Phẩm 2: Tương ưng nghiệp

PHẨM 2:
TƯƠNG ƯNG NGHIỆP

TỤNG NGÀY THỨ NHẤT 

鹽喻和破度

羅云思伽藍

伽彌尼師子

尼乾波羅牢

 Kệ tóm tắt:

Diêm dụ, Hòa-phá, Độ,

La-hầu-la, Tư, Già-lam,

Già-di-ni, Sư tử,

Ni-kiền, Ba-la-lao.

11. KINH DIÊM DỤ

 [433a13] Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm Lâm lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo rằng:

“Nếu con người tạo nghiệp như thế nào, nó lãnh thọ nghiếp ấy như thế [1]; như vậy không có sự thực hành phạm hạnh, không thể diệt tận khổ. Nếu nói như vậy: ‘Nếu con người tạo nghiệp như thế nào, nó lãnh thọ quả báo của nó như thế [2]’; như vậy, có sự tu hành phạm hạnh, có được dự diệt tận được khổ.

(1.a) “Vì sao như vậy? Giả sử có người tạo nghiệp bất thiện, tất phải thọ quả khổ là quả báo của địa ngục [3]. Thế nào là người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả khổ là quả báo của địa ngục? Ở đây, nếu có người không tu thân, không tu giới, không tu tâm, không tu tuệ, thọ mạng rất ngắn [4]; người ấy tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả khổ là quả báo của địa ngục.

“Ví như có người đem một lạng muối bỏ vào một chút nước, muốn làm cho nước mặn không thể uống được, các ngươi nghĩ sao, một lạng muối đó có thể làm cho một ít nước mặn đi không thể uống được chăng?”

Đáp rằng:

“Đúng như vậy, bạch Thế Tôn, vì sao thế? Vì muối nhiều, nước ít, nên có thể làm cho mặn đi không thể uống được”.

“Cũng vậy, nếu có người tạo nghiệp bất thiện, tất phải thọ quả khổ là quả báo của địa ngục.

“Thế nào là có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả khổ là quả báo của địa ngục? Ở đây, có một người không tu thân, không tu giới, không tu tâm, không tu tuệ, thọ mạng rất ngắn; người ấy tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả khổ là quả báo của địa ngục.

(1.b) “Lại nữa, có [433b] người tạo nghiệp bất thiện [5], tất phải thọ quả khổ là quả báo trong đời hiện tại. Thế nào là có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả khổ là quả báo trong đời hiện tại? Ở đây, có một người tu thân, tu giới, tu tâm, tu tuệ, thọ mạng rất dài [6]; người ấy tạo nghiệp bất thiện, tất phải thọ quả khổ là quả báo trong đời hiện tại.

“Cũng như có người đem một lạng muối bỏ vào sông Hằng, muốn làm cho nước mặn không thể uống được. Các ngươi nghĩ sao? Một lạng muối đó, lại có thể làm cho nước sông Hằng mặn không thể uống được chăng?

Đáp rằng:

“Không thể được, bạch Thế Tôn, vì sao vậy? Vì nước sông Hằng rất nhiều mà một lạng muối thì quá ít, do đó không thể làm mặn đi đến không uống được”.

“Cũng vậy, có người tạo nghiệp bất thiện, tất phải thọ quả khổ là quả báo trong đời hiện tại. Thế nào là có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả khổ là quả báo trong đời hiện tại? Ở đây, có một người tu thân, tu giới, tu tâm, tu tuệ, thọ mạng rất dài; người ấy tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả khổ là quả báo trong đời hiện tại.

(2.a) “Lại nữa, có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả khổ là quả báo trong địa ngục. Thế nào là có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả khổ là quả báo trong địa ngục? Ở đây, có một người không tu thân, không tu giới, không tu tâm, không tu tuệ, thọ mạng rất ngắn; người ấy tạo nghiệp tất phải thọ quả khổ là quả báo trong địa ngục.

“Ví như một người đoạt lấy con dê của người khác. Thế nào là một người đoạt lấy con dê của người khác? Ở đây, người đoạt dê ấy, hoặc vua, hoặc quan,  là người có nhiều uy thế. Người chủ dê kia thì nghèo hèn, không thế lực. Người này vì không thế lực nên van lơn đủ thứ, chắp tay cầu xin, nói như thế này: ‘Thưa Tôn giả, xin ngài trả lại dê cho tôi. Hoặc trả tôi đúng giá tiền’. Như người đoạt dê của kẻ khác là như vậy. Cũng vậy, có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả khổ là quả báo trong địa ngục. Thế nào là có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả khổ là quả báo trong địa ngục? Ở đây, có một người không tu thân, không tu giới, không tu tâm, không tu tuệ, thọ mạng rất dài; người ấy tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả khổ là quả báo trong địa ngục.

(2.b) “Lại nữa, có người tạo nghiệp bất thiện, tất phải thọ quả khổ là quả báo ngay trong đời hiện tại. Thế nào là có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả khổ là quả báo trong đời hiện tại? Ở đây, có một người tu thân, tu giới, tu tâm, tu tuệ, thọ mạng rất dài. Đó là có người tạo nghiệp bất thiện, tất phải thọ quả khổ là quả báo trong đời hiện tại.

“Cũng như có [433c] tuy người trộm được dê của kẻ khác, nhưng chủ dê đoạt lại. Thế nào là như người trộm được dê của kẻ khác, nhưng chủ dê đoạt lại? Ở đây, người trộm dê kia nghèo hèn, không thế lực; còn người chủ dê kia hoặc vua, hay quan, có rất nhiều uy lực. Vì có nhiều uy lực nên bắt trói người lấy trộm và đoạt lại dê. Đó là có người dù trộm được dê của kẻ khác, nhưng bị chủ đoạt trở lại. Cũng vậy, có người tạo nghiệp bất thiện, chắc chắn phải thọ quả khổ là quả báo trong đời hiện tại báo. Thế nào là có người tạo nghiệp bất thiện, tất phải thọ quả khổ là quả báo trong đời hiện tại? Ở đây, có một người tu thân, tu giới, tu tâm, tu tuệ, thọ mạng rất dài; người ấy tạo nghiệp bất thiện, tất thọ quả khổ là quả báo trong đời hiện tại.

(3.a) “Lại nữa, có người tạo nghiệp bất thiện, tất phải thọ khổ là quả báo trong địa ngục. Thế nào là có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả khổ là quả báo trong địa ngục? Nghĩa là, có một người không tu thân, không tu giới, không tu tâm, không tu tuệ, thọ mạng rất ngắn. Đó là có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả khổ là quả báo trong địa ngục. Cũng như có người nợ kẻ khác năm tiền, bị chủ bắt trói; cho đến chỉ nợ một tiền cũng như bị chủ nợ bắt trói. Thế nào là có người nợ kẻ khác năm tiền, bị chủ nợ bắt trói; cho đến chỉ nợ một tiền cũng bị chủ nợ bắt trói? Đó là, người mắc nợ kia nghèo, không có thế lực. Người kia vì nghèo và không có thế lực nên nợ kẻ khác năm tiền liền bị chủ nợ bắt trói; cho đến chỉ nợ một tiền cũng bị chủ nợ bắt trói. Cũng vậy, có người tạo nghiệp bất thiện phải thọ quả khổ là quả báo trong địa ngục. Thế nào là có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả khổ là quả báo trong địa ngục? Ở đây, có một người không tu thân, không tu giới, không tu tâm, không tu tuệ, thọ mạng rất ngắn; người ấy tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả khổ là quả báo trong địa ngục.

(3.b) “Lại nữa, có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả khổ là quả báo trong đời hiện tại. Thế nào là có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả khổ là quả báo trong đời hiện tại? Ở đây, có một người tu thân, tu giới, tu tâm, tu tuệ, thọ mạng rất dài; người ấy tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả khổ là quả báo trong đời hiện tại.

“Cũng như có người dù mắc nợ một trăm tiền nhưng không bị chủ nợ bắt trói; cho đến nợ ngàn vạn tiền cũng không [434a] bị chủ nợ bắt trói? Nghĩa là người mắc nợ có vô lượng tài sản và thế lực rất lớn. Người ấy nhờ vậy dù mắc nợ trăm ngàn tiền vẫn không bị chủ nợ bắt trói. Đó là người mặc dù mắc nợ trăm tiền vẫn không bị chủ nợ bắt trói, cho đến nợ ngàn vạn tiền cũng không bị chủ nợ bắt trói. Cũng vậy, có người tạo nghiệp bất thiện, tất phải thọ quả khổ là quả báo trong đời hiện tại. Thế nào là có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả khổ là quả báo trong đời hiện tại? Nghĩa là, có một người tu thân, tu giới, tu tâm, tu tuệ, thọ mạng rất dài; người ấy tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả khổ là quả báo trong đời hiện tại. Người ấy ở trong đời hiện tại giả sử có thọ báo của thiện hay ác nhưng chỉ nhẹ nhàng, chút ít thôi”.

Phật thuyết giảng như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

12. KINH HÒA-PHÁ

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại Thích-ki-sấu [7] nước Ca-duy-la-vệ [8], trong vườn Ni-câu-loại [9].

Bấy giờ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên [10] cùng với đại chúng Tỳ-kheo, sau giờ ăn trưa [11], do có việc nên tập họp ngồi tại giảng đường. Lúc bấy giờ Ni-kiền [12] có một người đệ tử thuộc dòng họ Thích tên Hòa-phá [13], sau giờ ăn trưa, thong thả đi đến chỗ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên; cùng chào hỏi nhau rồi ngồi sang một bên.

Bấy giờ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên hỏi sự việc như thế này:

“Này Hòa-phá, ý ông nghĩ sao? Giả sử có Tỳ-kheo thủ hộ thân, miệng, ý; ông thấy có trường hợp nào vị ấy nhân đó [14] mà vị ấy sanh khởi lậu bất thiện dẫn đến đời sau chăng [15]?”

Hòa-phá trả lời rằng:

“Này Đại Mục-kiền-liên, giả sử có vị Tỳ-kheo thủ hộ thân, miệng, ý; tôi thấy rằng có trường hợp nhân đó mà vị ấy sanh khởi lậu bất thiện dẫn đến đời sau. Này Đại Mục-kiền-liên, giả sử có ai ở đời trước đã làm các hành vi bất thiện, người ấy nhân đó mà sanh khởi lậu bất thiện dẫn đến đời sau [16]”.

Lúc đó [17] Đức Thế Tôn đang tĩnh tọa ở chỗ vắng vẻ; bằng thiên nhĩ thanh tịnh siêu việt loài người, nghe Tôn giả Đại Mục-kiền-liên và Thích Hòa-phá đệ tử của Ni-kiền cùng bàn luận như thế.

Đức Thế Tôn nghe xong, vào lúc xế chiều, rời chỗ tĩnh tọa, đi đến giảng đường, trải chỗ và ngồi trước chúng Tỳ-kheo. Sau khi ngồi, [434b]Đức Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Đại Mục-kiền-liên, vừa rồi ông cùng đệ tử của Ni-kiền Thích Hòa-phá bàn luận về việc gì? Lại có việc gì mà tập họp ngồi tại giảng đường?”

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, hôm nay con cùng với đại chúng Tỳ-kheo sau giờ ăn trưa, vì có việc nên tập họp ngồi tại giảng đường. Lúc bấy giờ đệ tử Ni-kiền là Thích Hòa-phá này, sau giờ ăn trưa, thong thả đi đến chỗ con; cùng chào hỏi nhau rồi ngồi sang một bên. Con hỏi như vầy: ‘Này Hòa-phá, ý ông nghĩ sao? Giả sử có Tỳ-kheo thủ hộ thân, miệng, ý; ông thấy vị ấy có trường hợp nào nhân đó mà sanh khởi lậu bất thiện dẫn đến đời sau chăng?’ Hòa-phá trả lời con rằng: ‘Này Đại Mục-kiền-liên, giả sử có Tỳ-kheo thủ hộ thân, miệng, ý; tôi thấy rằng có trường hợp nhân đó mà sanh khởi lậu bất thiện dẫn đến đời sau. Này Đại Mục-kiền-liên, giả sử có ai ở đời trước làm hành vi bất thiện, người ấy nhân đó mà sanh khởi lậu bất thiện dẫn đến đời sau’. Bạch Thế Tôn, vừa rồi con cùng Thích Hòa-phá đệ tử Ni-kiền bàn luận như vậy. Vì việc đó mà ngồi tập họp tại giảng đường”.

Lúc đó Thế Tôn nói với Thích Hòa-phá, đệ tử của Ni-kiền, rằng:

“Nếu những gì Ta nói là đúng, ông trả lời là đúng; nếu không đúng ông nên trả lời là không đúng. Ông có điều gì nghi ngờ thì nên hỏi Ta như vầy: ‘Sa-môn Cù-đàm, cái này có sự gì? Cái này có ý nghĩa gì?’ Tùy những điều Ta nói mà ông có thể tiếp nhận được thì Ta với ông có thể bàn luận điều ấy”.

Hòa-phá trả lời rằng:

“Sa-môn Cù-đàm, nếu điều Ngài nói là đúng, tôi sẽ nói là đúng. Nếu không đúng tôi sẽ nói là không đúng. Nếu có điều nào nghi ngờ tôi sẽ hỏi Cù-đàm: ‘Thưa Cù-đàm, điều này có sự gì? Điều này có nghĩa gì?’ Tùy theo những điều Sa-môn Cù-đàm nói, tôi tiếp nhận. Vậy, Sa-môn Cù-đàm hãy cùng tôi bàn luận việc ấy”.

Đức Thế Tôn hỏi rằng:

“Ý Hòa-phá nghĩ sao? Giả sử có Tỳ-kheo sanh khởi thân hành bất thiện, là các lậu khiến bức rức, ưu sầu [18]. Vị ấy sau đó thân hành bất thiện được diệt trừ, không tạo thêm những nghiệp mới, xả bỏ nghiệp cũ, tức thời ngay trong hiện tại liền đạt đến cứu cánh, không còn bị nóng bức, bền vững không biến đổi, [19] tức điều được nói là được thấy bởi Thánh tuệ, được biết bởi Thánh tuệ. [20]

“Nếu thân hành bất thiện, khẩu hành bất thiện, ý hành bất thiện, do vô minh hành mà sanh lậu, nóng bức và ưu sầu [21], người ấy sau đó diệt trừ vô minh hành bất thiện, không tạo thêm những nghiệp mới, xả bỏ nghiệp cũ, ngay trong hiện tại này liền chứng được cứu cánh, không còn nóng bức, thường trụ không đổi, tức điều được nói là được thấy bởi Thánh tuệ, được biết bởi Thánh tuệ. Thế nào, này Hòa-phá, [434c] Tỳ-kheo thủ hộ thân, miệng, ý như vậy, trong trường hợp này ông có thấy vị ấy  nhân đó mà sanh khởi lậu bất thiện dẫn đến đời sau chăng?”

Hòa-phá trả lời rằng:

“Thưa Cù-đàm, giả sử có vị Tỳ-kheo thủ hộ thân, miệng, ý như vậy, trong trường hợp này tôi không thấy vị ấy do đó mà sanh khởi lậu bất thiện dẫn đến đời sau”.

Đức Thế Tôn khen rằng:

“Lành thay, Hòa-phá! Thế nào, này Hòa-phá, Tỳ-kheo nào mà vô minh đã dứt hết, minh đã sanh khởi; vị ấy, vô minh đã dứt hết, minh đã sanh khởi, khi cảm giác về thân tối hậu [22] sanh khởi thì biết là cảm giác về thân tối hậu sanh khởi; khi cảm giác về mạng tối hậu [23] sanh khởi thì biết là cảm giác về mạng tối hậu sanh khởi. Khi thân hoại mạng chung, tuổi thọ đã kết thúc, ngay trong đời này, tất cả mọi cảm giác đã ngưng bặt, tự thân mình biết sẽ đi đến chỗ lãnh đạm hoàn toàn [24].

“Này Hòa-phá, cũng như nhân cây mà có bóng. Giả sử có người mang búa thật bén đến chặt đứt rễ cây, chặt nát ra thành nhiều khúc, phá làm mười phần, hoặc trăm phần, đốt cháy thành tro, rồi hoặc để gió thổi bay đi, hoặc mang bỏ vào trong nước. Ý Hòa-phá nghĩ sao? Bóng nhân cây mà có; bóng ấy do đó mà mất hẳn cái nhân của nó, nên tuyệt diệt không còn sanh nữa chăng?”

Hòa-phá trả lời rằng:

“Đúng như thế, thưa Cù-đàm”.

“Này Hòa-phá, nên biết vị Tỳ-kheo kia lại cũng như vậy. Vô minh đã dứt hết, minh đã sanh khởi. Vị kia, vô minh đã dứt hết, minh đã sanh khởi, khi cảm giác về thân tối hậu sanh khởi thì vi ấy biết là cảm giác về thân tối hậu sanh khởi; khi cảm giác về mạng tối hậu sanh khởi thì vị ấy biết là cảm giác về mạng tối hậu sanh khởi. Khi thân hoại mạng chung, tuổi thọ đã kết thúc, ngay trong đời này, tất cả mọi cảm giác đã ngưng bặt, tự thân mình biết sẽ đi đến chỗ lãnh đạm hoàn toàn. Này Hòa-phá, vị Tỳ-kheo với tâm giải thoát chơn chánh như vậy, liền được sáu hằng trụ [25]. Sáu trụ xứ đó là gì? Này Hòa-phá, Tỳ-kheo mắt thấy sắc mà không hỷ, không ưu, an trú xả [26], chánh niệm, chánh trí. Này Hòa-phá, vị Tỳ-kheo chánh tâm giải thoát như vậy, đó gọi là được hằng trú thứ nhất. Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân, ý biết pháp mà không hỷ không ưu, xả cầu, vô vi, chánh niệm, chánh trí. Này Hòa-phá, vị Tỳ-kheo chánh tâm giải thoát như vậy, đó gọi là được hằng trụ thứ sáu.

Hòa-phá bạch rằng:

“Đúng như vậy, thưa Sa-môn Cù-đàm!”

“Đa văn Thánh đệ tử chánh tâm giải thoát như vậy, được sáu hằng trụ. Sáu hằng trụ là những gì?”

“Thưa Cù-đàm, Đa văn Thánh đệ tử khi mắt thấy sắc, không hỷ, không ưu, an trú xả, chánh niệm, chánh trí”.

“Này Hòa-phá, Tỳ-kheo với tâm giải thoát chơn chánh như vậy, được nói là đạt được hằng trụ thứ nhất. Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân, ý biết pháp mà không hỷ, không ưu, an trú xả, chánh niệm, chánh trí. Này Hòa-phá, Tỳ-kheo với tâm giải thoát chơn chánh như vậy được nói là đạt được hằng trụ thứ sáu. Này Hòa-phá, Tỳ-kheo với tâm giải thoát chơn chánh như vậy, được sáu hằng trú này”.

Hòa-phá bạch rằng:

“Đúng như thế, thưa Cù-đàm, Đa văn Thánh đệ tử với tâm giải thoát chơn chánh như vậy, được sáu hằng trú. Thưa Cù-đàm, Đa văn Thánh đệ tử khi mắt thấy sắc, không hỷ, không ưu, an trú xả, chánh niệm, chánh trí. Thưa Cù-đàm, Đa văn Thánh đệ tử với tâm giải thoát chơn chánh như vậy, được nói là đạt được hằng trụ thứ nhất. Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân, ý [435a] biết pháp mà không hỷ, không ưu, an trú xả, chánh niệm, chánh trí. Thưa Cù-đàm, Đa văn Thánh đệ tử với tâm giải thoát chơn chánh như vậy được nói là đạt được hằng trụ thứ sáu. Như vậy, Thưa Cù-đàm, Đa văn Thánh đệ tử với tâm giải thoát chơn chánh như vậy, được sáu hằng trụ này”.

Rồi thì, Hòa-phá bạch Thế Tôn rằng:

“Bạch đức Cù-đàm, con đã biết. Bạch Đức Thiện Thệ, con đã hiểu. Bạch Đức Cù-đàm, cũng như người có mắt sáng, cái gì bị úp thì lật lên; cái gì bị che đậy thì giở ra; đối với người mê thì chỉ đường cho; trong tối tăm thì cho ánh sáng để ai có mắt thì thấy ánh sáng màu sắc. Sa-môn Cù-đàm cũng giống như vậy, vì con mà dùng vô lượng phương tiện thuyết pháp và hiển hiện nghĩa lý, theo đạo thậm thâm [27].

“Bạch Thế Tôn, hôm nay con xin tự quy y với Phật, Pháp và Chúng Tỳ-kheo, cúi nguyện Thế Tôn nhận cho con làm Ưu-bà-tắc; kể từ hôm nay trọn đời xin tự quy y, cho đến mạng chung.

“Bạch Thế Tôn, cũng như người nuôi con ngựa dở mà mong có lợi ích. Bạch Thế Tôn, con cũng như vậy. Con vì không hiểu rõ tường tận, không thể giải biết, không biết được ruộng tốt, không suy xét mà cung kính, lễ bái, phụng sự Ni-kiền Tử ngu si kia trong một thời gian dài, mong được lợi ích, nhưng chỉ luống nhọc khổ, vô ích. Bạch Thế Tôn, con nay lần nữa xin tự quy y Phật, Pháp và Chúng Tỳ-kheo, cúi nguyện Thế Tôn nhận cho con làm Ưu-bà-tắc; kể từ hôm nay, trọn đời xin tự quy y, cho đến mạng chung.

“Bạch Thế Tôn, con trước đây do không biết nên đối với Ni-kiền ngu si kia mà có tín, có kính, từ nay dứt hẳn. Vì sao thế? Vì phỉnh gạt con vậy. Bạch Thế Tôn, nay lần thứ ba xin tự quy y với Phật, Pháp và Chúng Tỳ-kheo, cúi nguyện Thế Tôn nhận lời cho con làm Ưu-bà-tắc; hôm nay, trọn đời xin tự quy y, cho đến khi mạng chung”.

Phật thuyết như vậy. Thích Hòa-phá và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

13. KINH ĐỘ

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại nước Xá-vệ, ở tại Thắng Lâm lâm trong vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

(i) “Có ba độ xứ, [28] khác chủng tánh, khác danh xưng, khác tông chỉ, khác học thuyết, mà dù cho người có trí tuệ khéo nhận lãnh, khéo ghi nhớ [29] để nói cho người khác [30], nhưng cũng không thu hoạch được lợi ích [31].

“Những gì là ba? Hoặc có Sa-môn, Bà-la-môn thấy như vậy, nói như vậy: Tất cả hành vi của con người đều nhân túc mạng định sẵn [32].

“Lại [435b] có Sa-môn, Bà-la-môn thấy như vậy, nói như vậy: Tất cả hành vi của con người đều do Đấng Tôn Hựu [33] định sẵn.

“Lại có Sa-môn, Bà-la-môn thấy như vậy, nói như vậy: Tất cả hành vi của con người đều vô nhân, vô duyên [34].

(i. ) “Ở trong đây, nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào thấy như vầy, nói như vầy: ‘Tất cả hành vi của con người đều nhân túc mạng định đoạt’, Ta liền đến nơi người kia và hỏi: ‘Này Hiền giả, có thật Hiền giả thấy như vầy, nói như vầy: Tất cả hành vi của con người đều nhân túc mạng định đoạt chăng? Người kia trả lời rằng: ‘Thật vậy’. Ta lại nói với người kia rằng: ‘Nếu quả thật như vậy, các Hiền giả đều là những kẻ sát sanh cả. Vì sao thế? Bởi vì tất cả đều nhân túc mạng định đoạt sẵn [35]. Cũng vậy, Chư Hiền là những kẻ trộm cắp, tà dâm, nói láo cho đến tà kiến. Tại sao thế? Bởi vì tất cả đều nhân túc mạng định đoạt sẵn. Này Chư Hiền, đối với kiến chấp rằng: Tất cả đều nhân túc mạng định đoạt sẵn, mà cho là như thật, như là lõi chắc bên trong [36], những điều nên hay không nên làm, hoàn toàn không có ý dục, không có phương tiện [37]. Này Chư Hiền, nếu đối với điều nên làm và không nên làm mà không biết đúng như thật thì sẽ mất chánh niệm, không có chánh trí [38], thì không có cách nào giáo hóa đúng theo pháp của Sa-môn được [39]’. Nói như vậy mới có thể dùng lý để khuất phục các Sa-môn, Bà-la-môn kia.

(i.2) “Ở đây, nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào, thấy như vầy, nói như vầy: ‘Tất cả hành vi đều nhân Đấng Thiên Hựu định đoạt’. Ta liền đi đến chỗ người kia, và hỏi: ‘Này Hiền giả, có thật Hiền giả thấy như vầy, nói như vầy: Tất cả hành vi của con người đều nhân Thiên Hựu định đoạt chăng? Người kia trả lời rằng: ‘Thật vậy’. Ta lại nói với người kia rằng: ‘Nếu quả thật như vậy, các Hiền giả đều là những kẻ sát sanh cả. Vì sao thế? Bởi vì tất cả đều nhân Thiên Hựu định đoạt sẵn. Cũng vậy, Chư Hiền là những kẻ trộm cắp, tà dâm, nói láo cho đến tà kiến. Tại sao thế? Bởi vì tất cả đều nhân Thiên Hựu định đoạt sẵn. Này Chư Hiền, đối với kiến chấp rằng: Tất cả đều nhân Thiên Hựu định đoạt sẵn, mà cho là như thật, như là lõi chắc bên trong, những điều nên hay không nên làm, hoàn toàn không có ý dục, không có phương tiện. Này Chư Hiền, nếu đối với điều nên làm và không nên làm mà không biết đúng như thật thì sẽ mất chánh niệm, không có chánh trí, không có cách nào giáo hóa đúng theo pháp của Sa-môn được’. Nói như vậy mới có thể dùng lý để khuất phục các Sa-môn, Bà-la-môn kia.

