1. Kinh Căn Bổn Pháp Môn

 MN.1 Kinh pháp môn căn bản.jpg

MN.1 Kinh Căn Bổn Pháp Môn
(Mūlapariyāya Sutta)

Tỳ kheo Bửu Hiền
Chùa Pháp Bảo, Mỹ Tho, Tiền Giang

Trung Bộ Kinh là bộ Kinh thứ hai trong tuyển tập năm bộ Kinh thuộc Tạng Kinh (Sutta Pitaka), trong Tam Tạng Kinh điển Nam Phạn Pali. Sở dĩ được gọi là Trung Bộ vì các bài Kinh trong tuyển tập nầy có hình thức ngắn hơn các Kinh trong bộ Kinh đầu, Trường Bộ Kinh, và tương đối dài hơn so với các bài Kinh trong hai tuyển tập tiếp theo là Tương Ưng Bộ Kinh và Tăng Chi Bộ Kinh.

Trung Bộ Kinh gồm có cả thảy 152 bài Kinh. Tuyển tập được chia ra làm 3 phần (pannāsa - Sets of Fifty). Hai phần đầu, mỗi phần gồm 50 bài Kinh, phần cuối có 52 bài. Trong mỗi phần lại chia ra làm 5 nhóm (vagga), mỗi nhóm gồm khoảng 10 bài Kinh. Tự thân nội dung của mỗi bài Kinh là một thể hoàn chỉnh, thế nên Chư Phật tử có thể đọc các bài kinh một cách chọn lọc. Tuy nhiên, một sự hiểu biết tổng thể sẽ giúp cho người đọc nắm bắt được nội dung sâu xa của tuyển tập. Tựa đề của bài Kinh đôi khi cũng nêu lên được chủ đề chính của bài, thí dụ như bài Kinh đầu tiên có tựa đề là Kinh Căn Bản Pháp Môn.

Có thể nói Trung Bộ Kinh là một tuyển tập bao gồm một trong số những bài Kinh quan trọng vào bậc nhất. Chủ đề của Trung Bộ Kinh rất phong phú, đa dạng, đề cập đến những nét tinh hoa của giáo lý Phật Đà. Thông qua tuyển tập nầy, chúng ta sẽ thấy được nhân cách sáng ngời của Đức Phật, sự khéo léo trong việc diễn đạt và trình bày Chân Lý, lòng từ và trí tuệ siêu việt của Bậc Đạo Sư. Một số bài thuyết giảng của các vị Đại đệ tử, như Đại Đức Xá Lợi Phất, Đại Đức Ananda, Đại Đức Maha Kaccana... cũng được sưu tập trong bộ Kinh nầy.

Điểm khó mà người đọc lần đầu tiếp cận với bộ Kinh gặp phải là có quá nhiều từ ngữ Phật học chuyên môn và những đoạn Kinh lập đi lập lại (repetition). Nhưng một khi vượt qua được rào cản nầy thì như theo lời của Ngài Hoà Thượng Thích Minh Châu, dịch giả của năm bộ Nikāya, Chư Phật tử sẽ an hưởng được hương vị Chánh Pháp tuyệt diệu. Thành tâm kính chúc đến Quý vị:

Thể nhập Kinh Tạng
Trí huệ như hải
Chứng ngộ Pháp mầu
Tiếp độ chúng sanh

Tỳ kheo Bửu Hiền
Chùa Pháp Bảo, Mỹ Tho, Tiền Giang
tháng 01-2003

-ooOoo-

Bài Kinh số 1

Kinh Căn Bổn Pháp Môn
(Mūlapariyāya Sutta)

Đây là một trong những bài Kinh khó hiểu nhất trong Kinh điển Pali. Chúng tôi soạn bài viết nầy một phần lớn nhờ vào bản dịch của Ngài Hoà Thượng Thích Minh Châu và bản tiếng Anh, ấn bản mới của Bhikkhu Ñānamoli và Bhikkhu Bodhi. Theo bản chú giải Trung Bộ Kinh, Papañcasudāni, Đức Phật thuyết giảng bài Kinh nầy cho 500 vị Tỳ Khưu trước đây là các vị Bà la môn thông thuộc Kinh điển Vệ Đà. Thế nên, Kinh Căn Bổn Pháp Môn là sự so sánh hai quan điểm giáo lý thông qua 24 tiêu đề từ Tứ Đại cho đến Niết Bàn. Mục đích chính của Đức Phật là để phá bỏ tính ngã mạn phát sanh lên trong tâm của Chư vị do sự uyên bác và tinh thông Phật Pháp.

