với dục, tâm mò bắt cái gốc. Gốc tức quá khứ vậy. Thức quá khứ vị ấy không bị nhiễm trước dục; do thức không nhiễm trước dục, vị ấy không hoan lạc. Do không hoan lạc, vị ấy không truy niệm quá khứ.

Này chư Hiền, như vậy đó là Tỳ-kheo không truy niệm quá khứ.

“Này chư Hiền, sao gọi là Tỳ-kheo mong ước vị lai? Này chư Hiền, Tỳ-kheo có mắt, sắc và thức con mắt, đối với vị lai những gì chưa được thì muốn được, đã được rồi thì tâm mong ước. Do tâm mong ước nên hoan lạc nơi đó. Do hoan lạc nên mong ước vị lai. Tai, mắt, nũi, lưỡi, thân cũng như vậy. Đối với vị lai, những gì chưa được thì muốn được. Đã được thì tâm mong ước. Do tâm mong ước nên tâm hoan lạc nơi đó. Do hoan lạc nên mong ước vị lai. Này chư Hiền, như vậy đó là Tỳ-kheo mong ước vị lai.

“Này chư Hiền, sao gọi là Tỳ-kheo không mong ước vị lai? Này chư Hiền, Tỳ-kheo có mắt, sắc và thức con mắt, đối với vị lai những gì chưa được thì không muốn được, đã được rồi thì tâm không mong ước. Do tâm không mong ước nên không hoan lạc nơi đó. Do không hoan lạc nơi đó nên không mong ước vị lai. Này chư Hiền, như vậy đó gọi là Tỳ-kheo mong ước vị lai.

“Này chư Hiền, sao gọi là Tỳ-kheo chấp thủ pháp hiện tại? Này chư Hiền, Tỳ-kheo có mắt, sắc và thức con mắt, đối với hiện tại, vị ấy thức hiện tại bị nhiễm trước dục. Do thức bị nhiễm trước dục nên hoan lạc nơi ấy. Do hoan lạc nên chấp thủ pháp hiện tại. Tai, mũi, lưỡi, thân cũng vậy, có ý, pháp và ý thức, đối với hiện tại, vị ấy thức hiện tại bị nhiễm trước dục. Do bị nhiễm trước dục nên hoan lạc nơi ấy. Do hoan lạc nên chấp thủ pháp hiện tại. Này chư Hiền, như vậy đó là Tỳ-kheo chấp thủ pháp hiện tại.

“Này chư Hiền, sao gọi là Tỳ-kheo không chấp thủ pháp hiện tại? Này chư Hiền, Tỳ-kheo có mắt, sắc và thức con mắt, đối với hiện tại, vị ấy thức hiện tại không bị nhiễm trước dục. Do thức không bị nhiễm trước dục nên không hoan lạc nơi ấy. Do hoan lạc nên không chấp thủ pháp hiện tại. Tai, mũi, lưỡi, thân cũng vậy, nếu ý, pháp và ý thức, đối với hiện tại, vị ấy thức hiện tại không bị nhiễm trước dục. Do thức không bị nhiễm trước dục [698c] nên không hoan lạc nơi ấy. Do không hoan lạc nên không chấp thủ pháp hiện tại. Này chư Hiền, như vậy đó là Tỳ-kheo không chấp thủ pháp hiện tại.

“Này chư Hiền, phần này được Thế Tôn nói vắn tắt, không phân biệt một cách rộng rãi, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy đi vào tịnh thất tĩnh tọa.”

Cẩn thận, đừng nghĩ quá khứ; 

Tương lai cũng chớ mong cầu.

Quá khứ đã qua, đã mất,

Tương lai chưa đến, còn xa.

Hiện tại những gì đang có

Thì nên quán sát suy tư.

Niệm niệm mong manh không chắc,

Người khôn biết vậy nên tu.

Nếu có làm theo hạnh Thánh,

Ai hay nỗi chết ưu sầu.

Nhất định tránh xa sự chết;

Hiểm nguy, khổ lớn dứt trừ.

Như vậy thực hành tinh tấn,

Ngày đêm không chút biếng lười.

Vì vậy phải thường tụng đọc

Bạt-địa-la-đế kệ này.

“Phần này được Thế Tôn nói vắn tắt mà không phân biệt một cách rộng rãi. Tôi bằng những câu này nói một cách rộng rãi như vậy đó. Này chư Hiền, có thể đến trình bày đầy đủ lên Đức Phật. Nếu Đức Thế Tôn có nói ý nghĩa như thế nào, chư Hiền hãy thọ trì.”

Bấy giờ, các Tỳ-kheo ấy nghe Tôn giả Đại Ca-chiên-diên nói như vậy, khéo thọ trì, đọc tụng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đi quanh Tôn giả ấy ba vòng rồi đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ rồi ngồi qua một bên mà thưa rằng: 

“Bạch Thế Tôn, sau khi Thế Tôn nói tóm lược về điều đó mà không phân biệt rộng rãi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, vào thất tĩnh tọa, sau đó Tôn giả Đại Ca-chiên-diên với cú như thế, văn như thế đã giải thích rộng rãi về điều đó.”

Đức Thế Tôn nghe như vậy, liền tán thán rằng:

“Lành thay! Lành thay! Trong số đệ tử của Ta, đó là vị có mắt, có trí, có pháp, có nghĩa. Vì sao? Vì Đạo sư nói điều ấy tóm lược, không phân biệt rộng rãi cho các đệ tử, mà đệ tử ấy đã bằng cú như thế, văn như thế để giải thích rộng rãi. Cho nên những gì mà Ca-chiên-diên đã nói, các ngươi hãy thọ trì như vậy. Vì sao? Vì thuyết quán nghĩa phải như vậy [62].”

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo ấy sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

166. KINH THÍCH TRUNG THIỀN THẤT TÔN

 [698c5]Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ, Tôn giả Lô-di-cường-kỳ [63] cũng ở giữa những người họ Thích tại thiền thất Vô sự [64].

Khi ấy, vào lúc trời gần sáng, Tôn giả Lô-di-cường-kỳ từ thiền thất kia đi ra, đến một khoảng đất trống nằm trong bóng thiền thất, trải ni-sư-đàn lên trên chõng rồi ngồi kiết già.

Bấy giờ có một vị thiên thần hình dáng rất đẹp, sắc đẹp nguy nguy, vào lúc trời gần sáng, đi đến chỗ Tôn giả Lô-di-cường-kỳ, cúi đầu đảnh lễ rồi đứng qua một bên. Sắc tượng và uy thần của bị trời này rất là thù diệu, ánh sáng chói khắp cả thiền thất. Sau khi đứng qua một bên, vị trời này thưa với Tôn giả Lô-di-cường-kỳ rằng:

“Này Tỳ-kheo, thầy có thuộc bài kệ Bạt-địa-la-đế và ý nghĩa của nó chăng?”

Tôn giả Lô-di-cường-kỳ trả lời vị thiên thần ấy rằng:

“Tôi không có thuộc bài kệ Bạt-địa-la-đế và cũng không hiểu ý nghĩa của nó.”

Rồi Tôn giả hỏi lại:

“Người có thọ trì bài kệ Bạt-địa-la-đế và ý nghĩa của nó chăng?”

Thiên thần trả lời:

“Tôi có thọ trì bài kệ Bạt-địa-la-đế nhưng ý nghĩa thì không hiểu.”

Tôn giả Lô-di-cường-kỳ lại hỏi thiên thần:

“Tại sao thọ trì bài kệ Bạt-địa-la-đế mà lại không hiểu ý nghĩa của nó?”

Thiên thần đáp:

“Một thời, Đức Thế Tôn trú trong thành Vương xá, trú tại Trúc lâm, vườn Ca-lan-đa. Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói cho các Tỳ-kheo nghe bài kệ Tôn giả Lô-di-cường-kỳ như vầy:

Cẩn thận, đừng nghĩ quá khứ; 

Tương lai cũng chớ mong cầu.

Quá khứ đã qua, đã mất,

Tương lai chưa đến, còn xa.

Hiện tại những gì đang có

Thì nên quán sát suy tư.

Niệm niệm mong manh không chắc,

Người khôn biết vậy nên tu.

Nếu có làm theo hạnh Thánh,

Ai hay nỗi chết ưu sầu.

Nhất định tránh xa sự chết;

Hiểm nguy, khổ lớn dứt trừ.

Như vậy thực hành tinh tấn,

Ngày đêm không chút biếng lười.

Vì vậy phải thường tụng đọc

Bạt-địa-la-đế kệ này.

 [699a] “Này Tỳ-kheo, tôi thọ trì bài kệ Bạt-địa-la-đế như vậy nhưng mà không lãnh hội được ý nghĩa của nó.”

Tôn giả Lô-di-cường-kỳ hỏi thiên thần:

“Vậy thì ai thọ trì bài kệ Bạt-địa-la-đế và ý nghĩa của nó?

Thiên thần kia đáp:

“Đức Thế Tôn đang trú trong thành Vương xá này, tại Trúc lâm, vườn Ca-lan-đa. Chính Ngài thuộc bài kệ Bạt-địa-la-đế. Này Tỳ-kheo, thầy nên gặp Thế Tôn và từ Ngài mà ghi nhớ và thuộc kỹ, thọ trì bài kệ Bạt-địa-la-đế. Vì sao vậy? Vì bài kệ Bạt-địa-la-đế đó có pháp có nghĩa, là căn bản phạm hạnh, hướng đến trí tuệ, hướng đến giác ngộ, hướng đến Niết-bàn. Một thiện nam tử chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình học đạo, cần phải khéo thọ trì đọc tụng bài kệ Bạt-địa-la-đế này.”

Thiên thần kia nói như vậy, và sau khi cúi đầu đảnh lễ dưới chân của Tôn giả Lô-di-cường-kỳ, nhiễu quanh Tôn giả ba vòng rồi biến mất khỏi chỗ đó.

Chẳng bao lâu sau khi vị thiên thần biến mất, Tôn giả Lô-di-cường-kỳ, ở giữa dòng họ Thích, ba tháng an cư mùa mưa đã qua, khâu vá y cũng đã xong, đắp y ôm bát đi vào nước Xá-vệ. Tôn giả lần hồi tiến về phía trước, đến nước Xá-vệ, trụ tại rừng Thắng, trong vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ, Tôn giả Lô-di-cường-kỳ đi đến chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ rồi ngồi một bên mà bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn, một thời con trú ở giữa dòng họ Thích, tại thiền thất Vô sự. Bạch Đức Thế Tôn, bấy giờ vào lúc trời gần sáng, con từ thiền thất đi ra, đến khoảng đất trống nằm trong bóng của thiền thất, con trải tọa cụ lên trên chõng rồi ngồi kiết già. Lúc đó có một vị thiên thần hình dáng rất đẹp, sắc đẹp nguy nguy, vào lúc trời gần sáng, đi đến chỗ con, cúi đầu đảnh lễ rồi đứng qua một bên. Sắc tượng và uy thần của bị trời này rất là thù diệu, ánh sáng chói khắp cả thiền thất. Sau khi đứng qua một bên, vị trời này thưa với con rằng ‘Này Tỳ-kheo, thầy có thuộc bài kệ Bạt-địa-la-đế và ý nghĩa của nó chăng?’ Con trả lời vị thiên thần ấy rằng: ‘Tôi không có thuộc bài kệ Bạt-địa-la-đế và cũng không hiểu ý nghĩa của nó.’  Rồi con hỏi lại ‘Người có thọ trì bài kệ Bạt-địa-la-đế và ý nghĩa của nó chăng?’ Thiên thần trả lời ‘Tôi có thọ trì bài kệ Bạt-địa-la-đế nhưng ý nghĩa thì không hiểu.’  Con lại hỏi thiên thần ‘Bài kệ Bạt-địa-la-đế như thế nào, được thọ trì mà lại không hiểu ý nghĩa của nó?’ Thiên thần đáp ‘Một thời, Đức Thế Tôn trú trong thành Vương xá, trú tại Trúc lâm, vườn Ca-lan-đa. Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói cho các Tỳ-kheo nghe bài kệ Tôn giả Lô-di-cường-kỳ như vầy:

 [699b] Cẩn thận, đừng nghĩ quá khứ; 

Tương lai cũng chớ mong cầu.

Quá khứ đã qua, đã mất,

Tương lai chưa đến, còn xa.

Hiện tại những gì đang có

Thì nên quán sát suy tư.

Niệm niệm mong manh không chắc,

Người khôn biết vậy nên tu.

Nếu có làm theo hạnh Thánh,

Ai hay nỗi chết ưu sầu.

Nhất định tránh xa sự chết;

Hiểm nguy, khổ lớn dứt trừ.

Như vậy thực hành tinh tấn,

Ngày đêm không chút biếng lười.

Vì vậy phải thường tụng đọc

Bạt-địa-la-đế kệ này.

“‘Này Tỳ-kheo, tôi thọ trì bài kệ Bạt-địa-la-đế như vậy nhưng mà không thọ trì ý nghĩa của nó.’  Con lại hỏi thiên thần ‘Vậy thì ai thọ trì bài kệ Bạt-địa-la-đế và ý nghĩa của nó?’ Thiên thần kia đáp ‘Đức Thế Tôn đang trú trong thành Vương xá này, tại Trúc lâm, vườn Ca-lan-đa. Chính Ngài thuộc bài kệ Bạt-địa-la-đế. Này Tỳ-kheo, thầy nên gặp Thế Tôn và từ Ngài mà ghi nhớ và thuộc kỹ, thọ trì bài kệ Bạt-địa-la-đế. Vì sao vậy? Vì bài kệ Bạt-địa-la-đế đó có pháp có nghĩa, là căn bản của phạm hạnh, hướng đến trí tuệ, hướng đến giác ngộ và hướng đến Niết-bàn. Một thiện nam tử chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình học đạo, cần phải khéo thọ trì đọc tụng bài kệ Bạt-địa-la-đế này.’  Thiên thần kia nói như vậy, và sau khi cúi đầu đảnh lễ dưới chân của con, nhiễu quanh Tôn giả ba vòng rồi biến mất khỏi chỗ đó.”

Khi ấy, Đức Thế Tôn hỏi Tôn giả Lô-di-cường-kỳ rằng:

“Ngươi biết vị thiên thần kia từ đâu đến chăng? Vị thiên thần kia tên là gì chăng?”

Tôn giả Lô-di-cường-kỳ trả lời rằng:

“Bạch Đức Thế Tôn, con không biết vị thiên thần kia từ đâu tới, cũng không biết tên vị ấy là gì.”

Đức Thế Tôn bảo rằng:

“Này Cường-kỳ, vị thiên thần kia tên là Ban-na [65], làm tướng quân cõi trời Tam thập tam.

Lúc ấy, Tôn giả Lô-di-cường-kỳ bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, nay thật đúng lúc! Bạch Thiện Thệ, nay thật đúng lúc, nếu Thế Tôn nói cho các Tỳ-kheo nghe bài kệ Bạt-địa-la-đế và ý nghĩa của nó thì các Tỳ-kheo sau khi nghe xong sẽ khéo thọ trì.”

Đức Thế Tôn bảo rằng:

“Này Cường-kỳ, hãy nghe kỹ và suy nghĩ kỹ! Ta sẽ nói ý nghĩa bài kệ một cách rộng rãi cho ông nghe.”

Tôn giả Lô-di-cường-kỳ bạch rằng:

“Xin vâng, con xin chấp thuận lời dạy.”

Cẩn thận, đừng nghĩ quá khứ; 

Tương lai cũng chớ mong cầu.

 [699c]Quá khứ đã qua, đã mất,

Tương lai chưa đến, còn xa.

Hiện tại những gì đang có

Thì nên quán sát suy tư.

Niệm niệm mong manh không chắc,

Người khôn biết vậy nên tu.

Nếu có làm theo hạnh Thánh,

Ai hay nỗi chết ưu sầu.

Nhất định tránh xa sự chết;

Hiểm nguy, khổ lớn dứt trừ.

Như vậy thực hành tinh tấn,

Ngày đêm không chút biếng lười.

Vì vậy phải thường tụng đọc

Bạt-địa-la-đế kệ này.

“Này Cường-kỳ, thế nào là Tỳ-kheo truy niệm quá khứ? Tỳ-kheo hoan lạc sắc quá khứ, ham muốn, đắm trước, an trú. Tỳ kheo hoan lạc thọ, tưởng, hành, thức quá khứ, ham muốn, đắm trước, an trú. Như vậy, đó là Tỳ-kheo truy niệm quá khứ.

“Này Cường-kỳ, thế nào là Tỳ-kheo không truy niệm quá khứ? Tỳ-kheo không hoan lạc sắc quá khứ, không ham muốn, không đắm trước, không an trú. Tỳ kheo không hoan lạc thọ, tưởng, hành, thức quá khứ, ham muốn, đắm trước, an trú. Như vậy gọi là Tỳ-kheo không truy niệm quá khứ.

“Này Cường-kỳ, thế nào là Tỳ-kheo mong cầu tương lai? Tỳ-kheo hoan lạc sắc ở tương lai, ham muốn, đắm trước, an trú. Tỳ kheo hoan lạc thọ, tưởng, hành, thức tương lai, ham muốn, đắm trước, an trú. Như vậy gọi là Tỳ-kheo mong cầu tương lai.

“Này Cường-kỳ, sao gọi là Tỳ-kheo không mong cầu tương lai? Tỳ-kheo không hoan lạc sắc ở tương lai, không ham muốn, không đắm trước, không an trú. Không hoan lạc giác, tưởng, hành, thức tương lai, sẽ không ham muốn, không đắm trước, không an trúù. Như vậy gọi là Tỳ-kheo không mong cầu tương lai.

“Này Cường-kỳ, thế nào gọi là Tỳ-kheo chấp thủ pháp hiện tại? Tỳ-kheo hoan lạc sắc ở hiện tại, ham muốn, đắm trước, an trú. Hoan lạc thọ, tưởng, hành, thức ở hiện tại, ham muốn, đắm trước, an trú. Như vậy gọi là Tỳ-kheo chấp thọ pháp hiện tại.

“Này Cường-kỳ, thế nào gọi là Tỳ-kheo không chấp thọ pháp hiện tại? Tỳ-kheo không hoan lạc sắc ở hiện tại, không ham muốn, không đắm trước, không an trúù. Không hoan lạc thọ, tưởng, hành, thức ở hiện tại, không ham muốn, không đắm trước, không an trú. Như vậy gọi là Tỳ-kheo không chấp thọ pháp hiện tại.”

Phật thuyết như vậy. Tôn giả Lô-di-cường-kỳ và các Tỳ-kheo nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

167. KINH A-NAN THUYẾT

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng lâm, vườn [700a] Cấp cô độc.

Bấy giờ, Tôn giả A-nan nói bài kệ Bạt-địa-la-đế kệ và ý nghĩa của nó cho các Tỳ-kheo đang tụ họp tại giảng đường vào lúc ban đêm.

Bấy giờ đêm đã qua, trời hừng sáng, có một Tỳ-kheo đi đến chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ rồi ngồi xuống một bên mà bạch Phật, rằng:

“Bạch Đức Thế Tôn, Tôn giả A-nan có nói bài kệ Bạt-địa-la-đế kệ và ý nghĩa của nó cho các Tỳ-kheo tụ tập tại giảng đường vào lúc ban đêm.”

Nhân đó, Đức Thế Tôn bảo một vị Tỳ-kheo rằng:

“Ngươi hãy đi đến chỗ của Tỳ-kheo A-nan mà nói như vầy: Thưa Tôn giả A-nan, Đức Thế Tôn gọi Tôn giả.”

Tỳ-kheo kia vâng lời dạy của Thế Tôn, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, nhiễu Phật ba vòng rồi đi đến chỗ của Tôn giả A-nan mà nói rằng:

“Thế Tôn gọi Tôn giả A-nan.”

Tôn giả A-nan liền đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ rồi đứng qua một bên.

Đức Thế Tôn hỏi A-nan rằng:

“Này A-nan, có quả thật ông có nói bài kệ Bạt-địa-la-đế kệ cho các Tỳ-kheo tụ họp tại giảng đường vào lúc ban đêm chăng?”

Tôn giả A-nan đáp:

“Thật vậy, bạch Thế Tôn.”

Đức Thế Tôn hỏi:

“Này A-nan, ông nói bài kệ Bạt-địa-la-đế kệ và ý nghĩa của nó cho các Tỳ-kheo nghe như thế nào?”

Tôn giả A-nan liền nói rằng:

Cẩn thận, đừng nghĩ quá khứ; 

Tương lai cũng chớ mong cầu.

Quá khứ đã qua, đã mất,

Tương lai chưa đến, còn xa.

Hiện tại những gì đang có

Thì nên quán sát suy tư.

Niệm niệm mong manh không chắc,

Người khôn biết vậy nên tu.

Nếu có làm theo hạnh Thánh,

Ai hay nỗi chết ưu sầu.

Nhất định tránh xa sự chết;

Hiểm nguy, khổ lớn dứt trừ.

Như vậy thực hành tinh tấn,

Ngày đêm không chút biếng lười.

Vì vậy phải thường tụng đọc

Bạt-địa-la-đế kệ này.

Đức Thế Tôn lại hỏi A-nan rằng:

“Này A-nan, thế nào là Tỳ-kheo truy niệm quá khứ?”

Tôn giả A-nan đáp:

“Thế Tôn, Tỳ-kheo hoan lạc sắc quá khứ, ham muốn, đắm trước, an trú. Hoan lạc thọ, tưởng, hành, thức quá khứ, ham muốn, đắm trước, an trú. Như vậy, đó là Tỳ-kheo truy niệm quá khứ.

Đức Thế Tôn lại hỏi:

“A-nan, thế nào là Tỳ-kheo không truy niệm quá khứ?”

Tôn giả A-nan đáp:

“Thế Tôn, Tỳ-kheo không hoan lạc sắc quá khứ, không ham muốn, không đắm trước, không an trú. Không hoan lạc thọ, tưởng, hành, thức quá khứ, ham muốn, đắm trước, an trú. Như vậy gọi là Tỳ-kheo không truy niệm quá khứ.”

 [700b]Đức Thế Tôn lại hỏi:

“A-nan, thế nào là Tỳ-kheo mong cầu tương lai?”

Tôn giả A-nan đáp:

“Thế Tôn, Tỳ-kheo hoan lạc sắc ở tương lai, ham muốn, đắm trước, an trú. Hoan lạc thọ, tưởng, hành, thức tương lai, ham muốn, đắm trước, an trú. Như vậy gọi là Tỳ-kheo mong cầu tương lai.”

Đức Thế Tôn lại hỏi:

“A-nan, thế nào là Tỳ-kheo không mong cầu tương lai?”

Tôn giả A-nan đáp:

 “Thế Tôn, Tỳ-kheo không hoan lạc sắc ở tương lai, không ham muốn, không đắm trước, không an trú. Không hoan lạc thọ, tưởng, hành, thức tương lai, sẽ không ham muốn, không đắm trước, không an trú. Như vậy gọi là Tỳ-kheo không mong cầu tương lai.”

Đức Thế Tôn lại hỏi:

“A-nan, thế nào là Tỳ-kheo chấp thủ pháp hiện tại?”

Tôn giả A-nan đáp:

“Thế Tôn, Tỳ-kheo hoan lạc sắc ở hiện tại, ham muốn, đắm trước, an trú. Hoan lạc thọ, tưởng, hành, thức ở hiện tại, ham muốn, đắm trước, an trú. Như vậy gọi là Tỳ-kheo chấp thọ pháp hiện tại.”

Đức Thế Tôn lại hỏi:

“A-nan, thế nào là Tỳ-kheo không chấp thọ pháp hiện tại?”

Tôn giả A-nan đáp:

“Thế Tôn, Tỳ-kheo không hoan lạc sắc ở hiện tại, không ham muốn, không đắm trước, không an trú. Không hoan lạc thọ, tưởng, hành, thức ở hiện tại, không ham muốn, không đắm trước, không an trú. Như vậy gọi là Tỳ-kheo không chấp thọ pháp hiện tại.”

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Lành thay! Lành thay! Đệ tử của Ta là người có mắt, có trí, có nghĩa, có pháp. Vì sao vậy? Vì là đệ tử, ngay trước mặt Tôn sư, mà diễn rộng ý nghĩa của văn cú như vậy. Đúng như những gì Tỳ-kheo A-nan đã nói, các ngươi hãy nên như vậy mà thọ trì. Vì sao vậy? Lời nói ấy và quán nghĩa đó phải như vậy.”

Phật thuyết như vậy, Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

168. KINH Ý HÀNH

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Nay Ta sẽ nói pháp cho các ngươi nghe, vi diệu ở đoạn đầu, vi diệu ở đoạn giữa, và đoạn cuối cũng vi diệu; có văn, có nghĩa đầy đủ, thanh tịnh, hiển hiện phạm hạnh. Đó là kinh ‘Phân biệt ý hành’ nói về sự thọ sanh theo ý hành [66]. Hãy lắng nghe, [700c] hãy khéo tư niệm kỹ!”

Bấy giờ các Tỳ-kheo vâng lời, lắng nghe.

Phật nói:

“Sao gọi là sự tái sinh do ý hành đưa tới? Tỳ-kheo ly dục, ly ác bất thiện pháp, có tầm, có tứ, chứng được Sơ thiền [67], thành tựu an trụ. Vị ấy đối với định này, vui sướng trụ ở đó. Vị ấy đối với định kia đã ham muốn trụ ở đó, tất có trường hợp này: trụ vào đó, khoái lạc đó, khi mạng chung tái sanh trong cõi Phạm thân. Các trời Phạm thân [68] sanh ở đó, sống ở đó, thọ hưởng hỷ lạc phát sanh do ly dục; và Tỳ-kheo sống ở đây [69] nhập Sơ thiền, thọ hưởng hỷ lạc do ly dục sanh. Hai thứ hỷ và lạc do ly dục sanh này không có sai khác, cả hai đều bằng nhau. Vì sao vậy? Vì trước tiên ở đây hành định, sau đó mới sanh vào chỗ ấy. Kia đối với định này, tu như vậy, tập như vậy, phát triển như vậy, sẽ sanh vào trong cõi Phạm thân. Như vậy là ý hành sanh.

“Lại nữa, Tỳ-kheo tầm tứ đã tịch tĩnh, nội tĩnh, nhất tâm, không tầm, không tứ, chứng đệ Nhị thiền, thành tựu và an trụ. Đối với định lực này, vị ấy vui sướng muốn trụ ở đó. Đối với định này, khi đã trụ ở đó, tất có trường hợp này: trụ nơi đó, khoái lạc nơi đó, mạng chung sanh vào cõi trời Hoảng dục [70]. Các trời Hoảng dục sanh ở đó, sống ở đó, thọ hưởng hỷ lạc do định sanh; và Tỳ-kheo trụ ở đây, nhập đệ nhị thiền, thọ hưởng hỷ lạc do định sanh. Hai hỷ lạc do định sanh này không có sai khác, cả hai đều đồng nhau. Vì sao vậy? Vì trước tiên ở đây hành định, sau đó sanh vào chỗ kia. Kia đối với định này, tu như vậy, tập như vậy, phát triển như vậy, sẽ sanh trong cõi Hoảng dục thiên. Như vậy gọi là ý hành sanh.

“Lại nữa Tỳ-kheo, ly hỷ dục, an trụ xả vô cầu; có chánh niệm, chánh trí, thân cảm giác lạc, điều được Thánh gọi là Thánh xả, niệm, lạc trụ, chứng đệ Tam thiền, thành tựu an trụ. Đối với định này, vị ấy vui sướng muốn trụ ở đó. Đối với định lạc này, vị kia vui sướng muốn trụ ở đó, tất có trường hợp này: trụ nơi đó, khoái lạc nơi đó, thân hoại mạng chung sanh vào cõi Biến tịnh thiên [71]. Các trời Biến tịnh sanh ở đó, sống ở đó, thọ hưởng diệu lạc do ly hỷ; và Tỳ-kheo sống ở đây nhập Tam thiền này, thọ hưởng diệu lạc do ly hỷ. Diệu lạc do ly hỷ này không có sai khác, cả hai đều đồng nhau. Vì sao vậy? Vì trước tiên ở đây hành định, sau đó sanh vào chỗ kia. Kia đối với định này, tu như vậy, tập như vậy, phát triển như vậy, sẽ sanh trong cõi Biến tịnh thiên. Như vậy là ý hành sanh.

“Lại nữa Tỳ-kheo, diệt lạc, diệt khổ, hỷ và ưu vốn có từ trước cũng đã diệt, không khổ không lạc, xả, niệm thanh tịnh, chứng đệ Tứ thiền, thành tựu an trụ. Đối với định này, vị ấy vui sướng muốn trụ ở đó, tất có trường hợp này: trụ ở đó, khoái lạc ở đó, [701a] khi thân hoại mạng chung sanh lên cõi trời Quả thật thiên [72]. Các trời Quả thật thiên, sanh ở đó, sống ở đó, thọ hưởng diệu lạc do xả niệm thanh tịnh; và Tỳ-kheo sốngï ở đây, nhập đệ Tứ thiền, thọ hưởng diệu lạc do xả, niệm thanh tịnh. Hai diệu lạc do xả, niệm thanh tịnh này không có sai khác, cả hai đều đồng nhau. Vì sao vậy? Vì trước tiên ở đây hành định, sau đó sanh vào chỗ kia. Kia đối với định này, tu như vậy, tập như vậy, phát triển như vậy, sẽ sanh trong cõi Quả thật thiên. Như vậy là ý hành sanh.

“Lại nữa Tỳ-kheo, vượt qua tất cả sắc tưởng, diệt hữu đối tưởng, không truy niệm bất cứ tưởng nào, nhập không vô biên, thành tựu an trụ không vô biên xứ. Đối với định lạc này, vị ấy vui sướng muốn trụ ở đó. Đối với định lạc này khi đã vui sướng muốn trụ ở đó, tất có trường hợp này: trụ ở đó, khoái lạc ở đó, mạng chung sanh vào trong cõi không vô biên xứ thiên. Các trời Không vô biên xứ thiên sanh ở đó, sốngï ở đó, thọ hưởng không vô biên xứ tưởng; và Tỳ-kheo ở đây thọ hưởng không vô biên xứ tưởng. Hai không vô biên xứ tưởng này không có sai khác, cả hai đều đồng nhau. Vì sao vậy? Vì trước tiên ở đây hành định, sau đó sanh vào chỗ kia. Kia đối với định này, tu như vậy, tập như vậy, phát triển như vậy, sẽ sanh vào cõi Không vô biên xứ thiên. Như vậy là ý hành sanh.

“Lại nữa Tỳ-kheo, vượt qua không vô biên xứ, nhập thức vô biên xứ, thành tựu an trụ thức vô biên xứ. Đối với định này, vị ấy vui sướng muốn trụ ở đó. Đối với định lạc này khi đã vui sướng muốn trụ ở đó, tất có trường hợp này: trụ ở đó, khoái lạc ở đó, mạng chung sanh vào trong cõi thức vô biên xứ thiên. Các trời thức vô biên xứ thiên sanh ở đó, sống ở đó, thọ hưởng thức vô biên xứ tưởng; và Tỳ-kheo sống ở đây thọ hưởng thức vô biên xứ tưởng. Hai thức vô biên tưởng này không có sai khác, cả hai đều đồng nhau. Vì sao vậy? Vì trước tiên ở đây hành định, sau đó sanh vào chỗ kia. Kia đối với định này, tu như vậy, tập như vậy, phát triển như vậy, sẽ sanh vào cõi Thức vô biên xứ. Như vậy là ý hành sanh.

“Lại nữa Tỳ-kheo, vượt qua thức vô biên xứ, nhập vô sở hữu, thành tựu an trụ vô sở hữu xứ. Đối với định này, vị ấy vui sướng muốn trụ ở đó. Đối với định này khi đã vui sướng muốn trụ ở đó, tất có trường hợp này: trụ ở đó, khoái lạc ở đó, mạng chung sanh vào trong cõi vô sở hữu xứ thiên. Các trời vô sở hữu xứ thiên sanh ở đó, sống ở đó, thọ hưởng vô sở hữu xứ tưởng; và Tỳ-kheo trụ ở đây thọ hưởng vô sở hữu xứ tưởng. Hai vô sở hữu xứ tưởng này không có sai khác, cả hai đều đồng nhau. Vì sao vậy? Vì trước tiên ở đây hành định, sau đó sanh vào chỗ kia. Kia đối với định này, tu như vậy, tập như vậy, [701b] phát triển như vậy, sẽ sanh vào cõi vô sở hữu xứ thiên. Như vậy là ý hành sanh.

“Lại nữa Tỳ-kheo, vượt qua tất cả vô sở hữu xứ tưởng, nhập phi tưởng phi phi tưởng, thành tựu an trụ phi tưởng phi phi tưởng xứ. Đối với định này, vị ấy vui sướng muốn trụ ở đó. Đối với định này khi đã muốn trụ ở đó, tất có trường hợp này: trụ ở đó, khoái lạc ở đó, mạng chung sanh vào trong phi tưởng phi phi tưởng xứ thiên. Chư Thiên trên cõi trời phi tưởng phi phi tưởng xứ thiên sanh ở đó, sống ở đó, thọ hưởng phi tưởng phi phi tưởng xứ tưởng; và Tỳ-kheo trụ ở đây thọ hưởng phi tưởng phi phi tưởng xứ tưởng. Hai tưởng này không có sai khác, cả hai đều đồng nhau. Vì sao vậy? Vì trước tiên ở đây hành định, sau đó sanh vào chỗ kia. Kia đối với định này, tu như vậy, tập như vậy, phát triển như vậy, sẽ sanh vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ thiên. Như vậy là ý hành sanh.

“Lại nữa Tỳ-kheo, vượt qua tất cả phi tưởng phi phi tưởng xứ tưởng, nhập tưởng thọ diệt, tự thân tác chứng, thành tựu an trụ, do tuệ kiến đoạn trừ các lậu, chứng đắc tận trí. Trong các định, định này được nói là tối đệ nhất, tối đại, tối thượng, tối diệu. Ví như do bò mà có sữa, do sữa có lạc, do lạc có sanh tô, do sanh tô có thục tô, do thục tô có tinh tô. Tô tinh này được nói là tối đệ nhất, tối đại, tối thượng, tối thắng, tối diệu. Do chứng đắc định này, y nơi định này, trụ ở định này, không còn thọ lãnh sự khổ của sanh, già, bệnh, chết. Đó là tận cùng sự khổ.”

Phật thuyết như vậy, các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

169. KINH CÂU-LÂU-SẤU VÔ TRÁNH

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại Bà-kì-sấu [73], ở Kiếm-ma-sắt-đàm, một đô ấp của Câu-lâu [74].

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Nay Ta sẽ nói pháp cho các ngươi nghe. Pháp ấy vi diệu ở phần đầu, vi diệu ở quảng giữa và đoạn cuối cũng vi diệu, có nghĩa, có văn, đầy đủ thanh tịnh, hiển hiện phạm hạnh, gọi là kinh ‘Phân biệt vô tránh.’ [75] Các ngươi hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ.”

Bấy giờ, các Tỳ-kheo vâng lời, lắng nghe.

Phật dạy:

“Đừng nên mong cầu dục lạc [76], là nghiệp vô cùng hèn hạ [77], là hành vi của phàm phu. Cũng đừng mong cầu tự thân khổ hành, rất [701c] khổ, không phải Thánh hạnh, không tương ưng với nghĩa [78]. Xa lìa hai cực đoan này thì có trung đạo, tác thành con mắt, tác thành trí tự tại, tác thành định, đưa đến trí, đưa đến giác ngộ, đưa đến Niết-bàn. Có tán thán và chỉ trích, có sự không tán thán và không chỉ trích, mà chỉ nói pháp. [79] Quyết định đúng mức [80] và sau khi đã biết quyết định, thường tùy cầu sự lạc nào đã có bên trong. [81] Đừng nói lời ám chỉ [82], cũng đừng đối mặt khen ngợi; nói vừa phải chứ đừng quá giới hạn [83]; tùy theo phong tục địa phương [84], đừng nói thị, đừng nói phi. Đó là những vấn đề của kinh ‘Phân biệt vô tránh.’  

“‘Đừng nên mong cầu dục lạc, là nghiệp vô cùng hèn hạ, là hành vi của phàm phu. Cũng đừng mong cầu tự thân khổ hạnh, rất khổ, không tương ưng với cứu cánh.’  Vấn đề này được nói lên với nguyên nhân nào? Ở đây, ‘Đừng nên mong cầu dục lạc, là nghiệp vô cùng hèn hạ, là hành vi của phàm phu.’  Đây là nói về một một cực đoan. ‘Cũng đừng mong cầu tự thân khổ hạnh, rất khổ, không tương ưng với nghĩa.’  Đây là nói về một cực đoan nữa. Do bởi sự kiện này mà nói ‘Đừng nên mong cầu dục lạc, là nghiệp vô cùng hèn hạ, là hành vi của phàm phu. Cũng đừng mong cầu tự thân khổ hạnh, rất khổ, không tương ưng với nghĩa.’

“‘Xa lìa hai cực đoan này thì có trung đạo, tác thành con mắt, tác thành trí tự tại, tác thành định, đưa đến trí, đưa đến giác ngộ, đưa đến Niết-bàn.’  Vấn đề này được nói lên với những nguyên nhân nào? Ở đây, Thánh đạo tám chi, từ chánh kiến cho đến chánh định, gọi là tám. Do bởi sự kiện này mà nói ‘Xa lìa hai cực đoan này thì có trung đạo, tác thành con mắt, tác thành trí tự tại, tác thành định, đưa đến trí, đưa đến giác ngộ, đưa đến Niết-bàn.’

“‘Có sự tán thán và có chỉ trích, có sự không tán thán và không chỉ trích, mà chỉ thuyết pháp.’  Vấn đề này được nói lên với nguyên nhân nào? Sao gọi là có tán thán, sao gọi là có chỉ trích nhưng không nói pháp? ‘Ở đây có lạc tương ưng với dục, cùng đi với hỷ, là nghiệp rất hèn hạ, là hành vi của phàm phu; pháp này có khổ, có phiền nhọc, có nóng bức, có ưu sầu, tà hạnh’ Vị ấy biết điều đó rồi, tự chỉ trích mình [85]. Vì sao? Vì dục là vô thường, là khổ, là pháp hoại diệt. Do biết dục là vô thường cho nên pháp ấy nhất thiết có khổ, có phiền nhọc, có nóng bức, có ưu sầu, tà hạnh.’  Vị ấy đã biết điều này cho nên tự chỉ trích mình.

“‘Tự thân khổ hành, rất khổ, không tương ưng với nghĩa. Pháp này có khổ, có phiền nhọc, có nóng bức, có ưu sầu, là tà hạnh.’ Vị ấy biết điều đó rồi, tự chỉ trích mình. Vì sao? Vì Sa-môn Bà-la-môn kia sợ hãi sự khổ nên cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo. Nhưng Sa-môn Bà-la-môn này lại ôm cái khổ này nữa, cho nên họ nhất thiết có khổ, có phiền nhọc, có [702a] nóng bức, có ưu sầu, tà hạnh. Vị ấy đã biết điều này cho nên tự chỉ trích mình.

“‘Kết sử hữu [86] không được đoạn tận; pháp này có khổ, có phiền nhọc, có nóng bức, có ưu sầu, là tà hạnh.’ Vị ấy biết điều đó rồi, tự chỉ trích mình. Vì sao? Vì nếu với người nào mà kết sử hữu không đoạn tận thì sự hữu kia cũng không bị đoạn tận, cho nên người đó nhất thiết có phiền nhọc, có nóng bức, có ưu sầu, tà hạnh. Vị ấy đã biết điều này cho nên tự chỉ trích mình.

“‘Kết sử hữu đã đoạn tận; pháp này không có khổ, không phiền nhọc, không nóng bức, không ưu sầu, chánh hạnh.’  Vị ấy đã biết điều này rồi, tự tán thán. Vì sao? Vì nếu với người nào mà kết sử hữu đoạn tận thì sự hữu kia cũng bị đoạn đận, cho nên người đó nhất thiết không khổ, không phiền nhọc, không nóng bức, không ưu sầu, là chánh hạnh.Vị ấy đã biết điều đó, cho nên tự tán thán.

“‘Không mong cầu sự lạc bên trong; pháp ấy có khổ, có phiền nhọc, có nóng bức, có ưu sầu, tà hạnh.’  Vị ấy biết điều này rồi, tự chỉ trích mình. Vì sao? Vì nếu người nào không mong cầu sự lạc bên trong, cũng không cầu bên trong, cho nên người đó nhất thiết có khổ, có phiền nhọc, có nóng bức, có ưu sầu, tà hạnh. Vị ấy biết điều này rồi, tự chỉ trích mình.

“‘Mong cầu sự lạc bên trong; pháp này không có khổ, không có phiền nhọc, không có nóng bức, không có ưu sầu, là chánh hạnh.’  Vị ấy biết điều này rồi, tự tán thán. Vì sao? Vì nếu người nào mong cầu sự lạc bên trong, thì cũng mong cầu bên trong. Cho nên người đó không có khổ, không có phiền nhọc, không có nóng bức, không có ưu sầu, là chánh hạnh. Vị ấy biết điều đó cho nên tự tán thán.

“Như vậy gọi là ‘Có tán thán, có chỉ trích mà không thuyết pháp. Không tán thán, không chỉ trích mà thuyết pháp.’  

“Thế nào là ‘Không tán thán, không chỉ trích mà thuyết pháp’? ‘Nếu có lạc tương ưng với dục, cùng đi với hỷ, là nghiệp rất hèn hạ, là hành vi của phàm phu, thì pháp ấy có khổ, có phiền nhọc, có nóng bức, có ưu sầu, tà hạnh.’  Vị ấy biết điều này rồi liền thuyết pháp. Vì sao? Vị ấy không nói như vầy, ‘Dục là vô thường, là khổ, là pháp hoại diệt.’  Vị ấy đã biết dục là vô thường cho nên nhất thiết pháp ấy có khổ, có phiền nhọc, có nóng bức, có ưu sầu, tà hạnh. Không thấu đạt pháp này chỉ có pháp khổ, có phiền nhọc, có nóng bức, có ưu sầu, tà hạnh. Vị ấy biết điều đó cho nên thuyết pháp.

“‘Tự thân khổ hạnh, rất khổ, không tương ưng với nghĩa; pháp này có khổ, có phiền nhọc, có nóng bức, có ưu sầu, thuộc về tà hạnh.’  Vị ấy biết điều này rồi, liền nói pháp. Vì sao vậy? Vị ấy không nói như vầy, ‘Tự thân khổ hạnh, rất khổ, không tương ưng với nghĩa; pháp này có khổ, có phiền nhọc, có nóng bức, có ưu sầu, thuộc về tà hạnh.’  Không thấu đạt pháp này, chỉ có pháp khổ, có phiền nhọc, [702b] có nóng bức, có ưu sầu, thuộc về tà hạnh. Vị ấy biết điều đó cho nên thuyết pháp.’

“‘Kết sử hữu không được đoạn tận; pháp này có khổ, có phiền nhọc, có nóng bức, có ưu sầu, là tà hạnh.’  Vị ấy biết điều này rồi liền thuyết pháp. Vì sao vậy? Vị ấy không nói như vầy, ‘Nếu người nào kết sử hữu không đoạn tận thì sự hữu kia cũng không đoạn tận, cho nên người ấy nhất định phải khổ, có phiền nhọc, có nóng bức, có ưu sầu, thuộc về tà hạnh.’  Không thấu suốt pháp này, chỉ có pháp khổ, có phiền nhọc, có nghiệt não, có buồn rầu, là tà hạnh. Vị ấy đã biết điều đó cho nên thuyết pháp.

“‘Kết sử hữu đã đoạn tận; pháp này không có khổ, không phiền nhọc, không nóng bức, không ưu sầu, chánh hạnh.’  Vị ấy đã biết điều này rồi, liền nói pháp. Vì sao? Vị ấy không nói như vầy, ‘Nếu người nào kết sử hữu đã đoạn tận thì sự hữu kia cũng đoạn tận, cho nên người ấy nhất thiết không có khổ, không có phiền nhọc, không có nóng bức, không có ưu sầu, thuộc về chánh hạnh.’  Không thấu đạt pháp này chỉ có pháp không khổ, không có phiền nhọc, không có nóng bức, không có ưu sầu, thuộc về chánh hạnh. Vị ấy biết điều đó cho nên thuyết pháp.

“‘Không mong cầu sự lạc bên trong; pháp này có khổ, có phiền nhọc, có nóng bức, có ưu sầu, thuộc về tà hạnh.’  Vị ấy biết điều này rồi liền thuyết pháp. Vì sao vậy? Vị ấy không nói như vầy, ‘Nếu người nào không mong cầu sự lạc bên trong thì cũng không mong cầu bên trong, cho nên người ấy nhất thiết có khổ, có phiền nhọc, có nóng bức, có ưu sầu, thuộc về tà hạnh.’  Không thấu đạt pháp này, chỉ có pháp khổ, có phiền nhọc, có nóng bức, có ưu sầu, thuộc về tà hạnh. Vị ấy biết điều đó cho nên thuyết pháp.

“‘Mong cầu sự lạc bên trong; pháp này không có khổ, không có phiền nhọc, không có nóng bức, không có ưu sầu, thuộc về chánh hạnh.’  Vị ấy biết điều này rồi liền thuyết pháp. Vì sao vậy? Vị ấy không nói như vầy, ‘Nếu người nào có mong cầu sự lạc bên trong, thì cũng mong cầu bên trong cho nên người đó nhất thiết không có khổ, không có phiền nhọc, không có nóng bức, không có ưu sầu, thuộc về chánh hạnh.’  Không thấu đạt pháp này, chỉ có pháp không khổ, không có phiền nhọc, không có nóng bức, không có ưu sầu, thuộc về chánh hạnh. Vị ấy biết điều đó cho nên thuyết pháp.

“Như vậy là ‘không tán thán, không chỉ trích mà thuyết pháp.’  Vấn đề đó được nói với nguyên nhân như vậy.

“‘Quyết định đúng mức, và sau khi đã biết quyết định, hãy mong cầu sự lạc nào đã có bên trong.’  Vấn đề này được nói lên với nguyên nhân nào?

“Có sự lạc không phải sự lạc của bậc Thánh, mà là lạc của phàm phu, là gốc của bệnh, là gốc của ung nhọt, gốc của mũi tên châm chích, có thức ăn [87], thuộc sanh tử, không đáng tu, không đáng tập, [702c] không đáng phát triển. Ta nói điều ấy không đáng tu tập.

“Có sự lạc của bậc Thánh, là sự lạc của vô dục, sự lạc của ly dục, sự lạc của tịch tĩnh, là lạc của chánh giác, không có thức ăn, [88] không thuộc sanh tử, nên tu, nên tập, nên phát triển. Ta nói điều ấy nên tu được vậy.

“Sao gọi là ‘Có sự lạc không phải là Thánh lạc mà là phàm phu lạc, là gốc của bệnh, là gốc của ung nhọt, gốc của mũi tên châm chích, có thức ăn, thuộc sanh tử, không nên tu, không nên tập, không nên phát triển. Ta nói điều ấy không nên tu tập’? Hỷ lạc nào do năm công đức của dục mà sanh, sự lạc ấy là lạc của phàm phu, không phải là lạc của bậc Thánh, là gốc của bệnh, là gốc của ung nhọt, gốc của mũi tên châm chích, có thức ăn, thuộc sanh tử, không nên tu, không nên tập, không nên phát triển. Ta nói điều ấy không nên tu tập vậy.

“Sao gọi là ‘Có sự lạc của bậc Thánh, là lạc của vô dục, là lạc của ly dục, lạc của tịch tĩnh, là lạc của chánh giác, không có thức ăn, không thuộc sanh tử, nên tu nên tập, nên phát triển. Ta nói điều ấy nên tu vậy.’  Ở đây Tỳ-kheo ly dục, ly ác bất thiện pháp, cho đến chứng Tứ thiền, thành tựu an trụ. Sự lạc này là lạc của bậc Thánh, sự lạc của vô dục, là lạc của ly dục, lạc của tịch tĩnh, là lạc của chánh giác, không có thức ăn, không thuộc sant tử, nên tu nên tập, nên phát triển. Ta nói điều ấy nên tu vậy.

“‘Quyết định đúng mức, sau khi đã biết quyết định hãy mong cầu sự lạc nào đã có bên trong.’  Vấn đề này được nói lên với nguyên nhân như vậy.

“‘Không nên nói lời ám chỉ, cũng không nên đối mặt tán thán’, vấn đề này được nói lên với nguyên nhân nào?

“Có lời nói ám chỉ mà không chân thật, hư dối, không tương ưng với nghĩa. Cũng có lời nói ám chỉ mà chân thật, không hư vọng, tương ưng với nghĩa. Trong này nếu lời nói ám chỉ nào mà không chân thật, hư vọng, không tương ưng với nghĩa, nhất định không nói những lời như vậy. Trong này nếu có lời nói ám chỉ nào mà chân thật, không hư vọng, không tương ưng với cứu cánh, cũng hãy học đừng nói như vậy. Ở đây nếu có lời nói ám chỉ nào mà chân thật, không hư vọng, tương ưng với nghĩa thì hãy nên biết thời, chánh trí, chánh niệm để cho thành tựu lời nói ấy.

“Như vậy, ‘Đừng nói lời ám chỉ, cũng đừng đối mặt khen ngợi’, vấn đề này được nói lên với nguyên nhân như vậy.

“‘Nói vừa phải, chứ đừng quá giới hạn’, vấn đề này được nói lên với nguyên nhân nào?

“Nói quá giới hạn thì thân phiền nhọc, niệm hay quên, tâm mệt mỏi, tiếng bị hư mà hướng đến trí thì không được tự tại [89]. Nói vừa phải thì thân không phiền nhọc, niệm không ưa quên, tâm không mệt mỏi, tiếng nói [703a] không bị hư, hướng đến trí thì được tự tại.

 “‘Nói vừa phải, đừng nói quá giới hạn’, vấn đề này được nói lên với nguyên nhân như vậy.

“‘Tùy theo phong tục địa phương, đừng nói thị, đừng nói phi’, vấn đề này được nói lên với nguyên nhân nào? Thế nào là thị và phi tùy theo phong tục địa phương? Ở địa phương này, ở nhân gian này, sự kiện này hoặc được nói là ‘cái chậu’, hoặc nói là ‘cái khay’, hoặc nói là ‘cái ô’, hoặc nói là ‘cái chén’, hoặc nói là ‘đồ đạc’; hay nói là cái khay, hay nói là cái ô, hay nói là cái chén, hay nói là đồ đạc; mỗi nơi tùy theo khả năng mà nói một mực rằng, ‘Đây là sự thực, ngoài ra là láo cả.’  Như vậy, đó là tùy theo phong tục địa phương mà nói thị hay phi vậy.

“Sao gọi là ‘Tùy phong tục địa phương, không thị không phi’? Ở địa phương này, ở nhân gian này, sự kiện này hoặc được nói là ‘cái chậu’, hoặc nói là ‘cái khay’, hoặc nói là ‘cái ô’, hoặc nói là ‘cái chén’, hoặc nói là ‘đồ đạc’, và ở địa phương kia, nhân gian kia, sự kiện kia, hoặc nói là ‘cái chậu’, hoặc nói là ‘cái khay’, hoặc nói là ‘cái ô’, hoặc nói là ‘cái chén’, hoặc nói là ‘đồ đạc.’  Với sự việc này hay sự việc kia, không tùy khả năng, không nói với một mực rằng ‘Đây là sự thật, ngoài ra đều láo cả’, như vậy là tùy phong tục địa phương không nói thị không nói phi.

“‘Tùy phong tục địa phương, đừng nói thị, đừng nói phi’, vấn đề này được nói lên với nguyên nhân như vậy.

“‘Pháp hữu tránh và pháp vô tránh.’  Sao gọi là pháp hữu tránh? Nếu có lạc gì tương ưng với dục, cùng đi với hỷ, là nghiệp rất hèn hạ, là hành vi phàm phu, pháp này là hữu tránh. Vì những sự kiện gì mà pháp này là hữu tránh? Vì pháp này có khổ, có phiền nhọc, có nóng bức, có ưu sầu, thuộc về tà hạnh, cho nên nói pháp này là hữu tránh. Nếu tự thân khổ hạnh, rất khổ, không phải chánh hạnh, không tương ưng với nghĩa, thì pháp này là hữu tránh. Vì pháp này có khổ, có phiền nhọc, có nóng bức, có ưu sầu, thuộc về tà hạnh, cho nên nói pháp này là hữu tránh.

“Xa lìa hai cực đoan ấy, có trung đạo, tác thành con mắt, tác thành trí tự tại, thành định, đưa đến trí tuệ, đưa đến giác ngộ và Niết-bàn, pháp này là vô tránh. Vì những sự kiện nào mà pháp này là vô tránh? Vì pháp này không khổ, không phiền nhọc, không nóng bức, không ưu sầu, thuộc về chánh hạnh, cho nên nói pháp này là vô tránh.

“Kết sử hữu mà không đoạn tận, pháp này là hữu tránh. Vì những sự kiện nào mà nói pháp này là hữu tránh? Vì pháp này có khổ, có phiền nhọc, có nóng bức, có ưu sầu, thuộc về tà hạnh, cho nên nói pháp này là hữu tránh.

“Kết sử hữu diệt tận, pháp này là vô tránh. Vì những sự kiện nào mà nói pháp này là vô tránh? Vì pháp này [702b] không khổ, không phiền nhọc, không nóng bức, không ưu sầu, thuộc chánh hạnh, cho nên nói pháp này không tranh chấp, không mong cầu nội lạc.

“Không cầu nội lạc, pháp ấy là hữu tránh. Vì những sự kiện nào mà gọi pháp ấy là hữu tránh? Vì pháp này có khổ, có phiền nhọc, có nóng bức, có ưu sầu, thuộc về tà hạnh, nên nói pháp này là hữu tránh.

 “Mong cầu ở nội lạc, pháp này là vô tránh. Vì những sự kiện nào mà nói pháp này là vô tránh? Vì pháp này không khổ, không phiền nhọc, không nóng bức, không ưu sầu, thuộc về chánh hạnh, cho nên nói pháp này là vô tránh.

“Trong đó, nếu có sự lạc nào không phải là Thánh lạc mà là phàm phu lạc, là gốc của bệnh, gốc của ung nhọt, gốc của mũi tên châm chích, có thức ăn, thuộc sanh tử, không nên tu, không nên tập, không nên phát triển. Ta nói pháp ấy không nên tu. Pháp này là hữu tránh. Vì những sự kiện nào mà nói pháp này là hữu tránh? Vì pháp này có khổ, có phiền nhọc, có nóng bức, có ưu sầu, thuộc về tà hạnh, cho nên nói pháp này là hữu tránh.

“Trong đó nếu có sự lạc nào là lạc của bậc Thánh, sự lạc nào của vô dục, lạc do ly dục, lạc của tịch tịnh, của chánh giác, không thức ăn, không thuộc sanh tử, nên tu nên tập, nên phát triển. Ta nói pháp ấy nên tu, pháp này là pháp vô tránh. Vì những sự kiện nào mà nói pháp này là vô tránh? Vì pháp này không khổ, không có phiền nhọc, không có nóng bức, không có ưu sầu, thuộc về chánh hạnh, cho nên nói pháp này là vô tránh.

“Trong đó nếu có lời nói ám chỉ mà không chân thật, dối láo, không tương ưng với cứu cánh, pháp này là hữu tránh. Vì những sự kiện nào mà nói pháp này là hữu tránh? Vì pháp này có khổ, có phiền nhọc, có nóng bức, có ưu sầu, thuộc về tà hạnh, cho nên nói pháp này là hữu tránh.

“Trong đó, nếu có lời nói ám chỉ mà chân thật, không dối láo, tương ưng với cứu cánh, pháp ấy là vô tránh. Vì sự kiện nào mà nói pháp ấy là vô tránh? Vì pháp này không khổ, không có phiền nhọc, không có nóng bức, không có ưu sầu, thuộc về chánh hạnh, cho nên nói pháp này là vô tránh.

“Không nói vừa phải; pháp này là hữu tránh. Vì những sự kiện nào mà nói pháp này là hữu tránh? Vì pháp này có khổ, có phiền nhọc, có nóng bức, có ưu sầu, thuộc về tà hạnh, cho nên nói pháp này là tranh chấp.

“Nói vừa phải, pháp này là vô tránh. Vì những sự kiện nào mà nói pháp này là vô tránh? Vì pháp này không khổ, không có phiền nhọc, không có nóng bức, không có ưu sầu, thuộc về chánh hạnh, cho nên nói [702c] pháp này là vô tránh.

“Thị và phi theo phong tục địa phương, pháp này là hữu tránh. Vì những sự kiện nào mà nói pháp này là hữu tránh? Vì pháp này có khổ, có phiền nhọc, có nóng bức, có ưu sầu, thuộc về tà hạnh, cho nên pháp này có tranh chấp.

“Tùy phong tục địa phương, không nói thị không nói phi, pháp này là vô tránh. Vì những sự kiện nào mà nói pháp này là vô tránh? Vì pháp này không khổ, không có phiền nhọc, không có nóng bức, không có ưu sầu, thuộc về chánh hạnh, cho nên nói pháp này là vô tránh.

“Đó gọi là tránh pháp. Các ngươi nên biết pháp tránh và pháp vô tránh. Đã biết pháp tránh và pháp vô tránh thì nên xả bỏ pháp tránh, tu tập pháp vô tránh. Các ngươi cần phải học như vậy.

“Như vậy thiện nam tử Tu-bồ-đề [90] do đạo vô tránh [91] mà về sau biết được pháp như pháp [92].”

Biết pháp Như chơn thật

Tu-bồ-đề thuyết kệ

Thực hành chơn không này

Bỏ đây, trụ tịch tịnh.

Phật thuyết như vậy, các Tỳ-kheo nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành. [93]

170. KINH ANH VŨ (2)

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ, khi đêm đã qua, vào lúc trời vừa sáng, Đức Thế Tôn mang y cầm bát vào nước Xá-vệ. Trong khi đi khất thực, Thế Tôn đi qua nhà của Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử [94]. Lúc bấy giờ, Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử có chút việc phải làm nên đi khỏi, không có ở nhà.

Khi ấy, tại nhà Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử có một con chó trắng [95] đang ăn cơm trong cái chậu bằng vàng, trên một cái giường lớn. Rồi con chó trắng trông thấy Đức Phật từ xa đi lại. Thấy Ngài, nó liền sủa. Đức Thế Tôn nói với con chó trắng rằng:

“Ngươi không nên làm như vậy. Nhà người hết ó [704a] rồi lại sủa.”

Chó trắng nghe nói, giận dữ, từ trên giường nhảy xuống, đến bên đống cây, nằm buồn thiểu não.

Sau đó, Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử trở về nhà, thấy chó trắng có vẻ giận dữ, đã từ trên giường nhảy xuống, đến bên lùm cây nằm buồn thiểu não, ông mới hỏi người nhà rằng:

“Ai quấy rầy con chó của tôi, khiến nó rất đổi giận dữ, từ trên giường nhảy xuống, đến bên lùm cây nằm buồn thiểu não vậy?”

Người nhà trả lời:

“Chúng tôi không ai quấy rầy con chó trắng cả, khiến nó rất đổi giận dữ, từ trên giường nhảy xuống, đến bên lùm cây nằm buồn thiểu não. Ma-nạp nên biết, ngày nay có Sa-môn Cù-đàm đến đây khất thực, con chó trắng thấy liền chạy tới sủa. Sa-môn Cù-đàm nói với con chó trắng rằng, ‘Ngươi không nên làm như vậy. Nhà ngươi hết ó rồi lại sủa.’  Này Ma-nạp, do vậy nên khiến con chó trắng rất đổi giận dữ, từ trên giường nhảy xuống, đến bên lùm cây nằm buồn thiểu não.”

Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử vừa nghe xong tức thì nổi giận, muốn vu khống Đức Thế Tôn, muốn hủy báng Đức Thế Tôn. Với ý định vu khống, hủy báng, hạ nhục Sa-môn Cù-đàm như vậy, ông liền ra khỏi Xá-vệ, đến Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.

Khi ấy, Đức Thế Tôn đang thuyết pháp cho vô lượng đại chúng đứng vây quanh trước sau. Đức Thế Tôn trông thấy Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử từ xa đi đến, Ngài bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Các ngươi thấy Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử đến không?”

Các Tỳ-kheo trả lời:

“Bạch Đức Thế Tôn, dạ thấy.”

Đức Thế Tôn bảo rằng:

“Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử mà mạng chung ngay bấy giờ thì như co duỗi cánh tay, trong khoảnh khắc tất sanh địa ngục. Vì sao vậy? Vì người ấy đối với Ta đang nổi cơn thịnh nộ. Nếu có chúng sanh nào, do bởi tâm sân nhuế, thân hoại mạng chung tất đến chỗ ác, sanh vào địa ngục.”

Rồi Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử đến chỗ Đức Phật, nói với Thế Tôn rằng:

“Hôm nay Sa-môn Cù-đàm có đến nhà tôi khất thực phải không?”

Đức Thế Tôn trả lời rằng:

“Hôm nay Ta có đến nhà ông khất thực.”

“Cù-đàm, ông nói gì với con chó trắng của tôi, khiến nó rất đổi giận dữ, từ trên giường nhảy xuống, đến bên lùm cây nằm buồn thiểu não?”

Đức Thế Tôn trả lời rằng:

“Hôm nay vào lúc trời vừa sáng, Ta đắp y mang bát vào Xá-vệ khất thực, lần lượt khất thực đến nhà ông. Lúc ấy con chó trắng trông thấy Ta từ xa đi đến. Thấy Ta, nó liền sủa. Ta nói với con chó trắng rằng, ‘Người không nên làm như vậy. Nhà ngươi hết la ó rồi lại sủa.’  Vì vậy, con chó trắng rất đổi giận dữ, từ trên giường nhảy xuống, đến bên đống cây [704b] nằm buồn thiểu não.”

Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử hỏi Thế Tôn:

“Con chó trắng đời trước có liên hệ gì với tôi?”

Đức Thế Tôn bảo:

“Thôi, thôi, này Ma-nạp, tốt hơn đừng nên hỏi Ta. Ông nghe việc này rồi chắc chắn không vừa ý.”

Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử hỏi đi hỏi lại Đức Thế Tôn ba lần:

“Con chó trắng đời trước có liên hệ gì với tôi?”

Đức Thế Tôn cũng ba lần nói:

“Thôi, thôi, này Ma-nạp, tốt hơn đừng nên hỏi Ta. Ông nghe việc này rồi chắc chắn không vừa ý.”

 Đức Thế Tôn lại bảo Ma-nạp rằng:

“Ông hỏi Ta đến ba lần mà không chịu thôi. Ma-nạp nên biết, con chó trắng kia đời trước là cha của ông, tên là Đô-đề vậy.”

Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử nghe nói xong, nổi giận gấp bội. Ông muốn vu khống Đức Thế Tôn, muốn hủy báng Đức Thế Tôn, muốn hạ nhục Đức Thế Tôn. Với ý định vu khống, hủy báng, hạ nhục như vậy, ông nói với Đức Thế Tôn:

“Cha tôi là Đô-đề thực hành sự bố thí lớn lao, thiết những cuộc trai tự vĩ đại, sau khi thân hoại mạng chung nhất định sanh lên Phạm thiên. Chớ do nhơn gì, duyên gì mà sanh vào loài chó hạ tiện này?”

 Đức Thế Tôn bảo:

“Đô-đề, cha của ông do bởi tăng thượng mạn ấy nên sanh vào loài chó hạ tiện.”

Phạm-chí tăng thượng mạn,

Chết rồi sanh sáu nơi:

Chó, gà, heo và sói,

Lừa năm, địa ngục sáu.

“Anh Vũ Ma-nạp, nếu ông không tin lời Ta nói, ông có thể trở về nói với con chó trắng rằng, ‘Nếu đời trước là cha của tôi, chó trắng hãy trở lên giường lớn.’  Ma-nạp, chó trắng tất sẽ trở lên giường lớn. ‘Nếu đời trước là cha của tôi, chó trắng hãy ăn trong mâm vàng như cũ.’  Này Ma-nạp, chó trắng tất ăn trong mâm vàng như cũ. ‘Nếu đời trước là cha của tôi, hãy chỉ cho tôi thấy kho tàng cất dấu vàng bạc, thủy tinh, trân bảo mà tôi không biết.’  Này Ma-nạp, chó trắng chắc chắn sẽ chỉ cho ông thấy kho tàng cất dấu vàng bạc, thủy tinh và châu báu mà ông không biết.”

Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử nghe những lời Đức Phật, nói, ghi nhớ kỹ, nhiễu quanh Đức Thế Tôn xong rồi trở về nhà, nói với con chó trắng rằng:

“Nếu đời trước là cha của tôi, chó trắng hãy trở lên giường lớn.”

 Chó trắng liền trở lên giường lớn.

“Nếu đời trước là cha của tôi, chó trắng hãy ăn trong mâm vàng như cũ.”

 Chó trắng liền ăn trong mâm vàng như cũ.

“Nếu đời trước là cha của tôi, hãy chỉ [704c] chỗ kho tàng trước kia cha tôi cất dấu vàng bạc, thủy tinh, trân bảo mà tôi không biết.”

Chó trắng tức thì từ trên giường nhảy xuống, đi đến chỗ mà đời trước nó ngủ nghỉ, dùng miệng và chân bươi bốn chân giường.

Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử liền từ chỗ đó mà được rất nhiều báu vật. Rồi thì Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử đã được báu vật, rất đổi vui mừng, quỳ gối bên phải xuống đất, chấp tay hướng đến Thắng lâm, vườn Cấp cô độc, ba lần xướng lên những lời tán thán Đức Thế Tôn:

“Những lời Sa-môn Cù-đàm nói đều không hư dối. Những lời Sa-môn Cù-đàm nói đều chắc thật. Những lời Sa-môn Cù-đàm nói đều như thật.”

Ba lần tán thán Đức Thế Tôn xong, ông từ Xá-vệ đi ra, đến Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ Đức Thế Tôn đang thuyết pháp cho vô lượng đại chúng vây quanh trước sau. Đức Thế Tôn trông thấy Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử từ xa đi đến, Ngài bảo các Tỳ-kheo:

“Các ngươi có thấy Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử đi đến không?”

Các Tỳ-kheo trả lời:

“Bạch Đức Thế Tôn, thấy.”

 Đức Thế Tôn bảo:

“Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử bây giờ mà mạng chung thì như co duỗi cánh tay, trong khoảnh khắc chắc chắn đi đến chỗ lành. Vì sao vậy? Vì người ấy đối với Ta rất có thiện tâm. Nếu có chúng sanh nào do bởi thiện tâm, thân hoại mạng chung tất đến chỗ lành, sanh vào trong thiên giới.”

Bấy giờ, Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử đi đến chỗ Đức Phật, cùng thăm hỏi rồi ngồi xuống một bên.

 Đức Thế Tôn bảo:

“Thế nào? Này Ma-nạp, như Ta đã nói, con chó trắng như vậy có đúng chăng, hay không đúng như vậy?”

Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử bạch rằng:

“Bạch Cù-đàm, thật đúng như đã nói. Kính bạch Cù-đàm, tôi lại có điều muốn hỏi, mong Ngài nghe cho, tôi mới dám tỏ bày.”

“Đức Thế Tôn bảo:

“Tùy ý, ông cứ hỏi.”

“Bạch Cù-đàm, do nhân gì, do duyên gì, chúng sanh kia đều thọ thân người mà có người cao kẻ thấp, có người đẹp kẻ xấu. Vì sao vậy? Bạch Cù-đàm, tôi thấy có kẻ sống lâu, người chết yểu; có kẻ nhiều bệnh, người ít bệnh; lại thấy có kẻ thân hình đoan chánh, có người không đoan chánh; lại thấy có kẻ có oai đức, người không oai đức; lại thấy có kẻ sanh nhằm dòng dõi tôn quý, có người sanh nhằm dòng dõi ti tiện; lại thấy có kẻ giàu có, có người nghèo hèn; lại thấy có kẻ thiện trí, có người ác trí.”

 Đức Thế Tôn trả lời:

“Chúng sanh kia do nơi hành nghiệp của chính mình, nhân bởi nghiệp mà thọ báo, duyên vào nghiệp, y nơi nghiệp, tùy theo nơi nghiệp xứ có cao thấp mà chúng sanh có tốt đẹp hay không tốt đẹp.” [96]

Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử bạch Thế Tôn rằng:

“Sa-môn Cù-đàm nói vắn tắt quá, không phân biệt một cách rộng rãi, tôi không thể hiểu hết được. Mong Sa-môn Cù-đàm nói một cách rộng rãi cho tôi nghe [705a] để tôi được hiểu rõ ý nghĩa.”

 Đức Thế Tôn bảo:

“Này Ma-nạp, hãy nghe kỹ và suy nghĩ kỹ. Ta sẽ phân biệt một cách rộng rãi cho ông nghe.”

Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử bạch:

“Kính vâng, tôi xin vâng lời lắng nghe.”

Đức Phật nói:

“Này Ma-nạp, do nhân gì, do duyên gì mà kẻ nam hay người nữ thọ mạng rất ngắn ngủi? Nếu có kẻ nam hay người nữ nào sát sanh, hung dữ, cực ác, uống máu, ý nghĩ ác hại, không có tâm từ bi đối với tất cả chúng sanh, cho đến các loài côn trùng. Người ấy lãnh thọ nghiệp này, tạo tác đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung, chắc chắn đi đến chỗ ác, sanh vào trong địa ngục. Mãn kiếp địa ngục rồi, lại sanh vào nhân gian, tuổi thọ rất ngắn ngủi. Vì sao vậy? Con đường này đưa đến nhận lãnh sự đoản thọ, nghĩa là kẻ nam hay người nữ sát sanh, hung dữ, cực ác, uống máu. Này Ma-nạp, nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.

“Này Ma-nạp, do nhơn gì, duyên gì mà kẻ nam hay người nữ thọ mạng rất dài? Nếu có kẻ nam hay người nữ nào xa lìa nghiệp sát, đoạn tuyệt nghiệp sát, bỏ hẳn dao gậy, có tâm tàm, có tâm quý, có tâm từ bi, làm lợi ích cho tất cả cho đến loài côn trùng. Người ấy thọ nghiệp này, tạo tác nghiệp ấy đầy đủ rồi đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn tiến lên chỗ lành, sanh vào trong cõi trời. Mãn kiếp ở cõi trời, lại sanh vào nhân gian, thọ mạng rất dài. Vì sao vậy? Con đường này đưa đến nhận lãnh sự trường thọ, nghĩa là kẻ nam hay người nữ xa lìa nghiệp sát, đoạn tuyệt nghiệp sát. Này Ma-nạp, nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.

“Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay người nữ đa phần có tật bệnh? Nếu có kẻ nam hay người nữ nhiễu hại chúng sanh; người ấy hoặc nắm tay, hoặc dùng cây đá, hoặc dùng dao gậy nhiễu hại chúng sanh. Người ấy thọ nghiệp này, tạo thành nghiệp ấy đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn đưa đến chỗ ác, sanh vào trong địa ngục. Mãn kiếp địa ngục, lại sanh vào nhân gian, chịu nhiều tật bệnh. Vì sao vậy? Con đường này đưa đến chỗ chịu nhiều bệnh, nghĩa là kẻ nam hay người nữ nào nhiễu hại chúng sanh. [97] Ma-nạp nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.

“Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay người nữ không có tật bệnh? Nếu có kẻ nam hay người nữ nào không nhiễu hại chúng sanh, người ấy không dùng tay nắm, không dùng cây đá, không dùng dao gậy nhiễu hại chúng sanh. Người ấy tạo nghiệp này, tác thành nghiệp ấy đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn tiến lên chỗ lành, sanh vào trong cõi trời. Mãn kiếp ở cõi trời rồi, lại sanh vào nhân gian, không có tật bệnh. Vì sao vậy? Con đường này đưa đến hưởng thọ không tật bệnh, nghĩa là kẻ nam hay người nữ nào nhiễu hại chúng sanh. Ma-nạp nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.

“Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay người nữ có thân hình không đoan chánh? Nếu [705b] có kẻ nam hay người nữ mà tánh nóng nảy, hay bực dọc, vừa nghe chút ít đã nổi cơn giận dữ, nổi ganh ghét mà sanh lo buồn, nổi thịnh nộ tranh chấp. Người ấy thọ lấy nghiệp này, tạo tác đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn đưa đến chỗ ác, sanh vào trong địa ngục. Mãn kiếp địa ngục, lại sanh vào nhân gian, hình thể không đoan chánh. Vì sao vậy? Vì con đường này đưa đến thọ báo hình thể không đoan chánh, nghĩa là kẻ nam hay người nữ nào tánh nóng nảy, hay bực dọc. [98] Ma-nạp nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.

“Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay người nữ có thân hình đoan chánh? Nếu có kẻ nam hay người nữ nào tánh không nóng nảy, không hay bực dọc, người ấy nghe lời nói êm ái hay thô bỉ cục cằn không nổi cơn giận dữ, không ganh ghét sanh ra buồn rầu, không nổi thịnh nộ tranh chấp. Người ấy thọ nghiệp, tác thành đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn tiến lên chỗ lành, sanh vào trong cõi trời. Mãn kiếp ở cõi trời lại sanh vào nhân gian, hình thể đoan chánh. Vì sao vậy? Vì con đường này đưa đến thọ báo hình thể đoan chánh, nghĩa là kẻ nam hay người nữ nào tánh không nóng nảy, không nhiều bực dọc. Ma-nạp nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.

“Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay người nữ không có oai đức? Nếu có kẻ nam hay người nữ nào bên trong ôm lòng tật đố; người ấy thấy kẻ khác được cung kính, cúng dường liền sanh lòng tật đố; nếu thấy kẻ khác có của thì muốn làm sao của ấy được về mình. Người ấy tạo nghiệp này, tác thành đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn đưa đến chỗ ác, sanh vào trong địa ngục. Mãn kiếp địa ngục rồi, lại sanh vào trong nhân gian, không có oai đức. Vì sao vậy? Vì con đường này đưa đến thọ báo không có oai đức, nghĩa là kẻ nam hay người nữ nào bên trong ôm lòng tật đố. [99] Ma-nạp nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.

“Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay người nữ có oai đức lớn? Nếu có kẻ nam hay người nữ không ôm lòng tật đố, người ấy thấy kẻ khác được cung kính cúng dường không sanh lòng tật đố. Nếu thấy kẻ khác có của, không có lòng ham muốn của ấy được về ta. Người ấy tạo nghiệp này, tác thành đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn tiến lên chỗ lành, sanh vào trong cõi trời. Mãn kiếp ở cõi trời rồi, lại sanh vào nhân gian, có oai đức lớn. Vì sao vậy? Vì con đường này đưa đến thọ báo có oai đức, nghĩa là kẻ nam hay người nữ nào không ôm lòng tật đố. Ma-nạp nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.

“Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay người nữ sanh vào dòng dõi ti tiện? Nếu có kẻ nam hay người nữ nào kiêu ngạo, ngã mạn, người đáng cung kính thì không cung kính, đáng tôn trọng thì không tôn trọng, đáng quý thì không quý, đáng phụng thờ thì không phụng thờ, đáng cúng dường thì không cúng dường, đáng nhường lối thì không nhường lối, [100] đáng nhường chỗ ngồi thì không [705c] nhường chỗ ngồi, đáng chấp tay hướng về lễ bái, thăm hỏi thì không chấp tay hướng về lễ bái, thăm hỏi. Người ấy thọ nghiệp này, tác thành đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn đưa đến chỗ ác, sanh vào trong địa ngục. Mãn kiếp địa ngục, lại sanh vào nhân gian, sanh nhằm dòng dõi ti tiện. Vì sao vậy? Vì con đường này đưa đến thọ báo sanh nhằm dòng dõi ti tiện, nghĩa là kẻ nam hay người nữ nào kiêu ngạo, đại mạn. [101] Ma-nạp nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.

“Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay người nữ sanh nhằm dòng dõi tôn quý? Nếu có kẻ nam hay người nữ nào không có lòng kiêu ngạo, đại mạn, người đáng cung kính thì cung kính, đáng tôn trọng thì tôn trọng, đáng quý thì quý, đáng phụng thờ thì phụng thờ, đáng cúng dường thì cúng dường, đáng nhường lối thì nhường lối, đáng nhường chỗ thì nhường chỗ, đáng chấp tay hướng về lễ bái thăm hỏi thì chấp tay hướng về lễ bái thăm hỏi. Người ấy tạo nghiệp này, tác thành đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn tiến lên chỗ lành, sanh vào trong cõi trời. Mãn kiếp ở cõi trời, lại sanh vào nhân gian nhằm dòng dõi tôn quý. Vì sao vậy? Vì con đường này đưa đến thọ báo sanh nhằm dòng dõi tôn quý, nghĩa là kẻ nam hay người nữ nào không kiêu ngạo, đại mạn. Ma-nạp nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.

“Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay người nữ không có của cải? Nếu có kẻ nam hay người nữ nào không làm thí chủ, không thực hành bố thí cho Sa-môn, Bà-la-môn, cho kẻ nghèo cùng đơn độc ở xa đến xin những thứ như đồ ăn, thức uống, quần áo, mền, vòng hoa, hương thoa, nhà cửa, giường chõng, đèn dầu và sai dịch. Người ấy tạo nghiệp này, tác thành đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn đưa đến chỗ ác, sanh vào trong địa ngục. Mãn kiếp địa ngục, lại sanh vào nhân gian, không có của cải. Vì sao vậy? Vì con đường này đưa đến thọ báo không có của cải, nghĩa là kẻ nam hay người nữ nào không biết làm người thí chủ, không thực hành bố thí. [102] Ma-nạp nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.

“Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay người nữ có nhiều của cải? Nếu có kẻ nam hay người nữ nào biết làm người thí chủ, biết thực hành bố thí. Người ấy bố thí cho Sa-môn, Bà-la-môn và kẻ nghèo cùng, cô độc từ xa tới xin những thứ như đồ, ăn thức uống, áo quần, mền, vòng hoa, hương thoa, nhà cửa, giường chõng, đèn dầu và sai dịch. Người ấy thọ nhận nghiệp này, tác thành đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn tiến lên chỗ lành, sanh vào trong cõi trời. Mãn kiếp ở cõi trời, lại sanh vào nhân gian, có nhiều của cải. Vì sao vậy? Vì con đường này đưa đến thọ báo có nhiều của cải, nghĩa là kẻ nam hay người nữ nào làm người chủ bố thí, biết thực hành hạnh bố thí. Ma-nạp nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.

“Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà [706a] kẻ nam hay người nữ có trí tuệ kém cỏi? Nếu có kẻ nam hay người nữ nào không thường đến nơi kia hỏi việc. Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn danh đức, người ấy không thường đến nơi đó hỏi đạo nghĩa, rằng ‘Thưa Chư Tôn, thế nào là thiện, thế nào là bất thiện? Thế nào là tội, thế nào là không tội? Thế nào là vi diệu, thế nào là không vi diệu? Thế nào là trắng, thế nào là đen? Trắng đen từ đâu sanh ra? Ý nghĩa của quả báo hiện tại như thế nào? Ý nghĩa của quả báo vị lai như thế nào? Ý nghĩa quả báo hậu thế như thế nào?’ Giả sử có hỏi nhưng không chịu thực hành. Người ấy thọ nghiệp này, tác thành đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn đưa đến chỗ ác, sanh vào trong địa ngục. Mãn kiếp địa ngục, lại sanh vào nhân gian, có trí tuệ kém cỏi. Vì sao vậy? Vì con đường này đưa đến thọ báo trí tuệ kém cỏi, nghĩa là kẻ nam hay người nữ ấy không có thường đến nơi kia hỏi việc. Ma-nạp nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.

“Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay người nữ có trí tuệ tốt đẹp? Nếu có kẻ nam hay người nữ nào thường hay đến nơi kia hỏi việc. Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn danh đức, người ấy thường đến nơi ấy mà hỏi đạo nghĩa, rằng ‘Thưa Chư Tôn, thế nào là nghiệp thiện, thế nào là bất thiện? Thế nào là tội, thế nào là không tội? Thế nào là vi diệu, thế nào là không vi diệu? Thế nào là trắng, thế nào lào đen? Trắng và đen từ đâu sanh ra? Ý nghĩa của quả báo hiện tại là thế nào? Ý nghĩa của quả báo vị lai là thế nào? Ý nghĩa quả báo hậu thế như thế nào?’ Hỏi xong lại thường thực hành. Người ấy thọ nghiệp này, tác thành đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn tiến lên chỗ lành, sanh vào trong cõi trời. Mãn kiếp ở cõi trời, lại sanh vào nhân gian, có trí tuệ tốt đẹp. Vì sao vậy? –Vì con đường này đưa đến thọ báo có trí tuệ tốt đẹp, nghĩa là kẻ nam hay người nữ nào thường hay đến nơi kia hỏi việc. Ma-nạp nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.

“Ma Mạp nên biết, tạo tác nghiệp tương xứng với đoản thọ, tất chịu đoản thọ. Tạo nghiệp tương xứng với trường thọ, tất được trường thọ. Tạo tác nghiệp tương xứng với nhiều tật bệnh, tất phải chịu nhiều tật bệnh. Tạo tác nghiệp tương xứng với ít tật bệnh, tất được ít tật bệnh. Tạo tác nghiệp tương xứng với sự không đoan chánh, tất phải thọ sự không đoan chánh. Tạo tác nghiệp tương xứng với đoan chánh, tất được đoan chánh. Tạo tác nghiệp tương xứng với không oai đức, tất phải chịu không oai đức. Tạo tác nghiệp tương xứng với oai đức, tất được oai đức. Tạo tác nghiệp tương xứng với dòng dõi ti tiện, tất phải sanh nhằm dòng dõi ti tiện. Tạo tác nghiệp tương xứng với dòng dõi tôn quý, tất được sanh vào dòng dõi tôn quý. Tạo tác nghiệp tương xứng với không của cải, tất bị không của cải. Tạo tác nghiệp tương xứng với nhiều của cải, tất được nhiều của cải. Tạo tác nghiệp tương xứng với trí tuệ kém cỏi, tất bị [706b] trí tuệ kém cỏi. Tạo tác nghiệp tương xứng với trí tuệ tốt đẹp, tất được trí tuệ tốt đẹp.

“Này Ma-nạp, đó là những điều Ta đã nói từ trước rằng ‘Chúng sanh do hành nghiệp của chính mình, do nghiệp mà thọ báo, duyên nơi nghiệp, tùy theo nghiệp xứ cao thấp mà chúng sanh có tốt đẹp hay không tốt đẹp.’  ”

Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, con đã hiểu! Bạch Thiện Thệ, con đã hiểu! Thế Tôn, nay con tự quy y Phật, quy y Pháp và Chúng Tỳ-kheo. Cúi xin Đức Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc. Kể từ ngày nay, trọn đời tự quy y cho đến tận mạng. Bạch Đức Thế Tôn, bắt đầu ngày nay, mong Ngài vào nhà Đô-đề như vào nhà Ưu-bà-tắc khác tại Xá-vệ, để cho nhà Đô-đề được lợi nghĩa, được lợi ích an ổn, khoái lạc lâu dài [103].”

Phật thuyết như vậy. Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử và vô lượng chúng sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

171. KINH PHÂN BIỆT ĐẠI NGHIỆP

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại thành Vương xá, trú trong Trúc lâm, vườn Ca-lan-đà.

Bấy giờ, Tôn giả Tam-di-đề [104] cũng trú ở thành Vương xá, trong thiền thất Vô sự. Lúc ấy, Dị học Bô-la-đà Tử [105] sau giờ trưa, ung dung đi đến chỗ Tôn giả Tam-di-đề, cùng chào hỏi rồi lui ngồi xuống một bên và hỏi:

“Này Hiền giả Tam-di-đề, tôi có điều muốn hỏi, ngài cho phép chăng?”

Tôn giả Tam-di-đề đáp:

“Hiền giả Bô-la-đà Tử, muốn hỏi cứ hỏi. Tôi nghe xong sẽ suy nghĩ.”

Dị học Bô-la-đà Tử bèn hỏi:

“Này Hiền giả Tam-di-đề, tôi trực tiếp nghe từ Sa-môn Cù-đàm, tôi trực tiếp nhận từ Sa-môn Cù-đàm, rằng ‘Thân nghiệp, khẩu nghiệp là hư vọng. Chỉ có ý nghiệp là chơn thật. [106] Có một loại định, Tỳ-kheo vào định đó không còn cảm giác gì. [107]’ ”

Tôn giả Tam-di-đề đáp:

“Hiền giả Bô-la-đà Tử, chớ có nói như vậy, chớ có hủy báng Đức Thế Tôn. Hủy báng Thế Tôn là bất thiện. Thế Tôn không nói như vậy.

“Hiền giả Bô-la-đà Tử, Đức Thế Tôn đã dùng vô số phương tiện nói rằng ‘Nếu cố ý tạo tác nghiệp [108], khi tác đã thành, Ta nói không có việc không thọ báo, hoặc hiện tại thọ báo, hoặc đời sau thọ báo. Nếu không cố ý tạo tác nghiệp, khi tác đã thành, Ta không nói chắc chắn phải thọ báo.’  ”

Dị học Bô-la-đà Tử ba lần nhắc lại câu ấy với Tôn giả Tam-di-đề rằng:

“Này Hiền giả Tam-di-đề, tôi trực tiếp nghe từ Sa-môn [706c] Cù-đàm, tôi trực tiếp nhận từ Sa-môn Cù-đàm, rằng ‘Thân nghiệp, khẩu nghiệp là hư vọng. Chỉ có ý nghiệp là chơn thật. Có một loại định, Tỳ-kheo vào định đó không còn cảm giác gì.’ ”

Tôn giả Tam-di-đề cũng ba lần đáp:

“Hiền giả Bô-la-đà Tử, chớ có nói như vậy, chó có hủy báng Đức Thế Tôn. Hủy báng Thế Tôn là bất thiện. Thế Tôn không nói như vậy.

“Hiền giả Bô-la-đà Tử, Đức Thế Tôn đã dùng vô số phương tiện nói rằng ‘Nếu cố ý tạo tác nghiệp, khi tác đã thành, Ta nói không có việc không thọ báo, hoặc hiện tại thọ báo, hoặc đời sau thọ báo. Nếu không cố ý tạo tác nghiệp, khi tác đã thành, Ta không nói chắc chắn phải thọ báo.’ ”

Dị học Bô-la-đà Tử hỏi Tôn giả Tam-di-đề:

“Nếu cố ý tạo tác nghiệp, khi tác nghiệp đã thành, phải thọ báo gì?”

Tôn giả Tam-di-đề đáp:

“Hiền giả Bô-la-đà Tử, nếu cố ý tạo tác nghiệp, khi tác nghiệp đã thành, tất thọ báo khổ.”

Dị học Bô-la-đà Tử lại hỏi:

“Này Hiền giả Tam-di-đề, ông học đạo trong pháp luật này bao lâu rồi?”

Tôn giả Tam-di-đề đáp rằng:

“Hiền giả Bô-la-đà Tử, tôi học đạo trong pháp luật này mới có ba năm.”

Lúc ấy, Dị học Bô-la-đà Tử bèn suy nghĩ rằng: “Tỳ-kheo niên thiếu mà vẫn có thể bảo hộ Tôn sư như vậy, huống nữa là vị Thượng tọa cựu học.”

Rồi thì Dị học Bô-la-đà Tử nghe Tôn giả Tam-di-đề nói, không cho là phải, cũng không cho là quấy, rời chỗ ngồi, lắc đầu mà đi.

Lúc bấy giờ Tôn giả Đại Châu-na [109], đang ở cách chỗ nghỉ ngày của Tôn giả Tam-di-đề không xa. Tôn giả Đại Châu-na nghe cuộc đối thoại giữa Tôn giả Tam-di-đề và Dị học Bô-la-đà Tử, ghi nhớ tất cả, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy đi đến Tôn giả A-nan, cùng chào hỏi xong rồi ngồi xuống một bên và mang những lời đối thoại giữa Tôn giả Tam-di-đề và Dị học Bô-la-đà Tử thuật lại hết cho Tôn giả A-nan nghe.

Tôn giả A-nan nghe xong bảo rằng:

“Này Hiền giả Châu-na, nhơn câu chuyện này, chúng ta nên đến gặp Đức Phật và trình bày lên Thế Tôn. Hiền giả Châu-na, chúng ta hãy cùng đến nơi Thế Tôn và bạch lên Thế Tôn tất cả nghĩa này. Hoặc nhơn đây, chúng ta được nghe những pháp nào khác của Thế Tôn.”

Rồi Tôn giả A-nan và Tôn giả Đại Châu-na cùng đi đến chỗ Phật. Tôn giả Đại Châu-na cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi xuống một bên. Tôn giả A-nan cúi đầu làm lễ sát chân Phật rồi đứng qua một bên.

Lúc đó, Tôn giả A-nan [707a] nói rằng:

“Này Hiền giả Châu-na, Hiền giả nên nói đi! Hiền giả nên nói đi!”

Bấy giờ Thế Tôn hỏi:

“Này A-nan, Tỳ-kheo Châu-na muốn nói sự gì?”

Tôn giả A-nan thưa:

“Bạch Thế Tôn, Thế Tôn sẽ tự nghe hết câu chuyện.”

Tôn giả Đại Châu-na thuật lại đầu đuôi cuộc đối thoại giữa Tôn giả Tam-di-đề và Dị học Bô-la-đà Tử cho Phật nghe. Nghe xong, Thế Tôn bảo rằng:

“Này A-nan, hãy xem Tỳ-kheo Tam-di-đề là người si, không đạo lý gì. [110] Vì sao? Vấn đề Dị học Bô-la-đà Tử hỏi là bất định [111] mà Tỳ-kheo Tam-di-đề, người ngu si kia chỉ trả lời theo nhất hướng đáp [112].”

Tôn giả A-nan bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, nếu Tỳ-kheo Tam-di-đề nhơn việc này trả lời rằng ‘Những gì được cảm thọ đều là khổ’ thì có lỗi gì?”

Đức Thế Tôn quở Tôn giả A-nan:

“Hãy xem Tỳ-kheo A-nan cũng không có đạo lý gì cả. A-nan, kẻ ngu si Tam-di-đề này được Dị học Bô-la-đà Tử kia hỏi tất cả ba cảm thọ, khổ thọ, lạc thọ và không khổ không lạc thọ. A-nan, nếu kẻ ngu si Tam-di-đề được Dị học Bô-la-đà Tử hỏi, nên đáp như vầy, ‘Này Hiền giả Bô-la-đà Tử, nếu cố ý tạo nghiệp an lạc, khi tác đã thành sẽ thọ quả báo an lạc. Nếu cố ý tạo nghiệp khổ, khi tác đã thành, sẽ thọ quả báo khổ. Nếu cố ý tạo nghiệp không khổ không lạc, khi tác đã thành rồi sẽ thọ quả báo không khổ không lạc.’ Này A-nan, nếu kẻ ngu si Tam-di-đề được Dị học Bô-la-đà Tử hỏi và đáp như vậy thì Dị học Bô-la-đà Tử mắt còn không dám nhìn Tam-di-đề ngu si ấy, huống nữa lại có thể hỏi đến chuyện như vậy chăng?

“Này A-nan, nếu ngươi từ Thế Tôn mà nghe kinh ‘Phân biệt đại nghiệp’, [113] thì đối với Như Lai lại càng tăng thượng tâm tĩnh, được hoan hỷ.”

Bấy giờ, Tôn giả A-nan chấp tay hướng về Phật, bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, nay thật đúng lúc. Bạch Thiện Thệ, nay thật đúng lúc. Nếu Thế Tôn vì các Tỳ-kheo nói kinh ‘Phân Biệt Đại Nghiệp’, các Tỳ-kheo nghe xong sẽ ghi nhớ kỹ.”

Thế Tôn bảo:

“Này A-nan, hãy lắng nghe, hãy suy nghĩ kỹ! Ta sẽ phân biệt đầy đủ cho ngươi nghe.”

Tôn giả A-nan thưa:

“Kính vâng, bạch Thế Tôn.”

Bấy giờ, các Tỳ-kheo vâng lời dạy, lắng nghe.

Phật nói:

“Này A-nan, hoặc có một người không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ lấy của không cho, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối,... cho đến không từ bỏ tà kiến. Với sự không xả ly, không thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về chỗ lành, sanh lên trời. Này A-nan, hoặc có một người từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến. Với sự xả ly, sự thủ hộ này, thân hoại mạng [707b] chung sanh về chỗ ác, trong địa ngục.

“Này A-nan, hoặc có một người không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ lấy của không cho, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến không từ bỏ tà kiến. Với sự không xả ly, không thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về chỗ ác, trong địa ngục. Này A-nan, hoặc có một người từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến. Với sự xả ly và thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, trong cõi trời.

“Này A-nan, ở đây có người không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ lấy của không cho, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến không từ bỏ tà kiến; với sự không xả ly, không thủ hộ này, thân hoại mạng chung, người ấy sanh về chốn lành, trong cõi trời. Nếu có vị Sa-môn, Bà-la-môn chứng được thiên nhãn, thành tựu thiên nhãn mà thấy người kia, thấy rồi bèn tự suy nghĩ rằng, ‘Không có thân ác hành, cũng không có quả báo của thân ác hành. Không có khẩu và ý ác hành, cũng không có quả báo của khẩu và ý ác hành. Vì sao? Ta thấy người kia không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ sự lấy của không cho, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến không từ bỏ tà kiến; với sự không xả ly, không thủ hộ này, nhưng khi thân hoại mạng chung sanh về cõi lành, trong cõi trời. Nếu có những trường hợp khác cũng tương tự như vậy, không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ không cho mà lấy, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến không từ bỏ tà kiến; với sự không xả ly, không thủ hộ này, kia tất cả khi thân hoại mạng chung nhất định sanh về cõi lành, trong cõi trời. Ai thấy như vậy gọi là chánh kiến. Ai thấy khác đi, trí họ đi về nẻo tà.’  Bất cứ sở tri và sở kiến nào được cực lực mò mẫm, đều chủ trương theo một chiều rằng ‘Đây mới là chân thật, ngoài ra đều hư dối.’

“Này A-nan, ở đây có người từ bỏ sát sanh, từ bỏ không cho mà lấy, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến; với sự xả ly, thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về chốn ác, sanh trong địa ngục. Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn chứng được thiên nhãn, thành tựu thiên nhãn mà thấy người kia, thấy rồi bèn tự suy nghĩ rằng: “Không có thân diệu hành, không có quả báo của thân diệu hành, không có khẩu và ý diệu hành, cũng không có quả báo của khẩu và ý diệu hành.’  Vì sao? Ta thấy người kia từ bỏ sát sanh, từ bỏ sự lấy của không cho từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến; với sự xả ly thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về chốn ác, sanh trong địa ngục. Nếu có những trường hợp khác cũng tương tự như vậy, từ bỏ sát sanh, từ bỏ không cho mà lấy, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến; với sự xả ly, thủ hộ này, kia tất cả khi thân hoại mạng chung nhất định sanh về chốn ác, sanh trong địa ngục. Ai thấy như vậy gọi là chánh kiến. Ai thấy khác đi, trí họ đi về nẻo tà.’  Bất cứ sở tri và sở kiến nào được cực lực mò mẫm, đều chủ trương theo một chiều rằng ‘Đây mới là chân thật, ngoài ra đều hư dối.’ 

“Này A-nan, ở đây có người không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ không cho mà lấy, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến không từ bỏ tà kiến; với sự không xả ly, không thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về [707c] chốn ác, sanh trong địa ngục. Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn chứng được thiên nhãn, thành tựu thiên nhãn mà thấy người kia, thấy rồi bèn tự suy nghĩ: ‘Có thân ác hành, có quả báo của thân ác hành, có khẩu và ý ác hành, cũng không có quả báo của khẩu và ý ác hành.’  Vì sao? Ta thấy kẻ kia không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ không cho mà lấy, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến không từ bỏ tà kiến; với sự không xả ly, không thủ hộ này, kia tất cả khi thân hoại mạng chung nhất định sanh về chốn ác, sanh trong địa ngục. Ai thấy như vậy gọi là chánh kiến; thấy khác đi, trí họ đi về nẻo tà.’  Bất cứ sở tri và sở kiến nào được cực lực mò mẫm, đều chủ trương theo một chiều rằng: ‘Đây mới là chân thật, ngoài ra đều hư dối.’

 “Này A-nan, nếu có một người từ bỏ sát sanh, từ bỏ không cho mà lấy, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến. Với sự xả ly, thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời. Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn chứng được thiên nhãn, thành tựu thiên nhãn mà thấy người kia, thấy rồi bèn tự suy nghĩ: ‘Có thân diệu hành, cũng có quả báo của thân diệu hành; có khẩu và ý diệu hành, cũng có quả báo của khẩu và ý diệu hành. Vì sao? Ta thấy kẻ kia từ bỏ sát sanh, từ bỏ không cho mà lấy, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến; với sự xả ly, thủ hộ này, khi thân hoại mạng chung nhất định sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời. Nếu lại có trường hợp khác tương tợ như vậy, từ bỏ sát sanh, từ bỏ không cho mà lấy, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến; với sự xả ly, thủ hộ này, tất cả những người ấy khi thân hoại mạng chung nhất định sẽ sanh về nẻo lành, sanh trong cõi trời. Ai thấy như vậy gọi là chánh kiến; thấy khác đi, trí họ đi về nẻo tà.’  Bất cứ sở tri và sở kiến nào được cực lực mò mẫm, chủ trương theo một chiều rằng: ‘Đây mới là chân thật, ngoài ra đều hư dối.’

“Này A-nan, ở trong đó, nếu vị Sa-môn, Bà-la-môn chứng được thiên nhãn, thành tựu thiên nhãn, nói như thế này, ‘Không có thân ác hành, không có quả báo của thân ác hành. Không có khẩu, ý ác hành, không có quả báo của khẩu và ý ác hành.’  Ta không chấp thuận vị ấy. Nếu vị ấy nói như thế này, ‘Ta thấy người kia không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ không cho mà lấy, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến không từ bỏ tà kiến; với sự không xả ly, không thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, sanh lên trời.’  Ta chấp thuận [114] vị ấy. Nếu nói như vầy, ‘Nếu có những trường hợp khác tương tợ như vậy, không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ không cho mà lấy, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến không từ bỏ tà kiến; với sự không xả ly, không thủ hộ này, tất cả những người ấy khi thân hoại mạng chung sanh về chỗ lành, [708a] sanh lên trời.’  Ta không chấp thuận vị ấy. Nếu có ai nói như vầy, ‘Thấy như vậy mới là chánh kiến, thấy khác là kẻ có trí tà.’  Ta không chấp thuận. Bất cứ sở tri và sở kiến nào được cực lực mò mẫm, chủ trương theo một chiều rằng ‘Đây mới là chân thật, ngoài ra đều hư dối.’  Ta cũng không chấp thuận. Vì sao? Này A-nan, Như Lai biết những người đó là trường hợp khác.

“Này A-nan, trong đó có Sa-môn, Bà-la-môn chứng được thiên nhãn, thành tựu thiên nhãn, nói thế này, ‘Không có thân diệu hành, cũng không có quả báo của thân diệu hành; không có khẩu, ý diệu hành, cũng không có quả báo của khẩu và ý diệu hành.’  Ta không chấp thuận vị ấy. Nếu nói thế này, ‘Ta thấy người kia từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến. Với sự xả ly, thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục.’  Ta chấp thuận [115] vị ấy. Nếu có ai nói thế này, ‘Có những trường hợp khác tương tợ như vầy, từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến; với sự xả ly, thủ hộ này, tất cả những người ấy khi thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục.’  Ta không chấp thuận [116]. Nếu kia lại nói thế này, ‘Thấy như vậy mới là chánh kiến, thấy khác là kẻ có trí tà.’  Ta cũng không chấp thuận. Bất cứ sở tri và sở kiến nào được cực lực mò mẫm, chủ trương theo một chiều rằng ‘Đây mới là chân thật, ngoài ra đều hư dối.’  Ta cũng không chấp thuận. Vì sao? Này A-nan, Như Lai biết những người đó là trường hợp khác.

“Này A-nan, trong đó nếu có Sa-môn, Bà-la-môn chứng được thiên nhãn, thành tựu thiên nhãn, nói như vầy, ‘Có thân ác hành, cũng có quả báo của thân ác hành. Có khẩu, ý ác hành, cũng có quả báo của khẩu và ý ác hành.’  Ta chấp thuận vị ấy. Nếu kia nói như thế này, ‘Ta thấy người kia không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ lấy của không cho, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến không từ bỏ tà kiến. Với sự không xả ly, không thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục.’  Ta chấp thuận vị ấy. Nếu nói thế này, ‘Những trường hợp tương tợ như vậy, không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ lấy của không cho, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến không từ bỏ tà kiến; với sự không xả ly, không thủ hộ này, tất cả những người ấy khi thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục.’  Ta không chấp thuận. Nếu kia lại nói thế này, ‘Thấy như vậy mới là chánh kiến, thấy khác là kẻ có trí tà.’  Ta cũng không chấp thuận. Bất cứ sở tri và sở kiến nào được cực lực mò mẫm, chủ trương theo một chiều rằng ‘Đây mới là chân thật, ngoài ra đều hư dối.’  Ta cũng không chấp thuận. Vì sao? Này A-nan, Như Lai biết [708b] những người đó là trường hợp khác.

“Này A-nan, trong đó nếu có Sa-môn, Bà-la-môn chứng được thiên nhãn, thành tựu thiên nhãn, nói như thế này, ‘Có thân diệu hành, cũng có quả báo của thân diệu hành; có khẩu, ý diệu hành, cũng có quả báo của khẩu và ý diệu hành.’  Ta chấp thuận vị ấy. Nếu nói như vầy, ‘Ta thấy người kia từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến; với sự xả ly, thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời.’  Ta chấp thuận họ. Nếu nói như vầy, ‘Nếu có những trường hợp tương tợ như vầy, từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến; với sự xả ly, thủ hộ này, tất cả những người ấy khi thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời.’  Ta không chấp thuận họ. Nếu kia lại nói thế này, ‘Thấy như vậy mới là chánh kiến, thấy khác là kẻ có trí tà.’  Ta cũng không nghe họ. Bất cứ sở tri và sở kiến nào được cực lực mò mẫm, chủ trương theo một chiều rằng ‘Đây mới là chân thật, ngoài ra đều hư dối.’  Ta cũng không nghe họ. Vì sao? Này A-nan, Như Lai biết những người đó là trường hợp khác.

“Này A-nan, nếu có một người không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ lấy của không cho, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến không từ bỏ tà kiến; với sự không xả ly, không thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời. Ấy là, nếu trước kia nó đã tạo tác nghiệp bất thiện, tác đã thành rồi, do sự không xả ly, không thủ hộ, cho nên ở trong đời hiện tại thọ báo xong, họ sanh về nơi đó [117]. Hoặc do hậu báo cho nên người kia không vì nhơn này, không vì duyên này mà thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời. Hoặc trước kia đã tạo tác nghiệp thiện, tác đã thành rồi, do xả ly và thủ hộ nên chưa tiêu hết, cần phải được thọ báo ở chốn lành; kia do nhơn này, duyên này cho nên thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời. Hoặc khi chết khởi các tâm, và tâm sở hữu pháp thuộc thiện [118] tương ưng với chánh kiến; kia nhờ nhơn này, duyên này, thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời. A-nan, Như Lai biết người kia là như vậy.

“Này A-nan, nếu có một người từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến; với sự xả ly, thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục. Người ấy dp trước kia đã tạo tác nghiệp thiện, tác đã thành rồi, do sự xả ly, thủ hộ cho nên ở trong đời hiện tại họ thọ báo xong, cho nên sanh về nơi đó. Hoặc do bởi hậu báo cho nên họ không vì nhơn này, duyên này mà thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục. Hoặc trước kia đã tạo tác nghiệp bất thiện, tác đã thành rồi, do không xả ly và không thủ hộ nên chưa tiêu hết, phải [708c] thọ báo ở địa ngục; họ do nhơn này, duyên này cho nên thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục. Hoặc khi chết sanh tâm và các tâm sở hữu pháp bất thiện tương ưng với tà kiến, do nhơn này, duyên này, thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục. A-nan, Như Lai biết người kia là như vậy.

“Này A-nan, nếu có một người không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ lấy của không cho, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến không từ bỏ tà kiến; với sự không xả ly, không thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục. Kia do chính nhơn này, duyên này thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục. Hoặc trước kia đã tạo tác nghiệp bất thiện, tác đã thành rồi, do sự không xả ly, không thủ hộ mà chưa tiêu hết, nên phải thọ báo ở địa ngục; kia do nhơn này, duyên này cho nên thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục. Hoặc khi chết sanh các tâm và tâm sở hữu pháp bất thiện tương ưng với tà kiến, kia do nhơn này, duyên này, thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục. A-nan, Như Lai biết người kia là như vậy.

“Này A-nan, nếu có một người từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến; với sự xả ly, thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời. Kia nhờ chính nhơn này, duyên này thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời. Hoặc trước kia đã tạo tác nghiệp thiện, tác đã thành rồi, nhờ có xả ly, có thủ hộ mà chưa tiêu hết, phải được thọ báo thiện; kia nhờ nhơn này, duyên này cho nên thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời. Hoặc đến lúc chết sanh các tâm và tâm sở hữu pháp thiện tương ưng với chánh kiến, kia do nhơn này, duyên này, thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời. A-nan, Như Lai biết người kia là như vậy.

“Lại nữa, có bốn hạng người. Hoặc có người không có mà tợ như có. Hoặc có mà tợ như không có. Hoặc không có tợ như không có. Hoặc có tợ như có. [119]

“Này A-nan, cũng như có bốn loại xoài. Hoặc xoài không chín mà giống như chín. Hoặc chín giống như không chín. Hoặc không chín giống như không chín. Hoặc chín giống như chín.

“Cũng vậy A-nan, bốn thứ xoài được thí dụ với người. Hoặc có người không có mà tợ như có. Hoặc có mà tợ như không có. Hoặc không có tợ như không có. Hoặc có tợ như có.”

Phật thuyết như vậy. Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành. [120]

 


 [1] M. 140:Thợ gốm tên là Bhagga.

 [2] Phất-ca-la-sa-lợi 弗迦邏娑利. Pāli: Pukkusāti.

 [3] Vô thượng Chánh tận giác.

 [4] Lục giới 六 界. Pāli: Chadhāturo.

 [5] Pāli: ayaṃ puriso, con người này.

 [6] Hán: bất văn ưu thích sự 不聞憂戚事. Pāli: maññussavā nappavattanti, các tưởng hoan hỷ (= vọng tưởng) không chuyển động.

 [7] Huệ thí; Pāli: cāga, sự thi ân.

 [8] Chí tịch 至 寂. Pāli: santi: sự tịch tĩnh, sự bình an; đồng nghĩa Niết-bàn.

 [9] Lục xúc xứ 六 觸 處. Pāli: chaphassāyatano.

 [10] Thập bát ý hành 十八意行. Pl.: aṭṭhārasamanopavicāro. Tập dị 15 (tr. 430a01): 18 ý cận hành, gồm 6 hỷ cận hành, 6 ưu cận hành, 6 xả cận hành.

 [11] Quán 觀,đồng nghĩa cận hành, đi sát, hay chạy theo; Pāli: upavicarati; trong đó, vicāra, hành (đi), và cũng thường dịch là tứ (một thiền chi thuộc Sơ thiền) mà bản Hán này thường dịch là quán (th.d.: hữu giác hữu quán, Pl. savitakka, savicāra) Tập Dị  ibid.: “Mắt sau khi thấy, nó tùy theo trú xứ của hỷ mà đi sát (hay đi gần, cận hành) với sắc”. Pāli: cakkhunā rūpam disvā somanassaṭṭhānīyam rupaṃ upavicarati.

 [12] Hỷ quán: hỷ cận hành.

 [13] Tứ trụ xứ 四住處. Pāli: caturādhiṭṭhāno, bốn y chỉ, sự xác lập: paññādiṭṭhāno (tuệ y chỉ), saccādhiṭṭhāno (chân đế y chỉ), cāgāditthāno (huệ thí y chỉ), upasamādhiṭṭhāno (tịch tĩnh y chỉ).

 [14] Thọ ư sanh 受於生. Cf. Câu-xá 1 (tr. 2c11 ): hữu chấp thọ 有執受. Tì-bà-sa 52 (272a18). M. 140: ajjhattaṃ paccattaṃ kakkhaḷaṃ kharigataṃ upādinnaṃ, (những gì) thuộc bên trong, thuộc cá nhân, thô cứng, có tính cứng, được chấp thủ.

 [15] Hán: phi thần 非神. Pāli: n’etaṃ mama, n’eso ‘ham asmi. na me sattā, “cái này không là của tôi; tôi không là cái này; cái này không là tự ngã của tôi”.

 [16] Bản Cao-li: não mạc. Plā: pitta, mật.

 [17] Pl.: aparaṃ viññānaṃyeva avasissati parisuddhaṃ pariyodātaṃ, các rthữ còn lại thanh tịnh, tnh khết.

 [18] Pāli: sukhan ti pi vijānāti, dukkhan ti pi vijānāti…, nhận biết rằng ‘đây là lạc’, nhận biết rằng ‘đây là khổ’…

 [19] Nguyên Hán: nhân lạc canh lạc cố sanh lạc giác 因樂更樂故生樂覺; Pāli: sukhavedanīyaṃ… phassaṃ paṭicca uppajjati sukhā vedanā, do xúc chạm với đối tượng đáng ưa mà phát sinh cảm giác lạc.

 [20] Pl.: sītibhavissati. Xem đoạn sau.

 [21] Nhập không vô biên xứ 無量空處. Pāli: ākāsānañcāyatanaṃ upasaṃhareyyaṃ.

 [22] Pl.: ayaṃ upekkha taṃnissitā tadupādānā ciraṃ dīghamaddhānam tiṭṭheyya, được y chỉ trên đó (không vô biên), được chấp thủ trên dó, tồn tại một thời gian dài.

 [23] Thức vô biên xứ 無量識處,. Pāli: viññāṇaññcāyatanaṃ.

 [24] Nguyên bản Hán: phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ非有想非無想處.

 [25] Hán: bất phụcdi nhập 不復移入. Pl.: na abhisaṅkharoti, không hành trì, không thể hiện, không tác thành.

 [26] Hán: bất phục hữu vi diệc vô sở tư, vị hữu cập vô 不復有為亦無所思, 謂有及無. Pāli: so neva taṃ abhisaṃkharoti na abhisaṃcetayati bhavāya vā vibhavāya vā, vị ấy không hành trì cũng không tư duy về hữu hay phi hữu.

 [27] Thọ thân tối hậu 受身最後, thân được chấp thọ, hay chấp thủ, cuối cùng. Pāli:  kāyapariyantika.

 [28] Mạng tối hậu 受 命 最 後. Pāli: jīvitapariyantika.

 [29] Pāli: sabbavedayitāni abhinanditāni sītibhavissanti, “tất cả những gì được cảm thọ đầy hỷ lạc đều trở thành mát mẻ”.

 [30] Đệ nhất chánh huệ xứ; Pāli: paramapaññādiṭṭhāna.

 [31] Đệ nhất chân đế xứ; Pāli: paramasaccādiṭṭhāna.

 [32] Hán: tự cử 自舉, nghĩa là kiêu mạn (Pāli: māna). Trong bản Pāi: maññita, vọng tưởng.

 [33] Tức đã gọi Phật là “bạn”. Pāli: āvusovādena.

 [34] Đoạn kết M 140: Pukkasati sau đó đi tìm y bát, bị bò húc chết. Phật thọ ký: Tôn giả chứng đắc A-nan-hàm, tsai sinh Tịnh cư thiên, sẽ nhập niết-bàn tại đó.

 [35] Lục cánh lạc xứ 更樂處. Pāli: cha phassakayā.

 [36] Thập bát ý hành 十八意行. Pāli: aṭṭhādasa manopavicārā. Xem  kinh 62.

 [37] Tam thập lục đao 三十六刀. Pāli, M 137 (iii. 217): chattiṃsa sattapadā, 36 (phạm trù), hay dấu chân, của chúng sanh; 36 loại chúng sanh. Trong bản Hán, đọc là sattha (đao kiếm) thay vì satta (hữu tình). Tỳ-bà-sa 139 (No.1545,  tr. 718a25): Tam thập lục sư cú 三十六師句. Pāli: Sattapadā (36 cú nghĩa, hay phạm trù, về chúng sanh). Cả ba bản đọc theo ngữ nguyên khác nhau. Pāli: satta, chúng sanh. Bản Hán này, đao kiếm: do Skt. śastra (Pāli: sattha), Tỳ-bà-sa; Skt. śāstra: đạo sư (Pāli: sattha).

 [38] Tam ý chỉ 三 意 止. Pāli: tayo satipaṭṭhānā, ba niệm trú.

 [39] Tham chiếu Pāli: tatr’idaṃ nissāya idaṃ pajahatha. tayo satipaṭṭhānā yad ariyo sevati, yad ariyo sevamāno satthā gaṇaṃ anusāsituṃ arahati, “trong đây, y trên cái này, các ngươi hãy đoạn trừ cái này; có ba niệm trụ mà bậc Thánh tập hành, và khi tập hành nó bậc Thánh xứng đáng là Đạo sư giáo huấn đồ chúng”.

 [40] Hán: điều ngự sĩ, chế ngự hay huấn luyện con người và đánh xe đưa con người đến chỗ an ổn. Pāli: so vuccati yoggācariyānaṃ anuttaro purisadammasārathī ti, vị ấy được gọi là vị hướng đạo và huấn luyện con người, cao cả nhất trong tất cả những người đánh xe.

 [41] Y trước y vô dục 依著依無欲. Tỳ-bà-sa ibid.: Y đam thị y xuất ly 依耽嗜依出離. Pāli:  gehaseta, nekkhammasita: y tại gia và y xuất gia. Do từ nguyên trong Skt. hay đồng âm của từ gaha (Pāli) có nghĩa là nhà (Skt. gṛha) và sự nắm chặt (Skt. graha) nên có những nghĩa khác nhau như thế.

 [42] Pāli: lokāmisapaṭisaṃyuttaṃ, liên hệ đến vật dục thế gian.

 [43] Hán: thượng cụ xúc nguyện khủng bố 上具觸願恐怖; không hiểu ý. Có lẽ bản Hán chép nhầm chữ bối 背 (=giải thoát) thàng chữ cụ 具. Pāli: anuttaresu vimokkhesu pihaṃ upaṭṭhāyato uppajjati pihapaccayā damoanassaṃ, sau khởi khởi lên ướcnguyện đối với các giải thoát vô thượng như vậy, ưu duyên nơi nguyện ấy mà phát sanh.

 [44] Hán: bình đẳng 平等, liên hệ từ samṃ (Pāli = Skt.).

 [45] Pāli: atthi bhikkhave upekkhā nānattā nānattasitā; atthi upekkhā ekattā ekattasitā, có xả là tạp đa tánh, y trên tạp đa tánh; có xả đơn nhất tánh, y trên đơn nhất tánh.

 [46] Pl.: atammayataṃ nissāya atammayataṃ āgamma yāyaṃ upekkhā ekattā ekattasitā taṃ pajahataṃ taṃ samatikkamatha, y trên tính không khát ái, thú hướng tính không khát ái mà đoạn trừ vượt qua xả đơn nhất tính, y trên đơn nhất tính.

 [47] Nguyên Hán: tăng thượng ý 增上意.

 [48] Thú hướng pháp thứ pháp, Pāli: dhammānudhamma-paṭipanna

 [49] Từ đây trở xuống, nói về tám giải thoát, cũng nói là tam bối. Xem giải thích Tập dị 18, Đại 16, trang 443.

 [50] Uddesavibhaṅgo, M. 138 (iii. 223).

 [51] Đại Ca-chiên-diên 大 迦 旃 延. Pāli: Mahā-Kaccāna.

 [52] Trong bản Pāli: thức (viññāna) bị phân tán.

 [53] Hán: Thánh sở thuyết Thánh sở xả niệm lạc trú  聖 說 聖 所 捨 念 樂 住. Pāli: yaṃ taṃ āriyā ācikkhanti upekkhako satimā sukhaviharī, điều mà các Thánh nói là xả,  an trú lạc với chánh niệm.

 [54] Bản Pāli nói tại Tapodārāna, cũng trong Rājagaha (Vương xá), xem thêm chú thích (4) ở sau.

 [55] Tam-di-đề 三彌提. Pāli: Samiddhi, thuộc một gia đình phú hào tại Vương xá.

 [56] Ôn tuyền lâm 溫泉林. Pāli: Tapodārāma (tinh xá Ôn tuyền), ở cạnh hồ Ôn tuyền (Tapodā), dưới chân núi Vebhāra, ngoài thành Vương xá.

 [57] Bạt-địa-la-đế 跋地羅帝. Pāli: Bhaddekaratta: một đêm hạnh phúc, nhất dạ hiền giả.

 [58] Chánh Điện 正 殿. Bản Pāli không nhắc đến vị thiên thần này.

 [59] Đại Ca-chiên-diên 大 迦 旃 延. Pāli: Mahā-Kaccāna.

 [60] Pl., thành cú: cakkhuviññeyyā rūpā iṭṭhā kantā manāpā piyarūpā kāmūpasaṃhitā rajanīyā, “sắc được nhận thức bởi mắt, đáng ưa thích, đáng ham muốn, dễ xứng ý,  đáng yêu,  liên hệ dục, dễ đắm nhiễm.”

 [61] Pl.: tattha chandarāgappaṭibaddhaṃ hoti viññāṇaṃ, ở đây thức bị trói chặt bởi dục tham.

 [62] Pl., thành cú: eso cevetassa attho.

 [63] Lô-di-cường-kỳ 盧 夷 強 耆. Pāli: Lomasakaṅgiya, dòng họ Thích, ở Ca-tỳ-la-vệ.

 [64] Vô sự thiền thất. Bản Pāli nói: tại Nigrodhārāma (vườn cây Ni-câu-loại).

 [65] Ban-na 般 那. Pāli: Candana, tiền thân trong đời Phật Ca-diếp, là vị Tỳ-kheo đã đọc bài kệ này cho Lomasakangiya, nhưng Loma không hiểu và được hứa hẹn trong tương lai sẽ hiểu. (Pāli Proper Names. II, trang 789 -10).

 [66] Ý hành sanh 意行生, thọ sanh do hành nghiệp của ý. Pāli: saṅkhāruppatti; sankhāra: hành, đây chỉ các uẩn dị thục (vipākakkhandhā); Sớ giải: duy chỉ là sự tái sanh của các hành, không có tái sinh của chúng sanh, của con người (saṅkhārānaṃyeva upapattiṃ na sattassa na posassa).

 [67] Đây bắt đầu từ Sắc giới. Bản Pāli bắt đầu từ Dục giới.

 [68] Phạm thân thiên 梵 身 天, Phạm chúng thiên. Pāli: Brahmakāyika.

 [69] Tỳ-kheo đang sống ở Dục giới nhưng nhập Sơ thiền.

 [70] Hoảng dục thiên 晃 昱 天, Quang âm thiên, hay Cực quang thiên. Pāli: Ābhassara.

 [71] Biến tịnh thiên 遍 淨 天. Pāli: Subhakiṇhā.

 [72] Quả thật thiên 果 實 天 hay Quảng quả thiên 廣 果 天. Pāli: Vedapphalā.

 [73] Bà-kì-sấu 婆奇瘦; Pāli: Bhaggesu, giữa những người Bhagga.M. 139: Phật trú ở Sāvatthi.

 [74] Kiếm-ma-sắt-đàm, một đô ấp của Câu-lâu 劍摩瑟曇拘樓都邑, xem kinh số 10.

 [75] Hán: phân biệt vô tránh 分別無諍經. Pl.: araṇvibhaṅgasutta.

 [76] Hán: mạc cầu dục lạc 莫求欲樂. Pāli: na kāmasukham anuyuñjeyya, chớ đam mê khoái lục dục tình.

 [77] Hán: cực hạ tiện nghiệp 極下賤業. Pāli: hīnaṃ gammaṃ, thấp hèn và đê tiện. Trong bản Hán, gamma (đê tiện) được đọc là kamma: nghiệp.

 [78] Vô nghĩa tương ưng, Pāli: anatthasamhita, không liên hệ đến mục đích.

 [79] Pl. (M.iii. 231): ussādanañca jaññā  apasādanañca jaññā; ussādanañca ñatvā apasādanañca ñatvā nevussādeyya na apasādeyya dhammameva deseyya. biết tán thán, biết chỉ trích. Sau khi biết tán thán, biết chỉ trích; không tán thán, không chỉ trích mà thuyết pháp.

 [80] Hán: quyết định ư tề 決定於齊 (có bản chép là trai 齋). Pāli: sukhavinicchayam, sự phán định về lạc.

 [81] Pl.ibid.: sukhavinicchayaṃ jaññā; sukhavinicchayaṃ ñatvā ajjhattaṃ sukham anuyuñjeyya; biết pháp định lạc; sau khi biết phán định lạc, hãy chuyên tâm lạc nội tại.

 [82] Đạo thuyết 道 說; bản Cao-li chép 導; TNM: 道. Pāli: rahovādaṃ, nói chuyện bí mật, nói lén.

 [83] Hán: tề hạn thuyết 齊限說. Pāli: ataramāno bhāseyya na taramāno, nói thong thả, đừng nhanh quá.

 [84] Hán: tùy quốc tục pháp 隨國俗法. Pāli: janapadaniruttiṃ nābhiniveseyya, đừng cố chấp địa phương ngữ.

 [85] Pāli: iti vadaṃ itth’ eke apasādeti, vị ấy chỉ trích một số người bằng lời lẽ như vậy.

 [86] Hữu kết 有 結. Pāli: bhava-saṃyojana.

 [87] Hữu thực 有食, ở đây nên hiểu là ‘thuộc về vật chất.’

 [88] Vô thực 無食: phi vật chất.

 [89] Nghĩa là, nói nhanh quá, người nghe không kịp hiểu.

 [90] Tu-bồ-đề 須 菩 提. Pāli: Subhūti.

 [91] Vô tránh đạo 無諍道.

 [92] Pāli: Subhūti ca pana, bhikkhave, kulaputto araṇapaṭipadaṃ paṭipanno, thiện nam tử Tu-bồ-đề là người thực hành con đường vô tránh.

 [93] Bản Hán, hết quyển 43.

 [94] Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử 鸚鵡摩納都提子. No.79: Anh Vũ Ma-lao Đâu-la Tử 鸚鵡摩牢兜羅子; No.78: Đâu-diệu Tử Cốc 兜調子谷; No.80: Điêu-đề-đa Tử Thủ-ca Trưởng giả 忉提耶子首迦長者; No.81: Đâu-nễ-dã Tử Du-ca Trưởng giả 兜儞野子輸迦長者; Pāli: niên thiếu Bà-la-môn tên là Subha, con trai của Todeyya. Xem kinh 152.

 [95] Bạch cẩu 白狗. No.78: con chó tên Loa 螺; No.79 nó tên là Bối 貝 (in lầm là cụ 具) và No.81 gọi nó là Thương-khư 傷 佉, phiên âm tương đương Pāli là Saṅkha: con sò.

 [96] Pl. (M.iii.204): kammassakā sattā kammadāyādā kammayonī kammabandhū kammappaṭisaraṇā. kammaṃ satte vibajati yadidaṃ hīnappaṇītatāyāti. “chúng sanh là sở hữu chủ của nghiệp, là kẻ thừa tự của nghiệp, là thai sanh của nghiệp, lấy nghiệp làm quyến thuộc, nghiệp làm sở y. Nghiệp phân biệt chúng sanh thành cao quý hay hạ liệt.”

 [97] Pl.: sattānaṃ viheṭhakajātiko hoti, người có bẩm tính ưa bức hại chúng sanh.

 [98] Pl.: kodhano hoti upāyāsabahulo, người hay phẫn nộ, nhiều bực dọc.

 [99] Pl.: issāmanako hoti, người có tâm tật đố, hay ganh tị.

 [100] Pl.: maggārahassa na maggaṃ deti.

 [101] Pl.: thaddho hoti atimānī, cao ngạo, kiêu mạn.

 [102] Pl.: na dātā hoti, không phải là người cho, không phải là người hay bố thí.

 [103] No.79 kết luận, Phật nói: đời sau ai nghe kinh này mà lông dựng đứng, nước mắt chảy sẽ được gặp Phật Di-lặc trong tương lai.

 [104] Tam-di-đề, xem kinh số 165.

 [105] Bộ-la-đà Tử 哺 羅 陀 子. Pāli: Potaliputta.

 [106] Pl. M. 136 (iii. 207): moghaṃ kāyakammaṃ moghaṃ vacīkammaṃ , manokammam eva saccan’ti, “thân và ngữ nghiệp vo hiệu; ý nghiệp mới chân thật.”

 [107] Pl.ibid.: na kiñci vediyati, không có cảm thọ gì.

 [108] Hán: cố tác nghiệp 故作業, nghiệp được làm với sự cố ý. Pāli: sañcetanika kamma.

 [109] Đại Châu-na 大 周 那. Pāli: Mahā-Cunda.

 [110] Pl.: ummaṅgaṃ, con đường nhầm lạc.

 [111] Vấn sự bất định 問事不定, câu hỏi không xác định, cần trả lời bằng phân biệt đáp; một trong bốn ký vấn. Bản Thánh chép: vấn sự bất túc 足, nhầm tự dạng. Pāli: vibhajja-byākāṇiyo pañho.

 [112] Nhất hướng đáp 一向答, một trong bốn cách trả lời vấn đề, tứ ký vấn: nhất hướng (xác định), phân biệt, phản cật bà xả trí. Pāli: ekaṃsena vyākato.

 [113] Phân biệt đại nghiệp 分別大業. Pl.: mahākammavibhaṅgaṃ.

 [114]Chấp nhận có, vì những trường hợp cần phân biệt.

 [115] Chấp nhận có. Trường hợp hành thiện, nhưng tái sanh ác thú. Vì có sự phân biệt.

 [116] Như trên, nhưng không chấp nhận, vì quan điểm một chiều (nhất hướng).

 [117] Tức sanh về cõi lành.

 [118] Tức khi chết với tâm và tâm sở thiện.

 [119] Pl. (M.iii. 215), bốn loại nghiệp: atthi kammaṃ abhabbaṃ abhabbābhāsaṃ, có nghiệp vô năng tương tợ vô năng; abhabbaṃ bhabbābhāsaṃ, vô nanưg tợ hữu năng; bhabbañceva bhabbābhāsaṃ, hữu năng tợ hữu năng; bhabbaṃ abhabbābhāsaṃ, hữu năng tợ vô năng.

 [120] Bản Hán, hết quyển 44.

Phẩm 10: Nhân

PHẨM 10: NHÂN

TỤNG NGÀY THỨ HAI

Tiểu thổ thành

因處二苦陰

增上心及念

師子吼優曇  

願想最在後 

Kệ Tóm tắt:

Nhân, Xứ, hai Khổ uẩn,

Tăng thượng tâm bà Niệm,

Sư tử hống, Ưu-đàm,

Nguyện, Tưởng ở sau cùng

97. KINH ĐẠI NHÂN

 [584c8] Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại Câu-lâu-sấu, ở Kiếm-ma-sắt-đàm, một đô ấp của Câu-lâu [1].

Bấy giờ, Tôn giả A-nan, một mình tĩnh tọa tại một nơi vắng vẻ, tâm nghĩ như vầy, ‘Kỳ diệu thay, pháp duyên khởi này! Thật là vô cùng sâu sắc và ánh sáng cũng thật là vô cùng sâu sắc [2], nhưng ta quán sát thấy rất nông cạn, rất nông cạn!’ [3]

Rồi vào lúc xế, Tôn giả A-nan rời chỗ tĩnh tọa, qua đến chỗ Phật, đảnh lễ chân Ngài, rồi đứng sang một bên, bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, hôm nay con một mình tĩnh tọa tại một nơi thanh vắng, tâm nghĩ như vầy, ‘Kỳ diệu thay, duyên khởi này! Thật là vô cùng sâu sắc, nhưng ta quán sát thấy rất nông cạn, rất nông cạn!”

Đức Thế Tôn bảo:

“A-nan, ngươi chớ nghĩ rằng ‘Duyên khởi này rất nông cạn, rất nông cạn!’ Vì sao? Vì duyên khởi này thật là vô cùng sâu sắc và ánh sáng cũng thật là vô cùng sâu sắc.

“Này A-nan, đối với duyên khởi này, vì không biết như thật, thấy như thật, không giác ngộ, không thấu triệt, nên khiến chúng sanh ấy dính móc nhau như khung cửi rối ren, như đám uẩn-mạn [4] mọc chằng chịt, tấp nập huyên náo, đi từ đời này đến đời kia, từ đời kia đến đời này, qua rồi lại, lại rồi qua, không thể ra khỏi vòng sanh tử. A-nan, cho nên phải biết duyên khởi này thật vô cùng sâu sắc và ánh sáng cũng rất là sâu sắc.

“A-nan, nếu có người hỏi: ‘Già và chết có duyên không?’ Hãy trả lời như vầy, ‘Già, chết có duyên’. Nếu có người hỏi: ‘Già, chết có duyên gì?’ Hãy trả lời như vầy: ‘Duyên nơi sanh vậy’.

“A-nan, nếu có người hỏi: ‘Sanh có duyên không?’ Hãy trả lời rằng: ‘Sanh cũng có duyên’. Nếu có người hỏi rằng: ‘Sanh có duyên gì?’ Hãy trả lời rằng: “Duyên nơi hữu vậy”.

“A-nan, nếu có người hỏi: ‘Hữu có duyên không?’, Hãy trả lời rằng ‘Hữu cũng có duyên’. Nếu có người hỏi: ‘Hữu có duyên gì?’, Hãy trả lời rằng: ‘Duyên nơi thủ [5] vậy’.

“A-nan, nếu có người hỏi: [578c] ‘Thủ có duyên không?’ Hãy trả lời rằng ‘Thủ cũng có duyên’. Nếu có người hỏi: ‘Thủ có duyên gì?’ Hãy trả lời rằng: ‘Duyên nơi ái vậy’.

“A-nan, đó là duyên ái có thủ; duyên thủ có hữu; duyên hữu có sanh; duyên sanh có già và chết, duyên già chết có buồn lo, khóc lóc, buồn khổ, áo não; đều duyên nơi già chết mà có. Như thế là trọn đủ toàn khối khổ đau to lớn. [6]

“A-nan, duyên sanh có già chết. Đây nói duyên sanh có già chết; nên biết, điều được nói là duyên sanh có già chết. A-nan, nếu không sự sanh, như cá và loài cá, chim và loài chim, muỗi và loài muỗi, rồng và loài rồng, thần và loài thần, quỷ và loài quỷ, trời và loài trời, người và loài người; A-nan, các loài chúng sanh như thế này hay như thế kia ấy, ở bất cứ nơi này hay nơi kia ấy; nếu không sự sanh, mỗi loài và mỗi loài đều không sanh, thì giả sử tách rời sự sanh, có già chết không?”

“Bạch Thế Tôn, không”.

“A-nan, cho nên biết rằng, nguyên nhân của già chết, tập khởi của già chết, căn bản của già chết, duyên sanh của già chết [7], gọi đó là sanh. Vì sao? Vì duyên nơi sanh nên có già chết.

“A-nan, duyên hữu có sanh. Đây nói là duyên hữu có sanh; nên biết, điều được nói là duyên hữu có sanh.

“A-nan, nếu không có hữu, như cá và loài cá, chim và loài chim, muỗi và loài muỗi, rồng và loài rồng, thần và loài thần, quỷ và loài quỷ, trời và loài trời, người và loài người. A-nan, các loài chúng sanh như thế này hay như thế kia ấy, ở bất cứ nơi này hay nơi kia ; nếu không có sự hữu, mỗi loài và mỗi loài đều không có hữu, thì giả sử tách rời sự hữu, có sanh chăng?”

“Bạch Thế Tôn, không”.

“A-nan, cho nên biết rằng nguyên nhân của sanh, tập khởi của sanh, căn bản của sanh, duyên sanh của sanh, gọi đó là hữu. Vì sao? Vì duyên hữu nên có sanh.

“A-nan, duyên thủ có hữu. Đây nói là duyên thủ có hữu; nên biết, điều được nói là duyên thủ có hữu. A-nan, nếu không có thủ, mỗi loài và mỗi loài đều không có thủ, thì giả sử tách rời thủ, sẽ có hữu chăng? Thi thiết [8] có hữu chăng?”

“Bạch Thế Tôn, không”.

“A-nan, cho nên biết rằng nguyên nhân của hữu, tập khởi của hữu, căn bản của hữu, duyên sanh của hữu, gọi đó là thủ. Vì sao? Vì duyên thủ nên có hữu.

“A-nan, duyên ái có thủ. Đây nói là duyên ái có thủ; nên biết, điều được nói là duyên ái có thủ. A-nan, nếu không có ái, mỗi loài và mỗi loài đều không có ái, giả sử tách rời ái, sẽ có thủ chăng? Thi thiết có thủ chăng?”

“Bạch Thế Tôn, không”.

“A-nan, cho nên biết rằng nguyên nhân của thủ, tập khởi của thủ, căn bản của thủ, duyên sanh của thủ, gọi đó là ái. Vì sao? Vì duyên ái nên có thủ.

 [579a] “A-nan, đó là duyên ái có tầm cầu [9], duyên tầm cầu có lợi đắc, duyên lợi đắc có phân phối, duyên phân phối có nhiễm dục, duyên nhiễm dục có đắm trước, duyên đắm trước có keo kiệt, duyên keo kiệt có tư hữu, duyên tư hữu có canh giữ [10].

“A-nan, vì duyên canh giữ nên có dao gậy, đấu tranh, dua siểm, lừa gạt, nói láo, nói hai lưỡi, khởi lên vô lượng pháp ác bất thiện. Như vậy là trọn đủ toàn khối khổ đau to lớn.

“A-nan, nếu không có canh giữ, tất cả đều không có canh giữ, giả sử tách rời canh giữ sẽ có dao gậy, đấu tranh, dua siểm, lừa gạt, nói láo, nói hai lưỡi, khởi lên vô lượng pháp ác bất thiện chăng?”

“Bạch Thế Tôn, không”.

“A-nan, cho nên biết rằng dao gậy, đấu tranh, dua siểm, lừa gạt, nói láo, nói hai lưỡi, khởi lên vô lượng pháp ác bất thiện, thì nhân của chúng, tập khởi của chúng, căn bản của chúng và duyên của chúng chính là bảo thủ vậy. Vì sao? Vì duyên bảo thủ nên có dao gậy, đấu tranh, dua nịnh, lừa gạt, nói láo, nói hai lưỡi, khởi lên vô lượng pháp ác bất thiện. Như vậy là trọn đủ toàn khối khổ đau to lớn.

“A-nan, duyên tư hữu có canh giữ. Đây nói là duyên tư hữu có canh giữ; nên biết, điều được nói là duyên tư hữu có canh giữ. A-nan, nếu không có tư hữu, tất cả đều không có tư hữu, giả sử tách rời tư hữu, có canh giữ chăng?

“Bạch Thế Tôn, không”.

“A-nan, cho nên biết rằng nhân của canh giữ, tập khởi của canh giữ, căn bản nguyên của canh giữ, duyên của canh giữ, gọi đó là tư hữu vậy. Vì sao? Vì duyên tư hữu nên có canh giữ.

“A-nan, duyên keo kiệt có tư hữu. Đây nói là duyên keo kiệt có tư hữu; nên biết, điều được nói là duyên keo kiệt có tư hữu. A-nan, nếu không có keo kiệt, tất cả đều không có keo kiệt, giả sử tách rời keo kiệt, có tư hữu chăng?

“Bạch Thế Tôn, không”.

“A-nan, cho nên biết rằng nhân của tư hữu, tập khởi của tư hữu, căn bản của tư hữu, duyên của tư hữu, gọi đó là keo kiệt. Vì sao? Vì duyên keo kiệt nên có tư hữu.

“A-nan, duyên đắm trước có keo kiệt. Đây nói là duyên đắm trước có keo kiệt; nên biết, điều được nói là duyên đắm trước có keo kiệt. A-nan, nếu không có đắm trước, tất cả đều không có đắm trước, giả sử tách rời đắm trước, có keo kiệt chăng?                        

“Bạch Thế Tôn, không”.

“A-nan, cho nên biết rằng nhân của keo kiệt, tập khởi của keo kiệt, căn bản của keo kiệt, duyên của keo kiệt, gọi đó là đắm trước. Vì sao? Vì duyên đắm trước nên có keo kiệt.

“A-nan, duyên dục có đắm trước. Đây nói là duyên dục có đắm trước; nên biết, điều được nói là duyên dục có đắm trước. A-nan, nếu không có dục, tất cả đều không có dục, giả sử tách rời dục, có đắm trước chăng?

 [579b]“Bạch Thế Tôn, không”.

“A-nan, cho nên biết rằng nhân của đắm trước, tập khởi của đắm trước, bản của đắm trước, duyên của đắm trước, gọi đó là dục. Vì sao? Vì duyên dục nên có đắm trước.

“A-nan, duyên phân phối có nhiễm dục. Đây nói là duyên phân phối có nhiễm dục; nên biết, điều được nói là duyên phân phối có nhiễm dục. A-nan, nếu không có phân phối, tất cả đều không có phân phối, giả sử tách rời phân phối, có nhiễm dục chăng?

“Bạch Thế Tôn, không”.

“A-nan, cho nên biết rằng nhân của nhiễm dục, tập khởi của nhiễm dục, căn bản của nhiễm dục, gọi đó là phân phối. Vì sao? Vì duyên phân phối nên có nhiễm dục vậy.

“A-nan, duyên lợi đắc có phân phối. Đây nói là duyên lợi đắc có phân phối; nên biết, điều được nói là duyên lợi đắc có phân phối. A-nan, nếu không có lợi đắc, tất cả đều không có lợi đắc, giả sử tách rời lợi đắc, có phân phối chăng?

“Bạch Thế Tôn, không”.

“A-nan, cho nên biết rằng nhân của phân phối, tập khởi của phân phối, bản của phân phối, duyên của phân phối gọi đó là lợi. Vì sao? Vì duyên lợi nên có phân phối.

“A-nan, duyên tầm cầu có lợi đắc. Đây nói là duyên tầm cầu có lợi đắc; nên biết, điều được nói là duyên tầm cầu có lợi đắc. A-nan, nếu không có tầm cầu, tất cả đều không có tầm cầu, giả sử tách rời tầm cầu, có lợi đắc chăng?

“Bạch Thế Tôn, không”.

“A-nan, nhân của lợi đắc, tập khởi của lợi, căn bản của lợi đắc, duyên của lợi đắc, gọi đó là tầm cầu. Vì sao? Vì duyên tầm cầu cho nên có lợi đắc.

“A-nan, duyên ái có tầm cầu. Đây nói là duyên ái có tầm cầu; nên biết, điều được nói là duyên ái có  tầmcầu.

“A-nan, nếu không có ái, tất cả đều không có ái, thì giả sử tách rời ái, có tầm cầu chăng?

“Bạch Thế Tôn, không”.

“A-nan, cho nên biết rằng nhân của tầm cầu, tập khởi của tầm cầu, căn bản của tầm cầu, duyên của tầm cầu, gọi đó là ái. Vì sao? Vì duyên ái nên có tầm cầu.

“A-nan, dục ái và hữu ái, hai pháp [11] này nhân thọ [12], duyên thọ đưa đến.

“A-nan, nếu có người hỏi ‘Thọ có duyên không?’ Hãy trả lời rằng ‘Thọ cũng có duyên’. Nếu có người hỏi ‘Thọ có duyên gì?’ Hãy trả lời rằng ‘Thọ duyên với xúc’ [13] nên biết rằng: duyên xúc có thọ.

“A-nan, nếu không có nhãn xúc, tất cả đều không có nhãn xúc, giả sử tách rời nhãn xúc sẽ có duyên nhãn xúc mà sanh ra lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ chăng?”

“Bạch Thế Tôn, không”.

“A-nan, nếu không có nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc, tất cả đều không có ý xúc, giả sử [579c] tách rời ý xúc sẽ có duyên ý xúc mà sanh ra lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ chăng?”

“Bạch Thế Tôn, không”.

“A-nan, cho nên biết rằng nhân của thọ, tập khởi của thọ, căn bản của thọ, duyên của thọ, gọi đó là xúc. Vì sao? Vì duyên xúc nên có thọ vậy.

“A-nan, nếu có người hỏi ‘Xúc có duyên không?’ Hãy trả lời rằng ‘Xúc có duyên’. Nếu có người hỏi ‘Xúc có duyên gì?’ Hãy trả lời rằng ‘Duyên danh sắc’. Nên biết rằng duyên danh sắc có xúc.

“A-nan, do sở hành, sở duyên [14] mà biết có danh thân [15]. Rời hành này, ly duyên này thì có hữu đối xúc [16] chăng?”

“Bạch Thế Tôn, không”.

“A-nan, do sở hành, sở duyên mà biết có sắc thân. Rời hành này, ly duyên này thì có tăng ngữ xúc chăng? [17]”

“Bạch Thế Tôn, không”.

“Giả sử rời danh thân và sắc thân thì sẽ có xúc, có thi thiết xúc chăng?”

“Bạch Thế Tôn, không”.

“A-nan, cho nên biết rằng nhân của xúc, tập khởi của xúc, căn bản của xúc, duyên của xúc, gọi đó là danh sắc. Vì sao? Vì duyên danh sắc nên có xúc.

“A-nan, nếu có người hỏi ‘Danh sắc có duyên chăng?’ Hãy trả lời rằng ‘Danh sắc có duyên’. Nếu có người hỏi ‘Danh sắc có duyên gì?’ Hãy trả lời rằng ‘Duyên thức’. Nên biết rằng duyên thức có danh sắc.

“A-nan, nếu thức không vào thai mẹ mà chỉ có danh sắc, thì có thành thân này chăng?”

“Bạch Thế Tôn, không”.

“A-nan, nếu thức mới vào thai, liền ra tức khắc thì danh sắc hợp với tinh chăng?”

“Bạch Thế Tôn, không”.

“A-nan, nếu thức của trẻ nhỏ, con trai hay con gái, bị đoạn hoại không còn, thì danh sắc tăng trưởng dần được chăng?”

“Bạch Thế Tôn, không”.

“A-nan, cho nên biết rằng nhân của danh sắc, tập khởi của danh sắc, căn bản của danh sắc, duyên của danh sắc, gọi đó là thức. Vì sao? Vì duyên thức nên có danh sắc.

“A-nan, nếu có người hỏi ‘Thức có duyên chăng?’ Hãy trả lời rằng ‘Thức có duyên’. Nếu có người hỏi ‘Thức có duyên gì?’ Hãy trả lời rằng ‘Duyên danh sắc’. Nên biết rằng duyên danh sắc có thức.

“A-nan, nếu thức không có danh sắc, nếu thức không an lập, không dựa vào danh sắc thì thức có sanh, có già, có bệnh, có chết chăng? Có khổ chăng?”

“Bạch Thế Tôn, không”.

“A-nan, cho nên biết rằng nhân của thức, tập khởi của thức, căn bản của thức, duyên của thức, gọi đó là danh sắc. [580a] Vì sao? Vì duyên danh sắc nên có thức.

“A-nan, đó là duyên danh sắc có thức; duyên thức cũng có danh sắc; trong giới hạn đó mà có tăng ngữ, do tăng ngữ có truyền thuyết, do truyền thuyết mà có thể thi thiết là có, nghĩa là thức và danh sắc cùng đi đôi vậy [18].

“A-nan, thế nào là có một loại kiến chấp có thần ngã? [19]”

Tôn giả A-nan bạch Đức Thế Tôn:

“Thế Tôn là Pháp bản, Thế Tôn là Pháp chủ, Pháp do Thế Tôn, cúi xin Thế Tôn nói điều đó. Con nay nghe xong, được biết ý nghĩa một cách rộng rãi”.

Phật nói:

“A-nan, hãy lắng nghe kỹ. Hãy khéo hý luận kỹ! Ta sẽ phân biệt cho ông nghe ý nghĩa một cách rộng rãi”.

Tôn giả A-nan vâng lời dạy, lắng nghe.

Phật nói:

“A-nan, hoặc có kiến chấp thọ là ngã [20]. Hoặc lại có kiến chấp không cho rằng thọ là ngã, nhưng thần ngã có cảm thọ, mà tính cách của ngã là khả năng cảm thọ. Hoặc lại có kiến chấp không cho rằng thọ là ngã và cũng không cho rằng ngã có cảm thọ, vì tính cách của ngã là khả năng cảm thọ, mà chỉ cho rằng ngã không cảm thọ gì cả.

“A-nan, Nếu có người cho rằng ‘thọ là thần ngã’, thì nên hỏi người ấy rằng ‘Ông có ba cảm thọ: lạc thọ, khổ thọ và không khổ không lạc thọ; trong ba cảm thọ này, ông cho thọ nào là ngã?’ A-nan, nên nói tiếp với người ấy ‘Nếu lúc có cảm thọ về lạc thọ, thì ngay lúc ấy hai cảm thọ kia, khổ thọ và không khổ không lạc thọ, diệt mất. Lúc ấy chỉ có cảm thọ về lạc thọ, nhưng lạc thọ là pháp vô thường, khổ, hoại diệt’. Nếu khi lạc thọ diệt rồi thì người ấy há không nghĩ rằng ‘Chẳng phải là ngã diệt chăng?’ A-nan, nếu chỉ có cảm thọ về khổ thọ, thì lúc ấy hai cảm thọ kia, lạc thọ và không khổ không lạc thọ, diệt mất. Người ấy lúc đó chỉ có cảm thọ về khổ thọ, nhưng khổ thọ là pháp vô thường, khổ, hoại diệt. Nếu khổ thọ đã diệt thì người ấy há không nghĩ rằng ‘Chẳng phải là ngã diệt chăng?’ A-nan, nếu chỉ có cảm thọ về bất khổ bất lạc thọ thì lúc ấy cả hai cảm thọ kia, lạc thọ và khổ thọ, diệt mất. Người ấy lúc đó chỉ có cảm giác về không khổ không lạc thọ, nhưng không khổ không lạc thọ là pháp vô thường, khổ, hoại diệt. Nếu không khổ không lạc thọ đã diệt thì người ấy há không nghĩ rằng ‘Chẳng phải là ngã diệt chăng?’ A-nan, thọ là pháp vô thường như vậy, khi khổ khi lạc [21], há lại còn chấp rằng thọ là ngã chăng?”

“Bạch Thế Tôn, không”.

“A-nan, thọ vô thường như vậy, khi khổ khi lạc, không nên chấp rằng thọ là ngã.

“A-nan, lại có một loại kiến chấp không cho rằng thọ là ngã, nhưng ngã có cảm thọ vì tính cách của ngã là khả năng cảm thọ, [22] [580b] thì nên nói với người ấy: ‘Nếu ông không có thọ, thì thọ không thể có, không thể nói rằng cái này là sở hữu của tôi’. [23] A-nan, người kia còn chấp như vầy ‘Thọ không phải là ngã, nhưng ngã có cảm thọ, vì tính cách của ngã là khả năng cảm thọ’ nữa chăng?”

“Bạch Thế Tôn, không”.

“A-nan, cho nên người kia không nên chấp như vầy ‘Thọ không phải là ngã, nhưng ngã có cảm thọ, vì tính cách của ngã là khả năng cảm thọ’.

“A-nan, nếu lại có một loại kiến chấp không cho rằng thọ là ngã, cũng không cho rằng ngã có cảm thọ vì tính cách của ngã là khả năng cảm thọ, mà chỉ chấp rằng ngã không cảm thọ gì cả, thì nên nói với người ấy ‘Nếu ông không có cảm thọ, ông sẽ không cảm nhân được bất cứ gì cái cả; nhưng nếu ngã tách rời cảm thọ, thì không thể nói: ngã thanh tịnh’. [24] A-nan, người kia còn chấp ‘Thọ không phải là ngã, cũng không chấp ngã có cảm thọ vì tính cách của ngã là khả năng cảm thọ, mà chỉ chấp ngã hoàn toàn không có cảm thọ’ nữa chăng?”

“Bạch Thế Tôn, không”.

 “A-nan, cho nên người kia không nên chấp như vầy ‘Thọ không phải là ngã, cũng không chấp ngã có cảm thọ vì tính cách của ngã là khả năng cảm thọ, mà chỉ chấp ngã hoàn toàn không có cảm thọ’. Đó gọi là một loại kiến chấp có ngã.

“A-nan, Thế nào là có loại không kiến chấp rằng có ngã?”

Tôn giả A-nan bạch Đức Thế Tôn:

“Thế Tôn là Pháp bản, Thế Tôn là Pháp chủ, Pháp do Thế Tôn. Cúi xin Thế Tôn nói điều đó. Con nay nghe rồi được biết ý nghĩa rộng rãi”.

Phật bảo:

“A-nan, Hãy lắng nghe kỹ. Hãy khéo hý luận kỹ. Ta sẽ phân biệt cho thầy nghe ý nghĩa một cách rộng rãi”.

Tôn giả A-nan vâng lời dạy, lắng nghe.

Phật nói:

“A-nan, ở đây có người không cho rằng ‘Thọ là ngã, cũng không cho rằng ngã có cảm thọ vì tính cách của ngã là khả năng cảm thọ và cũng không cho rằng ngã hoàn toàn không có cảm thọ’. Người ấy do không chấp như vậy nên không còn thọ sanh ở thế gian này. Người ấy do không còn thọ sanh nên không còn phiền lụy. Do không phiền lụy mà Bát-niết-bàn, biết một cách như thật rằng ‘Sự sanh đã hết, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.

“A-nan, đó gọi là tăng ngữ, do tăng ngữ có truyền thuyết, do truyền thuyết mà thi thiết là có. Biết như vậy thì không còn gì để chấp thủ.

“A-nan, nếu Tỳ-kheo chánh giải thoát như vậy thì không có kiến chấp rằng Như Lai còn hay Như Lai không còn sau khi chết [25]; chấp Như Lai vừa còn, vừa không còn; Như Lai không phải còn hay không còn. Đó gọi là có một loại không thấy có ngã.

“A-nan, thế nào là có một quan niệm có thần ngã được chủ trương? [26]

Tôn giả A-nan bạch Phật rằng:

“Thế Tôn là Pháp bản, Thế Tôn là Pháp chủ, pháp do Thế Tôn. Cúi xin Thế Tôn nói điều đó. Con nay nghe rồi biết ý nghĩa rộng rãi”.

 [580c] Phật bảo:

“A-nan, hãy lắng nghe kỹ. Hãy khéo hý luận kỹ! Ta sẽ phân biệt cho thầy nghe ý nghĩa một cách rộng rãi”.

Tôn giả A-nan vâng lời, lắng nghe.

Phật nói:

“Hoặc có chủ trương với quan niệm ngã có sắc, có hạn lượng [27]; hoặc có chủ trưong với quan niệm ngã không phải là có sắc, có hạn lượng mà là không hạn lượng; hoặc có chủ trưong với quan niệm ngã không phải là có sắc, có hạn lượng, cũng không phải là có sắc không hạn lượng, mà ngã là không sắc, có hạn lượng; hoặc có chủ trưong với quan niệm ngã không phải là có sắc, hạn lượng, cũng không phải là có sắc không hạn lượng, cũng không phải là không có sắc, có hạn lượng, mà là không sắc không hạn lượng.

“A-nan, trường hợp chủ trương với quan niệm ngã có sắc có hạn lượng, người ấy chủ trương quan niệm ngã trong hiên tại là có sắc có hạn lượng, khi thân hoại mạng chung người ấy nói nó cũng như vậy, thấy nó cũng như vậy. Nếu khi ngã tách ngoài sắc nhỏ hẹp này, người ấy cũng suy niệm như vậy, tư duy nó như vậy, như vậy. [28] A-nan, đó là trường hợp chủ trương với quan niệm ngã có sắc với lượng ít. Như vậy, có trường hợp cho rằng ngã có sắc, có hạn lượng mà chấp trước.

“A-nan, trường hợp chủ trưong với quan niệm ngã không phải là có sắc với lượng ít mà là có sắc không hạn lượng, người ấy trong hiện tại với vô lượng sắc này mà quan niệm ngã được chủ trương, và khi thân hoại mạng chung cũng nói nó như vậy, cũng thấy nó như vậy. Nếu khi ngã tách khỏi vô lượng sắc, người ấy cũng suy niệm như vậy, tư duy nó như vậy, như vậy. A-nan, đó là trường hợp chủ trưong với quan niệm ngã có sắc không hạn lượng. Như vậy, có trường hợp cho rằng ngã có sắc, không hạn lượng mà chấp trước.

“A-nan, trường hợp chủ trưong với quan niệm ngã không phải là có sắc với hạn lượng ít cũng không phải là có sắc vô lượng, mà ngã là vô sắc với lượng ít, người ấy, trong hiện tại, căn cứ vào vô sắc nhỏ hẹp mà quan niệm ngã được chủ trương, khi thân hoại mạng chung cũng nói nó như vậy, cũng thấy nó như vậy. Nếu khi ngã rời khỏi vô sắc nhỏ hẹp, người ấy suy niệm như vậy, tư duy nó như vậy, như vậy. A-nan, đó là trường hợp chủ trưong với quan niệm ngã là không có sắc với lượng ít. Như vậy có trường hợp cho rằng ngã không sắc, có hạn lượng mà chấp trước.

“A-nan, trường hợp chủ trưong với quan niệm ngã không phải là có sắc với lượng it, cũng không phải là có sắc không hạn lượng, [581a] cũng khong phải là không có sắc với lượng ít, mà là không có sắc không hạn lượng, người ấy trong hiện tại, với vô lượng vô sắc mà quan niệm ngã được chủ trương, khi thân hoại mạng chung cũng nói nó như vậy, cũng thấy nó như vậy. Nếu khi ngã rời khỏi vô lượng vô sắc, người ấy suy niệm như vậy, tư duy nó như vậy, như vậy. A-nan, đó là trường hợp chủ trưong với quan niệm ngã là vô sắc vô lượng. Như vậy, có trường hợp cho rằng ngã không sắc không hạn lượng mà chấp trước.

“A-nan, như vậy là trường hợp quan niệm ngã được chủ trương.

“A-nan, thế nào là trường hợp quan niệm vô ngã được chủ trương?

Tôn giả A-nan bạch Đức Thế Tôn:

“Thế Tôn là Pháp bản, Thế Tôn là Pháp chủ, Pháp do Thế Tôn. Cúi mong Thế Tôn nói điều đó. Con nay nghe rồi được biết ý nghĩa rộng rãi”.

Phật bảo:

“A-nan, hãy lắng nghe kỹ. Hãy khéo hý luận kỹ! Ta sẽ phân biệt cho ngươi nghe ý nghĩa một cách rộng rãi”.

Tôn giả A-nan vâng lời dạy, lắng nghe.

Phật nói:

“A-nan, ở đây là trường hợp không chủ trương với quan niệm ngã có sắc, có hạn lượng; cũng không chủ trương với quan niệm ngã có sắc không hạn lượng; cũng không chủ trương với quan niệm mgã không có sắc, có hạn  lượng; cũng không chủ trương ngã không sắc không hạn lượng.

“A-nan, ở đây trường hợp không chủ trương với quan niệm ngã có sắc, có hạn lượng, người ấy trong hiện tại không căn cứ vào sắc nhỏ hẹp mà quan niệm ngã được chủ trương; khi thân hoại mạng chung cũng không nói nó như vậy, cũng không thấy nó như vậy. Nếu khi ngã rời khỏi sắc nhỏ hẹp, người ấy không suy niệm như vậy, cũng không tư duy nó như vậy, như vậy. A-nan, đó là trường hợp không chủ trương với quan niệm ngã có sắc, không hạn lượng. Như vậy, có trường hợp không cho rằng ngã có sắc, có hạn lượng để mà chấp trước.

“A-nan, ở đây trường hợp không chủ trương với quan niệm ngã có sắc không hạn lượng, người ấy, trong hiện tại không căn cứ vào sắc vô lượng mà quan niệm ngã được chủ trương, khi thân hoại mạng chung cũng không nói nó như vậy, cũng không thấy nó như vậy. Nếu khi ngã rời sắc vô lượng, người ấy không suy niệm như vậy, cũng không tư duy nó như vậy, như vậy. A-nan, đó là trường hợp không chủ trương với quan niệm ngã có sắc không hạn lượng. Như vậy, có trường hợp không cho rằng ngã có sắc, không hạn lượng để mà chấp trước.

“A-nan, ở đây trường hợp không chủ trương với quan niệm ngã không có sắc, có hạn lượng, người ấy, trong hiện tại không căn cứ vào không sắc, có hạn lưpựng mà [581b] quan niệm ngã được chủ trương, khi thân hoại mạng chung người ấy không nói nó cũng như vậy, không thấy nó cũng như vậy. Nếu khi ngã rời khỏi vô sắc nhỏ hẹp, người ấy không suy niệm như vậy, cũng không tư duy nó như vậy, như vậy. A-nan, đó là trường hợp không chủ trương với quan niệm mgã không có sắc, có hạn lượng. Như vậy, có trường hợp không cho rằng ngã không sắc, có hạn lượng để mà chấp trước.

“A-nan, ở đây trường hợp không chủ trương ngã không sắc không hạn lượng, người ấy, trong hiện tại, không căn cứ vào không sắc không hạn lượng mà quan niệm ngã được chủ trương. Khi thân hoại mạng chung người ấy không nói nó cũng như vậy, không thấy nó  cũng như vậy. Nếu khi ngã rời khỏi vô sắc vô lượng, người ấy không suy niệm như vậy, cũng không tư duy nó như vậy, như vậy. A-nan, đó là trường hợp không chủ trương ngã không có sắc không hạn lượng. Như vậy, có trường hợp không cho rằng ngã không sắc, không hạn lượng để mà chấp trước.

“A-nan, đó gọi là có một loại quan niệm vô ngã được chủ trương.

“Lại nữa, này A-nan, có bảy trú xứ của thức [29] và hai xứ [30].         Thế nào là bảy trú xứ của thức? Chúng sanh hữu sắc [31] với các chủng loại thân khác nhau, các chủng loại tướng khác nhau, ấy là loài người và loài trời cõi Dục. Đó là trú xứ thứ nhất của thức.

“Lại nữa, này A-nan, chúng sanh hữu sắc với các chủng loại thân khác nhau, nhưng chỉ có một loại tưởng, ấy là Phạm thiên sơ sanh không yểu thọ [32]. Gọi đó là trụ xứ thứ hai của thức.

“Lại nữa, này A-nan, chúng sanh hữu sắc với một loại thân nhưng nhiều chủng loại tưởng, ấy là Hoảng dục thiên [33]. Gọi đó là trụ xứ thứ ba của thức.

“Lại nữa, này A-nan, chúng sanh hữu sắc với một thân, với một loại tưởng, ấy là Biến tịnh thiên. Gọi đó là trụ xứ thứ tư của thức.

“Lại nữa, này A-nan, chúng sanh vô sắc, vượt qua tất cả sắc tưởng, diệt trừ hữu đối tưởng, không tư duy các loại tưởng, vào Không vô biên xứ, thành tựu an trụ Không vô biên xứ, ấy là Không vô biên xứ thiên. Gọi đó là trụ xứ thứ năm của thức.

“Lại nữa, này A-nan, chúng sanh vô sắc, vượt qua tất cả Không vô biên xứ, vào Thức vô biên xứ, thành tựu an trụ Thức vô biên xứ, ấy là Thức vô biên xứ thiên. Gọi đó là trụ xứ thứ sáu của thức.

“Lại nữa, này A-nan, chúng sanh vô sắc, vượt qua tất cả vô lượng thức tưởng, vào Vô sở hữu xứ, thành tựu an trụ Vô sở hữu xứ, ấy là Vô sở hữu xứ thiên. Gọi đó là trụ xứ thứ bảy của thức.

“Thế nào là có hai xứ? Chúng sanh hữu sắc không có tưởng, không có thọ, ấy là Vô tưởng thiên. Gọi đó là xứ thứ nhất.

“Lại nữa, này A-nan, chúng sanh vô sắc vượt qua tất cả Vô sở hữu xứ, vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ, [581c] thành tựu an trụ Phi tưởng phi phi tưởng xứ, ấy là Phi tưởng phi phi tưởng thiên. Gọi đó là xứ thứ hai [34].

“A-nan, đối với trụ xứ thứ nhất của thức, chúng sanh hữu sắc với các chủng loại thân, với các chủng loại tưởng, là loài người và loài trời cõi Dục; nếu có Tỳ-kheo biết như thật trụ xứ ấy của thức, biết sự tập khởi của trụ xứ của thức, biết sự diệt tận, vị ngọt, tai hoạn, biết xuất yếu, thì này A-nan, Tỳ-kheo kia có thể vui thích nơi trụ xứ của thức ấy, chấp trước và trụ nơi trụ xứ ấy của thức chăng?”

“Bạch Thế Tôn, không”.

“A-nan, đối với trụ xứ thứ hai của thức, chúng sanh hữu sắc với các chủng loại thân nhưng một chủng loại tưởng, là Phạm thiên sơ sanh không yểu thọ; nếu có Tỳ-kheo biết như thật trụ xứ ấy của thức, biết sự tập khởi của trụ xứ ấy của thức, biết sự diệt tận, biết vị ngọt, biết tai hoạn, biết xuất yếu, thì này A-nan, Tỳ-kheo ấy có thể hoan lạc nơi trụ xứ kia của thức, kế trước và trụ nơi trụ xứ kia của thức chăng?

“Bạch Thế Tôn, không”.

“A-nan, đối với trụ xứ thứ ba của thức, chúng sanh hữu sắc với một loại thân nhưng nhiều chủng loại tưởng, ấy là Hoảng dục thiên. Nếu có Tỳ-kheo biết như thật trụ xứ ấy của thức, biết sự diệt tận, biết vị ngọt, biết tai hoạn, biết xuất yếu, thì này A-nan, Tỳ-kheo ấy có thể hoan lạc nơi trụ xứ kia của thức, kế trước và trụ nơi trụ xứ kia của thức chăng?

“Bạch Thế Tôn, không”.

“A-nan, đối với trụ xứ thứ tư của thức, chúng sanh hữu sắc với một loại thân, với một loại tưởng, ấy là Biến tịnh thiên. Nếu có Tỳ-kheo biết như thật trụ xứ ấy của thức, biết sự diệt tận, biết vị ngọt, biết tai hoạn, biết xuất yếu, thì này A-nan, Tỳ-kheo ấy có thể hoan lạc nơi trụ xứ kia của thức, kế trước và trụ nơi trụ xứ kia của thức chăng?

“Bạch Thế Tôn, không”.

“A-nan, đối với trụ xứ thứ năm của thức, chúng sanh vô sắc, vượt qua tất cả sắc tưởng, diệt trừ hữu đối tưởng, không tư duy các loại tưởng, vào Không vô biên xứ, thành tựu an trụ Không vô biên xứ, ấy là Không vô biên xứ thiên. Nếu có Tỳ-kheo biết như thật trụ xứ ấy của thức, biết sự diệt tận, biết vị ngọt, biết tai hoạn, biết xuất yếu, này A-nan, vị Tỳ-kheo ấy có thể hoan lạc nơi trụ xứ kia của thức, kế trước và trụ nơi trụ xứ kia của thức chăng?

“Bạch Thế Tôn, không”.

“A-nan, đối với trụ xứ thứ sáu của thức, chúng sanh vô sắc vượt tất cả Không vô biên xứ, vào Thức vô biên xứ, thành tựu an trụ Thức vô biên xứ, ấy là Thức vô biên xứ thiên. Nếu có Tỳ-kheo biết như thật trụ xứ ấy của thức, biết sự diệt tận, biết vị ngọt, biết tai hoạn, biết xuất yếu, thì này A-nan, Tỳ-kheo ấy có thể an lạc nơi trụ xứ kia của thức, kế trước và trụ nơi trụ xứ kia của thức chăng?

“Bạch Thế Tôn, không”.

“A-nan, đối với trụ xứ thứ bảy của thức, [582a] chúng sanh vô sắc vượt qua tất cả vô lượng thức tưởng, vào Vô sở hữu xứ, thành tựu an trụ Vô sở hữu xứ, ấy là Vô sở hữu xứ thiên. Nếu có Tỳ-kheo biết như thật trụ xứ của thức, biết sự diệt tận, biết vị ngọt, biết tai hoạn, biết xuất yếu, thì này A-nan, vị Tỳ-kheo ấy có thể hoan lạc nơi trụ xứ kia của thức, kế trước và trụ nơi trụ xứ kia của thức chăng?”

“Bạch Thế Tôn, không”.

“A-nan, đối với trụ xứ thứ nhất, chúng sanh hữu sắc không có tưởng, không có thọ, ấy là Vô tưởng thiên. Nếu có Tỳ-kheo biết như thật trụ xứ ấy của thức, biết sự diệt tận, biết vị ngọt, biết tai hoạn, biết xuất yếu, thì này A-nan, Tỳ-kheo ấy có thể hoan lạc nơi trụ xứ kia của thức, kế trước và trụ nơi trụ xứ kia của thức chăng?”

“Bạch Thế Tôn, không”.

“A-nan, đối với trụ xứ thứ hai của thức, chúng sanh vô sắc, vượt qua tất cả Vô sở hữu xứ, vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ, thành tựu an trụ Phi tưởng phi phi tưởng xứ, ấy là Phi tưởng phi phi tưởng thiên. Nếu có Tỳ-kheo biết như thật xứ ấy của thức, biết sự diệt tận, biết vị ngọt, biết tai hoạn, biết xuất yếu, thì này A-nan, Tỳ-kheo ấy có thể hoan lạc nơi xứ kia của thức, kế trước và trụ nơi xứ kia của thức chăng?

“Bạch Thế Tôn, không”.

“A-nan, nếu có Tỳ-kheo biết như thật bảy trụ xứ của thức và hai xứ kia, tâm không nhiễm trước, được giải thoát thì gọi là Tỳ-kheo A-la-hán, được gọi là tuệ giải thoát.

“Lại nữa, này A-nan, có tám giải thoát.

“Những gì là tám?”

“Có sắc, quán sắc, đó là giải thoát thứ nhất.

“Lại nữa, bên trong không sắc tưởng, bên ngoài quán sắc, đó là giải thoát thứ hai.

“Lại nữa, với tịnh giải thoát, tự thân chứng ngộ, thành tựu an trụ, đó là giải thoát thứ ba.

“Lại nữa, vượt qua tất cả sắc tưởng, diệt trừ hữu đối tưởng, không tư duy các loại tưởng, vào Không vô biên xứ, thành tựu an trụ không vô biên xứ, đó là giải thoát thứ tư.

“Lại nữa, vượt qua tất cả Không vô biên xứ, vào Thức vô biên xứ, thành tựu an trụ thức vô biên xứ, đó là giải thoát thứ năm.

“Lại nữa, vượt qua tất cả Thức vô biên xứ, vào Vô sở hữu xứ, thành tựu an trụ Vô sở hữu xứ, đó là giải thoát thứ sáu.

“Lại nữa, vượt qua tất cả Vô sở hữu xứ, vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ, thành tựu an trụ Phi tưởng phi phi tưởng xứ, đó là giải thoát thứ bảy.