(i.3) “Ở đây, nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào thấy như vầy, nói như vầy: ‘Tất cả hành vi của con người đều vô nhân vô duyên’. Ta liền đi đến chỗ người kia, đến rồi liền hỏi: ‘Này Hiền giả, có thật Hiền giả thấy như vầy, nói như vầy: Tất cả hành vi của con người [435c] đều vô nhân vô duyên? Người kia trả lời rằng: ‘Thật vậy’. Ta lại nói với người kia rằng: ‘Nếu quả thật như vậy, các Hiền giả đều là những kẻ sát sanh cả. Vì sao thế? Bởi vì tất cả đều vô nhân vô duyên. Cũng vậy, Chư Hiền là những kẻ trộm cắp, tà dâm, nói láo cho đến tà kiến. Tại sao thế? Bởi vì tất cả đều vô nhân vô duyên. Này Chư Hiền, đối với kiến chấp rằng: Tất cả đều vô nhân vô duyên, mà cho là như thật, như là lõi chắc bên trong, những điều nên hay không nên làm, hoàn toàn không có ý dục, không có phương tiện. Này Chư Hiền, nếu đối với điều nên làm và không nên làm mà không biết đúng như thật thì sẽ mất chánh niệm, không có chánh trí, thì không có cách nào giáo hóa đúng theo pháp của Sa-môn được’. Nói như vậy mới có thể dùng lý để khuất phục các Sa-môn, Bà-la-môn kia.

(ii.) “Những pháp mà ta tự mình biết, tự mình giác ngộ, rồi thuyết giảng cho các ngươi; dù là Sa-môn, Bà-la-môn, Thiên, Ma, Phạm và các loài thế gian khác đều không thể khuất phục được, không thể làm cho  cấu uế được, không thể chế phục được. Thế nào là những pháp mà ta tự mình biết, tự mình giác ngộ, rồi thuyết giảng cho các ngươi; dù là Sa-môn, Bà-la-môn, Thiên, Ma, Phạm và các loài thế gian khác đều không thể khuất phục được, không thể làm cho  cấu uế được, không thể chế phục? Đó là pháp sáu xứ [40] mà ta tự mình biết, tự mình giác ngộ, thuyết giảng cho các ngươi; dù là Sa-môn, Bà-la-môn, Thiên, Ma, Phạm và các loài thế gian khác đều không thể khuất phục được, không thể làm cho  cấu uế được, không thể chế phục.

“Lại có pháp sáu giới [41] mà ta tự mình biết, tự mình giác ngộ, thuyết giảng cho các ngươi; dù là Sa-môn, Bà-la-môn, Thiên, Ma, Phạm và các loài thế gian khác đều không thể khuất phục được, không thể làm cho  cấu uế được, không thể chế phục.

(ii.1) “Thế nào là pháp sáu xứ mà ta tự mình biết, tự mình giác ngộ, thuyết giảng cho các ngươi? Đó là nhãn xứ, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ. Đó là pháp sáu xứ ta đã tự tri, tự giác, ta nói cho các ngươi biết.

(ii.2) “Thế nào là pháp sáu giới mà ta tự mình biết, tự mình giác ngộ, thuyết giảng cho các ngươi? Đó là địa giới, thủy, hỏa, phong, không và thức giới. Đó là pháp sáu giới mà ta đã tự tri tự giác, đã nói cho các ngươi biết.

(ii.3) “Do hòa hiệp của sáu giới [42] nên sanh thai mẹ. Nhân sáu giới mà có sáu xứ [43]; nhân sáu xứ có xúc [44], nhân xúc mà có thọ [45].

“Này các Tỳ-kheo, nếu ai có cảm thọ liền biết như thật về Khổ, biết về Khổ tập, biết về Khổ diệt, biết như thật về Khổ diệt đạo. Thế nào là biết như thật về khổ? Là sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, thù nghịch gặp nhau là khổ, yêu thương mà chia ly là khổ, mong muốn mà không được là khổ. Tóm lại, năm thủ uẩn là khổ. [46]

“Thế nào là biết như thật về Khổ tập? Đó là ái, dẫn đến hữu đương lai, [436a] câu hữu với hỷ tham, mong cầu hoan lạc nơi này nơi kia [47]. Đó là biết như thật về Khổ tập.

“Thế nào là biết như thật về Khổ diệt? Đó là ái, dẫn đến hữu đương lai, câu hữu với hỷ tham, mong cầu hoan lạc nơi này nơi kia; tất cả như vậy đã đoạn trừ không còn dư tàn, đã xả ly, diệt tận, vô dục, tịch tĩnh, tịch diệt. Đó gọi là biết như thật về Khổ diệt.

“Thế nào là biết như thật về Khổ diệt đạo? Đó là Thánh đạo tám chi, từ chánh kiến cho đến chánh định là tám. Đó là biết như thật về Khổ diệt đạo.

“Tỳ-kheo nên biết như thật về Khổ, nên đoạn Khổ tập, nên thực chứng Khổ diệt, nên tu Khổ diệt đạo. Tỳ-kheo nào biết như thật về Khổ, đoạn Khổ tập, thực chứng Khổ diệt, tu Khổ diệt đạo, Tỳ-kheo đó đã tận trừ tất cả lậu, đã giải trừ các kết, có thể bằng chánh trí mà đoạn tận khổ biên”.

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

14. KINH LA-HẦU-LA

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại thành Vương xá, trong rừng Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đa [48].

Bấy giờ Tôn giả La-hầu-la [49] cũng ở tại thành Vương Xá, trong rừng Ôn tuyền [50].

Đức Thế Tôn sau khi đêm đã qua, vào buổi sáng sớm, khoác y, cầm bát, đi vào thành Vương xá để khất thực. Khất thực xong, Ngài đi đến rừng Ôn tuyền, trú xứ của Tôn giả La-hầu-la. Tôn giả La-hầu-la từ đàng xa thấy Đức Thế Tôn đến, lập tức đến rước, cầm y bát của Phật, trải tọa cụ và múc nước rửa chân. Đức Phật rửa chân xong, ngồi trên chỗ ngồi của La-hầu-la.

(i.1) Khi đó Đức Thế Tôn liền lấy chậu nước đổ đi, chỉ lưu lại một ít, rồi hỏi:

“La-hầu-la, ngươi nay có thấy Ta cầm chậu nước này đổ đi, chỉ lưu lại một ít không?”

La-hầu-la đáp:

“Bạch Thế Tôn, con có thấy”.

Phật bảo:

“Ta nói đạo của người kia cũng ít như vậy, nghĩa là đã biết rồi còn nói dối [51] mà không xấu hổ, không ăn năn, không tàm, không quý. Này La-hầu-la, người kia cũng không có điều ác nào là không làm. Do đó, này La-hầu-la, hãy nên học như thế này: Không được [436b] đùa giỡn và nói dối”.

(i.2) Đức Thế Tôn lại lấy cái chậu còn lại một ít nước đổ hết ra rồi hỏi rằng:

“Này La-hầu-la, ngươi lại có thấy Ta cầm cái chậu còn một ít nước ấy đổ ra hết không?”

La-hầu-la trả lời rằng:

“Con có thấy, bạch Thế Tôn”.

Phật bảo rằng:

“Này La-hầu-la, Ta nói rằng đạo của người kia cũng mất hết như vậy. Nghĩa là đã biết rồi còn nói dối, mà không xấu hổ, không ăn năn, không tàm, không quý. Này La-hầu-la, người ấy cũng không có việc ác nào mà không làm. Do đấy, này La-hầu-la nên học như thế này: Không được đùa giỡn và nói dối”.

(i.3) Đức Thế Tôn lại cầm chậu trống không ấy úp xuống đất rồi hỏi rằng:

“Này La-hầu-la, ngươi lại có thấy Ta cầm chậu không này úp xuống đất không?”

La-hầu-la trả lời:

“Con có thấy, bạch Thế Tôn”.

Phật bảo rằng:

“Này La-hầu-la, Ta nói rằng đạo của người kia cũng bị lật úp như vậy, nghĩa là đã biết rồi còn nói dối mà không biết xấu hổ, không ăn năn, không tàm, không quý. Này La-hầu-la, người ấy cũng không có việc ác nào mà không làm. Do đó, này La-hầu-la nên học như thế này, không được đùa giỡn và nói dối”.

(i.4) Đức Thế Tôn lại cầm chậu úp lật ngửa lên rồi hỏi rằng:

“Này La-hầu-la, ngươi có thấy Ta cầm cái chậu úp này giở ngửa lên không?”

 La-hầu-la trả lời rằng:

“Con có thấy, bạch Thế Tôn!”

Đức Phật bảo La-hầu-la rằng:

“Ta nói rằng đạo của người kia bị lật ngửa, cũng lại như vậy. Nghĩa là đã biết rồi còn nói dối mà vẫn không xấu hổ, không ăn năn, không tàm, không quý. Này La-hầu-la, người ấy cũng không có việc ác nào mà không làm. Do đó này La-hầu-la, nên học như thế này: Không được đùa giỡn và nói dối.

(i.5) “Này La-hầu-la, cũng như  vua có thớt voi lớn, khi xông vào trận chiến đấu, nó dùng chân trước, chân sau, đuôi, bộ chân, xương sống, hông, đầu, trán, tai, ngà, tất cả đều dùng, chỉ giữ gìn chiếc vòi. Tượng sư thấy vậy, bèn suy nghĩ như thế này: ‘Thớt voi lớn này của  vua vẫn còn tiếc mạng sống. Vì sao thế? Vì thớt voi lớn của  vua này khi xông vào trận giặc chiến đấu, nó dùng cả chân trước, chân sau, đuôi, bộ xương, xương sống, hông, đầu, trán, tai, ngà, tất cả đều dùng, chỉ gìn giữ chiếc vòi’. Này La-hầu-la, nếu thớt voi lớn của  vua khi xông vào trận giặc chiến đấu mà dùng cả chân trước, chân sau, đuôi, bộ xương, xương sống, hông, đầu, trán, tai, vòi; thảy đều dùng tất cả. Tượng sự thấy vậy rồi liền suy nghĩ như thế này: ‘Thớt voi lớn của  vua này không còn tiếc mạng sống nữa. Vì sao thế? Thớt voi lớn của  vua này khi xông vào trận giặc chiến đấu, nó dùng cả chân trước, chân sau, đuôi, bộ xương, hông, đầu, ngà, vòi; tất cả đều đem dùng’. Này La-hầu-la, nếu thớt voi lớn khi xông vào trận giặc chiến đấu mà dùng cả chân trước, chân sau, đuôi, bộ xương, xương sống, hông, đầu, ngà, vòi; tất cả đều đem dùng; này La-hầu-la, Ta nói thớt voi lớn của  vua khi xông vào trận giặc, chiến đấu, không có việc dữ nào mà không làm, không ăn năn, không tàm, không quý. Này La-hầu-la, Ta nói rằng: Người kia cũng không có việc ác nào mà không làm. Do đó, này La-hầu-la, nên học như thế này: Không được đùa giỡn và nói dối”.

Rồi thì Đức Thế Tôn nói bài tụng rằng:

Kẻ nào phạm một pháp,

Pháp đó là nói dối:

Nó không sợ đời sau;

Không chừa sự dữ nào.

 [436c] Thà nuốt viên sắt cháy,

Nó nóng như lửa đỏ;

Chứ không nên phạm giới

Mà nhận đời cúng thí.

Nếu biết sợ khổ sở,

Không thích nghĩ tưởng đến;

Chỗ sáng, hay kín đáo

Chớ tạo tác nghiệp ác.

Nếu tạo nghiệp bất thiện,

Đã làm, nay đang làm,

Trọn không giải thoát được

Cũng không có chỗ tránh.

(ii) Đức Phật nói bài tụng rồi, lại hỏi rằng:

“Này La-hầu-la, ngươi nghĩ thế nào, người ta dùng gương để làm gì?”

La-hầu-la trả lời rằng:

“Bạch Thế Tôn, để nhìn xem khuôn mặt sạch hay không sạch”.

(ii.1.a) “Cũng vậy, này La-hầu-la, nếu ngươi sắp hành động với thân nghiệp thì hãy quán sát thân nghiệp ấy rằng: ‘Ta sắp làm với thân nghiệp; thân nghiệp ấy hại hay không hại cho mình hay cho người?’ [52] Này La-hầu-la, nếu khi quán sát như vậy, mà biết rằng: ‘Ta sắp làm với thân nghiệp, nghiệp ấy hại cho mình, hoặc hại cho người; đó là thân nghiệp bất thiện, nó sẽ đưa đến khổ quả và phải thọ lấy khổ báo’. Này La-hầu-la, ngươi nên bỏ thân nghiệp bất thiện sắp được làm ấy đi.

(ii.1.b) “Này La-hầu-la, nếu khi quán sát như vậy mà biết rằng: ‘Ta sắp làm với thân nghiệp; thân nghiệp ấy không hại [53] mình hay hại người; đó là thân nghiệp thiện, nó sẽ đưa đến lạc quả và sẽ thọ lấy lạc báo’. Này La-hầu-la, ngươi hãy thực hiện thân nghiệp sẽ làm ấy.

(ii.2.a) “Này La-hầu-la, ngươi hiện tại đang hành động với thân nghiệp, hãy quán sát thân nghiệp ấy rằng: ‘Ta đang làm thân nghiệp; thân nghiệp ấy hại hay không hại cho mình hay cho người?’ Này La-hầu-la, khi quán sát như vậy mà biết rằng: ‘Ta đang làm thân nghiệp; thân nghiệp này hại mình hay hại người; đó là thân nghiệp bất thiện sẽ đưa đến khổ quả và thọ lấy khổ báo’. Này La-hầu-la, ngươi nên bỏ thân nghiệp đang làm ấy đi.

(ii.2.b) “Này La-hầu-la, nếu khi quán sát như vậy, mà biết rằng: ‘Ta đang làm thân nghiệp; thân nghiệp ấy không hại mình hay hại người; đó là nghiệp ấy thiện, sẽ đưa đến lạc quả và thọ lấy lạc báo’. Này La-hầu-la, ngươi hãy nên thực hiện thân nghiệp đang làm ấy.

(ii.3.a) “Này La-hầu-la, nếu ngươi đã hành động với thân nghiệp, hãy quán sát thân nghiệp ấy rằng: ‘Ta đã làm thân nghiệp; thân nghiệp ấy đã quá khứ, đã diệt tận, đã biến dịch. Nó là hại hay không hại cho mình hay cho người người?’ Này La-hầu-la, nếu khi quán sát như vậy mà biết rằng: ‘Ta đã làm thân nghiệp; thân nghiệp ấy đã quá khứ, diệt tận, biến dịch, thân nghiệp ấy hại cho mình hay cho người khác; đó là nghiệp ấy là bất thiện, sẽ đưa đến khổ quả và phải thọ lấy khổ báo’. Này La-hầu-la, ngươi hãy đến nơi đồng phạm hạnh là thiện tri thức, chí tâm phát lộ [437a] thân nghiệp đã tạo ra, xin ăn năn lỗi lầm, cẩn thận không giấu giếm, rồi phải khéo léo giữ gìn.

(ii.3.b) “Này La-hầu-la, nếu khi quán sát như vậy, mà rằng: ‘Ta đã làm thân nghiệp. Thân nghiệp ấy đã quá khứ, diệt tận, biến dịch; thân nghiệp ấy không hại mình hay người; nghiệp ấy thiện, sẽ đưa đến lạc quả và thọ lấy lạc báo’. Này La-hầu-la, ngươi nên ngày đêm vui mừng, an trụ chánh niệm, chánh trí.

“Với khẩu nghiệp cũng lại như vậy.

(ii.4.a) “Này La-hầu-la, nếu nhân việc làm trong quá khứ nên đã sanh ý nghiệp, hãy quán sát ý nghiệp ấy rằng: ‘Nếu nhân việc làm trong quá khứ đã sanh ý nghiệp; ý nghiệp ấy hại hay không hại cho mình hay cho người?’ Này La-hầu-la, nếu khi quán như vậy, mà biết nhân việc làm trong quá khứ mà sanh ra ý nghiệp; ý nghiệp đã quá khứ, diệt tận, biến dịch; ý nghiệp ấy hại mình hay người; nghiệp ấy là bất thiện sẽ đưa đến khổ quả và phải thọ lấy khổ báo. Này La-hầu-la, ngươi nên bỏ ý nghiệp trong quá khứ ấy đi.

“Này La-hầu-la, nếu khi quán như vậy, thấy rằng nhân việc làm trong quá khứ mà đã sanh ra ý nghiệp; ý nghiệp ấy đã quá khứ, diệt tận, biến dịch; ý nghiệp ấy không hại mình hay người; nghiệp ấy là thiện sẽ đưa đến lạc quả và thọ lấy lạc báo. Này La-hầu-la, ngươi đến thọ nhận ý nghiệp quá khứ ấy.

(ii.4.b) “Này La-hầu-la, nhân việc làm trong vị lai nên sẽ sanh khởi ý nghiệp, hãy quán sát ý nghiệp ấy rằng: ‘Nếu nhân việc làm trong vị lai sẽ sanh ý nghiệp; ý nghiệp ấy là hại hay không hại cho mình hay cho người?’ Này La-hầu-la, nếu khi quán như vậy, mà biết rằng ‘Nhân việc làm trong vị lai mà sẽ sinh ý nghiệp; ý nghiệp ấy hại mình hay người; nghiệp ấy là bất thiện sẽ đưa đến khổ quả và phải thọ lấy khổ báo’. Này La-hầu-la, ngươi nên xả bỏ ý nghiệp trong vị lai đó đi.

“Này La-hầu-la, nếu khi quán sát như vậy, liền biết rằng: ‘Nhân việc làm trong vị lai mà sanh ý nghiệp; ý nghiệp đó không hại mình hay người; nghiệp ấy là thiện, sẽ đưa đến lạc quả và thọ lấy lạc báo. Này La-hầu-la, ngươi nên nhận lãnh ý nghiệp trong vị lai ấy.

(ii.4.c) “Này La-hầu-la, nhân việc làm trong hiện tại nên đang sanh khởi ý nghiệp, hãy nên quán sát ý nghiệp ấy rằng: ‘Nếu nhân việc đang làm trong hiện tại nên sanh khởi ý nghiệp, ý nghiệp ấy hại hay không hại cho mình hay cho người?’ Này La-hầu-la, nếu khi quán sát như vậy, mà biết rằng: ‘Nhân việc đang làm trong hiện tại nên đang sanh khởi ý nghiệp; ý nghiệp ấy hại hại mình hay người; nghiệp ấy là bất thiện, sẽ đưa đến khổ quả và sẽ thọ lấy khổ báo’. Này La-hầu-la, ngươi nên xả bỏ ý nghiệp trong hiện tại ấy đi.

“Này La-hầu-la, nếu khi quán sát như vậy, mà biết rằng: ‘Nhân có việc đang làm trong hiện tại nên đang sanh khởi ý nghiệp; ý nghiệp ấy không hại mình hay người; [437b] nghiệp ấy là thiện sẽ đưa đến lạc quả và thọ lấy lạc báo’. Này La-hầu-la, ngươi nên nhận lãnh ý nghiệp hiện tại ấy.

(iii) “Này La-hầu-la, nếu trong quá khứ đã có những vị Sa-môn, Bà-la-môn tạo nghiệp thân, khẩu, ý; đã quán sát rồi, lại quán sát nữa; đã thanh tịnh, lại thanh tịnh nữa. Tất cả những vị ấy, ngay nơi nghiệp thân, khẩu, ý của mình, quán rồi lại quán nữa, đã tịnh rồi lại tịnh hơn nữa.

Này La-hầu-la, nếu trong vị lai sẽ có những vị Sa-môn, Bà-la-môn tạo nghiệp thân, khẩu, ý, sẽ quán rồi lại quán nữa, sẽ thanh tịnh rồi lại thanh tịnh hơn. [54] Tất cả những vị ấy ngay nơi thân nghiệp, khẩu, ý nghiệp của mình, quán rồi lại quán nữa, sẽ thanh tịnh rồi lại thanh tịnh hơn.

“Này La-hầu-la, nếu trong hiện tại có những Sa-môn, Bà-la-môn tạo nghiệp thân, khẩu, ý; đang quán rồi lại quán nữa, đang thanh tịnh rồi lại thanh tịnh hơn. Tất cả những vị ấy ngay nơi nghiệp thân, khẩu, ý của mình, đang quán rồi lại quán nữa, đang thanh tịnh rồi lại thanh tịnh hơn.

“Này La-hầu-la, ngươi nên học như thế. Chính Ta cũng ngay nơi nghiệp thân, khẩu, ý của Ta, đang quán rồi lại sẽ quán, đang thanh tịnh rồi lại thanh tịnh hơn”.

Rồi thì, Đức Thế Tôn lại nói bài tụng rằng:

Thân nghiệp và khẩu nghiệp,

Ý nghiệp, La-hầu-la!

Pháp thiện hay bất thiện;

Ngươi hãy thường quán sát.

Đã biết còn nói dối:

La-hầu-la, chớ nói!

Sự sống nương nơi người,

Sao lại nói dối người?

Pháp Sa-môn bị úp,

Trống không, không chơn thật;

Đó chính là nói dối,

Không giữ gìn miệng mình.

Cho nên không nói dối,

Là con bậc Chánh giác.

Đó là pháp Sa-môn,

La-hầu-la, hãy học!

Nơi nơi vui sung túc,

An ổn, không sợ hãi,

La-hầu-la,  đến đó,

Chớ làm hại người khác!

Phật thuyết như vậy. Tôn giả La-hầu-la và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

15. KINH TƯ

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm Lâm lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng.

“Nếu kẻ nào cố ý tạo nghiệp [55], Ta nói rằng kẻ ấy phải thọ lấy quả báo. Hoặc thọ ngay trong đời hiện tại, hoặc thọ vào đời sau. Nếu tạo nghiệp mà không cố ý, Ta nói rằng người ấy không nhất thiết phải thọ quả báo.

“Ở đây, thân cố ý tạo ba nghiệp bất thiện, đưa đến khổ quả, thọ khổ quả. Miệng có bốn nghiệp, ý có ba [437c] nghiệp bất thiện, đưa đến khổ báo, thọ khổ quả.

“Những gì là ba nghiệp do thân cố ý tạo bất thiện, đưa đến khổ quả, phải thọ khổ báo? Một là sát sanh, quá hung dữ, uống máu, cứ muốn sát hại, không thương xót chúng sanh, cho đến loài côn trùng. Hai là lấy của không được cho, đắm trước tài vật của kẻ khác, chiếm lấy với ý muốn trộm cắp. Ba là tà dâm; người kia chính mình xâm phạm tới người nữ có cha giữ gìn, hoặc có mẹ gìn giữ, hoặc được cả cha và mẹ giữ gìn, hoặc được chị em giữ gìn, hoặc được anh em gìn giữ, hoặc được cha mẹ chồng [56] gìn giữ, hoặc được người thân thuộc gìn giữ, hoặc được người cùng dòng họ gìn giữ; hoặc được bảo vệ bằng đe dọa hình phạt hay roi vọt [57], hoặc đã được thuê, hoặc đã được hứa hôn, cho đến chỉ mới nhận tràng hoa làm tin. Đó là ba nghiệp do thân cố ý tạo bất thiện, đưa đến khổ quả, thọ lấy khổ báo.

“Những gì là bốn nghiệp do miệng cố ý tạo bất thiện, đưa đến khổ quả, thọ lấy khổ báo? Một là nói dối; người kia hoặc ở giữa đám đông, hoặc trong quyến thuộc, hoặc ở tại vương gia, nếu có ai gọi mà hỏi rằng: ‘Ngươi có biết thì nói’. Nhưng nó không biết mà nói là biết, biết nói là không biết; không thấy nói là thấy, thấy nói không thấy. Vì mình, vì người, hoặc vì của cải, biết rồi mà lại nói dối. Hai là nói hai lưỡi; muốn ly gián người khác nên nghe nơi người này đem nói với người kia vì muốn phá hoại người này. Nghe nơi người kia đem nói với này vì muốn phá hoại người kia. Những kẻ hợp nhau thì muốn tạo ly tán; những kẻ đã ly tán lại muốn cho xa rời để kết bè đảng, vui thích bè đảng, khen ngợi bè đảng. Ba là nói thô ác; người ấy nếu có nói năng gì thì lời lẽ thô tục, hung bạo, tiếng dữ trái tai, không ai mến nổi, làm cho người khác phải khổ não, khiến cho không được định tâm. Bốn là nói lời phù phiếm; người ấy nói không đúng lúc, nói không thành thật, nói lời không đúng nghĩa, nói lời không đúng pháp, nói không dẫn đến tịch tĩnh [58], lại còn khen ngợi sự không tịch tĩnh, trái ngược thời gian mà lại không khéo dạy dỗ, không khéo la mắng. Đó là bốn nghiệp do miệng cố ý tạo, bất thiện, đưa đến khổ quả, thọ lấy khổ báo.