Ở phần mở đầu của bài Kinh, Đức Phật nói Ngài sẽ thuyết giảng về Nhất Thiết Căn Bổn Pháp Môn, Sabbadhammamūlapariyāya, The Root of All Things. Bản phụ chú giải của Trung Bộ Kinh, Mūlapannāsa-Tīkā, giải thích chữ "Tất cả": "All" (Sabba) nơi đây được dùng với ý nghĩa giới hạn là một cá thể: all of personality (sakkāyasabba). Có nghĩa là tất cả mọi pháp (dhamma), bao hàm trong Năm Thủ Uẩn. Những trạng thái siêu thế như Đạo, Quả và Niết Bàn không thuộc vào nội hàm của chữ Tất cả ở đây. Nhất Thiết Căn Bổn nghĩa là điều kiện đặc biệt duy trì sự liên tục của tiến trình luân hồi. Mūlapannāsa-Tīkā giải thích thêm cụm từ: "Kẻ ấy không hiểu rõ" để chỉ cho tâm trí của hạng phàm nhân bị ô nhiễm bởi ba pháp: tham lam, tà kiến và ngã mạn.

Toàn bộ bài Kinh là sự phân tích tiến trình nhận thức của bốn hạng người: phàm phu chưa nghe pháp, bậc hữu học, bậc A la hán và Đức Như Lai. Kẻ vô văn phàm phu là người thường nhân không học hỏi và không thành đạt Pháp của các bậc Thánh. Họ bị ảnh hưởng bởi nhiều phiền não và tà kiến.

I. Kẻ vô văn phàm phu (assutavā puthujjana - an untaught ordinary person)

Kẻ vô văn phàm phu tưởng tri (perceive) địa đại là địa đại (pathavim pathavito sañjānāti). Theo văn cảnh, câu Kinh "tưởng tri đất là đất" ở đây có nghĩa là lối nhận thức sai lầm về vật thể. Bản chú giải giải thích kẻ phàm phu chấp chặt vào quy ước "Đây là đất", rồi áp đặt quy ước đó lên vật thể, tưởng tri vật thể qua cái tưởng sai lầm, điên đảo - "perversion of perception" (saññāvipallāsa). Thuật ngữ nầy nghĩa là quan niệm cái vô thường là thường, đau khổ là lạc, vô ngã là hữu ngã, và đẹp đẽ thay vì là bất tịnh.

Tiến trình nhận thức nơi đây bị lệch lạc hoàn toàn bởi ảnh hưởng nặng nề của những khuynh hướng tạp nhiễm (papañca), chủ yếu đó là tham (tanhā), mạn (māna) và tà kiến (ditthi). Tiến trình nầy khởi đầu được sắp xếp theo bốn phân loại theo ngôn ngữ học:

a) Đối cách: nó nghĩ đến địa đại
b) Định sở cách: nó nghĩ đến tự ngã ở trong địa đại. Điều nầy dẫn đến mạn
c) Xuất xứ cách: nó nghĩ tự ngã tách biệt với địa đại, dẫn đến kiến
d) Sở thuộc cách: nó nghĩ địa đại là của ta, dẫn đến tham.