“Lại nữa, vượt qua tất cả Phi tưởng phi phi tưởng xứ, tưởng thọ diệt giải thoát, tự thân chứng ngộ, thành tựu an trụ, đó là giải thoát thứ tám.

 [582b]“A-nan, Tỳ-kheo biết như thật về bảy trụ xứ của thức và hai xứ kia, tâm không nhiễm trước, được giải thoát, thành tựu an trụ và với tám giải thoát này, thuận và nghịch mà tự thân chứng ngộ, thành tựu an trụ và cũng do tuệ quán mà diệt tận các lậu, đó là Tỳ-kheo A-la-hán, được gọi Câu giải thoát [35].”

Phật thuyết như vậy. Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

98. KINH NIỆM XỨ

Tôi nghe như vầy.

Một thời Đức Phật trú tại Câu-lâu-sấu, ở Kiếm-ma-sắt-đàm, một đô ấp của Câu lâu.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có một con đường [36] tịnh hóa chúng sanh, vượt qua lo sợ, diệt trừ khổ não, chấm dứt kêu khóc, chứng đắc Chánh pháp. Đó là Bốn niệm xứ.

“Các Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác ở quá khứ đều đoạn trừ năm triền cái, tâm ô uế, tuệ yếu kém, lập tâm chánh trụ nơi Bốn niệm xứ, tu Bảy giác chi mà chứng quả giác ngộ Vô thượng chánh tận.

“Các Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác ở vị lai cũng đều đoạn trừ năm triền cái là thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, lập tâm chánh trụ nơi Bốn niệm xứ, tu Bảy giác chi mà chứng quả giác ngộ.

“Ta nay trong hiện tại, là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Ta cũng đều đoạn trừ năm triền cái làm tâm ô uế, tuệ yếu kém. Ta cũng lập tâm chánh trụ nơi Bốn niệm xứ, tu Bảy giác chi mà chứng quả giác ngộ Vô thượng chánh tận.

“Bốn niệm xứ là những gì? Đó là, quán thân như thân, quán thọ [37] như thọ, quán tâm như tâm và quán pháp như pháp.

“Thế nào gọi là niệm xứ quán thân như thân [38]?

“Tỳ-kheo khi đi thì biết mình đi, đứng thì biết mình đứng, ngồi thì biết mình ngồi, nằm thì biết mình nằm, ngủ thì biết mình ngủ, thức thì biết mình thức, ngủ say thì biết mình ngủ say. Tỳ-kheo như vậy, quán thân trên nội thân; quán thân trên ngoại thân; dựng niệm trên thân, có tri, có kiến, có minh, có đạt. Như vậy gọi là Tỳ-kheo quán thân như thân.

“Lại nữa, Tỳ-kheo quán thân như thân; Tỳ-kheo biết rõ chính xác khi vào lúc ra, khi co lúc duỗi, khi cúi lúc ngẩng, nghi dung chững chạc, khéo khoác tăng-già-lê và cầm bát; đi, đứng, ngồi, nằm, ngủ, thức, nói năng, im lặng đều biết rõ chính xác. Tỳ-kheo như vậy, quán thân trên nội thân; quán thân trên ngoại thân; dựng niệm trên thân, có tri, có kiến, có minh, có đạt. Như vậy gọi là Tỳ-kheo quán thân như thân.

“Lại nữa, Tỳ-kheo quán thân như thân; [582c] Tỳ-kheo khi sanh niệm ác bất thiện, liền niệm điều thiện để đối trị, đoạn trừ, tiêu diệt, tĩnh chỉ. Như người thợ mộc hoặc học trò thợ mộc, kéo thẳng dây mực, búng lên thân cây rồi dùng búa bén mà đẽo cho thẳng. Cũng vậy, Tỳ-kheo khi sanh niệm ác bất thiện liền niệm điều thiện để đối trị, đoạn trừ. Tỳ-kheo như vậy, quán thân trên nội thân; quán thân trên ngoại thân; dựng niệm trên thân, có tri, có kiến, có minh, có đạt. Như vậy gọi là Tỳ-kheo quán thân như thân.

“Lại nữa, Tỳ-kheo quán thân như thân; Tỳ-kheo răng ngậm khít lại, lưỡi ấn lên khẩu cái, dùng tâm trị tâm, đối trị, đoạn trừ, tiêu diệt, tĩnh chỉ. Như hai lực sĩ bắt một người yếu mang đi khắp nơi, tự do đánh đập. Cũng vậy, Tỳ-kheo răng ngậm khít lại, lưỡi ấn lên khẩu cái, dùng tâm trị tâm, đối trị, đoạn trừ, tiêu diệt, tĩnh chỉ.

“Lại nữa, Tỳ-kheo quán thân như thân; Tỳ-kheo-niệm hơi thở vào thì biết niệm hơi thở vào, niệm hơi thở ra thì biết niệm hơi thở ra. Thở vào dài thì biết thở vào dài, thở ra dài thì biết thở ra dài. Thở vào ngắn thì biết thở vào ngắn, thở ra ngắn thì biết thở ra ngắn. Học toàn thân thở vào, học toàn thân thở ra. Học thân hành tĩnh chỉ thở vào, học khẩu hành tĩnh chỉ thở ra. Tỳ-kheo như vậy, quán thân trên nội thân; quán thân trên ngoại thân; dựng niệm trên thân, có tri, có kiến, có minh, có đạt. Như vậy gọi là Tỳ-kheo quán thân như thân.

“Lại nữa, Tỳ-kheo quán thân như thân; Tỳ-kheo có hỷ lạc do ly dục, nhuần thấm thân, phổ biến sung mãn; khắp trong thân thể hỷ lạc sanh do ly dục, không đâu không có. Như người hầu tắm, bỏ bột tắm đầy chậu, nước hòa thành bọt, nước thấm vào thân, phổ biến sung mãn, không đâu không có. Cũng vậy, Tỳ-kheo có hỷ lạc do ly dục nhuần thấm thân, phổ biến sung mãn; khắp trong thân thể, hỷ lạc sanh do ly dục không đâu không có. Tỳ-kheo như vậy, quán thân trên nội thân; quán thân trên ngoại thân; dựng niệm trên thân, có tri, có kiến, có minh, có đạt. Như vậy gọi là Tỳ-kheo quán thân như thân.

“Lại nữa, Tỳ-kheo quán thân như thân; Tỳ-kheo có hỷ lạc do định sanh, nhuần thấm thân, phổ biến sung mãn; khắp trong thân thể, hỷ lạc do định sanh không đâu không có. Cũng như suối trên núi, trong sạch không dơ, [583a] tràn đây, tràn ngập. Nước từ bốn phương chảy đến không sao đỏ đổ vào được, mà chính từ đáy suối, nước tự vọt lên, chảy tràn ra ngoài, thấm ướt cả núi, phổ biến sung mãn, không đâu không có. Cũng vậy, Tỳ-kheo có hỷ lạc do định sanh thấm nhuần thân, phổ biến sung mãn; khắp trong thân thể, hỷ lạc do định không đâu không có. Tỳ-kheo như vậy, quán thân trên nội thân; quán thân trên ngoại thân; dựng niệm trên thân, có tri, có kiến, có minh, có đạt. Như vậy gọi là Tỳ-kheo quán thân như thân.

“Lại nữa, Tỳ-kheo quán thân như thân; Tỳ-kheo có lạc do ly hỷ nhuần thấm vào thân, phổ biến sung mãn; khắp trong thân thể, lạc sanh do ly hỷ không đâu không có. Như các thứ sen xanh, hồng, đỏ, trắng sanh ra từ nước, lớn lên trong nước, ở dưới đáy nước, rễ, hoa, lá, cọng thảy đều thấm nhuần, phổ biến sung mãn, không đâu không có; cũng vậy, Tỳ-kheo có lạc do ly hỷ nhuần thấm vào thân, phổ biến sung mãn, khắp trong thân thể lạc do ly hỷ không đâu không có. Tỳ-kheo như vậy, quán thân trên nội thân; quán thân trên ngoại thân; dựng niệm trên thân, có tri, có kiến, có minh, có đạt. Như vậy gọi là Tỳ-kheo quán thân như thân.

“Lại nữa, Tỳ-kheo nào quán thân như thân; Tỳ-kheo ở trong thân này được biến mãn với tâm ý thanh tịnh, tỏ rõ [39], thành tựu an trụ; ở trong thân này tâm thanh tịnh không đâu không biến mãn. Như có một người trùm một cái áo rộng bảy hoặc tám khuỷu tay, từ đầu đến chân, thì khắp cả thân đều được phủ kín. Cũng vậy, Tỳ-kheo ở trong thân này với tâm thanh tịnh, không đâu biến mãn. Tỳ-kheo như vậy, quán thân trên nội thân; quán thân trên ngoại thân; dựng niệm trên thân, có tri, có kiến, có minh, có đạt. Như vậy gọi là Tỳ-kheo quán thân như thân.

“Lại nữa, Tỳ-kheo quán thân như thân; là Tỳ-kheo niệm quang minh tưởng, khéo thọ khéo trì, nhớ rõ điều niệm; như phía trước, phía sau cũng vậy; ngày cũng như đêm, đêm cũng như ngày; dưới cũng như trên, trên cũng như dưới. Như vậy tâm không điên đảo, tâm không bị ràng buộc, tâm tự quang minh, không khi nào còn bị bóng tối che lấp. Tỳ-kheo như vậy, quán thân trên nội thân; quán thân trên ngoại thân; dựng niệm trên thân, có tri, có kiến, có minh, có đạt. Như vậy gọi là Tỳ-kheo quán thân như thân.

“Lại nữa, Tỳ-kheo quán thân như thân; Tỳ-kheo khéo giữ tướng trạng tu quán [40], khéo nhớ điều niệm, [583b] như người ngồi quán sát kẻ nằm, rồi nằm quán sát kẻ ngồi. Tỳ-kheo khéo giữ tướng trạng tu quán, khéo nhớ điều niệm, cũng giống như vậy. Tỳ-kheo như vậy, quán thân trên nội thân; quán thân trên ngoại thân; dựng niệm trên thân, có tri, có kiến, có minh, có đạt. Như vậy gọi là Tỳ-kheo quán thân như thân.

“Lại nữa, Tỳ-kheo quán thân như thân; Tỳ-kheo tùy theo những chỗ trong thân, tùy theo tính chất tốt xấu từ đầu đến chân quán thấy thảy đều đầy dẫy bất tịnh, ‘trong thân này của ta có tóc, lông, móng, răng, da dày, da non, thịt, gân, xương, tim, thận, gan, phổi, ruột già, ruột non, lá lách, dạ dày, phân, não và não căn, nước mắt, mồ hôi, nước mũi, nước miếng, mủ, máu, mỡ, tủy, đờm dãi, nước tiểu’. Như một cái bồn chứa đủ hạt giống, ai có mắt sáng thì thấy rõ ràng, ‘đây là hạt lúa, hạt gạo, kia là hạt cải, cỏ, rau’; cũng vậy, Tỳ-kheo tùy theo những chỗ trong thân, tùy theo tính chất tốt xấu, từ đầu đến chân, quán thấy thảy đều đầy dẫy bất tịnh: ‘Trong thân này của ta có tóc, lông, móng, răng, da dày, da non, thịt, gân, xương, tim, thận, gan, phổi, ruột già ruột non, lá lách, dạ dày, phân, não và não căn, nước mắt, mồ hôi, nước mũi, nước miếng, mủ, máu, mỡ, tủy, đờm dãi, nước tiểu’. Tỳ-kheo khéo giữ tướng trạng tu quán, khéo nhớ điều niệm, cũng giống như vậy. Tỳ-kheo như vậy, quán thân trên nội thân; quán thân trên ngoại thân; dựng niệm trên thân, có tri, có kiến, có minh, có đạt. Như vậy gọi là Tỳ-kheo quán thân như thân.

“Lại nữa, Tỳ-kheo quán thân như thân; Tỳ-kheo quán sát giới trong thân rằng: ‘Trong thân này của ta có địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới, không giới, thức giới’. Như gã đồ tể mổ bò, lột hết bộ da, trải lên mặt đất, phân thành sáu đoạn; cũng vậy, Tỳ-kheo quán các giới trong thân rằng ‘Trong thân này của ta có địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới, không giới, thức giới’. Tỳ-kheo khéo giữ tướng trạng tu quán, khéo nhớ điều niệm, cũng giống như vậy. Tỳ-kheo như vậy, quán thân trên nội thân; quán thân trên ngoại thân; dựng niệm trên thân, có tri, có kiến, có minh, có đạt. Như vậy gọi là Tỳ-kheo quán thân như thân.

“Lại nữa, Tỳ-kheo quán thân như thân; Tỳ-kheo quán xác chết, mới chết từ một hai ngày đến sáu bảy ngày, đang bị quạ diều bươi mổ, sài lang cấu xé, hoặc đã được hỏa thiêu, hay đã được chôn lấp, đang bị rửa nát hư hoại. Quán rồi tự so sánh: ‘Thân ta cũng thế, đều có những trường hợp này, không sao tránh khỏi’. Tỳ-kheo khéo giữ tướng trạng tu quán, khéo nhớ điều niệm, cũng giống như vậy. Tỳ-kheo như vậy, quán nội thân như thân; quán ngoại thân như thân; lập niệm tại thân, có tri, có kiến, có minh, có đạt. Như vậy gọi là Tỳ-kheo quán thân như thân.

“Lại nữa, Tỳ-kheo [583c] quán thân như thân; Tỳ-kheo như từng thấy trong nghĩa địa, hài cốt xám xanh, rữa nát gần hết, xương vải khắp đất. Quán rồi tự so sánh: ‘Thân ta cũng thế, đều có những trường hợp này, không sao tránh khỏi,’ Tỳ-kheo khéo giữ tướng trạng tu quán, khéo nhớ điều niệm, cũng giống như vậy. Tỳ-kheo như vậy, quán thân trên nội thân; quán thân trên ngoại thân; dựng niệm trên thân, có tri, có kiến, có minh, có đạt. Như vậy gọi là Tỳ-kheo quán thân như thân.

“Lại nữa, Tỳ-kheo quán thân như thân; Tỳ-kheo như từng thấy trong nghĩa địa, da, thịt, máu, huyết tiêu cả, chỉ còn xương dính gân. Quán rồi tự so sánh: ‘Thân ta cũng thế, đều có trường hợp này, không sao tránh khỏi’. Tỳ-kheo khéo giữ tướng trạng tu quán, khéo nhớ điều niệm, cũng giống như vậy. Tỳ-kheo như vậy, quán thân trên nội thân; quán thân trên ngoại thân; dựng niệm trên thân, có tri, có kiến, có minh, có đạt. Như vậy gọi là Tỳ-kheo quán thân như thân.

“Lại nữa, Tỳ-kheo quán thân như thân; Tỳ-kheo như từng trong nghĩa địa thấy xương rời từng đốt, tản mác khắp nơi, xương chân, xương đùi, xương đầu gối, xương bắp vế, xương sống, xương vai, xương cổ, xương sọ, mỗi thứ một nơi. Quán rồi tự so sánh: ‘Thân ta cũng thế, đều có những trường hợp này, không sao tránh khỏi’. Tỳ-kheo khéo giữ tướng trạng tu quán, khéo nhớ điều niệm, cũng giống như vậy. Tỳ-kheo như vậy, quán thân trên nội thân; quán thân trên ngoại thân; dựng niệm trên thân, có tri, có kiến, có minh, có đạt. Như vậy gọi là Tỳ-kheo quán thân như thân. 

“Lại nữa, Tỳ-kheo quán thân như thân; Tỳ-kheo như từng thấy trong nghĩa địa, xương trắng như vỏ ốc, xanh như lông chim bồ câu, đỏ như màu máu, mục nát bể vụn. Quán rồi tự so sánh: ‘Thân ta rồi cũng thế, đều có những trường hợp này, không sao tránh khỏi’. Tỳ-kheo khéo giữ tướng trạng tu quán, khéo nhớ điều niệm, cũng giống như vậy. Tỳ-kheo như vậy, quán thân trên nội thân; quán thân trên ngoại thân; dựng niệm trên thân, có tri, có kiến, có minh, có đạt. Như vậy gọi là Tỳ-kheo quán thân như thân.      

“Nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni từng chi tiết quán thân như thân như vậy, đó gọi là niệm xứ quán thân như thân.

“Thế nào gọi là niệm xứ quán thọ như thọ? Tỳ-kheo khi thọ nhận cảm giác lạc liền biết đang thọ nhận cảm giác lạc, khi thọ nhận cảm giác khổ liền biết đang thọ nhận cảm giác khổ, khi thọ nhận cảm giác không lạc không khổ liền biết đang thọ nhận cảm giác không lạc không khổ. Khi thân thọ nhận cảm giác lạc, thân thọ nhận cảm giác khổ, thân thọ nhận cảm giác không lạc không khổ; khi tâm thọ nhận cảm giác lạc, tâm thọ nhận cảm giác khổ, tâm thọ nhận cảm giác không lạc không khổ; cảm giác lạc khi ăn, cảm giác khổ khi ăn, cảm giác không lạc không khổ khi ăn; cảm giác lạc khi không ăn, cảm giác khổ khi không ăn, cảm giác không lạc không khổ khi không ăn; cảm giác lạc khi có dục, cảm giác khổ khi có dục, cảm giác không khổ không lạc khi có dục; cảm giác lạc [584a] khi không có dục, cảm giác khổ khi không có dục, cảm giác không lạc không khổ khi không có dục. Tỳ-kheo như vậy, quán thọ nơi nội thọ, quán thọ nơi ngoại thọ, dựng niệm tại thọ, có tri, có kiến, có minh, có đạt. Như vậy gọi là Tỳ-kheo quán thân như thân.

“Nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni từng chi tiết quán thọ như thọ như vậy, gọi là niệm xứ quán thọ như thọ.

“Thế nào gọi là niệm xứ quán tâm như tâm? Tỳ-kheo có tâm tham dục thì biết đúng như thật có tâm tham dục, có tâm vô dục thì biết đúng như thật là có tâm vô dục. Khi có sân hay không sân, có si hay không si, có ô uế hay không ô uế, có hợp hay có tan, có thấp hay có cao, có nhỏ hay có lớn; tụ hay không tụ, định hay không định, giải thoát hay không giải thoát. Cũng như vậy, có tâm giải thoát thì biết đúng như thật có tâm giải thoát; có tâm không giải thoát thì biết đúng như thật là có tâm không giải thoát. Tỳ-kheo như vậy, quán tâm nơi nội tâm, dựng niệm tại tâm, có tri, có kiến, có minh, có đạt. Như vậy là Tỳ-kheo quán tâm như tâm.

“Nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni từng chi tiết quán tâm như tâm như vậy, đó gọi là niệm xứ quán tâm như tâm.

“Thế nào gọi là niệm xứ quán pháp như pháp? Khi con mắt duyên sắc, sanh nội kết, nếu Tỳ-kheo bên trong thật có kết thì biết đúng như thật là bên trong có kết; bên trong thật không có kết thì biết đúng như thật là bên trong không có kết. Nội kết chưa sanh, bây giờ sanh, biết đúng như thật. Nội kết đã sanh và được đoạn trừ, không sanh lại nữa, biết đúng như thật. Với tai, mũi, lưỡi, thân và ý cũng giống như vậy. Khi ý duyên pháp, sanh nội kết, nếu Tỳ-kheo bên trong thật có kết thì biết đúng như thật là bên trong có kết, bên trong không có kết thì biết đúng như thật là bên trong không có kết, nội kết chưa sanh bây giờ sanh; biết đúng như thật nội kết đã sanh và đã được đoạn trừ, không sanh lại nữa, biết đúng [583b] như thật. Tỳ-kheo như vậy quán pháp nơi nội pháp, quán pháp nơi ngoại pháp, lập niệm tại pháp, có tri, có kiến, có minh, có đạt. Như vậy gọi là Tỳ-kheo quán pháp như pháp, nghĩa là quán sáu xứ bên trong.

“Lại nữa, Tỳ-kheo quán pháp như pháp; Tỳ-kheo bên trong thật có ái dục thì biết đúng như thật là đang có ái dục, bên trong thật không có ái dục thì biết đúng như thật là không có ái dục. Ái dục chưa sanh nay sanh, biết đúng như thật. Ái dục đã sanh và đã được đoạn trừ, không sanh lại nữa, biết đúng như thật. Với sân nhuế, thùy miên, điệu hối và nghi cũng giống như vậy. Bên trong thật có nghi, biết đúng như thật là đang có nghi; bên trong thật không có nghi, biết đúng như thật là không có nghi. Nghi chưa sanh, nay đã sanh, biết đúng như thật. Nghi đã sanh và đã được đoạn trừ, không sanh lại nữa, biết đúng [583b] như thật. Tỳ-kheo như vậy quán pháp nơi nội pháp, quán pháp nơi ngoại pháp, lập niệm tại pháp, có tri, có kiến, có minh, có đạt. Như vậy gọi là Tỳ-kheo quán pháp như pháp, nghĩa là quán năm triền cái.

“Lại nữa, Tỳ-kheo quán pháp như pháp; Tỳ-kheo bên trong thật có niệm giác chi thì biết đúng như thật là có niệm giác chi; bên trong thật không có niệm giác chi thì biết đúng như thật là không có niệm giác chi. Niệm giác chi chưa sanh nay sanh, biết đúng như thật. Niệm giác chi đã sanh thì ghi nhớ không quên, bất thối, tu tập càng lúc càng tăng trưởng, biết đúng như thật. Với trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, định và xả cũng giống như vậy. Bên trong thật có xả giác chi thì biết đúng như thật là đang có xả giác chi, bên trong thật không có xả giác chi thì biết đúng như thật là không có xả giác chi. Xả giác chi chưa sanh nay sanh, biết đúng như thật, xả giác chi đã sanh thì ghi nhớ không quên, bất thối, tu tập càng lúc càng tăng trưởng, biết đúng như thật. Tỳ-kheo như vậy quán nội pháp đúng như pháp, quán ngoại pháp đúng như pháp, lập niệm tại pháp, có tri, có kiến, có minh, có đạt như vậy gọi là Tỳ-kheo quán pháp như pháp, nghĩa là quán Bảy giác chi.

“Nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni từng chi tiết quán pháp như pháp như vậy, đó gọi là niệm xứ quán pháp như pháp.

“Nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào trụ Bốn niệm xứ thì trong vòng bảy năm, nhất định sẽ chứng được một trong hai quả: hoặc chứng Cứu cánh trí ngay trong hiện tại, hoặc chứng A-na-hàm nếu còn hữu dư.

“Không cần phải đến bảy, sáu, năm, bốn, ba, hai hay một năm, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào lập tâm chánh trú nơi Bốn niệm xứ thì trong vòng bảy tháng cũng sẽ nhất định chứng được một trong hai quả: hoặc chứng Cứu cánh trí ngay trong hiện tại, hoặc chứng A-na-hàm nếu còn hữu dư.

“Không cần phải đến bảy, sáu, năm, bốn, ba, hai hay một tháng, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào lập tâm chánh trú nơi Bốn niệm xứ thì trong vòng bảy ngày bảy đêm cũng sẽ nhất định chứng được một trong hai quả: hoặc chứng Cứu cánh trí ngay trong hiện tại, hoặc chứng A-na-hàm nếu còn hữu dư.

“Không cần phải đến bảy ngày đêm, sáu, năm, bốn, ba, hay hai ngày hai đêm, mà chỉ cần trong một ngày một đêm, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào luôn luôn trong từng khoảnh khắc lập tâm chánh trú nơi Bốn niệm xứ thì nếu buổi sáng thực hành như vậy, nhất định buổi tối liền được thăng tấn. Nếu buổi tối thực hành như vậy, nhất định sáng hôm sau sẽ được thăng tấn”.

Phật thuyết giảng như thế, các Tỳ-kheo ấy sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành. [41]

99. KINH KHỔ UẨN (I)

 [584c9] Tôi nghe như vầy:       

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc.       

Bấy giờ các Tỳ-kheo sau bữa ăn trưa, có chút công việc nên tập trung ngồi tại giảng đường. Lúc ấy, một số đông những người Dị học, sau bữa cơm trưa loanh quanh tìm đến chỗ các Tỳ-kheo, cùng nhau chào hỏi rồi ngồi một bên, nói với các Tỳ-kheo rằng:

“Này Chư Hiền, Sa-môn Cù-đàm chủ trương biến tri đoạn dục [42], chủ trương biến tri đoạn sắc, chủ trương biến tri đoạn thọ [43]. Này Chư Hiền, chúng tôi cũng chủ trương biến tri đoạn dục, chủ trương biến tri đoạn sắc, chủ trương biến tri đoạn thọ. Giữa Sa-môn Cù-đàm và chúng tôi, giữa hai [44] chủ trương biến tri đoạn [45] ấy, có sự thù thắng nào, có những sai biệt nào?”

“Lúc bấy giờ các Tỳ-kheo khi nghe những điều mà số đông những người Dị học ấy nói, không biết thế nào là phải, thế nào là trái, im lặng đứng dậy mà đi, đồng thời suy nghĩ rằng: ‘Những điều như vậy, chúng ta phải do nơi Đức Thế Tôn mới biết’.

Rồi họ đi đến Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ, ngồi một bên, đem những điều đã bàn luận với số đông những người Dị học ấy thuật lại với Đức Phật. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Lúc đó các ông nên hỏi số đông những người Dị học như vầy, ‘Này Chư Hiền, thế nào là vị ngọt của dục, thế nào là tai họa của dục, thế nào là sự xuất yếu của dục [46]? Thế nào là vị ngọt của sắc, thế nào là tai họa của sắc, thế nào là sự xuất yếu của sắc? Thế nào là vị ngọt của thọ, thế nào là tai họa của thọ, thế nào là sự xuất yếu của thọ?

“Này các Tỳ-kheo, nếu các ông hỏi như vậy, sau khi nghe, họ sẽ cật vấn lẫn nhau, nói quanh nói quẩn, nổi sân và cãi cọ rồi từ chỗ ngồi đứng dậy, im lặng và rút lui. Vì sao vậy? Vì Ta không thấy có những chư thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn hay bất cứ ai khác ở trên đời này có thể biết được nghĩa ấy để tuyên bố lên. Chỉ có Như Lai và đệ tử của Như Lai, hoặc đệ tử nào được nghe từ hai vị này”.

Đức Phật lại hỏi:

“Thế nào là vị ngọt của dục? Đó là, nhân bởi [585a] năm công đức của dục [47] mà phát sanh lạc và hỷ. Vị ngọt của dục chỉ tột cùng đến đó chứ không thể hơn nữa, nhưng tai họa của nó thì rất nhiều.

“Thế nào là tai họa của dục? Một thiện gia nam tử, tùy kỹ thuật [48] riêng mà tự mưu sinh; hoặc làm ruộng, hoặc buôn bán, hoặc học sách, hoặc giỏi toán thuật, biết công số, khéo in khắc, làm văn chương, tạo thủ bút, hoặc hiểu kinh thơ, hoặc làm võ tướng, hoặc phụng sự vua [49]. Người ấy khi gặp lạnh phải chịu lạnh, gặp nóng phải chịu nóng, bị đói khát nhọc mệt, bị muỗi mòng châm chích; nó phải làm nghề nghiệp như thế để mong kiếm được tiền của. Thiện nam tử bằng những phương tiện như thế, làm các công việc như vậy để mong cầu như vậy, nếu không kiếm được tiền của thì sinh khổ sở, lo buồn rầu rĩ, tâm thành si dại, nói rằng ‘Luống công làm lụng khổ nhọc vô ích mà những điều mong cầu không có kết quả’. Trái lại, thiện nam tử ấy bằng những phương tiện như vậy để mong cầu như vậy, nếu kiếm được tiền của nó sanh yêu quý, giữ gìn, chôn giấu. Vì sao vậy? Nó nghĩ: ‘Tài vật này của ta, đừng để cho vua đoạt, giặc cướp, lửa thiêu, hư hại, mất mát, hoặc xuất tài mà vô lợi, hoặc làm việc mà không thành tựu’. Kẻ đó giữ gìn, chôn giấu như vậy nhưng nếu rủi bị vua đoạt, hoặc giặc cướp, lửa thiêu hư hại mất thì sinh khổ sở, lo buồn rầu rĩ, tâm thành si ám, nói rằng: ‘Vật ta yêu quý, nhớ nghĩ suốt đêm ngày, nay đã không còn’. Đó là khối khổ uẩn trong hiện tại này [50], nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc.        

“Lại nữa, vì chúng sanh nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc nên mẹ tranh cãi với con, con tranh cãi với mẹ, cha con, anh em, chị em, bà con dòng họ tranh cãi lẫn nhau. Vì tranh cãi lẫn nhau như vậy nên mẹ nói xấu con, con nói xấu mẹ. Cha con, anh em, chị em, bà con dòng họ nói xấu lẫn nhau. Thân thích còn vậy, huống nữa là người dưng. Đó là khối khổ uẩn trong hiện tại này nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc.

“Lại nữa, vì chúng sanh nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc nên vua tranh giành với vua, Bà-la-môn tranh giành với Bà-la-môn, Cư sĩ tranh giành với Cư sĩ, dân tranh giành với dân, nước này tranh giành với nước nọ. Bởi tranh giành nên thù nghịch nhau, rồi dùng đủ loại binh khí để giết hại lẫn nhau, hoặc nắm tay thoi, ném đá, hoặc dùng gậy đánh, dao chặt. Trong khi giao đấu, hoặc chết, hoặc sợ hãi, thọ cực trọng khổ. Đó là n khối khổ uẩn trong hiện tại này nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc.

“Lại nữa, vì chúng sanh nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc nên mang khôi giáp, [585b]  khoác trường bào, cầm giáo mác, cung tên, hoặc cầm dao thuẫn, đi vào quân trận. Hoặc đánh nhau bằng voi, hoặc ngựa, hoặc xe, hoặc dùng bộ binh đánh nhau, hoặc cho trai gái đánh nhau. Trong khi giao đấu, hoặc chết, hoặc sợ hãi, thọ cực trong khổ. Đó là khối khổ uẩn trong hiện tại này nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc.

“Lại nữa, vì chúng sanh nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc nên mang áo giáp, mặc trường bào, cầm giáo mác, cung tên, hoặc cầm dao thuẫn, đi tranh đoạt nước người, công thành phá lũy, chống cự lẫn nhau, thúc trống thổi kèn, lớn tiếng reo hò, hoặc dùng chày đập, hoặc dùng mâu kích, hoặc dùng bánh xe bén, hoặc dùng tên bắn, hoặc lăn đá kè, hoặc dùng nỏ lớn, hoặc rót nước đồng sôi vào mắt. Trong khi giao đấu, hoặc chết, hoặc sợ hãi, thọ cực trọng khổ. Đó là khối khổ uẩn trong hiện tại này nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc.

“Lại nữa, vì chúng sanh nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc nên mang áo giáp, mặc trường bào, cầm giáo mác, cung tên, hoặc cầm dao thuẫn vào xóm, vào ấp, vào quốc gia, vào thành thị, đục vách phá kho, cướp đoạt tài vật, chận đường giao thông, hoặc đến ngõ khác phá xóm phá làng, phá thành diệt nước. Trong đó, hoặc người của vua bắt được, đem khảo đủ cách; chặt tay, chặt chân, hoặc chặt hết cả tay chân; cắt tai, cắt mũi, hoặc cắt cả tai mũi; hoặc lóc từng miếng thịt; bứt râu bứt tóc, hoặc bứt cả râu tóc; hoặc nhốt vào trong cũi, quấn vải hỏa thiêu, hoặc lấp trong cát, lấy cỏ quấn lại rồi đốt; hoặc bỏ vô bụng lừa sắt, hoặc bỏ vô miệng heo sắt, hoặc đặt vào miệng cọp sắt rồi đốt, hoặc bỏ vô vạc đồng, hoặc bỏ vô vạc sắt rồi nấu; hoặc chặt ra từng khúc, hoặc dùng xoa bén đâm, hoặc lấy móc sắt móc, hoặc bắt nằm trên giường sắt rồi lấy dầu sôi rót, hoặc bắt ngồi trong cối sắt rồi lấy chày sắt giã, hoặc cho rắn rít mổ cắn, hoặc dùng roi quất, hoặc dùng gậy thọt, hoặc dùng dùi đánh, hoặc buộc sống treo trên nêu cao, hoặc chém đầu rồi bêu. Trong các trường hợp đó, kẻ ấy hoặc chết, hoặc sợ hãi, thọ cực trọng khổ. Đó là khối khổ uẩn trong hiện tại này nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc.

“Lại nữa, vì chúng sanh nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc nên thân làm ác, khẩu làm ác, ý làm ác. Kẻ đó về sau bệnh tật liệt giường, hoặc ngồi hoặc nằm trên đất, vì khổ bức thân, toàn thân cảm giác khổ sở vô cùng, không còn đáng yêu thích. Kẻ đó vì lúc trước thân làm ác, khẩu làm ác, ý làm ác nên khi sắp chết chúng che ngay trước mắt giống như mặt trời lặn bóng sườn núi lớn, che lấp mặt đất [51]. [583c] Cũng vậy, kẻ ấy bị những ác hành của thân, ác hành của khẩu và của ý che lấp trước mắt, kẻ đó nghĩ rằng: ‘Ác hành ta làm trước kia, bây giờ chúng che trước mắt ta. Trước ta không tạo phước nghiệp mà tạo nhiều ác nghiệp. Giả tỷ có ai chỉ làm ác, hung bạo, chỉ làm tội chứ không làm phước, không hành thiện, khi sống không biết lo sợ, gần chết không chỗ nương cậy, không chỗ quay về. Người ấy thân sanh về cõi nào, ta cũng thác sinh về chỗ đó’. Do đó, sanh hối hận, rồi do hối hận mà chết không an, chết không được phước. Đó là khối khổ uẩn trong hiện tại này nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc.

“Lại nữa, vì chúng sanh nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc nên thân làm ác, khẩu và ý làm ác. Kẻ đó vì thân làm ác, khẩu và ý làm ác nên nhân nơi đó, duyên nơi đó mà khi thân hoại mạng chung phải đến chỗ ác, sanh vào địa ngục. Đó là khối khổ uẩn trong đời sau nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc. Như vậy là tai họa của dục.

“Thế nào là sự xuất yếu của dục? Nếu đoạn trừ dục, xả ly dục, diệt tận dục, vượt qua khỏi dục mà thoát ly. Như vậy gọi là sự xuất yếu của dục.

“Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào mà không biết đúng như thật vị ngọt của dục, tai họa của dục, sự xuất yếu của dục, thì không bao giờ có thể tự mình đoạn dục, huống nữa là đoạn dục cho kẻ khác.

“Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào biết đúng như thật vị ngọt của dục, tai họa của dục, sự xuất yếu của dục, thì không những có thể tự mình đoạn dục mà có thể đoạn dục cho kẻ khác.

“Thế nào là vị ngọt của sắc? Giả sử có các thiếu nữ Sát-lị, Bà-la-môn, Cư sĩ hay Công sư đến tuổi mười bốn, mười lăm, là lúc có sắc đẹp mỹ miều. Nhân nơi sắc đẹp đó, duyên nơi sắc đẹp đó mà sanh lạc, sanh hỷ; vị ngọt của sắc chỉ tột cùng đến đó chứ không hơn nữa. Nhưng tai hại của sắc thì rất nhiều.

“Thế nào là tai hại của sắc? Nếu thấy nàng ấy về sau trở nên hết sức già yếu, đầu bạc, răng rụng, lưng còng, gối rũ, chống gậy mà đi, tuổi trẻ đã tàn, mạng sống sắp hết, thân thể run rẩy, các căn hư mòn. Ý các ngươi nghĩ sao? Có phải sắc đẹp trước kia đã biến mất và sanh ra tai họa chăng?

“Bạch Thế Tôn, đúng vậy”.

“Lại nữa, nếu thấy nàng ấy bệnh tật liệt giường, ngồi nằm trên đất, vì khổ bức thân, chịu khổ cùng cực, ý các ngươi nghĩ sao, có phải sắc đẹp trước kia biến mất, sanh ra tai họa chăng?”

“Bạch Thế Tôn, đúng vậy”.

“Lại nữa, nếu thấy xác nàng ấy đã chết từ một, hai ngày đến sáu bảy ngày, đang bị quạ diều bươi mổ, sài lang cấu xé, hoặc đã được hỏa thiêu hay chôn lấp, đang bị mục nát hư hoại. Ý các ngươi nghĩ sao? Có phải sắc đẹp trước [586a] đã biến mất và tai họa sanh ra chăng?”

“Bạch Thế Tôn, đúng vậy?”

“Lại nữa, nếu thấy xác nàng ấy ở trong nghĩa địa, hài cốt xám xanh, mục nát quá nữa, xương vải trên đất. Ý các ngươi nghĩ sao? Có phải sắc đẹp trước kia đã biến mất và tai họa sanh ra chăng?”

“Bạch Thế Tôn, đúng vậy”.

“Lại nữa, nếu thấy xác nàng ấy ở trong nghĩa địa, xương rời từng đốt, tản mác khắp nơi, xương chân, xương đùi, xương đầu gối, xương bắp vế, xương sống, xương vai, xương cổ, xương sọ, mỗi thứ một nơi, ý các thầy nghĩ sao? Có phải sắc đẹp trước kia đã biến mất và tai họa sanh ra chăng?”

“Bạch Thế Tôn, đúng vậy”.

“Lại nữa, nếu thấy xác nàng ấy ở trong nghĩa địa, xương trắng như vỏ ốc, xanh như lông chim câu, đỏ như màu máu, hư hoại, mục nát. Ý các ngươi nghĩ sao? Có phải sắc đẹp trước kia đã biến mất và tai họa sanh ra chăng?”

“Bạch Thế Tôn, đúng vậy. Như vậy gọi là tai họa của sắc”.

“Thế nào là sự xuất yếu của sắc? Nếu đoạn trừ sắc, xả ly sắc, diệt tận sắc, vượt qua khỏi sắc mà thoát ly. Như vậy gọi là sự xuất yếu của sắc.

“Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào mà không biết đúng như thật vị ngọt của sắc, tai họa của sắc, sự xuất yếu của sắc, thì không bao giờ có thể tự mình đoạn sắc, huống nữa là đoạn sắc cho kẻ khác.

“Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào biết đúng như thật vị ngọt của sắc, tai họa của sắc, sự xuất yếu của sắc thì không những tự mình đoạn sắc, mà còn có thể đoạn sắc cho kẻ khác.   

“Thế nào là vị ngọt của thọ? Tỳ-kheo ly dục, ly pháp ác bất thiện, cho đến, thành tựu và an trụ nơi Tứ thiền. Bấy giờ, vị đó không nghĩ đến việc tự hại, cũng không nghĩ đến sự hại người. Nếu không nghĩ đến hại, đó là vị ngọt của cảm giác lạc. Vì sao vậy? Vì không nghĩ đến sự làm hại thì thành tựu được cảm giác lạc ấy. Như vậy gọi là vị ngọt của thọ.

“Thế nào là tai họa của thọ? Thọ là pháp vô thường, pháp diệt. Như vậy gọi là tai họa của thọ.

“Thế nào là sự xuất yếu của thọ? Nếu đoạn trừ thọ, xả ly thọ, diệt tận thọ, vượt qua thọ mà thoát ly. Như vậy gọi là sự xuất ly của thọ.

“Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào mà không biết đúng như thật vị ngọt của thọ, tai họa của thọ, xuất yếu của thọ thì không bao giờ có thể tự mình đoạn thọ, huống nữa là đoạn thọ cho kẻ khác.

“Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào biết đúng như thật vị ngọt của thọ, tai họa của thọ, xuất yếu của thọ thì không những tự mình có thể đoạn thọ, mà còn có thể đoạn thọ cho kẻ khác”.

Phật thuyết giảng như vậy. Các Tỳ-kheo ấy sau khi nghe thuyết, hoan hỷ phụng hành.

100. KINH KHỔ ẤM (II)

 [586b4] Tôi nghe như vầy:       

Một thời Đức Phật đến Thích-ki-sấu, trú tại Ca-duy-la-vệ, vườn Ni-câu-loại. [52] 

Bấy giờ Thích Ma-ha-nam [53], sau bữa ăn trưa tìm đếm chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Ngài rồi ngồi qua một bên mà bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, con biết Thế Tôn dạy pháp như vậy khiến tâm con được diệt ba uế, nhiễm tâm uế, nhuế tâm uế và si tâm uế [54]. Bạch Thế Tôn, con biết pháp ấy như vậy nhưng trong tâm con lại sinh nhiễm pháp, nhuế pháp và si pháp. Bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như vầy, ‘Ta có pháp gì không bị diệt trừ, khiến tâm ta lại sinh pháp nhiễm, pháp nhuế, pháp si?”

Thế Tôn bảo:

“Này Ma-ha-nam, ông có một pháp không bị diệt trừ, cho nên ông sống tại gia, không chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình mà học đạo này. Ma-ha-nam, nếu ông diệt được pháp đó, ông sẽ không sống tại gia mà chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, học đạo. Bởi vì có một pháp không bị diệt trừ mà ông sống tại gia, không chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, học đạo”.

Khi ấy Thích Ma-ha-nam liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo bày vai hữu, chắp tay hướng về Phật mà bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn nói pháp cho con nghe để tâm con được thanh tịnh, trừ nghi, đắc đạo”.

Thế Tôn nói:

“Ma-ha-nam, có năm công đức của dục, đáng yêu, đáng mơ tưởng, đáng vui thích, có liên hệ đến dục, khiến cho người khoái lạc. Những gì là năm? Đó là, sắc được biết bởi mắt, âm thanh được biết bởi tai, hương được biết bởi mũi, vị được biết bởi lưỡi, xúc được biết bởi thân. Do đây mà vua và quyến thuộc của  vua được an lạc hoan hỷ. Ma-ha-nam, vị ngọt của dục chỉ cùng cực đến đó chứ không hơn nữa, nhưng tai họa của nó thì lại rất nhiều.

“Ma-ha-nam, thế nào là tai họa của dục? “Ma-ha-nam, một thiện gia nam tử, tùy kỹ thuật [55] riêng mà tự mưu sinh; hoặc làm ruộng, hoặc buôn bán, hoặc học sách, hoặc giỏi toán thuật, biết công số, khéo in khắc, làm văn chương, tạo thủ bút, hoặc hiểu kinh thơ, hoặc làm võ tướng, hoặc phụng sự vua. [56] Người ấy khi gặp lạnh phải chịu lạnh, gặp nóng phải chịu nóng, bị đói khát nhọc mệt, bị muỗi mòng châm chích; nó phải làm nghề nghiệp như thế để mong kiếm được tiền của. Thiện nam tử bằng những phương tiện như thế, làm các công việc như vậy để mong cầu như vậy, nếu không [586c] kiếm được tiền của thì sinh khổ sở, lo buồn rầu rĩ, tâm thành si dại, nói rằng ‘Luống công làm lụng khổ nhọc vô ích mà những điều mong cầu không có kết quả’. Trái lại, thiện nam tử ấy bằng những phương tiện như vậy để mong cầu như vậy, nếu kiếm được tiền của nó sanh yêu quý, giữ gìn, chôn giấu. Vì sao vậy? Nó nghĩ: ‘Tài vật này của ta, đừng để cho vua đoạt, giặc cướp, lửa thiêu, hư hại, mất mát, hoặc xuất tài mà vô lợi, hoặc làm việc mà không thành tựu’. Kẻ đó giữ gìn, chôn giấu như vậy nhưng nếu rủi bị vua đoạt, hoặc giặc cướp, lửa thiêu hư hại mất thì sinh khổ sở, lo buồn rầu rĩ, tâm thành si ám, nói rằng: ‘Vật ta yêu quý, nhớ nghĩ suốt đêm ngày, nay đã không còn’. Ma-ha-nam, đó là khối khổ uẩn trong hiện tại này [57], nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc.

“Lại nữa, Ma-ha-nam, vì chúng sanh nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc nên mẹ tranh cãi với con, con tranh cãi với mẹ, cha con, anh em, chị em, bà con dòng họ tranh cãi lẫn nhau. Vì tranh cãi lẫn nhau như vậy nên mẹ nói xấu con, con nói xấu mẹ. Cha con, anh em, chị em, bà con dòng họ nói xấu lẫn nhau. Thân thích còn vậy, huống nữa là người dưng. Ma-ha-nam, đó là khối khổ uẩn trong hiện tại này nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc.

“Lại nữa, Ma-ha-nam, vì chúng sanh nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc nên vua tranh giành với vua, Bà-la-môn tranh giành với Bà-la-môn, Cư sĩ tranh giành với Cư sĩ, dân tranh giành với dân, nước này tranh giành với nước nọ. Bởi tranh giành nên thù nghịch nhau, rồi dùng đủ loại binh khí để giết hại lẫn nhau, hoặc nắm tay thoi, ném đá, hoặc dùng gậy đánh, dao chặt. Trong khi giao đấu, hoặc chết, hoặc sợ hãi, thọ cực trọng khổ. Ma-ha-nam, đó là khối khổ uẩn trong hiện tại này nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc.

“Lại nữa, Ma-ha-nam, vì chúng sanh nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc nên mang khôi giáp, khoác trường bào, cầm giáo mác, cung tên, hoặc cầm dao thuẫn, đi vào quân trận. Hoặc đánh nhau bằng voi, hoặc ngựa, hoặc xe, hoặc dùng bộ binh đánh nhau, hoặc cho trai gái đánh nhau. Trong khi giao đấu, hoặc chết, hoặc sợ hãi, thọ cực trọng khổ. Ma-ha-nam, đó là khối khổ uẩn trong hiện tại này nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc.

“Lại nữa, Ma-ha-nam, vì chúng sanh nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc nên mang áo giáp, mặc trường bào, cầm giáo mác, cung tên, hoặc cầm dao thuẫn, đi tranh đoạt nước người, công thành phá lũy, chống cự lẫn nhau, thúc trống, [587a]thổi kèn, lớn tiếng reo hò, hoặc dùng chày đập, hoặc dùng mâu kích, hoặc dùng bánh xe bén, hoặc dùng tên bắn, hoặc lăn đá kè, hoặc dùng nỏ lớn, hoặc rót nước đồng sôi vào mắt. Trong khi giao đấu, hoặc chết, hoặc sợ hãi, thọ cực trọng khổ. Ma-ha-nam, đó là khối khổ uẩn trong hiện tại này nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc.

“Lại nữa, Ma-ha-nam, vì chúng sanh nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc nên mang áo giáp, mặc trường bào, cầm giáo mác, cung tên, hoặc cầm dao thuẫn vào xóm, vào ấp, vào quốc gia, vào thành thị, đục vách phá kho, cướp đoạt tài vật, chận đường giao thông, hoặc đến ngõ khác phá xóm phá làng, phá thành diệt nước. Trong đó, hoặc người của vua bắt được, đem khảo đủ cách; chặt tay, chặt chân, hoặc chặt hết cả tay chân; cắt tai, cắt mũi, hoặc cắt cả tai mũi; hoặc lóc từng miếng thịt; bứt râu bứt tóc, hoặc bứt cả râu tóc; hoặc nhốt vào trong cũi, quấn vải hỏa thiêu, hoặc lấp trong cát, lấy cỏ quấn lại rồi đốt; hoặc bỏ vô bụng lừa sắt, hoặc bỏ vô miệng heo sắt, hoặc đặt vào miệng cọp sắt rồi đốt, hoặc bỏ vô vạc đồng, hoặc bỏ vô vạc sắt rồi nấu; hoặc chặt ra từng khúc, hoặc dùng xoa bén đâm, hoặc lấy móc sắt móc, hoặc bắt nằm trên giường sắt rồi lấy dầu sôi rót, hoặc bắt ngồi trong cối sắt rồi lấy chày sắt giã, hoặc cho rắn rít mổ cắn, hoặc dùng roi quất, hoặc dùng gậy thọt, hoặc dùng dùi đánh, hoặc buộc sống treo trên nêu cao, hoặc chém đầu rồi bêu. Trong các trường hợp đó, kẻ ấy hoặc chết, hoặc sợ hãi, thọ cực trọng khổ. Ma-ha-nam, đó là khối khổ uẩn trong hiện tại này nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc.

“Lại nữa, Ma-ha-nam, vì chúng sanh nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc nên thân làm ác, khẩu làm ác, ý làm ác. Kẻ đó về sau bệnh tật liệt giường, hoặc ngồi hoặc nằm trên đất, vì khổ bức thân, toàn thân cảm giác khổ sở vô cùng, không còn đáng yêu thích. Kẻ đó vì lúc trước thân làm ác, khẩu làm ác, ý làm ác nên khi sắp chết chúng che ngay trước mắt giống như mặt trời lặn bóng sườn núi lớn, che lấp mặt đất [58]. Cũng vậy, kẻ ấy bị những ác hành của thân, ác hành của khẩu và của ý che lấp trước mắt, kẻ đó nghĩ rằng: ‘Ác hành ta làm trước kia, bây giờ chúng che trước mắt ta. Trước ta không tạo phước nghiệp mà tạo nhiều ác nghiệp. Giả tỷ có ai chỉ làm ác, hung bạo, chỉ làm tội chứ không làm phước, không hành thiện, khi sống không biết lo sợ, gần chết không chỗ nương cậy, không chỗ quay về. Người ấy thân sanh về cõi nào, ta cũng thác sinh về chỗ đó’. Do đó, sanh hối hận, rồi do hối hận mà chết không an, chết không được phước. Ma-ha-nam, [587b] đó là khối khổ uẩn trong hiện tại này nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc.

“Lại nữa, Ma-ha-nam, vì chúng sanh nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc nên thân làm ác, khẩu và ý làm ác. Kẻ đó vì thân làm ác, khẩu và ý làm ác nên nhân nơi đó, duyên nơi đó mà khi thân hoại mạng chung phải đến chỗ ác, sanh vào địa ngục. Ma-ha-nam, đó là khối khổ uẩn trong đời sau nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc.

“Ma-ha-nam, Vì vậy nên biết, dục tuyệt đối không có lạc, chỉ có vô lượng khổ hoạn. Đa văn Thánh đệ tử nếu không biết đúng như thật, vị ấy bị dục phủ kín, không đạt được xả, lạc [59], vô thượng tịch tĩnh. Ma-ha-nam, Đa văn Thánh đệ tử như vậy sẽ nhân nơi dục mà bị thoái chuyển.

“Ma-ha-nam, Ta biết là dục không có lạc mà chỉ là vô lượng khổ hoạn. Biết như thật rồi, Ma-ha-nam, Ta không bị dục phủ kín, cũng không bị pháp ác quấn chặt. Vì vậy đạt được xả, lạc, vô thượng tịch tĩnh. Ma-ha-nam, vì vậy Ta không nhân nơi dục mà bị thoái chuyển.

“Ma-ha-nam, một thời, Ta sống tại thành Vương xá, trú trong động Tiên nhân Thất diệp, ở trên núi Tì-đa-la [60].

“Ma-ha-nam, lúc bấy giờ vào lúc xế trưa, Ta rời chỗ ngồi đứng dậy, đi đến Quảng sơn [61], Ta thấy ở đó có nhiều người Ni-kiền đang tu hạnh không ngồi, thường đứng mà không ngồi, chịu khổ cùng cực. Ta bước đến hỏi: ‘Này các Ni-kiền! Vì sao các ông tu hạnh không ngồi này, thường đứng không ngồi, chịu khổ như vậy?’ Họ trả lời như vầy, ‘Này Cù-đàm, tôi có tôn sư Ni-kiền tên là Thân tử. Ngài dạy tôi rằng: ‘Này các Ni-kiền, đời trước ngươi nếu có nghiệp bất thiện, thì nhờ khổ hạnh này ngươi sẽ được hết. Nếu nay giữ gìn diệu hạnh của thân, giữ gìn diệu hạnh của khẩu, của ý, thì sẽ do nhân đó, duyên đó mà không trở lại làm ác, tạo nghiệp bất thiện’.’

“Ma-ha-nam, Ta hỏi lại rằng: ‘Này các Ni-kiền, các ông tin tưởng Tôn sư, không chút hoài nghi gì cả chăng?’ Họ trả lời Ta, “Đúng vậy, Cù-đàm, chúng tôi tin tưởng các đức Tôn sư, không chút hoài nghi gì cả’. Ma-ha-nam, Ta lại hỏi: ‘Này Ni-kiền, nếu quả như vậy thì Tôn sư Ni-kiền của các ông trước kia đã tạo các nghiệp ác bất thiện rất nặng, vị ấy vốn trước kia là Ni-kiền rồi chết đi, nay sanh vào nhân gian, xuất gia làm Ni-kiền, tu hạnh không ngồi, thường đứng không ngồi, chịu khổ sở như vậy, cũng như bọn các ông và đệ tử các ông vậy’. Họ lại nói với Ta: ‘Này Cù-đàm, lạc không nhân nơi lạc, nhưng nhân nơi khổ mới có. Như sự lạc của vua Tần-tì-sa-la [62] thì Sa-môn Cù-đàm [587c] không bằng được’. Ta lại nói: ‘Các ông si cuống, nói điều vô nghĩa. Tại sao? Các ông không khéo léo, không hiểu biết gì cả. Mà khi không biết, nên các ông nói, ‘Như sự lạc của vua Tần-tì-sa-la thì Sa-môn Cù-đàm không bằng được’. Này Ni-kiền, đáng lẽ các ông phải hỏi như thế này: ‘Tần-tì-sa-la và Sa-môn Cù-đàm, ai sung sướng hơn?’ Này Ni-kiền, nếu như Ta nói rằng: ‘Sự lạc của Ta hơn, vua Tần-tì-sa-la không bằng,’ thì này Ni-kiền, các ông có thể nói như vầy, ‘ Sự lạc của vua Tần-tì-sa-la, Sa-môn Cù-đàm không bằng’. Các Ni-kiền đó liền nói như vầy, ‘Thưa Cù-đàm, nay chúng tôi muốn hỏi Cù-đàm, giữa vua Tần-tì-sa-la và Sa-môn Cù-đàm, ai sung sướng hơn?’ Ta lại nói, ‘Này Ni-kiền, Ta nay hỏi ông, tùy theo sự hiểu biết mà trả lời. Này Ni-kiền, ý ông nghĩ sao, vua Tần-tì-sa-la có đạt được sự tịch mặc vô ngôn như ý, [63] nhân đó mà được hoan hỷ, khoái lạc trong bảy ngày bảy đêm không?’ Ni-kiền đáp, ‘Không, thưa Cù-đàm’. Ta hỏi, ‘Thế có được hoan hỷ, khoái lạc trong vòng sáu, năm, bốn, ba, hai hay một ngày một đêm không?’ Ni-kiền đáp: ‘Không, thưa Cù-đàm’. Ta lại hỏi, ‘Này Ni-kiền, Ta có đạt được sự tịch mặc vô ngôn ý, nhân đó mà được hoan hỷ, khoái lạc trong một ngày một đêm không?’ Ni-kiền đáp, ‘Được, thưa Cù-đàm’. Ta hỏi, ‘Thế Ta có được hoan hỷ trong vòng hai, ba, bốn, năm, sáu, cho đến bảy ngày bảy đêm không?’. ‘Được, thưa Cù-đàm’. Ta lại hỏi tiếp, ‘Này Ni-kiền, ý các ông nghĩ sao, ai sung sướng hơn, vua Tần-tì-sa-la hay là Ta?’ Ni-kiền đáp, ‘Thưa Cù-đàm, như chúng tôi hiểu theo sự trình bày của Sa-môn Cù-đàm thì Sa-môn Cù-đàm sung sướng hơn, vua Tần-tì-sa-la không bằng’.

“Ma-ha-nam, vì vậy nên biết là nơi dục không có lạc, chỉ toàn là khổ hoạn. Nếu Đa văn Thánh đệ tử không thấy như thật, như vậy sẽ bị bao phủ bởi dục, bị quấn chặt bởi pháp ác bất thiện, nên không đạt được xả, lạc, vô thượng tịch tĩnh. Ma-ha-nam, như vậy Đa văn Thánh đệ tử kia nhân nơi dục mà bị thoái chuyển.

“Ma-ha-nam, Ta biết là nơi dục không có lạc, chỉ toàn là vô lượng khổ hoạn. Ta biết đúng như thật nên không bị dục ngăn che, cũng không bị quấn chặt bởi pháp ác bất thiện. Vì vậy đạt được xả, lạc, vô thượng tịch tĩnh.

“Ma-ha-nam, vì vậy Ta không nhân nơi dục mà bị thoái chuyển.

Phật thuyết như vậy. Thích Ma-ha-nam và [588a] các Tỳ-kheo nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

101. KINH TĂNG THƯỢNG TÂM

Tôi nghe như vầy.

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Nếu Tỳ-kheo muốn được tăng thượng tâm [64], cần phải thường xuyên suy niệm năm tướng. Thường xuyên niệm năm tướng thì tâm niệm bất thiện đã sanh liền được trừ diệt. Niệm ác diệt rồi, tâm thường an trú, nội tâm được tĩnh chỉ, chuyên nhất, được định tĩnh [65].

“Năm tướng [66] đó là những gì? Tỳ-kheo suy niệm về một tướng tương ưng thiện [67], nếu sanh tâm niệm bất thiện [68], vị Tỳ-kheo đó nhân nơi tướng này lại suy niệm về một tướng khác tương ưng với thiện, khiến tâm niệm ác bất thiện không sanh nữa. Khi vị Tỳ-kheo đó nhân nơi tướng này, lại suy niệm về một tướng khác tương ưng với thiện thì tâm niệm bất thiện đã sanh liền bị trừ diệt. Tâm niệm ác diệt rồi, tâm thường an trú, nội tâm tĩnh chỉ, chuyên nhất, được định tĩnh.

“Cũng như người thợ mộc hay học trò thợ mộc kéo thẳng dây mực, búng lên thân cây rồi dùng rìu bén mà đẽo cho thẳng; Tỳ-kheo cũng vậy, nhân nơi tướng này mà suy niệm một tướng khác tương ưng với thiện, khiến tâm niệm ác bất thiện không sanh nữa. Khi Tỳ-kheo đó nhân nơi tướng này, lại suy niệm một tướng khác tương ưng với thiện, tâm niệm bất thiện đã sanh liền bị trừ diệt. Tâm niệm ác diệt rồi, tâm liền được an trú, bên trong tĩnh chỉ chuyên nhất, đắc định. Nếu Tỳ-kheo muốn được tăng thượng tâm, cần phải luôn luôn suy niệm tướng thứ nhất này. Do suy niệm tướng này, tâm niệm bất thiện đã sanh liền được trừ diệt. Niệm ác diệt rồi, tâm thường an trú, nội tâm tĩnh chỉ, chuyên nhất, được định tĩnh.

“Lại nữa, Tỳ-kheo khi suy niệm về một tướng, tương ưng với thiện, nếu sanh tâm niệm bất thiện, Tỳ-kheo đó quán rằng: “Suy niệm ác này có tai họa [69], suy niệm này là bất thiện, suy niệm này là ám, suy niệm này bị người trí ghét, suy niệm này nếu đầy đủ thì không thể chứng đắc trí thông [70], không chứng đắc giác đạo, không chứng đắc Niết-bàn, vì nó khiến sanh niệm ác bất thiện’. Vị Tỳ-kheo đó quán sự ác như vậy, tâm niệm bất thiện sanh khởi liền bị trừ diệt. Niệm ác diệt rồi liền tâm thường an trú, nội tâm tĩnh chỉ, chuyên nhất, đắc định.

“Như có người thiếu niên đẹp trai, khả ái, tắm gội sạch sẽ, mặc y phục đẹp đẽ, lấy hương xoa khắp thân, cạo sửa râu tóc [588b] khiến rất tinh khiết. Nếu lấy xác rắn, xác chó, hoặc xác người đã thâm xanh, sình chướng, thối rữa, chảy nước dơ, đeo tròng vào cổ người ấy, người ấy liền ghét sự dơ bẩn nên không hỷ, không lạc. Tỳ-kheo cũng vậy, Tỳ-kheo quán rằng ‘Niệm ác này có tai họa, niệm này không thiện, niệm này là ác, niệm này người trí ghét. Nếu đầy đủ niệm này thì không thể chứng đắc trí thông, không chứng đắc giác đạo, không chứng đắc Niết-bàn vì nó khiến sanh tâm niệm ác bất thiện’. Tỳ-kheo đã quán sự ác như vậy, tâm niệm bất thiện đã sanh liền trừ diệt. Niệm ác diệt rồi, tâm thường an trú, nội tâm tĩnh chỉ, chuyên nhất, đắc định. Nếu Tỳ-kheo muốn được tăng thượng tâm, cần phải luôn luôn niệm tướng thứ hai này. Khi niệm về tướng này thì tâm niệm bất thiện đã sanh liền bị trừ diệt. Niệm ác diệt rồi, tâm thường an trú, nội tâm tĩnh chỉ, chuyên nhất, đắc định.

“Lại nữa, Tỳ-kheo khi suy niệm về một tướng tương ưng với thiện mà sanh tâm niệm bất thiện, và khi quán niệm ác có tai họa mà lại sanh tâm niệm bất thiện nữa, Tỳ-kheo đó không nên suy niệm về niệm này, vì nó khiến sanh tâm niệm ác bất thiện. Tỳ-kheo đó không suy niệm về niệm này nữa thì tâm niệm bất thiện đã sanh liền được trừ diệt. Niệm ác diệt rồi, tâm thường an trụ, nội tâm tĩnh chỉ, chuyên nhất, đắc định.

“Như người có mắt, cảnh sắc nằm trong ánh sáng nhưng không muốn nhìn. Người đó hoặc nhắm mắt, hoặc lánh thân đi. Ý các ngươi nghĩ sao, cảnh sắc nằm trong ánh sáng, người đó có thể cảm nhận được tướng dạng của sắc không?”

Đáp rằng:

“Thưa không.” 

“Tỳ-kheo cũng vậy, không nên suy niệm về niệm này, vì nó khiến sanh tâm niệm ác bất thiện. Khi vị Tỳ-kheo đó không suy niệm về niệm này nữa, tâm niệm bất thiện đã sanh liền bị trừ diệt. Niệm ác diệt rồi, tâm thường an trú, nội tâm tĩnh chỉ, chuyên nhất, đắc định. Nếu Tỳ-kheo muốn được tăng thượng tâm, cần phải luôn luôn suy niệm tướng thứ ba này. Suy niệm về tướng này thì tâm niệm bất thiện đã sanh liền bị trừ diệt. Niệm ác diệt rồi, tâm thường an trú, nội tâm tĩnh chỉ, chuyên nhất, đắc định.

“Lại nữa, Tỳ-kheo khi suy niệm về một tướng tương ưng với thiện mà sanh tâm niệm bất thiện, khi quán niệm ác có tai họa cũng sanh tâm niệm bất thiện, và trong khi không suy niệm về niệm đó nữa cũng lại sanh niệm bất thiện; vị Tỳ-kheo đó vì niệm này, phải dùng hành tướng của tư duy để giảm dần niệm ấy [71], khiến không sanh niệm ác bất thiện. Khi đối với niệm này, Tỳ-kheo đó phải dùng hành tướng tư duy để giảm dần niệm ấy thì niệm bất thiện đã sanh liền bị trừ diệt. Niệm ác diệt rồi, tâm thường an trú, nội tâm tĩnh chỉ, chuyên nhất, đắc định.

“Như có người đi đường, [588c] bước nhanh trên đường, người đó nghĩ rằng: ‘Tại sao ta đi nhanh? Giờ ta hãy đi chậm được chăng?’ Người đó liền đi chậm lại, nhưng rồi lại nghĩ: ‘Tại sao ta đi chậm mà chẳng đứng lại?’ Người đó liền đứng lại, nhưng rồi lại nghĩ: ‘Tại sao ta lại đứng? Ta ngồi xuống được chăng?’ Người đó liền ngồi xuống, nhưng rồi lại nghĩ: ‘Tại sao ta lại ngồi? Ta nằm xuống được chăng?’ Người đó liền nằm xuống. Như vậy là người đó đang thực hành pháp đình chỉ dần dần hành tướng thô của thân. Nên biết, Tỳ-kheo cũng giống như thế. Đối với niệm này, Tỳ-kheo đó phải dùng hành tướng của tư duy mà giảm dần niệm ấy để không sanh tâm niệm ác bất thiện. Khi đối với niệm này, Tỳ-kheo đó phải dùng hành tướng của tư duy, giảm dần niệm ấy, thì tâm niệm bất thiện đã sanh liền bị trừ diệt, niệm ác diệt rồi, tâm liền được an trú, bên trong tĩnh chỉ, chuyên nhất, đắc định. Nếu Tỳ-kheo muốn được tăng thượng tâm, cần phải suy niệm luôn luôn tướng thứ tư này. Suy niệm tướng này thì niệm bất thiện đã sanh liền bị trừ diệt. Niệm ác diệt rồi, tâm liền được an trú, nội tâm tĩnh chỉ, chuyên nhất, đắc định.

“Lại nữa, Tỳ-kheo khi suy niệm về một tướng, tương ưng với thiện mà sanh tâm niệm bất thiện, khi quán niệm ác có tai họa mà cũng sanh niệm bất thiện, khi không suy niệm về niệm ác cũng sanh tiếp tâm niệm bất thiện, và khi phải dùng hành tướng của tư duy để giảm dần niệm ấy, cũng lại sanh tiếp tâm niệm bất thiện nữa; Tỳ-kheo đó nên quán như vầy. Tỳ-kheo, vì nhân niệm này mà sanh tâm niệm bất thiện, Tỳ-kheo đó liền ngậm khít răng lại, lưỡi ấn lên khẩu cái, dùng tâm để tu tâm, giữ chặt tâm và hàng phục tâm [72], khiến không niệm ác bất thiện.

“Khi vị Tỳ-kheo đó dùng tâm tu tâm, giữ chặt tâm và hàng phục tâm thì niệm bất thiện đã sanh liền được trừ diệt. Niệm ác diệt rồi, tâm liền được an trú, nội tâm tĩnh chỉ, chuyên nhất, đắc định. Như hai lực sĩ bắt một người yếu, nắm vững và hàng phục nó. Tỳ-kheo cũng vậy, răng ngậm khít lại, lưỡi ấn lên khẩu cái, dùng tâm tu tâm, giữ chặt tâm và hàng phục tâm để không sanh tâm niệm ác bất thiện. Khi vị Tỳ-kheo đó dùng tâm tu tâm, giữ chặt tâm và hàng phục tâm thì niệm bất thiện đã sanh liền bị trừ diệt. Niệm ác diệt rồi, tâm liền được an trú, bên trong tĩnh chỉ, chuyên nhất, đắc định. Nếu Tỳ-kheo muốn được tăng tượng tâm, cần phải luôn luôn suy niệm tướng thứ năm này. Suy niệm tướng này thì tâm niệm bất thiện đã sanh liền được trừ diệt. Niệm ác diệt rồi, tâm liền được an trú, nội tâm tĩnh chỉ, chuyên nhất, đắc định.

“Nếu Tỳ-kheo muốn được tăng thượng tâm thì cần phải luôn luôn suy niệm năm tướng này. Luôn luôn suy niệm năm tướng [589a] thì tâm niệm bất thiện đã sanh liền bị trừ diệt. Niệm ác diệt rồi, tâm liền được an trú, nội tâm tĩnh chỉ, chuyên nhất, đắc định.

“Nếu Tỳ-kheo khi suy niệm về một tướng tương ưng với thiện mà không sanh tâm niệm ác, khi quán niệm ác có tai họa cũng không sanh niệm ác, khi không suy niệm về niệm đó cũng không sanh niệm ác, khi dùng hành tướng của tư duy để giảm dần niệm ấy cũng không sanh niệm ác, và khi dùng tâm tu tâm, giữ chặt tâm và hàng phục tâm cũng lại không sanh niệm ác nữa, liền được tự tại, muốn suy niệm thì suy niệm, không suy niệm thì không suy niệm.           

Nếu Tỳ-kheo muốn niệm thì niệm, không muốn niệm thì không niệm, thì đó là Tỳ-kheo đã được tùy ý trong các suy niệm, tự tại trong các đạo tích suy niệm [73].

Đức Phật thuyết như vậy, các Tỳ-kheo ấy sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

102. KINH NIỆM

Tôi nghe như vầy.

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Thuở xưa, khi chưa chứng quả giác ngộ Vô thượng chánh tận, Ta nghĩ rằng: ‘Ta hãy chia các suy niệm [74] làm hai phần, niệm dục, niệm nhuế, niệm hại [75] làm một phần. Niệm vô dục, niệm vô nhuế, niệm vô hại, làm một phần khác [76].’

“Sau đó, Ta liền chia các niệm làm hai phần, niệm dục, niệm nhuế, niệm hại, làm một phần. Niệm vô dục, niệm vô nhuế, niệm vô hại, làm một phần khác.

“Ta thực hành như vầy. Sống viễn ly, cô độc, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn. Nếu sanh tâm niệm dục, Ta liền biết là đang sanh tâm niệm dục, hại mình, hại người, hại cả hai, diệt trí tuệ, nhiều phiền nhọc, không chứng đắc Niết-bàn. Biết rằng, hại mình, hại người, hại cả hai, diệt trí tuệ, nhiều phiền nhọc, không chứng đắc Niết-bàn, nó liền tiêu diệt nhanh chóng.

“Nếu lại sanh tâm niệm nhuế, tâm niệm hại, Ta liền biết là đang sanh niệm nhuế, niệm hại, hại mình, hại người, hại cả hai, diệt trí tuệ, nhiều phiền nhọc, không chứng đắc Niết-bàn. Biết rằng, hại mình, hại người, hại cả hai, diệt trí tuệ, nhiều phiền nhọc, không chứng đắc Niết-bàn, nó liền được tiêu diệt nhanh chóng.

“Khi sanh tâm niệm dục, Ta không thọ nhận, mà đoạn trừ, loại trừ, tống khứ; sanh tâm niệm nhuế, tâm niệm hại cũng không thọ nhận, mà đoạn trừ, loại trừ, tống khứ. Vì sao vậy? Vì Ta thấy rằng, nhân nơi đó mà sanh vô lượng pháp ác bất thiện. Ví như vào tháng cuối xuân, vì đã trồng lúa nên đất thả bò không được rộng. Người chăn bò thả bò nơi đầm ruộng, bò vào đất người, nó liền cầm roi đến ngăn lại. Vì sao vậy? [589b] Vì người chăn bò biết rằng nhân nơi đó mà có lỗi lầm là sẽ bị chửi, bị đánh, bị trói. Do đó, chăn bò cầm roi đến ngăn lại. Ta cũng như vậy, sanh tâm niệm dục, không thọ nhận, mà đoạn trừ, loại trừ, tống khứ. Sanh tâm niệm nhuế, tâm niệm hại cũng không thọ nhận, mà đoạn trừ, loại trừ, tống khứ. Vì sao vậy? Vì Ta thấy nhân nơi đó mà sanh vô lượng pháp ác bất thiện.

“Tỳ-kheo tùy theo sự tư duy, tùy theo sự suy niệm của mình mà tâm sanh ham thích trong đó. [77]

“Nếu Tỳ-kheo hý luận quá nhiều về dục, tất sẽ bỏ niệm vô dục; vì hý luận nhiều về dục cho nên tâm sanh ham thích trong đó. Nếu Tỳ-kheo hý luận quá nhiều về niệm nhuế, niệm hại, tất sẽ xả bỏ niệm vô nhuế và niệm vô hại. Vì hý luận quá nhiều về niệm nhuế và niệm hại nên tâm sanh ham thích trong đó. Tỳ-kheo như vậy, nếu không lìa được dục, không lìa được niệm nhuế và niệm hại, sẽ không thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu sầu, khóc lóc, cũng không thể xa lìa khỏi tất cả mọi sự khổ.

“Ta thực hành như vậy. Sống viễn ly, cô độc, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn. Nếu sanh tâm niệm vô dục, Ta biết liền là đang sanh tâm niệm vô dục, không hại mình, không hại người, không hại cả hai, tu trí tuệ, không phiền nhọc mà chứng đắc Niết-bàn. Biết rằng, không hại mình, không hại người, không hại cả hai, tu trí tuệ không phiền nhọc mà chứng đắc Niết-bàn, liền được tu tập nhanh chóng và rộng rãi. Nếu lại sanh tâm niệm vô nhuế, tâm niệm vô hại, Ta liền biết là đang sanh niệm vô nhuế, niệm vô hại, sẽ không hại mình, không hại người, không hại cả hai, tu trí tuệ không phiền nhọc mà chứng đắc Niết-bàn. Biết rằng, không hại mình, không hại người, không hại cả hai, tu trí tuệ không phiền nhọc mà chứng đắc Niết-bàn, liền được tu tập nhanh chóng và rộng rãi.

“Ta sanh tâm niệm vô dục, và hý luận nhiều. Sanh niệm vô nhuế, niệm vô hại, và hý luận nhiều. Ta lại suy nghĩ như vầy: ‘Nếu hý luận quá nhiều thì thân mệt [78], mất hỷ, tâm liền bị tổn hại. Ta hãy đối trị nội tâm, khiến thường an trú bên trong, tĩnh chỉ, chuyên nhất, đắc định để tâm không bị tổn hại’. Sau đó, Ta liền đối trị nội tâm, khiến thường an trú bên trong, tĩnh chỉ, chuyên nhất, đắc định mà tâm không bị tổn hại.

“Ta đã sanh khởi niệm vô dục, rồi lại sanh khởi suy niệm về hướng pháp tùy pháp [79], sanh khởi niệm vô nhuế, niệm vô hại, rồi lại cũng sanh khởi suy niệm về hướng pháp, thứ pháp. Vì sao vậy? Vì Ta không thấy nhân nơi đó mà sanh vô lượng pháp ác bất thiện. Ví như vào tháng cuối thu, đã gặt hết lúa, khi đó đứa chăn bò thả bò nơi đồng ruộng mà nghĩ rằng: ‘Bò ta ở trong bầy’. Vì sao vậy? Vì đứa chăn bò không thấy rằng nhân nơi đó [589c] mà có lỗi lầm là sẽ bị chửi, bị đánh, bị trói. Do đó đứa chăn bò nghĩ ‘Bò ta ở trong bầy’ và không thấy rằng nhân nơi đó mà có lỗi lầm là sẽ bị chửi, bị đánh, bị trói, có mất mát. Ta cũng như vậy, sanh niệm vô dục rồi lại sanh niệm hướng pháp, thứ pháp, sanh niệm vô nhuế, niệm vô hại, rồi lại cũng sanh niệm hướng pháp, thứ pháp. Vì sao vậy? Vì Ta không thấy nhân nơi đó mà sanh vô lượng pháp ác bất thiện.

“Tỳ-kheo tùy sự tư duy, tùy sự suy niệm mà tâm ham thích trong đó. Nếu Tỳ-kheo hý luận nhiều về niệm vô dục thì sẽ xả bỏ niệm dục; vì hý luận nhiều về niệm vô dục nên tâm ham thích trong đó. Nếu Tỳ-kheo hý luận nhiều về niệm vô nhuế, niệm vô hại thì sẽ xả bỏ niệm nhuế, niệm hại vì hý luận nhiều về niệm vô nhuế, niệm vô hại nên ham thích trong đó. Tỳ-kheo tầm tứ [80] đã dứt, nội tĩnh nhất tâm, không tầm không tứ, định sanh hỷ lạc, chứng Nhị thiền, thành tựu và an trụ. Tỳ-kheo đó ly hỷ dục, an trú xả, vô cầu, chánh niệm chánh trí, thân cảm giác lạc, điều mà bậc Thánh gọi là Thánh xả, niệm, an trú lạc, chứng đắc Tam thiền, thành tựu an trụ. Tỳ-kheo diệt lạc, diệt khổ, diệt ưu hỷ vốn đã có, rồi thì không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh, chứng Tứ thiền, thành tựu an trụ.

“Như vậy, Tỳ-kheo định tâm, thanh tịnh, không ô uế, không phiền não, nhu nhuyến, khéo an trụ, chứng đắc tâm bất động, hướng đến quả vị lậu tận, tự thân chứng ngộ trí thông, liền biết như thật rằng ‘Đây là Khổ’, ‘Đây là Khổ tập’, ‘Đây là Khổ diệt’, ‘Đây là Khổ diệt đạo’. Cũng biết như thật đây là lậu diệt và đây là lậu diệt đạo. Tỳ-kheo đã biết như vậy, thấy như vậy rồi thì tâm giải thoát dục lậu, tâm giải thoát hữu lậu, vô minh lậu. Giải thoát rồi biết mình đã giải thoát, biết đúng như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.

“Khi Tỳ-kheo này đã lìa niệm dục, lìa niệm nhuế, lìa niệm hại thì được giải thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, buồn lo, khóc lóc, lìa tất cả khổ. Ví như ở một khu rừng có suối nước lớn, có bầy nai nọ đến đó rong chơi. Có một người đến, không muốn vì sự lợi ích phước lành cho bầy nai đó, vì không muốn sự an ổn khoái lạc cho chúng, liền bít con đường chánh, mở con đường hiểm, đào hầm hố lớn rồi cho người coi giữ. Như vậy là tất cả bầy nai đều bị chết hết. Lại có một người khác đến, muốn cho bầy nai kia được lợi ích phước lành, được an ổn khoái lạc, liền mở con đường chánh, bít lấp con đường hiểm, đuổi người coi giữ. Như vậy, bầy nai được cứu thoát an ổn.

“Này các Tỳ-kheo, nên biết, [590a] Ta nói ví dụ này là muốn để các ngươi biết rõ ý nghĩa, người trí tuệ nghe ví dụ này sẽ hiểu rõ ý thú. Ví dụ đó có nghĩa như vầy. Suối nước lớn là năm dục, ái niệm, hoan lạc. Những gì là năm? Sắc được biết bởi mắt, tiếng được biết bởi tai, hương được biết bởi mũi, lưỡi vị được biết bởi lưỡi và xúc được biết bởi thân. Suối nước lớn, nên biết, đó là năm thứ dục lạc. Bầy nai, nên biết, đó là Sa-môn, Bà-la-môn. Người đi đến không muốn cho bầy nai kia được lợi ích và phước lành, được an ổn khoái lạc, nên biết, đó là Ma Ba-tuần. Bít con đường chánh, mở một đường hiểm, đó là ba niệm ác bất thiện, niệm dục, niệm nhuế và niệm hại. Đường hiểm, nên biết, đó là niệm ác bất thiện. Lại có con đường hiểm, đó là tám tà đạo, tà kiến và tà định. Đào hầm lớn, nên biết, đó là vô minh. Người coi giữ, nên biết, đó là quyến thuộc của Ma Ba-tuần. Còn người đi đến, muốn cho bầy nai được lợi ích và phước lành, được an ổn khoái lạc, nên biết, đó chính là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác. Bít lấp con đường hiểm, mở con đường chánh, đó là ba niệm thiện, niệm vô dục, niệm vô nhuế và niệm vô hại. Đường chánh, nên biết đó là ba niệm thiện. Lại còn có con đường chánh, đó là bát chánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.

“Này các Tỳ-kheo, Ta đã mở con đường chánh, bít lấp con đường hiểm, san bằng hầm hố, đuổi người coi giữ cho các ngươi rồi. Ví như đấng Tôn sư thương yêu đệ tử, phát khởi lòng đại từ đại bi, mong muốn cho được lợi ích và phước lành, được an ổn khoái lạc. Điều đó Ta đã thực hiện rồi, các ngươi cũng phải tự mình thực hiện. Hãy đến chỗ vô sự, núi rừng, gốc cây, hoặc chỗ nào yên tĩnh mà thiền tọa tư duy, chớ nên phóng dật. Hãy chuyên cần tinh tấn, đừng để về sau phải hối hận. Đó là lời răn dạy của Ta. Đó là lời khuyên bảo của Ta”.

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành. [81]

103. KINH SƯ TỬ HỐNG

 [590b] Tôi nghe như vầy.

Một thời Đức Phật trú tại Câu-lâu-sấu, ở Kiếm-ma-sắt-đàm. một đô ấp của Câu-lâu [82].

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Ở đây [83] có Sa-môn thứ nhất, thứ hai, thứ ba, Sa-môn thứ tư. Ngoài đây ra [84] không có Sa-môn, Bà-la-môn; Dị học hoàn toàn không có [85] Sa-môn, Bà-la-môn. Trong bất cứ chúng hội, các ngươi hãy chân chánh rống tiếng rống như sư tử vậy.

“Này các Tỳ-kheo, nếu có người Dị học đến hỏi các ngươi, ‘Này Chư Hiền, các ông có hành gì, lực gì, trí gì mà các ông nói như vầy: ‘Ở đây có Sa-môn thứ nhất, thứ hai, thứ ba, Sa-môn thứ tư. Ngoài đây ra không có Sa-môn, Bà-la-môn; Dị học hoàn toàn không có Sa-môn, Bà-la-môn’. Trong bất cứ chúng hội các ông đều chân chánh rống tiếng rống sư tử như vậy?”.

“Này các Tỳ-kheo, các ngươi nên trả lời Dị học ấy như vầy: ‘Này Chư Hiền, Đức Thế Tôn của tôi là bậc có trí, có kiến; là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, thuyết giảng bốn pháp. Nhân nơi bốn pháp này mà chúng tôi nói như vầy: ‘Ở đây có Sa-môn thứ nhất, thứ hai, thứ ba, Sa-môn thứ tư. Ngoài đây ra không có Sa-môn, Bà-la-môn; Dị học hoàn toàn không có Sa-môn, Bà-la-môn. Trong bất cứ chúng hội mà chúng tôi đều chân chánh rống tiếng rống sư tử như vậy.’

“Bốn pháp đó là những gì? Này Chư Hiền, chúng tôi tin tưởng Đấng Tôn Sư, tin Pháp, tin sự thành mãn của giới đức [86], đồng đạo có ái kính, có phụng sự chân thành [87].         

“Này Chư Hiền, Đức Thế Tôn của chúng tôi là bậc có trí, có kiến, là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, thuyết giảng bốn pháp này. Nhân bốn pháp này mà chúng tôi nói như vầy: ‘Ở đây có Sa-môn thứ nhất, thứ hai, thứ ba, Sa-môn thứ tư. Ngoài ra không có Sa-môn, Bà-la-môn; Dị học hoàn toàn không có Sa-môn, Bà-la-môn. Trong bất cứ chúng hội chúng tôi đều chân chánh rống tiếng rống sư tử như vậy.’

“Này các Tỳ-kheo, nếu Dị học cũng có thể lại nói: ‘Này Chư Hiền, chúng tôi cũng tin đấng Tôn sư, tức Tôn sư của chúng tôi; tin pháp, tức pháp của chúng tôi; tin sự thành mãn của giới đức, tức giới của chúng tôi; cũng ái kính bạn đồng đạo, phụng sự chân thành, là [590c] bạn đồng đạo xuất gia và tại gia của chúng tôi. Này Chư Hiền, giữa hai lời nói này, của Sa-môn Cù-đàm và của chúng tôi, có gì hơn chăng? Có ý gì chăng? Có sai biệt gì chăng?’ Các Tỳ-kheo, các ngươi nên hỏi Dị học như vầy: ‘Chư Hiền, cứu cánh là một hay cứu cánh là nhiều?’

“Này các Tỳ-kheo, nếu Dị học trả lời như vầy: ‘Chư Hiền, cứu cánh chỉ có một, cứu cánh không có nhiều’. Thì này các Tỳ-kheo, các ông hỏi tiếp Dị học: ‘Này Chư Hiền, người có dục mà được cứu cánh, hay người không có dục mới được cứu cánh?’ [88]Này các Tỳ-kheo, nếu Dị học trả lời như vầy, ‘Này Chư Hiền, người không có dục mới được cứu cánh, không phải người có dục mà được cứu cánh’.        

“Này các Tỳ-kheo, các ngươi hãy hỏi tiếp Dị học, ‘Chư Hiền, người có nhuế mà được cứu cánh, hay người không có nhuế mà được cứu cánh?’ Các Tỳ-kheo, nếu Dị học trả lời như vầy: ‘Chư Hiền, người không có nhuế mà được cứu cánh, không phải người có nhuế mà được cứu cánh’. Các Tỳ-kheo, các ngươi hãy hỏi tiếp Dị học: ‘Chư Hiền, người có si mà được cứu cánh hay người không có si mà được cứu cánh?’

“Các Tỳ-kheo, nếu Dị học trả lời như vầy: ‘Chư Hiền, người không có si mà được cứu cánh, không phải người có si mà được cứu cánh’.

“Này các Tỳ-kheo, các ngươi hãy hỏi tiếp Dị học: ‘Chư Hiền, người có ái, có thủ [89] mà được cứu cánh, hay người không có ái, không có thủ mà được cứu cánh?’ Các Tỳ-kheo, nếu Dị học trả lời như vầy: ‘Chư Hiền, người không có ái, không có thủ mà được cứu cánh, không phải người có ái, có thủ mà được cứu cánh’. Này các Tỳ-kheo, các ngươi hãy hỏi tiếp Dị học: ‘Chư Hiền, người không có tuệ [90], không có thuyết tuệ [91] mà được cứu cánh, hay người có tuệ, có thuyết giảng tuệ mà được cứu cánh?’ Các Tỳ-kheo, nếu Dị học trả lời như vầy: ‘Chư Hiền, người có tuệ, có thuyết tuệ mà được cứu cánh; không phải người không có tuệ, không thuyết tuệ mà được cứu cánh’. Các Tỳ-kheo, các ngươi hãy hỏi tiếp Dị học: ‘Chư Hiền, người có tắng, có tránh [92] mà được cứu cánh, hay người không có tắng có tránh mà được cứu cánh?’ Các Tỳ-kheo, nếu Dị học trả lời như vầy: ‘Chư Hiền, người không có tắng, không có tránh mà được cứu cánh; không phải người có tắng có tránh mà được cứu cánh’. Các Tỳ-kheo, các ngươi hãy nói với Dị học như vầy: ‘Chư Hiền, như vậy là các ông nói có một cứu cánh, không phải nhiều cứu cánh.

“Người không có dục mà được cứu cánh, [591a] không phải người có dục mà được cứu cánh. Người không có nhuế mà được cứu cánh, không phải người có nhuế mà được cứu cánh. Người không có si mà được cứu cánh, không phải người có si mà được cứu cánh. Người không có ái, không có thủ được cứu cánh, không phải người có ái, có thủ mà được cứu cánh. Người có tuệ, có thuyết tuệ mà được cứu cánh; không phải người không có tuệ, không có thuyết tuệ mà được cứu cánh. Người không có tắng, không có tránh mà được cứu cánh; không phải người có tắng, có tránh mà được cứu cánh.

“Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nương nơi vô lượng kiến, vị đó nhất định nương nơi hai kiến, hữu kiến và vô kiến [93]. Nếu nương nơi hữu kiến, vị đó liền bám dính hữu kiến, nương cậy nơi hữu kiến, y trụ nơi hữu kiến và tranh chấp với vô kiến [94]. Nếu nương nơi vô kiến, vị đó liền bám dính vô kiến, nương cậy nơi vô kiến mà tranh chấp với hữu kiến.

“Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn không biết một cách như thật về nhân, về tập, về diệt, về tận, vị ngọt, tai hoạn và sự xuất yếu [95], vị đó nhất định có dục, có nhuế, có si, có ái, có thủ, không có tuệ, không có thuyết tuệ, có tắng, có tránh; vị đó không lìa khỏi sanh, già, bệnh, chết, cũng không thể thoát khỏi sự buồn rầu, kêu khóc, lo khổ, áo não, không đoạn tận khổ biên.

“Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn đối với những loại kiến này mà biết một cách như thật về tập, về diệt, về tận, vị ngọt, sự tai hoạn và sự xuất yếu, vị đó nhất định không có dục, không có nhuế, không có si, không có ái, không có thủ, có tuệ, có thuyết tuệ, không có tắng, không có tránh, vị đó lìa khỏi sanh, già, bệnh, chết, cũng có thể thoát khỏi sự buồn rầu, kêu khóc, lo khổ, áo não, vượt khỏi bờ khổ.

“Hoặc có Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương đoạn trừ thủ, nhưng không chủ trương đoạn trừ tất cả thủ; chỉ chủ trương đoạn trừ dục thủ mà không chủ trương đoạn trừ giới thủ, kiến thủ, ngã thủ [96]. Vì sao vậy? Vì Sa-môn, Bà-la-môn đó không biết đúng như thật về ba xứ [97]. Do đó, vị ấy chủ trương đoạn trừ thủ, nhưng không chủ trương đoạn trừ tất cả thủ.

“Lại có Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương đoạn trừ thủ, nhưng không chủ trương đoạn trừ tất cả thủ; chỉ chủ trương đoạn trừ dục thủ, giới thủ, mà không chủ trương đoạn trừ kiến thủ, ngã thủ. Vì sao vậy? Vì Sa-môn, Bà-la-môn đó không biết đúng như thật về hai xứ. Do đó, vị ấy tuy đoạn trừ thủ nhưng không chủ trương đoạn trừ tất cả thủ.   

“Lại có Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương đoạn trừ thủ nhưng không chủ trương đoạn trừ tất cả thủ; chỉ chủ trương đoạn trừ dục thủ, giới thủ, kiến thủ mà không [591b] chủ trương đoạn trừ ngã thủ. Vì sao vậy? Vị Sa-môn, Bà-la-môn đó không biết đúng như thật về một xứ. Do đó vị ấy chủ trương đoạn trừ thủ nhưng không chủ trương đoạn trừ tất cả thủ.

“Đối với pháp luật như vậy, người nào tin đấng Tôn sư, người đó không phải là chân chánh, [98] không phải là đệ nhất. Nếu tin pháp, cũng không phải là chân chánh, không phải là đệ nhất. Nếu ái kính bạn đồng đạo, chân thành phụng sự, cũng không phải chân chánh, không phải đệ nhất.

“Nếu có Đức Như Lai ra đời, là Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, gọi là Phật Thế Tôn, Ngài cũng chủ trương đoạn trừ thủ. Ngay trong đời này, Ngài chủ trương đoạn trừ tất cả thủ, chủ trương đoạn trừ dục thủ, giới thủ, kiến thủ, ngã thủ. Bốn thủ này nhân nơi đâu? Tập khởi do đâu? Phát sinh từ đâu? Lấy gì làm gốc? Thủ này nhân nơi vô minh, phát sanh từ vô minh, lấy vô minh làm gốc. [99] Tỳ-kheo vô minh đã diệt tận, minh tuệ đã phát sanh, vị đó từ đây không còn trở lại chấp thủ dục, chấp thủ giới, chấp thủ kiến và chấp thủ ngã nữa. Vị đó đã không chấp thủ rồi thì không còn lo sợ. Đã không lo sợ nên đoạn trừ nhân duyên, chắc chắn chứng đắc Niết-bàn và biết đúng như thật rằng ‘Sự sanh đã hết, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh’.

“Trong Pháp Luật chân chánh như vậy, nếu người nào tin Đấng Tôn Sư thì đó là người chân chánh, là người bậc nhất; nếu tin Pháp thì đó là người chân chánh, là người bậc nhất; nếu tin sự thành mãn của giới đức, đồng đạo có ái kính, thì đó là người chân chánh, là người bậc nhất; nếu đồng đạo có ái kính, có phụng sự chân thành thì đó là người chân chánh, là người bậc nhất.

“Này Chư Hiền, chúng tôi có hành như vậy, có lực như vậy, có trí như vậy. Nhân nơi đó mà chúng tôi nói như vầy, ‘Ở đây có Sa-môn thứ nhất, thứ hai, thứ ba, Sa-môn thứ tư. Ngoài đây ra không có Sa-môn, Bà-la-môn; Dị học hoàn toàn không có Sa-môn, Bà-la-môn. Do đó, trong bất cứ chúng hội nào chúng tôi chân chánh rống tiếng rống sư tử như vậy’.”

Phật thuyết giảng như vậy, các Tỳ-kheo ấy sau khi Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành. 

104. KINH ƯU-ĐÀM-BÀ-LA

Tôi nghe như vầy.

Một thời Đức Phật trú tại thành Vương xá, trong rừng Trúc, vườn Ca-lan-đa.

Bấy giờ có một Cư sĩ tên là Thật Ý [100], vào [591c] buổi sáng sớm, ông rời thành Vương xá, muốn đến chỗ Đức Phật để cúng dường lễ sự. Lúc bấy giờ Cư sĩ Thật Ý nghĩ rằng: “Hãy gác qua chuyện đi đến chỗ Phật. Thế Tôn và các Tỳ-kheo có thể vẫn còn đang thiền định. Ta hãy vào rừng Ưu-đàm-bà-la, đến Dị học viên [101]”.

Bấy giờ Cư sĩ Thật Ý liền đi vào rừng Ưu-đàm-bà-la, đến Dị học viên. Tại đây có một Dị học tên là Vô Nhuế [102], được tôn làm tông chủ của dị học, được mọi người kính trọng, quy phục, được năm trăm Dị học tôn sùng. Giữa một đám đông ồn ào, ông đang cao giọng luận bàn đủ mọi vấn đề chào xáo [103], như bàn chuyện vua chúa, bàn chuyện trộm cướp, bàn chuyện đấu tranh, bàn chuyện ăn uống, bàn chuyện y phục, bàn chuyện phụ nữ, bàn chuyện đồng nữ, bàn chuyện dâm nữ, bàn chuyện thế tục, bàn chuyện phi đạo, bàn chuyện sông biển, bàn chuyện quốc gia, tất cả những vấn đề cũng lại chào xáo như thế đều tập họp tại chỗ ngồi của ông.    

Lúc bấy giờ, Dị học Vô Nhuế thấy Cư sĩ Thật Ý từ xa tiến đến, liền ra lệnh bảo hội chúng của mình hãy im lặng:

“Này Chư Hiền, các ông chớ nói nữa, hãy vui vẻ im lặng! Mỗi người hãy tự mình thu liễm! Vì sao vậy? Vì có Cư sĩ Thật Ý sắp đến đây. Ông ấy là đệ tử của Sa-môn Cù-đàm. Trong số Cư sĩ tại gia ở trong thành Vương xá này, nếu có đệ tử của Sa-môn Cù-đàm mà danh đức vang dội, được mọi người kính trọng thì ông ấy là người bậc nhất. Ông ấy không ưa sự huyên náo, thích im lặng, tự mình thu liễm. Nếu ông ấy biết hội chúng đây im lặng có thể sẽ đến”.

Dị học Vô Nhuế bảo hội chúng im lặng, rồi tự mình cũng im lặng. Lúc bấy giờ Cư sĩ Thật Ý đi đến chỗ Dị học Vô Nhuế, cùng nhau chào hỏi, rồi ngồi xuống một bên.

Cư sĩ Thật Ý nói:

“Này Vô Nhuế, Đức Phật Thế Tôn của tôi, hoặc ở tại rừng vắng, sơn lâm, dưới gốc cây hay sống trên sườn núi cao, những nơi vắng vẻ không có tiếng động, xa vắng, không có sự dữ, không có người đời và tùy thuận mà thiền tọa. Phật Thế Tôn là như vậy. Ngài sống ở tại rừng vắng, sơn lâm, dưới gốc cây, hay sống trên sườn núi cao, những nơi vắng lặng không có tiếng động, xa vắng, không có sự dữ, không có người đời, tùy thuận mà thiền tọa. Ngài ở nơi xa vắng, thường thích thiền tọa, an ổn, khoái lạc. Đức Phật Thế Tôn chưa hề một ngày một đêm tụ tập, hội họp cùng mọi người như ông và quyến thuộc của ông hôm nay”.

Bấy giờ Dị học Vô Nhuế liền nói:

“Thôi, thôi, Cư cĩ! Ông do đâu mà biết được? Cái tuệ giải thoát trống rỗng [104] của Sa-môn Cù-đàm, cái đó không đủ để nói, hoặc tương ưng hay không tương ưng, hoặc tùy thuận hay không tùy thuận. Sa-môn [592a] Cù-đàm đi từ biên này đến biên kia, ưa thích từ biên này đến biên kia, sống từ biên này đến biên kia. Như con trâu đui ăn cỏ nơi biên địa, nó đi từ biên này đến biên kia, [105] ưa thích từ biên này đến biên kia, sống từ biên này đến biên kia. Sa-môn Cù-đàm cũng giống như vậy.

“Này Cư sĩ, nếu Sa-môn Cù-đàm đến nơi hội chúng này, chỉ bằng một vấn đề, tôi cũng đủ hủy diệt ông ấy như lăn cái bình không, và cũng sẽ nói cái ví dụ con trâu đui cho ông ấy nghe”.

Rồi Dị học Vô Nhuế bảo với đồ chúng của mình:

“Này Chư Hiền, giả sử Sa-môn Cù-đàm đến nơi hội chúng này, nếu như có đến thật, thì các ông chớ có đứng dậy chắp tay nghinh đón, cũng chớ có mời ngồi. Hãy để riêng một chỗ cho ông ấy ngồi thôi. Khi ông ấy đến đây rồi thì hãy nói như vầy, ‘Này Cù-đàm! Có chỗ ngồi đây, muốn ngồi tùy ý’.”

Bấy giờ Đức Thế Tôn đang thiền tọa, bằng thiên nhĩ thanh tịnh, nghe xa hơn người, nghe rõ cuộc thảo luận như vậy giữa Cư sĩ Thật Ý và Dị học Vô Nhuế. Vào lúc xế, Ngài liền rời chỗ ngồi đứng dậy, đi vào rừng Ưu-đàm-bà-la, đến Dị học viên. Thấy Đức Thế Tôn đang từ xa đi đến, Dị học Vô Nhuế liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo bày vai phải, chắp tay hướng Phật mà tán thán rằng:

“Kính chào Cù-đàm, đã lâu ngày không đến đây. Xin mời ngồi chỗ này”.

Khi ấy Đức Thế Tôn thầm nghĩ: “Người ngu si này tự phản lại điều mình đặt ra”. Biết như vậy, Đức Thế Tôn liền ngồi trên giường đó. Dị học Vô Nhuế sau khi chào hỏi Đức Thế Tôn, liền ngồi xuống một bên.

Đức Thế Tôn hỏi:

“Này Vô Nhuế! Ông và Cư sĩ Thật Ý vừa bàn luận việc gì thế? Vì lý do gì mà nhóm họp nơi đây?”

Dị học Vô Nhuế trả lời:

“Thưa Cù-đàm, chúng tôi nghĩ như vầy, ‘Sa-môn Cù-đàm có những pháp gì dạy bảo cho đệ tử, các đệ tử sau khi vâng lãnh sự dạy bảo rồi liền được an ổn, trọn đời tịnh tu phạm hạnh và đem dạy cho người khác nữa?’ Thưa Cù-đàm, tôi và Cư sĩ Thật Ý vừa bàn luận việc như vậy. Vì lý do đó mà chúng tôi nhóm họp nơi đây”.

Cư sĩ Thật Ý nghe ông ta nói vậy liền nghĩ: ‘Lạ thay, Dị học Vô Nhuế lại nói láo. Vì sao vậy? Vì ở trước Đức Thế Tôn mà dám lừa dối Ngài’.

Đức Thế Tôn biết vậy, Ngài liền nói:

“Này Vô Nhuế, Pháp của Ta rất sâu sắc, rất kỳ diệu, rất hy hữu, khó hiểu, khó biết, khó thấy, khó chứng đắc, mà Ta dạy bảo cho đệ tử và đệ tử sau khi vâng lãnh sự dạy bảo rồi liền được an ổn, trọn đời tịnh tu phạm hạnh và đem dạy lại cho người khác nữa. Này Vô Nhuế, hãy hỏi Ta về lối tu khổ hạnh kinh tởm [106] mà Sư tông của ông chấp nhận, Ta cũng sẽ giải đáp cho ông thỏa mãn”.

Lúc đó [592b] các chúng Dị học ồn ào đó cùng nhau lớn tiếng nói rằng:

“Sa-môn Cù-đàm thật là kỳ diệu! Thật là hy hữu! Có như ý túc, có uy đức lớn, có phước hựu lớn, có oai thần lớn. Vì sao vậy? Ngài bỏ qua tông chỉ của mình mà lại đề nghị thảo luận về tông chỉ của người”.

Lúc bấy giờ Dị học Vô Nhuế ra lệnh bảo hội chúng của mình im lặng rồi hỏi:

“Thưa Cù-đàm, lối tu khổ hạnh kinh tởm, thế nào là được hoàn toàn? Thế nào là không được hoàn toàn?

Bấy giờ Đức Thế Tôn trả lời:

“Này Vô Nhuế! Hoặc có Sa-môn, Bà-la-môn lõa hình, không y phục, hoặc dùng tay làm y phục, hoặc lấy lá làm y phục, hoặc lấy hạt châu làm y phục; hoặc không múc nước bằng bình, hoặc không múc nước bằng gáo; không ăn đồ ăn xốc xỉa bằng dao gậy, không ăn đồ ăn lừa dối, không tự mình đến, không sai người đi, không làm khách được mời [107], không làm khách được chào đón [108], không làm khách được lưu [109], không ăn từ giữa hai người đang ăn, không ăn tại nhà có thai [110], không ăn từ nhà có nuôi chó, không ăn từ nhà có lằng xanh bay đến; không ăn cá, không ăn thịt, không uống rượu, không uống nước dấm [111], hoặc không uống gì cả, học tập hạnh không uống; hoặc ăn một miếng, cho một miếng là đủ [112], hoặc ăn hai, ba, bốn, cho đến bảy miếng, và cho bảy miếng là đủ, hoặc ăn bởi một lần nhận được [113], và cho đến một lần nhận được là đủ, hoặc ăn bởi hai, ba bốn cho đến bảy lần nhận được và cho bảy lần nhận được là đủ, hoặc ăn ngày một lần và cho một lần là đủ, hoặc hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy ngày, nửa tháng, hay một tháng, ăn một lần và cho một lần là đủ; hoặc ăn cỏ [114], hoặc ăn lúa cỏ [115], hoặc ăn nếp tuế, hoặc ăn cám, hoặc ăn gạo đầu-đầu-la [116], hoặc ăn đồ ăn thô; hoặc đến chỗ rừng văng [117], y nơi rừng vắng; hoặc ăn rễ, hoặc ăn trái, hoặc ăn quả tự rụng; hoặc mặc áo khâu đủ thứ vải [118], hoặc mặc áo lông, hoặc mặc áo vải đầu-xá [119], hoặc mặc áo vải đầu-xá bằng lông, hoặc mặc bằng da nguyên, hoặc mặc da có xoi lỗ, hoặc mặc da toàn xoi lỗ; hoặc để tóc xõa, hoặc để tóc bện, hoặc để tóc vừa xõa vừa bện, hoặc chỉ cạo tóc, hoặc chỉ cạo râu, hoặc cạo cả râu tóc, hoặc nhổ tóc, hoặc nhổ râu, hoặc nhổ cả râu tóc, hoặc chỉ đứng thẳng không hề ngồi, hoặc đi chồm hổm, hoặc nằm gai, lấy gai làm giường; hoặc nằm cỏ [120], lấy cỏ làm giường; hoặc thờ nước, ngày đêm lấy tay vọc; hoặc thờ lửa, ngày đêm đốt lên; hoặc thờ mặt trời, mặt trăng, thờ đấng Tôn hựu Đại đức, [592c] chắp tay hướng về kia. Những sự như vậy thọ khổ vô lượng, học hạnh nóng bức [121].

“Này Vô Nhuế, ý ông nghĩ sao, lối tu khổ hạnh kinh tởm như vậy là hoàn toàn hay không hoàn toàn?”

Dị học Vô Nhuế đáp:

“Thưa Cù-đàm, lối tu khổ hạnh kinh tởm như vậy là hoàn toàn, không phải là không hoàn toàn”.

Đức Thế Tôn lại nói:

“Này Vô Nhuế, Ta sẽ chỉ cho ông thấy cái lối tu khổ hạnh kinh tởm hoàn toàn đó bị vô lượng cấu uế làm ô nhiễm”.

Dị học Vô Nhuế hỏi:

“Thưa Cù-đàm, câu nói, ‘Ta sẽ chỉ cho ông thấy cái lối tu khổ hạnh kinh tởm hoàn toàn đó bị vô lượng cấu uế làm ô nhiễm’, nghĩa là thế nào?”

Đức Thế Tôn đáp:

“Này Vô Nhuế, hoặc có người chuyên hành khổ hạnh một cách tân khổ [122]. Nhân bởi hành khổ hạnh một cách tân khổ mà có ác dục, niệm tưởng dục. Này Vô Nhuế, nếu ai chuyên hành khổ hạnh một cách tân khổ, rồi nhân hành khổ hạnh ấy mà có ác dục, niệm tưởng dục. Vô Nhuế, hành khổ hạnh như vậy là cấu uế.

“Này Vô Nhuế, hoặc có người hành khổ hạnh một cách tân khổ, do hành khổ hạnh một cách tân khổ này mà chỉ ngước nhìn ánh mặt trời, hấp thụ khí trời. Này Vô Nhuế, nếu ai hành khổ hạnh, rồi do chuyên hành khổ hạnh ấy nên chỉ ngước nhìn ánh mặt trời, hấp thụ khí trời. Vô Nhuế, hành khổ hạnh như vậy là cấu uế.

“Này Vô Nhuế, hoặc có người hành khổ hạnh một cách tân khổ, do chuyên hành khổ hạnh mà tự cống cao cho rằng ta đã tu khổ hạnh, nên tâm liền bị trói buộc. Này Vô Nhuế, nếu có người chuyên hành khổ hạnh rồi do chuyên hành khổ hạnh mà tự cống cao cho rằng đã tự tu khổ hạnh, nên tâm liền bị trói buộc. Vô Nhuế, hành khổ hạnh như vậy là cấu uế.

“Này Vô Nhuế, hoặc có người hành khổ hạnh một cách tân khổ. Do nhân hành khổ hạnh mà quý mình khinh người. Này Vô Nhuế, nếu có ai chuyên hành khổ hạnh, rồi do chuyên hành khổ hạnh mà quý mình khinh người. Vô Nhuế, hành khổ hạnh như vậy là cấu uế.

“Này Vô Nhuế, hoặc có người hành khổ hạnh một cách tân khổ, do hành khổ hạnh nên đến nhà người mà tự khen rằng: ‘Tôi hành tân khổ; hành của tôi rất khó’. Này Vô Nhuế, nếu có ai chuyên hành khổ hạnh một cách tân khổ, rồi do duyên hành khổ hạnh nên đến nhà người mà tự khen rằng: ‘Tôi hành tân khổ; hành của tôi rất khó’. Vô Nhuế, hành khổ hạnh như vậy là cấu uế.

 “Này Vô Nhuế, hoặc có người hành khổ hạnh một cách tân khổ, do chuyên hành khổ hạnh một cách tân khổ nên nếu thấy Sa-môn, Bà-la-môn được người [593a] kính trọng, cúng dường, lễ sự liền sanh lòng tật đố, nói rằng ‘Sao lại kính trọng, cúng dường, lễ sự Sa-môn, Bà-la-môn ấy? Hãy nên kính trọng, cúng dường, lễ sự tôi đây. Vì sao vậy? Vì tôi hành khổ hạnh.’

Này Vô Nhuế, hoặc có người hành khổ hạnh một cách tân khổ, do chuyên hành khổ hạnh một cách tân khổ nên nếu thấy Sa-môn, Bà-la-môn được người kính trọng, cúng dường, lễ sự liền sanh lòng tật đố, nói rằng ‘Sao lại kính trọng, lễ sự, cúng dường Sa-môn, Bà-la-môn ấy? Hãy nên kính trọng, cúng dường, lễ sự tôi đây. Vì sao vậy? Vì tôi hành khổ hạnh’. Vô Nhuế, hành khổ hạnh như vậy là cấu uế.

“Này Vô Nhuế, hoặc có người hành khổ hạnh một cách tân khổ, do hành khổ hạnh một cách tân khổ nên nếu thấy Sa-môn, Bà-la-môn được người kính trọng, cúng dường, lễ sự liền đến mắng ngay mặt Sa-môn, Bà-la-môn đó, nói rằng: ‘Sao ông lại được kính trọng, lễ sự, cúng dường? Ông là người nhiều ham muốn, nhiều mong cầu, thường ăn năm thứ hạt, hạt sanh từ gốc cây, hạt sanh từ thân cây, hạt sanh từ trái cây, hạt sanh từ mắt cây và hạt sanh từ hạt. Ví như một trận mưa lớn làm tổn hại năm thứ hạt giống, nhiễu loạn súc sanh và nhân dân, Sa-môn, Bà-la-môn kia mà hay đến nhà người, cũng giống như vậy’. Này Vô Nhuế, hoặc có ai hành khổ hạnh một cách tân khổ, do hành khổ hạnh một cách tân khổ nên nếu thấy Sa-môn, Bà-la-môn được người kính trọng, cúng dường, lễ sự liền đến mắng ngay mặt Sa-môn, Bà-la-môn đó, nói rằng ‘Sao ông lại được kính trọng, lễ sự, cúng dường? Ông là người nhiều ham muốn, nhiều mong cầu, thường ăn năm thứ hạt sanh từ gốc cây, hạt sanh từ thân cây, hạt sanh từ trái cây, hạt sanh từ mắt cây và hạt sanh từ hạt. Ví như một trận mưa lớn làm tổn hại năm thứ hạt giống, nhiễu loạn súc sanh và nhân dân, Sa-môn, Bà-la-môn mà hay đến nhà người, cũng giống như vậy’. Vô Nhuế, hành khổ hạnh như vậy là cấu uế.

“Này Vô Nhuế, hoặc có người hành khổ hạnh một cách tân khổ, do hành khổ hạnh một cách tân khổ nên có sầu, có si, khủng bố, khủng cụ, sống lén lút, nghi ngờ, sợ mất tiếng, tham lam, phóng dật. Này Vô Nhuế, nếu có người hành khổ hạnh một cách tân khổ, do hành khổ hạnh một cách tân khổ nên có sầu, có si, khủng bố, khủng cụ, sống lén lút, nghi ngờ, sợ mất tiếng, tham lam, phóng dật. Vô Nhuế, hành khổ hạnh như vậy là cấu uế.

“Này Vô Nhuế, hoặc ai chuyên tu khổ hạnh một cách tân khổ, do chuyên tu khổ hạnh nên sanh thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ, khó tánh [123], không biết tiết hạn, những pháp mà Sa-môn, Bà-la-môn phải thông suốt lại không thông suốt. [593b] Này Vô Nhuế, nếu có người tu khổ hạnh, rồi do tu khổ hạnh nên sanh thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ, khó tánh, không biết tiết hạn, những pháp mà Sa-môn, Bà-la-môn phải thông suốt lại không thông suốt. Vô Nhuế, hành khổ hạnh như thế là cấu uế.

“Này Vô Nhuế, hoặc có ai hành khổ hạnh một cách tân khổ, do hành khổ hạnh nên có sân triền, phú kết, bỏn sẻn, ganh tị, dua siểm, dối trá, vô tàm, vô quý. Này Vô Nhuế, nếu ai hành khổ hạnh một cách tân khổ, do hành khổ hạnh nên có sân triền, phú kết, bỏn sẻn, ganh tị, dua siểm, dối trá, vô tàm, vô quý. Vô Nhuế, hành khổ hạnh như vậy là cấu uế.

“Này Vô Nhuế, hoặc có ai hành khổ hạnh một cách tân khổ, do hành khổ hạnh nên sanh ra nói dối, nói hai lưỡi, nói thô ác, nói phù phiếm, đủ cả ác giới. Này Vô Nhuế, nếu có ai hành khổ hạnh một cách tân khổ, do hành khổ hạnh nên sanh ra nói dối, nói hai lưỡi, nói thô ác, nói phù phiếm, đủ cả ác giới. Vô Nhuế, hành khổ hạnh như vậy là cấu uế.

“Này Vô Nhuế, hoặc có ai hành khổ hạnh một cách tân khổ, do hành khổ hạnh nên không có tín tâm, giải đãi, không chánh niệm, chánh trí, có đủ ác tuệ. Này Vô Nhuế, nếu có ai hành khổ hạnh một cách tân khổ, do hành khổ hạnh nên không có tín tâm, giải đãi, không chánh niệm, chánh trí, có đủ ác tuệ. Vô Nhuế, hành khổ hạnh như vậy là cấu uế.

“Này Vô Nhuế, Ta đã chỉ cho ông thấy cái lối tu khổ hạnh kinh tởm hoàn toàn đó bị vô lượng cấu uế làm ô nhiễm, có phải vậy chăng?”

Dị học Vô Nhuế đáp:

“Thưa Cù-đàm, đúng vậy, Ngài đã chỉ cho tôi thấy cái lối tu khổ hạnh kinh tởm hoàn toàn đó bị vô lượng cấu uế làm ô nhiễm”.

“Này Vô Nhuế, Ta cũng chỉ cho ông thấy cái lối tu khổ hạnh kinh tởm hoàn toàn đó không bị vô lượng cấu uế làm ô nhiễm”.

Dị học Vô Nhuế lại hỏi:

“Thưa Cù-đàm, Ngài có thể chỉ cho tôi thấy cái lối tu khổ hạnh kinh tởm hoàn toàn đó không bị vô lượng cấu uế làm ô nhiễm như thế nào không?”

Đức Thế Tôn đáp:

“Này Vô Nhuế, hoặc có người hành khổ hạnh một cách tân khổ, do hành khổ hạnh tân khổ mà không có ác dục, không niệm tưởng dục. Này Vô Nhuế, nếu có người hành khổ hạnh một cách tân khổ, do hành khổ hạnh tân khổ mà không có ác dục, không niệm tưởng dục. Vô Nhuế, hành khổ hạnh như vậy là không cấu uế.

“Này Vô Nhuế, hoặc có người hành khổ hạnh một cách tân khổ, do hành khổ hạnh tân khổ mà không nhìn ánh mặt trời, không hấp thụ khí trời. Này Vô Nhuế, nếu có người chuyên hành khổ hạnh một cách tân khổ, do chuyên hành khổ hạnh tân khổ nên không nhìn ánh mặt trời, [593c] không hấp thụ khí trời. Vô Nhuế, hành khổ hạnh như vậy là không cấu uế.

“Này Vô Nhuế, hoặc có người hành khổ hạnh một cách tân khổ, do hành khổ hạnh một cách tân khổ mà không tự cống cao cho rằng đã tu khổ hạnh nên tâm không bị trói buộc. Này Vô Nhuế, nếu có người chuyên hành khổ hạnh, rồi do chuyên hành khổ hạnh mà không tự cống cao cho rằng đã tu khổ hạnh nên tâm không bị trói buộc. Vô Nhuế, hành khổ hạnh như vậy là không cấu uế.

“Này Vô Nhuế, hoặc có người hành khổ hạnh một cách tân khổ, do hành khổ hạnh một cách tân khổ mà không quý mình khinh người. Này Vô Nhuế, nếu có người hành khổ hạnh rồi do hành khổ hạnh mà không quý mình khinh người. Vô Nhuế, hành khổ hạnh như vậy là không cấu uế.

“Này Vô Nhuế, hoặc có người hành khổ hạnh một cách tân khổ, do hành khổ hạnh tân khổ mà không đến nhà người mà tự khen rằng ‘Tôi hành tân khổ, hành của tôi rất khó khăn’. Này Vô Nhuế, nếu có người hành khổ hạnh một cách tân khổ, do hành khổ hạnh tân khổ mà không đến nhà người mà tự khen rằng ‘Tôi hành tân khổ; hành của tôi rất khó khăn’. Vô Nhuế, hành khổ hạnh như vậy là không cấu uế.

“Này Vô Nhuế, hoặc có người hành khổ hạnh một cách tân khổ, do hành khổ hạnh tân khổ mà nếu thấy Sa-môn, Bà-la-môn được người kính trọng, cúng dường, lễ sự thì không sanh lòng tật đố, nói rằng ‘Sao lại kính trọng, cúng dường, lễ sự Sa-môn, Bà-la-môn ấy? Hãy nên kính trọng, cúng dường, lễ sự ta đây. Vì sao vậy? Vì ta là người tu khổ hạnh’. Này Vô Nhuế, nếu có ai hành khổ hạnh một cách tân khổ, rồi do hành khổ hạnh tân khổ mà nếu thấy Sa-môn, Bà-la-môn được người kính trọng, cúng dường, lễ sự thì không sanh lòng tật đố, nói rằng ‘Sao lại kính trọng, cúng dường, lễ sự  Sa-môn, Bà-la-môn ấy? Hãy nên kính trọng, cúng dường, lễ sự ta đây. Vì sao vậy? Vì ta là người tu khổ hạnh.’ Vô Nhuế, hành khổ hạnh như vậy là không cấu uế.

“Này Vô Nhuế, hoặc có người hành khổ hạnh một cách tân khổ, do hành khổ hạnh tân khổ mà nếu thấy Sa-môn, Bà-la-môn được người kính trọng, cúng dường, lễ sự thì không đến mắng ngay mặt Sa-môn, Bà-la-môn đó, nói rằng: ‘Sao ông lại được kính trọng, cúng dường, lễ sự? Ông là người nhiều ham muốn, nhiều mong cầu, thường ăn năm thứ hạt, hạt sanh từ gốc cây, hạt sanh từ thân cây, hạt sanh từ trái cây, hạt sanh từ mắt cây và hạt sanh từ hạt. Ví như một trận mưa lớn làm tổn hại năm thứ hạt giống, [594a] nhiễu loạn súc sanh và nhân dân, Sa-môn, Bà-la-môn mà hay đến nhà người cũng giống như vậy!’ Này Vô Nhuế, nếu có ai chuyên hành khổ hạnh một cách tân khổ, rồi do chuyên hành khổ hạnh tân khổ nên nếu thấy Sa-môn, Bà-la-môn được người kính trọng, cúng dường, lễ sự mà không đến mắng ngay mặt Sa-môn, Bà-la-môn đó, nói rằng: ‘Sao ông lại được kính trọng, cúng dường, lễ sự? Ông là người nhiều ham muốn, nhiều mong cầu, thường ăn năm thứ hạt, hạt sanh từ gốc cây, hạt sanh từ thân cây, hạt sanh từ trái cây, hạt sanh từ mắt cây và hạt sanh từ hạt. Ví như một trận mưa lớn làm tổn hại năm thứ hạt giống, nhiễu loạn súc sanh và nhân dân, Sa-môn, Bà-la-môn mà hay đến nhà người cũng giống như vậy.’ Vô Nhuế, hành khổ hạnh như vậy là không cấu uế.

“Này Vô Nhuế, hoặc có người hành khổ hạnh một cách tân khổ, do hành khổ hạnh tân khổ mà không sầu, không si, không khủng bố, không khủng cụ, không sống lén lút, không nghi ngờ, không mất tiếng, không tham lam, không phóng dật. Này Vô Nhuế, nếu ai chuyên hành khổ hạnh một cách tân khổ, rồi do hành khổ hạnh tân khổ mà không sầu, không si, không khủng bố, không khủng cụ, không sống lén lút, không nghi ngờ, sợ mất tiếng, không tham lam, không phóng dật. Vô Nhuế, hành khổ hạnh như vậy là không cấu uế.

“Này Vô Nhuế, hoặc có người hành khổ hạnh một cách tân khổ, do hành khổ hạnh tân khổ mà không sanh thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ, khó tánh, không biết tiết hạn, những pháp mà Sa-môn, Bà-la-môn phải thông suốt thì thông suốt. Này Vô Nhuế, nếu ai chuyên hành khổ hạnh một cách tân khổ, do chuyên hành khổ hạnh tân khổ mà không sanh thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ, khó tánh, không biết tiết hạn, những pháp mà Sa-môn, Bà-la-môn phải thông suốt thì thông suốt. Vô Nhuế, hành khổ hạnh như vậy là không cấu uế.

“Này Vô Nhuế, hoặc có người hành khổ hạnh một cách tân khổ, do hành khổ hạnh tân khổ mà không có sân triền, phú kết, bỏn sẻn, ganh tị, dua siểm, dối trá, vô tàm, vô quý. Này Vô Nhuế! Nếu có ai chuyên hành khổ hạnh một cách tân khổ, do chuyên hành khổ hạnh tân khổ mà không có sân triền, phú kết, bỏn sẻn, ganh tị, dua nịnh, dối trá, vô tàm, vô quý. Này Vô Nhuế! Hành khổ hạnh như vậy là không cấu uế.

“Này Vô Nhuế, hoặc có người hành khổ hạnh một cách tân khổ, do chuyên hành khổ hạnh tân khổ mà không nói dối, không nói hai lưỡi, không nói thô ác, không nói phù phiếm, không có ác giới. Này Vô Nhuế, nếu ai chuyên hành khổ hạnh một cách tân khổ, do chuyên hành khổ hạnh tân khổ nên không nói dối, không nói hai lưỡi, không nói thô ác, không nói phù phiếm, không có ác giới. Này [594b] Vô Nhuế, hành khổ hạnh như vậy là không cấu uế.

“Này Vô Nhuế, hoặc có người hành khổ hạnh một cách tân khổ, do chuyên hành khổ hạnh tân khổ mà có tín tâm, không giải đãi, có chánh niệm, chánh trí, không có ác tuệ. Này Vô Nhuế, nếu có ai chuyên hành khổ hạnh một cách tân khổ, do chuyên hành khổ hạnh tân khổ mà có tín tâm, không giải đãi, có chánh niệm, chánh trí, không có ác tuệ. Vô Nhuế, hành khổ hạnh như vậy là không cấu uế.

“Này Vô Nhuế, Ta đã chỉ cho ông thấy cái lối tu khổ hạnh kinh tởm hoàn toàn không bị vô lượng cấu uế làm ô nhiễm; có phải vậy không?”

Dị học Vô Nhuế đáp:

“Thưa Cù-đàm, đúng vậy, Ngài đã chỉ cho tôi thấy cái lối tu khổ hạnh kinh tởm hoàn toàn không bị cấu uế làm ô nhiễm”.

Dị học Vô Nhuế lại hỏi:

“Thưa Cù-đàm, lối tu khổ hạnh kinh tởm này đã đạt đến bậc nhất, đã đạt đến chân thật [124] chưa?”

Đức Thế Tôn đáp:

“Này Vô Nhuế, lối tu khổ hạnh kinh tởm này chưa đạt đến bậc nhất, chưa đạt đến chân thật, nhưng có hai hạnh đạt đến vỏ và đạt đến đốt”.

Dị học Vô Nhuế lại hỏi:

“Thưa Cù-đàm! Thế nào là lối tu khổ hạnh kinh tởm này chỉ đạt đến vỏ ngoài?”

Đức Thế Tôn đáp:

“Này Vô Nhuế, ở đây hoặc có Sa-môn, Bà-la-môn tu tập bốn hạnh [125], không sát sanh, không bảo người sát sanh, không đồng tình với người sát sanh. Không trộm cắp, không bảo người trộm cắp, không đồng tình với người trộm cắp. Không phạm con gái của người, không bảo người khác phạm con gái của người, không đồng tình với người phạm con gái của người. Không nói dối, không bảo người khác nói dối, không đồng tình với người nói dối. Vị đó tu tập bốn hạnh này, ưa thích mà không tiến tới, [126] tâm đi đôi với từ, biến mãn cả một phương, thành tựu và an trụ. Như vậy cho đến hai, ba, bốn phương, bốn phương phụ, phương trên, phương dưới, phổ biến tất cả, tâm đi đôi với từ, không kết, không oán, không sân nhuế, không não hại, rộng lớn, bao la, vô lượng, khéo tu tập biến mãn khắp cả thế gian, thành tựu và an trụ. Cũng như vậy, đối với bi, hỷ, tâm đi đôi với xả, không kết, không oán, không sân nhuế, không não hại, rộng lớn bao la, vô lượng, tu tập biến mãn khắp cả thế gian, thành tựu và an trụ.

“Này Vô Nhuế, ý ông nghĩ sao, phải chăng lối tu khổ hạnh kinh tởm như vậy đạt đến vỏ ngoài?”

Vô Nhuế đáp:

“Thưa Cù-đàm! Lối tu khổ hạnh kinh tởm như vậy đạt đến vỏ ngoài. Thưa Cù-đàm, còn thế nào là hạnh bất liễu khả tắng này đạt đến đốt?”

Đức Thế Tôn dạy:

“Này Vô Nhuế, hoặc có Sa-môn, Bà-la-môn tu tập bốn hạnh. Không sát sanh, không bảo người sát sanh, không đồng tình với người sát sanh. Không trộm cắp, không bảo người trộm cắp, không đồng tình với người trộm cắp. Không phạm con gái của người, không bảo người khác phạm con gái của người, không đồng tình với người phạm con gái của người. Không nói dối, không bảo người khác nói dối, không đồng tình với người nói dối. Vị đó tu tập bốn hạnh này, ưa thích mà không tiến tới. [594c] Hnữhg gì là hành, những gì là tướng mạo, vị ấy nhớ lại vô lượng kiếp đã trải qua, hoặc một đời, hai đời, trăm ngàn đời, thành kiếp, hoại kiếp, vô lượng thành hoại kiếp, tại chỗ đó ta là chúng sanh tên đó, ta đã trải qua ở đó, đã từng sanh ở đó, có họ như vậy, tên như vậy, sinh hoạt như vậy, uống ăn như vậy, cảm thọ khổ lạc như vậy, tuổi thọ như vậy, sống lâu như vậy, dứt thọ mạng như vậy, rồi chết đây sanh kia, chết kia sanh đây. Ta sanh tại chỗ này như vậy, có họ như vậy, có tên như vậy, sinh hoạt như vậy, uống ăn như vậy, chịu khổ vui như vậy, tuổi thọ như vậy, sống lâu như vậy, dứt thọ mạng như vậy.

“Này Vô Nhuế, ý ông nghĩ sao, lối tu khổ hạnh kinh tởm như vậy có đạt đến đốt cây hay không?”

“Vô Nhuế đáp:

“Thưa Cù-đàm, lối tu khổ hạnh kinh tởm như vậy là đã đạt đến đốt cây. Thưa Cù-đàm, thế nào là hạnh bất liễu khả tắng đạt đến bậc nhất, đạt đến chân thật”         

Đức Thế Tôn đáp:

“Này Vô Nhuế, hoặc có Sa-môn, Bà-la-môn tu tập bốn hạnh. Không sát sanh, không bảo người sát sanh, không đồng tình với người sát sanh. Không trộm cắp, không bảo người trộm cắp, không đồng tình với người trộm cắp. Không phạm con gái của người, không bảo người khác phạm con gái của người, không đồng tình với người phạm con gái của người. Không nói dối, không bảo người khác nói dối, không đồng tình với người nói dối. Vị đó tu tập bốn hạnh này, ưa thích mà không tiến tới. Vị đó bằng thiên nhãn thanh tịnh, thấy xa hơn người, nhìn thấy chúng sanh lúc sanh lúc tử, sắc đẹp hoặc xấu, diệu hoặc bất diệu, qua lại chỗ lành hoặc chỗ không lành, tùy theo nghiệp mà chúng sanh ấy đã tạo. Vị ấy thấy sự kiện ấy đúng như thật, nếu chúng sanh nào thành tựu ác hạnh về thân, ác hạnh về khẩu, ác hạnh về ý, phỉ báng Thánh nhân, tà kiến, thành tựu nghiệp tà kiến; do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung, chúng sanh ấy chắc chắn đi đến chỗ ác, sanh vào địa ngục. Nếu chúng sanh nào thành tựu diệu hạnh về thân, diệu hạnh về khẩu, diệu hạnh về ý, không phỉ báng Thánh nhân, chánh kiến, thành tựu nghiệp chánh kiến; do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung, chúng sanh ấy chắc chắn đi lên chỗ lành, sanh vào cõi trời.

“Này Vô Nhuế, ý ông nghĩ sao, hạnh bất liễu khả tắng như vậy có đạt đến bậc nhất, đạt đến chân thật hay không?”

Vô Nhuế đáp:

“Thưa Cù-đàm, lối tu khổ hạnh kinh tởm như vậy là đã đạt đến bậc nhất, đạt đến chân thật. Thưa Cù-đàm, phải chăng vì để tác chứng lối tu khổ hạnh kinh tởm này mà các đệ tử của Sa-môn Cù-đàm nương tựa nơi Sa-môn Cù-đàm để tu hành phạm hạnh?”

Đức Thế Tôn đáp:

“Này Vô Nhuế, không phải vì để tác chứng lối tu khổ hạnh kinh tởm này mà đệ tử của Ta nương tựa nơi Ta để tu hành phạm hạnh.

“Này Vô Nhuế, lại còn có pháp khác tối thượng, tối diệu, tối thắng, chính vì để chứng đắc pháp ấy [595a] nên đệ tử của Ta nương tựa nơi Ta mà tu hành phạm hạnh”.

Lúc đó, những Dị học trong hội chúng ồn ào đó liền lớn tiếng la ó:

“Đúng vậy! Đúng vậy! Vì để chứng đắc pháp ấy nên đệ tử của Sa-môn Cù-đàm nương tựa nơi Sa-môn Cù-đàm để mà tu hành phạm hạnh”.

Bấy giờ, Dị học Vô Nhuế ra lệnh bảo hội chúng của mình im lặng, rồi hỏi:

“Thưa Cù-đàm, pháp nào được gọi là còn có pháp khác tối thượng tối diệu, tối thắng; chính vì để chứng đắc pháp ấy nên đệ tử của Sa-môn Cù-đàm nương tựa nơi Sa-môn Cù-đàm mà tu hành phạm hạnh?”

Bấy giờ Đức Thế Tôn đáp:

“Này Vô Nhuế, nếu Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn xuất hiện ở thế gian. Vị đó xả bỏ năm triền cái làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, ly dục, ly pháp ác bất thiện, cho đến chứng Tứ thiền, thành tựu và an trụ. Vị ấy với định tâm như vậy, thanh tịnh không ô uế, không phiền não, nhu nhuyến, khéo an trụ, chứng đắc tâm bất động mà thú hướng sự diệt tận các lậu, tự thân chứng ngộ trí thông, biết như thật rằng ‘Đây là Khổ, đây là Khổ tập, đây là Khổ diệt, biết như thật đây là Khổ diệt đạo’. Cũng biết như thật đây là lậu, biết đây là lậu tận, đây là lậu diệt, biết như thật đây là lậu diệt đạo. Vị đó biết như vậy, thấy như vậy rồi thì tâm giải thoát dục lậu, tâm giải thoát hữu lậu, vô minh lậu. Giải thoát rồi liền biết mình đã giải thoát, biết đúng một cách như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.

“Này Vô Nhuế, như vậy gọi là còn có pháp khác tối thượng, tối diệu, tối thắng. Chính vì để chứng đắc pháp ấy nên đệ tử của Ta nương nơi Ta mà tu hành phạm hạnh”.

Bấy giờ Cư sĩ Thật Ý nói rằng:

“Này Vô Nhuế, Đức Thế Tôn đang ở đấy. Ông hãy chỉ bằng một vấn đề đủ để hủy diệt Ngài như lăn cái bình không đi! Ông hãy nói cái ví dụ con trâu đui ăn cỏ nơi biên địa như khi nãy đi!”

Đức Thế Tôn nghe xong, hỏi Dị học Vô Nhuế:

“Quả thật ông có nói như vậy không?”

Dị học Vô Nhuế đáp:

“Thưa Cù-đàm, quả thật tôi có nói như vậy”.

Đức Thế Tôn hỏi tiếp:

“Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác ở quá khứ, nếu gặp khu rừng vắng, sơn lâm, dưới gốc cây hay trên sườn núi cao, vắng lặng không có tiếng động, xa vắng, không có sự dữ, không có người đời, liền tùy thuận mà thiền tọa. Các Đức Phật Thế Tôn ở nơi rừng vắng, sơn lâm, dưới gốc cây hay trên sườn cao, vắng lặng không có tiếng động, xa vắng, không có sự dữ, không có người đời, liền tùy thuận mà thiền tọa. Các Ngài ở nơi xa vắng, thường thích thiền tọa, an ổn và khoái lạc. Các Ngài chưa hề một ngày một đêm tụ tập hội họp cùng mọi người như ông và quyến thuộc của ông hôm nay. Này Vô Nhuế, ông có bao giờ nghe các vị trưởng lão cựu học nói như vậy không?”

 [595b] Dị học Vô Nhuế đáp:

“Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác ở quá khứ, nếu gặp khu rừng vắng, sơn lâm, dưới gốc cây hay trên sườn núi cao, vắng lặng, không có tiếng động, xa vắng, không có sự dữ, không có người đời, liền tùy thuận mà thiền tọa. Các Đức Phật Thế Tôn ở nơi rừng vắng, sơn lâm, dưới gốc cây hay trên sườn núi cao, vắng lặng, không có sự dữ, không có người đời, liền tùy thuận mà thiền tọa. Các Ngài ở nơi xa vắng, thường thích thiền tọa, an ổn khoái lạc. Các Ngài chưa hề một ngày một đêm tụ tập, hội họp cùng mọi người như tôi và quyến thuộc của tôi hôm nay. Thưa đức Cù-đàm, tôi có nghe các vị trưởng lão cựu học nói như vậy”.

“Này Vô Nhuế, ông há không nghĩ rằng ‘Như các Đức Thế Tôn đó ở nơi rừng vắng, sơn lâm, dưới gốc cây hay trên sườn núi cao, vắng lặng, không có tiếng động, xa vắng, không có sự dữ, không có người đời, liền tùy thuận mà thiền tọa. Các Ngài ở nơi xa vắng thường thích thiền tọa, an ổn khoái lạc. Vị Sa-môn Cù-đàm này cũng học đạo chánh giác như vậy’. Có phải vậy không?”

Dị học Vô Nhuế đáp:

“Thưa Cù-đàm, nếu tôi biết như vậy, tôi đã chẳng nói rằng chỉ bằng một vấn đề cũng đủ hủy diệt Ngài như lăn cái bình không, và cũng đã chẳng nói đến cái ví dụ con trâu đui ăn cỏ nơi biên địa”.

Đức Thế Tôn nói:

“Này Vô Nhuế, Ta có pháp thiện tương ưng với thiện, giải thoát tương ưng với giải thoát, có thể tự thân chứng ngộ. Do đây mà Như Lai tự xưng là Bậc Vô Úy. Các Tỳ-kheo đệ tử của Ta, ai đến với tâm không dua nịnh, không lừa dối, chất trực không hư vọng, Ta giáo huấn cho và theo giáo huấn ấy, chắc chắn sẽ đạt đến cứu cánh trí.

“Này Vô Nhuế, nếu ông nghĩ rằng ‘Sa-môn Cù-đàm vì muốn làm Thầy cho nên thuyết pháp’. Ông chớ nghĩ như vậy. Thầy ông Ta trả lại cho ông. Ta chỉ thuyết pháp cho nghe thôi. Vô Nhuế, nếu ông nghĩ rằng ‘Sa-môn Cù-đàm vì tham đệ tử cho nên thuyết pháp’. Ông chớ nghĩ như vậy. Đệ tử của ông trả lại cho ông, Ta chỉ thuyết pháp cho ông nghe thôi. Này Vô Nhuế, nếu ông nghĩ rằng ‘Sa-môn Cù-đàm vì tham sự cúng dường cho nên thuyết pháp’ Ông chớ nghĩ như vậy. Đồ cúng dường trả lại cho ông, ta chỉ thuyết pháp cho ông nghe thôi. Này Vô Nhuế, nếu ông nghĩ rằng ‘Sa-môn Cù-đàm vì tham được khen ngợi cho nên thuyết pháp’. Ông chớ nghĩ như vậy. Điều khen ngợi trả lại cho ông, Ta chỉ thuyết pháp cho ông nghe thôi. Này Vô Nhuế, nếu ông nghĩ rằng ‘Nếu ta có thiện pháp tương ưng thiện, [127] giải thoát đưa đến giải thoát, vì Sa-môn Cù-đàm này đoạt của ta, hủy diệt ta’. Ông chớ nghĩ như vậy. Pháp của ông trả lại cho ông, Ta chỉ thuyết pháp cho ông nghe thôi”.

Lúc bấy giờ tất cả hội chúng đều im lặng. Vì sao vậy? Vì họ bị Ma vương chế phục.

Khi ấy Đức Thế Tôn bảo Cư sĩ Thật Ý:

“Ông hãy nhìn tất cả hội chúng đang im lặng này. Vì sao vậy? [595c] Vì họ đang bị Ma vương chế phục. Nó khiến cả hội chúng Dị học không có một Dị học nào có ý niệm ‘Ta hãy thử theo Sa-môn Cù-đàm tu hành phạm hạnh’.”

Đức Thế Tôn biết vậy, Ngài thuyết pháp cho Cư sĩ Thật Ý nghe, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi bằng vô lượng phương tiện thuyết pháp cho ông ấy nghe, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ rồi, Ngài liền từ chỗ ngồi đứng dậy, nắm tay Cư sĩ Thật Ý, vận dụng thần túc, nương hư không mà đi.

Phật thuyết như vậy. Cư sĩ Thật Ý sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

105. KINH NGUYỆN

Tôi nghe như vầy.

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ có một Tỳ-kheo sống cô độc tại một nơi xa vắng, ẩn dật ở chỗ yên tĩnh, thiền tọa tư duy, trong tâm khởi lên ý nghĩ: “Đức Thế Tôn thăm hỏi ta, nói chuyện với ta, thuyết pháp cho ta nghe để ta được giới Cụ túc [128] mà không phế bỏ thiền định, thành tựu quán hạnh [129], ở nơi không tịnh. [130]”

Bấy giờ vào lúc xế, sau khi suy nghĩ như vậy rồi, vị Tỳ-kheo ấy liền từ chỗ thiền tọa đứng dậy, đi đến Đức Phật. Đức Thế Tôn nhìn thấy vị Tỳ-kheo ấy từ xa đi đến, nhân nơi Tỳ-kheo ấy, Ngài bảo các vị Tỳ-kheo:

“Các ngươi hãy ước nguyện rằng: ‘Đức Thế Tôn thăm hỏi ta, nói chuyện với ta, thuyết pháp cho ta nghe’. Vậy hãy thành tựu giới Cụ túc và không phế bỏ thiền định, thành tựu quán hạnh, ở nơi không tịnh.

“Tỳ-kheo, hãy ước nguyện rằng: ‘Ta có thân tộc. Mong sao kia nhờ ta mà khi thân hoại mạng chung chắc chắn họ được lên chỗ lành, sanh vào cõi trời’. Vậy hãy thành tựu được giới Cụ túc và không phế bỏ thiền định, thành tựu quán hạnh, ở nơi không tịnh.

“Tỳ-kheo, hãy ước nguyện rằng: ‘Các thí chủ cung cấp cho ta y phục, đồ ăn uống, giường chõng, thuốc thang, đủ mọi thứ để nuôi thân. Mong cho kia nhờ sự bố thí này mà có nhiều công đức, có đại quang minh, được nhiều phước báo’. Vậy hãy thành tựu được giới Cụ túc và không phế bỏ thiền định, thành tựu quán hạnh, ở nơi không tịnh.

“Tỳ-kheo, hãy ước nguyện rằng: ‘Mong ta có thể nhẫn chịu được sự đói, khát, nóng, lạnh, muỗi mòng châm chích, sự áp bức của gió, của mặt trời; bị tiếng xấu, bị đánh đập cũng có thể nhẫn chịu; bản thân bị tật bệnh rất là đau khổ, cho đến mạng sống sắp tuyệt, các sự không được vui, ta cũng đều có thể kham nhẫn’. Vậy hãy thành tựu được giới Cụ túc và không phế bỏ thiền định, thành tựu quán hạnh, ở nơi không tịnh.

 [596a] “Tỳ-kheo, hãy ước nguyện rằng: ‘Mong ta kham nhẫn được điều không làm cho vui. Nếu sanh tâm không vui, không bao giờ để dính trước’. Vậy hãy thành tựu được giới Cụ túc và không phế bỏ thiền định, thành tựu quán hạnh, ở nơi không tịnh.

“Tỳ-kheo, hãy ước nguyện rằng: ‘Nếu ta sanh khởi ba tâm niệm ác bất thiện: niệm dục, niệm nhuế, niệm hại; mong ta không bao giờ để đắm trước với ba niệm ác bất thiện đó’. Vậy hãy thành tựu được giới Cụ túc và không phế bỏ thiền định, thành tựu quán hạnh, ở nơi không tịnh.

“Tỳ-kheo, hãy ước nguyện rằng: ‘Mong ta ly dục, ly pháp ác bất thiện, cho đến chứng đắc Tứ thiền, thành tựu và an trụ’. Vậy hãy thành tựu giới Cụ túc và không phế bỏ thiền định, thành tựu quán hạnh, ở nơi không tịnh.

“Tỳ-kheo, hãy ước nguyện rằng: ‘Mong ta dứt hẳn ba kết, chứng đắc quả Tu-đà-hoàn, không bị rơi xuống pháp ác, quyết định thú hướng đến quả vị Chánh giác, tối đa còn bảy lần ở cõi trời. Sau bảy lần qua lại rồi liền chứng đắc khổ biên’. Vậy hãy thành tựu giới Cụ túc và không phế bỏ thiền định, thành tựu quán hạnh, ở nơi không tịnh.

“Tỳ-kheo, hãy ước nguyện rằng: ‘Mong ta đã dứt hết ba kết, làm mỏng dâm, nộ, si; chỉ còn một lần qua lại ở cõi trời, cõi người. Sau một lần qua lại rồi liền chứng đắc khổ biên’. Vậy hãy thành tựu giới Cụ túc và không phế bỏ thiền định, thành tựu quán hạnh, ở nơi không tịnh.

“Tỳ-kheo, hãy ước nguyện rằng: ‘Mong ta dứt hết năm phần kết, sanh vào thế gian kia mà chứng đắc Niết-bàn, được pháp bất thối, không trở lại thế gian này’. Vậy hãy thành tựu giới Cụ túc và không phế bỏ thiền định, thành tựu quán hạnh ở nơi không tịnh.

“Tỳ-kheo, hãy ước nguyện rằng: ‘Mong ta được tịch tịnh giải thoát, ly sắc, chứng đắc vô sắc; với định như vậy, tự thân chứng ngộ, thành tựu và an trụ, do tuệ quán mà đoạn trừ lậu và biến tri lậu’. Vậy hãy thành tựu giới Cụ túc và không phế bỏ thiền định, thành tựu quán hạnh ở nơi không tịnh.

“Tỳ-kheo, hãy ước nguyện rằng: ‘Mong ta được như ý túc, thiên nhãn trí, tha tâm trí, túc mạng trí, sanh tử trí, các lậu đã dứt sạch, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ngay trong đời này tự tri tự giác, tự thân chứng ngộ, thành tựu và an trụ, biết một cách như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Vậy hãy thành tựu giới Cụ túc và không phế bỏ thiền định, thành tựu quán hạnh ở nơi không tịnh”.

Lúc bấy giờ, Tỳ-kheo ấy sau khi nghe Phật thuyết giảng, khéo thọ lãnh, khéo ghi nhớ, từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, đi nhiễu quanh ba vòng rồi lui ra. Tỳ-kheo ấy lãnh thọ lời Phật dạy, ẩn dật nơi yên tĩnh, thiền tọa tư duy, tu hành tinh cần, tâm không [586b] phóng dật. Do ẩn dật những nơi yên tĩnh, thiền tọa tư duy, tu hành tinh cần, tâm không phóng dật để đạt đến mục đích mà thiện nam tử cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, là đây chỉ mong thành tựu phạm hạnh vô thượng, ngay trong đời này mà tự tri tự giác, tự thân chứng ngộ, thành tựu và an trụ, biết một cách như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Tôn giả ấy đã biết pháp rồi, liền chứng quả A-la-hán.      

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

106. KINH TƯỞNG

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn đối với đất có tư tưởng về đất, cho rằng: ‘Đất tức là thần ngã, đất là sở hữu của thần ngã, thần ngã là sở hữu của đất [131]’. Vị ấy đã cho đất tức là ngã, do đó không biết rõ đất. Cũng như vậy, đối với nước, lửa, gió, thần, trời, Sanh chủ [132], Phạm thiên, Vô phiền thiên, Vô nhiệt thiên [133], vị ấy đối với Tịnh thiên [134] có tư tưởng về Tịnh thiên, ‘Tịnh thiên tức là thần ngã, Tịnh thiên là sở hữu của thần ngã, thần ngã là sở hữu của Tịnh thiên’. Vị ấy đã cho Tịnh thiên tức là thần ngã, do đó không biết rõ Tịnh thiên. Đối với Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng, với nhất thể, dị biệt, đa thù, cái được thấy, cái được nghe, cái được nhận thức, cái được liễu tri, cái được làm, cái được quán sát; cái được tác ý, cái được ý tư duy, từ đời này đến đời kia, từ đời kia đến đời này, cho đến, cái tất cả. Vị ấy đối với cái tất cả có tư tưởng về cái Tất cả, ‘Tất cả là thần ngã, tất cả là sở hữu của thần ngã, thần ngã là sở hữu của tất cả’. Vị ấy đã cho Tất cả tức là ngã, do đó không biết rõ cái Tất cả.

“Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn đối với đất thì biết đất, ‘Đất không phải là thần ngã, đất không phải là sở hữu của thần ngã, thần ngã không phải là sở hữu của đất’. Vị ấy đã không cho đất tức là thần ngã, vậy vị ấy biết rõ đất. Cũng như vậy, đối với nước, lửa, gió, thần, trời, Sanh chủ, Phạm thiên, Vô phiền thiên, Vô nhiệt thiên; vị ấy đối với Tịnh thiên thì biết Tịnh thiên, ‘Tịnh thiên không phải là thần ngã, Tịnh thiên không phải là sở hữu của thần ngã, thần ngã không phải là sở hữu của Tịnh thiên’. Vị ấy đã không cho Tịnh thiên tức là thần ngã, vậy vị ấy biết rõ Tịnh thiên. Đối với Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng, với nhất thể, dị biệt, đa thù, cái được thấy, cái được nghe, cái được nhận thức, cái được liễu tri, cái được làm, cái được quán sát; cái được tác ý, cái được ý tư duy, từ đời này đến đời kia, [596c] từ đời kia đến đời này, cho đến, cái tất cả. Vị ấy đối với cái Tất cả thì biết là Tất cả, ‘Cái Tất cả không phải là ngã, cái Tất cả không phải là sở hữu của ngã, ngã không phải là sở hữu của cái Tất cả’. Vị ấy đã không cho cái Tất cả là thần ngã, vậy vị ấy đã biết rõ cái Tất cả.

“Ta đối với đất thì biết đất, ‘Đất không phải là thần ngã, đất không phải là sở hữu của thần ngã, thần ngã không phải là sở hữu của đất’. Ta đã không cho đất tức là thần ngã, vậy Ta đã biết rõ đất. Cũng như vậy, đối với nước, lửa, gió, thần, trời, Sanh chủ, Phạm thiên, Vô phiền thiên, Vô nhiệt thiên; Ta đối với Tịnh thiên thì biết Tịnh thiên, ‘Tịnh thiên không phải là thần ngã, Tịnh thiên không phải là sở hữu của thần ngã, thần ngã không phải là sở hữu của Tịnh thiên’. Ta đã không cho Tịnh thiên tức là thần ngã, vậy Ta biết rõ Tịnh thiên. Đối với Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng, với nhất thể, dị biệt, đa thù, cái được thấy, cái được nghe, cái được nhận thức, cái được liễu tri, cái được làm, cái được quán sát; cái được tác ý, cái được ý tư duy, từ đời này đến đời kia, từ đời kia đến đời này, cho đến, cái tất cả. Ta đối với cái Tất cả thì biết là Tất cả, ‘Cái Tất cả không phải là ngã, cái Tất cả không phải là sở hữu của ngã, ngã không phải là sở hữu của cái Tất cả’. Ta đã không cho cái Tất cả là ngã, vậy là Ta đã biết rõ cái Tất cả”.

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành. [135]

 


 [1] Xem các kinh số 10, 175, 177.

 [2] Minh diệc thậm thâm 明亦甚深. Pāli: gambhīrāvabhāso: “có vẻ sâu sắc” (Pāli-Engish Dict. PTS.). avabhāsa, từ gốc Skt.: ánh sáng, sự chó sang, sự biểu hiện.

 [3] Chí thiển chí thiển 至淺至淺. Pāli: (gambhīrāvabhāso ca...) me uttānattānako viya khāyati,  đối với con nó vẻ như minh bạch. Trong đó, uttānaka có nghĩa “dễ dàng (như nằm ngữa)” và do đó, có nghĩa “công khai, minh bạch”. Bản Hán hiểu theo nghĩa cụ thể nên nói là “rất nông cạn”. No 1(13) hiểu theo nghĩa đầu.

 [4] Uẩn-mạn thảo 蘊 蔓 草; không rõ, Pāli: muñjapabbaja, cỏ muñja (một loại sậy, tên khoa học Saccharum munja) và cỏ pabbaja, chỉ chung lau sậy.

 [5] Nguyên Hán: thọ 受.

 [6] Thuần đại khổ ấm 純生大苦陰.

 [7] Nhân, tập, bản, duyên 因習本緣. Pāli: hetu, samudayo, nidānaṃ, paccayo:nguyên nhân, tập khởi, bản nguyên, điều kiện (nhân duyên). Các bản đều chép là 習 (tập quán), nhưng đối chiếu Pāli, nên hiểu là 集 (tập khởi).

 [8] Hán: thi thiết 施設; Pl.: paññatti, quan niệm, có khái niệm hay paññāyati, được quan niệm, được khái niệm.

 [9] Duyên ái hữu cầu 緣愛有求. Pāli: taṇhaṃ paṭicca pariyesanā, duyên nới khát ái mà có tầm cầu.

 [10] Lợi, phân, nhiễm dục, trước, xan, gia, thủ 利分染欲著慳家守. Cf. No 1(13): lợi 利, dụng 用, dục 欲, trước 著, tật 嫉, thủ 守, hộ 護. Pāli: labho (lợi lộc), vinicchayo (quyết định, sử dụng), chandarāgo (ham muốn), ajjhosānaṃ (tham chấp), pariggaho (ôm giữ chặt), macchariyaṃ (keo lẩn), ārakkho (canh giữ).

 [11] Dúc ái và hữu ái 欲愛 有愛. No 1(13), ba ái: dục,hữu và vô sắc. Pl.: sáu ái thân: sắc, thanh, hương,…

 [12] Nguyên Hán: giác 覺.

 [13] Cánh lạc 更 樂.

 [14] Sở hành, sở duyên 所行 所緣. Hành tướng hay hình thái hoạt động, và đối tượng hoạt động. Xem cht. dưới.

 [15] Pāli: ākārehi yehi liṅgehi yehi... nāmakāyassa paññatti hoti, do bởi những hình thái, những tướng mạo... mà có khái niệm về danh thân.

 [16] Hữu đối cánh lạc 有對更 樂; xúc chạm có đối ngại, sự xúc chạm gây phản ứng trên các giác quan. Xem Câu-xá 10 (Ch.iii, tụng 30). No.1 (13): tâm xúc. Pāli: paṭigha-samphassa.

 [17] Tăng ngữ xúc 增語觸, tác động của ngôn từ trên nhận thức. Cũng gọi là danh mục xúc. No.1(13):tâm  xúc心觸. Xem cht. 14 No 1(13). Pāli: adhivacana-samphassa.

 [18] Tham chiếu Pāli: ettāvatā...jāyetha vā... cavetha vā upapajjetha vā ettāvatā adhivacanapatho ettāvatā niruttipatho ettāvatā paññattipatho...ettāvatā vattaṃ vattati itthattaṃ paññāpanāya yadidam nāmarūpaṃ saha viññaṇena aññamaññapaccayatā pavattati; trong giới hạn có thể sanh, có thể chết, có thể tái sanh; trong giới hạn ấy có con đường danh ngôn, con đường truyền thuyết, con đường khái niệm; trong giới hạn ấy là sự lưu chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác, tức là danh sắc cùng với thức hỗ tương làm duyên cho nhau...

 [19] Nhất kiến hữu thần 一見有神. Pāli: kittāvatā... attānaṃ samanupassamāno samanupassati, cho đến mức nào quan niệm về tự ngã được quan sát?

 [20] Giác thị thần 覺 是 神. Pāli: vedanā me attā, cảm thọ là tự ngã của tôi.

 [21] Để bản: ly 離. TNM: tạp. Pl: aniccasukhadukkhacokiṇṇaṃ, nó là vô thường, xen lẫn. khổ lạc.

 [22] Pl.: na kho me vedanā attā, nopi appaṭisaṃvedano me attā, attā me vediyati, vedanādhammo hi me attā’ ti, “ngã của tôi không phải là thọ; nhưng không phải ngã của tôi không có cảm thọ; ngã của tôi biết cảm thọ; ngã của tốic tinh chất cảm thọ (thọpháp).”

 [23]  Pl.: vedanā ca hi sabbena sabbaṃ sabbathā sabbaṃ aparisesā nirujjheyyuṃ … nu kho tattha ayam aham asmi ti siyā ti? Nếu tất cả thọ hoàn toàn diệt tận vô dư, ở đó có the nói “tôi đang hiện hữu” được chăng?

 [24] Thần thành tịnh 神清淨. Không rõ ý. Có lẽ nên hiểu: “Tôi đang thanh tịnh” hay “Ngã của tôi là thanh tịnh.” Cf. Pl.:  yattha sabbaso vedayitaṃ natthi api nu kho tattha ayam aham asmī ti siyā ti? Nơi nào hoàn toàn không có cái gì được ảm thọ, nơi ấy có thể nói: tôi đang hiện hữu, được chăng?”

 [25] Như Lai chung bất chung.

 [26] Hán:hữu thần thi thiêt nhi thi thiêt 有神施設而施設. Pl. attānaṃ paññapento paññapeti.

 [27] Hán: thiểu sắc thi thần thi thiết 少色是神施設. Pl.: rūpī me paritto attā, tự ngã của tôi là có sắc, có hạn lượng

 [28] Pl.: atathaṃ vā santaṃ  tathattāya upakappessāmi, “nếu không như thế, tôi sẽ cố gắng để như thế.” (Sớ giải: upakappessaāmi= sampādessāmi).

 [29] Thất thức trụ 七 識 住. Pāli: satta viññāṇaṭṭhitiya.

 [30] Nhị xứ 二 處. N.1 (13): nhị nhập xứ. Pāli: dve āyatanāni.

 [31] Hữu sắc “vì có sắc uẩn” (Tập dị 17. No.1536, Đại 26, trang 437c).

 [32] Tập dị 17 ibid.: Phạm chúng thiên vào thời sáng thế.

 [33] Hoảng dục thiên, tức Quang âm thiên hay Cực quang thiên. Pāli:Ābhassarā.

 [34] Vô tưởng thiên và Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ thiên, không được gọi là trụ xứ của thức vì hai nơi này thức không hiện khởi.

 [35] Xem, kinh số 195.

 [36] Nhất đạo 一 道; No.125 (12.1): Nhất nhập đạo. Pāli: ekāyano maggo, con đường độc đạo.

 [37] Giác.

 [38] Quán thân như thân 觀身如身. Pāli: kāye kāyanupassī.

 [39] Thanh tịnh tâm ý giả 清淨心意解: tâm thanh tịnh và ý cở mở. Pāli: so imam eva kāyaṃ parisuddhena cetasā pariyodātena pharitvā, vị ấy làm thấm nhuần thân nay với tâm thuần tịnh, tinh khiết. Xem kinh 81 (Niệm thân).

 [40] Thiện thọ quán tướng 善 受 觀 相. Đây chỉ đối tượng dùng làm đề mục tu quán.

 [41] Bản Hán, hếy quyển 24.

 [42] Nguyên Hán: biến tri dục 知斷欲, biết thấu đáo về dục, đoạn trừ dục. Pāli: kāmānaṃ pariññaṃ. Sớ giải: kāmābaṃ pahānaṃ samatikkamaṃ paññapeti, tức là chủ trương đoạn trừ dục, siêu việt dục

 [43] Giác.

 [44] Bản Cao-li chép nhị 二; các bản khác chép tam 三.

 [45] Các bản chép: nhị (tam) tri nhị (tam) đoạn, dư chữ nhị (tam) thứ hai.

 [46] Dục vị, dục hoạn, dục xuất yếu 欲味欲患欲出要. Pāli: kāmānaṃ assādo, kāmānaṃ ādīnavo, kāmānṃ nissaraṇaṃ, vị ngọt, sự tai hại và thoát ly đối với các dục.

 [47] Ngũ dục công đức 五欲功德., năm yếu tố hay năm phẩm chất của dục.  Pāli: pañca kāmaguṇā.

 [48] Hán: kỹ thuật 伎 (技) 述. Pāli: sippaṭṭhanena, bằng công xảo xứ.

 [49] Các “kỹ thuật” theo bản Hán: tác điền nghiệp, hành trị sanh, minh toán thuật, tri công số, xảo khắc ấn, tác văn chương, tạo thủ bút, hiểu kinh thư, tác dũng tướng, phụng vương sự 田業 行治生 學書 明算術 知工數 巧刻印 作文章 造手筆 曉經書 作勇將 奉事王. Danh sách theo bản Pāli: yadi muddāya yadi gaṇanāya yadi saṅkhānena yadi kasiyā yadi vaṇijjāya yadi gorakkhena yadi issatthena yadi rājaporisena, hoặc bằng ấn toán (hay thuật khắc ấn), bằng ám toán (tính trầm), mục toán (số học), canh nông, thương mãi, mục súc (chăn bò), làm tên (chế tạo vũ khí), và quan chức (phục vụ vua).

 [50] Hiện pháp khổ ấm 現 法 苦 陰. Pāli: sandiṭṭhiko dukkhakhando, khổ uẩn được chứng kiến.

 [51] No.53: “Lúc mặt trời sắp lặn, bóng mát đổ ngược xuống giữa hai ngọn núi lớn”.

 [52] Xem các kinh 12, 180, 191. Pāli: sakkesu viharati kapilavatthusmiṃ nigrodhārāme.

 [53] Thích Ma-ha-nam 釋 摩 訶 男. Pāli: Sakka Mahānāma, con trai của Amitodana, anh em chú bác với Phật, chứ không phải là một trong năm vị đệ tử đầu tiên của Phật.

 [54] Nhiễm, nhuế, si tâm uế 染, 恚, 癡 心 穢. Pāli: lobho, doso, moho citassa upakkileso, tham, sân, si là ô nhiễm của tâm.

 [55] Đoạn này như kinh 99 trên, xem các cht. ở đó.

 [56] Xem kinh 99 trên.

 [57] Xem cht.10, kinh 99.

 [58] Xem cht.11, kinh 99.

 [59] Đắc xả lạc 得 捨 樂.

 [60] Tì-đa-la sơn Tiên nhân Thất diệp ốc 鞞哆羅山仙人七葉屋. Có lẽ là hang Sattapaṇṇiguhā, dưới chân núi Vebhāra, địa điểm này khác với bản Pāli là núi Gijjhakūṭa. cả hai đều ở trong số năm ngọn núi quanh Rājagahā. No.54: Thiết-đề-ban-lãm-cù-hà, có thể coi như dịch âm tương đương với Sattapaṇṇiguhā. Bản Pāli: ... viharāmi gijjhakūṭe pabbate... saṃbahulā nigaṇṭhā isigilipasse kāḷasilāyaṃ, Ta trú trên núi Gijjhakūṭa (Linh thứu); có nhiều người Nigaṇṭha sống trong hang Hắc thạch, sườn núi Tiên nhân.

 [61] Quảng sơn 廣 山, có lẽ là Vepulla, cao nhất trong năm ngọn núi quanh Rājagahā, địa điểm này cũng khác trong bản Pāli: họ ở trong hang Kaḷasilā trên sườn Isigili, No.54: Đọa-phu-lu, có thể coi như dịch âm tương đương Vepulla.

 [62] Tần-tì-sa-la 頻 鞞 娑 羅. Pāli: Bimbisāra, vua nướùc Magadha (Ma-kiệt-đà).

 [63] Pl.(M.i. 94): aniñjamāno kāyena abhāsamāno vācaṃ satta rattidivāni…, thân bất động,không nói lời nào, suốt bảy ngày đêm…

 [64] Tăng thượng tâm 增 上 心. Pāli: adhicittam.

 [65] Pāli (M. i. 120): ajjhattam eva cittaṃ santiṭṭhati sannisīdati ekodhi hoti samādhiyati.

 [66] Ngũ tướng 五 相. Pāli: pañca nimittāni.

 [67] Pāli: yaṃ nimittaṃ manasākaroto, khi tác ý nơi một tướng (nào đó).

 [68] Bất thiện niệm 不善念: bất thiện tầm. Pāli: upapajjanti pāpakā akusalā vitakkā chandūpasamhitāpi..., sanh khởi những ác bất thiện tầm liên hệ đến dục...

 [69] Pāli: tesaṃ vitakkānaṃ ādīnavo uparikkhitabbo: itipime vitakkā akusalā... sāvajjā... dukkhavipākā ti, cần quán sát sự tai hại của các tầm nay: tầm này là bất thiện, là bị chỉ trích, là có kết quả khổ.

 [70] Thông 通, chỉ thắng trí, tức lục thông.

 [71] Dĩ tư hành tiệm giảm kỳ niệm. Pāli: tesam vitakkānaṃ vitakkasaṅkhārasaṇṭhānaṃ manāsikaroto, tác ý đến tư thái và tác động của tầm đối với các tầm ấy.

 [72] Pāli: cetasā cittaṃ abhiniggaṇhaitabbaṃ abhinippīìletabbaṃ abhisantāpetabbaṃ, bằng tâm mà khống chế tâm, trấn áp tâm, khuất phục tâm.

 [73] Tự tại chư niệm tích 自 在 諸 念 跡. Pāli: bhikkhu vasī vitakkapariyāyapathesu, Tỳ-kheo ấy là người tự chủ trên những con đường dẫn đến pháp chiêm nghiệm (tầm pháp môn đạo).

 [74] Niệm 念, hoặc gọi là tầm, tức là chú tâm tìm bắt đối tượng của tư duy. Cũng là một thiền chi, thuộc Sơ thiền, mà bản Hán này thường dịch là: giác 覺. Pāli: vitakka.

 [75] Dục niệm, nhuế niệm, hại niệm 欲恚害念, ba bất thiện tầm. Pāli: tayo akusalavitakkā: kāmavitakko, vyāpādavitakko, vihiṃsavitakko.

 [76] Ba thiện tầm. Pāli: tayo kusalavitakkā.

 [77] Hán: 心便樂中; tâm tiện lạc trung. Pl.(M. i. 115): yaññadeva... bahulam anuvitakketi anuvicāreti tathā tathā nati hoti cetaso, tầm và tứ hướng nhiều về nơi nào thì tâm cũng thiên hướng về nơi đó.

 [78] Để bản chép: thân định hỷ vong 身定喜 亡; TTNM: thân chi hỷ vong 身 之 喜 亡. Có thể nhầm cả; nên sửa lại: thân phạp, hỷ vong 身乏喜亡. Đối chiếu Pāli: aticiraṃ anuvitakkayato... kāyo kilameyya; kāye kilante cittaṃ ūhañuñeyya: suy tầm quá lâu, thân có thể sinh mệt. Khi thân mỏi mệt, tâm loạn động.

 [79] Hướng pháp thứ pháp 向法次法, tức thực hành pháp tùy pháp

 [80] Giác quán, tức là tư và niệm đã nói trên.

 [81] Bản Hán, hết quyển 25.

 [82] Xem chú thích kinh 97 trên. Bản Pāli nói Phật ở tại Sāvatthi.

 [83] Thử trung 此中, tức chỉ trong Chánh pháp của Phật. Pāli: idheva, chỉ ở đây.

 [84] Thử ngoại 此外, tức ngoài Phật pháp. Pāli: parappavāda, ngoại đạo.

 [85] Dị học không vô 異 學 空 無. Pāli: suññā parappavādā, các học thuyết khác trống rỗng, không có...

 [86] Tín giới đức cụ túc 戒德具足. Pāli: atthi sīlesu paripūrakāritā, tin có những sự thành mãn trong các giới đức.

 [87] Ái kính đồng đạo, cung khác phụng sự 愛敬同道恭恪奉事. Pāli: sahadhammikā kho pana piyā manāpā, những người cùng theo một giáo pháp thương yêu nhau, mến mộ nhau.

 [88] Pl. sā nitthā sarāgassa udāhu vītarāgassa, cứu cánh ấy clà cho nguwoif có dục hay cho người ly dục?

 [89] Ái và thọ 愛受, tức ái và thủ trong mười hai chi duyên khởi. Pāli: sa-taṇhā, sa-upādāna.

 [90] Vô tuệ 無慧; Pāli: viddasuno udāhu aviddasuno, cho bậc trí giả hay vô trí giả?

 [91] Thuyết tuệ 說慧, chưa rõ nghĩa.

 [92] Tắng và tránh 憎諍; ghét và gây gỗ; hay ác cảm và hay gây sự. Pāli: anuruddha-paṭiviruddha (thuận tùng và phản đối)?

 [93] Hữu kiến, vô kiến 有見無見. Pāli: bhavadiṭṭhi, vibhavadiṭṭhi, hữu kiến, phi hữu kiến.

 [94] Tắng tránh vô kiến 憎諍無見. Pāli: vibhavadiṭṭhiyā te paṭiviruddhā, chúng phản đối quan điểm phi hữu.

 [95] Bảy khía cạnh của vấn đề, Hán: nhân, tập, diệt, tận, vị, hoạn, xuất yếu 因集滅盡味患 出要. Pāli, chỉ kể sáu: samudaya (tập khởi), atthaṅgama (hoại diệt), assāda (vị ngọt), ādīnava (tai hại), nissaraṇa (sự thoát ly).

 [96] Bốn thọ, tức bốn thủ: dục, giới, kiến và ngã. Pāli: cattāri upādāni, kāmupādānaṃ (dục thủ), diṭṭhupādānaṃ (kiến thủ), sīlabbatupādānaṃ (giới cấm thủ), attavādupādānaṃ (ngã ngữ thủ, ngã luận thủ).

 [97] Ba xứ, đây chỉ ba trường hợp về giới, kiến và ngã. Tức trừ dục thủ.

 [98] Hán: phi chánh phi đệ nhất 非正非第一. Pl,: sammagga, chánh hành. Bản Hán hiểu: samma (chân chánh)+ agga (đỉnh cao, đệ nhất); thay vì, samma+(g)gata (đi, hành).

 [99] Hán: tứ thọ nhân vô minh. Pl.: thủ do duyên ái, ái do duyên thọ,…, hành, vô minh.

 [100] Cư sĩ Thật Y 居士實意. No.1(8): Tán-đà-na 散陀那. No.11: Hòa hiệp和合. Pāli, D. 25: Sandhāna gahapati. 

 [101] Ưu-đàm-bà-la lâm Dị học viên 優曇婆邏林異學園. No.1(8): Ô-tạm-bà-lị-nữ phạm chí lâm. No.11: Ô-đàm-mạt-lê viên: Pāli: Udumbarikāya paribbājakārāmo. một bà hoàng (devī) dựng Paribbajakārāma (Tinh xá dành cho các du sĩ dị học), gần Rājagaha (Vương xá).

 [102] Vô Nhuế 無恚. No.1(8), như No.11: Ni-câu-đà 尼拘陀. Pāli: Nigrodha. Hán đọc là Nikrodha.

 [103] Điểu luận 鳥論. Cũng trong bản Hán này những chỗ khác gọi là Súc sanh luận. Xem kinh 207. Pāli: tiracchānakatha.

 [104] Không tuệ giải thoát 空慧解脫. No 1(8): không xá tuệ空舍慧. Pāli nói: suññāgārahātā samaṇassa gotamassa paññā, “trí tuệ của Sa-môn Cù-đàm bị hủy hoại vì sống nơi hoang vắng” (hoặc hiểu cụ thể hơn: bị hủy hoại như ngôi nhà trống). Đề tài về tu tập nơi rừng vắng để chứng đạt vô thượng thanh tịnh không tánh (parisuḍhā paramānuttarā suññatā) được nói đến trong M.122 và 123 (Xem các kinh số 190 và 191 ở sau). No.11 (...) xử Ứng Chánh đẳng giác không xá, tuệ hà năng chuyển, “ở trong cái nhà trống của Phật, thì tuệ nào mà có thể chuyển?”

