1. Kinh Căn Bổn Pháp Môn Thích Chơn Thiện

Kinh Căn bản của tất cả Pháp
Mùlapariỳaya sutta - Discourse On The Synopsis Of Fundamentals

Hòa thượng Thích Chơn Thiện

 

I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ

- Rừng Subhaga: Rừng hạnh phúc. Đây là một vùng rừng Tala thiên nhiên ở xứ Ukkattha.

- Mùla (theo ngữ cảnh trong kinh): Có nghĩa là gốc, căn bản.

- Pariyàya: Cương yếu, đề cương .

- Sabbadhammà. Tất cả pháp. Ở đây, pháp có nghĩa là hiện hữu (a thing ), sự vật, cảnh giới của Tam hữu (Tibhava). Từ đây có thể hiểu pháp là pháp môn mà Đức Phật dạy, bởi các pháp môn đều hướng về sự thật của vạn hữu .

- Bậc Thánh: Ariya: Saint: Chỉ chư Phật, các bậc A la hán (đệ tử Đức Phật) và các vị Bích chi Phật.

- Bậc chân nhân: Sappurisa, Paccekabuddha: True man: Chỉ các vị Bích chi Phật.

- Không tu tập pháp của các bậc Thánh, không thuần thục pháp của các bậc Thánh: Không khéo tu tập Giới, Định, Tuệ.

- Tưởng tri. Sannàjànàti: Recognizes: nhận thức.

- Liễu tri: Parijànàti: Thoroughly understands: Hiểu biết hoàn toàn, trọn vẹn về một sự vật; hiểu biết như thật sự vật. Chỉ có các bậc A la hán, Bích chi và A la hán Chánh đẳng giác mới liễu tri sự vật.

- Thắng tri: Abhijànàti: Intuitively Knows: Trực giác hiểu biết trực tiếp sự vật; thấy biết trong đại định (từ đệ Tứ sắc định đến Tứ không định). Các bậc Thánh hữu học và vô học luôn thắng tri các sự vật

- Dục hỷ: Ham thích (rejoices).

- Phạm thiên: Cõi Sơ thiền Sắc giới .

- Quang âm thiên: Cõi Nhị thiền Sắc giới.

- Biến Tịnh thiên: Cõi Tam thiền Sắc giới.

- Quảng Quả thiên: Cõi Tứ thiền Sắc giới.

- Không vô biên xứ: Cõi Sơ thiền Vô sắc giới .

- Thức vô biên xứ: Cõi Nhị thiền Vô sắc giới.

- Vô sở hũu xứ: Cõi Tam thiền Vô sắc giới.

- Phi tưởng phi phi tưởng xứ: Cõi Tứ thiền Vô sắc giới

- Niết bàn: Nibbàna: Ái diệt, Thủ diệt, Thức diệt, Vô minh diệt, Khổ diệt...

- Sở kiến: Những sự vật được thấy, được biết đến.

- Sở tri: Những sự vật được nhận thức, được hiểu.

- Sở văn: Những sự vật được nghe.

- Sở tư niệm: Những sự vật được cảm thọ, cảm nhận.

- Đồng nhất (indentity): Tính bất biến, không biến đổi.

- Dị biệt (difference): Tính đổi khác, biến đổi của sự vật.

- Lậu hoặc: Kilesa: àsava: canker: difilement: Chỉ tham, sân, si là các lậu hoặc căn bản phát sinh ra các lậu hoặc khác.

- Thánh hữu học: Chỉ các Thánh Tu đà hoàn, Tư đà hàm và A na hàm.

- Thánh vô học: Chỉ các A la hán, đệ tử Đức phật.

- Mười kiết sử: 5 hạ phần và 5 thượng phần kiết sử.

a) 5 hạ phần: Thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục và sân.
b) 5 thưọng phần: hữu ái, vô hữu ái, mạn, trạo cử và vô minh.

