Về lịch sử tòa cửu phẩm liên hoa chùa Bút Tháp

Chùa Bút Tháp tên chữ là Ninh Phúc Thiền tự, nay ở xã Đình Tổ huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, đây là một trong những ngôi chùa cổ mà kiến trúc mỹ thuật và lịch sử tông giáo hòa nhập trong không gian thiên nhiên và tâm linh đất Kinh Bắc. Với một tổng thể hài hòa bởi các tòa nhà được kết hợp giữa gỗ và đá tạo cho chùa Ninh Phúc một vẻ đẹp vừa hoành tráng cá biệt vừa giản dị mà trang nghiêm và nổi trội lên trong toàn cục đó là tòa nhà Cửu phẩm liên hoa. Nhưng xung quanh "cối xay gạo" (tòa Cửu phẩm liên hoa) này còn nhiều điều cần bàn tới về lịch sử và kiến trúc.

VỀ LỊCH SỬ TÒA CỬU PHẨM LIÊN HOA CHÙA BÚT THÁP

PHẠM TUẤN

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Chùa Bút Tháp tên chữ là Ninh Phúc Thiền tự, nay ở xã Đình Tổ huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, đây là một trong những ngôi chùa cổ mà kiến trúc mỹ thuật và lịch sử tông giáo hòa nhập trong không gian thiên nhiên và tâm linh đất Kinh Bắc. Với một tổng thể hài hòa bởi các tòa nhà được kết hợp giữa gỗ và đá tạo cho chùa Ninh Phúc một vẻ đẹp vừa hoành tráng cá biệt vừa giản dị mà trang nghiêm và nổi trội lên trong toàn cục đó là tòa nhà Cửu phẩm liên hoa. Nhưng xung quanh "cối xay gạo" (tòa Cửu phẩm liên hoa) này còn nhiều điều cần bàn tới về lịch sử và kiến trúc. Trên cơ sở nghiên cứu văn bản Hán Nôm chúng tôi từng bước làm rõ lịch sử hình thành của tòa Cửu phẩm liên hoa chùa Bút Tháp(1).

Theo Bắc Ninh phong thổ tạp kí được viết dưới thời Nguyễn thì chùa Ninh Phúc từng được tổ thứ 3 phái Trúc Lâm Yên Tử là Huyền Quang đến thăm và cho dựng tòa Cửu phẩm liên hoa(2). Nhưng toàn bộ kiến trúc, mỹ thuật, niên đại và tôn giáo cho các thức giả nhận đoán chùa được dựng vào thế kỷ XVII, tức là chùa được xây dựng vào giai đoạn tổ Chuyết Chuyết sang lánh nạn ở nước Nam và được vua Lê chúa Trịnh cùng hoàng thân quốc thích sùng tín(3) mà tòa Cửu phẩm liên hoa cũng được xây dựng trong các đợt tu tạo.

Bia Tích Thiện am

Theo các nhà nghiên cứu mỹ thuật lịch sử thì tòa Cửu phẩm liên hoa dựng năm 1691, dựa trên cơ sở niên đại bia Tích Thiện am trong tòa nhà mà nhận định. Bia Tích Thiện am là một tấm bia nhỏ, hai mặt, một mặt có văn toàn bia, mặt kia chỉ có một dòng ghi bài vị của vị Thiền sư, kích thước mặt bia cao khoảng 70x50cm chiều ngang, chân bia chôn dưới đất, gần sát phần chữ cùng với chữ nhỏ vì thế rất khó in bia và đọc văn bản. Trước tiên chúng tôi phiên âm và dịch nghĩa văn bia Tích Thiện am:

Dịch nghĩa:

Bài minh rằng:

Trời sinh định vị,

Đất nuôi nên hình.

Năm rồng là Bính,

Tháng hổ là Canh.

Ngày giờ cùng Tuất,

Tính Phật nở sinh.

Hai nghi che chở,

Nuôi nấng trưởng thành.

Sư phụ Hà Đăng,

Bẩm tính thông minh.