“Những gì ba nghiệp của ý cố ý tạo bất thiện, đưa đến khổ quả, thọ lấy khổ báo? Một, tham lam; thấy tài vật và các tư cụ sinh sống của người khác thường tham lam ước muốn sao cho được về của mình. Hai là sân nhuế; trong ý ôm ấp oán ghét, nghĩ rằng: chúng sanh kia đáng giết, đáng trói, đáng bắt, đáng loại bỏ, đáng đuổi đi, mong cho kẻ kia thọ khổ vô lượng. Ba là tà kiến; sở kiến điên đảo, thấy như vầy, nói như vầy: ‘Không có bố thí, không có trai phước, không có chú thuyết, không có nghiệp thiện ác, không có nghiệp báo thiện ác, không có đời này, đời sau; không có cha mẹ, trên đời [438a] không có bậc chân nhân đi đến chỗ chí thiện, khéo vượt qua, khéo hướng đến, ở đời này và đời sau mà tự chứng tri, tự giác ngộ, tự thân tác chứng, thành tựu và an trú. Đó là ba nghiệp do ý cố tạo bất thiện, đưa đến khổ quả, thọ ấy khổ báo.

“Đa văn Thánh đệ tử xả bỏ nghiệp bất thiện của thân, tu thân thiện nghiệp, xả bỏ nghiệp bất thiện của miệng và ý, tu thiện nghiệp miệng và ý. Đa văn Thánh đệ tử đầy đủ giới đức tinh tấn như vậy, thành tựu tịnh nghiệp nơi thân, thành tựu tịnh nghiệp nơi miệng và ý, lìa sân nhuế, lìa não hại, từ bỏ ngủ nghỉ, không trạo cử và cống cao, đoạn nghi, vượt kiêu mạn, chánh niệm, chánh trí, không còn ngu si, tâm vị ấy đi đôi với từ, biến mãn một phương thành tựu và an trú. Cũng vậy, với hai, ba, bốn phương và tứ duy, thượng, hạ, biến mãn, tâm đi đôi với từ, không thù không oán, không sân nhuế, không não hại, quảng đại, vô biên vô lượng, khéo tu tập biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Người kia suy nghĩ rằng: ‘Tâm ta xưa kia vốn nhỏ hẹp, không khéo tu. Tâm ta nay đây khéo tu, quảng đại, vô lượng’. Đa văn Thánh đệ tử đối với tâm vô lượng, khéo tu tập như vậy, nếu trước kia nhân có ác tri thức, vì đã phóng dật mà tạo nghiệp bất thiện, nay những thứ ấy không thể lôi kéo, không thể làm  bẩn, không còn [438b] đi theo nữa. Giả sử có một trẻ thơ hoặc trai hay gái được sanh ra, liền có thể tu hành từ tâm giải thoát [59], về sau thân, miệng và ý có còn tạo những nghiệp bất thiện nữa chăng?”

Các Tỳ-kheo thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, không thể”.

“Vì sao vậy? Tự mình không làm nghiệp ác thì nghiệp ác ấy do đâu mà sanh? Do đó, người tại gia hay xuất gia, nam hay nữ, thường phải siêng tu từ tâm giải thoát. Nếu người tại gia hay xuất gia, nam hay nữ ấy, tu từ tâm giải thoát, thì không còn mang thân này đi đến đời sau mà chỉ theo tâm đi khỏi cõi này. Tỳ-kheo nên nghĩ như vầy: ‘Ta vốn vì buông lung mà tạo nghiệp bất thiện. Tất cả nghiệp ấy có thể thọ báo trong đời này, chớ không thể đi đến đời sau nữa’. Nếu có người thực hành từ tâm giải thoát rộng lớn vô lượng, khéo tu tập như vậy, chắc chắn chứng quả A-na-hàm, hoặc chứng cao hơn nữa.

“Cũng vậy, tâm bi và hỷ; tâm câu hữu với xả, không kết, không oán, không sân nhuế, không não hại, quảng đại, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Người ấy suy nghĩ như vầy: ‘Tâm ta trước vốn nhỏ hẹp, không khéo tu tập. Tâm ta nay đây rộng lớn vô lượng, được khéo tu tập’. Đa văn Thánh đệ tử đối với tâm vô lượng, khéo tu tập như vậy, nếu trước kia nhân có ác tri thức, vì đã phóng dật mà tạo nghiệp bất thiện, nay những thứ ấy không thể lôi kéo, không thể làm  bẩn, không còn đi theo nữa. Giả sử có một trẻ thơ hoặc trai hay gái được sanh ra, liền có thể tu hành xả tâm giải thoát, về sau thân, miệng và ý có còn tạo những nghiệp bất thiện nữa chăng?”

Các Tỳ-kheo thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, không thể”.

“Vì sao vậy? Tự mình không làm nghiệp ác thì nghiệp ác ấy do đâu mà sanh? Do đó, người tại gia hay xuất gia, nam hay nữ, thường phải siêng tu xả tâm giải thoát. Nếu người tại gia hay xuất gia, nam hay nữ ấy, tu xả tâm giải thoát, thì không còn mang thân này đi đến đời sau mà chỉ theo tâm đi khỏi cõi này. Tỳ-kheo nên nghĩ như vầy: ‘Ta vốn vì buông lung mà tạo nghiệp bất thiện. Tất cả nghiệp ấy có thể thọ báo trong đời này, chớ không thể đi đến đời sau nữa’. Nếu có người thực hành xả tâm giải thoát rộng lớn vô lượng, khéo tu tập như vậy, chắc chắn chứng quả A-na-hàm, hoặc chứng cao hơn nữa”.

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

16. KINH GIÀ-LAM

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại Già-lam viên [60], cùng đại chúng Tỳ-kheo, đến Ki-xá Tử [61], trụ trong vườn Thi-nhiếp-hòa [62], phía Bắc thôn Ki-xá Tử.

Bấy giờ những người Già-lam ở Ki-xá Tử nghe đồn Sa-môn Cù-đàm thuộc dòng họ Thích, đã từ bỏ dòng họ Thích, xuất gia học đạo, đang trú tại Già-lam viên, và cùng đại chúng Tỳ-kheo đến Ki-xá Tử này, trụ trong rừng Thi-nhiếp-hòa ở phía Bắc thôn Ki-xá Tử. Vị Sa-môn Cù-đàm ấy có tiếng tăm lớn, truyền khắp mười phương rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Vị ấy ở trong thế gian này giữa Chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, từ loài người cho đến loài trời, tự tri tự giác, tự tác chứng, thành tựu và an trụ. Pháp mà vị ấy thuyết, khoảng đầu thiện, khoảng giữa thiện, cứu cánh cũng thiện, có nghĩa, có văn, hiển hiện phạm hạnh thanh tịnh trọn đủ’. Nếu gặp được Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác để tôn trọng, lễ bái cúng dường, thừa sự, thì sẽ được nhiều thiện lợi. Chúng ta hãy cùng nhau đến gặp Sa-môn Cù-đàm để lễ bái, cúng đường”.

Những người Già-lam ở Ki-xá Tử, nghe như vậy rồi, mỗi người cùng với quyến thuộc của mình kéo nhau ra khỏi Ki-xá Tử, đi về phía Bắc, tới rừng Thi-nhiếp-hòa. Họ muốn gặp Đức Thế Tôn để lễ bái cúng dường.

Đi đến chỗ Phật ngụ, những người Già-lam ấy hoặc có người lễ bái cúi đầu dưới chân Phật [438c] rồi ngồi sang một bên, hoặc có người chào hỏi Đức Phật rồi ngồi sang một bên, hoặc có người chắp tay hướng đến Phật rồi ngồi sang một bên, hoặc có người từ đàng xa thấy Đức Phật rồi im lặng ngồi xuống.

Lúc đó, những người Già-lam đều ngồi yên. Đức Phật thuyết pháp cho họ, khai thị, giáo giới, khiến cho hoan hỷ, được lợi ích. Sau khi bằng vô lượng phương tiện thuyết pháp, khai thị, giáo giới, khiến cho hoan hỷ, được lợi ích, Ngài ngồi im lặng.

Bấy giờ những người Già-lam sau khi được Đức Phật thuyết pháp, khai thị, giáo giới, khiến cho hoan hỷ, được lợi ích, họ đều từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa áo trịch vai bên hữu, chắp tay đến hướng Đức Phật, rồi bạch Đức Thế Tôn rằng:

“Thưa Cù-đàm, có một vị Sa-môn, Bà-la-môn đi đến Già-lam chỉ tự khen ngợi tri kiến của mình mà chê bai tri kiến của người khác. Thưa Cù-đàm, lại có một vị Sa-môn, Bà-la-môn đi đến Già-lam cũng chỉ tự khen ngợi tri kiến của mình mà chê bai tri kiến của kẻ khác. Thưa Cù-đàm, chúng tôi nghe vậy liền sanh nghi hoặc: Những vị Sa-môn, Bà-la-môn ấy, vị nào thật? Vị nào hư?” [63]

Đức Thế Tôn nói rằng:

“Này các người Già-lam, các người chớ sanh nghi hoặc. [64] Vì sao vậy? Vì nhân có nghi hoặc liền sanh ra do dự. [65] Này các người Già-lam, các người tự mình không có tịnh trí để biết có đời sau hay không có đời sau. Này các người Già-lam, các người cũng không có tịnh trí để biết điều đã làm có tội hay không có tội. Này các người Già-lam, nên biết các nghiệp có ba cái là nguyên nhân, là sự tập khởi, là căn bản là duyên của nó [66]. Những gì là ba? Này các người Già-lam, tham là nhân, là tập, là bản, là duyên của các nghiệp. Này các người Già-lam, nhuế và si là nhân, là tập, là bản, là duyên của các nghiệp.

“Này các người Già-lam, người có tham bị tham che lấp, [67] tâm không nhàm đủ, hoặc sát sanh, hoặc lấy của không cho, hoặc hành tà dâm, hoặc biết mà nói dối, hoặc lại uống rượu. Này các người Già-lam, người có nhuế bị nhuế che lấp, tâm không nhàm đủ, hoặc sát sanh, hoặc lấy của không cho, hoặc hành tà dâm, hoặc biết mà nói dối, hoặc lại uống rượu. Này các người Già-lam, người có si bị si che lấp, tâm không nhàm đủ, hoặc sát sanh, hoặc lấy của không cho, hoặc hành tà dâm, hoặc biết mà nói dối, hoặc lại uống rượu.

“Này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử xa lìa việc giết hại, dứt bỏ sự giết hại, dẹp bỏ dao gậy; có tàm, có quý, có tâm từ bi, làm lợi ích cho tất cả, cho đến côn trùng. Vị ấy đối với sự sát sanh, tâm đã trừ sạch.

“Này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử xa lìa việc lấy của không cho, đoạn trừ việc lấy của không cho; vui vẻ trong việc nhận của được cho, thường ưa sự bố thí, vui vẻ không keo kiệt, không mong người kia đền trả. Vị ấy đối với việc lấy của không cho, tâm đã trừ sạch.

“Này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử xa lìa việc phi phạm hạnh, đoạn trừ [439a]việc phi phạm hạnh; siêng tu phạm hạnh, siêng tu diệu hành, thanh tịnh, không uế, ly dục, đoạn dâm. Vị ấy đối với việc việc phi phạm hạnh, tâm đã trừ sạch.

“Này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử xa lìa việc nói dối, đoạn trừ sự nói dối; nói lời chân thật, ưa thích sự chân thật, an trụ nơi chân thật không di động, tất cả những điều vị ấy nói đều đáng tin, không lừa gạt thế gian. Vị ấy đối với việc nói dối, tâm đã trừ sạch.

“Này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử xa lìa sự nói hai lưỡi, đoạn trừ việc nói hai lưỡi, không phá hoại kẻ khác, không nghe nơi người này nói lại người kia muốn phá hoại người này, không nghe nơi người kia nói lại với người này muốn phá hoại người kia; những người xa lìa nhau thì muốn kết hợp lại, thấy người kết hợp lại thì vui vẻ, không kết bè đảng, không khen việc kết bè đảng. Vị ấy đối với việc việc nói hai lưỡi, tâm đã trừ sạch.

“Này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử xa lìa việc nói thô ác, đoạn trừ việc nói thô ác. Nếu có những lời mà từ khí thô bạo, âm thanh hung dữ trái tai, mọi người không vui, mọi người không ưa, làm cho người khác khổ não, làm cho họ không được an ổn, vị ấy đoạn trừ những lời nói như vậy. Nếu có những lời hòa nhã dịu dàng, xuôi tai, đi sâu vào lòng người, đáng thích, đáng yêu, làm cho người kia an lạc, âm thânh vừa đủ rõ ràng, không làm cho người kia sợ sệt, làm cho người kia được an ổn, vị ấy nói những lời như vậy. Vị ấy đối với việc nói lời thô ác, tâm đã tịnh trừ.

“Này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử xa lìa lời nói phù phiếm, đoạn trừ lời nói phù phiếm; nói đúng lúc, đúng sự thật, nói đúng pháp, nói đúng nghĩa, nói về tịch tĩnh, ưa nói về tịch tĩnh, hợp việc, hợp thời, thích nghi, khéo dạy dỗ, khéo quở rầy. Vị ấy đối với việc nói phù phiếm, tâm đã tịnh trừ.

“Này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử xa lìa tham lam, đoạn trừ tham lam, không ôm lòng não hại, thấy của cải và các nhu cầu sinh sống của người khác không móng lòng tham lam, muốn cho được trở về mình. Vị ấy đối với việc tham lam tâm đã tịnh trừ.

“Này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử xa lìa sân nhuế, đoạn trừ sân nhuế, có tàm, có quý, có tâm từ bi, làm lợi ích cho tất cả, cho đến loài côn trùng. Vị ấy đối với sân nhuế tâm đã tịnh trừ.

“Này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử xa lìa tà kiến, đoạn trừ tà kiến, thực hành chánh kiến, không điên đảo; thấy như vậy, nói như vậy: ‘Có sự bố thí, có sự trai phước, và cũng có chú thuyết, có nghiệp thiện ác, có nghiệp báo thiện ác. Có đời này và đời sau. Có cha, có mẹ, trên đời có những bậc chân nhân đi đến thiện xứ, khéo vượt qua, khéo hướng đến, trong đời này và đời sau mà tự tri tự giác, tự tác chứng thành tựu và an trụ. Vị ấy đối với việc tà kiến, tâm đã tịnh trừ.

“Này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử thành tựu tịnh nghiệp nơi thân, thành tựu tịnh nghiệp nơi khẩu và ý. Xa lìa nhuế, xa lìa não hại, trừ bỏ thùy miên, [439b] không trạo cử, cống cao, đoạn trừ nghi, vượt qua mạn, chánh niệm, chánh trí, không có ngu si; tâm vị ấy tương ứng với từ, biến mãn một phương, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, trong hai, ba, bốn phương, tứ duy, thượng, hạ, cùng khắp tất cả, tâm tương ứng với từ, không thù, không oán, không sân nhuế, không não hại, rất rộng lớn, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, tâm bi, hỷ; tâm tương ứng với xả, không thù không oán, không sân nhuế, không não hại, rộng lớn vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử tâm không thù, không oán, không sân nhuế, không não hại, liền được bốn trụ xứ an ổn [68]. Những gì là bốn?

“‘Nếu có đời này đời sau, có quả báo của nghiệp thiện và ác. [69] Khi ta đã được nghiệp tương ứng với chánh kiến này rồi, ta thọ trì đầy đủ, thân hoại mạng chung chắc chắn sanh đến thiện xứ, cho đến sanh lên các cõi trời’. Như vậy, này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử tâm không kết, không oán, không sân nhuế, không não hại; đó là trụ xứ an ổn thứ nhất.

“Lại nữa, này các người Già-lam, ‘Nếu không có đời này và đời sau, không có quả báo của nghiệp thiện và ác.” [70] Như vậy, ta ở ngay trong đời này không phải do cớ ấy mà bị người khác bài bác; nhưng lại được bậc chánh trí khen ngợi, người tinh tấn, người có chánh kiến nói là có’. Như vậy, này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử tâm không kết, không oán, không não hại, đó là được trụ xứ an ổn thứ hai.

“Lại nữa, này các người Già-lam, ‘Nếu có tạo tác gì, chắc chắn ta không có tạo ác, [71] ta không niệm ác. Vì sao vậy? Vì tự mình không tạo ác, khổ do đâu mà sanh?’ Như vậy, này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử tâm không kết, không oán, không não hại; đó là trụ xứ an ổn thứ ba.

“Lại nữa, này các người Già-lam, ‘Nếu có tạo tác, chắc chắn ta không tạo ác, nhưng ta không phạm đời, dù kẻ sợ hay kẻ không sợ, [72] luôn luôn nên thương xót tất cả thế gian, tâm ta không tranh chấp với tất cả thế gian, không vẩn đục, nhưng hân hoan’. Như vậy, này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử tâm không kết, không oán, không não hại; đó là trụ xứ an ổn thứ tư.

“Như vậy, này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử tâm không kết, không oán, không sân hận, không não hại; đó là được bốn trụ xứ an ổn”.

Những người Già-lam bạch Phật:

“Thưa Cù-đàm, đúng vậy, Đa văn Thánh đệ tử tâm không thù, không oán, không sân nhuế, không não hại, liền được bốn trụ xứ an ổn. Những gì là bốn?

“‘Nếu có đời này đời sau, có quả báo của nghiệp thiện và ác. Khi ta đã được nghiệp [439c]  tương ứng với chánh kiến này rồi, ta thọ trì đầy đủ, thân hoại mạng chung chắc chắn sanh đến thiện xứ cho đến sanh lên các cõi trời’. Như vậy, thưa Cù-đàm, Đa văn Thánh đệ tử tâm không kết, không oán, không sân nhuế, không não hại; đó là trụ xứ an ổn thứ nhất.

“Lại nữa, thưa Cù-đàm, ‘Nếu không có đời này và đời sau, không có quả báo của nghiệp thiện và ác. Như vậy, ta ở ngay trong đời này không phải do cớ ấy mà bị người khác bài bác; nhưng lại được bậc chánh trí khen ngợi, người tinh tấn, người có chánh kiến nói là có’. Như vậy, thưa Cù-đàm, Đa văn Thánh đệ tử tâm không kết, không oán, không não hại, đó là được trụ xứ an ổn thứ hai.

“Lại nữa, thưa Cù-đàm, ‘Nếu có tạo tác gì, chắc chắn ta không có tạo ác, ta không niệm ác. Vì sao vậy? Vì tự mình không tạo ác, khổ do đâu mà sanh?’ Như vậy, thưa Cù-đàm, Đa văn Thánh đệ tử tâm không kết, không oán, không não hại; đó là trụ xứ an ổn thứ ba.

“Lại nữa, thưa Cù-đàm, ‘Nếu có tạo tác, chắc chắn ta không tạo ác, ta không phạm đời sợ hay không sợ, luôn luôn nên thương xót tất cả thế gian, tâm ta không tranh chấp với tất cả thế gian, không vẩn đục, nhưng hân hoan’. Như vậy, thưa Cù-đàm, Đa văn Thánh đệ tử tâm không kết, không oán, không não hại; đó là trụ xứ an ổn thứ tư.

“Như vậy, thưa Cù-đàm, Đa văn Thánh đệ tử tâm không kết, không oán, không sân hận, không não hại; đó là được bốn trụ xứ an ổn.

“Thưa Cù-đàm, chúng con đã biết. Bạch Thiện Thệ, chúng con đã hiểu. Bạch Thế Tôn, chúng con trọn đời tự quy y với Phật, Pháp và Chúng Tỳ-kheo. Duy nguyện Thế Tôn chấp nhận cho chúng con làm Ưu-bà-tắc, bắt đầu từ hôm nay, trọn đời tự quy y, cho đến lúc mạng chung”.

Phật thuyết như vậy. Tất cả những người Già-lam và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

17. KINH GIÀ-DI-NI

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại Na-lan-đà [73], ở xóm Tường, rừng Nại [74].

Bấy giờ A-tư-la thiên có người con là Già-di-ni [75], sắc tướng uy nghi, chói sáng rực rỡ, lúc đêm gần về sáng, đi đến nơi Đức Phật, cúi lạy dưới chân Phật rồi ngồi sang một bên.

Già-di-ni, con trời A-tư-la bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn, các người Bà-la-môn tự cao, [76] thờ chừng ấy trời [77]. Họ cho rằng, nếu có chúng sanh nào mạng chung, họ có thể làm cho [440a] tự do qua lại các thiện xứ, sanh lên cõi trời [78]. Thế Tôn là Pháp chủ, mong Thế Tôn làm cho chúng sanh khi mạng chung đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời”.

Thế Tôn bảo rằng:

“Này Già-di-ni, nay Ta hỏi ông, tùy theo sự hiểu biết mà trả lời. Này Già-di-ni, ý ông nghĩ thế nào? Nếu ở trong thôn ấp, hoặc có kẻ nam, người nữ biếng nhác, không tinh tấn, lại hành ác pháp, thành tựu mười loại nghiệp đạo bất thiện, là sát sanh, lấy của không cho, tà dâm, nói dối, cho đến tà kiến. Người ấy khi mạng chung, nếu có số đông người đến, thảy đều chắp tay hướng về người đó kêu gọi, van lơn, nói như thế này: ‘Các người, nam hoặc nữ, biếng nhác, không siêng năng, lại hành ác pháp, thành tựu mười loại nghiệp đạo bất thiện là sát sanh, lấy của không cho, tà dâm nói dối, cho đến tà kiến. Mong các người nhân việc này, duyên việc này, khi thân hoại mạng chung tất đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời’. Như vậy, này Già-di-ni, những người nam hay nữ biếng nhác kia, không siêng năng, lại hành ác pháp, thành tựu mười loại nghiệp đạo bất thiện là sát sanh, lấy của không cho, tà dâm, nói dối, cho đến tà kiến; có thể nào vì được số đông người đều đến chắp tay hướng về chúng mà kêu gọi, van lơn, nhân việc ấy, duyên việc ấy mà lúc thân hoại mạng chung lại được đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời không?”

Già-di-ni thưa rằng:

“Không thể được, bạch Thế Tôn”.

Phật khen rằng:

“Lành thay, Già-di-ni, vì sao thế? Những người nam hay nữ kia, biếng nhác, không siêng năng, lại thực hành ác pháp, thành tựu mười loại nghiệp đạo bất thiện là sát sanh, lấy của không cho, tà dâm, nói dối, cho đến tà kiến. Nếu được số đông người đến chắp tay hướng về chúng, mà kêu gọi, van lơn, nhân việc ấy, duyên việc ấy khi thân hoại mạng chung lại được đi đến thiện xứ sanh lên cõi trời. Việc đó không thể có.

“Này Già-di-ni, cũng như cách thôn không bao xa, có vực nước sâu, nơi đó có một người ôm tảng đá lớn và nặng ném vào trong nước. Nếu có số đông người đến đều chắp tay hướng về tảng đá mà kêu gọi van lơn, nói như thế này: ‘Mong tảng đá nổi lên, mong tảng đá nổi lên’. Này Già-di-ni, ông nghĩ thế nào? Tảng đá lớn nặng ấy có thể nào vì được số đông người đến đều chắp tay hướng về nó và kêu gọi van lơn, nhân việc đó, duyên việc đó mà sẽ nổi lên không?”

Già-di-ni trả lời rằng:

“Không thể được, bạch Thế Tôn!”

“Cũng vậy, này Già-di-ni, những người nam hay nữ kia biếng nhác, không tinh tấn, lại thực hành ác pháp, thành tựu mười loại nghiệp đạo bất thiện là sát sanh, lấy của không cho, tà dâm, nói dối, cho đến tà kiến, nếu được số đông người đều đến chắp tay hướng về chúng mà kêu gọi, van lơn, nhân việc đó, duyên việc đó mà lúc thân hoại mạng chung, được đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời; điều đó không thể có được.

“Vì sao thế? [440b] Bởi vì mười loại nghiệp đạo bất thiện này vốn đen, có quả báo đen, tự nhiên đi thẳng xuống, chắc chắn đi đến ác xứ.