 [105] Hành biên chí biên 行邊至邊. Pāli: seyyathāpi nāma  gokāṇā  pariyantacārinī antamantān’ eva sevati, như con bò chột mắt đi loanh quanh ngoài rìa, từ đầu này đến đầu nọ.

 [106] Bất liễu tắng ố hành 不了憎惡行, tức lối tu hành khổ hạnh lấy sự ghê tởm (tăng ố) làm bản chất. Pāli: tapojiguccha.

 [107] Hán: bất lai tôn 不 來 尊. Pāli: na-ehi-bhadantika, “không là Tôn giả được gọi: Mời đến đây!”

 [108] Hán: bất thiện tôn 不 善 尊. Có lẽ tương đương: na-sādhu-bhadantika, “không là Tôn giả được chào đón: Lành thay, tôn giả!”

 [109] Hán: bất trụ tôn 不 住 尊. Pāli: na-tiṭṭha-bhadantika, “không là Tôn giả được mời mọc: Hãy ở lại đây, Tôn giả!”

 [110] Hán: bất hoài nhâm gia thực 不 懷 妊 家 食. Pāli: na gabbhiniyā (paṭiganṇhāti), không (nhận thức ăn) từ người đàn bà mang thai.

 [111] Hán: ác thủy 惡 水. Pāli: thusodaka, nước lên men.

 [112] Pāli: ekāgāriko vā hoti ekālopiko, mỗi nhà chỉ nhận một miếng ăn.

 [113] Hán: thực nhất đắc 食一得. Pāli: ekissāpi dattiyā yāpeti, chỉ sống bằng một vật được cho.

 [114] Hán: thái như 菜茹. Pāli: sāka-bhakkho.

 [115] Hán: bại tử  稗子, loại cỏ giống như lúa. Pāli: sāmāka.

 [116] Hán: đầu-đầu-la  頭頭邏. Pāli: daddula.

 [117] Hán: chí vô sự xứ 至無事處, đến nơi rừng vắng? Không thấy Pāli tương đương. Tham chiếu: vana-mūla-palāhāro yāpeti.

 [118] Hán: liên hiệp y  連合衣. Pāli: masāṇāni, vải gai lẫn các vải khác.

 [119] Hán: đầu- xá y  頭舍衣. Pāli dussa, vải thô chưa nhuộm màu.

 [120] Hán: thảo 草; Tống-Nguyên: quả 菓; Minh: 果. Kinh số 18: ngọa quả 臥果. Pāli: phalaka, (nằm trên) tấm ván. Bản Hán hiểu phala(ka) là trái cây.

 [121] Hán: Học phiền nhiệt hạnh 學 煩 熱 行. Pāli: ātāpanaparitāpanānuyogam anuyutto viharati, sống hành theo sự khổ hạnh ép xác.

 [122] Để bản: thanh khổ 清 苦;TNM: tinh khổ 精 苦. Pāli: tapassī tapassaṃ samādiyati, người tu khổ hạnh thọ trì pháp khổ hạnh.

 [123] Hán: nan vi 難為: không rõ nghĩa; nhưng có thể tương đương Pāli (M. ii. 45): ādhānaggāhī (cố châp) hay duppaṭinissaggī (khó xả).

 [124] Đắc đệ nhất, đắc chân thật 得第一得真實. Pāli: aggappattā, sārappattā, đạt đến đỉnh cao, đạt đến lõi (tinh túy).

 [125] Hành tứ hành 行四行. Pāli: cātuyāmasaṃvarasaṃtto, được phòng hộ bằng bốn cấm giới luật nghi.

 [126] Hán: lạc nhi bất tiến 樂而不進. Pl.: so abhirahati no hīnāyāvattati, vị ấy tiến tới chứ không hướng xuống thấp. Bản Hán đọc là abhirati no (?).

 [127] Pl.: ye no dhammā kusalā kusalasaṇkhātā sācariyakānaṃ, những pháp gì là thiện, được thừa nhận là thiiện của các Tôn sư của chúng ta.

 [128] Đắc cụ túc giới 得 具 足 戒. Pāli: sampannasīla, giới được thành tựu.

 [129] Thành tựu quán hạnh. Pāli: vipassanāya samannāgato.

 [130] Không tĩnh xứ 空 靜 處. Pāli: suññāgāra, chỗ trống không, trống trải.

 [131] Địa tức thị thần, địa thị thần sở, thần thị địa sở 地即是神, 地是神所, 神是地所. Đối chiếu Pāli:(...) pathiviṃ pathivito saññatvā pathivṃ maññati pathivito... pathiviyā... pathivito... maññati... pathiviṃ meti maññati pathiviṃ abhinandati, sau khi từ đất mà có ấn tượng về đất, người ấy tư duy đất (đối tượng), tư duy trên đất (sở y), tư duy từ đất (xuất xứ),... người đó tư duy đất là của tôi, người ấy hoan hỷ đất.

 [132] Sanh chủ 生主. Pāli: Pajāpati, chúa tể (hay tổ phụ) của muôn loài.

 [133] Vô phiền, Vô nhiệt. Hai trong năm Tịnh cư thiên. Bản Pāli không đề cập. Có tất cả tám đối tương, xem kinh 78 (Phạm thiên thỉnh): bốn, đại, quỷ thần, chư thiên, Sanh chủ và Phạm thiên.

 [134] Tịnh 淨. Đây chỉ năm Tịnh cư thiên. Bản Pāli không đề cập.

 [135] Bản Hán, hết quyển 26.

Phẩm 16: Tâm

PHẨM 16: TÂM

TỤNG NGÀY THỨ TƯ

Phân biệt tụng

心浮受法二  

行禪說獵師

五枝財物主  

瞿曇彌多界

Kệ tóm tắt:

Tâm, Phù, hai Pháp thọ,

Hành thiền, Thuyết, Lạp sư,

Ngũ chi tài vật chủ,

Cù-đàm-di, Đa giới.

172. KINH TÂM

 [709a13] Tôi nghe như vầy.

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ, có một Tỳ-kheo sống cô độc tại một nơi an tĩnh, thiền tọa tư duy, tâm khởi ý niệm: “Cái gì dẫn thế gian đi? Bởi cái gì bị nhiễm trước? Cái gì sanh khởi mà tự tại?” [1]

Khi ấy, vào lúc xế chiều, Tỳ-kheo ấy từ thiền tọa dậy, đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ chân Phật rồi ngồi xuống một bên, bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, hôm nay con một mình ở một nơi yên tĩnh, thiền tọa tư duy, tâm khởi ý niệm ‘Cái gì dẫn thế gian đi? Bởi cái gì bị nhiễm trước? Cái gì sanh khởi mà tự tại?’ ”

Đức Thế Tôn nghe xong, khen ngợi:

“Lành thay, lành thay, Tỳ-kheo, là con đường hiền thiện lại được quán sát hiền thiện, là biện tài tinh diệu với tư duy khéo léo [2] rằng ‘Cái gì dẫn thế gian đi? Bởi cái gì bị nhiễm trước? Cái gì sanh khởi mà tự tại?’ Này Tỳ-kheo, câu hỏi của ngươi là như vậy chăng?”

Thầy Tỳ-kheo ấy đáp:

“Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”

Đức Thế Tôn nói:

“Này Tỳ-kheo, tâm dẫn thế gian đi, tâm làm nhiễm trước, tâm sanh khởi tự tại [3]. Này Tỳ-kheo, chính nó dẫn thế gian đi, chính nó làm nhiễm trước và cũng chính nó khởi tự tại. Này Tỳ-kheo, đa văn Thánh đệ tử không để tâm dẫn đi, không để tâm nhiễm trước, không để tâm tự tại. Này Tỳ-kheo, đa văn Thánh đệ tử không vâng theo sự tự tại của tâm, mà tâm tùy theo tự tại của đa văn Thánh đệ tử.”

Tỳ-kheo bạch rằng:

“Lành thay! Lành thay! Kính vâng, Bạch Thế Tôn!”

Tỳ-kheo ấy sau khi nghe Phật thuyết giảng, hoan hỷ phụng hành rồi lại hỏi tiếp:

“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo đa văn; được nói là Tỳ-kheo đa văn. [709b] Bạch Thế Tôn, thế nào gọi là Tỳ-kheo đa văn? Thế nào để được tuyên bố là Tỳ-kheo đa văn?”

Đức Thế Tôn nghe xong, khen ngợi:

“Lành thay, lành thay, Tỳ-kheo, là con đuờng hiền thiện lại được quán sát hiền thiện, là biện tài tinh diệu với tư duy khéo léo rằng ‘Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo đa văn; được nói là Tỳ-kheo đa văn, bạch Thế Tôn, thế nào gọi là Tỳ-kheo đa văn? Thế nào để được tuyên bố là Tỳ-kheo đa văn?’ Này Tỳ-kheo, câu hỏi của ngươi là như vậy chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”

 Đức Thế Tôn nói:

“Này Tỳ-kheo, những gì được Ta thuyết giảng rất nhiều, là chánh kinh, ca vịnh, ký thuyết, kệ-tha, nhân duyên, soạn lục, bản khởi, thử thuyết, sanh xứ, quảng giải, vị tằng hữu pháp và thuyết nghĩa. Này Tỳ-kheo, nếu có thiện nam tử chỉ nghe Ta nói bốn câu kệ mà biết nghĩa, biết pháp, thực hành pháp tùy pháp, thuận theo phạm hạnh, thì này Tỳ-kheo, nói Tỳ-kheo đa văn là chỉ nói như vậy chứ không hơn nữa. Này Tỳ-kheo, như vậy là Tỳ-kheo đa văn. Như Lai tuyên bố như vậy là Tỳ-kheo đa văn.”

Tỳ-kheo bạch rằng:

“Lành thay! Lành thay! Kính vâng, Bạch Thế Tôn!”

Tỳ-kheo ấy sau khi nghe Phật thuyết giảng, hoan hỷ phụng hành rồi lại hỏi tiếp:

“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo đa văn có trí tuệ minh đạt [4], nói là Tỳ-kheo đa văn có trí tuệ minh đạt. Bạch Thế Tôn, thế nào Tỳ-kheo đa văn có trí tuệ minh đạt? Thế nào để được tuyên bố là Tỳ-kheo đa văn có trí tuệ minh đạt?”

Đức Thế Tôn nghe xong khen ngợi:

“Lành thay, lành thay, Tỳ-kheo, là con đuờng hiền thiện lại được quán sát hiền thiện, là biện tài tinh diệu với tư duy khéo léo rằng ‘Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo đa văn có trí tuệ minh đạt, nói là Tỳ-kheo đa văn có trí tuệ minh đạt. Bạch Thế Tôn, thế nào Tỳ-kheo đa văn có trí tuệ minh đạt? Thế nào để được tuyên bố là Tỳ-kheo đa văn có trí tuệ minh đạt?’ Này Tỳ-kheo, câu hỏi của ngươi là như vậy chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”

Đức Thế Tôn nói:

“Này Tỳ-kheo, Tỳ-kheo nghe rằng ‘Đây là Khổ’, tức thì với trí tuệ mà chân chánh thấy khổ như thật; nghe Khổ tập, Khổ diệt, Khổ diệt đạo, tức thì với trí tuệ mà chân chánh thấy Khổ diệt đạo như thật. Này Tỳ-kheo, như vậy là đa văn Tỳ-kheo có trí tuệ minh đạt. Như Lai tuyên bố như vậy là đa văn Tỳ-kheo có trí tuệ minh đạt.”

Tỳ-kheo bạch rằng:                  

“Lành thay! Lành thay! Kính vâng, Bạch Thế Tôn!”

Tỳ-kheo ấy sau khi nghe Phật thuyết giảng, hoan hỷ phụng hành rồi lại hỏi tiếp:

“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo thông minh có hiệt tuệ, quảng tuệ, [5] nói là Tỳ-kheo thông minh có hiệt tuệ, quảng tuệ. Bạch Thế Tôn, thế nào là Tỳ-kheo thông minh có hiệt tuệ, quảng tuệ? Thế nào để được tuyên bố là Tỳ-kheo thông minh có hiệt tuệ, [709c] quảng tuệ?”

Đức Thế Tôn nghe xong, khen ngợi:

“Lành thay, lành thay, Tỳ-kheo, là con đuờng hiền thiện lại được quán sát hiền thiện, là biện tài tinh diệu với tư duy khéo léo rằng ‘Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo thông minh có hiệt tuệ, quảng tuệ, nói là Tỳ-kheo thông minh có hiệt tuệ, quảng tuệ. Bạch Thế Tôn, thế nào là Tỳ-kheo thông minh có hiệt tuệ, quảng tuệ? Thế nào để được tuyên bố là Tỳ-kheo thông minh có hiệt tuệ, quảng tuệ?’ Này Tỳ-kheo, câu hỏi của ngươi là như vậy chăng?”          

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”

Đức Thế Tôn nói:

“Nếu Tỳ-kheo không có tâm niệm gây tự hại, không có tâm niệm gây hại người, cũng không có tâm niệm gây hại cả hai. Tỳ-kheo chỉ có tâm niệm làm lợi ích cho tự thân và lợi ích cho người, lợi ích cho mọi người, thương xót thế gian, mong muốn cho trời, người được lợi ích và phước lành, được an ổn khoái lạc. Này Tỳ-kheo, như vậy là Tỳ-kheo thông minh có hiệt tuệ, quảng tuệ, Như Lai tuyên bố như vậy là Tỳ-kheo thông minh có hiệt tuệ, quảng tuệ.”

Tỳ-kheo bạch rằng:                  

“Lành thay! Lành thay! Kính vâng, Bạch Thế Tôn!”     

Khi ấy, Tỳ-kheo ấy sau khi nghe Phật thuyết giảng, khéo thọ lãnh, khéo ghi nhớ, khéo tụng tập, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu đảnh lễ chân Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi lui ra.

Lúc bấy giờ Tỳ-kheo ấy lãnh thọ lời dạy của Đức Thế Tôn, sống cô độc nơi yên tĩnh xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh cần. Tỳ-kheo ấy khi sống cô độc ở nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh cần để đạt đến mục đích mà một thiện nam tử cạo bỏ râu tóc, khoác áo cà-sa, chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình học đạo, là duy chỉ mong thành tựu phạm hạnh vô thượng, ngay trong đời hiện tại này tự tri, tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ, biết như thật ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa.’ Vị Tôn giả ấy đã biết pháp rồi, liền chứng quả A-la-hán.

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo ấy sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

173. KINH PHÙ-DI

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại thành Vương xá, ở trong rừng Trúc lâm, vườn Ca-lan-đa.

Bấy giờ, Tôn giả Phù-di [6] cũng ở tại thành Vương xá, [710a] trong thiền thất Vô sự [7].

Lúc bấy giờ, khi đêm đã qua, vào lúc sáng sớm, Tôn giả Phù-di khoác y, ôm bát vào thành Vương xá để khất thực. Tôn giả Phù-di suy nghĩ rằng: “Hãy khoan vào thành Vương xá khất thực. Ta nên đến nhà Vương tử Kỳ-bà-tiên-na Đồng tử [8].”

Rồi thì Tôn giả Phù-di đi đến nhà Vương tử Kỳ-bà-tiên-na Đồng tử. Vương tử Kỳ-bà-tiên-na Đồng tử xa trông thấy Tôn giả Phù-di đến, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo, chắp tay hướng về Tôn giả Phù-di nói như vầy:

“Kính chào Tôn giả Phù-di. Tôn giả Phù-di lâu không đến đây. Xin mời ngồi trên giường này.”

Tôn giả Phù-di ngồi xuống, Vương tử Kỳ-bà-tiên-na Đồng tử cúi đầu đảnh lễ sát chân Tôn giả Phù-di rồi ngồi sang một bên, thưa rằng:

“Thưa Tôn giả Phù-di, tôi có điều muốn hỏi, mong ngài nghe cho.”

“Tôn giả Phù-di đáp:

“Vương đồng tử, muốn hỏi điều gì cứ hỏi, tôi nghe rồi sẽ suy nghĩ.”

Vương đồng tử liền hỏi:

“Thưa Tôn giả Phù-di, có Sa-môn Bà-la-môn đi đến chỗ tôi và nói với tôi rằng, ‘Này Vương đồng tử, người nào có ước nguyện tu hành phạm hạnh một cách chân chánh, người ấy tất sẽ chứng quả. Nếu người nào không có ước nguyện, hoặc vừa có uớc nguyện, vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh, người ấy tất sẽ chứng quả.’ Tôn sư của Tôn giả Phù-di có ý gì, có thuyết gì chăng [9]?”

Tôn giả Phù-di nói:

“Này Vương đồng tử, tôi chưa được đích thân nghe Đức Thế Tôn nói, cũng chưa được nghe các vị đồng phạm hạnh nói lại, nhưng này Vương đồng tử, có thể Đức Thế Tôn đã nói như vầy, ‘Người nào có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh, người ấy tất sẽ chứng quả. Nếu người nào không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, nhưng tu hành phạm hạnh một cách chân chánh, người ấy tất sẽ chứng quả [10].”

Vương đồng tử thưa rằng:

“Nếu Tôn sư của Tôn giả Phù-di có ý như vậy, thuyết như vậy, thì ở giữa chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, từ người đến trời trên thế gian này, Ngài quả là Bậc Tối Thượng. Thưa Tôn giả Phù-di, xin mời ngài thọ trai tại đây luôn.”

Tôn giả Phù-di im lặng nhận lời. Sau khi biết Tôn giả Phù-di đã im lặng nhận lời rồi, Vương đồng tử liền từ chỗ ngồi đứng dậy, tự tay múc nước rửa, tự tay bưng hầu các món ngon sạch, mỹ diệu với đủ thức mềm, thức cứng, tự tay châm chước, khiến Tôn giả thọ dùng no đủ.

Khi Tôn giả ăn xong, Vương đồng tử thu dọn chén bát, múc nước rửa, rồi lấy một cái giường nhỏ ngồi riêng một bên để nghe pháp. Tôn giả Phù-di thuyết pháp cho Vương đồng tử nghe, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi bằng vô lượng phương tiện thuyết pháp cho Vương tử nghe, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ rồi, Tôn giả liền từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.

 [710b]Tôn giả đi đến chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật rồi ngồi sang một bên, đem những điều đã bàn luận với Vương đồng tử thuật lại hết với Đức Phật.        

Đức Thế Tôn nghe xong, nói rằng:

“Này Phù-di, sao ngươi không đem bốn ví dụ nói cho Vương đồng tử rõ?”

Tôn giả Phù-di hỏi:

“Bạch Thế Tôn, bốn ví dụ ấy là những gì?”

Đức Thế Tôn nói:

“Này Phù-di, nếu có Sa-môn, Bà-la-môn tà kiến, tà kiến cố định [11], người ấy có ước nguyện nhưng tu hành phạm hạnh một cách tà vạy, nên chắc chắn không thể chứng quả. Không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện, vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách tà vạy, chắc chắn không thể chứng quả. Vì sao vậy? Vì tìm cầu quả vị một cách tà vạy, là không đúng đường lối [12].

“Này Phù-di, ví như có người muốn lấy sữa mà lại vắt nơi sừng con bò thì chắc chắn không lấy được sữa. Dù không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, nếu người ấy muốn lấy sữa mà lại vắt nơi sừng con bò thì chắc chắn không lấy được sữa. Vì sao vậy? Vì tìm cầu sữa một cách tà vạy, tức là vắt nơi sừng con bò vậy. Cũng vậy, này Phù-di, nếu có Sa-môn, Bà-la-môn tà kiến, tà kiến cố định, người ấy có ước nguyện nhưng tu hành phạm hạnh một cách tà vạy nên chắc chắn không thể chứng quả. Không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện, hoặc vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách tà vạy thì chắc chắn không thể chứng quả. Vì sao vậy? Vì tìm cầu quả vị một cách tà vạy, là không đúng đường lối.

“Này Phù-di, nếu có Sa-môn, Bà-la-môn chánh kiến, chánh kiến kiên định, người ấy có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh nên tất sẽ chứng quả. Không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện, vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh, thì tất sẽ chứng quả. Vì sao vậy? Vì tìm cầu quả vị một cách chân chánh, là đúng đường lối.

Này Phù-di, ví như có người muốn lấy sữa, cho bò ăn uống no nê rồi vắt sữa nơi vú nó thì chắc chắn lấy được sữa. Dù không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện, vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, nếu người ấy muốn lấy sữa, cho bò ăn no nê rồi vắt nơi vú nó, thì chắc chắn lấy được sữa. Vì sao vậy? Vì tìm cầu sữa một cách chân chánh, là vắt nơi vú con bò. Cũng vậy, này Phù-di, nếu có Sa-môn, Bà-la-môn chánh kiến, chánh kiến kiên định, người ấy có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh, chắc chắn sẽ chứng quả. Nếu không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh thì chắc chắn sẽ chứng quả. Vì sao vậy? Vì tìm cầu quả vị một cách chân chánh, là đúng đường lối.

“Này Phù-di, nếu có Sa-môn, Bà-la-môn tà kiến, tà kiến kiên định, người ấy có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách tà vạy nên chắc chắn không thể chứng quả. Không có ước nguyện hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách tà vạy thì chắc chắn không thể chứng quả. Vì sao vậy? Vì tìm cầu quả vị một cách tà vạy, là không đúng [710c] đường lối.

“Này Phù-di, ví như có người muốn có tô, bèn lấy một bình đựng đầy nước lã rồi khuấy đều lên, chắc chắn không thể có tô. Dù không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, cũng chẳng phải không có ước nguyện. Người ấy muốn có tô, mà lấy một bình đựng đầy nước lã rồi khuấy đều lên, thì chắc chắn không thể có tô. Vì sao vậy? Vì tìm cầu tô một cách tà vạy, là khuấy nước lã. Cũng vậy, này Phù-di, nếu có Sa-môn, Bà-la-môn tà kiến, người ấy có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách tà vạy, chắc chắn không thể chứng quả. Nếu không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách tà vạy thì chắc chắn không thể chứng quả. Vì sao vậy? Vì tìm cầu quả vị một cách tà vạy, là không đúng đường lối.

“Này Phù-di, nếu có Sa-môn, Bà-la-môn chánh kiến, chánh kiến kiên định, người ấy có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh nên chắc chắn sẽ chứng quả. Hoặc không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh thì chắc chắn sẽ chứng quả. Vì sao vậy? Vì tìm cầu quả vị một cách chân chánh, là đúng đường lối.

“Này Phù-di, ví như có người muốn có tô, lấy một bình đựng đầy lạc rồi khuấy đều lên thì chắc chắn được tô. Dù không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, người ấy muốn có tô, lấy một bình đựng đầy lạc rồi khuấy đều lên thì chắc chắn có được tô. Vì sao vậy? Vì tìm cầu tô một cách chân chánh, là khuấy lạc. Cũng vậy, này Phù-di, nếu có Sa-môn, Bà-la-môn chánh kiến, chánh kiến kiên định, người ấy có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh nên chắc chắn sẽ chứng quả. Hoặc không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh thì chắc chắn sẽ chứng quả. Vì sao vậy? Vì tìm cầu quả vị một cách chân chánh, là đúng đường lối.

“Này Phù-di, nếu có Sa-môn, Bà-la-môn tà kiến, tà kiến kiên định, người ấy có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách tà vạy nên chắc chắn không thể chứng quả. Hoặc không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách tà vạy, thì chắc chắn không thể chứng quả. Vì sao vậy? Vì tìm cầu quả vị một cách tà vạy, là không đúng đường lối.

“Này Phù-di, ví như có người muốn có dầu, đổ đầy cát vào đồ ép, rưới nước lạnh cho rỉ thấm qua, rồi ép xuống, nên chắc chắn không có được dầu. Dù không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, nếu người ấy muốn có dầu mà đổ đầy cát vào đồ ép, rưới nước lạnh cho rỉ thấm qua, rồi ép xuống, thì chắc chắn không có được dầu. Vì sao vậy? Vì tìm cầu dầu một cách tà vạy, là ép cát. Cũng vậy, này Phù-di, nếu có Sa-môn, Bà-la-môn tà kiến, tà kiến kiên định, người ấy có ước nguyện, nhưng tu hành phạm hạnh một cách tà vạy nên chắc chắn không thể [711a] chứng đắc quả. Hoặc không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện mà tu hành phạm hạnh một cách tà vạy thì chắc chắn không thể chứng quả. Vì sao vậy? Vì tìm cầu quả vị một cách tà vạy, là không đúng đường lối.

“Này Phù-di, nếu có Sa-môn, Bà-la-môn chánh kiến, chánh kiến kiên định, người ấy có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh, nên chắc chắn sẽ chứng quả. Hoặc không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh, thì chắc chắn sẽ chứng quả. Vì sao vậy? Vì tìm cầu quả vị một cách chân chánh, là đúng đường lối.

“Này Phù-di, ví như có người muốn có dầu, đổ đầy hạt mè vào đồ ép, rưới nước sôi cho rỉ thấm qua, rồi ép xuống nên chắc chắn có được dầu. Dù không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, nếu người ấy muốn có dầu, đổ đầy hạt mè vào đồ ép, rưới nước sôi cho rỉ thấm qua, rồi ép xuống thì chắc chắn có được dầu. Vì sao vậy? Vì tìm cầu dầu một cách chân chánh, là ép hạt mè. Cũng vậy, này Phù-di, nếu có Sa-môn, Bà-la-môn chánh kiến, kiên định chánh kiến, người ấy có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh nên chắc chắn sẽ chứng quả. Hoặc không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh thì chắc chắn sẽ chứng quả. Vì sao vậy? Vì tìm cầu quả vị một cách chân chánh, là đúng đường lối.                    

“Này Phù-di, nếu có Sa-môn, Bà-la-môn tà kiến, tà kiến kiên định, người ấy có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách tà vạy nên chắc chắn không thể chứng đắc quả. Hoặc không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách tà vạy thì chắc chắn không thể chứng quả. Vì sao vậy? Vì tìm cầu quả vị một cách tà vạy, là không đúng đường lối.

“Này Phù-di, ví như có người muốn có lửa, bèn lấy củi ướt làm mồi lửa, dùng dùi ướt mà dùi nên chắc chắn không có được lửa. Dù không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, nếu người ấy muốn có lửa mà lấy củi ướt làm mồi lửa, dùng dùi ướt mà dùi thì chắn chắn không có được lửa. Vì sao vậy? Vì tìm cầu lửa một cách tà vạy, là dùi củi ướt. Cũng vậy, này Phù-di, nếu có Sa-môn, Bà-la-môn tà kiến, tà kiến kiên định, người ấy có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách tà vạy nên chắc chắn không thể chứng quả. Hoặc không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách tà vạy, thì chắc chắn không được chứng quả. Vì sao vậy? Vì tìm cầu quả vị một cách tà vạy, là không đúng đường lối.

“Này Phù-di, nếu có Sa-môn, Bà-la-môn chánh kiến, chánh kiến kiên định, người ấy có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh, nên chắc chắn sẽ chứng quả. Hoặc không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh thì chắc chắn sẽ chứng quả. Vì sao vậy? Vì tìm cầu quả vị [711b] một cách chân chánh, là đúng đường lối.

“Này Phù-di, ví như có người muốn có lửa bèn lấy củi khô làm mồi lửa, dùng dùi khô mà dùi nên chắc chắn có được lửa. Dù không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, người ấy muốn có lửa, lấy củi khô làm mồi lửa, dùng dùi khô mà dùi thì chắc chắn có được lửa. Vì sao vậy? Vì tìm cầu lửa một cách chân chánh, là dùi củi khô. Cũng vậy, này Phù-di, nếu có Sa-môn, Bà-la-môn chánh kiến, người ấy có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh nên chắc chắn sẽ chứng quả. Nếu không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh thì chắc chắn sẽ chứng quả. Vì sao vậy? Vì tìm cầu quả vị một cách chân chánh, là đúng đường lối.

“Này Phù-di, nếu ngươi nói cho Vương đồng tử nghe bốn ví dụ này, Vương đồng tử nghe xong chắc chắn sẽ rất hoan hỷ, cúng dường ngươi suốt đời, như áo, chăn, uống ăn, ngọa cụ, thuốc thang và đủ các thứ nhu dụng khác cho đời sống.”

Tôn giả Phù-di thưa:

“Bạch Thế Tôn, trước đây con chưa từng được nghe bốn ví dụ này, thì lấy đâu để nói lại. Duy chỉ hôm nay mới được nghe Thế Tôn nói mà thôi.”

Phật thuyết giảng như vậy. Tôn giả Phù-di và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

174. KINH THỌ PHÁP (I)

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở nước Xá-vệ, trong rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Thế gian thật sự có bốn loại thọ pháp [13]. Những gì là bốn? Hoặc có thọ pháp hiện tại lạc, tương lai thọ quả báo khổ. Hoặc có thọ pháp hiện tại khổ, tương lai thọ quả báo lạc. Hoặc có thọ pháp hiện tại khổ, tương lai thọ quả báo khổ. Hoặc có thọ pháp hiện tại lạc, tương lai thọ quả báo lạc.

“Thế nào là thọ pháp hiện tại lạc, mà tương lai thọ quả báo khổ? [14]

“Hoặc có Sa-môn, Bà-la-môn, Bà-la-môn ham thích vui đùa chung với người con gái trang điểm [15] mà chủ trương rằng ‘Sa-môn, Bà-la-môn này thấy nơi dục có những sợ hãi và những tai họa gì trong tương lai mà phải đoạn trừ dục và bày ra phương pháp đoạn dục? Sung sướng thay xúc chạm nơi thân thể người nữ trang điểm này!’ Người ấy với người nữ này cùng nhau vui đùa, du hí ở trong đó. Người ấy thọ pháp lạc đó đã thành tựu đầy đủ rồi, khi thân hoại mạng chung thẳng [711c] đến chỗ ác, sanh trong địa ngục, khi ấy mới dấy lên ý nghĩ như vầy, ‘Sa-môn, Bà-la-môn kia thấy nơi dục có những sợ hãi và những tai họa này trong tương lai cho nên đoạn dục và bày ra phương pháp đoạn dục. Chúng ta nhân bởi dục, do tranh với dục [16], duyên do dục cho nên lãnh sự khổ cùng cực như vậy, sự khổ trọng đại như vậy.’            

“Cũng như vào tháng cuối mùa Xuân [17], giữa trưa rất nóng, hạt dây leo bị nắng đốt nứt ra [18], rơi xuống gốc cây sa-la. Bấy giờ Thần cây sa-la nhân đó sanh ra sợ sệt. Khi ấy, chung quanh có các Thần Cây loại hạt giống, trăm thứ cây lúa, cây thuốc, các Thần Cây bà con, bằng hữu, thấy nơi hạt giống có sự sợ hãi trong tương lai, có đủ tai họa như vậy, liền đi đến chỗ Thần cây mà an ủi rằng, ‘Thần Cây chớ sợ, Thần Cây chớ sợ! Hạt giống này đây, hoặc là nai sẽ ăn, hoặc khổng tước sẽ ăn, hoặc gió thổi đi, hoặc lửa xóm đốt, hoặc lửa đồng thiêu, hoặc hư, hoặc chẳng thành hạt giống. Như vậy, này Thần Cây, ông được an ổn.’ Nếu hạt giống này không bị nai ăn, khổng tước ăn, gió thổi đi, lửa thôn thiêu, cũng như không bị lửa đồng thiêu, cũng không hư hoại, chẳng thành hạt giống; hạt giống này chẳng khuyết, chẳng sâu, không bị vỡ nứt, không bị mưa, gió, nắng làm tổn thương; gặp mưa lớn rưới ướt, nó liền nẩy sanh nhanh chóng. Thần Cây kia liền suy nghĩ như vầy, ‘Vì những cớ gì các Thần Cây xung quanh, các Thần Cây loại hạt giống, trăm thứ cây lúa, cây thuốc, các Thần cây bà con, bằng hữu, thấy nơi hạt giống tương lai có sự sợ hãi gì, tai họa gì mà sang an ủi ta, nói rằng, ‘Thần Cây chớ sợ, Thần Cây chớ sợ! Hạt giống này đây, hoặc là nai ăn, hoặc khổng tước ăn, hoặc gió thổi đi, hoặc lửa xóm đốt, hoặc lửa đồng thiêu, hoặc hư, hoặc chẳng thành hạt giống. Như vậy, này Thần Cây, ông được an ổn’?’ Nhưng hạt giống này không bị nai ăn, không bị khổng tước ăn, không bị gió thổi đi, không bị lửa thôn thiêu, không bị lửa đồng thiêu, cũng không bị hư hoại, không thành hạt giống, hạt giống này chẳng khuyết, chẳng lủng, không bị vỡ nứt, chẳng bị mưa, gió, nắng làm tổn thương, gặp mưa lớn tưới ướt nó liền nẩy mầm nhanh chóng, thành thân cây, cành lá mềm mại, thành đốt, sờ đến thích thú. Thân, cành, lá mềm mại thành đốt này sờ đến thích thú, xúc chạm vui sướng.

“Rồi cái này duyên vào cây mà thành cành lá to lớn, quấn lấy thân cây ấy, che phủ ở trên. Sau khi bị che phủ ở trên rồi, vị Thần Cây kia bấy giờ mới suy nghĩ như vầy, ‘Các Thần Cây xung quanh kia, Thần Cây loại hạt giống, trăm thứ cây lúa, [712a] cây thuốc, các Thần Cây bà con, bằng hữu, thấy nơi hạt giống tương lai có sự sợ hãi gì, tai họa gì mà sang an ủi ta, nói rằng, ‘Thần Cây chớ sợ, Thần Cây chớ sợ! Hạt giống này đây, hoặc là nai ăn, hoặc khổng tước ăn, hoặc gió thổi đi, hoặc lửa xóm đốt, hoặc lửa đồng thiêu, hoặc hư, hoặc chẳng thành hạt giống. Như vậy, này Thần Cây, ông được an ổn.’ Nhưng hạt giống này không bị nai ăn, không bị khổng tước ăn, không bị gió thổi đi, không bị thiêu bởi lửa xóm, không bị thiêu bởi lửa đồng, không bị hư hại chẳng thành hạt giống; hạt giống này chẳng khuyết, chẳng lủng, cũng chẳng bị vỡ nứt, không bị mưa gió nắng làm thương tổn, gặp mưa lớn rưới nước nó liền nẩy sanh mầm nhanh chóng. Nhân vì hạt giống, duyên vì hạt giống mà ta chịu sự khổ cùng cực này, sự khổ trọng đại này.’

“Cũng vậy, hoặc có Sa-môn, Bà-la-môn, Bà-la-môn ham thích vui đùa chung với người con gái trang điểm mà chủ trương rằng ‘Sa-môn, Bà-la-môn này thấy nơi có những sợ hãi và những tai họa gì trong tương lai mà phải đoạn trừ dục và bày ra phương pháp đoạn dục? Sung sướng thay xúc chạm nơi thân thể người nữ trang điểm này!’ Người ấy với người nữ này cùng nhau vui đùa, du hí ở trong đó. Người ấy thọ pháp lạc đó đã thành tựu đầy đủ rồi, khi thân hoại mạng chung thẳng đến chỗ ác, sanh trong địa ngục, khi ấy mới dấy lên ý nghĩ như vầy, ‘Sa-môn, Bà-la-môn kia thấy nơi dục những sợ hãi và những tai họa này trong tương lai cho nên đoạn dục và bày ra phương pháp đoạn dục. Chúng ta nhân bởi dục, do tranh với dục, duyên do dục cho nên lãnh sự khổ cùng cực như vậy, sự khổ trọng đại như vậy.’

“Đó gọi là pháp thọ hiện tại lạc mà tương lai chịu quả báo khổ.

“Sao gọi là pháp thọ hiện tại khổ mà tương lai tho quả báo lạc? [19]

“Hoặc có người mà bản tánh nặng đắm dục, [20] nặng đắm nhuế, nặng đắm si, thường tùy tâm dục mà thọ khổ, ưu sầu; tùy tâm giận dữ, tâm si mê mà thọ khổ, ưu sầu. Người ấy vì khổ, vì ưu sầu mà trọn suốt cuộc sống tu hành phạm hạnh, cho đến khóc lóc rơi lệ. Người kia thọ lãnh pháp này, đã thành tựu đầy đủ, thân hoại mạng chung tất sanh lên chỗ lành, sanh trên các cõi trời.

“Đó là thọ pháp hiện tại khổ mà tương lai thọ quả báo lạc.

“Sao gọi là thọ pháp hiện tại khổ mà tương lai thọ quả báo khổ? [21]

“Hoặc có Sa-môn, Bà-la-môn lõa hình, [22] không y phục, hoặc dùng tay làm y phục, hoặc lấy lá làm y phục, hoặc lấy hạt châu làm y phục; hoặc không múc nước bằng bình, hoặc không múc nước bằng gáo; không ăn đồ ăn xốc xỉa bằng dao gậy, không ăn đồ ăn lừa dối, không tự mình đến, không sai người đi, không làm khách được mời, không làm khách được chào đón, [712b] không là khách được lưu, không ăn từ giữa hai người đang ăn, không ăn tại nhà có thai, không ăn từ nhà có nuôi chó, không ăn từ nhà có lằng xanh bay đến; không ăn cá, không ăn thịt, không uống rượu, không uống nước dấm, hoặc không uống gì cả, học tập hạnh không uống; hoặc ăn một miếng, cho một miếng là đủ, hoặc ăn hai, ba, bốn, cho đến bảy miếng, và cho bảy miếng là đủ, hoặc ăn bởi một lần nhận được, và cho đến một lần nhận được là đủ, hoặc ăn bởi hai, ba bốn cho đến bảy lần nhận được và cho bảy lần nhận được là đủ, hoặc ăn ngày một lần và cho một lần là đủ, hoặc hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy ngày, nữa tháng, hay một tháng, ăn một lần và cho một lần là đủ; hoặc ăn cỏ, hoặc ăn lúa cỏ, hoặc ăn nếp tuế, hoặc ăn cám, hoặc ăn gạo đầu-đầu-la, hoặc ăn đồ ăn thô; hoặc đến chỗ vô sự, y nơi vô sự; hoặc ăn rễ, hoặc ăn trái, hoặc ăn quả tự rụng; hoặc mặc áo khâu đủ thứ vải, hoặc mặc áo lông, hoặc mặc áo vải đầu-xá [23], hoặc mặc áo vải đầu-xá bằng lông, hoặc mặc bằng da nguyên, hoặc mặc da có xoi lỗ, hoặc mặc da toàn xoi lỗ; hoặc để tóc xõa, hoặc để tóc bệân, hoặc để tóc vừa xỏa vừa bện, hoặc chỉ cạo tóc, hoặc chỉ cạo râu, hoặc cạo cả râu tóc, hoặc nhổ tóc, hoặc nhổ râu, hoặc nhổ cả râu tóc, hoặc chỉ đứng thẳng không hề ngồi, hoặc đi chồm hổm, hoặc nằm gai, lấy gai làm giường; hoặc nằm cỏ, lấy cỏ làm giường; hoặc thờ nước, ngày đêm lấy tay vọc; hoặc thờ lửa, ngày đêm đốt lên; hoặc thờ mặt trời, mặt trăng, thờ đấng Tôn hựu Đại đức, chắp tay hướng về kia. Những sự như vậy thọ khổ vô lượng, học hạnh nóng bức [24]. Vị ấy thọ pháp này khi đã thành tựu đầy đủ rồi, thân hoại mạng chung tất sanh tới chỗ ác, sanh trong địa ngục.

“Đó là thọ pháp hiện tại khổ, tương lai thọ quả báo khổ vậy.

 “Sao gọi là thọ pháp hiện tại lạc, tương lai thọ quả báo lạc? [25]

“Hoặc có người bản tánh không nặng đắm dục, không nặng đắm sân nhuế, không nặng đắm si. Vị ấy không thường theo tâm dục mà thọ khổ ưu lo; không theo tâm sân nhuế mà thọ khổ ưu lo và không theo tâm si mà chịu khổ, ưu lo. Vị ấy do lạc, do hỷ, trọn cuộc đời mình tu hành phạm hạnh cho đến đạt được tâm hoan hỷ. Vị ấy thọ pháp này, đã thành tựu đầy đủ rồi, năm hạ phần kết dứt sạch, hóa sanh ở chỗ kia mà nhập Niết-bàn, được pháp bất thối, không trở lại cõi này.

“Đó là pháp thọ hiện tại lạc, tương lai thọ quả báo lạc.

“Thế gian thật sự có bốn thọ pháp như vậy, do đó mà Ta [712c] giảng thuyết.”

Đức Phật thuyết như vậy, các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

175. KINH THỌ PHÁP (II)

Tôi nghe như vầy.

Một thời Đức Phật trú tại Câu-lâu-sấu, ở tại đô ấp Kiếm-ma-sắt-đàm [26].

Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo rằng:

“Thế gian này có ham muốn như vầy, ước nguyện như vầy, yêu thích như vầy, vui sướng như vầy và ý hướng như vầy: ‘Mong sao các pháp không đáng thích, không đáng yêu, không vừa ý tiêu diệt. Mong sao các pháp đáng thích, đáng yêu, vừa ý sanh ra.’ Nó ham muốn như vầy, ước vọng như vầy, yêu thích như vầy, vui sướng như vầy và ý hướng như vầy như vậy. Song, pháp không đáng thích, không đáng yêu, không vừa ý lại sanh; pháp đáng thích, đáng yêu, đáng vừa ý lại diệt. Đó gọi là pháp ngu si. Pháp của Ta rất là sâu xa, khó thấy, khó giác ngộ, khó thông đạt. Như vậy, pháp của Ta rất sâu xa, khó thấy, khó giác ngộ, khó thông đạt, là pháp không đáng thích, không đáng yêu, không vừa ý tiêu diệt, mà pháp đáng thích đáng yêu, đáng vừa ý được sanh. Đó là pháp không ngu si.

“Thế gian này chân thật có bốn thọ pháp. [27] Những gì là bốn? Hoặc có thọ pháp hiện tại lạc mà tương lai thọ quả báo khổ. Hoặc có thọ pháp hiện tại khổ mà tương lai thọ quả báo lạc. Hoặc có thọ pháp hiện tại khổ mà tương lai cũng thọ quả báo khổ. Hoặc có thọ pháp hiện tại lạc mà tương lai cũng thọ báo lạc.

“Thế nào là pháp thọ hiện tại lạc mà tương lai chịu quả báo khổ? Hoặc có một người tự mình vui sướng, tự mình vui thích trong việc sát sanh. Do nhân sát sanh mà sanh lạc, sanh hỷ. Người đó tự mình vui sướng, tự mình vui thích trong việc lấy của không cho, nói láo, cho đến tà kiến, nhân nơi tà kiến mà sanh lạc, sanh hỷ. Như vậy, thân lạc, tâm lạc, bất thiện, từ bất thiện mà sanh ra, không hướng đến trí, không hướng đến giác ngộ, không hướng đến Niết-bàn.

“Đó là thọ pháp hiện tại lạc, tương lai chịu quả báo khổ.

“Sao gọi là thọ pháp hiện tại khổ mà tương lai được quả báo lạc? Hoặc có người tự mình khổ, tự mình ưu, đoạn trừ việc sát sanh, do sự đoạn trừ việc sát hại mà sanh khổ, sanh ưu, người đó tự khổ, tự ưu; đoạn trừ việc lấy của không cho, tà dâm, nói láo, cho đến đoạn trừ tà kiến, do đoạn tà kiến mà sanh khổ sanh ưu. Như vậy, thân khổ, tâm khổ, thiện từ thiện sanh, hướng đến trí, hướng đến giác, hướng đến Niết-bàn.

“Đó là thọ pháp hiện tại khổ mà tương lai thọ đặng quả báo lạc.

“Sao gọi là thọ pháp hiện tại khổ mà tương lai cũng thọ quả báo khổ? Hoặc có người tự khổ, tự ưu và sát sanh, do sát sanh mà khổ, sanh ưu. Người đó tự khổ, tự ưu và lấy của không cho, tà dâm, nói láo, cho đến tà kiến. Nhân tà kiến mà sanh khổ, sanh [713a] ưu. Như vậy, thân khổ, tâm khổ, bất thiện từ bất thiện mà sanh, không hướng đến giác ngộ, không hướng đến Niết-bàn.

“Đó gọi là pháp hiện tại khổ mà tương lai cũng phải thọ quả báo khổ.

“Sao gọi là thọ pháp hiện tại an vui mà tương lai cũng thọ quả báo an vui? Hoặc có người tự mình vui sướng, tự mình vui thích, đoạn trừ sát sanh, do đoạn trừ sát sanh mà sanh lạc, sanh hỷ. Người ấy tự mình vui sướng, tự mình vui thích đoạn trừ lấy của không cho, tà dâm, nói láo, cho đến tà kiến. Do đoạn trừ tà kiến cho nên sanh lạc, sanh hỷ. Như vậy, thân lạc và tâm lạc, thiện từ thiện mà sanh, hướng đến trí, hướng đến giác, hướng đến Niết-bàn.

“Như thế gọi là thọ pháp hiện tại lạc mà tương lai cũng thọ quả báo lạc.

“Hoặc có thọ pháp hiện tại lạc, tương lai thọ quả báo khổ, nhưng người kia do ngu si chẳng biết như thật rằng thọ pháp ấy hiện tại lạc, nhưng tương lai chịu lấy khổ báo. Do không biết như thật nên tập hành không đoạn trừ [28]. Sau khi tập hành không đoạn trừ, pháp không đáng thích, không đáng yêu, không vừa ý sanh; pháp đáng thích, đáng yêu, vừa ý tiêu diệt. Cũng như thuốc a-ma-ni-dược [29], một phần có sắc, có hương, có vị, nhưng có trộn chất độc; hoặc có người bị bệnh nên uống, khi uống thì sắc, hương và vị ngon miệng mà không tổn hại cổ họng, nhưng khi uống xong, vào trong bụng rồi lại chẳng thành thuốc. Cũng vậy, thọ pháp này hiện tại lạc mà tương lai phải chịu lấy quả báo khổ. Người kia ngu si không biết như thật rằng pháp thọ này hiện tại lạc mà tương lai phải chịu quả báo khổ. Khi đã không biết như thật liền tập hành không đoạn trừ. Sau khi tập hành không đoạn trừ, pháp không đáng thích, không đáng yêu, không vừa ý lại sanh; pháp đáng thích, đáng yêu, đáng vừa ý lại diệt. Đó gọi là pháp ngu si.

“Nếu có thọ pháp hiện tại khổ mà tương lai chịu quả báo lạc, song người ấy ngu si không biết như thật rằng thọ pháp này hiện tại khổ mà tương lai sẽ được quả báo an lạc. Khi đã không biết như thật liền không tập hành đoạn trừ. Sau khi không tập hành đoạn trừ, pháp không đáng thích, không đáng yêu, không vừa ý lại sanh; pháp đáng thích, đáng yêu, đáng vừa ý lại diệt. Đó gọi là pháp ngu si.

“Hoặc có thọ pháp hiện tại khổ mà tương lai cũng chịu quả báo khổ, song người ngu si không biết như thật rằng thọ pháp này hiện tại khổ, tương lai cũng chịu quả báo khổ. Khi đã không biết như thật, liền tập hành không đoạn trừ. Khi đã tập hành không đoạn trừ, pháp không đáng thích, không đáng yêu, không vừa ý lại sanh; pháp đáng thích, đáng yêu, đáng vừa ý lại diệt.     

“Cũng như đại tiểu tiện [30] lại trộn lẫn độc, hoặc có người bị bệnh cho nên uống. Khi uống thì nhơ nhớp, hôi thối, không có mùi vị, không ngon miệng mà lại tổn thương cuống họng, uống vào trong bụng lại chẳng thành thuốc. Cũng vậy, pháp thọ này hiện tại khổ, tương lai cũng chịu quả báo khổ. Người kia ngu si không biết như thật rằng pháp thọ này hiện tại khổ, tương lai cũng chịu quả báo khổ. [713b] Đã không biết như thật, bèn tập hành sự không đoạn trừ. Do tập hành sự không đoạn trừ, pháp không đáng thích, không đáng yêu, không vừa ý lại sanh; pháp đáng thích, đáng yêu, đáng vừa ý lại diệt. Đó gọi là pháp ngu si.

“Hoặc có thọ pháp hiện tại lạc, tương lai cũng thọ quả báo lạc, nhưng người kia ngu si không biết như thật rằng pháp thọ này hiện tại lạc mà tương lai cũng thọ báo lạc. Do không biết như thật nên không tập hành sự đoạn trừ. Do không tập hành sự đoạn trừ nên, pháp không đáng thích, không đáng yêu, không vừa ý lại sanh; pháp đáng thích, đáng yêu, đáng vừa ý lại diệt. Đó gọi là pháp ngu si.

“Người kia không biết như thật pháp nào nên tập hành, không biết như thật pháp nào không nên tập hành. Do không biết như thật pháp nào không nên tập hành và không biết như thật pháp nào nên tập hành, do đó pháp không nên tập hành lại tập hành, pháp nên hành lại không hành. Do tập hành pháp không nên tập hành và không tập hành pháp nên tập hành, pháp không đáng thích, không đáng yêu, không vừa ý lại sanh; pháp đáng thích, đáng yêu, đáng vừa ý lại diệt. Đó gọi là pháp ngu si.

“Nếu có thọ pháp hiện tại lạc mà tương lai thọ quả báo khổ, người có trí tuệ biết như thật rằng pháp thọ này hiện tại lạc mà tương lai thọ quả báo khổ. Do biết như thật nên không tập hành nó, mà đoạn trừ nó. Do không tập hành nhưng đoạn trừ, pháp không đáng thích, không đáng yêu, không vừa ý diệt, mà pháp đáng thích đáng yêu, đáng vừa ý sanh. Đó gọi là pháp tuệ.

“Nếu có thọ pháp hiện tại khổ mà tương lai thọ quả báo lạc, người có trí tuệ biết như thật rằng thọ pháp này hiện tại khổ nhưng tương lai lại được quả báo lạc. Do biết như thật, vị ấy tập hành nó mà không đoạn trừ. Do tập hành mà không đoạn trừ, pháp không đáng thích, không đáng yêu, không vừa ý diệt, mà pháp đáng thích đáng yêu, đáng vừa ý sanh.

“Cũng như đại tiểu tiện [31] có hòa với nhiều thứ thuốc, hoặc có người bị bệnh uống; khi uống, sắc xấu, hôi thối, không mùi vị, không ngon miệng mà hại đau cuống họng, nhưng uống vào trong bụng lại thành thuốc. Cũng vậy, thọ pháp này hiện tại khổ mà tương lai thọ quả báo lạc, người trí tuệ biết như thật rằng thọ pháp này hiện tại khổ mà tương lai thọ quả báo lạc. Do biết như thật, vị ấy tập hành nó mà không đoạn trừ. Do tập hành mà không đoạn trừ, pháp không đáng thích, không đáng yêu, không vừa ý diệt, mà pháp đáng thích đáng yêu, đáng vừa ý sanh. Đó gọi là pháp tuệ.

“Hoặc có thọ pháp hiện tại khổ mà tương lai cũng chịu quả báo khổ, người có trí tuệ biết như thật rằng thọ pháp này hiện tại khổ mà tương lai cũng chịu quả báo khổ. Do trí biết như thật, vị ấy không tập hành nó, nhưng đoạn trừ. Do không tập hành nó nhưng đoạn trừ, pháp không đáng thích, không đáng yêu, không vừa ý diệt, mà pháp đáng thích đáng yêu, đáng vừa ý sanh. Đó gọi là pháp tuệ.

“Hoặc có thọ pháp hiện tại lạc, tương lai thọ quả báo lạc, người trí tuệ biết như thật rằng thọ pháp này hiện tại lạc, tương lai thọ [713c] quả báo lạc. Do biết như thật, vị ấy tập hành chứ không đoạn trừ. Do tập hành chứ không đoạn trừ, pháp không đáng thích, không đáng yêu, không vừa ý diệt, mà pháp đáng thích đáng yêu, đáng vừa ý sanh. Đó gọi là pháp tuệ.

“Cũng như tô mật hòa với nhiều thứ thuốc, hoặc có người bị bệnh nên uống; khi uống, nó có sắc đẹp, có hương, có vị, ngon miệng mà không tổn thương cuống họng; uống vào bụng, nó lại thành thuốc. Cũng vậy, pháp thọ này hiện tại lạc, tương lai thọ quả báo lạc. Người trí tuệ biết một cách như thật rằng pháp thọ này hiện tại lạc, tương lai cũng thọ quả báo lạc. Do biết như thật, vị ấy tập hành chứ không đoạn trừ; pháp không đáng thích, không đáng yêu, không vừa ý diệt, mà pháp đáng thích đáng yêu, đáng vừa ý sanh. Đó gọi là pháp tuệ.

“Người đó biết như thật rằng, đây là pháp nên tập hành, biết như thật rằng đây là pháp không nên tập hành. Do biết như thật pháp nào nên tập hành và pháp nào không nên tập hành, vị ấy tập hành pháp nên tập hành, không tập hành pháp không nên tập hành. Do tập hành pháp nên tập hành và không nên tập hành pháp không nên tập hành, pháp không đáng thích, không đáng yêu, không vừa ý diệt, mà pháp đáng thích đáng yêu, đáng vừa ý sanh. Đó gọi là pháp tuệ.

“Thế gian quả thật có bốn thọ pháp ấy, vì vậy mà Ta giảng thuyết.”

Phật thuyết như vậy, các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành. [32]

176. KINH HÀNH THIỀN

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Trong thế gian quả thật có bốn loại hành thiền. Những gì là bốn? Hoặc có hành thiền xí thạnh mà gọi là suy thoái. Hoặc có hành thiền suy thoái mà gọi là xí thạnh. Hoặc có hành thiền suy thoái thì biết như thật là suy thoái. Hoặc có hành thiền xí thạnh thì biết như thật là xí thạnh.

“Tại sao gọi là người hành thiền xí thạnh mà bảo là suy thoái?

“Người hành thiền kia ly dục, ly pháp ác bất thiện, có tầm, có tứ, hỷ và lạc phát sanh do ly dục, chứng Sơ thiền, thành tựu an trụ. Tâm người đó tu tập chánh tư duy, [714a] đang từ Sơ thiền hướng đến Nhị thiền, đó là sự tịch tịnh thù thắng. Người hành thiền đó lại nghĩ rằng, ‘Tâm ta lìa bổn tướng mà hướng đến chỗ khác, làm mất Sơ thiền và diệt mất định.’ Người hành thiền ấy không biết như thật rằng ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, từ Sơ thiền hướng đến Nhị thiền, đó là tịch tịnh thù thắng.’ Vị đó do không biết như thật như vậy, nên đối với sự như thật mà thoái chuyển ý, bèn mất định. Hành thiền như vậy là xí thạnh mà nói là thoái chuyển vậy.

“Lại nữa, người hành thiền, khi tầm và tứ đã tịch tịnh, nội tĩnh, nhất tâm, không tầm không tứ, có hỷ và lạc phát sanh do định, chứng đệ Nhị thiền, thành tựu an trụ. Tâm vị ấy tu tập chánh tư duy, từ Nhị thiền hướng đến Tam thiền, đó gọi là tịch tịnh thù thắng. Nhưng người hành thiền ấy lại nghĩ rằng ‘Tâm ta lìa bổn tướng mà hướng đến chỗ khác, làm mất Nhị thiền và diệt mất định.’ Người hành thiền ấy không biết như thật rằng ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, từ Nhị thiền hướng đến Tam thiền, đó là tịch tịnh thù thắng.’ Vị đó do không biết như thật như vậy, nên đối với sự như thật mà thoái chuyển ý, bèn mất định. Hành thiền như vậy là xí thạnh mà nói là thoái chuyển vậy.

“Lại nữa, người hành thiền ly hỷ và dục, an trụ xả vô cầu, chánh niệm, chánh trí mà thân có cảm giác lạc, điều được Thánh nói là Thánh xả, niệm, an trú lạc, chứng đắc đệ Tam thiền, thành tựu an trụ. Tâm vị ấy tu tập chánh tư duy, từ đệ Tam thiền hướng đến đệ Tứ thiền, đó là tịch tịnh thù thắng. Nhưng người hành thiền đó lại nghĩ rằng ‘Tâm ta lìa bổn tướng mà hướng đến chỗ khác, làm mất Tam thiền và diệt mất định.’ Người hành thiền ấy không biết như thật rằng ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, từ Tam thiền hướng đến Tứ thiền, đó là tịch tịnh thù thắng.’ Vị đó do không biết như thật như vậy, nên đối với sự như thật mà thoái chuyển ý, bèn mất định. Hành thiền như vậy là xí thạnh mà nói là thoái chuyển vậy.

“Lại nữa, người hành thiền định mà khổ diệt, lạc diệt, hỷ và ưu trước vốn đã diệt, không khổ không lạc, xả, niệm thanh tịnh, chứng đắc đệ Tứ thiền, thành tựu an trụ. Tâm vị ấy tu tập chánh tư duy, từ đệ Tứ thiền hướng đến Không vô biên xứ, đó là tịch tịnh thù thắng. Nhưng vị hành thiền ấy lại nghĩ rằng ‘Tâm ta lìa bổn tướng mà hướng đến chỗ khác, làm mất Tứ thiền và diệt mất định.’ Người hành thiền ấy không biết như thật rằng ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, từ Tứ thiền hướng đến Không vô biên xứ, đó là tịch tịnh thù thắng.’ Vị đó do không biết như thật như vậy, nên đối với sự như thật mà thoái chuyển ý, bèn mất định. Hành thiền như vậy [714b] là xí thạnh mà nói là thoái chuyển vậy.

“Lại nữa, người hành thiền vượt qua tất cả sắc tưởng, diệt hữu đối tưởng, không tư duy bất cứ loại tưởng nào, nhập không vô biên, thành tựu an trụ nơi Không vô biên xứ. Tâm vị ấy tu tập chánh tư duy, từ Không vô biên xứ hướng đến Thức vô biên xứ, đó là tịch tịnh thù thắng. Nhưng vị hành thiền ấy lại nghĩ rằng ‘Tâm ta lìa bổn tướng mà hướng đến chỗ khác, làm mất Không vô biên xứ và diệt mất định.’ Người hành thiền ấy không biết như thật rằng ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, từ Không vô biên xứ hướng đến Thức vô biên xứ, đó là tịch tịnh thù thắng.’ Vị đó do không biết như thật như vậy, nên đối với sự như thật mà thoái chuyển ý, bèn mất định. Hành thiền như vậy là xí thạnh mà nói là thoái chuyển vậy.

“Lại nữa, người hành thiền vượt qua tất cả Không vô biên xứ, nhập thức vô biên, thành tựu an trụ Thức vô biên xứ. Tâm vị ấy tu tập chánh tư duy, từ Thức vô biên xứ hướng đến Vô sở hữu xứ, đó là tịch tịnh thù thắng. Nhưng vị hành thiền ấy lại nghĩ ‘Tâm ta lìa bổn tướng mà hướng đến chỗ khác, làm mất Thức vô biên xứ và diệt mất định.’ Người hành thiền ấy không biết như thật rằng ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, từ Thức vô biên xứ hướng đến Vô sở hữu xứ, đó là tịch tịnh thù thắng.’ Vị đó do không biết như thật như vậy, nên đối với sự như thật mà thoái chuyển ý, bèn mất định. Hành thiền như vậy là xí thạnh mà nói là thoái chuyển vậy.

“Lại nữa, người hành thiền vượt qua tất cả Thức vô biên xứ, nhập vô sở hữu xứ, thành tựu an trụ Vô sở hữu xứ. Tâm vị ấy tu tập chánh tư duy, từ Vô sở hữu xứ hướng đến phi tưởng phi phi tưởng xứ, đó là tịch tịnh thù thắng. Nhưng vị hành thiền ấy lại nghĩ rằng: “Tâm ta lìa bốn tướng mà hướng đến chỗ khác, nên mất vô xứ Vô sở hữu xứ, diệt mất định.” Vị hành thiền ấy không biết như thật rằng ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, từ Vô sở hữu xứ hướng đến phi tưởng phi phi tưởng xứ, đó là tịch tịnh thù thắng.’ Vị đó do không biết như thật như vậy, nên đối với sự như thật mà thoái chuyển ý, bèn mất định. Hành thiền như vậy là xí thạnh mà nói là thoái chuyển vậy.

“Thế nào là hành thiền suy thoái mà cho là xí thạnh?

“Vị hành thiền ấy ly dục, ly ác bất thiện pháp, có tầm, có tứ, có hỷ lạc do ly dục sanh, chứng đắc Sơ thiền, thành tựu an trụ. Vị ấy tư duy trong những tưởng hạn hẹp khác mà tu tập con đường dẫn đến Nhị thiền, nhưng vị ấy lại nghĩ rằng ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, từ Sơ thiền hướng đến Nhị thiền, [714c] đó là tịch tịnh thù thắng.’ Vị hành thiền ấy không biết như thật rằng chỉ nên tư duy bằng tưởng tương ưng với yểm ly mà nhập Sơ thiền, nhưng không nên bằng tư duy về những tưởng hạn hẹp khác mà vào Nhị thiền. Vị ấy do không biết như thật nên không biết rõ tâm mình, vị ấy vì vậy mà mất định. Hành thiền như vậy là suy thoái mà cho là xí thạnh.

“Lại nữa, vị hành thiền với tầm và tứ đã dứt, nội tĩnh, nhất tâm, không tầm không tứ, hỷ lạc do định sanh, chứng đệ Nhị thiền, thành tựu an trụ. Vị ấy tư duy trong những tưởng hạn hẹp khác mà tu tập con đường dẫn đến Tam thiền. Nhưng vị ấy lại nghĩ rằng ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, từ Nhị thiền hướng đến Tam thiền, đó là tịch tịnh thù thắng.’ Vị hành thiền ấy không biết như thật rằng chỉ nên tư duy bằng tưởng tương ưng với yểm ly mà nhập Nhị thiền, nhưng không nên bằng tư duy về những tưởng hạn hẹp khác mà vào Tam thiền. Vị ấy do không biết như thật nên không biết rõ tâm mình, vị ấy vì vậy mà mất định. Hành thiền như vậy là suy thoái mà cho là xí thạnh.

“Vị hành thiền ly hỷ, ly dục, an trụ xả vô cầu, chánh niệm, chánh trí mà thân cảm giác lạc, điều được Thánh gọi là Thánh xả, niệm, an trụ lạc, chứng đệ Tam thiền, thành tựu và an trụ. Vị ấy tư duy trong những tưởng hạn hẹp khác mà tu tập con đường dẫn đến Tứ thiền. Nhưng vị ấy lại nghĩ rằng ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, từ Tam thiền hướng đến Tứ thiền, đó là tịch tịnh thù thắng.’ Vị hành thiền ấy không biết như thật rằng chỉ nên tư duy bằng tưởng tương ưng với yểm ly mà nhập Tam thiền, nhưng không nên bằng tư duy về những tưởng hạn hẹp khác mà vào Tứ thiền. Vị ấy do không biết như thật nên không biết rõ tâm mình, vị ấy vì vậy mà mất định. Hành thiền như vậy là suy thoái mà cho là xí thạnh.

“Lại nữa, vị hành thiền với lạc diệt, khổ diệt, hỷ ưu trước vốn cũng đã diệt, không khổ không lạc, xả, niệm thanh tịnh, chứng đắc Tứ thiền, thành tựu an trụ. Vị ấy tư duy trong những tưởng hạn hẹp khác mà tu tập con đường dẫn đến Không vô biên xứ, nhưng vị ấy lại nghĩ rằng ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, từ Tứ thiền thiền hướng đến Không vô biên xứ, đó là tịch tịnh thù thắng.’ Vị hành thiền ấy không biết như thật rằng chỉ nên tư duy bằng tưởng tương ưng với yểm ly mà nhập Tứ thiền, nhưng không nên bằng tư duy về những tưởng hạn hẹp khác mà vào Không vô biên xứ. Vị ấy do không biết như thật nên không biết rõ tâm mình, vị ấy vì vậy mà mất định. Hành thiền như vậy là suy thoái mà cho là xí thạnh.

“Lại nữa, vị hành thiền vượt qua tất cả sắc tưởng, diệt hữu đối tưởng, không tư duy bất cứ loại tưởng nào, [715a] nhập không vô biên, chứng Không vô biên xứ ấy, thành tựu an trụ. Vị ấy tư duy trong những tưởng hạn hẹp khác mà tu tập con đường dẫn đến Thức vô biên xứ, nhưng vị ấy lại nghĩ rằng ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, từ Không vô biên xứ hướng đến Thức vô biên xứ, đó là tịch tịnh thù thắng.’ Vị hành thiền ấy không biết như thật rằng chỉ nên tư duy bằng tưởng tương ưng với yểm ly mà nhập Không vô biên xứ, nhưng không nên bằng tư duy về những tưởng hạn hẹp khác mà vào Thức vô biên xứ. Vị ấy do không biết như thật nên không biết rõ tâm mình, vị ấy vì vậy mà mất định. Hành thiền như vậy là suy thoái mà cho là xí thạnh.

“Lại nữa, vị hành thiền vượt qua Không vô biên xứ, nhập thức vô biên, chứng Thức vô biên xứ ấy, thành tựu an trụ. Vị ấy tư duy trong những tư tưởng hạn hẹp khác mà tu tập con đường dẫn đến Vô sở hữu xứ, nhưng vị ấy lại nghĩ rằng ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, từ Thức vô biên xứ hướng đến Vô sở hữu xứ, đó là tịch tịnh thù thắng.’ Vị hành thiền ấy không biết như thật rằng chỉ nên tư duy bằng tưởng tương ưng với yểm ly mà nhập Thức vô biên xứ, nhưng không nên bằng tư duy về những tưởng hạn hẹp khác mà vào Vô sở hữu xứ. Vị ấy do không biết như thật nên không biết rõ tâm mình, vị ấy vì vậy mà mất định. Hành thiền như vậy là suy thoái mà cho là xí thạnh.

“Lại nữa, vị hành thiền vượt qua tất cả Thức vô biên xứ, nhập vô sở hữu, chứng Vô sở hữu xứ, thành tựu an trụ. Vị ấy tư duy trong những tư tưởng hạn hẹp khác mà tu tập con đường dẫn đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ, nhưng vị ấy lại nghĩ rằng ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, từ Vô sở hữu xứ hướng đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ, đó là tịch tịnh thù thắng.’ Vị hành thiền ấy không biết như thật rằng chỉ nên tư duy bằng tưởng tương ưng với yểm ly mà nhập Vô sở hữu xứ, nhưng không nên bằng tư duy về những tưởng hạn hẹp khác mà vào đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Vị ấy do không biết như thật nên không biết rõ tâm mình, vị ấy vì vậy mà mất định. Hành thiền như vậy là suy thoái mà cho là xí thạnh.

“Thế nào là hành thiền suy thoái thì biết như thật là suy thoái?

“Vị hành thiền ấy với sở hành, với đối tượng và mục tiêu, vượt qua tất cả Vô sở hữu xứ, nhập Phi tưởng phi phi tưởng xứ, chứng Phi tưởng phi phi tưởng xứ, thành tựu an trụ, nhưng vị ấy không chấp thọ hành ấy, không suy niệm về đối tượng và mục tiêu ấy, mà chỉ hành trên niệm tưởng tương ưng Vô sở hữu xứ, bèn thối thất trở lại đó. Vị ấy nghĩ rằng, ‘Tâm ta lìa khỏi bổn tướng, lại hướng đến chỗ khác, mất Phi tưởng phi phi tưởng xứ; diệt mất định vậy.’ Vị ấy biết như thật rồi, đối với sự như thật không [715b] thoái ý, không mất định. Hành thiền như vậy là suy thoái thì biết như thật là suy thoái.

“Lại nữa, vị hành thiền ấy với sở hành, với đối tượng và mục tiêu, vượt qua tất cả Thức vô biên xứ, nhập vô sở hữu, chứng Vô sở hữu xứ ấy, thành tựu an trụ. Nhưng vị ấy không thọ hành ấy, không suy niệm về đối tượng và mục tiêu ấy, mà chỉ hành trên niệm tưởng tương ưng Thức vô biên xứ, bèn thối thất trở lại đó. Vị ấy nghĩ rằng, ‘Tâm ta lìa khỏi bổn tướng, lại hướng đến chỗ khác, mất Vô sở hữu xứ; diệt mất định vậy.’ Vị ấy biết như thật rồi, đối với sự như thật không thoái ý, không mất định. Hành thiền như vậy là suy thoái thì biết như thật là suy thoái.

“Lại nữa, vị hành thiền ấy với sở hành, với đối tượng và mục tiêu, vượt qua tất cả Không vô biên xứ, nhập thức vô biên, chứng Thức vô biên xứ, thành tựu an trụ. Nhưng vị ấy không chấp thọ hành ấy, không suy niệm về đối tượng và mục tiêu ấy, mà chỉ hành trên niệm tưởng tương ưng Không vô biên xứ, bèn thối thất trở lại đó. Vị ấy bèn nghĩ rằng ‘Tâm ta lìa khởi bổn tướng, lại hướng đến chỗ khác, mất Thức vô biên xứ; diệt mất định vậy.’ Vị ấy biết như thật rồi, đối với sự như thật không thoái ý, không mất định. Hành thiền như vậy là suy thoái thì biết như thật là suy thoái.

“Lại nữa, vị hành thiền ấy với sở hành, với đối tượng và mục tiêu, vượt qua tất cả các sắc tưởng, diệt hữu đối tưởng, không suy niệm bất cứ loại tưởng nào, nhập không vô biên, chứng Không vô biên xứ ấy, thành tựu an trụ. Nhưng vị ấy không chấp thọ hành ấy, không suy niệm về đối tượng và mục tiêu ấy, mà chỉ hành trên niệm tưởng tương ưng sự ái lạc sắc, bèn thối thất trở lại đó. Vị ấy nghĩ rằng ‘Tâm ta lìa khởi bổn tướng, lại hướng đến chỗ khác, mất Không vô biên xứ; diệt mất định vậy.’ Vị ấy biết như thật rồi, đối với sự như thật không thoái ý, không mất định. Hành thiền như vậy là suy thoái thì biết như thật là suy thoái.

“Lại nữa, vị hành thiền ấy với sở hành, với đối tượng và mục tiêu, lạc diệt, khổ diệt, hỷ ưu trước vốn cũng đã diệt, không khổ, không lạc, xả, niệm thanh tịnh, chứng Tứ thiền, thành tựu an trụ. Nhưng vị ấy không chấp thọ hành ấy, không suy niệm về đối tượng và mục tiêu ấy, mà chỉ hành trên niệm tưởng tương ưng Tam thiền, bèn thối thất trở lại đó. Vị ấy nghĩ rằng ‘Tâm ta lìa khởi bổn tướng, lại hướng đến chỗ khác, mất Tứ thiền; diệt mất định vậy.’ Vị ấy biết như thật rồi, đối với sự như thật không thoái ý, không mất định. Hành thiền như vậy là suy thoái thì biết như thật là suy thoái.

“Lại nữa, vị hành thiền ấy với sở hành, với đối tượng và mục tiêu, ly hỷ, ly dục, an trụ xả vô cầu, chánh niệm, chánh trí, thân cảm giác lạc, điều được Thánh gọi Thánh xả, niệm, an trú lạc trụ, [715c] chứng Tam thiền, thành tựu an trụ. Nhưng vị ấy không chấp thọ hành ấy, không suy niệm về đối tượng và mục tiêu ấy, mà chỉ hành trên niệm tưởng tương ưng đệ Nhị thiền, bèn thối thất trở lại đó. Vị ấy nghĩ rằng ‘Tâm ta lìa khởi bổn tướng, lại hướng đến chỗ khác, mất Tam thiền; diệt mất định.’ Vị ấy biết như thật rồi, đối với sự như thật không thoái ý, không mất định. Hành thiền như vậy là suy thoái thì biết như thật là suy thoái.

“Lại nữa, vị hành thiền ấy với sở hành, với đối tượng và mục tiêu, tầm và tứ đã dứt, nội tĩnh, nhất tâm, không tầm, không tứ, hỷ lạc do định sanh, chứng đắc Nhị thiền, thành tựu an trụ. Nhưng vị ấy không chấp thọ hành ấy, không suy niệm về đối tượng và mục tiêu ấy, mà chỉ hành trên niệm tưởng tương ưng Sơ thiền, bèn thối thất trở lại đó. Vị ấy nghĩ rằng ‘Tâm ta lìa khởi bổn tướng, lại hướng đến chỗ khác, mất Nhị thiền; diệt mất định.’ Vị ấy biết như thật rồi, đối với sự như thật không thoái ý, không mất định. Hành thiền như vậy là suy thoái thì biết như thật là suy thoái.

“Lại nữa, vị hành thiền ấy với sở hành, với đối tượng và mục tiêu, ly dục, ly ác bất thiện pháp, có tầm, có tứ, có hỷ lạc do định sanh, chứng Sơ thiền, thành tựu an trụ. Nhưng vị ấy không chấp thọ hành ấy, không suy niệm về đối tượng và mục tiêu ấy, chỉ hành trên niệm tưởng tương ưng sự ái lạc dục, bèn thối thất trở lại đó. Vị ấy nghĩ rằng ‘Tâm ta lìa khởi bổn tướng, lại hướng đến chỗ khác, mất Sơ thiền, diệt mất định vậy.’ Vị ấy biết như thật rồi, đối với sự như thật không thoái ý, không mất định. Hành thiền như vậy là suy thoái thì biết như thật là suy thoái.

“Thế nào là hành thiền mà xí thạnh thì biết như thật là xí thạnh?

“Vị hành thiền ấy ly dục, ly ác bất thiện pháp, có tầm, có tứ, có hỷ lạc do ly dục sanh, chứng đắc Sơ thiền, thành tựu an trụ. Tâm vị ấy tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, rồi từ Sơ thiền hướng đến Nhị thiền, đó là tịch tịnh thù thắng. Vị hành thiền ấy bèn nghĩ như vầy ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, rồi từ Sơ thiền hướng đến đệ Nhị thiền, đó là tịch tịnh thù thắng.’ Vị ấy biết như thật rồi, bèn biết rõ tâm ấy mà không mất định. Hành thiền như vậy là xí thạnh thì biết như thật là xí thạnh.

“Lại nữa, vị hành thiền ấy với tầm tứ đã dứt, nội tĩnh nhất tâm, không tầm, không tứ, hỷ lạc do định sanh, chứng đắc Nhị thiền, thành tựu an trụ. Tâm vị ấy tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, rồi từ Nhị thiền hướng đến Tam thiền, đó là tịch tịnh thù thắng. Vị ấy bèn nghĩ rằng [716a] ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, rồi từ Nhị thiền hướng đến Tam thiền, đó là tịch tịnh thù thắng.’ Vị ấy biết như thật rồi, bèn biết rõ tâm ấy mà không mất định. Hành thiền như vậy là xí thạnh thì biết như thật là xí thạnh.

“Lại nữa, vị hành thiền ấy ly hỷ, ly dục, an trụ xả vô cầu, chánh niệm, chánh trí, thân cảm giác lạc, điều được Thánh gọi là Thánh xả, niệm, an trụ lạc trụ, chứng đắc Tam thiền, thành tựu an trụ. Tâm vị ấy tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, rồi từ Tam thiền hướng đến Tứ thiền, đó là tịch tịnh thù thắng. Vị hành thiền ấy bèn nghĩ như ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, rồi từ Tam thiền hướng đến Tứ thiền, đó là tịch tịnh thù thắng.’ Vị ấy biết như thật rồi, bèn biết rõ tâm ấy mà không mất định. Hành thiền như vậy là xí thạnh thì biết như thật là xí thạnh.

“Lại nữa, vị hành thiền ấy với lạc diệt, khổ diệt, hỷ ưu vốn cũng đã diệt, không khổ, không lạc, xả, niệm thanh tịnh, chứng đắc Tứ thiền, thành tựu an trụ. Tâm vị ấy tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, rồi từ Tứ thiền hướng đến Không vô biên xứ, đó là tịch tịnh thù thắng. Vị hành thiền ấy bèn nghĩ như vầy ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, rồi từ Tứ thiền hướng đến Không vô biên xứ, đó là tịch tịnh thù thắng.’ Vị ấy biết như thật rồi, bèn biết rõ tâm ấy mà không làm mất định. Hành thiền như vậy là xí thạnh thì biết như thật là xí thạnh.

“Lại nữa, vị hành thiền ấy vượt qua tất cả sắc tưởng, diệt hữu đối tưởng, không tư duy bất cứ loại tưởng nào, nhập không vô biên, chứng Không vô biên xứ ấy, thành tựu an trụ. Tâm vị ấy tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, rồi từ Không vô biên xứ hướng đến Thức vô biên xứ, đó là tịch tịnh thù thắng. Vị hành thiền ấy bèn nghĩ như vầy ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, rồi từ Không vô biên xứ hướng đến Thức vô biên xứ, đó là tịch tịnh thù thắng.’ Vị ấy biết như thật rồi, bèn biết rõ tâm ấy mà không mất định. Hành thiền như vậy là xí thạnh thì biết như thật là xí thạnh.

“Lại nữa, vị hành thiền ấy vượt qua Không vô biên xứ, nhập thức vô biên, chứng Thức vô biên xứ ấy, thành tựu an trụ. Tâm vị ấy tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, rồi từ Thức vô biên xứ hướng đến Vô sở hữu xứ, đó là tịch tịnh thù thắng. Vị hành thiền ấy bèn nghĩ như vầy ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, rồi từ Thức vô biên xứ hướng đến Vô sở hữu xứ, đó là tịch tịnh thù thắng.’ Vị ấy biết như thật rồi, [716b] bèn biết rõ tâm ấy mà không mất định. Hành thiền như vậy là xí thạnh thì biết như thật là xí thạnh.

“Lại nữa, vị hành thiền ấy vượt qua tất cả Thức vô biên xứ, nhập vô sở hữu, chứng Vô sở hữu xứ, thành tựu an trụ. Tâm vị ấy tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, rồi từ Vô sở hữu xứ hướng đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ, đó là tịch tịnh thù thắng. Vị hành thiền ấy bèn nghĩ như vầy ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, rồi từ Vô sở hữu xứ hướng đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ, đó là tịch tịnh thù thắng.’ Vị ấy biết như thật rồi bèn biết rõ tâm ấy mà không làm mất định. Hành thiền như vậy là xí thạnh thì biết như thật là xí thạnh.

“Thế gian quả thật có bốn loại hành thiền, vì vậy mà Ta giảng thuyết.”

Phật thuyết như vậy, các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

177. KINH THUYẾT

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại Câu-lâu-sấu, ở trong Kiếm-ma-sắt-đàm, đô ấp của Câu-lâu [33].

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo rằng:

“Ta sẽ thuyết pháp cho các ngươi nghe, vi diệu ở khởi đầu, vi diệu ở quảng giữa và vi diệu ở đoạn cuối; có văn, có nghĩa, đầy đủ thanh tịnh, hiển hiện phạm hạnh. Đó là kinh ‘Tứ Chủng Thuyết.’ Sau đây Ta sẽ phân biệt nghĩa lý của kinh ‘Tứ Chủng Thuyết.’ Hãy lắng nghe! Hãy lắng nghe! Hãy khéo tư niệm. Ta sẽ nói.”

Khi ấy các Tỳ-kheo vâng lời dạy, lắng nghe.

Đức Phật nói:

“Thế nào gọi là phân biệt nghĩa lý của kinh Tứ Chủng Thuyết?

“Nếu có Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng và tiêu đích, mà ly dục, ly pháp ác bất thiện, có tầm, có tứ, có hỷ lạc do ly dục sanh, chứng đắc Sơ thiền, thành tựu an trụ. Nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành này, không suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này mà chỉ hành niệm tưởng tương ưng với dục lạc, bèn thoái chuyển; Tỳ-kheo ấy phải nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không trụ, không tiến, cũng không yểm ly. Ta sanh pháp này nên khiến ta bị thoái chuyển. Do đó định này của ta không tồn tại lâu dài.’ Tỳ-kheo ấy phải nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích mà ly dục, ly pháp ác bất thiện, có tầm, có tứ, có hỷ lạc do ly dục sanh, chứng đắc Sơ thiền, thành tựu an trụ và vị ấy chấp thọ sở hành này, suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, lập niệm đúng như pháp, khiến an trụ với ý chuyên nhất, [716c] Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không thoái, không tiến, cũng không yểm ly. Ta sanh pháp này có thể khiến ta an trụ, mà định này của ta chắc chắn tồn tại lâu dài.’ Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích mà ly dục, ly pháp ác bất thiện, có tầm, có tứ, có hỷ lạc do ly dục sanh, chứng đắc Sơ thiền, thành tựu và an trụ, nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành này, không suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ niệm tưởng tương ưng với Nhị thiền, thành tựu sự thăng tiến, Tỳ-kheo ấy nên biết rằng: ‘Ta sanh pháp này mà không thoái, không trụ, cũng không yểm ly. Ta sanh pháp này khiến ta được thăng tiến, như vậy không bao lâu nữa sẽ chứng đắc Nhị thiền.’ Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích mà ly dục, ly pháp ác bất thiện, có tầm, có tứ, có hỷ lạc do ly dục sanh, chứng đắc Sơ thiền, thành tựu và an trụ, nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành này, suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ hành niệm tưởng tương ưng với tịch diệt, thành tựu vô dục, Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không thoái, không trụ, cũng không thăng tiến. Ta sanh pháp này có thể khiến ta yểm ly. Như vậy, không bao lâu nữa sẽ chứng quả lậu tận.’ Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích, tầm tứ đã dứt, nội tĩnh, nhất tâm, không tầm, không tứ, hỷ lạc do định sanh, chứng đắc Nhị thiền, thành tựu và an trụ. Nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành này, không suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ hành niệm tưởng tương ưng với Sơ thiền, thành tựu sự thoái chuyển, Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không trụ, không tiến, cũng không yểm ly. Ta sanh pháp này nên khiến ta bị thoái chuyển, do đó định này của ta không tồn tại lâu dài.’ Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích, tầm tứ đã dứt, nội tĩnh, nhất tâm, không tầm, không tứ, hỷ lạc do định sanh, chứng đắc Nhị thiền, thành tựu và an trụ. Vị ấy chấp thọ sở hành này, suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, lập niệm đúng như pháp, an trụ với ý chuyên nhất, Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không thoái, không tiến, cũng không yểm ly. Ta sanh pháp này có thể khiến ta được an trụ, do đó định này của ta chắc chắn tồn tại lâu dài.’ Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích, tầm tứ đã dứt, nội tĩnh, nhất tâm, không tầm, không tứ, hỷ lạc do định sanh, chứng đắc Nhị thiền, thành tựu và an trụ. Nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành này, không suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ hành niệm tưởng tương ưng với đệ Tam thiền, thành tựu sự thăng tiến, Tỳ-kheo ấy [717a] nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không thoái, không trụ, cũng không yểm ly. Ta sanh pháp này có thể khiến ta được thăng tiến, như vậy không bao lâu nữa sẽ chứng đắc Tam thiền.’ Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích, tầm tứ đã dứt, nội tĩnh, nhất tâm, không tầm, không tứ, hỷ lạc do định sanh, chứng đắc Nhị thiền, thành tựu và an trụ. Nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành này, không suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ hành niệm tưởng tương ưng với tịch diệt, tịch tĩnh, thành tựu vô dục, Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không thoái chuyển, không trụ, cũng không thăng tiến. Ta sanh pháp này nên khiến ta yểm ly, như vậy không bao lâu nữa sẽ chứng quả lậu tận.’ Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích, ly hỷ, dục, an trụ xả  vô cầu, với chánh niệm, chánh trí, thân cảm giác lạc, điều được Thánh gọi là Thánh xả, niệm, an trú lạc, chứng đắc Tam thiền, thành tựu và an trụ. Nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành này, không suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ hành niệm tưởng tương ưng với đệ Nhị thiền, thành tựu sự thoái chuyển, Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không trụ, không tiến, cũng không yểm ly. Ta sanh pháp này nên khiến ta bị thoái chuyển, do đó định này của ta không tồn tại lâu dài.’ Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích, ly hỷ, dục, an trụ xả  vô cầu, với chánh niệm, chánh trí, thân cảm giác lạc, điều được Thánh gọi là Thánh xả, niệm, an trụ lạc, chứng đắc Tam thiền, thành tựu và an trụ; và vị ấy chấp thọ sở hành này, suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, lập niệm đúng như pháp, an trụ với ý chuyên nhất, Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không thoái, không tiến, cũng không yểm ly. Ta sanh pháp này có thể khiến ta được an trụ, do đó định này của ta chắn chắn tồn tại lâu dài.’ Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích, ly hỷ, dục, an trụ xả  vô cầu, với chánh niệm, chánh trí, thân cảm giác lạc, điều được Thánh gọi là Thánh xả, niệm, an trú lạc, chứng đắc Tam thiền, thành tựu và an trụ. Nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành này, không suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ hành niệm tưởng tương ưng với Tứ thiền, thành tựu sự thăng tiến, Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không thoái, không trụ, cũng không yểm ly. Ta sanh pháp này nên khiến ta được thăng tiến, như vậy không bao lâu nữa sẽ chứng Tứ thiền.’ Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích, ly hỷ, dục, an trụ xả  vô cầu, [717b] với chánh niệm, chánh trí, thân cảm giác lạc, điều được Thánh gọi là Thánh xả, niệm, an trụ lạc, chứng đắc Tam thiền, thành tựu và an trụ. Nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành này, không suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ hành niệm tưởng tương ưng với tịch diệt, tịch tĩnh, thành tựu sự vô dục, Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không thoái, không trụ, cũng không thăng tiến. Ta sanh pháp này nên có thể khiến ta bị yểm ly, như vậy không bao lâu nữa sẽ chứng quả lậu tận.’ Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích, diệt lạc, diệt khổ, diệt ưu hỷ vốn đã có, không khổ, không lạc, xả, niệm thanh tịnh, chứng đắc Tứ thiền, thành tựu và an trụ. Nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành này, không suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ hành niệm tưởng tương ưng với Tam thiền, thành sự thối thất, Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không trụ, không tiến, cũng không yểm ly. Ta sanh pháp này nên khiến ta bị thối thất, do đó định này của ta không tồn tại lâu dài.’ Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích, diệt lạc, diệt khổ, diệt ưu hỷ vốn đã có, không khổ, không lạc, xả, niệm thanh tịnh, chứng đắc Tứ thiền, thành tựu và an trụ. Và vị ấy chấp thọ sở hành này, suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, lập niệm đúng như pháp với ý chuyên nhất, Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không thoái, không tiến, cũng không yểm ly. Ta sanh pháp này nên ta được an trụ, do đó, định này của ta chắc chắn tồn tại lâu dài.’ Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích, diệt lạc, diệt khổ, diệt ưu hỷ vốn đã có; không khổ, không lạc, xả, niệm thanh tịnh, chứng đắc Tứ thiền, thành tựu và an trụ. Nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành này, không suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ hành niệm tưởng tương ưng với Không vô biên xứ, với sự thăng tiến, Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không thoái chuyển, không trụ, cũng không yểm ly. Ta sanh pháp này nên ta được thăng tiến, như vậy không bao lâu nữa sẽ chứng đắc Không vô biên xứ.’ Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích, diệt lạc, diệt khổ, diệt ưu hỷ vốn đã có, không khổ, không lạc, xả, niệm thanh tịnh, chứng đắc Tứ thiền, thành tựu và an trụ. Nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành này, không suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ hành niệm tưởng tương ưng với tịch diệt, tịch tĩnh, thành tựu sự vô dục, Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không thoái, không trụ, cũng không thăng tiến. Ta sanh pháp này có thể khiến ta yểm ly, như vậy không bao lâu nữa sẽ chứng quả lậu tận.’ Tỳ-kheo ấy nên biết [717c] như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích, vượt qua tất cả sắc tưởng, diệt hữu đối tưởng, không suy niệm bất cứ loại tưởng nào, nhập không vô biên, thành tựu và an trụ Không vô biên xứ. Nhưng vị ấy chấp thọ sở hành này, không suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ hành niệm tưởng tương ưng với ái lạc sắc, thành tựu sự thoái chuyển, Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không trụ, không tiến, cũng không yểm ly. Ta sanh pháp này khiến ta bị thối thất, do đó, định này của ta không tồn tại lâu dài.’ Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích, vượt qua tất cả sắc tưởng, diệt hữu đối tưởng, không suy niệm bất cứ loại tưởng nào, nhập không vô biên, thành tựu và an trụ Không vô biên xứ, và vị ấy chấp thọ sở hành này, suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, lập niệm đúng như pháp, an trụ với ý chuyên nhất, Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không thoái, không tiến, cũng không yểm ly. Ta sanh pháp này có thể khiến ta được an trụ, do đó, định này của ta chắc chắn tồn tại lâu dài.’ Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích, vượt qua tất cả sắc tưởng, diệt hữu đối tưởng, không suy niệm bất cứ loại tưởng nào, nhập không vô biên, thành tựu và an trụ Không vô biên xứ, nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành này, không suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ hành niệm tưởng tương ưng với Thức vô biên xứ, thành tựu thăng tiến, Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không thoái, không trụ, cũng không yểm ly. Ta sanh pháp này nên ta được thăng tiến, như vậy không bao lâu nữa sẽ chứng đắc Thức vô biên xứ.’ Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích, vượt qua tất cả sắc tưởng, diệt hữu đối tưởng, không suy niệm bất cứ loại tưởng nào, nhập không vô biên, thành tựu và an trụ Không vô biên xứ, nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành này, không suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ hành niệm tưởng tương ưng với tịch diệt, tịch tĩnh, thành tựu vô dục, Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không thoái, không trụ, cũng không thăng tiến. Ta sanh pháp này có thể khiến ta yểm ly, như vậy không bao lâu nữa sẽ chứng quả lậu tận.’ Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích, vượt qua tất cả Không vô biên xứ, nhập thức vô biên, thành tựu và an trụ Thức vô biên xứ, nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành này, không suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ hành niệm tưởng tương ưng với Không vô biên xứ, thành tựu thoái chuyển, Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không trụ, không tiến, cũng không yểm ly. Ta sanh pháp này nên ta bị thối thất, do đó, [718a] định này của ta không tồn tại lâu dài.’ Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích, vượt qua tất cả Không vô biên xứ, nhập thức vô biên, thành tựu và an trụ Thức vô biên xứ, và vị ấy chấp thọ sở hành này, suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, lập niệm đúng như pháp, an trụ với ý chuyên nhất, Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không thoái chuyển, không tiến, cũng không yểm ly. Ta sanh pháp này khiến ta được an trụ, do đó, định này của ta chắc chắn tồn tại lâu dài.’ Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích, vượt qua tất cả Không vô biên xứ, nhập thức vô biên, thành tựu và an trụ Thức vô biên xứ, nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành này, suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ hành niệm tưởng tương ưng với Vô sở hữu xứ, thành tựu thăng tiến, Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không thoái chuyển, không trụ, cũng không yểm ly. Ta sanh pháp này nên ta được thăng tiến, như vậy không bao lâu nữa sẽ chứng đắc Vô sở hữu xứ.’ Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích, vượt qua tất cả Không vô biên xứ, nhập thức vô biên, thành tựu và an trụ Thức vô biên xứ, nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành này, không suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ hành niệm tưởng tương ưng với tịch diệt, tịch tĩnh, thành tựu vô dục, Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không thoái chuyển, không trụ, cũng không thăng tiến; vì ta sanh pháp này nên khiến ta yểm ly, như vậy không bao lâu nữa sẽ chứng quả lậu tận.’ Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích, vượt qua tất cả Thức vô biên xứ, nhập vô sở hữu, thành tựu và an trụ Vô sở hữu xứ, nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành này, không suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ hành niệm tưởng tương ưng với Thức vô biên xứ, thành tựu thoái chuyển, Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không trụ, không tiến, cũng không yểm ly. Ta sanh pháp này khiến ta bị thối thất, do đó, định này của ta không tồn tại lâu dài.’ Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích, vượt qua tất cả Thức vô biên xứ, nhập vô sở hữu, thành tựu và an trụ Vô sở hữu xứ, và vị ấy chấp thọ sở hành này, suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, lập niệm đúng như pháp, an trụ với ý chuyên nhất, Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không thoái chuyển, không tiến, cũng không yểm ly; vì ta sanh pháp này nên ta được an trụ, do đó, định này của ta chắc chắn tồn tại lâu dài.’ Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích, [718b] vượt qua tất cả Thức vô biên xứ, nhập vô sở hữu, thành tựu và an trụ Vô sở hữu xứ, nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành này, không suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ hành niệm tưởng tương ưng với Phi tưởng phi phi tưởng xứ, thành tựu sự thăng tiến, Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không thoái chuyển, không trụ, cũng không yểm ly; vì ta sanh pháp này nên ta được thăng tiến, như vậy không bao lâu nữa sẽ chứng đắc phi tưởng, phi phi tưởng xứ.’ Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích, vượt qua tất cả Thức vô biên xứ, nhập vô sở hữu, thành tựu và an trụ Vô sở hữu xứ, nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành này, không suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ hành niệm tưởng tương ưng với sự nhàm tởm, thành tựu vô dục, Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không thoái chuyển, không trụ, cũng không thăng tiến; vì ta sanh pháp này nên khiến ta nhàm tởm, như vậy không bao lâu nữa sẽ chứng quả lậu tận.’ Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Có tưởng và có thọ [34]. Ngang mức ấy còn được thọ; cho đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ là hành dư cao hơn hết trong sự hữu [35]. Tỳ-kheo hành thiền hãy phát khởi từ đó, hãy thuyết giảng lại cho người khác biết.

Đức Phật thuyết như vậy, các thầy Tỳ-kheo sau khi Phật dạy, hoan hỷ phụng hành. [36]

178. KINH LẠP SƯ

Tôi nghe như vầy.

Một thời Đức Phật trú tại thành Vương xá, trong rừng Trúc lâm, vườn Ca-lan-đà.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo rằng:

“Người thợ săn khi bẫy mồi nai, không có tâm như vầy ‘Mong cho nai được béo mập, được tốt đẹp, được sức lực, được sung sướng, sống lâu.’ Nhưng người thợ săn bẫy mồi nai với tâm như vầy ‘Bẫy mồi là chỉ muốn chúng đến gần để ăn; đã đến gần để ăn thì sẽ kiêu loạn phóng dật, mà đã kiêu loạn phóng dật thì sẽ tùy thuộc thợ săn và quyến thuộc thợ săn.’ Người thợ ăn bẫy mồi nai với tâm như vậy.

“Đàn nai thứ nhất đến gần đồ mồi của thợ săn. Sau khi chúng đến gần để ăn, [718c] bèn sanh kiêu loạn phóng dật rồi do kiêu loạn phóng dật nên bị tùy thuộc thợ săn và quyến thuộc thợ săn. Như vậy là đàn nai thứ nhất không thoát khỏi cảnh giới của thợ săn và quyến thuộc thợ săn.

“Đàn nai thứ hai suy nghĩ rằng ‘Đàn nai thứ nhất đã đến gần để ăn đồ mồi của thợ săn. Sau khi chúng đến gần để ăn, bèn sanh kiêu loạn phóng dật, rồi do kiêu loạn phóng dật nên bị tùy thuộc thợ săn và quyến thuộc thợ săn. Như vậy là đàn nai thứ nhất không thoát khỏi cảnh giới thợ săn và quyến thuộc thợ săn. Nay ta đừng ăn đồ ăn của thợ săn, tránh xa chỗ đáng sợ, nương nơi rừng vắng an toàn [37], ăn cỏ uống nước được chăng?’ Sau khi suy nghĩ, đàn nai thứ hai liền bỏ mặc đồ mồi của thợ săn, tránh xa chỗ đáng sợ, nương ở nơi rừng vắng an toàn, ăn cỏ uống nước. Đến tháng cuối mùa Xuân [38], cỏ nước đều hết, thân thể chúng rất gầy ốm, khí lực hao mòn và rồi lại bị tùy thuộc thợ săn và quyến thuộc thợ săn.

“Như vậy là đàn nai thứ hai cũng không thoát khỏi cảnh giới của thợ săn và quyến thuộc thợ săn.

“Đàn nai thứ ba lại suy nghĩ rằng, ‘Đàn nai thứ nhất và thứ hai, tất cả đều không thoát khỏi cảnh giới của thợ săn và quyến thuộc thợ săn. Nay ta hãy tránh xa thợ săn và quyến thuộc thợ săn, nhưng ở một nơi không xa, sau đó hãy ăn đồ ăn của thợ săn mà đừng đến gần. Đã ăn mà không đến gần thì không kiêu loạn phóng dật. Do không kiêu loạn phóng dật nên không bị tùy thuộc thợ săn và quyến thuộc thợ săn.’ Sau khi suy nghĩ, đàn nai thứ ba liền tránh xa thợ săn và quyến thuộc thợ săn, nhưng ở một nơi không xa. Sau đó ăn đồ mồi của thợ săn mà không đến gần. Ăn mà không đến gần nên không kiêu loạn phóng dật, rồi do không kiêu loạn phóng dật nên không tùy thuộc thợ săn và quyến thuộc thợ săn.

“Người thợ săn và quyến thuộc thợ săn nghĩ rằng ‘Đàn nai thứ ba này khôn lanh kỳ lạ! Quả thật, rất khôn lanh! Vì sao? Vì chúng ăn đồ ăn của ta mà ta không thể bắt được. Nay ta hãy bủa vòng lưới chạy dài. Sau khi bủa lưới chạy dài chắc sẽ biết được chỗ ở, đường lui tới của đàn nai thứ ba này.’ Sau khi suy nghĩ, thợ săn và quyến thuộc thợ săn liền bủa vòng lưới chạy dài và sau đó biết được chỗ ở, đường lui tới của đàn nai thứ ba. Như vậy, đàn nai thứ ba cũng không thoát khỏi cảnh giới của thợ săn và quyến thuộc thợ săn.

“Đàn nai thứ tư lại suy nghĩ, ‘Đàn nai thứ nhất, thứ hai và thứ ba, tất cả đều không thoát khỏi cảnh giới của thợ săn và quyến thuộc thợ săn. Nay ta hãy nương ở một nơi mà thợ săn và quyến thuộc thợ săn không đến được. Sau đó hãy ăn đồ mồi của thợ săn mà đừng đến gần. Đã ăn mà không đến gần thì [719a] không kiêu loạn phóng dật. Do không kiêu loạn phóng dật, sẽ không bị tùy thuộc thợ săn và quyến thuộc thợ săn.’ Sau khi suy nghĩ, đàn nai thứ tư liền nương ở một nơi mà thợ săn và quyến thuộc thợ săn không thể đến được, sau đó ăn đồ mồi của thợ săn mà không đến gần. Đã ăn mà không đến gần nên không kiêu sa phóng dật, rồi do không kiêu loạn phóng dật nên không bị tùy thuộc thợ săn và quyến thuộc thợ săn. Người thợ săn và quyến thuộc thợ săn lại suy nghĩ rằng: “Đàn nai thứ tư này ranh mãnh xảo trá kỳ lạ! Quả thật ranh mãnh xảo trá, nếu ta xua đuổi chúng, chắc chắn không thể được, vì những nai con khác sẽ kinh sợ bỏ chạy tán loạn. Vậy ta hãy cứ bỏ mặc đàn nai thứ tư này.’ Sau khi suy nghĩ, thợ săn và quyến thuộc thợ săn liền bỏ mặc.

“Như vậy là đàn nai thứ tư thoát khỏi cảnh giới của thợ săn và quyến thuộc thợ săn.

“Này Tỳ-kheo, Ta nói thí dụ này là muốn các giải rõ ý nghĩa. Nay Ta nói đây, các ngươi hãy quán sát nghĩa lý:

“Đồ mồi của thợ săn, nên biết, đó là năm công đức của dục [39]: sắc được biết bởi, tiếng nghe bởi tai, hương được ngữi bởi mũi, vị được nếm bởi lưỡi, xúc được chạm bởi thân. Đồ mồi của thợ săn, nên biết, đó là năm niệm công đức của dục. Người thợ săn, nên biết, đó chính là Ác ma vương. Quyến thuộc của thợ săn, nên biết, đó chính là quyến thuộc của Ma vương. Đàn nai, nên biết đó chính là Sa-môn, Bà-la-môn vậy.

“Sa-môn, Bà-la-môn thứ nhất đến gần ăn đồ mồi của Ma vương, là ăn của tín thí thế gian. Những vị ấy sau khi đến gần đồ ăn bèn sanh kiêu loạn phóng dật. Rồi do kiêu loạn phóng dật nên bị tùy thuộc Ma vương và quyến thuộc Ma vương. Như vậy là Sa-môn, Bà-la-môn thứ nhất không thoát khỏi cảnh giới của Ma vương và quyến thuộc của Ma vương.

“Ví như đàn nai thứ nhất đến gần để ăn đồ mồi của thợ săn. Sau khi chúng đến gần để ăn bèn sanh kiêu loạn phóng dật, rồi do kiêu sa phóng dật nên bị tùy thuộc thợ săn và quyến thuộc thợ săn. Như vậy là đàn nai thứ nhất không thoát khỏi cảnh giới của thợ săn và quyến thuộc thợ săn. Các ngươi hãy quán sát các Sa-môn, Bà-la-môn kia cũng giống như vậy.

“Sa-môn, Bà-la-môn thứ hai lại suy nghĩ rằng, ‘Sa-môn, Bà-la-môn thứ nhất đến gần ăn đồ mồi của Ma vương, là ăn của tín thí thế gian. Những vị ấy sau khi đến gần đồ ăn bèn sanh kiêu loạn phóng dật. Rồi do kiêu sa phóng dật nên bị tùy thuộc Ma vương và quyến thuộc Ma vương. Như vậy là Sa-môn, Bà-la-môn thứ nhất không thoát khỏi cảnh giới của Ma vương và quyến thuộc của Ma vương. Nay ta hãy từ bỏ đồ mồi của tín thí thế gian, tránh xa chỗ đáng sợ, nương ở nơi rừng vắng an toàn, chỉ ăn trái cây và rễ cây.’ Sau khi suy nghĩ, Sa-môn, Bà-la-môn thứ hai liền từ bỏ đồ ăn của tín thí thế gian, tránh xa chỗ đáng sợ, nương ở nơi rừng vắng an toàn, chỉ ăn trái cây và rễ cây. [719b] Đến tháng cuối Xuân, trái cây và rễ cây đều hết, thân thể những vị ấy rất gầy ốm, khí lực hao mòn, nên tâm giải thoát, tuệ giải thoát cũng hao mòn. Và tâm giải thoát, tuệ giải thoát đã hao mòn nên trở lại bị tùy thuộc Ma vương và quyến thuộc của Ma vương. Như vậy là Sa-môn, Bà-la-môn thứ hai cũng không thoát khỏi cảnh giới của Ma vương và quyến thuộc của Ma vương.

“Ví như đàn nai thứ hai suy nghĩ rằng ‘Đàn nai thứ nhất đến gần để ăn đồ mồi của thợ săn. Sau khi chúng đến gần để ăn bèn sanh kiêu sa phóng dật, rồi do kiêu sa phóng dật nên bị tùy thuộc thợ săn và quyến thuộc thợ săn. Như vậy là đàn nai thứ nhất không thoát khỏi cảnh giới của thợ săn và quyến thuộc thợ săn. Nay ta hãy từ bỏ đồ mồi của thợ săn, tránh xa chỗ đáng sợ, nương ở nơi rừng vắng an toàn, ăn cỏ uống nước được chăng? Sau khi suy nghĩ, đàn nai thứ hai liền từ bỏ đồ mồi của thợ săn, tránh xa chỗ đáng sợ, nương ở nơi rừng vắng an toàn, ăn cỏ uống nước. Đến tháng cuối Xuân, cỏ nước đều hết, thân thể chúng rất gầy ốm, khí lực hao mòn, và rồi lại bị tùy thuộc thợ săn và quyến thuộc thợ săn. Như vậy là đàn nai thứ hai không thoát khỏi cảnh giới của thợ săn và quyến thuộc thợ săn. Các ngươi hãy quán sát Sa-môn, Bà-la-môn thứ hai kia cũng giống như vậy.

“Sa-môn, Bà-la-môn thứ ba lại suy nghĩ rằng, ‘Sa-môn, Bà-la-môn thứ nhất và thứ hai, tất cả đều không thoát khỏi cảnh giới của Ma vương và quyến thuộc Ma vương. Nay ta hãy tránh xa Ma vương và quyến thuộc Ma vương, nương ở một nơi không xa, sau đó hãy ăn đồ mồi của thế gian tín thí mà đừng đến gần. Đã ăn mà không đến gần thì không bị tùy thuộc Ma vương và quyến thuộc Ma vương.’ Sau khi suy nghĩ, Sa-môn, Bà-la-môn thứ ba liền tránh xa Ma vương và quyến thuộc Ma vương, nương ở một nơi không xa, sau đó ăn đồ mồi của thế gian tín thí mà không đến gần. Đã ăn mà không đến gần, nên không kiêu loạn phóng dật, rồi do không kiêu sa phóng dật nên không bị tùy thuộc Ma vương và quyến thuộc Ma vương, nhưng còn chấp thủ hai kiến chấp, hữu kiến và vô kiến. Những vị ấy do chấp thủ hai kiến chấp này nên rồi cũng bị tùy thuộc Ma vương và quyến thuộc Ma vương. Như vậy là Sa-môn, Bà-la-môn thứ ba cũng không thoát khỏi cảnh giới của Ma vương và quyến thuộc Ma vương.

“Ví như đàn nai thứ ba lại suy nghĩ rằng ‘Đàn nai thứ nhất và đàn nai thứ hai, tất cả đều không thoát khỏi cảnh giới của thợ săn và quyến thuộc thợ săn. Nay ta hãy tránh xa thợ săn và quyến thuộc thợ săn, nương ở một nơi không xa, sau đó hãy ăn đồ mồi của thợ săn mà không đến gần. Đã ăn mà không đến gần thì không kiêu loạn phóng dật, không kiêu sa phóng dật thì [719c] không bị tùy thuộc thợ săn và quyến thuộc thợ săn.’ Sau khi suy nghĩ, đàn nai thứ ba liền tránh xa thợ săn và quyến thuộc thợ săn, nương ở một nơi không xa, sau đó ăn đồ mồi của thợ săn mà không đến gần. Đã ăn mà không đến gần nên không ỷ thị, phóng dật, rồi do không ỷ thị phóng dật nên không bị tùy thuộc thợ săn và quyến thuộc thợ săn. Người thợ săn và quyến thuộc thợ săn suy nghĩ rằng ‘Đàn nai thứ ba này khôn lanh kỳ lạ! Quả thật rất khôn lanh. Vì sao vậy? Vì chúng ăn đồ mồi của ta mà không thể bắt được. Nay ta hãy bủa vòng lưới chạy dài. Sau khi bủa vòng lưới chạy dài, chắc sẽ biết được chỗ ở, đường lui tới của đàn nai thứ ba này.’ Sau khi suy nghĩ, thợ săn và quyến thuộc thợ săn liền bủa vòng lưới chạy dài và sau đó biết được chỗ ở, đường lui tới của đàn nai thứ ba. Như vậy là đàn nai thứ ba cũng không thoát khỏi cảnh giới của thợ săn và quyến thuộc thợ săn. Chỗ ở, nên biết đó chính là hữu kiến. Đường lui tới, nên biết đó chính là vô kiến. Các ngươi hãy quán sát Sa-môn, Bà-la-môn thứ ba cũng giống như vậy.

“Sa-môn, Bà-la-môn thứ tư lại suy nghĩ rằng, ‘Sa-môn, Bà-la-môn thứ nhất, thứ hai và thứ ba, tất cả đều không thoát khỏi cảnh giới của Ma vương và quyến thuộc Ma vương. Nay ta hãy nương ở một nơi mà Ma vương và quyến thuộc Ma vương không thể đến được, sau đó hãy ăn đồ mồi của thế gian tín thí mà đừng đến gần. Đã ăn mà không đến gần thì không kiêu loạn phóng dật, không kiêu sa phóng dật thì không bị tùy thuộc Ma vương và quyến thuộc của Ma vương.’ Sau khi suy nghĩ, Sa-môn Bà-la-môn thứ tư này liền nương ở một nơi mà Ma vương và quyến thuộc Ma vương không thể đến được, sau đó ăn đồ mồi của thế gian tín thí mà không đến gần. Đã ăn mà không đến gần nên không kiêu loạn phóng dật, rồi do không kiêu loạn phóng dật nên không bị tùy thuộc Ma vương và quyến thuộc Ma vương. Như vậy là Sa-môn, Bà-la-môn thứ tư thoát khỏi cảnh giới của Ma vương và quyến thuộc của Ma vương.

“Cũng như đàn nai thứ tư lại suy nghĩ rằng, ‘Đàn nai thứ nhất, thứ hai và thứ ba, tất cả đều không thoát khỏi cảnh giới của thợ săn và quyến thuộc của thợ săn. Nay ta hãy nương ở một nơi mà thợ săn và quyến thuộc thợ săn không đến được, sau đó hãy ăn đồ mồi của thợ săn mà đừng đến gần. Đã ăn mà không đến gần thì không kiêu loạn phóng dật, không kiêu sa phóng dật thì không bị tùy thuộc thợ săn và quyến thuộc thợ săn.’ Sau khi suy nghĩ, đàn nai thứ tư liền nương ở một nơi mà thợ săn và quyến thuộc thợ săn không thể đến được, sau đó ăn đồ mồi của thợ săn mà không đến gần. Đã ăn mà không đến gần nên không [720a] kiêu loạn phóng dật, rồi do không kiêu loạn phóng dật nên không bị tùy thuộc thợ săn và quyến thuộc thợ săn. Người thợ săn và quyến thuộc thợ săn lại suy nghĩ rằng, ‘Đàn nai thứ tư này khôn lanh xảo quyệt kỳ lạ! Quả thật rất khôn lanh xảo quyệt. Nếu ta xua đuổi chúng, chắc chắn không thể được vì những con nai khác sẽ kinh sợ bỏ chạy tán loạn. Vậy ta hãy bỏ mặc đàn nai thứ tư này.’ Sau khi suy nghĩ, thợ săn và quyến thuộc thợ săn liền bỏ mặc. Như vậy là đàn nai thứ tư thoát khỏi cảnh giới của thợ săn và quyến thuộc thợ săn. Các ngươi hãy quán rằng Sa-môn, Bà-la-môn thứ tư cũng giống như vậy.

“Này Tỳ-kheo, phải nên học chỗ ở, đường lui tới như vậy để khiến Ma vương và quyến thuộc của Ma vương không thể đến được.

“Chỗ nào mà Ma vương và quyến thuộc của Ma vương không thể đến được? Đó là Tỳ-kheo ly dục, ly ác bất thiện, cho đến chứng đắc đệ Tứ thiền, thành tựu an trụ. Đó là chỗ Ma vương và quyến thuộc của Ma vương không thể đến được.

“Lại nữa, chỗ nào mà Ma vương và quyến thuộc của Ma vương không thể đến được? Đó là Tỳ-kheo tâm câu hữu với từ, biến mãn cả một phương, thành tựu và an trụ. Như vậy cho đến hai, ba, bốn phương, bốn phương bàng, phương trên, phương dưới, phổ biến khắp cả, tâm câu hữu với từ, không kết, không oán, không nhuế, không hại, rộng lớn bao la, vô lượng, khéo tu tập biến mãn khắp cả thế gian, thành tựu và an trụ. Cũng như vậy, đối với bi và hỷ. Tâm câu hữu với xả, biến mãn cả một phương, thành tựu và an trụ. Như vậy cho đến hai, ba, bốn phương, bốn phương bàng, phương trên, phương dưới, phổ biến khắp cả, tâm câu hữu với xả, không kết, không oán, không sân, không nhuế, không hại, rộng lớn bao la, vô lượng, khéo tu tập biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Đó gọi là chỗ Ma vương và quyến thuộc của Ma vương không thể đến được.

“Lại nữa, chỗ nào mà Ma vương và quyến thuộc của Ma vương của Ma vương không thể đến được? Đó là Tỳ-kheo vượt qua tất cả các sắc tưởng, cho đến thành tựu và an trụ Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Đó gọi là chỗ Ma vương và quyến thuộc của Ma vương không thể đến được.

“Lại nữa, chỗ nào mà Ma vương và quyến thuộc của Ma vương không thể đến được? Đó là Tỳ-kheo vượt qua tất cả Phi tưởng phi phi tưởng xứ, nhập tưởng thọ diệt, tự thân tác chứng, thành tựu an trụ, do tuệ kiến mà vĩnh viễn diệt tận các lậu. Đó gọi là chỗ Ma vương và quyến thuộc của Ma vương không thể đến được.

“Này Tỳ-kheo, chỗ ở và đường lui tới như vậy khiến Ma vương và quyến thuộc của Ma vương không thể đến được. Các ngươi hãy nên học như vậy.”

Phật thuyết như vậy, các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

179. KINH NGŨ CHI VẬT CHỦ

 [720b] Tôi nghe như vầy.

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ, Ngũ Chi Vật chủ [40] vào buổi sáng sớm rời khỏi nước Xá-vệ, đi đến chỗ Phật để cúng dường lễ bái. Ngũ Chi Vật chủ suy nghĩ: “Dù có đến chỗ Đức Phật thì Đức Thế Tôn và các Tỳ-kheo vẫn còn đang thiền tịnh. Vậy ta hãy đi đến khu vườn của Dị học Nhất Sa-la Mạt-lị [41].”

Rồi thì Ngũ Chi Vật chủ bèn ghé lại chỗ du hí hoan lạc gần hàng cây Cân-đầu-a-lê [42], đi đến khu vườn Dị học Nhất sa-la Mạt-lị [43].

Bấy giờ, trong khu vườn Dị học nhất sa-la mạt-lị có một Dị học tên là Sa-môn Văn-kì Tử [44], là đại tông chủ ở trong chúng đó, là tôn sư của nhiều người, được nhiều người kính trọng, thống lãnh một đại chúng gần năm trăm Dị học sư. Ông đang ở giữa đám đông ồn ào, lớn tiếng, âm thanh huyên náo, luận bàn đủ mọi đề tài súc sanh [45], như: đề tài vua chúa, đề tài trộm cướp, đề tài đấu tranh, đề tài ăn uống, đề tài áo chăn, đề tài phụ nữ, đề tài đàn bà, đề tài con gái, đề tài dâm nữ, đề tài thế gian, đề tài tà đạo, đề tài trong biển; đại loại như thế, chúng tụ tập luận bàn đủ mọi đề tài súc sanh.  

Dị học Sa-môn Văn-kì Tử trông thấy Ngũ Chi Vật chủ từ xa đang đi đến, liền ra lệnh bảo chúng của mình im lặng, rằng:

“Các người hãy im lặng, đừng nói nữa. Hãy tự thu liễm. Có đệ tử của Sa-môn Cù-đàm là Ngũ Chi Vật chủ sắp đến đây. Trong số những đệ tử tại gia của Sa-môn Cù-đàm ở nước Xá-vệ này không ai hơn được Ngũ Chi Vật chủ. Vì sao vậy? Vì ông ấy ưa thích sự im lặng, ca ngợi sự im lặng. Nếu ông ấy thấy hội chúng đây im lặng, có thể sẽ đến thăm.”

Bấy giờ, Dị học Sa-môn Văn-kì Tử bảo hội chúng im lặng rồi, tự mình cũng im lặng.

Khi ấy, Ngũ Chi Vật chủ đi đến chỗ Dị học Sa-môn Văn-kì Tử, cùng nhau chào hỏi, rồi ngồi xuống một bên. Dị học Sa-môn Văn-kì Tử nói:

“Này Vật chủ [46], nếu có bốn sự, ta tuyên bố rằng người ấy thành tựu thiện, đệ nhất thiện, là bậc Vô thượng sĩ, chứng đắc đệ nhất nghĩa, [47] là Sa-môn chất trực. Những gì là bốn? Là thân không tạo nghiệp ác, miệng không nói ác, không sống bằng tà mạng và không suy niệm niệm ác. Này Vật chủ, nếu có bốn sự này, ta tuyên bố rằng người ấy thành tựu thiện, đệ nhất thiện, bậc Vô thượng sĩ, chứng đắc đệ nhất nghĩa, là Sa-môn chất trực.”

Ngũ Chi Vật chủ nghe Dị học Sa-môn Văn-kì Tử nói, không cho là phải, không cho là trái, từ chỗ ngồi đứng dậy, bước đi với ý niệm: “Với lời như vậy, ta phải đích thân đi đến [720c] Thế Tôn thưa hỏi nghĩa này.” Rồi ông đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ, ngồi xuống một bên, đem những điều đã bàn luận với Dị học Sa-môn Văn-kì Tử thuật lại hết với Đức Phật.

Đức Thế Tôn nghe xong, nói rằng:

“Này Vật chủ, theo lời Dị học Sa-môn Văn-kì Tử nói, nếu quả thật như vậy thì trẻ sơ sanh tay chân mềm yếu, nằm ngửa mà ngủ, cũng sẽ thành tựu thiện, đệ nhất thiện, là bậc Vô thượng sĩ, chứng đắc đệ nhất nghĩa, là Sa-môn chất trực. Này Vật chủ, trẻ sơ sanh còn không có tưởng về thân, huống nữa là tạo nghiệp ác của thân. Nó chỉ có thể cử động thân. Này Vật chủ, trẻ sơ sanh còn không có tưởng về miệng, huống nữa là nói ác. Nó chỉ biết khóc. Này Vật chủ, trẻ sơ sanh còn không có tưởng về niệm, huống nữa là niệm ác, duy chỉ biết bập bẹ [48]. Này Vật chủ, trẻ sơ sanh còn không có tưởng về mạng, huống nữa là sống tà mạng, duy chỉ suy niệm đến sữa mẹ. Này Vật chủ, theo lời Dị học Sa-môn Văn-kì Tử nói, như vậy thì trẻ sơ sanh cũng thành tựu thiện, đệ nhất thiện, là bậc Vô thượng sĩ, chứng đắc đệ nhất nghĩa, là Sa-môn chất trực.

“Này Vật chủ, nếu người nào có bốn sự, Ta tuyên bố rằng người ấy thành tựu thiện, đệ nhất thiện, nhưng không phải là bậc Vô thượng sĩ, không thể chứng đắc đệ nhất nghĩa, cũng không phải là Sa-môn chất trực.

“Những gì là bốn? Là thân không tạo nghiệp ác, miệng không nói ác, không sống tà mạng và không suy niệm niệm ác. Này Vật chủ, nếu người nào có bốn sự, Ta tuyên bố rằng người ấy thành tựu thiện, đệ nhất thiện, nhưng không phải là bậc Vô thượng sĩ, không thể chứng đắc đệ nhất nghĩa, cũng không phải là Sa-môn chất trực.

“Này Vật chủ, thân nghiệp, khẩu nghiệp, Ta tuyên bố đó là giới.

“Này Vật chủ, niệm, [49] Ta tuyên bố đó là tâm sở hữu đi theo với tâm.

“Này Vật chủ, Ta nói nên biết giới bất thiện. Nên biết giới bất thiện phát sanh từ đâu? Nên biết, giới bất thiện bị diệt trừ không còn dư tàn ở chỗ nào, bị bại hoại không còn dư tàn ở chỗ nào? Nên biết, đệ tử Hiền Thánh làm thế nào để diệt trừ giới bất thiện?

“Này Vật chủ, Ta nói nên biết giới thiện. Nên biết giới thiện phát sanh từ đâu? Nên biết, giới thiện bị diệt không còn dư tàn ở chỗ nào, bị bại hoại không còn dư tàn ở chỗ nào? Nên biết, đệ tử Hiền thánh làm thế nào để diệt trừ giới thiện?

“Này Vật chủ, ta nói nên biết niệm bất thiện. Nên biết niệm bất thiện phát sanh từ đâu? Nên biết, niệm bất thiện bị diệt trừ không còn dư tàn ở chỗ nào, bị bại hoại không còn dư tàn ở chỗ nào? Nên biết, đệ tử Hiền thánh làm thế nào để diệt trừ niệm bất thiện?

“Này Vật chủ, ta nói nên biết niệm thiện. Nên biết niệm thiện phát sanh từ đâu? Nên biết, niệm thiện [721a] bị diệt trừ không còn dư tàn ở chỗ nào, bị bại hoại không còn dư tàn ở chỗ nào? Nên biết, Hiền Thánh làm thế nào để diệt trừ niệm thiện?

“Này Vật chủ, thế nào gọi là giới bất thiện?

“Thân hành bất thiện, miệng, ý hành bất thiện. Đó gọi là giới bất thiện.

“Này Vật chủ, giới bất thiện này phát sanh từ đâu? Ta nói chỗ phát sanh của chúng, nên biết là phát sanh từ tâm. Tâm là thế nào? Nếu tâm có dục, có nhuế, có si, nên biết giới bất thiện phát sanh từ tâm này.

“Này Vật chủ, giới bất thiện bị diệt trừ, không còn dư tàn ở chỗ nào, bị bại hoại không còn dư tàn ở chỗ nào? Đa văn Thánh đệ tử xả bỏ nghiệp bất thiện về thân, tu tập nghiệp thiện về thân; xả bỏ nghiệp bất thiện về miệng, ý, tu tập nghiệp thiện về miệng, ý. Đây là giới bất thiện bị diệt trừ không còn dư tàn, bị bại hoại không còn dư tàn.

“Này Vật chủ, đệ tử Hiền Thánh làm thế nào diệt trừ giới bất thiện? Đa văn Thánh đệ tử quán nội thân như thân, cho đến quán thọ, tâm, pháp như pháp. Như vậy là Hiền Thánh đệ tử đã diệt trừ giới bất thiện.

“Này Vật chủ, thế nào gọi là giới thiện? Thân hành thiện, miệng, ý hành thiện. Đó gọi là giới thiện.

“Này Vật chủ, giới thiện này phát sanh từ đâu? Ta nói chỗ phát sanh của chúng, nên biết là phát sanh từ tâm. Tâm là thế nào? Nếu tâm không có dục, không có nhuế, không có si, nên biết giới thiện phát sanh từ tâm này.

“Này Vật chủ, giới thiện bị diệt trừ không còn dư tàn ở chỗ nào, bị bại hoại không còn dư tàn ở chỗ nào. Đa văn Thánh đệ tử hành trì giới mà không dính trước nơi giới, đây là giới thiện bị diệt trừ không còn dư tàn, bị bại hoại không còn dư tàn.

“Này Vật chủ, Hiền Thánh đệ tử làm thế nào để diệt trừ giới thiện? Đa văn Thánh đệ tử quán nội thân như thân, cho đến quán thọ, tâm, pháp như pháp. Như vậy là Hiền Thánh đệ tử đã diệt trừ giới thiện.        

“Này Vật chủ, thế nào gọi là suy niệm bất thiện? Suy niệm về niệm dục, niệm nhuế, niệm hại. [50] Đó gọi là suy niệm bất thiện.

“Này Vật chủ, suy niệm bất thiện này phát sanh từ đâu? Ta nói chỗ phát sanh của chúng, nên biết là phát sanh từ tưởng. [51] Thế nào là tưởng? Ta nói hành trạng của tưởng có nhiều loại, đa thù, vô lượng sai biệt, hoặc dục tưởng, nhuế tưởng, hại tưởng.

“Này Vật chủ, chúng sanh do tưởng dục giới [52] mà sanh suy niệm bất thiện tương ưng với dục giới. Nếu có tưởng thì vì nhân nơi tưởng đó cho nên sanh suy niệm bất thiện tương ưng với dục giới.

“Này Vật chủ, chúng sanh do tưởng nhuế giới, hại giới cho nên sanh suy niệm bất thiện tương ưng với nhuế và hại giới. Nếu có tưởng thì vì nhân nơi tưởng đó cho nên sanh suy niệm bất thiện tương ưng với nhuế, hại giới. Đó là suy niệm bất thiện phát sanh từ tưởng này.

“Này Vật chủ, suy niệm bất thiện bị diệt trừ không còn dư tàn ở chỗ nào, [721b] bị bại hoại không còn dư tàn ở chỗ nào? Đa văn Thánh đệ tử ly dục, ly pháp ác bất thiện, có tầm có tứ, có hỷ lạc do ly dục sanh, chứng đắc Sơ thiền, thành tựu và an trụ, đây là suy niệm bất thiện bị diệt trừ không còn dư tàn, bị bại hoại không còn dư tàn.

“Này Vật chủ, Hiền Thánh đệ tử làm thế nào để diệt trừ suy niệm bất thiện? Đa văn Thánh đệ tử quán nội thân như thân, cho đến quán thọ, tâm, pháp như pháp; như vậy là Hiền Thánh đệ tử đã diệt trừ suy niệm bất thiện.

“Này Vật chủ, thế nào gọi là suy niệm thiện? Suy niệm về niệm vô dục, suy niệm vô nhuế, suy niệm vô hại [53]. Đó gọi là niệm thiện.

“Này Vật chủ, suy niệm này phát sanh từ đâu? Ta nói chỗ phát sanh của chúng, nên biết là phát sanh từ tưởng. Thế nào là tưởng? Ta nói hành trạng của tưởng có nhiều loại, đa thù, vô lượng sai biệt, hoặc vô dục tưởng, vô nhuế tưởng, vô hại tưởng.

“Này Vật chủ, chúng sanh do tưởng trong vô dục giới cho nên sanh suy niệm thiện tương ưng với vô dục giới. Nếu có tưởng thì vì nhân nơi tưởng đó cho nên sanh suy niệm thiện, tương ưng với vô dục giới.

“Này Vật chủ, chúng sanh do tưởng trong vô nhuế, vô hại giới cho nên sanh suy niệm thiện tương ưng với vô nhuế, vô hại giới. Nếu có tưởng thì vì nhân nơi tưởng đó cho nên sanh suy niệm thiện tương ưng với vô nhuế, vô hại giới. Đó là suy niệm thiện phát sanh từ tưởng này.

“Này Vật chủ, suy niệm thiện bị diệt trừ không còn dư tàn ở chỗ nào, bị bại hoại không còn dư tàn ở chỗ nào? Đa văn Thánh đệ tử diệt lạc, diệt khổ, diệt ưu hỷ vốn đã có, không khổ, không lạc, xả, niệm thanh tịnh, chứng đắc Tứ thiền, thành tựu và an trụ, đây là suy niệm thiện bị diệt trừ không còn dư tàn, bị bại hoại không còn dư tàn.

“Này Vật chủ, Hiền Thánh đệ tử làm thế nào để diệt trừ suy niệm thiện? Đa văn Thánh đệ tử quán nội thân như thân, cho đến quán thọ, tâm, pháp như pháp, như vậy là Hiền Thánh đệ tử đã diệt trừ suy niệm thiện.

“Này Vật chủ, Đa văn Thánh đệ tử do tuệ quán sát biết như thật giới bất thiện, biết như thật giới bất thiện phát sanh từ đâu, biết như thật giới bất thiện này đã bị diệt trừ không còn dư tàn, bị bại hoại không còn dư tàn. Do tuệ mà quán sát biết như thật như vậy là Hiền Thánh đệ tử đã diệt trừ giới bất thiện.

“Do tuệ mà quán sát biết như thật giới thiện, biết như thật giới thiện phát sanh từ đâu, biết như thật giới thiện này đã bị diệt trừ không còn dư tàn, bị bại hoại không còn dư tàn. Do tuệ mà quán sát biết như thật như vậy là Hiền Thánh đệ tử đã diệt trừ giới thiện.

“Do tuệ mà quán sát biết như thật suy niệm bất thiện, biết như thật niệm bất thiện phát sanh từ đâu, biết như thật niệm bất thiện này đã bị diệt trừ không còn dư tàn, bị bại hoại không còn dư tàn. Do tuệ mà quán sát biết như thật. Hiền Thánh đệ tử [721c] hành như vậy mà diệt trừ suy niệm bất thiện, biết như thật.

“Do tuệ mà quán sát biết như thật suy niệm thiện, biết như thật niệm thiện phát sanh từ đâu, biết như thật niệm thiện này đã bị diệt trừ không còn dư tàn, bị bại hoại không còn dư tàn. Do tuệ mà quán sát biết như thật. Hiền Thánh đệ tử hành như vậy mà diệt trừ suy niệm thiện, biết như thật.

“Vì sao vậy? Vì nhân chánh kiến nên sanh chánh tư duy [54], nhân chánh tư duy nên sanh chánh ngữ, nhân chánh ngữ nên sanh chánh nghiệp, nhân chánh nghiệp nên sanh chánh mạng, nhân chánh mạng nên sanh chánh tinh tấn [55], nhân chánh tinh tấn nên sanh chánh niệm, nhân chánh niệm nên sanh chánh định. Hiền Thánh đệ tử đã định tâm như vậy rồi, liền giải thoát tất cả dâm, nộ, si.

“Này Vật chủ, Hiền Thánh đệ tử đã chánh tâm giải thoát như vậy rồi, liền biết như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa.’ Đó gọi là học kiến đạo [56] thành tựu tám chi, và A-la-hán lậu tận đã thành tựu mười chi [57].

“Này Vật chủ, thế nào gọi là học kiến đạo thành tựu tám chi? Đó là học chánh kiến cho đến chánh định. [58] Như vậy gọi là học kiến đạo thành tựu tám chi.

“Thế nào gọi là A-la-hán lậu tận thành tựu mười chi? Đó là vô học chánh kiến cho đến vô học chánh trí [59]. Như vậy gọi là A-la-hán lậu tận thành tựu mười chi.

“Này Vật chủ, nếu người nào có mười chi, Ta chủ trương rằng người ấy thành tựu thiện, đệ nhất thiện, là bậc Vô thượng sĩ, chứng đắc đệ nhất nghĩa, là Sa-môn chất trực.”

Phật thuyết như vậy. Ngũ Chi Vật chủ và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

180. KINH CÙ-ĐÀM-DI

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại Thích-ki-sấu, ở tại Gia-tì-la-vệ, trong vườn Ni-câu-loại [60].

Bấy giờ, Ma-ha Bá-la-xà-bát-đề Cù-đàm-di [61] đem một chiếc y mới sắc vàng, dệt bằng kim tuyến, đến chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, ngồi xuống một bên rồi thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, chiếc y mới sắc vàng dệt bằng kim tuyến này, tôi tự cắt may cho Thế Tôn. Mong Thế Tôn thương xót tôi mà thâu nạp cho.”

Đức Thế Tôn nói:

“Này Cù-đàm-di, hãy đem y này dâng cúng cho Chúng Tỳ-kheo. Dâng cúng cho Chúng Tỳ-kheo tức là đã cúng dường Ta, cũng như đã cúng dường Đại chúng.”

 [722a] Lần thứ hai, rồi lần thứ ba. Đại Sanh Chủ [62] Cù-đàm-di vẫn thưa:

“Bạch Thế Tôn, chiếc y mới sắc vàng dệt bằng kim tuyến này, tôi tự cắt may cho Thế Tôn. Mong Thế Tôn thương xót tôi mà thâu nạp cho.”

Lần thứ hai, rồi lần thứ ba, Đức Thế Tôn cũng vẫn nói:

“Này Cù-đàm-di, hãy đem y này dâng cúng cho Chúng Tỳ-kheo. Dâng cúng cho Chúng Tỳ-kheo tức là đã cúng dường Ta, cũng như đã cúng dường Đại chúng.”

Bấy giờ, Tôn giả A-nan đứng phía sau Đức Thế Tôn, cầm quạt hầu Phật, liền thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, Đại Sanh Chủ Cù-đàm-di đã đem lại cho Thế Tôn nhiều lợi ích, đã bảo dưỡng Thế Tôn sau khi thân mẫu Thế Tôn qua đời.”

Đức Thế Tôn nói:

“Này A-nan, thật sự như vậy. Này A-nan, thật sự như vậy. Đại Sanh Chủ Cù-đàm-di đã đem lại cho Ta nhiều lợi ích, đã bảo dưỡng Ta sau khi thân mẫu Ta qua đời. Nhưng này A-nan, Ta cũng đem lại cho Đại Sanh Chủ Cù-đàm-di nhiều lợi ích. Vì sao vậy? Đại Sanh Chủ Cù-đàm-di nhờ Ta mà được quy y Phật, Pháp và Chúng Tỳ-kheo, không nghi ngờ Ba ngôi Tôn quý, Khổ, Tập, Diệt, Đạo, thành tựu tín, giới, đa văn, bố thí, trí tuệ, xa lìa nghiệp sát, đoạn trừ nghiệp sát, không cho mà lấy, tà dâm, nói dối, xa lìa nghiệp uống rượu, đoạn trừ nghiệp uống rượu. A-nan, nếu có người nhờ người ấy mà được quy y Phật, Pháp và Chúng Tỳ-kheo, không nghi ngờ ba ngôi Tôn quý, không nghi ngờ Khổ, Tập, Diệt, Đạo, thành tựu tín, giới, đa văn, bố thí, trí tuệ, xa lìa nghiệp sát, đoạn trừ nghiệp sát, không cho mà lấy, tà dâm, nói dối, xa lìa nghiệp uống rượu, đoạn trừ nghiệp uống rượu, thì người này cúng dường lại người kia, dù cho đến suốt đời, uống ăn, áo chăn, giường chõng, thuốc thang và đủ các thứ vật dụng cho đời sống, vẫn chưa thể đền ơn.

“Lại nữa, này A-nan, có bảy loại bố thí cho Tăng chúng, và có mười loại bố thí riêng cho từng người, [63] sẽ được đại phước, được đại quả, được đại công đức, được quả báo rộng lớn.

“Này A-nan, thế nào là bảy loại bố thí cho Tăng chúng sẽ được đại phước, được đại quả, được đại công đức, được quả báo rộng lớn?

“Thiện nam tử hay thiện nữ nhân có tín tâm, khi Phật còn tại thế, Phật là vị đứng đầu, mà bố thí cho Phật và Chúng Tỳ-kheo, như vậy gọi là loại bố thí thứ nhất cho Tăng chúng sẽ được đại phước, được đại quả, được đại công đức, được quả báo rộng lớn.

“Thiện nam tử hay thiện nữ nhân có tín tâm, sau khi Thế Tôn nhập Niết-bàn không lâu, bố thí cho cả hai bộ chúng, bố thí cho Chúng Tỳ-kheo, bố thí cho Chúng Tỳ-kheo-ni; đi vào tinh xá Tỳ-kheo bạch với Chúng rằng ‘Mong trong Chúng ở đây cử ra một số Tỳ-kheo để chúng con được bố thí’; đi vào tinh xá Tỳ-kheo-ni bạch với Chúng rằng ‘Mong trong Chúng ở đây cử ra một số Tỳ-kheo-ni để chúng con được bố thí.’ Như vậy gọi là loại bố thí thứ năm cho Tăng chúng, sẽ được đại phước, được đại quả, được đại công đức, [722b] được quả báo rộng lớn. [64]

“Này A-nan, trong thời tương lai, có Tỳ-kheo thuộc loại danh tánh [65], khoác áo cà-sa mà không tinh tấn. Người ấy tuy đã không tinh tấn, không tinh cần mà vẫn được bố thí vì có ở trong Chúng, duyên nơi Chúng, ở trên Chúng, nhân nơi Chúng, Ta nói lúc bấy giờ thí chủ sẽ được phước vô lượng, không thể đếm, không thể kể, được thiện, được lạc; huống nữa là bố thí cho Tỳ-kheo thành tựu hành sự [66], thành tựu trừ sự [67], thành tựu cả hành sự và trừ sự, thành tựu chất trực, [68] thành tựu nhu nhuyến, [69] thành tựu cả chất trực và nhu nhuyến, thành tựu nhẫn, thành tựu lạc, thành tựu cả nhẫn và lạc, thành tựu tương ưng, thành tựu kinh kỹ, thành tựu cả tương ưng và kinh kỹ, thành tựu oai nghi, thành tựu hành lai du [70], thành tựu cả oai nghi và hành lai du [71], thành tựu tín, thành tựu giới, thành tựu đa văn, thành tựu thí, thành tựu tuệ, thành tựu cả tín, giới, đa văn, thí, tuệ. Như vậy gọi là loại bố thí thứ bảy cho Tăng chúng, được đại phước, được đại quả, được đại công đức, được quả báo rộng lớn.      

“Đó gọi là bảy loại bố thí cho Tăng chúng được đại phước, được đại quả, được đại công đức, được quả báo rộng lớn.

“Này A-nan, thế nào gọi là mười bốn loại bố thí riêng cho từng người được đại phước, được đại quả, được đại công đức, quả báo rộng lớn?

“Thiện nam tử hay thiện nữ có tín nhân bố thí cho Đức Như Lai, bố thí cho Duyên giác, bố thí cho A-la-hán, bố thí cho A-la-hán hướng, bố thí cho A-na-hàm, bố thí cho A-na-hàm hướng, bố thí cho Tư-đà-hàm, bố thí cho Tư-đà-hàm hướng, bố thí cho Tu-đà-hoàn, bố thí cho Tu-đà-hoàn hướng, bố thí cho Tiên nhân ngoại đạo ly dục, bố thí cho người tinh tấn, bố thí cho người không tinh tấn, bố thí cho súc sanh.

“Này A-nan, bố thí cho súc sanh được phước trăm lần hơn.

“Bố thí cho người không tinh tấn được phước ngàn lần hơn.

“Bố thí cho người tinh tấn được phước trăm ngàn lần hơn.

“Bố thí cho Tiên nhân ngoại đạo ly dục được phước ức trăm ngàn lần hơn.

“Bố thí cho vị Tu-đà-hoàn hướng được phước vô lượng.

“Bố thí cho vị đắc Tu-đà-hoàn được phước vô lượng.

“Bố thí cho vị Tư-đà-hàm hướng được phước vô lượng.

“Bố thí cho vị đắc Tư-đà-hàm được phước vô lượng.

“Bố thí cho vị A-na-hàm hướng được phước vô lượng.

“Bố thí cho vị đắc a-na-hàm được phước vô lượng.

“Bố thí cho vị A-la-hán hướng được phước vô lượng.

“Bố thí cho vị đắc A-la-hán được phước vô lượng.

“Huống nữa là bố thí cho Đức Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác.

“Đây là mười bốn loại bố thí riêng cho từng người, được đại phước, được đại quả, được đại công đức, được đại quảng báo.

“Lại nữa, này A-nan, có bốn loại bố thí và chỉ ba loại được thanh tịnh.

“Những gì là bốn? Có loại bố thí do thí chủ thanh tịnh, không phải do người thọ nhận. Có loại bố thí do người thọ nhận thanh tịnh, chứ không phải do [722c] thí chủ. Có loại bố thí không phải do thí chủ thanh tịnh, cũng không phải do người thọ nhận.             Có loại bố thí do thí chủ thanh tịnh và người thọ nhận cũng vậy.

“Này A-nan, thế nào gọi là loại bố thí do thí chủ thanh tịnh, không phải do người thọ nhận? Thí chủ tinh tấn, tu hành diệu pháp, thấy có đời sau, thấy có quả báo [72]. Do thấy như vậy nên nói như vậy, rằng ‘Có sự bố thí, có quả báo của sự bố thí.’ Còn người thọ nhận thì không tinh tấn, tu hành ác pháp, không thấy có đời sau, không thấy có quả báo. Do thấy như vậy nên nói như vậy, rằng ‘Không có sự bố thí, không có quả báo của sự bố thí.’ Như vậy gọi là loại bố thí do thí chủ thanh tịnh, không phải do người thọ nhậïn.

“Này A-nan, thế nào gọi là loại bố thí do người thọ nhận thanh tịnh, không phải do thí chủ? Thí chủ không tinh tấn, tu hành ác pháp, không thấy có đời sau, không thấy có quả báo. Do thấy như vậy nên nói như vậy, rằng ‘Không có sự bố thí, không có quả báo của sự bố thí.’ Còn người thọ nhận thì tinh tấn, tu hành diệu pháp, thấy có đời sau, thấy có quả báo. Do thấy như vậy nên nói như vậy, rằng ‘Có sự bố thí, có quả báo của sự bố thí.’ Như vậy gọi là loại bố thí do người thọ nhận thanh tịnh, không phải do thí chủ.

“Này A-nan, thế nào gọi là loại bố thí không phải do thí chủ thanh tịnh, cũng không phải do người thọ nhận? Thí chủ không tinh tấn, tu hành ác pháp, không thấy có đời sau, không thấy có quả báo. Do thấy như vậy nên nói như vậy, rằng ‘Không có sự bố thí, không có quả báo của sự bố thí.’ Người thọ nhận cũng không tinh tấn, tu hành ác pháp, không thấy có đời sau, không thấy có quả báo. Do thấy như vậy nên nói như vậy, rằng ‘Không có sự bố thí, không có quả báo của sự bố thí.’ Như vậy gọi là loại bố thí không phải do thí chủ thanh tịnh, cũng không phải do người thọ nhận.

“Này A-nan, thế nào gọi là loại bố thí do thí chủ thanh tịnh và người thọ nhận cũng vậy? Thí chủ tinh tấn, tu hành diệu pháp, thấy có đời sau, thấy có quả báo. Do thấy như vậy nên nói như vậy, rằng ‘Có sự bố thí, có quả báo của sự bố thí.’ Người thọ nhận cũng tinh tấn, tu hành diệu pháp, thấy có đời sau, thấy có quả báo. Do thấy như vậy nên nói như vậy, rằng ‘Có sự bố thí, có quả báo của sự bố thí.’ Như vậy gọi là loại bố thí do thí chủ thanh tịnh và người thọ nhận cũng vậy.”

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn nói bài kệ rằng:

Tinh tấn thí người  không tinh tấn,

Thí đúng pháp được tâm hoan hỷ.

Vì tin có nghiệp và quả báo:

Loại thí này thí chủ thanh tịnh.    

Không tinh tấn thí người tinh tấn;

Không đúng pháp, không tâm hoan hỷ.

Vì không tin nghiệp và quả báo:

Loại thí này người nhận thanh tịnh.

Người giải đãi thí không tinh tấn;

Không đúng pháp, không tâm hoan hỷ.

Vì không tin nghiệp và quả báo:

Loại thí này không được quảng báo.

Người tinh tấn thí người tinh tấn,

Là đúng pháp, được tâm hoan hỷ.

Vì tin có nghiệp và quả báo:

Loại thí này đạt được quảng báo.

 [723a] Kẻ nô tỳ và kẻ bần cùng,

Hoan hỷ tự mình làm bố thí;

Vì tin có nghiệp, có quả báo:

Bố thí như vậy thiên nhân khen.

Khéo léo giữ gìn cả thân miệng;

Đưa tay cầu xin đúng Chánh pháp;         

Người ly dục thí người ly dục:

Đó chính là tài thí đệ nhất.

Phật thuyết như vậy. Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

181. KINH ĐA GIỚI

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ, Tôn giả A-nan một mình trong tịnh thất, tĩnh tọa tư duy, tâm khởi lên ý nghĩ này: “Những ai có sợ hãi, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh chứ không từ trí tuệ. Những ai vướng tai hoạn, ưu não, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh, chứ không phải từ trí tuệ.” [73]

Rồi Tôn giả A-nan vào lúc xế chiều, từ tĩnh tọa dậy, đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ sát chân Phật, rồi đứng sang một bên, bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, hôm nay con một mình trong tịnh thất, tĩnh tọa tư duy, tâm khởi lên ý nghĩ này: ‘Những ai có sợ hãi, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh chứ không từ trí tuệ. Những ai vướng tai hoạn, ưu não, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh, chứ không phải từ trí tuệ.’”

Thế Tôn nói rằng:

“Thật vậy, A-nan, những ai có sợ hãi, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh chứ không từ trí tuệ. Những ai vướng tai hoạn, ưu não, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh, chứ không phải từ trí tuệ.

“Này A-nan, cũng như lửa dậy từ bụi lau, bụi cỏ, cháy luôn cả lầu các, điện đường. Này A-nan, cũng vậy, những ai có sợ hãi, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh chứ không từ trí tuệ. Những ai vướng tai hoạn, ưu não, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh, chứ không phải từ trí tuệ.

“Này A-nan, trong quá khứ, nếu những ai có sợ hãi, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh chứ không từ trí tuệ. Nếu những ai vướng tai hoạn, ưu não, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh, chứ không phải từ trí tuệ.   

“Này A-nan, trong thời vị lai, nếu những ai có sợ hãi, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh chứ không từ trí tuệ. Nếu những ai vướng tai hoạn, ưu não, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh, [723b] chứ không phải từ trí tuệ.

“Này A-nan, trong thời hiện tại, những ai có sợ hãi, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh chứ không từ trí tuệ. Những ai vướng tai hoạn, ưu não, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh, chứ không phải từ trí tuệ. 

“Này A-nan, đó gọi là, ngu si có sợ hãi, trí tuệ không sợ hãi; ngu si có vướng tai hoạn, ưu não; trí tuệ không có vướng tai hoạn, ưu não.

“Này A-nan, những ai có sợ hãi, vướng tai hoạn, ưu não, tất cả chúng có thể tìm thấy nơi ngu si chứ không phải nơi trí tuệ.”

Lúc bấy giờ, Tôn giả A-nan buồn rầu, khóc lóc, nước mắt chảy, chấp tay hướng về Đức Phật, bạch rằng:         

“Bạch Thế Tôn, thế nào là Tỳ-kheo ngu si, không phải trí tuệ [74]?”

Thế Tôn đáp rằng:

“Này A-nan, nếu có Tỳ-kheo nào không biết giới, không biết xứ, không biết nhân duyên, không biết thị xứ phi xứ [75]. A-nan, Tỳ-kheo như vậy là ngu si, không phải trí tuệ.”

Tôn giả A-nan bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo như vậy là ngu si, không phải là trí tuệ. Nhưng bạch Thế Tôn, thế nào là Tỳ-kheo trí tuệ, không phải ngu si?”

Thế Tôn đáp rằng:

“A-nan, Tỳ-kheo biết giới, biết xứ, biết nhân duyên, biết thị xứ phi xứ. [76] A-nan, Tỳ-kheo như vậy là trí tuệ, không phải ngu si.”

Tôn giả A-nan bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo như vậy là trí tuệ, không phải ngu si. Nhưng bạch Thế Tôn, thế nào là Tỳ-kheo biết giới?”

Thế Tôn nói:

“Này A-nan, Tỳ-kheo thấy và biết như thật về mười tám giới: nhãn giới, sắc giới, nhãn thức giới; nhĩ giới, thanh giới, nhĩ thức giới, tỷ giới, hương giới, tỷ thức giới; thiệt giới, vị giới, thiệt thức giới; thân giới, xúc giới, thân thức giới; ý giới, pháp giới, ý thức giới. A-nan, thấy và biết như thật về mười tám giới này.

“Lại nữa, A-nan, thấy và biết như thật về sáu giới: địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới, không giới, thức giới. A-nan, thấy và biết như thật về sáu giới này.

“Lại nữa, A-nan, thấy và biết như thật về sáu giới: dục giới, nhuế giới, hại giới, vô dục giới, vô nhuế giới, vô hại giới. A-nan, thấy và biết như thật về sáu giới này.

“Lại nữa, A-nan, thấy và biết như thật về sáu giới: lạc giới, khổ giới, hỷ giới, ưu giới, xả giới, vô minh giới. A-nan, thấy và biết như thật về sáu giới này.

“Lại nữa, A-nan, thấy và biết như thật về bốn giới: thọ giới, tưởng giới, hành giới, thức giới. A-nan, thấy và biết như thật về bốn giới này.

“Lại nữa, A-nan, thấy và biết như thật về ba giới: dục giới, sắc giới, vô sắc giới. A-nan, thấy và biết như thật về ba giới này.

“Lại nữa, [723c] A-nan, thấy và biết như thật về ba giới: sắc giới, vô sắc giới, diệt giới. A-nan, thấy và biết như thật về ba giới này.

“Lại nữa, A-nan, thấy và biết như thật về ba giới: quá khứ giới, vị lai giới, hiện tại giới. A-nan, thấy và biết như thật về ba giới này.

“Lại nữa, A-nan, thấy và biết như thật về ba giới: diệu giới, bất diệu giới, trung giới. A-nan, thấy và biết như thật về ba giới này.

“Lại nữa, A-nan, thấy và biết như thật về ba giới: thiện giới, bất thiện giới, vô ký giới. A-nan, thấy và biết như thật về ba giới này.

“Lại nữa, A-nan, thấy và biết như thật về ba giới: học giới, vô học giới, phi học vô học giới. A-nan, thấy và biết như thật về ba giới này.

“Lại nữa, A-nan, thấy và biết như thật về hai giới: hữu lậu giới, vô lậu giới. A-nan, thấy và biết như thật về hai giới này.

“Lại nữa, A-nan, thấy và biết như thật về: hữu vi giới, vô vi giới. A-nan, thấy và biết như thật về hai giới này.

“Này A-nan, thấy và biết như thật về sáu mươi hai giới này. A-nan, Tỳ-kheo thấy và biết như thật về giới như vậy.”

Tôn giả A-nan bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo biết giới như vậy. Nhưng bạch Thế Tôn, thế nào là Tỳ-kheo biết xứ?”

Thế Tôn đáp:

“Tỳ-kheo thấy và biết như thật về mười hai xứ: nhãn xứ, sắc xứ, nhĩ xứ, thanh xứ, tỷ xứ, hương xứ, thiệt xứ, vị xứ, thân xứ, xúc xứ, ý xứ, pháp xứ. A-nan, thấy và biết như thật về mười hai xứ này. Này A-nan, Tỳ-kheo biết xứ như vậy.”

Tôn giả A-nan bạch rằng:

“Tỳ-kheo biết xứ như vậy. Nhưng bạch Thế Tôn, thế nào là Tỳ-kheo biết nhân duyên [77]?”

Thế Tôn đáp:

“Tỳ-kheo thấy và biết như thật về nhân duyên và pháp sanh khởi từ nhân duyên, rằng ‘Nhân cái này có, cái kia có; cái này không, cái kia không. Cái này sanh, cái kia sanh; cái này diệt cho nên cái kia diệt.’ Tức là duyên vô minh có hành..., cho đến duyên sanh có già, chết. Nếu vô minh diệt thì hành diệt, cho đến sanh diệt thì già, chết diệt. A-nan, Tỳ-kheo biết nhân duyên như vậy.”

Tôn giả A-nan bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo biết nhân duyên như vậy. Nhưng, bạch Thế Tôn, thế nào là Tỳ-kheo biết thị xứ phi xứ?”

Thế Tôn đáp:

“Tỳ-kheo thấy và biết như thật về xứ là xứ, phi xứ là phi xứ. Này A-nan, nếu trong đời có hai vị Chuyển luân vương cùng cai trị, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu trong đời có một Chuyển luân vương cai trị, trường hợp này tất có.

“Này A-nan, nếu [724a] trong đời có hai Đức Như Lai, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu trong đời này có một Đức Như Lai, trường hợp này tất có.

“Này A-nan, nếu một người đã thấy đế lý [78] mà có ý sát hại cha, hại mẹ, giết A-la-hán, phá hoại Thánh chúng, ác tâm với Phật làm Như Lai đổ máu, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu một người phàm phu cố ý hại cha, hại mẹ, giết A-la-hán, phá hoại Thánh chúng, ác tâm với Phật làm Như Lai đổ máu, trường hợp này tất có xảy ra.

“A-nan, nếu một người đã thấy đế lý mà cố tình phạm giới, xả giới, bỏ đạo, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu một người phàm phu cố ý phạm giới, xả giới, bỏ đạo, trường hợp này tất có.

“Nếu có một người đã thấy đế lý mà xả ly nội đạo này, tôn thờ ngoại đạo, mong cầu phước điền ở đó, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu một người phàm phu xả ly nội đạo này, tôn thờ ngoại đạo, mong cầu phước điền ở đó, trường hợp này tất có.

“Này A-nan, nếu một người đã thấy đế lý mà theo các Sa-môn, Bà-la-môn khác nói như vầy: ‘Các ngài thấy điều đáng thấy, biết điều đáng biết’, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu người phàm phu theo các Sa-môn, Bà-la-môn khác, nói rằng: ‘Các ngài thấy điều đáng thấy, biết điều đáng biết’, trường hợp này tất có.

“Này A-nan, nếu người đã thấy đế lý mà còn tin bói toán, hỏi cát hung, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu người phàm phu tin bói toán, hỏi cát hung, trường hợp này tất có.

“Này A-nan, nếu người đã thấy đế lý mà theo các Sa-môn, Bà-la-môn khác mà bói toán, hỏi cát hung, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu người phàm phu theo các Sa-môn, Bà-la-môn khác mà bói toán, hỏi cát hung, trường hợp này tất có.

“A-nan, nếu ngườøi thấy đế lý mà khi phát sanh sự cực khổ, rất khổ, trọng đại khổ, không thể ái, không thể lạc, không thể tư, không thể niệm, cho đến đoạn mạng, bèn xả ly nội đạo này, cầu cứu ở ngoại đạo. Hoặc có Sa-môn, Bà-la-môn trì một câu, hai câu, ba câu, bốn câu, nhiều câu, trăm ngàn câu, ‘Mong giải trừ sự khổ cho tôi’, đó là đi tìm sự khổ, tập khởi sự khổ, dẫn đến sự khổ mà nói là dứt khổ, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu một người phàm phu xả ly nội đạo này mà cầu cứu ngoại đạo, hoặc có Sa-môn, Bà-la-môn trì chú một câu, hai câu, ba câu, bốn câu, nhiều câu, trăm ngàn câu, ‘Mong giải trừ sự khổ cho tôi’, đó là đi tìm sự khổ, tập khởi sự khổ, dẫn đến sự khổ, mà nói là dứt khổ, trường hợp này tất có.

“A-nan, nếu người thấy đế lý mà tái sanh lần thứ tám, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu một người phàm phu tái sanh lần thứ tám, trường hợp này tất có.

“Này A-nan, nếu ai có thân ác hành, khẩu và ý [724b] ác hành, do duyên này thân hoại mạng chung đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu ai có thân ác hành, khẩu và ý ác hành, do duyên này thân hoại mạng chung đi đến ác xứ, sanh trong địa ngục, trường hợp này tất có.

“A-nan, nếu ai có thân diệu hành, khẩu và ý diệu hành, do duyên này thân hoại mạng chung đi đến ác xứ, sanh trong địa ngục, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu ai có thân diệu hành, khẩu và ý diệu hành, do duyên này thân hoại mạng chung đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời, trường hợp này tất có.

“A-nan, nếu ai có thân ác hành, khẩu và ý ác hành mà thọ lạc báo, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu ai có thân ác hành, khẩu và ý ác hành mà thọ khổ báo, trường hợp này tất có.

“A-nan, nếu ai có thân diệu hành, khẩu và ý diệu hành mà thọ khổ báo, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu ai có thân diệu hành, khẩu và ý diệu hành mà thọ lạc báo, trường hợp này tất có.

“Này A-nan, nếu ai không đoạn trừ năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, mà tâm có thể an trụ vững vàng trên bốn niệm xứ, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu ai đoạn trừ năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém mà tâm an trụ vững vàng trên bốn niệm xứ, trường hợp này tất có.

“A-nan, nếu ai không đoạn trừ năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, tâm không an trụ vững vàng trên bốn niệm xứ mà muốn tu bảy giác chi, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu ai đoạn trừ năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, tâm an trụ vững vàng trên bốn niệm xứ mà tu bảy giác ý, trường hợp này tất có.

“A-nan, nếu ai không đoạn trừ năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, tâm không an trụ vững vàng trên bốn niệm xứ, không tu bảy giác ý mà muốn chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng giác, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu ai đoạn trừ năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, an trụ vững vàng trên bốn niệm xứ, tu bảy giác ý, chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng giác, trường hợp này tất có.

“A-nan, nếu ai không đoạn trừ năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, tâm không an trụ vững vàng trên bốn niệm xứ, không tu bảy giác ý, không chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng giác mà đoạn tận khổ biên, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu ai đoạn trừ năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, an trụ vững vàng trên bốn niệm xứ, tu bảy giác ý, chứng đắc Vô thượng chánh đẳng giác, đoạn tận khổ biên, trường hợp này tất có.

“Này A-nan, Tỳ-kheo biết thị xứ, phi xứ như vậy.”

Lúc bấy giờ Tôn giả A-nan chấp tay hướng về Đức Phật bạch:

“Bạch Thế Tôn, kinh này tên gọi là gì? Nên phụng trì như thế nào?”

Thế Tôn đáp:

“Này A-nan, hãy thọ trì [724c] pháp này, là đa giới, pháp giới, cam lộ giới, đa cổ, pháp cổ, cam lộ cổ, [79] là pháp kính, [80] là tứ phẩm [81]. Do đó kinh này được gọi là Đa Giới.”

Phật thuyết như vậy. Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành. [82]

 


 [1] Pl. A  ii. 177: kena nu kho loko nīyati, kena loko parikassati, kassa ca uppannassa vasaṃ gacchati, “Cái gì dẫn đạo thế gian? Cái gì lôi kéo thế gian đi? Đối với cái gì đã sanh mà thế gian thần phục?”

 [2] Hữu hiền đạo nhi hữu hiền quán... 有賢道而有賢觀. Pāli: bhaddako kho te ummaggo, bhaddako paṭibhānam kalyāni paripucchā, tốt lành thay là con đường (hầm) của ngươi; sự lý giải thật là tốt lành; những câu hỏi thật là khéo léo.

 [3] Pāli: cittassa upannassa vasaṃ gacchati, tâm sau khi sanh khởi nó khống chế (thế gian).

 [4] Minh đạt trí tuệ. No.82: Tiệp tật trí tuệ. Pāli: nibbedhikapañño, trí tuệ nhạy bén, sâu sắc (quyết trạch tuệ).

 [5] Pl.: paṇḍito mahāpañño, quảng tuệ, đại tuê.

 [6] Phù-di 浮彌. Pāli: Bhūmija.

 [7] Xem các kinh số 166, 171.

 [8] Vương tử Kỳ-bà-tiên-na Đồng tử 王子耆婆先那僮子, Pāli đọc theo bản Hán: Jīvasena Kumāra. Nhưng, tên trong bản Pāli M. 126: Jayasena rājakumara.

 [9] Pāli, M.126: cả bốn trường hợp đều không đắc quả (abhabbā phalassa adhigamāya).

 [10] Có sự nhầm lẫn trong bản dịch Hán. Xem nội dung kinh. Cf. Pl. M 126: (…) ayoniso brahmacariyaṃ caranti abhabbā phalassa adhigamāya (…) yoniso brahmacariyaṃ caranti bhabbā phalassa adhigamāya, “Những ai hành phạm hạnh không như lý, không thể đạt được kết quả. Những ai hành phạm hạnh như lý, tất sẽ đạt được kết quả.”

 [11] Bản Hán: tà kiến, tà kiến định 邪見邪見定. Pāli, nêu tám tà chi, từ tà kiến cho đến tà định.

 [12] Hán: vô đạo 無道. Pāli: ayoni hesā.

 [13] Bốn thọ pháp 受法. Pāli: cattārimāni dahammasamādānāni. Cf. Tập dị 8 (tr. 398c06): bốn pháp thọ 四法受.

 [14] M. 45 (i. 305): dhammasamādānaṃ paccupannasukhaṃ āyatiṃ dukkhavipākaṃ. Tập dị. ibid.: cảm hiện lạc hậu khổ dị thục 感現樂後苦異熟.

 [15] Hán: trang nghiêm nữ 莊嚴女. M. 45: te kho moḷibaddhāhi paribbājikāhi paricārenti, họ đi tìm lạc thú với các nữ du sĩ tóc quấn.

 [16] Hán: tránh dục 諍欲, “tranh cãi với dục”. Có lẽ hiểu adhikaraṇa là tranh cãi, thay vì là nguyên nhân hay động cơ. M. 45: kāmahetu kāmanidānaṃ, nhân bởi dục, duyên do dục.

 [17] Xuân hậu nguyệt. M 45: gimhānaṃ pacchime māse, tháng cuối cùng mùa hạ.

 [18] Hán: nhật chích sách bính 日炙坼迸. Các bản chép khác nhau về nhóm từ này. Bản Cao-li, viết 曰 thay vì nhật 日; bản Cao-li: bỉ 圮, bản Tống: ngạn 岸, thay vì sách 坼.

 [19] Pl.: paccuppannadukkhañceva āyatiṃ sukhavipākaṃ. Tập dị ibid.: cảm hiện khổ hậu lạc dị thục 感現苦後樂異熟.

 [20] Pl.: pakatiyā tibbarāgajātiko, bản tánh rất nhạy cảm với tham ái.

 [21] Pl.: paccuppannadukkhañceva āyatiṃ dukkhavipākaṃ.

 [22] Xem kinh 25 (Lõa hình Phạm chí), tr. 103b.

 [23] Hán: đầu-xá y 頭舍衣. Pāli dussa, vải thô chưa nhuộm màu.

 [24] Hán: Học phiền nhiệt hành 學煩熱行. Pāli: ātāpanaparitāpanānuyogam anuyutto viharati, sống hành theo sự khổ hạnh ép xác.

 [25] Pl.: paccuppannasukhañceva āyatiñca sukhavipākaṃ.

 [26] Xem kinh số 10. No.83: tại Câu loại Pháp trị xứ 拘類法治處 dịch âm và dịch nghĩa hỗn hợp của Kuru-kammāsaddhamma. M 46: tại Sāvatthi.

 [27] Xem minh 174 trên. No 83: bốn pháp tương ưng 四法相應.

 [28] Tập hành, bất đoạn 習行不斷. N.83: hành, bất khí 行不棄. Làm theo chứ không bỏ”. Pāli: sevati na parivajjiti, phục vụ (thân cận), không tránh né.

 [29] A-ma-ni-dược 阿摩尼藥. M 46: āpānīyakaṃsa, bình đựng nước uống. Trong bản Hán, dược, có lẽ phiên âm từ  -yakaṃsa, không có nghĩa là thuốc.

 [30] Pāli: pūtimuttam, nước đái quỷ, tức a-ngùy, thường dùng làm thuốc.

 [31] Xem cht.5 trên.

 [32] Bản Hán, hết quyển 45.

 [33] Xem các kinh số 10, 55, 169.

 [34] Tưởng tri  想 知: tưởng thọ; chỉ tất cả thiền định, trừ diệt tận định. Ở định Phi tưởng phi tưởng xứ chỉ tồn tại hai yếu tố nay. Vượt lên nữa, là diệt tận định hay tưởng thọ diệt tận định.

 [35] Hành dư đệ nhất hữu 行餘第一有.

 [36] Bản Hán, hết quyển 46.

 [37] Hán: vô sự xứ 無 事 處. Pāli: araññāyatana.

 [38] Hán: xuân hậu nguyệt 春後月. Pāli: gimhānaṃ pacchime māse, vào tháng cuối mùa hạ.

 [39] Ngũ dục công đức 五 欲 功 德. Pāli: pañca kāmaguṇā, năm tố chất của dục vọng.

 [40] Ngũ Chi Vật chủ 五支物主, Pāli: Pancakaṅga thapati, một người thợ mộc.

 [41] Nhất sa-la mạt-lị dị học viên 一娑邏未利異學園; M 78: đi đến khu vườn Mallika, tại nhà hội Ekasālaka có hàng cây tinduka bao quanh (xem chú thích 4 ở dưới).

 [42] Cân-đầu-a-lê 巾頭阿梨; xem cht.4 dưới đây.

 [43] Mallikārāma, là một khu rừng để thưởng ngoạn ở trong thành Sāvatthi của hoàng hậu Mallikā (Mạt-lị phu nhân). Tại đây, trước tiên chỉ có một ngôi nhà độc nhất, nhưng sau được du sĩ ngoại đạo Poṭṭhapāda dựng lên nhiều cái nữa, do đó được gọi là Ekasālaka (Hán: Nhất sa-la); với hàng rào bằng cây tinduka (tên khoa học: Diospyros embryopters) nên cũng được gọi là Tindukācirā ( Hán: cân-đầu-a-lê). Khu vườn cũng được gọi là Samayappavālaka, một hội trường để tranh luận các vấn đề tà chánh.

 [44] Sa-môn Văn-kì Tử 娑門文祁子. Pl.: Samaṇamaṇḍikāputta, tên thật là Uggāhamana.

 [45] Súc sanh luận 畜生論. Pāli: tiracchānakathā, luận bàn phiếm, vô ích. Đoạn kế kể các đề tài được nói là Súc sanh luận.

 [46] Vật chủ 物 主. Pāli: Thapati, thợ mộc.

 [47] Đắc đệ nhất nghĩa 得第一義: đạt được mục đichs tối thượng.

 [48] Trong bản Hán có sự nhầm lẫn về thứ tự mạngniệm.

 [49] Hán: niệm 念. Pl.: saṅkappa, tư duy.

 [50] Ba bất thiện niêm 不善念: bất thiện tư duy. Cf. D 33: tayo akusalasṅkappā – kāmasaṅkappo, vyāpādasaṅkappo, vihiṃsasaṅkappo. 

 [51] Pl.: saññāsamuṭṭhānā, tưởng đẳng khởi.

 [52] Dục giới tưởng 欲界想; đây không chỉ cho giới hệ hay cõi, mà là giới loại. Đoạn kinh này đề cập ba bất thiện giới: dục giới, sân giới, hại giới (Pāli: tisso akusalaudhātuyo - kāmadhātu, vyāpādadhātu, vihiṃsadhātu). Xem Pháp uẩn 11 (No.1537, tr. 503c).

 [53] Ba thiện giới. Xem cht. 11 trên.

 [54] Chánh chí, tức chánh tư duy.

 [55] Chánh phương tiện, tức chánh tinh tấn.

 [56] Hán: học kiến tích 學 見 跡, chỉ giai đoạn kiến đạo của hàng hữu học. Xem thêm cht. dưới.

 [57] Hàng hữu học ở địa vị kiến đạo, tu tập và thành tựu tám chi Thánh đạo để thấy lý Tứ đế. Bậc A-la-hán lậu tận thành tựu mười vô học chi. Xem Tỳ-bà-sa 92 (tr.479 a).

 [58] M 78:

 [59] Tám vô học chi của Thánh đạo, thứ 9 vô học chánh giải thoát và 10 vô học chánh trí (xem giải thích Tập dị 20 tr. 452 c). Pl., thứ 9: asekha-sammāñāṇa (vô học chánh trí),  thứ 10: asekha-sammāvimutti (vô học chánh giải thoát).

 [60] Thích-ki-sấu, Gia-tì-la-vệ, Ni-câu-loại thọ viên 釋羈瘦, 加鞞羅衛, 尼拘顃樹園. Pāli: sống những người họ Thích (Sakkesu), trong tinh xá (vườn) Nigrodha, Ca-tì-la-vệ.

 [61] Ma-ha Bá-la-xà-bát-đề Cù-đàm-di 摩訶簸邏闍鉢提瞿曇彌: Ma-ha Ba-xà-ba-đề, Đại Ái Đạo; đoạn dưới dịch là Đại Sanh Chủ大生主. Xem kinh 116. Pāli: Mahā-Pajāpati Gotamī. No 84: Bí-xô-ni tên là Ma-ha-ba-xà-ba-đề 苾芻尼名摩訶波闍波提.

 [62] Đại Sanh Chủ 大生主, xem cht. 2 trên.

 [63] No 84: 14 loại giảo lượng bố thí 十四種較量布施. M 142: cuddasa pāṭipuggalikā dakkhiṇā, 14 loại bố thí phân loại theo từng hạng người.