Và cuối cùng: nó hoan hỷ trong địa đại, rõ ràng là bị ảnh hưởng bởi tham ái. Đây chính là sự nguy hiểm trong nhận thức của kẻ phàm nhân vì như Đức Phật đã dạy tham ái chính là nguồn cội của sự đau khổ. Tiến trình nhận thức hoàn toàn bị sai lầm do sự xuất hiện của cái Ta hay Tự ngã, "ego"(atta). Cái Ta hay Tự ngã nầy là hình ảnh được xây dựng trên trí tưởng tượng của chủ thể nhận thức trong mối liên hệ giữa nó và khách thể là đối tượng, là cái được nhận thức. Trong bài Kinh nầy, đối tượng bao gồm 24 tiêu đề như sau:

1. Pathavi (Earth): Địa đại, đất, nguyên tố của sự lan rộng. Các thể vật chất ở thể rắn đều là biểu hiện của địa đại. Có hai loại địa đại, địa đại ở trong thân và ngoài thân. Ở trong thân như: tóc, lông, móng, răng, da, ... Ở ngoài thân như: mẩu bánh, viên phấn, hòn đá, ...

2. Āpo (Water): Thuỷ đại, nước, nguyên tố của sự kết hợp. Thuỷ đại là dạng vật chất ở thể lỏng, cũng có hai loại là thuỷ đại ở nội thân và ở ngoại thân.

3. Tejo (Fire): Hoả đại, lửa, nguyên tố của sự bảo quản. Đây chính là yếu tố nhiệt độ của vật chất.

4. Vāyo (Air): Phong đại, gió, nguyên tố của sự chuyển động. Bốn nguyên tố trên hoà quyện lẫn với nhau và tạo nền tảng cho vật chất, chúng được biết đến với tên gọi là sắc tứ đại.

5. Bhūta (Beings): Chúng sanh, để chỉ cho những chúng sanh ở dưới cõi trời Tứ Đại Thiên Vương.

6. Deva (gods): Chư Thiên, các vị Chư Thiên ở 6 cõi trời Dục giới: Tứ Đại Thiên Vương, Đao Lợi, Dạ Ma, Đâu Suất, Hoá Lạc Thiên, Tha Hoá Tự Tại.

7. Pajāpati (Pajāpati): Sanh Chủ, chỉ cho Ma Vương, vị Vua ở cõi trời Tha Hoá Tự Tại.

8. Brahmā (Brahmā): Phạm Thiên, các vị Phạm Thiên ở cõi trời Sơ Thiền Sắc Giới.

9. Ābhassara (the gods of Streaming Radiance): Quang Âm Thiên, các vị Phạm Thiên ở cõi trời Nhị Thiền Sắc Giới.

10. Subhakinna (the gods of Refulgent Glory): Biến Tịnh Thiên, các vị Phạm Thiên ở cõi trời Tam Thiền Sắc Giới.

11. Vehapphala (the gods of Great Fruit): Quảng Quả Thiên, các vị Phạm Thiên ở cõi trời Tứ Thiền Sắc Giới.

12. Abhibhū (Overlord): Thắng Giả, các chúng sanh ở cõi trời Vô Tưởng. Vô Tưỏng là trú xứ của các chúng sanh chỉ có hình thể vật chất mà không có 4 yếu tố tinh thần: thọ, tưởng, hành và thức.

13. Ākāsānañcāyatana (the base of infinite space): Không Vô Biên Xứ.

14. Viññānañcāyatana (the base of infinite consciousness): Thức Vô Biên Xứ.

15. Ākiñcaññāyatana (the base of nothingness): Vô Sở Hữu Xứ.

16. Nevasaññānāsaññāyatana (the base of neither-perception-nor-non-perception): Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ. Đây là 4 cõi trời Vô Sắc Giới. Ngược lại với cõi trời Vô Tưởng, các chúng sanh ở cõi trời Vô Sắc chỉ có tâm (4 yếu tố tinh thần) mà lại không có hình thể vật chất.

17. Dittha (the seen): Sở kiến, những gì được thấy.

18. Suta (the heard): Sở văn, những gì được nghe.

19. Muta (the sensed): Sở tư niệm, những gì được ngửi, nếm, xúc chạm.

20. Viññāta (the cognized): Sở tri, những gì được tư duy. Bốn tiêu đề trên là đối tượng của tri giác (perception).

21. Ekatta (Unity): Đồng nhất, đặc tính của vị hành giả đắc thiền, tâm định an trú vào một đề mục nhất định.

22. Nānatta (Diversity): Sai biệt, chỉ cho vị hành giả không đắc thiền, tâm không an trú vào đề mục

23. Sabba (All) Tất cả, đây là tất cả các pháp liên quan đến một cá thể, gồm 6 căn và 6 cảnh: mắt và cảnh sắc, tai và âm thanh, mũi và mùi hương, lưỡi và các vị, thân và xúc chạm, ý và các pháp (đối tượng của tư duy).