“Này Già-di-ni, ông nghĩ thế nào? Nếu như trong thôn ấp hoặc có người nam hay nữ, tinh tấn siêng tu, lại thực hành diệu pháp thành tựu mười nghiệp đạo thiện là xa lìa việc giết, đoạn trừ việc giết, xa lìa lấy của không cho, tà dâm, nói dối, cho đến xa lìa tà kiến, được chánh kiến. Người ấy khi mạng chung nếu có số đông người đến đều chắp tay hướng về người đó mà kêu gọi van lơn, nói như thế này: ‘Này các người, nam hoặc nữ, các người đã tinh tấn siêng tu, lại thực hành diệu pháp, thành tựu mười nghiệp đạo thiện là xa lìa việc giết, đoạn trừ việc giết, lấy của không cho, tà dâm, nói dối, cho đến tà kiến cũng đều xa lìa, đoạn trừ tà kiến, được chánh kiến. Các người nhân việc đó, duyên việc đó mà khi thân hoại mạng chung, hãy đi đến ác xứ, sanh vào địa ngục’. Này Già-di-ni, ông nghĩ thế nào? Các người nam nữ kia, tinh tấn siêng tu lại thực hành diệu pháp, thành tựu mười nghiệp đạo thiện là xa lìa việc giết, đoạn trừ việc giết, lấy của không cho, tà dâm, nói dối, cho đến tà kiến, đoạn trừ tà kiến, được chánh kiến. Có thể nào vì bị số đông người đến chắp tay hướng về người đó mà ca ngợi cầu xin, nhân việc đó, duyên việc đó, mà khi thân hoại mạng chung sẽ đi đến ác xứ, sanh vào địa ngục không?”

Già-di-ni trả lời rằng:

“Không thể được, bạch Thế Tôn!”

Thế Tôn khen rằng.

“Lành thay, Già-di-ni! Vì sao vậy? Này Già-di-ni, những người nam hay nữ kia siêng năng tinh tấn, lại thực hành diệu pháp, thành tựu mười nghiệp thiện đạo là xa lìa việc giết, đoạn trừ việc giết, lấy của không cho, tà dâm, nói dối, cho đến tà kiến đều xa lìa, được chánh kiến. Nếu được số đông người đến chắp tay hướng về người đó mà kêu gọi van lơn, nhân việc đó, duyên việc đó mà khi thân hoại mạng chung sẽ đi đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Điều này không thể có. Vì sao vậy? Này Già-di-ni, bởi vì mười nghiệp đạo thiện là trắng, có quả báo trắng, tự nhiên thăng lên, chắc chắn đến thiện xứ.

“Này Già-di-ni, cũng như cách thôn không xa có vực nước sâu, nơi đó có người đem hủ dầu ném vào nước; hủ bị vỡ, sành cặn chìm xuống, dầu bơ nổi lên trên. Cũng vậy, này Già-di-ni, những người nam hay nữ kia tinh tấn siêng tu, lại thực hành diệu pháp, thành tựu mười nghiệp đạo thiện là xa lìa việc giết, đoạn trừ việc giết, lấy của không cho, tà dâm, nói dối, cho đến xa lìa tà kiến, đoạn trừ tà kiến, được chánh kiến. Người ấy khi mạng chung, thân thể là sắc thô nặng, thuộc về bốn đại, do cha mẹ sanh, nuôi lớn bằng cơm áo, chống dựa khi ngồi nằm, chăm sóc bằng tắm gội, là pháp phá hoại, là pháp diệt tận, là pháp ly tán. Sau khi mạng chung, hoặc chim quạ rỉa mổ, hoặc [440c] hùm sói ăn, hoặc bị đốt, hoặc bị chôn. Tất cả trở thành cát bụi. Tâm ý thức của người ấy thường được huân tập bởi tín, tinh tấn, đa văn, bố thí, trí tuệ. Người ấy, nhân việc ấy, duyên việc ấy mà tự nhiên thăng lên cao, sanh đến thiện xứ.

“Này Già-di-ni, người ấy đối với việc sát sanh, đã xa lìa việc giết, đoạn trừ việc giết. Đó là con đường vườn hoa [79], con đường thăng tấn, con đường thiện xứ.

“Này Già-di-ni, cũng vậy đối với sự lấy của không cho, tà dâm, nói dối, cho đến tà kiến, xa lìa tà kiến, được chánh kiến. Đó là con đường vườn hoa, con đường thăng tấn, con đường thiện xứ.

“Này Già-di-ni, lại có con đường vườn hoa, con đường thăng tấn, con đường thiện xứ. Thế nào là lại có con đường vườn hoa, con đường thăng tấn, con đường thiện xứ? Đó là Thánh đạo tám chi. Từ chánh kiến cho đến chánh định; đó là tám. Này Già-di-ni, đó là lại có con đường vườn hoa, con đường thăng tấn, con đường thiện xứ”.

Đức Phật thuyết như vậy. Già-di-ni và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành. [80]

18. KINH SƯ TỬ

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại nước Tì-xá-li, bên bờ ao Di hầu [81], trong một ngôi nhà sàn [82].

(i) Bấy giờ một số đông bộ tộc Li-xa [83] ở Tì-xá-li vân tập nơi sảnh đường, nhiều lần tán thán Phật, nhiều lần tán thán Pháp và Chúng Tỳ-kheo. Lúc ấy Đại thần Sư Tử, đệ tử Ni-kiền [84], cũng ở trong chúng đó. Bấy giờ đại thần Sư Tử muốn đến thăm viếng Đức Phật để cúng dường lễ bái. Đại thần Sư Tử trước hết đi đến chỗ các Ni-kiền, thưa với các Ni-kiền rằng:

“Thưa chư Tôn, tôi muốn thăm viếng Sa-môn Cù-đàm”.

Khi ấy các Ni-kiền quở Sư Tử rằng:

“Ông chớ đến thăm Sa-môn [441a] Cù-đàm. Vì sao vậy? Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ bất khả tác [85], và cũng giảng cho mọi người về pháp bất khả tác [86]. Này Sư Tử, nếu thăm viếng người có tông chỉ bất khả tác sẽ không được may mắn; cúng dường lễ bái cũng sẽ không được may mắn”.

Số đông Li-xa ở Tì-xá-li ba lần vân tập nơi thính đường, nhiều lần tán thán Phật, nhiều lần tán thán Pháp và Chúng Tỳ-kheo. Lúc ấy đại thần Sư Tử, đệ tử Ni-kiền, cũng ba lần ở trong chúng đó. Bấy giờ đại thần Sư Tử cũng lại ba lần muốn đến thăm viếng Đức Phật, cúng dường, lễ bái.

(ii) Rồi Đại thần Sư Tử không cáo từ các Ni-kiền nữa, mà đi thẳng đến chỗ Phật, cùng chào hỏi rồi ngồi xuống một bên và nói như vầy:

(ii.1) “Tôi nghe rằng Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ bất khả tác, và cũng đem pháp bất khả tác giảng cho người khác. Thưa Cù-đàm, nếu có người nói như vầy: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ bất khả tác; cũng đem pháp bất khả tác giảng cho người khác’. Người đó há không hủy báng Sa-môn Cù-đàm chăng? Người ấy có nói đúng sự thật không? Người ấy nói có đúng pháp chăng? Người ấy nói đúng pháp và như pháp [87] chăng? Đối với như pháp, không có sai lầm và không bị chỉ trích chăng?”

Đức Thế Tôn đáp:

(ii.2.1) “Này Sư Tử, nếu có ai nói như vầy: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ bất khả tác, và cũng đem bất khả tác giảng cho mọi người’, người ấy không hủy báng Sa-môn Cù-đàm, người ấy nói sự thật, người ấy nói đúng pháp, người ấy nói pháp như pháp, đối với như pháp không có sai lầm, cũng không bị chỉ trích. Vì sao vậy, này Sư Tử, có một sự kiện mà, nhân sự kiện đó, đối với pháp như thật, không thể hủy báng, khi nói rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ bất khả tác, và cũng đem pháp bất khả tác ấy nói cho người khác’.

 “Này Sư Tử, lại có một sự kiện nữa mà nhân sự kiện đó, đối với pháp như thật, không thể hủy báng, khi nói rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ khả tác [88] và cũng đem pháp khả tác ấy nói cho người khác’.

“Này Sư Tử, lại có một sự kiện nữa mà nhân sự kiện đó, đối với pháp như thật, không thể hủy báng, khi nói rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ đoạn diệt [89] và cũng đem pháp kinh tởm ấy nói cho người khác’.

“Này Sư Tử, lại có một sự kiện nữa mà nhân sự kiện đó, đối với pháp như thật, không thể hủy báng, khi nói rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ kinh tởm [90] và cũng đem pháp kinh tởm ấy nói cho người khác’.

“Này Sư Tử, lại có một sự kiện nữa mà nhân sự kiện đó, đối với pháp như thật, không thể hủy báng, khi nói rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ pháp luật [91] và cũng đem pháp về pháp luật ấy nói cho người khác’.

“Này Sư Tử, lại có một sự kiện nữa mà nhân sự kiện đó, đối với pháp như thật, không thể hủy báng, khi nói rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ khổ hành [92] và cũng đem [44ab] pháp khổ hành ấy nói cho người khác’.

“Này Sư Tử, lại có một sự kiện nữa mà nhân sự kiện đó, đối với pháp như thật, không thể hủy báng, khi nói rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ không nhập thai [93] và cũng đem pháp không nhập thai ấy nói cho người khác’.

“Này Sư Tử, lại có một sự kiện nữa mà nhân sự kiện đó, đối với pháp như thật, không thể hủy báng, khi nói rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ an ổn [94] và cũng đem pháp an ổn ấy nói cho người khác’.

(iii.1) “Này Sư Tử, thế nào là ‘Có một sự kiện mà nhân sự kiện đó, đối với pháp như thật, không thể hủy báng, khi nói rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ bất khả tác, và cũng đem pháp bất khả tác ấy nói cho người khác’? Này Sư Tử, Ta nói thân ác hành là không nên làm, [95] khẩu và ý ác hành cũng không nên làm. Này Sư Tử, nếu có vô lượng pháp  cấu uế bất thiện tương tự như vậy, làm cội gốc cho các hữu trong tương lai, làm nhân cho quả báo khổ, nóng bức, và làm nhân cho sanh, già, bệnh, chết, này Sư Tử, Ta nói pháp ấy hết thảy không nên làm. Này Sư Tử, đó là có một sự kiện mà nhân sự kiện đó, đối với pháp như thật, không thể hủy báng, khi nói rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ bất khả tác, và cũng đem pháp bất khả tác ấy nói cho người khác’.

(iii.2) “Này Sư Tử, thế nào là có một sự kiện mà nhân sự kiện đó, đối với pháp như thật, không thể hủy báng rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ khả tác và cũng đem tông chỉ khả tác ấy nói cho người khác’? Này Sư Tử, Ta nói thân diệu hành là nên làm, khẩu và ý diệu hành là nên làm. Này Sư Tử, nếu có vô lượng pháp thiện tương ứng như vậy, sẽ mang lại lạc quả, được thọ lạc báo, sanh về thiện xứ để được trường thọ. Này Sư Tử, Ta nói, tất cả những pháp này đều nên làm. Này Sư Tử, đó là có một sự kiện mà nhân sự kiện đó, đối với pháp như thật không thể hủy báng rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ khả tác và cũng đem pháp khả tác ấy nói cho người khác’.

(iii.3) “Này Sư Tử, thế nào là có một sự kiện mà nhân sự kiện đó, đối với pháp như thật không thể hủy báng rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ đoạn diệt và cũng đem pháp đoạn diệt ấy nói cho người khác’? Này Sư Tử, Ta nói thân ác hành nên đoạn diệt; khẩu, ý ác hành nên đoạn diệt. [96] Này Sư Tử, nếu có vô lượng pháp  cấu uế, bất thiện như vậy, làm cội gốc cho cội hữu trong tương lai, làm nhân cho khổ báo, phiền nhiệt, và cho sanh, già, bệnh, chết. Này Sư Tử, Ta nói tất cả các pháp ấy nên đoạn diệt. Này Sư Tử, đó là có một sự kiện mà, nhân sự kiện đó, đối với pháp như thật, không thể hủy báng rằng: Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ đoạn diệt, và cũng đem pháp đoạn diệt ấy nói cho người khác’.

(iii.4) “Này Sư Tử, thế nào là có một sự kiện mà nhân sự kiện ấy, đối với pháp như thật không thể hủy báng rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ kinh tởm và cũng đem pháp kinh tởm ấy [441c] nói cho người khác’? Này Sư Tử, Ta nói thân ác hành, nên kinh tởm; khẩu, ý ác hành nên kinh tởm. Này Sư Tử, nếu có vô lượng pháp  cấu uế bất thiện tương tự như vậy, làm cội gốc cho hữu trong tương lai, làm nhân cho khổ báo, phiền nhiệt, và cho sanh, già, bệnh, chết. Này Sư Tử, Ta nói những pháp ấy đều nên kinh tởm. Này Sư Tử, đó là có một sự kiện mà nhân sự kiện đó, đối với pháp như thật không thể hủy báng rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ kinh tởm, và cũng đem pháp kinh tởm ấy nói cho người khác’.

(iii.5) “Này Sư Tử, thế nào là có một sự kiện, nhân sự kiện đó, đối với pháp như thật, không thể hủy báng rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ pháp luật cũng đem pháp luật ấy nói cho người khác’? Này Sư Tử, vì mục đích đoạn tham dâm mà Ta nói pháp luật. Vì mục đích đoạn sân nhuế và ngu si mà Ta nói là pháp luật. Này Sư Tử, nếu vô lượng pháp  cấu uế bất thiện, tương tự như vậy, làm cội gốc cho hữu trong tương lai, làm nhân cho khổ báo, phiền nhiệt, và cho sanh, già, bệnh, chết, này Sư Tử, vì mục đích đoạn trừ những sự kiện ấy mà Ta nói pháp luật. Này Sư Tử, đó là có một sự kiện mà nhân sự kiện ấy, đối với pháp như thật, không thể hủy báng rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ pháp luật, cũng đem tông chỉ pháp luật ấy nói cho người khác’.

(iii.6) “Này Sư Tử, thế nào là có một sự kiện mà nhân sự kiện đó, đối với pháp như thật, không thể hủy báng rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ khổ hành và cũng đem pháp khổ hành ấy nói cho người khác’? Này Sư Tử, hoặc có Bà-la-môn Sa-môn lõa hình, không y phục [97] hoặc dùng tay làm y phục, hoặc lấy lá làm y phục, hoặc lấy hạt châu làm y phục; hoặc không múc nước bằng bình, hoặc không múc nước bằng gáo; không ăn đồ ăn xốc xỉa bằng dao gậy, không ăn đồ ăn lừa dối, không tự mình đến, không làm khách được mời [98], không làm khách được chào đón [99], không làm khách được lưu [100], không ăn từ giữa hai người đang ăn, không ăn tại nhà có thai [101], không ăn từ nhà có nuôi chó, không ăn từ nhà có lằng xanh bay đến; không ăn cá, không ăn thịt, không uống rượu, không uống nước dấm [102], hoặc không uống gì cả, học tập hạnh không uống; hoặc ăn một miếng, cho một miếng là đủ [103], hoặc ăn hai, ba, bốn, cho đến bảy miếng, và cho bảy miếng là đủ, hoặc ăn bởi một lần nhận được [104], và cho đến một lần nhận được là đủ, hoặc ăn bởi hai, ba bốn cho đến bảy lần nhận được và cho bảy lần nhận được là đủ, hoặc ăn ngày một lần và cho một lần là đủ, hoặc hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy ngày, nửa tháng, hay một tháng, ăn một lần và cho một lần là đủ; hoặc ăn cỏ [105], hoặc ăn lúa cỏ [106], hoặc ăn nếp tuế, hoặc ăn [442a] cám, hoặc ăn gạo đầu-đầu-la [107], hoặc ăn đồ ăn thô; hoặc đến chỗ vô sự [108], y nơi vô sự; hoặc ăn rễ, hoặc ăn trái, hoặc ăn quả tự rụng; hoặc mặc áo khâu đủ thứ vải [109], hoặc mặc áo lông, hoặc mặc áo vải đầu-xá [110], hoặc mặc áo vải đầu-xá bằng lông, hoặc mặc bằng da nguyên, hoặc mặc da có xoi lỗ, hoặc mặc da toàn xoi lỗ; hoặc để tóc xõa, hoặc để tóc bện, hoặc để tóc vừa xõa vừa bện, hoặc chỉ cạo tóc, hoặc chỉ cạo râu, hoặc cạo cả râu tóc, hoặc nhổ tóc, hoặc nhổ râu, hoặc nhổ cả râu tóc, hoặc chỉ đứng thẳng không hề ngồi, hoặc đi chồm hỗm, hoặc nằm gai, lấy gai làm giường; hoặc nằm trái [111], lấy trái làm giường; hoặc thờ nước, ngày đêm lấy tay vọc; hoặc thờ lửa, ngày đêm đốt lên; hoặc thờ mặt trời, mặt trăng, thờ Đấng Tôn Hựu Đại Đức, chắp tay hướng về. So như vậy thời phải chịu vô lượng khổ, học hạnh phiền lao.

“Này Sư Tử, có những khổ hành như vậy, chứ Ta chẳng nói là không có. Này Sư Tử, nhưng những khổ hành như vậy là những nghiệp hạ tiện, rất khổ, rất khốn, là sự thực hành của người phàm phu, không phải Thánh đạo. Này Sư Tử, nếu có Sa-môn, Bà-la-môn đối với các pháp khổ hành ấy mà biết rõ, đoạn trừ, diệt tận và nhổ sạch gốc rễ của chúng đến rốt cùng, không cho sanh ra, Ta nói rằng những người kia là khổ hành [112]. Này Sư Tử, Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, đối với các pháp khổ hành ấy đã biết rõ, đã đoạn trừ, diệt tận, nhổ tất cả gốc rễ của chúng đến rốt cùng không cho sanh ra nữa, do đó Ta là người khổ hành. Này Sư Tử, đó là sự kiện mà nhân sự kiện đó, đối với pháp như thật, không thể hủy báng rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ khổ hành, và cũng đem pháp khổ hành ấy nói cho người khác’.

(iii.7) “Này Sư Tử, thế nào là có một sự kiện mà nhân sự kiện đó, đối vời pháp như thật, không thể hủy báng khi nói rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ không nhập thai, và cũng đem pháp không nhập thai ấy nói cho người khác?’ Này Sư Tử, nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào đối với sự thai sanh trong tương lai [113] mà biết rõ, đoạn trừ, diệt tận, nhổ tuyệt gốc rễ của nó, cho đến rốt cùng không cho sanh ra nữa, Ta nói rằng người kia không còn vào thai. Này Sư Tử, Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, đối với thai sanh trong tương lai đã biết rõ, đã đoạn trừ, diệt tận, nhổ tuyệt gốc rễ của nó, cho đến rốt cùng không cho sanh ra nữa, do đó Ta không còn vào thai nữa. Này Sư Tử, đó là một sự kiện mà nhân sự kiện đó, đối với pháp như thật, không thể hủy báng khi nói rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ không nhập thai và cũng đem pháp không nhập thai đó nói cho người khác’.

(iii.8) “Này Sư Tử, thế nào là có một sự kiện, mà nhân sự kiện đó đối với pháp như thật, không thể hủy báng khi nói rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ an ổn và cũng đem pháp an ổn đó nói cho người khác’? [442b] Này Sư Tử, có một thiện gia nam tử nào đó cạo bỏ râu tóc, mặc áo cà sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, chỉ vì mục đích thành tựu phạm hạnh vô thượng, ở ngay trong hiện tại này mà tự tri, tự giác, tự tác chứng, thành tựu và an trụ, biết như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Ta tự an ổn và cũng an ổn cho các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di khác. Ta đã an ổn và làm cho chúng sanh lệ thuộc vào sự sanh giải thoát sự sanh ấy; chúng sanh lệ thuộc vào già, tật bệnh, sự chết, ưu sầu, ô nhiễm, được sự giải thoát khỏi ưu sầu nhiễm ô ấy. Này Sư Tử, đó là có một sự kiện mà nhân sự kiện đó không thể hủy báng đối với pháp như thật rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ an ổn và cũng đem pháp an ổn ấy nói cho người khác’.”

(v) Bấy giờ, Đại thần Sư Tử bạch Thế Tôn rằng:

“Bạch Cù-đàm, con đã biết. Bạch Thiện Thệ, con đã hiểu. Bạch Cù-đàm, cũng như người có mắt tỏ, cái gì úp thì giở lên, cái gì che kín thì mở ra, chỉ đường cho người mê, đem ánh sáng đến chỗ tối, để cho ai có mắt sáng liền thấy màu sắc. Sa-môn Cù-đàm cũng lại như vậy, bằng vô lượng phương tiện, để thuyết pháp cho con, bày tỏ nghĩa lý, tùy theo các đạo [114].

“Bạch Cù-đàm, nay con xin quy y Phật, quy y Pháp và Chúng Tỳ-kheo, cúi mong Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc; kể từ hôm nay, trọn đời tự quy y, cho đến khi mạng chung.

“Bạch Thế Tôn, cũng như có người nuôi một con ngựa bất lương, mà mong được sự lợi ích, chỉ uổng công nhọc nhằn mà chẳng được sự lợi ích gì cả. Thế Tôn, con cũng như vậy. Các Ni-kiền ngu si kia, con không khéo hiểu biết, không thể tự biết, không nhận được đâu là ruộng tốt, mà lại không tự suy xét, mãi thờ kính, cúng dường, lễ bái để trông được lợi ích, chỉ nhọc mà vô ích. Bạch Thế Tôn, nay con một lần nữa xin tự quy Phật, Pháp và Chúng Tỳ-kheo. Cúi mong Đức Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc, kể từ hôm nay, trọn đời tự quy y, cho đến mạng chung.

“Bạch Thế Tôn, con vốn không hiểu nên đối với các Ni-kiền ngu si kia có sự tin tưởng và kính trọng, và từ nay chấm dứt. Vì sao thế? Vì họ lừa dối con. Bạch Thế Tôn, nay con lần thứ ba, xin tự quy y nơi Phật, quy y Pháp, và Chúng Tỳ-kheo. Cúi mong Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc, kể từ hôm nay, trọn đời tự quy y, cho đến mạng chung”. [115]

Phật thuyết như vậy. Đại thần Sư Tử và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

19. KINH NI-KIỀN

 [442c1] Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật sống giữa những người họ Thích [116], trong Thiên ấp [117].

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:

 “Các Ni-kiền thấy như vậy, nói như vậy: ‘Những gì mà con người cảm thọ đều do nhân đã tạo tác từ trước [118]. Nếu những nghiệp cũ của chúng do nhân khổ hành mà diệt và không tạo tác cái mới nữa, thì các nghiệp ấy dứt sạch. Các nghiệp đã dứt sạch thì các khổ được dứt sạch. Các khổ đã được dứt sạch thì đã đạt đến khổ biên [119]’.

“Ta liền đến các vị ấy; đến rồi liền hỏi:

“– Này các Ni-kiền, phải chăng các vị thấy như vầy, nói như vầy: ‘Những gì mà con người cảm thọ đều do nhân đã tạo tác từ trước. Nếu những nghiệp cũ của chúng do nhân khổ hành mà diệt và không tạo tác cái mới nữa, thì các nghiệp ấy dứt sạch. Các nghiệp đã dứt sạch thì các khổ được dứt sạch. Các khổ đã được dứt sạch thì đã đạt đến khổ biên?’

“Họ trả lời rằng:

“– Đúng như vậy, Cù-đàm.

 “Ta lại hỏi các vị Ni-kiền kia rằng:

“– Các vị tự có tịnh trí hay không, để biết rằng, trước kia ta có hay không có? Trước kia ta tạo ác hay không tạo ác? Ta chừng ấy khổ đã diệt tận, hay chừng ấy khổ chưa diệt tận; và nếu chừng ấy đã diệt tận thì sẽ diệt tận tất cả [120]? Chính ngay trong đời hiện tại mà đoạn các pháp bất thiện và tạo tác các thiện pháp, tu tập và tác chứng chăng?’

“Họ trả lời rằng:

“– Không phải vậy, Cù-đàm!

“Ta lại hỏi các Ni-kiền kia rằng:

“– Các vị tự mình không có tịnh trí để biết rằng: ‘Trước kia ta có hay không có? Trước kia ta tạo ác hay không tạo ác? Ta chừng ấy khổ đã diệt tận, hay chừng ấy khổ chưa diệt tận; và nếu chừng ấy đã diệt tận thì sẽ diệt tận tất cả? Chính ngay trong đời hiện tại mà đoạn các pháp bất thiện và tạo tác các thiện pháp, tu tập và tác chứng chăng?’ Nhưng các vị lại nói rằng: ‘Những gì mà con người cảm thọ đều do nhân đã tạo tác từ trước. Nếu những nghiệp cũ của chúng do nhân khổ hành mà diệt và không tạo tác cái mới nữa, thì các nghiệp ấy dứt sạch. Các nghiệp đã dứt sạch thì các khổ được dứt sạch. Các khổ đã được dứt sạch thì đã đạt đến khổ biên’.

“Này các vị Ni-kiền, nếu các vị tự có tịnh trí để biết rằng: ‘Trước kia ta có hay không có? Trước kia ta tạo ác hay không tạo ác? Ta chừng ấy khổ đã diệt tận, hay chừng ấy khổ chưa diệt tận; và nếu chừng ấy đã diệt tận thì sẽ diệt tận tất cả? Chính ngay trong đời hiện tại mà đoạn các pháp bất thiện và tạo tác các thiện pháp, tu tập và tác chứng chăng?’ Thì này các Ni-kiền, các vị mới có thể nói như vầy: ‘Những gì mà con người cảm thọ đều do nhân đã tạo tác từ trước. Nếu những nghiệp cũ của chúng do nhân khổ hành mà diệt và không tạo tác cái mới nữa, thì các nghiệp ấy dứt sạch. Các nghiệp đã dứt sạch thì các khổ được dứt sạch. Các khổ đã được dứt sạch thì đã đạt đến khổ biên’.