 [64] Bảy loại bố thí Tăng, No 84: 1. Phật tại thế, bố thí Tăng với Phật đứng đầu. 2. Sau khi Phật diệt, bố thí Chúng Bí-xô. 3. Sau khi Phật diệt, bố thí Chúng Bí-xô-ni. 4. Sau khi Phật diệt, bố thí cả hai Chúng. 5. Sau khi Phật diệt bố thí Chúng Bí-xô du phương hành hóa. 6. Sau khi Phật diệt, bố tthí Chúng Bí-xô-ni du phương hành hóa. 7. Sau khi Phật diệt bố thí cả hai Chúng du phương hành hóa.

 [65] Tỳ kheo danh tánh chủng  比丘名姓種,  chỉ Tỳ-kheo chỉ có danh tự, chứ không có thực chất. Pāli: gotrabhuno, Sớ giải: chỉ có cái tên chủng tánh, là loại sa-môn hư danh (gottamattakam eva anubhavamānā, nāmamattasamaṇāti attho).

 [66] Tức bốn hành, Cf. Pháp uẩn 2 (tr. 463b25): không an ổn 不安隱行, an ổn 安隱行, điều phục 調伏行 và tịch tĩnh 寂靜行. Chúng đệ tử Phật hành ba loại sau. Cf. D. 33. Saṅgīti-suttanta: catasso paṭipadā - akkhamā paṇipadā (hành không kham nhẫn), khamā paṭipadā (hành kham nhẫn), damā paṭipadā (hành điều phục), samā paṭipadā (hành tịch tĩnh).

 [67] Trừ sự, trong kinh 215, tám thắng xứ được gọi là tám trừ xứ, nhưng ở đây trừ sự có thể chỉ cho bốn thông hành (xem kinh số 215 ở sau).

 [68] Cf. Pháp uẩn 2 (tr. 463a27) : chât trực hành 質直行.

 [69] Nhu nhuyến 柔軟; cf. Pháp uẩn 2 (tr. 463b15): hòa kỉnh hành 和敬行. 

 [70] Hành lai du 行來遊, cf Pháp uẩn 3 (No.1537, tr. 463 b), được gọi là tùy pháp hành, tức tám chi Thánh đạo. Chúng đệ tử của Phật tùy thuận du lịch thiệp hành trong đó.

 [71] Mười sự thành tựu trên đây, trừ những thành tựu: nhu nhuyến, nhẫnlạc, còn lại có thể so với những đức tánh Tăng bảo thường được tán thán, mà theo văn của Tập dị và Pháp uẩn (tr. 463b5) như vầy: Cụ túc diệu hành, chất trực hành, như lý hành, pháp tùy pháp hành, hòa kỉnh hành, tùy pháp hành 具足妙行質直行如理
<lb n="0463a07"/>行法隨法行和敬行隨法.  Cf. Pl. thành cú: suppaṭipanno, ujuppaṭipanno, ñāyappaṭipanno, sāmīcippaṭipanno.

 [72] Kiến lai kiến quả見來見果; Xem Tập đị (No.1536, tr. 402a18): hữu y kiến, hữu quả kiến 有依見有果見. 

 [73] Nội dung bản Hán này gần đóng nhất với Pháp uẩn 10 (tr. 501b25). Pāli, M 115 (Bahudhātu), đây là lời Phật nói với các Tỳ-kheo.

 [74] Pháp uẩn và M 115 giống nhau về câu hỏi này: “đến mức độ nào để được liệt vào loại ngu phu?”

 [75] Thị xứ phi xứ: trường hợp đúng và trường hợp sai.

 [76] M 115: dhātukusalo, āyatanakusalo, paṭiccasamuppādakusalo, ṭhānāthānakusalo: thiện xảo giới, thiện xảo xứ, thiện xảo duyên kkhởi, thiện xảo xứ phi xứ. Pháp uẩn: ư giới, xứ uẩn, duyên khởi, xứ phi xứ pháp đắc thiện xảo 於
<lb n="0501c13"/>界處蘊 緣起 處非處法 得善巧.

 [77] Nhân duyên 因緣, đây chỉ duyên khởi. Pāli: paṭiccasamuppāda.

 [78] Kiến đế nhân, đây chỉ vị Tu-đà-hoàn.

 [79] Cam lộ cổ 甘露鼓. Pl.: amatadundubhi, tiếng trống bất tử.

 [80] Pháp kính. Pl.: dhammādāso, tâm gương của Pháp. Pháp uẩn: đại pháp kính 大法鏡.

 [81] Tứ phẩm四品, Pháp uẩn: tứ chuyển 四轉. Pāli: catuparivaṭṭo.

 [82] Bản Hán, hết quyển 47.

Phẩm 17: Song

PHẨM 17: SONG

TỤNG NGÀY THỨ TƯ

Phân biệt tụng

馬邑及馬邑  

牛角娑羅林

牛角娑羅林  

求解最在後

TỤNG NGÀY THỨ NĂM

Hậu tụng

說智阿夷那  

拘樓明聖道

東園論小空  

大空最在後

Kệ tóm tắt: [1]

Mã ấp và Mã ấp,

Rứng Ngư giác sa-la,

Rừng Ngưu giác sa-la,

Cầu giải ở sau cùng.

Thuyết trí, A-di-na,

Câu-lâu  minh Thánh đạo,

Đông viên luận Tiểu không,

Đại không ở sau cùng.

182. KINH MÃ ẤP (I)

Tôi nghe như vầy.

Một thời Đức Phật trú tại nước Ương-kị [2], cùng với đại chúng Tỳ-kheo. Ngài cùng với đại chúng Tỳ-kheo đi đến Mã ấp [3], ngụ tại Mã lâm tự [4].

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo rằng:

“Người ta thấy các ngươi, những Sa-môn, là Sa-môn. Nếu có ai hỏi các ngươi, những Sa-môn, thì các ngươi có tự xưng mình là Sa-môn chăng?”

Các Tỳ-kheo bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, có.”

Phật lại nói:

“Cho nên, các ngươi chính vì lẽ đó, chính vì là Sa-môn, phải học pháp như thật Sa-môn, và pháp như thật  Bà-la-môn. [5] Sau khi đã học pháp như thật Sa-môn và pháp như thật  Bà-la-môn, bấy giờ mới là Sa-môn chân chánh, không phải là Sa-môn hư danh. Nếu có thọ nhận áo chăn, ẩm thực, giường chõng, thuốc thang, và các thứ tư cụ sinh hoạt khác, những ai cung cấp các thứ ấy được phước lớn, được kết quả lớn, được công đức lớn và được quả báo rộng rãi. Các ngươi nên học như vậy.

“Thế nào là pháp như thật Sa-môn và pháp như thật  Bà-la-môn?

“Thân hành thanh tịnh, [6] chánh đại quang minh, [7] khéo léo giữ gìn, không có tỳ vết. Nhân nơi thân hành thanh tịnh này mà vẫn không tự đề cao, không khinh chê người, không ô uế, không vẩn đục, [725a] được các đồng phạm hạnh có trí khen ngợi. Nếu các ngươi nghĩ rằng, ‘Ta thân hành thanh tịnh, điều cần làm ta đã làm xong, không cần học thêm nữa, đã thành tựu đức nghĩa, không còn gì phải làm thêm’, này Tỳ-kheo, Ta nói cho các ngươi biết, không để các ngươi mong cầu ý nghĩa của Sa-môn [8] mà lạc mất ý nghĩa của Sa-môn.

“Như muốn cầu học tiến thêm nữa, Tỳ-kheo nếu thân đã thanh tịnh lại phải làm những gì? Cần học khẩu hành thanh tịnh, [9] chánh đại quang minh, khéo léo giữ gìn, không có tỳ vết. Nhân nơi khẩu hành thanh tịnh này mà vẫn không tự đề cao, không khinh chê người, không ô uế, không vẩn đục, được các đồng phạm hạnh có trí khen ngợi. Nếu các ngươi nghĩ rằng, ‘Ta thân, khẩu hành thanh tịnh, điều cần làm ta đã làm xong, không cần học thêm nữa, đã thành tựu đức nghĩa, không còn gì phải làm thêm’, này Tỳ-kheo, Ta nói cho các ngươi biết, không để các ngươi mong cầu nghĩa của Sa-môn mà lạc mất nghĩa của Sa-môn.

“Như muốn cầu tiến thêm nữa, Tỳ-kheo nếu thân, khẩu đã thanh tịnh, lại phải làm những gì? Cần học ý hành thanh tịnh, [10] chánh đại quang minh, khéo léo giữ gìn, không có tỳ vết. Nhân nơi ý hành thanh tịnh này mà vẫn không tự đề cao, không khinh chê người, không ô uế, không vẩn đục, được các đồng phạm hạnh có trí khen ngợi. Nếu các ngươi nghĩ rằng, ‘Ta thân, khẩu, ý hành thanh tịnh, điều cần làm ta đã làm xong, không cần học thêm nữa, đã thành tựu đức nghĩa, không còn gì phải làm làm thêm’, này Tỳ-kheo, Ta nói cho các ngươi biết, không để các ngươi mong cầu nghĩa của Sa-môn mà lạc mất nghĩa của Sa-môn.

“Như muốn cầu tiến thêm nữa, Tỳ-kheo nếu thân, khẩu, ý đã thanh tịnh, lại phải làm những gì? Phải học mạng hành [11] thanh tịnh, chánh đại quang minh, khéo léo giữ gìn, không có tỳ vết. Nhân nơi mạng hành thanh tịnh này mà vẫn không tự đề cao, không khinh chê người, không ô uế, không vẩn đục, được các đồng phạm hạnh có trí khen ngợi. Nếu các ngươi nghĩ rằng, ‘Ta thân, khẩu, ý, mạng hành thanh tịnh, điều cần làm ta đã làm xong, không cần học thêm nữa, đã thành tựu đức nghĩa, không còn gì làm phải làm thêm’, này Tỳ-kheo Ta nói cho các ngươi biết, không để các ngươi mong cầu nghĩa của Sa-môn mà lạc mất nghĩa của Sa-môn.

“Như muốn cầu học tiến thêm nữa, Tỳ-kheo nếu thân, khẩu, ý, mạng đã thanh tịnh, lại phải làm những gì? Tỳ-kheo phải học thủ hộ các căn, thường niệm tưởng sự khép kín [12], niệm tưởng muốn minh đạt, thủ hộ tâm mà được thành tựu, hằng khởi chánh tri. Khi mắt thấy sắc, không chấp thủ tướng của sắc, không đắm nhiễm vị [13] của sắc. Do nguyên nhân gì [14] mà khi nhãn căn không được thủ hộ thì trong tâm sanh tham lam, ưu sầu, ác bất thiện pháp, hướng đến kia mà thủ hộ căn con mắt. Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân; khi ý biết pháp, [725b] không chấp thủ tướng của pháp, không đắm nhiễm vị của pháp. Do nguyên nhân gì mà khi ý căn không được thủ hộ thì trong tâm sanh tham lam, ưu sầu, ác bất thiện pháp, hướng đến kia mà thủ hộ ý căn. Nếu các ngươi nghĩ rằng, ‘Ta thân, khẩu, ý, mạng hành thanh tịnh, thủ hộ các căn, điều cần làm ta đã làm xong, không cần học thêm nữa, đã thành tựu đức nghĩa, không còn gì làm phải làm thêm’, này Tỳ-kheo, Ta nói cho các ngươi biết, không để các ngươi mong cầu cứu cánh của Sa-môn mà lạc mất cứu cánh của Sa-môn.

“Như muốn cầu học tiến thêm nữa, Tỳ-kheo nếu thân, khẩu, ý, mạng đã thanh tịnh, đã thủ hộ các căn, lại phải làm những gì? Tỳ-kheo phải học chánh tri khi ra, khi vào [15], khéo quán sát phân biệt [16]; co duỗi, cúi ngước, nghi dung chững chạc; khéo mang tăng-già-lê và các y bát; đi, đứng, ngồi, nằm, ngủ, thức, nói năng hay im lặng... đều có chánh tri. Nếu các ngươi nghĩ rằng, ‘Ta thân, khẩu, ý, mạng hành thanh tịnh, thủ hộ các căn, có chánh tri khi ra, khi vào, điều cần làm ta đã làm xong, không cần học thêm nữa, đã thành tựu đức nghĩa, không còn gì phải làm thêm’, này Tỳ-kheo, Ta nói cho các ngươi biết, không để các ngươi mong cầu nghĩa của Sa-môn mà lạc mất nghĩa của Sa-môn.

“Như muốn cầu học tiến thêm nữa, Tỳ-kheo nếu thân, khẩu, ý, mạng đã thanh tịnh, đã thủ hộ các căn, đã biết rõ sự ra vào, lại phải làm những gì? Tỳ-kheo nên học sống cô độc tại nơi xa vắng, ở trong rừng vắng, dưới gốc cây, những nơi không nhàn yên tĩnh, sườn non, động đá, đất trống, lùm cây, hoặc vào trong rừng, hoặc giữa bãi tha ma. Vị ấy sau khi ở trong rừng vắng, hoặc dưới gốc cây, những nơi không nhàn yên tĩnh, trải ni-sư-đàn, ngồi kiết già, chánh thân chánh nguyện [17], hướng niệm nội tâm [18], đoạn trừ tâm tham lam, tâm không tranh chấp [19], thấy tài vật và các nhu dụng sinh sống của người khác mà không khởi lòng tham muốn, muốn khiến về mình. Vị ấy đối với sự tham lam, tâm đã tịnh trừ. Cũng vậy, sân nhuế, thùy miên, trạo hối, đoạn nghi trừ hoặc, đối với các thiện pháp không có do dự. Vị ấy đối với sự nghi hoặc, tâm đã tịnh trừ. Vị ấy đã đoạn trừ năm triền cái, những thứ làm ô uế, tuệ yếu kém, rồi ly dục, ly pháp ác bất thiện, cho đến chứng đắc Tứ thiền, thành tựu an trụ.

“Tỳ-kheo với định tâm như vậy, thanh tịnh, không ô uế, không phiền nhiệt, nhu nhuyến, khéo an trụ, chứng đắc tâm bất động, bèn hướng đến sự tác chứng Lậu tận trí thông. Vị ấy liền biết như thật rằng, ‘Đây là Khổ’, ‘Đây là Khổ tập’, ‘Đây là Khổ diệt’, ‘Đây là Khổ diệt đạo.’ Cũng biết như thật ‘Đây là Lậu’, ‘Đây là Lậu tập’, ‘Đây là Lậu diệt’, ‘Đây là Lậu diệt đạo.’ Tỳ-kheo ấy đã biết như vậy, thấy như vậy rồi, [725c] tâm giải thoát dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu. Giải thoát rồi liền biết là mình đã giải thoát, biết như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa.’ Ta nói vị ấy là Sa-môn, là  Bà-la-môn, là Thánh, là Tịnh dục [20].

“Thế nào gọi là ‘Sa-môn’? Là người đã đình chỉ [21] các pháp ác bất thiện, các lậu ô uế, là gốc rễ của sự hữu trong tương lai, là sự phiền nhiệt, là nhân của khổ báo, của sanh lão bệnh tử. Đó gọi là Sa-môn.

“Thế nào gọi là ‘ Bà-la-môn’? Là người xa lìa [22] các pháp ác, pháp bất thiện, các lậu ô uế mà là gốc rễ của sự hữu trong tương lai, là sự phiền nhiệt, là nhân của khổ báo, của sanh lão bệnh tử. Đó gọi là  Bà-la-môn.

“Thế nào gọi là ‘Thánh’? Là người xa lìa [23] các pháp ác, pháp bất thiện, các lậu ô uế, làm gốc rễ của sự hữu trong tương lai, là sự phiền nhiệt, là nhân của khổ báo, của sanh lão bệnh tử. Đó gọi là Thánh.

“Thế nào gọi là ‘Tịnh dục’? Là người đã tắm rửa sạch các pháp ác, pháp bất thiện, các lậu ô uế, là gốc rễ của hữu trong tương lai, là sự phiền nhiệt, là nhân của khổ báo, của sanh lão bệnh tử. Đó gọi là Tịnh dục. Đó gọi là Sa-môn, là  Bà-la-môn, là Thánh, là tịnh dục.”

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo ấy sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

183. KINH MÃ ẤP (II)

Tôi nghe như vầy.

Một thời Đức Phật trú tại nước Ương-kị [24], cùng với đại chúng Tỳ-kheo. Ngài cùng với đại chúng Tỳ-kheo đi đến Mã ấp, ngụ tại Mã lâm tự.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo rằng:

“Người ta thấy các ngươi, những Sa-môn, là Sa-môn. Nếu có ai hỏi các ngươi, những Sa-môn, thì các ngươi có tự xưng mình là Sa-môn chăng?”

Các Tỳ-kheo bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, có.”

Phật lại nói:

“Cho nên, các ngươi chính vì lẽ đó, chính vì là Sa-môn, phải học đạo hành [25] của Sa-môn, chớ đừng là phi Sa-môn. Sau khi đã học đạo hành của Sa-môn, bấy giờ mới là Sa-môn chân chánh, không phải là Sa-môn hư danh. Nếu có thọ nhận áo chăn, ẩm thực, giường chõng, thuốc thang, và các thứ tư cụ sinh hoạt khác, những ai cung cấp các thứ ấy được phước lớn, được kết quả lớn, được công đức lớn và được quả báo rộng rãi. Các ngươi nên học như vậy.

“Thế nào là không phải đạo hành của Sa-môn? Không phải là Sa-môn? Có tham lam, [26] không dứt tham lam. Có nhuế, không dứt nhuế. Có sân, không bỏ sân [27]. Có phú tang không dứt phú tàng [28]. Có kết không dứt [726a] kết [29]. Có bỏn sẻn, không dứt bỏn sẻn. Có tật đố, không dứt tật đố. Có dua nịnh, không dứt dua nịnh. Có lường gạt, không dứt lường gạt. Có vô tàm, không dứt vô tàm [30]. Có vô quý [31], không dứt vô quý. Có ác dục, không bỏ ác dục. Có tà kiến, không bỏ tà kiến. Đó gọi là sự cấu uế của Sa-môn, du siểm của Sa-môn, là trá ngụy của Sa-môn, sự cong vạy của Sa-môn, dẫn đến chỗ ác, vì chưa dứt sạch, nên sự học không phải là đạo hành của Sa-môn, không phải là Sa-môn [32].

“Cũng như cái búa [33] mới rèn rất bén, đầu có mũi nhọn, được bọc trong tăng-già-lê, Ta nói những người ngu si học đạo Sa-môn kia cũng như vậy, nghĩa là có tham lam, không dứt tham lam, có nhuế, không dứt nhuế, có sân, không bỏ sân, có phú tàng không dứt phú tàng, có kết không dứt kết, có bỏn sẻn, không dứt bỏn sẻn, có tật đố, không dứt tật đố, có dua nịnh, không dứt dua nịnh, có lường gạt, không dứt lường gạt, có vô tàm, không dứt vô tàm, có vô quý, không dứt vô quý, có ác dục, không bỏ ác dục, có tà kiến, không bỏ tà kiến; dù khoác tăng-già-lê, Ta không nói đó là Sa-môn.

“Nếu ai chỉ cần khóac tăng-già-lê mà có tham lam thì dứt tham lam, có nhuế dứt nhuế, có sân bỏ sân, có phú tàng dứt phú tàng, có kết dứt kết, có bỏn sẻn dứt bỏn sẻn, có tật đố dứt tật đố, có dua nịnh dứt dua nịnh, có lường gạt dứt lường gạt, có vô tàm dứt vô tàm, có vô quý dứt vô quý, có ác dục bỏ ác dục, có tà kiến bỏ tà kiến, thì bạn bè thân thiết của người đó nên đến nói với người đó rằng, ‘Này Hiền nhân, bạn hãy học khoác tăng-già-lê. Này Hiền nhân, nếu bạn học khoác Tăng-già-lê, có tham lam thì dứt tham lam, có nhuế dứt nhuế, có sân dứt sân, có phú tàng dứt phú tàng, có kết dứt kết, có bỏn sẻn dứt bỏn sẻn, có tật đố dứt tật đố, có dua nịnh dứt dua nịnh, có lường gạt dứt lường gạt, có vô tàm dứt vô tàm, có vô quý dứt vô quý, có ác dục bỏ ác dục, có tà kiến bỏ tà kiến.’

“Bởi vì Ta thấy người khóac tăng-già-lê mà vẫn có tham lam, có nhuế, có sân, có phú tàng, có kết, có bỏn sẻn, có tật đố, có dua nịnh, có lường gạt, có vô tàm, cóù vô quý, có ác dục, có tà kiến, cho nên người khóac tăng-già-lê ấy Ta không nói nó là Sa-môn.

“Cũng như vậy, lõa hình, bện tóc, không ngồi, ăn một bữa, thường tung nước, [34] thọ trì nước. Những Sa-môn có hạnh như vậy Ta nói không phải là Sa-môn. Nếu Sa-môn do thọ trì nước mà có tham lam thì dứt tham lam, có nhuế dứt nhuế, có sân bỏ sân, có phú tàng dứt [726b] phú tàng, có kết dứt kết, có bỏn sẻn dứt bỏn sẻn, có tật đố dứt tật đố, có dua nịnh dứt dua nịnh, có lường gạt dứt lường gạt, có vô tàm dứt vô tàm, có vô quý dứt vô quý, có ác dục bỏ ác dục, có tà kiến bỏ tà kiến; thì bạn bè thân thiết của người đó nên đến bảo người đó rằng: ‘Này bạn, bạn nên thọ trì nước, vì do thọ trì nước mà có tham lam thì dứt tham lam, có nhuế dứt nhuế, có sân bỏ sân, có phú tàng dứt phú tàng, có kết dứt kết, có bỏn sẻn dứt bỏn sẻn, có tật đố dứt tật đố, có dua nịnh dứt dua nịnh, có lường gạt dứt lường gạt, có vô tàm dứt vô tàm, có vô quý dứt vô quý, có ác dục bỏ ác dục, có tà kiến bỏ tà kiến.’

“Bởi vì Ta thấy có người thọ trì nước mà vẫn có tham lam, có nhuế, có sân, có phú tàng, có kết, có bỏn sẻn, có tật đố, có dua nịnh, có lường gạt, có vô tàm, cóù vô quý, có ác dục, có tà kiến, cho nên người thọ trì nước ấy Ta nói không phải là Sa-môn. Đó gọi là không phải đạo hành của Sa-môn, không phải là Sa-môn.

“Thế nào là đạo hành của Sa-môn? Không phải phi Sa-môn? Nếu có tham lam thì dứt tham lam, có nhuế dứt nhuế, có sân bỏ sân, có phú tàng dứt phú tàng, có kết dứt kết, có bỏn sẻn dứt bỏn sẻn, có tật đố dứt tật đố, có dua nịnh dứt dua nịnh, có lường gạt dứt lường gạt, có vô tàm dứt vô tàm, có vô quý dứt vô quý, có ác dục bỏ ác dục, có tà kiến bỏ tà kiến. Sự tật đố ấy của Sa-môn [35], sự dua nịnh của Sa-môn, sự trá ngụy của Sa-môn, sự tà vạy của Sa-môn dẫn đến chỗ dữ đều đã bị dứt sạch, rồi học đạo hành của Sa-môn. Vị ấy như vậy không phải phi Sa-môn. Đó là đạo hành của Sa-môn, không phải phi Sa-môn.

“Vị ấy như vậy thành tựu giới, thân thanh tịnh, miệng, ý thanh tịnh, không tham lam, trong tâm không có sân nhuế, không có thụy miên, không trạo cử kiêu ngạo, đoạn nghi trừ hoặc, chánh niệm chánh trí, không có ngu si. Tâm vị ấy câu hữu với từ, biến mãn một phương, thành tựu an trú. Cũng vậy, hai, ba, bốn phương, phương trên, phương dưới và bốn phương bàng, khắp tất cả, tâm của vị ấy câu hữu với từ, không kết không oán, không nhuế không tranh, rất rộng lớn, khéo tu vô lượng, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu an trú. Cũng vậy, tâm bi, tâm hỷ câu hữu với xả, không kết không oán, không nhuế, không tranh, rất rộng lớn, khéo tu vô lượng, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu an trú.

“Vị ấy tự nghĩ: ‘Có thô, có diệu, có tưởng, dẫn đến xuất yếu cao hơn nữa [36], biết như thật.’ Sau khi biết như vậy, thấy như vậy, tâm giải thoát dục lậu, tâm giải thoát hữu lậu và vô minh lậu. Sau khi đã giải thoát, [726c] liền biết là đã giải thoát. vị ấy biết như thật ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa.’

“Cũng như cách làng nọ không xa, có ao tắm tốt, nước trong chảy tràn, cỏ xanh phủ bờ, cây hoa bốn phía. Giả sử có một người từ phương Đông đến, bị đói khát mệt mỏi, cởi áo bỏ trên bờ, xuống ao mặc sức tắm rửa sạch bụi nhơ, trừ khử nóng bức và khát. Phương Nam, phương Tây, phương Bắc cũng vậy, giả sử có một người từ các phương đó đến bị đói khát mệt mỏi, cởi áo bỏ trên bờ, xuống ao mặc sức tắm rửa sạch bụi nhơ, trừ khử nóng bức và khát. Cũng vậy, một thiện nam tử dòng Sát-lị, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, thực hành nội tâm tĩnh chỉ, khiến được nội tâm tĩnh chỉ. Người với nội tâm tĩnh chỉ, Ta nói người ấy là Sa-môn, là  Bà-la-môn, là Thánh, là Tịnh dục.

“Cũng vậy, một thiện nam tử dòng  Bà-la-môn, Cư sĩ, Công sư, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, thực hành nội tâm tĩnh chỉ, khiến được nội tâm tĩnh chỉ. Người với nội tâm tĩnh chỉ, Ta nói người ấy là Sa-môn, là  Bà-la-môn, là Thánh, là Tịnh dục.

“Thế nào gọi là Sa-môn? Là người đã đình chỉ [37] các pháp ác bất thiện, các lậu ô uế, là gốc rễ của sự hữu trong tương lai, là sự phiền nhiệt, là nhân của khổ báo, của sanh lão bệnh tử. Đó gọi là Sa-môn.

“Thế nào gọi là Bà-la-môn? Là người xa lìa các pháp ác, pháp bất thiện, các lậu ô uế mà là gốc rễ của sự hữu trong tương lai, là sự phiền nhiệt, là nhân của khổ báo, của sanh lão bệnh tử. Đó gọi là  Bà-la-môn.

“Thế nào gọi là Thánh? Là người xa lìa các pháp ác, pháp bất thiện, các lậu ô uế, làm gốc rễ của sự hữu trong tương lai, là sự phiền nhiệt, là nhân của khổ báo, của sanh lão bệnh tử. Đó gọi là Thánh.

“Thế nào gọi là Tịnh dục? Là người đã tắm rửa sạch các pháp ác, pháp bất thiện, các lậu ô uế, là gốc rễ của hữu trong tương lai, là sự phiền nhiệt, là nhân của khổ báo, của sanh lão bệnh tử. Đó gọi là Tịnh dục. Đó gọi là Sa-môn, là  Bà-la-môn, là Thánh, là Tịnh dục.”

Phật thuyết như vậy, các Tỳ-kheo ấy sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

184. KINH NGƯU GIÁC SA-LA LÂM (I)

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú đến Bạt-kì-sấu [38], trong rừng Ngưu giác sa-la [39], cùng với số đông các Đại đệ tử Tỳ-kheo Thượng tôn danh tiếng, như Tôn giả Xá-lợi-phất, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, Tôn giả Đại Ca-diếp, Tôn giả [727a] Đại Ca-chiên-diên, Tôn giả A-na-luật-đà, Tôn giả Ly-việt-đa, Tôn giả A-nan [40]. Các Tỳ-kheo Đại đệ tử là những vị Thượng tôn danh tiếng như vậy cũng cùng đi đến Bạt-kì-sấu, trong rừng Ngưu giác sa-la, cùng ở gần bên ngôi nhà lá của Phật.

Bấy giờ, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, Tôn giả Đại Ca-diếp, Tôn giả Đại Ca-chiên-diên, Tôn giả A-na-luật-đà, sau khi đêm đã qua, vào buổi sáng sớm, đi đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất. Tôn giả A-nan từ xa trông thấy các bậc Thượng tôn đã đi qua, bạch rằng:

“Hiền giả Ly-việt-đa, nên biết, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, Tôn giả Đại Ca-diếp, Tôn giả Đại Ca-chiên-diên, Tôn giả A-na-luật-đà, sau khi đêm đã qua, vào buổi sáng sớm, đi đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất. Hiền giả Ly-việt-đa, bây giờ chúng ta có thể cùng với các bậc Thượng tôn đi đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, hoặc giả có thể nhân cơ hội này mà được nghe pháp ít nhiều nơi Tôn giả Xá-lợi-phất.”

Bấy giờ, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, Tôn giả Đại Ca-diếp, Tôn giả Đại Ca-chiên-diên, Tôn giả A-na-luật-đà, Tôn giả Ly-việt-đa, Tôn giả A-nan, sau khi đêm đã qua, vào buổi sáng sớm, đi đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất.

Tôn giả Xá-lợi-phất sau khi từ xa thấy các vị Thượng tôn đi đến. Tôn giả Xá-lợi-phất nhân bởi các vị Thượng tôn ấy, nói rằng:

“Kính chào A-nan, kính chào A-nan! Người là thị giả của Thế Tôn, hiểu được ý nghĩa, thường được Đức Thế Tôn và các đồng phạm hạnh có trí khen ngợi. Nay tôi có lời hỏi Hiền giả A-nan: khả ái thay, rừng Ngưu giác sa-la này, ban đêm có trăng sáng, các cây sa-la đều tỏa hương thơm ngát, ví như hoa trời. Hiền giả A-nan, những Tỳ-kheo nào làm rực sáng khu rừng Ngưu giác sa-la?”

Tôn giả A-nan đáp rằng:

“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo học rộng, nghe nhiều, nhớ mãi không quên, tích lũy sự nghe nhiều. Với những pháp sơ khởi vi diệu, khoảng giữa vi diệu và kết thúc cũng vi diệu, có nghĩa lý, có văn chương, toàn vẹn thanh tịnh, hiển hiện phạm hạnh; những pháp như vậy được vị ấy học rộng, nghe nhiều, tụng tập đến ngàn lần, chuyên ý tư duy, kiến giải thông suốt. Vị ấy thuyết pháp gọn gàng, lưu loát, hoàn toàn tương ưng với mục đích đoạn trừ các kết sử. Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, vị Tỳ-kheo như thế làm rực sáng khu rừng Ngưu giác sa-la này.”

Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi:

“Hiền giả Ly-việt-đa, Hiền giả A-nan đã nói theo hiểu biết của mình. Bây giờ tôi hỏi Hiền giả Ly-việt-đa: khả ái thay, rừng Ngưu giác sa-la này, [727b] ban đêm có trăng sáng, các cây sa-la đều tỏa hương thơm ngát, ví như hoa trời. Hiền giả Ly-việt-đa, những Tỳ-kheo nào làm rực sáng khu rừng Ngưu giác sa-la?”

Tôn giả Ly-việt-đa đáp rằng :

“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo ưa tĩnh tọa [41], bên trong tu hành nội tâm tĩnh chỉ [42], không bỏ tọa thiền, thành tựu quán tưởng, thường thích nhàn cư, ưa chỗ yên tĩnh. Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, vị Tỳ-kheo như vậy làm rực sáng khu rừng Ngưu giác sa-la.”

Tôn giả Xá-lợi-phất lại hỏi:

“Hiền giả A-na-luật-đà, Hiền giả Ly-việt-đa Tỳ-kheo đã nói theo sự hiểu biết của mình. Bây giờ tôi hỏi Hiền giả A-na-luật-đà: khả ái thay, rừng Ngưu giác sa-la này, ban đêm có trăng sáng, các cây sa-la đều tỏa hương thơm ngát, ví như hoa trời. Hiền giả A-na-luật-đà, những Tỳ-kheo nào làm rực sáng khu rừng Ngưu giác sa-la?”

Tôn giả A-na-luật-đà đáp rằng:

“Tôn giả Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo đạt được thiên nhãn, thành tựu thiên nhãn, ở trong một ngàn thế giới, với một ít phương tiện [43], vị ấy trong chốc lát có thể thấy tất cả. Tôn giả Xá-lợi-phất, ví như người có mắt ở trên lầu cao nhìn xuống khu đất trống có một ngàn gò nỗng với một ít phương tiện, vị ấy trong chốc lát có thể thấy tất cả. Tôn giả Xá-lợi-phất, cũng vây, Tỳ-kheo có được thiên nhãn, thành tựu thiên nhãn, ở trong một ngàn thế giới với một ít phương tiện, vị ấy trong chốc lát có thể thấy tất cả. Tôn giả Xá-lợi-phất, vị Tỳ-kheo như vậy làm rực sáng khu rừng Ngưu giác sa-la.”

Tôn giả Xá-lợi-phất lại hỏi:

“Hiền giả Ca-chiên-diên, Hiền giả A-na-luật-đà Tỳ-kheo đã nói theo sự hiểu biết của mình. Bây giờ tôi hỏi Hiền giả Ca-chiên-diên: khả ái thay, rừng Ngưu giác sa-la này, ban đêm có trăng sáng, các cây sa-la đều tỏa hương thơm ngát, ví như hoa trời. Hiền giả Ca-chiên-diên, những Tỳ-kheo nào làm rực sáng khu rừng Ngưu giác sa-la?”

Tôn giả Ca-chiên-diên đáp rằng:

“Tôn giả Xá-lợi-phất, ví như hai Tỳ-kheo pháp sư cùng bàn luận về A-tỳ-đàm thâm áo. Những điều được hỏi đều được thấu hiểu tường tận, những lời giải đáp thì thông suốt, sự thuyết pháp thì lưu loát. Tôn giả Xá-lợi-phất, vị Tỳ-kheo như vậy làm rực sáng khu rừng Ngưu giác sa-la.”

Tôn giả Xá-lợi-phất lại hỏi:

“Tôn giả Đại Ca-diếp, Hiền giả Ca-chiên-diên Tỳ-kheo đã nói theo sự hiểu biết của mình. Bây giờ tôi hỏi Tôn giả Đại Ca-diếp: khả ái thay, rừng Ngưu giác sa-la này, ban đêm có trăng sáng, các cây sa-la đều tỏa hương thơm ngát, ví như hoa trời.’ [727c] Hiền giả Đại Ca-diếp, những Tỳ-kheo nào làm rực sáng khu rừng Ngưu giác sa-la?”

Tôn giả Đại Ca-diếp đáp rằng:

“Hiền giả Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo tự mình sống nơi rừng vắng [44] khen ngợi ở nơi rừng vắng; tự mình có thiểu dục, khen ngợi sự thiểu dục; tự mình tri túc, khen ngợi sự tri túc; tự mình thích sống cô độc viễn ly và khen ngợi cô độc viễn ly; tự mình tu hành tinh tấn, khen ngợi sự tu hành tinh tấn; tự mình lập chánh niệm chánh trí, khen ngợi sự lập chánh niệm chánh trí; tự mình đắc định, khen ngợi sự đắc định; tự mình có trí tuệ, khen ngợi sự có trí tuệ; tự mình các lậu đã sạch, khen ngợi các lậu đã sạch; tự mình khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ, khen ngợi khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Hiền giả Xá-lợi-phất, vị Tỳ-kheo như vậy làm rực sáng khu rừng Ngưu giác sa-la.”

Tôn giả Xá-lợi-phất lại hỏi:

“Hiền giả Mục-kiền-liên, Tôn giả Đại Ca-diếp đã nói theo sự hiểu biết của mình. Bây giờ tôi hỏi Hiền giả Mục-kiền-liên: khả ái thay, rừng Ngưu giác sa-la này, ban đêm có trăng sáng, các cây sa-la đều tỏa hương thơm ngát, ví như hoa trời. Hiền giả Đại Mục-kiền-liên, những Tỳ-kheo nào làm rực sáng khu rừng Ngưu giác sa-la?”

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đáp rằng:

“Tôn giả Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, được tự tại vô lượng như ý túc, thực hành vô lượng như ý túc, có thể biến một thân thành nhiều thân, hợp nhiều thân làm thành một thân, một thì trụ trên một, được biết, được thấy [45]; không bị trở ngại bởi vách đá, cũng như đi trong hư không; chìm xuống đất như chìm xuống nước, đi trên nước như đi trên đất; ngồi xếp kiết già mà bay trên không như chim bay liệng; với mặt trời và mặt trăng này vốn có đại như ý túc, đại phước hựu, đại oai thần mà có thể đưa tay bắt nắm, thân cao đến trời Phạm thiên. Tôn giả Xá-lợi-phất, vị Tỳ-kheo như vậy làm rực sáng khu rừng Ngưu giác sa-la.”

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên hỏi:

“Tôn giả Xá-lợi-phất, tôi và các vị Thượng tôn mỗi người đã tự nói theo sự hiểu biết của mình. Bây giờ tôi hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất: khả ái thay, rừng Ngưu giác sa-la này, ban đêm có trăng sáng, các cây sa-la đều tỏa hương thơm ngát, ví như hoa trời. Hiền giả Xá-lợi-phất, những Tỳ-kheo nào làm rực sáng khu rừng Ngưu giác sa-la?”

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp rằng:

“Hiền giả Mục-kiền-liên, Tỳ-kheo tùy dụng tâm tự tại, chứ không phải lệ thuộc tâm [46]. [728a] Nếu muốn trú định nào [47], vị ấy vào buổi sáng an trú [48] định ấy. Nếu muốn an trú trụ định vào buổi trưa hay buổi chiều, tức thì vị ấy an trú trụ định ấy vào buổi trưa hay buổi chiều. Hiền giả Mục-kiền-liên, ví như y phục của vua và các quan rất nhiều màu sắc rực rỡ, nếu họ muốn mặc thứ nào vào buổi sáng, liền lấy mặc vào. Nếu họ muốn mặc thứ nào vào buổi trưa hay buổi chiều, liền lấy mặc. Hiền giả Mục-kiền-liên, cũng vậy, Tỳ-kheo tùy dụng tâm tự tại, chứ không phải lệ thuộc tâm. Nếu muốn trú định nào, vị ấy vào buổi sáng an trú định ấy. Nếu muốn an trú trụ định vào buổi trưa hay buổi chiều, tức thì vị ấy an trú trụ định ấy vào buổi trưa hay buổi chiều. Hiền giả Mục-kiền-liên, vị Tỳ-kheo như vậy làm rực sáng khu rừng Ngưu giác sa-la.”

Tôn giả Xá-lợi-phất bảo rằng:

“Hiền giả Mục-kiền-liên, tôi và chư Hiền mỗi người đã nói theo sự hiểu biết của mình. Hiền giả Mục-kiền-liên, chúng ta hãy cùng với chư Hiền đi đến chỗ Phật để biết trong những điều vừa thảo luận ấy, vị nào khéo nói.”

Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, Tôn giả Đại Ca-diếp, Tôn giả Đại Ca-chiên-diên, Tôn giả A-na-luật-đà, Tôn giả Ly-việt-đa, Tôn giả A-nan, tất cả cùng đi đến chỗ Phật. Các Tôn giả đều cúi đầu lễ sát chân Phật rồi ngồi qua một bên. Tôn giả A-nan cũng cúi đầu lễ sát chân Phật rồi lui đứng một bên. Tôn giả Xá-lợi-phất bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, hôm nay có Hiền giả Mục-kiền-liên, Tôn giả Đại Ca-diếp, Hiền giả Ca-chiên-diên, Hiền giả A-na-luật-đà, Hiền giả Ly-việt-đa, Hiền giả A-nan, vào buổi sáng sớm tất cả đều đi đến chỗ con.

“Con thấy chư Hiền đến, nhân đó mới nói rằng:

“ - Kính chào A-nan, kính chào A-nan! Người là thị giả của Thế Tôn, hiểu được ý nghĩa, thường được Đức Thế Tôn và các bậc trí tuệ phạm hạnh khen ngợi. Nay tôi có lời hỏi Hiền giả A-nan: khả ái thay, rừng Ngưu giác sa-la này, ban đêm có trăng sáng, các cây sa-la đều tỏa hương thơm ngát, ví như hoa trời. Hiền giả A-nan, những Tỳ-kheo nào làm rực sáng khu rừng Ngưu giác sa-la?

“Tôn giả A-nan đáp rằng:

“ - Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo học rộng, nghe nhiều, nhớ mãi không quên, tích lũy sự nghe nhiều. Với những pháp sơ khởi vi diệu, khoảng giữa vi diệu và kết thúc cũng vi diệu, có nghĩa lý, có [728b] văn chương, toàn vẹn thanh tịnh, hiển hiện phạm hạnh; những pháp như vậy được vị ấy học rộng, nghe nhiều, tụng tập đến ngàn lần, chuyên ý tư duy, kiến giải thông suốt. Vị ấy thuyết pháp gọn gàng, lưu loát, hoàn toàn tương ưng với mục đích đoạn trừ các kết sử. Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, vị Tỳ-kheo như thế làm rực sáng khu rừng Ngưu giác sa-la này.”

Thế Tôn khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Xá-lợi-phất, quả như thật lời Tỳ-kheo A-nan đã nói. Vì sao? Vì Tỳ-kheo A-nan đã thành tựu đa-văn.”

Tôn giả Xá-lợi-phất bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, Hiền giả A-nan nói như vậy rồi, con lại hỏi:

“ - Hiền giả Ly-việt-đa, Hiền giả A-nan đã nói theo hiểu biết của mình. Bây giờ tôi hỏi Hiền giả Ly-việt-đa, khả ái thay, rừng Ngưu giác sa-la này, ban đêm có trăng sáng, các cây sa-la đều tỏa hương thơm ngát, ví như hoa trời. Hiền giả Ly-việt-đa, những Tỳ-kheo nào làm rực sáng khu rừng Ngưu giác sa-la?

“Hiền giả Ly-việt-đa đáp con rằng:

“ - Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo ưa tĩnh tọa, bên trong tu hành nội tâm tĩnh chỉ, không bỏ tọa thiền, thành tựu quán tưởng, thường thích nhàn cư, ưa chỗ yên tĩnh. Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, vị Tỳ-kheo như vậy làm rực sáng khu rừng Ngưu giác sa-la.”

Thế Tôn khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Xá-lợi-phất, quả như lời Tỳ-kheo Ly-việt-đa đã nói. Vì sao? Vì Tỳ-kheo Ly-việt-đa ưa Tọa thiền.”

Tôn giả Xá-lợi-phất bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, Hiền giả Ly-việt-đa nói như vậy rồi, con lại hỏi:

“ - Hiền giả A-na-luật-đà, Hiền giả Ly-việt-đa Tỳ-kheo đã nói theo sự hiểu biết của mình. Bây giờ tôi hỏi Hiền giả A-na-luật-đà: khả ái thay, rừng Ngưu giác sa-la này, ban đêm có trăng sáng, các cây sa-la đều tỏa hương thơm ngát, ví như hoa trời. Hiền giả A-na-luật-đà, những Tỳ-kheo nào làm rực sáng khu rừng Ngưu giác sa-la?

“Hiền giả A-na-luật-đà liền đáp lại con rằng:

“ - Tôn giả Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo đạt được thiên nhãn, thành tựu thiên nhãn, ở trong một ngàn thế giới, với một ít phương tiện, vị ấy trong chốc lát có thể thấy tất cả. Tôn giả Xá-lợi-phất, ví như người có mắt ở trên lầu cao nhìn xuống khu đất trống có một ngàn gò nỗng với một ít phương tiện, vị ấy trong chốc lát có thể thấy tất cả. Tôn giả Xá-lợi-phất, cũng vâïy, nếu Tỳ-kheo có được thiên nhãn, thành tựu thiên nhãn, ở trong một ngàn thế giới với một ít phương tiện, vị ấy trong chốc lát có thể thấy tất cả. Tôn giả Xá-lợi-phất, vị Tỳ-kheo như vậy làm rực sáng khu rừng Ngưu giác [728c] sa-la.”

Thế Tôn khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Xá-lợi-phất, quả như lời Tỳ-kheo A-na-luật-đà đã nói. Vì sao? Vì A-na-luật-đà Tỳ-kheo đã thành tựu Thiên nhãn.”

Tôn giả Xá-lợi-phất bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, Hiền giả A-na-luật-đà nói như vậy rồi, con lại hỏi:

“ - Hiền giả Ca-chiên-diên, Hiền giả A-na-luật-đà Tỳ-kheo đã nói theo sự hiểu biết của mình. Bây giờ tôi hỏi Hiền giả Ca-chiên-diên: khả ái thay, rừng Ngưu giác sa-la này, ban đêm có trăng sáng, các cây sa-la đều tỏa hương thơm ngát, ví như hoa trời. Hiền giả Ca-chiên-diên, những Tỳ-kheo nào làm rực sáng khu rừng Ngưu giác sa-la?

“Hiền giả Ca-chiên-diên liền đáp lại con rằng:

“ - Tôn giả Xá-lợi-phất, ví như hai Tỳ-kheo pháp sư cùng bàn luận về A-tỳ-đàm thâm áo. Những điều được hỏi đều được thấu hiểu tường tận, những lời giải đáp thì thông suốt, sự thuyết pháp thì lưu loát. Tôn giả Xá-lợi-phất, vị Tỳ-kheo như vậy làm rực sáng khu rừng Ngưu giác sa-la.”

Thế Tôn khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Xá-lợi-phất, quả như lời Tỳ-kheo Ca-chiên-diên đã nói. Vì sao? Vì Ca-chiên-diên Tỳ-kheo là Phân biệt pháp sư.”

Tôn giả Xá-lợi-phất bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, Hiền giả Ca-chiên-diên nói như vậy rồi, con lại hỏi”

“ - Tôn giả Đại Ca-diếp, Hiền giả Ca-chiên-diên Tỳ-kheo đã nói theo sự hiểu biết của mình. Bây giờ tôi hỏi Tôn giả Đại Ca-diếp: khả ái thay, rừng Ngưu giác sa-la này, ban đêm có trăng sáng, các cây sa-la đều tỏa hương thơm ngát, ví như hoa trời. Hiền giả Đại Ca-diếp, những Tỳ-kheo nào làm rực sáng khu rừng Ngưu giác sa-la?

“Tôn giả Đại Ca-chiên-diên liền đáp lại con rằng:

“ - Hiền giả Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo tự mình sống nơi rừng vắng khen ngợi ở nơi rừng vắng; tự mình có thiểu dục, khen ngợi sự thiểu dục; tự mình tri túc, khen ngợi sự tri túc; tự mình thích sống cô độc viễn ly và khen ngợi cô độc viễn ly; tự mình tu hành tinh tấn, khen ngợi sự tu hành tinh tấn; tự mình lập chánh niệm chánh trí, khen ngợi sự lập chánh niệm chánh trí; tự mình đắc định, khen ngợi sự đắc định; tự mình có trí tuệ, khen ngợi sự có trí tuệ; tự mình các lậu đã sạch, khen ngợi các lậu đã sạch; tự mình khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ, khen ngợi khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Hiền giả Xá-lợi-phất, vị Tỳ-kheo như vậy làm rực sáng khu rừng Ngưu giác sa-la.”

Thế Tôn khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Xá-lợi-phất, quả như lời Tỳ-kheo Ca-diếp đã nói. Vì sao? Vì Đại Ca-diếp Tỳ-kheo thường tu hạnh Vô sự.”

Tôn giả Xá-lợi-phất bạch rằng:

 [729a] “Bạch Thế Tôn, Tôn giả Đại Ca-diếp nói như vậy rồi, con lại hỏi:

“ - Hiền giả Mục-kiền-liên, Tôn giả Đại Ca-diếp đã nói theo sự hiểu biết của mình. Bây giờ tôi hỏi Hiền giả Mục-kiền-liên: khả ái thay, rừng Ngưu giác sa-la này, ban đêm có trăng sáng, các cây sa-la đều tỏa hương thơm ngát, ví như hoa trời. Hiền giả Đại Ca-diếp, những Tỳ-kheo nào làm rực sáng khu rừng Ngưu giác sa-la?

“Hiền giả Đại Mục-kiền-liên liền đáp lại con rằng:

“ - Tôn giả Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo nào có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, được tự tại vô lượng như ý túc, thực hành vô lượng như ý túc, có thể biến một thành nhiều, hợp nhiều làm thành một, một thì trụ trên một, được biết, được thấy; không bị trở ngại bởi vách đá, cũng như đi trong hư không; chìm xuống đất như chìm xuống nước, đi trên nước như đi trên đất; ngồi xếp kiết già mà bay trên không như chim bay liệng; với mặt trời và mặt trăng này vốn có đại như ý túc, đại phước hựu, đại oai thần mà có thể đưa tay bắt nắm, thân cao đến trời Phạm thiên. Tôn giả Xá-lợi-phất, vị Tỳ-kheo như vậy làm rực sáng khu rừng Ngưu giác sa-la.”

Thế Tôn khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Xá-lợi-phất, quả như lời Tỳ-kheo Mục-kiền-liên đã nói. Vì sao? Vì Tỳ-kheo Mục-kiền-liên có đại như ý túc.”

Bấy giờ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên rời chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo một bên, chấp tay mà bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn, con và chư Tôn giả nói như vậy rồi, con liền bạch Tôn giả Xá-lợi-phất rằng, ‘Tôn giả Xá-lợi-phất, tôi và các vị Thượng tôn mỗi người đã tự nói theo sự hiểu biết của mình. Bây giờ tôi hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất: khả ái thay, rừng Ngưu giác sa-la này, ban đêm có trăng sáng, các cây sa-la đều tỏa hương thơm ngát, ví như hoa trời. Hiền giả Đại Ca-diếp, những Tỳ-kheo nào làm rực sáng khu rừng Ngưu giác sa-la?

“Tôn giả Xá-lợi-phất liền đáp lại lời con rằng:

“ - Hiền giả Mục-kiền-liên, nếu có Tỳ-kheo tùy dụng tâm tự tại, chứ không phải lệ thuộc tâm. Nếu muốn trú định nào, vị ấy vào buổi sáng an trú định ấy. Nếu muốn an trú trụ định vào buổi trưa hay buổi chiều, tức thì vị ấy an trú trụ định ấy vào buổi trưa hay buổi chiều. Hiền giả Mục-kiền-liên, ví như y phục của vua và các quan rất nhiều màu sắc rực rỡ, nếu họ muốn mặc thứ nào vào buổi sáng, liền lấy mặc vào. Nếu họ muốn mặc thứ nào vào buổi trưa hay [729b] buổi chiều, liền lấy mặc. Hiền giả Mục-kiền-liên, cũng vậy, nếu có Tỳ-kheo nào tùy dụng tâm tự tại, chứ không phải lệ thuộc tâm. Nếu muốn trú định nào, vị ấy vào buổi sáng an trú định ấy. Nếu muốn an trú trụ định vào buổi trưa hay buổi chiều, tức thì vị ấy an trú trụ định ấy vào buổi trưa hay buổi chiều. Hiền giả Mục-kiền-liên, vị Tỳ-kheo như vậy làm rực sáng khu rừng Ngưu giác sa-la.”

Thế Tôn khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Mục-kiền-liên, quả như lời Tỳ-kheo Xá-lợi-phất đã nói. Vì sao? Vì Xá-lợi-phất Tỳ-kheo tùy dụng tâm tự tại.”

Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất liền rời chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo một bên mà bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn, con và chư Hiền nói như vậy rồi, bảo rằng:

“ - Hiền giả Mục-kiền-liên, tôi và chư Hiền mỗi người đã tự trình bày theo sự hiểu biết của mình. Hiền giả Mục-kiền-liên, chúng ta hãy cùng với chư Hiền đi đến chỗ Đức Phật để biết trong những điều vừa bàn luận ấy vị nào nói hay. Bạch Thế Tôn, trong chúng con, ai khéo nói?”

Thế Tôn đáp rằng:

“Này Xá-lợi-phất, tất cả đều khéo nói. Vì sao? Vì các pháp đó chính là những điều Ta nói. Xá-lợi-phất, hãy nghe Ta nói. Vị Tỳ-kheo như vậy làm rực sáng khu rừng Ngưu giác sa-la. Này Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo tùy theo chỗ ở hoặc thành quách, thôn ấp, vào buổi sáng sớm mang y cầm bát vào thôn khất thực, khéo thủ hộ thân, khéo thúc liễm các căn, khéo giữ tâm niệm. Vị ấy sau khi khất thực xong, sau giờ ngọ, thâu xếp y bát, rửa chân tay, lấy tọa cụ vắt lên trên vai, đến chỗ vô sự, hoặc dưới gốc cây, hay chỗ thanh vắng, trải ni-sư-đàn mà ngồi kiết già, ngồi luôn cho đến chứng lậu tận mới giải kiết già. Vị ấy không giải kiết già cho đến khi nào chưa chứng được lậu tận. Này Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo như vậy làm rực sáng khu rừng Ngưu giác sa-la.”

Phật thuyết giảng như vậy. Các Tỳ-kheo ấy sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

185. KINH NGƯU GIÁC SA-LA LÂM (II)

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú đến Na-ma-đề-sấu [49], ở tại tinh xá [729c] Kiền-kì [50].

Bấy giờ, sau khi đêm đã qua, vào buổi sáng sớm, Đức Thế Tôn khóac y trì bát, vào Na-ma-đề khất thực. Sau khi ăn xong, vào buổi chiều, Ngài đi đến khu rừng Ngưu giác sa-la [51]. Có ba người con dòng quý tộc cùng ở trong đó, Tôn giả A-na-luật-đà, Tôn giả Nan-đề, Tôn giả Kim-tì-la [52].

Ba Tôn giả ấy làm như vầy. Nếu ai khất thực đi về trước thì trải giường, múc nước, mang đồ rửa chân ra, để sẵn ghế rửa chân, khăn lau chân, bình đựng nước, chậu rửa. Nếu có thể ăn hết đồ ăn đã xin được thì cứ ăn. Nếu còn dư thì cho vào đồ chứa đậy kín và mang cất. Ăn xong, cất bình bát, rửa tay chân, lấy tọa cụ vắt lên vai, vào nhà ngồi tĩnh tọa. Nếu ai khất thực đi về sau, có thể ăn hết đồ ăn thì cứ ăn. Nếu không đủ thì lấy đồ dư của người trước đem ra ăn cho đủ. Nếu còn dư nữa thì đem đổ chỗ đất sạch hay trong nước không có trùng. Người ấy lấy đồ đựng của người kia rửa, lau thật sạch rồi đem treo một bên, dọn dẹp giường chiếu, nhặt ghế rửa chân, thâu khăn lau chân, cất đồ rửa chân, bình nước và chậu rửa, dọn dẹp nhà ăn sạch sẽ rồi thâu cất y bát, rửa tay chân, lấy tọa cụ vắt trên vai, vào nhà tĩnh tọa.

Ngồi đến xế, trong các Tôn giả ấy, nếu ai đang tĩnh tọa mà trở dậy trước, thấy bình nước và chậu rửa chân không có nước thì phải đem đi lấy. Nếu xách nổi thì tự xách, bằng không thì vẫy tay một Tỳ-kheo khác, hai người cùng khiêng, mỗi người khiêng một phía, không nói chuyện với nhau, không hỏi gì nhau.

Các vị ấy cứ năm ngày họp một lần, hoặc để nói pháp, hoặc yên lặng cả theo các bậc Thánh.

Bấy giờ người giữ rừng thấy Thế Tôn từ xa đi đến, đón ngăn lại, quở rằng:

“Sa-môn! Sa-môn! Chớ có vào khu rừng này. Vì sao? Hiện nay trong khu rừng này có ba người dòng quý tộc ở. Ấy là Tôn giả A-na-luật-đà, Tôn giả Nan-đề, Tôn giả Kim-tì-la. Nếu thấy ông, chắc họ không chịu.”

Đức Phật bảo rằng:

“Này người giữ rừng, nếu họ thấy Ta thì không có gì là không chịu.”

Bấy giờ Tôn giả A-na-luật-đà từ xa thấy Thế Tôn đến, liền quở người giữ rừng rằng:

“Này người giữ rừng, chớ có ngăn cản Đức Thế Tôn. Này người giữ rừng, chớ có quở la Đức Thiện Thệ. Vì sao? Vì đó là Tôn sư Thế Tôn của tôi đến, là Đấng Thiện Thệ của tôi đến.”

Rồi Tôn giả A-na-luật-đà ra rước Thế Tôn, đón lấy y bát. Tôn giả [730a] Nan-đề trải giường ngồi, Tôn giả Kim-tì-la đi lấy nước.

Đức Thế Tôn bấy giờ sau khi rửa tay xong, ngồi xuống chỗ ngồi đã dọn sẵn. Ngồi xong Ngài hỏi rằng:

“A-na-luật-đà, ông có thường an ổn, không thiếu thốn chăng?”

Tôn giả A-na-luật-đà bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, con vẫn thường an ổn, không có gì thiếu thốn.”

Thế Tôn lại hỏi:

“Này A-na-luật-đà, vì sao ông được an ổn, không có gì thiếu thốn?”

Tôn giả A-na-luật-đà bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, con nghĩ rằng con nhờ có thiện lợi, có đại công đức, vì con tu tập cùng với các vị đồng phạm hạnh như vậy. Bạch Thế Tôn, con thường hướng đến các đồng phạm hạnh này tu thân nghiệp từ hòa, thấy nhau hay không thấy nhau cũng như vậy; và tu khẩu nghiệp từ hòa, ý nghiệp từ hòa, thấy nhau hay không thấy nhau cũng như vậy. Bạch Thế Tôn, con tự nghĩ, ‘Nay ta hãy tự xả bỏ tâm mình mà tùy theo tâm các Hiền giả này.’ Rồi con xả bỏ tâm mình để tùy theo tâm các Hiền giả này. Con chưa từng có một điều gì mà không xứng ý. Bạch Thế Tôn, con nhờ như vậy mà thường được an ổn, không có gì thiếu thốn.”

Phật hỏi Tôn giả Nan-đề, đáp cũng như vậy. Phật lại hỏi Tôn giả Kim-tì-la rằng:

“Ông có thường an ổn, không có gì thiếu thốn chăng?”

Tôn giả Kim-tì-la bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, con thường an ổn không có gì thiếu thốn.”

Phật lại hỏi:

“Này Kim-tì-la, vì sao ông thường được an ổn, không có gì thiếu thốn?”

Tôn giả Kim-tì-la bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, con nghĩ rằng con nhờ có thiện lợi, có đại công đức, vì con tu tập cùng với các đồng phạm hạnh như vậy. Bạch Thế Tôn, con thường hướng đến các đồng phạm hạnh này tu thân nghiệp từ hòa, thấy nhau hay không thấy nhau cũng như vậy; và tu khẩu nghiệp từ hòa, ý nghiệp từ hòa, thấy nhau hay không thấy nhau cũng như vậy. Bạch Thế Tôn, con tự nghĩ, ‘Nay ta hãy tự xả bỏ tâm mình mà tùy theo tâm các Hiền giả này.’ Rồi con xả bỏ tâm mình để tùy theo tâm các Hiền giả này. Con chưa từng có một điều gì mà không xứng ý. Bạch Thế Tôn, con nhờ như vậy mà thường được an ổn, không có gì thiếu thốn.”

Thế Tôn khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Này A-na-luật-đà, các ông thường cùng nhau hòa hiệp an ổn, không tranh chấp như vậy, cùng một tâm, cùng một thầy, cùng hiệp nhất như nước với sữa. Thế nhưng có chứng đắc pháp Thượng nhân mà sống an lạc [53] chăng?”

Tôn giả A-na-luật-đà bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, quả như vậy. Chúng con thường cùng hòa hiệp an ổn, không tranh cãi nhau, cùng một tâm, cùng một thầy, cùng hòa hiệp với nhau như nước với sữa, chứng đắc pháp Thượng nhân mà sống an lạc. Bạch Thế Tôn, chúng con [730b] ly dục, ác bất thiện pháp, cho đến, chứng đắc đệ Tứ thiền, thành tựu và an trụ.

“Bạch Thế Tôn, như vậy, chúng con cùng hòa hiệp an ổn, không tranh cãi nhau, cùng một tâm, cùng một thầy, cùng hòa hiệp với nhau như nước với sữa, chứng đắc pháp Thượng nhân mà sống an lạc.”

Thế Tôn khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Này A-na-luật-đà, bỏ qua an lạc trụ này, mà quá đây, vượt đây, còn có sự chứng đắc pháp nào của bậc Thượng nhân khác mà sống an lạc chăng?”

Tôn giả A-na-luật-đà bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn, bỏ qua an lạc trụ này, quá đây, vượt đây, còn có sự chứng đắc pháp của bậc Thượng nhân khác mà sống an lạc. Bạch Thế Tôn, tâm của con câu hữu với từ, biến khắp một phương, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, tâm câu hữu với từ, biến khắp tất cả phương thứ hai, phương thứ ba, phương trên, phương dưới và bốn phương bàng, không kết, không oán, không nhuế, không tranh, rộng rãi bao la, khéo tu vô lượng, biến khắp tất cả thế gian, thành tựu và an trú. Cũng vậy, bi tâm, hỷ tâm câu hữu với xả, không kết, không oán, không nhuế, không tranh, rộng rãi bao la, khéo tu vô lượng, biến khắp tất cả thế gian, thành tựu và an trú.

“Bạch Thế Tôn, bỏ qua an lạc trụ này, quá đây, vượt đây, còn có sự chứng đắc pháp của bậc Thượng nhân khác mà sống an lạc.”

Thế Tôn khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Này A-na-luật-đà, bỏ qua an lạc trụ này, quá đây, vượt đây, còn có sự chứng đắc pháp nào của bậc Thượng nhân khác mà sống an lạc chăng?”

Tôn giả A-na-luật-đà bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn, bỏ qua an lạc trụ này, quá đây, vượt đây, còn có sự chứng đắc pháp của bậc Thượng nhân khác mà sống an lạc. Bạch Thế Tôn, chúng con vượt qua tất cả sắc tưởng, cho đến, nhập phi tưởng phi phi tưởng xứ, thành tựu an trụ.

“Bạch Thế Tôn, bỏ qua an lạc trụ này, quá đây, vượt đây, còn có sự chứng đắc pháp nào của bậc Thượng nhân khác mà sống an lạc.”

Thế Tôn khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Này A-na-luật-đà, bỏ qua an lạc trụ này, quá đây, vượt đây, còn có sự chứng đắc pháp nào của bậc Thượng nhân khác mà sống an lạc chăng?”

Tôn giả A-na-luật-đà bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn, bỏ qua an lạc trụ này, quá đây, vượt đây, còn có sự chứng đắc pháp của bậc Thượng nhân khác mà sống an lạc. Bạch Thế Tôn, chúng con đắc như ý túc, thiên nhĩ trí, tha tâm trí, túc mạng trí, sanh tử trí, các lậu đã hết, tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Ngay [730c] trong đời hiện tại này tự tri, tự giác, tự tác chứng, thành tựu và an trụ, biết một cách như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa.’

“Bạch Thế Tôn, bỏ qua an lạc trụ này, quá đây, vượt đây, còn có sự chứng đắc pháp của bậc Thượng nhân khác mà sống an lạc.”

Thế Tôn khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Này A-na-luật-đà, bỏ qua an lạc trụ này, quá đây, vượt đây, còn có sự chứng đắc pháp nào của bậc Thượng nhân khác mà sống an lạc chăng?”

Tôn giả A-na-luật-đà bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn, bỏ qua an lạc trụ này, vượt qua, lướt qua, không còn có pháp nào khác nữa của bậc Thượng nhân, mà sống an lạc.”

Bấy giờ Đức Thế Tôn nghĩ như vầy: “Sjự an trú của thiện nam tử này thật sự là an ổn khoái lạc. Hôm nay Ta hãy thuyết pháp cho họ nghe.”

Thế Tôn nghĩ như vậy rồi, liền thuyết pháp cho Tôn giả A-na-luật-đà, Tôn giả Nan-đề, Tôn giả Kim-tì-la nghe, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi bằng vô lượng phương tiện thuyết pháp cho họ, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ rồi, Ngài rời chỗ ngồi đứng dậy đi về.

Bấy giờ Tôn giả A-na-luật-đà, Tôn giả Nan-đề, Tôn giả Kim-tì-la đi theo Đức Thế Tôn được một quãng đường, rồi trở lại chỗ trú.

Tôn giả Nan-đề, Tôn giả Kim-tì-la khen Tôn giả A-na-luật-đà:

“Lành thay! Lành thay! Tôn giả A-na-luật-đà, chúng tôi trước chưa nghe Tôn giả A-na-luật-đà nói những nghĩa lý như vậy. Chúng tôi có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần như vậy, nhưng Tôn giả A-na-luật-đà đã hết sức khen ngợi chúng tôi trước Đức Thế Tôn.”

Tôn giả A-na-luật-đà khen Tôn giả Nan-đề và Tôn giả Kim-tì-la:

“Lành thay! Lành thay! Này chư Tôn giả, tôi cũng chưa bao giờ nghe Tôn giả có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần như vậy. Nhưng một thời gian dài, với tâm tôi, tôi biết tâm của Tôn giả, Tôn giả có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần. Vì thế, đứng trước Đức Thế Tôn tôi mới trình bày như vậy.”

Bấy giờ có vị trời Trường Quỷ [54], hình dáng cực diệu, sáng chói lồng lộng, lúc đêm tàn, sáng rạng đông, đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lẽ dưới chân rồi lui đứng một bên, bạch Thế Tôn rằng:

“Bạch Đại Tiên nhân, dân chúng nước Bạt-kì được đại lợi ích vì có Thế Tôn và ba người con dòng quý tộc hiện ở, Tôn giả A-na-luật-đà, [731a] Nan-đề và Kim-tì-la.”

 Các Địa thần nghe Trường Quỷ thiên nói, bèn làm cho âm thanh ấy vang lớn:

“Bạch Đại Tiên nhân, dân chúng nước Bạt-kì được đại lợi ích vì có Thế Tôn và ba người con dòng quý tộc hiện ở, Tôn giả A-na-luật-đà, Nan-đề và Kim-tì-la.”

Nghe theo âm thanh vang lớn truyền bởi Địa thần, các cõi Hư không thiên, Tứ vương thiên, Tam thập tam thiên, Diệm-ma thiên, Đâu-suất-đa thiên, Hóa lạc thiên, Tha hóa lạc thiên, khoảnh khắc đều cũng làm cho âm thanh ấy thấu đến Phạm thiên: “Bạch Đại Tiên nhân, dân chúng nước Bạt-kì được đại lợi ích vì có Thế Tôn và ba người con dòng quý tộc hiện ở, Tôn giả A-na-luật-đà, Nan-đề và Kim-tì-la.”

Thế Tôn bảo rằng:

“Thật vậy, này Trường Quỷ thiên, dân chúng nước Bạt-kì được đại lợi ích vì có Thế Tôn và ba người con dòng quý tộc hiện ở, Tôn giả A-na-luật-đà, Nan-đề và Kim-tì-la.

“Này Trường Quỷ thiên, các Địa thần nghe tiếng nói của ngươi rồi, liền làm vang lớn âm thanh, ‘Bạch Đại Tiên nhân, dân chúng nước Bạt-kì được đại lợi ích vì có Thế Tôn và ba người con dòng quý tộc hiện ở, Tôn giả A-na-luật-đà, Nan-đề và Kim-tì-la.’ Tiếp theo âm thanh vang lớn của Địa thần, các cõi Hư không thiên, Tứ vương thiên, Tam thập tam thiên, Diệm-ma thiên, Đâu-suất-đa thiên, Hóa lạc thiên, Tha hóa lạc thiên, khoảnh khắc đã làm cho âm thanh ấy thấu đến Phạm thiên: ‘Bạch Đại Tiên nhân, dân chúng nước Bạt-kì được đại lợi ích vì có Thế Tôn và ba người con dòng quý tộc hiện ở, Tôn giả A-na-luật-đà, Nan-đề và Kim-tì-la.’  

“Này Trường Quỷ thiên, nếu ba thiện gia kia có ba vị thiện gia nam tử này, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, tín xả, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, thì ba thiện gia ấy sẽ nhớ lại nhân duyên và công hạnh của ba người con. Họ cũng sẽ được lợi ích lớn, khoái lạc lâu dài. Và nếu thôn ấp, Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn,  Bà-la-môn, từ người đến trời mà nhớ nghĩ đến nhân duyên và công hạnh của ba vị thiện gia nam tử ấy, họ cũng sẽ được đại lợi ích, an ổn, khoái lạc lâu dài.

“Này Trường Quỷ thiên, vì ba vị thiện gia nam tử ấy có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần như vậy.”

Phật thuyết giảng như vậy. ba vị thiện gia nam tử và Trường Quỷ thiên sau khi nghe những lời Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

186. KINH CẦU GIẢI

 [731b2]Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú Câu-lâu-sấu, tại đô ấp Kiếm-ma-sắt-đàm, một đô ấp của Câu-lâu [55].

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Duyên nơi ý của mình mà không biết như thật về tâm trí của người khác [56] thì không thể biết được sự Giác ngộ Chánh đẳng của Thế Tôn. Vậy làm thế nào để tìm hiểu [57] Như Lai?”

Khi ấy các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn rằng:

“Bạch Thế Tôn, Thế Tôn là gốc của pháp, Thế Tôn là chủ của pháp, pháp do nơi Thế Tôn mà có. Ngưỡng mong Ngài thuyết cho, chúng con nghe được rồi sẽ thấu rõ nghĩa lý.”

Phật liền bảo rằng:

“Này các Tỳ-kheo, hãy lắng nghe rõ và khéo suy nghĩ! Ta sẽ phân biệt đầy đủ cho các ông nghe.”

Bấy giờ các Tỳ-kheo vâng lời mà lắng nghe.

Thế Tôn bảo rằng:

“Duyên nơi ý của mình mà không biết như thật về tâm trí của người khác, phải do hai sự kiện để tìm hiểu Như Lai, một là sắc được biết bởi mắt và hai là tiếng được nghe bởi tai.

“Pháp ô nhiễm được biết bởi mắt và tai, có hay không có nơi Tôn giả ấy [58]? Sau khi tìm hiểu, biết rằng pháp ô nhiễm được biết bởi mắt và tai không có nơi Tôn giả ấy. Nếu ở đây không có, lại phải tìm hiểu nữa.

“Pháp hỗn tạp được biết bởi mắt và tai [59], có hay không có nơi Tôn giả ấy? Sau khi tìm hiểu, biết rằng những pháp hỗn tạp được biết bởi mắt và tai không có nơi Tôn giả ấy. Nếu ở đây không có, phải tìm hiểu thêm nữa.

“Pháp bạch tịnh được biết bởi mắt và tai, có hay không có nơi Tôn giả ấy? Sau khi tìm hiểu, biết rằng pháp bạch tịnh được biết bởi mắt và tai có nói Tôn giả ấy. Nếu ở đây có, lại phải tìm nữa.

“Tôn giả ấy đã thực hành pháp ấy lâu dài hay chỉ thực hành tạm thời? Nếu khi tìm hiểu, biết rằng Tôn giả ấy thực hành pháp ấy lâu dài chứ không phải tạm thời. Nếu là thường thực hành, lại phải tìm hiểu thêm nữa.

“Tôn giả ấy nhập vào thiền này [60] vì danh dự, vì lợi nghĩa, [61] hay không vì danh dự và lợi nghĩa? Nếu khi tìm hiểu, biết rằng Tôn giả ấy nhập vào thiền này không phải vì tai hoạn.

“Nếu có người nói như vầy, ‘Tôn giả ấy hành an lạc [62] không phải vì sợ hãi; ly dục, không hành dục, vì dục đã diệt tận [63]’, thì nên hỏi người ấy rằng, ‘Này Hiền giả, với hành vi nào, với năng lực nào, với trí tuệ nào để Hiền giả có thể tự mình nhận xét chân chánh rằng, Tôn giả ấy hành an lạc không phải vì sợ hãi; ly dục, không hành dục, vì dục đã diệt tận?’ Nếu người ấy trả lời như vầy, ‘Tôi không biết tâm trí của vị ấy, cũng không phải do sự kiện nào khác mà biết. Nhưng vị Tôn giả ấy, hoặc khi sống một mình, hoặc khi ở giữa đại chúng, [731c] hoặc ở giữa chỗ tập họp, nơi đó hoặc có Thiện thệ hay những người thọ hóa bởi Thiện thệ [64], hoặc là bậc Tông chủ, hoặc là người được thấy bởi vật dục [65], này Hiền giả, tôi cũng không tự mình hiểu biết vị ấy [66]. Tôi nghe từ chính Tôn giả ấy mà trực tiếp ghi nhận như vầy, ‘Ta hành an lạc không phải vì sợ hãi; ly dục, không hành dục, vì dục đã diệt tận’ Này Hiền giả, với hành vi như vậy, với năng lực như vậy, với trí tuệ như vậy, khiến tôi tự mình nhận xét chân chánh mà nói rằng, ‘Tôn giả ấy hành an lạc không phải vì sợ hãi; ly dục, không hành dục, vì dục đã diệt tận.’

“Trong đây lại cần phải hỏi thêm nữa về Như Lai, ‘Nếu có pháp ô nhiễm được biết bởi mắt và tai, có trường hợp pháp ấy bị diệt tận vô dư chăng? Nếu có pháp hỗn tạp được biết bởi mắt và tai, có trường hợp pháp ấy bị diệt tận vô dư chăng? Nếu có pháp bạch tịnh, có trường hợp pháp ấy bị diệt tận vô dư chăng?’ Như Lai bèn trả lời người ấy rằng, ‘Nếu có pháp ô nhiễm được biết bởi mắt và tai, có trường hợp pháp này bị diệt tận vô dư. Nếu có pháp hỗn tạp được biết bởi mắt và tai, có trường hợp pháp này bị diệt tận vô dư.’

“Nếu có pháp ô nhiễm được nhận biết bởi mắt và tai, Như Lai diệt tận, đoạn trừ, nhổ tuyệt gốc rễ, không bao giờ sanh khởi trở lại nữa. Nếu có pháp hỗn tạp được biết bởi mắt và tai, Như Lai diệt tận, đoạn trừ, nhổ tuyệt gốc rễ, không bao giờ sanh trở lại nữa. Nếu có pháp bạch tịnh, thì Ta với pháp bạch tịnh như vậy, cảnh giới như vậy, đạo Sa-môn như vậy, Ta như vậy mà thành tựu Chánh pháp luật này.

“Có đệ tử tịnh tín đến thăm viếng Như Lai, phụng sự Như Lai, nghe pháp từ Như Lai, và được Như Lai nói pháp cho, pháp cao siêu càng lúc càng cao siêu, pháp vi diệu càng lúc càng vi diệu, khéo đoạn trừ hắc bạch. Sau khi được Như Lai nói pháp cho nghe, pháp cao siêu càng lúc càng cao siêu, pháp vi diệu càng lúc càng vi diệu, khéo đoạn trừ hắc bạch; nghe như vậy như vậy rồi, vị ấy biết tường tận [67] pháp một, đối với các pháp mà chứng đắc cứu cánh, tịnh tín nơi Thế Tôn, biết rằng ‘Thế Tôn là vị Chánh Đẳng Giác’ vậy.

“Ở đây, lại cần hỏi thêm vị ấy rằng, ‘Này Hiền giả, do hành vi nào, do năng lực nào, do trí tuệ nào để Hiền giả có thể biết tường tận pháp một, đối với các pháp mà chứng đắc cứu cánh, tịnh tín nơi Thế Tôn, biết rằng ‘Thế Tôn là vị Chánh Đẳng Giác?’ Vị ấy sẽ trả lời như vầy, ‘Này Hiền giả, tôi không biết tâm của Thế Tôn, cũng không do sự kiện nào khác mà biết. Tôi do nơi Thế Tôn mà có tịnh tín như vậy. Thế Tôn nói pháp cho tôi nghe, pháp cao siêu càng lúc càng cao siêu, pháp vi diệu càng lúc càng vi diệu, khéo đoạn trừ hắc bạch. Này Hiền giả, như Thế Tôn nói pháp cho tôi nghe, và tôi nghe như vậy như vậy, Như Lai nói pháp cho tôi nghe, pháp cao siêu càng lúc càng cao siêu, pháp vi diệu càng lúc càng vi diệu, khéo đoạn trừ hắc bạch, và tôi nghe như vậy như vậy rồi, biết tường tận pháp một, đối với các pháp mà chứng đắc cứu cánh, [732a] tịnh tín nơi Thế Tôn, biết rằng ‘Thế Tôn là vị Chánh Đẳng Giác.’ Này Hiền giả, tôi do hành vi như vậy, năng lực như vậy, trí tuệ như vậy, khiến tôi biết tường tận pháp một, đối với các pháp mà chứng đắc cứu cánh, tịnh tín nơi Thế Tôn, biết rằng ‘Thế Tôn là vị Chánh Đẳng Giác.’’

“Nếu ai có hành này, lực này, trồng sâu gốc rễ tịnh tín nơi Như Lai, tín căn đã vững, thì được gọi là tín tương ưng với trí bất hoại, do thấy được gốc rễ. Sa-môn,  Bà-la-môn, Chư thiên, Ma, Phạm và các hàng thế gian khác không thể tước đoạt được. Hãy như vậy mà tìm hiểu Như Lai. Hãy như vậy mà nhận biết chính đáng về Như Lai.”

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

187. KINH THUYẾT TRÍ [68]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo rằng:

“Nếu các Tỳ-kheo đến trước các ngươi nói lên trí mà mình đã chứng đắc, biết một cách như thật rằng ‘Sự sanh đã hết, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa.’ Các ngươi nghe rồi nên khen là đúng và hoan hỷ phụng hành [69].

“Sau khi đã khen vị ấy là đúng và hoan hỷ phụng hành rồi, các ngươi nên hỏi Tỳ-kheo ấy như vầy, ‘Này Hiền giả, Thế Tôn đã nói năm thủ uẩn [70]: sắc, thọ [71], tưởng, hành và thức. Này Hiền giả, biết thế nào, thấy thế nào năm thủ uẩn này để được biết là không còn chấp thủ, mà dứt sạch các lậu, tâm giải thoát?’

“Tỳ-kheo đã dứt sạch các lậu [732b] và biết được rằng phạm hạnh đã vững ấy nên như pháp mà đáp lại như vầy, ‘Này chư Hiền, sắc thủ uẩn là không hiệu quả [72], là không hư, không đáng ham muốn, không bằng hữu, cũng không thể dựa, là pháp biến dịch. Tôi biết như vậy. Nếu đối với sắc thủ uẩn mà có tham dục, có ô nhiễm, có đắm trước, có trói buộc, trói buộc sai sử, [73] tất cả đều bị tận trừ, ly dục, diệt, tịch tĩnh, do đó biết là không còn chấp thủ, dứt sạch các lậu, tâm giải thoát. Cũng như vậy, thọ, tưởng, hành, thức thủ uẩn là không hiệu quả, là không hư, là không đáng ham muốn, không bằng hữu, cũng không thể dựa, là pháp biến dịch. Tôi biết như vậy. Nếu đối với thức thủ uẩn mà có tham dục, có ô nhiễm, có đắm trước, có trói buộc, trói buộc sai sử, thảy đều bị tận trừ, ly dục, diệt, tịch tĩnh, do đó biết là không còn chấp thủ, dứt sạch các lậu, tâm giải thoát. Này chư Hiền, đối với năm thủ uẩn, tôi biết như vậy, thấy như vậy, được rõ biết là không còn chấp thủ, dứt sạch các lậu, tâm được giải thoát.’

“Tỳ-kheo đã dứt sạch các lậu và biết được rằng phạm hạnh đã vững ấy nên như pháp mà đáp lại như vậy. Và các ngươi sau khi nghe rồi nên khen là đúng và hoan hỷ phụng hành.

“Khi đã khen là đúng và hoan hỷ phụng hành rồi, lại hỏi Tỳ-kheo ấy như vầy, ‘Này Hiền giả,Thế Tôn đã nói bốn loại thức ăn [74], chúng sanh nhờ đó mà được tồn tại và được trưởng dưỡng. Những gì là bốn? Một là đoàn thực hoặc thô hoặc tế. Hai là xúc thực. Ba là ý tư thực. Bốn là thức thực.’

“‘Này Hiền giả, biết thế nào, thấy thế nào bốn loại thực này để rõ biết là không còn chấp thủ, đã dứt sạch các lậu, tâm giải thoát?’

“Tỳ-kheo đã dứt sạch các lậu và biết được phạm hạnh đã vững ấy nên như pháp mà đáp như vầy, ‘Này chư Hiền, đối với đoàn thực, ý tôi không coi trọng, không coi rẻ, không đam mê, không ràng buộc, không nhiễm, không đắm, được giải thoát, giải thoát một cách rốt ráo, tâm không còn điên đảo; biết một cách như thật rằng ‘Sự sanh đã hết, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa.’ Cũng như vậy, đối với xúc thực, ý tư thực và thức thực, ý tôi không coi trọng, không coi rẻ, không đam mê, không ràng buộc, không nhiễm, không đắm, được giải thoát, giải thoát một cách rốt ráo, tâm không còn điên đảo; biết một cách như thật rằng ‘Sự sanh đã hết, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa.’ Này chư Hiền, tôi biết như vậy, tôi thấy như vậy đối với bốn loại thực này, rõ biết không còn chấp thủ, dứt sạch các lậu, tâm giải thoát.’

“Tỳ-kheo đã dứt sạch các lậu, biết mình phạm hạnh đã vững nên như pháp mà đáp như vậy. Các ngươi nghe rồi nên khen là đúng và hoan hỷ phụng hành.

“Sau khi khen là đúng và hoan hỷ phụng hành rồi, lại hỏi Tỳ-kheo ấy như vầy, ‘Này Hiền giả, Đức Thế Tôn đã nói bốn loại tuyên thuyết [75]. Những gì là bốn? Một là cái được thấy thì nói là cái được thấy. Hai là cái được nghe thì nói là cái được nghe. Ba là cái được thức thì nói là cái được thức. Bốn là biết cái được thì nói là cái được biết.’

“‘Này Hiền giả, biết thế nào, thấy thế nào bốn loại tuyên thuyết này để rõ được mình không còn chấp thủ, đã dứt sạch các lậu, tâm được giải thoát?’

“Tỳ-kheo các lậu đã dứt sạch, biết được mình phạm hạnh đã vững, nên như pháp mà đáp như vầy, ‘Này chư Hiền, đối với cái được thấy nói là được thấy, tôi không coi trọng, không coi rẻ, không đam mê, không ràng buộc, không nhiễm, không đắm, được giải thoát, giải thoát một cách rốt ráo, tâm không còn điên đảo; biết một cách như thật rằng ‘Sự sanh đã hết, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa.’ Này chư Hiền, tôi biết như vậy, thấy như vậy đối với bốn loại tuyên thuyết này, tôi biết rõ mình đã dứt sạch các lậu, không còn chấp thủ, tâm được giải thoát.’ Tỳ-kheo đã dứt sạch các lậu, tự biết phạm hạnh đã vững ấy nên như pháp mà đáp như vậy. Các ngươi sau khi nghe rồi nên khen là đúng và hoan hỷ phụng hành.

“Sau khi khen là đúng và hoan hỷ phụng hành rồi, lại hỏi Tỳ-kheo ấy như vầy, ‘Này Hiền giả,Thế Tôn đã nói pháp sáu nội xứ [76], mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý xứ. Này Hiền giả, biết thế nào, thấy thế nào sáu nội xứ này để biết rõ là đã dứt sạch các lậu, không còn chấp thủ, tâm được giải thoát?’

“Tỳ-kheo đã dứt sạch các lậu, tự biết phạm hạnh đã vững ấy nên như pháp mà đáp như vầy, ‘Này chư Hiền, đối với mắt và thức con mắt, pháp được biết bởi thức con mắt, tôi đều biết. Sau khi biết hai pháp, này chư Hiền, nếu đối với mắt và thức con mắt, pháp được biết bởi thức con mắt mà ái lạc đã dứt sạch; do dứt sạch, ly dục, diệt, tịch tĩnh mà tôi biết là đã dứt sạch các lậu, không còn chấp thủ, tâm được giải thoát. Cũng như vậy, đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý và ý thức, pháp biết bởi ý thức, tôi đều biết. Sau khi biết hai pháp, này chư Hiền, nếu đối với ý và ý thức, pháp được biết bởi ý thức, mà ái lạc đã dứt sạch; do dứt sạch, ly dục, diệt, tịch tĩnh mà đã biết là đã dứt sạch các lậu, không còn chấp thủ, tâm được giải thoát. Này chư Hiền, tôi biết như vậy, thấy như vậy, đối với nội lục xứ được biết là đã dứt sạch các lậu, không còn chấp thủ, tâm được giải thoát.’ Tỳ-kheo đã dứt sạch các lậu và biết mình phạm hạnh đã vững ấy nên như pháp mà đáp như vậy. Các ngươi sau khi nghe rồi nên khen là đúng và hoan hỷ phụng hành.

“Sau khi khen là đúng và hoan hỷ phụng hành rồi nên hỏi vị Tỳ-kheo ấy như vầy, ‘Này Hiền giả, Thế Tôn nói sáu giới: địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới, không giới và thức giới. Này Hiền giả, biết thế nào, thấy thế nào sáu giới này [733a] để rõ biết mình đã dứt sạch các lậu, không còn chấp thủ, tâm được giải thoát?’

“Tỳ-kheo đã dứt sạch phiền não, biết được mình phạm hạnh đã vững, nên như pháp mà đáp như vầy, ‘Này chư Hiền, tôi không thấy rằng địa giới là sở thuộc của tôi. Tôi không phải là sở thuộc của địa giới. Địa giới chẳng phải là tự ngã. Nhưng ba thủ [77] nương địa giới mà trụ và các kết sử [78] dựa vào đó mà sanh. Chúng bị diệt sạch, ly dục, diệt, tịch tĩnh, do đó mà biết là đã dứt sạch các lậu, không còn chấp thủ, tâm được giải thoát. Cũng như vậy, thủy, hỏa, phong, không và thức giới chẳng phải sở thuộc của tôi. Tôi không phải sở thuộc của thức giới. Thức giới chẳng phải là tự ngã. Nhưng ba thủ nương địa giới mà trụ và các kết sử dựa vào đó mà sanh. Chúng bị diệt sạch, ly dục, diệt, tịch tĩnh, do đó mà biết là đã dứt sạch các lậu, không còn chấp thủ, tâm được giải thoát. Này chư Hiền, tôi biết như vậy, thấy như vậy đối với sáu giới ấy, rõ biết mình đã dứt sạch các lậu, không còn chấp thủ, tâm được giải thoát.’ Tỳ-kheo đã dứt sạch các lậu và biết mình phạm hạnh đã vững ấy nên như pháp mà đáp như vậy. Các ngươi sau khi nghe rồi nên khen ngợi là đúng và hoan hỷ phụng hành.

“Sau khi khen ngợi là đúng và hoan hỷ rồi nên hỏi vị Tỳ-kheo ấy như vầy, ‘Này Hiền giả, biếtthế nào, thấy thế nào bên trong thân cùng với thức này [79] và tất cả các tướng bên ngoài, ngã, ngã tác và kết sử mạn, thảy đều đuợc đoạn tri [80], nhổ tuyệt cội gốc của chúng, không còn tái sanh nữa?’ Tỳ-kheo đã dứt sạch các lậu và biết mình phạm hạnh đã vững ấy nên như pháp mà đáp như vầy, ‘Này chư Hiền, thuở xưa, khi tôi chưa xuất gia học đạo đã nhàm tởm sự sanh, già, bệnh, chết, khóc than, khốn khổ, sầu muộn, bi ai; tôi muốn đoạn trừ khối khổ đau to lớn này. Này chư Hiền! Sau khi đã nhàm tởm ghê sợ, tôi quán sát, tại gia là đời sống hẹp hòi, là chốn trần lao bụi bặm. Xuất gia học đạo là đời sống rộng rãi bao la. Nay ta sống đời tại gia bị xiềng xích quấn chặt, không thể trọn đời tịnh tu phạm hạnh. Vậy ta hãy vứt bỏ các tài sản nhỏ và lớn, từ giã thân tộc ít hay nhiều rồi cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình mà học đạo. Này chư Hiền! Sau đó, tôi vứt bỏ tài sản nhỏ và lớn, từ giã thân tộc ít hay nhiều, rồi cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình mà học đạo.

“Này chư Hiền! Sau khi tôi xuất gia học đạo, từ bỏ của cải họ hàng rồi, thọ lãnh cấm giới mà Tỳ-kheo phải tu tập, thủ hộ Biệt giải thoát, tôi lại cẩn thận thu nhiếp các oai nghi lễ tiết, thấy tội nhỏ nhiệm cũng thường ôm lòng lo sợ, nhớ kỹ điều cốt yếu đã học.

“Này chư Hiền, tôi từ bỏ sát sanh, xa lìa sát sanh, xả bỏ kiếm gậy, biết hổ, biết thẹn, nuôi lòng từ bi, làm lợi ích cho tất cả, cho đến loài côn trùng. Tôi đối với sự sát sanh, [733b] tâm đã tịnh trừ.

“Tôi từ bỏ lấy của không cho, tránh xa lấy của không cho; chỉ lấy của đã cho, thích của đã cho, thường thích bố thí, vui vẻ không cầu mong sự đáp lại. Tô đối với sự ưa lấy của không cho, tâm đã tịnh trừ

“Này chư Hiền, tôi từ bỏ sự phi phạm hạnh, tránh xa phi phạm hạnh, siêng năng tu phạm hạnh, tinh tấn với diệu hành, thanh tịnh không ô uế, từ bỏ dục vọng, dứt trừ dâm dục. Tôi đối với sự phi phạm hạnh, tâm đã tịnh trừ.

“Này chư Hiền, tôi từ bỏ nói láo, tránh xa nói láo, nói điều chân thật, ưa điều chân thật, dựa trên sự chân thật không sai chạy. Tất cả lời nói của tôi đều đáng tin cậy, không lừa dối thế gian. Tô đối với tâm nói láo, tâm đã dứt trừ.

“Này chư Hiền, tôi từ bỏ nói hai lưỡi, tránh xa nói hai lưỡi, tu hạnh không nói hai lưỡi, không phá hoại người khác, không nghe lời người này đem nói với người kia để phá hoại người này, không nghe lời người kia đem nói với người này để phá hoại người kia; người ly gián tôi làm cho hòa hợp, người đã sống hòa hợp, tôi làm cho họ hoan hỷ, không chia phe đảng, không thích phe đảng, không khen ngợi phe đảng. Tôi đối với sự nói hai lưỡi, tôi đã tịnh trừ.

“Này chư Hiền, tôi từ bỏ lời nói thô ác, tránh xa lời nói thô ác, giọng điệu thô bỉ, lớn tiếng, nghịch tai, người nghe không ưa không mến, khiến họ khổ não không định tâm. Tôi đoạn trừ lời nói như vậy. Nếu có lời nói êm dịu, nhẹ nhàng, thuận tai, thông cảm đến tâm, làm cho người nghe vui vẻ, mến chuộng, sung sướng, tiếng nói rõ ràng, không làm cho người khác sợ, trái lại họ được định tâm, tôi nói lời nói như vậy. Tôi đối với sự nói lời độc ác, tâm đã tịnh trừ.

“Này chư Hiền, tôi từ bỏ lời nói thêu dệt, tránh xa lời nói thêu dệt, nói đúng lúc, nói chân thật, nói đúng pháp, nói đúng nghĩa, nói về tịch tĩnh, ưa nói về tịch tĩnh, hợp thời, hợp lý, khéo dạy, khéo la mắng. Tôi đối với sự nói thêu dệt, tâm đã tịnh trừ.

“Này chư Hiền, tôi từ bỏ buôn bán, tránh xa sự buôn bán, xả bỏ thói cân lường và đấu hộc, cũng không nhận hàng hóa, không chèn ép người, không mong gian lận, không vì lợi nhỏ mà lấn lướt người. Tôi đối với sự sinh hoạt buôn bán, tâm đã tịnh trừ.

“Này chư Hiền, tôi từ bỏ không nhận đàn bà góa, con gái thơ, tránh xa việc nhận đàn bà góa, con gái thơ. Đối với việc nhận đàn bà góa, con gái thơ, tâm tôi đã tịnh trừ.

“Này chư Hiền, tôi từ bỏ không nhận nô tỳ, tránh xa việc nhận nô tỳ. Đối với việc nhận nô tỳ, tâm tôi đã tịnh trừ.

“Này chư Hiền, tôi từ bỏ không nhận voi, ngựa, bò, dê; tránh xa việc nhận voi, ngựa, bò, dê. Đối với việc nhận voi, ngựa, trâu, dê, tâm tôi đã tịnh trừ.

“Này chư Hiền, tôi từ bỏ không nhận gà, heo; tránh xa việc nhận gà, heo. Đối với việc nhận gà, heo, tâm tôi đã tịnh trừ.

“Này chư Hiền, tôi từ bỏ không nhận ruộng nương, hàng quán; tránh xa việc nhận ruộng nương, [733c] hàng quán. Đối với việc nhận ruộng nương, hàng quán, tâm tôi đã tịnh trừ.

“Này chư Hiền, tôi từ bỏ không nhận lúa giống, lúa mạch, đậu; tránh xa việc nhận lúa giống, lúa mạch, đậu. Đối với việc nhận lúa giống, lúa mạch, đậu, tâm tôi đã tịnh trừ.

“Này chư Hiền, tôi từ bỏ rượu, tránh xa rượu. Đối với việc uống rượu, tâm tôi đã tịnh trừ.

“Này chư Hiền, tôi từ bỏ không dùng giường cao, rộng lớn; tránh xa giường cao, rộng lớn. Đối với việc dùng giường cao, rộng lớn, tâm tôi đã tịnh trừ.

“Này chư Hiền, tôi từ bỏ không trang sức vòng hoa, chuỗi ngọc, hương liệu, dầu thơm; tránh xa không trang sức vòng hoa, ngọc ngà, hương thoa, phấn sáp. Đối với việc trang sức vòng hoa, chuỗi ngọc, hương thoa, phấn sáp, tâm tôi đã tịnh trừ.

“Này chư Hiền, tôi từ bỏ không ca múa, xướng hát và đi xem nghe; tránh xa sự ca múa, xướng hát và đi xem nghe. Đối với sự ca múa, xướng hát và đi xem nghe, tâm tôi đã tịnh trừ.

“Này chư Hiền, tôi từ bỏ không nhận vàng bạc, tránh xa việc nhận vàng bạc. Đối với việc nhận vàng bạc, tâm tôi đã tịnh trừ.

“Này chư Hiền, tôi từ bỏ sự ăn quá ngọ, tránh xa sự ăn quá giữa trưa, ăn đúng giữa trưa, không ăn ban đêm, không ăn phi thời, học ăn đúng thời. Đối với sự ăn quá giữa trưa, tâm tôi đã tịnh trừ.

“Này chư Hiền, tôi đã thành tựu Thánh giới này, thân lại tu hành sự tri túc, áo cốt để che thân, ăn cốt đủ để nuôi thân. Tôi đến chỗ nào mang theo y bát, không có luyến tiếc, ví như chim nhạn cùng với hai cánh bay liệng trong không theo hai cánh, tôi cũng như vậy.

“Này chư Hiền, tôi đã thành tựu Thánh giới thân này và cực tri túc, rồi lại thủ hộ các căn, hường niệm tưởng sự khép kín [81], niệm tưởng muốn minh đạt, thủ hộ tâm mà được thành tựu, hằng khởi chánh tri. Khi mắt thấy sắc, tôi không chấp thủ tướng của sắc, không đắm nhiễm vị [82] của sắc. Do nguyên nhân gì [83] mà khi nhãn căn không được thủ hộ thì trong tâm sanh tham lam, ưu sầu, ác bất thiện pháp, tôi hướng đến kia mà thủ hộ căn con mắt. Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân; khi ý biết pháp, tôi không chấp thủ tướng của pháp, không đắm nhiễm vị của pháp. Do nguyên nhân gì mà khi ý căn không được thủ hộ thì trong tâm sanh tham lam, ưu sầu, ác bất thiện pháp, tôi hướng đến kia mà thủ hộ ý căn.

“Này chư Hiền, tôi đã thành tựu Thánh giới thân này và cực tri túc, Thánh thủ hộ các căn, lại biết rõ chân chánh sự ra vào, khéo quán sát phân biệt sự co, duỗi, cúi, ngước, nghi dung chững chạc, khéo đắp Tăng-già-lê và mang các y bát; đi, đứng, nằm, ngồi, ngủ, nghỉ, nói năng thảy đều biết rõ chân chánh.

“Này chư Hiền, tôi đã thành tựu Thánh giới thân này và cực tri túc, và cũng thành tựu Thánh thủ hộ các căn, chân chánh biết sự ra vào, rồi lại sống cô độc tại nơi xa vắng, ở trong rừng vắng, trong rừng sâu, dưới gốc cây, những nơi trống vắng yên tĩnh, sườn non, động đá, đất trống, lùm cây, hoặc đến trong rừng, hoặc giữa bãi tha ma. Tôi sau khi ở trong rừng vắng, hoặc đến [734a] gốc cây, những chỗ không nhàn yên tĩnh, trải ni-sư-đàn, ngồi xếp kiết già, chánh thân chánh nguyện, hướng niệm nội tâm, đoạn trừ tâm tham lam, không có não hại, thấy tài vật và các nhu dụng sinh sống của người khác mà không khởi tâm tham lam muốn khiến về mình. Tôi đối với tham lam, tâm được tịnh trừ. Cũng vậy, đối với sân nhuế, thùy miên, trạo hối, đoạn trừ nghi hoặc, đối với các thiện pháp không còn do dự. Tôi đối với sự nghi hoặc, tâm đã tịnh trừ.

“Này chư Hiền, tôi đã đoạn trừ năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, ly dục, ly ác bất thiện pháp, có giác có quán, có hỷ lạc do ly dục sanh, cho đến, chứng đắc Tứ thiền, thành tựu an trụ.

“Này chư Hiền, tôi đã đắc định tâm như vậy, thanh tịnh không ô uế, không phiền nhiệt, nhu nhuyến, an trú vững vàng, được bất động tâm, hướng đến chứng ngộ trí lậu tận thông. Này chư Hiền, tôi biết như thật rằng, ‘Đây là Khổ’, biết như thật: ‘Đây là Khổ tập’, biết như thật: ‘Đây là Khổ diệt’, và biết như thật: ‘Đây là Khổ diệt đạo.’ Biết như thật, ‘Đây là lậu’, ‘Đây là lậu tập’, ‘Đây là lậu diệt’, và ‘Đây là lậu diệt đạo.’ Biết như vậy, thấy như vậy, tâm giải thoát dục lậu, tâm giải thoát hữu lậu và vô minh lậu. Khi đã giải thoát liền biết mình đã giải thoát và biết một cách như thật rằng, ‘Sự sanh đã hết, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa.’ Này chư Hiền, tôi biết như vậy, thấy như vậy đối với bên trong thân cùng với thức này và tất cả các tướng bên ngoài, ngã, ngã tác và kết sử mạn, thảy đều được đoạn tri, nhổ tuyệt cội gốc của chúng, không còn tái sanh nữa.’ Tỳ-kheo đã dứt sạch các lậu và tự biết phạm hạnh đã vững ấy nên như pháp mà đáp như vậy. Các ngươi sau khi nghe rồi, nên khen ngợi là đúng và hoan hỷ phụng hành.

“Sau khi khen ngợi là đúng và hoan hỷ phụng hành rồi, nên nói với vị Tỳ-kheo ấy như vầy, ‘Này Hiền giả, khi Hiền giả vừa nói, chúng tôi đã đẹp lòng, đã hoan hỷ, nhưng chúng tôi muốn theo Hiền giả để tăng tiến càng tăng tiến, mong cầu trí tuệ và ứng đối biện tài. Vì vậy chúng tôi hỏi Hiền giả, rồi lại hỏi nữa.’”

Phật thuyết như vậy, các Tỳ-kheo nghe lời Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành. 

188. KINH A-DI-NA

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trú tại Đông viên, giảng đường [734b]Lộc tử mẫu [84].

Bấy giờ, vào lúc xế chiều, Đức Thế Tôn từ tĩnh tọa đứng dậy, bước xuống giảng đường, đi kinh hành trên khoảng đất trống, trong bóng mát của giảng đường và thuyết giảng rộng rãi về pháp thậm thâm vi diệu cho các Tỳ-kheo nghe.

Lúc ấy, Dị học A-di-na [85], đệ tử của Sa-môn Man-đầu [86], từ xa thấy Đức Thế Tôn từ tĩnh tọa dậy, bước xuống giảng đường, đi kinh hành trên khoảng đất trống, trong bóng mát của giảng đường và thuyết giảng rộng rãi về pháp thậm thâm vi diệu cho các Tỳ-kheo nghe; Dị học A-di-na, đệ tử của Sa-môn Man-đầu đến chỗ Phật, chào hỏi và kinh hành theo Phật.

Đức Thế Tôn quay lại hỏi rằng:

“Dị học A-di-na, Sa-môn Man-đầu có thật sự tư duy với năm trăm tư duy? Nếu có Dị học, Sa-môn,  Bà-la-môn nào là vị nhất thiết tri, nhất thiết kiến, tự cho là ‘Ta biết không sót cái gì’, nhưng nếu có lầm lẫn thì cũng phải tự nhận là lầm lẫn chăng?” [87]

Dị học A-di-na, đệ tử của Sa-môn Man-đầu đáp rằng:

“Thưa Cù-đàm, Sa-môn Man-đầu thật sự tư duy với năm trăm tư duy. Nếu có Dị học, Sa-môn,  Bà-la-môn nào là vị nhất thiết tri, nhất thiết kiến, tự cho là “Ta biết không sót thứ gì’, nhưng nếu có lầm lẫn thì cũng phải tự nhận là lầm lẫn.”

Đức Thế Tôn lại hỏi rằng:

“A-di-na, như thế nào Sa-môn Man-đầu thật sự tư duy với năm trăm tư duy? Và nếu có Dị học, Sa-môn,  Bà-la-môn nào là vị nhất thiết tri, nhất thiết kiến, tự cho là ‘Ta biết không sót cái gì’, nhưng nếu có lầm lẫn thì cũng phải tự nhận là lầm lẫn?”

Dị học A-di-na, đệ tử của Sa-môn Man-đầu, đáp rằng:

“Thưa Cù-đàm! Sa-môn Man-đầu nói như vầy, ‘Khi đi, khi đứng, khi nằm, khi ngồi, khi ngủ, khi thức, lúc tối hay ban ngày, tri vẫn thường không bị chướng ngại. Nhưng cũng có khi gặp voi chạy càn, ngựa phóng đại, xe ruỗi nhanh, lính bại trận, con trai chạy trốn, con gái chạy trốn, hoặc đi trên con đường nào đó mà gặp voi dữ, ngựa dữ, bò dữ, chó dữ, hoặc gặp ổ rắn, hoặc bị ném đất, hoặc bị gậy đánh, hoặc lọt xuống rãnh, hoặc rơi vào hầm xí, hoặc đạp lên bò đang nằm, hoặc sa xuống hầm sâu, hoặc đâm vào bụi gai, hoặc thấy thôn ấp mà phải hỏi tên đường, hoặc gặp kẻ trai người gái phải hỏi họ hỏi tên, hoặc nhìn lầm nhà trống, hoặc vào dòng họ nào đó và khi vào rồi được hỏi rằng: ‘Ông ở đâu đến?’ Ta đáp rằng, ‘Này chư Hiền, tôi đi lộn đường.

“Thưa Cù-đàm! Sa-môn Man-đầu đại loại như vậy, tư duy với năm trăm tư duy, và nếu có Dị học Sa-môn, Bà-la-môn nào là bậc nhất thiết trí, nhất thiết kiến, tự cho rằng: Ta biết không sót cái gì’, nhưng vị ấy cũng có những lầm lẫn như vậy.”

Rồi Đức Thế Tôn đi kinh hành đến mút đường, [734c] dừng lại, trải tọa cụ, ngồi kiết già, hỏi các Tỳ-kheo:

“Những sự kiện trí tuệ [88] được Ta nói đến, các người thọ trì chăng?

Các Tỳ-kheo im lặng không đáp. Đức Thế Tôn hỏi như vậy đến ba lần:

“Những sự kiện trí tuệ được Ta nói đến, các ngươi thọ trì chăng?”

Các Tỳ-kheo cũng ba lần im lặng không đáp.

Lúc ấy có một Tỳ-kheo liền rời chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo, chắp tay hướng đến Phật bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, nay thật là đúng lúc! Bạch Thiện Thệ, nay thật là đúng lúc! Nếu Thế Tôn nói những sự kiện trí tuệ cho các Tỳ-kheo nghe thì các Tỳ-kheo sau khi nghe Thế Tôn nói sẽ khéo léo thọ trì.”

Thế Tôn nói:

“Này Tỳ-kheo, hãy nghe rõ và suy nghĩ kỹ! Ta sẽ phân tích đầy đủ cho các ngươi.”

Bấy giờ các Tỳ-kheo bạch rằng:

“Chúng con kính vâng lời, lắng nghe.”

Đức Phật lại bảo rằng:

“Có hai chúng, một là chúng pháp, hai là chúng phi pháp.

“Sao gọi là chúng phi pháp? Hoặc có người làm việc phi pháp, nói lời phi pháp và chúng ấy cũng làm việc phi pháp, nói lời phi pháp. Người phi pháp ấy đứng đầu trong chúng phi pháp, theo những điều chính mình đã biết, nhưng lại bằng những lời hư vọng, không chân thật mà hiển thị, phân biệt, quy định hành vi, lưu bố, tuần tự thuyết pháp, muốn đoạn trừ sự xấu xa trong tâm ý người khác, bị cật vấn thì không thể trả lời được. Đối với trong Chánh pháp luật không thể xứng lập những điều chính mình đã biết. Nhưng người phi pháp đứng đầu trong chúng phi pháp, tự cho là ‘Ta có trí tuệ, hiểu biết tất cả.’ Ở nơi nào mà sự kiện trí tuệ được nói đến như vậy, ở đó được gọi là chúng phi pháp.

“Sao gọi là chúng pháp? Hoặc có người làm đúng pháp, nói như pháp và chúng ấy cũng làm đúng pháp, nói như pháp. Người đúng pháp ấy đứng đầu trong chúng pháp, theo những điều chính mình đã biết, không bằng những lời hư vọng mà bằng sự chắc thật, hiển thị, phân biệt, quy định hành vi, lưu bố, tuần tự thuyết pháp, muốn đoạn trừ sự xấu xa trong tâm ý người khác, khi bị cật vấn thì có thể trả lời được, đối với Chánh pháp luật có thể xứng lập những điều chính mình đã biết, và người ấy đứng đầu trong chúng pháp, tự cho là ta có trí tuệ, hiểu biết tất cả.’ Ở nơi nào mà sự kiện trí tuệ được nói đến như vậy, ở đó được gọi là chúng pháp.

“Cho nên, các ngươi nên biết pháp và phi pháp, nghĩa và phi nghĩa. Sau khi đã chứng biết pháp và phi pháp, nghĩa và phi nghĩa rồi, các ngươi nên học pháp như thật và nghĩa như thật.” [89]

Phật thuyết như vậy rồi, liền rời chỗ ngồi đứng dậy, vào tịnh thất tĩnh tọa.

Bấy giờ các Tỳ-kheo liền suy nghĩ: “Chư Hiền nên biết, Đức Thế Tôn chỉ nói vắn tắt ý nghĩa này, không phân biệt rộng rãi, liền rời chỗ ngồi đứng dậy, vào tịnh thất tĩnh tọa; nói rằng, ‘Cho nên các ngươi nên biết pháp và phi pháp, nghĩa [735a] và phi nghĩa. Sau khi đã biết pháp và phi pháp, nghĩa và phi nghĩa rồi, các ngươi nên học pháp như thật và nghĩa như thật.’”

Họ lại nghĩ rằng: “Này chư Hiền, ai có thể phân biệt rộng rãi ý nghĩa mà Đức Thế Tôn đã thuyết vắn tắt?”

Họ lại nghĩ rằng: “Tôn giả A-nan là thị giả của Phật, hiểu biết ý Phật, thường được Thế Tôn và các đồng phạm hạnh có trí khen ngợi. Tôn giả A-nan có thể phân biệt rộng rãi ý nghĩa mà Đức Thế Tôn đã thuyết vắn tắt. Này chư Hiền, chúng ta cùng nhau đi đến chỗ Tôn giả A-nan để yêu cầu nói ý nghĩa bày. Nếu được Tôn giả A-nan phân biệt cho, chúng ta sẽ khéo léo thọ trì.”

Rồi các Tỳ-kheo đi đến chỗ Tôn giả A-nan, chào hỏi xong, ngồi xuống một bên, bạch rằng:

“Bạch Tôn giả A-nan, xin biết cho! Đức Thế Tôn chỉ nói vắn tắt ý nghĩa này, không phân biệt rộng rãi, liền rời chỗ ngồi đứng dậy, vào tịnh thất tĩnh tọa, rằng ‘Cho nên các ngươi nên biết pháp và phi pháp, nghĩa và phi nghĩa. Sau khi đã biết pháp và phi pháp, nghĩa và phi nghĩa rồi, các ngươi nên học pháp như thật và nghĩa như thật.’

“Chúng tôi lại nghĩ, ‘Này chư Hiền! Ai có thể phân biệt rộng rãi ý nghĩa mà Đức Thế Tôn đã thuyết vắn tắt?’ Chúng tôi lại nghĩ rằng: ‘Tôn giả A-nan là thị giả của Phật, hiểu biết ý Phật, thường được Thế Tôn và các đồng phạm hạnh có trí khen ngợi. Tôn giả A-nan có thể phân biệt rộng rãi ý nghĩa mà Đức Thế Tôn đã thuyết vắn tắt.’ Cúi mong Tôn giả A-nan vì lòng từ mẫn mà phân biệt rộng rãi cho.”

Tôn giả A-nan bảo rằng:

“Này chư Hiền, hãy lắng nghe tôi nói ví dụ. Người có trí sau khi nghe ví dụ thì sẽ hiểu rõ ý nghĩa:

“Này chư Hiền, ví như có người muốn tìm lõi cây; vì muốn tìm lõi cây nên xách búa vào rừng. Người ấy thấy một gốc cây to, đã đầy đủ rễ, thân, đốt, cành, lá, hoa và lõi. Người ấy không đụng đến rễ, thân, đốt, lõi, mà chỉ đụng đến cành, lá. Những điều mà chư Hiền nói cũng giống như vậy. Đức Thế Tôn đang còn đó, sao chư Hiền lại bỏ đi mà tìm đến tôi để hỏi ý nghĩa này? Vì sao vậy? Chư Hiền nên biết,Thế Tôn là Con Mắt, là Trí, là Nghĩa, là Pháp, là Pháp chủ, là Pháp tướng, là Bậc nói nghĩa Chân đế. Mọi cứu cánh được chỉ bày do bởi Thế Tôn ấy. Chư Hiền nên đến chỗ Đức Thế Tôn mà hỏi ý nghĩa này, ‘Bạch Thế Tôn, điều này là thế nào? Điều này có ý nghĩa gì?’ Đúng như những lời Thế Tôn nói, chư Hiền hãy khéo léo thọ trì.”

Lúc ấy các Tỳ-kheo bạch rằng:

“Bạch Tôn giả A-nan, vâng, Đức Thế Tôn là Con Mắt, là Trí, là Nghĩa, là Pháp, là Pháp chủ, là Pháp tướng, là bậc nói nghĩa Chân đế. Mọi cứu cánh được chỉ bày do bởi Thế Tôn ấy. Nhưng Tôn giả A-nan là thị giả của Phật, hiểu biết ý Phật, thường được Thế Tôn và [735b] các đồng phạm hạnh có trí khen ngợi. Bạch Tôn giả A-nan, Tôn giả có thể phân biệt rộng rãi ý nghĩa mà Đức Thế Tôn đã thuyết một cách vắn tắt. Cúi mong Tôn giả A-nan vì lòng từ mẫn mà phân biệt rộng rãi cho.”

Tôn giả A-nan nói với các Tỳ-kheo rằng:

“Này chư Hiền, vậy hãy cùng nghe tôi nói.

“Này chư Hiền, tà kiến là phi pháp, chánh kiến là pháp. Nếu điều nào nhân bởi tà kiến mà sanh ra vô lượng pháp ác bất thiện, đó gọi là phi nghĩa. Nếu nhân bởi chánh kiến mà sanh ra vô lượng pháp thiện, đó gọi là nghĩa.

“Này chư Hiền, cho đến tà trí [90] là phi pháp, chánh trí là pháp. Nếu nhân bởi tà trí mà sanh ra vô lượng pháp ác bất thiện, đó gọi là phi nghĩa. Nếu nhân bởi chánh trí mà sanh ra vô lượng pháp thiện, đó gọi là nghĩa.

“Này chư Hiền! Sự kiện Đức Thế Tôn chỉ nói vắn tắt ý nghĩa này, không phân biệt rộng rãi, liền rời chỗ ngồi đứng dậy, vào tịnh thất tĩnh tọa, rằng ‘Cho nên các ngươi nên biết pháp và phi pháp, nghĩa và phi nghĩa. Sau khi đã biết pháp và phi pháp, nghĩa và phi nghĩa rồi, các ngươi nên học pháp như thật và nghĩa như thật.’

 “Ý nghĩa mà Đức Thế Tôn chỉ nói vắn tắt chứ không phân biệt rộng rãi này, tôi bằng câu ấy, bằng văn ấy mà diễn rộng ra như vậy. Chư Hiền có thể đến trình bày đầy đủ lên Đức Phật. Nếu đúng như ý nghĩa mà Đức Thế Tôn nói thí chư Hiền hãy thọ trì.”

Bấy giờ các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Tôn giả A-nan nói, khéo léo thọ trì, đọc thuộc, liền rời chỗ ngồi đứng dậy, nhiễu quanh Tôn giả A-nan ba vòng rồi đi. Khi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ, ngồi xuống một bên, bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, vừa rồi Thế Tôn chỉ nói vắn tắt ý nghĩa này, không phân biệt rộng rãi, liền rời chỗ ngồi đứng dậy, vào tịnh thất tĩnh tọa. Tôn giả A-nan đã bằng câu ấy, bằng văn ấy mà diễn rộng ra.”

Đức Thế Tôn nghe xong, khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Trong hàng đệ tử của Ta có những vị có Mắt, có Trí, có Pháp, có Nghĩa. Vì sao vậy? Vì Tôn sư nói ý nghĩa này cho đệ tử một cách vắn tắt mà không phân biệt rộng rãi, đệ tử ấy bằng câu ấy, bằng văn ấy mà diễn rộng ra.

“Đúng như những gì A-nan nói, các ngươi hãy như vậy mà thọ trì. Vì sao vậy? –Vì thuyết quán nghĩa phải như vậy.”

Phật thuyết như vậy, các Tỳ-kheo ấy sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

189. KINH THÁNH ĐẠO

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại nước Câu-lâu-lấu, ở Kiếm Ma-sắt-đàm, [735c] đô ấp Câu-lâu.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Có một con đường khiến chúng sanh được thanh tịnh, xả bỏ ưu sầu, than khóc, dứt hết buồn khổ ảo não, chứng được như pháp. Đó là Thánh chánh định, có cận tập, có trợ bạn và cũng có tư cụ, [91] bao gồm bảy chi.  

“Thế nào nói là Thánh chánh định có cận tập, có trợ bạn và có tư cụ gồm bảy chi? Đó là, chánh kiến, chánh chí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm. Do bảy chi này mà có tập, có trợ và có cụ [92], khéo hướng đến tâm chuyên nhất [93], đó gọi là Thánh chánh định có tập, có trợ và có cụ. Vì sao vậy? Chánh kiến sanh chánh tư duy, [94] chánh tư duy sanh chánh ngữ, chánh ngữ sanh chánh nghiệp, chánh nghiệp sanh chánh mạng, chánh mạng sanh chánh tinh tấn, [95] chánh tinh tấn sanh chánh niệm, chánh niệm sanh chánh định. Hiền Thánh đệ tử với tâm được chánh định như vậy lập tức dứt sạch dâm, nộ, si. Hiền Thánh đệ tử với chánh tâm giải thoát như thế, lập tức biết như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa.’

“Trong các chi ấy, chánh kiến đứng ngay hàng đầu. [96] Nếu thấy rõ tà kiến là tà kiến thì đó gọi là chánh kiến. Nếu thấy rõ chánh kiến là chánh kiến thì đó cũng gọi là chánh kiến.

“Thế nào là tà kiến? Đó là cho rằng không có bố thí, không có trai tự, không có chú thuyết, không có nghiệp thiện, ác, không có quản báo của nghiệp thiện, ác, không có đời này đời sau, không có cha, không có mẹ, không có bậc chân nhân ở trên đời đi đến thiện xứ, khéo ra khỏi cõi này, khéo hướng đến cõi kia, tự tri, tự giác, trong đời này hay đời sau mà tự tác chứng, thành tựu an trụ. Như vậy gọi là tà kiến.

“Thế nào gọi là chánh kiến? [97]  Đó là thấy rằng có bố thí, có trai tự, có chú thuyết, có thiện, ác nghiệp, có quả báo của thiện, ác nghiệp, có đời này đời sau, có cha có mẹ, có bậc chân nhân ở trên đời đi đến thiện xứ, khéo ra khỏi cõi này, khéo hướng đến cõi kia, trong đời này hay đời sau tự tri, tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ. Như vậy gọi là chánh kiến.

“Đó gọi rằng thấy tà kiến là tà kiến thì đó là chánh kiến. Thấy chánh kiến là chánh kiến; đó cũng gọi là chánh kiến. Khi biết rõ như thế, liền phải cầu học để đoạn trừ tà kiến, thành tựu chánh kiến. Đó gọi là chánh tinh tấn. Tỳ-kheo suy niệm về sự đoạn trừ nơi tà kiến, [98] thành tựu chánh kiến. Đó gọi là chánh niệm. Cả ba chi này đi theo chánh kiến, tùy tùng phương tiện của kiến. [99] Vì thế cho nên bảo chánh kiến là đứng ngay ở hàng đầu.

“Nếu thấy tà tư duy là tà tư duy, thì đó là chánh tư duy. Nếu thấy chánh tư duy là chánh tư duy thì đó cũng là chánh tư duy.

“Thế nào gọi là tà tư duy? Đó là niệm dục, niệm nhuế, niệm [736a] hại, được gọi là tà tư duy. [100]

“Thế nào gọi là chánh tư duy? Đó là niệm vô dục, niệm vô nhuế, niệm vô hại, được gọi là chánh tư duy.

“Thấy rõ tà tư duy là tà tư duy, thì đó là chánh tư duy. Thấy rõ chánh tư duy là chánh tư duy, thì đó cũng là chánh tư duy. Biết như thế rồi, liền phát tâm cầu học để đoạn trừ tà tư duy, thành tựu chánh tư duy. Đó gọi là chánh tinh tân. Tỳ-kheo suy niệm sự đoạn trừ nơi tà tư duy, thành tựu chánh tư duy. Đó gọi là chánh niệm.

“Tất cả ba chi này đi theo chánh tư duy, tùy tùng phương tiện của kiến, vì thế nên bảo chánh kiến đứng hàng đầu.

“Nếu thấy rõ tà ngữ là tà ngữ, thì đó là chánh ngữ. Nếu thấy chánh ngữ là chánh ngữ, thì đó cũng chính là chánh ngữ.

“Sao gọi là tà ngữ? Nói dối, nói hai lưỡi, lời nói thô ác, lời nói thêu dệt, đó gọi là tà ngữ.

“Thế nào là chánh ngữ? Xa lìa sự nói dối, nói hai lưỡi, nói lời thô ác, thêu dệt, đó gọi là chánh ngữ. Đó cũng gọi là thấy tà ngữ là tà ngữ, thì gọi là chánh ngữ. Thấy chánh ngữ là chánh ngữ, cũng gọi là chánh ngữ. Biết như vậy rồi liền phát tâm cầu học để đoạn trừ tà ngữ, thành tựu chánh ngữ. Đó là chánh tinh tấn. Tỳ-kheo suy niệm sự đoạn trừ nơi tà ngữ, thành tựu chánh ngữ, gọi là chánh niệm. Cả ba chi này đi theo chánh ngữ, do phương tiện của kiến, vì thế nên bảo chánh kiến đứng hàng đầu.

 “Nếu thấy tà nghiệp là tà nghiệp, thì đó là chánh nghiệp. Nếu thấy chánh nghiệp là chánh nghiệp, thì đó cũng chính là chánh nghiệp.

“Thế nào gọi là tà nghiệp? Sát sanh, trộm cướp, tà dâm, gọi là tà nghiệp. Thế nào gọi là chánh nghiệp? Lìa sát sanh, trộm cướp, tà dâm, gọi là chánh nghiệp. Đó gọi rằng thấy tà nghiệp là tà nghiệp thì gọi là chánh nghiệp. Thấy chánh nghiệp là chánh nghiệp, cũng gọi là chánh nghiệp. Biết như thế rồi liền phát tâm cầu học để đoạn trừ tà nghiệp, thành tựu chánh nghiệp, gọi là chánh tinh tấn. Tỳ-kheo suy niệm sự đoạn trừ nơi tà nghiệp, thành tựu chánh nghiệp, gọi là chánh niệm. Cả ba chi này đi theo chánh nghiệp, tùy tùng phương tiện của kiến, vì thế nên bảo chánh kiến đứng hàng đầu.

“Nếu thấy tà mạng là tà mạng, thì đó gọi là chánh mạng. Nếu thấy chánh mạng là chánh mạng, thì cũng gọi là chánh mạng.

“Thế nào là tà mạng? Có sự mong cầu mà không mãn ý; bằng nhiều loại chú thuật súc sanh, bằng tà mạng mà nuôi sống. Nó không như pháp mà tìm kiếm áo chăn, mà lại bằng phi pháp; không như pháp mưu cầu ẩm thực, giường chõng, thuốc thang, các tư cụ sanh hoạt, mà bằng phi pháp. Đó là tà mạng. Thế nào là chánh mạng? Không có sự mong cầu không mãn ý; không [736b] dùng các thứ chú thuật, tà mạng để nuôi sống. Người ấy như pháp mà tìm kiếm áo chăn, thì đó là pháp vậy; như pháp mà mưu cầu ẩm thực, giường chõng, thuốc thang, các tư cụ sanh hoạt, thì đó là pháp vậy. Đó gọi là chánh mạng. Đó là nói rằng, thấy tà mạng là tà mạng thì gọi là chánh mạng; thấy chánh mạng là chánh mạng, cũng gọi là chánh mạng. Kia biết như vậy rồi, bèn cầu học để đoạn trừ tà mạng, thành tựu chánh mạng; đó là chánh tinh tấn. Tỳ-kheo suy niệm nơi sự đoạn trừ tà mạng, thành tựu chánh mạng, đó gọi là chánh niệm. Ba chi này đi theo chánh mạng, tùy tùng phương tiện của kiến, vì thế nên bảo chánh kiến đứng hàng đầu.

“Thế nào là chánh phương tiện? Tỳ-kheo để đoạn trừ ác pháp đã sanh mà phát khởi ý dục tìm cầu phương tiện, tinh cần, dốc tâm trừ diệt; vì để ác pháp chưa sanh thì không sanh, nên phát khởi ý dục tìm cầu phương tiện, tinh cần dốc tâm mà trừ diệt; để pháp thiện chưa sanh thì sanh nên phát khởi ý dục tìm cầu phương tiện, tinh cần dốc tâm trừ diệt; để thiện pháp đã sanh tồn tại, không bị quên, không thối thất, càng lúc càng phát triển rộng rãi, tu tập biến mãn đầy đủ, nên phát khởi ý dục tìm cầu phương tiện, tinh cần dốc tâm mà trừ diệt; đó gọi là chánh tinh tấn.

“Thế nào là chánh niệm? Tỳ-kheo quán nội thân như thân; quán, cho đến, thọ, tâm, pháp như pháp; đó gọi là chánh niệm.

“Thế nào là chánh định? Tỳ-kheo ly dục, ly ác bất thiện pháp, cho đến, chứng đắc đệ Tứ thiền, thành tựu và an trụ; đó gọi là chánh định.

“Thế nào là chánh giải thoát? Tỳ-kheo, tâm giải thoát khỏi dục, tâm giải thoát khỏi nhuế, si; đó gọi là chánh giải thoát. Thế nào là chánh trí? Tỳ-kheo biết tâm giải thoát dục, tâm giải thoát nhuế, si; gọi là chánh trí.

“Đó là bậc hữu học thành tựu tám chi. Lậu tận A-la-hán thành tựu mười chi.

“Thế nào là hữu học thành tựu tám chi? Là học từ chánh kiến cho đến chánh định. Đó là hữu học thành tựu tám chi.

“Thế nào là lậu tận A-la-hán thành tựu mười chi? Đó là vô học chánh kiến cho đến vô học chánh trí. Đó là lậu tận A-la-hán thành tựu mười chi. Vì sao vậy? Vì chánh kiến là đoạn trừ tà kiến. Nếu nhân tà kiến sanh vô lượng ác pháp bất thiện, vị ấy cần phải đoạn trừ nó. Nếu nhân chánh kiến sanh ra vô lượng thiện pháp, vị ấy tu tập được sung mãn. Cho đến chánh trí đoạn trừ tà trí. Nếu nhân tà trí sanh vô lượng pháp ác bất thiện, vị ấy đoạn trừ nó. Nếu nhân chánh trí sanh vô lượng pháp thiện, vị ấy tu tập [736c] để được sung mãn.

“Đó là hai mươi phẩm thiện và hai mươi phẩm bất thiện. Tức là tuyên thuyết bốn mươi đại pháp phẩm được chuyển vận nơi Phạm luân mà không một ai có thể chế ngự mà bài xích, dù là Sa-môn,  Bà-la-môn, chư Thiên, Ma, Phạm, và các loại thế gian khác.

“Đối với bốn mươi đại pháp phẩm mà Ta tuyên thuyết được chuyển vận nơi Phạm luân ấy, không một ai có thể chận đứng, dù là Sa-môn,  Bà-la-môn, chư Thiên và Ma, Phạm, và các loại thế gian khác; mà nếu có Sa-môn,  Bà-la-môn nào phi bác, người ấy đối với như pháp có mười trường hợp đáng bị chỉ trích.

“Những gì là mười? Hoặc chê bai chánh kiến, khen ngợi tà kiến. Nếu có Sa-môn,  Bà-la-môn nào có tà kiến, mà hoặc cúng dường vị ấy, hoặc tán thán vị ấy, thì đối với bốn mươi đại pháp phẩm mà Ta tuyên thuyết được chuyển vận nơi Phạm luân, không một ai có thể chận đứng, dù là Sa-môn,  Bà-la-môn, chư Thiên, Ma, Phạm và các hạng thế gian khác ấy, mà nếu có Sa-môn,  Bà-la-môn nào phi bác, vị ấy đối với như pháp đây là trường hợp thứ nhất đáng bị chỉ trích.

“Hoặc chê bai, cho đến chánh trí, khen ngợi tà trí. Nếu có Sa-môn,  Bà-la-môn nào có tà trí mà hoặc cúng dường vị ấy, hoặc tán thán vị ấy, thì đối với bốn mươi đại pháp phẩm mà Ta tuyên thuyết được chuyển vận nơi Phạm luân, không một ai có thể chận đứng, dù là Sa-môn,  Bà-la-môn, chư Thiên, Ma, Phạm và các hạng thế gian khác ấy, mà nếu có Sa-môn,  Bà-la-môn nào phi bác, vị ấy đối với như pháp đây trường hợp thứ mười đáng bị chỉ trích.

“Đó gọi là đối với như pháp có mười trường hợp đáng bị chỉ trích. Nếu có Sa-môn,  Bà-la-môn nào đối với bốn mươi đại pháp phẩm mà Ta tuyên thuyết, được chuyển vận nơi Phạm luân, không một ai có thể chận đứng, dù là Sa-môn,  Bà-la-môn, chư Thiên, Ma, Phạm, và các hạng thế gian khác ấy, mà phi bác; thì người ấy đối với như pháp có mười điều bị chỉ trích.

“Lại có những Sa-môn,  Bà-la-môn khác sống ngồi chồm hổm [101], thuyết giảng sự ngồi chồm hổm; sống vô sở hữu, thuyết giảng vô sở hữu, thuyết vô nhân, thuyết vô tác, thuyết vô nghiệp; nghĩa là đối với thiện ác được tạo tác bởi người này hay người kia mà chủ trương đoạn tuyệt, phá hoại ở kia hay ở đây, những người ấy đối với bốn đại pháp phẩm mà Ta tuyên thuyết được chuyển vận nơi Phạm luân, không một ai có thể chận đứng, dù là Sa-môn,  Bà-la-môn, chư Thiên, Ma, Phạm và các hạng thế gian khác, những người ấy cũng có sự chỉ trích, lo lắng, sợ hãi.”

Phật thuyết như vậy, các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

190. KINH TIỂU KHÔNG

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, tại Đông viên, [737a] Lộc tử mẫu giảng đường [102].

Bấy giờ Tôn giả A-nan vào lúc xế, từ thiền tọa dậy, đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, lui đứng sang một bên mà bạch rằng:

“Một thời Thế Tôn du hành giữa những người họ Thích, trong thành tên là Thích Đô ấp [103]. Con lúc ấy được nghe Thế Tôn nói ý nghĩa như vầy, ‘Này A-nan, Ta phần nhiều hành nơi không tánh’ [104]. Thế Tôn, có phải là con biết rõ, nhận rõ và nhớ kỹ không?”

Khi ấy Thế Tôn đáp rằng:

“Này A-nan, lời nói của Ta đó, ông thật sự biết rõ, nhận rõ và nhớ kỹ. Vì sao? Vì Ta tự bao giờ cho đến hôm nay phần nhiều hành nơi không tánh.

“Này A-nan, như giảng đường Lộc tử mẫu này trống không, không có voi, ngựa, bò, dê, tài vật, lúa thóc, nô tỳ; nhưng có cái không trống không. Đó là chỉ có chúng Tỳ-kheo. Cho nên, này A-nan, nếu trong đó không có gì cả thì chính do đó mà Ta thấy là trống không. Nếu trong này còn có cái khác thì Ta thấy là chân thật có. [105] Này A-nan, đó là hành trong sự chân thật, không tánh, sự không điên đảo [106].

“Này A-nan, Tỳ-kheo nếu muốn hành nhiều trong không tánh, Tỳ-kheo ấy đừng tác ý đến ý tưởng về xóm làng, đừng tác ý đến ý tưởng về người, mà hằng tác ý đến ý tưởng về duy nhất tánh là ý tưởng về khu rừng [107]. Vị ấy nhận biết như vầy, ‘Trống không là ý tưởng về xóm làng, trống không là ý tưởng về người, nhưng có một cái không trống không, đó là duy nhất tánh do ý tưởng về khu rừng. Nếu có sự mệt nhọc [108] do ý tưởng về xóm làng, thì ở đây ta không có sự ấy. Nếu có sự mệt nhọc do ý tưởng [737b] về người, thì ở đây ta không có sự ấy. Ở đây chỉ có sự mệt nhọc là do duy nhất tánh ý tưởng về khu rừng.’ Nếu trong đó không có gì cả, thì chính do đó mà vị ấy thấy đó là trống không. Nếu trong này còn có cái khác, thì vị ấy thấy là chân thật có. Này A-nan, đó là hành trong sự chân thật, không tánh, sự không điên đảo.

“Lại nữa, này A-nan, Tỳ-kheo nếu muốn hành nhiều trong không tánh, Tỳ-kheo ấy đừng tác ý đến ý tưởng về người, đừng tác ý đến ý tưởng khu rừng mà hằng tác ý đến duy nhất tánh là ý tưởng về đất. [109] Tỳ-kheo ấy nếu thấy đất này có cao có thấp, có ổ rắn, có bụi gai, có cát, có đá, núi chởm, sông sâu thì chớ có tác ý đến. Nếu thấy đất này bằng phẳng như lòng bàn tay, chỗ trông ra được rõ ràng, thì hãy thường tác ý đến.

“Này A-nan, ví như da bò, lấy một trăm cây đinh mà căng ra; sau khi căng rất thẳng, nó không nhăn, không rút lại. Nếu thấy chỗ đất này có cao có thấp, có ổ rắn, có bụi gai, có cát, có đá, núi chởm, sông sâu thì đừng tác ý đến. Nếu thấy chỗ đất này bằng phẳng như lòng bàn tay, chỗ trông ra được rõ ràng, thì hãy thường tác ý. Vị ấy biết như vậy, biết rằng, ‘Trống không ý tưởng về người, trống không ý tưởng về khu rừng, nhưng có một cái không trống không, đó là duy nhất ý tưởng về đất. Nếu có sự phiền nhọc do ý tưởng về người, thì ở đây ta không có sự ấy. Nếu có sự phiền nhọc do ý tưởng về khu rừng, thì ở đây ta không có sự ấy. Ở đây chỉ có sự phiền nhọc do duy nhất tánh là ý tưởng về đất.’ Nếu trong đó không có gì cả, thì chính do đó mà vị ấy thấy là trống không. Nếu trong này còn có cái khác thì vị ấy thấy là chân thật có. Này A-nan, đó là hành trong sự chân thật, không tánh, sự không điên đảo.

“Lại nữa, này A-nan, Tỳ-kheo nếu muốn hành nhiều trong không tánh, Tỳ-kheo ấy đừng tác ý đến ý tưởng về khu rừng, đừng tác ý đến ý tưởng về đất, mà hằng tác ý đến duy nhất tánh là ý tưởng thuần nhất về không vô biên xứ [110]. Vị ấy nhận biết như vầy, ‘Trống không ý tưởng về khu rừng, trống không ý tưởng về đất, nhưng có cái không trống không, đó là duy nhất ý tưởng về không vô biên xứ. Nếu có sự phiền nhọc do ý tưởng về khu rừng, thì ở đây ta không có sự đó. Nếu có sự phiền nhọc do ý tưởng về đất, thì ta không có sự đó. Ở đây chỉ có sự phiền nhọc do duy nhất tánh là ý tưởng về không vô biên xứ.’ Nếu trong đó không có gì cả, thì chính do đó mà vị ấy thấy là trống không. Nếu trong này còn có cái khác, thì vị ấy thấy là chân thật có. Này A-nan, đó là hành trong sự chân thật, tánh không, không điên đảo.

“Lại nữa, này A-nan, Tỳ-kheo muốn hành nhiều trong không tánh, Tỳ-kheo ấy đừng tác ý đến ý tưởng về khu rừng, đừng tác ý đến ý tưởng về đất, đừng tác ý về ý tưởng không vô biên xứ, hãy hằng tác ý đến duy nhất tánh là ý tưởng về thức vô biên xứ [111]. Vị ấy nhận biết như vầy, ‘Trống không ý tưởng về khu rừng, trống không ý tưởng về đất, trống không ý tưởng về không vô biên xứ, nhưng có một cái không trống không, đó là duy nhất ý tưởng về thức vô biên xứ. Nếu có sự phiền nhọc do ý tưởng về khu rừng, thì ở đây ta không có sự ấy. Nếu có sự phiền nhọc do ý tưởng về đất, thì ở đây ta không có sự ấy. Nếu có sự phiền nhọc do ý tưởng về không vô biên xứ, thì ở đây ta không có sự ấy. Ở đây chỉ có sự phiền nhọc do duy nhất tánh là ý tưởng về thức vô biên xứ.’ Nếu trong đó không có gì cả, thì chính vì vậy mà vị ấy thấy là trống không. Nếu trong này còn có một cái khác, thì vị ấy thấy là chân thật có. Này A-nan, đó là hành trong sự chân thật, tánh không, không điên đảo.

“Lại nữa, này A-nan, Tỳ-kheo nếu muốn hành nhiều trong không tánh, Tỳ-kheo ấy đừng tác ý đến ý tưởng về không vô biên xứ, đừng tác ý đến ý tưởng về thức vô biên xứ, mà hãy hằng tác ý đến duy nhất tánh là ý tưởng về vô sở hữu xứ [112]. Vị ấy niệm biết như vầy, ‘Trống không không vô biên xứ, trống không thức vô biên xứ, nhưng có một cái không trống không. Đó là duy nhất ý tưởng về vô sở hữu xứ. Nếu có sự phiền nhọc do ý tưởng về không vô biên xứ, thì ở đây ta không có sự ấy. Nếu có sự phiền nhọc do ý tưởng về thức vô biên xứ, thì ở đây ta không có sự ấy. Ở đây chỉ có sự phiền nhọc do duy nhất tánh là ý tưởng về vô sở hữu xứ.’ Nếu trong đó không có gì cả, thì chính vì vậy mà vị ấy thấy là trống không. Nếu trong đó còn có cái khác, thì vị ấy thấy là chân thật có. Này A-nan, đó là hành trong sự chân thật, tánh không, không điên đảo.

 [737c] “Lại nữa, này A-nan, Tỳ-kheo nếu muốn hành nhiều trong không tánh, Tỳ-kheo ấy đừng tác ý đến ý tưởng về thức vô biên xứ, đừng tác ý đến ý tưởng về vô sở hữu xứ, mà hãy hằng tác ý đến duy nhất tánh là ý tưởng về vô tướng tâm định [113]. Vị ấy nhận biết như vầy, ‘Trống không ý tưởng về thức vô biên xứ, trống không ý tưởng về vô sở hữu xứ, nhưng có cái không trống không, đó là duy nhất tánh do vô tướng tâm định. Nếu có sự phiền nhọc do ý tưởng về thức vô biên xứ, thì ở đây ta không có sự ấy. Nếu có sự phiền nhọc do ý tưởng về vô sở hữu xứ, thì ở đây ta cũng không có sự ấy. Ở đây chỉ có sự phiền nhọc do duy nhất là về vô tướng tâm định.’ Nếu trong đó không có gì cả, thì chính vì vậy mà vị ấy thấy là trống không. Nếu trong này còn có cái khác, thì vị ấy thấy là chân thật có. Này A-nan, đó là hành trong sự chân thật, tánh không, không điên đảo.

“Vị ấy lại suy nghĩ như vầy, ‘Vô tướng tâm định mà ta đã có đây vốn là sở hành, vốn là sở tư [114]. Nếu nó vốn là sở hành, vốn là sở tư thì ta không ái lạc nó [115], không mong cầu nó, không an trụ trên nó.’

“Vị ấy biết như vậy, thấy như vậy, tâm giải thoát dục lậu, tâm giải thoát hữu lậu và vô minh lậu. Giải thoát rồi, thì biết là mình đã giải thoát, biết như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa.’ Vị ấy biết như vầy, ‘Trống không là dục lậu, trống không là hữu lậu, trống không là vô minh lậu; nhưng có cái không trống không, đó là chỉ có thân này của ta với sáu xứ cho mạng tồn tại. Nếu có sự phiền nhọc do dục lậu, thì ta không có sự ấy. Nếu có sự phiền nhọc do hữu lậu và vô minh lậu, ta cũng không có sự ấy. Ở đây chỉ có sự phiền nhọc do nơi thân này của ta và sáu xứ cho mạng tồn tại [116].’ Nếu trong đó không có gì cả thì chính vì vậy mà vị ấy thấy là trống không. Nếu trong này còn có cái khác thì vị ấy thấy là chân thật có. Này A-nan, đó là hành trong sự chân thật, tánh không, không điên đảo. Đó là lậu tận, vô lậu, vô vi, tâm giải thoát.

“Này A-nan, trong quá khứ, các Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, các vị ấy tất cả đều hành trong sự chân thật, tánh không, không điên đảo này; đó là lậu tận, vô lậu, vô vi, tâm giải thoát.

“Này A-nan, trong vị lai, các Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, các vị ấy tất cả đều hành trong sự chân thật, tánh không, không điên đảo này; đó là lậu tận, vô lậu, vô vi, tâm giải thoát.

“Này A-nan, trong hiện tại, Ta là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Ta cũng hành trong sự chân thật, tánh không, không điên đảo này; đó là lậu tận, vô lậu, vô vi, tâm giải thoát.

“Cho nên, này A-nan, hãy học như vậy.”

Phật thuyết như vậy, [738a] Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

191. KINH ĐẠI KHÔNG

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú giữa những người họ Thích, ở trong thành Ca-duy-la-vệ, tại vườn Ni-câu-loại [117].

Bấy giờ Đức Thế Tôn sau khi đêm đã qua, vào buổi sáng sớm, kháoc y cầm bát đi vào thành Ca-duy-la-vệ khất thực.

Sau khi ăn xong, sau buổi trưa, Ngài đi đến tinh xá Gia-la-sai-ma Thích [118]. Lúc bấy giờ tại tinh xá Gia-la-sai-ma Thích có sắp đặt rất nhiều giường chõng, có rất nhiều Tỳ-kheo trú nghỉ ở trong đó.

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn từ trong tinh xá Gia-la-sai-ma Thích đi ra, đến Già-la Thích [119] tinh xá. Bấy giờ, Tôn giả A-nan và rất nhiều Tỳ-kheo ở trong tinh xá Già-la Thích đang làm y. Tôn giả A-nan từ xa trông thấy Phật sắp đến, bèn ra nghinh tiếp, rước y bát của Phật, trở vào trải giường ngồi, múc nước rửa chân.

Phật rửa chân rồi, ngồi trên chỗ ngồi của Tôn giả A-nan đã trải sẵn trong tinh xá Già-la Thích và nói rằng:

“Này A-nan, trong tinh xá Gia-la-sai-ma Thích có sắp đặt rất nhiều giường chõng, có rất nhiều Tỳ-kheo trú nghỉ ở trong đó chăng?”

Tôn giả A-nan bạch:

“Quả như vậy, bạch Thế Tôn, trong tinh xá Gia-la-sai-ma Thích có sắp đặt rất nhiều giường chõng, có rất nhiều Tỳ-kheo đang trú nghỉ trong đó. Vì sao? Vì chúng con hôm nay đang làm y.”

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo A-nan rằng:

“Tỳ-kheo không nên ham muốn nói chuyện ồn ào, vui thích trong sự nói chuyện ồn ào, tụ tập để nói chuyện ồn ào; ham muốn đông người, vui thích với sự đông người, tụ tập đông người, không thích rời xa chỗ đông người, không thích sống cô độc ở nơi xa vắng.

“Tỳ-kheo nào ham muốn nói chuyện ồn ào, vui thích trong sự nói chuyện ồn ào, tụ tập để nói chuyện ồn ào, ham muốn đông người, vui thích với sự đông người, tụ tập đông người, không thích rời xa chỗ đông người, không thích sống cô độc ở nơi xa vắng; Tỳ kheo ấy mà có sự an lạc nơi sự an lạc của bậc Thánh, an lạc do vô dục, an lạc do viễn ly, an lạc do tịch tịnh, an lạc do chánh giác, an lạc phi vật dục, [120] [738b] an lạc phi sanh tử, đối với những hoan lạc ấy mà được dễ dàng không khó, trường hợp này không thể xảy ra.

“Này A-nan, Tỳ-kheo nào không ham muốn nói chuyện ồn ào, không hoan lạc trong sự nói chuyện ồn ào, không tụ tập để nói chuyện ồn ào, không ham muốn đông người, không hoan lạc với sự đông người, không tụ tập đông người, muốn rời xa chỗ đông người, thường hoan lạc trong sự sống cô độc nơi xa vắng; vị ấy mà có sự an lạc nơi sự an lạc của bậc Thánh, an lạc do vô dục, an lạc do viễn ly, an lạc do tịch tịnh, an lạc do chánh giác, an lạc phi vật dục, an lạc phi sanh tử, đối với những hoan lạc này mà được dễ dàng không khó, trường hợp này tất có thể xảy ra.

“Này A-nan, Tỳ-kheo không nên ham muốn nói chuyện ồn ào, hoan lạc trong sự nói chuyện ồn ào, tụ tập để nói chuyện ồn ào, ham muốn đông người, hoan lạc với sự đông người, tụ tập đông người, không thích rời xa chỗ đông người, không thích sống cô độc ở nơi xa vắng.

“Tỳ-kheo nào ham muốn nói chuyện ồn ào, hoan lạc trong sự nói chuyện ồn ào, tụ tập để nói chuyện ồn ào, ham muốn đông người, hoan lạc với sự đông người, tụ tập đông người, không thích rời xa chỗ đông người, không thích sống cô độc ở nơi xa vắng. Giả sử Tỳ kheo ấy chứng đắc thời ái tâm giải thoát [121] và bất thời bất di động tâm giải thoát [122], trường hợp này hoàn toàn không xảy ra.

“Này A-nan, Tỳ-kheo nào không ham nói chuyện ồn ào, không hoan lạc trong sự nói chuyện ồn ào, không tụ tập để nói chuyện ồn ào, không ham muốn đông người, không hoan lạc với sự đông người, không tụ tập đông người, muốn rời xa chỗ đông người, thường hoan lạc trong sự sống cô độc nơi xa vắng; vị ấy chứng đắc thời ái tâm giải thoát và bất thời bất di động tâm giải thoát, trường hợp này tất có xảy ra.

“Vì sao vậy? Này A-nan, Ta không thấy có một sắc nào khiến Ta ham muốn hoan lạc. Sắc ấy bại hoại, biến dịch, và khi nó đổi khác thì sanh ra sầu bi, khóc lóc, ưu khổ, ảo não. Vì vậy, Ta an trụ nơi một trú xứ khác mà thành tựu Chánh đẳng Chánh giác. Đó là vượt qua tất cả sắc tưởng, an trụ nơi ngoại không. [123]

“Này A-nan, Ta an trụ nơi trụ xứ này rồi, phát sanh sự hoan hỷ. Sự hoan hỷ này Ta cảm thọ trong toàn thân với chánh niệm chánh trí, rồi phát sanh hỷ, phát sanh khinh an [124], phát sanh lạc, phát sanh định. Định này Ta cảm thọ toàn thân với chánh niệm chánh trí.

“Này A-nan, nếu có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc hay Ưu-bà-di nào tìm đến Ta, Ta bèn vì họ mà an trụ trong tâm như vậy như vậy, viễn ly, an lạc, vô dục. Ta cũng vì họ mà thuyết pháp, khuyến khích, hỗ trợ họ.

“Này A-nan, Tỳ-kheo nào muốn hằng an trụ trong không tánh [125], Tỳ-kheo ấy sẽ giữ vững nội tâm an trụ, tĩnh chỉ, khiến cho chuyên nhất và định [126] Vị ấy sau khi giữ vững nội tâm an trụ, tĩnh chỉ, khiến cho chuyên nhất và định rồi, hãy suy niệm về nội không.

“Này A-nan, nếu Tỳ-kheo nói như vầy: ‘Tôi không giữ vững nội tâm an trụ, tĩnh chỉ, không khiến cho chuyên nhất và định’, thì này A-nan, nên biết vị ấy tự làm cho mình rất phiền nhọc.

“Này A-nan, thế nào là Tỳ-kheo giữ vững nội tâm an trụ, tĩnh chỉ, khiến cho chuyên nhất và định? Tỳ-kheo ở nơi thân này có hỷ lạc do ly dục phát sanh, thấm ướt khắp tất cả, thấm ướt nhuần một cách phổ biến sung mãn; hỷ lạc do ly dục sanh không chỗ nào không biến mãn. Này A-nan, cũng như một người tắm gội, đựng đầy bột tắm trong nhà rồi đổ nước vào khuấy rất đều cho nổi bọt lên, thấm ướt thấm nhuần khắp tất cả, phổ biến sung mãn, trong ngoài kín đáo không có chỗ nào rỉ ra. Cũng vậy, này A-nan, [738c] Tỳ-kheo nơi thân này có hỷ lạc do ly dục phát sanh, thấm ướt khắp tất cả, thấm ướt nhuần một cách phổ biến sung mãn. Hỷ lạc do ly dục sanh không chỗ nào không biến mãn.

“Này A-nan, như vậy, Tỳ-kheo giữ vững nội tâm an trụ, tĩnh chỉ, khiến cho chuyên nhất và định rồi [127], hãy tác ý về nội không. Vị ấy sau khi tác ý nội không rồi, mà tâm bèn di động, không hướng đến gần, không được lắng trong, không an trụ, không giải thoát đối với nội không, Tỳ-kheo ấy hãy tác ý về ngoại không. Vị ấy sau khi tác ý về ngoại không rồi, tâm bèn di động, không hướng đến gần, không được lắng trong, không an trụ, không giải thoát đối với ngoại không.

“Này A-nan, nếu Tỳ-kheo trong lúc quán, biết rằng mình đang tác ý về ngoại không mà tâm di động, không hướng đến gần, không lắng trong, không an trụ, không giải thoát [128] đối với ngoại không, Tỳ-kheo ấy hãy tác ý về nội ngoại không. Vị ấy sau khi suy niệm về nội ngoại không rồi mà tâm bèn di động, không hướng đến gần, không lắng trong, không an trụ, không giải thoát đối với nội ngoại không. Này A-nan, nếu Tỳ-kheo trong lúc lúc quán mà biết rằng mình đang suy niệm về nội ngoại không mà tâm di động, không hướng đến gần, không được lắng trong, không an trụ, không giải thoát đối với nội ngoại không, Tỳ-kheo ấy hãy tác ý về sự không di động.

“Vị ấy sau khi suy niệm về sự không di động mà tâm di động, không hướng đến gần, không được lắng trong, không an trụ, không giải thoát đối với sự bất di động. Này A-nan, nếu Tỳ-kheo nào trong lúc quán sát biết được rằng mình đang suy niệm về sự không di động mà tâm di động, không hướng đến gần, không được lắng trong, không an trụ, không giải thoát đối với sự bất di động, Tỳ-kheo ấy có tâm như thế này hay thế khác, bằng định như thế này hay thế khác mà điều phục, liên tục điều phục, tu tập, liên tục tu tập, làm nhu nhuyến rồi lại nhu nhuyến, rất hân hoan trong sự nhu hòa, rất tịnh lạc trong sự viễn ly.

“Nếu vị ấy có tâm như thế này hay thế khác bằng định như thế này hay thế khác mà điều phục rồi lại điều phục, tu tập rồi lại tu tập, nhu nhuyến rồi lại nhu nhuyến, rất hân hoan trong sự nhu hòa, rất tịnh lạc trong sự viễn ly rồi, hãy bằng nội không mà thành tựu an trụ.

“Vị ấy sau khi nội không thành tựu an trụ, tâm không di động, hướng đến gần, được lắng trong, an trụ, giải thoát đối với nội không. Này A-nan, Tỳ-kheo trong lúc quán thì biết nội không thành tựu an trụ, tâm không di động, hướng đến gần, được lắng trong, an trụ, giải thoát đối với nội không, đó là chánh tri. [129]

“Này A-nan, Tỳ-kheo hãy bằng ngoại không thành tựu an trụ. Vị ấy sau khi ngoại không thành tựu an trụ, tâm không di động, hướng đến gần, được lắng trong, an trụ, giải thoát đối với [739a] ngoại không. Này A-nan, như vậy Tỳ-kheo trong lúc quán thì biết ngoại không thành tựu an trụ, tâm không di động, hướng đến gần, được lắng trong, an trụ, giải thoát đối với ngoại không. Đó gọi là chánh tri.

“Này A-nan, Tỳ-kheo hãy bằng nội ngoại không thành tựu an trụ. Vị ấy sau khi nội ngoại không thành tựu an trụ, tâm không di động, hướng đến gần, được lắng trong, an trụ, giải thoát đối với nội ngoại không. Này A-nan, như vậy Tỳ-kheo trong lúc quán thì biết nội ngoại không thành tựu an trụ, tâm không di động, hướng đến gần, được lắng trong, an trụ, giải thoát đối với nội ngoại không. Đó gọi là chánh tri.

“Này A-nan, hãy bằng bất di động thành tựu an trụ. Vị ấy sau khi bất di động thành tựu an trụ, tâm không di động, hướng đến gần, được lắng trong, an trụ, giải thoát đối với bất di động. Này A-nan, như vậy Tỳ-kheo trong lúc quán thì biết bất di động thành tựu an trụ, tâm không di động, hướng đến gần, được lắng trong, an trụ, giải thoát đối với bất di động. Đó gọi là chánh tri.

“Này A-nan, vị Tỳ-kheo ấy với tâm an trụ trên trụ xứ này, nếu muốn kinh hành, Tỳ-kheo ấy từ thiền thất đi ra, đi kinh hành trên khoảng đất trống, trong bóng mát của thiền thất, các căn hướng vào trong tâm, không hướng ra ngoài, lấy phía sau tác ý làm phía trước. Kinh hành như vậy rồi, trong tâm không sanh tham lam, ưu sầu, ác bất thiện pháp. Đó gọi là chánh tri.

“Này A-nan, Tỳ-kheo với tâm an trụ trên trụ xứ này, nếu muốn tọa định, Tỳ-kheo ấy rời khỏi chỗ kinh hành, đến cuối con đường kinh hành, trải ni-sư-đàn, ngồi kiết già. Sau khi ngồi như vậy vững vàng rồi, trong tâm không sanh tham lam, ưu sầu, ác bất thiện pháp. Đó gọi là chánh tri.

“Này A-nan, Tỳ-kheo với tâm an trụ trong trụ xứ này, nếu muốn có suy niệm [130], thì Tỳ-kheo ấy đối với ba sự suy niệm về ác bất thiện này là niệm dục, niệm nhuế và niệm hại, đừng suy niệm đến ba suy niệm ác bất thiện ấy. Đối với ba suy niệm thiện là: niệm vô dục, niệm vô nhuế, niệm vô hại, hãy suy niệm trên ba suy niệm thiện ấy. Sau khi suy niệm như vậy rồi, trong tâm không sanh tham lam, ưu sầu, ác bất thiện pháp, đó gọi là chánh tri.

“Này A-nan, Tỳ-kheo ấy đối với những luận bàn không phải là Thánh luận, không tương ưng nghĩa [131], tức là luận bàn về những vấn đề vua chúa, vấn đề đạo tặc, vấn đề tránh sự, vấn đề ẩm thực, vấn đề đàn bà, vấn đề đồng nữ, vấn đề dâm nữ, vấn đề thế gian, vấn đề tà đạo, vấn đề trong biển. Vị ấy không bàn luận các loại súc sanh luận như vậy. Nếu có những vấn đề thuộc Thánh luận, tương ưng nghĩa, khiến tâm nhu hòa, [739b] không có những sự che đậy [132], tức là vấn đề thí, vấn đề giới, vấn đề định, vấn đề giải thoát, vấn đề giải thoát tri kiến, vấn đề tiệm giảm [133], vấn đề không tụ hội, vấn đề thiểu dục, vấn đề tri túc, vấn đề vô dục, vấn đề đoạn, vấn đề diệt, vấn đề tĩnh tọa, vấn đề duyên khởi. Sau khi luận bàn những vấn đề mà Sa-môn luận bàn như vậy rồi, trong tâm không sanh tham lam, ưu sầu, ác bất thiện pháp. Đó gọi là chánh tri.

“Lại nữa, này A-nan, có năm công đức của dục, khả lạc, khả ý, khả niệm, sắc ái lạc tương ưng với dục; đó là, sắc được biết bởi mắt, tiếng được biết bởi tai, hương được biết bởi mũi, vị được biết bởi lưỡi, xúc được biết bởi thân. Tỳ-kheo với tâm chuyên chú [134] mà quán [135] năm diệu dục này, tùy theo diệu dục ấy mà có hành ấy trong tâm [136]. Vì sao vậy? Không trước, không sau, năm dục công đức này tùy theo dục công đức nào mà có hành ấy trong tâm.

“Này A-nan, Tỳ-kheo trong lúc quán thì biết năm công đức của dục này, tùy theo công đức dục nào mà có hành ấy trong tâm. Tỳ-kheo ấy với công đức dục này hay công đức dục kia quán là vô thường, quán suy hao, quán vô dục, quán đoạn, quán diệt, quán đoạn xả ly. Nếu năm công đức dục này có dục, bị nhiễm dục, chúng tức thì bị tiêu diệt. Này A-nan, nếu Tỳ-kheo khi quán như vậy thì biết năm công đức dục này có dục và bị nhiễm dục, chúng đã bị đoạn trừ rồi. Đó gọi là chánh tri.

“Lại nữa, này A-nan, có năm thủ uẩn [137], sắc thủ uẩn, thọ, tưởng, hành, thức thủ uẩn. Tỳ-kheo như vậy mà quán sự hưng suy, quán sát rằng, đây là sắc, đây là sự tập khởi của sắc, đây là sự diệt tận của sắc. Đây là thọ, tưởng, hành và thức. Đây là sự tập khởi của thức, đây là sự diệt tận của thức. Nếu năm thủ uẩn này có ngã mạn [138], nó liền bị tiêu diệt. Này A-nan, nếu Tỳ-kheo khi quán như vậy thì biết trong năm thủ uẩn, ngã mạn đã bị diệt rồi. Đó gọi là chánh tri.

“Này A-nan! Pháp này tuyệt đối khả ý, tuyệt đối khả lạc, tuyệt đối ý niệm, vô lậu, không chấp thủ [139], Ma không đến gần được, ác không thể đến gần được. Các pháp ác bất thiện ô uế làm gốc rễ cho sự hữu trong tương lai là phiền nhiệt, khổ báo, là nhân của sanh, già, bệnh, chết cũng không thể đến gần được; tức là thành tựu sự không phóng dật này. Vì sao vậy? Nhân không phóng dật mà Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác chứng đắc giác ngộ, nhân gốc rễ không phóng dật mà phát sanh vô lượng thiện pháp, cho đến các trợ đạo phẩm [140].

“Cho nên, này A-nan, ngươi phải học như vầy, ‘Ta cũng thành tựu nơi sự không phóng dật.’ Hãy học như vậy.

“Này A-nan, do nghĩa lợi nào mà một tín đồ đệ tử đi theo Thế Tôn mà hành phụng sự cho đến trọn đời?”

Tôn giả A-nan bạch Thế Tôn rằng:

“Thế Tôn là [739c] pháp bổn, Thế Tôn là pháp chủ, pháp do Thế Tôn. Cúi mong Thế Tôn thuyết giảng điều đó. Con nay sau khi nghe xong sẽ được biết rộng ý nghĩa ấy.”

Đức Phật bèn nói:

“Này A-nan, hãy lắng nghe. Hãy khéo tư niệm. Ta sẽ phân biệt đầy đủ cho thầy nghe.”

Tôn giả A-nan vâng lời, lắng nghe.

Đức Phật nói:

“Này A-nan, không phải chỉ vì chánh kinh, ca vịnh, ký thuyết mà một tín đệ tử đi theo Thế Tôn để hành phụng sự cho đến trọn đời. Này A-nan, hoặc từ lâu vị ấy đã từng nghe pháp này, tụng tập đến cả ngàn, chuyên ý tư duy quán sát, thấy rõ, thấu triệt sâu xa. Nếu vấn đề này là Thánh luận tương ưng với cứu cánh, khiến tâm nhu hòa, không có những che lấp, tức các vấn đề bố thí, vấn đề giới, vấn đề định, vấn đề tuệ, vấn đề giải thoát, vấn đề giải thoát tri kiến, vấn đề tiệm giảm, vấn đề không tụ hội, vấn đề thiểu dục, vấn đề tri túc, vấn đề vô dục, vấn đề đoạn, vấn đề diệt, vấn đề tĩnh tọa, vấn đề duyên khởi. Những vấn đề mà Sa-môn luận bàn như vậy, được dễ dàng chứ không khó. Do ý nghĩa này mà một tín đệ tử đi theo Thế Tôn để hành phụng sự cho đến trọn đời. Này A-nan, như vậy là phiền lụy [141] cho Tôn sư, phiền lụy cho đệ tử, phiền lụy cho các vị đồng phạm hạnh.

“Này A-nan, thế nào là phiền lụy cho Tôn sư?

“Ở đây, một vị Tôn sư xuất thế, có sách lự tư duy, bằng tâm trạng sách lự mà quán sát các loại phàm nhân. Có biện tài, vị ấy đi đến nơi rừng vắng, trong rừng sâu, dưới gốc cây, hoặc ở trên sườn cao, vắng bặt không tiếng động, xa lánh, không có sự dữ, không có bóng người, tùy thuận mà tĩnh tọa, hoặc sống tại nơi đó mà học sự viễn ly, tinh cần, được tăng thượng tâm, sống an lạc ngay trong đời hiện tại.

“Vị ấy sau khi học sự viễn ly, tinh cần, sống an ổn khoái lạc, rồi theo các đệ tử trở về với các  Bà-la-môn, Cư sĩ, phong ấp, quốc nhân. Vị ấy sau khi theo đệ tử trở về, với các  Bà-la-môn, Cư sĩ, phong ấp, quốc nhân, bèn tự cao mà trở về nhà. Như vậy là phiền lụy cho Tôn sư và cũng bị phiền lụy bởi các pháp ác bất thiện, ô uế, là gốc rễ cho sự hữu trong tương lai, phiền nhiệt, khổ báo, nhân của sanh-già-bệnh-chết; đó là phiền lụy cho Tôn sư.

“Này A-nan, thế nào là sự phiền lụy cho đệ tử? Đệ tử của vị Tôn sư ấy học sự viễn ly của vị ấy, sống nơi rừng vắng, trong rừng sâu, dưới gốc cây, trên sườn non, vắng bặt không tiếng động, xa lánh, không có sự dữ, không có bóng người, tùy thuận mà tĩnh tọa, hoặc sống tại nơi đó mà học sự viễn ly, tinh cần, được tăng thượng tâm, sống an lạc ngay trong đời hiện tại này. Vị ấy sau khi học sự viễn ly, tinh cần, sống an ổn khoái lạc rồi, bèn theo đệ tử trở về với các  Bà-la-môn, Cư sĩ, phong ấp, quốc nhân. Vị ấy sau khi theo đệ tử về với các  Bà-la-môn, Cư sĩ, phong ấp, quốc nhân rồi, bèn tự cao mà trở về nhà. Như vậy [740a] là làm phiền lụy cho đệ tử, và cũng bị phiền lụy bởi các pháp ác, bất thiện, gốc rễ của sự hữu trong tương lai, phiền nhiệt, khổ báo, nhân của sanh-già-bệnh-chết. Đó là phiền lụy cho đệ tử.

“Này A-nan, thế nào là phiền lụy cho các đồng phạm hạnh? Ở đây Đức Như Lai xuất thế, Ngài là Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Ngài sống nơi rừng vắng, trong rừng sâu, dưới gốc cây, trên sườn cao, vắng bặt không chút động, xa lánh, không có sự dữ, không có bóng người, tùy thuận mà tĩnh tọa.

“Này A-nan, Đức Như Lai vì nghĩa lợi nào mà sống nơi rừng vắng, trong rừng sâu, dưới gốc cây, hoặc ở trên sườn cao, vắng bặt không tiếng động, xa lánh, không có sự dữ, không có bóng ngườøi, tùy thuận tĩnh tọa?”

Tôn giả A-nan bạch Đức Thế Tôn rằng:

“Thế Tôn là Pháp bổn, Thế Tôn là Pháp chủ, Pháp do Thế Tôn. Cúi mong Thế Tôn thuyết giảng điều ấy, con nay sau khi nghe xong được biết rộng nghĩa ấy.”

Đức Phật bèn nói:

“Này A-nan, hãy lắng nghe, hãy khéo tư niệm. Ta sẽ phân biệt đầy đủ cho thầy nghe.”

Tôn giả A-nan vâng lời lắng nghe.

Đức Phật nói:

“Này A-nan, như Lai không phải vì để được những gì chưa được, thu hoạch những gì chưa thu hoạch, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ mà sống nơi rừng vắng, trong rừng sâu, dưới gốc cây, hoặc ở trên sườn cao, vắng bặt không tiếng động, xa lánh, không có bóng người, tùy thuận mà tĩnh tọa. Này A-nan, vì hai ý nghĩa mà Như Lai sống nơi rừng vắng, trong rừng sâu, dưới gốc cây, hoặc ở trên sườn cao, vắng bặt không tiếng động, xa lánh, không có bóng người, tùy thuận mà tĩnh tọa. Một là sống an lạc ngay trong hiện tại cho chính mình. Hai là từ mẫn đối với những người đời sau.

“Hoặc giả, đời sau người người noi bóng Như Lai mà sống nơi rừng vắng, trong rừng sâu, dưới gốc cây, hoặc ở trên sườn cao, vắng bặt không tiếng động, xa lánh, không có sự dữ, không có bóng người, tùy thuận mà tĩnh tọa. Này A-nan, chính vì nghĩa lợi này mà Như Lai sống trong rừng vắng, trong rừng sâu, dưới gốc cây, hoặc ở trên sườn cao, vắng bặt không tiếng động, xa lánh, không có giận dữ, không có bóng người, tùy thuận tĩnh tọa. Hoặc sống ở nơi đó mà học sự viễn ly, tinh cần, được tăng thượng tâm, sống an lạc ngay trong đời hiện tại.

“Vị ấy sau khi học sự viễn ly, tinh cần, sống an ổn khoái lạc rồi, theo các đồng phạm hạnh mà trở về với các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di. Như Lai sau khi theo các đồng phạm hạnh trở về với các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di rồi, không tự cao mà trở về nhà.

“Này A-nan, nếu vị ấy chứng ngộ bất động tâm giải thoát, thì Ta không nói vị ấy [740b] có sự chướng ngại. Nhưng nếu vị ấy chứng đắc bốn tăng thượng tâm [142], sống an lạc trong đời hiện tại, vốn do trước kia sống tinh cần, không phóng dật, thì ở đây, hoặc giả có thể bị thối thất vì sự tụ hội đông đảo nhiều đệ tử.

“Lại nữa, này A-nan, đệ tử của Tôn sư ấy noi theo Tôn sư mà sống nơi rừng vắng, trong rừng sâu, dưới gốc cây, hoặc ở trên sườn cao, vắng bặt không tiếng động, xa lánh, không có sự dữ, không có bóng người, tùy thuận tĩnh tọa. Hoặc sống tại nơi đó mà học sự viễn ly, tinh cần, được tăng thượng tâm, sống an lạc ngay trong đời hiện tại. Vị ấy sau khi học sự viễn ly, tinh cần, sống an ổn khoái lạc rồi theo các đồng phạm hạnh mà trở về với các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di. Vị ấy sau khi theo các đồng phạm hạnh trở về với các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di rồi bèn tự cao mà trở về nhà. Như vậy là phiền lụy cho các đồng phạm hạnh và cũng bị phiền lụy bởi các pháp ác bất thiện, gốc rễ của sự hữu trong tương lai, phiền nhiệt, khổ báo, nhân của sanh-già-bệnh-chết. Đó gọi là phiền lụy cho các phạm hạnh.

“Này A-nan, trong sự phiền lụy Tôn sư và đệ tử, sự phiền lụy cho các phạm hạnh rất là bất khả, không khả lạc, không khả ái, rất là không khả ý, khả niệm. Cho nên, này A-nan, các ngươi hãy hành sự từ hòa đối với Ta, đừng gây sự oán hận.

“Này A-nan, thế nào là đệ tử đối với Tôn sư mà gây sự oán hận, không hành sự từ hòa?

“Nếu Tôn sư thuyết pháp cho đệ tử, là vì thương yêu, lo lắng, mong cầu thiện lợi và phước lành, mong cầu sự an ổn khoái lạc cho đệ tử mà phát khởi từ bi tâm, nói rằng, ‘Đây là điều hữu ích. Đây là sự an lạc. Đây là sự hữu ích an lạc.’ Nếu đệ tử ấy mà không cung kính, cũng không tùy thuận theo, không an trụ nơi chánh trí, tâm không hướng đến pháp tùy, pháp hành, không thọ lãnh chánh pháp, trái phạm những điều Tôn sư dạy, không được định, đệ tử như vậy là đối với Tôn sư mà gây sự oán hận, không hành sự từ hòa.

