Phật giáo Việt Nam trong buổi đầu xây nền độc lập

Đền thờ Vua Đinh (Hoa Lư, Ninh Bình).
ND - Hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, tại cố đô Hoa Lư, Viện Nghiên cứu tôn giáo (Viện Khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp một số  cơ quan tỉnh Ninh Bình đã tổ chức Hội thảo khoa học: "Phật giáo thời Ðinh - Tiền Lê trong công cuộc dựng nước và giữ nước".

Ði theo đường Tràng An mới mở, từ thành phố Ninh Bình vào Hoa Lư, quanh co uốn lượn qua một vùng "Hạ Long trên cạn" sơn thủy hữu tình, thật khó  hình dung khung cảnh của 1.000 năm trước. Nơi đây chứng kiến sự bắt đầu của vương triều Lý, bước đột khởi của một giai đoạn phát triển rực rỡ trong lịch sử dân tộc, điểm bắt đầu cho Thăng Long ngàn tuổi.

Các vua Ðinh, vua Lê đã sớm nhận ra sức mạnh của lòng dân. Cần một nhân tố tinh thần để thu phục nhân tâm, liên kết cộng đồng. Vua Ðinh đã tìm thấy nhân tố đó ở tôn giáo. Phật giáo lúc đó đang là tôn giáo phổ biến hơn cả. Giới trí thức Phật giáo là những người có ảnh hưởng nhất trong xã hội. Các vị thiền sư thời đầu dựng nền độc lập tự chủ là những bậc đại trí thức trong xã hội đương thời. Khuông Việt Ðại sư Ngô Chân Lưu thủa nhỏ theo Nho học, khi trưởng thành theo Phật, thạo thơ chữ Hán. Thiền sư Vạn Hạnh không chỉ khảo cứu kinh Phật mà còn đọc khắp cả Ðạo và Nho. Ông còn am hiểu về quân sự, đặc biệt giỏi sấm ngữ và độn số. Những kiến thức đó đã được vận dụng rất hiệu quả trong quá trình ông giúp các vua...

Với việc trọng dụng các cao tăng, nhà vua không đơn thuần chỉ dựa vào họ để tham vấn các vấn đề chính trị, ngoại giao mà còn có thể hướng cảm tình, tìm sự ủng hộ của khối Phật tử chiếm hầu hết trong cộng đồng, vốn đã quen với việc phục tùng các thủ lĩnh địa phương, tập hợp lại chung quanh triều đình. Bởi vậy mà từ thời Ðinh - Tiền Lê, Phật giáo trở thành quốc giáo. Vua định phẩm, cấp các cao tăng, giao cho họ vai trò lãnh đạo Phật giáo và tham vấn họ về các vấn đề chính trị.

Thời Vua Lê Ðại Hành, Khuông Việt Ðại sư, Pháp Thuận Quốc sư càng được kính trọng. Việc quân, việc nước vua thường hỏi các thiền sư. Lê Hoàn có lần hỏi thiền sư Pháp Thuận về vận nước, thiền sư trả lời vua bằng bài kệ:

Quốc tộ như đằng lạc
Nam thiên lý thái bình
Vô vi cư điện các
Xứ xứ tức đao binh

Dịch nghĩa: Vận nước (đang lên) như dây cuốn/Trời Nam mở (ra một vận hội) thái bình/(dùng đạo) Vô vi để trị nước/Nơi nơi (sẽ) hết chiến tranh.

Ý của thiền sư muốn vua biết rằng: Ðể ngôi vua bền vững thì phải đoàn kết và thực hành từ bi. "Vận nước như dây cuốn" ẩn dụ thể hiện mối tương quan mật thiết giữa cá nhân với cộng đồng, giữa vua với dân. Sự "cuốn" với nhau bền chặt, mang ý nghĩa gắn kết cả dân tộc thành một khối. Ðây chính là truyền thống hòa hợp và cũng là tinh thần "lấy dân làm gốc" của dân tộc. "Vận nước" chỉ vững bền khi đoàn kết được toàn dân. Ðó là nguồn sức mạnh vô địch của dân tộc mà bất cứ người cầm quân, cầm quyền nào cũng phải biết (cách) mà huy động.