II. NỘI DUNG BẢN KINH SỐ 1

Gồm các nét giáo lý chính:

1. Các đối tượng được tưởng trithắng tri và liễu tri bao gồm:

- Địa, thủy, hỏa, phong đại: 4 yếu tố vật chẩt hình thành con người vật lý và thế giới vật lý.

- Sở kiến, sở văn, sở tri, sở tư niệm: Thế giới vật lý và thế giới mà tâm lý con người đón nhận qua thấy nghe, hiểu, tư niệm, cảm thọ (hàm ẩn chủ thể của thấy nghe ..., là con người).

- Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới của các Thái dương hệ.

- Niết bàn (vô vi pháp).

2. Các cấp độ nhận thức của con người

a) Cấp độ tưởng tri: đây là cẩp độ nhận thức hữu ngã, nhìn thấy các hiện hữu đều có tự ngã (self). Cấp độ này là sản phẩm của tư duy hữu ngã, và các cảm thọ được đón nhận qua các giác quan hạn chế.

b) Cấp độ thắng tri: là cấp độ thấy biết trực tiếp các sự vật qua đại định (từ đệ tứ Sắc định đến Tứ Không định) và qua trí tuệ, mà không qua quá trình đối đãi của tư duy. Đây là cấp độ nhận thức hiện hành ở tâm của các Thánh hữu học và Thánh vô học, Bích chi Phật và Chánh đẳng Chánh giác.

Với các Thánh hữu học thì có thể liễu tri mà chưa thật liễu tri. Với hàng Thánh vô học, Bích Chi và Toàn Giác mới thực liễu tri.

Sự thật như thật của các hiện hữu là sự thật của Niết bàn, là Niết bàn.

c) Cấp độ liễu tri:

- Ở đại định, các Thánh hữu học hành thiền quán vô ngã, vô thường thì có thể cắt đứt 10 kiết sử, đoạn tận các lậu hoặc, thấy rõ được sự thật như thật của các hiện hữu (hữu vi và vô vi).

- Với các Thánh vô học, do đoạn tận tham mà liễu tri các pháp; tương tự, do đoạn tận sân, đoạn tận si mà liễu tri các pháp.

- Chư Phật thì đã liễu tri vạn pháp do vì thấy rõ "dục hỷ là căn bản của đau khổ, từ hữu mà sinh khởi lên, và già chết đến với hữu tình", đã "diệt trừ hoàn toàn các ái, hoàn toàn ly tham, hoàn toàn xả ly" nên đã "chân chánh giác ngộ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác".

3. Có hai điểm giáo lý cơ bản được đề cập

a) Nếu con người nhận thức các hiện hữu đều có tự ngã thường hằng (self), thì sẽ không bao giờ có thể thấy sự vật như thật qua thắng tri và liễu tri. Với người này tưởng tri, thức tri và tư duy sẽ làm dấy lên sự phân biệt đối đãi phát khởi tham tâm, sân tâm và si tâm vốn là căn gốc của phiền não, sinh tử, khổ đau.

b) Nếu con người thấy rõ sự vật như thật, đó là sự thật Duyên khởi Vô ngã qua thắng tri và liễu tri hoặc thấy rõ "dục hỷ là căn bản của khồ đau..." thì sẽ xả ly, đoạn trừ hoàn toàn tham ái, sẽ chân chánh giác ngộ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

* * *

Tại đây bản kinh số 1 mở ra hai dòng vận hành của tâm lý:

- Dòng tâm lý của tham, sân, si, ác tâm, bất thiện tâm dẫn đến sầu, bi, khổ, ưu, não, dẫn đến tàn hại cá nhân và tập thể .

- Dòng tâm lý của vô tham, vô sân, vô si, bất hại dẫn đến thấy rõ như thật các pháp, hoàn toàn ly dục, giải thoát, giác ngộ, Niết bàn.

Hai dòng tâm lý đó là nội dung mà các bản kinh kế tiếp sẽ nhiều lần đề cập./.

(trích Nguyệt san Giác Ngộ, số 68, 11-2001)