“Nếu Tôn sư thuyết pháp cho đệ tử, thương yêu, lo lắng, mong cầu thiện lợi và an lành, mong cầu sự an ổn khoái lạc cho đệ tử phát khởi từ bi tâm mà nói rằng, ‘Đây là điều hữu ích. Đây là sự an lạc. Đây là sự hữu ích an lạc.’ Nếu đệ tử thuận hành theo, an lập nơi chánh trí, tâm quy hướng đến pháp tùy, pháp hành, thọ lãnh Chánh pháp, không trái phạm lời giáo huấn của Tôn sư, có thể được định. Vị đệ tử như thế là đối với Tôn sư mà hành sự từ hòa, không gây sự oán hận.

“Cho nên này A-nan, các ngươi đối với Ta hãy hành sự từ hòa, không gây sự oán hận. Vì sao vậy? Này A-nan, Ta không nói như vầy ‘Như người thợ gốm làm ngói [143].’ Nhưng, này A-nan, Ta nói: ‘Nghiêm khắc, khắc khổ [144].’ Nghiêm cấp chí khổ. Cái gì chắc thật, [740c] cái ấy đứng vững [145].

Đức Phật thuyết như vậy, Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành. [146]

 


 [1] Phẩm này có tất cả 10 kinh, chia làm hai phần. Phần đầu gồm 5 kinh thuộc ngày tụng thứ tư (Phân biệt tụng), từ 182 - 186 Phần II còn lại, thuộc tụng ngày thứ năm, gọi là “Hậu tụng.” Trong bản dịch Việt này, không tách rời thành hai.

 [2] Ương-kị quốc 鴦騎國; nơi khác (kinh 81, v.v.): Ương-kì 鴦祁, hoặc Ương-già, một trong mười sáu nước lớn thời Phật. Pāli: Aṅga.

 [3] Mã ấp 馬邑; một thị trấn của Ương-kị. Pāli: assapuraṃ nāma aṅgānaṃ nigamo.

 [4] Mã lâm tự 馬林寺; không rõ ở đâu.

 [5] M 39 (Mahā-Assapura): ye dhammā samaṇakaraṇā ca brāhmaṇakaraṇā ca te dhamme samādāya vattisāma, “Những pháp gì tác thành Sa-môn, tác thành Bà-la-môn, chúng tôi thọ trì những pháp đó.”

 [6] Thân hành thanh tịnh身行清淨. Pl. parisuddho kāyasamācāro.

 [7] Nguyên hán: ngưỡng hướng phát lộ 仰向發露. Pl.: uttāno vivaṭo, cởi mở, không che đậy; cao thượng, bao dung.

 [8] Sa-môn nghĩa 沙門義失: mục đích của Sa-môn. Pl.: samaññatthika.

 [9] Khẩu hành thanh tịnh 口行清淨. Pl.: parisuddho vacisamācāro.

 [10] Ý hành thanh tịnh意行清淨. Pl.: parisuddho manosamācāro.

 [11] Mạng hành thanh tịnh 命行清淨,. Pāli: parisuddho ājīvo.

 [12] Thường niệm bế tắc 常念閉 塞. Có lẽ tương đương Pāli: indriyesu guttadvāro, canh chứng cửa nơi các căn.  

 [13] Hán: bất vị sắc 不味色. Pl.: mā’ nuvyañjanaggahāhī, chớ nắm bắt tuy tướng (các chi tiết nhỏ khi nhìn thấy sắc). Pl. anuvyañjana: tùy tướng, tùy hình hảo;nhưng bản Hán hiểu từ vyañjana là vị để nếm, gia vị hương vị.

 [14] Vị phẫn tránh cố 謂忿諍故, vì sự phẫn nộ và tranh cãi; Hán dịch có thể nhầm vì vô nghĩa trong đoạn mach này. Pāli: yatvādhikaraṇam enam cakkhundriyaṃ asaṃvutaṃ viharantaṃ abhijjhādomanassā pāpakā akusalā dhammā anvāsutvā tassa saṃvarāya paṭipajjhāhi, do nguyên nhân gì mà khi sống với nhãn căn không được phồng hộ khi ấy tham và ưu cũng các pháp ác bất thiện chảy lọt vào, ngơi hãy tu tập để ngăn chặn nguyên nhân ấy. Trong bản Hán, adhikaraṇa, nguyên nhân, được hiểu là sự tranh cãi.

 [15] Chánh tri xuất nhập 正知出入; Pāli: abhikkante paṭikkante saṃpajānakārī, tỉnh giác (biết mình đang làm gì) khi đi tới đi lui.

 [16] Thiện quán phân biệt; Pāli: ālokite vilokite saupajānakārī, tỉnh giác khi nhìn trước nhìn sau.

 [17] Chánh thân chánh nguyện 正身正願; Pāli: ujuṃ kāyaṃ paṇidhāya, ngồi thẳng lưng. Bản Hán, paṇidhāya: đặt để, được hiểu là paṇidhāna: ước nguyện.

 [18] Phản niệm bất hướng 反念不向; Pāli: parimukhaṃ satiṃ upaṭṭhapetvā, dựng chánh niệm ngay trước mặt (hệ niệm tại tiền).

 [19] Tâm vô hữu tránh 心無有諍; Pāli: vigatābhijjhena cetasā vharati, sống với tâm tư không tham lam.

 [20] Tịnh dục 淨 欲; Pāli: nahātaka, người đã tắm sạch.

 [21] Tức chỉ 息止. M 39 (i. 280): samaṇo...samitāssa honti pāpakā ākusalā dhammā, Sa-môn..., là những người đã đình chỉ các pháp ác bất thiện. Theo đây, từ samaṇa (Sa-môn) được giải thích là do động từ sammati: (làm cho) yên lặng, tĩnh lặng, tĩnh chỉ, đình chỉ.

 [22] Viễn ly 遠離; M 39 ibid.: brāhmaṇo...bāhitāssa honti pāpakā ākusalā dhammā, Bà-la-môn (brāhmaṇa) là những người đã loại ra ngoài các pháp ác bất thiện. Theo đây, từ brāhmaṇa được giải thích là do động từ bāheti, cự tuyệt, tránh xa, loại bỏ.

 [23] Viễn ly 遠 離; M 39 ibid.: āriyo...ārakāssa..., Thánh (āriya), là những người cách xa... Theo đây, āriya do trạng từ ārakā, cách xa.

 [24] Xem kinh 182 trên.

 [25] Đạo tích 道 跡; M 40 (i.281): yā samaṇasāmicīpaṭipadā taṃ paṭipajjissāma, “những gì là sự hành trì chân chánh của sa-môn, chúng tôi sẽ hành trì sự đó.”

 [26] Tham tứ 貪伺. Pl.: abhijjhālu.

 [27] Hán: nhuế 恚 và 瞋 sân; những từ dễ lẫn lộn. Nhuế, Pāli: vyāpāda, sân hận hay thù nghịch, có ác ý muốn làm thiệt hại người. Sân, Pāli: kodha, nóng giận, phẫn nộ.

 [28] Bất ngữ 不 語; Pāli: makkha, phú tàng, sự che giấu tội lỗi, đạo đức giả, ngụy thiện.

 [29] Kết 結; Pāli: paḷāsa, não hại, ác ý, thù nghịch muốn gây hại.

 [30] Vô tàm 無 慚; không biết tự thẹn.

 [31] Vô quý 無 愧; không biết thẹn với người.

 [32] M 40 ibid: imesaṃ... samaṇamalānaṃ samaṇadosānaṃ samaṇakasaṭānaṃ āpāyikānaṃ thānānaṃ duggativedaniyānaṃ appahānā na samaṇasāmīcipaṭipadaṃ paṭipanno, những sự cấu uế của Sa-môn này, những khuyết điểm, những tà ác của Sa-môn này, dẫn đến chỗ thấp kém, cảm thọ ác thú; vì chưa dứt trừ chúng nên không có sự thực hành chánh đạo của Sa-môn.

 [33] Việt phủ 鉞斧; Pāli: mataja, một loại vũ khí nhọn hai đầu.

 [34] Hán; thường dương thủy常揚水. Pl. udakorohakassa, đối với người hay xuông nước. Sớ giải: mổi ngày lội xuống nước ba lần (divasassa tikkhattuṃ udakaṃ orohantassa).

 [35] Bản Hán, Sa-môn tật, ở trên nói là Sa-môn cấu. Có lẽ đây chép nhầm.

 [36] Lai thượng xuất yếu 來上出要; không rõ. Có lẽ ý nói dẫn đến sự xuất ly cao thượng hơn. Cf Pāli, M. 49 (i. 326): ito ca panaññaṃ uttari nissaraṇaṃ natthi, “ngoài đây ra không còn nơi nào khác có sự xuất yếu cao hơn.”

 [37] Đoạn này giống đoạn cuối kinh 183 trên.

 [38] Bạt-kì-sấu 跋耆瘦, xem cht. 2 dưới. Xem kinh 142.

 [39] Ngưu giác sa-la lâm 牛角娑羅林; Pāli: Gosiṅgasālavanadāya, một khu rừng ở gần Nādika, xứ Vajjī, mà bản Hán âm là Bạt-kì-sấu: Vajjīsu, giữa những người Bạt-kỳ.

 [40] Các đệ tử Thượng tọa nổi tiếng (abhiññātehi abiññātehi therehi sāvakehi): Tôn giả Xá-lợi-phất (Sāriputta), Tôn giả Đại Mục-kiền-liên (Mahā-Moggakāna), Tôn giả Đại Ca-diếp (Mahā-Kassapa), Tôn giả Đại Ca-chiên-diên (Mahā-Kaccayāna, bản Pāli không kể), Tôn giả A-na-luật-đà (Anuruddha), Tôn giả Ly-việt-đa (Revata), Tôn giả A-nan (Ānanda).

 [41] Yển tọa 燕坐; ngồi nơi chỗ vắng vẻ. Pāli: patisallāna.

 [42] Nội hành chỉ 內行止. Pāli: ajjhattaṃ cetosamathānuyutto.

 [43] Nên hiểu là “một ít cố gắng”.

 [44]  Vô sự 無事, chỉ Tỳ-kheo A-lan-nhã, tu theo hạnh chỉ sống trên rừng. Pāli: araññaka.

 [45] Hán: nhất tắc trụ nhất, hữu tri hữu kiến 一則住一有知有見. Nghĩa không rõ. Tập dị: hoặc ẩn hoặc hiện. Pāli: āvibhāvaṃ tirobhāvaṃ.

 [46] Pāli: cittaṃ vasaṃ vatteti, no... cittassa vasena vatteti, (Tỳ-kheo chế ngự tâm chứ không phải bị tâm chế ngự).

 [47] Hán: trú chỉ 住 止; Pāli: vihārasamāpattiyā. Bản Hán, samāpatti (định, hay đẳng chí) được hiểu là samatha, chỉ.

 [48] Hán: du hành 遊 行; Pāli: viharati.

 [49] Na-ma-đề-sấu 那摩提瘦. M 31: Nadika (Natika), thuộc xứ Vajji, ở giữa Ketigāma và Vesali. Theo phiên âm bản Hán, mà tương đương Pāli có thể là Nadikesu, giữa những người Nadika, cho thấy đây là một bộ tộc thay vì một địa danh.

 [50] Kiền-kì tinh xá 犍祁精舍. Pāli: Giñjakāvasatha (Luyện ngõa đường), một tinh xá bằng gạch mà dân xứ Vajji cúng dường Phật. Du khách hay các du sĩ cũng thường ghé ngụ tinh xá này.

 [51] Xem chú thích kinh số 184 ở trước.

 [52] Anurudha, Nandiya, Kimbila, ba vị Vương tử họ Thích, cùng xuất gia một lần khi Phật về thăm Ca-tì-la-vệ.

 [53] Sai giáng an lạc trụ chỉ 差降安樂住止.  Pāli: phāsuvihāro, sống an lạc thoải mái. Xem thêm kinh số 77, đoạn cuối.

 [54] Trường Quỷ thiên 長鬼天; Pāli: Dīgho parajano yakkho, quỷ Dạ-xoa tên là Dīgha (dài).

 [55] Câu-lâu-sấu, xem các kinh 177, 175.

 [56] M 47 (i. 317): vīmaṃsakena bhikkhunā parassa cetopariyāyam ājānantena tathāgate samannesanā kātabbā, sammāsambuddho vā no vā ti viññāṇāyā ti,  “Tỳ-kheo tư sát muốn biết tâm tư người khác của người khác cần phải suy cầu nơi Như lai để biết rằng Ngài có phải là Chánh đẳng giác hay không.”

 [57] Cầu giải 求解: ước mong nhận thức. Pāli: samannesanā. Sớ giải: esanā pariyesanā upaparikkhā, tầm cầu, biến tầm cầu, quán sát. Đại ý đoạn văn: “làm sao biết Như Lai có phải là Chánh đẳng giác hay không?”

 [58] M 47: nơi Như Lai (saṃvijjanti vā te tathāgatassa no vā ti).

 [59] Pháp hỗn tạp, lẫn lộn cả tịnh và nhiễm. M 47: vītimissā cakkhusotaviññeyyā dhammā. Sớ giải: pháp hỗn tạp (vītimissā) là pháp đa tạp (vomissakā) lẫn lộn khi đen, khi trắng (kāle kaṇhā kāle sukkāti).

 [60] Bản Hán: bỉ Tôn giả…nhập thử thiền, 彼尊者… 入此禪. M 47: ñattajjhāpanno āyasmā bhikkhu, “Tôn giả Tỳ-kheo nổi tiếng này,” Sớ giải: ayam āyasmā amhākaṃ satthā bhikkhu (…) “Vị Trưởng lão này là Tỳ kheo Tôn sư của chúng ta.”

 [61] M 47: yasapatto nāssa idhekacce ādīnavā saṃvijjanti, “khi nổi tiếng, có những tai hại nào xảy ra cho vị ấy không?”

 [62] Hán: lạc hành 樂行; Pāli: uparata, tự kềm chế, loại trừ.

 [63] M 47: vitarāgattā kāme na sevati khayā rāgassā ti, không hành theo dục, vì đã ly dục, diệt tận dục.

 [64] Thiện thệ, vi thiện thệ sở hóa 善逝為善逝所化. M 47: ye ca tattha sugatā ye ca tattha duggatā, “những người ở nơi đó là thiện hành hay ác hành”. Sugatā, bản Hán hiểu là danh hiệu Phật. Sớ giải: thiện hành, sugatā, chỉ các Tỳ kheo hành trì chân chánh, thiện xảo (suppaṭīpannā). Ác hành, chỉ các Tỳ kheo hành trì không thiện xảo (duppaṭipannā).

 [65] Nhân thực khả kiến 因食可見, do ăn mà được thấy (xuất hiện). M 47: ye ca idhekacce āmisesu sandissati, một số người ở đây bị lôi cuốn theo vật dục. Bản Hán hiểu sandissati (bị lôi cuốn) là được thấy (khả kiến), do gốc động từ passati (thấy).

 [66] Ngã bất tự tri 我不自知. M 47: nāyasmā taṃ tena avajānāti, Tôn giả ấy không vì vậy mà khinh bỉ người đó.

 [67] Hán: tri đoạn 知斷; Pāli: abhiññāya, thắng tri.

 [68] Xem cước chú phần đầu phẩm. Từ đây trở xuông, thuộc tụng phần ngay thứ năm, gọi là “Hậu tụng.”

 [69] M 112 (iii.29): n’eva abhinanditabbaṃ nappatikkositabbaṃ, không hoan hỷ cũng không phản đối.

 [70] Hán: thạnh ấm 盛 陰. Pl. upādānakkhandha.

 [71] Nguyên Hán: giác 覺.

 [72] Vô quả 無果. M 112: abala, không có thế lực. Bản Hán: aphala.

 [73] M 112: ye rūpe upāyupādānā cetaso adhiṭṭhānābhinivesānusayā, những sắc nào mà là phương tiện chấp thủ, là sự cố chấp, tham chấp, tùy miên của tâm.

 [74] Tứ thực: 1. đoàn thực thô tế 摶食麤細, 2. canh lạc 更樂, 3. ý niệm 意念, 4. thức 識.  Xem kinh 29

 [75] Tứ thuyết: kiến, văn, thức (giác), tri 見聞識知. Pl: cattaro vohārā - diṭṭhe diṭṭhavāditā, sute sutavāditā, mute mutavāditā, viññāte viññātavāditā, bốn ngôn thuyết: đối với cái được thấy thì nói là cái được thấy, cái được nghe nói là cái được nghe, cái được cảm nói là cái được cảm, cái được nhận thức nói là cái được nhận thức.

 [76] Hán: nội lục xứ 內 六 處.

 [77] Tam thọ 三受, TNM: hai thọ, ở đây thọ được hiểu là thủ, hay chấp thủ và có hai: dục thủ, kiến thủ. Hay ba thủ, thêm ngã ngữ thủ.

 [78] Để bản: thức sử 識 使; TNM: chư sử 諸 使. Sử, M 112: anusaya: tùy miên (Hán thường dịch là sử 使).

 [79] Thân cọng hữu thức 身共有識: hữu thức thân, thân tồn tại cùng với thức, hay là sở y cho thức hoạt động. Pāli: saviññāṇaka kāya.

 [80] Đoạn tri 斷知, được hiểu là đoạn biến tri. Phát trí 2 (tr. 924 c), “Thế nào là đoạn biến tri? Các tham đã vĩnh viễn bị đoạn trừ, sân và si vĩnh viễn bị đoạn trừ. Tất cả phiền não vĩnh viễn bị đoạn trừ”. Pāli: susamūhata. M 112: imasmiṃ ca saviññāṇake kāye bahiddhā ca sabbanimittesu ahaṃkāramamaṃkāramānānusayā susamūhatā, ở trong các thân câu hữu với thức này và trong tất cả tướng bên ngoài, mà hoàn toàn đoạn tuyệt ngã kiến, ngã sở kiến và mạn tùy miên.

 [81] Thường niệm bế tắc 常念閉 塞. Có lẽ tương đương Pāli: indriyesu guttadvāro, canh chứng cửa nơi các căn.  

 [82] Hán: bất vị sắc 不味色. Pl.: mā’ nuvyañjanaggahāhī, chớ nắm bắt tuy tướng (các chi tiết nhỏ khi nhìn thấy sắc). Pl. anuvyañjana: tùy tướng, tùy hình hảo;nhưng bản Hán hiểu từ vyañjana là vị để nếm, gia vị hương vị.

 [83] Vị phẫn tránh cố 謂忿諍故, vì sự phẫn nộ và tranh cãi; Hán dịch có thể nhầm vì vô nghĩa trong đoạn mach này. Pāli: yatvādhikaraṇam enam cakkhundriyaṃ asaṃvutaṃ viharantaṃ abhijjhādomanassā pāpakā akusalā dhammā anvāsutvā tassa saṃvarāya paṭipajjhāhi, do nguyên nhân gì mà khi sống với nhãn căn không được phồng hộ khi ấy tham và ưu cũng các pháp ác bất thiện chảy lọt vào, ngơi hãy tu tập để ngăn chặn nguyên nhân ấy. Trong bản Hán, adhikaraṇa, nguyên nhân, được hiểu là sự tranh cãi.

 [84] Đông viên, Lộc tử mẫu giảng đường, xem các kinh số 118, 144, 154, …Pl.  Pubbārāma Migāramātu-pāsāda.

 [85] A-di-na 阿 夷 那. Pāli: Ajita.

 [86] Sa-môn Man-đầu 沙門蠻頭. A 10. 116 (v. 228), Chính lời của Ajita nói: amhakam paṇḍito nāma sabrahmacārī, vị đồng phạm hạnh của chúng tôi thật sự là paṇḍita (thông thái, trí tuệ), hay tên là Paṇḍita (Man-đầu) ?

 [87] Đoạn này và vấn đề liên hệ ở dưới, không có trong bản Pāli đối chiếu này, nhưng văn và nghĩa chính xác, có thể thấy trong M.76 (i. 519).

 [88] Trí tuệ sự 智 慧 事. Pāli: paṇḍitavatthūni, xem cht.4 trên.

 [89] Từ đoạn này trở xuông, tương đương Pāli, A 10. 115 (v. 225).

 [90] Tà trí, hay tà tuệ, tương phản với chánh trí hay chánh tuệ trong tám chi Thánh đạo.

 [91] Hữu tập hữu trợ 有習有助有具. M . 117 (iii. 71): arriyaṃ sammāsamādhiṃ sa-upanisaṃ saparrikkhāraṃ, Thánh chánh định cùng với cận duyên, tư cụ. 

 [92] Nhờ bảy chi này làm phương tiện và hỗ trợ cho chánh định.

 [93] Tâm đắc nhất 心得一 ; trạng thái tập trung vào một điểm. Pāli: cittassa ekaggatā, tâm nhất cảnh tánh.

 [94] Nguyên hán: chánh chí 正志.

 [95] Nguyên Hán: chánh phương tiện 正方便.

 [96] Pl.: sammādiṭṭhi pubbaṅgamā hoti.

 [97] M 117: có hai loại chánh kiến: 1. Hữu lậu, dẫn đến phước báo, dị thục hữu dư y (sāsavā puññabhāgiyā upadhivepakkā), tức là có quan điêrm: có bố thí, có nghiệp thiện ác v.v. 2. Thánh đạo vô lậu, xuất thế, thuộc đạo chi (ariyā anāsavā lokuttarā maggaṇgā), đó là tuệ, tuệ căn, tuệ lực, trạch pháp giác chi, v.v.

 [98] M 117: so sato micchādiṭṭhim pajahati, Tỳ kheo có chánh niệm mà đoạn trừ tà kiến.

 [99] M 177: ime tayo dhammā sammādiṭṭhiṃ anuparidhāvanti anuparivattanti, ba pháp này tùy hành quanh chánh kiến, vận hành tùy thuận chánh kiến.

 [100] Pl. kāmasaṅkappo vyāpādasaṇkappo vihiṃsāsaṅkappo: tư duy dục, tư duy sân, tư duy hại; ba bất rthiện tư duy.

 [101] Tồn cứ 蹲 踞. Pāli: Okkalā Vessa-Bhanna, những người ở Ukkalā, Vassa và Bhanna, được coi như theo chủ trương vô nhân (ahetuvāda), vô tác (akiriyavāda), và vô sở hữu (natthikavādā). Bản Hán đọc Ukkalā như là Ukkūla, ngồi chồm hổm.

 [102] Xem kinh 189 trên.

 [103] M 121 (iii. 105): sakkesu (.....) nagarakam nāma sakyānaṃ nigamo, giữa những người họ Thích, một thị trấn của họ Thích ca, tên là Nagaraka.

 [104] Hành không 行 空. Pāli: suññatāvihāra, không trụ, sự an trụ nơi tánh không, sống trong trạng thái không tánh.

 [105] M 121: yaṃ pana tattha avasiṭṭhaṃ hoti taṃ sanatm idam atthī ti pajānāti, trong đây cái gì lưu tồn vị ấy ấy biết rằng “do cái này tồn tại, nó tồn tại.”

 [106] Hành chân thật không bất điên đảo 行真實空不顛倒. M 121: yathābhuccā avipallatthā parisuddhā suññatāvakkam bhavati. Thâm nhập không tánh, chân thật, thanh tịnh, không điên đảo. Bốn từ này ở đây được coi là đồng nghĩa.

 [107] Hán: niệm nhất vô sự tưởng 念一無事想. Pāli: araññasaññaṃ paṭicca manasi karoti ekattaṃ, duyên vào ý tưởng về khu rừng mà tác ý cái một (nhất tánh, nhất thể). Duyên vào ý tưởng rừng mà tập trung trên một đối tượng duy nhất, nhất tánh.

 [108] Bì bao 疲勞, Pāli: daratha, bất an, buồn phiền.

 [109] M 121: pathavisaññaṃ paṭicca manasi karoti ekattaṃ, duyên vào ý tưởng về đất mà tác ý nhất thể tánh.

 [110] Nguyên Hán: vô lượng không xứ tưởng 無量空處想. Pāli: ākāsānañcāyatana-saññā.

 [111] Vô lượng thức xứ tưởng 無量識處想. Pāli: viññāṇañcanāyatana-saññā.

 [112] Vô sở hữu xứ tưởng 無 所 處 想. Pāli: ākiñcaññāyatana-saññā.

 [113] Vô tưởng tâm định 無想心定. Pāli: animitta-cetosamādhi (vô tướng tâm định). Bản Hán bỏ qua Phi tưởng phi phi tưởng xứ (nevasaññāsaññāyātana-saññā) được đề cập trong M 121.

 [114] Bổn sở hành, bổn sở tư 本所本所思. M 121: ayampi kho animitto cetosamādhi abhisaṅkhato abhisañcetayito, vô tướng tâm định này là thắng hữu vi, được tư duy. Thắng hữu vi, thuộc hữu vi, vì những thù thắng, siêu việt hơn. Trong bản Hán, đọc là abhisaṃkhāra (bổn sở hành hay thắng hành) thay vì là abhisaṃkhata. Bổn sở tư (abhisañcetayita), ở đây hiểu là cái được tạo ra do tư niệm, tư sở tác.

 [115] Cf. M 121: abhisaṅkhataṃ (....) aniccaṃ: cái gì thuộc về hữu vi, nó là vô thường.

 [116] M 121: kāyaṃ paṭicca saḷāyatanikaṃ jīvitapaccayā, duyên nơi thân với sáu xứ là điều kiện cho mạng tồn tại.

 [117] Xem các kinh 12, 100, 116.

 [118] Gia-la-sai-ma Thích tinh xá 加羅差摩釋精舍. M 122: Kāḷakhemakassa Sakkassa vohāra, tinh xá của Kālakhema, người họ Thích.

 [119] Già-la Thích 伽羅釋, Pāli: Ghaṭāya-sakkassa.

 [120] Nguyên Hán: vô thực chi lạc 無食之樂.

 [121] Xem các chú thích trong kinh số 127. Pāli: sāmāyikā kantā cetovimutti.

 [122] Xem các chú thích trong kinh số 172. Pāli: asāmāyika akuppā cetovimutti.

 [123] M 122 (iii.111): sabbanimittānaṃ amanasikārā ajjhattaṃ suññataṃ upasampajja viharituṃ, không tác ý đến tất cả tướng, chứng đạt an trụ nội không.

 [124] Chỉ, được hiểu là khinh an.

 [125] Đa hành không. Như kinh số 190 trên.

 [126]M 122: ajjhattameva cittaṃ saṇṭhapetabbaṃ sannisādetabbaṃ ekodikātabbaṃ samādahātabbaṃ, nội tâm cần an định, tĩnh chỉ, sự chuyên nhất cần tập trung.

 [127] Nghĩa là sau khi chứng nhập Sơ thiền. M 122 nói: từ Sơ thiền đến Tứ thiền.

 [128] M 122: na pakkhandati nappasīdati na santiṭṭhati na vimuccati, không tiến tới, không lắng đọng, không trụ vững, không giải thoát.

 [129] Pāli: itiha tattha sampajāno hoti.

 [130] Niệm, tức tầm, suy tầm hay toan tính. Có ba bất thiện tầm: dục tầm, nhuế tầm và hại tầm. Pāli: tayo akusala-vitkkā: kāma-vitakko, vyāpāda-vitakko, avihiṃs-vitakko. Xem, D.33 Saṅgītisuttanta.

 [131] Không liên hệ đến mục đích của Thánh đạo.

 [132] Pāli: cetovinīvaraṇasappayā, tâm được cởi mở, không bị che đậy.

 [133] Tiệm tổn 漸 損, xem kinh 91 ở trước.

 [134] Nguyên Hán: chí đáo 至 到, có lẽ Pāli là abhikhaṇaṃ (thường xuyên) ở đây hiểu là abhikkantaṃ (vượt lên).

 [135] M 122: abhikkhaṇaṃ sakam cittam paccavekkhitabham, thường tự quán tâm, thường xuyên tự quán sát tâm mình.

 [136] Cf. M 122 (iii. 114): atthi nu kho me imesu pañcasu kāmaguṇesu aññatarasmiṃ vā añnñatarasmiṃ vā āyatane upajjati cetaso samudācāroti, trong tâm tư ta có phát sinh tập quán gì trong xứ này hay xứ kia trong năm công đức của dục?

 [137] Ngũ thạnh ấm. Pl.: pañca upādānakkkahndhā.

 [138] Ngã mạn, Pāli: asmimāna, phức cảm về “Tôi hiện hữu” hay “Tôi là”.

 [139] Vô thọ.

 [140] Nhược hữu tùy đạo phẩm.

 [141] Phiền sư, Pāli: ācariyūpaddava, bất hạnh, hay nguy hại cho Thầy.

 [142] Tứ tăng thượng tâm, ở đây chỉ Bốn tịnh lự hay Tứ thiền.

 [143] Người thợ gốm bao giờ cũng phải nhẹ tay đối với ngói. Nhưng một vị Tôn sư không chỉ nuông chiều đệ tử. Như “đào sư tác ngõa” 陶師作瓦. Pāli, thành cú: yathā kumbakāro āmake āmakamatte, như thợ gốm đối với đồ gốm chưa nung chín.

 [144] Nghiêm cấp chí khổ 嚴急至苦, Pāli: niggayha niggayha, pavayha pavagha, khiển trách khiển trách, tán thán tán thán.

 [145] Nhược chân thật giả, tất năng vãng giả 若真實者必能往也 . Pāli: yo sāro so ṭhassati.

 [146] Bản Hán, hết quyển 49.

Phẩm 18: Đại

PHẨM 18: ĐẠI

TỤNG NGÀY THỨ NĂM

Hậu tụng

加樓烏陀夷  

牟梨破群那

跋陀阿濕貝  

周那.優婆離

調御癡慧地  

阿梨叱 [口*荼]帝

Kệ tóm tắt:

Gia-lâu Ô-đà-di,

Mâu-lê-phá-quần-na,

Bạt-đà, A-thấp-bối,

Châu-na, Ưu-nà-li,

Điều ngự, Si tuệ địa,

A-lê-tra, Trà-đế.

192. KINH CA-LÂU-Ô-ĐÀ-DI

Tôi nghe như vầy.

Một thời Phật trú trong nước Ương-già [1], cùng với đại chúng Tỳ-kheo, đến A-hòa-na [2], ở tại tịnh xá Kiền-nhã [3].

Bấy giờ sau khi đêm đã qua, vào buổi sáng, Đức Thế Tôn  khóac y cầm bát đi vào A-hòa-na khất thực. Sau khi ăn xong, sau buổi trưa, Ngài cất y bát, rửa tay chân, vắt ni-sư-đàn lên vai, đi đến một khu rừng để nghỉ trưa [4].

Tôn giả Ô-đà-di, cũng sau khi đêm đã qua, vào buổi sáng sớm,  khóac y cầm bát vào thôn A-hòa-na khất thực. Sau khi ăn xong, sau buổi trưa, Tôn giả cất y bát, rửa tay chân, vắt ni-sư-đàn lên vai, đi theo hầu sau Phật mà nghĩ rằng, “Nếu Thế Tôn đi nghỉ trưa ở đâu, mình cũng đến nghỉ mát ở đó.”

Rồi Thế Tôn vào trong rừng, đến dưới một gốc cây, trải ni-sư-đàn mà ngồi kiết già. Tôn giả Ô-đà-di cũng đi vào khu rừng ấy, cách Phật không xa, đến dưới một gốc cây, trải ni-sư-đàn ngồi kiết già.

Bấy giờ Tôn giả Ô-đà-di, riêng một mình ngồi tĩnh tọa chỗ thanh vắng mà tư duy, trong tâm nghĩ rằng, “Đức Thế Tôn làm lợi ích rất nhiều cho chúng ta. Đức Thiện Thệ mang lại [741a] sự an ổn rất nhiều cho chúng ta. Đức Thế Tôn trừ cho chúng ta các pháp khổ, làm tăng thêm pháp lợi ích an lạc cho chúng ta. Đức Thế Tôn trừ cho chúng ta vô lượng pháp ác, pháp bất thiện, làm tăng thêm vô lượng pháp thiện và vi diệu cho chúng ta.”

Vào lúc xế, Tôn giả Ô-đà-di rời chỗ ngồi đứng dậy đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, lui ngồi một bên. Đức Thế Tôn bảo rằng:

“Này Ô-đà-di, ông không thiếu thốn gì, được an ổn khoái lạc, sức khỏe vẫn như thường chăng?”

Tôn giả Ô-đà-di bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, con không thiếu thốn gì, an ổn khoái lạc, và sức khỏe vẫn như thường.”

Thế Tôn lại hỏi rằng:

“Này Ô-đà-di, vì sao ông không thiếu thốn, thường được an ổn, và sức khỏe vẫn như thường?”

Tôn giả Ô-đà-di đáp rằng:

“Bạch Thế Tôn, con riêng một mình ngồi tĩnh tọa chỗ thanh vắng mà tư duy, trong tâm nghĩ rằng, ‘Đức Thế Tôn làm lợi ích rất nhiều cho chúng ta. Đức Thiện Thệ mang lại sự an ổn rất nhiều cho chúng ta. Đức Thế Tôn trừ cho chúng ta các pháp khổ, làm tăng thêm pháp lợi ích an lạc cho chúng ta. Đức Thế Tôn trừ cho chúng ta vô lượng pháp ác, pháp bất thiện, làm tăng thêm vô lượng pháp thiện và vi diệu cho chúng ta.’

“Bạch Thế Tôn, khi xưa Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng, ‘Hãy dứt trừ việc ăn quá giữa trưa [5].’ Bạch Thế Tôn, chúng con nghe rồi mà không kham, không nhẫn, không muốn, không vui, mà nghĩ rằng, ‘Nếu có Bà-la-môn, Cư sĩ tín tâm đi đến chúng viên bố thí, tạo phước rộng rãi, chúng ta tự tay nhận lấy đồ ăn; nhưng Thế Tôn hôm nay dạy ta từ bỏ điều này; Đức Thiện Thệ dạy ta dứt tuyệt điều này.’ Chúng con lại nói như vầy, ‘Vị Đại Sa-môn ấy không tiêu hóa nổi đồ ăn.’ Nhưng chúng con đối với oai thần diệu đức của Thế Tôn, kính trọng, bất kham, cho nên chúng con chấm dứt việc ăn sau gữa trưa.

“Lại nữa, khi xưa Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng, ‘Các ông hãy dứt trừ việc ăn tối.’ Bạch Thế Tôn, chúng con nghe rồi mà không kham, không nhẫn, không thích, không vui. Chúng con nghĩ rằng, ‘Trong hai bữa ăn rất tối thượng, tối diệu, tối thắng, tối mỹ mà Thế Tôn nay dạy ta chấm dứt cả.’ Chúng con lại nói rằng, ‘Vị Đại Sa-môn này không tiêu hóa nổi đồ ăn.’

“Bạch Thế Tôn, khi xưa có một cư sĩ mang rất nhiều đồ ăn thức uống ngon lành trở về nhà, bảo người nhà rằng, ‘Các ngươi hãy lấy đồ ăn này đem cất một chỗ. Ta sẽ tụ tập mọi người để ăn ban đêm, không ăn buổi sáng và buổi trưa.’ Bạch Thế Tôn, các nhà bày soạn các món ăn rất ngon lành thượng diệu, chỉ ăn trong ban đêm mà ta thì buổi sáng và buổi trưa, nhưng Thế Tôn nay dạy ta từ bỏ việc đó, Đức Thiện Thệ dạy ta dứt trừ việc đó.’ Nhưng chúng con đối với oai thần diệu đức của Thế Tôn, kính trọng bất kham, [741b] cho nên chúng con chấm dứt việc ăn ban đêm.

“Bạch Thế Tôn, con lại nghĩ rằng, ‘Nếu có Tỳ-kheo phi thời đi vào thôn ấp khất thực, hoặc có thể gặp kẻ đạo tặc đang hành sự hay chưa hành sự, hoặc gặp cọp, gặp nai, hoặc gặp cả cọp nai, hoặc gặp beo gặp gấu, hoặc gặp cả beo gấu, hoặc sống [6] ở những chỗ như vậy, hoặc gặp voi dữ, ngựa dữ, bò dữ, chó dữ, hoặc gặp ổ rắn, hoặc bị ném đất, hoặc bị gậy đánh, hoặc té vào mương rãnh, hoặc rơi vào hầm xí, hoặc cỡi lên bò đang nằm, hoặc lọt xuống hầm sâu, hoặc vướng vào bụi gai, xem xét thấy nhà trống mà bước vào nhà như vậy, khi vào trong đó rồi, người con gái thấy rủ rê làm việc bất tịnh hạnh xấu xa.

“Bạch Thế Tôn, xưa có một Tỳ-kheo [7] trong đêm tối mịt, trời mưa lâm râm, chớp lóe như lửa xẹt, mà phi thời đi vào nhà người ta khất thực. Bấy giờ người đàn bà đi ngoài rửa chén bát. Khi ấy người đàn bà này trong cơn chớp lóe, trông xa thấy Tỳ-kheo tưởng là quỷ. Thấy rồi, bà ta kinh hãi, lông tóc dựng ngược, thất thanh la lớn, tức thì ngả xuống [8], miệng nói rằng, ‘Ông là ma! Ông là ma!’ Tỳ-kheo mới nói với người đàn bà ấy rằng, ‘Này cô em, tôi không phải là ma đâu, tôi là Sa-môn đến khất thực.’ Bấy giờ người đàn bà ấy giận và mắng vị Tỳ-kheo rất nhức nhối, rất dữ dằn rằng, ‘Sa-môn hãy vong mạng cho lẹ đi! Bố mẹ Sa-môn hãy chết cho lẹ đi! Dòng họ Sa-môn hãy tuyệt diệt đi! Sa-môn hãy lòi ruột đi! Sa-môn trọc đầu, đen thui, tuyệt tự, không con cái! Hãy cầm dao bén mà tự mổ bụng đi! Chớ đừng đi khất thực phi thời ban đêm. Ôi chao! Tại Sa-môn mà tôi bị té!’ Bạch Thế Tôn, con nhớ lại chuyện đó rồi tâm sanh hân hoan. Bạch Thế Tôn, con nhờ sự hân hoan này mà sung mãn châu thân, chánh niệm chánh trí, phát sanh hỷ, khinh an, lạc, định. Bạch Thế Tôn, con nhờ định này, sung mãn châu thân mà được chánh niệm chánh trí. Như vậy, bạch Thế Tôn, con không thiếu thốn gì, thường được an ổn, khoái lạc, khí lực bình thường.”

Thế Tôn khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Ô-đà-di, ông nay không phải như người ngu si kia, khi Ta nói với người ngu si ấy rằng, ‘Các ông hãy từ bỏ điều này’, thì nó nói rằng, ‘Đó là việc nhỏ nhặt, đủ thiếu gì mà phải từ bỏ. Nhưng nay Thế Tôn dạy ta phải từ bỏ việc ấy. Thiện Thệ muốn ta dứt tuyệt việc ấy!’ Và nó cũng nói như vầy, ‘Vị Đại sa-môn này không tiêu hóa nổi đồ ăn’, rồi nó không từ bỏ. Không phải chỉ với Ta mà nó không vừa ý, không nhẫn thọ; đối với các Tỳ-kheo khéo giữ gìn giới, nó cũng không vừa ý, không nhẫn thọ. [741c] Này Ô-đà-di, người ngu si kia bị trói buộc rất cứng, rất chặt, càng lúc càng gắt gao không thể đoạn tuyệt, không thể giải thoát.

“Này Ô-đà-di, ví như có một con ruồi bị dính dưới bãi nước mũi. Nó ở trong đó hoặc khổ hoặc chết. Này Ô-đà-di, hoặc có người nói rằng: ‘Con ruồi kia tuy bị dính mà không cứng, không chặt, không càng lúc càng gắt gao nên có thể đoạn tuyệt, có thể giải thoát. Nói như vậy có đúng không?”

Ô-đà-di bạch rằng:

“Không đúng, bạch Thế Tôn! Vì sao? Vì con ruồi đã bị dính. Nó ở trong đó hoặc khổ hoặc bị chết. Thế nên, bạch Thế Tôn, con ruồi kia bị dính rất cứng, rất chặt, càng lúc càng gắt gao, không thể đoạn tuyệt, không thể giải thoát.”

“Này Ô-đà-di, người ngu si kia đuợc Ta bảo rằng ‘Các ngươi hãy từ bỏ điều này,’ thì nó nói như vầy, ‘Đó là việc nhỏ nhặt, đủ thiếu gì mà phải từ bỏ. Nhưng Thế Tôn nay dạy ta phải từ bỏ việc ấy! Thiện Thệ muốn ta từ bỏ việc ấy!’ Và nó cũng nói như vầy, ‘Vị Đại Sa-môn này không tiêu hóa nổi đồ ăn.’ Rồi nó không từ bỏ. Không chỉ đối với Ta nó không vừa ý, không nhẫn thọ, mà chúng đối với các Tỳ-kheo khéo giữ gìn giới, nó cũng không vừa ý, không nhẫn thọ. Này Ô-đà-di, người ngu si kia bị trói rất cứng, rất chặt, càng lúc càng gắt gao, không thể đoạn tuyệt, không thể giải thoát. Này Ô-đà-di, nếu có một thiện gia nam tử được Ta bảo rằng, ‘Ngươi hãy từ bỏ điều này,’ thì người ấy không nói như vầy, ‘Đó là việc nhỏ nhặt, đủ thiếu gì mà phải từ bỏ. Nhưng Thế Tôn nay dạy ta từ bỏ việc ấy! Thiện Thệ muốn ta từ bỏ!’ và cũng không nói như vầy, ‘Vị Đại Sa-môn này không tiêu hóa nổi đồ ăn.’ Rồi người ấy từ bỏ. Người ấy đối với Ta không sanh tâm không vừa ý, không nhẫn thọ, và đối với các Tỳ-kheo khéo giữ gìn giới, cũng không sanh tâm không vừa ý, không nhẫn thọ. Này Ô-đà-di, thiện gia nam tử ấy không bị trói cứng, không chắc, không càng lúc càng gắt gao, có thể đoạn tuyệt, có thể giải thoát.

“Này Ô-đà-di, ví như con voi chúa tuổi đến sáu mươi, sẽ thành một ma-ha-năng-già [9] kiêu ngạo, đủ ngà đủ vóc, gân sức tráng kiện, nó bị trói chặt, nhưng nó nỗ lực chuyển mình, sự trói chặt kia liền bị bức, và nó trở về chỗ cũ. Này Ô-đà-di, nếu có người nói như vầy, ‘Con voi chúa to lớn kia tuổi đến sáu mươi, đã thành một ma-ha-năng-già kiêu ngạo, đủ ngà đủ vóc, gân sức tráng kiện, nó bị trói chặt, càng lúc càng gắt gao, không thể đoạn tuyệt, không thể giải thoát được.’ Nói như vậy có đúng không?”

Tôn giả Ô-đà-di bạch rằng:

“Không đúng, bạch Thế Tôn! Vì sao? Vì con voi chúa [742a] to lớn kia tuổi đến sáu mươi, đã thành một ma-ha-năng-già kiêu ngạo, đủ ngà đủ vóc, gân cốt tráng kiện, bị trói chặt, nhưng nó nỗ lực cựa mình, sự trói chặt kia liền bị bứt và nó trở về chỗ cũ. Bạch Thế Tôn, cho nên con voi chúa to lớn kia, tuổi đến sáu mươi, đã trở thành một ma-ha-năng-già kiêu ngạo, gân cốt tráng kiện, sự trói buộc kia không chặt, không càng lúc càng gắt gao, có thể đoạn tuyệt, có thể giải thoát.”

“Cũng như vậy, này Ô-đà-di, với thiện gia nam tử kia, Ta khuyên rằng, ‘Ngươi hãy từ bỏ điều này’, người ấy không nói như vầy, ‘Đó là việc nhỏ nhặt, đủ thiếu gì mà phải từ bỏ! Nhưng Thế Tôn nay dạy ta từ bỏ! Thiện Thệ muốn ta từ bỏ!’ Và cũng không nói như vầy, ‘Vị Đại Sa-môn này không tiêu hóa nổi đồ ăn’ và người ấy liền từ bỏ. Không chỉ đối với Ta vị ấy không sanh tâm không vừa ý, không chấp nhận mà đối với những Tỳ-kheo khéo giữ gìn giới cũng không sanh tâm không vừa ý, không chấp nhận. Này Ô-đà-di, thiện gia nam tử ấy bị trói không chặt, không cứng, không càng lúc càng gắt gao, có thể đoạn tuyệt, có thể giải thoát. Này Ô-đà-di, với người ngu si mà Ta khuyên dạy rằng, ‘Ngươi hãy từ bỏ điều này’, người ấy sẽ nói như vầy, ‘Đó là việc nhỏ nhặt, đủ thiếu gì mà phải từ bỏ. Nhưng Thế Tôn nay dạy ta từ bỏ! Thiện Thệ muốn ta từ bỏ!’ và cũng nói như vầy, ‘Vị Đại Sa-môn này không tiêu hóa nổi đồ ăn’ rồi nó không chịu từ bỏ. Không chỉ đối với Ta nó sanh tâm không vừa ý, không chấp nhận mà đối với các Tỳ-kheo giữ giới cẩn thận, nó cũng sanh tâm không vừa ý, không chấp nhận. Này Ô-đà-di, người ngu si kia bị trói chặt cứng, rất chặt, càng lúc càng gắt gao, không thể đoạn tuyệt, không thể giải thoát.

“Này Ô-đà-di, ví như người nghèo khổ, không có của cải, cũng không có thế lực; người ấy có một người vợ mà cặp mắt bị mù, lại xấu xí, không khả ái; chỉ có một cái nhà đổ nát, mưa dột, chim quạ bu đến đậu, tệ không thể ở. Lại có một cái giường bị gãy sập, tệ không thể nằm; có một cái lu bị thủng không dùng được. Người ấy thấy vị Tỳ-kheo sau khi ăn xong, rửa sạch chân, trải ni-sư-đàn ngồi dưới một gốc cây mát mẻ điều hòa mà tu tập tăng thượng tâm. Người ấy thấy vậy trong tâm nghĩ rằng ‘Sa-môn thật là khoái lạc, Sa-môn như Niết-bàn. Ta thật là xấu xa vô đức. Vì sao? Vì ta có một người vợ mà cặp mắt bị mù, lại xấu xí, không khả ái, nhưng không thể bỏ; chỉ có một cái nhà đổ nát, mưa dột, chim quạ bu đến đậu, tệ không thể ở, nhưng cũng không thể bỏ. Lại có một cái giường bị gãy sập, tệ không thể [742b] nằm, nhưng không thể bỏ; có một cái lu bị thủng không dùng được nhưng cũng không thể bỏ. Ta ưa thích Tỳ-kheo, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo.’ Này Ô-đà-di, nếu có người nói như vầy, ‘Người nghèo khổ kia không có tiền của cũng không có thế lực, mà bị trói buộc không cứng không chặt, không càng lúc càng gắt gao, có thể đoạn tuyệt có thể giải thoát.’ Nói như vậy có đúng chăng?”

Tôn giả Ô-đà-di đáp:

“Không đúng, bạch Thế Tôn! Vì sao? Vì người nghèo khổ kia không có tiền của cũng không có thế lực, có một người vợ mà cặp mắt bị mù, lại xấu xí, không khả ái, nhưng không thể bỏ; chỉ có một cái nhà đổ nát, mưa dột, chim quạ bu đến đậu, tệ không thể ở, nhưng cũng không thể bỏ. Lại có một cái giường bị gãy sập, tệ không thể nằm; có một cái lu bị thủng không dùng được nhưng cũng không thể bỏ. Dù người ấy ưa thích như vị Tỳ-kheo, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo. Bạch Thế Tôn, thế cho nên người nghèo khổ kia, không có tiền của cũng không có thế lực, bị trói rất cứng, rất chặt, càng lúc càng gắt gao không thể đoạn tuyệt cũng không thể giải thoát được.”

“Cũng vậy, này Ô-đà-di, nếu có người ngu si mà Ta khuyên rằng ‘Ngươi hãy từ bỏ điều ấy’, người ấy lại nói rằng ‘Đó là việc nhỏ nhặt, đủ thiếu gì mà phải từ bỏ. Nhưng Thế Tôn dạy ta phải từ bỏ! Thiện Thệ dạy ta phải từ bỏ!’ Và cũng nói ‘Vị Đại Sa-môn này không tiêu hóa đồ ăn.’ Rồi người ấy không đoạn trừ. Nó không chỉ đối với Ta sanh tâm không vừa ý, không chấp nhận, mà đối với các Tỳ-kheo giữ gìn giới hạnh cẩn thận, nó cũng sanh tâm không vừa ý, không chấp nhận. Này Ô-đà-di, thế cho nên người ngu si kia bị trói rất cứng, rất chặt, càng lúc càng gắt gao, không thể đoạn trừ, không thể giải thoát. Này Ô-đà-di, nếu một thiện gia nam tử mà Ta khuyên rằng ‘Ngươi hãy từ bỏ điều này,’ người ấy không nói như vầy ‘Ấy là việc nhỏ nhặt, đủ thiếu gì mà phải từ bỏ. Nhưng Thế Tôn dạy ta phải từ bỏ! Thiện Thệ dạy ta phải từ bỏ!’ Và cũng không nói ‘Vị Đại Sa-môn này không tiêu hóa đồ ăn.’ Rồi người ấy đoạn trừ. Người không chỉ đối với Ta không sanh tâm không vừa ý, không chấp nhận, mà đối với các Tỳ-kheo giữ gìn giới hạnh cẩn thận, nó cũng không sanh tâm không vừa ý, không chấp nhận. Này Ô-đà-di, thế cho nên thiện gia nam tử kia bị trói không cứng, không chặt, không càng lúc càng gắt gao, có thể đoạn trừ, có thể giải thoát.

“Này Ô-đà-di, ví như cư sĩ, con cư sĩ, rất giàu có, sung sướng, rất nhiều tiền của, [742c] sản nghiệp súc mục không thể tính được, phong hộ thực ấp, lúa gạo, bao nhiêu những nhu dụng sinh sống đều rất đầy đủ. Nô tỳ, voi ngựa thôi thì không kể. Người ấy thấy vị Tỳ-kheo sau khi ăn xong, rửa tay chân, trải ni-sư-đàn ngồi dưới một gốc cây mát mẽ điều hòa mà tu tập tăng thượng tâm. Thấy vậy người ấy nghĩ rằng ‘Sa-môn thật là khoái lạc, Sa-môn như Niết-bàn. Ta nên từ bỏ sự giàu sang sung sướng, vàng bạc châu báu, voi ngựa, nô tỳ, hâm mộ làm Tỳ-kheo, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo!’ Này Ô-đà-di, có người lại nghĩ rằng ‘Người cư sĩ, con người cư sĩ kia bị trói rất cứng, rất chặt, càng lúc càng gắt gao, không thể đoạn trừ, không được giải thoát.’ Nói như vậy có đúng không?”

Tôn giả Ô-đà-di bạch rằng:

“Không đúng, bạch Thế Tôn! Vì sao? Vì người cư sĩ hay con người cư sĩ kia có thể xa lìa, vứt bỏ sự giàu sang, phú quý, vàng bạc châu báu, lúa gạo, voi ngựa, nô tỳ để làm Tỳ-kheo, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo. Bạch Thế Tôn, thế cho nên người cư sĩ hay con người cư sĩ kia bị trói không cứng chặt, không càng lúc càng gắt gao, có thể đoạn trừ, có thể giải thoát được.”

“Cũng như vậy, này Ô-đà-di, nếu một thiện gia nam tử mà Ta khuyên rằng ‘Ngươi hãy từ bỏ điều này,’ người ấy không nói như vầy ‘Ấy là việc nhỏ nhặt, đủ thiếu gì mà phải từ bỏ. Nhưng Thế Tôn dạy ta phải từ bỏ! Thiện Thệ dạy ta phải từ bỏ!’ Và cũng không nói ‘Vị Đại Sa-môn này không tiêu hóa đồ ăn.’ Rồi người ấy đoạn trừ. Người ấy không chỉ đối với Ta không sanh tâm không vừa ý, không chấp nhận, mà đối với các Tỳ-kheo giữ gìn giới hạnh cẩn thận, nó cũng không sanh tâm không vừa ý, không chấp nhận. Này Ô-đà-di, thế cho nên thiện gia nam tử kia bị trói không cứng, không chặt, không càng lúc càng gắt gao, có thể đoạn trừ, có thể giải thoát.

“Này Ô-đà-di, Tỳ-kheo hành xả [10]. Vị ấy hành xả rồi, phát sanh suy niệm tương ưng với dục [11], bị ái lạc ràng buộc. Vị ấy ham thích nó, không đoạn, không trụ [12], không nhả bỏ. Này Ô-đà-di, Ta nói đó là trói buộc, không nói là giải thoát. Vì sao? Vì các kết sử là bất thiện. [13] Ô-đà-di, vì kết sử là bất thiện, cho nên Ta nói đó là trói buộc, không nói là giải thoát.

“Này Ô-đà-di, Tỳ-kheo hành xả; vị ấy hành xả rồi, phát sanh suy niệm tương ưng với dục, bị ái lạc ràng buộc. Vị ấy không ham thích nó, nhưng đoạn, trụ, nhả bỏ. Này Ô-đà-di, Ta nói đó cũng là trói buộc, không phải là giải thoát. Vì sao? Vì các kết sử là bất thiện. Này Ô-đà-di, vì kết sử bất thiện, cho nên Ta nói là trói buộc, không nói là [743a] giải thoát.

“Này Ô-đà-di, Tỳ-kheo hành xả; vị ấy hành xả rồi, thỉnh thoảng ý lãng quên, song hành với suy niệm tương ưng với dục, bị ái lạc ràng buộc, sự quán chậm nhưng bị diệt nhanh [14]. Này Ô-đà-di, ví như hòn sắt hay lưỡi cày sắt trọn ngày bị đốt; nếu có người nhỏ lên đó hai hoặc ba giọt nước, nhỏ chậm, không liên tục, nước bèn tiêu tan mau chóng. Này Ô-đà-di, cũng vậy, Tỳ-kheo hành xả; vị ấy hành xả rồi thỉnh thoảng quên lãng, song hành với niệm tương ưng dục, bị ái lạc ràng buộc, sự quán chậm nhưng bị diệt nhanh. Này Ô-đà-di, Ta nói như thế là trói buộc không phải là giải thoát. Vì sao? Vì các kết sử là bất thiện. Này Ô-đà-di, vì kết sử bất thiện cho nên Ta nói là trói buộc, không nói là giải thoát.

“Này Ô-đà-di, cùng ở nơi gốc rễ của khổ, mà an trụ không sanh tử, ở nơi vô thượng ái tận mà tâm khéo giải thoát [15]. Này Ô-đà-di, Ta nói là giải thoát, không nói là trói buộc. Vì sao? Vì các kết sử đã chấm dứt. Này Ô-đà-di, vì các kiết sử đã chấm dứt cho nên Ta nói là giải thoát không nói là trói buộc.

“Này Ô-đà-di, có sự an lạc không phải là Thánh lạc mà là phàm phu lạc, là gốc rễ của bệnh hoạn, gốc rễ của mụt nhọt, gốc rễ của gai nhọn, thuộc vật dục [16], thuộc sanh tử, không nên tu, không nên tập hành, không nên phát triển. Ta nói đối với sự lạc ấy không nên tu tập. Này Ô-đà-di, có sự lạc gọi là Thánh lạc, là sự lạc vô dục, lạc viễn ly, lạc tịch tịnh, lạc chánh giác, không phải vật dục, không thuộc sanh tử, nên tu, nên tập hành, nên phát triển. Ta nói đối với sự lạc ấy nên tu tập.

“Này Ô-đà-di, thế nào gọi là sự lạc không phải là Thánh lạc mà là phàm phu lạc, là gốc rễ của bệnh hoạn, gốc rễ của mụt nhọt, là gốc rễ của tên dâm, thuộc vật dục, thuộc sanh tử, không nên tu, không nên tập hành, không nên phát triển, Ta nói đối với sự lạc ấy không nên tu tập? Nếu nhân nơi ngũ dục mà sanh lạc, sanh hỷ, đó là sự lạc không phải là Thánh lạc, mà là phàm phu lạc, là gốc rễ của bệnh hoạn, gốc rễ của mụt nhọt, gốc rễ của gai nhọn, có thức ăn, có sanh tử, không nên tu tập, không nên tập hành, không nên phát triển, Ta nói đối với sự lạc ấy không nên tu tập.

“Này Ô-đà-di, thế nào là có sự lạc được gọi là Thánh lạc? Đó là sự lạc vô dục, lạc viễn ly, lạc tịch tĩnh, lạc chánh giác, không thuộc vật dục, không thuộc sanh tử, nên tu, nên tập hành, nên phát triển, Ta nói đối với sự lạc ấy nên tu tập.

“Này Ô-đà-di, Tỳ-kheo ly dục, ly [743b] pháp ác bất thiện, cho đến chứng đắc đệ Tứ thiền, thành tựu và an trụ. Đó là sự lạc được gọi là Thánh lạc, là sự lạc vô dục, lạc viễn ly, lạc tịch tịnh, lạc chánh giác, không phải vật dục, không thuộc sanh tử, nên tu, nên tập hành, nên phát triển. Ta nói đối với sự lạc ấy nên tu tập.

“Này Ô-đà-di, Tỳ-kheo ly dục, ly pháp ác bất thiện, có tầm có tứ, có hỷ lạc do ly dục phát sanh, chứng đắc Sơ thiền thành tựu an trú. Thánh nói đó là di động. [17] Trong đó những gì mà Thánh nói là di động? Trong đó có tầm có tứ nên Thánh nói là di động.

“Trong đây những gì mà Thánh nói là di động? Nầy Ô-đà-di, Tỳ-kheo tầm tứ tịch tịnh, nội tâm tĩnh chỉ, nhất tâm, không tầm, không tứ, có hỷ lạc do định sanh, chứng đắc Nhị thiền, thành tựu và an trụ. Đó là điều mà Thánh nói là di động. Trong đó những gì mà Thánh nói là di động? Nếu đạt được hỷ này Thánh nói là di động.

“Trong đây những gì mà Thánh nói là di động? Này Ô-đà-di, Tỳ-kheo xả ly hỷ dục, an trụ xả vô cấu, chánh niệm, chánh trí, thân cảm giác lạc, điều mà Thánh nói là Thánh xả, niệm, an trú lạc [18], chứng đắc đệ Tam thiền, thành tựu và an trụ. Đó là điều mà Thánh nói là di động. Trong đó những gì mà Thánh nói là di động? Vì có tâm lạc [19] nên Thánh nói là di động.

“Trong đây những gì mà Thánh nói là không di động? Này Ô-đà-di, Tỳ-kheo lạc diệt, khổ diệt, hỷ ưu vốn đã diệt, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh, chứng đắc Tứ thiền, thành tựu và an trú. Đó là điều mà Thánh nói là không di động. [20]

“Này Ô-đà-di, Tỳ-kheo ly dục, ly ác bất thiện pháp, có tầm có tứ, có hỷ lạc do ly dục sanh, chứng đắc Sơ thiền thành tựu và an trụ. Này Ô-đà-di, ở đây Ta nói chưa được hoàn toàn, chưa đạt đến đoạn trừ, không đạt đến sự quá độ [21]. Trong đó những gì là quá độ? Này Ô-đà-di, Tỳ-kheo tầm tứ đã dứt, nội tĩnh, nhất tâm, không tầm không tứ, hỷ lạc do định sanh, đạt đến Nhị thiền, thành tựu và an trụ. Đấy là sự quá độ, được nói đến trong đó.

“Này Ô-đà-di, Ta nói đây cũng chưa đạt được hoàn toàn, không đạt đến sự đoạn trừ, không đạt đến sự quá độ. Vậy trong đó những gì là quá độ? Này Ô-đà-di, Tỳ-kheo ly hỷ dục, an trú xả vô cầu, chánh niệm chánh trí, thân cảm thọ lạc, điều mà Thánh gọi là Thánh xả, niệm, an trụ lạc, chứng đắc đệ Tam thiền, thành tựu và an trú. Đây là sự quá độ được nói đến trong đó.

“Này Ô-đà-di, Ta nói ở đây cũng chưa được hoàn toàn, không đạt đến đoạn trừ, không đạt đến sự quá độ. Vậy trong đó những gì là quá độ? Này Ô-đà-di, Tỳ-kheo lạc diệt, khổ diệt, hỷ và ưu vốn đã diệt, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh, đạt đến cõi Tứ thiền, thành tựu và an trú. Đây là sự quá độ được nói đến trong đó.

“Này Ô-đà-di, Ta nói đó cũng chưa được hoàn toàn, không đạt đến sự đoạn trừ, không đạt đến sự quá độ. Vậy trong đó những gì là quá độ? Này Ô-đà-di, Tỳ-kheo vượt qua khỏi tất cả sắc tưởng, diệt hữu đối tưởng, không tư duy đến bất cứ loại tưởng nào, nhập không vô biên, chứng không vô biên xứ, thành tựu và an trú. [743c] Đây là sự quá độ được nói đến trong đó.

“Này Ô-đà-di, Ta nói đó cũng chưa đạt được hoàn toàn, không đạt đến sự đoạn trừ, không đạt đến sự quá độ. Vậy trong đó những gì là quá độ? Này Ô-đà-di, Tỳ-kheo vượt qua tất cả không vô biên xứ, nhập thức vô biên, chứng thức vô biên xứ, thành tựu và an trú. Đây là sự quá độ được nói đến trong đó.

“Này Ô-đà-di, Ta nói đó cũng chưa đạt được hoàn toàn, không đạt đến sự đoạn trừ, không đạt đến sự quá độ. Vậy trong đó những gì là quá độ? Này Ô-đà-di, Tỳ-kheo vượt qua tất cả thức vô biên xứ, nhập vô sở hữu, chứng đắc vô sở hữu xứ, thành tựu và an trụ. Đây là sự quá độ được nói đến trong đó.

“Này Ô-đà-di, Ta nói đó cũng chưa được hoàn toàn, không đạt đến sự đoạn trừ, không đạt đến sự quá độ. Vậy trong đó những gì là quá độ? Này Ô-đà-di, Tỳ-kheo vượt qua tất cả vô sở hữu xứ, nhập phi tưởng phi phi tưởng, chứng phi tưởng phi phi tưởng xứ, thành tựu và an trú. Đây là sự quá độ được nói đến trong đó. Này Ô-đà-di, Ta nói cho đến phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ cũng chưa được hoàn toàn, không đạt đến đoạn trừ, không đạt đến sự quá độ.

“Này Ô-đà-di, có chăng một kết sử nào, hoặc ít hoặc nhiều tồn tại lâu dài mà Ta nói chưa được hoàn toàn, không đạt đến đoạn trừ, không đạt đến sự quá độ; Ta không nói đến sự đoạn trừ kết sử ấy?”

Tôn giả Ô-đà-di bạch rằng:

“Không có, bạch Thế Tôn!”

Thế Tôn khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Ô-đà-di! Ông không phải như người ngu si kia khi Ta khuyên rằng ‘Ngươi hãy từ bỏ điều này’ người ấy lại nói rằng ‘Đó là việc nhỏ nhặt, đủ thiếu gì mà phải từ bỏ. Nhưng Thế Tôn nay bảo ta phải từ bỏ! Thiện Thệ bảo ta phải từ bỏ!’ Và cũng nói rằng ‘Vị Đại Sa-môn này không tiêu hóa nổi đồ ăn.’ rồi người ấy không chịu từ bỏ. Không chỉ đối với Ta người ấy sanh tâm không vừa ý, không chấp nhận; mà đối với các Tỳ-kheo giữ gìn giới hạnh cẩn thận người ấy cũng sanh tâm không vừa ý, không chấp nhận. Này Ô-đà-di, thế cho nên người ngu si kia bị trói rất cứng, rất chặt, càng lúc càng gắt gao, không thể đoạn trừ, không giải thoát được.

“Này Ô-đà-di, nếu có thiện gia nam tử nào mà Ta khuyên rằng: ‘Ngươi hãy từ bỏ điều này’, người ấy không nói như vầy ‘Đó là việc nhỏ nhặt, đủ thiếu gì mà phải từ bỏ. Nhưng Thế Tôn nay bảo ta phải từ bỏ! Thiện bảo ta phải từ bỏ!’ Và cũng không nói như vầy ‘Vị Đại Sa-môn này không tiêu hóa nổi đồ ăn.’ Rồi người ấy liền từ bỏ. Người ấy đối với Ta không sanh tâm không vừa ý, không chấp nhận, và đối với các Tỳ-kheo giữ gìn giới cẩn thận vị ấy cũng không sanh tâm không vừa ý, không chấp nhận. Này Ô-đà-di, thế cho nên thiện nam tử kia bị trói không cứng không chặt, không càng lúc càng gắt gao, có thể đoạn trừ, có thể [744a] giải thoát.”

Phật thuyết như vậy. Tôn giả Ô-đà-di sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

193. KINH MÂU-LÊ-PHÁ-QUẦN-NA

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ Tỳ-kheo Mâu-lê-phá-quần-na [22] thường tu tập với các Tỳ-kheo-ni. Nếu có vị nào trước mặt Mâu-lê-phá-quần-na mà nói xấu [23] các Tỳ-kheo-ni, ông liền sân hận, hằn học cho đến cãi vã. Hoặc có vị nào trước mặt Tỳ-kheo-ni nói xấu Tỳ-kheo Mâu-lê-phá-quần-na các Tỳ-kheo-ni nghe vậy liền sân hận hằn học cho đến cãi vã. Một số đông các Tỳ-kheo nghe như vậy liền đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân, ngồi qua một bên thưa rằng:

“Bạch Đức Thế Tôn, Tỳ-kheo Mâu-lê-phá-quần-na thường tụ tập với các Tỳ-kheo-ni. Nếu có vị nào trước mặt Tỳ-kheo Mâu-lê-phá-quần-na nói xấu các Tỳ-kheo-ni, thầy ấy nghe vậy liền sân hận, hằn học cho đến cãi vã. Hoặc có vị nào trước mặt các Tỳ-kheo nói xấu Tỳ-kheo Mâu-lê-phá-quần-na, các Tỳ-kheo-ni nghe vậy liền sân hận, hằn học cho đến cãi vã.”

Đức Thế Tôn nghe rồi liền bảo một Tỳ-kheo: “Hãy đến chỗ Tỳ-kheo Mâu-lê-phá-quần-na mà nói rằng: Đức Thế Tôn gọi thầy.”

Một Tỳ-kheo nghe Phật dạy như vậy bèn thưa: “Kính vâng, bạch Thế Tôn”, rồi cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi ra đi.

Vị Tỳ-kheo đó đến chỗ Tỳ-kheo Mâu-lê-phá-quần-na nói rằng: “Đức Thế Tôn gọi thầy.”

Tỳ-kheo Mâu-lê-phá-quần-na nghe vậy liền đến chỗ Phật đảnh lễ dưới chân ngồi qua một bên. Đức Thế Tôn nói:

“Phá-quần-na, có thật ngươi thường tụ hội cùng các Tỳ-kheo-ni? Và có vị nào trước mặt ngươi nói xấu các Tỳ-kheo-ni, ngươi nghe vậy liền sân hận, hằn học cho đến cãi vã. Hoặc có vị nào trước mặt các Tỳ-kheo-ni nói xấu ngươi, các Tỳ-kheo-ni ấy liền sân hận hằn học, cho đến cãi vã? Phá-quần-na, có thật vậy không?”

Phá-quần-na thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn! Điều đó có thật.”

Thế Tôn liền hỏi:

“Phá-quần-na, ngươi há không phải là chí tín, lìa bỏ gia đình sống không gia đình mà học đạo?”

Phá-quần-na đáp:

“Đúng như vậy, [744b] bạch Thế Tôn!”

Đức Phật hỏi:

“Phá-quần-na, như vậy, ngươi chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình mà học đạo, phải học như thế này, nếu có dục, có niệm nào y cứ trên thế tục [24], hãy đoạn trừ. Nếu có dục, có niệm nào y trên vô dục, hãy tập, hãy tu, hãy phát triển rộng lớn. Phá-quần-na, ngươi nên học như vậy.”

Rồi Thế Tôn hỏi các Tỳ-kheo:

“Các ông có phải chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình mà học đạo chăng?”

Các Tỳ-kheo đáp:

“Thưa phải, bạch Thế Tôn.”

Thế Tôn lại bảo:

“Các ông chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, mà học đạo, hãy học như thế này, nếu có dục, có niệm nào y trên thế tục, hãy đoạn trừ. Nếu có dục, có niệm nào y trên vô dục, hãy tập, hãy tu, hãy phát triển rộng lớn. Các ngươi hãy học như vậy.

“Một thời, Ta đã từng nói với các Tỳ-kheo rằng, ‘Này các Tỳ-kheo, hoặc có Tỳ-kheo được nhiều người biết đến [25], hoặc có Tỳ-kheo ít được biết đến, tất cả các vị ấy hãy học nhất tọa thực [26]. Học nhất tọa thực rồi, vô vi, vô cầu, không bệnh tật, thân thể nhẹ nhàng, khí lực dồi dào, an ổn sảng khoái.’ Các Tỳ-kheo ấy, hoặc được nhiều người biết đến, hoặc ít được người biết đến, tất cả đều học theo điều nhất tọa thực. Sau khi học theo điều nhất tọa thực, vô vi, vô cầu, không tật bệnh, thân thể nhẹ nhàng, khí lực dồi dào, an ổn, sảng khoái. Những Tỳ-kheo ấy hài lòng Ta. và Ta cũng không phải khuyên giáo, khiển trách nhiều. Các Tỳ-kheo nhân đó mà sanh khởi suy niệm pháp tùy pháp hành [27].

“Cũng như người điều khiển chiếc xe ngựa, tay trái cầm cương, tay phải cầm roi, nó theo tám con đường mà đi, muốn đến nơi nào cũng được. Các Tỳ-kheo như vậy rất hài lòng Ta, và Ta cũng không phải khuyên giáo, khiển trách nhiều. Các Tỳ-kheo nhân đó sanh khởi suy niệm pháp tùy pháp hành.

“Cũng như khoảng đất tốt có rừng cây sa-la. Người dọn rừng kia thông minh sáng suốt, không biếng nhác, tùy lúc mà dọn sửa gốc rễ cây sa-la, thường cào bừa những rác rưới và luôn luôn tưới nước, san bằng chỗ cao, lấp bằng chỗ thấp, hai bên nếu cỏ dại mọc đầy thì nhổ bỏ đi, nếu cây nào cong queo, xấu xí, không ngay thẳng, thì nhổ gốc bỏ ra ngoài, nếu có nhánh nào đâm ngang và cong, thì chắt xuống hoặc uốn lại, nếu gần biên vừa mới mọc thêm cây nào đều đặn ngay thẳng, thì tùy lúc mà sửa soạn, thường cào bừa đi những rác rưới và thường tưới nước. Như vậy, trên khu đất tốt kia rừng cây sa-la càng ngày càng sầm uất. Cũng vậy các Tỳ-kheo làm hài lòng Ta và Ta cũng khỏi phải khuyến giáo, khiển trách nhiều.

“Ta không nói các Tỳ-kheo là thiện ngữ, cung thuận, do nguyên nhân [744c] các nhu dụng sinh sống, y bát, ẩm thực, giường chõng. Vì sao vậy? Tỳ-kheo ấy nếu không nhận được các thứ ấy thì trả lại bằng sự không thiện ngữ cung thuận, mà lại bẩm thụ đức tánh không thiện ngữ cung thuận.

“Nếu có Tỳ-kheo vì viễn ly, y trên viễn ly, sống nơi viễn ly, mà thiện ngữ cung thuận, bẩm thụ đức tánh thiện ngữ cung thuận, Ta nói vị ấy thật sự là thiện ngữ cung thuận. Vì sao vậy? Ở đây, một Tỳ-kheo khéo thủ hộ, khéo an trú [28] chỉ vì người khác không nói cộc cằn. Nếu người khác ăn nói cộc cằn thì không phẫn nộ, cũng không thù nghịch, cũng không ưu sầu, oán hận, không hằn học giận dữ, không lộ vẻ hung bạo. Các Tỳ-kheo kia sau khi thấy vậy bèn nghĩ rằng ‘Hiền giả thật là người nhẫn nhục, ôn hòa, giỏi chịu đựng, giỏi tự chủ, khéo định, khéo trầm tĩnh.’ Nếu người khác ăn nói cộc cằn thì liền hằn học, thù nghịch, ưu phiền, ôm hận, lộ vẻ hung dữ. Các Tỳ-kheo kia thấy vậy bèn nói ‘Hiền giả này ngoan cố, nóng nảy, thô lỗ, không định, không tự chủ, không trầm tĩnh.’ Vì sao vậy?

“Này các Tỳ-kheo, có một nữ gia chủ tên là Tì-đà-đề [29], rất giàu sang sung sướng, có nhiều tiền tài, sản nghiệp súc mục không thể kể xiết, phong hộ thực ấp, lúa gạo đầy đủ, và biết bao nhu dụng sinh sống khác. Bấy giờ nữ gia chủ Tì-đà-đề được vang danh khắp nơi với tiếng tốt như vầy: ‘Nữ gia chủ Tì-đà-đề là người nhẫn nhục, nhu thuận, ôn hòa, giỏi tự chế, khéo định tĩnh, khéo trầm tịnh.’

“Bấy giờ nữ gia chủ ấy có một nữ tỳ tên là Hắc [30] hầu hạ. Nữ tỳ ăn nói dịu dàng, ít nhiều hành thiện. Hắc nữ tỳ ấy bèn nghĩ rằng ‘Chủ nhân ta, nữ gia chủ Tì-đà-đề được vang danh khắp nơi với tiếng tốt như vầy: Nữ gia chủ Tì-đà-đề là người nhu thuận, nhẫn nhục, ôn hòa, giỏi tự chế, khéo định tĩnh, khéo trầm tịnh. Nay ta hãy thử xem chủ nhân nữ gia chủ Tì-đà-đề thật sự có sân hay không sân.’

“Rồi Hắc nô tỳ nằm ngủ [745a] không dậy sớm. Phu nhân gọi dậy, ‘Hắc tỳ, sao ngươi không dậy sớm?’ Hắc tỳ nghe vậy bèn nghĩ rằng ‘Chủ nhân ta, nữ gia chủ Tì-đà-đề, sự thật có sân chứ không phải không sân, nhưng vì ta giỏi lo liệu việc nhà, giỏi quán xuyến và chu tất, khiến cho chủ ta nữ gia chủ Tì-đà-đề được vang danh với tiếng tốt như vầy: ‘Nữ gia chủ Tì-đà-đề là người nhẫn nhục, nhu thuận, ôn hòa, giỏi tự chế, khéo định tĩnh, khéo trầm tịnh.’ Nay ta hãy thử thách hơn nữa xem chủ ta, nữ gia chủ Tì-đà-đề thật sự có sân hay không sân.’

“Rồi Hắc nữ tỳ ngủ không dậy sớm. Phu nhân gọi dậy, ‘Hắc tỳ, sao ngươi dậy quá trễ vậy?’

“Hắc nữ tỳ nghe vậy bèn suy nghĩ, ‘Chủ ta, nữ gia chủ Tì-đà-đề thật sự có sân chớ không phải không sân. Nhưng vì ta khéo lo liệu việc nhà, giỏi quán xuyến và chu tất, nên chủ ta nữ gia chủ Tì-đà-đề mới có được vang danh với tiếng tốt như vầy: ‘Nữ gia chủ Tì-đà-đề là người nhẫn nhục, nhu thuận, ôn hòa, giỏi tự chế, khéo định tĩnh, khéo trầm tịnh.’ Nay ta lại thử thách thật lớn, xem chủ ta, nữ gia chủ Tì-đà-đề thật sự có sân hay không sân.

“Rồi Hắc nữ tỳ ngủ đến xế trưa mới dậy. Phu nhân gọi: ‘Hắc tỳ, sao ngươi ngủ đến xế trưa mới dậy? Ngươi đã không chịu làm việc, cũng không bảo người khác làm. Con Hắc tỳ này không nghe ta dạy. Con Hắc tỳ này khinh mạn ta.’ Bèn thịnh nộ, hằn học, trán nổi ba đường gân, mặt mày nhăn nhó, tự mình đến cánh cửa đang đóng, rút then cửa, tay cầm gậy đánh vào đầu nữ tỳ. Nó vỡ đầu chảy máu. Với cái đầu máu chảy, Hắc nữ tỳ chạy qua nói với hàng xóm, lớn tiếng phân bua, nói xấu đủ điều rằng: ‘Này các ngài, hãy xem việc làm của người nhẫn nhục, nhu thuận, ôn hòa, giỏi tự chế, khéo định tĩnh, khéo trầm tịnh là như vậy chăng? Người ấy mắng chửi tôi: ‘Con Hắc tỳ này không nghe lời ta dạy, con Hắc tỳ này khinh mạn ta.’ Rồi thịnh nộ, trán nổi ba đường gân, mặt mày nhăn nhó, tự mình đi đến cánh cửa đang đóng, rút then cửa, tay cầm gậy, đánh vào đầu tôi, vỡ đầu chảy máu.’ Bấy giờ, nữ gia chủ Tì-đà-đề được đồn xa với tiếng xấu như vầy: ‘Nữ gia chủ Tì-đà-đề hung dữ, nóng nảy, thô lỗ, không tự chế, không định tĩnh, không trầm tịnh.’

“Cũng vậy, ở đây, một người khéo thủ hộ, khéo đi, khéo đến, là do người khác không nói lời cộc cằn. Khi người khác không nói lời cộc cằn, vị ấy không phẫn nộ, không hằn học, không ưu phiền oán hận, không giận dữ thù nghịch, không lộ vẻ hung dữ. Các Tỳ-kheo kia thấy vậy, bèn nghĩ: ‘Hiền giả này là người nhẫn nhục, ôn hòa, giỏi chịu đựng, khéo tự chế, khéo định tĩnh, khéo tịch tịnh.’ Nếu khi có người khác nói lời cộc cằn bèn phẫn nộ, hằn học, ưu phiền oán hận, giận dữ, thù nghịch, lộ vẻ hung dữ, các Tỳ-kheo khác thấy vậy bèn nghĩ rằng: ‘Hiền giả này hung dữ, nóng nảy, thô lỗ, không định tĩnh, không tự chế, không tịch tịnh.’

“Lại nữa, có năm con đường của ngôn ngữ [31], hoặc nói đúng thời hay không đúng thời, [745b] hoặc nói chân thật hay không chân thật, hoặc nói dịu dàng hay cứng ngắt, hoặc nói từ hòa hay sân nhuế, hoặc nói có có nghĩa hay không có nghĩa. [32]

Với năm con đường ngôn ngữ này, các ngươi nếu khi người khác nói mà với tâm bị biến đổi, có thể miệng phát ra lời nói cộc cằn, Ta nói các ngươi do đó mà bị suy thoái.

“Các người hãy học, với năm con đường ngôn ngữ này, khi người khác nói mà tâm không bị biến đổi, miệng không phát ra lời nói cộc cằn, hãy hướng đến kẻ thù nghịch, hãy duyên nơi kẻ thù nghịch mà khởi tâm từ mẫn, tâm tương ưng với từ biến mãn một phương, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, hai, ba, bốn phương tứ duy, trên dưới, bao trùm tất cả, tâm tương ưng với từ, không kết, không oán, không nhuế, không tranh, rộng lớn, vô lượng, vô biên, khéo tu tập, biến mãn khắp cả thế gian, thành tựu an trụ. Cũng vậy, bi và hỷ. Tâm tương ưng với xả, không kết, không oán, không nhuế, không tranh, rộng lớn, vô lượng, vô biên khéo tu tập, biến mãn khắp cả thế gian, thành tựu an trụ. Các ngươi hãy học như vậy.

“Cũng như một người cầm cái cuốc rất lớn đến và nói rằng: ‘Tôi có thể làm cho cả mặt đất nay trở thành không phải đất.’ Người ấy bèn đào chỗ này, chỗ kia, rồi nhổ nước miếng, nước tiểu để làm dơ bẩn. Khi người nói lời thô ác nói như vầy: ‘Mong cả mặt đất này không phải là đất.’ Ý ngươi nghĩ sao? Người ấy do phương tiện ấy có thể làm cho mặt đất trở thành không phải mặt đất được chăng?”

Các Tỳ-kheo trả lời rằng:

“Không thể được bạch Thế Tôn! Vì sao vậy? Vì cõi đất này rất sâu rất rộng, không thể lường được. Cho nên người kia với phương tiện ấy không thể nào làm cho cõi đất này trở thành không phải đất. Bạch Thế Tôn, người ấy chỉ tự gây phiền nhọc vô ích mà thôi.”

“Cũng vậy, với năm con đường ngôn ngữ này mà khi người khác nói, đúng thời hay không đúng thời, chân thật hay không chân thật, dịu dàng hay cứng ngắt, từ hòa hay sân nhuế, nói có nghĩa hay không có nghĩa. Các ngươi đối với năm con đường ngôn ngữ này, khi người khác nói mà tâm biến đổi, hay miệng phát ra lời nói thô ác, Ta nói các ngươi do đó mà tất phải suy thoái. Các ngươi hãy học, với năm con đường của ngôn ngữ này. Khi người khác nói mà tâm không biến đổi, miệng không phát ra lời nói thô ác, hướng đến người nói ấy, duyên nơi người nói ấy mà khởi tâm từ mẫn, như mặt đất tâm hành không kết, không oán, không nhuế, không tranh, rộng lớn, vô lượng, vô biên, khéo tu tập, biến mãn khắp cả thế gian, thành tựu an trú. Các ngươi hãy học như vậy.

“Cũng như một người cầm cây đuốc bằng cỏ rất lớn mà nói như vầy: ‘Tôi với cây đuốc bằng cỏ này đun nóng sông Hằng cho sôi sục lên.’ Các ngươi nghĩ sao? Người ấy bằng phương tiện ấy có thể làm cho sông Hằng nóng và sôi lên chăng?”

Các Tỳ-kheo trả lời rằng:

“Không thể được, bạch Thế Tôn! [745c] Vì sao vậy? Vì sông Hằng kia rất sâu, rất rộng không thể do lường được. Cho nên người ấy với phương tiện ấy không thể làm cho sông Hằng nóng và sôi sục lên được. Bạch Thế Tôn, người ấy chỉ tự gây phiền nhọc vô ích mà thôi.”

“Cũng vậy, với năm con đường ngôn ngữ này, nếu người khác nói đúng thời hay không đúng thời, nói chân thật hay không chân thật, nói dịu dàng hay cứng ngắt, nói từ hòa hay sân nhuế, nói có nghĩa hay không nghĩa; các ngươi đối với năm con đường ngôn ngữ này mà khi người khác nói, hoặc tâm biến đổi, hoặc miệng phát ra lời nói thô ác. Ta nói các ngươi do đó tất bị suy thoái. Các ngươi hãy học năm con đường ngôn ngữ này, nếu khi người khác nói mà tâm không biến đổi, miệng không phát ra lời thô ác, hướng đến người ấy, duyên nơi người ấy, khởi tâm từ mẫn, tâm hành như sông Hằng, không kết, không oán, không nhuế, không tranh, rộng lớn, vô lượng vô biên, khéo tu tập, biến mãn khắp cả thế gian, thành tựu an trụ. Các người hãy học như vậy.

“Cũng như thợ vẽ hay đệ tử của thợ vẽ, tay cầm đủ các loại màu và nói như thế này: ‘Ở nơi hư không này, tôi vẽ lên các hình tượng.’ Rồi y tô lên các loại màu. Các ngươi nghĩ sao? Thợ vẽ hay đệ tử của thợ vẽ ấy, bằng phương tiện ấy, có thể vẽ lên hư không các hình tượng, rồi tô lên các loại màu này chăng?”

Các Tỳ-kheo đáp:

“Không thể, bạch Thế Tôn! Vì sao vậy? Hư không này không phải là vật sắc, không thể thấy, không có đối ngại. Do đó, thợ vẽ hay đệ tử của thợ vẽ, bằng phương tiện ấy không thể vẽ lên hư không các hình tượng rồi tô lên các loại màu. Thợ vẽ và đệ tử của thợ vẽ chỉ tự gây phiền nhọc vô ích mà thôi.”

“Cũng vậy, bằng năm con đường ngôn ngữ này mà người khác nói, hoặc đúng thời hay không đúng thời, hoặc chân thật hay không chân thật, hoặc dịu dàng hay thô lỗ, hoặc từ hòa hay sân nhuế, hoặc có nghĩa hay không có nghĩa, các ngươi đối với năm con đường ngôn ngữ này mà khi người khác nói, tâm không biến đổi. Miệng không phát ra lời thô ác, hướng đến người khác nói, duyên nơi người khác nói, mà khởi tâm từ mẫn, tâm hành hư không, không kết, không oán, không nhuế, không tranh, rộng lớn, vô lượng, vô biên, khéo tu tập, biến mãn khắp cả thế gian, thành tựu an trụ. Các ngươi hãy học như vậy.

“Cũng như một cái túi bằng da mèo đã được thuộc mềm, rất mềm nhũn, hết tiếng xì xộp, không còn tiếng xì xộp, và có một người hoặc nắm hoặc đấm, hoặc lấy đá chọi, hoặc dùng gậy đánh, hoặc lấy dao chém, hoặc đập xuống đất. [746a] Các ngươi nghĩ sao? Cái túi da mèo đã được thuộc mềm, rất mềm nhũn, làm hết tiếng xì xộp, không còn tiếng xì xộp, bấy giờ lại phát ra tiếng kêu xì xộp nữa chăng?”

Các Tỳ-kheo đáp:

“Không thể được, bạch Thế Tôn! Vì sao vậy? Vì cái túi ấy bằng da mèo đã được thuộc mềm, rất mềm nhũn, làm hết tiếng xì xộp, không còn tiếng xì xộp nữa, cho nên nó không còn phát ra tiếng xì xộp nữa.”

“Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, nếu có người khác, nắm tay đấm các ngươi, hoặc vác đá chọi, hoặc xách gậy đánh, hoặc lấy dao chém các ngươi, nếu khi bị người khác nắm tay đấm, vác đá chọi, dùng gậy đánh, lấy dao chém, mà tâm biến đổi, hoặc miệng phát ra lời thô ác, Ta nói các ngươi nhân đó tất bị suy thoái. Các ngươi hãy học như vậy. Nếu bị người khác nắm tay đấm, vác đá chọi dùng gậy đánh, lấy dao chém, tâm không biến đổi, miệng không phát ra lời thô ác, hướng đến người đánh đập, duyên nơi người đánh đập mà khởi tâm từ mẫn, tâm hành như cái túi da mèo, không kết, không oán, không nhuế, không tranh, rộng rãi, vô lượng, vô biên, khéo tu tập, biến mãn khắp cả thế gian, thành tựu an trụ. Các ngươi hãy học như vậy.

“Nếu có giặc cướp đến, bằng lưỡi cưa bén, cắt xẻ tay chân chi tiết. Này các ngươi, nếu có giặc cướp đến, dùng lưỡi cưa bén mà xẻ tay chân chi tiết các ngươi mà các ngươi hoặc tâm biến đổi, hoặc miệng phát ra lời thô ác, Ta nói các ngươi nhân đó tất bị suy thoái. Các ngươi hãy học như vậy: nếu có giặc cướp đến, dùng lưỡi cưa bén cưa xẻ tay chân các ngươi chi tiết, mà tâm không biến đổi, miệng không phát ra lời thô ác, hướng đến người cắt xả ấy, duyên nơi người cắt xả ấy mà khởi tâm từ mẫn, tâm tương ưng với từ, biến mãn một phương, thành tựu an trụ. Cũng vậy, hai, ba, bốn phương, tứ duy trên dưới, bao trùm tất cả tâm tương ưng với từ, không kết, không oán, không nhuế, không tránh, rộng lớn, vô lượng, vô biên, khéo tu tập, biến mãn khắp cả thế gian, thành tựu an trụ. Cũng vậy, bi và hỷ. Tâm tương ưng với xả, không kết, không oán, không nhuế, không tránh, rộng lớn, vô lượng, vô biên, khéo tu tập, biến mãn khắp cả thế gian, thành tựu an trụ. Các ngươi hãy học như vậy.”

Rồi bấy giờ Đức Thế Tôn tán thán các Tỳ-kheo:

“Lành thay! Lành thay! Các Tỳ-kheo luôn luôn suy niệm thí về lưỡi cưa bén [33] cho giáo huấn của Sa-môn. Các ngươi sau khi luôn luôn suy niệm về thí dụ lưỡi cưa bén cho giáo huấn của Sa-môn rồi, các ngươi há còn thấy rằng: Người kia nói lời thô ác không khả ái đối với ta, sau khi ta nghe không thể chịu đựng nổi chăng?”

Các Tỳ-kheo đáp:

“Không có, bạch Thế Tôn!”

Đức Thế Tôn lại tán thán các Tỳ-kheo:

“Lành thay! Lành thay! Các ngươi hãy luôn luôn suy niệm về thí dụ lưỡi cưa bén cho giáo huấn Sa-môn. Sau khi luôn luôn suy niệm về thí dụ lưỡi cưa bén cho giáo huấn Sa-môn, các ngươi nếu sống ở phương Đông, chắc chắn [746b] được an lạc, không có các khổ nạn. Nếu sống ở phương Nam, phương Tây và phương Bắc, cũng chắc chắn được an lạc, không có các khổ hoạn.

“Lành thay! Lành thay! Các ngươi luôn luôn suy niệm về thí dụ lưỡi cưa bén cho giáo huấn Sa-môn. Các ngươi sau khi suy niệm về thí dụ lưỡi cưa bén cho giáo huấn Sa-môn, đối với các thiện pháp các ngươi đã an trụ, Ta còn không nói, huống nữa là nói đến sự suy thoái. Chỉ còn sự tăng trưởng thiện pháp ngày đêm, chứ không còn sự suy thoái nữa.

“Lành thay! Lành thay! Các ngươi hãy luôn luôn suy niệm về thí dụ lưỡi cưa bén cho giáo huấn Sa-môn; các ngươi sau khi luôn luôn suy niệm về thí dụ lưỡi cưa bén cho giáo huấn Sa-môn rồi, trong hai quả chắc chắn được một. Hoặc ngay trong đời hiện tại mà chứng đắc Cứu cánh trí, hoặc chứng A-na-hàm nếu còn hữu dư y.”

Đức Phật thuyết như vậy, các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành. [34]

194. KINH BẠT-ĐÀ-HÒA-LỢI

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại nước Xá-vệ, rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc, cùng với đại chúng Tỳ-kheo an cư trong mùa mưa.

Bấy giờ Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo rằng:

“Này các Tỳ-kheo, Ta chỉ ăn trong một lần ngồi [35]. Do chỉ ăn trong một ăn trong một lần ngồi, Ta vô vi, vô cầu, không có các tật bệnh, thân thể nhẹ nhàng thoải mái, khí lực khang cường, an ổn khoái lạc. Các ngươi cũng nên chỉ ăn trong một lần ngồi; do chỉ ăn trong một lần ngồi, các ngươi sẽ vô vi, vô cầu, không có các tật bệnh, thân thể nhẹ nhàng thoải mái, khí lực khang cường an ổn khoái lạc.

Lúc bấy giờ Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi [36] cũng ở trong đại chúng, rời chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo đang mặc, chắp tay hướng về Đức Phật bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, con không thể kham nổi, sự việc ăn chỉ trong một lần ngồi. Vì sao vậy? Vì nếu con chỉ ăn trong một lần ngồi thì chẳng khác nào làm một việc chưa xong, cảm thấy ảo não, trong lòng hối tiếc. Bạch Thế Tôn, vì vậy con không thể kham nổi sự việc ăn chỉ trong một lần ngồi.”

Đức Thế Tôn nói rằng:

“Này Bạt-đà-hòa-lợi, [746c] khi Ta nhận lời mời, ngươi cũng đi theo Ta và nếu Ta chấp nhận cho ngươi mang đồ ăn được mời ấy đi nhưng chỉ ăn trong một lần ngồi, như vậy cũng có thể sống được an lành [37].”

Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi lại bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, dù vậy con cũng không thể kham nổi sự việc chỉ ăn trong một lần ngồi. Vì sao vậy? Vì nếu con chỉ ăn trong một lần ngồi, chẳng khác nào làm một việc chưa xong, cảm thấy ảo não trong lòng hối tiếc. Bạch Thế Tôn, vì vậy con không thể kham nổi sự việc chỉ ăn trong một lần ngồi.”

Đức Thế Tôn đến ba lần nói với các Tỳ-kheo rằng:

“Ta chỉ ăn trong một lần ngồi. Do ăn chỉ trong mọt lần ngồi, Ta vô vi, vô cầu, không có các tật bệnh, thân thể nhẹ nhàng thoải mái, khí lực khang cường, an ổn khoái lạc. Các ngươi cũng nên học chỉ ăn trong một lần ngồi. Do ăn chỉ trong một lần ngồi, các ngươi sẽ vô vi, vô cầu, không có các tật bệnh, thân thể nhẹ nhàng thoải mái, khí lực khang cường, an ổn khoái lạc.”

Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi cũng đến ba lần rời chỗ ngồi đứng dậy trịch vai áo đang mặc, chắp tay hướng về Đức Thế Tôn mà bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, con không thể kham nổi sự việc ăn chỉ trong một lần ngồi. Vì sao vậy? Vì nếu con ăn chỉ trong một lần ngồi thì không khác nào làm một công việc chưa xong, cảm thấy ảo não, trong lòng hối tiếc. Bạch Thế Tôn, vì vậy con không thể kham nổi việc ăn chỉ trong một lần ngồi.”

Đức Thế Tôn cũng đến ba lần nói rằng:

“Này Bạt-đà-hòa-lợi, khi Ta nhận lời mời, ngươi cũng đi theo; và nếu ta chấp thuận cho ngươi mang đồ ăn được mời ấy đi, nhưng ăn chỉ trong một lần ngồi, như vậy cũng có thể sống được an lành.”

Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi cũng đến lần thứ ba bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, mặc dù như vậy, nhưng con cũng không thể kham nổi sự việc ăn chỉ trong một lần ngồi. Vì sao vậy? Vì nếu con ăn chỉ trong một lần ngồi thì chẳng khác nào làm việc một công việc chưa xong, cảm thấy ảo não, trong lòng hối tiếc. Bạch Thế Tôn, vì vậy con không thể kham nổi sự việc ăn chỉ trong một lần ngồi.”

Bấy giờ Đức Thế Tôn thiết lập giới nhất tọa thực cho chúng Tỳ-kheo [38]. Chúng Tỳ-kheo thảy đều vâng giữ học giới và các pháp vi diệu trong cảnh giới của Thế Tôn. Chỉ trừ Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi tuyên bố là không thể kham nổi, rời chỗ ngồi đứng dậy và bỏ đi. Vì sao vậy? Vì không học theo giới cụ túc [39] và các pháp vi diệu trong cảnh giới của Thế Tôn. Rồi Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi suốt trong một mùa mưa ấy lánh mình không gặp Đức Thế Tôn. Vì sao vậy? Vì không học theo giới cụ túc và các pháp vi diệu trong cảnh giới Thế Tôn.

Vào một lúc, chư Tỳ-kheo làm y cho Đức Phật, để sau ba tháng an cư mùa mưa tại nước Xá-vệ và khâu vá lại y áo xong, Đức Thế Tôn sẽ thu vén y, ôm bát mà du hành trong nhân gian. Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi được nghe rằng chư Tỳ-kheo đang làm y cho Đức Phật để [747a] sau ba tháng an cư mùa mưa tại nước Xá-vệ và khâu vá lại các y áo xong, Đức Thế Tôn sẽ thu vén y, ôm bát mà du hành trong nhân gian. Sau khi nghe như vậy, Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi bèn đi đến chỗ các Tỳ-kheo. Chư Tỳ-kheo từ xa trông thấy Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi đang đi đến, bèn nói như vầy:

“Hiền giả Bạt-đà-hòa-lợi, nên biết ở đây chúng tôi đang làm y cho Thế Tôn, để sau ba tháng an cư vào mùa mưa tại nước Xá-vệ, và khâu vá y xong Đức Thế Tôn sẽ thu vén y, ôm bát mà du hành trong nhân gian. Này Bạt-đà-hòa-lợi, hãy tự khéo gìn giữ trong trường hợp này, đừng để về sau xảy ra nhiều sự phiền nhọc.”

Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi nghe những lời ấy xong, liền đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, thật sự con đã sai lầm! Thật sự con đã sai lầm! Con như ngu, như si, như khờ dại, như bất thiện. Vì sao? Vì Thế Tôn thiết lập giới nhất tọa thực cho chúng Tỳ-kheo. Các Tỳ-kheo thảy đều vâng giữ học giới và các pháp vi diệu trong cảnh giới của Thế Tôn. Duy chỉ con tuyên bố là không kham nổi, rời chỗ ngồi đứng dậy và bỏ đi. Vì sao vậy? Vì không học theo giới cụ túc và các pháp vi diệu trong cảnh giới của Thế Tôn.”

Đức Thế Tôn nói:

“Này Bạt-đà-hòa-lợi, lúc ấy ngươi không biết rằng, ‘Một số đông các Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni đang an cư mùa mưa tại nước Xá-vệ, những vị ấy biết ta [40], thấy ta, rằng: Có một Tỳ-kheo tên là Bạt-đà-hòa-lợi, đệ tử của Thế Tôn, không học theo giới cụ túc và các pháp vi diệu trong cảnh giới của Thế Tôn.’ Này Bạt-đà-hòa-lợi, lúc bấy giờ ngươi không biết có sự kiện như vậy chăng?

“Này Bạt-đà-hòa-lợi, lúc bấy giờ ngươi không biết rằng, ‘Một số đông Ưu-bà-tắc và Ưu-bà-di tại nước Xá-vệ, những người này biết ta, gặp ta, rằng: Có một Tỳ-kheo tên là Bạt-đà-hòa-lợi, đệ tử của Thế Tôn không học theo giới cụ túc, và các pháp vi diệu trong cảnh giới của Thế Tôn.’ Này Bạt-đà-hòa-lợi, lúc bấy giờ ngươi không biết có sự kiện như vậy chăng?

“Này Bạt-đà-hòa-lợi, ngươi lúc ấy không biết rằng, ‘Một số đông các Sa-môn Bà-la-môn Dị học đang an cư mùa mưa tại nước Xá-vệ, những vị này biết ta, thấy ta, rằng: Có một Tỳ-kheo tên là Bạt-đà-hòa-lợi, đệ tử của Sa-môn Cù-đàm, một bậc danh đức, nhưng không học theo giới cụ túc và các pháp vi diệu trong cảnh giới của Thế Tôn.’ Này Bạt-đà-hòa-lợi, lúc bấy giờ ngươi không biết có sự kiện như vậy chăng?

“Này Bạt-đà-hòa-lợi, nếu có Tỳ-kheo chứng câu giải thoát [41] mà ta nói với vị ấy rằng, ‘Ngươi hãy xuống vũng bùn! [42]’ Này Bạt-đà-hòa-lợi, ý ngươi nghĩ sao? Ta dạy Tỳ-kheo ấy như vậy Tỳ-kheo ấy há thể đứng im hay tránh đi chỗ khác chăng?”

Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi [747b] đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Thế Tôn nói rằng:

“Này Bạt-đà-hòa-lợi, giả sử không phải là Tỳ-kheo câu giải thoát nhưng là Tỳ-kheo tuệ giải thoát [43]; hoặc giả sử không phải là Tỳ-kheo tuệ giải thoát, nhưng Tỳ-kheo thân chứng [44]; hoặc giả sử không phải Tỳ-kheo thân chứng, nhưng là kiến đáo [45]; hoặc giả sử không phải là kiến đáo nhưng là tín giải thoát [46]; hoặc giả sử không phải là tín giải thoát nhưng là tùy pháp hành [47]; hoặc giả sử không phải là tùy pháp hành, nhưng là tùy ý hành [48], mà ta nói với vị Tỳ-kheo ấy rằng, ‘Ngươi hãy xuống vũng bùn!’Này Bạt-đà-hòa-lợi, ý ngươi nghĩ sao? Ta dạy Tỳ-kheo ấy như vậy, Tỳ-kheo ấy há có thể đứng im hay tránh đi nơi khác chăng?”

Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi đáp rằng:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Đức Thế Tôn nói rằng:

“Này Bạt-đà-hòa-lợi, ý ngươi nghĩ sao? Lúc bấy giờ ngươi đã chứng đắc tùy tín hành, tùy pháp hành, kiến đáo, thân chứng, tuệ giải thoát hay câu giải thoát chăng?”

Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi đáp:

“Bạch Thế Tôn, không phải vậy.”

Đức Thế Tôn nói:

“Này Bạt-đà-hòa-lợi, lúc bấy giờ ngươi không phải như ngôi nhà trống chăng?”

Lúc ấy Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi bị Thế Tôn khiển trách ngay mặt, trong lòng rầu rĩ, cúi đầu im lặng, không còn lời để biện bạch, suy nghĩ mông lung. Đức Thế Tôn sau khi khiển trách Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi ngay mặt rồi, lại muốn làm cho Tôn giả được hoan hỷ bèn nói rằng:

“Này Bạt-đà-hòa-lợi, ngươi lúc bấy giờ đối với Ta mà không có pháp tĩnh dẫn đến tín, không có pháp tĩnh dẫn đến thân ái, không có pháp tĩnh dẫn đến tịch tịnh [49]. Vì sao vậy? Trong lúc ta thiết lập giới nhất tọa thực cho chúng Tỳ-kheo; chúng Tỳ-kheo thảy đều vâng giữ học giới và các pháp vi diệu trong cảnh giới của Thế Tôn. Duy chỉ riêng ngươi tuyên bố là không kham nổi, và rời chỗ ngồi đứng dậy bỏ đi. Vì sao vậy? Vì không học theo giới cụ túc, và các pháp vi diệu trong cảnh giới của Thế Tôn.”

Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi bạch rằng:

“Quả thật như vậy. Vì sao vậy? Vì trong lúc Thế Tôn thiết lập học giới cho chúng Tỳ-kheo; chúng Tỳ-kheo thảy đều vâng giữ, duy chỉ riêng con tuyên bố là không kham nổi, rồi rời chỗ ngồi đứng dậy bỏ đi. Vì sao vậy? Vì không học theo giới cụ túc và các pháp vi diệu trong cảnh giới của Thế Tôn. Cúi mong Thế Tôn nhận sự hối lỗi của con. Con đã thấy lỗi lầm rồi sẽ tự mình ăn năn hối cải, và từ nay trở đi sẽ giữ gìn không tái phạm nữa.”

Đức Thế Tôn nói:

“Này Bạt-đà-hòa-lợi, như vậy, ngươi thật sự như ngu, như si, như khờ dại, như bất thiện. Vì sao vậy? Vì trong lúc ta thiết lập học giới nhất tọa thực cho chúng Tỳ-kheo; chúng Tỳ-kheo thảy đều vâng giữ học giới và các pháp vi diệu trong cảnh giới của Thế Tôn, chỉ riêng ngươi tuyên bố [747c] là không kham nổi, rồi rời chỗ ngồi đứng dậy bỏ đi. Vì sao vậy? Vì ngươi không học theo giới cụ túc và các pháp vi diệu trong cảnh giới của Thế Tôn.

“Này Bạt-đà-hòa-lợi, nếu ngươi có lỗi lầm, đã thấy và tự hối từ nay về sau gìn giữ, không thể để tái phạm. Này Bạt-đà-hòa-lợi, như vậy ở trong Thánh pháp luật có ích lợi chớ không tổn hại. Nếu ngươi có lầm lỗi, đã thấy và tự hối, từ nay về sau gìn giữ không để tái phạm nữa, thì này Bạt-đà-hòa-lợi, ý ngươi nghĩ sao, nếu có Tỳ-kheo không học theo giới cụ túc [50], vị ấy sống trong rừng vắng, dưới gốc cây, hoặc ở trên sườn cao, vắng bặt không tiếng động, xa lánh sự dữ, không có bóng người, tùy thuận mà tĩnh tọa. Vị ấy sau khi sống tại một nơi xa vắng, tu hành tinh cần để chứng đắc tăng thượng tâm, hiện pháp lạc trụ [51]. Nhưng vị ấy sống tại nơi xa vắng, tu hành tinh cần như vậy mà chê bai học giới của Thế Tôn [52], xuyên tạc chê bai chư Thiên và các phạm hạnh có trí và cũng xuyên tạc học giới của chính mình. Vị ấy sau khi xuyên tạc học giới của Thế Tôn, xuyên tạc chư Thiên và các đồng phạm hạnh có trí, và cũng xuyên tạc học giới của chính mình rồi, bèn không sanh tâm hoan hỷ; do không sanh tâm hoan hỷ nên không sanh hỷ; do không sanh hỷ nên thân không khinh an; do thân không khinh an, nên không cảm thọ lạc; do không cảm thọ lạc, nên tâm bất định. Này Bạt-đà-hòa-lợi, Hiền Thánh đệ tử khi tâm bất định, thì không thể thấy như thật, biết như thật.

“Này Bạt-đà-hòa-lợi, ý ngươi nghĩ sao, nếu có Tỳ-kheo học giới cụ túc, sống trong rừng vắng, trong rừng sâu, dưới gốc cây trên sườn cao, vắng bặt không tiếng động, xa lánh không có sự dữ, không có bóng người, tùy thuận mà tĩnh tọa. Vị ấy sống tại nơi xa vắng, tu hành tinh cần, để chứng đắc tăng thượng tâm, hiện pháp lạc trú. Vị ấy sau khi sống tại nơi xa vắng, tu hành tinh cần, an ổn khoái lạc rồi, không xuyên tạc học giới của Thế Tôn, cũng không xuyên tạc chư Thiên và các đồng phạm hạnh có trí, cũng không xuyên tạc học giới của chính mình. Vị ấy sau khi không xuyên tạc học giới của Thế Tôn, không xuyên tạc chư Thiên và các đồng phạm hạnh có trí, cũng không xuyên tạc học giới của chính mình rồi bèn sanh hoan duyệt, do sanh hoan duyệt nên sanh hỷ, do sanh hỷ nên thân khinh an, do thân khinh an nên cảm thọ lạc, do cảm thọ lạc nên tâm định. Này Bạt-đà-hòa-lợi, Hiền Thánh đệ tử tâm định rồi bèn thấy như thật, biết như thật. Sau khi thấy như thật, biết như thật, bèn ly dục, ly ác bất thiện pháp, có tầm có tứ, có hỷ lạc do ly dục sanh, chứng đắc Sơ thiền, thành tựu an trụ. Này Bạt-đà-hòa-lợi, đó là [748a] vị ấy lúc bấy giờ chứng đắc tăng thượng tâm thứ nhất, ngay trong đời hiện tại sống an lạc, dễ được chớ không khó, an lạc sống trong vô úy, an ổn khoái lạc và thăng tiến đến Niết-bàn.

“Rồi vị ấy tầm và tứ đã tịch tịnh, nội tĩnh, nhất tâm, không tầm, không tứ, hỷ lạc do định sanh, chứng đắc đệ Nhị thiền, thành tựu an trụ. Này Bạt-đà-hòa-lợi, đó là vị ấy bấy giờ chứng đắc tăng thượng tâm thứ hai, ngay trong đời hiện tại được sống an lạc, dễ được chớ không khó, an lạc sống trong vô úy, an ổn khoái lạc mà thăng tiến đến Niết-bàn.

“Rồi vị ấy ly hỷ, xả dục, an trụ xả vô cầu, với chánh niệm chánh trí, thân cảm giác lạc, điều mà Thánh nói là Thánh xả, niệm, an trụ lạc, chứng đắc đệ Tam thiền thành tựu an trụ. Này Bạt-đà-hòa-lợi, đó là vị ấy lúc bấy giờ chứng đắc tăng thượng tâm thứ ba, ngay trong đời hiện tại được sống an lạc, dễ được chớ không khó, an lạc sống trong vô úy, an ổn khoái lạc mà thăng tiến đến Niết-bàn.

“Rồi vị ấy lạc diệt khổ diệt, ưu và hỷ vốn cũng đã diệt, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh, chứng đắc đệ Tứ thiền, thành tựu an trụ. Này Bạt-đà-hòa-lợi, đó là vị ấy lúc bấy giờ chứng đắc tăng thượng tâm thứ tư ngay trong đời hiện tại được sống an lạc, dễ được chớ không khó an trú trong vô úy, an ổn khoái lạc mà thăng tiến đến Niết-bàn.

“Vị ấy với sự chứng đắc định tâm thanh tịnh như vậy, không nhuế, không phiền, nhu nhuyến, an trụ vững vàng, đạt đến bất động tâm, học và chứng đắc túc mạng trí thông. Vị ấy với hành vi, với tướng mạo, nhớ lại về trước vô lượng trăm nghìn đời sống đã trải qua, một đời, hai đời trăm đời, nghìn đời, thành kiếp, hoại kiếp, vô lượng thành kiếp hoại kiếp; chúng sanh ấy có tên như vậy, mà vị ấy xưa kia đã từng trải, biết rằng ‘Ta đã từng sanh làm người ấy, với tên như vậy, họ như vậy, tự như vậy, sanh như vậy, ăn uống như vậy, thọ khổ lạc như vậy, sống lâu như vậy, tồn tại như vậy, mạng chung như vậy, chết ở đây sanh ở chỗ kia, chết ở chỗ kia sanh ở đây. Ta sanh tại chỗ này với tên như vậy, họ như vậy, ăn uống như vậy, tử như vậy, sanh như vậy, thọ khổ lạc như vậy, sống lâu như vậy, tồn tại như vậy, mạng chung như vậy.’ Này Bạt-đà-hòa-lợi, đó là vị kia lúc bấy giờ chứng đắc minh đạt thứ nhất này, do trước kia không phóng dật, ưa sống nơi xa vắng, tu hành tinh cần, cho đến vô trí diệt, và trí tuệ phát sanh, bóng tối biến mất mà ánh sáng xuất sanh, vô minh diệt mà minh phát sanh, tức là chứng ngộ minh đạt ức túc mạng trí.

“Vị ấy với sự chứng đắc định tâm như vậy, không nhuế, không phiền an trụ vững vàng. Đạt đến bất động tâm, học và chứng sanh tử trí thông. [748b] Vị ấy với thiên nhãn thanh tịnh, vượt hẳn trên người thường, thấy chúng sanh này, lúc tử lúc sanh, sắc đẹp sắc xấu, diệu hay chẳng diệu, qua lại thiện xứ hay bất thiện xứ. Tùy theo tác nghiệp của chúng sanh này mà thấy như thật. Nếu chúng sanh này thành tựu thân ác hành, khẩu và ý ác hành, phỉ báng Thánh nhân, tà kiến, thành tựu tà kiến; do nhân duyên này khi thân hoại mạng chung tất sanh đến ác xứ, sanh trong địa ngục. Nếu chúng sanh này thành tựu thân diệu hành, khẩu và ý diệu hành, không phỉ báng chánh nhân, chánh kiến, thành tựu chánh kiến; do nhân duyên khi thân hoại mạng chung tất đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời. Này Bạt-đà-hòa-lợi, đó là vị ấy lúc bấy giờ chứng đắc minh đạt thứ hai, do trước kia không phóng dật, ưa sống nơi xa vắng, tu hành tinh cần, vô trí diệt và trí sanh, bóng tối biến mất và ánh sáng hiện thành, vô minh diệt và minh sanh, tức chứng ngộ minh đạt sanh tử trí.

“Vị ấy với sự chứng đắc định tâm thanh tịnh như vậy, không uế, không phiền, an trụ vững vàng, đạt được bất động tâm, học và chứng ngộ Lậu tận trí thông. Vị ấy biết như thật rằng ‘Đây là Khổ, đây là Khổ tập, đây là Khổ diệt, biết như thật đây là Khổ diệt đạo’; biết như thật rằng ‘Đây là lậu, đây là lậu tập, đây là lậu diệt, biết như thật đây là lậu diệt đạo.’ Vị ấy biết như vậy, thấy như vậy, tâm giải thoát khỏi dục lậu, tâm giải thoát khỏi hữu lậu và vô minh lậu. Đã giải thoát thì biết mình đã giải thoát. Biết như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa.’ Này Bạt-đà-hòa-lợi, đó là vị ấy lúc bấy giờ chứng đắc minh đạt thứ ba, do trước không phóng dật, ưa sống nơi xa vắng, tu hành tinh tấn, vô trí diệt và trí sanh, bóng tối biến mất và ánh sáng hiện thành, vô minh diệt và minh sanh chứng chứng ngộ minh đạt lậu tận trí.”

Lúc bấy giờ Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi liền rời chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo đang mặc, chắp tay hướng về Đức Phật bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, do nhân gì, duyên gì, khi các Tỳ-kheo cùng phạm giới, nhưng có trường hợp khổ trị, có trường hợp không khổ trị.”

Đức Thế Tôn nói:

“Này Bạt-đà-hòa-lợi, hoặc có Tỳ-kheo thường xuyên phạm giới; do bởi thường xuyên hay phạm giới nên các Tỳ-kheo đồng phạm hạnh khiển trách bằng những điều được thấy, được nghe, hay từ người khác mà nghi ngờ. Vị ấy sau khi bị các đồng phạm hạnh khiển trách bằng những điều được thấy, được nghe, hay từ người khác mà nghi ngờ, bèn nói lãng sang vấn đề khác, những việc ngoài vấn đề; sân hận, thù nghịch, phẫn nộ, bất mãn, xúc nhiễu chúng Tăng, khinh mạn chúng Tăng, [748c] nói như vầy, ‘Tôi phải làm gì để chúng Tăng hoan hỷ mà vui lòng?’ Với ý nghĩ như vậy. Này Bạt-đà-hòa-lợi, các Tỳ-kheo bèn nghĩ rằng, ‘Nhưng Hiền giả này thường hay phạm giới. Và do thường hay phạm giới, nên bị các vị đồng phạm hạnh khiển trách bằng những điều được thấy, được nghe, hay từ người khác mà nghi ngờ. Vị này sau khi bị các vị đồng phạm hạnh khiển trách bằng những điều được thấy được nghe hay từ người khác mà nghi ngờ, bèn nói sang vấn đề khác, những sự việc ngoài vấn đề, sân hận, thù nghịch, phẫn nộ, bất mãn, xúc nhiễu chúng Tăng, khinh mạn chúng Tăng, nói như vầy: Tôi phải làm gì để chúng Tăng được hoan hỷ mà hài lòng?’ Sau khi quan sát vậy, các Tỳ kheo bèn nói rằng: “Này chư Tôn, hãy xem xét, và kéo dài một thời gian [53].

“Hoặc giả có Tỳ-kheo thường hay phạm giới; do thường hay phạm giới cho nên bị các vị đồng phạm hạnh khiển trách bằng những điều được thấy, được nghe, hay từ người khác mà nghi ngờ. Vị ấy sau khi bị các vị đồng phạm hạnh khiển trách bằng những điều được thấy, được nghe, hay từ người khác mà nghi ngờ, không nói lãng sang vấn đề khác, những sự việc ngoài vấn đề, không sân hận, thù nghịch chúng Tăng, phẫn nộ, bất mãn, xúc nhiễu và khinh, mạn, không nói như vầy, ‘Tôi phải làm gì để Tăng chúng hoan hỷ mà hài lòng.’ Không có ý nghĩ như vậy. Này Bạt-đà-hòa-lợi, các Tỳ-kheo bèn nghĩ rằng, ‘Nhưng Hiền giả này thường hay phạm giới, do bởi thường hay phạm giới nên các vị đồng phạm hạnh khiển trách bằng những điều được thấy, được nghe hay từ người khác mà nghi ngờ. Vị ấy sau khi bị các vị đồng phạm hạnh khiển trách bằng những điều được thấy, được nghe, hay từ người khác mà nghi ngờ, vị ấy không nói lãng sang vấn đề khác, những sự việc ngoài vấn đề không sân hận, thù nghịch, phẫn nộ, bất mãn, không xúc nhiễu chúng Tăng, không khinh mạn chúng Tăng, không nói như vầy, Tôi phải làm gì để chúng Tăng hoan hỷ mà hài lòng.’ Sau khi quánát như vậy, các Tỳ kheo bèn nói rằng, ‘Này chư Tôn, hãy xem xét mà khiến cho diệt sớm.’ Trường hợp phạm các cấm giới nhẹ cũng vậy.

“Này Bạt-đà-hòa-lợi, hoặc giả có Tỳ-kheo có tín, có ái, có tĩnh [54]. ‘Nay Tỳ-kheo này còn có tín, có ái, có tĩnh. Nếu chúng ta khổ trị Tỳ-kheo này, thì Hiền giả này vốn có tín, ái và tĩnh, do đây mà dứt mất vậy. Chúng ta hãy cùng nhau cẩn thận gìn giữ cho Hiền giả này. Rồi các Tỳ-kheo bèn cùng nhau gìn giữ hộ. Này Bạt-đà-hòa-lợi, cũng như một người kia chỉ có một con mắt, các bà con quyến thuộc vì thương tưởng, yêu mến, mong cầu cho được sự thiện lợi và hữu ích, sự an ổn khoái lạc, nên cùng nhau cẩn thận gìn giữ hộ, không để cho người này bị lạnh nóng, đói, khát, đau yếu, ưu sầu, [749a] vừa đau yếu vừa ưu sầu, không để cho phải bụi, không để cho khói, không để cho phải bụi và khói. Vì sao vậy? Vì sợ ấy mất luôn một con mắt nữa. Cho nên thân thuộc cẩn thận gìn giữ hộ. Này Bạt-đà-hòa-lợi, cũng vậy, với Tỳ-kheo chỉ còn một ít tín, một ít ái, một ít tĩnh, các Tỳ-kheo bèn nghĩ rằng, ‘Nay Tỳ-kheo chỉ có một ít tín, một ít ái, một ít tĩnh nếu chúng ta khổ trị Tỳ-kheo này thì Tỳ-kheo này sẽ do đây mà đứt mất một ít tín, một ít ái, một ít tĩnh ấy. Chúng ta hãy cùng nhau giữ gìn hộ, cũng như thân thuộc gìn giữ người một mắt vậy.’”

Lúc bấy giờ Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi rời chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo sang bên, chắp tay hướng về Đức Phật, bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, do nhân gì, duyên gì, ngày xưa ít có thiết lập học giới nhưng được nhiều Tỳ-kheo vâng lĩnh phụng trì? Và do nhân gì, duyên gì, bạch Thế Tôn, ngày nay thiết lập nhiều học giới, nhưng ít có Tỳ-kheo vâng lãnh phụng trì?”

Đức Thế Tôn đáp rằng:

“Này Bạt-đà-hòa-lợi, khi chúng Tỳ-kheo không được thịnh lợi, trong chúng không có pháp hỉ hảo [55]; nhưng khi chúng Tỳ-kheo được thịnh lợi, trong chúng phát sanh pháp hỉ hảo. Khi pháp hỉ hảo đã phát sanh, Thế Tôn muốn đoạn trừ pháp hỉ hảo đó, bèn thiết lập học giới cho đệ tử.

“Cũng vậy, khi chúng Tỳ-kheo được tán thán, được lớn mạnh, có những bậc Thượng tôn được hàng vương giả biết đến và có phước đức lớn, học vấn nhiều [56].

“Này Bạt-đà-hòa-lợi, khi chúng Tỳ-kheo không có những người đa văn, trong chúng không phát sanh pháp hỉ hảo. Nhưng khi chúng Tỳ-kheo có những người đa văn, trong chúng phát sanh pháp hỉ hảo. Vì pháp hỉ hảo đã phát sanh, Thế Tôn muốn đoạn trừ pháp hỉ hảo ấy, cho nên thiết lập học giới cho các đệ tử.

“Này Bạt-đà-hòa-lợi, không phải vì để đoạn trừ hữu lậu trong hiện tại mà Ta thiết lập học giới cho các đệ tử. Nhưng vì để đoạn trừ hữu lậu trong đời sau mà Ta thiết lập học giới cho các đệ tử. Bạt-đà-hòa-lợi, vì vậy, vì để đoạn trừ hữu lậu nên Ta thiết lập học giới đệ tử, khi đến vâng lãnh lời dạy của Ta.

“Bạt-đà-hòa-lợi, trước kia Ta đã từng nói pháp thí dụ về ngựa thuần giống [57] cho các Tỳ-kheo, ở trong đó, do nhân gì, duyên gì ngươi có nhớ không?”

Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, trong ấy có nguyên nhân. Vì sao vậy? Thế Tôn thiết lập giới nhất tọa thực cho chúng Tỳ-kheo. Chúng Tỳ-kheo thảy đều vâng lãnh học giới và các pháp vi diệu trong cảnh giới của Thế Tôn. Chỉ riêng con tuyên bố là không kham nổi, rời chỗ ngồi đứng dậy bỏ đi. Vì không theo giới cụ túc và các pháp vi diệu trong cảnh giới của Thế Tôn. Bạch Thế Tôn, đó gọi là trong ấy có [749b] nguyên nhân.”

Đức Thế Tôn lại nói với Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi, rằng:

“Trong đó không phải chỉ có nguyên nhân như vậy. Này Bạt-đà-hòa-lợi, khi Ta nói thí dụ về loài ngựa thanh tịnh cho các Tỳ-kheo, thì ngươi hẳn là không nhất tâm, không khéo cung kính, không tư niệm mà nghe. Này Bạt-đà-hòa-lợi, đó gọi là trong ấy lại còn có nguyên nhân khác nữa vậy.”

Lúc bầy giờ Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi liền rời chỗ ngồi đứng dậy trịch vai áo đang mặc, chắp tay hướng về Đức Phật bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, nay thật là đúng lúc! Bạch Thiện Thệ, nay thật là đúng lúc! Nếu Thế Tôn nói thí dụ về con ngựa thuần giống cho các Tỳ-kheo. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Thế Tôn nói, sẽ khéo léo ghi nhớ.”

Thế Tôn nói rằng:

“Này Bạt-đà-hòa-lợi, cũng như người biết cách huấn luyện ngựa, được một con ngựa tốt thuần giống. Người giỏi huấn luyện ấy trước hết trị cái miệng của nó. Sau khi trị miệng, tất nhiên nó sẽ không thích với sự chuyển động, muốn hay không muốn. Vì sao vậy? Vì chưa từng được trị. Này Bạt-đà-hòa-lợi, nếu con ngựa tốt thuần giống tuân theo cách trị của người huấn luyện, cách trị thứ nhất được thành tựu. Nhưng người huấn luyện lại phải trị bằng cách dàm mõm, cùm chân; cùm chân, dàm mõm, nhưng khiến nó sãi, đi, cần phải làm cho nó dừng lại, chạy đua, có thể để vua cỡi; đi không gì hơn, trầm tĩnh không gìn hơn; trị các chi thể khác, thảy đều huấn luyện cho thành tựu. Tất nhiên nó không thích với chuyển động, hoặc muốn hay không muốn. Vì sao vậy? Vì bị sửa trị nhiều lần. Này Bạt-đà-hòa-lợi! Nếu con ngựa tốt thuần giống, với người huấn luyện, được sửa trị nhiều lần cho đến thành tựu. Lúc bấy giờ nó là con ngựa thuần thục, khéo thuần thục, được đệ nhất vô thượng thuần thục, vô thượng hành, đệ nhất hành, rồi xung vào cho vua cỡi, ăn thóc của vua, được gọi là ngựa vua.

“Này Bạt-đà-hòa-lợi, cũng vậy, nếu bấy giờ có một người hiền minh, có trí, thành tựu mười pháp vô học, vô học chính kiến cho đến vô học chánh trí, người ấy lúc bấy giờ là một người thuần thục, khéo thuần thục, vô thượng thuần thục, được đệ nhất vô thượng thuần thục, vô thượng tĩnh chỉ, đệ nhất tĩnh chỉ, diệt trừ tất cả tà vạy, diệt trừ tất cả ô uế, diệt trừ tất cả sợ hãi, diệt trừ tất cả si ám, diệt trừ tất cả siểm nịnh, lặng đọng mọi trần lao, thanh tịnh mọi cấu trược, không còn gì để bị dính trước đáng kính, đáng trọng, đáng phụng, đáng thờ, là ruộng phước cho hết thảy chư Thiên và Nhân loại.”

Phật thuyết như vậy, Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi, và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

195. KINH A-THẤP-BỐI

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại nước Ca-thi [58] cùng với đại chúng Tỳ-kheo.

Trong lúc dừng chân tại một nơi [59], Đức Phật nói với các Tỳ-kheo rằng:

“Ta một ngày chỉ ăn một lần [60]. Một ngày chỉ ăn một lần xong, vô vi vô cầu, không bệnh không đau, thân thể nhẹ nhàng, khí lực dồi dào, an ổn khoái lạc. Các ngươi cũng nên một ngày chỉ ăn một lần. Một ngày chỉ ăn một lần xong, vô vi, vô cầu, không bệnh không đau, thân thể nhẹ nhàng, khí lực dồi dào, an ổn khoái lạc.”

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn vì chúng Tỳ-kheo mà thi thiết giới, một ngày chỉ ăn một lần. Các Tỳ-kheo đều phụng trì theo học giới này và các pháp vi diệu trong cảnh giới của Thế Tôn. Rồi Thế Tôn lần hồi đi đến Ca-la-lại [61], trụ trong rừng Thi-nhiếp-hòa ở phía Bắc thôn Ca-la-lại.

Lúc bấy giờ tại Ca-la-lại, có hai vị Tỳ-kheo, một vị tên là A-thấp-bối, một vị tên là Phất-na-bà-tu [62]. Hai vị này là cựu chủ đất, chủ chùa, tông chủ. Hai vị này sáng cũng ăn, chiều cũng ăn, tối cũng ăn, quá ngọ cũng ăn. Vì sáng ăn, chiều ăn, tối ăn, quá ngọ cũng ăn, mà vô vi, vô cầu, không có đau bệnh, thân thể nhẹ nhàng, khí lực dồi dào, an ổn khoái lạc. Một số đông Tỳ-kheo nghe vậy, liền đến chỗ hai vị Tỳ-kheo A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu mà nói hai vị rằng:

“Này A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu, Đức Thế Tôn trú tại nước Ca-thi cùng với đại chúng Tỳ-kheo, trong lúc dừng chân tại một nơi, bảo các Tỳ-kheo rằng, ‘Ta một ngày chỉ ăn một lần. Một ngày chỉ ăn một lần xong, vô vi, vô cầu, không có đau bệnh, thân thể nhẹ nhàng, khí lực dồi dào, an ổn khoái lạc. Các ngươi cũng nên một ngày chỉ ăn một lần. Một ngày chỉ ăn một lần xong, vô vi, vô cầu, không có tật bệnh, thân thể nhẹ nhàng, khí lực dồi dào, an ổn khoái lạc.’ Bấy giờ Đức Thế Tôn thi thiết giới này cho chúng Tỳ-kheo, đó là một ngày chỉ ăn một lần. Các Tỳ-kheo đều phụng trì theo học giới này cùng các pháp vi diệu trong cảnh giới của Thế Tôn. Này A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu, các thầy cũng nên ngày chỉ ăn một lần. Một ngày chỉ ăn một lần xong, vô vi, vô cầu, không có đau bệnh, thân thể nhẹ nhàng, khí lực dồi dào, an ổn khoái lạc. Các thầy chớ trái nghịch với Đức Thế Tôn và chúng Tỳ-kheo.”

A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu nghe vậy liền nói:

“Này chư Hiền, chúng tôi sáng ăn, chiều ăn, tối ăn, quá ngọ ăn. Vì sáng ăn, chiều ăn, tối ăn, quá ngọ ăn, xong rồi, vô vi, vô cầu, không có đau bệnh, thân thể nhẹ nhàng, khí lực [750a] dồi dào, an ổn khoái lạc. Chúng tôi vì duyên do gì mà bỏ hiện tại để phải chờ đợi cái mai sau?” [63]

Hai vị ấy nói như thế ba lần. Chúng Tỳ-kheo không thể làm cho A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu trừ bỏ ác tà kiến, liền rời chỗ ngồi đứng dậy bỏ đi. Họ đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Ngài, rồi ngồi sang một bên thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, ở Ca-la-lại này có hai vị Tỳ-kheo, một vị tên là A-thấp-bối, một vị tên là Phất-na-bà-tu. Hai vị này là cựu chủ đất, chủ chùa, tông chủ. Hai vị này sáng cũng ăn, chiều cũng ăn, tối cũng ăn, quá ngọ cũng ăn. Vì sáng ăn, chiều ăn, tối ăn, quá ngọ cũng ăn, mà vô vi, vô cầu, không có đau bệnh, thân thể nhẹ nhàng, khí lực dồi dào, an ổn khoái lạc. Bạch Thế Tôn, chúng con nghe như vậy liền đến chỗ cho A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu mà nói thế này, ‘Này A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu, Đức Thế Tôn trú tại nước Ca-thi cùng với chúng đại Tỳ-kheo, trong lúc dừng chân tại một nơi, bảo các Tỳ-kheo rằng, ‘Ta một ngày chỉ ăn một lần. Một ngày chỉ ăn một lần xong, vô vi, vô cầu, không có đau bệnh, thân thể nhẹ nhàng, khí lực dồi dào, an ổn khoái lạc. Các ngươi cũng nên một ngày chỉ ăn một lần. Một ngày chỉ ăn một lần xong, vô vi, vô cầu, không có tật bệnh, thân thể nhẹ nhàng, khí lực dồi dào, an ổn khoái lạc.’ Bấy giờ Đức Thế Tôn thi thiết giới này cho chúng Tỳ-kheo, đó là một ngày chỉ ăn một lần. Các Tỳ-kheo đều phụng trì theo học giới này cùng các pháp vi diệu trong cảnh giới của Thế Tôn. Này A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu, các thầy cũng nên ngày chỉ ăn một lần. Một ngày chỉ ăn một lần xong, vô vi, vô cầu, không có đau bệnh, thân thể nhẹ nhàng, khí lực dồi dào, an ổn khoái lạc. Các thầy chớ trái nghịch với Đức Thế Tôn và chúng Tỳ-kheo.’

“A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu nghe vậy liền trả lời chúng con như vầy, ‘Này chư Hiền, chúng tôi sáng ăn, chiều ăn, tối ăn, quá ngọ ăn. Vì sáng ăn, chiều ăn, tối ăn, quá ngọ ăn, xong rồi, vô vi, vô cầu, không có đau bệnh, thân thể nhẹ nhàng, khí lực dồi dào, an ổn khoái lạc. Chúng tôi vì duyên do gì mà bỏ hiện tại để phải chờ đợi về sau?’ Như vậy ba lần.

“Bạch Thế Tôn, như vậy chúng con không thể làm cho A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu trừ bỏ ác tà kiến này, nên chúng con rời chỗ ngồi đứng dậy bỏ đi.”

Đức Thế Tôn nghe xong liền bảo một vị Tỳ-kheo:

“Ngươi đến chỗ A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu mà nói như thế này: ‘Này A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu, Đức Thế Tôn gọi các thầy.’”

Vị Tỳ-kheo nghe rồi liền đáp:

“Kính vâng, bạch Thế Tôn.”

Tỳ kheo [750b] liền rời chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu lễ dưới chân Phật, nhiễu quanh ba vòng, rồi ra đi. Tỳ-kheo ấy đến chỗ hai vị Tỳ-kheo A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu nói rằng:

“Này A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu, Thế Tôn gọi hai thầy đó.”

A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu nghe vậy liền đi đến chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Ngài, rồi ngồi sang một bên.

Đức Thế Tôn hỏi:

“Này A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu, chúng Tỳ-kheo thật có nói với các ngươi như vầy: ‘Này A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu, Đức Thế Tôn trú tại nước Ca-thi cùng với chúng Đại Tỳ-kheo, trong lúc dừng chân tại một nơi, bảo các Tỳ-kheo rằng, ‘Ta một ngày chỉ ăn một lần. Một ngày chỉ ăn một lần xong, vô vi, vô cầu, không có đau bệnh, thân thể nhẹ nhàng, khí lực dồi dào, an ổn khoái lạc. Các ngươi cũng nên một ngày chỉ ăn một lần. Một ngày chỉ ăn một lần xong, vô vi, vô cầu, không có tật bệnh, thân thể nhẹ nhàng, khí lực dồi dào, an ổn khoái lạc.’ Bấy giờ Đức Thế Tôn thi thiết giới này cho chúng Tỳ-kheo, đó là một ngày chỉ ăn một lần. Các Tỳ-kheo đều phụng trì theo học giới này cùng các pháp vi diệu trong cảnh giới của Thế Tôn. Này A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu, các thầy cũng nên ngày chỉ ăn một lần. Một ngày chỉ ăn một lần xong, vô vi, vô cầu, không có đau bệnh, thân thể nhẹ nhàng, khí lực dồi dào, an ổn khoái lạc. Các thầy chớ trái nghịch với Đức Thế Tôn và chúng Tỳ-kheo.’

“Này A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu, các ngươi nghe rồi lại nói với chúng Tỳ-kheo rằng, ‘Này chư Hiền, chúng tôi sáng ăn, chiều ăn, tối ăn, quá ngọ ăn. Vì sáng ăn, chiều ăn, tối ăn, quá ngọ ăn, xong rồi, vô vi, vô cầu, không có đau bệnh, thân thể nhẹ nhàng, khí lực dồi dào, an ổn khoái lạc. Chúng tôi vì duyên do gì mà bỏ hiện tại để phải chờ đợi cái về sau?’ Hai ngươi nói như vậy ba lần. Này A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu, rồi chúng Tỳ-kheo không thể làm cho hai ngươi trừ bỏ ác tà kiến, nên rời chỗ ngồi đứng dậy bỏ đi. Thật có vậy không?”

A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu, thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, thật có như vậy.”

Thế Tôn dạy nói:

“Này A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu, các ngươi có hiểu biết pháp Ta nói như vầy: ‘Nếu ai có cảm thọ về cảm thọ lạc, và khi người ấy cảm thọ về cảm thọ lạc rồi, thì các pháp ác bất thiện tăng trưởng, các pháp thiện lại giảm? Nếu ai cảm thọ về cảm thọ khổ, và khi cảm thọ về cảm thọ khổ rồi, pháp ác bất thiện giảm và các thiện pháp sanh trưởng?”

A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu, thưa rằng:

“Quả vậy, bạch Thế Tôn. Chúng con biết Đức Thế Tôn nói pháp như vậy, ‘Nếu ai có cảm thọ về cảm thọ lạc, và khi đã cảm thọ về cảm thọ lạc rồi, pháp ác bất thiện tăng trưởng và thiện pháp tổn giảm. [750c] Nếu ai cảm thọ về cảm thọ khổ, và khi đã cảm thọ về cảm thọ khổ rồi thì pháp ác bất thiện giảm và pháp thiện tăng trưởng.”

Đức Thế Tôn quở trách A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu rằng:

“Các ngươi là người ngu. Do đâu mà các ngươi biết ta nói pháp như vậy? Các ngươi là người ngu. Từ miệng ai mà các ngươi biết Ta nói pháp như vậy? Các ngươi là người ngu. Ta không nói một chiều, mà các ngươi lại thọ trì một chiều. Các ngươi là người ngu. Khi nào được các Tỳ-kheo hỏi, các ngươi phải đáp đúng như pháp rằng, ‘Chúng tôi chưa biết, sẽ hỏi lại các Tỳ-kheo.’”

Bấy giờ Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Phải chăng các ngươi cũng hiểu biết pháp Ta nói như vậy, ‘Nếu ai cảm thọ về cảm thọ lạc, và khi đã cảm thọ về cảm thọ lạc rồi, pháp bất thiện tăng trưởng và pháp thiện tổn giảm. Nếu ai có cảm thọ khổ, và khi đã cảm thọ về cảm thọ khổ rồi, pháp bất thiện tổn giảm và pháp thiện tăng trưởng?”

Các Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, không phải vậy.”

Đức Thế Tôn lại hỏi:

“Các ngươi biết pháp ta nói như thế nào?”

Chúng Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, chúng con hiểu biết pháp Đức Thế Tôn nói như vầy, ‘Hoặc có cảm thọ về cảm thọ lạc thì ác pháp, bất thiện pháp tăng trưởng, pháp thiện lại giảm. Hoặc có cảm thọ về cảm thọ lạc, mà pháp ác bất thiện lại giảm, pháp thiện lại tăng trưởng. Hoặc có cảm thọ về cảm thọ khổ, nên pháp ác bất thiện lại tăng trưởng, pháp thiện lại tổn giảm. Hoặc có cảm thọ về cảm thọ khổ nên pháp ác bất thiện tổn giảm và pháp thiện tăng trưởng.’ Bạch Thế Tôn, chúng con hiểu biết Đức Thế Tôn nói pháp như vậy.”

Đức Thế Tôn nghe nói thế, tán thán các Tỳ-kheo rằng:

“Lành thay! Lành thay! Nếu các ngươi biết như vầy, ‘Hoặc có cảm thọ về cảm thọ lạc, nên pháp ác bất thiện tăng trưởng, pháp thiện tổn giảm. Hoặc có cảm thọ về cảm thọ lạc, nên pháp ác, bất thiện tổn giảm, thiện pháp tăng trưởng. Hoặc có cảm thọ về cảm thọ khổ, nên pháp ác bất thiện tăng trưởng, thiện pháp bị tổn giảm. Hoặc có cảm thọ về cảm thọ khổ nên pháp ác, bất thiện tổn giảm, pháp thiện tăng trưởng.’ Vì sao? Ta cũng nói như vầy, ‘Hoặc có cảm thọ về cảm thọ lạc, nên pháp ác bất thiện tăng trưởng, pháp thiện tổn giảm. Hoặc có cảm thọ về cảm thọ lạc, nên pháp ác bất thiện tổn giảm, pháp thiện tăng trưởng. Hoặc có cảm thọ về cảm thọ khổ nên pháp ác bất thiện tăng trưởng, pháp thiện tổn giảm. Hoặc có cảm thọ về cảm thọ khổ nên pháp ác, bất thiện tổn giảm, pháp thiện tăng trưởng.’

“Nếu Ta không biết như thật, không thấy, không hiểu rõ, không chứng đắc, không giác ngộ cứu cánh; thì hoặc đối với một người có cảm thọ lạc mà pháp ác bất thiện giảm, pháp thiện tăng trưởng, Ta không nên nói hãy đoạn trừ cảm thọ lạc ấy. Nếu [751a] Ta không biết như thật, không thấy, không hiểu rõ, không chứng đắc, không chứng ngộ cứu cánh; thì hoặc đối với một người có cảm thọ lạc mà pháp ác bất thiện giảm, pháp thiện lại tăng trưởng, Ta không nên nói hãy tu tập cảm thọ lạc.

“Nếu Ta không biết như thật, không thấy, không hiểu rõ, không chứng đắc, không giác ngộ cứu cánh; thì hoặc có cảm thọ khổ mà pháp bất thiện lại tăng, thiện pháp tăng giảm, Ta không nên nói hãy đoạn trừ cảm thọ khổ. Nếu Ta không biết như thật, không thấy, không hiểu rõ, không chứng đắc, không giác ngộ cứu cánh; thì hoặc có cảm thọ khổ mà pháp bất thiện lại giảm, thiện pháp tăng tăng, Ta không nên nói hãy tu cảm thọ khổ.

“Do bởi Ta biết như thật, thấy rõ, hiểu rõ, chứng đắc, giác ngộ cứu cánh; hoặc đối với một người có cảm thọ lạc, mà pháp ác bất thiện lại tăng, pháp thiện lại giảm, cho nên ta nói hãy đoạn trừ cảm thọ lạc. Do bởi Ta biết như thật, thấy rõ, hiểu rõ, chứng đắc, giác ngộ cứu cánh; hoặc đối với một người có cảm thọ lạc mà pháp ác bất thiện lại giảm, pháp thiện lại tăng trưởng, cho nên Ta nói hãy tu cảm thọ lạc.

“Do bởi Ta biết như thật, thấy rõ, hiểu rõ, chứng đắc, giác ngộ cứu cánh; hoặc đối với một người có cảm thọ khổ, mà pháp ác bất thiện lại tăng, pháp thiện lại giảm, cho nên Ta nói đoạn trừ cảm thọ khổ. Do bởi Ta biết như thật, thấy rõ, hiểu rõ, chứng đắc, giác ngộ cứu cánh;  hoặc đối với một người có cảm thọ khổ mà pháp ác bất thiện lại giảm, pháp thiện lại tăng trưởng, cho nên Ta nói hãy tu cảm thọ khổ.

“Vì sao? Ta không nói tu tập tất cả thân lạc, cũng không nói không nên tu tập tất cả thân lạc. Ta không nói tu tập tất cả thân khổ, cũng không nói không nên tu tập tất cả thân khổ. Ta không nói tu tập tất cả tâm lạc, cũng không nói không nên tu tập tất cả về tâm lạc. Ta không nói tu tập tất cả tâm khổ, cũng không nói không nên tu tập tất cả tâm khổ.

“Thế nào là thân lạc mà ta nói là không tu? Nếu tu thân lạc mà pháp ác bất thiện tăng trưởng, pháp thiện lại giảm, thì thân lạc như vậy ta nói không nên tu. Thế nào là thân lạc mà Ta nói hãy tu? Nếu tu thân lạc mà pháp ác bất thiện giảm, thiện pháp tăng trưởng, thân lạc như vậy ta nói hãy tu. Thế nào là thân khổ mà ta nói không tu? Nếu tu thân khổ mà pháp ác bất thiện tăng trưởng, pháp thiện lại giảm, thân khổ như vậy, ta nói không nên tu. Thế nào là thân khổ mà ta nói tu? Nếu tu thân khổ mà pháp ác bất thiện lại giảm, pháp thiện tăng trưởng. Thân khổ như vậy, ta nói hãy tu.

“Thế nào là tâm lạc ta nói không tu? Nếu tu tâm lạc mà các pháp ác bất thiện [751b]tăng trưởng, pháp thiện lại giảm. Tâm lạc như vậy, ta nói không nên tu. Thế nào là tâm lạc ta nói hãy tu? Nếu tu tâm lạc mà pháp ác bất thiện lại giảm, pháp thiện tăng trưởng. Tâm lạc như vậy ta nói hãy tu. Thế nào là tâm khổ mà ta nói không tu? Nếu tu tâm khổ mà các pháp ác bất thiện tăng trưởng, pháp thiện lại giảm. Tâm khổ như vậy ta nói không tu. Thế nào là tâm khổ mà ta nói tu? Nếu tu tâm khổ mà pháp ác bất thiện lại giảm, pháp thiện tăng trưởng, tâm khổ như vậy, ta nói tu.

“Người kia đối với pháp nên tu mà biết như thật, đối với pháp không nên tu cũng biết như thật; và khi đã biết như thật về pháp nên tu và pháp không nên tu, người ấy liền không tu pháp không nên tu, và tu pháp nên tu. Sau khi đã không tu pháp không nên tu, và tu pháp nên tu rồi, pháp ác bất thiện liền giảm, pháp thiện tăng trưởng.

“Ta không nói tất cả Tỳ-kheo đều thực hành sự không phóng dật, cũng không nói tất cả các Tỳ-kheo đều không thực hành sự không phóng dật.

“Thế nào là Tỳ-kheo không thực hành sự không phóng dật? Nếu có vị Tỳ-kheo nào chứng câu giải thoát [64]. Thế nào là Tỳ-kheo có câu giải thoát? Nếu có Tỳ-kheo đối với tám giải thoát, thân đã chứng [65], thành tựu an trụ, do tuệ kiến [66] mà các lậu đã diệt tận, đã biết rõ. Như vậy là Tỳ-kheo có câu giải thoát. Vị Tỳ-kheo này ta nói thực hành sự không phóng dật. Nếu Hiền giả này vốn có phóng dật thì điều ấy không bao giờ có. Vì vậy, Ta nói vị Tỳ-kheo này không thực hành sự không phóng dật.

“Hoặc có Tỳ-kheo không phải câu giải thoát mà có tuệ giải thoát. Thế nào là Tỳ-kheo có tuệ giải thoát? Tỳ-kheo đối với tám giải thoát mà không tự thân tác chứng, thành tựu an trú, nhưng do tuệ kiến mà các lậu đã diệt tận, đã biết rõ. Như vậy là Tỳ-kheo có tuệ giải thoát. Vị Tỳ-kheo này Ta nói không thành tựu sự không phóng dật. Vì sao? Vì Hiền giả này vốn đã thành tựu sự không phóng dật. Nếu Hiền giả này trước kia có phóng dật thì điều ấy không bao giờ có. Vì vậy Ta nói vị Tỳ-kheo này không thành tựu sự không phóng dật.

“Hai hạng Tỳ-kheo này Ta nói không thành tựu sự không phóng dật. Này các Tỳ-kheo, tại sao Ta nói thành tựu sự không phóng dật? Hoặc Tỳ-kheo không có câu giải thoát, cũng không có tuệ giải thoát mà có thân chứng. Thế nào là Tỳ-kheo có thân chứng? [67] Tỳ-kheo đối với tám giải thoát, đã tự thân tác chứng, thành tựu an trụ, không do tuệ kiến [751c] mà các lậu đã diệt tận, đã biết rõ [68]. Như vậy là Tỳ-kheo có thân chứng. Tỳ-kheo này Ta nói thực hành sự không phóng dật. Ta thấy vị Tỳ-kheo này hành không phóng dật. Vì có quả gì khiến Ta nói Tỳ-kheo ấy hành không phóng dật? Ở đây, vị Tỳ-kheo này tìm cách chế ngự các căn [69], học tập theo thiện tri thức, sống tùy thuận an trú [70], các lậu đã diệt tận, đắc được vô lậu, giải thoát, tuệ giải thoát, ngay trong hiện tại, tự tri, tự giác, tự tác chứng thành tựu và an trú, biết như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa.’ Vì Ta thấy vị Tỳ-kheo này không phóng dật, có được quả như thế, cho nên Ta nói vị Tỳ-kheo này thực hành sự không phóng dật.

“Hoặc có Tỳ-kheo không phải câu giải thoát, không phải tuệ giải thoát, cũng không phải thân chứng, nhưng lại kiến đáo [71]. Thế nào là Tỳ-kheo có kiến đáo? Nếu Tỳ-kheo nào có tín tâm quyết định nơi Phật, Pháp, Tăng, tùy thuộc pháp được nghe, rồi do tuệ mà có tăng thượng quán và tăng thượng nhẫn [72]. Như thế, vị Tỳ-kheo này có kiến đáo. Vị Tỳ-kheo này Ta nói không phóng dật. Vì có quả gì khiến Ta nói vị Tỳ-kheo này hành không phóng dật? Tỳ-kheo tìm cách chế ngự các căn, học tập các vị thiện tri thức, sống tùy thuận an trú, các lậu đã tận diệt, được vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ngay trong hiện tại, tự tri tự giác, tự chứng, thành tựu và an trụ, biết một cách như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa.’ Vì Ta thấy vị Tỳ-kheo này hành không phóng dật có quả như vậy. Cho nên Ta nói vị Tỳ-kheo này hành không phóng dật.

“Hoặc Tỳ-kheo không phải câu giải thoát, không phải tuệ giải thoát, cũng không phải thân chứng, cũng không phải kiến đáo, nhưng lại có tín giải thoát. Thế nào là Tỳ-kheo có tín giải thoát? [73] Tỳ-kheo có tín tâm quyết định nơi Phật, Pháp, Tăng, tùy theo pháp được nghe, rồi do tuệ mà có quán và nhẫn nhận, không bằng kiến đáo [74]. Như vậy là vị Tỳ-kheo này có tín giải thoát. Vị Tỳ-kheo này Ta nói hành không phóng dật. Ta thấy vị Tỳ-kheo này hành không phóng dật, vì có quả gì, khiến Ta nói vị Tỳ-kheo này hành không phóng dật? Tỳ-kheo tìm cách chế ngự được các căn, học tập theo các vị thiện tri thức, sống tùy thuận an trú, các lậu đã diệt tận, được vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ngay trong hiện tại, tự tri, tự giác, tự tác chứng thành tựu và an trụ, biết một cách như thật rằng [752a] ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa.’ Vì Ta thấy vị Tỳ-kheo này hành không phóng dật, vì có quả như vậy, cho nên Ta nói vị Tỳ-kheo này hành không phóng dật.

“Hoặc Tỳ-kheo không có câu giải thoát, không có tuệ giải thoát, không có thân chứng, không có kiến đáo cũng không có tín giải thoát, nhưng có tùy pháp hành [75]. Thế nào là Tỳ-kheo có pháp tùy hành? Tỳ-kheo có tín tâm quyết định nơi Phật, Pháp, Tăng, tùy theo pháp được nghe, rồi do tuệ mà có tăng thượng quán, tăng thượng nhẫn [76]. Như vậy, Tỳ-kheo này có pháp hành. Vị Tỳ-kheo này Ta nói hành không phóng dật. Ta thấy vị Tỳ-kheo này hành không phóng dật, vì có quả gì khiến Ta nói vị Tỳ-kheo này hành không phóng dật? Nếu có Tỳ-kheo nào tìm cách chế ngự các căn, học tập theo thiện tri thức, sống tùy thuận an trú, đối với trong hai quả chắc chắn sẽ đạt được một. Hoặc ngay trong hiện tại được cứu cánh trí, nếu còn hữu dư được A-na-hàm. Vì Ta thấy vị này hành không phóng dật, có quả như vậy. Cho nên Ta nói vị Tỳ-kheo này hành không phóng dật.

“Hoặc Tỳ-kheo không có câu giải thoát, không có tuệ giải thoát, không có thân chứng, không có kiến đáo, không có tín giải thoát, không có pháp hành, nhưng lại có tùy tín hành. Thế nào là Tỳ-kheo có tùy tín hành? [77] Tỳ-kheo có tín tâm quyết định nơi Phật, Pháp, Tăng, tùy theo pháp được nghe, rồi do tuệ mà quán và nhẫn, không như pháp hành. Như vậy, Tỳ-kheo này có tùy tín hành. Vị Tỳ-kheo này Ta nói hành không phóng dật. Ta thấy vị Tỳ-kheo này hành không phóng dật, vì quả gì khiến Ta nói vị Tỳ-kheo này hành không phóng dật? Nếu có vị Tỳ-kheo nào tìm cách chế ngự các căn, học tập theo thiện tri thức, sống tùy thuận an trú, đối với trong hai quả chắc chắn sẽ đạt được một, hoặc ngay trong hiện tại được cứu cánh trí, nếu còn hữu dư, đắc A-na-hàm. Vì Ta thấy vị Tỳ-kheo này hành không phóng dật. Các vị Tỳ-kheo này Ta nói hành không phóng dật.

“Ta không nói tất cả Tỳ-kheo được cứu cánh trí, cũng không nói tất cả các Tỳ-kheo ngay từ đầu được cứu cánh trí, song tuần tự học tập và thực hành, nhận lãnh giáo huấn, chịu khiển trách, sau đó các Tỳ-kheo mới được cứu cánh trí, cứu cánh trí mà các Tỳ-kheo chứng đắc này. [78]

“Thế nào là [752b] tuần tự học tập và thực hành, nhận lãnh giáo huấn và khiển trách, sau đó các Tỳ-kheo mới được cứu cánh trí, cứu cánh trí mà các Tỳ-kheo chứng đắc này? Hoặc có tín giả liền tìm đến. [79] Tìm đến rồi liền phụng sự; phụng sự rồi liền nhất tâm nghe pháp; nhất tâm nghe pháp rồi liền thọ trì pháp; thọ trì pháp rồi liền tư duy về pháp; tư duy về pháp rồi liền chấp nhận [80]; chấp nhận rồi liền quán sát về pháp. Đệ tử Hiền Thánh quán sát về pháp rồi thì tự thân tác chứng chân đế, và do tuệ có tăng thượng quán [81]. Vị ấy liền nghĩ, ‘Chân đế này, tự thân ta chưa từng tác chứng cũng không phải được tăng thượng quán bằng tuệ. Ta hãy tự thân tác chứng chân đế này, và do tuệ mà tăng thượng quán. Như vậy tuần tự học tập và thực hành, nhận lãnh giáo huấn và khiển trách, rồi sau các Tỳ-kheo mới đắc cứu cánh trí, cứu cánh trí mà các Tỳ-kheo chứng đắc này.”

Bấy giờ Đức Thế Tôn nói rằng:

“Này A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu, có pháp được gọi là tứ cú [82], Ta nói cho các ngươi nghe, các ngươi có muốn biết không?”

A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu thưa:

“Bạch Thế Tôn! Chúng con là hạng người nào và do đâu hiểu được pháp?”

Bấy giờ Đức Thế Tôn bèn nghĩ rằng:

“Hạng người ngu si này vượt quá sự chỉ dạy của Ta. Đối với pháp luật chân chính này, còn cách biệt quá lâu dài. Đối với bậc thầy pháp luật tham đắm vật dục, [83] không xả ly v vật dục mà đệ tử của vị ấy còn không nên dục tốc, phóng dật. Huống chi Ta lại là người không tham đắm vật dục, viễn ly vật dục, do đó tín đệ tử của Ta nên nói, ‘Đức Thế Tôn là Thầy của ta. Ta là đệ tử của Đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn nói pháp cho ta nghe. Đức Thiện Thệ nói pháp cho ta nghe. Mong cho ta được thiện lợi, hữu ích, được an ổn khoái lạc lâu dài. Tín đệ tử kia đối với cảnh giới của Thế Tôn có nhiều điều phải làm, đối với cảnh giới của Thế Tôn được nhiều lợi ích. Đối với cảnh giới của Thế Tôn có nhiều điều phải hành, thể nhập trong cảnh giới của Thế Tôn, an chỉ trong cảnh giới của Thế Tôn. Nếu trú ở phương Đông, chắc chắn sẽ được an lạc, không có chỗ khổ hoạn. Nếu trụ ở phương Nam, phương Tây và phương Bắc, chắc chắn sẽ được an lạc, không có các khổ hoạn.’ Nếu tín đệ tử nào đối với cảnh giới của Thế Tôn mà có nhiều điều phải làm, đối với cảnh giới của Thế Tôn, được nhiều điều lợi ích, đối với cảnh giới của Thế Tôn có nhiều điều phải hành, thể nhập cảnh giới của Thế Tôn, an chỉ cảnh giới của Thế Tôn. Tín đệ tử ấy đối với pháp thiện đã trụ Ta không còn nói, huống chi nói đến pháp suy thoái, nhưng ngày đêm vẫn tăng trưởng pháp thiện, chớ không suy thoái. Nếu tín đệ tử nào đối với cảnh giới của Đức Thế Tôn có nhiều điều phải làm, đối với cảnh giới của Thế Tôn được nhiều lợi ích, đối với cảnh giới của Thế Tôn có nhiều điều phải hành, thể nhập vào cảnh giới của Thế Tôn, [752c] an chỉ trong cảnh giới của Thế Tôn, trong hai quả, chắc chắn sẽ đạt được một, hoặc hiện tại được cứu cánh trí, nếu hữu dư, chứng được A-na-hàm.”

Phật thuyết như vậy, các Tỳ-kheo nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành. [84]

196. KINH CHÂU-NA

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại nước Bạt-kì, thôn Xá-di [85].

Bấy giờ sa-di Châu-na [86], kiết hạ ở Ba-hòa [87]. Tại xứ Ba-hòa có một Ni-kiền tên là Thân Tử [88]. Nơi đây, vị ấy qua đời. Sau khi qua đời không bao lâu, các đệ tử Ni-kiền Thân Tử chia rẽ và phá hoại nhau, nói những lời chia rẽ và phá hoại nhau. Họ tranh đấu, kiện tụng, cột trói nhau, thù nghịch nhau, tranh luận với nhau rằng, “Ta biết pháp này, ngươi không biết. Ngươi biết pháp sao bằng chỗ ta biết? Ta nói tề chỉnh, còn ngươi không tề chỉnh. Ta nói phù hợp, còn ngươi không phù hợp. Điều đáng nói trước, ngươi nói sau; điều đáng nói sau ngươi lại nói trước. Ta hơn, còn ngươi không bằng. Ta hỏi việc ngươi, ngươi không thể trả lời được. Ta đã chế phục ngươi, ngươi còn hỏi nữa. Nếu ngươi động thủ, ta sẽ cột trói ngươi lại.” Họ kiêu mạn và thách đố lẫn nhau. Ai cũng chỉ mong mình nói hơn, mà không có người nào để khiển trách. Những người bạch y tại gia, đệ tử của Ni-kiền Thân Tử, thấy vậy, thảy đều chán nản và lãng xa các đệ tử của Ni-kiền Thân Tử này. Vì sao vậy? Bởi vì những điều họ nói ấy đều là ác pháp luật, không phải là pháp xuất yếu, không dẫn đến Chánh giác, cũng không phải là lời dạy của Đấng Thiện Thệ. Nó là sự băng hoại, không thể đứng vững, không nơi nương tựa và cậy nhờ. Bởi vì bậc Thầy mà họ tôn sùng không phải là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác.

Lúc bấy giờ Sa-di Châu-na đã qua ba tháng an cư mùa mưa, sửa vá lại y áo, rồi mang y cất bát đến thôn Xá-di, rồi qua phía bắc thôn Xá-di, đến rừng Thi-nhiếp-hòa. Sa-di Châu-na đến chỗ Tôn giả A-nan. Sau khi đến nơi, [753a] đảnh lễ sát chân Tôn giả A-nan, rồi ngồi qua một bên.

Tôn giả A-nan hỏi [89]:

“Hiền giả Châu-na, từ đâu đến đây? An cư mùa mưa ở đâu?”

Sa-di Châu-na đáp:

“Bạch Tôn giả A-nan, con từ Ba-hòa đến, và an cư mùa mưa ở Ba- hòa. Bạch Tôn giả A-nan, tại xứ Ba-hòa có một Ni-kiền tên là Thân Tử [90]. Nơi đây, vị ấy qua đời. Sau khi qua đời không bao lâu, các đệ tử Ni-kiền Thân Tử chia rẽ và phá hoại nhau, nói những lời chia rẽ và phá hoại nhau. Họ tranh đấu, kiện tụng, cột trói nhau, thù nghịch nhau, tranh luận với nhau rằng, ‘Ta biết pháp này, ngươi không biết. Ngươi biết pháp sao bằng chỗ ta biết? Ta nói tề chỉnh, còn ngươi không tề chỉnh. Ta nói phù hợp, còn ngươi không phù hợp. Điều đáng nói trước, ngươi nói sau; điều đáng nói sau ngươi lại nói trước. Ta hơn, còn ngươi không bằng. Ta hỏi việc ngươi, ngươi không thể trả lời được. Ta đã chế phục ngươi, ngươi còn hỏi nữa. Nếu ngươi động thủ, ta sẽ cột trói ngươi lại.’ Họ kiêu mạn và thách đố lẫn nhau. Ai cũng chỉ mong mình nói hơn, mà không có người nào để khiển trách. Nếu có những người bạch y tại gia, đệ tử của Ni-kiền Thân Tử, thấy vậy, họ đều chán nản và lãng xa các đệ tử của Ni-kiền Thân Tử này. Vì sao vậy? Bởi vì những điều họ nói ấy đều là ác pháp luật, không phải là pháp xuất yếu, không dẫn đến chánh giác, cũng không phải là lời dạy của đấng Thiện Thệ. Nó là sự băng hoại, không thể đứng vững, không nơi nương tựa và cậy nhờ. Bởi vì bậc thầy mà họ tôn sùng không phải là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác.”

Tôn giả A-nan nghe xong, nói rằng:

“Hiền giả Châu-na, nhân dịp này, chúng ta có thể đến yết kiến Đức Phật, đem sự việc này trình bày lên Thế Tôn. Này Hiền giả Châu-na, bây giờ chúng ta cùng đi đến Đức Phật, đem tất cả sự việc này trình lên cho Đức Thế Tôn. Thảng hoặc, chúng ta có thể nhân đó mà được nghe pháp khác nữa từ Đức Thế Tôn.”

Rồi Tôn giả A-nan và Sa-di Châu-na cùng nhau đến chỗ Đức Phật, chắp tay cúi đầu đảnh lễ sát chân Ngài, Tôn giả A-nan đứng qua một bên và Sa-di Châu-na ngồi xuống một bên. Tôn giả A-nan bạch với Đức Thế Tôn:

“Bạch Thế Tôn, hôm nay Sa-di Châu-na đi đến chỗ con, cúi đầu đảnh lễ sát chân rồi ngồi qua một bên. Con hỏi: ‘Hiền giả Châu-na, từ nơi nào đến đây và an cư mùa mưa ở đâu?’ Sa-di Châu-na liền trả lời với con rằng: ‘Thưa Tôn giả A-nan, con từ Ba-hòa đến, an cư mùa mưa ở Ba-hòa. Bạch Tôn giả A-nan, tại Ba-hòa có một Ni-kiền tên là Thân Tử. Nơi đây, vị ấy qua đời. Sau khi qua đời không bao lâu, các đệ tử Ni-kiền Thân Tử chia rẽ và phá hoại nhau, nói những lời chia rẽ và phá hoại nhau. Họ tranh đấu, kiện tụng, cột trói nhau, thù nghịch nhau, [753b] tranh luận với nhau rằng, ‘Ta biết pháp này, ngươi không biết. Ngươi biết pháp sao bằng chỗ ta biết? Ta nói tề chỉnh, còn ngươi không tề chỉnh. Ta nói phù hợp, còn ngươi không phù hợp. Điều đáng nói trước, ngươi nói sau; điều đáng nói sau ngươi lại nói trước. Ta hơn, còn ngươi không bằng. Ta hỏi việc ngươi, ngươi không thể trả lời được. Ta đã chế phục ngươi, ngươi còn hỏi nữa. Nếu ngươi động thủ, ta sẽ cột trói ngươi lại.’ Họ kiêu mạn và thách đố lẫn nhau. Ai cũng chỉ mong mình nói hơn, mà không có người nào để khiển trách. Nếu có những người bạch y tại gia, đệ tử của Ni-kiền Thân Tử, thấy vậy, họ đều chán nản và lãng xa các đệ tử của Ni-kiền Thân Tử này. Vì sao vậy? Bởi vì những điều họ nói ấy đều là ác pháp luật, không phải là pháp xuất yếu, không dẫn đến chánh giác, cũng không phải là lời dạy của đấng Thiện Thệ. Nó là sự băng hoại, không thể đứng vững, không nơi nương tựa và cậy nhờ. Bởi vì bậc thầy mà họ tôn sùng không phải là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác.’

“Bạch Thế Tôn, con nghe rồi kinh sợ hãi hùng, toàn thân lông tóc dựng đứng. Mong sau khi Thế Tôn khuất bóng, đừng có một vị Tỳ-kheo nào ở trong chúng mà gây ra Tránh sự như vậy. Tránh sự ấy, không giúp gì cho ai mà chỉ gây khổ cho mọi người. Nó không phải là sự thiện lợi và hữu ích, không phải là sự an ổn và khoái lạc, cho đến loài trời và loài người cũng phải chịu đau khổ và tai hoạn. Bạch Thế Tôn, khi con thấy một vị Tỳ-kheo ngồi trước Đức Thế Tôn chí tâm kính trọng Đức Thế Tôn, khéo hộ trì Thiện Thệ. Bạch Thế Tôn! Con thấy như vậy rồi liền nghĩ, nếu sau này khi Thế Tôn khuất bóng mà vị Tỳ-kheo ấy trong chúng gây Tránh sự, thì tránh sự ấy không giúp ích gì cho ai mà chỉ gây đau khổ cho mọi người, nó không phải là sự thiện lợi và hữu ích, không phải là sự an ổn và khoái lạc cho đến loài trời, loài người cũng phải chịu đau khổ và tai hoạn.”

Bấy giờ Đức Thế Tôn hỏi:

“Ngươi thấy những điều nào khiến chúng Tăng có Tránh sự, Tránh sự ấy không giúp ích gì cho ai mà chỉ gây khổ cho mọi người. Không phải là sự thiện lợi và hữu ích, không phải là sự an ổn và khoái lạc cho đến loài trời, loài người cũng phải chịu đau khổ và tai hoạn?”

Tôn giả A-nan thưa:

“Bạch Thế Tôn, đó là do tăng thượng giới, tăng thượng tâm, tăng thượng quán [91] mà phát sanh Tránh sự ở trong chúng. Bạch Thế Tôn, Tránh sự ấy, không giúp gì cho ai mà chỉ gây đau khổ cho mọi người. Nó không phải là sự thiện lợi, không phải là sự hữu ích. Không phải là sự an ổn, khoái lạc cho đến loài trời, loài người cũng phải chịu tai hoạn, đau khổ.”

Đức Thế Tôn nói:

“Này A-nan, nếu tránh sự do bởi giới tăng thượng, tâm tăng thượng, quán tăng thượng thì Tránh sự ấy quá nhỏ nhặt. Này A-nan! Nếu có Tránh sự trong chúng Tăng do đạo và đạo tích [92] thì Tránh sự ấy không giúp ích gì cho ai mà [753c] chỉ gây khổ cho mọi người. Nó không phải là sự thiện lợi và hữu ích, không phải là sự an ổn khoái lạc.

“Này A-nan, khi ngươi thấy ở trong đấy có hai Tỳ-kheo vì mỗi người có mỗi ý kiến khác nhau mà gây ra cuộc tránh sự mà nói rằng, ‘Đây là pháp, đây là phi pháp; đây là luật, đây là phi luật; đây là phạm, đây là phi phạm; hoặc nhẹ, hoặc nặng; có thể sám hối, không thể sám hối; có thể thủ hộ, không thể thủ hộ; dư tàn, không dư tàn; khởi, không khởi [93].

“Này A-nan, ý ngươi nghĩ sao, đối với pháp tụ mà Ta tự giác, tự thân chứng ngộ, gồm bốn niệm xứ, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy giác chi, tám chi Thánh đạo?

“Này A-nan, Ni-kiền Thân Tử thật sự không phải là Nhất thiết trí [94] nhưng tự cho là Nhất thiết trí.

“Này A-nan, nếu Ni-kiền Thân Tử là vị biết tất cả, thấy tất cả thì vị ấy đã vì đệ tử mà giảng giải sáu gốc rễ của tránh sự; [95] nghĩa là, có thể nghe để đình chỉ [96].”

Bấy giờ Tôn giả A Nan chắp tay hướng về Đức Phật bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn! Nay thật là đúng lúc. Bạch Thiện Thệ, nay thật hợp thời, nếu Thế Tôn dạy về sáu gốc rễ của Tránh sự cho các Tỳ-kheo. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Thế Tôn dạy sẽ khéo léo thọ trì.”

Đức Thế Tôn bảo:

“Này A-nan, hãy nghe kỹ; hãy suy nghĩ kỹ! Ta sẽ phân biệt đầy đủ.”

Tôn giả A Nan bạch rằng:

“Kính vâng, xin vâng lời lắng nghe.”

Đức Phật dạy:

“Này A-nan, ở đây có người bị kết sử sân và não quấn chặt [97]. Này A-nan, người ấy bị kết sử sân và não quấn chặt cho nên không cung kính Tôn sư, không thấy pháp, không giữ giới. Người ấy đã không cung kính Tôn sư, không thấy pháp, không giữ giới, ở trong chúng nó gây ra Tránh sự như vậy. Tránh sự ấy không giúp gì cho ai mà chỉ gây khổ cho mọi người, không phải sự thiện lợi và hữu ích, không phải là sự an ổn khoái lạc, cho đến trời người phải chịu đau khổ và tai hoạn. Này A-nan! Nếu ngươi thấy Tránh sự như vậy, ở bên trong hay bên ngoài, mà không dứt hết được, vậy, để đoạn trừ Tránh sự ấy, ngươi phải nhanh chóng tìm cầu phương tiện, học tập tinh cần, chánh niệm, chánh trí, kiên nhẫn, đừng để thối thất. Này A-nan, ví như có người bị lửa đốt cháy đầu, đốt cháy áo, thì phải cấp tốc tìm phương tiện để chữa cháy đầu, chữa cháy áo. Cũng vậy, nếu ngươi thấy Tránh sự như vậy, ở bên trong hay bên ngoài, mà không dứt hết được, vậy để đoạn trừ Tránh sự ấy, ngươi phải nhanh chóng tìm cầu phương tiện, học tập tinh cần, chánh niệm chánh trí, kiên nhẫn đừng để thối thất.