Lòng thường mộ đạo,

Niệm Phật tụng kinh.

Thiêu hương cầu thánh,

Gặp buổi thăng bình.

Sống và mồ mả,

Đều được an ninh.

Lưu truyền muôn mãi,

Phúc lộc rạng danh.

Vị tăng trưởng lão người xã Tú Khê sống ở đương triều kiêm chức Lệnh sử Tổng chánh Trùm trưởng hội tư văn trong cùng giáp, kiêm cai quản Tam giáo cứu độ chúng sinh khoa Kỳ thọ, tước Văn phượng nam là Hà Đăng Đệ, tên chữ là Huệ Thông, đạo hiệu là Huyền Thanh Trí Tuệ Tinh Tiến Phổ Tế Thiền sư, thụy là Tiên Nhân, là người đứng ra dựng bia ghi chuyện khởi dựng am Tích Thiện, cùng ghi danh sách con cháu chút chít, nam nữ dâu rể đồng môn trong Đạo tràng, xin liệt kê ra sau: Hà Công Bảo,… (mờ rất khó đọc)

Khi dựng am vào giờ tốt ngày lành tháng 11 năm Tân Mùi niên hiệu Chính Hòa thứ 12 (1691). Con cháu đồng môn Đạo tràng phải lấy hiếu kính làm đầu, thờ phụng làm trọng.

Mặt sau là bài vị:

Trưởng lão tăng là Hà Đăng Đệ, tên chữ là Huệ Thông, đạo hiệu là Huyền Thanh Phổ Tế Thiền sư.

Nhận xét:

Thông qua văn bia cho thấy về Thiền sư Hà Đăng Đệ là một người cai quản cả Tam giáo, đồng nghĩa với ông vừa là Nhà sư vừa là nhà Nho lại vừa là Đạo sĩ mà biểu hiện rất hỗn hợp trong đạo hiệu và tên thụy của ông là Huyền Thanh Phổ Tế và Tiên Nhân (người tiên). Đồng thời bài minh văn bia cũng cho biết Thiền sư Hà Đăng Đệ sinh vào tháng giêng (tháng Canh Dần) năm Bính Thìn (1616), cho thấy Thiền sư Đệ là người cùng thời với thầy trò Chuyết Chuyết, Minh Hành mà ông không thuộc vào tên hiệu theo dòng kệ truyền thừa của Thiền Lâm tế Trí Bản Đột Không(4). Giai đoạn này các đệ tử từ dòng Chuyết Chuyết rất thịnh, theo như văn bia chùa Bảo Quang(5), chùa Vạn Phúc(6) thì các vị trụ trì đều theo dòng truyền thừa, Điều đó cho thấy chắc chắn rằng Hà Đăng Đệ không thuộc dòng truyền thừa Lâm tế ở Bút Tháp, hơn nữa văn bia không hề đưa ra một từ ngữ nào liên hệ đến chùa Bút Tháp cũng như tên đất lân cận trong vùng Thuận Thành. Năm 1659 Minh Hành mất thì Như Phúc nối đèn lên trụ trì chùa Bút Tháp, trong khoảng 30 năm không thể có điều gì khác biệt. Như vậy bia Tích Thiện am là được đem từ nơi khác về mà chúng ta không biết nguồn gốc bia từ đâu và theo thời gian cùng thói quen mà dân ta gọi tên tòa nhà Cửu phẩm liên hoa theo tên bia là "nhà Tích thiện am".