24. Nibbāna (Nibbāna): Niết Bàn, ở đây được kể cho năm loại Niết Bàn, gồm trong 62 tà kiến được kể trong bài Kinh Phạm Võng (Trường Bộ Kinh). Đó là sự hưởng thụ ngũ dục và chứng đắc 4 tầng thiền.

Trên đây là 24 tiêu đề mà Đức Phật trình bày trong đoạn mở đầu bài Kinh. Kẻ vô văn phàm phu nhận thức 23 tiêu đề còn lại y như phần địa đại. Đây chính là một repetition. Bản chú giải giải thích rõ thêm một người được xem là hiểu rõ địa đại khi người ấy hiểu địa đại theo ba phương thức:

a. ñātapariññā: (the full understanding of the known), sự hiểu biết rõ. Hiểu biết địa đại về đặc điểm, chức năng, sự thể hiện và nguyên nhân gần của chúng.

b. tīranapariññā: (the full understanding by scrutinization), hiểu biết do quan sát thấu đáo. Hiểu biết địa đại qua ba tướng trạng phổ biến là vô thường, khổ não và vô ngã.

c. pahānapariññā: (the full understanding of abandonment), hiểu biết do đoạn trừ. Hiểu biết do đoạn trừ tham ái đối với địa đại nhờ vào đạo quả tối cao (A la hán).

Kẻ vô văn phàm phu không có sự hiểu biết nầy nên Đức Phật kết luận kẻ ấy không hiểu rõ địa đại cùng các tiêu đề còn lại (apariññātam - he has not fully understood it) .

II. Bậc Thánh hữu học (Sekha - The disciple in higher training)

Bậc Thánh nhân hữu học là các bậc đã đắc ba tầng Thánh đầu là Tu Đà Hườn, Tư Đà Hàm và A Na Hàm. Các vị ấy còn phải tiến tu thêm để thành đạt mục tiêu cuối cùng là đạo quả A La Hán. Thế nên, đoạn kinh mô tả các bậc Thánh ấy: "Vị Tỳ Kheo hữu học, tâm chưa thành tựu, đang sống mong mỏi (patthayamāno - is still aspiring) sự vô thượng an tịnh khỏi các triền ách (anuttaram yogakkhemam - the supreme security from bondage)". Sự mong mỏi có hai loại: mong mỏi, khát khao theo ái dục (tanhāpatthanā) và mong mỏi, thành đạt điều ước nguyện (chandapatthanā). Ở nơi đây là sự mong mỏi, thành tựu điều thiện (wholesome). Câu văn Vị Tỳ Kheo hữu học đang sống mong mỏi nghĩa là vị Thánh nhân ấy mong muốn thoát ly khỏi các triền ách. Có 4 loại triền ách (yoga):

1- kāmāyoga (sensual desire): dục ái triền ách
2- bhavayoga (desire for existence): hữu triền ách
3- ditthiyoga (wrong views): kiến triền ách
4- avijjāyoga (ignorance): vô minh triền ách

Không giống như kẻ vô văn phàm phu tưởng tri địa đại một cách sai lầm, bậc Thánh nhân thắng tri địa đại (abhijānāti - directly known), biết rõ với trí tuệ đặc biệt. Theo bản chú giải, vị ấy biết địa đại theo đúng với thực tướng của nó, đó là vô thường, khổ não và vô ngã. Bản phụ chú giải lại giải thích thêm. "Với trí tuệ đặc biệt" nghĩa là sự hiểu biết quan sát thấu đáo dựa trên sự hiểu biết rõ, cùng với một phần của sự hiểu biết do đoạn trừ (ba phương thức hiểu biết được đề cập ở trên). Sở dĩ được gọi là "một phần" vì bậc Thánh nhân hữu học chỉ mới đoạn trừ phiền não từng phần. Như bậc Thánh nhân Tu Đà Hườn chỉ mới diệt trừ được tà kiến (thân kiến), các Ngài vẫn còn chi phối bởi tham ái và ngã mạn.