“Này A-nan, Tránh sự như vậy, bên trong hay bên ngoài, mà ngươi thấy đã được chấm dứt, ngươi phải thủ hộ cái tâm đó hơn nữa, luôn luôn không buông lung, vì để ngăn chặn Tránh sự ấy vậy. Như vậy, sự tranh chấp này được ngươi đoạn trừ từ gốc rễ. Này A-nan, ví như có người bị lửa đốt cháy đầu, đốt cháy áo, thì phải cấp tốc tìm phương tiện để chữa cháy đầu, chữa cháy áo. Cũng vậy, Tránh sự như vậy, bên trong hay bên ngoài, [754a] mà ngươi thấy đã được chấm dứt, ngươi phải thủ hộ cái tâm đó hơn nữa, luôn luôn không buông lung, vì để ngăn chặn Tránh sự ấy vậy. Như vậy, sự tranh chấp này được ngươi đoạn trừ từ gốc rễ.

“Cũng giống như vậy với các kết sử phú tàng [98], bỏn sẻn, tật đố, dua nịnh, dối trá, vô tàm, vô quý, ác dục, tà kiến, và ác tánh không biết phục thiện [99].

“Này A-nan, nếu một người nào có ác dục, tà kiến, ác tánh không biết phục thiện thì không cung kính Tôn sư, không thấy pháp, không giữ giới. Người ấy đã không cung kính Tôn sư, không thấy pháp, không giữ giới, ở trong chúng nó gây ra Tránh sự như vậy. Tránh sự ấy không giúp gì cho ai mà chỉ gây khổ cho mọi người, không phải sự thiện lợi và hữu ích, không phải là sự an ổn khoái lạc, cho đến trời người phải chịu đau khổ và tai hoạn. Này A-nan! Nếu ngươi thấy Tránh sự như vậy, ở bên trong hay bên ngoài, mà không dứt hết được, vậy, để đoạn trừ Tránh sự ấy, ngươi phải nhanh chóng tìm cầu phương tiện, học tập tinh cần, chánh niệm, chánh trí, kiên nhẫn, đừng để thối thất. Này A-nan, ví như có người bị lửa đốt cháy đầu, đốt cháy áo, thì phải cấp tốc tìm phương tiện để chữa cháy đầu, chữa cháy áo. Cũng vậy, nếu ngươi thấy Tránh sự như vậy, ở bên trong hay bên ngoài, mà không dứt hết được, vậy để đoạn trừ Tránh sự ấy, ngươi phải nhanh chóng tìm cầu phương tiện, học tập tinh cần, chánh niệm chánh trí, kiên nhẫn đừng để thối thất.

“Này A-nan, Tránh sự như vậy, bên trong hay bên ngoài, mà ngươi thấy đã được chấm dứt, ngươi phải thủ hộ cái tâm đó hơn nữa, luôn luôn không buông lung, vì để ngăn chặn Tránh sự ấy vậy. Như vậy, sự tranh chấp này được ngươi đoạn trừ từ gốc rễ. Này A-nan, ví như có người bị lửa đốt cháy đầu, đốt cháy áo, thì phải cấp tốc tìm phương tiện để chữa cháy đầu, chữa cháy áo. Cũng vậy, nếu ngươi thấy Tránh sự như vậy, ở bên trong hay bên ngoài, mà ngươi thấy đã được chấm dứt, ngươi phải thủ hộ cái tâm đó hơn nữa, luôn luôn không buông lung, vì để ngăn chặn Tránh sự ấy vậy. Như vậy, sự tranh chấp này được ngươi đoạn trừ từ gốc rễ.

“Lại nữa, này A-nan, có bảy phương pháp đình chỉ tranh sự [100]. Bảy phương pháp đó là: một là luật đình chỉ tránh sự bằng hiện tiền cần được áp dụng, hai là luật đình chỉ tránh sự bằng ức niệm cần được áp dụng, ba là luật đình chỉ tránh sự bằng bất si cần được áp dụng, bốn là luật đình chỉ tránh sự bằng tự phát lồ cần được áp dụng, năm là luật đình chỉ tránh sự bằng đương nhân cần được áp dụng, sáu là luật đình chỉ tránh sự bằng đa số cần được áp dụng, bảy là luật đình chỉ tránh sự bằng sự rải cỏ kín đất cần được áp dụng [101].

“Này A-nan, thế nào là luật đình chỉ tránh sự bằng hiện tiền cần được áp dụng [102]? Làm thế nào để đoạn trừ Tránh sự này? Tức là điều luật đình chỉ tránh sự bằng sự hiện diện. Này A-nan, hoặc một người đối với một người, mà khuyến giáo, khiển trách, thủ hộ bằng pháp luật như Tôn sư đã chỉ giáo, với sự hiện diện khiến được hoan hỷ. Một người đối với hai người, một người đối với nhiều người, một người đối với chúng Tăng mà khuyến giáo, khiển trách, được thủ hộ bằng pháp luật như Tôn sư đã chỉ giáo, với sự hiện diện khiến được hoan hỷ. Hai người [754b] đối với hai người mà khuyến giáo, khiển trách, thủ hộ bằng pháp luật như Tôn sư đã chỉ giáo, với sự hiện diện khiến được hoan hỷ. Hai người đối với nhiều người, hai người đối với chúng Tăng, hai người đối với một người mà khuyến giáo, khiển trách, thủ hộ bằng pháp luật như Tôn sư đã chỉ giáo, với sự hiện diện khiến được hoan hỷ. Nhiều người đối với nhiều người mà khuyến giáo, khiển trách, thủ hộ bằng pháp luật như Tôn sư đã chỉ giáo, với sự hiện diện khiến được hoan hỷ. Nhiều người đối với chúng Tăng, nhiều người đối với một người, nhiều người đối với hai người mà khuyến giáo, khiển trách, được thủ hộ bằng pháp luật như Tôn sư đã chỉ giáo với sự hiện diện khiến được hoan hỷ. Chúng Tăng đối với một người, chúng Tăng đối với hai người, chúng Tăng đối với nhiều người mà khuyến giáo, khiển trách, được thủ hộ bằng pháp luật như Tôn sư đã chỉ giáo, với sự hiện diện khiến được hoan hỷ. Này A-nan, như vậy gọi là luật chấm dứt tránh sự bằng sự hiện diện.. Tránh sự ấy được đoạn trừ như vậy, tức do luật chấm dứt tránh sự bằng sự hiện diện.

“Này A-nan, thế nào là luật đình chỉ tránh sự bằng ức niệm cần được áp dụng [103]? Làm thế nào để đoạn trừ sự tranh đấu này? Tức là do đình chỉ tránh sự bằng ức niệm. Này A-nan, nếu có một người không nhớ rằng mình đã phạm giới. [104] Các Tỳ-kheo thấy vậy nói rằng, [105] ‘Thầy không nhớ mình đã phạm. Thầy hãy đến trong chúng mà xin luật ức niệm. Tăng chúng sẽ áp dụng Hiền giả luật ức niệm.’ Này A-nan, nếu ở một nơi nào có Tăng chúng hòa hợp mà nhóm họp, vị Tỳ-kheo kia nên đến đó, trịch vai áo, bỏ guốc, vào trong chúng, cúi đầu đảnh lễ dưới chân các bậc Trưởng lão thượng tôn Tỳ-kheo, chắp tay quỳ mọp mà bạch với các trưởng lão thượng tôn rằng, ‘Bạch chư Tôn, mong các ngài nghe cho, con không nhớ đã từng phạm giới, nay con từ nơi chúng Tăng cầu xin luật ức niệm. Mong Tăng chúng hòa hợp áp dụng con luật ức niệm.’ Này A-nan, Tăng chúng hòa hợp lại để áp dụng vị Tỳ-kheo này luật ức niệm, bằng Pháp và Luật như Tôn sư đã chỉ dạy, với sự hiện diện khiến cho được hoan hỷ. Này A-nan, như vậy gọi là luật đình chỉ tránh sự bằng ức niệm cần được áp dụng. Tránh sự ấy phải được đoạn trừ như vậy, tức do luật chấm dứt tránh sự bằng ức niệm.

“Này A-nan, thế nào là luật chấm dứt tránh sự bằng bất si [106]? Làm thế nào để đoạn trừ Tránh sự ấy? Tức là luật đình chỉ tránh sự bằng sự không si cuồng. Này A-nan, nếu có một người do phát cuồng mà tâm điên đảo, nên làm nhiều điều không thanh tịnh, không phải là pháp của Sa-môn, không tùy thuận theo pháp hành mà nói vi phạm. Người ấy sau khi trở lại tâm trạng như trước, bị buộc tội. [107] Các Tỳ kheo thấy vậy bảo rằng: ‘Thầy đã phát cuồng và tâm điên đảo, do phát cuồng và tâm điên đảo, nên làm nhiều điều không thanh tịnh, không phải là pháp của Sa-môn, không tùy thuận theo pháp hành nên bị buộc tội vi phạm. Này Hiền giả, nếu Hiền giả sau khi trở lại tâm trạng như trước, [754c] Hiền giả có thể đến nơi chúng Tăng mà cầu xin luật bất si. Chúng Tăng sẽ áp dụng Hiền giả luật bất si.’ Này A Nan, nếu một nơi nào đó Tăng chúng đang hòa hợp và nhóm hội, vị Tỳ-kheo ấy nên đến đó, trịch vai áo, bỏ guốc, vào trong Tăng chúng, cúi đầu lễ sát dưới chân các bậc Trưởng lão thượng tôn Tỳ-kheo chắp tay quì mọp, mà bạch với các Trưởng lão thượng tôn Tỳ-kheo rằng, ‘Bạch chư Tôn, xin nghe cho, con đã từng phát cuồng và tâm điên đảo. Do con đã phát cuồng và tâm điên đảo nên làm nhiều điều không thanh tịnh, không phải là pháp của Sa-môn, không tùy thuận theo pháp hành nên bị buộc tội vi phạm. Về sau con trở lại tâm trạng như trước. Nay con từ nơi chúng Tăng xin cầu luật bất si. Mong chúng Tăng hòa hợp áp dụng con luật bất si.’ Này A-nan, chúng Tăng cùng hòa hợp và nhóm hội, áp dụng vị Tỳ-kheo ấy luật bất si, bằng Pháp và Luật như Tôn sư đã chỉ giáo, với sự hiện diện, khiến được hoan hỷ. Này A-nan, đó gọi là luật đình chỉ tránh sự bằng bất si. Tránh sự ấy được đoạn trừ như vậy, tức do luật chấm dứt tránh sự bằng sự không si cuồng.

“Này A-nan, thế nào là luật đình chỉ tránh sự bằng tự phát lồ [108]? Tránh sự làm thế nào để chấm dứt? Tức do luật chấm dứt tránh sự bằng sự tự thú nhận. Này A-nan, nếu có một người phạm giới, hoặc nói ra hay không nói ra, hoặc có nhớ hay không nhớ. Này A-nan, nếu tại nơi nào đó có chúng Tăng đang hòa hợp và nhóm hội. Vị Tỳ-kheo kia nên đến đó, trịch vai áo, bỏ guốc, vào trong chúng, cúi đầu đảnh lễ dưới chân các bậc Trưởng lão thượng tôn Tỳ-kheo, chắp tay quì mọp mà bạch rằng, ‘Bạch chư Tôn, xin nghe cho, con phạm giới đó, con nay hướng về các bậc Trưởng lão thượng tôn Tỳ-kheo, chí tâm phát lồ, tự mình nói và trưng bày rõ, không dám che giấu, từ nay về sau sẽ khéo léo hộ trì không tái phạm.’ Này A-nan, chúng Tỳ-kheo nên hỏi vị ấy rằng, ‘Này Hiền giả, có tự thấy điều mình phạm không?’ Vị Tỳ-kheo ấy đáp, ‘Con thật sự có thấy điều con phạm.’ Đại chúng cũng nên nói với vị ấy rằng, ‘Hiền giả nên cẩn thận giữ gìn đừng tái phạm.’ Này A-nan! Đó là luật đình chỉ tránh sự bằng tự phát lồ. Tránh sự ấy phải được đoạn trừ như vậy. Tức do luật chấm dứt tránh sự bằng sự từ thú nhận.

“Này A-nan, thế nào là luật đình chỉ tránh sự bằng chính đương nhân [109]? Làm sao để đoạn trừ tránh sự ấy? Tức do luật chấm dứt tránh sự bằng chính đương nhân. Này A-nan, nếu có người không biết xấu hổ, không hối hận những tội bị thấy, bị nghe và bị người khác nghi ngờ là ác dục. Người ấy đã phạm giới rồi nói là được biết ở một nơi, được thấy ở một nơi. Sau khi nói được biết ở một nơi này, lại nói được thấy ở một nơi. [110] Sau khi nói mình thấy ở một nơi, lại nói mình biết ở một nơi. Ở trong Tăng chúng mà nói là được biết ở một nơi, ở trong Tăng chúng mà nói là được thấy ở một nơi. Nói được biết [755a] ở một nơi, rồi lại nói được thấy ở một nơi. Nói được thấy ở một nơi rồi lại nói được biết ở một nơi. Này A-nan, vì Tỳ-kheo ấy, Tăng chúng hòa hợp và nhóm họp mà áp dụng luật đa số, nói rằng: ‘Nhà ngươi không đạo lý, nhà ngươi ác bất thiện. Vì sao? Vì ngươi đã phạm giới rồi lại nói được biết ở một nơi, được thấy ở một nơi. Nói được biết ở một nơi, rồi lại nói được thấy ở một nơi. Nói được thấy ở một nơi, rồi lại nói được biết ở một nơi. Ở trong chúng mà nói được biết ở một nơi. Ở trong chúng mà nói được thấy ở một nơi. Nói được biết ở một nơi rồi lại nói được thấy ở một nơi. Nói được thấy ở một nơi rồi lại nói được biết ở một nơi.’ Này A-nan, như vậy gọi là luật đình chỉ tránh sự bằng đa số. Tránh sự ấy phải được đoạn trừ bằng sự như vậy. Tức do luật chấm dứt tránh sự bằng chính đương nhân.

“Này A-nan, thế nào là luật đình chỉ tránh sự bằng đa số [111]? Làm thế nào để đoạn trừ Tránh sự ấy? Tức là do luật chấm dứt tránh sự bằng sự diễn tiến. Này A-nan, ở đây, giữa hai vị Tỳ-kheo vì một số ý kiến mà gây ra tránh sự như vầy, ‘Đây là pháp, đây là phi pháp; đây là luật, đây là phi luật; đây là phạm, đây là phi phạm; đây là nhẹ, đây là nặng; khả thuyết, không khả thuyết [112]; có thể thủ hộ, không thể thủ hộ; dư tàn, không dư tàn; có thể sám hối, không thể sám hối [113]. Này A-nan, Tỳ-kheo kia ngay tại chỗ đang cãi vã ấy mà chấm dứt tránh sự. Nếu ngay tại chỗ cãi vã mà chấm dứt tránh sự, thì tránh sự này được tuyên bố là chấm dứt. Nếu ngay tại chỗ cãi vã mà không chấm dứt, có thể đưa tránh sự ra bạch với chúng Tăng. Nếu ở trong chúng Tăng mà chấm dứt, thì tránh sự ấy được tuyên bố là chấm dứt. Nếu trong chúng Tăng không chấm dứt, thì này A-nan, ở trú xứ gần đó có Tỳ-kheo giỏi kinh, giỏi luật, giỏi luật giải [114], các Tỳ-kheo kia cùng đến vị này thưa việc tránh sự ấy. Nếu ngay trên đường đi mà chấm dứt, thì tránh sự được tuyên bố là chấm dứt. Nếu ngay trên đường đi mà không chấm dứt, lại hãy đem tránh sự ấy nói trước chúng Tăng. [115] Nếu ở trước chúng Tăng mà chấm dứt, tránh sự ấy được tuyên bố là chấm dứt. Nếu ở tại chúng Tăng mà không chấm dứt, thì này A-nan, nếu có nhiều trợ bạn giỏi kinh, giỏi luật, giỏi luận, thì các vị này cần chấm dứt tránh sự ấy bằng Pháp và Luật như Tôn sư đã chỉ giáo, với sự hiện diện khiến được hoan hỷ. Này A-nan, như vậy gọi là luật đình chỉ bằng đa số. Tránh sự ấy phải được đoạn trừ như vậy, tức là do luật chấm dứt tránh sự bằng sự triển chuyển.

“Này A-nan, thế nào gọi là luật đình chỉ tránh sự như rải cỏ kín đất? [116] Làm sao để đoạn trừ tránh sự ấy? Tức là luật chấm dứt tránh sự như quăng bỏ giẻ rách. Này A-nan, nếu các vị Tỳ-kheo ở chung một chỗ tranh chấp, kiện tụng nhau, thù nghịch nhau, oán ghét nhau, này A-nan, do đó các Tỳ-kheo kia chia ra hai nhóm. Sau khi chia ra hai nhóm rồi, trong một nhóm có bậc Trưởng lão thượng tôn Tỳ-kheo, hay dưới Trưởng lão một bậc; hoặc có người làm tông chủ hay nhỏ hơn tông chủ một bậc. Này A-nan, [755b] vị Tỳ-kheo này nói với các vị Tỳ-kheo kia rằng, ‘Này chư Hiền, xin nghe cho, chúng ta không có đạo lý, chúng ta là những kẻ xấu, bất thiện. Vì sao vậy? Vì chúng ta đối với Pháp và Luật được khéo giảng dạy mà chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, để học đạo, nhưng chúng ta tranh chấp kiện tụng nhau, thù nghịch nhau, oán ghét nhau, cãi vã nhau. Này chư Hiền, do sự tranh chấp này mà chúng ta đã phạm giới, ngoại trừ tội thâu-lan-giá [117] và ngoại trừ tội tương ưng tại gia. [118] Tôi vì chính mình và cũng vì chư Hiền nữa, nên hướng đến chư Hiền phát lồ, tự nói mà trình bày rõ ràng, không dám che giấu, lại cẩn thận giữ gìn sau không tái phạm nữa.’ Này A-nan, nếu ở trong nhóm này mà không có vị Tỳ-kheo nào ứng theo, thì này A-nan, Tỳ-kheo ấy nên đi đến nhóm thứ hai. Đến nơi rồi, cúi đầu đảnh lễ các bậc Thượng tôn trưởng lão Tỳ-kheo chắp tay quì mọp mà thưa rằng, ‘Thưa chư Tôn, xin nghe cho, chúng ta không có đạo lý, chúng ta là những kẻ xấu, bất thiện. Vì sao vậy? Vì chúng ta đối với Pháp và Luật được khéo giảng dạy mà chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình để học đạo, nhưng chúng ta tranh chấp, kiện tụng nhau, thù nghịch nhau, oán ghét nhau, cãi vã nhau. Này chư Hiền, do sự tranh đấu này mà chúng ta đã phạm giới, ngoại trừ tội thâu-lan-giá, và ngoại trừ tội tương đương tại gia. Tôi vì chính mình và cũng vì chính chư Hiền nữa, nên hướng đến chư Hiền chí tâm phát lồ, tự nói mà trình bày rõ ràng, không dám che giấu, lại cẩn thận giữ gìn sau không tái phạm nữa.’ Này A-nan, các Tỳ-kheo kia nên nói với vị Tỳ-kheo này như vầy, ‘Này Hiền giả, thầy tự thấy mình phạm giới chăng?’ Vị Tỳ-kheo này đáp, ‘Quả thật tôi tự thấy mình đã phạm giới.’ Tỳ-kheo kia nên nói, ‘Vậy hãy cẩn thận giữ gìn, đừng để tái phạm.’ Nhóm thứ hai cũng làm như vậy. Này A-nan, như vậy gọi là luật đình chỉ tránh sự như rải cỏ kín đất. Này A-nan! Tránh sự ấy phải được đoạn trừ như vậy. Tức do luật chấm dứt tránh sự như quăng bỏ giẻ rách.

“Này A-nan! Nay ta nói cho ngươi sáu pháp ủy lao [119], hãy lắng nghe kỹ, hãy khéo suy nghĩ kỹ.”

Tôn giả A Nan bạch rằng:

“Kính vâng, con xin vâng lời lắng nghe.”

Phật nói:

“Thế nào là sáu? Thân nghiệp từ hòa hướng đến các vị đồng phạm hạnh, pháp ấy gọi là pháp ủy lao. Đó là pháp khả ái, là pháp khả lạc, khiến cho tương thân, khiến cho tương kính, khiến cho tương trợ, khiến cho cung kính, khiến cho tu tập, khiến cho đoàn kết, tác thành Sa-môn, tác thành nhất tâm, được sự tinh cần, chứng đắc Niết-bàn.

“Khẩu nghiệp nói năng từ hòa, ý nghiệp từ hòa, cũng vậy.

“Có lợi lộc nào đúng pháp mà nhận được, cho đến miếng cơm ở chính trong bình bát của mình, với phần lợi như vậy, mang chia xẻ cho các vị đồng phạm hạnh, pháp đó gọi là pháp ủy lao, là pháp khả ái, pháp khả lạc, khiến cho tương thân, khiến cho tương kính, khiến cho tương trợ, khiến cho cung kính, khiến cho tu tập, khiến cho đoàn kết, tác thành Sa-môn, tác thành nhất tâm, được sự tinh cần, chứng đắc Niết-bàn.

“Nếu có giới nào [755c] không bị sứt mẻ, không bị hư thủng, không bị dơ, không bị đen, vững vàng như mặt đất, được Thánh khen ngợi, đầy đủ khéo thọ trì. Với giới phần như vậy, cùng chia xẻ với các vị đồng phạm hạnh, pháp đó là pháp ủy lao, là pháp khả ái, là pháp khả lạc, khiến cho tương thân, khiến cho tương kính, khiến cho tương trợ, khiến cho cung kính, khiến cho tu tập, khiến cho đoàn kết, tác thành Sa-môn, tác thành nhất tâm, được sự tinh cần, chứng đắc Niết-bàn. 

“Nếu có kiến giải của Thánh có sự xuất yếu, được thông suốt bằng tuệ kiến, đưa đến sự chân chánh diệt khổ, với kiến phần như vậy, cùng chia xẻ với các vị đồng phạm hạnh, pháp đó là pháp ủy lao là pháp khả ái, là pháp khả lạc, khiến cho tương thân, khiến cho tương kính, khiến cho tương trợ, khiến cho cung kính, khiến cho tu tập, khiến cho đoàn kết, tác thành Sa-môn, tác thành nhất tâm, được sự tinh cần, chứng đắc Niết-bàn.

“Này A-nan, Ta vừa nói sáu pháp ủy lao, vì vậy mà Ta giảng giải. Này A-nan, nếu các ngươi đối với sáu gốc rễ của tránh sự mà đoạn tuyệt hoàn toàn, và với bảy pháp đình chỉ tránh sự, khi trong Tăng chúng khởi lên tránh sự, thì chấm dứt bằng luật đình chỉ tránh sự như quăng bỏ giẻ rách, rồi lại thực hành sáu pháp ủy lao ấy, thì này A-nan, như vậy sau khi Ta khuất bóng, các con sống cộng đồng hòa hợp hoan hỷ không tranh chấp, cùng đồng nhất trong một tâm, cùng đồng nhất trong một giáo pháp, hòa hợp như nước với sữa, sống an lạc như lúc Ta còn tại thế.”

Phật thuyết như vậy. Tôn giả A-nan và chư Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

197. KINH ƯU-BA-LY

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại Chiêm-ba, trú tại bờ ao Hằng-già [120].

Bấy giờ vào một buổi chiều Tôn giả Ưu-ba-ly [121], từ tĩnh tọa dậy, đi đến chỗ Phật đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi sang một bên, thưa:

“Bạch Thế Tôn, nếu chúng Tỳ-kheo cùng nhau hòa hợp mà tác biệt kiết ma, thuyết biệt kiết ma [122]; đó có phải là kiết ma đúng Pháp, kiết ma đúng Luật chăng?”

Thế Tôn [756a] đáp:

“Không đúng vậy, này Ưu-ba-ly.”

Tôn giả Ưu-ba-ly lại hỏi:

“Bạch Thế Tôn, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hợp, trong trường hợp cần áp dụng luật hiện tiền [123], nhưng lại áp dụng luật ức niệm, cần áp dụng luật ức niệm lại áp dụng luật hiện tiền. Đó có phải là kiết ma đúng Pháp, kiết ma đúng Luật chăng?”

Thế Tôn đáp:

“Không đúng vậy, này Ưu-ba-ly.”

Tôn giả Ưu-ba-ly lại hỏi:

“Bạch Thế Tôn, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hợp, trong trường hợp cần áp dụng luật ức niệm lại áp dụng luật bất si, cần áp dụng luật bất si, lại áp dụng luật ức niệm, đó có phải là kiết ma đúng Pháp, kiết ma đúng Luật chăng?”

Thế Tôn đáp:

“Không đúng vậy, này Ưu-ba-ly.”

Tôn giả Ưu-ba-ly lại hỏi:

“Bạch Thế Tôn, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hợp, trong trường hợp cần áp dụng luật bất si, lại áp dụng luật tự phát lồ, cần áp dụng luật tự phát lồ lại áp dụng luật bất si, đó có phải là kiết ma đúng Pháp, kiết ma đúng Luật chăng?”

Thế Tôn đáp:

“Không đúng vậy, này Ưu-ba-ly.”

Tôn giả Ưu-ba-ly lại hỏi:

“Bạch Thế Tôn, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hợp, trong trường hợp cần áp dụng luật tự phát lồ, lại áp dụng luật đương nhân, cần áp dụng luật đương nhân, lại áp dụng luật tự phát lồ, đó có phải là kiết ma đúng Pháp, kiết ma đúng Luật chăng?”

Thế Tôn đáp:

“Không đúng vậy, này Ưu-ba-ly.”

Tôn giả Ưu-ba-ly lại hỏi:

“Bạch Thế Tôn, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hợp, trong trường hợp cần áp dụng luật đương nhân nhưng lại ha trách [124]; cần ha trách nhưng lại áp dụng luật đương; đó có phải là kiết ma đúng Pháp, kiết-ma đúng Luật chăng?”

Thế Tôn đáp:

“Không đúng vậy, này Ưu-ba-ly.”

Tôn giả Ưu-ba-ly lại hỏi:

“Bạch Thế Tôn, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hợp, trong trường hợp cần khiển trách lại hạ trí [125], cần hạ trí lại khiển trách, đó có phải là kiết ma đúng Pháp, kiết ma đúng Luật chăng?”

Thế Tôn đáp:

“Không đúng vậy, này Ưu-ba-ly.”

Tôn giả Ưu-ba-ly lại hỏi:

“Bạch Thế Tôn, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hợp, trong trường hợp cần hạ trí lại dùng cử tội [126], cần cử tội lại dùng hạ trí, đó có phải là kiết ma đúng Pháp, kiết ma đúng Luật chăng?”

Thế Tôn đáp:

“Không đúng vậy, này Ưu-ba-ly.”

Tôn giả Ưu-ba-ly lại hỏi:

“Bạch Thế Tôn, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hợp, trong trường hợp cần cử tội lại diệt tẫn [127], cần diệt tẫn lại cử tội; đó có phải là kiết ma đúng Pháp, kiết ma đúng Luật chăng?

Thế Tôn đáp:

“Không đúng vậy, này Ưu-ba-ly.”

Tôn giả Ưu-ba-ly lại hỏi:

“Bạch Thế Tôn, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hợp, trong trường hợp cần diệt tẫn lại áp dụng luật ức niệm, cần áp dụng luật ức niệm lại diệt tẫn; đó có phải là kiết ma đúng Pháp, kiết ma đúng Luật chăng?”

Thế Tôn đáp:

“Không đúng vậy, này Ưu-ba-ly.”

Tôn giả Ưu-ba-ly lại hỏi:

“Bạch Thế Tôn, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hợp, trong trường hợp cần áp dụng ức niệm, lại do căn bản trị; [128] cần phải do căn bản trị lại áp dụng ức niệm; đó có phải là kiết ma đúng Pháp, kiết ma đúng Luật chăng?”

Thế Tôn đáp:

“Không đúng vậy, này Ưu-ba-ly.”

Tôn giả Ưu-ba-ly lại hỏi:

“Bạch Thế Tôn, [756b] nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hợp, trong trường hợp cần phải do căn bản trị, lại khu xuất, [129] cần khu xuất lại do căn bản trị. Đó có phải là kiết ma đúng Pháp, kiết ma đúng Luật chăng?”

Thế Tôn đáp:

“Không đúng vậy, này Ưu-ba-ly.”

Tôn giả Ưu-ba-ly lại hỏi:

“Bạch Thế Tôn, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hợp, trường hợp cần khu xuất lại hành bất mạn [130], cần hành bất mạn lại khu xuất; đó có phải là kiết ma đúng Pháp, kiết ma đúng Luật chăng?”

Thế Tôn đáp:

“Không đúng vậy, này Ưu-ba-ly.”

Tôn giả Ưu-ba-ly lại hỏi:

“Bạch Thế Tôn, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hợp, trong trường hợp cần phải hành bất mạn mà lại trị [131], cần đến trị lại hành bất mạn. Đó có phải là kiết ma đúng Pháp, kiết ma đúng Luật chăng?

Thế Tôn đáp:

“Không đúng vậy, này Ưu-ba-ly.

“Này Ưu-ba-ly, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hợp mà tác biệt kiết ma thuyết biệt kiết ma, đó không phải là kiết ma đúng Pháp, kiết ma đúng Luật, chúng Tăng cũng có tội.

“Này Ưu-ba-ly, nếu chúng Tăng cùng hòa hợp, trong trường hợp cần áp dụng luật hiện tiền lại áp dụng luật ức niệm, cần áp dụng luật ức niệm lại áp dụng luật diện tiền, đó không phải là kiết ma đúng Pháp, kiết ma đúng Luật, chúng Tăng cũng có tội.

“Này Ưu-ba-ly, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hợp trong trường hợp cần áp dụng luật ức niệm lại áp dụng luật bất si, cần áp dụng luật bất si, lại áp dụng luật ức niệm. Đó không phải là kiết ma đúng Pháp, kiết ma đúng Luật, chúng Tăng cũng có tội.

“Này Ưu-ba-ly, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hợp, trong trường hợp cần áp dụng luật bất si, lại áp dụng luật tự phát lồ, cần áp dụng luật tự phát lồ lại áp dụng luật bất si. Đó không phải là kiết ma đúng Pháp, kiết ma đúng Luật, chúng Tăng cũng có tội.

“Này Ưu-ba-ly, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hợp, trong trường hợp cần áp dụng luật tự phát lồ lại áp dụng luật quân, cần áp dụng luật quân lại áp dụng luật tự phát lồ. Đó không phải là kiết ma đúng Pháp, kiết ma đúng Luật, chúng Tăng cũng có tội.

“Này Ưu-ba-ly, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hợp, trong trường hợp cần áp dụng luật đương nhân, lại khiển trách, cần khiển trách lại áp dụng luật đương nhân. Đó không phải là kiết ma đúng Pháp, kiết ma đúng Luật, chúng Tăng cũng có tội.

“Này Ưu-ba-ly, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hợp, trong trường hợp cần ha trách lại hạ trí, cần hạ trí lại ha trách. Đó không phải là kiết ma đúng Pháp, kiết ma đúng Luật, chúng Tăng cũng có tội.

“Này Ưu-ba-ly, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hợp, trong trường hợp cần hạ trí, nhưng lại dùng cử tội, cần cử tội lại hạ trí. Đó không phải là kiết ma đúng Pháp, kiết ma đúng Luật, chúng Tăng cũng có tội.

“Này Ưu-ba-ly, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hợp, trong trường hợp cần cử tội lại diệt tẫn, cần diệt tẫn lại cử tội. Đó không phải là kiết ma đúng Pháp, kiết ma đúng Luật, chúng Tăng cũng có tội.

“Này Ưu-ba-ly, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hợp, trong trường hợp cần diệt tẫn, nhưng lại dùng ức niệm, cần áp dụng ức niệm lại diệt tẫn, đó không phải là kiết ma đúng Pháp, [756c] kiết ma đúng Luật, chúng Tăng cũng có tội.

“Này Ưu-ba-ly, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hợp, trong trường hợp cần áp dụng luật ức niệm, nhưng lại do căn bản trị, cần ban do căn bản trị, lại áp dụng luật ức niệm. Đó không phải là kiết ma đúng Pháp, kiết ma đúng Luật, chúng Tăng cũng có tội.

“Này Ưu-ba-ly, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hợp, trong trường hợp cần do căn bản trị, nhưng lại khu xuất, cần khu xuất lại do căn bản trị, đó không phải là kiết ma đúng Pháp, kiết ma đúng Luật, chúng Tăng cũng có tội.

“Này Ưu-ba-ly, ông nên học tùy theo loại kiết ma nào mà thuyết kiết ma đó. Cần áp dụng luật diện tiền liền áp dụng luật diện tiền, cần áp dụng luật ức niệm liền áp dụng luật ức niệm, cần áp dụng luật bất si liền áp dụng luật bất si, cần áp dụng luật tự phát lồ, liền áp dụng luật tự phát lồ, cần áp dụng luật quân liền áp dụng luật quân, cần khiển trách liền khiển trách, cần hạ trí liền hạ trí, cần cử tội liền cử tội, cần diệt tẫn liền diệt tẫn, cần dùng căn bản trị liền dùng căn bản trị, cần khu xuất liền khu xuất, cần hành bất mạn liền hành bất mạn, cần trị liền trị.

“Này Ưu-ba-ly, thầy nên học như vậy.”

Phật thuyết như vậy. Tôn giả Ưu ba ly, và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, [757a]hoan hỷ phụng hành.

198. KINH ĐIỀU NGỰ ĐỊA [132]

 [757a5]Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại thành Vương xá, ở tại Trúc lâm, trong vườn Ca-lan-đà.

Bấy giờ Sa-di A-di-na-hòa-đề [133], cũng ở tại thành Vương xá, tại một am cốc thiền, trong khu rừng vắng. Lúc bấy giờ Vương đồng tử Kì-bà-tiên-na [134], sau giờ trưa, thong dong đi đến Sa-di A-di-na-hòa-đề, cùng chào hỏi xong, ngồi xuống một bên hỏi rằng:

“Hiền giả A-kì-xá-na [135], tôi có điều muốn hỏi, mong Hiền giả nghe cho chăng?”

Sa-di A-di-na-hòa-đề nói:

“Hiền Vương đồng tử, muốn hỏi xin cứ hỏi. Tôi nghe rõ rồi sẽ suy nghĩ.”

Vương đồng tử hỏi:

“Hiền giả A-kì-xá-na, phải chăng thật sự Tỳ-kheo ở trong Pháp Luật này không phóng dật, tu hành tinh cần, sẽ đạt đến nhất tâm [136] chăng?”

Sa-di đáp:

“Hiền Vương đồng tử, thật sự như vậy, Tỳ-kheo ở trong Pháp Luật này, không phóng dật, tu hành tinh cần sẽ đạt được nhất tâm.”

Vương đồng tử lại hỏi:

“Hiền giả A-kì-xá-na, mong Hiền giả theo những điều đã nghe, đã tụng tập, nói lại hết cho tôi rõ, như Tỳ-kheo trong Pháp Luật này không phóng dật, tu hành tinh cần sẽ đạt đến nhất tâm.”

Sa-di đáp:

“Hiền Vương đồng tử, tôi không đủ sức để theo những điều đã nghe, đã tụng tập nói lại hết cho Vương tử, như Tỳ-kheo ở trong Pháp Luật này không phóng dật, tu hành tinh cần, sẽ đạt đến nhất tâm. Hiền Vương tử, nếu tôi theo những điều đã nghe, đã tụng tập nói lại hết cho Vương tử, như Tỳ-kheo ở trong Pháp Luật này không phóng dật, tu hành tinh cần, sẽ đạt đến nhất tâm, hoặc Hiền giả Vương tử không thể hiểu được. Như vậy thì tôi nhọc công vô ích.”

Vương đồng tử nói với Sa di:

“Hiền giả A-kì-xá-na, Hiền giả chưa bị người khác chiết phục, vì ý gì mà đã tự mình rút lui? Hiền giả A-kì-xá-na, mong Hiền giả cứ theo những điều đã nghe, đã tụng tập, có thể nói lại hết cho tôi, như Tỳ-kheo ở trong Pháp Luật này không phóng dật, tu hành tinh cần sẽ đạt đến nhất tâm, nếu tôi hiểu được thì hay lắm, nhưng nếu tôi không hiểu sẽ không hỏi thêm về các pháp nữa.”

Rồi thì Sa-di A-di-na-hòa-đề theo những pháp đã nghe, đã tụng tập, nói lại cho Vương đồng tử Kì-bà-tiên-na, như [757b] Tỳ-kheo ở trong Pháp Luật này, không phóng dật, tu hành tinh cần, sẽ đạt đến nhất tâm. Bấy giờ Vương đồng tử Kì-bà-tiên-na nói:

“Hiền giả A-kì-xá-na, nếu Tỳ-kheo ở trong Pháp Luật này không phóng dật, tu hành tinh cần, sẽ đạt đến nhất tâm; không bao giờ có trường hợp này.”

Nói xong, bèn rời chỗ ngồi đứng dậy, không nói lời từ giã mà bỏ đi. Vương đồng tử Kì-bà-tiên-na đi chưa bao lâu, Sa-di A-di-na-hòa-đề đi đến chỗ Phật, cúi đầu làm lễ và ngồi sang một bên, đem những điều đã thảo luận với Vương đồng tử Kì-bà-tiên-na kể hết lại cho Đức Phật. Đức Thế Tôn nghe xong, nói với Sa-di:

“A-kì-xá-na, thôi đủ rồi. Làm sao có thể biết được, khi Vương đồng tử Kì-bà-tiên-na sống trong dục vọng, bị dục ái nhai nuốt, bị dục vọng đốt cháy. Đối với sự đoạn trừ dục, đoạn trừ ái, đoạn trừ sự đốt cháy của dục, tình trạng mà chỉ có địa vị [137] vô dục mới biết, vô dục mới hay, vô dục mới chứng giác; địa vị ấy mà Vương đồng tử có thể biết được, thấy được, không thể có trường hợp này. Vì sao vậy? Này A-kì-xá-na, vì Vương đồng tử Kì-bà-tiên-na thường sống trong dục vọng vậy.

“A-kì-xá-na, cũng như trong bốn trường hợp điều ngự [138]; điều ngự voi, điều ngự ngựa, điều ngự bò, điều ngự người. Trong đó có hai trường hợp cần điều ngự mà có thể điều ngự, và hai trường hợp cần điều ngự mà không thể điều ngự [139]. A-kì-xá-na, ý ngươi nghĩ sao? Nếu trong hai trường hợp điều ngự không thể điều ngự ấy; ở đây chưa điều phục tình trạng chưa được điều phục, chưa được huấn luyện mà tiếp nhận sự huấn luyện, trường hợp này không thể có [140]. Nếu trong hai trường hợp điều ngự có thể điều ngự này, khéo điều ngự; ở đây điều phục tình trạng chưa điều phục, huấn luyện để tiếp nhận sự huấn luyện, trường hợp này có thể có [141].

“Cũng vậy, ở đây, A-kì-xá-na, thôi đủ rồi! Làm sao có thể biết được, khi Vương đồng tử Kì-bà-tiên-na sống trong dục vọng, bị dục ái nhai nuốt, bị dục vọng đốt cháy. Đối với sự đoạn trừ dục, đoạn trừ ái, đoạn trừ sự đốt cháy của dục, tình trạng mà chỉ có địa vị vô dục mới biết, vô dục mới hay, vô dục mới chứng giác; địa vị ấy mà Vương đồng tử có thể biết được, thấy được, không thể có trường hợp này. Vì sao vậy? Này A-kì-xá-na, vì Vương đồng tử Kì-bà-tiên-na thường sống trong dục vọng vậy.

“A-kì-xá-na, cũng như cách xóm không xa có một hòn núi đá lớn, không sứt, không thủng, không trống, bền chặt, không lung lay, hợp thành khối duy nhất. Giả sử có hai người đang muốn nhìn ngắm, trong đó có một người leo nhanh lên núi, người thứ hai đứng dưới chân núi. Người đứng trên núi đá nhìn thấy bên kia núi đá có khoảng đất bằng phẳng, vườn tược, cây rừng, suối trong, ao hoa, sông dài, nước lớn. Người trên núi sau khi thấy vậy, bèn hỏi người dưới núi rằng, ‘Bạn có thấy bên kia núi [757c] có khoảng đất bằng phẳng, vườn tược, cây rừng, ao hoa, suối trong, sông dài, nước lớn chăng?’ Người dưới núi đáp, ‘Nếu tôi thấy hòn núi này, với bên kia có khoảng đất bằng phẳng, vườn tược, cây rừng, suối trong, ao hoa, sông dài, nước lớn, trường hợp này không thể có.’ Rồi người trên núi leo nhanh xuống, nắm người dưới núi dẫn lên trên hòn núi đá. Đến nơi rồi hỏi, ‘Bạn có thấy bên kia núi có khoảng đất bằng phẳng, vườn tược, cây rừng, suối trong, ao hoa, sông dài, nước lớn chăng?’ Người kia đáp, ‘Bây giờ tôi mới thấy.’ Lại hỏi người kia, ‘Vừa rồi bạn nói rằng không thể có trường hợp này, nay lại nói là thấy có; thế nghĩa là sao?’ Người kia đáp, ‘Vừa rồi tôi bị hòn núi che khuất nên không thấy.’

“Cũng vậy, A-kì-xá-na, thôi đủ rồi! Làm sao có thể biết được, khi Vương đồng tử Kì-bà-tiên-na sống trong dục vọng, bị dục ái nhai nuốt, bị dục vọng đốt cháy. Đối với sự đoạn trừ dục, đoạn trừ ái, đoạn trừ sự đốt cháy của dục, tình trạng mà chỉ có địa vị vô dục mới biết, vô dục mới hay, vô dục mới chứng giác; địa vị ấy mà Vương đồng tử có thể biết được, thấy được, không thể có trường hợp này. Vì sao vậy? Này A-kì-xá-na, vì Vương đồng tử Kì-bà-tiên-na thường sống trong dục vọng vậy.

“Này A-kì-xá-na, thuở xưa, vua Sát-lị Đảnh Sanh có một người thợ săn voi. Vua nói, ‘Này thợ săn voi, hãy bắt voi rừng về đây cho ta. Nếu bắt được rồi hãy báo cho ta hay.’ Bấy giờ thợ săn voi sau khi lãnh mạng của vua, bèn cỡi vương tượng đi đến một khu rừng già. Ở trong khu rừng già này, người thợ săn trông thấy một con voi rừng rất lớn. Sau khi thấy, ông bèn bắt và buộc nó vào cổ con vương tượng. Lúc bấy giờ con vương tượng dẫn voi rừng ra ngoài khoảng đất trống, còn người thợ săn voi thì đi đến vua Sát-lị Đảnh Sanh thưa rằng, ‘Tâu Thiên vương, thần đã bắt được con voi rừng, cột ở khoảng đất trống, xin theo ý Thiên vương!’ Vua Sát-lị Đảnh Sanh nghe tâu, liền bảo rằng, ‘Này nài voi giỏi, bây giờ ngươi hãy huấn luyện nhanh chóng con voi rừng đó khiến nó khuất phục, khiến nó thành con voi được huấn luyện kỹ. Nếu huấn luyện đã hoàn hảo rồi, hãy trở lại báo cho ta biết.’

“Rồi người huấn luyện voi giỏi sau khi vâng mạng vua, vác cây gậy rất lớn trên vai hữu, đi đến chỗ con voi rừng. Người ấy cắm cây gậy xuống đất, cột cổ voi rừng lại, chế ngự tâm ý vui thích núi rừng của nó, trừ khử tâm niệm ham muốn núi rừng, dứt bỏ mệt nhọc núi rừng, khiến cho nó vui thích thôn ấp, tập yêu người đời.

“Người huấn luyện voi giỏi trước hết cho nó ăn uống. Này A-kì-xá-na, khi voi rừng bắt đầu nghe theo thợ huấn luyện voi giỏi mà chịu ăn uống, người huấn luyện voi giỏi bèn nghĩ rằng, ‘Bây giờ con voi rừng này có thể sống được rồi. Vì sao vậy? Vì con voi rừng to lớn này bắt đầu chịu ăn uống.’ Khi voi rừng bắt đầu chịu ăn uống, nghe lời người huấn luyện, người huấn luyện voi [758a] nói với nó bằng những lời dịu dàng khả ái, bảo nó nằm xuống, đứng dậy, đi tới, đi lui, lấy, bỏ, co lại, đuổi ra. Khi người luyện voi nói với voi rừng bằng những lời dịu dàng khả ái, bảo nó nằm xuống, đứng dậy, đi tới, đi lui, lấy, bỏ, co lại, duỗi ra, và voi rừng làm y theo lời dạy của người huấn luyện voi như vậy. Này A-kì-xá-na, khi voi rừng nghe theo lời dạy của người huấn luyện voi, bấy giờ người huấn luyện voi mới buộc hai chân trước, hai chân sau, hai bàn thối, hai sườn hông, đùi, xương sống, đầu, trán, tai, ngà, và buộc cả vòi nó lại, rồi sai người cầm móc câu cỡi lên đầu nó; khiến một số đông người cầm dao, thuẫn, sảo, mâu, kích, búa, việt, đứng phía trước, còn người huấn luyện voi thì tay cầm một cây mâu nhọn đứng ngay trước voi mà nói rằng, ‘Bây giờ ta trị ngươi, khiến ngươi không di động. Ta trị ngươi chớ có di động.’ Khi voi rừng nghe người huấn luyện voi sửa trị không di động, nó không giở chân trước, cũng không động đậy chân sau, hai bàn thối, hai sườn hông, đùi, xương sống, đầu, trán, tai ngà và vòi, tất cả thảy đều không động đậy. Voi rừng nghe theo người huấn luyện voi đứng im bất động như vậy.

“Này A-kì-xá-na, khi voi rừng nghe theo người huấn luyện voi mà không di động, lúc bấy giờ nó nhẫn chịu những dao, sảo, mâu, kích, búa, việt, hô hoán to tiếng, hoặc gào thét, hoặc thổi tù và, đánh trống, động chuông, nó có thể nhẫn chịu tất cả. Khi voi rừng đã có thể kham nhẫn, bấy giờ nó là con voi được điều ngự, khéo điều ngự, thượng điều ngự, tối thượng điều ngự, thượng nhanh nhẹn, tối thượng nhanh nhẹn, có thể vào cho vua cỡi, ăn lẫm của vua, được gọi là vương tượng.

“Cũng vậy, A-kì-xá-na, khi Như Lai xuất hiện thế gian, là Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngư Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Thế Tôn, vị ấy đối với thế gian này, giữa chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, từ người đến trời, mà tự tri, tự giác, tự chứng ngộ, thành tựu an trụ. Vị ấy thuyết pháp phần đầu vi diệu, phần giữa vi diệu, phần cuối cũøng vi diệu, có nghĩa có văn, đầy đủ thanh tịnh, hiển hiện phạm hạnh; pháp được vị ấy nói, khi con nhà cư sĩ nghe được, và sau khi nghe người ấy có tín tâm nơi pháp được Như Lai nói. Người này sau khi có tín tâm, bèn cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, để học đạo. Này A-kì-xá-na, đó là lúc Thánh đệ tử ra nơi khoảng đất trống, cũng như vương tượng được dẫn voi rừng ra. Và cũng như voi rừng còn tham luyến ái dục, ái dục nơi đời sống trong rừng núi. Này A-kì-xá-na, cũng vậy, chư Thiên và Nhân loại tham luyến dục lạc ở nơi ngũ dục, sắc, thanh, hương, vị, xúc, Như Lai bắt đầu điều ngự Tỳ-kheo ấy rằng, ‘Ngươi hãy thủ hộ [758b] thân và mạng thanh tịnh. Hãy thủ hộ miệng, ý và mạng thanh tịnh.

“Khi Thánh đệ tử thủ hộ thân và mạng thanh tịnh, thủ hộ miệng, ý và mạng thanh tịnh. Như Lai lại điều phục Tỳ-kheo ấy rằng, ‘Ngươi hãy quán nội thân như thân, cho đến quán thọ, tâm, pháp như pháp.’ Khi Thánh đệ tử quán nội thân như thân, quán thọ, tâm, pháp như pháp; bốn niệm xứ này ở trong tâm của Hiền Thánh đệ tử, buộc trói tâm của vị ấy lại, chế ngự tâm ý vui say theo thế tục, trừ khử tâm niệm ham muốn thế tục, dứt trừ sự mệt nhọc thế tục, khiến cho vui với Chánh pháp, tu tập Thánh giới.

“Này A-kì-xá-na, cũng như người huấn luyện voi, sau khi vâng mạng vua Sát-lị Đảnh Sanh rồi, vác cây gậy rất lớn rồi trên vai phải đi đến chỗ voi rừng, cắm cây xuống đất, cột cổ voi rừng lại, chế ngự tâm ý vui thích núi rừng, trừ khử tâm niệm ham muốn núi rừng, dứt bỏ sự mệt nhọc núi rừng, khiến vui với thôn ấp, quen yêu thích nhân gian. Cũng vậy, này A-kì-xá-na, bốn niệm xứ này ở trong tâm của Hiền Thánh đệ tử, buộc trói tâm người ấy lại, chế ngự tâm ta vui say thế tục, dứt bỏ sự mệt nhọc thế tục, khiến vui với Chánh pháp, tu tập Thánh giới.

“Khi Thánh đệ tử quán nội thân như thân, cho đến quán, thọ, tâm, pháp như pháp, Như Lai điều phục Tỳ-kheo ấy rằng, ‘Ngươi hãy quán thân nơi nội thân, đừng suy niệm những tư niệm tương ưng với dục, cho đến quán thọ, tâm, pháp như pháp, không suy niệm những tư niệm tương ưng với phi pháp.’ Và đệ tử vâng theo lời dạy của Như Lai vậy. Này A-kì-xá-na, cũng như voi rừng nghe theo người huấn luyện voi, bằng những lời dịu dàng khả ái, bảo nằm xuống, đứng dậy, đi tới, đi lui, lấy, bỏ, co lại, duỗi ra. Voi rừng tuân theo lời dạy của người huấn luyện voi như vậy. Cũng vậy, này A-kì-xá-na, khi Thánh đệ tử quán thân nơi nội thân, không suy niệm tư niệm tương ưng với dục, cho đến quán thọ, tâm, pháp như pháp, không suy niệm tư niệm tương ưng với phi pháp. Thánh đệ tử vâng theo lời dạy của Như Lai như vậy.

“Khi Thánh đệ tử vâng theo lời dạy của Như Lai như vậy, Như Lai lại điều phục Tỳ-kheo ấy rằng, ‘Ngươi hãy ly dục, ly pháp ác bất thiện, cho đến chứng đắc đệ Tứ thiền thành tựu và an trụ. Như vậy Thánh đệ tử vâng theo lời dạy của Như Lai, an trụ không di động.’ Này A-kì-xá-na, cũng như voi rừng vâng theo sự sửa trị của người huấn luyện voi [758c] không di động, không giở hai chân trước, hai chân sau, hai bàn thối, hai sườn hông, đùi xương sống, đầu, tai, ngà và vòi, tất cả đều không di động. Voi rừng nghe theo người huấn luyện voi đứng im không di động như vậy. Cũng vậy, này A-kì-xá-na, khi Thánh đệ tử ly dục, ly pháp ác bất thiện, cho đến chứng đắc đệ Tứ thiền, thành tựu an trụ, như vậy Thánh đệ tử vâng theo lời dạy của Như Lai mà an trụ không di động.

“Khi Thánh đệ tử vâng theo lời dạy của Như Lai mà an trụ không di động, vị ấy lúc bấy giờ có thể kham nhẫn đói, khát, nóng lạnh, muỗi, chí, rận, gió, nắng bức bách, tiếng dữ, gậy đánh cũng đều có thể kham nhẫn. Thân gặp những bệnh tật rất đau đớn, gần như tuyệt mạng, và những điều không khả lạc, tất cả đều có thể kham nhẫn. Này A-kì-xá-na, cũng như voi rừng nghe theo người huấn luyện voi đứng im không di động, nó lúc bấy giờ nhẫn chịu được dao, thuẫn, sảo, mâu, kích, búa, việt, hô hoán to tiếng, hoặc gào thét, thổi tù và, đánh trống, động chuông thảy đều có thể kham nhẫn. Cũng vậy, này A-kì-xá-na, khi Thánh đệ tử vâng theo lời dạy của Như Lai mà an trụ không di động, vị ấy lúc bấy giờ có thể kham nhẫn đói, khát, lạnh, nóng, muỗi, chí, rận, gió, nắng, bức bách, tiếng dữ, gậy đánh, cũng có thể kham nhẫn, thân gặp những bệnh tật rất đau đớn, gần như tuyệt mạng, và những điều không khả lạc, thảy đều có thể kham nhẫn.

“Này A-kì-xá-na, khi Thánh đệ tử vâng theo lời dạy của Như Lai mà có thể kham nhẫn, vị ấy lúc bấy giờ là vị được điều ngự, thiện điều ngự, được thượng điều ngự, tối thượng điều ngự, được thượng tịch tịnh, tối thượng tịch tịnh. Vị ấy trừ bỏ các tà vạy, sợ hãi, ngu si và siểm nịnh, thanh tịnh lắng đọng trần lao, không cấu nhiễm không ô uế, xứng đáng tán thán, đáng thỉnh, đáng kính, đáng trọng, thật sự xứng đáng được cúng dường, là ruộng phước cho tất cả chư Thiên và Nhân loại. Này A-kì-xá-na, cũng như voi rừng đã có thể kham nhẫn. Lúc bấy giờ nó là voi điều ngự, thiện điều ngự, thượng điều ngự, tối thượng điều ngự, thượng nhanh nhẹn, tối thượng nhanh nhẹn, có thể xung vào cho vua cỡi, được ăn lẫm của vua, được gọi là vương tượng. Cũng vậy, này A-kì-xá-na, khi Thánh đệ tử vâng theo Như Lai mà có thể kham nhẫn, vị ấy lúc bấy giờ được gọi là điều ngự, thiện điều ngự, được thượng điều ngự, tối thượng điều ngự, thượng tịch tịnh, tối thượng tịch tịnh, trừ bỏ các tà vạy, sợ hãi, ngu si và siểm nịnh, thanh tịnh lắng đọng các trần lao, không cấu nhiễm, không ô uế, xứng đáng tán thán, đáng thỉnh, đáng kính, đáng trọng, thật sự xứng đáng cúng dường, là ruộng phước cho hết thảy chư Thiên và Nhân loại.

“Này A-kì-xá-na, con voi rừng còn nhỏ, [759a] không được điều ngự, mà chết, thì đó gọi là cái chết không được điều ngự. Con voi rừng trung niên, không được điều ngự mà chết, thì gọi là cái chết không được điều ngự. Này A-kì-xá-na, Thánh đệ tử niên thiếu không được điều ngự mà mạng chung, thì đó gọi là mạng chung không được điều ngự. Thánh đệ tử trung niên không được điều ngự mà mạng chung thì đó gọi là mạng chung không được điều ngự.

“Này A-kì-xá-na, con voi rừng còn nhỏ được thiện điều ngự mà chết thì đó gọi là cái chết thiện điều ngự. Con voi rừng trung niên, được thiện điều ngự mà chết, thì đó gọi là cái chết được thiện điều ngự. Này A-kì-xá-na, Thánh đệ tử niên thiếu được thiện điều ngự mà mạng chung, đó gọi là mạng chung thiện điều ngự. Thánh đệ tử trung niêm được thiện điều ngự mà mạng chung, thì đó gọi là mạng chung thiện điều ngự.”

Phật thuyết như vậy, Sa-di A-di-na-hòa-đề và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành. [142]

199. KINH SI TUỆ ĐỊA

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nay Ta sẽ nói cho các ngươi nghe về pháp ngu si và pháp trí tuệ. Hãy lắng nghe, hãy lắng nghe, hãy suy nghĩ kỹ.

Các Tỳ-kheo vâng lời lắng nghe.

Đức Phật dạy:

Thế nào là pháp ngu si? Người ngu si có ba: Sự tướng, tiêu thức ngu si và ấn tượng ngu si. [143] Tức là người thành tựu sự ngu si thì nói là ngu si.

“Những gì là ba? Người ngu si suy tư bằng tư niệm ác, nói bằng lời nói ác, và làm việc làm ác. Do đó, người ngu si được gọi là ngu si. Nếu người ngu si không suy nghĩ ý nghĩ ác, không nói lời nói ác, và không làm việc ác, như vậy thì làm sao người ngu si được nói là ngu si? Vì người ngu si suy nghĩ ý nghĩ ác, nói lời nói ác và làm việc làm ác, cho nên người ngu si được nói là ngu si.

“Người ngu si kia [759b] ngay trong đời hiện tại, thân tâm phải cảm thọ ba điều sầu khổ. Thế nào là thân tâm người ngu si phải cảm thọ ba điều sầu khổ? Người ngu si có những hành vi nào, hoặc ngồi nơi tụ hội, hoặc nơi đường cái, đường hẻm, hoặc nơi chợ quán, hoặc đầu ngã tư đường, nói những việc thích hợp với người ngu si. Người ngu si mà làm việc sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối cho đến tà kiến, và thành tựu vô lượng pháp ác bất thiện khác, và đã thành tựu vô lượng pháp ác bất thiện khác rồi, khi người khác thấy được bèn nói sự ác của nó. Kẻ ngu si kia nghe vậy, tự nghĩ: ‘Nếu ai thành tựu vô lượng pháp ác bất thiện, khi người ta thấy được bèn nói sự ác của nó. Ta cũng có vô lượng pháp ác bất thiện. Nếu có kẻ khác biết được, cũng nói điều ác của ta.’ Đây là điều sầu khổ thứ nhất mà thân tâm của người ngu si lãnh thọ ngay trong đời hiện tại.

“Lại nữa, người ngu si thấy người của vua bắt trói kẻ có tội, trị bằng các thứ hình phạt đau đớn như: chặt tay, chặt chân, chặt cả tay chân, xẻo tai, xẻo mũi, xẻo cả tai mũi, hoặc cắt từng miếng thịt, nhổ tóc, bứt râu, hoặc nhổ cả râu tóc, hoặc nhốt trong cũi, trùm trong áo rồi đốt, hoặc lấy cát lấp, quấn cỏ rồi châm lửa, hoặc bỏ vào miệng heo sắt, hoặc bỏ vào bụng lừa sắt, hoặc bỏ vào miệng cọp sắt rồi đốt, hoặc bỏ trong chảo đồng, hoặc đặt trong chảo sắt rồi nấu, hoặc chặt ra từng khúc, hoặc lấy mũi nhọn đâm, hoặc dùng móc câu móc, hoặc đặt trên giường sắt, lấy dầu sôi nhểu xuống, hoặc bắt ngồi trên cối sắt rồi dùng chày sắt giã, hoặc cho độc long mổ, hoặc lấy roi đánh, hoặc dùng gậy phang, hoặc lấy hèo đập, hoặc xỏ lưỡi, bêu đầu, hoặc đem chém bêu đầu. Người ngu si kia thấy vậy rồi, tự suy nghĩ: ‘Nếu ai thành tựu vô lượng pháp ác bất thiện mà vua biết được, cũng bắt và khảo như vậy. Ta cũng có vô lượng pháp ác bất thiện, nếu vua biết được, ta cũng bị khảo trị như vậy.’ Đây là điều sầu khổ thứ hai mà thân của kẻ ngu si lãnh thọ ngay trong đời hiện tại.

“Lại nữa, người ngu si kia thân hành ác hành; khẩu, ý hành ác hành; khi nó bệnh tật mà chịu đau đớn, hoặc ngồi nằm trên giường, hoặc ngồi nằm trên ván, hoặc ngồi nằm trên đất, thân tâm cực kỳ đau khổ, nhẫn đến mạng sống gần dứt. Bấy giờ những thân ác hành, khẩu, ý ác hành của nó treo ngược từ trên cao, như lúc xế chiều mặt trời lặn xuống núi cao, dốc ngược trên mặt đất. Cũng vậy, những thân ác hành, [759c] khẩu và ý ác hành của nó bây giờ đang treo ngược từ trên cao. Người kia tự nghĩ: ‘Đó là những thân ác hành, khẩu, ý ác hành của ta đang đổ ngược từ trên cao. Ta xưa kia làm ác nhiều, không tạo phước. Nếu có nơi nào cho những người làm ác, hung bạo, làm việc phi lý, không làm lành, không tạo phước, không tìm nơi quy mạng, nương tựa cho sự sợ hãi, ta đến chỗ ác đó.’ Rồi do đó mà sanh hối hận, mà chết không nhẹ nhàng, mạng chung chẳng an lành. Đây là điều sầu khổ thứ ba mà thân tâm của người ngu si lãnh thọ ngay trong đời hiện tại.

“Lại nữa, người ngu si kia, thân hành ác hành, khẩu hành ác hành, ý hành ác hành. Và sau khi thân hành ác hành, khẩu, ý hành ác hành, do nhân duyên đó, thân hoại mạng chung chắc đến đường ác, sanh vào địa ngục. Đã sanh vào đó, nó lãnh thọ khổ báo, hoàn toàn không khả ái, không khả lạc, không khả ý, khả niệm, cái đó là địa ngục. Vì sao? Vì trong địa ngục kia hoàn toàn không khả ái, không khả lạc, không khả ý khả niệm vậy.”

Bấy giờ có một vị Tỳ-kheo rời chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo bên phải, chắp tay hướng về Phật mà bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, sự khổ trong địa ngục như thế nào?”

Thế Tôn đáp:

“Này Tỳ-kheo, địa ngục không thể nói hết được. Nghĩa là nói về sự khổ trong địa ngục. Này Tỳ-kheo, vì địa ngục chỉ có sự khổ mà thôi.”

Tỳ-kheo lại hỏi:

“Đức Thế Tôn có thể dùng ví dụ để làm rõ nghĩa ấy chăng?”

Đức Thế Tôn đáp:

“Cũng có thể dùng ví dụ để làm rõ nghĩa về sự khổ ấy. Này Tỳ-kheo, ví như người của nhà vua bắt kẻ giặc đem về chỗ vua Sát-lị Đảnh Sanh tâu: ‘Tâu Thiên vương, kẻ giặc này có tội xin Thiên vương trị nó.’ Vua Sát-lị Đảnh Sanh bảo: ‘Các ngươi hãy đem nó đi trị tội. Buổi sáng dùng một trăm cây giáo nhọn mà đâm.’ Người của vua lãnh lệnh bèn đem đi trị tội. Buổi sáng dùng một trăm cây giáo nhọn mà đâm. Nhưng người kia vẫn còn sống. Vua Sát-lị Đảnh Sanh hỏi: ‘Người kia thế nào?’ Người của vua đáp: ‘Tâu Thiên vương, người kia còn sống.’ Vua Sát-lợi Đảnh Sanh lại bảo: ‘Buổi trưa các ngươi cũng dùng một trăm cây giáo nhọn mà đâm.’ Người của vua thừa lệnh, buổi giữa trưa dùng một trăm cây giáo nhọn mà đâm. Người kia vẫn còn sống. Vua Sát-lị Đảnh Sanh lại hỏi: ‘Người kia thế nào?.’ Người của vua đáp: ‘Tâu Thiên vương, kẻ kia còn sống.’ Vua Sát-lị Đảnh Sanh lại bảo: ‘Khi mặt trời về Tây, các ngươi cũng hãy dùng một trăm cây giáo nhọn mà đâm.’ Người của vua thừa lệnh, khi mặt trời về Tây, lại dùng một trăm cây đáo nhọn mà đâm. Kẻ kia [769a] vẫn còn sống, nhưng thân thể đã bị đâm thủng, rách nát hoàn toàn, không còn một chỗ nguyên vẹn, dầu nhỏ như lỗ đồng tiền. Vua Sát-lị Đảnh Sanh lại hỏi: ‘Người kia thế nào?’ Người của vua đáp: ‘Tâu Thiên vương, người kia còn sống, nhưng thân thể bị đâm thủng, rách nát hoàn toàn không còn một chỗ nguyên vẹn, dù nhỏ như lỗ đồng tiền.’

“Này Tỳ-kheo, ý ông nghĩ sao? Nếu người kia một ngày bị ba trăm mũi giáo nhọn đâm, nó nhân đó, thân tâm có chịu ưu phiền, sầu khổ cực kỳ không?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, bị một mũi giáo nhọn đâm còn chịu cực khổ, huống nữa một ngày chịu ba trăm mũi giáo nhọn đâm. Thân tâm người kia há không chịu sự cực kỳ sầu khổ, ưu não?”

Bấy giờ Thế Tôn tay cầm viên đá nhỏ như hạt đậu hỏi Tỳ-kheo:

“Ngươi thấy tay Ta cầm viên đá nhỏ như hạt đậu chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, con thấy.”

Thế Tôn lại hỏi:

“Này Tỳ-kheo, ý ông nghĩ sao? Viên đá Ta cầm nhỏ bằng hạt đậu này sánh với Tuyết sơn vương, cái nào lớn hơn?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, viên đá cầm trong tay nhỏ bằng hạt đậu, đem sánh với Tuyết sơn vương, thì nhỏ thua gấp trăm, gấp ngàn lần, gấp trăm ngàn vạn lần, trọn chẳng sánh kịp, không thể toán, không thể tính, không thể thí dụ, không thể so được. Chỉ nói là Tuyết sơn vương rất lớn, cực lớn.”

Thế Tôn bảo:

“Này Tỳ-kheo, nếu viên đá Ta cầm trong tay nhỏ bằng hạt đậu, đem sánh với Tuyết sơn vương nhỏ thua gấp trăm lần, gấp ngàn lần, gấp trăm ngàn vạn lần, trọn không thể sánh kịp, không thể toán, không thể tính, không thể ví dụ, không thể so được. Chỉ nói là núi Tuyết sơn vương rất lớn. Cũng vậy, Tỳ-kheo, nếu người này một ngày bị ba trăm mũi giáo nhọn đâm, do nhân duyên đó, thân tâm nó chịu ưu não sầu khổ cực trọng, mà đem so với sự khổ trong địa ngục không bằng gấp trăm lần, gấp ngàn lần, gấp trăm ngàn vạn lần, trọn không thể sánh kịp, không thể toán, không thể tính, không thể thí dụ không thể so được, chỉ nói là trong địa ngục cực kỳ khổ sở mà thôi.  

“Tỳ-kheo, thế nào là địa ngục khổ? Chúng sanh sanh trong địa ngục, đã sanh vào đó rồi, ngục tốt nắm lấy, tay cầm búa sắt, trui lửa đỏ rực mà đẻo thân thể, hoặc làm thành tám góc, hoặc làm sáu góc, hoặc làm vuông vức, hoặc làm hình tròn, hoặc cao, hoặc thấp, hoặc tốt, hoặc xấu. Như vậy, kẻ tội nhân bị tra khảo thống khổ bức ngặt, trải qua nhiều năm cho đến trăm nghìn năm cảm thọ vô lượng khổ, cực kỳ thống khổ, nhưng không thể chết được trừ khi tội ác bất thiện đã hết. Như vậy gọi là khổ địa ngục.

“Tỳ-kheo, thế nào là khổ địa ngục? Chúng sanh sanh trong địa ngục, đã sanh vào đó rồi, [760b] ngục tốt nắm lấy, tay cầm búa sắt trui lửa đỏ rực mà đẻo thân thể, hoặc làm thành tám góc, hoặc làm sáu góc, hoặc vuông vức, hoặc hình tròn, hoặc cao, hoặc thấp, hoặc tốt, hoặc xấu. Như thế, tội nhân bị khảo trị thống khổ bức ngặt, trải qua nhiều năm cho đến trăm nghìn năm, cảm thọ vô lượng khổ, cực kỳ thống khổ, nhưng không thể chết được, trừ khi tội ác bất thiện đã dứt. Như vậy gọi là khổ địa ngục. [144]

“Tỳ-kheo, thế nào là khổ địa ngục? Chúng sanh sanh trong địa ngục, khi sanh vào đó rồi, ngục tốt nắm lấy, rồi lấy cọc sắt đốt cháy đỏ rực, cưỡng ép ngồi lên, lấy kềm sắt kẹp mở miệng tội nhân, lấy hòn sắt lửa cháy hừng hực, bỏ vào miệng kẻ tội, làm cháy môi cháy lưỡi, cháy răng, cháy cổ, cháy tim, cháy bao tử, rồi chạy xuống dưới thân mà ra. Như vậy tội nhân bị khảo trị thống khổ bức ngặt trải qua nhiều năm, cho đến trăm ngàn năm, cảm thọ vô lượng khổ, cực kỳ thống khổ nhưng không thể chết được, trừ phi tội ác bất thiện đã dứt. Như vậy gọi là khổ địa ngục.

“Tỳ-kheo, thế nào là khổ địa ngục? Chúng sanh sanh vào địa ngục, khi đã sanh vào đó, ngục tốt nắm lấy, rồi lấy cọc sắt trui cháy đỏ rực, cưỡng ép ngồi lên, bèn lấy kềm sắt, kẹp mở miệng tội nhân, lấy nước đồng sôi rót vào miệng tội nhân làm cháy môi, cháy lưỡi, cháy cổ, cháy răng, cháy tim, cháy bao tử, rồi chảy xuống dưới thân ra ngoài. Như vậy tội nhân bị khảo trị thống khổ bức ngặt trải qua nhiều năm, cho đến trăm ngàn năm, cảm thọ vô lượng khổ, cực kỳ thống khổ, nhưng không thể chết được, trừ phi tội ác bất thiện đã dứt. Như vậy gọi là khổ địa ngục.

“Tỳ-kheo, thế nào là khổ địa ngục? Chúng sanh sanh vào địa ngục, khi đã sanh vào đó, ngục tốt nắm lấy, rồi với đất bằng sắt đốt lửa đỏ rực, khiến nằm ngửa lên, trói năm chi thể lại, lấy đinh sắt đóng xuống hai tay và hai chân, dùng một cái đinh riêng đóng ở bụng tội nhân. Như vậy tội nhân bị khảo trị đau đớn đến cùng cực, trải qua nhiều năm cho đến trăm ngàn năm như vậy, cảm thọ vô lượng khổ, cực kỳ đau khổ, nhưng tội nhân không thể chết được trừ phi tội ác và nghiệp bất thiện của họ chấm dứt. Như vậy gọi là khổ địa ngục.

“Tỳ-kheo, thế nào là khổ địa ngục? Chúng sanh sanh vào địa ngục khi đã sanh vào đó, ngục tốt nắm lấy, với mặt đất bằng sắt, đốt cháy đỏ rực, bắt tội nhân nằm sát đất, kéo lưỡi ra, dùng trăm đinh căng thẳng, không nhăn, không dùn. Cũng như miếng da bò được căng với một trăm cây đinh, nó không nhăn, không chùn. Cũng như vậy, chúng sanh sanh vào địa ngục, khi đã sanh vào đó, [760c] bị ngục tốt nắm lấy, với mặt đất bằng sắt đốt cháy đỏ rực, khiến tội nhân nằm xuống đất, từ miệng kéo lưỡi ra, dùng trăm đinh đóng, căng thẳng không nhăn không dùn. Như vậy, kẻ kia bị khảo trị đau khổ đến cùng cực, trải qua nhiều năm cho đến trăm nghìn năm như vậy, cảm thọ vô lượng khổ, những khổ cực trọng nhưng họ không thể chết được trừ phi tội ác và bất thiện của họ tiêu diệt. Như thế gọi là khổ địa ngục.

“Tỳ-kheo, thế nào gọi là khổ địa ngục? Chúng sanh sanh vào địa ngục, khi đã sanh vào đó, bị ngục tốt nắm lấy, lột da từ đầu đến chân, rồi lột ngược từ chân lên đầu, dùng xe sắt đốt lửa đỏ rực, buộc tội nhân vào, ở trên mặt đất bằng sắt, châm lửa cháy khắp, rồi bắt tội nhân kéo qua kéo lại trên đó. Như vậy kẻ kia bị tra khảo đau đớn đến cùng cực, trải qua nhiều năm cho đến trăm ngàn năm như vậy, cảm thọ vô lượng khổ, những khổ cực trọng, nhưng họ không thể chết được, trừ phi tội ác và bất thiện tiêu hết. Như vậy gọi là khổ địa ngục.

“Tỳ-kheo, thế nào là khổ địa ngục? Chúng sanh sanh vào địa ngục, khi đã sanh vào đó, bị ngục tốt nắm lấy, với lửa đốt cháy hừng hực rải khắp trên đất, lại bảo tội nhân lấy tay bốc lửa vải lên thân mình. Như vậy kẻ kia bị khảo trị đau đớn đến cùng cực, trải qua nhiều năm, cho đến trăm ngàn năm như vậy, cảm thọ vô lượng khổ, những thống khổ cực trọng, nhưng họ không thể chết được, trừ phi tội ác bất thiện tiêu hết. Như vậy gọi là khổ địa ngục.

“Tỳ-kheo, thế nào là khổ địa ngục? Chúng sanh sanh vào địa ngục, khi đã sanh vào đó, bị ngục tốt nắm lấy, bằng cái chảo lớn, đốt lửa cháy đỏ, xách ngược thân tội nhân, chân lên trời đầu xuống đất quăng vào trong chảo. Tội nhân ở trong chảo sôi sùng sục, thân nổi lên chìm xuống, hoặc trôi dạt bốn bên, tự thân chảy ra bọt trở lại nấu lấy thân. Cũng như các thứ đậu lớn, đậu nhỏ, đậu uẩn, đậu đắng, hạt cải, bỏ chung trong chảo đó đổ đầy nước, chụm lửa cháy dữ; các hạt đậu trong chảo hoặc nổi lên chìm xuống, hoặc trôi dạt bốn bên, đậu tự ra bọt rồi lại nấu lấy chúng. Cũng vậy, chúng sanh sanh vào địa ngục, khi đã sanh vào đó, bị ngục tốt nắm lấy, dùng [761a] chảo bằng sắt lớn, đốt lửa cháy đỏ, dựng ngược thân tội nhân, chân quay lên trên, đầu quay xuống đất, ném vào trong chảo có nước đang sôi sùng sục, thân nổi lên chìm xuống, hoặc trôi giạt bốn bên, từ thân sanh ra bọt trở lại nấu lấy thân. Kẻ kia như vậy bị khảo trị thống khổ đau đớn cùng tột, trải qua nhiều năm cho đến ngàn năm, cảm thọ vô lượng khổ, những khổ cực trọng. Nhưng tội nhân không thể chết được trừ phi tội ác bất thiện của họ tiêu trừ hết. Như vậy gọi là khổ địa ngục.

“Tỳ-kheo, thế nào là khổ địa ngục? Trong địa ngục kia có ngục tên là Sáu xúc. [145] Nếu chúng sanh sanh vào trong đó, sau khi đã sanh vào, hoặc sắc được thấy bởi mắt không được ưa, không được thích, không được ưa thích; không làm cho ý thấm nhuần ái, không phải thấm nhuần ái; không làm cho ý thiện lạc, không phải thiện lạc. Hoặc tiếng được nghe bởi tai, hương được ngửi bởi mũi, vị được nếm bởi lưỡi, xúc chạm nơi thân và pháp được biết bởi ý, không được ưa, không được thích, không được ưa thích; không làm cho ý thấm nhuần ái, không phải thấm nhuần ái; không làm cho ý thiện lạc, không phải thiện lạc. Như vậy gọi là khổ địa ngục.

“Này các Tỳ-kheo, Ta đã dùng vô lượng phương tiện nói cho các ngươi về địa ngục, về sự việc ở địa ngục, song sự khổ địa ngục không thể nói hết được. Chỉ nói là địa ngục duy trì chỉ có khổ mà thôi.

“Này các Tỳ-kheo, đến một lúc người ngu si kia ra khỏi địa ngục, sanh làm súc sanh; súc sanh đó cũng rất khổ.

“Tỳ-kheo, thế nào là súc sanh khổ? Hoặc có chúng sanh sanh vào loài súc sanh, tức loài sống trong tăm tối, lớn lên trong tăm tối và chết đi trong tăm tối. Nó là loài gì? Là loài trùng sống trong đất. [146] Người ngu si ấy vì lúc xưa tham đắm thực vị. [147] Nó hành động với thân ác hành, khẩu và ý ác hành. Sau khi hành động với thân ác hành, khẩu và ý ác hành rồi, do nhân duyên đó, đến lúc thân hoại mạng chung, sanh vào loài súc sanh, tức là loài sống trong tối tăm, lớn lên trong tối tăm và chết đi trong tối tăm. Như vậy gọi là khổ súc sanh.

“Tỳ-kheo, thế nào là súc sanh khổ? Hoặc có chúng sanh sanh trong loài súc sanh, tức sống trong thân, lớn lên trong thân và chết trong thân. Nó là loài gì? Là loài vi trùng ghẻ chóc. Người ngu si ấy vì lúc xưa tham đắm thực vị, nó hành động với thân ác hành, khẩu và ý ác hành. Nó sau khi hành động với thân ác hành, khẩu và ý ác hành rồi, do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung sanh vào loài súc sanh, tức nó sống trong thân, lớn lên trong thân, và rồi chết trong thân. Như vậy gọi là khổ súc sanh.

“Tỳ-kheo, thế nào là súc sanh khổ? Hoặc có chúng sanh sanh trong loài súc sanh, sanh ra trong nước, lớn lên trong nước và chết đi trong nước. Nó là loài gì? Đó là loài cá kình, rùa, cá sấu, bà-lưu-ly, đề-tỉ, [761b] đề-tỉ-già-la. [148] Người ngu si ấy vì lúc xưa tham đắm thực vị, nó hành động với thân ác hành, khẩu và ý ác hành. Nó sau khi hành động với thân ác hành, khẩu và ý ác hành rồi, do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung, sanh trong loài súc sanh tức sống trong nước lớn lên trong nước và rồi chết đi trong nước. Như vậy gọi là súc sanh khổ.

“Này các Tỳ-kheo, thế nào là súc sanh khổ? Hoặc có chúng sanh sanh trong súc sanh, loài có răng để cắn, sống ăn cỏ, cây lá. Chúng là loài gì? Đó là voi, lạc đà, bò, nai, lừa, trâu và chó. Người ngu si ấy vì lúc xưa tham đắm thực vị, nó hành động với thân ác hành, khẩu và ý ác hành. Đó sau khi đã hành động với thân ác hành, khẩu và ý ác hành do nhân duyên đó, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào loài súc sanh loài có răng để cắn, sống ăn cỏ cây lá. Như vậy gọi là súc sanh khổ.

“Này các Tỳ-kheo, thế nào là súc sanh khổ? Hoặc có chúng sanh sanh vào trong súc sanh, là loài súc sanh khi nghe mùi đại tiểu tiện của người ta, liền chạy đến chỗ đó, ăn loại đồ ăn đó. Cũng như trai, gái nghe được mùi ẩm thực liền chạy đến và nói rằng: ‘Đây là đồ ăn, đây là đồ ăn.’ Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, hoặc có chúng sanh sanh trong súc sanh, tức là loài súc sanh khi nghe mùi người ta đại tiểu tiện ra, liền chạy đến nơi đó, ăn loại đồ ăn đó. Chúng là những loại gì? Đó là gà, heo, chó, chó sói, quạ, câu-lâu-la, câu-lăng-ca. [149] Người ngu si ấy, vì lúc xưa tham trước thực vị. Nó hành động với thân ác hành, khẩu và ý ác hành, do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung, sanh trong súc sanh, tức là loài ăn phân ô uế. Như vậy gọi là súc sanh khổ.

“Này các Tỳ-kheo, Ta đã dùng vô lượng phương tiện để nói cho các ngươi về súc sanh, nói sự việc của súc sanh. Song nỗi khổ của súc sanh không làm sao nói hết được. Chỉ nói là súc sanh duy chỉ có khổ mà thôi.

“Này các Tỳ-kheo, nếu như người ngu si kia ra khỏi đường súc sanh, trở lại sanh lên làm người; đây là việc cực kỳ khó khăn. Vì sao? Vì kẻ kia khi sanh trong loài súc sanh không làm nhân nghĩa, không theo phép tắc lễ nghi, không làm việc lành. Súc sanh lại ăn nuốt lẫn nhau. Con mạnh ăn con yếu, con lớn nuốt con bé. Này Tỳ-kheo, như cõi đất này tràn đầy những nước. Có một con rùa đui, sống lâu vô lượng trăm ngàn năm. Trên mặt nước kia có miếng ván nhỏ, chỉ có một lỗ duy nhất, bị gió thổi trôi. Này các Tỳ-kheo, các ông nghĩ sao? Con rùa đui kia có thể chui đầu nó vào cái lỗ duy nhất của miếng gỗ nhẹ nhỏ kia chăng?”

Các Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, có thể chui được, nhưng thật lâu, thật lâu và rất khó.

Thế Tôn [761c] bảo các Tỳ kheo:

“Này các Tỳ-kheo, con rùa đui kia hoặc trải qua một trăm năm, rồi nó từ phía Đông đến, ngóc đầu lên một lần. Miếng ván nhỏ kia chỉ có một lỗ lại bị gió thổi từ phương Đông dời qua phương Nam. Có một lúc con rùa đui qua một trăm năm từ phương Nam đến, ngóc đầu lên một lần, thì miếng ván một lỗ kia, lại bị gió thổi từ phương Nam dời đến phương Tây. Hoặc có lúc con rùa đui đợi một trăm năm qua từ phương Tây đến, ngóc đầu lên một lần, thì miếng ván có một lỗ kia, lại bị gió từ phương Tây thổi dời đến phương Bắc. Hoặc lúc con rùa đui kia từ phương Bắc đến, ngóc đầu lên một lần nữa, thì miếng ván có một lỗ kia lại bị gió thổi từ phương Bắc dời tới các phương khác. Này các Tỳ-kheo, ý ông nghĩ sao? Con rùa đui kia có chui vào được lỗ ván ấy chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, con rùa cũng có thể chui vào được lỗ ván ấy. Nhưng thật lâu, thật lâu và khó lắm.”

“Tỳ-kheo, cũng vậy, người ngu si kia, từ súc sanh thoát ra mà trở lại làm người thì cũng khó lắm. Vì sao? Kẻ kia khi sanh ở trong súc sanh, không làm việc nhân nghĩa, không theo phép tắc lễ nghi, không làm việc tốt lành. Loài súc sanh đó lại ăn nuốt lẫn nhau, con mạnh ăn con yếu, con lớn nuốt con nhỏ.

“Này các Tỳ-kheo, nếu người ngu si kia có khi ra khỏi súc sanh, sanh lên làm người, hoặc sanh nhằm nhà thuộc giai cấp hạ tiện, xấu xí, bần cùng, ăn uống thiếu thốn, kiếm thức ăn rất khó. Họ là hạng người nào? Đó là nhà ngục tốt, nhà làm thợ, nhà thủ công, nhà làm đồ gốm, và các gia đình hạ tiện khác, đại loại như vậy. Xấu xí, bần cùng, ăn uống thiếu thốn, kiếm ăn rất khó. Họ sanh nhằm những nhà như vậy. Khi sanh vào đó rồi, hoặc đui, hoặc què, hoặc khuỷu tay ngắn, hoặc gù, hoặc chỉ dùng tay trái, da xấu, mặt dê, xấu xí đoản mạng, bị người khác sai sử. Nó hành động với thân ác hành, khẩu và ý ác hành. Nó sau khi hành động với thân ác hành, khẩu và ý ác hành, do nhân duyên đó, sau khi thân hoại mạng chung trở lại chỗ ác sanh vào địa ngục.

“Cũng như hai người cùng đánh bạc, một trong hai người đó, canh bạc đầu nó mất tôi tớ, và mất cả vợ con. Sau đó lại đến thân mình bị treo ngược trong nhà khói. [150] Người đó tự nghĩ: ‘Ta không ăn không uống, song canh bạc đầu ta mất tôi tớ, mất cả vợ con. Canh bạc cuối, thân ta bị treo ngược trong nhà khói.’ Này các Tỳ-kheo, canh bạc ấy thua rất ít, chỉ mất tôi tớ, mất vợ con, và sau đó thân bị treo ngược trong nhà khói. Này Tỳ-kheo, canh bạc này mới đáng kể. Đó là thân hành động ác, khẩu và ý hành động ác. Sau khi hành động với thân ác hành, khẩu và [762a] ý ác hành, do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung, trở lại chỗ ác, sanh trong địa ngục.

“Này các Tỳ-kheo, đối với việc làm này, thật không thể vui, thật không thể thích, chẳng phải điều đáng nghĩ tưởng đến.

“Này các Tỳ-kheo, những điều được nói như vậy, há không đầy đủ chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, thật sự như vậy, những điều ấy đã nói hết các pháp ngu si kia.

Đức Thế Tôn bảo:

“Thế nào là pháp trí tuệ? Người trí tuệ có ba sự kiện: sự tướng, tiêu thức và ấn tượng trí tuệ. Tức là người đã thành tựu trí tuệ nên nói là trí tuệ.

“Những gì là ba? Người trí tuệ suy nghĩ với ý nghĩ thiện, nói lời nói thiện và làm việc thiện. Vì là người trí tuệ, nên được nói là trí tuệ vậy.

“Nếu kẻ trí chẳng nghĩ điều thiện, không nói là thiện và không làm việc thiện, thì người trí làm sao biết được họ là trí? Vì người có trí tuệ nghĩ thì nghĩ thiện, nói thì nói thiện và làm thì làm thiện, nên người có trí được nói là kẻ trí.

“Người có trí tuệ ngay trong đời hiện tại thân tâm cảm thọ được ba điều hỷ lạc. Thế nào là người trí tuệ ngay trong đời hiện tại thân tâm của họ cảm thọ ba điều hỷ lạc? Người trí tuệ khi có làm điều gì, hoặc ngồi nơi tụ lạc, hoặc tại đường cái, đường hẻm, hoặc tại chợ quán, hoặc tại ngã tư đường, nói những việc thích hợp với người trí. Kẻ có trí từ bỏ sát sanh, từ bỏ việc lấy của không cho, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến mà được chánh kiến, thành tựu vô lượng pháp thiện. Nếu đã thành tựu vô lượng pháp thiện, khi người khác thấy họ, bèn khen ngợi. Người trí tuệ kia nghe điều đó, hoặc tự nghĩ: ‘Nếu ai thành tựu vô lượng pháp thiện, khi người khác thấy bèn khen ngợi. Ta đây cũng có vô lượng pháp thiện. Nếu có kẻ nào thấy tất sẽ khen ngợi ta.’ Đây là điều hỷ lạc thứ nhất mà người trí ngay trong đời hiện tại, thân tâm cảm thọ được.

“Lại nữa, người trí tuệ kia thấy người của vua dùng các thứ hình phạt để trị giặc cướp như chặt tay, chặt chân, và chặt cả tay chân, xẻo tai, xẻo mũi, hoặc xẻo cả tai mũi, hoặc cắt từng miếng thịt, hoặc nhổ tóc, bứt râu, hoặc bứt cả râu tóc, hoặc bỏ vào cũi, trùm trong áo rồi đốt cháy, hoặc lấy cát lấp, quấn cỏ rồi châm lửa, hoặc bỏ vào trong bụng lừa sắt, hoặc ném vào trong miệng heo sắt, hoặc đôi vào miệng cọp sắt rồi đốt, hoặc bỏ vào chảo đồng, hoặc đôi vào chảo sắt rồi nấu, hoặc chặt ra từng khúc, hoặc dùng giáo nhọn đâm, hoặc lấy móc câu móc, hoặc đặt trên giường sắt rồi lấy dầu sôi nhểu, hoặc ngồi trên cối sắt dùng chày sắt giã, hoặc cho độc long mổ, hoặc dùng roi quất, hoặc dùng gậy đánh, [762b] hoặc lấy hèo đập, hoặc xỏ lưỡi bêu đầu, hoặc đâm chết bêu đầu. Người trí tuệ kia thấy rồi bèn nghĩ: ‘Nếu ai thành tựu vô lượng pháp ác bất thiện, vua biết được bắt và khảo trị như vậy. Ta không làm vô lượng pháp ác bất thiện. Nếu vua biết ta thì ta hoàn toàn chẳng bị các loại khổ trị như vậy.’ Đây là điều hỷ lạc thứ hai mà người trí ngay trong đời hiện tại, thân tâm cảm thọ được.

“Lại nữa, người trí kia hành động với thân diệu hành, khẩu và ý diệu hành. Người đó gặp lúc bệnh khổ, hoặc nằm ngồi trên giường, hoặc nằm ngồi trên ván, hoặc nằm ngồi dưới đất, hoặc thân đau nhức rất khổ sở cho đến khi mạng sống gần dứt. Những hành động với thân diệu hành, khẩu và ý diệu hành của người kia, bấy giờ các việc làm ấy treo ngược lên cao. Ví như xế chiều, mặt trời lặn xuống, bóng núi cao đổ ngược trên mặt đất. Cũng vậy, hành động với thân diệu hành, khẩu và ý diệu hành của người kia treo ngược từ trên cao. Người ấy tự nghĩ: ‘Đây là những hành động với thân diệu hành, khẩu và ý diệu hành, treo ngược từ trên cao. Vì lúc xế trưa ta làm nhiều phước, không làm ác. Nếu có nơi nào cho những người không làm ác, không hung bạo, không làm điều phi lý, chỉ làm phước, tạo nơi quy mạng, nương tựa cho sự sợ hãi, thì ta đến chỗ lành đó.’ Do vậy, người ấy không sanh tâm hối hận. Do không hối hận, nên người ấy chết nhẹ nhàng, mạng chung an lành. Đây là điều hỷ lạc thứ ba mà người trí ngay trong đời hiện tại thân tâm cảm thọ được.

“Lại nữa, người trí kia hành thân diệu hành, khẩu và ý diệu hành. Người ấy sau khi hành thân diệu hành, khẩu và ý diệu hành rồi, do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung, tất đến thiện xứ, sanh lên cõi trời. Kẻ kia đã sanh lên đó rồi, cảm thọ quả báo lành, hoàn toàn khả ái, hoàn toàn khả lạc, khả ý khả niệm. Nếu ai nghĩ rằng: ‘Nơi nào hoàn toàn khả ái, hoàn toàn khả lạc, khả ý khả niệm, nơi đó được nói là thiện xứ.’ Vì sao? Vì chốn lành kia, hoàn toàn khả ái, hoàn toàn khả lạc, khả ý khả niệm.”

Bấy giờ có một vị Tỳ-kheo, rời chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo bên phải chắp tay hướng về Phật mà bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, thiện xứ là thế nào?”

Thế Tôn đáp:

“Này Tỳ-kheo, thiện xứ thì không thể nói hết được, nghĩa là nói về sự hoan lạc nơi thiện xứ. Chỉ cóthể nói rằng nơi thiện xứ chỉ có hoan lạc.”

Tỳ-kheo lại hỏi:

“Bạch Thế Tôn, xin Ngài có thể dùng ví dụ để dễ hiểu nghĩa ấy chăng?”

Thế Tôn đáp:

“Cũng có thể dùng ví dụ để làm rõ nghĩa ấy. Ví dụ Chuyển luân vương thành tựu bảy báu và bốn ý túc của loài người. Này Tỳ-kheo, ý ngươi nghĩ sao? [762c] Chuyển luân vương kia thành tựu đầy đủ bảy báu và bốn như ý túc của loài người, nơi vua kia nhân đó thân tâm có lãnh thọ hỷ lạc cùng cực chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, nếu ai thành tựu được một như ý túc loài người còn lãnh thọ được hỷ lạc cùng cực, huống nữa là Chuyển luân vương thành tựu hết bảy báu và bốn như ý túc loài người, há chẳng phải là lãnh thọ hỷ lạc cùng cực đó sao?”

Bấy giờ Thế Tôn tay cầm viên đá nhỏ bằng hạt đậu hỏi Tỳ-kheo:

“Ngươi có thấy viên đá nhỏ bằng hạt đậu mà Ta cầm trong tay chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, có thấy.”

Thế Tôn lại hỏi:

“Tỳ-kheo, ý ông nghĩ sao? Viên đá nhỏ như hạt đậu mà ta cầm đây đem so với Tuyết sơn vương cái nào lớn hơn?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, viên đá nhỏ như hạt đậu mà Thế Tôn cầm đó đem so với Tuyết sơn vương thật quá nhỏ, nhỏ gấp trăm gấp ngàn, gấp vạn lần không thể so sánh kịp, không thể tính toán, không thể so sánh được, chỉ nói là Tuyết sơn vương rất lớn, quá lớn thôi.”

Thế Tôn lại bảo:

“Này Tỳ-kheo, nếu viên đá nhỏ như hạt đậu mà Ta cầm đây đem so với Tuyết sơn vương, nó thật quá nhỏ, quá nhỏ, nhỏ gấp trăm gấp ngàn, gấp vạn lần, trọn không thể so sánh kịp, không thể tính toán, không thể ví dụ được, chỉ nói là Tuyết sơn vương rất lớn, quá lớn thôi. Cũng vậy, này Tỳ-kheo, nếu Chuyển luân vương đã thành tựu đầy đủ bảy báu và bốn như ý túc, nơi vua kia thân tâm cảm thọ hỷ lạc cùng cực; đem so sánh với hỷ lạc ở cõi trời, nó thật quá nhỏ, nhỏ gấp trăm, gấp ngàn vạn lần, không thể so sánh, không thể tính toán, không thể ví dụ được. Nghĩa là hoan lạc nơi thiện xứ, chỉ hoàn toàn hoan lạc thôi.

“Tỳ-kheo, thế nào là sự hoan lạc nơi thiện xứ? Có thiện thiện xứ gọi là Sáu xúc. Chúng sanh sanh vào trong đó, khi đã sanh đến đó rồi, hoặc sắc được thấy bởi sắc, mắt, khả hỷ, khả ý, khả niệm, ý nhuần ái, ý thiện lạc, thì đó là thiện xứ. Tiếng được nghe nơi tai, hương được ngửi bởi mũi, vị được nếm bởi lưỡi, sự xúc chạm nơi thân, pháp được biết bởi ý; khả hỷ, khả lạc, khả ý, khả niệm, ý nhuần ái, thì đó là nhuần ái, ý thiện lạc, thì đó là thiện lạc. Như vậy gọi là sự hoan lạc ở thiện xứ.

“Này Tỳ-kheo, Ta đã dùng vô số phương tiện để nói về thiện xứ, nói sự việc ở nơi thiện xứ cho các ngươi nghe. Song sự hoan lạc nơi thiện xứ kia không thể nào nói hết được. Chỉ nói là nơi thiện xứ hoàn toàn chỉ có hoan lạc mà thôi.

“Này các Tỳ-kheo, nếu người trí tuệ kia, có khi từ thiện xứ sanh xuống, hoặc sanh nhằm nhà rất giàu sang, tiền tài vô số, nuôi nhiều tôi tớ và súc mục, phong hộ, [763a] thực ấp, thóc lúa đầy đủ và biết bao các thứ nhu dụng sinh tồn khác. Họ là hạng người nào? Là nhà đại trưởng giả Cư sĩ, nhà trưởng giả dòng Sát-lị, nhà trưởng giả dòng Bà-la-môn và các nhà đại phú gia khác. Tiền của vố số, nuôi nhiều tôi tớ và súc mục, phong hộ thực ấp, thóc lúa đầy đủ, và biết bao các thứ nhu dụng sinh tồn khác. Sanh nhằm nhà như vậy, đoan chánh, khả ái, nhiều người kính thuận, danh vang cùng khắp, có oai đức lớn, nhiều người kính mến, nhiều người nhắc đến. Rồi người ấy lại hành thân diệu hành, khẩu và ý diệu hành. Sau khi hành thân diệu hành, khẩu và ý diệu hành rồi, do nhân duyên đó khi thân hoại mạng chung trở lại thiên xứ, sanh lên thiên giới. Ví như hai người đánh bạc, trong đó một người ăn và tiếp tục đánh, ăn được nhiều tiền tài. Người đó nghĩ rằng: ‘Ta chẳng làm ruộng, nhưng ván đầu ta ăn và tiếp tục canh bạc như vậy, ta lấy được nhiều tiền tài.’ Này Tỳ-kheo, canh bạc đó quá nhỏ mà được nhiều tiền của. Này Tỳ-kheo, canh bạc này mới đáng kể, đó là hành thân diệu hành, khẩu và ý diệu hành. Sau khi hành thân diệu hành, hành khẩu và ý diệu hành, do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung trở lại thiện xứ, sanh lên cõi trời. Này Tỳ-kheo, các việc thiện này là sự việc rất đáng vui, rất đáng thích, rất đáng được thích ý.

“Này Tỳ-kheo, các pháp của người trí tuệ được nói như vậy, há không đầy đủ chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, thật sự các pháp của người trí tuệ kia được nói như vậy là đầy đủ.”

Thế Tôn bảo:

“Đó là pháp của người ngu si và pháp của người trí tuệ. Các ngươi cần phải biết pháp của người ngu si và pháp của người trí tuệ. Đã biết pháp của người ngu si và pháp của người trí tuệ rồi, hãy xả bỏ pháp của người ngu si và chọn lấy pháp của người trí tuệ. Các ngươi hãy học như vậy.”

Đức Phật thuyết như vậy, các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành. [151]

200. KINH A-LÊ-TRA

 [763b0] Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ, Tỳ-kheo A-lê-tra, [152] trước kia là một người Già-đà-bà-lê, [153] sanh ác kiến như vầy, ‘Tôi hiểu Đức Thế Tôn nói pháp như vầy, ‘Hành dục không bị chướng ngại [154].”

Các Tỳ-kheo nghe như vậy, đi đến chỗ Tỳ-kheo A-lê-tra hỏi:

“Này A-lê-tra, có thật thầy có nói như vầy: Tôi hiểu Đức Thế Tôn nói pháp như vầy, hành dục không bị chướng ngại?”

Khi ấy A-lê-tra đáp:

“Này chư Hiền, tôi thật sự hiểu Đức Thế Tôn nói pháp như vầy: Hành dục không bị chướng ngại.”

Các Tỳ-kheo khiển trách A-lê-tra rằng:

“Thầy chớ nói như vậy; chớ xuyên tạc Đức Thế Tôn. Xuyên tạc Đức Thế Tôn là không tốt. Đức Thế Tôn cũng không nói như vậy. Này A-lê-tra, dục có chướng ngại. Đức Thế Tôn đã dùng vô lượng phương tiện để nói dục có chướng ngại. Này A-lê-tra, thầy nên xả bỏ ác kiến ấy đi.”

Tỳ-kheo A-lê-tra bị các Tỳ-kheo khiển trách, nhưng vẫn cố chấp ác kiến của mình và nhất quyết nói, ‘Đây là điều chân thật, ngoài ra là hư vọng.’ Và lặp lại ba lần như vậy.

Chúng Tỳ-kheo không thể khuyên Tỳ-kheo A-lê-tra xả bỏ ác kiến ấy, liền đứng dậy ra về. Họ đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi sang một bên bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo A-lê-tra sanh ác kiến như vầy: Tôi hiểu pháp mà Đức Thế Tôn nói là như vầy: ‘Hành dục không bị chướng ngại.’ Bạch Thế Tôn, chúng con nghe vậy, liền đi đến chỗ Tỳ-kheo A-lê-tra hỏi rằng: ‘Này A-lê-tra, có thật thầy nói như vầy: Tôi hiểu pháp mà Đức Thế Tôn nói là như vầy, ‘Hành dục không bị chướng ngại chăng’?’ Tỳ-kheo A-lê-tra trả lời chúng con rằng, ‘Này chư Hiền, thật sự tôi hiểu pháp mà Đức Thế Tôn nói là như vầy: Hành dục là không bị chướng ngại.’ Bạch Thế Tôn, chúng con khiển trách rằng, ‘Này A-lê-tra, chớ nói như vậy, chớ xuyên tạc Đức Thế Tôn. Xuyên tạc Đức Thế Tôn là không tốt. Đức Thế Tôn cũng không nói như vậy. Này A-lê-tra, dục có chướng ngại. Đức Thế Tôn đã dùng vô lượng phương tiện nói dục có chướng ngại. Này A-lê-tra, thầy nên xả bỏ ác kiến ấy đi.’ Chúng con khiển trách, nhưng Tỳ-kheo A-lê-tra vẫn cố chấp ác kiến của mình và nhất quyết nói, ‘Đây là điều chân thật, ngoài ra là hư vọng.’ Và lặp lại ba lần như vậy. Bạch Thế Tôn, chúng con không thể khuyên Tỳ-kheo A-lê-tra xả bỏ ác kiến ấy, liền đứng dậy ra về.”

Đức Thế Tôn nghe rồi, bảo một [763c] Tỳ-kheo:

“Hãy đến chỗ Tỳ-kheo A Lê Tra, nói như vầy: Thế Tôn cho gọi thầy.”

Lúc bấy giờ vị Tỳ-kheo ấy vâng lời Thế Tôn, rời chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi đi. Khi đến chỗ Tỳ-kheo A-lê-tra, Tỳ kheo này nói:

“Đức Thế Tôn gọi thầy.”

Tỳ-kheo A-lê-tra liền đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi xuống một bên. Đức Thế Tôn nói:

“Này A-lê-tra, có thật chăng ngươi có nói như vầy: Tôi hiểu pháp mà Đức Thế Tôn nói là như vầy, hành dục không bị chướng ngại?”

A-lê-tra đáp:

“Bạch Thế Tôn, thật sự con hiểu pháp mà Đức Thế Tôn nói là như vầy: Hành dục không bị chướng ngại.”

Đức Thế Tôn khiển trách:

“Này A-lê-tra, bằng cách nào mà ngươi hiểu pháp mà Ta nói là như vậy? Ngươi nghe từ miệng người nào nói phpá Ta thuyết là như vậy? Này người ngu si kia, Ta không nói một chiều mà ngươi lại nói một chiều chăng? Khi nghe các Tỳ-kheo khiển trách, ngươi khi ấy phải đúng như pháp mà trả lời. Nay để Ta hỏi lại các Tỳ-kheo đã.”

Liền đó, Đức Thế Tôn hỏi các Tỳ-kheo:

“Các ngươi cũng hiểu như vầy chăng, rằng pháp Ta nói là như vầy: Hành dục không bị chướng ngại?”

Bấy giờ các Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Đức Thế Tôn hỏi:

“Các ngươi hiểu pháp Ta nói như thế nào?”

Các Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, chúng con hiểu pháp mà Thế Tôn nói là như vầy: ‘Dục có chướng ngại, Thế Tôn nói dục có chướng ngại. Dục như bộ xương khô, Thế Tôn nói dục như bộ xương khô. Dục như miếng thịt, Thế Tôn nói dục như miếng thịt. Dục như bó đuốc, Thế Tôn nói dục như cây đuốc trong tay. Dục như hầm lửa, Thế Tôn nói dục như hầm lửa. Dục như rắn độc, Thế Tôn nói dục như rắn độc. Dục như mộng, Thế Tôn nói dục như mộng. Dục như đồ vay mượn, Thế Tôn nói dục như đồ vay mượn. Dục như trái cây, Thế Tôn nói dục như trái cây [155].’ Chúng con hiểu pháp mà Thế Tôn nói là như vậy.”

Đức Thế Tôn khen:

“Lành thay! Lành thay! Này các Tỳ-kheo, các ngươi hiểu Ta nói pháp như vậy. Vì sao? Vì Ta cũng nói như vậy. Dục có chướng ngại, Ta nói dục có chướng ngại. Dục như bộ xương khô, Ta nói dục như bộ xương khô. Dục như miếng thịt, Ta nói dục như miếng thịt. Dục như bó đuốc, ta nói dục như cây đuốc trong tay. Dục như hầm lửa, Ta nói dục như hầm lửa. Dục như rắn độc, Ta nói dục như rắn độc. Dục như mộng, Ta nói dục như mộng. Dục như đồ vay mượn, Ta [764a] nói dục như đồ vay mượn. Dục như trái cây, Ta nói dục như trái cây.”

Đức Thế Tôn lại khen:

“Lành thay! Lành thay, các Tỳ-kheo! Các ngươi hiểu pháp Ta nói như vậy. Nhưng A-lê-tra ngu si này tiếp thọ và lãnh hội nghĩa và văn điên đảo. Người ấy nhân tiếp thọ và lãnh hội nghĩa và văn điên đảo cho nên xuyên tạc Ta, để tự gây thương hại cho mình. Có phạm, có tội. Đó là điều mà các đồng phạm hạnh có trí không hoan hỷ, và là một đại tội. Này người ngu si kia,  ngươi có biết chỗ ác bất thiện này chăng?”

Tỳ-kheo A-lê-tra bị Đức Thế Tôn khiển trách ngay mặt, trong lòng rầu rĩ, cúi đầu im lặng, không lời để biện bạch, suy nghĩ mông lung.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn sau khi khiển trách ngay mặt Tỳ-kheo A-lê-tra, rồi nói với các Tỳ-kheo:

“Nếu pháp Ta nói mà ý nghĩa được hiểu biết đầy đủ, tường tận thì nên thọ trì đúng như vậy. Nếu pháp Ta nói mà ý nghĩa không được hiểu biết đầy đủ, tường tận thì phải hỏi lại Ta hay các đồng phạm hạnh có trí. Vì sao? Hoặc có người ngu si ghi nhớ và hiểu biết điên đảo văn và nghĩa. Chúng do tự mình hiểu biết điên đảo và ghi nhớ điên đảo mà biết pháp kia như vậy như vậy, tức chánh kinh, ca vịnh, ký thuyết, kệ-tha, nhân duyên, soạn lục, bản khởi, thử thuyết, sanh xứ, quảng giải, vị tằng hữu pháp và thuyết nghĩa [156]. Chúng vì tranh luận mà biết nghĩa này, chứ không vì giải thoát mà biết nghĩa này. Chúng biết pháp này vì mục đích ấy nên không đạt đến nghĩa này, chỉ chuốc lấy cực khổ luống công, tự gây phiền nhọc. Vì sao? Vì chúng ghi nhớ và hiểu pháp một cách điên đảo.

“Cũng như có người muốn bắt được rắn, bèn đi tìm rắn. Khi đi tìm rắn, nó đi vào rừng hoang. Thấy con rắn rất lớn, người ấy liền bước tới, dùng tay nắm lấy lưng rắn. Con rắn ngóc đầu quay lại, hoặc mổ vào tay, chân, hoặc các chi thể khác. Nó làm công việc tìm bắt rắn, nhưng không đạt được mục đích, chỉ chuốc lấy cực khổ luống công, tự gây phiền nhọc. Vì sao? Vì không biết rõ phương pháp bắt rắn. Cũng vậy, có thể có người ngu si ghi nhớ và hiểu biết điên đảo văn và nghĩa. Chúng do tự mình hiểu biết điên đảo và ghi nhớ điên đảo mà biết pháp kia như vậy như vậy, tức chánh kinh, ca vịnh, ký thuyết, kệ-tha, nhân duyên, soạn lục, bản khởi, thử thuyết, sanh xứ, quảng giải, vị tằng hữu pháp và thuyết nghĩa. Chúng vì tranh luận mà biết nghĩa này, chứ không vì giải thoát mà biết nghĩa này. Chúng biết pháp này vì mục đích ấy nên không đạt đến nghĩa này, chỉ chuốc lấy cực khổ luống công, tự gây phiền nhọc. Vì sao? Vì chúng ghi nhớ và hiểu biết pháp một cách điên đảo.

“Hoặc có một thiện gia nam tử ghi nhớ và hiểu biết [764b] nghĩa và văn không điên đảo. Người ấy do tự mình ghi nhớ và hiểu biết không điên đảo nghĩa và văn mà biết pháp kia như vậy như vậy, tức chánh kinh, ca vịnh, ký thuyết, kệ tha, nhân duyên, soạn lục, bản khởi, thử thuyết, sanh xứ, quảng giải, vị tằng hữu pháp và thuyết nghĩa. Người ấy không vì tranh luận mà biết nghĩa này, nhưng vì giải thoát mà biết nghĩa này. Người ấy biết pháp này vì mục đích ấy nên đạt đến nghĩa này, không chuốc lấy cực khổ luống công, không tự gây phiền nhọc. Vì sao? Vì ghi nhớ và hiểu biết không điên đảo pháp.

“Cũng như có người muốn bắt được rắn, bèn đi tìm rắn. Khi đi tìm rắn, người ấy tay cầm gậy sắt, đi trong rừng hoang. Thấy một con rắn rất lớn, người ấy liền lấy gậy sắt đè lên đầu con rắn, rồi lấy tay nắm đầu nó. Con rắn kia tuy ngoặt đuôi lại, hoặc quấn tay chân, hoặc các chi thể khác, nhưng không thể mổ. Người kia làm như vậy để tìm bắt rắn và đạt được mục đích, không chuốc lấy cực khổ luống công, cũng không tự gây phiền nhọc. Vì sao? Vì người ấy khéo biết cách bắt rắn. Cũng vậy, hoặc có thiện gia nam tử ghi nhớ và hiểu biết nghĩa và văn không điên đảo. Người ấy do tự mình ghi nhớ và hiểu biết không điên đảo nghĩa và văn mà biết pháp kia như vậy như vậy, tức chánh kinh, ca vịnh, ký thuyết, kệ tha, nhân duyên, soạn lục, bản khởi, thử thuyết, sanh xứ, quảng giải, vị tằng hữu pháp và thuyết nghĩa. Người ấy không vì tranh luận mà biết nghĩa này, nhưng vì giải thoát mà biết nghĩa này. Người ấy biết pháp này vì mục đích ấy nên đạt đến nghĩa này, không chuốc lấy cực khổ luống công, không tự gây phiền nhọc. Vì sao? Vì ghi nhớ và hiểu biết không điên đảo pháp.

“Ta thường nói cho các ngươi nghe về thí dụ chiếc bè, là để cho cácngươi biết xả bỏ, chứ không phải để chấp thủ.

“Thí dụ chiếc bè mà Ta thường nói cho các ngươi nghe, để các ngươi biết xả bỏ chứ không phải để chấp thủ, là như thế nào?

“Ví như, con nước từ núi đổ xuống, rất sâu, rất mênh mông, chảy xiết và cuốn trôi nhiều thứ. Ở khoảng giữa đó không có thuyền, bè, cũng không có cầu ngang. Một người đi đến, có việc ở bờ bên kia nên cần phải qua. Người ấy bèn nghĩ rằng, ‘Ở đây con nước từ trên núi chảy xuống, rất sâu, rất mênh mông, chảy xiết và cuốn trôi rất nhiều thứ. Ở khoảng giữa không có thuyền bè, cũng không có cầu ngang để có thể qua. Ta có công việc ở bờ bên kia cần phải qua. Cần phải dùng phương tiện gì để ta đến bờ bên kia được yên ổn?’ Rồi người ấy tự suy nghĩ, ‘Nay ở bờ bên này, ta hãy góp nhặt cỏ, cây, cột lại làm bè [157] để bơi qua.’ Người ấy bèn ở bên bờ bên này góp nhặt cỏ cây, cột lại làm bè, rồi bơi qua. Đến bờ bên kia được yên ổn, người ấy tự nghĩ rằng, ‘Chiếc bè này [764c] có nhiều lợi ích. Nhờ nó mà ta đã yên ổn bơi từ bờ bên kia đến bờ bên này. Nay ta hãy vác nó lên vai phải, hoặc đội trên đầu mà đi.’ Người ấy bèn vác lên vai phải, hoặc trên đầu mà mang đi. Ý các ngươi nghĩ sao? Người ấy làm như vậy, có lợi ích gì đối với chiếc bè không?”

Các Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Thế Tôn lại nói:

“Người ấy phải làm thế nào mới có thể có lợi ích đối với chiếc bè? Người ấy nghĩ như vầy, ‘Chiếc bè này có nhiều lợi ích, nhờ nó mà ta an ổn từ bờ bên kia đến bờ này. Nay ta có nên thả chiếc bè này trở lại trong nước, hoặc để nó trên bờ rồi bỏ đi chăng?’ Người ấy mang chiếc bè này thả lại trong nước, hoặc để nó bên bờ rồi bỏ đi. Ý các ngươi nghĩ sao? Người ấy làm như vậy, có thể có lợi ích đối với chiếc bè chăng?”

Bấy giờ các Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, có.”

Thế Tôn lại nói:

“Cũng vậy, Ta thường nói cho các ngươi nghe về thí dụ chiếc bè là để cho các ngươi biết mà xả bỏ, chứ không phải để chấp thủ. Nếu các ngươi biết thí dụ về chiếc bè mà Ta thường nói, đối với pháp còn phải xả bỏ huống là phi pháp chăng?

“Lại nữa, có sáu kiến xứ [158]. Những gì là sáu? Tỳ-kheo đối với những gì thuộc về sắc, hoặc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội, hoặc ngoại, hoặc tinh, hoặc thô, hoặc diệu, hoặc bất diệu, hoặc gần, hoặc xa; tất cả những sắc ấy không phải là sở hữu của ta, ta không là sở hữu của sắc ấy, nó cũng không phải là tự ngã. Những gì thuộc thọ, tưởng, những gì thuộc về kiến này, đều thấy chúng không phải là sở hữu của ta, ta không là sở hữu của chúng, ta sẽ không có, ta sẽ không hiện hữu, tất cả chúng đều không là sở hữu của ta, ta không phải là sở hữu của chúng, và cũng không phải là tự ngã [159]. Như vậy do tuệ, quán sát mà biết như thật về chúng.

“Những gì là thọ; những gì là tưởng [160]; những gì thuộc kiến này, đều không phải là sở hữu của ta, ta không phải là sở hữu của chúng, và cũng không phải là tự ngã. Như vậy do tuệ, quán sát mà biết như thật về chúng.

“Những gì thuộc về kiến này, những cái được thấy, nghe, nhận thức, biết [161], được thủ đắc, được quán sát, được tư niệm bởi ý, từ đời này đến đời kia, từ đời kia đến đời này; tất cả chúng đều không là sở hữu của ta, ta không là sở hữu của chúng, và cũng không phải là thần ngã. Như vậy, do tuệ quán sát mà biết như thật về chúng. Những gì thuộc kiến này, đây là tự ngã [162], đây là thế gian, đây là ta, ta sẽ hiện hữu ở đời sau, là pháp thường trụ, không biến dịch, là pháp hằng hữu, không hủy hoại; tất cả chúng đều không phải là sở hữu của ta, ta không là sở hữu của chúng, cũng không phải là tự ngã. Như vậy, do tuệ biết như thật về chúng.”

Bấy giờ có một Tỳ-kheo rời chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo bên phải chắp tay hướng về Đức Phật bạch:

“Bạch Thế Tôn, có trường hợp nào nhân bên trong mà có sợ hãi chăng?” [163]

Thế Tôn [765a] đáp:

“Có.”

Tỳ-kheo lại hỏi:

“Bạch Thế Tôn, thế nào là nhân bên trong mà có sợ hãi?”

Thế Tôn đáp:

“Tỳ-kheo, thấy như vầy, nói như vầy, ‘Cái kia trước đây hoặc giả không có; giả thiết nó có nhưng tôi không đạt được.’ [164] Và do thấy như vậy, nói như vậy, người ấy ưu sầu, phiền muộn, khóc lóc, đấm ngực, phát cuồng si. Này Tỳ-kheo, như vậy là nhân bên trong mà có sợ hãi.”

Tỳ-kheo tán thán Thế Tôn, rồi lại hỏi:

“Bạch Thế Tôn, có trường hợp nào nhân bên trong mà không có sợ hãi chăng?”

Đức Thế Tôn nói:

“Có.”

Tỳ-kheo lại hỏi:

“Bạch Thế Tôn, thế nào là nhân bên trong mà không có sợ hãi?”

Thế Tôn đáp:

“Tỳ-kheo, không thấy như vầy, không nói như vầy, ‘Cái này trước đây hoặc giả không có; giả thiết có nhưng tôi không đạt được.’ Và do không thấy như vậy, không nói như vậy, người ấy không ưu sầu, không phiền muộn, không khóc lóc, không đấm ngực, không phát cuồng si. Này Tỳ-kheo, như vậy là nhân bên trong mà không có sợ hãi.”

Tỳ-kheo tán thán Thế Tôn, rồi lại hỏi:

“Bạch Thế Tôn, có trường hợp nào nhân bên ngoài [165] mà có sợ hãi chăng?”

Thế Tôn đáp:

“Có.”

Tỳ-kheo lại hỏi:

“Bạch Thế Tôn, thế nào là nhân bên ngoài có sự sợ hãi?”

Thế Tôn đáp:

“Tỳ-kheo, thấy như vầy, nói như vầy, ‘Đây là tự ngã, đây là thế gian, đây là ta, ta sẽ hiện hữu ở đời sau.’ Và do thấy như vậy, nói như vậy, mà hoặc giả gặp Như Lai hay đệ tử của Như Lai, thông minh trí tuệ nói năng khéo léo, thành tựu trí tuệ. Và bấy giờ Như Lai, hoặc đệ tử của Như Lai nói pháp khiến diệt trừ hết tất cả tự thân, đểkhiến xả ly tất cả lậu, tất cả ngã và sở tác của ngã; diệt kiết sử kiêu mạn; vì vậy cho nên nói pháp. Người ấy được nghe Như Lai hoặc đệ tử của Như Lai nói pháp khiến diệt tất cả tự thân cho nên nói pháp, khiến xả ly tất cả lậu, tất cả ngã và sở tác của ngã, diệt kiết sử kiêu mạn; vì vậy cho nên nói pháp. Nghe vậy, nó bèn ưu sầu, phiền muộn, khóc lóc, đấm ngực, phát si cuồng nói như vầy, ‘Ta sẽ đoạn hoại, không còn tái sanh nữa.’ [166] Vì sao vậy? Này Tỳ-kheo, vì người ấy trong một thời gian dài, hằng sống với những điều không khả ái, không khả lạc, không xứng ý niệm ấy, cho nên nó ưu sầu, phiền muộn, khóc lóc, đấm ngực, phát si cuồng. Này Tỳ-kheo, như vậy là nhân bên ngoài mà có sợ hãi.”

Tỳ-kheo tán thán Thế Tôn, rồi lại hỏi:

“Bạch Thế Tôn, có trường hợp nào nhân bên ngoài mà không có sợ hãi chăng?”

Thế Tôn đáp:

“Có.”

Tỳ-kheo lại hỏi:

“Bạch Thế Tôn, thế nào là do bên ngoài mà không có sợ hãi?”

Thế Tôn đáp:

“Tỳ-kheo, không thấy như vầy, không [765b] nói như vầy, ‘Đây là tự ngã, đây là thế gian, đây là ta, ta sẽ hiện hữu ở đời sau.’ Và do không thấy như vậy, không nói như vậy, mà hoặc giả gặp Như Lai, hoặc đệ tử của Như Lai, thông minh trí tuệ, nói năng khéo léo, thành tựu trí tuệ; và bấy giờ Như Lai hoặc đệ tử của Như Lai nói pháp khiến diệt tất cả tự thân cho nên nói pháp; khiến xả ly tất cả ngã và sở tác của ngã, diệt kiết sử kiêu mạn; vì vậy cho nên nói pháp. Người ấy được nghe Như Lai hoặc đệ tử của Như Lai nói pháp khiến diệt tất cả tự thân cho nên nói pháp, khiến xả ly tất cả lậu, tất cả ngã và sở tác của ngã, diệt kiết sử kiêu mạn; vì vậy cho nên nói pháp. Người ấy không ưu sầu, không phiền muộn, không khóc lóc, không đấm ngực, không phát cuồng si mà nói như vầy, ‘Ta sẽ bị đoạn diệt, không còn tái sanh nữa.’ Vì sao vậy? Này Tỳ-kheo, vì người ấy trong một thời gian dài hằng sống với những điều khả ái, khả lạc, xứng ý niệm ấy, cho nên không ưu sầu, không phiền muộn, không khóc lóc, không đấm ngực, không phát cuồng si. Này Tỳ-kheo, như vậy là do bên ngoài mà không có sự sợ hãi.”

Bấy giờ, Tỳ-kheo tán thán Đức Thế Tôn:

“Lành thay! Lành thay!”

Tán thán rồi, khéo léo ghi nhận và trì tụng, rồi im lặng.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn khen các Tỳ-kheo:

“Lành thay! Lành thay! Tỳ-kheo, ngươi có thể chấp thủ những điều có thể được chấp thủ như vậy [167], mà sau khi chấp thủ lại không sanh ưu sầu, không phiền muộn, không khóc lóc, không đấm ngực, không phát cuồng si. Nhưng, các ngươi thấy có cái có thể chấp thủ nào mà khi được chấp thủ ấy lại không sanh ưu sầu, không phiền muộn, không khóc lóc, không đấm ngực, không phát si cuồng chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Thế Tôn khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Các ngươi có thể y cứ vào cái sở y của kiến như vậy [168], mà kiến được y cứ ấy lại không sanh ưu sầu, không phiền muộn, không khóc lóc, không đấm ngực. Nhưng, các ngươi có thể y cứ vào tri kiến như vậy, mà tri kiến được y cứ ấy lại không sanh ưu sầu, không phiền muộn, không khóc lóc, không đấm ngực, không phát cuồng si chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Thế Tôn khen:

“Lành thay! Lành thay! Các ngươi có thể chấp thủ thân như vậy, [169] mà có thân nào là thường trụ không biến dịch, là pháp không hoại diệt chăng? Các ngươi có thấy sự chấp thủ thân nào được chấp thủ như vậy mà là thường trụ, không biến dịch, là pháp không hoại diệt chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Đức Thế Tôn khen:

“Lành thay! Lành thay! Nói là do tự ngã mà có ta [170], không có tự ngã thì không có ta. Nếu tự ngã và sở hữu của tự ngã, đều không thể bắt được, [171] không thể khái niệm được, [765c] thì kiến xứ ràng buộc với kết sử tùy miên ở trong tâm [172], cũng không thể bắt được, cũng không thể khái niệm được. Này Tỳ-kheo, như vậy há không phải là đầy đủ để nói về kiến và tương tục bởi kiến, như là Tỳ-kheo A-lê-tra, vốn là một người Già-đà-bà-lê chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Thật sự như vậy, bạch Thế Tôn. Như vậy là đầy đủ để nói về kiến và tương tục bởi kiến, như Tỳ-kheo A-lê-tra, vốn là một người già-đà-bà-lê.”

“Lại nữa, có sáu kiến xứ. Những gì là sáu? Tỳ-kheo, đối với những gì thuộc về sắc, hoặc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội, hoặc ngoại, hoặc tinh, hoặc thô, hoặc diệu, hoặc bất diệu, hoặc gần hoặc xa; tất cả sắc ấy đều không phải sở hữu của ta, ta không phải là sở hữu của sắc ấy, cũng không phải là tự ngã. Như vậy do tuệ mà quán sát biết như thật về sắc. Những gì thuộc về thọ, tưởng, thuộc về kiến này đều thấy chúng không phải là sở hữu của ta, ta không phải là sở hữu của chúng, ta sẽ không có, ta sẽ không hiện hữu, tất cả chúng đều không là sở hữu của ta, ta không phải là sở hữu của chúng, cũng không phải là tự ngã. Như vậy, do tuệ mà quán sát biết như thật về chúng. Những gì thuộc về kiến này, thấy, nghe, nhận thức, biết, được thủ đắc, được quán sát, được tư niệm bởi ý, từ đời này đến đời kia, từ đời kia đến đời này; tất cả chúng đều không phải là sở hữu của ta, ta không phải là sở hữu của chúng, cũng không phải là tự ngã. Như vậy do tuệ mà quán sát biết như thật về chúng. Những gì thuộc kiến này, ‘đây là tự ngã, đây là thế gian, đây là ta, ta sẽ hiện hữu ở đời sau, là pháp thường trụ, không biến dịch, là pháp hằng hữu, không hủy hoại’; tất cả chúng đều không phải là sở hữu của ta, ta không phải là sở hữu của chúng, cũng không phải là thần ngã. Như vậy, do tuệ quán sát mà biết như thật về chúng.

“Này Tỳ-kheo, những gì thuộc về sáu kiến xứ ấy mà thấy không phải là sở hữu của ta, ta không phải là sở hữu của chúng, cũng không phải là thần ngã, và do không kiến chấp như vậy, nên không chấp thủ thế gian này. Do không chấp thủ thế gian này nên không có sợ hãi. Do không sợ hãi mà chứng đắc Niết-bàn, biết như thật rằng, ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa.’ Đó gọi là Tỳ-kheo băng hào, vượt hào, phá đổ thành quách, không cửa, được gương Thánh trí tuệ.

“Thế nào là Tỳ-kheo băng hào [173]? Hào vô minh đã diệt tận, [174] đã biến tri, nhổ tuyệt gốc rễ, dẹp tan không còn sanh trở lại nữa. Như vậy là Tỳ-kheo đã được bằng hào.

“Thế nào là Tỳ-kheo vượt hào [175]? Hào hữu ái đã diệt tận, [176] đã biến tri, nhổ tuyệt gốc rễ, dẹp tan không còn sanh trở lại nữa, như vậy là Tỳ-kheo đã vượt hào.

“Thế nào là Tỳ-kheo phá đổ thành quách [177]. Sanh tử vô cùng đã diệt tận, [178] đã biến tri, nhổ tuyệt gốc rễ, dẹp tan không còn sanh trở lại nữa. Như vậy là Tỳ-kheo phá đổ thành quách.

“Thế nào là Tỳ-kheo không cửa [179]? [766a] Năm hạ phần kết đã diệt tận, [180] đã biến tri, nhổ tuyệt gốc rễ, dẹp tan không còn sanh trở lại nữa. Như vậy là Tỳ-kheo đã được không cửa.

“Thế nào là Tỳ-kheo được gương Thánh trí tuệ [181]? Ngã mạn đã diệt tận, [182] đã biến tri, nhổ tuyệt gốc rễ, dẹp tan không còn sanh trở lại nữa. Như vậy là Tỳ-kheo đã được gương Thánh trí tuệ.

“Đó gọi là Tỳ-kheo băng hào, vượt hào, phá đổ thành quách, không cửa, được gương Thánh trí tuệ.

“Như Lai chánh giải thoát như vậy, dù Nhân-đà-la [183], dù Thiên Y-sa-na [184], dù Phạm Thiên và quyến thuộc, không ai có thể tìm thấy thức sở y của Như Lai. Như Lai là Phạm, Như Lai là Mát Lạnh, Như Lai là Không Phiền Nhiệt, Như Lai là Bất Dị [185]. Ta nói như vậy. Nhưng các Sa-môn Bà-la-môn xuyên tạc Ta bằng những lời hư vọng không chân thật rằng, ‘Sa-môn Cù-đàm chủ trương hư vô [186]. Quả thật có chúng sanh, nhưng lại chủ trương là đoạn, diệt, hoại [187]. Nhưng nếu trong đó không có, thì Ta đã không nói rằng, ‘Như Lai ấy trong đời hiện tại, được nói là không ưu phiền. Nếu có ai mạ lỵ, đánh đập, sân hận, trách mắng Như Lai; trong trường hợp đó Như Lai không sân hận, không thù hận, trọn không có hại tâm.’ Nếu có ai đánh đập, mạ lỵ, sân hận, trách mắng Như Lai, ý Như Lai thế nào? Như Lai tự nghĩ như vầy, ‘Có hành vi tạo tác nào của Ta trong quá khứ để đưa đến sự kiện này.’ Đối với sự mạ lỵ, đánh đập, sân hận, trách mắng Như Lai, Như Lai nghĩ như vầy, ‘Nếu có ai cung kính cúng dường, lễ bái, tôn trọng, thừa sự Như Lai; Như Lai không do đó mà vui thích, không do đó mà hoan hỷ, tâm không do đó mà hoan lạc.’ Nếu có ai cung kính, cúng dường, lễ bái, tôn trọng thừa sự Như Lai, thì ý Như Lai thế nào? Như Lai tự nghĩ, ‘Ta nay do những gì được biết, do những gì được đoạn trừ mà đưa đến sự kiện này?’ Nếu có ai cung kính, cúng dường, lễ bái, tôn trọng, thừa sự Như Lai, Như Lai nghĩ như vậy.”

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nếu có ai mạ lỵ đánh đập, trách mắng các ngươi; hay nếu có ai cung kính, cúng dường, lễ bái, tôn trọng, thừa sự các ngươi; các ngươi nhân đó cũng chớ nên sân hận, thù hằn, chớ có tâm hại, cũng chớ vui thích, hoan hỷ, cũng đừng có tâm hoan lạc. Vì sao? Hãy nghĩ rằng, ‘Chúng ta không có tự ngã, không có sở hữu của tự ngã. Ví như nay đây, ngoài cửa Thắng lâm này có cỏ khô, cây khô, có một người mang đi đốt, tùy ý mà dùng. Ý các ngươi nghĩ sao? Cây cỏ khô kia có nghĩ rằng, người ấy mang ta đi đốt, [766b] tùy ý mà dùng không?”

Các Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Cũng vậy, nếu có ai mạ lỵ, đánh đập, sân hận, trách mắng các ngươi hay nếu có ai cung kính, cúng dường, lễ bái, tôn trọng, thừa sự các ngươi; các ngươi nhân đó cũng chớ nên sân hận, thù hằn, chớ có hại tâm cũng chớ có vui thích, hoan hỷ, cũng đừng có tâm hoan lạc. Vì sao? Hãy nghĩ rằng, ‘Ta không có tự ngã, không có sở hữu của tự ngã.’

“Pháp mà Ta giảng thuyết toàn thiện, được phơi bày, được quảng bá, không có trống khuyết, được lưu bố, tuyên truyền, cho trời người. Pháp của Ta được giảng thuyết toàn thiện, được phơi bày, được quảng bá, không có trống khuyết, được lưu bố, tuyên truyền, cho đến trời người như vậy, nếu có ai với chánh trí giải thoát mà mạng chung, với người ấy không giả thuyết có luân chuyển vô cùng.

“Pháp của Ta được giảng thuyết toàn thiện, được phơi bày, được quảng bá, không có trống khuyết, được lưu bố, tuyên truyền cho đến trời người. Pháp của Ta được giảng thuyết toàn thiện, được phơi bày được quảng bá, không có trống khuyết, được lưu bố, tuyên truyền cho đến trời người như vậy, nếu có ai với năm hạ phần kết tận diệt mà mạng chung sẽ tái sanh lên chỗ kia mà vào Niết-bàn, được pháp bất thối, không trở lại thế gian này.

“Pháp của Ta được giảng thuyết toàn thiện, được phơi bày, được quảng bá, không có trống khuyết, được lưu bố tuyên truyền cho đến trời người. Pháp của Ta được giảng thuyết toàn thiện, được phơi bày, được quảng bá, không có trống khuyết, được lưu bố tuyên truyền cho đến trời người như vậy, nếu có ai với ba kết sử đã tận diệt, dâm nộ si đã mỏng, chứng đắc Nhất vãng lai, sau khi qua lại nhân gian thượng một lần nữa, sẽ chứng đắc khổ biên.

“Pháp của Ta được giảng thuyết toàn thiện, được phơi bày, được quảng bá, không có trống khuyết, được lưu bố tuyên truyền cho đến trời người. Pháp của Ta được giảng thuyết toàn thiện, được phơi bày được quảng bá, không có trống khuyết, được lau bố, tuyên truyền cho đến trời người như vậy, nếu có ai với ba kiết sử đã tận diệt, đắc Tu-đà-hoàn, không đọa vào pháp ác, quyết định sẽ đến chánh giác, chỉ cần bảy lần qua lại cõi trời cõi người, sau bảy lần qua lại sẽ chứng đắc khổ biên.

“Pháp của Ta được giảng thuyết toàn thiện, được phơi bày, được quảng bá, không có trống khuyết, được lưu bố tuyên truyền cho đến trời người. Pháp của Ta được giảng thuyết toàn thiện, được phơi bày được quảng bá, không có trống khuyết, được lan bố, tuyên truyền cho đến trời người như vậy, nếu có ai với tâm tín lạc nơi Ta mà mạng chung, chắc chắn sẽ mau vào thiện xứ [188]. Còn lại, như trên”

Phật thuyết như vậy, các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

201. KINH TRÀ-ĐẾ

 [766c] Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ Tỳ-kheo Trà-đế Kê-hòa-đa Tử [189] sanh ác kiến như vầy: “Tôi hiểu Thế Tôn nói pháp như vầy: Ở đây, thức này luân chuyển và tái sanh, nhưng không đổi khác.”

Các Tỳ-kheo nghe như vậy, liền đi đến chỗ Tỳ-kheo Trà-đế hỏi:

“Này Trà-đế, thầy thật có nói như vầy chăng, rằng: Tôi biết pháp mà Đức Thế Tôn nói như vầy: ‘Ở đây thức này luân chuyển và tái sanh nhưng không đổi khác’?”

Tỳ-kheo Trà-đế đáp:

“Này chư Hiền, tôi thực sự hiểu pháp mà Đức Thế Tôn nói như vầy: Ở đây, thức này luân chuyển, và tái sanh nhưng không đổi khác.”

Bấy giờ các Tỳ-kheo khiển trách:

“Thầy chớ nói như vậy, chớ xuyên tạc Đức Thế Tôn, xuyên tạc Đức Thế Tôn là không tốt. Đức Thế Tôn cũng không nói như vậy. Này Trà-đế, thức này do duyên mà khởi, Đức Thế Tôn dùng vô lượng phương tiện nói thức này do duyên mà khởi, có duyên thì sanh, không duyên thì diệt. Này Trà-đế thầy nên xả bỏ ác kiến này đi.”

Tỳ-kheo Trà-đế bị các Tỳ-kheo khiển trách nhưng vẫn cố chấp ác kiến của mình và nhất quyết nói: “Đây là điều chân thật, ngoài ra đều hư vọng” và lặp lại ba lần như vậy.

Các Tỳ-kheo không thể khuyên Trà-đế xả bỏ ác kiến ấy, liền đứng dậy ra về, và đến chỗ Phật. Đảnh lễ dưới chân Phật rồi ngồi xuống một bên, bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo Trà-đế sanh ác kiến như vầy: Tôi hiểu pháp mà Đức Thế Tôn nói như vầy, ‘Ở đây thức này luân chuyển và tái sanh nhưng không đổi khác.’ Bạch Thế Tôn, chúng con nghe vậy liền đến chỗ Tỳ-kheo ấy và hỏi: Này Trà-đế, thật thầy có nói như vầy, ‘Tôi hiểu Thế Tôn nói như vầy, Ở đây, thức này luân chuyển và tái sanh nhưng không đổi khác chăng?’ Trà-đế đáp chúng con rằng: ‘Này chư Hiền, tôi thật sự hiểu Thế Tôn nói pháp như vầy: Ở đây, thức này luân chuyển và tái sanh nhưng không đổi khác.’ Chúng con khiển trách: ‘Thầy chớ nói như vậy, chớ xuyên tạc Đức Thế Tôn, xuyên tạc Đức Thế Tôn là không tốt, Đức Thế Tôn cũng không nói như vậy. Này Trà-đế, thức này do duyên mà khởi, Đức Thế Tôn đã dùng vô số phương tiện nói thức này do duyên mà khởi, có duyên thì sanh, không duyên thì diệt. Này Trà-đế, thầy nên xả bỏ ác kiến ấy đi.’ Chúng con khiển trách như vậy, nhưng Tỳ-kheo ấy vẫn cố chấp ác kiến của mình và nhất quyết nói: ‘Đây là chân thật, ngoài ra là hư vọng’, và lặp lại ba lần như vậy. Bạch Thế Tôn, chúng con [767a] không thể khuyên Tỳ-kheo Trà-đế bỏ ác kiến ấy, liền đứng dậy ra về.”

Đức Thế Tôn nghe xong, bảo một Tỳ-kheo:

“Hãy đến chỗ Tỳ-kheo Trà-đế nói như vầy: Đức Thế Tôn gọi thầy.”

Lúc bấy giờ Tỳ-kheo ấy vâng lời Đức Thế Tôn, rời chỗ ngối đứng dậy đảnh lễ sát chân Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi đi. Đến chỗ Tỳ-kheo Trà-đế, nói lại lời Phật dạy: “Đức Thế Tôn gọi thầy.”

Tỳ-kheo Trà-đế liền đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân rồi ngồi sang một bên.

Đức Thế Tôn hỏi:

“Ngươi có thật nói như vầy: Tôi hiểu pháp mà Đức Thế Tôn nói như vầy: Ở đây, thức luân chuyển, và tái sanh nhưng không đổi khác chăng?”

Tỳ-kheo Trà-đế đáp:

“Bạch Thế Tôn, con thật sự hiểu pháp mà Đức Thế Tôn nói như vầy: Thức này luân chuyển và tái sanh không đổi khác.”

Đức Thế Tôn hỏi:

“Thế nào là thức?”

Tỳ-kheo Trà-đế đáp:

“Thức này nói năng, cảm thọ, hành động, và sai bảo hành động. Đứng dậy và sai bảo đứng dậy, nó tạo tác các nghiệp thiện ác chỗ này chỗ kia để rồi thọ báo.”

Đức Thế Tôn quở:

“Này Trà-đế, do đâu mà ngươi hiểu Ta thuyết pháp như vầy? Ngươi nghe từ miệng người nào mà nói Ta thuyết pháp như vậy? Ngươi là kẻ ngu si. Ta không nói một chiều, ngươi lại nói một chiều chăng? Khi nghe các Tỳ-kheo khiển trách, ngươi bấy giờ phải đúng như pháp mà trả lời. Để Ta hỏi lại các Tỳ-kheo đã.”

Bấy giờ Thế Tôn hỏi các Tỳ-kheo:

“Các ngươi cũng hiểu pháp Ta nói như vậy, Thức này luân chuyển và tái sanh nhưng không đổi khác chăng?”

Các Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Đức Thế Tôn hỏi:

“Các ngươi hiểu pháp Ta nói như thế nào?”

Các Tỳ-kheo đáp:

“Chúng con hiểu pháp Thế Tôn nói như vầy: ‘Thức do duyên mà khởi, Thế Tôn nói thức do duyên mà khởi. Thức có duyên thì sanh, không duyên thì diệt.’ Chúng con hiểu Thế Tôn nói pháp như vậy.”

Đức Thế Tôn khen:

“Lành thay! Lành thay! Này các Tỳ-kheo, các ngươi hiểu Ta pháp nói như vậy. Vì sao? Ta cũng nói pháp như vậy: ‘Thức do duyên mà sanh. Ta nói thức do duyên là khởi. Thức có duyên thì sanh, không duyên thì diệt.’ Thức tùy theo những gì nó duyên vào để sanh khởi mà gọi tên theo duyên ấy. Mắt duyên sắc sanh thức, thức sanh khởi ấy được gọi là nhãn thức. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng như vậy. Pháp duyên ý sanh thức, thức sanh khởi ấy được gọi là ý thức. Ví như lửa tùy theo những gì nó duyên vào để sanh khởi mà gọi theo duyên đó. Lửa duyên cây mà khởi được gọi là lửa cây. Lửa duyên cỏ rác mà sanh được gọi là lửa cỏ, lửa rác. Cũng vậy, thức tùy theo những gì nó duyên vào đó để sanh thì gọi tên theo duyên đó. [767b] Mắt duyên sắc sanh thức, thức sanh khởi ấy được gọi là nhãn thức. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng như vậy. Pháp duyên ý sanh thức, thức sanh khởi ấy gọi là ý thức.”

Đức Thế Tôn lại khen:

“Lành thay! Lành thay! Các ngươi hiểu Ta nói pháp như vậy. Nhưng Tỳ-kheo Trà-đế này là người ngu si, ghi nhớ và hiểu biết điên đảo văn và nghĩa. Rồi do ghi nhớ và hiểu biết điên đảo văn và nghĩa, cho nên xuyên tạc Ta, để tự làm tổn thương. Có phạm có tội là điều mà các đồng phạm hạnh có trí không hoan hỷ, và cũng là một đại tội.

“Này người ngu si, ngươi có biết chỗ ác bất thiện này chăng?”

Bấy giờ Tỳ-kheo Trà-đế bị Thế Tôn trách mắng ngay mặt, trong lòng buồn rầu, cúi đầu im lặng, không có lời để biện bạch, suy nghĩ mông lung.

Đức Thế Tôn sau khi quở trách ngay mặt Tỳ-kheo Trà-đế, nói với các Tỳ-kheo:

“Nay Ta sẽ nói pháp rốt ráo không phiền, không nhiệt, hằng hữu, bất biến cho các ngươi nghe. Những người có trí phải quán như vậy. Hãy lắng nghe. Hãy lắng nghe. Hãy khéo suy niệm!”

Bấy giờ các Tỳ-kheo vâng lời lắng nghe.

Đức Phật nói:

“Đây là một chân thể, [190] các ngươi có thấy chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, thấy.”

Đức Thế Tôn nói:

“Như Lai là một chân thể, các ngươi có thấy chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, thấy.”

Đức Thế Tôn nói:

“Khi Như Lai diệt rồi, cái được gọi là chân thể ấy cũng là pháp hủy diệt, các ngươi thấy chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, thấy.”

Đức Thế Tôn nói:

“Đây là một chân thể, các ngươi đã thấy chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, đã thấy.”

Đức Thế Tôn nói:

“Như Lai là một chân thể, các ngươi đã thấy chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, đã thấy.”

Đức Thế Tôn nói:

“Khi Như Lai diệt rồi, cái được gọi là chân thể ấy cũng là pháp hủy diệt, các ngươi đã thấy chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, đã thấy.”

Đức Thế Tôn nói:

“Đây là một chân thể các ngươi có nghi hoặc chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Đức Thế Tôn nói:

“Như Lai là một chân thể, các ngươi có nghi hoặc chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Đức Thế Tôn nói:

“Khi Như Lai diệt rồi, cái được gọi là chân thể ấy cũng là pháp hủy diệt, các ngươi có nghi hoặc chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Đức Thế Tôn nói:

“Đây là một chân thể, do tuệ mà thấy chân thật như vậy, thì những gì nghi hoặc kia bị tiêu diệt chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, bị tiêu diệt.”

Đức Thế Tôn nói:

“Như Lai là một chân thể, do tuệ mà thấy chân thật như vậy, thì những gì nghi hoặc kia bị tiêu diệt chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, bị tiêu diệt.”

Đức Thế Tôn nói:

“Khi Như Lai diệt rồi, cái được gọi là chân thể ấy, cũng là pháp hủy diệt, do tuệ mà thấy chân thật như vậy, thì những gì nghi hoặc kia bị tiêu diệt chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, bị tiêu diệt.”

Đức Thế Tôn nói:

“Đây là một chân thể, các ngươi đã không còn [767c] nghi hoặc chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Đức Thế Tôn nói:

“Như Lai là một chân thể, các ngươi đã không còn nghi hoặc chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Đức Thế Tôn nói:

“Khi Như Lai diệt rồi, cái được gọi là chân thể ấy cũng là pháp hủy diệt, các ngươi đã không còn nghi hoặc chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Đức Thế Tôn khen:

“Lành thay! Lành thay! Nếu các ngươi thấy như vậy, biết như vậy, tức là nói: ‘Tri kiến này của tôi, nó thanh tịnh như vậy, nên chấp trước nó, tiếc nuối nó, thủ trì nó, không muốn xả bỏ’ và các ngươi biết Ta thường nói thí dụ chiếc bè, khi qua rồi, những gì bị bít kín, có thể được mở cho chảy xuôi chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Đức Thế Tôn khen:

“Lành thay! Lành thay! Nếu các ngươi biết như vậy, thấy như vậy, tức là nói: ‘Tri kiến này của tôi, nó thanh tịnh như vậy, nhưng không chấp trước nó, không tiếc nuối nó, không chủ trì nó, muốn xả bỏ nó’ và các ngươi biết Ta thường nói thí dụ chiếc bè, khi biết rồi những gì bị bít kín, có thể được mở chảy xuôi chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”

Đức Thế Tôn khen:

“Lành thay! Lành thay! Nếu có kẻ Dị học đến hỏi các ngươi: ‘Này Hiền giả, các ngài có tri kiến thanh tịnh như vậy, nhưng nó có nghĩa lợi gì, có công đức gì?’ Các ngươi trả lời thế nào?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, nếu có kẻ Dị học đến hỏi chúng con: ‘Này Hiền giả, các ngài tri kiến thanh tịnh, như vậy, nhưng nó có nghĩa lợi gì? Có công đức gì?’ Chúng con sẽ đáp như sau: ‘Này chư Hiền, nghĩa lợi đó là yểm ly, nghĩa lợi đó là vô dục, nghĩa lợi đó là thấy biết như thật.’ Bạch Thế Tôn, nếu có kẻ dị học đến hỏi, chúng con sẽ đáp như vậy.”

Đức Thế Tôn khen:

“Lành thay! Lành thay! Nếu có kẻ dị học đến hỏi các ngươi, các ngươi nên đáp như vậy. Vì sao? Đây được nói là sự quán sát: một là thực phẩm phần đoạn, thô hoặc tế, nghi hoặc xúc; ba là ý tư, bốn là thức. Bốn loại thực phẩm này lấy gì làm nhân, do cái gì mà tập khởi, từ đâu mà sanh, do đâu mà có? Bốn loại thực phẩm ấy, lấy ái làm nhân, do ái mà tập khởi, từ ái mà sanh, duyên ái mà có. Ái lấy gì làm nhân, do cái gì mà tập khởi, từ đâu mà sanh, duyên gì mà có? Ái lấy thọ làm nhân, do thọ tập khởi, từ thọ mà sanh, duyên thọ mà có. Thọ lấy gì làm nhân, do cái gì mà tập khởi, từ đâu mà sanh, duyên đâu mà có? Thọ lấy xúc làm nhân, do xúc mà tập khởi, từ xúc mà sanh, duyên xúc mà có. Xúc lấy gì làm nhân, do gì mà tập khởi, từ đâu mà sanh, duyên đâu mà có? Xúc lấy sáu xứ làm nhân, do sáu xứ mà tập khởi, từ sáu xứ mà sanh, duyên sáu xứ mà có. Sáu xứ lấy gì làm nhân, do gì tập khởi, [768a] từ đâu mà sanh, duyên đâu mà có? Sáu xứ lấy danh sắc làm nhân, do danh sắc mà tập khởi, từ danh sắc mà sanh, duyên danh sắc mà có. Danh sắc lấy gì làm nhân, lấy gì tập khởi, từ đâu mà sanh, duyên đâu mà có? Danh sắc lấy thức làm nhân, do thức mà tập khởi, từ thức mà sanh, duyên thức mà có. Thức lấy gì làm nhân, do cái gì tập khởi, từ đâu mà sanh, duyên đâu mà có? Thức lấy hành làm nhân, do hành mà tập khởi, từ hành mà sanh, duyên hành mà có. Hành lấy gì làm nhân, do cái gì mà tập khởi, từ đâu mà sanh, duyên đâu mà có? Hành lấy vô minh làm nhân, do vô minh mà tập khởi, từ vô minh mà sanh, duyên vô minh mà có. Đó là duyên vô minh có hành, duyên hành có thức, duyên thức có danh sắc, duyên danh sắc có lục nhập, duyên lục nhập có xúc, duyên xúc có thọ, duyên thọ có ái, duyên ái có thủ, duyên thủ có hữu, duyên hữu có sanh, duyên sanh có già, chết, sầu bi khóc lóc, ưu khổ, ác não. Như vậy, toàn vẹn khối lớn, khổ đau này phát sanh.

“Duyên sanh có già, chết. Ở đây nói là duyên sanh có già, chết, ý các ngươi nghĩ sao?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, duyên sanh có già, chết, ý chúng con như vậy. Vì sao? Vì duyên sanh, có già, chết.”

“Duyên hữu có sanh, ở đây nói là duyên hữu có sanh, ý các ngươi nghĩ sao?”

“Bạch Thế Tôn, duyên hữu có sanh, ý chúng con như vậy. Vì sao? Vì duyên hữu có sanh.”

“Duyên thủ có hữu, ở đây nói là duyên thủ có hữu, ý các ngươi nghĩ sao?”

“Bạch Thế Tôn, duyên thủ có hữu, ý chúng con như vậy. Vì sao? Vì duyên thủ có hữu.”

“Duyên ái có thủ, ở đây nói là duyên ái có thủ, ý các ngươi nghĩ sao?”

“Bạch Thế Tôn, duyên ái có thủ, ý chúng con như vậy. Vì sao? Vì duyên ái có thủ.”

“Duyên thọ có ái, ở đây nói là duyên thọ có ái, ý các ngươi nghĩ sao?”

“Bạch Thế Tôn, duyên thọ có ái, ý chúng con như vậy. Vì sao? Vì duyên thọ có ái.”

“Duyên xúc có thọ, ở đây nói duyên xúc có thọ, ý các ngươi nghĩ sao?”

“Bạch Thế Tôn, duyên xúc có thọ, ý chúng con như vậy. Vì sao? Vì duyên xúc có thọ.”

“Duyên sáu xứ có xúc, ở đây nói là duyên sáu xứ có xúc, ý các ngươi nghĩ sao?”

 [768b] “Bạch Thế Tôn, duyên sáu xứ có xúc, ý chúng con như vậy. Vì sao? Vì duyên sáu xứ có xúc.”

“Duyên danh sắc có sáu xứ, ở đây nói là duyên danh sắc có sáu xứ, ý các ngươi nghĩ sao?”

“Bạch Thế Tôn, duyên danh sắc có sáu xứ, ý chúng con như vậy. Vì sao? Vì duyên danh sắc có sáu xứ.”

“Duyên thức có danh sắc, ở đây nói là duyên thức có danh sắc, ý các ngươi nghĩ sao?”

“Bạch Thế Tôn, duyên thức có danh sắc, ý chúng con như vậy. Vì sao? Vì duyên thức có danh sắc.”

“Duyên hành có thức, ở đây nói duyên hành có thức, ý các ngươi nghĩ sao?”

“Duyên hành có thức, ý chúng con như vậy. Vì sao? Vì duyên hành có thức.”

“Duyên vô minh có hành, ở đây nói duyên vô minh có hành, ý các ngươi nghĩ sao?”

“Bạch Thế Tôn, duyên vô minh có hành, ý chúng con như vậy. Vì sao? Vì duyên vô minh có hành.”

“Đây là duyên vô minh có hành, duyên hành có thức, duyên thức có danh sắc, duyên danh sắc có sáu xứ, duyên sáu xứ có xúc, duyên xúc có thọ, duyên thọ có ái, duyên ái có thủ, duyên thủ có hữu, duyên hữu có sanh, duyên sanh có già, chết, sầu bi, khóc lóc, ưu khổ, áo não. Như vậy, toàn bộ khối lớn khổ đau này phát sanh.”

Đức Thế Tôn khen:

“Lành thay! Lành thay! Này các Tỳ-kheo, các ngươi nói như vậy. Vì sao? Ta cũng nói như vậy. Duyên vô minh có hành, duyên hành có thức, duyên thức có danh sắc, duyên danh sắc có sáu xứ, duyên sáu xứ có xúc, duyên xúc có thọ, duyên thọ có ái, duyên ái có thủ, duyên thủ có hữu, duyên hữu có sanh, duyên sanh có già, chết, sầu bi, khóc lóc, ưu khổ, ão não. Như vậy, toàn vẹn khối lớn đau khổ này phát sanh.

“Sanh diệt thì già-chết diệt, ở đây nói là sanh diệt thì già-chết diệt, ý các ngươi nghĩ sao?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, sanh diệt thì già-chết diệt, ý chúng con như vậy. Vì sao? Vì sanh diệt thì già-chết diệt.”

“Hữu diệt thì sanh diệt, ở đây nói hữu diệt thì sanh diệt, ý các ngươi nghĩ sao?”

“Bạch Thế Tôn, hữu diệt thì sanh diệt, ý chúng con như vậy. Vì sao? Vì hữu diệt thì sanh [768c] diệt.”

“Thủ diệt thì hữu diệt, ở đây nói là thủ diệt thì hữu diệt, ý các ngươi nghĩ sao?”

“Bạch Thế Tôn, thủ diệt thì hữu diệt, ý chúng con như vậy. Vì sao? Vì thủ diệt thì hữu diệt.”

“Ái diệt thì thủ diệt, ở đây nói ái diệt thì thủ diệt, ý các ngươi nghĩ sao?”

“Bạch Thế Tôn, ái diệt thì thủ diệt, ý chúng con như vậy. Vì sao? Vì ái diệt thì thủ diệt.”

“Thọ diệt thì ái diệt, ở đây nói thọ diệt thì ái diệt, ý các ngươi nghĩ sao?”

“Bạch Thế Tôn, thọ diệt thì ái diệt, ý chúng con như vậy. Vì sao? Vì thọ diệt thì ái diệt.”

“Xúc diệt thì thọ diệt, ở đây nói xúc diệt thì thọ diệt, ý các ngươi nghĩ sao?”

“Bạch Thế Tôn, xúc diệt thì thọ diệt, ý chúng con như vậy. Vì sao? Vì xúc diệt thì thọ diệt.”

“Sáu xứ diệt thì xúc diệt, ở đây nói sáu xứ diệt thì xúc diệt, ý các ngươi nghĩ sao?”

“Bạch Thế Tôn, sáu xứ diệt thì xúc diệt, ý chúng con như vậy. Vì sao? Vì sáu xứ diệt thì xúc diệt.”

“Danh sắc diệt thì sáu xứ diệt, ở đây nói danh sắc diệt thì sáu xứ diệt, ý các ngươi nghĩ sao?”

“Bạch Thế Tôn, danh sắc diệt thì sáu xứ diệt, ý chúng con như vậy. Vì sao? Vì danh sắc diệt thì sáu xứ diệt.”

“Thức diệt thì danh sắc diệt, ở đây nói thức diệt thì danh sắc diệt, ý các ngươi nghĩ sao?”

“Bạch Thế Tôn, thức diệt thì danh sắc diệt, ý chúng con như vậy. Vì sao? Vì thức diệt thì danh sắc diệt.”

“Hành diệt thì thức diệt, ở đây nói hành diệt thì danh sắc diệt, ý các ngươi nghĩ sao?”

“Bạch Thế Tôn, hành diệt thì thức diệt, ý chúng con như vậy. Vì sao? Vì hành diệt thì thức diệt.”

“Vô minh diệt thì hành diệt, ở đây nói vô minh diệt thì hành diệt, ý các ngươi nghĩ sao?”

“Bạch Thế Tôn, vô minh diệt thì hành diệt, ý chúng con như vậy. Vì sao? Vì vô minh diệt thì hành diệt.”

“Đây là vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt, thức diệt thì danh sắc diệt, danh sắc diệt thì sáu xứ diệt, sáu xứ diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sanh diệt, sanh diệt thì già, chết diệt, sầu bi, khóc lóc, ưu não diệt. Như vậy, toàn vẹn khối lớn khổ này bị diệt.”

Đức Thế Tôn khen:

“Lành thay! Lành thay! Này Tỳ-kheo, các ngươi nói như vậy. Vì sao? Ta cũng nói như vậy. Vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt, thức diệt thì danh sắc diệt, danh sắc diệt thì sáu xứ diệt, sáu xứ diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ [769a] diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sanh diệt, sanh diệt thì già chết diệt, sầu bi, khóc lóc, ưu khổ, ảo não diệt. Như vậy toàn vẹn khối lớn đau khổ này cũng diệt.”

Đức Thế Tôn lại khen:

“Lành thay! Lành thay! Nếu các ngươi biết như vậy, thấy như vậy, các ngươi đối với quá khứ có nghĩ: ‘Ta có trong thời quá khứ, hay ta không có trong thời quá khứ? Ta có trong thời quá khứ như thế nào? Do gì mà có trong thời quá khứ’ chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Đức Thế Tôn khen:

“Lành thay! Lành thay! Nếu các ngươi biết như vậy, thấy như vậy, các ngươi đối với vị lai có nghĩ rằng: ‘Ta sẽ có trong đời vị lai hay sẽ không có trong đời vị lai? Có trong đời vị lai như thế nào? Do đâu mà có trong đời vị lai’ chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Đức Thế Tôn khen:

“Lành thay! Lành thay! Nếu các ngươi biết như vậy, thấy như vậy, các ngươi đối với bên trong mà có nghi hoặc rằng: ‘Đây là thế nào? Đây là cái gì? Chúng sanh này từ đâu đến? Sẽ đi về đâu? Do nhân gì mà đã có? Do nhân gì mà sẽ có’ chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Đức Thế Tôn khen:

“Lành thay! Lành thay! Nếu các ngươi biết như vậy, thấy như vậy, các ngươi có giết cha mẹ, hại đệ tử Phật, giết A-la-hán, phá hoại Thánh chúng, có ác ý với Phật, làm đổ máu Như Lai chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Đức Thế Tôn khen:

“Lành thay! Lành thay! Nếu các ngươi biết như vậy, thấy như vậy, các ngươi có phạm giới, xả giới, bỏ đạo chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Đức Thế Tôn khen:

“Lành thay! Lành thay! Nếu các ngươi thấy như vậy, biết như vậy, các ngươi có bỏ nội đạo mà tìm đến ngoại đạo để tìm ruộng phước chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Thế Tôn khen:

“Lành thay! Lành thay! Nếu các ngươi biết như vậy, thấy như vậy, các ngươi có đối với Sa-môn Bà-la-môn mà nói như vầy: ‘Chư Tôn, các ngài thấy điều đáng thấy, biết điều đáng biết’ chăng?”

Tỳ-kheo [769b] đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Đức Thế Tôn khen:

“Lành thay! Lành thay! Nếu các ngươi biết như vậy, thấy như vậy, các ngươi có cho lễ cát tường [191] là thanh tịnh chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Đức Thế Tôn khen:

“Lành thay! Lành thay! Nếu các ngươi biết như vậy, thấy như vậy, các ngươi có thấy những kiến chấp liên hệ đến lễ cát tường của các Sa-môn Bà-la-môn xen lẫn khổ, xen lẫn độc hại, xen lẫn phiền nhiệt, xen lẫn ảo não, là chân thật chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Đức Thế Tôn khen:

“Lành thay! Lành thay! Nếu các ngươi biết như vậy, thấy như vậy, các ngươi khi thân thể bệnh hoạn, rất là đau đớn, đến gần như tuyệt mạng bèn bỏ nội đạo tìm đến ngoại đạo, tìm đến những Sa-môn Bà-la-môn kia những người trì loại chú một câu, chú hai câu, ba câu, bốn câu, nhiều câu, trăm câu, nói rằng: ‘Xin trì chú này để tôi thoát khổ.’ Đó là tìm đến sự khổ, tập khởi sự khổ mà mang diệt tận khổ được chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Đức Thế Tôn khen:

“Lành thay! Lành thay! Nếu các ngươi biết như vậy, thấy như vậy, các ngươi có chấp thủ sự tái sanh không?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Đức Thế Tôn khen:

“Lành thay! Lành thay! Nếu các ngươi biết như vậy, thấy như vậy, các ngươi có nói như vầy: ‘Chúng ta cung kính Sa-môn, kính trọng Sa-môn. Sa-môn Cù-đàm là Bậc Tôn Sư của chúng ta chăng?.’”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Đức Thế Tôn khen:

“Lành thay! Lành thay! Các ngươi bằng sự tự biết, tự thấy, tự giác đối với sự chứng đắc tối chánh giác, các ngươi có tùy theo những điều được hỏi mà trả lời chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, thật như vậy.”

Đức Thế Tôn khen:

“Lành thay! Lành thay! Ta chân chánh điều ngự các ngươi đối với pháp hoàn toàn rốt ráo, không phiền, không nhiệt, thường hằng, không biến đổi, được biết bởi chánh trí, được thấy bởi chánh trí, được giác ngộ bởi chánh trí. Vì lý do đó mà Ta đã nói rằng: Ta sẽ nói cho các ngươi nghe pháp hoàn toàn rốt ráo, không phiền, không nhiệt, thường hằng, không biến đổi, được biết bởi chánh trí, được thấy bởi chánh trí, được giác ngộ bởi chánh trí.

“Lại nữa, có ba sự kiện hội hợp để thác vào thai mẹ. Đó là cha mẹ tụ tập tại một chỗ, người mẹ trong thời kỳ có thể thọ thai, và hương ấm đã đến. Do ba sự kiện này hợp hội mà thác vào thai mẹ. Thai mẹ kéo dài chín tháng hay mười tháng rồi sanh. Sau rồi được nuôi dưỡng bằng máu. Máu đó ở trong Thánh pháp gọi là sữa mẹ. Rồi thì các căn lớn dần cho đến thành tựu, ăn cơm, ăn cháo, dầu tô thoa mình, rồi mắt nó thấy sắc, ưa thích sắc đẹp, ghét bỏ sắc xấu. Nó không lập niệm tại thân, với một tâm nhỏ mọn; nó không như thật biết tâm giải thoát, tuệ giải thoát, [769c] những pháp ác bất thiện được sanh ra, không bị diệt tận hoàn toàn, không bị hủy hoại, không dư tàn. Tai, mũi, lưỡi, thân ý cũng như vậy. Ý biết pháp, ưa thích cái đẹp, ghét bỏ cái xấu. Nó không lập niệm tại thân, với một tâm nhỏ mọn. Nó không biết như thật tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Những pháp ác bất thiện được sanh ra, không bị diệt tận hoàn toàn, không bị hủy hoại, không dư tàn. Nó tùy những gì ưa, ghét mà lãnh nạp cảm thọ, hoặc lạc, hoặc khổ, hoặc không lạc không khổ. Nó hoan lạc với cảm lạc ấy, tìm cầu, chấp trước, chấp thủ cảm thọ ấy. Nó sau khi hoan lạc với cảm thọ ấy, tìm cầu chấp trước, chấp thủ cảm thọ ấy rồi; nếu đó là cảm thọ lạc, vì do nó chấp thủ và duyên thủ mà có hữu, duyên hữu có sanh, duyên sanh có già chết, ưu bi, khóc lóc, ưu khổ, ảo não. Như vậy toàn vẹn khối lớn khổ đau này phát sanh.

“Này Tỳ-kheo, như vậy há không phải là đầy đủ tương tục bị trói buộc bởi ái như Tỳ-kheo Trà-đế Kê-hòa-đa Tử chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, như vậy là đầy đủ tương tục bị trói buộc bởi ái như Tỳ-kheo Trà-đế Kê-hòa-đa Tử.”

“Nếu khi Như Lai xuất thế, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Thế Tôn. Mắt vị ấy thấy sắc, nhưng đối với sắc đẹp không hoan lạc chấp trước, đối với sắc xấu không ghét bỏ. Vị ấy lập niệm tại thân với một tâm vô lượng, biết như thật là tâm giải thoát, tuệ giải thoát, các pháp ác bất thiện đã sanh bị tận diệt vô dư, bị hủy hoại không dư tàn. Tai, mũi, lưỡi, thân và ý cũng như vậy. Ý biết pháp đối với cái đẹp không hoan lạc, chấp trước, đối với cái xấu không ghét bỏ. Lập niệm tại thân với một tâm vô lượng. Biết như thật là tâm giải thoát, tuệ giải thoát, các pháp bất thiện đã sanh bị tận diệt vô dư, bị hủy hoại không dư tàn. Vị ấy như vậy, diệt những gì yêu ghét được lãnh nạp bởi thọ, hoặc lạc, hoặc khổ, hoặc không lạc không khổ. Vị ấy không hoan lạc theo cảm thọ ấy, không tìm cầu, không chấp trước, không chấp thủ cảm thọ ấy. Do không hoan lạc theo cảm thọ ấy, không tìm cầu, không chấp trước, không chấp thủ theo cảm thọ ấy, nếu có cảm thọ lạc, nó liền diệt. Lạc diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sanh diệt, sanh diệt thì già chết diệt, sầu bi, khóc lóc, ưu khổ, ảo não cũng diệt. Như vậy, toàn vẹn khối lớn khổ đau này đều diệt.

“Này Tỳ-kheo, đây há không phải là đầy đủ ái tận giải thoát chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, như vậy là đầy đủ ái tận giải thoát.”

Khi pháp này được công bố, ba ngàn đại thiên thế giới ba lần chấn động, hết động lại động nữa, hết rung lại rung nữa, hết rền lại rền nữa. Cho nên kinh này gọi là: “Ái tận giải thoát.”

 [779a] Đức Phật thuyết giảng như vậy, các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành. [192]

 


 [1] Ương-già 鴦伽.. M 66: Aṅgauttarāpesu.

 [2] A-hòa-na 阿惒那. M 66: Āpana, một thị trấn ở trong Aṅguttarāpa, một bộ phận của nước Aṅga.

 [3] Kiền-nhã 犍 若. M 66: Keniya; dịch là “Chúng tụ”, Phiên Phạn Ngữ 10 (No.2130, tr.1041b).

 [4] Trú kinh hành 晝經行. Pāli: divāvihāra, “an trú ban ngày” tức nghỉ ngày, hay nghỉ trưa, không phải kinh hành đi bộ.

 [5] Quá trung thực 過中食. Pāli: divāvikālabhojanam: ăn phi thời ban ngày.

 [6] Vãng 往: đi qua. TNM: trú 住.

 [7] M 66: Udāyi tự thuật.

 [8] Đọa thần 墮娠, xẩy thai;TNM: đọa thân 墮身.

 [9] Ma-ha-năng-già; Pāli: mahānāga. M 66: rañño nāgo, con voi của vua.

 [10] Hành xả 行捨. Pāli: upadhipahānāya paṭipannaṃ, hướng đến đoạn trừ hữu dư y, thực hành để xả trừ sanh y (hữu y). M 66: có bốn hạng người.

 [11] Dục tương ưng niệm 欲相應 ; Pāli: upadhipaṭisaṃyuttā sarasaṃkappā, những niệm tưởng và tư duy liên hệ chặt với hữu dư y.

 [12] Bất trụ 不住, ở đây nên hiểu là “làm cho không tồn tại”; Pāli: anabhāvaṃ gameti.

 [13]M 66: indriyavemattatā hi me... viditā, Ta nói, có sự sai biệt về căn tánh. Câu này kết luậ cho cả bốn hạng người.

 [14] Trì quán tốc diệt 遲觀速滅. M 66: dandho satuppādo. atha kho naṃ khippameva pajahati, niệm khởi lên chậm nhưng bị đoạn tuyệt nhanh.

 [15]. M 66: upadhi dukkhassa mūlan ti viditvā iti nirupadhi hoti upadhisaṃkhaye vimutto, sanh y (hữu dư y) là gốc rễ của khổ; sau khi biết như vậy, trở thành không sanh y, giải thoát với sự diệt tận của sanh y.

 [16] Hữu thực 有食.

 [17] M 66 (i. 454): idaṃ iñjitasmiṃ vadāmi, “Ta nói thiền này còn dao động.”

 [18] TNM: lạc trụ không 樂住空. Bản Cao-li: lạc trụ thất 室. Pāli: sukhavihāra, an trú với lạc.

 [19] Tâm lạc. Pāli: upekhāsukham, xả và lạc.

 [20] Bất di động 不移動. Pl.: aniñjita.