“Này Ni-kiền, cũng như có người mà thân thể bị trúng tên độc. Vì trúng tên độc nên rất đau đớn. Người ấy được quyến thuộc yêu mến xót thương, [443a] muốn đem lại sự thiện ích, an ổn, nên lập tức mời vị y sư nhổ tên đến [121]. Vị y sư liền lấy dao bén để giải phẫu vết thương; do sự phẫu thuật vết thương nên lại rất đau đớn. Sau khi giải phẫu vết thương, liền tìm mũi tên [122]; khi tìm mũi tên, lại càng rất đau đớn. Tìm được mũi tên, liền lập tức nhổ ra; lúc nhổ ra y lại càng đau đớn thêm. Nhổ mũi tên ra rồi, đậy vết thương lại và băng bó. Khi băng bó vết thương, lại càng đau đớn hơn. Sau khi nhổ được mũi tên ra, người ấy khỏe mạnh, không bệnh hoạn, các căn không hư hoại, bình phục như cũ.

“Này các Ni-kiền, người ấy có sẵn khôn ngoan nên liền suy nghĩ như vầy: ‘Ta trước kia bị trúng tên độc. Vì trúng tên độc nên rất đau đớn. Ta được quyến thuộc yêu mến xót thương, muốn đem lại sự thiện ích, an ổn, nên lập tức mời vị y sư nhổ tên đến. Vị y sư liền lấy dao bén để giải phẫu vết thương; do sự phẫu thuật vết thương nên lại rất đau đớn. Sau khi giải phẫu vết thương, liền tìm mũi tên; khi tìm mũi tên, lại càng rất đau đớn. Tìm được mũi tên, liền lập tức nhổ ra; lúc nhổ ra lại càng đau đớn thêm. Nhổ mũi tên ra rồi, đậy vết thương lại và băng bó. Khi băng bó vết thương, lại càng đau đớn hơn. Ta sau khi mổ mũi tên ra rồi, được khỏe mạnh, không bệnh hoạn, các căn không hư hoại, trở lại bình thường như cũ’.

“ Cũng vậy, này Ni-kiền, nếu các vị có tịnh trí, vậy có biết rằng: ‘Trước kia ta có hay không có, trước kia ta tạo ác hay không tạo ác? Ta bị chừng ấy khổ là hết hay bị chừng ấy khổ vẫn chưa hết. Nếu hết rồi sẽ được hết khổ vĩnh viễn? Chính ngay trong đời này mà đoạn các pháp bất thiện và tạo được các thiện pháp tu tập và tác chứng chăng?’ Thì này các Ni-kiền, các vị mới có thể nói rằng: ‘Những gì mà con người cảm thọ đều do nhân đã tạo tác từ trước. Nếu những nghiệp cũ của chúng do nhân khổ hành diệt mà không tạo nghiệp mới nữa, thì các nghiệp ấy sẽ chấm dứt. Các nghiệp đã chấm dứt thì các khổ sẽ chấm dứt, các khổ đã được chấm dứt thì đã đạt đến khổ biên’.

“Ta hỏi như vậy mà không thấy các Ni-kiền nào có thể trả lời Ta rằng: ‘Này Cù-đàm, đúng như vậy’ hay ‘không đúng như vậy’.

“Lại nữa, Ta hỏi các Ni-kiền rằng:

“– Nếu các vị Ni-kiền có sự tinh cần bậc thượng, có sự khổ hành bậc thượng [123]; bấy giờ các Ni-kiền có phát sanh sự khổ bậc thượng [124] chăng?

“Họ trả lời Ta rằng:

“– Đúng vậy, Cù-đàm.

“– Nếu có sự tinh cần bậc trung, có sự khổ hành bậc trung; bấy giờ các Ni-kiền có phát sanh sự khổ bậc trung chăng?

“Họ trả lời Ta rằng:

“– Đúng vậy, Cù-đàm.

“– Nếu có sự tinh cần bậc hạ, có sự khổ hành bậc hạ; bấy giờ các Ni-kiền có phát sanh sự khổ bậc hạ chăng?

“Họ trả lời Ta rằng:

“– Đúng vậy, Cù-đàm.

“– Như vậy là, nếu các vị Ni-kiền có sự tinh cần bậc thượng, có sự khổ hành bậc thượng; bấy giờ các Ni-kiền [443b] có phát sanh sự khổ bậc thượng. Nếu có sự tinh cần bậc trung, có sự khổ hành bậc trung; bấy giờ các Ni-kiền có phát sanh sự khổ bậc trung. Nếu có sự tinh cần bậc hạ, có sự khổ hành bậc hạï; bấy giờ các Ni-kiền có phát sanh sự khổ bậc hạ.

“Nếu giả sử các Ni-kiền có sự tinh cần bậc thượng và khổ hành bậc thượng, bấy giờ các Ni-kiền ấy đình chỉ sự khổ bậc thượng. Khi có sự tinh cần bậc trung và khổ hành bậc trung, bấy giờ các Ni-kiền ấy đình chỉ sự khổ bậc trung. Khi có sự tinh cần bậc hạ và khổ hành bậc hạ, bấy giờ các Ni-kiền ấy đình chỉ sự khổ bậc hạ. Hoặc làm như vậy, hoặc không làm như vậy mà đình chỉ khổ cùng cực và các nỗi khổ rất nặng nề, thì nên biết các Ni-kiền ngay trong đời này mà gây ra khổ. [125] Nhưng các Ni-kiền bị si mê che lấp, bị si mê trói buộc, nên nói thế này: ‘Những gì mà con người cảm thọ đều do nhân đã tạo tác từ trước. Nếu những nghiệp cũ của chúng do nhân khổ hành diệt mà không tạo nghiệp mới nữa, thì các nghiệp ấy sẽ chấm dứt. Các nghiệp đã chấm dứt thì các khổ sẽ chấm dứt, các khổ đã được chấm dứt thì đđược đoạn tận khổ biên’.

“Ta hỏi như vậy mà không thấy các Ni-kiền có thể trả lời Ta rằng: ‘Này Cù-đàm, đúng như vậy’ hay ‘không đúng như vậy’.

“Lại nữa, Ta hỏi các Ni-kiền rằng:

“– Các vị Ni-kiền, nếu có nghiệp mang lại lạc báo [126] thì nghiệp ấy có thể nào nhân sự tinh cần và nhân sự khổ hành mà chuyển thành khổ báo chăng? Họ trả lời Ta rằng:

“– Không thể, thưa Cù-đàm!

“– Các vị Ni-kiền, nếu có nghiệp mang lại khổ báo [127] thì nghiệp ấy có thể nào nhân sự tinh cần và nhân sự khổ hành mà chuyển thành lạc báo chăng?

“Họ trả lời Ta rằng:

“– Không thể, thưa Cù-đàm!

“– Các vị Ni-kiền, nếu có nghiệp báo trong đời hiện tại [128], thì nghiệp ấy có thể nào nhân sự tinh cần và nhân sự khổ hành ấy mà chuyển thành quả báo đời sau chăng?

“Họ trả lời Ta rằng:

“– Không thể, thưa Cù-đàm!

“– Các vị Ni-kiền, nếu có nghiệp báo đời sau [129] thì nghiệp ấy có thể nào nhân sự tinh cần và nhân sự khổ hành mà chuyển thành quả báo đời hiện tại chăng?

“Họ trả lời Ta rằng:

“– Không thể, thưa Cù-đàm!

“– Các vị Ni-kiền, nếu có nghiệp báo không chín [130], nghiệp ấy có thể nào nhân sự tinh cần và nhân sự khổ hành mà chuyển thành quả báo chín [131] chăng?

“Họ trả lời Ta rằng:

“– Không thể, thưa Cù-đàm!

“– Các vị Ni-kiền, đó là lạc nghiệp báo, nghiệp ấy không thể nhân sự tinh cần và nhân sự khổ hành, mà chuyển thành khổ báo được. Này các Ni-kiền, khổ báo nghiệp; nghiệp ấy không thể nhân sự tinh cần hay nhân sự khổ hành mà chuyển thành lạc báo được. Này các Ni-kiền, hiện pháp báo nghiệp; nghiệp ấy không thể nhân sự tinh tấn và nhân sự khổ hành mà chuyển thành hậu sanh báo được. Này các Ni-kiền, hậu sanh nghiệp báo; nghiệp ấy không thể nhân sự tinh cần và nhân sự khổ hành mà chuyển thành [443c] hiện pháp báo được. Này các Ni-kiền, nghiệp không chín, nghiệp ấy không thể nhân sự tinh cần và nhân sự khổ hành mà chuyển thành quả báo chín. Này các Ni-kiền, nghiệp báo chín; nghiệp ấy không thể nhân sự tinh cần và nhân sự khổ hành mà chuyển đổi thành khác đi được. Vì vậy, này các Ni-kiền, sự nỗ lực của quý vị là hư vọng [132], sự tinh cần ấy là trống rỗng, chẳng đạt được gì cả [133].

“Các Ni-kiền ấy liền trả lời Ta rằng:

“Thưa Cù-đàm, chúng tôi có tôn sư tên là Thân Tử Ni-kiền [134] có nói thế này: ‘Các Ni-kiền, nếu các ngươi trước kia đã tạo tác ác nghiệp; những nghiệp ấy đều có thể nhân sự khổ hành này mà bị diệt tận. Nếu nay hộ trì thân, khẩu, ý; nhân đó không còn tạo ác nghiệp nữa’.

“Ta lại hỏi các Ni-kiền kia rằng:

“– Các vị tin Tôn sư Thân Tử Ni-kiền, mà không chút nghi ngờ sao?

“Họ trả lời ta rằng:

“– Cù-đàm, chúng tôi tin Tôn sư Thân Tử Ni-kiền, không hề có nghi hoặc.

“Ta lại hỏi các Ni-kiền kia rằng:

“– Có năm pháp đem lại hai quả báo trong hiện tại này. [135] Đó là tín, lạc, văn, niệm, kiến thiện quán. Các Ni-kiền, có phải chăng người ta tự hư dối mình mà nói rằng: ‘Điều này đáng tin, đáng hâm mộ, đáng nghe theo, đáng suy ngẫm, đáng chiêm nghiệm kỹ [136]?’ Họ trả lời Ta rằng:

“– Đúng như vậy, thưa Cù-đàm!

“Ta lại bảo các Ni-kiền kia rằng:

“– Đó là lời dối trá, sao đáng tin, sao đáng nghe theo, sao đáng suy ngẫm, sao đáng chiêm nghiệm? Nghĩa là, người ta tự hư dối mình mà nói rằng: ‘Điều này đáng tin, đáng hâm mộ, đáng nghe theo, đáng suy ngẫm, đáng chiêm nghiệm kỹ’.

“Nếu các Ni-kiền nói như thế [137] thì đối với pháp như thật có năm điều đáng khiển trách [138], chất vấn, là đáng ghê tởm [139]. Những gì là năm?

“Nay những điều khổ, lạc mà chúng sanh này cảm thọ đều do sự tạo tác trước kia [140] Nếu đúng như vậy thì các Ni-kiền trước kia tạo các ác nghiệp. Bởi thế nên nay các Ni-kiền phải thọ khổ cực trọng đại. Đó là điều đáng ghê tởm thứ nhất của các Ni-kiền.

“Lại nữa, chúng sanh lãnh thọ sự khổ vui đều do sự hội hợp [141]. Nếu đúng như vậy thì các vị vốn hội hợp các điều ác. Bởi thế nên nay các Ni-kiền phải thọ khổ cực trọng đại. Đó là điều đáng ghê tởm thứ hai của các Ni-kiền.

“Lại nữa, chúng sanh lãnh thọ sự khổ vui đều do định mạng [142]. Nếu đúng như vậy thì các Ni-kiền có định mạng ác. Bởi vậy cho nên nay các Ni-kiền phải thọ khổ cực trọng đại. Đó là điều đáng ghê tởm thứ ba của các Ni-kiền.

“Lại nữa, chúng sanh lãnh thọ sự khổ vui đều do kiến [143]. Nếu đúng như vậy thì các Ni-kiền vốn có ác kiến. Bởi vậy cho nên nay [444a] các Ni-kiền phải thọ khổ cực trọng đại. Đó là điều đáng ghê tởm thứ tư của các Ni-kiền.

“Lại nữa, chúng sanh lãnh thọ sự khổ vui đều do Tôn Hựu tạo [144]. Nếu đúng như vậy thì các Ni-kiền vốn có một Tôn Hựu hung ác. Bởi vậy cho nên nay các Ni-kiền phải thọ khổ cùng cực. Đó là điều đáng ghê tởm thứ năm của các Ni-kiền.

“Nếu các Ni-kiền vốn do tạo tác nghiệp ác hội hợp, ác định mạng, ác kiến, ác Tôn hựu, vì thế mà các Ni-kiền nay phải lãnh thọ khổ cực trọng đại. Đó là vì những việc ấy nên các Ni-kiền là những người đáng ghê tởm.

“Pháp mà ta tự tri, tự giác và nói cho các vị, dù là Sa-môn, Bà-la-môn, hoặc Thiên, Ma, Phạm và những kẻ khác trên thế gian đều không thể hàng phục được, đều không thể chế ngự được.

“Thế nào là pháp mà ta tự tri, tự giác và nói cho các vị, không thể bị Sa-môn, Bà-la-môn, hoặc Thiên, Ma, Phạm và những kẻ khác trên thế gian có thể khuất phục được, có thể làm cho  cấu uế được, và có thể chế ngự được? [145]

“Nếu có Tỳ-kheo xả bỏ thân nghiệp bất thiện để tu thiện nghiệp nơi thân; xả bỏ khẩu, ý nghiệp bất thiện, tu thiện nghiệp nơi khẩu, ý. Vị đó đối với sự khổ đời vị lai mà tự biết rằng ta sẽ không có khổ đời vị lai, được sự an lạc như pháp mà không xả bỏ [146]. Vị ấy hoặc muốn đoạn trừ đối với nguyên nhân của khổ do cần hành dục, hoặc muốn nỗ lực đoạn trừ đối với nguyên nhân của khổ do cần hành xả dục [147]. Vị ấy nếu muốn nỗ lực đoạn trừ đối với nguyên nhân của khổ do cần hành dục, vị ấy tu tập cần hành dục ấy và sau khi đã đoạn, sự khổ liền chấm dứt. [148] Vị ấy nếu muốn đoạn trừ đối với nguyên nhân của khổ bằng cần hành xả dục, tức tu tập cần hành xả dục ấy, và sau khi đoạn, sự khổ liền chấm dứt.

“Bấy giờ nếu Tỳ-kheo ấy suy nghĩ như thế này: ‘Tùy theo những gì được tạo tác, tùy theo những gì được hành mà pháp bất thiện sanh khởi, pháp thiện bị diệt. Nếu ta tự tinh cần khổ hành [149] mà pháp bất thiện bị tiêu diệt, thiện pháp sinh khởi, thì ta hãy tự tinh cần khổ hành ấy [150]’. Rồi vị ấy tự tinh cần khổ hành. Sau khi đã tinh cần khổ hành, pháp bất thiện bị tiêu diệt, thiện pháp sanh khởi. Bấy giờ vị ấy không còn tinh cần khổ hành nữa. Vì sao thế? Này các Tỳ-kheo, những gì cần phải làm trước đó, nay mục đích đã thành tựu, nếu còn tinh cần khổ hành, việc ấy không xảy ra.

“Này Tỳ-kheo, cũng như người thợ làm tên, dùng kềm để uốn tên [151]. Khi cây tên đã thẳng thì không còn dùng kềm nữa. Vì sao thế? Vì việc phải làm trước đó nay đã xong rồi, nếu còn dùng kềm nữa, việc ấy không đúng. Cũng vậy, Tỳ-kheo suy nghĩ như thế này: ‘Tùy theo những gì được tạo tác, tùy theo những gì được hành mà pháp bất thiện sanh khởi, thiện pháp bị tiêu diệt. Nếu ta tự tinh cần khổ hành mà pháp bất thiện bị tiêu diệt, thiện pháp sinh khởi, thì ta hãy tự tinh cần khổ hành ấy’. Rồi vị ấy tự tinh cần [444b] khổ hành. Sau khi đã tinh cần khổ hành, pháp bất thiện bị tiêu diệt, thiện pháp sanh khởi. Bấy giờ vị ấy không còn tinh cần khổ hành nữa. Vì sao thế? Này các Tỳ-kheo, những gì cần phải làm trước đó, nay mục đích đã thành tựu, nếu còn tinh cần khổ hành việc ấy không đúng.

“Này Tỳ-kheo, cũng như có người thương nhớ, say đắm, trông chờ săn đón một người nữ kia, nhưng người nữ ấy lại nói chuyện với một người khác, thăm hỏi lẫn nhau, qua lại chung chạ. Người ấy do đó mà thân tâm phát sinh khổ não, buồn rầu không?”

Tỳ-kheo đáp:

“Thật như vậy, bạch Thế Tôn!”

“Vì sao thế? Vì người kia thương nhớ say đắm và hết sức trông chờ săn đón nữ nhân mà nữ nhân ấy lại nói chuyện với người khác, thăm hỏi lẫn nhau, qua lại chung chạ, thân tâm người ấy làm sao khỏi sanh ra khổ não buồn rầu.

“Này Tỳ-kheo, giả sử người kia suy nghĩ thế này: Ta thương nhớ săn đón suông người nữ kia, nhưng người nữ ấy lại nói chuyện với người khác, thăm hỏi lẫn nhau, qua lại chung chạ. Nay ta có nên vì việc ấy tự gây khổ não và tự gây ưu phiền mà dứt trừ sự thương nhớ say đắm người nữ kia chăng?’ Người ấy sau đó vì sự tự gây khổ, tự gây sầu não liền dứt trừ sự thương nhớ say đắm người nữ ấy. Nếu người nữ kia vẫn còn nói chuyện với người khác, thăm hỏi lẫn nhau, qua lại chung chạ, người ấy sau đó có thể nào sẽ còn sanh ra khổ não, rất buồn rầu chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Không còn nữa, bạch Thế Tôn”.

“Vì sao thế? Vì người ấy đối với nữ nhân kia không còn tình thương nhớ say đắm nữa. Giả sử nữ nhân kia vẫn còn nói chuyện với người khác, thăm hỏi lẫn nhau, qua lại chung chạ; nếu cho rằng người kia vì thế mà thân tâm lại còn sanh khởi khổ não, rất buồn rầu, điều ấy không đúng.

“Cũng thế, bấy giờ Tỳ-kheo suy nghĩ thế này: ‘Tùy theo sự tạo tác, tùy theo sự thực hành mà pháp bất thiện sanh khởi, thiện pháp bị tiêu diệt. Nếu tự tinh cần khổ hành mà pháp bất thiện bị tiêu diệt, thiện pháp sinh khởi, thì ta hãy tự tinh cần khổ hành ấy’. Rồi vị ấy tự tinh cần khổ hành. Sau khi đã tinh cần khổ hành, pháp bất thiện bị tiêu diệt, thiện pháp sanh khởi. Bấy giờ vị ấy không còn tinh cần khổ hành nữa. Vì sao thế? Này các Tỳ-kheo những gì cần phải làm trước đó, nay mục đích đã thành tựu, nếu còn tinh cần khổ hành việc ấy không đúng.

“Vị ấy lại nghĩ như thế này: ‘Nếu có những nguyên nhân để đoạn trừ các khổ não kia, ta liền đã đoạn trừ rồi, nhưng đối với dục ta vẫn còn như cũ chớ chưa đoạn được. Nay ta hãy tìm cách đoạn được dục. Vị ấy vì để đoạn dục, bèn sống cô độc, ẩn dật nơi rừng vắng, hoặc đến dưới bóng cây, nơi vắng vẻ, sườn núi, động đá, đất trống, lùm cây, hoặc đi vào rừng sâu, hoặc ở giữa bãi tha ma. Khi vị ấy đã sống nơi rừng vắng rồi, hoặc là đến dưới bóng cây, nơi vắng vẻ yên lặng, trải ni-sư-đàn, [444c] ngồi kiết già, dựng thân ngay thẳng, phản tỉnh không hướng ý niệm ra ngoài [152] đoạn trừ tham lam [153], tâm không còn não hại [154]; thấy của cải và tư cụ sinh sống của người khác, không còn móng khởi tham lam, muốn sao cho được về mình. Vị ấy đối với tham lam đã tịnh trừ tâm ý. Cũng vậy, đối với sân nhuế, tùy miên, trạo hối, đoạn trừ nghi, vượt qua hoặc, không còn do dự đối với các thiện pháp, vị ấy đối với nghi đã tịnh trừ tâm ý.

“Vị ấy đã đoạn trừ năm triền cái vốn làm tâm  cấu uế, tuệ yếu kém, rồi ly dục, ly ác bất thiện pháp, cho đến chứng Tứ thiền, thành tựu và an trụ.

“Vị ấy đạt được tịnh tâm thanh tịnh, không cấu uế và không phiền nhọc như vậy, nhu nhuyến và khéo léo an trụ, chứng đắc tâm bất động, hướng thẳng đến lậu tận trí thông. Vị ấy biết như thật rằng: ‘Đây là Khổ’, ‘đây là Khổ tập’, ‘đây là Khổ diệt’, và biết như thật ‘đây là Khổ diệt đạo’. Cũng biết như thật rằng: Đây là lậu, đây là lậu tập, đây là lậu diệt, biết như thật đây là lậu diệt đạo. Vị ấy biết như vậy, thấy như vậy thì tâm giải thoát khỏi dục lậu, hữu lậu, tâm giải thoát vô minh lậu. Giải thoát rồi liền biết là giải thoát, biết như thật rằng: ‘Sự sanh đã hết, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.

“Như Lai với chánh tâm giải thoát như vậy thành tựu được năm điều tán thán như pháp, không tranh cãi, khả ái, khả kính. Những gì là năm?

“Chúng sanh kia thọ lãnh khổ vui đều do sự tạo tác trước kia. Nếu đúng như vậy thì Như Lai vốn có nghiệp vi diệu từ trước. Bởi vậy nên nay Như Lai mới có sự an lạc vô lậu của bậc Thánh, tịch tịnh, tĩnh chỉ, cảm thọ lạc. Đó là điều xưng tán thứ nhất mà Như Lai đạt được.

“Lại nữa, chúng sanh thọ lãnh khổ vui đều do hiệp hội. Nếu đúng như vậy thì Như Lai vốn có sự nghiệp hội vi diệu. Bởi vậy, nên nay Như Lai mới có sự hiệp hội vi diệu, sự an lạc vô lậu của bậc Thánh, tịch tịnh, tĩnh chỉ, cảm thọ lạc. Đó là điều xưng tán thứ hai mà Đức Như Lai đạt được.

“Lại nữa, chúng sanh thọ lãnh khổ vui đều do định mạng. Nếu đúng như vậy thì Như Lai vốn có định mạng vi diệu. Bởi vậy, nên nay Như Lai mới có sự an lạc vô lậu của bậc Thánh, tịch tịnh, tĩnh chỉ, cảm thọ lạc. Đó là điều xưng tán thứ ba mà Đức Như Lai đạt được.

“Lại nữa, chúng sanh thọ lãnh khổ vui đều do kiến. Nếu đúng như vậy thì Như Lai vốn có kiến vị diệu. Bởi vậy, nên nay Như Lai mới có sự an lạc vô lậu của bậc Thánh, tịch tịnh, tĩnh chỉ, cảm thọ lạc. Đó là điều xưng tán thứ tư mà Đức Như Lai đạt được.

“Lại nữa, chúng sanh thọ lãnh khổ vui đều do Đấng Tôn Hựu tạo tác. Nếu đúng như vậy thì Như Lai vốn có Tôn Hựu vi diệu. Bởi vậy, nên nay Như Lai mới có sự an lạc vô lậu của bậc Thánh, [445a]tịch tịnh, tĩnh chỉ, cảm thọ lạc. Đó là điều xưng tán thứ năm mà Như Lai đạt được.

“Đó là Như Lai vốn có từ trước nghiệp vi diệu, sự hội họp vi diệu, định mạng vi diệu, kiến vi diệu và Tôn Hựu vi diệu và tạo tác vi diệu của Tôn Hựu. Do đó mà Như Lai được năm điều tán thán.

“Có năm nhân duyên làm cho tâm sanh ưu khổ. Những gì là năm? Đó là dâm dục triền, do dâm dục quấn chặt nên tâm sanh ưu khổ. Cũng vậy, đối với sân nhuế, thụy miên, trạo hối, nghi hoặc. Do nghi hoặc quấn chặt, nên tâm sanh ưu khổ. Đó là năm nhân duyên làm tâm sanh ưu khổ.