TÒA CỬU PHẨM LIÊN HOA

Tòa nhà Cửu phẩm liên hoa cao khoảng 7 mét, với 12 mái cong, chồng diêm 3 tầng, các hàng cột giữa cao to nâng các tầng trên, cùng với kiểu thức vì kèo chồng giường tạo nên sự vững chắc, thoáng đãng mà nhẹ nhàng. Trong nhà là tòa Cửu phẩm liên hoa cao chín tầng, với 32 bức chạm khắc tỉ mỹ và công phu về nghệ thuật và hàm ý đạo giáo, thể hiện ý nghĩa mỗi tầng là một cảnh giới siêu thóat. Tín chủ mỗi lần xoay tháp tụng niệm danh Phật thì vãng sanh tịnh độ, mà được siêu sinh lên thế giới cực lạc, thế giới Di lặc, cõi vô sinh vô tử siêu thoát Niết bàn. Trong tổng thể kiến trúc, tòa Cửu phẩm liên hoa mang một vẻ đẹp tượng trưng bởi sự dung hòa các tông giáo, kết hợp Tông giáo Tịnh độ trong việc thờ Di Lặc, tôn giáo Thiền tông và Tông giáo Mật tông trong thể nghiệm ý tưởng mà ý nghĩa của nó hiện trên các bức ván chạm trổ.

Như trên đã nói tòa Cửu phẩm liên hoa được dựng từ thời Trần bởi thiền sư Huyền Quang, nhưng chứng liệu chỉ là dựa trên một cuốn sách ghi chép vào thời Nguyễn. Nhưng căn cứ theo văn bia tại tháp Tôn Đức phía sau chùa tạo năm 1739 thì chùa được Thiền sư Tính Hài "hưng công tu sửa trang hoàng, tô dựng tượng vàng", đồng thời "việc dựng các tòa điện Phật cùng tòa Cửu phẩm liên hoa đã hoàn thành viên mãn", với sự trợ duyên của Thái Tôn Thái Phi Trương Thị Ngọc Chử hiệu là Diệu Khoan và con gái là Phương Hoa Thân Trưởng Thượng Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Cơ hiệu là Diệu Huy cùng Tỳ Khưu ni là Diệu Viên và các tín thí cúng dàng công đức. Như vậy tòa Cửu phẩm liên hoa được dựng lại năm 1739 và có quy mô kiến trúc cho đến ngày nay.

Từ các cứ liệu trên cho chúng ta biết về niên đại của tòa Cửu phẩm liên hoa trong tổng thể kiến trúc và lịch sử ngôi chùa. Cảm quan kiến trúc và mỹ thuật với các đường cong mái vút và độ cao tòa Cửu phẩm liên hoa cũng như sự điểm xuyết của các tháp trong một tổng thể tạo nên không gian hài hòa đầy sức biểu cảm cho chốn Thiền lâm bảo sái. Bút Tháp trang nghiêm tĩnh lặng đầm ấm và bao bọc khép kín, mang dư âm của một vùng văn hóa, một vẻ đẹp còn mãi trong lịch sử và tương lai.

Tài liệu tham khảo

1. Trong quá trình nghiên cứu chúng tôi được biết ở Hải Dương còn có hai tòa Cửu phẩm liên hoa tại chùa Đồng Ngọ và chùa Giám, nhưng chúng tôi chưa có điều kiện khảo sát.

2. Bắc Ninh phong thổ tạp kí, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu A.245, lại theo Phương Đình dư địa chí của Nguyễn Văn Siêu thì năm 1831 mới thành lập tỉnh Bắc Ninh, như vậy sách này có thời Nguyễn.

3. Chuyết Chuyết sang kinh đô Đại Việt - Thăng Long năm 1633, năm 1644 ông mất và Thiền sư Minh Hành kế tục theo ông trụ trì chùa Ninh Phúc tới năm 1659.

4. Truyền thừa dòng này lấy chữ bài Kệ: "Trí Tuệ Thanh Tịnh, Đạo Đức Viên Minh, Chân Như Tính Hải, Tịch Chiếu Phổ Thông", mà đặt tên như: Viên Văn (Chuyết Công, Minh Lương, Minh Hành, Chân Phúc, Chân Nguyên, Như Tùy,....

5. Bia chùa Bảo Quang, trên núi Lãm sơn thuộc huyện Quế Võ tỉnh Hà Bắc.

6. Bia chùa Phật Tích trên núi Phật tích huyện Tiên Sơn tỉnh Bắc Ninh./.

(Thông báo Hán Nôm học 2004, tr.491-495)