Nhờ thắng tri địa đại (các pháp khác cũng được hiểu tương tự) nên bậc Thánh nhân hữu học không rơi vào tiến trình nhận thức sai lầm của kẻ vô văn phàm phu. Và Ngài có thể hiểu được địa đại (pariññeyyam - he may fully understand it). Sự hiểu biết của bậc Thánh giả hơn hẳn kẻ phàm phu, tuy nhiên nó chưa đạt đến độ viên mãn như của bậc A La Hán, bậc Thánh nhân Vô học.

III. Bậc Thánh A La Hán (Araham - the Arahant)

Đoạn kinh mô tả: "Có vị Tỳ kheo là bậc A La Hán, các lậu hoặc đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã thành đạt lý tưởng, đã tận trừ hữu kiết sử, chánh trí giải thoát". Nơi đây, Quý vị Phật tử gặp một thể loại repetition trong Trung Bộ Kinh, mô tả phẩm hạnh của bậc Thánh cao quý nhất trong Phật Giáo.

Bản chú giải giải thích chi tiết đoạn Kinh trên như sau:

Bậc A La Hán (araham - one who is remote from the defilements): là bậc đã đoạn trừ, xa lìa tất cả các pháp ô nhiễm, các pháp có khuynh hướng dẫn đến sự tái sanh.

Các lậu hoặc đã tận (khīnāsavo - with taints destroyed): có 4 loại lậu hoặc đó là dục, hữu, tà kiến và vô minh lậu. Bậc Thánh A la hán đã diệt trừ hoàn toàn các pháp nầy, nên Ngài được gọi là bậc Thánh nhân Vô Lậu.

Phạm hạnh đã thành (vusitavā - lived the holy life): vị ấy đã sống dưới sự hướng dẫn của các bậc Thầy, an trú trong Thánh đạo và 10 Pháp của các bậc Thánh (xin xem chương 10 pháp thuộc bài Kinh Sangīti Sutta, Kinh Phúng Tụng trong Trường Bộ Kinh).

Những việc nên làm đã làm (katakaranīyo - done what had to be done): không như các bậc Thánh nhân Hữu học còn phải tinh tấn tu tập, bậc Thánh A La Hán đã thành đạt lý tưởng của đời sống Phạm hạnh. Các Ngài không còn làm thêm gì nữa để đoạn tận khổ đau, thế nên Chư vị được gọi là Bậc Thánh nhân Vô học. Nơi đây, bản phụ chú giải lại giải thích thêm một chi tiết: Bậc Thánh giả đã hoàn tất 4 phận sự đối với Tứ Thánh Đế, đó là, Khổ đế đã được nhận thức, Tập đế đã được diệt trừ, Diệt đế đã được chứng đắc và Đạo đế đã được tu tập.

Đã đặt gánh nặng xuống (ohitabhāro - laid down the burden): có 3 gánh nặng là gánh nặng của ngũ uẩn, gánh nặng của phiền não và gánh nặng của pháp hành (abhisankhāra - kamma formations).

Đã thành đạt lý tưởng (anuppattasadattho - reached the true goal): đó là đạo quả A La Hán (Arahatship).

Đã tận trừ hữu kiết sử (parikkhīnabhavasamyojano - destroyed the fetters of being): có 10 kiết sử, đó là, thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ, ái dục, sân hận, ái sắc, ái vô sắc, ngã mạn, phóng dật và vô minh. Được gọi là kiết sử vì đây chính là 10 sợi dây trói buộc chúng sanh vào vòng luân hồi hay là những sợi dây nối liền đời sống nầy với đời sống kế tiếp.

Chánh trí giải thoát (sammadaññā vimutto - emancipated through final knowledge): Chánh trí nghĩa là bậc A La Hán với trí tuệ hoàn hảo thấy rõ như thật các pháp Uẩn, Xứ, Giới, Đế hay giác ngộ được "Các pháp hành là vô thường", v.v..