“Có năm nhân duyên để tâm diệt ưu khổ. Những gì là năm? Như do dâm dục triền nên tâm sinh ưu khổ, trừ dâm dục triền rồi thì ưu khổ liền bị tiêu diệt. Vì dâm dục triền nên tâm sanh ra ưu khổ, ngay trong đời hiện tại mà chứng đắc cứu cánh, không phiền, không nhiệt và bền vững không biến đổi; [155] đó là sở tri của bậc Thánh, sở kiến của bậc Thánh. Cũng vậy, với sân nhuế, thùy miên, nghi hoặc triền; do nghi hoặc quấn chặt nên tâm sanh ra ưu khổ. Nếu trừ được nghi hoặc triền rồi thì ưu khổ liền bị tiêu diệt. Vì nghi hoặc quấn chặt nên tâm sanh ra ưu khổ, trong đời hiện tại mà chứng đắc cứu cánh, không phiền, không nhiệt, thường trụ bất biến. Đó là sở tri của bậc Thánh, sở kiến của bậc Thánh. Ấy là năm nhân duyên để tâm diệt trừ ưu khổ.

“Lại nữa, còn có pháp khác ngay trong đời hiện tại mà chứng đắc cứu cánh, không phiền, không nhiệt, bền vững không biến đổi, là sở tri của bậc Thánh, là sở kiến của bậc Thánh. Thế nào là còn có pháp khác ngay trong đời hiện tại mà chứng đắc cứu cánh không phiền, không nhiệt, thường trụ và bất biến, là sở tri của bậc Thánh, sở kiến của bậc Thánh? Đó là tám chi thánh đạo, tức từ chánh kiến đến chánh định. Ấy là còn có pháp ngay trong đời hiện tại mà chứng đắc cứu cánh, không phiền, không nhiệt, thường trú và bất biến, là sở tri của bậc Thánh, sở kiến của bậc Thánh.

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

20. KINH BA-LA-LAO [156]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú ở Câu-lệ-sấu [157], cùng với đại chúng Tỳ-kheo, đi đến Bắc thôn [158], trú ở phía Bắc của thôn trong rừng Thi-nhiếp-hòa [159].

Bấy giờ Ba-la-lao Già-di-ni [160] nghe rằng: “Sa-môn Cù-đàm thuộc dòng họ Thích, đã từ bỏ dòng họ Thích, [445b] xuất gia học đạo, đang trú tại Câu-lệ-sấu, cùng đại chúng Tỳ-kheo, đi đến Bắc thôn, trú ở phía Bắc của thôn trong rừng Thi-nhiếp-hòa. Vị Sa-môn Cù-đàm ấy có tiếng tăm lớn, truyền khắp mười phương rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Vị ấy ở trong thế gian này giữa Chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, từ loài người cho đến loài trời, tự tri tự giác, tự tác chứng, thành tựu và an trụ. Pháp mà vị ấy thuyết, khoảng đầu thiện, khoảng giữa thiện, cứu cánh cũng thiện, có nghĩa, có văn, hiển hiện phạm hạnh thanh tịnh trọn đủ’. Nếu gặp được Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, để tôn trọng, lễ bái cúng dường, thừa sự, thì sẽ được nhiều thiện lợi”. Người kia suy nghĩ rằng: “Ta nên đến yết kiến Sa-môn Cù-đàm để lễ bái, cúng dường”.

Ba-la-lao Già-di-ni nghe vậy rồi, ra khỏi Bắc thôn, đi về hướng Bắc, đến rừng Thi-nhiếp-hòa, muốn yết kiết Thế Tôn để lễ bái cúng dường. Ba-la-lao Già-di-ni từ xa trông thấy Thế Tôn ở trong rừng cây, đoan nghiêm đẹp đẽ, như mặt trăng giữa đám tinh tú sáng ngời chói lọi, rực rỡ như tòa núi vàng, đầy đủ tướng hảo, uy thần vời vợi, các căn tịch tịnh, không gì ngăn che, thành tựu sự điều ngự, tâm yên tĩnh lặng. Ba-la-lao Già-di-ni từ xa trông thấy Đức Thế Tôn rồi, đến trước chỗ Thế Tôn, cùng chào hỏi rồi ngồi xuống một phía, thưa với Thế Tôn rằng:

“Tôi nghe Sa-môn Cù-đàm biết huyễn thuật, là nhà huyễn thuật [161]. Thưa Cù-đàm, nếu ai nói như vậy: ‘Sa-môn Cù-đàm biết huyễn thuật, là nhà huyễn thuật’, người ấy không hủy báng Sa-môn Cù-đàm chăng? Người ấy có nói đúng sự thật không? Người ấy nói có đúng pháp chăng? Người ấy nói đúng pháp và như pháp [162] chăng? Đối với như pháp, không có sai lầm và không bị chỉ trích chăng?”

Đức Thế Tôn đáp:

“Này Già-di-ni, nếu có ai nói như vầy, ‘Sa-môn Cù-đàm biết huyễn thuật, là nhà huyễn thuật’, thì người ấy không hủy báng Sa-môn Cù-đàm, người ấy nói chân thật, ngươi ấy nói đúng pháp, người ấy nói pháp như pháp, đối với pháp không có lỗi lầm, không bị chỉ trích. Vì sao thế? Này Già-di-ni, Ta biết huyễn thuật ấy, nhưng chính Ta không phải là nhà huyễn thuật”.

Già-di-ni nói rằng:

“Những điều các Sa-môn, Bà-la-môn kia nói là chân thật, nhưng tôi không tin họ nói rằng ‘Sa-môn Cù-đàm biết huyễn thuật và là nhà huyễn thuật”.

Thế Tôn nói:

“Này Già-di-ni, nếu người nào biết huyễn thuật thì người đó là nhà huyễn thuật chăng?”

Già-di-ni thưa rằng:

“Quả thật vậy, Thế Tôn. Quả thật vậy, Thiện Thệ”.

Thế Tôn bảo rằng:

“Này Già-di-ni, ông đừng tự lầm lẫn mà hủy báng Ta. Nếu hủy báng Ta thì chỉ tự gây tổn hại, có sự não hại, có xúc phạm, điều mà Hiền Thánh ghét bỏ, [445c] và bị tội lớn. Vì sao thế? Này Già-di-ni, điều ấy thật ra không đúng như lời ông nói.

“Này Già-di-ni, ông có nghe Câu-lệ-sấu có binh tốt [163] chăng?

Già-di-ni đáp rằng:

“Tôi nghe rằng có”.

“Này Già-di-ni, ông nghĩ thế nào, Câu-lệ-sấu có binh tốt ấy để làm gì?”

Già-di-ni đáp:

“Thưa Cù-đàm, để làm thông sứ và giết giặc cướp. Vì việc đó nên Câu-lệ-sấu nuôi các binh tốt ấy”.

“Này Già-di-ni, ông nghĩ thế nào, binh tốt Câu-lệ-sấu có giữ giới cấm hay không giữ giới cấm?”

Già-di-ni đáp:

“Thưa Cù-đàm, nếu trên thế gian này có những người không giữ giới cấm, vẫn không thể quá hơn binh tốt Câu-lệ-sấu. Vì sao thế? Vì binh tốt Câu-lệ-sấu phạm rất nhiều giới cấm, chỉ làm các ác pháp”.

Lại hỏi:

“Ông thấy như vậy, biết như vậy, Ta không hỏi ông. Nếu có người khác hỏi ông, ‘Vì Già-di-ni biết rằng binh tốt Câu-lệ-sấu phạm rất nhiều những giới cấm, chỉ làm những ác pháp; nhân việc đó nên Già-di-ni cũng phạm rất nhiều cấm giới, chỉ làm các ác pháp’. Nên nói như vậy, là lời nói đúng sự thật chăng?”

Già-di-ni đáp:

“Không phải vậy, thưa Cù-đàm. Vì sao thế? Vì binh tốt Câu-lệ-sấu có tri kiến khác, có sở nguyện khác, nên binh tốt Câu-lệ-sấu phạm rất nhiều cấm giới, chỉ làm các ác pháp. Còn tôi thì rất trì giới, không làm các ác pháp”.

Lại hỏi:

“Già-di-ni, ông biết binh tốt Câu-lệ-sấu phạm rất nhiều cấm giới, chỉ làm các ác pháp, nhưng ông không do đó mà phạm cấm giới, chỉ làm các ác pháp. Vậy thì vì sao không thể rằng Như Lai biết huyễn thuật, trong khi chính mình không phải là nhà huyễn thuật. Vì sao thế? Ta biết huyễn thuật, biết người huyễn thuật, biết quả báo của huyễn thuật, biết đoạn trừ huyễn thuật.

“Này Già-di-ni, Ta cũng biết sát sanh, biết người sát sanh, biết sự đoạn trừ sát sanh. Này Già-di-ni, Ta biết việc lấy của không cho, biết người lấy của không cho, biết quả báo việc lấy của không cho, biết sự đoạn trừ việc lấy của không cho. Này Già-di-ni, Ta biết việc nói dối, biết người nói dối, biết quả báo việc nói dối, biết đoạn trừ sự nói dối. Này Già-di-ni, Ta biết như vậy, thấy như vậy. Ai nói như vầy: ‘Sa-môn Cù-đàm biết huyễn thuật tức là nhà huyễn thuật’, nếu người ấy chưa đoạn trừ lời nói này, mà nghe tâm ấy, dục ấy, nguyện ấy, văn ấy, niệm ấy, quán ấy, thì trong khoảnh khắc như co duỗi cánh tay, mạng chung sanh vào địa ngục”.

Già-di-ni nghe vậy, kinh hãi khủng khiếp, lông trên mình dựng đứng lên, liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ chân Phật, quỳ mọp, chắp tay hướng về Thế Tôn mà bạch rằng:

“Cù-đàm, tôi ăn năn tội lỗi. Thiện Thệ, tôi tự thú. Tôi như ngu, như si, như bất định, như bất thiện. Vì sao thế? Vì tôi nói quấy rằng Sa-môn Cù-đàm là nhà huyễn thuật. [446a] Cúi mong Cù-đàm cho tôi được ăn năn tội lỗi, thấy tội thì bày tỏ. Tôi đã ăn năn tội rồi, sẽ giữ gìn không để tái phạm nữa”.

Thế Tôn bảo rằng:

“Thật như vậy, Già-di-ni, ông quả thật ngu, như si, như bất định, như bất thiện. Vì sao thế? Vì ông nói quấy rừang Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác là nhà huyễn thuật. Nhưng ông có thể ăn năn tội lỗi, thấy tội thì nên bày tỏ, giữ gìn không để tái phạm nữa. Như vậy, này Già-di-ni, nếu có người ăn năn tội lỗi, thấy tội nên bày tỏ, hộ trì mà không tạo lại nữa, thì trưởng dưỡng Thánh pháp, không còn có sự sai lầm nữa”.

Lúc đó Già-di-ni chắp tay hướng về Thế Tôn mà bạch rằng:

“Thưa Cù-đàm, có Sa-môn, Bà-la-môn, thấy thế này, nói thế này: ‘Nếu kẻ nào sát sanh, kẻ ấy nhất thiết thọ báo ngay trong đời này; nhân đó mà sanh ra ưu khổ. Nếu kẻ nào lấy của không cho, nói dối, kẻ ấy nhất thiết thọ báo; nhân đó mà sanh ra ưu khổ’. Thưa Sa-môn Cù-đàm, ý Ngài nghĩ sao?”

Đức Thế Tôn bảo rằng:

Này Già-di-ni, nay Ta hỏi ông, tùy sự hiểu biết mà trả lời. Này Già-di-ni, ý ông nghĩ sao? Nếu trong thôn ấp, hoặc có một người đầu đội tràng hoa, dùng nhiều loại hương xoa vào thân, rồi xướng nhạc, ca vũ, tự mình thỏa thích, vui cười nữ sắc, hoan lạc như vua. Nếu có người hỏi rằng: ‘Người này trước kia làm những gì mà nay đầu đội tràng hoa, hoặc dùng nhiều loại hương xoa vào thân rồi xướng nhạc, ca vũ, tự mình thỏa thích, vui cười nữ sắc, hoan lạc như vua?’ Hoặc có người trả lời rằng: ‘Người ấy vì Quốc vương mà giết hại kẻ thù. Quốc vương sau khi vui vẻ liền ban thưởng cho. Do đó người ấy đầu đội tràng hoa, dùng nhiều loại hương xoa vào thân, rồi xướng nhạc, ca vũ, tự mình thỏa thích, vui cười nữ sắc, hoan lạc như vua. Này Già-di-ni, ông có thấy như vậy, nghe như vậy chăng?”

Già-di-ni đáp:

“Tôi có thấy như vậy, nghe như vậy, Cù-đàm. Tôi đã nghe và sẽ được nghe nữa”.

“Già-di-ni, rồi lại thấy Quốc vương bắt bớ tội nhân, trói quặt hai tay lại, đánh trống, xướng lệnh, kéo ra cửa thành phía Nam, để ngồi dưới cây nêu cao, rồi chém bêu đầu. Nếu có người hỏi rằng: ‘Người này phạm tội gì mà bị Quốc vương giết nhỉ?’ Hoặc có người trả lời rằng: ‘Người này giết một người [164] trong Vương gia, do đó Quốc vương ra lệnh hành hình như vậy’. Này Già-di-ni, ông có thấy như vậy, nghe như vậy chăng?”

Già-di-ni trả lời:

“Tôi có thấy như vậy, Cù-đàm, tôi đã nghe và sẽ được nghe nữa”.

“Này Già-di-ni, nếu có Sa-môn, Bà-la-môn, thấy như vậy, nói như vậy: ‘Nếu có người nào sát sanh người ấy nhất thiết phải thọ báo ngay trong hiện tại này; nhân đó mà sanh ra ưu khổ’, thì đó là lời nói chân thật hay lời nói hư dối?”

Già-di-ni đáp:

“Đó là lời nói hư dối, [446b] thưa Cù-đàm”.

“Nếu người ấy nói hư vọng, ông có tin chăng?”

Già-di-ni đáp:

“Tôi không tin, thưa Cù-đàm”.

Đức Thế Tôn khen rằng:

“Lành thay, Già-di-ni, Ta lại hỏi ông, ông nghĩ thế nào? Nếu trong thôn ấp, hoặc có người đầu đội tràng hoa, dùng nhiều thứ hương xoa vào thân, rồi xướng nhạc, ca vũ, tự mình thỏa thích, vui chơi nữ sắc, hoan lạc như vua. Nếu có người hỏi rằng: ‘Người này trước kia đã làm những việc gì mà nay đầu đội tràng hoa, dùng nhiều thứ hương xoa vào thân, rồi xướng nhạc, ca vũ, tự mình thỏa thích vui chơi nữ sắc, hoan lạc như vua?’ Hoặc có người trả lời rằng, ‘Người ấy ở nước khác, vì lấy của không cho, do đó người ấy đầu đội tràng hoa, dùng nhiều thứ hương xoa vào thân, rồi xướng nhạc, ca vũ, tự mình thỏa thích vui chơi nữ sắc, hoan lạc như vua’. Này Già-di-ni, ông có thấy như vậy, nghe như vậy chăng?”

Già-di-ni thưa:

“Tôi có thấy như vậy, thưa Cù-đàm, tôi đã nghe và sẽ được nghe nữa”.

“Này Già-di-ni, rồi lại thấy Quốc vương bắt bớ tội nhân trói quặt hai tay ra sau, đánh trống, xướng lệnh kéo ra cửa phía Nam, để ngồi dưới gốc cây nêu cao rồi chém bêu đầu. Nếu có người hỏi rằng: ‘Người này mắc tội gì mà bị Quốc vương giết chết?’ Hoặc có người trả lời rằng: ‘Người ấy lấy của không cho trong Vương gia, do đó Quốc vương ra lệnh hành hình như vậy’. Này Già-di-ni, ông có thấy như vậy, nghe như vậy chăng?”

Già-di-ni trả lời rằng:

“Tôi có thấy như vậy, Cù-đàm, tôi đã nghe và sẽ được nghe nữa”.

“Này Già-di-ni, nếu có Sa-môn, Bà-la-môn thấy và nói như vậy: ‘Nếu có kẻ nào lấy của không cho, kẻ ấy nhất thiết phải thọ báo ngay trong đời hiện tại này, nhân đó mà sanh ra ưu khổ’, thì lời nói đó chân thật hay lời nói hư dối?”

Già-di-ni đáp:

“Đó là lời nói hư dối, thưa Cù-đàm”.

“Nếu người ấy nói hư vọng, ông có tin chăng?”

Già-di-ni đáp:

“Tôi không tin, thưa Cù-đàm!”

Đức Thế Tôn khen rằng.

“Lành thay! Lành thay! Già-di-ni!”

Lại hỏi Già-di-ni:

“Già-di-ni, ông nghĩ thế nào, nếu trong thôn ấp hoặc có người đầu đội tràng hoa, dùng nhiều thứ hương xoa vào thân, rồi xướng nhạc, ca vũ, tự mình thỏa thích vui chơi nữ sắc, hoan lạc như vua. Nếu có người hỏi rằng: ‘Người ấy trước kia làm những việc gì mà nay đầu đội tràng hoa, dùng nhiều thứ hương xoa vào thân, rồi xướng nhạc ca vũ, tự mình thỏa thích vui chơi nữ sắc, hoan lạc như vua?’ Hoặc có người trả lời rằng: ‘Người ấy ca múa để vui giỡn, cười đùa. Người ấy bằng lời nói dối làm cho Quốc vương vui vẻ. Sau khi Quốc vương vui vẻ liền ban thưởng cho, do đó người ấy đầu đội tràng hoa, dùng nhiều thứ hương xoa vào thân, rồi xướng nhạc, ca vũ, tự mình thỏa thích vui chơi nữ sắc, hoan lạc như vua’. Này Già-di-ni, ông có thấy như vậy, nghe như vậy chăng?”

Già-di-ni trả lời rằng:

“Tôi có thấy như vậy, Cù-đàm, tôi đã nghe và sẽ được nghe nữa”.

“Này Già-di-ni, rồi lại thấy Quốc vương bắt bớ tội nhân, dùng gậy đánh đến chết, rồi bỏ vào củi cây, chở trên xe trống đi ra cửa thành phía Bắc, vất vào trong rãnh nước, nếu có người hỏi rằng: ‘Người ấy mắc tội gì mà bị quốc vương giết chết đi?’ Hoặc có người trả lời rằng: ‘Người ấy ở trước Quốc vương nói dối là có chứng đắc. Người ấy do lừa gạt Quốc vương bằng lời nói dối nên bị Quốc vương ra lệnh bắt làm như thế’. Này Già-di-ni, ông có thấy như vậy, [446c] nghe như vậy không?”

Già-di-ni trả lời rằng:

“Tôi có thấy vậy, Cù-đàm, tôi đã nghe và sẽ nghe nữa”.

“Này Già-di-ni, ông nghĩ thế nào, nếu có Sa-môn, Bà-la-môn thấy như vậy, nói như vậy: ‘Nếu có người nào nói dối, người ấy nhất thiết phải thọ báo ngay trong đời hiện tại này, nhân đó mà sanh ra ưu khổ’, thì lời nói đó là lời nói chân thật hay hư dối?”

Già-di-ni đáp:

“Đó là lời nói hư dối, thưa Cù-đàm”.

“Nếu người ấy nói hư vọng, ông có tin chăng?”

Già-di-ni đáp:

“Tôi không tin, thưa Cù-đàm”.

Đức Thế Tôn khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Già-di-ni!”

Lúc đó, Già-di-ni liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai sửa áo chắp tay hướng về Thế Tôn mà thưa rằng:

“Kỳ diệu thay, những điều Cù-đàm nói rất vi diệu, khéo ví dụ, khéo dẫn chứng. Bạch Cù-đàm, tôi ở trong Bắc thôn có xây dựng một ngôi nhà cao lớn, sắp đặt giường nệm, để sẵn đồ chứa nước thắp sáng những ngọn đèn lớn. Nếu có vị Sa-môn, Bà-la-môn tinh tấn nào đến nghỉ ở ngôi nhà cao lớn ấy, tôi sẽ tùy khả năng mà cung cấp những gì vị ấy cần thiết. Có bốn vị luận sĩ mà sở kiến khác nhau, cùng đến tập hợp tại ngôi nhà cao lớn ấy. Trong đó có một vị luận sĩ thấy như vầy, nói như vầy: ‘Không có bố thí, không có trai tế, không có chú thuyết, không có nghiệp thiện, nghiệp ác, không có quả báo của nghiệp thiện ác, không có đời này đời sau, không có cha, không có mẹ, trên đời không có bậc chân nhân đi đến thiện xứ, khéo đi, khéo hướng, tự tri, tự giác, tự chứng ngộ đời này và đời khác, thành tựu và an trụ’. [165]

“Vị luận sư thứ hai lại có sở kiến trái ngược với sở kiến của vị luận sư thứ nhất. Vị ấy cũng thấy như vầy, nói như vầy: ‘Có bố thí, có trai tế, có chú thuyết, có nghiệp thiện ác, có nghiệp báo thiện ác, có đời này đời sau, có cha có mẹ có bậc chân nhân trên đời này đi đến thiện xứ, khéo đi, khéo hướng, tự tri, tự giác, tự chứng ngộ đời này và đời khác, thành tựu và an trụ’.

“Vị luận sư thứ ba thấy như vầy, nói như vầy: ‘Tự mình làm và sai bảo người khác làm, tự mình chém giết và sai bảo người khác chém giết, tự mình nấu và sai bảo người khác nấu; ưu sầu [166], phiền muộn, lo lắng, đấm ngực, áo não, khóc lóc, ngu si; sát sanh, lấy của không cho, tà dâm, nói dối, uống rượu; đào vách, mở kho, [447a] đến ngõ hẻm khác để ăn cướp [167], phá làng hại xóm, phá thành, diệt nước; làm như thế không phải là làm ác. Lại dùng vòng sắt bén như dao cạo, người ấy đối với tất cả chúng sanh ở trên cõi đời này, trong vòng một ngày mà bửa, mà cắt, mà chém, mà chặt, mà lột da, mà lóc xẻ từng mảng thịt, lách từng phần từng khối; do vậy vẫn không có nghiệp ác, do vậy vẫn không có nghiệp báo ác. Ở bờ sông Hằng-già phía Nam, giết rồi cắt, rồi khiến nấu’; và ở bờ sông Hằng-già phía Bắc mà bố thí, trai tế, chú thuyết. Không do đó mà có tội hay có phước; không do đó mà có quả báo tội phước. Cấp thí, tự chế ngự, thủ hộ, nhiếp trì, tán thán, nhiêu ích, ái ngữ lợi hành, không do đó mà có phước, không do đó mà có quả báo của phước’. [168]

Luận sĩ thứ tư lại có sở kiến trái ngược sở kiến vị luận chủ thứ ba. Vị ấy thấy như vầy, nói như vầy: ‘Tự mình làm và sai bảo người khác làm, tự mình chém giết và sai bảo người khác chém giết, tự mình nấu và sai bảo người khác nấu; ưu sầu, phiền muộn, lo lắng, đấm ngực, áo não, khóc lóc, ngu si; sát sanh, lấy của không cho, tà dâm, nói dối, uống rượu; đào vách, mở kho, đến ngõ hẻm khác để ăn cướp, phá làng hại xóm, phá thành, diệt nước; làm như thế chính là làm ác. Lại dùng vòng sắt bén như dao cạo, người ấy đối với tất cả chúng sanh ở trên cõi đất này, trong vòng một ngày mà bửa, mà cắt, mà chém, mà chặt, mà lột da, mà lóc xẻ từng mảng thịt, lách từng phần từng khối; do vậy vẫn không có nghiệp ác, do vậy vẫn không có nghiệp báo ác. Ở bờ sông Hằng-già phía Nam, giết rồi cắt, rồi khiến nấu’; và ở bờ sông Hằng-già phía Bắc mà bố thí, trai tế, chú thuyết. Do đó có tội có phước; do đó mà có quả báo tội phước. Cấp thí, tự chế, thủ hộ, nhiếp trì, tán thán, nhiêu ích, ái ngữ, lợi hành, do đó mà có quả báo tội phước.

“Thưa Cù-đàm, tôi nghe như vậy liền sanh nghi hoặc [169]: ‘Những vị Sa-môn, Bà-la-môn đó, ai nói chân thật, ai nói hư dối?’.”

Đức Thế Tôn trả lời:

“Này Già-di-ni, ông chớ sanh hoài nghi. [170] Vì sao thế? Có hoài nghi tất sanh ra phân vân. Này Già-di-ni, ông tự mình không có tịnh trí, để biết là có đời sau hay không có đời sau. Này Già-di-ni, ông lại cũng không có tịnh trí để biết điều được làm là ác hay điều được làm là thiện? Này Già-di-ni, có một pháp định [171] được gọi là “Viễn ly”. Ông nhờ định ấy sẽ có thể được chánh niệm, có thể đạt tới nhất tâm; như vậy, ở trong đời hiện tại ông sẽ đoạn trừ sự nghi hoặc, và được thăng tấn [172]”.

Lúc đó Già-di-ni từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai sửa áo, chắp tay hướng về Đức Thế Tôn mà bạch rằng:

“Thưa Cù-đàm, thế nào là có một pháp định được gọi là [447b] “Viễn ly”, mà tôi nhờ định ấy sẽ có thể được chánh niệm, có thể đạt tới nhất tâm; như vậy, ở trong đời hiện tại tôi có thể đoạn trừ sự nghi hoặc, và được thăng tấn [173]?”