 [21] Quá độ 過度. Pāli: samatikkama, sự vượt qua.

 [22] Mâu-lê-phá-quần-na 牟犁破群那. Pāli: Moliyaphagguna.

 [23] Đạo thuyết 道 說. Pāli: avaṇṇanaṃ bhāsati, nói điều không tốt.

 [24] Nguyên Hán: dục, niệm y gia  欲念依家. M 21: ye gehasitā chandā ye gehasitā vitakkā, những dục gì liên hệ thế tục, những tầm gì liên hệ thế tục.

 [25] Đa sở tri thức 多 所 知 識, chỉ người nổi tiếng.

 [26] Nhất tọa thực 一 坐 食: ăn một ngày một lần. Xem thêm kinh 194 dưới. Pāli: ekāsana-bhojana.

 [27] Nguyên Hán: sanh niệm hướng pháp thứ pháp. M 21: satuppādakaraṇīyaṃ... bhikkhusu, cần khơi dậy chánh niệm nơi các Tỳ-kheo.

 [28] Thiện thệ hành 善逝行, TNM: thiện du hành 善遊行.

 [29] Cư sĩ phụ Tì-đà-đề 居士婦鞞陀提. Pāli: Vedehikā gahapatānī.

 [30] Tì danh Hắc 婢名黑. Pāli: Kāḷī dāsī.

 [31] Ngũ ngôn đạo 五言道. Xem Tập dị 13 (No.1536, tr.421c3): ngũ ngữ lộ 五語路. M 21 (i. 255): pañca vacanapathā.

 [32] Pl.: atthasaṃhita, anatthasaṃhita, liên hệ mục đích, không liên hệ mục đích.

 [33] Hán: lợi cứ đao dụ. Pl.: kakacūpama, ẩn dụ lưỡi cưa.

 [34] Bản Hán, hết quyển 50.

 [35] Nhất tọa thực 一坐食. Một ngày chỉ ăn một lần giữa ngọ, và trong một lần ấy cũng chỉ ngồi một lần, nếu có duyên sự gì phải đứng dậy nửa chừng thì không ngồi ăn trở lại. Đây là một trong sáu phép tịnh thực và cũng là một trong mười hai hạnh đầu đà. Xem thêm Tứ phần 14 (No.1428, tr.660b8). Xem kinh 193. Pāli: ekāsanabhojana.

 [36] Bạt-đà-hòa-lợi 跋 陀 和 利. Pāli: Bhaddālī.

 [37] Pāli nói: ăn một phần tại chỗ và một phần mang đi. Tứ phần ibid., trường hợp Tỳ-kheo bệnh, có thể ăn nhiều lần.

 [38] Trong Luật tạng không thấy nói đến học giới Nhất tọa thực nhưng nói là Sát sát thực (Pāli: parampara-bhojana).

 [39] Bất học cụ giới, xem cht.16 dưới.

 [40]  Ta: đây chỉ Bạt-đà-hòa-lợi. Văn giả thiết, trực tiếp dẫn lời của Bạt-đà-hòa-lợi.

 [41] Câu giải thoát 俱解脫, hay Câu phần giải thoát. Pāli: ubhatobhāgavimutta. Xem kinh 195 sau.

 [42] Pāli nói: ehi me tvam bhikkhu paṅke sāṅkamo hoti, “Tỳ-kheo, lại đây, làm cầu trên bùn cho Ta”.

 [43] Tuệ giải thoát 慧 解 脫. Pāli: paññāvimutta, xem kinh 195 ở sau.

 [44] Thân chứng 身證. Pāli: kāyasakkhin, xem kinh 195 ở sau.

 [45] Kiến đáo 見 到. Pāli: diṭṭhipatta, xem kinh 195 ở sau.

 [46] Tín giải thoát 信 解 脫. Pāli: saddhāvimutta, xem kinh 195 ở sau.

 [47] Pháp hành 法 行, hay tùy pháp hành. Pāli: dhammānusārin.

 [48] Tín hành 信 行, hay tùy tín hành. Pāli: saddhāssussārin.

 [49] Vô tín pháp tĩnh 無信法靜 (hoặc 靖) vô ái pháp tĩnh 無愛法靖, vô tĩnh pháp tĩnh 無靖(hoặc諍) 法 靖. Chưa rõ ý nghĩa. Cf. kinh 213; M 79 (ii.120): dammanvayo: pháp tù hành, pháp tương tợ; suy luận loại tợ từ pháp được nhận thức bằng hiện lượng trí (Sớ giải: paccakkhañāṇasaṅkhātassa dhammassa anunayo anumānaṃ).

 [50] Bất học cụ giới 不學具戒. Pāli satthusāsane sikkhāya aparipūrakārī, sự học tập không đầy đủ trong giáo pháp của Tôn sư.

 [51] Nguyên Hán: hiện pháp lạc cư.

 [52] Cf. M 65 (i. 440): tassa tathāvūpakaṭṭhassa viharato satthāpi upavadati... devatāpi upavadanti, vị ấy trong khi sống viễn ly như vậy, nhưng bị Đạo sư chỉ trích,..., chư Thiên cũng chỉ trích.

 [53] Đương quán linh cửu trụ 當觀令久住. Khi Tỳ kheo bị Tăng xử trị bằng các yết-ma trị phạt, cho đến khi nào Tỳ kheo ấy thuận tùng mới giải trị phạt. M 65: (...) upaparikkhatha yathāssidaṃ adhikaraṇaṃ na khippameva vūpasameyyā ti, hãy tham cứu, chớ chấm dứt nhanh chóng tránh sự này.

 [54] Hữu tín hữu ái hữu tĩnh 有信有愛有靖 (hay 諍?) M 65 ibid.: (...) saddāmattakena vahati pemamattakena, (Tỳ-kheo ấy) tùng sự (Tăng) với một ít lòng tin, một ít yêu mến. Đoạn này có thể hiểu: “Tỳ-kheo tuy phạm tội, nhưng còn một ít lòng tin, một ít thương yêu, và với một ít tịch tĩnh.”

 [55] Hỷ hảo pháp 喜好法, “chuộng tốt”. Pāli: āsavaṭṭhāniyā dhammā, pháp được xác lập trên hữu lậu.

 [56] Năm trường hợp pháp hữu lậu phát sanh trong Tăng chúng: có thịnh lợi, tăng lớn mạnh, có danh dự, có bậc kỳ túc được kinh trọng, và có học vấn cao. Cf. M 65: saṅgho mahattaṃ patto... lābhaggaṃ patto... yasaggaṃ... bāhusaccau... rattaññutaṃ...

 [57] Thanh tịnh mã dư pháp 清 淨 馬 喻 法. Pāli: ājāniyassusūpamaṃ dhamma-pariyāyaṃ, pháp môn thí dụ lương mã (tuấn mã).

 [58] Ca thi quốc 迦尸國. Pāli: Kāsi, một trong mười sáu đại quốc. Thủ phủ là Bāraṇāsi. Trong thời Đức Phật, Kāsi được sát nhập với Kosala của vua Pasenadi. Kāsi là một trung tâm thương mãi và đông dân.

 [59] Du tại nhất xứ: không xác định địa điểm.

 [60] Nhật nhất thực 日一食. Pāli: ekabhattika. M 70 (i.473): aññatreva rattibhojianā bhuñjāmi. Ta từ bỏ ăn đêm.

 [61] Ca-la-lại 迦羅賴. Pāli: Kīṭagiri. Cf. Tứ phần 5: Ki-liên 羈連.

 [62] A-thấp-bối 阿濕貝, Pāli: Assaji. (trùng tên với một người trong năm đệ tử đầu tiên của Phật). Phất-na-bà-tu 弗那婆修; Pāli: Punabhasuka. Hai vị này dẫn đầu một nhóm Tỳ-kheo bất tuân ở tại Kīṭāgiri, đưa đến việc thiết lập một điều khoản quan trọng trong Giới bổn Tỳ-kheo. Xem Tứ Phần 5, tr. 596c-599a: A-thấp-bà và Phú-na-bà-sa 阿濕婆 富那婆娑.

 [63] M 70 (i. 474): te mayaṃ kim sandiṭṭhikaṃ hitvā kālikṃ anudhāvissāma?  Sao chúng tôi lại bỏ cái hiện tiền, chạy theo cái lệ thuộc thời gian?

 [64] Câu giải thoát hay Câu phần giải thoát 俱分解脫. Gọi là Câu phần vì có hai phần chướng, phiền não phần chướng và giải thoát phần chướng (xem Tập dị 17, tr.436a). Pāli: ubhatobhāgavimutta.

 [65] Nguyên Hán:Thân xúc 身觸; Tập dị ibid.: Thân dĩ chứng 身已證. Pāli: santā vimokhā atikkama rūpe āruppā te kāyena phassitvā viharati, tịch tịnh giải thoát, vượt qua các sắc và vô sắc, sau khi thể nghiệm bằng tự thân, vị ấy an trụ.

 [66] Tuệ kiến, Pāli: paññāya cassa disvā, sau khi thấy bằng tuệ.

 [67] Thân chứng 身證. Vị A-na-hàm chứng đắc diệt tận định. Pl.: kāyasakkhi.

 [68]  “Căn cứ vào sự chứng đắc diệt định mà thành lập thân chứng, tức là do thân chứng đắc diệt định vậy” (Câu-xá 25, tr.131b).

 [69] Cầu ư chư căn 求於諸根. Pāli: indriyāni samannayāmano, đang chế ngự các căn.

 [70] Hành tùy thuận trụ chỉ 行隨順住止. Pāli: anulomikāni senāsanāni paṭisevamano, đang sử dụng các thứ sàng tọa đúng quy định (một cách tùy thuận).

 [71] Kiến đáo 見到, cũng gọi là kiến chí. Pāli: diṭṭhipatto.

 [72] Tức là bậc Thánh này căn cứ trên địa vị tùy pháp hành (xem dưới) chứng đắc đạo loại trí, với sự bén nhạy của tuệ (Tập dị ibid., tr.435c Câu-xá ibid. Pāli: paññāya vodiṭṭhā honti vocaritā, do tuệ mà quán sát và thấu triệt.

 [73] Tín giải thoát 信解脫. Pl.: saddhāvimutto.

 [74] Câu-xá, ibid, căn cứ trên tùy tín hành (xem dưới) mà chứng đắc đạo loại trí, khả năng của tuệ không bén nhạy nên phải nương vào tín.

 [75] Nguyên Hán: Pháp hành 法行. Với bản tánh nhiều tư duy phân tích, mà học về bốn Diệu đế, quán sát khổ đế (tuệ tăng thượng) rồi thấy rõ nhận thức về sự thật của khổ đế (nhân tăng thượng) như vậy là chứng bậc tùy hành pháp” (tóm tắt, Tập dị ibid). Pāli: dhammānusāri.

 [76] M 70 (i. 479): (...) mattaso nijjhānaṃ khamanti, bằng vào tuệ mà chấp nhận sự lý giải hạn một cách hạn chế.

 [77] Hán: tín hành 信行. Pl.: saddhānusārī.

 [78] M. i. 480: anupubbasikkhā anupubbakiriyā anupubbapaṭipadā aññārādhanā, tuần tự học, tuần tự hành, tuần tự tụ rồi đật đến cứu cánh hoàn toàn.

 [79] Pl. ibid.: saddhājāto upasaṇkamati; Sớ giải: Tín giả đi đến gần các vị sư trưởng (garūnaṃ samīpaṃ gacchati).

 [80] Hán: bình lượng 評量. Pāli: dhammā nijjhānaṃ khamanti, hoan hỷ chấp nhận pháp.

 [81] Pāli: paññāya naṃ ativijjha passati, do tuệ mà thấy pháp ấy một cách tinh mật.

 [82] Tứ cú 四句. Pl.: catuppadaṃ.

 [83] Hán: tham trước thực 貪著食. Pl. (M.i. 479): āmisagaru  āmisadāyādo  āmisehi  saṃsaṭṭho viharati, “sống coi trọng vật chất, thừa tự vật chất, kết hợi với vật chất.”

 [84] Bản Hán, hết quyển 51.

 [85] Bạt-kì 跋耆, Xá-di 舍彌. No.85: Xa-ma-ca tử tụ lạc 舍摩迦子聚落. M 104: Sakkesu viharti (...) Sāmagāme, là một ngôi làng của giòng họ Sakya.

 [86] Sa-di Châu-na 沙 彌 周 那. Pāli: Cunda samaṇuddesa. Được đồng với Mahā-Cunda em ruột ngài Sāriputta và đắc quả A-na-hàm trong lúc là Sa-di.

 [87] Ba-hòa 波 和. Pāli: Pāvā, một thị trấn của bộ tộc Malla. Đoạn đường cuối cùng của Phật, đi từ Pāvā ñeán Kusinārā và ngài dừng chân để nghỉ 25 lần trên đoạn đường ấy.

 [88] Ni-kiền danh Thân Tử 尼 犍 名 親 子. Pāli: Nigaṇṭha Nāṭaputta.

 [89] Ngài A-nan là Bổn sư của Châu-na.

 [90] Ni-kiền Thân Tử 尼犍ccxxdczdxcccccd親子. Pāli: Nigaṇṭha Nāṭaputta.

 [91] M 104: do ajjhājīva (tăng thượng hoạt mạng) và do adhipātimokkha (tăng thượng giới bổn), tranh chấp các vấn đề liên hệ sinh hoạt và giới bổn, cả hai đều chỉ liên hệ đến giới luật. Bản Hán nói do cả giới, định, và tuệ.

 [92] Đạo và đạo tích 道 道跡. M 104: magge vā hi patipadāya, tranh chấp trong các vấn đề liên hệ Thánh đạo và sự tu tập Thánh đạo.

 [93] Có 18 tránh sự, theo các Luật tạng. Trong đây chỉ nêu 16. Hai điều thuyết và phi thuyết đề cập riêng.

 [94] Nguyên Hán: tát-vân-nhã 薩云若; Pāli: sabbaññu.

 [95] Lục tránh bản 六諍本. Cf. Tập dị 15 (tr. 431a16): sáu tránh căn ">六諍根.Pl.: cha vivādamūlāni.

 [96] Khả văn nhi chỉ. Không rõ ý. Có lẽ, cần biết để dập tắt tranh chấp.

 [97] Sân não kết triền 瞋惱結纏, tức phẫn và hận. Pāli: kodhano upanāhi, phẫn nộ và oán hận.

 [98] Nguyên Hán, bất ngữ kết 不語結. Xem kinh 183.

 [99] Ác tánh bất khả chế 惡性不可制, hoặc nói là ác tánh bất thọ nhân ngữ 惡性不受人語. Tánh ương ngạnh không chịu nghe lời. Đoạn này tóm tắt, liệt kê các cặp kiết sử làm nguyên nhân cho đấu tranh, có thể xếp loại theo thuật ngữ thông dụng: Phẩn, hận; phú, não; tật, xan; cuồng, siểm; vô tàm, vô quý; ác dục, tà kiến. Xem thêm, đối chiếu kinh 98 trên. Xem giải thích Tập dị 15 (tr.431a-b).

 [100] Chỉ tránh 止 諍 hay nói là diệt tránh pháp 滅 諍 法; Pāli: adhikaraṇasamathā.

 [101] Ưng dữ diện tiền chỉ tránh luật 應與面前止諍律, hai là ưng dữ ức chỉ tránh luật 應與憶止諍律, ba là ưng dữ bất si chỉ tránh luật 應與不癡止諍律, bốn là ưng dữ tự phát lồ chỉ tránh luật 自發露止諍律, năm là ưng dữ quân chỉ tránh luật 應與君止諍律, sáu là ưng dữ triển chuyển chỉ tránh luật 應與展轉止諍律, bảy là ưng dữ như khí phấn tảo chỉ tránh luật 應與如棄糞掃止諍律. Thuật ngữ theo Luật Tứ Phần: 1. Hiện tiền tì-ni (Pāli: sammukhāvinaya), 2. Ức niệm tì-ni (sativinaya), 3. Bất si tì-ni (amūḷhavinaya), 4. Tự ngôn trị (paṭiññayā kāretabbaṃ), 5. Đa nhân ngữ (yebhuyyasikā), 6. Tội xứ sở (tassapāyikā), 7. Như thảo phú địa (tiṇavatthāraka).

 [102] Ưng dữ diện tiền chỉ tránh luật 應與面前止諍律. Xem cht.17 trên.

 [103] Ưng dữ ức chỉ tránh luật 應與憶止諍律. Xem cht.17 trên.

 [104] Nghĩa là vô tội. Trường hợp Đạp-bà-ma-la Tử (Pl. Dabba-Mallaputta) bị vu khống tội ba-la-di, bị các Tỳ kheo cật vấn. Tăng họp, tác yết-ma ức niệm, xác định Đạp-bà-ma-la Tử vô tội. Xem Ngũ phần 3 (tr. 15c25); Tăng-kì 13 (tr. 331b21); Tứ phần 47 (tr. 914a12); Thập tụng 20 (tr. 142b26); Cullavagga (Vin. ii. 74).

 [105] Đoạn này, trong bản Hán, văn cú đảo trang, dễ khiến nhầm lẫn người có tội và người vô tội. Ở đây căn cứ giải thích về bảy diệt tránh của các Luật bộ, và văn nghĩa Pāli để cấu trúc lại văn cú thích hợp. Cf. M 104: idha bhikkhū bhikkhuṃ evarūpāya garukāya āpattiyā codenti … so evam āha – na kho ahaṃ sarāmi evarūpiṃ garukaṃ āpattiṃ… tassa kho bhikkhuno sativinayo dātabbo, “Ở đây các Tỳ kheo buộc tội một Tỳ kheo đã phạm trọng tội như vậy… Tỳ kheo này nói: tôi không nhớ (=không phạm) phạm trọng tội như vậy…Ức niệm tì-ni cần áp dụng cho ỳ kheo nay.”

 [106] Ưng dữ bất si chỉ tránh luật 應與不癡止諍律. Xem cht.17 trên.

 [107] Tứ phần 47 (tr. 914b16): Tỳ kheo Nan-đề phát bịnh cuồng, phạm nhiều cấm giới. Khi tỉnh, bị các Tỳ kheo cật vấn, ép buộc nhận có phạm tội. Nan-đề xin Tăng phán quyết bằng luật bất si để không Tỳ kheo nào cố ý cật vấn những điều Nan-đề đã làm vì bị bịnh cuồng si. Cf. Cullavagga (Vin. ii. 78): Tỳ kheo Gagga, tình tiềt như Tứ phần. Thập tụng 20 (tr. 143a27) Tỳ kheo Thi-việt 施 [*]越.

 [108] Ưng dữ phát lồ chỉ tránh luật 應與發露止諍律. Xem cht.17 trên.

 [109] Ưng dữ quân chỉ tránh luật 應 與 君 止 諍 律. Xem cht.17 trên. Quân luật 君 律. Luật áp dụng cho chính ngài”. Vì vị này khi bị hỏi tội, cứ nói loanh quanh, nên Tăng chúng phải chỉ định ngay tội danh: “Chính ngài đã phạm tội”. Ngũ phần:bản ngôn trị 本言治. Tứ phần: tội xứ sở 罪處所. Thập tụng: thật mích 實覓. Pl.: tassapāpiyasikā.

 [110] Tỳ kheo nói quanh để chối tội.

 [111] Ưng dữ triển chuyển luật 應與展轉止諍律. Tứ phần: đa nhân ngữ 多人語. Pl.: yebhuyyasikā.

 [112] Đoạn trên, bản Hán thiếu hai sự này.

 [113] Đoạn trên nói là khởi và không khởi. Khởi, hay cử tội, nêu tội Tỳ-kheo; tức khởi tố.

 [114] Nguyên bản: trì mẫu 持 母; hay giỏi Ma-đắc-lặc-già (Pāli: Mātikā), chỉ bản giải Luật, hay tinh yếu Luật tạng.

 [115] Tăng tại trú xứ gần đó.

 [116] Ưng dữ như khí phấn tảo chỉ tránh luật 應與如棄糞掃止諍律: luật đình chỉ tránh sự bằng cách như quét dọn rác rưới. Xem cht.17 trên.

 [117] Trong bản, thâu-la-chá 偷羅柘, thường nói là thâu-lan-giá. Cố ý phạm các tọâi Ba-la-di và Tăng-già-bà-thi-sa mà chưa thành tựu thì gọi là thâu-lan-giá, thô tội. Pāli: thullavajja.

 [118] Gia tương ưng 家相應; đây chỉ các tộibắt buộc trở về sống đời tại gia, tức bị diệt tẩn.

 [119] Ủy lao pháp 慰勞法, tức sáu pháp hòa kỉnh hay lục hòa. Tập dị 15 (tr.431b):sáu pháp khả hỷ. Pāli: cha sārāṇiyā dhammā.

 [120] Xem cht.2,  kinh 37.

 [121] Ưu-ba-ly 優波離. Pāli: Upāli.

 [122] Nguyên Hán: tác dị nghiệp thuyết dị nghiệp 作異業說異業.

 [123] Xem kinh 196 trên.

 [124] Trong bản, trách số 責 數, tức Tứ phần gội là ha trách, tức khiển trách hay cảnh cáo.

 [125] Hạ trí 下置, tức Tứ Phần nói là y chỉ, bắt phục tùng giám hộ.

 [126] Hán: cử 舉, hay cử tội, thủ tục buộc tội Tỳ-kheo trước đại chúng.

 [127] Hán: tẫn 擯 hay diệt tẫn, trục xuất khỏi Tăng, bắt hoàn tục.

 [128] Căn bản trị 根本治, tức Tứ phần gọi là bản nhật trí: tái phạm trong khi đang sám tăng-già-bà-thi-sa

 [129] Khu xuất 驅出, tẫn xuất, đuổi Tỳ kheo ra khỏi chỗ đang ở, di chuyển đến chỗ khác. Chính yếu áp dụng cho Tỳ kheo phạm ô tha gia.

 [130] Hành bất mạn 行不慢, Tứ Phần: hành ma-na-đỏa, trong sám tăng-già-bà-thi-sa.

 [131] Trị 治, Tứ Phần: a-phù-ha-na, phép xuất tội tăng-già-bà-thi-sa.

 [132] Tương đương Pāli, M.125. Dantabhūmi-suttaṃ.

 [133] Sa-di A-di-na-hòa-đề 沙 彌阿夷那和提. Pāli: Aciravato samaṇuddeso, tân học Sa-môn Aciravata.

 [134] Vương đồng tử Kì-bà-tiên-na 王童子耆婆先那. Pāli: Jayasena-Rājakūmāra. Hán đọc là Jīvasena-rājakumāra.

 [135] A-kì-xá-na 阿 奇 舍 那; Pāli: Aggivassana: có thể tên của một bộ tộc chớ không phải biệt danh của Tôn giả.

 [136] Nhất tâm 一心. Pl.: cittassa ekagataṃ.

 [137] Bản Hán: địa 地, địa vị hay trình độ; ý nghĩa sẽ thấy sau. Pl.: bhūmi.

 [138] Điều ngự 調 御; Pāli: damma, huấn luyện. Xem kinh 212 sau. M 125 (iii. 130) chỉ kể có ba: hatthidamma, huấn luyện voi, assadamma, huấn luyện ngựa, godamma, huấn luyện bò.

 [139] M 125, có hai con vật cần huấn luyện nhưng chưa được huấn luyện, và hai con vật cần huấn luyện đã được huấn luyện.

 [140] Đoạn này văn Hán hơi tối. Cf M 125 ibid.: api nu te adantāva dantakāraṇaṃ gaccheyyuṃ, adantāva dantabhūmiṃ sampāpuṇeyyuṃ, seyyathāpi te dve... sudantā suvinītā’ti? “Những con chưa được huấn luyện này có thể làm công việc của con vật đã được huấn luyện, có thể đạt đến địa vị của con vật đã được huấn luyện, như hai con... đã được huấn luyện kỹ, đã được khéo khuất phục kia chăng?”

 [141] Bản Hán hình như hiểu rằng có hai trường hợp có khả năng huấn luyện, và hai trường hợp tuyệt đối không khả năng.

 [142] Bản Hán, hết quyển 52.

 [143] M 129 (iii. 162): tīṇi bālassa bālakkhaṇāni balanimittāni bālāpadāni, ba đặc tính, ba dấu hiệu, ba dấu tích của người ngu.

 [144] Đoạn lặp lại trong nguyên bản Hán.

 [145] Lục cánh lạc 六更樂.

 [146] Pl. M. iii. 168: các loại sâu hay dòi (puḷavā), giun (gaṇḍuppādā).

 [147] M 129 (iii.168): bālo idha pubbe rasādo, người ngu trước kia thưởng thức vị ngọt ở nơi này.

 [148] Câc loại cá, phiên âm: bà-lưu-ni 婆留尼 (Skt. vāruṇī, hay vāruṇa, tên một loại rắn nước, thuồng luồng?), đề-tỉ 提鼻 (Pl.: timi, một loại cá lớn), đề-tỉ-già-la 提鼻伽羅.(timiṅgala, một loại cá lớn có thê nuốt cả một chiếc thuyền); xem kinh 35 (A-tu-la). M 129 chỉ kể: pāṇā udakasmiṃ… macchā kacchapā susumārā, các sanh vật trong nước: cá, rùa, cá sấu.

 [149] Câu-lâu-la 拘樓羅, câu-lăng-ca 拘稜迦. M 129 chỉ kể bốn loại: kukkuṭā (gà), sūkarā (lợn), soṇā (chó), siṅgalā (dã can).

 [150] Yên ốc 煙屋. M 129: uttaripi adhibandhaṃ nigaccheyya, cuối cùng bị cột trói.

 [151] Bản Hán, hết quyển 53.

 [152] A-lê-tra 阿 梨 吒. M 22: Ariṭṭha.

 [153] Bổn già-đà-bà-lê 本伽陀婆利. Pāli: Gadhabādhi-pubba. Trước kia là người huấn luyện chim ưng.

 [154] Chướng ngại 障 礙, hoặc nói chướng đạo pháp 障 道 法. Pāli: anatāriyakā dhammā. Trường hợp này được ghi trong Luật tạng. Cf. Ngũ phần 8 (tr. 56c12), ba-dật-đề 48; Tăng-kì 25 (tr. 427a23): ba-đạt-đề 45; Tứ phần 17 (tr. 682b9), ba-dật-đề 68: A-lê-tra 阿梨吒;  Thập tụng  15 (tr. 106a3): A-lị-tra, ba-dật-đề 55; Căn bản Hữu bộ 39 (tr. 840b21): Vô Tứong 無相, ba-dật-đề 55. Pāli, pāc. 68, Vin. iv. 133.

 [155] Xem thí dụ kinh 203 sau.

 [156] Xem kinh 1 trên.

 [157] Để bản, bệ phiệt 椑 筏, bè cỏ (?); TNM: bạc phiệt 簿 筏, bè liếp. Pāli: kulla, chiếc bè.

 [158] Kiến xứ 見 處. Pāli: diṭṭhiṭṭhāna, y xứ của kiến chấp.

 [159] Hán: diệc phi thị thần 亦非是神. Pāli: na m’eso attā, cái đó không phải là tự ngã của tôi.

 [160] Bản Hán không kể hành.

 [161] Hán: kiến văn thức tri 見 聞 識 知. Pāli: diṭṭhaṃ sutaṃ mutaṃ viññātaṃ, cái được thấy, được nghe, được cảm giác, được nhận thức.

 [162] Hán: thử thị thần 此是神. Pāli: so attā, đây là tự ngã. Xem cht.8 trên.

 [163] M 22 (i. 136): siyā nu kho bhante ajjhattaṃ asati paritassanā ti, có thể có cái gì không thật hữu ở bên trong khiến lo sợ? Nội dung đoạn này, Hán và Pāli trái ngượic nhau.

 [164] Hán và Pāli trái ngược nhau. M 22: đây là trường hợp nhân bên ngoài không thật có mà sanh lo sợ: ahu vata me taṃ vata natthi; siyā vata me, taṃ vatāhaṃ na labhāmi, “chao ôi, cái này (trước đây) là của tôi, (nay) không là của tôi. Cái này có thể là của tôi, nhưng tôi không thủ đắc được nó.”

 [165] M. ibid.:...bahiddhā asati paritassanā, bên ngoài không thật có, sinh lo sợ.

 [166] M 22, đây là trường hợp nhân bên trong không thật có mà sanh lo sợ (siyā nu kho bhante ajjhattaṃ asati paritassanā ti).

 [167] Thọ như thị sở khả thọ 受如是所可受. M 22: taṃ attavādupādānāṃ upādiyetha yaṃsa...na uppajjeyyuṃ sokaparidevadukkhadomanassupāyāsā, “các ngươi có thể chấp thủ Ngã luận thủ nào (cố chấp quan điển hữu ngã) mà...chấp thủ ấy không khiến sanh sầu bi khổ não.:

 [168] Y như thị kiến sở khả 依如是見所可依. M 22: taṃ bhikkhave diṭṭhinissayaṃ nissayetha yaṃsa..., các ngươi có thể y chỉ sở y của kiến...

 [169] M 22: taṃ pariggahaṃ pariggaṇheyyātha.

 [170] Nhân thần cố hữu ngã 因神故有我. M 22: attani vā sati attaniyaṃ me ti assā ti? Phải chăng do có ngã mà có ngã sở của tôi”?

 [171] Thấn thần sở hữu bất khả đắc. Cf. M 22: attani ca attaniye ca saccato thetato anupalabbhamāne, trong khi ngã và ngã sở không được nhận thức như là chân thật, thường trụ.

 [172] Tâm trung sở hữu kiến xứ kết trước chư sử diệc bất khả đắc 心中所有見處結著諸使亦不可得. Cf. M 22: yampi taṃ diṭṭhithānaṃ - so loko so attā… nanāyaṃ … bāladhammo, thì kiến y xứ này: “Cái này là thế giới. Cái này là tự ngã.” Kiến y xứ này há không là pháp ngu si?

 [173] Độ tiệm 度塹. Pāli: ukkhittapaligho, người đã dẹp các chướng ngại.

 [174] M 22: āvajjā pahīnā hoti.

 [175] Quá tiệm 過塹. Pāli: abbūhesiko, người đã nhổ lên cột trụ.

 [176] M 22: taṇhā pahīnā hoti.

 [177] Phá quách 破墎.Pāli: saṃkiṇṇaparikkho, người đã lấp hào.

 [178] M 22: ponobbhaviko jātisaṃsāro pahīno hoti.

 [179] Vô môn 無門. Pāli: niraggaḷo, người đã tháo chốt cửa.

 [180] M 22: pañca orambhāgiyāni saṃyojanāni pahīnāno honti.

 [181] Thánh trí tuệ kính 聖智慧鏡. Pāli: ariyo pannaddhajo pannabhāro visaṃyutto, vị Thánh đã hạ cờ, đã đặt gánh nặng xuống, đã thoát ly.

 [182] M 22: asmimāno pahīno hoti.

 [183] Nhân-đà-la 因 陀 羅. Pāli: Inda, tức Thiên Đế Thích.

 [184] Y-sa-na 伊 舍 那. Pāli: Īsānā.

 [185] Như Lai thị Phạm, Như Lai thị lãnh, Như Lai bất phiền nhiệt, Như Lai bất dị 如 來 是 梵, 如 來 是 冷, 如 來 不 煩 熱, 如 來 不 異.

 [186] Ngự vô sở thi thiết 御無所施切. Pāli: venayiko samano gotamo, Sa-môn Cù-đàm, người dẫn đến chỗ hư vô.

 [187] Thi thiết đoạn diệt hoại. Pāli: ucchedaṃ vināsaṃ vibhavaṃ paññāpeti, chủ trương đoạn diệt, hoại diệt, phi hữu.

 [188] Hán: như thượng hữu dư 如上有餘. Không rõ ý.

 [189] Trà-đế Kê-hòa-đa Tử 嗏 帝 雞 和 哆 子. Sāti Kevaṭṭa Putta,  con người đánh cá.

 [190] Chân thuyết 真 說; Pāli: bhūta. Được hiểu là một thực thể, một sự hữu, một sinh vật. Trong văn mạch bản Hán, cần phải hiểu là “Một sự vật đang hiện hữu”.

 [191] Cát tường 吉祥; Pāli: maṅgala: có nghĩa “cát tường” mà cũng có nghĩa là ‘tế đàn’, ở đây nên hiểu theo nghĩa sau.

 [192] Bản hán, hết quyển 54.

Phẩm 19: Bô-đa-lị

PHẨM 19: BÔ-ĐA-LỊ

TỤNG NGÀY THỨ NĂM

Hậu tụng

持齋晡利多  

羅摩五下分

心穢箭毛二  

隨摩那修學

法樂比丘尼  

拘絺羅在後

Kệ tóm tắt:

Trì trai, Bô-đa-lị,

La-ma, Ngũ hạ phần,

Tâm uế, hai Tiễn mao,

Tùy-ma-na-tu học,

Pháp Lạc Tỳ kheo ni,

Câu-hi-la cuối cùng.

202. KINH TRÌ TRAI

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại nước Xá-vệ, trụ trong Đông viên, Lộc tử mẫu giảng đường [1].

Bấy giờ Lộc Tử Mẫu Tì-xá-khư [2], vào lúc sáng sớm, tắm gội, mặc chiếc áo trắng tinh, dẫn các con dâu [3] với đoàn tùy tùng vây quanh đi đến chỗ Phật. Cúi đầu làm lễ, rồi đứng sang một bên, Thế Tôn hỏi:

“Này Bà Cư sĩ [4], Bà vừa tắm gội chăng?”

Đáp rằng:

“Bạch Thế Tôn, hôm nay con trì trai. Bạch Thế Tôn, hôm nay con trì trai.”

Thế Tôn hỏi:

“Này Bà Cư sĩ, hôm nay Bà trì loại trai nào? Vì trai có ba loại. Những gì là ba? Thứ nhất là loại trai của mục đồng; thứ hai là loại trai của Ni-kiền; thứ ba là Thánh trai tám chi.

“Này Bà Cư sĩ, thế nào là loại trai của mục đồng [5]? Mục đồng buổi sáng thả bò trong đầm, buổi xế dẫn bò về thôn. Khi về thôn, nó nghĩ rằng, ‘Ngày hôm nay ta thả bò ở chỗ này; ngày mai ta sẽ thả bò ở chỗ kia. Ngày hôm nay ta cho bò uống ở chỗ này; ngày mai ta sẽ cho bò uống nước tại chỗ kia. Này Bà Cư sĩ, nếu người trì trai [770b] nghĩ rằng, ‘Ngày hôm nay ta ăn thức ăn như vầy; ngày mai ta sẽ ăn thức ăn như kia. Ngày hôm nay ta uống thức uống như vầy; ngày mai ta sẽ uống thức uống như kia. Ngày hôm nay ta nuốt thức ăn như vầy; ngày mai ta sẽ nuốt thức ăn như thế kia.’ Người ấy ở đây trải qua ngày đêm hoan lạc, đắm trước trong dục vọng như vậy. Đó gọi là loại trai của mục đồng. Nếu trì loại trai mục đồng như vầy, không thu hoạch được đại lợi, không được đại quả, không có đại công đức, không được phát triển.

“Này Bà Cư sĩ, thế nào là loại trai của Ni-kiền [6]? Có người xuất gia học theo Ni-kiền. Vị ấy khuyên người rằng, ‘Ngươi đối với chúng sanh ở ngoài một trăm do-diên về phía Đông, để ủng hộ chúng sanh ấy, hãy loại bỏ dao gậy. Cũng vậy, đối với phương Tây, phương Nam và phương Bắc, ngoài một trăm do-diên mà có chúng sanh nào, vì để ủng hộ chúng sanh ấy, hãy loại bỏ dao gậy.’ Người ấy khuyến khích sách tấn người khác như vậy. Hoặc chúng sanh có tưởng được thủ hộ, hoặc chúng sanh không có tưởng không được ủng hộ. [7] ‘Ngươi vào ngày mười lăm là ngày thuyết Biệt giải thoát, cởi bỏ y phục, để mình trần truồng, đứng ngay về phương Đông, nói như vầy: Ta không có cha mẹ, không thuộc về cha mẹ. Ta không có vợ con, không thuộc về vợ con. Ta không có nô tỳ, không thuộc về nô tỳ.’ Này Bà Cư sĩ, người ấy khuyến khích sách tấn bằng lời nói chân thật, nhưng ngược lại sự khuyến khích sách tấn trở thành những lời nói hư dối. Người ấy ngày ngày gặp mặt cha mẹ mình và nghĩ rằng, ‘Đây là cha mẹ ta.’ Cha mẹ người ấy ngày ngày cũng thấy con mình, cũng nghĩ rằng, ‘Đây là con ta.’ Người ấy gặp mặt vợ con và nghĩ rằng, ‘Đây là vợ con ta.’ Vợ con cũng thấy người ấy và cũng nghĩ rằng ‘Đây là tôn trưởng của ta.’ Người ấy gặp mặt nô tỳ cũng nghĩ rằng, ‘Đây là nô tỳ của ta.’ Nô tỳ cũng thấy người ấy và cũng nghĩ rằng, ‘Đây là chủ của ta.’ [8] Người ấy thọ dụng dục lạc này, không được cho mà thọ dụng, chứ không phải được cho mà thọ dụng [9]. Đó gọi là loại trai của Ni-kiền, như vậy không thu hoạch được đại lợi, không được đại quả, không được phát triển.

“Này Bà Cư sĩ, thế nào là Thánh trai tám chi [10]? Đa văn Thánh đệ tử khi trì trai tư duy như vầy, ‘A-la-hán chân nhân trọn đời xa lìa sát sanh, đoạn trừ sát sanh, dẹp bỏ dao gậy, có tàm, có quý, có tâm từ bi, làm lợi ích cho tất cả cho đến côn trùng; Ngài đối với sự sát sanh tâm đã tịnh trừ. Tôi cũng một ngày một đêm [11] xa lìa sát sanh, đoạn trừ sát sanh, dẹp bỏ dao gậy, có tàm có quý, có tâm từ bi, làm lợi ích cho tất cả cho đến côn trùng. [770c] Đối với việc sát sanh nay tôi tịnh trừ tâm ấy. Tôi do chi này mà đồng đẳng không khác với A-la-hán [12].’ Do đó nói là trai.

“Lại nữa, này Bà Cư sĩ, đa văn Thánh đệ tử khi trì trai tư duy như vầy, ‘A-la-hán chân nhân trọn đời không lấy của không cho, đoạn trừ sự lấy của không cho, những gì được cho rồi mới lấy, vui thích trong việc lấy của được cho, thường ưa bố thí, tâm vui thích sự phóng xả, hoan hỷ, không bỏn sẻn, không trông chờ báo đáp, không để sự trộm cắp che lấp tâm mình, hay tự chế ngự. Vị ấy đối với việc không cho mà lấy, tâm đã tịnh trừ. Tôi cũng một ngày một đêm* xa lìa sự lấy của không cho, đoạn trừ sự lấy của không cho, những gì được cho mới lấy, vui thích trong việc lấy của được cho, thường ưa bố thí, tâm vui thích sự phóng xả, hoan hỷ, không bỏn sẻn, thường không trông chờ sự báo đáp, không để sự trộm cắp che lấp tâm mình hay tự chế ngự. Đối với việc không cho mà lấy, nay tôi tịnh trừ tâm ấy. Tôi do chi này mà đồng đẳng không khác với A-la-hán.’ Do đó nói là trai.

“Lại nữa, này Bà Cư sĩ, đa văn Thánh đệ tử khi trì trai tư duy như vầy, ‘A-la-hán chân nhân trọn đời xa lìa phi phạm hạnh, đoạn trừ phi phạm hạnh, tu hành phạm hạnh, chí thành tâm tịnh, sống không xú uế, ly dục, đoạn dâm, vị ấy đối với phi phạm hạnh, tâm đã tịnh trừ. Tôi nay trong một ngày một đêm này [13] xa lìa phi phạm hạnh, đoạn trừ phi phạm hạnh tu hành phạm hạnh, chí thành tịnh tâm, sống không xú uế, ly dục, đoạn dâm. Đối với phi phạm hạnh, nay tôi tịnh trừ tâm ấy. Tôi do chi này mà đồng đẳng không khác với A-la-hán.’ Do đó nói là trai.

“Lại nữa, này Bà Cư sĩ, đa văn Thánh đệ tử khi trì trai tư duy như vầy, ‘A-la-hán chân nhân trọn đời không nói láo, đoạn trừ sự nói láo; chỉ nói lời chắc thật, vui thích sự thật, an trụ nơi sự thật, được mọi người tin tưởng, không lừa gạt thế gian. Vị ấy đối với sự nói dối, tâm đã tịch trừ. Tôi nay một ngày một đêm* không nói dối, đoạn trừ sự nói dối, chỉ nói lời chắc thật, vui thích sự thật, an trụ nơi sự thật, được mọi người tin tưởng, không lừa gạt thế gian. Đối với sự nói dối, tôi nay tịnh trừ tâm ấy. Tôi do chi này mà đồng đẳng không khác với A-la-hán.’ Do đó nói là trai.   

“Lại nữa, này Bà Cư sĩ, đa văn Thánh đệ tử khi trì trai tư duy như vầy, ‘A-la-hán chân nhân trọn đời xa lìa việc uống rượu buông lung, đoạn trừ sự uống rượu buông lung. Vị ấy đối với việc uống rượu buông lung, tâm đã tịnh trừ. Tôi nay cũng một ngày một đêm* xa lìa sự uống rượu buông lung, đoạn trừ sự uống rượu buông lung. Đối với việc uống rượu buông lung, nay tôi tịnh trừ tâm ấy. [771a] Tôi do chi này mà đồng đẳng không khác với A-la-hán.’ Do đó nói là trai.

“Lại nữa, này Bà Cư sĩ, đa văn Thánh đệ tử khi trì trai tư duy như vầy, ‘A-la-hán chân nhân trọn đời xa lìa giường lớn cao rộng, đoạn trừ giường lớn cao rộng, vui thích nằm ngồi chỗ thấp, hoặc giường hoặc trải cỏ. Vị ấy đối với giường lớn cao rộng, tâm đã tịnh trừ. Tôi nay trong một ngày một đêm này xa lìa giường lớn cao rộng, đoạn trừ giường lớn cao rộng, vui thích nằm ngồi chỗ thấp, hoặc giường hoặc trải cỏ. Đối với giường lớn cao rộng, tôi nay tịnh trừ tâm ấy.’ Ta coi chi này đồng đẳng không khác với A-la-hán, cho nên nói là trai.

“Lại nữa, này Bà Cư sĩ, đa văn Thánh đệ tử khi trì trai tư duy như vầy, ‘A-la-hán chân nhân trọn đời xa lìa tràng hoa anh lạc, hương bột, phấn sáp, ca, vũ, xướng, kỹ và đi đến xem nghe. Đoạn trừ tràng hoa anh lạc, hương bột, phấn sáp, ca, vũ, xướng, kỹ và đi đến xem nghe. Vị ấy đối với tràng hoa anh lạc, hương bột, phấn sáp, ca, vũ, xướng, kỹ và đi đến xem nghe tâm đã tịnh trừ. Tôi nay trong một ngày một đêm này xa lìa tràng hoa anh lạc, hương bột, phấn sáp, ca, vũ, xướng, kỹ và đi đến xem nghe. Đoạn trừ tràng hoa anh lạc, hương bột phấn sáp, ca, vũ, xướng, kỹ và đi đến xem nghe. Đối với tràng hoa anh lạc, hương bột, phấn sáp, ca, vũ, xướng, kỹ và đi đến xem nghe, nay tôi tịnh trừ tâm ấy.’ Tôi do chi này mà đồng đẳng không khác với A-la-hán.’ Do đó nói là trai.

“Lại nữa, này Bà Cư sĩ, đa văn Thánh đệ tử khi trì trai tư duy như vầy, ‘A-la-hán chân nhân trọn đời xa lìa sự ăn phi thời, đoạn trừ sự ăn phi thời. Vị ấy đối với sự ăn phi thời tâm đã tịnh trừ. Tôi nay trong một ngày một đêm xa lìa sự ăn phi thời, đoạn trừ sự ăn phi thời. Đối với sự ăn phi thời, tôi nay tịnh trừ tâm ấy.’ Tôi do chi này mà đồng đẳng không khác với A-la-hán.’ Do đó nói là trai.

“Người ấy sau khi đến với Thánh trai tám chi này rồi, để tiến lên, lại nên tu tập năm pháp.

“Những gì là năm? Này Bà Cư sĩ, đa văn Thánh đệ tử khi trì trai niệm tưởng Như Lai rằng, ‘Thế Tôn là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.’ Người ấy sau khi niệm tưởng Như Lai như vậy, ác tham [14] nếu có liền [771b] bị tiêu diệt. Những pháp tạp uế, ác bất thiện, nếu có cũng bị diệt. Này Bà Cư sĩ, đa văn Thánh đệ tử duyên nơi Như Lai cho nên tâm tĩnh, được hỷ, ác tham lam nếu có liền bị diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng bị tiêu diệt. Cũng như một người trên đầu có cáu ghét, do cao, nước nóng, sức người tắm gội cho nên được sạch. Cũng vậy, đa văn Thánh đệ tử khi trì trai niệm tưởng Như Lai rằng, ‘Thế Tôn là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.’ Người ấy sau khi niệm tưởng Như Lai như vậy ác lam tham nếu có liền bị diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng được diệt. Này Bà Cư sĩ, đa văn Thánh đệ tử duyên nơi Như Lai nên tâm tĩnh, được hỷ, ác tham lam nếu có liền bị diệt, pháp tạp uế, bất thiện nếu có cũng bị diệt. Đó gọi là đa văn Thánh đệ tử thọ trì Phạm trai, [15] cùng cộng hội với Phạm, nhân Phạm cho nên tâm tĩnh, được hỷ, ác tham lam nếu có liền bị diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng bị diệt.

Này Bà Cư sĩ, đa văn Thánh đệ tử khi trì trai niệm tưởng Pháp rằng, ‘Pháp này do Thế Tôn giảng thuyết toàn thiện, cứu cánh, thường hằng, không biến đổi, được biết bởi chánh trí, được thấy bởi chánh trí, được chứng giác bởi chánh trí [16].’ Người ấy sau khi niệm tưởng như vậy rồi, ác tham lam nếu có liền bị diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng bị diệt. Này Bà Cư sĩ, đa văn Thánh đệ tử duyên nơi pháp nên tâm tĩnh, được hỷ; ác tham lam nếu có liền diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng bị diệt. Cũng như một người trong mình có cấu ghét, nhờ bột tắm, nước nóng và sức người tắm gội kỹ cho nên được sạch sẽ. Cũng vậy, đa văn Thánh đệ tử khi trì trai niệm tưởng Pháp rằng, ‘Pháp này do Thế Tôn giảng thuyết toàn thiện, cứu cánh, thường hằng, không biến đổi.’ Người ấy sau khi niệm pháp như vậy rồi, ác tham lam nếu có liền được diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng được diệt. Này Bà Cư sĩ, đa văn Thánh đệ tử duyên nơi pháp cho nên tâm tĩnh, được hỷ, ác tham lam nếu có liền được diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng được diệt. Này Bà Cư sĩ, đó gọi là đa văn Thánh đệ tử thọ trì pháp trai, cùng cộng hội với pháp, nhân pháp [771c] cho nên tâm tĩnh, được hỷ, ác tham lam nếu có liền được diệt, pháp tạp uế, bất thiện nếu có cũng được diệt.

“Lại nữa, này Bà Cư sĩ, đa văn Thánh đệ tử khi trì trai niệm tưởng Tăng rằng, ‘Tăng là đệ tử Thế Tôn, khéo thú hướng, chất trực, hành yếu, hành thú, trong Tăng chúng của Như Lai thật sự có A-la-hán thú, A-la-hán quả chứng, A-na-hàm thú, A-na-hàm quả chứng, Tư-đà-hàm thú, Tư-đà-hàm quả chứng, Tu-đà-hoàn thú, Tu-đà-hoàn quả chứng. Đó là bốn đôi, tám hạng Thánh sĩ. Đó là chúng tăng đệ tử của Thế Tôn, thành tựu giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, xứng đáng mời gọi, xứng đáng thỉnh, xứng đáng cúng dường, xứng đáng phụng sự, xứng đáng kính trọng, là ruộng phước là ruộng phước tốt cho trời và người [17].’ Người đó sau khi niệm tưởng như vậy rồi, ác tham lam nếu có liền được diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng được diệt. Này Bà Cư sĩ, đa văn Thánh đệ tử duyên nơi Tăng nên tâm tĩnh, được hỷ, ác tham lam nếu có liền được diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng được diệt. Cũng như một người nơi áo có cấu ghét, bất tịnh, nhờ tro, bột kết, bột giặt, nước nóng, sức người giặt giũ, nên nó được sạch sẽ như vậy. Cũng vậy, đa văn Thánh đệ tử khi trì trai niệm tưởng Tăng rằng, ‘Tăng là đệ tử Thế Tôn, khéo thú hướng, chất trực, hành yếu, hành thú, trong Tăng chúng của Như Lai thật sự có A-la-hán thú, A-la-hán quả chứng, A-na-hàm thú, A-na-hàm quả chứng. Tư-đà-hàm thú, Tư-đà-hàm quả chứng, Tu-đà-hoàn thú, Tu-đà-hoàn quả chứng. Đó là bốn đôi tám hạng Thánh sĩ, đó là Tăng chúng của Thế Tôn, thành tựu, giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, xứng đáng mời gọi, xứng đáng thỉnh, xứng đáng cung kính, xứng đáng cúng dường, xứng đáng phụng sự, xứng đáng kính trọng, là ruộng phước tốt cho trời và người.’ Người ấy niệm tưởng Tăng như vậy, ác tham lam nếu có liền được diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng được diệt. Này Bà Cư sĩ, đa văn Thánh đệ tử duyên nơi tăng nên tâm tĩnh, được hỷ, ác tham lam nếu có liền được diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng được diệt. Đó gọi là đa văn Thánh đệ tử thọ trì Tăng trai, cùng tăng cộng hội, nhân tăng mà tâm tĩnh, được hỷ, ác tham lam nếu có liền được diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng được diệt.

“Lại nữa, này Bà Cư sĩ, đa văn Thánh đệ tử khi [772a] trì trai tư duy Giới mình đang thọ trì, không sứt, không thủng, không uế, không ô, rất rộng, rất lớn, không trông chờ báo đáp, được bậc trí khen ngợi, khéo trọn đủ, khéo thú hướng, khéo thọ, khéo trì. Người ấy sau khi niệm tưởng Giới mình đang thọ rồi, ác tham lam nếu có liền được diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng được diệt. Này Bà Cư sĩ, đa văn Thánh đệ tử duyên nơi Giới, nên tâm tĩnh, được hỷ, ác tham lam nếu có liền được diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng được diệt. Cũng như một tấm gương bụi nhơ, không sáng, nhờ đá, đá mài, ngọc oanh, và sức người lau chùi, mài dũa mà được trong sáng. Cũng vậy, đa văn Thánh đệ tử khi trì trai niệm tưởng Giới mình đang thọ trì, không sứt, không thủng, không ô, không uế, rất rộng, rất lớn, không trông chờ báo đáp, được bậc trí khen ngợi, khéo trọn đủ, khéo thú hướng, khéo thọ, khéo trì. Người ấy sau khi niệm tưởng Giới mình đang thọ trì như vậy, ác tham lam nếu có liền được diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng được diệt. Này Bà Cư sĩ, đa văn Thánh đệ tử duyên nơi Giới nên tâm tĩnh, được hỷ, ác tham lam nếu có liền được diệt pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng được diệt. Đó gọi là đa văn Thánh đệ tử thọ trì giới trai. Cùng Giới cộng hội, nhân Giới, tâm tĩnh, được hỷ, ác tham lam nếu có liền được diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng được diệt.

“Lại nữa, này Bà Cư sĩ, đa văn Thánh đệ tử khi trì trai niệm tưởng chư Thiên rằng, ‘Thật sự có Tứ vương thiên. Hàng Thiên ấy, nếu ai thành tựu tín, mạng chung nơi này được sanh nơi ấy. Tôi cũng có tín ấy. Hàng Thiên ấy, nếu ai thành tựu giới, văn, thí, tuệ, mạng chung nơi này được sanh nơi ấy. Tôi cũng có tuệ ấy. Thật sự có Tam thập tam thiên, Diệm-ma thiên, Đâu-suất-đà thiên, Hóa lạc thiên, Tha hóa lạc thiên. Hàng Thiên ấy, nếu ai thành tựu tín, mạng chung nơi này được sanh nơi ấy, tôi cũng có tín ấy. Hàng Thiên ấy, nếu ai thành tựu giới, văn, thí, tuệ, mạng chung nơi này được sanh nơi ấy. Tôi cũng thành tựu tuệ ấy.’ Người ấy sau khi niệm tưởng như vậy rồi, và chư Thiên có tín, giới, văn, thí, tuệ, ác tham lam nếu có liền được diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng được diệt. Này Bà Cư sĩ, đa văn Thánh đệ tử duyên nơi chư Thiên nên tâm tĩnh, được hỷ, ác tham lam nếu có liền được diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng được diệt. Cũng như [772b] vàng ròng thượng sắc, bị bụi đóng bất tịnh, nhờ lửa, bài, kiềm, chùy, đất đỏ, sức người lau chùi mài dũa mà được minh tịnh. Cũng vậy, đa văn Thánh đệ tử khi trì trai niệm tưởng chư Thiên rằng ‘Thật sự có Tứ vương thiên. Hàng Thiên ấy, nếu ai thành tựu tín, mạng chung nơi này được sanh nơi kia, tôi cũng có tín ấy. Hàng Thiên ấy, nếu ai thành tựu giới, văn, thí, tuệ, mạng chung nơi này được sanh nơi kia, tôi cũng có tuệ ấy. Thật sự có Tam thập tam thiên, Diệm-ma thiên, Đâu-suất-đà thiên, Hóa lạc thiên, Tha hóa lạc thiên. Hàng Thiên ấy, nếu ai thành tựu tín, mạng chung nơi này được sanh nơi ấy. Tôi cũng thành tựu tín ấy. Hàng Thiên ấy, nếu ai thành tựu giới, văn, thí, tuệ, mạng chung nơi này được sanh nơi ấy; tôi cũng thành tựu tuệ ấy.’ Người ấy niệm tưởng như vậy, và chư Thiên có tín, giới, văn, thí, tuệ, ác tham lam nếu có liền được diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng được diệt.

“Này Bà Cư sĩ, nếu hành trì Thánh trai tám chi này như vậy và ở đây với mười sáu đại quốc này, một là Ương-ca, hai là Ma-kiệt-đà, ba là Ca-thi, bốn là Câu-tát-la, năm là Câu-lâu, sáu là Ban-xà-la, bảy là A-nhiếp-bối, tám là A-hòa-đàn-đề, chín là Chi-đề, mười là Bạt-kỳ, mười một là Bạt-ta, mười hai là Bạt-la, mười ba là Tô-ma, mười bốn là Tô-la-tra, mười lăm là Dụ-ni, mười sáu là Kiếm-phù. [18] Trong các nước này những sở hữu tiền tài, bảo vật, kim ngân, ma ni, chơn châu, lưu ly, tương-già [19], bích ngọc, san hô, lưu-thiệu [20], tì-lưu [21], tì-lặc [22], mã não, đồi mồi, xích thạch, tuyền châu, và giả sử một người làm vua trong đó, sẽ được xử dụng tự tại, tùy ý. Nhưng người ấy so với người thọ trì Thánh trai tám chi hoàn toàn không bằng một phần mười sáu.

“Này Bà Cư sĩ, Ta nhân đó mà nói như vầy, ‘Lạc thú của nhân vương không bằng lạc thú của chư Thiên.’ Nếu nhân gian năm mươi năm, ở trên Tứ vương thiên mới là một ngày một đêm. Như vậy ba mươi ngày đêm là một tháng, mười hai tháng là một năm. Năm trăm năm như vậy là tuổi thọ của Tứ vương thiên. Này Bà Cư sĩ, tất có trường hợp này, là thiện nam tử hay thiện nữ nhân, thọ trì Thánh trai tám chi, thân hoại mạng chung sẽ sanh lên Tứ vương Thiên.

“Này Bà Cư sĩ, do đó mà ta nói như vầy, ‘Lạc thú nhân vương không bằng lạc thú chư Thiên.’ Nếu nhân gian sống một trăm tuổi, thì ở Tam thập tam thiên mới một ngày một đêm. Như vậy ba mươi ngày đêm là một tháng, mười hai tháng là một năm và một nghìn năm như vậy [772c] là tuổi thọ của Tam thập tam thiên. Này Bà Cư sĩ, tất có trường hợp này, là thiện nam tử hay thiện nữ nhân, thọ trì Thánh trai tám chi này, khi thân hoại mạng chung sẽ được sanh lên Tam thập tam thiên.

“Này Bà Cư sĩ, Ta nhân đó mà nói như vầy, ‘Lạc thú nhân vương không bằng lạc thú chư Thiên.’ Ở nhân gian hai trăm năm thì Diệm-ma thiên mới là một ngày một đêm. Như vậy ba mươi ngày đêm là một tháng, mười hai tháng là một năm. Hai nghìn năm như vậy là tuổi thọ của Diệm-ma thiên. Này Bà Cư sĩ, tất có trường hợp này, là thiện nam tử hay thiện nữ nhân thọ trì Thánh trai tám chi, khi thân hoại mạng chung sẽ được sanh lên trên Diệm-ma thiên.

“Này Bà Cư sĩ, Ta nhân đó mà nói như vầy, ‘Lạc thú của nhân vương không bằng lạc thú của chư Thiên.’ Nhân gian bốn trăm năm thì Đâu-suất-đà thiên mới là một ngày một đêm. Như vậy, ba mươi ngày đêm là một tháng, mười hai tháng là một năm. Bốn ngàn năm như vậy là tuổi thọ của Đâu-suất-đà thiên. Này Bà Cư sĩ, tất có trường hợp này, là thiện nam tử hay thiện nữ nhân thọ trì Thánh trai tám chi này, khi thân hoại mạng chung sẽ được sanh lên Đâu-suất-đà thiên.

“Này Bà Cư sĩ, Ta nhân đó mà nói như vầy, ‘Lạc thú nhân vương không bằng lạc thú chư Thiên.’ Nhân gian sống tám trăm tuổi, thì Hóa lạc thiên mới là một ngày một đêm. Như vậy ba mươi ngày đêm là một tháng, mười hai tháng là một năm, tám ngàn năm như vậy là tuổi thọ của Hóa lạc thiên. Này Bà Cư sĩ, tất có trường hợp này, là thiện nam tử hay thiện nữ nhân thọ trì Thánh trai tám chi này, khi thân hoại mạng chung sẽ được sanh lên Hóa lạc thiên.

“Này Bà Cư sĩ, Ta nhân đó mà nói rằng, ‘Lạc thú của nhân vương không bằng lạc thú chư Thiên.’ Nhân gian một ngàn sáu trăm năm, thì Tha hóa lạc thiên mới một ngày một đêm. Như vậy ba mươi ngày đêm là một tháng, mười hai tháng là một năm, một vạn sáu ngàn năm như vậy là tuổi thọ của Tha hóa lạc thiên. Này Bà Cư sĩ, tất có trường hợp này, là thiện nam tử hay thiện nữ nhân thì trì Thánh trai tám chi này, khi thân hoại mạng chung sẽ được sanh lên Tha hóa lạc thiên.”

Lúc bấy giờ Lộc Tử Mẫu Tì-xá-khư chắp tay hướng về Đức Phật bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, Thánh trai tám chi thật là kỳ diệu, thật là hy hữu, đại lợi, đại quả, có đại công đức, có đại quảng bố, con từ nay cho đến trọn đời xin thọ trì Thánh trai tám chi này, tùy theo năng lực mà bố thí tu phước.”

Rồi Lộc Tử Mẫu sau khi nghe những lời Phật dạy, khéo thọ trì, khéo tu tập, cúi đầu đảnh lễ chân Phật, đi quanh ba vòng rồi lui về.

Thế Tôn thuyết như vậy, Lộc Tử Mẫu Tì-xá-khư và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

203. KINH BÔ-ĐA-LỊ

 [773a4] Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại Na-nan-đại, [23] trong khu rừng xoài của Ba-hòa-lị [24].

Bấy giờ Bô-đa-lị [25] Cư sĩ mặc chiếc áo trắng tinh, đầu quấn khăn trắng, chống gậy, cầm dù, mang guốc thế tục, đi từ vườn này sang vườn khác, từ quán nọ đến quán kia, từ rừng đến rừng, du hành khắp nơi, thong dong tản bộ, nếu gặp các Sa-môn, Bà-ma-môn bèn nói rằng, “Chư Hiền nên biết, tôi lánh tục, đoạn tục, xả các tục sự.” Các Sa-môn, Bà-ma-môn nói lại bằng những lời dịu dàng rằng, “Vâng, Cư sĩ Bô-đa-lị lánh tục, đoạn tục, xả các tục sự.”

Rồi Cư sĩ Bô-đa-lị trong khi du hành khắp nơi, thong dong tản bộ đến chỗ Đức Phật, chào hỏi xong, chống gậy đứng ngay trước Phật.

Thế Tôn hỏi:

“Cư sĩ, có chỗ ngồi đó, muốn ngồi thì mời ngồi.”

Cư sĩ Bô-đa-lị bạch rằng:

“Này Cù-đàm, không thể như vậy! Không nên như vậy! Vì sao? Vì tôi lánh tục, đoạn tục, xả các tục sự, mà Cù-đàm gọi tôi là Cư sĩ [26] sao?”

Thế Tôn nói:

“Ông có hình tướng, biểu hiệu như Cư sĩ, cho nên Ta gọi ông là Cư sĩ. Có chỗ ngồi đó, muốn ngồi thì mời ngồi.”

Thế Tôn lại ba lần nói rằng:

“Này Cư sĩ, có chỗ ngồi đó, muốn ngồi thì ngồi.”

Cư sĩ Bô-đa-lị cũng ba lần bạch Phật rằng:

“Này Cù-đàm, không thể như vậy! Không nên như vậy! Vì sao? Vì tôi lánh tục, đoạn tục, xả các tục sự mà Cù-đàm gọi tôi là Cư sĩ sao?”

Thế Tôn trả lời rằng:

“Ông có hình tướng, biểu hiện như Cư sĩ, cho nên Ta gọi ông là Cư sĩ. Có chỗ ngồi đó, muốn ngồi thì mời ngồi.”

Rồi Thế Tôn hỏi:

“Ông lánh tục, đoạn tục, xả các tục sự như thế nào?”

Cư sĩ Bô-đa-lị đáp:

“Tất cả những tài vật trong nhà, tôi đều cho con cái hết, rồi tôi sống vô vi, vô cầu, chỉ đi lấy thức ăn để duy trì mạng sống mà thôi. Tôi lánh tục, đoạn tục, xả các tục sự như vậy.”

Thế Tôn nói:

“Này Cư sĩ, trong Thánh pháp luật, sự đoạn tuyệt các tục sự không phải như vậy. Này Cư sĩ, trong Thánh pháp luật có tám chi đoạn tuyệt tục sự.”

Lúc bấy giờ Cư sĩ Bô-đa-lị bèn bỏ gậy, xếp dù, cởi [773b] guốc tục, chắp tay hướng về Phật bạch rằng:

“Này Cù-đàm, trong Thánh pháp luật, thế nào là tám chi đoạn tuyệt tục sự?”

Thế Tôn nói:

“Này Cư sĩ, đa văn Thánh đệ tử y trên lìa sát mà đoạn trừ sát, y trên xa lìa lấy của không cho mà đoạn trừ sự lấy của không cho, y trên xa lìa tà dâm mà đoạn trừ tà dâm, y trên xa lìa nói láo mà đoạn trừ nói láo, y trên không tham trước mà đoạn trừ tham trước, [27] y trên không nhuế hại mà đoạn trừ nhuế hại, [28] y trên không đố kỵ thù nghịch mà đoạn trừ đố kỵ thù nghịch, [29] y trên không tăng thượng mạn mà đoạn trừ tăng thượng mạn. [30]

“Này Cư sĩ, thế nào là đa văn Thánh đệ tử y trên lìa sát mà đoạn trừ sát? Đa văn Thánh đệ tử tư duy như vầy, ‘Ai giết chóc phải chịu ác báo trong đời này và đời sau. Nếu ta giết chóc, ấy là gây hại mình và cũng xuyên tạc hủy báng người khác. Chư Thiên và các đồng phạm hạnh có trí sẽ chê bai học giới của ta, các phương đều nghe đồn tiếng xấu của ta, thân hoại mạng chung tất sẽ đi đến ác xứ, sanh trong địa ngục. Ai giết chóc như vậy, sẽ chịu quả báo này, trong đời này và đời sau. Như vậy, nay ta có nên y trên lìa sát mà đoạn trừ sát chăng?’ Rồi vị ấy y trên xa lìa sát hại mà đoạn trừ sát hại. Như vậy là đa văn Thánh đệ tử y trên lìa sát mà đoạn trừ sát.

“Này Cư sĩ, thế nào là đa văn Thánh đệ tử y trên xa lìa lấy của không cho mà đoạn trừ sự lấy của không cho? Đa văn Thánh đệ tử tư duy như vầy, ‘Ai lấy của không cho tất phải chịu quả báo ác trong đời này và đời sau. Nếu ta lấy của không cho, ấy là gây hại mình và cũng xuyên tạc hủy báng người khác. Chư Thiên và các đồng phạm hạnh có trí sẽ chê bai học giới của ta, các phương đều nghe đồn tiếng xấu của ta, thân hoại mạng chung tất sẽ đi đến ác xứ, sanh trong địa ngục. Ai lấy của không cho phải chịu ác báo trong đời này và đời sau như vậy, nay ta có nên y trên xa lìa lấy của không cho mà đoạn trừ sự lấy của không cho chăng?’ Rồi vị ấy y trên xa lìa lấy của không cho mà đoạn trừ sự lấy của không cho. Như vậy, đa văn Thánh đệ tử y trên xa lìa lấy của không cho mà đoạn trừ sự lấy của không cho.

“Này Cư sĩ, thế nào là đa văn Thánh đệ tử y xa lìa tà dâm mà đoạn trừ tà dâm? Đa văn Thánh đệ tử tư duy như vầy, ‘Ai tà dâm tất phải chịu ác báo trong đời này và đời sau. Nếu ta tà dâm ấy là tự hại mà cũng là xuyên tạc hủy báng người khác. Chư Thiên và các đồng phạm hạnh có trí sẽ chê bai học giới của ta, các phương thảy đều nghe đồn tiếng xấu của ta. khi thân hoại mạng chung phải đi đến ác thú, sanh trong địa ngục. Ai tà dâm tất phải chịu ác báo này trong đời này và đời sau như vậy, nay ta có nên y trên xa lìa tà dâm mà đoạn trừ tà dâm chăng?’ Rồi vị ấy y trên xa lìa tà dâm mà đoạn trừ tà dâm. [773c] Như vậy, đa văn Thánh đệ tử xa lìa tà dâm mà đoạn trừ tà dâm.

“Này Cư sĩ, thế nào là đa văn Thánh đệ tử y trên xa lìa nói láo mà đoạn trừ sự nói láo? Đa văn Thánh đệ tử tư duy như vầy, ‘Ai nói láo tất phải chịu ác báo trong đời này và đời sau. Nếu ta nói láo ấy là tự hại mà cũng xuyên tạc phỉ báng người khác. Chư Thiên và các đồng phạm hạnh có trí sẽ chê bai học giới của ta, khi thân hoại mạng chung tất sẽ phải đi đến ác xứ, sanh trong địa ngục. Ai nói láo tất phải chịu ác báo này đời này và đời sau như vậy. Nay ta nên y cứ trên xa lìa nói láo mà đoạn trừ sự nói láo chăng?’ Rồi vị ấy y cứ trên xa lìa nói láo mà đoạn trừ sự nói láo. Như vậy Đa văn Thánh đệ tử y trên xa lìa nói láo mà đoạn trừ sự nói láo.

“Này Cư sĩ, thế nào là đa văn Thánh đệ tử y trên không tham trước mà đoạn trừ tham trước? Đa văn Thánh đệ tử tư duy như vầy, ‘Ai tham trước tất phải thọ ác báo trong đời này và đời sau. Nếu ta tham trước ấy là tự hại mà cũng là xuyên tạc hủy báng người khác. Chư Thiên và các đồng phạm hạnh có trí sẽ chê bai học giới của ta. Khi thân hoại mạng chung tất phải đi đến ác xứ, sanh trong địa ngục. Ai tham trước tất phải thọ ác báo này trong đời này và đời sau như vậy. Nay ta có nên xa lìa tham trước mà đoạn trừ tham trước chăng?’ Rồi vị ấy y trên xa lìa tham trước mà đoạn trừ tham trước. Như vậy, đa văn Thánh đệ tử y trên xa lìa tham trước mà đoạn trừ tham trước.

“Này Cư sĩ, thế nào là đa văn Thánh đệ tử y trên xa lìa hại nhuế mà đoạn trừ hại nhuế? Đa văn Thánh đệ tử tư duy như vầy, ‘Ai hại nhuế tất phải thọ ác báo trong đời này và đời sau. Nếu ta hại nhuế ấy là tự hại, mà cũng là hủy báng xuyên tạc người khác. Chư Thiên và các đồng phạm hạnh có trí sẽ chê bai học giới của ta, các phương đều nghe đồn tiếng xấu của ta, khi thân hoại mạng chung tất sẽ đi đến ác xứ, sanh trong địa ngục. Ai hại nhuế tất phải thọ ác báo này đời này và đời sau. Như vậy, nay ta có nên xa lìa hại nhuế mà đoạn trừ hại nhuế chăng?’ Rồi vị ấy y trên xa lìa hại nhuế mà đoạn trừ hại nhuế. Như vậy, đa văn Thánh đệ tử y trên xa lìa hại nhuế mà đoạn trừ hại nhuế.

“Này Cư sĩ, thế nào là đa văn Thánh đệ tử y trên không đố kỵ thù nghịch mà đoạn trừ đố kỵ thù nghịch? Đa văn Thánh đệ tử tư duy như vầy, ‘Ai đố kỵ thù nghịch tất phải thọ ác báo đời này và đời sau. Nếu ta đố kỵ thù nghịch ấy là tự hại và cũng xuyên tạc hủy báng người khác. Chư Thiên và các đồng phạm hạnh có trí sẽ chê bai học giới của ta, các phương [774a] đều nghe đồn tiếng xấu của ta. Khi thân hoại mạng chung tất phải đi đến ác xứ, sanh trong địa ngục. Ai đố kỵ thù nghịch tất phải thọ ác báo này đời này và đời sau như vậy, nay ta có nên y cứ trên không đố kỵ thù nghịch mà đoạn trừ đố kỵ thù nghịch chăng?’ Rồi vị ấy y cứ trên không đố kỵ thù nghịch mà đoạn trừ đố kỵ thù nghịch. Như vậy, đa văn Thánh đệ tử y cứ trên không đố kỵ thù nghịch mà đoạn trừ đố kỵ thù nghịch.

“Này Cư sĩ, thế nào là đa văn Thánh đệ tử y trên không tăng thượng mạn mà đoạn trừ tăng thượng mạn? Đa văn Thánh đệ tử tư duy như vầy, ‘Ai tăng thượng mạn tất thọ ác báo trong đời này và đời sau. Nếu ta có tăng thượng mạn ấy là tự hại mà cũng là xuyên tạc hủy báng người khác. Chư Thiên và các đồng phạm hạnh có trí sẽ chê bai học giới của ta, các phương đều nghe đồn tiếng xấu của ta. Khi thân hoại mạng chung tất phải đi đến ác xứ, sanh trong địa ngục. Ai có tăng thượng mạn tất phải thọ ác báo này đời này và đời sau như vậy. Nay ta có nên y cứ không tăng thượng mạn mà đoạn trừ tăng thượng mạn chăng?’ Rồi vị ấy y trên không tăng thượng mạn mà đoạn trừ tăng thượng mạn. Như vậy Đa văn Thánh đệ tử y trên không tăng thượng mạn mà đoạn trừ tăng thượng mạn.

“Đó là Tám chi đoạn tuyệt tục sự trong Thánh pháp luật.”

Cư sĩ hỏi rằng:

“Này Cù-đàm, trong Thánh pháp luật chỉ như vậy là đoạn tuyệt tục sự hay còn những điều khác nữa?”

Thế Tôn nói:

“Trong Thánh pháp luật không chỉ có chừng đó đoạn tuyệt tục sự, mà còn tám chi đoạn tuyệt tục sự khác khiến đạt đến chứng ngộ.”

Bô-đa-lị Cư sĩ nghe xong, bèn cởi khăn trắng chắp tay hướng về Đức Phật bạch rằng:

“Này Cù-đàm, thế nào nói là trong Thánh pháp luật còn có tám chi đoạn tuyệt tục sự khác đạt đến chứng ngộ?”

Thế Tôn đáp rằng:

“Này Cư sĩ, cũng như một con chó đói, gầy ốm, mệt mỏi, đến bên chỗ mổ bò. Người đồ tể hay đệ tử của người đồ tể quăng cho con chó một khúc xương đã rút tỉa hết thịt. Con chó lượm được khúc xương rồi chạy đến chỗ này chỗ kia mà gặm, rách môi, mẻ răng, hoặc gây thương hại cuống họng, nhưng con chó không vì vậy mà đoạn trừ được đói. Này Cư sĩ, đa văn Thánh đệ tử tư duy như vầy, ‘Dục vọng như bộ xương khô. Thế Tôn nói dục vọng như bộ xương khô, hoan lạc ít mà khổ não lại nhiều, đầy dẫy nguy hiểm, nên xa lánh đi.’ Nếu ai có sự xả ly dục, ly ác bất thiện pháp này, thì ở đây tất cả mọi sự vật dục của thế gian [31] đều vĩnh viễn đoạn tận không dư tàn. Hãy tu tập điều đó.

“Này Cư sĩ, cũng như cách thôn không xa, có một miếng thịt rơi trên khoảng đất trống; hoặc quạ hoặc diều mang miếng thịt ấy đi. Rồi những quạ diều khác đuổi theo để tranh giành. Ý Cư sĩ nghĩ sao? Nếu [774b] quạ diều ấy không vội xả bỏ tức khắc miếng thịt này, các quạ diều khác vẫn đuổi theo để dành giựt chăng?”

Cư sĩ đáp:

“Thật sự như vậy, Cù-đàm.”

“Ý Cư sĩ nghĩ sao, nếu quạ diều ấy xả bỏ tức khắc miếng thịt này, các quạ diều khác có còn đuổi theo để dành giựt chăng?”

Cư sĩ đáp:

“Không vậy, Cù-đàm.”

“Này Cư sĩ, đa văn Thánh đệ tử tư duy như vầy, ‘Dục vọng như miếng thịt. Thế Tôn nói dục vọng như miếng thịt; hoan lạc ít mà khổ não nhiều, đầy những nguy hiểm, hãy nên xa lìa đi.’ Nếu ai có sự xả ly dục, ly ác bất thiện pháp này, thì ở đây tất cả mọi vật dục thế gian đều vĩnh viễn đoạn tận không dư tàn. Hãy nên tu tập điều này.

“Này Cư sĩ, cũng như một người tay cầm một bó đuốc đang cháy, ngược gió mà đi. Ý Cư sĩ nghĩ sao? Giả sử người ấy không liệng bỏ tức khắc, nhất định có cháy tay và các chi thể khác chăng?”

Cư sĩ đáp:

“Thật sự như vậy, Cù-đàm.”

“Ý Cư sĩ nghĩ sao? Giả sử người ấy liệng bỏ tức khắc, sẽ còn bị cháy tay hay các chi thể khác nữa chăng?”

Cư sĩ đáp:

“Không vậy Cù-đàm.”

“Này Cư sĩ, đa văn Thánh đệ tử tư duy như vầy, ‘Dục vọng như bó đuốc đang cháy; Thế Tôn nói dục vọng như bó đuốc đang cháy, hoan lạc ít mà khổ não nhiều, đầy những nguy hiểm hãy xa lánh đi.’ Nếu ai có sự xả ly dục, ly ác bất thiện pháp này, thì ở đây, tất cả mọi dục vọng thế gian, vĩnh viễn đoạn tận không dư tàng. Hãy tu tập điều này.

“Này Cư sĩ, cũng như cách thôn không xa có một hầm lửa lớn, trong đó đầy những lửa nhưng không có khói, không có ngọn. Nếu một người đi đến, không ngu, không si, cũng không điên đảo, tự chủ với tâm mình, tự do tự tại, muốn hoan lạc chớ không muốn đau đớn, rất ghét sự đau đớn; muốn sống chớ không muốn chết, rất ghét sự chết. Ý Cư sĩ nghĩ sao? Người ấy lại nhảy vào hầm lửa này chăng?”

Cư sĩ đáp:

“Không phải vậy, Cù-đàm. Vì sao vậy? Vì người ấy thấy hầm lửa liền nghĩ rằng, ‘Nếu rơi xuống hầm lửa, nhất định chết chớ không hòai nghi. Dù không chết, nhất định chịu đựng đau đớn vô cùng.’ Người ấy thấy hầm lửa bèn nghĩ đến việc xa lìa, ước mong xa lìa, xả ly.

“Này Cư sĩ, đa văn Thánh đệ tử lại tư duy như vầy, ‘Dục vọng như hầm lửa. Thế Tôn nói dục vọng như hầm lửa, hoan lạc ít mà khổ não nhiều đầy những nguy hiểm, hãy nên xa lánh đi.’ Nếu ai có sự xả ly dục, ly ác bất thiện pháp, thì ở đây tất cả mọi vật dục thế gian vĩnh viễn đoạn tận không dư tàng. Hãy tu tập điều này.

“Này Cư sĩ, cũng như cách thôn không xa, có một con rắn độc to lớn, rất dữ, rất độc địa, [774c] màu đen dễ sợ. Nếu một người đi đến, không ngu, không si, cũng không điên đảo, tự chủ với tâm mình, tự do tự tại, muốn hoan lạc, chớ không muốn đau đớn, rất ghét đau đớn; muốn sống chớ không muốn chết, rất ghét sự chết. Ý Cư sĩ nghĩ sao, người ấy há lại thò tay cho con rắn cắn, hay các chi thể khác và nói rằng, ‘Này, mổ đi! Này mổ đi!’ Như vậy chăng?”

Cư sĩ đáp:

“Không phải vậy, Cù-đàm. Vì sao vậy? Người ấy thấy con rắn bèn nghĩ rằng, ‘Nếu ta thò tay và các chi thể khác cho con rắn nó mổ, nhất định phải chết chớ không hòai nghi. Dù không chết thì nhất định phải chịu đau đớn vô cùng.’ Người ấy thấy con rắn bèn nghĩ đến sự lánh xa, ước mong xả ly.

“Này Cư sĩ, đa văn Thánh đệ tử lại tư duy như vầy, ‘Dục vọng như rắn độc. Thế Tôn nói dục vọng như con rắn độc, hoan lạc ít mà khổ não nhiều, đầy những nguy hiểm, hãy xa lánh đi.’ Nếu ai có sự xả ly dục, ác bất thiện pháp này, thì ở đây tất cả mọi dục vọng thế gian vĩnh viễn đoạn tận không dư tàng. Hãy tu tập điều này.

“Này Cư sĩ, cũng như một người nằm mộng, thấy mình sung túc, năm thứ dục lạc thỏa thích. Nhưng khi tỉnh dậy, một thứ cũng không thấy. Này Cư sĩ, đa văn Thánh đệ tử tư duy như vầy, ‘Dục vọng như giấc mộng. Thế Tôn nói dục vọng như giấc mộng, hoan lạc ít mà khổ não nhiều, đầy những nguy hiểm, hãy xa lánh đi.’ Nếu ai có sự xả ly dục, ác bất thiện pháp này, thì ở đây, tất cả mọi vật dục thế gian, vĩnh viễn đoạn tận, không dư tàn. Hãy nên tu tập sự kiện này.

“Này Cư sĩ, cũng như một người vay mượn vật dụng hưởng lạc, hoặc cung điện, lầu các, hoặc vườn hào, ao tắm, hoặc voi ngựa, xe cộ, hoặc chăn gẩm mùng mền, hoặc nhẫn, vòng, xuyến, hoặc hương, anh lạc, vòng cổ, hoặc tràng hoa vàng báu, hoặc danh y thượng phục, rồi nhiều người trông thấy bèn ca ngợi rằng, ‘Như vậy, tốt lành thay! Như vậy, sung sướng thay! Nếu có tài vật gì thì nên hưởng thụ thỏa thích cho đến cùng như vậy.’ Nhưng chủ nhân có thể tước đoạt hay sai người tước đoạt bất cứ lúc nào muốn. Rồi chủ nhân tự mình tước đoạt hay sai người tước đoạt. Những người khác trông thấy, bèn nói với nhau rằng, ‘Nó là người vay mượn; thật sự là lừa gạt chớ không phải vay mượn. Vì sao? Vì chủ nhân của sở hữu có thể tước đoạt hay sai người tước đoạt bất cứ lúc nào muốn. Và rồi chủ nhan đã tự mình tước đoạt hay sai người tước đoạt.’ Này Cư sĩ, đa văn Thánh đệ tử tư duy như vầy, ‘Dục vọng như vay mượn. Thế Tôn nói dục vọng như vay mượn hoan lạc ít mà khổ não nhiều, đầy những nguy hiểm, hãy xa lánh đi.’ Nếu ai có sự xả ly dục, ác bất thiện pháp này, [775a] thì ở đây tất cả mọi vật dục thế gian vĩnh viễn đoạn tận không dư tàng. Hãy tu tập điều này.

“Này Cư sĩ, cũng như cách thôn không xa, có một gốc cây ăn trái to lớn. Cây ấy thường có nhiều trái ngon lành đẹp mắt. Một người đi đến, đói, mệt mỏi, gầy ốm, muốn được ăn trái. Người ấy nghĩ rằng, ‘Cây này thường có nhiều trái ngon lành đẹp mắt. Ta đang đói, gầy ốm, mệt mỏi, muốn được ăn trái. Nhưng dưới gốc không có trái rụng để có thể ăn cho no và mang về. Ta biết leo cây. Bây giờ ta có nên leo lên cây này chăng?’ Nghĩ xong, bèn leo lên. Lại cũng có một người khác, đói, gầy ốm, mệt mỏi, muốn được ăn trái, cầm một cái búa rất lớn, bèn nghĩ rằng: ‘Cây này thường có nhiều trái ngon lành đẹp mắt nhưng dưới gốc cây không có trái rụng để có thể ăn cho no và mang về, ta không biết leo cây. Bây giờ ta có nên đốn ngã cây này chăng?’ Y bèn đốn ngã cây ấy. Ý Cư sĩ nghĩ sao? Người trên cây nếu không xuống nhanh khi cây ngã xuống đất, có bị gãy tay hoặc các chi thể khác chăng?”

Cư sĩ đáp:

“Thật sự như vậy, Cù-đàm.”

“Ý Cư sĩ nghĩ sao, nếu người trên cây leo xuống nhanh, khi cây ngã xuống đất, há lại bị gãy tay hay các chi thể khác chăng?”

Cư sĩ đáp:

“Không vậy, Cù-đàm.”

“Này Cư sĩ, đa văn Thánh đệ tử lại tư duy như vầy, ‘Dục vọng như trái cây. Thế Tôn nói dục vọng như trái cây, hoan lạc ít mà khổ não nhiều, đầy những nguy hiểm hãy lánh xa đi.’ Nếu ai có sự xả ly dục ly ác bất thiện pháp này, thì ở đây tất cả mọi vật dục thế gian, vĩnh viễn đoạn tận không dư tàng. Hãy tu tập sự kiện này.

“Đó gọi là trong Thánh pháp luật còn có tám chi đoạn tuyệt tục sự khác, đạt đến chứng ngộ.

“Này Cư sĩ, rồi vị ấy có tầm có tứ, và đã dứt [32], nội tĩnh, nhất tâm, không tần, không tứ, có hỷ lạc do định sanh, chứng đắc Nhị thiền, thành tựu an trụ. Rồi vị ấy ly hỷ, an trụ xả vô cầu, với chánh niệm chánh trí, thân thọ lạc, điều mà Thánh gọi là Thánh xả, niệm, an trú lạc, chứng đắc Tam thiền, thành tựu an trụ. Rồi vị ấy lạc diệt, khổ diệt, hỷ ưu vốn cũng diệt, không lạc không khổ, xả, niệm thanh tịnh, chứng đắc đệ Tứ thiền, thành tựu an trụ.

“Rồi vị ấy với định tâm thanh tịnh như vậy, không uế, không phiền, nhu nhuyến, an trụ vững vàng, đạt đến bất động tâm, tu học và chứng ngộ lậu tận trí thông, biết như thật ‘Đây là Khổ’, ‘Đây là Khổ tập’, ‘Đây là Khổ diệt’, ‘Đây là Khổ diệt đạo.’ Biết như thật đây là lậu, đây là lậu tập, đây là lậu diệt, [775b] đây là lậu diệt đạo. Vị ấy biết như vậy, thấy như vậy, tâm giải thoát dục lậu, tâm giải thoát hữu lậu, vô minh lậu, giải thoát rồi biết mình đã giải thoát, biết như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa.’”

Khi nói pháp này Bô-đa-lị Cư sĩ viễn ly trần cấu, pháp nhãn về các pháp phát sanh. Lúc bấy giờ Bô-đa-lị Cư sĩ thấy pháp, đắc pháp, chứng giác bạch tịnh pháp, đoạn nghi độ hoặc, không còn tôn thờ ai, không còn do ai, không còn do dự, đã an trụ nơi quả chứng đối với pháp của Thế Tôn đã được vô sở úy, bèn cúi đầu đảnh lễ chân Phật bạch:

“Bạch Thế Tôn, con nay quy y Phật, Pháp và Tỳ-kheo Tăng. Cúi mong Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc, từ hôm nay suốt trọn đời, tự quy y cho đến lúc mạng chung.

“Bạch Thế Tôn, con trước đây mặc chiếc áo trắng tinh, đầu quấn khăn trắng, chống gậy, cầm dù và mang guốc tục, đi từ vườn này sang vườn khác, từ quán nọ đến quán kia, từ rừng đến rừng, du hành khắp nơi thong dong tản bộ, nếu gặp các Sa-môn, Bà-ma-môn, bèn nói như vầy, ‘Chư Hiền, tôi lánh tục, đoạn tục, xả các tục sự.’ Các Sa-môn, Bà-ma-môn ấy bèn những lời dịu dàng nói với con rằng, ‘Vâng, Cư sĩ Bô-đa-lị lánh tục, đoạn tục, xả các tục sự.’

“Bạch Thế Tôn, con lúc bấy giờ các vị ấy thật sự vô trí, lại đặt vào chỗ trí, thật sự vô trí mà thờ tự, thật sự vô trí mà cúng thực, thật sự vô trí mà phụng sự như người trí. Bạch Thế Tôn, kể từ hôm nay chúng Tỳ-kheo và đệ tử Thế Tôn, đây mới thật sự là có trí, xứng đáng đặt ở chỗ trí, thật sự có trí xứng đáng thờ tự, thật sự có trí xứng đáng cúng thực, thật sự có trí xứng đáng phụng sự người trí tuệ.

“Bạch Thế Tôn, con nay lại lần nữa tự quy y Phật, Pháp và Tỳ-kheo Tăng. Cúi mong Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc kể từ hôm nay suốt đời tự quy y cho đến lúc mạng chung. Bạch Thế Tôn, con trước kia kính tín kính trọng các Sa-môn, Bà-ma-môn ngoại đạo, kể từ hôm nay đoạn tuyệt. Bạch Thế Tôn, nay lần thứ ba con xin tự quy y Phật, Pháp và Tỳ-kheo Tăng. Cúi mong Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc, kể từ hôm nay suốt đời tự quy y cho đến lúc mạng chung.”

Đức Phật thuyết như vậy, Cư sĩ Bô-đa-lị và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành. [33]

204. KINH LA-MA

 [775c8]Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại nước Xá-vệ, trong Đông viên, giảng đường Lộc tử mẫu.

Bấy giờ Thế Tôn vào lúc xế trưa, từ tĩnh tọa dậy, bước xuống giảng đường, nói với Tôn giả A-nan rằng:

“Bây giờ Ta và ngươi đến sông A-di-la-bà-đề [34] để tắm.”

Tôn giả A-nan bạch rằng:

“Xin vâng, bạch Thế Tôn.”

Rồi Tôn giả A-nan cầm then cửa tản bộ đi đến khắp các cốc, gặp Tỳ-kheo nào cũng nói rằng:

“Chư Hiền, hãy đi đến nhà Bà-ma-môn La-ma [35].”

Các Tỳ-kheo nghe nói, bèn cùng nhau đến nhà Bà-ma-môn La-ma.

Thế Tôn dẫn Tôn giả A-nan đi đến sông A-di-la-bà-đề, cởi y để trên bờ, rồi xuống nước tắm. Tắm xong, trở lên lau mình, mặc y. Bấy giờ Tôn giả A-nan đứng sau Thế Tôn, cầm quạt quạt Phật. Rồi Tôn giả A-nan chấp tay hướng về Đức Phật bạch rằng [36]:

“Bạch Thế Tôn, nhà của Bà-ma-môn La-ma rất tốt, ngăn nắp, rất khả ái. Cúi mong Thế Tôn vì lòng từ bi mẫn đi đến nhà của Bà-ma-môn La-ma.”

Thế Tôn im lặng nhận lời của Tôn giả A-nan. Rồi Thế Tôn dẫn Tôn giả A-nan đi đến nhà Bà-ma-môn La-ma. Bấy giờ tại nhà của Bà-ma-môn La-ma một số đông Tỳ-kheo đã tụ tập ngồi lại để thuyết pháp. Đức Phật đứng ngoài cửa, đợi các Tỳ-kheo nói pháp xong. Khi số đông các Tỳ-kheo đã nói pháp xong, các ngài ngồi im lặng. Thế Tôn biết rồi bèn tằng hắng và gõ cửa.

Các Tỳ-kheo nghe, tức thì đi ra mở cửa [37]. Thế Tôn bước vào nhà Bà-ma-môn La-ma, trải chỗ ngồi trước chúng Tỳ-kheo mà ngồi và hỏi:

“Các Tỳ-kheo vừa rồi nói những câu chuyện gì vậy? Vì công việc gì mà tụ tập ngồi ở đây?”

Lúc ấy các Tỳ-kheo đáp rằng:

“Bạch Thế Tôn, vừa rồi, chúng con thuyết pháp. Do pháp sự này mà tụ tập ngồi tại đây.”

Thế Tôn khen rằng:

“Lành thay! Lành thay, Tỳ-kheo khi tụ tập ngồi lại nên làm hai việc; một là thuyết pháp, hai là [776a] im lặng. Vì sao vậy? Ta sẽ giảng pháp cho các ngươi. Hãy lắng nghe! Hãy lắng nghe! Hãy tư niệm kỹ!”

Lúc ấy các Tỳ-kheo bạch rằng:

“Chúng con kính vâng lời lắng nghe.”

Đức Phật nói:

“Có hai loại tìm cầu. Một là Thánh cầu [38] và hai là phi Thánh cầu. Thế nào là phi Thánh cầu? Có một hạng người thật sự lệ thuộc bệnh tật nhưng lại tìm cầu tật bệnh; thật sự lệ thuộc sự chết nhưng lại tìm cầu sự chết, thật sự lệ thuộc vào ưu bi khổ não, lệ thuộc sự tạp uế, nhưng lại tìm cầu sự tạp uế.

“Thế nào là thật sự lệ thuộc vào bệnh tật [39] nhưng lại tìm cầu sự bệnh tật? Thế nào là pháp lệ thuộc bệnh? Con cái, anh em, đó là bệnh pháp. Voi, ngựa, bò, dê, nô tỳ, tiền tài, trân bảo, lúa gạo, là sự bệnh pháp. Chúng sanh ở trong đó xúc chạm, đắm nhiễm, tham ái, dính trước, kiêu ngạo mà thọ nhập, không thấy sự nguy hiểm, không thấy sự xuất yếu.

“Thế nào là pháp lệ thuộc sự già [40], sự chết, sự sầu bi ưu não, sự tạp uế? Con cái, anh em đó là pháp tạp uế. Voi, ngựa, bò, dê, nô tỳ, tiền tài, trân bảo, đó là pháp tạp uế, pháp tổn hại. Chúng sanh ở trong đó đắm nhiễm, xúc chạm, tham ái, dính trước, kiêu ngạo mà thọ nhập, không thấy sự nguy hiểm, không thấy sự xuất yếu. Người đó dù muốn tìm cầu cái không tật bệnh, an ổn, vô thượng, Niết-bàn, nhưng đạt được Niết-bàn an ổn vô thượng đối với người ấy là trường hợp không thể có. Người đó tìm cầu cái không già, không chết, không sầu bi ưu não, không tạp uế, vô thượng an ổn Niết-bàn, nhưng đạt được Niết-bàn vô thượng an ổn đối với người đó là trường hợp không thể có. Đó gọi là phi Thánh cầu.

“Thế nào là Thánh cầu? Có một hạng người suy nghĩ như thế này, ‘Ta thật sự lệ thuộc tật bệnh, không bõ tìm cầu pháp tật bệnh. Ta thật sự lệ thuộc sự già, sự chết, sự sầu bi khổ não, sự tạp uế, không bõ sự tìm cầu pháp tạp uế. Vậy ta hãy tìm cầu cái không bệnh, vô thượng an ổn Niết-bàn. Tìm cầu cái không già, không chết, không sầu bi ưu não, không tạp uế, vô thượng an ổn, Niết-bàn.’ Người ấy bèn tìm cầu cái không bệnh, vô thượng an ổn Niết-bàn và đạt được không bệnh, vô thượng an ổn Niết-bàn đối với người ấy là trường hợp có thể có. Người đó tìm cầu cái không già, không chết, không sầu bi ưu não, không tạp uế, vô thượng an ổn Niết-bàn, và đạt được không già, không chết, không sầu bi ưu não, không tạp uế, vô thượng an ổn Niết-bàn đối với người đó là trường hợp có thể có.

“Ta trước kia khi chưa chứng Vô thượng Chánh đẳng chánh giác cũng suy nghĩ như vầy, ‘Ta thực sự lệ thuộc tật bệnh, không bõ tìm cầu sự tật bệnh. Ta thực sự lệ thuộc già, chết, sầu bi ưu não, tạp uế, không bõ tìm cầu cái không già, không chết, không sầu bi ưu não, không tạp uế. Vậy ta có nên tìm cầu cái không bệnh, vô thượng an ổn Niết-bàn; tìm cầu cái không già, không chết, không [776b] sầu bi ưu não, không tạp uế, vô thượng an ổn Niết-bàn chăng?’

“Ta vào thời thiếu niên trong trắng, mái tóc xanh mướt, cho đến thời tráng niên năm hai mươi chín tuổi, bấy giờ sống cực kỳ hoan lạc, vui đùa, trang sức, du hành. Ta vào lúc ấy mặc dù cha mẹ khóc lóc, thân thuộc không ai vui, nhưng Ta cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, để học đạo; thủ hộ thân mạng thanh tịnh, thủ hộ khẩu và ý mạng thanh tịnh. Ta đã thành tựu giới thân ấy rồi, lại muốn tìm cầu sự không bệnh, vô thượng an ổn Niết-bàn; sự không già, không chết, không sầu bi ưu não, không tạp uế, vô thượng an ổn Niết-bàn, cho nên lại tìm nơi A-la-la Già-la-ma [41], hỏi rằng, ‘Thưa A-la-la, tôi muốn theo pháp của người để tu học phạm hạnh được chăng?’ A-la-la trả lời rằng, ‘Này Hiền giả, không có gì là không được. Hiền giả muốn hành thì hành.’ Ta lại hỏi, ‘Người làm thế nào để tự tri, tự giác, tự tác chứng pháp này?’ A-la-la đáp, ‘Ta vượt qua tất cả thức xứ, đạt được vô sở hữu xứ, thành tựu an trụ. Do đó, pháp của ta được tự tri, tự giác, tự tác chứng.’ Ta lại suy nghĩ như vầy, ‘Không chỉ riêng A-la-la mới có niềm tin này. Ta cũng có niềm tin này. Không chỉ riêng A-la-la mới có tinh tấn này, Ta cũng có sự tinh tấn này. Không chỉ riêng A-la-la mới có tuệ này, Ta cũng có tuệ này.’ A-la-la đối với pháp này đã tự tri, tự giác, tự tác chứng. Ta muốn chứng pháp này nên sống cô độc, viễn ly, tại một nơi trống vắng, yên tĩnh. Sau khi tâm không phóng dật, tu hành tinh cần, không bao lâu Ta chứng pháp ấy. Sau khi chứng pháp ấy rồi, Ta lại tìm đến chỗ A-la-la Già-la-ma, hỏi rằng, ‘Thưa A-la-la, phải chăng pháp này được tự tri, tự giác, tự tác chứng, nghĩa là vượt qua tất cả thức vô biên xứ, [42] đạt được vô sở hữu xứ, thành tựu an trụ?’ A-la-la trả lời Ta rằng, ‘Hiền giả, đó là pháp ta tự tri, tự giác, tự tác chứng, nghĩa là vượt qua tất cả thức vô biên xứ, đạt được vô sở hữu xứ, thành tựu an trụ.’ A-la-la lại nói với Ta rằng, ‘Hiền giả, ấy là cũng như sự tác chứng của ta đối với pháp này, Hiền giả cũng vậy. Cũng như sự tác chứng của Hiền giả đối với pháp này, ta cũng vậy. Hiền giả, người hãy đến đây, cùng ta lãnh đạo đồ chúng này.’ Đó là A-la-la đối xử với Ta với địa vị Tôn sư, coi Ta ngang hàng, tối thượng cung kính, tối thượng cúng dường, tối thượng hoan hỷ.

“Ta lại suy nghĩ như vầy, [776c] ‘Pháp này không đưa đến trí; pháp này không đưa đến giác, không đưa đến Niết-bàn. Vậy Ta hãy xả bỏ pháp này, để cầu thêm nữa, sự không bệnh, vô thượng an ổn Niết-bàn; tìm cầu sự không già, không chết, không sầu bi ưu não, không tạp uế, vô thượng an ổn Niết-bàn.’ Ta bèn bỏ pháp này đi tìm cầu sự không bệnh, vô thượng an ổn Niết-bàn.

“Rồi Ta đi đến chỗ Uất-đà-la La-ma Tử [43], hỏi rằng, ‘Thưa Uất-đà-la, tôi muốn ở trong pháp của người mà học hỏi, có thể được chăng?’ Uất-đà-la La-ma Tử trả lời Ta rằng, ‘Hiền giả, không có gì là không được. Người muốn học thì học.’ Ta lại hỏi, ‘Thưa Uất-đà-la, cha ngài là La-ma [44], người tự tri, tự giác, tự tác chứng pháp gì?’ Uất-đà-la La-ma Tử đáp, ‘Hiền giả, ta vượt qua tất cả vô sở hữu xứ, đạt được phi tưởng phi phi tưởng xứ, thành tựu an trụ. Hiền giả, pháp mà cha ta La-ma tự tri, tự giác, tự tác chứng, là pháp này.’ Ta lại suy nghĩ như vầy, ‘Không chỉ riêng La-ma mới có niềm tin này, Ta cũng có niềm tin này. Không chỉ riêng La-ma mới có sự tinh tấn này, Ta cũng có sự tinh tấn này. Không chỉ riêng La-ma mới có tuệ này, Ta cũng có tuệ này. La-ma đã tự tri, tự giác, tự tác chứng pháp này, tại sao ta lại không tự tri, tự giác, tự tác chứng pháp này?’ Vì Ta muốn chứng pháp này, cho nên sống cô độc tại một nơi xa vắng, không nhàn, yên tĩnh, tâm không phóng dật, tu hành tinh cần. Sau khi Ta sống cô độc, viễn ly, tại một nơi trống vắng, yên tĩnh, không bao lâu chứng được pháp ấy. Khi chứng pháp ấy rồi, Ta lại đến Uất-đà-la La-ma Tử hỏi rằng, ‘Thưa Uất-đà-la La-ma Tử, cha ngài là La-ma, phải chăng pháp này được tự tri, tự giác, tự tác chứng, nghĩa là vượt qua tất cả vô sở hữu xứ, đạt được phi tưởng, phi phi tưởng xứ, thành tựu an trụ?’ Uất-đà-la La-ma Tử trả lời Ta rằng, ‘Hiền giả, cha ta là La-ma, đây là pháp được tự tri, tự giác, tự tác chứng, nghĩa là vượt qua tất cả vô sở hữu xứ, đạt được phi tưởng phi vôphi tưởng xứ, thành tựu an trụ.’ Uất-đà-la lại nói với Ta rằng, ‘Cũng như cha ta La-ma tác chứng pháp này, Hiền giả cũng vậy. Cũng như Hiền giả tác chứng pháp này, cha ta cũng vậy. Hiền giả, hãy đến đây cùng ta lãnh đạo đồ chúng này.’ Uất-đà-la đối xử với Ta ngang địa vị Tôn sư, coi Ta cũng như bậc Tôn sư, tối thượng cung kính, tối thượng cúng dường, tối thượng hoan hỷ.

“Ta lại suy nghĩ như vầy, [777a] ‘Pháp này không đưa đến trí, không đưa đến giác, không đưa đến Niết-bàn. Vậy Ta hãy xả bỏ pháp này để đi tìm cầu thêm nữa, sự không bệnh, vô thượng an ổn Niết-bàn; tìm cầu sự không già, không chết, không sầu bi ưu não, không tạp uế, vô thượng an ổn Niết-bàn.’ Ta liền xả bỏ pháp ấy để đi tìm cầu sự không bệnh, vô thượng an ổn Niết-bàn; tìm cầu sự không già, không chết, không sầu bi ưu não, không tạp uế, vô thượng an ổn Niết-bàn.

“Rồi Ta đi về phía nam núi Tượng đỉnh [45], đến tại Uất-tì-la [46], một ngôi làng của Bà-ma-môn tên gọi là Tư-na [47], đây là một khoảng đất xinh xắn, khả ái, núi rừng sầm uất, sông Ni-liên-thiền [48] với dòng nước trong xanh chảy tràn lên bờ. Ta thấy khoảnh đất ấy, bèn nghĩ rằng, ‘Nếu một thiện gia nam tử muốn học đạo, nên ở nơi này mà học. Ta cũng học đạo; vậy Ta hãy ở nơi này mà học.’ Rồi Ta ôm cỏ đến cây Giác thọ [49]. Đến nơi, Ta rải cỏ xuống, trải ni-sư-đàn lên và ngồi kiết già, kỳ hạn sẽ không rời khỏi chỗ ngồi cho đến khi nào chứng đắc lậu tận. Và Ta không rời khỏi chỗ ngồi cho đến khi chứng đắc lậu tận.

“Ta tìm cầu sự không bệnh, vô thượng an ổn Niết-bàn, liền đạt được sự không bệnh, vô thượng an ổn Niết-bàn. Ta tìm cầu sự không già, không chết, không sầu bi ưu não, không tạp uế, vô thượng an ổn Niết-bàn, liền đạt được sự không già không chết, không ưu bi sầu não, không tạp uế, vô thượng an ổn Niết-bàn, sanh tri, sanh kiến, định đạo phẩm pháp [50], ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, biết như thật không còn tái sanh nữa.’

“Khi Ta vừa chứng Vô thượng Chánh đẳng chánh giác, liền nghĩ như vầy, ‘Ta sẽ thuyết pháp cho ai trước nhất?’ [51] Rồi Ta lại nghĩ rằng, ‘Ta có nên đi đến thuyết pháp cho A-la-la Già-la-ma trước chăng?’

“Lúc bấy giờ có Thiên thần trụ trong hư không nói với Ta rằng: ‘Đại Tiên Nhân, xin biết cho, A-la-la Già-la-ma vừa mạng chung đến nay đã được bảy ngày.’ Ta cũng tự biết A-la-la Già-la-ma đã mạng chung được bảy ngày. Ta lại nghĩ như vầy, ‘A-la-la Già-la-ma, thiệt thòi thay cho người ấy, không nghe được pháp này. Nếu được nghe pháp này, người ấy sẽ nhanh chóng biết rõ pháp tùy pháp [52].

“Khi Ta vừa chứng Vô thượng Chánh đẳng chánh giác, liền nghĩ như vầy, ‘Ta sẽ thuyết pháp cho Uất-đà-la La-ma Tử trước nhất chăng?” Thiên thần lại trụ trong hư không nói với Ta rằng, ‘Đại Tiên Nhân, xin biết cho, Uất-đà-la La-ma Tử mạng chung đến nay đã hai [777b] tuần thất.’ Ta cũng tự biết Uất đầu la La-ma Tử mạng chung đã hai tuần thất. Ta lại nghĩ như vầy, ‘Uất-đà-la La-ma Tử thiệt thòi thay cho người ấy, không nghe được pháp này. Nếu nghe được pháp này, người ấy sẽ nhanh chóng biết rõ pháp tùy pháp.’

“Khi Ta vừa chứng Vô thượng Chánh đẳng chánh giác, Ta liền suy nghĩ như vầy, ‘Ta sẽ thuyết pháp cho ai trước nhất?’ Rồi Ta lại nghĩ rằng, ‘Xưa kia, năm Tỳ-kheo theo hầu hạ Ta, giúp Ta nhiều điều hữu ích. Khi Ta tu hành khổ hạnh, năm Tỳ-kheo ấy đã thừa sự Ta. Nay Ta có nên thuyết pháp cho năm Tỳ-kheo trước kia chăng?’ Rồi Ta lại nghĩ rằng, ‘Năm Tỳ-kheo thuở xưa ấy, bây giờ đang ở đâu?’ Bằng thiên nhãn thanh tịnh vượt hẳn người thường, Ta thấy năm Tỳ-kheo đang ở tại Ba-la-nại [53], Tiên nhân trú xứ, trong vườn Lộc giả.

“Ta tùy thuận trụ dưới gốc cây Giác thọ. Sau đó Ta thu vén y, ôm bát đi về Ba-la-nại, đến đô ấp Gia-thi [54]. Bấy giờ Dị học Ưu-đà [55], từ xa trông thấy Ta đi đến, bèn nói với Ta rằng, ‘Hiền giả Cù-đàm, các căn thanh tịnh, hình sắc thù diệu, khuôn mặt ngời sáng. Hiền giả Cù-đàm, ai là Tôn sư? Theo ai học đạo? Tin tưởng pháp của ai?’ Lúc bấy giờ Ta liền nói bài kệ để trả lời Ưu-đà rằng:

Ta tối thượng chiến thắng;

Nhiễm trước pháp đã trừ;

Giải thoát ái diệt tận;

Tự giác, không Tôn sư.

Bậc Vô đẳng, Đại hùng,

Tự giác, Vô thượng giác,

Như Lai, Thầy Trời Người,

Biến Tri, thành tựu lực.

“Ưu-đà hỏi rằng:

“–Hiền giả Cù-đàm tự cho là đã chiến thắng tất cả chăng?”

“Ta lại nói bài kệ trả lời rằng:

Đấng Chiến thắng như vậy

Các lậu đã tận trừ.

Ta sát hại ác pháp,

Nên Ta đã chiến thắng.

“Ưu-đà lại hỏi Ta rằng:

“–Hiền giả Cù-đàm, bấy giờ muốn đi về đâu?”

“Bấy giờ Ta nói bài kệ rằng:

Ta đến Ba-la-nại,

Dóng trống diệu cam lồ,

Chuyển pháp luân vô thượng

Chưa ai chuyển trong đời.

“Ưu-đà lại nói với Ta rằng:

“–Hiền giả Cù-đàm, mong có thể là như vậy.”

“Rồi vị ấy bước sang con đường tắt mà đi trở lui.

“Ta một mình đi đến Tiên nhân trụ xứ, [777c] trong vườn Lộc dã. Bấy giờ năm Tỳ-kheo từ xa trông thấy Ta đi đến, ai cũng lập giao ước với nhau rằng, ‘Chư Hiền, nên biết đó là Sa-môn Cù-đàm đang đi đến. Người ấy đa dục, đa cầu, ăn với loại ẩm thực thù diệu, bằng cơm gạo trắng ngon lành, cùng với bột, tô, mật, và bôi xoa thân thể bằng dầu mè nay lại đến đây. Các vị cứ ngồi. Chớ nên đứng dậy đón tiếp, cũng đừng làm lễ. Dành sẵn cho một chỗ đó, nhưng đừng mời ngồi, hãy nói rằng ‘Nếu bạn muốn ngồi, xin cứ tùy ý.’

“Rồi Ta đi đến chỗ năm Tỳ-kheo. Bấy giờ năm Tỳ-kheo không kham nổi uy đức tối thắng thù diệu của Ta, tức thì rời chỗ ngồi đứng dậy, người thì ôm y bát của Ta, người thì trải chỗ ngồi, người thì lấy nước cho Ta rửa chân. Ta nghĩ rằng, ‘Những người ngu si này sao lại không bền chí, đã tự mình thiết lập điều ước hẹn, rồi lại làm trái điều giao hẹn.’ Ta biết như vậy rồi bèn ngồi trên chỗ ngồi mà năm Tỳ-kheo đã dọn sẵn. Khi ấy năm Tỳ-kheo gọi thẳng tên họ Ta và xưng hô với Ta là “Bạn” [56].

“Ta nói với họ rằng, ‘Ta là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, các người đừng gọi thẳng tên họ Ta, cũng đừng gọi Ta là ‘Bạn.’ Vì sao vậy? Ta vì tìm cầu sự không bệnh, vô thượng an ổn Niết-bàn, và đạt được sự không bệnh, vô thượng an ổn Niết-bàn. Ta tìm cầu sự không già, không chết, không sầu bi ưu não, không tạp uế, vô thượng an ổn Niết-bàn, và đạt được sự không già, không chết, không sầu bi ưu não, không tạp uế, vô thượng an ổn Niết-bàn. Đã sanh tri, sanh kiến, định đạo phẩm pháp, [57] ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa.’ Họ nói với Ta rằng:

“–Này bạn Cù-đàm, trước kia bạn hành như vậy, đạo tích như vậy, khổ hạnh như vậy mà còn chưa chứng được pháp thượng nhân, gần kề với Thánh tri, Thánh kiến, [58] huống là ngày hôm nay đa dục, đa cầu, ăn với thực phẩm thù diệu với gạo trắng ngon lành, cùng với bột, tô, mật, bôi xoa thân thể bằng dầu mè chăng?

“Ta lại nói rằng:

“–Này năm Tỳ-kheo, các ngươi trước kia có bao giờ thấy Ta như vậy, với các căn thanh tịnh, rạng rỡ sáng ngời chăng?

“Bấy giờ năm Tỳ-kheo lại trả lời với Ta rằng:

“–Trước kia chúng tôi chưa từng thấy bạn với các căn thanh tịnh, rạng rỡ sáng ngời. Này bạn Cù-đàm, nay bạn với các căn thanh tịnh, hình sắc thù diệu khuôn mặt sáng ngời.

“Ta lúc ấy nói với họ rằng:

“–Này năm Tỳ-kheo, có hai lối sống cực đoan mà những người học đạo không nên học. Một là đắm trước dục lạc, nghiệp hèn hạ, là lối sống của phàm phu. Hai là tự gây phiền, tự gây khổ, không phải là pháp Hiền Thánh, không tương ưng với cứu cánh. Này năm Tỳ-kheo, xả bỏ hai cực đoan ấy, có con đường giữa, thành minh, [778a] thành trí, thành tựu định, đạt đến tự tại, đưa đến trí, đưa đến giác, dẫn đến Niết-bàn. Đó là con đường tám chánh, [59] từ chánh kiến cho đến chánh định là tám.

“Rồi Ta lần lượt giáo hóa năm Tỳ-kheo. Khi giáo hóa cho hai người thì ba người đi khất thực. Ba người mang thức ăn về cho đủ sáu người ăn. Khi giáo hóa cho ba người thì hai người đi khất thực. Hai người mang thức ăn về cho đủ sáu người ăn. Ta giáo hóa như vậy, họ tìm cầu sự không bệnh, vô thượng an ổn Niết-bàn, và đạt được sự không bệnh, vô thượng an ổn Niết-bàn. Họ tìm cầu sự không già, không chết, không sầu bi ưu não, không tạp uế, vô thượng an ổn Niết-bàn, và đạt được sự không già, không chết, không sầu bi ưu não, không tạp uế và vô thượng an ổn Niết-bàn; sanh tri, sanh kiến, định đạo phẩm pháp, ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, biết như thật không còn tái sanh nữa.’

“Rồi Thế Tôn lại nói với họ rằng:

“–Này năm Tỳ-kheo, có năm thứ công đức của dục, khả ái, khả lạc, khả ý, khả niệm, hoàn toàn tương ưng với dục. Đó là sắc được biết bởi mắt, tiếng được biết bởi tai, hương được biết bởi mũi, vị được biết bởi lưỡi, xúc được biết bởi thân. Này năm Tỳ-kheo, phàm phu ngu si, không đa văn, không gặp thiện hữu, không biết Thánh pháp, không được chế ngự trong Thánh pháp, chúng xúc chạm, đắm nhiễm, tham ái, dính trước, kiêu ngạo mà thọ nhập, không biết sự nguy hiểm, không thấy sự xuất yếu. Nên biết chúng nghe theo Ác ma, làm theo Ác ma, rơi vào Ác ma, bị lưới Ma quấn chặt, bị cùm Ma khóa chặt, không thoát khỏi sự trói buộc của Ma. Này năm Tỳ-kheo, cũng như nai rừng bị dây buộc chặt nên biết nó phải nghe theo thợ săn, làm theo thợ săn, rơi vào tay thợ săn, bị lưới thợ săn quấn chặt, khi thợ săn đến, không thể trốn thoát. Cũng vậy, năm Tỳ-kheo, phàm phu ngu si, không đa văn, không gặp thiện hữu, không biết Thánh pháp, không điều ngự trong Thánh pháp, chúng đối với năm thú diệu dục mà xúc chạm, đắm nhiễm, tham ái, dính trước, kiêu ngạo, lăn xả vào, thọ dụng mà không thấy sự nguy hiểm, không thấy sự xuất yếu. Nên biết, chúng phải nghe theo Ác ma, làm theo Ác ma, rơi vào tay Ác ma, bị lưới Ma quấn chặt, bị dây Ma trói xiết, không thoát khỏi sự trói buộc của Ma.

“Này năm Tỳ-kheo, đa văn Thánh đệ tử, gặp thiện tri thức, hiểu biết Thánh pháp, điều ngự trong Thánh pháp, những vị ấy đối với năm diệu dục, không xúc, không nhiễm, không tham, không trước, cũng không kiêu ngạo mà thọ nhập, mà thấy sự nguy hiểm, thấy sự xuất yếu. Nên biết, họ không nghe theo Ác ma, không làm theo Ác ma, không bị rơi vào [778b] tay Ác ma, không bị lưới Ma quấn chặt, không bị dây Ma trói siết, bèn thoát khỏi sự trói buộc của Ma. Này năm Tỳ-kheo, cũng như nai rừng thoát khỏi trói buộc, nên biết nó không phải nghe theo thợ săn, không phải làm theo thợ săn, không rơi vào tay thợ săn, không bị lưới thợ săn quấn chặt, không bị dây thợ săn buộc siết. Khi thợ săn đến, nó có thể trốn thoát. Cũng vậy, này năm Tỳ-kheo, đa văn Thánh đệ tử gặp thiện tri thức, hiểu biết Thánh pháp, điều ngự trong Thánh pháp, vị ấy đối với năm công đức của dục không xúc, không nhiễm, không tham không trước, cũng không kiêu ngạo mà thọ nhập, mà thấy sự nguy hiểm, thấy sự xuất yếu. Nên biết những người ấy không phải nghe theo Ác ma, không phải làm theo Ác ma, không rơi vào tay Ma, không bị lưới Ma quấn chặt, không bị dây Ma buộc siết, bèn thoát khỏi sự trói buộc của Ma. Này năm Tỳ-kheo, nếu lúc Như Lai xuất hiện trong thế gian, là Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, là Phật, Thế Tôn. Vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm tạp uế, tuệ yếu kém, ly dục, ly ác bất thiện pháp cho đến chứng đắc Tứ thiền thành tựu an trụ.

“Vị ấy với định tâm thanh tịnh, như vậy, không uế, không phiền, nhu nhuyến, an trụ vững vàng, đạt đến bất động tâm, tu học và tác chứng Lậu tận trí thông. Vị ấy biết như thật đây là Khổ, biết như thật đây là Khổ tập, biết như thật đây là Khổ diệt, đây là Khổ diệt đạo. Biết như thật đây là lậu, đây là lậu tập, đây là lậu diệt, đây là lậu diệt đạo. Vị ấy biết như vậy, thấy như vậy, tâm giải thoát dục lậu, tâm giải thoát hữu lậu, vô minh lậu. Giải thoát rồi biết mình đã giải thoát, biết như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa.’ Vị ấy bây giờ tự tại đi, tự tại đứng, tự tại ngồi, tự tại nằm. Vì sao vậy? Vị ấy đã tự mình thấy rõ vô lượng pháp ác bất thiện đã diệt tận. Cho nên, vị ấy tự tại đi, tự tại đứng, tự tại ngồi, tự tại nằm. Này năm Tỳ-kheo, cũng như trong khu rừng vắng, nơi không có bóng người, ở đó nai rừng tự tại đi, tự tại đứng, tự tại ngồi, tự tại nằm. Vì sao vậy? Nai rừng ấy không nằm trong cảnh giới của thợ săn. Cho nên nó tự tại đi, tự tại đứng, tự tại ngồi, tự tại nằm. Cũng vậy, này năm Tỳ-kheo, Tỳ-kheo lậu tận, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, biết như thật ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, [778c] không còn tái sanh nữa.’ Vị ấy lúc bấy giờ tự tại đi, tự tại đứng, tự tại ngồi, tự tại nằm. Vì sao vậy? Vì vị ấy tự mình thấy vô lượng pháp ác bất thiện đã diệt tận, cho nên tự tại đi, tự tại đứng, tự tại ngồi, tự tại nằm.

“Này năm Tỳ-kheo, đó gọi là giải thoát vô dư, đó gọi là sự không bệnh, vô thượng an ổn Niết-bàn. Đó gọi là sự không già không chết, không sầu bi ưu não, không tạp uế, vô thượng an ổn Niết-bàn.”

Đức Phật thuyết như vậy, Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

205. KINH NGŨ HẠ PHẦN KẾT

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo rằng:

“Ta đã từng nói năm hạ phần kết [60], các ngươi có thọ trì chăng?”

Các Tỳ-kheo im lặng không trả lời. Thế Tôn lại hỏi đến lần thứ ba:

“Ta đã từng nói năm hạ phần kết, các ngươi có thọ trì chăng?”

Các Tỳ-kheo im lặng không trả lời đến lần thứ ba. Lúc bấy giờ Tôn giả Man Đồng tử [61], từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay hướng về Phật bạch rằng:

“Thế Tôn đã từng nói năm hạ phần kết. Con có thọ trì.”

Thế Tôn hỏi:

“Này Man Đồng tử, Ta đã từng nói năm hạ phần kết, ngươi có thọ trì chăng?”

Tôn giả Man Đồng tử đáp:

“Thế Tôn nói dục là hạ phần kết thứ nhất, con thọ trì như vậy. Nhuế, thân kiến, giới thủ và nghi, Thế Tôn nói nghi là hạ phần kết thứ năm, con thọ trì như vậy.”

Thế Tôn quở rằng:

“Man Đồng tử, ngươi sao lại thọ trì rằng Ta nói năm hạ phần kết như vậy? Man Đồng tử, ngươi nghe từ miệng ai mà thọ trì rằng Ta nói năm hạ phần kết như vậy?”

“Này Man Đồng tử, há không phải số đông các người Dị học cật vấn chỉ trích ngươi với thí dụ về trẻ nít sơ sanh này chăng? Này Man Đồng tử, con nít mới sanh mềm yếu, nằm ngủ, trong ý còn không có ý tưởng về dục tưởng, há lại có quấn chặt nơi dục chăng? Nhưng kết sử nằm trong bản tính của chúng nên nói là dục tùy miên [62]. Này Man Đồng tử, con nít mới sanh, mềm yếu, nằm ngửa mà ngủ, ý tưởng về chúng sanh còn không có, há lại có tâm bị quấn chặt nơi sân nhuế chăng? Nhưng do kết sử nằm trong bản tính của nó, nên nói là nhuế tùy miên [63]. Này Man Đồng tử, con nít mới sanh mềm yếu, nằm ngửa mà [779a] ngủ, ý tưởng về tự thân còn không có, há lại có quấn chặt nơi thân chăng? Nhưng do kết sử ở nơi bản tính của nó nói là thân kiến tùy miên [64]. Này Man Đồng tử, con nít mới sanh mềm yếu, nằm ngửa mà ngủ, ý tưởng về giới còn không có há lại có tâm quấn chặt nơi giới chăng? Nhưng do kết sử nơi bản tính của nó nên nói là giới thủ tùy miên [65]. Này Man Đồng tử, con nít mới sanh mềm yếu, ý tưởng về pháp còn không có, há lại có tâm quấn chặt nơi pháp chăng? Nhưng do kết sử nơi bản tính của nó nên nói là nghi tùy miên [66]. Há không phải số đông các dị học đem thí dụ con nít mới sanh này mà chỉ trích cật vấn ngươi chăng?”

Lúc bấy giờ, Tôn giả Man Đồng tử bị Thế Tôn quở trách ngay mặt, trong lòng rầu rĩ, cúi đầu im lặng, không còn lời lẽ biện bạch, suy nghĩ mông lung. Thế Tôn sau khi mắng Tôn giả Man Đồng tử ngay mặt rồi, ngồi im lặng. Lúc ấy Tôn giả A-nan đứng sau Thế Tôn, cầm quạt quạt Phật. Rồi Tôn giả A-nan chắp tay hướng về Đức Phật, bạch:

“Bạch Thế Tôn, hôm nay thật đúng lúc, bạch Thiện Thệ, nay thật đúng lúc, nếu Thế Tôn nói cho các Tỳ-kheo nghe năm hạ phần kết. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Thế Tôn dạy sẽ khéo léo thọ trì.”

Thế Tôn nói:

“Này A-nan, hãy lắng nghe, hãy khéo tư niệm!”

Tôn giả A-nan bạch Phật:

“Xin vâng lời lắng nghe.”

Phật nói:

“A-nan, ở đây có một hạng người bị dục quấn chặt. Dục tâm sanh rồi mà không biết như thật về sự xả ly; do không biết như thật về sự xả ly, nên tham dục càng tăng thạnh, không thể chế trừ. Đó là hạ phần kết.

“A-nan, ở đây có một hạng người bị nhuế quấn chặt. Nhuế tâm sanh rồi mà không biết như thật về sự xả ly. Do không biết như thật xả ly sân nhuế càng tăng thạnh, không thể chế trừ. Đó là hạ phần kết.

“A-nan, ở đây có một hạng người bị thân kiến quấn chặt. Thân kiến tâm sanh rồi mà không biết như thật về sự xả ly. Do không biết như thật xả ly, thân kiến càng tăng thạnh, không thể chế trừ. Đó là hạ phần kết.

“A-nan, ở đây có một hạng người bị giới thủ quấn chặt. Giới thủ tâm sanh rồi mà không biết như thật về sự xả ly. Do không biết như thật xả ly, giới thủ càng tăng thạnh. Không thể chế trừ. Đó là hạ phần kết.

“A-nan, ở đây có một hạng người bị nghi quấn chặt. Nghi tâm sanh rồi mà không biết như thật về sự xả ly, nghi càng tăng thạnh. Không thể chế trừ. Đó là hạ phần kết.

“Này A-nan, y trên đạo, y trên đạo tích [67] để đoạn trừ năm hạ phần kết. Nếu không y trên đạo này, không y trên đạo tích này mà đoạn trừ được năm hạ phần kết, trường hợp này không thể có.

“A-nan, [779b] cũng như có người muốn tìm lõi cây chắc thật [68]. Vì để tìm lõi cây chắc thật nên y xách búa vào rừng. Người ấy thấy một gốc cây đã đầy đủ rễ, thân, cành, lá và lõi. Nhưng nếu người ấy không chặt nơi rễ nơi thân mà tìm được cái gì chắc thật mang về, trường hợp này không thể có. Cũng vậy, này A-nan, phải y trên đạo, y trên đạo tích để đoạn trừ năm hạ phần kết. Nếu không y trên đạo này, không y trên tích này mà đoạn trừ được năm hạ phần kết, trường hợp này không thể có.

“Này A-nan, y trên đạo, y trên đạo tích để đoạn trừ năm hạ phần kết. Nếu ai y trên đạo này, y trên tích này mà đoạn trừ năm hạ phần kết, trường hợp này tất có.

“A-nan, cũng như một người muốn tìm lõi cây chắc thật. Vì để tìm lõi cây chắc thật, y xách búa vào rừng. Người ấy thấy một gốc cây đã đầy đủ rễ, thân, cành, và lá với lõi. Nếu người ấy chặt nơi rễ, nơi thân và được cái chắc thật để mang về, trường hợp này chắc có. Cũng vậy này A-nan, y trên đạo và y trên tích để đoạn trừ năm hạ phần kết. Nếu ai y trên đạo này và y trên tích này mà đoạn trừ được năm hạ phần kết trường hợp này tất có.

“Này A-nan, y trên đạo nào, y trên tích nào để đoạn trừ năm hạ phần kết? A-nan, hoặc có một hạng người bị dục quấn chặt. Nếu dục triền đã sanh, liền biết như thật về sự xả ly; biết như thật về sự xả ly rồi dục triền nơi người ấy liền diệt. A-nan, ở đây một người bị nhuế quấn chặt; nếu nhuế triền phát sanh, liền biết như thật về sự xả ly. Nếu biết như thật về sự xả ly rồi, nhuế triền nơi người ấy liền diệt. A-nan ở đây có một người bị thân kiến quấn chặt. Nếu thân kiến đã quấn chặt, liền biết như thật về sự xả ly. Biết như thật về sự xả ly rồi, thân kiến triền nơi người ấy liền diệt. A-nan, ở đây có một người bị giới thủ quấn chặt. Nếu giới thủ triền đã sanh, liền biết như thật về sự xả ly. Biết như thật về sự xả ly rồi, giới thủ triền nơi người ấy liền diệt. A-nan, ở đây một người bị nghi quấn chặt, nếu nghi triền đã sanh, liền biết như thật về sự xả ly. Biết như thật về sự xả ly rồi, nghi triền nơi người ấy liền diệt.

“Này A-nan, y trên đạo này, y trên đạo tích này mà đoạn trừ năm hạ phần kết.

“Này A-nan, cũng như sông Hằng-già với nước chảy tràn lên bờ. Nếu có một người đến, có công việc ở bờ bên kia nên muốn qua sông. Người ấy suy nghĩ rằng, ‘Sông Hằng-già này nước chảy tràn lên bờ. Ta có công việc bờ bên kia nên muốn qua sông. Nhưng tự thân ta không đủ sức để bình an lội sang bờ bên kia.’ A-nan, nên biết rằng người ấy không đủ sức. Cũng vậy, này A-nan, nếu ai đối với sự chứng giác, với tịch diệt, với Niết-bàn mà tâm không thú hướng, không thanh tịnh, không trụ nơi giải thoát; A-nan, nên biết người ấy [779c] cũng giống như người gầy yếu không sức lực kia.

“A-nan, cũng như sông Hằng-già với nước chảy tràn lên bờ. Nếu có một người đến, có công việc ở bờ bên kia nên muốn qua sông. Người ấy nghĩ rằng, ‘Sông Hằng-già này với nước chảy tràn lên bờ. Ta có công việc ở bờ bên kia. Tự thân ta đủ sức để bình an lội qua bờ bên kia.’ A-nan, nên biết rằng người ấy đủ sức. Cũng vậy, này A-nan, nếu ai đối với sự chứng giác, với tịch diệt, với Niết-bàn, mà có tâm thú hướng, thanh tịnh mà trụ nơi giải thoát; A-nan, nên biết, người này cũng như người có sức lực kia.

“Này A-nan, cũng giống như giòng nước lũ [69] rất sâu, rất rộng, chảy xiết, cuốn trôi nhiều thứ, mà ở quãng giữa không thuyền, không cầu, giả sử có một người đến, có công việc ở bờ bên kia, nên tìm cách để qua. Khi tìm cách để qua, người ấy nghĩ rằng, ‘Nay giòng nước lũ này rất sâu, rất rộng, chảy xiết, cuốn trôi mọi thứ, ở khoảng giữa lại không có thuyền, không cầu để có thể qua. Với phương tiện để ta có thể bình an sang bờ bên kia. Ta có công việc ở bờ bên kia cần đi qua. Với phương tiện nào để ta có thể bình an qua bờ bên kia?’ Rồi người ấy lại nghĩ rằng, ‘Bây giờ ở bờ bên này ta hãy thu lượm cỏ, cây buộc lại mà làm chiếc bè để bơi sang.’ Người ấy bèn ở bên này thu lượm cỏ cây buộc lại làm thành chiếc bè, rồi bình an bơi sang bờ bên kia. Cũng vậy, này A-nan, Tỳ-kheo phan duyên vào sự yểm ly, y trên sự yểm ly, an trụ nơi yểm ly, do làm an tịnh thân ác, do tâm nhập ly định, ly dục, ly ác bất thiện pháp, có tầm có tứ, có hỷ lạc do ly dục sanh, chứng đắc Sơ thiền thành tựu an trụ. Vị ấy y trên xứ này mà quán sát sự hưng suy của thọ. Vị ấy y trên xứ này mà quán sát sự hưng suy của thọ rồi, an trụ nơi đó, tất chứng đắc lậu tận. Giả sử trụ nơi đó mà không chứng đắc lậu tận, tất sẽ thăng tiến và đạt đến tịch tịnh xứ.

“Rồi vị ấy tầm tứ tịch tịnh, nội tĩnh, nhất tâm, không tầm không tứ, hỷ lạc do định sanh, chứng đắc Nhị thiền, thành tựu an trụ. Vị ấy y trên xứ này mà quán sát sự hưng suy của thọ. Vị ấy sau khi y trên xứ này mà quán sát sự hưng suy của thọ rồi, an trụ nơi đó tất chứng đắc lậu tận. Giả sử an trụ nơi đó mà không chứng đắc lậu tận, tất sẽ thăng tiến và đạt đến tịch tịnh xứ.

“Thế nào là thăng tiến và đạt đến tịch tịnh xứ? Vị ấy ly hỷ dục, an trụ xả vô cầu, với chánh niệm chánh trí, thân cảm thọ lạc, điều mà Thánh nói là Thánh xả, với niệm an trú lạc, chứng đắc Tam thiền, thành tựu an trụ. Vị ấy y trên xứ này mà quán sát sự hưng suy của thọ. Vị ấy sau khi y trên xứ này mà quán sát [780a] sự hưng suy của thọ rồi, an trụ nơi đó tất chứng đắc lậu tận. Giả sử an trụ nơi đó mà không chứng đắc lậu tận, tất sẽ thăng tiến và đạt đến Tịch tịnh xứ.

“Thế nào là thăng tiến và đạt đến tịch tịnh xứ? Vị ấy diệt lạc, diệt khổ, ưu hỷ vốn cũng đã diệt, không lạc, không khổ, xả niệm thanh tịnh, chứng đắc đệ Tứ thiền, thành tựu an trụ. Vị ấy y trên xứ này mà quán sát sự hưng suy của thọ. Vị ấy sau khi y trên xứ này mà quán sát sự hưng suy của thọ rồi, an trụ nơi đó tất chứng đắc lậu tận. Giả sử an trụ nơi đó mà không chứng đắc lậu tận, tất sẽ thăng tiến và đạt đến tịch tịnh xứ.

“Thế nào là thăng tiến và đạt đến tịch tịnh xứ? Vị ấy vượt qua tất cả sắc tưởng, diệt hữu đối tưởng [70], không suy niệm đến bất cứ loại tưởng nào, nhập không vô biên, chứng không vô biên xứ, thành tựu an trụ. Vị ấy y trên xứ này mà quán sát sự hưng suy của thọ. Vị ấy sau khi y trên xứ này mà quán sát sự hưng suy của thọ rồi, an trụ nơi đó tất chứng đắc lậu tận. Giả sử an trụ nơi đó mà không chứng đắc lậu tận tất sẽ thăng tiến và đạt đến tịch tịnh xứ.

“Thế nào là thăng tiến và đạt đến tịch tịnh xứ? Vị ấy vượt qua tất cả không vô biên xứ, nhập thức vô biên, chứng thức vô biên xứ, thành tựu an trụ. Vị ấy y trên xứ này mà quán sát sự hưng suy của thọ. Vị ấy sau khi y trên xứ này mà quán sát sự hưng suy của thọ rồi, an trụ nơi đó tất chứng đắc lậu tận. Giả sử an trụ nơi đó mà không chứng đắc lậu tận, tất sẽ thăng tiến và đạt đến tịch tịnh xứ.

“Thế nào là thăng tiến và đạt đến tịch tịnh xứ? Vị ấy vượt qua tất cả thức vô biên xứ, nhập vô sở hữu, chứng vô sở hữu xứ, thành tựu an trụ. Nơi vị ấy nếu có những cảm thọ nào, hoặc lạc, khổ, hoặc không lạc, không khổ, vị ấy quán sát cảm thọ này là vô thường, quán hưng suy, quán vô dục, quán diệt, quán đoạn, quán xả. Vị ấy sau khi như vậy quán thọ này là vô thường, quán hưng suy, quán vô dục, quán diệt, quán đoạn, quán xả rồi, liền không còn chấp thủ đối với thế gian này. Sau khi không còn chấp thủ đối với thế gian này, liền không sợ hãi. Do không sợ hãi mà nhập Niết-bàn. Biết như thật ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa.’

“Cũng như cách thôn không xa có một bụi chuối to lớn, nếu có một người xách búa đến đốn ngã cây chuối, xẻ thành mảnh, xả làm mười phần, hoặc làm trăm phần. Sau khi xả làm mười phần hoặc trăm phần rồi, bèn vạch từng sợi, nhưng mắt chuối không tìm thấy, há lại tìm thấy lõi được sao? A-nan, cũng vậy, Tỳ-kheo nếu có những cảm thọ nào, hoặc lạc, hoặc khổ, hoặc không khổ không lạc, vị ấy quán cảm thọ này là vô thường, quán hưng suy, quán vô dục, quán diệt, quán đoạn, quán xả. Vị ấy sau khi như vậy, quán sát thọ này là vô thường, quán hưng suy, [780b] quán vô dục, quán diệt, quán đoạn quán xả rồi, liền không còn chấp thủ đối với thế gian này. Sau khi không còn chấp thủ đối với thế gian này, liền không sợ hãi. Do không sợ hãi mà nhập Niết-bàn. Biết như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa.’”

Lúc bấy giờ Tôn giả A-nan chắp tay hướng về Đức Phật mà bạch:

“Bạch Thế Tôn! Kỳ lạ thay! Hy hữu thay! Thế Tôn vì các Tỳ-kheo y trên y, thiết lập y, giảng thuyết về sự xả ly lậu, nói về sự vượt qua lậu. Nhưng các Tỳ-kheo không nhanh chóng chứng đắc vô thượng, nghĩa là đạt đến cứu cánh diệt tận.”

Thế Tôn nói:

“Thật vậy, A-nan! Thật vậy, A-nan! Thật là kỳ lạ. Thật là hy hữu, Ta vì các Tỳ-kheo, y trên y, thiết lập y, nói về sự xả ly lậu, nói về sự vượt qua lậu. Nhưng các Tỳ-kheo không nhanh chóng vượt chứng đắc vô thượng, nghĩa là đạt đến cứu cánh diệt tận. Vì sao vậy? Vì sự thắng liệt nơi mỗi người cho nên sự tu học có tinh, có thô. Do sự tu học đạo có tinh có thô, cho nên mỗi người có sự thắng liệt khác nhau. A-nan, vì vậy Ta nói mỗi người có sự thắng liệt khác nhau.”

Phật thuyết như vậy. Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

206. KINH TÂM UẾ

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo rằng:

“Nếu Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni nào không nhổ sạch năm thứ tạp uế [71] trong tâm, không cởi bỏ năm sự trói buộc [72] trong tâm, thì Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni đó được nói đến với pháp tất thối.

“Thế nào là không nhổ sạch năm thứ tạp uế trong tâm?

“Ở đây có một hạng người hòai nghi Thế Tôn, do dự, không ngộ nhập, không quyết đoán, không tịnh tín [73]. Nếu hạng người nào hòai nghi Thế Tôn, do dự, không ngộ nhập, không quyết đoán, không tịnh tín; người đó gọi là không nhổ sạch loại tâm tạp uế thứ nhất, nghĩa là đối với Thế Tôn [74]. Cũng vậy, đối với Chánh pháp, đối với học giới, đối với giáo huấn [75], hoặc đối với những vị đồng phạm hạnh được Thế Tôn khen ngợi mà sân nhuế, mạ lỵ, lăng nhục, xúc não, xâm hại, không ngộ nhập, không quyết đoán, không tịnh tín, đó là loại tâm tạp uế thứ năm không được nhổ sạch, nghĩa là đối với các vị đồng phạm hanh.

“Thế nào là không cởi bỏ năm sự trói buộc trong tâm?

“Ở đây có một hạng người mà thân chưa ly nhiễm, chưa ly dục, chưa ly khát, chưa ly ái. Nếu ai mà thân chưa ly nhiễm, không ly dục, không ly ái, không ly khát, người ấy tâm không thú hướng, không tịnh tín, không an trụ, không thắng giải [76] trong nỗ lực tinh tấn [77], và chuyên cần tĩnh tọa. [780c] Nếu ai có tâm này, không thú hướng, không tịnh tín, không an trụ, không thắng giải trong nỗ lực tinh tấn và chuyên cần tĩnh tọa đó gọi là tâm phược thứ nhất, nghĩa là nơi thân.

“Lại nữa, nếu ai đối với dục mà không ly nhiễm, không ly dục, không ly ái, không ly khát, vị ấy tâm không thú hướng, không tịnh tín, không an trụ, không thắng giải trong nỗ lực tinh tấn và chuyên cần tĩnh tọa. Nếu ai có tâm này, không thú hướng, không tịnh tín, không an trụ, không thắng giải trong nỗ lực tinh tấn và chuyên cần tĩnh tọa đó gọi là tâm phược thứ hai, nghĩa là nơi dục.

“Lại nữa, có một hạng người, đối với điều được nói tương ưng với Thánh nghĩa, nhu nhuyến, không triền cái, mà nghi hoặc; nghĩa là nói về giới, định, giải thoát, giải thoát tri kiến, nói về tổn giảm, nói về sự không tụ hội, nói về sự thiếu dục, nói về diệt, nói về tĩnh tọa nói về duyên khởi; những điều như vậy được Tỳ-kheo hay Sa-môn nói, nhưng tâm không thú hướng, không tịnh tín, không an trụ, không thắng giải trong nỗ lực tinh tấn và chuyên cần tĩnh tọa. Nếu ai có tâm này, không thú hướng, không tịnh tín, không an trụ, không thắng giải, không tinh tấn, không tĩnh tọa, đó gọi là loại tâm phược thứ ba, nghĩa là đối với thuyết.

“Lại nữa, thường tụ hội chung với đạo hay tục, náo loạn, kiêu xa, không học hỏi. Nếu ai thường tụ hội chung với đạo hay tục, náo loạn, kiêu xa, không học hỏi, người ấy tâm không thú hướng, không tịnh tín, không an trụ, không thắng giải trong nỗ lực tinh cần và chuyên cần tĩnh tọa. Nếu ai có tâm này không thú hướng, không tịnh tín, không an trụ, không thắng giải trong nỗ lực tinh tấn và chuyên cần tĩnh tọa, thì đó gọi là loại tâm phược thứ tư, nghĩa là đối với sự tụ hội.

“Lại nữa, với một ít sở đắc mà nửa đường dừng lại không mong cầu thăng tiến. Nếu ai với một ít sở đắc mà nửa đường dừng lại không mong cầu thăng tiến, người đấy tâm không thú hướng, không tịnh tín, không an trụ, không thắng giải trong nỗ lực tinh tấn, và chuyên cần tĩnh tọa. Nếu ai có tâm này, không thú hướng, không tịnh tín, không an trụ, không thắng giải trong nỗ lực tinh tấn, và chuyên cần tĩnh tọa, đó gọi là tâm phược thứ năm, nghĩa là đối với sự thăng tiến.

“Nếu Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni nào không nhổ sạch năm thứ tạp uế trong tâm, và khéo cởi mở năm thứ trói buộc trong tâm, thì Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni ấy được nói đến với pháp tất thối vậy.

“Nếu Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni nào khéo nhổ sạch năm thứ tạp uế trong tâm, và khéo cởi mở năm thứ trói buộc trong tâm, Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni ấy được nói đến với pháp thanh tịnh.

“Thế nào là Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni khéo nhổ sạch năm thứ tạp uế trong tâm? Ở đây có một hạng người [781a] không hòai nghi Thế Tôn, không do dự nhưng ngộ nhập, quyết đoán, tịnh tín. Nếu ai không hòai nghi Thế Tôn, không do dự nhưng ngộ nhập, quyết đoán, tịnh tín, đó là hạng người thứ nhất vậy. Đối với Chánh pháp, đối với học giới, đối với giáo huấn, hoặc đối với những vị đồng phạm hạnh được Thế Tôn khen ngợi mà không sân nhuế, không lăng nhục, không xúc não, không sân hại, có ngộ nhập, quyết đoán, tịnh tín. Đó gọi là hạng người thứ năm khéo nhổ sạch tạp uế trong tâm, nghĩa là đối với các vị đồng phạm hạnh.

“Thế nào là khéo cởi mở năm thứ trói buộc trong tâm?

“Ở đây có một hạng người mà thân ly nhiễm, ly dục, ly ái, ly khát. Nếu ai mà thân ly nhiễm, ly dục, ly ái, ly khát, người ấy có tâm thú hướng, tịnh tín, an trụ, thắng giải, nỗ lực tinh tấn, chuyên cần tĩnh tọa. Đó gọi là hạng người thứ nhất khéo cởi mở sự trói buộc trong tâm, nghĩa là đối với thân.

“Lại nữa, đối với dục mà ly nhiễm, ly dục, ly ái, ly khát. Nếu ai đối với dục mà ly nhiễm, ly dục, ly ái, ly khát, người ấy có tâm thú hướng, tịnh tín, an trụ, thắng giải, nỗ lực tinh tấn, chuyên cần, tĩnh tọa. Đó là hạng người thứ hai khéo cởi mở sự trói buộc trong tâm, tức là đối với dục vậy.

“Lại nữa, có một hạng người, đối với những điều được thuyết giảng, tương ưng với Thánh nghĩa, nhu nhuyến, không triền cái nghi hoặc, nghĩa là nói về giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, nói về tổn giảm, nói về sự không tụ hội, nói về thiểu dục, nói về tri túc, nói về đoạn trừ, nói về vô dục, nói về diệt, nói về tĩnh tọa, nói về duyên khởi, những điều như vậy được thuyết giảng bởi Sa-môn hay Tỳ-kheo, mà người ấy tâm thú hướng tịnh tín, an trụ, thắng giải, nỗ lực tinh tấn, chuyên cần tĩnh tọa. Nếu ai có tâm này, thú hướng, tịnh tín, an trụ, thắng giải, nỗ lực tinh tấn, chuyên cần tĩnh tọa. Đó là hạng người thứ ba khéo cởi mở sự trói buộc trong tâm, tức là đối với thuyết vậy.

“Lại nữa, không thường tụ hội với đạo hay tục, không náo loạn, không kiêu xa, nhưng học hỏi. Nếu ai không thường tụ hội với đạo hay tục, không náo loạn, không kiêu xa, nhưng học hỏi. Người ấy có tâm thú hướng tịnh tín, an trụ, thắng giải, nỗ lực tinh tấn, chuyên cần tĩnh tọa. Đó là hạng người thứ tư khéo cởi mở sự trói buộc trong tâm, tức là đối với sự không tụ hội.

“Lại nữa, với một ít sở đắc mà nửa đường không dừng lại, nhưng mong cầu thăng tiến. Nếu ai với một ít sở đắc mà nửa đường không dừng lại nhưng mong cầu thăng tiến. Người ấy [781b] tâm thú hướng, tịnh tín, an trụ, thắng giải, nỗ lực, tinh tấn, chuyên cần tĩnh tọa. Đó gọi là hạng người thứ năm khéo cởi mở sự trói buộc trong tâm, tức là đối với sự thăng tiến vậy.

“Nếu Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni nào khéo nhổ sạch năm thứ tạp uế trong tâm khéo cởi mở năm thứ trói buộc trong tâm, Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni ấy được nói đến với pháp thanh tịnh. Vị ấy an trụ nơi mười chi này rồi, lại tu tập thêm năm pháp. Thế nào là năm?

“Tu dục định thành tựu đoạn như ý túc [78], y viễn ly, y vô dục, y diệt, y xả, thú hướng phi phẩm. Tu tinh tấn định, tâm định, tư duy định thành tựu đoạn như ý túc, y viễn ly, y vô dục, y diệt y xả, thú hướng phi phẩm, và kham nhiệm là thứ năm. Vị ấy thành tựu kham nhiệm cho đến mười lăm pháp này thành tựu tự thọ [79], chắc chắn đạt đến tri, đến kiến, đến Chánh đẳng chánh giác, đến cửa cam lồ, cận trụ Niết-bàn. Ta nói không có sự kiện không đi đến Niết-bàn.

“Cũng như gà sanh mười trứng, hoặc mười hai trứng, luôn luôn ấp ủ, luôn luôn sưởi ấm, luôn luôn trông chừng. Giả sử con gà mái ấy buông trôi, nhưng bên trong đã có gà con, nó sẽ lấy chân mà chọi, lấy mỏ mà mổ vỏ trứng, tự nó bình an chui ra. Nó là con gà con đệ nhất. Cũng vậy, Tỳ-kheo thành tựu, kham nhiệm cho đến mười lăm pháp này, tự thọ, chắc chắn đạt đến tri kiến, đến chánh đẳng giác, đến cửa cam lồ, cận trụ Niết-bàn. Ta nói, không có sự kiện không đi đến Niết-bàn.”

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành. [80]

 


 [1] Đông viên, Lộc tử mẫu giảng đường 東園鹿子母講堂. No 87: Đông Thừa tướng gia điện 東丞相家殿. No 88: Vu-da-lâu mẫu gia điện 蕪耶樓母家殿. Pāli: Pubbārāme Migāramātupāsāde.

 [2] Lộc tử mẫu Tì-xá-khư 鹿子母毗舍佉. No 87: Thừa tướng mẫu Duy-da 丞相母維耶.  No 88: Tùy-xá-ca 墮舍迦. Pāli: Visākhā Migāramātā. Cf. A. i. 205

 [3] No 88: dẫn 7 người con dâu.

 [4] Nguyên Hán: Cư sĩ phụ 居 婦.

 [5] Phóng ngưu nhi trai 放牛兒齋. Pāli: gopālakūposatha. Cf. A. i. 205 (Uposatha)

 [6] Ni-kiền trai 尼犍齋. Pāli: nigaṇṭhūposatha. (A. i. 205).

 [7] A. ibid.: ekaccānaṃ pāṇānaṃ anuddāya anukampāya samāpenti, ekaccānamṃ pāṇānaṃ nānuddāya nānukampāya samāpenti, “họ huấn giới thương tưởng đối với một số sanh vật, không thương tưởng đối với một số sanh vật.

 [8] A. ibid. thêm: idaṃ tassa musāvādasmiṃ vadāmi, “Ta nói điều này người ấy nói dối.”

 [9] A.ibid.: so tassā rattiyā accayena bhoge adinnaṃyeva paribhuñjati, người ấy, ngày hôm sau, thọ dụng tài sản chưa được cho. Đại ý: hôm tước, khi trì trai, người ấy nói không có gì là sở hữu của mình; nhưng ngày hom sau tự ý thọ dụng những thứ ấy. Như vậy là lấy của không cho (idaṃ tassa adinnādānasmiṃ vāmi).

 [10] Thánh bát chi trai 聖 八 支 齋. Pāli: atthaṅga samannāgato upasatho hay ariyūposatha.

 [11] Nguyên Hán: tận hình thọ 盡形壽, “suốt đời.” Bản Hán có sự nhầm lẫn ở đây. Cái giơii sau hán dịch lại nói: “một ngày nay và một một đêm nay.” Giới bát quan trai có thể tự phát nguyện trong một ngày một đêm No.87 và bản Pāli cũng nói chỉ phát nguyện trong một ngày một đêm. Pāli: yāvajīvaṃ arahanto pāṇātipātaṃ pahāya... ahaṃ pajja imañca rattiṃ imañca divasaṃ pāṇtipātaṃ pahāya..., A-la-hán trọn đời không sát sanh... tôi nay một ngày một đêm không sát sanh... Việt dịch theo đó sửa lại cho đúng.

 [12] Câu chót này theo văn mạch bản Hán, phải hiểu lời kết của Phật. Nhưng theo bản Pāli nó nằm trong lời phát nguyện. Pāli: imināpaṅgena arahantaṃ anukaromi uposatho ca me upavuttho, “Tôi noi gương A-la-hán với chi này, tôi sẽ thọ trì trai giới.”

 [13] Nguyênhán như vậy.

 [14] Nguyên Hán: ác tứ 惡伺.

 [15] Phạm trai 梵齋.

 [16] Tư duy về Pháp bảo, đọc theo Pháp uẩn 2 (tr.462a) như vầy: “Phật Chánh pháp thiện thuyết hiện kiến, vô nhiệt, ứng thời, dẫn đạo, cận quán, trí giả nội chứng 佛正法善說現見無熱應時引
<lb n="0462a09"/>導近觀智者內證.”

 [17] Tư duy về Tăng bảo, theo Pháp uẩn ibid. như vầy: “Phật đệ tử, cụ túc diệu hành, chất trực hành, như lý hành, pháp tùy pháp hành, hòa kỉnh hành, ở trong tăng này có Dự lưu hướng, Dự lưu quả, Nhất lai hướng, Nhất lai quả, Bất hoàn hướng, Bất hoàn quả, A-la-hán hướng, A-la-hán quả. Như vậy tổng có bốn đôi tám hạng Bổ-đặc-già-la. Phật đệ tử chúng giới cụ túc, ứng thỉnh, ứng khuất, ứng cung kính, vô thượng phước điền, thế sở ứng cúng 佛弟子 具足妙行質直行如理
<lb n="0463a07"/>行法隨法行和敬行隨法行 於此僧中 有預
<lb n="0463a08"/>流向 有預流果 有一來向 有一來果 有不還
<lb n="0463a09"/>向 有不還果 有阿羅漢向 有阿羅漢果 如
<lb n="0463a10"/>是總有四雙八隻補特伽羅 佛弟子眾 戒具
<lb n="0463a11"/>足 定具足 慧具足 解脫具足 解脫智見具
<lb n="0463a12"/>足 應請應屈應恭敬無上福田世所應供.”

 [18] Danh sách 16 vương quốc lớn thời Phật: Ương-ca 鴦迦, Ma-kiệt-đà 摩竭陀, Ca-thi 迦尸, Câu-tát-la 拘薩羅, Câu-lâu 拘樓, Ban-xà-la般闍羅, A-nhiếp-bối 阿攝貝, A-hòa-đàn-đề 阿和檀提Chi-đề 枝提, Bạt-kỳ 跋耆, Bạt-ta 跋蹉, Bạt-la 跋羅,Tô-ma 蘇摩, Tô-la-tra 蘇羅吒, Dụ-ni 喻尼, Kiếm-phù 劍浮. Danh sách theo Pāli, A. i. 213: Aṅgā, Magadha, Kāsi, Kosala, Vajji, ṃalla, Ceti, Vaṅga, Kuru, Pañcāla, Maccha, Surasena, Assaka, Avanti, Gandhāra, Kamboja.

 [19] Tương-già 儴 伽. Pāli: saṃkha, vỏ sò hay xa-cừ.

 [20] Lưu-thiệu 留 邵, không rõ ngọc gì. Có lẽ Skt. lohita(muktikā), ngọc xích châu.

 [21] Tì-lưu 鞞 留, không rõ ngọc gì. Có lẽ Skt. vaiḍūrya, ngọc lưu-ly.

 [22] Tì-lặc 鞞 勒, không rõ ngọc gì. Có lẽ Skt. vairāja, ngọc thạch vương

 [23] Na-nan-đại 那難大, tức Pali: Nalanda. Nhưng M 54: Aṅguttarāpesu.

 [24] Ba-hòa-lị-nại viên 波和利奈園 (Pāli: Pāvārikambavana). M 54: tại thôn Āpaṇa, Aṅguttarāpa.

 [25] Nguyên Hán chép: Bô-lị-đa, tương đương Pāli: M.54. Poṭaliya. Đây y theoâm Pāli đọc lại.

 [26] Pl.: gahapati, gia chủ.

 [27] Hán: tham trước 貪著. Pl.: giddhilobho.

 [28] Hán:hại nhuế 害恚.  Pl. kodhūpāyāso.

 [29] Hán: tắng tật não 憎嫉惱, Pl. nindāroso.

 [30] Hán: tăng thượng mạn 增上慢. Pl. atimāno.

 [31] Nguyên Hán: thế gian ẩm thực 世間飲食. Pāli: lokāmisupādānā: Ssự chấp thủ vật dục trần gian.

 [32] “Có tầm có tứ” là Sơ thiền, “tầm tứ đã dứt” là ở Nhị thiền. Ở đây không nói đến Sơ thiền. M 54 lược bỏ cả bốn thiền.

 [33] Bản Hán, hết quyển 55.

 [34] A-di-la-bà-đề  阿夷羅婆提. Pāli: Aciravatī. M 26: Pubbakoṭṭhaka.

 [35] La-ma 羅 摩. Pāli: Rammaka.

 [36] Một vài chi tiết trong đoạn này không được mạch lạc.

 [37] M 26, đây là một am cốc (assamo: thảo am) của Bà-la-môn Rammaka chứ không phải là nhà theo nghĩa thông thường (gaha).

 [38] Thánh cầu 聖 求. Pāli: ariyāpariyesanā.

 [39] Bệnh pháp 病 法. Pāli: vyādhidhamma.

 [40] Lão pháp 老 法. Pāli: jarādhamma.

 [41] A-la-la Già-la-ma 阿羅羅伽羅摩. Pāli: Āḷāra Kālāma.

 [42] Nguyên hán: vô lượng thức xứ.

 [43] Uất-đà-la La-ma Tử 鬱陀羅羅摩子. Pāli: Udduka Rāmaputta.

 [44] Nhữ phụ La-ma 汝父羅摩; đáng lẽ gọi là La-ma Tử, không hiểu tại sao ở đây lại nói như vậy. M 26 cũng chỉ gọi Rāma (tên cha) thay vì gọi Uddaka hay Rāmaputta (tên con).

 [45] Tượng đỉnh sơn 象頂山. Pāli: Gayāsisa.

 [46] Uất-tì-la 鬱 鞞 羅. Pāli: Uruvelā.

 [47] Tư-na 斯那. Pāli: Senā.

 [48] Ni-liên-thuyền 尼連禪. Pāli: Nerañjarā.

 [49] Giác thọ 覺樹, tức cây bồ-đề.

 [50] Định đạo phẩm pháp 定 道 品 法, bản Pāli: akuppā me vimutti, sự giải thoát của Ta không dao động.

 [51] Bản Hán có thể nhảy sót một đoạn, về Phạm thiên thỉnh Phật. Cf. M 26, i. 167-170.

 [52] Nguyên bản Hán: pháp thứ pháp 法次法. Đoạn Pāli tương đương không có từ liên hệ, nhưng thông thường là dhammānudhamma.

 [53] Ba-la-nại, Tiên nhơn trụ xứ, Lộc giả uyển 波羅奈仙人住處鹿野苑. Pāli: Bārāṇasi Isipatanaṃ Migadāyo.

 [54] Gia-thi đô ấp 加尸都邑. Tức Pl. Kāsi,vương quốc. Nhưng trong bản Hán, nó là một thị trấn. Có thể là Kāsinigama, một thị trấn trong āsi.

 [55] Ưu-đà 優 陀. Pāli: Upaka, một tu sỹ Tà mạng (ājīvaka).

 [56] Hán: khanh ư ngã 卿於我. Pāli: āvusovādena ca samudācaranti, họ xưng hô với Ta là “āvuso” (Bạn, hay Hiền giả).

 [57] Đạo phẩm pháp 道品法, pháp dẫn đến phát sanh minh trí (Pl. vijjābhāgiya); xem kinh 81. Xem thêm kinh 72: trụ đạo phẩm pháp 住道品法.

 [58] Nhân thượng pháp sai giáng Thánh tri Thánh kiến 人上法差降聖知聖見, Pl.: uttarimanussadhammā alamañāṇadassavisesaṃ. Hán: sai giáng 差降, dịch từ tương đương Pl.: alaṃ: hoàn toàn, chân thật; giới từ cường điệu.

 [59] Bát chánh đạo 八正道.

 [60] Ngũ hạ phần kết 五下分 結, năm loại kết sử đưa đến sự tái sanh ở dục giới.Cf. Tập dị (tr. 419c7): ngũ thuận hạ phần kết 五順下分結. Pāli: pañcorambhāgiyāni saṃyojanāni. M 64 (i. 432).

 [61] Man Đồng tử 鬘童子. Pāli: Māluṅkyāputta.

 [62] Nguyên Hán:Dục sử 欲 使. Nguyên Pāli (=Skt.) anusāya, do gốc động từ anu-seti (Skt. anuśayate): nằm phục theo, nhưng Hán dịch hiểu từ gốc anu-sevati: phục vụ theo. Ở dâytheo định nghĩa vừa thấy đoạn trên, dịch là tùy miên (dịch ngữ thông dụng của Huyền Trang).

 [63] Nhuế sử 恚 使; Pāli: vyāpādānusayo, sân tùy miên.

 [64] Thân kiến sử 身 見 使; Pāli: sakkāyadiṭṭhānusayo, hữu thân kiến tùy miên.

 [65] Giới thủ sử 戒 取 使; Pāli: sīlabbataparāmāsānusayo, giới cấm thủ tùy miên.

 [66] Nghi sử 疑 使; Pāli: vicikicchānusayo, nghi tùy miên.

 [67] Đạo, và tích 道跡. Pl.: maggo, paṭipadā.

 [68] Thật 實; Pāli: sāra, vừa có nghĩa chắc thật, vừa có nghĩa lõi cây.

 [69] Nguyên Hán: sơn thủy, nước trên núi đổ xuống. Xem thí dụ về chiếc bè trong kinh 200 trên.

 [70] Hữu ngại tưởng 有礙想; những nơi khác cũng trong bản Hán này, nói là hữu đối tưởng. Những tưởng tương ưng với nhãn thức thuộc sắc tưởng. Những tưởng tương ưng với bốn thức tiếp theo thuộc hữu đối tưởng, (giải thích của Pháp uẩn 8, No.1537 tr.488c). Pl.: paṭighasaññā.

 [71] Tâm trung ngũ uế 心中五穢; Tập dị 11 (tr. 416b29): ngũ tâm tài 五心栽 (năm cọc nhọn của tâm). Pāli: pañca cetokhīla. M. 16 (i.101).

 [72] Tâm trung ngũ phược 心中五縛者. Tập dị 11 (tr. 418a3): ngũ tâm phược]">五心縛者. Pāli: cetasovinibandha.

 [73] Bất khai ý, bất giải ý, ý bất tĩnh 不開意不解意意不靜; Tập dị ibid: Bất ngộ nhập, vô thắng giải, vô tịnh tín 不悟入無勝解無淨信. Ý bất tĩnh 意不靜, ý không ổn định, không tin tưởng. Pāli: nādhimuccati na sampasīdati.

 [74] Tập Dị (sđd., nt.): “Đối với Đại sư mà cọc nhọn trong tâm chưa đoạn, chưa biến tri.”

 [75] Giáo 教. Trong bản Pāli, thứ ba, Saṃghe kaṅkhati, nghi ngờ Tăng, thứ tư, sikkhaøya kaṅkhati, nghi ngờ học giới.

 [76] Được hiểu là không có sự quyết tâm.

 [77] Nguyên Hán: tự phương tiện đoạn 自 方 便 斷.

 [78] Dục định tâm thành tựu đoạn như ý túc 欲定心成就斷如意足, có thể dư chữ tâm, hoặc nói là Dục tam-ma-địa đoạn hành (hay thắng hành) (thành tựu thần túc). Thần túc thứ nhất xem kinh 86 trên.

 [79] Thành tựu tự thọ 成就自受. M 16: ussoḷhīpannarasaṇṅgasamannāgato, thành tựu 15 chi (cùng với) tinh cần. Sớ giải: đoạn 5 tâm tài, 5 tâm phược, tu bốn như ý túc, và tjhứ năm là tinh cần nỗ lực (ussoḷhī). Có lẽ Hán dịch hiểu ussoḷhī là tự thọ ?

 [80] Bản Hán, hết quyển 56.

Phẩm 20: Phẩm lệ

PHẨM 20: PHẨM LỆ

TỤNG NGÀY THỨ NĂM

Hậu tụng

一切智法嚴  

鞞訶第一得

愛生及八城  

阿那律陀二

諸見箭與喻  

比例最在後

 Kệ tóm tắt:

Nhất thiết trí, Pháp nghiêm,

Tì-ha, Đệ nhất đắc,

Ái sanh, và Bát thành,

Hai A-na-luật-đà,

Các Kiến, và Tiễn dụ,

Kinh Lệ ở sau cùng.

212. KINH NHẤT THIẾT TRÍ

 [792c14]Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại nước Uất-đầu-tùy-nhã, trong rừng Phổ cức thích [1].

Bấy giờ vua nước Câu-tát-la là Ba-tư-nặc [2] nghe Sa-môn Cù-đàm đang trú tại Uất-đầu-tùy-nhã, trong rừng Phổ cức thích. Sau khi nghe như vậy, Ba-tư-nặc, vua nước Câu-tát-la, bảo một người rằng: “Ngươi đi đến chỗ Sa-môn Cù-đàm, thay mặt ta mà thăm hỏi rằng, ‘Thánh thể có khương cường, an lạc không tật bệnh, đi đứng thoải mái, khí lực bình thường chăng?’ Rồi nói như vầy, ‘Vua nước Câu-tát-la là Ba-tư-nặc, kính lời thăm hỏi rằng ‘Thánh thể được khang cường, an lạc không tật bệnh, đi đứng thoải mái, khí lực như thường chăng?’ Ngươi lại nói thêm rằng, ‘Vua nước Câu-tát-la là Ba-tư-nặc muốn đến gặp.’” Người ấy lãnh giáo đến chỗ Phật, cùng Ngài chào hỏi rồi lui ngồi một bên mà thưa rằng:

“Bạch Cù-đàm, vua nước Câu-tát-la là Ba-tư-nặc kính lời thăm hỏi Thánh thể được khang cường, an lạc không tật bệnh, đi đứng thoải mái khi lực như thường chăng? Vua nước Câu-tát-la là Ba-tư-nặc muốn đến gặp.”

Đức Thế Tôn đáp rằng:

“Mong vua nước Câu-tát-la là Ba-tư-nặc được an ổn khoái lạc. Mong cho Trời, Người, A-tu-la, Kiền-tháp-hòa, La-sát và mọi loài khác cũng được an ổn khoái lạc. Vua nước Câu-tát-la là Ba-tư-nặc muốn đến, xin cứ tự tiện tùy ý.”

Sứ giả nghe Phật nói, ghi nhớ kỹ, rồi rời chỗ ngồi đứng dậy nhiễu ba vòng rồi lui về.

Bấy giờ [793a] Tôn giả A-nan đứng sau lưng Đức Thế Tôn, quạt hầu Phật. Sau khi người sứ giả đi rồi, Đức Thế Tôn quay lại bảo rằng:

“Này A-nan, ông cùng Ta sang ngôi nhà lớn hướng phía Đông, mở cửa sổ ra và đóng cửa lớn lại, vào trong chỗ kín đáo ấy. Hôm nay Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la, nhất tâm, không loạn động, muốn nghe và thọ lãnh Chánh pháp.”

Khi ấy Tôn giả A-nan bạch Phật rằng:

“Kính vâng.”

Rồi Đức Thế Tôn dẫn A-nan sang ngôi nhà lớn hướng phía Đông kia, mở cửa sổ ra và đóng cửa lớn lại, dọn chỗ ngồi ở chỗ kín đáo, trải ni-sư-đàn và kiết già mà ngồi.

Lúc đó sứ giả trở về chỗ Ba-tư-nặc, vua nước Câu-tát-la, thưa:

“Tâu Thiên vương, tôi đã thông báo cho Sa-môn Cù-đàm và Sa-môn Cù-đàm đang chờ Thiên vương. Cúi xin Thiên vương nên biết đúng thời.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la bảo người đánh xe rằng:

“Ngươi hãy sửa soạn xa giá. Hôm nay Ta muốn đến thăm Sa-môn Cù-đàm.”

Người đánh xe lãnh giáo, tức thì sửa soạn xa giá.

Bấy giờ chị em Hiền và Nguyệt [3] đang ngồi ăn với Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la, nghe nói hôm nay Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la sẽ đến thăm Phật, liền tâu rằng:

“Tâu Thiên vương, nếu hôm nay ngài đến thăm Đức Thế Tôn, xin thay chúng tôi cúi đầu thăm hỏi Đức Thế Tôn Thánh thể Ngài khỏe mạnh, an lạc, không bệnh tật, đi đứng thoải mái, khí lực như thường chăng? Đại vương nói như vầy, ‘Chị em Hiền và Nguyệt cúi đầu thăm hỏi Thế Tôn, Thánh thể Ngài khỏe mạnh, an lạc, không tật bệnh, đi đứng thoải mái, khí lực bình thường chăng?’”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la im lặng nhận lời chị em Hiền và Nguyệt.

Lúc đó người đánh xe sửa soạn xa giá đã xong, đến tâu rằng:

“Tâu Thiên vương, xa giá trang nghiêm đã xong, xin vâng ý Thiên vương.”

Vua nghe xong, lên xe rời khỏi Uất-đầu-tùy-nhã, đi đến rừng Phổ cức thích.

Lúc đó ngoài cửa rừng Phổ cức thích, một số đông các Tỳ-kheo đi kinh hành trên khoảng đất trống. Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la đến hỏi các Tỳ-kheo rằng:

“Bạch chư Hiền, Sa-môn Cù-đàm hôm nay ở đâu? Tôi muốn đến thăm.”

Chư Tỳ-kheo đáp rằng:

“Nơi phía Đông kia, tâu Đại vương, tại ngôi nhà lớn hướng phía Đông, có cửa sổ mở và cửa lớn đóng, Đức Thế Tôn đang ở trong đó. Đại vương muốn thăm thì đến nhà ấy, đứng ngoài mà tằng hắng và gõ cửa, Đức Thế Tôn sẽ mở cửa.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la liền xuống xe, với đám tùy tùng vây quanh, đi bộ về ngôi nhà lớn hướng phía Đông ấy. Đến nơi, vua đứng phía ngoài tằng hắng và gõ cửa. Đức Thế Tôn nghe, liền ra mở cửa. Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la vào trong ngôi nhà ấy, đến trước chỗ Phật, [793b] bạch rằng:

“Bạch Cù-đàm, chị em Hiền và Nguyệt cúi đầu thăm hỏi Thế Tôn rằng, ‘Thánh thể Ngài khỏe mạnh, an lạc, không bệnh tật, đi đứng thoải mái, khí lực như thường chăng?’”