Giải thoát có hai loại: tâm giải thoát (cittassa vimutti), tâm của bậc Thánh giả giải thoát khỏi tất cả mọi ô nhiễm; và Niết Bàn (nibbānam adhimuttattā).

Bậc Thánh A La Hán đã thấu suốt các tiêu đề trên. Sự hiểu biết của các Ngài đạt đến độ viên mãn, tuệ tri (pariññā - full understanding) - (Xem quyển "Tóm Tắt và Chú Giải Trung Bộ Kinh, quyển I, Thích Nữ Trí Hải). Chư vị không còn tưởng tri một cách sai lầm và cũng không hoan hỷ trong các pháp. Các Ngài đã hiểu biết rõ các pháp (pariññātam - he has fully understood it). Điều đáng lưu ý là thắng tri (abhiññā) là giới vức chung của các bậc Thánh nhân, còn tuệ tri (pariññā) là sự hiểu biết đặc thù của bậc A La Hán, bởi vì đây là trí tuệ phát sanh do sự diệt trừ tất cả mọi phiền não.

Đoạn repetition tiếp theo giải thích nguyên nhân vì sao bậc Thánh A La Hán luôn nhận thức đúng đắn các pháp. Do hai lý do: thứ nhất là vì các Ngài tuệ tri các pháp, thứ nhì là do các Ngài đã đoạn tận ba căn bản bất thiện từ gốc rễ của chúng.

Đoạn Kinh giải thích: Vị ấy không có tham dục, nhờ tham dục đã được đoạn trừ (khayā rāgassa vītarāgattā - he is free from lust through the destruction of lust);

Vị ấy không có sân hận, nhờ sân hận đã được đoạn trừ (khayā dosassa vītadosattā - he is free from hate through the destruction of hate);

Vị ấy không có si mê, nhờ si mê đã được đoạn trừ (khayā mohassa vītamohattā - he is free from delusion through the destruction of delusion).

Bản chú giải giải thích đoạn Kinh nầy như sau:

a. không có tham dục, nhờ tham dục đã được đoạn trừ: sau khi thấy rõ nguy hiểm của tham dục, vị ấy an trú trong đề mục khổ não và đạt được giải thoát nhờ pháp Vô Nguyện giải thoát (appanihitavimokkha - the deliverance of the wishless)

b. không có sân hận, nhờ sân hận đã được đoạn trừ: sau khi thấy rõ nguy hiểm của sân hận, vị ấy an trú trong đề mục vô thường và đạt được giải thoát nhờ pháp Vô Tướng giải thoát (animittavimokkha - the deliverance of signless)

c. không có si mê, nhờ si mê đã được đoạn trừ: sau khi thấy rõ nguy hiểm của si mê, vị ấy an trú trong đề mục vô ngã và đạt được giải thoát nhờ pháp Không Tánh giải thoát (suññatāvimokkha - the deliverance of emptiness).

Các lối giải thích khác là:

a. bậc Thánh giả đoạn trừ được tham dục do nhờ hiểu biết rõ về Hoại Khổ (viparināmadukkha); đoạn trừ sân hận nhờ hiểu biết Khổ Khổ (dukkha dukkha); đoạn trừ si mê nhờ hiểu biết Hành Khổ (sankhāradukkha).

b. bậc Thánh giả đoạn trừ được ba căn bản bất thiện do sự hiểu biết tương ứng về cảnh khả ái (itthārammana - a desirable object); cảnh không khả ái (anitthārammana - an undesirable object) và cảnh trung bình (majjhattārammana - a neutral object).

c. bậc Thánh giả đoạn trừ được ba căn bản bất thiện do sự diệt tận những khuynh hướng bất thiện ngủ ngầm đối với cảm thọ lạc, cảm thọ khổ và cảm thọ không khổ không lạc.