Đức Thế Tôn bảo rằng:

“Thánh đệ tử đa văn xa lìa sự giết, đoạn trừ sự giết; đoạn trừ sự lấy của không cho, tà dâm, nói dối, cho đến đoạn trừ tà kiến và được chánh kiến. Vị ấy ban ngày cày ruộng, và gieo giống; đến chiều nghỉ ngơi và vào nhà ngồi thiền định; qua đêm, lúc hừng sáng suy nghĩ như vầy: ‘Ta xa lìa sự giết, đoạn trừ sự giết; đoạn trừ sự lấy của không cho, tà dâm, nói dối, cho đến đoạn trừ tà kiến và được chánh kiến. Vị ấy liền tự thấy: ‘Ta đã đoạn trừ mười nghiệp đạo ác và niệm mười nghiệp đạo thiện’. Vị ấy sau khi tự thấy: ‘Ta đã đoạn trừ mười nghiệp đạo ác và niệm mười nghiệp đạo thiện’, liền sanh ra hân hoan. Sau khi sanh ra hân hoan liền phát sanh hỷ; sau khi phát sanh hỷ, thân liền an định; sau khi thân được an định, thân liền cảm giác lạc. Sau khi thân cảm giác lạc thì được nhất tâm. Này Già-di-ni, sau khi Thánh đệ tử đa văn được nhất tâm rồi thì tâm câu hữu với từ, biến khắp một phương, thành tựu và an trụ. Cũng thế hai, ba, bốn phương, tứ duy, thượng hạ, biến khắp tất cả, tâm câu hữu với từ, không kết không oán, không sân, không nhuế, không não hại, quảng đại vô biên, vô lượng, khéo tu tập biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Vị ấy suy nghĩ như vầy: “Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào thấy như vầy, nói như vầy: ‘Không có sự bố thí, không có trai tế, không có chú thuyết, không có nghiệp thiện ác, không có nghiệp báo thiện ác, không có đời này đời sau, không có cha, không có mẹ trên đời, không có bậc thiện nhân đi đến thiện xứ, khéo đi, khéo hướng, tự tri, tự giác, tự chứng ngộ đời này và đời khác, thành tựu và an trụ’. Nếu những điều mà Sa-môn, Bà-la-môn kia nói ra là chân thật, nhưng ta không xâm phạm đời, dù kẻ sợ hay kẻ không sợ [174], thường thương mến tất cả thế gian. Tâm ta không cùng thế gian tranh cãi, cũng không có sự hân hoan thô trược. Nay ta được pháp của bậc Vô thượng, thăng tấn đến trú xứ an lạc. Đó là pháp định viễn ly. Những gì Sa-môn, Bà-la-môn kia nói, không cho là đúng, không cho là sai. Sau khi không cho là đúng, không cho là sai, liền được nội tâm tĩnh chỉ.

“Này Già-di-ni, đó là pháp định, được gọi là viễn ly. Ông có thể nhân định này mà được chánh niệm, mà được nhất tâm. Như vậy, ông có thể đoạn hết nghi hoặc trong đời hiện tại mà được thăng tiến.

“Lại nữa Già-di-ni: Thánh đệ tử đa văn xa lìa sự giết, đoạn trừ sự giết; đoạn trừ sự lấy của không cho, tà dâm, nói dối, cho đến đoạn trừ tà kiến và được chánh kiến. Vị ấy ban ngày cày ruộng, và gieo giống; đến chiều nghỉ ngơi và [447c] vào nhà ngồi thiền định; qua đêm, lúc hừng sáng suy nghĩ như vầy: ‘Ta xa lìa sự giết, đoạn trừ sự giết; đoạn trừ sự lấy của không cho, tà dâm, nói dối, cho đến đoạn trừ tà kiến và được chánh kiến. Vị ấy liền tự thấy: ‘Ta đã đoạn trừ mười nghiệp đạo ác và niệm mười nghiệp đạo thiện’. Vị ấy sau khi tự thấy: ‘Ta đã đoạn trừ mười nghiệp đạo ác và niệm mười nghiệp đạo thiện’, liền sanh ra hân hoan. Sau khi sanh ra hân hoan liền phát sanh hỷ; sau khi phát sanh hỷ, thân liền an định; sau khi thân được an định, thân liền cảm giác lạc. Sau khi thân cảm giác lạc thì được nhất tâm. Này Già-di-ni, sau khi Thánh đệ tử đa văn được nhất tâm rồi thì tâm câu hữu với bi, biến khắp một phương thành tựu và an trụ; cũng thế hai, ba, bốn phương, tứ duy, thượng hạ, biến khắp tất cả. Tâm câu với bi, không kết, không oán không sân nhuế, không não hại, quảng đại, vô lượng vô biên, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Vị ấy suy nghĩ như vậy: “Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào thấy như vầy, nói như vầy: ‘Có sự bố thí, có trai tế, có chú thuyết, có nghiệp thiện ác, có nghiệp báo thiện ác, có đời này đời sau, có cha, có mẹ trên đời, có bậc thiện nhân đi đến thiện xứ, khéo đi, khéo hướng, tự tri, tự giác, tự chứng ngộ đời này và đời khác, thành tựu và an trụ’. Nếu điều vị Sa-môn, Bà-la-môn kia nói ra là chân thật, nhưng ta không xâm phạm đời, dù kẻ sợ hãi hay kẻ không sợ hãi, thường thương mến tất cả thế gian. Tâm ta không cùng thế gian tranh cãi, cũng không có sự hân hoan thô trược. Nay ta được pháp của bậc Vô thượng, thăng tấn đến trú xứ an lạc. Đó là pháp định viễn ly. Những gì Sa-môn, Bà-la-môn kia nói, không cho là đúng, không cho là sai. Sau khi không cho là đúng, không cho là sai, liền được nội tâm tĩnh chỉ.

“Này Già-di-ni, đó là pháp định, được gọi là viễn ly. Ông có thể nhân định này mà được chánh niệm, mà được nhất tâm; như vậy, ông có thể đoạn hết nghi hoặc trong đời hiện tại mà được thăng tiến.

“Lại nữa Già-di-ni, Thánh đệ tử đa văn xa lìa sự giết, đoạn trừ sự giết; đoạn trừ sự lấy của không cho, tà dâm, nói dối, cho đến đoạn trừ tà kiến và được chánh kiến. Vị ấy ban ngày cày ruộng, và gieo giống; đến chiều nghỉ ngơi và vào nhà ngồi thiền định; qua đêm, lúc hừng sáng suy nghĩ như vầy: ‘Ta xa lìa sự giết, đoạn trừ sự giết; đoạn trừ sự lấy của không cho, tà dâm, nói dối, cho đến đoạn trừ tà kiến và được chánh kiến. Vị ấy liền tự thấy: ‘Ta đã đoạn trừ mười nghiệp đạo ác và niệm mười nghiệp đạo thiện’. Vị ấy sau khi tự thấy: ‘Ta đã đoạn trừ mười nghiệp đạo ác và niệm mười nghiệp đạo thiện’, liền sanh ra hân hoan. Sau khi sanh ra hân hoan liền phát sanh hỷ; sau khi [448a] phát sanh hỷ, thân liền an định; sau khi thân được an định, thân liền cảm giác lạc. Sau khi thân cảm giác lạc thì được nhất tâm. Này Già-di-ni, sau khi Thánh đệ tử đa văn được nhất tâm rồi thì tâm câu hữu với hỷ, biến khắp một phương thành tựu và an trụ; cũng thế hai, ba, bốn phương, tứ duy, thượng hạ, biến khắp tất cả. Tâm câu với hỷ, không kết, không oán, không sân nhuế, không não hại, quảng đại, vô lượng vô biên, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Vị ấy suy nghĩ như vầy: ‘Tự mình làm và sai bảo người khác làm, tự mình chém giết và sai bảo người khác chém giết, tự mình nấu và sai bảo người khác nấu; ưu sầu, phiền muộn, lo lắng, đấm ngực, áo não, khóc lóc, ngu si; sát sanh, lấy của không cho, tà dâm, nói dối, uống rượu; đào vách, mở kho, đến ngõ hẻm khác để ăn cướp, phá làng hại xóm, phá thành, diệt nước; làm như thế không phải là làm ác. Lại dùng vòng sắt bén như dao cạo, người ấy đối với tất cả chúng sanh ở trên cõi đất này, trong vòng một ngày mà bửa, mà cắt, mà chém, mà chặt, mà lột da, mà lóc xẻ từng mảng thịt, lách từng phần từng khối; do vậy vẫn không có nghiệp ác, do vậy vẫn không có nghiệp báo ác. Ở bờ sông Hằng-già phía Nam, giết rồi cắt, rồi khiến nấu’; và ở bờ sông Hằng-già phía Bắc mà bố thí, trai tế, chú thuyết. Không do đó mà có tội hay có phước; không do đó mà có quả báo tội phước. Cấp thí, tự chế ngự, thủ hộ, nhiếp trì, tán thán, nhiêu ích, ái ngữ lợi hành, không do đó mà có phước, không do đó mà có quả báo của phước’. Nếu điều vị Sa-môn, Bà-la-môn kia nói ra là chân thật, nhưng ta không xâm phạm đời, dù sợ hãi hay không sợ hãi, thường thương mến tất cả thế gian. Tâm ta không cùng thế gian tranh cãi, cũng không có sự hân hoan thô trược. Nay ta được pháp của bậc Vô thượng, thăng tấn đến trú xứ an lạc. Đó là pháp định viễn ly. Những gì Sa-môn, Bà-la-môn kia nói, không cho là đúng, không cho là sai. Sau khi không cho là đúng, không cho là sai, liền được nội tâm tĩnh chỉ.

“Này Già-di-ni, đó là pháp định, được gọi là viễn ly. Ông có thể nhân định này mà được chánh niệm, mà được nhất tâm. Như vậy, ông có thể đoạn hết nghi hoặc trong đời hiện tại mà được thăng tiến.

“Lại nữa Già-di-ni, Thánh đệ tử đa văn xa lìa sự giết, đoạn trừ sự giết; đoạn trừ sự lấy của không cho, tà dâm, nói dối, cho đến đoạn trừ tà kiến và được chánh kiến. Vị ấy ban ngày cày ruộng, và gieo giống; đến chiều nghỉ ngơi và vào nhà ngồi thiền định; qua đêm, lúc hừng sáng suy nghĩ như vầy: ‘Ta xa lìa sự giết, đoạn trừ sự giết; đoạn trừ sự lấy của không cho, tà dâm, nói dối, cho đến đoạn trừ tà kiến và được chánh kiến. Vị ấy liền tự thấy: [448b] ‘Ta đã đoạn trừ mười nghiệp đạo ác và niệm mười nghiệp đạo thiện’. Vị ấy sau khi tự thấy: ‘Ta đã đoạn trừ mười nghiệp đạo ác và niệm mười nghiệp đạo thiện’, liền sanh ra hân hoan. Sau khi sanh ra hân hoan liền phát sanh hỷ; sau khi phát sanh hỷ, thân liền an định; sau khi thân được an định, thân liền cảm giác lạc. Sau khi thân cảm giác lạc thì được nhất tâm. Này Già-di-ni, sau khi Thánh đệ tử đa văn được nhất tâm rồi thì tâm câu hữu với xả, biến khắp một phương thành tựu và an trụ; cũng thế hai, ba, bốn phương, tứ duy, thượng hạ, biến khắp tất cả. Tâm câu với xả, không kết, không oán, không sân nhuế, không não hại, quảng đại, vô lượng vô biên, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Vị ấy suy nghĩ như vầy: ‘Tự mình làm và sai bảo người khác làm, tự mình chém giết và sai bảo người khác chém giết, tự mình nấu và sai bảo người khác nấu; ưu sầu, phiền muộn, lo lắng, đấm ngực, áo não, khóc lóc, ngu si; sát sanh, lấy của không cho, tà dâm, nói dối, uống rượu; đào vách, mở kho, đến ngõ hẻm khác để ăn cướp, phá làng hại xóm, phá thành, diệt nước; làm như thế thật sự là làm ác. Lại dùng vòng sắt bén như dao cạo, người ấy đối với tất cả chúng sanh ở trên cõi đất này, trong vòng một ngày mà bửa, mà cắt, mà chém, mà chặt, mà lột da, mà lóc xẻ từng mảng thịt, lách từng phần từng khối; do vậy có nghiệp ác, do vậy có nghiệp báo ác. Ở bờ sông Hằng-già phía Nam, giết rồi cắt, rồi khiến nấu; và ở bờ sông Hằng-già phía Bắc mà bố thí, trai tế, chú thuyết. Do đó mà có tội hay có phước; do đó mà có quả báo tội phước. Cấp thí, tự chế ngự, thủ hộ, nhiếp trì, tán thán, nhiêu ích, ái ngữ, lợi hành; do đó mà có phước, do đó mà có quả báo của phước’. Nếu điều vị Sa-môn, Bà-la-môn kia nói ra là chân thật, nhưng ta không xâm phạm đời, dù kẻ sợ hãi hay kẻ không sợ, thường thương mến tất cả thế gian. Tâm ta không cùng thế gian tranh cãi, cũng không có sự hân hoan thô trược. Nay ta được pháp của bậc Vô thượng, thăng tấn đến trú xứ an lạc. Đó là pháp định viễn ly. Những gì Sa-môn, Bà-la-môn kia nói, không cho là đúng, không cho là sai. Sau khi không cho là đúng, không cho là sai, liền được nội tâm tĩnh chỉ.

“Này Già-di-ni, đó là pháp định, được gọi là viễn ly. Ông có thể nhân định này mà được chánh niệm, mà được nhất tâm. Như vậy, ông có thể đoạn hết nghi hoặc trong đời hiện tại mà được thăng tiến”.

Khi Phật nói bài pháp ấy xong, Già-di-ni viễn ly trần cấu, phát sanh con mắt thanh tịnh thấy rõ các pháp. Lúc đó, Già-di-ni thấy pháp, chứng pháp, giác ngộ pháp bạch tịnh, đoạn nghi, vượt qua hoặc, [448c] không còn tôn sùng ai khác, không còn do ai khác, không còn do dự, đã trụ nói quả chứng đạt, được vô sở úy đối với giáo pháp của Thế Tôn, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu lễ dưới chân Phật mà bạch rằng.

“Bạch Đức Thế Tôn, con từ nay xin quy y Phật, quy y Pháp và Chúng Tỳ-kheo; cúi mong Đức Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc; bắt đầu từ hôm nay, trọn đời quy y cho đến khi mạng chung”.

Phật thuyết như vậy. Ba-la-lao Già-di-ni và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

 


 [1] Hán: thọ kỳ báo受其報. Hán có thể nhầm, vì trùn lặp với khẳngđịnh tiếp theo. Đấy sửa lai theo bản Pāli. Xem thêm cht. 2 tiếp theo. A. i. 248: yathā yathāyaṃ puriso kammaṃ karoti tathā tathā taṃ paṭisaṃvediyatī ti etaṃ santaṃ, bhikkhave, brahmacariyavāso na hoti, okāso na paññāyati sammā dukkhassa antakiriyāya, “Nếu nói rằng: ‘Con người này tạo tác nghiệp như nào, nó sẽ cảm thọ nghiệp ấy như thế’. Nếu vậy, này các Tỳ-kheo,... không có đời sống phạm hạnh; không có cơ hội nêu rõ sự diệt tận khổ một cách chân chánh”.

 [2] Hán: thọ kỳ báo 受其報. Pl.: tathā tathāssa vipākaṃ paṭisaṃvediyati, cảm thọ dị thục của nó như thế như thế.  Trong bản Hán, nguyên văn lặp lại, xem cht. 1 trên. Nhưng trong bản Pāli: yathā yathā vedanīyaṃ ayaṃ pruriso kammaṃ karoti tathā tathā tassa vipākaṃ paṭisaṃvediyati, “Con người này tạo tác nghiệp được cảm thọ như thế như thế, nó sẽ cảm thọ dị thục của nghiệp ấy như thế như thế...”

 [3] Bản Pāli: appamattakaṃ pi pāpakammaṃ kataṃ tam enaṃ nirayaṃ upaneti, “chỉ tạo nghiệp ác dù chỉ chút ít, nhưng nghiệp ấy dẫn đến địa ngục”.

 [4] Pāli: paritto appātumo (Sớ giải: ātumā vuccati attabhāvo) appadukkhavihārī, “hạn hẹp, tự ngã nhỏ mọn, sống ít khổ”. Có lẽ bản Hán đọc: appa-āyusmā, có tuổi thọ thấp, thay vì: appa-ātumā, có tự ngã nhỏn mọn.

 [5] Pāli: tādisaṃyeva appamattakaṃ pāpakammaṃ kataṃ, “tạo ác nghiệp chút ít tương tợ (như trường hợp trên)”.

 [6] Pāli: apparitto mahatto appamāṇavihārī, “không hạn hẹp, tự ngã quảng đại, sống đời không hạn lượng”.

 [7] Thích-ki-sấu 釋羈瘦. Pāli: Sakkesu, “giữa chúng những người Thích-ca.

 [8] Ca-duy-la-vệ 迦維羅衛 (Ca-tì-la-vệ). Pāli: Kapilavatthu.

 [9] Ni-câu-loại viên 尼拘類園. Pāli: Nigrodhārāma.

 [10] Đại Mục-kiền-liên 大目犍連. Pāli: Mahā-Moggallāna.

 [11] Hán: trung thực hậu 中食後.

 [12] Ni-kiền, Ni-kiền Tử, Ni-kiền Thân Tử 尼乾親子. Pāli: Nagaṇṭhā Nātaputta.

 [13] Hòa-phá 惒破. Pāli: Vappa, trùng tên với một trong năm đệ tử đầu tiên của Phật.

 [14] Pl. (A. iii. 175): taṃ ṭhānāṃ yatonidānaṃ, do một nhân duyên nào đó.

 [15]Pl. ibid. dukkhavedaniyā āsavā, các lậu hoặc dẫn đến khổ.

 [16]Pl. ibid.: pubbe pāpakammaṃ kataṃ avipakkavipākaṃ, tato nidānaṃ purisaṃ dukkhavedaniyā āsavā assaveyyuṃ abhisamparāyaṃ, “ác nghiệp được làm trong quá khứ nhưng quả dị thục chưa chín, do nhân duyên đó người ấy trong tương lai có thể khởi lên lậu hoặc dẫn đến cảm thọ khổ.”

 [17] Để bản: hậu thời  後 時, sau đó. TNM: bỉ thời 彼 時, khi đó.

 [18] Hán: lậu phiền nhiệt ưu thích 漏煩憂熱憂戚. Pl.: kāyasamārambhapaccayā uppajjanti āsavā vighātaparilāhā, “do duyên là sự hoạt động của thân mà phát sinh các lậu, (là những thứ) gây tàn hại, nóng bức”.

 [19] Hán: thường trụ bất biến常住不變; có thể dịch  từ akālikā, (pháp) phi thời gian, không lệ thuộc thời gian.

 [20] Pl. (A. ii. 198): sandiṭṭhikā nijarā akālikā ehipassikā opaneyyikā paccattaṃ veditabbā viññūhi, “(đây là đạo lộ) hiện thực, trừ diệt, phi thời gian, đến mà thấy, có khả năng dẫn đạo, đượcnhận thứ nội tâm bởi bậc trí. Những từ này thường mô tả các phẩm tính của Pháp được Phật thuyết, đây chỉ đạo lộ hành trì của Tỳ kheo. Bản Hán không xác định được các từ này phẩm định hay mô tả cái gì, nên đoạn văn trở nên khó hiểu.

 [21]  Vô minh hành lậu... 無明行漏,… Pāli: avijjāpaccayā uppajjanti āsavā..., “do duyên là vô minh mà sinh khởi các lậu...”

 [22] Hán: hậu thân giác 後身覺. Pāli: kāyapariyantikaṃ vedanaṃ vediyamāno, khi có cảm giác về cảm thọ của thân tối hậu.

 [23] Hán: hậu mạng giác 後 命 覺. Pāli: jīvapariyantikaṃ vedanaṃ, cảm thọ của sinh mạng tối hậu.

 [24] Hán: cứu cánh lãnh 究竟冷.Pl. ibid.: idheva sabbavedayitāni anabhinanditāni sītī bhavissati, chính ở đây tất cả những gì được cảm thọ sẽ không còn được yêu thích, sẽ trở nên lạnh lùng.

 [25] Hán: lục thiện trú xứ 六善住處. Xem No 1(10) kinh Thập thượng. Pāli (A.ii. 196): evaṃ sammā vimuttacitassa bhikkhuno ch satatavihārā adhigatā, Tỳ kheo với tâm giải thoát chân chanh như vậy đạt được sáu hằng trụ. cha satatavihārā.

 [26] Nguyên hán: xả cầu vô vi 捨求無為. Cf. Pl. ibid.: so cakkhunā rūpaṃ disvā neva sumano hoti na dummano, upekkhako viharati sato sampajāno, Tỳ kheo khi mắt thấy sắc, không có ý đẹp cũng không có ý xấu, an trú xả với chánh niệm, chánh tri.

 [27] Để bản: tùy kỳ chư đạo 隨 其 諸 道. Các bản Tống-Nguyên-Minh: tùy thậm thâm đạo 隨 甚 深 道.

 [28] Hán: độ xứ 度 處. Pāli: titthāyatana, chỗ vượt qua sông. Tittha cũng chỉ tông phái hay giáo phái, do đó, titthāyatana cũng chỉ căn cứ hay nền tảng lập thuyết của các giáo phái.

 [29] Pāli: paṇḍitehi samanuyuñjiyamānāni samanugāhiyamānāni samanubhāsiyamānāni, “bị các nhà thông thái nạn vấn, chất vấn, khuyến cáo”.

 [30] Pāli: paraṃ gantvā, “sau khi đến với người khác”. Tức là, có thể giảng giải lại cho người khác.

 [31] Pāli: akiriyāya saṇṭhahanti, “chúng (các học thuyết ấy) không mang lại hữu ích gì”.

 [32] Hán: nhất thiết giai nhân túc mạng tạo 一切皆因宿命造, "Tất cả đều do nhân túc mạng”, nguyên nhân đã định sẵn từ đời trước. Pāli: taṃ sabbaṃ pubbekatahetū.

 [33] Hán: Tôn Hựu 尊祐, Thượng đế. Pāli: Issaranimānahetū, nguyên nhân do Thượng đế biến hóa ra hay sáng tạo.

 [34] Hán: vô nhân vô duyên 無因無緣, thuyết tự nhiên, không có nguyên nhân và điều kiện. Pāli: ahetu-appaccayā.

 [35] Pāli (A. i. 174): pāṇātipātino bhavissanti pubbekatahetu, “họ sẽ (được coi như) là những kẻ sát sanh, do hành động đời trước”.

 [36] Hán: ư nội nhân nội 於 內 因 內. Có lẽ Pāli tương đương: sārato paccāgacchataṃ, nắm chặt cho là lõi cứng kiên thận, tinh tủy).

 [37] Hán: vô dục vô phương tiện 無欲無方便. Pāli: na hoti chando vā vāyāmo, không có ước muốn, không có nỗ lực.

 [38] Pāli: muṭṭhassatīnaṃ anārakkhānaṃ viharataṃ, sống xao lãng, không giữ gìn (các căn).

 [39] Pāli: na hoti paccattaṃ sahadhammiko samaṇavādo, không thể tự gọi mình là Sa-môn một cách chân chánh.

 [40] Lục xứ pháp 六處法. A. I. 175: cha phassāyatanāni.

 [41] Lục giới pháp 六界法. A. i. 175: cha dhātuyo.

 [42] Hán: lục giới hiệp 六界合. A. i. 176: channaṃ dhātūnaṃ upādāya gabbhassāvavakkanti hoti, do chấp thủ (y trên) sáu giới mà có sự nhập thai.

 [43] Bản Pāli: nhân nhập thai mà có danh sắc... xúc... thọ.

 [44] Nguyên Hán: canh lạc 更 樂.

 [45] Nguyên Hán: giác 覺.

 [46] Hán: ngũ thạnh ấm khổ 五盛陰苦. Pl.: pañcupādānakkhandhā dukkhā.

 [47] Hán: thử cái thọ đương lai hữu, lạc dục cọng câu, cầu bỉ bỉ hữu 此愛受當來有樂欲共俱求彼彼有. Pl., thành cú: yāyaṃ taṇhā ponobhavikā nandīrāgasahagatā tatra-tatrābhinandinī.

 [48] Trúc lâm Ca-lan-đa viên 林迦蘭哆圓. Pāli: tại khu Kalandakanivāpa trong. Veḷuvāna

 [49] Trong bản: La-vân 尊者羅云. Pāli: Rahula.

 [50] Ôn tuyền lâm 溫泉林. Pāli: Tapodārāma, tinh xá Ôn tuyền hay Suối nước nóng, ở phụ cận thành Vương xá. Bản Pāli, M. 61 (i. 144), bấy giờ Rahula ở rừng Ambalaṭṭhikā.

 [51] Pl.: sampajānamusavāda, cố ý vọng ngữ.

 [52] Hán: vi tịnh, vi bất tịnh, vị tự vi, vị tha 為淨為不淨為自為為他. Có sự không rõ ràng trong bản án, xét theo nội dung những điều được nói đoạn tiếp theo. Đây dựa theo nội dung Pāli mà phỏng dịch. Pl.: attavyābādhāyapi… paravyābādhāyapi…

 [53] Hán: 彼身業不淨; rõ ràng có sự nhầm lẫn. Xem cht. 5 trên.