"Vô vi" được hiểu là không phải không làm gì mà là làm không vì tư lợi. Không làm trái quy luật "Vô vi trên điện các" đề xuất một mẫu người cầm quyền không cố chấp và định kiến, nâng cao trí và đức để lãnh đạo đất nước. Chỉ có vậy mới chấm dứt được tranh chấp, chiến tranh, để "Xứ xứ hết đao binh". Ðến nay, chúng ta vẫn còn tìm thấy nhiều giá trị từ phương châm hành xử đó.

Trong 25 năm ở ngôi, Lê Ðại Hành đã làm được nhiều việc để xây dựng Ðại Việt. Ông chú trọng xây dựng kinh đô Hoa Lư, đặt khu vực hành chính, định pháp lệnh, hoàn thiện quan chế trên cơ sở bộ máy thời Ðinh, đúc tiền đồng, khuyến khích canh nông... Một nhà nước quân chủ độc lập đang dần hoàn thiện. Nhưng nền độc lập  non  trẻ lại lần nữa bị đe dọa khi vua Ðại Hành mất. Các hoàng tử tranh nhau ngôi vua. Long Việt bị em là Long Ðĩnh giết, cướp ngôi. Long Ðĩnh không có đức, làm nhiều việc ác khiến lòng dân oán hận, chỉ làm vua được bốn năm thì mất.

Nhà Tiền Lê không có người đủ tài đức để duy trì vương mạch. Ðất nước lại đứng trước nguy cơ phân tán cát cứ trở lại hoặc có thể lại rơi vào vòng bị đô hộ. Trước tình thế đó, tinh thần nhập thế của Phật giáo được đẩy lên đến cực điểm. Giới trí thức Phật giáo cao cấp đã gánh trách nhiệm trước dân tộc, chủ động phối hợp cùng các tướng lĩnh quân sự xoay chuyển tình thế. Sử liệu cho thấy vai trò to lớn của các thiền sư như Vạn Hạnh, Ða Bảo... trong cuộc chính biến hòa bình đưa Lý Công Uẩn lên ngôi, mở ra vương triều Lý bền vững hơn 200 năm, tạo một cục diện mới thuận lợi cho việc củng cố nền độc lập, xây dựng nhà nước Ðại Việt.

Nối thời Ðinh - Tiền Lê, các vua thời Lý tiếp tục tiếp thu và phát huy triết lý Phật giáo vào việc xây dựng bộ máy chính quyền ổn định, đoàn kết, vững mạnh. Các vị thiền sư thời Lý vẫn tham gia chính sự mà không tham dự chính quyền. Họ là bậc chân tu tài cao đức trọng, có mặt ở triều đình với vai trò lãnh đạo tinh thần, trên cương vị Quốc sư hay Thái sư. Khi triều đình hay đất nước cần thì họ có mặt đóng góp tích cực, khi xong việc họ lại trở về chùa hay lui vào rừng núi ẩn tu.

Khi đạo Phật truyền vào làng xã, hòa vào văn hóa Việt Nam, thì làng xã đã là một cộng đồng quần cư, một đơn vị hành chính nhưng còn là một cộng đồng tôn giáo. Chùa làng là điểm cố kết nhân tâm, là nơi khuyên bảo người dân sống theo đạo lý Phật giáo. Phật giáo đã góp phần làm phong phú thêm văn hóa làng Việt.  Hàng nghìn năm, dân ta có lúc mất nước nhưng không mất làng. Văn hóa làng - trong đó chứa nhiều "hàm lượng" văn hóa Phật giáo - vẫn tồn tại. Tính trội của Phật giáo trong xã hội nước ta được các nhà nghiên cứu đánh giá là một trong những yếu tố tạo nên bản sắc riêng. Gắn bó với văn hóa làng, gắn bó với dân tộc Việt, đối phó với những chính sách hà khắc của ngoại xâm, các thiền sư Việt Nam đã được hun đúc ý thức về một nền độc lập dân tộc. Phật giáo đã tạo nên tầng lớp trí thức tiêu biểu, với tinh thần nhập thế, gánh vác trách nhiệm trước dân tộc trong thời kỳ đầu tiên gian nan xây nền độc lập (thế kỷ X), và họ đã hoàn thành sứ mệnh đó.
Bài và ảnh: Ngô Vương Anh (ND)