IV. Đức Như Lai, Bậc A La Hán, Chánh Đẳng Giác

Đức Phật thường dùng danh từ "Tathāgata" để tự xưng hô. Tathāgata có nhiều ý nghĩa. Một trong những ý nghĩa đó là "Bậc đã đến và đi như thế". (Xem thêm chương tám pháp trong Tăng Chi Bộ Kinh). A La Hán là bậc xứng đáng được cúng dường. Bậc Chánh Đẳng là bậc tự mình giác ngộ Chân Lý một cách hoàn hảo (Về hai hồng danh sau xin xem thêm quyển Thanh Tịnh Đạo, phần Niệm Phật, Thích Nữ Trí Hải dịch).

Đức Phật tự mô tả tiến trình nhận thức của Ngài đối với thế giới xung quanh. Đối với tất cả các pháp, Đức Phật hiểu biết một cách toàn diện và triệt để, liễu tri (pariññātantam - fully understood to the end). Ngài hiểu biết các pháp xuyên suốt, thấu đáo, không giới hạn, không còn dư sót.

Tuy rằng không có sự khác biệt giữa Đức Phật và các vị Đại Đệ tử (bậc Thánh nhân Vô học) trong việc đoạn trừ phiền não do bốn Thánh đạo, nhưng trí tuệ của Chư vị lại rất khác xa nhau. Các vị đệ tử thành đạt Niết Bàn nhờ vào pháp quán sát (insight - comprehension) chỉ một trong bốn nguyên tố (tứ đại), còn trong giới vức trí tuệ của Chư Phật thì không có một phần tử nhỏ nhặt nào trong thành tố lại không được thấy, thẩm tra, quan sát hay nhận biết.

Ở đoạn cuối của bài Kinh, Đức Phật trình bày Chân Lý: "Hỷ lạc là căn bản của đau khổ, từ hữu sanh khởi, và già và chết đến với loài hữu tình." Bản chú giải giải thích đoạn Kinh nầy như sau: Hỷ lạc (nandī - delight) là sự tham ái đời sống trước, vốn dĩ đem lại sự đau khổ (dukkha - suffering) cho ngũ uẩn trong đời sống hiện tại. Hữu tình (bhūta - beings) là biểu hiện của kiếp sống hiện tại (hữu, kammabhava), kiếp sống tạo nên sanh, già và chết trong tương lai. Nơi đây hỷ lạc thuộc về quá khứ; sanh, già và chết thuộc về tương lai; khổ và hữu thuộc về hiện tại. Câu Kinh ở đoạn kết chính là sự diễn bày Giáo Lý Thập Nhị Nhân Duyên (paiiccasamuppāda - dependent origination).

Theo một trình tự hợp lý, sau khi biết rõ được cội rễ của đau khổ là hỷ lạc, là tham ái, sau khi liễu tri được Thập Nhị Nhân Duyên, Đức Phật đã diệt trừ tất cả tham ái, từ bỏ mọi tham ái đối với tất cả các pháp. Sau cùng Đức Phật đã "chơn chánh giác ngộ vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác".

Mặc dầu Đức Phật đã thuyết giảng bài Pháp chi tiết đến như vậy, cả 500 vị Tỳ Kheo đều không hiểu và không hoan hỷ với lời dạy của Ngài. Nhưng chư vị đã bớt đi tâm lý tự mãn, trở nên khiêm tốn hơn. Về sau Đức Phật thuyết giảng tiếp bài Kinh Gotamaka, được ghi lại trong Tăng Chi Bộ Kinh, và tế độ chư vị thành đạt đạo quả A La Hán cùng với Tuệ Phân Tích.

Khi tiếp xúc với ngoại cảnh, thế giới bên ngoài, phần đông trong chúng ta đều hình thành nếp suy nghĩ liên quan đến "cái tôi" và "cái của tôi". Đó là một ảo tưởng (illusion), một quan kiến sai lầm, là căn nguyên của bao điều phiền não. Mục đích chính của bài Kinh Nhất Thiết Căn Bổn Pháp Môn là giúp cho giới Phật tử có được sự hiểu biết và nhận thức chân chánh, đúng với Chánh Pháp. Thành tâm kính chúc đến Chư Phật tử hưởng được nhiều pháp vị từ bài Kinh đầu tiên của tuyển tập Trung Bộ Kinh nầy.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.