 [54] Pl. A.i.420: (…) evamevam paccavekkhitvā, kāyakammaṃ parisodhesuṃ, sau kho quán sát như vậy, họ làm cho thân nghiệp thanh tịnh.

 [55] Hán: cố tác nghiệp 故 作 業.

 [56] Hán: phụ phụ mẫu 婦父母: “cha mẹ vợ”. Có lẽ muốn nói “cha mẹ của nàng dâu” tức cha mẹ chồng.

 [57] Nghĩa là, được pháp luật bảo vệ.

 [58]  Hán: bất chỉ tức thuyết 不 止 息 說.

 [59] Hán: từ tâm giải thoát  慈心解脱. Pāli: mettaṃ cetovimuttiṃ, tâm giải thoát với từ.

 [60] Già-lam viên 伽藍園. Pāli, A. i. 189: tại thị trấn của những người Kālāma tên là Kesaputta, ở Kosala.

 [61] Ki-xá tử 羈舍子; Pāli: Kesaputta, xem cht. trên.

 [62] Thi-nhiếp-hòa lâm 尸攝惒林. Pāli: Siṃsapā.

 [63] Pl.: ahudeva kaṇkhā, ahudeva vicikicchā, “(chúng tôi) hoài nghi và phân vân!”

 [64] Hán: mạc sanh nghi hoặc 莫生疑惑. Cf. Pāli, A. i. 188: alañhi vo, kālāmā, kaṅkhituṃ alam vicikicchium. Bất biến từ alaṃ ở đây thường hiểu theo nghĩa khẳng định: “Thích hợp thay cho các ngươi, những người Kālāmā, để mà hoài nghi!” Nhưng bản Hán hiểu theo nghĩa tiêu cực, trong câu cấm chỉ: “Thôi đủ rồi để mà nghi hoặc!” Nghĩa là, chớ có hoài nghi! Đoạn trả lời của Phật tiếp theo trong bản Pāli là đoạn kinh nổi tiếng, rất nổi tiếng, về sự không chấp nhận giáo điều, cho nên, ở đây Phật chấp nhận thái độ hoài nghi đối với những giáo thuyết mà mình được nghe. Bản Hán như vậy đã làm mất ý nghĩa thâm thý của đoạn kinh, cho nên lược qua không nhấn mạnh như sẽ ṭhấy.

 [65] Pl.: kaṅkhanīyeva… vicchikicchā uppannā.

 [66] Hán: tập nhân bản hữu 因習本有; tức nhân, tập, duyên, sanh: bốn hành tướng của những cái làm nguyên nhân. Pāli, thành cú: esva hetu etaṃ nidānaṃ esa samudayo esa paccayo, đó là nhân, là (bản) duyên, là tập (khởi), là duyên (sinh).

 [67] Pl. ibid.: luddho purisapuggalo lobhena abhibhūto, người xan tham bị tham lam khống chế.

 [68] Hán: an ổn trú xứ 安穩住處: tô tức xứ.  Pāli: assāsa, sự nghỉ ngơi (lấy lại hơi thở quân bình), sự bình an.

 [69] Pl.: sace kho pana atthi paraloka, giả sử có thế giới khác (đời sau).

 [70] Pl.: sace kho pana natthi paraloko, natthi sukatadukatānaṃ kammānaṃ phalaṃ vipāko, giả sử không có thế giới khác, không có quả dị thục của những nghiêp thiện hay bất thiện.

 [71] Pl. : sace kho pana karoto karīyati pāpaṃ, na kho panāhaṃ kassaci pāpaṃ cetemi, “giả sử có làm điều gì ác, nhưng ta không có ý ác đối với bất cứ ai.”

 [72] Hán: bố dữ bất bố 怖與不怖, chỉ người run sợ tức kẻ yếu, và người vững vàng tức kẻ mạnh. Pāli: yvāhaṃ na kiñci vyābādhemi tasaṃ vā thāvaraṃ vā, ta không làm hại cái gì cả, dù đông vật hay bất động vật.

 [73] Để bản: Na-nan-đà viên 那難陀園; TNM: Na-nan-đà quốc 那難陀國; Pāli: Nāḷandā.

 [74] Tường thôn Nại lâm 牆村柰林. Pāli: Pāvarika-ambavana, là một vườn xoài của Pavārika, một phú hào người Kosambi. Trong vườn xoài tại thị trấn Nālanda, ông dựng một tịnh xá cúng dường Phật.

 [75] Hán: A-tư-la thiên – Già-di-ni 阿私羅天 - 伽彌尼. Pāli (S.iv. 311): Asibandakaputta-Gāmaṇi, thôn trưởng Asibandakaputta. Bản Hán hiểu gāmaṇi (thôn trưởng) là từ riêng, và Asibandha là một thiên thần.

 [76] Hán: Phạm chí tự cao梵志自高. Pl.: brāhmaṇā pacchābhūmakā, những người Bà-la-môn ở phương Tây; bản Hán đọc là paccabhūmaka?

 [77] Hán: sự nhược can thiên 事 若 干 天. Nhưng người Pacchābhūmaka thờ lửa (aggiparicārakā), thờ nước (udakohakā, lội xuống nước để thanh tẩy), và nhiều ttập tục khác, mà Hán chỉ tốm tắt nói “thờ một số Trời.”

 [78] Bản Pāli nói, theo tập quán các Bà-la-môn phương Tây (Pacchābhūmaka), nếu có những người chết họ chỉ cần gọi tên là những người này được sanh lên cõi trời.

 [79] Hán: viên quán chi đạo 園觀之道, có lẽ uyyāna (Pāli, vườn hoa) được do gốc động từ uyyāti: xuất phát. Sanskrti: udyāna: vườn hoa, cũng có nghĩa “tiên lên” (ud + YĀ).

 [80] Bản hán, hết quyển 3.

 [81] Hán: Di hầu thủy biên 彌猴水邊. Không thấy địa danh này trọng Pāli.

 [82] Hán: Cao lâu đài quán 高樓臺觀. Pāli: kūṭagārasāla, ngôi nhà lầu, thường gọi là Trùng các giảng đường 重閣講堂.

 [83] Lệ-xế 麗掣: Li-xa 離 車 hoặc Lê-xa 梨 車. Pāli: Licchavi.

 [84]Hán: Ni-kiền đệ tử Sư Tử đại thần 尼乾弟師子大臣. Tứ phần 42 (tr. 871b10): Tư-ha tướng quân 私呵將軍. Pāli: Tướng quân Sīha đệ tử  của Nigaṇṭha.

 [85]Hán: tông bổn bất khả tác 宗本不可作. Pāli: akiriyavāda, chủ trương phi tác nghiệp, không hành động hay không thực tiễn. Trong kinh, hàm ý “điều không nên làm” hay “không có tác dụng”, tức chủ trương không hành động.

 [86] Hán: bất khả tác pháp 不可作法. Pāli: akiriyāya dhammam.

 [87]thuyết pháp như pháp 法 如 法. Pāli: dhammassa cānudhammaṃ vyākarontu, thuyết minh tùy pháp của pháp, tức là nói theo điều đã được Phật nói (Sớ giải: bhagavā vuttakāraṇassa anukāraṇaṃ kathenti).

 [88] Hán: tông bổn khả tác 宗 本 可 作. Pāli: kiriyavāda.

 [89] Hán: tông bổn đoạn diệt 宗 本 斷 滅. Pāli: ucchedavāda.

 [90] Hán: tông bổn khả (tắng) ố 宗 本 可 (憎) 惡. Pāli: jigucchī, tức chủ trương khổ hạnh.

 [91]Hán: tông bổn pháp luật 宗 本 法 律. Pāli: venayika, sự chế ngự.

 [92] Hán: tông bổn khổ hành 宗 本 苦 行. Pāli: tapassī.

 [93] Hán: tông bổn bất nhập thai 宗 本 不 入 胎. Pāli: apagabbo.

 [94] Hán: tông bổn an ổn 宗 本 安 隠. Pāli: assattha, tô tức, an tức, sự nghỉ ngơi.

 [95] Thân ác hành là bất khả tác. Pl.: akiriyaṃ kāyaduccaritassa.

 [96] Pl.: ucchedaṃ vādāmi rāgassa dosassa mohassa, “Ta nói đoạn diệt tham, đoạn diệt sân, đoạn diệt si.”

 [97] Đoạn trình bày các lối khổ hạnh này giống kinh 104 ở sau. Bản Pāli tương đương không có đoạn này. Các chú thích dưới đây tham chiếu D.24 Udumbarikasīhanāda-suttanta. Xem thêm No 1(25): Lõa hinh phạm chí (tr.103btt).

 [98] Hán: bất lai tôn 不來尊. Pāli: na-ehi-bhadantika, “không là Tôn giả được gọi: Mời đến đây!”

 [99] Hán: bất thiện tôn 不善尊. Không thấy có Pāli tương đương. Có lẽ: na-sādhu-bhadantika, “không là Tôn giả được chào đón: Lành thay, Tôn giả!”

 [100] Hán: bất trụ tôn 不 住 尊. Pāli: na-tiṭṭha-bhadantika, “không là Tôn giả được mời mọc: Hãy ở lại đây, Tôn giả!

 [101] Hán: bất hoài nhâm gia thực 不懷妊家食. Pāli: na gabbhiniyā (paṭigaṇhāti), không (nhận thức ăn) từ người đàn bà mang thai.

 [102] Hán: ác thủy 惡水. Pāli: thusodaka, nước lên men.

 [103] Pāli: ekāgāriko vā hoti ekālopiko, mỗi nhà chỉ nhận một miếng ăn.

 [104] Hán: thực nhất đắc 食一得. Pāli: ekissāpi dattiyā yāpeti, chỉ sống bằng một vật được cho.

 [105] Hán: thái như 菜茹. Pāli: sākabhakkho.

 [106] Hán: bại tử 稗子, loại cỏ giống như lúa. Pāli: sāmāka.

 [107] Hán: đầu-đầu-la 頭頭邏. Pāli: daddula.

 [108] Hán: chí vô sự xứ 至無事處, đến nơi rừng vắng? Không thấy Pāli tương đương. Tham chiếu: vana-mla-palāhāro yāpeti.

 [109] Hán: liên hiệp y 連合衣. Pāli: masāṇāni, vải gai lẫn các vải khác.

 [110] Hán: đầu-xá y 頭舍衣. Pāli: dussa, vải thô chưa nhuộm màu.

 [111] Hán: ngọa quả 臥果. Pāli: phalaka, (nằm trên) tấm ván. Bản Hán hiểu phala(ka) là trái cây.

 [112] Pāli: yassa... tapaniyā pāpakā akusalā dhammā pahīnā... tam ahaṃ ‘tapassī’ ti vadāmi, “ai đoạn trừ những pháp ác bất thiện thiêu đốt hành hạ này, Ta gội đó la ngfời khổ hành.” Từ tapassī, người khổ hành, owr đây được hiểu do ggốc đông từ tappati: bị thiêu đót, binh hành hạ.

 [113] Pl.: āyatiṃ gabbhaseyyā punabbhavābhinibbatti, sự chuyển sanh của đương lai hữu dẫn đến nhập thai trong tương lai.

 [114] Hán: tùy kỳ chư đạo 隨其諸道.  Đoạn văn tương tự trong thành cú Pāli không tìm thấy ý nghĩa tương đương: (…) evamevaṃ bhotā gotamena anekapariyāyena dhammo pakāsito, “bằng vô số phương tiện Tôn Giat Gotama đã soi sáng pháp như vậy như vậy.”

 [115] Pāli (A.iv. 185) và Tứ phần 42 (tr.871c21) đều có thêm đoạn Phật khuyên Sư Tử thận trọng trước khi cải giáo. Tứ phần: “Ông là Đại thần của một nước, được mọi người biết đến, đang hữu ích cho nhiều người, chớ có hành động khinh suất mà sau này hối hận.”

 [116] Thích-ki-sấu 釋羇瘦, xem cht.1, kinh số 12 trên.

 [117] Thiên ấp 天 邑. Pāli: tụ lạc tên là Devadaha (Thiên tí, cánh tay trời) của người họ Thích., sinh quán thân mẫu của Đức Thích Tôn; vườn Lâm-tỳ-ni cũng gần đó. 

 [118] Nhân bổn tác 因本作. Pāli (M. ii. 214): pubbekatahetu, nguyên nhân được làm đời trước.

 [119] Pāli, ibid: dukkhakkhayā vedanākkhayo; vedanākkhayā sabbaṃ dukkhaṃ nijjiṇṇaṃ bhavisatī ti, “do khổ diệt tận nên thọ diệt tận; do thọ diệt tận nên hết thảy khổ tuyệt diệt”.

 [120] Hán: nhược tận dĩ, tiện đắc tận 若盡已便得盡. Pl., ibid.: ettakaṃhi vā dukkhe nijjiṇṇe sabbaṃ dukkhaṃ nijjiṇṇaṃ bhavissati, “trong khi chừng ấy khổ được diệt tận, tất cả khổ sẽ được diệt tận.”

 [121] Bạt tiễn kim y 拔箭金醫. Pāli: bhisakko sallakatto, y sĩ nhổ tên, hay y sĩ giải phẫu.

 [122] Hán: tiễn kim 箭 金.

 [123] Hán: thượng đoạn thượng khổ hành 上斷上苦行, đoạn ở đây được hiểu là tinh cần. Pāli: tibbo uppakkamo, tibbaṃ padhānaṃ, “tiến hành một cách căng thẳng, tinh cần một cách căng thẳng”. Trong bản Hán, padhāna (tinh cần) được đọc là pahāna (đoạn).

 [124] Sanh thượng khổ 生上苦, lãnh thọ cảm thọ tối thượng khổ. Pāli: tibbā opakkamikā dukkhā, những (cảm giác) khổ đột nhiên và kịch liệt.

 [125] Cf. Pl. (M.ii. 219): yasmiṃ vi samaye tibbo upakkamo hoti…tibbā tasmiṃ samaye opakkamikā dukkhā (…) yasmiṃ pana vo samaye no tibbo upakkamo…na tibbā tasmiṃ samaye opakkamikā dukkhā (…) na kallamassa veyyākaraṇāya… sabbaṃ taṃ pubbekatehetu:  khi cần hành kịch liệt thì cảm thọ khổ kịch liệt; khi không cần hành kịch liệt thì không cảm thọ khổ kịch liệt, như vậy không hợp lý để nói khổ do nhân dã tạo đời trước.

 [126] Hán: lạc báo nghiệp 樂報業. Pāli: kammaṃ sukhavedanīyaṃ, thuận lạc thọ nghiệp, nghiệp dẫn đến cảm thọ lạc.

 [127] Hán: khổ báo nghiệp 苦報業. Pāli: kammaṃ dukkhavedanīyaṃ, thuận khổ thọ nghiêp.

 [128] Hán: hiện pháp báo nghiệp 現法報業. Pāli: diṭṭhadhammavedanīya kamma, thuận hiện thọ nghiệp

 [129] Hán: hậu sanh báo nghiệp 候生報業. Pāli: samparāyavedanīya kamma.

 [130] Hán: bất thục báo nghiệp 不熟報業. Pāli: aparipakkavedanīya kamma.

 [131]Hán: thục báo nghiệp 熟報業. Pāli: paripakkavedanīya kamma.

 [132]  Hán: hư vọng phương tiện 虚妄方便. Pāli: aphalo upakkamo, nỗ lực không kết quả.

 [133]  Hán: không đoạn vô hoạch 空斷無獲. Pāli: aphalaṃ padhānaṃ, sự chuyên cần không kết quả.

 [134]  Thân Tử Ni-kiền  親子尼乾. Pāli: Nigaṇṭha Nātaputta.

 [135] Cf. M. ii. 218: diṭṭheva dhamme dvidhāvipākā: Tín 信 (saddhā), lạc 樂 (ruci: hoan hỷ), văn 聞 (anussava: tùy văn, nghe tường thuật), niệm 念 (ākārāparivitakka: tướng tĩnh lự, suy xét các dấu hiệu hay điều kiện hay lý do), và kiến thiện quán 見善觀 (diṭṭthinijhānakhanti: nhẫn thọ tà kiến).

 [136]Hán: khả tín, khả lạc, khả văn, khả niệm, khả kiến thiện quán. Pāli: “Lòng tin của các Tôn giả Nigaṇṭha đối với Tôn sư quá khứ như là thế nào? Sự hoan hỷ, tùy văn, thẩm sát và nhẫn thọ như thế nào?” (diễn giải về năm pháp nói trên).

 [137] Đaọn mạch giưabản Pāli và Hán phần nhiều không khớp nhau.

 [138] Hán: ngũ trách cật. Pāli (M.ii. 222): dasa vādānuvādā, mười luận đề phụ (của các học thuyết).

 [139] Hán: khả tắng ố 可橧惡.

 [140] Hán: nhân bản tác 因本作. Pāli: pubbekatahetu.

 [141] Hán: nhân hiệp hội 因合會. Pāli: saṅgātibhava.

 [142] Hán: nhân vi mạng 因為命. Pāli: abhijātihetu, nhân là chủng loại thọ sanh. Tức (nhân) do sự khác biệt da màu hay huyết thống.

 [143] Hán: nhân kiến 因 見. Pāli: diṭṭhadhammupakkamahetu, nguyên nhân là sự nỗ lực trong đời hiện tại. Bản Hán hình như chỉ đọc: diṭṭha-hetu.

 [144] Hán: Tôn hựu tạo 尊 佑 造. Pāli: Issaranimmānahetu, nguyên nhân là sự sáng tạo của Thượng đế (Tự tại thiên).

 [145] M.ii. 223: kathañ saphalo upakkamo hoti, saphalaṃ padhānaṃ? thế nào là sự nỗ lực có kết quả, và thế nào là sự cần hành có kết quả?

 [146] Pāli: bhikkhu na heva anaddhabhūtaṃ attānaṃ dukkhena addhabhāveti dhammikaṃ ca sukhaṃ na pariccajati, tasmiṃ ca sukhe anadhimucchito, Tỳ kheo chưa thể bằng sự khổ khuất phục tự ngã vốn chưa bị khuất phục, vị ấy không từ bỏ lạc thọ phù hợp chánh pháp, nhưng cũng không bị buộc chặt vào lạc thọ đó.

 [147]  Hán: Bỉ hoặc dục đoạn khổ nhân hành dục, hoặc dục đoạn khổ nhân hành xả dục 彼或欲斷苦因行欲或欲斷苦因行捨欲. Dục đoạn hành tức ước vọng đoạn trừ bất thiện bằng tinh cần trong khổ hành. Dục đoạn này được phát triển trong tinh tấn, khinh an, niệm, chánh tri, và do tư duy xả. Trong bản Hán này có hai phương pháp tu tập, hoặc bằng dục đoạn hành thuần tuý, hoặc dục đoạn hành đi đôi với xả.Giảithích này do suy luận dục ở đây được hiểu là chanda trong bốn thần túc. Cf. Tập dị 4 (tr. 471c13). Nhưng giải thích vừa nêu hình như không phù hợp vơi bản kinh Pāli. Trong đó, Hán: đoạn khổ nhân hành dục 斷苦因行欲 có thể tương đương Pāli: dukkhanidānassa saṃkhāraṃ padahato, tinh cần hành đối với nguyên nhân của khổ, để chống lại khổ. Cf. Pāli (M.ii. 223): imassa kho me dukkhanidānassa saṃkhāraṃ padahato saṃkhātappadhānā virāgo hoti; imassa pana me dukkhanidānassa ajjhupekkhato upekhaṃ bhāvayato virago hoti, ta đối với nguyên nhân đau khổ này tinh cần hành; do tinh cần hành mà ly nhiễm; lại nữa, ta đối với nguyên nhân đau khổ này mà xả (không quan tâm); do tu tập xả mà ly nhiễm. (Nghĩa là, không cần đến sự tinh cần khổ hạnh nữa; tự đoạn khổ).

 [148]  Hán: 彼若欲斷苦因行欲者即修其行欲已斷者苦便得盡.Cf. Pl.: tassa tassa dukkhanidānassa saṅkhāraṃ padahato saṅkhārappadhānā vỉāgo hoti – evampissa taṃ dukkhaṃ nijjiṇṇaṃ, vị ấy trong khi cần hành để đoạn nguyên nhan khổ, do cần hành mà ly dục, như vậy khổ ấy đối với vị ấy được diệt tận.

 [149]  Hán: tự đoạn khổ 自斷苦. Pāli: dukkhāya attānaṃ padahato, tập trung tự ngã để hành trì khổ.

 [150]  Đại ý đoạn này theo Pāli  (M.ii. 225): vị Tỳ-kheo trong khi sống với cảm thọ lạc, nhận thấy pháp thiện suy giảm và bất thiện tăng trưởng, bèn áp dụng sự thực hành với cảm thọ khổ (tức áp dụng lối khổ tu), khi ấy pháp thiện tăng trưởng và pháp bất thiện suy giảm.

 [151]  Hán: dụng kiểm (sic) nạo tiễn 用 檢 撓 箭. Pāli: tejanaṃ dvisu alātesu ātāpitaṃ, hơ nóng cây tên giữa hai ngọn lửa.

 [152] Hán: phản niệm bất hướng 反念不向. Pāli, thành cú: parimukhaṃ satiṃ upaṭṭhapetvā, sau khi đặt niệm tưởng ngay trước mặt (hệ niệm tại tiền).

 [153] Hán: tham tứ 貪 伺; Pāli: abhijjhaṃ loke, ham muốn trần tục.

 [154] Hán: tâm vô hữu tránh 心無有諍.

 [155] Xem cht. 14 kinh 12.

 [156] Tương đương Pāli: S.42.13. Pāṭali-sutta.

 [157] Câu-lệ-sấu 拘麗瘦. Pāli: Koliyesu, giữa những người  Koliyā, một bộ tộc theo thể chế cộng hòa trong thời Phật, cư ngụ tại làng Rāmagama trên bờ sông Hằng, và phần khác sống tại Devadaha, lãnh thổ của họ và của giòng Sakya được chia đôi bằng sông Rohinin và một cuộc chiến đẫm máu sắp xảy ra, nếu không có sự can thiệp của Đức Phật.

 [158] Bắc thôn 北村. Pāli: Uttara, tên thôn ở trong Koliyā.

 [159] Thi-nhiếp-hòa lâm 尸攝惒林. Pāli: Simsapavana.

 [160] Ba-la-lao Già-di-ni 波羅牢伽彌尼. Pāli: Pātaliya-gāminī thôn trưởng Pātaliya.

 [161] Hán: tri huyễn thị huyễn 知幻是幻. Pāli (S.iv. 340): māyaṃ jānatī ti, māyavī ti. Trong bản Pāli, hai vấn đề được hỏi thành hai câu hỏi khác nhau. Câu thứ nhất, Phật xác nhận. Câu thứ hai, Phật phủ nhận. Bản Hán gộp thành một.

 [162] Xem cht. 7 kinh 18.

 [163]Hán: tốt  卒. Pāli: lambacūlake bhaṭte, người làm thuê có lọn tóc buông thỏng.

 [164] Nguyên Hán: uổng sát vương gia vô quá chi nhân 枉殺王家無過之人, giết oan một người không lỗi. Theo nội dung các đoạn dưới, bỏ các từ được xem không phù hợp. Pl. (S.iv 344): jīvitā voropesi, nó đã sát hại mạng người (không xác định oan hay không).

 [165]  Thuyết đoạn diệt (uccheda-vāda) của Ajita Kesa-kambāli. Xem D.2 Sāmaññaphala-sutta; No.1(27), kinh Sa-môn quả.

 [166] Tự mình hay khiến người khác; đoạn sau, văn nghĩa tương tợ.

 [167] Hán: chí tha hạng mạch 至他巷 陌. (để bản: kiếp 劫). Có lẽ Pāli: paripanthe (Hán đọc: parapanthe) tiṭihato, chận đường ăn cướp.

 [168] Thuyết vô tác dụng (akiriya-vāda) của Pūrana Kassapa, Pāli, D. 2. Sāmaññaphalasutta; No.1(27), kinh Sa-môn quả..

 [169] Pl.: ahudeva kaṇkhā, ahudeva vicikicchā, “tôi hoài nghi và phân vân!”

 [170] Pl.: alañhi te kaṅkhitum, “Ông hoài nghi là phải!” Xem cht. 5 kinh 16 (Già-lam).

 [171] Hán: hữu pháp chi định 有法之定. Pāli: atthi... dhammasamādhi.

 [172] Pāli (S.iv. 350): atthi gāmaṇi dhammasamādhi tatra ce tvaṃ cittasamādhiṃ paṭilabeyyāsi evaṃ tvaṃ imaṃ kaṅkhādhammam pajaheyyāsi, có pháp định (pháp tam-muội), mà nếu trong đó ông có thể đạt được tâm định như vậy thì ông có thể đoạn trừ pháp nghi hoặc”.

 [173]  Hán: thăng tấn 昇進. Pāli: sagga, sanh lên trên; sanh thiên.

 [174] Hán: bố dữ bất bố 怖與不怖, chỉ người run sợ tức kẻ yếu, và người vững vàng tức kẻ mạnh. Pāli: yvāhaṃ na kiñci vyābādhemi tasaṃ vā thāvaraṃ vā, ta không làm hại cái gì cả, dù đông vật hay bất động vật.