Thế Tôn hỏi rằng:

“Chị em Hiền và Nguyệt không có người sai sao?”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la bạch rằng:

“Bạch Cù-đàm, mong Ngài biết cho, hôm nay chị em Hiền và Nguyệt cùng ngồi ăn với con, nghe con muốn đến thăm Phật, bèn thưa rằng, ‘Đại vương, nếu ngài đến thăm Phật, xin thay chúng tôi cúi đầu thăm hỏi Đức Thế Tôn, Thánh thể Ngài khỏe mạnh, an lạc, không bệnh tật, đi đứng thoải mái, khí lực bình thường chăng?’ Nên con bạch lại như vậy cùng Thế Tôn rằng, chị em Hiền và Nguyệt cúi đầu thăm hỏi Thế Tôn ‘Thánh thể Ngài khỏe mạnh an lạc, không tật bệnh đi đứng thoải mái, khí lực như thường chăng?’ Bạch Cù-đàm, chị em Hiền và Nguyệt cúi đầu thăm hỏi Đức Thế Tôn, Thánh thể Ngài khỏe mạnh, an lạc, không tật bệnh, đi đứng thoải mái, khí lực bình thường chăng?”

Thế Tôn đáp:

“Đại vương, mong cho chị em Hiền và Nguyệt an ổn, khoái lạc, mong cho Trời, Người, A-tu-la, Kiền-đáp-hòa, La-sát cùng mọi loài khác an ổn khoái lạc.”

Bấy giờ Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la nói lời thăm hỏi Phật rồi lui ngồi một bên bạch rằng:

“Bạch Cù-đàm, con có điều muốn hỏi mong Ngài nghe chuyện con mới dám trình bày.”

Thế Tôn đáp rằng:

“Này Đại vương, có điều gì muốn hỏi cứ tự ý mà hỏi.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la hỏi rằng:

“Bạch Cù-đàm, con nghe Sa-môn Cù-đàm nói như vầy, ‘Trong quá khứ không có, trong tương lai không có, và hiện tại cũng không có, không có Sa-môn, Bà-la-môn nào là bậc nhất thiết trí, nhất thiết kiến.’ Bạch Cù-đàm, Ngài có nhớ là đã nói như vậy chăng?

Thế Tôn đáp rằng:

“Đại vương, Ta nhớ là đã không nói như vậy, ‘Trong quá khứ không có, trong tương lai không có, và hiện tại không có, không có Sa-môn, Bà-la-môn nào là bậc nhất thiết trí, nhất thiết kiến.’”

Lúc đó Đại tướng Tì-lưu-la [4] đứng sau lưng Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la, cầm phất trần hầu vua. Rồi Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la quay lại nói với Đại tướng Tì-lưu-la rằng:

“Hôm trước Ta ngồi với đại chúng, ai là người đầu tiên nói rằng, ‘Sa-môn Cù-đàm nói như vầy, ‘Trong quá khứ không có, trong tương lai không có và trong hiện tại cũng không có, không có Sa-môn, Bà-la-môn nào là bậc nhất thiết trí, nhất thiết kiến’?”

Đại tướng Tì-lưu-la đáp rằng:

“Tâu Thiên vương, có Tưởng Niên Thiếu Cát Tường Tử [5] là người đầu tiên nói như vậy.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la nghe xong, bảo một người rằng: “Ngươi đến chỗ Tưởng Niên Thiếu Cát Tường Tử nói [793c] như vầy, ‘Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la cho gọi ông.’”

Người ấy lãnh giáo, đi đến chỗ Tưởng Niên Thiếu Cát Tường Tử bảo như vầy:

“Này Niên Thiếu, Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la cho gọi ông.”

Sau khi người ấy đi, Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la bạch Thế Tôn:

“Bạch Sa-môn Cù-đàm, có thể có những lời nói khác, nhưng được ghi nhớ khác. Bạch Cù-đàm, ngài có nhớ đã nói những gì chăng?”

Thế Tôn đáp rằng:

“Đại vương, Ta nhớ đã từng nói như vầy, ‘Trong quá khứ không có, trong tương lai không có, trong hiện tại cũng không có, không có Sa-môn, Bà-la-môn nào trong một thời [6] biết tất cả, trong một thời thấy tất cả.’ Này Đại vương, Ta nhớ đã nói như vậy.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la nghe xong tán thán rằng:

“Những lời Sa-môn Cù-đàm nói như Sư [7]. Những lời Sa-môn Cù-đàm nói như Thiện sư. Con lại có những điều muốn hỏi, mong Ngài cho phép con hỏi.”

Thế Tôn đáp rằng:

“Đại vương, nếu có điều muốn hỏi, cứ tùy ý hỏi.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la hỏi rằng:

“Bạch Cù-đàm, ở đây có bốn chủng tộc, Sát-lị, Bà-la-môn, Cư sĩ, Công sư. Bốn chủng tộc này có sự hơn kém nào không? Và có sự sai biệt nào?”

Thế Tôn đáp rằng:

“Bốn chủng tộc này, Sát-lị, Bà-la-môn, Cư sĩ, Công sư có hơn kém và sai biệt. Hạng Sát-lị, và Bà-la-môn ở trong nhân gian được coi là tối thượng. Hạng Cư sĩ và hạng Công sư ở trong nhân gian được coi là hạ liệt. Trong bốn hạng này, Sát-lị, Bà-la-môn, Cư sĩ và Công sư đó là sự hơn kém và đó là sự sai biệt.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la nghe xong khen rằng:

Những gì Sa-môn Cù-đàm nói như Sư. Những gì Sa-môn Cù-đàm nói như Thiện sư.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la lại bạch:

“Bạch Cù-đàm, con không hỏi những vấn đề trong hiện tại, mà con muốn hỏi cả những vấn đề đời sau nữa, mong Ngài nghe con hỏi chăng?”

Thế Tôn đáp:

“Đại vương, nếu có điều muốn hỏi, cứ tùy ý hỏi.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la hỏi:

“Bạch Cù-đàm, ở đây có bốn chủng tộc, Sát-lị, Bà-la-môn, Cư sĩ và Công sư, có sự hơn kém nào, có sự sai biệt nào ở đời sau chăng?”

Thế Tôn đáp rằng:

“Bốn hạng này, Sát-lị, Bà-la-môn, Cư sĩ, và Công sư, có sự hơn kém, có sự sai biệt cả trong đời sau nữa. Bốn hạng này, Sát-lị, Bà-la-môn, Công sư và Cư sĩ nếu thành tựu được năm đoạn chi này [8], chắc chắn sẽ gặp được bậc Thiện sư, là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, chắc chắn được vừa ý, không có điều gì không vừa ý, và cũng luôn luôn được thiện lợi và hữu ích, an ổn khoái lạc. Những gì là năm chi? Đa văn Thánh đệ tử đối với Như Lai đã gieo trồng tín căn, đã quyết định vững bền, [794a] không ai có thể tước đoạt, dù là Sa-môn, Bà-la-môn, Thiên, Ma, Phạm và các loài thế gian khác. Đó gọi là đoạn chi thứ nhất.

“Lại nữa, Đại vương, đa văn Thánh đệ tử, ít bệnh, không bệnh, thành tựu sự điều hòa thực đạo [9], không quá lạnh, không quá nóng, dễ chịu, không bị bực dọc. Nghĩa là sự ăn uống được tiêu hóa dễ dàng an ổn. Đó gọi là đoạn chi thứ hai.

“Lại nữa, này Đại vương, đa văn Thánh đệ tử không siểm mị, không dối gạt, chất trực, tự bộc lộ sự chân thật đối với Thế Tôn và các vị phạm hạnh. Đó gọi là đoạn chi thứ ba.

“Lại nữa, Đại vương, đa văn Thánh đệ tử thường thành tựu hạnh tinh tấn, đoạn trừ ác và bất thiện pháp, siêng tu các thiện pháp, luôn luôn tự sách tấn [10], chuyên nhất kiên cố, đối với gốc rễ các thiện pháp, không hề từ bỏ phương tiện. Đó gọi là đoạn chi thứ bốn.

“Lại nữa, Đại vương, đa văn Thánh đệ tử tu hành trí tuệ, quán pháp hưng suy và chứng đắc trí tuệ như vậy, thánh tuệ minh đạt, phân biệt thấu triệt, do đó mà chơn chánh diệt tận. Đó gọi là đoạn chi thứ năm.

“Có bốn chủng tộc, Sát-lị, Bà-la-môn, Cư sĩ và Công sư. Bốn hạng này nếu thành tựu được năm đoạn chi này, nhất định được gặp bậc Thiện sư, là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, ắt được vừa ý, không có điều gì không vừa ý, luôn luôn được thiện lợi và hữu ích, an ổn khoái lạc.

“Có bốn chủng tộc này, Sát-lị, Bà-la-môn, Cư sĩ và Công sư. Đó là hơn kém, đó là sự sai biệt ở đời sau vậy.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la nghe xong tán thán rằng:

“Những lời Sa-môn Cù-đàm nói như Sư. Những lời Sa-môn Cù-đàm nói như Thiện sư. Con lại có điều muốn hỏi, mong Ngài nghe con hỏi chăng?”

Đức Thế Tôn đáp:

“Đại vương, nếu có điều gì muốn hỏi, cứ tùy ý hỏi.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la hỏi:

“Bạch Cù-đàm, có bốn chủng tộc, Sát-lị, Bà-la-môn, Cư sĩ và Công sư; bốn hạng này có sự hơn kém và sự sai biệt nào đối với đoạn hành [11] chăng?”

Đức Thế Tôn đáp:

“Có bốn chủng tộc này, Sát-lị, Bà-la-môn, Cư sĩ và Công sư. Bốn hạng này có sự sai biệt và hơn kém đối với đoạn hành. Này Đại vương, Đại vương nghĩ sao? Những gì được đoạn bởi tín, và chúng được đoạn bởi bất tín trường hợp đó hoàn toàn không thể có. Những gì được đoạn bởi ít bệnh, mà chúng cũng được đoạn bởi nhiều bệnh, trường hợp đó hoàn toàn không thể có. Những gì được đoạn bởi sự không siểm nịnh, không lừa dối [12], mà chúng cũng được đoạn bởi siểm nịnh, lừa dối, trường hợp này không thể có. Nếu được đoạn bởi tinh cần mà cũng được đoạn bởi giải đãi; trường hợp này không thể có. Nếu đoạn bởi trí tuệ, mà cũng được đoạn trừ bởi ác tuệ, trường hợp này không thể có.

“Cũng như bốn sự chế ngự [13] là chế ngự voi, chế ngự ngựa, chế ngự bò và chế ngự người. Trong đó có hai trường hợp cần chế ngự [14] mà không thể chế ngự và [794b] hai trường hợp cần chế ngự mà có thể chế ngự. Đại vương, ý ông thế nào? Hai trường hợp cần chế ngự mà không thể chế ngự, con vật không thể chế ngự ấy mà lại đi đến chỗ được điều phục, đi đến được chỗ chế ngự [15], thọ nhận công việc của sự điều ngự [16], thì việc này có thể vậy.

“Cũng vậy, này Đại vương, Đại vương nghĩ sao? Nếu những gì được đoạn bởi tín [17] mà cũng được đoạn bởi bất tín chăng? Việc này không thể có. Nếu được đoạn bởi ít bệnh [18] mà cũng được đoạn bởi nhiều bệnh chăng? Việc này không thể có. Nếu được đoạn bởi sự không siểm nịnh không dối trá mà cũng được đoạn bởi siểm nịnh, dối trá chăng? Việc này không thể có. Nếu được đoạn bởi tinh cần mà cũng đoạn bởi giải đãi chăng? Việc này không thể có. Nếu do trí tuệ mà đoạn cũng do ác tuệ mà đoạn chăng? Việc này không thể có. Như vậy, bốn hạng này, Sát-lị, Bà-la-môn, Cư sĩ, và Công sư, đó là sự hơn kém, sự sai biệt về đoạn hành.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la nghe xong khen rằng:

“Bạch Cù-đàm, những điều Ngài nói như Sư, những điều Ngài nói như Thiện sư. Con lại có điều muốn hỏi, mong Ngài nghe con hỏi chăng?”

Đức Thế Tôn đáp:

“Đại vương, nếu có điều muốn hỏi tùy ý hỏi.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la hỏi:

“Bạch Sa-môn Cù-đàm, có bốn chủng tộc này, Sát-lị, Bà-la-môn, Cư sĩ và Công sư, bốn hạng này có sự hơn kém, có sự sai biệt đối với đoạn [19] chăng?”

Đức Thế Tôn đáp rằng:

“Có bốn chủng tộc này, Sát-lị, Bà-la-môn, Cư sĩ và Công sư, chúng bình đẳng đối với đoạn, không hơn kém, không sai biệt đối với đoạn vậy [20].

“Cũng như một đứa nhỏ dòng Sát-lị từ phương Đông đến lấy sa-la khô làm mồi lửa và cọ xát cho bốc lửa. Một đứa dòng Bà-la-môn từ phương Nam đến nó lấy cây sa-la khô làm mồi lửa và cọ xát cho bốc lửa. Một đứa dòng Cư sĩ từ phương Tây đến, nó lấy chiên-đàn làm mồi và cọ xát cho bốc lửa. Một đứa bé dòng công sư từ phương Bắc đến, nó lấy cây bát-đầu-ma [21] khô làm mồi lửa và cọ xát cho bốc lửa. Này Đại vương, ý ngài nghĩ sao? Những người khác chủng tộc kia mang các loại cây khác nhau làm mồi lửa, nó cọ xát cho bốc lửa; rồi trong số đó, có người châm vào cây khô làm cho bốc khói, bốc lửa ngọn và phát sanh màu lửa. Này Đại vương, giữa khói với khói, giữa ngọn lửa với ngọn lửa. Giữa sắc lửa với sắc lửa, có những sai biệt nào chăng?”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la đáp rằng:

“Bạch Cù-đàm, những người khác chủng tộc đó lấy các thứ cây khác nhau đó làm mồi lửa và cọ xát cho bốc lửa, rồi trong số đó có người châm lửa vào cây khô [794c] làm bốc khói, bốc lửa ngọn và phát sanh màu lửa. Bạch Cù-đàm, con không nói rằng giữa khói và khói, giữa ngọn lửa và ngọn lửa, giữa sắc lửa và sắc lửa có sự sai biệt.”

“Cũng vậy, này Đại vương, bốn chủng tộc này, Sát-lị, Bà-la-môn, Cư sĩ và Công sư, chúng hoàn toàn bình đẳng đối với đoạn, không có hơn kém, không có sai biệt đối với đoạn.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la nghe xong khen rằng:

“Bạch Cù-đàm, những điều Ngài nói như Sư. Bạch Sa-môn Cù-đàm, những điều Ngài nói như Thiện sư. Con lại có điều muốn hỏi, mong Ngài nghe cho con hỏi chăng?”

Thế Tôn đáp:

“Nếu có điều muốn hỏi, cứ tùy ý hỏi.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la hỏi rằng:

“Bạch Cù-đàm, có chư Thiên chăng?”

Đức Thế Tôn hỏi lại:

“Đại vương, ngài hỏi ‘có chư Thiên không’ với ý gì?”

Vua Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la đáp:

“Bạch Cù-đàm, chư Thiên nào có tranh [22], ưa tranh thì chư Thiên ấy phải sanh lại thế gian này. Nếu chư Thiên nào không có não hại thì sẽ không sanh lại thế gian này [23].”

Bấy giờ Đại tướng Tì-lưu-la đứng sau lưng Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la, cầm phất trần hầu vua. Đại tướng Tì-lưu-la bạch:

“Bạch Cù-đàm, chư Thiên nào không có tranh, không ưa tranh không đến thế gian này, hãy gác lại chư Thiên đó. Giả như chư Thiên nào có tranh, ưa tranh, thì đến thế gian này, Sa-môn Cù-đàm tất phải nói rằng chư Thiên đó có phước hơn, có phạm hạnh hơn. Vì chư Thiên này được tự tại nên đẩy lui chư Thiên kia, đuổi chư Thiên kia đi vậy.”

Lúc đó Tôn giả A-nan đứng hầu sau Đức Thế Tôn, cầm phất trần hầu Phật. Tôn giả A-nan nghĩ rằng, ‘Đại tướng Tì-lưu-la này là con của Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la, còn ta là con của Đức Thế Tôn. Bây giờ chính là lúc con và con thảo luận.’ Rồi Tôn giả A-nan nói với Đại tướng Tì-lưu-la rằng:

“Tôi muốn hỏi ngài, xin tùy theo sự hiểu biết mà trả lời.

“Thưa Đại tướng, ngài nghĩ thế nào? Trong phần ranh giới thuộc về Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la mà giáo lệnh có thể truyền đến, Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la được tự do đuổi đi những vị có phước đức hơn, có phạm hạnh hơn chăng?”

Đại tướng Tì-lưu-la đáp:

“Này Sa-môn, trong phần ranh giới thuộc về Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la mà giáo lệnh có thể truyền đến thì Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la được quyền đuổi đi tự do những vị có phước đức hơn, có phạm hạnh hơn.”

“Này Đại tướng, ngài nghĩ sao? Nếu không phải trong ranh giới của Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la, giáo lệnh không thể truyền đến, Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la có được tự ý đuổi những vị có phước đức hơn, có phạm hạnh hơn chăng?”

Đại tướng Tì-lưu-la dáp rằng:

“Này Sa-môn, trong phạm vi [795a] không phải ranh giới thuộc về Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la, giáo lệnh không thể truyền đến, Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la không được tự do xua đuổi những vị có phước hơn, có phạm hạnh hơn đi khỏi vậy.”

Tôn giả A-nan lại hỏi rằng:

“Này Đại tướng, ngài có nghe nói đến chư Thiên ở Tam thập tam thiên chăng?”

Đại tướng Tì-lưu-la đáp rằng:

“Khi tôi cùng Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la dạo chơi, có nghe nói chư Thiên trên Tam thập tam thiên.”

“Này Đại tướng, ngài nghĩ thế nào? Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la có được quyền tự do xua đuổi chư Thiên có phước hơn, có phạm hạnh hơn ở Tam thập tam thiên khỏi chỗ ấy chăng?”

Đại tướng Tì-lưu-la đáp rằng:

“Này Sa-môn, Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la còn không thể thấy được chư Thiên ở Tam thập tam thiên, huống gì lại đuổi họ ra khỏi chỗ đó? Đuổi chư Thiên ở Tam thập tam thiên, việc ấy chắc chắn không thể có vậy.”

“Cũng vậy, này Đại tướng, nếu có chư Thiên nào không tranh, không ưa tranh, không đến thế gian này. Chư Thiên ấy có phước đức hơn và có phạm hạnh hơn. Nếu có chư Thiên nào có tranh, ưa tranh, sanh đến thế gian này, chư Thiên này đối với chư Thiên kia còn không thể thấy được huống gì đánh đuổi ư? Việc đánh đuổi chư Thiên, chắc chắn không thể có.”

Lúc đó Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la hỏi rằng:

“Bạch Cù-đàm, Sa-môn này tên gì?”

Đức Thế Tôn đáp rằng:

“Này Đại vương, Tỳ-kheo này tên là A-nan, đó là thị giả của Ta.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la nghe xong khen rằng:

“Những điều A-nan nói như Sư. Những điều A-nan như Thiện sư. Con lại có điều muốn hỏi, mong Ngài nghe cho con hỏi chăng?”

Đức Thế Tôn bảo rằng:

“Này Đại vương, nếu có điều muốn hỏi, cứ tùy ý hỏi.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la hỏi rằng:

“Bạch Cù-đàm, có Phạm thiên không?”

Đức Thế Tôn hỏi lại rằng:

“Này Đại vương, Đại vương hỏi ‘có Phạm thiên không’ với ý gì? Này Đại vương, nếu Ta chủ trương có Phạm thiên thì đó là Phạm thanh tịnh.” [24]

Trong lúc Đức Thế Tôn cùng Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la đang luận việc này nửa chừng thì người sứ giả dẫn Tưởng Niên Thiếu Cát Tường Tử trở lại đến chỗ Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la tâu:

“Tâu Thiên vương, Tưởng Niên Thiếu Cát Tường Tử đã đến đây.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la nghe nói liền hỏi Tưởng Niên Thiếu Cát Tường Tử rằng:

“Hôm trước ta cùng đại chúng đang hội tọa ai là người trước tiên nói rằng, ‘Sa-môn Cù-đàm nói như vầy: Trong quá khứ không có, trong tương lai không có, và trong hiện tại cũng không có. Không có Sa-môn, Bà-la-môn nào là bậc nhất thiết trí, nhất thiết kiến’?”

Tưởng Niên Thiếu Cát Tường Tử đáp:

“Tâu Thiên vương, chính Đại tướng Tì-lưu-la là người đã nói trước tiên.”

 [795b] Đại tướng Tì-lưu-la nghe xong liền thưa:

“Tâu Thiên vương, chính Tưởng Niên Thiếu Cát Tường Tử là người nói trước.”

Cứ như vậy hai người đó cãi nhau về vấn đề này. Ngay trong lúc đó, người đánh xe liền sửa soạn xa giá, đến chỗ Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la tâu rằng:

“Tâu Thiên vương, nghiêm giá đã đến, tâu Thiên vương, mong ngài biết đã đến thời.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la nghe xong, bạch với Phật rằng:

“Con hỏi Cù-đàm về Nhất thiết trí, Sa-môn Cù-đàm đã trả lời con về Nhất thiết trí. Con hỏi Sa-môn Cù-đàm về bốn chủng tánh thanh tịnh; Sa-môn Cù-đàm đã trả lời con về bốn chủng tánh thanh tịnh. Con hỏi Sa-môn Cù-đàm về sở đắc, Sa-môn Cù-đàm đã trả lời con về sở đắc. Con hỏi Sa-môn Cù-đàm có Phạm thiên hay không, Sa-môn Cù-đàm đã trả lời cho con có Phạm thiên. Nếu con còn hỏi Sa-môn Cù-đàm các vấn đề khác chắc Sa-môn Cù-đàm cũng sẽ trả lời con các vấn đề ấy.

“Bạch Cù-đàm, hôm nay con có nhiều việc phải trở về, xin kiếu từ.”

Đức Thế Tôn đáp rằng:

“Đại vương, ngài hãy làm những gì ngài nghĩ là đúng thời.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la sau khi nghe những gì Thế Tôn nói, ghi nhớ kỹ rồi, rời chỗ ngồi đứng dậy, đi quanh Thế Tôn ba vòng rồi ra về.

Phật nói như vậy. Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la, Tôn giả A-nan và tất cả đại chúng nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

213. KINH PHÁP TRANG NGHIÊM

Tôi nghe như vầy.

Một thời Phật trú giữa những người họ Thích, trú trong một đô ấp của Thích gia tên là Di-lũ-ly [25].

Bấy giờ Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la và Trường Tác [26] vì có những việc cần làm nên cùng đi đến một thị trấn tên gọi là Thành [27]. Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la, đến một khu vườn nơi ấy, nhìn thấy những gốc cây vắng vẻ, không tiếng động, xa lánh, không có sự dữ, không có bóng người, thích hợp cho sự tĩnh tọa. Sau khi nhìn thấy như vậy, nghĩ nhớ Đức Thế Tôn, Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la nói rằng:

“Này Trường Tác, ở đây, những gốc cây này vắng vẻ, không có tiếng động, xa lánh, không có sự dữ, không có bóng người, thích hợp cho sự tĩnh tọa. Tại chỗ này ta đã nhiều lần đến thăm viếng Đức Thế Tôn. Này Trường Tác, Đức Thế Tôn hiện giờ đang ở đâu? Ta muốn đến thăm.”

Trường Tác trả lời:

“Tôi nghe nói Đức Thích Tôn đang trú giữa những người họ Thích, trú trong một đô ấp của Thích gia, tên gọi là Di-lũ-ly.”

Ba-tư-nặc nước Câu-tát-la lại hỏi:

“Này Trường Tác, Di-lũ-ly, đô ấp của Thích gia cách đây [795c] bao xa?”

Trường Tác đáp:

“Tâu Thiên vương, cách đây ba cu-lô-xá [28].”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la nói:

“Này Trường Tác, ngươi hãy ra lệnh cho sửa soạn xa giá. Ta muốn đến chỗ Thế Tôn.”

Trường Tác vâng lời cho sửa soạn xa giá, rồi tâu rằng:

“Tâu Thiên vương, xa giá đã sửa soạn xong, xin vâng ý Thiên vương.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la bèn lên xe, dong khỏi thành ngoài đi đến Di-lũ-ly, đô ấp của Thích gia.

Bấy giờ, ngoài cổng Di-lũ-ly, một số đông các Tỳ-kheo đang đi kinh hành trên một khoảng đất trống. Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la đến nơi các Tỳ-kheo, hỏi rằng:

“Thưa các Tôn giả, Đức Thế Tôn hiện đang nghỉ mát ban ngày ở đâu?”

Các Tỳ-kheo trả lời rằng:

“Đại vương, ngôi nhà lớn hướng Đông kia, với cửa sổ mở và cửa lớn đóng ấy, Đức Thế Tôn hiện đang nghỉ mát ban ngày tại đó. Đại vương nếu muốn đến thăm, có thể đi đến nơi đó. Đến nơi hãy đứng bên ngoài, rồi tằng hắng và gõ cửa. Đức Thế Tôn nghe tất sẽ mở cửa.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la bèn xuống xe.

Khi một vị Sát-lị Đảnh Sanh xuất hiện để cai trị nhân dân, và ban hành giáo lệnh cho cõi đất, vua có năm nghi trượng. Đó là kiếm, lọng, tràng hoa, phất cán ngọc và giày thêu. Vua cởi bỏ tất cả trao cho Trường Tác. Trường Tác nghĩ rằng:

“Thiên vương nay tất chỉ đi vào một mình. Chúng ta nên đứng ở đây mà đợi vậy.”

Rồi Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la với đám tùy tùng vây quanh bước tới ngôi nhà hướng Đông kia. Đến nơi, vua đứng ngoài tằng hắng và gõ cửa. Đức Thế Tôn nghe rồi, bèn ra mở cửa. Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la đi vào trong nhà đến trước Đức Phật cúi đầu lễ sát chân, rồi ba lần tự xưng tên họ.

“Con là Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la! Con là Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la!”

Đức Thế Tôn đáp:

“Như vậy, Đại vương, ngài là Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la. Ngài là Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la!”

Sau ba lần tự xưng tên họ, vua Ba-tư-nặc đảnh lễ dưới chân Phật và lui ngồi một bên. Đức Thế Tôn hỏi:

“Đại vương, Đại vương thấy nơi Ta có những nghĩa lợi nào mà tự hạ mình đảnh lễ dưới chân và cúng dường cung kính như vậy?”

Vua Ba-tư-nặc thưa:

“Bạch Thế Tôn, con có sự loại suy về pháp [29] đối với Thế Tôn. Do đó con nghĩ rằng, ‘Pháp được Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác giảng dạy thật là toàn thiện. Chúng đệ tử của Thế Tôn thật khéo thú hướng [30].’

“Bạch Thế Tôn, khi con ngồi trên đô tọa [31], con nhìn thấy mẹ tranh chấp với con, con tranh chấp với mẹ; cha tranh chấp với con, con tranh chấp với cha; cho đến anh em, chị em, thân bằng quyến thuộc tranh chấp lẫn nhau. Trong khi tranh chấp, mẹ nói con xấu, con nói mẹ xấu, cha con, [786a] anh em, chị em, thân bằng quyến thuộc nói xấu lẫn nhau. Người thân thích trong nhà còn như thế, huống nữa là người ngoài. Còn ở đây, con thấy chúng Tỳ-kheo, đệ tử của Thế Tôn theo Thế Tôn tu hành phạm hạnh. Hoặc nếu có Tỳ-kheo nào gây ra ít nhiều tranh chấp, xả giới bỏ đạo cũng không nói xấu Phật, không nói xấu Pháp, không nói xấu chúng Tăng, mà chỉ tự chê trách rằng, ‘Tôi xấu xa, thiếu đức hạnh. Tại sao như vậy? Vì tôi không thể theo Thế Tôn trọn đời tu hành phạm hạnh.’ Đó là sự loại suy về pháp của con đối với Thế Tôn. Do đó con nghĩ rằng, ‘Pháp được Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác giảng dạy thật là toàn thiện. Chúng đệ tử của Thế Tôn thật là khéo thú hướng.’

“Bạch Thế Tôn, lại nữa, con thấy một Sa-môn, Bà-la-môn khác đã ít nhiều học hành phạm hạnh, hoặc chín tháng, hoặc mười tháng, nhưng lại xả bỏ để theo sắc phục trước kia, rồi lại bị nhiễm ô bởi dục vọng, nhiễm dục, dính trước dục, bị dục trói chặt, kiêu ngạo, chấp thủ, thâm nhập, sống hoan lạc trong sự hành dục mà không thấy tai họa, không thấy xuất yếu. Bạch Thế Tôn, con thấy ở đây chúng Tỳ-kheo đệ tử của Thế Tôn tự nguyện trọn đời tu tập phạm hạnh, cho đến ức số. Ngoài đây ra con không thấy ở đâu có phạm hạnh thanh tịnh như vậy, như mái nhà của Thế Tôn. Đó là sự loại suy về pháp của con đối với Thế Tôn. Do đó con nghĩ rằng, ‘Pháp của Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác giảng dạy thật là toàn thiện. Chúng đệ tử của Thế Tôn thật là khéo thú hướng.’

“Lại nữa, bạch Thế Tôn, con thấy một Sa-môn, Bà-la-môn thân thể gầy còm tiều tụy, tướng mạo xấu xí, thân nổi vẩy trắng [32] không ai muốn nhìn. Con tự nghĩ rằng, ‘Các Tôn giả này vì sao thân thể lại gầy còm, tiều tụy, tướng mạo xấu xí, thân nổi vẩy trắng, không ai muốn nhìn. Các Tôn giả này ắt không tu phạm hạnh, hoặc vì bệnh hoạn hay lén lút làm việc xấu xa, cho nên các Tôn giả này thân hình gầy còm, tiều tụy, hình sắc xấu xa, mình nổi vẩy trắng không ai muốn nhìn.’ Con đến hỏi họ, ‘Các Tôn giả vì sao thân hình tiều tụy gầy còm, tướng mạo xấu xí, mình nổi vẩy trắng, không ai muốn nhìn? Có phải các Tôn giả không thích tu hành phạm hạnh chăng? Hoặc vì bệnh hoạn hay lén lút làm việc xấu xa, cho nên các Tôn giả thân thể gầy còm tiều tụy?’ Những vị ấy đáp, ‘Đại vương, đây là bệnh trắng! Đại vương, đây là bệnh trắng [33].’

“Bạch Thế Tôn, con thấy chúng Tỳ-kheo đệ tử của Thế Tôn, sống hân hoan đoan chánh, sắc mặt vui tươi, hình thể tịnh khiết, vô vi vô cầu [34] sống đời tịnh hạnh, ăn uống như loài nai rừng [35], [796b] tự mình trọn đời tu hành phạm hạnh. Thấy vậy, con nghĩ rằng, ‘Các Tôn giả này vì sao được hân hoan, đoan chánh, sắc mặt vui tươi hình thể tịnh, khiết, vô vi, vô cầu, sống đời tịnh hạnh, ăn uống như loài nai rừng? Tự mình trọn đời tu hành phạm hạnh? Các Tôn giả hoặc đã đạt đến ly dục, hoặc chứng đắc tăng thượng tâm, đối với hiện pháp lạc trụ [36] chứng đạt dễ dàng không khó. Cho nên các Tôn giả này mới được hân hoan, đoan chánh, sắc mặt vui tươi, hình thể tịnh, khiết, vô vi, vô cầu, sống đời tịnh hạnh, ăn uống như loài nai rằng, tự mình trọn đời tu hành phạm hạnh. Nếu sống trong dục lạc mà được hân hoan, đoan chánh, thì chính ta phải được đời sống hân hoan đoan chánh ấy. Vì sao? Vì ta hưởng thụ năm thứ diệu dục, một cách dễ dàng không khó. Nhưng các Tôn giả này đạt đến sự ly dục, chứng đắc tăng thượng tâm, đối với hiện pháp lạc trú thành tựu dễ dàng không khó. Vì vậy cho nên các Tôn giả này sống hân hoan, đoan chánh, sắc mặt vui tươi, hình thể tịnh khiết, vô vi vô cầu, sống đời tịnh hạnh, ăn uống như loài nai rừng, tự mình trọn đời tu hành phạm hạnh. Đó là sự loại suy về pháp của con đối với Thế Tôn, do đó con nghĩ rằng, ‘Pháp được Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác giảng dạy thật là toàn thiện. Chúng đệ tử của Thế Tôn thật là khéo thú hướng.’

“Lại nữa, bạch Thế Tôn, con thấy một Sa-môn, Bà-la-môn thông minh trí tuệ, tự xưng mình thông minh trí tuệ, bác văn quyết định, thuộc làu các kinh, chế phục cường dịch, đàm luận thông suốt, danh tiếng đồn khắp, mọi người ai cũng đều nghe biết, đi đến nơi nào thảy đều đả phá tông chủ của người mà tự lập luận điểm của mình, và nói rằng, ‘Chúng ta hãy đến chỗ Sa-môn Cù-đàm, mà hỏi ông những điều như vầy, như vầy. Nếu ông trả lời được như thế này, thì ta vặn hỏi thế kia. Nếu ông không trả lời được thì ta cũng vặn hỏi rồi bỏ đi.’ Họ nghe Thế Tôn trú tại làng nọ, vị này liền tìm đến, nhưng khi gặp Phật thì lại chẳng dám hỏi lời nào huống nữa là vấn nạn. Đó là sự loại suy về pháp của con đối với Thế Tôn. Do đó con nghĩ rằng, ‘Pháp được Như Lai Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác giảng dạy thật là toàn thiện. Chúng đệ tử của Thế Tôn thật là khéo thú hướng.’

“Lại nữa, bạch Thế Tôn, con thấy một Sa-môn, Bà-la-môn, thông minh trí tuệ, tự xưng là thông minh trí tuệ, bác văn quyết định, thuộc làu các kinh, chế phục cường địch, đàm luận thông suốt, danh tiếng đồn khắp, mọi người đều nghe biết, đi đến chỗ nào thảy đều đả phá tông chỉ người khác mà tự lập luận điểm của mình. Và nói rằng, ‘Chúng ta hãy đi đến chỗ Sa-môn Cù-đàm để hỏi ông những điều như vầy [796c] như vầy. Nếu ông trả lời được thế này, ta lại vặn hỏi ông cách kia. Nếu ông trả lời không được, ta cũng vặn hỏi rồi bỏ đi.’ Họ nghe Thế Tôn trú tại làng nọ, vị này liền đến tìm hỏi, được Thế Tôn trả lời rõ ràng. Nghe xong Sa-môn, Bà-la-môn này vui mừng hớn hở, cúi đầu lễ sát chân Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi lui. Đó là sự loại suy về pháp của con đối với Thế Tôn. Do đó, con nghĩ rằng, ‘Pháp được Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác giảng dạy thật là toàn thiện. Chúng đệ tử của Thế Tôn thật là khéo thú hướng.’

“Lại nữa, bạch Thế Tôn, con thấy một Sa-môn, Bà-la-môn khác, thông minh trí tuệ, tự xưng là thông minh trí tuệ, bác văn quyết định, thuộc làu các kinh, chế phục cường địch, đàm luận thông suốt, danh tiếng đồn khắp, mọi người đều nghe biết, đi đến nơi nào thảy đều đả phá chủ trương tông chỉ của người mà tự lập luận điểm của mình và nói rằng, ‘Chúng ta hãy đi đến chỗ Sa-môn Cù-đàm để hỏi ông những điều như vầy, như vầy. Nếu ông trả lời được như thế này, ta lại vặn hỏi ông cách khác. Nếu ông không trả lời được, ta cũng vặn hỏi ông rồi bỏ đi.’ Họ nghe Thế Tôn trú tại làng nọ, vị này liền đến hỏi, được Thế Tôn trả lời rõ ràng. Nghe xong, Sa-môn, Bà-la-môn này liền vui mừng phấn khởi, liền tự quy y Phật, Pháp và Chúng Tỳ-kheo; được Thế Tôn thọ nhận làm Ưu-bà-tắc; trọn đời quy y cho đến tận mạng. Đó là sự loại suy về pháp của con đối với Thế Tôn. Do đó, con nghĩ rằng, ‘Pháp được Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác giảng dạy thật là toàn thiện; chúng đệ tử của Thế Tôn thật là khéo thú hướng.’

“Lại nữa, bạch Thế Tôn, con thấy một Sa-môn, Bà-la-môn khác thông minh trí tuệ, tự xưng là thông minh trí tuệ, bác văn quyết định, thuộc làu các kinh, chế phục được cường địch, đàm luận thông suốt, danh tiếng đồn khắp mọi người đều nghe biết, đi đến nơi nào thảy đều đả phá chủ trương tông chỉ của người mà lập luận điểm của mình mà nói rằng, “Chúng ta hãy đi đến chỗ Sa-môn Cù-đàm để hỏi ông những điều như vầy, như vầy. Nếu ông trả lời được như thế này, ta lại vặn hỏi ông cách kia. Nếu ông trả lời không được, ta cũng vặn hỏi ông rồi bỏ đi.’ Họ nghe Thế Tôn trú tại làng nọ, vị này liền tìm đến hỏi, được Thế Tôn trả lời rõ ràng. Nghe xong, Sa-môn, Bà-la-môn này vui mừng phấn khởi bèn theo Thế Tôn cầu xin xuất gia thọ giới Cụ túc, đắc pháp Tỳ-kheo. Thế Tôn bèn độ cho và truyền trao giới Cụ túc, đắc pháp Tỳ-kheo. Khi các Tôn giả ấy xuất gia học đạo, thọ giới Cụ túc, đắc pháp Tỳ-kheo rồi, sống cô độc một nơi xa vắng, [797a] tâm không buông lung, tinh cần tu tập. Vị ấy sau khi sống cô độc tại một nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tinh cần tu tập, đạt đến mục đích mà một thiện gia nam tử cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, là duy chỉ để thành tựu vô thượng phạm hạnh, ngay trong đời hiện tại mà tự tri, tự giác, tự thân chứng ngộ an trú, biết một cách như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa.’ Khi các Tôn giả ấy biết pháp rồi, cho đến chứng đắc A-la-hán; chứng đắc A-la-hán rồi, bèn nói rằng, ‘Này chư Hiền, trước kia tôi gần bị suy vong gần bị hủy diệt. Vì sao vậy? Trước kia tôi không phải là Sa-môn tự xưng là Sa-môn; không phải phạm hạnh tự xưng phạm hạnh, không phải A-la-hán tự xưng A-la-hán. Bấy giờ chúng ta mới thực sự là Sa-môn, thực sự là phạm hạnh, thực sự là A-la-hán.’ Đó là sự loại suy về pháp của con đối với Thế Tôn. Do đó, con nghĩ rằng, ‘Pháp được Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác giảng dạy thật là toàn thiện. Chúng đệ tử của Thế Tôn thật là khéo thú hướng.’

“Lại nữa, bạch Thế Tôn, con tự do trong quốc thổ của mình, muốn giết kẻ không lỗi lầm thì ra lệnh giết, muốn giết kẻ có lỗi lầm ra lệnh giết; nhưng khi con ngồi trên đô tọa, con vẫn không được tự do mà nói như vầy, ‘Các khanh hãy giữ im. Không ai hỏi việc nơi các khanh, mà chính là hỏi việc nơi ta. Các khanh không thể quyết đoán việc này, chỉ có ta mới có thể quyết đoán việc này.’ Nhưng ở trong đó vẫn có người bàn cãi việc khác, không đợi người trước nói xong. Con đã nhiều lần thấy Thế Tôn thuyết pháp với đại chúng vây quanh. Bấy giờ có một người ngủ gật mà ngáy, thấy gây tiếng động, một người khác bèn nói rằng, ‘Ngài chớ có ngáy gây tiếng động. Ngài không muốn nghe pháp được Thế Tôn nói như cam lồ chăng?’ Người ấy nghe rồi tức thì im lặng. Con nghĩ rằng, ‘Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, là Bậc Điều Ngự đại chúng. Thật kỳ diệu thay! Thật hy hữu thay! Vì sao vậy? Vì Ngài không cần dùng dao, dùng gậy, nhưng tất cả đều đúng như pháp mà được an ổn khoái lạc.’ Đó là sự loại suy về pháp của con đối với Thế Tôn. Do đó con nghĩ rằng, ‘Pháp được Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, giảng dạy thật là toàn thiện. Chúng đệ tử của Thế Tôn thật là khéo thú hướng.’

“Lại nữa, bạch Thế Tôn, hai viên thần tá Tiên Dư và Túc Cựu [37] được con ban phát tiền tài, và con thường khen ngợi họ; đời sống họ do nơi con. Nhưng con không thể khiến cho hai vị thần tá này hạ ý cung kính, cúng dường, phụng sự con như họ hạ ý cung kính tôn trọng cúng dường phụng sự Thế Tôn. Đó là sự loại suy về pháp của con đối với Thế Tôn. Do đó con nghĩ rằng, ‘Pháp được Như Lai, Vô Sở Trước, [797b] Đẳng Chánh Giác giảng dạy thật là toàn thiện. Chúng đệ tử của Thế Tôn thật là khéo thú hướng.’

“Lại nữa, bạch Thế Tôn, thuở xưa trong lúc xuất chinh, ngủ đêm trong một ngôi nhà nhỏ, con muốn thử hai viên thần tá Tiên Dư và Túc Cựu khi ngủ quay đầu về phía nào, quay về phía con hay quay về phía Thế Tôn ở. Rồi hai vị thần tá Tiên Dư và Túc Cựu, vào lúc đầu hôm, ngồi kiết già im lặng tĩnh tọa. Đến nửa hôm nọ nằm ngủ, đầu hướng về phía mà họ biết Thế Tôn đang ở, còn chân thì quay về phía con. Thấy thế con suy nghĩ, ‘Hai viên thần tá Tiên Dư và Túc Cựu này không quan tâm đến sự thù thắng trước mắt, cho nên họ không hạ ý cung kính tôn trọng cúng dường phụng sự ta như hạ ý cung kính tôn trọng, cúng dường phụng sự Thế Tôn.’ Đó là sự loại suy về pháp của con đối với Thế Tôn. Do đó con nghĩ rằng, ‘Pháp được Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, giảng dạy thật là toàn thiện. Chúng đệ tử của Thế Tôn thật là khéo thú hướng.’

“Lại nữa, bạch Thế Tôn, con là Quốc vương, Thế Tôn cũng là Pháp vương. Con thuộc dòng Sát-lị, Thế Tôn cũng thuộc dòng Sát-lị. Con là người nước Câu-tát-la, Thế Tôn cũng người nước Câu-tát-la. Con đã tám mươi tuổi, Thế Tôn cũng tám mươi tuổi. Con có thể trọn đời hạ ý cung kính, tôn trọng, cúng dường phụng sự Thế Tôn.

“Bạch Thế Tôn, hôm nay có nhiều công việc, con xin phép lui về.”

Đức Thế Tôn bảo:

“Đại vương, mong Đại vương tự biết đúng thời.”

Rồi thì Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la, sau khi nghe những lời Phật dạy, khéo léo ghi nhớ, bèn rời chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi lui ra về.

Lúc đó ngài A-nan cầm quạt đứng hầu sau Phật. Thế Tôn bảo:

“A-nan, nếu có Tỳ-kheo nào đang sống ở rừng Di-lũ-ly này, hãy tập họp tất cả về giảng đường.”

Rồi thì, Tôn giả A-nan sau khi vâng lời Phật dạy, tập họp tất cả Tỳ-kheo đang sống trong rừng Di-lũ-ly tất cả cùng vào giảng đường. Rồi trở lại bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, những Tỳ-kheo tại rừng Di-lũ-ly này, tất cả đều đã tụ tập tại giảng đường này rồi, mong Thế Tôn tự biết thời.”

Bấy giờ Thế Tôn cùng Tôn giả A-nan đi đến giảng đường. Đến nơi Ngài trải chỗ ngồi trước đại chúng và nói:

“Này các Tỳ-kheo, hôm nay Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la đã đứng trước Ta nói kinh ‘Pháp Trang Nghiêm’ [38] xong, liền đứng dậy cúi đầu đảnh lễ dưới chân Ta, nhiễu quanh ba vòng rồi lui về. Này các Tỳ-kheo, các ngươi nên thọ trì kinh Pháp Trang Nghiêm đó, [797c] hãy khéo léo tụng đọc. Vì sao vậy? Này các Tỳ-kheo, vì kinh Pháp Trang Nghiêm này là như pháp, là như nghĩa, là căn bản của phạm hạnh, dẫn đến trí tuệ, dẫn đến giác ngộ, dẫn đến Niết-bàn. Nếu một thiện gia nam tử đã chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, hãy nên thọ trì, hãy khéo léo tụng tập kinh Pháp Trang Nghiêm này.”

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

214. KINH TÌ-HA-ĐỀ

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ Tôn giả A-nan trú tại Xá-vệ, có chút việc tại Đông viên Lộc mẫu giảng đường. Lúc đó Tôn giả A-nan dẫn một thầy Tỳ-kheo ra khỏi Xá-vệ [39], đến Đông viên Lộc mẫu giảng đường. Công việc xong, Tôn giả dẫn thầy Tỳ-kheo trở về vườn Cấp cô độc, trong rừng Thắng.

Khi ấy Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la cỡi trên con voi Nhất-bôn-đà-lị [40] cùng với Đại thần Thi-lị-a-trà [41] từ thành Xá-vệ đi ra. Tôn giả A-nan khi ấy nhìn thấy Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la từ xa đi đến, bèn hỏi vị Tỳ-kheo đồng hành rằng:

“Có phải là Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la ấy không?”

Vị Tỳ-kheo đáp:

“Đúng vậy.”

Tôn giả A-nan liền tẻ xuống đường, lánh vào một gốc cây. Vua Ba-tư-nặc từ xa nhìn thấy Tôn giả A-nan nơi gốc cây bèn hỏi:

“Này Thi-lị-a-trà, có phải là Sa-môn A-nan ấy không?”

Thi-lị-a-trà đáp:

“Đúng vậy.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la bảo Đại thần Thi-lị-a-trà:

“Khanh hãy giục voi đến chỗ Sa-môn A-nan.”

Thi-lị-a-trà vâng lệnh bèn giục voi đến chỗ A-nan.

Rồi Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la vui mừng hỏi:

“A-nan, từ đâu đến đây và muốn đi đâu bây giờ?”

“Tôn giả A-nan trả lời:

“Đại vương, tôi từ Đông viên Lộc mẫu giảng đường đến và muốn trở về vườn Cấp cô độc, trong rừng Thắng.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la nói:

“A-nan, nếu tại Thắng lâm không có việc gì gấp, xin Ngài từ mẫn đi cùng tôi đến sông A-di-la-bà-đề [42].

Tôn giả A-nan nhận lời Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la. Vua để Tôn giả A-nan [798a] đi phía trước, rồi cùng đến sông A-di-la-bà-đề. Đến nơi, vua bước xuống, lấy yên voi gấp làm tư, trải lên đất và mời Tôn giả A-nan:

“Xin mời ngồi trên chỗ này!”

Tôn giả A-nan đáp:

“Thôi được rồi, Đại vương, trong lòng thỏa mãn là đủ.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la lại ba lần mời Tôn giả A-nan:

“A-nan, xin mời ngồi lên chỗ này.”

Tôn giả A-nan cũng đáp lại ba lần:

“Thôi được rồi, Đại vương, trong lòng thỏa mãn là đủ. Tôi đã có sẵn tọa cụ. Tôi sẽ ngồi nơi đây.”

Nói xong Tôn giả A-nan trải tọa cụ và ngồi kiết già.

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la chào hỏi A-nan rồi ngồi xuống một bên mà nói rằng:

“A-nan, tôi có điều muốn hỏi. Mong ngài cho phép.”

Tôn giả A-nan trả lời.

“Đại vương, ngài có điều gì cứ hỏi. Tôi nghe sẽ suy nghĩ.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la hỏi:

“A-nan, Đức Thế Tôn có hành những thân hành như vậy chăng? Tức là thân hành mà các Sa-môn, Bà-la-môn ghê tởm chăng?”

Tôn giả A-nan đáp:

“Đại vương, Như Lai không có những thân hành như vậy tức là thân hành mà các Sa-môn, Bà-la-môn, những người thông minh trí tuệ và hàng thế gian khác ghê tởm.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la nghe xong khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! A-nan, điều mà tôi không đủ khả năng để nói, kể cả những người thông minh trí tuệ, và những hàng thế gian khác, thì A-nan đủ khả năng. Này A-nan, nếu ai không nhận định kỹ mà đã chê bai hay khen ngợi thì tôi không coi đó là chơn thật. Này A-nan, Đức Thế Tôn có những thân hành như vầy, những thân hành mà các Sa-môn, Bà-la-môn những người thông minh trí tuệ và những hàng thế gian khác ghê tởm chăng?”

Tôn giả A-nan trả lời:

“Đại vương, Như Lai không bao giờ hành những thân hành như vậy, tức những thân hành mà các Sa-môn, Bà-la-môn những người thông minh trí tuệ và những hàng thế gian khác ghê tởm.” [43]

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la lại hỏi:

“A-nan, những thân hành gì?”

A-nan đáp:

“Đại vương, đó là những thân hành bất thiện.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la lại hỏi.

“Thế nào là thân hành bất thiện?”

A-nan đáp:

“Đó là những thân hành có tội.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la lại hỏi:

“A-nan, thế nào là thân hành có tội?”

Tôn giả A-nan đáp:

“Đại vương, đó là những thân hành bị người trí ghê tởm [44].”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la lại hỏi:

“A-nan, thế nào là thân hành [798b] bị người trí ghê tởm?”

Tôn giả A-nan đáp:

“Đại vương, đó là những thân hành hại mình, hại người, hại cả hai, diệt trí tuệ, hỗ trợ sự ác, không chứng đắc Niết-bàn, không dẫn đến trí, không dẫn đến giác, không dẫn đến Niết-bàn. Người ấy đối với pháp nên hành mà không biết như thật, đối với pháp không nên hành cũng không biết như thật. Khi đối với pháp nên hành không biết như thật, và pháp không nên hành cũng không biết như thật rồi, đối với pháp nên chấp thủ không biết như thật, và đối với pháp không nên chấp thủ cũng không biết như thật. Sau khi đối với pháp nên thủ đã không biết như thật, và đối với pháp không nên thủ cũng không biết như thật rồi, đối với pháp nên đoạn trừ không biết như thật, và đối với pháp không nên đoạn trừ cũng không biết như thật. Sau khi đối với pháp nên đoạn trừ đã không biết như thật, và đối với pháp không nên đoạn trừ cũng không biết như thật; thì đối với pháp nên thành tựu không biết như thật và đối với pháp không nên thành tựu cũng không biết như thật. Sau khi đối với pháp nên thành tựu đã không biết như thật và pháp không nên thành tựu cũng không biết như thật rồi, do đó, pháp nên hành trì thì không hành, pháp không nên hành trì lại hành. Sau khi pháp nên hành trì thì không hành, pháp không nên hành trì lại hành rồi, đối với pháp nên thủ thì không thủ và pháp không nên thủ lại thủ. Sau khi đối với pháp nên thủ thì không thủ, đối với pháp không nên thủ lại thủ rồi, đối với pháp nên đoạn trừ thì không đoạn trừ, đối với pháp không nên đoạn trừ lại đoạn trừ. Sau khi đối với pháp nên đoạn trừ thì không đoạn trừ, và đối với pháp không nên đoạn trừ lại đoạn trừ rồi, đối với pháp nên thành tựu thì không thành tựu, và đối với pháp không nên thành tựu lại thành tựu. Sau khi pháp nên thành tựu thì không thành tựu, và pháp không nên thành tựu lại thành tựu rồi thì pháp bất thiện càng tăng và pháp thiện càng giảm. Vì vậy, Như Lai không bao giờ hành những pháp ấy.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la lại hỏi:

“A-nan, tại sao Như Lai không bao giờ hành những pháp ấy?”

Tôn giả A-nan đáp:

“Đại vương, ly dục và dục đã diệt tận, ly nhuế và nhuế đã diệt tận, ly si và si đã diệt tận, Như Lai đoạn trừ tất cả pháp bất thiện, thành tựu tất cả pháp thiện. Đây là Bậc Thầy khuyến giáo, Bậc Thầy vi diệu, Bậc Thầy khéo tùy thuận, là Vị dẫn dắt điều ngự, tùy thuận điều ngự, là Vị nói năng toàn thiện, nói năng vi diệu, nói năng khéo tùy thuận. Cho nên Như Lai trọn không bao giờ hành những pháp bất thiện ấy.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! A-nan, Như Lai không bao giờ hành những pháp không nên hành. Vì sao vậy? Vì Như Lai là Vô Sở Trước, Chánh Đẳng Giác. A-nan, ngài là đệ tử của vị Đạo sư ấy, học đạo để chứng đắc Niết-bàn an ổn vô thượng, mà còn không hành pháp ấy, [798c] huống nữa Đức Như Lai lại hành các pháp ấy sao?”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la lại hỏi:

“A-nan, Như Lai có hành những thân hành như vầy, tức là thân hành mà các Sa-môn, Bà-la-môn, những người thông trí tuệ và các hàng thế gian khác không ghê tởm chăng?”

Tôn giả A-nan đáp:

“Đại vương, Như Lai tất nhiên hành những thân hành như vậy, tức thân hành các Sa-môn, Bà-la-môn, những người thông minh trí tuệ và các hàng thế gian khác không ghê tởm.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la lại hỏi:

“A-nan, thân hành đó là như thế nào?”

Tôn giả A-nan đáp:

“Đại vương, đó là những thân hành thiện.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la lại hỏi:

“A-nan, thế nào là thân hành thiện?”

Tôn giả A-nan trả lời:

“Đại vương, đó là thân hành không có tội.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la lại hỏi:

“A-nan, thế nào là thân hành không có tội?”

Tôn giả A-nan trả lời:

“Đại vương, đó là thân hành mà kẻ trí không ghê tởm.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la lại hỏi:

“A-nan, thế nào là thân hành mà kẻ trí không ghê tởm?”

Tôn giả A-nan trả lời:

“Đại vương, đó là những thân hành không hại mình, không hại người, không hại cả hai, có giác, có tuệ, không hỗ trợ bởi sự ác, chứng đắc Niết-bàn, đưa đến trí, đưa đến giác ngộ, đưa đến Niết-bàn. Đối với pháp nên hành thì biết như thật, đối với pháp không nên hành cũng biết như thật. Sau khi đối với pháp nên hành đã biết như thật, đối với pháp không nên hành cũng biết như thật rồi, đối với pháp nên thủ biết như thật, đối với pháp không nên thủ cũng biết như thật. Sau khi đối với pháp nên thủ đã biết như thật, và đối với pháp không nên thủ cũng biết như thật rồi, đối với pháp nên đoạn trừ biết như thật, và pháp không nên đoạn trừ biết như thật. Sau khi đối với pháp đã biết như thật và pháp không nên đoạn trừ đã biết như thật rồi, đối với pháp nên thành tựu biết như thật và pháp không nên thành tựu cũng biết như thật. Sau khi đối với pháp nên thành tựu đã biết như thật và pháp không nên thành tựu cũng biết như thật rồi, đối với pháp nên hành thì hành, đối với pháp không nên hành thì không hành. Sau khi đối với pháp nên hành thì hành, đối với pháp không nên hành thì không hành rồi, đối với pháp nên thủ thì thủ, đối với pháp không nên thủ thì không thủ. Sau khi đối với pháp nên thủ thì thủ, đối với pháp không nên thủ thì không thủ rồi, đối với pháp nên đoạn trừ thì đoạn trừ đối với pháp nên đoạn trừ thì không đoạn trừ. Sau khi biết pháp nên đoạn trừ thì đoạn trừ, và pháp không nên đoạn trừ thì không đoạn trừ rồi, đối với pháp nên thành tựu thì thành tựu và đối với pháp không nên thành tựu thì không thành tựu. Sau khi đối với pháp nên thành tựu thì thành tựu, pháp không nên thành tựu thì [799a] không thành tựu rồi, pháp bất thiện càng giảm, pháp thiện càng tăng trưởng. Cho nên Như Lai tất nhiên hành những pháp ấy.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la lại hỏi:

“A-nan, tại sao Như Lai tất nhiên hành những pháp ấy?”

Tôn giả A-nan trả lời:

“Đại vương, ly dục và dục đã diệt tận, ly nhuế và nhuế đã diệt tận, ly si và si đã diệt tận, Như Lai đã thành tựu tất cả pháp thiện, và đoạn trừ tất cả pháp bất thiện. Ngài là Bậc Thầy khuyến giáo, Bậc Thầy vi diệu, Bậc Thầy khéo tùy thuận, là Vị hướng dẫn điều ngự và tùy thuận điều ngự, là Vị nói năng toàn thiện, nói năng vi diệu, nói năng khéo tùy thuận, cho nên Như Lai tất nhiên hành những pháp ấy.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la khen ngợi:

“Hay thay, hay thay, A-nan, Như Lai tất nhiên hành những pháp nên hành. Vì sao vậy? Vì Như Lai là Vô Sở Trước, là Bậc Đẳng Chánh Giác. Này A-nan, Ngài là bậc đệ tử của Đức Đạo Sư ấy, học đạo để chứng đắc Niết-bàn an ổn vô thường, mà còn phải hành những pháp ấy, huống nữa Như Lai lại không hành những pháp ấy sao? A-nan nói thật khéo léo khiến tôi hoan hỷ. Nếu A-nan được phép thâu nhận thuế tô trong làng, tôi sẽ vì pháp mà bố thí thuế tô đó. Nếu A-nan được phép tùy thuận nhận voi, ngựa, trâu, dê, tôi sẽ vì pháp mà bố thí voi, ngựa, trâu, dê đó. Nếu A-nan được phép thâu nhận đàn bà con gái, tôi sẽ vì pháp mà bố thí vợ, đàn bà, con gái. Nếu A-nan được phép thâu nhận vàng bạc châu báu [45], tôi sẽ vì pháp mà bố thí vàng bạc và châu báu. Nhưng A-nan không được phép thâu nhận vàng bạc và châu báu như thế. Vương gia Câu-tát-la của tôi có một chiếc áo tên là tì-ha-đề [46] rất tốt, tôi đặt nó trong ống cán dù, được gởi đến để làm tin [47]. Trong các loại áo kiếp-bối [48] của vương gia Câu-tát-la, áo này là bậc nhất trong tất cả. Vì sao vậy? Áo tì-ha-đề dài mười sáu khủy tay. Tôi nay vì Pháp đem chiếc áo này bố thí A-nan. A-nan sẽ dùng nó mà may thành ba y để vương gia Câu-tát-la ấy được mãi mãi tăng ích phước lành.”

Tôn giả A-nan đáp:

“Thôi đủ rồi Đại vương? Trong tâm thỏa mãn là đủ. Tôi đã có đủ ba y rồi.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la lại thưa:

“A-nan, xin nghe tôi nói một ví dụ, người có trí tuệ nghe ví dụ sẽ thấu rõ ý nghĩa. Ví như sau trận mưa lớn, nước đầy cả sông A-di-la-bà-đề này, ngập cả hai bên bờ và chảy tràn ra cả ngoài. A-nan có thấy vậy không?”

Tôn giả A-nan đáp: Đại vương, tôi có thấy.

 [799b] Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la lại thưa rằng:

“Cũng thế, này A-nan, nếu có ba y thì hãy đem cho các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, các vị tiệm học, xá-la, xá-la-ma-ni-ly [49]. Còn A-nan đem tì-ha-đề này làm thành ba y để vương gia Câu-tát-la được tăng ích phước lành.”

Tôn giả A-nan im lặng nhận lời. Khi biết A-nan nhận rồi, Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la sau khi theo pháp bố thí chiếc y tì-ha-đề cho Tôn giả A-nan rồi, liền từ chỗ đứng dậy nhiễu quanh ba vòng rồi lui về. Sau khi vua đi không bao lâu, Tôn giả A-nan bèn đem chiếc y tì-ha-đề đến trước Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân, rồi lui đứng một bên mà thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, hôm nay Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la vì pháp mà bố thí chiếc y tì-ha-đề này, vậy con xin Thế Tôn đặt chân lên trên chiếc y này để vương gia nước Câu-tát-la được tăng ích phước lành.”

Khi ấy Đức Thế Tôn bèn dẫm hai chân lên y tì-ha-đề rồi bảo:

“A-nan, ông đã bàn luận những gì cùng Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la hãy kể lại cho Ta nghe.”

Khi ấy Tôn giả A-nan bèn kể lại hết những điều đã luận bàn cùng vua nước Câu-tát-la cho Thế Tôn nghe rồi chắp tay thưa:

“Con nói như vậy không xuyên tạc Thế Tôn chăng? Con nói đúng sự thật, nói đúng như pháp, nói đúng pháp như pháp, đối với pháp như pháp không có điều gì sai lầm chăng?”

Đức Thế Tôn bảo:

“Ông nói như vậy là không xuyên tạc Ta, là nói sự thật, là nói đúng pháp, nói đúng như pháp, đối với pháp như pháp, không có điều gì sai lầm. Này A-nan, nếu Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la hỏi Ta bằng nghĩa này, với câu này, với văn này, Ta cũng trả lời bằng nghĩa này, với câu này, với văn này mà trả lời cho nhà vua.”

“A-nan, nghĩa ấy đúng như lời ông đã nói, ông nên theo đúng như vậy mà thọ trì. Vì sao vậy? Vì nói như vậy chính là nghĩa như vậy.”

Phật thuyết như vậy. Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

215. KINH ĐỆ NHẤT ĐẮC

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, [799c] vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Trong cảnh giới nào giáo lệnh của Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la có thể ban hành đến, trong đó Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la là đệ nhất. Tuy vậy, Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la cũng lệ thuộc sự biến dịch, thay đổi. Đa văn Thánh đệ tử quán sát như vậy ắt phải sanh ra nhàm tởm cái đệ nhất ấy. Nhàm tởm rồi, đối với cái đệ nhất còn không ham muốn, huống nữa là cái hạ tiện.

“Những cảnh giới mà ánh sáng của mặt trời, mặt trăng chiếu đến, những phương được chiếu đến, tức Thế giới Ngàn [50]. Trong Thế giới Ngàn này, có một ngàn mặt trời, một ngàn mặt trăng, một ngàn châu Phất-vu-đãi [51], một ngàn châu Diêm-phù [52], một ngàn châu Câu-đà-ni [53], một ngàn châu Uất-đơn-việt [54], một ngàn Tu-di sơn [55], một ngàn Tứ đại vương thiên, một ngàn Tứ thiên vương tử [56], một ngàn Tam thập tam thiên [57], một ngàn Thích Thiên Nhân-đà-la [58], một ngàn Diệm-ma thiên [59], một ngàn Tu-diệm-ma thiên tử [60], một ngàn Đâu-suất-đà thiên [61], một ngàn Đâu-suất-đà thiên tử, một ngàn Hóa lạc thiên [62], một ngàn Thiện hóa lạc thiên tử [63], một ngàn Tha hóa lạc thiên [64], một ngàn Tự tại thiên tử [65], một ngàn Phạm thế giới [66], và một ngàn Biệt phạm. Trong đó có Phạm Đại Phạm, là đấng Phú hựu, là Tạo hóa tôn, là tổ phụ các loài chúng sanh, đã sanh và sẽ sanh [67]. Nhưng Đại Phạm ấy cũng là lệ thuộc biến dịch, lệ thuộc sự thay đổi. Đa văn Thánh đệ tử quán sát như vậy, ắt phải nhàm tởm cái đệ nhất ấy. Nhàm tởm rồi, đối với cái đệ nhất không ham muốn huống là cái hạ tiện.

“Một thời gian sau, khi thế giới này hủy diệt. Khi thế giới này hủy diệt, chúng sanh lên cõi trời Hoảng dục [68]. Trong ấy chỉ có sắc nương theo ý mà sanh [69], các chi thể đầy đủ không thiếu, các căn không bị hư hoại, nuôi sống bằng hỷ thực [70], hình sắc thanh tịnh, thân chiếu sáng, phi hành trong hư không, sống ở đó một thời gian lâu dài. Nhưng cõi trời Hoảng dục cũng lệ thuộc biến dịch, lệ thuộc sự thay đổi. Đa văn Thánh đệ tử quán sát như vậy, ắt phải sanh ra nhàm tởm sự ấy. Nhàm tởm rồi, đối với cái đệ nhất còn không muốn, huống nữa là cái hạ tiện.

“Lại nữa, có bốn sự tưởng [71]. Tỳ-kheo suy tưởng về tưởng nhỏ, tưởng lớn, về tưởng vô lượng và tưởng vô sở hữu. Chúng sanh đó thắng ý nơi lạc tưởng như vậy [72] cũng lệ thuộc vào sự biến dịch, lệ thuộc vào thay đổi. Đa văn Thánh đệ tử quán sát như đệ nhất còn không muốn, huống nữa là cái hạ tiện.

“Lại có tám trừ xứ [73]. Thế nào là tám? Tỳ-kheo bên trong có sắc tưởng, bên ngoài quán sắc lượng nhỏ hoặc sắc đẹp, hoặc sắc xấu, đối với các sắc ấy đã thắng tri, đã thắng kiến [74], tưởng như vậy được gọi là đệ nhất thắng xứ.

“Lại nữa, Tỳ-kheo bên trong có sắc tưởng, bên ngoài quán sắc vô lượng, hoặc sắc đẹp, hoặc sắc xấu, đối với các sắc ấy đã thắng tri, đã thắng kiến. Tưởng như vậy được gọi là đệ nhị thắng xứ.

“Lại nữa, Tỳ-kheo bên trong [800a] không có sắc tưởng, bên ngoài quán sắc lượng nhỏ, hoặc sắc đẹp hoặc sắc xấu. Đối với các sắc ấy đã thắng tri, đã thắng kiến. Tưởng như vậy được gọi là đệ tam thắng xứ.

“Lại nữa, Tỳ-kheo bên trong không sắc tưởng, bên ngoài quán sắc vô lượng, hoặc sắc đẹp, hoặc sắc xấu. Đối với các sắc ấy đã thắng tri, đã thắng kiến. Tưởng như vậy được gọi là đệ tứ thắng xứ.

“Lại nữa, Tỳ-kheo bên trong không sắc tưởng, bên ngoài quán sắc hoặc xanh, màu xanh, ánh sáng xanh. Cũng như hoa thanh thủy [75] xanh, màu xanh, ánh sáng xanh. Cũng như áo bằng lụa Ba-la-nại được giặt, được vỗ, được nhồi, được vò kỹ cho đến sạch tinh, sắc sáng tươi mát, hoặc xanh, màu xanh, ánh sáng xanh. Cũng vậy, Tỳ-kheo bên trong không sắc tưởng, bên ngoài quán các sắc hoặc xanh, màu xanh, ánh sáng xanh. Vô lượng, vô lượng tịnh ý, nhuận ý, ái lạc, không ghê tởm. Đối với các sắc ấy đã thắng tri, đã thắng kiến. Tưởng như vậy được gọi là đệ ngũ thắng xứ.

“Lại nữa, Tỳ-kheo bên trong không sắc tưởng, bên ngoài quán các sắc, hoặc vàng, màu vàng, ánh sáng vàng. Cũng như hoa tần-đầu-ca-la [76] vàng, màu vàng, ánh sáng vàng. Cũng như chiếc áo bằng thứ lụa Ba-la-nại được giặt, được vỗ, được nhồi, được vò kỹ cho đến sạch tinh, sắc sáng tươi mắt, vàng, màu vàng, ánh sáng vàng. Cũng vậy, Tỳ-kheo bên trong không sắc tưởng, bên ngoài quán các sắc, hoặc vàng, màu vàng, ánh sáng vàng; vô lượng, vô lượng tịnh ý, nhuận ý, ái lạc, không ghê tởm. Đối với các sắc ấy đã thắng tri đã thắng kiến. Tưởng như vậy được gọi là đệ lục thắng xứ.

“Lại nữa, Tỳ-kheo bên trong không sắc tưởng, bên ngoài quán các sắc hoặc đỏ, màu đỏ, ánh sáng đỏ. Cũng như hoa gia-ni-ca-la [77] màu đỏ, đỏ hiển, đỏ hiện, đỏ quang. Cũng như chiếc áo bằng thứ lụa Ba-la-nại được giặt, được vỗ, được nhồi, được vò kỹ cho đến sạch tinh, sắc sáng tươi mát, đỏ, màu đỏ, ánh sáng đỏ. Cũng vậy, Tỳ-kheo bên trong không sắc tưởng, bên ngoài quán các sắc, hoặc đỏ, màu đỏ, ánh sáng đỏ, vô lượng, vô lượng tịnh ý, nhuận ý, ái lạc, không ghê tởm. Đối với các sắc ấy đã thắng tri, đã thắng kiến. Tưởng như vậy được gọi là đệ thất thắng xứ.

“Lại nữa, Tỳ-kheo bên trong không sắc tưởng, bên ngoài quán các sắc, hoặc trắng, màu trắng, ánh sáng trắng. Cũng như sao Thái bạch [78] màu trắng, màu trắng, ánh sáng trắng. Cũng như chiếc áo bằng lụa Ba-la-nại, được giặt, được vỗ, được nhồi, được vò kỹ cho đến sạch tinh, sắc sáng tươi mát, trắng, màu trắng, ánh sáng trắng. Cũng vậy Tỳ-kheo bên trong không sắc tưởng, bên ngoài quán các sắc, trắng, màu trắng, ánh sáng trắng, vô lượng, vô lượng tịnh ý, nhuận ý, ái lạc không ghê tởm. Đối với các sắc ấy đã thắng tri, đã thắng kiến, tưởng như vậy được gọi là [800b] đệ bát thắng xứ.

“Chúng sanh có thắng ý nơi lạc thắng xứ như vậy, cũng lệ thuộc vào sự biến dịch. Đa văn Thánh đệ tử quán sát như vậy ắt sanh nhàm tởm sự ấy. Nhàm tởm rồi, đối với cái đệ nhất còn không muốn, huống nữa là cái hạ tiện.

“Lại nữa, có Mười biến xứ [79]. Thế nào là mười? Các Tỳ-kheo tu tập nơi một biến xứ đất, tư duy trên, dưới, các phương là không hai, vô lượng. Tu tập nơi một biến xứ nước, một biến xứ lửa, một biến xứ gió, một biến xứ xanh, một biến xứ vàng, một biến xứ đỏ, một biến xứ trắng, một biến xứ hư không, một biến xứ thức là thứ mười. Tu tập một biến xứ, tư duy trên, dưới, các phương là không hai, vô lượng. Nhưng các chúng sanh có thắng ý nơi biến xứ lạc này cũng lệ thuộc vào sự biến dịch, lệ thuộc sự thay đổi. Đa văn Thánh đệ tử quán tưởng như vậy ắt sanh ra nhàm tởm sự ấy. Nhàm tởm rồi, đối với cái đệ nhất còn không muốn, huống nữa là cái hạ tiện.

“Và đây là thuyết thanh tịnh đệ nhất, là sự thi thiết tối đệ nhất, tức là ‘Ta không có, ta không hiện hữu [80]’ và để chứng đắc điều này mà thiết lập nơi đạo.

“Và đây là đệ nhất ngoại y kiến xứ, tối ý kiến xứ [81], tức là vượt qua tất cả sắc tưởng, cho đến chứng phi hữu tưởng, phi vô tưởng, thành tựu an trụ [82].

“Và đây là đệ nhất thú hướng, Niết-bàn ngày trong hiện tại, là thi thiết tối thượng về Niết-bàn ngay trong hiện tại [83] tức là sáu xúc xứ [84] với sự khởi tập, hoại diệt, vị ngọt, tai hoạn và xuất ly được thấy như thật bằng tuệ.

“Lại nữa, có bốn đoạn [85]. Thế nào là bốn? Có sự đoạn lạc mà chậm [86], có sự đoạn lạc mà nhanh, có sự đoạn khổ mà chậm, có sự đoạn khổ mà nhanh. Trong đó sự đoạn lạc mà chậm là lạc đưa đến đoạn trừ chậm chạp [87] cho nên nói là lạc kém. [88] * Trong đó, sự đoạn mà lạc nhanh, là lạc đưa đến đoạn trừ một cách mau chóng. Cho nên đoạn này cũng được nói là thấp kém.

“Trong đó, sự đoạn mà khổ chậm [89] là khổ đưa đến đoạn trừ một cách chậm chạp, cho nên đoạn này cũng được nói là thấp kém.

“Trong đó, sự đoạn mà khổ nhanh, là khổ đưa đến đoạn trừ một cách mau chóng. Cho nên đoạn này không phải là sự tiến triển, không được lưu bố. Cho đến chư Thiên và Nhân loại cũng không tán thán và phát triển.

“Sự đoạn [90] của ta được phát triển, được lưu bố cho đến chư Thiên và Nhân loại cũng tán thán và phát triển.

“Thế nào là sự đoạn của Ta được phát triển, được lưu bố cho đến chư Thiên và Nhân loại cũng tán thán, lưu bố? Đó là Thánh đạo tám chi, chánh kiến cho đến chánh định là tám.

“Ta như vậy [91]. Nhưng các Sa-môn, Bà-la-môn, hư ngụy, nói láo, bất thiện, không chân thật, xuyên tạc, và hủy báng Ta rằng, ‘Quả thật có chúng sanh được tuyên bố là đoạn hoại. [92] Sa-môn Cù-đàm chủ trương hư vô [93].’ Quả thật có chúng sanh được tuyên bố là đoạn hoại, [94] nếu không, Ta không thuyết giảng như vậy. Như Lai ngay trong đời hiện tại đã vĩnh viễn đoạn trừ tất cả mà chứng đắc Niết-bàn tịch tịnh, diệt tận [95].”

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành. [96]

216. KINH ÁI SANH

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ có một người Bà-la-môn, độc nhất chỉ có một đứa con, trong lòng hết sức ái niệm, tâm ý khắng khít, chiều chuộng, nhìn hoài không chán. Bỗng nhiên đứa con mạng chung. Sau khi đứa con mạng chung, người Bà-la-môn ấy ưu sầu, không thể ăn uống được, không mặc áo xiêm, cũng không bôi hương; chỉ biết đi ra bãi tha ma mà khóc, nhớ tưởng chỗ con nằm.

Rồi Bà-la-môn lang thang khắp nơi, đi đến chỗ Phật, chào hỏi xong, ngồi xuống một bên. Thế Tôn hỏi:

“Ông nay vì sao mà các căn không trụ nơi tâm mình?”

 Bà-la-môn đáp rằng:

“Tôi làm sao các căn có thể an trụ nơi tâm mình được? Vì sao vậy? Chỉ có một đứa con độc nhất, trong lòng hết sức ái niệm, tâm ý khắng khít, chìu chuộng, nhìn hoài không chán. [891a] Bỗng nhiên nó mạng chung. Sau khi nó mạng chung, tôi ưu sầu không thể ăn uống được, không mặc áo xiêm, cũng không bôi hương; chỉ biết đi ra bãi tha ma mà khóc nhớ tưởng chỗ con nằm.”

Thế Tôn nói:

“Thật vậy, Bà-la-môn! Thật vậy, Bà-la-môn! Nếu khi ái sanh thì phát sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não.” [97]

 Bà-la-môn nói:

“Cù-đàm, sao lại nói khi ái sanh, thì cũng phát sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não? Cù-đàm nên biết, khi ái sanh thì hỷ cũng sanh, tâm hoan lạc.”

Thế Tôn đến ba lần nói như vậy:

“Thật vậy, Bà-la-môn! Thật vậy, Bà-la-môn! Khi ái sanh thì cũng phát sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não.”

 Bà-la-môn cũng ba lần hỏi rằng:

“Cù-đàm, sao lại nói khi ái sanh thì cũng phát sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não? Cù-đàm nên biết, khi ái sanh thì hỷ cũng sanh, tâm hoan lạc.”

Lúc bấy giờ Bà-la-môn nghe những lời Phật nói, không cho là phải, mà chỉ bác bỏ, rồi rời chỗ ngồi đứng dậy, lắc đầu bỏ đi.

Bấy giờ ở trước cổng Thắng lâm, có một số thị dân đang đánh bạc. Bà-la-môn từ xa trông thấy, bèn nghĩ rằng, ‘Trong đời nếu có những người thông minh trí tuệ, cũng không thể hơn được những kẻ đánh bạc. Ta hãy đến đó. Những gì vừa được thảo luận với Cù-đàm ta sẽ kể lại hết cho họ nghe.’ Rồi Bà-la-môn đi đến số đông những người đánh bạc ấy, và đem những gì vừa được thảo luận với Thế Tôn kể lại cho họ nghe. Những thị dân đang đánh bạc này nghe xong nói rằng:

“Này Bà-la-môn, sao lại nói khi ái sanh thì cũng phát sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não? Bà-la-môn nên biết khi ái sanh, thì hỷ cũng sanh, tâm hoan lạc.”

Bà-la-môn nghe xong, bèn nghĩ rằng, “Điều mà con bạc nói thật hết sức phù hợp với ta.” Rồi gật đầu mà đi.

Rồi thì vấn đề này lần lượt truyền rộng ra, cho đến lọt vào Vương cung. Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la nghe đồn Sa-môn Cù-đàm nói như vậy, “Nếu khi ái sanh, thì cũng phát sanh những sầu bi khóc than, ưu khổ, phiền muộn ảo não.” Vua bèn nói với hoàng hậu Mạt-lỵ [98] rằng:

“Tôi nghe đồn Sa-môn Cù-đàm nói như vầy, ‘Nếu khi ái sanh thì cũng phát sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não.’”

Hoàng hậu nghe xong, thưa rằng:

“Thật vậy, Đại vương! Thật vậy, Đại vương! Nếu khi ái sanh thì cũng phát sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la nói với hoàng hậu Mạt-lỵ rằng:

“Nghe Tôn sư nói gì thì đệ tử [801b] nhất định đồng ý. Sa-môn Cù-đàm là Tôn sư của bà cho nên bà nói như vậy. Bà là đệ tử của Ngài cho nên bà nói như vậy, ‘Nếu khi ái sanh thì cũng phát sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não.’”

Hoàng hậu Mạt-lỵ thưa rằng:

“Đại vương, nếu không tin, hãy đích thân đến mà hỏi, hay hãy sai sứ đi.”

Rồi Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la bèn gọi Bà-la-môn Na-lị-ương-già [99] đến bảo rằng:

“Ngươi đi đến chỗ Sa-môn Cù-đàm, thay ta mà hỏi Sa-môn Cù-đàm Thánh thể, khỏe mạnh, bình an, không bệnh, đi đứng thoải mái, khí lực bình thường chăng? Rồi nói như vầy, ‘Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la có lời thăm hỏi Thánh thể khỏe mạnh, bình an, không bệnh, đi đứng thoải mái, khí lực bình thường chăng? Sa-môn Cù-đàm có thật sự nói rằng, ‘Nếu khi ái sanh thì cũng sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não’ chăng?’ Này Na-lị-ương-già, nếu Sa-môn Cù-đàm có nói những gì, ngươi hãy khéo ghi nhớ và thuộc kỹ. Vì sao? Vì những người như vậy không bao giờ nói dối.”

 Bà-la-môn Na-lị-ương-già vâng lời vua, đi đến chỗ Phật, chào hỏi xong, ngồi sang một bên, bạch rằng:

“Bạch Cù-đàm, Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la có lời hỏi thăm Thánh thể mạnh khỏe, bình an, không bệnh, đi đứng thoải mái, khí lực bình thường chăng? Sa-môn Cù-đàm có thật sự nói như vầy, ‘Nếu khi ái sanh, thì cũng sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não chăng?’”

Thế Tôn nói rằng:

“Này Na-lị-ương-già, Ta nay hỏi ông, hãy tùy theo sự hiểu biết mà trả lời. Na-lị-ương-già, ý ông nghĩ sao? Giả sử có một người đàn bà đã chết. Người ấy phát cuồng, loạn trí, cởi áo cởi quần, trần truồng mà chạy rong khắp các ngõ đường, nói như vầy, ‘Này các người, có thấy mẹ tôi chăng? Này các người có thấy mẹ tôi chăng?’ Này Na-lị-ương-già, do sự kiện này mà biết rằng, ‘Nếu khi ái sanh, thì cũng sanh sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não.’

“Cũng vậy, nếu cha chết, anh, chị, em chết, con cái chết, vợ chết, người ấy phát sanh cuồng, loạn trí, cởi áo cởi quần, trần truồng chạy rong khắp cả ngõ đường, nói rằng, ‘Này các ngài, có thấy vợ tôi chăng? Này các ngài, có thấy vợ tôi chăng?’ Này Na-lị-ương-già, do sự kiện này mà biết rằng, ‘Nếu ái sanh thì cũng sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não.’

“Này Na-lị-ương-già, thuở xưa có một người đàn bà về thăm gia đình. Các thân tộc của người này muốn cưỡng bức cải giá. Người đàn bà ấy tức tốc trở về [801c] nhà chồng, nói với chồng rằng, ‘Này ông, hãy biết cho, thân tộc của tôi muốn cướp vợ của ông để gả cho người khác. Ông có mưu kế gì chăng?’ Người ấy bèn nắm cánh tay của bà vợ dẫn vào trong nhà, nói rằng, ‘Chết chung, sang đời khác với nhau! Chết chung, sang đời khác với nhau!’ Rồi lấy con dao bén chém chết vợ và mình cũng tự sát luôn. Này Na-lị-ương-già, do sự kiện này mà biết rằng, ‘Nếu ái sanh thì cũng sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não.’”

Bà-la-môn Na-lị-ương-già sau khi nghe những điều Phật nói, khéo ghi nhớ và thuộc kỹ, rồi rời chỗ ngồi đứng dậy, đi quanh ba vòng, rồi trở về.

Về đến Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la tâu rằng:

“Tâu Thiên vương, Sa-môn Cù-đàm quả thực có nói rằng, ‘Nếu khi ái sanh, thì cũng sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não.’”

Hoàng hậu Mạt-lỵ tâu rằng:

“Đại vương, tôi hỏi Đại vương, hãy tùy theo sự hiểu biết mà trả lời. Ý Đại vương nghĩ sao? Đại vương có thương yêu Đại tướng Tì-lưu-la [100] chăng?”

Vua đáp:

“Thật sự có yêu thương.”

Mạt-lỵ lại hỏi:

“Nếu Đại tướng Tì-lưu-la bị biến dịch, đổi khác, Đại vương sẽ như thế nào?”

Vua đáp:

“Mạt-lỵ, nếu Đại tướng Tì-lưu-la bị biến dịch, đổi khác, tôi tất sanh sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não.”

Mạt-lỵ tâu rằng:

“Do sự kiện này mà biết rằng, ‘Nếu khi ái sanh thì cũng sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não.’”

Mạt-lỵ lại hỏi:

“Vương có yêu Đại thần Thi-lị-a-đà [101], yêu con voi Nhất-bôn-đà-lị [102], yêu đồng nữ Bà-di-lị [103], yêu Vũ Nhật Cái [104], yêu nước Ca-thi và yêu Câu-tát-la chăng?”

Vua đáp:

“Thật sự có yêu thương.”

Mạt-lỵ lại hỏi:

“Nước Ca-thi và Câu-tát-la bị biến dịch, đổi khác, Vương sẽ ra sao?”

Vua đáp:

“Mạt-lỵ, tôi được hưởng thụ thỏa mãn năm thứ công đức của dục là do ở hai nước này. Nếu Ca-thi và Câu-tát-la mà bị biến dịch, đổi khác, mạng sống của tôi cũng không, nói gì đến những sầu bi, khóc than ưu khổ, phiền muộn, ảo não?”

Mạt-lỵ tâu rằng:

“Do sự kiện này mà biết rằng, ‘Nếu khi ái sanh, thì cũng sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não.’”

Mạt-lỵ lại hỏi:

“Ý Đại vương nghĩ sao? Có yêu thương tôi chăng?”

Vua đáp:

“Thật sự tôi yêu thương bà.”

Mạt-lỵ lại hỏi:

“Nếu một khi tôi bị biến dịch, đổi khác, Vương sẽ ra sao?”

Vua đáp:

“Mạt-lỵ, [802a] nếu một khi bà bị biến dịch, đổi khác, tôi tất sanh sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não.”

Mạt-lỵ tâu rằng:

“Do sự kiện này mà biết rằng, ‘Nếu khi ái sanh thì cũng sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não.’”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la nói rằng:

“Này Mạt-lỵ, kể từ hôm nay, Sa-môn Cù-đàm, do sự kiện này là Thầy của tôi, tôi là đệ tử của Ngài. Này Mạt-lỵ, tôi nay tự quy y Phật, Pháp và Tỳ-kheo Tăng. Cúi mong Đức Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc, kể từ hôm nay trọn đời tự quy cho đến tận mạng.”

Phật thuyết như vậy, Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la và hoàng hậu Mạt-lỵ sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

217. KINH BÁT THÀNH [105]

Tôi nghe như vầy:

Một thời sau khi Phật nhập Niết-bàn không lâu, một số lớn các Tỳ-kheo danh đức, thượng tôn đến thành Ba-lị Tử, trú tại Kê viên [106].

Bấy giờ Cư sĩ Đệ Thập, người ở Bát thành [107] mang nhiều hàng hóa quý đến thành Ba-lị Tử để buôn bán đổi chác. Số hàng hóa đó bán hết rất mau; được lời khá to. Cư sĩ Đệ Thập, người Bát thành, hết sức vui mừng, bèn rời Ba-lị Tử đến Kê viên, tìm đến các Tỳ-kheo Thượng tôn danh đức, cúi đầu lễ sát chân rồi ngồi sang một bên. Các Tỳ-kheo Thượng tôn danh đức thuyết pháp cho Cư sĩ nghe, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi đã dùng vô lượng phương tiện thuyết pháp cho Cư sĩ, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ, các Ngài ngồi im lặng. Rồi thì Cư sĩ Đệ Thập, người Bát Thành bạch:

“Bạch Thượng tôn, Tôn giả A-nan hiện giờ ở đâu? Con muốn được gặp.”

Các Tỳ-kheo Thượng tôn đáp:

“Cư sĩ, Tôn giả A-nan đang ở tại thành Tì-xá-li, bên bờ sông Di hầu, trong cao lâu đài quán. Nếu muốn thăm, ông có thể đi đến đó.”

Bấy giờ Cư sĩ Đệ Thập, người Bát Thành, rời chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu lễ sát chân các Tỳ-kheo Thượng tôn, nhiễu quanh chiều phải ba vòng rồi đi.

Cư sĩ tìm đến chỗ Tôn giả A-nan, cúi đầu lễ sát chân rồi ngồi xuống một bên và bạch rằng:

“Bạch Tôn giả A-nan, con có điều muốn hỏi, Ngài có cho phép chăng?”

“Cư sĩ cứ hỏi. Tôi nghe rồi sẽ suy xét.”

 [802b] Cư sĩ hỏi:

“Bạch Tôn giả, Đức Thế Tôn, Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Bậc đã thành tựu tuệ nhãn, thấy đệ nhất nghĩa, Ngài có dạy một pháp nào mà Thánh đệ tử nếu an trú vào đó sẽ đoạn trừ các lậu, tâm giải thoát chăng?”

Tôn giả A-nan đáp:

“Đúng vậy, Đức Thế Tôn có dạy pháp ấy.”

Cư sĩ hỏi:

“Đức Thế Tôn, Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Bậc đã thành tựu tuệ nhãn, đã thấy đệ nhất nghĩa, Ngài dạy như thế nào về một pháp ấy, mà Thánh đệ tử nếu an trú vào đó sẽ dứt sạch các lậu, tâm giải thoát? Pháp ấy như thế nào?”

Tôn giả A-nan đáp:

“Này Cư sĩ, đa văn Thánh đệ tử ly dục, ly ác bất thiện pháp, cho đến chứng đắc đệ Tứ thiền, thành tựu an trú. Vị ấy y cứ nơi đây mà quán pháp như pháp. Hoặc có thể y cứ nơi đây mà quán pháp như pháp, vị ấy an trú vào đó mà dứt sạch các lậu. Nhưng an trú vào đó mà không dứt sạch các lậu, thì nhờ nơi pháp này, do có muốn pháp, yêu pháp, thích pháp, tin tưởng pháp, ái lạc hoan hỷ [108], vị ấy đoạn trừ năm hạ phần kết, hóa sanh nơi kia mà nhập Niết-bàn, được pháp bất thối, vĩnh viễn không còn trở lại đời này.

“Lại nữa, Cư sĩ, đa văn Thánh đệ tử, tâm cùng đi đối với từ biến mãn một phương, thành trụ và an trú. Cũng vậy, hai, ba, bốn phương, bốn phương bàng, phương trên và phương dưới khắp cả mọi nơi tâm cùng đi đối với từ, không kết, không oán, không nhuế, không tranh, quảng đại, vô biên, vô lượng, khéo tu tập, viên mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, tâm đi đối với bi, hỷ và xả, không kết, không oán, không nhuế, không tranh, quảng đại, vô lượng, vô biên khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Vị ấy cứ y nơi đây mà quán pháp như pháp. Vị ấy hoặc có thể y cứ vào đó mà dứt sạch các dục. Nhưng nếu chưa dứt sạch được các lậu, nhờ pháp này, do yêu pháp, thích pháp, tin tưởng pháp, ái lạc hoan hỷ, vị ấy đoạn trừ ngũ hạ phần kiết, hóa sanh vào cõi kia mà nhập Niết-bàn, được pháp bất thối, vĩnh viễn không còn tái sanh lại đời này nữa. Đây là pháp mà Đức Thế Tôn, Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Bậc thành tựu tuệ nhãn, đã thấy đệ nhất nghĩa, nói rằng, ‘Có một pháp mà nếu đa văn Thánh đệ tử an trú vào đó sẽ dứt sạch các lậu, tâm được giải thoát.

“Lại nữa, Cư sĩ, đa văn Thánh đệ tử vượt qua tất cả sắc tưởng, cho đến phi tưởng phi phi tưởng xứ, thành tựu và an trú, vị ấy ở nơi đây mà quán pháp như pháp, vị ấy hoặc có thể an trú vào đó mà dứt sạch các lậu. Nhưng nếu không dứt sạch các lậu, thì nhờ pháp này, [802c] do yêu pháp, thích pháp, tin tưởng pháp, ái lạc, hoan hỷ, vị ấy đoạn trừ ngũ hạ phần kết, hóa sanh nơi kia mà nhập Niết-bàn, được pháp bất thối, vĩnh viễn không còn trở lại đời này nữa. Đây là pháp mà Đức Thế Tôn, Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Bậc đã thành tựu, đã thấy đệ nhất nghĩa, nói rằng, có một pháp mà nếu Đa văn Thánh đệ tử an trụ vào đó sẽ dứt sạch các lậu tâm được giải thoát.”

Bấy giờ Cư sĩ Đệ Thập, người ở Bát thành, liền rời chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo bên hữu chấp tay bạch rằng:

“Kỳ diệu thay! Hy hữu thay, Tôn giả A-nan! Con chỉ hỏi một cánh cửa cam lồ, nhưng Tôn giả đã nói cho con nghe một lần đến mười hai pháp môn cam lồ [109]. Dựa theo pháp môn nào trong mười hai pháp môn ấy tu tập cũng đều được giải thoát an lạc.

“Bạch Tôn giả A-nan, cũng như cách làng không xa, có một ngôi nhà lớn, được mở ra với mười hai cánh cửa. Một người có việc cần nên đã vào trong nhà ấy. Lại có một người khác đứng đó, nhưng không muốn đem lại sự lợi ích và phước lạc, không muốn sự an ổn cho người ấy, nên nổi lửa mà đốt nhà. Bạch Tôn giả A-nan, người ấy có thể do theo một trong mười hai cửa mà ra khỏi ngôi nhà cháy một cách an toàn [110]. Cũng vậy, bạch Tôn giả, con chỉ hỏi một cửa cam lồ mà Ngài nói cho con nghe một lần đến mười hai cửa pháp cam lồ. Y theo một trong mười hai cửa pháp cam lồ này thì có thể được an ổn giải thoát. Bạch Tôn giả A-nan, trong pháp luật của Bà-la-môn nói về pháp luật bất thiện mà còn có sự cúng dường thầy của họ, huống sao con lại không cúng dường bậc Đại sư Tôn giả A-nan.”

Rồi ngay trong đêm ấy, Cư sĩ Đệ Thập, người ở Bát thành bày dọn các món ăn thơm ngon, tinh khiết, đầy đủ các loại cứng và mềm; sau khi bày biện thức ăn xong, vào lúc sáng sớm, trải dọn chỗ ngồi Cư sĩ cung thỉnh chúng Tăng ở Kê viên và thành Bệ-xá-li hợp lại, rồi tự tay mình dâng nước rửa, dâng các thức ăn thơm ngon tinh khiết, đầy đủ các loại cứng và mềm; tự tay mời mọc cho đến khi chúng Tăng no đủ, phân chia các thức ăn đầy đủ cho chúng Tăng. Sau khi chúng Tăng thọ thực, thâu bát, rửa tay, Cư sĩ đem năm trăm vật phẩm mua một ngôi nhà cúng riêng cho Tôn giả A-nan. Tôn giả A-nan nhận lãnh, sau đó cúng cho Chiêu đề tăng [111].

Tôn giả A-nan thuyết như vậy. Cư sĩ Đệ Thập người ở Bát thành sau khi nghe những gì Tôn giả A-nan thuyết, hoan hỷ phụng hành.

218. KINH A-NA-LUẬT-ĐÀ (I)

 [803a1] Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ các Tỳ-kheo vào lúc xế trưa từ tĩnh tọa dậy, đi đến chỗ Tôn giả A-na-luật-đà [112], cúi đầu đảnh lễ sát chân, rồi ngồi sang một bên, bạch rằng:

“Chúng tôi có điều muốn hỏi, mong Ngài nghe cho mới dám trình bày.”

Tôn giả A-na-luật-đà nói:

“Chư Hiền, muốn hỏi xin cứ hỏi. Tôi nghe xong sẽ suy nghĩ.”

Khi ấy các Tỳ-kheo bèn bạch rằng:

“Làm thế nào một Tỳ-kheo chết an lành, mạng chung an lành?”

Tôn giả A-na-luật-đà đáp:

“Chư Hiền, Tỳ-kheo ly dục, ly ác bất thiện pháp, cho đến chứng đắc Tứ thiền; Tỳ-kheo ấy chết an lành, mạng chung an lành.”

Các Tỳ-kheo lại hỏi:

“Tỳ-kheo cùng cực như vậy là chết an lành, mạng chung an lành chăng?”

Tôn giả A-na-luật-đà đáp:

“Chư Hiền, Tỳ-kheo không phải chỉ cùng cực như vậy là chết an lành mạng chung an lành. Lại nữa, này chư Hiền, Tỳ-kheo chứng đắc như ý túc về thiên nhĩ, tha tâm trí, túc mạng trí, sanh tử trí, lậu tận trí, lậu tận, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ngay trong đời này mà tự tri, tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ, biết như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa.’ Đó là Tỳ-kheo chết an lành, mạng chung an lành.”

Các Tỳ-kheo lại hỏi:

“Tỳ-kheo cùng cực như vậy là chết an lành, mạng chung an lành chăng?”

Tôn giả A-na-luật-đà đáp:

“Chư Hiền, Tỳ-kheo cùng cực như vậy là chết được an lành, mạng chung được an lành.”

Lúc bấy giờ các Tỳ-kheo nghe những điều Tôn giả A-na-luật-đà nói khéo ghi nhớ và thuộc kỹ xong, rời chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu lạy sát chân Tôn giả A-na-luật-đà, đi quanh ba vòng rồi lui ra.

Tôn giả A-na-luật-đà thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Tôn giả A-na-luật-đà thuyết, hoan hỷ phụng hành.

219. KINH A-NA-LUẬT-ĐÀ (II)

Tôi nghe như vầy.

Một thời Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ các Tỳ-kheo, vào lúc xế, từ thiền tọa dậy, đi đến chỗ Tôn giả A-na-luật-đà, cúi đầu đảnh lễ sát chân, rồi ngồi xuống một bên bạch rằng:

“Chúng tôi có điều muốn hỏi, mong Ngài nghe cho mới dám trình bày.”

Tôn giả A-na-luật-đà [803b] đáp:

“Chư Hiền, muốn hỏi xin cứ hỏi. Tôi nghe xong sẽ suy nghĩ.”

Khi ấy các Tỳ-kheo hỏi rằng:

“Làm thế nào mà một Tỳ-kheo chết không bức rức, mạng chung không bức rức?”

Tôn giả A-na-luật-đà đáp:

“Nếu Tỳ-kheo có tri kiến chất trực và thành tựu giới Thánh hâm mộ [113], đó là Tỳ-kheo chết không bức rức, mạng chung không bức rức.”

Các Tỳ-kheo lại hỏi:

“Tỳ-kheo cùng cực như vậy là chết không bức rức, mạng chung không bức rức chăng?”

Tôn giả A-na-luật-đà đáp:

“Tỳ-kheo không chỉ cùng cực như vậy là chết không bức rức, mạng chung không bức rức. Lại nữa, này chư Hiền, Tỳ-kheo thân trên nội thân, cho đến quán thọ, tâm, pháp như pháp, đó là Tỳ-kheo chết không bức rức, mạng chung không bức rức.”

Các Tỳ-kheo lại hỏi:

“Tỳ-kheo cùng cực như vậy là chết không bức rức, mạng chung không bức rức chăng?”

Tôn giả A-na-luật-đà đáp:

“Chư Hiền, Tỳ-kheo không chỉ cùng xực như vậy là chết không bức rức, mạng chung không bức rức. Lại nữa, này chư Hiền, Tỳ-kheo tâm tương ưng với từ, biến mãn một phương, thành tựu an trụ; hai, ba, bốn phương, bốn duy, trên, dưới, bao trùm tất cả, tâm tương ưng với từ, không kết, không oán, không nhuế, không tranh, rất rộng, rất lớn, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu an trụ. Cũng vậy, bi và hỷ. Tâm tương ưng với xả, không kết, không oán, không nhuế, không tranh, rất rộng, rất lớn, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu an trụ. Đó gọi là Tỳ-kheo chết không bức rức, mạng chung không bức rức.”

Các Tỳ-kheo lại hỏi:

“Tỳ-kheo chỉ cùng cực như vậy là chết không bức rức, mạng chung không bức rức chăng?”

Tôn giả A-na-luật-đà đáp:

“Chư Hiền, Tỳ-kheo không chỉ cùng cực như vậy, là chết không bức rức, mạng chung không bức rức. Lại nữa, này chư Hiền, Tỳ-kheo vượt qua tất cả sắc tưởng, cho đến chứng phi tưởng phi phi tưởng xứ, thành tựu an trụ. Đó là Tỳ-kheo chết không bức rức, mạng chung không bức rức.”

Các Tỳ-kheo lại hỏi:

‘Tỳ-kheo chỉ cùng cực như vậy là chết không bức rức, mạng chung không bức rức chăng?”

Tôn giả A-na-luật-đà đáp:

“Chư Hiền, không chỉ cùng cực như vậy là chết không bức rức, mạng chung không bức rức. Lại nữa, này chư Hiền, Tỳ-kheo vượt qua tất cả phi tưởng phi hi tưởng xứ, tưởng thọ diệt thân chứng thành tựu an trụ, và do tuệ quán mà các lậu diệt tận, đó là Tỳ-kheo chết không bức rức, mạng chung không bức rức.”

Các Tỳ-kheo lại hỏi:

 [803c] “Tỳ-kheo chỉ cùng cực như vậy là chết không bức rức, mạng chung không bức rức chăng?”

Tôn giả A-na-luật-đà đáp:

“Chư Hiền, Tỳ-kheo cùng cực như vậy là chết không bức rức, mạng chung không bức rức.”

Bấy giờ các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều Tôn giả A-na-luật-đà nói, khéo ghi nhớ và thuộc kỹ xong, rời chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu đảnh lễ sát chân Tôn giả A-na-luật-đà, đi quanh ba vòng rồi lui ra.

Tôn giả A-na-luật-đà thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Tôn giả A-na-luật-đà thuyết, hoan hỷ phụng hành.

220. KINH KIẾN

Tôi nghe như vầy:

Một thời sau khi Phật Niết-bàn không lâu, Tôn giả A-nan trú tại thành Vương xá, trong rừng Trúc, vườn Ca-lan-đa. Lúc bấy giờ có một Bà-la-môn Dị học, [114] vốn là bạn của Tôn giả A-nan trước khi xuất gia, sau giữa trưa, thong dong tản bộ đi đến chỗ Tôn giả A-nan, chào hỏi xong, ngồi xuống một bên, nói với Tôn giả A-nan rằng:

“A-nan, tôi có điều muốn hỏi, mong nghe cho chăng?”

Tôn giả A-nan đáp:

“ Bà-la-môn, muốn hỏi cứ hỏi, Tôi nghe xong sẽ suy nghĩ.”

Dị học Bà-la-môn bèn hỏi:

“Sự kiện như vầy. Những quan điểm [115] này bị gác lại [116], bị loại bỏ, không được giải thích tường tận, đó là, ‘Thế giới hữu thường hay vô thường; thế giới hữu biên hay vô biên [117]; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác thân khác; Như Lai tồn tai sau khi chết hay Như Lai không không tồn tại sau khi chết [118]; Như Lai vừa tồn tai sau khi chết vừa không tồn tai sau khi chết; hay Như Lai cũng không phải tồn tai sau khi chết, cũng không phải không tồn tai sau khi chết?’ Sa-môn Cù-đàm có biết rõ các quan điểm này đúng như lý ưng phải biết chăng?”

Tôn giả A-nan đáp:

“ Bà-la-môn, sự kiện như vầy. Đối với những quan điểm này, Thế Tôn là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, gác qua một bên, loại bỏ, không giải thích tường tận; đó là, ‘Thế giới hữu thường, hay vô thường; thế giới hữu biên hay vô biên; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác thân khác; Như Lai tồn tai sau khi chết hay Như Lai không không tồn tại sau khi chết; hay Như Lai vừa tồn tai sau khi chết vừa không tồn tai sau khi chết, hay Như Lai cũng không phải tồn tai sau khi chết, cũng không phải không tồn tai sau khi chết?’ Thế Tôn là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, biết các quan điểm này đúng như lý ưng phải biết.”

 Bà-la-môn dị học lại hỏi:

“Sự kiện như vầy. Những quan điểm này Sa-môn Cù-đàm gác qua một bên, loại bỏ, không giải thích tường tận, đó là, ‘Thế giới hữu thường, hay thế giới vô thường; thế giới hữu biên hay thế giới vô biên; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác thân khác; Như Lai tồn tai sau khi chết hay Như Lai không tồn tai sau khi chết, hay Như Lai vừa tồn tai sau khi chết vừa không tồn tai sau khi chết, hay Như Lai cũng không phải tồn tai sau khi chết cũng không phải không tồn tai sau khi chết?’ Sa-môn Cù-đàm biết rõ [804a] các quan điểm này đúng như lý ưng phải biết như thế nào?”

Tôn giả A-nan đáp:

“ Bà-la-môn, sự kiện như vầy. Những quan điểm này được Đức Thế Tôn, Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, gác qua một bên, loại bỏ, không giải thích tường tận; đó là, ‘Thế giới hữu thường hay thế giới vô thường; thế giới hữu biên hay thế giới vô biên; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác thân khác; Như Lai tồn tai sau khi chết hay Như Lai không tồn tai sau khi chết, hay Như Lai vừa tồn tai sau khi chết vừa không tồn tai sau khi chết, hay Như Lai cũng không phải tồn tai sau khi chết cũng không phải không tồn tai sau khi chết?’ Này Dị học Bà-la-môn, kiến như vậy, thủ như vậy, sanh như vậy, đến đời sau như vậy, những vấn đề như vậy là điều mà Thế Tôn, Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, gác qua một bên, loại bỏ, không giải thích tường tận, đó là, ‘Thế giới hữu biên hay thế giới vô biên, thế giới hữu thường hay thế giới vô thường; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác thân khác; Như Lai tồn tai sau khi chết hay Như Lai không tồn tai sau khi chết, hay Như Lai vừa tồn tai sau khi chết vừa không tồn tai sau khi chết, hay Như Lai cũng không phải tồn tai sau khi chết cũng không phải không tồn tai sau khi chết?’ Những quan điểm ấy được biết như vậy. Các quan điểm ấy phải được biết như vậy.”

Dị học Bà-la-môn bạch rằng:

“A-nan, nay tôi tự quy A-nan.”

Tôn giả A-nan đáp:

“ Bà-la-môn, ông đừng tự quy nơi tôi. Cũng như tôi tự quy y nơi Phật ông cũng nên tự quy như vậy.”

Dị học Bà-la-môn nói:

“A-nan, nay tôi tự quy Phật, Pháp, và Tỳ-kheo Tăng. ‘Cúi mong Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc, kể từ hôm nay, trọn đời tự quy cho đến tận mạng.’”

Tôn giả A-nan thuyết như vậy. Dị học Bà-la-môn nghe Tôn giả A-nan thuyết, hoan hỷ phụng hành.

221. KINH TIỄN DỤ

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Tôn giả Man Đồng tử [119], sống cô độc tại một nơi yên tĩnh, thiền tọa tư duy, trong tâm khởi lên ý niệm, “Sự kiện như vầy. Những quan điểm này bị Đức Thế Tôn gác lại [120], loại bỏ, không giải thích tường tận; đó là, ‘Thế giới hữu thường hay vô thường; thế giới hữu biên hay vô biên [121]; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác thân khác; Như Lai tồn tai sau khi chết hay Như Lai không không tồn tại sau khi chết [122]; Như Lai vừa tồn tai sau khi chết vừa không tồn tai sau khi chết; hay Như Lai cũng không phải tồn tai sau khi chết, cũng không phải không tồn tai sau khi chết?’ Ta không hài lòng với điều này, ta không nhẫn khả với điều này. Nếu Đức Thế Tôn [804b] xác quyết [123] nói cho ta biết rằng: ‘Thế giới hữu thường’ ta sẽ theo Ngài học phạm hạnh, còn nếu Đức Thế Tôn không xác quyết nói cho ta biết rằng ‘Thế giới hữu thường’ ta sẽ cật vấn Ngài rồi bỏ Ngài mà đi. Cũng vậy, ‘Thế giới vô thường; thế giới hữu biên hay vô biên; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác thân khác; Như Lai tồn tai sau khi chết hay Như Lai không không tồn tại sau khi chết; Như Lai vừa tồn tai sau khi chết vừa không tồn tai sau khi chết; hay Như Lai cũng không phải tồn tai sau khi chết, cũng không phải không tồn tai sau khi chết?’ Nếu Đức Thế Tôn xác quyết nói cho ta biết rằng, ‘Điều này chơn thật, ngoài ra là hư vọng’ ta sẽ theo Ngài tu học phạm hạnh; còn nếu Đức Thế Tôn không xác quyết nói cho ta biết rằng, ‘Điều này là chơn thật ngoài ra là hư vọng’ thì ta sẽ cật vấn Ngài rồi bỏ Ngài mà đi.”

Rồi Tôn giả Man Đồng tử vào lúc xế trưa, từ tĩnh tọa dậy, đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ, ngồi qua một bên mà bạch rằng:

“Bạch Đức Thế Tôn, hôm nay con sống cô độc tại một nơi yên tĩnh, thiền tọa tư duy, trong tâm khởi lên ý nghĩ rằng: Sự kiện như vầy. Những quan điểm này bị Đức Thế Tôn gác lại, loại bỏ, không giải thích tường tận; đó là, ‘Thế giới hữu thường hay vô thường; thế giới hữu biên hay vô biên; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác thân khác; Như Lai tồn tai sau khi chết hay Như Lai không không tồn tại sau khi chết; Như Lai vừa tồn tai sau khi chết vừa không tồn tai sau khi chết; hay Như Lai cũng không phải tồn tai sau khi chết, cũng không phải không tồn tai sau khi chết?’ Ta không hài lòng với điều này, ta không nhẫn khả với điều này. Nếu Thế Tôn xác quyết rõ ràng, ‘Thế giới hữu thường’, Bạch Thế Tôn, mong Ngài hãy nói cho con biết. Còn nếu Thế Tôn không xác quyết rõ ràng ‘Thế giới hữu thường’ thì Ngài hãy nói thẳng là không biết. Cũng vậy, ‘Thế giới vô thường; thế giới hữu biên hay vô biên; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác thân khác; Như Lai tồn tai sau khi chết hay Như Lai không không tồn tại sau khi chết; Như Lai vừa tồn tai sau khi chết vừa không tồn tai sau khi chết; hay Như Lai cũng không phải tồn tai sau khi chết, cũng không phải không tồn tai sau khi chết?’ Nếu Thế Tôn xác quyết rõ ràng ‘Điều này chơn thật, ngoài ra là hư vọng’, Bạch Thế Tôn, mong Ngài hãy nói cho con biết. Còn nếu Thế Tôn không xác quyết rõ ràng ‘Điều này là chơn thật, ngoài ra là hư vọng’, thì Ngài hãy nói thẳng là không biết.”

Đức Thế Tôn hỏi:

“Này Man Đồng tử, ‘Thế giới hữu thường’ Hãy đến đây! Hãy theo Ta tu học Phạm hạnh?”

Man Đồng tử đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

“Cũng vậy, ‘Thế giới vô thường; thế giới hữu biên hay vô biên; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác thân khác; Như Lai tồn tai sau khi chết hay Như Lai không không tồn tại sau khi chết; Như Lai vừa tồn tai sau khi chết vừa không tồn tai sau khi chết; hay Như Lai cũng không phải tồn tai sau khi chết, cũng không phải không tồn tai sau khi chết.’ Trước kia Ta có nói với ngươi như vầy chăng, [804c] rằng: Đây là sự thật, ngoài ra là hư dối. Hãy đến đây! Hãy theo Ta tu học Phạm hạnh?”

Man Đồng tử đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Đức Thế Tôn nói:

“Này Man Đồng tử, trước kia ngươi có nói với Ta rằng, ‘Nếu Thế Tôn xác quyết nói cho con biết rằng ‘Thế giới hữu thường’ thì con sẽ theo Thế Tôn học phạm hạnh’ chăng?”

Man Đồng tử đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

“Cũng vậy, ‘Thế giới vô thường; thế giới hữu biên hay vô biên; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác thân khác; Như Lai tồn tai sau khi chết hay Như Lai không không tồn tại sau khi chết; Như Lai vừa tồn tai sau khi chết vừa không tồn tai sau khi chết; hay Như Lai cũng không phải tồn tai sau khi chết, cũng không phải không tồn tai sau khi chết.’ Man Đồng tử, trước đây ngươi có với Ta rằng, nếu Thế Tôn xác quyết cho con rằng đây là sự thật, ngoài ra là hư dối, con sẽ theo Thế Ton tu học phạm hạnh chăng?”

Man Đồng tử đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Đức Thế Tôn nói:

“Này Man Đồng tử, trước kia Ta không nói với ngươi như vậy, và ngươi cũng không nói với Ta như vậy. Ngươi quả là kẻ ngu si. Vì sao lại xuyên tạc Ta một cách hư dối?”

Lúc bấy giờ, Tôn giả Man Đồng tử bị Đức Thế Tôn khiển trách ngay mặt, trong lòng rầu rĩ, cúi đầu im lặng, không còn lời biện bạch, suy nghĩ mông lung.

Đức Thế Tôn sau khi khiển trách ngay mặt Man Đồng tử, rồi nói với các Tỳ-kheo rằng:

“Nếu có người ngu si nghĩ như vầy, ‘Nếu Đức Thế Tôn không xác quyết nói cho ta biết rằng ‘Thế giới hữu thường’ thì ta không theo Đức Thế Tôn tu hành phạm hạnh.’ Những người ngu si ấy chưa biết được gì thì nửa chừng mạng chung.

“Cũng vậy, ‘Thế giới vô thường; thế giới hữu biên hay vô biên; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác thân khác; Như Lai tồn tai sau khi chết hay Như Lai không không tồn tại sau khi chết; Như Lai vừa tồn tai sau khi chết vừa không tồn tai sau khi chết; hay Như Lai cũng không phải tồn tai sau khi chết, cũng không phải không tồn tai sau khi chết.’ Nếu có người ngu si nghĩ như ‘Nếu Đức Thế Tôn không xác quyết nói cho ta biết rằng: ‘Điều này là chơn thật, ngoài ra là hư vọng’ thì ta sẽ không theo Đức Thế Tôn tu học phạm hạnh.’ Những người ngu si ấy chưa biết được gì thì nửa chừng đã mạng chung.

“Ví như một người bị trúng tên độc. Do bị trúng tên độc nên đau đớn cùng cực. Người ấy được các thân thuộc đồng tình thương xót, mong muốn cho được lợi ích và phước lành, được an ổn khoái lạc, nên tìm cầu y sĩ nhổ tên. Nhưng nó lại nói rằng, ‘Khoan hãy nhổ tên! Trước tiên hãy cho tôi biết người bắn tôi đó, họ gì, tên gì, sanh ở đâu, cao hay thấp, mập hay gầy, da đen hay trắng, hay da không đen không trắng, thuộc dòng Sát-lị, Bà-la-môn, Cư sĩ hay Công sư, là người ở phương Đông, [805a] phương Tây, phương Nam hay phương Bắc? Khoan hãy nhổ tên! Trước tiên hãy cho tôi biết cây cung ấy làm bằng gỗ chá [124], bằng gỗ dâu, bằng gỗ quỳ, hay bằng sừng? Khoan hãy nhổ tên! Trước tiên hãy cho tôi biết, cần cung làm bằng gân bò, bằng gân hươu, nai hay bằng tơ? Khoan hãy nhổ tên! Trước tiên hãy cho tôi biết, cây cung đó màu đen, màu trắng, màu đỏ hay màu vằng? Khoan hãy nhổ tên! Trước tiên hãy cho tôi biết dây cung đó làm bằng gân, bằng tơ, bằng sợi gai hay bằng võ gai? Khoan hãy nhổ tên! Trước tiên hãy cho tôi biết cán tên này làm bằng gỗ hay bằng tre? Khoan hãy nhổ tên! Trước tiên hãy cho tôi biết tên được quấn bằng gân bò, gân hươu nai, hay bằng tơ? Khoan hãy nhổ tên! Trước tiên hãy cho tôi biết đuôi tên này kết bằng lông phiêu lằng [125], lông kên kên, lông gà trống, hay lông hạc? Khoan hãy nhổ tên! Trước tiên hãy cho tôi biết mũi tên này thuộc loại mũi răng cưa, mũi nhọn, hay mũi bình phi đao? Khoan hãy nhổ tên! Trước tiên hãy cho tôi biết người thợ vót tên này họ gì, tên gì, sanh ở đâu, cao hay thấp, mập hay gầy, da đen hay trắng, hay da không đen không trắng, ở phương Đông, phương Nam, phương Tây hay phương Bắc?’ Nhưng nó chưa biết được gì thì nửa chừng đã mạng chung.

“Cũng vậy, người ngu si nghĩ như vầy, ‘Nếu Đức Thế Tôn không xác quyết nói cho ta biết rằng ‘Thế giới hữu thường’ thì ta sẽ không theo Đức Thế Tôn tu học phạm hạnh.’ Nhưng người ngu si ấy chưa biết được gì thì nửa chừng đã mạng chung.

“Cũng vậy, ‘Thế giới vô thường; thế giới hữu biên hay vô biên; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác thân khác; Như Lai tồn tai sau khi chết hay Như Lai không không tồn tại sau khi chết; Như Lai vừa tồn tai sau khi chết vừa không tồn tai sau khi chết; hay Như Lai cũng không phải tồn tai sau khi chết, cũng không phải không tồn tai sau khi chết.’ Người ngu si nghĩ như vầy ‘Nếu Đức Thế Tôn không xác quyết nói cho Ta biết rằng: Điều này là chơn thật, ngoài ra là hư vọng thì ta sẽ không theo Đức Thế Tôn tu học phạm hạnh.’ Nhưng người ấy chưa biết được gì thì nửa chừng đã mạng chung.

“‘Thế giới hữu thường’, nhân nơi quan điểm này mà theo ta tu học phạm hạnh, sự kiện không phải là như vậy. Cũng vậy, ‘Thế giới vô thường; thế giới hữu biên hay vô biên; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác thân khác; Như Lai tồn tai sau khi chết hay Như Lai không không tồn tại sau khi chết; Như Lai vừa tồn tai sau khi chết vừa không tồn tai sau khi chết; hay Như Lai cũng không phải tồn tai sau khi chết, cũng không phải không tồn tai sau khi chết.’ Nhân nơi những quan điểm này mà theo Ta tu học phạm hạnh, [805b] sự kiện này không phải là như vậy.

“‘Thế giới hữu thường’, vì có quan điểm này mà không theo Ta tu học phạm hạnh, sự kiện này không phải là như vậy. Cũng vậy, ‘Thế giới vô thường; thế giới hữu biên hay vô biên; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác thân khác; Như Lai tồn tai sau khi chết hay Như Lai không không tồn tại sau khi chết; Như Lai vừa tồn tai sau khi chết vừa không tồn tai sau khi chết; hay Như Lai cũng không phải tồn tai sau khi chết, cũng không phải không tồn tai sau khi chết.’ Vì có quan điểm này mà không theo Ta tu học phạm hạnh, sự kiện này không phải là như vậy.

“‘Thế giới hữu thường’, vì không có quan điểm này mà theo Ta tu học phạm hạnh, sự kiện này không phải là như vậy. ‘Thế giới vô thường; thế giới hữu biên hay vô biên; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác thân khác; Như Lai tồn tai sau khi chết hay Như Lai không không tồn tại sau khi chết; Như Lai vừa tồn tai sau khi chết vừa không tồn tai sau khi chết; hay Như Lai cũng không phải tồn tai sau khi chết, cũng không phải không tồn tai sau khi chết.’ Vì không có quan điểm này mà theo Ta tu học phạm hạnh, sự kiện này không phải là như vậy.

“‘Thế giới hữu thường’, vì không có quan điểm này mà không theo Ta tu học phạm hạnh, sự kiện không phải là như vậy. Cũng vậy, ‘Thế giới vô thường; thế giới hữu biên hay vô biên; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác thân khác; Như Lai tồn tai sau khi chết hay Như Lai không không tồn tại sau khi chết; Như Lai vừa tồn tai sau khi chết vừa không tồn tai sau khi chết; hay Như Lai cũng không phải tồn tai sau khi chết, cũng không phải không tồn tai sau khi chết.’ Vì không có những quan điểm này mà không theo Ta tu học phạm hạnh, sự kiện không phải là như vậy.

“Dù ‘Thế giới hữu thường’ hay không, thì vẫn có sanh, có già, có bệnh, có chết, sầu bi, khóc than, ưu khổ, ảo não, như vậy toàn vẹn khối lớn khổ đau này phát sanh. Cũng vậy, dù ‘Thế giới vô thường; thế giới hữu biên hay vô biên; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác thân khác; Như Lai tồn tai sau khi chết hay Như Lai không không tồn tại sau khi chết; Như Lai vừa tồn tai sau khi chết vừa không tồn tai sau khi chết; hay Như Lai cũng không phải tồn tai sau khi chết, cũng không phải không tồn tai sau khi chết ’ hay không thì vẫn có sanh, có già, có bệnh, có chết, sầu bi, khóc lóc, ưu khổ, ảo não; như vậy, toàn vẹn khối lớn khổ đau này phát sanh.

“‘Thế giới hữu thường’, Ta không xác quyết điều này. Vì điều này không tương ưng với cứu cánh, không tương ưng với pháp, không phải căn bản phạm hạnh, không đưa đến [805c] trí, không đưa đến giác, không dẫn đến Niết-bàn. Cho nên Ta không xác quyết điều này. Cũng vậy, ‘Thế giới vô thường; thế giới hữu biên hay vô biên; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác thân khác; Như Lai tồn tai sau khi chết hay Như Lai không không tồn tại sau khi chết; Như Lai vừa tồn tai sau khi chết vừa không tồn tai sau khi chết; hay Như Lai cũng không phải tồn tai sau khi chết, cũng không phải không tồn tai sau khi chết.’ Ta không xác quyết điều này. Vì lý do gì mà Ta không xác quyết những điều này? Vì những điều này không tương ưng với cứu cánh, không tương ưng với pháp, không phải là căn bản phạm hạnh, không đưa đến trí, không đưa đến giác, không dẫn đến Niết-bàn. Cho nên Ta không xác quyết những điều này.

“Những pháp nào được Ta xác quyết nói đến? ‘Đây là khổ’, Ta xác quyết nói ‘Đây là khổ’. ‘Khổ tập, Khổ diệt, Khổ diệt đạo tích’ Ta xác quyết nói. Vì những lý do gì mà Ta xác quyết nói những điều này? Vì những điều này tương ưng với cứu cánh, tương ưng với pháp, là căn bản phạm hạnh, đưa đến trí, đưa đến giác, dẫn đến Niết-bàn, cho nên Ta xác quyết nói những điều này.

“Đó là, những gì không thể nói thì Ta không nói, những gì có thể nói thì Ta nói, hãy thọ trì như vậy. Hãy học tập như vậy.”

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

222. KINH LỆ

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Nếu muốn đoạn trừ vô minh, nên tu bốn niệm xứ.

“Thế nào gọi là muốn đoạn trừ vô minh nên tu bốn niệm xứ? Nếu khi Đức Như Lai xuất thế, là Vô Sở Trước, Minh Hạnh Túc, Đẳng Chánh Giác, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Thế Tôn. Vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, quán thân trên nội thân, cho đến quán thọ, tâm, pháp như pháp. Đó là nếu muốn đoạn trừ vô minh, nên tu bốn niệm xứ. Cũng vậy, số đoạn, giải thoát, quá độ, bạt tuyệt, diệt, chỉ, tổng tri và biệt tri [126].

“Nếu muốn biệt tri vô minh, nên tu bốn niệm xứ. Thế nào là muốn biệt tri vô minh nên tu bốn niệm xứ? Nếu khi Như Lai xuất thế, là Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Thế Tôn; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, quán nội thân như thân, cho đến quán thọ tâm, pháp như pháp. Đó là muốn biệt tri vô minh nên tu bốn niệm xứ.

“Nếu muốn đoạn trừ vô minh nên tu bốn chánh đoạn. Thế nào là muốn đoạn trừ vô minh nên tu bốn chánh đoạn? Nếu khi Đức Như Lai xuất thế, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, là Phật, Thế Tôn; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, [806a] những thứ làm ô uế, tuệ yếu kém; đối với pháp ác bất thiện đã sanh, vì muốn đoạn trừ cho nên phát khởi dục tâm, tìm cầu phương tiện, tinh cần, khích lệ và kiên trì tâm, chánh đoạn [127]. Đối với pháp ác bất thiện chưa sanh, vì muốn không sanh cho nên phát khởi dục tâm, tìm cầu phương tiện, tinh cần, khích lệ và kiên trì tâm, chánh đoạn. Đối với pháp thiện chưa sanh, vì muốn sanh khởi, cho nên phát khởi dục tâm, tìm cầu phương tiện, tinh cần, khích lệ và kiên trì tâm, chánh đoạn. Đối với pháp thiện đã sanh, vì muốn kiên cố, không quên mất, không suy thoái, tăng trưởng, quảng đại, tu tập viên mãn, cho nên phát khởi dục tâm, tìm cầu phương tiện, tinh cần, khích lệ và kiên trì tâm, chánh đoạn. Đó là, nếu muốn đoạn trừ vô minh nên tu Bốn chánh đoạn. Cũng vậy, số đoạn, giải thoát, quá độ, bạt tuyệt, diệt, chỉ, tổng tri và biệt tri [128].

“Nếu muốn biệt tri vô minh nên tu bốn chánh đoạn. Thế nào gọi là muốn biệt tri vô minh nên tu bốn chánh đoạn? Nếu khi Như Lai xuất thế, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Thế Tôn; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, đối với pháp ác bất thiện đã sanh, vì muốn đoạn trừ cho nên phát khởi dục tâm, tìm cầu phương tiện, tinh cần, khích lệ, và kiên trì tâm, chánh đoạn. Đối với pháp ác bất thiện chưa sanh, vì muốn không sanh, cho nên phát khởi dục tâm, tìm cầu phương tiện, tinh cần, khích lệ và kiên trì tâm, chánh đoạn. Đối với pháp thiện chưa sanh, vì muốn sanh khởi, cho nên phát khởi dục tâm, tìm cầu phương tiện, tinh cần, khích lệ và kiên trì tâm, chánh đoạn. Đối với pháp thiện đã sanh, vì muốn kiên cố, không vong thất, không suy thối, tăng trưởng, quảng đại, tu tập viên mãn, cho nên phát khởi dục tâm, tìm cầu phương tiện, tinh cầu khích lệ, và kiên trì tâm, chánh đoạn. Đó là nếu muốn biệt tri vô minh nên tu Bốn chánh đoạn.

“Nếu muốn đoạn trừ vô minh nên tu bốn như ý túc. Thế nào gọi là muốn đoạn trừ vô minh nên tu bốn như ý túc? Nếu khi Như Lai xuất thế, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Thế Tôn; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, tu dục định như ý túc thành tựu đoạn hành [129], y viễn ly, y vô dục, y dục tận, thú hướng phi phẩm. Cũng vậy tu tinh tấn định, tâm định, tư duy định ý túc thành tựu đoạn hành, y viễn ly, y vô dục, y diệt tận thú hướng phi phẩm. Đó là nếu muốn đoạn trừ vô minh, nên tu Bốn như ý túc. Cũng vậy, số đoạn, giải thoát, quá độ, bạt tuyệt, diệt, chỉ, tổng tri và biệt tri.

Nếu muốn biệt tri vô minh nên tu bốn như ý túc. Thế nào gọi là muốn biệt tri vô minh nên tu bốn như ý túc? Nếu khi Như Lai xuất thế, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, [806b] Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Thế Tôn; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm ô uế, tuệ yếu kém, tu dục định như ý túc, thành tựu đoạn hành, y viễn ly, y vô dục, y diệt tận, thú hướng phi phẩm. Cũng vậy, tu tinh tấn định, tâm định, tư duy định như ý túc, thành tựu đoạn hành, y viễn ly, y vô dục, y diệt tận, thú hướng phi phẩm. Đó là nếu muốn biệt tri vô minh nên tu Bốn như ý túc.

“Nếu muốn đoạn trừ vô minh, nên tu tứ thiền. Thế nào gọi là muốn đoạn trừ vô minh nên tu tứ thiền? Nếu khi Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Thế Tôn; vị ấy đoạn trừ, cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, ly dục, ly ác bất thiện, cho đến chứng đắc đệ Tứ thiền, thành tựu an trụ. Đó là, nếu muốn đoạn trừ vô minh nên tu tứ thiền. Cũng vậy, số đoạn, giải thoát, quá độ, bạt tuyệt, diệt, chỉ, tổng tri và biệt tri.

“Nếu muốn biệt tri vô minh nên tu tứ thiền. Thế nào là muốn biệt tri vô minh nên tu tứ thiền? Nếu khi Như Lai xuất thế, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm cho tâm ô uế, tuệ yếu kém, ly dục, ly pháp ác bất thiện, cho đến chứng đắc đệ Tứ thiền, thành tựu an trụ. Đó là nếu muốn biệt tri vô minh nên tu tứ thiền.

“Nếu muốn đoạn trừ vô minh nên tu năm căn. Thế nào gọi là muốn đoạn trừ vô minh nên tu năm căn? Nếu khi Như Lai xuất thế, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, tu tín, tinh tấn, niệm, định, tuệ căn. Đó là nếu muốn đoạn trừ vô minh nên tu năm căn. Cũng vậy, số đoạn, giải thoát, quá độ, bạt tuyệt, diệt, chỉ, tổng tri và biệt tri.

“Nếu muốn biệt tri vô minh nên tu năm căn. Thế nào gọi là nếu muốn biệt tri vô minh nên tu năm căn? Nếu khi Như Lai xuất thế, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm ô uế, tuệ yếu kém, tu tín, tinh tấn, niệm, định, tuệ căn. Đó là nếu muốn [806c] biệt tri vô minh nên tu năm căn.

“Nếu muốn đoạn trừ vô minh nên tu năm lực. Thế nào gọi là muốn đoạn trừ vô minh nên tu năm lực? Nếu khi Như Lai xuất thế, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Thế Tôn; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm ô uế, tuệ yếu kém, tu tín, tinh tấn, niệm, định, tuệ lực. Đó là nếu muốn đoạn trừ vô minh nên tu năm lực. Cũng vậy, số đoạn, giải thoát, quá độ, bạt tuyệt, diệt, chỉ, tổng tri và biệt tri.

“Nếu muốn biệt tri vô minh nên tu năm lực. Thế nào gọi là nếu muốn biệt tri vô minh nên tu năm lực? Nếu khi Như Lai xuất thế, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, tu tín, tinh tấn, niệm, định, tuệ lực. Đó là nếu muốn biệt tri vô minh nên tu năm lực.

“Nếu muốn đoạn trừ vô minh nên tu bảy giác chi. Thế nào gọi là nếu muốn đoạn trừ vô minh nên tu bảy giác chi? Nếu khi Như Lai xuất thế, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, tu niệm giác chi, y viễn ly, y vô dục, y diệt tận, thú hướng phi phẩm. Cũng vậy, tu pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, định, tu xả giác chi, y viễn ly, y vô dục, y diệt tận, thú hướng phi phẩm. Đó là nếu muốn đoạn trừ vô minh nên tu bảy giác chi. Cũng vậy, số đoạn, giải thoát, quá độ, bạt tuyệt, diệt, chỉ, tổng tri và biệt tri.

“Nếu muốn biệt tri vô minh nên tu bảy giác chi. Thế nào gọi là nếu muốn biệt tri vô minh nên tu Bảy giác chi? Nếu khi Như Lai xuất thế, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, tu niệm giác chi, y viễn ly, y vô dục, y diệt tận, thú hướng phi phẩm. Cũng vậy, tu pháp, tinh tấn, khinh an, hỷ, định. Tu xả giác chi, y viễn ly, y vô dục, y diệt tận, thú hướng phi phẩm. Đó là nếu muốn biệt tri vô minh nên tu bảy giác chi.

“Nếu muốn đoạn trừ vô minh nên tu Thánh đạo tám chi. [807a] Thế nào gọi là nếu muốn đoạn trừ vô minh nên tu Thánh đạo tám chi? Nếu khi Như Lai xuất thế, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái những thứ làm ô uế, tuệ yếu kém, tu chánh kiến cho đến chánh định. Đó là nếu muốn đoạn trừ vô minh nên tu Thánh đạo tám chi. Cũng vậy, số đoạn, giải thoát, quá độ, bạt tuyệt, diệt, chỉ, tổng tri và biệt tri.

“Nếu muốn biệt tri vô minh nên tu Thánh đạo tám chi. Thế nào gọi là nếu muốn biệt tri vô minh nên tu Thánh đạo tám chi? Nếu khi Như Lai xuất thế, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Thế Tôn; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, tu chánh kiến, cho đến tu chánh định. Đó là nếu muốn biệt tri vô minh, nên tu Thánh đạo tám chi.

“Nếu muốn đoạn trừ vô minh nên tu mười biến xứ. [130] Thế nào gọi là nếu muốn đoạn trừ vô minh nên tu mười biến xứ? Nếu khi Như Lai xuất thế, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Thế Tôn; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, tu thứ nhất địa biến xứ, bốn duy, trên dưới là không hai, là vô lượng; tu thủy biến xứ, hỏa biến xứ, phong biến xứ, thanh biến xứ, hoàng biến xứ, xích biến xứ, bạch biến xứ, không vô biên xứ biến xứ, tu biến xứ thứ mười là  thức vô biên, bốn duy, trên dưới là không hai, là vô lượng. Đó là nếu muốn đoạn trừ vô minh, nên tu mười biến xứ. Cũng vậy, số đoạn, giải thoát, quá độ, bạt tuyệt, diệt, chỉ, tổng tri và biệt tri.

“Nếu muốn biệt tri vô minh nên tu mười biến xứ. Thế nào gọi là nếu muốn biệt tri vô minh nên tu mười biến xứ? Nếu khi Như Lai xuất thế, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Thế Tôn; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém; tu thứ nhất, địa biến xứ, bốn duy, trên dưới là không hai, là vô lượng. Cũng vậy tu thủy biến xứ, hỏa biến xứ, phong biến xứ, thanh biến xứ, hoàng biến xứ, xích biến xứ, [807b] bạch biến xứ, không vô biên biến xứ; tu biến xứ thứ mười thức vô biên xứ, bốn duy trên dưới, là không hai, là vô lượng. Đó là nếu muốn biệt tri vô minh nên tu mười biến xứ.

“Muốn đoạn trừ vô minh nên tu mười pháp vô học. Thế nào gọi là nếu muốn đoạn trừ vô minh nên tu mười pháp vô học? Nếu khi Như Lai xuất thế, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Thế Tôn; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém; tu vô học chánh kiến cho đến tu vô học chánh trí. Đó là nếu muốn đoạn trừ vô minh nên tu mười pháp vô học. Cũng vậy, số đoạn, giải thoát, quá độ, bạt tuyệt, diệt, chỉ, tổng tri và biệt tri.

“Nếu muốn biệt tri vô minh nên tu Mười pháp vô học.

“Thế nào gọi là nếu muốn biệt tri vô minh nên tu mười pháp vô học? Nếu khi Như Lai xuất thế, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Thế Tôn; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém; tu vô học chánh kiến cho đến tu vô học chánh trí. Đó là nếu muốn biệt tri vô minh nên tu Mười pháp vô học.

“Như vô minh, hành cũng vậy. Như hành, thức cũng vậy. Như thức, danh sắc cũng vậy. Như danh sắc, sáu xứ cũng như vậy. Như sáu xứ, xúc cũng như vậy. Như xúc, thọ cũng như vậy. Như thọ, ái cũng như vậy. Như ái, thủ cũng như vậy. Như thủ, hữu cũng như vậy. Như hữu, sanh cũng như vậy.

“Nếu đoạn trừ già-chết, nên tu bốn niệm xứ. Thế nào gọi là nếu muốn đoạn trừ già-chết nên tu bốn niệm xứ? Nếu khi Như Lai xuất thế, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém; quán thân trên nội thân, cho đến quán thọ, tâm, pháp như pháp. Đó là nếu muốn đoạn trừ vô minh nên tu bốn niệm xứ. Cũng vậy, số đoạn, giải thoát, quá độ, bạt tuyệt, diệt, chỉ, tổng tri và biệt tri.

“Nếu muốn biệt tri già-chết nên tu bốn niệm xứ. Thế nào gọi là nếu muốn biệt trừ già-chết nên tu bốn niệm xứ? Nếu khi Như Lai xuất thế, [807c] Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Thế Tôn; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém; quán thân trên nội thân, cho đến quán thọ, tâm, pháp như pháp. Đó là nếu muốn biệt tri già-chết nên tu bốn niệm xứ.

“Nếu muốn đoạn trừ già-chết nên tu bốn chánh đoạn. Thế nào gọi là nếu muốn đoạn trừ già-chết nên tu bốn chánh đoạn? Nếu khi Như Lai xuất thế, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Thế Tôn; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém; đối với pháp ác bất thiện đã sanh, vì muốn đoạn trừ cho nên phát khởi dục tâm, tìm cầu phương tiện, tinh cần, khích lệ, và kiên trì tâm chánh đoạn. Đối với pháp ác bất thiện chưa sanh, vì muốn không sanh cho nên phát khởi dục tâm, tìm cầu phương tiện, tinh cần, khích lệ, và kiên trì tâm, chánh đoạn. Đối với pháp thiện chưa sanh, vì muốn sanh khởi, cho nên phát khởi dục tâm, tìm cầu phương tiện, tinh cần, khích lệ và kiên trì tâm, chánh đoạn. Đối với pháp thiện đã sanh, vì muốn kiên cố, không vong thất, không suy thối, tăng trưởng, quảng đại, tu tập viên mãn, cho nên phát khởi dục tâm, tìm cầu phương tiện, tinh cần khích lệ, và kiên trì tâm, chánh đoạn. Đó là nếu đoạn trừ già-chết nên tu bốn chánh đoạn. Cũng vậy, số đoạn, giải thoát, quá độ, bạt tuyệt, diệt, chỉ, tổng tri và biệt tri.

“Nếu muốn biệt tri già-chết nên tu bốn chánh đoạn. Thế nào gọi là nếu muốn biệt tri già-chết nên tu bốn chánh đoạn? Nếu khi Như Lai xuất thế, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Thế Tôn; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, đối với pháp ác bất thiện đã sanh, vì muốn đoạn trừ cho nên phát khởi dục tâm, tìm cầu phương tiện, tinh cần, khích lệ và kiên trì tâm, chánh đoạn. Đối với pháp ác bất thiện chưa sanh, vì muốn không sanh, cho nên phát khởi dục tâm, tìm cầu phương tiện, tinh cần, khích lệ và kiên trì tâm, chánh đoạn. Đối với pháp thiện chưa sanh, vì muốn sanh khởi, cho nên phát khởi dục tâm, tìm cầu phương tiện, tinh cần, khích lệ và kiên trì tâm, chánh đoạn. Đối với pháp thiện đã sanh, vì muốn kiên cố, không vong thất, không suy thối, tăng trưởng, quảng đại, tu tập viên mãn, cho nên phát khởi dục tâm, tìm cầu phương tiện, tinh cần, khích lệ và kiên trì tâm, chánh đoạn. Đó là nếu muốn biệt tri già-chết nên tu bốn chánh đoạn.

“Nếu muốn đoạn trừ già-chết nên tu bốn như ý túc. Thế nào gọi là nếu muốn đoạn trừ già-chết nên tu Bốn như ý túc? Nếu khi Như Lai xuất thế, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Thế Tôn; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, [808a] những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém; tu học dục định như ý túc, thành tựu đoạn hành, y viễn ly, y vô dục, y diệt tận thú hướng phi phẩm. Cũng vậy, tu tinh tấn định, tâm định, tư duy định như ý túc thành tựu đoạn hành, y viễn ly, y vô dục, y diệt tận, thú hướng phi phẩm. Đó là nếu muốn đoạn trừ già-chết nên tu Bốn như ý túc. Cũng vậy, số đoạn, giải thoát, quá độ, bạt tuyệt, diệt, chỉ, tổng tri và biệt tri.

“Nếu muốn biệt tri già-chết nên tu bốn như ý túc. Thế nào gọi là muốn biệt tri già-chết nên tu Bốn như ý túc? Nếu khi Như Lai xuất thế, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Thế Tôn; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, tu dục định như ý túc, thành tựu đoạn hành, y trên vô dục, y trên diệt tận, thú hướng phi phẩm; cũng vậy, tu tinh tấn định, tâm định, tu tư duy định, như ý túc, thành tựu đoạn hành, y viễn ly, y vô dục, y diệt tận, thú hướng phi phẩm. Đó là nếu muốn biệt tri già-chết nên tu bốn như ý túc.

“Nếu muốn đoạn trừ già-chết nên tu tứ thiền. Thế nào gọi là nếu muốn đoạn trừ già-chết nên tu tứ thiền? Nếu khi Như Lai xuất thế, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Thế Tôn; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, ly dục, ly bất thiện pháp cho đến chứng đắc đệ tứ thiền, thành tựu an trụ. Cũng vậy, số đoạn, giải thoát, quá độ, bạt tuyệt, diệt, chỉ, tổng tri và biệt tri.

“Nếu muốn biệt tri già-chết nên tu tứ thiền. Thế nào gọi là nếu muốn biệt tri già-chết nên tu tứ thiền? Nếu khi Như Lai xuất thế, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Thế Tôn; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, ly dục, ly pháp ác bất thiện, cho đến chứng đắc đệ Tứ thiền, thành tựu an trụ. Đó là nếu muốn biệt tri già-chết nên tu tứ thiền.

“Nếu muốn đoạn trừ già-chết nên tu năm căn. Thế nào gọi là nếu muốn đoạn trừ già-chết nên tu Năm căn? Nếu khi Như Lai xuất thế, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, [808b] Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Thế Tôn; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, tu tín, tinh tấn, niệm, định, tuệ căn. Đó là nếu muốn đoạn trừ già-chết nên tu Năm căn. Cũng vậy, số đoạn, giải thoát, quá độ, bạt tuyệt, diệt, chỉ, tổng tri và biệt tri.

“Nếu muốn biệt tri già-chết nên tu năm căn? Thế nào gọi là nếu muốn biệt tri già-chết nên tu năm căn? Nếu khi Như Lai xuất thế, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Thế Tôn; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, tu tín, tinh tấn, niệm, định, tuệ căn. Đó là nếu muốn biệt tri già-chết nên tu năm căn.

“Nếu muốn đoạn trừ già-chết nên tu năm lực. Thế nào gọi là nếu muốn đoạn trừ già-chết nên tu Năm lực? Nếu khi Như Lai xuất thế, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Thế Tôn; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, tu tín lực, tinh tấn, niệm, định, tuệ lực. Cũng vậy, số đoạn, giải thoát, quá độ, bạt tuyệt, diệt, chỉ, tổng tri và biệt tri.

“Nếu muốn biệt tri già-chết nên tu năm lực. Thế nào gọi là nếu muốn biệt tri già-chết nên tu năm lực? Nếu khi Như Lai xuất thế, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Thế Tôn; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém; tu tín, tinh tấn, niệm, định, tuệ lực. Đó là nếu muốn biệt tri già-chết nên tu năm lực.

“Nếu muốn đoạn trừ già-chết nên tu bảy giác chi. Thế nào gọi là nếu muốn đoạn trừ già-chết nên tu bảy giác chi? Nếu khi Như Lai xuất thế, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Thế Tôn; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, tu niệm giác chi, y viễn ly, y vô dục, y diệt tận, thú hướng phi phẩm. Đó là nếu muốn đoạn trừ già-chết, nên tu Bảy giác chi. Cũng vậy, số đoạn, giải thoát, quá độ, bạt tuyệt, diệt, chỉ, tổng tri và biệt tri.

“Nếu muốn [808c] biệt tri già-chết nên tu bảy giác chi. Thế nào gọi là nếu muốn biệt tri già-chết nên tu bảy giác chi? Nếu khi Như Lai xuất thế, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Thế Tôn; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, tu niệm giác chi, y viễn ly, y vô dục, y diệt tận, thú hướng phi phẩm. Cũng vậy, tu pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, định. Tu xả giác chi, y trên viễn ly, y trên diệt tận, y trên vô dục, thú hướng phi phẩm. Đó là nếu muốn biệt tri già-chết nên tu bảy giác chi.

“Nếu muốn đoạn trừ già-chết nên tu Thánh đạo tám chi. Thế nào gọi là nếu muốn đoạn trừ già-chết nên tu Thánh đạo tám chi? Nếu khi Như Lai xuất thế, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Thế Tôn; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém; tu chánh kiến, cho đến chánh định. Đó là nếu muốn đoạn trừ già-chết nên tu Thánh đạo tám chi. Cũng vậy, số đoạn, giải thoát, quá độ, bạt tuyệt, diệt, chỉ, tổng tri và biệt tri.

“Nếu muốn biệt tri già-chết nên tu Thánh đạo tám chi. Thế nào gọi là nếu muốn biệt tri già-chết nên tu Thánh đạo tám chi? Nếu khi Như Lai xuất thế, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Thế Tôn; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém; tu chánh kiến cho đến chánh định. Đó là nếu muốn biệt tri già-chết nên tu Thánh đạo tám chi.

“Nếu muốn đoạn trừ già-chết nên tu mười biến xứ. Thế nào gọi là nếu muốn đoạn trừ già-chết nên tu mười biến xứ? Nếu khi Như Lai xuất thế, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Thế Tôn; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém; tu thứ nhất, địa biến xứ, bốn duy, trên dưới là không hai, là vô lượng. Tu thủy biến xứ, hỏa biến xứ, phong biến xứ, thanh biến xứ, hoàng biến xứ, xích biến xứ, bạch biến xứ, không vô biên xứ biến xứ, tu thứ mười thức vô biên xứ biến xứ, bốn duy trên dưới, là không hai, là vô lượng. Đó là muốn đoạn trừ già-chết nên tu [809a] mười biến xứ. Cũng vậy, số đoạn, giải thoát, quá độ, bạt tuyệt, diệt, chỉ, tổng tri và biệt tri.

“Nếu muốn biệt tri già-chết nên tu mười biến xứ. Thế nào gọi là nếu muốn biệt tri già-chết nên tu mười biến xứ? Nếu khi Như Lai xuất thế, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Thế Tôn; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém; tu thứ nhất, địa biến xứ, bốn duy, trên dưới là không hai, là vô lượng. Cũng vậy, tu thủy biến xứ, hỏa biến xứ, phong biến xứ, thanh biến xứ, hoàng biến xứ, xích biến xứ, bạch biến xứ, không vô biên xứ biến xứ, tu thứ mười thức vô biên xứ biến xứ, bốn duy, trên dưới, là không hai, là vô lượng. Đó là nếu muốn biệt tri vô minh nên tu mười biến xứ.

“Nếu muốn đoạn trừ già-chết nên tu mười pháp vô học. Thế nào gọi là nếu muốn đoạn trừ già-chết nên tu mười pháp vô học? Nếu khi Như Lai xuất thế, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Thế Tôn; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, tu vô học chánh kiến cho đến tu vô học chánh trí. Đó là nếu muốn đoạn trừ già-chết nên tu mười pháp vô học. Cũng vậy, số đoạn, giải thoát, quá độ, bạt tuyệt, diệt, chỉ, tổng tri và biệt tri.

“Nếu muốn biệt tri già-chết nên tu mười pháp vô học. Thế nào gọi là nếu muốn biệt tri già-chết nên tu mười pháp vô học? Nếu khi Như Lai xuất thế, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Thế Tôn; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém; tu vô học chánh kiến cho đến tu vô học chánh trí. Đó là nếu muốn biệt tri già-chết nên tu mười pháp vô học.”

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành. [131]

 


 [1] Uất-đầu-tùy-nhã 鬱頭隨若. Pāli: Ujuññā, một quận lỵ tại xứ Kosala. Phổ cức thích 普棘刺; Pāli: Kaṇṇakatthala, là vườn Nai trong quận này.

 [2] Câu-tát-la vương Ba-tư-nặc 拘薩羅王波斯匿. Pāli: Kosala-rājan Pasenadi.

 [3] Hiền, Nguyệt 賢月. Pāli: Sakulā và Somā. Cả hai chị em đều là vợ của vua Pasenadi (Ba-tư-nặc), cũng là hai vị đệ tử nhiệt thành của Phật.

 [4] Tì-lưu-la 鞞留羅: Tì-lưu-li. Pāli: Viḍūḍabha, con trai của Pasenadi.

 [5] Tưởng Niên Thiếu Cát Tường Tử 想年少吉祥子, Pāli: Sañjaya-Ākāsagotta, tên một người Bà-la-môn, Đại thần của vua Ba-tư-nặc.

 [6] Nhất thời 一 時; Pāli: sakideva, trong một thời, một lúc, hay một lần; ngay trong một sát-na.

 [7] Sở thuyết như sư 所說如師, không rõ cách nói này. Cf M 90: heturūpaṃ bhante bhagavā āha, saheturūpaṃ... āha, Thế Tôn nói có nguyên nhân, liên hệ đến nguyên nhân. Không hiểu do liên hệ âm vận như thế nào, bản Hán hiểu heturūpaṃ là “như sư”. Nếu dịch sát, có thể “như nhân” nghĩa là, có hình thức luận lý.

 [8] Ngũ đoạn chi 五斷支. Tập dị 13 (No.1536, tr.422b15): ngũ thắng chi 五勝支. Pāli: pañca padhāniyanngāni. Tập dị. ibid: đẳng thục phúc 等熟腹.

 [9] Đẳng thực đạo 等食道. Pāli: samavepākiniyā.

 [10] Hán: hằng tự khởi ý 恆自起意.

 [11] Đoạn hành 斷行. Pāli: padhāna, sự tinh cần hay chuyên cần.

 [12] Cuống, siểm. Pāli: saṭha, māyāvin, giảo hoạt và lừa dối.

 [13] Hán: tứ ngự 四御. Bốn điều ngự, hay bốn trường hợp huấn luyện, xem kinh 198 trên. Một ít chi tiết trong kinh trước và kinh này không thống nhất trong bản Hán.

 [14] Nguyên bản Hán dư một từ bất. Đây theo nội dung đoạn tiếp mà lược bỏ.

 [15] Điều địa, ngự địa 調地御地. Pāli: dantabhūmi, địa vị (của con vật) đã được huấn luyện.

 [16] Thọ ngự sự 受御事. Pāli: dantākaraṇaṃ gaccheyyuṃ, có thể làm công việc (của con vật) đã được huấn luyện.

 [17] Đoạn bởi tín: nên hiểu là được cần hành với tín tâm.

 [18] Rõ ràng đây nên hiểu là cần hành đúng hơn là đoạn.

 [19] Đoạn 斷; Pāli: sammappadhāna, chánh cần, hay chân chánh tinh cần.

 [20] M 90: na kiñci nānākaraṇaṃ vādāmi yadidṃ vimuttiyā vimuttiṃ, Ta nói không có hành tướng sai biệt nào, tức là giải thoát này đối với giải thoát kia.

 [21] Bát-đầu-ma 鈢 頭 摩, thường Pāli tương đương là paduma (hoa sen đỏ), nhưng ở đây, M 90: udumbarakaṭṭha, cũi bằng gỗ cây udumbaraka, tức cây sung. Bả Hán có thể nhầm, vì cọng sen hay cọng súng thì không dùi để lấy lửa được.

 [22] Hữu tránh 有 諍, có tranh cãi hay tranh chấp. Pāli: savyāpajjhā, có não hại, sân hận.

 [23] M 90, đây là câu trả lời của Phật. Có lẽ bản Hán sót một đoạn câu hỏi của Ba-tư-năc, M 90: yadi vā te devā āgantatāro itthaṃ yadi vā anāgantāro itthaṃ, “các chư thiên ấy có đến cõi này hay không?”

 [24] M 90, hỏi đáp, như trường hợp về chư thiên trên.

 [25] Di-lũ-ly 彌婁離. Pāli: Medaḷumpa.

 [26] Trường Tác 長作. Pāli: Dīghakāryāṇa, viên đại tướng tổng chỉ huy của vua Pasenadi.

 [27] Ấp danh thành 邑 名 成. Pāli: Naṅgaraka.

 [28] Câu-lũ-xá 拘婁舍, hay câu-lô-xá, số đo dài năm trăm cung, hay khoảng cách tiếng rống của một con bò. M 89: cách ba yojana (do-tuần).

 [29] Pháp tĩnh 法 靖 (bản Tống: 靜); Pāli: dhammanvaya, tổng tướng của pháp, loại cú của pháp, mục đích thứ tự của pháp. Đây chỉ sự suy diễn dựa trên những chứng nghiệm thực tế.

 [30] Pāli: svākkhato bhagavato dhammo suppaṭipanno sāvakasaṅgho, Pháp được Thế Tôn khéo thuyết, Tăng đệ tử của Thế Tôn khéo thực hành.

 [31] Đô tọa 都坐. Pāli: atthakaraṇa, công đường, pháp đình, chỗ xử kiện.

 [32] Bạch pháo 白 皰.

 [33] Bạch bệnh 白病. Pāli: bandhukarogo, bệnh truyền nhiễm, (bệnh hoàng đản hay hoàng đậu?).

 [34] Vô vi vô cầu 無 為 無 求. Pāli: appossukka pannaloma, thoải mái vô tư.

 [35] Hộ tha thê, thực như lộc護他妻食如鹿: paradavutte migabhūtena (...) sống do sự hỗ trợ của người khác, (...) như loài nai.

 [36] Tăng thượng tâm, hiện pháp lạc trụ: chỉ cho sự chứng đắc bốn tĩnh lự.

 [37] Tiên Dư, Túc Cựu 仙餘宿舊. Pāli: Isidatta, Purāṇa.

 [38] Pháp trang nghiêm 法莊嚴. Pāli: dhammacetiya, linh miếu Pháp, tháp thờ phụng Chánh pháp.

 [39] Tùng Xá-vệ xuất. Nói là ra khỏi, vì Đông viên (Pubbārāma) ở bên ngoài cửa đông của thành Xá-vệ.

 [40] Nhất-bôn-đà-lị 一奔陀利. Pāli: Ekapuṇdarīka, (Nhất bạch Liên hoa), được gọi như vậy, vì hai bên hông nó có những đốm trắng hình hoa sen trắng.

 [41] Thi-lị-a-trà 尸利阿茶. Pāli: Sirivaddha.

 [42] A-di-la-bà-đề (Pāli: aciravatī), từ trên lầu của vua Pasenadi có thể nhìn thấy con sông này.

 [43] M 88: yvāssa kāyasamācāro opārambho samaṇrhi brāhmaṇehi, “thân hành mà các sa-môn, bà-la-môn chỉ trích.”

 [44] M 88: những thân hành có hại (savyāpajjha).

 [45] Hán: sanh sắc bảo 生 色 寶. Pāli: jātarūpa.

 [46] Bệ-ha-đề 鞞訶提; “dịch là chủng chủng thê, cũng nói là lụa”. (Phiên Phạn Ngữ 10, No.2130, tr.1051b). Pāli: bāhitikā, áo choàng, áo khoác ngoài.

 [47] Bản Pāli nói, cuộn vải do vua Ajātasattu gởi tặng. Văn bản Hán có thể sót, vì câu nói không đủ nghĩa.

 [48] Kiếp-bối, xem cth.15, kinh 61.

 [49] Tiệm học, xá-la, xá-la-ma-ni-ly 漸學, 舍羅, 舍羅摩尼離, có lẽ phổ thông nói là Thức-xoa-ma-na, Sa-di và Sa-di-ni. M 88: sabrahmacārīhi saṃbhajissati, được phân chia cho các vị đồng phạm hạnh.

 [50] Thiên thế giới 千世界. Pāli: sahassadhā-loka = sahassīlokadhātu.

 [51] Phất-vu-đãi 弗于逮, hay châu Đông thắng thân. Pāli: Pubbavideha.

 [52] Diêm-phù châu 閻浮洲. Pāli: Jambudīpa.

 [53] Câu-đà-ni châu 拘陀尼洲. Pāli: Godānīya. Hoặc nói: Aparagoyāna.

 [54] Uất-đan-việt châu 鬱單越洲. Pāli: Uttarkuru.

 [55] Tu di sơn 須彌山. Pāli: Sinerupabbata.

 [56] Tứ thiên vương tử 四天王 . Pāli: Cātummahārājikā.

 [57] Tam thập tam thiên 三十三天 hay Đao-lợi thiên. Pāli: Tāvatiṃsa.

 [58] Thích Thiên Nhân-đà-la 釋天因陀羅, tức Thiên Đế Thích. Pāli: Sakka devanam inda.

 [59] Diệm-ma thiên 焰 摩 天. Pāli: Yāma.

 [60] Bản Thánh không có. Bản Pāli cũng không có.

 [61] Đâu-suất-đa 兜 率 哆 天. Pāli: Tusita.

 [62] Hóa lạc thiên 化 樂 天. Pāli: Nimmānaratā.

 [63] Thiện hóa lạc thiên tử. Bản Pāli không kể.

 [64] Tha hóa lạc thiên 他 化 樂 天. Pāli: Paranimmitavasavattī.

 [65] Tự tại thiên tử 自 在 天 子. Bản Pāli không kể.

 [66] Phạm thế giới 梵 世 界. Pāli: Brahmaloka.

 [67] Bản Pāli chỉ nói gọn: Mahābrahmā tattha aggam akkhāyati, ở đây Đại Phạm thiên được coi là cao nhất.

 [68] Hoảng dục thiên hay Quang âm thiên, Cực quang thiên; xem cth.8, kinh 8 trên.

 [69] Ý sanh 意 生. Pāli: manomayā.

 [70] Hỷ thực 喜食. Pāli: pītibhakkhā.

 [71] Tứ tưởng 四想. Xem Tập dị 6. (No.1536, tr.392a-b).

 [72] Chỉ các chúng sanh trên cõi Vô sở hữu xứ.

 [73] Bát trừ xứ 八除處; nhưng thường nói Bát thắng xứ 八勝處, Pāli, aṭṭha abhibhāyatanāni (xem Tập dị 19, No. 1536, tr.445b và tt).

 [74] Nguyên Hán: trừ dĩ tri, trừ dĩ kiến 除已知除已見. Tập dị ibid.: thắng tri thắng kiến (thấy siêu việt và biết siêu việt), và giải thích: đã đoạn trừ và siêu việt lục tham mà có thắng tri thắng kiến.

 [75] Thanh thủy hoa 青水華. Tập dị: ô-mạt-ca hoa 烏莫迦花, umāpuppha, hoa hồ tô (?).

 [76] Tần-đầu-ca-la 頻頭歌羅. Tập di: bà-đậu-thì-phược-ca hoa 槃豆時縛迦花. Pāli: bandhujīvakapuppha, loại hồng tàu. Bản Hán này có lẽ nhầm, vì loại hoa này màu đỏ, Tập dị và bản A 10.29 (v. 62) đều nói hoa này trong thắng xứ màu đỏ.

 [77] Gia-ni-ca-la 加尼歌羅華. Pl.: kaṇikārapupphaṃ.

 [78] Thái bạch 太白. Tập dị: Ô-sa-tư tinh 烏沙斯星. Pl.: osadhitārakā.

 [79] Thập nhất thiết xứ 十 一 切 處 hay biến xứ. Pāli: dasa kasiṇāyatanāni.

 [80] Ngã vô, ngã bất hữu 我無我不有, A 10. 29, trường hợp này được gọi là: Ngoại y kiến xứ (bāhirakānaṃ diṭṭhigātaṃ), y xứ của kiến chấp ngoại đạo: no cassaṃ, no ca me siyā, na bhavissāmi, na me bhavissati, “Tôi đã không hiện hữu, có thể không có cái của tôi; tôi sẽ không hiện hữu, sẽ không có cái của tôi.”

 [81] Đệ nhất ngoại y kiến xứ, tối ý kiến xứ; tối thượng ngoại kiến xứ, hay nói rõ hơn: “Đây là tối thượng đối với quan điểm ngoại đạo” và kiến xứ cao nhất ở đây được coi như là đạt đến hữu ngã. Pl.: etadaggaṃ bāhirakānaṃ diṭṭhigatānaṃ; xem cht. 32 trên.

 [82] Trong bản Hán này, kiến xứ, hay quan điểm, cao nhất của ngoại đạo là đạt đến bốn vô sắc xứ, khác với Pāli coi bốn vô sắc xứ này là thi thiết thanh tịnh đệ nhất nghĩa.

 [83] Ư hiện pháp trung, tối thi thiết Niết-bàn 於現法中最施設涅槃. Pāli: aggam paramadiṭṭhadhammanibbānam paññāpentānaṃ.

 [84] Nguyên Hán: lục cánh lạc xứ 六更樂處.

 [85] Hán: đoạn 斷: thông hành. Pāli: catasso paṭipadā.

 [86] Tập đị, Pháp uuẩn: lạc trì thông hành.

 [87] Đặc tính của bốn tĩnh lự là hiện pháp lạc trú, và do đây mà tiến đến chứng đắc bốn Thánh quả, hoặc nhanh hoặc chậm. (Xem giải thích Pháp uẩn 3, No.1537, tr.465).

 [88] Từ đây trở xuống dịch theo phần hiệu đính cuối kinh (800c1-14), trong nguyên văn để bản không có, nhưng đã có giải thích “sự đoạn mà lạc chậm” hay lạc trì thông hành, thì ba thông hành kia tất nhiên cũng được giải thích. Bản Pāli chỉ nêu danh số, không có giải thích.

 [89] Tức khổ trì thông hành theo Tập dị. Giải thích của Pháp uẩn ibid.: coi ngũ uẩn như là sự lăng nhục, thương tổn, bức thiết như gánh nặng, căn cứ trên đó mà quán sát nhàm tởm. Như vậy gọi là Khổ (...) thông hành (lược trích).

 [90] Đoạn, nói là thông hành, hay nói là đạođạo tích đều cùng một nghĩa và cùng một nguồn gốc, cùng tương đương Pāli: paṭipadā.

 [91] Nên hiểu là: “Ta nói như vậy, giảng dạy như vậy”.

 [92] Nghĩalà, sau khi chết không còn tái sanh.

 [93] A 10. 29 (v. 64): “Sa-môn Cù-đàm không giảng giải sự biến tri về dục, (...) về sắc, (...) về thọ”.

 [94] Chỉ A-la-hán không còn  tái sanh.

 [95] Đoạn kết luận trên đây gần với bản Pàli, với một ít khác biệt (xem cth.43 trên), nhưng hoàn toàn khác nguyên văn trong để bản. Nguyên văn đó như vầy: (xem đoạn Lạc trì thông hành, và một câu lỡ dỡ về lạc tốc thông hành, từ chỗ có dấu hoa thị): “Nếu có người đoạn lạc dục. Hoặc có người tập pháp này không bao giờ thấy chán. Hoặc có người tập uống rượu không bao giờ thấy chán. Hoặc có người tập sự ngủ nghỉ không bao giờ thấy chán. Này Tỳ-kheo, đó là nói hoặc có người tập ba pháp này không bao giờ thấy chán, và cũng không thể đi đến chỗ diệt tận. Cho nên, các Tỳ-kheo hay thường xả ly ba pháp này, không thân cận chúng. Như vậy, các Tỳ-kheo hãy học như vậy.

 [96] Bản Hán, hết quyển 59. Cuối quyển 59, có bài kệ, không thấy có liên hệ gì đến các Kinh trước: 供養三善根 三痛三覆露相法三不覺 愛敬無厭足 “Cúng dương, ba thiện căn, Ba thống, ba phú lộ, Tướng pháp, ba bất giác, Ái kính, không yểm t.úc.”

 [97] M 87: piyajātikā sokaparideva…upāyāsā, sầu bi … phát sanh từ luyến ái.

 [98] Mạt-lỵ 未 利. Pāli: Mallikā.

 [99] Na-lị-ương-già 那利鴦伽. No 91: Na-lê-ương-già 那梨鴦伽. M 87: Nālijaṅgha, không phải Ba-tư-nặc đích thân sai đi, mà chính Mạt-lỵ (hình như lén?) sai đi, để được hiểu rõ vấn đề. Hai bản Hán giống nhau.

 [100] Tì-lưu-la, Pāli: Viḍūḍabha. Xem kinh 212 trên.

 [101] Thi-lị-a-trà 尸 利 阿 茶; No 91: Hiền Thủ đại tướng 賢首大將. Pāli: Sirivaḍḍha. Xem kinh 212 trên.

 [102] Nhất-bôn-đà-lị, Pāli: Ekapundirika. Xem kinh 214 trên.

 [103] Bà-di-lị đồng nữ 婆夷利童女. No 91: Bà-di-đề nữ 婆夷提女. Pāli: Vajīrī-kumāri, công chúa, con gái độc nhất của Ba-tư-nặc và Mạt-lỵ, sau được gả cho vua A-xà-thế.

 [104] Vũ Nhật Cái 雨日蓋. No 91: Bà-sa sát-đế-lị phu nhân 婆沙剎諦隸(夫人). Pāli: Vāsabhā (Khattiyā), một nữ tỳ dòng họ Thích, được giả làm con gái của Ma-ha-nam và được gả cho Pasenadi, về sau sinh Tỳ-lưu-ly (Viḍūḍabha).

 [105] Tương đương Pāli, M. 52. Aṭṭhakanāgara-suttam. Hán, biệt dịch, No.92.

 [106] Ba-la-lị Tử thành Kê viên 波羅利子城雞園; No.92: Ba-la-lê-phất-đô-lô 波羅梨弗都盧, Kê viên 雞園. M 52: Pāṭaliputta, về sau là thủ đô của Magadha; Kukktārama, khu vườn có lẽ ở Đông nam của Pāṭaliputta. Một tinh xá cùng tên ở tại Kosambī.

 [107] Đệ thập Cư sĩ Bát thành 第十居士八城; No 92: Thập Chi Cư sỹ, Bát thành nhân 十支居士八城人. M 52: Dasamo gahapati Aṭṭhaka-nāgaro, gia chủ Dasama, người thị trấn Aṭṭhaka.

 [108] Dục pháp ái pháp lạc pháp tĩnh pháp ái lạc hoan hỷ 欲法愛法樂法靜法愛樂歡喜. M 52 (i. 350): teneva dhammarāgena tāya dhammanandiyā, do sự đam mê đối với pháp, do sự vui say đối với pháp.

 [109] Tức Bốn sắc giới thiền, Bốn vô lượng tâm và Bốn vô sắc định. Bản Hán chỉ lược thuật.

 [110] Cả hai bản Hán đều thí dụ bằng ngôi nhà cháy. M 52, thí dụ một người đi tìm kho tàng.

 [111] Chiêu đề tăng 招 提 僧; dịch nghĩa là Thập phương tăng (Pl. catuddisāsaṅgha). M 52 không có chi tiết này.

 [112] Xem kinh 184, 185 trên, và nhiều kinh khác.

 [113] Thánh ái giới 聖愛戒.

 [114] No: một người tà mạng 異邪命.

 [115] Kiến 見. Pāli: diṭṭhigata, kiến thú, xu hướng của kiến chấp.

 [116] Xả trí 捨 置, chỉ những vấn đề thuộc bất khả thuyết. Xem ý nghĩa, kinh 222 ở sau. Pāli avyākāta, vô ký.

 [117] Nguyên Hán: thế hữu để, thế vô để 世有底世無底, dịch sát: “thế gian có đáy hay không có đáy”.

 [118] Nguyên Hán: Như Lai chung, bất chung 如來終不終.

 [119] Man Đồng tử 鬘童子. No 94: Ma-la-cưu-ma-la 摩羅鳩摩羅. Pl. Māluṅkya

 [120] Xem cht.3, kinh 220 trên.

 [121] Nguyên Hán: thế hữu để, thế vô để 世有底世無底, dịch sát: “thế gian có đáy hay không có đáy.” Pāli. thành cú: antavā  loko’tipi,  ‘anantavā  loko’tipi.

 [122] Nguyên Hán: Như Lai chung, bất chung 如來終不終. Pāli, thành cú: ‘na hoti tathāgato paraṃ maraṇā’tipi, ‘hoti ca na ca hoti tathāgato  paraṃ  maraṇā’tipi,

 [123] Hán: nhất hướng thuyết 一 向 說.

 [124] Chá 柘, một loại cây giống cây dâu, lá tằm ăn được.

 [125] Trong bản nói phiêu phương 飄 [防+鳥] các bản khác nói phiêu lăng, một loại chim?

 [126] Các giai đoạn tu tập tuần tự: số đoạn, giải thoát, quá độ, bạt tuyệt, diệt, chỉ tổng tri và biệt tri 數斷 解脫 過度 拔絕 滅止 總知 別知: chuyên cần, quyết ý, vượt qua, nhổ sạch, hoàn toàn tĩnh chỉ.

 [127] Tham chiếu Pháp uẩn 3 (tr.467c): khởi dục, phát cần, tinh tấn, sách tâm, trì tâm.

 [128] Bốn niệm xứ, Bốn chánh cần… đều được tu tập theo thứ tự từ tinh cần (số đoạn)... cho đên tổng tri và cối cùng là biệt tri.

 [129] Xem kinh 86 trên.

 [130] Nguyên Hán: thập nhất thiêt xứ 十一切處.

 [131] Bản Hán, hết quyển 60.